Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013
Thụy My - Trung Quốc lừa quốc tế trong bảng điều tra về giáo dục Pisa
Thụy My (RFI) -
Việc công bố kết quả năm 2012 của cuộc sát hạch Pisa, được tổ chức mỗi ba năm để đánh giá
các học sinh
trên thế giới về khả năng đọc và viết, môn
toán và khoa học đã gây
ra một làn sóng
tự phê bình
tại các nước phương Tây.
![]() |
Điều tra Pisa chỉ quan tâm đến Thượng Hải, chứ không tính đến các thành phố lớn khác ở Trung Quốc - REUTERS /Aly Song |
Đó là do học sinh Mỹ, Pháp đã bị sụt hạng tại tất cả các môn khảo sát, riêng Mỹ lại còn kém mức trung
bình của các nước trong Tổ chức Hợp tác Phát
triển Kinh tế (OCDE) về môn toán.
Trong khi đó, các nước Đông Á nay lại chiếm đa số trong bảng xếp hạng. Nhưng theo
trang mạng
Slate.fr, thì có một số điều cần chú ý.
Ba « nước » đứng đầu bảng xếp hạng Pisa, thực ra chỉ là các
thành phố. Đó là Thượng Hải,
Singapore và Hồng Kông. «
Quốc gia » đứng hàng thứ sáu cũng
lại là một thành phố : Macao.
Đây là những thành
phố lớn với những trường học hẳn là tuyệt vời, nhưng nếu đem so
sánh với các quốc gia lớn trải rộng về mặt địa lý, theo
Slate.fr, thì có phần lập lờ đánh lận con đen.
Vị trí hàng đầu của Thượng Hải trong bảng xếp hạng là một ví dụ cụ thể. Đành rằng
Singapore là một quốc gia độc lập, còn Hồng Kông và
Macao là các vùng đất tự trị, nhưng tại sao Thượng Hải lại đại diện cho Trung Quốc mà không
phải là một địa phương nào
khác ?
Tác giả Tom Loveless đã viết cho Brooking Institution
như sau: « Trung Quốc có một thỏa thuận đặc biệt với Tổ chức Hợp tác Phát
triển Kinh tế, cơ quan chịu trách
nhiệm tổ chức các cuộc sát hạch Pisa.
Các tỉnh khác đã
trải qua cuộc xét nghiệm này vào
năm 2009, nhưng chính quyền Trung Quốc chỉ cho phép
công bố kết quả của Thượng Hải ».
Như chúng ta đã biết, điều kiện sống tại thủ đô tài
chính thế giới này khác
hẳn với phần còn lại của Trung Quốc – một đất nước mà 66%
trẻ em vẫn đang sống tại nông
thôn. Khoảng 23 đến 24 triệu người Thượng Hải chỉ chiếm có 1,7%
trong tổng số 1,35 tỉ người Trung Quốc.
Thượng Hải khác với các địa phương khác ở Trung Quốc chỗ nào ?
Theo Slate.fr, là một thành phố ngang cấp tỉnh, Thượng Hải xưa nay luôn thu hút những tinh
hoa của đất nước. Khoảng 84% học sinh tốt nghiệp trung học ở Thượng Hải vào được đại học, trong
khi tỉ lệ này trên
toàn quốc là 24%. Và các
bậc phụ huynh Thượng Hải luôn đầu tư rất nhiều tiền của để cho con
cái đi học thêm
ngoài giờ.
Theo Jiang Xuegin, hiệu phó và là giám đốc ban quốc tế của trường trung học liên kết với đại học Bắc Kinh,
thì : « Các vị phụ huynh ở Thượng Hải mỗi năm chi ra
trung bình 6.000 nhân dân tệ (720 euro) để cho con
cái học thêm về môn toán
và tiếng Anh.
Ngoài ra họ còn bỏ ra khoảng 9.600
nhân dân tệ (1.150
euro) vào các hoạt động ngày cuối tuần, như cho đi học tennis
và piano. Trong những năm trung học, chi phí cho việc học thêm lên
đến 30.000
nhân dân tệ (3.600
euro), cộng với chi phí
về các hoạt động kỹ năng khác
là 19.200 nhân dân tệ (2.300 euro) ».
Một gia đình công nhân điển hình không thể nào tự cho phép
chi ra một số tiền lớn như thế. Tổng số tiền học thêm và
chi cho các khóa kỹ năng của một học sinh trung học Thượng Hải gần 50.000
nhân dân tệ, vượt quá một năm thu
nhập của một nhân
viên bình thường tại Trung Quốc, hiện nay là
42.000 nhân dân tệ (5.050
euro).
Cho dù vậy, cũng như những năm trước đây, các phương tiện truyền thông đều chạy những tít lớn là học sinh
Trung Quốc giỏi hơn học sinh Mỹ. Trong
khi đó nhiều tiểu bang Mỹ chỉ mới tham gia
cuộc sát hạch này lần đầu, vì có hệ thống giáo dục khác biệt. Một số bang đạt kết quả cao về đọc và viết, nhưng không ai
nghĩ đến việc khái
quát hóa ra toàn nước Mỹ.
Theo tác giả bài viết, Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế không nên
để cho Trung
Quốc tiếp tục qua mắt thiên hạ như thế.
Phạm Lê Vương Các - Gửi người cán bộ Thành Đoàn, thạc sỹ Nguyễn Tuấn Anh
Phạm Lê Vương Các -
.jpg)
Thời điểm đó, tôi đánh rất giá cao về anh, vì anh là một trong số ít người trẻ chấp nhận đối thoại công khai với những người có tư tưởng đối lập.
Không những tôi biết anh qua mạng, mà tình cờ có một người Thầy ở trường Luật kể với tôi đôi chút về anh, rằng anh là một người có một lý lịch “rất đỏ”, là con của một Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao & Du lịch TP.HCM. Sau khi du học về anh làm Cộng tác viên bên Ban Tuyên giáo Thành Đoàn TP.HCM, và giờ đây anh đã là Cán bộ chính thức của Thành Đoàn TP.HCM.
Và người Thầy này cũng cho cho biết, hôm đám cưới của anh, các ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn phải xếp hàng để được hát mừng đám cưới của anh, vì chức vụ của ba anh đang quản lý đến nghề nghiệp của họ.
Nhưng đối với riêng anh, Thầy tôi cũng đánh giá cao về anh, vì anh không muốn dựa dẫm vào quyền lực của bố mình mà tự chọn cho mình một lối đi riêng độc lập, và nhận xét anh là một người khôn ngoan, biết toan tính từng bước đi chính trị của mình.Biết tôi là một người đối lập, người Thầy này còn nói : “Thà em nên để những người như Nguyễn Tuấn Anh lên nắm quyền sau này, thì những người như các em sẽ được “dễ thở” hơn”.
Và ngày hôm nay…
Nhân buổi phổ biến bản Tuyên Ngôn phổ quát Nhân quyền của LHQ và phát bong bóng cổ vũ cho quyền con người vào chiều tối ngày 08/12 tại công viên 23/9 tại Sài Gòn, tôi đã thấy anh và nhận ra anh.
Nguyễn Tuấn Anh ngày hôm qua trước khi cướp Tuyên ngôn nhân quyền
Nhưng lần đầu tiên gặp nhau ở ngoài đời, tôi lấy làm thất vọng khi nghe những gì anh đã phát ngôn và hành xử không phải của một người “có học” như trước đây tôi đã nhận định
Anh có mặt tại buổi phổ biến Nhân quyền này, chỉ để bóp vỡ mấy quả bong bóng nhân quyền của trẻ em đang cầm trên tay, và đợi những người hoạt động nhân quyền đang thuyết trình quảng bá về các giá trị quyền con người, thì anh “lẽo nhẽo lên tiếng” nhằm cắt lời họ.
Một người học tới trình độ Thạc sỹ như anh mà lại đưa ra câu nói: “ở Thái Lan mà các vị tụ tập ngồi hát như thế này là bị cảnh sát đánh đập và bắt đi rồi”, thì tôi không biết cái bằng thạc sỹ ở trường Đại học Mỹ nó đã đào tạo cho anh những gì? Hay là vì khi anh tự đặt mình vào cái gọi là “cơ chế” trong hệ thống Thành Đoàn nó đã cho anh mất đi lý trí và tri thức???
Có thể đối với những lời nói thì chúng ta còn dễ dàng bỏ qua cho nhau, vì đôi khi đó là sự vô tình “buột miệng” vì nó phụ thuộc vào hoàn cảnh, thái độ và lý trí trong tình huống đó. Nhưng đối với hành động của anh trong buổi phổ biến về nhân quyền ngày hôm nay thì thể hiện rất rõ bản chất con người của anh, vì nó đã trải qua một quá trình toan tính và chuẩn bị chu đáo.
Khi người phụ nữ tặng anh một bản Tuyên ngôn Phổ quát Nhân quyền và mời anh nói chuyện với một thái độ rất nhã nhặn và lịch sự, thế mà anh đã hành xử theo một kẻ cướp giật đúng nghĩa, bằng cách xô ngã một phụ nữ này để giật trên tay của người khác, rồi bị níu áo nhưng đã bỏ chạy thoát thân được nhờ vào sự cản địa của “đồng bọn”.
Khi xem video từ giây thứ 35 đến lúc anh bỏ chạy, tôi cũng không thể hình dung nổi đó là cách hành xử một con người có học vị Thạc sỹ Mỹ.
Tặng một bản thì không lấy mà đi cướp toàn bộ, mời nói chuyện về quyền con người thì không tham gia mà cứ đi “lè nhè” trên miệng của người khác, thì bây giờ để nói về anh thì tôi cho rằng tôi đã từng sai khi đánh giá về anh.
Và cũng không biết trùng hợp thế nào, mà tôi đã thấy anh cùng một số người “lẽo đẽo” theo những người tổ chức sự kiện này về đến chỗ nhà thờ của Dòng Chúa cứu thế.
Chiếc áo vàng của anh ngày hôm đó quá nổi bật, mà anh lại quá trắng trẻo, với cặp mắt kiếng đặc thù của những người tri thức, nên dù anh cố lẫn vào cánh xe ôm đứng ngay góc ngã 3 đường Kỳ Đồng-Nguyễn Thông thì không chỉ tôi, mà bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận ra anh thôi, phải không anh Nguyễn Tuấn Anh?
Lúc đó tôi định vác máy ra ghi lại cảnh người Thạc sỹ- Cán bộ Ban Tuyên giáo Thành Đoàn “tập làm xe ôm”, nhưng nghĩ lại rồi thôi, vì tôi cũng nên tôn trọng “nhiệm vụ” của anh, và vì công việc của tôi không phải đi làm cái việc lẽo đẽo đi theo người khác, để ngăn cản công việc họ đang làm.
Đừng trách người quay phim cho đoạn Video này, hãy trách chính mình đã thiếu sự trong sáng và lương tri dẫn dắt khi đi làm những công việc này.
Hy vọng anh sẽ rút ra bài học này nếu muốn thăng tiến trên sự nghiệp chính trị mà anh đang theo đuổi.
Cùi Các
Đồng Phụng Việt - Chuyện nhỏ và chuyện lớn
Với mình, chuyện một cán bộ Thành Đoàn giựt xấp Tuyên ngôn Nhân quyền trên tay một cô gái đang quảng bá các tiêu chí của nhân loại về quyền con người là chuyện nhỏ.
Chuyện lớn là chính quyền Việt Nam đã tìm đủ cách để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà lại chỉ có thể nghĩ ra, rồi tổ chức những hoạt động ngăn chặn như vậy mới là chuyện lớn.
Chuyện lớn nằm ở chỗ mà cha, anh của cậu thanh niên đó vẫn thường hay nói: “tâm” và “tầm”. “Tâm” như thế và “tầm” chỉ ở mức như vậy thì làm sao “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” mãi được (?). Người ta gọi như thế là “qúa phận” đấy!
***
Với mình, chuyện cậu thanh niên giựt xấp Tuyên ngôn Nhân quyền đã từng du học ở Mỹ là chuyện nhỏ.
Học ở đâu, đã thủ đắc những bằng cấp loại nào cũng là chuyện nhỏ. Đâu phải cứ có học, có bằng cấp là thành nhân.
Nhận thức sống để làm gì và sống như thế nào hình như mới là chuyện lớn.
Lịch sử xứ nào, thời nào cũng có không ít kẻ đỗ đạt cao nhưng thiên hạ và hậu thế gọi là “ngu trung”. Dù sao thì tận trung với bạo chúa, phò bạo quyền cũng thuộc phạm trù “tự do lựa chọn”.
Chỉ muốn nhắc cậu thanh niên đó và những người bạn của cậu ta rằng “tự do lựa chọn” luôn đi kèm với “tự chịu trách nhiệm”, mà trách nhiệm do tận trung với bạo chúa, phò bạo quyền thì xem lại lịch sử đi. Nó nặng nề lắm, liệu có gánh nổi chăng?
Với mình, chuyện cậu cán bộ Thành Đòan nói gì sau sự kiện cậu ta giựt xấp Tuyên ngôn Nhân quyền trên tay một cô gái đang quảng bá các tiêu chí của nhân loại về quyền con người là chuyện nhỏ.
Chuyện lớn nằm ở chỗ “tai mắt nhân dân”. Có thời, cha, anh của cậu ta hay nói, họ làm được chuyện này, ngăn chặn được chuyện kia là nhờ “tai mắt nhân dân”.
Khoan bàn chuyện cha, anh của cậu ta nói thiệt hay nói dóc, chỉ nhìn mỗi sự kiện cậu ta tạo ra thì thấy “tai, mắt nhân dân” hướng vào ai, ủng hộ và chống cái gì.
Tuy đã “ngụy trang” như “quần chúng tự phát” nhưng cậu ta không thể lọt qua “tai mắt nhân dân”.
Nếu bảo vệ đảng, bảo vệ chính quyền thật sự là bảo vệ chính nghĩa, được “đại đa số nhân dân ủng hộ, đồng tình” thì việc gì phải cải trang, phải che giấu diện mạo, lai lịch, rồi lấy ghế, lấy tay che chắn, thậm chí bỏ chạy lúc bị chụp hình, không dám đeo bảng tên dù “thi hành công vụ”. Khi hiện tượng này phổ biến đến mức trở thành lối hành xử chung của những thành viên trong lục lượng đảm nhận vai trò “bảo vệ chế độ” thì vì lý do nào đó mà muốn tỏ ra mẫn cán, cũng nên ngồi ngẫm lại. Thượng cấp không phải nhân dân và nhân dân bao gồm cả thân nhân, thầy cô, bạn bè, hàng xóm, người quen...
Nên khắc cốt, ghi tâm yếu tố “tai mắt nhân dân”, ngẫm nghĩ rồi hãy hành xử các bạn à!
Vài dòng cùng chú thạc sĩ trẻ…
Đỗ Trung Quân
10-12-2013
.. .Lẽ ra báo Tuổi Trẻ của Đoàn thanh niên CS phải đưa tin biểu dương hành động rất không thạc sĩ mà là cướp giựt của cháu khi cướp trên tay tờ giấy truyền bá về nhân quyền của cô gái An Đỗ Nguyễn rồi bỏ chạy như kẻ cắp.[ nếu cháu không cho mình là kẻ cắp để bỏ chạy thì tôi gọi kẻ cướp vậy,tôi nghe nói cháu du học ở Úc , Hoa Kỳ lấy bằng Thạc sĩ về ] Trí thức thế thì uổng cơm áo cha mẹ quá. Những người trẻ tuổi cùng thế hệ với cháu ấy đang làm thay cho nhà nước việc truyền bá nhân quyền , cái mà Việt Nam vừa được Liên Hiệp Quốc cho gia nhập như một lời khích lệ cho một đất nước triền miên đau khổ chưa từng được sống cho ra cái giống người dù đã có độc lập từ 1945.
Cháu không tham gia góp sức cùng họ thì thôi, nhưng hành xử như du côn,vô học ấy thì đáng xấu hổ vô cùng cháu ạ. Mai kia mốt nọ nếu cháu lỡ vì điều gì đó bị xâm phạm quyền con người từ chính cái nhà nước này [ Đảng quyền, Đoàn quyền không phải là Nhân quyền nhé ] khi ấy cháu mới thấm thía hành động ngu xuẩn của mình hôm nay. Ai sẽ lên tiếng bảo vệ cháu ngoài những con người bị cháu cướp giật tờ giấy ấy hôm nay?
Bằng tuổi cháu tôi làm gì chắc không cần kể ở đây, nó cũng cũ xì rồi tôi chỉ nói bằng tuổi cháu, không có cơ may ra nước ngoài học hành như cháu những người bạn đồng lứa của cháu vẫn biết lẽ phải, vẫn yêu đất nước mình và can đảm hơn cả là không sợ cường quyền. Nhìn họ xanh xao , gầy yếu hơn cháu nhiều nhưng lòng tự trọng, nhân cách,tri thức của họ tôi cam kết họ bỏ xa cháu đấy.
Thế hệ tôi tự biết nên lùi ra cho thế hệ trẻ quyết định tương lai của xứ sở.
Nhưng nhìn những thanh niên trí thức như cháu thì tôi lại hỡi ôi !
Nhưng đất nước này vẫn còn may mắn.
Không chỉ có đám thanh niên như cháu, giống cháu.
Vô cùng may mắn !
Đỗ Trung Quân
08-12-2013
Hùng Tâm - Trung Quốc kể chuyện Liên Xô
Hùng Tâm/Người Việt -
Bắc Kinh cho học tập lại về nguyên nhân tan rã: chỉ vì Gorbachev - và Mỹ
Liên Bang Xô Viết ra đời khi chế độ quân chủ của các Sa Hoàng chấm dứt từ cuộc cách mạng mùa Xuân năm 1917, tiếp theo là cuộc đảo chánh của đảng cộng sản vào mùa Thu 1917 để Lenin cướp chính quyền từ chế độ dân chủ non yếu vừa thành hình. Về sau, cuộc đảo chánh được gọi là “Cách Mạng Tháng Mười” - Tháng Mười Một theo lịch Gregorian của Tây phương.
Liên Xô tan rã từ cuộc đảo chánh hụt của phe bảo thủ cùng một số tướng lãnh vào Tháng Tám năm 1991, tiếp theo là hàng loạt quyết định giành lại độc lập của các nước Cộng Hòa, trước hết là nước Nga, khiến Mikhail Gorbachev giải tán cơ chế liên bang thống nhất và từ chức vào ngày Giáng Sinh, 25 Tháng Mười Hai năm 1991.
Nguyên nhân sâu xa của sự tan rã có thể nằm trong nhược điểm nội tại của chủ nghĩa cộng sản hơn là do nỗ lực cứu vãn bất thành của Gorbachev. Ngày nay, lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc phải giải quyết vấn đề lý luận đó. Họ mở chiến dịch học tập cho các đảng viên cao cấp để trút tội lên đầu Gorbachev, hầu cứu vãn chủ nghĩa cộng sản. Hồ Sơ Người Việt sẽ tìm hiểu chuyện này.
Quay lại phim cũ với nội dung mới
Vương Kỳ Sơn là nhân vật lãnh đạo quen biết tại Bắc Kinh từ khi còn là phó thủ tướng cho Ôn Gia Bảo, đặc trách về kinh tế, năng lượng và ngoại giao và cầm đầu phái đoàn Trung Quốc tại các cuộc họp với Hoa Kỳ trong khuôn khổ hội nghị đối tác về kinh tế và chiến lược Mỹ-Hoa. Sau Ðại Hội 18 năm ngoái, ông được vào Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị và cầm đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Kỷ Ủy). Dù vậy, ông vẫn được dư luận Tây phương đánh giá là một nhân vật thực tiễn cởi mở, chứ không đến nỗi bảo thủ.
Khi cầm đầu Trung Kỷ Ủy để thanh lọc các đảng viên biến chất, Vương Kỳ Sơn có nhắc đến một nhà tư tưởng Pháp là Alexis de Tocqueville và cuốn
“Cựu Chế Ðộ dữ Ðại Cách Mạng” (l'Ancien Régime et la Révolution): Cách Mạng Pháp bùng nổ năm 1789 vì chế độ cũ đã thay đổi và cuộc sống người dân đã cải tiến. Chính là sự cải tiến đó mới làm chế độ sụp đổ.
Lãnh đạo Trung Quốc thuộc thế hệ thứ năm vừa lên cầm quyền sau Ðại Hội 18 cách nay một năm rất ý thức về lời cảnh báo đó. Họ nhìn vào một biến cố gần hơn, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Chính là nỗ lực cải cách của Mikhail Gorbachev sau khi lên làm tổng bí thư từ năm 1985 mới dẫn đến tan rã. Tổng Bí Thư đảng kiêm Chủ Tịch Nhà Nước Tập Cận Bình thường xuyên nhắc nhở các đảng viên cao cấp về sự thể này. Ở bên dưới, nhiều tay lý luận ra sức giải thích như vậy.
Gần đây, bí thư đảng bộ Giang Tô là La Chí Quân đã yêu cầu các đảng viên dưới quyền tổ chức học tập và xem lại một bộ phim tài liệu trường thiên gồm có sáu phần về sự sụp đổ của Liên Xô.
Có tựa đề là “Kỷ niệm 20 năm về cái chết của đảng và nhà nước Xô Viết - theo sự ghi nhận của Nga,” bộ phim được hoàn thành từ năm 2006, được bổ túc bằng một cuốn sách vào năm 2008 rồi cập nhật vào năm 2011. Tác giả là cựu Thiếu Tướng Lý Thần Minh, xưa kia là sĩ quan tùy viên của Vương Chấn, một trong “Bát Ðại Nguyên Lão,” tám lão đồng chí của Mao Trạch Ðông vào thời Cách Mạng.
Là phó chủ nhiệm Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, phụ trách nghiên cứu về Xã Hội Chủ Nghĩa Thế Giới, Lý Thần Minh coi Stalin và Mao Trạch Ðông là thần tượng, và không che giấu quan điểm cực kỳ bảo thủ của mình.
Tài liệu học tập do Lý Thần Minh thực hiện đã trình bày lại sự huy hoàng sáng láng của Liên Xô rồi chuyển ngay vào những bất ổn trong nội tình Xô Viết từ 1990, điểm xuyết bằng lời ta thán của các đảng viên Cộng Sản Nga. Kết luận của bộ phim được Bí Thư Giang Tô nhấn mạnh cho các đảng viên ở địa phương: “Liên Bang Xô Viết không sụp đổ vì những nhược điểm nội tại của hệ thống cộng sản mà do sự phản bội của một số cá nhân. Ðứng đầu là Mikhail Gorbachev.”
Không chỉ có Giang Tô mới tổ chức học tập như vậy. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, các đảng viên cao cấp ở mọi nơi đều đang đi vào chiến dịch xét lại lịch sử và nguyên nhân tan rã của Liên Xô. Với họ, kẻ có tội nặng nhất là Gorbachev. Nhưng họ không chỉ có một cuốn phim tài liệu, một tay lý luận thủ cựu gốc quân đội và một thủ phạm là Gorbachev.
Tội phạm là Hoa Kỳ và “diễn biến hòa bình”
Lưu Á Châu là một Thiếu tướng được giới quan sát Tây phương chú ý từ nhiều năm nay.
Là con trai một sĩ quan cao cấp thời cách mạng và con rể của Phó Thủ Tướng Lý Tiên Niệm (một nhân vật khác trong “Bát Ðại Nguyên Lão”), Lưu Á Châu thuộc thành phần “Thái Tử Ðảng” và là người dám nói. Các nhà quan sát Tây phương đánh giá họ Lưu là có tinh thần cải cách khi còn là phó chính ủy Không Quân và viết bài kêu gọi Trung Quốc phải cải cách, nếu không thì sẽ chết như Liên Xô vì những nhược điểm nằm trong hệ thống Xô Viết.
Họ Lưu còn bạo phổi nói rõ từ năm 2011 là phải cái cách theo khuôn mẫu Hoa Kỳ: “Sức mạnh của Mỹ không nằm tại Wall Street hay thung lũng điện tử mà nằm trong hệ thống pháp quyền kỳ cựu. Hệ thống Mỹ là do các bậc thiên tài lập ra cho người ngu áp dụng.”
Trước loại nhận xét táo bạo như vậy, giới bình luận Tây phương đánh giá Lưu Á Châu rất cao. Sau đó, Tướng Lưu Á Châu được thăng chức là chính ủy Ðại Học Quốc Phòng, trường Võ Bị có uy tín nhất của quân đội. Và cũng đóng góp về điện ảnh như tướng Lý Thần Minh, với nội dung tương tự, đó là cuốn phim “Ngấm Ngầm Tranh Ðua.”
Dài 92 phút, cuốn phim xuất hiện từ Tháng Mười vừa qua dưới nhãn hiệu là của “Sở Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế” (Trung Quốc Quốc tế Vấn đề Nghiên cứu sở) thuộc Bộ Ngoại Giao. Thật ra như phần cước chú cuối phim có giải thích, đây là tác phẩm của Ðại Học Quốc Phòng do Lưu Á Châu biên đạo cùng Chỉ Huy Trưởng Vương Thiện Bân. Gần đây, khi Phó Tổng Thống Joe Biden thăm Trung Quốc, lãnh đạo Bắc Kinh kín đáo tạm ngưng việc phổ biến cuốn phim, nhưng chỉ tạm ngưng thôi, để tránh gây thêm hiềm khích với Mỹ.
Sự thật thì đây là tài liệu phổ biến trong giới quân sự rồi trở thành tư liệu học tập cho các đảng viên cao cấp. Lý luận và hình ảnh của cuốn phim nói rõ về cuộc tranh đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và vạch ra âm mưu “diễn biến hòa bình” của nước Mỹ khi Hoa Kỳ đề cao những giá trị phổ cập của Tây phương như tự do dân chủ nhân quyền.
Tức là từ vài năm nay, một tay lý luận có ảnh hưởng như Lưu Á Châu cũng đã xét lại lịch sử và ngả theo quan điểm của lãnh đạo ở trên, chẳng khác gì nhiều tướng lãnh bảo thủ trong quân đội. Với thành phần này, Tập Cận Bình xây dựng được một hệ thống phòng thủ trên thượng tầng...
“Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia” - với màu sắc Trung Quốc
Sau khi lên lãnh đạo từ Ðại hội 18 vào Tháng Mười Một năm ngoái, Tập Cận Bình mau chóng thâu tóm quyền lực còn nhanh hơn hai người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân (1992-2002) và Hồ Cẩm Ðào (2003-2012) để thành người có nhiều quyền thế gần như Ðặng Tiểu Bình ngày xưa. Sau Hội nghị kỳ 3 của Ban Chấp Hành Trung Ương vào tháng trước, Tập Cận Bình thông báo một nỗ lực cải cách rộng lớn và sâu xa. Nhưng kèm theo là việc thành lập một Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia có tên gọi tương tự như ban tham mưu về an ninh của tổng thống Mỹ và cơ chế bảo vệ an ninh của Liên Xô, là bộ phận KGB.
Thành phần trí thức và học giả trong đảng thì suy luận rằng Tập Cận Bình có thấy ra nhiều vấn đề của Trung Quốc cũng tương tự như của Liên Xô vào cuối thời Leonid Brezhnev. Cho nên ông muốn củng cố hệ thống an ninh như Tổng Bí Thư Yuri Andropov, một tay trùm mật vụ của KGB, lên lãnh đạo từ năm 1982. Mục tiêu trước tiên là thanh trừng các đảng viên biến chất nhưng là để chuyển hướng. Tập Cận Bình lập ra Hội Ðồng An Ninh nhằm đáp ứng yêu cầu đó, với Vương Kỳ Sơn sẽ thi hành việc thanh lọc. Như vậy, với các phần tử trí thức trong đảng, việc tăng cường an ninh của Tập Cận Bình là để chấn chỉnh nội bộ và đẩy lui nguy cơ động loạn xã hội.
Ðấy chỉ là mục tiêu giai đoạn cho một kế hoạch cải cách lâu dài và toàn diện hơn, dưới khẩu hiệu “thấm hóa cải cách.” Tuy nhiên thành phần trí thức này có thể đã quá lạc quan.
Họ lạc quan về chủ đích của Tập Cận Bình khi so sánh ông ta với Andropov, thượng cấp và là người cất nhắc Gorbachev sau này. Họ còn lạc quan hơn nữa khi nghĩ rằng Tập Cận Bình có thể chuyển hướng thành công: lách qua bên hữu với lý luận bảo thủ là để sẽ chuyển qua bên tả với nỗ lực cải cách sau khi thống nhất được ý chí trong đảng.
Sự thật thì tình hình Trung Quốc có thể đã nguy ngập hơn, với những thay đổi và rủi ro không thể so sánh với Liên Xô thời trước. Hoặc sự thật là Tập Cận Bình hiểu ra bài toán nan giải của Andropov và Gorbachev với hậu quả tai hại của một “cái bẫy” mà de Tocqueville nói tới. Chính là việc cải thiện cuộc sống của người dân mới khiến chế độ sụp đổ. Mùa Xuân Á Rập và nỗ lực cải cách tại Egypt và Libya mới khiến Hosni Mubarack bị lật đổ, và Muammar Ghaddafi bị hạ sát! Giới trí thức trong quân đội suy nghĩ khác với các phần tử thí thức mong muốn đổi mới trong đảng.
Các tướng lãnh đều hiểu rằng cuộc thi đua võ trang thời Ronald Reagan đã khiến Liên Xô thời Gorbachev hụt hơi mà tan rã. Họ quy tội cho Gorbachev để tìm lối thoát về lý luận cho lãnh đạo. Họ cũng nghĩ rằng vì Ghaddafi muốn chuyển hướng sau cuộc chiến Iraq của George W. Bush năm 2003, bằng cách hủy bỏ hệ thống chế tạo võ khí tàn sát và bom hạch tâm, nên mới bị Hoa Kỳ thời Barack Obama tấn công và tiêu diệt.
Họ gọi đó là “diễn biến hòa bình,” một âm mưu thâm độc của Mỹ.
Việc các đảng viên cao cấp của Trung Quốc đang được học tập về lý luận này không chỉ phản ảnh vai trò của các tướng lãnh bảo thủ. Nó còn cho thấy ý hướng thật của Tập Cận Bình: nhất quyết không cải tổ về chính trị mà còn tăng cường vai trò của một đảng độc quyền.
Kết luận ở đây là gì?
Lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra nhiều khó khăn hơn là những gì họ công nhận, hay những gì mà thế giới bên ngoài biết được. Những khó khăn đó khiến họ hồi tưởng lại kinh nghiệm của Liên Xô thời Gorbachev.
Và họ lấy quyết định củng cố chế độ độc đảng chứ không dại dột cải sửa như Gorbachev.
Những người lãnh đạo Hà Nội cũng thế. Họ không thể công nhận nhược điểm sâu xa của chủ nghĩa cộng sản và chế độ độc đảng. Cho đến khi quá trễ.
Bùi Văn Bồng - Ở đâu cũng có nỗi sợ!
Bùi Văn Bồng -
Người Việt hiện nay rất dễ bị stress vì chỗ nào cũng đầy sự sợ hãi, đủ kiểu phát sợ. Sau thắng cuộc 1975, Việt Nam nổi tiếng trên thế giới là dân tộc anh hùng, một dân tộc kiên cường gan góc chống giặc ngoại xâm, một dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn, đã mấy nghìn năm không bao giờ chịu khuất phục trước mọi thế lực ngoại bang xâm lược, thôn tính.
Thế nhưng, hiện nay cả dân tộc đang đặt trước nhiều nỗi sợ, thậm chí bạn bè quốc tế còn đánh giá là hèn kém. Trước hết, người dân cả nước đã thấm đậm hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, nay rất yêu chuộng hòa bình, và dĩ nhiên sợ chiến tranh. Chiến tranh đối với dân tộc Việt Nam là nỗi đau, dày đắp hy sinh xương máu hết đời này sang đời khác. Nay tuy đã 25 năm lặng tiếng súng kể từ sau hải chiến Trường Sa (1988), nhưng đất nước vẫn chưa có hòa bình. Nguy cơ chiến tranh vẫn rình rập cận kề.
Rõ nhất là những ẩn chứa tiềm tàng những nguy cơ bùng phát chiến tranh biển-đảo, biên giới. Vì thế, nối sợ chiến tranh, nỗi sợ mất đi cuộc sống hòa bình cứ thường trực ngày đêm, canh cánh không yên lòng dân Việt.
Đó là nỗi sợ lớn nhất. Về giới lãnh đạo, đảng cầm quyền đang rất sợ Đảng Cộng sản bị tiêu vong, và đã rõ những nguy cơ tiêu vong cận kề. Nguy cơ này, gần đây đã liên tục được báo động trong các nghị quyết, các hội nghị của Đảng. Đảng càng sợ mất Đảng, lại càng ra sức cảnh giác, đề phòng với những gì bị coi là nguy cơ làm mất đi vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì thế, từ Ủy viên Bộ Chính trị, các Ủy viên Trung ương, đến đảng viên thường đều sợ mất Đảng, nhiều người đã tin là khó giữ được sự “tồn”, mà hiện trạng thế này rồi thì tình huống “vong” của Đảng xảy ra bất cứ lúc nào. Một đảng mà "một bộ phận không nhỏ lãnh đạo có chức có quyền suy thoái, biến chất" thì còn đâu sức sống? Tồn tại càng lâu thì tác hại đến xã hội càng lớn, chưa nói đến sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo xã hội! Lãnh đạo cũng rất "đề cao cảnh giác", sợ nhân dân biểu tình chống tham nhũng, đòi quyền lợi hợp pháp, đòi công bằng xã hội, đòi quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Họ gọi những người dân đấu tranh đòi công lý, đòi quyền ldân chủ là "đối tượng", là "thế lực thù địch"...
Suy cho cùng, nhất là sau Hội nghị Thành Đô 1990, Đảng ta cứ liên tục đưa ra, có khi hô toáng lên nào là “diễn biến hòa bình”, nào là “thế lực thù địch”, nào là “ý chí phục thù bên thua cuộc”, nào là mầm mống phản động”, nào là phong trào dân chủ tự phát, đòi “đa nguyên đa đảng”…Nghĩa là, Đảng ta không yên tâm, toàn ý cầm quyền, mà lúc nào cũng sợ kẻ nào đó giật mất quyền của mình. Nhưng, gần đây, những tiếng nói trung thực đã ít bị ruồng ép, khó bịt mồm, không dễ ngăn chặn, buộc phải công nhận. Đó là những đánh giá, nhận định, kết luận: Không ai phá, không có ‘diễn biến hòa bình”, “thế lực thù địch” nào khác, mà nguyên nhân chính là Đảng ta đã tự pha sbanh chính mình, từ trong nội bộ đã “tự diễn biến”, nghĩa là người cộng sản tự đào hố chôn mình! Phân tích cho rõ: “Diễn biến hòa bình” là sự mắc mưu Trung Quốc, họ muốn độc tôn với Việt Nam, muốn chính phục, chi phối Việt Nam từ chính trị đến đối ngoại, từ kinh tế đến van hóa-xã hội. Nghĩa là sự thôn tính thông qua cái gọi là “trỗi dậy hòa bình”, là thủ đoạn thâm độc của “xâm lược mềm”, chinh phục, thôn tính không cần chiến tranh.
Vì thế, cái đích cần đạt tới của Trung Quốc trong chiêu bài ‘diễn biến hòa bình” là Việt Nam không được (tùy tiện) hòa hợp dân tộc, phải ghi hận thù với Mỹ và các nước phương Tây, cấm được “Âu hóa”, phương Đông ta chỉ nên tin và ‘chơi’ với phương Đông thôi; rằng tư bản là xấu, phương Tây là xấu và ác, chỉ có Trung Quốc là tin cậy, phải dựa vào Trung Quốc, phải nghe lời Trung Quốc, khi “ông anh” nói gì đều phải nghe…Rằng: Việt Nam phải hết sức cảnh giác, Mỹ, phương tây, cả Nga và các nước Đông Âu cũng không tốt, họ đang “diễn biến hòa bình” thâm độc, nguy hiểm, phải luôn luôn cảnh giác với họ. Nhất là số Việt kiểu ở Mỹ, thế lực hải ngoại thua cuộc từ 1975 đang rắp tâm đấy, Việt Nam cần cảnh giác…
Đó là nỗi sợ mà Đảng ta đã gói chặt ôm về “gối đầu giường” từ sau Hội nghị Thành Đô, như một thứ bùa mê thuốc lú đã ngấm sâu vào thần kinh và nội tạng. Rồi sau đó lại sang tàu “ẵm về” 16 chữ vàng, 4 tốt, để mê muội, lú lẩn thêm, để bám Trung Quốc chặt hơn, chẳng khác nào Bạch Cốt Tinh hóa cô nằng xinh đẹp hút hồn thấy trò Đường Tăng vậy. Như thế, các vị, các cấp lãnh đạo và hơn 3,6 triệu đảng viên phải biết sợ chính mình trước khi sợ mất Đảng!
Đối với người dân: Nỗi sợ thường trực, do sự chuyển hóa rất siêu nghệ của “chuyên chính vô sản”, từ chỗ (theo lý luận cách mạng Mác-xít) là chuyên chính với kẻ thù, dân chủ với nhân dân, bỗng quay sang “chuyên chính với nhân dân”, chuyên chính vơi sngay nền dân chủ mà Đảng vẫn tự khoe là “ưu việt”, là “dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản”…Đã có quyền trong tay, thế lực đầy mình, lực lượng bảo vệ Đảngngày càng đông đảo, được chính quy hóa, nhất là công an, thanh bảo kiếm trung thành bảo vệ Đảng, ai mà không ngán? Dù bài hát ca ngợi chiến sĩ công an có đủ bộ 3: “Vì an ninh Tổ quốc ta đi / được mang danh thanh bảo kiếm trung thành / bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ tươi đẹp…”. Nhưng rồi lãnh đạo, chỉ huy, huấn luyện, giáo dục lực lượng công an rất tài. Chỉ thấy bảo vệ Đảng, không thấy bảo vệ nhân dân, và cũng qua đó mất đi ý nghĩa “chế độ tươi đẹp”. Chế độ cho ai, ai được hưởng, khi người dân thấy bóng, hoặc mới nghe nói đến công an là mỗi người đều có “phản xạ thường trực” phải cảnh giác, được yên thân là hơn hết?
Một xã hội thời văn minh, hiện đại, thời toàn cầu hóa mà như bị co lại trong vỏ ốc, nhiều biểu hiện lạc hậu hơn cả thời phong kiến: Lãnh đạo sợ giặc thù, sợ "mất ổn định"; sợ không qua "nhiệm kỳ"; người dân sợ chính quyền, công an, sợ kẻ cướp, sợ côn đồ, xã hộ đen. Xem ra, từ lãnh đạo đến người dân, sợ quá hóa yếu, sinh hèn, bất cần, nhu nhược, không còn đâu chí khí, bản lĩnh, truyền thống Việt. Và do vậy, khối đại đoàn kết dân tộc bị vữa ra, tan loãng vô hiệu hóa. Đó là nguy cơ mất nước!
Trong kháng chiến, Đảng kêu gọi lòng yêu nước, thi đua yêu nước, toàn dân đánh giặc, nuôi chí anh hùng; nhưng trong hòa bình, Đảng lại xem nhẹ, coi thường lòng yêu nước, làm nhụt chí anh hùng, xóa nhòa niềm tự hào dân tộc. Mọi nỗ lực dân chủ đều bị khoanh hẹp, thậm chí triệt tiêu, quyền lực của dân bị chặt hết, đồng tiền có quyền lực tối cao, chức quyền ra sức thống trị; cả bộ máy quyền hành trở thành nỗi ngán ngại, sợ sệt đối với người dân. Trong kháng chiến, cán bộ được người dân hy sinh cả tính mạng, của cải để bảo vệ; nhưng hòa bình rồi thì đảng không bảo vệ dân, còn ức hiếp dân, thậm chí nặng về quan liêu, mệnh lênh: "bảo cái gì dân cũng phải nghe". Nếu sợ nguy cơ tồn vong của Đảng, của chế độ cần nhận diện và thấu suốt thực trạng đáng lo ngại ấy!
Người dân trong một nước được mang danh rất kêu là “nhà nước dân chủ, của dân, do dân, vì dân”, một nước đã “tự do, độc lập” mà người dân không được hưởng quyền lợi gì, đụng đến một chút gì làm chính quyền phật ý là bị ghi sổ đen, bị theo dõi, bị bắt giam, bị quy chụp thành tội rồi tống giam, bất cần công ký, bỏ qua mọi thứ pháp luật.
Dân chủ ở đâu, khi nghe đài, đọc báo, mở mạng Internet, thậm chí cả khi chuyện vui, chuyện phiếm bàn trà, quán nhậu, bất kỳ nơi đâu đều bị theo dõi, bị cấm đoán, bị “quy vào” hết chuyện này đến tội danh tội trạng khác? Nói cái gì cũng phải nhìn trước ngó sau, tự biết canh chừng, sợ “ếch chết vì ộp ộp” thì đó là quyền gì? Nỗi sợ thường trực ngày đêm của mọi công dân, kể cả trí thức, nhà báo, đảng viên đến mức mát hẳn quyền con người, ăn không ngon, ngủ không yên là do ai gây nên? Do quan điểm của Đảng bị đánh tráo, tư tưởng bị lọi dụng, bẻ cong?
Lại nữa, dù rất phi lý: Nhà báo sợ viết sự thật, người nghèo sợ kẻ sẵn tiền, chính quyền sợ đại gia, người già sợ con nít, người dân sợ công an, công an sợ côn đồ, dân lành sợ lưu manh, làm ăn sợ đánh thuế, mua hàng sợ hàng gian hàng giả, ăn uống sợ độc hại, sợ nắc bệnh ung thư. Rồi nữa: Đảng viên sợ 19 điều cấm; đi bộ đội sợ hy sinh không được công nhận liệt sĩ, mộ chí không ai thắp hương đặt hoa tưởng niệm; người lao động sợ mất việc, học nghề sợ thất nghiệp, ra chợ sợ giá cả, ốm đau sợ không đủ tiền mua thuốc
Những cái tưởng như “chuyện vặt” sinh hoạt thường ngày mà cũng khiến người ta sợ đến phát điên: Có của sợ mất cắp, ra đường sợ tai nạn, sợ đóng phí này kia, sợ không phải “xe chính chủ”, đi học sợ đóng tiền, không biết lót tay thầy thì ở lại lớp, đi viện sợ bác sĩ bỏ chết, xác chết sợ cấm đoán không cho con cháu nhìn mặt… Cứ như thế, nỗi sợ này kéo theo, dính chùm cùng nhiều nỗi sợ ập đến, mọi nỗi sợ nối tiếp nhau như những con cờ đô-mi-nô. Vậy thì tất cả do chế độ chính trị, do đường lối, chính sách, cách thức quản lý, điều hành nào gây nên?…? Dấu chân Việt Nam chẳng lẽ (vì thế) nhạt nhòa dần: … Tình chưa yên vui, bên sóng đời cuồng nộ / Chợt đêm chia phôi, ngăn cách một đại dương / Từng dài âu lo, từng quen đợi chờ. / Mộng thật cam go / Miễn là mai niềm đau thành nụ cười (Trầm Tử Thiêng). Tình người, tình đời, sao cứ làm cho nhau sợ,… "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau" (Trịnh Công Sơn).
Ôi, một xã hội mà từ vị lãnh đạo, từ ‘vua” đến dân, ai cũng canh cánh nỗi sợ, thì sao có thể gọi là tốt đẹp, là "ưu việt"? Làm sao mà phát triển được đất nước sánh vai với các nước? Cho nên, với hiện trạng này, câu kết trong các Nghị quyết Đại hội Đảng mà nhiệm kỳ nào cũng ‘bổ cũ soạn lai’ đọc đến phát ngán: “Phấn đấu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” nay đã chứng minh chỉ là khẩu hiệu cửa miệng nhàm chán, vô nghĩa mà thôi.
BVB
Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013
Hà Giang - Có phải dân Thái thích đảo chánh?
Hà Giang/Người Việt -
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan bước qua một khúc quanh mới, khi Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, sáng thứ Hai, giải tán Quốc hội, và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm. Nhưng lãnh đạo phe biểu tình nhất định dùng cuộc xuống đường vĩ đại, ước tính khoảng 150,000 người, để tạo áp lực, đòi lập ngay một chính phủ mới.
Khoảng 150,000 người biểu tình tụ họp tại trước tòa nhà chính phủ ở Bangkok hôm 9 tháng Mười Hai, đỏi Thủ Tướng Yingluck Shinawatra từ chức để lập chính phủ mới. Bà Yingluck giải tán Quốc Hội, đề nghị bầu cử sớm, mong làm dịu tình thế. (Hình: PHILIPPE LOPEZ/AFP/Getty Images)
Ngay sau khi tuyên bố từ chức, ông Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo đảng Dân chủ, cũng là cựu Thủ tướng Thái, phát biểu với báo chí: "Thủ tướng chưa bao giờ tỏ ra có trách nhiệm hay lương tâm.”
Việc toàn thể các thành viên của đảng Dân Chủ, đảng đối lập lớn nhất, đứng về phe người biểu tình hiện đang đòi bà Yingluck từ chức, cho thấy tình hình chính trị của Thái Lan ngày càng trở nên bế tắc.
Quân đội Thái, từng lật đổ Thaksin Shinawatra, anh ruột của Thủ Tướng Yingluck, trong cuộc đảo chính năm 2006, đến giờ vẫn giữ vai trò trung lập, cho biết không muốn tham gia vào tranh chấp này.
Nếu biểu tình dẫn đến đảo chánh, đây sẽ là lần đảo chánh thứ 18 của Thái Lan, kể từ thập niên 1930s. 18 cuộc đảo chánh trong vòng bảy thập niên, so với bất cứ quốc gia nào, cũng là một mức độ quá cao.
Tại sao Thái Lan có một nồng độ đảo chánh cao như vậy? Có phải dân Thái thích đảo chánh?
Một phân hóa sâu xa
Mọi việc bắt đầu vào ngày 24 tháng Mười Một, khi trên 100,000 người xuống đường tại Bangkok, đòi nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra phải lập tức từ chức.
Thủ Tướng Yingluck khá bất ngờ trước biến cố này.
Vài năm đầu trong nhiệm kỳ của bà Yingluck, người đắc cử vẻ vang trong cuộc bầu cử năm 2011, có vẻ an bình. Dưới quyền lãnh đạo của Yingluck, Thái Lan hồi phục từ cuộc khủng hoảng lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm, với tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6.5 phần trăm trong năm 2012.
Nhưng không phải người dân nào cũng hài lòng với chế độ của người nữ thủ tướng đầu tiên của đất Thái.
Tuy bà Yingluck Shinawatra chính thức cầm quyền, nhưng không ai nghĩ rằng vị nữ thủ tướng này cai trị đất nước Thái Lan mà không có bàn tay xen vào, thậm chí điều khiển, của ông anh ruột tỷ phú. Nội các của Yingluck đầy rẫy đồng minh thân cận nhất của Thaksin, thường xuyên truyện trò với Thaksin qua Skype, đồng thời, nhiều nhà lập pháp đảng Puea Thai thường xuyên ra nước ngoài để gặp Thaksin tại nhà riêng của ông ta ở Hồng Kông và Dubai.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra, qua vài năm trị vì yên ổn, có thể đã đánh giá sai tình hình, châm ngòi cho cuộc biểu tình mới nhất này, bằng cách ủng hộ một dự luật ân xá, mà nếu được thông qua, sẽ xóa tan tội tham nhũng của Thaksin, mở đường cho ông anh tỷ phú đầy quyền lực này trở về nước.
Phe đối nghịch gọi dự luật này là một “động thái trắng trợn” nhằm “xóa hết tội lỗi” của Thaksin để đưa ông về nước tìm cách lấy lại quyền lực.
Dự luật cuối cùng bị thất bại ở Thượng Viện, bà thủ tướng xếp xó nó, nhưng đã quá trễ. Hàng trăm ngàn người Thái vẫn tràn ra biểu tình ở các đường phố Bang Kok, đòi hỏi bà Yingluck, mà họ gọi là "phe nhóm của Thaksin" từ chức.
Việc Yingluck ủng hộ dự luật ân xá gây phẫn nộ cho nhiều thành phần dân chúng, vốn sẵn cho rằng Yingluck chỉ là bù nhìn của Thaksin, cũng như tin rằng Thaksin dùng tiền để mua phiếu cho cô em trong cuộc bầu cử năm 2011. Kẻ thù chính trị lâu năm của Thaksin được dịp đang cố gắng tận dụng sự giận dữ của công chúng để nắm quyền kiểm soát.
Thitinan Pongsudhirak, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định:
"Dự luật ân xá thất bại này phản tác dụng. Các phong trào chống Thaksin, dịu đi được một thời gian, được khơi mào trở lại, và mọi dấu hiệu cho thấy sẽ không dừng lại ở đây."
Tình trạng bất ổn này cho thấy một hố sâu chia cách giữa phần lớn người nghèo nông thôn với giới thương lưu thành thị. Phân cách này đã dẫn đến nhiều biến động ở Thái Lan trong những năm gần đây, mặc dù người ở trung tâm cuộc phân hóa, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã không có mặt ở Thái Lan kể từ năm 2008 đến nay.
Trước khi bị quân đội đảo chánh năm 2006, Thaksin là một tỷ phú, tạo được tài sản khổng lồ trong ngành viễn thông vào cuối thập niên 80s và đầu thập niên 90s. Thaksin bị cáo buộc tội thao túng chính sách của chính phủ để tạo lợi thế cho đế chế kinh doanh của mình.
Phe ủng hộ chính quyền Yingluck nói rằng hành động của phe biểu tình làm suy yếu đi nền dân chủ non trẻ của Thái Lan.
Phe ủng hộ biểu tình nói rằng ngay cả khi gia tộc Shinawatra, trên nguyên tắc, có thể nói rằng họ được thắng cử đàng hoàng, thực sự họ đã không đắc cử một cách dân chủ, vì đã dùng tiền mua phiếu.
Hai phiên bản dân chủ khác nhau
Điều đáng nói là cả người biểu tình trên các đường phố Bangkok và chính quyền Thái Lan xin họ thôi đừng chống đối nữa, đều nói mình đứng về phía dân chủ.
Ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế Chulalongkorn, nhận định rằng hai phe "tin vào hai phiên bản dân chủ khác nhau."
"Đó là một cuộc đấu tranh cho linh hồn của dân tộc, cho tương lai của đất nước", ông nói. Một bên muốn "được lắng nghe", trong khi phe người biểu tình "muốn sự hợp pháp của chính quyền bắt nguồn từ căn bản đạo đức. Họ quan niệm là, nếu một bên trích một số tiền, mà do tham nhũng họ mới có được, để mua phiếu của người nghèo, thì đó không phải là dân chủ thật sự.”
Đảng Dân chủ, đã không dành được phiếu của đa số cử tri từ hơn 20 năm nay, bị đảng Pheu Thai và bà Yingluck đánh bại thảm thương trong cuộc bầu cử năm 2011, nói rằng bà thắng cử được là nhờ tiền mua phiếu do Thaksin bỏ ra.
"Không thể gọi đây là một nền dân chủ", Sombat Benjasirimongkol, một người biểu tình đang đứng bên ngoài một bót cảnh sát tuần này khẳng định.
"Chính phủ này là một chế độ độc tài, lên nắm quyền bằng cách mua phiếu. Giới ủng hộ Yingluck là những người nghèo, thất học, thiếu hiểu biết, rất dễ mua phiếu của họ.”
Giáo sư Pavin Chachavalpongpun, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Kyoto, không đồng ý. Ông nói lập luận “dễ mua phiếu của người nghèo” chỉ là một cái cớ phe đối thủ của ông Thaksin sử dụng để giành chính quyền.
Giải thích quan điểm của mình, giáo sư Pavin nói phong trào biểu tình phản đối chính phủ chỉ đơn giản là "một thiểu số từ chối không muốn công nhận kết quả bầu cử.”
“Họ (đảng Dân Chủ) không thể cạnh tranh nổi với Thaksin, không thể thắng cử. Vì vậy, họ đưa ra lý thuyết là người dân quê ít học không biết cách bỏ phiếu. Thực tế là, những người này (người ủng hộ Thaksin) không hề ngu ngốc. Họ có ý thức chính trị."
Thói quen đảo chánh
Giáo sư Nicholas Farrelly, thuộc Đại học Quốc gia Australia có quan điểm là Thái Lan có vẻ nghiện đảo chính, và có thói quen sử dụng những sự can thiệp bên ngoài hiến pháp, để giải quyết xung đột chính trị.
Ông Farrelly nhận định rằng qua nhiều thập niên dựa vào đảo chính “như một biện pháp mặc định” để khôi phục sự ổn định, Thái Lan đã tạo ra một loại "văn hóa đảo chính", trong đó việc lặp đi lặp lại các cuộc đảo chính khiến giới trí thức nước này nghĩ rằng đó là lối thoát duy nhất khi có bế tắc chính trị . Nói một cách khác, càng đảo chính nhiều thì càng mê đảo chính, Farrelly kết luận.
Joshua Kurlantzick, một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á của Council on Foreign Relations, đồng ý với giáo sư Nicholas Farrelly, và đưa ra một số giải thích, chẳng hạn, sở dĩ Thái Lan hay có những cuộc đảo chánh, một phần là vì thặng dư tướng lãnh.
Theo Kurlantzick, so với gần như tất cả quân đội trên thế giới, quân đội Thái Lan có quá nhiều sĩ quan cao cấp không cần thiết cho bộ quốc phòng và cho việc chiến đấu. Mặc dù không có kẻ thù nào, Thái Lan có hơn 1,700 tướng lĩnh và đô đốc, một tỷ lệ quá cao so với quân đội Mỹ.
Theo Kurlantzick, hầu hết các sĩ quan cao cấp của Thái Lan “không có việc làm thực sự.” Sự rảnh rỗi khiến họ nghĩ rằng để có thể đạt được uy tín, tiền bạc, thậm chí cảm thấy mình cần thiết, họ chỉ còn cách can thiệp vào chính trị.
Ngoài việc thặng dư tướng lãnh, vẫn theo phân tích của ông Kurlantzick, Thái Lan có một thể chế phức tạp, không là một chế độ quân chủ tuyệt đối, mà cũng không phải là một chế độ quân chủ lập hiến thực sự.
Không là nền quân chủ lập hiến thật sự là vì, nhà vua, là vua trị vì lâu nhất trên thế giới, qua nhiều thập kỷ, đã tích lũy được quyền hạn cá nhân khổng lồ. Trong một vài trường hợp, chẳng hạn như năm 1973 và năm 1992, nhà vua đã can thiệp trực tiếp vào chính trị để chấm dứt các cuộc biểu tình, cũng như phân xử các vụ tranh chấp lớn. Làm như vậy, có thể ông đã giúp Thái Lan trong ngắn hạn, nhưng lại làm suy yếu sức mạnh của tổ chức chính thức có trách nhiệm giải quyết tranh chấp.
Sự can thiệp của hoàng gia vô hình chung củng cố quan điểm rằng chia rẽ chính trị của Thái Lan chỉ có thể được giải quyết một cách không chính thức, bởi một vị minh quân từ cung điện hoặc một tướng lãnh từ quân đội.
Muốn bỏ được thói quen dựa vào những biện pháp nằm bên ngoài hiến pháp, Joshua Kurlantzick cho rằng mọi phía liên quan phải có những thay đổi.
Trước hết, theo Kurlantzick, ông Suthep Thaugsuban lãnh đạo của Đảng Dân chủ, người đã nhiều lần bác bỏ kết quả bầu cử, và điều động các cuộc biểu tình đầy bạo lực để châm ngòi cho các cuộc đảo chính, sẽ phải chấp nhận tranh cử, và cố gắng để được đắc cử.
Kurlantzick giải thích:
“Dù các biểu tình có thể giúp cho phe đối nghịch đạt mục đích trong thời gian ngắn hạn, liên tục dùng biện pháp này để loại bỏ phe ủng hộ Shinawatra sẽ làm cho Thái Lan suy yếu, mà cũng không giúp cho Đảng Dân chủ ở một vị trí cạnh tranh tốt hơn trong những cuộc bầu cử tới."
"Đảng Dân chủ đã không giành được một cuộc bầu cử quốc gia kể từ đầu những năm 1990 và vì thế cần phải hiểu nhu cầu của giới nghèo, trở nên hấp dẫn hơn với người dân Thái ở nông thôn, nếu muốn giành chiến thắng." Ông nói.
Cung điện cũng phải thay đổi để tiếp tay trong việc phá vỡ văn hóa đảo chính của Thái Lan. Thay đổi trong cung điện hoàng gia của Thái Lan có thể đang diễn tiến. Vị vua tôn kính vừa ăn mừng sinh nhật thứ 86 trong tình trạng sức khỏe suy yếu. Sau khi nhà vua qua đời, người kế nhiệm ông sẽ không có lợi thế của một quyền lực được tích tụ qua nhiều thập niên vận động chính trị, Thái Lan nhờ đó có thể sẽ phát triển thành một chế độ quân chủ lập hiến thực sự, và phải củng cố vai trò của các cơ quan được chính thức được thiết lập để giải quyết tranh chấp, chẳng hạn như tòa án.
Thay đổi quân đội có lẽ sẽ mất nhiều thời gian nhất. Nhưng, Kurlantzick lập luận, nếu ở các nước khác trong khu vực, như Myanmar và Indonesia, nơi quân đội tham gia nhiều hơn vào chính trị, còn có thay đổi được, thì Thái Lan cũng làm được. Giống như Indonesia, chính phủ Thái Lan có thể giảm bớt quân số, nhất là các cấp lãnh đạo, một mặt dùng tiền này đảm bảo lương hưu cho binh sĩ, và bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao của quân đội vào các cơ quan chính phủ khác, để họ khỏi quá rảnh tay, mà trở thành thực sự hữu dụng cho đất nước.
Để xoa dịu tình hình, nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra đã dẹp bỏ tự ái, giải tán quốc hội, đề xướng một cuộc bầu cử sớm. Liệu những điều này có đủ giúp Thái Lan giữ vững nền dân chủ, và rũ bỏ được thói quen đảo chánh?
Thế giới đang chăm chú theo dõi. (H.G.)
Bùi Tín - Con người Người nhất hành tinh
Bùi Tín -
Ông Nelson Mandela sẽ còn sống rất lâu, rất bền bỉ, sống động trong lòng cả loài người trên trái đất này.
![]() |
Nelson Mandela 1918 0 2013 |
Lớn lên trong vùng quê nghèo, mồ côi cha khi lên 9, cậu bé Nelson Mandela sống cuộc đời cơ cực. Giàu ý chí, thông minh, cậu sớm tự nhủ cố gắng tìm hiểu cuộc sống dân mình, hiến mình cho cộng đồng, cho các bộ tộc nước mình đang sống lầm than dưới ách nặng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid.
Đã có nhiều bài viết của các nhà văn hóa, chính khách, nhà báo ca ngợi công lao, thành tích, đạo đức cao quý hiếm có của Mandela. Ca ngợi bao nhiêu cũng không đủ, cũng không thể nói được dù chỉ trong muôn một tầm cao trí tuệ và tâm hồn phóng khoáng của con Người được cả hành tinh quý trọng này.
Vì ở Mandela tập trung đầy đủ tất cả những gì là quý nhất, đẹp nhất ở con Người.
Tình thương đồng bào của ông thật mông mênh không giới hạn. Đọc những cuốn sách ông viết kể lại đời mình, ông thương dân nghèo của bộ tộc ông và các bộ tộc láng giềng, thương dân Nam Phi, cả lục địa châu Phi, rồi cả loài người. Ông thương cả dân nghèo da trắng, da vàng trên hành tinh. Trong tù ông nghiền ngẫm để đi đến từ bỏ dứt khoát con đường vũ trang, bạo lực, tiết kiệm đến mức cao nhất xương máu của con người. Qua tuổi 80, năm 1999, ông dứt khoát từ bỏ quyền lực, dồn sức còn lại cho 2 sự nghiệp giáo dục và y tế, đôn đốc việc xây trường học và trạm y tế rộng khắp, hiểu rõ đó là 2 nguồn hạnh phúc của con người. Tiền lương cao của ông khi làm Tổng thống cũng như khi nghỉ hưu, ông chỉ nhận phần đủ tiêu (chưa đến ¼) còn tất cả sung vào quỹ xây trường và xây trạm y tế cơ sở. Về hưu ông về sống ở làng quê, giản dị, thanh bạch, không dinh cơ, biệt thự gì đặc biệt, luôn lạc quan dù từng bị bệnh lao trong tù và sau này bị bệnh tiền liệt tuyến.
Lòng nhân ái bao la ở con người ấy lại kết hợp với một trí tuệ mẫn tiệp đến kỳ lạ. Ở trong tù mỗi tháng ông gửi ra 2 lá thư xúc tích, thâm thúy, đầy sức sống và sức thuyết phục nhằm gợi ý, chỉ đạo phong trào . Người tù ấy vẫn là lãnh tụ duy nhất , cao nhất của Đại hội Dân tộc Châu Phi (African National Congress), được toàn đảng tin cậy, được chính quyền da trắng phân biệt chủng tộc tôn trọng và cuối cùng phải công nhận là người đối thoại chính thức.
Ngày ra tù 11/2/1990, Mandela nói: “Ra khỏi nhà tù mà còn mang theo thù hận thì coi như vẫn nằm trong tù”.
Đây là nét cao thượng nhất, nét thăng hoa trong nhân cách, trong bản chất Người của Mandela. Ông không căm giận, oán thù gì người da trắng, những kẻ đã kết tội tù chung thân ông, đày ông ra ngoài đảo nhỏ Robben suốt 18 năm, không cho ông gặp mặt người con cả cho đến khi anh bị tử nạn. Ông còn kết thân với không ít bạn trí thức da trắng, lại còn chọn phó tổng thống da trắng Frederik Willem de Klerk làm phó tổng thống sau khi được tặng Giải Nobel Hòa Bình 1993 cùng ông này. Sau khi chính quyền da trắng chịu thực hiện tổng tuyển cử tự do và tôn trọng kết quả do đa số là công dân da đen, tôn trọng bản hiến pháp mới, trả lại ruộng đất cho nông dân là dân da đen, Mandela vẫn bảo đảm tự do ngôn luận, tự do kinh doanh và mọi quyền công dân cho người da trắng, không phân biệt, trả thù.
Cho nên những lời răn dạy quý nhất Mandela để lại cho người đời là về đạo làm Người. Những người có chức có quyền rất nên học để là Người. Mandela nói: ”Một cái đầu tốt với một trái tim tốt là sự phối hợp kỳ diệu “( A good head and a good heart are always a formidable combinaison“). Ông còn nói lên kinh nghiệm của mình: ”Nếu ta muốn sống yên bình với kẻ thù thì hãy làm việc với họ. Như vậy kẻ thù trở thành người đối tác”(If you want to make peace with your enemy, you have to work with your enemy; then he becomes your partner”).
Những người lãnh đạo ở Việt Nam có rất nhiều điều để học hỏi ở Mandela. Với lòng nhân ái và lượng bao dung như thế, đã có thể tránh chiến tranh, nhất định không có sự cao ngạo trả thù khốc liệt bên thua cuộc sau 30/4/1975, sẽ có đối thoại với những chiến sỹ dân chủ, không có chuyện bỏ tù người chống bành trướng. Và với lối sống thanh đạm, trong sạch, người lãnh đạo sẽ không chạy theo tiền bạc nhà đất bất chính, bị nhân dân khinh bỉ, căm giận, nguyền rủa là bầy sâu mọt, là lũ trọc phú, là phe nhóm tham quan ô lại, tiếng xấu để đời.
Nhân ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12, thương tiếc quý mến Nelson Mandela, nhân dân Việt Nam ta càng thêm nghị lực để phổ biến tấm gương sáng chói về lãnh đạo, tư duy cầm quyền vì dân, về lối sống thanh bạch, cao sang về nhân cách của ông, phấn đấu tạo cho ra được những nhân tài cứu nước cứu dân theo kiểu mẫu như thế.
Thật là hãnh diện và hạnh phúc thay cho đất nước nào hun đúc được nên một nhân tài lãnh đạo mang nhiều tính Người chân chính đến như vậy.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)