Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013
Cánh Cò - “Thủ trưởng” cưỡng dâm
Cánh Cò -
Chỉ trong vòng một tuần lễ, báo chí Việt Nam bỗng nhiên bán chạy
như tôm tươi, đặc biệt là tờ nào có loan nơi trang nhất vụ kiều nữ Hải Dương
cưỡng dâm tài xế taxi của các hãng Mai Linh, Hoàng Hải, Hoàng Minh. . . Bài báo
đầu tiên đưa tin này là tờ Người Đưa Tin của Hội Luật gia Việt Nam, có văn
phòng tại Hà Nội và bài viết này của tác giả Diệu Nam. Bài báo viết:
“Tại bãi đỗ xe của hãng Mai Linh trước cửa Bệnh Viện đa khoa
tỉnh Hải Dương, tài xế X chia sẻ: “Ban đầu, thủ đoạn của N hết sức đơn giản.
Khi tài xế lái xe đến đón, N thường yêu cầu đánh xe vào trong sân của biệt thự.
Sau đó yêu cầu tài xế lên phòng ngủ xách hàng loạt đồ nặng từ phòng ngủ của ả
từ tầng 3 xuống. Lúc đó ả đã ra khóa cửa và cho thuốc kích dục vào nước mời tài
xế. Xách quá nhiều đồ, mệt, nên hầu như tài xế nào cũng uống vài ngụm nước. Sau
những câu chuyện tếu táo, thuốc kích dục trong nước ngấm, tài xế đờ đẫn, kiều
nữ này bắt đầu thỏa mãn dục vọng của mình”.
Như để chứng minh là câu chuyện có thật, Diệu Nam đưa ra một
nhân vật có tên là D với các chi tiết như sau:
“Sáng sớm, ả kiều N gọi cho D vào đón, nhưng đã vào chẳng có
đường ra. Sau 2 ngày bị N lạm dục, D lê lết bò ra cửa kêu cứu. Do nhà rộng, cửa
đóng kín, chẳng ai nghe tiếng D. Phải gắng hết sức D mới bấm được số của quản
lý cầu cứu. Khi quản lý đến, D như kẻ mất hồn, thều thào: "Cứu em với, em
chết mất, nó bắt em quan hệ hơn 30 lần rồi".
Vấn đề đặt ra: Tuy tờ báo chụp tấm ảnh căn nhà của người bị tố
cáo là dâm nữ tên Ngọc (hay nạn nhân) tuy nhiên bài báo không chứng minh được
tài xế tên gì, chạy cho hãng nào, thời gian cụ thể bị cưỡng dâm và nhất là anh
ta có báo cáo vụ việc cho công an hay không nếu sức khỏe bị suy kiệt như “nạn
nhân” D như mô tả.
Hậu quả nhãn tiền: Căn nhà trong tấm hình đã được nhận dạng là
của bà Phạm Thị Thanh N. (mà bài báo của Diệu Nam viết là Ngọc) một Việt kiều
Mỹ, chủ căn nhà trong ảnh mà bài báo đăng tải. Bà Thanh N đã gọi cho hãng tin
VTC sau khi đọc được bài này và cho biết bà đã sang Mỹ được 14 năm, có chồng và
hai con, hiện sống tại Texas. Bà N khẳng định không hề có bất cứ một tài xế
taxi nào bị cưỡng dâm như vậy cả. Bà nói sẽ về Việt Nam và làm cho rõ chuyện
này và có thể sẽ khởi tố tờ báo về tội mạ lỵ công dân.
Câu chuyện chưa ngã ngũ nhưng người ta có thể nhìn thấy những
yếu tố lá cải quá lớn trong bài báo của Người Đưa Tin. Kích động dục tính qua
câu chuyện không khác mấy với những mẩu chuyện dâm thư đầy dẫy trên mạng
Internet. Nhưng khác với Internet, vốn khó truy được người viết hay post lên
mạng, nếu được cũng mất khá nhiều thời gian và công sức, nhưng đối với một tờ
báo, dù là của nhà nước hay một hội lớn như Hội luật gia Việt Nam thì cơ quan
chủ quản không còn đường thoát, ngoại trừ con đường hối lộ để chạy tội.
Qua câu chuyện này người đọc báo có quán tính bầy đàn sẽ rung
đùi thích chí. Người đứng đắn sẽ lắc đầu ngao ngán, người ưu tư cho văn hóa
Việt sẽ tuyệt vọng vì một nền báo chí đã bị tinh trùng và nội y bao phủ.
Còn người trong nghề thì sao?
Họ sẽ theo gương nhà báo cung đình Xuân Ba viết bài phóng sự
chuyến viêng thăm các nhân vật đỉnh cao của Việt Nam trên tờ Tiền Phong để
tránh mang tiếng là lá cải chăng?
Nếu Người Đưa Tin giật tít: “Hoang mang kiều nữ có sở thích...
cưỡng hiếp lái xe taxi” đang dậy sóng dư luận thì một bài khác của Xuân Ba trên
tờ Tiền Phong lại có vẻ hiền lành, ngoan ngoãn với cách viết rất kinh điển của
một nhà báo có kinh nghiệm viết cho cung đình nhiều chục năm qua.
Vấn đề đặt ra là cái tít: Thủ tướng Hun Sen thăm “thủ trưởng” cũ
Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh. Hai chữ thủ trưởng được báo Tiền Phong cẩn thận đặt
trong ngoặc kép.
Nhưng dù bị đặt bên trong ngoặc kép như vậy hai chữ này cũng “bức xúc” tung
ngoặc chạy ra. Vừa chạy vừa la to: “Ối làng nước ơi Việt Nam sỉ nhục Thủ tướng
Hun Sen của Campuchia”!
Bài viết của Xuân Ba khó thể được gọi là một bài báo. Nó là một
bài “tán” đúng nghĩa khi mặc dù được nằm nơi trang nhất của tờ báo, thay vì
viết theo thể phóng sự của báo chí tác giả đã sử dụng những câu văn mà khi đọc
lên người đàng hoàng không thể không nhăn mặt.
Với một lô một lốc những gì ông Hun Sen được đào tạo, giúp đỡ từ
Việt Nam để leo lên ghế thủ tướng, nhà báo Xuân Ba đã giúp cho nhân dân
Campuchia vốn đang biểu tình chống ông vì đã cầm quyền quá lâu, quá lệ thuộc
vào Việt Nam và nhất là đã thỏa thuận cho Việt Nam lấn chiếm biên giới ở các
tỉnh Tây Nam biết thêm những gì mà có thể họ còn lờ mờ vê ông Thủ tướng thân
“duồn” nầy.
Là nhà báo nhưng ông Xuân Ba không ý thức được sự cao đạo, khiêu
khích thậm chí khinh bỉ khi dùng từ “thủ trưởng” để nói về một thủ tướng đương
nhiệm của nước bạn.
Cái sự nhơn nhơn vô ý thức đó của ông đã di truyền từ hệ thống
mà ông là cây viết
cốt lõi của nó. Ông có thể biết nhưng bất cần. Ông cần hai ông Phiêu và Anh hơn
vì hai ông này sẽ vỗ đầu ông mà kêu lên “ngoan đấy” nhưng ông Hun Sen thì không
thể ban cho ông chút lợi lộc nào.
Bài báo của ông Xuân Ba toát lên một sự thật: Việt Nam luôn coi
Campuchia là nước chịu ơn vì lãnh đạo của nó thừa nhận và hành động công khai
như vậy. Tuy nhiên là báo chí, tờ Tiền Phong không thể giật một cái tít có thể
gây chiến tranh và chí ít có thể gây bạo loạn trong đất nước Campuchia.
Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy của Campuchia đã bỏ bao nhiêu tiền
cho nhà báo Xuân Ba để ông này giật cái tít và viết một bài báo sặc mùi quỳ gối
của Hun Sen như thế?
Báo chí là khuôn mặt văn hóa một quốc gia nên khi đọc bài của tờ Người Đưa Tin
người ta thấy Việt Nam khó thoát ra khỏi căn nhà thổ mang cái tên rất mỹ miều:
thuần phong mỹ tục.
Báo chí là khuôn mặt chính trị của một quốc gia nên qua bài báo
của Tiền Phong khuôn mặt chính trị ấy đã lộ ra sự lỗ mãng khó tha thứ. Khi đặt
một nguyên thủ quốc gia nước bạn trong vai trò một “anh lính” dưới quyền thì nó
không còn là khiếm khuyết nữa. Nó đại diện cho một thứ quyền uy mà nhiều người,
cũ cũng như mới, trong Bộ chính trị thèm khát: Thủ trưởng của chư hầu.
Mít Tờ Đỗ - Nỗi buồn góa phụ
Mít Tờ Đỗ -
Chồng bà ngã xuống trong một cuộc chiến chống ngoại xâm. Nhưng số phận nghiệt ngã của đất nước, cũng là của chính gia đình bà, đã khiến bà suốt gần 40 năm qua luôn sống trong lặng lẽ, với nỗi đắng cay và lo âu thường trực.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Giải phóng vô. Đất nước thống nhất. Sài Gòn, cũng như trên toàn miền Nam, “có triệu người vui, cũng có triệu người buồn”.
Với góa phụ trẻ Huỳnh Thị Sinh, bà không còn tâm trí để mà buồn. Bao trùm bà lúc này là một nỗi lo sợ. Chồng bà tử trận cách đấy hơn một năm. Mất xác. Từng được vinh danh.
Nhưng giờ đây, cuộc hân hoan ngoài kia không có phần cho bà, dù chồng bà đã ngã xuống trong một trận chiến bảo vệ mảnh đất Việt Nam trước sự xâm lấn của ngoại bang.
Từ căn hộ trên lầu 2 chung cư Nguyễn Kim, bà lặng lẽ nhìn những đoàn người chiến thắng đang vui mừng, và những con người thua cuộc đang nhớn nhác. Rồi bà lôi những tấm hình của chồng ra đốt hết, vì sợ chúng sẽ làm liên lụy tới cuộc sống của bà, lúc này đang còn phải nuôi ba con gái, đứa lớn nhất lên 10, đứa bé nhất mới 4 tuổi.
Bà phải sống vì ba đứa con.
“Hình ông xã cô nhiều lắm, nhưng hồi đó đốt hết rồi, vì sợ rắc rối”, 38 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, bà Sinh nói với tôi trong căn nhà tạm cư ở quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, khi tôi ngỏ ý muốn sao chụp một số tấm hình để làm tư liệu.
“Bây giờ, mong muốn lớn nhất của cô là có căn nhà nhỏ, để nhang khói cho ông xã. Chứ ở nhờ trong căn tạm cư này, bạn bè ổng tới thăm, muốn thắp nhang cho ổng cũng không biết thắp vào đâu. Thân xác ổng thì nằm lại ngoài biển rồi ”, giọng bà trầm xuống.
“Đến ngày giỗ ông xã, ngày 19 tháng 1 hằng năm, cô lại bày tạm bàn thờ ra để cúng. Xong xuôi lại cất đi”.
Bỏ mình vì nước
“Hồi đó, dân Bạc Liêu tỉnh lẻ mà lọt vào tầm ngắm của sĩ quan hải quân đẹp trai thì cũng là kỳ tích đấy chứ!”, tôi đùa, chủ yếu làm cho không khí bớt nặng nề.
Bà kể, bà sinh ra ở Bạc Liêu, lúc 11 tuổi thì gia đình chuyển lên Sài Gòn. Hồi ấy bà là nữ sinh trường Nguyễn Bá Tòng. “Ổng gốc Trảng Bàng, là dân học luật, tướng đẹp lắm. Hai người gặp nhau khi học chung tại Hội Việt – Mỹ”.
“Tụi cô yêu nhau, rồi cưới. Hồi đó ổng là thiếu úy hải quân thuộc Giang đoàn 23 Xung phong. Đi miết. Thường thì mỗi tháng về thăm một lần”.
Trong căn hộ chung cư ấy, hai ông bà có với nhau ba người con gái: Ngụy Thị Thu Trang, Ngụy Thị Thu Thủy và Ngụy Thị Thu Tuyết.
Đầu năm 1974, khi cô út Thu Tuyết mới lên 3 thì Trung Quốc lăm le xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.
“Trước đó, ổng về ở nhà suốt 10 ngày, lúc tàu đậu tại quân cảng để vô dầu, sửa chữa”, bà kể.
Một buổi sáng, Thiếu tá Ngụy Văn Thà xách va li từ biệt vợ con. “Đến chiều ổng lại trở về, nói tàu sửa chưa xong. Nhiều lần như thế, sau rốt mới đi”. Cuộc khởi hành đầy trúc trắc, như điềm báo sẽ có chuyện chẳng lành.
Lần cuối cùng ra đi, người cha trẻ Ngụy Văn Thà không kịp hôn cô út Thu Tuyết mới lên 3.
Rồi Hải chiến Hoàng Sa nổ ra. Hoàng Sa rơi vào tay giặc Trung Quốc; tàu HQ-10 Nhựt Tảo bị đánh chìm; Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà bỏ mình vì nước.
“Ngày 18 tháng 1 năm 1974, nhiều người nghe tin đánh nhau ở ngoải nên kéo ra cầu tàu quân cảng chờ. Cô không ra được. Nghe người ta bảo chưa biết tàu mình ra làm sao”, bà Sinh kể. Đến ngày 19 tháng 1, hung tin báo về, chồng bà, Thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà, tử trận ở tuổi 30, mất xác cùng con tàu HQ-10 Nhựt Tảo mà ông chỉ huy.
“Người ta làm lễ truy điệu long trọng cho ông xã cô. Có cả tư lệnh Hải quân tới viếng”. Người chồng quá cố của bà được vinh danh, được truy phong trung tá hải quân dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.
Lùa nước mắt vào tim, góa phụ 26 tuổi Huỳnh Thị Sinh gượng dậy tiếp tục đi làm ở nhà băng Việt Nam Thương Tín để nuôi ba cô con gái bé bỏng.
"Nhiều người biết đến ông xã cô"
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, góa phụ Huỳnh Thị Sinh đối diện với một hoàn cảnh mới. Từ chỗ sống với nỗi đau mất chồng, nhưng cũng cảm thấy được an ủi phần nào và đôi khi âm thầm tự hào khi chồng mình đã xả thân trong một trận chiến bảo vệ bờ cõi, giờ đây trong bà là nỗi bất an thường trực.
Không việc làm, ba đứa con thơ, và quá khứ gia đình gắn liền với chế độ cũ, bà không biết tương lai sẽ đưa mình đến đâu. Bà sống trong câm lặng, tủi hờn, xót xa, nhưng không hề oán giận. Bà cam chịu trước sự xoay vần của số phận, một phẩm chất dễ gặp của phụ nữ Việt Nam.
“Năm 1979, cô vô làm hợp tác xã. Khó khăn lắm con ơi. Hồi đó bán đủ thứ, rau, cá, xà bông. Thu nhập không đủ sống, thế mà vẫn sống tới bây giờ”.
Theo thời gian, ba cô con gái họ Ngụy cũng lớn, lấy chồng. “Ba đứa có chồng cả rồi. Buôn bán lặt vặt, chồng làm công nhân, cũng chỉ đủ sống thôi”.
Vậy là bà Sinh đã làm trọn bổn phận của bậc sinh thành, khi con cái lớn khôn, tự lập cuộc sống. Ấy vậy mà khốn khó chưa buông tha.
“Mấy năm trước, chung cư Nguyễn Kim bị giải tỏa. Cô phải ra ở bên ngoài, chờ ngày tái định cư”. Rời căn hộ nơi bà từng sống với người chồng quân nhân mấy chục năm về trước, bà ra ở ké trong một căn nhà tạm cư. Chỗ ở của bà chỉ đơn giản là một căn phòng để ngủ.
“Mỗi tháng người ta hỗ trợ 2,8 triệu đồng, coi như tiền thuê nhà. Bạn bè ổng ngày xưa lâu lâu vận động nhau giúp đỡ. Anh em khóa 12 Hải quân Song ngư, những người còn, nghe hoàn cảnh khó khăn, có giúp chút ít. Lúc cô mổ mắt thì một số người cho được năm trăm ngàn”.
Đã hơn bốn năm kể từ khi chung cư bị giải tỏa, bà góa phụ sống cảnh tạm cư, bất định, mòn mỏi chờ ngày nhận nhà, nhưng không biết bao giờ cái ngày ấy mới đến.
“Người ta không nói ngày nào sẽ giao căn hộ mới. Mà khi có căn hộ mới, mình phải đóng tiền trước người ta mới giao chìa khóa. Cũng không biết có tiền mà đóng hay không nữa”.
“Cô chỉ mong có chỗ ở ổn định, có bàn thờ thắp nhang cho ông xã”.
Bà bảo, mấy năm gần đây, có thêm nhiều người biết đến Hải chiến Hoàng Sa, biết về sự kiện mà chồng bà tử trận, nên cũng có nhiều người hỏi thăm. “Hôm rồi có anh chuyển cho cái thơ, nghe nói ở đâu trên mạng. Cô thì không có biết lên mạng. Đọc thơ, xúc động lắm. Bây giờ nhiều người trên thế giới đã biết chuyện ổng chết trong hoàn cảnh nào, chết vì cái gì”.
Rồi bà bảo: “Ông xã cô chết vì cái đất nước Việt Nam mình. Ổng là người Việt Nam, khi đất nước cần thì ổng chết cho đất nước. Cô chỉ nghĩ đơn giản vậy”.
Bà nói thật giản đơn, nhưng nỗi đau, những éo le nghiệt ngã của số phận bà thì không hề đơn giản, khi mà định kiến vẫn còn, những ngăn trở của một quá khứ ngăn cách bên này - bên kia vẫn còn, 38 năm sau ngày chiến tranh chấm dứt.
Và có lẽ vì thế, mà sau chừng ấy năm đã trôi qua, bà vẫn mang trong người nỗi bất an. “Con có viết gì đó thì cũng khéo một chút, đừng làm người ta giận. Cô ngại lắm”.
Tôi gật đầu, rồi nói với bà: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Khi Trung Quốc xâm lược, người Việt Nam mình phải chiến đấu chống lại. Chồng cô đã ngã xuống trong một cuộc chiến chống ngoại xâm như thế. Đó là sự thật. Và điều đó sẽ không bao giờ bị lãng quên".
Tôi muốn nói nhiều nữa, để trấn an bà, để bà có được một chút gì đó gọi là an ủi sau vô vàn những cay đắng. Nhưng làm sao tôi, một kẻ hậu sinh và ngoài cuộc, chỉ trong khoảnh khắc có thể trấn an được góa phụ đã gần 40 năm sống trong âu lo, tủi hờn?
Người góa phụ trước mặt tôi lúc này đây là hiện thân bi kịch của một cuộc chiến tưởng chừng như đã trôi vào quá khứ xa lắc, nhưng thực ra, vết thương của nó vẫn hiện diện trong mọi ngõ ngách, trên từng phận người. Một vết chém xẻ ngang mình đất nước, cắt chia những con người Việt Nam, đẩy họ đứng về những chiến tuyến khác nhau, để rồi, nhiều năm sau khi tiếng súng ngưng bặt, người ta vẫn còn ngại nhau, e dè nhau, nghi kị nhau. Và làm đau nhau.
Đất nước đã thống nhất, nhưng lòng người vẫn cách chia.
Nghe câu chuyện của bà, không hiểu sao tôi lại liên tưởng tới lời Tổng thống Abraham Lincoln trong diễn văn nhậm chức năm 1865, thời điểm nước Mỹ kết thúc nội chiến: “Không ác tâm với ai; luôn nhân ái với mọi người; và kiên định trong lẽ phải, khi Chúa cho chúng ta nhận ra lẽ phải, hãy tận hiến sức mình để hoàn thành sứ mạng được giao; băng bó vết thương của đất nước, chăm sóc các binh sĩ đã dấn thân vào cuộc chiến, và những người vợ góa, những trẻ mồ côi – hết sức mình tạo lập và gìn giữ một sự nghiệp công chính, và một nền hòa bình vững bền, cho chúng ta, và cho mọi dân tộc.”
Ông Lincoln nói về hàn gắn, thế nên, “các chiến sĩ đã dấn thân vào cuộc chiến”, hay “những người vợ góa”, “những trẻ mồ côi” được hiểu là thuộc cả hai phe miền Bắc và miền Nam, bên thắng cuộc cũng như bên thua cuộc.
Chia tay bà góa phụ, tôi bước qua con hẽm nhỏ sâu hút để ra đường Nguyễn Kim. Nắng chói chang. Đường phố náo nhiệt người xe. Những lá cờ phấp phới; những băng rôn rực rỡ; và những dòng khẩu hiệu hừng hực.
“Tinh thần Ngày chiến thắng 30 tháng 4 bất diệt”.
Mít Tờ Đỗ
Nguyễn Ðình Bổn - Định hướng và kiểm duyệt báo chí xuất bản, một cách sát thương dân tộc
Nguyễn Đình Bổn -
Thủ tướng rồi bộ
trưởng bộ TTTT tại Việt Nam đã tuyên bố: VN không thể có báo chí, nhà xuất bản
tư nhân. Nghĩa là toàn bộ cái quyền đọc, viết phải nằm trong sự kiểm duyệt và
định hướng của nhà cầm quyền. Điều này đã, đang và sẽ tạo ra những hệ lụy khủng
khiếp, mà tôi cho là có tính sát thương dân tộc.
Ngày nay chúng
ta thấy chuyện giết người, cướp của, hiếp dâm... liên tục xảy ra, tội phạm ngày
càng trẻ, hành động ngày càng tàn bạo, mất hẳn tính người. Chuyện này chẳng cần
đưa ví dụ vì nó xảy ra hằng giờ và báo chí, các trang mạng khai thác tối đa mọi
ngóc ngách, nhằm câu độc giả với mục đích cuối cùng là kiếm tiền. Nhiều khi tôi
tự nghĩ, có khi nào những cây bút chuyên mô tả và dệt chuyện phản văn hóa đó,
những người lãnh đạo các tờ báo đó, nghĩ một chút về lương tâm của người cầm
bút, về con cái, gia đình mình, bởi không chỉ các trang mạng chuyên đưa tin
giật gân, giờ đây ngay cả các tờ báo từng có tiêu chí đàng hoàng như
vietnamnet, Thanh Niên... sau vài lần thay đổi nhân sự cũng nhảy vào khai thác
chuyện giết và chuyện cởi!
Điều này ảnh
hưởng nhãn tiền và như một qui luật Nhân- Quả vào cuộc sống người dân. Báo chí
càng khai thác, cướp hiếp và khiêu dâm càng nhiều, cướp hiếp càng nhiều, báo
chí càng có đề tài để viết. Chỉ cần quan sát, chúng ta sẽ nhìn thấy từ cái nền
đã đổ vỡ toàn diện của giáo dục, những thế hệ lớn lên, không có một chút lý
tưởng nào về nhân bản, không tin ở ý thức công dân bởi từ nhà trường cho đến xã
hội và phương tiện giải trí, bày ra cho bọn trẻ nhìn thấy những khốc liệt của
tranh đấu giành quyền chức, miếng ăn... bày ra cho bọn trẻ cách thức kiếm tiền
nhanh và hưởng thụ, bày ra cho bọn trẻ thấy cuộc sống là những chuỗi bất công
nhưng không chỉ cho họ cách thức lành mạnh để xóa bỏ cái bất công đó. Và hệ lụy
là sự giả dối lên ngôi, bạo lực bùng phát, tệ nạn lan tràn...
Chính cách định
hướng và kiểm duyệt báo chí xuất bản là một nhân tố quan trọng đưa đến bi kịch
này của dân tộc. Những người cầm quyền đã quá nhạy cảm để cấm báo chí tự do
nhưng một mặt họ thả ga cho báo chí khai thác những mặt trái của xã hội, ai
cũng biết tại VN vào một trang web sex dễ dàng trong khi đó vào các trang
"lề trái", thậm chí facebook phải vượt tường lửa!
Về mặt văn hóa
đọc, chính không có tự do báo chí và xuất bản nên mức độ suy đồi cũng diễn ra
như một bi kịch. Trong khi các sách rẻ tiền, thậm chí có hại như thứ gọi là
"ngôn tình" của Trung quốc xuất bản hằng ngày, đưa người trẻ vào
những cơn mơ phi thực tế, dìm sâu cái cảm thụ ngôn ngữ văn chương xuống đáy bùn
thì các sách kinh điển một số cấm in, một số in ra bị thu hồi và nhiều cuốn chỉ
bán lèo tèo vì cái cách nghĩ, cách sống đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách đọc của
những thế hệ đi sau. Điều này càng nguy hiểm hơn cả thời "ngăn sông cấm
chợ" những năm trước 1980, vì thời đó các danh tác được in vẫn khá
chỉn chu và được đọc một cách mê say... Giờ đây văn chương, cụ thể là sáng tác
của các nhà văn được in tại các nhà xuất bản đã đánh mất hoàn toàn giá trị nhân
bản và thẩm mỹ. Nó chỉ còn lại là những văn bản méo mó vì người viết phải tự
kiểm duyệt sau đó đến lưỡi kéo của các biên tập viên phần lớn là dốt nát và chữ
ký của ông TBT luôn sợ mất ghế, trước khi tác phẩm ra đời. Không có một môi
trường văn hóa lành mạnh, một không khí sáng tác trong ý niệm tự do tuyệt đối
của người nghệ sĩ, những tài năng dần thui chột và tàn lụi, hoặc trở thành dị
dạng nếu thỏa hiệp. Đó chính là lưỡi kiếm sát thương một nền văn học nghệ thuật
của độc tài và kiểm duyệt!
Có biện luận
rằng chính nghệ sĩ phải là người có ý thức sáng tạo tự do tuyệt đối và khi viết
anh phải vượt thoát những ràng buộc về mọi mặt cuộc sống, kể cả chính trị. Thế
nhưng thực tế một nghệ sĩ tài hoa không phải bao giờ cũng là một dũng sĩ. Xuất
bản một cuốn sách không cần kiểm duyệt ở nước ngoài ư? Hay là trên internet?
Chuyện này hoàn toàn trong tầm tay người viết, nhưng sau đó là gì? Là mất việc
nếu anh đang làm việc ở một cơ quan nào đó. Là phải đối đầu với bao rắc rối nảy
sinh từ chính bộ phận kiểm soát của nhà cầm quyền. Và khủng khiếp hơn, là có
thể phải đối mặt với tòa án vì những điều luật vô lý khác... trong khi có thể
không nhận lại được một sự tưởng thưởng nào, liệu có mấy ai dám chấp nhận sự
thật khắc nghiệt này?
Những người cầm
quyền tin rằng một chuyện không thật thì khi nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên hệ
thống tuyên truyền nó sẽ trở thành sự thật, thành niềm tin. Nhưng chính cái
cách vừa ràng buộc, vừa buông lỏng báo chí và xuất bản, xem nó chỉ là phương
tiện tuyên truyền và kiếm tiền đã hủy họai nhanh nhất nền văn hóa dân tộc, làm
tha hóa đạo đức những thế hệ mới, giết chết từ trong trứng nước những sáng tạo
tài hoa khác biệt, làm tha hóa nhân cách hoặc thủ tiêu ý thức sáng tạo của tầng
lớp nghệ sĩ khi bắt họ phải chọn lựa, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, là đóng
vai một tên tù nhân hay một kẻ đầy tớ!
Người Buôn Gió - Cuộc chạy đua vào chức thủ tướng và câu chuyện tương lai
Người Buôn Gió -
Chưa có một phó thủ tướng nào trẻ mà được báo giới liên tục nhắc
tới như Vũ Đức Đam. Tin trên báo chí tràn ngập về Đam. Đam rê bóng qua các danh
thủ, hình tượng Đam mạnh mẽ như kiểu Pu tin của Nga, Đam làm MC với giới trẻ,
Đam bàn về đổi mới giáo dục, Đam chỉ đạo công an tăng cường khoa học công
nghệ... và hơn hết là Đam nhắc tới vấn đề chủ quyền biển đảo.
- http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/155703/pho-thu-tuong-vu-duc-dam--nhan-lam-mc-.html
- http://vov.vn/Xa-hoi/Pho-Thu-tuong-Vu-Duc-Dam-chia-se-ve-doi-moi-giao-duc/302064.vov
- http://vov.vn/Chinh-tri/Pho-Thu-tuong-Vu-Duc-Dam-trao-doi-ve-bao-ve-bien-dao/302035.vov
- http://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/201312/pho-thu-tuong-chinh-phu-vu-duc-dam-bo-cong-an-can-tich-cuc-nghien-cuu-ung-dung-nhung-thanh-tuu-moi-nhat-ve-khoa-hoc-cong-nghe-293207/
Hình ảnh của Đam khiến các phó thủ tướng khác trở nên mờ nhạt, bởi một Vũ
Đức Đam năng động, xông xáo, mạnh mẽ có mặt khắp mọi nơi. Một tầm vóc thể chất
và trí tuệ đủ để vượt trội hơn các ứng cử viên khác vốn dĩ mờ nhạt và âm thầm.
Người đàn anh đi trước của Đam là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phúc hơn Đam
ở chỗ là UVBCT, nhưng Phúc đang phải đối đầu giải quyết với nhiều việc gay cấn,
nặng nề, lắm điều tiếng hơn Đam. Như việc 230 kg ma túy, việc xả lũ thủy điện,
việc buôn lậu.
Hồ Thu Hồng, tức blog Beo phát ngôn nhận xét Vũ Đức Đam là nhân vật yêu mến
nhất của năm 2013. Xưa nay Beo vẫn bênh vực phe chính phủ và nhận xét nặng nề
về phe Đảng, trong nhận xét này của mình, Beo cũng chê TBT Nguyễn Phú Trọng rất
thảm hại ''nhân vật tồi tệ''. Lời nhận xét của Beo về lãnh đạo Đảng thậm chí
còn gây gắt hơn cả Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào... thế nhưng Beo vẫn bình
chân như vại cầm thẻ xanh đi về giữa Hoa Kỳ và Việt Nam như chơi hội.
Bỗng nhiên Đam được đôn lên nổi bật, Đam được chọn làm những việc lành như thế,
bảo sao không được yêu mến như Hồ Thu Hồng phán.
Trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội và hội nghị trung ương
trước đó uy tín của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị chao đảo. Nhưng nhờ bản lãnh
của một anh ba Nam Bộ từng sống và làm việc trong rừng rú, bưng biền, thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã trụ được qua đợt sóng gió liên tiếp. Một phần nữa các nguồn
kinh tế chủ đạo đang do thủ tướng trực tiếp kiểm soát như ngân hàng, dầu khí.
Chính vì hai nguồn kinh tế chủ đạo này mà Bộ Công An dưới sự chỉ đạo quyết liệt
của BCT là TBT Nguyễn Phú Trọng và trưởng ban nội chính Nguyễn Bá Thanh đã kiên
quyết tấn công vào pháo đài ngân hàng. Tiếc rằng loạt đạn đầu tiên kẻ hứng là
bọn Kiên tóc bạc , Xuân Giá ...đến đó là thôi.
Bỗng nhiên Bộ Công An trình thẳng lên BCT và quốc hội thông qua cho BCA được
trang bị phi cơ, tàu chiến... với lý do là chống khủng bố, chống tổ chức có vũ
trang. Khủng bố ở Việt Nam chắc vài chục năm nữa không qua mặt nổi mấy thằng
giang hồ đầu xanh, đầu đỏ, đầu trọc xăm trổ đầy mình đang muốn lấy số má ở các
đầu đường thành phố Sài Gòn, Hà Nội.
Còn tổ chức tội phạm có vũ trang nào mà lớn đến mức độ BCA cần phải trang
bị vậy? Chả có tổ chức dân sự nào ở Việt Nam có vũ trang, ngoại trừ
Petrovietnam mới đây tập trận trong Nam là một tổ chức dân sự kinh doanh duy
nhất từ xưa đến nay tập trận có vũ trang. Nhưng giờ thì chưa ai nói Petrovietnam
là tổ chức tội phạm cả. Hãy cứ biết lúc này là vậy.
Cần phải nói thêm quyền điều động tàu thủy, phi cơ của cảnh sát và quyền được
nổ súng thuộc về bộ trưởng CA Trần Đại Quang, sau khi đã loại được sự chèo níu
muốn có quyền của bên quốc phòng. Quốc hội đã khẳng định quyền nổ súng thuộc về
thẩm quyền của Bộ trưởng CA.
Trước đây vài tháng, người ta băn khoăn về chuyện thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng sẽ thế nào? Có khả năng ở lại nhiệm kỳ nữa hay không. Liệu ông Dũng có thể
về trong một tình trạng mà TBT Nguyễn Phú Trọng đang hừng hực khí thế chống
tham nhũng, khi trưởng ban nội chính Nguyễn Bá Thanh lớn tiếng hô hào '' bắt hết,
bắt hết, xử hết ''.
Giờ thì câu trả lời rõ ràng. Ông Dũng chuẩn bị rời chức và tìm người kế nhiệm
cho mình. Một sự lựa chọn như Yeslsin đã làm với Putin. Người đang được lựa
chọn là phó thủ tướng Vũ Đức Đam và đang được đánh bóng để chuẩn bị kế nhiệm chức
thủ tướng.
Nếu vậy chính trường Việt Nam tới đây sẽ thật đặc biệt. Nó có một thể chế giống
Nga bây giờ do phe an ninh, kinh tế lãnh đạo .Vừa có một thể chế Đảng cộng sản
lãnh đạo truyền thống như Trung Quốc.
Sau một hồi sóng gió, cuối cùng những chính khách Việt Nam đã tạm dàn xếp
xong nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Một nhiệm kỳ mang sắc thái rõ nét về hai chế độ
trong một nước, song hành, nhuần nhuyễn điều hành đất nước. Đây quả là sự sáng
tạo mà khó có nhà bình luận chính trị nào trên thế giới đoán trước được (riêng
Buôn Gió đ. học hành gì, chả uy tín mẹ gì , nên chém gió thoải mái, đúng thì
đúng không đúng thì thôi). Tuy nhiên lựa chọn đó lại là hợp lý cho
bối cảnh Việt Nam hiện nay và cũng là của cả người dân Việt Nam niềm tin cũng
nửa thế này, nửa thế nọ.
Khi mọi sự đã được an bài, các vị lãnh đạo khác giờ có thể yên tâm cất
nhắc con cái mình vào những vị trí có đà để nắm những vị trí chủ chốt hơn sau
này.
Sự đổ vỡ kinh tế, ngân hàng, bất động sản là tiềm ẩn lớn nhất có thể khiến toan
tính trên bị trở ngại. Để đảm bảo việc dàn xếp như dự tính, việc trước hết là
kiểm soát ngăn chặn được sự đổ vỡ bất động sản dẫn đến ngân hàng. Có thể suy
đoán nhiệm vụ cuối cùng của nhiệm kỳ chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là giải quyết
được vấn đề bất động sản, nợ xấu, ngân hàng...
Một loạt chính sách đã được ban bố. Bán nhà cho Việt Kiều mà visa chỉ 3 tháng,
bán nhà cho người nước ngoài, tăng giá điện, xăng, ga... và tới đây là kiểm
soát độc quyền kinh doanh vàng. Những giải pháp này được hy vọng là sẽ mang lợi
một nguốn vốn để giải quyết các khó khăn cấp bách đe dọa sự toan tính đã được
sắp đặt về một nhiệm kỳ mới.
Nước Việt Nam lại trở nên thái hòa, ổn định chính trị bậc nhất thế giới. Bởi
những người lãnh đạo tài ba, mềm dẻo luôn có những nước đi tinh tế không giống
ai. Một đất nước sẽ có hai thể chế cùng tồn tại.
Sẽ có người đặt câu hỏi, nhân dân sẽ đứng lên, lực lượng dân chủ sẽ trỗi dậy
thì sao?
Xin thưa. Đó là một câu hỏi rất hay và có từ rất lâu. Phải những người tài và
có tâm như các nhà dân chủ đang xuất hiện sẽ trả lời chính xác hơn người viết
bài này.
Một thằng ma ca bông, rách việc, chém gió, cơ hội, lợi dụng, thiếu đạo đức...
không đủ tư cách nhận xét về những nhà đấu tranh dân chủ và tương lai của họ.
Xin nhường câu trả lời cho các vị khác uyên thâm hơn.
Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013
Phan Thanh Tâm - Người Tù Trong Phòng Giam Tuyết Trắng
* Phan Thanh Tâm
Chuyện ném xuống biển Nam Hải
từ độ cao 10 ngàn bộ một cán bộ cao cấp của Cọng Sản Bắc Việt có biệt danh
"The Man in the Snow White Cell" sau hơn bốn năm bị giam trong một
phòng lạnh sơn trắng toát bị chê là “không đúng sự thật”, đã khiến nhà báo nổi
tiếng Frank Snepp cựu viên chức CIA tại Saigon từ năm 1969 đến 1975, nỗi quạu dằn
chai bia xuống mặt bàn. Người chỉ ra sự sai trật là cựu sĩ quan từng liên hệ với
CIA khi phục vụ ở Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Nguyễn Tri Tông.
Cựu Đại Úy Nguyễn
Tri Tông nói với tác giả cuốn “Decent Interval” (khoảng cách thích đáng) - viết
về sự hỗn loạn của Việt Nam Cọng Hoa` năm 1975 - là ông biết rõ nội vụ hơn những
điều viết trong sách về người tù đó và là người được lệnh xử dụng trực thăng
riêng của Đại sứ Bunker dẫn độ y từ trại Đồng Tâm Mỹ Tho về Saigon. Nguyễn Tri
Tông đã dùng còng cột tay mình và tay Nguyễn Tài, tên của cán bộ Cọng sản,
trong một chuyến bay đêm đem về giam ở bến Bạch Đằng. Nguyễn Tài đã lạy người
đưa mình ra khỏi phòng giam vì tuởng rằng sẽ bị giết vào phút chót của ngày
30/4/75. Để đền ơn, người này về sau được cấp một giấy chứng nhận có công với
cách mạng.
Nguyễn
Tri Tông tại Củ Chi trước 1975 với nhà báo Zalin Grant
Sách “Lớn Lên Với Đất Nước”
của Vy Thanh có nhắc tới sự việc nói trên: dịp may nói chuyện với sĩ quan K. của
Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo, người đã dẫn độ Nguyễn [văn] Tài từ trại Đồng
Tâm ở Mỹ Tho về Saigon. Ông cho biết Nguyễn [Văn] Tài còn sống nhăn cho đến
ngày 30-4-75. Giờ chót, Nguyễn Tài hay Nguyễn Văn Tài, bí danh Tự Trọng được
người lính gác trại giam số 3 Bến Bạch Đằng tên “Đinh Râu” quê Hóc Môn, từ nóc
phòng giam thọc gậy thang xuống giải thoát. Chẳng ai giết Nguyễn Tài, người mà
senior official muốn cho chết.
Sách của Frank Snepp năm
1977 viết gì? “Just before North Vietnamese tanks
rolled into Saigon, a senior CIA official suggested to South Vietnam
authorities that it would be useful if he [Nguyen Van Tai] “disappeared”. Since
Tai was a trained terrorist, he could hardly be excepted to be a maganimous
victor. The South Vietnamese agreed. Tai was loaded onto an airplane and thrown
out at ten thousand feet over the South China Sea. At that point he had spent
over four years in solitary confinement, in a snow –white room, without ever
having fully admitted who he was” .
Ngoài ra, năm
2000 một tác gỉa khác, A. J. Langguth trong cuốn “Our War. The War 1954-1975 “ cũng có nhắc lại chuyện này. From
the CIA office, a senior American agent called the Saigon authorities to
suggest that they attend to one loose end before the Communists arrived. Nguyen
Van Tai, the North Vietnamese agent Snepp had interrogated, should be made to disappear.
The instructions were simple: Lead Tai from
solitary confinement, herd him onto a plane and take him ten thousand
feet above the South China Sea. Open the plane door. Push Tai out.
Nguyễn Tài: tài sản quý của đảng
Trong cuốn” Hồi
ký Đối Mặt Với CIA”, do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Hà Nội, phát hành năm 1999,
chính Nguyễn Tài đã trích và dịch lại đoạn văn của Frank Sepp: Ngay trước khi xe tăng Bắc Việt tràn vào
Saigon một quan chức cao cấp của CIA đã gợi ý với nhà chức trách Saigon là tiện
nhất là y [chỉ Nguyễn Văn Tài] "biến mất". Bởi vì Tài là một tay khủng
bố có kinh nghiệm nên khó có khả năng mong đợi y là một người thắng trận rộng
lượng. Người Nam Việt đồng ý. Tài bị đưa lên máy bay và bị ném xuống biển Nam Hải
từ độ cao 10 ngàn bộ. Đến đây thì ông ta đã trải qua hơn 4 năm bị biệt giam
trong một phòng sơn trắng toát và cũng chưa khi nào xác nhận một cách đầy đủ
mình là ai.
Điều này chứng tỏ ‘người tù trong phòng giam
tuyết trắng” không có bị thủ tiêu như hai tác gỉa Mỹ đã viết. Nhưng Nguyễn Tài
là ai? Năm 2004 trong “Khúc khuỷa Đường Đời
- Mười năm liên tục đấu tranh để sự thật và lẽ phải được thực hiện” thuộc loại hồi tưởng và suy nghĩ, đăng trên
talawas.org, tác giả cho biết, mình được gỉai thóat
khỏi phòng giam ở Bến Bạch Đằng trưa ngày 30/4/75; sau đúng
4 năm 4 tháng 10 ngày bị cầm tù; đã từng trực tiếp phụ trách an ninh
chính trị chế độ; năm 1964 tình nguyện vào Nam; là Ủy viên An ninh Trung ương cục
miền Nam; ngày 23/12/1970, bị bắt trên đường đi công tác; lúc đầu còn giữ được
tung tích; nhưng sáu tháng sau thì bị lộ.
Nguyễn Tài sau khi được giải thoát năm 1975
Nguyễn Tài rất có kinh nghiệm trong việc truy
lùng ám sát những kẻ phải bị diệt trừ từ năm 1947; là người có cấp bậc cao nhất của
miền Bắc vào Nam, đã chỉ huy hơn năm năm các hoạt động tình báo và khủng bố tại
Sài Gòn; đã chứng tỏ bản lĩnh trong thời gian bị tra vấn. Dư luận cho rằng,
Nguyễn Tài thăng cấp rất nhanh, một phần nhờ tham gia trong đợt đấu tố cha
mình, nhà văn Nguyễn Công Hoan và cũng đã tham gia tích cực vào vụ thanh trừng các phần tử “xét lại”. Cũng có
tin nói rằng, từ giữa thập niên 60, Hồ Chí Minh đã điện vào Nam là phải bảo vệ
Nguyễn Tài, có biệt danh Tự Trọng, sinh
năm 1926; vì Nguyễn Tài là tài sản quý của
Đảng.
Mùa thu năm 1971, Trần Bạch Đằng, Bí thư Thành ủy Sài
Gòn–Gia Định, trong một bức thư qua một tù binh Mỹ được thả, đề nghị trao đổi
Tài với Douglas Ramsey, một nhân viên ngoại giao Mỹ, bị Việt Cọng bắt từ năm
1966. Tài trở thành một con bài chính trị cấp cao; đến ngày 30/4/75 thì được giải
thoát; gặp lại gia đình sau 11 năm xa cách; về Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ
từ đầu năm 1976; không bao lâu thì bị kiểm điểm về một số vấn đề chưa rõ
trong thời gian bị địch bắt giam; rồi được cử làm cục trưởng Tổng cục Hải quan; năm
2002, được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chống
Mỹ.
Trên đây là một chuyện xưa cũ của thế kỷ trước, nhưng rất
cụ thể và điển hình; cho thấy rằng, rất nhiều sự việc trong hai mươi năm nội
chiến từng ngày, tuy được kể lại từ một người trong cuộc; nhưng vẫn không tránh
khỏi sai trật. Ấy thế mà các ông thầy bàn, các tay phản chiến, các thành phần
thứ ba, thứ tư hay chủ nhật lại thích viện dẫn tài liệu của các cây viết ngoại
quốc xa lạ, đầy thiên kiến để hù thiên hạ. Frank Snepp, người thẩm vấn Nguyễn
Tài, trong một bữa họp mặt Giáng Sinh ở thủ đô Washington năm 1984, sau khi
nghe Nguyễn Tri Tông nói rõ nội vụ mới dịu giọng, “thôi bỏ qua cho”; và phân trần
sách chẳng đem lợi lộc gì. Cơ quan CIA đã thắng kiện vì cuốn “Decent Interval”
phạm luật, tiết lộ nhiều điều chưa được phổ biến.
Thiên Đàng Hạ Giới
Nguyễn
Tri Tông, đã về hưu, qua Mỹ năm 1975, làm việc trong ngành kỹ thuật truyền
thông, danh thiếp đề Retired Principal Engineer; trước 1975, giữ chức phó giám
đốc thư viện quốc gia; cựu giáo chức, động viên Thủ Đức; phục vụ trong các đơn
vị tác chiến ở miền Trung; về làm việc ở Phủ đặc ủy Trung ương tình báo; từng
được CIA huấn luyện thành thẩm vấn viên. Nguyễn Tri Tông là cháu đời thứ năm
của Nguyễn Tri Phương, vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân đội Pháp ở Đà Nẵng, Gia Định và Hà Nội. Tuy bị thương, vị đại thần không cho
chữa trị, tuyệt thực đến chết ngày 20/12/1873, thọ 74 tuổi.
Nhờ
gặp Nguyễn Tri Tông trong dịp đi theo nhà tôi dự Đại Hội XVII Phan Thanh Giản –
Đoàn Thị Điểm tại Hawaii hồi tháng 10 năm 2013 nên tôi biết thêm chuyện người
tù Nguyễn Tài. Nhờ là hậu duệ của những vị đại thần cùng thời (người viết bài
này là cháu cụ Phan Thanh Giản, anh Tông là cháu cụ Nguyễn Tri Phương), chúng
tôi đã trò chuyện cùng nhau trong một niềm tin cậy và cảm thông, và qua đó,
trường hợp người tù binh được trình bày ở phần trên một lần nữa được xác định
một cách chắc chắn.
Nguyễn Quang Lập - Đường đời không lối rẽ
Nguyễn Quang Lập -
Hai mươi năm trước tôi làm ở tạp chí Cửa Việt, tờ văn nghệ địa phương thôi nhưng được cả nước biết tới, thích lắm, tự hào nữa. Trước tết khoảng hai tháng bao giờ tôi cũng mò ra Hà Nội, vừa moi bài vở vừa tận hưởng mùa lá rụng và nhấm nháp chút văn hóa Bắc Hà.
Nhậu ở Hồ Tây, ăn ốc bươu uống bia hơi, bạn văn có thằng Phương là chỗ quen biết cũ, tôi nói ông có cái gì kha khá ném cho tôi cái dùng số tết với, đang kẹt quá. Thằng Phương ngửa cổ cười khá kha kha, nói ông cũng tin tôi viết được văn à. Tôi vỗ vai nó phát, nói không tin ông thì tin thằng đéo nào. Phương cười khá kha kha, nói chí lý chí lý.
Là nói vậy, chỉ là cách lấy lòng cánh viết lách với nhau thôi, chứ
thực tình chẳng hy vọng gì ở nó, xưa nay thằng Phương không mặn chuyện viết
lách. Nó khởi nghiệp bằng tin tiến độ, đắm đuối với lối viết “Nét mới” “điểm
sáng”, đến khi giới viết lách bất ngờ đổi mới, quyết định nhúng toàn bộ chữ nghĩa
vào đời sống, thì nó trơ khấc ra, tự nhiên tắc ngỏm.
Thằng Phương đang nổi tiếng trong cái nghề MC hoa hậu và người mẫu
thời trang. Nó không trẻ cũng chẳng đẹp trai (đẹp hơn Đỗ Trung Quân chút chút,
hi hi) nhưng cái khoản nói năng, ứng đối lưu loát thì không ai bì kịp.
Thời các đám cưới đang ở tình trạng nửa họp nửa mét tinh, người ta
tranh nhau đăng kí nhờ nó làm chủ hôn, có khi trước cả nửa năm. Làm lính như nó
thật khỏe re, sáng vác mõm đi tối vác bị về. Cơm rượu no say lại được tiếng
hoàn thành xuất sắc công tác dân vận. Chúng tôi cũng nhờ nó mà được trơn mồm
ngọt lưỡi, đỏ da thắm thịt.
Làm thằng lính hễ không tài cán gì thì thôi chứ ló ra cái tài nào
là lập tức được sử dụng tối đa, vinh dự bao nhiêu cơ cực bấy nhiêu, kể cả cái
tài tầm thường là tài cắt tóc.
Có lẽ chỉ cái tài bẻm mép của thằng Phương là xem ra vớ bẩm. Ở hậu
phương thì ba ngày tiệc nhỏ năm ngày tiệc lớn, nó đều có chỗ ở chiếu trên. Ra
trận cũng khỏi sa vào tầm tên bay đạn lạc. Một mình một cái loa, nó ngồi rung
đùi “ bắn” vào tai địch, bắn liên thanh cả giờ không nghỉ, chẳng những địch
vuốt mặt không kịp mà đến cố tổ cao tằng địch cũng muốn đội mồ đứng dậy.
Chiến dịch nào thằng Phương cũng có tên trong sổ báo công. Rõ cái
mồm ngàn vàng khôn chuộc, tam vinh tứ khoái đều nhờ nó mà nên cả, hi hi.
Cứ nghĩ thằng Phương nói vậy thôi, đời nào nó viết, té ra nó ném
vào mặt tôi cái ký Chuyện tình đêm cuối năm chừng mười trang, vỗ đùi tôi
đánh bốp, nói chuyện thật chứ không bịa đâu nhé!
Tôi không đọc cứ gật bừa, nói được được hay hay. Thằng Phương
thích lắm, ngửa cổ cười khá kha kha, nói tao chỉ phắn ra một mẩu tình đem bán
lấy vài trăm uống bia. Mai mốt kẹt tiền tao lại phắn ra một mẩu khác. Toàn
chuyện tình máu lửa, vừa hoành tráng vừa ẩm ướt, thách đứa nào gạt của tao được
một chữ.
Quen tính thằng Phương và quen thói huênh hoang vui vẻ trong các
cuộc rượu của giới văn bút tỉnh chẵn, tôi mỉm cười không nói gì. Về nhà, tôi
lẳng lặng gạt đi năm trăm chữ rồi cho in. Cái kí không lấy gì hay lắm nhưng cần
cho số tết, cần chút tráng ca làm gia vị trong bữa tiệc ngồn ngộn những trò vui
vẻ.
Ngỡ cái ký ba thật bảy bốc phét của thằng Phương sẽ chẳng làm ai
xuýt xoa, thế mà có chuyện.
Một đêm mưa gió có một người đàn bà gõ cửa nhà tôi, chị chừng 40
tuổi nhưng thoạt nhìn cứ tưởng trên năm mươi, mặt mày hom hem, chỉ đôi mắt vẫn
còn tươi sáng lắm.
Chị đứng dúm dó một gốc nhà, trân trố nhìn tôi, nói anh có phải
nhà văn Lập không, tôi nói vâng. Chị nói bài Chuyện tình đêm cuối năm,
cái người tên Hương là tui. Tui không phải tên Hương, tui tên Trâm, nhưng
chuyện là chuyện của tui với anh nớ.
Tôi giật mình nghĩ bụng ôi thôi bỏ mẹ rồi, cha Phương bịa tào lao
cái gì, người ta đến thắc mắc kiện cáo đây. Dường như chị đoán được, vội vã xua
tay, nói không không, tui đến đây không phải đôi co chuyện đúng sai. Tui chỉ
hỏi anh nớ tên Phương chứ không phải tên Quì phải không. Tôi nói vâng, Quì là
bút danh của anh Phương. Chị hét to cha mạ ơi, rứa là đúng rồi. Rồi ôm mặt khóc
rống lên.
Chuyện tình của chị với thằng Phương cũng đã hai mươi năm, với
thằng Phương đó chỉ là cuộc tình chốc lát, nằm trong danh sách gần năm chục
nàng của nó, còn với chị là mối tình đầu.
Cái ký thằng Phương viết thì hay ho lắm, chuyện lần đầu nó gặp chị
nó viết giống như phim: “Bỗng từ chiến hào, một nữ du kích lao lên, qua ánh
lửa xanh lét của đạn pháo, chị bỗng sáng ngời và lấp lánh”. Chị nói mô có
anh, anh Phương gặp tui ở giếng làng. Hi hi thì nó cũng kể rồi.
Chị ra giếng giặt áo quần, thằng Phương đi qua thấy trăng trắng
múp múp bèn sà vào ngồi thành giếng cợt nhả đôi câu, đại loại người đâu xinh thế
nhẩy, sao giặt áo một mình thế này hả iem, để anh múc nước cho iem, nha iem!
Chị nghe rác tai, bê thau áo quần đi thẳng. Thằng Phương nhìn cái mông tròn lẳn
của chị, nói đ.mẹ, chết tao cũng giết cho được con này.
Thằng Phương thổi sáo giỏi, phải nói là siêu, nó nói chỉ một cây
sáo này thôi tao đã giết được mấy chục con nhà quê rồi. Chắc chị cũng trong số
“ mấy chục con nhà quê” đó.
Mấy hôm liền sau đó, tối nào nó cũng ra ngồi tựa thành giếng thổi
sáo, chị ra giếng giặt áo nó cũng mặc kệ, cứ mải miết thổi. Hôm sau, hôm sau
nữa… tiếng sáo của thằng Phương đã hớp hồn chị đến nỗi nó chưa kịp ngõ lời, chị
đã ngã vào lòng nó rồi.
Thằng Phương mô tả cuộc tình trong ba mươi đêm của chị và nó rất
hấp dẫn, buồn cười nữa. Nó nói đàn bà kêu la rên rỉ tao biết cũng đã nhiều,
nhưng con này nó kêu như mèo kêu chúng mày ạ. Tôi cười, nói ông nói phét. Nó
trợn mắt vung tay thề, nói mẹ, tao nói sai trời đánh tao chết liền. Rồi nó nhái
lại tiếng mèo kêu của chị, nói ôi anh ơi anh ơi, mau lên mau lên, em sắp sướng
rồi. Cả hội cười sằng sặc, tôi cũng cười sằng sặc.
Tôi gọi điện cho thằng Phương, nói tình hình như vầy như vầy. Nó
cười khá kha kha, nói tiên sư con mẹ này cũng biết đọc báo à bay. Tôi nói mày
liệu hồn nàng còn thương mày lắm đó. Thằng Phương cười khá kha kha, nói tiên sư
bố mày, tao tưởng mày thông minh lắm. Tôi nói thì tao đọc bài mày, tưởng mày
còn da diết với nàng lắm. Nó lại cười khá kha kha, nói da diết cái củ khẹc.
Mới ngày hai mươi chị đã cúng tất niên, gọi điện rối rít mời tôi
ra cho bằng được. Nể quá tôi đành đi. Vào nhà thấy cái ảnh thằng Phương trên
bàn thờ, ngạc nhiên quá trời. Chị nói tại khi chia tay, anh Phương nói nếu hòa
bình anh không về tìm em thì có nghĩa là anh đã chết. Tôi rủa thầm tổ cha cái
thằng láu cá, cắt đuôi êm như nhíp.
Nhìn cái nhà trống hoác như cái trại giữ vịt, biết ngay nhà vắng
đàn ông, tôi nói thế từ bấy đến giờ chị vẫn thờ anh Phương à? Chị thở hắt ra,
nói thì vẫn.
Chị ngồi bệt, rưng rưng nước mắt nói tui chỉ ân hận không giữ được
đứa con cho anh Phương, tôi há hốc mồm. Hóa ra chị có với thằng Phương một đứa
con gái, chuyện này nó không biết, chị có gửi cho nó mấy chục lá thư mà chẳng
thấy nó hồi âm, chiến tranh loạn lạc chuyện đó cũng dễ hiểu. Con gái chị mất
năm mười ba tuổi vì bệnh hoại thư đường ruột, cháu mất khi chưa kịp chụp một
cái ảnh nào để chị đặt lên bàn thờ.
Từ đó chị thủ tiết thờ chồng con, kiên quyết không đi bước nữa.
Chị gạt nước mắt gượng cười, nói ai cũng kêu tui ngu, mới yêu đương sơ sơ, cưới
hỏi chi mà chồng con. Mặc kệ thiên hạ anh ạ, mình đã có con với ai thì đương
nhiên người đó là chồng mình chớ.
Tôi nghẹn đắng không biết nói sao.
Tôi lại gọi điện cho thằng Phương, nói tình hình như vầy như vầy,
nó nói chết chết chết, tình hình xấu. Tôi nói mày làm sao thì làm, tao đéo biết
đâu. Nó nói thôi được, thế này nhé, nhuận bút của tao được bao nhiêu, ba trăm
ngàn à, số tết mà bèo thế. Mày cầm giùm tao đưa cho nó, bảo tao gửi vào làm quà
tết. Mày phải nói kheo khéo, gái nhà quê hay sĩ diện hão lắm đấy. Mày có thông
minh không hả Lập?
Tôi cầm tiền ra vừa đúng lúc chị gói ghém chuẩn bị lên tàu ra Hà
Nội. Tôi nói chị ra làm gì. Chị cười như không, nói tui phải chộ cái mặt anh
Phương cái rồi chết cũng cam tâm. Tất nhiên chị biết thằng Phương đã vợ con đề
huề rồi, nhưng cản không nổi.
Tôi gọi điện cho thằng Phương báo nó giờ tàu chạy để nó ra đón
chị. Nó nói chết chết chết, tao đang ăn tết ở Vũng Tàu với vợ con, biết làm thế
nào.
Nó nói phét, chị đã nhìn thấy nó nhưng nó nhanh chân lẻn mất, đem
vợ con sang trú ẩn ở nhà ngoại. Mồng ba tết chị về nhà, nói chưa chộ mặt anh
Phương nhưng chộ được cái lưng anh cũng thỏa mãn lắm rồi.
Rồi chị ngồi lặng lẽ khóc.
Sau đó tôi đem vợ con ra Hà Nội kiếm ăn. Bốn năm sau mới nháo về
thăm viếng bạn cũ ở Quảng Trị, có ghé qua thăm nhà chị.
Chị không còn đó nữa, cái nhà cũng bay đâu mất tiêu, hỏi chị đi
đâu chẳng ai biết. Cây xấu hổ mọc vống lên trùm lấp cả khu vườn.
Mấy người hàng xóm nói không có ai dám dựng nhà trong khu vườn của
chị. Người ta đồn khu vườn ấy có ma. Đêm đêm, trong các lùm cây xấu hổ, ma ngồi
nghiến răng ken két.
N.Q.L.
Nguồn: bolapquechoa.blogspot.com
Vũ Quí Hạo Nhiên - Cái Chết “Trên Từng Cây Số” Vụ ám sát nhà văn Georgi Markov
Vũ Quí Hạo
Nhiên -
Thời
cuối thập niên 1970, tại Việt Nam có chiếu trên truyền hình bộ phim gián điệp
(ở Việt Nam gọi là “phim tình báo”) mang tên “Trên Từng Cây Số.” Phim dài nhiều tập, do Bulgaria (ở Việt Nam
gọi tắt là “Bun”) sản xuất, mỗi tập kể một thành tích của thiếu tá Deyanov, một
gián điệp cộng sản Bulgaria hoạt động ngay trong lòng quân đội Đức Quốc
Xã. Cuốn phim chiếu dài cả năm, và là
một phim cộng sản hiếm có không bị người miền Nam tẩy chay, ngược lại còn rất
thích. Bộ phim ăn khách đến mức cụm từ “trên từng cây số” len lỏi vào biết bao
nhiêu bài văn, truyện ngắn, và nhất là các bài báo, các bài phiếm luận tiếng
Việt trong và ngoài nước. Cụm từ này hầu như không có trong các bài viết trước
năm 1975.
Tuy
nhiên, có một điều ít ai biết, là tác giả kịch bản bộ phim truyền hình ấy, ông
Georgi Markov, đã đào tẩu qua Anh từ năm 1969, và đã bị gián điệp Bulgaria với
sự cộng tác của KGB ám sát vào năm 1978, khi bộ phim đang chiếu tại Việt Nam.
Georgi Markov (1929-1978) là một nhà văn, một
nhà soạn kịch. Ông đã từng được chế độ cộng sản cưng chiều, và là một nhà văn
có “dù” che, quen biết với cả Bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản Bulgaria, ông Todor
Zhivkov. Năm 1969, được sự tin tưởng của cấp lãnh đạo, ông được phép qua Ý thăm
gia đình đã di cư sang đấy. Ông đào tẩu và định cư tại Anh.
Đến
Anh, ông sử dụng tài văn chương và những điều ông biết về chế độ cộng sản để
hoạt động chống lại nhà nước Bulgaria. Ông làm việc cho đài phát thanh BBC
(Anh), Deutsche Welle (Đức), và đài phát thanh Âu Châu Tự Do (Radio Free
Europe, phát thanh từ Đức). Đặc biệt trên đài RFE, ông phát thanh trên chương
trình tiếng Bulgaria một mục mang tên “Tường trình vắng mặt từ Bulgaria” trong
đó ông lên án chế độ cộng sản độc tài và tiết lộ nhiều bí mật về sự tha hóa,
tham nhũng của giới lãnh đạo, kể cả ông Todor Zhikov.
Điều
này làm ông Zhikov, lúc này kiêm luôn chức Chủ tịch nuớc, rất giận. Năm 1972,
chính quyền Bulgaria xử Markov khiếm diện sáu năm rưỡi tù về tội phản động. Họ
cho người đe dọa ông Markov để áp lực ông ngưng tiết lộ các bí mật về giới lãnh
đạo Bulgaria.
Bất
chấp những lời hăm dọa, ông Markov tiếp tục phát thanh. Zhikov lại thêm lo lắng
khi những chương trình phát thanh của ông Markov gây nên một phong trào phản
kháng ngay trong nước. Năm 1977, Zhikov ra lệnh cho giới an ninh bằng bất cứ
cách nào phải làm cho ông Markov ngưng phát thanh. Mối lo của Zhikov sau này
trở thành sự thật. Các chương trình phát thanh của Markov đã ảnh hưởng tinh
thần phản kháng của ông Zhelu Zhelev, một thành viên nhóm “Tuyên Ngôn 78” chống
chính quyền Cộng Sản và sau này trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của
Bulgaria.
Zhikov
yêu cầu KGB của Liên Xô giúp thủ tiêu Georgi Markov. Lời yêu cầu này được
chuyển lên lãnh tụ cấp cao nhất của KGB, và chính hai nhân vật hàng đầu KGB,
ông Yuri Andropov (sau này là Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô) và ông
Vladimir Kryuchkov (sau này có tham gia vụ đảo chánh hụt chống ông Gorbachev)
đích thân trả lời đồng ý cộng tác, với điều kiện không để lại bằng chứng nào có
thể dính Liên Xô vào vụ này. KGB cử tướng Sergei Gobulev qua Bulgaria nhiều lần
để làm việc với DS, cơ quan an ninh Bulgaria.
Đầu
năm 1978, tại một dạ tiệc tiếp đón nhà văn Georgi Markov do RFE tổ chức tại
Munchen (Đức), gián điệp Bulgaria bỏ thuốc độc vào ly rượu của ông. Vụ ám sát
này thất bại. Hè 1978, khi ông Markov đi nghỉ mát tại Sardinia (Ý), gián điệp
Bulgaria lại mưu sát ông nhưng lại thất bại. Cho đến nay chưa biết lý do vì sao
hai vụ này không thành công.
Trưa
ngày 7 tháng 9 năm 1978, khi ông Markov đang chờ xe bus để đi làm tại đài BBC,
một người đàn ông lạ mặt cầm dù đi tới, cây dù đụng phải đùi ông Markov, rơi
xuống vệ đường. Người này nhặt lên, xin lỗi, rồi rời bến xe bus. Buổi chiều,
trong lúc làm việc, ông thấy chân mình chỗ bị dù đâm đã sưng lên thành một cái
nhọt hơi chảy máu. Ông vén quần cho đồng nghiệp xem và kể lại vụ bị dù đâm
chân.
Buổi
tối, ông lên cơn sốt, và vợ ông phải gọi điện thoại nhờ đồng nghiệp chở vào nhà
thương. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị nhiễm độc trong máu, nhưng mọi chữa trị đều
không có hiệu quả. Ngày hôm sau, ông lên cơn sốc, và sau ba ngày quằn quại đau
đớn, ông qua đời ngày 11 tháng 9 năm 1978.
Cái
chết vì nhiễm độc của ông làm Scotland Yard (cơ quan điều tra an ninh của Anh)
nghi ngờ. Họ giải phẫu xác ông. Cắt nhọt nơi đùi ông, bác sĩ pháp y tìm thấy
một đầu kim bé tí. Khi họ gắp đầu kim này ra thì một hạt kim loại tí hon rơi từ
bên trong đầu kim này xuống mặt bàn mổ.
Hạt
này nhỏ bề ngang chỉ 1,7 milimét. Bác sĩ chuyển hạt này đến cơ quan chuyên
nghiên cứu về vũ khí sinh và hóa học của Scotland Yard. Dưới kính hiển vi, họ
thấy hạt này có khoét, có lẽ bằng laser, hai lỗ nhỏ bề ngang chỉ có 0,34
milimét, có lẽ là nơi chứa độc chất.
Thử
nghiệm thêm máu của Markov, các bác sĩ pháp y kết luận rằng ông đã bị nhiễm một
độc chất gọi là ricin, một hóa chất rút ra từ hạt cây castor oil, độ độc rất
cao và không có thuốc chữa. Ricin độc đến mức chỉ có 0,45 miligram đã giết chết
Markov.
Chính
kỹ thuật giết người tinh vi này làm cái chết của nhà văn Markov nổi tiếng tại
phương Tây. Khá nhiều tiểu thuyết gián điệp đã cho chi tiết “bắn thuốc độc vào
đối phương dùng một cây dù” vào truyện. Oái oăm thay, tác giả phim gián điệp
“Trên Từng Cây Số” chết một cái chết cũng rất là “truyện gián điệp”!
Sau
khi Liên Xô tan rã, và theo sau đó là sự sụp đổ của chính quyền cộng sản
Bulgaria năm 1989, phía Nga tiết lộ nhiều bí mật về vụ ám sát nhà văn Markov.
Hai sĩ quan KGB, Oleg Gordievsky và Oleg Kalugin, thú nhận KGB có đồng lõa
trong vụ này. Hai người này còn cho biết, để tránh mọi khả năng KGB bị dính
líu, cây dù thủ phạm đã được mua tại Mỹ.
Tuy
nhiên, tại Bulgaria thì nhiều chi tiết vẫn còn bí mật. Hồ sơ vụ này trong cơ
quan DS đã bị hủy. Tháng 3 năm 1991, trùm gián điệp Bulgaria Vasil Kotsev bị
chết trong một vụ tai nạn xe hơi bí hiểm. Tháng 5 năm 1991 tướng Vladimir
Todorov, người đã hủy bỏ hồ sơ, bỏ trốn qua Mát xcơ va, nhưng sau đó trở về vì
sợ bị Cộng hòa Nga dẫn độ. Tướng Todorov khai rằng hồ sơ dài 3500 trang nhưng
lại không có gì, chỉ có những bài báo cắt ra. Ông này bị tù 1 năm 4 tháng về
tội hủy hồ sơ. Một người khác đã dính líu đến vụ Markov là cựu Thứ trưởng Nội
vụ tướng Stoyan Savov, tự sát trước khi bị ra tòa năm 1992.
Người
bị tình nghi trực tiếp giết ông Markov là một kẻ tội phạm người Ý đã từng bị
Bulgaria bắt về tội buôn ma túy, Francesco Guilino. Các cơ quan phản gián
phương Tây đã tìm được bằng chứng ông Guilino hoạt động cho tình báo Bulgaria
với mật danh “Picadilly”. Họ cũng có bằng chứng ông Guilino có mặt tại London
trong ngày Markov bị ám sát. Năm 1993, Scotland Yard và an ninh Bulgaria tìm
được Guilino tại Đan Mạch và ông Guilino bị gọi lên hỏi cung. Cơ quan phản gián
Đan Mạch cũng gọi ông Guilino lên hỏi cung vì bị tình nghi hoạt động gián điệp
cho Bulgaria chống Đan Mạch. Hai cuộc hỏi cung không có kết quả, và sau đó ông
Guilino đã trốn mất.
Sau
khi tổng thống Zhelu Zhelev nhậm chức, ông đã viếng mộ ông Georgi Markov tại
Anh và tuyên bố sẽ dùng mọi cách để làm sáng tỏ cái chết của ông Markov. Tổng
thống Petar Stoyanov, sau khi đắc cử năm 1997, cũng tuyên bố như vậy, nhưng đến
nay vụ án vẫn chưa giải được. Ngay khi chế độ cộng sản Bulgaria sụp đổ năm
1989, những bài phát thanh “Tường trình vắng mặt từ Bulgaria” của nhà văn
Georgi Markov đã được in thành sách và trở thành cuốn sách bán chạy nhất nước.
TRẦN DOÃN NHO - VỀ
TRẦN DOÃN NHO -
Cứ mỗi lần gần đến Tết, thì tôi lại nghĩ đến chuyện về.
Về, tức là trở lại. Trái nghĩa với đi. Khi nói về, ta phải
hiểu là ta đã đi, đã lìa xa một nơi chốn thân yêu nào đó. Khi nói về là nói đến
một hạnh phúc, một thú vui, một ước ao. Về, do thế, trở thành một sức lôi kéo
mạnh mẽ, đôi khi không cưỡng lại được. Đi, có thể là bất đắc dĩ. Mà về, thường
thì không. Chữ về bao giờ cũng gợi nên một cảm giác thân thiết, một cái gì ấm
cúng: mạ đi chợ về, tha về (trả tự do), trở về, xuân về, hè về, về làng, về
nước, về nhà, về quê. Ít ra là về mặt chữ nghĩa.
Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến
bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè, chào đón người về (Ngày trở về/ Phạm Duy)
Để
mô tả ngày trở về của một người thương binh, Phạm Duy đã sử dụng âm
"ề" ở cuối câu, dựa vào chữ về, khiến cho bản nhạc hát lên nghe êm
đềm, nao nức. Khung cảnh của một làng quê với lũy tre, với đường đê với vườn
rau thân thuộc trong nắng, tất cả hiện ra y như thể để chào đón một người. Cảnh
đoàn tụ thật vô cùng cảm động:
Mẹ lần mò, ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong
giấc mơ
Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ.
Người lính đã trở về và sung sướng tìm thấy lại những gì thân
yêu nhất trong đời mình và an nhiên thụ hưởng cảnh sống êm đềm xưa cũ. Về ở đây
là hội ngộ, gặp gỡ, là hàn gắn những vết thương gây ra do hậu quả của thời gian
và chia cách.
Cũng là trở về, nhưng cách về của một người tù cải tạo sau
1975 hoàn toàn khác hẳn:
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...
Sao vẫn nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay. (Ta về/Tô Thùy Yên)
Cái về này thật lạ. Không lũy tre, không có nắng vườn rau,
chẳng có bà mẹ nào lần mò ra trước ao để đón. Về mà như đi. Một cái về lạnh
lùng, tức tưởi. Về, đơn thuần chỉ là một chuyển động vật lý: trở lại ngôi nhà
của mình. Mặc dù khác với anh thương binh, người tù được trả về chốn cũ với
thân thể nguyên vẹn, không phải bước lê vì bị thương, nhưng lòng hoang mang
thất tán. Mọi thứ hoàn toàn khác xưa:
Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương khó quá, sống thờ ơ
Giậu nghiêng, cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa... (Ta về)
Thôi thì vậy cũng được. Cũng bình thường. Nhưng cái này mới
kinh khiếp:
Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian, kiếm chính mình.
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh (Ta về)
Một trở về mất mát. Một trở về tuyệt vọng. Về, không còn mang
ý nghĩa uyên nguyên của nó. Nó giống và khác với cái về của một nhân vật trong
truyện ngắn của Nguyễn Mộng Giác.
"Thấy khuôn mặt
chàng không có gì khác thường, nàng tiếp:
- Em van anh,
cho em được đến đây thăm con. Cho em...
Chàng
ngắt lời nàng:
- Chỉ sợ
đến lúc nó không chịu gặp cô nữa thôi!
Nàng lịm
người vì sợ hãi bất chợt. Lần đầu tiên nàng nghĩ đến cảnh huống đau xót ấy.
Tưởng nàng không tin vì quá tự tín, chàng nói dỗi:
- Vả lại,
cần gì cô phải xin. Cô là chủ hộ. Cô muốn làm gì trong nhà này mà chẳng được.
Nàng mím
môi lại. Không nói năng, nàng chụp lấy cây bút bi, ký vào phần ý kiến của chủ
hộ. Cây bút bi để lâu ngày không ra mực, nàng phải dí đầu bút lên lòng bàn tay
nhiều lần. Chữ ký của nàng run rẩy, nét gạch bên dưới không được ngay, trông
giống như một chữ ký giả mạo.
Chàng lấy
giọng khách sáo:
- Nhờ cô
mà tôi được tạm trú trong nhà của mình. Cảm ơn cô.
Phần
nàng, nàng trở lại van lơn:
- Em van
anh, cho em được ở tạm đây với con cho đến sáng mai. Em ao ước được ôm con ngủ
trọn một đêm. Em van anh!
Giọng
nàng rạn đi, pha lẫn nước mắt. Chàng cảm động nhưng vẫn cố cứng cỏi:
- Tại sao
lại xin tôi? Xin một người tạm trú để được tạm trú? Có ai xin phép một khách
qua đường để ngủ tạm trong cái quán trọ?" (truyện ngắn Ngày
về không nắng, "Xuôi dòng", tập truyện, trang 68)
Tô Thùy Yên trở về thấy mất mình, nhân vật trong truyện trở
về thấy mất vợ, mất nhà (tạm trú trong nhà của mình mà vợ - tuy đã bỏ đi lấy chồng khác - là chủ hộ).
Tôi nhớ một chuyện khác thời xưa: chuyện Tô Tần. Tần là người
thời chiến quốc bên Tàu, giỏi biện thuyết, có tham vọng dùng miệng lưỡi của
mình để kiếm công danh. Không có tiền, ông xin mẹ già bán gia tài để làm lộ phí
đi các nơi du thuyết. Cả nhà ai cũng can ngăn, nói rằng: "Tại sao không
chịu cày cấy, buôn bán làm ăn mà chỉ muốn đem mấy tấc lưỡi để kiếm giàu sang,
bỏ cái nghiệp đã thành cầu cái lợi chưa được, sau này nghèo túng còn hối sao
được?"
Tần không nghe, cứ đi. Và đúng như lời khuyên can, sau nhiều
năm tháng đi đây đi đó không được gì, nghèo đói phải trở về nhà. Thấy vậy, mẹ
già mắng nhiếc, vợ đang dệt cửi ngồi yên, không thèm nhìn cũng chẳng thèm chạy
ra chào hỏi. Đói quá, Tần xin chị dâu cho ăn cơm, chị dâu không cho. Tần chảy nước
mắt tự trách mình. Đó là cái về của một người thất bại.
Nhưng Tần không chịu. Lại ra đi. Và lần này thành công lớn.
Khi về, có võng lọng, có lính hầu, tiền rừng bạc bể. Mẹ già chống gậy ra đường
xem. Chị dâu và vợ hỗ thẹn không dám nhìn lên, phủ phục ở ngoài ngõ đón. Tần
ngậm ngùi than: "Tình đời xem ấm lạnh, giá người thành thấp cao."
Hai lần về, hai khung cảnh, hai tình cảm, hai vở kịch. Thì
thế. Và phải như thế. Nếu không như thế thì thành chuyện thần tiên mất rồi.
Thời nào cũng có những Tô Tần, tuy mức độ có khác nhau. Giá của một Việt kiều
trở về tất cao hơn nhiều so với giá của một người tù trở về. Hàng năm, Tết đến
là có hàng trăm ngàn Việt kiều về lại quê hương. Trở về theo kiểu "vinh
quy bái tổ,” "áo gấm về làng." Nói tất cả thì không hẳn đúng. Nhưng
đa số đều về với tâm thức của những người "được" chứ không phải là
của những người "mất." Họ không trở về để "lục lại thời gian kiếm chính mình"
như Tô Thùy Yên, cũng không như người thương binh của Phạm Duy muốn trở về với
đời sống bình dị. Mà về với tâm thế của một Tô Tần thành đạt. Dù rằng để được
như thế, họ phải đánh đổi bằng cách cật lực làm ngày làm đêm, làm ca hai, ca
ba, làm overtime, làm 2, 3 job. "Về", đôi khi, là một
gánh nặng. Bổn phận, danh dự, thể diện vân vân. Có lẽ vì thế mà có người không
dám về. Hay chưa thể về. Tôi có một người bạn qua đây từ tháng 4/1975. Cho đến
giờ này, anh chưa về lại Việt Nam lần nào. Vì sợ Cộng Sản? Không. Vì không có
tiền, anh cho biết. Tại sao lại không có tiền, anh qua đây đến gần 30 năm mà?
Đúng ra là không đủ tiền. Vậy thì bao nhiêu mới đủ? Anh ngần ngừ một lát rồi
trả lời: "Tôi cũng chẳng biết bao nhiêu thì đủ. Nào phải xây lăng, đắp mộ
bên nội rồi bên ngoại, xây nhà từ đường rồi biếu tiền cho ông chú, bà dì, bà o,
rồi em út cháu chắt, rồi bà con xa bà con gần rồi bạn bè, đàn em cũ. Rồi du hí,
chơi bời, vân vân và vân vân. Chẳng lẽ đi Mỹ mấy chục năm trở về để bị mang
tiếng keo kiệt." Đại loại anh lý
luận như vậy. Rốt cuộc, loay hoay mãi, hết hẹn năm này về rồi sang năm, chưa
bao giờ anh "về" được.
Tôi chẳng dám khuyên gì anh bạn. Vì từ ngày sang đây, tôi
cũng chưa có dịp về. Tiền là một lẽ. Sợ hãi vu vơ là một lẽ khác. Nhưng lý do
chính là tôi biết tôi chẳng tìm thấy gì vui trong việc về. Tôi đã từng kinh qua
việc "về nhà" từ trại cải tạo độ nào. Được ra khỏi nhà tù thì mừng,
tất nhiên. Nhưng về nhà rồi chẳng thấy gì vui. Gia đình tôi còn nguyên vẹn,
không trở thành bi kịch như nhân vật trong truyện của Nguyễn Mộng Giác ở trên.
Nhưng không khác mấy với "ta về" của Tô Thùy Yên. Cảnh còn đó, người
còn đây, nhưng mọi tương quan đã khác. Phải tập làm quen với mọi thứ, kể cả với
người thân trong nhà. Một anh bạn tôi, ra đi từ tháng 4/1975. Sau gần hai chục
năm, anh trở về với tâm trạng hăm hở muốn tìm lại những kỷ niệm cũ. Anh đi thăm
nơi này nơi nọ, những chỗ đã từng ghi dấu những ngày vui xưa của anh. Những
tưởng sẽ tìm lại nguyên vẹn những gì xưa cũ. Nhưng tất cả đã mất, mất hẳn. Anh
không tìm thấy gì hết ngoài một cảm giác lạ hoắc y như thể anh tới một nơi xa
lạ. Cảnh, người và anh đều lạ lẫn nhau. Thế rồi cuối cùng, anh ngong ngóng ngày
về lại Mỹ, nơi mà trước đây khi ra đi với tâm trạng của một kẻ bị lưu đày.
"Về" Mỹ! Về Mỹ, chứ không "đi" Mỹ. Và cảm giác
"về" Việt Nam trở thành "đi" Việt Nam.
Có lẽ cũng chẳng phải một mình anh bạn có cảm giác như vậy.
Nhiều người "về" Việt Nam rồi "về" lại Mỹ. Không về Mỹ sao
được? Con đó, cháu đó, công ăn việc làm ở đó, tương lai ở đó, tiền hưu bổng ở
đó. Đi, đâm ra cũng là về. Và về, đâm ra cũng là đi. Viết đến đây, tôi nhớ một
câu chuyển kể của thầy Nhất Hạnh. Có hai vợ chồng nọ lấy nhau vì tình. Như mọi
cặp vợ chồng khác, lúc đầu họ sống rất hạnh phúc. Nhưng sau một thời gian,
người vợ mất hết vẻ tươi mát và người chồng mất hết sự dịu dàng và ngọt ngào.
Họ phải sống với nhau như một điều bắt buộc. Vì sợ tai tiếng. Vì sợ làm hai gia
đình buồn... Ông chồng chẳng cảm thấy hứng thú gì khi về nhà thấy mặt vợ. Và
ngược lại, bà vợ cũng chẳng thấy vui vẻ gì khi đợi chồng về. Hai người bắt đầu
đi tìm niềm vui riêng. Bà dành nhiều thì giờ lo việc chùa chiền. Còn ông thì
lấy cớ cần phải học thêm về ngành chuyên môn nên hết giờ làm nấn ná tìm cách ở
lại sở. Tóm lại, chẳng ai muốn về nhà. Hai chữ "về nhà" thân thương
mất hết ý nghĩa. Nhà vốn được hiểu như là một "tổ ấm," bây giờ là
"tổ lạnh." Về nhà thành ra "đi" nhà.
Hay
nói theo cách diễn đạt của Albert Camus, thì quê nhà (le royaume) (*) trở thành
chốn lưu đày (l'exile). Truyện ngắn "La femme adultère" (trong tập
truyện L'Exil et le Royaume) mô tả tâm trạng phức tạp của một người đàn bà tên
là Janine. Janine theo chồng đi bán hàng ở một thành phố Á Rập nằm trong sa
mạc. Nhìn thấy sa mạc lần đầu, nàng bị cuốn hút ngay vào cái lạ lùng, hoang
vắng và yên lặng của nó. "Bên trên
sa mạc, sự yên lặng mênh mông như không gian." Nàng cảm thấy như đó là một vương quốc mơ ước vĩnh cửu của nàng.
Đêm đó, trong phòng khách sạn, nằm bên người chồng đang say sưa ngủ, nàng ray
rứt xót xa. Bao nhiêu năm sống với người đàn ông gọi là chồng dường như chẳng
có mấy ý nghĩa. Nàng đi theo chồng, Marcel, giản dị chỉ "để làm vui lòng người đã cần nàng. Niềm vui duy nhất mà anh ta cho nàng
là sự nhận biết nàng là cần thiết. Có lẽ anh ta chẳng hề yêu nàng" (...) Hai người làm tình với nhau chỉ bằng cảm
giác trong bóng tối, chẳng hề nhìn thấy mặt nhau (...). "Nàng biết rằng Marcel cần nàng và nàng thì
nàng cần cái cần đó của anh ta." Tim nàng như thắt lại khi khám phá ra
rằng nàng đã kéo lê đời sống như thế trong cả hai mươi năm trời. Nàng cảm thấy
như mình bị lưu đày. Và bỗng nhiên nàng muốn được giải thoát. Ý nghĩ đó khiến
nàng ngồi bật dậy, mặc áo quần, lặng lẽ trốn chồng đi ra ngoài. Trong bóng đêm,
bất chấp gió lạnh, bất chấp nỗi sợ hãi, bất chấp tất cả, nàng chạy như điên như
cuồng về phía sa mạc. Đến một cái pháo đài bỏ hoang, nàng leo lên đứng dựa vào
góc tường, đắm đuối nhìn vào sa mạc - vương quốc yêu dấu của nàng. Nàng tự do
thưởng thức cái yên lặng, cái mênh mông và đủ thứ ảo tượng thực trộn cùng hư
dấy lên từ trời từ đất và từ cõi lòng nàng. Nhưng rốt cuộc, nàng phải trở về.
Và rồi nàng khóc, khóc nức nở. "Không
có gì đâu, anh yêu. Không có gì đâu," Janine nói với chồng. (Trích
đoạn lấy từ "The Adulterous Woman," Exile and the Kingdom,
Albert Camus, bản tiếng Anh của Justin O'Brien, Random House, NY, Hoa Kỳ, 1991)
Trong
ý niệm của Camus, lưu đày và quê nhà
không phải là không gian vật lý của một nơi chốn nào hết, mà là tâm thức con
người. "Nhà" hay "không nhà" là tâm giới chứ không là cảnh
giới. Trong cuộc sống, không thiếu người xem "nhà" là nơi tù ngục, tù
không có án, là nơi để người ta "giết đời nhau." Nhưng có lúc, chỗ
lưu đày lại được xem là nhà. Nhớ khi còn ở tù, mỗi lần xuất trại đi ra ngoài
lao động, lòng cứ ngong ngóng "về" láng. Về cái chỗ nằm chật hẹp vừa
đủ để đặt lưng của mình, về trong một không gian hạn hẹp, bị canh phòng, giám
sát đêm ngày. Cũng là "về" vậy. Điều mỉa mai là, trong hoàn cảnh tù
đày, chỗ nằm đâm ra trở thành "tổ
ấm."
Vậy, đâu là đi, đâu là về? Thật khó nói một lần cho xong.
Đẩy
ý niệm đi và về xa hơn, thì ta đụng với
khái niệm về cõi trần hay cõi thế, trần gian, cõi tục lụy, cõi ta bà. Đụng với
hình ảnh mà Trịnh Công Sơn cho là "tin buồn." Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người. Trần gian trở thành
nơi tạm bợ, là một chỗ đi:
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời (Ở trọ)
Mà trần gian chẳng có gì vui, nên anh kêu gọi:
Thôi về đi, đường trần đâu có gì
Tóc
xanh mấy mùa
Có nhiều khi, từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ, tưởng hồn những năm xưa (Phôi pha)
Ít có nhạc sĩ (và cả
thi sĩ) nào đề cập đến chuyện đi và về nhiều như Trịnh Công Sơn. Nhạc của anh,
rốt cuộc, có thể tóm gọn trong hai chữ "đi" và "về.” Ra đời là
"đi" và chết là "về.” Anh cho ta thêm một hình ảnh mới tượng
trưng cho cuộc đời: một cõi đi về.
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên
hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về (Một cõi đi về)
Cũng trong cõi đó, Du
Tử Lê diễn đạt một cách khác:
Đi và về cùng một nghĩa như nhau
Người đông phương định nghĩa: Sinh ký tử quy. Sống gửi thác
về.
Gửi! Đi hay về cũng chỉ là gửi, tạm gửi (hay gửi tạm). Thầy
Nhất Hạnh dùng chữ "gửi" trong một ví von khá độc đáo:
Tôi gửi tôi nơi đất
Đất gửi đất nơi tôi
Tôi
mạn phép quảng diễn ra một cách khác: Tôi gửi tôi nơi Mỹ, Mỹ gửi Mỹ nơi tôi.
Tôi gửi tôi nơi em, em gửi em nơi tôi. Tôi gửi tôi nơi đời, đời gửi đời nơi
tôi...
Đất gửi đất nơi tôi = hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi.
Tôi
gửi tôi nơi đất = để một mai tôi về làm cát bụi / đất ôm anh đi về cội nguồn
Thực
ra, ví von trên của thầy Nhất Hạnh được đẩy xa hơn, thâm trầm hơn:
Tôi gửi tôi nơi Bụt
Bụt gửi Bụt nơi tôi.
Đất và tôi, Bụt và tôi, đi và về, sống và chết, Mỹ và Việt
Nam, ... và...và... Còn biết nơi nao là
chốn quê nhà. (TCS)
(12/2002)
(*) "L'Exil et le
Royaume" (Lưu đày và quê nhà) của Albert Camus. Tôi dùng lại chữ "quê
nhà" mà một dịch giả (tôi quên tên) trước 1975 ở miền Nam đã dịch thoát từ
tiếng Pháp "royaume" (vương quốc). Bản dịch tiếng Anh của Justin
O'Brien là "Exile and the Kingdom."
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)