Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013
KHÁI NIỆM QUỐC GIA
(Kết thúc loạt bài “Những tư
tưởngđến sau”)
Nguyễn Hoài Vân -
SỰ LẪN LỘN GIỮA QUỐC GIA VÀ DÂN TỘC:
Khi
tuyên bố: “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư”, Lý Thường Kiệt đã nói lên một quan niệm
cổ xưa về quốc gia: Nam Quốc là “nơi cư ngụ” của Nam Đế, hay nói cách khác,
quốc gia là tổng hợp những gì thuộc quyền sở hữu của một triều Vua. Đó là tư tưởng
trọng quyền Vua, và là tư tưởng chính yếu của đa số các nhà cầm quyền ở
Đông Á cho đến gần đây.
Bên
cạnh đó, cũng ở ĐôngÁ thời xưa, đã có tư tưởng trọng quyền dân, cho nước là của dân, với những tôn chỉ như: “ý dân
là ý Trời”, hay “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.
Mặt
khác chữ “dân” trong “quyền dân” cũng không
hẳn là “dân tộc”. Sự lẫn lộn giữa “người dân” và “dân tộc”, lồng vào khuôn khổ
“quốc gia”, có thể đưa đến nhiều tai hại. Đó là lý do khiến chúng ta cần định nghĩa
rõ ràng khái niệm quốc gia.
ĐỊNH NGHĨA QUỐC GIA:
“Quốc
Gia” ngày nay thường là sự diễn dịch của chữ “nation”. Chữ này có nhiều nghĩa,
nhưng trong phạm vi câu chuyện của chúng ta, quốc gia có thể được coi như một
tập thể quy tụ những người:
- cùng nhìn về
những mục tiêu chính yếu chung,
- cùng có một số
giá trị căn bản,
- cùng chấp nhận
một mô hình tổ chức,
- và cùng chia sẻ
một tập hợp cấu trúc.
Người
ta có thể cụ thể hoá quan niệm quốc gia bằng định nghĩa: quốc gia là một tập
hợp quy tụ những người cùng chấp nhận trung thành với một Hiến Pháp. Tuy nhiên
đây chỉ là một cách nói “hành chánh” (ai trong người dân biết rành hiến pháp?),
vì trong thực tế, có thể có những chuyện không ghi thành văn trên một Hiến Pháp
nhưng vẫn nằm trong bốn điểm căn bản mà chúng ta đã đề ra ở trên (thí dụ: Anh
Quốc không có hiến pháp). Xin lần lượt xét qua bốn yếu tố này.
MỤC TIÊU CHÍNH YẾU:
Mục
tiêu chính yếu định cho tập hợp quốc gia một hướng đi. Có một số mục tiêu rất
dễ hiểu, được thấy nơi mọi quốc gia, cũng như mọi tập thể, đó là:
- trường tồn,
- phát triển,
- và bảo vệ tính cá
thể của tập hợp.
Điều
này ví như một sinh vật, nếu muốn sống thì ít nhất phải ý thức được ba mục tiêu
vừa kể, vì:
-
không tìm cách trường tồn thì đương nhiên là sẽ biến
mất, không phát triển thì sẽ bị những sinh vật
phát triển hữu hiệu trong môi trường lấn át và tiêu diệt,
-
không bảo vệ được tính cá thể của mình, thì sẽ không còn biết cái gì thuộc về mình và
cái gì không thuộc về mình, để một mặt giữ lại những yếu tố của mình, bảo vệ chúng,
không cho mất đi, mặt khác, chống cự với những gì không phải của mình, từ ngoài
xâm nhập nếu chúnglàm hại cho sự tồn tại của mình với tính cách một cá thể.
Ta có thể nhận xét :
Trường tồn và
phát triển buộc phải thích nghi với môi trường chung quanh. Thích nghi là đón
nhận những yếu tố đến từ môi trường chung quanh và tự điều chỉnh, tu bổ, để phù
hợp với môi trường ấy. Ví như đứa bé muốn sống (trường tồn) và lớn khôn (phát
triển), thì phải mở miệng để ăn, mở mũi để thở, mở trí óc để học hỏi. Như vậy, trường tồn và phát triển bao hàm tính cách
“mở”.
Ngược lại, việc bảo
vệ tính cách cá thể thiên về “đóng”. Muốn bảo vệ cái thuộc về mình cho khỏi
tiêu hao mất mát và chống lại những yếu tố tai hại từ ngoài xâm nhập vào thì
đương nhiên là phải “đóng”, phải nhận biết và giữ vững ranh giới giữa “ta” và
“không ta”.
Như vậy, ba mục đích vừa nêu trên của một tập thể, như
tập thể quốc gia, đi trên hai chiều hướng đối nghịch nhau: vừa mở ra với môi
trường chung quanh, nhưng lại vừa đóng lại, để tự che chở đối với bên ngoài. Đó
là sựmâu thuẫn thông thường của sự sống, của các“hiện tượng sinh động”…
Ngoài
ra, khi áp dụng vào một quốc gia, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, mỗi
mục tiêu nói trên đều có thể được thu gọn vào một số sắc thái thực tế, thí dụ
như đối với nước ta ngày nay:
- phát triển đương
nhiên không phải là mở mang biên giới, tranh dành đất đai của các nước láng
giềng như ở thời Lê, Nguyễn…mà là phát triển kinh tế,
- bảo vệ tính cá
thể không chỉ là chống đỡ trước những làn sóng xâm lăng từ bên ngoài, kể cả về
văn hoá, kinh tế, chính trị, mà cũng là ngăn ngừa sự tan rã nội bộ, do nạn kỳ
thị vùng miền, phe phái, tôn giáo v.v… Cần nói là nếu một phe phái, tôn giáo,
hay địa phương không chấp nhận ba mục tiêu căn bản của tập thể quốc gia như đã
nói ở trên, thì sẽ không thể là thành phần của quốc gia được nữa. Nếu số thành
phần không chấp nhận những mục đích chung ấy nhiều đến một mức độ nào đó, thì
quốc gia tan rã. Hiểm họa này đối với nhiều quốc gia hiện đại quan trọng không
kém hiểm hoạ bị lệ thuộc bên ngoài.
I) HỆ THỐNG GIÁ
TRỊ CĂN BẢN:
Đa
số thành viên trong một cộng đồng quốc gia cần chấp nhận một số giá trị căn
bản, trong số đó có những giá trị dùng để tranh thủ các “mụctiêu chính yếu” vừa
được nói đến ở trên. Nhờ hệ thống giá trị này mà trước một sự việc, người ta có
được những tiêu chuẩn để đánh giá rằngviệc ấy tốt hay xấu, hay hay dở, nên hay
không…
Hệ
thống giá trị thường chịu ảnh hưởng của tôn giáo, triết học, chủ thuyết hay ý
thức hệ thịnh hành. Cần ghi nhận là trong khi những mục tiêu chính yếu của một
tập thể có tính cách gần như tuyệt đối, vì quy định sự sống còn của tập thể ấy,
thì ngược lại, hệ thống giá trị có tính cách tương đối. Những thành tố của nó
có thể bị thay đổi hay bị đào thải với thời gian. Tuy nhiên, trong một giai
đoạn nhất định, thì những giá trị căn bản được đa số thành viên trong xã hội thoả
thuận, hiển hiện một cách tương đối rõ rệt. Một thiểu số nào đó có thể có những
suy nghĩ khác với những giá trịđược đa số chấp nhận, mà vẫn nằm trong tập thể
quốc gia với điều kiện trong thực tế hàng ngày,
thiểu số này vẫn hành động theo đúng các mục tiêu sống còn của tập thể. Cũng
cần nhận xét là hệ thống giá trị của cộng đồng quốc gia càng rộng rãi thì hệ
thống ấy càng dễ được nhiều thành phần chấp nhận, và ngược lại.
II) MÔ HÌNH TỔ CHỨC:
Sinh hoạt của cộng đồng quốc gia buộc phải dựa trên
một mô hình tổ chức thích nghi với các điều kiện thực tế, với các mục tiêu
chính yếu cũng như hệ thống giá trị được đa số thành phần trong cộng đồngchấp
nhận. Vấn đề này xin dành cho một diễn đàn khác.
III) TẬP HỢP CẤU
TRÚC QUỐC GIA:
Tập
hợp các cấu trúc ở đây chỉ những “nguyên liệu” vật chất để xây dựng một quốc
gia, như yếu tố địa lý (lãnh thổ, tài nguyên), hạ tầng cơ sở, yếu tố nhân văn
(cấu trúc xã hội) v.v…
Ta
có thể ví những mục tiêu chính yếu của quốc gia như một con đường, hệ thống giá
trị căn bản như luật đi đường, mô hình tổ chức như người lái xe và tập hợp cấu
trúc như chính chiếc xe.
Chiếc
xe có những đặc tính mà người lái cần biết rõ để sử dụng tối đa khả năng của nó
và tránh làm hư xe. Đó là ảnh hưởng của cấu trúc trên mô hình tổ chức. Rồi khi
lái xe, cũng phải biết luật đi đường, và nhất là biết phải lái đi đâu, để làm
gì ?
§§§§§§§§§§§
TƯƠNG QUAN GIỮA DÂN TỘC VÀ QUỐC GIA:
Dân
tộc khác với quốc gia. Một quốc gia có thể bao gồm nhiều dân tộc (như Hoa Kỳ,
Bỉ, Trung Quốc…), và một dân tộc cũng có thể sinh sống trên nhiều quốc gia (như
các dân tộc Ả Rập, Kurde, Triều Tiên, Phúc Kiến, Quảng Đông, Khách Gia…). Tuy
nhiên, dân tộc và quốc gia có những tương quan mật thiết :
Quốc
gia khó mà tự nhiên có. Sự hình thành của quốc gia thường gắn liền với những
điều kiện lịch sử, địa lý, với ảnh hưởng mạnh mẽ của yếu tố dân tộc.
Một
biệt lệ đáng chú ý là các quốc gia đã được kiến tạo dựa trên quyền lợi của các
cường quốc, bất chấp yếu tố dân tộc,vào lúc chế độ thực dân cáo
chung. Điều này đưa đến tình trạng bất ổn nơi nhiều vùng đất liên hệ, đôi
lúc còn nổ tung thành những cuộc chiến lớn, ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Nói
thế để hiểu rằng yếu tố dân tộc rất quan trọng, vì dân tộc thường có khuynh
hướng tự nhiên hội đủ những điều kiện sống còn của một tập thể như đã được trình
bày ở trên. Thật vậy, dân tộc tự nó đã có một quá khứ lâu dài, nên những điều kiện
sống còn đương nhiên là đã hội đủ. Quốc gia không đương nhiên có được được lợi
điểm này. Vì thế, sự hình thành của quốc gia thường phải dựa vào dân tộc. Cần
thêm là dựa vào dân tộc cũng là thích nghi với tình chí của người dân, qua truyền
thống dân tộc. Thích nghi với tình chí của người dân là điều kiện để cho mọi
chính sách, mô hình tổ chức … có thể thành công.
NHỮNG TAI HẠI CỦA SỰ LẪN LỘN QUỐC GIA VÀ
DÂN TỘC :
Chúng
ta đã xét qua thế nào là quốc gia, đã nhận rõ quốc gia không phải là dân tộc
tuy hai thực thể có những tương quan mật thiết với nhau, bây giờ xin thử xét
xem khi dân tộc “là” quốc gia thì sẽ có hậu quả ra sao?
Có
thể bỏ qua một bên trường hợp những dân tộc sinh sống trên nhiều quốc gia, mà
chỉ bàn đến những quốc gia có nhiều dân
tộc. Nếu một trong những dân tộc trong quốc gia ấy tự cho mình “là” quốc
gia, thì các thành phần dân tộc khác sẽ tự cảm thấy mình bị gạt ra ngoài tập
thể quốc gia. Trong trường hợp này, tính cá thể của quốc gia, như đã nói ở trên,
có thể bị tổn hại: các thành phần tự cảm thấy mình không còn ở trong tập thể quốc
gia nữa, sẽ không còn hết lòng hướng về những mục tiêu chính yếu của tập thể,
mà chỉ nghĩ đến sự trường tồn và phát triển của riêng mình. Tai hại hơn nữa, các
thành phần này còn có thể nghĩ đến việc hội nhập vào một tập thể quốc gia khác,
nhất là khi có những thế lực bên ngoài can thiệp vào…
Vì
thế: định nghĩa quốc gia cần rộng rãi vừa đủ, để một mặt tạo một môi trường tốt
đẹp cho sự sinh hoạt của mọi thành phần, đặc biệt là những thành phần thiểu số
hay mới hội nhập sau này, mặt khác, vẫn bảo vệ được tính cá thể của tập hợp.
TƯƠNG LAI CỦA KHÁI NIỆM DÂN TỘC:
Nhiều
người có thể cho rằng: tư tưởng dân tộc đã lỗi thời, nhân loại đã bước sang một
giai đoạn mới trong đó con người gần nhau hơn, liên hệ với nhau ngày một thêm
chặt chẽ, và do đó các ranh giới giữa dân tộc này với dân tộc khác buộc sẽ phải
ngày một phai nhòa đi.
Cách
nhìn này, tuy được xác nhận bởi khoa học khách quan, nhưng vẫn vấp phải những
yếu tố chủ quan, khiến cho nó vẫn chưa thể hiện được trong thực tế. Như chúng
tôi đã trình bày ở một bài khác, con người ngày nay có khuynh hướng tìm về với
những truyền thống, trong đó có truyền thống dân tộc. Thật vậy, khi tương lai
đầy bất trắc và lo sợ, hiện tại nhiều thất vọng và ưu tư, thì người ta có
khuynh hướng quay về quá khứ, tìm một điểm tựa được cảm nhận như an toàn, vững
chắc …Khuynh hướng này đối lại với khuynh hướng tiến bộ (modernisme) theo đó
giải pháp của bài toán được đặt ra trong hiện tại nằm ở tương lai, ngày nay
buộc phải hơn ngày qua, cũng như tương lai buộc phải hơn hiện tại và quá khứ. Chúng
tôi đã nêu lên những vấn đề khó khăn mà cả hai khuynh hướng nêu trên có thể đặt
ra, và đề nghị một quan điểm dung hoà dựa trên triết học Đông Phương, ở phần
“Tam Giáo”.
Có
thể một ngày nào đó ảnh hưởng của ý tưởng dân tộc sẽ giảm bớt đi, nhưng đó
không phải là việc của hiện tại hay của một tương lai gần. Trong hiện tại,
chúng ta cần vận dụng ý tưởng dân tộc để hàn gắn những mảnh vụn của cái bình
quý Việt Nam đã vỡ tan từ khi đụng chạm với sắt thép Tây Phương, để chữa trị
căn bệnh phân hoá ngặt nghèo đã làm đất nước điêu linh. Điều tối cần thiết là
phải tuyệt đối tránh rơi vào nạn dân tộc chủ nghĩa cực đoan, hẹp hòi, nguồn của
những thảm họa chắc chắn.
Tóm
lại, dù cho “lập trường dân tộc” có là phương thuốc cốt yếu để giải quyết những
khó khăn hiện tại của đất nước, chúng ta cũng cần xác định rõ một khái niệm
quốc gia rộng rãi hợp tình, hợp lý, để tránh rơi vào những khó khăn khác.
Đừng
quên mọi dòng sông đều là sự kết hợp của nhiều nguồn nước, đến từ Đại Dương và
sẽ cùng chảy về Đại Dương bao la…
Nguyễn
Hoài Vân
14/2/1991
Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013
Võ Phiến - Cửa Sổ
Võ Phiến -
Dọn nhà là chuyện vất vả. Hôm dọn
đến nhà mới, đêm hôm ấy tôi ngủ mê mệt. Sáng, thức giấc rất muộn: mở mắt ra
thấy ánh sáng đã đầy phòng. Từ phía cửa sổ, ánh mặt trời ùa vào chói chang. Hóa
ra mình không hề thức dậy; mình bị đập dậy tàn bạo.
Về sau, nhắc lại chuyện ấy, chúng
tôi vẫn gọi cái sáng xông vào cửa sổ hôm đó, gọi buổi sáng đó là “Thằng cha Sấn
Sổ”. Ngay từ sơ ngộ, sao mà đường đột, ngổ ngáo quá vậy? Cửa sổ phòng ngủ mở về
hướng đông. Rồi sẽ còn lắm chuyện với Thằng cha Sấn Sổ. Người ta còn đang sõng
sượt chình ình trên gường. Làm gì mà vội vàng xông xáo... Hừm!
Hóa ra không phải thế. Từ phía cửa
sổ ấy không phải chỉ có một “thằng”. Ngay hôm tiếp theo, thức giấc thấy yên
ắng, êm ru bà rù, tôi nghĩ là không có ai quấy rầy. Chắc thế. Lờ mờ, êm ru,
vắng lặng thế này.
Tôi kéo mền lên đầu, định nằm thêm
một lát. Không ngờ khi hướng mắt về phía cửa gặp ngay “nhân vật” về sau mang
tên “Gã Mặt Mốc”. Màu trời phương đông, ngay ở chỗ đáng lẽ mặt trời xuất hiện,
lúc ấy lại toàn một màu xám nguội, như tro. Khoảng mây xám ấy cứ thản nhiên
hướng mặt vào khung cửa sổ. Thản nhiên. Bất cần. Hừm! Mặt Mốc!
Sau đó, lần lượt: Thằng Ủ Ê, cô E
Ấp, lão Trầm Ngâm, rồi gã Hí Hửng, chàng Hân Hoan, rồi cậu Hả Hê v.v... Không
hẹn hò mà hôm nào tôi cũng sẵn một tâm lý đón đợi.
Sáng hôm nọ, tỉnh giấc muộn. Linh
tính khiến mình liếc mắt về hướng cửa sổ. Khung trời xanh nhạt, gợi một cái
xanh mênh mông. Cây thông cao đứng không một lay lắc. Sự chờ đợi kéo dài, hờ
hững. Một con quạ từ đâu bay đến. Quạ đáp xuống chỗ cuối một cành mềm, oặt qua
oặt lại. Con quạ loay hoay, vung cánh, đạp chân lung tung, trật qua trật lại,
mãi hồi lâu mới tạm yên. Nhưng nó vẫn chưa tìm được thế đậu ổn định. Chốc chốc
quạt cánh, đạp chân, trầy trật...
Trời xanh cao rộng, ngọn thông yên
lặng, con quạ loay hoay... Ơ kìa! Linh tính xui tôi bắt gặp đúng cái gì như thể
là... hạnh phúc? Bắt đúng niềm sung sướng không ngờ. Đời hay ho quá cỡ.
Chợt tai nghe: “Á a! Á a!” vang lên
mấy tiếng.
Tôi ngẩn ngơ, tần ngần. Á a? Á a?
Cái gì á a? Trời xanh mênh mông tự dưng cao hứng quá đỗi mà phát lên thế chăng?
Hay lại quạ, một con quạ vô duyên đâu đó quác mỏ... á a?
Dù sao, tôi bỏ qua mọi suy tưởng vẩn
vơ, tôi tiếp tục vui sướng, vô cớ.
Vô cớ, đúng là vô cớ. Cớ? biết gán
cho cái gì? Cho con quạ vụng về? Cho cành thông mềm oặt? Cho cái sáng hững
hờ?... Bậy bạ cả.
Không nghe nói về kiểu huyệt mộ nào
có cửa thông lên trần gian.
Cho đời nhìn xuống, cho người nhìn
lên.
Liệu rồi sẽ có kẻ nghĩ ra một kiểu
thích hợp cho những hồn ma nhấp nhổm nhớ trần gian?
— Không có? Chán!
1 - 2004
Ngô Nhân Dụng - Bỏ đảng hay xóa đảng
Ngô Nhân Dụng -
Lev
Tolstoi mở đầu cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Anna Karenina với một câu vẫn được
các người yêu văn chương nhắc lại hơn một thế kỷ qua: “Các gia đình hạnh phúc
đều giống nhau, mỗi gia đình bất hạnh thì bất hạnh theo cách riêng.” Các chế độ
cộng sản chiếm được chính quyền cùng một cách, nhưng khi suy tàn thì mỗi đảng
tan rã theo một cách khác nhau.
Các đảng cộng sản lên nắm quyền đều dùng bạo động và thủ đoạn bất chấp đạo lý,
trong khi các đối thủ của họ đều còn sống trong những quy tắc luân lý quen
thuộc của cả xã hội. Giữa một đám nhiều người đang tranh đấu với nhau, kẻ nào
xảo quyệt và tàn bạo nhất sẽ tiêu diệt những người thành thật và lương thiện,
những người bị gọi là “ngây thơ”. Hoặc Mao nêu khẩu hiệu: “Súng đẻ ra quyền.”
Lenin nói, “Chiến tranh là bà mụ đỡ cho cách mạng.”
Nhưng khi các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ thì mỗi nơi tan hàng
theo một kiểu riêng. Ðảng Cộng Sản Ba Lan tự chuyển giao chức thủ tướng cho một
luật sư của Công Ðoàn Ðoàn Kết sau khi cả bộ chính trị hoàn toàn bế tắc trong
cảnh kinh tế suy sụp. Cộng sản Ðông Ðức chịu thua để bức tường Berlin bị phá
sập sau khi dân chúng hàng loạt kéo nhau vượt biên qua phía Tây; dân thành phố
Leipzig từ nhà thờ đi ra diễn hành trong im lặng liên tiếp; cảnh sát công an ở,
Dresden từ chối không bắn vào những đồng bào đi biểu tình. Cộng sản Tiệp Khắc
phải nhượng bộ ý nguyện của người dân, sau các cuộc biểu tình thủ đô. Hungary
đã bắt đầu thay đổi từ thời năm 1980, đợi đến năm 1989 chế độ sụp đổ một cách
ôn hòa. Cộng sản Rumania hoàn toàn nhắm mắt bịt tai, cưỡng lại đến cùng; đưa
tới cái chết thảm khốc của vợ chồng Nicolae Ceaucescu, nhà lãnh tụ sau cùng.
Tại Bulgaria, vừa nghe tin tường Berlin sập Bộ Chính Trị bèn họp nhau cách chức
Tổng Bí Thư Todor Zhivkov, cầm quyền suốt 35 năm, rồi giải tán đảng, sửa hiến
pháp, tổ chức bầu cử để vẫn được nắm chính quyền. Cộng Sản Nga tự ý bắt đầu
thay đổi từ thời Gorbachev để tự cứu vãn, hy vọng nhờ thế đảng sẽ cai trị lâu
dài hơn. Nhưng cuối cùng không tự cứu nổi, vì đã hết thuốc chữa. Một yếu tố
quyết định tình trạng sụp đổ của các chế độ cộng sản trên là trình độ nhận thức
của người dân trong các nước đó được nung nấu đến mức chín mùi. Khi chế độ sụp
đổ, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, kể cả các đảng viên. Không một chi bộ đảng
nào đưa một ngón tay ra để cứu đảng.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam sẽ tan rã như thế nào? Cần nêu lên câu hỏi này, càng sớm
càng tốt. Thứ nhất, vì điều đó chắc chắn xảy ra. Tình trạng nội bộ của họ đang
tan rữa, ung thối, không thấy cách cứu chữa. Trong khi đó trình độ nhận thức
của người dân Việt Nam đang dâng cao. Một cô sinh viên ngoài 20 tuổi Nguyễn
Phương Uyên, đứng trước tòa án giữa đám công an chìm nổi vẫn thản nhiên nói:
“Tôi chống đảng chứ không chống nước Việt Nam”.
Thứ hai, cần nhìn thấy trước cảnh đảng Cộng Sản tan rã để người Việt cùng nhau
chuẩn bị sẵn sàng việc xây dựng chế độ dân chủ tự do sắp tới. Phải chuẩn bị
sớm, nếu không sẽ lúng túng trong thời gian chuyển tiếp, càng kéo dài quá lâu
càng tai hại cho tương lai dân tộc. Kinh nghiệm ở Ðông Âu và tại các nước thuộc
Liên Bang Xô Viết cũ cho thấy: Thay đổi nhanh chóng thì trong 20 năm kinh tế
phồn thịnh, xã hội ổn định xong rồi; còn nếu để thời kỳ chuyển tiếp kéo dài thì
30 năm sau vẫn lúng túng. Bây giờ, việc xóa bỏ chế độ cộng sản không phải là
điều khó nữa, vì trước sau chính họ sẽ tan rã. Nhưng công việc xây dựng lại nền
tảng mới cho đất nước sau đó sẽ khó gấp bội. Khó nhất là vì cả nền móng xã hội
đã bị phá hư nát từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Cho nên người Việt Nam
cần thảo luận với nhau ngay từ bây giờ những chuẩn bị tương lai, khi đảng Cộng
Sản vẫn chưa tan hàng.
Dù đảng Cộng Sản sẽ đến ngày tan rã, nhưng chắc sẽ tan hàng theo một cách khác
với các chế độ Ðông Âu hay Nga. Người Việt Nam sống trong một nền văn hóa khác
các nước Âu Châu mà lại giống với dân các nước ở Á Ðông. Các nước Nam Hàn, Ðài
Loan đã từng chuyển từ các chế độ độc tài sang dân chủ sau những cuộc biểu tình
của sinh viên và công nhân, nhiều lần bị đàn áp đẫm máu nhưng cuối cùng vẫn
thắng lợi. Nhưng Việt Nam cũng khác với hai nước này; vì chính quyền nước họ
không chịu nhục khi bị ngoại bang khống chế, như ảnh hưởng của Trung Cộng đang
đè nặng trên nước ta. Gần đây nhiều người đã coi Miến Ðiện như một tấm gương mà
Việt Nam có thể noi theo. Nhưng nếp sống của người Miến Ðiện cũng ôn hòa hơn
người Việt, mà chế độ độc tài ở đó không tàn ác và gian dối tinh vi như các chế
độ cộng sản trên thế giới. Những lãnh tụ độc tài ở cả ba nước Nam Hàn, Ðài Loan
và Miến Ðiện đều được giáo dục và sống theo đạo lý cổ truyền của dân tộc họ,
không ai nhắm mắt theo một “tín ngưỡng” mới như các lãnh tụ cộng sản ở Châu Âu
hay Châu Á. Cho nên, khó tưởng tượng Cộng sản nước ta sẽ tan theo “kịch bản”
nào khi biến chuyển xảy ra, mà cũng không nên phí thời giờ ngồi tưởng tượng.
Chính trong đảng Cộng sản hiện nay cũng nhiều người nói đến một cuộc “thay máu”
cho đảng, để tự cứu vãn. Nhưng một đảng đang nắm quyền với những nhóm trong nội
bộ đang hưởng đủ thứ lợi lộc nhờ khai thác quyền hành thì rất khó thay máu.
Nhiều đảng viên muốn thay đổi không được, đã âm thầm ngưng hoạt động hoặc rút
ra khỏi đảng. Một số người còn làm đơn xin ra đảng, như vào năm 2009, nhà văn
Phạm Ðình Trọng xin ra đảng, rồi sau đó bị đảng tuyên án khai trừ để triệt hết
các quyền lợi của đảng viên mà ông đại tá này được hưởng. Năm nay ông Lê Hiếu
Ðằng đã “tính sổ đời mình” từ lúc gia nhập đảng Cộng sản cho tới những ngày nằm
trong bệnh viện có thời giờ suy nghĩ lại. Ngày 4 Tháng Mười Hai 2013 khi ông Lê
Hiếu Ðằng tuyên bố rời đảng, thành lập đảng mới. Lời tuyên bố công khai bỏ đảng
của Lê Hiếu Ðằng có thể tạo nên một làn sóng bỏ đảng trong thời gian tới. Sau
ông Ðằng tới lượt Bác Sĩ Nguyễn Ðắc Diên. Nhà báo Phạm Chí Dũng đã nối gót hai
người này. Phạm Chí Dũng đã từng đậu tiến sĩ, từng là nhân viên ngành an ninh, đã
công bố việc từ bỏ đảng của mình để gây tiếng vang, và anh đã thành công. Khi
đảng ủy Viện Nghiên Cứu Phát Triển họp yêu cầu anh xét lại, Phạm Chí Dũng từ
chối. Ðến khi họ bỏ phiếu có 60% đảng viên dự phiên họp không đồng ý khai trừ,
cho thấy họ hiểu hành động của anh có lý do chính đáng; nhưng cuối cùng nhóm
lãnh đạo vẫn tuyên bố khai trừ.
Hiện tượng trên cho thấy đảng cộng sản thực sự đang tan rã, không cách nào
tránh được. Theo Phạm Chí Dũng, hiện nay trong ba triệu đảng viên cộng sản có
chừng 30% còn gắn bó với đảng vì các quyền lợi họ đang hưởng nhờ nắm các chức
vụ. Ngoài ra, một nửa là những người không dám bỏ đảng nhưng chỉ xu thời, gió
chiều nào xoay chiều đó. Nếu một biến cố lớn xảy ra, họ sẽ tự tan hàng mà không
nuối tiếc. Một số nhỏ đảng viên cũng muốn đảng Cộng sản trả lại quyền tự do cho
người dân, chấp nhận các đảng chính trị khác, bỏ độc quyền cai quản đất nước.
Nhưng họ có khả năng làm cho đảng Cộng sản tự thay đổi để dân Việt Nam được
sống trong dân chủ tự do hay không?
Những người này có thể học kinh nghiệm của Mikhail Sergeyevich Gorbachev, tổng
bí thư sau cùng của Cộng Sản Liên Xô. Trong một cuộc phỏng vấn bởi phóng viên
Jonathan Steele, báo The Guardian, Anh Quốc hai năm trước đây, Gorbachev nói
điều ông hối hận nhất là vào những năm 1990, 91 ông vẫn cố gắng cải tổ cơ cấu
chế độ, nấn ná quá lâu nhưng vô ích. Ông nói, đáng lẽ phải nhất quyết từ chức
vào Tháng Tư năm 1991, rồi cùng một số người trong Trung Ương Ðảng thành lập
một đảng chính trị mới.
Vào Mùa Xuân năm đó, trong nội bộ đảng Cộng Sản Liên Xô cũng có hai khuynh
hướng, nhóm bảo thủ muốn ngưng ngay các chính sách đổi mới, nhóm cấp tiến muốn
bước vào đường dân chủ hóa. Trong một cuộc họp của Trung Ương Ðảng, phe bảo thủ
yêu cầu tuyên bố tình trạng khẩn cấp, chấm dứt chính sách cởi mở, kiểm duyệt
báo chí gắt gao hơn, Gorbachev đã phản ứng lại rất mạnh, ông nói: “Tôi đã mỵ
dân quá đủ rồi. Tôi sẽ từ chức.”
Trong cuộc phỏng vấn với báo The Guardian Gorbachev kể lại rằng, “Bộ Chính Trị
triệu tập một phiên họp trong 3 giờ đồng hồ mà không có tôi. Ba giờ đồng hồ sau
họ đến mời tôi trở lại và yêu cầu tôi rút lại quyết định từ chức.” Sau đó
Gorbachev bèn rút lại quyết định từ chức và cũng không có ai muốn đưa vấn đề
này ra biểu quyết. Bây giờ ông hối hận, đáng lẽ ông phải cương quyết rút lui để
thành lập một đảng mới, với chủ trương tự do dân chủ. Vì trong thời gian đó đã
có hàng trăm ủy viên Trung Ương Ðảng đang bàn nhau, đồng ý tách ra lập một đảng
mới rồi. “Nhưng lúc đó tôi lại cảm thấy mình không có quyền ‘từ bỏ đảng,’” ông
thú nhận. “Bây giờ thì tôi nghĩ là đáng lẽ tôi phải lợi dụng ngay cơ hội đó để
thành lập một đảng mới và phải kiên quyết từ bỏ đảng Cộng sản bằng được.”
Trong thời gian Gorbachev đang phân vân giữa hai con đường như trên, đảng Cộng
Sản Việt Nam cũng bỏ mất một cơ hội khi họ gạt bỏ các đề nghị cải cách của Trần
Xuân Bách, người rút ra bài học Ðông Âu sớm nhất. Họ đã theo Nguyễn Văn Linh,
quay đầu xin Trung Cộng che chở, để cùng tiếp tục “tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội”.
Hậu quả là mối nhục Thành Ðô sẽ ghi mãi trong lịch sử.
Hiện nay trong đảng Cộng sản cũng không có người nào có tư thế và khả năng như
Gorbachev. Chỉ có những đảng viên như Lê Hiếu Ðằng mới can đảm tuyên bố công
khai từ bỏ đảng, và thành lập đảng mới. Khi số người can đảm như Lê Hiếu Ðằng,
Phạm Chí Dũng, Phạm Ðình Trọng, vân vân, đông đúc hơn, họ sẽ không chỉ từ bỏ
đảng một mình mà còn góp công xóa bỏ ách độc tài đang đè lên đầu lên cổ đồng
bào.
Tháng Bảy năm 2012, mục này đã kêu gọi các đảng viên cộng sản hãy tạo một phong
trào từ bỏ đảng. Khi rất nhiều đảng viên công khai bỏ đảng, guồng máy trừng
phạt và trả thù sẽ hết hiệu lực. Các đảng viên khác sẽ hết sợ. Khi số đảng viên
công khai bỏ đảng lên cao, đến lượt dân chúng được giải phóng về tâm lý. Người
dân bị xử oan ức không còn sợ nữa, giới thanh niên, phụ nữ, trí thức, các người
lãnh đạo tôn giáo, người lao động sẽ cùng mạnh dạn đứng lên đòi các quyền tự do
căn bản của mình. Một phong trào phản kháng bất bạo động như thế chắc chắn sẽ
làm cho guồng máy cường quyền phải chịu thua.
Nam Nguyên - Những phát ngôn bi hài của quan chức Việt Nam
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát
biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hôm
24/10/2013. - Courtesy ANTD
Năm 2013 được xem là năm có nhiều
phát ngôn gây sốc của quan chức cao cấp Việt Nam. Nổi trôi cùng thế sự những
người theo dõi thời cuộc nén tiếng thở dài theo kiểu cười mà buồn.
Lạ
lùng nhất?
Đứng đầu danh mục những phát biểu
chính trị trong năm 2013 được dư luận cho là lạ lùng nhất và gây chấn động nhất
là của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên mạng Internet ngày 24/10/2013,
báo chí lề phải trong đó có Tuổi Trẻ, Thanh Niên đã đưa tin về sự kiện Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội về dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992. Khi góp ý về Lời nói đầu của Hiến pháp, Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã xác định: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội
hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa….” Ông Trọng đã phát biểu như vậy khi muốn
sửa sai các câu chữ trong Lời nói đầu của Hiến pháp, liên quan đến việc xây
dựng Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam và công cuộc đổi mới đất nước. Độc giả các báo
chắc hẳn đầy suy tư trăn trở vì với sự nhận định của Tổng bí thư như thế, nhưng
Đảng Cộng sản lại kiên quyết độc quyền lãnh đạo đất nước đi theo con đường Xã
hội Chủ nghĩa và hiến định hẳn hoi.
Nhận định về phát biểu gây sốc được
xếp hạng bậc nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà
Nội phát biểu:
“Trong thời gian qua thì những người quan tâm
đến chính trị của đất nước cũng ngạc nhiên nhiều về các phát biểu của các quan
chức ở Việt Nam. Trong đó thì đúng là câu của ông Nguyễn Phú Trọng về việc ‘đến
hết thế kỷ 21 này không biết có chủ nghĩa xã hội hay chưa’ thì cũng là một sự
thật. Thực tế tôi có thể nói rằng lời ông Trọng xét về khía cạnh người dân là
ông ấy nói đúng! vì sự yêu thích chủ nghĩa xã hội ấy, ai cũng nhìn thấy nó là
một thứ không tưởng không thể xây dựng được.”
Ông Nguyễn Phú Trọng còn có một lời
phát biểu nữa cũng thuộc loại gây sốc khi ông nhận định về vấn nạn tham nhũng
của Việt Nam: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang
nước phật đã phải hối lộ…Cho nên chúng ta phải xem xét, bĩnh tĩnh, tỉnh táo,
sáng suốt… ”Tổng bí thư đã phát biểu những lời vừa nêu trong dịp tiếp xúc
cử tri Hà Nội vào ngày 7/12/2013. Mạng xã hội đã phản ứng khá gay gắt về phát
biểu của ông Nguyễn Phú Trọng, trong khi báo chí Nhà nước thì lại trích dẫn để
tán dương quyết tâm chống tham nhũng của Tổng bí thư.
Theo tiểu sử, ông Nguyễn Phú Trọng
tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội trước khi trở thành Giáo sư Tiến
sĩ. Do vậy dư luận Phật tử khá bất bình về cách ví von thiếu hiểu biết và khó
chấp nhận của ông. Phật tử Phúc Thịnh có bài trên trang Blog Xuân Diện Hán Nôm
giải thích là: “Đường Tăng trao bát vàng trước khi nhận kinh Phật là diệt
trừ Tư tình, diệt trừ Tư sản, loại bỏ mọi của cải và danh vọng thế tục, diệt
cái cội nguồn của tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến, chứ không phải là vấn đề
tham lam, hay hối lộ gì ở nơi nước Phật.”
Ấn
tượng nhất?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu
tại Hội nghị ngành ngân hàng ngày 18/12/2013 tại Hà Nội. Courtesy sbv.gov.vn
Sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng,
người đọc báo cũng ghi nhận phát ngôn được cho là ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng. Theo VnExpress, VnEconomy phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng được
tổ chức ngày 18/12/2013 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định dứt
khoát độc quyền xuất nhập khẩu vàng.
Trao đổi với chúng tôi nhà giáo Đỗ
Việt Khoa góp ý kiến:
“Đấy là một phát biểu mà tôi cho là
gây sốc, trước kia người ta ngấm ngầm làm còn bây giờ công khai nói độc quyền
cho nhà nước. Như thế là anh đã không tôn trọng đúng qui luật thị trường, trong
khi anh lại đòi các nước, đòi phương tây phải công nhận Việt Nam là nền kinh tế
thị trường. Cái này là mâu thuẫn không thể được, chúng tôi chỉ là những người
dân thấp cổ bé họng nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy.”
Về chính sách độc quyền vàng được
tái khẳng định bởi Thủ tướng Chính phủ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từ Hà
Nội nhận định:
“Về quan điểm ông Thủ tướng nói là
quyền của ông ấy. Nhưng khi ông đi ra thế giới thì trong điều kiện hội nhập mọi
hoạt động phải tuân thủ thông lệ quốc tế.
Độc quyền xuất nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước đứng ra với tư cách là một
người kinh doanh vàng thì hoàn toàn không phù hợp với thông lệ, không phù hợp
chức năng của cơ quan quản lý tiền tệ của một đất nước. Với 8.000 tỷ chênh lệch
giá đưa vào ngân sách, ông ấy nói là để làm lợi cho quốc gia. Theo cá nhân tôi,
đã là một nền kinh tế thị trường thì phải tuân thủ qui luật với những chuẩn mực
của nó, đồng thời phải chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người
tiêu dùng, chứ không thể nhà nước lấy tất cả những phần đó. Ở đây vô hình chung
người bị thiệt là doanh nghiệp và người tiêu dùng, họ không được hưởng lợi khi
giá thế giới xuống thấp mà có sự chênh lệch rất cao giữa giá thế giới và giá
trong nước trên thị trường vàng. Cái chênh lệch đó ông ấy lại độc quyền xuất
nhập khẩu để bán lấy lãi mà ông nói phục vụ ngân sách nhà nước. Tôi thấy việc
này chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của ba chủ thể trong một nền kinh tế thị
trường là nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.”
Năm 2013, người đọc báo cũng ghi
nhận sự kiện được gọi là Thủ tướng tự sướng khi ông công bố thu nhập bình quân
đầu người của Việt Nam đạt 1960 USD/ năm. Theo báo chí lề phải, Thủ tướng đã
rất phấn khởi khi khi phát biểu tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác Phát triển tổ chức
ngày 5/12/2013 tại Hà Nội là GDP đầu người của Việt Nam đã tăng 23% so với năm
2012.
Thời gian đó, nguyên Viện trưởng
Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể là Tiến sĩ Nguyễn Quang A có nhận
định:
“Cái việc ‘tự sướng’ với các con số
là một truyền thống lâu đời ít ra cũng phải ít ra mấy chục năm của Việt Nam này
rồi. Người ta chỉ thích các con số mà không biết đàng sau những con số đó ý
nghĩa thực của nó như thế nào. Thí dụ cái gọi là tăng trưởng GDP, con số đó có
thể có nhiều ý nghĩa nhưng xét về thu nhập của người dân lấy GDP hàng năm chia
cho 90 triệu người dân để ra con số thu nhập đầu người một nghìn mấy (1960 USD)
thì nó không thực sự là người dân được hưởng.”
Gây
sốc nhất?
Tác giả những phát ngôn gây sốc
trong tốp đứng đầu của năm 2013 còn phải kể tới Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy
Hoàng. Theo Lao Động Online ngày 15/11/2013, khi bị chất vấn về vấn đề quy
hoạch thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu: “Quy hoạch thủy điện mang
tính đặc thù…Đây là của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công
thương. Chúng ta đang nói về chúng ta, chứ không nói về chính phủ về bộ ngành
này, bộ ngành khác.” Phát biểu này đã làm nóng nghị trường, hầu hết đại
biểu đều băn khoăn bức xúc không biết Bộ trưởng Công thương đang nói về cái gì.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội nhận
định:
“Tôi cho rằng phát biểu này cũng
theo một kiểu mô thức rất phổ biến hiện nay, đó là cứ vòng vèo rồi lẩn tránh
trách nhiệm cụ thể của mình. Đây là một hiện trạng xấu do cơ chế hiện nay sinh
ra. Chúng ta cũng thấy là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng phát biểu mà theo
tôi là câu nói sốc hơn mọi người. Đó là, chức Thủ tướng của tôi là do Đảng phân
công, tôi không xin ai cả. Như vậy hình như họ không cần nhân dân, họ không cần
đến dư luận. Đảng là ai là cá nhân nào thì chúng tôi cũng không biết được.
Những cách nói mập mờ đó có thể mới nghe qua không để ý nhưng với những người
có tuổi, giới trí thức quan tâm đều rất là xót xa cho hiện trạng ở Việt Nam
hiện nay, như vậy là người ta không dám nhận trách nhiệm thậm chí đổ vấy trách
nhiệm.”
Một trong những nhân vật có phát
ngôn gây sốc cũng được liệt kê trong tốp 10 là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim
Tiến.
Theo Kienthuc.net.vn, sau vụ việc
gây chấn động ngành y là 3 trẻ sơ sinh tử vong ở Quảng Trị sau tiêm vắc xin
viêm gan B hồi vào hạ tuần tháng 7/2013 bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã
hăng hái phát biểu: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân.
Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin sẽ xử vắc xin; lỗi do
người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật…”
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nhận định:
“Tôi công nhận rằng phát ngôn của bà
Bộ trưởng Y tế được mọi người xếp vào dạng phát ngôn gây sốc thì cũng hợp lý.
Hài hước nhất là lỗi vắc xin xử vắc xin…Người đứng đầu là Bộ trưởng Y tế phải
chịu trách nhiệm cái đó. Ở đây bà ấy lại đổ cho người khác, đây là hiện trạng
chung chung ở Việt Nam, khi gặp vấn đề khó người ta phát biểu loanh quanh rồi
cuối cùng người ta lại đổ vấy trách nhiệm cho nhau, chứ ít có ai chịu trách
nhiệm thực sự.”
Bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim
Tiến là tâm điểm của báo chí qua phát ngôn gây sốc không chỉ một lần của mình.
Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 13 diễn ra hồi tháng 6/2013, khi trả lời các
nhà báo về vấn đề quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, bà Bộ trưởng Y tế đã trả
lời rằng: “Thiếu giường bệnh thì…phải hỏi Nhà nước”.
Ghi nhận từ nghị trường cũng gom
nhặt được phát ngôn khá bi hài của ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Tư pháp của Quốc hội. Liên quan đến vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn
mà dư luận bàng hoàng về cách làm việc của ngành Công an và Tòa án, nhưng ông
Quyền lại nói với báo chí: “Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong
những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh.
Khóa trước chúng tôi làm việc với FBI 1 tuần, thấy án an ninh quốc gia, giết
người cướp của của ta rất giỏi, vì công cuộc phòng chống tội phạm của ta dựa
vào nhân dân.”
Vừa rồi là những phát ngôn gây sốc,
phát ngôn ấn tượng của các quan chức cao cấp Việt Nam. Năm nào làng báo lề
phải, lề trái cũng gom góp được nhiều phát ngôn ấn tượng của các quan chức
Việt. Và như nhà giáo Đỗ Việt Khoa, một người miệt mài tranh đấu cho sự công
khai minh bạch thì sang năm 2014 và sau nữa, sẽ tiếp tục có những phát ngôn gây
sốc, chừng nào Việt Nam chưa cải cách thể chế chính trị của mình.
Đoàn Thanh Liêm - Raymond Aron và Tôi
Đoàn Thanh Liêm -
LTS. Bài
này đã một lần được đăng trên DĐTK, cũng đã khá lâu rồi, và nay chúng tôi xin
đăng lại, như một nhắc nhở. Phần chủ yếu mà chúng tôi muốn nhắc lại, là văn bản
không đầy một trang giấy 'Năm điểm thỏa thuận căn bản' do tác giả viết năm 1990
tại Sài Gòn để đóng góp một cách căn bản cho việc xây dựng một thể chế chính
trị mới cho Việt Nam, giữa cơn sục sôi thoát khỏi chế độ Cộng sản của các nước
Đông Âu và cả Liên Xô lúc bấy giờ.
Trong giai đoạn có thể coi như cuối của chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay, xin mời quý độc giả xem lại các đề nghị của luật gia Đoàn Thanh Liêm tại Sài Gòn 23 năm trước. Vì văn bản này mà ông đã bị bắt năm 1990, đưa ra tòa năm 1992 với bản án 12 năm tù về tội "tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội". - DĐTK
I. Tóm lược: Thân thế và Sự nghiêp.
Trong giai đoạn có thể coi như cuối của chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay, xin mời quý độc giả xem lại các đề nghị của luật gia Đoàn Thanh Liêm tại Sài Gòn 23 năm trước. Vì văn bản này mà ông đã bị bắt năm 1990, đưa ra tòa năm 1992 với bản án 12 năm tù về tội "tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội". - DĐTK
I. Tóm lược: Thân thế và Sự nghiêp.
Raymond Aron sinh năm 1905 tại Pháp, ông là
con của vị luật sư gốc Do Thái. (Xin
viết tắt cho gọn: RA). Ông là người đương thời và cũng là bạn đồng môn với Jean
- Paul Sartre, khi cùng theo học tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale
Superieure) ở Paris. Cả hai vị này, mỗi người mỗi vẻ, đều để lại một sự nghiệp
đồ sộ, làm vinh dự cho nước Pháp vào nửa sau của thế kỷ 20. Ngay sau khi tốt
nghiệp Trường Cao Đẳng Sư Phạm, RA đã được sang bên nước Đức nghiên cứu thêm về
Triết học, Xã hội học, và trở về dậy học tại một trường trung học ở miệt tỉnh.
Ông đậu bằng Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ một cách dễ dàng, và được các bạn đồng môn
đánh giá là có trí thông minh vượt trội, ngang ngửa với Jean-Paul Sartre.
Raymond Aron
Vừa mới bắt đầu lên dậy bậc Đại học,
thì chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) xảy ra. Và sau khi nước Pháp bại
trận năm 1940, thì RA phải lưu vong sang nước Anh. Tại đây RA đã nhận làm chủ
biên cho Tập san “La France Libre” (Nước Pháp Tự Do) do Chánh Phủ lưu vong của
Tướng De Gaulle chủ trương. Hết chiến tranh, RA tham gia vô ngành báo chí và
viết cho báo Le Figaro là một tờ báo vào loại hàng đầu của Pháp với lập trường
“thiên hữu”. Từ giữa thập niên 1970, thì ông sang viết cho tuần báo Express.
Đồng thời ông cũng dậy ở Đại học Sorbonne, Học viện Chính trị (Sciences Po.),
nhưng vẫn tham gia viết báo. Có thể nói RA vừa là nhà giáo, mà cũng vừa là nhà
báo.
RA
không những dậy học ở Pháp, mà ông còn được mời đi dậy ở Đức, ở Mỹ và tại nhiều
nước khác nữa. Ông còn được mời đến dậy ở Collège de France (Học viện Pháp
quốc) là cơ sở giáo dục bậc cao nhất của nước Pháp. Về sự nghiệp viết báo, thì
ông đã có nhiều công trình biên khảo được đăng trên những tập san chuyên môn
hàng đầu của thế giới, kể cả trong bách khoa toàn thư Enclycopedia Britannica.
RA còn là tác giả của trên 40 cuốn sách, mà phần đông đã được dịch ra nhiều thứ
tiếng, kể cả tiếng Anh, và được rất đông người đọc mến chưộng.
Khác
với Sartre là người có lập trường thiên về phía cộng sản, RA phân tích mổ xẻ
rành mạch những khuyết điểm, sai lầm tai hại của phe cộng sản, nhất là tại Liên
Xô. Vào thập niên 1950-60, phần đông giới trí thức ở Pháp thiên vị về phía công
sản, do vậy mà RA bị coi là ở phe thiểu số. Dầu vậy, ông vẫn kiên định trong
lập trường chống độc tài cộng sản, và không bao giờ tỏ ra có sự chao đảo như
một số nhà trí thức khác ở Âu châu thời sau chiến tranh. Cũng vì thế, mà
Raymond Aron đã không được bầu vào trong Hàn Lâm Viện của Pháp, danh dự mà ông
rất xứng đáng được trao tặng.
Những
phân tích, nghiên cứu của ông rất nghiêm túc, chính xác theo tinh thần khách
quan của giới hàn lâm khoa học. Điều này đã được thực tế xã hội chứng minh rành
rành, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Đông Âu và ở chính Liên Xô vào cuối thập
niên 1980, nơi mà xưa kia phe cộng sản vẫn tung hô là “thiên đường của chủ
nghĩa xã hội”. Chỉ tiếc là đến lúc đó, thì Aron đã ra người thiên cổ mất rồi
(ông qua đời năm 1983).
Cuốn sách “L’opium des intellectuels” (Nha
phiến của giời trí thức) xuất bản năm 1955 lúc ông vừa 50 tuổi, được coi là một
công trình biên soạn thời danh, gây chấn động khắp thế giới, cùng lúc với hai
cuốn khác là cuốn “Giai cấp mới” của Milovan Djilas người Nam Tư và cuốn “Doctor
Zhivago” của văn hào Nga được giải thưởng Nobel về Văn chương là Boris Pasternak.
Khác với văn hào André Malraux là người chỉ biết xưng tụng tôn vinh De Gaulle,
mà cũng khác với Jean Paul Sartre là người luôn thiên về phe cộng sản, Aron
thật sự nghiêm túc trong sự phân tích khoa học về các vấn đề chính trị xã hội
có tầm mức ảnh hưởng toàn cầu. Là nhà báo, ông có cơ hội tiếp cận thường xuyên
với tình hình thực tế khắp nơi trên thế giới, và trao đổi với các đồng nghiệp
trong ngành truyền thông, cũng như gặp gỡ tiếp xúc với giới lãnh đạo chính trị
tại nhiều nước. Mà cũng vì là nhà giáo, Aron cũng rất thận trọng, khúc chiết
mạch lạc trong cách trình bày lý luận của mình nơi các bài giảng cho sinh viên
tại Sorbonne, cũng như cho sinh viên tại Mỹ, tại Đức v.v… Chính Henry
Kissinger, một bậc kỳ tài của Đại học Harvard, mà còn phải tôn Raymond Aron là
sư phụ của mình, như được ghi trong Lời Giới thiệu cuốn Hồi ký RA, bản dịch
sang tiếng Anh xuất bản năm 1990.
Raymond Aron rất chững chạc trong lối phát
biểu, cũng như trong lối viết. Ông không bao giời dùng những lời “đao to búa
lớn” như Sartre là người sử dụng những từ ngữ miệt thị vô trách nhiệm đối với
giới tư bản trưởng giả, như là chữ “cochons, salauds” (đồ con heo, đồ đểu giả)
nhằm mỵ dân, lôi cuốn giới trẻ người non dạ. Hoặc đưa ra những khẩu hiệu như :
“l’enfer, c’est les autres” (người khác là địa ngục đối với ta) v.v…Về đời sống
gia đình riêng tư, Aron cũng rất mực thước, phải chăng, vợ chồng con cái thuận
hòa êm thắm. Khác hẳn với Sartre vốn là người thường tự cho mình được quyền ở
ngoài vòng cương tỏa của luân lý xã hội, tha hồ tung hoành vối lối sống phóng
túng, bất cần đời, coi thường cái khuôn khổ luân thường lễ giáo xưa nay của xã
hội.
Về cuối đời của ông, học giới tại nước
Pháp đã thành lập một trung tâm nghiên cứu lấy tên ông là : “Centre de
Recherches Politiques Raymond Aron - CRPRA” đặt tại Trường Cao Đẳng Khoa Học Xã
Hội (Ecole des Hautes Etudes des Sciences Sociales – EHESS ). Trung Tâm
được khởi sự từ năm 1982, đúng một năm trước khi RA qua đời vào năm 1983, và
sau này được hoàn chỉnh nhằm khuếch trương công cuộc nghiên cứu thâm sâu về
khoa học xã hội, đặc biệt dành cho giới sinh viên bậc cao học và tiến sĩ. Mỗi
năm lại có việc Trao Giải Thưởng Raymond Aron cho các công trình nghiên cứu
xuất sắc về các đề tài đã được RA khai mở. Cho đến nay, vào tháng 12/2007, thì
đã có tới 38,120 vị ân nhân đóng góp cho Trung tâm CRPRA này.
Gần đây học giới ở Pháp đã phục hồi lề
lối nghiên cứu khoa học xã hội theo “truyền thống Raymond Aron”, đó là tách
việc nghiên cứu khoa học xã hội ra khỏi sự chi phối của “ý thức hệ” như các trí
thức phe tả thường lấn áp trong thời kỳ sau chiến tranh thứ hai, với cao điểm
của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản. Và đây chính là sự
đóng góp vĩ đại của RA trong lãnh vực học thuật và tư tưởng hiện đại trên thế
giới ngày nay.
Có thể nói RA đã góp phần rất đáng kể
trong việc phát triển ngành xã hội học chính trị (political sociology) nối tiếp
truyền thống của những Alexis de Tocqueville, Max Weber, Joseph Schumpeter
v.v…Và RA cũng giống như Karl Popper là những người đều chủ trương sự cải thiện
xã hội bằng phương thức bất bạo động, kiên nhẫn và khiêm tốn, chứ không bằng
lối cưỡng bức sắt máu như của cộng sản. Cái khẩu hiệu “Piecemeal Social
Engineering” của Karl Popper hiện nay đang được người môn đệ nổi danh từ London
School of Economics, là George Soros khai triển và ứng dụng qua chủ trương của
cơ quan “Open Society Institute” (OSI) với trụ sở chính đặt tại New York, để
góp phần phục hồi Xã hội Dân sự tại các nước Đông Âu và Nga kể từ ngày chế độ
cộng sản sụp đổ gần 20 năm nay.
II -- Raymond Aron và Việt Nam… và Tôi.
Là một nhà báo thượng thặng, ông
chú trọng đến chuyện chiến tranh Việt Nam ngay từ hồi cuối thập niên 1940. RA
có kể lại chuyến viếng thăm VN vào năm 1953, nhưng coi như không có mấy tiếp
xúc với chính quyền Bảo Đại trong dịp này. Mãi đến năm 1968, RA mới chú ý đến
tài liệu của cựu Đại sứ Phạm Duy Khiêm, người bạn cùng học chung ở Cao Đẳng Sư
Phạm hồi 40 năm trước. Bản thông báo của Đại sứ Khiêm về cuộc thảm sát ở cố đô
Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 rõ ràng là có sức thuyết phục đối với giới trí thức
ngay thẳng, lương thiện như Aron, sự kiện mà tác giả đã ghi lại khá chi tiết
trong cuốn hồi ký với tựa đề nguyên văn là : “Cinquante ans de reflexion
politique” (Năm mươi năm suy ngẫm chính trị). Nói chung, thì lập trường của RA
đối với cuộc chiến tranh VN trong suốt 30 năm là “thiên hẳn về phía Mỹ và Tây Âu”,
chứ không có thiên vị về phe cộng sản như Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre
v.v…
Tư
tưởng của RA được giới trí thức miền Nam VN theo dõi, tán thưởng. Cụ thể như
Luật sư Trần Văn Tuyên, học giả Nguyễn Hiến Lê, các giáo sư Vũ Quốc Thông,
Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Ngoc Huy…, các nhà báo Hà Thượng Nhân, Phan Lạc Phúc,
Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Quý Toàn v.v…Phần đông học giới ở VN hồi trước 1975 đều tỏ ra
rất khâm phục cái lối lý luận sắc bén, khúc chiết, vô tư và thẳng thắn của vị
giáo sư khả kính và khả ái này. Đã có một vài bản dịch sách của RA, nhưng hầu
hết giới trí thức của ta thời ấy đều đọc trực tiếp từ nguyên tác bằng tiếng
Pháp. Sinh viên các ngành thuộc khoa học xã hội ở miền Nam hồi trước 1975 phần
đông cũng đều được học tập về môn xã hội học chính trị, mà RA là một giáo sư
tiêu biểu cho sự chính xác, trung thực và sắc xảo.
Bản
thân tôi, thì bắt đầu “mê RA” từ năm 65-66, lúc đang say sưa với công tác xã
hội trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon. Cuốn “18 lecons sur
la société industrielle” là tài liệu của khóa giảng tại Sorbonne và tiếp theo
là cuốn “Lutte des classes” và cuốn “Democratie et Totalitarisme” đã làm tôi
say mê theo dõi cái môn phân tích xã hội học về phương diện chính trị của vị
“đại sư” này.
Rồi sau 1975, với nhiều thời gian rảnh
rỗi, tôi lại hay ra chợ sách phía sau rạp Đại Nam để tìm kiếm thêm sách đọc về
loại này. Nhờ vậy mà tích lũy thêm được một số kiến thức vững vàng hơn, mà thời
trước vì bận rộn với chuyện làm ăn, tôi đã không có dịp trau dồi, học tập để
bắt kịp với sự tiến bộ của ngành khoa học xã hội này.
Tôi có dịp thường xuyên trao đổi với
cụ Nguyễn Hiến Lê, và được cụ cho đọc thêm nhiều cuốn sách chỉ có trong tủ sách
riêng của cụ.Vào năm 1979-80, cụ có cho tôi cuốn sách “Les désillusions du
progrès” do RA viết năm 1969. Đây là bản Pháp văn của mục phân tích về “tình
hình xã hội đương thời” tác giả đóng góp cho Encyclopedia Britannica. Cụ đã đọc
rất kỹ và ghi chú bằng bút chì trên lề nhiều trang sách. Tôi thật cảm động vì
lời đề tặng của cụ cho tôi như sau : “Xin tặng ông Đoàn Thanh Liêm. Xin ông giữ
làm kỷ niệm – NHL”.
A. “Nước Pháp là Nước
Pháp, không có tĩnh từ”.
Năm 1981, lần đầu tiên Đảng Xã Hội Pháp có đại diện là Francois
Mitterand được bầu làm Tổng Thống. Lúc đó RA đã già yếu rồi, nhưng ông cũng
đóng góp một bài báo gây chấn động với nguyên văn tựa đề như sau: “La
France, c’est la France ou la Republique Francaise; sans adjectifs” (Nước Pháp
là nước Pháp hay Cộng Hòa Pháp quốc, chứ không cần thêm một tĩnh từ nào khác).
Tư tưởng này đã nung nấu trong tôi suốt bao nhiêu năm, vì kể từ năm 1976, đảng
cộng sản đã tự ý ngang nhiên đổi tên nước Việt Nam thành “Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam” (Socialist Republic of Vietnam – SRV). Tức là người cộng sản đã
gắn cái chủ nghĩa xã hội của họ vào danh tánh của nước Việt Nam đã có từ ngàn
đời do cha ông chúng ta xây dựng tạo thành và truyền lại cho thế hệ chúng ta
ngày nay. Đó là điều không thể chấp nhận được
Tuy nhiên vào thời đó, chế độ cộng sản
còn quá hung hãn, bạo ngược. Với lại hoàn cảnh chiến tranh với Trung quốc, tại
Cambodia; cho nên anh em trí thức chúng tôi cũng chưa thể làm cái gì cụ thể
nhằm góp phần chấn chỉnh lại tình thế được. Mà phải đợi đến sau 1986 với phong
trào “Đổi mới” từ Liên Xô lan tới Đông Âu và dĩ nhiên cũng bắt đầu ảnh hưởng
tới Việt Nam, thì chúng tôi mới bắt đầu thảo luận trao đổi với nhau về những
chuyện căn bản của đất nước, của dân tộc. Và với sự sụp đổ của cộng sản tại
Đông Âu cuối năm 1989, cùng với sự rệu rã của hệ thống Xô Viết tại chính nước
Nga, thì vào đầu năm 1990, tôi đã soạn thảo một văn bản “Năm điểm thỏa thuận
căn bản” chỉ ngắn gọn trong nửa trang giấy, nhằm góp phần vào việc làm
“guideline cho việc soạn thảo một bản Hiến pháp mới cho nước Việt Nam sau này”.
Xin ghi lại điểm 1 trong văn bản này như sau :
“Điểm
1: Quốc gia Việt Nam không công nhận một tôn giáo nào làm quốc
giáo.
Quốc gia cũng không áp đặt một chủ
thuyết nào làm giáo điều chính thức của dân tộc.
Nhằm tôn trọng và bảo vệ tự do tín
ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ của các tổ chức tôn giáo”.
Cũng
vì bản văn 5 điểm này, mà công an đã theo dõi và bắt giữ tôi, khi tôi mới từ
Sài Gòn bay ra Đà Nẵng vào ngày 23/4/1990. Rồi họ đưa tôi ra xét xử trong phiên
tòa ngày 14/5/1992 tại tòa án Sài Gòn, với bản án 12 năm tù về tội “Tuyên
truyền chống chủ nghĩa xã hội”, y hệt như các vụ xử linh mục Nguyễn Văn Lý, các
luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài gần đây vậy.
B.
Tranh chấp chủng tộc, chứ không phải tranh đấu giai cấp.
Tôi vẫn còn nhớ lối biện luận
của RA, là: Hầu hết các tranh chấp trên thế giới ngày nay đều phát sinh từ
chuyện “tranh chấp chủng tộc” (lutte des races) chứ không phải là “tranh đấu
giai cấp” (lutte des classes) như người cộng sản thường chủ trương. RA nêu ra
trường hợp tranh chấp đẫm máu ở Bắc Ái Nhĩ Lan, căng thẳng ở Québec, Canada
v.v…, thì đều là tranh chấp chủng tộc lồng trong sự khác biệt tôn giáo, chứ
không hề có sự đấu tranh giai cấp tại các nơi như thế này. Điều này lại càng
sáng tỏ hơn trong trường hợp của Bosnia, Kosovo sau khi chế độ cộng sản sụp đổ
ở Nam Tư vào đầu thập niên 1990.
Đó là lý do tại sao tôi viết “Điểm 2”
trong “Bản văn 5 điểm” ghi trên .
“Điểm 2: Dân tộc Việt Nam
gồm nhiều sắc tộc có truyền thống lịch sử và văn hóa khác nhau.
Như vậy nền tảng của xã hội VN
phải được đặt trên cơ sở đa chủng tộc, đa văn hóa”.
Tại phiên tòa, chánh án Lê Thúc Anh gọi tôi:
“Anh là thứ cáo già chính trị”, vì chủ trương “đa nguyên, đa đảng” mà khôn khéo
ngụy trang trong điểm này. Cũng như Đại tá Quang Minh trong lúc điều tra, thì
lại gọi tôi là thứ “assassin de genie” (Kẻ sát nhân ngoại hạng). Nói chung là
người cộng sản vẫn còn rất “dị ứng” (allergic) với loại suy nghĩ rất bình
thường trong bất kể xã hội dân chủ, tự do nào.
(Ghi
chú: Toàn văn Bản “Năm điểm thỏa thuận căn bản ” sẽ được ghi nơi “Phần
Phụ lục” kèm theo bài viết này.)
III. Đôi lời tâm tình
Bài viết này được chuẩn bị vào cuối
năm 2007. Năm hết, Tết đến, tác giả xin được ghi ra ít lời tâm tình sau đây :
Năm
2008 là năm kỷ niệm 25 năm ngày qua đời của Raymond Aron. Nhân dịp này, tôi xin
được bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với vị giáo sư và tác giả khả kính là
người đã soi sáng, hướng dẫn rất nhiều cho kẻ hậu sinh, cả về phương pháp luận
(methodology), cả về nội dung những khám phá tìm kiếm của ông trong lãnh vực
khoa học xã hội hiện đại. Đọc RA, tôi thấy toát ra một tinh thần nhân bản cao
độ, một tác phong cao quý của bậc mô phạm, và nhất là sự kiên trì nhẫn nại hiếm
có nơi lớp người trí thức thường bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh ý thức hệ tại
Âu châu thời kỳ sau thế chiến thứ hai. Có thể nói RA là một thứ sĩ phu quân tử
ở phương Tây.
Tiếp
theo, người viết cũng xin bày tỏ niềm thương tiếc và quý mến đặc biệt đối với
Luật sư Trần Văn Tuyên, Học giả Nguyễn Hiến Lê là những vị đã chỉ dẫn cho tôi
trong các vấn đề chính trị xã hội mà Raymond Aron đã nêu lên. Tác giả cũng không
thể nào quên được nhà báo Đỗ Ngọc Yến, là người đã tặng cho tôi khá nhiều sách
báo, trong đó có cuốn Hồi ký Raymond Aron, bản dịch tiếng Anh - mà nhờ đó tôi
đã có thể đào sâu được nhiều chi tiết chính xác cho bài viết này.
Sau cùng tác giả còn muốn ghi nhận cái
công lao của anh Vũ Ngọc Trân là thân phụ của nhạc sĩ Trường Kỳ vì đã chuyển
cho cuốn Hồi Ký RA nguyên tác tiếng Pháp vào đầu năm 1990 ở Saigon. Lúc đó tôi
đã say sưa đọc cuốn sách này. Nhưng chưa kịp trả lại anh Trân, thì tôi bị công
an bắt giữ. Và khi ở trong tù, tôi đã ân hận vì không kịp trả cuốn sách cho anh
Trân. Nay anh lại vừa mới ra đi vài năm gần đây tại Saigon. Nhưng chắc anh cũng
thông cảm cho hoàn cảnh bất khả kháng của tôi, khiến làm thất lạc mất cuốn sách
quý này. Chuyện này có vài chi tiết lý thú khác nữa, người viết xin được kể lại
đày đủ hơn trong một dịp khác, bởi lẽ bài này hiện đã quá dài rồi.
Westminster California, cuối tháng 12, năm
2007.
Đoàn
Thanh Liêm
PHỤ LỤC
Năm Điểm Thỏa Thuận Căn Bản
Điểm 1:
Quốc
gia Việt nam không công nhận một tôn giáo nào làm quốc giáo.
Quốc gia cũng không áp đặt một chủ
thuyết nào làm giáo điều chính thức của dân tộc.
Nhằm tôn trọng và bảo vệ tự do
tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ của các tổ chức tôn
giáo.
Điểm 2:
Dân
tộc Việt nam gồm nhiều sắc tộc có truyền thống văn hóa và lịch sử khác nhau.
Như vậy, nền tảng của xã hội VN phải
được đặt trên cơ sở đa chủng tộc, đa văn hóa.
Điểm 3 :
Phát huy truyền thống nhân bản và nhân ái của
dân tộc, hệ thống chính trị và luật pháp VN sẽ được xây dựng trên những nguyên
tắc đã được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Điểm 4 :
Về
phương diện kinh tế, vai trò của Nhà nước là làm trọng tài để bảo vệ công
bằng xã hội và trật tự xã hội.
Như
vậy, Nhà nước không thể vừa làm trọng tài, vừa làm một bên đương sự trong các
hoạt động kinh doanh làm ăn được (không thể vừa thổi còi, vừa đá banh).
Hệ quả là hệ thống quốc doanh
hiện nay sẽ được giảm tới mức tối thiểu.
Điểm 5 :
Thể hiện tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, quốc
gia sẽ ban hành lệnh khoan hồng đại xá đối với mọi vi phạm do cá nhân, hay
do tập thể gây ra.
Nghiêm cấm mọi sự tùy tiện báo ân, báo oán.
Mọi khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại sẽ
được xử lý theo đúng thủ tục luật pháp.
Làm tại Saigon, Tháng Hai năm 1990
Đoàn Thanh Liêm
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)