Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Nguyễn Ðình Toàn: Thảo Trường - Bỡn cợt với cả những điều nghiêm chỉnh

Tại sân nhà Thảo Trường khoảng năm 2009. Từ trái: Nguyễn Đình Toàn, Thảo Trường, Phạm Phú Minh, Thành Tôn, Đạm Thạch.

Thảo Trường là một trong những nhà văn quan trọng đã đóng góp vào việc hình thành nền văn học miền Nam Việt Nam trong hai thập niên từ 1955 đến 1975. Ông có một văn phong mạnh mẽ, ngắn gọn, nhưng súc tích. Cách bố cục truyện của ông chặt chẽ, mới mẻ. Có thể nói, truyện ngắn Việt Nam đến những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường đã hoàn toàn đổi mới, so với dòng văn học trước đó.

Viết truyện không còn thuần túy là kể một câu truyện. Mà hình như nó hàm chứa tất cả những gì liên quan đến thân phận con người nằm trong câu chuyện ấy, hiểu theo nghĩa siêu hình, triết học và thực tế. Nói như thế cũng chỉ là một cách nói. Thực tế, người ta không thể tách rời những điều ấy ra khỏi nhau, cũng từa tựa như người ta không thể tách rời đời sống ra khỏi cái chết.

Chẳng hạn, một nhân vật trong một truyện ngắn của Thảo Trường, một người lính, bị thương cụt cả chân lẫn tay, anh muốn tự vẫn, nhưng nghĩ đại khái như thế này:

“Nếu tôi còn sống thì xã hội còn những hình hài bẩn thỉu. Nếu tôi chết thì nhân loại mất đi một bằng chứng kinh tởm về chiến tranh.”


Phạm Phú Minh: Phỏng Vấn Nhà Văn Thảo Trường

Ảnh trên đây trích từ đoạn phim truyền hình ghi cuộc phỏng vấn nhà văn Thảo Trường do Phạm Phú Minh thực hiện vào tháng Chín năm 2008, đã được đăng cùng bài phỏng vấn trên tạp chí Phụ Nữ Diễn Đàn số 294, xuất bản tại Little Saigon California, tháng Chín 2008. 

Dưới đây là nguyên văn bài phỏng vấn được sao chép lại.


Phạm Phú Minh- Thưa nhà văn Thảo Trường, chúng tôi nhận được tin vui là anh vừa in xong Tuyển Tập của anh, xin được chúc mừng anh. Sau một thời gian dài cầm bút, nay in Tuyển Tập thì chắc là anh có ý định tạm thời làm tổng kết cho việc viết lách của mình ?  Tính đến bây giờ thì anh đã viết văn trong bao nhiêu năm, và đã xuất bản được bao nhiêu tác phẩm ?

THẢO TRƯỜNG-  Tôi bắt đầu thích thú với công việc viết văn làm thơ từ thời đi học, tức thời trước năm 1954 tại thành phố Nam Định. Lúc đó tôi học trung học, và có một ông thầy là cụ Trần Văn Hào, tôi đã được nghe thầy giảng mấy trăm bài Đường thi và truyện Kiều cùng rất nhiều ca dao tục ngữ. Từ thời ấy tôi đã ao ước trong đời tôi sẽ làm một điều gì đó giống như những điều mình đã học. Mới 15, 16 tuổi mà tôi đã tính… ra một tờ báo !

Sau đó vào Nam tôi thất bại trong việc học hành, vì tôi đi có một mình, ông cụ tôi mất và mẹ tôi lại ở lại miền Bắc. Sau khi rớt Tú Tài, tôi đi vào quân trường Thủ Đức. Ra trường Thủ Đức tôi đóng ở Quảng Trị, vùng vĩ tuyến 17, thời gian này tôi bắt đầu cầm bút, và cuốn truyện đầu tiên của tôi là tập Thử Lửa, viết cách đây hơn 50 năm.


Nguyễn Văn Lục: Thảo Trường- nhà văn dấn thân và nhập cuộc - đi tìm con người qua chiến tranh và lao tù

Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên. Nó ở bên trong cuộc chiến mà như thế đứng bên lề cuộc chiến. Nó bỏ qua những hận thù, những tuyên truyền dối trá từ hai phía. Nó nhân danh con người để nói về con người trong những bi kịch chiến tranh. Đó là trường hợp nhà văn Thảo Trường.

Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hưng, sinh 1936 tại Nam Định. Năm 1954 di cư vào miền Nam một mình vì bố chết, mẹ ở lại. Sau 1975, đi tù 17 năm. 1993 đến Mỹ theo diện Đoàn tụ gia đình mà vợ con ông đã sang Mỹ từ 1975. Ông có vẻ “yên ổn” một thời gian để cầm bút viết lại. Nhưng đến ngày 14-09-2008, chị Thảo Trường ra đi sau một thời gian bị bạo bệnh. Và chỉ hai năm sau, đến lượt Thảo Trường mất ở quận Cam, California, ngày 26-08-2010 vì bệnh ung thư gan, thọ 74 tuổi.

 Vào Nam 1954, nhà văn bắt đầu viết cho báo Sáng Tạo với truyện ngắn Hương gió lướt đi. Ký bút hiệu Thao Trường và tập truyện ngắn đầu tay Thử Lửa.

Bạn đọc có thể đọc thêm một cách đầy đủ bài của Đặng Tiến Orléans, bên Pháp, 6- tháng 9, 2010. Hoặc trên Talawas Blog. Hoặc Nguyễn Lệ Uyên cũng trên Talawas Blog. Hoặc cũng Nguyễn Lệ Uyên trên tạp chí Tân Văn, số 41, tháng 12, 2010, từ trg 118.

 Tôi chỉ xin trích dẫn vài ý tưởng của Thảo Trường để lại: “ Công việc nối liền hai miền, xóa đi cái ranh giới trong tâm hồn chúng ta là công việc làm của chúng ta” Thử Lửa, trg. 26-27). “ Biên giới của đất đai, nó không là biên giới của tư tưởng..(..) Tôi đứng gác ở tiền tuyến cho nửa dân tộc yêu nhau và tin tưởng con sông trước mặt tôi sẽ không là biên giới” (trg 88).

Phần Nguyễn Văn Trung nhận xét về Thử Lửa. : “ Tôi coi Thảo Trường như một trong những người đang đi vào truyền thống của những nhà văn mà sứ mệnh là  là nhắc nhở con người những giá trị làm người thường xuyên bị quên lãng hay bị chà đạp bởi chính con người” ( Trích Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết của Nguyễn Văn Trung, Tự Do Sàigòn xuất bản 1962, trg 110-114).


Thảo Trường: Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp

Con kinh thẳng tắp dài hun hút kéo từ Gẫy Cờ Đen đến quận lỵ Mỹ An, nhìn trên bản đồ nó èo ọt như một chiếc que đan. Hai bên bờ kinh cây cối um tùm, ngả nghiêng, che phủ gần kín hết ánh sáng của mặt trời chiếu xuống mặt nước. Kinh rộng độ mười thước, nước đục lờ đờ, vài cây bèo cam phận hẻo lánh. Nhà cửa rải rác ẩn hiện dưới những tàng cây. Rất nhiều những con lạch nhỏ ăn thông từ cánh đồng ra lòng kinh. Đường mòn đã chật chội lại khúc khuỷu bởi những cây cầu khỉ bắc ngang những con lạch đó. Nhà chị Tư ở khoảng giữa con kinh, gần bến đò, cuối đường đi vào Tháp. Chị Tư sống và lớn lên ở đây. Ngoài thời gian mấy tháng phải về binh vận tại chợ quận, chị Tư không hề biết đến đời sống rộng lớn của cái thế giới này. Con kinh đã cô lập chị trong những kỷ niệm chật chội. Thật vậy, chị Tư chưa đi xa hơn đầu con kinh, chị Tư chưa đi quá chợ quận. Chồng chị tập kết từ mười năm nay không về. Thỉnh thoảng chị cũng nhận được thư của anh do những người cán bộ chuyển từ ngoài Bắc vào. Thư nào chồng chị cũng nói là khoẻ mạnh, vì bận công tác nên chưa về được. Vợ chồng chị lấy nhau được chừng nửa năm thì anh Tư đi theo bộ đội tập kết. Chị Tư ở lại với bà mẹ chồng quanh quẩn, mòn mỏi. Bà mẹ anh Tư đã chết cách đây hai năm với một niềm ân hận là không được gặp mặt lại đứa con trai duy nhất của bà. Chị Tư từ đó chỉ còn một mình trong căn nhà vắng vẻ. Vào những buổi chiều chị ra ngồi ở bờ tre sau nhà, nhìn ra cánh đồng trống mênh mông, nghĩ tới anh Tư. Những lúc đó niềm cô đơn trong lòng chị nhức nhối rát ruột rát gan và chị ứa nước mắt cho số phận. Hồi anh Tư mới đi tập kết, mẹ con chị sống côi cút với những hy vọng từng năm, từng năm, đợi ngày anh Tư trở lại. Anh Tư chưa bao giờ trở lại nhưng có những đồng chí của anh trở lại. Lúc đầu họ còn ẩn hiện trong xóm, dần dần họ đi lại công khai, và tầm hoạt động của những người dân vệ trong đồn bến đò càng ngày càng thu hẹp lại. Đến một đêm súng nổ ran và lửa cháy thiêu trụi tất cả đồn đó. Ngày hôm sau máy bay đến oanh tạc dọc theo bờ kinh làm cho những cây cối vốn đã khẳng khiu lại càng khẳng khiu vì bị những lằn đạn làm ngã gục. Rồi thôi... Những anh cán bộ vẫn tiếp tục chuyền từ nhà nọ sang nhà kia, hết rỉ tai từng người lại tập trung cả xóm học tập. Chị Tư biết đến những tiếng: Tự Do, Dân Chủ, Độc Lập, Hạnh Phúc, Căm Thù, Đả Đảo... và nhiều tiếng nữa từ đó. Nhưng rồi chừng hơn một năm sau quân đội đến. Những anh cán bộ liền vắng mặt. Mẹ con chị Tư lại được biết thêm một số tiếng lạ nữa. Chị đi làm ấp chiến lược, chị học tập chính trị “tam túc”, “tam giác” trong vòng đai kẽm gai và bờ đất. Đồn dân vệ được xây cất

Thảo Trường: Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục

 Từ ngã ba đi vào, cảnh tàn phá vì trận đánh lan rộng đến những con lạch nhỏ. Trước ngày Tết, đi qua khu phố này người ta chỉ nhìn thấy những dãy nhà hai bên đường với những cửa tiệm buôn bán tấp nập. Sau trận đánh dãy nhà bị cháy trơ trụi, những bức tường đổ nát lỗ chỗ những vết đạn, những mái tôn cháy đen xạm cong queo trên đống than. Một vài chiếc xe chỉ còn trơ lại cái khung đen thui. Người đi qua con đường này bây giờ có thể phóng tầm mắt nhìn thấy những cây dừa nước hai bên bờ những con rạch nhỏ. Những cây dừa nước vài chỗ cũng bị cháy nám. Xa hơn nữa, người ta có thể nhìn thấy cánh đồng mênh mông miền ngoại ô thành phố. 

Qua khu cháy vào bên trong, xóm nhà may mắn thoát được ngọn lửa thì cũng bị những vết đạn phá vỡ lỗ chỗ. Những tấm bảng hiệu bị dùi nhiều lỗ, chênh vênh treo trên những cây sắt, gió thổi lắc lư, như còn cố bám víu cho khỏi bị rơi. 

Nhà của gia đình bé Thục ở khu còn lại đó. Bé Thục đang cầm một cây đinh loay hoay xoi một lỗ đạn trên tường nhà. Thục hì hục nhẫn nại moi cái đầu đạn nằm trong đó. Thục đã mất cả giờ nhưng mới chỉ nhìn thấy cái đuôi viên đạn đồng đỏ lòm. Mồ hôi vã ra hai bên má. Thục quì gối tiếp tục xoi. Thỉnh thoảng mỏi tay Thục lại bỏ cái đinh trên vỉa hè rồi vẫy vẫy hai tay cho đỡ mỏi. Thục ngồi nghỉ rồi lại tiếp tục. 

Một người lính đi tới đi lui. Anh ta thuộc đơn vị trấn thủ khu này. Anh ta chú ý đến Thục và thả bước đến trước cửa nhà Thục. Người lính đeo khẩu súng lên vai rồi đứng tì tay vào hàng giậu gỗ nhìn Thục làm việc. Thục vẫn hăng say mải miết cầm cái đinh xoi lỗ đạn. 

Chợt Thục vùng đứng lên ném mạnh cây đinh ra góc sân. Thục nhìn thấy người lính rồi đưa mắt nhìn theo hướng tiếng leng keng của chiếc đinh va xuống nền xi măng. Thục nhìn lại người lính. Anh ta nhe răng cười Thục. Thục phì cười, hai tay quệt mồ hôi trên trán. Người lính hỏi:

– Em làm gì thế?

Thục chỉ lỗ đạn:


Thảo Trường: Những Cánh Hoa Trắng Trên Cây Khô

(Tặng LTĐ)


Từ hàng ghế dành cho giáo dân nhìn lên bàn thờ, ông lão quan sát nơi thờ phụng Chúa của bà lão. Gọi là Chúa của bà lão là vì vợ ông khi chưa ngã bệnh thường hay giành lấy hết tất cả phúc đức, khôn ngoan về cho mình, cho nên đã có lần ông lão nói: “Tất cả là của em, nước Mỹ này là của em, thế gian này và nước Chúa kia cũng đều là của em”. Bây giờ bà bị bệnh nặng không đi đứng được, nằm một chỗ, đàn con bèn giao cho bố cái sứ mệnh cao cả là thường trực ở nhà săn sóc và coi chừng má chúng nó. Ông than “Thoát khỏi nhà tù xã hội chủ nghĩa, lưu vong sang Mỹ lại sa vào một nhà tù khác tinh vi hơn”. Hai ngày cuối tuần ông được nghỉ “xả hơi” vì đàn con đông đảo của ông chúng thay phiên nhau đến săn sóc mẹ. 

– Bố đi chơi đâu cho khuây khỏa thì đi đi. 

– Đi đâu bây giờ? 

– Thì bố ra quán cà phê ngồi nhâm nhi tán gẫu đỡ buồn. 

Ông nói: 

– Lúc chín giờ thi sĩ điện thoại rủ ra “quán cháo lú” của kịch tác gia, bố nói chờ lát nữa có đứa nào đến coi bệnh nhân tôi sẽ tới. Chờ mãi đến trưa mới có cậu út đem fast food tới, lúc đó bố chỉ còn cách xách laptop ra vườn sau ngồi gặm hamburger ở bãi cỏ, chứ còn làm gì được nữa, họ về hết rồi còn đâu. 

Từ đó ông tính kế cho riêng ông. 

Sáng chủ nhật thức dậy sớm, uống cà phê xong, vào ngó bà lão thấy vẫn còn nằm ngủ ngáy khò khò, ông bèn mặc quần áo đẹp trốn ra khỏi nhà. 

*

“Tôi trốn ra khỏi nhà đi chơi với em. Mà đi đâu bây giờ? Chúng ta không có một nơi ẩn náu. Cả thế gian này không có một chỗ nào cho chúng ta ẩn náu đâu em


Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

Ngô Nhân Dụng: Dùng tiếng Ukraine chống Putin

Bây giờ mọi người chỉ nói tiếng Ukraine! Một vài bạn trẻ vô tình xổ ra mấy tiếng Nga đều bị người chung quanh trợn mắt nhìn, phải ngưng và quay trở lại với tiếng mẹ đẻ!

Ngân hàng Trung ương Âu châu mới báo động các ngân hàng thương mại phải chuẩn bị đối phó vì tin tặc Nga có thể tấn công phá rối hệ thống máy vi tính, tin học, theo bản tin Reuters. Trong cuộc đối đầu giữa Nga với Ukraine, Mỹ và các nước Âu châu không phải chỉ là phô trương quân đội, vũ khí mà còn mặt trận thông tin.

Tháng trước chính phủ Anh báo động ông Putin âm mưu lật đổ Tổng thống Volodymyr Zelensky để một chính phủ thân Nga lên cầm quyền ở Ukraine. Mỹ lại mấy lần báo động quân Nga đã tụ tập đủ 70%, rồi 80% sẵn sàng tiến sang Ukraine. Sau đó, Mỹ lại cảnh cáo Nga sắp tung ra một video ngụy tạo cảnh quân Ukraine tấn công quân Nga để ông Putin kiếm cớ đánh trả đũa. Báo The Wall Street Journal coi các thông tin đó là một món võ mới của Mỹ: Tiết lộ các tin tức tình báo, để ngăn chặn trước khi ông Vladimir Putin ra tay. Chiến thuật này có vẻ đạt kết quả. Ông Putin có dịp tố cáo Mỹ tung tin giả để đánh lừa thế giới, nhưng vẫn điều tra coi tình báo Mỹ lấy các tin mật đó từ đâu ra!

Dân Ukraine không đủ phương tiện tham dự cuộc chiến thông tin và tâm lý này. Nhưng họ vẫn lo phòng thủ: Bảo vệ niềm tin vào dân tộc trước cuộc tấn công của một đế quốc vốn coi là “anh em một nhà.” Một phương pháp tự vệ là giữ gìn ngôn ngữ! Lớp trẻ tuổi 20 ở Ukraine đang hô hào sử dụng tiếng mẹ đẻ trên các mạng xã hội.

“Tôi nghĩ rằng bây giờ chỉ còn một vũ khí là ngôn ngữ. Tôi muốn bảo vệ cá tính cuối cùng của dân tộc,” anh Andrii Shymanovskiy, một diễn viên 23 tuổi nói. Từ năm ngoái Shymanovskiy đã làm nhiều video cổ động toàn dân bảo vệ tiếng Ukraine, chương mục của anh trên TikTok được hàng triệu người ủng hộ.


Châu Hiển Lý: Nếu không nhìn lại, mình sẽ mất quá khứ và tương lai

Đã hơn 3 thập kỷ trôi qua, làm ăn cực nhọc là thế, thành tựu không thể nói là nhỏ, thế mà khoảng cách phát triển của VN so với thế giới sao vẫn xa vời! Không định thần nhìn nhận lại tất cả, không khéo chúng ta sẽ ngày càng đi sâu vào con đường đi làm thuê, đất nước có nguy cơ trở thành đất nước cho thuê với triển vọng là bãi thải công nghiệp của các quốc gia khác (!) giữa lúc thế giới đang bước vào thời kỳ kinh tế trí thức !

150 năm đã trôi qua, nhưng bài học này còn nguyên vẹn. Đó là 80 năm nô lệ, 40 năm với 4 cuộc chiến tranh lớn (Pháp, Mỹ, Cam Bốt, Tàu) – trong đó 3 thế hệ liên tiếp gánh chịu những hy sinh

khốc liệt, 43 năm xây dựng trong hòa bình với biết bao nhiêu lận đận, và hôm nay VN vẫn còn là một nước chậm tiến.

Thảm kịch của đảng cộng sản thực ra đã bắt đầu ngay từ ngày 30-4-1975. Sự bẽ bàng còn lớn hơn vinh quang chiến thắng. Hòa bình và thống nhất đã chỉ phơi bày một miền Bắc xã hội chủ nghĩa thua kém miền Nam, xô bồ và thối nát, về mọi mặt. “Tính hơn hẳn” của chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành một trò cười. Sự tồi dở của nó được phơi bày rõ rệt cùng với sự nghèo khổ cùng cực của đồng bào miền Bắc.

Nhìn lại sau hơn nửa thế kỷ dưới chế độ CS, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra :

- Năm 1954 sau khi thắng Pháp, tại sao hơn 1 triệu người Bắc phải bỏ lại nhà cửa ruộng vườn di cư vào miền Nam?

- Sau năm 1975 , tại sao dân miền Nam không ồ ạt di cư ra Bắc sinh sống để được hưởng những thành quả của CNXH mà chỉ thấy hàng triệu người Bắc lũ lượt kéo nhau vào Nam lập nghiệp ?

_ Tại sao sau khi được “giải phóng” khỏi gông cùm của Mỹ-Ngụy, hàng triệu người phải vượt biên tìm tự do trong cái chết gần kề, ngoài biển cả mênh mông ?

_ Tại sao nhân viên trong các phái đoàn CS đi công tác thường hay trốn lại ở các nước tư bản dưới hình thức tị nạn chính trị?

Ngô Thế Vinh: Viễn cảnh 2022 - Tung hoành với Sông Cờ Đỏ, Trung Quốc vắt kiệt nguồn nước Châu Á

Tây Tạng, nơi phát xuất những con sông lớn của Châu Á: (1) Dương Tử, (2) Hoàng Hà, (3) Indus, (4) Sutlej, (5) Yarlung Tsangpo – Brahmaputra, (6) Irrawaddy, (7) Salween, (8) Mekong. [nguồn: Meltdown in Tibet, Michael Buckley, Palgrave MacMillan 2014] [3]

 

Với Trung Quốc ngày nay, chỉ có một tiếng nói của sức mạnh. Cuộc đấu tranh để sinh tồn có thể dẫn tới "cuộc chiến tranh vì nước" ngay trong thế kỷ 21 này.

Ngô Thế Vinh

Dẫn Nhập: Các dân tộc sống trên lục địa Châu Á ở hạ lưu các dòng sông từ Tây Tạng và Trung Quốc chảy xuống, trên 1,6 tỉ người này đã phải gánh chịu hết cả thiệt hại kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp và môi trường các hạ vực đã bị thoái hóa dần dần suốt nhiều thập niên qua trong khi Trung Quốc hưởng hết ích lợi nhờ thủy điện vì trên thượng nguồn họ xây hàng trăm con đập, tàng trữ hàng trăm tỉ mét khối nước, giam hãm 90% phù sa và thay đổi toàn diện dòng chảy môi sinh trên toàn lưu vực. Nhưng tham vọng Trung Quốc chưa dừng lại, Trung Quốc đã bắt đầu xây một đại công trình mang tên Sông Cờ Đỏ, dài trên 6.180 km để hàng năm chuyển dòng lấy 60 tỉ mét khối nước ngay từ nguồn không cho xuống hạ lưu sông Mekong, Salween và Brahmaputra. Sông Cờ Đỏ của Trung Quốc là một mối đe doạ tiềm tàng to lớn, với khả năng gây ra tội ác cho nhân loại – imminent threat to humanity. Trung Quốc tránh không ký bất cứ một hiệp ước hợp tác sông ngòi quốc tế nào, để họ đơn phương thực hiện những tham vọng của mình. Không một siêu cường nào trên thế giới ngạo mạn khai thác dòng nước bất chấp cuộc sống của bao nhiêu triệu cư dân hạ lưu như thế. Việt Ecology Foundation

*

Bắc Kinh có khả năng dùng “vũ khí nước” như một đòn ngoại giao bắt 25% dân số thế giới làm con tin / holding hostage. Khác với những hồ chứa đập thuỷ điện, vừa giữ nước vừa xả nước, Sông Cờ Đỏ là một chiến lược đổi dòng lấy nước – có nghĩa là 100% lượng nước này sẽ bị mất đi – không bao giờ được đền bù, đối với các quốc gia hạ nguồn. [1]



Bùi Văn Phú: Nobel Văn chương hay Nobel Hoà bình cho Việt Nam?

Đầu năm nay Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự buổi lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học và đã có phát biểu khuyến khích các nhà văn Việt Nam cố gắng sáng tác đạt đến tầm mức cao để được trao giải Nobel Văn chương trong tương lai gần, đem lại niềm hãnh diện cho đất nước.

Nghe lãnh đạo Việt Nam nói chuyện chiều cao, chiều sâu của văn chương, nghệ thuật nhiều người lại lên tiếng phê phán chính sách bóp nghẹt tự do tư tưởng, tự do sáng tạo mà Đảng Cộng sản đang áp đặt lên người dân thì mong muốn có nhà văn Việt Nam đạt giải Nobel Văn chương là mơ tưởng hão huyền, hay cũng chỉ là “nổ” cho vui như nhiều lần ông Phúc từng phát biểu.

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện (ngồi giữa) cùng với Steve Denny (bên phải) của Indochina Archive, UC Berkeley và Bùi Văn Phú (bên trái) phụ trách thông dịch, trong buổi nói chuyện tại Đại học Berkeley năm 1995 khi ông vừa đến Hoa Kỳ (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Thực tế là ngày nay một số nhà văn Việt, hay có gốc Việt, có tác phẩm dù chưa được trao giải Nobel nhưng cũng đã đạt nhiều giải thưởng danh tiếng khác và họ là những người không sống trong sự kìm hãm tự do từ những chính sách của nhà nước. Họ sống ở bên ngoài nước Việt Nam, hay là những người tuy sống trong nước nhưng đã can đảm vượt qua nỗi sợ hãi để viết lên suy nghĩ của mình.

Nguyễn Thanh Việt với “The Sympathizer”đạt giải Pulitzer 2016 của Hoa Kỳ là người Mỹ gốc Việt. Nguyễn Phan Quế Mai với “The Mountains Sing” đạt giải Lannan Literary Fellowship 2020, hiện sống tại một quốc gia Trung Á. Thi sĩ Ocean Vương mang hai dòng máu Mỹ-Việt với “Night Sky With Exit Wounds” đạt các giải Whiting 2016, T.S. Eliot 2017 và MacArthur Fellow 2019.

Trần Thị Diệu Tâm: Bóng Tình, Trong chữ nghĩa Đặng Mai Lan

(Nhà văn Trần Thị Diệu Tâm giới thiệu trong buổi ra mắt tập truyện Phòng 111 của tác giả Đặng Mai Lan tại Paris)

Tập truyện đầu tay của Đặng Mai Lan được trình bày như những dòng nhật ký độc thoại với chính mình, dàn trải trên nỗi niềm chua xót của một tâm hồn vọng tưởng về hạnh phúc tình yêu đã mất.

Nhân vật xưng tôi trong truyện là một người đàn bà mang một trái tim dịu dàng và mơ mộng, luôn luôn khắc khoải về ý nghĩa đích thực của tình yêu. Người ấy pha trộn lẫn nhau giữa mộng và thực, giữa cơn mơ với đời thường, rồi tự hỏi đâu là ranh giới giữa đôi bờ.

Bởi vì mộng là có, thực là không. Thế giới trong mơ là thế giới đầy nắng ấm, thế giới đời thường âm u, lạnh lẽo bóng tối. Trong mơ Tôi có anh, Tôi hạnh phúc. Với ngày thường Tôi không còn anh, Tôi mất anh, Tôi cô quạnh. Đây là một chủ đề diễn tả cái tâm thức phức tạp rối rắm, dằng co giữa điều Tôi muốn đạt tới và cũng là điều Tôi muốn phủ nhận. Nó nói lên trạng thái bất ổn của tình yêu.

Tình yêu là một biến dịch lạ lùng. Khi ta đón nhận nó cũng là lúc ta đánh mất nó.

Mỗi thứ hạng vật trong trời đất đều có một bản thể, nhưng riêng tình yêu có đến hai bản thể cùng một lúc. Nó vừa là hạnh phúc, lại vừa đớn đau. Hạnh phúc là mời gọi, quyến rũ, phục sinh. Đau đớn là hủy diệt.

Tác giả Đặng Mai Lan trình bày bản thể tình yêu ấy bằng giọng văn óng ả, êm đềm và tinh tế. Giòng văn ngọt ngào mà cũng rất ngậm ngùi.

Những tựa đề các truyện Về một nơi khác, Chiêm bao, Cơn mưa, Mùa nắng cuối cùng, Phía ngoài hạnh phúc, Chiếc bóng, Sang mùa, Phòng 111. Hiện ra cho thấy cả một không gian bát ngát thấm đượm hương hoa tình ái. Dù bây giờ hoa đã tàn, hương đã nhạt, nhưng vũ trụ ấy vẫn còn đây, để còn tưởng nhớ.

Nguyễn Hưng Quốc: Trí Thức Là Một Lựa Chọn

Khi định nghĩa trí thức là những kẻ thích và có khả năng theo đuổi những ý tưởng vị ý tưởng (ideas for their own sake) hơn là những vấn đề thực dụng, chúng ta thấy ngay, vấn đề trí thức hay không trí thức không hẳn là vấn đề trình độ. Không phải trí thức thông thái hơn những người không được xem là trí thức. Một chuyên gia (expert) trong một lãnh vực nào đó có thể có kiến thức chuyên ngành cao hơn hẳn những người vốn được công nhận là trí thức, nhưng chuyên gia, trong phần lớn các trường hợp, không phải là trí thức bởi kết quả cuối cùng của công việc họ làm không phải là ý tưởng mà là sản phẩm hay dịch vụ. Trí thức cũng không hẳn khôn ngoan hơn người khác. Chính vì thế mới có những “tri thức dại dột” (unwise intellect). Chung quanh những tên độc tài khát máu như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông và Hitler, lúc nào cũng đầy những người được xem là thuộc “giới trí thức” sùng bái và ca tụng, bất chấp việc chúng đã giết chết cả hàng triệu người vô tội và đày đoạ dân tộc của chúng vào cảnh hoặc chiến tranh hoặc bần cùng.

Như vậy, trí thức, theo tôi, có hai ý nghĩa chính: Thứ nhất, với tư cách một nghề, phần lớn những người trí thức thuộc giới nghiên cứu, đặc biệt giới nghiên cứu các ngành khoa học lý thuyết, khoa học xã hội và nhân văn, tức những người hoạt động không dẫn đến kết quả nào khác ngoài các ý tưởng. Thứ hai, những người, từ các lãnh vực khác, bằng hoạt động của họ, trở thành trí thức. Cái gọi là các lãnh vực khác ấy rất đa dạng. Chúng ta có thể thấy điều đó qua danh sách 100 nhà trí thức hàng đầu trên thế giới do tạp chí Foreign Policy và Prospect Magazine thực hiện vào năm 2005. Ở đây, tôi chỉ liệt kê 20 người đứng đầu.

Tên Nghề nghiệp Quốc gia
1 Noam Chomsky Nhà ngôn ngữ học, Mỹ, tác giả, nhà hoạt động xã hội
2. Umberto Eco Tiểu thuyết gia Ý, và nhà Trung cổ học
3. Richard Dawkins Nhà sinh vật học Anh, và nhà bút chiến
4. Václav Havel Chính khách, Czech, kịch tác gia Republic
5. Christopher Hitchens Nhà bút chiến Anh | Mỹ
6. Paul Krugman Kinh tế gia, ký mục gia Mỹ
7. Jürgen Habermas Triết gia Đức
8. Amartya Sen Kinh tế gia Ấn Độ
9. Jared Diamond Nhà sinh vật học, sử gia Mỹ
10. Salman Rushdie Tiểu thuyết gia, Anh/Ấn Độ, bình luận gia chính trị
11. Naomi Klein Tác giả, ký giả Canada
12. Shirin Ebadi Luật sư, Iran, nhà hoạt động nhân quyền
13. Hernando de Soto Kinh tế gia Peru
14. Bjørn Lomborg Nhà môi trường học Đan Mạch
15. Abdolkarim Soroush Lý thuyết gia tôn giáo Iran
16. Thomas Friedman Ký giả, tác giả Mỹ
17. Pope Benedict XVI Nhà lãnh đạo tôn giáo Đức, Vatican
18. Eric Hobsbawm Sử gia Britain
19. Paul Wolfowitz Giáo sư, nhà hoạch định chính sách Mỹ 
20. Camille Paglia Tác giả, nhà phê bình xã hội Mỹ


Hồ Phú Bông: Về Lại Bến Sông

Năm năm rồi thì phải, có thể hơn kém chút xíu, đi lễ nhà thờ, một ông Mỹ đen, to lớn cỡ gấp rưởi tôi, đưa tay ra bắt tay tôi. Tôi định nói “how are you doing” thì ông Mỹ chào trước:

- Dạ, cháu chào chú.

Tôi chưng hửng. Tưởng lầm là ông Mỹ thiệt.

- Chào anh. Qua lâu chưa?

- Dạ, cháu mới qua được hai tháng.

Trai, Mỹ lai, giống như Mỹ thiệt. Cao lớn. Vạm vỡ. Tóc xoăn tít. Nếu Trai có thêm giọng nói ồm ồm nữa, ban đêm tối trời, tình cờ gặp ngoài đường, ắt hẳn phải hồn phi phách tán! Trái lại, giọng Trai thật trong và nhẹ. Tôi không hình dung được giọng Trai thuộc vùng nào ở Việt Nam. Bắc, Huế thì chắc chắn không phải. Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng không. Nếu bình thường người ta chia giọng nói ở Việt Nam chỉ đơn giản là Bắc, Huế và Nam thì giọng Trai thuộc miền Trung. Tôi nghĩ có thể khoảng từ Đà Nẵng tới Nha Trang. Cuộc chiến khốc liệt, tàn bạo và dai dẳng đã đẩy xô mọi người chạy tán loạn, nên âm sắc pha tạp lung tung. Nhưng nghe cách sử dụng ngôn từ cũng hình dung được nếp sống đôi chút. Nghe giọng Trai, tôi nghĩ anh là lai nhưng “chắc cũng đàng hoàng.” Trai có vợ, hai con và vợ đang mang thêm cái bầu. Gia đình Trai còn có thêm ông bà cụ, cha mẹ nuôi.

Chưa đọc “Unwanted” của Kiên Nguyễn nhưng tôi hình dung từ chữ unwanted là “tôi đâu có muốn thế!” cho nên chuyện con lai ở Việt Nam, nhất là sau năm 75, dưới cặp mắt căm thù Mỹ-Ngụy thì chắc chắn chỉ là loại cặn bã của xã hội. Thực tế, thì trước 75, con lai cũng bị xếp vào thành phần thấp nhất, nhưng không bị căm thù. Rồi những khuôn mặt mới vô Nam, đằng đằng sát khí sau 75, “đánh cho Mỹ cút,” thì con lai bị đè xuống tận sình lầy. Mỹ thiệt thì đã cao bay xa chạy, nhưng loại con nít Mỹ lai nầy còn lại, thì bị thêm một tầng địa ngục!

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Làm Báo

Tưởng gì chớ làm báo,và viết báo thì tôi rành rẽ (lắm) ngay từ lúc thiếu thời. Toàn là những chuyện không vui, hay những kinh nghiệm rất buồn.

Bài viết đầu tiên của tôi xuất hiện ở tạp chí Phổ Thông năm 1967. Dù có ghi rõ ngay ở trang đầu “lấy nhuận bút” nhưng tôi không nhận được đồng xu cắc bạc nào ráo trọi, báo biếu hay thư cảm ơn (suông) cũng khỏi có luôn.

Đúng là một “cái tát” đầu đời, dành cho một mầm non văn nghệ, ở tuổi 15! Từ đó – thỉnh thoảng – tôi lại nhận được thêm vài “cái tát” nữa của quí vị chủ nhiệm/chủ bút, hay … chủ chợ!

Suốt những năm của thập niên 1980, khi vừa mới chân ướt chân ráo đến California, tôi cùng vài người bạn hì hục làm báo và nhà xuất bản NhânVăn. Độc giả dài hạn không nhiều, khoảng năm bẩy trăm thôi, tiền mua báo chỉ vừa đủ chi trả cho ấn phí và bưu phí.

Chúng tôi cũng kiếm thêm được chút đỉnh nhờ vào quảng cáo, và sách báo bán ngay tại địa phương. Còn số gửi đi những thành phố khác, và tiểu bang xa thì kể như mất trắng. Hiếm có ông bà chủ tiệm, hay chủ chợ, nào sòng phẳng lắm. 


Phạm Phú Minh: Làm báo - nghề và nghiệp

Ở tuổi đã ngoài tám mươi, bây giờ nhìn lại cuộc đời mình thì tôi thấy cái “nghiệp” của mình chính là làm báo. Mà không phải một mình tôi, một số bạn bè thân thiết từ hồi còn đi học, cùng mình thực hiện những “tờ báo Xuân” của thời trung học, sau ra đời cũng gắn bó với nghề báo giống như mình. Nhân Tết năm nay là năm Dần, năm tuổi của tôi, cũng nên ôn lại một số hoạt động báo chí của tôi và bạn bè, từ thuở còn đi học cho đến lúc trưởng thành.

Tôi học trung học đệ nhất cấp tại trường Trần Quý Cáp, Hội An, quê tôi. Năm lên lớp Đệ Ngũ, niên khóa 1955-56, với tư cách là trưởng lớp, tôi làm tờ báo đầu tiên, in ronéo, có tên là Đoàn Kết. Nhà trường chỉ kêu gọi các lớp làm bích báo trong sinh hoạt Hiệu đoàn thôi, nhưng tôi “chơi trội” muốn thực hiện hẳn một tờ báo in cho riêng lớp mình, vì thế đã bị nhà trường phạt rất nặng nề : đuổi học.

Suốt niên học 1956-57 tôi ngồi nhà tự học, cuối năm đậu trung học Đệ Nhất cấp, đi vào Sài Gòn, được nhận vào lớp Đệ Tam C trường Petrus Trương Vĩnh Ký, mở ra một thời kỳ mới cho việc học hành của tôi. Trong lớp, tôi chơi thân với hai bạn mới, là Trần Đại Lộc và Đỗ Ngọc Yến. Lễ Phục sinh năm ấy trường nghỉ đến mười ngày, Yến, Lộc và tôi cùng ba người bạn cùng lớp tổ chức đi đóng trại bên hồ Than Thở ở Đà Lạt. Đây là một chuyến đi chơi có tính cách mạo hiểm của các chàng trai mới lớn, và là tiền đề cho việc làm báo của chúng tôi vào năm ấy cũng như năm sau khi lên lớp Đệ Nhị.

Gs. Nguyễn Văn Binh và một nhóm học sinh Đệ Tam C Petrus Ký niên khóa 1957-58.

Đi chơi Đà Lạt về chúng tôi thân thiết với nhau hơn, và cùng nhau làm một tờ báo chuyền tay vào dịp cuối niên học theo công thức mỗi người tự tay viết và trình bày bài của mình, rồi đóng chung lại thành một tập. Tập ấy cuối cùng do Trần Đại Lộc giữ, nhiều năm sau tôi hãy còn thấy tại nhà Lộc, nhưng bây giờ thì quả thật đã mất hút với thời gian.

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Trần Đông A (VOA Blog): ‘Tuyên bố về vụ Đại án Việt Á’ - Những đòi hỏi thôi thúc từ xã hội dân sự

Bộ xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á.
Bộ xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á.


Tuyên bố trả lời một cách không úp mở, chính cái “thể chế độc tài toàn trị tạo thế độc quyền cho các cơ quan, tổ chức nhà nước trong mọi hoạt động liên quan đến đời sống dân sự, trong khi đó lại trấn áp mọi tiếng nói phản biện của nhân dân và các giới nhân sĩ trí thức, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân…”

Chiều 28/01, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin thêm về kết quả điều tra mở rộng vụ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á. Trước đó, ngày 27/1/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra tích cực hơn nữa vụ Việt Á để sớm đưa ra xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã chỉ thị như thế khi chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác phòng chống dịch trong dịp Tết. Tuy nhiên, cái cách Trung tướng Tô Ân Xô trả lời báo chí chiều 28/01 dường như chỉ nhấn mạnh đến việc thu giữ và phong tỏa các tài sản do buôn lậu và tham nhũng mang lại. Điều này khiến dư luận có phần hoang mang.


Ngô Nhân Dụng: Tết Covid

Làm nhang cho ngày Tết ở ngoại ô Hà Nội. Hình minh hoạ by Xuan Duong, Pixabay

Tết năm ngoái, Tân Sửu 2021, vì Covid-19 nên không ai dám gặp gỡ nhau ở chỗ đông người. Năm nay phải “ăn” hai cái Tết Covid liền, mới nhận ra nhiều thứ thay đổi quá. Không mời được ai đến “xông nhà,” cũng không ai mời mình. Không phải lo tiếp khách và không cần đi thăm nhiều họ hàng trong ba ngày Tết. Không dự tiệc tùng, nếu có thì rất ít thực khách. Đi thăm mộ thì không sao, vì ở ngoài trời và người thưa thớt; nhưng tới lễ chùa thì bịt miệng cho kín, lễ Phật cúng vong rồi về ngay.

Có lẽ “Ăn Tết” như vậy cũng hay! Có nhiều tục lệ giảm bớt được, từ nay có thể cứ giản dị như thế. Covid-19 thay đổi kinh tế, thay đổi chính trị, có thể sẽ thay đổi cả lối sống – ít nhất là của người Việt sống ở nước ngoài!

Năm nay tôi vẫn cố gắng giữ các tục lệ ngày Tết, đã tập theo từ tấm bé. Ngày cuối năm, hút bụi, lau nhà, quét sạch cái sân, tắm gội. Rồi lau bàn thờ, bầy mâm trái cây, cắm hoa, thắp nhang đón ông bà, tổ tiên về cùng đón chào năm mới. Ngửi mùi nhang thơm biết rằng mình chưa mắc bịnh! Ngày Mùng Một, gọi và nghe điện thoại chúc mừng, suốt ngày ái ngữ. Ít nói, không nói chuyện dông dài, cũng là một thói quen nên giữ mãi! Con cháu đến thăm đều bịt miệng, giảng cho các cháu nghe về lễ tổ tiên, trao phong bao lì xì, cũng đứng cách xa nhau một mét rưỡi!


Trần Mạnh Hảo: Tác phẩm “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao từng bị “giết” như thế nào?

Nhạc sĩ Văn Cao (file photo) - SGN

Không đợi khi Xuân đến, Tết về như dịp này, chúng tôi mới nghe lại bản nhạc bất hủ “Mùa xuân đầu tiên” Văn Cao khởi viết cuối Tháng Mười Hai 1975, hoàn thành trong dịp Tết Bính Thìn năm 1976. Đây là bài hát có số phận đặc biệt nhất trong cuộc đời sáng tác của Văn Cao. Đây cũng là bài hát mang nhiều tâm trạng đối lập, hòa trộn nước với lửa: vui ít, buồn nhiều, mừng ít, tủi nhiều, hoan ca ít, bi ca nhiều, tha thiết ít, nghẹn ngào nhiều, bâng khuâng ít, đau đáu nhiều, tự sự ít, ai oán nhiều, mê say ít, thở than nhiều, cứng cỏi ít, run run nhiều, da diết ít, nỉ non nhiều, cười ít, khóc nhiều, sum họp ít, cô đơn nhiều, yêu thương ít, đau thương nhiều, gặp gỡ ít, bơ vơ nhiều…

Hầu như tất cả trạng thái tình cảm trái ngược nhau của con người đều có trong bản nhạc kỳ lạ này: ai vui hát lên thì nghe vui, ai buồn hát lên thấy buồn não ruột, ai đau khổ hát lên thấy một trời đau khổ, ai sầu thảm hát lên thấy cả một thế giới sầu thảm đang đồng cảm cùng mình… Nghe đi nghe lại bản nhạc này, ta thấy xuất hiện trong tâm trí mình rất nhiều tâm trạng không thể dùng ngôn ngữ diễn đạt. Nếu bạn đã hoặc đang đi qua bể khổ trần gian, nghe bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” bạn sẽ cảm thương, nhờ nước mắt diễn đạt nỗi lòng mình.

Riêng lời bài hát đã là một bài thơ hay:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng cho bao tâm hồn

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên


Nguyễn Thị Thu Trang: Thơ Nguyên Sa và phái đẹp

Trong thơ Nguyên Sa, môi tường giáo dục và tình yêu là nguyên nhân chính làm nên ý thức phái tính và sự tự tin về giới. Nguyên Sa là người mở đầu cho dòng cảm hứng lãng mạn mới trong thi ca Việt Nam giai đoạn sau 1954 ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng của các nữ sinh, của những tình yêu học trò. Nguyên Sa tiếp nhận tư tưởng hiện sinh, nhưng cội nguồn tâm hồn ông vẫn có sự kết nối với thơ ca cổ điển…

Nhà thơ Nguyên Sa và tác phẩm

1. Có nhiều lý do để yêu mến, nhớ và viết về Nguyên Sa. Thứ nhất vì thơ Nguyên Sa hay. Tồn tại hơn nửa thế kỷ qua, thơ Nguyên Sa vẫn có sức hấp dẫn, khơi gợi nhiều vấn đề cần giải mã, cắt nghĩa. Thứ hai, trong lịch sử tiếp nhận văn học, Nguyên Sa thuộc số ít những nhà thơ, mà tác phẩm có sức lan tỏa, đến với số đông nhanh và mạnh nhất. Thơ Nguyên Sa có nhiều bài được phổ nhạc và nhiều người yêu thích. Không chỉ giai đoạn trước 1975 mà cho tới nay, vẫn có nhiều người gắn bó và yêu thơ Nguyên Sa. Thứ ba, đề tài tình yêu trong thơ Nguyên Sa mang đến một cảm quan mới, một tinh thần triết mỹ mới ít nhiều gây thương nhớ cho thơ ca Việt Nam.

Trong các công trình nghiên cứu và bài viết đã có về Nguyên Sa như Văn học miền Nam của Võ Phiến(1)Văn học miền Nam 1954 – 1975 của Nguyễn Vy Khanh(2)Mười gương mặt văn nghệ sĩ hôm nay của Tạ Tỵ(3), … các bài viết của Thụy Khuê(4), Viên Linh(5), Trần Văn Nam(6), Liễu Trương(7),… đều khá tương đồng khi đánh giá Nguyên Sa là một trong các nhà thơ tiêu biểu của giai đoạn 1954 – 1975 ở miền Nam, đều nhấn mạnh đề tài tình yêu là phần nổi trội nhất của Nguyên Sa. Trong Từ điển văn học bộ mới, mục về Nguyên Sa, tác giả T. Khuê viết: “Nguyên Sa được ngưỡng mộ như một nhà thơ. Một nhà thơ tài hoa và thơ mộng (8). Tuy nhiên, cái khác biệt của Nguyên Sa không chỉ là đề tài tình yêu mà là ở cái nhìn mới, một quan niệm mới về phái tính nữ, người phụ nữ. Đó không chỉ là mỹ cảm của nhà thơ mà còn là sự thay đổi trong quan niệm về người phụ nữ của thời đại.


Ngự Thuyết: Cao Bay

Ánh sáng loang loáng, chập chờn. Hắn thảng thốt nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, qua lớp kính dày, sau một giấc ngủ dài. Đêm lung linh, bát ngát, huyền ảo. Đêm rằm trên cao. Trăng trông gần quá, vàng lạnh. Chú cuội và cây đa lồ lộ. Hắn có cảm tưởng như máy bay cứ bay cao thêm chút nữa, thì chỉ trong giây lát, sẽ đến mặt trăng, sẽ vượt qua phía sau của trăng để tiếp tục bay tới những tinh cầu khác, những vì sao nhấp nháy xa xăm.

Chiếc máy bay không khác gì con chim khổng lồ bay lồng lộng lạc loài một mình trong không gian vô tận, không bạn bè, không đồng loại, trong lòng mang theo những sinh vật có lắm vấn đề đang ngồi đờ đẫn, nhọc nhằn trên những hàng ghế chật hẹp. Đám người đó chẳng khác gì những tù nhân cam chịu, hoàn toàn bất lực, không có chút hy vọng đào thoát ra khỏi cái nhà tù bưng bít lạ lùng, cái nhà tù di động đang bay miên man này.

Mây kết thành một tấm thảm ở dưới xa từ bao giờ, mênh mông không bờ bến, không chừa một một khoảng trống nào cho phép đám tù thấy được mặt đất, chốn về cuả họ. Con chim khổng lồ bay lưng chừng ở giữa không gian bao la, trên là hư vô, dưới là mây dày đặc.

Từ đường bay đó phóng thẳng xuống sẽ gặp biển khơi của Việt Nam, rồi nam Trung Quốc, rồi eo biển Đài Loan trước khi đến Nam Hàn, Nhật Bản ... Rồi thẳng tuốt lên những ven biển băng giá của nước Nga, xong mới quay quanh về vùng biển lạnh phía tây của Alaska, của Canada, để cuối cùng đến bờ tây của nước Mỹ. Sao nó không bay băng ngang qua Thái Bình Dương thẳng một lèo cho nhanh? Thái Bình Dương rộng quá chăng? Nó sợ không đủ sức vượt qua chăng? Và sẽ khó có thể tìm gặp một hòn đảo lẻ loi nào đó giữa trùng dương như một nơi cho nó tạm ngừng bay, cho đôi cánh được tạm nghỉ ngơi?

Nhưng dù đã cẩn thận bay ven bờ các lục địa, nếu không may, máy bay cũng có thể rơi rụng như đã từng xẩy ra. Rơi như thế nào? Thời gian rơi chắc chắn sẽ kéo dài vì khoảng cách rất lớn từ máy bay đến mặt đất. Con chim khổng lồ sẽ, còn nước còn tát, cố gắng bay là là nghiêng nghiêng xuống, và cuối cùng xuyên thủng qua lớp mây dày đặc dưới kia, rồi lao mình cắm vào lòng đất. Đám tù nhân bên trong sẽ xôn xao, hoảng hốt, hoặc lặng lẽ cầu nguyện, hoặc la hét điên loạn, hoặc cấu xé lẫn nhau.

Trần Thị Nguyệt Mai: Đọc sách “Tháng Ngày Qua”*

Tôi rất hân hạnh được là một trong những độc giả đầu tiên khi cuốn sách “Tháng Ngày Qua” – Hồi ức của Nhà văn Nguyễn Tường Nhung, chỉ mới là những trang bản thảo rời. Tác giả là trưởng nữ của Nhà văn Thạch Lam và cũng là phu nhân của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng lãnh xuất sắc và trong sạch của Quân Lực VNCH. Cuốn sách hé mở cho chúng ta rõ hơn không chỉ về thân thế của hai gia đình rất nổi tiếng - Thạch Lam và Ngô Quang Trưởng - mà còn như một cuốn phim quay lại hình ảnh xã hội thời kỳ chiến tranh Việt Pháp và chiến tranh Việt Nam cận đại, hiển hiện nỗi khổ đau tận cùng khi mất mát cả tài sản lẫn những người thân yêu nhất trong đời, nỗi lo âu của người vợ lính khi chồng ra chiến trận và phút giây lãng mạn hạnh phúc khi chinh nhân trở về... Những ngày Tết Mậu Thân 1968 kinh hoàng thảm thương ở Huế cũng được ghi lại một cách sống động.


Khi viết về văn chương Thạch Lam, nhà văn Mai Thảo đã dùng những lời ngợi khen đẹp nhất: “bút pháp chuốt lọc, trong sáng và chính xác nhất của văn xuôi tiền chiến” (1). “Bút pháp chính xác ông mãi mãi là một vinh dự cho tiếng Việt, theo ý tôi” (2). “Những trang tiểu thuyết đôn hậu và chứa chan tình cảm của Thạch Lam” (3) đã đi vào và ở mãi trong tâm hồn người đọc với Gió Lạnh Đầu Mùa, Nhà Mẹ Lê, Hai đứa trẻ, v.v... Đọc “Tháng Ngày Qua” càng thấy rõ hơn “văn chính là người”, để càng yêu mến Ông hơn. 


Nguyễn Đức Tùng: Quán Hớt Tóc

Quán hớt tóc là nơi bọn thanh niên trong làng tụ tập tán dóc, bàn chuyện chiến tranh hòa bình, các nhân vật Xuân thu Chiến quốc, chuyện cô nào sắp lấy chồng, phim cao bồi Viễn Tây, mùa khoai mùa lúa, chuyện đi quân dịch, vui buồn thi cử. Khi tôi còn bé, mỗi tháng phải trình diện quán ấy một lần, lệnh của ba tôi. Ông rất ghét bọn con trai để tóc dài, mà chẳng cứ gì ông, người lớn, thầy cô giáo của tôi, đều thế. Tôi lò dò bước vào quán, vách đất trộn phân trâu quét vôi trắng mái tranh có dàn mướp bò qua, nhìn quanh tìm chỗ ngồi, dỏng tai nghe chuyện khách, dân cày cấy, học sinh, viên chức.

Người thợ cắt tóc ngoài ba mươi tuổi, sau những năm giang hồ trở lại chốn quê, đem theo nhiều câu chuyện xứ người, hay do anh bịa ra. Anh có tài kể chuyện, thích đọc báo, có cây đàn guitar hay mandolin treo cửa. Mà thợ hớt tóc nào chẳng biết chơi guitar tưng tưng vài nốt khi ế khách hay ngoài trời thu vàng rụng lá? Anh hay hát Tàu đêm năm cũ của Trúc Phương: Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời, Trở gót bâng khuâng, tôi hỏi lòng đêm nay buồn không. Chiếc dao cạo sắc của anh, kêu xoèn xoẹt trên sợi da nâu như thắt lưng mòn vẹt, khăn quàng cổ xếp nếp, cái tông đơ còn già hơn tuổi tôi, cái ngoáy tai bằng đồng nhỏ xíu, sáng loáng, hấp dẫn tôi. Tôi lớn dần lên với cái quán ấy, già đi cùng với người thợ hớt tóc, được sống cùng với họ những tháng năm hạnh phúc của một xứ sở nghèo nhưng tươi tắn. Cái quán hớt tóc ấy, nằm gần kề quốc lộ Một, phía dưới đường xe lửa bỏ không mọc cỏ lau trắng, sau đập nước, bạn còn nhớ không? Cái quán nằm giữa tiệm tạp hóa và quán bún lòng thả, phía trước có cây dứa dại sau lưng là bụi tre la ngà cú rúc chiều chạng vạng. Nhìn vói qua sông, bên kia đường quốc lộ, bao giờ tôi cũng ngồi đó, ngắm tờ nhật trình dán vách đất, đọc mọi thứ, tin tức đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm làm tôi giựt mình, lát sau mới nhớ ra đã bốn năm.

Thời nhỏ bạn hoàn toàn lệ thuộc vào người lớn, mà họ thì có quan niệm đơn giản về trẻ con, đã cắt thì cắt ngắn, làm cho mặt mũi sạch sẽ, cắt tóc càng ngắn càng đỡ tốn tiền cắt lại, và bọn chúng không phải cạo râu rửa mặt nên thợ làm nhanh, loáng đã xong, không kiểu cọ gì ráo trọi. Nhưng khi tôi lên mười một tuổi, vừa thi đỗ vào trung học, tôi không còn thích để mặc người lớn lãnh đạo nữa, sau một mùa hè chịu mái tóc carré, nghĩa là rất ngắn, trên chỏm cũng ngắn, kiểu lính, quyết để tóc dài, thời ấy mái phía trước dài, tóc mai kéo xuống gần cằm, hợp với áo sơ mi cổ cò, học sinh đi học lén bỏ áo ngoài quần vì cho áo vào quần thì quê lắm, mặc quần tây không có thắt lưng. Thời ấy bắt đầu có mũ lưỡi trai baseball kiểu Mỹ, kéo thật sát mái đầu để tóc phía dưới bay lòa xòa, có đứa ba trợn còn xoay ngược cái mũ, vậy thì tôi chuẩn bị cắt một mái tóc như vậy, kiểu tango, sau khi đã nuôi được tóc khá nhiều đến nỗi mẹ tôi chú ý và kéo tôi lại, dúi năm đồng vào tay, bắt đi hớt ngay tắp lự. Người thợ hớt tóc, sau khi mài dao lên sợi dây da xoành xoạch làm cho lưỡi mỏng như lá lúa, nếu bạn từng đọc truyện ngắn Lưỡi dao cạo của Nabokov kể chuyện hai kẻ thù cũ gặp nhau ở Bá Linh, bạn sẽ hình dung ra tiếng động ấy.


Nguyễn Lê Hồng Hưng: Đi một chuyến đáng một chuyến

Năm nay tuyết rơi muộn hơn mọi năm, giữa tháng một tuyết còn sương sương tới đầu tháng hai tuyết mới bắt đầu tuôn xuống ào ào. Trời lạnh nhưng không gió, từ bến cảng tới hội quán trên ba cây số, nhưng Tuấn không gọi xe xuống đón, anh quyết định thả bộ để nhìn những bông tuyết lả lơi bay và đáp nhẹ lên mặt đường vun lên một lớp dầy. Anh có thể bước đi trên lớp tuyết như đi trên tấm thảm nhung màu trắng. Đi ngoài trời lạnh, vô hội quán kêu một ly rượu và một gói khoai tây chiên dòn, vô phòng vi tính có lò sưởi ấm, ngồi mở máy, lên lưới vừa nhâm nhi vừa đọc tin tức thế giới thì còn gì sướng cho bằng. 

Nhưng khi anh bước vào hội quán thì đã chật ních người, phần đông là người Trung Hoa, họ xí xô xí xào và ào ào náo nhiệt như nhóm chợ. Hôm nào có thủy thủ Trung Hoa đổ bộ, thì từ giờ hội quán mở cửa cho tới giờ đóng cửa đố ai chen chưn được vô phòng vi tính và những phòng điện thoại. Thường thì mỗi người xài một máy nhưng người Tàu thì hai ba người chụm nhau chung một máy, cho nên cả chục đầu máy nhưng nhìn vô thấy lố nhố mấy chục cái đầu của người Tàu và mỗi phòng điện thoại một người gọi hai ba người đứng chận cửa. Hồi còn ở Việt Nam, Tuấn thấy hễ ai hào hiệp thì được người đời tặng cho biệt danh “Quân tử Tàu” và mỗi khi ngồi nhậu với khách phương xa, để cho tình bạn thêm gắn bó, người ta hay nói câu “Tứ hải giai huynh đệ.” Từ ngày rời xa đất nước cho tới nay hơn hai mươi năm trời, Tuấn đã lênh đênh khắp năm châu bốn biển nhưng anh chưa gặp một người Tàu nào có thể gọi là quân tử, dù chỉ là một buổi nhậu trên bến lúc dừng chưn. Lên mạng, họ nhập vào mấy trang sex, ồn ào âm thanh dâm dục. Văn hoá rất là Tàu, một người chiếm được máy thì ngồi dính luôn đó, người nầy chơi xong kêu bạn bè lại tiếp tục chơi, mặc kệ cho mấy người tới trước ngồi chờ mút chỉ. 


Tuấn đi qua phòng truyền hình cũng đầy nhóc người, không khí giống y chang rạp hát các anh ngồi trật tự ngay ngắn và im lặng theo dõi tập phim Tây Du Ký của đài truyền hình Trung Hoa phát theo sóng vệ tinh. Tuấn nán lại xem đoạn Tề Thiên xuống Long Cung xin binh khí. Đợi lão Tề Thiên biến cây thiết bảng dần dần nhỏ lại còn bằng cây kim rồi lão vắt lên vành tai anh mới đứng dậy đi ra ngoài. Tuấn đi lại quày ba mua một chai bia, anh ngó quanh tìm chỗ ngồi nhưng không thấy ghế nào trống hết, đành đứng dựa lưng vô góc phòng vừa nhâm nhi vừa nhìn những sinh hoạt trong hội quán. 


Phạm Xuân Ðài: Nét Xuân Sơn

Núi và sông, Cẩm Thủy – Thanh Hóa (ảnh của tác giả)

Bạn có bao giờ để ý đến vẻ núi mùa xuân chưa? Và đã thấy tràn đầy trong lòng một niềm vui không cội rễ khi nhìn thấy nét tươi tắn lạ lùng của núi trong một bầu trời xuân?

Tôi đã sống bảy năm trên vùng thượng du của tỉnh Thanh Hóa, bên bờ con sông Mã, và đã bảy mùa xuân chứng kiến những kỳ diệu của đất trời, núi sông và lòng mình. Ðấy là một nơi hiểm trở, trại đóng ngay trên sườn núi trông xuống sông, bên kia sông là một bình nguyên nho nhỏ, rồi lại tiếp tục núi. Hai đầu sông được chắn bởi núi, bốn phía toàn núi, gần xa đậm nhạt khác nhau.

Mùa hè núi như cận cảnh, khô và thô thiển. Núi lúc đó đơn giản chỉ là địa hình, là cao độ khác nhau của khoa địa lý và đo đạc. Ðó là tính toán của khai thác gỗ và tre nứa. Và đối với chúng tôi, đó là mơ ước và nỗi sợ hãi của chuyện trốn trại.

Mùa thu núi bỗng mơ màng. Bầu trời trong xanh hơn và núi như phủ mờ một làn sương khói mỏng. Trời càng se lạnh núi càng xa cách, càng rời xa vẻ thực tế tầm thường để tự biến mình thành huyền ảo. Vào mùa thu sông Mã đã thôi gầm lên khúc độc hành, vẻ đục ngầu dữ tợn của mùa hè đã trôi mất, bây giờ lặng lẽ trong xanh để hòa hợp với dáng núi đang trong một chuyển cung yểu điệu. Trời, núi, sông và người cùng vào một cơn ngất ngây buồn như tiên cảm một nỗi lạnh tê đầy bất trắc. Các ruộng bắp ven sông đã úa vàng. Công việc thu hoạch mùa màng vào các buổi chiều mùa thu mang một vẻ đẹp cổ điển với ánh nắng vàng xiên xiên, lá bắp khô xào xạc và bếp lửa nấu nước ở bờ ruộng vươn cột khói lên cao... Cuối buổi làm đi tắm rửa dưới sông nghe làn nước trong bắt đầu mát lạnh thấm thía, tựa hồ càng trong càng lạnh, và bóng núi chập chờn dưới nước như lặp lại một áng thơ xưa. Lòng rỗng không với cơn đói kinh niên vẫn còn chút sức để thưởng thức một cách đau khổ tuyệt vọng vẻ đẹp não nùng của đất trời. Nhìn qua giải bình nguyên ngắn bên kia sông, mắt bắt đầu từ chỗ núi xanh xanh phía đông chuyển dần sang phía tây, lặng lẽ lướt qua một ít “bờ xanh tiếp bãi vàng” rồi thì lại gặp núi, một trái núi khá gần, to sững, ở lưng chừng há ngoác ra một cái hang đen ngòm như hang núi Văn Dú. Và sông lại mất hút vào núi, khối thủy tinh trong và lạnh mùa thu ấy như được chắt lọc từ các khối núi thẳm mờ mờ phía tây...

Giới thiệu

VHLogo_Caybut.jpg

 Văn Học Press

22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978

email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press


Trân trọng giới thiệu:

Lời xưng tội lúc nửa đêm
Tập truyện

VŨ THƯ HIÊN

VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2022
Tranh & Thiết kế bìa:
ĐINH TRƯỜNG CHINH


LỜI NHÀ XUẤT BẢN


Vũ Thư Hiên là tác giả của bộ sách được nhiều người biết đến, Đêm giữa ban ngày, trong đó ông thuật lại chuỗi ngày dài đằng đẵng chín năm tù tại các trại lao động khổ sai cưỡng bách tại Bắc Việt Nam, lý do vì ông dính líu – hay bị xem là dính líu – đến vụ “xét lại chống Ðảng”.


Thực chất đây không phải một vụ án hiểu theo nghĩa luật pháp thông thường. Nó chỉ đơn thuần là một vụ bắt bớ do “Ðảng cầm quyền bất chấp luật pháp do chính mình đặt ra đã xuống tay hạ ngục, giam cầm và lưu đầy nhiều năm không xét xử những người có tư tưởng bất đồng”, như chính tác giả tự bạch.


Chín năm chịu đựng bao nỗi tân khổ trong những trại giam khắc nghiệt có lẽ đã cho ông sự nhìn lại đời mình. Ông thú nhận là sau khi quan sát số phận của những tù nhân trong những nhà tù ông đi qua, đã mang lại cho ông “cái nhìn tỉnh táo không riêng đối với những hành động phi nhân của những vua chúa mới, mà cả một thể chế xã hội trong đó con người dù muốn dù không đều đánh mất mình”.