Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Tiểu Ký: Phụ tử tình thâm - HAI ĐẠI NHẠC SĨ HỌ TRẦN

Giới âm nhạc Việt Nam và quốc tế mới mất thêm một thiên tài: nhạc sĩ Trần Quang Hải đã ra người thiên cổ ngày cuối năm 30 tháng 12, 2021 tại Paris.  Phu nhân của nhạc sĩ là ca sĩ nổi tiếng Bạch Yến, tuổi đã lớn nhưng tiếng hát vẫn rất ấm và cao vút, kỹ thuật rất đáng khâm phục…

Trần Quang Hải (trái) và Trần Văn Khê, 2014

 Giáo sư Trần Quang Hải đã trình diễn hàng ngàn buổi tại nhiều quốc gia; tham gia hàng trăm đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống; giảng dạy tại nhiều trường đại học; sáng tác hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, hát đồng song thanh, nhạc tùy hứng... Ông  cũng thực hiện 23 đĩa nhạc truyền thống Việt Nam, viết 3 quyển sách, làm 4 DVD, 4 phim và hội viên của trên 20 hội nghiên cứu thế giới.

"Con đường nghiên cứu của tôi nhắm về sự giao lưu các loại nhạc cổ truyền tạo thành loại nhạc thế giới (world music), pha trộn nhạc tùy hứng, jazz, nhạc đương đại với nhiều loại nhạc khí và kỹ thuật giọng hát để tạo thành một loại nhạc hoàn toàn mới lạ" - giáo sư Trần Quang Hải chia sẻ trên blog cá nhân của ông.


Ts Phạm Trọng Chánh: Kỷ Niệm Với Nhà Nhạc Học Trần Quang Hải (1944-2021)

 GSTS Trần Quang Hải vừa qua đời tại Paris ngày 29-12-2021. Lần cuối cùng gặp anh, anh nói với tôi như trăn trối cho biết anh đang chữa trị ung thư máu, bị thận và tiểu đường, không biết sẽ ra đi lúc nào, hôm nay anh đi ngủ và anh bình thản ra đi lúc 0 giờ 46. Gần năm mươi năm thân thiết với anh, anh xem tôi như em trai, tôi có khuôn mặt giống anh và Bác Khê nên đi đâu ai cũng hỏi : Anh có phải em anh Hải con Bác Trần Văn Khê không ? Tôi đáp : Tôi là học trò Bác Khê, Ai cũng nói : Học trò sao giống Thầy thế ! Những buổi gặp mặt chung với mọi người, anh cũng đùa với mọi người tôi là em của anh. 

Hình chụp tại Paris năm 2012. Từ trái: Trần Quang Hải, một người bạn, tác giả bài này Phạm Trọng Chánh.


Tôi chia xẻ cùng anh nhiều kỷ niệm từ những năm 1970, tôi học đàn, học nhạc với Bác Khê, anh phụ tá Bác hướng dẫn tôi, tôi học bài Phong Xuy Trích Liễu của Nguyễn Tri Khương, truyền thống gia đình anh, tôi dự định soạn luận án về Hát Bội tại trường EHESS Sorbonne, học thêm mấy năm Hán Nôm. Nhưng sau khi tìm kiếm tài liệu kho sách Hán Nôm về các tuồng tích cổ Việt Nam tại thư viện Quốc Gia Paris thì mới thấy đề tài này không dễ chút nào, vì quá phong phú. Tại thư viện lưu trữ đầy đủ từ những bản tuồng Hán Nôm Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Bùi Hữu Nghĩa… cho đến những bài hát cải lương ngày xưa bán ở chợ, cả một kho tàng văn hóa Việt Nam bị quên lãng, có những vở tuồng như Quần Phương Hiến Thụy và Vạn Bửu Tình Trường gồm một trăm hồi từng diễn cả trăm ngày nơi Duyệt Thị Đường cung điện Huế. Ngày nay hầu hết chúng ta chỉ biết đến kho tàng văn hoá thi ca, còn kho tàng kịch nghệ Hát Bội gần như bị quên lãng. Khai thác kho tàng văn hoá ấy phải là công sức một Viện Nghiên Cứu trong một thời gian dài, phải tinh thông Hán Nôm, còn việc làm luận án chỉ là việc cỡi ngựa xem hoa, tôi thấy khó và lâu dài quá. Trong khi đó về Giáo Dục thời Pháp thuộc, và Giáo Dục miền Nam có đầy tài liệu tiếng Pháp, tiếng Việt, tôi đành quay sang soạn luận án Tiến sĩ về Giáo Dục với GS Lê Thành Khôi. 


Xong việc học tôi tham gia nhiều loại hoạt động khác. Công việc đại diện thương mại lúc còn sinh viên lại dẫn tôi vào con đường kinh doanh, lập công ty kinh doanh nữ trang, đá quý… cho đến khi hưu trí, tôi không say mê làm giàu, công việc chỉ cần làm đủ sống thong thả. Công việc làm phụ tá cho họa sư Lê Bá Đảng lại dẫn tôi đến thú đam mê học trường Mỹ Thuật và Điêu Khắc, thế là đủ thú vui cầm thư thi họa, viết nghiên cứu trở thành thú vui tiêu khiển. Việc tiếp xúc với GS Hoàng Xuân Hãn để học hỏi thêm Hán Nôm lại đưa tôi vào con đường nghiên cứu Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du và các nhà thơ cổ điển Việt Nam, dịch thơ lục bát các tác phẩm thi ca vĩ đại của nhân loại như Odyssée, Iliade của Homère, Thần Khúc của Dante và Tiểu Thuyết Hoa Hồng của Guillame de Lorris và Jean de Meun.


Học trò người Việt của Gs Khê, ngoài tôi chỉ có anh Nguyễn Thuyết Phong, cho đến khi xong luận án Tiến Sĩ về Âm Nhạc Phật Giáo Việt Nam, anh sang Mỹ dạy học. Tôi vẫn thường gặp anh Hải và có mặt trong các buổi anh và Bác Khê diễn thuyết, trình diễn. Có một lần đi diễn tại Đức anh đàn môi, đánh muỗng và tôi trình diễn đàn tranh.


Anh Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại xã Linh Đông, quận Thủ Đức Sài Gòn. Con trưởng Giáo sư Trần Văn Khê (1921-2015) và bà Nguyễn Thị Sương (2021-2014) nguyên giáo sư Anh Văn trường Trung Học Gia Long, Sài Gòn. Dòng dõi Nguyễn Tri Phương và gia đình quê quán làng Vĩnh Kim, nổi tiếng nhiều đời nghề  Âm Nhạc. Hậu duệ đời thứ 5 nhạc sĩ cung đình Trần Quang Thọ (1830-1890), đời thứ 4 tư Trần Quang Diệm nổi tiếng đàn tỳ bà, ông nội là Trần Quang Triều, nổi tiếng đàn kìm và dây tố lan. Bà cô anh là Trần Ngọc Viện là người lập gánh Cải Lương Đồng Ban đầu tiên. 


Anh là trưởng nam gia đình có bốn anh em, hai trai hai gái. Em anh là anh Quang Minh ở Việt Nam và chị Thủy Tiên, Thủy Ngọc ở Paris.


Anh xem tôi là người thân trong gia đình, ngày cháu Minh Tâm ăn thôi nôi, khoảng năm 1974, tại Limeil Brévanne, ngoại ô Paris, tôi là người thân được anh mời đến, chị vợ đầu tiên của anh phụ trách bếp danh tiếng Le Table de Mandarins, Paris, tiệm ăn Việt lâu đời và sang trọng Quận 6, trước trường Mỹ Thuật Paris, nơi các ca sĩ Cao Thái, Bích Chiêu, Bạch Yến.. thường đến hát. Anh quen với chị khi đến trình diễn, đánh đàn nơi này và tiến tới hôn nhân.  Nhưng rồi không thuận nhau, chị chia tay đi tu nơi Làng Mai Thầy Nhất Hạnh và mất mấy năm sau vì bệnh ung thư. Cháu Minh Tâm lớn lên học nhạc với ông Nội và với Cha, nhưng lại nổi tiếng về nghề nấu ăn của mẹ, viết sách Nouille d’Asie và dạy nấu ăn Việt trên Internet. Gặp anh Hải lần cuối tôi nói với anh : “Các con tôi thường khoe và đãi ba mẹ bằng những nón ăn học của cô Minh Tâm”.

 Anh cười : “Minh Tâm nấu ăn ngon như mẹ cháu”. Những năm sau này anh Hải thường chụp ảnh trên Facebook gửi cho tôi xem những món ăn anh nấu mỗi ngày trình bày rất mỹ thuật cùng với chị Bạch Yến.


Anh Hải học trung học Pétrus Ký và tốt nghiệp đàn vĩ cầm với Gs Đỗ Thế Phiệt, sang Pháp năm 1961 anh vào học với giáo sư danh tiếng thế giới đàn vĩ cầm Yehudi Meuhim, nhưng giáo sư bạn thân của cha anh lại khuyên anh rằng, đàn vĩ cầm có nhiều người học, có thêm một người danh tiếng nữa cũng thừa, hãy trở về học với cha là Giáo sư Trẩn Văn Khê kế nghiệp con đường vẻ vang của cha. Anh Hải nghe lời khuyên trở về học với cha tại Trường Đại Học Sorbonne ngành Âm Nhạc Dân Tộc Học và Trường  Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội  Paris, EHESS. Hàng trăm công trình nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam của anh được Đại Học Sorbonne công nhận, và cấp bằng Tiến Sĩ Âm Nhạc Dân tộc thay luận án. Anh vào làm việc tại CNRS, Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Pháp và Viện Bảo Tàng Con Người, Musée de l’Homme Paris từ năm 1968 đến năm 2009 về hưu trí. Anh tập họp và giới thiệu các công trình nghiên cứu trong sách anh xuất bản tại Pháp và Mỹ : 50 năm nghiên cứu nhạc truyền thống Việt Nam và  Hát đồng song thanh.


Anh xuất bản 23 đĩa nhạc, được Prix du Disque của Accadémie Charles Cros năm 1983 và được Prix Cristal của CNRS năm 1995.  4 DVD hát song thanh, 2 DVD Âm nhạc Việt Nam. Năm 2000 và 2009, một phim về cuộc đời nghiên cứu âm nhạc của anh, và hàng trăm bài viết trên các tạp chí Âm Nhạc thế giới. Anh được Tổng Thống Pháp Jacques Chirac trao Huân Chương Hiệp Sĩ Danh Dự năm 2002, Huân Chương Danh Dự Lao Động Đại Kim năm 2009, tưởng thưởng những công việc truyền bá văn hoá của anh.


Về Việt Nam anh giúp đỡ hồ sơ cho các công trình: Cồng chiêng Việt Nam, Đờn ca tài tử, nhạc Cung Đình… được Unesco công nhận là di sản Văn hoá quốc tế. Anh còn là thành viên Hội đồng Âm Nhạc Truyền Thống Quốc Tế và nhiều Hội Âm nhạc khác.


Ngoài công việc làm chính thức, anh thường đi trình diễn khắp nơi trên 3500 buổi diễn trên 70 quốc gia trên thế giới, chưa kể những tiệc cưới, những buổi gặp mặt các hội hè người Vịệt tại Paris, diễn tại các trường học cho học sinh từ Paris đến các tỉnh. Ai mời anh cũng đi chẳng nề hà gì công lao chi phí.. Từ trình diễn với cha và với cô em họ Hoàng Mộng Thúy hát dân ca.  Từ năm 1978 anh kết hôn cùng ca sĩ Bạch Yến nổi tiếng với bản Đêm Đông, chị chuyển sang hát các làn điệu dân ca cùng anh và theo anh đi khắp các chân trời. Chị Bạch Yến rất thương yêu cháu Minh Tâm, một lần tôi hỏi thăm chị khoe : Cháu bây giờ lớn 60 kí !


Hôm nay, anh đã ra đi, những kỷ niệm vui bao năm gặp gỡ, với anh lúc nào cũng vui cười tươi hài hước, gặp anh, gặp Bác Khê, Bác Trạch về là vui cả tuần. Anh Hải đã ra đi, tôi vẫn mường tượng anh đi lưu diễn nơi xa, nơi thảo nguyên Mông Cổ, anh hát bằng song thanh bằng môi và bằng bụng, chiếc đàn môi  trên miệng anh những âm thanh lạ lùng vùng cao nguyên, và đôi muỗng của anh vui vẻ nhẹ nhàng như những trò chơi trẻ em, rồi trở về quê hương với những bản đàn bầu, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, cây đàn nào anh cũng thông thạo. “Nghề chơi cũng lắm công phu”,  nghề chơi nào của anh cũng công phu ít ai sánh kịp.


Paris ngày 3-1-2022



TS. Đinh Xuân Quân: Indonesia Thay Đổi Lập Trường Về Biển Đông?

 Theo các cơ quan truyền thông quốc tế và tờ Jakarta Post thì ngày 29/12/2021 phó đô đốc Aan Kurmia, đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (gọi tắt là Bakamla), đã gửi lời mời đến các đồng nhiệm Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam tham dự một cuộc họp vào tháng 2, 2022 với mục tiêu chính là « đưa ra một cách tiếp cận phối hợp » về các vấn đề ở Biển Đông (BĐ)  « cách ứng phó trên thực địa khi chúng ta phải đối mặt với cùng ‘‘xáo trộn’’ ».

Đề xuất này của lãnh đạo Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia được các quốc gia ven Biển Đông hưởng ứng. Theo ông Thomas Daniel, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Malaysia (ISIS), đề nghị nói trên của Jakarta là « táo bạo và rất đáng quan tâm ». Ông Satya Pramata, một quan chức cao cấp trong chính phủ Indonesia, một cựu thuyền trưởng trong lực lượng tuần duyên, cho biết một cuộc họp như vậy sẽ là « cơ hội tuyệt vời để Cảnh sát biển ASEAN và lực lượng thực thi pháp luật hàng hải trao đổi và hợp tác ».

Theo tờ The Diplomat ngày 29/12, nhà báo Sebastian Strangio, chuyên theo dõi về các vấn đề Đông Nam Á, nhận định : Lời kêu gọi đoàn kết nói trên của Indonesia có thể là tín hiệu cho thấy Jakarta « công nhận rõ ràng mức độ nghiêm trọng của thách thức mà Trung Quốc đặt ra trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước, mà quốc gia này không có khả năng xử lý một mình. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các nhà hoạch định chính sách Indonesia - hoặc ít nhất là những người nắm rõ nhất với tình hình thực tế ở khu vực Natuna - đang thức tỉnh trước thái độ phủ nhận (mối đe dọa Trung Quốc) suốt thập kỷ qua ».

Ai cũng biết khó mà 10 thành viên khối ASEAN gồm Miến Điện, Cambodia, Lào và Thailan, và các nước khác là Indonesia, Philippines, Malaysia, Brunei, Singapore và Việt Nam có thể đạt được đồng thuận trong vấn đề Biển Đông.  Trung Quốc đã khai thác thành công chỗ yếu của khối này là nguyên tắc “đồng thuận của ASEAN” để ảnh hưởng đến lập trường chung ASEAN về Biển Đông, cũng như việc thương thuyết về Bộ Quy tắc Ứng Xử ở Biển Đông - COC


Ngô Thế Vinh: Đi Tìm Chân Dung Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn Với Thông Điệp Mùa Xuân

Dẫn nhập – Chiến tranh, không phải là chấp nhận hiểm nguy, không phải là chấp nhận giao tranh. Ở một thời khắc nào đó, với người chiến binh, là sự chấp nhận thuần túy và giản đơn cái chết.La guerre, ce n’est pas l’acceptation du risque, ce n’est pas l’acceptation du combat. C’est, à certaines heures, pour le combattant, l’acceptation pure et simple de la mort.A. de Saint-Exupéry (Pilote de guerre)


*


Hình 1:trái, Di ảnh Y sĩ Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù tử trận tại chiến trường Khe Sanh ngày 11/4/1968; phải,Chân dung Nghiêm Sỹ Tuấn qua nét vẽ của Y sĩ Đại úy Lê Văn Công, Quân Y Hiện Dịch khóa 15 YKSG, Virginia, USA 2018.[size 6 x 20” acrylic on canvas, sưu tập Ngô Thế Vinh]


TIỂU SỬ


Nghiêm Sỹ Tuấn, bút hiệu là Yển Thử, [bút hiệu này chỉ được dùng một, hai lần cho mấy bài thơ 28 Sao trên báo Tình Thương], sinh ngày 7 tháng 2 năm 1937 (tuổi Bính Tý) tại Nam Định, Bắc phần trong một gia đình thanh bạch và đông anh em. Cắp sách tới trường muộn màng ở tuổi 14. Hoàn tất học trình Trung học và Đại học trong khoảng thời gian 14 năm. Những năm học Y khoa, Nghiêm Sỹ Tuấn là Thư ký tòa soạn báo Sinh viên Y Khoa Tình Thương từ số ra mắt tới số 13 [khoảng thời gian từ 01-1964 tới 01-1966] khi Anh ra trường, là tác giả nhiều bài viết sâu sắc, mang nặng những suy tư về các vấn đề văn hóa, xã hội và vận mệnh đất nước.



Trần Mạnh Toàn: “Bầy lan run rẩy mộng”

bướm trắng bay đi...

bầy lan run rẩy mộng

gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ

 (Vũ Hoàng Chương, Nhịp Cầu, Văn, số 14, 7.7.64)


 Hình TMT-2020


Lần tìm về thái độ của Nhất Linh trước khi nhập cuộc - nghĩa là khi người tiến về một đối cực mà hành động càng làm rõ điều chân lý chỉ là cái nhìn hài lòng từ mỗi phía - người ta cảm thấy nỗi dao động khác thường của người khi buộc phải bước về hướng đối nghịch với con đường mình đang theo đuổi. Bướm Trắng, viết xong vào tháng 3.1939, không chỉ là bước tiến của văn chương vào cõi sâu thẳm tâm hồn của con người muôn thuở, mà ở một khía cạnh, phát giác phản ứng gần như tuyệt vọng của con người trước sự ám ảnh hay đe dọa thúc bách cận kề. Trong cái tĩnh báo hiệu cái rất động, Nguyễn Gia Trí - người tương tri của Nhất Linh cả về nghệ thuật lẫn dấn thân, đã mách bảo tâm trạng của một lớp người như thế. (1) Sự ra đời của tác phẩm trong tình thế căng thẳng đương thời có thể nghĩ là cố gắng lặn sâu vào cõi văn chương như cách ứng phó trước sự mời gọi thiết tha của thời cuộc trước khi là kết quả của việc chiêm nghiệm những dằng co bất định trong tâm hồn người.  Trong tâm trạng đó, văn chương - mà đây là Bướm Trắng - còn là chứng tích của một nỗ lực vượt thoát nhưng vô hiệu đồng thời báo trước những đau khổ trong cơn thử thách, những cay đắng trong nỗi dằn vặt - dù có ý nghĩa của việc thanh tẩy - sẽ bám chặt lấy người mà những địa danh như 12 Yersin, 7 và 11 Yagut, 19 Đặng Thái Thân Đalat, suối Đa-mê... trở thành vị trí để người hằng đêm đối bóng. Những cao điểm để chiếc bóng thêm cô liêu dù hương lan rừng có nguôi lòng tỏa ngát. Hiểu theo cách riêng, Bướm Trắng đã tiên định được hướng tâm hồn thăng hoa khi đề cập trường hợp con người sa ngã. Cái chết, sự thất bại hay tan vỡ đều đặt con người vào thế khốn cùng khi họ, dưới một hình thức riêng, tự nguyện chấp nhận chúng. Trương - người thanh niên trong truyện - rơi vào tình trạng chịu đựng " cái khổ sống gượng này còn lớn gấp mấy cái khổ tiếc đời trước kia " (2) và chỉ thoát ra khỏi bi kịch này khi nỗi ám ảnh về bệnh không còn và ý niệm hạnh phúc giản dị lại trở về với chàng. Như vậy, ở một khía cạnh, đau khổ, thất vọng - sau khi tàn phá con người- rút cuộc, lại đem đến tác dụng của việc rửa sạch tâm hồn, mở lại hy vọng về một viễn ảnh dung dị thuần khiết. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ở đâu bay về ...(3)


Lê Hữu: Chim sáo nâu và chàng nhạc sĩ

Chim sao nau.jpg
Ảnh: yeuchim.net

 “Cô ca sĩ qua đời, bài hát ấy cũng qua đời.” 

Ông bạn tôi, nhạc sĩ sáng tác Phan Tần, thốt lên câu ấy với giọng lừng khừng.

“Làm gì có chuyện bài hát qua đời,” tôi nói, “không người này hát thì cũng có người khác hát vậy.” 

“Thế nhưng bài ấy thì chỉ có Phương Nhi, không tiếng hát nào thay được.” Chàng nhạc sĩ lắc đầu, giọng thẫn thờ. “Người đời có tiếc thương cô ca sĩ thì cũng tiếc thương bài hát ấy, có tưởng nhớ đến cô thì cũng tưởng nhớ đến bài hát ấy.”

Tôi chưa nghe ai nói lạ vậy, nhưng ngẫm nghĩ thì cũng có lý. Có những bài hát người ta không muốn nghe ai hát nữa từ khi tiếng hát gắn liền với những bài ấy đã về trời.

“Bài hát qua đời” ấy là bài “Bến cũ đò xưa”, mang âm hưởng dân ca Nam bộ. Nói vừa dứt tiếng, tác giả bài hát ôm cây đàn guitar cất giọng ồm ồm.

Chiều nay trên bến xưa

hắt hiu bóng con đò

Bến cũ cây già

tôi về nghe mưa khóc hoài con sáo bay xa…

Chim sáo bay xa rồi

trăng cũng bỏ tôi ngồi
giữa bến đời sầm sập mưa rơi…

Mưa “sầm sập”, ít nghe ai nói vậy, hẳn là mưa to gió lớn. Liệu cái “bến đời” heo hút của chàng nhạc sĩ có chịu nổi những gió mưa tơi bời?

Giọng Phan Tần nghe rưng rưng cảm xúc. Có điều chàng nói đúng, người ta không muốn nghe ai khác hát bài ấy ngoài Phương Nhi, kể cả tác giả bài hát. “Bến cũ đò xưa” hay những bài “Lý con sáo Bạc Liêu”, “Phải lòng con gái Bến Tre” thì chỉ có Phương Nhi. Không ít ca sĩ từng thử sức với những bài ấy, gồm cả những giọng hát chuyên trị dân ca, nhưng kể từ khi Phương Nhi cất tiếng thì những bài hát này đã ở lại với cô và gắn liền với tên cô.


Trịnh Thanh Thủy: Nguyễn Đình Toàn, người gõ cửa ký ức

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn


Là một người Việt ly hương, hình như ai cũng có đôi lúc nhớ quê, hình dung lại nơi mình từng sinh ra, quay quắt thương cái chốn mình đãđi về trong tháng ngày quá khứ. Chỉ cần một hình ảnh, một cơn mưa, một vạt nắng, một nhành hoa thơm ngái hương vị quê nhà là lòng người lại bồi hồi tưởng tiếc.Nhất là khi đọc một bài thơ, nghe một khúc nhạc, hát lên một ca từ sóng sánh những âm vang kỷ niệm xưa, ai mà không tự dưng nhè nhẹ mở toang cánh cửa kýức của lòng mình. Tôi đã làm điều đó khi đọc các bài thơ trong tuyển tập "Thơ và ca từ" của tác giả Nguyễn Đình Toàn.

Là một nhà văn, ông viết dưới nhiều dạng,tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm Áo mơ phai của ông đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973. Ngoài ra ông còn là một thi sĩ kiêm xướng ngôn viên của đài phát thanh VTVN trước năm 1975. Chính ông đã phổ những bài thơ của mình thành những bài nhạc được nhiều người yêu thích. Người bạn rất thân lâu năm của ông là Thi sĩ Thành Tôn đã gom góp những bài thơ của ông thành một tập thơ in riêng tặng ông. Gần đây, bạn bè thương mến ông, đãchung lưng giúp ông thiết kế và xuất bản để đứa con tinh thần, tuyển tập "Thơ và Ca từ" được ra đời.


Trùng Dương: Sách - Kinh nghiệm kiến quốc trong thời chiến của Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975

 Tổng thống Kennedy có lần đã nói: “Chiến thắng có cả trăm ông cha và thất bại trở thành mồ côi” (Victory has a hundred fathers and defeat is an orphan). Người Việt Miền Nam, dù lưu vong hay còn ở quê nhà, thẩy đều đã trở thành “mồ côi.” 

Nhiều thập niên qua, chúng ta đã sống trong thầm lặng, chịu đựng bị hiểu lầm, cố gắng dồn mọi nghị lực vào việc xây dựng lại đời sống trên mảnh đất quê hương thứ hai, nuôi dậy con cái, vun sới gia đình, và có một dạo còn cung cấp cho người thân, bằng hữu còn kẹt lại sống thiếu thốn mọi sự. Vào giờ rảnh rỗi và dịp cuối tuần, chúng ta tập hợp nhau, người bàn chuyện quang phục quê hương; kẻ nói chuyện bảo tồn lịch sử và văn hóa đã và đang bị cộng sản tàn phá, hủy hoại ở quê nhà --cũng là một hình thức quang phục quê hương khi các giá trị dân tộc và nhân bản đang trên đà thoái hóa nơi quê nhà. Những hoạt động này đã giúp nối kết người Việt hải ngoại không chỉ ở Mỹ mà còn ở khắp thế giới lại với nhau.

Các nỗ lực bảo tồn văn hóa và lịch sử của người Việt hải ngoại thường nhỏ giọt, riêng lẻ, phần lớn do cá nhân bỏ tiền túi ra thực hiện. Thảng hoặc, có những trường hợp nhận được tài trợ như nhà văn Võ Phiến được một tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội tài trợ đi sưu tầm tài liệu và thực hiện bộ “Văn Học Miền Nam Tổng Quan” vào đầu thập niên 1980. Dù vậy, kết quả của những nỗ lực này phải nói là phong phú, xuất hiện dưới hình thức sách báo, băng đĩa nhựa, hình ảnh, bầy bán khắp nơi. Những tác phẩm bị cộng sản cấm đoán, tịch thu, đốt hủy cũng đã được chụp và tái bản ở hải ngoại, ngay cả những bộ sách của thời tiền chiến được tái bản ở Miền Nam trước 1975 cũng theo chân chúng ta ra hải ngoại. Và hồi ký đủ loại đề tài phong phú của nhiều người viết thuộc mọi thành phần trong và ngoài nước, đặc biệt là các hồi ký của nhiều người đã từng là đảng viên cộng sản nay tỉnh ra. Từ ngày kỹ thuật Internet ra đời cách đây 25 năm, sinh hoạt văn hóa này càng nở rộ (*). Dù vậy, các ấn phẩm vẫn chỉ thu hẹp phần lớn trong phạm vi tiếng Việt, hạn chế đối với các thế hệ trưởng thành hoặc sinh ra và lớn lên ở hải ngoại.


Giới thiệu Sách mới

Văn Học Press

22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978

email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press


PR 1/6/2022

SÁCH MỚI


                                                            Trân trọng giới thiệu:



VIỆT NAM CỘNG HÒA

1955-1975

Kinh Nghiệm Kiến Quốc


Chủ biên:


VŨ TƯỜNG & SEAN FEAR


VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2022


                                          ***


Giới thiệu tác phẩm


Việt Nam Cộng Hòa, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc là ấn phẩm đầu tiên do Trung tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ tổ chức thực hiện, bắt đầu từ một Hội thảo ở Đại học California, Berkeley vào tháng 10 năm 2016. Bản tiếng Anh của sách tên là The Republic of Vietnam, 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building, được xuất bản bởi Chương trình Đông Nam Á của Đại học Cornell năm 2019, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Chúng tôi mong bản tiếng Việt sẽ giúp ích cho người Việt ở khắp thế giới và ở Việt Nam có thêm hiểu biết về Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi bản tiếng Anh được xuất bản, bốn tác giả trong sách, ông Phạm Kim Ngọc, Giáo sư Cao Văn Thân, ông Bùi Quyền và Giáo sư Vũ Quốc Thúc, đã qua đời. Chúng tôi biết ơn đóng góp của họ cho sách và cảm thấy hân hạnh đã kịp giúp họ để lại một chút gì đó cho thế hệ sau.


Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Trần Doãn Nho: Một tác giả Hoa Kỳ viết về Văn Học Miền Nam

Bài báo của Anthony Morreale
trên tạp chí Los Angeles Review of Books
(Hình: TDN chụp qua Internet)
Vào ngày 11/11/2021, tạp chí “The Los Angeles Review of Books” (LARB) cho đi một tiểu luận của Anthony Morreale nhan đề là “Nhìn Lại Nền Văn Học Miền Nam Bị Bỏ Rơi” (Abandoned: Reconsidering the Literature of South Vietnam). Mặc dầu có nhiều điểm chúng ta chưa hoàn toàn đồng ý với tác giả, nhưng có thể nói đây là một bài viết thuộc loại khá hiếm hoi với cái nhìn đầy thiện cảm về nền văn học Việt Nam Cộng Hòa của một nhà nghiên cứu Hoa Kỳ. Xin tóm lược một số nhận định của bài viết để giới thiệu cùng bạn đọc.

Sự sụp đổ của Kabul (Afghanistan) mới đây nhắc nhở Morreale đến sự sụp đổ của Sài Gòn gần 5 thập niên trước. Đối với người Mỹ, khi nhắc đến Việt Nam, nó không chỉ ám chỉ một dân tộc ở Đông Nam Á, mà còn quy cho những tranh chấp trong xã hội Hoa Kỳ ở giữa thế kỷ 20. “Những cuộc tranh đấu giữa các chủng tộc, giai cấp, và thế hệ được cô đọng vào một điểm nóng duy nhất và được phóng chiếu vào một con bung xung: Việt Nam.”Ấy thế mà, không những đất nước của những người đã góp xương máu và công lao cho chính nghĩa của miền Nam Việt Nam bị quên lãng mà linh hồn của miền Nam Việt Nam cũng bị phủ nhận. “Đó là lý do tại sao Miền Nam Việt Nam đã bị quên lãng một cách kỳ lạ trong phim tài liệu mới đây như “The Vietnam War” và tuyển tập văn chương như “Other Moons: Vietnamese Short Stories of the American War and Its Aftermath.”

Morreale không chấp nhận thái độ đó. Theo ông, “Để xua đuổi tà ma khỏi thế hệ chết chóc của chúng ta, và cắt dứt khỏi cái vòng chối bỏ luẩn quẩn này,” người Mỹ cần phải thành tâm cầu nguyện cho những linh hồn đã bị bỏ rơi, bằng cách phiên dịch lại văn chương của Việt Nam Cộng Hòa. “Bởi vì văn chương của một dân tộc là cái vỏ thời gian của cảm hứng quốc gia.” Nếu chỉ qua lịch sử mà con người có thể đi xuyên qua hàng thế kỷ để chia xẻ tư tưởng của tiền nhân, thì “văn chương là một phương tiện để giao cảm với linh hồn, để cho linh hồn sở hữu chúng ta, nói chuyện xuyên qua chúng ta và thì thầm lời chứng của họ vào trái tim chúng ta.” Nếu tiếp tục làm ngơ, “chúng ta đã mang họ theo chúng ta với một lương tâm cắn rứt.” Bằng cách thừa nhận họ, bằng cách phiên dịch văn học của họ, “chúng ta sẽ lấy lại được một phần nào cái đã mất của chúng ta, và mở ra một con đường đã đóng đối với con cái họ ở giữa chúng ta trong cộng đồng lưu vong.”

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Đọc “Sống Với Chữ” Của Nguyễn Hưng Quốc

 Tôi rất hân hạnh giới thiệu đến các bạn cuốn sách ‘Sống với chữ’ của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Theo tôi, đây là một trong những cuốn sách hay nhứt về tiếng Việt và viết văn Việt.

‘Sống với chữ’ thật ra đã được xuất bản lần đầu vào năm 2004, nhưng tôi chưa có dịp đọc lúc đó. Mười bảy năm sau, trong lần tái bản này, sách đã có thêm nhiều bài mới và tôi may mắn đọc được. Trong mùa ‘lockdown’ này, ai cũng có thì giờ đọc sách một cách thanh thản để cảm nhận, và dưới đây là những gì tôi có thể chia sẻ cùng các bạn về ‘Sống với chữ’.

Nội dung sách được chia làm 2 phần: phần đầu bàn về tiếng Việt, và phần hai viết về những nhà văn hay tác gia nổi tiếng như Phan Khôi, Mai Thảo, Võ Phiến, Võ Đình, Lê Thành Nhơn, Phạm Công Thiện, và Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi thích cả hai phần. Tác giả là một nhà phê bình tinh tế, đưa ra những nhận xét làm cho người đọc cảm nhận được cái đẹp của tiếng Việt và cái hay của những người lao động chữ nghĩa. Đọc bài nào trong sách cũng thấy mình học được một điều mới, không chỉ mới mà còn thú vị, và nhứt là cách diễn giải cũng lạ và thách thức người đọc.

Đa số chúng ta (người Việt) viết và nói tiếng Việt một cách gần như mặc định. Chúng ta thốt ra những câu nói hay viết ra những chữ một cách tự nhiên. Chúng ta ít khi nào phân tích cái đẹp, cái hay, hay cái dở của con chữ. Tác giả nói rất đúng là chúng ta ít khi nào có một cuốn từ điển tiếng Việt trong tủ sách để tham khảo, có lẽ vì chúng ta nghĩ đã quá rành với tiếng Việt.

Chính vì sự chủ quan mặc định đó mà đa số chúng ta viết tiếng Việt không hay, nói tiếng Việt càng có nhiều vấn đề. Các bạn chỉ cần đọc những bài luận văn của học sinh, sinh viên sẽ thấy họ dùng chữ khá tuỳ tiện, còn cấu trúc câu văn đều có vấn đề. Ngay cả đọc những người người cầm quyền cao nhứt trong nước (hay những kẻ viết diễn văn cho họ) cũng có vấn đề về tiếng Việt: câu văn dài dòng, câu văn ‘đong đưa’, phi logic, dùng chữ sai, và có khi vô nghĩa. Đó là chưa nói đến những cách sáng chế ra những cách nói kì cục (theo tôi) như ‘điều khiển phương tiện giao thông‘, ‘di chuyển‘, hay đổi ý nghĩa của động từ (như ‘liên hệ‘ thay cho ‘liên lạc‘). Có thể nói không ngoa rằng chúng ta đang góp phần làm cho tiếng Việt nghèo nàn hơn.

Nhưng để viết tiếng Việt đúng, chúng ta cần phải hiểu nghĩa của chữ. Và, trong thực tế thì nghĩa của chữ Việt có khi không đơn giản chút nào. Trong bài ‘Tiếng Việt, dễ mà khó‘, tác giả chỉ ra một sự phân biệt làm tôi giật mình: ‘nín thinh’‘làm thinh’:


Phạm Xuân Đài: Vui Ca Xang

Tác giả xin cám ơn Giáo sư Trần Huy Bích đã giúp nhiều tài liệu cần thiết cho bài viết này.

Hình minh họa Chinh Phụ Ngâm do tác giả, 
nhà văn Trùng Dương cung cấp.

Gần đây tôi có dịp xem video của Thúy Nga Paris trình diễn ba bài Hòn Vọng Phu 1, 2 và 3 của Lê Thương. Sự dàn dựng cảnh trí, các màn phụ diễn đều công phu, tạo nên một không khí chinh chiến ngày xưa, và nhất là giọng hát của các ca sĩ đều hay, diễn tả thành công chủ đề mà mình trình diễn.

Tiếc thay trong bài Hòn Vọng Phu 1, lời hát có sai một chữ, nhưng chữ đó lại rất quan trọng, làm biến đổi cả không khí của bài hát mà nhạc sĩ Lê Thương đã cố công dựng nên khi sáng tác Hòn Vọng Phu. Đó là câu nguyên văn của tác giả :

Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn

đã được ca sĩ Thế Sơn hát là :

Vui ca xong rồi đi tiến binh ngoài ngàn

Thật là một sai lầm đáng tiếc.

Chúng ta đều biết Lê Thương thuộc vào hàng nhạc sĩ kỳ cựu của nền tân nhạc Việt Nam, đã bắt đầu sáng tác từ những năm cuối của thập niên 1930 những ca khúc như Bản Đàn Xuân, Thu Trên Đảo Kinh Châu…, và từ đó tiếp tục sáng tác và để lại cho đời một di sản âm nhạc to lớn sau khi ông từ trần năm 1996 tại Sài Gòn, thọ 82 tuổi.

Riêng liên khúc Hòn Vọng Phu 1, 2 và 3 sáng tác trong thập niên 1940 là một tác phẩm rất quan trọng của ông, chất chứa mênh mang âm hưởng và tình cảm dân tộc, được xem như một trường ca đầu tiên của Việt Nam. Có thể nói không ngoa rằng nhạc điệu lẫn lời ca của liên khúc Hòn Vọng Phu đã thấm nhuần trong tình cảm người Việt Nam một cách rộng rãi và sâu xa nhất, có lẽ trong lịch sử của nền tân nhạc chưa dài lắm của đất nước chúng ta chưa có tác phẩm nào đạt được vị trí ấy.

*Song Thao: Ngày Của Phở

Doodle “Ngày của Phở” của Google.

Tính ra tôi đã viết về phở nhiều lần. Chắc chẳng còn chi để viết thêm. Vậy mà lại…phở. Ngày 12/12/2021, vào internet, tìm vào Google bỗng thấy hoa mắt. Chuyện thật sao ta! Cái doodle thường ngày bỗng thay đổi. Hình vẽ cách điệu tô phở nằm giữa chanh ớt, hành ngò, quế hồi đinh. Bộ tây cũng là đệ tử của phở như mình sao? Tây đầm ăn phở là chuyện thông thường. Cứ vào tiệm phở là thấy liền. Nhưng tôn vinh phở bằng cái doodle rất phở của Google quả là chuyện lạ. Đọc hàng chữ phía dưới thấy lý do tại sao Google bỗng tôn vinh phở. “Việt Nam tuyên bố ngày 12/12 là ngày truyền thống của món ăn dân tộc. Đây là một món súp thơm tho với nước dùng đầy mùi vị, hành ngò tươi, thịt thái mỏng, thường là bò hay gà. Cái làm cho món phở nổi bật là một quá trình nấu phở công phu để đạt được nhiều hương vị trong nước phở rất trong. Các thành phần như gừng nướng, hạt thì là, hồi, quế được cho vào nước dùng để tạo thành hương vị cho từng tô phở”.

Doodle này xuất hiện, ngoài phiên bản Việt Nam, còn nơi các phiên bản của 16 nước khác gồm: Áo, Bulgaria, Canada, Tiệp Khắc, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hung, Iceland, Do Thái, Lithuania, Ba Lan, Thái Lan, Anh và Mỹ. Nhìn kỹ danh sách thấy chỉ có một nước Á châu là Thái Lan, kể cũng lạ. Nhất là không có Nhật Bản.


Nguyễn Hưng Quốc: Đi tìm Võ Phiến

Đi tìm nhà văn Võ Phiến, tôi bắt gặp một nhà tuỳ bút. Đi tìm nhà tuỳ bút Võ Phiến, tôi bắt gặp một nhà nghiên cứu. 

Phát hiện đầu không có gì đáng kể. Từ lâu, đã có nhiều người đã nhận ra là, một, sở trường của Võ Phiến nằm ở thể tuỳ bút; và hai, phong cách tuỳ bút bàng bạc trong mọi tác phẩm văn xuôi của ông. Thật ra, hai điểm này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đặc điểm nổi bật nhất của thể tuỳ bút, theo tôi, là ưu thế của giọng văn, hơn nữa, của thứ giọng văn giàu cảm xúc và, đặc biệt, giàu cá tính. Viết truyện, người ta có thể sử dụng lối văn gọn gàng, giản dị, vô ngã, không có màu sắc hay mùi vị gì cả để cho nhân vật dễ cóđược đời sống riêng với những cá tính riêng chứ không phải là những con rối hay những cái bóng mờ nhạt của tác giả. Chính vì vậy, đối với các nhà tiểu thuyết thời 1930-45, ngay cả các nhà tiểu thuyết lớn như Nhất Linh, Khái Hưng, Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng, rất hiếm khi người ta đề cập đến giọng văn. Không phải tại những tác giả ấy viết không hay. Hay, nhưng cái hay ấy không phải là yếu tố hàng đầu làm nên cái lớn của họ. Với các nhà tuỳ bút thì khác. Nhắc đến Nguyễn Tuân, chẳng hạn, hầu như ai cũng nhắc, trước hết, đến một giọng văn hết sức điệu đàng và khinh bạc. Sau này, nhắc đến Mai Thảo, người ta cũng nhắc đến một giọng văn mượt mà với những kiểu ngắt câu lạ, rất gần với thơ; nhắc đến Vũ Bằng, người ta cũng lại nhắc đến đến giọng văn tha thiết và sôi nổi của ông về từng món ăn hay từng kỷ niệm cũ. Với Võ Phiến, cũng thế; nhắc đến ông, người ta cũng lại nhắc đến một giọng văn phóng túng và dí dỏm, chứa đựng rất nhiều khẩu ngữ, như một lời trò chuyện linh động, duyên dáng, thân mật và vô cùng lôi cuốn. 

Ưu thế của giọng văn, thực chất, là ưu thế của nhu cầu tự bộc lộ và tự thể hiện: viết tuỳ bút là một cách bày tỏ trực tiếp cảm xúc và thái độ của mình, là xem tính chất phong phú và độc đáo của sự liên tưởng là tiêu chuẩn thẩm mỹ chính của việc viết lách, là đặt cái tôi của mình vào vị trí trung tâm của tác phẩm, hay nói theo Nguyễn Mộng Giác, là làm “một người khoả thân ngay giữa chợ” [1]. Nhu cầu tự bộc lộ và tự thể hiện ấy khiến nhà tuỳ bút dễ có khuynh hướng xâm phạm vào “quyền sống” và “quyền độc lập” của nhân vật, đẩy truyện ngắn và truyện dài đến gần với tuỳ bút và làm nhoè đi ranh giới giữa các thể loại. Điều này có thể thấy rõ ở Nguyễn Tuân qua các tác phẩm được gọi là truyện dài và ký sự, và càng rõ hơn nữa, ở Võ Phiến qua nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Dưới ngòi bút của Võ Phiến, không những truyện ngắn mà cả các bài phê bình và lý luận cũng đều phảng phất hình dáng của tuỳ bút; ở đâu cảm xúc cũng tràn lên giọng văn; ở đâu giọng văn cũng nổi lên như một yếu tố chủ đạo trong phong cách; và ở đâu phong cách cũng trở thành trung tâm của nghệ thuật ngôn từ. Có thể nói, đằng sau nhà văn, nhà phê bình và nhà lý luận văn học Võ Phiến đều có một nhà tuỳ bút. Đằng sau cây bút bình luận chính trị, xã hội, ngôn ngữ và văn hoá Võ Phiến cũng có một nhà tuỳ bút. Nhà tuỳ bút ấy chi phối toàn bộ cách hành ngôn và giọng điệu của nhà văn Võ Phiến. 

Nhưng đằng sau nhà tuỳ bút Võ Phiến là ai?


Khánh Hà: Ngọn đèn - Những vì sao

Hình minh hoạ FelixMittermeierPixabay

Ngọn đèn


Trong màn đêm tối đen
Lấp lánh một ngọn đèn
Im lìm đứng soi sáng
Đêm đêm thức cùng em

Bao người đã khuất bóng
Không gian cách vạn trùng
Thời gian là muôn kiếp
Vẫn như đang trùng phùng

Cứ như thế, như thế
Trời đất luân chuyển mùa
Người đi dần hết kiếp
Về lại cội nguồn xưa

Hạt bụi gió cuốn đi
Còn lại vết tích gì
Bao hạnh phúc, đau khổ
Hội ngộ và chia ly…

Nhẹ như cơn gió thoảng
Êm như hạt sương rơi
Cõi an bình tịch diệt
Tâm thức chợt sáng ngời

Những vì sao


Ngày xưa khi còn trẻ
Anh rủ em ngắm sao
Những vì sao lấp lánh
Diễm tuyệt trên trời cao

Đêm nào giữa sa mạc
Chi chít một trời sao
Ta nhỏ bé dường nào
Giữa bao la vũ trụ

Và đêm trên đại dương
Tàu đi như trong mộng
Ta như hai con nhộng
Quấn chăn làm kén tơ

Chỉ chừa đôi mắt mở
Ngước nhìn muôn vì sao
Biển và gió rì rào
Ta lắng nghe, không nói

Có cần lời nào không
Ta còn hay đã mất
Chỉ là chút bụi đất
Thể nhập vào mênh mông.



Hoàng Quân: Thoáng hương mùa cũ


Trang Vở Cũ – Tranh Hoàng Thanh Tâm

Mùa lễ, đám con nít gặp nhau ở nhà ông bà Ngoại, vui mừng tở mở. Đêm nào chúng cũng thức khuya lắc, khuya lơ. Sáng dậy trưa trật, trưa trờ. Mở mắt, mở miệng, như bầy tằm ăn rỗi. Chúng lau chau một hồi là tủ lạnh láng o. Chúng sục sạo tủ này, tủ kia, hỏi, chúng trả lời: “Kiếm cái chi tào lao ăn cho đỡ buồn miệng”. Nhà bếp bày biện nấu nướng linh đình, hết bánh cuốn, bánh canh đến cơm chiên, mì xào. Khi nhà bếp tuyên bố, hôm nay mời món bún ốc, đám trẻ uể oải: “Thôi, con nhịn đói”, “Con ăn chips cho no cũng được”. Bỗng đâu, giọng oanh vàng thỏ thẻ:

-Lâu lắm rồi mình chưa đi ăn nhà hàng.

Thế là có ngay dàn hợp xướng:

-Đúng rồi! Bữa nay người lớn đãi con nít ăn nhà hàng Mỹ.

Nhà hàng sang trọng đây là tiệm ăn của cháu chắt mấy đời ông Mạc Đĩnh Chi: ông Mỹ Mạc-Đô-Nô. Trong nhà, ai nấy bận rộn. Chỉ có Quỳnh Tương bị “ế độ” thôi. Bởi vậy, mọi người nhanh chóng có ngay quyết định. Người lớn Quỳnh Tương sẽ dẫn bầy cháu ra McDonald's để chúng chạy ngoài trời cho giãn gân, giãn cốt. Rồi vào tiệm nạp năng lượng với những big mac, hamburger, những shake này, shake kia.

Ngô Nguyên Dũng : Vui buồn cùng Đặng Mai Lan và tạp văn "Người Lạ, Người Quen"

Đặng Mai Lan viết không nhiều. Tạp văn "Người Lạ, Người Quen" là tác phẩm thứ ba của chị, Văn Học Press ấn hành năm 2018, sau hai tập truyện "Phòng 111", Văn xuất bản năm 2000, và "Tập Sống", Văn Mới ấn hành năm 2009. Quyển này cách quyển kia đúng 9 năm.

Tôi không có cơ hội đọc nhiều những sáng tác của chị, bởi một lẽ rất dễ hiểu, chúng tôi viết cho những tạp chí văn chương khác nhau, ngoại trừ nguyệt san Văn Học trước đó, thuở cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác còn làm chủ bút. Tôi chỉ nhớ, đã đọc qua một vài truyện ngắn của chị trong Văn Học: Những dòng văn chương buồn bã, mênh mang tâm sự, gần như ảm đạm, chuyên chở những phiền muộn, mất mát trong đời sống của nhân vật chính. Văn phong của Đặng Mai Lan đẹp như những bức họa ngôn ngữ nhiều sắc lạnh. Giữa những dòng chữ là một chuỗi nốt trầm, gợi lên trong tâm tư người đọc những âm thanh vĩ cầm thê thiết. 

Chỉ vậy thôi. 

Cho tới vài năm trước đây, sau khi tôi tạo trang Facebook cá nhân và có dịp được kết bạn với chị. Thỉnh thoảng chúng tôi nhắn tin hỏi thăm nhau và gởi sách cho nhau đọc. Không hiểu sao, Đặng Mai Lan đã cho tôi cảm tưởng, cuộc sống tâm tình của chị đã có nhiều thay đổi lạc quan. "Người Lạ, Người Quen", có lẽ, là quyển sách được viết cho một khởi đầu khác của ngòi bút Đặng Mai Lan.

*

"Người Lạ, Người Quen" gồm 143 trang sách với 15 đoản văn, Đặng Mai Lan viết về những "người quen" là những khuôn mặt văn nghệ thân quen hay bạn bè của chị và những "người lạ", mà chị đã tình cờ gặp gỡ hay đã được chị tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông. 


Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Trần Mộng Tú: Bình An Dưới Thế

Hình minh hoạ, FreePik


Chơ vơ giữa cánh đồng lạnh giá
có một hài nhi sắp ra đời
cây rung tay lá vẫy nhau gọi
mặt đất rùng mình tuyết sắp rơi
mấy con bò đang phà hơi thở
mấy chú cừu đang kêu o, oe
có người cha mặt đầy lo lắng
có người mẹ hai mắt đỏ hoe

Trên trời cao có vì sao lạ
trong không gian có mộc hương bay
hình như có tiếng thiên thần hát
có tiếng chân ai bước đến đây
hình như em bé cất tiếng khóc
có hai người nhìn nhau mỉm cười

Chúng con bầy mục tử lưu lạc
nối tay nhau trong cánh đồng sương
ngợi khen Thiên Chúa cao cung hát
xin bình an đến với quê hương.

tmt (12/2009)


NHÂN LỄ GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2022

Diễn Đàn Thế Kỷ thân chúc các Bạn Văn, Độc Giả và Gia Đình 

Lễ Giáng Sinh An Bình Vui Vẻ và Năm Mới 2022 tràn đầy Sức Khoẻ và Thành Công.




Rebecca Denova: Sử gia cổ đại Do Thái Josephus viết gì về Kytô giáo/Đạo Cơ Đốc? (Josephus on Chistianity- Dịch giả: Nguyễn Văn Thực)

Macintosh HD:Users:thucvannguyen:Documents:Skjermbilde 2021-12-21 kl. 06.57.25.png

Rebecca I. Denova, Tiến sĩ, Cựu Giáo sư môn Kytô giáo thời kỳ sơ khai, môn tôn giáo học, Đại học Pittsburg, Mỹ. Bà mới hoàn thành cuốn sách giáo khoa: “Những nguồn gốc của Kytô giáo và Tân Ước”, NXB Wiley-Blackwell.

Dịch giả: Nguyễn Văn Thực, cộng tác viên lâu năm của báo giấy Thế Kỷ 21, và Diễn Đàn Thế Kỷ online trong lãnh vực sáng tác và dịch thuật. 

Nguồn:

Macintosh HD:Users:thucvannguyen:Documents:Skjermbilde 2021-12-21 kl. 06.44.42.png

https://www.worldhistory.org/article/1848/josephus-on-christianity/

Bài báo: 

Titus Flavius Josephus (36-100 CE), sử gia người Do Thái, là nguồn tài liệu chính giúp ta hiểu Do thái giáo vào Thời kỳ xây dựng đền thờ lần thứ hai (khoảng 515 Trước Công Nguyên:TCN)). Và trong những thập niên cuối của thế kỷ I Sau Công Nguyên (SCN), Ông viết Chiến tranh Do thái/ The Jewish WarLịch sử cổ đại của Người Do Thái/ Antiquities of the Jews/; Chống Apion/Against Apion,Cuộc đời của Flavius Josephus/ The Life of Flavius Josephus.

Những chứng từ sử liệu và chứng từ chứng kiến tại chỗ của ông vẫn còn thiết yếu cho sự nghiên cứu sử cảnh dẫn đưa tới những nguồn gốc của Kytô giáo

Hình1: Cuốn Lịch sử cổ đại của Dân Do Thái
/Flavius Josephus

Flavius Josephus

Flavius ​​Josephus tên khai sinh là Yosef ben Matityahu, thuộc một gia đình tư tế ở Jerusalem nhờ cha của ông (nhà và dòng dõi Jehoiarib), và mẹ là người gốc hoàng tộc (Hasmonean). Ông được đào tạo tại Giêrusalem và rất có thể có chung hệ tư tưởng và có thiện cảm với nhóm người Pharisiêu. Ông bị coi như một trong những người Do Thái phản bội nhất, và những người theo Kytô giáo là những người đã lưu giữ các tác phẩm của Josephus cho hậu thế. Trong Cuộc nổi dậy lớn của người Do Thái năm 66 CN, Josephus được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy vùng Galilê. Ông ta trở nên nổi tiếng (và khét tiếng) vì đã trở cờ (theo phe La Mã – ND) trong cuộc vây hãm (của quân La Mã – ND) ở Jotapata. Ông dự đoán đúng là tướng chỉ huy La Mã/Roma, Vespasian (69-79 CN) sẽ trở thành hoàng đế La Mã. Vespasian đã tha mạng cho Josephus và Josephus trải qua phần còn lại của cuộc chiến với tư cách là cố vấn cho Titus, con trai của Vespasian (79-81 CN). Titus, cuối cùng, đã phá hủy Jerusalem và quần thể Đền thờ vào năm 70 CN. Sau chiến tranh, Josephus di cư đến Rome, nơi ông có quyền vào và truy cập các kho lưu trữ, và viết các sách lịch sử của mình. Các tác phẩm của Josephus rất quan trọng đối với một số lĩnh vực: Đạo Do Thái ở Thời kỳ Xây dựng Đền thờ lần thứ hai (vào khoảng năm 515 TCN -ND), các nguồn thông tin cơ bản về Kytô giáo Thời sơ khai, các chi tiết lịch sử về các vị vua chư hầu của Đế quốc La Mã ở phương Đông, và dòng dõi của các hoàng đế Julio-Claudian ở La Mã. Josephus bị coi là một trong những kẻ phản bội tồi tệ nhất của người Do Thái. Những người theo Kytô giáo là những người đã lưu giữ những tác phẩm của ông cho hậu thế bởi vì ông đã viết về Gioan Tẩy giả/John the Baptist, tường thuật về cái chết của anh/em trai/brother của Giêsu/Jesus, là Giacôbê/ James, và viết một đoạn chính về Giêsu/Jesus.