Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Phản ứng của quốc tế trước bản án 9 năm tù đối với bà Phạm Đoan Trang

1. Mỹ, Anh, Canada và các nước khác đồng loạt phản đối bản án 9 năm tù đối với bà Phạm Đoan Trang


15/12/2021
VOA Tiếng Việt
Nếu chúng ta đang sống trong một xã hội có tự do, có phẩm giá, có công lý, có dân chủ thì những người như Đoan Trang sẽ có một vị trí đáng ngưỡng mộ trong xã hội.
Huy Đức

***

Tôi chỉ lo là có sống được để làm việc [viết sách, góp phần vào cuộc đấu tranh vì dân chủ] hay không, bởi vì với cách đàn áp này thì chắc họ muốn giết hết những người như chúng tôi.
Phạm Đoan Trang

Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang tại tòa ngày 14/12/2021. Photo screenshot từ ANTV via YouTube.

Ngay sau khi nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bị chính quyền Hà Nội tuyên án 9 năm tù vào ngày 14/12, Mỹ, Anh, Canada và hàng loạt các quốc gia phương Tây lên tiếng phản đối bản án này và kêu gọi chính quyền trả tự do ngay lập tức cho bà.

Trần Mộng Tú: Nếu Em Già

Hình minh hoạ S. Hermann & F. Richter,  Pixabay

Nếu em già vào ngày mai
em hứa với anh
em sẽ không tô môi son đỏ nữa
em sẽ cho đi những đôi giầy cao gót
em sẽ không còn mặc áo hở vai

Nếu em già vào hôm nay
em hứa với anh
dù ngoài trời đang lất phất mưa bay
em sẽ không đòi lang thang trên phố
em sẽ không đòi ăn kem trong mùa đông
em sẽ không uống trà xanh trước khi đi ngủ
không trèo lên con dốc sau nhà để hái một đóa hoa
không chạy vội ra sân nghiêng tai nghe trời trở gió

Nếu em già ngày hôm qua, hôm nay và cả ngày mai nữa
em hứa với anh
như những người già thực thụ
em sẽ sống thong thả từng ngày
từ từ vui
và rón rén buồn
cười khẽ khàng
và khóc như sương
Sương như ngọc và trong như lệ

Nhưng anh ạ
có một điều em không thể hứa
sẽ bỏ Thơ khi đến tuổi già
vì trong hồn em có một đóa hoa
vẫn thi thoảng
nở ra từng cánh
rồi khẽ khàng rơi xuống môt câu thơ

rơi rất khẽ
chỉ một mình em biết.

tmt
Sinh Nhật Dec.19. 2021


Ngô Thế Vinh: Dohamide - Giấc Mơ chàm Và Bangsa Champa


Hình 1: từ trái, cây bút chuyên khảo văn minh Champa trên tạp chí Bách Khoa Dohamide, chủ nhiệm Bách Khoa Lê Ngộ Châu, Ngô Thế Vinh, nhà văn Võ Phiến. [hình chụp 1994 tại Little Saigon, tư liệu Ngô Thế Vinh] 



TIỂU SỬ

Dohamide, người gốc Chăm, sinh năm 1934 tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang), có thêm ba bút hiệu nhưng ít được biết đến: Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang. Khi Dohamide có bài viết đầu tiên Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1962, Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã giới thiệu anh với độc giả như sau:


“Bạn Dohamide, tác giả loạt bài sau đây, là người gốc Chàm, sanh tại làng  Katambong, Châu Đốc (An Giang). Bạn đã có can đảm thoát ly những ràng buộc khắt khe của tập tục địa phương để lên thủ đô Sài Gòn vừa đi làm nuôi gia đình vừa đi học, và hiện nay bạn đã tốt nghiệp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ngoài tiếng Chàm là tiếng mẹ đẻ, bạn Dohamide biết nói và viết các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt, những thứ tiếng này đã giúp bạn Dohamide rất nhiều trong những thiên khảo cứu như trình bày với bạn đọc.” [Bách Khoa, số 135, 15/8/1962]


Phạm Tín An Ninh: Giai nhân tự cổ

(Viết tặng những giai nhân trường Nữ, và để tưởng nhớ một người...)


“O sinh ra tận mô ngoài Huế
Hà cớ gì trôi dạt tới Nha Trang
Để một “thằng Võ Tánh”phải lang thang
Đem cây si trồng trước sân trường Nữ”

Nhờ bài thơ với bốn câu mở đầu không đâu vào đâu này, tôi bất ngờ nhận được điện thư của một người có tên Van Loubet từ một nơi nào đó gởi ngợi khen và hỏi tôi có phải là cậu bé nhà quê ngày xưa vào Nha Trang, có thời trọ học ở một con hẻm lớn trên đường Phương Sài. Tôi khá ngạc nhiên, vì bài thơ tôi viết vội chỉ để gởi đăng trên Đặc San Võ Tánh&Nữ Trung Học Nha Trang (*), nhân dịp đại hội cựu học sinh hai ngôi trường này tổ chức tại Houston hơn hai năm trước đó, mùa hè năm 2005; và cái tên người gởi, Van Loubet rất xa lạ, có thể chỉ là một nick- name, không phải tên thật. Thấy một số chi tiết trên mẫu điện thư ghi bằng tiếng Pháp, tôi tò mò, tìm hiểu cái họ Loubet, được biết đó là họ của ông Émile Loubet, thủ tướng thứ 45 của nước Pháp và sau đó trở thành tổng thống (năm 1906)! Tôi giật mình, làm sao tôi có thể quen biết với một người thuộc “danh gia vọng tộc” tận bên trời Tây?

Hồi âm và hồi hộp đợi chờ. Mãi đến hai hôm sau, nhận được thư trả lời, tôi mới vỡ lẽ, nhưng rồi lại có thêm nhiều điều ngạc nhiên khác. Người viết thư cho tôi là chị Bích Vân, bà chị cả của “O Huế” trong bài thơ tôi viết. Chị sang Pháp vào những ngày Sài Gòn trong cơn hấp hối, và bảy năm sau, lập gia đình với một người Pháp có dòng họ với ông tổng thống từ năm 1906 này. Chị cho tôi biết đã vô tình đọc được bài thơ “O Huế Ngày Xưa” của tôi trên diễn đàn của trường Đồng Khánh, mà chị là một thành viên. Trước khi chuyển vào trường Võ Tánh-Nha Trang, chị vốn là một nữ sinh Đồng Khánh. Sau đó chị thử vào Google gõ tên tôi thì tìm ra cả trang Web, có cả địa chỉ email của tôi trong đó. Chị còn bảo, sở dĩ chị đoán ra tôi một phần là do nội dung bài thơ, phần khác chính là nhờ cái tên của tôi đã làm chị dễ nhớ. Điện thư chị viết khá dài, lại không có dấu nên khó đọc, nhiều chữ phải đoán mò. Tôi cố đọc đi đọc lại vài lần mong tìm xem có tín hiệu nào về “O Huế” của tôi, nhưng hoàn toàn không thấy. Phía dưới email, chị cho số điện thoại và dặn tôi gọi cho chị vào cuối tuần, khoảng sau bốn giờ chiều thứ bảy, để chị em tâm sự nhiều hơn.


Trịnh Thanh Thủy: Cung Tích Biền điên tỉnh giữa "Một thời nên vắng mặt"

“Tôi có một kho tàng sống qua mấy thời kỳ. Chỗ giáp ranh của thực hư, chính tà. Nửa tỉnh nửa điên...”.

Cung Tích Biền.

Trong tiết đông giá rét, mọi người đang chờ đón Giáng Sinh năm 2021, Quận Cam cũng hân hoan chào mừng một đứa con tinh thần mới ra đời. Ấp ủ và cưu mang tác phẩm tinh thần này suốt thời gian sống tại hải ngoại, nhà văn Cung Tích Biền cuối cùng đã giới thiệu đến các độc giả, tác phẩm "Một thời nên vắng mặt" của mình, một chiều cuối năm tại Coffee Factory.

Gần 60 bạn hữu thân quen của ông đến dự, ngồi chật kín quán cà phê, phả vào không gian thơ mộng một bầu không khí thân mật và ấm cúng. Đây là lần ra mắt sách thứ nhì sau lần ra mắt trước cách đây 2 tháng. Lần trước ông giới thiệu 5 cuốn sách và lần này là cuốn Tân Truyện được viết trong 5 năm ông sống tại Hoa Kỳ.

Hiện diện trong buổi RMS có nhiều văn nghệ sĩ như: Trịnh Y Thư, Tô Đăng Khoa, Lê Lạc Giao, Thuận Huỳnh, Trương Đình Uyên, Nguyễn Đình Trí, Phùng Minh Tiến, Vũ Hoàng Thư, Nguyễn Thị Khánh Minh, Thanh Lương, Thu Vàng, Thân Trọng Mẫn, Đặng Thơ Thơ, Hồ Như, Nguyễn Đình Thuần, Đặng Phú Phong, Lê Giang Trần, Cao Bá Minh, Nina Hòa Bình, Phan Tấn Hải,Nguyễn Thanh Huy, Phạm Phú Minh, Thành Tôn, ÔB Mai Tất Đắc, Vương Trùng Dương, Lê Phước Bốn, Đinh Quang Anh Thái, Đinh Xuân Quân…

Lâm Vĩnh Thế: Những Sắc Thái Riêng Biệt Trong Tín Ngưỡng Dân Gian Miền Nam

 Người Việt Nam nói chung là một dân tộc rất coi trọng tín ngưỡng.  Ngoài việc thờ cúng tổ tiên trong nhà, người Việt Nam còn thờ phượng rất nhiều thần linh trong nhiều cơ sở tôn giáo khác nhau, trong đó Đình là một cơ sở mang đặc tính văn hóa tiêu biểu của người Việt.  Mỗi làng, đơn vị dân cư căn bản của người Việt, đều có một ngôi đình để thờ Thành Hoàng bổn cảnh, vị thần được sắc phong của vua có nhiệm vụ che chở cho dân làng.

Tổ tiên của người Việt vùng Đồng Bằng Đồng Nai - Cửu Long (sau đây sẽ viết tắt là ĐBĐNCL), những lưu dân từ Đàng Trong đã vào khai phá, lập nghiệp ở vùng này trong các thế kỷ 17 và 18, cũng đã tiếp tục truyền thống văn hoá Việt này.  Họ cũng lập làng, dựng đình và thờ Thành Hoàng.  Tuy nhiên, cũng giống như trong các nét văn hoá khác trong vùng ĐBĐNCL, những lưu dân này đã tạo ra những biến đổi trong văn hoá Việt về phương diện tín ngưỡng.[1]

Bài viết này cố gắng ghi lại những sắc thái riêng biệt của văn hoá tín ngưỡng dân gian trong vùng ĐBĐNCL. 

Những Cơ Sở Của Biến Đổi Văn Hóa

Biến Đổi Tâm Thức Của Những Lưu Dân

Theo dòng Nam Tiến của dân tộc, những lưu dân Đàng Trong trong quá trình xuôi Nam này, do hoàn cảnh phải đương đầu với những khó khăn lớn lao về mọi mặt, đã phải tự tạo cho mình một bản lãnh anh hùng độc đáo, dám nghĩ, dám làm, hoàn toàn không quá câu nệ vào tập tục truyền thống.  Cá tính phóng khoáng này, mà người viết xin tạm gọi là vượt qua tâm thức lũy tre xanh, một phần nữa cũng do ảnh hưởng địa lý của vùng đất mới đem lại.  Cái không gian mênh mông, hùng vĩ, như của thời hồng hoang, (mà Châu Đạt Quan, sứ thần nhà Nguyên (thế kỷ 13), đã mô tả trong quyển Chân Lạp Phong Thổ KỶ của ông như sau: “Trên các dải đồng hoang, hàng trăm ngàn trâu rừng tụ họp thành bầy, đàn” [2]) của ĐBĐNCL làm sao không ghi lại những dấu ấn đậm nét trong tâm thức của những lưu dân này.  Cụm từ “địa linh nhân kiệt” mang một ý nghĩa vô cùng thực tiễn trong trường hợp này.


Nguyễn Đức Tùng: Cuốn Sách Đầu Tiên

Cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc khi ở ngoài đất nước là một món quà. Tôi hoàn toàn không biết người gửi. Tôi tìm thấy nó dưới tấm thảm cũ góc nhà trong khu tạm giam gần thủ đô Bangkok. Tôi thức dậy trước khi trời sáng, không ngủ được, bồn chồn, cảm giác có vật cộm lên dưới gót chân. Đó là cuốn sách rách bìa nhưng bên trong còn tốt, giấy ố vàng nhưng chữ đọc được. Cuốn sách không nằm đó một mình, không nằm đó một cách cô độc, nó nằm chờ ở đó như người bạn chờ người bạn. Cuốn sách như tác phẩm nghệ thuật được một nghệ sĩ để lại trên đường đi, vì quá nặng, hay cố tình để lại cho người đến sau. Cuốn sách ấy như một nhân vật, không yêu ai, không phụ ai, không chú ý đến người nào, nằm im lặng ở đó nhưng đã học quá nhiều điều từ những năm tháng tối tăm, biết bao người đi qua, dừng lại, nằm xuống, nằm xuống mãi, không ai nhìn thấy vì nó nằm ở chỗ lõm sâu nhất của sàn xi măng lạnh lẽo. Cuốn sách không được phê bình, không được mang tới, kiên nhẫn như tác phẩm vĩ đại, như kho tàng chôn giấu kỹ, là vật duy nhất còn sống sót dưới đống gạch đá của ngôi nhà tan nát vì chiến tranh. Nó ở đó, lưu giữ ký ức của loài người, sự sinh thành các tính cách, tham lam và ích kỷ, cao thượng và hy sinh, dằng dặc nỗi buồn của tình yêu của ba người đàn ông.

Đó là ba anh em nhà Karamazov, trong cuốn The Brothers Karamazov, bản dịch tiếng Anh khoảng năm 1960. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Nga Fyodor Dostoevsky, được viết những năm cuối của đời ông. Trước đó tôi chưa đọc cuốn này, cả trong tiếng Việt, mặc dù có nghe nói đến bản dịch, nhưng tôi có đọc Tội ác và Trừng phạt, đọc loáng thoáng, ba lơn, không thích vì không hiểu, tối tăm so lối văn trong sáng mà tôi vẫn yêu thích thời ấy. Nhưng tôi không có chọn lựa nào khác. Không có từ điển trong tay, tôi quyết định đọc nó, khổ sở, hoang mang, tức giận. Đọc chậm, từng chữ, đánh vần, rồi đọc lại cả mệnh đề rồi cả câu, vừa đọc vừa đoán, vừa đọc vừa tưởng tượng, cũng có nhiều chữ gần với tiếng Pháp, sinh ngữ của tôi, nên tôi suy ra được. Tôi đoán nghĩa của chúng dựa vào liên tưởng, lờ mờ hình dung các nhân vật, lời nói cử chỉ của họ, các tranh luận dài dằng dặc của họ. Tính chất cực đoan của tác giả, những cuộc đối thoại vừa gay go vừa ly kỳ bắt đầu quyến rũ tôi, sự nhạy cảm của nhà văn, sự xung đột của các tính cách, nỗi khổ đau của họ, tình yêu của họ. Thực sự là một tiểu thuyết lớn có tính triết học với những câu hỏi về các giá trị, sức mạnh của lòng tin, và sức mạnh của sự nghi ngờ, tranh cãi. Sự thách thức và sự bảo vệ tự do. Các cuộc chiến tranh bắt buộc và các cuộc chiến tranh có thể tránh được.

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

CHIA BUỒN

Được tin Giáo sư Phê rô ĐÀM TRUNG PHÁP

Đã từng là :

Giám Đốc Trung Tâm Sinh Ngữ thuộc Viện Đại Học Sài Gòn

Giáo sư trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn

Professor of Linguistics Emeritus, Texas Woman’s University

Chủ biên Tập san VIỆT HỌC Journal

Đã đóng góp nhiều bài vở giá trị cho Diễn Đàn Thế Kỷ trong các năm qua

đã qua đời vào ngày 3 tháng 12 năm 2021, tại Laguna Woods, Orange County, California.

Hưởng thọ 81 tuổi.

Diễn Đàn Thế Kỷ thành kính chia buồn cùng tang quyến và cầu chúc Linh hồn Phêrô Đàm Trung Pháp sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.

Tuấn Khanh: Cô gái vót chông, hay là hội chứng “khổ dâm” Việt-Mỹ

Câu chuyện của nữ thí sinh hoa hậu Miss World đi thi trên vùng đất thuộc lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ (Unincorporated territories), nhưng cất lên bài hát chống Mỹ, là minh họa rõ nét nhất của mối quan hệ vật vã Việt Mỹ lúc này. Mối quan hệ được nhìn thấy rõ nét hai chiều “khổ dâm” của một nhà cầm quyền: Thích nhích lại gần Mỹ nhưng luôn hô hào chống Mỹ và tận dụng mọi cơ hội để phủ nhận nước Mỹ.

Việc quyết định sắp xếp bài hát có nội dung chống Mỹ cho một thí sinh dự thi quốc tế, chắc chắn là có suy xét nhiều thứ từ những người ở Hà Nội, “những người” mà trong cuốn hồi ký Nothing Is Impossible của cựu Đại sứ Ted Osius vẫn ám chỉ, là một phía của phe bảo thủ vẫn còn muốn ôm ấp những kỷ niệm chiến tranh, không thể rời bỏ. Bởi đơn giản, nếu lấy đi phần đó trong cuộc đời của họ, sự tồn tại của họ trong thể chế hôm nay là vô nghĩa.

Phía bảo thủ trong nội bộ cầm quyền Việt Nam – câu hỏi là bao nhiêu? Và họ quan trọng như thế nào, đến mức những hình thức chống Mỹ quái gở vẫn phải được giữ gìn qua các hoạt động ngày thường? Một dư luận viên rời bỏ vị trí, kể rằng anh ta được gọi vào nhóm xây dựng các kênh trá hình kể chuyện lịch sử, hay những câu chuyện chiến tranh Việt Nam trên YouTube, TikTok…, với những phim tư liệu mang nội dung chống Mỹ, chê bai Việt Nam Cộng Hòa, ngợi ca quân đội Bắc Việt… Tất cả được cung cấp sẵn, chỉ cần đọc, post hình ảnh lên các kênh và kéo link cho các nhóm dư luận viên phong trào tràn vào like và ca ngợi. Ngôn ngữ trong đó thì thoải mái chửi bới, áp đảo tinh thần của những ai vô tình lạc vào nói lại, đính chính những điều bị bóp méo.

“Em thấy mình không theo nổi trò đó, vì mọi thứ đều bị xuyên tạc”, bạn dư luận viên đó nói về quyết định rời bỏ của mình. Những gì được kể từ bạn ấy, cho thấy từ việc sửa Wikipedia, cho đến các kênh viết lại lịch sử và phong trào tham gia bình luận, đều có những chỉ đạo rất cụ thể.

Trần Mộng Tú: Nữ Thi Sĩ AiDa và Thơ

Từ những câu thơ chúng tôi ngước nhìn
Như tù nhân đã bị bịt mắt
Được gửi đi tìm ánh sáng
Nhưng ánh sáng chẳng bao giờ tới
Một cây kim và sợi chỉ sẽ cần thiết
Để hoàn thành bức tranh
Để nhìn thấy những sinh vật tội nghiệp, những kẻ khốn khổ
Đó là một con diều hâu
Đôi mắt đã bị khâu.

Bài thơ trên do Thi sĩ Ai-Da sáng tác.

Vậy Ai-Da là ai và từ đâu tới?

Ai-Da và Bố Aidan Meller
Ai-Da là con đẻ của Aidan Meller ở Oxford, miền trung của nước Anh. Ai-Da là một nghệ sĩ người máy cực kỳ hoàn mỹ và giống thực tế đầu tiên trên thế giới. Cô vừa trình diễn một buổi đọc thơ trước công chúng, tại Bảo Tàng Ashmolean nổi tiếng của Đại Học Oxford nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Dante. Bằng những câu thơ cô sáng tác căn cứ vào những dữ kiện cô thu thập được từ sử thi “Divine Comedy” của nhà thơ, mà Aida đã tích lũy được toàn bộ vào bộ nhớ của mình, sau đó với tài năng điện toán ưu việt cô lấy ra những mẫu lời nói của Dante làm thành bài thơ của riêng mình.

Bài Thơ trên của Cô đã được cha cô, ông Meller khen ngợi là sâu sắc.

Khi nói về người máy, về Robot người ta thường liên tưởng đến những phim ảnh bạo động. Người ta quen nghĩ như thế hằng bao nhiêu năm nay và mặc nhiên cho rằng những robot này chỉ thuộc về một thế giới hãi hùng đen tối nào đó trong phim ảnh và tiểu thuyết, và những người tạo dựng ra những người máy này một phần nào cũng bị cho là có đầu óc lệch lạc.

Một ngày đẹp trời nào đó bỗng thiên hạ tự nhiên được thưởng thức một “Thi Sĩ Robot” đọc cho nghe một đoạn thơ “Đầy thơ và Đầy cảm xúc”.

Như thế, người ta bỗng thấy yêu đời và tin người hơn.

*Song Thao: Trường Kỳ - Sống Để Ăn

 “Sống để ăn” là châm ngôn của ông Trường Kỳ. Thời ở Việt Nam trước năm 1975, ông là “vua hippy”, “vua nhạc trẻ”, nghênh ngang một cõi. Tôi không thích chế độ quân chủ nên không quen ông vua này. Qua tới Montreal, ông…thoái vị để làm một ông vua khác, “vua đớp hít” tôi mới quen ông. Ông hú là có tôi, tôi hú là có ông. Nói vậy nhưng chuyện ông hú thì lia chia mà tôi hú thì như lá mùa thu. Tôi theo sao kịp đức tính đớp hít của ông!

Nhà ông vua đớp hít không có phòng ăn. Ông cho biết phòng ăn của ông nằm ở hai tiệm, tiệm Phở Dakao cho buổi sáng và tiệm Kiều Anh cho buổi chiều tối. Cả hai tiệm đều chỉ cách nhà ông vài bước chân. Chính vì hai cái phòng ăn này mà ông nhất định không chịu di chuyển nhà mặc dù ông có thừa khả năng ở một chỗ tiện nghi hơn là cái appartement phải leo chiếc cầu thang thẳng đứng như đường lên trời.


Tiệm Phở Dakao do một ông Đốc sự Hành chánh làm chủ. Phở bò của ông này có vè giòn rất ngon. Ông vua đớp hít hầu như ngày nào cũng đóng đô ở đây. Gặp ngày ông ể mình, không thân hành ra được thì ông Đốc sự Hành chánh cho người bưng phở tới tận nhà cho ông thời. Ngày nào cũng phở, có là vua đớp hít cũng muốn đổi món, có thể vì vậy nên ngoài món phở bò nổi tiếng, ông Phở Dakao đã phải thêm vài món bún trong đó có bún thang mà tôi đồ chừng do ông Bắc kỳ tên Kỳ đề nghị. Hồi chúng tôi còn viết cho tờ báo tuần Thời Báo ở Montreal, Toronto và Vancouver, tòa báo ở Montreal thường gửi báo biếu tại tiệm này để chúng tôi tới lấy. Riêng ông Trường Kỳ còn được nhà báo gửi nhuận bút bằng tiền mặt cho ông Đốc sự trao giùm. Chuyện tiền bạc là chuyện thầm kín, tôi không biết rõ là ông Đốc sự có phải trao không hay giữ để trừ dần vào tiền phở. Ông Đốc sự nấu phở nhưng ông Trường Kỳ là cố vấn tối cao. Bát phở mỗi ngày được ông Trường Kỷ đóng dấu phê chuẩn. Cái miệng sành ăn được ông chủ tiệm tin tưởng tuyệt đối. Có lần, ông chủ tiệm muốn thử tài ông thần đớp hít, lẳng lặng bỏ thêm một thứ gia vị vào bát phở. Ông Trường Kỳ nếm qua phát hiện ra liền. Và gọi tên thứ gia vị lạc loài này ra ngay. Tiệm phở Dakao là chốn lui tới của giới sành phở tại Montreal một phần là nhờ ông vua đớp hít giới thiệu. Sau thời gian đóng cửa vì dịch covid, tiệm đã vĩnh viễn phẹc-mê-bu-tích.


Gió ViVu: Mùa Giáng Sinh Buồn

Hình minh hoạ, Gerd Altmann, Pixabay

Con người đã và đang điêu đứng khốn khổ vì đại dịch Covid - 19. Coronavirus bé tí tẻo tì teo đã và đang "xưng hùng, xưng bá" vì chưa ai diệt trừ được nó. Từ ngày nó xuất hiện rồi tung hoành làm cục diện toàn thế giới đã thay đổi một cách hoảng loạn, buồn thảm và đau thương. Virus thật nhỏ bé "siêu nhiên" này đã lặng lẽ tấn công không ngừng vào con người, không phân biệt tuổi tác, màu da, dân tộc, giới tính, tôn giáo, chính trị hay đảng phái,... Một kẻ thù không đội trời chung mà cả thế giới phải chung lưng chống trả suốt gần hai năm trời nay mà vẫn bất phân thắng bại.

Như những chuyện "thần thoại", người ta cho rằng đây là cuộc chiến tranh giữa các thần nhân mà thần vương đang ngồi trên ngai thưởng thức một trò chơi thật thú vị rồi cười khoái chí, hả hê! Chả là thần vương đang tức tối, ghét bỏ loài người vì khối óc và con tim có bé tí nhưng mang nhiều tham vọng muốn "đội đá vá trời", luôn ti toe, huênh hoang, khoác lác và đe dọa cho rằng mình sắp thay thế "quyền năng" của thượng đế! Thần vương và các thần nhân đang nổi giận, đang trừng phạt loài người chăng?!... Có lẽ, vì con người mang quá nhiều tham vọng, chỉ đem lòng thù ghét, mưu hại, giết chóc lẫn nhau mà không thương yêu đùm bọc lẫn nhau; để rồi không bao giờ thấy được - một nền hòa bình, an vui vĩnh cửu - trên cái cõi trần thế này?!

Chỉ vì cái con virus bé tí, người trần mắt thịt không dễ dàng nhìn thấy hình hài của nó hay sờ mó, nắm bắt được nó,... mà con người phải sống "cách xa" nhau, gặp nhau không còn âu yếm ôm hôn thắm thiết hay bắt tay thân thiện nữa. Dù cho giàu hay nghèo, vua chúa, lãnh tụ hay thường dân đều cũng như nhau, cùng chung "chiến tuyến". Người ta sống cách xa nhau vì sự lo âu và nỗi sợ hãi... nếu được ban tặng cho con Corona mà không được báo trước cũng như không có được tự do phản đối quyền "Bất khả xâm phạm". Thật là một "món quà" không bao giờ mơ, đặc biệt nhất là vào mùa Giáng Sinh - một mùa lễ hội được cho là vui tươi, an lành, hạnh phúc nhất trong năm với những món quà đầy ý nghĩa, chan chứa tình yêu thương, nhân ái - mà người người thường hân hoan mến tặng và chia sẻ cho nhau.

Nguyễn Đình Toàn : Khi em về

Hình minh hoạ, Uschi Dugulin, Pixabay

Khi em về trời xanh và gió mát
Con đường mòn thơm lá mục quê hương
Vườn cải ngồng đỗ ong bướm về sân
Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng

Mặt đất mềm bước chân em chợt nặng
Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi
Luống huệ ấy xòe những vồng hoa trắng
Và đầy thềm lá rụng liếp phên che

Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo

Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi, hoa ngâu
Rồi tết đến, rồi lòng anh nhớ quá

Khi em về bước xưa chừng xa lạ
Và cỏ hoa tất cả đã vắng im
Giấc ngủ ấy một đời anh ao ước
Từ máu mình hoài rứt khỏi đường tim

Em đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa
Cứ cúi đầu, cứ thế, rồi ra đi
Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết
Và dấu giầy mai sẽ lá sương che.



NĐT
x


Ngô Nguyên Dũng: Đọc "Rừng Núi Bạt Ngàn", truyện dài của Hoàng Nga

"Rừng Núi Bạt Ngàn" là truyện dài đầu tiên sau một loạt tám tập truyện được độc giả đón nhận với nhiều ưu ái dành cho ngòi bút Hoàng Nga. Không gian truyện là một huyện lỵ miền Đông Nam phần. Thời gian là những tháng năm thời bao cấp sau chính biến 1975. Và, đáng lẽ, cũng là chuỗi ngày mười tám thơ mộng, rực rỡ nhất của thời thiếu nữ gắn bó với gia đình, bạn bè, trường lớp và ngôi nhà:

"Căn nhà nằm mặt lộ, trên con đường bé xíu nhưng mang cái tên của một trong những con đường lớn của Sài Gòn. Ngày chúng tôi về huyện lỵ đó, điều gì cũng làm tôi buồn, cũng làm tôi không thích, chỉ trừ khuôn viên căn nhà có những hàng móng tay màu hồng chạy dọc theo lối đi, dậu huỳnh anh vàng nằm trước ngõ, bụi tướng quân trắng trang trọng nằm khuất sau cây bơ, chùm trắc bách diệp bên thềm và hàng cau non trước hiên trổ hoa thơm ngát. Không biết bao nhiêu lần tôi đã mang hình ảnh  thơ mộng của khuôn viên này vào truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của mình. Và có lẽ đó cũng là những hình ảnh ít đau buồn nhất còn lại trong ký ức tôi." (Tr. 55)

Truyện có nhân vật chính xưng "tôi" và những người trong gia đình của "tôi". Không một ai được nêu danh, mà chỉ là những "ba tôi", "mẹ tôi", "ông anh", "hai thằng em", "con em kế", "ông anh nuôi", "thằng em nuôi", ngoại trừ con chó có cái tên ngộ nghĩnh là Bi Lèm và những nhân vật phụ như bà Hai cán bộ, bà Hai trung lập, bà Năm, ông Bảy Cúc, ông Hai Xồi, bác Tư Nùng, v.v…  

Truyện bắt đầu bằng:

"Sau 75, nhà tôi đi làm rẫy, như nhiều người trong cả nước đi làm rẫy. Nhưng mãi hơn một năm sau khi thi đại học, cao đẳng, rồi xuống trung cấp, trung học vẫn ạch đụi, không vô được cái nào hết ráo, tôi mới bắt đầu khăn gói vào rừng vì cái rẫy nằm tuốt trong… rừng.


Lâm Vĩnh Thế: Đánh Giá Tài Liệu Trong Việc Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam Cộng Hòa

 Sách báo Anh ngữ đã được xuất bản về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và về Chiến Tranh Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua chiếm môt số lượng có thể nói là khổng lồ.  Gần đây hơn, trong khoảng thời gian độ hai mươi năm qua, chúng ta thấy xuất hiện khá nhiều sách báo Việt ngữ đã được xuất bản tại hải ngoại về nhiều vấn đề, sự kiện, biến cố trong các lãnh vực chính trị, quân sự của VNCH trước năm 1975.  Một phần rất lớn những cuốn sách và bài báo thuộc loại này do những vị đã từng có hoạt động trong chính quyền hoặc quân lực VNCH (QLVNCH), ngay cả có tham dự vào chính các biến cố chính trị, quân sự đó.  Các tác giả, do đó, thường có khuynh hướng ghi lại các biến cố với khá nhiều chi tiết.  Tuy nhiên, đa số các tác giả đều viết lại các biến cố theo ký ức của mình, nhiều khi không dựa vào bất cứ tài liệu nào nên sự chính xác của các chi tiết mà họ ghi lại không cao lắm.  Bản thân tác giả bài viết này đã thực hiện khá nhiều cuộc nghiên cứu về lịch sử của VNCH, đặc biệt chú trọng vào giai đoạn 1963-1967, và Đệ Nhị Cộng Hòa.  Trong quá trình nghiên cứu, người viết không tránh khỏi phải đọc khá nhiều những tài liệu nói trên.  Bài viết này được soạn thảo để chia sẻ với độc giả những kinh nghiệm trong việc đánh giá tài liệu có liên quan đến lịch sử của VNCH.

Những Đòi Hỏi Đối Với Người Nghiên Cứu Sử

Trong bất cứ thời đại nào và tại bất cứ quốc gia nào, người làm công tác nghiên cứu và ghi chép lại lịch sử cần phải công bằng, vô tư và khách quan.  Tại sao vậy?  Bởi vì mục tiêu của họ là ghi lại một cách trung thực và chính xác các sự việc, biến cố đã xảy ra trong quá khứ để cho trong tương lai khi có người muốn tìm hiểu thì có thể biết được sự thật. 

Muốn ghi lại một cách trung thực và chính xác sự kiện lịch sử, đòi hỏi đầu tiên là nguời nghiên cứu phải có một sự hiểu biết khá đầy đủ về giai đoạn lịch sử mà mình định nghiên cứu.  Sự hiểu biết này phải được thể hiện trên một số lãnh vực: ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế và quân sự.  Về ngôn ngữ, người nghiên cứu lịch sử phải hoàn toàn làm chủ được (mastering) ngôn ngữ của tài liệu, hiểu thật rõ thông tin chứa đựng trong tài liệu.  Không những thế, người nghiên cứu còn phải có khả năng nắm được những biến đổi của ngôn ngữ về ngữ vựng (kể cả tiếng lóng), về chính tả, về văn phong, vv. dưới ảnh hưởng của những đổi thay về văn hóa, xã hội, và chính trị.  Có như thế, người nghiên cứu mới có khả năng phát hiện được những tài liệu ngụy tạo.   Về mặt văn hóa, xã hội, người nghiên cứu cũng cần phải có những hiểu biết về hệ thống giáo dục, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của con người trong giai đoạn lịch sử đó để có thể hiểu được cách hành xử, ứng phó cũng như hành động của các đối tượng nghiên cứu.  Sau hết, người nghiên cứu cũng phải có hiểu biết đầy đủ về hệ thống tổ chức và điều hành của bộ máy chính trị, kinh tế và quân sự của quốc gia trong giai đoạn lịch sử đó để có thể hiểu được các tài liệu về chính sách, đường lối cũng như những kế hoạch, chương trình đề ra trong giai đoạn đó.  Bên cạnh đòi hỏi sự hiểu biết về bộ máy chính quyền như vừa nói, người nghiên cứu cũng phải rất quen thuộc với tên họ của các nhà lãnh đạo cũng như các chính trị gia, các tướng lãnh và các nhân sĩ trong giai đoạn lịch sử đó.   


Nguyễn Công Khanh: Qua Thiên Sơn… Đi Trên Đường Tơ Lụa Cũ, Mới

 “Qua Thiên Sơn kìa ai chén rượu vừa tàn…” Đó là một câu trong Hòn Vọng Phu, bản trường ca bất hủ của nhạc sĩ Lê Thương, gồm ba bài sáng tác từ năm 1943 đến 1947. Một trong những bản trường ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam.

Lê Thương đã nghiền ngẫm đề tài người chinh phu từ lâu trước khi sáng tác. Theo Net, nhạc sĩ đọc thuộc “Chinh Phụ Ngâm”, cả nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn và bản dịch chữ Nôm của Đoàn Thị Điểm. Ngoài ra, Lê Thương đã bắt gặp nhiều hình tượng người chinh phụ ngoài đời thực. Nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đến nỗi hóa thành đá ở Lạng Sơn, người chinh phụ trên núi Đá Bia, ở Phú Yênphía đông đèo Cả, thậm chí là cả Vọng Phu Thạch ở Trung Quốckhi ông vượt qua biên giới Việt Trung. Tất cả những hình tượng này đều khiến Lê Thương đưa ra một chiêm nghiệm: Dù ở phương trời nào, chiến tranh luôn gây ra nỗi đau đè nặng lên người phụ nữCảm xúc đó đã khiến nhạc sĩ xúc động sâu sắc để viết bộ ba bài hát Hòn Vọng Phu.


Đoàn Thị Điểm đã viết trong đoạn mở đầu Chinh Phụ Ngâm:

“Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây

Chín tầng gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh”

Tất cả những cảnh bi hùng trong Chinh Phụ Ngâm đều đã ẩn hiện trong trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương:

“Lệnh vua hành quân trống kêu dồn,
Quan với quân lên đường,
Đoàn ngựa xe cuối cùng,
Vừa đuổi theo lối sông.
Phiá cách quan xa trường,
Quan với quân lên đường,
Hàng cờ theo trống dồn
Ngoài sườn non cuối thôn,
Phất phơ ngậm ngùi bay. 


GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

DĐTK đã nhận được các sách sau đây do tác giả hay nhà xuất bản gửi tặng, xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả.

Do Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản 2021. “Khó có ai có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ về Nghiệp như Hòa Thượng Tuệ Sỹ” –Thích Như Điển



Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

Ngô Nhân Dụng: Đàn áp cô Bành Soái

Thời Việt Nam Cộng Hòa một trong bốn vị tướng tư lệnh vùng đã bị tố cáo về tội cưỡng ép một cô gái quê. Chúng tôi không nêu tên vị tướng này, đã qua đời, vì ông không bị một tòa án nào kết án. Điều đáng nói là bộ thông tin không kiểm duyệt những bài báo liên tiếp đăng chuyện này trong cả năm trời. Ông Chu Tử đã phê phán vị tướng này nêu đích danh trên báo, cũng như bà Trùng Dương, chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần hiện còn lưu giữ các hồ sơ đó, không bị cảnh sát hỏi thăm hoặc bị đưa ra tòa.

Trước năm 1975 quyền tự do báo chí trong chế độ Cộng Hòa nước ta được tôn trọng hơn trong các nước cộng sản, như ở Trung Cộng bây giờ.

Ngày 2 tháng 11, cô Bành Soái (Peng Shuai,彭帅), một đấu thủ quần vợt, đã viết những lời tố cáo ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli, 張高麗), cựu phó thủ tướng Trung Cộng đã cưỡng ép cô trong mười năm qua. Bành Soái, 35 tuổi, nổi tiếng vì đã chiếm những giải quần vợt quốc tế hàng lớn nhất. Bài viết của cô xuất hiện trên mạng Weibo, giống như Twitter ở Mỹ, trong 20 phút thì bị cắt bỏ. Cô bỗng nhiên “mất dấu vết” trong mấy tuần, chỉ xuất hiện sau khi dư luận thế giới xôn xao khiến Hội Quần vợt Phụ nữ (WTA) phải tìm cách gọi cho cô, nhưng không liên lạc được. Tổ chức Thế Vận Hội phải hỏi thăm, lúc đó mới được nói chuyện với cô.

Trung Cộng đã bịt miệng Bành Soái tức khắc, vì Trương Cao Lệ, già gấp đôi tuổi cô, là một thành viên trong Thường Vụ Bộ Chính Trị đảng cộng sản, thường đứng hàng thứ tư phía bên trái Tập Cận Bình. Hơn nữa, Trương Cao Lệ là người phụ trách tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông đầu năm 2022 mà nhiều quốc gia đang tỏ ý định tẩy chay vì Trung Cộng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dọa sẽ không có một viên chức chính phủ Mỹ nào tới dự các nghi lễ trong Thế Vận Hội này. Nhưng Trương Cao Lệ vẫn là người đang nói chuyện với ủy ban Thế Vận Hội Thế giới để chuẩn bị cho cuộc thao diễn sang năm.

Bắc Kinh đã cấm tất cả các thông tin liên quan tới cô Bành Soái và những điều cô tố cáo. Báo, đài trong nước không được phép viết hay nói một tiếng nào. Tên cô bị hàng rào lửa ngăn chặn trên các mạng xã hội. Không biết có bao nhiêu người trong nước Trung Quốc được biết chuyện này. Ngày 3 tháng 11, khi viết tên cô “Peng Shuai hay 彭帅” trên Baidu, giống như tìm trên Google, người Trung Quốc có thể nhận được hai triệu tài liệu hoặc tin tức, nhưng bây giờ chỉ còn mấy chục ngàn mẩu tin. Tìm tên Trương Cao Lệ trên Baidu cũng chỉ thấy những bản tin cũ. Chương mục của cô trên Weibo trước đây có 588,000 người theo thường xuyên, đã bị khóa mặc dù mới có thêm 60,000 người tham gia. Theo nhật báo The Wall Street Journal, khi viết tên “Peng Shuai” trong tháng 11 trên Weibo thì chỉ thấy một nội dung cũ, là những lời Trung Cộng phản đối Sứ quán Pháp ở Bắc Kinh vì họ than phiền về những tội hành hạ phụ nữ Trung Quốc!

*Song Thao: Đùa Với Luân Hoán

Tôi mới đọc được ở đâu đó một chuyện vui cười. Tạo hóa sanh ra con người cái chi cũng có đôi có cặp. Hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi, hai tí, hai tay, hai chân. Nhưng những thứ ở chính giữa thì chỉ có một. Miệng, rốn và thứ dưới rốn. Vậy nên những thứ lẻ loi này mới phải đi tìm thứ lẻ loi khác để cặp thành đôi.

Định đùa với ông Luân Hoán, không hiểu sao tôi lại nhớ tới chuyện vui này. Chắc tôi nghĩ tới chân của ông. Cả nước đã biết là ông Trung Úy Lê Ngọc Châu đã hy sinh chân trái trong một lần ra trận tại Quảng Ngãi. Vậy nên từ mấy chục năm nay, ông Luân Hoán vẫn không nguôi đi tìm một chiếc chân khác cho đủ cặp. Chuyện cắc cớ là ông chỉ đi tìm chân dài. Thơ ông la liệt chân dài nằm ngang nằm dọc.

mình chân ngắn họ chân dài
bước "đi" tuy vững khó xài tự nhiên
giữ tính mặc cảm di truyền
hóa ra nhờ vậy ngả nghiêng khá bền

Ông này khoái chân, nhất là chân dài, nên có lần ông chơi ép bạn bè. Ông khởi xướng một câu thơ: “Em từ lục bát bước ra” và bắt bạn bè làm thơ tiếp. Bạn bè ông đông đảo, cả ở trong nước lẫn hải ngoại, đua nhau làm tiếp. Tôi gần với ông quá chẳng lẽ không đáp lời tuy tài làm vè của tôi rất ẹ. Tôi vè một bài tới nay chỉ còn nhớ hai câu đầu. Em từ lục bát bước ra / Dáng đi khệnh khạng leo qua khỏi giường. Tôi dại dột gửi cho ông. Chẳng thấy ông đáp trả chi. Chắc ông ấy giận. Trong nhà ông có tượng Trương Phi nên tính tình ông ấy tôi thừa biết, như lửa rơm. Vèo một cái là xong.

Ông còn nhiều trò khác. Như sáng tinh sương ngày Tết ta, ông lái xe đi khắp nhà bạn bè trong thành phố, treo trước cửa mỗi nhà hai câu thơ chúc. Rồi lẳng lặng lái xe đi. Chủ nhà chỉ phát giác ra thơ mừng tuổi đầu năm khi mặt trời đã lên tới đỉnh. Hay trò phỏng vấn các bà vợ của các tên dính tới chữ nghĩa về ông chồng của các bà, khiến các phu nhân này lâm vào thế kẹt. Nói không thiệt thì lương tâm không chịu ngủ, nói thiệt thì xấu chàng hổ ai.

Lale Gül: Tôi sẽ sống (Nguyễn Hiền dịch)

Lời người dịch.-

Vào tháng 2/2021, tác phẩm đầu tay Ik Ga Leven (Tôi Sẽ Sống) của nhà văn nữ trẻ Lale Gül đã gây sôi nổi trong làng văn học Hòa Lan. Lale Gül (sinh năm 1997), người Hòa Lan gốc Thổ Nhĩ Kỳ, viết tác phẩm này khi cô đang theo học ban Văn Chương. Cô sinh trưởng trong một môi trường giáo dục khắc nghiệt theo Hồi giáo chính thống. Ik Ga Leven là cuốn tự truyện của cô, qua đó cô đã xác định quan điểm của mình, là đoạn tuyệt với lối giáo dục nghiêm khắc này. Ngay khi tác phẩm được xuất bản, cô đã bị gia đình cấm cửa. Những lời kêu gọi giúp đỡ cô cũng không được cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hòa Lan hưởng ứng, nhưng cô đã được Parool, một tờ báo lớn của Hòa Lan, mời giữ mục xã luận. Cuộc đời cô sẽ được quay thành phim, và tác phẩm này đã được trao giải NS Publieksprijs 2021 (là giải bình chọn tác phẩm tiếng Hòa Lan do công chúng, một giải văn học quan trọng ở Hòa Lan) với 32% trong tổng số hơn 210.000 số phiếu bình chọn. Dưới đây là bản dịch những trang đầu của tác phẩm, đọc để hiểu một phần vì sao cô bị cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tẩy chay.

Nguyễn Hiền

***


Tôi sẽ sống


Giá mà tôi chịu đi theo dòng dư luận thì chuyện này đã không xảy ra với tôi, tôi đã không biến thành một kẻ bị ruồng bỏ. Với sự hiểu biết của ngày mốt, ngay hôm nay tôi sẽ đưa ra một quyết định vội vàng và láo xược. Có rất nhiều điều trong cuộc sống nghe thật tuyệt vời nếu bạn nghĩ ra chúng, nhưng nói chung, tốt hơn là bạn không nên thực hiện chúng. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc xuất bản tác phẩm này. Do đó, tôi đưa ra cho quý vị lời khuyên sau đây theo cách của Cruijf (1): hãy giấu mọi thứ mà chúng sẽ làm quý vị hối hận sau này.

Tôi đưa quý vị cùng đi vào câu chuyện của tôi. Hãy cho chúng ta hy vọng là tôi quăng được cục đá xuống ao.

Nguyễn Đức Tùng: Đỗ Quyên, Cho Ta Khóc Một Hệ Người

 Đỗ Quyên làm thơ như sống chính cuộc đời mình. Thơ trữ tình và trường ca là công việc chính yếu của anh, mặc dù không phải là tất cả, và trong nhiều năm kể từ thời thanh niên, anh đã dành những nỗ lực quý báu nhất cho chúng. Anh hiểu rằng con người có thể làm được nhiều việc cho nhau, bày tỏ mối quan tâm rõ ràng đối với các vấn đề xã hội, chính trị, trong khi đó, một cách không hoàn toàn hiển nhiên, anh lại thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại. Đỗ Quyên thực ra là một trong những người góp phần phát triển khuynh hướng ấy trong thơ Việt, một cách chừng mực, ngay từ những năm chuyển tiếp của hai thế kỷ, thời kỳ dồn dập biến động: cách mạng, tan rã, chết chóc, lưu vong. Đến nay anh vẫn trung thành với chọn lựa của mình, với những biến đổi nào đó, tất nhiên.

Hôm nay

dương lịch

Mồng Năm tháng Năm

Mắt xen qua ba bông hồng sẽ không bao giờ nở được

Tôi ngồi

            lập danh sách các bạn văn có thể vay tiền

Lúc này

           em đừng về

Hồng thắm đấy

                   nhưng sẽ không bao giờ nở

Đi tìm khuynh hướng nghệ thuật của một nhà thơ, hay của một thời kỳ, bạn có thể nhìn vào nhịp điệu. Nhịp điệu là nơi xảy ra những thay đổi trước tiên, đó là nơi người viết bắt đầu tham dự vào trò chơi ngôn ngữ. Một nhịp điệu thơ mới không từ trên trời rơi xuống, nó được sinh ra từ nhận thức mới, tư tưởng mới, đến lượt chúng những nhận thức và tư tưởng ấy phải bắt rễ từ các thay đổi rộng lớn và sâu xa trong xã hội, văn hoá. Chẳng hạn, thơ mới thời kỳ 1930 đi kèm với cái học phương Tây, luồng gió mới của thời đại, thơ tự do những năm 1960 từ những thay đổi về đất nước, do chiến tranh. 

Gộp hết thiên thu lá rụng không ghi hết lỗi chúng ta với mùa thu

Nghĩ vàng về những mùa thu thực ra không màu vô sắc

Buồn quá lố bao mùa thu nhộn nhạo

Như các cô gái blonde óc hẹp đùi dài

dâm tình không quản ngại mà lưỡi lười vận động

Với mùa thu chúng ta ú ớ ngu đần 


Ngự Thuyết: Home

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Thôi Hiệu

Trong một căn hộ nhỏ ở tầng hai của một chung cư, một buổi trưa.

Ông già đang “vui đùa” với đứa cháu ngoại. Ông đã già lắm rồi, tóc bạc phơ, đi đứng lụm cụm; đứa cháu mới khoảng 6 tuổi, trông thông minh, nghịch ngợm, dễ thương. Bà ngoại đón nó đi học về. Nó sẽ ở lại đấy với ngoại cho đến chiều, rồi bố hoặc mẹ của bé, sau ngày làm việc, sẽ đến đón bé về nhà của bố mẹ gần đấy.

Vừa mở cửa để vào nhà, bé đã cúi xuống cổi giày ngay và nói lí nhí, tiếng lơ lớ, ngọng nghịu:

“A ngoai.”

Ngoại mắng:

“Ạ ngoại thì phải nhìn ngoại mà ạ, chứ sao lại nhìn giày. Muốn ạ giày sao?”

Nó chạy vội tới hôn vào má ông ngoại, xí xoá. Ông hỏi tiếp:

“Bà ngoại đâu?”

“Xe.”

Năm trước học lớp mẫu giáo, nó khá tiếng Việt hơn nhiều.Ở nhà, bố mẹ nó luôn luôn chịu khó nói tiếng Việt với nó, và bắt buộc nó cũng phải trả lời bằng tiếng Việt. Năm nay nó lên lớp Một, nói toàn tiếng Anh với bạn bè tí hon, và với thầy giáo, cô giáo, thì đồng thời nó cũng dần dần quên cái thứ tiếng mà bố mẹ và ông bà mong nó nhớ mãi. Nó quên tiếng “mẹ đẻ” thì cũng khó nhớ đến quê hương cũ, ông già ngẫm nghĩ. Mà quê hương cũ của ai? Nó sinh tại Mỹ, sống tại Mỹ, quốc tịch Mỹ. Vậy quê hương của nó nơi nào? Ông già cau mày, thở dài, vội nghĩ qua chuyện khác.

Trước đây nó đã được bố mẹ mang về thăm ngoại mấy lần khi nó còn bé tý. Nay nó ở gần ngoại, hay nói đúng hơn, ngoại dọn nhà về ở gần bố mẹ nó. Và tuy ngoại không nói ra nhưng bố mẹ nó biết ngoại ở xa con cháu thì ngoại không vui, nếu không muốn nói là buồn. Buồn nhiều.

Xuân Sương: Edith Piaf - Không có gì hối tiếc

Không, không gì cả / Tôi không hối tiếc gì cả / Ngay điều tốt hay xấu thiên hạ làm cho tôi, mặc kệ hết /... / Đã trả xong, đã phủi sạch, đã quên rồi / Tôi cóc cần quá khứ / Với các kỷ niệm / Tôi châm lửa / Mọi nỗi đau, niềm vui / Không cần chúng nữa / Phủi sạch tình nhân / Với giọng rù quyến của họ / Vĩnh viễn quét sạch / Tôi bắt đầu lại từ số không...

Hình Studio Harcourt, Public domain,
via Wikimedia Commons
Giữa tháng 2-2007, phim La Môme về cuộc đời nữ ca sĩ ngoại hạng Edith Piaf của đạo diễn Olivier Dahan ra mắt khán giả khắp nước Pháp. Phê bình của báo chí và khán giả cho điểm bốn sao. Qua sự diễn xuất tài tình của nữ tài tử điện ảnh Marion Cotillard cao 1m75, bỗng dưng Edith Piaf chỉ cao 1m47 lừng lững bước ra khỏi mộ, đau đớn trữ tình, và cả nước Pháp rưng rưng nghe lại giọng ca duy nhất trong lịch sử nhạc Pháp. Điện thư chuyển cho nhau hình ảnh và tiểu sử Piaf kèm bản nhạc Non Je Ne Regrette Rien (Không, tôi không hối tiếc gì cả) mà Piaf đã hát với tất cả sinh lực của con tim suốt đời chấn thương đa cảm. Tiếp đó kênh Arte chiếu phim tài liệu đời Piaf hai bữa liên tiếp ngày 3- 4 tháng 3 khiến người ái mộ chợt giật mình: giữa bao bận bịu cơm áo hằng ngày với chuyện dao búa chết chóc cơm bữa còn có bóng hình Piaf vỗ về, ru mình vào giấc mơ êm ái dù chốc lát. Con số bán sách về Piaf và nhạc vượt lên, làm người ta nhớ lại buổi trình diễn mang tên «Piaf je t’aime» (Piaf tôi yêu cô) hiến cho đời bà, năm 1996, cũng mang kết quả tương tự.

Mặc dầu theo khai sinh, Piaf chào đời ở bịnh viện Tenon, quận 20 Paris ngày 19 tháng 12 năm 1915 dưới tên Edith Gassion, truyền thuyết lại muốn bà sinh ra dưới ngọn đèn đường ở Belleville cùng quận, nơi tụ tập của các tay anh chị, dưới mắt một viên cảnh sát đi tuần! Dù cất tiếng khóc đầu đời nơi nào, Edith lớn lên cất tiếng hát khắp thế giới và được thiên hạ yêu quá đến gần như ghét: một con chim sẻ 1m47 mà vĩ đại đến nỗi khiến các chim đến sau trở thành nhỏ bé. Không thể tìm ra người kế vị. Bởi không những chỉ là Piaf, mà còn cùng thời nước Pháp đã sinh sản những đứa con đem vinh quang cho tổ quốc: Sartre, Cocteau, Chagall... Piaf là nước Pháp, không cần làm marketing, không cần phô trương, chỉ với đam mê và tài năng thực sự...

Tuổi thơ


Bố sống bằng nghề làm xiếc ngoài đường, mẹ người Algérie hát dạo chẳng quan tâm gì đến con nên Piaf được gửi gấm cho bà ngoại. Hai năm sau nhập ngũ, bố gửi Piaf cho bà nội ở Normandie, vùng bắc nước Pháp, là tú bà. Tại lầu xanh, con bé ngày ngày nhìn thấy những tấm lưng trần của các ông chộp hôn gái làng chơi trong hành lang chật hẹp. Có dạo nó bị đau mắt suýt mù. Dầu vậy Piaf được sống mấy năm êm ả trong tình thương của các cô gái, hơn là tình thương của bà nội. Sau chiến tranh bố trở về đem đi sống nay đây mai đó bằng nghề nhào lộn ngoài đường. Để giúp bố, nó hát, và kiếm tiền nhiều hơn trò xiếc sơ đẳng của bố. Từ từ, nó nhận ra giọng đặc biệt của mình rồi đến năm 15 tuổi từ giã bố để bay nhảy với đôi cánh riêng nhỏ bé.

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Đặc Sản Quê Tôi

Quê hương của Trúc Thanh nằm nép mình cuối dãy Trường Sơn. Nơi đó có núi, rừng, ruộng, rẫy và biển xanh. Thanh chưa bao giờ đặt chưn xuống miệt đồng bằng. Từ ngày về chung sống với tôi, Thanh chỉ biết quê chồng qua những câu chuyện kể hoặc đọc qua sách báo và xem phim ảnh chớ chưa một lần nhìn tận mắt. Thanh ao ước:

- Ngày nào về nước em sẽ về quê anh, em rất thích sóng nước miệt đồng bằng sông Cửu Long.

- Em ở miền núi nên em thích đồng bằng cũng như anh ở miệt đồng bằng thì thích về miền núi — tôi tự hào khoe với vợ — quê hương anh được cái là thiên nhiên ưu đãi nên có nhiều món ăn dân dã, anh cam đoan với em, từ Trung ra tới ngoài Bắc không đâu có được miền trù phú như U Minh.

- Nói cho cố đi ông!

- Em dìa rồi em sẽ biết.

Tôi không nói quá lắm đâu. Quê tôi vùng ven thuộc về U Minh Hạ, ra biển thì tôm cá biển, vô sông thì cá tôm sông, lên ruộng thì cá đồng, rùa, rắn... Trên trời chim chóc rất nhiều loại như: diều hâu, diệc, cò đen, cò trắng, le le, chằn bè, vịt nước... Những vườn cò, sân chim mỗi nơi rộng hàng chục công đất vuông. Nhứt là vào những buổi chiều chim, cò bay về rợp bóng mát và kêu ríu ra ríu rít vang động cả góc rừng. Cò mần ổ trên những bụi chà là có nhiều gai nhọn. Đầu mùa mưa, cò đẻ trứng, người ta chuẩn bị áo, quần và may bao tay dầy đề phòng gai chà là quẹt rách da, chảy máu. Họ mang gùi, vác móc vô rừng móc một buổi đầy hết gùi nầy sang qua gùi khác, họ ăn cho tới khi trứng lộn mới ngưng lại. Đợi tới khi trứng nở con, chờ cò con bể bọng, mọc lông non, đủ thịt thì họ lại xách gùi vô một đợt nữa móc lấy cò con đem về bán cho quán nhậu hoặc tự làm đồ nhậu.

Nghe tới đây Thanh chận:

- Cò con ăn được sao?

- Được chớ, cò con thịt thơm, xương mềm, đem nướng, khìa nước dừa hay rô ti thì ăn rất ngon và nhậu rất bắt.