Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Chị Thanh
L.T.Đ: Nếu chỉ được phép ghi danh một người viết văn và một người làm thơ ở đất cảng Hải Phòng (thôi) tôi sẽ chọn Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Thị Hoài Thanh. Cả hai đều qua đời ở tuổi bát tuần, và đều đã trải qua một kiếp nhân sinh với rất nhiều gian truân và cay đắng. Nhà văn BNT từ trần năm 2014. Hôm nay, chúng tôi vừa nhận được tin (muộn) thi sĩ N.T.H.T cũng đã từ giã cõi đời vào ngày 20 tháng 2 – 2020. Với chế độ hiện hành, có lẽ, bà là một nghệ sĩ có cuộc sống trầm lặng (và trầm luân) nhất. Bài viết ngắn sau xin được coi như một nén hương lòng gửi người đã khuất.
Trong những phụ nữ thuộc thế hệ chị và mẹ của mình, tôi thương nhất chị Thanh và dì Bẩy. Khi còn đôi tám, người ta thường gọi dì là con Bẩy.
“Giọng hát của con Bẩy đưa đò khi cất lên cao thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh; giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió xao động cả dòng sông, chuyển rung mặt nước.” (Sơn Nam. “Con Bẩy Đưa Đò”. Hương Rừng Cà Mau. 51-52*).
Tài sắc, cũng như đức hạnh, không mấy khi mang lại hạnh phúc và may mắn cho những kẻ sinh ra trong thời ly loạn. Cuộc đời cô Bẩy (rất) không may và (hoàn toàn) không hạnh phúc.
Lúc còn thanh xuân, cô gặp (và yêu) một chàng trai trên dòng Cái Lớn. Chàng từ Bình Thủy xuống, đẹp trai, lịch thiệp, và hò hát cũng rất hay. Chỉ có điều đáng tiếc là người ta không phải loại “thường dân” nên không chịu cùng cô Bẩy kết duyên đôi lứa và sống an phận thủ thường (như những đám lục bình trôi) nơi ao hồ sông rạch.
Nghe qua con Bẩy bùi nghùi tấc dạ; từ chỗ kính mến đến chỗ yêu thương chàng trai đó cũng không xa mấy. Con Bẩy nhìn vầng trăng khuyết vừa hé lên khỏi ngọn bần.
- Bao giờ chàng trở lại em xin chờ.
Chàng cười mà đáp:
- Cảm ơn.
- Lời em hứa là chắc. Hay là chàng không tin nơi lời nguyền của gái đưa đò.
- Đâu phải vậy. Chỉ sợ tôi không giữ đúng lời hứa … Chí trai bốn biển là nhà…
Phạm Xuân Đài: Phân Vân Giữa Nhiếp Ảnh Và Viết Văn
Đọc sách Tuổi Thơ của Tôn Nữ Thu Nga
Theo tôi, Huế mà thuộc hoàng phái là Huế đến hai lần. Ý tôi muốn nói Tôn Nữ Thu Nga là một cây bút rất Huế, mặc dù cho tới nay thời gian sống ở hải ngoại của cô thì nhiều hơn tại Việt Nam, và ngay khi còn sống tại Việt Nam thì thời gian ở Nha Trang và một số nơi khác có lẽ nhiều hơn ở Huế. Thế mà nếu hỏi đặc tính nổi bật trong văn chương của Thu Nga là gì, thì tôi trả lời ngay, là Huế.
Kể ra, tôi chỉ có một tiêu chuẩn rất chủ quan để khẳng định tính chất Huế: thanh cảnh. Đối với bản chất khá thô thiển của dân Quảng Nam nơi tôi thì việc nhận ra sự thanh cảnh của người Huế rất dễ dàng. Giọng Huế nhiều âm điệu và dịu dàng, thái độ Huế tế nhị, thức ăn Huế đi rất sâu, rất tinh tế vào nghệ thuật thưởng ngoạn ẩm thực, nhà ở của người Huế, dù là ở Huế hay ở Đà Nẵng, Sài Gòn hay tại nước ngoài đều có một cái “gu” mỹ thuật riêng... Từ đó, văn chương nghệ thuật dĩ nhiên cũng có nét riêng, vừa bác học vừa tao nhã. Nói chung, Huế có một nền văn hóa đặc thù, bắt nguồn từ triều đình nhà Nguyễn cai trị một thế kỷ rưỡi tại đất Thuận Hóa. Chính vì thế mà tôi nói là người hoàng phái “Huế đến hai lần”.
Tôn Nữ Thu Nga là một chuyên viên về y tế ở Mỹ, thế mà cô rất ham thích nghệ thuật, thoạt tiên là nghệ thuật tạo hình bằng nhiếp ảnh, rồi sau đó, viết văn. Có lẽ cái trước làm nảy sinh cái sau. Chụp hình thì phải biết tìm ra những góc đẹp của sự vật, phải lên đường đi đến những nơi danh lam thắng cảnh, đi rất nhiều nơi, trong nước Mỹ, tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới, chính hành trình đi tìm cái đẹp hình thể ấy tạo ra nhu cầu viết để ghi lại những vẻ đẹp khác không thể thể hiện bằng môn nhiếp ảnh. Xung quanh một tấm ảnh đẹp có thể là cả một câu chuyện nhiều tình tiết (một cuộc hành trình gian nan mà lý thú, những lần gặp gỡ ly kỳ, những cái duyên may không thể ngờ trước v.v...) mà khi ngắm bức ảnh người ta không thể thấy được, người chụp ảnh thấy rằng nếu không viết ra thì... tiếc lắm. Tôi đoán đó là một trong những động lực khiến Thu Nga cầm bút viết. Dĩ nhiên tiềm năng nghệ thuật đa dạng của cô đã có sẵn từ lâu, khi cái duyên nợ văn nghệ chằng chịt đã buộc trói thì cái này làm nảy sinh và bổ túc cho cái kia thôi.
Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020
Trần Mộng Tú: Cùng Bước Với Tôi
Shawn hé màn cửa nhìn ra ngoài đường. Buổi sáng bên ngoài đẹp quá, nắng tháng 6 đang nhấp nhánh trên những ngọn cây trước của nhà, anh thấy thèm được đi bộ trong xóm quá. Cả tuần nay anh không dám ra đường mặc dù anh có thật nhiều giờ rảnh rỗi. Dịch Covid.19 đã đưa anh vào tình trạng “Tạm ở nhà cho tới khi hãng mở cửa lại”.
Thành phố này là thành phố anh lớn lên, gia đình anh đã ở Nashville 54 năm rồi và anh thì cũng đã 29 tuổi, nhưng sao anh vẫn thấy không ai thân thiện với mình, có phải vì màu da của anh là thiểu số trong khu xóm này. Mỗi khi anh ra đường, anh đều gặp những con mắt thiếu thiện cảm nhìn mình, những cái xe trong xóm hình như cũng rụt rè khi đi qua anh. Đường phố có thay đổi đẹp hơn, nhà cửa mới hơn nhưng người da đen ít đi và người da trắng dọn vào. Gia đình anh là một trong những thành phần người da đen ít ỏi còn lại. Anh lớn lên với tất cả mặc cảm của thiểu số da đen còn lại trong khu Nam-12 của thành phố Nashville này.
Mỗi một năm đi qua và anh lớn lên anh có cảm tưởng bao giờ anh cũng được nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm của hàng xóm, bao giờ anh cũng là “Một tên da đen đáng nghi ngờ.” Anh thấy anh không được chấp nhận ngay trong chính khu xóm của mình.
Cảm giác này càng nặng nề hơn khi anh nghe tin Ahmaud Arbery, người đàn ông da đen ở Georgia bị bắn chết khi đang chạy bộ ngoài phố, rồi bây giờ tới anh chàng da đen George Floyd ở Minneapolis bị đè cổ nghẹt thở cho đến chết bởi một cảnh sát da trắng. Anh tự hỏi: “Bao giờ thì tới phiên mình đây? Chuyện xẩy da cho hai anh da đen đó được thì cũng có thể xẩy ra cho mình.” Anh thú nhận: “Tôi thấy sợ không dám bước ra khỏi hàng hiên trước cửa nhà.”
Shawn thèm muốn được bước ra khỏi hiên nhà, thèm được đi một vòng trong xóm. Nhưng xóm anh nơi có bảng “Nextdoor” để hàng xóm muốn liên lạc với nhau thì gắn những cái notes lên đó, anh thường đọc được cái giấy có hàng chữ: Coi chừng tụi da Đen.
Shawn suy nghĩ lung lắm, ý nghĩ được đi bộ trong xóm thôi thúc anh, anh thu hết can đảm viết lên facebook và gắn cả note lên bảng Nextdoor của xóm mình:
“Hôm qua, tôi thèm được đi bộ trong xóm mình, nhưng tôi sợ tôi không được sống sót trở về với gia đình nên tôi không dám rời khỏi hiên nhà.”
Từ Thức: Chuyện Kỳ Thị
Chuyện xẩy ra khi tôi còn trẻ, nghĩa là chuyện cổ tích.
Chạy xe trên xa lộ Paris-Caen. Một chiếc xe từ đằng sau, vượt ẩu, khi mình đã chạy vận tốc tối đa. Rồi ngoằn ngoèo trước mặt. như rắn say rượu.
Bực mình, tôi cằn nhằn:
-Cái thằng đen này, chơi trò gì vậy ?
Hai đứa con gái ngồi đằng sau. Cô lớn, 12, 13 tuổi gì đó, phản kháng:
-Mais ça n’a rien à voir avec sa couleur de peau! (Chuyện đó không liên hệ gì tới mầu da của anh ta !)
Con nít sống ở ngoại quốc, khi cần nói cái gì nhanh, hơi phức tạp, đều dùng tiếng địa phương. Câu đối đáp tiếp theo bằng tiếng Pháp, cho lẹ.
Bác tài hơi ngượng, chợt nhớ ở Âu Châu, con nít được dạy từ nhỏ kỳ thị chủng tộc là một điều cấm kỵ, thói xấu. Người ta nhìn nhận dễ dàng những tính xấu, trừ thói kỳ thị.
Thay vì nhận lỗi, nhưng một ông bố An Nam không thể xin lỗi, bèn chống chế:
-Đùa một chút, không được à ?
-Có những chuyện không đùa được !
Ông bố thấm đòn, cô ái nữ thứ hai bồi thêm:
-Et c (ce n’est) même pas drôle. (và câu đùa cũng chẳng có gì vui).
Nhờ con cái dạy bảo, từ đó ông bố bớt kỳ thị, bớt ngạo nghễ, và bớt nguỵ biện đôi chút.
BẤT ĐỒNG VĂN HOÁ
Nhớ chuyện cũ, tôi nói với vài người bạn đồng hương: người ta có quyền phản đối chuyện cảnh sát đè cổ George Floyd tới chết, bởi vì ‘’lives matter’’, cũng như các bạn có quyền phản đối, đả kích những kẻ lợi dụng cơ hội để đập phá, ăn cướp.
Thanh Trúc (RFA): Kiến nghị Chính phủ cứu Đồng bằng Sông Cửu Long
![]() |
Hình minh hoạ. Người bán trái cây trên thuyền green sông Mekong ở Cần Thơ hôm 2/4/2016 |
Bản Kiến nghị cứu Đồng Bằng Sông Cửu Long, với nơi gởi đích danh là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được công bố trên trang mạng Tiếng Dân hôm thứ Hai 1/6 vừa qua.
Đây là bản kiến nghị với chữ ký của nhiều nhà báo, nhân sĩ trí thức, chuyên gia trong ngoài các tổ chức xã hội dân sự, kêu gọi trách nhiệm của lãnh đạo Việt Nam trước nguy cơ cạn kiệt, suy kém tại khu vực nông nghiệp và kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ này.
Về sự hình thành bản kiến nghị, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, ông Lê Thân, cho biết:
“Bản này được 3 vị Giáo sư, 3 vị Phó giáo sư, 5 vị Tiến sĩ , trong này có 8 người liên quan trực tiếp với Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đương nhiên có người soạn thảo rồi chuyển cho anh em đọc, góp ý, sửa chữa”
Võ Ngọc Ánh: Việt Nam - Hàng chục ngàn hội đoàn mà vẫn không giúp xã hội cởi mở (Gửi đến BBC từ tiểu bang Washington, Hoa Kỳ)
![]() |
Học sinh Việt Nam tại một trường trung học tại Hà Nội hôm 26/5 |
Việt Nam đang có hàng chục ngàn hội khác nhau trong sự chi phối của các cơ quan, đoàn thể thuộc Nhà nước. Trong khi người dân không dễ để thành lập hội theo mong muốn của mình. Đây là vấn đề đến lúc cần một giải pháp.
Nhìn ra khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có độ mở chỉ sau Singapore. Nhưng về mặt xã hội, Đảng Cộng sản vẫn muốn kiểm soát mọi việc.
Học hỏi từ chính mình
Ngày 16/4 vừa rồi, ông Lê Thành Long, Bộ trưởng, Bộ Tư Pháp thông báo, luật về hội sẽ không được đưa ra thảo luận trong năm nay và cả năm đến. Chính quyền đã nợ người dân luật này từ hiến pháp đầu tiên của họ từ năm 1946 đến nay.
Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị vào năm 1982.
Điều 25, Hiến pháp năm 2013 đang áp dụng, quy định, "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Tuy nhiên, người dân vẫn không được tự do lập hội vì chưa có luật. Nhà cầm quyền cố tình nợ, đồng nghĩa với người dân bị cướp đi quyền lợi chính đáng của mình.
Lưu Trọng Văn: Nỗi niềm ông Vũ Mão và bài thơ “Phủi tay” (*)
Lâu không thấy ông vào bình luận hoặc like những bài viết của gã như mọi khi, nghĩ, ông muốn né ai đó "kiên định lập trường" chọc ngoáy ông một lãnh đạo của đảng lại vào hùa cùng bọn "gây rối" như gã.
Nhưng rồi cũng ngày này năm ngoái nhạc sĩ Phó Đức Phương từ Hà Nội vào Sài Gòn bàn với gã việc lấy chữ ký của văn nghệ sĩ Sài Gòn kiến nghị không cho Trung Quốc đầu tư và tổng thầu dự án cao tốc Bắc - Nam.
Phó Đức Phương nói: Bản kiến nghị này được ông Vũ Mão đóng góp nhiều ý kiến quan trọng và bày cách làm sao tác động tới chính phủ và BCT. Gã nghĩ ông Vũ Mão chả sợ sất gì đâu, chắc vì sức khoẻ thôi.
Và đột ngột nhận tin ông ra đi.
Buồn!
Thương!
Tiếc!
Điều tai tiếng duy nhất mà ông vướng phải và đau lòng cho đến khi giã biệt cõi đời là lễ tang Trần Độ, ông là trưởng ban tang lễ và đọc điếu văn. Gã chứng kiến lễ tang ấy và là người đứng cạnh ông khi ông bị các lão thành cách mạng công kích việc đọc cả thiếu sót của người quá cố. Gã chứng kiến ông đau khổ thế nào, mồ hôi vã đầm đìa. Gã hỏi, anh viết điếu văn đó à? Ông lắc đầu bảo Ban Tư tưởng VH viết. Gã hỏi ai chỉ đạo? Ông chỉ ngón tay trỏ lên cao quá đầu.
Sau lễ tang, gã lên Nà Rì, Bắc Cạn với GS. Nguyễn Lân Dũng gặp nhà văn Trịnh Đình Khôi chuyên viên Ban TTVH, gã hù Khôi: Hà Nội đồn rầm lên là ông viết điếu văn ông Trần Độ đấy. Khôi tái mặt kéo gã ra một góc nói thầm: đúng là tôi được phân công viết, nhưng tôi thề, đoạn nói về thiếu sót sai lầm của ông Trần Độ tôi không viết.
- Vậy ai viết?
- Ông đi mà hỏi mấy bố lãnh đạo ấy!
Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020
Phạm Phú Khải: ĐCSVN có yêu nước không? (và 'yêu nước' là gì?)
![]() |
Hình minh họa. |
Trong suốt 80 năm qua, ĐCSVN tiếp tục tuyên truyền rằng sự ra đời của họ là “một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ 20”. Tạp chí Tuyên Giáo của chế độ, và hầu như mọi cơ quan truyền thông nhà nước, cứ tiếp tục ra rả như thế từ năm này sang năm khác.
Có thật rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam yêu nước không?
Trước hết, thế nào là yêu nước? Yêu nước nên được định nghĩa ra sao?
Theo từ điển Oxford, và nhiều từ điển khác, yêu nước (patriotism) có nghĩa là sự cống hiến và ủng hộ mãnh liệt cho một quốc dân/dân tộc (nation). Xin nhấn mạnh chữ quốc dân ở đây, thay vì là quốc gia, đất nước, hay tổ quốc.
Quốc dân/ tộc là gì? Là một bộ phận lớn nối kết con người với nhau bằng nguồn gốc tổ tiên, lịch sử, văn hóa, hay ngôn ngữ, chung sống ở một nước hay một lãnh thổ nào đó.
Nhiều nhà khoa học chính trị cho rằng quốc dân/tộc chỉ là một cộng đồng tưởng tượng (imagined community) hoặc cộng đồng trừu tượng (abstract community), hơn là hiện thực.
Bùi Văn Phú: Nước Mỹ nghẹt thở
Trong một tuần qua biểu tình đã nổi lên tại nhiều thành phố lớn nhỏ ở Mỹ. Bắt đầu từ Minneapolis – St. Paul (Twin Cities) ở tiểu bang Minnesota, rồi lan ra Denver, Los Angeles, Washington D.C., Austin, Houston, Chicago, Atlanta, Portland, Oakland, San Francisco, Miami, New York.
![]() |
Biểu tình ở Oakland, California chiều ngày thứ Hai 1/6/20 với 15 nghìn người tham gia trong ôn hoà và trật tự (Ảnh: Bùi Văn Phú) |
Những cuộc biểu tình bùng phát khắp nơi bắt nguồn từ vụ việc xảy ra hôm thứ Hai 25/5 ở thành phố Minneapolis, khi cảnh sát viên da trắng Derek Chauvin bắt người đàn ông da đen George Floyd vì tình nghi dùng tiền giả. Chauvin lấy đầu gối đè cổ nạn nhân xuống đất trong 9 phút để sau đó nạn nhân tắt thở, dù Floyd đã nhiều lần kêu lên “I can’t breathe” – Tôi không thể thở.
Câu nói trên của nạn nhân đã trở thành khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình trên toàn nước Mỹ trong tuần qua.
Sự việc được ghi lại qua điện thoại cầm tay, nhưng cảnh sát viên gây chết người không bị điều tra hay truy tố ngay.
Trước sự chậm trễ của văn phòng công tố viên địa phương, người dân Minneapolis đã xuống đường biểu tình đòi công lý cho nạn nhân trong những ngày sau đó và nhiều đêm đã có bạo động, trụ sở cảnh sát địa phương bị đốt, nhiều cơ sở thương mại bị đập phá, trong đó có một số cơ sở do người
*Song Thao: Bùi Quyền, Đã Sống Như Thế.
Được e-mail của Trần Huy Bích có ghi subject “tin buồn”, tôi nghĩ ngay tới Bùi Quyền. Khoảng một tuần trước, Phạm văn Quảng từ Toronto gọi điện thoại cho biết Bùi Quyền mệt, nóng sốt và ho nhiều. Hai chúng tôi an ủi nhau cầu mong không phải là chuyện lớn trong thời buổi dịch bệnh này. Vậy mà chuyện lớn thiệt. Nhưng không phải do con virus bé chút xíu này gây ra.
![]() |
Sĩ Quan Dù Bùi Quyền |
Bích không nói được nhiều nên chỉ chuyển e-mail của Trần Minh Công. Công thông báo cho biết Bùi Quyền đã rời anh em vào lúc 3 giờ 23 phút chiều ngày 30 tháng 5 năm 2020. Tôi nghĩ chắc Bích còn chưa hết xúc động. Quyền ở San Jose, mỗi khi xuống Orange County, thường ở nhà Bích. Hai ông thầy đồ này rất hợp nhau trong chuyện tử vi bói toán và văn học Hán Nôm. Quyền đang viết về cuộc chiến Việt Nam nên rất thích kho sách Bích sưu tập được.Từ ngày học xong trung học, Quyền và tôi không có dịp gặp lại nhau nhưng cái nôi lớp Đệ Tam ban C, Chu văn An,ngay trong năm đầu tiên khi trường di cư vào Nam,còn rất êm ái khiến chúng tôi khó mất dấu nhau. Lần tôi gặp lại Bùi Quyền ở nhà Bích là lần đầu từ khi chúng tôi ra trường. Bữa đó, nhằmxuân Kỷ Hợi, năm 2019, tôi qua Cali ăn tết. Bích rủ tôi tới dự buổi họp mặt tân niên của Hội Chu văn An Nam Cali. Quyền cũng từ San Jose lên chơi và ở nhà Bích. Bích lái xe tới đón tôi. Không thấy có Bùi Quyền, tôi hỏi. Bích cho biết Bùi Quyền đang bận tiếp khách nên tới đón tôi, rồi về lại nhà để cùng đi với Quyền. Vậy là tôi gặp lại Quyền. Sau 60 năm!
Thời gian 60 năm không dài như tôi tưởng. Bùi Quyền vẫn vậy. Thân hình vẫn rom rom. Mặt vẫn bơ bơ ít xúc cảm. Khuôn mặt cương nghị anh mang từ hơn nửa thế kỷ trước không có chi thay đổi, dùanh đã trải qua một cuộc chiến gắt gao hơn chúng tôi. Quyền là một quân nhân quả cảm, luôn có mặt tại tuyến đầu của các trận chiến ác liệt nhất. Nhưng ít ai biết Quyền là hậu duệ của một dòng dõi văn học nổi tiếng. Anh là con của cụ Bùi Nam, em cùng cha khác mẹ với cụ Bùi Kỷ. Một chị gái của cụ Bùi Nam, bác ruột của Bùi Quyền, kết hôn với cụ Trần Trọng Kim. Hai người không có con trai nên cụ Trần Trọng Kim coi Quyền như con nuôi.Trong dịp ra mắt cuốn “Một Cơn Gió Bụi” được tái bản của cụ Trần Trọng Kim tại báo quán Việt Báo ngày 24/5/2015, Quyền đã nói về cụ Trần: “Tôi có thể khẳng định ông bác tôi là một nhà giáo dục, một nhà văn hóa nhưng nếu nói bác tôi là một chính trị gia thì tôi không tin. Đọc cuốn “Một Cơn Gió Bụi” thì thấy bác tôi chẳng biết gì về tình hình thế
Nguyễn Hùng (VOA Blog): Người gốc Á đứng nhìn ông George Floyd hấp hối là ai?
![]() |
Cảnh sát viên Tou Thao. (Hình: Trích xuất từ video trên twitter) |
Trong video quay cảnh người Mỹ gốc Phi, ông George Floyd, bị đè đầu gối vào cổ trong nhiều phút, ở Minneapolis thuộc bang Minnesota, Hoa Kỳ, có hình ảnh một cảnh sát gốc Á đứng xua đuổi người dân chứng kiến.
Các báo Hoa Kỳ trong mấy ngày qua đã cung cấp thêm các thông tin liên quan tới cảnh sát viên này, ông Tou Thao.
Hiện ông Thao đã bị sa thải trong khi ông Derek Chauvin, cảnh sát gây ra cái chết của ông Floyd, bị truy tố tội giết người. Nhiều người cũng lên tiếng kêu gọi truy tố cả ông Thao và hai cảnh sát khác có liên quan tới vụ bắt giữ ông Floyd, 46 tuổi.
Ông Tou Thao là ai?
Theo bài ‘[g]iữa lúc người gốc Á ở Minnesota đòi công lý cho George Floyd, một số cảm thấy [họ] trở thành mục tiêu do vai trò của cảnh sát Thao trong vụ chết người’ của trang Sahan Journal, chữ ‘Tou’ có nghĩa là ‘con trai/bé trai’ theo tiếng Hmong và là tên phổ biến nhất trong cộng đồng Hmong. Còn Thao là tên của 18 thị tộc Hmong.
Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020
Nguyễn Quang Dy: Việt Nam có thể biến nguy thành cơ
Cho đến cuối tháng 5/2020, Việt Nam đã thành công trong việc “chống dịch như chống giặc”, như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, với 328 ca lây nhiễm và không có ca nào tử vong, trong khi cả thế giới vẫn đang vận lộn với dịch.
Nhưng có một nguy cơ khác đang lởn vởn ở Biển Đông, là không gian sinh tồn không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác. Để đối phó với nguy cơ đó, Việt Nam bắt đầu công khai hợp tác với “Bộ Tứ”, trên danh nghĩa để đối phó với dịch Covid-19. Nhưng Mỹ, Nhật, Úc, Ấn, đã lập ra “Bộ Tứ” năm 2007 để đối phó với một Trung Quốc trỗi dậy.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc là nguy cơ trước mắt. Tàu HD-8 của Trung Quốc, được nhiều tàu tuần duyên vũ trang hộ tống, đã bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính từ tháng 7 đến 10/2019, và gần đây đã quay lại. Sau khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam tại Biển Đông, tàu Trung Quốc định bắt nạt chính phủ mới của Malaysia.
Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã hoạt động gần bãi ngầm Macclesfield cho đến ngày 25/4 khi nhóm tác chiến của Mỹ gồm tàu USS America đã rời đi nên cuộc đối đầu tạm dừng. Biển Đông có thể là chiến trường được Trung Quốc chọn để tập trận nhằm nâng cao kinh nghiệm chiến đấu, như một chuyên gia của RAND đã phân tích.
BBC News Tiếng Việt: Quan hệ Việt – Trung - Phương châm 16 chữ vàng ‘vẫn ảnh hưởng lớn’
![]() |
Việt Nam hưởng một số lợi ích vì thương chiến Mỹ - Trung |
Một nhà nghiên cứu đang công tác ở Viện Chính trị học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt về hướng đi trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay.
Bà Christina Lai, nhận bằng tiến sĩ về quan hệ quốc tế ở Đại học Mỹ Georgetown, nói phương châm 16 chữ vàng từ 1999 vẫn đóng vai trò quan trọng cho Việt Nam và Trung Quốc.
Năm 1999, trong Tuyên bố chung cấp cao, Trung Quốc, dưới thời Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, đã khái quát phương châm 16 chữ vàng với Việt Nam: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".
Bà Christina Lai nhận định "16 chữ vàng" này hàm chứa cả góc độ song phương và khu vực.
"Nhìn tới tương lai, cả hai nước đều rất cần duy trì trật tự khu vực ổn định, và phương châm 16 chữ có thể là phương tiện diễn ngôn quan trọng.
Nikkei Asean Review: Mỹ đã chặt đứt ‘vòi bạch tuộc’ của Trung Quốc tại Hồng Kông? (Tâm Minh dịch)
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, tổ chức họp báo về Trung Quốc vào ngày 29/5/2020, tại Vườn hồng của Nhà Trắng ở Washington, DC. (Ảnh: MANDEL NGAN / AFP / Getty Images) |
Trên thực tế, Hồng Kông có 5 vị thế đặc biệt đối với Mỹ và phương Tây, những vị thế mà đại lục chưa bao giờ có. Điều này khiến Hồng Kông trở thành nơi lý tưởng để chính quyền Trung Quốc đặt các “vòi bạch tuộc” hút dòng vốn quốc tế, xuất khẩu thương mại, nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao… nhằm thực thi “Giấc mộng Trung Hoa” của mình.
Bằng việc tước các đặc quyền dành cho Hồng Kông và không thừa nhận Hồng Kông khác biệt với Trung Quốc đại lục, Tổng thống Trump đã chặt đứt các vòi bạch tuộc hút tiền, hút công nghệ, đẩy hàng hóa xuất khẩu thuế quan thấp… này của Trung Quốc. Nhưng vì sao Tổng thống Trump phải làm vậy nếu không phải vì chính Bắc Kinh đã lấy đá ghè chân mình?
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 29/5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã chính thức thông báo tước các đặc quyền về thương mại và ngoại giao mà Washington dành cho Hồng Kông như một đặc khu tự trị, và đã chỉ đạo bắt đầu thực hiện “các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đối với việc tước quyền tự chủ của đặc khu hành chính Hồng Kông”, đồng thời ngừng cấp thị thực vào Mỹ cho các công dân Trung Quốc được xếp vào nhóm có nguy cơ đe dọa an ninh đối với công tác nghiên cứu khoa học của Mỹ, đồng thời thanh tra các công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ.
Trước đây, Washington đã đối xử với Hồng Kông như khi thành phố này vẫn thuộc quản lý của Anh trước năm 1997, cho thành phố này nhiều đặc ân hơn các vùng lãnh thổ khác của Trung Quốc.
Thế nào là vị thế đặc biệt của Hồng Kông?
Charles Fain Lehman: Mỹ quyết dẫn trước Trung Quốc về khoa học công nghệ (Cẩm Bình lược dịch)
![]() |
Giới lập pháp Mỹ nhận thức rõ phải giữ vững vị thế dẫn đầu về khoa học công nghệ - Ảnh: Getty Images |
Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đang xem xét một dự luật cho phép rót hàng chục tỷ USD vào công tác nghiên cứu - phát triển trên tinh thần một cuộc “chiến tranh lạnh kiểu mới” nhằm chống lại Trung Quốc.
Dự luật Lĩnh vực Vô tận (Endless Frontiers Act) do bốn nghị sĩ Mike Gallagher, Todd Young thuộc đảng Cộng Hòa, Chuck Schumer, Ro Khanna thuộc đảng Dân chủ đề xuất sẽ đem lại cho Quỹ Khoa học quốc gia (NSF) 100 tỷ USD trong vòng 5 năm để tài trợ cho dự án thuộc 10 lĩnh vực công nghệ cao như: trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, robot, kỹ thuật truyền thông tiên tiến,… Ngoài ra 10 tỷ USD nữa sẽ thông qua Bộ Thương mại để đầu tư cho các trung tâm công nghệ vùng.
Nghị sĩ Gallagher nhấn mạnh mục đích của Dự luật không chỉ là tăng đầu tư vào nghiên cứu - phát triển (R&D), mà còn nhằm đảm bảo thế hệ công nghệ định hình thế giới tiếp theo được sản xuất tại Mỹ chứ không phải Trung Quốc.
“Tôi nghĩ chỉ phòng vệ chẳng thể giúp Mỹ giữ vững vị thế dẫn đầu về khoa học công nghệ. Tiêu chuẩn công nghệ tương lai phải do chúng ta đặt ra. Ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới này ta phải tăng đáng kể đầu tư liên bang vốn rất quan trọng đối với cạnh tranh chiến lược và sự sinh tồn quốc gia”, theo nghị sĩ Gallagher.
Nhiều cựu quan chức NSF và nhà quản lý các trường đại học đều tỏ ý ủng hộ. Nghị sĩ Chuck Schumer - nhân vật lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ - có thể giúp đưa Dự luật ra Quốc hội một cách chính thức.
Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020
Lê Phan: Câu chuyện mặt nạ, khẩu trang
Ông Doug Burgum, thống đốc tiểu bang North Dakota, giọng đầy xúc động, than phiền “Thật là, theo ý tôi, một đường phân chia vô nghĩa lý.” Ông đang nói về vụ tranh chấp đang xảy ra trong tiểu bang của ông về vấn đề đeo đồ che mặt.
Ở nhiều nơi khác trên toàn Hoa Kỳ, đã có những vụ đụng độ, bởi mặt nạ nay đã trở thành biểu hiện của một cuộc chiến tranh văn hóa vốn đã xuất hiện về cách đối phó với COVID-19. Một số tiệm từ chối không cho những người đeo khẩu trang, mặt nạ vào, trong khi những tiệm khác đòi người vào tiệm phải đeo mặt nạ, còn Thống Đốc Mike DeWine của Ohio thì đã hủy lệnh đòi mọi người phải đeo, nói là ông “đã đi quá xa.”
Chưa hết, tình hình còn chính trị hóa hơn nữa khi Tổng Thống Donald Trump từ chối bất cứ một hình thức che mặt nào, trong khi đối thủ của ông trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị phải ở nhà vì đại dịch, đã chọn đeo khẩu trang cùng với phu nhân khi đi đặt vòng hoa trước Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong gần nhà.
David Brooks: Nếu ta có một nhà lãnh đạo thực thụ Tưởng tượng Covid dưới thời một tổng thống bình thường (Nguồn: If We Had a Real Leader Chuyển ngữ: Trùng Dương)
![]() |
Hai trang nhật báo The New York Times và USA Today dành một số trang báo tưởng niệm 100,000 người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ. Toàn cầu số tử vong là trên 353,000. (Screenshot từ MSNBC) |
Tuần này tôi có một cuộc hội thoại đã để lại một dấu ấn. Đó là với Mary Louise Kelly và E.J. Dionne của chương trình “All Things Considered” [Mọi sự đều đáng kể] trên đài NPR [National Public Radio], và về đề tài các vị tổng thống trước đã đối phó với những cái tang toàn quốc ra sao -- như TT Lincoln sau trận Gettysburg, TT Reagan sau vụ phi thuyền Challenger phát nổ ngay sau khi phóng, và TT Obama sau vụ thảm sát tại trường Sandy Hook.(*)
Cuộc hội thoại đã khiến tôi thắc mắc nếu như nước Mỹ đã có một nhà lãnh đạo thực thụ trong Tòa Bạch Ốc thì kinh nghiệm đại dịch của ta sẽ ra thể nào.
Nếu ta đã có một nhà lãnh đạo thực thụ, ông ta đã hiểu là thảm cảnh 100,000 người tử vong Covid-19 là cái gì sâu xa hơn là chuyện chính trị: Họ khiến ta thấm thía nỗi mong manh chung và mối thương cảm sâu xa tự nhiên dành cho nhau của chúng ta.
Vào những lúc như vậy, một nhà lãnh đạo thực thụ đã bước ra khỏi vai trò chính trị của mình và để lộ cho thấy một con người không che đậy và khiêm nhường, một người có khả năng coi đó là nỗi đau thương của chính mình và góp mặt với mọi người trong nỗi thống khổ như đại dương này.
Thanh Phương (RFI): EVFTA giúp hồi phục kinh tế Việt Nam hậu Covid-19
Quốc Hội Việt Nam sắp chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu EVFTA, một hiệp định được xem là sẽ góp phần giúp hồi phục nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19.
Với dân số hơn 500 triệu người, với GDP khoảng 15.000 tỷ đôla, chiếm 22% GDP toàn cầu, Liên Hiệp Châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Một khi EVFTA có hiệu lực, hơn 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Trong báo cáo được công bố ngày 19/05, Ngân hàng Thế giới ước tính chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ hiệp định EVFTA sẽ có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, đồng thời thêm 100.000 - 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030.
Nhưng hiệp định EVFTA đã được phê chuẩn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới và đặc biệt châu Âu vẫn là khu vực có số ca nhiễm cao nhất thế giới. Dịch bệnh dĩ nhiên sẽ gây khó khăn trong ngắn hạn cho việc thực thi hiệp định EVFTA, nhưng sẽ tạo cơ hội lâu dài cho trao đổi thương mại giữa hai bên, nhờ xu hướng của các nước Âu Mỹ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, như nhận định chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Hà Nội ngày 21/05 vừa qua :
Phạm Chi Lan: Dịch bệnh chắc chắn là có tác động, bởi vì nhu cầu tiêu dùng giảm trên một loạt các sản phẩm, rồi nguồn cung cũng bị đứt gẫy, khả năng tài chính về đầu tư của các doanh nghiệp bị hạn chế đi. Tuy nhiên, tôi nghĩ là hiện tượng này sẽ chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định, chứ không lâu dài, bởi vì, về cơ bản, Liên Hiệp Châu Âu vẫn là một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Cho nên, (hai bên) sẽ dần dần qua được thách thức lần này và điều chỉnh lại.
Khi đã điều chỉnh lại được tốt, thì tôi tin là sức bật mới sẽ còn lớn hơn, ví dụ như khi bớt được sự lệ thuộc vào Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu điều chỉnh lại một phần chuỗi cung ứng của mình, chuyển một phần sang các nước như Việt Nam, thì có thể là chuỗi cung ứng mới sẽ bền vững hơn, tạo được giá trị tốt hơn, tạo được những liên kết vững chắc, tin cậy lẫn nhau hơn, giữa các thành viên mới trong chuỗi cung ứng đó, từ đó làm cơ sở để bật lên tốt hơn. Cho nên, thách thức là rất lớn, nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy ở đấy một tương lai tốt hơn.
Lưu Trọng Văn: Sự hy sinh của Hồng Kông nào có vô ích?
Việc QH cộng sản Trung Quốc bất chấp mọi phản ứng quyết liệt của Mỹ, châu Âu, Nhật và hàng triệu dân Hong Kong, thông qua Luật An ninh HK cho phép quân đội cà công an Trung cộng được đặt trụ sở tại HK và đàn áp bạo loạn ở HK thực sự là dấu chấm hết cho HK với tư cách Trung tâm Tài chính hàng đầu thế giới.
Cái giá phải trả cho việc buông bỏ quyền lực tài chính và cả thương mại hàng đầu thế giới là vô cùng lớn.
Nhưng Tập và bè lũ CS Trung Quốc phải chấp nhận.
Vì sao?
Khi người Anh trao trả HK cho TQ là gài một quả bom khổng lồ Dân chủ trong lòng TQ. Thatche - bà đầm thép chống cộng hy vọng mô hình một quốc gia hai thể chế sẽ lật ngược ván bài của Đặng Tiểu Bình để biến cái thể chế cộng sản của đại lục ngả màu vàng dân chủ và đa nguyên của HK.
Và làn sóng dân chủ HK từ năm 1997 khi được trao trả cho TQ đã từng ngày xâm nhập, tấn công dinh luỹ cộng sản TQ. Người dân TQ đến HK được hít thở bầu trời của Tự do và đa nguyên cùng sự phồn thịnh của thể chế Dân chủ. Sự so sánh trở thành mảnh đất màu mỡ cho cho làn sóng dân chủ trong lành gieo hạt, đâm chồi.
Sợ hãi trước làn sóng này CS TQ liên tục tìm cách ngăn chặn và dùng bạo quyền và lợi ích kinh tế ép nhuộm đỏ chính quyền HK cùng truyền thông HK.
Nhưng nơi nào Dân chủ và Tự do đã thành rừng thì nơi đó không thể có chỗ cho loài nấm độc và cỏ dại cướp đoạt.
Tập hiểu điều đó và ra tay.
Thông cáo số 3: Giải Văn Học Nghệ Thuật Phan Thanh Giản v/v gia hạn gởi bài dự giải tới cuối tháng 12 năm 2020
Sau gần nửa thế kỷ, ngày 30 tháng 4 năm 1975 vẫn còn có nhiều nhận định khác nhau. Saigon mất tên có “triệu người vui và triệu người buồn” thì lịch sử không thể chỉ được viết bởi kẻ thắng cuộc mà phải còn có tiếng nói của những người trong cuộc, bắt đầu những tháng ngày “vo gạo bằng nước mắt”, kể từ ngày xe tăng Cọng quân tiến vô dinh Độc Lập.
Trong cuốn Hồi Ký nhà văn Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) viết, chánh quyền mới coi dân miền Nam này, coi đồng bào của họ như bọn da trắng coi dân da đen. Họ đối xử dân Nam “có khi còn tồi tệ hơn thời thực dân”. Nhà văn viết, “có cái không khí giữa thực dân với dân bị trị”. Như vậy, ”mà muốn đoàn kết thì khác gì leo cây bắt cá”.
Nhận thức rằng , một dân tộc không thể có tương lai, nếu dân tộc đó không biết được sự thật về quá khứ. Vì vậy, nhằm có được tác phẩm phản ảnh cuộc sống của thế hệ trải qua các biến động cận đại – vài mươi năm nữa họ không còn – Hội Văn Hóa & Giáo Dục Phan Thanh Giản tổ chức cuộc tuyển chọn cho Giải Văn Học Phan Thanh Giản các sáng tác bằng văn xuôi của mọi người Việt.
Chủ đề : MIỀN NAM TRƯỚC VÀ SAU 1975
GIẢI NHẤT : 15.000 US dollars ; GIẢI NHÌ : 5000 US dollars .
Thời gian nhận bài: thay vì đến cuối tháng 5/2020 sẽ gia hạn tới cuối tháng 12/2020.
Giải văn học này (gồm các bộ môn : truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, bút ký) chưa phổ biến dưới mọi hình thức, do các tác giả trong và ngoài nước sáng tác bằng tiếng Việt hay được thân hữu giới thiệu. xin gởi đến điạ chỉ email: khanhp1988@yahoo.com.
Ban tuyển chọn gồm nhà văn, nhà báo, không phải là thành viên của Hội Phan Thanh Giản, hoàn toàn độc lập, đã hoạt động văn hóa trước và sau 75, từ trong nước tới hải ngoại: Trương Anh Thụy, Lê thị Huệ, Trần Doãn Nho, Nguyễn văn Sâm và Từ Thức.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)