Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Đầu Năm Nói Chuyện Cuối Đời

Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già

Tố Hữu
 
Chiều: Ảnh Kiều Minh.
 
Có bữa, tôi chợt nhìn thấy vài đốm tóc trắng (li ti) chen lẫn với tóc đen trên chiếc khăn choàng, phủ quanh mình, khi đang ngồi hớt tóc. “Cái ông thợ cúp này làm biếng dữ, không thay khăn mới, cũng không rũ sạch cái cũ nên nên mới còn sót lại tóc tai tùm lum của người khách trước – một khứa lão (mắc dịch) nào đó,” tôi nghĩ vậy.

Vài phút sau, tôi hốt hoảng nhận ra rằng: những vụn tóc đen, lấm tấm cùng với tóc trắng xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Té ra, đó là tóc bạc của chính mình chớ còn “khứa lão” (mắc dịch) nào vô đó nữa!  

Chèn ơi, vậy mà tui cứ tưởng là mình còn trẻ. Mái tóc của tôi, cách đây chưa lâu (lắm) hình như vẫn còn đen thui lui mà. Chớ tụi nó bạc hồi nào vậy, Trời? Sao kỳ cục vậy, mấy cha? Khi khổng, khi không cái tất cả chúng ta đều già cái rụp, và già (ngang) hết như vậy sao?

Mà tuổi già thì như chuối chín, càng chín nó càng mềm. Muốn cương cũng không được nữa, đành phải yên phận chịu (già) thôi.

- Ủa, mà già thì đã sao kìa? Làm gì mà nẫy giờ cứ chối đây đẩy, và cứ rẫy nẩy lên – như đỉa phải vôi – vậy cha nội?

- Ý, đừng có tưởng chuyện giỡn chơi à nha. Già thì lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và lôi thôi (luôn) cho đến chết. Coi: tuổi già đâu có khi nào chịu tới mình ên. Nó đi cặp kè với đủ thứ những chuyện (rất) bà rằn và lằng nhằng khác nữa: bệnh tật, chán chường, cô đơn, thiếu hụt...
 
Đã vậy, cuối năm, ông bạn Huy Phương kể chuyện (nghe) sao mà rầu muốn chết luôn:
“Trước ngày Giáng Sinh tôi có dịp vào viếng thăm một người bạn sắp qua đời trong một nursing home. Trên hành lang dẫn vào phòng người bạn, và ngay trước chỗ làm việc của nhân viên ở đây, tôi thấy nhiều ông bà cụ ngồi trên những chiếc xe lăn, nhìn những người qua lại. Các cô y tá đã sắp xếp cho các cụ ra ngồi trên hành lang đối điện với văn phòng làm việc, một phần để trông chừng các cụ, một phần cho các cụ đỡ buồn. Nhưng các cụ nhìn sự vật một cách dửng dưng, đôi mắt đờ đẫn, có người đã gục đầu xuống ngủ...”
 
Thiệt ớn chè đậu!

Tui biết chắc là ông Huy Phương không đặt chuyện để hù em út nhưng, cùng lúc, tôi cũng biết rõ rằng cái cảnh “tầng đầu địa ngục” – vừa được mô tả – không phổ biến lắm ở Hoa Kỳ hay Gia Nã Đại. Cách phân chia chia tuổi già, và những công trình nghiên cứu khoa học, ở hai quốc gia này, cho chúng ta những con số tương đối  khả tín và khả xác hơn – về vấn đề này.  

Người ta chia ra tuổi già làm ba loại:
  • Chớm già (young - old) là nhóm lớn nhất, chiếm 70 %.
  • Già (old-old) 20 %, kém hơn năng động hơn lớp trên thấy rõ.

Già quá cỡ thợ mộc (oldest-old) chừng 10 %. Trong số này chỉ có 4 %  – chớ không phải là 20 %, như nhiều người vẫn nghĩ – đang sống ở nursing home hay bệnh viện (Palmore et al. 
2005 Encyclopedia of ageism, Binghamton, NY: Haworth).

Như vậy, chính xác, chỉ có 4 % người già – thuộc nhóm cuối cùng – sống ở viện dưỡng lão thôi. Đa phần còn lại đều có cuộc sống bình thường trong cộng đồng. Nhưng khách quan mà nói thì sống ở đâu chăng nữa thì khi đời đã về chiều cũng khó mà vui.

Xã hội, rõ ràng, chưa bao giờ chuẩn bị chu đáo cho những công dân lão hạng để họ bước vào giai đoạn (hụt hẫng) còn lại của kiếp người. Đến tuổi hưu chúng ta bỗng dưng trở nên một người nào khác, không còn vai trò gì rõ rệt nữa trên cuộc đời này. Và hoàn cảnh sống (rồi) cũng khác luôn, thời giờ thì dư mà tiền thì thường thiếu. Đôi khi, lơ ngơ không biết làm gì cho nó hết một ngày. Nói chi tới một tuần, một tháng, hay cả một (hay hai) ... chục năm sắp tới!

Làm sao sống an vui và có ý nghĩa, cho những năm tháng còn lại, là một câu hỏi khó – đối với phần lớn những công dân lão hạng – ở những quốc gia phú túc. Những định chế xã hội hiện hữu không có câu trả lời, và cũng không có những chức năng hổ trợ, cho sự an lạc của tuổi già.

Đây là chuyện riêng của từng cá nhân. Vị tha hay vị kỷ? Thủ cho nó chắc ăn hay xả láng, sáng về sớm là tùy ý mỗi người. Không có tổ chức, cũng không có cá nhân nào – kể cả vợ chồng con cái – có thể đóng góp gì nhiều, cho bất cứ ai, vào giai đoạn cuối cùng của kiếp nhân sinh.

Ở Việt Nam thì khác. Câu hỏi thiết thân của tuổi già không phải là sống ra sao mà làm sao để sống? Vấn đề, xem chừng, có vẻ giản dị hơn nhưng vẫn là một câu hỏi khó đối với rất nhiều người dân cao tuổi!

Những định chế xã hội (cơ quan, ban ngành, đoàn thể, hội hè ... thổ tả gì đó) thì có rất nhiều và cũng rất thừa. Chúng hoàn toàn vô can, cũng như vô trách nhiệm, với cuộc sống của những công dân lão hạng.

Đảng, Nhà Nước và Nhân Dân là ba phạm trù luôn luôn đi liền, và gắn bó mật thiết với nhau, khi có nhu cầu tuyên truyền hay đóng góp. Đâu cần nhân dân có, đâu khó có nhân dân. Khó trăm lần, dân liệu cũng xong. Nhưng chuyện sống còn và an sinh của mỗi công dân – vào lúc cuối đời – lại là chuyện thuần túy có tính cá nhân. Đảng và Nhà Nước tuyệt đối không dính dáng gì (ráo) vào chuyện đời của Nhân Dân khi trăm họ đến giai đoạn sức cùng, lực kiệt.
 
Cách đây chưa lâu, báo chí trong nước đồng loạt đăng tin (Cụ ông gần trăm tuổi đạp xích lô) của phóng viên Văn Nguyễn:
“98 tuổi, cụ Đặng Huyền vẫn được người dân quen gọi là cụ Huần, ngày ngày vẫn đạp xích lô chở khách kiếm sống. Cụ thường bắt đầu một ngày làm việc từ khi trời còn mù sương.Trong hội thi diễu hành xích lô ở Festival làng nghề truyền thống Huế, cụ Huần được vinh danh là người lái xích lô có tuổi nghề nhiều nhất tại Huế.”

“Con trai duy nhất bỏ quê vào Nam làm ăn, hơn 30 năm nay mất liên lạc, giờ cuộc sống gia đình cụ chỉ biết nhờ vào đồng công đạp xích lô và sự đùm bọc của làng xóm...Ngoài kiếm tiền nuôi bản thân, cụ Huần còn nuôi cụ bà Trần Thị Lặc, 86 tuổi, thường xuyên đau ốm.”
Cụ Đặng Huyền. Nguồn:vnexpress
 
Kiểu “vinh danh” này, xem ra, có vẻ hơi kỳ. Phản hồi của độc giả Lê Thu Hiền cũng lạ kỳ không kém:
“ Cụ Huần thực sự là người đáng khâm phục vì sức khỏe, sự bền bỉ và dẻo dai của mình. Cuộc sống thêm lần nữa được minh chứng rằng không cần sự giàu sang phú quý, nghèo mà vẫn bền bỉ lao động vẫn tạo ra cuộc sống có ý nghĩa, sức khỏe niềm tin và hạnh phúc cho riêng mình.”
 
Cụ Phạm Đờn, một công dân Việt Nam lão hạng khác, lại ở vào một hoàn cảnh sống khác, kém “ý nghĩa” hơn. Bà cụ, xem chừng, đã không có khả năng tạo được “niềm tin và hạnh phúc cho riêng mình” – theo như tường thuật của ký giả Hải Luận, trên Tuổi Trẻ Online :
“Đêm mùa đông rét như cắt da cắt thịt, cụ Phạm Thị Đờn, 76 tuổi, thôn Quảng Hội, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cơ thể chỉ như da bọc xương, thức dậy từ 1 giờ khuya, lọ mọ xuống ngâm mình dưới biển mò cua bắt ốc kiếm gạo ăn qua ngày...   Từ 1 giờ sáng đến gần 11 giờ trưa trong bụng không có hột cơm, ngâm mình trong giá rét... nhưng chỉ bán được 17.000 đồng. Giá trị cả ngày lam lũ chỉ thu được 10.000-20.000 đồng, gặp lúc sóng to gió lớn chỉ được 5.000-7.000 đồng.”
 
Cụ Phạm Đờn cũng không được đoàn thể, hay tổ chức nào, “vinh danh” hết trơn hết trọi. Lý do, có lẽ, vì “mò cua bắt ốc” không phải là loại hình lao động được coi là vinh quang – theo tiêu chuẩn văn hoá của dân làng Ba Đình, Hà Nội.
Cụ Phạm Đờn. Nguồn: Tuổi Trẻ Online 

Ông Nguyễn Văn Thành, còn có tên gọi là Lão Thành – một người mù, đang bán vé số để làm kế sinh nhai – cũng rơi vào trường hợp (không nằm trong tiêu chuẩn được vinh danh) tương tự. Phóng viên Giang Uyên –  báo Bưu Điện Việt Nam – đã không quá lời khi dùng từ ngữ “quăng quật” để mô tả cuộc sống vất vả (ngoài sức tưởng tượng) của người đàn ông khuyết tật, xấu số này:
 
“... đến giờ tên tuổi của cụ cũng chỉ còn là ký ức... mỗi ngày ông vẫn phải tự đi kiếm ăn qua tấm vé số và cuộc sống ‘tự lập’ nơi đầu đường xó chợ... Dù đã già yếu lắm rồi nhưng ngày ngày lão Thành vẫn phải lê bước đi khắp nơi để bán vé số tự nuôi thân. Có những hôm lão ốm nằm một chỗ nhiều ngày liền. Bụng đói không chịu đựng nổi, lão lại lọ mọ dậy bước liêu xiêu ra đường tìm đến đại lý vé số lấy vé đem bán."

Ông Nguyễn Văn Thành. Nguồn: ictnews.
 
Tương tự như hai bài phóng sự viết về cuộc đời của cụ Phạm Đờn và cụ Đặng Huần, bên dưới bài viết về ông Thành cũng có những dòng chữ cuối – chỉ dẫn cách giúp đỡ đương sự – như sau:
“Mọi sự hỗ trợ của cộng đồng, độc giả đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Thành có thể chuyển đến tận tay ông trước cửa Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn, thuộc Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, địa chỉ số 14, Bùi Văn Hòa, phường Hòa Bình - TP Biên Hòa.”
 
Không thấy ông nhà báo gì đến sự hổ trợ của Đảng, Nhà Nước, hay những ban ngành hội hè vớ vẩn gì đó – của Mặt Trận Tổ Quốc. Trong cả ba bài phóng sự thượng dẫn cũng đều có không một chữ nào đề cập đến nguyên nhân, và trách nhiệm – của bất cứ ai – về những mảnh đời te tua và bầm dập của những công dân lão hạng kể trên. Cứ như thể họ là những người thuộc một quốc gia hay hành tinh nào khác, chứ không phải là những công dân của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Tôi chợt nghĩ: lỡ sáng mai bà Phạm Đờn hay ông Nguyễn Văn Thành khi mở mắt ra và (bỗng) thấy mình đang sống trong một cái nursing home ở California – giường êm nệm ấm, cơm bưng nước rót, cam tươi sữa hộp cạnh bên, cả đống y tá bác sĩ lăng xăng kế cận – mà không dưng muốn... rơi nước mắt! Hai vị dám tưởng là mình đã lên tới thiên đường dù thực sự là họ vừa lạc vào tầng đầu địa ngục, theo như cách nhìn của nhiều người đang sống ở những quốc gia không có Độc Lập -Tự Do - Hạnh Phúc – như ở nước ta.

Tưởng Năng Tiến

Arnaud Vaulerin/Thuỵ My (RFI) dịch: Hải chiến trên Biển Đông: Châu chấu đá voi

Arnaud Vaulerin, đặc phái viên Libération tại Việt Nam, Libération ngày 03/01/2017
Thuỵ My (RFI) dịch


Tàu đánh cá Việt Nam trên đảo Lý Sơn. Ảnh Ben Bohane
Tại quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền, các ngư dân Việt Nam đang ở tuyến đầu, trước các hành vi của Trung Quốc: đánh đắm tàu, giật lưới cá, đánh người thậm chí cả giết người. Hà Nội phải nhỏ giọng vì sợ bị trả thù.
Anh kể lại bằng giọng nói yếu ớt (*): “Bọn chúng đã lấy hết mọi thứ, cắt đi các dây cáp điện và ăng-ten, giựt lá cờ Việt Nam và quẳng xuống biển, chỉ để lại cho chúng tôi những gì vừa đủ để trở về”. Rồi tuy không được yêu cầu, Vi vẫn quỳ lên boong tàu phía trước, hai tay chắp sau gáy, đầu cúi xuống, mô tả nỗi nhục nhã của những cú đánh, những lời sỉ nhục và đe dọa tiếp theo đó.

Huy Đức: Những thương vụ “dưới gầm bàn” và sự thất thoát ngân sách quốc gia

Ba Son, Giảng Võ thất thoát bao nhiêu?
Từ mức khởi điểm 550 tỷ, sau 16 vòng đấu giá, TP đã bán được 1.430 tỷ (*). Cho dù ai mới thực sự đứng sau cuộc đấu giá này thì kết quả của nó cũng gây nhiều suy nghĩ. Chúng ta có thể làm một bái toán số học (giữa giá thị trường và giá anh Vượng đã mua, trên giấy) để thấy tiền bạc của đất nước đã thất thoát bao nhiêu khi các dự án như Ba Son, Giảng Võ được âm thầm đem bán.
Đấy là cái giá của sự thiếu minh bạch.
Chính phủ cần ngay lập tức yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tính đủ giá thành bất động sản (nhà xưởng, văn phòng...) trước khi cho cổ phần hóa.
Đối với các diện tích đất đang sử dụng cho mục đích quốc phòng hoặc đang giao cho các cơ quan làm trụ sở thì không thể coi là tài sản riêng của các cơ quan này (Nhà nước chỉ giao đất để phục vụ cho mục đích hiện hữu). Nay nếu các cơ quan đó không còn nhu cầu sử dụng thì phải trả lại và phải được quản lý như công sản. Ví dụ, Hội Nhà văn của ông Hữu Thỉnh nếu không còn cần trụ sở thì phải trả lại cho nhà nước chứ không thể tự đem bán cho tư nhân hay tự làm khách sạn.

Gia Minh/RFA: Diễn biến mới ở Biển Đông, ai hưởng lợi?

Ảnh chụp hôm 23/12/2016 tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
tập trận trong vùng biển Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển
phía đông của Trung Quốc. 
Biển Đông tiếp tục là một trong những khu vực nóng của thế giới. Một số diễn biến mới nhất có mang tính bất ngờ không, ai được hưởng lợi nhất vào lúc này và Việt Nam đang có những động thái gì để bảo vệ lãnh hải?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Khoa Sử, Đại học Maine ở Hoa Kỳ nhận định:
Bây giờ vẫn còn sớm để nói chắc chắn là ai có thể hưởng lợi nhất bởi vì hiện nay còn đang cạnh tranh về chuyện của nước Mỹ như chuyện sắp lên làm tổng thống của ông Trump, nên chính sách ngoại giao chưa rõ ràng, thành ra Trung Quốc có vẻ đang ‘nắn gân’ ông ấy, như đưa tàu sân bay vào Biển Đông. Tôi nghĩ là về lâu về dài, các nước trong khu vực họ sẽ phản ứng. Thế nên cũng rất là khó,  Đông Nam Á chẳng hạn, hay tổng thống Duterte khi Philippines làm chủ nhà ASEAN lúc đó có thái độ như thế nào, thì mình sẽ hiểu và sẽ biết tình hình như thế nào. Nhưng mà tôi nghĩ rằng sau phán quyết của tòa án PCA, Trung Quốc có làm dữ cũng không có thể làm gì hơn, tôi nghĩ thế giới sẽ phản ứng.

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Ngô Nhân Dụng: Nguyễn Văn Thiệu giúp Nixon đắc cử


Dư luận ở Mỹ vẫn còn bàn về những lời tố cáo Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm cách gây ảnh hưởng trên kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Nhân dịp này, Nhật báo The New York Times mới nhắc lại một chuyện quá khứ. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 1968, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu cũng gây ảnh hưởng trên cuộc bỏ phiếu ở Mỹ, một phần nào giúp ông Nixon đánh bại đối thủ là Phó Tổng thống Hubert H. Humphrey, đảng Dân Chủ. 
Cuối tuần rồi, tờ báo Times mới đăng bài “Nixon’s Vietnam Treachery” (Vụ phản bội của Nixon về Việt Nam). Mới đọc, tưởng ký giả John A. Farrell kể một biến cố nào mới lạ; nhưng đọc xong mấy đoạn thì chỉ thấy một sự kiện đáng kể nhất: Ông Richard Nixon từng nói dối. Tiết lộ điều đó thì cũng mới lạ không khác gì khi tuyên bố: Trái đất quay quanh mặt trời.
Nhưng đối với người Việt, thì câu chuyện ông Nixon nói dối đáng chú ý. Vì điều ông muốn che đậy liên quan đến số phận nước Việt Nam Cộng Hòa!

G.Đ. - Người Việt: Việt Nam: Trở thành tỷ phú nhờ mua được ‘chính sách?’

Phối cảnh Vinhomes Liễu Giai. Một trong hai “điểm nhấn đô thị” 
tại “nội đô lịch sử” cùng thuộc Vingroup. (Hình: vinhomes29lieugiai.org) 

Sự kiện hệ thống truyền thông Việt Nam chủ động xoay mũi dùi mà thủ tướng Việt Nam chĩa vào Vingroup sang… hướng khác dường như là giọt nước làm tràn ly phẫn nộ đối với tập đoàn này.
Hôm 29 Tháng Mười Hai, tại cuộc họp giữa lãnh đạo chính phủ Việt Nam với giới lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam đã chỉ trích gay gắt quy hoạch đô thị ở Hà Nội. Theo đó, sở dĩ môi trường, giao thông,… ở Hà Nội trở thành thảm trạng khiến hệ thống công quyền loay hoay tìm hoài không ra lối thoát là vì chính quyền thành phố này phóng tay cấp giấy phép cho xây dựng hàng loạt cao ốc khiến hạ tầng quá tải.

VOA: 2016 - năm các triệu phú Việt lộ diện

Từ trái: Phạm Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết
và Bùi Thanh Nhơn (chụp từ trang CafeF.vn)
Năm 2016 được coi là năm nhiều triệu phú tiền đô la ở Việt Nam xuất đầu lộ diện.
Truyền thông trong nước tường thuật rằng trong năm qua, đã có nhiều tên tuổi mới sở hữu ngàn tỷ đồng.
Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua, những người giàu nhất Việt Nam chủ yếu là những đại gia của sàn chứng khoán. Theo công bố của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN) trong năm qua, Việt Nam đã lọt vào Top 5 thị trường chứng khoán Đông Nam Á tăng trưởng cao nhất. VNMedia trích lời chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 1.76 triệu tỉ đồng trong năm 2016, tương đương với 42% GDP.
Theo đánh giá của kinh tế gia Lê Đăng Doanh, “số tỷ phú Việt Nam gần đây đã xuất hiện đông đảo hơn và tất cả họ đều liên quan đến bất động sản.”
Nguyên viện trưởng viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương còn cho rằng nhiều người giàu lên nhanh nhờ vào chứng khoán bằng những cách thức rất “khôn ngoan.”
"Cách của họ là họ lập ra nhiều công ty sân sau của chứng khoán – nhiều công ty con. Các công ty đó lại phát hành chứng khoán rồi họ mua bán lẫn nhau – tức là công ty mẹ mua ở công ty con, công ty con mua ở công ty mẹ. Vì vậy số tài sản, số cổ phiếu mà họ sở hữu đã tăng lên một cách rất nhanh chóng và đó cũng là một mẹo để họ làm giàu nhanh."

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Donald Trump – Con chim báo bão


Thế giới vừa trải qua một năm 2016 đầy bất ngờ thì nên tự chuẩn bị cho một năm 2017 còn nhiều biến động hơn nữa, với trung tâm sẽ là Hoa Kỳ, siêu cường có nền kinh tế và hệ thống quân sự vẫn còn ảnh hưởng toàn cầu.
Chúng ta thường nói đến sự đổi thay qua ẩn dụ “biển dâu,” biển xanh bỗng lại biến thành nương dâu. Những biến động ấy thật ra âm ỉ đã lâu, nhưng ít được thấy, cho tới khi gây ra những thay đổi mà chúng ta gọi là “bỗng,” vì bị bất ngờ. Nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ cũng chẳng thoát quy luật đó từ thời lập quốc: trung bình thì cứ hai thế hệ, chừng 50 năm, lại có một đợt thay đổi sau nhiều chuyển động ngầm ở dưới đáy có thể kéo dài cả chục năm.
Nhìn về quá khứ, nếu không từ 70 năm trước vào năm 1947 quá xa xôi của thời Chiến tranh lạnh thì cũng từ mươi năm trước khi khủng hoảng tài chánh và nạn tổng suy trầm 2008-2009 dẫn tới bốn hậu quả lớn. Thứ nhất, khối hậu công nghiệp Âu-Mỹ-Nhật đều tăng trưởng thấp hơn. Tại các nước Tây phương là sự bùng phát của chủ nghĩa quốc gia nhân danh quyền dân để phủ nhận sự thống trị của các cơ chế quốc tế và đả phá vai trò quá lớn của quan hệ hay hiệp ước thương mại, trong đó có TTIP dang dở giữa Hoa Kỳ và Âu Châu, có Hiệp Ước TPP đã ký kết mà bị Hoa Kỳ gác lại, hay cả hiệp ước NAFTA đã thi hành từ 1994. Thứ ba là tình trạng bất ổn suy sụp của các nước lệ thuộc vào giao thương quốc tế như Đức, Nam Hàn, Trung Cộng, vì ngoại thương sút giảm và các nước chưa thể xuất cảng lên cung trăng để kích thích sản xuất. Sau cùng các nước bơm tiền và phá giá để cạnh tranh còn kịch liệt hơn và thực tế mở ra một trận chiến mậu dịch bằng ngoại tệ trước khi người ta nói đến chủ trương bảo hộ mậu dịch.

Hoàng Giang: Khi những mầm ươm nghệ thuật bị chết yểu


Sau đêm diễn thành công của mình, Nguyễn Thanh Nhật Minh bị loại ngay khỏi cuộc thi 'Sing My Song' vì bị cáo buộc là 'phản động' do trên trang Facebook cá nhân của anh thể hiện quan điểm 'chống phá nhà nước.'
Tháng 11/2016, một sân chơi ca nhạc mang tên Bài hát hay nhất - Sing My Song ra mắt khán giả Việt và được nhiều người yêu thích. Đây là chương trình dành cho các nhạc sĩ trẻ sáng tác và hát ca khúc của mình. Do tính chất thúc đẩy sự sáng tạo, “Sing My Song” đã đem lại một luồng gió mới cho nền âm nhạc Việt với rất nhiều ca khúc hay, độc đáo, thể hiện tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng phát sóng, tập 5 mới ra mắt ngày Chủ nhật (17/12/2016) vừa rồi thì ngay lập tức bị gỡ xuống khỏi trang mạng Youtube, bởi có phần trình diễn của thí sinh Nguyễn Thanh Nhật Minh. Sau đêm diễn thành công của mình, chàng nhạc sĩ trẻ sinh năm 1988 này bị loại ngay khỏi cuộc thi vì bị cáo buộc là “phản động” do trên trang Facebook cá nhân của anh thể hiện quan điểm “chống phá nhà nước.” Cụ thể là Nhật Minh lên tiếng bảo vệ blogger Mẹ Nấm và Luật sư Lê Công Định sau khi những người này bị bắt vì có hành vi gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” cũng như bày tỏ nỗi bất bình với các sự kiện chính trị trong nước. Trường hợp của Nhật Minh khiến toàn bộ ê kíp chương trình phải hoãn và duyệt lại hồ sơ của tất cả các thí sinh. Hiện nay, một thí sinh thứ hai cũng có nguy cơ bị loại khỏi chương trình với lý do tương tự.

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến - Lực Lượng C.S.C.Đ & Hội Nhà Văn


nuôi mỗi năm mấy chục tỷ bạc
vẫn không có tác phẩm ra hồn
 
Dịch giả Phạm Nguyên Trường ví von giới người cầm bút hiện nay “là những anh mù sờ voi,” và chia họ ra làm bốn loại:

1. Đáng trọng là những người sờ được chỗ nào thì mô tả trung thực chỗ đó, to nói là to, dài nói là dài, cứng nói là cứng, mềm nói là mềm... tập hợp mô tả của những người đó có thể cho người ta hình ảnh tương đối trung thực về con voi.

2. Sợ nhất là những người mới sờ được cái chim hay cái bướm voi liền la toáng lên và bắt mọi người tin rằng đấy là cả con voi. Họ là những người thích độc quyền chân lí. Marx, Lenin... thuộc loại những người như thế.

3. Đáng ghét nhất là bọn, ví dụ, sờ được cái tai hay cái vòi, nhưng không chịu mô tả cái mình sờ được mà lại ngoạc mồm ra chửi những người đang mô tả một cách trung thực cái ngà hay cái đuôi voi rằng đấy không phải là voi.

4. Đáng khinh nhất là bọn kí-sinh-trùng-văn-nô-bồi-bút sống bằng mồ hôi nước mắt của các bà nông dân một nắng hai sương, chủ muốn con voi như thế nào thì mô tả như thế ấy.

Phạm Chí Dũng: Nhân quyền VN, Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu và sự ‘nổi dậy’ của Vietnam Caucus

Điều gì phải đến đã đến. Quá nhiều lời cảnh báo về khả năng chế tài nhân quyền đối với chế độ chính trị ở Việt Nam đã được giới lập pháp Hoa Kỳ liên tục phát ra suốt từ năm 2014 đến nay, nhưng hầu như chẳng ăn thua gì với đối tượng mà có người phải ví với một đứa trẻ hư chỉ hở ra là ăn vạ. Cuối cùng thì Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu đã được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua và Tổng thống Barack Obama ký ban hành.

Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu
Sau một thời gian dài do dự vì điều được cho là thái độ mềm mỏng hơi thái quá của chính quyền Obama đối với vấn đề nhân quyền quốc tế, ngày 8/12/2016, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua một dự luật nhân quyền - Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) - nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền và những giới chức tham nhũng trên toàn cầu. Dự luật này - do hai Thượng nghị sĩ John McCain và Ben Cardin giới thiệu tại Thượng viện - được thông qua chưa tới một tuần sau khi một dự luật tương tự do hai Dân biểu Chris Smith và Jim McGovern đệ trình tại Hạ viện được chuẩn thuận với tỷ lệ áp đảo đến 2/3.
Vào đúng dịp lễ Giáng sinh năm 2016, hai dự luật trừng trị các cá nhân vi phạm nhân quyền trên thế giới đã được Tổng thống Obama đặt bút ký ban hành.

Lan Hương/RFA: Chảy máu chất xám - bao giờ chấm dứt?

Sinh viên cầm bằng cử nhân mới nhận
tại Hà Nội ngày 20 tháng 11 năm 2014. 
Nhiều bạn trẻ Việt Nam không muốn công tác trong nước mà tìm cách định cư ở nước ngoài để sinh sống, làm việc.
Số liệu thống kê mới nhất của bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hiện có khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới. Trong số này có đến khoảng 70% không trở lại Việt Nam để làm việc mà quyết định phát triển sự nghiệp của bản thân nơi xứ người.
Về tình trạng này, chuyên gia kinh tế- tiến sĩ Lê Đăng Doanh, lý giải nguyên nhân:
Tình hình chảy máu chất xám và những học sinh giỏi ở Việt Nam khi đi học ở nước ngoài thì tỷ lệ quay trở lại Việt Nam là thấp. Lý do thì có thể có nhiều, có thể nêu vài lý do như sau: thứ nhất là tiền lương cho người trí thức quá thấp, tiền lương cho một ông tiến sĩ ở nước ngoài học về thì cũng chỉ khoảng 3,5 – 4 triệu, không thể đủ sống ở những thành phố như Hồ Chí Minh và ở Hà Nội. Đấy là một lý do.
Cũng có những người thì sẵn sàng chấp nhận tiền lương thấp, họ vẫn sẵn sàng làm việc, nhưng lý do thứ hai có thể nghiêm trọng hơn, đó là khả năng phát triển và phát huy kiến thức và tài năng của họ là thấp. Có những trường hợp những người tiến sỹ đó về không được phân công, không được tận dụng, không được cho phát huy năng lực để giảng dạy. Có người thì được phân công làm thư ký khoa, tức là một chức hành chính chỉ nhận công văn giấy tờ, thế rồi những người đó sau đó cũng bỏ đi. Thứ ba, là điều kiện vật chất cũng như điều kiện nghiên cứu chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của họ. Phòng thí nghiệm thì chưa được trang bị đáp ứng nhu cầu, còn tài liệu và cách tiếp cận thông tin, khả năng đi dự các hội thảo nước ngoài, tiếp xúc các hội nghị quốc tế cũng hạn chế.

Âu Dương Thệ: Trump thắng cử, Nguyễn Phú Trọng ngả mạnh vào Bắc kinh và ý chí kiên trì đấu tranh thắng lợi của chúng ta

  • Trump chống lại những giá trị căn bản của xã hội Hoa kì và lẫn lộn giữa bạn và thù
  • Trump có thể thực hiện các ý định điên rồ được không?
  • Trump phải vật lộn giữa tham vọng quá lớn, nhưng tư duy lạc hậu và uy tín quá tồi!
  • Chế độ bội ước dân, Nguyễn Phú Trọng chỉ lo củng cố quyền lực và đàn áp nhân dân!
  • Chế độ toàn trị do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu đang trong hoàn cảnh nào?
  • Từ Tổng bí thư tới Thủ tướng chỉ cho dân ăn bánh vẽ!
  • Những vấn nạn cho CSVN từ chính sách của Trump và cách giải quyết mù quáng cúi đầu trước Bắc kinh của Nguyễn Phú Trọng


Trump chống lại những giá trị căn bản của xã hội Hoa kì và lẫn lộn giữa bạn và thù

Mặc dầu thua đối thủ là cựu Ngoại trưởng bà Clinton gần 3.000.000 phiếu trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2016, nhưng ngày 19.12 đa số Cử tri đoàn vẫn bầu nhà tỉ phú địa ốc Donald Trump làmTổng thống (TT) thứ 45 của Hoa kì.  Chiến thắng không danh dự qua các thủ đoạn tồi tệ nhất và những lời hứa mị dân của ông Trump đang nổ ra những cuộc tranh luận rất gay gắt và tạo ra những lo ngại sâu sắc không chỉ đối với nhân dân Mĩ mà ngay cả với các đồng minh và đối thủ của Hoa kì trên thế giới. 

Lê Anh Hùng: Vì sao Trần Xuân Bách mới chưa xuất hiện ở Việt Nam?

Hình minh hoạ.
Sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết năm 1991 đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản với tư cách là một ý thức hệ mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ áp dụng chính sách cai trị bàn tay sắt, hoặc thực hiện đường lối cải cách kinh tế, hoặc kết hợp cả hai sách lược đó nên thế giới hiện vẫn còn 5 quốc gia mà trên danh nghĩa là theo ý thức hệ cộng sản – đó là Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba và Lào.
Dù vậy, theo đúng quy luật, các chế độ độc tài này sớm muộn gì cũng đi đến chỗ tiêu vong. Và, giống như ở Liên bang Xô-viết, ở các quốc gia cộng sản Đông Âu, hay ở bất kỳ hệ thống nào khác, không phải các nhân tố bên ngoài mà chính những tác nhân bên trong mới là yếu tố quyết định dẫn đến sự sụp đổ tất yếu đó.

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017



Trần Mộng Tú: Tâm An



Gửi những người bạn thân yêu của tôi.

Chữ này nghe sao giản dị thế, cả hai chữ đều vần bằng, nên khi đọc lên giọng ta trầm xuống, ta có thể nói thầm vào tai nhau rất khẽ nghe cũng vẫn rõ ràng.

Chữ Tâm và chữ An để đặt tên cho con cũng rất đẹp. Người ta hay dùng hai chữ này đi đôi với nhau hay dùng riêng lẻ, hay ghép vào một chữ khác, đều hay. Các nhà lãnh đạo tinh thần, thầy giáo dậy văn chương hay dùng trong những bài giảng: Tâm Hương, Tâm Linh, Tâm Tịnh, Tâm Phúc, Tâm Thanh,v.v… Hoặc: An Bình, An Lạc, An Hòa, An Khang…

Nhưng thật sự trong đời sống hàng ngày chúng ta có với được tới hai chữ “Tâm An” không? Tại sao các linh mục, các nhà sư khi tới thăm người sắp qua đời cũng nói câu đầu tiên là: “Anh hay chị hãy sửa soạn cho mình được tâm an vào những giờ sau cùng của đời người.” Và người sắp ra đi đó cũng nhờ những vị hỗ trợ tinh thần “Giúp cho con đi được tâm an”.

Như vậy có phải là chúng ta hàng ngày sống với cái “tâm động” hay không?  Chúng ta có cả ngàn lý do để động tâm. Động tâm gồm cả: yêu quá mức, giận hờn, nghi kỵ, oán hận, ghen tuông, tự ái, kiêu hãnh, mặc cảm… Làm sao con người sống một đời không va chạm với ngần ấy thứ. Tránh cách nào cũng va vào một vài thứ. Ngay cả những bậc tu hành cũng phải mỗi ngày cầu nguyện, tĩnh tâm để mang mình ra khỏi những con lốc đó.

Có bao nhiêu vị chân tu đích thực với được hai chữ “Tâm An”.

HỒ NHƯ: TẠM GỌI LÀ CẦU HÔN

Chúng tôi ngồi trong một quán ăn Tàu, trong góc phố Tàu, giữa thành phố da trắng bắt đầu đông người da vàng. Góc phố khoảng trên dưới mười tiệm, trong số đó hơn nửa là quán ăn, xanh đỏ đủ màu tên bảng nửa Anh nửa Tàu. Tôi ngồi sát ngay cạnh cửa kính quán ăn lớn nhất, nhìn quanh với con mắt nửa chê bai nửa ghen tỵ. Phố người Việt bao giờ cũng có chữ Tàu xen vào, còn ở đây, tha hồ kiếm đỏ mắt cũng không thấy tiếng Việt nào.
Trung đằng hắng nho nhỏ. Cách kêu gọi chú ý cổ điển của một người đàn ông thích nền nếp cũ. Anh gọi tôi ra đây để nói chuyện đây mà, đâu phải để tôi ngơ ngẩn ngắm trời ngắm đất. Tôi thấy là lạ, muốn từ chối gặp anh, nhưng chẳng có cái hẹn nào khác nên bằng lòng, coi như cái cớ ra ngoài căn chung cư bé tẹo của mình dạo mát. Trung và tôi có chuyện gì để phải long trọng “có chuyện muốn nói với Ngà” nhỉ ? Cho dù quen biết đã lâu, lâu lắm, vẫn chỉ là quen biết vầy vậy, không thể thân hơn. Dĩ nhiên thân hay sơ cũng là chuyện “tùy người đối diện,” vì tôi đoán Trung nhìn thấy mối quan hệ của chúng tôi thân lắm rồi, sắp ngấp nghé tri kỷ tới nơi. Tôi không cải chính, cũng không có cách cải chính, vả lại, tôi tự bảo, có chi mà phải ầm ĩ. Miễn sao cả hai đừng ai bước qua mức rào của chính mình.

Trần Mộng Tú: Cuối Năm Trôi Như Giải Lụa Tung

(Tặng BBH)

Em đứng nhìn dòng nước trước mặt
cuối năm trôi như giải lụa tung
con chim nhỏ bay ra từ núi
cánh buông in xuống nước chập chùng

Chim bay qua hồ chim mất hút
bóng in xuống hồ bóng mất tăm
đất trời hoán chuyển trong khoảnh khắc
em gửi tình trong đá trăm năm

Nhỡ mai tình em bay nẻo khác
có để lại gì trong đá xanh
nhỡ mai tình cờ anh qua đó
có nghe đá khẽ gọi tên mình

nhỡ mai ừ nhỉ bao nhiêu nhỡ
nhỡ cả môi hôn chiều rất xa
nhỡ cả cuối đời nhìn dáng khuất
nhỡ một bờ vai gửi đóa hoa

Bóng chim không còn in mặt nước
chở cả tình em trên cánh bay
cuối năm đá xanh bỗng nghiêng xuống
tình yêu, thời gian, như đám mây

tmt
Cuối năm dương lịch 2016




NGÔ THẾ VINH: NGUYỄN-XUÂN HOÀNG VÀ MÙA THU NHẬT BẢN

Hình 1: Nguyễn-Xuân Hoàng, photo by Trần Cao Lĩnh

Nếu bảo qua tuổi 70 xưa nay là hiếm, thì Nguyễn-Xuân Hoàng sinh năm 1937 cũng đã bước qua tuổi 77, nhưng đó là ý niệm tuổi tác của thế kỷ trước. Sang đến thế kỷ 21, với tiến bộ của y khoa, qua tuổi 80 nay cũng không còn là hiếm. Quen được Nguyễn-Xuân Hoàng trong hoàn cảnh nào thì tôi không nhớ, nhưng đó là một tình bạn khá lâu năm. Khoảng giữa thập niên 1960-1970 Nguyễn-Xuân Hoàng đã cùng với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật và Nguyễn Quốc Trụ chủ trương nhà xuất bản Đêm Trắng. Họ đều ở lứa tuổi trên dưới 30, sức sáng tác đang sung mãn với phong cách riêng mỗi người, được coi như là nhóm “Tiểu Thuyết Mới”, với quán La Pagode như một điểm hẹn sinh hoạt. Và tên tuổi mỗi người trong nhóm, sau này đều trở thành nhân dáng những nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn-Xuân Hoàng. 

ĐÀM TRUNG PHÁP: MÙA THU 1976 TẠI SAN ANTONIO COLLEGE: HOÀI NIỆM 40 NĂM SAU



Định cư tại San Antonio, Texas

Sau gần một năm trời như người mất hồn mà vẫn ráng tìm cho ra một công việc làm văn phòng mà lương bổng không tệ lắm thì vào đầu mùa hè 1976 tôi được tuyển làm chủ biên tài liệu huấn luyện (training modules editor) cho một công ty mới trúng thầu được khế ước dài hạn với Defense Language Institute của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Gia đình tôi gấp rút chuyển cư từ Georgia đến San Antonio, Texas để tôi nhận việc. Công việc làm văn phòng tương đối nhẹ nhàng (trách nhiệm duy nhất là “editing” và “proofing” các tài liệu huấn luyện trước khi nộp cho nhà in) mà lợi tức cũng tạm đủ mưu sinh cho gia đình. Vậy mà sao tôi vẫn còn quá luyến tiếc cái khung trời Đại học Sài Gòn thân thương của tôi đã bị tiêu tan vì quốc nạn 1975.