Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022
Ngô Nguyên Dũng: Về Giữa Mùa Mưa (Phần 2) - Năm Ngày Ở Sài Gòn
Trong một quán cà-phê ở con đường sách, Nguyễn văn Bình, Sài Gòn |
Lê Chiều Giang: Nguyễn Đình Toàn - Mưa Hà Nội
NguyễnĐToàn/LêCGiang 10/21 |
“...Mổ trái tim.
Xem:
Không gì trong đó
Mở đôi bàn tay
Những thứ chẳng còn…”
[ LCG ]
Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay.
Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có.
Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.
Tôi mong, tôi ước ao tìm cho ra cái sướt mướt của anh Nguyễn Đình Toàn, nỗi nhung
nhớ về những đêm mưa Hà Nội, dù là đêm mưa nho nhỏ, mưa bão bùng, hay mưa dầm suốt hết cả đêm thâu.
Có ai tìm ra “mưa” của những năm xưa Hà Nội trong một Saigon vừa bước đến, một Saigon còn lạ xa? Saigon không ấp ủ những cơn mưa mơ màng tuổi mới lớn, khi Anh Toàn bỏ Hà Nội ra đi.
Mưa Saigon xầm xập, chấp chới trong ánh sáng kinh đô. Mưa ào ào, mưa bạt mạng như tiếng reo vui giữa lòng thành phố với trăm ngàn ánh đèn rực rỡ, yêu kiều.
Mưa Saigon chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo… xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội.
_________
Nhưng Saigon là của tôi, nơi sanh ra, ngày mới lớn.
Saigon những chiều Thứ Năm. Thoáng trong gió xa xăm có tiếng nói của Nguyễn Đình Toàn dặt dìu, ấm áp như thơ. Âm vang nhẹ rơi trong chút mơ màng của nắng chiều sắp tắt.
Saigon Thứ Năm, bàng bạc văn chương Nguyễn Đình Toàn với “Nhạc Chủ Đề”.
Nhạc như hương thơm rải trong lòng thanh thoát. Chúng tôi, những cô học trò nhỏ, đã thả hồn mơ theo mưa chiều, nắng sớm. Mắt nồng nàn đếm những chiếc lá vàng lao xao rơi rụng trước sân trường.
Saigon mưa vui, nắng hắt. Saigon líu lo.
Saigon. Chết.
Thảo Trường: Cái Búa
Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022
Ngô Nhân Dụng: Lợi dụng tên Trump kiếm tiền
Tiffany Wertheimer: Nữ hoàng Elizabeth II- Các lãnh đạo thế giới tưởng nhớ một 'Nữ hoàng nhân hậu'
Thoi Nguyễn: Ý kiến - Anh cần giữ chế độ quân chủ vì tương lai đất nước (Gửi tới BBC từ London)
Gideon Rachman: Cuộc chiến ở Ukraine đã đi đến bước ngoặt ( “The Ukraine war has reached a turning point,” Financial Times, 12/09/2022. Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng)
Sau khi người Nga thất thế, một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn trong cuộc xung đột đã bắt đầu.
Cảnh tượng quân đội Nga rút lui thành hàng dài ở Ukraine là điều đáng chú ý – nhưng không có gì đáng ngạc nhiên.
Đối với Nga, cuộc chiến này đã đi theo hướng tồi tệ ngay từ những ngày đầu. Vladimir Putin đã không đạt được chiến thắng chớp nhoáng mà ông mong muốn vào ngày 24/02. Đến tháng 4, người Nga đã buộc phải rút lui trong nhục nhã sau khi tìm cách chiếm đóng Kyiv.
Những lợi ích hạn chế mà Nga đạt được trong sáu tháng qua đã phải trả giá rất đắt. Lực lượng ban đầu do Điện Kremlin tập hợp có khoảng 200.000 quân. Tháng trước, Mỹ ước tính rằng 70.000-80.000 người trong nhóm này đã bị giết hoặc bị thương kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.
Không muốn thừa nhận rằng Nga đang có chiến tranh, Putin đã từ chối áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Ngược lại, Ukraine đã huy động toàn bộ dân số nam giới ở độ tuổi trưởng thành. Kết quả là, Ukraine hiện có nhiều binh sĩ trên chiến trường hơn Nga.
Người Ukraine cũng có lợi thế về tinh thần chiến đấu và vũ trang. Họ đang chiến đấu để bảo vệ đất nước của mình. Nguồn cung cấp vũ khí tiên tiến từ Mỹ và châu Âu – đặc biệt là tên lửa tầm xa chính xác – có nghĩa là họ hiện đang được trang bị tốt hơn so với Nga.
Viễn cảnh Nga bị đánh bại là có thật và đáng để phấn khởi. Nhưng những bước tiến của Ukraine cũng mở ra một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn trong xung đột.
Hình ảnh dân thường khóc nức nở ôm hôn binh sĩ Ukraine khi họ giải phóng các thị trấn và làng mạc khỏi tay quân Nga đã nhấn mạnh mục đích của cuộc chiến. Nếu bị Nga chiếm đóng vĩnh viễn, người ta sẽ mất đi tự do chính trị, và sẽ bị cưỡng chế bằng các vụ giết người, tra tấn, và trục xuất.
Một chiến thắng dễ dàng của Nga ở Ukraine cũng sẽ mở ra cánh cửa để tiếp tục gây hấn với các nước láng giềng – bao gồm Moldova, và có lẽ cả các thành viên NATO như Estonia, Latvia, và Litva. Khả năng đó đủ đáng báo động để thuyết phục Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO.
Trần Yên Hòa: Nhớ thương cậu Hối (Họa sĩ Vũ Hối)
Tôi biết tên Vũ Hối từ ngày đó.
Thư họa của Vũ Hối |
Cũng những năm tôi được 14, 15 tuổi, một hôm, Trịnh Tộ đem đến khoe với tôi một cuốn Thế Giới Tự Do, trong đó có đăng hình ông Vũ Hối. Ông được đi thăm nước Mỹ, được mời vào tòa Bạch Ốc để vẽ hình cho tổng thống Kenedy. Tôi cảm thấy thật hãnh diện. Cầm tờ báo Thế Giới Tự Do trên tay, nhìn ông Vũ Hối mặc áo quần rất lịch sự, đứng bên mấy bức tranh của ông được giải thưởng, tôi thấy nể trong bụng quá.
Thời gian như nước chảy qua cầu, thời cuộc cũng xoay chuyển, 30-4- 75 đến làm thay đổi bao nhiêu cuộc đời. Tôi vào tù vì tội sĩ quan chế độ cũ, còn họa sĩ Vũ Hối cũng vào tù vì tội văn nghệ sĩ phản động. Sau này qua Mỹ, gặp ông Vũ Hối, nghe ông nói đã bị cai tù đánh hư một con mắt, và ông được hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc bảo trợ qua Mỹ.
Khoảng 2001, tôi có viết một hồi ức có tên là "Ký Ức Mẹ, Đi Về Phía Hoàng Hôn" đăng trên các báo Việt Ngữ ở Mỹ, sau đó được trích đăng trong nhiều tờ báo ở Úc, Pháp... trong đó có đoạn như sau:
"Trong những ngày phát động chiến dịch cải cách ruộng đất, tôi luôn nhớ những đêm tối có những tiếng loa vang vang khắp thôn xóm. Tiếng loa thông báo hôm nay có đấu tố tên địa chủ nào, ở đâu, và kêu gọi đồng bào đi tham dự đấu tố. Tôi còn nhớ hai lần mẹ tôi đã đi. Mẹ tôi bỏ hai ngày làm ruộng cùng dân chúng trong xã lên đến tận xã Kỳ Long, nơi có cuộc đấu tố ông Vũ Ấn, được gọi là “tên địa chủ ác ôn” (ông Vũ Ấn là cha giáo sư Vũ Ký và họa sĩ Vũ Hối) và cuộc xử tử ông Hồ Đệ, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng."
Nguyễn Tường Thiết: Đội Mưa Mà Đi
Vua Lý Thái Tổ nhìn xuống Hồ Gươm. Từ trên tầm cao 10 mét mắt ngài chiếu thẳng Tháp Rùa. Trước mặt ngài không phải cố đô Thăng Long mà là thủ đô Hà Nội một nghìn năm sau.
Ngài uy nghiêm đứng giữa vườn hoa Chí Linh. Trước mặt ngài là phố Đinh Tiên Hoàng, tả hữu có hai phố Lê Thạch, Lê Lai, sau lưng có con phố mang tên ngài, Lý Thái Tổ. Nhà vua đảo mắt nhìn phía dưới chân. Ngài khó chịu thấy mình đang bị quan sát. Một thanh niên bận chiếc áo khoác có nhiều túi cúi xuống lôi trong bọc một vật gì màu đen rồi giơ vật ấy về phía ngài.
Quang nhìn lên ngắm nghía pho tượng đồng cao. Anh tự hỏi lần về Hà Nội mấy năm trước không thấy bức tượng này đặt ở đây. Nếu có chắc chắn là phải hiện trong bộ phim ảnh của anh vì lần nào về Hà Nội anh cũng chụp mấy bức ảnh Hồ Gươm và Tháp Rùa đứng từ phía vườn hoa Chí Linh. Quang giơ chiếc máy ảnh về phía tượng và điều chỉnh ống kính. Anh đi tới đi lui. Rồi anh quỳ xuống ngước máy lên để chụp toàn bộ bức tượng có hàng chữ ở dưới bệ: Vua Lý Thái Tổ (974-1028).
Nhà vua không nhìn thanh niên, ngó sang một thiếu nữ đứng cách đó chục thước mặc chiếc áo đỏ đội chiếc mũ trắng tay cầm một vật gì giống hệt như vật trong tay thanh niên và hướng nó về phía hai người đứng trước, hai người ấy trông như hai mẹ con.
– Chị muốn chụp phông nào? Lấy vua hay lấy hồ.
Vi hỏi người đàn bà. Người ấy nhìn chung quanh nói:
– Tượng vua cao thế kia có lấy được hết không?
Vi nói:
– Được!
Cô chạy lại gần con bé, bẻ lại cổ áo, vuốt lại tóc nó. Rồi cô khen con bé:
– Xinh nhất đấy!
Con bé vênh mặt lên khi thiếu nữ quỳ xuống ngửa ống kính chụp hai mẹ con, cái phông tượng ở sau.
Vua Lý Thái Tổ nghĩ thầm: “Đám người kia chiêm ngưỡng ta.”
Dưới kia không phải là thần dân của ngài. Thần dân ngài đâu có ăn mặc dị hợm và có những hành động kỳ khôi như thế. Trên đường Đinh Tiên Hoàng những cỗ xe chạy như mắc cửi. Xe hai bánh chạy chen giữa những xe bốn bánh, phát tiếng động chói tai. Ngay sát dưới chân ngài, trên một khoảng rộng hình tròn lát đá, những cỗ xe bốn bánh bé tí teo có những đứa bé ngồi. Xe chạy lòng vòng, đâm nhau loạn xạ. Chung quanh có đám đông đứng xem. Trong số có mấy người mặt trắng cao to dị thường. Nhà vua nghĩ thầm: “Bọn bạch quỷ này chắc ở đâu đến. Chúng đến càng ngày càng đông.”
Song Thao: Cờ Tây
Một buổi sáng, mắt nhắm mắt mở ngủ dậy, thấy có một e-mail của một anh bạn ở Toronto gửi mà giật mình. Dụi mắt nhìn cho rõ mà lòng còn hồ nghi. E-mail cho biết là tại Toronto vừa có một công ty chuyên bán thịt chó mời khách vãng lai nếm thử tại một công viên đông người.
Logo của « Elwood’s Organic Dog Meat”.
Thiệt không? Ngụ cư tại Canada gần bốn chục năm, tôi chưa hề nghe nói là ở đây có bán cầy tơ công khai. Lùng sục một hồi trên mạng, tìm thấy bài báo của tờ báo địa phương Thời Báo cho biết sự tình. Ngày thứ năm 4/8/2022, công ty Canada chuyên bán thịt chó Elwood’s Organic Dog Meat đã thiết lập một lều ngay trong công viên Christie Pits của thành phố Toronto và mời khách vãng lai ăn thử thịt chó. Công ty này có trụ sở tại Labrador thuộc miền Bắc Canada. Chó được làm thịt là chó được thả chạy tự do trong vườn, không cho ăn những chất hóa học, nuôi với mục đích cung cấp thực phẩm cho người chứ không phải là chó kiểng hay chó hoang. Vậy đây là thịt chó organic đàng hoàng!
Thử tìm vào báo tây cho chắc ăn, tôi đọc được trên trang TO. Họ cho biết là chuyện này có thật. Khách vãng lai được mời ăn thử. Có người ăn và nói cũng giống như thịt bò thôi. Có người kinh tởm, tức giận khi được mời nếm thử. Công ty Elwood’s Organic Dog Meat phát cho khách tờ quảng cáo có ghi: “Thịt chó ngon, từ năm 1981. Hãy dọn lên bàn ăn thứ thịt được ưa thích nhất. Nếu thịt chó của chúng tôi làm quý vị bối rối, xin nghĩ lại: thịt chó của chúng tôi làm từ chó được nuôi để ăn thịt. Ăn thịt chó là sự lựa chọn của từng người. Có người thích vị của thịt chó. Thịt này cung cấp nhiều chất bổ dưỡng. Chó được giết một cách êm thắm”. Họ có hẳn một website. Tôi tìm vào ngay, chuyện…sống chết vậy mà không tò mò ngay tức thì sao đặng. Họ viết như sau: “Hãy dọn bàn ăn với thứ thịt ngon nhất. Elwood’s Organic Dog Meat là một công ty gia đình đã hoạt động qua hai thế hệ. Chúng tôi cam đoan gửi tới các bạn thứ thịt chó ngon nhất được nuôi để ăn thịt. Chúng được nuôi trong các cánh đồng trong những ngày tháng hạ và chỉ được ăn những thực phẩm organic và không có đậu. Chó của chúng tôi: được chạy nhảy tự do, giống chó địa phương, organic, tươi ngon không bao giờ đông lạnh, không ăn thực phẩm có trụ sinh, được nuôi cẩn thận, giết thịt một cách êm ái, được thương yêu. Website ghi rõ: khách hàng có thể mua một miếng, một phần tư con, nửa con hay nguyên con. Công ty cũng có một số ít nước hầm xương chó, khách có thể đặt mua trước”.
Hoàng Quân: Hình như là...
Mơ mòng, tranh Hoàng Thanh Tâm |
-Đi cho biết đó biết đây, ở hoài bên Đức biết ngày nào khôn.
Nàng ngoa ngoắt trả lời:
-Ừa, hồi nào ế độ, tui sẽ qua, chủ yếu thăm bạn bè. Chớ tui đâu mặn mà gì với xứ của mấy người phổi bò như ông.
Thế mà, khi nàng viết điện thư cho hắn, báo ngày giờ nàng cùng gia đình du lịch Hoa Kỳ, hắn xuýt xoa xin lỗi: “Chết dở, trọn mùa hè tui không có nhà. Tui đi làm bên Anh”. Quá áy náy, hắn nhờ người quen, thay mặt hắn, đón tiếp, trao chìa khóa nhà hắn cho gia đình nàng trọn quyền sử dụng. Hắn gởi cho nàng mấy dòng, ghi tên người quen, tên Việt hẳn hoi, nhưng lạ hoắc, kèm theo địa chỉ điện thư để liên lạc. Họ hàng, bạn bè của nàng chẳng có ai tên như vậy. Nàng thất vọng, ngại quá. Nhưng đâu còn cách giải quyết nào khác. Nàng tiến hành thủ tục trao đổi thông tin. Nàng kính cẩn thưa gởi “người xa lạ”. Chắc “người xa lạ” được nhiều trận cười, khi nhận những lá thư với những câu hỏi lẩm cẩm của nàng. Dần dà, nàng thấy ra, hình như “người xa lạ” không hẳn là người lạ. Theo lời anh ấy kể, anh và nàng có quen biết chung ít nhất một người. Thời trung học, nàng đi học thêm Anh văn ở trung tâm Việt Mỹ. Nàng học cùng lớp với chị hoa khôi của trường. (Anh văn là sinh ngữ phụ của chị. Bởi vậy, chị phải vào lớp chung với mấy đứa nhóc tì thua chị ba, bốn tuổi). Nghe kể, chị hoa khôi hồng nhan đa truân. Thời đi học, ong bay, bướm lượn dập dìu. Thế mà, chị trở thành “góa phụ ngây thơ”, khi tuổi chưa đến tứ tuần. Anh ấy bảo, cũng may, mạng anh còn lớn. Hồi đó, anh xin đi học thêm ở trung tâm Việt Mỹ, chỉ vì bị người đẹp hớp hồn. Thời học trò, anh luôn tìm cách học bớt, chứ anh bận đi chơi, làm gì có thì giờ học thêm. Nếu ngày xưa, chị hoa khôi nhận đơn của anh, chắc giờ này anh đang bơi lội trong mấy chảo dầu dưới địa ngục rồi. Nàng vẫn chưa nhớ ra anh là ai. Nhưng lối anh kể chuyện, nàng thấy ngồ ngộ.
Võ Phiến: Cô Quì Còn Không?
Bình Nguyên Lộc có tập truyện bằng văn vần, gọi là Thơ Ba Mén. Truyện ấy hình như chưa bao giờ xuất bản. Thơ Ba Mén là thơ thế nào, tôi không biết. Chỉ tình cờ biết qua lời khai từ, trên vài chục câu. Và chỉ nhớ vài câu:
“Ghe ơi, vài bữa ghe về
Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?”
“Ghe ơi”, ghe ấy tức những chiếc ghe thương hồ đậu ở bến sông Ông Lãnh một buổi sáng mưa dầm. Trong thời chiến tranh, chốn nông thôn bất an, lắm kẻ bỏ quê lên tỉnh sinh sống. Trong số những kẻ ấy có người đã yên thân làm ăn ở Sài Gòn; nhưng thân có yên mà lòng chưa chịu yên. Những hôm mưa rơi nhẹ nhàng, tiết trời lành lạnh, người nọ ra bến sông, ngồi uống tách cà-phê nóng ở một quán nhỏ, nhìn lũ ghe thương hồ từ dưới quê chở nông phẩm lên bán mà nhớ về làng xóm cũ. Ghe đi vài bữa ghe về, mà mình thì biền biệt, nhớ cô Quì muốn chết. Một ông khách bới tóc (tức cũng người gốc quê) ngồi bàn bên cạnh liếc sang có trông thấy người nọ khóc trộm. Thảm quá.
Vì bấy nhiêu mà tôi không quên được thơ Ba Mén. Mà tôi bị thơ Ba Mén ám ảnh.
Áng chừng người nọ bỏ quê ra đi cũng không lâu mấy. Cô Quì vẫn còn gọi được là cô Quì thì xa cách có gì là lâu. Xa như chúng ta — một số đông đảo trong chúng ta, những kẻ rời bỏ xóm làng từ tuổi đôi mươi cho đến tận cuối đời — xa nhau đến thế thì nhớ về người cũ đâu còn nỡ gọi nhau là cô! Từ lục tuần thất tuần về sau, dẫu có còn đấy các cô Quì cũng thành ra cụ Quì cả thôi.
Đàng này, mới tách lìa nhau đấy đã mếu máo, đã rối rít: “Cô Quì còn không?” — Làm gì mà chả còn. Lo sao lo quá lắm vậy.
Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022
Ngô Nhân Dụng: Bao giờ quân Nga đầu hàng?
Quân đội Ukraine đã chuyển lực lượng xuống phía Nam từ giữa tháng Tám, mở đầu một giai đoạn mới trong chiến cuộc với mục tiêu giải phóng tỉnh Kherson. Họ sử dụng những đại pháo và hỏa tiễn tầm xa, lực lượng đặc biệt, và các toán dân quân đánh du kích đằng sau phòng tuyến quân địch.
Ngày 7 tháng Chín, quân Ukraine lại mở cuộc tấn công mới từ thành phố Kharkiv ở biên giới phía Bắc tiến về hướng Đông để chặn đường tiếp tế của quân Nga cho mặt trận phía Nam, theo tin của các bloggers Nga theo dõi chiến cuộc. Cuộc tiến quân này cũng đe dọa quân Nga ở thành phố Izyum, một cứ điểm then chốt trong hệ thống chuyển quân và tiếp vận.
Ở phía Nam, cuối tuần qua quân Ukraine đã vượt qua sông Inhulets. Nhiều video cho thấy quốc kỳ Ukraine đã được treo lên tại nhiều thị xã chỉ cách thành phố Kherson 60 km hoặc 100 km.
Hai hướng tấn công, về phía Đông và ở phía Nam, cho thấy Ukraine đang làm chủ chiến trường.
Quân Ukraine tấn công khi nào và ở địa điểm nào họ thấy chắc thắng, nếu cần thì rút nhanh, trong khi quân Nga chỉ lo phòng ngự. Ukraine đã phá hủy những cây cầu chính khiến quân Nga phải dùng cầu phao, tiếp tế khó khăn. Nhiều binh sĩ tử trận, vũ khí, chiến cụ bị tiêu hủy, tinh thần quân Nga xuống thấp.
Quân đội Ukraine dùng những hỏa tiễn “tinh khôn” do Mỹ, Anh, Đức và Thụy Điển viện trợ nhắm vào các kho vũ khí và các căn cứ ở sau lưng quân địch hơn 50 cây số. Hệ thống vệ tinh nhân tạo của Anh, Mỹ, và của cả các công ty tư nhân cung cấp tọa độ chính xác, chỉ sai chừng 5, 10 mét. Những máy bay không người lái, giá rẻ $3,000 mỹ kim, có thể bay thấp, quan sát và gửi tọa độ cho pháo binh và hỏa tiễn, đánh trúng mục tiêu trong vòng 20 giây đồng hồ, theo báo Wall Street Journal.
Nhiều thanh niên Ukraine thông thạo tin học đã dùng “mỹ nhân kế” để dụ cho quân Nga tiết lộ vị trí của họ. Nikita Knysh, 30 tuổi, một chuyên gia tin học, nói với nhật báo The Financial Times rằng ngay khi quân Nga tấn công, anh và một số 30 người bạn sống ở nhiều nơi, đã nghĩ cách sử dụng tài xâm nhập máy vi tính (hacking) của địch để giúp nước, lập ra một nhóm tên là Hackyourmom.
Lan Bùi: Trump sập bẫy Biden?
Trong một bài xã luận trên tờ The Atlantic hôm Chủ Nhật, tác giả David Frum – người từng soạn diễn văn cho cựu Tổng thống George W. Bush, cho rằng Donald Trump đã mắc mưu Joe Biden khi ông ta mượn buổi rally hôm tối thứ Bảy để trả đũa Biden và đảng Dân Chủ bằng một cuộc nói chuyện dài lê thê mang nặng tâm lý “một kẻ ái kỷ bị chấn thương” mà phe Biden đoán trước sẽ xảy ra. Frum viết:
On and on it went, in a protracted display of narcissistic injury that was exactly the behavior that Biden’s Philadelphia speech had been designed to elicit.
Số là hai đêm trước đó Tổng thống Biden đã có một buổi diễn thuyết tại Independence Hall, nơi khai sinh bản Tuyên ngôn Độc lập, với đề tài “Cuộc chiến giành lại linh hồn nước Mỹ vẫn tiếp diễn” – “Continued Battle for the Soul of the Nation.” Trong bài nói chuyện ấy, Biden nêu đích danh Donald Trump và gọi MAGA là những kẻ đang đánh phá nước Mỹ:
Quá nhiều chuyện đang xảy ra trên đất nước này ta phải công nhận là bất bình thường. Donald Trump và nhóm Cộng Hoà MAGA đại diện cho một thứ chủ nghĩa cực đoan đang làm băng hoại nền dân chủ nước nhà.
“Too much of what’s happening in our country today is not normal. Donald Trump and the MAGA Republicans represent an extremism that threatens the very foundations of our republic.”
Sau khi trấn an dân chúng rằng số người theo chủ nghĩa MAGA chỉ là thiểu số trong đảng Cộng Hoà, và bản thân ông vẫn từng làm việc với vô số dân biểu nghị sĩ Cộng Hoà chân chính, ông Biden tuyên bố:
Những người Cộng Hoà MAGA không tôn trọng Hiến pháp. Họ không thượng tôn pháp luật. Họ không công nhận quyền tự quyết của người dân. Họ không chấp nhận kết quả đầu phiếu tự do.
“MAGA Republicans do not respect the Constitution. They do not believe in the rule of law. They do not recognize the will of the people. They refuse to accept the results of a free election.”
Trần Đông A: Giải mã sự yêu gét đối với Gorbachev ở Việt Nam
Đó là bài học đắt giá từ những diễn biến tiêu cực trong mấy thập kỷ qua, làm triệt tiêu thành quả Đổi Mới từ thập kỷ thời Gorbachev – Trần Xuân Bách. Và giờ đây, Việt Nam vẫn đang sa lầy giữa ngã ba đường ý thức hệ.
TBT Nguyễn Phú Trọng muốn giải quyết vấn đề kiểm soát quyền lực và tham nhũng mà không phải thay thể chế, tức là không phải thay đổi mô hình đảng trị (party rule) bằng pháp quyền (rule of law).
Nhớ “cơn sốt Gorby” ngày ấy và bây giờ… Được biết nước Nga của Putin không tổ chức quốc tang Gorbachev và ĐCSVN của Nguyễn Phú Trọng cũng không chia buồn với gia đình ông, tôi thấy chính trị thật là bạc bẽo. May mà còn có mấy lời ai điếu cảm động từ các nguyên thủ châu Âu và Hoa Kỳ. Đó mới đúng là những chính khách lịch lãm và có văn hóa…
Trần Đông A
Đón vị Giáo sư – Trưởng khoa tại sân bay quốc tế Nội Bài vào một trưa mùa hè oi ả năm 1987. Giáo sư đến thăm Viện tôi theo thỏa thuận giữa hai Đại học. Vừa vứt áo com-lê vào chiếc Volga nóng như một lò thiêu, ông phàn nàn ngay: “Sao chú mày không mang về Hà Nội một ít ‘gió’ của ‘tư duy mới’ và ‘peresroika’? Bức bối như thế này thì tao chỉ sang Hà Nội lần này là lần cuối”. Suốt từ Nội Bài về Nhà Khách Chính phủ ở 12 Ngô Quyền, câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh cơn sốt “Gorbymania” (cuồng Gorbachev) ở nước ông và ông muốn tôi cho biết phản ứng của Hà Nội thế nào. Giáo sư tỏ phấn khích khi tôi nói về “tư duy mới” và ghi nhận chính sách vừa ban bố của Liên Xô đối với châu Á có nhiều điều khá hấp dẫn.
“Gorbymania” ngày ấy và bây giờ…
Tâm lý “mê Gorbachev” (Gorbymania) là hoàn toàn có cơ sở khách quan ở Việt Nam thời bấy giờ. Đại hội ĐCSVN lần thứ VI (15 – 18/12/1986) là một Đại hội lịch sử, xét cả về mặt nội trị lẫn xây dựng Đảng. Rất nhiều tài liệu nước ngoài ghi nhận rằng, chính sách perestroika (cải tổ), glasnot (công khai), cùng với 2,88 tỷ USD (được quy đổi từ đồng Rúp) tiền viện trợ của Matxcơva đã khiến Hà Nội vững tin hơn để chấn chỉnh có hạn chế cách điều hành kinh tế kiểu cũ, thực chất là bỏ dần các sai lầm tự mình gây ra, về sau được gọi là “Đổi Mới”. Việt Nam vừa thoát khỏi hàng chục năm chiến tranh ác liệt, lại phải đương đầu chống Khmer Đỏ do Trung Quốc chống lưng, tiếp theo là đối phó với cuộc xâm lược của chính Trung Quốc tại 6 tỉnh biên giới. Trong bối cảnh ấy, ĐCSVN chỉ còn mỗi hy vọng, dựa vào Liên Xô để triển khai kế hoạch kinh tế 5 năm tiếp theo.
Trần Thái Tĩnh: Đổi mới chưa trọn- Nhớ về Trần Xuân Bách ‘hạt mầm Gorbachev' ở Việt Nam (Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP.HCM)
Truyền thông Việt Nam và trên thế giới tuần này đang đăng nhiều bài, cả khen cả chê về cựu TBT, Tổng thống đầu tiên của Liên Xô vừa qua đời, ông Mikhail Gorbachev (1931-2022).
Đã có các ý kiến nhắc rằng nhờ công cuộc Cải tổ - Perestroika mà Việt Nam có Đổi mới.
Nhưng ít ai ở Việt Nam hiện nay nói về sự xuất hiện của một 'hạt giống Gorbachev' ở Hà Nội khi đó, ông Trần Xuân Bách.
Sự lóe sáng rồi lụi tàn của Trần Xuân Bách trên chính trường Việt Nam để lại một thứ Cải tổ tật nguyền, mà hệ quả đang khiến Việt Nam rơi vào ngõ cụt của cải cách chính trị.
Xin nhắc lại bối cảnh năm 1986. Từ sau Đại hội Đảng CSVN lần thứ VI, TBT Nguyễn Văn Linh đã có các trao đổi cao nhất với TBT Gorbachev về đường hướng thay đổi ở VN. Liên Xô cho công bố các điều này trên báo Pravda ngày 20/5/1987. Ông Gorbachev cho biết:
“Tôi và đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thảo luận chi tiết về các vấn đề phức tạp của hợp tác Việt-Xô... và cùng nhau nhận định rằng các mặt yếu kém của quan hệ này đã hiện ra rõ ràng và không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Chúng tôi đồng ý rằng cơ chế kinh tế và hình thức hợp tác phải tương ứng với nhu cầu và của thời cuộc và tăng tính hiệu quả”.
Theo các nguồn Phương Tây, viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam đến đầu 1982 vẫn không giảm, thậm chí còn tăng lên trên 1 tỷ USD năm đó, theo nghiên cứu của Sally Stoecker. Tính ra 1 tỷ USD thời đó – mà Liên Xô viện trợ cho VN bằng ruble – tương đương 2,88 tỷ bây giờ.
Bất đồng về việc chi tiêu đồng tiền của Liên Xô sao cho hiệu quả là lý do đầu tiên khiến Gorbachev nhấn mạnh đến nhu cầu buộc lãnh đạo Việt Nam phải đổi mô hình quản lý kinh tế.
Tuy nhiên, phải đọc thật kỹ tác phẩm nổi tiếng “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức, đặc biệt là toàn bộ Chương 13, mới thấu cảm hết sự cọ xát quyết liệt giữa xu hướng trì trệ và bảo thủ với làn gió mới khai phóng và cấp tiến trên thượng tầng chính trị VN giai đoạn từ năm 1987 đến khi ông Bách buộc phải rời chính trường.
Riêng phần hồi ức về giai đoạn đầy “máu lửa” này, thiết tưởng đường link sau đây sẽ cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh và chân thực về tầm nhìn và tư tưởng của một vị “Bí thư Trung ương Đảng” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ĐCSVN.
Bùi Văn Phú: Vài suy nghĩ nhân việc xe VinFast vào thị trường Mỹ
Xe điện VinFast VF8 trong phòng trưng bày ở thành phố Berkeley, miền bắc California (Ảnh: Bùi Văn Phú) |
Nguyễn Đức Tùng: Mặt Hồ Êm Ả (Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường 2022)
Phương Nghi: Người Khách Lạ
Song Thao: World Cup 2022
Khi tôi trở lại Montreal, vui chuyện với bạn bè, tôi cho biết mới từ Doha về, ông nào ông nấy há hốc miệng. Doha là cái xứ quỷ quái chi, nằm ở đâu. Doha là thủ đô của xứ Qatar, nằm trong vùng vịnh Trung Đông. Thường thì người ta biết nhiều tới Dubai của Liên hiệp Ả Rập Emirates trong vùng này hơn. Nhìn vào bản đồ thì Dubai và Doha nằm ngang nhau, cách một eo biển có tên là Persian Gulf. Khoảng cách chỉ có 380 cây số, gần xịt. Nhưng Dubai danh vang cuồn cuộn, còn Doha khỉ ho cò gáy, ít người biết tới, ngay cả chỉ cái tên. Thực ra tôi chẳng điên gì mà nhắm đi du lịch Doha, chỉ là một sự tiếc của trời. Tôi đi Thái Lan bằng máy bay của hãng Qatar Airways, trên đường về, máy bay ghé Doha rồi đi tiếp. Nếu muốn ở lại để đi chuyến khác sau đó cũng chẳng tốn thêm đồng nào nên tôi ghé chơi, vừa có dịp duỗi chân duỗi cẳng vừa biết thêm một nơi chốn ít người biết. Đặt chân xuống phi trường tôi mới biết Doha sẽ tổ chức giải Bóng Tròn Thế Giới năm 2022.
Khi tôi tới Doha thì còn đúng 3 năm nữa nơi đây mới quần hùng tụ hội nhưng cả thành phố đã nhộn nhịp chuẩn bị. Các sân vận động đang được xây cất. Tôi có tới một sân, chỉ mới có cái khung nhưng coi hình thấy đẹp hết biết. Là nơi có trữ lượng dầu hỏa hàng đầu thế giới, Qatar không tiếc tiền để cho thế giới rõ mặt cái xứ sở ẩn khuất này. Họ dự trù chi ra tới 220 tỷ đô Mỹ cho dịp ra mắt thế giới này. Tất cả có 12 sân được xây cất hoặc trùng tu, mỗi sân đều là một công trình kiến trúc ngoạn mục. Sân Al Shamal, Al Gharrafa, Education City, Al Khor, Lusail Iconic, Sports City, Al Rayyan, Qatar University, Umm Slal, Doha Port, Al Wkrah và Khalifa International . Sân nào cũng có sức chứa trên 45 ngàn khán giả. Lớn nhất là sân Lusail Iconic với sức chứa khủng là 86.250 khán giả. Tha hồ sút bóng. Trận chung kết sẽ diễn ra tại đây.
Nguyên Sa: Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ
1. Tình cảnh nhà văn Việt Nam những năm năm mươi và sáu mươi
Mỗi nhà văn sống, nghĩ, viết trong một hoàn cảnh riêng biệt, đúng rồi. Làm thế nào giống nhau được? Điều kiện sinh lý này chẳng hạn đã biến đổi theo mỗi cá nhân: nhà văn đó cao như con sào, nhà thơ kia lùn như cây nấm, tôi mập và bụng to, Nguyễn Văn Trung cận thị, Chu Tử què chân, Trần Dạ Từ mặt rỗ. Tình trạng hộ tịch khác nhau rõ quá: tiểu thuyết gia Bình Nguyên Lộc và thi sĩ Hoàng Anh Tuấn là những chủ gia đình có con trai, người trên con trai, gái lớn đã dựng vợ gả chồng đã có cháu bế. Nhà văn kia đã hai lần đưa đám vợ. Thanh Nam, Thái Thuỷ [1] là những ông già độc thân nuôi dưỡng sự độc thân thường trực bằng những giọng hát Hồng Hảo, Lệ Thanh, Bích Sơn hay Bạch Tuyết. Khác nhau xa chứ. Giống nhau làm sao được. Những điểm dị biệt, những điều kiện, yếu tố cụ thể khác nhau của mỗi người cầm bút, muốn kể thêm không khó. Nhiều lắm. Cây bút đã vững kia là một tay khoa bảng xuất thân, tài năng đang lên nọ bỏ học năm đệ tam trung học, khuôn mặt này đã hơn một lần thiếu quê hương, đôi chân thèm đi kia chưa bao giờ ra khỏi đất nước. Các anh đều biết có tay đến với văn nghệ nhờ sự tình cờ, không biết may mắn hay bi đát lắm kẻ, trước khi làm quen với phương trình bậc hai, gia tốc của vật rơi, đã chọn thi ca làm nghiệp dĩ. Các nhà văn đều biết, để sống, mỗi nhà văn thường có những nghề tay trái khác nhau. Một số đáng kể: dạy học hay viết báo hàng ngày. Vũ Hoàng Chương, Thế Viên, Đỗ Long Vân dạy học đấy. Duyên Anh, Tú Kếu, Nguyễn Thuỵ Long kí giả đấy. Phục vụ trong quân ngũ cũng nhiều: Văn Quang, Thế Nguyên, Thảo Trường... Bác sĩ y khoa, công chức, biên tập viên đài phát thanh, có đủ cả. Chẳng phải kể, các anh cũng biết là ai. Chẳng cần nói thêm các anh đều biết là sự khác nhau còn nhiều lắm. Lý do cũng dễ hiểu quá: cuộc đời nó như thế. Chẳng có cuộc đời nào giống cuộc đời khác như hai giọt nước, như hai sản phẩm của cùng một máy tự động sản xuất dây chuyền. Nhưng đó có phải là những hoang đảo cô lập? Hoàn toàn không có liên lạc gì với nhau, đúng không? Tuyệt đối khác biệt à? Điều kiện sinh hoạt, tâm lí và sinh lý, giáo dục cũng như nghề nghiệp, gia đình biến đổi tuỳ theo mỗi nhà văn, sự thực này chẳng ai dại dột phủ nhận trừ khi muốn mở ra một cuộc thảo luận chơi. Nhưng cũng chẳng ai dại dột mà xác nhận rằng con người nói chung, nhà văn nói riêng chẳng có điều tương đồng nào cả. Dị biệt có. Tương đồng cũng có chứ. Cái tương đồng này làm cho người chẳng phải là chó, mèo, khỉ. Cái tương đồng kia làm cho người Việt Nam khác với con cháu nữ thần Thái Dương, với dân tộc xây tượng thần tự do trên một vùng đất mới. Cái tương đồng làm cho nhà văn là nhà văn. Chúng ta vẫn khác nhau đúng rồi. Giống nhau thế nào được? Giống làm gì? Không thể đồng nhất hoá được, đồng ý, đồng ý. Khác nhau có. Và có. Nhưng cũng có một hoàn cảnh chung. Một cái tương đồng. Một dấu chàm nào đó trên trán, một dấu án lên vai người nô lệ nào đó, nhờ đó phân biệt được nhà văn Việt Nam những năm năm mươi, sáu mươi với nhà văn chỗ khác, thời khác. Với nhà văn tiền chiến. Với Nam Phong và Tự Lực. Với “Thế hệ lạc lõng” và nhóm “Tiểu thuyết Mới”. Với Hemingway, Camus và với tác giả bài “Situations de l’ecrivain en 1947") [2] .