Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Ngô Nhân Dụng: Lukashenko, một tàn dư của chế độ cộng sản

Biểu tình tại Belrarus, 18 tháng Tám, 2020. Hình SERGEI GAPON/AFP via Getty Images

Alexander Lukashenko, tổng thống xứ Belarus đang bị dân nổi lên phản kháng vì gian lận bầu cử trắng trợn. Ông ta cầu cứu Tổng thống Nga Vadimir Putin. Putin hứa can thiệp nếu Belarus bị nước khác tấn công, nhưng cho tới nay các nước Âu châu và Mỹ phản ứng rất dè dặt. Sốphận 10 triệu dân Belarus sẽ do họ quyết định trong những ngày tháng tới.

Trước ngày bỏ phiếu, 9 tháng Tám, Lukashenko, 65 tuổi, đã bỏ tù tất cả các ứng cử viên đối lập, trong đó có ông Tikhanovsky, một blogger nổi tiếng. Vợ của ông, bà Svetlana Tikhanovskaya, 37 tuổi, đã ghi danh ứng cử thay cho chồng. Bà Tikhanovskaya vốn là một giáo sư, xưa nay chỉ lo nuôi hai đứa con, không bao giờ tham gia chính trị. Lukashenko coi thường bà cho nên đã chấp nhận cho Tikhanovsky tranh cử. Bà chỉ nêu một lời hứa hẹn, là nếu đắc cử thì, trong vòng sáu tháng, sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống khác, trong sạch, công bằng.

Trong ngày bỏ phiếu, dân đã xếp hàng chờ dài nhiều cây số để mong dùng lá phiếu lật đổ chế độ Lukashenko. Ở những thùng phiếu có quan sát viên theo dõi và kiểm soát, không thể gian lận, thì bà Tikhanovskaya chiếm 70 phần trăm số phiếu. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử, một người do Lukashenko bổ nhiệm từ năm 1996, cho kéo dài thời gian bỏ phiếu, để tay chân nhét thêm phiếu vào các thùng phiếu nơi không người kiểm soát. Khi kết quả được công bố, ông Lukashenko chiếm 80% số phiếu, còn bà Tikhanovskaya chỉ được 9.9%!

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Ký Sinh &Tầm Gửi

 

Họa sỹ Lê Huy Cầm cho biết: “Vừa dứt xong cái tranh cho cựu sinh viên Đại Học Dalat sẽ đấu giá kiếm tiền cho sinh viên nghèo trong ngày họp mặt 20 năm.” Bên dưới thông tin này là lời nhắn của FB Hue Chau (“Nếu dành cho cựu SV ĐH Dalat pre 75 thì trên tháp chuông nhà Nguyện Năng Tĩnh kg phải là cái... ơi Lê Huy”) và hồi đáp của tác giả: “Sinh viên ra trường năm 2000 nên vẽ như vậy.”

Tôi rời Viện Đại Học Đà Lạt đã lâu, ngay sau Mùa Hè Đỏ Lửa, vào năm 1972. Gần nửa thế kỷ đã vụt đi với không biết bao nhiêu là nước suối, nuớc sông (cùng với nước mưa/nước mắt) đã ào ạt qua cầu và qua cống. Nhìn lại hình ảnh trường xưa không khỏi có thoáng chút bồi hồi, và cũng thấy có hơi hụt hẫng. 

Tuy thế, tôi hoàn toàn đồng ý với lời giải thích thượng dẫn của tác giả bức tranh. Thấy sao thì vẽ vậy thôi. Mà sao vàng và cờ đỏ thì được “gắn” vào tất cả những công trình kiến trúc ở VN (trường học Yersin, nhà ga Đà Lạt, bưu điện Sài Gòn, Toà Đô Chính, Dinh Gia Long, Dinh Độc Lập …) chớ có sót chỗ nào đâu.

Ngó riết rồi cũng quen mắt thôi mà!

Mỹ Hằng (BBC News Tiếng Việt): Biển Đông - Học giả TQ nói VN có thể nhượng bộ chủ quyền Hoàng Sa cho Bắc Kinh

Bài nghiên cứu xuất bản mới đây có tiêu đề "Những thay đổi trên Biển Đông: Tại sao Việt Nam có điều chỉnh lớn trong chiến lược với Trung Quốc?" của giáo sư Triệu Úy Hoa (Zhao Weihua) từ Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Quảng Đông, đưa ra những quan điểm gây chú ý cho giới quan sát.

Trong bài xã luận bằng tiếng Trung dài gần 20 trang, giáo sư Triệu Úy Hoa cho rằng các lãnh đạo Việt Nam nghĩ rằng Việt Nam có thể nhượng bộ Trung Quốc để đạt được các thỏa thuận.

Ông Triệu viết rằng đã có một thỏa thuận tồn tại trong suy nghĩ của các lãnh đạo Việt Nam: Nếu Trung Quốc hứa không dùng vũ lực để chiếm các đảo ở Trường Sa do Việt Nam kiểm soát, thì Việt Nam sẽ không đề cập đến chủ quyền Hoàng Sa hoặc sẽ không sử dụng Hoa Kỳ để can thiệp vào tranh chấp Việt-Trung.

Nói cách khác, ông Triệu cho rằng Việt Nam có khả năng nhượng bộ chủ quyền tại Hoàng Sa để củng cố vị trí tại Trường Sa; đồng thời nhượng bộ một cách có giới hạn ở Trường Sa liên quan đến đường phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) từ đường bờ biển của VN.

Ông Triệu cũng nghĩ rằng 'Việt Nam sẽ không kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế' mà chỉ "dùng chủ đề này như một công cụ để đe dọa, gây áp lực lên Trung Quốc".

Về quan hệ với Mỹ, ông Triệu phân tích các phát biểu của các tướng Việt Nam và kết luận rằng: Các lãnh đạo Việt Nam tin "Mỹ chỉ dùng Việt Nam và sẽ không từ bỏ các chính sách lật đổ của mình đối với Việt Nam. Các học giả Việt Nam thân cận với giới ra quyết định tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể ngăn cản". Và rằng các lãnh đạo Việt Nam 'không có niềm tin ở Mỹ', mà tin rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ trao đổi lợi ích với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đáp ứng các yêu cầu cơ bản về 'tự do hàng hải' ở Biển Đông, phản bội Việt Nam, và thừa nhận các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Triệu chỉ ra rằng các lãnh đạo Việt Nam tin rằng nếu Việt Nam hoàn toàn đi theo Mỹ, Việt Nam sẽ trở thành nạn nhân trong trò chơi quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam là duy trì thế cân bằng với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Trần Trung Đạo: Đảng Cộng sản Việt Nam mới thật sự là ký sinh trùng

Theo Wikipedia: “Ký sinh là một mối quan hệ cộng sinh không tương hỗ giữa các loài, trong đó có một loài là ký sinh, sống bám vào loài kia là vật chủ hay ký chủ”.

Chữ quan trọng trong định nghĩa là quan hệ “không hỗ tương” giữa loài ký sinh và ký chủ. Ký sinh không đem lại lợi lộc gì mà chỉ gây hại cho ký chủ.

Áp dụng vào chính trị, Đảng CSVN đúng là một loài ký sinh trên thân cây Việt Nam.

Suốt 45 năm qua, Đảng CSVN bám sâu vào cây đại thụ Việt Nam, sinh sôi nẩy nở bằng nhựa nguyên và nhựa luyện Việt Nam. Họ không làm gì cả, quanh năm chỉ đo mình trên thân thể ốm oi, gầy guộc của dân tộc Việt Nam để hưởng thụ.

Ai bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Nước? Ai bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ? Ai bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội?

Chính họ cũng biết là không ai bầu.

Họ sinh ra, lớn lên trong bộ máy cầm quyền theo kiểu cha truyền con nối, thế hệ này qua thế hệ khác, và nếu không ai ngăn chặn sẽ đời này qua đời khác.

Đó không phải là kết án suông mà là sự thật. Một người có hiểu biết căn bản nào cũng biết thực tế đó đã và đang diễn ra tại Việt Nam.

Trong chính trị học, mối tương quan giữa đảng chính trị lãnh đạo đất nước và quốc gia được chứng minh bằng chỉ số chính danh.

Theo khảo sát của Economist Intelligence Unit năm 2019, chỉ số chính danh thể hiện qua bầu cử tại Việt Nam là 0.00, tức Đảng CSVN hoàn toàn không có chính danh để lãnh đạo Việt Nam. (The Democracy Index compiled by the UK-based company the Economist Intelligence Unit)

Đó là về chính trị.

Nguyễn Hùng (VOA Blog): Từ chủ quán nướng Hiền Thiện nghĩ về chuyện quốc gia

(Hình: Trích xuất trên trang Facebook Nhắng Nướng Hiền Thiện)

Hãy tưởng tượng bạn phát hiện đồ ăn bẩn ở một quán nướng rồi đưa lên Facebook để cảnh báo cộng đồng. Chủ quán ăn liền lập tức thuê giang hồ tới hốt bạn đưa về quán, bắt quỳ xuống đểchửi bới, lệnh phải xoá bài đăng và viết lời xin lỗi theo yêu cầu.

Mà thôi bạn khỏi phải tưởng tượng. Nếu bạn tới quán đồ nướng Hiền Thiện ở phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh thì điều đó sẽ thành hiện thực như một số người đã chụp lại màn hình. Quán Hiền Thiện còn cả gan phát trực tiếp luôn cảnh sỉ vả bạn cho thiên hạ coi. Chủ tịch thành phố Bắc Ninh hôm 19/8 đã ra công văn “hoả tốc” đề nghị công an xử lý vụ việc. Trang Nhà báo và Công Luận nói chủ quán đã bị tạm giữ.

Sự việc xảy ra ít lâu sau khi Bắc Ninh được công luận rọi đèn pha vì Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Nhân Chiến đẩy con trai Nguyễn Nhân Chinh về làm bí thư thành phố Bắc Ninh. Ông Chinh chỉ tại chức được có 13 ngày rồi được điều xuống chức quan nhỏ hơn.

Cách hành xử của ông chủ quán nướng làm tôi nghĩ ngay tới cách hành xử của ông ‘chủ tiệm nước’, cách dân mạng gọi một trong hai vai mà ông Nguyễn Phú Trọng đang đóng trong chính trường. Những người chỉ trích ông Trọng như nhà văn Phạm Thành đã bị ông bỏ tù hồi tháng Năm. Blogger Nguyễn Tường Thuỵ trước khi bị bắt, cũng trong tháng năm vừa qua, từng kể chuyện bị côn đồ được chính quyền bảo kê hành cho tới khốn khổ.

Vũ Kim Hạnh: Chiếm biển, đoạt sông, nhân tai và thiên tai

Tin tức khắp các trang tin quốc tế sáng nay: Nước sông Dương Tử của Trung Quốc và các phụ lưu dâng lên mức nguy hiểm sau nhiều ngày mưa lớn đã dẫn tới kích hoạt cảnh báo động ứng phó khẩn cấp chưa từng có.

Thiên tai khốc liệt...


Tỉnh Tứ Xuyên ở Tây Nam Trung Quốc, lần đầu tiên kích hoạt ứng phó lũ lụt mức cao nhất, khi nước dâng tới các di sản thế giới như Cửu Trại Câu và Lạc Sơn Đại Phật.

Theo Tân Hoa Xã, mưa liên tục đã khiến 22 con sông lớn ở Tứ Xuyên vượt mức cảnh báo lũ lụt. Các dòng sông dâng cao đã làm ngập một số khu vực đô thị ở Nhã An và Lạc Sơn. Chính quyền địa phương đã sơ tán hơn 100.000 người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.

Cơ quan kiểm soát lũ lụt và cứu trợ hạn hán của tỉnh đã nâng phản ứng lên cấp 1, mức cao nhất trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp, vào lúc 5 giờ sáng ngày 18.8. Thành phố Nhã An phải di tản hơn 36.000 người lúc sông tràn bờ ngày 17/8.

…thì kệ thiên tai. Nhân tai vẫn càn quấy, áp đảo

Tàu cá TQ thiện chiến: Sau hơn 100 ngày đơn phương (áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2020 đến ngày 16 tháng 8 năm 2020) với phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông, bao gồm cả một phần Vịnh Bắc Bộ và Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, tàu cá TQ bắt đầu tràn xuống Biển Đông.

Theo Tân Hoa xã, nhiều làng chài phía nam Trung Quốc đã làm lễ trước khi ra biển ngày 16/8, trên các cảng cá, hoạt động chuyển lương thực đã diễn ra tấp nập…

Cánh Cò (Blog RFA): Ai ký sinh ai?

Khi nhân dân được xem là ký sinh trùng thì phản ứng dữ dội là lẽ đương nhiên, nhất là đối với mạng xã hội, nơi mà thông tin xuất hiện và được nhân rộng nhanh như sấm chớp.

Bản tin của VTV1 Đài Truyền Hình Việt Nam gọi người gánh hàng rong là “sống ký sinh trùng” trên những con phố. (Hình minh họa: Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)

Trang Facebook bỗng dưng không còn COVID, không còn đám tang lãnh tụ, không còn Biển Đông hay Hồng Kông… chiếm lĩnh hầu hết hiện nay là khuôn mặt điển trai của anh biên tập viên Anh Quang của VTV1 (Đài Truyền Hình Việt Nam) với bản tin tài chính kinh doanh sáng ngày 17 Tháng Tám, 2020, trong đó có câu giới thiệu cho một chương trình phóng sự về hàng rong tại Sài Gòn như sau:

“Dịch COVID-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay chủ yếu phục vụ khách nước ngoài đến thành phố trở nên tiêu điều và khi những con phố không còn sức sống như gánh hàng rong vốn được xem là sống ký sinh trùng bên trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?”

Câu hỏi đặt ra cho mọi người là tại sao anh chàng biên tập viên này lại sử dụng một cụm từ hỗn hào như thế trong khi tướng mạo của anh ta không phải là kẻ thiếu giáo dục đến nỗi không hiểu “ký sinh trùng” là gì.

Thật ra không phải Anh Quang là người duy nhất đọc lời giới thiệu cho phóng sự này mà còn một người khác trên hệ thống VTV cũng đọc y khuôn. Như vậy có thể khẳng định người viết những câu chữ này là lãnh đạo hay ít nhất cũng là thủ trưởng của chương trình.

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Chu Mộng Long: Chụp mũ ngược để bịt mồm?

Chụp mũ ngược để bịt mồm không là trò mới mẻ của quyền lực. Phàm một cái sai bị dư luận phẫn nộ thì kẻ cầm quyền sẽ chống chế, hoặc cho một cá nhân nào đó giơ đầu chịu báng, hoặc chụp mũ ngược để bịt mồm dư luận.

VTV là tiếng nói của quyền lực, vì đó là truyền thông đại diện cho nhà nước, dù có mạo xưng là truyền thông đại chúng.

Việc cho BTV Anh Quang lên mạng cáo lỗi với biện bạch rằng do nói nhịu, rằng đó chỉ là lỗi cá nhân là cách thứ nhất VTV đang làm. Cách này giải thoát những lãnh đạo của VTV ra khỏi trách nhiệm.

Quan điểm của tôi: hoàn toàn chấp nhận thứ lỗi cho BTV Anh Quang. Bởi vì đối chiếu với bản tin gốc ngày 15/8/2020, anh ta đã lỡ thêm từ “trùng” vào cụm từ “sống ký sinh” (bản tin phát lại ngày 17/8/2020). Có thể xem đó là nói nhịu, vì từ “ký sinh” đối với những người ít học, thiếu hiểu biết thường quen mồm gắn với từ “trùng”. Ít học, thiếu hiểu biết mà làm BTV một chương trình khó thì mắc tai nạn nghề nghiệp là một tất yếu. Giống như không biết bơi mà bơi chỗ nước sâu vậy. Đã vậy thì hãy cứu anh ta khỏi chết đuối!

Nhưng dẫu có dí BTV Anh Quang vào thế giơ đầu chịu báng thì lãnh đạo VTV cũng không thể thoát trách nhiệm. Bởi không có từ “trùng”, chỉ cần nói dân bán hàng rong “sống ký sinh” thì mức độ miệt thị còn tệ hại hơn. Vì cụm từ “sống ký sinh” sẽ mang nghĩa rộng hơn, ngoài bao hàm các loại vi trùng hay côn trùng, nó còn bao hàm luôn tất cả các loài vật ký sinh khác nhau. Đã ký sinh thì đều là loài ăn bám trên thân xác kẻ khác, kể cả loại ăn bám bẩn thỉu nhất. Xem ra BTV Anh Quang, do nhịu mà đã giảm nhẹ mức độ miệt thị của bản tin gốc.

Nên nhớ, nếu đối chiếu hai bản tin thì rõ ràng cả hai BTV đọc theo văn bản đã viết sẵn chứ không phải ngẫu hứng. Cả hai không phải là MC dẫn chương trình như một số người biện bạch mà là phát thanh viên cho một phóng sự có kịch bản.

Trân Văn (VOA Blog): Công lý nửa vời, một thủ thuật trị an!

Nếu tỉnh táo, chắc chắn người ta sẽ thở dài khi thấy hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt loan báo ông Nguyễn Đức Chung “có nhiều chỉ đạo bất thường để công ty Nhật Cường có cơ hội trúng thầu” (1).

Tường thuật về những “chỉ đạo bất thường” của ông Chung trên hệ thống truyền thông chính thức để Công ty Nhật Cường trúng thầu không phải là điều tra riêng của các nhà báo. Ai cũng thấy các tình tiết liên quan đến vai trò và trách nhiệm của ông Chung trong vụ án “buôn lậu”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “rửa tiền”, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường, vừa được tường thuật rộng rãi đều từ… công an mà ra, thay… công an để… loan báo! Các tình tiết liên quan đến vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” dính líu đến ba cá nhân mà công việc của họ đều liên quan mật thiết đến ông Chung cũng thế!

Cần phải nhớ rằng, Luật Tố tụng hình sự cấm việc “tiết lộ bí mật điều tra” (Điều 177) còn Luật Hình sự xác định việc “cố ý làm lộ bí mật điều tra” là tội phạm và tùy tính chất, mức độ sai phạm, người vi phạm có thể bị phạt đến bảy năm tù (Điều 286).

Đến nay, ông Chung vẫn chưa phải là bị can trong bất kỳ vụ án hình sự nào. Bộ Chính trị chỉtạm thời đình chỉ sinh hoạt đảng của ông Chung trong BCH Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và không cho phép ông hành xử như Phó Bí thư Thường trực của Thành ủy Hà Nội trong 90 ngày. Tương tự, Thủ tướng Việt Nam cũng chỉ tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch thành phố Hà Nội của ông Chung trong 90 ngày để công an dễ dàng thực hiện công việc điều tra. Vềnguyên tắc, điều tra chỉ nhằm xác định ông Chung có tội hay không, bị điều tra không phải là đương nhiên trở thành tội phạm. Đó cũng là lý do thiên hạ cấm các cơ quan điều tra “tiết lộ bí mật điều tra”.

Trọng Nghĩa (RFI): Biển Đông - Lập trường cứng rắn hơn của Mỹ bị Philippines phá hoại

Trong số 10 quốc gia đến Hawaii cùng tham gia cuộc tập trận hải quân do Mỹ tổ chức mang tên Vành Đai Thái Bình Dương - RIMPAC 2020 - mở ra ngày 17/08/2020, có Philippines, với chiến hạm hiện đại nhất của nước này, khinh hạm BRP Jose Rizal được trang bị tên lửa dẫn đường. 

Quyết định tham gia của Philippines, nhằm thể hiện thái độ thân thiện với Mỹ, đã thu hút sự chú ý trong bối cảnh Manila trong thời gian gần đây đã thường xuyên có những động thái chạy theo Bắc Kinh, đối thủ của Washington.

Nhật báo Anh Financial Times ngày hôm qua đã phân tích thêm về quan hệ Mỹ-Philippines vào lúc Washington có lập trường cứng rắn hẳn lên với Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông để cho rằng những động thái thiếu rõ ràng của Manila trong thời gian gần đây đã khiến cho “Lập trường cứng rắn hơn của Mỹ về Biển Đông bị suy yếu”.

Biển Đông: Tâm điểm của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung


Phải nói là Biển Đông đã nổi bật lên thành một trong những tâm điểm của sự cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh kể từ trung tuần tháng 7, khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố lập trường chính thức về Biển Đông, xác định rằng hầu hết các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông đều “bất hợp pháp”.

Vấn đề được nhiều nhà quan sát nêu lên là cho dù bản tuyên bố lập trường ngày 13/07 mang một ý nghĩa rất quan trọng là thể hiện ý muốn dấn thân mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ vào Biển Đông, từ bỏ một thái độ trung lập hình thức, trong thực tế phải chăng là đã quá muộn để đảo ngược thế thống trị của Trung Quốc trong khu vực.

Kể từ năm 2012, Bắc Kinh đã xây dựng và quân sự hóa hàng loạt đảo nhân tạo trong khu vực và điều đáng lo ngại là đồng minh lâu đời nhất của Washington trong khu vực là Philippines, đang có dấu hiệu dao động trước sức ép của Trung Quốc.

RFA: Việt Nam đối mặt với những nguy cơ về an ninh nguồn nước

Chính phủ Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước quốc gia khi nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc đến 63% lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ.

Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết thông tin vừa nêu tại Hội nghị Giải trình về Vấn đề An ninh Nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý hồ, đập tổ chức vào sáng ngày 17/8.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Việt Nam có tổng cộng hơn 200 con sông. Tuy nhiên, có đến hơn 50% con sông từ nước ngoài chảy vào, với khoảng 520 tỷ m3, tương ứng 63% tổng lượng nước mặt sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh rằng “Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng, và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông”. Do đó, số lượng và chất lượng nước của Việt Nam bị phụ thuộc vào các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông…

Giải thích rõ hơn về tình trạng nguồn nước Việt Nam hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động các nước thượng nguồn, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước - Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại Học Cần Thơ cho rằng:

“Điều này tự nhiên vì Việt Nam nằm trong vị trí cuối các con sông lớn như sông Hồng hay sông Mê Kông thì vùng nước đi tới con sông đó chảy từ nước ngoài. Khi mình nhận được hoàn toàn phụ thuộc nguồn cung cấp nước từ ngoài như sông Mê Kông thì chảy từ Trung Hoa đi xuống Miến Điện, xuống Lào rồi qua Thái Lan, xuống Campuchia và cuối cùng tới Việt Nam. Như vậy phần Việt Nam nhận được nước phụ thuộc hoàn toàn vào nước phía trên. Lượng nước mưa rơi xuống sông Mê Kông ở Việt Nam rất nhỏ so với tổng lượng nước phía trên đổ về. Ở khu vực sông Hồng cũng vậy nên Việt Nam phụ thuộc vào lượng nước ở bên ngoài rất nhiều”.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Ngô Nhân Dụng: Hãy đeo mạng che miệng, vì lòng từ bi

Tôi không thể hiểu ông Billy Woods, cảnh sát trưởng (Sheriff) Quận Marion ở Florida. Nhưng không sao! Vì chắc chắn ông Billy Woods cũng không thể hiểu tôi!

Hồi này tôi luôn luôn đeo mạng che miệng mỗi khi đến gần người lạ, kể cả con, cháu đến thăm nhà. Tôi không muốn truyền virus corona cho mọi người, dù không biết mình có virus hay không. Ông Sê Ríp Woods nghĩ ngược lại. Ông không đeo mạng, ông còn cấm các cảnh sát viên dưới quyền không được đeo mạng khi đi làm. Ông cấm cả những người có việc phải đến sởông, cũng không được đeo mạng. Ông cho phép một số người che miệng, các người đang mắc bệnh Covid 19 hoặc nhân viên nhà thương suốt ngày vẫn đeo mạng.

Tại sao ông Woods không thấy rằng thà rằng có đeo mạng vẫn hơn là không đeo!

Tại sao ông Billy Woods không tính toán theo lối kinh tế học? Hầu hết các quyết định kinh tếđều nằm trong tình trạng “bất định,” người ta không biết chắc chắn tương lai như thế nào. Nhưng trong hoàn cảnh bất định chúng ta vẫn có thể tính toán để lựa chọn một cách “thuần lý,” hoàn toàn dựa trên lý trí.

Thứ nhất, chúng ta phải xác định chuyện gì có thể xẩy ra; và thứ hai, chúng ta phải biết mình cần chọn lựa những gì.

Khi một nhóm bạn gặp nhau, để mừng sinh nhật chẳng hạn, thì họ có thể chọn một trong hai quyết định: Hoặc họ đồng ý tất cả phải đeo mạng che miệng; hoặc họ để tự do ai muốn đeo thì đeo.

Sẽ có một trong hai trường hợp có thể xẩy ra, và chỉ một trong hai trường hợp thôi: Hoặc có ít nhất một người trong đám bạn này chứa virus corona trong phổi, dù không thấy triệu chứng bệnh. Hoặc không ai trong đám đó mang virus corona hết.

Bùi Văn Phú: Cô Vi chú Tế, bác Tin bác Tập

Hơn hai tháng nữa cử tri Mỹ sẽ đi bầu, chọn thành phần lãnh đạo Hoa Kỳ gồm tổng thống, 435 dân biểu và 35 nghị sĩ quốc hội.

Giờ này bốn năm trước, nước Mỹ ồn ào với những vận động tranh cử khi hai chính đảng tổ chức đại hội để tiến cử ứng viên tổng thống. Năm nay mọi thứ lắng đọng vì bệnh dịch Covid-19 nên không có đại hội đảng với nhiều nghìn người tham dự.

Năm 2016, bên Dân chủ với Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng, coi như cầm chắc tấm vé ứng viên tổng thống, sau thất bại trước Barack Obama vào năm 2008.

Bên Cộng hoà nổi lên Donald Trump, chưa từng có kinh nghiệm chính trường ở bất cứ cấp nào, đã đánh bại gần hai chục ứng viên khác trong đó có nhiều nghị sĩ, thống đốc là những chính trị gia dầy dạn kinh nghiệm.

Căn bản về chính sách, Trump chủ trương “America First” và “Make America Great Again”. Nhiều ứng viên Cộng hoà bị phê phán là cũng sẽ không làm gì hơn các lãnh đạo trước đây, vì thế Trump được cử tri của đảng tiến cử trong các kỳ bầu sơ bộ.

Vận động tranh cử 2016 của Trump gây ồn ào, sôi động với những tuyên bố thẳng thừng, kích động kỳ thị mầu da sắc tộc, nhục mạ phụ nữ. Rồi những tố cáo nhắm vào Trump vì những hành vi sàm sỡ, có quan hệ tình dục bất chính trong quá khứ làm xôn xao lên những điều tra.

Còn Hillary Clinton bị moi móc vụ mấy chục nghìn email công vụ để trong máy tính riêng biến mất và vụ kinh tài qua Clinton Foundation.

Nhiều người cho rằng Donald Trump là tỉ phú trên thương trường nhưng chỉ là tay mơ trên chính trường nên không hy vọng gì. Nhưng Trump bất ngờ thắng cử.

Trần Văn Thọ: Tự trọng của quan chức

Bí thư tỉnh ủy xứ quan họ sắp đặt để đưa con trai mình làm bí thư thành phố lớn nhất tỉnh mình, thay thế người vừa được bầu trước đó mấy tuần. Nhưng rồi, do nhiều ý kiến phản ứng, người con trai được chuyển về làm phó giám đốc một sở.

Lại nhớ mấy năm trước, cựu bí thư một tỉnh miền trung cũng sắp đặt cho con trai làm giám đốc sở trong tỉnh mình. Rồi tại một tỉnh nghèo miền cực bắc, các chức vụ quan trọng đều do người nhà của bí thư tỉnh ủy nắm hết. Nhân chuyện nhà công vụ của cựu thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, người dân lại được biết tại một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có hiện tượng cha con, anh em, vợ chồng nắm các ghế quan trọng trong tỉnh. Tất cả các vụ việc đó, khi báo chí lên tiếng, đều được giải thích là "đã làm đúng quy trình".

Các bí thư tỉnh đều là Ủy viên Trung ương, trừ vài ngoại lệ. Trước khi được cơ cấu vào các chức vụ lãnh đạo đó, họ đều được học tập các khóa lý luận chính trị cao cấp. Nhưng còn các tố chất về đạo đức, về lòng tự trọng, về lòng trắc ẩn và thương dân thì họ học ở đâu? Nếu có các tố chất này thì dù làm đúng quy trình, đúng luật mà không hợp lòng dân hoặc thấy thẹn với lương tâm thì họ sẽ không hành động như thế.

Tôi vẫn nhớ các bài học về đạo đức và lòng tự trọng của quan chức từ hồi còn học tiểu học ở một nông thôn miền trung, cũng đã trên nửa thế kỷ rồi. Trong các bài học có câu chuyện sau. Có ông quan nhận một thanh niên vào làm trong cơ quan của ông vì thấy khả năng của thanh niên đó thích hợp với công việc đang cần. Cha của thanh niên mừng quá và cảm thấy biết ơn vị quan nên đã mang mấy cây vàng đến tạ lễ. Ông quan một mực từ chối dù được nài nỉ nhiều lần. Cuối cùng, người cha nói: "Ở đây chỉ có ngài với tôi, không ai biết cả, xin ngài nhận cho tôi được vui lòng". Ông quan nghiêm nét mặt: "Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại nói không có ai biết?". Ông quan có lòng tự trọng đã dùng cách nói dễ hiểu đối với một thường dân để từ chối lễ vật mà ông thấy không đáng nhận.

Phạm Đình Trọng: Trò chơi quyền lực

Trong những ngày đầu tháng tám 2020 dịch bệnh covid trở lại với mức độ khủng khiếp hơn. Người dân thành phố phương Nam lớn nhất nước, đông dân nhất nước đang bàng hoàng lo lắng thì các báo chính thống có cùng một tổng biên tập tối cao là ban tuyên giáo trung ương, cùng một ngày đồng loạt đưa một tin còn bàng hoàng, hoang mang hơn cả tin dịch bệnh covid:

Tin các báo “ông Tất Thành Cang, thành ủy viên, phó trưởng ban thường trực ban Chỉ đạo công trình lịch sử thành phố, nguyên giám đốc sở Giao thông vận tải, có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, nhưng do đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng nên ban chấp hành đảng bộ thành phố thống nhất kết luận hình thức phê bình”.

Thông tin trên đã gây kinh ngạc, sững sờ cho người dân, gây bức xúc, bất bình rộng rãi trong dư luận xã hội. Sự bao che cho tội ác của Tất Thành Cang với dân Thủ Thiêm, sự o bế không trừng trị thỏa đáng tội hình sự của Tất Thành Cang gây thất thoát hàng ngàn ngàn tỉ tiền của dân của nước là lại thêm một lần phỉ báng cái gọi là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thêm một lần nữa diễu cợt cái gọi là chống tham nhũng không có vùng cấm.

Với sự lộng hành của cặp quyền lực Lê Thanh Hải – Tất Thanh Cang đã gây ra cái chết cho nhiều người dân Thủ Thiêm, đã san bằng nhà cửa, phá tan cuộc sống bình yên, gây đau khổ, điêu linh cho hơn mười bốn ngàn, sáu trăm gia đình dân lành, biến khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đại nhất Đông Nam Á thành địa ngục đày đọa hơn sáu mươi ngàn người dân đã đổ mồ hôi, đổ máu khai phá đất Thủ Thiêm, gây thất thoát hàng ngàn ngàn tỉ tiền ngân sách, làm chậm tiến độ xây dựng khu đô thị hiện đại Thủ Thiêm hơn hai chục năm trời. Đó là tội phạm hình sự, tội giết người, cướp của, tội làm chết người trong thi hành công vụ, tội xâm phạm chỗ ở của người khác, tội lạm quyền, tội tham ô, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Ông Tất Thành Cang đã gây ra một loạt tội hình sự kinh hoàng chứ không phải chỉ là khuyết điểm, vi phạm hành chính để chỉ bị phê bình.

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Đỗ Quý Toàn: Thấy con voi biết là con voi

Bà Nadine Gordimer đề tựa một tập truyện ngắn chọn lọc của bà, nói rằng bà sẽ không định nghĩa truyện ngắn là gì, vì biết không có định nghĩa nào làm mọi người thỏa mãn. Thơ còn khó định nghĩa hơn truyện ngắn. Nếu có ai hỏi định nghĩa của thơ, chắc chúng ta lại phải bắt chước nhà kinh tế J.M. Keynes. Có lần ông nói: Nếu phải định nghĩa con voi là gì thì tôi xin chịu, nhưng nếu cho trông thấy con voi thì tôi biết liền.

Thơ rắc rối hơn voi, hơn cả kinh tế học. Nếu Keynes trông thấy con voi ông biết liền, thì người khác cũng đồng ý gọi nó là con voi như ông.

Còn Thơ lại khác. Có người bảo: tôi thấy Thơ đây rồi. Người khác lại lắc đầu: không phải đâu, đó chỉ là văn, là vè, là gì gì đó. Phải cao quý, diễm lệ hơn thì mới đáng gọi tên là Thơ. Thành ra chúng ta vẫn cứ phải đặt ra câu hỏi để phân biệt “Thơ và văn khác nhau thế nào?”

Nhưng cách đặt câu hỏi như vậy rất nguy hiểm. Nó đưa người ta đến một vòng luẩn quẩn, vì sẽ đi theo một cách vận dụng ngôn ngữ không phù hợp với câu chuyện đang bàn. Ta thử so sánh ba câu hỏi, ba câu thuộc ba cách dùng ngôn ngữ khác nhau, để hiểu khái niệm về “cuộc chơi dùng ngôn ngữ”. 

Ba câu hỏi


Câu hỏi 1: Trái đào và trái mận khác nhau thế nào?

Câu hỏi 2: Ánh sáng màu vàng và màu da cam khác nhau thế nào?

Câu hỏi 3: Anh bắt đầu yêu em từ lúc nào?

Mới trông, ba câu hỏi có vẻ giống nhau, vì cùng muốn phân biệt hai thứ được nêu ra, giống như phân biệt thơ và văn. Nhưng cả ba câu là ba lối sử dụng ngôn ngữ, theo luật chơi khác nhau.

Huỳnh Liễu Ngạn: Hồng Kông, Mùa Gió 1982

Hình minh hoạ, ANTHONY WALLACE/AFP via Getty Images

anh muốn đi về phía chân trời
thả lỏng đời sông với suối thôi
rồi anh lặng lẻ nhìn ra biển
nhớ lại gian nan một kiếp người

hồi ấy gặp em bên tị nạn
xơ xác tiêu điều như lá bay
gió chiều không thổi qua tà áo
mà ngập hồn trơ bóng lẻ bầy

thuở đó mắt em hoài âm u
trời xứ người ta gió thổi vù
ngồi nơi bến cảng lòng se lạnh
để hồn trôi dạt chốn vi vu

buổi sáng buổi trưa rồi buổi chiều
buổi nào cũng thấy thật đìu hiu
vài ba âm vang từ đâu lại
cũng chợt hoang mang cả trăm điều

em thường hỏi anh đời sao buồn
đời sao xa vắng cả tình thương
thì đời tị nạn ai cũng vậy
long đong đâu nữa cũng đoạn trường

một năm một năm niềm ưu tư
không biết chừng nào đi định cư
em ơi mùa thu còn trên áo
để chờ mây tan chốn mịt mù

mai mốt không biết về nơi nào
cho đời bớt lận đận lao đao
có qua mỹ trước xin em nhớ
một cuộc tình như trăng với sao

bất chợt chiều nay trời mưa rơi
mưa như ngày ấy ngoài biển khơi
hồng kông mùa gió mưa thao thức
mưa như mới đó đã nửa đời

anh muốn quay về thăm chốn cũ
đứng ngoài trại cấm ngó lên tường
ngó lên mái lợp mùa rêu cũ
để thấy hình em đã miên trường.

17/5/2020
HUỲNH LIỄU NGẠN

Đàm Trung Pháp: Tâm huyết Tản Đà trong “Thề non nước”

Tản Đà là bút hiệu của thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939). Bút hiệu là sự kết hợp của tên một ngọn núi (Tản) với tên của một con sông (Đà), hai dấu mốc nổi tiếng của sinh quán nhà thơ. Sinh ra trong một gia đình nho học và quan trường, ông là một móc nối giữa hai thời đại quan trọng của văn học Việt Nam – truyền thống nho học của thế kỷ 19 và ảnh hưởng tây phương của đầu thế kỷ 20.

Suốt đời là một nhà báo, nhà thơ, và nhà văn, Tản Đà từng là chủ nhiệm của Hữu Thanh Tạp ChíAn Nam Tạp Chí. Thêm vào đó, hai tạp chí bậc nhất thuở ấy là Đông Dương Tạp Chí (của Nguyễn Văn Vĩnh) và Nam Phong Tạp Chí (của Phạm Quỳnh) đều mời Tản Đà hợp tác vì uy tín to lớn của ông. Là một nhà thơ, ông là tác giả của các tuyển tập như Khối Tình Con I, II, IIITản Đà Xuân Sắc. Và ông cũng viết các tác phẩm văn xuôi Giấc Mộng Con I, II, III và Tản Đà Văn Tập.

Trong những bài viết cho báo chí cũng như cho thi ca và văn xuôi, Tản Đà luôn trung thành với nhân sinh quan cá nhân của mình, đặc biệt là thuyết thiên lương. Ông thuyết phục dân chúng nuôi dưỡng, phát triển và thực hành đức tính bẩm sinh ấy để sống một cuộc đời đáng sống hơn. Những ước nguyện ấm lòng của thiên lương cũng như tâm huyết đối với đất nước của ông ngập tràn trong bài thơ Thề non nước

Xin ghi lại tuyệt tác ấy dưới đây, cùng với các cước chú theo sự hiểu biết và suy luận hạn hẹp của người viết:

THỀ NON NƯỚC [1] 

Nước non nặng một lời thề [2] 
Nước đi, đi mãi, không về cùng non 
 Nhớ lời nguyện nước thề non 
 Nước đi chưa lại, non còn đứng không 

Non cao những ngóng cùng trông [3] 
 Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày 
 Xương mai một nắm hao gầy 
 Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương

Lê Phú Khải: Đó là Sơn Nam !  (Trích Hồi ký )

Sơn Nam
Sơn Nam kể với tôi: Hồi tao mới lên Sài Gòn kiếm sống, một lần bà già tao từ quê lên hỏi: Mày lên đây làm gì để sống? – Viết văn. Bà già hỏi lại: Viết văn là làm gì? Tao thưa: Viết văn là có nói thành không, không nói thành có (!). Bả nổi giận mắng: Mày là thằng đốn mạt. Tao không cãi, chỉ làm thinh! Sau chừng như thương con quá, bà lại hỏi: Thế viết văn có sống được không? Tao bảo: Viết một giờ bằng người ta đạp xích lô cả ngày! Bả thấy vậy không hỏi gì nữa rồi lặng lẽ ra về.

Sơn Nam đã viết văn từ đó đến nay, 50 năm có lẻ. Tập truyện nổi tiếng nhất của ông là Hương rừng Cà Mau đã tái bản nhiều lần. Ông được độc giả tấn phong là nhà “Nam bộ học” với hàng loạt tác phẩm khảo cứu: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, Văn minh miệt vườn, Cá tính miền Nam, Bến Nghé xưa … Ông rành về phong tục, lễ nghi, ẩm thực của dân Nam bộ. Mỗi buổi sáng, ông thường uống cà phê ở quán sân Nhà truyền thống quận Gò Vấp đường Nguyễn Văn Nghi. Ai có việc gì cần hỏi về đất nước con người Nam bộ thường ghé tìm ông ở đó. Kể cả mời ông đi tế lễ ở đình chùa! Có người làm ăn khá giả tìm ông để biếu ít tiền uống cà phê (!)

Dạo nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập, có mời ông với tư cách là cộng tác viên ruột lên phát biểu trong buổi lễ long trọng đó. Ông nói ngắn gọn: “Tôi sức yếu quá, nếu khỏe như Huỳnh Đức thì đã đi đá banh rồi. Lại xấu trai nữa, nếu không đã đi đóng phim như Chánh Tín từ lúc còn trẻ. Vừa ốm yếu lại vừa xấu trai nên đành đi viết văn vậy. Bây giờ Nhà xuất bản Trẻ làm ăn khấm khá, các anh chị có cơm ăn, tôi cũng có chút cháo!” Mọi người cười rộ.

…Dạo Sài Gòn kỷ niệm 300 năm, Sơn Nam có theo một đoàn phim ra Quảng Bình dự lễ tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh người Quảng Bình có công khai phá đất Nam bộ. Khi làm lễ, Sơn Nam giở gói đồ khăn đóng áo dài của mình đem từ Sài Gòn ra, mặc vô và tế lễ rất đúng bài bản. Các cụ Quảng Bình khen nức nở: Trong Nam người ta có lễ hơn cả mình ngoài này! Sơn Nam nói: Trong Nam cũng có nhiều thằng lưu manh lắm, nhưng cử người đi xa, phải cử thằng có lễ chớ! Các cụ Quảng Bình ngẩn người!

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020

Hoàng Quân: Đếm Sao

Ngày mái tóc không còn xanh được nữa
Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa
Thì em sẽ vì anh mà mở cửa
Trông lên trời, đếm những điểm sao xa
(Tạ Ký)

Chị bạn viết mấy dòng cho nàng. Chị nhắc đôi chuyện xưa, tích cũ của non nước xứ Quảng. Nè, em nhớ chỗ nhà chị không? Dãy nhà công chức ở đường Phan Châu Trinh đi lên gần ngã Năm đó. Anh hàng xóm của chị thuở ấy nhiều bạn lắm. Mà chắc là nghệ sĩ không hà. Những khi các anh nhóm họp, khu nhà rộn ràng với tiếng đàn, tiếng hát. Có một anh trong nhóm không ca hát. Có lẽ anh chàng bận mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây. Nghe đâu, mới vào trung học, anh chàng đã làm những bài thơ hay sướt mướt. Nghe đâu, có anh bạn cùng lớp dự định sẽ phổ nhạc những bài thơ mượt mà. Tiếc quá, biến cố 1975 đến, mỗi người, mỗi nơi, tan tác. Những tác phẩm thơ phổ nhạc bất hủ chưa kịp chào đời... Như sực nhớ chủ đích của mình khi liên lạc với nàng, chị reo lên, à, em ơi. Anh chàng thơ hồi xưa về sau là nhà thơ thứ thiệt đó em, viết hằng hà sa số thơ học trò. Mới đây, anh chàng viết tạp bút chuyền tay bạn bè, lan man về những ngày ngủ lang của anh chàng. Trong đó, anh chàng nhắc đến em nè. Nàng vốn mê cổ tích. Hễ nghe đến chữ ngày xưa, nàng sà xuống, sa đà hóng chuyện, góp chuyện. Nàng kéo vội con chuột, lướt lướt qua chuỗi emails dài ngoẵng. Đây rồi email với tựa đề Tôi đi ngủ lang của Trần Quang Đoàn. 

* * *

“...

Cái quán cà phê vườn có dòng chữ phụ ghi dưới tấm bảng hiệu 'Café Uyên: Ở một nơi ai cũng quen nhau' là nơi tụi tôi thường đến trong năm lớp 11. Quán có “con nhỏ” tên Th. mắt to như mắt bò, học trò trường Nữ Trung Học, là em của mấy người chị nổi tiếng xinh đẹp. Không biết thằng bạn thân của tôi có 'ngắm nghé' con nhỏ chưa mà thường rủ tôi đến quán này. Tụi tôi nhâm nhi cà phê và trầm ngâm, cái trầm ngâm điệu bộ của tuổi bắt đầu lớn. Tôi cũng để ý đến con nhỏ hay hay đó. Nhưng sợ thằng bạn tôi 'quan tâm' con nhỏ trước rồi. Tôi thầm nghĩ, không nên mích

Hoàng Xuân Sơn: T I N X A N H

Hình minh hoạ, FreePik

những chấm đỏ điểm hồng tâm thân cây
báo tử một đời ruỗng mục
mới ngày nào nuôi liếp xanh
nâng hoa
vỗ um mầm trái
bây giờ vân gỗ hong phơi
người ta sẽ đốn cưa những đời cằn
như người
như ta
rồi cũng tới lúc
rã reng niềm vọng
đi bộ nghe mình
thở theo cây
cảm một chút bình yên còn được thở
như cảm buồng phổi cây tới giờ hấp hối
vẫn còn đó tiếng kèn thúc giục trưa hè
kéo áo sang thu
người nhạc công của thiên nhiên thu nhặt mây chiều
ôi chẳng có phần đời nào vĩnh cửu
như cỏ lấp. mòn lối
hóa vàng những nốt chân tình nhân truy lùng hạnh phúc
nốt đau một lằn vết

những chấm đỏ ngước nhìn tin xanh
như môi son ngóng chờ
nụ hôn lập trình mùa đông tử biệt

hoàng xuân sơn

{12 gìờ trưa ngày 7 tháng 8
năm 2020
tiếp tục bộ hành}

*Song Thao: Hứa

Ông Tom Cook, cư dân tại tiểu bang Wisconsin, đã trúng lô độc đắc Powerball 22 triệu ngày 10/6 vừa qua. Chuyện này không thành tin. Xổ số mở hàng ngày, có người trúng tới cả trăm triệu. Ông Cook trúng 22 triệu thì ăn thua chi. Nhưng chuyện thành tin nóng khi ông chia đôi số tiền này với ông bạn Joe Feeney trong khi ông Feeney chẳng góp tiền mua chung tấm vé số. Tất cả chỉ vì một lời hứa. Năm 1992, hai ông bạn chí thân này bắt tay với nhau và hứa nếu một trong hai người trúng số Powerball thì sẽ chia cho người kia một nửa. Chuyện như đùa mà nay thành thật. Thực ra ông Cook có thể làm lơ một cách dễ dàng. Vì ông Feeney chẳng còn nhớ tới chuyện cũ xì từ 28 năm trước. Khi được ông Cook điện thoại báo tin, ông Feeney tưởng bạn giỡn. “Ông ấy gọi tôi và tôi trả lời ‘ông có giỡn với tôi không vậy?’”. Trả lời báo chí, ông Cook nói: “Lời hứa là lời hứa. Đã nói thì phải giữ lời”. Hai ông dắt tay nhau đi lãnh tiền trúng số. Họ chọn cách lãnh trọn gói một lần. Mỗi ông được 11 triệu đô. Sau khi trừ tiền thuế, mỗi người bỏ túi được 5 triệu 700 ngàn. Cũng đỡ cho hai ông già. Ông Feeney đã nghỉ hưu trước đó. Ông Cook cũng nghỉ sau khi trúng số.

Vợ chồng ông Tom Cook (trái) và vợ chồng ông Joseph Feeney khi lãnh tiền trúng số. (Hình: Wisconsin Lottery)

Chuyện giữ lời hứa của ông Tom Cook là chuyện đáng phục. Thời buổi này mà còn một ông quân tử tàu như vậy khá hiếm. Có tìm ở bên tàu ngày nay chắc cũng không có. Nhưng chuyện tôi kể dưới đây li kỳ hơn nhiều.

Phil Seymour là một Trung Sĩ thuộc Đại Đội C, Tiểu Đoàn 1, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 1 của Hoa Kỳ, đóng ở Đà Nẵng. Anh qua Việt Nam vào tháng 12 năm 1966. Đơn vị của anh đóng quân tại một hòn đảo nhỏ gần Hội An. Họ thường vào chơi nơi phố thị này. Khi đi chơi, anh

Nguyễn Đức Tùng: Muối Ớt Tây Ninh

Mùa hè, tôi cùng người em họ đi xe Honda băng qua những nương rẫy trồng mía có nhà máy đường gần đó, ruồi bay quanh những đống bã mía khô rào rào như mây đen khi trời sắp mưa. Nhưng ở đây nhiều ngày không mưa. Cuối ruộng mía có một căn nhà gỗ, khang trang hơn những căn nhà khác của xóm dân kinh tế mới. Năm đó tôi còn trẻ, học đại học, không nghề ngỗng gì, mùa hè vào rẫy chơi, đi với đứa em họ mà tôi thân thiết từ nhỏ, làm nghề y tá chích dạo, thỉnh thoảng giúp việc cho chú ấy, cuộc sống vui vẻ, không thiếu thốn như ở thành phố. Hãy tưởng tượng một cánh đồng trải dài dọc khe suối, quanh dốc đồi, cỏ lau trắng xóa, những người công nhân làm mía, làm nhà máy đường, tưởng tượng tiếng đàn ghi ta của họ khi đêm xuống, bên đống lửa. Tôi và người em đến căn nhà ấy, chỗ ở của người chủ cánh đồng, một người dân Sài Gòn cũ bán hết sản nghiệp lên vùng kinh tế mới, trồng mía cung cấp cho nhà máy đường cấp huyện. Hạn hán và sâu rầy là hai nỗi lo của người trồng mía, năm ấy họ có đủ cả hai.

Khi chúng tôi đến nơi, trời sập tối, trước sân có bầy chó nằm canh bên đống lửa. Cảnh hoang dã, bí mật. Trong nhà có một người bệnh. Bạn đứng ngoài cửa nhìn vào đã nhận ra ngay cảm giác ấy. Khung cảnh im lặng, mặc dù có người đi ra đi vào, đồng hồ trên tường chạy sai giờ, không gian chập choạng mờ ảo, thoáng mát, mặc dù ngoài trời hầm hập nóng, ngọn đèn leo lét trên bàn thờ. Em họ tôi vừa là y tá tự học vừa biết châm cứu, thuốc nam. Chú ta lôi trong cái bọc ra những dụng cụ hành nghề. Người bệnh nằm trên giường, trong màn chống muỗi màu xanh, loại màn của quân đội, đưa cánh tay ra ngoài, như kiểu hồi xưa các lương y đến bắt mạch cung nữ. Tôi nhìn thấy cánh tay trắng muốt, đeo ở cổ tay một vòng cẩm thạch màu xanh thiên lý. Nhìn kỹ, những đường gân tay nổi lên xanh mét. Qua làn vải mùng, tôi nhận ra đó là cô gái, bằng tuổi tôi hoặc nhỏ hơn, mắt nhắm nghiền, mặt đẫm mồ hôi, thở mệt nhọc, ngực phập phồng lên xuống.

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

VOA Tiếng Việt: Hé lộ các nhân vật lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam sau Đại hội Đảng XIII

Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư ĐCS VN, được dự báo sẽ thành Tổng Bí thư

Một nhà nghiên cứu và hai người nắm thông tin hậu trường chính trị ở Việt Nam mới đây hé lộ với VOA về những nhân vật nhiều khả năng sẽ nắm các vị trí lãnh đạo hàng đầu sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 vào đầu năm 2021.

Những tên tuổi được xem là sáng giá nhất và được nêu ra gồm các ông Trần Quốc Vượng, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Lương Cường, Phan Đình Trạc và bà Trương Thị Mai.

Ông Vượng lên, ông Phúc chống


Từ Australia, giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, đưa ra phân tích rằng ông Trần Quốc Vượng là ứng cử viên nổi bật nhất cho chức Tổng Bí thư Đảng.

“Ông ấy có bề dày kinh nghiệm qua thời gian công tác ở Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan đảng, gồm Chánh văn phòng Trung ương Đảng (2011), Ủy viên Ban Bí thư (tháng 5/2013) và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (2016). Việc ông được bổ nhiệm làm Thường trực Ban Bí thư vào tháng 3/2018 đã đưa ông trở thành nhân vật cấp cao trong hệthống tôn ti trật tự của đảng”, giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, viết cho VOA qua email.

Ngô Nhân Dụng: Trump đánh tức tốc Tik tok và WeChat

Tổng thống Donald Trump đánh một lúc hai “app” TikTok và WeChat của hai công ty Trung Quốc, đánh nhanh, đánh mạnh, nhưng cũng nằm trong trận chiến kinh tế, thương mại đã bắt đầu từ năm 2018.

Mở đầu là trận chiến thuế quan, ông Trump khai pháo, bị trả đũa, và kéo dài cho tới giờ chưa ngã ngũ. Tiếp theo là lệnh cấm trên Huawei, một công ty bán 250 ngàn cái điện thoại di động năm ngoái, nhiều hơn Apple. Bây giờ ông Trump tấn công vào một mặt trận mới là những cái “app.” Trong lãnh vực này Trung Cộng đã đánh trước. Những thứ “app” của Facebook, YouTube và Google đã bị cấm trong Trung Quốc từ lâu rồi; bây giờ Mỹ mới trả đòn. Tháng Sáu vừa qua, chính phủ Ấn Độ cũng đã cấm cửa TikTok và WeChat cùng nhiều công ty khác của Trung Quốc, sau khi hai nước đụng trận ở biên giới trên vùng núi Himalaya.

Hậu quả lệnh cấm của ông Trump là từ giữa tháng Chín 2020 người Mỹ hay các công ty Mỹ sẽkhông được làm ăn với Tik Tok nữa, trừ khi một công ty Mỹ mua và làm chủ cái app này. Có hai vấn đề: Thứ nhất là chuyện an ninh, chính phủ Mỹ lo ngại các ty chủ nhân của Tik Tok là ByteDance (Tự Tiết Khiêu Động) có thể dùng app này để thu thập các dữ liệu về người Mỹ và các công ty Mỹ. Thứ nhì, hai nước chắc chắn đang mở cuộc chạy đua trong lãnh vực tin học trên toàn thế giới.

Về vấn đề thứ hai, thực ra ông Trump, hoặc những người tiền nhiệm có thể đánh sớm hơn vào các công ty tin học Trung Cộng từ lâu. Vì nhìn xa hơn, đây là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Cộng trong thế kỷ 21, không cách nào tránh khỏi!

Trong vấn đề thứ nhất, thì đây là điều ai cũng công nhận là có thật. Các công ty Facebook, YouTube và Google xưa nay vẫn cất giữ các thông tin về các cá nhân, đoàn thể và xí nghiệp sửdụng các app của họ, để sử dụng và đem bán cho các nhà làm quảng cáo, tiếp thị. Nhưng Tik Tok hay WeChat thì khác một điều: Chính phủ Mỹ không thể bắt YouTube, Facebook hoặc Google tiết lộ các dữ liệu họ thu lượm; còn Cộng sản Trung Cộng có quyền bắt Tik Tok và WeChat làm gián điệp cho nhà nước.

Diễm Thi: Tín hiệu gì khi VTV chiếu phim về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979?

Ý đảng lòng dân hội tụ?


Tối 11 tháng 8 năm 2020, VTV1 chiếu bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình: Năm 1979”. Phim do Báo Nhân dân sản xuất hoàn thành năm 2020.

Đứng đầu Ban chỉ đạo là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng. Chỉ đạo nội dung là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu.

Chuyện một đài truyền hình quốc gia chiếu một bộ phim nhắc lại việc tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình rằng, “Dạy cho Việt Nam một bài học” khiến các nhà nghiên cứu nhận ra có một sự thay đổi trong cách đưa tin của ban tuyên giáo.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết, ông dường như không coi phim trên VTV bao giờ, nhưng không hiểu sao ông lại mở VTV vào tối 11 tháng 8 năm 2020 và sững sờ với những gì diễn ra trước mắt mình. Ông chia sẻ:

“Khi VTV1 bắt đầu phát bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình: Năm 1979” thì tôi vẫn nghĩ đây là một bộ phim tuyên truyền. Nhưng khi xem, tất cả những thước phim tư liệu, tất cả những hình ảnh nó không mới nhưng tất cả những lời bình nó quá đanh thép. Nó làm cho chúng tôi khóc. Thời điểm 1979 chúng tôi là những người lính, những người bộ đội trực tiếp chiến đấu trên biên giới Tây Nam. Nó nhắc lại tất cả những cái khốn nạn của đất nước mình là do sự sắp xếp của các cường quốc trên thế giới và Trung Quốc lợi dụng để ép Việt Nam vào con đường phục vụ cho Trung Quốc.”

Nguyễn Trường (RFA): Liệu Trung Quốc có thực tâm hòa hoãn với Hoa Kỳ?

 


Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Texas, bị đóng cửa hôm 22 Tháng Bảy, 2020. (Hình minh họa: Mark Felix/AFP/AFP via Getty Images)

Trong buổi trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã ngày 6 Tháng Tám, Ủy Viên Quốc Vụ kiêm Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có những đánh giá về quan hệ Mỹ-Trung hiện nay và đưa ra phản hồi về một số điểm đối đầu chính trong quan hệ giữa hai nước.

Chính sách của Trung Quốc qua phát biểu của Vương Nghị


Ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc luôn duy trì tính liên tục và ổn định trong chính sách đối với Mỹ, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức trong quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời đưa ra tín hiệu rằng Trung Quốc không mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục đi đến đáy.

Ông thừa nhận quan hệ Mỹ-Trung đang đối mặt với cục diện nghiêm trọng nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, song Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc tạo ra “Chiến Tranh Lạnh mới.”

Phân tích về bài phát biểu mới nhất của Vương Nghị, các học giả cho rằng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra chủ trương cơ bản là “dĩ hòa vi quý” trong chính sách đối với Mỹ, nhấn mạnh không muốn đấu nhau với Mỹ đến mức cả hai bên tổn hại, đều thua và trong thời gian tới cũng không chạy đua với Mỹ về việc gây ra sức ép lên nhau, thậm chí có thể áp dụng các biện pháp đối phó linh hoạt hơn. Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh chia rẽ quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đối phó với tình hình xấu nhất.

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Đặng Ngữ: Lên tiếng trước bất công trong xã hội – góp gió ắt thành bão (*)

Khi nhìn vào phong trào đấu tranh dân chủ, các phong trào xã hội dân sự, chống độc tài... hiện nay ở cả Việt Nam, Hồng Kông... phần đông dễ dàng đi đến kết luận: sẽ chẳng mang lại kết quả gì, sẽ chẳng đi đến đâu, đấm tay vào tường chỉ tổ đau tay. Tất nhiên, kết luận đấy từ những người trung dung, những người chọn cho mình sự an toàn. Đấy cũng dễ hiểu.

Con người ta thường chỉ nhìn thấy những gì cụ thể, rõ ràng, hiện ra ngay trước mắt, trên mặt đất và dưới bầu trời. Trong khi đó, kết quả của những phong trào đấu tranh dân chủ, phong trào xã hội dân sự, chống độc tài lại thường không rõ ràng, không cụ thể, rất khó nhận biết và đâu đó bên trên những đám mây.

Điều này làm tôi liên tưởng đến một sự kiện nổi tiếng đã xảy ra trong Thế chiến lần thứ 2: cuộc rút lui chiến thuật của liên quan Anh-Pháp tại bờ biển Dunkirk (Dunkirk evacuation).

Trước sự tấn công khủng khiếp của Đức quốc xã vào Pháp và Bỉ, những sai lầm chiến lược và chiến thuật của bộ tư lệnh quân Pháp đã phải trả giá đắt bằng việc Bỉ tuyên bố đầu hàng và quân Đức trên đà tiến đến Paris. Khi đó, quân viễn chinh hoàng gia Anh phải triệt thoái khỏi biên giới Pháp-Bỉ theo đường qua bờ biển Dunkirk. Nhiều bộ phim và nhiều tài liệu về cuộc triệt thoái này đã được thực hiện.

Có một chi tiết mà phim ảnh, các tài liệu hiếm khi đề cập. Sự oán hận của các binh sĩ dành cho không quân hoàng gia Anh khi bỏ mặc các lực lượng bộ binh, hải quân dưới mưa bom bão đạn của hải quân và không quân Đức. Sự oán hận này lớn đến mức xảy ra ẩu đả giữa các binh sĩ các binh chủng này với không quân khi họ trở về Anh. Điều này đã được Winston Churchill lên tiếng giải thích trước quốc hội Anh rằng: các binh sĩ đâu nhìn thấy những gì đang xảy ra trên cao những tầng mây khi không quân Anh đang chiến đấu anh dũng chống lại sự áp đảo của không quân Đức. Nếu không có họ thì tất cả những con tàu bên dưới, tất cả những binh sĩ đang rút lui chỉ còn lại những đống thịt.

Và kết quả, cuộc rút lui ở Dunkirk đã giải cứu được 338.226 binh sĩ.

GS Nguyễn Văn Tuấn: Vì sao giới khoa học cho rằng Nga công bố vaccine COVID-19 là 'liều lĩnh'?

Giới khoa học thế giới và Nga cho rằng quyết định sử dụng vaccine Covid-19 đại trà của Nga là liều lĩnh, nguy hiểm và thiếu trách nhiệm.

Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng giới chức y tế Nga vừa phê chuẩn cho dùng đại trà một vaccine do Nga bào chế trong việc phòng chống dịch Covid-19. Nhưng giới khoa học thế giới và Nga cho rằng quyết định trên của Nga là liều lĩnh, nguy hiểm và thiếu trách nhiệm.

Để hiểu tại sao có những phê phán gay gắt của giới khoa học, chúng ta cần tìm hiểu quá trình nghiên cứu và phê chuẩn của một vaccine (hay thuốc điều trị). Có hai bước nghiên cứu chánh: tiền lâm sàng và lâm sàng. Nghiên cứu tiền lâm sàng liên quan đến các dòng tế bào hay vi sinh vật (in vitro) và nghiên cứu trên động vật (in vivo). Nếu kết quả nghiên cứu có triển vọng thì mới tiến tới bước kế tiếp là nghiên cứu lâm sàng, tức nghiên cứu trên người.

Bốn giai đoạn thử nghiệm


Vì nghiên cứu trên người, nên nhà nghiên cứu phải tuân thủ theo các qui định về thử nghiệm và thiết kế nghiên cứu. Các qui định này được các tổ chức khoa học quốc tế như Liên hiệp hội Y khoa Âu châu (European Medicines Agency), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Cục Quản lí Thuốc và Thực phẩm Hoa Kì (FDA) công nhận. Trong thực tế, nghiên cứu lâm sàng phải trải qua 4 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng:

Giai đoạn I: vaccine được tiêm cho một số ít (vài mươi) người khoẻ mạnh. Mục đích của thử nghiệm giai đoạn I là xem xét sự an toàn của vaccine và phản ứng miễn dịch của các đối tượng nghiên cứu. Một mục đích khác là xác định liều lượng, thời lượng của vaccine.

Nguyễn Đình Cống: Kinh nghiệm của đảng CSVN

Sự hiểu biết của nhân loại bao gồm trực cảm, kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa kinh nghiệm như sau: Điều hiểu biết có được do tiếp xúc với thực tế, do từng trải.

Kinh nghiệm là vốn quý của một số người, nó không phải rút ra từ lý thuyết, không đến từ sách vở, mà nhận được từ hoạt động thực tế. Tuy vậy không phải cứ hoạt động, có tiếp xúc với thực tế là đương nhiên có kinh nghiệm. Kinh nghiệm chỉ phát sinh khi người ta nỗ lực suy nghĩ, tìm tòi để khắc phục khó khăn hoặc để làm tốt hơn. Một điều gì mà khi được người khác dạy, phổ biến thì đó là kiến thức được truyền đạt chứ không phải là kinh nghiệm của bản thân. Một điều do tự nghĩ ra thì đó là sản phẩm của trí tuệ chứ cũng không phải là kinh nghiệm.

Trong các báo cáo thành tích thi đua của cá nhân, của đơn vị phải có mục “sáng kiến, kinh nghiệm”. Muốn được công nhận danh hiệu thi đua hoặc được khen thưởng phái có mục ấy. Không có thì sáng tác ra, miễn là viết được vài dòng. Bịa đặt cũng được, viết sai cũng xong vì có ai đem ra soi xét, phân tích hoặc phổ biến đâu mà lo. Có càng nhiều kinh nghiệm càng được đánh giá cao.

Trên tinh thần ấy, mỗi lần đại hội đảng các cấp, trong báo cáo chính trị nhất thiết phải có các kinh nghiệm quý giá. Cũng có lúc người ta thay từ Kinh nghiệm bằng Bài học. Trong các báo cáo ở đại hội trung ương mỗi kinh nghiệm được viết khá dài, khoảng từ 60 đến trên trăm chữ. Xin điểm lại vài đại hội gần đây, mỗi kinh nghiệm được tóm tắt trong một vài chữ, nói lên ý chính.

Đại hội X;


1-Phải kiên định Mác Lê trong mọi công việc.

2-Kế hoạch, đổi mới phải đồng bộ và kế thừa.

LS Ngô Ngọc Trai (Gửi bài cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội): Việt Nam tồn tại nhiều khoảng trống lãnh đạo?

Việt Nam vừa bị ảnh hưởng kinh tế do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giống với nhiều nước, ngoài ra còn bị khủng hoảng đường lối phát triển do mô hình dập khuôn theo kiểu Trung Quốc lâu nay.

Hoàn cảnh đó đặt ra đòi hỏi cấp bách về nhân sự lãnh đạo tài năng để chèo lái con thuyền đất nước, nhưng thực tế lại đang tồn tại nhiều khoảng trống về sự lãnh đạo.

Nặng về quản lý


Một điều nhận thấy là lâu nay việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo đất nước đều tập trung vào những người bên trong bộ máy, gồm bộ máy Đảng và bộ máy Nhà nước. Rất ít người ngoài xã hội được tham gia vào guồng máy lãnh đạo quốc gia.

Nhiều người trải qua cương vị từ cấp dưới rồi được bầu chọn lên cấp cao. Cách đó chỉ giúp tìm ra được người có năng lực quản lý chứ không tìm ra được năng lực lãnh đạo.

Bởi vì những kỹ năng đã giúp một người đảm đương công việc ở cấp thấp có thể sẽ giúp cho người đó xử lý công việc ở cấp cao. Nhưng tầm nhìn hạn hẹp đã ăn sâu bén rễ của người ngồi ở cấp thấp sẽ trở thành rào cản khi ở vị trí lãnh đạo quốc gia.

Hệ quả của lối tuyển lựa nhân sự như vậy dẫn đến năng lực bộ máy Đảng và Nhà nước lâu nay chỉ nặng về quản lý.

Phần công việc lãnh đạo là vạch đường chỉ lối, ít thực chất, được đẩy cho thuộc về tập thể, bằng nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Với đường lối cứng đã được ấn định là xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội đã khiến cho trong suốt nhiều năm đây là phần việc không có nhiều việc để làm.

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

Nguyễn Quang Dy: Nghịch lý phát triển của Việt Nam

“Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình, ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”. (Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, 25/12/2019). 

Phát triển là một nhu cầu khách quan và tất yếu của xã hội loài người. Nhu cầu đó càng cấp bách tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Sau khi đổi mới “vòng một”, Việt Nam phát triển với tốc độ cao vào loại “nhất nhì khu vực”. Theo báo chí tuyên truyền, Việt Nam có nhiều thành tích đứng đầu, làm thế giới khâm phục. Phải chăng đó là bệnh thành tích? 

Việt Nam càng phát triển nhanh thì đất nước càng tụt hậu, mà vẫn chưa công nghiệp hóa. Trong khi tài nguyên thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt và môi trường bị xâm hại nặng nề thì Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Trong khi một số đại gia đã trở thành tỷ phú thì đa số người dân nghèo đi. Phải chăng đó là nghịch lý phát triển?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam theo “mô hình không chịu phát triển”. Nói cách khác, phát triển ở Việt Nam không theo đúng quy luật. Đây là một vấn đề cần đặt ra không chỉ cho các chuyên gia kinh tế hay các quan chức chính phủ, mà còn cho toàn xã hội. Muốn phát triển bền vững, Việt Nam phải đổi mới thể chế. Trong khi chờ các chuyên gia kinh tế lý giải về nghịch lý phát triển của Việt Nam, hãy điểm qua vài vấn đề nổi cộm.

Đà Nẵng là “thành phố đáng sống”?


Công bằng mà nói, ông Nguyễn Bá Thanh có công phát triển Đà Nẵng nhưng chủ yếu là “hạ tầng cứng”, chứ chưa phải là “hạ tầng mềm”. Ông ấy có ý tưởng biến Đà Nẵng thành “nơi đáng sống”. Nhưng dự án định biến Làng Vân thành một “Little Ma Cao” không thành. Ông ấy có kế hoạch định kết nghĩa với thành phố Yokohama của Nhật để xây dựng Đà Nẵng theo mô hình “thành phố xanh” (green city) như thành phố Cebu của Philippines.

Trọng Nghĩa (RFI): Biển Đông - Trung Quốc gặp gió ngược nhưng Việt Nam vẫn dè dặt

Tháng 7/2020 đánh dấu một thay đổi quan trọng trong tình hình Biển Đông. Ngay sau khi chính quyền Donald Trump khẳng định trở lại, nhưng một cách mạnh mẽ hơn, lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông, nhiều nước trong và ngoài vùng, bằng cách này hay cách khác đều có tuyên bố phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển Đông Nam Á. Dứt khoát khác thường là công hàm của Úc gởi lên Liên Hiệp Quốc.

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là Việt Nam, nước hiện đang ở tuyến đầu trong mặt trận chống những hành vi áp đặt yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông, sẽ phản ứng thế nào trước những chuyển biến trên đây, được cho là rất có lợi cho Hà Nội.

Trong bài phân tích “Phản ứng của Việt Nam trước những thay đổi trong cách Mỹ tiếp cận Biển Đông”, đăng ngày 03/08/2020 trên trang mạng của trung tâm tham vấn Mỹ Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại CFR (Council on Foreign Relations), chuyên gia Lê Thu Hường, thuộc viện nghiên cứu Úc ASPI, đã ghi nhận thái độ khá thận trọng của Việt Nam trước các chuyển biến mới đây trong vấn đề Biển Đông.

Mỹ: Từ trung lập sang cáo buộc các hành vi "phi pháp" của Trung Quốc


Đối với tác giả bài phân tích, yếu tố quan trọng nhất cần phải chú ý trong tình hình Biển Đông hiện nay là sự kiện Hoa Kỳ đã thay đổi thái độ, chuyển từ một quan điểm trung lập cứng ngắt, không đứng về bên tranh chấp nào, sang một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, bác bỏ các yêu sách biển của Bắc Kinh bị xem là quá đáng và bất hợp pháp.

Lê Mạnh Hùng: Lật đổ tượng nhưng vẫn thèm muốn tôn sùng người hùng


Công nhân làm sạch bức tượng cựu Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln ở London, Anh, hôm 8 Tháng Sáu, 2020, sau khi bị người biểu tình phun sơn trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc. (Hình minh họa: Dan Kitwood/Getty Images)

Thành phố Luân Đôn mà tôi ở là một trong những thành phố có nhiều tượng nhất. Không chỉ riêng những nhân vật lịch sử của Anh hay thần thoại mà cả những nhân vật ngoài nước Anh như Abraham Lincoln hay Mahatma Gandhi cũng có tượng đài kỷ niệm tại Luân Đôn.

Nhưng Luân Đôn không phải là thành phố độc nhất, hầu như tất cả mọi thành phố trên thế giới đều có không ít thì nhiều những tượng đài kỷ niệm. Những tượng đài này là biểu tượng của một sự tôn sùng những người được coi như là anh hùng đã làm nên lịch sử.

Một trong những đặc trưng của phong trào phản đối chống kỳ thị chủng tộc vốn bắt đầu tại Mỹ và sau đó lan truyền ra khắp thế giới là việc lật đổ những pho tượng đài mà những người phản đối cho là biểu hiện cho một quá khứ bóc lột và kỳ thị.

Trên phương diện này, cả hai phe, dựng tượng và phá tượng, đều đồng ý với nhau, cả hai đều tin tưởng rằng lịch sử được những người “anh hùng” tạo ra. Vấn đề là những người “anh hùng” nào đáng được tôn sùng.

Ánh Ngọc: 'Đòn liên hoàn' đẩy Mỹ - Trung xuống hố sâu căng thẳng

Ngay cả ở đỉnh điểm thương chiến, chính quyền Trump cũng không tung loạt đòn công kích Trung Quốc dồn dập và cứng rắn như các động thái gần đây.

Tối 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm mọi cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu TikTok và WeChat, sau 45 ngày nữa. "Mỹ cần hành động quyết liệt nhằm vào chủ sở hữu TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia", sắc lệnh có đoạn. Đây được coi là đòn công kích mới nhất của Washington nhắm vào Bắc Kinh, nhằm chia tách giới công nghệ Mỹ và Trung Quốc

Cùng ngày, chính phủ Mỹ cũng công bố khuyến nghị đề xuất loại các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, trừ khi họ cung cấp cho cơ quan quản lý Mỹ quyền tiếp cận đầy đủ vào những tài khoản đã được kiểm toán.

Chỉ vài giờ sau sắc lệnh của Trump, Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với 11 cá nhân "làm suy yếu tính tự trị và cấm quyền tự do nêu quan điểm hoặc hội họp của dân Hong Kong", bao gồm trưởng đặc khu Carrie Lam và nhiều quan chức cấp cao khác của thành phố.

Trước đó vào ngày 31/7, Bộ Tài chính Mỹ còn trừng phạt Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), cùng cựu bí thư đảng ủy XPCC Tôn Kim Long và phó bí thư đảng ủy XPCC Bành Gia Thụy, với cáo buộc "vi phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ". Quyết định này được đưa ra vài tuần sau khi Washington trừng phạt bí thư đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc, bất chấp Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận cáo buộc người Duy Ngô Nhĩ bị "phân biệt đối xử".Ngoài những động thái trên, Washington gần đây còn tung ra một loạt "đòn đánh" đáng kể khác với Bắc Kinh, như quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas, hay tăng cường kêu gọi đồng minh ngăn tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia mạng 5G.

Theo bình luận viên Bethany Allen-Ebrahmian của Axios, chỉ trong vài tuần, Washington đã đề xuất hoặc thực thi những chính sách "diều hâu" nhất với Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ, bao gồm các động thái tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng vượt khỏi tầm ảnh hưởng với Trung Quốc.

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

Tạ Dzu: Người Việt học được gì từ nền dân chủ Mỹ?

Chỉ còn ba tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống 2020 và một số các chức vụ dân cử khác, nước Mỹ đang bị phân rẽ hơn bao giờ hết kể từ cuộc chiến Việt Nam lồng trong bối cảnh của Chiến tranh Lạnh.

Khởi đi từ cuộc đấu tranh giành độc lập với Anh, tiếp nối những chuyển đổi xã hội và chính trị ở châu Âu, Hoa Kỳ đã xây dựng được một nền dân chủ có thể xem như văn minh và hùng mạnh nhất thế giới, thay thế cho thể chế quân chủ kéo dài hàng ngàn năm của nhân loại. Nhưng những thập niên gần đây, nền dân chủ ấy đang bị thách đố bởi cách thức chọn lựa tổng thống đặc biệt của nước Mỹ, hoặc do mối nghi ngờđánh phá lẫn nhau của cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hoà: Một Bush (con) chiếm toà Nhà Trắng không qua phổ thông đầu phiếu mà nhiều người cho là do quyết định thiên vị của Tối cao Pháp viện với đa số thẩm phán được các tổng thống Cộng Hoà đề cử; một Obama bị đồn đoán sinh ra ở nước ngoài nên theo hiến pháp, không phải là một tổng thống ‘chính danh’; một Clinton dày dạn kinh nghiệm chính trường, thua cuộc không do số phiếu phổ thông trước ‘tay mơ chính trị’ Donald Trump, được cho là do Nga mà thắng. Nay ông Trump lại tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử nếu thua cuộc do nghi ngại có gian lận, gieo mối hoài nghi về tính chính danh của một chính quyền dân cử - một “fake democracy” nếu ông Trump thất cử?

Nền dân chủ Mỹ không chỉ bị nhiều người nghi ngại về tính ‘chính danh’ của những nhà lãnh đạo gần đây, mà ngay trong sinh hoạt xã hội, nước Mỹ cũng đang bị phân rẽ giữa hai hệ giá trị bảo thủ và cấp tiến chống đối lẫn nhau. Những trí thức đại học và truyền thông cấp tiến thường cổ võ cho lối sống của giới đồng tính và các phong trào như Me Too, Black Lives Matter, Women Rights…, ngay cả nét ‘văn hoá’ kỳ lạ, Cancel Culture (hay call-out culture) –Văn Hoá Loại trừ, nhiều khi mang tính cách độc đoán: cá nhân hay cơ sở thương mại nào không ủng hộ hay chống đối họ đều có thể dễ dàng bị bôi nhọ,đánh phá. Vô tình hay hữu ý, từ những ý hướng ban đầu tưởng là tốt, những người cổ vũ cho các phong trào nói trên được những người bảo thủ xem là đang thực hiện một cuộc ‘kiểm duyệt’ tự do ngôn luận, áp đặt ý chí lên người khác. Văn hoá loại trừ xuất hiện như hệ quả của đời sống ảo trên mạng xã hội phản ánh sự phân rẽ của đời thực: trẻ em không thích thì nghỉ chơi nhau, người lớn gặp đụng chạm, không thích nhau thì cắt mối liên hệ tức khắc (unfriend). Điều nguy hiểm của văn hoá loại trừ là nó dễ dàng khuyến khích đám đông cuồng nộ (mobs) từ các mạng ảo (Facebook, Twitter, Instagram…) biến thành bạo loạn thực gây bất ổn xã hội. Một số thanh thiếu niên đã huỷ hoại đời sống vì không chịu nổi những thoá mạ khủng bố tinh thần, đe dọa cô lập trên mạng xã hội đến từ văn hoá kiểu này. Nó cũng dễ bị các nhà nước thù địch lợi dụng đánh phá, nhất là trong các kỳ bầu cử.

Ngô Nhân Dụng: Tương lai Lebanon đi về đâu?

Tổng thống Emmanuel Macron đến thăm Beirut mới một ngày, số người Lebanon ký kiến nghịyêu cầu Pháp trở lại xứ này đã tới 60 ngàn và còn đang tăng lên. Chưa thấy một quốc gia nào lâm vào cảnh nhục nhã như vậy: Người dân kêu gọi nước khác đến cai trị mình!

Lebanon là có một bản hiến pháp dân chủ, người dân vẫn được đi bỏ phiếu! Tại sao dân Lebanon tuyệt vọng đến mức muốn trở lại chế độ thuộc địa?

Vì chế độ dân chủ chỉ có trên giấy tờ! Một nhóm người mị dân, bè phái, ích kỷ, tham nhũng và bất lực đã chiếm độc quyền cai trị kể từ khi được độc lập, năm 1945!

Bản kiến nghị trên mạng Avaaz xuất hiện ngay sau vụ nổ, viết rằng “Những người cầm quyền ở Lebanon cho thấy rõ ràng là họ hoàn toàn bất lực không thể điều hành quốc gia và bảo vệ an toàn cho dân … với một hệ thống tham nhũng!”

Sau khi vụ nổ kho phân bón ở bến tàu làm chết gần 150 người, 5,000 người bị thương và 250 ngàn người mất nhà cửa, bà Lina Mounzer, một nhà văn đã viết rằng “một chế độ tham nhũng của các lãnh chúa và những gia đình giầu có, họ kiểm soát guồng máy quyền hành kể từ thập niên 1990 sau khi trận nội chiến 15 năm chấm dứt… Tôi không bao giờ tưởng tượng được tình trạng bất lực của nhà nước Lebanon xuống tới mức nguy hiểm chết người khủng khiếp như thếnày!”

Bản kiến nghị Avaaz kết luận: “Chúng tôi muốn Lebanon trở lại dưới quyền ủy nhiệm cai trị của nước Pháp (trong thời gian 10 năm) để thiết lập một chính phủ sạch sẽ và vững vàng.”

Trước thế kỷ 20 người dân vùng này sống trong Đế quốc Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ. Sau Đại chiến Thứ nhất, các nước thắng trận chia phần các lãnh thổ thuộc Đế quốc Ottoman, họ tùy tiện quyết định biên giới các mảnh đất được chia cắt. Nước Pháp được ủy nhiệm cai trị xứ Syria và Lebanon bây giờ. Vùng này đã từ thời thượng cổ từng bị các đạo quân Hy Lạp, Ba Tư, quân Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ, các đạo Thập Tự quân và quân Hồi Giáo đi qua. Liban, tên theo người Pháp gọi, là một xứ phong cảnh nổi tiếng đẹp với những ngọn đồi trồng olive và các bãi biển bên bờ Địa Trung Hải nước xanh ngắt. Sau Đại chiến Thứ hai, Pháp rút đi, Lebanon thành một quốc gia độc lập hỗn hợp nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo. Trong bài này chúng tôi dùng cả hai tên Lebanon và Liban, vì người Pháp đang dính líu vào tương lai xứ này.

Trần Văn Khởi: Đường về công trường… là đường vào quê hương  (ca khúc Nguyễn Đức Quang)

Một ngày khi đảm trách Công Trường Giới Tuyến, Hà Tường Cát rủ tôi đi Cam Lộ. Tôi đã quen Cát cùng nhiều anh em khác từ Chương Trình Hè 65 – bắt đầu thì anh em biết tôi là “em anh Ngô”. Tuy đang làm việc công chức, tôi cũng ráng dành thì giờ tham gia sinh hoạt thanh niên từ khi du học về cuối năm 1964.

Dạo đó, quân đội Mỹ muốn lập vùng oanh kích tự do ở ngay phía Nam giới tuyến. Đồng bào vùng đó phải tản cư, và Công Trường Giới Tuyến đã được anh em đề ra để phần nào giúp đỡ xây chỗ ở mới. Tầm mức công trường tương đối rất hạn chế, chỉ là một phần nhỏ so với Công Trường Thạnh Lộc Thôn trong Chương Trình Hè năm trước.

Tôi muốn đi, không phải để làm mà là cho biết. Dù sinh trưởng ở Huế, tôi chưa bao giờ có dịp đi vùng nào Bắc của Huế. Tôi xin nghỉ việc để đi với Cát, vào một ngày mùa hè năm 1966.

Nhờ Cát xoay xở, tụi tôi đi máy bay Air America, mang theo ít vật liệu, từ Saigon đi Đà Nẵng; nghỉ lại đêm ở Ty Thanh Niên, rồi hôm sau bay đi, cũng Air America, Quảng Trị, rồi từ đó đi đường bộ lên Đồng Hà.

Tại đây đã gặp nhiều anh chị em trong Công Trường. Trong cảnh nghèo nàn, đầy thiếu thốn, tôi cảm nhận ngay thiện chí cao độ của các anh chị em thanh niên, trong một chấp nhận và chia sẻ thầm lặng nổi khổ của đồng bào bó buộc phải bỏ nhà bỏ cửa ra đi.

Chúng tôi đi xe nhà binh, về phía Tây trên quốc lộ số 9, tới Cam Lộ. Tôi không còn nhớ nhiều về các công tác – có lẽ vì cũng chẳng xây cất được bao nhiêu. Ấn tượng còn lại sâu đậm trong tôi là hai đêm nằm ngoài trời, dọc quốc lộ số 9, suốt đêm thấy tia sáng rồi nghe tiếng súng đại bác bắn đi từ căn cứ Mỹ gần đó – chợp mắt ngủ, thức giấc, ngủ lại trong tiếng súng cả đêm, bắn nát vùng oanh kích tự do.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Một Khúc Ruột Thừa

Lênh đênh muôn dặm nước non
Dạt vào ao cạn
vẫn còn lênh đênh 

Tôi tình cờ nghe được một mẩu đối thoại lạ tai, ngăn ngắn của một cặp vợ chồng người quen (còn trẻ) ở quê nhà: 

- Lý do nào để anh quyết định tham gia đấu tranh?

- Vì 3 cô gái điếm người Việt ở Campuchia… Vì chứng kiến những phận đời vỡ nát ấy mà anh muốn góp phần nhỏ bé vào cuộc đổi thay đất nước. Hy vọng đất nước mình khá hơn, có dân chủ, có tự do để không còn những cô gái VN phải sang xứ người làm điếm. Không còn cảnh người Việt phải sống tha hương, chịu mọi khổ sở, thiệt thòi, hoặc chết thảm nơi xứ người nữa. Đơn giản thế thôi.” (Phạm Thanh Nghiên. “Chuyện Kể Của Chồng”).

Mấy năm qua, tôi ngủ trong những cái khách sạn tồi tàn ở Phnom Penh nhiều hơn ở nhà mình nên biết rằng Cambodia không chỉ có ba (hay ba ngàn) “cô gái Việt Nam phải sang xứ người làm điếm.” Nơi đây cũng không chỉ có ba chục ngàn (hay ba trăm ngàn) người Việt đang “phải sống tha hương, chịu mọi khổ sở, thiệt thòi.” 

Theo tường trình của MIROR (Minority Rights Organization) hiện có khoảng năm phần trăm, hay 750.000 người gốc Việt, đang sinh sống ở đất Miên. Đây là nhóm dân thiểu số đông đảo nhất nơi xứ sở này. Hầu hết họ đều là dân ngụ cư, không khai sinh, không căn cước, không được quyền tiếp cận với bất cứ dịch vụ xã hội nào, và (tất nhiên) không có quyền sở hữu tài sản hay đất đai gì ráo. Do thế, phần lớn kiều bào ở Miên (theo như cách gọi rất lịch sự của Đại Sứ Quán Việt Nam ở Phnom Penh) đều sống lênh bênh – rầy đây, mai đó – trên những túp lều nổi xung quanh Biển Hồ, hoặc dọc theo những nhánh sông phụ thuộc.

Họ sống ra sao?

Từ Chong Khneas, ký giả Thiên Ân tường thuật:

“Những Việt Kiều Campuchia này nghèo khó cả về điều kiện sinh sống lẫn chính sách mà chính quyền đưa ra để hỗ trợ. Trên vùng nước mênh mông dơ bẩn, các gia đình người Việt sống ngoài vòng pháp luật với nhau, trẻ em không có giấy tờ nên cũng chẳng thể học lên cao được mà chỉ ngừng lại ở hết bậc tiểu học.

Thiện Ý: Việt Nam trả hết nợ VNCH vay Hoa Kỳ từ thời chiến tranh mang ý nghĩa gì?

Theo tin VOA tiếng Việt, Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa cho biết rằng nhà đương quyền Việt Nam đã thanh toán hết số nợ 145 triệu đôla phát sinh từ khoản vay của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Đây là khoản nợ mà Hà Nội bị buộc phải kế thừa, một vấn đề lớn từng gây cản trở cho tiến trình bình thường hóa trong quan hệ Mỹ – Việt.

Bài viết lần lượt trình bày:

· Nguồn gốc món nợ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vay của Hoa Kỳ

· Ý nghĩa việc trả nợ này.

I - Nguồn gốc món nợ VNCH vay của Hoa Kỳ


Theo hãng tin AP trích dẫn thông tin của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, trong số nợ 145 triệu đôla mà nhà đương quyền Việt Nam mới trả hết cho Hoa Kỳ, bao gồm:

(1) Khoảng 76 triệu đôla là nợ gốc từ các khoản vay phục vụ cho nông nghiệp, giao thông, nhà máy điện… mà chính quyền Sài Gòn vay của Washington từ trước khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975.

(2) Và khoảng 70 triệu đôla còn lại là tiền lời trong 24 năm.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết trong món nợ vừa thanh toán, không có khoản vay nào được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động quân sự trong chiến tranh Việt Nam.

Theo báo Nhân dân cơ quan ngôn luận của nhà nước Việt Nam, số nợ gốc của chính quyền Sài Gòn là 85 triệu đôla, phần còn lại là tiền lãi, và chi phí phát sinh trượt giá.

II - Ý nghĩa việc kế thừa trả nợ


Theo nhận định của chúng tôi, việc nhà cầm quyền chế độ đương thời Cộng Hòa Xã Hội ChủNghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) trả nợ thay cho chế độ VNCH thời chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975) mang hai ý nghĩa sau đây: