Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021
*Song Thao: Trường Kỳ - Sống Để Ăn
“Sống để ăn” là châm ngôn của ông Trường Kỳ. Thời ở Việt Nam trước năm 1975, ông là “vua hippy”, “vua nhạc trẻ”, nghênh ngang một cõi. Tôi không thích chế độ quân chủ nên không quen ông vua này. Qua tới Montreal, ông…thoái vị để làm một ông vua khác, “vua đớp hít” tôi mới quen ông. Ông hú là có tôi, tôi hú là có ông. Nói vậy nhưng chuyện ông hú thì lia chia mà tôi hú thì như lá mùa thu. Tôi theo sao kịp đức tính đớp hít của ông!
Nhà ông vua đớp hít không có phòng ăn. Ông cho biết phòng ăn của ông nằm ở hai tiệm, tiệm Phở Dakao cho buổi sáng và tiệm Kiều Anh cho buổi chiều tối. Cả hai tiệm đều chỉ cách nhà ông vài bước chân. Chính vì hai cái phòng ăn này mà ông nhất định không chịu di chuyển nhà mặc dù ông có thừa khả năng ở một chỗ tiện nghi hơn là cái appartement phải leo chiếc cầu thang thẳng đứng như đường lên trời.
Tiệm Phở Dakao do một ông Đốc sự Hành chánh làm chủ. Phở bò của ông này có vè giòn rất ngon. Ông vua đớp hít hầu như ngày nào cũng đóng đô ở đây. Gặp ngày ông ể mình, không thân hành ra được thì ông Đốc sự Hành chánh cho người bưng phở tới tận nhà cho ông thời. Ngày nào cũng phở, có là vua đớp hít cũng muốn đổi món, có thể vì vậy nên ngoài món phở bò nổi tiếng, ông Phở Dakao đã phải thêm vài món bún trong đó có bún thang mà tôi đồ chừng do ông Bắc kỳ tên Kỳ đề nghị. Hồi chúng tôi còn viết cho tờ báo tuần Thời Báo ở Montreal, Toronto và Vancouver, tòa báo ở Montreal thường gửi báo biếu tại tiệm này để chúng tôi tới lấy. Riêng ông Trường Kỳ còn được nhà báo gửi nhuận bút bằng tiền mặt cho ông Đốc sự trao giùm. Chuyện tiền bạc là chuyện thầm kín, tôi không biết rõ là ông Đốc sự có phải trao không hay giữ để trừ dần vào tiền phở. Ông Đốc sự nấu phở nhưng ông Trường Kỳ là cố vấn tối cao. Bát phở mỗi ngày được ông Trường Kỷ đóng dấu phê chuẩn. Cái miệng sành ăn được ông chủ tiệm tin tưởng tuyệt đối. Có lần, ông chủ tiệm muốn thử tài ông thần đớp hít, lẳng lặng bỏ thêm một thứ gia vị vào bát phở. Ông Trường Kỳ nếm qua phát hiện ra liền. Và gọi tên thứ gia vị lạc loài này ra ngay. Tiệm phở Dakao là chốn lui tới của giới sành phở tại Montreal một phần là nhờ ông vua đớp hít giới thiệu. Sau thời gian đóng cửa vì dịch covid, tiệm đã vĩnh viễn phẹc-mê-bu-tích.
Gió ViVu: Mùa Giáng Sinh Buồn
Hình minh hoạ, Gerd Altmann, Pixabay |
Nguyễn Đình Toàn : Khi em về
Hình minh hoạ, Uschi Dugulin, Pixabay |
Khi em về trời xanh và gió mát
Con đường mòn thơm lá mục quê hương
Vườn cải ngồng đỗ ong bướm về sân
Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng
Mặt đất mềm bước chân em chợt nặng
Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi
Luống huệ ấy xòe những vồng hoa trắng
Và đầy thềm lá rụng liếp phên che
Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo
Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi, hoa ngâu
Rồi tết đến, rồi lòng anh nhớ quá
Khi em về bước xưa chừng xa lạ
Và cỏ hoa tất cả đã vắng im
Giấc ngủ ấy một đời anh ao ước
Từ máu mình hoài rứt khỏi đường tim
Em đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa
Cứ cúi đầu, cứ thế, rồi ra đi
Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết
Và dấu giầy mai sẽ lá sương che.
NĐT
Ngô Nguyên Dũng: Đọc "Rừng Núi Bạt Ngàn", truyện dài của Hoàng Nga
"Rừng Núi Bạt Ngàn" là truyện dài đầu tiên sau một loạt tám tập truyện được độc giả đón nhận với nhiều ưu ái dành cho ngòi bút Hoàng Nga. Không gian truyện là một huyện lỵ miền Đông Nam phần. Thời gian là những tháng năm thời bao cấp sau chính biến 1975. Và, đáng lẽ, cũng là chuỗi ngày mười tám thơ mộng, rực rỡ nhất của thời thiếu nữ gắn bó với gia đình, bạn bè, trường lớp và ngôi nhà:
"Căn nhà nằm mặt lộ, trên con đường bé xíu nhưng mang cái tên của một trong những con đường lớn của Sài Gòn. Ngày chúng tôi về huyện lỵ đó, điều gì cũng làm tôi buồn, cũng làm tôi không thích, chỉ trừ khuôn viên căn nhà có những hàng móng tay màu hồng chạy dọc theo lối đi, dậu huỳnh anh vàng nằm trước ngõ, bụi tướng quân trắng trang trọng nằm khuất sau cây bơ, chùm trắc bách diệp bên thềm và hàng cau non trước hiên trổ hoa thơm ngát. Không biết bao nhiêu lần tôi đã mang hình ảnh thơ mộng của khuôn viên này vào truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của mình. Và có lẽ đó cũng là những hình ảnh ít đau buồn nhất còn lại trong ký ức tôi." (Tr. 55)
Truyện có nhân vật chính xưng "tôi" và những người trong gia đình của "tôi". Không một ai được nêu danh, mà chỉ là những "ba tôi", "mẹ tôi", "ông anh", "hai thằng em", "con em kế", "ông anh nuôi", "thằng em nuôi", ngoại trừ con chó có cái tên ngộ nghĩnh là Bi Lèm và những nhân vật phụ như bà Hai cán bộ, bà Hai trung lập, bà Năm, ông Bảy Cúc, ông Hai Xồi, bác Tư Nùng, v.v…
Truyện bắt đầu bằng:
"Sau 75, nhà tôi đi làm rẫy, như nhiều người trong cả nước đi làm rẫy. Nhưng mãi hơn một năm sau khi thi đại học, cao đẳng, rồi xuống trung cấp, trung học vẫn ạch đụi, không vô được cái nào hết ráo, tôi mới bắt đầu khăn gói vào rừng vì cái rẫy nằm tuốt trong… rừng.
Lâm Vĩnh Thế: Đánh Giá Tài Liệu Trong Việc Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam Cộng Hòa
Sách báo Anh ngữ đã được xuất bản về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và về Chiến Tranh Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua chiếm môt số lượng có thể nói là khổng lồ. Gần đây hơn, trong khoảng thời gian độ hai mươi năm qua, chúng ta thấy xuất hiện khá nhiều sách báo Việt ngữ đã được xuất bản tại hải ngoại về nhiều vấn đề, sự kiện, biến cố trong các lãnh vực chính trị, quân sự của VNCH trước năm 1975. Một phần rất lớn những cuốn sách và bài báo thuộc loại này do những vị đã từng có hoạt động trong chính quyền hoặc quân lực VNCH (QLVNCH), ngay cả có tham dự vào chính các biến cố chính trị, quân sự đó. Các tác giả, do đó, thường có khuynh hướng ghi lại các biến cố với khá nhiều chi tiết. Tuy nhiên, đa số các tác giả đều viết lại các biến cố theo ký ức của mình, nhiều khi không dựa vào bất cứ tài liệu nào nên sự chính xác của các chi tiết mà họ ghi lại không cao lắm. Bản thân tác giả bài viết này đã thực hiện khá nhiều cuộc nghiên cứu về lịch sử của VNCH, đặc biệt chú trọng vào giai đoạn 1963-1967, và Đệ Nhị Cộng Hòa. Trong quá trình nghiên cứu, người viết không tránh khỏi phải đọc khá nhiều những tài liệu nói trên. Bài viết này được soạn thảo để chia sẻ với độc giả những kinh nghiệm trong việc đánh giá tài liệu có liên quan đến lịch sử của VNCH.
Những Đòi Hỏi Đối Với Người Nghiên Cứu Sử
Trong bất cứ thời đại nào và tại bất cứ quốc gia nào, người làm công tác nghiên cứu và ghi chép lại lịch sử cần phải công bằng, vô tư và khách quan. Tại sao vậy? Bởi vì mục tiêu của họ là ghi lại một cách trung thực và chính xác các sự việc, biến cố đã xảy ra trong quá khứ để cho trong tương lai khi có người muốn tìm hiểu thì có thể biết được sự thật.
Muốn ghi lại một cách trung thực và chính xác sự kiện lịch sử, đòi hỏi đầu tiên là nguời nghiên cứu phải có một sự hiểu biết khá đầy đủ về giai đoạn lịch sử mà mình định nghiên cứu. Sự hiểu biết này phải được thể hiện trên một số lãnh vực: ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế và quân sự. Về ngôn ngữ, người nghiên cứu lịch sử phải hoàn toàn làm chủ được (mastering) ngôn ngữ của tài liệu, hiểu thật rõ thông tin chứa đựng trong tài liệu. Không những thế, người nghiên cứu còn phải có khả năng nắm được những biến đổi của ngôn ngữ về ngữ vựng (kể cả tiếng lóng), về chính tả, về văn phong, vv. dưới ảnh hưởng của những đổi thay về văn hóa, xã hội, và chính trị. Có như thế, người nghiên cứu mới có khả năng phát hiện được những tài liệu ngụy tạo. Về mặt văn hóa, xã hội, người nghiên cứu cũng cần phải có những hiểu biết về hệ thống giáo dục, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của con người trong giai đoạn lịch sử đó để có thể hiểu được cách hành xử, ứng phó cũng như hành động của các đối tượng nghiên cứu. Sau hết, người nghiên cứu cũng phải có hiểu biết đầy đủ về hệ thống tổ chức và điều hành của bộ máy chính trị, kinh tế và quân sự của quốc gia trong giai đoạn lịch sử đó để có thể hiểu được các tài liệu về chính sách, đường lối cũng như những kế hoạch, chương trình đề ra trong giai đoạn đó. Bên cạnh đòi hỏi sự hiểu biết về bộ máy chính quyền như vừa nói, người nghiên cứu cũng phải rất quen thuộc với tên họ của các nhà lãnh đạo cũng như các chính trị gia, các tướng lãnh và các nhân sĩ trong giai đoạn lịch sử đó.
Nguyễn Công Khanh: Qua Thiên Sơn… Đi Trên Đường Tơ Lụa Cũ, Mới
“Qua Thiên Sơn kìa ai chén rượu vừa tàn…” Đó là một câu trong Hòn Vọng Phu, bản trường ca bất hủ của nhạc sĩ Lê Thương, gồm ba bài sáng tác từ năm 1943 đến 1947. Một trong những bản trường ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam.
Lê Thương đã nghiền ngẫm đề tài người chinh phu từ lâu trước khi sáng tác. Theo Net, nhạc sĩ đọc thuộc “Chinh Phụ Ngâm”, cả nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn và bản dịch chữ Nôm của Đoàn Thị Điểm. Ngoài ra, Lê Thương đã bắt gặp nhiều hình tượng người chinh phụ ngoài đời thực. Nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đến nỗi hóa thành đá ở Lạng Sơn, người chinh phụ trên núi Đá Bia, ở Phú Yên, phía đông đèo Cả, thậm chí là cả Vọng Phu Thạch ở Trung Quốckhi ông vượt qua biên giới Việt Trung. Tất cả những hình tượng này đều khiến Lê Thương đưa ra một chiêm nghiệm: Dù ở phương trời nào, chiến tranh luôn gây ra nỗi đau đè nặng lên người phụ nữ. Cảm xúc đó đã khiến nhạc sĩ xúc động sâu sắc để viết bộ ba bài hát Hòn Vọng Phu.
Đoàn Thị Điểm đã viết trong đoạn mở đầu Chinh Phụ Ngâm:
“Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh”
Tất cả những cảnh bi hùng trong Chinh Phụ Ngâm đều đã ẩn hiện trong trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương:
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Do Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản 2021. “Khó có ai có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ về Nghiệp như Hòa Thượng Tuệ Sỹ” –Thích Như Điển |
Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021
Ngô Nhân Dụng: Đàn áp cô Bành Soái
*Song Thao: Đùa Với Luân Hoán
Lale Gül: Tôi sẽ sống (Nguyễn Hiền dịch)
Tôi sẽ sống
Nguyễn Đức Tùng: Đỗ Quyên, Cho Ta Khóc Một Hệ Người
Đỗ Quyên làm thơ như sống chính cuộc đời mình. Thơ trữ tình và trường ca là công việc chính yếu của anh, mặc dù không phải là tất cả, và trong nhiều năm kể từ thời thanh niên, anh đã dành những nỗ lực quý báu nhất cho chúng. Anh hiểu rằng con người có thể làm được nhiều việc cho nhau, bày tỏ mối quan tâm rõ ràng đối với các vấn đề xã hội, chính trị, trong khi đó, một cách không hoàn toàn hiển nhiên, anh lại thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại. Đỗ Quyên thực ra là một trong những người góp phần phát triển khuynh hướng ấy trong thơ Việt, một cách chừng mực, ngay từ những năm chuyển tiếp của hai thế kỷ, thời kỳ dồn dập biến động: cách mạng, tan rã, chết chóc, lưu vong. Đến nay anh vẫn trung thành với chọn lựa của mình, với những biến đổi nào đó, tất nhiên.
Hôm nay
dương lịch
Mồng Năm tháng Năm
Mắt xen qua ba bông hồng sẽ không bao giờ nở được
Tôi ngồi
lập danh sách các bạn văn có thể vay tiền
Lúc này
em đừng về
Hồng thắm đấy
nhưng sẽ không bao giờ nở
Đi tìm khuynh hướng nghệ thuật của một nhà thơ, hay của một thời kỳ, bạn có thể nhìn vào nhịp điệu. Nhịp điệu là nơi xảy ra những thay đổi trước tiên, đó là nơi người viết bắt đầu tham dự vào trò chơi ngôn ngữ. Một nhịp điệu thơ mới không từ trên trời rơi xuống, nó được sinh ra từ nhận thức mới, tư tưởng mới, đến lượt chúng những nhận thức và tư tưởng ấy phải bắt rễ từ các thay đổi rộng lớn và sâu xa trong xã hội, văn hoá. Chẳng hạn, thơ mới thời kỳ 1930 đi kèm với cái học phương Tây, luồng gió mới của thời đại, thơ tự do những năm 1960 từ những thay đổi về đất nước, do chiến tranh.
Gộp hết thiên thu lá rụng không ghi hết lỗi chúng ta với mùa thu
Nghĩ vàng về những mùa thu thực ra không màu vô sắc
Buồn quá lố bao mùa thu nhộn nhạo
Như các cô gái blonde óc hẹp đùi dài
dâm tình không quản ngại mà lưỡi lười vận động
Với mùa thu chúng ta ú ớ ngu đần
Ngự Thuyết: Home
Xuân Sương: Edith Piaf - Không có gì hối tiếc
![]() |
Hình Studio Harcourt, Public domain, via Wikimedia Commons |
Tuổi thơ
Nguyễn Lê Hồng Hưng: Đặc Sản Quê Tôi
Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021
GIÁO SƯ VŨ QUỐC THÚC QUA ĐỜI
ĐỌC BỘ HỒI KÝ ‘THỜI ĐẠI CỦA TÔI’ CỦA GS VŨ QUỐC THÚC
Nhất Linh: Lan Rừng
![]() |
Hình minh hoạ |
Cung Tích Biền (Tùy bút): Thu đi, Cá trở về nguồn
Lê Hữu: Những sợi vắn, sợi dài trong truyện Hoàng Quân
“Ký ức biết chọn lọc, chỉ giữ lại những mầu hồng mà thôi.”
Tôi nhớ đã đọc câu ấy trong truyện ngắn nào của Hoàng Quân, dường như nhân vật nào ở trong truyện đã thốt lên như vậy. Tôi không chắc có phải tác giả đã để nhân vật nói thay cho mình nhưng tôi thích câu nói ấy; hơn thế nữa, tôi tin là ký ức của tác giả cũng chỉ muốn giữ lại màu hồng và những truyện của Hoàng Quân mà tôi từng đọc cũng là được ghi chép lại từ một ký ức tươi hồng.
Màu hồng phơn phớt ấy có thể nhìn thấy được qua các truyện ngắn trong tập truyện Sợi Vắn, Sợi Dài (*), qua mối tình nhẹ nhàng phất phơ như cánh cò bay lả bay la trong truyện Ca dao hay mơ màng lãng đãng như chuyện liêu trai trong truyện Người trong mộng, hay qua những “hoa bướm ngày xưa” nơi sân trường kỷ niệm trong truyện Thầy trò một thuở… và nhiều truyện khác nữa.
Lâm Vĩnh Thế: Dịch Thơ Đường
Bài viết này ghi lại một vài suy nghĩ chủ quan dựa trên kinh nghiệm cá nhân tương đối giới hạn của người viết về việc dịch thơ Ðường sang tiếng Việt, hay nói cho đúng hơn là chuyển dịch thơ Ðường sang thơ Việt. Người viết không phải là người đầu tiên làm công việc này và cũng chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng. Và đây chính là lý do hình thành của bài viết này: để chia sẻ hứng thú và kinh nghiệm với những người đồng điệu.
Vài nét về thơ đường
Trong lịch sử văn học Trung Quốc, triều đại nhà Ðường (618-907) là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của thi ca, cả về lượng lẫn về phẩm. Tại nước ta, trong suốt bao nhiêu thế kỷ, "Ðường thi được coi là kho tàng điển-cố trân-quí, là khuôn-mẫu mệnh ý, dụng ngữ cho các nho sĩ khi làm thơ chữ cũng như thơ nôm." [1] Ngay cả sau khi Nho học đã suy tàn, thơ Ðường vẫn còn rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Số người thưởng thức và chuyển dịch thơ Ðường sang thơ Việt rất nhiều nhưng nổi tiếng nhất thì phải kể đến Tản Ðà và Ngô Tất Tố trong giới cựu-học và Trần Trọng San trong giới tân-học.
Phần lớn các tài liệu về văn học Trung quốc đều phân chia văn học thời Ðường làm 4 giai đoạn: Sơ Ðường (618-713), Thịnh Ðường (713-766), Trung Ðường (766-835) và Vãn Ðường (836-905). Mỗi giai đoạn đều có nhiều thi sĩ nổi danh nhưng hai ngườI nổi tiếng nhất là Lý Bạch (701-762), được gọi là Thi Tiên, và Ðỗ Phủ (712-770), được gọi là Thi Thánh; cả hai đều thuộc thời Thịnh Ðường và đều để lại một sự nghiệp rất vĩ đại.
Một trong những đóng góp quan trọng của thời Thịnh Ðường là việc hoàn thiện thể thơ mới để thay thế cho thể thơ cổ phong, gọi là thơ cận thể hay kim thể, với luật lệ rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Do đó về sau người ta gọi là luật thi: ngũ ngôn luật thi hay thất ngôn luật thi.
Trong bài viết này, người viết chỉ đề cập đến việc chuyển dịch một số bài thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt, 4 câu 7 chữ.
Huỳnh Liễu Ngạn: Màu Trăng Cô Lữ
![]() |
Hình minh hoạ. Rattakarn_, Pixabay |
tóc dài em thả bến sông
ánh sao màu nhạt còn long lanh chiều
mắt em bay bổng thúy kiều
trên mui vạt nắng ít nhiều đông ba
anh vô ngã giữa tam tòa
màu trăng cô lữ rẻ qua âm hồn
ngó về vỹ dạ mưa tuôn
dòng sông thả nhánh cây buồn chỏng chơ
anh chờ thành nội ngu ngơ
kéo tay em lại mộng mơ ít ngày
mưa chi mưa cứ làm đày
để tóc em ướt guộc gầy mùa đông
anh về theo gió hướng sông
nhìn vai em mộng qua đồng chợ mai
lên xe cửa thuận trăng cài
áo em mỏng dính hương lài thôn anh
màu trăng cô lữ khuynh thành
cho em xõa tóc trời xanh ngó nhìn
bóng chiều rụng lá vàng hiên
nước trôi cầu gãy mẹ hiền ru con
mắt kia em có hao mòn
làm con cá lội không còn vẫy đuôi
anh đi lụt lội năm rồi
màu trăng cô lữ đã trôi lên trời.
17.9.2020 - 23.11.2021
HLN