Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013
Nguyễn Quang Vinh - Ừ Nhỉ?
Nguyễn Quang Vinh
Ừ nhỉ, hóa ra làm tới Bộ trưởng sướng nhất là hứa, hứa như thật, rằng, nếu các bên thi công đường vành đai 3 xong trước thời hạn như này như này như này, tớ sẽ thưởng như này như này như này. Các bên thi công hò nhau làm. Làm xong trước hạn thì hò nhau đề nghị Bộ trưởng thưởng- theo tính toán chi đó là phải thưởng những 180 tỉ.
Mần cái Poster khoe về nghề mình mà còn không mần được thì làm răng mà mần phim?
Nhưng ôi, nỏ có chi, bác Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng nói với báo chí, làm chi có thưởng, tiền đâu mà thưởng, Bộ trưởng hứa thế thôi chứ có tiền đâu mà thưởng. Ờ nhỉ? Đúng rồi, tiền đâu mà thưởng? Nhưng mà trộm nghĩ, lời hứa thưởng với cả ngàn công nhân không dễ nuốt lời nhẹ tâng vậy? Trước khi hứa thưởng phải tính, phải toán, phải cho đàng hoàng với anh em chớ. Răng rứa? Nói xong rồi quay lại, ừ nhỉ, Bộ trưởng nói chi chẳng được, ai mần chi.
Ừ nhỉ, một sân bay quốc tế như Phú Quốc, bỏ ra nhiều ngàn tỉ xây, giờ mời gọi các Hãng hàng không quốc tế nối đường bay, hãng nào cũng từ chối vì họ chê nào là cơ sở hạ tầng khách sạn kém, rồi tou du lịch chưa bảo đảm hút khách….nên lại chỉ ta với ta. Thế sao khi lập dự án, không tính đến chuyện quảng bá xem người ta có ý thế nào rồi mần nhỉ? Mần xong rồi mời không có ai thì mần to chi cho tốn kém vậy ta? Như xây xong siêu thị to đùng rồi không có ai thuê mặt bằng kinh doanh có mà chết à? Lại đưa mấy bà hàng xén mang cái mẹt khoai luộc vô a? Có mỗi việc cỏn con hiển nhiên thế này mà họ không tính? Hay họ không cần tính? Ờ nhỉ, xây là việc của người khác, khai thác là việc của người khác mà, đúng hay không?
Ừ nhỉ, đúng quá, theo quy định của nhà nước, doanh nghiệp nào có lý do khó khăn đặc biệt thì được đề nghị gia hạn nộp thuế, cho nên Tập đoàn ô tô Trường Hải mới xin gia hạn thuế nhập khẩu những hơn 1000 tỷ mà từ ngành trên đến ngành dưới, từ Bộ đến tỉnh ai cũng phấn khởi cho gia hạn. Thế hóa ra, năm 2012 ông Trường Hải này dính chân vào đầu tư Bất động sản nên giờ mới khó khăn. Ơ, thế hóa ra mần ô tô lại sang mần địa ốc để sinh ra khó khăn mà vẫn được nhà nước nhiệt tình ủng hộ cho gia hạn thuế nhỉ. Hơn 1000 tỉ gia hạn trong một hoặc vài năm cũng xoay xở ngon quá gì nữa, nhỉ.
Ừ nhỉ, lại đúng nữa rồi, làm sao lại có chuyện chó lạ cắn người ầm ầm như thế, chó lạ ở đâu, từ nước lạ à? Nước lạ là nước nào? Thế hóa ra bây giờ hóa ra chó lạ chính là chó nhà, nuôi không giữ thành chó dại, khi cắn người thì gọi là chó lạ. Đến khi chính quyền máu lên “ đập phát chết luôn” thì bà con mới thỏn thẻn khai là chó nhà em. Hết lạ.
Ừ nhỉ, đơn giản thế mà mình cứ lo, nhiều người cứ lo, kiểu nhận lương khủng, ăn bớt vô tội vạ, ăn bớt bất nhân thu nhập công nhân, biến của công thành của…ông e chết ráo, hóa ra không, mấy ổng lên báo rồi kìa, mấy ổng xin lỗi rồi kìa. Ừ, nước mình hay nhỉ, bao dung nhỉ, sai phạm phát, lộ phát, lên báo phát, xin lỗi phát, coi xong ngay và luôn.
Ừ nhỉ, sao làm nghề chữa bệnh cứu người cao quý vậy mà cực vậy ta? Mà là bác sĩ ngoại cơ đấy, từ Trung Quốc sang cơ đấy, từ bển sang cơ đấy, thế mà khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì cả bác lẫn chú sĩ em sĩ người thì chui gậm giường bệnh nhân trốn, kẻ thì leo tót lên xà nhà trốn, hóa ra để kiếm tiền qua con đường cứu người các bác sĩ, y tá còn phải tập huấn môn chui, môn leo đã nhỉ. Hóa ra khi người ta xin cấp phép thì cho ào ào, bây giờ thì lại ào ào kiểm tra là răng? Ừ nhỉ, đúng rồi, cấp phép là của Sở khác, kiểm tra là của Sở khác, vướng bận nhiều sở thế trách chi không phải leo trèo, chui rúc, nhỉ.
Ừ nhỉ, đúng quá, vui quá, nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Ngọc Thiện nói có tới 99% ca sĩ của ta hiện nay ( cả ca sĩ đã học ở nhạc viện) đều không biết hoặc không đọc được đúng nốt nhạc. Hô hô.Thế mà lâu nay mình cứ nghĩ, ca sĩ là phải biết nhạc. Ừ đúng, nước mình ca sĩ không biết nhạc mới gọi là ông hoàng, là diva, là nữ hoàng chớ. Nhỉ?
Ừ nhỉ, cái gì chứ cấp dưới phải theo cấp trên chứ, thế mà ông Lê Mạnh Hà nói rằng, việc Bộ kế hoạch đầu tư ép các địa phương bỏ ngay chương trình công nghệ thông tin do địa phương mình đã xác lập và hoạt động rất tốt, bỏ hết, để áp dụng chương trình của Bộ, không cần tính đến sự lãng phí cả ngàn tỉ đồng, nên ông Hà Phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh nói với báo giới Bộ kế hoạch cưỡng ép kiểu đó là hành động phá hoại. Khiếp. Dưới nói trên nghe khiếp đi được.
Ừ nhỉ, nếu thực sự cái này thành công và có thể thay được não người, thì e nước mình tốn não nhỉ, bà con nhỉ? Theo Hãng tin Reuters, các nhà nghiên cứu Viện Công nghệ sinh học phân tử (Áo) và ĐH Di truyền học Edinburg (Anh) đã dùng tế bào mầm của con người để nuôi cấy thành công trong phòng thí nghiệm các “cơ quan tế bào não”, hay nói một cách đơn giản hơn là những “bộ não mini”.
Ừ nhỉ, nhiều bạn chê đúng quá, cái poster Liên Hoan Phim lần thứ 18 sắp tổ chức xấu kinh dị, xấu banh nhà lồng, xấu đau xấu đớn… Mà sao Poster có nhiều lỗ thế nhỉ, kiểu như nhớ lại phim Ngõ lỗ thủng à? Thế thì tới lúc nào điện ảnh nước mình hết thủng ta?
Lê Phước - Trần Thủ Độ: Đời luận anh hùng
Lê Phước
Trong việc đánh giá các nhân vật lịch sử, thường có một câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà thật sự không đơn giản chút nào : Có đáng được xem là anh hùng không? Bởi trong thực tế, có không ít nhân vật công tội khó phân. Thêm vào đó, việc đánh giá lại còn tùy thuộc vào từng quan điểm, từng thời đại. Mà cái việc “đời luận anh hùng” này lại lắm phần phức tạp. Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử điển hình cho trường hợp này.
Gia đình ngư phủ đổi đời
Khu lăng mộ Trần Thủ Độ tại làng Ngừ, Thái Bình. - DR
Trần Thủ Độ sinh năm 1194, mất năm 1264. Sử cũ không thấy chép về cha mẹ của ông, và hiện tại đây vẫn còn là một điểm mờ của làng sử học Việt Nam. Người ta chỉ biết rằng, Trần Thủ Độ từ nhỏ đã được người bác tên là Trần Lý nuôi dưỡng.
Số là vào đầu thế kỷ 13, vua Cao Tông nhà Lý ăn chơi vô độ, khiến loạn lạc nổi lên khắp nơi và dẫn đến cái loạn của Quách Bốc. Cao Tông bèn dẫn thái tử Sảm bỏ chạy khỏi kinh thành Thăng Long. Sau đó, thái tử Sảm chạy về Hải Ấp, làng Lưu Gia và được gia đình Trần Lý che chở. Gia đình Trần Lý làm nghề chài lưới, nhưng rất giàu có, và nhân buổi loạn lạc cũng tuyển mộ được binh lính riêng. Chính gia đình Trần Lý đã về kinh dẹp loạn, đưa cha con Cao Tông trở lại Thăng Long.
Đến năm 1210, Cao Tông mất, trị vì được 35 năm, hưởng dương 38 tuổi. Thái tử Sảm lên ngôi lấy hiệu Huệ Tông (1211-1225). Khi tá túc nhà Trần Lý, Huệ Tông đã kết hôn với con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung. Sau khi lên ngôi, Huệ Tông cho rước Trần thị về làm Nguyên phi, và sau đó là hoàng hậu. Bấy giờ Trần Lý đã chết, nên Huệ Tông bèn phong cho con trai thứ của Trần Lý là Trần Tự Khánh làm Chương Tín hầu, và sau đó là Phụ chính. Anh trai Trần Tự Khánh là Trần Thừa cũng được phong làm Nội thị Phán thủ.
Một thời gian sau, Huệ Tông phải bệnh, thỉnh thoảng lên cơn điên dại. Thế là triều chính hoàn toàn do anh em Trần Tự Khánh nắm cả. Năm 1228, Trần Tự Khánh mất. Huệ Tông bèn phong cho Trần Thừa làm Phụ quốc Thái úy. Năm sau, lại phong cho Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Như vậy, Thủ Độ là em họ của Hoàng hậu và Phụ quốc Thái úy. Quyền hành coi như về tay họ Trần cả, chỉ còn việc chính thức thiết lập nhà Trần nữa là xong.
Sử cũ chép rằng, vào năm 1224, Trần Thủ Độ đã ép Huệ Tông nhường ngôi cho con gái mới lên 7 tuổi là Chiêu Thánh Công Chúa, tức Lý Chiêu Hoàng. Chị của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên Công Chúa thì được Trần Thủ Độ sắp đặt kết hôn với con trai lớn của Trần Thừa là Trần Liễu. Em trai Trần Liễu là Trần Cảnh, cũng vừa 7 tuổi kết hôn với Lý Chiêu Hoàng. Năm 1225, Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Thế là, Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Thái Tông, bắt đầu triều đại nhà Trần. Triều Lý do Lý Công Uẩn lập nên đến đây là dứt, tồn tại được 216 năm, truyền ngôi được 9 đời.
Bấy giờ, Thái Tông mới có 8 tuổi, nên mọi việc điều do chú họ là Trần Thủ Độ nắm cả. Vừa lên ngôi, Thái Tông đã ban chiếu phong Trần Thủ Độ làm Thái Sư Thống Quốc nắm hết binh quyền. Đối với một ông vua 8 tuổi, thì rõ ràng việc gia phong này là do chủ ý Trần Thủ Độ cả.
Để củng cố quyền lực nhà Trần, Thủ Độ rắp tâm diệt cỏ tận gốc đối với tôn thất nhà Lý. Năm 1225, Thủ Độ ép Huệ Tông phải tự tử. Sử cũ còn chép, năm 1232, nhân tôn thất nhà Lý về tế lễ, Thủ Độ ngầm sai người đào hầm đặt bẫy chôn sống tất cả. Sau đó, để tuyệt được hậu họa, Thủ Độ còn lấy cớ là tên của tiên tổ Triều Trần là Trần Lý, vì thế phải kiên húy chữ Lý, và ra lệnh người họ Lý trong nước phải đổi thành họ Nguyễn.
Còn việc trong nhà, sau khi bức tử Huệ Tông, Thủ Độ ép vua ban chiếu giáng thái hậu Trần Thị Dung xuống làm Thiên Cực Công Chúa và gả cho Trần Thủ Độ. Lý Chiêu Hoàng lấy Thái Tông Trần Cảnh đã 12 năm mà chưa sinh con, Thủ Độ bèn ép Thái Tông giáng xuống làm Công chúa, rồi đem chị của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên công chúa, gả cho Thái Tông làm Hoàng hậu. Khi ấy Thuận Thiên Công chúa là vợ của Trần Liễu, và đã có thai với Trần Liễu 3 tháng.
Công và tội ?
Trần Thủ Độ nắm quyền hành nhà Lý và là linh hồn của chính quyền nhà Trần cho đến khi ông mất vào năm 1264, tức trên 40 năm điều hành đất nước. Đánh giá về Trần Thủ Độ, các sử gia Nho giáo đã không tiếc lời chỉ trích.
Như việc Thủ Độ đổi vợ thay chồng trong tôn thất nhà Trần như đã nêu trên, Ngô Thời Sĩ trong Đại Việt Tiêu Án đã thốt lên: “…con nhà chài lưới chả biết lễ nghĩa là gì, tập tục loạn luân như thế…”. Sử gia Phan Phu Tiên nhận định : «Tam cương ngũ thường, đó là luân lý trọng đại của loài người. Thái Tông là vua sáng nghiệp, đáng nên lập ra phép tốt để cho đời sau theo, thế mà lại nghe mưu gian tà của Thủ Độ, cướp vợ anh làm vợ mình, như thế chả phải tự mình làm trái luân thường để mở đầu cái mối dâm loạn đấy ư?”. Sử gia Trần Trọng Kim thì cho rằng: “Làm loạn nhân luân như thế thì từ thượng cổ mới có một”.
Còn việc Trần Thủ Độ dùng hôn nhân cướp ngôi nhà Lý, thì các sử gia Nho Giáo cũng phê phán nặng nề. Chẳng hạn như các sử gia nhà Nguyễn đã phê trong bộ Việt Sử Thông Giám Cương Mục rằng: “Huống chi làm những nết xấu như chó lợn, dạ độc như hùm beo, dựng nước mà như thế thì làm thế nào mà lâu dài được?...Thực là việc lạ, suốt nghìn xưa chưa hề có”.
Thế nhưng, ngoài việc này ra, nếu nhìn vào giai đoạn sau khi cướp ngôi nhà Lý, thì Trần Thủ Độ lại là người có công lớn không chỉ với nhà Trần mà còn với cả non sông. Như đã nói, ông nắm quyền lèo lái triều đình nhà Trần đến khi mất vào năm 1264. Trong giai đoạn đó, một loạt công việc từ kinh tế, chính trị, quốc phòng…đã được thực hiện.
Phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, kể từ thời Cao Tông nhà Lý, triều đình bắt đầu lâm cảnh suy vi, vua mãi ăn chơi bỏ bê chính sự, loạn lạc khắp nơi nổi lên, kinh tế suy sụp. Sau khi nhà Trần được lập, vua Trần Thái Tông chỉ là cậu bé chưa đầy 10 tuổi. Chính Trần Thủ Độ đã ngược xuôi dẹp nội loạn, đưa đất nước từ loạn đến trị. Ông cũng đã lèo lái hệ thống chính quyền khôi phục kinh tế, định lại thuế khóa, xây dựng đê điều, mở rộng chế độ tư hữu ruộng đất, xây dựng và củng cố quân đội, chăm lo học hành…
Chính vào giai đoạn này, nhà Trần đã mở khoa thi Thái học sinh (Tiến sĩ) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Ngoài việc lập Quốc học viện để giảng Tứ thư Ngũ kinh, Trần Thủ Độ còn cho lập giảng võ đường để luyện tập võ nghệ. Sử gia Trần Trọng Kim là người phê phán gay gắt chuyện Trần Thủ Độ soán ngôi nhà Lý, cũng thừa nhận rằng: “Thủ Độ một tay cáng đáng bao nhiêu trọng sự, giúp Thái Tông bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, làm cho nước Nam ta bấy giờ được cường thịnh, ngày sau có thể chống cự được với Mông Cổ, khỏi phải làm nô lệ những kẻ hùng cường”.
Một công lớn nữa của Trần Thủ Độ đó là ông đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất vào năm 1258. Trần Thủ Độ với vai trò là người nắm đại quyền ở triều chính, đã xúc tiến việc củng cố quân đội. Khi giặc Nguyên-Mông tràn sang, quân đội nước Nam khi ấy có đến 20 vạn người. Đây là một chiến công trong xây dựng quân đội sau giai đoạn trì trệ kéo dài của các vua cuối triều Lý. Trước thế mạnh của giặc, vua tôi nhà Trần phải rút khỏi Thăng Long. Khi ấy không phải không có đại thần toan đầu hàng. Sử cũ chép rằng, vua Thái Tông ngự thuyền đến hỏi Thái úy Trần Nhật Hiệu, vị quan này không trả lời mà cầm sào viết xuống nước hai chữ “Nhập Tống”. Sau đó, khi Thái Tông đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, thì Thủ Độ trả lời: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì xin Bệ hạ đừng lo”. Câu nói này đã cho thấy được tinh thần yêu nước đáng trân trọng của Trần Thủ Độ, vì nếu ông chỉ là người hám quyền hám danh thì đã không có cái chí khí kiên cường đến thế!
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê còn chép lại nhiều mẫu chuyện về đức độ làm quan của Trần Thủ Độ:
- Thấy Thủ Độ quyền át cả vua, có kẻ ngầm vào gặp Vua Thái Tông mà nói rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu, mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Thái Tông bèn cho bắt người đó giải đến phủ Thủ Độ. Sau khi nghe chuyện, Thủ Độ đáp: “Quả đúng như lời hắn nói”. Xong, đem tiền lụa mà thưởng cho người đó.
- Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung khi là vợ của Trần Thủ Độ, một hôm ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc với Thủ Độ. Ông tức giận sai người đi bắt người quân hiệu kia. Người quân hiệu thất kinh và tưởng thế nào cũng chết. Nhưng khi đến trình bảo mọi điều với Thủ Độ, thì Thủ Độ lại khen ngợi người lính hiệu đã biết giữ đúng phép nước và ban thưởng cho.
- Có lần, bà Trần Thị Dung xin với Thủ Độ cho một người được làm câu đương. Thủ Độ nhận lời. Khi gặp người ấy, ông bảo: “Người vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Người nọ hoảng hồn khóc lóc van xin mãi mới được tha và không dám xin chức câu đương nữa. Từ đó không ai dám đến thăm Thủ Độ vì việc riêng nữa.
- Có lần Thái Tông muốn cho người anh ruột của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ bèn tâu: An Quốc là anh thần, nếu giỏi hơn thần thì thần xin rút lui, còn nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc, nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao? Vua nghe nói vậy mới thôi.
Qua đó, ta thấy rằng Trần Thủ Độ rõ ràng là một vị quan gương mẫu xưa nay hiếm, một người “vĩ công vi thượng”. Sử gia Nguyễn Khắc Thuần trong bộ Việt Sử Giai Thoại đã nhận định: “Chính quyền nhà Trần là chính quyền của quý tộc họ Trần. Chính quyền ấy cho phép con em quý tộc được quyền sống dựa vào uy danh và bổng lộc của cha ông. Song, đọc chuyện Trần Thủ Độ, ai dám bảo con cháu ông sẽ dựa hơi ông để ức hiếp người đời!”
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê nhìn nhận: « Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tôn lấy được thiên hạ đều nhờ vào mưu sức của ông cả …Thủ Độ tuy làm tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất. Thái Tông có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến ông. Thế nhưng cái tội giết vua và thông dâm với hoàng hậu thì khó lẩn tránh với đời sau vậy”. Khâm Định Triều Nguyễn cũng cho rằng: “…những việc giết vua triều trước và thông dâm với vợ vua, việc gì Thủ Độ cũng nhẫn tâm làm cả. Như thế Thủ Độ là bầy tôi có công với triều Trần, mà là người có tội với triều Lý”. Sử gia Trần Trọng Kim cho rằng: “Thủ Độ là một người rất gian ác đối với nhà Lý, nhưng lại là một đại công thần của nhà Trần”.
Đến đây, ta thấy rằng, việc các sử gia khen và chê Trần Thủ Độ tựu chung có hai điểm:
- Chê việc ông đã soán ngôi nhà Lý và còn độc ác tận diệt người họ Lý, chê vì ông đã bất chấp luân thường để thay đổi gán ghép hôn nhân của người trong gia tộc họ Trần.
- Khen ông là một người lãnh đạo có tài và hết lòng vì nước.
Rõ ràng, ta thấy rằng, tất cả những việc Trần Thủ Độ làm bên trên là vì dòng tộc họ Trần, vì để củng cố triều Trần. Như vậy đối với dòng tộc họ Trần ông là người có công. Sau khi dựng nên nhà Trần, Thủ Độ tay nắm đại quyền đã vực dậy đất nước sau giai đoạn suy tàn thời mạc Lý, để làm tiền đề cho nước Việt đủ sức đương đầu và ba lần đánh lui quân xâm lược Nguyên-Mông, một đội quân chinh phạt mà trước đó đã “làm cỏ” khắp Á Âu. Như vậy, đối với non sông, Thủ Độ cũng lập đại công.
Một điểm cần lưu ý nữa là, chúng ta không thể không công nhận vai trò của Trần Thủ Độ đối với Trần Quốc Tuấn. Nên nhớ rằng, Trần Thủ Độ nắm đại quyền đến năm 1264, và trong cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên-Mông vào năm 1258, Trần Quốc Tuấn cũng đã có tham gia dưới sự chỉ huy của Trần Thủ Độ, và khi ấy Trần Quốc Tuấn chỉ mới 30 tuổi còn Trần Thủ Độ đã 64 tuổi. Hơn nữa Trần Thủ Độ lại là chú họ của Trần Quốc Tuấn. Không thể nói rằng, cái tinh thần vì sự đoàn kết của họ tộc Trần và vì nước vì dân của Trần Hưng Đạo sau này không có ảnh hưởng của Trần Thủ Độ.
Đời luận anh hùng
Đương nhiên, sự phê phán của các sử gia Nho Giáo ngày xưa là gay gắt bởi nếu đứng trên lập trường Nho Giáo, thì rõ ràng việc soán ngôi nhà Lý của Trần Thủ Độ là trái đạo luân thường. Thế nhưng, cũng nên nhớ rằng, dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Nho Giáo được khai thác ở những điểm cực đoan nhất nhằm phục vụ cho việc củng cố nhà nước phong kiến. Cái tinh thần trung quân khi ấy đã được đẩy lên mức cực đoan, đến mức mà người ta chỉ thấy vua mà không thấy nước, chỉ biết trung với vua mà không biết trung với nước. Trong khi mà Nho Giáo không hề ca ngợi cái “ngu trung”. Á Thánh Mạnh Tử còn nói rằng: “Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm. Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân. Quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù” (Vua xem bầy tôi như tay chân thì bầy tôi xem vua như máu thịt, vua xem bầy tôi như chó ngựa thì bầy tôi xem vua như người lạ trong nước vậy thôi, vua xem bầy tôi như đất cỏ thì bầy tôi xem vua như giặc thù). Nói như vậy thì chữ trung có giới hạn chứ không phải vua thế nào thì bầy tôi cũng phải trung. Bởi vì, Mạnh Tử nói: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Trước có dân sau mới tới nước, rồi mới tới vua). Thế thì dân và lợi ích của dân vẫn là trọng nhất.
Trở lại trường hợp của Trần Thủ Độ, đặt giả thuyết ông không soán ngôi nhà Lý mà tiếp tục “ngu trung”, thì với cái thế suy vi của nhà Lý lúc bấy giờ liệu nước Việt có thể giữ được chủ quyền quốc gia hay không, chứ chưa nói đến chuyện có thể đánh bại quân xâm lược Nguyên-Mông? Sau hơn bảy thế kỷ nhìn lại, đứng trên phương diện lợi ích quốc gia, ta thấy rằng, Trần Thủ Độ thật sự là người có công với xã tắc. Trường hợp của Trần Thủ Độ cũng là một lời nhắc nhở các thế hệ khi nhận xét đánh giá về bất kỳ một nhân vật lịch sử nào, đó là :không nên đánh giá chỉ dựa vào tiểu tiết mà xem nhẹ những đóng góp lớn lao cho đại cuộc.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130830-tran-thu-do-doi-luan-anh-hung
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130830-tran-thu-do-doi-luan-anh-hung
Hoài Hương/VOA - Việt Nam và Hiệp định TPP – Thách thức và Cơ hội
Hoài Hương/VOA
Nắm bắt các cơ hội kinh tế tại Á Châu trong thời gian tới, và tương lai lâu dài là một phần quan trọng trong chính sách xoay trục sang Châu Á của chính phủ Tổng Thống Obama. Việt Nam có lẽ là quốc gia kém phát triển nhất, có thể nói là nghèo nhất, được chọn làm một trong 12 nước có khả năng trở thành đối tác trong Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái bình dương - TPP. Một cựu chuyên viên kinh tế và tham vấn của Ngân hàng Thế giới bàn về những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của phóng viên Ban Việt Ngữ VOA Hoài Hương và ông Nguyễn Quốc Khải (NQK), cựu chuyên viên kinh tế của Ngân hàng Thế giới. Ông từng thỉnh giảng tại School of Advanced International Studies thuộc Johns Hopkins University.
VOA: Xin ông cho biết, trước hết, vào TPP sẽ mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam? Hỏi khác đi, nếu không vào TPP, Việt Nam sẽ thiệt thòi như thế nào, sẽ mất đi những cơ hội gì hay quyền lợi nào?
Ông NQK: “Như chúng ta đã biết mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những hàng rào cản hàng hóa và dịch vụ. Do đó, khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng gia số lượng hàng xuất cảng đến các quốc gia TPP với dân số gần 800 triệu (11 % dân số thế giới) và tổng sản phẩm nội địa là khoảng 28 ngàn tỉ Mỹ kim (40% GDP của thế giới). Nhiều đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam đều đang tham gia vào cuộc đàm phán đa phương TPP. Đó là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Singapore, và Mã Lai.
Việt Nam là nước nghèo nhất trong 12 quốc gia TPP hiện nay. Các nước giàu sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam. Kinh nghiệm cho thấy là Việt Nam không buôn bán nhiều với các nước ASEAN bằng những nước ngoài ASEAN.
Thách thức về lao động, nhân quyền, và doanh nghiệp nhà nước là quan trọng và khó khăn nhất đối với Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải tiến cụ thể về chính trị.
Ngoài ra, những nước TPP sẽ là nguồn cung cấp vốn đầu tư nước ngoài cho Việt Nam. Với tình trạng kinh tế trì trệ như hiện nay, Việt Nam cần vốn đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết. Nếu có một chính sách đầu tư nước ngoài khéo léo, Việt Nam có thể học hỏi và phát triển những ngành công nghiệp cao từ những nước TPP.
Việt Nam sẽ là một nước được hưởng nhiều nhất khi gia nhập TPP. Sự gia tăng thương mại với Hoa Kỳ, một thị trường lớn nhất trong số các nước TPP, sẽ là một yếu tố quan trọng nhất giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng và luôn luôn là yếu tố quan trọng cho việc phát triển kinh tế Việt Nam. Thứ ba là thuế nhập cảng của các nước TPP sẽ giảm đáng kể. Do đó Việt Nam sẽ gia tăng xuất khẩu quần áo, giầy dép, và hải sản. Việt Nam sẽ không phài cạnh tranh với Trung Quốc trong TPP.
Việc gia nhập TPP sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng 46 tỉ Mỹ kim tức khoảng 13.6% theo kết quả một cuộc nghiên cứu của Peter A. Petri, Michael G. Plummer, và Fan Zhai vào cuối năm 2012.”
VOA: Thưa đó là những lợi ích của việc gia nhập TPP, nhưng có một số điều kiện Việt Nam cần phải thỏa mãn trước khi được chính thức thâu nhận vào TPP, xin ông cho biết một số điều kiện cụ thể, quan trọng mà Việt Nam phải thỏa đáng?
Ông NQK: “TPP nêu ra một số vấn đề nồng cốt mà Việt Nam sẽ phải thỏa mãn như là tài sản trí tuệ, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, và công ty nhỏ và trung bình. Quyền lao động, bao gồm quyền thành lập nghiệp đoàn dộc lập, quyền tụ họp, quyền đình công, chỉ là một phần của vấn đề rộng lớn hơn là nhân quyền. Hoa Kỳ đã mạnh mẽ đặt vấn đề này với Việt Nam qua một số thành viên Quốc Hội và Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Trong cuộc họp với Chủ Tịch Trương Tấn Sang vừa qua tại Nhà Trắng, Tổng Thống Obama đã hai lần nhắc nhở đến vấn đề Nhân Quyền tại Việt Nam.
Việt Nam cần phải cải thiện vấn đề nhân quyền một cách cụ thể để được vào TPP và được Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận đối với những vũ khí sát thương mà Việt Nam nhiều lần lên tiếng muốn mua...
Vấn đề khó khăn lớn thứ hai mà Việt Nam phải vượt qua là việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước để loại bỏ sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa nhà nước và tư nhân. Khu vực quốc doanh chiếm khoảng gần 40% tổng sản lượng nội địa mà lại luôn luôn làm ăn lỗ lã, ngăn cản sự phát triển kinh tế, nhưng lại ưu tiên về vốn đầu tư của nhà nước, quỹ phát triển quốc tế ODA, và vay nợ ngân hàng. Trên 50% nợ xấu của các ngân hàng là do các doanh nghiệp nhà nước. Hơn 10 năm nay, nhà nước bàn thảo việc cải tổ khu vực quốc doanh, nhưng không đạt được tiến bộ cụ thể đáng kể nào.
VOA: Thưa so với lúc Việt Nam vận động xin gia nhập WTO, thì tiến trình thương thuyết để vào TPP nó khác ở chỗ nào, và có những điểm gì mà Hà nội cần chú ý đến nếu muốn mọi sự được suôn sẻ?
Ông NQK: “Vâng, giữa TPP và WTO có một vài khác biệt. WTO có những điều kiện gia nhập rõ ràng. Trong khi đó, TPP dựa vào đàm phán và không có vấn đề nào phải loại trừ. TPP có tính cách toàn diện hơn WTO. Nó bao trùm nhiều vấn đề WTO không đề cập đến hoặc chưa đào sâu như doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ, và quyền lao động.
Một khó khăn nghiêm trọng Việt Nam đang gặp phải trong cuộc đàm phán hiện nay liên quan đến luật lệ xuất xứ hàng hóa và ngành dệt may, một trong những công nghiệp quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Hoa Kỳ đòi hỏi rằng quần áo chỉ được coi là chế tạo ở Việt Nam nếu vải làm bằng tơ sợi cũng được chế tạo tại Việt Nam hay mua của Hoa Kỳ.
VOA: Có cơ chế nào để kiểm soát là Việt Nam không mua vải sợi của Trung Quốc?
Ông NQK: “Mua hàng hóa là phải có xuất xứ. Phải có chứng minh rất là khó khăn. Vì khó khăn cho nên những nước ở Châu Mỹ La Tinh đành phải trả thuế cao, để nước Mỹ có thể bảo vệ ngành dệt vải của họ."
VOA: Trong những thách thức vừa kể, theo ông thách thức nào là quan trọng nhất, khó khăn nhất, và vì sao lại khó khăn như vậy trong tình hình Việt Nam bây giờ?
Ông NQK: “Thách thức về lao động, nhân quyền, và doanh nghiệp nhà nước là quan trọng và khó khăn nhất đối với Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải tiến cụ thể về chính trị. Từ 2008 đến nay, Hoa Kỳ vẫn từ chối không chấp thuận cho Việt Nam hưởng Quy Chế Ưu Đãi Phổ Quát (Generalized System of Preference - GSP) để có thể nhập cảng vào Hoa Kỳ cả ngàn món hàng miễn thuế. Lý do là Việt Nam chưa thỏa mãn điều kiện về quyền lao động.
Quan trọng hơn, nội bộ chia rẽ của Đảng CSVN hiện nay sẽ làm cho những việc cải tiến cần thiết càng khó khăn thêm. Theo nhận định của GS Carl Thayer và một số quan sát viên quốc tế, một số các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn cải thiện mối bang giao với Hoa Kỳ. Một số khác chống lại. Nhóm thứ hai xem ra mạnh hơn. Trong năm 2013, chỉ trong vòng mấy tháng đầu tiên thôi mà Việt Nam đã bắt bớ 40 người, nhiều hơn so với cả năm 2012. Trong khi Việt Nam muốn gia nhập TPP và muốn mua võ khí của Hoa Kỳ, mà lại đi làm những chuyện bắt bớ vi phạm nhân quyền như vậy thì vấn đề trở nên rất là khó khăn.”
VOA: Trở lại với vấn đề kinh tế, nói tới kinh tế, nói tới Châu Á, mà không nói tới Trung Quốc là cả một sự thiếu sót lớn, xét Trung Quốc là một cường quốc đang lên, và là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, có khả năng trở thành nền kinh tế lớn nhất không chừng! Thế mà Trung Quốc lại không được mời để thương thuyết gia nhập TPP. Rõ ràng “thiếu sót” ấy là có chủ ý. Ông nhận định như thế nào về yếu tố Trung Quốc liên quan tới thương thuyết TPP? Có phải Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Á muốn cô lập hóa, bao vây hay kiềm hãm Trung Quốc, như Bắc Kinh vẫn tố cáo?
Ông NQK: “Theo sự hiểu biết của tôi. Có hai dữ kiện khá rõ ràng. Một là Trung Quốc từng tuyên bố chống lại TPP, sau đó lại than phiền rằng Trung Quốc không được mời, và mới đây lại tuyên bố qua phát ngôn viên của Bộ Thương Mại rằng Trung Quốc sẽ nghiên cứu lợi và hại của TPP. Hai là Hành Pháp Hoa Kỳ chưa bao giờ tuyên bố chống lại Trung Quốc gia nhập TPP. Trái lại, Phụ Tá Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ đặc trách Thương Mại quốc Tế nói rằng TPP không phải là một câu lạc bộ khép kín mà là một diễn đàn mở rộng. Hoa Kỳ hy vọng nhiều nước sẽ tham gia.
Việc gia nhập TPP của Trung Quốc nếu có sẽ gặp trở ngại là bởi những điều kiện như nhân quyền, lao động, doanh nghiệp nhà nước, minh bạch thị trường tương tự như trường hợp Việt Nam tuy nhiên ở mức độ to lớn hơn nhiều. Những trở ngại này tự tạo bởi chính Trung Quốc và Việt Nam, không phải do Hoa Kỳ hay TPP.
VOA: Ông muốn nói gì thêm về các quan hệ giữa Việt Nam, Hoa Kỳ, hiệp định TPP, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc?
Ông NQK: “Việt Nam cần phải cải thiện vấn đề nhân quyền một cách cụ thể để được vào TPP và được Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận đối với những vũ khí sát thương mà Việt Nam nhiều lần lên tiếng muốn mua của Hoa Kỳ.
Với tình trạng hiện nay, Trung Quốc không thể gia nhập TPP và trong tương lai gần có thể nhìn thấy. Điều này giúp Việt Nam một phần nào thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế lẫn chánh trị, hai lãnh vực khó có thể tách rời. Nếu những nhà lãnh đạo Việt Nam đặt quyền lợi của 90 triệu người dân lên trên hết, việc cải tổ đòi hỏi bởi TPP là việc phải làm.”
VOA: Tóm lại, TPP là một thách thức hay là một cơ hội đối với Việt Nam?
Ông NQK: “Tôi nghĩ TPP là một cơ hội rất là tốt đẹp đối với Việt Nam. Việt Nam là một nước nghèo nhất trong nhóm TPP, nhưng sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong nhóm. Thành ra Việt Nam không nên bỏ qua cái cơ hội tốt đẹp như thế này."
Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013
Lê Mạnh Hùng - ‘Ai canh giữ những người canh giữ?’
Lê Mạnh Hùng
“Quis custodiet ipsos custodes?” Ðó là một câu thơ của nhà thơ La Mã Juvenal mà ta có thể dịch nghĩa ra là “Ai canh giữ những người canh giữ?”
Câu hỏi này đã được đặt ra tại Anh lúc gần đây khi các cảnh sát Anh dùng đạo luật chống khủng bố bắt giữ trong trạm quá cảnh của phi trường Heathrow anh David Miranda, người bạn tình của nhà báo Glenn Greenwald vốn là người đã tiết lộ trên nhật báo Guardian những hành động nghe lén bí mật của cơ quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (National Security Agency - NSA) bị nhân viên hợp đồng Edward J. Snowden lấy cắp đưa ra. Ông Miranda bị cảnh sát bắt giữ theo đạo luật “Chống Khủng Bố năm 2000” cho phép cảnh sát Anh được quyền bắt giữ đến tối đa 9 tiếng dồng hồ trước khi truy tố hoặc thả, đồng thời tịch thu những gì họ coi là tang vật khả dĩ. Người ta tự hỏi nếu các cơ quan an ninh của Anh được tổ chức để bảo vệ đất nước chống lại những nguy cơ khủng bố, thì ai sẽ là người bảo đảm rằng những luật lệ giúp cho họ bảo vệ xã hội chống lại khủng bố không bị lạm dụng?
Photo: Internet
Những quan ngại này đã được gia tăng thêm nữa khi Alan Rusbridger, chủ bút tờ Guardian cho biết cơ quan của Anh tương đương với NSA, cơ quan Bộ Chỉ Huy Viễn Thông Chính Phủ (Government Communications Headquarters) hay GCHQ đã gởi hai nhân viên đến tận tòa báo để kiểm tra việc phá hủy những đĩa cứng chứa những tài liệu mật mà tờ báo được Snowden gởi cho.
Khi tự do báo chí bị vi phạm, các nhà báo đương nhiên là những người đầu tiên lên tiếng. Nhưng những sự kiện vây quanh việc bắt giữ ông Miranda đặt ra cho người ta nhiều vấn đề rộng lớn hơn là chỉ quyền tự do báo chí. Nó không những đòi hỏi người ta phải xét đến bản chất hành động của những người lo về an ninh quốc gia mà còn đến cả vấn đề nhu cầu cần thiết phải bảo mật cho một số tài liệu.
Việc kiểm soát những gì báo chí có thể đăng, hoặc công khai hoặc bí mật không phải xa lạ gì với báo chí Anh. Một hệ thống những chỉ thị không được công bố - được biết dưới tên là D-Notices - đã trói buộc các phóng viên báo chí Anh từ nhiều thập niên. Và như cuộc điều tra của Ủy Ban Leveson về những xâm phạm đời tư của báo chí Anh cho thấy, giữa các cơ quan cảnh sát, báo chí và các nhà chính trị có những quan hệ ngấm ngầm nhưng mật thiết ảnh hưởng đến việc thông tin.
Nhưng những tiết lộ mới nhất này lại trùng với một tình trạng ngờ vực chính quyền gia tăng, đặc biệt là ngờ vực cảnh sát, về phía dân chúng. Cảnh sát Anh hiện đã và đang phải trả lời những câu hỏi về các hành động bí mật trong các cuộc điều tra hình sự và chính trị. Như nhà bình luận Natthew d'Ancona của nhật báo Evening Standard viết: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà nhà nước bị khinh rẻ và sự minh bạch được sùng bái.”
Những tiết lộ của ông Snowden về sự hợp tác giữa GCHQ và NSA đã làm sâu đậm thêm những mối nghi ngờ rằng cái “quan hệ đặc biệt” mà các chính phủ Anh vẫn tự hào là có với Hoa Kỳ, thật sự chỉ là một sự khấu đầu hèn hạ trước Mỹ, từ bỏ tất cả những giá trị tự do dân chủ truyền thống của mình.
Shami Chakrabati, người cầm đầu tổ chức nhân quyền Liberty tuyên bố, “Tại Anh, chúng ta sống trong một nước dân chủ lâu đời nhất thế giới chứ không phải là một nước công an trị. Thế nhưng những quyền lực gia tăng trao cho cảnh sát theo luật Chống Khủng Bố đã không được người ta để ý đến.”
Trong tiến trình này, vị thế đạo đức cao của Anh trên chính trường thế giới qua đó phê phán các quốc gia khác đã bị ảnh hưởng. Nhật báo Daily Mirror viết, “Nếu Miranda bị công an bắt giữ tại Moscow hay Tehran thì các bộ trưởng của chúng ta chắc hẳn đã lên tiếng chỉ trích các nước này là vi phạm tự do. Nhưng chuyện này xảy ra tại Luân Ðôn, thành ra chính chính phủ của chúng ta phải trả lời những câu hỏi.”
Nhưng như nhà bình luận Simon Jenkins của tờ Guardian viết, “Hai động lực lớn đang tranh đấu quyết liệt nhưng không ngã ngũ được là ai thắng.”
Theo ông Jenkins, một mặt nhà nước hiện đại đã có khả năng - và đang thực hiện việc thu thập, lưu trữ và xử lý những khối lượng khổng lồ các thông tin điện tử trên toàn thế giới, và quyền lực này đã làm hủ hóa họ đến nỗi họ gần như không còn chịu sự kiểm soát của dân chúng nữa.
Nhưng mặt khác “cái sức mạnh đáng sợ của các chính quyền của thế kỷ thứ 21 này cũng là nhược điểm trí mạng của họ. Kỹ thuật số đã khiến cho dễ dàng một cách đáng sợ việc xâm nhập, lấy trộm và tiết lộ tùy theo ý thích những thông tin tế nhị về hoạt động của những người phụ trách các chính quyền.”
Và điều đó đã được thấy không chỉ trong trường hợp các ông Snowden và Greenwald mà cả trong trường hợp các ông Bradley Manning và Julian Assange.
Cảnh sát Anh có thể bị coi như là đã hành động một cách thô bạo, đe dọa và cuối cùng không hữu hiệu, nhưng hành động của họ là biểu hiện rõ ràng nhất thách thức càng ngày càng gia tăng mà các chính quyền dân chủ phải đối phó, làm sao dung hòa được những nhu cầu về bảo mật, quyền tự do công dân và an ninh quốc gia.
Trong quá khứ chính quyền đã biện minh sự vi phạm những thủ tục bảo vệ quyền của người công dân bằng cách dẫn chứng những thành công trong việc phá vỡ những âm mưu tấn công khủng bố. “Một loạt các vụ âm mưu đã bị phá vỡ và những kẻ âm mưu đã bị truy tố ra tòa. Chính phủ có trách nhiệm phải bảo vệ đất nước chống lại khủng bố.” Ðó là lời tuyên bố của bà Bộ Trưởng Nội Vụ Teresa May khi được hỏi về vụ Miranda này.
Nhưng các giới chức Anh còn chưa xác định được một liên hệ nào giữa việc bắt giữ ông Miranda và tịch thu các thiết bị điện tử của ông với một nguy cơ khủng bố nào cụ thể. Thành ra việc bắt giữ ông Miranda làm người ta có cảm tưởng rằng ai cũng có thể là mục tiêu của các cơ quan an ninh.
Dr. Nikonian - Quốc thể và quốc kỳ
Dr. Nikonian
Một
Như mọi trường học ở miền Nam thời ấy, trường tôi hồi đó cũng chào cờ vào mỗi sáng thứ Hai đầu tuần. Không mở băng cassette để phát quốc ca qua loa, chúng tôi, như những chú gà trống choai, ưỡn ngực ra hát bài quốc ca. Dù trẻ con thì hiếu động, không ai bảo ai, chúng tôi đều hiểu giây phút ấy là trang nghiêm và không có chỗ cho những trò nô đùa, nghịch phá.
Trong sách công dân giáo dục, người ta dạy chúng tôi phải đứng nghiêm mỗi khi quốc kỳ được kéo lên. Bài học ấy không nằm trên giấy, vì tôi đã không ít lần chứng kiến những thầy giáo, công chức, quân nhân… đã đứng nghiêm phăng phắc trên đường, mỗi khi lá quốc kỳ đang từ từ kéo lên ở một công sở, trường học nào đó.
Chào cờ, trong ký ức thơ dại của tôi, đã là một nghi lễ trang trọng và vinh dự. Không phải chỉ những quân nhân danh dự mới được thượng kỳ, mà chỉ những “trò” học giỏi, “thông tín bạ” đầy những điểm tốt trong tuần, mới được chọn lên kéo cờ trong mỗi đầu tuần. Vinh dự lắm, sung sướng lắm… cho những chú nhỏ như tôi hồi đó khi được cô Hiệu trưởng chọn lên kéo cờ trong những năm tháng ấy.
Lá cờ ấy, tôi nhớ nó đã xuất hiện trên tờ nhật báo Đuốc Nhà Nam, đằng sau mái tóc chải brilliantine bóng nhoáng và nụ cười rạng rỡ của danh thủ Mai văn Hoà khi đoạt giải vô địch bóng bàn đơn nam Á châu năm 1954.
Bằng những cách nhẹ nhàng, tự nhiên như vậy, chúng tôi hiểu được quốc kỳ là biểu tượng của mảnh đất, quốc gia mình đang sống. Và nó là hình ảnh của một khái niệm vừa rất thiêng liêng, vừa vô cùng gần gũi. Cái mà ta gọi bằng hai từ viết hoa: Tổ Quốc!
Thái độ trân trọng với quốc kỳ thì chắc nước nào cũng vậy, thời nào cũng vậy.
Do đó, tôi đã lạ lẫm quá chừng khi thấy cách quốc kỳ mới xuất hiện trong nhiều sự kiện. Mít tinh, hội họp… đã đành. Ra quân làm sạch đường phố, đốt sách, đốt “văn hoá phẩm độc hại”, thậm chí đi làm thuỷ lợi… Ở đâu cũng thấy “cờ bay trăm ngọn cờ bay”. Cờ đỏ bay rợp trời như vậy, đâu có phải là chuyện lạ lùng gì trong các lễ hội ở Moscow, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng…
Ừ, mỗi thời mỗi khác. Mỗi quốc gia, vùng miền đều có quyền có những cách riêng để biểu thị lòng tự hào với quốc ca, quốc kỳ của mình.
Hình ảnh lá quốc kỳ lỗ chỗ vết đạn trên chiến hào là thiêng liêng. Nhưng cũng chính lá cờ ấy, khi xuất hiện rách nát, nhàu nhĩ trên mái taxi, trước công sở… lại là một sự bất kính, phạm thượng rất khó chấp nhận.
Do đó, khi xuất hiện tràn lan, không đúng nơi đúng chỗ, vô hình chung lá quốc kỳ đã được (bị) sử dụng như một vật trang trí, như một lá cờ phướn đuôi nheo trong các hội làng ngày trước. Việc ấy đã làm giảm đi nhiều lắm tính trang trọng của lá quốc kỳ của một đất nước.
Hai
Mới đây, chàng trai gốc Hải Dương Vũ Xuân Tiến đã làm nên một hiện tượng. Tuy người khen kẻ chê đủ điều, nhưng với tôi, chạy bộ 5 dặm theo đoàn xe của đội bóng mình hâm mộ quả thật đáng yêu. Nó là một cách thế biểu hiện tình yêu bóng đá rất đặc sắc mà chỉ có những người trẻ đang yêu mới nghĩ ra. Mặc dù, nó là một sự vi phạm luật giao thông, và cả liều mạng nữa, khi chạy bộ trên những đường phố hỗn loạn xe cộ của Hà Nội.
Nhưng tuổi trẻ – tình yêu mà không có chút điên rồ hay lãng mạn thì còn chi hay ho nữa?
Cách bày tỏ lòng hâm mộ “độc chiêu” như vậy không lọt qua khỏi mắt các tay chuyên nghiệp làm truyền thông sự kiện. Thật may mắn, bạn trẻ nhà ta được mời xuất ngoại đến Luân Đôn, tham quan cơ ngơi của câu lạc bộ Arsenal mà cậu ấy hâm mộ. Nhưng không phải ngần ấy, trước 60.000 khán giả của sân Emirates, cậu ta khoác cờ đỏ sao vàng trên vai, chạy một vòng trong tiếng reo hò của một đám đông khổng lồ.
Chúng ta hoàn toàn có lý do để mừng cho bạn trẻ ấy, một kẻ may mắn. Sự kiện truyền thông này, rõ ràng được sắp đặt bởi những tay nhà nghề, không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội độc đáo nào để quảng bá hình ảnh ra trước công chúng.
Và công chúng đó, với hiệu ứng đám đông, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, hoàn toàn thành thực khi hò la cổ vũ cho Tiến. Họ phấn khích vì một người hâm mộ như mình, họ sung sướng khi chia sẻ tình yêu bóng đá trong một sự kiện, bất kể người trẻ kia đến từ đất nước nào.
Nói chung cùng, bóng đá vẫn là một trò chơi. Và mọi sự hào hứng từ bóng đá thì phi chính trị, như cách người ta hoan hô Tiến – như một người hâm mộ quá “độc chiêu”. Thế thôi!
Thế nhưng, rất nhiều dư luận trong nước lại biến sự kiện truyền thông được sắp đặt này thành một tự hào mang tầm quốc gia. Cả một đám đông quay cuồng, tung hê, tự hào, hãnh diện, xúc động… khi thấy cờ đỏ sao vàng trên sân vận động khổng lồ, với tiếng cổ vũ vang dội. Sung sướng quá, người ta quên mất đó là sự ủng hộ của một đám đông người hâm mộ, dành cho một người hâm mộ đã biết chọn một cách rất đặc biệt để bày tỏ lòng hâm mộ của mình.
Và tất cả đã xảy ra dưới bàn tay sắp đặt rất hoàn hảo của một tay PR chuyên nghiệp, thế thôi!
Không ai hoan hô đất nước chúng ta trong sự kiện đó cả! Quốc kỳ Việt Nam xuất hiện trên sân Emirates, không phải với tư cách của một quốc gia chiến thắng trong thi đấu thể thao. Hay một cường quốc bóng đá! Hay một giải Nobel từ một đất nước thịnh trị, thanh bình, lấy giáo dục ưu việt làm đầu. Hoàn toàn không phải thế!
Tự khi nào, tâm thế và tình tự của một dân tộc đã bế tắc, mặc cảm, thiếu thốn… khi lấy niềm vui từ sự xuất hiện của quốc kỳ trong những trò vui như thế?
Chớ quên rằng, đất nước mang hình chữ S được biết đến nhiều ở Anh vì những con dân của nó nổi tiếng là những tay trồng cần sa, buôn người… chuyên nghiệp. Hãy đến thử sân bay Heathrow, Luân đôn để thấy sự dè chừng tối đa của nhân viên an ninh, hải quan với tấm hộ chiếu Việt Nam như thế nào. Hay hãy thử xin visa đi Anh, vào cơ quan lãnh sự Anh để thấy tấm bảng cảnh báo to tướng đập ngay vào mắt: “không có chỗ cho người nhập cư trái phép!”
Ít ra đã có một lần, quốc kỳ của nhóm nhập cư khét tiếng bất hảo đó được xuất hiện trên truyền thông Anh quốc.
Do đó, cách duy nhất để tôn vinh lá quốc kỳ của dân tộc mình là vun đắp cho nó những giá trị tốt đẹp, văn minh, ngay thẳng, trung thực. Điều ấy, há chẳng tốt đẹp hơn phớt lờ những điểm đen, rất đen về hình ảnh Việt Nam trong mắt thế giới và hả hê sung sướng với một show PR dù rất hoành tráng hay sao?
Ghé thăm các blogs: 29/08/2013
BLOG TÂM SỰ Y GIÁO
Báo Nhân Dân, trong bài thuộc chuyên mục Bình luận và Phê phánngày 22-8-2013 cho biết tác giả của bài này là Amari TX, một người Mỹ gốc Việt. Được biết tác giả này có nhiều bài đã được đăng trên báo giấy cũng như báo điện tử ở Việt Nam, và là chủ của trang blog amaritx.wordpress.com, mà từ một bài trong đó, báo Nhân Dân đã đăng lại thành bài nói trên. Trên trang blog này, không khó để nhận ra giọng văn chính luận của một người chuyên làm công tác chính trị tư tưởng, từ ý tưởng, hành văn, câu cú cho đến cách sử dụng các thuật ngữ thuộc chuyên môn nghiệp vụ tuyên huấn. Điều đó làm cho mình băn khoăn : Ông Amari TX này là ai mà viết hay thế, hùng hồn thế ? Sao ông ta là công dân Mỹ mà lại có cách hành văn của một nhà lý luận ở Việt Nam, một người marxist kiên trung đến thế ?
Hôm nay mình tình cờ đọc bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng của TS. Hoàng Văn Lễ, thì thấy có những ý, những câu giống hệt như của tác giả Amari TX.
Chẳng hạn, TS. Hoàng Văn Lễ viết :
Nếu nghiên cứu kỹ hơn, chắc “Đằng ấy” biết rằng: Một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là chế độ đa nguyên về chính trị. Trung Quốc hiện nay có 9 đảng chính trị thì 8 đảng thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là người duy nhất lãnh đạo nước Trung Hoa, lấy chung mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là chế độ đa đảng mà nhất nguyên về chính trị. Ở Mỹ, tuy có 2 đảng nhưng có đúng là chế độ đa nguyên về chính trị không? Bởi 2 đảng này chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản còn xét về bản chất giai cấp - xã hội, 2 đảng này là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau: củng cố và phát triển thể chế chính trị đầy bất công ở Mỹ. Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến. Không ai có thể đòi hỏi các quốc gia ấy xóa bỏ thể chế riêng có của họ. Ở nước Nga thời hậu Xô-viết, người ta cũng thành lập chế độ cộng hòa tổng thống theo cách thức của người Nga chứ không theo cách thức của người Anh để tái thiết lập chế độ Sa hoàng…
Thưa anh Lê Hiếu Đằng, hẳn anh cũng biết rằng, một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên về chính trị là do một loạt nhân tố quy định, trong đó tương quan lực lượng xác lập vị trí vai trò lãnh đạo, cầm quyền của đảng, những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó. Việt Nam trong thời kỳ lịch sử cận – hiện đại, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Còn Amari TX thì viết :
Xin nói để ông và các ‘chiến hữu’ của ông biết : một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là một chế độ đa nguyên về chính trị. Chẳng hạn ở Mỹ hiện nay, tuy đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền, nhưng nếu xem đó là chế độ đa nguyên về chính trị thì chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, hai đảng chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản ; xét về mặt bản chất giai cấp – xã hội, hai đảng là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau là củng cố và phát triển thể chế tư bản chủ nghĩa ở Mỹ... Ở các nước khác cũng tương tự như vậy, cho dù nước Mỹ khác nước Anh, nước Anh lại không giống nước Pháp, nước Ý. Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến. Không ai ngớ ngẩn, rỗi hơi, vô lối đòi hỏi các quốc gia ấy xóa bỏ chế độ quân chủ lập hiến để hiến định chế độ cộng hòa, cộng hòa tổng thống hay cộng hòa dân chủ nhân dân...
Một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên, về chính trị do một loạt nhân tố quy định, trong đó, đáng quan tâm nhất là : tương quan lực lượng giữa các giai cấp, bối cảnh xác lập vị trí lãnh đạo, vai trò cầm quyền của đảng, những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó. Vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời kỳ lịch sử cận – hiện đại, có thể thấy ở nước ta, bối cảnh xác lập vị trí duy nhất lãnh đạo xã hội, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của ĐCS Việt Nam như sau : Đây là nhân tố hoàn toàn khách quan, độc lập với ý chí của mọi chủ thể hoạt động chính trị. Vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam là một tất yếu khách quan của tiến trình lịch sử dân tộc, không phải do ai áp đặt lên xã hội.
Và đây là bảng đối chiếu :
Nếu nghiên cứu kỹ hơn, chắc “Đằng ấy” biết rằng: Một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là chế độ đa nguyên về chính trị. Trung Quốc hiện nay có 9 đảng chính trị thì 8 đảng thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là người duy nhất lãnh đạo nước Trung Hoa, lấy chung mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là chế độ đa đảng mà nhất nguyên về chính trị. Ở Mỹ, tuy có 2 đảng nhưng có đúng là chế độ đa nguyên về chính trị không? Bởi 2 đảng này chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản còn xét về bản chất giai cấp - xã hội, 2 đảng này là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau: củng cố và phát triển thể chế chính trị đầy bất công ở Mỹ.
Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến.Không ai có thể đòi hỏi các quốc gia ấy xóa bỏ thể chế riêng có của họ.
Thưa anh Lê Hiếu Đằng, hẳn anh cũng biết rằng, một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên về chính trị là do một loạt nhân tố quy định, trong đó tương quan lực lượng xác lập vị trí vai trò lãnh đạo, cầm quyền của đảng, những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó.
Việt Nam trong thời kỳ lịch sử cận – hiện đại, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xin nói để ông và các ‘chiến hữu’ của ông biết : một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là một chế độ đa nguyên về chính trị.
Chẳng hạn ở Mỹ hiện nay, tuy đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền, nhưng nếu xem đó là chế độ đa nguyên về chính trị thì chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, hai đảng chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản ; xét về mặt bản chất giai cấp – xã hội, hai đảng là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau là củng cố và phát triển thể chế tư bản chủ nghĩa ở Mỹ... Ở các nước khác cũng tương tự như vậy, cho dù nước Mỹ khác nước Anh, nước Anh lại không giống nước Pháp, nước Ý. Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến. Không ai ngớ ngẩn, rỗi hơi, vô lối đòi hỏi các quốc gia ấy xóa bỏ chế độ quân chủ lập hiến để hiến định chế độ cộng hòa, cộng hòa tổng thống hay cộng hòa dân chủ nhân dân...
Một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên, về chính trị do một loạt nhân tố quy định, trong đó, đáng quan tâm nhất là : tương quan lực lượng giữa các giai cấp, bối cảnh xác lập vị trí lãnh đạo, vai trò cầm quyền của đảng, những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó. Vận dụng vào điều kiện cụ thể củaViệt Nam trong thời kỳ lịch sử cận – hiện đại, có thể thấy ở nước ta, bối cảnh xác lập vị trí duy nhất lãnh đạo xã hội, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của ĐCS Việt Nam như sau : ...
Được biết, bài của TS. Hoàng Văn Lễ (cựu Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng) được báo SGGP đăng lúc 7h20 ngày 26-8-2013, nghĩa là sau bài của Amari TX trên báo Nhân Dân 4 ngày, và cũng sau bài của Amari TX trên blog amaritx.wordpress.com 4 ngày.
Nếu TS. Hoàng Văn Lễ và Amari TX là hai người khác nhau, thì có thể kết luận mà không phải chần chừ gì nữa : TS. Hoàng Văn Lễ đã trắng trợn đạo văn của Amari TX !
Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra giữa các tác già của hai tờ báo lớn là Nhân Dân và Sài Gòn Giải Phóng, đều là những cơ quan ngôn luận rất lớn của Đảng. Bởi nếu như thế thì chẳng còn ra cái thể thống gì nữa.
Vì vậy, có lẽ chỉ còn một khả năng duy nhất : Amari TX chính là TS Hoàng Văn Lễ, cựu Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng !
Và nếu điều này xảy ra, thì chỉ có thể gọi đây là một SỰ LỪA DỐI KINH HOÀNG!
Ông Hoàng Văn Lễ
FACEBOOK HOÀNG NGỌC DIỆP
Có lẽ tôi, và cũng có thể có nhiều người khác, may mắn được đụng chạm đến chính trị, xã hội và quản trị, từ khi còn trẻ, từ khi chưa biết gì về chúng, cho đến nay, được bơi lội trong những lĩnh vực độc đáo này kéo dài đã gần 40 năm kể từ lần đầu đụng chạm thực tế.
Và tất nhiên, như một con người bình thường khác, tôi cũng ghi nhận được những sự phát triển trong nhận thức của chính mình. Có những nhận thức mới là sự thay đổi để loại bỏ những nhận thức sai lầm trước đó, nhưng cũng có những nhận thức mới làm tôi thấu hiểu hơn nhưng không thay đổi bản chất của nhận thức ban đầu.
Và những gì tôi tâm sự dưới đây cũng chỉ mong anh em trẻ không bị mất quá nhiều thời gian như những người đi trước trong đó có cá nhân tôi.
-----
Vào vài năm cuối thập niên 1970s, lúc đó những người tỵ nạn CS đến Úc rất nhiều, rất nhanh, những uẩn ức, hận thù, căm phẫn trong cộng đồng tỵ nạn rất cao, rất lớn, và tất nhiên những sinh hoạt chống CSVN cũng rất năng nổ.
Lúc đó, một tổ chức chống CSVN ra đời với tên “Phục Quốc”, vì những người đứng ra tổ chức là những người thân tình cấp cha anh của tôi, cho nên tôi cố gắng lắng nghe, tìm hiểu, để hy vọng cùng tham gia… Nhưng sau một thời gian lắng nghe, nhất là khi họ tuyên bố sẽ về lại Việt Nam để phục quốc, thì tôi bắt đầu lo lắng và buồn.
Đầu tiên, không rõ là mình lo lắng điều gì và tại sao lại buồn, tôi đã phải suy nghĩ thật kỹ, nhất là mình lúc đó chỉ là một cậu thanh niên chưa tới tuổi 20, và chỉ có một kinh nghiệm nhỏ hồi 14 tuổi thôi, sau một thời gian tôi mới mạnh dạn đặt cho họ các câu hỏi sau:
- Làm sao các chú, các anh có thể an toàn khi về Việt Nam như thế này?
- Làm sao các chú, các anh bảo vệ được những người trong nước sẽ theo và ủng hộ mình?
Tất nhiên, tôi đã không tham gia vào tổ chức của họ, và tất nhiên, câu trả lời của họ là “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng, và những ai cùng tham gia thì cũng phải sẵn sàng hy sinh tính mạng như chúng tôi.”
Nhận thức của tôi lúc đó chỉ vậy! Và nỗi buồn thì chưa tìm ra được tại sao…
-----
Vài năm sau, khi đã biết về quản trị, ít ra là những đại cương về quản trị, tôi lại đặt thêm những câu hỏi sau:
- Tại sao họ dám liều lĩnh về Việt Nam mà không biết gì về môi trường cụ thể trong nước?
- Tại sao ngay cả câu đơn giản như “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” mà họ không hề có một chút kiến thức gì hay có những người những mạng lưới làm tai mắt cho họ từ trong nước trước?
- Tại sao họ không có trách nhiệm chuẩn bị những giải pháp cho chính họ và tất cả những người trong nước theo họ, nếu họ thất bại?
Kiến thức của tôi đã tốt hơn để đưa ra những câu hỏi sâu hơn. Nhưng nỗi buồn thì vẫn cứ như vậy và vẫn chưa tìm ra được tại sao…
-----
Sau vài năm, họ thất bại, một số người hy sinh, một số người bị bắt, một số ở tù tại Việt Nam rất nhiều năm, có vài người chỉ ở tù vài năm vì được sự can thiệp từ nước ngoài… tất nhiên, tổ chức họ phải tan rã. Và tất nhiên, trong thời gian đó, lại có những tổ chức chống CSVN khác trội lên, mạnh hơn, đông hơn, nhìn thoáng qua thì có vẻ “bài bản” hơn, nhưng khi tôi đặt ra những câu hỏi trên và một số câu hỏi dưới đây thì lại đụng phải những câu trả lời tương tự, hay im lặng, hoặc tệ hơn là…“đây là bí mật của đảng chúng tôi!”. Những câu hỏi của tôi có thêm là:
- Cứ cho rằng các anh sẽ thành công, thế thì định hướng và lộ trình tái xây dựng xã hội Việt Nam của tổ chức của các anh là gì?
- Những nhân sự đầu não của các anh cho những lĩnh vực trọng yếu của một hệ thống nhà nước mới sẽ là ai, hoặc tổ chức của các anh sẽ chuẩn bị như thế nào?
Khi đó, tôi nhận thức rõ sự trống rỗng cực kỳ đáng sợ của sự thiếu chuẩn bị của họ.
Điều thê thảm nhất là không những họ chuẩn bị quá sơ sài trong giai đoạn họ “đấu tranh” mà tận cùng họ chẳng chuẩn bị gì cho ra hồn việc sau đó nếu họ thành công.
Và tất nhiên, họ cũng đã thất bại, thất bại ngay từ trong trứng nước.
Khi đó, nỗi buồn của tôi vẫn cứ còn đó, nhưng tôi đã phần nào hiểu tại sao…
-----
Rồi những năm sau đó, những tổ chức chính trị chống CSVN, chính là ở nước ngoài, đều có những hình thức tổ chức có “bài bản” hơn nữa, họ đưa ra những cương lĩnh, những định hướng, và ngay cả những nhân sự cấp lãnh đạo cho từng lĩnh vực trọng yếu.
Nhưng nếu nhìn kỹ thì mọi điều họ chuẩn bị cho giai đoạn “đấu tranh” đều chỉ nằm ở mức “rộn ràng” ở nước ngoài và cực kỳ “lẻ tẻ” ở Việt Nam. Họ không những lấy được rất ít sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội ở trong nước mà còn có rất nhiều cách “vận động” để nổi tiếng một cách vô trách nhiệm.
Và nếu nhìn kỹ hơn, sâu hơn về những “nhân sự cấp lãnh đạo” của họ thì quả thật là cá nhân tôi phải… đầu hàng!
Khi đó, chừng giữa thập niên 1990s, các câu hỏi tôi đặt ra lại là:
- Liệu việc tổ chức và hoạt động của những đảng phái chính trị ở hải ngoại không quan trọng bằng chính những tiếng nói của lương tâm từ các cộng đồng người Việt ở hải ngoại và những vận động của họ đối với cộng đồng thế giới sẽ giúp Việt Nam hiệu quả hơn?
- Liệu những sức ép từ chính xã hội trong nước qua những tiếng nói, những phản đối, những tiếng kêu oan… của người dân, của những hội đoàn, những nhóm người khác nhau, hoàn toàn phi chính trị, lại là sức mạnh quan trọng nhất để thay đổi thể chế của Việt Nam, chứ không phải từ những tổ chức thuần chính trị?
- Liệu một tổ chức chính trị nào đó được xã hội ủng hộ và thành công thì chính tổ chức chính trị này lãnh đạo Việt Nam thời hậu CS sẽ xây dựng thành công một nền dân chủ đúng mức hay không? Hoặc họ sẽ phải bảo vệ vị thế lãnh đạo của họ vì họ đã chiến thắng, và từ đó xã hội mình lại phải tiếp tục khổ sở với một loại “dân chủ trá hình” khác? Điều gì bào đàm cho tương lai của cả 1 đất nước?
- Và liệu một giai đoạn chuyển tiếp vài năm của một liên minh lâm thời bởi những tổ chức, cá nhân, ngay cả hoàn toàn phi chính trị, để tạo dựng một guồng máy dân chủ cũng như tạo cho các đảng phái chính trị tiềm năng có thời gian và cơ hội chuẩn bị để tham gia ứng cử nhằm bảo đảm xã hội có một nền dân chủ thực tế, và nhằm tránh sự rủi ro của một loại dân chủ “giả hiệu” như một số nước đã trải vì 1 đảng phái chính trị tiếp nhận quyền lực cai trị đất nước từ đầu?
Với nhận thức này, càng ngày tôi càng thấy rõ hơn giá trị của những sự chuẩn bị cẩn thận và kỹ lưỡng của tự mỗi người dân, những người mà tự họ đánh giá là có tài năng và đạo đức, những sự chuẩn bị cần thiết của những tổ chức chính trị ở nước ngoài, và những sự chuẩn bị thật cho tìan của các nhóm trong nước có ý định xây dựng những tổ chức chính trị trong nước.
Và khi đó, tôi hiểu rõ là tại sao tôi lại buồn kéo dài đến gần 20 năm, và tới nay đã hơn 35 năm…
Buồn vì những tổ chức chính trị này rất thiếu chuẩn bị, rất thiếu trách nhiệm, nhưng luôn tự cho mình là có những sự chuẩn bị chu đáo, là vô cùng có trách nhiệm với xã hội, và nhất là luôn cho mình là những nhóm đại diện cho “lòng yêu nước”, được “dânt ộc giao phó”, được “tổ tiên ủng hộ”…
-----
Vậy đó, những nhận thức của tôi phát triển và thay đổi theo thời gian tôi học hỏi, tìm hiểu, suy gẫm, so sánh, đánh giá, và tự vấn mình từ khi mới 19 tuổi cho đến nay là như vậy.
Biết đâu, trong vài năm nữa tôi lại nhận thức thêm được những điều mới khác nữa để bổ sung hay thay đổi những gì tôi đang biết… vâng, biết đâu?
BLOG BÙI VĂN BỒNG
* TÔ VĂN TRƯỜNG
Trước thực trạng giao thông “hỗn loạn” tai nạn kinh khủng của đất nước, mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 12 nghìn người (tương đương với quân số 1 sư đoàn) gây nên thảm cảnh đau thương cho biết bao gia đình. Những người có trách nhiệm lại mới có “sáng kiến” đưa ra dự thảo để tham gia thi lấy bằng lái ô tô, xe máy, người dân cần phải vượt qua hàng chục tiêu chuẩn về sức khỏe, trong đó có tiêu chuẩn muốn cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy 50 phân khối trở lên (bằng lái A1,B1) thì bộ ngực phải đảm bảo có số đo không dưới 72 cm...
Vậy, tai nạn tại ‘bộ ngực’ chứ không phải ‘bộ chủ quản’ hay ‘bộ liên quan’!? Hóa ra, thơ Tố Hữu trong bài “Huế tháng Tám” lại vận vào đúng tháng Tám này:
" Ngực lép bốn nghìn năm
Trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên ..
Tim bỗng hóa mặt trời”
Những câu thơ hào sảng ấy phải chăng chỉ ra cho Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải hiện thời có “cơ sở” luận giải thì chính những bộ “ngực lép” đã có sức lay trời, chuyển đất làm nên những sự kỳ diệu cho đất nước. Mà ở đây, “ngực lép” cũng được hiểu theo đúng nghĩa đen, khi những người nông dân gày còm, ốm yếu vừa ôm ngực, vừa lao lên cướp súng giặc, diệt giặc cứu nước.
Ấy vậy, mà ngày nay một số hậu duệ của những người “ngực lép” năm xưa lại không muốn cho những người “ngực lép” thời nay sử dụng một trong những vật dụng khiêm tốn của thời hiện đại là chiếc xe máy! Thế mới nên chuyện. Ngực lép hay phồng là do thực thể của mỗi người, dòng giống và điều kiện sống nữa. Những tầng lớp người dân nghèo khổ làm sao có bộ ngực nở nang để được quyền đi xe máy?
Nhìn ra thế giới, người đẹp Hollywood Angelina Jolie đã hy sinh bộ ngực đẹp của mình để phòng chống bệnh ung thư, vậy mà cô nàng vẫn ung dung được phép lái xe ở ngay nước Mỹ và ở nhiều nước khác. Cô đã có biện pháp ‘dứt điểm’ để phòng thủ và hạn chế tối đa khả năng tai nạn ung thư cho bản thân mình bằng cách chọn phương án ‘ngực lép’.
Còn phương án ngăn cản người ‘ngực lép’ không được cầm lái liệu có tác dụng gì cho chúng ta giảm tai nạn giao thông ở nước ta hay không? Tai nạn giao thông xảy ra luôn luôn là tổng hợp rất nhiều các yếu tố không may xảy ra cùng một lúc, có các yếu tố bất ngờ và cả yếu tố phân tâm của lái xe, yếu tố do chất lượng cầu đường, ánh sáng, độ thông thoáng, tình trạng tâm lý, và có không ít chi phối bất ngờ do may rủi…
Tai nạn giao thông ở nước ta vào hàng cao nhất trên thế giới, nhưng đã có những giải pháp gì để giảm bớt tai nạn? Trong quy hoạch giao thông, điều đặt ra đầu tiên là làm sao giúp cho người cầm lái được thuận tiện nhất, có tầm nhìn rộng nhất, có diện tích lòng đường để xoay sở tối đa, đạt được sự tập trung cao nhất ở các điểm nút, tiếng Anh dùng cụm từ rất dễ hiểu là “user-friendly”. Còn nhìn cách của chúng ta thì rất sợ, vì hình như chúng ta không lấy an toàn của con người là trọng tâm của giao thông. Thấy rõ cách quy hoạch và thu xếp giao thông của chúng ta đang tiềm ẩn bao nhiêu hiểm hoạ, mà con người sử dụng giao thông dù có biết là nguy hiểm đó mà cũng khó tránh vì hạ tầng giao thông nó là như vậy rồi.
Ngành giao thông nước ta bỏ ra bao nhiêu tiền để xây đường, khi công bố lưu thông, là đạt tốc độ 100 km/giờ thế nhưng tốc độ tối đa lưu thông thực tế vẫn chỉ cho 40 hay 50 km/giờ.
Ngực to, ngực nhỏ quả là cách nghĩ khiên cưỡng của những người có trách nhiệm lập ra quy định. Phải xây dựng quy tắc, quy định và luật trên cơ sở an toàn và lợi ích của con người. Trong việc cấp giấy phép lái xe không hề có việc giáo dục người lái xe quy tắc ứng xử trong giao thông, mà chỉ là những quy định đi đường máy móc và “não trạng có vấn đề” như vấn đề ngực to, ngực lép.
Quy tắc ứng xử trong giao thông có việc phải giao lưu bằng mắt với những đối tác (các xe khác đang giao thông) để hiểu ý nhau để cùng nhau di chuyển an toàn. Quy tắc ứng xử cũng bao hàm việc phải có ý thức nhường nhịn nhau trên đường. Không phải cứ cầm lái là sẵn sàng vào trận 'tao phải, mày trái' mà là vì sự an toàn cho chính mình và cho những người khác. Rất hiếm khi thấy người cầm lái chạy chậm lại để cho người ta qua đường, hoặc cho xe khác rẽ phải, rẽ trái. Phổ biến là vọt lên như đe dọa khách bộ hành, và vọt lên để cắt cúp trong các lối rẽ, là hành vi 'ma lanh' chỉ vì mình, mà không hề có sự cân nhắc gì tới sự an toàn giao thông chung, trong đó có vấn đề an toàn cho chính họ.
Quy tắc ứng xử cũng phải có cả việc cấm tình trạng dùng còi để thể hiện 'ý chí' của người cầm lái. Việc dùng còi đã đến mức không thể nào chịu nổi, là đề tài cho khách du lịch tới ViệtNam tha hồ bình luận, là sự khác người 'ta chẳng giống ai' mà chưa có những biện pháp cơ bản để khắc phục. Gần đây, đã có những chiến dịch , những phong trào, huy động thanh niên tình nguyện giăng biểu ngữ 'xin' mọi người bớt còi, có cảnh sát phạt xe còi to trong thành phố, mang lại những tác động rất tốt. Nhưng phong trào đến rồi phong trào đi, sau một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Đáng lẽ việc dùng còi như thế nào cũng phải được cho vào thành một phần của việc cấp bằng lái.
Ô nhiễm tiếng ồn đã là một vấn đề được thế giới quan tâm, nhưng trong các quy tắc quy định và biện pháp thực thi của chúng ta không cho thấy chúng ta có giác ngộ vấn đề này. Ngay trong vấn đề đào tạo, huấn luyện để cấp phép cho người lái taxi cũng vô cùng khiếm khuyết, họ phải qua kỳ thi trả lời các câu hỏi về 'Mác Lê" (cho đúng phép áp dụng với cơ sở đào tạo), ít được giáo dục về ứng xử như là một người cung cấp dịch vụ. Vì họ học lý thuyết như vẹt nên những điều quan trọng trong điều lệ giao thông cũng thành trò cười 'biết chết liền" tức là họ chẳng cần biết, miễn sao có cái bằng lái để xin được việc là xong. Đáng lẽ ra, họ phải được giáo dục để thực sự là những 'đại sứ du lịch', vì hỏi có khách nào tới VN mà không dùng taxi?
Nếu nhìn vào bức tranh giao thông của VN thì còn nhiều bức xúc lắm, nhưng thật khó tin thấy có ai giàu trí tưởng tượng đến mức coi vấn đề ngực to, ngực lép lại là bức xúc hàng đầu được quy định luật pháp phải ưu tiên quan tâm!!!
Thế hóa ra:
“Năm xưa ngực lép đã phồng
Mà nay nghèo khó nên không thấy gì
Hóa ra đất nước thịnh suy
Cứ nhìn bộ ngực ắt thì biết ngay
Hóa ra tai nạn mỗi ngày
Chỉ do ngực lép làm tay lái quảng
Sinh ra quy định trái ngang
Cho anh bơm ngực giúp nàng lái xe”
He…He…!
TVT
---------------
(Bản gốc của tác giả gửi BVB)
BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ
Thứ ba, ngày 27 tháng tám năm 2013
Ngày bé tôi nghe các đàn anh kể những chuyện khốc liệt trong nhà tù. Những trận đòn, biện pháp hành hạ, tra tấn và khủng bố của các tù nhân với nhau. Thường là tù trách nhiệm ( một dạng tù chỉ huy do cán bộ trại giam chỉ định ) với các tù nhân khác, đôi khi là trực tiếp quản giáo tham gia cuộc đánh đập.
Và những thủ đoạn tra tấn muôn vàn màu sắc như trói treo phơi nắng hè, ngâm mình dưới ao mùa đông. Đòn đánh vào hai bên mạng mỡ hoặc hai bên hông thắt lưng để om thận, đòn úp bàn tay vỗ vào tai cho chấn thương âm màng nhĩ. Kiểu ngồi bó gối dẫn đến tê liệt chân....
Những câu chuyên đó không phải ở thời kỳ nhà tù thực dân, mà thời mà cách mạng đã thành công, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại vinh quang đời đời. Chuyện như thế xảy ra ở nhà tù Phong Quang, Quyết Tiến, Cổng Trời, Yên Hạ, Kế, Phú Sơn, Lam Sơn, Thanh Lâm, Thanh Cẩm, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Tân Lập, Thanh Xuân, Văn Hòa, Kim Chi, Thủy Nguyên....những nhà tù mà sau này tôi đã đến, đã ở , đã đi qua tùy trong hoàn cảnh khác nhau.
Định mệnh dường như gắn tôi với nhà tù từ nhỏ, 4 tuổi bám áo mẹ đi thăm bố, 13 tuổi cùng anh đi thăm bố, lớn đi thăm bạn bè, anh chị em. Rồi nhiều lúc chính mình lại ở tù cho người khác thăm. Bạn bè tôi tù nhiều lắm, bởi tôi sinh ra và lớn lên ở tận cùng của xã hội, chuyện nhà tù dính đến nhiều cũng là điều không có gì khó hiểu.
Thật kỳ lạ về trí nhớ của con người. Ký ức mà tôi nhớ được xa nhất lại là hình ảnh mẹ tôi làm bánh mỳ tẩm đường và dẫn tôi vào thăm bố ở nhà tù Hỏa Lò, lúc đó tôi mới tầm 4 tuổi. Chính vì ký ức này tôi còn nhớ được, nên khi con trai tôi mới 3 tuổi, tôi đã phải để ý kỹ sao cho cháu tránh được những điều không đáng thấy, hay không nên thấy. Năm con tôi 4 tuổi, tôi bị bắt vào tù vì điều 258. Ngày về con tôi nhảy lên bá cổ bố ngay từ cửa, cháu thốt rằng.
- Bố Hiếu đây , nhưng mùi không phải là mùi bố Hiếu.
Vâng, cái đó người tù gọi là mùi tù, mùi tù chỉ có người nào đi tù mới hiểu. Năm 2010 người đàn ông trí thức tôi gặp ở Berlinh tháo cặp kính trắng ra, lau mắt nghẹn ngào nói về mùi tù. Anh từng bị giam giữ 10 tháng tù ở Việt Nam vì những tư tưởng của mình. Ấn tượng về nhà tù còn đọng lại với cả những người đàn ông phong trần từng trải. Huống chi là đứa trẻ ngây thơ. Tôi vẫn kể cho con trai tôi nghe ở nhà tù bố được đối xử tốt, công an cũng tốt, họ nghi ngờ thì họ giữ bố để xem đúng bố phạm tội không, chẳng phải thì họ cho bố về. Cháu vui lắm, cháu kết luận rất hồn nhiên.
- Thế là công an bắt bố, thấy bố không có tội họ lại cho bố về với con. Công an làm thế cũng được.
Gần hai mươi năm trước đây, tôi từng chịu cảnh bị trói treo, đánh vào mạng mỡ, vào tai, bị cùm xích ròng rã 15 ngày, bị biệt giam...tôi mới nhận ra những điều mà các đàn anh đi trước kể cho tôi hồi nhỏ về những gì diễn ra trong nhà tù là sự thật.
Gần hai mươi năm sau, tôi bị bắt nhiều lần, ở gần như khắp mọi miền đất nước bởi những người an ninh. Lý do bắt thật bất công. Nhưng điều kiện bị giam giữ không có gì đáng phàn nàn, thái độ của người canh giữ cũng tốt.Nhưng thứ đó làm tôi cảm giác mọi thứ có một số điều đã tốt hơn.
Tuy nhiên đó chỉ là những thời gian ngắn ngủi, và những người canh giữ là không phải là quản giáo chuyên nghiệp và nơi giam giữ chưa hẳn là trại tù thực sự.
Hôm nay theo dõi câu chuyện về nữ tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh. Tôi đọc lời kể của người thân cô, nhìn tấm hình cô chụp trước đến nay.
Tấm hình trước kia không son phấn, nhưng toát lên vẻ trẻ khỏe, sung mãn đầy sức sống. Tấm hình sau dù Đỗ Thị Minh Hạnh gắng trang điểm thế nào, cũng chẳng dấu nổi vẻ tiều tụy, ôm đau, đôi mắt và nét mặt gắng bình thản nhưng người tinh tế vẫn nhận ra những gì khốc liệt mà cô đã chịu đựng trong nhà tù.
Thương lắm những người tù nữ. Mỗi lần đi gặp người thân, họ mượn nhau bộ quần áo tươm tất, xin nhau chút son phấn, họ trang điểm cho nhau trước lúc gặp gia đình. Với mong muốn gia đình nhìn thấy mình không đau khổ , không tiều tụy. Dù ở hoàn cảnh như vậy họ vẫn có dấu đi những gì sẽ khiến người thân đau lòng, vẫn muốn an ủi người thân bằng cách che đậy đi những gì mình phải chịu đựng.
Khi trước ở trong tù, được làm phục vụ cho đội trưởng đội quản giáo. Nhiều lần đi qua song sắt khu giam nữ. Tôi phải dừng lại nghe những tiếng van xin.
- Hiếu ơi, chị bị thu gương lược rồi, Hiếu lấy lại giúp chị đi.
- Tù rồi cần gì đẹp hả chị, ai ngắm đâu, lấy bị phát hiện thì em toi.
Tôi định dợm bước đi, người tù nữ vọng ra tha thiết.
- Em ơi, làm đẹp để chồng mình nó gặp, nó thấy mình không xấu, nó còn chờ, còn đi tiếp tế cho mình em ơi.
Người khác nói với theo.
- Làm đẹp chút, cho mẹ mình nhìn không xót em à.
Cái câu của người tù nữ nói với theo, khiến tôi không thể cầm lòng. Tôi rình lấy chìa khóa kho của quản giáo để lấy gương, lược và cả nhíp sắt nhổ lông mày cho các chị. Thậm chí thấy giấy bút tôi còn tiện tay khua nốt để khuyến mại cho các chị luôn.
Đằng sau những lớp phấn vụng về, nét son thô kệch là bao nhiêu nỗi đau muốn che dấu. Những chị em nào đọc được dòng này, nhìn cách trang điểm của Đỗ Thị Minh Hạnh, chắc hiểu được vì sao cô ấy trang điểm không được như xã hội, điều kiện nhà tù được như thế là một nỗ lực rất lớn. Và xót xa hơn nữa, chúng ta hiểu được vì sao cô ấy cố gắng điểm trang.
Hai mươi năm trước nữa là thời gian tù của những đàn anh kể cho tôi, rồi đến lượt tôi. Rồi hai mươi năm sau này nữa đến lượt Đỗ Thị Minh Hạnh. Cảnh trói treo, đánh mang tai, đánh mạng sườn ...vẫn còn diễn ra đằng sau những cánh cổng trại giam. Không tránh ai cả, từ tên tù ngỗ ngược xăm trổ đầy mình đến cô gái trong trắng vì niềm thương yêu đối với đất nước, niềm xót xa cho những thân phận người công nhân phải vào tù và chịu đựng cảnh hung tàn đó.
O ép từ miếng ăn, nước uống, điều kiện vệ sinh, khủng bố tinh thần, đánh đập dã man một cô gái đang chịu án tù vốn dĩ đã đầy oan ức.
Chả lẽ sự tàn bạo trong nhà tù Việt Nam vẫn muôn năm như vậy . Chả lẽ những người quản giáo trại giam, đảng viên ĐCS cũng muốn sự bạo tàn này được duy trì mãi mãi như ước mơ của họ qua khẩu hiệu ĐCSVN quang vinh muôn năm.? Nước CHXHCN Việt Nam muôn năm, chủ tịch HCM vĩ đại muôn năm.
Vậy để tôi cùng hô với các bạn.
Sự tàn bạo muôn năm.!
BLOG ĐÀO TUẤN
Dù rất cảm động trước sự cảm động của Bộ trưởng khi ông đọc những bức tâm thư lấm lem mồ hôi nước mắt của người trồng lúa. Nhưng nông dân chưa nhìn thấy “con gì cây gì”, chưa thấy lối thoát trong câu trả lời của ông, thưa Bộ trưởng Phát
Hồi đầu tháng 8, một nông dân ở Long An gửi một bức tâm thư tới Bộ trưởng Cao Đức Phát với một câu hỏi, cũng là nỗi khắc khoải của nông dân cả nước: Xin Bộ trưởng hãy chỉ cho dân trồng cây gì và nuôi con gì.
24 năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, người nông dân khốn khổ ở Long An chỉ học được một bài học là hạt lúa “chỉ giúp nhà nông không đói, chứ không làm họ hết nghèo”. Bởi ngay khi nông dân đạt thành tựu 8 tấn/ha thì trong khi những người chồng thất thần cân lúa, những người vợ, giờ đã là “chị ba tám tấn” ngồi ghi sổ mà nước mắt tràn trụa. Càng được mùa càng rẻ. Càng nhiều tấn càng lỗ. Càng cấy nhiều càng nghèo.
Nhưng câu hỏi của người nông dân thực ra hoàn toàn không phải là cây gì, con gì, bởi nó đang đề cập đến vấn đề lớn nhất của cả nền nông nghiệp mà cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã dùng hai chữ “khuyết tật”. Chính xác là một nền nông nghiệp khuyết tật khi “Sản xuất ra sản phẩm không biết bán cho ai, không biết thị trường của mình ở đâu”. Và một nền nông nghiệp khuyết tật đến nỗi “khối im lặng khổng lồ” bỏ ruộng ở khắp nơi như một lời tố khổ thầm lặng.
Bởi thế, câu trả lời của Bộ trưởng Phát trong chương trình dân hỏi nhà nước trả lời được sự chờ đợi của nông dân, của những người quan tâm đến số phận của họ.
Và đây là tất cả những gì Bộ trưởng có thể nói, với một giọng nói buồn thảm và không có lấy một nụ cười:
“Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng là do thời gian gần đây giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá đầu ra của nhiều loại nông sản xuống thấp”.
“Việt Nam vẫn duy trì quỹ đất lúa, tuy nhiên trên đất lúa bà con vẫn có thể chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bộ đang rà soát để quy hoạch lại cây trồng trên đất lúa, tùy theo tình hình của từng địa phương sẽ lựa chọn những cây trồng phù hợp”. Cây ngô chẳng hạn.
Và, theo một đề án nào đó, thu nhập của nông hộ sẽ “tăng gấp 2,5 lần”. Chỉ có điều, đó là điều xảy ra trong thì tương lai 2020, khi Bộ trưởng có lẽ đã về hưu, và thậm chí, lại rạch ròi chỉ ra những “khuyết tật” của nền nông nghiệp.
Thật buồn. Tư lệnh ngành nông nghiệp chỉ nhìn thấy sự mất cân đối đến khủng hoảng giữa đầu vào và đầu ra, điều mà bất cứ nông dân nào cũng nhìn thấy. Thế còn giá gạo “cuối bảng xếp hạng”? Thế còn lợi nhuận trung túi trùng trùng tầng lớp trung gian từ tư thương đến công thương? Thế còn con gì, cây gì, khi hạt ngô ở vương quốc Ngô Sơn La có những khi đỏ bầm màu máu.
Năm 2008, sau khi loạt điều tra của NTNN công bố con số chấn động “Một hạt thóc 40 khoản đóng góp”, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bãi bỏ hàng loạt khoản phí nhằm giảm gánh nặng cho người dân, trong đó có thủy lợi phí.
Năm 2013, số khoản phí, ngoài vô số các loại thuế, mà mỗi hạt thóc, củ khoai, con lợn, con gà phải gánh, là “từ 20-50” tùy từng địa phương, và trong đó có thủy lợi phí.
Liệu có ở đâu, có nền nông nghiệp nào mà một quả trứng, có khi phải chịu 3 lần phí kiểm dịch?!
Còn chuyển đổi vật nuôi cây trồng ư? Giải pháp đó nó cổ như những giai thoại từ cả chục năm nay xung quanh vẫn chỉ là chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì”.
Dù rất cảm động trước sự cảm động của Bộ trưởng khi ông đọc những bức tâm thư lấm lem mồ hôi nước mắt của người trồng lúa. Nhưng nông dân chưa nhìn thấy lối thoát, thậm chí, chưa nhìn thấy con gì cây gì trong câu trả lời của ông, thưa Bộ trưởng Phát.
BLOG NGUYỄN QUANG VINH
Báo chí mấy hôm nay đưa tin với thái độ phản ứng gay gắt lương của giám đốc công ty thoát nước đô thị tp Hồ Chí Minh( 2,6 tỉ đồng/ năm), lương của giám đốc công ty chiếu sáng công cộng tp Hồ Chí Minh ( 2,2 tỉ đồng/ năm) và nhiều mức lương khủng khác của các thành viên Hội đồng quản trị công ty Nhà nước này. Trong khi đó, công nhân lao động với cường độ làm việc cay cực, lương chỉ vài triệu bạc tháng. Đây như là điển hình cao độ về cái lũ quan lại " ngồi mát ăn bát vàng", bòn rút của công, đặc quyền đặc lợi...
Này chúng mày, ăn như vậy là ăn ngập miệng quá, ăn không thèm chùi mép, ăn không thèm giấu diếm, ăn trơ, ăn cướp, mà cướp công khai, ký nhận trong sổ đàng hoàng, cướp như thế gọi là cướp tởm.
Này chúng mày, chúng mày đã biến một công ty độc quyền của Nhà nước thành công ti đặc quyền chia chác của chúng mày, chia chác bằng tiền thuế của nhân dân, chia chác trên mồ hôi nước mắt của công nhân, chia như thế gọi là chia bẩn.
Này chúng mày, chúng mày ăn công khai mà như thế thì ăn vụng, ăn trộm, ăn bớt, ăn xén nó là bao nhiêu, chắc chắn là hơn nhiều nhỉ? Nhỉ?
Chỉ cần nhìn vào cách chia lương, cướp tiền ngân sách như vậy đã đủ yếu tố để khởi tố một vụ án tham nhũng, chứng cứ sờ sờ ra thế còn ở đâu nữa, sao tới giờ, phát hiện ra rồi, thành phố Hồ Chí Minh còn không đình chỉ công tác các chức danh, còn không chỉ đạo khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền Nhà nước?
Còn chờ gì nữa?
Chúng mày ăn tiền dân như thế, ngập miệng ngập mồm, lòi má trợn mắt như thế thì hiển nhiên là nhà nước rót tiền mãi có khắc phục được tình trạng ngập lụt đâu, khắc phục sao được, khi hàng chục cái miệng vểu ra hớp tiền dân hàng ngày, hàng tháng, hàng năm như vậy.
Hả?
-------------
TP Hồ Chí Minh vẫn cứ thế, mưa chưa dứt cơn là ngập lụt.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)