Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013
Ghé thăm các blogs: 31/01/2013
BLOG NHƯ CÂY TRE VIỆT NAM
Nhà văn Hoàng Tiến, sinh năm 1933 tại Hà Nội, sau một thời gian lâm bệnh do tai biến mạch não và suy thận, đã qua đời tại nhà riêng lúc 00:50 ngày 28 tháng Một năm 2013. Gia đình kể lại Nhà văn Hoàng Tiến đã ra đi rất chủ động và thanh thản, đúng tinh thần Phật tử.
Tang lễ Nhà văn Hoàng Tiến sẽ cử hành tại nhà tang lễ bệnh viện 354, phố Đốc Ngữ - Hà Nội, 13:00-15:00, ngày 01/02/2013. Theo di nguyện, thi hài sẽ được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ Văn Điển và tro hài sẽ táng tại nghĩa trang Yên Kỳ.
Bạn bè ông kể lại, Hoàng Tiến nhà văn chính thống đã biến thành một người bất đồng chính kiến công khai là vì ông Hoàng Tiến thương bạn, uất ức vì thấy bạn ông (ông Hà Sỹ Phu) bị bỏ tù một cách oan nghiệt vào đầu những năm 1990.
Giới bất đồng chính kiến, hoạt động dân chủ cách đây khoảng 10 năm, 20 năm, dù già hay trẻ, Bắc hay Nam, đều không thể quên sự chu đáo, nhiệt tình của ông Hoàng Tiến. Gần như bất cứ một “sự cố” nào xảy đến với anh em, đều thấy xuất hiện sự chia sẻ, ủng hộ của “Hoàng Tiến, Nhà văn, Địa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420 Thanh Xuân Bắc - Hà Nội.” – những thông tin bất biến ở dưới tất cả những bài viết của ông Hoàng Tiến mỗi khi ông gióng tiếng phản đối những hành động phi pháp, phi nghĩa của chính quyền.
Còn thân nhân những người trẻ tuổi bị bắt vì tiếng nói phản kháng chế độ vào đầu những năm 2000 tại Hà Nội chắc chắn cũng không bao giờ quên được hình ảnh một ông già gầy nhỏ với chiếc xe máy Chaly xộc xệch, thỉnh thoảng lại lọc cọc một mình hay đi với vài cụ khác, tới nhà thăm hỏi, chia sẻ, động viên trong cái không khí xã hội gần như còn kín bưng – cái thời điện thoại di động cũng hiếm gần bằng Chaly bây giờ.
Tưởng nhớ ông Hoàng Tiến - một nhà văn, một người bất đồng chính kiến, và hơn hết, một người tín nghĩa với bạn, khảng khái với cường quyền – Như Cây Tre Việt Nam trân trọng đăng lại nguyên văn bài tường thuật đặc sắc về đám tang Tướng Trần Độ do ông Hoàng Tiến viết cách đây gần 11 năm:
Tiếng vỗ tay trong một đám tang
Đám tang ai mà có chuyện lạ vậy? Xin thưa, đó là đám tang tướng quân nhà văn Trần Độ tổ chức ngày 14-8-2002 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông.
Trung tướng Trần Độ là một vị lão thành cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước cũng như trong tổ chức quân đội, những năm cuối Đảng, bị chính quyền coi là phần tử nguy hiểm, và công an gây nhiều phiền hà.
Cho nên đám tang ông khiến mọi người rất quan tâm. Nghĩa tử là nghĩa tận. Người ta chú ý xem lãnh đạo cư xử với đám tang ông ra sao?
Trần Độ (Tạ Ngọc Phách) 1923-2002
Ông mất từ hôm mồng 9-8, việc đưa tin trên báo và tivi rất chậm. Mãi đến ngày 13-8 báo chí mới loan tin, và tối ngày 13-8 cô phát thanh viên trên tivi mới đọc tin tang lễ. Cô vẫn mặc áo màu hoa đẹp hàng ngày, không mặc áo tang đen. Đưa tin sát ngày như thế, thì người các tỉnh xa, trong đó có nhiều đồng đội, đồng nghiệp, và những người ái mộ ông không thể về kịp, vì ngày mai 14 đã lễ tang rồi.
Ngày 14, từ 8 giờ sáng bắt đầu lễ viếng. Tuy nhiên những người yêu quý ông Độ ở Hà Nội và những tỉnh sát Hà Nội đã về kịp. Họ đi cá nhân, hoặc thành nhóm. Không thấy những viên chức cao cấp đương nhiệm, hoặc các cơ quan đoàn thể đến viếng. Hình như có chỉ thị của Ban Bí Thư (có người nói của Bộ Chính Trị) gửi các cơ quan đoàn thể về tang lễ này, hạn chế sự tham gia.
Các vòng hoa đề chữ Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ bị ách lại từ ngoài cổng. Phải bỏ chữ Vô cùng thương tiếc và quân hàm trung tướng đi. Thắc mắc thì anh em nhà tang lễ giải thích: “Chúng cháu chỉ biết làm theo lệnh ở trên”(!)
Vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp đề hàng chữ: "Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp" cũng bị ách lại, đưa vào phòng đợi ngoài cổng, và đề nghị sửa (có anh em chuyên môn sửa ngay). Nghĩa là phải bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc, và các quân hàm trung tướng, đại tướng, chỉ còn là ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ. Thư ký của đại tướng là ông Huyên, phản đối. Chuyện đôi co lằng nhằng, hai bên đều phải xin ý kiến cấp trên của mình. Mỗi bên đều xuống thang một chút. Cuối cùng vòng hoa còn là: "Thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Có lẽ (đó) là vòng hoa duy nhất được giữ gần như nguyên vẹn lời viếng. Nhưng khi Ban Tang Lễ gọi loa đọc tên người viếng thì lại gọi là: "Vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ".
Những người đứng đợi trong sân nhà tang lễ, nghe thấy thế, đều xì xào bàn tán. Ông Kim Sơn, một lão thành cách mạng, tham gia từ hồi quân giải phóng, không chịu nổi đã tiến lên cự nự Ban Tang Lễ. Quân hàm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là do Bác Hồ phong. Ai dám tự ý tước bỏ? Sao các anh làm ăn bậy bạ thế? Vòng hoa vẫn đề chữ đại tướng, mà các anh đọc sai đi là nghĩa sao?
Thì quân hàm trung tướng của ông Trần Độ cũng thế, muốn tước bỏ phải có quyết định của quốc hội hoặc chủ tịch nước. Báo chí vẫn đăng là trung tướng, mà tang lễ lại bỏ đi. Thật chẳng ra làm sao! Rõ là trống đánh xuôi kèn thổi ngược!
Lại nói đến vòng hoa của thượng tướng Lê Ngọc Hiền đề là đồng chí Trần Độ, cũng bị bỏ đi chữ đồng chí. Chắc sự chỉ đạo ở trên cho rằng, ông Trần Độ đã bị khai trừ khỏi Đảng thì không còn gọi là đồng chí nữa. Nhưng họ đã lầm, theo điều lệnh của quân đội, thì từ binh nhì đến tướng lĩnh đều xưng hô với nhau là đồng chí. Ông Lê Ngọc Hiền mặc quân phục, đeo quân hàm thượng tướng trang nghiêm, đến viếng ông Trần Độ, mà cũng chỉ được giới thiệu trên loa là ông Lê Ngọc Hiền đến viếng ông Trần Độ.
Trung tướng Nguyễn Hòa cũng quân phục, quân hàm, huân chương đầy đủ và cũng chịu cảnh ngộ như trên.
Vòng hoa của anh em dân chủ Hải Phòng đề là "Vô cùng kính phục và thương nhớ bác Trần Độ. Các bạn đồng hành ở Hải Phòng" phải sửa thành "Kính viếng bác Trần Độ. Các bạn đồng hành ở Hải Phòng". Vòng hoa cá nhân Vũ Cao Quận, đi cùng đoàn Hải Phòng, đề "Kính viếng lão tướng Trần Độ. Người lính già Vũ Cao Quận" bị giữ lại. Tranh cãi hồi lâu, không có cụm từ vô cùng thương tiếc, không có trung tướng hay đồng chí, lại không có gì sai phạm về ngữ pháp tiếng Việt, vậy cớ gì phải sửa, ai sửa được đúng hơn, xin mời. Mãi rồi cũng được vào.
Những vòng hoa mẫu mực có băng chữ ghi phải là "Vòng hoa của ông Nguyễn Văn An kính viếng ông Trần Độ", "Vòng hoa của ông Lê Đức Anh kính viếng ông Trần Độ", "Vòng hoa của Văn phòng Quốc hội kính viếng ông Trần Độ ..v..v.. Không thấy vòng hoa của ông Nông Đức Mạnh.
Chúng tôi để ý thấy nhiều bức trướng chữ vàng trên nền đỏ vẫn đề trung tướng, tướng quân, danh tướng ..v..v... không thể gỡ bỏ vì đã thêu bằng chỉ vàng bám chắc trên vải. Trong đó nổi bật bức trướng của các cụ dân chủ, trướng dài khổ to sát đất phải có gậy treo lên, thêu tám chữ vàng "Nhân văn danh tướng. Trung dũng vẹn toàn". Bên dưới ghi tên tuổi các vị kính viếng. Trưởng đoàn là cụ Lê Giản, rồi đến các ông Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang ...vv..., hơn hai mươi ông. Mọi người xúm lại xem. Chụp ảnh. Quay phim. Có tiếng gọi bằng máy di động, đề nghị tịch thu. Rồi cũng không thấy gì. Mọi việc vẫn êm trôi. Tịch thu bức trướng trưởng đoàn là cụ Lê Giản thì cũng phiền đấy. Hơn nữa các cụ dân chủ đã đứng vây quanh bức trướng. Công an dùng bạo lực thì lôi thôi to.
Đoàn của các cụ dân chủ chỉ bị kìm lại thôi. Nhiều đoàn đăng ký sau đã vào trước. Ban tang lễ gây khó khăn cho các cụ phải đứng chờ dưới bóng cây, nắng chang chang, nhưng lại có cái hay là nhờ thế, mọi người hết tốp này tốp khác đến chiêm ngưỡng, bàn tán về các bức trướng. Bức trướng của nhà nghiên cứu Trần Khuê bị quản chế từ Sài Gòn gửi ra:
Công thần không làm phách
Danh toại chẳng cầu nhàn
Bút thần vung mấy độ
Ðáng mặt đại nghĩa quân.
(Ta chú ý bài thơ có chữ phách và chữ độ. Tên khai sinh là Tạ Ngọc Phách, tên tham gia cách mạng là Trần Độ).
Bức trướng của nhà thơ Bùi Minh Quốc bị quản chế từ Đà Lạt gửi ra, người anh ruột là cụ Bùi Minh Đức gần 90 tuổi, cựu chiến binh chống Pháp, thay mặt em mang đến:
Vì đại nghĩa nhân chân, thân mấy độ trần thân
Tướng dẫu không nguyên giáp, hồn vẫn vẹn tình dân.
(Tạm dịch: Người chân chính vì nghĩa lớn, cái thân mình bị mấy lần vùi dập
Viên tướng không còn nguyên giáp, tâm hồn ông vẫn trọn vẹn tình dân).
Bức trướng của tiến sĩ khoa học Hà Sĩ Phu cũng bị quản chế, từ Đà Lạt gửi ra, viết bẵng chữ Hán, do các cụ trong nhóm thư pháp Cảo Thơm thực hiện:
Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song trọng đảm
Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng nhất đan tâm.
(Câu đối vế trên có Trần vế dưới có Độ. Trung tướng phong trần là trung tướng gian nan, lại có thể hiểu là ông Trần được phong trung tướng. Đại quân tế độ là đội quân cứu đời, tức quân giải phóng miền Nam. Đây nhắc đến việc ông Trần Độ là phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Vậy câu đối trên có thể tạm dịch là:
Văn võ dọc ngang, ông Trần được phong hàm trung tướng, việc đời hai vai gánh vác hai trách nhiệm lớn;
Nam Bắc vào ra, tướng Ðộ chỉ huy quân giải phóng, cứu nước một gậy trường sơn một trái tim hồng).
Bức trướng của nhóm Cảo Thơm trên nền giấy bồi khổ lớn đề 3 chữ đại tự "Vị dân tâm" (Tấm lòng vì dân), với hàng phụ đề bằng những câu thơ chữ Hán ca ngợi tướng quân Trần Độ. Ông Tú Sót mái đầu bạc phơ, trong nhóm thư pháp Cảo Thơm, luôn miệng giải thích cho mọi người rõ nghĩa:
Vô tình vị tất chân hào kiệt
Hữu độ phương vi đại trượng phu
(Nghĩa là : Sống vô tình (như chủ nghĩa MACKENO (Mặc-kệ-nó) bây giờ), không phải là người hào kiệt. Có đức độ (vì dân vì nước) mới đáng mặt gọi trượng phu).
Lại nghe được tin, cụ Độ vừa mất, công an đến đòi khám nhà, không có lệnh. Bà Độ phản đối. Công an đe dọa những người con, bắt hai con trai lên đồn, gây căng thẳng. Cuối cùng gia đình phải nộp 5 thùng sách vở của cụ Độ. Mọi người nghe tin đều phẫn nộ. Quá thể! Gia đình người ta đang tang gia bối rối. Thật nhẫn tâm!
12 giờ 15 phút, lễ truy điệu bắt đầu. Giới thiệu vị đại diện Văn phòng Quốc hội là ông Vũ Mão đọc điếu văn. Ông Mão có nhắc đến lý lịch, quê quán, ngày sinh, quá trình tham gia cách mạng và những chức vụ ông Trần Độ đã đảm nhiệm. Phần hai, ông ta nói rất tiếc là ông Trần Độ cuối đời đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng... Phần hai tuy không dài, nhưng cả hội trường lặng đi. Không khí như nén lại, ngột ngạt.
Đến mục gia đình lên đáp từ, người con trưởng cụ Độ là anh Thắng, sau khi kể những tình cảm về người bố, và sau khi cám ơn tất cả các cụ, các ông, bà, chú, bác, các anh chị ... đến tham dự tang lễ, lời cuối của bài đáp từ là câu: "Tôi thay mặt gia đình xin phép không tiếp nhận lời điếu của vị đại diện Văn phòng Quốc hội" (Chưa bao giờ lại có chuyện như vậy, tang gia khước từ lời điếu của chủ lễ !!??).
Như một kho thuốc nổ được châm ngòi, cả hội trường vỗ tay ran lên tán đồng. Tiếng hoan hô lẫn tiếng vỗ tay nổi lên càng to, kéo dài không ngờ, như hội bắn pháo hoa. Các đợt liên tiếp cao hơn, to hơn, dài hơn, càng âm vang cộng hưởng hết cỡ trong vòm nhà hội trường tang lễ. Có cảm tưởng như nóc hội trường sắp bật tung. Nhiều tiếng hét đến lạc giọng, nghe không rõ. Loáng thoáng những từ hoan hô! phản đối! ngu dốt!, bất nhân!... lẫn trong những tràng vỗ tay rền vang như sấm động.
Những uẩn ức trong lòng mọi người bị dồn nén từ sáng đến giờ được dịp nổ tung. Tôi phải trèo lên chiếc ghế, đưa tay lên vành tai, nghiêng đầu lắng nghe. Một người hét to, giọng như người miền núi, tay giơ lên chỉ chỉ vào chiếc khung đen có hàng chữ Lễ tang ông Trần Độ ở trên cao, dưới là chiếc ảnh bán thân của ông mặc thường phục: “Ai cho phép chúng nó bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc đi. Chúng nó không vô cùng thương tiếc, nhưng chúng tôi vô cùng thương tiếc ...”
- Thật là bọn ăn cháo đá bát.
- Không có tướng Trần Độ và anh em chúng tôi thì làm sao có chúng nó ngày nay.
- Nghĩa tử là nghĩa tận, không có ai đi kiểm điểm người chết trước linh cữu cả.
- Chuyện này cổ kim chưa thấy bao giờ.
- Mà đã chắc là ai đúng, chắc là ai sai? Quan tòa là nhân dân.
- Chúng nó phỉ báng lên truyền thống dân tộc.
Nơi này, chỗ kia, ầm ầm những tiếng thét, tiếng quát tháo: Bọn phản nhân dân! Phản bội đường lối Hồ Chí Minh! Phản văn hóa! Đề nghị Bộ Chính Trị phải nghiêm trị!
Có ai nói khẽ: “Đây là chỉ đạo của Bộ Chính Trị”.
Tiếng quát to: “Nói láo! Bộ Chính Trị sáng suốt, không làm điều ngu dốt như thế. Nói thế là không đúng”.
Có ai đó lại hô lên: “Trần Độ muôn năm!”.
Nhân viên an ninh mặc thường phục vây quanh những người quá nóng nảy, đề phòng. Có tiếng hỏi: “Vũ Mão đâu? Vũ Mão đâu?”.
“Hắn chạy rồi! Lủi ra xe rồi!” Thật là may cho Vũ Mão. Hắn ta đứng đực ra, mặt chảy xị, tái xám, ngơ ngác. Có ai giục, hắn như chợt tỉnh, vội lách ra phía sau, chuồn mất.
Cũng may cho đám tang nữa. Sự tức giận của khối người đông đảo trong hội trường này, mà túm được Vũ Mão, thì không biết rồi những gì sẽ xảy ra.
Các cụ dân chủ đều biết kìm mình. Trước đám tang vài ngày, cơ quan an ninh đã cử người đến dò la thái độ các cụ. Lo sợ các cụ dân chủ lợi dụng chiếm diễn đàn, cướp mi-crô, gây ra căng thẳng. Các cụ đã tin lại cho công an biết. Chỉ có đầu óc ngu tối mới nghĩ như thế. Những người yêu quý ông Độ, ai lại muốn phá rối đám tang. Chính lúc các cựu chiến binh, các lão thành cách mạng, bừng bừng nổi giận, thì các ông dân chủ lại bình tĩnh, tìm cách khuyên can, chứ không có thái độ quá khích nào cả.
Toàn là những người hiểu biết. Sự nóng giận liền dịu xuống. Tang lễ lại tiếp tục. Mọi người đều đứng rẽ ra hai bên làm thành một con đường để đội danh dự mặc lễ phục trắng khiêng linh cữu trong nhà tang lễ ra xe ô tô đã đỗ ở giữa sân. Lúc này nắng lắm!
Một số phóng viên người nước ngoài tranh thủ phỏng vấn, ghi âm mấy cụ còn chưa nguôi cơn giận.
Ai cùng đi đến nghĩa trang Hoàn Vũ (hỏa táng) thì lên xe. Tôi chậm chân nên xe tang đã ra ngoài cổng rồi, tôi vẫn còn trong sân để xe đạp xe máy. Gặp chị Ngọc, vợ ông Hoàng Minh Chính, hỏi tôi có đi nghĩa trang? Tôi trả lời sẽ đi bằng xe máy. Chị khuyên tôi nên đi ô tô, đỡ mệt. Các ông ấy đều lên ô tô cả. Tôi chạy vội ra cổng, thì đoàn xe đã đi xa. Lại gặp các cụ dân chủ đứng túm lại ở đầu cổng. Hỏi ra mới rõ, xe còn rộng chỗ lắm, nhưng lái xe không chịu mở cửa cho các cụ lên (đều do công an lái xe). Một cử chỉ nhỏ nhen! Các cụ bèn quyết định thuê tắc-xi đi.
Trên xe, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhận định một cách tổng quát: “Chúng nó đểu một cách rất ngu, và đểu đến từng chi tiết". Nhà báo đại tá chính ủy Phạm Quế Dương lại cười hề hề: “Trò đùa ấy mà! Có gì đâu!".
Xe tắc-xi chạy nhanh, bám kịp đoàn xe tang lễ. Quả thật, nhiều xe rất vắng, mang biển số 80B. Biển số này là của công an, nhiều người biết. Hai xe cam-nhông chở đầy vòng hoa viếng, những vòng hoa bên ngoài đều bị bóc hết các băng chữ. Lại nhỏ nhen!
Dự hỏa táng xong, trở về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng thì đã gần 3 giờ chiều. Chúng tôi lấy xe ra về, người mệt nhoài, vì nóng, vì nắng. Rủ nhau vào uống giải khát để lấy sức ngày mai còn đưa hài cốt hỏa táng cụ Độ về Thái Bình.
Sẩm tối mới về tới nhà, đã thấy mấy ông bạn cựu chiến binh đón từ đầu đường hỏi về chuyện đám tang ông Trần Độ. Thì ra chuyện ở đám tang trưa nay đã đồn ầm lên trong dân chúng. Giấu làm sao được nhân dân! Che làm sao được miệng thế gian! Và bản tin chiều của hãng BBC mãi tít nước Anh đã đưa tin về đám tang. Có cả tiếng nói của cháu Thắng và tiếng vỗ tay rền vang như sấm. Nhanh thật! Trái đất cùng chung một mái nhà.
Vài lời kết thúc:
Sáng sớm hôm sau (15-8-2002) chúng tôi tập trung tại 37 Lý Nam Đế, nhà ông Phạm Quế Dương, để di Thái Bình cho trọn tình trọn nghĩa. Công an mật đã đến lởn vởn trước cổng, từ 5 giờ sáng.
Chúng tôi gọi tắc-xi, đúng 6 giờ 30 sáng lên đường. Nhìn sang lịch ta là ngày mồng 7. Ông cha ta dạy: “Chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3”. Chúng tôi biết là chuyến đi này sẽ gặp trắc trở đây.
Quả không sai, quãng đường hơn 100 km về quê cụ Độ bị 4 lần ách xe. Công an giao thông kiểm soát giấy tờ lái xe, phương tiện xe cộ có an toàn, để đảm bảo cho khách đi đường được yên tâm. Lại còn điều tra một tai nạn xe cộ, lái xe bỏ chạy, là một trong 300 chiếc tắc-xi của hãng này. Màu sơn này. Nên công an chúng cháu phải làm nhiệm vụ, mong các cụ thông cảm. Lần ách xe ở đất Thái Bình lâu nhất, mất gần 2 giờ đồng hồ. Đến nơi thì đã 1 giờ 30 chiều, tang lễ hạ huyệt đã xong. Tổng cộng mất hơn 7 tiếng đồng hồ mới đi nổi quãng đường hơn 100 km. Mọi người đang ăn cỗ. Phong tục nông thôn bà con xa gần kéo đến rất đông.
Chúng tôi thắp hương, dâng lễ vật ở bàn thờ gia đình và bàn thờ ông Trần Độ. Lại phải ngồi ăn cỗ, thôi thì chiều nay ra mộ thắp hương trước khi về.
Được gặp con cái cụ Độ, chúng tôi tranh thủ tìm hiểu việc công an định khám nhà và lấy đi 5 thùng sách báo. Các cháu đều trả lời lấp lửng, không rõ ràng, hình như e ngại điều gì. Gặp cháu Thắng, con trai trưởng, người đã nói được câu tuyệt vời hôm qua, thì hôm nay cũng không đậm đà bắt chuyện, muốn lảng tránh câu hỏi. Có thể tối qua cơ quan nơi cháu làm việc họ đã ấn huyệt. Thôi, thông cảm cho các cháu. Các cháu cần làm ăn, cuộc đời các cháu còn dài.
Được biết thêm, có cả thảy 220 vòng hoa tang lễ ở Hà Nội. Các băng chữ bị lấy hết, gia đình chỉ giữ được 7 băng. Gia đình đòi lại được 5 cuốn sổ tang, một số trang bị xé rách.
Toàn là những cử chỉ nhỏ nhen!
Ngôi mộ ông Trần Độ được nằm cạnh ngôi mộ bà mẹ. Đó là ý nguyện của ông. Đây là nghĩa trang xóm làng, mỗi gia đình được một khoanh đất, để chôn cất những người thân trong gia đình. Ông Độ đã trở về với bà con xóm làng. Mộ ông cũng rất bình thường, như mọi ngôi mộ ở đây. Nằm ở đây thì yên ổn rồi, ấm lòng rồi. Chúng tôi tin chắc là ông Trần Độ rất thanh thản. Nhớ đến một đoạn thơ của ai đó:
Sống tranh luồn cúi vào ra,
Chết còn xí cả (cái) nhà mồ to
Phải là những bậc anh hào,
Sống thiêng - chết lại đi vào trong dân,
Mả to bia nhớn chẳng cần...
Những ngày tang lễ ông Trần Độ
Hà Nội, tháng 8-2002
Hoàng Tiến, nhà văn.
Địa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc- Hà Nội.
BLOG HIÊU MINH
Bài viết của bác Lê Minh.
HM Blog vừa nhận được thư góp ý về đài phát thanh dùng loa phường của bác Lê Minh ở phường Phú Thượng, Hà Nôi. Xin trân trọng đăng lại để may ra phường Phú Thượng có thay đổi được gì chăng.
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2012
THƯ GÓP Ý(Về đài phát thanh phường)
Kính gửi: Ban văn hóa thông tin; Ủy ban nhân dân phường Phú Thượng. Hà Nội.
Tôi: Công dân của phường, xin đóng góp vài ý kiến về việc đài phát thanh phường như sau:
1/. Về âm lượng loa truyền thanh: Các loa truyền thanh của phường quá to (tôi chưa thấy ở phường nào có loại loa to như thế). Vì loa là loại loa nén, được đặt thấp mà xung quanh có nhiều nhà cao tầng nên âm thanh bị vang vọng ầm ầm rất khó nghe (thậm chí nhức đầu). Ở gần không nghe rõ mà ở xa cũng không nghe được vì tiếng vọng dội đi dội lại. Cho nên cần phải thay loại loa công suất bé hơn và bố trí loa ở những nơi thoáng.
2/. Về thời gian phát thanh: Phát thanh vào thời điểm hiện tại là không hợp lý, vì: Lúc đó, những người đáng được nghe tin tức thì đã đi làm rồi, ở nhà chỉ còn lại người già, người ốm và những người làm ca đêm, mà những đối tượng này lại cần được yên tĩnh. Như vậy mục đích tuyên truyền của đài phát thanh là phản tác dụng. Nên phát thanh vào thời gian từ 17giờ đến 19giờ là hợp lý nhất, vì lúc đó mọi người đã về nhà. Cũng như chương trình thời sự, không thể phát vào giờ hành chính được (vì nếu phát vào giờ hành chính thì chỉ là để tính đầu việc chứ mục đích không phải để cho mọi người nghe).
3/. Về phát thanh viên: Nếu không có giọng đọc truyền cảm thì cũng nên có giọng đọc dễ nghe một chút (ở đây giọng đọc ồm ồm, khô khốc, nhiều lúc như hụt hơi) rất khó chịu. Đọc câu từ không lưu loát, ê a ngắc ngứ (chưa đọc thông viết thạo). Vừa đọc vừa đánh vần, ngắt câu chưa đúng ngữ pháp làm cho bài phát thanh rời rạc, khó hiểu. Đọc ngọng 100% các chữ L(en lờ) thành N(en nờ), và chữ Tr(tê en rờ) thành chữ Ch(cê hát). Chẳng hạn: Đường Nạc Nong Quân; Thông báo tìm chẻ nạc; Một chăm phần chăm diện tích đất chồng chọt; Ný nuận chính chị.v.v…Trong văn phong của phát thanh viên không có 2 chữ cái là L(en lờ) và Tr(tê en rờ). Khi cả thành phố Hà Nội đang phát động phong trào chữa ngọng cho học sinh tiểu học thì đài phát thanh phường lại đọc ngọng 100%? Lúc cần đọc vắn tắt thì đọc dài dòng (ví dụ: Đọc thông báo của ai đó thì chỉ cần đọc 1 lần trước chứ không cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần người ra thông báo), thậm chí người ta không cần biết đó là thông báo của ai, chỉ cần biết nội dung là được. Lúc cần đọc đầy đủ chính xác thì lại đọc vắn tắt (ví dụ: Kỷ niệm ngày mồng 2 tháng 9, lẽ ra phải đọc là: Ngày mồng hai tháng chín năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm. Thì ở đây lại đọc là ngày hai chín năm bốn lăm, như vậy người nghe sẽ hiểu có thể là ngày thứ hai mươi chín của năm bốn lăm (tức là thế kỷ thứ nhất). Trong một bài phát thanh mà đọc như vậy hàng chục lần. Chẳng lẽ cả phường Phú Thượng rộng lớn như thế mà không tìm được một người biết đọc tốt hơn hay sao?
4/. Các nội dung trong buổi phát thanh: Có một số nội dung rất ít tác dụng như lịch cắt điện, phát lương hưu, thông báo tin buồn.v.v… Vì trên địa bàn phường không có nhà máy xí nghiệp (nếu có thì điện lực phải gửi thông báo về tận nơi) nên cắt điện lúc nào không ảnh hưởng mấy đến đời sống người dân, lấy lương hưu hay tin buồn thì chỉ cần truyền miệng thông qua tổ trưởng dân phố (vì những người có liên quan, họ sẽ để tâm đến chuyện đó). Còn các diễn văn, nghị quyết thì đã có cả một hệ thống cán bộ tổ, cụm, chi bộ, phụ nữ.v.v…Có thể in thành văn bản gửi trực tiếp đến các đối tượng đó có trách nhiệm tuyên truyền, chứ đọc như vậy cả trăm ngàn lần cũng không ai chú ý lắng nghe và có nghe cũng không thể hiểu được. Tìm hiểu các vấn đề xã hội khác thì ai quan tâm đến vấn đề gì họ sẽ tự tìm hiểu trên intenet.v.v… Và rất nhiều những nội dung khác không có tác dụng gì.
Nhiều lúc không có nội dung gì nhưng vẫn phát thanh vài bài hát cũ kỹ, những bài đọc vô thưởng vô phạt rất lãng phí. Hình như phát thanh cho xong để lấy thành tích thôi chứ không quan tâm đến chất lượng hay tác dụng của nó.
5/. Các bài hát trong buổi phát thanh: Chỉ có vài bài hát được phát đi phát lại hàng chục năm nay, trở nên nhàm chán, chất lượng băng đĩa nhạc rất kém cộng với hệ thống âm thanh kém chất lượng nên nghe cứ ầm ầm, réo rắt, chát chúa rất nhức đầu, được một lúc thì léo nhéo, loẹt xoẹt, rú rít rồi tắt hẳn và tiếng phát thanh viên nói “buổi phát thanh của phường Phú Thượng đến đây là hết”. Như vậy là không tôn trọng người nghe. (Bây giờ nhà nào mà chẳng có hệ thống âm thanh nổi để nghe ca nhạc mà phải nghe loa phường?).
Đài phát thanh của phường là tiếng nói của Đảng nên không thể tùy tiện được. Tôi gửi mấy lời góp ý, mong ban Văn hóa thông tin và Ủy ban nhân dân phường có biện pháp cải thiện để các buổi phát thanh có tác dụng tuyên truyền hơn và gây thiện cảm cho người nghe.
Suốt nhiều năm nay vẫn tình trạng như vậy mà không hề có một sự thay đổi nào? Như vậy có thể không có một ai nghe hoặc tất cả mọi người đã vô cảm, không quan tâm đến chuyện này(kể cả người có trách nhiệm).
Lời kết: Nếu được, theo tôi nên chấm dứt sứ mạng lịch sử của cái loa phường. Vì đó là sản phẩm của thời chiến tranh, bao cấp. Thời mà cả phường chỉ có vài cái radio. Gần nửa thế kỷ trôi qua, dân trí đã được nâng cao, phương tiện thông tin tràn ngập, nhà nào cũng có tivi, intenet.v.v… Nên cái loa phường thực sự là không có tác dụng gì (thậm chí phản tác dụng).
Nên trả lại một không gian trong lành, bình an cho mỗi buổi sáng sớm. Và bớt đi một khoản chi phí đáng kể cho xã hội.
Tác giả: Lê Minh.
Bài của Tổng Cua trên TPO: Loa phường, e-Phường và e-Government
Bài của Kim Dung: Loa mẹ Đốp
BLOG LÊ MAI
Thăng yên hạ mã bách thiên nan
Quốc thế như kim thực vị an
Nùng mạt, đạm trang, nhân tính cựu
Nguyên nhung bát thập bất tri nhàn
(Lên yên xuống ngựa khó muôn vàn
Thế nước hôm nay thực chửa an
Đậm, nhạt, mau, thưa người nếp cũ
Tám mươi lão tướng chẳng mong nhàn)
Tôi mở đầu vài cảm nghĩ về cuốn sách “Quyền Bính” (Tập 2 – Bên Thắng Cuộc, Huy Đức) bằng bài thơ của Tào Mạt: “Gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi bộ ứng khẩu làm ngay”. Năm 1991 ấy, tướng Giáp tròn 80 tuổi. Sau Đại hội VII ĐCSVN, ông Võ Nguyên Giáp – một đại công thần của chế độ, chính thức rời khỏi chính trường. Rồi những cuốn hồi ký nổi tiếng, rất có giá trị sử học của ông liên tiếp ra đời: Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng…Nhưng, trong những cuốn hồi ký ấy, ông chỉ nói rất ít về bản thân mình.
Thì đây, “Quyền Bính” có một chương riêng về tướng Giáp. Tác giả đã cho chúng ta biết một câu nói rợn người đầy kinh hãi của Lê Đức Thọ qua lời kể của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, con rể Lê Duẩn: “Có lần ông Thọ nói ông còn để cái đầu ông Giáp trên cổ là đã may lắm”. Than ôi! Một ông Đại tướng Tổng tư lệnh, người Anh Cả đầu tiên và duy nhất của quân đội, đã làm nên biết bao công tích, được thế giới ca ngợi, đã phạm “tội” gì mà Lê Đức Thọ dám đưa ra một lời kết án tai ác đến cỡ đó?
Trong Quân ủy Trung ương, ông Thọ chỉ là Phó Bí thư, cấp dưới của ông Giáp. Ông ta dĩ nhiên không phải là nhà quân sự chuyên nghiệp. Chiến lược, chiến thuật quân sự, điều quân đánh đông dẹp bắc là nhờ tài năng của các tướng lĩnh. Thế mà trong chiến dịch Quảng Trị (không chỉ chiến dịch Quảng Trị), “Lê Đức Thọ không hiểu bằng con đường nào, thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Kỳ quặc!”.
Lê Đức Thọ thường gọi ông Trần Bạch Đằng, một người cộng sản cấp tiến cực kỳ tài hoa, tiếng tăm lẫy lừng là “thằng trời đánh” – điều cay đắng là ông Đằng không bao giờ được vào Trung ương, dù có ông Lê Duẩn đỡ đầu. Chính Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng đã một phen hoảng hốt sau khi bố vợ mất, ông hỏi Đoàn Duy Thành, “Ba cháu mất rồi, liệu họ… có giết gia đình nhà cháu không?” (Làm người là khó – Đoàn Duy Thành). Quả thật, quyền bính – vấn đề muôn thuở trong lịch sử VN hiện đại.
Người làm chính trị, nắm quyền bính, điều quan trọng nhất là để lại tiếng thơm trong sử sách. Tôi xin lưu ý, một Giáo sư người Mỹ sau khi nghiên cứu về Mao Trạch Đông đã kết luận, cuộc đời ông ta làm được 31 việc nhưng có tới 20 việc liên quan đến việc hủy hoại tinh thần và đạo đức con người!
Quan sát sự vận hành quyền bính tại VN cho thấy, dường như không ít nhà lãnh đạo cao cấp ghen tỵ với tài năng và vinh quang của tướng Giáp, họ muốn hạ bệ uy tín cực lớn của ông trong đảng và dân chúng. Đến như ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, thay vì bác bỏ bản báo cáo sai sự thật của Nguyễn Đức Tâm về vụ Sáu Sứ, ông lại chỉ đạo điều tra hai ông Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Trà; thay vì minh oan cho ông Giáp và ông Trà sau khi biết kết quả điều tra, ông và Bộ Chính trị lại im lặng “đáng sợ”.
Có nhà nghiên cứu cho rằng, ông Võ Nguyên Giáp là điển hình của một tài năng không được phát huy hết trong một xã hội mà sự vận hành quyền lực tập trung vào tay một số người, lại thiếu công cụ để khống chế, kiểm soát quyền lực ấy. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tham nhũng tuyệt đối và quyền lực tuyệt đối cũng sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối.
Đúng như tác giả Huy Đức nhận xét, ông “mưu lược và quyết liệt không chỉ trong những cuộc chiến quy ước như Điện Biên Phủ, năm 1946, khi Hồ Chí Minh đi Pháp nhân Hội nghị Fontainebleau, ở Hà Nội, Tướng Giáp đã cùng với Trường Chinh thanh trừng đối lập gần như triệt để. Nhưng trước những đối thủ chính trị nhân danh Đảng, Tướng Giáp trở nên cam chịu và thụ động. Có lẽ lòng trung thành với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của ông”.
Thêm một điểm cần lưu ý, đó là ông Võ Nguyên Giáp đã xử lý mâu thuẫn “địch – ta” khác hẳn việc xử lý mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Xử lý mâu thuẫn “địch – ta” là xử lý mâu thuẫn đối kháng, một mất một còn – chiến tranh là như thế. Song, xử lý mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thì phải khác. Ông Trần Bạch Đằng từng nói: “Đành rằng làm chính trị là phải thủ đoạn. Nhưng làm chính trị thì cũng phải có tình nghĩa, bạn bè chứ”. Chỉ có điều, đối thủ chính trị của các ông không nghĩ và làm như vậy.
Quyền bính (quyền hành) và quyền lực đều có điểm chung là quyền định đoạt mọi công việc và sức mạnh để đảm bảo thực hiện quyền ấy. Quyền lực đồng nghĩa với sức mạnh và như vậy, kẻ mạnh nắm quyền lực sẽ thống trị và chi phối kẻ yếu. “Quyền Bính” đã làm nổi bật tư duy và quyền lực của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp VN, của tập thể, của cả chế độ, trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, con người và tư tưởng; sự vận hành và chi phối của quyền lực, kết quả của việc thực thi quyền lực. Có thể nói, “Quyền Bính” đã cho chúng ta thấy sự vận hành quyền lực ảnh hưởng như thế nào đến tương lai đất nước và dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử VN hiện đại.
Anh Doan Tran, một người bạn thân của tôi ở Hoa Kỳ, rất am hiểu văn hóa và lịch sử VN – người đã gửi tặng tôi ấn bản điện tử “Quyền Bính” ngay sau khi phát hành, bằng một sự liên tưởng và tinh tế hiếm có, nhận xét: “Hãy lưu ý hình bìa cuốn sách với chiếc xe hơi Lada, dây điện, đèn tín hiệu giao thông rồi đọc chi tiết này trong cuốn sách để thấy sự thú vị:
“Khi nhậm chức, Nguyễn Văn Linh vẫn sử dụng một chiếc xe hơi hiệu Lada của Liên Xô đã cũ thay vì tiêu chuẩn của Tổng bí thư phải là “Volga đen” hoặc Toyota. Theo ông Bùi Văn Giao, trợ lý của Nguyễn Văn Linh: “Ông không biết rằng, để Lada có thể chở Tổng bí thư, Văn phòng phải gắn thêm máy lạnh. Vì tải thêm máy lạnh mà tuổi thọ của những chiếc Lada này bị giảm đi rất nhanh, cứ sau một hai năm là phá luôn giàn máy. Một lần ông Linh đi công tác về tỉnh, chiếc máy lạnh tự chế phát nổ. May mà khi đó, ông Linh đang ngồi trong phòng họp còn chiếc xe thì đậu ngoài sân”.
Phải chăng, đưa “cái lạnh” của tư bản vào “cái nóng” của xã hội chủ nghĩa, nó sẽ “trung hòa” và “bộ máy” sẽ vận hành tốt hơn? Không phải! Trên thực tế, làm như vậy “bộ máy” bị hỏng nhanh hơn và tệ hơn nữa – nó phát “nổ” rất nguy hiểm. Không thể “lắp ghép” một cách tùy tiện, bởi nó không thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, dù gắn cho nó cái “đầu” hay cái “đuôi” gì đi nữa (“đuôi” định hướng XHCN chăng – một gợi ý!). Tri thức nhân loại đã kết tinh hàng ngàn năm, sao người ta không tiến cùng văn minh thời đại, mà lại “sáng tạo” ra con đường đi mới chưa có tiền lệ trong lịch sử và than ôi, sự “sáng tạo” đó đã cho kết quả nhãn tiền rồi!
Cũng như “Giải Phóng”, “Quyền Bính” – dù khách quan đến đâu, chúng ta vẫn nhận thấy tác giả tiếp tục dành cho ông Võ Văn Kiệt nhiều thiện cảm. Anh Doan Tran cho rằng tác giả dường như “thần tượng hóa” ông Kiệt – tôi nghĩ nhận xét đó hơi quá. Dù sao, cách sử dụng quyền lực và việc nắm quyền bính của ông Kiệt được nhiều người ủng hộ, dù ông Tố Hữu bóng gió: “Sáu Dân muốn làm vua Saigon”.
Ông Võ Văn Kiệt có cách giải quyết mâu thuẫn về chính trị khá hay. Đã một lần ông nói với người lãnh đạo văn nghệ: “Ở Sài Gòn nếu đòi hỏi người xứng đáng theo tiêu chuẩn chính trị để đóng Hai Bà Trưng thì chỉ có Bà Định; đóng Lênin thì chỉ có Bác Tôn thôi. Các anh cứ mời các vị ấy đóng xem thử có ai đi coi không?”. Lại một lần khác, khi họp Bộ Chính trị để thông qua việc chọn BHP làm đối tác thăm dò dầu ở mỏ Đại
Hùng, Nguyễn Hà Phan phản đối: “Đồng bào miền Nam chắc chắn không một ai đồng tình chọn Úc làm đối tác khai thác dầu khí vì bọn Úc đã từng đưa quân vào tàn sát đồng bào ta”. Ông Võ Văn Kiệt liền đứng dậy: “Nếu nói như Sáu Phan thì tôi đề nghị Bộ Chính trị nên chọn Lào đầu tư. Mỹ là kẻ thù mới đánh ta; Pháp đô hộ 80 năm; Nhật khiến cho 2 triệu người chết đói; Úc, Hàn theo Mỹ mang quân sang… Không có nước nào có công nghệ tốt lại không có dính líu vào một ‘tội ác’ nào đó”.
Đọc “Quyền Bính” và “Giải Phóng”, chúng ta nhận thấy có một điểm nổi bật nữa là tính tự trọng của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp thời ấy. Họ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Các ông Trường Chinh từ chức Tổng bí thư, Lê Văn Lương ra khỏi Bộ Chính trị, Hồ Viết Thắng bị kỷ luật do sai lầm của cải cách ruộng đất. Ông Linh cũng đã phải một lần ra khỏi Bộ Chính trị. Ông Kiệt xé rào, đổi mới. Ông Trần Phương quyết định từ chức sau vụ “giá – lương – tiền” cho dù ông không phải là người chịu trách nhiệm chính. Ông Lê Duẩn thấy rằng, sau vụ “giá – lương – tiền”, Tố Hữu không còn khả năng làm Tổng bí thư, dù đã được chọn vào hàng ngũ kế cận. Và thực tế, tại Đại hội VI, Tố Hữu thậm chí không được bầu vào Trung ương.
Phải thừa nhận, thời ấy đa số các nhà lãnh đạo cao cấp không được đào tạo bài bản, song họ rất có trình độ, chỉ bằng tự học. Còn gần đây và hiện nay thì sao? Không ít người gần như “mất trí” vì ham mê quyền bính: dấu bệnh để mong làm Chủ tịch nước, dấu bệnh để làm Thường trực Ban bí thư, sợ ra khỏi Bộ Chính trị thì chết không nhắm được mắt…Rồi một Tổng bí thư hai nhiệm kỳ mà Phó Ban Tổ chức Trung ương nhận xét trình độ chỉ tầm cỡ cán bộ cấp huyện, một Thủ tướng mà chỉ mới nghe tên thôi, người dân đã lắc đầu ngán ngẩm. Liệu đất nước có thể phát triển sánh vai với thế giới nếu vấn đề quyền bính được vận hành như thế?
Rốt cuộc, ai là người có quyền lực nhất? Nhà tương lai học người Mỹ, Alvin Toffler, trong tác phẩm Thăng trầm quyền lực, đã phân tích rất sâu sắc về quyền lực. Bạo lực, của cải và tri thức là ba đỉnh của một tam giác quyền lực. Bạo lực chủ yếu dùng để trừng phạt, làm người ta khiếp sợ nhưng là nguồn quyền lực ít linh hoạt nhất. Đọc Bên Thắng Cuộc (“Giải Phóng” và “Quyền Bính”), chúng ta đã rõ nhân vật nào, thời nào ưa sử dụng nguồn quyền lực bạo lực nhất.
Của cải được dùng vừa trừng phạt lại vừa ban thưởng và có thể được chuyển thành nhiều nguồn khác, là một công cụ quyền lực rất uyển chuyển. Đọc Bên Thắng Cuộc cũng như quan sát tình hình hiện nay, chúng ta đã rõ nhân vật nào, thời nào ưa sử dụng và sử dụng hết sức “thành công” nguồn quyền lực của cải nhất.
Tuy vậy, tri thức mới là nguồn quyền lực cơ bản và linh hoạt nhất, vì một người có tri thức có thể tránh được những thử thách đòi hỏi sử dụng bạo lực hay của cải và có thể thuyết phục được những người khác để hoàn tất những ý định mình mong ước. Tri thức tạo ra quyền lực có phẩm chất cao nhất. Đọc Bên Thắng Cuộc, chúng ta đã rõ nhân vật nào thường sử dụng nguồn quyền lực tri thức nhất. Nếu nhân vật ấy sử dụng nguồn quyền lực bạo lực, chắc chắn lịch sử VN hiện đại đã khác rồi.
Và một khi quyền lực được tạo ra từ quyền mưu hay từ những yếu tố khác thay vì tri thức thì quyền lực đó không thể bền vững, khiến cho những người nắm quyền lực kiểu đó trở nên đáng sợ – ngay cả với bạn bè, đồng chí, người thân của họ. Lịch sử hiện đại VN không thiếu thí dụ minh họa điều này.
“Quyền Bính” – vấn đề muôn thuở trong lịch sử VN hiện đại. Một xã hội chỉ có thể phát triển tốt khi “quyền bính” được cân bằng, không bị lũng đoạn hoặc tập trung vào trong tay một số người – cũng tức là phải tạo ra một tam giác đều quyền lực trong đó ba đỉnh của nó chính là bạo lực, của cải và tri thức.
Để kết thúc, tôi xin nhìn đôi nét tổng quát về Bên Thắng Cuộc. Điểm mạnh của “Quyền Bính” cũng như “Giải Phóng” là nhiều tư liệu, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, được thể hiện bởi một nhà báo lão luyện – công trình mang phong cách báo chí. Tuy nhiên, tác giả Bên Thắng Cuộc tái hiện một giai đoạn lịch sử VN hiện đại nhưng tư liệu gốc chiếm tỷ trọng không nhiều lắm, chỉ có một số bức điện, một số báo cáo, một số biên bản, một số nghị quyết, còn chủ yếu sử dụng các hồi ký và phỏng vấn nhân chứng. Đối với những người am hiểu, còn rất nhiều sự kiện lịch sử VN cực kỳ quan trọng, song có thể vì lẽ này, lẽ khác chưa được tác giả đề cập. Vì vậy, tính đầy đủ và chính xác của nó chắc rằng còn phải thảo luận nhiều. Các Phụ lục cuối mỗi tập sách không có gì đặc biệt, chưa tương xứng với nội dung phong phú và những vấn đề rất lớn mà bộ sách đặt ra. Và, tác giả chỉ nêu các sự kiện lịch sử nhưng không phân tích, không bình luận làm cho bộ sách thiếu hẳn tính “hàn lâm” – đó không hẳn là một phương pháp tốt nhất?
Dẫu sao, Bên Thắng Cuộc thực sự là một công trình rất đáng đọc, rất đáng tìm hiểu, rất đáng suy ngẫm, với tất cả ý nghĩa đầy đủ của nó. Đọc Bên Thắng Cuộc, chúng ta càng hiểu thêm nhận xét “có một lịch sử như nó diễn ra và một lịch sử như nhà sử học viết ra”. Thử hỏi, đến nay, đã có công trình nào phản ánh đầy đủ, trung thực và hấp dẫn lịch sử VN hiện đại do các nhà sử học VN “nổi tiếng” thể hiện? Cho nên, chúng ta không đòi hỏi tác giả Bên Thắng Cuộc, song chúng ta có quyền hy vọng…
BLOG BS HỒ HẢI
Sau khi hoàn thành các cuộc cách mạng vô sản tắm máu, hầu hết các chính khách theo con đường của Lenin vạch ra đều đặt cái tên nước rất mỹ miều, để che đậy tham vọng thú tính của mình.
Đứng đầu là anh cả đỏ Trung Hoa, Mao đã đặt cái tên có chữ nhân dân, để thể hiện con đường đi của mình là theo con đường tam dân của Tôn Dật Tiên sao chép từ nước Mỹ. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nghe rất đẹp, rất vì dân, của dân, và do dân, nhưng trải qua hơn 60 năm qua, Trung Hoa chưa bao giờ là một chế độ vì nhân dân, của dân và do dân.
Một số nước còn sót lại có cái tên nước gắn với chữ nhân dân, cũng bắt đầu bằng con đường cách mạng vô sản, tắm máu dân, rồi sau đó đàn áp nhân dân và bóc lột nhân dân cũng không kém Trung Hoa là, Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng Hòa Nhân dân Banglades, và sau 1945 thì Việt Nam cũng có cái tên, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!
Sau sụp đổ Đông Âu và Liên Xô, đầu thập niên 1990s hàng loạt khoảng gần 30 quốc gia đổi tên và bỏ chữ Nhân dân mỹ miều, mỵ dân của nước để trở thành các nước Cộng hòa hoặc Liên bang. Và hầu hết các nước này sau khi đổi tên đều hướng nền chính trị đi theo con đường mà người dân có chút cái gì gọi là của dân, vì dân và do dân.
Sau khi Myanmar rút cái tên dài dằng dặt gắn với mỹ từ Xã hội chủ nghĩa là, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên Bang Myanmar để đổi thành Cộng hòa Liên bang Miến Điện thì có một điều đặc biệt là, cái tên nước còn gắn với cái ngữ "Xã hội chủ nghĩa" thì trên thế giới này chỉ còn có 2 quốc gia. Đó là, đứng đầu có nước Việt Nam - Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - cái tên này chính thức ra mắt cái mặt nạ thú tính vào ngày 02/7/1976, sau cuộc trường kỳ tắm máu 20 năm, mà cả 2 miền các chính khách đều làm tay sai cho ngoại bang, để dân tộc và tổ quốc làm tấm bia đỡ đạn cho các cường quốc 2 phe hắc bạch chạy đua vũ trang và thử vũ khí. Một nước thứ hai, đến giờ này vẫn còn nội chiến, nhưng tên nước gắn với "mỹ từ" Xã hội chủa nghĩa là, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka. Hiến pháp của 2 nước Xã hội chủ nghĩa này viết theo Chủ nghĩa xã hội, nhưng cho tới giờ này cả thế giới loài người chưa có đủ khả năng trí tuệ hiểu chủ nghĩa xã hội là gì ngoài cái chủ nghĩa xã hội Phát Xít Đức, nên bèn copy cái điều 6 hiến pháp của Hitler và của Liên Xô cũ để làm điều tiên quyết trong hiến pháp của mình, hòng độc quyền ăn chia và cai trị dân.
Nhân dân, nhưng chưa bao giờ là của nhân dân, mà là của các ông chủ chính khách độc tài, thú tính và bẩn kiệt. Dân chủ mà không dân chủ vì hầu hết các nước này có hiến pháp và luật pháp chỉ để làm kiểng, còn việc hoạt động cả hành pháp, tư pháp lại xem lập pháp là cái bồn cầu để ngồi lên xả chất thải. Xã hội chủ nghĩa lại càng là khoa học viễn tưởng giữa thế giới loài người. Đó là thực tế khách quan của lịch sử nhân loại đã minh chứng trên hầu hết các nước có các "mỹ từ" và "mỵ từ" này.
Tên nước càng mỹ miều thì ẩn sau nó là một mưu đồ xấu xa và bẩn kiệt nhất của chính khách cầm quyền. Thà cái tên đơn giản như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà lại rất nhân bản, rất dân chủ và rất tự do, luôn thực hiện đúng với tuyên ngôn độc lập mà ngay cả hầu hết các nước có cái tên mỹ miều kia đều phải mượn làm chiếc mặt nạ để mỵ dân.
Gần đây các lãnh đạo và think tanks của đất nước mình bắt đầu bạch hóa chuyện lừa dối và thảm kịch suy đồi văn hóa có thể làm sụp đổ chế độ. Chiếc mặt nạ đã được mang vác hơn nửa thế kỷ đã đến lúc ai cũng không thể mang để lừa dối nhau. Thôi thì đã đến lúc cần thay đổi tên nước, và hiến pháp để có một sự thay đổi chính trị toàn diện cho con người ta sống với nhau tử tế hơn.
Asia Clinic, 10h24' Chúa nhựt, 27/01/2013
BS Ngọc - “Bên Thắng Cuộc” lột trần hậu trường chính trị Việt Nam
Blog BS Ngọc
Phải nói cho rõ là “hậu
trường chính trị của chế độ Việt Nam theo chủ nghĩa xã hội, hay cộng
sản”. Đã có nhiều người viết bài điểm sách, tôi không có gì để viết thêm.
Tôi chỉ muốn rút ra vài điểm chính sau khi đã đọc xong bộ sách. Theo tôi nghĩ
những câu chuyện Huy Đức thuật lại trong sách có thể giải thích tại sao nước ta
nghèo hèn như hiện nay. Tôi cũng nghĩ các lãnh đạo thuộc phe XHCN của miền Bắc
phải chịu trách nhiệm lớn trước lịch sử về những sai lầm của họ.
Một nhà văn hoá Âu châu
từng nói rằng lịch sử chỉ là một chuỗi câu chuyện về gia đình và thế giới. Bởi
thế, kể chuyện là một phương tiện có hiệu lực cao để giải thích những gì đã và
đang xảy ra. Có thể khẳng định ngay rằng bộ sách Bên thắng cuộc của Huy Đức không phải là sách
lịch sử. Huy Đức cũng nói rằng anh không viết sử. Tôi xem Bên thắng cuộc là một chuỗi câu chuyện hậu trường
chính trị Việt Nam .
Tất cả chúng ta cần phải biết những câu chuyện mà Huy Đức kể lại, bởi vì những
câu chuyện đó sẽ thắp lên một que diêm trong cái lịch sử mờ ảo của Việt Nam vào
những năm giữa thế kỷ 20 cho đến ngày hôm nay.
Đọc phần I của tập sách tôi như xem một cuốn phim quay chậm.
Những kẻ một sớm chiều biến thành “Cách mạng 30/4”. Đốt sách. Cạo râu, cắt ống
quần. Cải tạo. Kinh tế mới. Đánh “tư sản mại bản”. Đổi tiền. Vượt biên. Tất cả
những biến cố đó là sự thật. Là người ở lại trong khi các đồng nghiệp tìm được
vượt biên tôi có thể nói rằng tất cả những gì Huy Đức ghi chép đều đúng. Huy
Đức không phải là người đầu tiên ghi lại những biến cố đau thương sau 1975.
Trước Huy Đức đã có cụ Nguyễn Hiến Lê viết lại cẩn thận những sự kiện và biến
cố làm cho miền Nam suy sụp sau ngày “giải phóng” trong tập Hồi Ký nổi tiếng
nhưng bị nhà xuất bản cắt xén khá nhiều. Chúng ta thử đọc vài trích đoạn trong
Hồi Ký của cụ Nguyễn Hiến Lê trước khi đọc sách của Huy Đức.
Kẻ “thắng trận” muốn biến miền Nam nghèo như miền Bắc:
“Sự thất bại hiển nhiên
của chế độ là sự suy sụp của kinh tế như tôi đã trình bày sơ lược ở trên. Hậu
quả là Việt nam trước thế chiến tự hào là “tiền rừng bạc bể”, có những đồng
lúa, đồn điền cao su mênh mông ở miền Nam, những mỏ than, mỏ phốt phát phong
phú ở miền Bắc mà bây giờ thành một trong vài nước nghèo nhất thế giới.
Nhưng một người Balan
trong Ủy ban kiểm soát quốc tế năm 1975 bảo chỉ trong 5 năm, miền Nam sẽ
“đuổi kịp miền Bắc”, nghĩa là nghèo như miền Bắc. Lời đó đúng, rất sáng suốt.
Nếu không nhờ mấy trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gởi tiền, thuốc men, thực
phẩm, quần áo… về giúp bà con ở đây thì chúng ta hiện nay cũng điêu đứng như
anh em miền Bắc rồi”.
Trong cùng lúc ra tay hành hạ dân miền Nam :
“Khổ nhất là bọn đi kinh
tế mới, thất bại, tiêu tan hết vốn liếng, về Sài gòn, sống cảnh màn trời chiếu
đất, ăn xin, moi các đống rác hôi thối, lượm một miếng giấy vụn, một túi ni
lông, một miếng sắt rỉ, một quai dép mủ… để bán cho “ve chai”. Trông thấy đống
túi ni lông được rửa qua loa trong nước dơ rồi phơi ở lề đường để bán cho tiểu
thương đựng hàng, tôi ghê tởm quá”.
Trong khi đó bản thân những kẻ “thắng cuộc” thì ăn hối lộ và
tham nhũng:
“Ở tỉnh nào cũng có một
số cán bộ tham nhũng cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách
trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng: xin vô hộ khẩu một
thành phố lớn thì bao nhiêu tiền, một thị xã nhỏ thì bao nhiêu, một ấp thì bao
nhiêu. Muốn mua một vé máy bay, vé xe lửa thì bao nhiêu. Muốn được một chân
công nhân viên, phải nộp bao nhiêu… Cái tệ đó còn lớn hơn thời trước”.
Họ tạo nên một xã hội trong đó con người mất nhân phẩm:
“Một cán bộ tài chánh xã
mà không biết chia 72 cho 24. Trong một buổi hội họp của Hội trí thức thành phố
Hồ Chí Minh, một kĩ sư già bực mình vì tình trạng cán bộ đa số dốt nát, bảo:
“Tôi chấp nhận vô sản chuyên chính, mà không chấp nhận vô học chuyên chính”. Ngay
chiều hôm đó ông ta bị bắt giam; sau cũng được thả ra”.
“Sống dưới chế độ cộng
sản, con người hóa ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới
để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng
giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người
kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia. Ngay một phó viện trưởng cũng
làm việc điểm chỉ đó mà bạn trong viện không hay. Dĩ nhiên kẻ kiểm soát đó lại
bị người khác kiểm soát lại. Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm
1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu
làm thứ mật thám chìm đó”.
Tình trạng phân chia Nam Bắc càng nặng:
“Thất bại lớn nhất, theo tôi, là
không đoàn kết được quốc dân. Tháng 5-1975, có ít nhất là 90% người miền Nam
hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mĩ đi, lập lại hòa bình, và ai
cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy
tháng sau, cuối 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào
Bắc. Tôi nhớ như ở phần trên tôi đã nói năm 1976, trong một cuộc hội nghị ở Sài
gòn, bàn về vấn đề thống nhất quốc gia, một học giả lão thành miền Bắc, ông Ðào
Duy Anh (đã có hồi sống ở Nam nhiều năm, có nhiều bạn thân ở Nam) khi được mời
phát biểu ý kiến, chỉ nói mỗi một câu đại ý là thống nhất cái gì cũng dễ; quan
trọng nhất là phải thống nhất nhân tâm đã. Cả hội trường sửng sốt và làm thinh.
Ông Anh đã nhận xét đúng và dám nói. Quả thực là lúc đó có sự chia rẽ nặng giữa người Nam và người Bắc,
bởi vì một trong những nguyên nhân là:
“Người Bắc coi người Nam
là ngụy, đối xử với người Nam như thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự
cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ
thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt
miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là ngụy thì tôi mới có lí,
anh đừng nói nữa."
Chẳng bao lâu người Nam
thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ chủ tịch dạy
dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hóa, kĩ thuật -điều này không
có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học- thèm khát hưởng lạc, ăn cắp,
hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẫy nhau… Từ đó người Nam chẳng những có tâm
trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là ngụy nữa, vì ngụy có tư cách hơn
kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh
em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè, hàng xóm tố cáo lẫn
nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo
để bóp vú…”.
Nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê ghi chép thời cuộc, tình hình chung, còn
Huy Đức thì cung cấp cho chúng ta những câu chuyện hậu trường, những suy nghĩ
cá nhân của những người nặn ra những chính sách ác ôn dẫn đến tình hình mà cụ
Nguyễn Hiến Lê nhận xét. Có thể nói rằng cuốn sách của Huy Đức là một bổ sung
quý báu cho hồi ký của cụ Nguyễn Hiến Lê.
Bây giờ chúng ta thử đọc xem Huy Đức đã cho chúng ta chứng từ để
giải thích cho những nhận xét của cụ Nguyễn Hiến Lê. Đọc xong bộ sách tôi thấy
những thông điệp sau đây lắng đọng trong tôi:
1.- Đó là một chế độ độc tài và toàn
trị. Người cộng sản nói rằng chế độ do họ dựng lên là dân chủ tập trung. Nhưng trong thực tế chúng ta thấy rằng
chẳng có gì là dân chủ trong chế độ cộng sản. Tất cả các chính sách đều do một
nhóm người trong Bộ chính trị quyết định. Nhưng qua Bên thắng cuộc, chúng ta còn biết rằng rất nhiều
chính sách có ảnh hưởng đến hàng triệu người chỉ do một người quyết định, bất
chấp những lời khuyên của người khác. Điển hình cho tính độc tài là quyết định
mở cuộc tổng tấn công vào Tết Mậu Thân. Rõ ràng, đó là một chế độ độc tài, sao
gọi là dân chủ tập trung được.
Điều mỉa mai nhất là họ cáo buộc rằng chế độ VNCH là do Mỹ dựng
lên và tay sai của Mỹ, nhưng chính người lãnh đạo cao cấp nhất trong chế độ CS
là Lê Duẩn khẳng định rằng họ đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung
Cộng. Hình như chưa một lãnh đạo miền Nam chưa ai trơ tráo nói rằng họ là tay
sai của Mỹ. Nói cách khác, chế độ CS ngoài Bắc thời đó là một chế độ toàn trị
tay sai của ngoại bang.
Tính toàn trị còn thể hiện
qua việc Bộ chính trị kiểm soát cả hành vi xã giao của các đồng chí họ. Đọc
đoạn Huy Đức tả cái bắt tay hờ hững của cựu thủ tướng Phan Văn Khải với ông
Bill Clinton mà buồn cười về sự trẻ con và thiếu văn hoá của lãnh đạo CS. Ông
Khải không mở miệng cười với Bill Clinton. Khi được hỏi tại sao lại có hành vi
kém xã giao như vậy, ông Khải thú nhận: “Không được đâu mày ơi, Bộ chính trị
đã thống nhất là không được cười”. Đoạn viết về một ông tướng công an “làm
việc” với ban giám hiệu Đại học Quốc gia Hà Nội để chỉ đạo lúc nào nên cười,
lúc nào nên vỗ tay, thậm chí những hành vi xem thường ông Bill Clinton như để
cho sinh viên đọc báo trong lúc ông nói. Tất cả những hành động và sự giật dây
đó là những minh chứng hùng hồn cho thấy chế độ toàn trị kiểm soát tất cả hành
vi sống của người dân.
2.- Nội bộ thiếu đoàn kết. Thoạt đầu, ấn tượng của tôi về các vị
lãnh đạo phe CSVN là họ rất đoàn kết với nhau. Nhưng đọc qua Bên thắng cuộc và kinh nghiệm cá nhân, tôi mới
thấy ấn tượng đó rất sai lầm. Người CSVN, đặc biệt là trong giới lãnh đạo thượng
tần, rất ganh ghét và đố kỵ lẫn nhau. Huy Đức qua những câu chuyện cá nhân phác hoạ một bức tranh rất xấu
về Lê Đức Thọ và Lê Duẩn, hai người không ưa tướng Võ Nguyên Giáp. Từ một tướng
vang danh thế giới bị hạ xuống người đi đặt vòng ngừa thai cho phụ nữ! Những
ganh ghét và đố kỵ rất con người cũng giống như các lãnh đạo thuộc phe VNCH.
Nhưng có cái khác biệt căn bản là các lãnh đạo VNCH hành xử có văn hoá hơn và
có phần tế nhị hơn so với các lãnh đạo phe CS.
Họ sẵn sàng dựng nên những câu chuyện để bôi xấu lẫn nhau. Vụ án
“Năm Châu – Sáu Sứ” được Huy Đức mô tả khá rõ và cho thấy các đồng chí thượng
tầng CS có thể lập mưu mô để hạ bệ những ai họ không ưa thích. Họ còn dám dùng
cả những thủ đoạn thấp như photoshop để nguỵ tạo hình ảnh trai gái để tố cáo ông
Lê Khả Phiêu lúc đó là tổng bí thư đảng.
3.- Tàn nhẫn. Sự hành xử của một số lãnh đạo CS cấp cao có thể nói là
tàn nhẫn. Sự tàn nhẫn thể hiện ngay giữa các đồng chí. Chúng ta thử đọc qua
đoạn mô tả Võ Chí Công, Đoàn Khuê và Nguyễn Đức Tâm trả thù Võ Viết Thanh sau
khi tướng Thanh bắt Năm Châu và Sáu Sứ:
“Tôi tới phòng làm việc
của Đoàn Chủ tịch Đại hội, thấy Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê, Nguyễn
Quyết, Nguyễn Thanh Bình đang chờ. Mặt Đoàn Khuê hằm hằm, Võ Chí Công và Nguyễn
Đức Tâm nói ngắn gọn: ‘Chúng tôi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo đồng
chí hai nội dung. Trước hết, xin chuyển tới đồng chí nhận xét của Bộ Chính trị:
Đồng chí là một cán bộ cao cấp còn trẻ, công tác tốt, rất có triển vọng, nhưng
rất tiếc, chúng tôi vừa nhận được một số báo cáo tố cáo đồng chí hai việc: Một,
ngay sau giải phóng, đồng chí có cho bắt hai cán bộ tình báo của Bộ Quốc phòng
và từ đó hai cán bộ này mất tích; hai, cái chết của cha mẹ đồng chí là bị ta
trừ gian, chứ không phải do địch giết. Vì vậy, chúng tôi đành phải rút đồng chí
ra khỏi danh sách tái cử vào Trung ương khóa VII’.”
Ông Võ Viết Thanh phản ứng như sau:
“Tôi hết sức bất ngờ.
Khi nghe xúc phạm đến ba má tôi thì tôi không còn kiềm chế được. Trong cặp tôi
lúc đó có một khẩu súng ngắn, tôi đã định kéo khóa, rút súng ra bắn chết cả ba
ông rồi tự sát. Nhưng, tình hình lúc đó, nếu tôi làm thế là tan Đại hội. Tôi cố
nuốt cơn tức giận.”
4.- Lừa gạt và dối trá. Người dân đã bị bộ máy tuyên truyền của
chế độ định hướng suy nghĩ và cảm nhận. Những trẻ em mới lớn lên đã bị bộ máy
tuyên truyền nhồi nhét rằng các vị lãnh đạo đáng kính suốt đời hy sinh hạnh
phúc cá nhân để đấu tranh cho bình đẳng xã hội. Họ còn bị nhồi nhét rằng chế độ
VNCH là chế độ ác ôn, với những con người ăn trên ngồi trốc, trong khi phần lớn
người lao động phải sống khổ cực. Nhưng Bên
thắng cuộc lột trần “huyền
thoại” cao cả của các lãnh đạo CS. Sự thật nói lên rằng họ chính là những người
ăn trên ngồi trốc. Trong khi người dân không đủ cơm ăn thì họ phè phỡn với bơ
sữa từ Đông Âu. Họ có những vườn rau riêng. Họ có một đội quân bác sĩ chăm sóc
sức khoẻ dưới danh xưng “Ban bảo vệ sức khoẻ trung ương”. Người dân không có
thuốc điều trị nhưng lãnh đạo CS thì có thừa. Nếu lấy cái nền lãnh đạo VNCH có
đặc quyền đặc lợi là 1 thì những người lãnh đạo CS có đặc quyền đặc lợi phải
lên đến 100. Do đó, tất cả những gì người CS phỉ báng giới lãnh đạo VNCH thì
cũng chính là những gì họ phỉ báng chính họ với cường độ cao hơn 100 lần. Một
cách ngửa mặt lên trời phun nước bọt.
5.- Đạo đức giả. Báo chí miền Bắc thường ra rả tuyên
truyền rằng lãnh đạo VNCH là những kẻ ăn chơi, đa thê đa thiếp, chỉ biết suốt
ngày nhảy đầm chứ chẳng có kiến thức chính trị gì cả. Họ còn viết hẳn một cuốn
sách về các tướng lãnh VNCH. Đọc cuốn này cũng là một phương thức giải trí tốt
vì các tác giả có khả năng tưởng tượng khá tốt. Nhưng còn các lãnh đạo CS thì
sao? Họ là những kẻ nhiều vợ. Lê Duẩn. Nguyễn Văn Linh. Lê Đức Thọ. Võ Văn
Kiệt. Có thể cả ông Hồ. Tất cả đều có hơn 1 vợ. Tất cả đều sẵn sàng bỏ vợ lại
sau lưng để “theo đuổi sự nghiệp cách mạng”. Nhưng cũng có thể họ xem phụ nữ
như là những người để họ giải quyết vấn đề tình cảm sinh lý. Không phải ai
trong giới lãnh đạo CS đều sống vô đạo đức, nhưng nhìn qua những nhân vật cao
cấp chúng ta thấy nói rằng thói đạo đức giả rất phổ biến trong giới thượng tầng
của chế độ.
6.- Dốt nát. Chúng ta biết rằng những người cộng sản
thế hệ thứ nhất như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp (không tính đến
những người như Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ) là những người có trình độ
học vấn khá và có bản lãnh. Nhưng Bên
thắng cuộc tiết lộ rằng những
người thuộc thế hệ đàn em của những người tiền phong toàn là một nhóm người ít
học. Những lãnh đạo như ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh … đều xuất
thân từ thành phần không có cơ hội học hành đến nơi đến chốn. Sự dốt của lãnh
tụ có khi đến mức hài hước. Trong phần viết về sức khoẻ lãnh đạo, chúng ta được
biết ông Đỗ Mười nói về bệnh trạng của tướng Đoàn Khuê, qua lời thuật của ông
Nguyễn Văn An, như sau: “Đoàn Khuê nói với tao, uống tam thất nó tan hết rồi
mà. Đoàn Khuê còn vạch bụng cho tao xem. Tôi bảo: thưa anh, theo chuyên môn thì
đấy là khối u nó chạy chứ không phải tan đâu ạ”. Thật kinh hoàng khi những con người
như thể được đặt ở vị trí chót vót lãnh đạo một đất nước 90 triệu dân!
Qua Bên thắng cuộc chúng ta biết rằng các lãnh đạo CS
có tầm nhìn rất hạn hẹp. Có thể do bị nhào nặn bởi tuyên truyền cộng với kém
học thức nên các lãnh đạo CS có kiến thức rất nghèo nàn về thế giới ngoài các
nước XHCN và Trung Cộng. Từ đó dẫn đến những nhận định sai lầm và những lựa
chọn bất lợi cho đất nước. Điển hình là câu chuyện đằng sau việc thiết lập quan
hệ ngoại giao với Mỹ. Câu chuyện cho thấy giới lãnh đạo CS thiển cận và làng xã
trong những nhận xét của họ về một đối thủ rất quan trọng.
Chúng ta thử đọc một đoạn “Cứu chủ nghĩa xã hội” để thấy ông
Nguyễn Văn Linh có tầm nhìn và hành xử đầy kịch tính ra sao. Đọc cũng để thấy
Gorbachev chẳng những mỉa mai mà còn khinh Nguyễn Văn Linh như thế nào:
Ông Nguyễn Văn Linh cho rằng Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành
tinh:
Tháng 10-1989, Tổng Bí
thư Nguyễn Văn Linh tới Berlin dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày
thành lập Nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Theo ông Lê Đăng Doanh: “Quyết
định đi dự 40 năm Quốc Khánh CHDC Đức là quyết định trực tiếp của cá
nhân anh Linh. Anh Linh đã bàn với Bộ Chính trị về việc phải triệu tập
một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào
cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội. Anh sang Berlin là để gặp các đồng
chí để bàn về việc ấy và gặp Gorbachev. Trong một cuộc họp, anh Linh
nhận xét: Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.
Bị đối xử như thương gia tầm thường:
Ngày 4-10-1989, từ Hà
Nội, hãng Interflug của Cộng hòa Dân chủ Đức dành cho ông Linh một ghế
hạng thương gia, các thành viên cao cấp khác – Phó Thủ tướng Nguyễn
Khánh, Trợ lý Tổng Bí thư Lê Xuân Tùng, Phó Ban Đối ngoại Trịnh Ngọc
Thái, Đại sứ Tạ Hữu Canh và thư ký Lê Đăng Doanh – chỉ ngồi khoang hành
khách thường.
Bị xem thường:
Một lễ đón đơn giản
được tổ chức tại sân bay Berlin-Schronefeld rồi sau đó đoàn về khách
sạn. …. Trong suốt chuyến thăm chính thức ấy, phía CHDC Đức không thu
xếp cho ông Linh một buổi gặp chính thức nào với Honecker hay một nhà
lãnh đạo khác. Thế nhưng, điều đó đã không làm ông Nguyễn Văn Linh từ
bỏ ý đồ đóng vai trò trung tâm cứu nguy chủ nghĩa xã hội.
Đến nơi ở của các
nhà lãnh đạo khác mới thấy cách đối xử của Erich Honecker với ông Nguyễn
Văn Linh. … Trong khi ông Linh chỉ được xếp một phòng đôi lớn hơn phòng
các thành viên khác trong đoàn một chút thì chỗ ở của Ceausesscu là một
khu vực gồm nhiều phòng. Ông Linh và tùy tùng phải đi qua
một sảnh lớn nơi có một đội cận vệ 12 người bồng tiểu liên AK báng
gập đứng chào. Ceaucesscu đã để ông Linh phải ngồi chờ rất lâu. Ông Linh
nói: “Mày liên hệ thế nào mà giờ không thấy nó”. Tôi bảo: “Tính thằng này
nó hình thức thế”. Một lúc sau thì Ceausesscu ra, chính ông ta lại là
người tỏ ra hăng hái ủng hộ sáng kiến của ông Nguyễn Văn Linh nhất.
Ceausesscu thậm chí còn đòi để Rumani đăng cai. Tuy nhiên, cả Ceausesscu và
các nhà lãnh đạo cộng sản khác đều nói với ông Linh: “Vấn đề là ông kia,
nếu ông ấy không đồng ý thì rất khó”. “Ông kia” đề cập ở đây là
Gorbachev.
Dù ông Linh rất nhiệt tình cứu XHCN nhưng người ta làm ngơ:
Trong ngày 6-10-1989,
giữa Berlin rét mướt, ông Nguyễn Văn Linh đã tìm gặp các nhà lãnh đạo
cộng sản đến dự lễ quốc khánh để thảo luận về một sáng kiến mà ông
đưa ra: triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân
quốc tế. Ông Linh nói: “Phe ta đang diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ
hết, đòi hỏi quốc tế vô sản phải siết chặt hàng ngũ. Đảng Cộng sản
Việt Nam thấy nên có một hội nghị để thống nhất tư tưởng và hành
động, tăng cường tình đoàn kết”.
Đa số các đảng cộng
sản làm ngơ đề nghị của ông Linh, chỉ có Batmunkho Tổng Bí thư Mông
Cổ, Phó Thủ Tướng Hernandez của Cuba, Tổng Bí thư Ceaucescu của
Rumania, Tổng Bí thư Đảng vừa thất cử của Ba Lan Jaruzelski, Chủ tịch
Đảng Cộng Sản Tây Đức (DKP) Herbert Mies là chấp nhận gặp. Chỉ
có Helbert Mies, lãnh tụ của một đảng không cầm quyền và Phó thủ tướng
Cuba Hernandez là tự tới nơi ông Linh ở. Theo ông Lê Đăng Doanh, những
người khác chỉ tiếp ông Nguyễn Văn Linh tại phòng riêng của họ.
Sau nhiều cuộc trì hoản thì ông Linh cũng được Gorbachev cho một
cuộc gặp mặt. Nhưng đó là một cuộc gặp mặt để Gorbachev khinh miệt ông Linh.
Chúng ta hãy đọc tiếp:
Từ 19 đến 21 giờ tối
6-10-1989, sau phần đọc diễn văn, cuộc mit-tin được chuyển từ trong
một lâu đài ra một lễ đài ngoài trời duyệt quần chúng, thanh niên rước
đuốc. Ông Lê Đăng Doanh kể: Đám thanh niên tuần hành sôi lên sùng sục kêu
tên Gorbachev, “Gorby! Gorby!”. Anh Linh chỉ mặc bộ complet, tối nhiệt độ
xuống khoảng 8 C, cận vệ quên mang áo lạnh, ông Nguyễn Văn Linh đứng
run bần bật, kêu tôi: “Tao lạnh quá”. Tôi phải nói với một viên tướng
Đức đứng cạnh đấy: “Tổng Bí thư của tôi quên mang áo ấm”. Viên tướng
cho mượn tạm tấm áo choàng của ông ta.
Sáng hôm sau, 7-10-1989,
theo lịch trình, mười giờ sẽ có duyệt binh, nhưng tám giờ, ông Nguyễn
Văn Linh triệu tập họp Chi bộ Đảng thông báo tình hình sức khỏe: “Mình
thấy có gì đó không bình thường, không nhắm được mắt, miệng cứng,
không ăn được”. Về sau bác sỹ xác định đó là triệu chứng liệt dây
thần kinh số 7. Mọi người đề nghị ông Linh không ra lễ đài, ông Nguyễn
Khánh thay ông Linh dự duyệt binh rồi báo với “bạn”. Phía CHDC Đức mời
ông Linh ở lại khám chữa bệnh và khuyên ông không nên về trong lúc này.
Tuy bệnh tình càng ngày càng nặng, nước mắt chảy ra nhiều, miệng có
biểu hiện bị méo và nói bắt đầu khó khăn, ông Nguyễn Văn Linh vẫn hy
vọng rất nhiều vào cuộc gặp với Gorbachev.
Cuộc gặp Gorbachev dự
kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ
cũng không thấy văn phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo
ông Lê Đăng Doanh: Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng
thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh
ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai
ở phía bên phải sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một
ngụm nước mới nuốt được.
Cuộc gặp Gorbachev
được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà
lãnh đạo của cả phe xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một tòa
lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong
phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một
tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn
một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón
ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: “Kẻ cơ hội nhất
hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh”.
Dù đang bệnh, ông
Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng
Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt”
nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: “Tôi đã gặp một số
đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam
muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong
trào công nhân quốc tế”. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: “Ý
này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!”.
Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam . Gorbachev lại kêu lên: “Hay
quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa
biết thu xếp cái nào trước”.
Cuối cùng, Tổng Bí
thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến truyền thống viện trợ của Liên xô và
khi ông đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế Hoạch 5 năm 1990-1995
của Việt Nam thì Gorbachev xua tay. Không còn xã giao, lịch sự như phần
trên nữa, Gorbachev nói: “Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam
tự lo thôi”. Theo ông Lê Đăng Doanh: Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân
và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong “tình hữu nghị thắm
thiết”.
Đọc những đoạn trích dẫn
rất sống động này tôi phải nói là rất nhục. Là lãnh tụ một đất nước 90 triệu
dân mà không nắm được tình hình thế giới để bị các lãnh đạo của chính thế giới
XHCN xem thường như thế. Ông Nguyễn Mạnh Cầm có lẽ là người ngoại giao nên còn
biết được tình hình thế giới. Ông đưa ra nhận xét rằng “Nhận thức của một số
đồng chí trong Bộ chính trị lúc bấy giờ không theo kịp những thay đổi của tình
hình thế giới”. Không theo kịp tình hình thế giới có nghĩa là sống trong
cái ao làng. Chẳng biết ông Linh có hiểu những câu nói của Gorbachev hay không.
Thật là nhục nhã. Tất cả cũng vì cái dốt.
Cái dốt của lãnh đạo CS còn thể hiện qua lần tiếp kiến giữa ông
Lê Khả Phiêu và Bill Clinton. Trong buổi tiếp kiến, trong khi Bill Clinton nói
về tương lai hợp tác, ông Lê Khả Phiêu lại tận dụng chuyện Bill Clinton “trốn
lính” làm cho ông Bill Clinton rất giận và chắc chắc cũng rất khinh thường
người đối diện mình:
“Bill Clinton nhớ lại:
“Lê Khả Phiêu cố gắng sử dụng hành động phản đối chiến tranh Việt Nam
của tôi để cáo buộc những gì Mỹ đã làm là hành vi đế quốc. Tôi đã rất
giận dữ nhất là khi ông ta nói vậy trước sự có mặt của Đại sứ Pete
Peterson, một người đã từng là tù binh chiến tranh. Tôi nói với nhà lãnh
đạo Việt Nam rằng khi tôi không tán thành các chính sách đối với Việt
Nam, những người theo đuổi nó cũng không phải là đế quốc hay thực dân,
mà là những người tốt chiến đấu chống cộng sản. Tôi chỉ Pete và nói,
ông đại sứ không ngồi sáu năm rưỡi trong nhà tù ‘Hà Nội Hilton’ vì muốn
thực dân hóa Việt Nam”.
“Ông Phan Văn Khải
nhớ lại: “Ông Phiêu nói như thời chiến tranh làm cho họ rất khó chịu.
Ông ấy muốn tỏ rõ thái độ của một chính quyền cộng sản. Nhưng, ông Phiêu không hiểu tình
hình thế giới giờ đây đã khác. Phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã. Vấn đề
là mối quan hệ giữa hai quốc gia, chúng ta cần Mỹ. Nếu người Mỹ không
vào thì những công ty lớn trên thế giới không có ai vào cả”. …
Clinton nhận xét,
dường như những người mà ông gặp ở Việt Nam, chức vụ càng cao hơn
thì ngôn ngữ càng “sặc mùi” cộng sản theo kiểu cũ hơn”.
Sự dốt nát chính là một
nguyên nhân chính dẫn đến những cuộc bỏ lỡ cơ hội để phát triển đất nước. Câu
chuyện xung quanh ký hiệp định thương mại song phương BTA cho thấy giới lãnh
đạo thượng tầng CS rất sợ Trung Cộng. Ông Nguyễn Mạnh Cầm nói “Tôi tiếc
đứt ruột. Năm 1999, Bill Clinton muốn ký trước mặt các nhà lãnh đạo đủ
cả phương Tây lẫn phương Đông. Khi ấy các tập đoàn sản xuất hàng
xuất khẩu sang Mỹ chỉ chờ có hiệp định là nhảy vào Việt Nam .
Mình quyết định không ký, mất biết bao nhiêu cơ hội”. Không chỉ BTA, ngay cả những chần
chừ để trở thành thành viên của ASEAN cũng phản ảnh sự kém hiểu biết của những
người lãnh đạo CS chóp bu.
Sự dốt nát và kém hiểu biết
của người CS không phải chỉ biểu hiện trong giới lãnh đạo mà còn ở những người
trong giới học thuật và chuyên môn. Sau 1975 tôi đã có nhiều “tiếp cận” với
những đồng nghiệp y khoa từ Bắc vào. Tôi có thể nói một cách không ngần ngại
rằng trình độ của họ quá kém. Có lần một anh bác sĩ nghe nói là cấp cao ngoài
đó mà viết tên thuốc trụ sinh còn sai. Không phải sai một lần mà nhiều lần. Chỉ
nhìn nét chữ cũng có thể biết được anh chàng này thuộc thành phần bác sĩ gì.
Ngay cả những người được “chi viện” để tiếp thu trường y Sài Gòn cũng là những
người rất kém cỏi về kiến thức và kỹ năng lâm sàng. Họ bị các thầy trong Nam
khinh ra mặt. Do đó tôi không hề ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ viết về phản
ứng của giới trí thức trong Nam
trước những chính sách quái đản được áp dụng sau 1975. Họ vận hành theo tư duy
rặt mùi cộng sản. Cứ đến ngày kỷ niệm nào đó họ hỏi có thành tích khoa học gì
để chào mừng và nhận được câu trả lời của thầy Phạm Biểu Tâm: “Không có thứ
khoa học nào gọi là khoa học chào mừng cả”. Sau này trong một lần họp bàn
về cách giải quyết hệ thống nước bị đục, giáo sư Phạm Biểu Tâm không phát biểu
gì cả. Đến khi bị ông Võ Văn Kiệt gặn hỏi, giáo sư Tâm vốn rất quý ông Kiệt,
chỉ nói đơn giản “Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức khoẻ, vì cái gì cũng
đã có các anh nghĩ hết. Nước là chuyện mấy anh đâu phải chuyện tụi tui”.
Đối với giới trí thức miền Nam
ngày ra mắt đầu tiên của chính quyền không hề thuyết phục được họ. Cho đến bây
giờ tình hình vẫn thế.
Bên thắng cuộc đã trở thành một tác phẩm bán chạy. Nếu
được công bố ở trong nước tôi nghĩ chắc chắn bộ sách sẽ qua mặt bất cứ cuốn
sách nào đang có trên thị trường. Đọc xong bộ sách tôi hiểu được tại sao nó nổi
tiếng. Theo tôi, Bên thắng
cuộc được nhiều người quan
tâm vì trong đó có rất nhiều những câu chuyện hậu trường chính trị. Đặc biệt
hơn là tất cả những câu chuyện hậu trường đều nói lên những hình ảnh tiêu cực
của giới lãnh đạo CSVN. Khó tìm một câu chuyện nào mang tính tích cực trong
sách. Trong đó có những con người ít học nhưng ngạo mạn. Đó là những con người
đạo đức giả. Đó là những con người sẵn sàng chấp nhận đớn hèn để sống trong môi
trường tàn ác. Đó là những con người tàn nhẫn và xảo trá. Những cá tính lãnh
đạo như thế là tác giả của những quyết sách đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.
Họ dẫn đất nước bỏ mất cơ hội hết năm này sang năm khác. Những câu chuyện như
thế giúp cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn cái tâm kém và cái trí thấp của một số
đông lãnh đạo chóp bu và giải thích tại sao đất nước và dân tộc chúng ta đã quá
bất hạnh trong suốt 70 năm qua. Họ là nguyên nhân gần và tác nhân trực tiếp đã
đưa đất nước nghèo hèn như hiện nay. Họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Bùi Văn Bồng - HẬU HỌA CÚ MẮC LỪA CON SỐ 13
Blog Bùi Văn Bồng
Ảnh Hội nghị Thành Đô
- Hàng đầu:
Tổng bí thư Giang Trạch Dân
cùng Thủ tướng Lý Bằng (đứng giữa).
- Phía bên phải Giang là
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
và Cố vấn Phạm Văn Đồng (chắp tay).
- Phía bên trái:
Lý là Thủ tướng Đỗ Mười, Chánh văn phòng TW Hồng Hà,
Thứ trưởng ngoại giao Đinh Nho Liêm.
Ảnh do Tân Hoa xã đơn phương công bố,
dù 2 bên đã cam kết
đây là cuộc họp tuyệt mật.
BVB - Trong một buổi lễ kín đáo tại PhnomPenh ngày 23/01/2013, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cam Bốt Moeung Samphan và Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Thích Kiến Quốc (Qi Jianguo), đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác quân sự song phương. Bắc Kinh sẽ tài trợ cả trăm triệu đô la cho Phnom Penh để mua vũ khí của Trung Quốc, đồng thời tiếp tục công tác huấn luyện cho quân đội Cam Bốt. Theo giới phân tích, sự tăng cường đáng kể hợp tác quân sự Bắc Kinh-Phnom Penh chắc chắn sẽ làm cho hai láng giềng lớn của Cam Bốt là Thái Lan và Việt Nam lo ngại…
Đối với Việt Nam, thái độ thân Trung Quốc của Cam Bốt, phá hoại lập trường thống nhất của ASEAN trên hồ sơ tranh chấp Biển Đông, thể hiện trong suốt năm 2012 vừa qua, đã cho thấy là Phnom Penh sẵn sàng vì lợi ích riêng của mình mà quên đi quyền lợi chung của toàn khối, kể cả của nước bạn đã từng giúp Cam Bốt thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer đỏ.
Mặt khác, trong lãnh vực quân sự, chắc chắn Việt Nam chưa quên thời kỳ Trung Quốc chi viện ồ ạt cho lực lượng Khmer Đỏ để tấn công vào sườn phía Nam của Việt Nam. Vào thời đó, rõ ràng là hợp tác quân sự Trung Quốc-Cam Bốt rất chặt chẽ. Câu hỏi đặt ra là liệu lịch sử có tái diễn hay không ?
Hiệp ước viện trợ quân sự Trung Quốc-Campuchia được ký kết tại Phnom Penh (Campuchia)
Suy cho cùng, đây là hậu họa mà “cái dây kinh nghiệm” quá dài ngoằng từ Hội nghị Thành Đô 9-1990 rút hoài chưa hết, mà đến nay càng rút càng thấy nó dài thêm, còn đủ thứ bùng nhùng. Riêng về âm mưu của Trung Quốc muốn thôn tính Campuchia để tiếp tục cắm chốt phía Tây Nam ép Việt Nam và Lào, đến nay hầu như chưa mấy ai trong giới lãnh đạo của ta nhận rõ nguy cơ “cánh quân đánh tập hậu” nguy hiểm này. Nó được thiết kế từ Hội nghị Thành Đô. Thực chất Hội nghị Thành Đô là Việt Nam bị cú lừa ngoạn mục bởi con số 13 mà Trung Quốc đưa ra. Đến nay, Trung Quốc đã ngày càng thắng thế trong âm mưu này. Với Việt Nam lúc đó, Trung Quốc đưa ra “16 chữ vàng và 4 tốt”, tức 16+4. Còn ViệtNam bị Trung Quốc lừa bởi một phép cộng: 6+2+2+2+1 = 13, giải quyết vấn đề 'nhân sự' thượng đỉnh cho Campuchia. Vậy, con số 13 mà Việt Nam bị lừa ngọt xớt là gì? BVB xin trích giới thiệu một đoạn trong “Hồi ức và suy nghĩ” (Hồi ký) của nhà ngoại giao kỳ cựu Trần Quang Cơ:
* TRẦN QUANG CƠ
... Bắc Kinh triệu tập cuộc họp Thành Đô một cách rất trịch thượng. Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy chỉ báo trước có 5 ngày, yêu cầu ngày 2-9-1990 phải có mặt ở Thành Đô, lại là ngày Quốc khánh chẵn của Việt Nam. (Tân Hoa Xã).
Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã nhận định về cuộc họp Thành Đô đầu tháng 9-1990 rằng: “một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu!”. Một lời than não nề. Một lời cảnh báo đến vẫn nay còn có giá trị.
Sau chiến tranh biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc những năm 1976 -1979, rồi chiến sự ở Campuchia kéo dài đến cuối năm 1988, mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc vốn dĩ phức tạp từ xa xưa, khi bạn, khi thù, đến đây lại có bước ngoặt, từ chiến tranh quyết liệt, từ đối đầu chuyển sang bình thường hóa, rồi từ bình thường hóa chuyển nhanh sang tình hữu nghị «16 chữ vàng» và «láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt», trên thực tế là phía lãnh đạo Việt Nam chịu sự phụ thuộc về nhiều mặt đối với thế lực bành trướng nước lớn.
Thái độ này được các nhà trí thức yêu nước và bà con ta gọi là thái độ “hèn với giặc, ác với dân”, từ sự kiện Thành Đô đến nay đã kéo dài 22 năm.
Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ Chủ nghĩa xã hội, thay thế Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm họa “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu.
Ngay sau khi ở Thành Đô về, ngày 05/09/1990 anh Linh và anh Mười, có thêm anh Thạch và anh Lê Đức Anh đã bay sang Nông Pênh thông báo lại nội dung cuộc gặp cấp cao Việt-Trung với BCT Campuchia. Để thêm sức thuyết phục Nông Pênh nhận Thỏa thuận Thành Đô, anh Linh nói với lãnh đạo Campuchia:
Phải thấy giữa Trung Quốc và đế quốc cũng có mâu thuẫn trong vấn đề Campuchia. Ta phải có sách lược lợi dụng mâu thuẫn này. Đừng đấu tranh với Trung Quốc đến mức xô đẩy họ bắt tay chặt chẽ với đế quốc. “Lập luận này được Lê Đức Anh mở rộng thêm: “Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xoá cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc.
Nhưng câu trả lời của Heng Somrin thay mặt cho lãnh đạo CPC, vẫn là: “Phải giữ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta. Những vấn đề nội bộ liên quan đến chủ quyền CPC phải do các bên CPC giải quyết”. Về “giải pháp đỏ”, Nông Pênh nhận định ý đồ của Trung Quốc không muốn 2 phái cộng sản ở Campuchia hợp tác với nhau gây phức tạp cho quan hệ của họ với Sihanouk và với phương Tây. Vì vậy chúng tôi thấy rằng khó có thể thực hiện giải pháp đỏ vì giải pháp đỏ trái với lợi ích của TQ. Mặc dù ban lãnh đạo Campuchia đã xác định rõ thái độ như vậy, song Lê Đức Anh vẫn cứ cố thuyết phục bạn:
Ta nói giải pháp đỏ nhưng là giải pháp hồng, vừa xanh vừa đỏ. Trước mắt không làm được nhưng phải kiên trì. Ta làm bằng nhiều con đường, làm bằng thực tế. Các đồng chí cần tìm nhiều con đường tiếp xúc với Khơ-me đỏ. Vấn đề tranh thủ Khơ-me đỏ là vấn đề sách lược mang tính chiến lược…Nên kiên trì tìm cách liên minh với Trung Quốc kéo Khơ-me đỏ trở về … Ta đừng nói với Trung Quốc là làm giải pháp đỏ, nhưng ta thực hiện giải pháp đỏ. Có đỏ có xanh, nhưng thực tế là hợp tác 2 lực lượng cộng sản.
Nguyễn Văn Linh bồi thêm:
- Xin các đồng chí chú ý lợi dụng mâu thuẫn, đừng bỏ lỡ thời cơ, TQ muốn đi với Mỹ, nhưng Mỹ ép TQ nên TQ cũng muốn có quan hệ tốt với Lào, Việt Nam và Campuchia. Nếu ta có sách lược tốt thì ta có giải pháp đỏ.
Theo báo cáo của Đại sứ Ngô Điền, thái độ của bạn CPC đối với ta từ sau Thành Đô đổi khác. Về công khai, bạn cố tránh tỏ ra bị lệ thuộc vào Việt Nam. Trên cơ sở tính toán về lợi ích của mình, bạn tự quyết định lấy đối sách, không trao đổi trước với ta, hoặc quyết định khác với sự gợi ý của ta trên nhiều việc.
Nhìn lại, trong cuộc gặp Thành Đô, ta đã bị mắc lỡm với Trung Quốc ít nhất trên 3 điểm:
- Trung Quốc nói cuộc gặp Thành Đô sẽ đàm phán cả vấn đề CPC và vấn đề bình thường hoá quan hệ, nhưng thực tế chỉ bàn vấn đề Campuchia, còn vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước Trung Quốc vẫn nhắc lại lập trường cũ là có giải quyết vấn đề Campuchia thì mới nói đến chuyện bình thường hoá quan hệ hai nước;
- Trung Quốc nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng, nhưng đó chỉ là cái “mồi” để kéo anh Đồng tham gia gặp gỡ cấp cao.
- Trung Quốc nói giữ bí mật việc gặp cấp cao hai nước, nhưng ngay sau cuộc gặp hầu như tất cả các nước đã được phía Trung Quốc trực tiếp hay gián tiếp thông báo nội dung chi tiết bản Thoả thuận Thành Đô theo hướng bất lợi cho ta.
Ngày 07/09/1990 BCT đã họp thảo luận về kết quả cuộc gặp cấp cao Việt-Trung và cuộc gặp cấp cao Việt-CPC sau đó, và quyết định ngay hôm sau Đỗ Mười gặp đại sứ TQ thông báo lại lập trường của Nhà Nước CPC; đồng thời thông báo với Liên Xô, Lào như đã thông báo với CPC. Nếu có ai hỏi về công thức 6+2+2+2+1, nói không biết.
Báo Bangkok Post ngày 19/9/90 trong bài của Chuchart Kangwaan đã công khai hoá bản Thỏa thuận Thành Đô, viết rõ Việt Nam đã đồng ý với Trung Quốc về thành phần HĐDTTC của Campuchia gồm 6 người của Nhà nước Campuchia, 2 của Khơ-me đỏ, 2 của phái Son San, 2 của phái Sihanouk. Thành viên thứ 13 là Hoàng thân Sihanouk giữ chức chủ tịch Hội đồng. Còn Lý Bằng trong khi trả lời phỏng vấn của Paisai Sricharatchang, phóng viên tờ Bangkok Post tại Bắc Kinh, ngày 24/10/1990, đã xác nhận có một cuộc gặp bí mật giữa lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam hồi đầu tháng 9 và cho biết kết quả cuộc gặp đã được phản ánh qua cuộc họp giữa các bên Campuchia ngày 10/9/90 tại Jakarta. Trong khi nói không biết chắc phía Việt Nam đã cố gắng thuyết phục Nông Pênh đến đâu, Lý nhận định là Hà Nội chắc chưa làm đủ mức. Điều đó có thể thấy được qua việc Nông Pênh đã có“một thái độ thiếu hợp tác (uncooperative)”.
Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ Chủ nghĩa xã hội, thay thế Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm họa “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm “giải pháp đỏ”, v.v…
Sau Thành Đô, trong Bộ Chính trị đã có nhiều ý kiến bàn cãi về chuyến đi này. Song mãi đến trước Đại hội VII, khi BCT họp (15-17/05/1991) thảo luận bản dự thảo “Báo cáo về tình hình thế giới và về việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội VI và phương hướng tới”, cuộc gặp cấp cao Việt Nam-Trung Quốc ở Thành Đô mới lại được đề cập tới khi dự thảo báo cáo của Bộ Ngoại giao có câu “có một số việc làm không đúng với các Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề Campuchia”. Cuộc họp này có mặt đầy đủ tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cố vấn Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, các ủy viên BCT Đỗ Mười, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Đức Anh, Mai Chí Thọ, Nguyễn Đức Tâm, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên, Đoàn Khuê, Nguyễn Thanh Bình.
Anh Tô nói:
- Có thời giờ và có cơ hội đem ra kiểm điểm những việc vừa qua để nhận định sâu hơn thì tốt thôi. Sau chuyến đi Thành Đô, tôi vẫn ân hận về thái độ của mình. Nói là tự kiểm điểm thì đây là tự kiểm điểm. Tôi ân hận ở hai chỗ. Lúc ở Thành Đô, khi bàn đến vấn đề Campuchia, người nói trước là anh Linh. Anh Linh nói đến phương án hoà giải dân tộc Campuchia. Sau đó Lý Bằng trình bày phương án “6+2+2+2+1” mà Từ Đôn Tín khi đàm phán với anh Cơ ở Hà Nội đã ép ta nhận song ta bác. Anh Linh đã đồng ý (nói không có vấn đề). Lúc đó có lẽ do thấy thái độ của tôi, Giang mời tôi nói. Tôi nói tôi không nghĩ phương án 13 này là hay, ý tôi nói là không công bằng… Tôi ân hận là lẽ ra sau đó đoàn ta nên hội ý lại sau bữa tiệc buổi tối. Nhưng tôi không nghĩ ra, chỉ phân vân. Sáng sớm hôm sau, mấy anh em bên Ban Đối Ngoại và anh Hồng Hà nói nhỏ với tôi là cốt sao tranh thủ được nguyên tắc “consensus”, còn con số không quan trọng. Tôi nghe hơi yên tâm, nhưng vẫn nghĩ có hội ý vẫn hơn. Sau đó, Trung Quốc đưa ký bản Thoả thuận có nói đến con số 13… Tôi phân vân muốn được biết nội dung trước khi ta hạ bút ký. Nếu như đoàn ta trao đổi với nhau sau phiên họp đầu, sau khi Lý Bằng đưa ra công thức 6+2+2+2+1 thì có thể ta có cách bàn thêm với họ. Hai là trước khi ký văn bản do chuyên viên hai bên thỏa thuận, các đồng chí lãnh đạo cần xem lại và bàn bạc xem có thể thêm bớt gì trước khi ký. Nghĩ lại, khi họ mời tổng bí thư, chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ta sang gặp tổng bí thư và chủ tịch Quốc vụ viện, họ lại mời thêm tôi. Tôi khá bất ngờ, không chuẩn bị kỹ. Anh Mười cho là họ mời rất trang trọng cơ hội lớn nên đi. Nhưng đi để rồi ký một văn bản mà ta không lường trước hậu quả về phản ứng của bạn CPC, rất gay gắt. Tôi hiểu là bạn khá bất bình, thậm chí là uất nhau. Cho là ta làm sau lưng, có hại cho người ta.
Anh Linh:
- Anh Tô nhớ lại xem. Không phải tôi đồng ý, tôi chỉ nói ta nghiên cứu xem xét và cuối cùng đặt vấn đề thông báo lại Campuchia… Bây giờ tôi vẫn nghĩ thế là đúng. Tôi không thấy ân hận về việc mình chấp nhận phương án 13… Vấn đề Campuchia dính đến Trung Quốc và Mỹ. Phải tính đến chiến lược và sách lược. Phải tiếp tục làm việc với Campuchia về chiến lược, phải có nhiều biện pháp làm cho bạn thấy âm mưu của đế quốc Mỹ chống phá chủ nghĩa xã hội ở Châu Á, cả ở Cuba. Nó đã phá Trung Quốc qua vụ Thiên An Môn rồi, nay chyển sang phá ta… Trung Quốc muốn thông qua Khơ-me đỏ nắm Campuchia. Song dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa.
Anh Thạch:
- …Về chuyện Thành Đô, Trung Quốc đã đưa cả băng ghi âm cuộc nói chuyện với lãnh đạo ta ở Thành Đô cho Nông Pênh, Hun-xen nói là trong biên bản viết là hai bên đồng ý thông báo cho Campuchia phương án 6+2+2+2+1, nhưng băng ghi âm lại ghi rõ là anh Linh nói “Không có vấn đề gì”.Tôi xin trình bày để các anh hiểu nguyên do con số 13 là từ đâu? Tại Tokyo tháng 6/1990, Sihanouk và Hun-xen đã thỏa thuận thành phần SNC gồm 2 bên ngang nhau = 6+6. Từ Đôn Tín sang Hà Nội, ép ta nhận công thức 6+2+2+2+1 không được. Đến cuộc gặp Thành Đô, Trung Quốc lại đưa ra. Khi ta sang Nông Pênh để thuyết phục bạn nhận con số 13 với nguyên tắc làm việc theo “consensus” trong SNC, anh Hun-xen nói riêng với tôi: chúng tôi thắng mà phải nhận số người ít hơn bên kia (bên ta 6, bên kia 7) thì mang tiếng là Campuchia bị Việt Nam và Trung Quốc ép. Như vậy dù là “consensus” cũng không thể thuyết phục nhân dân Campuchia được. Chỉ có thể nhận 12 hoặc 14 thành viên trong Hội đồng Dân tộc Tối cao. Phải nói là Nông Pênh thắc mắc nhiều với ta. Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ đều cho ta biết là Trung Quốc đã thông báo cho họ đầy đủ về Thoả thuận Thành Đô, và nói họ là lãnh đạo Việt Nam không đáng tin cậy, Trung Quốc đã sử dụng Thành Đô để phá quan hệ của ta với các nước và chia rẽ nội bộ ta.
Hôm sau, BCT họp tiếp, anh Mười nói: Ta tán thành Sihanouk làm chủ tịch Hội đồng Dân tộc Tối cao, Hun-xen làm phó chủ tịch, lấy nhất trí trong Hội đồng Dân tộc Tối cao làm nguyên tắc. Đây không phải là một nhân nhượng… Nếu có anh Thạch đi Thành Đô thì tốt hơn…
Anh Tô:
- Vấn đề chủ yếu không phải là thái độ của ta ở Thành Đô như anh Mười nói, mà là kết quả và tác động đến bạn Campuchia đánh giá ta như thế nào? Ở Thành Đô điều ta làm có thể chứng minh được, nhưng Campuchia cho là ta giải quyết trên lưng họ. Vì vậy mà tôi ân hận. Tôi ân hận về sau này sẽ để lại hậu quả.
Anh Mười:
- …Với tinh thần một người cộng sản, tôi cho là ta không sai. Bạn Campuchia nghĩ gì ta là quyền của họ. Với tinh thần một người cộng sản, ta không bao giờ vi phạm chủ quyền của Campuchia.
Anh Thạch:
- Họp Bộ Chính trị để kiểm điểm, tôi xin được nói thẳng. Có phải khi đi Thành Đô, anh Đỗ Mười có nói với tôi là hai ông anh nhận hơi sớm. Anh Linh nhận công thức 13 và anh Tô “consensus” (nguyên tắc nhất trí).
Anh Võ Văn Kiệt:
- Trong thâm tâm tôi, tôi không đồng ý có anh Tô trong đoàn đi Thành Đô. Nếu có gặp Đặng thì anh Tô đi là đúng. Tôi nói thẳng là tôi xót xa khi biết anh Tô đi cùng anh Linh và anh Mười chỉ để gặp Giang và Lý, không có Đặng. Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy.
Vốn là người điềm đạm, song anh Tô có lúc đã phải phát biểu: Mình hớ, mình dại rồi mà cũng còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao. Cùng lắm là nói cái lý đó, nhưng tôi không nghĩ như vậy là thượng sách. Tôi không nghĩ người lãnh đạo nên làm như vậy.
Thỏa thuận Việt Nam-Trung Quốc ở Thành Đô đúng như anh Tô lo ngại đã để lại một ấn tượng không dễ quên đối với Nông Pênh. Trong phiên họp Quốc hội Campuchia ngày 28/2/1991, Hun-xen phát biểu:
“Như các đại biểu đã biết, vấn đề Hội đồng Dân tộc Tối cao này rất phức tạp chúng ta phải đấu tranh khắc phục và làm thất bại âm mưu của kẻ thù nhưng bọn ủng hộ chúng không ít đâu. Mặc dù Hội đồng đã được thành lập trên cơ sở 2 bên bình đẳng nhưng người ta vẫn muốn biến nó thành 4 bên theo công thức 6+2+2+2+1, và vấn đề chủ tịch làm cho Hội đồng không hoạt động được”.
Tôi còn nhớ khi tiếp tôi ở Nông Pênh, ngày 28/9/1990, Hun-xen đã có những ý khá mạnh khi nói về thoả thuận Thành Đô: Khi gặp Sok An ở Băng Cốc hôm 17/9, TQ dọa và đòi SNC phải công nhận công thức mà VN và TQ đã thỏa thuận. Nhưng Nông Pênh độc lập. Sok An đã nói rất đúng khi trả lời TQ là ý này là của VN không phải của Nông Pênh.
Cuộc hội đàm Thành Đô tháng 9/1990 hoàn toàn không phải là một thành tựu đối ngoại của ta, trái lại đó là một sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại. Vì quá nôn nóng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đoàn ta đã hành động một cách vô nguyên tắc, tưởng rằng thoả thuận như thế sẽ được lòng Bắc Kinh nhưng trái lại thỏa thuận Thành Đô đã làm chậm việc giải quyết vấn đề Campuchia và do đó chậm việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, uy tín quốc tế của ta bị hoen ố.
Việc ta đề nghị hợp tác với Trung Quốc bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc Mỹ, thực hiện giải pháp đỏ ở Campuchia là không phù hợp với Nghị Quyết 13 của Bộ Chính Trị mà còn gây khó khăn cho ta trong việc đa dạng hóa quan hệ với các đối tượng khác như Mỹ, phương Tây, ASEAN và tác động không thuận lợi đến quan hệ giữa ta và đồng minh, nhất là quan hệ với Liên Xô và Campuchia. Trung Quốc một mặt bác bỏ những đề nghị đó của ta, nhưng mặt khác lại dùng ngay những đề nghị đó để bôi xấu ta với các nước khác nhằm tiếp tục cô lập ta, gây sức ép với ta và Campuchia.
Cùng với việc ta thúc ép Nông Pênh đi vào giải pháp đỏ, việc ta thỏa thuận với Trung Quốc về công thức HĐDTTC tại Thành Đô là không phù hợp với nguyên tắc nhất quán của Đảng ta là không can thiệp và không quyết định các vấn đề nội bộ của Campuchia, làm tăng mối nghi ngờ vốn có của bạn Campuchia đối với ta, đi ngược lại chủ trương tăng cường và củng cố mối quan hệ của ta với Campuchia và Lào…
Trần Quang Cơ
(BVB - giới thiệu và trích dẫn)
----------------------------"
+ Bài liên quan:
>http://lexuanquang.org/post/1652/
>http://anhbasam.wordpress.com/2012/08/11/1200-phai-chan-dung-nguy-co-tai-dien-kich-ban-thanh-do-1990/
>http://dantri.com.vn/dien-dan/cau-chuyen-ve-ngoai-giao-nhan-dan-525969.htm
>http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/infonet.vn/Vi-sao-Trung-Quoc-hao-phong-voi-quan-doi-Campuchia/10307488.epi
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)