Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Xã hội dân sự và dân chủ


Nguyễn Hưng Quốc

Hầu như mọi người đều đồng ý: dân chủ là một thể chế tốt nhất trong lịch sử, ít nhất cho đến lúc này. Tốt về phương diện đạo đức: Nó tôn trọng những giá trị căn bản và phổ quát của nhân loại, trong đó, quan trọng nhất là sự tự do, bình đẳng và nhân quyền. Tốt về phương diện kinh tế: Dân chủ phát huy sáng kiến và năng lực của mọi người vốn là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển và ổn định. Và tốt về phương diện chính trị, cả về đối nội lẫn đối ngoại: được xây dựng trên nền tảng pháp quyền vững chắc, các quốc gia dân chủ vừa tránh được các cuộc bạo loạn trong nội bộ vừa tránh được các xung đột vũ trang giữa họ với nhau.


Ngay cả những nhà độc tài hiện nay dường như cũng không phản đối những điều vừa kể. Họ cũng nói đến dân chủ, cũng tự cho chế độ họ là dân chủ, dù là một kiểu dân chủ… khác. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, trước đây, họ vừa tuyên dương dân chủ vừa chủ trương chuyên chính vô sản; sau, tất cả đều đồng loạt từ bỏ khái niệm “chuyên chính” và chỉ nói đến dân chủ, dù là dân chủ…xã hội chủ nghĩa.

Ai cũng đồng ý với nhau như vậy. Tuy nhiên lại có một nghịch lý: trên thế giới, quá trình dân chủ hóa lại rất chậm chạp và đầy khúc khuỷu.

Năm 1991, trong cuốn The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century, Samuel P. Hungtington chia làn sóng dân chủ thành ba đợt: Đợt thứ nhất, mở đầu bằng cuộc cách mạng ở Mỹ vào năm 1776 và sau đó, cuộc cách mạng ở Pháp năm 1789, dẫn đến việc hình thành của gần 30 nền dân chủ. Đợt thứ hai diễn ra ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ hai: Ở đỉnh cao của nó, đầu thập niên 1960, có cả thảy 36 quốc gia được xem là dân chủ. Đợt thứ ba bắt đầu từ năm 1974, thoạt đầu, ở Bồ Đào Nha, sau, lan ra nhiều quốc gia khác vùng châu Mỹ La Tinh, sau nữa, châu Á (Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan), và cuối cùng, vào cuối thập niên 1980, các nước Đông Âu với sự sụp đổ toàn diện của chủ nghĩa Cộng sản. Gần đây, một số nhà nghiên cứu nói đến đợt dân chủ hóa lần thứ tư bắt đầu với các cuộc cách mạng ở Trung Đông, lật đổ các chính quyền độc tài ở Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya, v.v..

Điều cần chú ý là: bên cạnh các đợt dân chủ hóa ấy, người ta còn ghi nhận những đợt thoái trào của dân chủ. Đầu thế kỷ 20, có lúc trên thế giới có đến 29 quốc gia được xem là dân chủ, thế nhưng, từ đầu thập niên 1920 đến đầu thập niên 1940, với sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít, số lượng các nước dân chủ bị tuột xuống nhanh chóng, có lúc, chỉ còn khoảng 12. Trong đợt dân chủ hóa lần thứ hai cũng vậy. Ở cao điểm của nó, có 36 nước dân chủ; lúc thoái trào, từ đầu thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970, chỉ còn 30. Rồi đợt thứ ba cũng có thoái trào: Ngay chính Nga, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản, dưới thời Vladimir Putin, lại trở thành độc tài. Và ở làn sóng dân chủ thứ tư, tuy chưa hẳn đã chấm dứt, sự thoái trào đã thấy rõ trong tình trạng bất ổn định ở Ai Cập và Libya.

Những làn sóng dân chủ làm giới quan sát vui mừng và phấn khởi bao nhiêu, những cuộc thoái trào càng làm cho họ hoang mang và lo lắng bấy nhiêu. Người ta thấy rõ: Con đường đến với dân chủ là một con đường hết sức gập ghềnh và đầy bất trắc. Chính vì thế, một câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Làm thế nào để xây dựng dân chủ?

Nói đến việc xây dựng một chế độ dân chủ nói chung hay ở Việt Nam nói riêng, người ta hay nghĩ ngay đến một khía cạnh: bộ máy chính quyền; và một điều kiện: những người lãnh đạo trong bộ máy ấy phải được dân bầu một cách tự do và minh bạch.

Tuy nhiên thiết chế và bầu cử chỉ là hai khía cạnh của dân chủ, thậm chí, chỉ là hai khía cạnh ở mặt nổi. Tự bản thân chúng, cả hai khía cạnh ấy đều không bảo đảm được dân chủ. Thiết chế chỉ là phương tiện, với nó, người ta có thể nhắm đến những mục đích khác nhau, có những cách hành xử khác nhau, có khi hoàn toàn đi ngược lại dân chủ, hơn nữa, chà đạp lên dân chủ. Bầu cử cũng vậy. Không hiếm chính phủ được ra đời như kết quả của một cuộc bầu cử tự do, cuối cùng, kết thúc như một chế độ độc tài vô cùng tàn bạo. Hitler là một ví dụ. Ở Việt Nam, chính phủ đầu tiên của ông Hồ Chí Minh năm 1946 cũng là kết quả của một cuộc bầu cử.

Thiết chế và bầu cử chỉ có thể song hành với dân chủ với điều kiện đầu tiên là chúng phải được xây dựng trên nền tảng, và được vận hành trên nguyên tắc, của một nền pháp quyền (rule of law) vững chắc. Pháp quyền đặt ra những giới hạn để bảo đảm thiết chế không bị lợi dụng và bầu cử không bị biến dạng, để người cầm quyền bị kiểm soát và do đó, biết tự kiềm chế, và để những người bị trị tiếp tục tin tưởng vào hệ thống, từ đó, tin tưởng lẫn nhau.

Nói như vậy cũng là nói, pháp quyền, thật ra, tự nó chưa đủ bảo đảm cho dân chủ. Pháp quyền chỉ là nguyên tắc và cái gọi là “pháp” (law) trong pháp quyền cũng chỉ là một văn kiện và chữ nghĩa, những thứ có thể được diễn dịch và ứng dụng theo nhiều cách khác nhau. Tuỳ nơi. Tuỳ người. Bởi vậy, cũng có thể nói, yếu tố quyết định trong việc xây dựng dân chủ chính là con người.

Nhưng không phải người nào cũng muốn và cũng có khả năng xây dựng dân chủ. Rõ ràng là có rất nhiều người không hề muốn có dân chủ: những nhà độc tài và những người ăn theo các nhà độc tài. Độc tài thì chỉ có một người hoặc một nhóm người, nhưng đám ăn theo độc tài thì có thể rất đông: Đó có thể là một giai cấp (ví dụ giai cấp quý tộc ngày xưa) hay một đảng (ví dụ đảng Nazi, phát xít hay Cộng sản). Những người không có khả năng xây dựng dân chủ thì lại càng nhiều: Đó là những kẻ có căn tính nô lệ hoặc vô cảm, hoàn toàn hờ hững với mọi chuyện, kể cả thân phận cũng như cuộc sống của mình và của cả cộng đồng.

Trong cuốn The Rise of Global Civil Society: Building Communities and Nations from the Bottom Up (Encounter Books, 2008), Don Eberly lặp đi lặp lại một câu nói mà tôi rất tâm đắc: “Dân chủ được làm cho những người dân chủ” (Democracy is made for democrats). Trong hai chục năm vừa qua, Mỹ đã bỏ công, bỏ tiền và bỏ cả xương máu với ý định mang dân chủ đến tặng cho Afghanistan và Iraq, nhưng ở cả hai nơi, sau các cuộc bầu cử khá tự do, dân chủ vẫn không, hoặc ít nhất, chưa bén rễ được. Tại sao? Tại ở những nơi đó vẫn chưa có những người có văn hoá dân chủ.

Văn hoá dân chủ là văn hoá của các công dân (civic culture), của những người sống và hành xử như những công dân. Một cá nhân có thể là một cái gì độc lập, nhưng một công dân, tự bản chất, bao giờ cũng là một thành viên của một cộng đồng, chủ yếu là của một đất nước. Trong ý niệm công dân, do đó, đã có sẵn hai ý niệm khác: sự liên đới và trách nhiệm. Biểu hiện của hai ý niệm ấy là sự quan tâm đối với cái chung và hơn nữa, sự tham gia vào những vấn đề chung.

Xin lưu ý: công dân là một hiện tượng lịch sử khá mới. Xưa, chỉ có thần dân. Khái niệm công dân chỉ ra đời từ thời hiện đại. Có điều, trong thời hiện đại, không phải ở đâu người ta cũng tìm cách nuôi dưỡng hoặc phát triển những phẩm chất vốn gắn liền với ý niệm công dân. Chủ nghĩa thực dân bao giờ cũng tìm cách chia rẽ dân chúng các nước thuộc địa để họ không còn nghĩ đến cái chung; hoặc nếu nghĩ, chỉ thấy những cái chung ấy đều là những thứ đáng bị chối bỏ: chúng là di sản của tình trạng mọi rợ hoặc bán khai. Các chế độ độc tài theo thần quyền cũng phủ nhận tư cách công dân, và thay vào đó, họ chỉ vun bồi một nền văn hoá sùng kính và tuân phục, ở đó, chỉ có, trên cao, các sứ giả và dưới thấp là các tín đồ. Dưới các chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa cũng vậy, một mặt, với nguyên tắc “dân chủ tập trung”, người ta thâu tóm hết quyền hành vào tay một số người và đẩy tất cả những người còn lại vào thế ngoại cuộc; mặt khác, với chủ trương thần thánh hoá lãnh tụ, người ta biến cái “dân chủ tập trung” ấy thành một thứ siêu quyền lực, khống chế toàn bộ guồng máy lãnh đạo, và mọi công dân biến thành “thần dân” chỉ biết cúi đầu vâng dạ như xưa.

Trong văn hoá dân chủ, ngược lại, công dân luôn luôn cảm thấy mình là một thành viên của cả cộng đồng, mình chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, và mình có quyền để thực hiện những điều được chia sẻ ấy. Ý thức dân chủ, trước hết, là ý thức về quyền; nhưng một ý thức về quyền đúng đắn và thực sự dân chủ bao giờ cũng gồm hai mặt: quyền của mình và quyền của người khác. Đối diện với hai loại quyền ấy, người ta vừa biết tranh đấu lại vừa biết đối thoại, thương thảo, nhân nhượng và thoả hiệp.

Một kiểu văn hoá dân chủ như thế không phải tự nhiên mà có. Hai bài học lớn nhất Mỹ rút ra được sau khi lật đổ chính quyền Sadam Hussein ở Iraq là: Một, trong công cuộc xây dựng dân chủ cho một nước, việc thay đổi guồng máy cai trị chỉ là phần nhỏ; và hai, người ta không thể đem dân chủ từ nước này sang “trồng” vào một nước khác: Dân chủ chỉ có thể nảy nở từ bên trong.

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ luôn luôn có tham vọng gieo rắc dân chủ khắp nơi trên thế giới vì họ tin đó là lý tưởng lớn và chính đáng nhất, hơn nữa, đó cũng là phương cách tốt nhất để bảo vệ hoà bình trên thế giới. Tuy nhiên, Mỹ chỉ thành công được ở hai nơi: Nhật và Đức. Ở những nơi khác, họ đều thất bại. Vì không hợp… thổ nhưỡng.

Cái gọi là “thổ nhưỡng” ấy chính là văn hoá. Để xây dựng dân chủ, như vậy, trước hết, là xây dựng văn hoá dân chủ.

Văn hoá dân chủ được xây dựng bằng cách nào? Một trong những cách chính được ghi nhận trong suốt mấy chục năm nay là: xây dựng xã hội dân sự (civil society).

Nhận định về cuộc Cách mạng Hoa hồng tại Georgia, Tổng thống Mikheil Saakashvili cho đó là đóng góp của xã hội dân sự tại nước ông. Sự thành công của Nam Phi trong việc chuyển tiếp từ chế độ phân biệt chủng tộc sang một chế độ dân chủ cũng được xem là một thành tích của xã hội dân sự. Fareed Zakaria đề nghị chính phủ Mỹ, khi hoạch định chính sách ngoại giao, nên xem việc thay đổi chính phủ như là phó sản (byproduct) của xã hội dân sự. Liên Hiệp Quốc xem xã hội dân sự đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng dân chủ. (1)

Dĩ nhiên, tự nó, xã hội dân sự, dù phổ biến và mạnh mẽ đến mấy, cũng không thể làm lật đổ được một chế độ độc tài. Nhưng không có xã hội dân sự, không có một nền dân chủ nào có thể được xây dựng và vững mạnh cả.


Chú thích:
1. Các chi tiết nêu trong đoạn này được trích từ Don Eberly (2008), The Rise of Global Civil Society: Building Communities and Nations from the Bottom Up, New York: Encounter Books, tr. 234-7.


Bùi Tín - Hợp thời


Bùi Tín

Tối 24/9/2013, các báo mạng «lề trái» boxitvn.net, Dân làm báo và Dân luận đã cho phổ biến rộng rãi bản «Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị» do 130 trí thức đề xướng.


Tuyên bố cho biết một «Diễn đàn Xã hội Dân sự» đã được thiết lập để làm nơi trao đổi, tranh luận về những vấn đề của đất nước, để mọi công dân không phân biệt chính kiến, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo có thể tham gia, nhằm thực hiện một cuộc chuyển đổi lịch sử theo hướng tiến bộ, từ hệ thống độc đảng toàn trị chuyển sang hệ thống dân chủ và tự do, xây dựng một xã hội dân sự năng động, thông thoáng, công khai, minh bạch, lấy ý dân và quyền dân làm nền tảng.

Chỉ trong vài ngày đầu, đã có hơn 300 người thuộc đủ các địa phương, nghề nghiệp, tôn giáo công khai ký tên tán đồng bản Tuyên bố và hoan nghênh Diễn đàn Dân sự.

Thế là cuộc đấu tranh của dân tộc VN, của nhân dân VN vì sự tồn tại và tiến bộ xã hội đã có một bước phát triển mới, mạnh mẽ. Có thể nói sự kiện này đánh dấu một cột mốc của những cố gắng bền bỉ đấu tranh của nhiều thế hệ đã qua, nhằm đưa đất nước ra khỏi sự trì trệ tụt hậu kéo dài, chống họa ngoại xâm bành trướng, đẩy lùi quốc nạn nội xâm tham nhũng, tạo nên thời thế mới cho cuộc đấu tranh.

Tổ chức, xây dựng tổ chức, phát triển vững mạnh tổ chức là vấn đề then chốt của mọi cuộc đấu tranh, cũng là vấn đề thế lực giáo điều bảo thủ lo sợ nhất. Tuy chưa phải là một chính đảng, nhưng với một tập họp chính trị có tôn chỉ mục đích rõ ràng, có cơ sở pháp lý và hiến định chặt chẽ, có nền tảng pháp lý quốc tế vững chắc, có cả một tập thế trí thức có tín nhiệm xã hội cao đề xướng và dẫn đường, Diễn Đàn Xã hội Dân sự (gọi tắt là Diễn đàn) là công cụ đấu tranh sắc bén.

Diễn đàn ra đời rất đúng lúc.

Trên thế giới chủ nghĩa Mác Lênin cũng như CNXH hiện thực đã bị lịch sử bác bỏ dứt khóat và lên án triệt để, coi là sai lầm lớn nhất của thế kỷ XX. Tại Việt Nam đảng CS đang bị suy thoái tệ hại, phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, tư tưởng, ý thức hệ nặng nề đan xen vào nhau. Từ đó chính danh cầm quyền của đảng CS với chế độ độc quyền toàn trị đang được đặt ra thành vấn đề cần giải quyết cấp bách, nhằm giữ vững nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nền dân chủ pháp trị, để thành quả phát triển được toàn dân tận hưởng, chấm dứt chế độ bất công xã hội đang ngày càng suy sụp.

Diễn đàn ra đời đúng vào lòng dân đang thức tỉnh, không còn lo sợ cuờng quyền tàn bạo như trước. Những hiện tượng các em sinh viên Nguyễn Phương Uyên, Huỳnh Thục Vy, Đỗ Thúy Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh … tham gia chống bành trướng đòi dân chủ không còn là chuyện hiếm. Bà con nông dân bị mất đất ngày càng đứng lên đông đảo đòi lại quyền sở hữu đồng ruộng. Các nhà kinh doanh vừa và nhỏ bị chèn ép bởi các cơ sở quốc doanh bị phá sản hàng loạt cũng đứng dậy đòi quyền kinh doanh cạnh tranh bình đẳng.

Diễn Đàn cũng ra đời đúng vào lúc thế giới đang nhăm chú nhìn vào Việt Nam, để theo dõi, đánh giá tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do cạnh tranh trong kinh tế…để xét xem có thể nhận Việt Nam vào Hiệp định kinh tế Xuyên Thái Bình Dương, vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hay không.

Trong khi đó, nội bộ đảng CS đang phân hóa ngày càng sâu sắc. Trong đảng, nhiều người đã bỏ đảng, bàn luận cùng nhau lập một chính đảng mới khi đảng CS hiện nay đã hoàn toàn thoái hóa, biến chất, giới cầm quyền chỉ lo vơ vét làm giàu, chuyên lo hưởng thụ. Đã có không ít đảng viên CS cấp cao ký tên cổ vũ Tuyên bố và Diễn Đàn, coi đây cũng là lối thoát danh dự cho đảng CS và cho mỗi đảng viên.

Diễn Đàn ra đời hết sức đúng lúc, đúng thời cơ, vì sự kiện này buộc Bô Chính trị hiện tại phải trả lời. Bóp chết nó từ trong trứng ư? Sẽ là hạ sách. Làm lơ, coi như không có ư? cũng là một kiểu lùi bước.

Cùng với bản «Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị» và sự xuất hiện của «Diễn đàn Xã hội Dân sự», một xã hội dân sự non trẻ, được thai nghén vất vả hàng chục năm trời, đã chào đời, khỏe khoắn, nhờ hồn thiêng sông núi Việt Nam và dưỡng khí của thời đại.


Thanh Quang - Dư luận trước phiên xử LS Lê Quốc Quân


Thanh Quang,
phóng viên RFA



 Luật sư Lê Quốc Quân, ảnh chụp trước đây. - File photo

Theo kế hoạch thì hôm nay, thứ Tư ngày 2 tháng 10, LS Lê Quốc Quân bị giới cầm quyền trong nước đưa ra xét xử về tội gọi là “trốn thuế”. Thanh Quang ghi nhận phản ứng của một số bloggers về vấn đề này.

Cảnh báo không được dự phiên tòa

Theo nhiều giáo dân trong nước thì ngay trước khi phiên tòa xét xử tội gọi là “trốn thuế” của LS Lê Quốc Quân diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, đông đảo bà con giáo dân, dân oan, những người yêu mến Lê Quốc Quân đã quy tụ tại Giáo xứ Thái Hà chờ sáng thứ Tư này cùng nhau đến tìm cách dự phiên tòa. Theo tin của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam thì nhiều bà con giáo dân xứ Vĩnh Hòa thuộc Giáo Phận Vinh, quê của LS Lê Quốc Quân, “đã đến Hà Nội an toàn; những anh chị em từ Sài Gòn, Vũng Tàu, Hà Nam cũng đã có mặt tại Hà Nội từ vài hôm nay để chuẩn bị mạnh mẽ ủng hộ LS Lê Quốc Quân vốn luôn bênh vực dân nghèo, xúc tiến nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo cho người dân Việt. Còn lực lượng công an, an ninh chìm nổi – vẫn theo lời giáo dân – chật cứng để giám sát, theo dõi, ngăn chận”.

Từ Hà Nội, một trong những người bị “ban dân vận” cảnh báo không được tới dự phiên tòa, là blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, nhận xét:
 “Theo cái nhìn của chúng tôi về vụ án gọi là trốn thuế của LS Lê Quốc Quân, theo diễn biến của vụ án từ lúc đầu tiên cho đến bây giờ thì chúng tôi có thể khẳng định rằng vụ án Lê Quốc Quân là vụ án chính trị được ngụy trang dưới cái cớ là “trốn thuế”. Điều này đối với thể chế Việt Nam và đối với các hoạt động pháp lý của nhà cầm quyền Việt Nam thì chúng tôi không thấy là lạ, bởi vì điều đó đã từng được diễn đi diễn lại rất nhiều lần dưới cái cớ nào đó. Họ đã từng lấy cớ “hai bao cao su đã qua sử dụng” đối với TS Cù Huy Hà Vũ, hoặc là cái cớ “trốn thuế” đối với Điều Cày – là những người yêu nước. Do đó, trong trường hợp LS Lê Quốc Quân, cái tội gọi là “trốn thuế”, một lần nữa, lại được đem ra sử dụng, thì đây cũng không phải là lạ. Và có thể đến giờ phút này, tôi khẳng định rằng, nếu như nói về tội trốn thuế, thì LS Lê Quốc Quân không đáng bị tù tội như trong thời gian qua, và gia đình anh cũng không phải bị khủng bố như vậy.”

Blogger Phương Bích lưu ý rằng hiện chưa có bằng chứng nào chứng tỏ công ty của Lê Quốc Quân “trốn thuế”, mà giới cầm quyền đã vội vã “tống” LS Quân vào tù khi sự việc chưa ngã ngũ:
“Việc LS Lê Quốc Quân bị gán tội trốn thuế này thì trước đó hai năm liền, sở thuế đã làm việc với công ty của anh Lê Quốc Quân nhưng vẫn không tìm ra chứng cớ nào để nói rằng đó là công ty trốn thuế. Nhưng vấn đề tôi cho là do việc anh Quân là một LS bất đồng chính kiến. Nhà cầm quyền không tìm được cách bắt tội này thì họ tìm cách khác. Tức là thế này: giới cầm quyền không chọn phương cách đối thoại trước tiên, mà tống người ta vào tù luôn. Hết một năm nay rồi, thì họ bắt buộc phải đưa LS Quân ra xét xử. Nhưng tôi có nói với công an là hiện nay, nếu nói là trốn thuế, thật sự theo như đài báo đưa tin là các đại gia trốn thuế tới hàng chục tỷ mà không thấy vị nào bị đi tù như LS Lê Quốc Quân cả. Trong khi đó, trường hợp LS Lê Quốc Quân, khi sự việc chưa ngã ngũ, thì họ đã tống anh Quân vào tù rồi.”

Luật sư Lê Quốc Quân. File photo.

Theo giới blogger trong nước thì ngay trước ngày diễn ra phiên xử LS Lê Quốc Quân, tình hình có dấu hiệu căng thẳng khác thường khi phe cầm quyền có vẻ quyết liệt ngăn chận những người ủng hộ, nhất là những nhà bất đồng chính kiến, đừng tới phiên tòa gọi là “công khai” đó. Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh cho biết ông đã phải đón một đoàn khách không mời mà đến nhà - một đoàn gồm nào là của ban dân vận, của phường, của mặt trận, của đoàn thanh niên, phụ nữ:
“Đại khái là một đám hổ lốn kéo vào nhà tôi với mục đích khuyên tôi không nên đi dự tòa – một điều hết sức nhố nhăng. Tôi bảo với đoàn đó rằng tôi không cần lời khuyên đấy, mà tôi cần một văn bản đúng pháp luật là tôi có được đến dự tòa hay không được dự tòa. Bởi vì tôi đã là một người ngoài 50 tuổi rồi nên biết làm những việc gì của mình. Tôi chỉ làm những việc trong phạm vi pháp luật cho phép. Và những gì mà pháp luật không cấm thì tôi làm việc đó. Và tôi không cần lời khuyên của các ông. Và phái đoàn đó không trả lời được tôi nên họ kéo nhau ra về. Hành động của họ là như vậy – vừa lén lút vừa công khai một cách trắng trợn như vậy. Họ làm một việc rất vô bổ trong khi ngân sách nhà nước ngày càng eo hẹp, nền kinh tế ngày càng đi xuống. Nhưng người ta vẫn chi tiền cho những hành động như vừa qua. Việc đó phản ánh một sự thối nát, bất chính, không minh bạch của hệ thống cầm quyền hiện nay, của nền pháp chế hiện nay.”

Nền pháp lý lạc hậu

Theo blogger Phương Bích thì vệc xét xử LS Lê Quốc Quân, lẽ ra nhà cầm quyền phải để cho người dân đi xem, vì chuyện “trốn thế” là “xấu xa, cần phải lên án”, thì, blogger Phương Bích nêu lên câu hỏi, “tại sao giới cầm quyền không để người dân chứng kiến điều này mà mà lại ngăn cản họ? “. Blogger Phương Bích lưu ý:
“Nhưng họ không lý giải được gì cả, mà chỉ khuyên chúng tôi là không nên ra đấy “tụ tập đông người”. Tôi mới hỏi lại là tại sao vụ án Nguyễn Hữu Nghĩa giết người, thì không thấy họ nói tới chuyện tụ tập đông người? Tôi không rõ động thái của họ khi diễn ra phiên xử LS Quân là như thế nào. Tôi cảm giác rằng họ ngăn chận, Dù họ không ngăn chận được từng gia đình một, nhưng tôi nghĩ chắc chắn họ tìm mọi cách ngăn chận giáo dân hoặc những người đến ủng hộ LS Quân tại tòa. Có để họ sẽ chận đường đến tòa. Điều này chỉ tố cáo việc làm bất minh của giới cầm quyền.”

Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh nhấn mạnh rằng việc LS Quân bị gán cho là “trốn thuế” chỉ là cái cớ hết sức “thô thiển, hèn hạ”. Và không thể dùng cái cớ một vụ án kinh tế để khủng bố những người đấu tranh dân chủ, bất đồng chính kiến với nhà nước. Blogger Nguyễn Hữu Vinh lưu ý về “những điều khuất tất”:
“Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này, những điều khuất tất nhất là nếu như đây quả thực là vụ án kinh tế, thì họ phải xét trong những quy chiếu của những vụ án kinh tế ở VN hiện nay. Nếu là vụ án chính trị, thì rõ ràng đây là một vụ án chính trị mà nhà cầm quyền tìm cách để trù dập, bắt bớ, trả thù những nhà bất đồng chính kiến. Họ không thể dùng một tội danh rất là vớ vẩn thế này để bắt một tội danh khác. Đó là điều đầu tiên. Thứ hai, chúng tôi yêu cầu LS Lê Quốc Quân cũng phải được đối xử bình đẳng như những người khác, dù là dưới bất cứ tội danh nào. Không thể có những điều như Quốc hội đã thảo luận là có những người sai phạm những 20-30 tỷ đồng hoặc 200-300 tỷ đồng thì vẫn được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và những người chỉ sai phạm vài ba triệu đồng thì bị tù tội.”

Theo blogger Phương Bích thì không cứ riêng gì trường hợp Lê Quốc Quân, mà cũng như những vụ xử người yêu nước khác, từ Cù Huy Hà Vũ cho đến Điếu Cày, những vụ án như thế này sẽ tích tụ phản ứng của người dân càng ngày nhiều. Và cho dù hiệu quả này “chưa tức thời”, nhưng blogger Phương Bích tin rằng, cho đến một lúc nào đó, xã hội sẽ tiến lên bằng những “phản ứng tích tụ” của người dân như thế.

Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh nhận thấy những người yêu nước sẵn sàng chấp nhận nhiều gian nan, thử thách. Từng đến chốn lao tù để chia sẻ với người yêu nước như blogger Điếu Cày, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh bày tỏ cảm thông rằng:
“Chúng tôi đã nhìn thấy nỗi khổ sở của họ, những sự đau đớn của gia đình họ trước hoàn cảnh tù tội của người thân, khi giới cầm quyền dùng những lý do vớ vẩn, bề ngoài có vẻ hợp lý, để trả thù những người yêu nước như vậy. Chúng tôi thấy rằng đó là điều hoàn toàn phản ánh một nền pháp lý hết sức lạc hậu, hết sức thô thiển, hết sức cổ lỗ. Và điều đó nói lên rằng Việt Nam phải cần có một nhà nước pháp quyền thật sự, tam quyền phân lập một cách rõ ràng để người dân có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, và mọi người được bình đẳng trước pháp luật. Điều này hết sức cần thiết đối với tình trạng Việt Nam hiện nay.”

Do đó, nói theo lời blogger Phạm Chí Dũng, “sẽ là tốt hơn nhiều nếu hiện ra chỉ dấu điềm lành trong phiên xử ngày mùng 2 tháng 10 này cho LS Lê Quốc Quân và cho cả chế độ”.


Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Ghé thăm các blogs: 01/10/2013


BLOG TẢN MẠN VÀ CẢM NHẬN

Sau vụ bác Thăng giao thông tuyển thẳng một cậu sinh viên “loại giỏi thất nghiệp” vào làm việc tại Viện KHCNGTVT, một số Thượng thư khác cũng bắt đầu quan tâm đến việc này, như một sự a dua. Nào là quyết định tuyển thẳng vào đại học, nào là tài trợ cho quá trình đi học đại học,…

Sự việc tưởng chừng như lắng đi sau kỳ thi đại học, lại được khuấy lên khi bác Thanh Bá bút phê xin việc cho một Thạc sỹ văn chương loại giỏi thất nghiệp phải đi làm công nhân.

Những việc làm trên của các vị tưởng là hay, là đi sâu sát thực tiễn. Những ngẫm kỹ ra, lại là một việc rất hồ đồ và phản cảm.

Tại sao lại nói vậy? Rõ ràng trong thời điểm kinh tế suy thoái, việc gia tăng thất nghiệp là không tránh khỏi. Khi mà vấn nạn tham nhũng, nhận hối lộ vẫn đang hoành hành, thì những người không có tiền và quan hệ không xin được vào cơ quan nhà nước là điều dễ hiểu.

Trách nhiệm của các bộ ban ngành, đặc biệt là những người đứng đầu là phải xây dựng được cơ chế, chính sách, tạo ra những đột phá để giúp đất nước vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm, hạn chế tham nhũng, nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ công chức.

Rõ ràng kinh tế đất nước vẫn đang rất khó khăn, tham nhũng cửa quyền tiếp tục hoành hành làm mục nát chính quyền. Các bộ ngành bị vướng cơ chế, luật chồng chéo luật, giải quyết công việc cứ rối như gà mắc tóc. Vậy mà các vị không lo giải quyết, lại thích thể hiện ở những việc tủn mủn như ký tuyển dụng hay bút phê xin việc.

Thế mới nói hồ đồ và phản cảm là vậy.

Quay lại việc cô Thạc sỹ văn chương loại giỏi phải đi làm công nhân. Theo quan điểm của người viết, cô này là loại “bằng giỏi nhưng cực dốt”. Có bằng giỏi mà lại cực dốt là sao? Bởi vì cái bằng giỏi là do học vẹt nên điểm cao, nhưng thực chất không có một chút tư duy và kiến thức thực tiễn nào cả.

Người viết có loạt bài phê phán tình trạng “thợ dạy” trên giảng đường đại học đã minh chứng kiểu học thầy đọc trò chép trong giáo dục đại học. Thế nên đôi khi những sinh viên đần đần một tý, nhưng chăm chỉ một tý, chịu khó mài đít trên giảng đường học vẹt thì kiểu gì điểm cũng rất cao. Thầy nào thì trò nấy. “Bằng giỏi nhưng cực dốt” chính là thế.

 (Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet)

Một người giỏi thực sự, có trong tay bằng Đại học sư phạm ngành Văn loại giỏi, có trong tay bằng Thạc sỹ nghành Văn học Việt Nam loại giỏi mà phải đi làm công nhân thì chắc chắn là loại “bằng giỏi nhưng cực dốt”.
Rõ ràng, nếu một người giỏi thực sự, có học vị Thạc sỹ, thì không thiếu gì việc làm để kiếm tiền, đâu nhất thiết phải xin vào nhà nước.

Đơn cử, với một Thạc sỹ văn chương loại giỏi, lại có kỹ năng sư phạm, chỉ cần ngồi viết báo, viết bài phê bình văn học, thậm chí là viết bài đưa tin bằng đúng chuyên môn của mình để gửi cộng tác với hơn 700 tờ báo lớn nhỏ, chưa kể các tạp chí văn chương thơ phú của xứ An-nam cũng đã sống thoải mái. Không thì chí ít cũng đi dạy hợp đồng cho mấy trường dân lập để xứng đáng với cái bằng loại giỏi và công sức đi học. Chứ sao Thạc sỹ văn chương loại giỏi lại đi làm gia sư, rồi đi làm công nhân thời vụ như thế.

Thế nên, bác Thanh Bá chả chịu suy trước nghĩ sau gì cả. Ai lại đi phê đơn xin việc cho những loại “bằng giỏi nhưng cực dốt” như thế, làm vậy quá bằng hại đất nước này.

(Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet)

Chính bác đang phải cầm thuyền trượng đi dẹp tham nhũng, mà tham nhũng toàn do các quan tham và quan dốt là con cái của quan tham và quan dốt đi trước. Bài học nhãn tiền như thế, bác không tránh đi mà lại giúp những kẻ dốt vào cơ quan nhà nước là làm sao?

Người viết đã từng có một entry: “Không thất nghiệp mới là lạ” để nói chuyện này. Người viết còn nhìn ra được thế, lẽ nào bác không nhìn thấy.

Vẫn còn đó những hậu quả do “một bộ phận không nhỏ” những kẻ mà Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã ví von “dắt qua Liên Xô một con bò khi về được một tiến sĩ” đã tàn phá đất nước này (đặc biệt là đối với nền giáo dục và khoa học công nghệ).

Vì vậy, dù biết điều này chả đến được tai bác, nhưng vì sự phát triển của nước nhà, người viết đành cố gào vậy.

Không nên khuyến khích loại "bằng giỏi nhưng cực dốt" tàn phá đất nước này nữa, bác Thanh Bá ạ!

(@ by Baron, 2013)

Bài báo thông tin về việc này: Ông Nguyễn Bá Thanh bút phê xin việc cho thạc sĩ


BLOG QUÊ CHOA

Nguyễn T Bình

Ba Lâm Hoài Phương – G.đốc Bệnh viện RHM TƯ Tp HCM

Trên trang 2 báo Tuổi Trẻ ngày 24/9 mới đây đưa tin“Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM bị thôi chức”. Tin này cũng bình thường thôi, nếu trong ruột nó không đưa thêm thông tin “bà Phương (Giám đốc BV) sẽ chuyển qua giảng dạy ở Trường đại học y dược TP.HCM”.

Trời mẹ ơi ! Đọc hết nội dung tin trên tôi nẫu lòng còn hơn khi đọc cái tin “TP.HCM: Chín tháng, 800 người chết vì TNGT” (tai nạn giao thông), do ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT. TP.HCM công bố vào trưa ngày 22/9 (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 23/9, trang 2). Vì, dù sao người chết cũng đã chết rồi, không sống lại được, dù buồn đau biết bao. Nhưng, những người đang sống, dù muốn hay không, dù sớm hay muộn và dù nhiều hay ít cũng có thể bị bệnh đến nhà thương công hoặc tư khám chữa bệnh. Nếu chẳng may họ gặp phải bác sĩ là học trò “chân truyền” của bà giám đốc bệnh viện răng hàm mặt trung ương (TP.HCM) vừa bị Bộ Y tế quyết định cảnh cáo, cho thôi chức giám đốc (và tất nhiên không còn làm bí thư đảng ủy bệnh viện) vì “không chấp hành qui định của Nhà nước về hành nghề y tư nhân; lãnh đạo bệnh viện thực hiện qui chế dân chủ chưa tốt, chưa nghiêm túc trong việc lãnh đạo, triển khai thực hiện kê khai minh bạch tài sản, thu nhập, kê khai thuế cá nhân theo qui định…”, không biết thân phận bệnh hoạn của họ sẽ ra sao?

Trường đại học y dược nói chung là nơi đào tạo đội ngũ trí thức chuyên làm công việc trực tiếp cứu người, giúp con người chống lại bệnh tật, duy trì sự sống đúng theo mệnh trời. Do vậy, nghề và nghiệp bác sĩ từ lâu được xã hội quí trọng. Còn bệnh viện nói chung là nơi các bác sĩ thực hành, thể hiện trình độ, kết quả sau nhiều năm học tập cả về y thuật và y đức. Do vậy, từ lâu người dân VN đã quen gọi bệnh viện là nhà thương – trái nghĩa với nhà ghét, nhà thù.

Những người làm công tác tổ chức đảng, tổ chức chính quyền nghĩ sao trước sự việc bà bác sĩ giám đốc, bí thư đảng ủy BV. RHM. TW TP.HCM bị kỷ luật nhưng được chuyển qua giảng dạy ở Trường đại học y dược TP.HCM ? Bà này sẽ giảng dạy ra sao trong thân thế đã bị đảng, chính quyền “chê” về nhiều chuyện ? Rồi đây các sinh viên theo học chuyên khoa răng hàm mặt ở Trường đại học y dược TP.HCM sẽ thụ giáo được gì nơi bà này – cụ thể về y đức ?

Tôi không nói trong trường hợp trên, đảng và chính quyền tuy hai mà một đã cố ý “nhân rộng điển hình” về phẫm chất, đạo đức, ý thức nghề nghiệp, ý thức thượng tôn pháp luật của những người giống như bà bác sĩ giám đốc BV. RHM.TƯ.TP.HCM – theo nghĩa đang từ phạm vi hẹp (BV) chuyển sang phạm vi rộng, có sức lan tỏa xa (Trường ĐHYD). Nhưng thực tế đúng là vậy. Tại sao không để bà bác sĩ ấy về lại hẳn tư gia tự tu thân, tự nhìn lại quãng đời làm bác sĩ, làm giám đốc bệnh viện mình đã đúng sai, xấu tốt ra sao, như thế nào ? Hay vì bà bác sĩ này là đảng viên, “người đằng mình”, nên đảng phải cưu mang suốt đời – theo lối nghĩ “sự nghiệp của đảng dài hơn đời người” của ông Nguyễn Chơn Trung (6 Quang) trong bài viết dụ khị ông Lê Hiếu Đằng vừa qua ? 

Thảo nào trong thực tế có nhiều cán bộ đảng viên bị đồng nghiệp, đồng sự, quần chúng tố cáo, tổ chức không thể để tại vị mãi được bèn bốc đi chỗ khác và lắm trường hợp nhờ được bốc đi chổ khác lại lên chức cao hơn, quyền nhiều hơn, bổng lộc dồi dào hơn, tầm tác động và tác hại lan tỏa rộng hơn. Quan trọng hơn, đảng vẫn không bị mất / bớt tay sai. Chỉ có người đàng hoàng, chân thật, hay cả tin mới bị thiệt hại, tổn thương, thất vọng mà thôi. Từ lâu rồi, trong dân gian đã đúc kết thành kinh nghiệm nhận diện con người “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Nói nôm na, chế độ nào đẻ ra con người nấy, bộ máy nấy. Chúng ta đã thấy và nghe quá nhiều về y đức cùng bao điều tệ lậu trong ngành y tế dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của đảng. Bệnh viện công không ra bệnh viện công. Sự nghiệp “trồng người” trở thành bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu y đức không được chú trọng tương xứng, thậm chí giao vào tay những người giống như bà bác sĩ giám đốc bệnh viện RHM trung ương tại TP.HCM vừa bị thôi chức. Nếu không nói, đảng chỉ chú trọng củng cố, phát triển đảng để có đủ lực lượng “ổn định chính trị” lâu dài mà thôi. Chả trách sao, không ít người bị bệnh nặng buộc phải đến bệnh viện khám chữa trị, khi được hỏi “bệnh viện có phải là nhà thương không”, người nào cũng lăc đầu thay lời đáp “không phải”.

Thêm một lần “quả tó rồi nhé” cái chính sách cán bộ “xấu tốt như nhau”, cán bộ đảng viên bị kỷ luật cũng như cán bộ đảng viên không hoặc chưa bị kỷ luật đều giống nhau, tất cả đều là người “đằng mình” cả thôi. Bác sĩ giỏi, đạo đức cách mấy, nếu không là đảng viên khó có vị thế, tiếng nói “ngang bằng”, nói chi “thượng phong” so với bác sĩ đồng thời là đảng viên – bởi ở nước ta lâu nay không có vị trí nào hơn vị trí đảng viên và không có đạo đức nào hơn “đạo đức cách mạng” (sic).

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả


BLOG NGUYỄN QUANG VINH

Thím Doan nói trong cuộc họp ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần trước: "Người ta ăn của dân không chừa một thứ gì".

Mình đã bình về hai chữ "người ta" rồi.

Giờ thì đây, trong rất nhiều tập hợp của những kẻ xấu xí ở "người ta", đã tòi ra một cái tên: Bác sĩ Vũ Thị Thanh, giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội (Nguồn: http://infonet.vn/Thoi-su/He-lo-tinh-tiet-rung-dong-vu-trao-thuy-tinh-the-BV-Mat-Ha-Noi/111509.info)

Dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của "phù thủy" Vũ Thị Thanh, bà này đã chỉ đạo nhân viên các khoa "ăn" của dân về thủy tinh thể bằng cách đổi tráo thủy tinh thể Mỹ ghi trong hóa đơn thành loại thủy tinh thể thấp cấp, giá rẻ để rút tiền.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy đã tố cáo và các cơ quan thanh tra xác nhận đơn tố cáo của bác sĩ Thủy là đúng, nhưng lại kết luận do "thiếu sót chuyên môn".

Không hài lòng, bác sĩ Thủy đã đưa đơn tố cáo trực tiếp cho ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội- ông Phạm Quang Nghị.

Ông Nghị nói: “Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo giải quyết nhiều lần nhưng chị Thủy không hài lòng với kết luận thanh tra. Tới đây tôi sẽ giao cho thanh tra liên ngành vào cuộc”. 

Sai phạm quá rõ dù thanh tra chỉ đưa ra con số thủy tinh thể bị tráo khi thay cho người dân là con số 703 ca mổ gian lận, nhưng con số thật có thể lên tới 3000 ca, và số tiền chênh lệch ăn cắp của bệnh nhân là hàng tỉ đồng.

"Ăn" thế này, nếu chỉ nhìn vào số tiền rút bớt do chệnh lệch giá, thường gọi là ăn bẩn.

Nhưng "ăn" thủy tỉnh thể do đánh tráo của người bệnh còn là tội ác.

Khi các bác sĩ ở Viện Mắt Hà Nội dám "ăn" cả ánh sáng của bệnh nhân thì hành vi đó thuộc vào hành vi ác độc.

Hành vi đó đáng phải tử hình.

Vì với thủy tinh thể giá rẻ, chỉ mấy năm sau, nhiều người có thể mù lại, và khi mù lại thì không thể thay thủy tinh thể lần nữa.

Mấy hôm nay, đọc đến tên bác sĩ Viện trưởng Viện Mắt Hà Nội Vũ Thị Thanh thấy bốc lên mùi tanh.

Không còn là vấn nạn về chuyên môn, thái độ, hành vi ăn cắp, tham ô, bòn rút tiền bạc bệnh nhân của một số bác sĩ đã trở thành hiểm họa rình rập cuộc sống bình yên của từng gia đình. Như với Viện Mắt Hà Nội, bệnh nhân có thể mù lại bất cứ lúc nào vì hành vi đánh tráo thủy tỉnh thể ác độc.

Những kẻ như thế gọi là " bác sĩ cá sấu" luôn chực mò vào từng ngôi nhà bình yên để "ăn thịt" dân lành.


BLOG NGUYỄN DUY XUÂN

Cái tên Đại Phong (bây giờ thuộc xã Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) nổi tiếng từ hơn nửa thế kỉ trước bởi lúc bấy giờ nó là ngọn cờ đầu sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi của miền Bắc XHCN. Với thế hệ những người ngấp nghé U60 trở lên không ai là không biết đến câu “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong” lừng lẫy một thời.  

Cứ nghĩ Đại Phong ngày nay chắc khác hẳn Đại Phong nửa thế kỉ trước, nhưng thật không ngờ, đọc bài Bán chó làm đường trên Pháp luật thành phố mà không khỏi giật mình xót xa cho một vùng quê luôn sôi sục tinh thần cách mạng. Người nông dân vẫn còn vất vả với bao lo toan của cuộc sống thường nhật, tuy “gió Đại Phong”  vẫn bừng bừng khí thế trong phong trào xây dựng nông thôn mới hôm nay.

Để thực hiện chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn, để làng quê được nở mày nở mặt với thiên hạ, Đại Phong phải hô hào dân đóng góp không chỉ có công sức  mà cả tiền bạc. Nhưng thay vì giãn ra từng đợt, từng năm để dân đỡ vất vả thì địa phương lại bắt dân đóng cái rụp một lần, hộ ít vài ba triệu, hộ nhiều cả chục triệu cho nên nhà nào cũng phải gồng lên. Số tiền đó quả là quá sức đối với những người nông dân ở một vùng quê nghèo. Nhiều gia đình chạy ngược chạy xuôi, cắm sổ đỏ, vay lãi cao, có những hộ cận nghèo phải bán lúa non ngoài đồng để nộp cho đủ số tiền đã được phân bổ. Nghị quyết ban rồi, không thể làm khác được. Vả lại người nông dân dù nghèo khó nhưng vẫn trọng danh dự, không muốn nhục vì thiếu tiền mà bị réo tên trên cái loa công cộng. Còn chính quyền thì chỉ biết làm sao lập được thành tích càng nhanh càng tốt, chẳng cần quan tâm đến việc dân đang phải khốn khổ xoay sở ra sao.

Ông Phạm Xuân Phồn (80 tuổi), một hộ nghèo, cho biết: “tui cực khổ xóm cho nộp 2,2 triệu đồng, tui chẳng có tiền. Nuốt nước mắt, cả nhà có được cái tivi cũ cùng con chó mới lớn, dặn vợ đưa con chó vàng ra chợ bán được 600.000 đồng. Về nộp cho xóm 500.000 đồng, còn lại nợ. Trăm ngàn tiền bán chó vàng còn lại tui ra mua con chó khác về nuôi”.

Chuyện thật như đùa, tưởng chỉ có trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố mà thôi?

Bỗng nhớ đến chuyện mấy bữa trước Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bức xúc trước việc dân mình còn nghèo mà nhiều địa phương xây trụ sở làm việc xa hoa, lộng lẫy như cung điện. Giá như bớt được một phần nhỏ kinh phí xây dựng những cái “cung điện” ấy thì sẽ thêm được hàng ki lô mét đường nông thôn bê tông hóa và những người nông dân nghèo như ông Phồn nhờ đó mà vợi đi một phần cơ cực. Giá như…

21-9-2013
Nguyễn Duy Xuân


BLOG ĐINH TẤN LỰC
CON GÌ LÀM RA TIỀN NHIỀU NHẤT?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.
Cuộc phỏng vấn chớp nhoáng sau đây của phóng viên Ngọc Hà (hãng thông tấn Ý Dân) nhằm làm rõ hơn ý kiến của thủ tướng:

Hỏi: Mong ngài thủ tướng nói rõ hơn điều gì khác biệt nổi trội nhất giữa 1 nền kinh tế “nhiều thành phần-một định hướng” của Hà Nội với 1 nền “kinh tế thị trường” mà ông đang yêu cầu Hoa Kỳ công nhận?

Đáp: Trong cả hai nền kinh tế, người ta vẫn hỏi khó nhau là con gì làm ra tiền nhiều nhất? Trả lời được câu hỏi này thì sẽ hiểu tất tần tật những nguyên tắc cốt lõi của các nền kinh tế…

Trong nền kinh tế “nhiều thành phần-một định hướng” thì đó là con tôm xuất khẩu.

Trong giai đoạn quá độ giữa nền kinh tế tập trung và kinh tế thị trường thì đó là… con gái xuất khẩu.

Còn trong nền kinh tế thị trường ở VN xứ tôi, hiện giờ và trong tương lai những năm trước mặt, thì chắc chắn đó là… con dấu.


BLOG ĐÀO TUẤN

Bộ trưởng Tiến nên có một thông điệp. Gì cũng được, chỉ có điều đừng kèm theo một chữ “Nếu”.
Hình như hoàn toàn không vô tình, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, trước nghị trường, đã yêu cầu một cách chân thành về một “sự xuất hiện”, một “thông điệp” mà Bộ trưởng Y tế cần phải có, trước nhân dân.

“Tôi đã thấy có sự mất tin cậy…Chị Tiến phải xuất hiện. Sự xuất hiện của Bộ trưởng sẽ tạo sự tin cậy. Tôi biết khó, chị Tiến đã trao đổi với tôi những cái khó, nhưng Bộ trưởng rõ ràng phải có thông điệp”- bà nói.

Câu hỏi đặt ra là: Nhân dân đang cần sự xuất hiện như thế nào và Bộ trưởng nên có thông điệp gì?

Nhớ hồi đầu năm, khi “vi hành” tới Viện Ung bướu ở TP HCM, Bộ trưởng Tiến tận mắt chứng kiến cảnh ngộ “chui gầm giường” vì quá tải của các bệnh nhi. Một cái tít cực kỳ ấn tượng xuất hiện ngay sau đó: “Bệnh nhân bò từ gậm giường ra chào Bộ trưởng”.

Những người dân thừa kiên nhẫn và vẫn lịch sự trong cảnh khốn nạn của mình. Và hẳn nhiên, họ tin bà Bộ trưởng cảm thấy đau lòng. Bởi không chỉ gầm giường, hành lang, ghế đá, gốc cây…từ lâu đã trở thành giường bệnh.

“Không đâu có kiểu bệnh viện như ở Việt Nam”- Thật ngạc nhiên, câu này cũng của Bộ trưởng Tiến, người được coi là thật thà, là “Chà, bả nghĩ cái rồi bả nói thế”.

Và cũng không đâu có những Bộ trưởng Y tế… hồn nhiên như ở Việt Nam.

Còn nhớ vào chiều 22.11.2010, bị truy trách nhiệm trước lời hứa giảm tải bệnh viện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã phát ngôn: “Qua truyền hình trực tiếp, tôi nói với toàn dân rằng Bộ Y tế rất quyết tâm, còn hứa 2, 3, 4, 5 năm thì chưa bao giờ”.

Đó cũng có thể là lý do, trong lễ bàn giao sau đó gần 1 năm, ông Triệu cho biết ông cảm thấy “nhẹ nhõm”, “vui vẻ như anh nông dân cày xong thửa ruộng”.

Thật khó có thể nhẹ nhõm, khi nghe Bộ trưởng nói ra hai từ “nhẹ nhõm”. Những “anh bệnh nhân nằm trong bệnh viện” cũng khó có thể thanh thản trước cảnh cá hộp như thể đi đày.

Cũng trong lễ bàn giao vào ngày đẹp 8.8 hôm đó, Tân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định: “Đối với ngành y tế, có những nhiệm vụ có thể giải quyết dứt điểm ngay trong một nhiệm kỳ nhưng có rất nhiều nhiệm vụ phải mất đến mấy thập kỷ có lẽ mới giải quyết được”. Một trong 5 “thách thức” mà bà nêu có thách thức là “Tình trạng quá tải bệnh viện và các biện pháp giảm tải”.

Nói ra thật lẩn thẩn, nhưng niềm mong ước của người bệnh có khi chỉ là được nằm trên giường để trị bệnh.
Muốn giảm tải thì phải làm gì?

Bất cứ bệnh nhi nằm gầm giường nào, thậm chí chưa được học đến hai chữ “biện pháp”, cũng có thể trả lời rành rọt: Phải xây thêm bệnh viện. Phải “phân luồng từ xa”. Và giải pháp cho mọi giải pháp là phải có tiền.

Nhưng nếu chỉ kêu khó vì không có tiền, hoặc nêu giải pháp bằng một chữ “nếu” thì một đứa trẻ lên ba cũng có thể làm bộ trưởng.

Cái người dân cần sự xuất hiện, vì thế, không phải chỉ để chính Bộ trưởng cũng than như bệnh nhân, rằng “Không đâu có kiểu bệnh viện như ở Việt Nam… Bệnh nhân phải nằm dưới đất, dưới gầm giường”.

Tin thời sự là một quan chức Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ vừa ca ngợi Dự án đường cao tốc Hà Nội- Bái Đính trị giá 3.500 tỷ là để phục vụ cho 6,5 triệu dân Hà Nội cuối tuần về Bái Đính, đi chùa, đi du lịch….tức là “chủ yếu để phục vụ nhu cầu du lịch và tâm linh” khi “Hiện nay tại Ba Sao cũng đang xây dựng chùa Ba Sao cũng tương tự như chùa Bái Đính, cùng với cảnh quan thiên nhiên tại Vân Long sẽ là những khu du lịch rất tuyệt vời”.

Du lịch cũng cần. Tâm linh cũng cần. Để người ta có thể thanh thản “như anh nông dân cày xong thửa ruộng” khi thoát khỏi những bức bối khi phải làm “anh bệnh nhân chui gầm giường bệnh viện” chẳng hạn.

Ai cũng muốn đi du lịch, muốn tâm linh… trong bệnh viện. Ai cũng hiểu không phải cái gì cũng đổ dồn lên đầu Bộ trưởng, nhất là khi “cái khó bó cái khôn”.

Giá như số tiền 3.500 tỷ cho nhu cầu tâm linh, du lịch kia được dành cho những bệnh viện cá hộp, giá như bệnh viện cũng nguy nga hoành tránh như những tòa trụ sở.

Bộ trưởng Tiến nên có một thông điệp. Gì cũng được, nhưng có lẽ nếu có một thông điệp nào đó, người dân chỉ mong bà Bộ trưởng nói thẳng, như bản tính thật thà vừa được ca ngợi của bà, mà không kèm theo một chữ “Nếu”.


BLOG ĐÀO TUẤN

Có sự cùng quẫn giống như một sự oan ức. Có cái tâm con người bị xáo trộn. Có một sợi dây đàn đang căng như những bức xúc xã hội

Một người đàn ông mù đứng trên bờ dòng sông lười tại một công viên nước. Và… vạch quần, tiểu vào những người đang thư thả nằm phao trôi ra từ đường hầm.

Đây là một trong những trò kinh điển của loạt chương trình hài Just For Laughs Gags nổi tiếng trên toàn thế giới.

Những “nạn nhân Canada” đã khó chịu không che dấu. Và họ phản ứng bằng cách la hét (để cảnh báo), ngã lộn xuống nước (vì tránh), hay nhảy lên bờ để “nói chuyện phải quấy”, tất nhiên, cũng chỉ nói bằng…mồm.
Nhắc lại, Just For Laughs Gags là chương trình hài được làm theo kiểu giấu camera, làm trò ngớ ngẩn để đối tượng không nghi ngờ và chộp những phản ứng hoàn toàn tự nhiên của họ.

Nhưng nếu trò chơi tè nhầm này diễn ra ở Công viên nước Hồ Tây chẳng hạn, không hiểu, những phản ứng của người dân chúng ta sẽ thế nào?

Một sự thông cảm? Chút xíu càu nhàu? Một mẹt các loại thịt thừa vào mặt? Hay “nói chuyện phải quấy” bằng nắm đấm?

Rất khó để lấy những hình ảnh nữ sinh đánh ghen lột quần lột áo, thanh niên tóc xanh tóc đỏ ngay và luôn xử nhau bằng mã tấu, côn đồ ngập bệnh viện, hay những vụ nổ súng đang khiến cả xã hội bất an, để đánh giá nền tảng ứng xử cơ bản của một xã hội, một dân tộc, nhưng tình trạng bạo lực đến mức bất an như hiện nay, rõ ràng, đang đặt ra một câu hỏi lớn về sự…hài hước.

Năm ngoái, kết quả một cuộc thăm dò mang tên “Tiếng nói của người dân”, do Viện thăm dò BVA của Pháp thực hiện tại 53 quốc gia đã đưa ra khẳng định “Việt Nam dẫn đầu danh sách các quốc gia lạc quan nhất”.

Nói chính xác hơn, người dân Việt Nam lạc quan nhất thế giới, rất lạ là từ niềm tin vào triển vọng kinh tế. Nhưng lạc quan nhất thế giới không có nghĩa là họ biết đùa, càng không phải biết cách giải quyết vấn đề bằng một cách thức lạc quan.

Ngày hôm qua, có 2 ý kiến đã nhắc tới những vụ nổ súng ở Thái Bình, ở Đồng Nai gần đây.

Trước nghị trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhắc lại “Những vụ việc đau lòng như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vụ Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình”, để nói về định chế, và thực tế thu hồi đất với những “Mâu thuẫn, xung đột lợi ích gay gắt”.

Mâu thuẫn gì? Mâu thuẫn như thế nào khiến những người hiền như cục đất phải khỏa thân, rào làng, lập miếu để giữ đất, và xả súng để giải quyết?

Đó là “cán cân lợi ích”, mà theo bà Nga, đang “nghiêng hẳn về phía nhà đầu tư, người được lợi ít hơn là nhà nước còn người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân”.

Trong khi đó, một Phó giáo sư, tiến sĩ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển- Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh lý giải “cái tâm của con người bị xáo trộn, như một sợi dây đàn căng lên đầy sự bức xúc xã hội”, bằng nguyên do Mỹ và cơ chế thị trường.

Bên cạnh nguyên nhân “mặt trái của những vấn đề pháp luật”: “Pháp luật xử có nghiêm, có đúng không hay còn để tồn tại những nỗi oan ức khiến người ta không xử với nhau bằng pháp luật được mà phải dùng tới luật rừng?”, vị Phó giáo sư tiến sĩ cũng khẳng định “Đó là mặt trái của cơ chế thị trường, của những ảnh hưởng từ lối sống bạo lực bên ngoài”. “Chẳng hạn như lối sống của nước Mỹ, dùng súng có thể để tự vệ nhưng cũng có thể để thể hiện bản năng “cuồng sát” của một số người.

Đúng là đằng sau những vụ bạo lực có những mâu thuẫn đóng vai trò nguyên nhân.
Có sự cùng quẫn giống như một sự oan ức.

Có cái tâm con người bị xáo trộn.

Có một sợi dây đàn đang căng như những bức xúc xã hội.

Nhưng không phải vì thế mà người ta giải quyết vấn đề bằng súng ống, dao kiếm, hay tự hủy như vụ tự thiêu ngay trước trụ sở Công an phương, chỉ vì một món nợ nhỏ, và bị xã hội đen thúc ép.

Và cũng đừng giải thích nguyên nhân bằng thủ phạm vô hình “cơ chế thị trường” hay “lối sống bạo lực từ bên ngoài”.

Cách nhìn nhận vấn đề cho biết hậu quả hay kết quả.

Muốn có một nụ cười, thay cho nắm đấm, chẳng hạn chỉ trong một trò chơi “Công viên nước”, có lẽ, những bức xúc xã hội ngay từ khi nó chưa thành hình phải được giải tỏa, bằng một lẽ công bằng trước nhất từ vấn đề lợi ích. Chứ không phải nhìn sang trại thủy quân Mỹ để tìm kiếm nguyên nhân, hay tự ru ngủ bằng những góa phụ trắng ở Kenya.


BLOG ĐÀO TUẤN 

Bộ trưởng Tiến đã lại có một phát ngôn bất hủ: “Thanh tra thì chịu. Thanh tra đến là họ đưa vở sạch chữ đẹp ra”.

Có 3 câu chuyện xảy ra ngay trước phiên giải trình thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Tiến. Ở Hải Phòng, một bệnh nhi đã trở thành tử thi sau một mũi tiêm. Không phải mũi tiêm vaccine ngừa bệnh mà mũi tiêm chữa bệnh viêm phổi, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là “sốc phản vệ”.

Ở Hà Nội, ở TP HCM, ở hàng loạt các tỉnh, dịch đau mắt đỏ đã hoành hành đến tuần thứ 3 trong tình trạng bệnh nhi chật viện, hiệu thuốc cháy hàng, sạch bách không còn một lọ thuốc. Và 5 bệnh nhi, thị lực suy giảm trầm trọng. Vâng, 5 đứa trẻ đang đứng trước nguy cơ mù lòa vĩnh viễn chỉ vì một căn bệnh thông thường.

Còn ở Đà Nẵng, Đà Nẵng chứ không phải Quảng Trị, một cử tri, khi tiếp xúc với ĐBQH Nguyễn Bá Thanh đã nói thẳng toẹt- theo tờ infonet- “Tôi và cử tri phường Hòa Thuận Tây không muốn nhìn thấy mặt bà Bộ trưởng Bộ Y tế nữa vì bà làm việc rất vô trách nhiệm. Chuyện trẻ em tử vong ở Quảng Trị cho thấy thái độ thờ ơ của Bộ trưởng”.

Vẫn biết là “bắt bà Bộ trưởng trên kia chịu thì làm sao bả chịu nổi, làm sao bả quán xuyến hết được”. Nhưng những câu chuyện thời sự đang cho thấy những tật bệnh của ngành y tế và cả những thương tổn xã hội.

Vụ bệnh nhi tử vong ở Hải Phòng do “sốc phản vệ”, cho thấy sự “hoang mang”, chữ dùng của ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh, đã trở thành một bệnh dịch trầm kha, sói mòn lòng tin của nhân dân vào những người thầy thuốc vốn vẫn được tôn xưng, và tự xưng là “từ mẫu”.

Dịch đau mắt đỏ lan khắp toàn quốc và những tấm biển hết hàng ở hiệu thuốc, đang chứng minh sức đề kháng của ngành y tế đang có vấn đề. Và “vấn đề” là sự bó tay trước một bệnh dịch “đến hẹn lại lên”, năm nào cũng lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.

Còn lời nói thẳng ở Đà Nẵng, nhìn nhận một cách lạc quan, giống như một liều kháng sinh cho riêng bà Bộ trưởng.

Hôm ở Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh có ý bênh khi ông giải thích chuyện chích ngừa vaccine, giải thích nguyên nhân quá tải bệnh viện. Còn bà Bộ trưởng thì “Cái bà Bộ trưởng này nhiều lúc bả nói… Chà, bả nghĩ cái rồi bả nói thế!”

Nhưng khen đấy mà chê đấy. Rằng thì “cũng đi tuyên truyền, cũng giáo dục, cũng căn dặn…rồi rứa đó chứ đến quên mất”.

“Tôi nghĩ ngành y tế chưa nắm được bệnh của mình”- ông Thanh nhận xét chí tử.

Ông Thanh nói cũng đúng.

Hôm qua, Bộ trưởng Tiến khi trả lời câu hỏi về cơ chế tự phát hiện sai phạm trong ngành, đã lại có một phát ngôn bất hủ: “Người cố tình làm sai chỉ có nội bộ mới biết chứ thanh tra thì chịu. Thanh tra đến là họ đưa vở sạch chữ đẹp ra”.

Chịu, không phát hiện ra căn bệnh của mình. Và bệnh hay không tùy “vở sạch chữ đẹp”, tùy y đức.

Nhưng bác Thanh nói cũng chưa đúng.

Ở chỗ quá tải bệnh viện là căn bệnh đã xuất hiện từ thời bộ trưởng tiền nhiệm của bộ trưởng tiền nhiệm Bộ trưởng Tiến.

Chuyện những lời hứa giảm tải, rồi “quên mất” cũng từng di căn từ thời Bộ trưởng Triệu với phát ngôn bất hủ “Tôi có hứa gì đâu”.

Còn y đức, giống y như những mũi tiêm đau mà người dân phải chịu mỗi độ lơ đãng quên phong bì.

Căn bệnh của ngành y tế bà Bộ trưởng đã biết. Cái còn thiếu, chỉ là một liều thuốc, một mũi chích.

Thuốc có thể đắng như sự thật. Chích có thể gây “sốc phản vệ”, nhưng không dám nuốt đắng làm sao người ta có thể chữa khỏi bệnh được.



Trần Vinh Dự - Ngăn chặn xung đột và câu chuyện Liên Hiệp Quốc



Trần Vinh Dự (VOA)


Kỳ họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra ở New York. Theo LHQ, kỳ họp này dự kiến kéo dài từ ngày 17 tháng 9 đến hết ngày 4 tháng 10.

Đây được coi là một kỳ họp đặc biệt quan trọng vì chương trình nghị sự của nó bàn thảo đến việc thực hiện cái gọi là Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (Millennium Development Goals – MDGs). MDGs được đặt ra từ năm 2000 và được sự đồng thuận của tất cả các nước trong LHQ, bao gồm 8 mục tiêu trọng điểm, từ xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, cải thiện sức khỏe bà mẹ mang thai, chống đại dịch HIV/AIDS, bảo vệ sự phát triển bền vững về môi trường, và xây dựng quan hệ quốc tế cho mục tiêu phát triển.

Việc thực hiện xong các mục tiêu của MDGs được nhắm đến là năm 2015. Tới nay, chương trình MDGs đã qua được gần 13 năm và chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc. Vì thế, kỳ họp này của Đại hội đồng LHQ cũng bàn về việc xây dựng chương trình nghị sự phát triển của LHQ sau năm 2015 sau khi MDGs chấm dứt.

Sau MDGs, LHQ sẽ đặt trọng tâm vào các vấn đề gì? Có vẻ như mỗi nước có những ưu tiên riêng. Những mục tiêu được đặt ra trong MDGs dẫu sao cũng là những vấn đề dễ đạt được đồng thuận. Các mục tiêu hậu MDGs sẽ là những chủ đề thú vị để tranh luận trong kỳ họp này.

Vì tính chất quan trọng như vậy, nhiều nguyên thủ của các nước đã và sẽ tham gia trong kỳ họp lần thứ 68. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu hùng biện trước Đại hội đồng hôm 24 tháng 9 vừa qua. Từ phía Việt Nam, phái đoàn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng dự kiến tới New York tham dự Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng từ ngày 26.

Từ bài phát biểu của Tổng thống Obama, có thể thấy quan tâm hàng đầu của Mỹ tại thời điểm này và trong tương lai vẫn là các vấn đề an ninh toàn cầu, bao gồm câu chuyện khủng bố, xung đột khu vực, an ninh năng lượng, và phát triển và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong ngắn hạn, ông Obama cho rằng “Nỗ lực ngoại giao của nước Mỹ sẽ tập trung vào hai vấn đề cụ thể: việc theo đuổi vũ khí hạt nhân của Iran, và xung đột giữa Israel và khối Arab”.

Vấn đề an ninh toàn cầu dĩ nhiên là vấn đề mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm. Tuy nhiên, việc sử dụng LHQ như là một cơ chế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh toàn cầu thì lại là vấn đề mà mỗi nước có quan niệm khác nhau. Thí dụ câu chuyện xung đột và nội chiến sẽ được xử lý như thế nào. Theo ông Obama, “LHQ được lập ra để ngăn chặn chiến tranh giữa các quốc gia, nhưng ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với các thách thức là làm thế nào ngăn chặn việc giết chóc trong nội bộ các nước” và “điều này đòi hỏi cách nghĩ mới và các lựa chọn khó khăn”.

Khó khăn theo cách nói của Tổng thống Obama là dễ hiểu, vì nước Mỹ từ trước tới nay vẫn bị chỉ trích từ hai phía, một bên chê trách nước Mỹ (và cả LHQ) không can thiệp đủ mạnh nên dẫn tới các cuộc nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn trong nội bộ ở nhiều nước trong khi Mỹ và cộng đồng thế giới quá chậm chễ hoặc thậm chí ngó lơ. Phía bên kia lại chỉ trích Mỹ thọc gậy bánh xe, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, và nhiều khi hành động mà không được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo An LHQ. Ngay cả khi có nghị quyết của LHQ thì vấn đề chủ quyền quốc gia, và cơ chế để LHQ can thiệp cũng không rõ ràng và vẫn chỉ là cuộc mặc cả của các nước lớn.

Về phía Việt Nam, bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ, cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ và là một trong 6 quốc gia có những thành tựu đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo với tỷ lệ đói nghèo giảm còn 1/3. Việt Nam cũng có những thành tích tốt trong giáo dục cơ bản, chỉ số về y tế, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Theo bà Pratibha Mehta, thì “về tổng thể thành tích này rất đáng được ca ngợi và ghi nhận ở Liên Hiệp Quốc cũng như toàn cầu”.

Thế nhưng nhìn về phía trước, sau MDGs sẽ là cái gì quan trọng đối với Việt Nam? Trong số các vấn đề sẽ được LHQ cân nhắc, cũng giống như Mỹ, an ninh và hòa bình cũng là vấn đề sát sườn đối với Việt Nam. Việt Nam cần một môi trường khu vực và quốc tế hòa bình để phát triển. Nhưng Việt Nam cũng đang gặp khó khăn vì câu chuyện chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên cả về kinh tế và quân sự và thái độ của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông đang ngày càng cứng rắn hơn. Tuy việc tiến hành chiến tranh để chiếm đóng khu vực này vẫn là một lựa chọn mà Trung Quốc ít khả năng sẽ thực hiện trong tương lai gần, nhưng nước này vẫn đang sử dụng các biện pháp để áp đặt quyền kiểm soát trên thực tế ở khu vực Biển Đông.

Cho dù một cuộc xung đột quân sự có xảy ra đi chăng nữa, thì với tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An, Trung Quốc có thể chặn đứng tất cả các nỗ lực của LHQ trong việc can thiệp vào cuộc xung đột này. Nói cách khác, Việt Nam sẽ không được LHQ “bênh” nếu xảy ra xung đột quân sự. Nói rộng ra một chút, thì bất cứ nước nào có xung đột quân sự với các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An cũng sẽ không được LHQ “bênh”.

Đây là một vấn đề lớn. Và để tránh phải rơi vào tình trạng này, Việt Nam sẽ phải góp sức vào quá trình vận động để hình thành các cơ chế “vòng ngoài” nhằm ngăn chặn xung đột vũ lực ngay từ đầu. Vì thế, sẽ rất có ý nghĩa nếu Việt Nam tích cực tham gia bàn thảo và đóng góp về việc xây dựng các cơ chế liên quan đến an ninh toàn cầu, đến xung đột và giải quyết xung đột giữa các nước.

Trong chuyến đi tuần này của Thủ tướng Dũng tới LHQ, ông Dũng được dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng về lập trường của Việt Nam đối với nhiều vấn đề lớn của LHQ, trong đó có vấn đề về an ninh và hòa bình. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với báo Điện Tử Chính Phủ, ông Lê Hoài Trung, Đại sứ Việt Nam tại LHQ chia sẻ rằng “chuyến đi này rất quan trọng vì đây là dịp để chúng ta có thể giới thiệu và trao đổi ở cấp lãnh đạo Nhà nước về chính sách, đường lối đối ngoại và đường lối đổi mới toàn diện của chúng ta, cũng qua đó để tranh thủ sự ủng hộ của Tổng Thư ký LHQ và các nước trong vấn đề đảm bảo môi trường quốc tế hòa bình và góp phần huy động thêm nguồn lực cho phát triển.”


Vũ Thư Hiên - HỒ CHÍ MINH, HỒ TẬP CHƯƠNG VÀ CÒN CÁI GÌ NỮA?


 Vũ Thư Hiên

Dưới đây là những lý giải của tác giả Vũ Thư Hiên - người đã từng tiếp xúc với cụ Hồ nhiều lần trong đới - về Hồ Chí Minh và Hồ Tập Chương trong cuốn "Hồ Chí Minh sinh bình khảo là một sự bịa đặt vô lý.


Mới đây, nhà bất đồng chính kiến Phạm Quế Dương có nêu câu hỏi trên net: “Đề nghị làm sáng tỏ vụ việc: Hồ Chí Minh là người Việt Nam hay Đài Loan”?. Câu hỏi của ông thế này : “Gần đây, dư luận sôi động về việc Đài Loan xuất bản cuốn sách “Tìm hiểu về cuộc đời Hồ Chí Minh.” (Hồ Chí Minh sinh bình khảo), do nhà xuất bản Bạch Tượng Văn Hóa ấn hành ngày 01-11-2008. Tác giả là Hồ Tuấn Hùng, giáo sư đã từng dạy học hơn 30 năm, tốt nghiệp trường Đại Học Quốc Lập Đài Loan, khoa lịch sử”... 

Đã có khói ắt có lửa đâu đó. Lửa đây là cuốn sách của giáo sư Hồ Tuấn Hùng nói trên (ít người được đọc nguyên bản) và bài “Một nghi án lịch sử Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh: một hay hai người?” của bình luận gia Trần Bình Nam hết lời ca ngợi cuốn sách nọ (“Cuốn sách của ông Hồ Tuấn Hùng viết một cách có phương pháp, trưng dẫn tài liệu xác thực và kết luận một cách có tính khoa học”).

Bài của bình luận gia Trần Bình Nam được cả chục web và blog đăng lại, hẳn có nhiều người đọc. Thú thật, tôi ngán các chuyện tầm phào nọ. Cái đề tài này rõ là tầm phào bên cạnh những chuyện tày trời đang làm nóng dư luận như các vụ xử án vô lối các bloggers, vụ Yên Mỹ, vụ nổ súng vì cưỡng chế đất ở Thái Bình, vụ chống cưỡng chế đất liên tục ở… khắp nơi.

Sở dĩ tôi thấy cần phải viết mấy dòng về nó là vì có nhiều bạn fb gửi nhời hỏi tôi: này, chuyện ấy thực hư ra sao hở ông? 

Là người chẳng phải giáo sư hay bình luận gia như hai ngài nói trên, thế tất ý kiến của tôi không thể có trọng lượng với tư cách người khảo cứu. Nó là ý kiến của dân thường, người nghe thấy có lý thì gật cho một cái khích lệ, thấy không ra gì thì phẩy tay cho qua. 

Tôi không biết nhiều về ông Hồ Chí Minh, tuy nhiên cũng đủ để thấy chuyện ông Hồ là người Tàu là chuyện tào lao. Mà chẳng phải chỉ mình tôi nghĩ thế. Nếu ông Hồ là người Tàu thật thì tất tần tật những ai từng gặp ông, từng làm việc với ông (có cả nghìn, cả vạn người đấy), tạm kể từ thời Quốc dân Đại hội Tân Trào 1945 cho tới khi ông qua đời năm 1969, hoá ra đều mù dở - khốn nạn, ông là Hồ Tập Chương đấy, là người Tàu đấy, người Khách gia đấy, thế mà không một ai phát hiện. 

Trước hết, ta hãy xem những tài liệu cũ còn được lưu xem Quốc tế Cộng sản (QTCS) đánh giá Hồ Chí Minh như thế nào vào thời điểm có tin về cái chết của ông? Những tài liệu này cho thấy vào thời điểm đó ông bị QTCS đánh giá thấp lắm. Thấp đến nỗi ban lãnh đạo QTCS phải cử Trần Phú, Ngô Đức Trì về Đông Dương để sửa chữa những sai lầm của Nguyễn Ái Quốc liên quan tới Hội nghị hợp nhất các đảng cộng sản (1930) do ông chủ trương. Tại Hội nghị TƯ tháng 10-1930, Trần Phú kịch liệt phê phán quan điểm chính trị và tổ chức của ông là “chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh, ấy là một sự rất nguy hiểm…”

Sau đó, Trần Phú được cử làm Tổng bí thư, còn Nguyễn Ái Quốc chỉ còn được giữ chân liên lạc giữa VN và vài chi bộ Đông Nam Á với quốc tế. Thậm chí khi được tin Nguyễn Ái Quốc qua đời ở Hồng Kông, Hà Huy Tập còn viết: “Công lao mà ông đã đóng góp cho Đảng chúng ta thật là lớn. Song các đồng chí chúng ta trong lúc này không được quên những tàn dư dân tộc chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc, các chỉ thị sai lầm của ông về những vấn đề cơ bản của phong trào CM…Ông đã không đưa ra bàn luận trước về những sách lược mà QTCS đòi hỏi phải áp dụng để loại bỏ những phần tử cơ hội trong Đảng.

Ngoài ra, ông Hồ Chí Minh còn khuyến dụ một sách lược cải lương và hợp tác sai lầm: trung lập hóa tư sản và phú nông, liên minh với trung và tiểu địa chủ”. Một người bị QTCS đánh giá như thế, thử hỏi QTCS tạo ra một người giả ông ta để làm gì? 

Lập luận của bình luận gia Trần Bình Nam: “Nhưng sau đó Quốc tế Cộng sản thấy cần người có uy tín như Nguyễn Ái Quốc để phát triển phong trào Cộng sản tại Đông Dương nên dấu nhẹm và tìm cách xóa dấu vết việc Nguyễn Ái Quốc chết và lên kế hoạch dùng phái viên của Quốc tế Cộng sản Hồ Tập Chương có khuôn mặt hao hao giống Nguyễn Ái Quốc và từng làm việc với nhau để làm sống lại nhân vật Nguyễn Ái Quốc”, rõ ràng không thuyết phục. Một câu hỏi khác cũng có người đặt ra: Ờ thì QTCS không làm việc ấy, nhưng nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) làm thì sao? Để phục vụ cho mục đích bành trướng trong tương lai ở Đông Dương chẳng hạn?

Các chứng cứ lịch sử cho thấy ĐCS TQ vào thời kỳ đó rất yếu, thậm chí một địa bàn đủ an toàn cho Đại hội VI của nó (1928) trên lãnh thổ quốc gia cũng không có, phải mượn đất Nga để tổ chức tại Moskva. Cuộc chiến Quốc-Cộng khởi đầu năm 1927 đã buộc những người cộng sản Trung Quốc phải lui về nông thôn và hoạt động bí mật, thắng lợi to lớn nhất mà họ có được là chiếm thành phố Quảng Châu trong vẻn vẹn có 3 ngày để thành lập một Công xã Quảng Châu hữu danh vô thực.

Trong hoàn cảnh ấy, một Khổng Minh tái thế cũng không nghĩ tới việc cho ai đó đóng giả Hồ Chí Minh cho một tương lai trời không biết, đất không hay.

Như thế, QTCS không cần một Hồ Chí Minh giả, ĐCSTQ cũng không nghĩ tới việc ấy. Vậy ai cần, ngoài hai học giả nói trên? Chuyện những nhà cầm quyền độc tài thường sử dụng những người giống hệt mình để đóng thế trong những trường hợp phòng xa bị hành thích là có thật. Có Hitler giả, Stalin giả, Mao giả… nhưng người ta chỉ dùng người đóng thế cùng nòi giống, có diện mạo và hình thể giống người thật khi di chuyển, khi xuất hiện ngắn trước quần chúng, chứ người không cùng nòi giống như Hồ Tập Chương giả Hồ Chí Minh, lại đóng giả dài hạn nhiều năm, như thật, trong đời sống hàng ngày, thì chưa có tài liệu nào nói tới.

Trước hết, cái dễ phân biệt nhất giữa người thật với người giả là ở ngôn ngữ. Những người đã trưởng thành mới học ngoại ngữ dù cho thông thạo đến mấy cũng không thể nào sử dụng nó hoàn hảo như người bản địa được. Ta tính thử: Nguyễn Ái Quốc, năm 1932 đã qua đời vì bệnh lao (ông sinh năm 1890, tức lúc đó 42 tuổi), Hồ Tập Chương (sinh năm 1901, tức lúc đó 32 tuổi) được lập tức thay thế (cứ cho là đã có một viễn kiến không bình thường và ông này đã được dự trữ sẵn để thay thế), thì thời gian học tiếng Việt của Hồ Tập Chương cho tới khi mở lớp huấn luyện cho hội Thanh niên Cách mạng Đồng chí năm 1941 là 9 năm (giả định là chỉ có học tiếng mà thôi). Mở lớp huấn luyện cho nhiều người Việt thì không thể bằng một thứ tiếng Việt không thông thạo được.

Nhưng không một ai trong những người tiếp xúc với Hồ Chí Minh trong thời kỳ ấy tỏ ra nghi ngờ ông không phải người Việt. Không một ai trong những người Việt thuần, ở sát bên ông Hồ Chí Minh trong công việc hàng ngày trong cuộc kháng chiến chống Pháp (9 năm) như Phan Mỹ, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Văn Lưu, Lê Văn Rạng, Lê Giản, Trần Duy Hưng, Trần Hữu Dực…, và rất nhiều người khác nữa, có một chút nghi ngờ ông Hồ Chí Minh không phải là người Việt.

Tôi từng gặp nhiều người có năng khiếu xuất chúng về sử dụng ngoại ngữ, trong đó có hai người Trung Quốc nói tiếng Việt rất thông thạo là Văn Trang và Lương Phong. Văn Trang đại diện cho phân bộ Hoa Nam ĐCSTQ liên lạc với ĐCSVN, Lương Phong là cán bộ ngoại giao, sau này xếp hàng thứ sáu tính từ Giang Thanh là số 1 trong cuộc Đại cách mạng Văn hoá Vô sản (thập niên 60 thế kỷ trước). Hai người này nói thạo tiếng Việt tới mức làm tôi ngạc nhiên. Nhưng đấy chỉ là cảm giác ban đầu, một lúc sau, khi câu chuyện mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, tinh tế hơn, tức thì họ ngắc ngứ, phát âm sai, hiểu sai.

Ngay trong những người Hoa thuộc những thế hệ ra đời ở VN, lớn lên trên đất Việt, sống chung với người Việt từ tấm bé, ta vẫn nhận ra những nét khác biệt nào đó để ta biết họ không có nguồn gốc Việt. Trong khi đó thì chưa một ai bắt gặp ông Hồ nói sai hoặc hiểu sai tiếng Việt. Còn hơn thế, ông còn có thể bắt bẻ những cán bộ dưới quyền khi họ dùng từ ngữ sai. Những ví dụ về chuyện này nhiều, xin miễn kể. 

Nhân vật Hồ Tập Chương của tác giả Hồ Tuấn Hùng là người Hakka (người Hẹ, hoặc Khách gia), là cán bộ hoạt động quần chúng của ĐCSTQ, chắc chắn phải nói được tiếng quan thoại (tiếng Bắc Kinh). Hồ Chí Minh (thật) thì lại không thông thạo tiếng ấy, và ông không giấu giếm điều này. Trong những cuộc gặp gỡ không trù liệu trước với các tướng Tàu như Lư Hán, Tiêu Văn, Long Vân… vào năm 1946, ông đều phải dùng bút đàm. Chuyện này nhiều người biết, và có được ghi lại đâu đó trong những hồi ký. Khi phải dùng quan thoại trong tiếp xúc ông thường phải dùng ông Nguyễn Văn Thuỵ (biệt hiệu Thuỵ Tàu) và Phạm Văn Khoa (biệt hiệu Khoa Tếu) làm phiên dịch. 

Còn nhiều, rất nhiều, chứng cứ khác bác bỏ luận chứng của ông học giả Hồ Tuấn Hùng về một Hồ Chí Minh giả.

Tôi có mặt trong buổi mừng thọ 60 tuổi ông Hồ Chí Minh tại thác Dẫng thuộc khu An toàn ở Việt Bắc, tôi lúc ấy 17 tuổi, mắt tinh, đầu tỉnh táo, xác nhận rằng hôm đó tôi đã gặp một người 60 tuổi thật, chứ không phải một người 49 tuổi là Hồ Tập Chương.

Tôi cũng xác nhận rằng trong thói quen ẩm thực ông Hồ Chí Minh là người thích ăn các món ăn Việt Nam như canh riêu, cá kho khô, cà Nghệ muối xổi… và chưa bao giờ đòi hỏi người nấu ăn cho ông phải làm bánh bao, màn thầu, tỉm xắm… hay là thứ gì khác gợi nhớ tới ẩm thực Trung Hoa.

Chắc chắn sẽ còn nhiều người viết về Hồ Chí Minh - chính khách liên quan tới nhiều lĩnh vực: những giai đoạn hoạt động chưa được làm sáng rõ, lý do gắn liền với những bí danh vô số kể của ông, những người đàn bà trong đời ông, công và tội của ông trong thời gian làm chủ tịch nước VNDCCH v.v… Nhưng đó là những chuyện khác, những đề tài khác. Theo tôi nghĩ, chuyện Hồ Chí Minh là người Tàu tên Hồ Tập Chương của học giả Hồ Tuấn Hùng là một tác phẩm giả tưởng tồi, không đáng để đọc, so với những chuyện giả tưởng của văn học Trung Quốc hiện đại như Ma Thổi Đèn, Mật Mã Tây Tạng…

Vũ Thư Hiên



Lê Diễn Đức - Gieo nhân gặp quả?


Lê Diễn Đức


Bốn anh em đánh nhau với công an ngày 18/6/2013 tại Tân Hưng, Long An - Ảnh:Bantinsom.vn

Tờ Thanh Niên Online cho hay, sáng ngày 25/09/2013 nhà của ông Trần Trọng Hữu, Phó chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Cà Mau, bị kẻ lạ tạt nước sơn và đồ dơ.

Đồng thời, ông Hữu cũng thừa nhận trước đó vào trưa 23/09, ông ta đã bị kẻ lạ mặt chặn đánh gây nhiều vết bầm trên cơ thể trên đường đi làm về. Theo nhận định của ông Hữu, thì sự việc xảy ra có thể liên quan đến công việc. Hiện vụ việc đã được gia đình ông Hữu trình báo với cơ quan công an.

Sự việc cho ta thấy "kẻ lạ" đã áp dụng đúng bài chơi bẩn, tấn công những người yêu nước của bọn côn đồ xã hội được bảo kê bởi an ninh. Từ thời cụ Hoàng Minh Chính, tới Trần Khải Thanh Thuỷ, rồi Bùi Thị Minh Hằng,  Huỳnh Thục Vy hay Nguyễn Nhật Thành... đều bị vứt đồ dơ bẩn vào nhà, cửa tiệm. Những vụ hành hung dã man các bloggers JB Nguyễn Hữu Vinh, luật sư Lê Quốc Quân, Nguyễn Hoàng Vy, Trương Chí Dũng, Nguyễn Phương Uyên, Lê Quốc Quyết... là những trường hợp điển hình.

Ông Phó chánh án Trần Trọng Hữu trình báo công an cũng là dịp để nhắc nhở lại những điều hèn hạ, mất văn hoá nhất của họ trong cư xử với những người yêu nước.

Trong một xã hội bình thường, trừ bọn tội phạm, người dân rất ngại va chạm với cảnh sát, chống lại cảnh sát khi thi hành công vụ lại càng hiếm hoi. Ngay trong tổ chức mafia, một trong những nguyên tắc tối kỵ là các thành viên không được nổ súng vào cảnh sát khi không ở trong tình trạng bắt buộc.

Thế nhưng, ở Việt Nam, hiện tượng không tuân thủ hiệu lệnh, chống cự, thậm chí đánh lại cảnh sát xảy ra thường xuyên giữa ban ngày.

Ngày 28/07/2011, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn, thượng sĩ Luân thấy một thanh niên điều khiển xe gắn máy không đội nón bảo hiểm đã ra hiệu dừng xe lại để kiểm tra hành chính. Tuy nhiên vừa xuống xe, người thanh niên liền chửi tục, đồng thời lấy tuýp sắt giấu trong xe và lao đến đánh cảnh sát này và phóng xe đi. Thanh niên này còn cầm dao, hung khí vào trụ sở Đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh với ý định tiếp tục hành hung, nhưng không thấy thượng sĩ Luân nên anh này đã bỏ đi. 

Ngày 2/07/2011 cô gái Phạm Thị Mỹ Linh, 18 tuổi, khi bị giữ xe đã tát cảnh sát giao thông ngay giữa đường phố. Ngày 7/6/2012, một thanh niên phạm luật giao thông đã dùng chai bia đánh cảnh sát tại thị trấn Đồng Đăng. Một người khác trong ngày 08/06/2013 đã dùng côn nhị khúc đánh cảnh sát giao thông. Ngày 15/09/2013, khi cảnh sát Cần Thơ đang thụ lý vụ va quẹt, ông Nguyễn Hoàng Cung từ ôtô bước xuống giật phiếu đo nồng độ cồn, dùng tay xô đẩy, lăng mạ và đánh cảnh sát. Vân vân...

Những vụ chống lại cảnh sát phải chăng là "gieo gió gặp bão", là "quả" từ cái "nhân" mà họ đã gieo rắc.

Tháng 4/2010, Nguyễn Trọng Hiếu, 27 tuổi, công an xã Diên Khánh, Khánh Hòa, đã đuổi theo một nam thanh niên Huỳnh Tấn Nam vì người này không đội mũ bảo hiểm. Trong quá trình truy đuổi, ông Hiếu đã dùng gậy giao thông đánh vào vai và gáy thanh niên, gây thương tích cho anh Nam 77%, xếp loại thương tật vĩnh viễn.

Ngày 25/07/2010, thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp đã đánh chết em Nguyễn Văn Khương tại đồn công an huyện Tân Yên vì đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, đã khiến hàng ngàn dân Bắc Giang nổi cơn thịnh nộ, bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh đòi xử lý.

Tháng 8/2010 thiếu úy Trương Đình Hoàng, phòng cảnh sát giao thông thành phố Thái Nguyên, đã đuổi theo và bắn thủng đùi nữ sinh Hoàng Thị Trà.

Tháng 3/2011, Nguyễn Văn Ninh, trung tá công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã dã man đánh gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng tại đồn công an, khiến ông tử vong.

Ngày 21/6/12 ông Nguyễn Mạnh Sơn bị một nhóm 7 công an Thạch Thất, Hà Nội, đánh chết.

Ngày 14/3/2013, anh Nghiêm Duy Hoàng, quê ở Thanh Hóa điều khiển xe máy qua ngã tư Minh Khai – Kim Ngưu thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bị yêu cầu dừng xe vì không đội mũ bảo hiểm nên đã bỏ chạy. Lập tức có một người mặc thường phục đuổi theo. Khi xe anh Hoàng dừng lại thì có một người mặc sắc phục cảnh sát dùng dùi cui lao ra để chặn lại đánh, khiến anh bị thương nặng, ngất xỉu phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện.

Ngày 9/04/2013 anh Trần Văn Hiền, ngụ ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, bị đánh chết sau khi cãi nhau với cảnh sát giao thông.

Và rất nhiều các trừơng hợp khác nữa không thể nêu hết. Cái hoạ đụng độ cảnh sát giao thông có thể dẫn đến tử vong là nỗi ám ảnh nguời đi đường, trong khi tai nạn giao thông gia tăng chóng mặt, khoảng 12 ngàn người chết mỗi năm.

Nguy hiểm hơn, bất bình với xử sự của cơ quan công quyền, đã có những vụ trả thù, khủng bố vào cá nhân các lãnh đạo công an.

Căn nhà số 191, đường Lương Ngọc Quyến, của đại tá Nguyễn Như Tuấn, giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, bị bom nổ trong ngày 7/01/2012 là một ví dụ.

Ngày 30/7/2012 ông Nguyễn Viết Trương cho rằng đại tá Trần Ngọc Khánh, giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa không chịu giải quyết tranh chấp của mình với một số đối tác làm ăn, nên đã chế mìn tự tạo với ý định giết ông Khánh. Vụ nổ đã làm ông Trần Ngọc Khánh bị chấn thương nặng, sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên là 41%, xếp hạng thương tật vĩnh viễn.

Đỉnh điểm phải nói tới vụ nổ súng hoa cải của anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn vào lực lượng cưỡng chế tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Cuộc cưỡng chế trái với pháp luận này đã làm rung động dư luận trong và ngoài nước, như là biểu tượng vùng lên của người nông dân mất đất. Anh em Đoàn Văn Vươn đã phản kháng để bảo vệ thành quả tạo nên từ mồ hôi, xương máu của mình. Rốt cuộc phiên toà bất công đã kết án Đoàn Văn Vươn 5 năm tù về tội "giết người". Lẽ phải và công lý bị chà đạp, phiên toà là một vết nhơ không thể nào phai mờ của ngành tư pháp Việt Nam, tệ hại hơn cả toà án của thực dân Pháp khi được so sánh với vụ án Đồng Nọc Nạn gần một thế kỷ trước.

Đến lượt Đặng Ngọc Viết, bài toán được thực hiện theo cách khác, nâng lên mức táo bạo và sòng phẳng. Quá uất ức trước sự giải quyết bất công và không thoả đáng của cơ quan công quyền trong vụ thu hồi đất đai, anh Viết đã đổi mạng. Anh hoàn toàn ý thức được hành động của mình khi xông vào Quỹ Phát Triển Đất thuộc Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Thái Bình, bắn chết Phó giám đốc Quỹ Vũ Ngọc Dũng và làm bị thương 4 người khác. Không để bị chế độ trả thù bằng lao tù, anh đã bình thản về nhà tắm rửa, chia tay cha, ra chùa lạy Phật Bà Quan Âm và bắn vào tim mình dưới tượng Phật.

Tất cả những trường hợp đối mặt, chống đối lại công an hay cơ quan công quyền ít nhiều đều dính tới mẫu  số chung là "thượng bất chính, hạ tắc loạn" hoặc là "nhà dột từ nóc".

Chúng ta không ủng hộ bạo lực và khủng bố, nhưng những trường hợp bi kịch đã xảy ra có nguyên nhân của chúng. Có câu tục ngữ của Hy Lạp rằng, "kẻ đánh con lừa sẽ làm tổn thương túi tiền của mình".

Thực tế trong đời sống, những người đại diện cho cơ quan công quyền ngày càng làm bậy, sử dụng luật lệ rất tùy tiện hoặc không tôn trọng pháp luật, ăn hối lộ, trục lợi, nhũng nhiễu, hạch sách, xử lý các vụ việc bất lương, đánh mất hoàn toàn lòng tin của dân chúng vào công lý và công bằng xã hội. Tâm lý người dân không còn quá sợ chính quyền, họ đã tự xử theo phản ứng tự vệ bản năng, trở thành hiện tượng phổ biến và xã hội như bị loạn lạc, điên đảo, không còn kỷ cương phép nước gì nữa.

© Lê Diễn Đức - RFA Blog


Người Buôn Gió - Đại Vệ Chí Dị


Người Buôn Gió

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.

Mùa thu năm ấy, nước Vệ có nhiều chuyện xấu. Ở phủ Thiên Trường có người dân bị quan lại cướp mất đất đai, gia cảnh bị đẩy vào cảnh cùng khổ, thân phụ buồn sinh bệnh nằm liệt trên giường. Người ấy mang súng hỏa mai, giữa ban ngày đột nhập vào công đường, hạ sát lũ tham quan, làm chết một mống, gây cho hai mống bị thương. Sau vác súng đến chùa tự vẫn dưới chân tượng Phật.


Người đời cảm thán, gọi là anh hùng dân oan. Dân mất đất tứ xứ kéo nhau đến viếng, hương khói cả tuần chưa dứt.

Kế đó xảy đến bọn công sai đường bộ, ăn chia tiền mãi lộ không đều. Sinh mâu thuẫn, súng nổ ầm cả góc trời, một viên quan năm thiệt mạng, viên quan tư là thủ phạm thì hôn mê bất tỉnh, mấy công sai nữa cũng phải nằm nhà thương chưa biết sống chết ra sao. 

Có một ông già nợ bọn du thủ du thực 3 lượng bạc không có trả, lãi mẹ đẻ lãi con. Bị thúc ép đe dọa, cụ ông mang dầu đến cổng phủ hình cấp huyện tự thiêu giữa thanh thiên, bạch nhật.

Cũng năm ấy, tháng ấy trong Nam có người vợ trẻ, uất hận gia đình túng bấn, châm lửa tự thiêu chết cùng hai con nhỏ.

Miền Trung nước lũ cuốn trôi xe tứ mã chết cả gia đình. Vẫn chưa hết, quan coi đập bất ngờ xả lũ chết  mấy mạng người, bao nhiêu tài sản, hoa mầu, gia súc, gia cầm cuốn theo lũ. Thiệt hại đến hàng triệu lượng bạc.

Cháy chợ ở trấn Kinh Sách  mạn tả ngạn Huyết Giang, cháy từ sáng đến chiều quân chữa cháy triều đình chưa thấy mặt, khi đến nơi thì hàng tỷ quan tiền đã ra tro. Dân chúng khóc than rầm trời, khiến trời đất tối tăm, mù mịt.

Triều đình huy động 4 ngàn binh mã bao vây đất Mỹ thuộc châu Hoan, phủ Diễn để trấn áp người dân theo Đạo Trời. Quân lính chỉ trong chớp mắt như từ dưới đất mọc lên,giăng tứ ngả trùng điệp, khiên giáp, vũ khí tinh nhuệ. Đánh cho đám dân ấy không kịp chạy, mấy chục mạng nằm la liệt khiến nhà thương không có chỗ chứa. Đánh trận ấy xong, cho loa rao khắp bốn phương vu cho đám ấy là theo giặc Cờ Mới. Dân tình ai nghe cũng hoang mang. Khắp nơi than rằng:

- Thời nay dân chúng đói khổ, vỡ nợ, thất nghiệp tràn lan. Dân tình mất đất oan khiên khắp chốn. Vợ chồng nghèo khó sinh mâu thuẫn đến nỗi đem cả con quyên sinh. Người dân mất đất cùng đường hại quan rồi tự vẫn. Đường đời quẫn bách thế. Nay lại giặc giã nổi lên thế, làm sao mà sống nổi.

Có người đáp.

- Giặc đâu mà giặc, triều đình muốn dẹp đám ấy, vu là thế để bịt miệng thiên hạ dễ bề điều quân. Giá như hôm cháy chợ Kinh Sách. Cứ la là đám Cờ Mới đốt, quân triều đình đến còn nhanh hơn chớp thì đâu đến nỗi dân táng gia bại sản vì chậm chữa cháy.

Bấy giờ tể tướng là Bạo mải công du bên phương Tây, việc nước tạm gác đó. Mọi khi xảy chuyện thế này, đích thân ngài tự tay chỉ đạo sâu sát, khắc phục hậu quả. Cách xử lý của Bạo rất tài tình chỉ cần nói tể tướng đã chỉ đạo giải quyết là đâu vào đấy, dân tình không ai oán than. Bởi người ta mất của, mất người thân chỉ đau đớn phẫn uất lúc đầu, sau thì nỗi đau cũng tự nhạt như vết thương tự lành vậy. |Chả ai chờ được kết quả giải quyết của tể tướng triển khai hay không. Nắm được tâm lý ấy, nên cái gì lớn nhỏ Bạo đều có thể trực tiếp xử lý và theo thời gian kết quả tự khắc tốt đẹp vì không ai nhớ đến việc ấy nữa.

Lại nói về Bạo khi ấy dẫn quân bản bộ sang phương Tây, đến thành Ba Lê xứ Phú Lãng Sa. Được triều đình Phú Lãng Sa tiếp đón tử tế, bàn bạc, ký kết nhiều chuyện trọng đại. Như thế đáng gọi là chuyến công du của Bạo thành công. 

Nhân lúc Bạo đi xa, Vệ Kính Vương mật dụ cho các đạo quân thân cận triển khai đánh vào các cơ sở của  Bạo. Các tướng như Thánh Ba, Quả Sáng, Quả Thanh, Vương Hạ, Xuân Phước đồng loạt ra quân rầm rộ đánh từ miền Trung trở ra Bắc. Duy có miền Nam, từ dạo đất ấm tập của Bạo là khu Cửu Giang tập trận đến nay, các đại thần nghị sự nhà Sản không ai dám bén mảng vào. Bài học khi xưa Cù tiên sinh đơn đao, độc mã bị công sai thân tín của Bạo mưu hại ai cũng rõ.

Nhưng Bạo cũng đã phòng xa từ hồi tay chân Trì Bạch Thủ là hào phú đất Bắc bị Quả Sáng triệt hạ, nên lúc công du những thuộc hạ nào có thể bị nhà Sản hại, Bạo đều đem theo hết. Bạo đi lần này, thừa thắng ở thành Ba Lê kéo quân sang Hoa Thịnh Đốn quyết đánh trận Kim Tiền, Dầu Khí... quân Bạo không tinh nhuệ. Nhưng hy vọng gặp thời, phương Tây mở lòng chiếu cố mà cho lập hai trận ấy, thì may ra nhà Chúa còn vững được thêm mươi năm nữa. Nếu không chắc hẳn quay về đất sinh thành phương Nam nơi có sẵn quân thủ túc miệt Cửu Giang, lại bao nhiêu kho tàng, vựa thóc, nhà xưởng ở đó. Chỗ  thực túc, binh cường nơi ấy đủ để Bạo hùng cứ một phương. Thân gia quyến thuộc nhà Bạo bẵng đi dạo gần đây không thấy hiện diện ngoài Bắc. Các đại thần nghị sự thân Vệ Kinh Vương chẳng thấy vào Nam. Thế nước chông chênh dường như sắp thể chia đôi.

Trong cảnh rối bời ấy nghĩa quân khắp nơi nổi lên. Thanh niên lập đội Nhị Ngũ Bát, cao niên lập đội Thất Thập Nhị, rồi đội Dân Chủ, đội Dân Sự... cơ man nào là các đội nghĩa quân khắp miền giương cờ tụ nghĩa, đòi nhà Sản phải trả  quyền tự do, dân chủ, công bằng, bác ái cho dân tộc. Tiếc rằng có đội quân vừa đánh nhà Sản, vừa đánh các đạo quân khác không kém phần gay gắt. Đôi khi  mải tranh giành cát cứ ảnh hưởng, cất quân đánh tứ tung sang đội nghĩa quân khác. Y như thời hậu Hán trước lúc Tam Phân, âu cũng là quy luật chẳng biết sao được.

Mỗ có người bạn họ Lê làm thầy cãi, sinh ở châu Hoan, lập thân ở đất kinh kỳ. Cuối năm ngoái bị công sai bắt bỏ ngục vì tội lậu thuế. Người đời cứ cho rằng vì Lê thầy cãi hoạt động chính trị, nên vì thế mà triều đình vu tội lậu thuế mà bỏ ngục. Lê thầy cãi bạn mỗ người thiện lương, tất không lậu thuế triều đình, chuyện làm chính trị của Lê thầy cãi chỉ quanh quẩn thư phòng, bên mâm rượu, bàn trà. Thảng viết một thiên ngắn luận bàn thế sự. Gọi là có quan tâm đến thời thế. So với các anh hùng khác trong gầm trời Nam, Lê thầy cãi cũng chưa thấm đâu. Nếu vì e sợ Lê thầy cãi làm chính trị tranh quyền đoạt tước với mình, mà nhà Sản cho quân bắt vì tội lậu thuế cũng không đúng cho lắm, nhưng bảo không phải là chuyện chính trị cũng không hẳn là đúng.

Lê thầy cãi đam mê phân tích kinh tế, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp các doanh nghiệp, hãng, xưởng, ngân hàng nhà Sản. Đến thời đình đốn, suy thoái, nợ  nần be bét khắp đất nước. Vì muốn che đậy để yên lòng bên trong, để dụ nhà đầu tư, để chủ tướng đi mượn tiền bên ngoài dễ dàng, các thủ hạ tay chân của Bạo lấy cớ trốn thuế khám xét tịch thu tư liệu, sách vở, hồ sơ của anh em nhà Lê thầy cãi, bắt cả hai anh em nhốt vào ngục. Thế nên nói chính trị là oan cho Lê,vì nói có khi khiến dân chúng nghĩ kiểu buông tuồng như ''được làm vua thua làm giặc'' mà xuê xoa oan khuất của anh em Lê thầy cãi. Nói lậu thuế là kiểu cờ bạc "được ăn cả, ngã về không'' người đời tặc lưỡi chép miệng là qua.

 Chính xác tội anh em nhà Lê oan thấu trời, dậy đất. Tựu chung vì dám tìm hiểu sự thật về tư cách làm ăn của những bọn bất lương, hòng giúp người lương thiện phòng tránh bị lừa đảo. Rồi cơ sự xảy ra y như thế, lúc đổ vỡ kinh tế cận kề, phủ Chúa đang muốn bịt tin đồn để còn xoay sở  mới bắt Lê thầy cãi vì tội '' lậu thuế'' để nói thiên hạ, mập mờ chuyện tranh quyền để nói với  nhà Sản bên trong.

Bao nhiêu tâm cơ của anh em nhà Lê thầy cãi đã bị tịch thu, thiết nghĩ chả còn gì gây hại đến các cơ sở, hãng, xưởng của tay chân nhà Chúa. Bạo đi Bá Lê thành công như vậy cũng là may mắn lắm rồi. Sao còn chưa để người vô tội về với con thơ. Đừng cố thủ đoạn một công đôi ba việc, đã đạt mục đích này rồi. Lại đem người ta ra xử tội, dùng bọn nhân chứng tay trong bịa đặt để vu khống người lương thiện. Lấy người lương thiện ra làm con bài đối ngoại xong lại quay sang đối nội. Nếu thất đức thế, thì chuyện quân nhà Sản tấn công khắp nơi cũng là nhân quả mà thôi. Chả còn kịp trở tay về phương Nam nương náu nữa đâu.