Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

Trần Trung Đạo: Tôi Vẫn Nợ Em Một Lời Xin Lỗi

Hình minh hoạ, FreePik

Tôi vẫn nợ em một lời xin lỗi
Giấu trong lòng từ buổi bước lên xe
Thơ tôi viết bao lần không dám gởi
Chuyện tình buồn năm tháng lớn khôn theo

Em tội nghiệp như cành me trụi lá
Hạt sương khuya nuôi ngọn cỏ sân trường
Đêm tháng sáu, mưa có làm em nhớ
Đêm mưa nào, tôi bỏ trốn quê hương

Em ở lại sắc hương tàn phấn rũ
Thời xuân xanh qua rất đỗi vô tình
Em có khóc khi mỗi mùa thu tới
Lá vàng rơi xuống tuổi điêu linh

Giờ tạm biệt tôi ngại ngùng không nói
Không dám nhìn đôi mắt nhỏ thơ ngây
Em đâu biết giữa cuộc đời giông tố
Tôi chỉ là một chiếc lá khô bay

Đau nhức chảy theo dòng thơ tôi viết
Thu Bồn ơi, trăng nước có còn chăng
Tôi lận đận sớm chiều lo cơm áo
Ngoảnh mặt nhìn bến cũ gió mưa giăng

Tôi vẫn nợ em một lời xin lỗi
Nợ quê hương một chỗ đất chôn nhau
Nợ cha mẹ nỗi nhọc nhằn khuya sớm
Tôi nợ tôi mộng ước thuở ban đầu.

Đặng Phú Phong: Chuyện cái áo tơi

Tôi không viết chiếc áo tơi mà cái áo tơi là nó có lý của nó.

Nguyên ở quê tôi, một làng nhỏ của Bình Định, cách xa Qui Nhơn hơn 40 cây số, điện đóm không có mãi cho đến thập niên 60. Ánh sáng văn minh hút bóng, heo hắt, èo uột trên quê tôi. Cả làng không có được một chiếc xe “bịch- bịch” (xe gắn máy) như cái thị trấn kề bên. Dăm ba nhà có được một cái Radio là hách lắm rồi. Giao tiếp với văn minh ánh điện rất hạn hẹp nên ngôn ngữ cũng rất nghèo nàn. Chữ “cái” giới từ chỉ giống (gender) được sử dụng trong hầu hết mọi trường họp. Thiếu hẳn bóng dáng chữ “chiếc”. Ngoại trừ một vài trường hợp có vẻ đã thành thông lệ như “chiếc chiếu”…

Tôi viết cái áo tơi theo cái ý như vậy. Nghèo khổ thành thêm ra nghèo chữ.

Thời đó cái áo mưa là tiếng để chỉ chiếc áo đi mưa làm bằng nylon, dài quá gối, cổ bẻ, có kèm dây thắt lưng và có cả chiếc mũ trùm đầu, trông rất văn minh, rất nhà giàu. Nhưng vì nghèo và nhất là nó không được ấm và rất dễ rách nên cả làng chỉ có mấy đứa học trò con nhà giàu và một số rất ít khác sử dụng nó để đi chợ.

Còn lại dân trong làng đều dùng áo-tơi-lá. Áo-tơi-lá được chằm (may) bằng lá cọ.

Người ta lên rừng cắt lá cọ đem về lựa những lá tốt, lành lặn để sử dụng. Áo tơi rất dễ làm nên bất kỳ ai cũng có thể làm được sau một lần quan sát người khác làm. Họ đóng một cái khung chữ nhật, thường bề ngang hai mét bề cao một mét rưỡi. Trên chiều đứng người ta cột dây mây đã được chuốt, trau kỹ lưỡng và ngâm nước đôi ba ngày cho dai, dẻo. Mỗi đường dây cách nhau khoảng từ năm phân ở phần trên cùng, càng xuống phiá dưới càng cách thưa dần đến khoảng một tấc. Lá cọ trước khi chằm được phơi nắng rồi hứng sương cho lá mềm, dịu và chắc; xong họ gấp đôi lá theo chiều gốc, ngọn, xỏ vào đường dây mây sẵn trên khung. Ở trên là phần cổ áo nên nó được xếp nhặt lại và bện dây mây thật kỹ để tránh bị rách khi va chạm. Trên cùng người ta dùng dây mây chuốt nhỏ và mảnh. Phần lá trên cùng được xỏ xuyên suốt một sợi vải mềm để cột lại khi bận (mặc). Thường áo-tơi-lá chỉ dài đến gối để người nông dân dễ hoạt động.

Lê Thiệp: Độc Hành Tìm Xác Bạn

Mỹ Voi trang bị đến tận răng. Ngoài chiếc máy quay phim và hai ba chiếc máy ảnh quanh người còn một băng vải dầy với những cục pin và những cuộn phim. Trong đám lính tráng đứng lố nhố chờ trực thăng, Mỹ Voi to vượt hẳn lên. An Lộc vẫn bị cô lập và phương tiện ra vào duy nhất là trực thăng. Bọn nhà báo chúng tôi nếu muốn vào, chỉ có nước cứ chờ và may lắm thì có thể quá giang các phi cơ chở binh sĩ tăng cường hoặc chở đồ tiếp liệu. Ưu tiên hạn chế đó khiến bon chen để quá giang rất khó khăn. An Lộc cần lính, cần đồ tiếp liệu và không có ai rảnh rang để chiều những tên nhà báo. Đôi khi có được một hai chỗ, chúng tôi phải bắt thăm. Khi viên phi công gật đầu thì Mỹ Voi đẩy tôi lên trước và nhanh như cắt nhảy lên theo. Từ bãi trực thăng dã chiến vào An Lộc có lẽ chỉ chưa đến nửa giờ, nhưng viên phi công đã dặn khi vào đến An Lộc máy bay chỉ xà xuống và mọi người phải nhảy ngay để trực thăng sẽ cất cánh trở ra lập tức. Phải như vậy vì đề lô cũng như pháo địch đều nhăm nhăm vào trực thăng, một mục tiêu rất hấp dẫn.

Đúng như dự trù, khi chiếc trực thăng xà xuống cách mặt đất chừng hơn một thước và tôi thấy cái biển đề Đồn Điền Xa Cát thì những người lính nhanh như chớp nhảy xuống. Tôi còn dụ dự, Mỹ Voi vừa hét “nhảy đi” vừa đẩy tôi xuống. Đúng lúc hai đứa tôi đang chúi người chạy về phía trước thì một tiếng nổ inh trời. Cho tới sau này, tôi vẫn không biết đó là hỏa tiễn 122 ly hay súng cối. Trong chớp nhoáng chỉ thấy bụi mù và Mỹ Voi lộn vòng vòng trên mặt đất như con quay, máy một nơi người một nẻo. Tôi chồm theo, thấy anh lăn lộn miệng thì lảm nhảm “Kỳ này chết thật.”

Thú thật tôi sợ thấu trời xanh, cố đè anh xuống. Chỉ một thoáng sau, anh như tỉnh, bảo “Đau quá chắc què rồi.” Tôi không có nhiều kinh nghiệm nhưng lanh trí bảo “Nằm im, để xem bị ở đâu đã.” Tôi không thấy vết thương và cũng không thấy máu chảy nên hỏi “Ông đau ở đâu?” Mỹ Voi nhăn nhó, cố quặt tay ra sau sờ vào mông. Tôi bảo “Duỗi chân ra co chân vào thử xem.” Hai đứa nằm dúi ở bên lề dưới cái mương đã khô, pháo của Bắc Việt nã thêm vài ba trái và chiếc trực thăng mất hút trên trời. Mọi sự có vẻ yên, Mỹ Voi cố ngồi dậy được nhưng vẫn nhăn nhó vì đau. Khi đi hẳn vào chỗ an toàn và thấy anh đã đi lại được, tôi mới đủ bình tĩnh để đùa “Chưa bể gáo đâu, ông ơi!” Tôi thấy phía hông chiếc quần của Mỹ Voi thủng một lỗ cỡ đồng xu nên thò tay vào túi quần sau của anh cố lôi chiếc bóp ra. Chiếc bóp khá dày và xem xét thì thấy một mảnh đạn to chỉ cỡ hột ngô xuyên qua lớp lớp đủ thứ thẻ bọc plastic, thẻ quân nhân, thẻ MACV, thẻ nhà báo, thẻ căn cước và dăm ba cái thẻ cùng một sổ dày chi chít số điện thoại. Mảnh pháo kích văng trúng Mỹ Voi nhưng nhờ có chiếc bóp dày cộm đó mà anh thoát.

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Trần Mộng Tú: Nắng Chảy Ràn Rụa Như Nước Mắt

Gửi Mimi và Bill

Sáng nay chúng tôi hẹn tới nhà một người bạn, anh vừa mới mất được hai hôm. Vợ anh ra đón chúng tôi ở hiên nhà. Mùa Hè, nhưng chúng tôi không thấy nóng vì trời có những cơn gió nhẹ. Nắng chẩy ràn rụa như nước mắt trên áo chúng tôi.

Mimi buộc ru-băng cho cây

Sáng nay chúng tôi ngồi ở hiên nhà bạn, nghe bạn kể về những giây phút cuối của chồng, chị kể với nước mắt lưng tròng nhưng thỉnh thoảng môi ngập ngừng một nụ cười nhẹ nhàng đằm thắm khi nhắc đến tên anh. Chúng tôi ngồi im lặng nghe. Nắng chảy ràn rụa như nước mắt.

Sáng nay chúng tôi uống ly chanh đường với nhau, nước chanh mát và ngọt, nhưng thỉnh thoảng có vị mặn, hình như một giọt lệ rất nhỏ rơi vào trong ly. Nắng chảy ràn rụa như nước mắt.

Sáng nay tôi được xem những tấm ảnh của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc đơn sơ. Những tấm ảnh như thời gian quay ngược lại, có vợ chồng trẻ, có hai đứa bé con, rồi vụt một cái hai đứa bé lớn cao như cha mẹ chúng và cha mẹ chúng thành ông bà nội, ngoại. Nắng thì vẫn lấp lánh và gió thì vẫn thổi rất nhẹ. Mấy chục năm về trước, gió và nắng đã tới đây và ở lại cho đến bây giờ. Nắng chảy ràn rụa như nước mắt.

Sáng nay tôi đặt cuộn ru-băng trắng vào tay người bạn, cả hai chúng tôi cùng bước ra vườn, cái vườn rộng với gần 50 cây táo. Những cây táo đang bắt đầu mang từng chùm quả rất xanh. Hàng cây đứng lặng trong mùa Hè. Nắng chảy ràn rụa như nước mắt.

Gió ViVu: Buồn Vui Đời Gấu!

(Video đính kèm)

Những tia nắng ấm của mùa xuân đã đánh thức những chú gấu ngủ đông miền Bắc Mỹ. Sau một giấc ngủ vùi mê mệt, những chú gấu thức giấc, vươn vai, khoan khoái hít thở cái không khí tươi mát của đầu xuân... thật là hạnh phúc! Nhưng rồi chợt thấy mình yếu đuối, tiều tụy, gầy ốm vì đã nhịn đói suốt một mùa đông...! Chầm chậm bước ra khỏi hang, gấu phải đi tìm thức ăn dù mặn hay chay. Vào đầu xuân, cây cối, hoa lá vừa đâm chồi nảy lộc lấy đâu ra hoa và trái mà ăn, còn đám thú nhỏ cũng biến đâu hết rồi, đói quá đi thôi! Những chú gấu bụng đói meo thường buồn bã lang thang trong rừng hay "mon men" đến khu nhà dân, lục lọi những thùng rác để tìm kiếm thức ăn. Những chú gấu háu đói nhưng gan dạ này rất thích "xâm nhập gia cư bất hợp pháp".

British Columbia, thuộc Canada là một vùng đồi núi và biển xanh được bao quanh bởi rặng núi Rocky hùng vĩ - còn được gọi là "xứ sở của gấu" - ở đây, dân số của gấu cao nhất thế giới khoảng 120,000 đến 150,000 con. Gấu là loài ăn tạp, kiếm ăn từ tháng 5 cho đến tháng 10, và ngủ đông. Trước khi ngủ đông, nếu khí hậu còn ấm áp, gấu vẫn lang thang trong rừng hay đến nhà dân kiếm ăn để dự trữ cho một "giấc mộng dài". Gấu là một loài thú có thể gây nguy hiểm chết người, nếu không may "ra ngõ gặp gấu" thì không thi triển "Lăng Ba Vi Bộ" được đâu, chạy không lại gấu, mà lỡ trúng phải "hùng chưởng" thì tay chưa kịp bắt chuồn chuồn, hồn đã mỉm cười nơi chín suối!!! Phải biết những "chiêu thức" lỡ khi gặp gấu: dừng lại, không nhúc nhích, rồi từ từ lùi lại, và đi hướng khác; nên mang theo cái "xịt gấu" (Bear Spray), đeo bên mình cái lục lạc hay "chuông báo khẩn cấp" (Panic Alarm). Nếu gặp gấu mẹ đi với gấu con là một tình huống xấu xí nhất, vì để bảo vệ con, gấu mẹ hung hăng hơn bao giờ hết - phải lùi lại, tránh xa, và lặng lẽ, khôn khéo tìm đường lẩn tránh, thoát thân. Quanh những nơi dân cư đi lại, thường có những bảng hay dấu hiệu cảnh báo có gấu lai vãng nên phải thận trọng dè chừng. Tuy gấu nguy hiểm nhưng cũng hiếm hoi xảy ra những vụ người bị gấu tấn công.

Miêng: Mưa

Tôi nắm bàn tay lạnh ngắt em dâu. Lần đầu tiên đụng chạm, lần đầu tiên làm cử chỉ thân thiện cũng không cho tôi cảm giác bàng hoàng trước nỗi kinh hãi rằng em dâu sẽ chết. Hậu sản. Rồi tất cả sẽ đè lên vai tôi như xưa, hơn xưa vì có thêm thằng cháu. Nó nhìn lờ đờ:

- Nếu em..., nhờ chị nuôi cháu giùm em, cực chị, vừa lo cho mẹ, cho cháu...

Tôi muốn khóc, không biết thương em dâu, thương cháu hay chính mình:

- Nói bậy. Qua cơn mệt rồi khá thôi mà.

Âm thanh phát ra cũng lừa dối chính mình. Không phải nói bậy mà là cảm nhận trong người, không phải cơn mệt, mà là cơn hấp hối. Tay tôi siết hơn chút nữa, cố truyền sinh lực. Em dâu dịu dàng hay không hơi sức, giọng hẫng như bông:

- Bố mẹ em đều là nhà giáo. Em thương anh bạn, bố mẹ em cấm vì ảnh nghèo, con một, lại có mẹ già. Khi ảnh đi lính, chết nay sống mai, em quyết định có bầu, sinh con cho ảnh. Bố mẹ em đánh, đuổi đi, cho là điếm nhục...

À thì ra là gái nạ dòng. Thảo nào nó về nhà chúng tôi với lai lịch hoàn toàn mù mờ bất định trong khi tôi dù giấy rách vẫn giữ lấy lề. Một hôm thằng em hớn hở tuyên bố sẽ lấy vợ mà nhất định không chịu cưới hỏi rình rang, chỉ là lễ bàn thờ và bữa tiệc nhỏ. Mẹ lúc vui lúc buồn nhưng chấp nhận vì ham có cháu. Cằn nhằn mãi thằng em chỉ làm thinh, riết tôi dỗi không thèm đếm xỉa, biết chắc vợ nó chui từ đất lên không xứng đáng nên vừa khinh bỉ vừa thấy tiện lợi, đỡ tốn kém cho cái ngữ không gốc gác ấy. Giờ lại thêm nạ dòng, cưỡng lời cha mẹ, theo trai, chửa hoang... Tôi muốn rút tay ra, em dâu nắm chặt:

- Em đến sống với mẹ ảnh. Tội nghiệp lủi thủi một mình, có em cụ vui vẻ lắm, cho đến khi em sinh cháu bé. Cũng con trai chị ạ...

Võ Phiến: Vươn Ra Ngoài Cuộc Sống

Sự thất vọng bắt đầu sau chuyến đi thăm mặt trăng về. Người về chỉ mang theo mớ đá: Tuyệt không có dấu vết sinh vật nào. Từ ấy, những thám hiểm khác không khá hơn. Nơi bấy lâu chúng ta vẫn đặt nhiều mơ tưởng là hỏa tinh: Hỏa tinh rốt cuộc cũng làm cụt hứng giới “tìm bạn bốn phương”.

Cuối thiên niên kỷ thứ II dấy lên một nghĩ ngợi: Phải chăng chúng ta là sinh vật duy nhất trong vũ trụ vô cùng? Cô đơn đến thế thật là cô đơn. Hãi hùng quá.

Con người khiêm tốn, xưa nay vẫn dành cho mình một vị trí thấp. Bên trên, bao nhiêu hạng tôn quí: ông Trời, bà Đất, tiên, thánh, thần, ma vương, thượng đế v.v...; xưa nay nó vẫn quen thờ phụng, lạy lục, lạy từ hòn đá cục đất lạy đi. Bỗng nhiên không còn gì còn ai để lạy nữa, con người hoảng hốt, hoang mang.

Trước, con người không thực sự nghĩ tới việc mình có thể rời khỏi quả đất. Nó yên phận ở một nơi này, và yên trí là đó đây cũng có những giống sinh vật như mình. Ai có cõi sống nấy. Như thế, nó yên tâm.

Năm 1969 — mới cách đây hơn ba chục năm — lần đầu tiên nó đặt chân lên một thiên thể ngoài quả đất. Thấy mặt trăng trống trơ. Từ ấy nó tìm kiếm lung tung. Đem máy móc tiến gần, rình rập hỏa tinh: thấy khô ráo, lạnh ngắt. Lại tiến lên mộc tinh rình xem cái vệ tinh Europa chạy quanh: cũng không mảy may dấu hiệu sinh sống nào. Chỉ trong khoảng năm năm cuối thế kỷ vừa qua, ít nhất đã có 22 thiên thể bị dò xét. Sự hối hả thấy rõ, còn gì nữa.

Cái tìm kiếm lục soát càng ngày càng ráo riết, mà mức kỳ vọng mỗi lúc mỗi thấp. Thuở xưa, người ta mơ tưởng sẽ gặp trên thượng giới những sinh vật giống như mình: cũng những cô gái xinh đẹp với đầy đủ xiêm y, biết ca xướng đàn địch, cũng những cụ già tóc râu khả kính, thích chơi cờ thích ngâm thơ v.v... Về sau, con người địa cầu không còn đòi ai kia phải giống hệt mình. Chỉ mong đây đó may ra có những giống loài dù khác lạ dù dị hợm, nhưng vẫn có trí thông minh vẫn tài giỏi, đây đó may sao có thể khám phá ra những nền văn minh bất ngờ, xuất sắc, rải rác trong vũ trụ. Người vũ trụ, riết rồi hình ảnh ấy thật mơ hồ: nó nhỏ bằng nắm tay chăng? lớn bằng tòa nhà chăng? nó di chuyển bằng cách trườn mình oằn oèo trên đất chăng? bằng cách vỗ cánh trên không trung chăng? nó có được một vài cái tai để nghe, dăm ba con mắt để trông chăng? v.v...

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

Minh Đức : TQ có thể mãi mãi không thực hiện được lời tiên tri "soán ngôi" Mỹ, nhưng điều tệ nhất là gì?

Bloomberg Economics gần đây có bài phân tích về khả năng và cơ hội Trung Quốc vượt lên Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc tin rằng sự "đổi vai" giữa nước này với Mỹ trong vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều tất yếu.

"Đất nước Trung Quốc," Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1/7, "đang tiến tới công cuộc trẻ hóa vĩ đại với tốc độ không gì cản nổi."

Trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, Trung Quốc đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh và duy trì tăng trưởng. Trong khi đó, Mỹ ghi nhận hàng trăm nghìn ca tử vong và hứng chịu suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Rào cản của chính Trung Quốc trước mục tiêu nền kinh tế lớn nhất thế giới


Gần đây, sự phục hồi nhanh chóng đầy bất ngờ của Mỹ đã cho thấy không gì là chắc chắn trong giai đoạn chuyển giao.

Giả sử, ông Tập Cận Bình có thể tiến hành các cải cách thúc đẩy tăng trưởng trong khi người đồng cấp Mỹ là Tổng thống Joe Biden không thể hiện thực hóa các đề xuất về đổi mới cơ sở hạ tầng và mở rộng lực lượng lao động của mình. Theo đó, Bloomberg Economics dự báo chỉ 10 năm nữa, tức vào năm 2031, Trung Quốc có thể chiếm vị trí dẫn đầu mà Mỹ đã nắm giữ cả thế kỷ nay.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo sự "soán ngôi" chắc chắn sẽ xảy ra.

Cao Nguyên (RFA): Dịch COVID-19 ở TPHCM làm lộ rõ điểm yếu trong hệ thống chống dịch của Việt Nam

Trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư ở Việt Nam từ ngày 27/4/2021 cho đến nay, chính quyền Việt Nam đã ban hành nhiều quy định, chính sách chống dịch gây tranh cãi, không những chưa khống chế được dịch mà còn làm tăng rủi ro lây lan nguồn lây bệnh. Một chuyên gia ngành Sinh học nói đợt dịch lần này cho thấy nhiều điểm yếu kém, lộn xộn, lúng túng trong công tác chống dịch của chính quyền Việt Nam nói chung và THPHCM nói riêng.

Các chính sách bộc lộ sự lúng túng


Nhiều quy định, chính sách được ban hành một cách đột ngột, cứng nhắc mà không nghĩ đến hậu quả người dân phải chịu. Điển hình là quy định có giấy xét nghiệm âm tính mới được ra vào các tỉnh; đóng hầu hết các chợ truyền thống, chỉ mở cửa siêu thị; hay con nít thuộc diện F1 cũng phải đi cách ly một mình.

Một tiến sỹ chuyên ngành sinh học yêu cầu được giấu tên nói rằng chính sách chống dịch như trên thể hiện rõ sự rối rắm, yếu kém của hệ thống chống dịch TPHCM. Những phương pháp chống dịch này “chắc chỉ có ở Việt Nam”:

“Yêu cầu có giấy xét nghiệm để thông hành thì mình thấy rất buồn cười. Cứ nhìn hình ảnh người dân đổ xô đi xét nghiệm thì nguy cơ rất cao ở các khu xét nghiệm và cái chuyện xét nghiệm để được thông hành ở trong một nước là chuyện rất vô lý và hơn nữa là gây rất nhiều phiền hà.

Ngay cả ở Hàn Quốc có xét nghiệm diện rộng thì họ cũng chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp có dấu hiệu, còn đây là bắt buộc xét nghiệm trước khi di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác thì chắc chỉ có mỗi ở Việt Nam thôi. Sao ai mà đưa ra chính sách vớ vẩn thế!”

Nguyễn Ngọc Chu: 100 năm quái vật thành tinh

I. Mượn bóng nhân dân


Theo tin được xác minh về sau, thì Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc (TQ) diễn ra từ 23 - 31/ 7/ 1921. Nhưng không biết từ đâu, lại lấy ngày 1/7/1921 làm ngày thành lập?

Như vua chúa TQ thời xưa bịa ra thần thoại xuất hiện rồng rắn báo hiệu sự lên ngôi, ở mặt khác như thừa nhận của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô Gorbachev lúc đương nhiệm - “Cả đời các bạn chỉ được nghe những điều giả dối” - thì có quyền hoài nghi cả 2 cột mốc về sự ra đời của ĐCSTQ.

Nhưng cần gì thời điểm chính xác. Sau 100 năm, hay xấp xỉ 100 năm thì các loài vật đều “thành tinh”. Đứng xếp hàng rồng rắn cách nhau 1 m, thì ĐCSTQ với 95 triệu đảng viên sẽ là “con rắn khổng lồ dài 95 000 km”, 15 lần dài hơn Vạn lý trường thành (6259 km).

Đứng đầu “con rắn khổng lồ dài 95 000 km” là ông Tập Cận Bình. Ngày 1/7/2021 ông Tập đã có bài phát biểu tại Thiên An Môn về sự “thượng thọ” 100 năm của ĐCS TQ. Trong đó có 4 điểm cần để ý.

1. Xây đựng Quân đội Trung Quốc hùng mạnh

Minh chứng là cuộc trình diễn khai mạc với các phi cơ bay theo hình con số 100. Ông Tập khẳng định quyết tâm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng vũ trang.

Ngân sách quốc phòng TQ năm 2020 đạt 252 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ (772 tỷ USD) vượt xa ngân sách quốc phòng Nga (61,2 tỷ USD), và sẽ tăng đến 6,8% trong năm 2021. Trung Quốc đang xây hàng trăm hầm ngầm chứa tên lửa đạn đạo ở Tân Cương. Số lượng đầu đạn hạt nhân của TQ (350) đã vượt qua Pháp (290) lên vị trí thứ 3 thế giới. TQ đặt mục tiêu rút ngắn khoảng cách với Nga (6500) và Mỹ (6185). Riêng về số lượng tàu chiến (777) và tàu ngầm (79) thì Trung Quốc đã vượt qua Mỹ (490, 69) và Nga (605,64). Quân đội TQ về thực lực đang xếp vị trí thứ 3 thế giới. Về số lượng quân số và binh khí thông thường - đang chiếm ngôi số 1 thế giới.

Vũ Hữu Kính: Lời đe doạ thế giới trong bài phát biểu của Tập Cận Bình

Ngôn ngữ hung hăng


Trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phát biểu của ông Tập Cận Bình đã thu hút rất nhiều sự chú ý, nhất là khi ông cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không để ai “bắt nạt, áp bức hoặc nô dịch”, và rằng bất kỳ ai dám thử làm như vậy “sẽ bị sứt đầu mẻ trán và đổ máu trước bức thành đồng Vạn lý Trường thành của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc". Bài phát biểu này được nhiều người nhận xét là "mang tính thách thức" và "hung hăng”.

Trong bài phát biểu này, điều đáng chú ý là ông Tập Cận Bình đã đặt sự phát triển và các chương trình của ĐCSTQ cùng với các sự kiện như cuộc nổi dậy Thái bình Thiên quốc (cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong thế kỷ XIX tại Trung Quốc) và phong trào Nghĩa Hòa Đoàn. Tất cả những điều này được mô tả như những nỗ lực cải cách Trung Quốc nhằm hiện đại hóa và phát triển đất nước. Theo ông Tập Cận Bình, sự khác biệt nổi bật ở đây là những nỗ lực trước kia đều thất bại, trong khi những nỗ lực của ĐCSTQ đã thành công. Điều này đã trực tiếp nhắc đến “thế kỷ ô nhục" và sự sụp đổ của Trung Quốc từ vị thế vượt trội về kinh tế và chính trị ở châu Á (và có thể nói là trên thế giới) và trở thành “Đông Á bệnh phu”. Ông Tập Cận Bình lưu ý rằng khi Trung Quốc bị các thế lực nước ngoài khai thác (đặc biệt là Vương quốc Anh trong thời kỳ các cuộc chiến tranh nha phiến), đất nước rất yếu và lạc hậu. Ông mô tả đây là thời kỳ nửa phong kiến, và điều đó được cho là chính xác, đặc biệt là ở vùng ngoại ô Trung Quốc năm 1921. Chính sự yếu kém ở trong nước này đã khiến Trung Quốc dễ bị nước ngoài phá hoại. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng chính ĐCSTQ đã đưa Trung Quốc thoát khỏi tình trạng lạc hậu này. Điều cốt yếu là ĐCSTQ đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc nhờ vào năng lực đã được chứng minh của đảng. Vì lý do đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm tách ĐCSTQ ra khỏi nhân dân Trung Quốc đều sẽ thất bại (hoặc ít nhất là vấp phải sự phản đối gay gắt từ ĐCSTQ).

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Ngô Nhân Dụng: Trung Cộng 100 tuổi đã quá già!

Cộng sản Trung Quốc đang chính thức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng, từ một buổi họp bí mật tại thành phố Thượng Hải, trong tô giới Pháp, năm 1921. Nhưng Tập Cận Bình đang giết “con gà đẻ trứng vàng” của kinh tế Trung Quốc khi đánh đòn dằn mặt các công ty kỹ thuật cao cấp nhất.

Hồi tháng Năm vừa qua, anh Vương Hưng vừa mất tiêu $2.5 tỷ đô la trong hai ngày khi cổ phần công ty anh làm chủ bị mất giá, chỉ vì anh lỡ đưa lên mạng một bài thơ Đường 28 chữ. Anh đã “biết tội,” xin lỗi tất cả mọi người và đem xóa bài thơ ngay! Nhà nước chưa nói tiếng nào hết. Nhưng ai cũng thấy bài thơ đó “có vấn đề” và chỉ bấy nhiêu cũng làm cổ phần tụt giá một phần năm!

Vương Hưng (Wang Xing, 王兴) lập công ty Meituan (Mỹ Đoàn) từ 9 năm nay; chuyên bán hàng giao tận nhà. Đầu năm nay giá cổ phần của công ty tăng gấp bốn lần so với năm trước. Vì bệnh dịch Covid, cũng giống như Amazon ở Mỹ, giá trị cả công ty Meituan lên tới $220 mỹ kim, đứng hàng thứ ba sau Tencent và Alibaba.

Tại sao một bài thơ “tứ tuyệt” (bốn câu) của Chương Kiệt nói chuyện Tần Thủy Hoàng lại gây tai họa cho một kỹ sư 42 tuổi?

Bài thơ “Phần Thư Khanh” (Cái hố Đốt sách) có bốn câu:

Trúc bạch yên tiêu đế nghiệp hư
Quan hà không tỏa tổ long cư
Khanh khôi vị lãnh san đông loạn
Lưu Hạng nguyên lai bất độc thư

Giải thích: Làn khói đốt giấy lụa làm bằng trúc làm hỏng cả đế nghiệp. Giang sơn kinh đô nơi rồng (Tần Thủy Hoàng) cư ngụ không tránh được nguy hiểm. Khói trong hố chưa lạnh thì vùng núi phía Đông đã loạn. Lưu (Bang) Hạng (Võ) thì vốn không hề đọc sách.

BBC Tiếng Việt: Hoa Kỳ ‘không muốn Đài Loan độc lập, giữ nguyên trạng’

Điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell hôm thứ Ba cho biết Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể cùng tồn tại trong hòa bình nhưng thách thức là rất lớn.

Đài Loan


Về Đài Loan, hòn đảo tự trị được Hoa Kỳ hậu thuẫn mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình và muốn chiếm lại, Campbell tỏ vẻ thận trọng.

Ông cho biết Washington ủng hộ mối quan hệ không chính thức mạnh mẽ với Đài Loan và tin rằng hòn đảo này cần có một vai trò quốc tế và không bị cộng đồng quốc tế xa lánh, nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập.

Ông nói: "Chúng tôi nhận ra và hiểu rõ những nhạy cảm liên quan ở đây."

Ông nói thêm rằng việc duy trì hòa bình và ổn định đối với Đài Loan là một sự cân bằng"nguy hiểm".

Trong cuộc trò chuyện với Asia Society, Kurt Campbell, nói: "Đó là một sự cân bằng nguy hiểm, nhưng phải được duy trì."

Kurt Campbell từng là trợ lý thứ trưởng ngoại giao về Đông Á thời Barack Obama từ 2009 tới 2013.

Sang thời Joe Biden, ông đảm nhiệm vị trí mới lập ra, có tên nhà điều phối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông có sếp trực tiếp là Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, và có nhiều quyền hạn trong vấn đề Trung Quốc.

Nhã Duy: Truy tố tập đoàn Trump là một vụ án chính trị?

Trong cuộc tụ tập cuối tuần qua tại Florida, Donald Trump đã vô tình thừa nhận các cáo buộc của văn phòng biện lý Manhattan với giám đốc tài chính (CFO) và tập đoàn của mình khi phát biểu rằng, các quyền lợi bên lề (fringe benefit) là bình thường, hãng nào cũng áp dụng nên cuộc truy tố của New York vào tập đoàn của ông ta mang mục đích chính trị. Đó cũng là điều mà hầu hết người ủng hộ Trump đã tin và lặp lại.

Vậy thử tìm hiểu các cáo buộc trong vụ truy tố này thật sự dựa vào các điều gì và có phải là một "vụ án chính trị" hay không?

Đầu tiên có thể nói sơ qua về "fringe benefit" - quyền lợi bên lề theo sở thuế vụ IRS là gì. Ngoài các quyền lợi chính cho nhân viên như bảo hiểm y tế, ngày phép, ngày bệnh..., một số hãng còn giúp trả học phí cho nhân viên, cung cấp xe, điện thoại của hãng, trợ giúp giữ trẻ, cho mua hàng hay dịch vụ giảm giá, ăn uống miễn phí... Đó là một số quyền lợi bên lề hợp pháp và miễn thuế, đúng theo luật của IRS.

New York đã truy tố tập đoàn Trump cùng CFO Allen Weisselberg là gian lận và trốn thuế chứ không liên quan đến "quyền lợi bên lề". Với Allen, tập đoàn đã mua xe Mercedes riêng cho vợ ông ta, trả tiền học cho cháu ngoại/nội, trả tiền mua sắm vật dụng nội thất, tân trang nhà cửa cho con cái ông, cung cấp cho ông chung cư sang trọng miễn phí...

Hơn nữa, các bằng chứng còn cho thấy ông được cung cấp một khoản tiền mặt xài riêng, được trả một phần lương bằng tiền mặt và lương theo mẫu 1099 như nhân viên độc lập (self-employment) thay vì chỉ W2 trong tư cách nhân viên chính thức, nhằm có thể khấu trừ và trốn thuế thu nhập. Tất cả những điều kể trên lẽ ra Allen và tập đoàn Trump cần phải khai báo như thu nhập để đóng thuế. Allen còn bị cáo buộc một tội danh trốn thuế thành phố khi khai gian tình trạng cư trú, dù sống và làm việc ngay trung tâm New York nhưng đã khai không phải cư dân của New York City. Đó là một vài cáo buộc trong tổng cộng 15 tội danh mà CFO Allen Weisselberg đã bị truy tố.

Người Tân Định (VNTB): Sài Gòn, đóng chợ và hoảng sợ

Có lẽ đợt dịch thứ 4 này đã đến lúc đánh dấu chấm hết cho sự may mắn của chính phủ Việt Nam trong ba lần trước...

Dịch covid-19 bắt đầu lan rộng từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương ra toàn quốc và Sài Gòn nay là điểm nóng nhất với số người bệnh cao nhất, nhiều người từng xem trận dịch này như sự đe dọa từ xa không dính gì đến họ, hoặc tin vào khả năng dập dịch nhanh chóng của nhà nước thì bây giờ thật sự hoảng sợ.

Thông tin từ Ban quản lý chợ Tân Định (Q.1, tp.HCM) cho biết chợ bắt đầu đóng cửa cách ly theo quy định trong vòng 14 ngày, bắt đầu từ ngày 4-7 do có người bán hàng tại chợ dương tính với COVID-19. Chợ đầu mối Hóc Môn (tp.HCM) tiếp tục tạm dừng các hoạt động, đóng cửa thêm 11 ngày so với kế hoạch đóng cửa trước đó là từ ngày 28-6 đến 4-7.

Chợ Tân Định, quận Nhất Sài Gòn, nằm trên đường Hai bà Trưng là nơi quen thuộc với người viết bài này từ ngày biết theo mẹ đi chợ. Những hàng quán sạch sẽ trong chợ với lối đi rộng rãi dần dần biến mất, nhường vào đó là những lối chật hẹp có khi phải lách mình qua tránh đụng phải hàng hóa bạn hàng kê chật hai bên lối đi với rất nhiều thứ để bán chất đống cao, có khi phải bước qua người bán hàng nằm co ro trên sàn chợ vào buổi trưa vắng khách. Rất chật chội, bí hơi và nóng nực. Khách vào chợ sẽ cảm thấy ngột ngạt, đổ mồ hôi sau ít phút, vệ sinh nơi khu ẩm thực ăn uống trong và ngoài bìa chợ đều không bảo đảm. Tình trang của hầu hết các chợ khác cũng vậy.

Việc đóng cửa chợ cho đến ngày 18 tháng 7 ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng ngàn chủ tiểu thương trong chợ, và hoang mang cho cả vùng Tân Định, nhà chức trách đã lập danh sách hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên toàn tuyến đường Mã Lộ, đường Nguyễn Văn Nghĩa và trong nhà lồng chợ Tân Định, những người có tiếp xúc, trao đổi mua bán với chủ sạp 145 bị dương tính bệnh dịch covid-19 và thông báo về nơi cư trú để xét nghiệm y tế và gửi kết quả xét nghiệm về ban quản lý chợ.

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

SỐ ĐẶC BIỆT VỀ NHẤT LINH


Nguyễn Tường Thiết: Xóm Cầu Mới, một hoài bão lớn của Nhất Linh

Cha tôi, nhà văn Nhất Linh, cho ra đời hơn mười tác phẩm. Mẹ tôi sinh đẻ hơn mười người con. Bà thường nói đùa với chúng tôi: “Cứ mỗi lần Mợ có mang thì Cậu lại thai nghén một quyển truyện”. Những đứa con của mẹ tôi khi chào đời thường song hành với một tác phẩm mới của cha tôi được xuất bản. Chẳng hạn như anh Thạch tôi sinh năm 1935 ứng với năm tác phẩm Đoạn Tuyệt ra đời. Nhưng khi cha tôi bắt đầu thai nghén và khởi viết Xóm Cầu Mới vào năm 1940, trong khi mẹ tôi cuối năm đó sinh đẻ ra tôi, thì tác phẩm này vẫn chưa chịu ra đời. Lần này khi khởi viết Xóm Cầu Mới Nhất Linh mang hoài bão quá lớn, “cái thai” quá to, nên tác phẩm không chịu xuất hiện trên đời cho mãi đến ba mươi ba năm sau. Kỳ diệu thay chính tôi lại là người “đỡ đẻ” cho tác phẩm ra đời khi tôi cho xuất bản cuốn Xóm Cầu Mới lần đầu tiên vào năm 1973.

Hoài bão của Nhất Linh khi khởi viết Xóm Cầu Mới vào năm 1940 là mong muốn thực hiện một bộ trường giang tiểu thuyết đồ sộ dài gần mười ngàn trang mà theo ông mới đủ để diễn tả cuộc đời muôn vẻ, muôn mặt. Trải dài suốt 17 năm sau đó, với cả thẩy 5 lần viết đi viết lại, ông đã khai bút viết lại lần cuối, bên dòng suối Đa Mê vào ngày 23 tháng 10 năm 1957. Qua ống kính của nhiếp ảnh gia Lê Văn Kiểm, một người bạn thân của ông, hậu thế chúng ta ngày nay được nhìn ngắm bức ảnh Nhất Linh, trong tư thế nửa nằm nửa ngồi trên một chiếc võng, vầng trán cao, cặp kính gọng đen, chiếc pipe trễ trên miệng, cúi xuống viết trên một tập sách dầy, phía trên võng là cánh rừng thâm u của làng Fim Nôm, dưới chân võng là dòng suối róc rách chẩy. Bên dưới tấm ảnh đó Nhất Linh viết những hàng chữ sau: “Kỷ niệm ngày khai bút Xóm Cầu Mới bên giòng suối Đa Mê, ngày 23-10-57”.

Hoài bão thực hiện cuốn trường giang tiểu thuyết đó, giống như chính cuộc đời ông, bỗng dưng đứt đoạn khi ông đột ngột qua đời sáu năm sau ở tuổi 57. Cho tới khi nhắm mắt Nhất Linh hoàn toàn không hay biết Xóm Cầu Mới có mặt trên thế gian. Ông không biết là tác phẩm mang hoài bão lớn nhất của mình hiện hữu trên cõi đời. Trái lại ông ra đi trong niềm tin rằng tác phẩm của mình sẽ tan biến theo mây khói, tan biến cùng với những giấc mộng lớn không thành trong đời ông.

Thụy Khuê: Nhất Linh, từ Cẩm Giàng tới Xóm Cầu Mới

Bìa báo Văn Hóa Ngày Nay,
Tập ra mắt 17-6-1958, do Nhất Linh phác họa

Hôm nay là ngày 17-6-2021.

Tôi vẫn nhớ, một lần trò chuyện với Nguyễn Tường Thiết qua điện thoại, không rõ năm nào, anh đã nói với tôi: Văn Hóa Ngày Nay số 1 ra ngày 17-6-1958, là ông cụ tôi chọn ngày giỗ Nguyễn Thái Học đấy. Tôi rất ngạc nhiên vì chưa hề chú ý đến chi tiết này và cũng không thấy ai nhắc tới trong những bài viết mà tôi đã đọc về Nhất Linh. Hôm ấy, anh Thiết đã cho tôi biết, không chỉ một thông tin, mà còn hơn nữa: một chi tiết lịch sử liên quan đến một tổ chức văn học cách mạng. Chi tiết này làm tôi phải suy nghĩ thêm về mối liên hệ giữa Tự Lực văn đoàn và Việt Nam Quốc Dân Đảng, mà từ trước đến nay, tôi chỉ coi như một kết hợp đảng phái có tính cách chiến lược trong một giai đoạn tranh đấu.

Về Tự Lực văn đoàn, khoảng năm 2000, sau khi viết xong loạt bài về Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo và Thạch Lam, tôi tưởng mình đã "làm tròn bổn phận", nhưng tôi đã lầm. Năm 2002, khi được nhà văn Nguyễn Thạch Kiên, tặng bộ sách Khái Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, do ông biên soạn, tôi mới biết là mình chẳng biết gì, những gì mình biết và viết về Tự Lực văn đoàn chỉ là mảng nổi của tảng băng chìm, chưa khai phá.

Nhưng bộ sách này cũng chỉ cho tôi biết Khái Hưng còn làm nhiều việc nữa sau khi Phong Hóa Ngày Nay đình bản, riêng báo Phong Hóa Ngày Nay lúc đó, cũng chưa mấy ai biết mặt mũi ra sao, thì một kẻ ở ngoài nước đã bốn mươi năm, có cách gì khảo sát được?

Lại phải đợi thêm 10 năm nữa, khi toàn bộ sưu tập Phong Hóa Ngày Nay được số hóa và công bố trên internet, ngày 12-9-2012, nhờ công lao của nhóm Phạm Phú Minh, Nguyễn Trọng Hiền, Nguyễn Tường Giang, Phạm Thảo Nguyên và Thành Tôn.

Nguyễn Đức Tùng: CÔ MÙI CÒN KHÔNG

Giữa hai nhân vật chính, Siêu và Mùi, trong tiểu thuyết Xóm Cầu Mới của Nhất Linh, có những câu chuyện lai rai tán gẫu nhỏ nhặt thế này:

Mùi hỏi:

- Quả trứng gì?

- Cô không biết à? Bây giờ cô muốn để một quả trứng đứng dựng trên đĩa, cô làm thế nào?

- Em chẳng bao giờ để nó đứng cả. Để nó nằm tiện hơn.

Siêu cười nói:

- Cô ngớ ngẩn lắm, đấy là nói thí dụ thế.

Những đoạn đối thoại như thế hơi giống nhau mà vẫn cứ riêng biệt cho mỗi trường hợp, đọc hoài không chán. Vì chúng dí dỏm, mỗi lúc phơi bày một khía cạnh. Hơn thế, những đối thoại ấy làm bộc lộ các mối quan hệ chưa rõ ràng hoặc làm động lực đẩy câu chuyện đi. Như ở một đoạn khác, hai nhân vật khác:

Bác Hiên đưa mắt nhìn Hải và thấy hai con mắt Hải nhìn mình có vẻ khác. Hải nói:

- Cổng trống, bác cài then rồi chứ?

- Bẩm cậu cài rồi, cả cửa nhà nữa ạ.

Câu trả lời vừa thực thà vừa tình tứ.

Ngày trước các nhà văn ít nói về thời tiết, mãi cho đến thế kỷ thứ mười chín, hai mươi, như trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn. Trong ba mươi năm chiến tranh Việt Nam, 1945- 1975, người ta ít nói về nó, con người đâm ra nổi bật hơn thiên nhiên. Thế mà ai cũng biết rằng thời tiết liên quan đến tâm trạng. Nhân vật hạnh phúc thì cảnh vui vẻ, nhân vật đau khổ thì cảnh tiêu điều. Cảnh vật của Nhất Linh không đứng ngoài nhân vật, chúng tham gia, trở thành một phần của câu chuyện. Siêu và Mùi gặp nhau ở hiên nhà, một không gian vừa mở vừa kín đáo. Cái hiên nhà là sáng tạo độc đáo của Nhất Linh, ở xứ nhiệt đới, mái hiên là nơi diễn ra những cuộc trò chuyện, nơi đọc sách, nơi tình tứ. Không gian của mối tình, của những chia tay, của hoa lài trắng và nước mắt. Cái hiên nhà chứng kiến những đổi thay thời tiết. Trong đoạn văn sau đây khi Mùi đến bên hiên đánh thức Siêu, buổi sáng hòa vào tâm hồn một cô gái nhỏ tuổi, lớn lên ở thôn quê, ít học nhưng thông minh, thực tế nhưng giàu cảm xúc.

Nguyễn Thị Vinh: Nhà văn Nhất Linh & Xóm Cầu Mới

"Trang bìa tập bản thảo Xóm Cầu Mới".
Lẽ ra, tôi nghĩ phải viết cái tựa trên, như thế này mới đúng: "Nhớ Về Anh Tam & Xóm Cầu Mới". Có nghĩa là tôi nhớ lại tác phẩm XCM đã được nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam bắt đầu viết lại toàn bộ ở Hương Cảng trong hai năm 1948 và 1949, rồi sau đó lại viết lại và viết tiếp ở Sài Gòn, Ðà Lạt cho tới 1957. Ðồng thời, tôi cũng xin nhấn mạnh: Nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam và nhà văn Nhất Linh là một. Văn học và chính trị, nơi ông, không hề tách biệt hay đối nghịch: Văn học hướng đến một nền chính trị Ðộc lập, Dân chủ; và chính trị nhắm tới một nền văn học Tự do, Nhân bản và Khai phóng. Ðặc biệt: Nhất Linh, người mà lúc sinh thời vẫn thích bằng hữu và các "đàn em", trong đó có tôi, gọi là "anh Tam", đã vui buồn ra sao khi viết tiểu thuyết XCM?

Kể từ dòng này trở xuống, tôi xin dùng chữ "anh Tam, chị Tam", với tất cả tấm lòng tưởng niệm đầy tôn kính.

Nỗi nhớ thường có điều quên và "nhớ lại" cũng không thể đồng nghĩa với "lại nhớ" được hết mọi chuyện. Nên hy vọng rằng ở "Nhà Văn Nhất Linh & Xóm Cầu Mới", nếu có gì thiếu sót, xin quý anh và quý bạn chiến đấu thời lưu lạc ở Hương Cảng niệm tình mà thứ lỗi cho tôi. Trong không khí "văn nghệ" của bài viết, tôi tự giới hạn nhiều chi tiết liên quan đến một số nhà cách mạng, hoạt động chính trị, cùng các quan điểm đa dạng của quý vị ấy, bao gồm thân thế, sự nghiệp, đi đúng đường hay lạc hướng. Tôi chỉ viết dưới dạng Tâm Cảm, coi như một bài "bạt" gửi nhà xuất bản Văn Mới, nhân dịp gia đình họ Nguyễn Tường tái bản lần thứ nhất cuốn Xóm Cầu Mới:

Võ Phiến: Đọc bản thảo của Nhất Linh

Tên bài như trên chẳng qua là đặt cho gọn thôi. Nó mơ hồ, thiếu sót, có thể gây ngộ nhận. Tôi không từng “nghiên cứu”, cũng chưa đọc được bao nhiêu bản thảo của Nhất Linh, để phát giác ra điều nào đáng kể trong sự nghiệp trước tác của ông.

Lan Thanh Ngọc, Nhất Linh vẽ.
Sự thực Nhất Linh đã viết nhiều sách, bản thảo những tác phẩm xuất bản trước 1954 không nghe nói có lưu giữ được không? nhiều hay ít? hiện tàng trữ ở đâu? Còn lại là cái phần được in ở Sài Gòn sau đó. Trong phần bản thảo ấy tôi cũng chỉ có dịp đọc qua một số ít - rất ít - mà thôi.

Dù vậy sự tiếp xúc với những trang chữ của bậc tiền bối lỗi lạc từng sống một đời đầy dông bão và kết thúc đau thương, sự tiếp xúc ấy gây xúc động và nghĩ ngợi. Ở đây chỉ là dăm ba ý nghĩ căn cứ vào một số trang bản thảo may mắn được xem qua thôi.

Niềm vui


Thoạt tiên người đọc để ý đến điều này: là Nhất Linh thường ghi thời điểm bắt đầu viết mỗi tác phẩm, thậm chí có khi mỗi phần trong tác phẩm:

- Ở trang đầu bản thảo Giòng sông Thanh Thủy, có dòng chữ: “Khai bút ngày 26 tháng 11 năm 1960”. Dưới đó, bằng nét chữ nhỏ hơn, màu mực khác hẳn, lại có câu: “Bắt đầu viết 28-11-60. Viết xong 28-1-61”.

- Ở bản thảo cuốn Viết và đọc tiểu thuyết, nơi trang ghi phác sơ lược thứ tự dàn dựng toàn tác phẩm - từ “mấy lời nói đầu” đến “kết luận” - ông đề ngày 21-4-52. Nơi trang 1 (Mấy lời nói đầu) ông đề ngày 10-5-52 (1). Nơi trang 21 (nói về Các nhân vật) đề ngày 26-6 v.v...

Ghi ngày ghi tháng: Chưa đủ. Có những trường hợp Nhất Linh còn ghi kỹ cả giờ, cả phút nữa!

- Ở trang đầu cuốn Xóm Cầu Mới (Bèo giạt) có hàng chữ: “Trên Núi, ngày 16 tháng 10 năm 1949, 1 g 30 trưa”.

Nhất Linh: Cho đến lúc hai tay buông xuôi

U già lội qua vườn, lên đập cửa đánh thức cả nhà dậy. Một giờ đêm u thức giấc; thấy có tiếng nước chẩy và xa xa vẳng lên tiếng người gọi nhau, u lấy làm lạ mở cửa nhìn ra thì thấy nước sông đã vào đầy khắp vườn. Nước sông mấy hôm nay tuy lên to, nhưng u không ngờ chỉ từ tối đến giờ mà nước đã vào tới vườn, lụt to hơn cả năm bà Lang mất và nguy nhất là sao nước lên chóng thế.

Ông Lang nghe tiếng đập cửa, giật mình hỏi:

"Cái gì thế?"

"Bẩm, nước vào tới vườn rồi. Dậy mau không chết cả bây giờ".

Mạch lúc đó đương thức, ngồi thẳng dậy, véo vào sườn Triết một cái:

"Đâu mau lên, anh. Nước lụt vào nhà. Chị Mùi ơi, nước lụt".

Mùi choàng dậy, cho chân xuống tìm guốc nhưng không dám hạ chân thấp quá. Nàng đánh diêm và mỉm cười; không, nước chưa vào đến nhà. Bỗng nàng ngừng mỉm cười và chau mày, lẩm bẩm:

"Chết chửa, cái vườn rau của tôi".

Nghe tiếng u già, nàng vội chạy ra mở cửa.

"Cô ơi, thế này thì chết cả bây giờ. Thật là chết cả. Bà Cai đâu?"

"Gì mà cuống quít lên thế".

Nàng giơ đèn soi ra vườn. Nước đã ngập hết vườn, mấp mé nền nhà bếp nhưng nhà ở thì nền cao, khó lòng ngập tới.

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

Số Báo Đặc Biệt Về Nhất Linh



Minh hoạ: FreePik, FreePik


Nguyễn Đình Cống: Vài liên tưởng về một giấc mơ

Đó là Giấc Mơ Việt Nam của Nhà khoa học Nguyễn Đăng Hưng, sinh năm 1941 tại tỉnh Quảng Nam. Năm 1959 chàng thanh niên Hưng được chính quyền VNCH gửi đi du học tại Vương quốc Bỉ. Ông đã sinh sống ở Bỉ gần 50 năm, là Giáo sư Trường Đại học Liège. Hiện nay ông đã hưu trí và sống tại Sài Gòn. Tôi gọi ông là Nhà khoa học để tránh với danh xưng giáo sư tiến sĩ đã trở thành nhàm chán ở Việt Nam hiện nay vì có quá nhiều GS TS hữu danh vô thực, không ít trong số họ là tội phạm của dân tộc, của khoa học và tiến bộ nhưng không ai có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ.

Ông Hưng có một mơ ước cháy bỏng về việc góp phần phục hưng nền giáo dục Việt Nam, một nền giáo dục bị nhiều sai lầm làm cho tụt hậu, một ước mơ trong sáng và mãnh liệt đưa nền giáo dục Việt Nam lên ngang tầm thế giới.

Lần đầu tiên Nhà khoa học Nguyễn Đăng Hưng về Hà Nội năm 1976, hoạt động để biến ước mơ thành hiện thực, nhưng rồi bị thực tế phũ phàng dập tắt nhanh chóng. Những khó khăn mà GS Hưng gặp phải chủ yếu là do một số cán bộ lãnh đạo của nhà nước và ĐCS gây ra vì ông không chịu chấp nhận những yêu cầu trái với tinh thần khoa học mà họ bắt ông phải chấp nhận.

Đã tưởng phải bỏ cuộc, nhưng đến năm 1989 thời cơ mới xuất hiện và ông thường xuyên đi lại giữa Bỉ và Việt Nam, xúc tiến việc dùng tài trợ mà ông xin được để mở các lớp đào tạo cao học đẳng cấp quốc tế tại TP HCM (kể cả việc cấp học bổng cho một số học viên). Lại gặp phải rất nhiều khó khăn trở ngại do con người và cơ chế gây ra, nhiều lúc đã bị đẩy đến bên bờ vực bỏ cuộc. Thế rồi nhờ một số may mắn do ông tạo ra mà ông đã mở được 20 lớp đào tạo Thạc sĩ ở Sài Gòn và Hà Nội, mời được nhiều GS danh tiếng nước ngoài về dạy, gửi được hàng trăm học viên đi thực tập và làm luận án Tiến sĩ ở Châu Âu. Thành tích đào tạo cán bộ khoa học bậc cao về ngành cơ học công trình của ông cho đất nước ít ai sánh kịp. Thế nhưng đó chỉ mới là một phần nhỏ trong Giấc mơ của ông. Phần lớn giấc mơ về chấn hưng nền giáo dục đã không có cách gì thực hiện.

Ngô Nhân Dụng: Các công ty có lời sẽ phải đóng thuế!

Hồi tháng Tư, 2021, Viện Nghiên cứu Thuế và Chính sách Kinh tế (Institute on Taxation and Economic Policy) cho dân Mỹ biết có 55 công ty thuộc hàng lớn nhất nước Mỹ không phải đóng đồng thuế nào cho chính phủ liên bang cho tài khóa 2020. Hai mươi sáu công ty trong số này giỏi hơn nữa, họ không đóng xu thuế nào trong ba năm liền; mặc dù vẫn kiếm lời tổng cộng $77 tỷ mỹ kim. Không những không phải đóng thuế, nhiều công ty còn được chính phủ trả lại tiền thuế “đóng dư” trong các năm trước.

Công ty Duke Energy đứng đầu sổ, trong ba năm khai lời gần $8 tỷ, nhưng được bồi hoàn hơn 15 phần trăm trên con số đó. FedEx lời gần $7 tỷ, được trả lại gần 13%. Công ty giày thể thao Nike ai cũng biết tiếng, khai lời hơn $4 tỷ, được công quỹ trả lại thuế lớn bằng 18%.

Các công ty càng lớn càng thuê được những chuyên viên thuế vụ để tìm ra những điều khoản trong luật cho phép họ không phải đóng thuế.

Một phương pháp thông dụng nhất là các đại công ty hoạt động trên toàn cầu thay đổi địa chỉ. Họ đi ra khỏi nước Mỹ, qua những nước đánh thuế nhẹ hơn. Họ có thể chuyển “tài sản” qua những nước đó mà vẫn đặt trụ sở chính ở Mỹ. Có những tài sản “vô hình” muốn đem đi đâu cũng được. Tài sản lớn nhất của Nike là nhãn hiệu, nhờ quảng cáo lôi cuốn sở thích của người mua giày. Nếu “nhãn hiêu Nike” thuộc quyền sở hữu của một công ty con ở Ái Nhĩ Lan, thì mỗi năm công ty mẹ sẽ trả bản quyền cho công ty con, để tiền lời được đánh thuế 12.5% thay vì 21% ở Mỹ.

Công ty mẹ trả công ty con bao nhiêu tùy ý họ; trả rất nhiều thì sẽ giảm mức lời ở Mỹ, để tiền thuế xuống dưới số không!

Những công ty làm chủ các “tài sản tinh thần,” từ các bản quyền, bằng sáng chế các món thuốc mới, đến các nhu liệu vi tính (software), vân vân, cũng chuyển nhượng như vậy. Theo viện nghiên cứu Tax Justice Network, chính phủ các nước mỗi năm bị mất đến $436 tỷ mỹ kim tiền thuế vì các thủ thuật này. Các đại công ty có thể tránh đóng thuế tại chỗ. Thí dụ, họ bán hứa phiếu (options) cho các nhà quản trị với giá thấp hơn giá thị trường. Các hứa phiếu này cho phép các vị quản đốc trong tương lai được mua cổ phần của công ty với giá cố định dù giá trị của công ty tăng lên. Nhưng công ty sẽ khai lỗ, vì bán các hứa phiếu đó dưới giá thị trường.

Tạ Duy Anh: Sự thật không bao giờ cũ

Việc Ban quản trị Facebook xóa bài của tôi, thực ra là do những DLV đánh phá, hóa ra rất phản tác dụng. Tôi không bịa đặt một chi tiết nhỏ, vì thế tôi hoàn toàn bình thản. Sự thật không bao giờ cũ. Một nhà triết học, kịch tác gia cổ Hy Lạp có câu nói bất hủ: “Tôi nắm trong tay sức mạnh của sự thật”. Không vũ khí hủy diệt nào xóa được sự thật. Mong các vị nhớ cho điều đó.

Tự truyện (một kiểu hồi ký) DƯỚI BÀN TAY VÔ HÌNH tôi viết xong từ năm 2012. Sau khi về hưu, tôi có sửa sang lại, bổ sung vài chi tiết không đáng kể. Nó gần 200.000 chữ. Phần viết về nạn quân phiệt trong quân đội (chỉ kể lại những gì tôi chứng kiến tận mắt và những gì tôi trải qua (như bài viết vừa rồi) gồm hai chương: NƠI HẦM TỐI và CHUỘC TỘI chiếm gần 1/6 cuốn sách. Bài vừa bị xóa chỉ là phần rất nhỏ, chưa bằng 1/10 của hai phần trên và chưa phải là chuyện kinh khủng nhất. Chuyện kinh khủng nhất xảy ra với một quân nhân tên là Tiện, cùng lúc bị năm tên chỉ huy và một A trưởng hạ sỹ quan (tôi ghi tên từng thằng) lao vào đánh đấm trước mặt hơn 200 tân binh (trong đó có tôi).

Khi ông Lê Đức Anh qua đời, tôi đọc thấy có bài báo hiếm hoi nói về việc ông nhắc tới nạn quân phiệt trong quân đội. Tôi đã định nhân cớ ấy kể về chuyện tôi bị tra tấn, để lãnh đạo Bộ Quốc phòng biết một sự thật nhức nhối, diễn ra tàn khốc nhưng luôn bị bao che, tuy gần đây có giảm nhưng vẫn chưa chấm dứt, tại các đơn vị quân đội. Nhưng rồi nhìn vài gương mặt, tôi cảm thấy chưa phải là lúc.

Chắc chắn Bộ Quốc phòng còn lưu trữ hồ sơ về những vụ lính bắn chỉ huy (dù chủ yếu bị giấu, thì cũng khá nhiều) chỉ vì bị ngược đãi, tra tấn.

Hẳn chuyến đi thị sát của bà Nguyễn Thị Bình đến một số đơn vị bộ đội khoảng năm 1987, còn lưu trong hồ sơ công tác của Quốc hội. Bà Bình đi chuyến công tác ấy vì có đơn thư tố cáo nạn quân phiệt ào ạt gửi về từ khắp nơi.

Trịnh Hữu Long: 5 điều nhạy cảm người miền Bắc nên biết về miền Nam

Vì sao người miền Nam rất nhạy cảm với một số diễn ngôn và cách hành xử từ miền Bắc?


Sự khác biệt vùng miền là chuyện hết sức bình thường, ở nước nào cũng có. Nhưng để cho những sự khác biệt đó trở thành lối ứng xử kỳ thị vùng miền thì là đại họa, bởi nó là ngọn nguồn của bạo lực. Hiểu về những điều khác biệt đó để tìm ra cách ứng xử phù hợp, do vậy, trở nên đặc biệt quan trọng.

Sự khác biệt, và cả kỳ thị, mang tên Bắc Kỳ – Nam Kỳ là một câu chuyện bắt buộc phải có lời giải trong một cộng đồng dân tộc. Trong bài này, tôi xin chia sẻ một số hiểu biết rời rạc của bản thân nhằm giúp những người miền Bắc như tôi hiểu hơn về vài điều nhạy cảm về chính trị của miền Nam. Không có gì là tuyệt đối, tôi không quy chụp mọi thứ cho một vùng miền nào, nhưng có những khác biệt đáng kể mang tính phổ biến.

Tôi không có ý lên án những người miền Bắc thiếu tế nhị trong cách hành xử với người miền Nam, bởi chính tôi cũng chỉ học được những điều dưới đây khi ngấp nghé độ tuổi 30. Và tôi viết những điều này với ý thức rằng sự kỳ thị có thể đến từ cả hai phía. Không có tham vọng giải quyết hết được mọi vấn đề trong một bài viết, tôi mạn phép thảo luận chuyện này từ một góc còn ít được nói đến hiện nay.

1. Người miền Nam nhìn “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” khác người miền Bắc


Người miền Bắc không có cách nào khác để nhìn nhận giai đoạn lịch sử 1954 – 1975 ngoài “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. [1] Họ coi việc đất nước bị chia cắt là không thể chấp nhận, coi Mỹ và chính quyền Sài Gòn là kẻ thù, và coi người dân miền Nam là những nạn nhân cần phải được “giải phóng”.

Nhưng mọi chuyện rất khác khi nhìn từ lăng kính của người miền Nam.

Họ coi một nửa đất nước – miền Nam – là một quốc gia hoàn chỉnh có tên Việt Nam Cộng hòa (từ 1955). Góc nhìn này trùng khớp với góc nhìn của công pháp quốc tế. [2]

Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

Trần Mộng Tú: Bảo vật để lại

Hình minh hoạ, FreePik

Mùa hè, giữa những chùm hoa nắng lung linh, giữa những trái táo chín đỏ, trái cam ngọt lừ, giữa tiếng ong vo ve, tiếng chim ríu rít, tiếng lao xao rất nhẹ của cánh bướm muôn màu, có người kể tôi nghe một câu chuyện:

Một tai nạn giao thông xảy ra, người đàn ông qua đời ở tuổi bốn mươi. Lục phủ, ngũ tạng anh không hề tổn thương, nhưng bộ não bị chấn thương mạnh đã đưa anh tới cái chết.

Người mẹ già, ôm thân thể bất động của người con trai duy nhất, không khóc được nữa. Bà như đang chết cùng với con, con bà tách khỏi đời sống bà từng mảnh, từng mảnh.

Anh đã hiến tặng tất cả nội tạng của anh cho những người đang cần để nối tiếp cuộc sống của họ.

Bà biết hai lá phổi của con đã đặt vào một lồng ngực con của người khác. Bà nghe thêm: trái tim cũng đã mang đi, đập thổn thức trong một khung ngực lạ. Rồi hai quả thận, nhiều người đang xếp hàng, nó sẽ làm công việc thật tốt đẹp cho một người phải ra vào bệnh viện thường xuyên trong cả mấy năm nay để lọc máu. Nó rất hữu ích và hiền lành. Lá gan của con bà có hai thùy, thì một thùy đã được mang thay thế cho người có một bên gan hư hại. Bây giờ còn lại một thùy gan, chắc chỉ nay mai sẽ có người tới nhận.

Đôi mắt là phần cuối cùng cũng sẽ được cho đi. Chao ôi! Đôi mắt của con bà, đôi mắt biết cười, đôi mắt cười trước khi môi nhếch lên. Bà yêu đôi mắt đó vô cùng.

Nguyễn Đình Toàn: Mưa Long Giao

Trời đất có điều chi buồn
Mà trời mưa mãi
Phạm Xuân Ninh

Hình minh hoạ, FreePik
Trời đất có điều chi buồn
Mà trời mưa mãi
Lòng ta, ôi lòng ta, có điều chi buồn
Mà chiều nay
Chiều đứng trên đồi cao
Ta thở dốc
Ta trông mây đục
Trông người người đen
Cây nôn ra rừng gió độc
Bùn lầy dốc mưa trơn

Hồn ta có điều chi buồn
Mà hồn xanh ngắt
Lòng ta, ôi lòng ta, có điều chi buồn
Mà chiều nay
Lòng ta nghe gió hắt

Có con phượng nào không
Cho ta cam phần chim nhỏ
Ta uống lệ riêng ta
Nuốt sầu thiên cổ
Mưa Long Giao mưa đỏ hồn ta
Thuở đọa đày

Người chẳng ra người
Ma chẳng ra ma
Vợ con như từng chiếc
Răng rụng rồi quên ta
Ta cũng xa quên

Trời đất có điều chi buồn
Mà trời mưa mãi
Lòng ta, ôi lòng ta, có điều chi buồn
Mà chiều nay
Lòng vật vờ điên


Võ Phiến: Cái Chết Như Một Phát Biểu

Hình minh hoạ, FreePik

Trong mấy năm cuối thế kỷ người Nhật bỗng nhiên tự tử dồn dập. Người Nhật vốn đã hay tự tử, tự tử nhiều hơn các dân tộc khác; đến lúc này lại tăng vọt: năm 1998 so với 1997 tăng 35%, riêng trong giới trẻ mức tăng lên tới 85%. Vào năm chót của thế kỷ, càng thêm rần rộ. Nhiều kẻ lo ngại, đòi cấm sách dạy tự tử. Nhưng chủ trương cấm sách vừa xuất hiện, liền gặp ngay phản ứng. Sách đã bán ra hơn triệu bản, lắm người còn cho là nên được phổ biến rộng rãi hơn nữa, chính tác giả thì có ý kiến sách nên đưa luôn tới tay hạng độc giả dưới 18 tuổi: Rất tốt, rất có ích lợi. Không sao? Tự tử không trúng cách có thể bị nhiều đau đớn, đau đớn kéo dài, thậm chí có thể gặp trường hợp không chết được, thê thảm biết bao. Cẩm nang tự tử chỉ dẫn rành rẽ, không phải là sách thực dụng, hữu ích sao?

Vả lại mười phép tự tử của Turumi Wataru chẳng qua là một thêm thắt muộn màng: cấm đoán nó làm chi. Người Nhật từ trước đây năm trăm năm, đã từng duyệt lại tục lệ cũ, hoàn thiện qui tắc, đặt ra bao nhiêu lề luật để tiến hành nghiêm chỉnh các cuộc hara-kiri. Thậm chí cái tiếng hara-kiri, nghe nôm na, cũng bị loại bỏ dần. Gọi là seppuku, tên có gốc hán văn, nghe cốt cách hơn.

Tự tử như thể là một sở trường của dân tộc Nhật Bản: họ chết nhiều, họ chết có phép tắc tử tế.

Lê Thiệp: Tù Binh

Đại úy Đại Đội Trưởng trải tấm bản đồ hành quân trên chiếc bàn gỗ xộc xệch ở sân ngôi chùa đã xập một mái, đưa cây bút mỡ khoanh tròn nói :

- Tụi tôi đang ở đây. Chỗ này là Cổ Thành Quảng Trị, cách đây hơn mười cây số. Ông thấy đây là quốc lộ 1 chứ gì. Thủy Quân Lục Chiến đánh dọc bờ biển phía bên Hải Lăng. Tụi tôi thì ở phía Tây quốc lộ, men theo dãy Trường Sơn.

Tôi gật đầu nhìn tấm bản đồ bọc ni lông đầy vạch xanh vạch đỏ ngang dọc bằng bút mỡ. Viên đại úy hỏi :

- Ông là nhà báo đầu tiên đi xuống tận đại dội tôi và đã lặn lội với tụi tôi mấy ngày rồi, may là chưa đụng lớn chỉ ăn pháo lai rai. Nhưng ông là dân chơi thì cứ ráng chờ vài ngày khi đến gần Cổ Thành là biết nhau ngay. Tôi thấy mấy ông nhà báo khôn thấy mẹ không chịu đi sát xuống mặt trận, chỉ toàn ở bộ tư lệnh hay ngon lắm là xuống đến tiểu đoàn.

Tôi mỉm cười trước lời phát biểu. Thật ra đi xuống các đơn vị xung kích cỡ cấp đại đội để hành quân thường chỉ để thỏa mãn tính tò mò hoặc nói theo ngôn ngữ báo bổ thì chỉ để thỏa mãn “thú tính” vì chỉ ở bộ tư lệnh mới nhìn được toàn bộ tình hình chiến trường và nhất là có nhiều nguồn tin để khai thác. Xuống sâu hơn chỉ thích hợp với các ông phóng viên săn hình về bán cho báo Mỹ. Tôi gặp ông đại úy này ở bộ tư lệnh và nhận bà con vì cùng học Nguyễn Trãi với nhau, chỉ có điều ông học sau tôi ba bốn lớp gì đó. Ông rủ và tôi cũng muốn thử nên đã lặn lội với đại đội bốn hôm, hi vọng có gì để viết chăng. Đúng lúc đó một trung sĩ tới cho hay vừa bắt được một tù binh. Vừa nghe báo cáo, người đại úy văng tục:

- Đù mẹ, lại một thằng nhóc nữa phải không? A, dẫn nó tới cho ông nhà báo phỏng vấn đi. Ông viết một bài phỏng vấn tù binh tại mặt trận thì hết xẩy, bõ công đi với tụi tôi nhá.

Tôi cười và ngay sau đó đã thấy tù binh. Người lính chính qui Bắc Việt quần áo bèo nhèo ướt sũng, nhiều vệt bùn bết trên hai ống quần. Anh ta đi chân không, dáng thiểu não giữa hai người lính giày saut áo ngụy trang, một cảnh tượng tương phản đến khó chịu. Đại úy chỉ chiếc ghế đẩu bảo:

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Trịnh Y Thư: Milan Kundera - Cái cười cái nhẹ cái quên

Milan Kundera

Trong bài tựa cuốn tiểu thuyết Chuyện đùa, Milan Kundera thuật lại giai thoại sau: Năm 1980 (lúc này ông đã cùng gia đình sang Pháp định cư), có buổi hội thảo trên kênh truyền hình nào đó nói về sự nghiệp văn học của ông. Một nhân vật trong thành phần tham dự đứng lên phát biểu, gọi cuốn Chuyện đùa là bản cáo trạng hùng hồn tố cáo tội ác của chủ nghĩa Stalin. Kundera nghe vậy vội vàng ngắt lời, “Ông làm ơn đừng gán ghép chủ nghĩa Stalin của ông vào tôi. Chuyện đùa chỉ là một câu chuyện tình.”

Quả vậy, mặc dù tiểu thuyết Kundera không thiếu những mạch đoạn viết về chính trị – đúng hơn lịch sử chính trị – và ông không bao giờ che giấu thái độ hằn học, gần như thù hận, với nước Nga, bởi quốc gia này đã gây nên không biết bao nhiêu tai họa và thống khổ cho quê hương, dân tộc ông, thậm chí cho chính cá nhân ông, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta bới móc giữa những dòng chữ ông viết để tìm kiếm một thông điệp hay luận đề chính trị nào. Ông có vẻ dị ứng với tất cả những điều đó. Với ông, Lịch sử chỉ là tấm phông trừu tượng mà ông ví tiểu thuyết gia như nhà thiết kế sân khấu kịch sử dụng để kiến dựng một tiết kịch. Câu nói “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia” thường được ông nhắc đi nhắc lại trong những bài tiểu luận (ngoài vai trò một tiểu thuyết gia hàng đầu trên thế giới vào nửa sau thế kỷ XX, Kundera còn là một ngòi bút viết tiểu luận văn học xuất sắc) như trong những đoạn viết sau:

Bởi Lịch sử, với tất cả những động thái của nó, chiến tranh, cách mạng, phản cách mạng, quốc nhục, không được chen vào can dự ngòi bút của nhà văn – không thể để nó trở thành đề tài cho nhà văn minh họa, lên án hoặc biện giải. Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia; nhà văn có thể bị mê hoặc bởi Lịch sử, nhưng bởi nó là thứ đèn giọi xoay vòng chạy xung quanh hiện hữu con người, chiếu luồng sáng lên nó, lên những khả thể bất ngờ, mà ở những lúc bình ổn, khi Lịch sử đứng yên, không ló mặt ra phía trước, chúng nằm yên phía sau, không ai thấy, không ai nhận biết.
Lịch sử nhẹ như đời sống cá nhân con người, nhẹ khôn kham, nhẹ như lông hồng, nhẹ như hạt bụi cuốn lên không trung, như bất cứ cái gì ngày mai không tồn tại.

Phạm Thiên Thư: Bùi Giáng bốn mùa

Ta thấy anh là – con dế điên
Cả mùa Xuân – hát giữa thanh thiên
Mùa Xuân hoa cỏ vương đầy sách
Anh ném thơ ca – xuống võng thiền.

Ta thấy anh – là con dế què
Suốt mùa Hạ thẫm – hát im nghe
Anh chưa nhảy khỏi bờ nhân ngã
Lại ném tồn sinh tím vỉa hè.

Ta thấy anh – là dế sương mù
Hát ca âm ỉ suốt mùa Thu
Anh mơ mồ cỏ đêm xòe nguyệt
Vàng chuỗi Kim Cương mở lối tu.

Ta thấy anh là dế nội đồng
Lẫn vào hương cỏ hát mùa Đông
Anh sai ngôn ngữ như phù thủy
Ngôn ngữ đè anh xuống cõi không.

*Song Thao: Tôm Hùm Canada

G:\My Pictures\2017-Maritimes\IMG_2134.JPG
Tượng tôm hùm khổng lồ tại Shediac, vùng biển Maritime. Hình Tác giả.

                  

Tháng 5 là tháng tôm hùm của dân Canada chúng tôi. Không hiểu tại những thành phố của các tỉnh bang khác ra sao chứ Montreal chúng tôi là…hội. Chợ búa thi nhau hạ giá, nhà nhà đua nhau dẫn tôm hùm về nhà, không phải để nuôi, mà là để nhậu. Ông Luân Hoán thường chậm chạp, chuyện chi cũng vậy, nhưng chuyện tôm hùm là ổng xoải chân chạy trước. Khi ông trưng hình những chú tôm hùm đỏ hồng trên đĩa vào một ngày tháng 5 thì tôi mới giật mình. Tôm nằm đã thấy mát mắt, ông còn đính kèm thơ nữa. Tôi đã nhiều lần tiết lộ là ông này rất kén ăn. Không thịt gà, không cá, không mực và không ngay cả với nước mắm. Vậy nhưng tôm hùm thì hợp khẩu.

quanh đi quẩn lại thủy chung
heo, bò, rau, quả... hợp cùng ngọt chua
con trong đồng, toàn bộ thua
con dưới biển, tôm vừa miệng, ngon
toàn bộ có tám loại tôm:
đất, sắt, sú, thẻ, he, hù, càng-xanh
tôm-tích thứ tám, khôn lành
bỏ khỏi khoái khẩu, vẫn thành “tôm gia”.

Nhả “tôm học” này chỉ rành một thứ cong cong. Chỉ một thứ cũng làm ông Hồ Đình Nghiêm nhìn với đôi mắt liếc xéo. Ông ngứa tay comment: “Chàng không khoái đồ hải sản, tôm thì xa-va. Mới đi nghễ ngoài chợ về, thấy giá ghi 15.99$ một lbs. (Sáng ăn khoai cho nó lành)”.

Tạ Thanh Minh Khánh (Gia ĐìnhTiểuThuyết): ĐẦU TÓC-MƯỢN của LÊ-Hoằng-Mưu 1879-1941

Bởi một cơ duyên hãn-hữu, tôi đọc được tác phẩm Đầu Tóc-Mượn của ông Lê-Hoằng-Mưu, rồi cũng ngẫu nhiên không tìm mà thấy thiên điều tra Nợ Văn của ông Lãng Tử kể về hoàn cảnh thống khổ của một số người đam mê nghiệp viết văn, làm báo thuở ban sơ đầy thử thách, trong đó có bài Con Voi Già nhắc tới tình huống ông Lê Hoằng Mưu khi thất cơ lỡ vận.

Ảnh tư liệu của Tạ Thanh Minh Khánh

Lê Hoằng Mưu là ai ?


Không có khả năng và điều kiện truy tầm sâu rộng, tôi chỉ tóm lược dựa vào tài liệu đọc được trên mạng.

Lê Hoằng Mưu là một trong các tiểu thuyết gia đầu tiên của Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ông sinh ở Bến Tre, miền Nam Việt Nam năm 1879, lớn lên đi học ở Sài Gòn, làm thư ký rồi viết văn lúc 33 tuổi, qua đời năm 1941 thọ 62 tuổi.

Ông viết nhiều, sáng tác mạnh. Ngoài tên Lê Hoằng Mưu, ông còn ký bút hiệu Mộng Huê Lầu (do đảo ngược các vần chữ của tên Lê Hoằng Mưu), Le Fantaisiste Hoằng Mưu…

Về báo : làm chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm, giữ nhiệm vụ Tổng lý điều hành Công Luận Báo, cùng với Võ Thành Út sáng lập tờ Long Giang Độc Lập, khai sinh báo Điện Tín, viết bài cho Thần Chung, Đuốc Nhà Nam.

Lục Tỉnh Tân Văn là nơi ông làm chủ bút lâu nhứt, 16 năm (1919-1935). Ngoài tiểu thuyết đăng từng kỳ, ông còn viết các bài xã luận, góp ý, trả lời thư độc giả, giữ mục ‘‘petite causerie’’…

Có lẽ do ông thẳng thắn bày tỏ ý kiến, chẳng hạn như cổ võ người Việt ủng hộ người Việt trên thương trường trước thực trạng người Tàu nắm quyền kinh tế, tán đồng việc các nhân sĩ kêu gọi người Việt gia nhập đoàn thể ngành nghề, Hội Cần Kiệm… để mưu cầu phúc lợi chung ; nên ông Lãng Tử nhận định Lê Hoằng Mưu là một ngòi bút ‘‘kỳ cựu dấn thân’’.

Về Văn : ông dịch kịch thơ Pháp Rocambole, Les Drames de Paris, tome V (1912), cùng ông Hồ Văn Lang hợp soạn Phi Công Phú (1913), Hoạn Thơ Bắt Túy Kiều (1915), phỏng tác truyện Le Comte de Mont-Cristo của văn hào Pháp Alexandre Dumas thành ‘‘Tiền Căn Báo Hậu’’ (1916), Kịch thơ Đỗ Triệu Kỳ Duyên (1928).

Ông để lại 17 tiểu thuyết :

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện (BBC Tiếng Việt): Nhức nhối chuyện tượng đài ở Việt Nam

Khoảng chục năm trở lại đây, tượng đài là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam. Các tỉnh khắp cả nước đua nhau đòi xây tượng đài như một cơn bệnh dịch gây bất bình và phẫn nộ trong dư luận.

Mới đây nhất là tượng đài lưu niệm hành trình cứu nước của ông Hun Sen trị giá 300 tỷ ở Bình Phước đã khánh thành, tượng đài Cụ Hồ ở Phú Quốc 353 tỷ đồng dự kiến khởi công ngày 02/9/2021, và tượng đài tập kết ở Thanh Hoá trị giá 255 tỷ đồng vừa được lựa chọn mẫu xây dựng.

Xét về mặt lịch sử văn hoá, Việt Nam không hề có truyền thống về tượng đài.

Người Việt tưởng niệm các chiến công oanh liệt và các nhân vật lịch sử mà họ biết ơn bằng đền miếu khiêm nhường và nghi lễ thờ cúng, và diễn tích bằng các lễ hội.

Ở Việt Nam không hề có các bức tượng lớn (lớn nhất là tượng tín ngưỡng như tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng ở Quán Thánh (Hà Nội), hoặc các tượng Hộ pháp trong các chùa lớn). Các bậc đế vương hay anh hùng hào kiệt trong lịch sử Việt Nam như Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Quang Trung…được tưởng nhớ chỉ bằng những ngôi đền quy mô vừa phải, rất ít khi có tượng thờ. Ngay cả các vị thành hoàng vốn là những vị tướng trong lịch sử cũng chỉ có ngai mà không có tượng. Từ đó, trong mỗi tâm thức một người lại có hình dung riêng về vị thánh của làng mình, bao đời nay là như vậy.

Tượng đài du nhập từ phương Tây từ thời Pháp thuộc, rồi rầm rộ dưới thời Liên Xô cũ. Tượng thờ của người Việt và tượng đài cho thấy rõ sự đối lập giữa hai truyền thống tưởng niệm thông qua tượng và đài. Tượng thờ nhỏ bé, để trong nhà và trên bệ thờ khiêm nhường, phải là tượng toàn thân, trong khi tượng đài san phẳng một khoảnh đất rộng để ngự trên đó, đặt trên bệ cao, và nhiều khi là tượng bán thân.

Thu Hà: Hồi kết của đại tá tình báo Nguyễn Duy Linh và Vũ “nhôm”

Vụ án đại tá Nguyễn Duy Linh, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, đương kim Cục trưởng Cục B05, Bộ Công an, can tội “nhận hối lộ”, sắp vào giai đoạn cuối. Viện Kiểm sát Tối cao đang hoàn tất cáo trạng truy tố, để tống đạt cho các bị can và chuyển sang toà án xét xử. Các bị can bị truy tố gồm:

– Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364, khoản 4, Bộ luật Hình sự 2015, có khung hình phạt từ 12 dến 20 năm tù giam.

– Nguyễn Duy Linh, tội danh “Nhận hối lộ”, được quy định tại Điều 354, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 2015, có khung hình phạt 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình.

– Hồ Hữu Hòa, tội “Môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 365, khoản 4, Bộ luật hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 8 đến 15 năm tù giam.

Quay ngược thời gian, vụ án ly kỳ này có nhiều điều bao phủ trong bức màn bí ẩn.

Nguyễn Duy Linh mang lon đại tá từ năm 2017, giữ chức vụ Phó tổng cục trưởng, Ủy viên Đảng ủy Tổng cục Tình báo Bộ Công an. Tuy nhiên trước tháng 6/2017, thượng tá Vũ “nhôm” chỉ làm việc, báo cáo trực tiếp với các “đại ca” Đại tướng Trần Đại Quang, Thượng tướng Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Trung tướng Phan Hữu Tuấn… Vì vậy, tầm cấp phó như Linh, con một ông thứ trưởng Bộ Công an nghỉ hưu, có lẽ Vũ “nhôm” không mấy quan tâm.

Cho đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2017, thân thế Vũ “nhôm” bị bóc mẽ và hàng loạt văn bản “Tuyệt mật” giúp Vũ “nhôm” cướp công sản, đất vàng… bị lộ ra, bày công khai trên các trang “lề dân”, lúc ấy các “đại ca” và Vũ “nhôm” hốt hoảng. Có tin cho biết rằng, trước chuyến thăm cấp cao chính thức Cộng hòa Belarus (từ ngày 26 đến 28/6/2017) và Liên bang Nga (từ ngày 28/6 đến 1/7/2017) của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân, cùng đoàn đại biểu Việt Nam, Bộ Chính trị đã nhóm họp và có yêu cầu Trần Đại Quang không được can thiệp và tránh xa, để các cơ quan chức năng xử lý “vấn đề Phan Văn Anh Vũ”.

Trần Minh Thảo: Ở Việt Nam ý thức dân tộc còn mang tính làng xã

Tôi trình bày một số suy nghĩ cá nhân nông cạn với mong muốn cùng các bạn làm sáng tỏ vấn đề, tự thấy có trách nhiệm góp phần đổi mới đất nước một cách bền vững. Bài viết phân tích các biến chuyển về ý thức dân tộc, quá trình phát triển lịch sử của Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 cho tới nay.

1/ Cuộc vận động đổi mới nửa đầu thế kỷ 20


Non 100 năm trước, đầu thế kỷ 20, Việt nam có một cuộc vận động đổi mới theo hướng kinh tế thị trường. Đó là phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) của các nho sĩ có Tây học yêu nước (với nghĩa tương tự như có Hán học) Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Chu Trinh… Đó là lần đổi mới thứ nhất mà lạ lùng thay cũng là đổi mới theo sau phong trào duy tân của các trí thức nho sĩ Trung Hoa nhưng không làm theo Trung Hoa. Phong trào tồn tại một thời gian thì bị người Pháp đàn áp, tan rã. Tuy thế, nhìn tổng quát phong trào Duy Tân ở Việt Nam có tác dụng rất sâu rộng mà những cuộc vận động về sau, kể cả cuộc cách mạng do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo theo tôi cũng là con đẻ của phong trào ấy.

Phong trào Duy Tân - Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương 3 việc:

- Chấn dân khí: Thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường của người dân (làm chủ xã hội, đất nước, ý thức tự làm chủ, không chịu nô lệ ai, tức là không sợ ai), chống chế độ chuyên chế, áp bức (quân chủ, thực dân). Phong trào dịch các sách gọi là tân thư của các nhà tư tưởng phương Tây như Montesquieu, J. J. Rousseau, Kant ,Darwin… từ chữ Hán sang quốc ngữ (các sách này do các trí thức duy tân Trung Hoa Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… dịch từ chữ Pháp sang Hán văn). Đề cao dân quyền thực chất là xoá bỏ quân quyền (cuối cùng là đuổi người Pháp ra khỏi nước), thiết lập chế độ dân chủ kiểu phương Tây. Phong trào này coi Người Việt trên ba miền là công dân một nước Việt Nam thống nhất. Đấy là lần đầu tiên tư tưởng dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một được trình bày công khai.

Trần Minh Thảo: Ở Việt Nam ý thức dân tộc còn mang tính làng xã (kỳ 2)

(Tiếp theo và hết)

Trong lịch sử ngàn năm có lẽ thái bình thịnh vượng chỉ thật sự có trong mấy năm thời Lê Thánh Tôn. Đói thì cướp bóc, nổi loạn (các nhà sử học Mác-xít gọi là khởi nghĩa nông dân). Cướp hay khởi nghĩa có cùng một phương thức: Cướp của nhà giàu (chia cho người nghèo), nhà nghèo cướp của nhà giàu, vùng nghèo hơn đi cướp của vùng giàu hơn. Trong một ngàn năm chỉ có 3 cuộc nổi dậy (khởi nghĩa nông dân) Lê Lợi, Tây Sơn và cuộc đấu tranh do đảng Cộng sản lãnh đạo là thành công, còn lại là “được làm vua thua làm giặc”. Sử nhà Nguyễn ghi từ đầu Gia Long đến cuối Tự Đức, hơn 50 năm có gần 800 cuộc nổi dậy, 16 cuộc khởi nghĩa trong 1 năm, giống châu Phi hiện nay (khởi nghĩa do đói kết hợp với tham vọng quyền lực của các hào trưởng địa phương, điển hình là Giặc Châu chấu (1854) vì năm đó châu chấu phá hoại mùa màng ở đồng bằng sông Hồng, cuộc khởi nghĩa có thi hào Cao Bá Quát tham gia). Đói nghèo, giặc giã là cơ hội cho quan lại và nhà giàu càng giàu lên, vì bọn họ chiếm lấy ruộng đất của dân nghèo bỏ xứ, của người chết, hoặc đơn giản là bọn có quyền làm văn khế giả để chiếm ruộng của dân nghèo (cướp đêm là giặc cướp ngày là quan). Chúa Trịnh Cương nhận xét: ”Ruộng đất rơi hết vào nhà hào phú, còn dân nghèo thì không có một miếng đất cắm dùi”. Theo cố học giả Vương Hồng Sển, ở Nam kỳ trước 1945, quyền thế và tiền bạc cấu kết với nhau cướp không ruộng đất của nông dân đổ công khai phá rồi biến nông dân thành tá điền trên chính ruộng đất của mình, xảy ra phổ biến. Con em bọn nhà giàu ấy sẵn tiền rừng bạc biển truỵ lạc trác táng làm phong hóa suy đồi, làm tan nát bao nhiêu gia đình lương thiện... Sau 1975, ông Vương Hồng Sển rút kinh nghiệm theo thuyết nhân quả, đại ý: Các người ăn chơi đú đởn để đến nay bọn tôi trả nợ khổ nhục quá chừng (có lẽ ông muốn nói đến chủ trương cải tạo nói chung của đảng sau 1975, cường bạo này trả thù cường bạo nọ, ruồi muỗi chết oan). Tình trạng ruộng đất trong nông thôn ở cả ba miền ngày nay có gì khác với thời vua Lê chúa Trịnh và thời Pháp thuộc?

Tình trạng làng xã tự trị (dân chủ cơ sở) do cơ chế quyền lực và nhiều nguyên nhân khác về thực chất là trung ương không kiểm soát được địa phương. Học giả Nguyễn Hiến Lê thấy rằng bọn hào lý ở làng (năm 1928) thực chất là một thứ triều đình thu nhỏ hành hạ dân nghèo không nương tay. Nông dân nghèo khổ tụ tập nhau làm “giặc” đi cướp của nhà giàu để sống cũng là lẽ thường. Đói nghèo, áp bức (vật chất, tinh thần), phiêu giạt phương xa kiếm ăn, trộm cướp, bạo loạn là mặt trái của văn minh làng (xã). Lịch sử Việt Nam cũng chứng tỏ khi quyền lực cai trị mất lòng dân thì phải dựa vào bạo lực vũ trang để tồn tại. Công cụ bạo lực biến thành kiêu binh tàn hại lương dân, chủ yếu vẫn là nông dân, không sao kể xiết. Sử cũ ghi Kiêu binh thời cuối Lê-Trịnh từ Thăng Long ra các vùng quê lấy của cải, bắt phụ nữ, con gái nhà lương dân giữa ban ngày, có khi chúng làm như vậy ngay trong kinh thành Thăng Long. Vua Lê, chúa Trịnh có kết cục bi thảm là hậu quả của chính sách cai trị độc tài mất lòng dân (Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái).

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Thụy My (mục Điểm báo Pháp của RFI): Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cỗ máy viết lại lịch sử

Đảng Cộng Sản của Liên Xô cũ chẳng bao giờ có dịp kỷ niệm 75 năm cuộc cách mạng 1917, còn đảng Cộng Sản Trung Quốc cầm quyền từ 71 năm qua, chưa bao giờ mạnh như thế. Tuy nhiên chế độ ngày càng độc tài hơn, cố tình xóa đi những chương đen tối trong lịch sử và trở thành mối đe dọa cho các láng giềng.

Cổ vũ chích ngừa để ngăn một làn sóng dịch mới, đầu tư quy mô cho ngành y tế, cuộc đua vào điện Elysée sắp tới, thất bại của đội tuyển bóng đá Pháp là các chủ đề chính của báo chí Paris hôm nay 30/06/2021. Trung Quốc cũng là đề tài rất được chú ý.

Trung Quốc : Mối đe dọa cho thế giới tự do


Bắc Kinh tưng bừng kỷ niệm 100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), do một nhóm trí thức thành lập vào tháng Bảy năm 1921 tại Thượng Hải, dưới sự giám sát chặt chẽ của Matxcơva. Bài xã luận của Le Monde mang tựa đề « Các nền dân chủ trước thách thức Trung Quốc » nhận định, từ đó đến nay, học trò đã qua mặt ông thầy. Đảng Cộng Sản của Liên Xô cũ chẳng bao giờ có dịp kỷ niệm 75 năm cuộc cách mạng 1917, còn ĐCSTQ cầm quyền từ 71 năm qua, chưa bao giờ mạnh như thế.

Cũng không có đảng nào lãnh đạo bằng ấy người lâu như vậy. Trong vòng 40 năm, Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới, mỗi ngày lại đào sâu thêm khoảng cách với đối thủ Ấn Độ và nhanh chóng tiến gần với Hoa Kỳ. Kinh tế Trung Quốc thậm chí còn có thể vượt qua Mỹ trước cuối thập niên này, và việc ngăn chận được đại dịch Covid làm gia tăng uy tín của đảng nơi người dân.

Tuy nhiên theo Le Monde, thành công này chưa hoàn hảo. Bởi vì kèm theo đó là vi phạm nhân quyền trầm trọng, ngăn trở các quyền tự do. Bởi vì dựa một phần vào mô hình phát triển không bền vững, và vì Trung Quốc xáo trộn trật tự quốc tế, bác bỏ đa phương mỗi khi thấy không có lợi.

Giang Nguyễn (RFA): Thấy gì qua việc Trung Quốc phàn nàn Việt Nam chưa tiêm chủng cho công dân họ?

Việc Trung Quốc vừa qua lên tiếng chỉ trích cách Việt Nam sử dụng vắc-xin do Bắc Kinh viện trợ không đúng như lời hứa đã khiến nhiều người dân Việt Nam thắc mắc về việc tặng vắc-xin của nước láng giềng. Người dân vốn đã nghi ngờ với chất lượng vắc-xin do Trung Quốc sản xuất, nay nói gì trước sự phàn nàn từ phía Bắc Kinh?

Việt Nam được nói đã hoãn kế hoạch phân bổ nửa triệu liều vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc tặng đến các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, sau khi nước này phàn nàn rằng Hà Nội không giữ lời hứa ưu tiên tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 cho công dân Trung Quốc đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam.

Tặng hay ban ơn?


Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hôm 24 tháng 6 đã tố cáo chính quyền Việt Nam “không tham vấn phía Trung Quốc trước khi phân phối vắc-xin”. Sau đó một ngày, Đại sứ quán nước này qua thông báo cho biết Hà Nội nói sẽ thu xếp để sớm thực hiện cam kết tiêm vắc-xin cho các công dân Trung Quốc.

Bà Đào Thu Huệ, một giáo viên nghiên cứu về Trung Quốc từ Hà Nội nhận xét, Trung Quốc gửi tặng lô vắc-xin 500 nghìn liều mà kèm theo điều kiện phải tiêm cho công dân nước họ, là trò mưu mẹo:

“Tôi nhận thấy đây là một trò xảo trá của chính phủ Trung Quốc. Họ muốn tiêm cho công dân của họ tại nước ngoài. Đúng ra họ sẽ phải nhờ Chính phủ Việt Nam hoặc là chính phủ các nước mà họ gửi vắc-xin tới, thậm chí là phải thuê những chính phủ tiếp nhận vắc-xin đó để tiêm cho công dân của Trung Quốc. Nhưng bây giờ họ lại sử dụng ngôn từ rất xảo trá, họ nói họ tặng. Nếu mà theo nguyên tắc tặng thì người nhận sẽ có quyền sử dụng vắc-xin đó theo ý của người ta. Nhưng bây giờ khi mà chính phủ Việt Nam mới chỉ có kế hoạch thôi là định phân bổ vắc-xin cho địa phương này, địa phương kia mà không theo như Trung Quốc muốn, thì lập tức người Trung Quốc quay ra trở mặt. Người Trung Quốc ở đây mới là người trở mặt trước”.

BBC Tiếng Việt: Kim Jong-un - Bắc Hàn chìm trong ‘khủng hoảng nghiêm trọng’ sau thất bại trong dịch Covid

Kim Jong-un đã chỉ trích các quan chức hàng đầu về những sai sót dẫn đến "cuộc khủng hoảng lớn" không rõ liên quan đến Covid-19, truyền thông nhà nước Bắc Hàn đưa tin.

Đây là dấu hiệu hiếm hoi cho thấy mức độ trầm trọng của đại dịch ở Bắc Hàn, quốc gia trước đây khẳng định rằng không có ca nhiễm Covid nào - một tuyên bố mà các chuyên gia hoài nghi.

Quốc gia này đã đóng cửa biên giới của mình để ngăn virus. Nhưng cùng với các lệnh trừng phạt quốc tế, cả thẩy đã khiến tình trạng thiếu lương thực và nền kinh tế của đất nước ngày càng tồi tệ.

Ông Kim trước đó thừa nhận tình trạng lương thực "căng thẳng" và yêu cầu người dân chuẩn bị cho hậu quả "tồi tệ nhất từ trước đến nay", viện dẫn sự so sánh với nạn đói chết người vào những năm 1990 của đất nước.

Trước đó, trong tuần này, đài truyền hình quốc gia đã phát sóng một bình luận hiếm hoi của một người dân nói về vẻ ngoài "tiều tụy" của ông Kim khi trông ông có vẻ như sụt cân.

Ông Kim Jong-un nói gì?


Trong phát biểu mà hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin, trong cuộc họp được triệu tập đặc biệt với các lãnh đạo đảng, ông Kim cáo buộc các quan chức cấp cao về sự tắc trách.

Kết quả là họ đã "gây ra một vụ việc cốt yếu tạo nên một cuộc khủng hoảng lớn trong vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân cũng như kéo theo những hệ quả nghiêm trọng".

Bản tin sau đó nói thêm rằng một số thành viên của đảng đã bị triệu tập - bao gồm một thành viên từ Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị - gồm năm thành viên, tính cả ông Kim.

Hoàng Lâm: Dẹp ngay những “hòn đá tảng” thông tư, văn bản kém chất lượng

Trong khi đang phải gồng mình vượt khó bởi tác động của dịch COVID-19 thì không không ít doanh nghiệp chỉ ra rằng còn có những “chướng ngại vật” khác. Đó là có quá nhiều thông tư, văn bản kém chất lượng đang khiến họ loay hoay, thậm chí cản trở sự phát triển.

Con số được Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra là chỉ trong 10 năm từ 2011 đến 2020 đã có… 5.265 thông tư, thông tư liên tịch ra đời. Riêng khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2020 có 2.532 thông tư. Có nghĩa là mỗi năm có tới hơn 500 thông tư được ban hành.

Nhưng điều khiến doanh nghiệp e ngại không phải là số lượng các thông tư mà chất lượng của các văn bản này. Theo quy định, Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ban hành có chức năng quy định chi tiết các quy định được giao trong Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Pháp lệnh, Luật. Đặc biệt Thông tư được quy định thủ tục hành chính (trừ trường hợp Luật, Pháp lệnh giao) và không được quy định điều kiện kinh doanh.

Ấy thế nhưng, đã không ít thông tư còn “to hơn cả Luật”, thậm chí có những thông tư “đá” Nghị định khiến doanh nghiệp loay hoay không biết đường nào để làm.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đưa ra ví dụ là cùng sản phẩm con tôm đông lạnh dùng cho người khi xuất đi khỏi Việt Nam thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho một đơn vị quản lý trên cơ sở Thông tư 48 (hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm) kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm xuất khẩu. Cũng sản phẩm này nhưng được từ nước ngoài về Việt Nam, thì cơ quan khác lại quản lý và phải kiểm duyệt theo Luật Thú y. Nghĩa là cùng một sản phẩm ở Việt Nam lại có cách quản lý khác nhau.