Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013
Nguyễn Đắc Kiên - Bài viết khiến nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị thôi việc
Nguyễn Đắc Kiên
Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Đắc Kiên - ...Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước...
*
Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức... Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”(*)
Bằng tất cả sự tôn trọng dành cho người đang đứng đầu một đảng chính trị của VN, tôi xin nói với ông Nguyễn Phú Trọng vài lời như sau:
Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.
Tiếp theo, xin đi vào nội dung, ông nói suy thoái về đạo đức. Tôi muốn hỏi ông, đạo đức của ông đang muốn nói là đạo đức nào? Đạo đức làm người? Đạo đức công dân? Đạo đức dân tộc VN?... Tôi tạm đoán là ông đang muốn nói đến đạo đức người cộng sản của các ông. Vậy, các ông cho rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta, khi chưa có chủ nghĩa cộng sản vô đạo đức hết à? Thế ra, những người không theo đảng cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à?
Tiếp theo, xin đi vào nội dung suy thoái chính trị, tư tưởng. Tôi muốn hỏi ông, chính trị, tư tưởng ông đang muốn nói là chính trị, tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng cộng sản? Vậy ra chỉ có đảng cộng sản của các ông là duy nhất đúng à? Cá nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế. Cùng lắm ông chỉ có thể nói với các đảng viên cộng sản như vậy, nhưng ngay cả với các đảng viên cộng sản, ông cũng không thể quy kết tội suy thoái cho họ. Nếu không tin, ông thử đọc lại Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đảng các ông ban hành xem. Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng... đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc là suy thoái. Ông đương kim Tổng bí thư ĐCS VN thử đọc lại và nghĩ lại chỗ này xem.
Bây giờ, tôi trân trọng tuyên bố những điều tôi muốn:
1. Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.
2. Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.
3. Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.
4. Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.
5. Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.
Nguyễn Đắc Kiên
Nhà báo, Báo Gia đình & Xã hội
Huỳnh Ngọc Chênh - Biết chưa, đám không lú?
Huỳnh Ngọc Chênh
Chúng mầy đòi đa đảng
là suy thoái đạo đức
Đòi tam quyền phân lập
là suy thoái đạo đức
Chúng mầy đòi bỏ điều bốn
là suy thoái đạo đức
Đến đòi tam quyền phân lập cũng là suy thoái chính trị, tư tưởng và đạo đức???
Chúng mầy đòi quân đội chỉ bảo vệ tổ quốc
là suy thoái đạo đức
Chúng mầy ưa kiến nghị
là suy thoái đạo đức
chúng mầy hay biểu tình
chống quân xâm lược
là suy thoái đạo đức
Chúng mầy suy thoái đạo đức
suy thoái chính trị
suy thoái tư tưởng
vì chúng mầy không chịu
nghe lời chúng tao
vì chúng mầy
có suy nghĩ khác chúng tao
Cả thế giới nầy đều suy thoái hết
Mấy trăm quốc gia
đều suy thoái hết
vì chúng mầy đa đảng
vì chúng mầy tam quyền phân lập
vì chúng mầy không có điều bốn
vì chúng mầy hay biểu tình
vì chúng mầy để cho dân kiến nghị
vì chúng mầy chỉ để quân đội bảo vệ tổ quốc
không cho quân đội bảo vệ bất cứ đảng nào
Tất cả mấy tỉ người chúng mầy đều suy thoái
Chỉ chúng tao,
vài triệu người là đỉnh cao trí tuệ
là chân lý đến muôn đời
vì đó là mác lê mao
biết chưa
đám không lú?
HNC
Nguồn: Blog Huỳnh Ngọc Chênh
Trọng Thành - Nam Phương chống kiểm duyệt : ''Biến cố chính trị lớn nhất'' từ 1989
Trọng Thành (RFI)
Đầu tháng 1/2013, xã hội Trung Quốc chấn động với sự kiện phóng viên báo Nam Phương Chu Mạt, nổi tiếng với xu hướng tự do, có trụ sở tại Quảng Đông, đã bãi công để phản đối việc chính quyền kiểm duyệt số báo ra đầu năm mới và yêu cầu trưởng ban tuyên huấn tỉnh phải từ chức. Hơn một tháng sau vụ việc này, RFI tiếp xúc với các nhà báo Trung Quốc ở nhiều nơi để ghi nhận thái độ.
Biểu tình ủng hộ các nhà báo của tuần báo Nam Phương ở Quảng Châu chống kiểm duyệt báo chí, ngày 9/1/2013. - REUTERS/Bobby Yip
Sau sự phản đối quyết liệt của tờ Nam Phương, cuối cùng ban tuyên huấn tỉnh phải chấp nhận cho đăng lại bài sau khi điều chỉnh lại chút ít. Thái độ kiên quyết của tòa soạn báo, được rất đông người ủng hộ qua mạng internet khiến một tuần sau chính quyền buộc phải nhượng bộ với lệnh chấm dứt việc tuyên huấn can thiệp sửa đổi bài viết trước khi công bố.
Hơn một tháng sau vụ tuần báo Nam Phương Chu Mạt công khai thách thức cơ quan kiểm duyệt báo chí Trung Quốc, RFI tiếp xúc với các nhà báo Trung Quốc ở nhiều nơi để ghi nhận thái độ của họ.
Ông Cheng Yi-zhong, tổng biên tập tạp chí Hồng Kông Isun Affairs, cho biết nhận định của ông về vụ việc này :
« Đây là một sự kiện rất quan trọng. Đây chính là biến cố chính trị lớn nhất kể từ năm 1949 – không kể sự biến Thiên An Môn, 04/06/1989. Đây là phong trào phản kháng lớn nhất chống lại chính quyền, kẻ bóp nghẹt tự do ngôn luận. Đông đảo các nhà báo đã tham gia phong trào này, không kể nhiều công dân khác cũng đến với phong trào. Đây là lần đầu tiên người Trung Quốc chống lại hệ thống kiểm duyệt một cách công khai. Đây cũng là một phương tiện... Có một sự căng thẳng lớn trong hệ thống chính trị độc đảng tại Trung Quốc và tôi cho rằng sự căng thẳng này sẽ kéo dài và sẽ nghiêm trọng hơn ».
Nhìn lại sự kiện này, ông Yan Lieshan (Yên Liệt Sơn), nguyên tổng biên tập tờ Nam Phương nhận xét :
« Đây là một sự bùng nổ những bất bình tích đọng từ quá lâu nay. Các biên tập viên đã không còn kiềm chế nữa, họ không thể nín nhịn, bởi vì lần này cơ quan tuyên huấn đã đi quá giới hạn. (…) Vụ việc bùng nổ vào ngày 03/01, lúc đó tôi đang ở Đài Loan, khi tôi trở về, nhiều công an mặc thường phục và cảnh sát vũ trang vẫn còn ở trước trụ sở tòa báo. Cho đến hôm nay, vẫn còn một số nhân viên thường phục và các mô tô công an đi lại tuần tra. »
Một tháng sau các cuộc biểu tình, sự có mặt của công an trước trụ sở tuần báo ở Quảng Đông cho thấy chính quyền tiếp tục theo dõi ngọn lửa phản kháng. Nhiều nhân vật nổi tiếng như nghệ sĩ Ngải Vị Vị, nữ diễn viên Annie Yi và cựu lãnh đạo Google Trung Quốc Li Kai-Fu, đã tham gia vào phong trào bảo vệ các nhà báo và bày tỏ thái độ chống lại kiểm duyệt. Nếu như báo chí Trung Quốc bị kiểm duyệt tại các địa phương, thì tại thủ đô Bắc Kinh hoạt động báo chí còn bị kiểm duyệt sít sao hơn.
Li Datong (Lý Đại Đồng), cựu lãnh đạo tờ Bing Dian Gu Shi (Băng Điểm Cố Sự), một tuần báo chuyên về lịch sử, bị chính quyền ra lệnh đóng cửa vào năm 2006, cho biết thêm :
« Tại Bắc Kinh, bạn liên tục bị Ban tuyên huấn kiểm soát. Thứ sáu hàng tuần bạn phải đến Ban tuyên huấn để họp. Gần như tất cả các báo đều phải đến để nghe những lời huấn thị và sau đó phổ biến lại trong nội bộ báo mình. Ở các tỉnh, thì không có sự bó buộc này, nhưng lại có những cái khác. Nếu như lãnh đạo cơ quan tuyên huấn là một kẻ đần độn, hắn ta sẽ làm hỏng một tờ báo với việc áp dụng kiểm duyệt trước xuất bản. Một tổng biên tập nói với tôi đã nhận được 31 chỉ thị của cơ quan tuyên huấn chỉ trong một ngày. Làm sao mà có thể làm báo được trong những điều kiện như vậy ?! ».
Kiểm duyệt trước xuất bản là điều khiến các phóng viên tuần báo Nam Phương nổi giận. Về mặt nguyên tắc kiểm duyệt trước là không được phép, nhưng thực tế thì phức tạp hơn. Ông Wu Si (Ngô Tư), tổng biên tập tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu (Niên sử các Triều đại) – có trang web bị đóng cửa vào đầu tháng 1/2013, sau khi đăng một bài viết kêu gọi chính quyền tôn trọng Hiến pháp và các quyền tự do căn bản -, đưa ra nhận xét về tình trạng kiểm duyệt tại Trung Quốc nói chung :
« Tại Trung Quốc, kiểm duyệt trước khi xuất bản về mặt chính thức không tồn tại, nhưng có một thứ mà người ta gọi là hệ thống ‘‘yêu cầu trước về các chủ đề lớn’’. Đây là một thủ tục kiểm duyệt ngầm trước khi xuất bản. Tất cả các chủ đề liên quan đến lịch sử của Đảng, của Quốc gia hay của quân đội thì cần phải xin ý kiến trước. Các quy định đòi hỏi báo chí phải thông báo cho cơ quan kiểm duyệt mỗi lần có những xuất bản về các chủ đề này. Với việc đó, chính quyền muốn nói là họ có đủ nhân sự có năng lực để đọc và xét duyệt, mà thực tế không phải là như vậy. Hàng năm, có đến 80% trong số hàng trăm đề tài mà chúng tôi đề nghị bị từ chối. Hơn nữa, phải đợi đến 2, 3 tháng sau, họ mới đưa ra quyết định không cho. Để áp dụng thực sự nguyên tắc này, thì phải đóng cửa tất cả các tờ báo. »
Theo nữ giáo sư Yu Shuo, giảng viên nhân học tại đại học Bách khoa Hồng Kông, vụ tuần báo Nam Phương là một thời điểm rất quan trọng, khi cơn giận bùng phát. Việc trong suốt cả năm, có đến 1.000 bài báo bị kiểm duyệt, cho thấy sự phẫn uất nén lại đã rất lớn.
Nhận định về sự kiện này, giám đốc của tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW tại Hồng Kông Nicholas Bequelin nhận định :
« Đây là một thời khắc quan trọng vì biến cố này đã tạo ra một tiền lệ. Kể từ Thiên An Môn 1989 đến nay, không hề có một phong trào như vậy. Hơn nữa, tuần báo Nam Phương đã đạt được đòi hỏi là kiểm duyệt phải giảm bớt ; đây là một thắng lợi. Tại Trung Quốc, ít có cuộc bãi công nào kết thúc với thắng lợi. Chúng ta không biết liệu quyền tự do báo chí sẽ chiến thắng không trong một thời gian dài nữa, nhưng báo chí viết, bị kiểm duyệt giới hạn ngặt nghèo, giờ đây có thể kêu gọi sự ủng hộ của công chúng qua mạng internet – mà chính quyền khó kiểm soát hơn - để khẳng định sự độc lập của mình và thúc đẩy cuộc đấu tranh vì quyền tự do báo chí tại Trung Quốc ».
Các nhà báo tờ Nam Phương Chu Mạt đã đạt được một thắng lợi đầu tiên và phơi bày ra trước công chúng các phương pháp kiểm duyệt truyền thông của chính quyền Trung Quốc. Ông Cheng Yi-zhong, tổng biên tập tạp chí Hồng Kông Isun Affairs, từng làm việc tại Nam Phương Chu Mạt, nhớ đến thời gian ông làm việc tại tuần báo, trước khi phải tỵ nạn sang Hồng Kông. Đối với ông, các biện pháp của cơ quan kiểm duyệt không chỉ dừng lại ở « lưỡi kéo ». Chính quyền sử dụng rất nhiều biện pháp, và cho đến tận Hồng Kông. Ông Cheng Yi-zhong tâm sự :
« Tôi từng biết một phó tổng biên tập, mà gia đình ở tại Hoa lục, thường xuyên bị các nhân viên an ninh quấy rầy. Họ thường xuyên gọi những người trong gia đình này đi uống trà... (…) Dưới áp lực, ông ấy phải trở lại Bắc Kinh. Tuy nhiên, đối với trường hợp tờ Nam Phương Chu Mạt, vụ việc đã được phổ biến rộng rãi trên truyền thông đến mức mà chính quyền phải chờ đợi thời cơ để đàn áp. Trả thù là một món ăn mà người ta dùng nguội ở đây, ở đất Trung Quốc này ».
Cuối cùng thì, sự bùng nổ của internet đã khiến cho hệ thống kiểm duyệt trở nên kỳ cục và bản chất của các phương tiện truyền thông cũng đã thay đổi ghê gớm kể từ những năm 1990, với sự xuất hiện các tờ báo tư nhân, trong đó có tờ Nam Phương.
Phóng sự của RFI kết thúc với nhận định của ông Li Datong :
« Nỗi thất vọng còn đó, đặc biệt ở các đồng nghiệp trẻ, nhưng báo chí vẫn là một nghề thú vị nhất tại Trung Quốc. Nếu ta so sánh nghề này với công việc của các viên chức nhỏ trong các cơ quan chính quyền, mòn mỏi trong các sự vụ hàng ngày, thì các phương tiện truyền thông cho phép nhận ra những gì mới mẻ ngày mỗi ngày. Cần phải kiên định… Đôi khi ta tiến lên được hai bước, còn đôi khi ta phải lùi một bước. Cần phải chấp nhận điều này.
Là một nhà báo già, khi tôi quay lại phía sau, sự thay đổi là đáng kể. Lúc tôi mới vào nghề, các phóng viên đã không có quyền nói ra sự thật. Chính quyền hiện nay ít để ý hơn… Cần phải kiên nhẫn. Trong 30 năm nữa, báo chí Trung Quốc sẽ có được các quyền như ở phương Tây. »
Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013
Ghé thăm các blogs: 26/02/2013
BLOG VĂN CÔNG HÙNG
TÂY NGUYÊN VÀ BÔ XÍT
Tôi vừa lang thang đi mấy huyện ở Tây Nguyên. Đi mới biết hình như nơi nào ở Tây Nguyên cũng có... bô xít. Làng mạc, rừng núi, sông suối, rừng vườn... đang trù phú xum xuê thế, đang hồn nhiên tươi trẻ thế, đang xanh tươi mướt mát thế, bỗng một hôm phát hiện rằng có bô xít ở dưới, thế là...
Bây giờ đi xuống các địa phương phía nam Tây Nguyên thi thoảng ta gặp người... nước ngoài. Nhưng đây không phải nước ngoài du lịch, cũng không phải Tây ba lô, mà trông họ... nhếch nhác lắm. Thì ra đấy là... công nhân bô xít... nhập ngoại. Cái chuyện bô xít này chưa biết ngã ngũ như thế nào nhưng thấy lòng dân có vẻ bất an lắm. Mấy năm phát triển, rừng ào ào trụi, giờ lại thêm bô xít. Cái nhỡn tiền là môi trường - không chỉ là môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái thông thường, mà nó là cả môi trường văn hóa, bị xâm hại, không chỉ bị xâm hại, có nhà văn hóa còn bảo, nó sẽ bị phá hủy. UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứ có phải chỉ riêng cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đâu. Có mấy nhà văn cũng đã có thư ngỏ gửi các cơ quan có trách nhiệm bày tỏ quan ngại về vấn đề này rồi...
Nghe nói dưới chân tôi đây cũng Bô Xít
Lại nhớ mới đây có một cái hội thảo khá lớn ở Đăk Nông rồi sau đó là ở Hà Nội về Bô xit. Chính quyền tỉnh và tập đoàn than khoáng sản Việt Nam thì muốn khai thác bô xit ở đây, nghe nói là vô cùng nhiều, nhiều như... đất, cứ bóc vỏ đất ra là thấy. Các nhà văn hóa, khoa học, có cả đại tướng Võ Nguyên Giáp và mấy vị tướng nữa, thì chỉ ra rằng, Bô xit có thật đấy, nhưng chả bõ bèn gì, bởi vì quặng Bô xit rất rẻ, có bóc hết đất Tây Nguyên cho nó trọc lếu trọc láo cả lên thì cũng chả đáng là bao nếu quy ra đô la. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thì kết luận: Không khai thác bô xít bằng mọi giá. Theo tính toán thì bao giờ Bô xit thành nhôm thì mới có giá trị. Mà từ Bô xit đến Nhôm là cả một giai đoạn rất dài và rất tốn kém, nghe nói có một nước nào đó ông nhà văn Nguyên Ngọc đã đi thăm, thì để phục vụ riêng một nhà máy luyện nhôm cỡ trung bình, nước này phải dành hẳn một nhà máy thủy điện cỡ Ia Ly để phục vụ nó. Mà đấy mới là điện, chứ để biến từ bô xit ra nhôm còn bao nhiêu thứ khác nữa. Thế nên nếu cứ quyết tâm làm bô xit thì văn hóa Tây Nguyên sẽ bị băm nát. Ông Nguyên Ngọc nói thế và nhiều người cũng biết thế. UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản nhưng thực ra là không gian văn hóa cồng chiêng chứ không chỉ mình cồng chiêng như một số người hiểu. Vậy nên vấn đề bô xit đang nóng ở Tây Nguyên. Đụng đến Bô xit là đã đụng đến cái món không gian văn hóa này rồi...
May thay là Bộ chính trị vừa có kết luận về vấn đề Bô Xít chứ không cứ như nghe cái nhà ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch HĐQT tập đoàn than khoáng sản Việt Nam trả lời Việt Nam net mà thấy hãi. Ông này nói rất lấy được, cái kiểu có làm mới biết lỗ lãi, mới biết có ảnh hưởng, có xâm hại gì không... thì quả là kiểu nói cả vú lấp miệng em, nói như kiểu duy ý chí một thời, rất vô trách nhiệm.
Tôi cho rằng, phàm là tài nguyên, là khoáng sản thì phải khai thác thôi. Nó là lộc giời, là ân sủng trời cho. Tuy thế nó không phải là vô tận, và nó cũng không phải là của làng để rồi ai cũng nhăm nhăm lao vào làm một phát cho nở mày nở mặt. Không thể khai thác nó bằng mọi giá. Đời mình chưa có điều kiện thì cứ để đấy, trồng cây, canh tác, làm du lịch (cắm cọc bảo: nơi này có Bô Xít đấy- cũng sẽ có khối người tò mò đến thăm)... rồi đời con, thậm chí đời cháu, chút, chít... có điều kiện, chúng sẽ khai thác một cách tinh tươm gọn ghẽ bằng những công nghệ hiện đại nhất, làm bô xít mà như đi du lịch, nước cứ trong vắt, đất cứ xanh rì cây lá... Bởi ngay cái kế hoạch khai thác bô xít bây giờ thì Trung ưong cũng đã nghiên cứu hàng mấy chục năm nay rồi cơ mà...
Bây giờ, rõ ràng lòng dân chưa thuận, mà trong Đảng cũng chưa đồng, còn nhiều vấn đề tế nhị mà chúng ta chưa lường hết được.
Thì đã làm sao nếu cứ tạm quên cái món bô xít đi. Cây công nghiệp, rừng, những thảo nguyên mênh mông rợn cỏ để chăn nuôi... vẫn phát triển như cũ. Tạm thôi, lòng dân là nước, nước ấy đang bình yên chảy như ngàn đời vẫn thế...
Bài này tôi viết theo đặt hàng của nhà thơ Nguyễn Trác, TBT Tạp chí Nhà Văn cho mục "Tiếng nói nhà văn" mà chả hiểu ông ấy có dám in không. Chả đâu như... nước ta. Cấm và không cấm cứ loạn lên. Hồi vụ Tây Nguyên, cấm báo chí đưa tin, sau đấy một thời gian lại yêu cầu ào ạt đưa. Vụ Hoàng Sa Trường Sa cũng vậy. Nhiều người đã bị rầy rà vì bày tỏ lòng yêu hai hòn đảo thân yêu của Tổ Quốc này. Bây giờ thì ngày nào cũng có HS TR trên báo, đến nỗi thấy phát thương cho ông tân chủ tịch HS không đất không dân ngày nào cũng phải trả lời phỏng vấn và tuyên bố sẽ bảo vệ HS đến cùng. Và Bô Xít. Tôi có bài "Bô xít, rừng và Tây Nguyên" in báo Văn Nghệ già tết dương lịch, sau đó vannghequandoi online đưa lên, được ba ngày phải bóc xuống vì hồi ấy có lệnh không được nhắc đến Bô xít, giống như một từ húy kỵ. Bi giờ thì các báo lại cũng tràn ngập Bô xít... (2009)
FACEBOOK MẸ NẤM GẤU
Hôm qua hàng loạt báo chạy tin về dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ.
Tuy không đề cập thẳng đến vấn đề an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế một cách trực tiếp, nhưng cách đưa tin rõ ràng là chỉ ra tính bất khả thi của dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
“Cảnh báo của các nhà khoa học về dự án Bôxít ở Tây Nguyên đang dần đúng. Dự án vẫn được thải bằng công nghệ rẻ tiền, nhiều rủi ro... Nếu làm đến cùng thì bôxít sẽ trở thành gánh nặng kinh tế!”.
- Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về việc thử nghiệm 2 dự án Bôxít Tân Rai và Nhân Cơ. Tiến sĩ Sơn kiến nghị lãnh đạo Vinacomin xin Chính phủ cho dừng ngay dự án Nhân Cơ, chờ khi nào Tân Rai có hiệu quả sẽ làm tiếp.
Sau chuyến khảo sát thực tế hai dự án trên ở Tây Nguyên, Tiến sĩ Sơn cho biết, đến nay dự án chẳng có gì mới so với những điều đã được cảnh báo từ 4 năm trước. Bùn đỏ - vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, vẫn được thải bằng công nghệ “ướt” rẻ tiền và nhiều rủi ro. (Theo Dân Trí)
Chợt nhớ 4 năm trước, trong rất nhiều buổi làm việc với Pa38 – phòng an ninh Chính trị nội bộ tỉnh Khánh Hòa và hai anh an ninh trẻ đến từ Bộ Công An, ngoài việc dò hỏi vì sao in câu “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” lên mặt trước của áo bên cạnh dòng chữ “Stop bauxite – No China” thì quan điểm mà họ luôn nhắc đi nhắc lại với tôi như thế này:
- Dự án khai thác bauxite là chủ trương lớn của đảng, nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao của rất nhiều người. Chỉ có những người thiếu thông tin mới phản đối nó. Em chỉ đọc thông tin trên mạng làm sao biết được hết tính toán của chính phủ. Em phải biết việc em phản đối như thế này là đi ngược lại với đường lối và chính sách của nhà nước”.
Tôi còn nhớ rất rõ, mình bị bắt vì tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích quốc gia”.
Năm 2011, trong các phiên họp của Quốc hội người ta lại nhắc đến dự án bauxite nhưng không đề cập đến các cảnh báo về an ninh quốc gia, lợi ích kinh tế mà chuyển sang việc vận chuyển quặng đã khai thác có thể gây hại cho cầu đường vì tải quá nặng.
(Theo Dân Trí)
4 năm sau, khi đã bỏ ngoài tai toàn bộ ý kiến và các lời cảnh báo từ các nhà khoa học, người ta lại nhắc đến dự án bauxite vì sợ “lỗ”.
Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những việc trên?
Câu trả lời như mọi lần sẽ là không có một ai hết.
Bởi không ai có thể túm đầu đảng để bắt đảng chịu trách nhiệm về chủ trương, đường lối của mình.
Cũng năm 2009, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nộp đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã ban hành quyết định số 167/2007/QĐ -TTg ngày 01/11/2007 "phê duyệt quy hoạch, phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015."
Theo một chuyên gia luật ẩn danh phân tích việc Tiến sĩ Vũ kiện Thủ tưởng thì thủ tướng không có trách nhiệm cá nhân trong vụ này.
"Trách nhiệm là từ phía chính phủ, và thủ tướng chỉ là người đại diện đứng ra thực hiện các chính sách của chính phủ."
Chính cách lập luận trên đã khiến cả dân tộc này phải lao đao khốn đốn sau nhiều lần chính phủ Việt Nam cải cách, và sửa sai sau khi đã ban hành hàng loạt quyết định bất hợp lý với toàn xã hội.
Ông Thủ tướng không chịu trách nhiệm, thì đương nhiên sẽ không có chuyện chính phủ chịu trách nhiệm.
Cá nhân tôi cho rằng với tuyên bố ‘khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng” của nhiều vị lãnh đạo Việt Nam thì việc phải chịu trách nhiệm trước toàn dân tộc về hậu quả của dự án này là trách nhiệm chung của toàn thể các đảng viên đảng Cộng Sản đã nhắm mắt làm ngơ với tuyên bố trên.
BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH
Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì? …” - Video phát biểu của cụ Tổng (phút 7’20″): Thời sự 19h – 25/02/2013 (VTV)
Nghe xong những lời vàng ngọc nầy, nhà văn Nguyễn Quang Lập nhã nhặn nói: Tự nhiên thấy nhạt miệng, muốn văng tục quá.
Nhưng may quá nhà văn đã không văng tục ra vì kịp thời nhớ lại bài thơ của Nguyễn Duy, bài Đánh thức tiềm lực
nhưng sau đó nhà văn vẫn cứ ấm ức:
Thơ Nguyễn Duy cũng không giúp mình đỡ nhạt miệng, vẫn muốn văng tục, tức thế chứ!
Còn Mit Tờ Đỗ nào đó thì xuất khẩu thành thơ ngay để khỏi văng tục:
Mít Tờ Đỗ
Vẻ mặt bác rất tỉnh bơ
Mà sao nói tựa nằm mơ ban ngày
Bác phát biểu rất hăng say
Lập trường, bản lĩnh dạn dày ôi thôi!
Em nghi bác lú thật rồi
Để em đưa bác ra nơi Biên Hòa
-------------
(Tức là Bệnh viện tâm thần Biên Hòa, QL1, Tân Phong, TP Biên Hòa, ĐỒNG NAI - Điện thoại: 031.3828269 ạ)
Còn Anh Gấu Phạm ở tận bên Mỹ thì nhớ lại chuyện cổ tích ông vua cởi truồng... cũng để khỏi văng tục: Anh Gau Pham
Nghe bác Trọng phát biểu về sự suy thoái đạo đức mình không thể không nghĩ đến truyện Hoàng đế cởi truồng. Những năm xưa lớn lên trong cảnh tăm tối vì thiếu thông tin mình coi các vị đó như Vua như Thánh, giờ đây nhờ có ánh sáng của ngày mới chiếu rọi thì mình mới nhận ra chân tướng của các vị và thấy các vị thật yếu đuối, chán nản làm sao, mình không thể hiểu được là đúng là các vị tin những điều các vị nói hay ở trong sâu thẳm các vị cũng biết là đang nói những điều không thật nhưng vẫn nói chỉ vì quyền lợi cá nhân, quyền lợi nhóm. Mình mong sao cho sớm tới ngày mà cuộc đời của mọi người đều được hả hết hơi chính trị, người ta không nói với nhau những lời giả dối với giọng đảng phái, giai cấp, lập trường, đạo đức, tồn vong, tiến lên mà chỉ nói những lời yêu thương nhau, làm sao cho tất cả đều được làm người bình thường.
Còn blogger Anh Chí thì chợt nhớ đến con mình: Anh Chí
Thằng con mình mới rụng mất cái răng cửa, hôm nay đọc tiếng Anh số 4 toàn thành 'phò' chứ không thành 'pho' như mấy bữa trước. Phò phò :)
Blogger Trương Duy Nhất:
Đảng và quốc hội đang vận động dân chúng tham gia góp ý sửa đổi hiến pháp với cam kết “không có vùng cấm, kể cả điều 4” thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại hắt một thau nước lạnh rất sỗ sàng và thách thức. ...
Phát biểu của ông Trọng đã ngay tức thời gây ra những luồng phản ứng dữ dội, gay gắt từ phía dân chúng và giới nhân sĩ trí thức. Chắc chắn trong những ngày tới, sự phản ứng này sẽ còn quyết liệt và gay gắt hơn. Một góc nhìn khác xin giới thiệu bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên (báo Gia Đình- Xã Hội)
Trên trang Ba Sàm cũng ghi lại một số ý kiến của một số nhà bình luận tên tuổi dưới đây:
– Nguyễn Đắc Kiên – Nhà báo, báo Gia Đình & Xã Hội: Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng (Ba Sàm). “Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách… Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam”.
- Blogger Osin bình luận trên FB: “Tôi cực lực phản đối những người phê phán nặng lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông gọi những người góp ý sửa hiến pháp theo hướng tam quyền phân lập, đa nguyên chính trị và phi chính trị hóa quân đội là suy thoái đạo đức. Điều này chỉ làm tổn hại uy tín của cá nhân Tổng bí thư (dân gian gọi là tự bắn vào chân mình). Ông Trọng không nói thì rất ít người tin nhận thức chính trị của một nguyên thủ trong thời đại ngày nay lại chỉ như tuyên huấn huyện ủy hồi thập niên 1980s. Theo tôi, chúng ta chỉ nên phê phán Tổng bí thư về hành vi tiết lộ bí mật quốc gia là được“.
- Blogger Người Buôn Gió bình luận trên FB: “Vệ Kính Vương mưu sâu kế hiểm bày ra trò trưng cầu dân ý học theo cách trăm hoa đua nở bên Tề. Xem ai góp ý thì mang ra xử. Đến Bạo Tể tướng nửa thế kỷ thao lược còn phải thất thế ôm đầu lo cho số phận gia đình nhà mình, huống chi là nhân sĩ trói gà không chặt, tay không tấc sắt“. – Blogger Đoan Trang: Trong khi nhân dân nô nức góp ý sửa đổi Hiến Pháp: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vác nước lạnh ra dội (Dân Luận). Nghị quyết TW 4 cũng chính ông nhóm lò rồi dội nước, bây giờ cụ lại tiếp tục dội nước. – Nóng…sau chương trình thời sự buổi tối trên facebook! (LTDA). – Nghe cụ Tổng nói, nhớ thơ Nguyễn Duy (Quê Choa).
- Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cái bẫy và tác dụng ngược (J.B. Nguyễn Hữu Vinh). “…để biết ai ‘muốn’ cái gì thì là rất khó, vì trong xã hội Việt Nam thời Cộng sản, việc nói dối, làm dối, báo cáo dối, xử sự dối… đã thành nét ‘văn hóa mới’. Càng như vậy thì đọc được ý muốn, ý nghĩ người khác đâu phải dễ dàng. Vì vậy mà Đảng mới giở trò ‘Góp ý mà không có vùng cấm’ này đây chăng? Tưởng rằng trò tương tự này đã được thể hiện trong các cuộc ‘lấy ý kiến nhân dân’ cho Dự thảo Báo cáo chính trị mỗi kỳ Đảng họp rồi cơ mà?”
- TS. NGUYỄN MINH TUẤN: “QUYỀN LẬP HIẾN LÀ CỦA DÂN” (ABC Radio Australia/ Nguyễn Minh Tuấn). – Nguyên thủ thực quyền, quốc gia thực lực (VNN). “Để người giữ vị trí nguyên thủ quốc gia không lạm quyền thì dự thảo cần phải bổ sung các điều khoản cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực, thiết lập Hội đồng bảo hiến (hoặc tòa án hiến pháp) độc lập và luật định cơ chế nhân dân giám sát hoạt động của Đảng”.
Thơ Nguyễn Duy
Tiềm lực còn ngủ yên
trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng
Tiềm lực còn ngủ yên
trong bộ óc mang khối u tự mãn
Tiềm lực còn ngủ yên
trong con mắt lờ đờ thủy tinh thể
Tiềm lực còn ngủ yên
trong lỗ tai viêm chai màng nhĩ
Tiềm lực còn ngủ yên
trong ống mũi khò khè không nhận biết mùi thơm
Tiềm lực còn ngủ yên
trong lớp da biếng lười cảm giác
Năng động lên nào
từ mỗi tế bào, từ mỗi giác quan
cố nhiên cần lưu ý tính năng động của cái lưỡi
Còn tôi đang thời gian đi giang hồ, né bớt cõi trần tục để bảo trì trí não nhưng nghe xong những lời vàng ngọc của người cũng muốn... Mà thôi, bần dân đang tập tành làm kẻ tu hành. Đéo chấp...ý quên, vô chấp.
BLOG HIỆU MINH
Rolex fake
Hồi tháng 7-2012, mình dự hội thảo IT ở Bangkok. Hết giờ, cả đám rủ nhau đi chợ mua đồng hồ. Thôi thì đủ loại đắt tiền, từ Patek Philippe, Louis Moinet đến Rolex. Loại xịn giá mấy chục ngàn đô tới hàng trăm ngàn đô ở London, nhưng ở đây chỉ bán 30-40$. Tây, ta mua túi bụi, ai cũng vui vẻ, dù đeo vài ngày thì kim rơi hoặc chết ngóm.
Thời mình đi học Ba Lan về, cánh lưu học sinh thường qua Moscow mua đồng hồ Poljot (Pôn-dốt), vì thuộc thơ của bác Việt Phương “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ”. Lão Tổng Cua cũng làm một cái mạ vàng, khá nhẹ, đeo dễ đến 10 năm ở Hà nội.
Vốn nông dân, ông già dạy, con ạ, nhà mình nghèo, cốt cái đạo đức làm đầu. Mẹ bảo “đói cho sạch, rách cho thơm”, không nên dối trá, chả nên người.
Đi du học về vẫn mang theo “sứ mệnh” của người xưa. Làm việc chăm chỉ, chả biết nói dối là gì, và trong tình yêu thích khoe “anh đây chân thật nhà quê”.
Ra trường dễ đến 5 năm vẫn chưa có ai. Được bạn bè giới thiệu cho một cô khá đẹp ở làng Liễu Giai (Hà Nội). Cũng đến tán, kéo cưa lừa xẻ. Khốn nỗi, người ta xinh nên vệ tinh cũng nhiều.
Lần đó mình đi theo cậu bạn đã có vợ, ra vẻ kinh nghiệm tình trường. Đến nhà nàng, vừa ngồi uống nước, tán tỉnh một lúc, bỗng xuất hiện cái xe cúp đỏ DD đỏ chói (xe máy của Nhật, nhãn DD).
Một chàng trai hào hoa phong nhã bước vào, quần là áo lượt, nước hoa thơm lừng. Con chó Nhật chạy ra vẫy đuôi mừng rối rít, trong khi mình đến thì nó sủa ngậu cả làng.
Cảnh đời đi tán gái đẹp thật trớ trêu. Mình đi xe đạp Liên Xô, đồng hồ Liên Xô. Đối phương đi xe Nhật, tay đeo đồng hồ Rolex sáng loáng. Cô chủ tiếp đãi ai nhiệt tình hơn thì cũng đoán ra.
Tay bạn nháy ra về. Dọc đường hắn bảo, mày có biết cái đồng hồ Rolex kia bao nhiêu không. Mình lắc đầu. Cỡ chục ngàn đô la đó. Trời, bằng căn hộ lắp ghép còn gì.
Mẹ kiếp. Hắn đi cái DD là căn hộ di động, đeo Rolex là căn hộ thứ hai. Thử hỏi cái nhà tập thể với 3 nhà khoa học nằm bàn ở làng Liễu Giai của cậu có giá trị gì. Biến đi cho nước nó trong.
Vài năm sau, người đẹp lên xe hoa. Kiểu gì thì Tư bản CN giả tạo vẫn thắng XHCN thật, dù thi sỹ Việt Phương vẫn nằng nặc “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”.
Chua chát trong lòng, mình tìm cách bán cái Poljot để thêm tiền mua Rolex. Ra cửa hàng, hỏi tay thợ đồng hồ ngõ nhỏ trên phố Tràng Thi. Cậu muốn đổi ngang cái Rolex không. Mình tưởng nghe nhầm. Nhưng tay thợ bảo, tớ nói thật mà.
Dễ đến 5 năm sau, gặp người xưa, vẫn thấy nàng vẫn đẹp, nhưng hơi buồn. Hỏi sao vậy. Số em sinh năm Sửu nên vất vả như trâu.
Trời, ông xã có DD và Rolex, mua được vài căn hộ lắp ghép chứ chẳng chơi. Không, DD là đi mượn, Rolex thì mù. Bây giờ em là người bread earner (kiếm cơm) cho cả nhà.
Poljot thật
Mình vội phóng xe ra bờ Hồ tìm tay thợ chữa đồng hồ để hỏi, Rolex mù là gì. Là không phản quang vào ban đêm, chỉ sáng một thời gian rồi tắt ngấm. Tớ định đổi Rolex ngang Poljot là vì đồng hồ Liên Xô có mạ vàng thật. Rolex chỉ có mỗi cái tên. Lão thợ hấp háy mắt.
Hôm nay nghe chuyện của tay Robert Kiyosaki giời đánh nào đó, mình than trời. Đồng hồ fake đã giúp bao nhiêu người đẹp lên xe hoa. Dù sau đó có nhận ra đồ rởm, nhưng liệu có ai thay được “dòng thời cuộc”.
Rolex rởm vẫn thường thắng trong những cuộc tình ngoạn mục so với những chàng trai Poljot thật thà.
Đi trên đường đời hôm nay, giữa những thật giả lẫn lộn, liệu bao nhiêu người trong chúng ta đủ tỉnh táo để nhận ra. Cái giá đôi khi là một cuộc tình đầy hối hận của chân dài, hoặc cao hơn là cả một quốc gia thất vọng vì một ánh hào quang ma quái giả tạo.
Nói gì thì nói, fakes Rolex vẫn sống trên thị trường Bangkok vì cái ánh sáng phát rực rỡ, dù đôi khi chỉ le lói được vài đêm. Cánh IT bạn mình lại hẹn hội thảo lần sau mua hẳn loại fake Patek cho sướng một đời trai.
HM. 22-02-2013
FACEBOOK HẢI LÝ
Khoảng giữa năm 2011, thế giới bắt đầu chứng kiến một hiện tượng lạ trong văn học. Bộ tiểu thuyết “50 Shades of Grey” (gồm ba quyển) của nữ văn sĩ Anh E. L. James đã leo lên hàng đầu của nhiều bảng xếp hạng sách danh tiếng với thành tích lẫy lừng: hơn 65 triệu cuốn được bán ra và gần 40 quốc gia đã mua bản quyền dịch thuật. Đó là chưa kể Hollywood cũng đang ngấp nghé dự định chuyển “50 Shades” sang thành phim. Hiện tượng lạ, vì bản chất của “50 Shades” chỉ là một bộ tiểu thuyết khiêu dâm, hay dâm thư. Chưa bao giờ một bộ dâm thư lại tạo nên thành công về mặt tài chính như thế.
Tuy “50 Shades” chịu không ít lời chê bai từ các nhà phê bình văn học, nó cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ phía độc giả. Nhưng dù đứng ở góc độ khen hay chê, tất cả đều đồng ý ở một điểm: “50 Shades” là một dâm thư. Còn việc nó hay hoặc dở thì tùy thuộc vào người đọc.
Nếu chỉ vậy thôi thì chẳng có gì phải bàn tiếp.
Chuyện đáng nói bắt đầu khi “50 Shades” được dịch ra tiếng Việt và phát hành ở Việt Nam qua tựa đề tiếng Việt “50 sắc thái.” Nó đáng nói vì hai nguyên nhân như sau:
1. Báo chí, truyền thông của nhà cầm quyền Việt Nam bao lâu nay vẫn ít nhiều một giọng điệu lên án lối sống và văn hóa đồi trụy của bọn “đế quốc, tư bản.” Một quyển dâm thư như “50 sắc thái” có thể được phát hành rộng rãi ở VN đã là chuyện lạ. Lạ hơn nữa là một bài quảng cáo “50 sắc thái” bỗng dưng xuất hiện chễm chệ trên báo Nhân Dân – cơ quan truyền thông, tiếng nói chính thức của Đảng CS Việt Nam. Sự xuất hiện này dấy lên câu hỏi: “Tự bao giờ, những trang sách quằn quại với trần truồng, với c*c và l*n, với bao cảnh làm tình được tường thuật cặn kẽ, với mọi trò chơi tình dục (lành mạnh hoặc bệnh hoạn) được mô tả không che đậy... không còn là sản phẩm đồi trụy trong mắt người Cộng Sản?“
Trước đồng chí báo Nhân Dân, báo Công An Nhân Dân cũng có một bài đầy ưu ái dành cho bộ tiểu thuyết “50 sắc thái” và đặc biệt là E. L. James.
Nhưng thôi, hãy đừng quá quan trọng nguyên nhân thứ nhất này. Hãy xem nó là một phần của chính trị. Mà trong chính trị, sự tráo trở – hôm qua tuyên bố thế này, hôm nay tuyên bố thế khác – là chuyện bình thường. Đừng nên quá xem trọng cái sự nhổ ra rồi liếm lại của các cơ quan truyền thông nhà nước.
2. Cách thức mà người ta tiếp thị và quảng cáo bộ tiểu thuyết này ở Việt Nam để lại cái ấn tượng là họ đang cố tình giảm nhẹ một sự thật rành rành “50 sắc thái” chỉ là một dâm thư. Hãy đọc những gì trang VnExpress đã viết “Tước bỏ vỏ bọc sex, câu chuyện tình yêu của Grey và Steele là một dạng tình cảm lãng mạn kiểu cổ điển, theo motif phảng phất đâu đó qua các tác phẩm văn học kinh điển của Anh - Mỹ, như: Jane Eyre (Charlotte Brontë), Đỉnh gió hú (Emily Brontë), Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell), Tess of the d'Urbervilles: A Pure Woman (Thomas Hardy)...” Không khó để mà nhận ra thông điệp của họ: “50 sắc thái” cũng có những giá trị nhân văn, nghệ thuật; cũng có thể sánh ngang với những tác phẩm văn học kinh điển đấy chứ!
Có thể nói rằng, trong hầu hết tất cả những bài điểm sách/bình sách uy tín ở nước ngoài thì không một bài nào dám đặt “50 sắc thái” bên cạnh các tác phẩm văn học khác một cách quái đản như vậy. Phần đông, họ chỉ so sánh sự tương đồng giữa “50 sắc thái” và bộ tiểu thuyết “Chạng vạng” mà thôi, và chính nữ văn sĩ E.L. James cũng thừa nhận cảm hứng của bà khi viết “50 sắc thái” là lấy từ “Chạng vạng.”
Nói “tình yêu của Grey và Steele là một dạng tình cảm lãng mạn kiểu cổ điển, theo motif phảng phất đâu đó qua các tác phẩm văn học kinh điển của Anh – Mỹ...” là một sự gượng ép, tròng tréo, mượn danh một cách rất trơ trẽn và tội nghiệp. Những tình yêu kiểu ấy nhan nhản đầy trên các kệ sách, nào chỉ giới hạn trong các tác phẩm kinh điển kia.
Thật sự mà nói, với người trưởng thành thì việc đọc dâm thư, cũng như xem hình Playboy hoặc phim ảnh người lớn – dù không nên khoe khoang – cũng không hẳn là điều gì khiến người ta phải quá xấu hổ. Ở nước ngoài, người ta thẳng thắn “Vâng, tôi đọc dâm thư. Và tôi thích/ghét nó vì...” chỉ đơn giản có vậy. Ở Việt Nam, dâm thư cần được khoác lên một giá trị gì đó cho nó trông... thanh cao hơn: chẳng hạn như nó cũng có thể sánh ngang với các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới, hay nó là cẩm nang giải phóng tình dục cho phụ nữ, hay là nó cho người đọc rất nhiều điều để suy ngẫm (về triết lý cuộc đời). Khoác lên cái giá trị ảo đó để người đọc yên tâm hơn, tự sướng với ý nghĩ “50 sắc thái” là một tác phẩm văn học rất đáng đọc.
Nghe đâu đấy phảng phất một cái mùi rất khó chịu: mùi đạo đức giả.
Để kết thúc, thiết nghĩ cũng nên nói rõ một điều. Tôi không có ác cảm gì với “50 sắc thái,” chỉ thấy khá buồn cười trước cách mà người ta chào đón và quảng cáo bộ dâm thư này ở Việt Nam.
Tham khảo:
Cơn sốt "50 sắc thái của màu xám" - http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandancuoituan/nhan-dan-cu-i-tu-n/qu-c-t/c-n-s-t-50-s-c-thai-c-a-mau-xam-1.357460
Nữ văn sĩ E.L.James: Nữ quyền quyến rũ http://antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=56455
Bài học về tình dục trong '50 sắc thái'
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/diem-sach/bai-hoc-ve-tinh-duc-trong-50-sac-thai-2422118.html
BLOG ĐÀO TUẤN
Ngày 21-9-2012, ngay sau tin đồn bị khởi tố, một cách ráo hoảnh, cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá, bấy giờ đương chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB- khẳng định hoàn toàn không có tin này. Là tờ báo đầu tiên đưa tin, Tiền Phong sau đó đã phải rút lại với một lời xin lỗi. Cựu Bộ trưởng sau đó “tiết lộ” bảo bối với các nhà báo: Tôi là “cha đẻ”’ của Luật Doanh nghiệp nên tôi có thể nói đấy là quy định tiến bộ nhất, là ‘đứa con’ sung sướng nhất cả cuộc đời làm việc. Trước năm 1989 khi Luật Doanh nghiệp chưa ra đời, người dân làm bất kỳ việc gì miễn là nhà nước cho phép, còn sau đó, thì được phép làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm”.
Đúng 1 tuần sau đó, cựu Bộ trưởng bị khởi tố với hành vi “Ký nghị quyết HĐQT cho phép Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải ủy thác rút 718 tỉ đồng của ACB mang đi gửi để hưởng lãi suất cho vay cao hơn lãi suất định hướng của Ngân hàng Nhà nước”.
Trước đó, sáng 23-8, sau tin đồn lãnh đạo ACB bị khởi tố, Ngân hàng này lập tức bác bỏ, đồng thời tổ chức khuyến mại rầm rộ. Nhưng ngay trong tối 23-8, TGĐ Lý Xuân Hải bị bắt tạm giam.
Và nói về chuyện tin đồn, không thể không nhắc đến vụ bầu Kiên.
Nói tin đồn, nhưng không phải là tin đồn là vì thế. Và giờ đây, sau mỗi lần “nạn nhân” của tin đồn lên tiếng “bác bỏ”, dư luận lại một lần nín thở chờ đợi trong căng thẳng một “ngày đen tối” của thị trường chứng khoán khi tin đồn được xác tín bằng một quyết định khởi tố, bắt tạm giam một đại gia nào đó.
Có hai điểm chung: Thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung “lãnh đủ” sau các tin đồn. Và quan trọng hơn: Các tin đồn rất nhanh chóng sau đó đều trở thành sự thật.
Sáng hôm qua 21-2, thị trường chứng một lần nữa lại khoán rúng động với tin đồn lãnh đạo BIDV bị bắt. Chỉ số HNX-Index giảm 5,3%, mức giảm kỷ lục trong 2 năm qua. Trong khi đó, chỉ số VN-Index cũng giảm mạnh nhất, kể từ sau vụ bắt giữ bầu Kiên hôm 20-8.
Không khí trên sàn chứng khoán được mô tả là “ầm ĩ hết cả lên” với cảnh “tranh nhau bán”, “ồ ạt tháo chạy”. Chỉ có một điểm bất thường là một nhóm nhỏ các nhà đầu tư tranh thủ “mua vét” 250 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 2.600 tỷ đồng.
Nạn nhân của tin đồn, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà sau đó đã nhanh chóng xuất hiện bác tin bị bắt. “Nhiều khả năng là có người tung tin để trục lợi từ đó, nhất là sau những diễn biến về bắt bầu Kiên và những lùm xùm liên quan đến một số lãnh đạo ngân hàng thời gian gần đây. Những kẻ tung tin đồn có thể kiếm được từ 500-700 tỷ đồng sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chính”- ông cáo buộc.
Không ngẫu nhiên, tin đồn này được tung ra khi mà thị trường đang hoang mang trước…tin đồn phá giá vnd.
Nhìn nhận các tin đồn xuất hiện trong 2 năm qua, cho thấy nó bao hàm cả 2 bộ mặt: Những tin bí mật được rỉ tai, sau đó thành sự thật. Và bộ mặt thứ hai là những tin vịt hoàn toàn, được tung ra nhằm trục lợi, hạ bệ, bôi nhọ. Nhưng bộ mặt nào thì tin đồn cũng là chỉ dấu cho thấy sự bất ổn của thị trường, hậu quả của sự bất minh và sự lung lay dữ dội của niềm tin.
Chìa khóa cho vấn đề tin đồn, vì thế, không phải là việc nạn nhân xuất hiện bác bỏ tin đồn, để rất nhanh sau đó tra tay vào còng, cũng không phải là việc “công an vào cuộc”, mà phải là sự công khai, minh bạch, và nhất quán trong các chính sách kinh tế vĩ mô. Bởi suy cho cùng, nạn nhân của tin đồn không phải là các “đại gia nạn nhân” mà chính là nhân dân, những người lúc nào cũng thấp tha thấp thỏm với mấy đồng tiền còi vì mù tịt thông tin.
BLOG ĐÀO TUẤN
“Bạn trai tôi cũng không kịp trở tay”- cô nói với PV Ifeng.
Đúng là một nữ ca sĩ “phan hồn nhiên”. Bạn trai cô, vâng, người xứ Hàn, dù có nhất đẳng huyền đai Teakwondo có lẽ cũng bó tay. Đến ngay cả những ngôi sao võ thuật Thành Long, Lý Liên Kiệt hay người hùng cơ bắp Sylveter Stallone hay Arnold Schwarzenegger sang Việt Nam lớ ngớ là bị giựt liền trên tay. Đơn giản, với cướp ở Việt Nam, những ngôi sao võ thuật hay người hùng cơ bắp chỉ là “khoai tây”. Vả lại, phố phường ở ta vốn hiểm, người Việt vốn dĩ ngày ngày phóng xe mạo hiểm đem mạng đùa giỡn tử thần khác gì trên phim Hollywood, mà đâu có cần đóng thế hay kỹ xảo.
Tất nhiên, chẳng phải đợi Chung Hân Đồng trở thành “nạn nhân nổi tiếng bất đắc dĩ”, người Việt mới nhận ra sự bất an rình rập cuộc sống hàng ngày. Chẳng phải là hồi cuối năm, hẳn một trung đoàn cảnh sát cơ động được tăng viện cho TP HCM đó sao?! Có lẽ, khi đọc những bản tin, đại loại “Cô gái đi xe SH bị cướp chặt đứt tay” nhan nhản và dày đặc trên báo chí, thì không phải chỉ là chuyện “đêm về gặp ác mộng”, Chung Hân Đồng còn… té ghế nếu cô đủ can đảm quay trở lại Việt Nam.
Quay trở ra “Thành phố vì hòa bình”. Năm 2009, nhân kỷ niệm 10 năm đạt danh hiệu này, Thị trưởng Thảo “Xin gửi tới bạn bè quốc tế thông điệp về một Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì Hòa bình, về con người Thăng Long-Hà Nội thanh lịch và tài hoa”.
Vâng, người Hà Nội vẫn thanh lịch. Nhưng chỉ là bởi họ đã quen với “văn hóa chửi”, ngay cả khi phải bỏ tiền ra mua miếng ăn vào mồm.
Không hiểu người Tràng An thanh lịch văn minh sẽ nghĩ sao khi đọc những bình luận của một phóng viên nước ngoài khi anh viết về món phở Hà Nội: “Bát phở ngon nhất nằm ở những hàng quán không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ, dòng người xếp hàng dài và môi trường tồi tàn nhất”.
Thô lỗ là gì? Là câu chuyện “bún mắng cháo chửi ốc lắm mồm”, nó truyền thống đến nỗi đôi khi chúng ta quên mất rằng đang phải chịu nhục vì miếng ăn. Trên Dân trí, một người Việt Nam, tất nhiên, TS XHH Trịnh Hòa Bình phàn nàn: Khi bàn, khi miêu tả về ấn tượng phở Hà Nội, phở Việt Nam người ta có thể bao gồm cả cái văn hóa chửi đó. Văn hóa ẩm thực, vẫn tính đến nó như một thành tố của sự dã man, mông muội. Và họ chấp nhận nó như một thứ gia vị.
TS Bình cho cho đây là “một thứ bán kèm”, thậm chí thành “một thứ văn hóa”, mà người ta đang phải chịu đựng nhau, biểu hiện của sự kém phát triển và văn minh ở mức dưới trung bình.
Năm 2010, một trang web chuyên về du lịch phong Hà Nội là một trong những “thủ đô ẩm thực” của thế giới. Thậm chí, Hà Nội “Điểm đến ẩm thực hấp dẫn thứ hai trên thế giới”, chỉ sau Barcelona của Tây Ban Nha, qua mặt cả Rome và Tokyo.
Chắc là biên tập viên trang web chưa từng thưởng thức “bún mắng cháo chửi” Hà Nội. Bởi bọn “khoai tây” sẽ không thể như người Tràng An thanh lịch, quen nổi thứ “gia vị chửi”, cay hơn ớt, đắng hơn bồ hòn.
T/S Alan Phan - Lincoln và bên thắng cuộc
T/S Alan Phan
Tết rồi, một người bạn Nhật Bản không về nước nên mời tôi xông đất theo tục lệ Việt; rồi ăn tối. Sau đó, cả 2 gia đình mở lên cuốn phim mới “Lincoln” để cùng ngồi coi. Cuốn phim bắt nguồn từ một cuốn sách khảo sát và tổng hợp các sự kiện lịch sử trong 4 tháng sau cùng của cuộc đời Tổng Thống Mỹ Lincoln (Tác giả: Doris Kearns Goodwin‘s ; tên sách, Team of Rivals: The Political Genius of Abraham Lincoln). Thời điểm là tháng giêng năm 1865, vào những ngày cuối của cuộc Nội Chiến Bắc Nam (Civil War); đã kéo dài 4 năm và đã tổn phí 600,000 sinh mạng của lính 2 bên.
Abraham Lincoln
Lãnh tụ của bên thắng cuộc
Lúc này, phần thắng coi như đã trong tầm tay của miền Bắc (đội Union). Miền Nam (đội Confederate) đang xin thương thuyết một cuộc đầu hàng với vài lá bài còn lại. Cho những ai chưa quen thuộc với cuộc Nội Chiến, nguyên nhân bắt đầu là sự xóa bỏ chế độ nô lệ trong xã hội Mỹ. Kinh tế miền Nam, chủ yếu là đồn điền nông trại, rất cần các nô lệ từ Phi Châu để điều hành. Sự giải phóng nô lệ (một loại tài sản) sẽ tạo mất mát và khủng hoảng kinh tế sâu rộng; trong khi miền Bắc không chịu ảnh hưởng kinh tế này nên chỉ muốn tiến tới một xã hội công bằng và nhân quyền của mọi người được tôn trọng hơn.
Lincoln vừa thắng cử nhiệm kỳ hai và được cử tri bình dân yêu chuộng nhờ tài hùng biện trên các diễn đàn và lối sống giản dị; trong khi các tầng lớp thượng lưu của giới chánh trị và tư bản không mặn mà với những tư duy tiến bộ mà họ cho là quá mạo hiểm cho quốc gia.
Câu chuyện quay quanh cố gắng của Lincoln lấy cho được sự chấp thuận của Hạ Viện (cần 2/3 số phiếu) để thông qua Tu Chính số 13 của Hiến Pháp Mỹ đặt “hệ thống sở hữu và điều hành nô lệ ngoài vòng pháp luật” trên mọi tiểu bang. Lý do là dù thắng trận, nếu nô lệ vẫn còn là “tài sản hợp pháp” của người dân và tùy thuộc vào luật lệ của tiểu bang, ý nghĩa sự thắng trận của phe miền Bắc coi như công cốc. Trong khi đó, vì chiến thắng đã cận kề và mọi người đã mỏi mệt qua 4 năm mất mát, nên dù đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, không ai muốn đụng chạm đến chuyện “nô lệ” này nữa.
Cuối cùng, Lincoln và những người nô lệ hân hoan mừng thắng cuộc, trên chiến trường và nghị trường, đem vấn đề nô lệ ra khỏi lịch sử Mỹ từ đó. Hai tháng sau, Lincoln bị ám sát chết và 143 năm sau, Obama trở thành Tổng Thống da mầu đầu tiên của Mỹ.
Cuốn phim dàn dựng rất công phu và chi tiết theo đúng lối hấp dẫn khán giả của đạo diễn Spielberg; nhưng ngoài việc đang được đề cử cho giải Oscar của phim hay nhất trong năm, phim còn là một bom tấn trên thị trường. Điều này hơi lạ vì không ai nghĩ là người dân Mỹ quan tâm đến một đề tài khô khan của lịch sử, nhất là những tranh luận và thủ thuật chánh trị trong quá khứ xa vời. Với tôi, ấn tượng nhất là cuốn sách và phim “Lincoln” đã giúp cho tôi 4 góc nhìn mới về các sự kiện 150 năm về trước trong bối cảnh của thực tại hiện nay.
1. 1. Đây mới gọi là nghiên cứu và khảo sát lịch sử
Rất nhiều tư tưởng hiện tại về quốc gia, về các nhân vật lịch sử và về hệ quả của các hành xử chính trị hay quân sự thường dựa trên những định kiến và những tài liệu xa xưa chứa nhiều huyền thoại và sai lầm. Ngay cả trong 100 năm trở lại đây, khi tiến bộ về khoa học và nhân văn đã phổ thông toàn cầu, phần lớn những trích dẫn về dữ kiện lịch sử của Việt Nam lại đến từ ghi chép của các sử gia nước ngoài. Các tài liệu tôi đã đọc về sử Việt cho thấy những bài viết rất hời hợt, chủ quan và mang tính cách tuyên truyền cho một trường phái nào đó trên quan điểm chánh trị hay xã hội (đây là kết luận có thể sai lầm của tôi vì chưa đọc nhiều và đủ từ các sử gia Việt?).
Ngay cả khi một giả thuyết nghi ngờ về thân thế của một nhân vật lịch sử quan trọng xuất hiện trên mạng, đề tài này được bàn tán sôi nổi vì bí mật bao quanh sự kiện. Một cuộc khảo sát DNA mất 5 phút có thể cho ta lời giải đáp chính xác. Nhưng không một sử gia nào được phép liên quan. Khi khoa học và minh bạch đi vắng, thì góc nhìn của mọi người nhất định phải bị méo mó và thui chột.
Cuốn sách của Goodwin chỉ phủ trùm 4 tháng của cuộc đời Lincoln và chỉ đặt trọng tâm vào sự kiện Tu Chính 13 của Hiến Pháp Mỹ. Nhưng những chi tiết trích dẫn cho thấy một công trình khoa học, khách quan và có thể dậy cho chúng ta phân biệt thế nào là “lịch sử” và thế nào là “tiểu thuyết”. Những cái hay, cái đẹp, cái thiện được phơi bày rõ ràng cùng với những cái dở, cái xấu, cái ác…của các nhân vật và môi trường sinh hoạt 148 năm trước. Ngay cả những rắc rối khó khăn trong gia đình Lincoln, nhất là vấn đề của vợ con, cũng được phơi bày tường tận.
Santayana nói là những ai quên quá khứ sẽ phải trả giá cho sự tái diễn. Liệu sự ngu dốt của chúng ta về “sự thật” không nhuốm mầu chánh trị trong các sự kiện lịch sử chỉ mới xẩy ra chưa đến 100 năm có thể là một gánh nặng văn hóa và tư duy cho nhiều thế hệ sau này của Việt Nam?
1. 2. Chính trị gia thời nào nơi nào cũng thế
Trong cuộc tranh giành từng lá phiếu để thông qua Tu Chính 13, Lincoln và phe nhóm ông ta đã phải dùng đến rất nhiều thủ thuật để có đủ 2/3 số phiếu. Họ đã phải hối lộ (không bằng phong bì mà bằng những ban phát phát chức vụ trong chánh quyền mới), phải thỏa hiệp với những tay thao túng lợi ích (power brokers), phải chia để trị, phải đe dọa, phải dỗ dành….Tóm lại, tất cả những sắp xếp sau hậu trường (horse-trading) không khác gì những gian dối mua bán quyền lực và lợi ích ngày nay trên các sân khấu chánh trị từ Âu Mỹ đến Phi Á.
Quyền lợi cá nhân của đa số chính trị gia luôn đặt trên các lợi ích quốc gia hay lý tưởng cộng đồng. Do đó, nếu không có một thể chế phân quyền và minh bạch, sự lạm dụng quyền lực sẽ luôn luôn đi quá đà và tạo nên những thao túng pháp luật vô cùng trắng trợn và táo bạo.
Sự khôn ngoan của các bậc trí thức khi tạo dựng hiến pháp Mỹ và các tuyên ngôn dân quyền đã đem sự ổn định chánh trị và xã hội của Mỹ trong suốt 250 năm qua.
1. 3. Tinh thần thượng tôn pháp luật
Lý do chính khiến Lincoln phải vội vã đưa ra biều quyết cho Tu Chính 13 khi chiến thắng của miền Bắc đã gần kề là sự giải thích pháp luật theo cái nhìn của một luật gia với mọi văn kiện pháp lý. Theo Lincoln, nếu hiến pháp không đặt chuyện “nô lệ” ra ngoài vòng pháp luật, thì luật vẫn cho nô lệ là một tài sản và thuộc quyền xử lý của tiểu bang. Tóm lại, dù thắng trận, chánh phủ liên bang cũng không có quyền đụng đến “tài sản của dân” và không thể áp buộc các chủ nô lệ phải “giải phóng” hay “ chịu sự tước đoạt” của bất cứ thẩm quyền nào.
Ở xứ Trung Quốc, khi quan điểm của ông Chủ Tịch Mao là “ người cầm súng đặt ra luật lệ” thì không ai thắc mắc về những văn kiện hay điều lệ tiềm ẩn có thể gây tranh cãi tại các tòa án. Chính vì vậy, Lincoln đã tốn bao nhiêu vốn chính trị, đêm không ngủ, thực thi kế sách…để Tu Chính 13 được Hạ Viện thông qua. Tinh thần thượng tôn pháp luật của một vị Tổng Thống quyền lực và vừa thắng trận 148 năm trước không biết có làm các lãnh tụ bé hon ngày nay phải xấu hổ vì sự ngạo mạn chà đạp lên mọi luật lệ và công lý của xã hội?
1. 4. Không trả thù bại quân và dân và không cướp giật tài sản
Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất trong cuốn sách là hai tuần trước khi miền Nam chính thức đầu hàng, Lincoln đã gặp tướng U. S. Grant, thống soái đạo quân miền Bắc cùng các tướng lãnh chỉ huy khác, và dặn dò đi lại nhiều lần là, "khi chiến tranh chấm dứt, hãy trả tự do mọi tù nhân chiến tranh (bại quân và bại dân) và giúp họ quay về nhà sớm để mưu sinh lo cho gia đình. Tuyệt đối không được đụng đến tài sản của dân (dù thua cuộc, tất cả bây giờ đều là công dân), không được trả thù và phải nghiêm trị mọi vi phạm pháp luật, nhất là của các quan cán chức hay binh sĩ của phe thắng trận”.
Ngoài ra, trong những đề nghị ngân sách các năm sau đó, các lãnh tụ kế tiếp của miền Bắc đã luôn dành ưu tiên cho việc tái thiết miền Nam để hàn gắn những đổ vỡ về vật chất cũng như tinh thần.
Tinh thần nhân hậu và cách đối xử văn minh của phe lãnh đạo miền Bắc đã tạo nên một tiền lệ lịch sử cho tinh thần xứ Mỹ: luôn luôn chăm lo cho phe thua cuộc hơn là băm xẻ những miếng mồi ngon bở cho phe nhóm mình. Sau trận thắng huy hoàng ở Thế Chiến 2, Mỹ đã bơm nhiều tỷ đô la thời đó vào chương trình Marshall để tái thiết Âu Châu và MacArthur đã giúp Nhật rất nhiều để xây một nền tảng pháp lý mới cho một nền kinh tế mới.
Nhân và quả của một chánh sách
Bản chất nhân hậu, lương thiện, tôn trọng luật pháp và đặt lợi ích quốc gia trên quyền lợi cá nhân đã biến Lincoln thành một vị Tổng Thống vĩ đại của nước Mỹ. Cùng với các thận cần như Tướng Grant, các Bộ Trưởng Seward, Stanton…họ đã thay đổi định mệnh của xứ Mỹ. Chỉ 25 năm sau, mọi thành kiến, thù hận về cuộc nội chiến đã được xóa bỏ trong lòng người dân Mỹ. Giữa hai bên, phe thắng cuộc và thua cuộc, những rào cản pháp lý hay xã hội không cón hiện diện. Atlanta vươn lên từ đống tro tàn và trở thành một trong những thành phố đáng yêu nhất của miền Nam.
40 năm sau đó, xứ Mỹ qua mặt đế chế Anh về kinh tế và trở thành một đế chế siêu cường chỉ 60 năm sau nội chiến tương tàn để thay thế cho đế chế Anh vừa tàn lụi.
Tôi nói với người bạn Nhật, "nếu chúng tôi có một lãnh tụ như Lincoln 150 năm trước, lịch sử Việt Nam sẽ thay đổi nhiều." Anh bạn cười, “Lúc đó, chúng tôi phải xếp hàng chờ qua Việt Nam để học hỏi các anh.”
Sao dân tộc Mỹ may mắn đến thế?
Alan Phan
T/S Alan Phan là tác giả của 9 cuốn sách về thị trường mới nổi, giảng viên thỉnh giảng tại các đại học Mỹ và Trung Quốc, và doanh nhân có 44 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc. Web site cá nhân của ông là www.gocnhinalan.com. Facebook: http://www.facebook.com/gocnhinalan?fref=ts
Nguyễn Hưng Quốc - Những vùng trắng trong lịch sử
Nguyễn Hưng Quốc
Nghĩa trang các liệt sĩ trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979 bên ngoài thủ đô Hà Nội.
Trong bài “Viết và viết lại lịch sử”, tôi nêu lên luận điểm chính: Từ năm 1954, ở miền Bắc, và từ năm 1975, trong cả nước, đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn giành độc quyền trong việc viết sử, cả lịch sử hiện đại lẫn lịch sử cổ đại và trung đại.
Cái gọi là độc quyền ấy bao gồm ba khía cạnh. Thứ nhất, độc quyền về quan điểm. Quan điểm này lại gồm hai nét chính: một, lịch sử, trước hết, là lịch sử của đấu tranh giai cấp; và hai, viết lịch sử cũng là một hành động đấu tranh giai cấp, nhằm phục vụ cho cuộc đấu tranh giai cấp mà họ đang theo đuổi. Thứ hai, độc quyền trong việc diễn dịch và giải thích lịch sử. Xin lưu ý là lịch sử (history) khác với biên niên (chronicle). Trong biên niên (một hình thức sử khá phổ biến ở Việt Nam ngày xưa), người ta chỉ ghi nhận và trình bày các sự kiện theo trình tự thời gian, cái này kế tiếp cái khác; mỗi sự kiện như một đơn vị biệt lập. Lịch sử thì khác. Lịch sử là một nỗ lực tìm hiểu và diễn dịch quá khứ bằng cách phát hiện ra quan hệ nhân quả giữa các sự kiện: Điều các sử gia thường làm là xem sự kiện này là nguyên nhân hoặc hậu quả của một sự kiện khác; hơn nữa, họ còn so sánh và xếp hạng các sự kiện và các nhân vật theo một hoặc những tiêu chí nhất định: người này là ái quốc, người kia là phản quốc; người này là anh hùng, người kia là hèn nhát, v.v.. Thứ ba, họ cũng độc quyền trong việc sử dụng tài liệu lịch sử: Với mỗi triều đại, mỗi chế độ, hoặc cụ thể hơn, với mỗi nhân vật, họ sẽ quyết định việc khen hay chê, và dựa trên việc khen hay chê đó, họ sẽ quyết định việc chọn lựa các tư liệu thích hợp cho việc mô tả và đánh giá.
Suốt bao nhiêu năm, đảng Cộng sản lúc nào cũng quyết liệt trong việc giành và giữ những sự độc quyền ấy. Do đó, cái lịch sử mà họ trình bày trước mắt mọi người và dạy cho mọi học sinh từ tiểu học đến trung học và đại học, có thể khác hẳn với những lịch sử do người khác viết (chủ yếu là trước đó hoặc ở ngoại quốc, những lúc và những nơi họ không kiểm soát được).
Tuy nhiên, theo dõi sinh hoạt chính trị Việt Nam trong những năm gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy có những vùng nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn bỏ trắng. Một trong những vùng trắng quan trọng nhất là những xung đột liên quan đến Trung Quốc từ năm 1975 đến nay. Mà những xung đột ấy lại nhiều và tàn khốc vô cùng.
Đáng kể nhất là cuộc xâm lược kéo dài 29 ngày (từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 16 tháng 3 năm 1979) của Trung Quốc vào các tỉnh thuộc biên giới phía Bắc của Việt Nam. Thời gian thì ngắn nhưng đó là một cuộc chiến tranh ở quy mô rất lớn. Trung Quốc huy động đến cả 9 quân đoàn với trên 300.000 lính, một ngàn chiếc xe tăng và một ngàn rưỡi khẩu pháo (1), tấn công vào 26 địa điểm; chưa tới một tuần lễ sau, chiếm 320 làng và thủ phủ của ba trong tổng số sáu tỉnh dọc theo biên giới (Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai). Sau một tháng, số người bị giết chết, về phía Trung Quốc, khoảng 25.000 người, và phía Việt Nam, khoảng 20.000 người (2). Các chuyên gia ước tính cứ trung bình một người chết thì có khoảng ba người bị thương tật; như vậy số người bị thương tật ở cả hai bên có thể lên đến cả trên 100.000. Đó là chưa kể các thiệt hại về vật chất: quân Trung Quốc đi đến đâu ở đó đều thành bình địa. Không có một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn cả.
Sau cuộc chiến tranh đầu năm 1979, Trung Quốc còn tấn công Việt Nam nhiều lần khác, với quy mô nhỏ hơn. Ví dụ, từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 6 tháng 7 năm 1980, Trung Quốc liên tục bắn pháo vào Cao Bằng; đầu tháng 5 năm 1981, Trung Quốc xua quân đánh chiếm một số cao điểm chiến lược thuộc hai tỉnh Lạng Sơn và Hà Giang; năm 1984, Trung Quốc lại tấn công huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn (tháng 4), sau đó, huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang (tháng 7); cuối năm 1986 và đầu năm 1987, Trung Quốc lại liên tục bắn pháo vào lãnh thổ Việt Nam. Quan trọng nhất, tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong lịch sử của bất cứ nước nào, chiến tranh bao giờ cũng là những sự kiện lớn; chiến tranh do ngoại xâm lại càng lớn. Lớn vì, thứ nhất, chúng tác động mạnh mẽ đến đời sống của mọi người; thứ hai, chúng ảnh hưởng sâu sắc đến các quan hệ đối ngoại; thứ ba, chúng để lại những vết thương không dễ hàn gắn trong tâm hồn của mỗi người, từ đó, để lại những ấn tượng khó phai nhạt trong ký ức của dân chúng, và những ký ức ấy, đến lượt chúng, lại góp phần hình thành nên bản sắc của cả một cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia xem các cuộc chiến tranh như những yếu tố quan trọng trong việc định nghĩa tính dân tộc (nationhood) của mình. Chiến tranh với một quốc gia láng giềng thường xuyên xâm lược mình lại càng có ý nghĩa lớn: Nó còn là một sự cảnh báo. Người ta cần phải nhớ không phải vì quá khứ mà còn vì tương lai. Một ký ức tập thể sẽ nuôi dưỡng một sự tưởng tượng tập thể. Với cả ký ức và tưởng tượng tập thể, mọi người sẽ thấy gần gũi với nhau hơn, đoàn kết với nhau hơn, do đó, sức mạnh của dân tộc sẽ được tăng cường. Với sức mạnh ấy, người ta mới có thể hy vọng đánh thắng các cuộc xâm lược kế tiếp.
Những phân tích trên, thật ra, hầu như ai cũng có thể hiểu. Nhà cầm quyền Việt Nam vốn trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, và trong các cuộc chiến tranh ấy, đã từng biết sử dụng ký ức và tưởng tượng tập thể như những nguồn sức mạnh chiến lược, lại càng hiểu rõ. Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp cũng như chống lại miền Nam và ngay cả trong cuộc chiến tranh đầu tiên chống lại Trung Quốc vào năm 1979, người ta đã biết viết lịch sử, hơn nữa, viết lại cả lịch sử trước kia, để, nói như Tố Hữu, “bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”.
Vậy mà, lạ, trong cả hơn chục năm vừa qua, cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979 hoàn toàn bị quên lãng. Trong lịch sử, không ai viết; trong văn học, không ai đề cập; trong truyền thông, không ai nhắc nhở; trong sinh hoạt, không một lễ tưởng niệm nào được tổ chức; thậm chí, di tích cũng không ai gìn giữ; không những vậy, còn bị phá hoại. Theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, bia đá kỷ niệm của Sư đoàn 337 chống “quân Trung Quốc xâm lược” bị đục bỏ chữ “Trung Quốc xâm lược”; bia ghi công Nguyễn Huệ đánh tan “giặc Tàu” bị đục bỏ để thay thế bằng một “tấm bia vô thưởng vô phạt” khác; bia mộ của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương hy sinh trong trận chống Trung Cộng xâm chiếm bãi đá Gạc Ma năm 1988 bị đục bỏ chữ “anh hùng” (3).
Rõ ràng là chính quyền Việt Nam muốn xoá trắng tất cả ký ức liên quan đến cuộc xâm lược tàn khốc và tàn bạo ấy.
Tại sao?
Xin nhường câu trả lời lại cho quý bạn đọc.
Ở đây, tôi chỉ xin lưu ý điều này: Ở những chỗ chính quyền xoá trắng ấy, rất nhiều người yêu nước, thiện chí và nhiệt tình, bằng những cách thức khác nhau, cố gắng góp nhặt và gìn giữ các ký ức về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979. Cứ đọc các trang mạng xã hội ở trong nước trong ngày 17 và 18/2 vừa qua thì đủ biết. (4)
Chỉ tiếc, những việc kỷ niệm, tưởng niệm và ghi chép lại lịch sử ấy lại bị cấm đoán (5), và những người yêu nước, nhiệt tình và thiện chí ấy lại thường bị phê phán là... bị xúi giục bởi các thế lực thù nghịch!
Tại sao?
Cũng lại xin nhường câu trả lời lại cho quý bạn đọc.
***
Chú thích:1. Trung Quốc cũng chuẩn bị sẵn sàng khoảng 1000 chiến đấu cơ nhưng họ không sử dụng không lực trong suốt cuộc chiến này.
2. Brantly Womack (2006), China and Vietnam, The Politics of Asymmetry, Cambridge University Press, tr. 200.
3. Theo bài “Có một điều gì đó rất Lã Bất Vi” của Huỳnh Ngọc Chênh.
4. Ví dụ, bài “Vòng hoa tang cho truyền thống quật cường, bất khuất chống ngoại xâm” của J.B. Nguyễn Hữu Vinh
5. Xem bài “Việt Nam cản trở các hoạt động tưởng niệm cuộc chiến Việt-Trung” của Trà Mi.
Bùi Tín - Nên dân chủ hóa trước Trung Quốc
Bùi Tín
Cờ của Đảng CS Trung Quốc tại Thượng Hải.
Tình hình chính trị tại Việt Nam và Trung Quốc đang có một điểm tương đồng. Ở cả 2 nước, thời gian gần đây đều có phong trào dẫn đầu bởi các trí thức yêu cầu đảng CS chấp thuận ý nguyện của nhân dân là chủ động cùng toàn dân chuyển hẳn từ hệ thống chính trị độc đảng sang hệ thống chính trị đa đảng.
Ở Trung Quốc từ năm 2008 đã có Hiến chương 08, được hơn 300 người ký đầu tiên, về sau lên đến hơn 8.000 người, do nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba đề xướng. Năm 2010 ông Lưu được tặng giải Nobel Hòa Bình. Mới đây một kiến nghị nữa do giáo sư Trương Thiên Phàn tại Đại Học Bắc Kinh soạn thảo được 72 trí thức ký tên đồng thuận, chỉ rõ đổi mới kinh tế đã chậm hẳn lại do không có đổi mới hệ thống chính trị đi theo. Bản kiến nghị còn yêu cầu đảng, nhà nước và nhân dân soạn thảo hiến pháp mới theo hướng dân chủ đa nguyên.
Gần đây nhà báo Hoa Kỳ gốc Trung Quốc Pei Minxin viết trên mạng Nhà Ngoại giao - The Diplomat - cho rằng ở Trung Quốc đang có 5 luồng đấu tranh đòi dân chủ, đó là các nhóm Thiên An Môn; nhóm trí thức trẻ trong Pháp Luân Công; các nhóm luật sư ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông; nhóm các nhà kinh doanh vừa và nhỏ bị chèn ép; và thế lực của một số đảng viên CS kỳ cựu có uy tín, kể cả một vài tướng lĩnh trẻ. Giáo sư Pei tin chắc rằng nền dân chủ đa đảng sẽ đến trong thời gian không xa. Ông tính rằng trong thế kỷ XX, một chế độ độc đoán sống lâu nhất là 73 năm ở Liên Xô (1917 - 1990), chế độ độc đoán ở Mexico thọ 71 năm, chế độ độc đoán ở Đài Loan cũng chỉ sống được 73 năm. Trung Quốc hiện ở năm độc đoán độc đảng thứ 64, do đó giáo sư Pei cho rằng Trung Quốc độc đảng chỉ có thể tồn tại trong vài năm, tình hình hiện tại đang báo trước cho sự kiện tất yếu ấy. Thời gian tới sẽ rất có thể có khủng hoảng tài chính sâu rộng, khủng hoảng môi trường nước và chất độc rộng lớn, cuộc cách mạng internet làm thanh niên trí thức nổi dậy kiểu Thiên An Môn, nông dân bất mãn bổ sung lực lượng cho cuộc đấu tranh… buộc đảng CS phải nhượng bộ, cải cách chính trị sâu rộng để tránh sụp đổ.
Việt Nam hiện ở vào năm độc đoán thứ 68; 2 năm nay cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tuy phát triển từ từ nhưng vững chắc. Nỗi sợ cường quyền giảm đi trông thấy. Lực lượng trẻ vào cuộc ngày càng đông đảo, chị em phụ nữ ta thật kiên gan, các em sinh viên, học sinh cũng thấy không thể sống như thế này khi nhìn ra nước ngoài để so sánh. Nông dân ta có truyền thống quật khởi, gắn bó với ruộng đất do cha ông mình khai phá. Cả tầng lớp trung lưu bị chèn ép, dồn vào thế bần cùng hóa, phá sản, quyết dành quyền kinh doanh bình đẳng.
Bất công xã hội sâu rộng đang rèn nên nỗi hờn căm kẻ bóc lột chiếm hết thành quả của phát triển, chỉ để lại cho nhân dân ít cơm thừa canh cặn.
Viên chức cấp trung gian và thấp không nuôi nổi gia đình. Anh em bộ đội và công an hiểu rõ thân phận mình chỉ còn là kẻ trông nhà cho nhà giàu bất lương mới, hiểu rõ nhiệm vụ của mình trước hết là bảo vệ nhân dân, bảo vệ đồng bào, bảo vệ những người yêu nước chống bành trướng và xâm lược, bảo vệ các chiến sỹ dân chủ đang chiến đấu hy sinh cho toàn xã hội.
Một vấn đề cấp bách và lý thú lúc này là đặt ra vấn đề ta nên chờ cho Trung Quốc chuyển sang thể chế dân chủ đa đảng với bản hiến pháp mới như các trí thức Trung Quốc đề nghị, hay việc ta ta cứ làm, nếu đạt trước họ thì càng hay.
Tôi nghĩ đây là một suy nghĩ có ý thức lành mạnh, cũng không viển vông, xa vời.
Việt Nam có nhiều lợi thế so với Trung Quốc. Không nhỏ cũng không quá to rộng. Gọn nhẹ dễ xoay sở vận động, không mênh mông nặng nề như Trung Quốc. Trung Quốc còn đèo bòng chịu gánh nặng an ninh nội bộ rất căng từ 4 phía: Mãn Châu, Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng, luôn phải đề phòng nổi dậy quy mô lớn.
Ta đi trước Trung Quốc trong xây dựng nền dân chủ đa nguyên là lập tức gia nhập vào hệ thống các nước dân chủ thế giới, là thắt chặt ngay liên minh toàn diện với các nước dân chủ lớn, từ gần đến xa như: Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ, Canada. Riêng chuyện này đã cho ta một thế và lực khác hẳn. Đây chính là thế Phù Đổng. Tiếp đó , trong ASEAN quan hệ Việt Nam với Indonesia, Philippines, Malaysia, và Thái Lan sẽ thay đổi về chất vì VN không còn là nước thuần túy Cộng sản.
Trước con mắt bành trướng Bắc Kinh, Việt Nam sẽ được trọng nể khác hẳn trước, tuy rằng họ rất cay, vì Việt Nam dám đi trước Trung Quốc trên con đường dân chủ thật sự, tiến bộ hơn họ một bước dài.
Lúc ấy phong trào dân chủ Trung Quốc sẽ coi Việt Nam như một tấm gương, một căn cứ hữu nghị hỗ trợ cho phong trào dân chủ trong nước.
Lúc ấy Trung Quốc sẽ nổi bật là nước Cộng sản gần như duy nhất còn sót lại, một cái đuôi Cộng sản đồ sộ, cồng kềnh, khó coi và hiếm hoi trên trái đất. Nhân dân Trung Quốc sẽ đòi hỏi chặt bỏ sớm cái đuôi tủi hổ ấy vì nó đang làm ô nhiễm trái đất đã sang thế kỷ XXI.
Bên Trung Quốc nguyên thủ Tướng Ôn Gia Bảo từng tỏ ý mong mỏi Trung Quốc sẽ thực hiện bầu cử dân chủ rộng rãi vào khoảng 5 năm nữa, trước năm 2020. Hiện đang mở rộng bầu cử dân chủ ở làng xã, thí điểm ở quận huyện, có tự do ứng cử. Nhưng xem ra Tổng Bí thư mới Tập Cận Bình không mặn mà lắm. Hiện có 8 đảng tham gia Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Hoa đều do đảng CS lập ra làm đồ trang sức. Các trí thức Trung Quốc yêu cầu cải tổ tận gốc các đảng ấy để thật sự là những đảng độc lập tự chủ, bình đẳng tranh đua với đảng CS.
Khả năng Việt Nam đi trước Trung Quốc trên con đường dân chủ hóa có nhiều thuận lợi cũng như những khó khăn. Chỉ cần nhân dân ta tỏ rõ ý nguyện. Để xây dựng dân chủ đa nguyên đa đảng cần vận động xây dựng một đảng mới, có thể do một nhóm đảng viên CS cùng một số người ngoài đảng CS đứng ra vận động, dựa theo quyền tự do lập hội được Hiến pháp bảo vệ. Đảng CS coi đó là đảng anh em trong cộng đồng dân tộc, cùng hợp tác, cùng ganh đua đấu tranh, theo luật định, không được dùng bạo lực, vu cáo, kỳ thị chủng tộc với nhau. Sinh hoạt chính trị trong xã hội sẽ sôi nổi, lý thú, phong phú.
Việc làm này sẽ có lợi cho toàn dân, cho xã hội, nạn lãng phí tham ô sẽ bị đẩy lùi rõ, đảng CS sẽ giữ mình trong sạch, kết quả phát triển được xã hội chung hưởng. Một sự kiện trong tầm tay.
Minh Diện - Quả báo
Minh Diện
NQL: Mình tin đây là chuyện có thật về một ông tướng công an nào đó. Mình cũng biết vài ba chuyện tương tự, những ông quan vừa tham vừa ác tất nhiên sẽ bị quả báo ở hậu vận.
Lân về hưu để lại một câu nói nổi tiếng: “ Bụp đi!”
Bụp đi có nghĩa là bắt đi, bắt nóng!
Bất kỳ vụ án nào, đối tượng nào được phân công phụ trách, thì câu đầu tiên Lân nói với lính là “Bụp đi!” (bắt ngay, bắt nóng!). Quan điểm của Lân, bắt nóng là phương pháp đánh án nhanh, gọn, hiệu quả nhất. Cứ bắt là có tội. Không tội lòi tội! Quy được tội là có thành tích (!?).
Không chứng cứ lòi chứng cứ! Ông dạy lính bài học nhớ đời: “Phàm là doanh nhân, cha nào cũng có tội. Người ta nói đằng sau sự giàu sang luôn ẩn dấu tội ác! Muốn moi được của thì phải bụp. Giỏi là tạo ra được cái cớ bụp hợp lý”.
Gần bốn chục năm trước, Lân trong đoàn quân tiếp quản Sài Gòn, ve áo gắn quân hàm thượng sỹ. Cũng như bao người lính xuất thân từ miền quê nghèo miền Bắc, vào Sài Gòn, Lân choáng ngợp trước thành phố lộng lẫy, xa hoa, lớ ngớ như chim chích lạc rừng, chỉ muốn được trở về quê hương sau những năm tháng vào sống ra chết.
Nhưng Lân không ra quân mà được chọn đi học khóa sĩ quan công an khẩn cấp bổ sung cho thành phố Sài Gòn mới giải phóng. Hết khóa học ấy, Lân được đi phép 10 ngày. Trong thời gian ngắn ngủi, Lân cưới vợ người cùng làng, cô gái xinh xắn, kém mình một tuổi, ngày xưa học sau mình một lớp.
Lân để vợ ở nhà chăm sóc cha mẹ, vào Sài gòn nhận công tác, làm phó công an một phường, nơi có ngành tiểu thủ công nghiệp và giàu có nhất nhì một quận. Đó là thời kỳ cải tạo công thương nghiệp miền Nam, nói gọn là đánh tư sản. Lân lao vào cơn lốc soáy bụi bặm ấy, trái tim người lính bị nhuộm đen từ đó.
Một hôm vô tình, Lân ghé vào nhà một người trong khu phố, làm nghề kinh doanh vàng bạc, mới bị kiểm kê mấy hôm trước. Nhìn gương mặt nhợt nhạt thất thần của vợ chồng chủ nhà, Lân định hỏi bệnh gì? Nhưng mới chỉ nói mấy câu “hình như ông bà” thì người vợ chủ nhà đã chắp tay vái Lân, thừa nhận khi kiểm kê còn dấu giếm hơn chục lượng vàng Kim Thành. Rồi không đợi Lân nói gì, bà móc cạp quần lấy ba lượng vàng ra, dúi vào tay Lân.
Đó là lần đầu tiên Lân nhận tiền hối lộ, cũng từ đó Lân rút ra bài học nghề nghiệp: tâm lý hốt hoảng khiến đối tượng chưa khảo đã khai!
Từ một anh lính lớ ngớ ngày nào, Lân hòa nhập vào cuộc sống đô thị rất nhanh. Lân thuộc đường ngang ngõ tắt thành phố, biết mánh ăn chơi của bọn bụi đời, ma cô, giang hồ, đĩ điếm. Đặc biệt Lân nắm lý lịch từng người trong phường từ bà bán sạp hàng tạp hóa nhỏ đến ông chủ một xưởng dệt, từ cô gái điếm tới ông giáo sư.
Lân để mắt tới đâu, ở đó có đối tượng. Con mắt Lân mỗi ngày một nhọn sắc như kim, soi mói vào tận gan ruột người dân. Con mắt sắc bao nhiêu, trái tim chai tình người bấy nhiêu! Và tiền chảy vào túi Lân từ mọi ngả, dễ dàng như nước chảy chỗ trũng.
Chỉ một lần đi “thăm” vài hợp tác xã dệt, nhuộm, hoặc ghé vào mấy quán cà phê đèn mờ, là túi Lân đã nặng phong bao. Lân không ăn nhậu xả láng như những “anh hai”, mà kín đáo, bên ngoài vẫn tỏ ra giản dị, khiêm tốn, chí công vô tư. Nhờ khôn ngoan như vậy, lại biết đút lót đúng cửa, Lân được đề bạt rất nhanh .
Lân đưa vợ vào, được cấp căn nhà tám chục mét vuông, một trệt một lầu. Gia đình có hai vợ chồng một đứa con, vậy là rộng rãi chán. Nhưng lòng tham không có điểm dừng. Cách nhà Lân có ngôi biệt thự sang trọng. Gia đình ấy con là lính không quân chế độ cũ, bố mẹ làm nghề kinh doanh tơ sợi, dù đã được cải tạo nhưng vẫn luôn nớp không yên. Lân nhòm ngó ngôi biệt thự như cú nhòm nhà bệnh, nghĩ cách chiếm bằng được.
Nghĩ sao làm vậy, Lân tạo ra mọi cớ kiểm tra hết ngày lại đêm, ép cặp vợ chồng già, cô con dâu cùng ba đứa cháu đến nghẹt thở. Cái tội có con, có chồng là lính Plot di tản thì tày đình còn gì?
Vào một đêm cuối năm 1979, cả gia đình 6 người trong ngôi biệt thự ấy liều mình vượt biên. Ba hôm sau, 6 cái xác già trẻ được vớt lên cùng hơn hai trăm cái xác ở ngã ba sông Cát Lái.
Lấy danh nghĩa bảo quản nhà vắng chủ, Lân dọn sang ở ngôi biệt thự, rồi chiếm luôn. Thanh tra cơ quan rồi chính quyền phường, quận làm tới làm lui, nhưng như viên sỏi ném xuống ao bèo tấm, đâu lại vào đó. Thay đổi duy nhất là Lân không làm trưởng công an phường nữa mà lên quận, làm trưởng bộ phận điều tra tội phạm kinh tế. Chả khác gì chuột chui kho gạo, Lân phất lên như diều gặp gió. Chẳng bao lâu, Lân lên thành phố rồi lên bộ.
Khuôn mặt Lân mỗi ngày một bự ra, vuông vức, hồng hào, cặp mắt gườm gườm dữ dằn nham hiểm. Người ta nói tướng tại tâm, không sai chút nào. Cái ác từ trong tâm hiện lên từ khuôn mặt đến giọng nói và cả dáng đi đứng của Lân. Ông nghênh ngang khệnh khạng, dửng dưng trước nỗi khổ đau của đồng loại. Lân mỗi ngày một lấn sâu vào cái ác, lấy cái ác tạo nên uy quyền, từ uy quyền tạo ra của cải. Người Lân càng đẫy đà, mặt mũi càng phương phi láng bóng thì tình người càng tóp teo, nhợt nhạt. Con người ông chứa đầy mưu mô thủ đoạn hại người để làm tiền.
Một lần họp đồng hương đầu năm, Luân chìa bàn tay múp míp cho tôi, nhếch mép cười, hỏi trịch thượng:
- Sao không tới chỗ tôi?
- Để làm gỉ anh?
Lân kéo tôi ra một góc, nói nhỏ:
- Tôi muốn ông hợp đồng tác chiến, trị những thằng rắn mặt? Tôi cung cấp tài liệu, ông tương lên báo, tạo sức ép dư luận, hai mũi giáp công bóp lòi ruột nó ra!
- Ác quá?
- Ở đời làm gì có cái thiện? Cái thiện chỉ là một điều mơ ước viển vông, một bến bờ không bao giờ đi tới!
- Nhưng cũng không nên để cái ác ngự trị tuyệt đối ông ạ!
- Ông sĩ bỏ mẹ! Tôi muốn tạo điều kiện cho đồng hương vừa nổi tiếng vừa có miếng! Ông biết tay nhà báo HL không ?
Tôi chẳng lạ gì HL và cách làm ăn của anh ta. Tôi làm báo, nhưng cũng là một nhà doanh nghiệp, không hợp tác với Lân như HL được.
Gần hai mươi năm qua nhanh, tôi không gặp Lân, thỉnh vẫn nghe bạn bè đồng hương kể chuyện về Lân, nói Lân giàu lắm, ba bốn ngôi nhà, tiền bạc như nước, ăn chơi như quý tộc, có những bộ gậy Golf hàng chục ngàn đô la…
Buổi chiều cuối năm vừa rồi, tôi đang ngồi một mình bên ly cà phê đen cạnh công viên Bàu Cát thì tình cờ gặp lại Lân.
Lân mặc quần lửng qua đầu gối, áo thun, đi dép lê , nhìn bệ rạc như ông bán vé số. Khuôn mặt Lân chảy xệ, miệng hơi méo, mắt thâm quầng, da nhợt nhạt, mái tóc lởm chởm, bước xiêu vẹo.
- Ô kìa anh!
Lân nhận ra tôi, vồ vập bắt tay, bàn tay Lận khô và lạnh, không múp míp nóng hổi như ngày nào.
- Sao thay đổi nhều thế này! Tôi hỏi.
Lận nói hơi bị ngọng:
- Năm ngoái bị tai biến hút chết ông anh ạ!
Chúng tôi ngồi bên nhau nói chuyện. Lân run run cầm chiếc thìa quấy ly cà phê. Hai mí mắt chảy xệ , ánh mắt mệt mỏi vô hồn. Những náo động của một thời tuổi trẻ, những háo hức đua chen, những mưu toan tham vọng, cả những thủ đoạn nghề nghiệp, trước kia ngùn ngụt như lửa trên mặt Lân, giờ đã tắt ,để lại sự nham nhở, méo mó như một chiếc mâm thau đồng nát.
Lân cho biết đã ly dị người vợ cùng quê sau khi có ba thằng con trai, lấy người vợ thứ hai có một đứa con gái, nhưng hiện tại sống ly thân.
Một ông già bán vé số đi tới, Lân ngừng nói chuyện, lấy mấy tờ vé số ra so, chả trúng tờ nào. Lân sé vứt xuống gầm bàn, sau đó cẩn thận lựa mua năm tờ khác. Ô hay, sao thế này? Ba bốn căn nhà, tiền như nước mà mới về hưu chưa được 5 năm, giờ tìm may rủi từng tờ vé số? Bị tai biến đâm ra lẩn thẩn mất rồi chăng? Tôi tự hỏi và nhìn Lân, cố hình dung ra một khuôn mặt của quá khứ.
Cạn ly cà phê, Lân hỏi tôi:
- Nhờ đồng hương giúp tôi một việc được không?
- Việc gì? Không phải chuyện hợp đồng tác chiến chứ?
- Quên chuyện ấy đi!
Tôi theo Lân tới ngôi nhà ở đường Trương Định, cách quán cà phê chỉ vài trăm mét. Lân để ngôi biệt thự chiếm được cho người vợ đầu cùng ba đứa con, chuyển về đây với người vợ thứ hai.
Ngôi nhà phố hai tầng, bình thường, nhìn có vẻ xơ xác.
Tôi chưa kịp quan sát căn phòng phách bày biện lộn xộn thì chạm ngay phải ánh mắt dữ tợn của hai gã đàn ông đứng bên bộ salon. Một người khoảng gần bốn chục tuổi, một người trẻ hơn, khuôn mặt giống nhau như đúc, cả hai đều gân guốc.
Người lớn tuổi đầu trọc, mặc quần Jean đen, áo thun màu cà phê, cổ đeo sợi dây Inox có chiếc răng hổ nhọn hoắt. Người nhỏ tuổi tóc nhuộm nửa đỏ nửa vàng, tai đeo khuyên, lỗ mũi đeo vòng, mặc quần bò áo sơ mi. Trên ngực hai người đều xăm hình trái tim có mũi tên xuyên qua như hình xăm của những tên cướp biển.
Lân nói với tôi:
- Hai ông con tôi đấy!
Tôi mỉm cười làm quen với hai người đàn ông Lân giới thiệu là con, nhưng lạnh người vì ánh mắt hằn học của họ.
Người lớn tuổi hỏi tôi, dằn từng tiếng:
- Ông là ai, tới đây làm gì?
Tôi đáp:
- Tôi là đồng hương với ông Lân, tình cờ ghé thăm thôi!
Ông Lân nói thêm:
- Ông ấy là nhà báo nổi tiếng đấy!
Người lớn tuổi nhe răng cười gằn:
- Hết đưa đồng nghiệp về dọa, lại đưa nhà báo về dọa! He he ! Một trăm nhà báo thằng này cũng đéo sợ!
Thì ra ông Lân kéo tôi về nhà dọa hai đứa con? Gần hết cuộc đời ông ấy vẫn lợi dụng người khác!
Ông Lân nói với tôi:
- Anh xem con cái mất dạy thế đấy!
Thằng con lớn cướp lời bố:
- Nói sai rồi, không mất dạy mà thực hiện đúng lời dạy của ông đấy. Đã thế nói cho nhà báo biết luôn! Ông ta bỏ vợ già lấy vợ trẻ, rồi lại ly thân, theo bồ nhí. Không bị tai biến thì bây giờ đang hú hí với bồ nhí!
- Câm miệng đi!
Ông Lân thét lên, lảo đảo ngồi xuống chiếc ghế salon. Ông cầm ly nước lạnh uống ực rồi nói với tôi:
- Chúng nó lao vào con đường ăn chơi, nghiện ngập, cờ bạc phá hết mấy ngôi nhà của tôi, giờ ngày nào cũng nã tiền có khổ tôi không? Tôi làm gì có tiền ?
Hai đứa con trai ông Lân tiến lại trước mặt ông. Một chân chúng đặt lên bàn Salon, một chân dưới đất. Hai khuôn mặt nổi gân, rắn đanh, bốn con mắt gườm gườm dữ dằn soi mói. Đây chính là gương mặt, ánh mắt của Lân trong dĩ vãng, nó hiển hiện như tấm gương soi vào quá khứ.
Thằng con lớn trợn mắt hỏi bố:
- Có chịu chi 40 mươi chai sài tết không?
Ông Lân ú ớ:
- Tao lấy đâu ra 40 triệu?
Thằng anh liền ra lệnh cho thằng em:
- Bụp đi!
Tôi giật thót người. Hai tiếng “Bụp đi” Lân thường ra lệnh cho thuộc hạ đánh án, giờ con Lân dùng để tống tiền ông. Một kịch bản đời thường được lặp lại và hình như tàn nhẩn hơn nhiều.
- Phập !
Thằng con thứ hai từ đầu lặng im, gườm gườm nhìn bố, giờ rút con dao găm nhọn hoắt cắm phập xuống mặt bàn Salon .
Ánh mắt nó long lanh, thỏa mãn khi ông Lân bước trệu trạo đến tủ, run rẩy mở khóa.
Hai thằng con ôm tiền bỏ đi.
Lân nói với tôi:
- Chỉ còn mỗi ngôi nhà này, phài bán chia cho mẹ con bà vợ sau! Hết nhẵn rồi ông ạ!
Tôi muốn nói với Lân, một thiên đường xây bằng những thứ không phải của mình, nó tan đi nhanh là phải. Nhưng tôi im lặng, bởi nhìn ông đã khổ sở lắm rồi!
M.D
Theo blog BVB, đầu đề của QC
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)