Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013
Anh Vũ - Giải pháp ngoại giao cho Syria hay thỏa thuận ngầm Nga-Mỹ ?
Anh Vũ (RFI)
Giữa lúc kịch bản về một cuộc can thiệp quân sự vào Syria lên đến cao trào thì Nga bất ngờ đưa ra sáng kiến đặt kho vũ khí của chế độ Damas dưới sự kiểm soát của quốc tế giúp giải tỏa phần nào cho cuộc khủng hoảng Syria. Giải pháp được tổng thống Obama chấp thuận dường như là một thỏa thuận ngầm giữa Nga và Mỹ.
Tổng thống Mỹ Obama và đồng nhiệm Nga Putin - REUTERS/ P.M Monsivais
Trong khi cộng đồng quốc tế đang bị chia rẽ về hành động quân sự trừng phạt Damas và cả thế giới đang căng thẳng chờ đợi quyết định của Quốc hội Mỹ về việc cho tấn công Syria hay không thì hôm 09/09/2013 Matxcơva bất ngờ đưa ra sáng kiến đề nghị chế độ Syria đặt kho vũ khí hóa học của mình dưới sự kiểm soát của Quốc tế trước khi phá hủy hoàn toàn.
Damas đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội này để tránh khỏi bị tấn công, đồng ý với đề xuất của Nga. Giới ngoại giao phương Tây sau một hồi suy tính thận trọng hầu hết đều tỏ ý tán thành với giải pháp của Matxcơva. Một sự kiện hiếm thấy khi đề nghị giải quyết khủng hoảng Syria của Nga, một đồng minh từ trước đến nay vẫn tìm cách che chắn cho Damas, lại nhanh chóng đạt được sự tán đồng gần như toàn bộ cộng đồng quốc tế, từ Trung Quốc, Iran, Liên hiệp châu Âu cho đến Hoa Kỳ.
Tối qua 10/9/2013, tổng thống Obama đã đẩy lùi xa dần khả năng mở chiến dịch quân sự nhắm vào Syria, cùng lúc Thượng viện Mỹ cũng thông báo hoãn vô thời hạn việc bỏ phiếu cho phép chính phủ sử dụng vũ lực như dự kiến tiến hành vào hôm nay. Như vậy là một giải pháp ngoại giao cho hồ sơ nóng bỏng Syria đã hình thành cho dù chưa ai biết kết quả của nó sẽ tới đâu.
Theo giới quan sát, điều có thể thấy ngay được là sáng kiến của Nga đã phác họa được một lối thoát cho chính quyền Obama nhiều hơn là một giải pháp cho hồ sơ Syria. Chuyên gia François Géré, Giám đốc Viện phân tích chiến lược Pháp (Ifas), nhận định trên báo Le Point rằng đề xuất mới của Matxcơva đã giúp cho Barack Obama thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đánh hay không đánh Syria.
Trước một bước chuyển biến nhanh chóng trong hồ sơ Syria như vậy, giới quan sát đặt dấu hỏi về một thỏa hiệp giữa Washington và Matxcơva. Theo báo New York Times, đề xuất của Matxcơva thực ra đã được thảo luận từ trước giữa Nga và Mỹ.
Trong cuộc họp báo tại Luân Đôn hôm 09/09, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố : Nếu chế độ Syria từ bỏ kho vũ khí hóa học để quốc tế kiểm soát thì các cuộc tấn cống sẽ có thể không xảy ra. Ngay sau đó thì Nga “cụ thể hóa” ý tưởng đó bằng sáng kiến “đột phá” như đã thấy.
Một quan chức của chính quyền Mỹ tiết lộ với AFP : “ Thông báo của Nga là kết quả của nhiều tháng họp hành trao đổi giữa hai tổng thống Obama và Putin, giữa Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Serguei Lavrov, về vai trò của Nga trong việc vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học của Syria”. Ông cũng cho biết thêm, tại Thượng đỉnh G20 tại Saint-Petersbourg vừa qua, ông Putin đã “ một lần nữa đề cập “đến sáng kiến này” và “ông Obama đã đánh giá đó có thể là một hướng hợp tác”.
Nhật báo Israel Haaretz từ hôm 01/09/2013 cũng đã tiên liệu điều này. Dẫn nguồn tin kín trong giới ngoại giao phương Tây, tờ báo Israel cho biết kế hoạch của Obama là : Đề nghị bỏ phiếu ở Quốc hội để câu thêm thời gian khi đang thương lượng với Nga về một giải pháp kiểm soát kho vũ khí hóa học của Damas.
Kịch bản đó lúc này đang hiện rõ trong sáng kiến mà Nga vừa đưa ra và nó đã nhanh chóng dàn xếp được hai điểm quan trọng : Washington thì sẽ không còn phải bắt buộc sử dụng đến chiến dịch quân sự vốn đang bị dư luận phản đối, Matxcơva thì được thêm thanh thế của một cường quốc đồng thời vẫn bảo vệ được đồng minh Damas trước nguy cơ bị quốc tế trừng phạt.
Trong lúc Washington đã tìm được lối thoát, giới quan sát nghĩ tới nước Pháp, đồng minh duy nhất của Mỹ quyết tâm trừng phạt Syria, và đặt câu hỏi, liệu trong hậu trường của giải pháp ngoại giao vừa rồi Paris có đóng vai trò gì không? Để khỏi rơi vào cái bẫy như khi hùng hồn tuyên bố sẵn sàng mở chiến dịch quân sự, lần này Paris đá quả bóng sang sân Hội đồng Bảo an bằng một nghị quyết về Syria.
Ngoài nội dung kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria, đặt điều kiện trừng phạt bằng vũ lực nếu Damas không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ quốc tế, nghị quyết của Pháp đòi Damas đưa ra Tòa án quốc tế những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học hôm 21/08. Có lẽ cũng không nên ngạc nhiên khi thấy ngay lập tức Nga đã bác bỏ nghị quyết này trong phiên họp hôm qua của Hội đồng Bảo an.
The Economist - Bí quyết thành công của Bắc Âu
The Economist
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch và chú thích
pro&contra – Mô hình dân chủ xã hội như một khả năng cạnh tranh hoặc chuyển đổi cho thể chế xã hội chủ nghĩa trên danh nghĩa của Việt Nam gần đây được quan tâm trở lại, sau lời kêu gọi thành lập một Đảng Dân chủ Xã hội của ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận. Không ở đâu mô hình này đồng nghĩa với thành công hơn ở các nước Bắc Âu, nơi các đảng dân chủ xã hội cầm quyền trong một thời gian dài – ở Na Uy thậm chí từ 86 năm nay. Song bí quyết thành công của Bắc Âu hiện tại có phải chỉ bắt nguồn từ mô hình dân chủ xã hội? Tháng Hai năm nay, tờ The Economist có loạt bài phân tích Bắc Âu như một “siêu mô hình” đáng cho thế giới học hỏi. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây hai bài trong số đó.
Các nước Bắc Âu có lẽ trị quốc tốt nhất thế giới
Cecil Rhodes[i] từng nhận xét rằng “sinh ra là người Anh coi như trúng số độc đắc”. Ngày nay ta cũng có thể nói như vậy về người sinh ra ở Bắc Âu. Các nước Bắc Âu không chỉ tránh được phần lớn những vấn nạn kinh tế đang làm rung chuyển vùng Địa Trung Hải; mà còn tránh được phần lớn những căn bệnh xã hội đang hành hạ nước Mỹ. Xét về bất cứ chỉ số nào đo lường tình trạng ổn định và lành mạnh của một xã hội – từ các chỉ số kinh tế như năng suất và đổi mới sáng tạo đến các chỉ số xã hội như tình trạng bất bình đẳng và tội ác – các nước Bắc Âu quần hội ở gần đầu bảng xếp hạng (xem bảng).
Tại sao khu vực hẻo lánh, dân cư thưa thớt, với mùa đông băng giá và những vùng hoang vu mênh mông này lại thành công đến vậy? Đã có thời đa số người dân các nước này chẳng ngần ngại ca ngợi chính phủ của họ, cái chính phủ mà trong phần lớn thế kỷ 20 chính là những nhà dân chủ xã hội nấp dưới một trong những vỏ bọc dân tộc khác nhau của họ. Chính phủ đó đã cung cấp cho người dân các dịch vụ phúc lợi trọn đời, từ lúc lọt lòng cho đến khi xuống mồ, cứu họ thoát khỏi cảnh sống khắc nghiệt của tổ tiên họ hồi thế kỷ 19, và can thiệp để cứu các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thoát khỏi những cuộc khủng hoảng định kỳ.
Nhưng giới chủ trương thị trường tự do bới lông tìm vết trong cách lý giải của giới ủng hộ vai trò can thiệp của chính phủ, và đưa một cách giải thích khác đầy thuyết phục. Trong giai đoạn từ 1870 đến 1970, các nước Bắc Âu nằm trong số các nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhờ một loạt các cải cách có lợi cho kinh doanh chẳng hạn như thành lập các ngân hàng và tư hữu hóa các khu rừng. Nhưng trong những năm 1970 và 1980 sự bành trướng thiếu kỷ cương của chính phủ khiến những cải cách đó chựng lại. Giới chủ trương thị trường tự do nhận định rằng thành tựu đáng nể gần đây của khu vực này là nhờ họ quyết tâm giảm chi tiêu chính phủ và để cho giới kinh doanh được tự do hành động.
Vai trò của chính phủ trong việc cải thiện tình trạng bình đẳng cũng đang bị đặt câu hỏi. Andreas Bergh, thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế học Công nghiệp của Thụy Điển, nhận định rằng thu nhập [quốc dân] của Thụy Điển đã giảm sút trước khi nhà nước phúc lợi xuất hiện, mà nhà nước phúc lợi này là một hệ quả chứ không phải nguyên nhân của sự thịnh vượng của Bắc Âu – và suýt giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng.
Bản tường trình đặc biệt này [của tạp chí The Economist] tán thành một số lập luận của giới chủ trương thị trường tự do. Các nước Bắc Âu đã từng nhiễm thói quen chi tiêu cho phúc lợi nhiều hơn khả năng trang trải của họ và thói quen dựa dẫm quá nhiều vào một số ít công ty lớn. Họ hành động đúng khi cố gắng tinh giản nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh doanh. Nhưng sẽ sai lầm nếu [họ] hoàn toàn phớt lờ vai trò của chính phủ.
Các nước Bắc Âu hãnh diện về tính trung thực và minh bạch của chính phủ nước họ. Các chính phủ Bắc Âu bị giám sát chặt chẽ: ví dụ, ở Thụy Điển ai cũng có quyền xem tất cả các hồ sơ chính thức. Các chính khách bị bêu diếu, nếu họ nhảy khỏi yên xe đạp và chui vào xe limousine công.
Người Bắc Âu đã cộng thêm hai phẩm chất quan trọng vào tính minh bạch: tính thực dụng và tính quyết đoán. Khi phát hiện rằng kiểu đồng thuận dân chủ xã hội cũ không còn tác dụng, họ sẵn sàng từ bỏ nó mà chẳng một lời bàn cãi ầm ĩ và áp dụng những ý tưởng mới từ đóng góp của mọi giới chính trị bất kể tả hữu. Họ cũng tỏ ra hết sức quyết tâm trong việc thực hiện triệt để các cải cách. Nếu thấy người Bắc Âu tử tế mà tưởng họ nhu nhược yếu đuối là ta nhầm to.
Tính thực dụng giải thích tại sao sự đồng thuận mới đã nhanh chóng thay thế sự đồng thuận cũ. Ví dụ, hiếm có chính khách Dân chủ Xã hội Thụy Điển nào muốn bãi bỏ những cải cách bảo thủ được thực hiện trong những năm gần đây. Tính thực dụng cũng giải thích tại sao dường như các nước Bắc Âu thường có thể là nơi tập hợp đủ kiểu chính sách thiên tả và thiên hữu.
Tính thực dụng cũng giải thích tại sao người Bắc Âu liên tục nâng cấp mô hình của họ. Họ vẫn còn gặp nhiều vấn đề. Các chính phủ của họ vẫn còn quá cồng kềnh và khu vực tư nhân ở các nước này còn quá nhỏ. Thuế của họ vẫn còn quá cao và một số khoản phúc lợi của họ quá hào phóng. Hệ thống đảm bảo công ăn việc làm linh hoạt (flexicurity) của Đan Mạch quá coi trọng đến sự bảo đảm việc làm, nhưng quá coi nhẹ tính linh hoạt. Sự phát triển bùng nổ dầu hỏa của Na Uy đang có nguy cơ tiêu diệt tinh thần làm việc siêng năng cần mẫn. Quả là dấu hiệu xấu khi ở bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 6% lực lượng lao động nghỉ bệnh và khoảng 9% dân số trong độ tuổi lao động sống bằng trợ cấp bệnh tật. Nhưng người Bắc Âu tiếp tục áp dụng các cải cách cơ cấu mới, có lẽ là hơi chậm nhưng đầy dứt khoát và cương quyết. Họ lại đang thực hiện những điều này mà không hề hy sinh các đặc tính khiến mô hình Bắc Âu vô cùng có giá trị: khả năng đầu tư vào vốn con người và bảo vệ cho người dân tránh khỏi những xáo trộn vốn là một phần của hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Noi gương Đan Mạch[ii]
Phần lớn các nước giàu hiện nay đang gặp những vấn đề mà người Bắc Âu đã gặp vào đầu những năm 1990 – chi tiêu công cộng vượt quá tầm kiểm soát và các chương trình phúc lợi an sinh quá hào phóng. Nam Âu cần đôi chút tính quyết đoán của Bắc Âu nếu muốn kiểm soát tài chính công. Và Mỹ cần đôi chút tính thực dụng của Bắc Âu nếu mong có cơ hội kiềm chế phúc lợi an sinh và cải cách khu vực công cộng.
Người Bắc Âu chẳng hề đỏ mặt ngượng ngùng khi cần quảng bá các ưu điểm của mô hình của họ. Các tổ chức nghiên cứu của Bắc Âu tiến hành những nghiên cứu chi tiết bằng tiếng Anh về cách họ cải cách nhà nước. Các chính khách tích cực bảo vệ quan điểm của mình ở các cuộc họp quốc tế và các chuyên viên tư vấn Bắc Âu mang kinh nghiệm chuyên môn của mình về khu vực công cộng đi bán khắp thế giới. Dag Detter đã đóng vai trò chủ đạo trong quá trình tái cấu trúc danh mục đầu tư thương mại của nhà nước Thụy Điển trong những năm 1990, chiếm hơn một phần tư khu vực kinh doanh. Từ đó ông đã cố vấn cho chính phủ các nước ở Châu Á và Châu Âu.
Song khó mà hình dung được mô hình trị quốc của Bắc Âu có thể truyền bá nhanh chóng, chủ yếu bởi vì tài năng trị quốc Bắc Âu mang tính đặc thù, không giống ai. Việc trị quốc ở Bắc Âu xuất phát từ sự kết hợp địa lý khắc nghiệt và lịch sử ôn hòa. Tất cả các nước Bắc Âu đều có dân số ít, bởi vậy những người thuộc tầng lớp chóp bu cầm quyền phải hòa đồng với nhau. Vua chúa các nước này sống ở những nơi tương đối giản dị và giới quý tộc cũng phải kỳ kèo mặc cả với các nông dân và thủy thủ có suy nghĩ độc lập.
Họ sớm đi theo chủ nghĩa tự do. Thụy Điển bảo đảm tự do báo chí vào năm 1766, và kể từ những năm 1840 về sau Thụy Điển bãi bỏ chế độ ưu tiên cho quý tộc khi giao phó những chức vụ cao cấp trong chính phủ, và tạo ra hệ thống công quyền dựa trên năng lực và không có tham nhũng. Họ cũng theo đạo Tin Lành – một tôn giáo giảm vai trò của giáo hội xuống chỉ còn là người hỗ trợ và nhấn mạnh đến mối quan hệ trực tiếp giữa con người và Thượng Đế. Một trong những ưu tiên chính của giáo hội Tin Lành là dạy nông dân biết đọc.
Sự kết hợp giữa địa lý và lịch sử đã cung cấp cho các chính phủ Bắc Âu hai nguồn lực quan trọng: sự tín nhiệm người lạ và lòng tin vào các quyền cá nhân. Một khảo sát của Eurobarometer[iii] về sự tín nhiệm xã hội tổng quát (khác với lòng tin trong gia đình) cho thấy các nước Bắc Âu nằm ở các vị trí dẫn đầu (xem biểu đồ dưới đây). Giới kinh tế học cho rằng sự tín nhiệm ở mức độ cao dẫn đến chi phí giao dịch thấp hơn – không cần đến kiện tụng kiểu Mỹ hay những thương vụ “có qua có lại mới toại lòng nhau” kiểu Ý để được việc. Nhưng các ưu điểm của Bắc Âu không chỉ dừng lại ở đó. Sự tín nhiệm đồng nghĩa với việc những người tài đức tham gia bộ máy công quyền. Công dân đóng thuế và tuân thủ luật lệ. Các quyết định của chính phủ được nhiều giới tán thành.
Mức tín nhiệm của công chúng đối với các thể chế*
Tháng 11/2012, % trả lời “có xu hướng tín nhiệm”
Finland = Phần Lan; Denmark = Đan Mạch; Sweden = Thụy Điển; Russia = Nga
*Gồm báo chí, các đảng phái chính trị, chính phủ quốc gia, Liên hiệp Châu Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc
Nguồn: Ủy hội Châu Âu
Cuộc Khảo sát Các Giá trị Thế giới (The World Values Survey), đã thăm dò các giá trị ở hơn 100 nước từ năm 1981, cho biết dân Bắc Âu là những người có lòng tin lớn nhất thế giới về quyền tự chủ của cá nhân. Sự kết hợp kiểu Bắc Âu giữa chính phủ quy mô lớn và chủ nghĩa cá nhân có thể nghe kỳ lạ đối với một số người, nhưng theo Lars Tragardh, thuộc Đại học Ersta Skondal University College ở Stockholm, người Bắc Âu dễ dàng hòa hợp hai yếu tố này: họ xem công việc chính của nhà nước là cổ xúy quyền tự chủ của cá nhân và tính cơ động xã hội (social mobility).[iv] Bất cứ luật lệ xã hội nào của Bắc Âu – đặc biệt là các luật gia đình trong những năm gần đây – cũng có thể được chứng minh là ủng hộ quyền tự chủ của cá nhân. Dịch vụ giáo dục miễn phí phổ quát[v] giúp cho sinh viên thuộc mọi tầng lớp và hoàn cảnh đạt được tiềm năng của mình. Việc đánh thuế tách bạch đối với các cặp vợ chồng giúp người vợ được bình đẳng với người chồng. Dịch vụ giữ trẻ phổ quát tạo điều kiện cho cả hai bậc cha mẹ có thể đi làm toàn thời gian. Ông Tragardh có một cụm từ hữu ích để mô tả tâm lý này: “chủ nghĩa cá nhân có sự can thiệp của nhà nước” (statist individualism).
Người Bắc Âu mang theo thái độ này đối với chính phủ khi họ ra nước ngoài. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khoảng 1,3 triệu người, một phần tư dân số Thụy Điển lúc đó, di cư, chủ yếu sang Mỹ. Nước Mỹ sáng tác cả thể loại chuyện tiếu lâm về “những người Thụy Điển khờ khạo” và thái độ sẵn sàng tuân thủ luật lệ của họ. Chính những người Thụy Điển khờ khạo đã tạo nên các cộng đồng được quản lý tốt nhất ở Mỹ, chẳng hạn như Minnesota. Thậm chí ngày nay những người Mỹ gốc gác Bắc Âu có khả năng cao hơn 10% so với người Mỹ trung bình về chuyện tin rằng “phần lớn mọi người có thể tin được”.
Quy mô lớn nhỏ không phải yếu tố duy nhất
Giới kinh tế học thường ngỡ ngàng về thành công kinh tế gần đây của các nước Bắc Âu trong khi chính phủ các nước này có quy mô quá lớn. Theo một quy tắc không chính thức trong giới chuyên môn, nếu số thu thuế tính theo tỉ lệ phần trăm của GDP tăng lên 10 điểm phần trăm, thì thường có tương quan với mức giảm nửa điểm phần trăm về tỉ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm. Nhưng các con số như vậy cần được điều chỉnh để phản ánh các lợi ích của tính trung thực và hiệu quả. Ví dụ, chính phú Ý ấn một gánh nặng kinh khủng đè lên vai xã hội vì các chính khách điều hành chính phủ chủ yếu lo chuyện vơ vét lợi lộc chứ không phải cung cấp dịch vụ công cộng. Goran Persson, cựu thủ tướng Thụy Điển, từng so sánh nền kinh tế Thụy Điển với một con ong – “với một cơ thể quá nặng nề và đôi cánh nhỏ, cứ tưởng con ong không bay nổi, nhưng nó bay được”. Ngày nay con ong đó vẫn đang giữ thể trạng khỏe mạnh và đang bay khỏe hơn nhịp bay của nó trong mấy chục năm qua.
Nguồn: The Economist, 02-2-2013
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra
[i] Cecil John Rhodes (1853-1902) là doanh nhân Anh, nhà tài phiệt ngành khai khoáng (chủ tịch đầu tiên của công ty kim cương De Beers), và chính khách ở Nam Phi. Ông dùng gia sản của mình lập học bổng Rhodes tài trợ cho sinh viên xuất sắc nước ngoài học ở Đại học Oxford. Học bổng này được nhiều nguồn như tạp chí Time, nhà xuất bản Yale University Press, báo The McGill Reporter,và Associated Press xem là học bổng quốc tế danh giá nhất thế giới. (Wikipedia)
[ii] Nguyên văn: “getting to Denmark”. Theo Ian Morris, chủ đề trọng tâm của tác phẩm Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng (The End of History and the Last Man, 1999) của Francis Fukuyama là “noi gương Đan Mạch”. Tác giả Fukuyama ý muốn nói đến việc tạo ra những xã hội ổn định, thanh bình, thịnh vượng, dung nạp mọi thành phần và tầng lớp, và trung thực. Cũng như trong tiểu luận nổi tiếng Sự cáo chung của lịch sử làm tiền đề cho cuốn sách này, Fukuyama xem đây là điểm tận cùng hợp lý của phát triển xã hội, và cho rằng tính chất Đan Mạch đòi hỏi phải có ba yếu tố: các nhà nước vận hành hiệu quả, chế độ pháp trị, và chính phủ có trách nhiệm giải trình. (Ian Morris, How To Get to the End of History, Slate, 2 May 2011)
[iii] Eurobarometer là loạt khảo sát dư luận được thực hiện định kỳ nhân danh Ủy hội Châu Âu kể từ năm 1973, về nhiều loại chủ đề liên quan đến Liên hiệp Châu Âu ở các nước thành viên. (Wikipedia).
[iv] Tính cơ động xã hội (social mobility) là khái niệm về sự dịch chuyển của các cá nhân, gia đình, hay nhóm người, trong một hệ thống đẳng cấp hay giai tầng xã hội. Nếu sự dịch chuyển đó là thay đổi về vị trí/chức vụ mà không thay đổi về tầng lớp xã hội, thì gọi là “cơ động theo chiều ngang” (horizontal mobility). Ví dụ một người dịch chuyển từ một chức vụ quản lý ở công ty này sang một chức vụ tương tự ở một công ty khác. Nhưng nếu sự dịch chuyển làm thay đổi tầng lớp xã hội thì gọi là “cơ động theo chiều dọc” (vertical mobility), và có thể “cơ động hướng lên” (upward mobility) hoặc “cơ động hướng xuống” (downward mobility). Một công nhân trở thành doanh nhân giàu có dịch chuyển lên giai cấp cao hơn; một quý tộc có đất bị mất hết gia sản trong một cuộc cách mạng dịch chuyển xuống giai cấp thấp hơn. (Bách khoa toàn thư Britannica)
[v] Dịch vụ giữ trẻ phổ quát (universal day care) là hệ thống bảo đảm mọi bậc phụ huynh đều có chỗ gửi con ở nhà trẻ mà không phải chờ đợi, thường có mức phí thấp và cố định. Ví dụ, ở Thụy Điển hệ thống này chủ yếu do nhà nước điều hành, chỉ có 20% đi nhà trẻ tư nhân. Năm 2002, nhà nước Thụy Điển áp dụng khung phí tối đa, giúp hệ thống này càng dễ trang trải hơn vì phí giữ trẻ mà phụ huynh đóng chiếm không quá 1 đến 3% thu nhập của họ. (Devine, Dympna & Kilkenny, Ursula, Nordic childcare model best for economic and social wellbeing, Irish Times, 9 June 2011)
The Economist - Các nước Bắc Âu: Siêu mô hình sắp tới
The Economist
Bùi Xuân Bách dịch và chú thích
pro&contra - Mô hình dân chủ xã hội như một khả năng cạnh tranh hoặc chuyển đổi cho thể chế xã hội chủ nghĩa trên danh nghĩa của Việt Nam gần đây được quan tâm trở lại, sau lời kêu gọi thành lập một Đảng Dân chủ Xã hội của ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận. Không ở đâu mô hình này đồng nghĩa với thành công hơn ở các nước Bắc Âu, nơi các đảng dân chủ xã hội cầm quyền trong một thời gian dài – ở Na Uy thậm chí từ 86 năm nay. Song bí quyết thành công của Bắc Âu hiện tại có phải chỉ bắt nguồn từ mô hình dân chủ xã hội? Tháng Hai năm nay, tờ The Economist có loạt bài phân tích Bắc Âu như một “siêu mô hình” đáng cho thế giới học hỏi. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây hai bài trong số đó.
Bài liên quan: Bí quyết thành công của Bắc Âu
Các chính khách, dù tả hay hữu, đều có thể học từ những nước Bắc Âu
Các nước tương đối nhỏ thường đi tiên phong khi cần cải cách chính phủ. Trong những năm 1980, nước Anh đã dẫn đầu nhờ “Đường lối Thatcher”[i] và tư hữu hóa. Nước Singapore bé xíu cũng đã từ lâu là một mô hình cho nhiều nhà cải cách. Giờ đây, các nước Bắc Âu lại có thể cũng đóng một vai trò tương tự.
Điều đó một phần cũng bởi bốn nước Bắc Âu chính – Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan – đã đạt thành tựu khá tốt đẹp. Nếu được tái sinh lần nữa trong thế giới này, một người trung bình về tài năng và thu nhập sẽ chọn làm người Viking. Cụm các nước Bắc Âu thường đứng đầu các bảng thống kê về mọi mặt, từ khả năng cạnh tranh kinh tế, sự lành mạnh của xã hội, tới các chỉ số về hạnh phúc. Họ đã tránh được cả hai: bệnh xơ cứng kinh tế của các nước Nam Âu và sự bất bình đẳng cùng cực của nước Mỹ. Đến nỗi các nhà lý thuyết về phát triển đã phải gọi sự hiện đại hóa thành công là “noi gương Đan Mạch”. Một khu vực có thời vốn đồng nghĩa với đồ gỗ tự lắp[ii] và ban nhạc Abba, trong thời gian qua đã trở thành một vùng đất văn hóa, cái nôi của loạt phim bộ The Killing, tiệm ăn nổi tiếng số 1 thế giới Noma[iii] và trò chơi điện tử Những con chim giận dữ (“Angry Birds”).
Như bản tường trình đặc biệt của chúng tôi tuần này giải thích, thành quả này có được một phần là nhờ may mắn về thời gian: các nước Bắc Âu đã giải quyết tốt những cuộc khủng hoảng nợ nần của họ trong những năm 1990. Nhưng lý do thứ hai, tại sao mô hình Bắc Âu lại ngày càng được ưa chuộng, thì còn lý thú hơn. Đối với các chính khách trên toàn thế giới – đặc biệt là ở những nước phương Tây công nợ ngập cổ – các nước Bắc Âu đã cho họ một sơ đồ làm thế nào để cải cách khu vực công, giúp cho nhà nước có hiệu quả hơn nhiều và đáp ứng được với những thách thức phải đối mặt.
Từ “Cô bé Pippi tất dài” tới trường học tư
Ý tưởng về một chính phủ Bắc Âu tinh giản sẽ là một cú sốc với cả những người Pháp tả khuynh thường mơ tới một bán đảo Scandinavia xã hội chủ nghĩa lẫn những người Mỹ bảo thủ đang sợ Barack Obama ngả theo chiều hướng “Thụy Điển hóa”. Họ đều lỗi thời cả rồi. Trong những thập niên 1970 và 1980, Bắc Âu quả thật là những nước “đánh thuế-và-chi tiêu”. Chi tiêu công của Thụy Điển lên tới 67% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 1993. Astrid Lindgren, người sáng tạo ra loạt truyện trẻ em Cô bé Pippi tất dài, đã bị buộc phải đóng thuế cao hơn 100% thu nhập của bà. Song chính sách “đánh thuế-và-chi tiêu” không mang lại kết quả mong muốn: Thụy Điển đang là nước giàu có thứ tư thế giới vào năm 1970 đã rớt xuống hàng thứ 14 vào năm 1993.
Từ đó Bắc Âu đã thay đổi lộ trình – chủ yếu là nghiêng sang hữu. Tại Thụy Điển, phần chi tiêu của chính phủ trong GDP đã bớt đi khoảng 18 điểm phần trăm, hiện thấp hơn của nước Pháp, và chẳng bao lâu nữa sẽ thấp hơn nước Anh. Thuế cũng đã cắt giảm: thuế suất doanh nghiệp là 22%, thấp hơn của Mỹ rất nhiều. Các nước Bắc Âu tập trung vào việc quân bình ngân sách. Trong khi Obama và Quốc hội Hoa kỳ còn đang run rẩy với việc cải cách phúc lợi an sinh xã hội, Thụy Điển đã cải tạo hệ thống hưu bổng của họ. Thâm hụt ngân sách của họ chỉ chiếm 0,3%GDP, nước Mỹ là 7%.
Về những dịch vụ công cộng, các nước Bắc Âu đều thực tiễn như nhau. Chừng nào những dịch vụ công cộng hoạt động tốt, người ta không cần đếm xỉa tới việc ai cung cấp chúng. Đan Mạch và Na Uy cho phép các hãng tư điều hành bệnh viện công. Thụy Điển có một hệ thống phổ quát về “phiếu Giáo dục”[iv], với những trường tư-kiểu kinh doanh[v] phải cạnh tranh với trường công. Đan Mạch cũng có “phiếu Giáo dục” – nhưng là loại phiếu mà người dân có thể đóng thêm tiền để hưởng dịch vụ tốt hơn. Nếu phải chọn thì Milton Friedman[vi] sẽ thấy Stockholm thân thuộc với mình hơn Washington, DC.
Tất cả các chính khách phương Tây đều đề cao sự minh bạch và công nghệ. Bắc Âu có thể làm đúng như vậy, lại có bằng chứng rõ ràng hơn cả. Thành tựu của tất cả các trường học và bệnh viện đều được lượng định. Chính phủ bị bắt buộc làm việc công khai giữa thanh thiên bạch nhật: Thụy Điển cho phép tất cả mọi người có quyền xem hồ sơ của chính phủ. Các chính khách bị bêu diếu, nếu họ nhảy khỏi yên xe đạp và chui vào xe limousine công. Quê hương của mạng điện thoại internet Skype và hãng cung cấp nhạc số Spotify cũng đang dẫn đầu trong việc giao dịch bằng điện tử của chính phủ: bạn có thể trả thuế qua dịch vụ tin nhắn ngắn SMS.
Chuyện này nghe giống như “Đường lối Thatcher” được tăng cường và bổ sung, nhưng Bắc Âu còn dành cho những người tả phái hăng say một điều khác nữa. Đó là họ đã chứng minh rằng, có thể kết hợp chủ nghĩa tư bản cạnh tranh với một guồng máy nhà nước lớn: họ sử dụng 30% lực lượng lao động của họ trong khu vực công, so sánh với mức trung bình 15% của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Họ là những người chủ trương “mậu dịch tự do” kiên cường, đã cưỡng lại sự cám dỗ muốn can thiệp, thậm chí vào việc bảo hộ những công ty biểu tượng của mình: Thụy Điển để mặc cho công ty ô tô Saab phá sản, và Volvo thì nay do công ty Trung Quốc Geely làm chủ. Song họ cũng tập trung chú ý vào dài hạn – biểu hiện rõ ràng nhất là Quỹ đầu tư Nhà nước 600 tỷ đôla của Na Uy – họ tìm nhiều cách để hạn chế những hiệu ứng khắc nghiệt của chủ nghĩa tư bản. Chẳng hạn Đan Mạch có một hệ thống bảo đảm công ăn việc làm linh hoạt khiến cho giới chủ dễ dàng giãn thợ khi cần, nhưng nhà nước thì trợ cấp và huấn nghệ cho những người thất nghiệp, và Phần Lan đang tổ chức những mạng lưới vốn mạo hiểm.
Phần không ngon của “Bàn tiệc Thụy Điển”
Mô hình mới của các nước Bắc Âu không phải là hoàn hảo. Tỷ lệ chi tiêu công như một thành phần của GDP tại các nước đó vẫn còn cao hơn tờ báo này mong muốn, hoặc quả thật là cao hơn mức có thể duy trì. Mức thuế của họ vẫn khiến cho nhiều nhà kinh doanh chạy ra nước ngoài: Luân Đôn đầy ắp những thanh niên Thụy Điển thông minh. Có quá nhiều người – đặc biệt là di dân – sống nhờ vào trợ cấp. Những áp lực khiến chính phủ của họ phải cắt giảm chi tiêu, chẳng hạn như sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng mạnh hơn, sẽ buộc họ phải thay đổi nhiều hơn nữa. [Chi tiêu của] các nước Bắc Âu đã phình to ra so với Singapore và họ cũng chưa tập trung chú ý đủ vào việc thẩm định tình hình tài chính của người xin hưởng phúc lợi.
Dầu sao chăng nữa, ngày càng thêm nhiều quốc gia cần phải nhìn vào các nước Bắc Âu. Các nước Tây phương sẽ đụng trần giới hạn của một chính phủ quá lớn, như Thụy Điển đã bị. Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel lo lắng rằng Liên minh Châu Âu chỉ có 7% dân số thế giới nhưng những chi tiêu xã hội chiếm tới một nửa thì các nước Bắc Âu là một phần của câu trả lời. Họ cũng chỉ ra rằng, các nước trong Liên minh Châu Âu có thể đạt được những thành công thực sự về kinh tế. Và trong khi cũng đang cố gắng chuyển dần thành các quốc gia có phúc lợi xã hội cao, các nước Châu Á cũng sẽ nhìn vào tấm gương các nước Bắc Âu: Na Uy đang là một tâm điểm chú ý của người Trung Quốc.
Bài học chủ chốt rút ra từ các nước Bắc Âu không phải là bài học về tư tưởng mà về thực tiễn. Nhà nước được ưa chuộng không phải vì nó lớn mà vì nó hoạt động tốt. Một người Thụy Điển sẵn sàng đóng thuế hơn một người California, vì được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí và những trường học thực sự tốt. Người Bắc Âu đã thực hiện được những cải cách sâu rộng bất chấp sự cản trở của các nghiệp đoàn và giới vận động hành lang cho kinh doanh. Bằng chứng sờ sờ ra đó. Có thể đưa cơ cấu thị trường vào các nước thiên về phúc lợi để nó hoạt động hiệu quả hơn. Có thể đặt những chương trình cải cách phúc lợi an sinh xã hội trên nền tảng vững chắc, để tránh cho các thế hệ tương lai khỏi phải đi ăn xin. Song cần phải có quyết tâm nhổ tận rễ bệnh tham nhũng và những quyền lợi được phong (lợi ích nhóm). Và cần phải sẵn sàng bỏ rơi những giáo điều đã cũ mòn của phái tả hoặc hữu và hãy chịu khó tìm kiếm những ý tưởng hay trên toàn bộ bình diện chính trị. Thế giới sẽ còn nghiên cứu mô hình Bắc Âu trong nhiều năm sắp tới.
Nguồn: The Economist 02-2-2013
Bản tiếng Việt 2013 © Bùi Xuân Bách & pro&contra
[i] “Đường lối Thatcher” là tên gọi thông dụng để chỉ chung những đường lối, chính sách xã hội và kinh tế mà bà Margaret Thatcher ,Thủ tướng Anh từ 1975 đến 1990, đã thi hành. Cụ thể hơn, đó là đẩy mạnh việc chống lạm phát, đề cao một nhà nước gọn nhẹ nhưng hiệu quả, và thị trường tự do, thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn cung tiền tệ, tư hữu hóa và kiềm chế phong trào nghiệp đoàn.
[ii] Ngụ ý sản phẩm của Ikea
[iii] Tiệm ăn Noma ở Copenhagen được tạp chí Restaurant Magazine bình chọn là tiệm ăn số 1 thế giới liên tục trong ba năm 2010, 2011, 2012. Năm nay, 2013, nó nhường vị trí này cho tiệm El Celler de Can Roca, Tây Ban Nha.
[iv] Phiếu Giáo dục: Ở một số nước, nếu con anh học trường tư, chính phủ sẽ cấp một giấy chứng nhận để nộp cho trường, trong đó bảo đảm sẽ thanh khoản một số tiền tương đương với chi phí đào tạo một học sinh tại trường công. Chẳng hạn, ở Mỹ (tùy theo thành phố có chế độ này hay không), nếu đào tạo một học sinh trung học ở trường công hết $5000 một năm, thì thành phố sẽ thanh toán số tiền như vậy cho trường tư, nơi con anh theo học.
[v] Trường tư-kiểu kinh doanh: (tiếng Anh: private for-profit schools) đối lập với trường tư-bất vụ lợi (private non-profit schools).
[vi] Milton Friedman (1912-2006): Nhà kinh tế học người Mỹ được Giải Nobel Kinh tế năm 1976. Ông là học giả hàng đầu của trường phái kinh tế Chicago (khoa kinh tế ở Đại học Chicago), và cổ xúy thị trường tự do, giảm bớt vai trò can thiệp của chính phủ.
Tô Văn Trường - Lời nguyền tài nguyên
Tô Văn Trường
Nếu có lời nguyền tài nguyên nào đối với nước ta thì tệ hại nhất vẫn là khai phá tài nguyên theo thói xấu “bóc ngắn, cắn dài” bất chấp mọi hậu họa. Lâu nay, tài nguyên đất nước bị đào bới, vơ vét một cách khốc liệt phớt lờ phân tích, cảnh báo của các vị lão thành cách mạng, trí thức và người dân.
Có chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam trên 30 năm nay, xót xa nhận xét “Từ thời thanh niên, tôi đã có mặt ở Việt Nam và biết đất nước các bạn có nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên đẹp. Đến nay đã lớn tuổi tôi rất “sợ” quay lại những nơi đó vì những vẻ đẹp đó bị phá gần hết rồi – đó là một cảm giác phũ phàng như việc bỗng dưng một ngày gặp lại cô bạn gái xinh tươi năm xưa trong thân hình tiều tụy của một bà già bất hạnh do sự tàn phá của thời gian và gánh nặng cuộc đời.”
Hiện nay, vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế lại nhớ đến câu chuyện “tiếng gọi nơi hoang dã” có tình tiết đàn chó exkimo ăn cả thắt lưng… Bọn phá hoại luôn đến trước, phá trước và người bảo vệ luôn đến sau, khi sự thể đã rồi. Các “nhà đầu tư” kiểu này không bao giờ suy nghĩ về việc sáng tạo ra giá trị gì mới mà chỉ luôn rình mò xem đất nước này còn tài nguyên gì không, để họ lập dự án, vơ vét nốt, trước khi bị các “nhà đầu tư” khác ra tay!
Tâm lý bày đàn, a dua, ăn theo hay còn gọi là “hội chứng bày đàn” đang thực sự gây hại đối với xã hội nước ta. Đó là việc đua nhau kinh doanh bất động sản, xây nhà máy xi măng, bến cảng, sân bay, nhà máy đường vv… Cái lối làm ăn thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm, chụp giật, chèn ép nhau, đầu tư không hiệu quả (chỉ số ICOR cao nhất trong khu vực) lại được sự bao che của nhóm lợi ích là nguyên nhân chủ yếu làm đất nước ta sau 38 năm thống nhất, độc lập vẫn ì ạch trong số các nước nghèo, nợ công đến mức báo động. Để rồi lúc nào cũng cứ cúi đầu tự nhận mình là “nước nhỏ” mặc dù dân số đã ngót 90 triệu người.
Cơ quan nhà nước, lẽ ra phải là các tiền đồn bảo vệ các lợi ích công cộng nhưng vì lỗi hệ thống – bệnh tham nhũng làm cho tê liệt nên chẳng bảo vệ được gì. Các thành trì bảo vệ luôn bị nhóm lợi ích chọc thủng bằng một vũ khí truyền thống đó là “money”! Có nhiều dự án tốt khác, nhiều công việc tốt khác cho dân, cho nước, các cán bộ nhà nước biết nhưng không làm hoặc không muốn làm vì chẳng có lợi lộc gì cho riêng họ cả.
Vừa qua, có nhiều thông tin về việc các tỉnh đề nghị đưa các dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch đã được duyệt. Điều đó nói lên là quá trình phê duyệt các đề án thủy điện có nhiều sai phạm cần được tiếp tục làm rõ. Nếu nghĩ sâu xa thì việc loạn thủy điện, phá rừng là do sai lầm từ bài toán cơ cấu nguồn điện năng, dẫn đến phát triển quá mức nguồn lực thủy điện.
EVN với tư cách là tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng các tổng sơ đồ phát triển điện, đã quá tập trung vào việc phát triển thủy điện, đưa tỷ trọng thủy điện lên một mức cao hơn mức hợp lý mà thế giới đã xác định. Có thể nguyên nhân chủ yếu là để giảm giá thành bình quân của nguồn điện năng và lấy giá đó làm căn cứ để tính giá bán điện cho nền kinh tế. Do quá tập trung vào nguồn thủy điện nên khi mùa khô đến (hoặc do nguyên nhân khác) các hồ thủy điện bị khô cạn nên không đủ sức đáp ứng nhu cầu điện năng của nền kinh tế vì nguồn điện năng khác (chủ yếu là nhiệt điện) quá thấp, không đủ bù sự thiếu hụt do giảm nguồn phát của thủy điện.
Trong điều kiện đó, EVN phải chấp nhận cho các chủ đầu tư khác đầu tư phát triển các nhà máy điện, chủ yếu là nhiệt điện. Còn cho phép các chủ đầu tư khác tiếp tục phát triển thủy điện, chủ yếu là thủy điện nhỏ và để cho các địa phương chủ động cấp giấy phép đầu tư. Do các nguồn điện của EVN không đủ để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế nên buộc EVN phải mua điện của các nhà máy ngoài EVN. Khi mua, EVN áp đặt giá thành bình quân thấp của nguồn điện EVN (do tỷ trọng thủy điện quá cao) để ép các nhà máy phải hạ giá bán nhưng vì cung của EVN nhỏ hơn cầu nên cuối cùng EVN vẫn phải mua điện ngoài lưới của EVN với giá cao hơn giá bình quân của EVN dẫn đến việc EVN kêu lỗ để đòi tăng giá điện bán cho nền kinh tế.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, các phương tiện truyền thông của Liên Xô đã lên tiếng phê bình chủ trương phát triển thủy điện vì các hồ thủy điện chiếm quá nhiều diện tích (trong điều kiện Liên Xô đất rộng, người thưa). Thế nhưng Việt Nam vẫn đi vào “vết xe đổ” mà Liên Xô đã mắc phải, cho nên đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến phá rừng đầu nguồn, xâm phạm rừng quốc gia. Mặt khác, khi lập dự án đầu tư thủy điện, không tính đầy đủ đến tác động đối với môi trường, môi sinh vùng hạ lưu.
Vấn đề loạn thủy điện người dân đã cảnh báo từ lâu. Trong thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đầu tư vào thủy điện nhỏ nên khi bất động sản bị đóng băng do khủng hoảng kinh tế thì những dự án đầu tư vào thủy điện nhỏ của các doanh nghiệp này cũng bị ách lại. Thủy điện nhỏ mang lại các lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp đầu tư: Giá thành điện thấp do không phải trả tiền thuế tài nguyên, do đền bù không đáng kể và nhu cầu về điện ngày một tăng và giá bán điện ngày một cao. Đấy là chưa kể đến việc có điều kiện để hợp thức hóa việc đốn gỗ rừng tự nhiên đầu nguồn rất có giá trị vv..
Tuy nhiên, không ít dự án thủy điện nhỏ có vấn đề về nguồn nước. Khi vào mùa khô nhu cầu về điện cao, có thể bán được điện thì các trạm thủy điện nhỏ này cũng không có nước nên không có điện mà bán. Ngược lại, về mùa mưa có thể sản xuất điện để bán nhưng EVN lại ưu tiên mua điện từ các doanh nghiệp nằm trong tập đoàn. Về phía người dân bản địa, thủy điện nhỏ làm họ mất nhà, mất đất sản xuất, mất nguồn thu từ rừng. Đối với người dân ở cuối nguồn: có điện để sử dụng nhưng ảnh hưởng tiêu cực là rừng đầu nguồn bị phá nên dễ bị lũ ống, lũ quét tàn phá ảnh hưởng đến an toàn về người, của cải và hoa màu; động vật hoang dã mất nơi cư trú và dần tuyệt chủng.
Dư luận đang xôn xao trong khi lãnh đạo vườn quốc gia Chư Yang Sin đang phản đối việc xây dựng nhà máy thủy điện Ea K’tuor ở phía bắc của vườn thì Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đang hoàn tất thủ tục để xây nhà máy thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3, cùng tại vùng lõi của vườn thuộc ranh giới 2 tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng.
Ngay từ năm 2006-2008 Công ty Sông Đà đã đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Krong Kma trong vùng lõi Vườn quốc Chư Yang Sin với công suất 12MW. Khi xây dựng đã làm đường thi công, vận hành, hồ chứa, làm mất đi một diện tích rừng khá lớn. Ngay sau khi vận hành đã gây ra tranh chấp nguồn nước với công trình thuỷ lợi Krong Kma phía hạ lưu (công trình thủy lợi xây dựng năm 1985, ngay tại biên giới Vườn quốc gia). Sự tranh chấp này là do thuỷ điện tích nước cả ngày sau đó vận hành vào giờ cao điểm dẫn đến nước chảy hết qua tràn công trình thuỷ lợi, nước vào kênh chỉ 2-3 giờ dẫn đến thiếu nước tưới cho các xã Hoà Sơn, Ea Trul, Thị trấn Krong Kma, Khuê Ngọc Điền vv...
Nhận thức là cả quá trình. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc mới đây không đồng ý cho việc xây dựng thủy điện Ea K’tour là quyết định đúng đắn, phù hợp với quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2005, Nghị định số 29/2011/ND-CP và Thông tư 26/2011/TT –BTNMT, các quy định trong Luật Đa dang sinh học 2008 và Nghị định số 65/2010/ND-CP, các quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 không cho phép xây dựng thủy điện trong vườn quốc gia.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vừa đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh tạm dừng xây mới các dự án thủy điện ở Tây Nguyên trong năm 2013 và 2014 do có tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống. Tuy nhiên, hiện các sở, ngành tỉnh Đắk Lắk vẫn đang khảo sát để xây dựng thủy điện trong Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin. Dẫu biết rằng mỗi khi chủ đầu tư chạy được giấy phép xây dựng công trình thủy điện phải qua nhiều cửa, phải “bôi trơn” tốn kém nhưng luật pháp phải tôn nghiêm, không thể có cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, trên nói, dưới không nghe!
Hiện tượng làm thủy điện tràn lan xâm phạm cả vào vườn quốc gia vi phạm luật pháp đang xảy ra như một sự thách đố, đòi hỏi phải được mổ xẻ đến nơi đến chốn để tìm giải pháp đảm bảo hài hòa cơ bản, lâu dài các mối quan hệ và quyền lợi trong một xã hội dân sự và sự phát triển vững bền của đất nước.
T.V.T.
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Kính Hòa - Cuộc thập tự chinh của ĐCS chống Cộng Cà Phê
Kính Hòa, phóng viên RFA
Một góc quán cà phê Cộng, Hà Nội. - Photo courtesy of sgtt.vn
Quán cà phê tại Hà Nội Cộng cà phê vẫn còn hoạt động dù đã xóa đi các hình ảnh nhà cầm quyền không thích. Báo Việt Nam vẫn tiếp tục chỉ trích quán cà phê này.
Đã hơn ba tuần lễ kể từ khi quán Cộng Cà Phê ở Hà Nội bị một số tờ báo của nhà nước tấn công, xem xét, trước khi Phòng an ninh chính trị của công an thủ đô “vào cuộc” điều tra. Câu chuyện làm ồn của một quán cà phê, có thể dẫn tới việc bị phạt vi cảnh cho lần nhắc nhở đầu tiên, đã nhanh chóng chìm vào không khí tội phạm chính trị khá nặng nề. Người đứng đầu ngành văn hóa thông tin Hà Nội nói rằng chính quyền sẽ quan tâm sát sao chuyện này vì nó đụng chạm đến chính trị và an ninh.
Hôm 9/9/2013 lại xuất hiện một bài báo trên Petro Times tiếp tục cuộc chiến chống Cà phê Cộng. Lần này bài báo lặp lại những chỉ trích chính trị lần trước kết hợp với việc phê bình một xe tải treo các khẩu hiệu chính trị của đảng cộng sản một cách không đàng hoàng.
Về phía chủ nhân của Cộng Cà Phê thì ngoài phát biểu của ca sĩ Linh Dung với báo Đất Việt, đến nay không có phản ứng gì, nhưng trên trang FB của chủ nhân đã xuất hiện một quyển thực đơn mới mà trong đó không còn hình bóng của Lenin nữa. Rồi hình như các hình ảnh nghịch ngợm được cho là không kính trọng các lãnh tụ cũng không còn nữa. Cộng Cà phê đã lùi một bước trước sự tấn công của nền chuyên chính Cộng sản.
Lý lẽ của bên tố cáo gồm hai phần. Thứ nhất là hình ảnh các lãnh tụ bị bôi bác. Theo họ thì hình ảnh của lãnh tụ phải được đặt ở nơi xứng dáng để tôn vinh, trong đó ngoài hai ông Mác và Lê Nin vẫn được treo ảnh ở nhiều nơi tại Việt Nam, lại còn có cả ông Mao Trạch Đông bên Trung quốc vốn có lúc bị bộ máy tuyên truyền Việt Nam gắn với nhãn hiệu bành trướng xâm lược và nhiều điều xấu xa khác.
Lý lẽ thứ hai là Cộng Cà Phê xem thường các tác phẩm của Lenin mà bên tố cáo cho là kho tàng của nhân loại.
Phản ứng trước cuộc tấn công nhắm vào Cộng Cà Phê này, nhiều khách hàng của quán cho là sự việc không có gì ầm ĩ.
Một nữ họa sĩ trẻ là khách hàng của quán nói, “Em thấy bình thường, khi vào quán thì có một không khí nhẹ nhàng, em không thấy có vấn đề gì về việc bài trí quán cả. Em có đọc một số bài báo và em thấy nó nực cười, chẳng có cơ sở nào để chỉ trích như vậy cả.”
Chiến dịch của ĐCS
Một góc quán cà phê Cộng. Photo courtesy of sgtt.vn
Điều đáng ngạc nhiên là số đông giới trẻ thủ đô, dù lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa như cô nữ họa sĩ kia, được cho học các kinh điển cách mạng từ tuổi thiếu nhi, cũng không thấy những châm biếm của quán cà phê Cộng là một cái gì đó nghiêm trọng. Họ xem những thông điệp châm biếm cái độc tôn cũ kỹ là chuyện vui nhộn bình thường, bình thường trong xã hội thông tin đa chiều ngày nay, bình thường với bao lý thuyết, tư tửởng của nhân loại mà người ta có thể tiếp cận hàng giờ hàng phút.
Vấn đề khá thú vị ở chỗ là nếu sự bày trí của quán cà phê này đụng chạm tới an ninh và chính trị, thì tại sao hàng năm trời nó tồn tại mà không thấy ai nói gì? Blogger Uyên Vũ nói về sự việc này như sau:
Nó đã ra đời cả chuỗi quán như vậy tức là sự tồn tại của nó đã từ lâu rồi sở dĩ nó được chú ý trở lại là vì cũng có khi người ta muốn dùng chuyện này để mà khỏa lấp những vấn đề thời sự khác.
Không rõ là bộ máy tuyên huấn của đảng cộng sản Việt Nam muốn khỏa lấp chuyện gì đấy trong vô vàn chuyện xảy ra dưới quyền lãnh đạo của họ hiện nay hay không hay chỉ đơn giản là họ …không biết tới hay là…không hiểu ra!
Có thể so sánh chiến dịch này với các chiến dịch khác mang tính văn hóa tư tưởng trong thời gian qua. Chiến dịch tấn công quyển sách Trại súc vật được thực hiện hàng nửa năm trời sau khi quyển sách được ấn hành. Chiến dịch tấn công luận văn của nhà văn Nhã Thuyên thì sau khi luận văn đã ra đời đến hai năm. Quyển sách Trại súc vật được nhiều người đọc hơn, nhiều người cũng biết đến nhà văn Nhã Thuyên là ai sau những chiến dịch ấy. Và Cộng Cà Phê dường như cũng đang đông khách hơn.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo có lần nhận xét về công tác tuyên truyền của đảng cộng sản hiện nay rằng,“Đám tuyên truyền của đảng cộng sản đang vỡ trận.”
Mà ngay trong chiến dịch (nếu có thể gọi nó là chiến dịch) văn hóa tư tưởng này cũng không thấy phía tuyên án bàn gì đến cái tên của quán là Cộng Cà Phê. Cái tên Cộng đó cùng với hình ảnh nền là các vạch đỏ cùng ngôi sao vàng, rõ ràng là mang một ý nghĩa khác với dấu cộng trong toán học. Và dường như nó muốn tạo nên một thông điệp nhiều ẩn ý, Quán Cộng Cà Phê trong một đất nước cầm đầu bởi đảng Cộng sản.
Nhưng làm sao để tấn công mục tiêu ấy, đâu thể nhân danh chủ nghĩa cộng sản đế tấn công một cái tên mang hàm ý của chính chủ nghĩa ấy. Cuộc thập tự chinh của đảng cộng sản trong thế vỡ trận của công tác tuyên truyền như nhà thơ Trần Mạnh Hảo nói chống lại tên tuổi của Cộng Cà Phê sẽ có kết quả ra sao?
Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013
Thanh Phương - Rất khó vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học của Syria
Thanh Phương (RFI)
Nga đã đề nghị đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế để vô hiệu hóa các vũ khí này, nhưng muốn làm như thế thì phải có sự hợp tác toàn diện của Damas, một chế độ mà cho tới nay vẫn giữ bí mật về kho vũ khí của họ. Đây sẽ là một kế hoạch rất khó thực hiện trong bối cảnh nội chiến ác liệt tại nước này.
Một nhóm người Mỹ gốc Syria tập hợp ủng hộ can thiệp quân sự Mỹ chống chế độ Assad,
trước điện Capitol, Washington, 09/09/2013. - REUTERS/Jonathan Ernst
trước điện Capitol, Washington, 09/09/2013. - REUTERS/Jonathan Ernst
Nếu đề nghị của Nga được thực hiện, điều đó có nghĩa là phải có sự thay đổi triệt để lập trường của chính quyền Tổng thống Assad, cho tới nay vẫn không tham gia Tổ chức Công ước cấm vũ khí hóa học, để khỏi phải khai báo về kho vũ khí mà cho tới gần đây họ vẫn chối là không hề có.
Như vậy, bước đầu tiên sẽ phải là Damas ký ngay lập tức Công ước cấm vũ khí hóa học, có hiệu lực từ năm 1997 và nay quy tụ gần như toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Khi gia nhập Tổ chức Công ước cấm vũ khí hóa học, chính quyền Syria sẽ phải khai báo toàn bộ kho vũ khí của họ và chấp nhận cho các thanh tra quốc tế đến tận nơi để kiểm tra thật chi tiết.
Nhiệm vụ kiểm tra đó có thể được giao cho các thanh tra Liên Hiệp Quốc, như phái đoàn đã từng đến Syria vào tháng trước để điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hoặc như phái đoàn đã từng đến thanh tra Irak sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Nhưng trước hết, chính quyền Damas phải bảo đảm an ninh cho các thanh tra viên quốc tế và bảo đảm an toàn cho kho vũ khí hóa học trong thời gian giải trừ kho vũ khí này.
Các cơ quan tình báo Pháp đánh giá kho vũ khí hóa học của Syria là một trong những kho vũ khí hóa học quan trọng nhất thế giới với hơn 1000 tấn. Các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua đều cho rằng rất khó mà phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria ngay giữa lúc nội chiến ác liệt như vậy. Cho dù trong điều kiện tối ưu, thực hiện việc này cần phải huy động rất nhiều người, chỉ để bảo vệ 24 giờ /24 mỗi cơ sở sản suất và tồn trữ vũ khí hóa học.
Ở Syria hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất và tồn trữ vũ khí hóa học, mà phần lớn vẫn chưa được xác định vị trí chính xác và các nước phương Tây vẫn rất sợ chính quyền Tổng thống Bachar al Assad mất sự kiểm soát những cơ sở đó và các vũ khí hóa học rơi vào tay quân nổi dậy Hồi giáo cực đoan.
Tiếp theo sau đề nghị của Nga, hôm qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon đã kêu gọi thiết lập các vùng đặt dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, để cất giữ một cách an toàn các vũ khí hóa học của Syria và phá hủy chúng.
Cho dù diễn ra suôn sẻ, kế hoạch vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học của Syria sẽ kéo dài nhiều năm và tốn hàng tỷ đôla: Hoa Kỳ đã chi ra gần 35 tỷ đôla để phá hủy gần 90 % kho vũ khí hóa học của họ và phải đến năm 2021 mới hoàn tất việc này. Nói chung, sản xuất vũ khí hóa học thì dễ, nhưng phá hủy chúng thì tốn kém và phức tạp hơn rất nhiều.
Ấy là chưa kể việc vô hiệu hóa còn tùy thuộc vào yếu tố là tác nhân hóa học có đã được gắn vào các rocket hay các tên lửa ( như trường hợp của Hoa Kỳ ) hay vẫn còn được tàng trữ dưới dạng sẵn sàng được sử dụng ( như trường hợp của Nga ).
Trong trường hợp đầu tiên, các vũ khí hóa học sẽ được tiêu hủy trong các nhà máy thích hợp, còn trong trường hợp thứ hai, việc vô hiệu hóa sẽ được thực hiện bằng cách bơm vào một hợp chất hóa học để làm mất tác dụng của những vũ khí hóa học đó.
Theo tiết lộ của các cơ quan tình báo Pháp vào đầu tháng 9, kho vũ khí hóa học của Syria một phần được tồn trữ dưới dạng kép, tức là dưới dạng hai sản phẩm hóa học được chế sẵn, để chờ trộn với nhau ngay trước khi được sử dụng. Phương pháp này gần với phương pháp của Nga, quốc gia bị nghi là đã giúp chế độ Damas phát triển vũ khí hóa học vào thập niên 1970.
Mặc Lâm - Khi côn đồ được bảo kê
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Cảnh công an, an ninh mặc thường phục cùng đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội,
ảnh minh họa. - RFA files
ảnh minh họa. - RFA files
Vụ giáo dân bị tấn công tại Mỹ Yên đã bước sang một giai đoạn mới khi báo chí lề phải gần như đồng loạt viết bài tấn công giáo xứ này và Tổng giám mục Giáo phận Vinh. Báo chí cho rằng ngài đã bảo vệ những giáo dân tấn công người thi hành công vụ.
Từ câu chuyện công an bắt giam hai ông Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi khi hai ông cùng những gia đình công giáo khác đến Trại Gáo hành hương cách nay hai tháng đã dẫn tới những vụ xô xát khác bởi giáo dân với công an trong ngày 4 tháng 9 khiến hơn 30 giáo dân bị thương phải chở về Phòng khám đa khoa Giáo phận chữa trị.
Ngày 9 tháng 9 vừa qua, công an Nghệ An cho biết sẽ chính thức khởi tố hai ông Hải và Khởi với tội danh "gây rối trật tự công cộng, giữ người trái pháp luật và chống người thi hành công vụ."
Ai ném đá công an?
Theo các bài báo mới xuất hiện trong những ngày gần đây nguyên nhân xuất phát từ giáo dân vì họ đã ném đá vào công an khi lực lượng này tới vãn hồi trật tự. Có báo như VietnamNet lên án rằng không loại trừ khả năng Đảng Việt Tân đứng phía sau giật dây và tổ chức những người giáo dân này, đặc biệt là thân nhân của 14 sinh viên công giáo, những người có mặt trong chuyến hành hương tới Trại Gáo.
Người Công giáo thuộc giáo phận Vinh hình như đang phải đối phó với một chiến dịch rộng lớn chống lại nhà thờ mà người chủ chăn là Giám mục Phao Lô Nguyễn Thái Hợp.
Trả lời chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn vài ngày trước đây vị giám mục được tiếng là khoan hòa này đã nói lên sự thật phía sau cáo buộc giáo dân tấn công chính quyền bằng cách ném gạch đá vào công an, Giám mục Nguyễn Thái Hợp chia sẻ:
Ở đây đã có sự ngụy tạo dàn cảnh để dẫn người dân vào. Một số người đã ném đá công an, những người đó theo như giáo dân cho biết thì không phải người ở Trại Gáo. Họ nhìn ra không phải mà hình như là một nhóm nào đó được gài vào để ném đá tạo cơ hội cho công an trấn áp giáo dân, đó là điều mà chúng tôi thấy.
Sau vài ngày kể từ khi Giám mục Nguyễn Thái Hợp trả lời báo chí ngoại quốc, tên của ông xuất hiện dày dặc trên các bài báo chống Mỹ Yên, và người đọc báo cả nước hiện đang bị nguồn thông tin của báo lề đảng dẫn dắt trên con đường do các tờ báo vẽ ra với những hình ảnh tiêu cực, đầy bất lợi cho nhà thờ cũng như giáo xứ Mỹ Yên.
Sự thật việc côn đồ được công an thuê để ném đá vào công an được cư dân dân mạng quay video và tung lên internet cho thấy những người được thuê đã hành động như thế nào và người đứng sau lưng họ chỉ đạo bọn người này ra sao.
Anh Bùi Thanh Hiếu tức blogger Người Buôn Gió cho biết nhận xét của anh sau nhiều lần quan sát sự hoạt động của nhóm côn đồ được thuê này:
Thường thì họ mang loại sắc phục khác nhau, thí dụ như sinh viên thì họ đồng nhất mặc quần bò áo thun bó sát người, đấy là về thanh niên. Về nữ thì họ mặc đồng loạt áo trùm đầu chấm hoa, trùm khăn và đeo khẩu trang. Họ ăn mặc như thế và thống nhất với nhau. Sau đó trà trộn vào trong dân. Công an bên ngoài đã được lệnh những người như thế nên tránh họ ra.
Giám mục lên tiếng
Ngày 6/9, Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã viết thư chung gửi đến giáo dân thuộc giáo phận Vinh, trong đó lên án "cách ứng xử bất nhân và những hành vi bạo lực dã man của cơ quan công quyền".
Lời tuyên bố mạnh mẽ này trái với thông lệ trước đây khi người chủ chăn luôn giữ thái độ im lặng trước mọi đàn áp của nhà cầm quyền đã khiến giáo dân bừng lên một nguồn hy vọng được dẫn dắt. Linh mục Đinh Hữu Thoại thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cho biết cảm nhận của ông và giáo dân trước động thái này:
Đó cũng là lần đầu tiên mà Giám mục Địa phận Vinh lên tiếng kêu gọi giáo dân từ những vụ việc xảy ra tại giáo phận Vinh. Từ vụ Con Cuông cho đến bây giờ là Mỹ Yên. Từ bây giờ cho tới những ngày sắp tới sẽ có nhiều nơi thắp nến cầu nguyện và tinh thần giáo dân sẽ mạnh lên hơn khi họ thấy được cha chung của Giáo phận đã lên tiếng phản đối việc làm sai trái của nhà cầm quyền Nghệ An. Họ đã thấy rõ đường lối của ngài và chắc chắn họ sẽ có những việc làm tích cực như cầu nguyện và hợp nhất cũng như ứng xử đối với những sự việc mà chính quyền gây ra. Đây là những dầu hiệu tích cực cho Giáo phận Vinh.
Trước sự tấn công ồ ạt của hệ thống truyền thông, giáo dân chỉ biết cầu nguyện. Hàng chục giáo xứ ngoài Bắc trong Nam theo lời kêu gọi của Giám mục Nguyễn Thái Hợp đồng cử hành các thánh lễ cầu nguyện cho Mỹ Yên trong tinh thần hiệp thông chia sẻ những khó khăn của giáo hội.
Chính quyền vẫn chưa thấy sự kiên nhẫn ấy khi tiếp tục ra lệnh cho báo chí loan tải những câu chuyện vô lý chung quanh giáo xứ Mỹ Yên. Giáo dân khắp nơi, đặc biệt là giáo phận Vinh tuy không trực tiếp tới Mỹ Yên nhưng với hệ thống nhà thờ trên toàn quốc không người công giáo nào lại tin vào sự khích động, bôi bẩn của truyền thông đối người chủ chăn của họ trong hoàn cảnh hết sức nhạy cảm hiện nay.
Điều mà người giáo dân chờ đợi không phải là các cuộc bạo động tiếp theo mà là sự dung hòa giữa hai phía. Khi công an biết được rằng giải pháp dùng côn đồ trấn áp người dân là tàn bạo, phi pháp thì cũng là lúc giáo dân sẽ dẹp bỏ những thành kiến của họ đối với những người thực thi luật pháp nhưng lại dẫn theo sau những kẻ chỉ biết phá hoại và vi phạm pháp luật.
Hiệu Minh - Thiền sư Thích Nhất Hạnh thăm World Bank
Hiệu Minh
Thiền sư Thích Nhất Hanh tại WB. Ảnh: HM
Có lẽ Chủ tịch Jim Young Kim thấy nhân viên của World Bank (WB) đang bị sức ép thay đổi đè nặng lên vai nên đã đích thân mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh tới thăm và nói chuyện.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, cựu TBT ở VietnamNet, hiện là Tổng Biên tập Diễn đàn toàn cầu Boston, đã gọi điện nhắc nhở tôi tham dự vì một người Việt ở Làng Mai (Pháp) nổi tiếng khắp thế giới, tựa như Dalai Lama của Tây Tạng. Buổi nói chuyện kéo dài gần 2 tiếng, người dự đông nghịt, dù là đầu tuần. Ngày mai, Thiền sư sẽ có buổi giảng trực tiếp về thiền cho những người đăng ký.
Theo thông báo của ban tổ chức, người muốn dự khá đông và chỗ thì có hạn. Nhân viên phải xin phép nghỉ trọn một ngày để nghe giảng và thực tập về thiền.
Đi theo Thiền sư, đoàn Làng Mai có tới mấy chục thành viên từ khắp thế giới, từ Pháp, Việt Nam, New York, California… Lần đầu mình thấy người phương Tây trong trang phục sư, chứng tỏ ảnh hưởng của Làng Mai trên thế giới là khá lớn.
Trong lúc đợi, thấy một vị ngồi trên hàng ghế đầu, mình tiến tới làm quen. Không biết xưng hô nên cứ gọi là sư thầy và xưng con. Mãi sau mới biết đây là sư cô Chân Không. Tự giới thiệu và bắt chuyện một lúc, mình cũng nói, ngoài làm việc ở WB, còn là Blogger Hiệu Minh. Sư cô mỉm cười thân thiện, anh Nguyễn Anh Tuấn đã giới thiệu từ trước rồi.
Mình cực kỳ lúng túng, chẳng biết xưng hô thế nào cho phải đạo, vì lần đầu tiếp xúc với sư. May quá, sư cô Chân Không giải thích cặn kẽ, sư có nhiều thứ bậc, khá phức tạp. Để cho tiện, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được gọi là sư ông. Còn cô là nữ nên gọi là sư cô, chắc là tu khá lâu rồi. Sư cô Chân Không gọi mình là “em” nên thấy thoải mái hơn, bắt chuyện dễ dàng.
Sư cô kể, mỗi người chúng ta đều có một phần tinh hoa của cha, của mẹ từng tế bào. Giỏi giang, tài ba, không phải do người đó tự có, mà do cha mẹ kết mà thành. Có một anh rất giỏi toán, chỉ cần đưa ra ví dụ ngày 22-2-2014, thì anh có thể nói ngay đó là thứ 7. Đầu óc điện tử của anh không phải do anh tạo nên mà nhờ vào phần tinh túy của cha và mẹ. Anh giỏi thì phải cảm ơn cha mẹ. Hiệu là Chân Không – không có ta riêng biệt – một kiểu tu đã đắc đạo.
Có lẽ đến WB, một nơi chuyên xóa đói, giảm nghèo cho thế giới, nên Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể về thời thơ ấu của mình, sống trong nghèo khó. Những năm 1960, chiến tranh liên miên, sống ở miền Trung, ngay cạnh vĩ tuyến 17 bom đạn, nhưng sư ông đã cùng phật tử lo giúp người nghèo.
Chuyện đơn giản như cái nhà vệ sinh cho nông dân cũng phải làm mẫu, giúp cho họ hiểu “công nghệ” rồi nhân rộng. Đôi khi, lớp học bắt đầu dưới gốc cây đầu làng. Trẻ em đến đông hơn, rồi bị mưa gió nên phải vào nhà tạm.
Chờ đợi chính phủ chắc còn lâu nên các vị sư đi vận động đóng góp. Người góp cây tre, người góp vài gánh tranh, người góp công, giầu hơn thì đóng tiền. Cứ như thế, việc làm từ thiện được nhân rộng. Muốn xóa đói giảm nghèo, ta hãy bắt đầu từ chính bản thân trước. Nội lực sẽ giúp cho người nghèo vượt lên.
Đôi lúc kể về những ngày đã qua, Thiền sư như lặng đi, hội trường im phắc khi nhắc đến chiến tranh, bom đạn và mất mát.
Thiền ở tại tâm. Ảnh: HM
Ông kể cuộc gặp Martin Luther King (MLK) trong một bữa sáng. MLK từng đề cử Thiền sư vào giải Nobel hòa bình. Cả hai trao đổi về cuộc chiến phi nghĩa và đồng ý cần có những bước đi nhằm thay đổi tư duy bom đạn bằng hòa bình. Rất tiếc, sau đó MLK bị ám sát, giấc mơ của hai người theo đuổi đấu tranh bất bạo động dang dở.
Tháng 4 năm 1965, đoàn sinh viên Vạn Hạnh, trường đại học do ông sáng lập, đưa ra thông điệp vì hoà bình “Đã đến lúc hai miền Bắc-Nam của Việt Nam họp lại để tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh và đem lại cho mọi người Việt Nam cuộc sống hoà bình với lòng tôn trọng lẫn nhau”.
Phải 10 năm sau, với bao nhiêu máu đổ của cả hai bên, hòa bình mới có, nhưng di chứng sau gần 40 năm vẫn còn đó. Thiền sư có nhắc đến vụ tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức tại Sài Gòn năm 1963. Ông cho rằng đây là tín hiệu gửi cho cả thế giới, vì muốn mọi người hãy lắng nghe tâm tư của những người khốn khổ. Việc tự thiêu hoàn toàn không liên quan đến cổ vũ cho bạo lực.
Sau đó Thiền sư có nói về triết lý thiền. Có lẽ ông đã đạt đến đỉnh cao về tu nhân tích đức nên có thể gói gọn trong vài câu đơn giản nhưng trở thành nổi tiếng.
“Lắng nghe và thấu hiểu những đau khổ trong nội tâm sẽ giúp chúng ta giải quyết được hầu hết các vấn đề ta gặp phải”.
“Muốn chữa lành cho người khác, trước tiên ta cần tự chữa lành cho chính mình. Để làm được điều đó, ta phải biết cách giải quyết những vấn đề của bản thân. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không biết lắng nghe và thấu hiểu những nỗi khổ của chính mình”.
Do cuộc sống hiện đại với công nghệ thay đổi chóng mặt, thế hệ trẻ có xu hướng không muốn đối mặt với nguồn gốc của những khó khăn, thách thức, kể cả khổ đau, mà lại tìm cách giải tỏa bằng vật chất.
Ông khuyên “Suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta là những điều gây ra sự tức giận, sợ hãi và nghi ngờ cho người khác. Bởi vậy, chúng ta không thể đổ lỗi cho họ mà nên sử dụng ngôn ngữ để hiểu nhau hơn, cũng không nên chỉ trích, buộc tội khi đang lắng nghe họ nói”.
“Người mắc tội với ta thì bản thân họ đã tự chuốc lấy đau khổ vào người.” Có lẽ thế mà đúng thật. Tổng thống Assad từng gây tội ác chống dân tộc mình nên ông đang chuốc lấy hậu họa.
Một người nghe hỏi về công nghệ IT hiện có làm thay đổi cách truyền đạo thiền không, Thiền sư đùa vui, ông dùng telephone lần cuối cách đây 30 năm và cho đến thời điểm này, cách truyền thông của ông vẫn thấy ổn. Cả hội trường cười ồ.
Thiền sư biết làm cho người nghe không chán về đạo thiền, có vẻ mới tại WB. Có người hỏi làm sao tránh được stress, bị công việc thúc đẩy đúng hẹn. Dường như Thiền sư đã nắm chắc triết lý hạnh phúc là tại tâm, đỉnh cao là ước vọng khó mang tính định lượng, người ta chỉ có thể chọn một trong hai, hoặc hạnh phúc hoặc là số 1.
Ông nhắc đến triết lý, hôm qua là quá khứ, không thể kéo lại được, ngày mai là tương lai chưa chắc chắn. Vì thế cuộc sống hiện tại mới quan trọng. Thiền sư nói có sở hữu chiếc đồng hồ không có số 1, 2, .. 12 như thường lệ, mà chỉ có chữ now, now, now (hiện tại), để nhắc nhở về thời ta đang sống. Người nghe thán phục sự uyên bác của diễn giả.
Sau này đọc thêm, tôi mới biết, Thiền sư hiện 87 tuổi, không thể tin vào mắt mình. Ông rất nhanh nhẹn và uyên bác, nhà hoạt động toàn cầu về giáo phái thiền, được yêu mến và kính trọng trên khắp thế giới. Thiền sư từng đến Quốc hội Mỹ, Anh, Ấn độ, UNESCO và gần đây sang Hàn Quốc giảng về thiền, về hòa bình, chống chiến tranh. Theo ông, các chính trị gia cần biết lắng nghe, hiểu Phật giáo thì sẽ biết hòa giải và yêu thương.
Mấy hôm trước, viết về hai ông người Hàn Quốc là Jim Young Kim, chủ tịch WB, và Ban Ki Mon, Tổng thư ký UN, tôi mơ người Việt tới WB nói chuyện và được người nghe chăm chú. Hôm nay, một phần của giấc mơ đã thành sự thực.
Tiếng Anh của Thiền sư trôi chảy, từ body language (ngôn ngữ cơ thể), đến nội dung chuyển tải rất rõ ràng, chẳng cần một chút giấy tờ. Mọi thứ cứ như tuôn như suối từ trong tim và khối óc của người nói. Gần 2 tiếng mà người nghe vẫn muốn cuộc nói chuyện tiếp, đông người xếp hàng đợi hỏi nhưng thời gian có hạn nên đành thôi.
Nơi đây thường mời chính khách như Bill Clinton, Hillary Clinton, Tony Blair, Al Gore, Ban Ki Mon và nhiều nhà kinh tế, khoa học được giải Nobel… tới đàm đạo. Hôm nay Thiền sư xuất hiện, hẳn nhiều người Việt tại tổ chức quốc tế này cảm thấy tự hào.
Có một câu hỏi của đồng nghiệp đọng mãi trong tôi. Anh nói, sức mạnh mềm của Việt Nam là văn hóa thiền, còn tìm đâu xa. Tại sao ngài Thích Nhất Hạnh và Làng Mai, một cái tên thuần Việt, được cả thế giới ngưỡng mộ về kiến thức và kính trọng về nhân cách, lại ngụ cư ở nước Pháp xa xôi.
Quốc gia nào cũng có người xuất chúng. Vấn đề là sử dụng chất xám, sức mạnh mềm và nền văn hóa như thế nào trong phát triển. Lãnh đạo biết triết lý của đạo thiền, biết sống tại tâm, biết hướng tới Chân Không như vị sư nữ, biết tự hỏi mình như Thiền sư và các đồng môn Làng Mai, thì dân sẽ noi theo và đất nước đó sẽ vượt lên.
HM. 9-9-2013
Đoàn Làng Mai từ khắp thế giới. Ảnh: HM
Sư cô Chân Không (phải) và Pháp Hựu. Ảnh: HM
Người nghe ghi lại. Ảnh: HM
Một góc của hội trường. Ảnh: HM
Đoàn Làng Mai. Ảnh: HM
Hỏi Thiền sư. Ảnh: HM
Giây phút vui vẻ. Ảnh: HM
Khoảnh khắc tự tại. Ảnh: HM
Nguồn: hieuminh.org
Lê Phước - Giải mã vũ khí hóa học thế giới
Lê Phước (RFI)
Chính quyền Damas bị cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công thường dân, làm thiệt mạng hơn 1.400 người. Đây đang là cớ để các nước phương Tây huy động lực lượng can thiệp quân sự vào Syria. Trong bối cảnh đó, nhật báo Le Monde hôm nay có bài lược lại lịch sử sử dụng vũ khí hóa học và cung cấp cái nhìn tổng quát về các kho vũ khí hóa học trên thế giới.
Một binh sĩ Syria - Wikipedia
Tờ báo cho biết, trong lịch sử thế giới, vũ khí hóa học đã được sử dụng trong chiến tranh ít nhất 10 lần, trong đó có đến 6 lần được sử dụng trong giai đoạn 1915-1988.
Lần sử dụng đầu tiên của thế kỷ 20 là trong Thế chiến Thứ nhất, vào năm 1915, khi đó quân đội Đức đã dùng vũ khí hóa học tấn công Pháp. Tờ báo cũng đề cập đến việc quân đội Nhật sử dụng vũ khí hóa học tấn công quân nhân và thường dân Trung Quốc trong cuộc chiến Nhật-Trung 1938-1942.
Le Monde cũng không quên trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng chất khai quang có nồng độ cực cao gây hậu quả nặng nề đến hiện tại.
Còn trong thế kỷ 21 này, lần sử dụng vũ khí hóa học đầu tiên có lẽ là tại Syria, vào tháng 3, 4, 5 và tháng 8 vừa qua.
Năm 1993, Công ước cấm vũ khí hóa học đã ra đời. Từ đó, có khoảng 80% kho vũ khí hóa học trên thế giới bị phá hủy.
Trong lịch sử, Nga sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, ước tính lên đến 40.000 tấn. Xếp thứ hai là Hoa Kỳ với khoảng hơn 30.000 tấn. Nga tuyên bố đã phá hủy 70% vũ khí hóa học, còn Mỹ thì tuyên bố đã phá hủy đến 90%. Tuy nhiên, hai bên vẫn đang nghi kị lẫn nhau về tính thành thật của những tuyên bố này.
Nhìn sang Iran, Le Monde cho hay, nước này đã tuyên bố từ bỏ tất cả chương trình phát triển vũ khí hóa học và đã mở cửa cho các thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra. Thế nhưng, Mỹ vẫn nghi ngờ Iran tiếp tục phát triển vũ khí hóa học.
Đối với Bắc Triều Tiên, tờ báo cho biết, nước này có khả năng sản xuất 5.000 tấn vũ khí hóa học mỗi năm.
Trở lại trường hợp đang thời sự là Syria, Le Monde nhắc lại, chương trình vũ khí hóa học của nước này bắt đầu được đẩy mạnh từ những năm 1980. Chính quyền Assad đã ra sức tăng cường sức mạnh vũ khí hóa học. Ước tính kho vũ khí hóa học của Syria có thể là 1.000 tấn.
Can thiệp Syria : Làn sóng phản chiến tiếp tục dâng cao
Chủ đề Syria hôm nay tiếp tục thu hút báo chí Pháp. Ngoài những nhận định xung quanh việc Nga đề nghị đặt kho vũ khí hóa học Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, các tờ báo còn có nhiều bài cho biết làn sóng phản đối biện pháp can thiệp quân sự vào Syria, đặc biệt là tại Mỹ, đang dâng cao.
Nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité đăng bài « Tại Washington, Obama gieo rắc sự hỗn loạn ». Tờ báo cho biết, chính phủ Obama đang ra sức vận động hành lang. Trong bối cảnh đó, dư luận Mỹ đa phần phản đối việc can thiệp quân sự vào Syria. L’Humanité còn đăng bức thư của các dân biểu thuộc phe cực tả của Pháp gửi cho các dân biểu Mỹ. Bức thư kêu gọi lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ nên làm mọi cách để tránh biện pháp can thiệp quân sự, để không đẩy thế giới vào một cuộc chiến vô cùng nguy hiểm.
Nhật báo cánh tả Libération và nhật báo cánh hữu Le Figaro đồng nhấn mạnh đến việc có đến 63% dân Mỹ tuyên bố phản đối can thiệp quân sự vào Syria, kể cả can thiệp hạn chế. Le Figaro cảnh báo nước Mỹ sẽ lập lại « hội chứng Irak ». Libération đăng ảnh người Mỹ xuống đường phản chiến và trích dẫn nhiều khẩu hiệu biểu tình đáng chú ý.
Nhật báo kinh tế Les Echos thì chú ý đến nguy cơ là ý định can thiệp quân sự của Nhà Trắng sẽ không được lưỡng viện thông qua. Tờ báo cho biết, dân biểu của cả lưỡng viện Mỹ có rất nhiều người kiên quyết phản chiến. Trong bối cảnh đó, tâm lý phản chiến càng lớn mạnh khi mà biện pháp thay thế cho việc can thiệp quân sự đã có và đã được ủng hộ rộng rãi : Đó là đề xuất của Nga về việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế. Tờ báo nhấn mạnh, tổng thống Obama đang đặt cược uy tín trên hồ sơ Syria.
Cũng trong làn sóng phản chiến, nhật báo Le Monde đăng bài phân tích của chuyên gia chính trị Pháp, nhấn mạnh đến nguy cơ bất ổn cho toàn khu vực Trung Đông, nếu phương Tây can thiệp quân sự vào Syria. Bài phân tích cũng cảnh báo chính phủ Pháp không nên quá bốc đồng can thiệp vào Syria trong bối cảnh nước Pháp đang hết sức khó khăn.
Trung Quốc toan khôi phục Con đường Tơ lụa
Nhìn sang khu vực Trung Á, nhật báo cánh hữu Le Figaro chú ý đến chiến lược tăng cường ảnh hưởng tại khu vực này của Bắc Kinh qua bài viết : « Trung Quốc đặt nền tảng cho con đường tơ lụa mới ».
Tờ báo đề cập đến chuyến công du của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Kazakhstan, Kirghizstan và Ouzbekistan. Đây là ba nước nằm trên tuyến đường Tơ lụa trứ danh xuất phát từ Trung Quốc trước kia.
Tờ báo dẫn lại những lời phát biểu của ông Tập Cận Bình, gợi lại thời vàng son của con đường này, và cam kết sẽ « củng cố quan hệ chính trị, phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng chảy tiền tệ và những mối quan hệ chân thành ».
Từ 20 năm, Trung Quốc đã phát triển ở khu vực này đường xá, điện, viễn thông, và đặc biệt là hệ thống ống dẫn dầu. Và chiến lược hiện tại của Bắc Kinh, theo Le Figaro, là tăng cường hợp tác với khu vực này để đa dạng hóa nguồn cung ứng dầu khí cho nền kinh tế khổng lồ đang khát năng lượng của Trung Quốc. Bên cạnh hồ sơ kinh tế, tờ báo còn dẫn lời chuyên gia cho rằng, việc tăng cường quan hệ với khu vực này sẽ có lợi cho Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thế nhưng, nhìn lại, bấy lâu nay, đây là khu vực nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga. Bởi vậy, Le Figaro cho rằng, Trung Quốc đã và đang đi từng bước thận trọng, để vừa có thể tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, vừa không để mất lòng Nga.
Vì sao Nhật được chọn đăng cai Olympic 2020 ?
Liên quan đến Nhật Bản, báo chí Pháp hôm nay chú ý đến việc nước này vừa được chọn đăng cai Olympic 2020. Nhật báo Le Monde đăng bài : « Những bí mật trong chiến thắng của Tokyo ».
Tờ báo đưa ra một số lí do giải thích cho việc Nhật Bản đã vượt qua Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kì để giành quyền đăng cai Olympic 2020. Nguyên nhân đầu tiên, theo tờ báo, đó là cái luật bất thành văn trong Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), theo đó nơi đăng cai Olympic phải được phân bố hợp lí cho các châu lục. Theo đó thì Châu Âu đã
Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên nhân thứ yếu, mà nguyên nhân chính lại nằm ở khả năng thật sự của Nhật Bản. Le Monde cho rằng, Nhật có cơ sở hạ tầng tốt, 85% các khu thể thao nằm ở trung tâm thành phố, có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức. Và đặc biệt là chứng minh được khả năng tài chính dồi dào. Trong khi đó, thì Tây Ban Nha đang trong khủng hoảng kinh tế, lại là nước Châu Âu. Thổ Nhĩ Kì là nước Châu Á nhưng có 3% lãnh thổ trên Châu Âu, và đặc biệt là đang bị bất ổn đe dọa bởi cuộc chiến tại Syria.
Bàn thêm về thắng lợi của Nhật Bản, Le Monde cho rằng, trong chiến dịch vận động, nước này đã chạm trúng vào sợi dây nhạy cảm của ban tổ chức, đó là : Dùng thế vận hội Olympic để trả lại cho người dân phần nào hy vọng sau thảm hỏa động đất-sóng thần-hạt nhân vừa qua.
Trốn thuế : Vụ đánh cướp thế kỷ
Phải thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân đẩy các nước chìm trong khủng hoảng, đó là nạn trốn thuế. Về chủ đề này, nhật báo Le Figaro có bài : « Trốn thuế, một thách thức mang tính toàn cầu ».
Tờ báo đề cập đến loạt phim tài liệu của nhà báo Xavier Harel được phát trên kênh truyền hình Arte của Đức và Pháp, giải mã về vấn nạn trốn thuế trên thế giới. Bộ phim trích dẫn phân tích của nhiều chuyên gia ngân hàng, và nhiều nhân chứng có liên quan.
Khán giả được cung cấp cái nhìn từ Thụy Sĩ đến Anh, rồi sang Hoa Kỳ… để thấy rằng, bấy lâu nay các nhà chính trị trên thế giới không đủ kiên quyết trong cuộc chiến chống trốn thuế. Ước tính, tiền trốn thuế trên phạm vi thế giới mỗi năm lên đến 30.000 tỷ đô la. Tại Hy Lạp, nước khủng hoảng nặng nề nhất của Liên Hiệp Châu Âu, số tiền trốn thuế có thể lên đến 20% GDP của nước này. Thế mới thấy nạn trốn thuế được dung dưỡng và tàn phá nặng nề như thế nào đối với nền kinh tế.
Pháp : Báo động về tình hình tội phạm gia tăng
Liên quan đến nước Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro có bài phê phán gay gắt chính sách chống tội phạm thiếu hiệu quả của chính phủ cánh tả, với hàng tít lớn chạy trên trang nhất : «Tình trạng mất an ninh : báo động đỏ ». Tờ báo đăng số liệu thống kê mới nhất về tình hình tội phạm tại Pháp trong giai đoạn từ 8/2012 đến 7/2013, do bộ Nội vụ cung cấp ("baromètre Valls"), với nhận định, số lượng tội phạm đang có chiều hướng gia tăng so với năm trước. Thống kê cho thấy : tội phạm trộm cắp tăng 9,3%, tội phạm tình dục tăng 10,4%, tội phạm kinh tế tăng 5,9%.
Những tội được xếp vài loại nghiêm trọng cũng gia tăng : các vụ thanh toán băng nhóm tăng 10%, tiền giả tăng 14,5%, dùng chất nổ tấn công tài sản cá nhân tăng 33,7%, cướp có vũ khí ở các cửa hàng thương mại tăng 8,4%, buôn bán chất ma túy bị cấm tăng 10,2%... Chỉ có 15/96 tỉnh của nước Pháp đại lục là có tình hình tội phạm không tăng. Các tỉnh hải ngoại tuy không có trong thống kê nói trên, nhưng theo tờ báo là cũng đang có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Tờ báo cánh hữu chỉ trích nặng nề sự điều hành thiếu hiệu quả của bộ trưởng nội vụ Manuel Valls nói riêng và của cánh tả nói chung, bởi từ năm ngoái, cánh tả đã nắm toàn bộ quyền lập pháp lẫn hành pháp.
Trong khi đó nhật báo La Croix mô tả "Cuộc luận chiến mới giữa bộ trưởng nội vụ Manuel Valls và 'Le Figaro' xung quanh con số thống kê về tình trạng tội phạm". Tờ báo cho biết, trong một thông điệp công bố sáng nay, 10/09, bộ trưởng Nội vụ phản đối quyết liệt các cáo buộc của Le Figaro. Theo ông, La Figaro "không chú ý đến các cảnh báo và các quy tắc mang tính phương pháp của điều tra, mà Đài Quan sát quốc gia về tội phạm và các biện pháp hình sự đã từng khuyến cáo".
Đài Quan sát độc lập nói trên đặc biệt cảnh báo về những thay đổi về mặt cách thức thống kê "liên quan đến việc hiện đại hóa các phần mềm xử lý thông tin", khiến cho việc so sánh trở nên rất khó khăn. Bộ trưởng Nội vụ Pháp cũng nhắc đến những hành động "tẩy xóa" thống kê dưới thời chính quyền trước.
La Croix ghi nhận, đây không phải là lần đầu tiên bộ trưởng Valls và Le Figaro tranh luận về số liệu tội phạm. Sau khi Bộ Nội vụ ra thông cáo, Le Figaro ngay lập tức có các lập luận phản bác qua một video được đưa lên trang mạng của tờ báo này.
Pháp lập cơ quan nghiên cứu về nạn tự tử
Nhân "Ngày phòng ngừa tự tử thế giới lần thứ 11" (ngày 10/9 mỗi năm), Pháp chính thức mở cửa Đài quan sát quốc gia về tự tử. Định chế này sẽ là một công cụ nhận thức hữu ích, giúp cho việc hiểu biết chính xác hơn về nạn tự tử, để làm cơ sở cho nhà cầm quyền hoạch định chính sách.
Năm 2010, nước Pháp có khoảng 10.509 ca tự tử, tức giảm 20% trong vòng 25 năm ở tất cả các độ tuổi, và giảm 50% ở độ tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, các chuyên gia của Pháp cho rằng, con số này vẫn còn cao, ở mức 14,7 vụ tự tử/10.000 người, trong khi mức bình quân của Châu Âu chỉ có 10,2 vụ/10.000 người.
Chủ tịch hiệp hội quốc gia về phóng chống tự tử (UNPS), bà Françoise Facy, nhận xét : "Trong những năm gần đây, có nhiều tiến bộ phi thường trong lĩnh vực khoa học thần kinh và chụp ảnh não bộ. Việc hiểu biết ngày càng rõ hơn vận hành của não mở ra cả một lĩnh vực nghiên cứu mà ngành nghiên cứu về tự tử có thể thừa hưởng".
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)