Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Mộng mị đầu năm. Ước mơ và Ác mộng của Lãnh đạo Trung Quốc




Nguyễn-Xuân Nghĩa 

*Vượt mặt Hoa Kỳ thành siêu cường toàn cầu?* 

Nếu có phải viết về những mơ ước đầu năm, có lẽ mình nên nói về chuyện mộng mị – của Trung Quốc – như sau:
Với các nước trên thế giới, không ai có thể nói về tương lai mà lại bỏ qua Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế đứng hạng nhì địa cầu nhờ có một phần tư dân số của nhân loại và đang mơ giấc siêu cường. Vì vậy, nhân buổi đầu năm mà nhìn vào tương lai, nhất là từ giác độ Việt Nam, thì xin hãy ngó vào Trung Quốc... Mộng nhiều hơn mị.


Trung Quốc đã qua ba chục năm cải cách kinh tế với tốc độ được đánh giá là ngoạn mục mà vẫn không giải quyết được bài toán nằm trong gia phả là địa dư hình thể của lãnh thổ. Mà nay, tốc độ ngoạn mục đó đã thành dĩ vãng.

Bài toán địa dư hình thể là Trung Quốc chỉ là một ốc đảo trù phú gồm có một phần ba lãnh thổ nằm bên vùng duyên hải. Ốc đảo vì ngoài Biển Đông, khu vực này bị sa mạc, núi rừng và thảo nguyên bao vây ở ba góc còn lại. Miền Bắc là sa mạc Tây Bá Lợi Á và thảo nguyên Mông Cổ. Hướng Tây Nam là rặng Hy Mã Lạp Sơn. Phía Nam là núi đèo rừng rú chia cách với Miến Điện, Lào và Việt Nam. Trung Quốc chỉ có hai hướng để thoát ra ngoài, hoặc tràn ra ngoài với binh đội, mà đều là những hướng vất vả: con đường tơ lụa qua ngả Tân Cương và biên giới với Bắc Việt.

Đa số người dân Trung Quốc sống trong ốc đảo miền Đông. Khu vực còn lại là một sự trống trải hoang vu của những vùng chưa khai phá. Sau 30 năm tập trung lãnh đạo theo kiểu Mao Trạch Đông và bị khủng hoảng, từ 1949 đến 1978, 30 năm còn lại là từ 1979 đến 2008 vẫn chưa thể hội nhập các khu vực quá khác biệt này.

Lý do chính khiến cho bốn kế hoạch phát triển các vùng nội địa được ban hành từ hơn 10 năm qua đều thất bại nằm trong hệ thống chính trị của Trung Quốc: nền độc tài đảng trị không chấp nhận dân chủ và cũng chẳng muốn áp dụng thể chế liên bang như các nước có lãnh thổ quá rộng với quá nhiều dị biệt phải dung hòa.

Bài toán của Trung Quốc nằm ở bên trong vì quá nhiều mâu thuẫn nội bộ. Nhưng ác mộng của lãnh đạo xứ này là xứ sở lại bị các nước xâu xé, hoặc bị dị tộc cai trị như đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử. Vì vậy, họ mắc bệnh "tự kỷ" (autism) trong hệ thần kinh là chỉ suy luận về thiên hạ sự từ góc độ của mình và khó đối thoại hay hòa nhập với thế giới bên ngoài. Cụ thể là lối suy luận rằng nếu đảng độc tài có thể đem lại cơm áo cho người dân thì sẽ muôn năm trường trị và nhất thống giang hồ mà khỏi bị thiên hạ xâu xé.

Không quốc gia nào trên thế giới ngày nay lại có âm mưu xâu xé ấy, kể cả đệ nhất siêu cường mắc nợ hiện tại là Hoa Kỳ, hoặc ba cường quốc lân bang là Ấn Độ, Liên bang Nga hay Nhật Bản. Nhưng người tự kỷ lại chẳng nghĩ như vậy nên vẫn sợ bóng sợ gió.

***
Ngày nay, kết quả xảy ra hoàn toàn trái ngược:
Trung Quốc không thể trở thành siêu cường toàn cầu vì có quá nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị ở bên trong. Nhưng xứ này vẫn gây ra mối nguy, hoặc ấn tượng về một mối nguy, cho thế giới khiến các quốc gia khác phải dè chừng. Trong khi về thực chất, quân đội Trung Quốc còn mất cả chục năm mới bảo vệ được vùng biển cận duyên và nhiều thế hệ mới kiểm soát được vùng biển viễn duyên để khống chế thiên hạ.
Chưa có miếng mà đã sớm mang tiếng là một điều tai hại đã được nhắc đến trong... Binh thư Tôn Tử!

Rồi cũng vì sự dè chừng của các nước, lãnh đạo Trung Quốc càng nghĩ rằng mộng mị của họ về chuyện bị liệt cường xâu xé là có cơ sở, nên càng phải diễu võ dương oai. Chuyện lưỡi bò, Hạm đội Nam hải hay Hộ chiếu đặc biệt trên vùng chiếm đóng của nước khác là biểu hiện của tình trạng ám thị vì tự kỷ. "Thiểm quốc là cọp thật, chứ không phải cọp giấy đâu!".

Đâm ra sự hãi sợ của mình dẫn đến nỗi lo ngại của người và cứ thế nuôi nhau trong nghịch lý.

***

Trong khi ấy, nền kinh tế như cái xe đạp của Trung Quốc – không lăn bánh thì đổ – đã chậm lại mà những dị biệt giữa các địa phương và thành phần dân chúng thì tiếp tục mở rộng.

Mâu thuẫn giữa địa dư hình thể và hệ thống chính trị cùng chiến lược phát triển của ba chục năm qua đã dẫn tới một mâu thuẫn đặc thù Trung Quốc: càng tăng trưởng cao thì nội bộ càng phân hóa.
Khu vực duyên hải cùng các thành phố lớn do Trung ương trực tiếp quản lý đã phát triển rất nhanh theo hướng công nghiệp hoá, đô thị hoá và hiện đại hóa – với màu sắc Tây phương, tức là ngoại lai, nhìn từ quan điểm văn hoá Trung Quốc. Các khu vực khiếm khai còn lại thì lẹt đẹt theo sau và đòi Trung ương tái phân lợi tức, theo lý tưởng đại đồng với màu sắc Trung Hoa.

Trung ương khó dung hòa những mâu thuẫn đó và tìm sự đồng thuận giữa các địa phương và phe phái bằng mẫu số chung nhỏ nhất cho nên không giải quyết được vấn đề, và phải trùm lên tất cả một tấm màn nhung của chủ nghĩa dân tộc. Đảng khôi phục lại danh dự và tự ái của Hán tộc đa số, và hội nhập toàn dân trong sự hài hòa, trước ý đồ đen tối của ngoại bang.

Vì vậy, mâu thuẫn bên trong được khoả lấp bằng khẩu hiệu bài ngoại, nghĩa là dẫn đến nghịch lý về đối sách của các nước. Dù chẳng muốn xâu xé Trung Quốc, các nước cũng không yên tâm về sức bành trướng kinh tế, ngoại giao và quân sự nên đều chuẩn bị cho kịch bản đen tối nhất, là có xung đột.

Không quốc gia nào trên địa cầu lại vĩnh viễn duy trì được tốc độ tăng trưởng 9-10% một năm. Sự tăng trưởng của Trung Quốc lại chỉ có lượng chứ không có phẩm, vì bất công, không cân đối, thiếu phối hợp nên chẳng bền. Khi cỗ xe đạp hết lăn bánh như xưa, là điều bắt đầu xảy ra, Trung ương lâm thế kẹt.

Đà tăng trưởng thiếu phẩm chất đã tích lũy nhiều vấn đề, như bất công xã hội, ô nhiễm môi sinh, bong bóng đầu cơ và núi nợ của khu vực công quyền, kể cả các ngân hàng của nhà nước. Khi lãnh đạo Trung Quốc muốn cải sửa thì kinh tế toàn cầu lại bị tổng suy trầm từ 2008 làm số cầu về nhập cảng giảm sút. Họ lại phải tống ga thúc đà tăng trưởng cho cỗ xe khỏi đổ. Mà càng bơm tiền thổi lên bong bóng và chất thêm nợ khó đòi và sẽ mất và càng khiến 15 tỉnh thành ở miền Đông chạy theo thế giới và bỏ mặc khu vực nội địa bên trong.

***

Thế hệ lãnh đạo vừa được đưa lên thay thế có thể làm những gì?

Một giải pháp cổ điển là lại bơm thuốc cường dương và, như con thiêu thân đi tìm ánh lửa, sẽ lao vào khủng hoảng. Vì vậy, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương phải nói đến việc cải cách vì phẩm hơn lượng, và tương lai không còn thấy đà tăng trưởng của quá khứ, nên động loạn xã hội sẽ chỉ tăng chứ không giảm.

Giải pháp thứ hai là tập trung lại quyền lực vào tay Trung ương để có những điều hợp một cách hợp lý hơn. Dù được thấy từ năm 2003, sau Đại hội 16, việc tập trung quyền lực cũng là điều bất khả vì ngày nay, chất keo sơn gắn bó mọi chuyện không phải là ý thức hệ hay lý tưởng cộng sản mà là tiền – và chỉ là tiền.
Sức mạnh của các phe phái đang tranh giành ảnh hưởng bên trong có thể được đếm bằng tiền, là từ các cơ sở hái ra tiền, được phân bố cho tay chân và thân nhân các lãnh tụ ở trên. Có nằm mơ, tư bản chủ nghĩa hoang dại của Tây phương cũng không thể ngờ đến một thiên đường như vậy! Vì thế, Trung ương ở trên cùng chỉ là một tập hợp của nhiều phe nhóm và vây cánh nên không thể lấy những quyết định xâm phạm quyền lợi phe nhóm mà chỉ có thể thỏa hiệp bằng sự bất động, nghĩa là duy trì nguyên trạng.

Mà nếu như có thành, thì tập trung để đi về đâu? Để cải cách kinh tế và chính trị theo kịp thế giới văn minh hay để xoay vào trong theo tinh thần ái quốc kiểu Mao Trạch Đông? Hai hướng này đều được thử nghiệm – như Quảng Đông dưới quyền Bí thư Uông Dương hoặc Trùng Khánh dưới sự lãnh đạo của Bí thư Bạc Hy Lai – mà không thành.

Giải pháp hay giả thuyết sau cùng thì nằm trong gia phả: hiện tượng hợp tan tụ tán trong mấy ngàn năm lịch sử của Trung Quốc sẽ lại tái diễn.

Những vết nứt tự nhiên của địa dư hình thể đã mở rộng vì các thế lực tiền tài ở bên trong và sẽ dẫn tới cảnh tam phân, lục quốc như trong quá khứ. Ở trên cùng, Trung ương như một Thiên tử vô quyền sẽ đành thúc thủ, và chỉ gào thét về tính ưu việt của Hán tộc và về các ý đồ mờ ám của thiên hạ. Trong khi các thế lực tài phiệt đỏ thì đã xây dựng quan hệ với bên ngoài, khi hữu sự thì có bãi đáp kinh doanh ở ngoại quốc. Nhìn xem "Thái tử đảng", đám con cháu của các đại công thần cách mạng, ngày nay giàu có đến mức nào, trải thảm an toàn ở nơi nao, thì ta đoán ra sự thể của năm bảy năm tới.... Vì vậy, lưỡi bò hay hộ chiếu có phải là chuyện mộng mị không nào?

Lời chúc đầu năm ở đây: "lãnh đạo Hà Nội sớm thấy ra sự mộng mị của Trung Quốc mà tìm ra hướng khác." Lời chúc ấy cũng lại là một chuyện mộng mị!

N. X. N.


Đức Tâm - Giới trí thức Trung Quốc kêu gọi cải tổ chính trị để tránh cách mạng bạo động


Đức Tâm (RFI)

Một nhóm học giả có tên tuổi tại Trung Quốc đã gửi thư ngỏ cảnh báo ban lãnh đạo đảng Cộng sản về nguy cơ đất nước rơi vào một cuộc “cách mạng bạo động”, nếu chính phủ không đáp ứng những đòi hỏi của người dân và không cho phép tiến hành các cải cách chính trị vốn đã bị trì hoãn từ lâu.


Người dân địa phương biểu tình chống dự án xây dựng một tuyến đường cao tốc mới nối Bắc Kinh đến Thẩm Dương, ngày 09/12/2012. REUTERS/Petar Kujundzic

Theo Reuters, 73 học giả, viện sĩ hàn lâm, giáo sư tại các trường đại học có danh tiếng, luật gia, trong số này có những người đã nghỉ hưu, nhấn mạnh rằng cải cách chính trị đã không theo kịp cải cách kinh tế.

Bức thư viết: “Nếu các cải cách mà xã hội Trung Quốc đang rất cần... tiếp tục ngưng trệ không có tiến bộ, nạn tham nhũng chính thức và sự bất bình sẽ ngày càng lớn... thì một lần nữa, Trung Quốc lại bỏ lỡ cơ hội để cải tổ một cách hòa bình và sẽ rơi vào tình trạng xáo trộn, hỗn loạn của một cuộc cách mạng bạo động”.
Bức thư ngỏ được lưu hành trên internet từ đầu tháng 12, tuy nhiên, những bài viết trên báo chí Trung Quốc nhắc đến bức thư này đã bị rút xuống.

Theo những người ký tên vào bức thư, chính phủ dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1949, cần phải khuyến khích dân chủ và sự độc lập của hệ thống tư pháp, đẩy mạnh cải cách thị trường.
Ông Hạ Vệ Phương (He Weifang), giáo sư luật pháp ở Đại học Bắc Kinh, một trong những người ký tên vào bức thư, cho rằng các đề nghị trong bức thư là có chừng mực, nhưng đã đến lúc cần phải thực hiện, vào lúc ông Hồ Cẩm Đào chuẩn bị chuyển giao chức Chủ tịch nước cho ông Tập Cận Bình, người vừa được chỉ định làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 hồi tháng 11 vừa qua. Theo vị giáo sư này, Trung Quốc đang ở thời điểm thay đổi ban lãnh đạo. Người dân hy vọng tiếp tục có những bước tiến nếu tiến hành cải cách hệ thống chính trị.

Trong số những người ký tên vào thư ngỏ có ông Trương Tư Chi (Zhang Sizhi), nguyên là luật sư của Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông, người cầm đầu “Tứ nhân bang”, lãnh đạo cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (1966-1976) gây ra một thời kỳ hỗn loạn khủng khiếp tại Trung Quốc.

Vào giữa tháng 12, khoảng 65 học giả, luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền cũng đã ký tên vào một thư ngỏ kêu gọi các lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc khai báo tài sản của họ và coi đây là biện pháp cơ bản để chấm dứt nạn tham nhũng.

Sau đại hội Đảng 18, các nhà phân tích tìm kiếm xem có những tín hiệu nào cho thấy là ban lãnh đạo mới có ý định cải cách chính trị hay không, như nới lỏng hơn quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin trên internet, thử nghiệm mô hình dân chủ hoặc trả tự do các tù chính trị. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn không chấp nhận bất kỳ sự đối lập nào với vai trò của đảng Cộng sản, đặt ổn định, tức bảo đảm quyền lãnh đạo của Đảng, lên trên hết. Không hề có tín hiệu khả quan nào theo hướng thông thoáng hơn về chính trị, cho dù tân Tổng bí thư Tập Cận Bình cố gắng tạo dựng cho mình hình ảnh một nhà lãnh đạo mềm dẻo, cởi mở hơn so với người tiền nhiệm.

Trong bối cảnh đó, các học giả ký tên kêu gọi cải cách chính trị cảnh báo ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh rằng dân chủ, Nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng nhân quyền là một xu thế của thế giới không gì ngăn cản nổi. Bức thư viết: “Lịch sử 100 năm đẫm máu và bạo lực của Trung Quốc – đặc biệt là bài học đau đớn và bi kịch của cuộc Cách mạng Văn hóa trong một thập niên, cho thấy là một lần nữa chúng ta đang đi ngược trào lưu dân chủ, nhân quyền, chính phủ quản lý theo Hiến pháp và pháp luật, người dân sẽ phải hứng chịu thảm họa và không thể có ổn định chính trị và xã hội”.

Đầu tháng 12, một cơ quan trực thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho công bố một bản nghiên cứu, báo động về hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội, mầm mống của sự bất bình và bạo động. Theo đó, tại Trung Quốc, hệ số GINI, thước đo mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của cải trong xã hội, đã tăng từ 0,421 trong năm 2000 lên 0,61 trong năm 2010.

Hệ số GINI dao động từ 0 – hoàn toàn bình đẳng – đến 1, bất bình đẳng tuyệt đối về giàu nghèo. Theo giới chuyên gia, hệ số GINI 0,6 trong một xã hội không dân chủ, toàn trị, báo hiệu nguy cơ rất cao về bất ổn xã hội.

Đ.T.
Nguồn: Viet.rfi.fr


Nguyễn Văn Khanh - Tòa Bạch Ốc và rượu vang


Nguyễn Văn Khanh

Ðầu tháng 11 năm 2008, ứng viên Barack Obama đắc cử tổng thống, trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ. Không chỉ những người ủng hộ ông vui mừng với biến cố chính trị có một không hai, mà ngay những người mê rượu vang ở Mỹ cũng tỏ vẻ hài lòng. Lý do: Mọi người đều nghe tin ông Obama có nhà cao cửa rộng ở Chicago, có cả một hầm rượu chứa chừng ngàn chai vang, vì thế nhiều người nghĩ khi vào Tòa Bạch Ốc ông sẽ mang theo thú uống rượu vang.


Nếu ông Obama không có thú uống rượu vang thì ông là một trong những trường hợp biệt lệ. Rượu vang là thức uống quen thuộc của chính khách Hoa Kỳ. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Nhưng chỉ vài tuần sau đó mọi hy vọng đều tiêu tan. Hình như ông tổng thống thứ 44 của nước Mỹ không rành về rượu vang như nhiều người đã tưởng, chưa kể đến chuyện nhân viên làm việc với ông cho báo chí biết ông thích uống bia và sẵn sàng uống thử đủ mọi loại rượu mạnh khác, chưa ai trông thấy ông ngồi nhâm nhi bên lò sưởi với ly rượu vang cầm trong tay. Không những thế, khi đi vận động tái ứng cử 2012 ông tiết lộ “bí mật quốc gia”, cho cử tri biết “tôi với anh em nhân viên cùng nhau làm bia hơi” uống ngon không kém những loại bia đắt tiền bán ngoài thị trường.

Hình ảnh được phổ biến từ Tòa Bạch Ốc cũng cho thấy có khi nhân viên dưới quyền mỗi người cầm một chai bia thì ông lại uống nước lạnh, ngay hôm kỷ niệm ngày cưới ông dẫn bà đi ăn tiệm, 2 vợ chồng gọi chung một ly Martini rồi mỗi người uống một hớp, chứ không gọi rượu vang. Trả lời các cuộc phỏng vấn ông cũng không hề nói đến thú uống rượu vang, có lần tờ Chicago Sun-Times khéo léo hỏi ông nhận xét thế nào về vang Mỹ và vang ngoại quốc, ông chỉ nở nụ cười thay cho câu trả lời. Chính những điều này khiến một số không ít người nghĩ “nước Mỹ có một vị tổng thống không biết uống rượu vang”.

Nếu ông Obama không có thú uống rượu vang thì ông là một trong những trường hợp biệt lệ. Lịch sử Hoa Kỳ ghi lại từ những ngày đầu lập quốc, rượu vang đã là một trong những thức uống quen thuộc với các chính trị gia Mỹ nên khi đặt chân vào Tòa Bạch Ốc các ông mang theo cả cái thú uống rượu vang, tiệc tùng nào rượu vang “cũng được rót như nước”. Ðiển hình dưới 2 trào John F. Kennedy và Richard Nixon của thế kỷ 20, cả vị tổng thống Dân Chủ lẫn vị tổng thống Cộng Hòa đều thích rượu vang “mà phải là vang Pháp”, đãi khách cũng phải đãi vang Pháp cho giống... Tây. Sử sách cũng ghi ông Nixon chuộng vang Tây đến độ gần như bữa ăn tối nào “nhà bếp Tòa Bạch Ốc cũng mở một chai Margaux” loại xịn nhất cho ông uống.

Cũng vẫn sử sách, chỉ có hai đời tổng thống Mỹ không đãi khách bằng rượu vang: Lần đầu dưới thời Tổng Thống James Polk và lần thứ nhì xảy ra dưới thời Tổng Thống Rutherford Hayes và cả hai chuyện đều dính dáng tới quý Ðệ Nhất Phu Nhân của nước Mỹ. Bà Sarah Polk, phu nhân của vị tổng thống thứ 11 là người rất ngoan đạo, không bao giờ đi coi hát, không xem đua ngựa, dự tiệc khoản đãi chồng đắc cử tổng thống bà cũng ngồi một chỗ, không đứng dậy khiêu vũ. Vì thế khi vào Tòa Bạch Ốc, việc đầu tiên bà làm là cấm nhà bếp khui rượu vang. Quy định này chỉ bị phá lệ có một lần hồi 1845, khi ông Polk khoản đãi 40 vị khách quý giúp ông vận động tái tranh cử. Bà ghi lại trong nhật ký rằng tối hôm đó “vợ chồng tôi mở cả thảy sáu loại rượu vang khác nhau, ánh rượu muôn màu đẹp chẳng khác gì cầu vồng”.

Bà Lucy Hayes cũng nổi tiếng ngoan đạo nhưng không khó khăn như bà Sarah Polk, sẵn sàng mở rượu vang mời khách dự tiệc ở Tòa Bạch Ốc cho tới ngày bà và ông chồng (vị tổng thống thứ 19 của nước Mỹ) phải nhăn mặt khi thấy các vị đại sứ được mời dùng cơm uống rượu say sưa (nghe nói có ông ói mửa ngay trong phòng ăn, một vài ông khác “rượu vào lời ra” định đánh nhau trước mặt quan khách). Từ tối đó trở đi (từ 1877 đến 1881) bà ra lệnh cấm uống rượu trong Tòa Bạch Ốc, nhưng chỉ thị cho nhà bếp sử dụng tiền rượu “mua thêm thức ăn đãi khách”, cho khách ăn ngon hơn.

Từ đó khách được uống nước đá chanh do chính tay Ðệ Nhất Phu Nhân pha, nhưng chuyện tổng thống không khui rượu đãi khách khiến ông Hayes bị mang tiếng là “vị tổng thống keo kiệt”. Ðể bù lại, thành phần chính trị gia bảo thủ và các nhà hoạt động tôn giáo hoan nghênh ông nhiệt liệt, cho rằng “rượu chè” ở Tòa Bạch Ốc là điều nên tránh.

Ðó chỉ là những trường hợp đặc biệt vì sau ngày ông bà Rutherford Hayes rời Tòa Bạch Ốc, rượu vang lại được khui để đãi khách, đến khi ông Bill Clinton dọn từ Arkansas về thủ đô Washington D.C., ông còn dùng ngân quỹ riêng dành cho Văn Phòng Tổng Thống để thuê một người chuyên về rượu vang, giữ trách nhiệm mua và quyết định những chai rượu nào sẽ được khui trong các bữa tiệc.

Nghe đâu có lần người may mắn lãnh “job” mua và thử rượu là ông Daniel Shanks nói đùa với bạn bè rằng lương ông lãnh “rất tượng trưng” nhưng quyết định của ông “quan trọng chẳng kém gì quyết định của tổng thống” vì cả thế giới đều muốn biết trong những bữa tiệc khoản đãi các vị nguyên thủ những nước bạn, Tòa Bạch Ốc uống rượu vang gì, do nhà nào sản xuất, và rất nhiều ông bà triệu phú thế giới sau đó “mua đúng loại rượu vang tôi chọn cho tổng thống đãi khách để khoản đãi bạn bè của họ”. Ông Shanks cũng nói rượu Tòa Bạch Ốc đãi khách đương nhiên “phải khác những loại rượu chúng ta thường khui đãi bạn bè khi đi picnic hay rượu uống trong các bữa cơm hàng ngày”, ý muốn nói rượu tổng thống Hoa Kỳ rót mời phải là rượu hạng ngon nhất nhì thế giới, nhiệm vụ của ông là phải tìm cho ra loại rượu thật ngon đó, đồng thời phải theo đúng tiêu chuẩn Tòa Bạch Ốc đưa ra: Made in USA.

Truyền thống “bắt buộc” uống rượu vang “Made in USA” bắt đầu có từ năm 1977 sau khi Tổng Thống Jimmy Carter tuyên thệ nhậm chức, xóa bỏ kiểu cách chỉ uống rượu vang Tây từng nổi bật dưới thời Kennedy và Nixon. Không rõ vì lý do gì ông Carter lại chỉ thị cho nhân viên nhà bếp chỉ khoản đãi khách bằng vang Mỹ, nhưng đến giờ vẫn được các vị nguyên thủ Hoa Kỳ tôn trọng. Nên nhớ: Thực đơn các bữa tiệc của Tòa Bạch Ốc bao giờ cũng kèm theo tên những loại rượu vang (và nhà sản xuất), thực đơn này cũng được Phòng Phục Dịch Tòa Bạch Ốc gửi tặng nhà sản xuất rượu giữ làm kỷ niệm hay để khoe với khách hàng.

Vài năm trước đây trong cuộc gặp hàng năm của những nhà sản xuất rượu vang Hoa Kỳ tổ chức ở San Francisco, California, ông Tyler Colman, một trong những “bậc thày” về rượu vang của nước Mỹ gọi quyết định của Tổng Thống Carter “là một quyết định sáng suốt về chính trị lẫn kinh tế”, giúp phát triển ngành trồng nho làm rượu vang và sản xuất rượu vang của quốc gia. Ông Colman, người mang biệt danh “Dr. Vino”, còn bảo từ khi vang Mỹ được Tòa Bạch Ốc dùng để đãi khách quý, “lúc đó người dân Hoa Kỳ mới hãnh diện vì nước mình có rượu vang ngon chẳng kém gì nước Pháp”.

Không biết quyết định của Tổng Thống Carter có phải là quyết định chính trị hay không, nhưng những chai rượu vang được Tòa Bạch Ốc mở để đón khách luôn luôn mang ý nghĩa “đặc biệt” nào đó. Chẳng hạn như tối ngày 19 tháng 5, 2010 khi mở tiệc khoản đãi tổng thống Mexico, Tòa Bạch Ốc chọn chai Silver Eagle Vineyard Chardonnay 2008 do nhà Valdez Family Winery ở California để đãi khách. Chủ “nhà” này là ông Ulises Valdez, năm nay mới 45 tuổi, nhưng làm chủ một trong những công ty sản xuất rượu vang nổi tiếng của nước Mỹ. Chuyện ông Valdez cũng rất đặc biệt: Trốn từ Mexico sang Hoa Kỳ lúc mới 14 tuổi, làm công nhân hái nho, sau đó là một trong những người Mễ không có giấy tờ cư trú được cấp thẻ xanh theo chương trình ân xá của Tổng Thống Ronald Reagan. Câu chuyện này được Tổng Thống Obama kể lại trong bài diễn văn chào mừng quan khách, coi đó là một trong những dấu hiệu tốt đẹp của mối quan hệ song phương Mỹ-Mễ.

Rượu vang có lợi cho chính trị thì cũng rượu vang gây tai hại cho... chính trị.

Chuyện mới xảy ra cách đây 2 năm, khi Tổng Thống Obama khoản đãi Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào của Trung Quốc bằng rượu vang Quilceda Creek Cabernet Sauvignon 2005 của nhà Columbia Valley ở tiểu bang Washington State sản xuất, ăn với món bò nướng do đầu bếp Tòa Bạch Ốc làm. Washington State được chọn vì là tiểu bang cửa ngõ nối liền Hoa Kỳ với Châu Á-Thái Bình Dương, rượu vang của nhà Columbia Valley được dùng để mời khách vì là những chai rượu vang “hiếm hoi” được “thày” Robert Parker chấm 100 điểm, tức thuộc hàng “xịn” thứ thiệt, dân có tiền mua về cất trong hầm rượu, năm bảy năm sau mới khui ra mời khách. Lúc mới ra đời những chai vang này được bán với giá $199/chai, lúc rót cho ông Hồ Cẩm Ðào uống, giá thị trường lên đến $399/chai. Tối hôm đó Tòa Bạch Ốc khui 6 thùng, tức tiền rượu vang cho món ăn chính không thôi đã mất gần 30,000 dollars, chưa kể rượu uống với món khai vị, với món soup, món salad và món tráng miệng.

Chỉ một ngày sau đó, trang mạng Gateway Pundit cho chạy hàng chữ thật lớn mang nội dung “Chỉ có dân thấp cổ bé miệng bị thiệt thòi: Tổng Thống Obama đãi khách bằng rượu vang 399 dollars một chai” (nguyên văn: “Sacrifice Is For the Little People: Obama White House Serves $399 Bottles of Wine at State Dinner”). Sau đó, nghệ sĩ hài nổi tiếng Stephen Colbert còn lên TV diễu rằng trong lúc nước Mỹ đang là con nợ của Trung Quốc, mọi người phải thắt lưng buộc bụng, “Tại sao tổng thống lại mang rượu bốn, năm trăm dollars ra mời ông Hồ Cẩm Ðào uống làm gì”. Theo nghệ sĩ này, “đáng lẽ tổng thống nên mời ông chủ tịch nhà nước Trung Quốc ăn buffet, uống các chai rượu rẻ tiền mua từng gallon, và tráng miệng cũng bằng những bịch bánh ngọt rẻ tiền mua ở chợ để tiết kiệm ngân sách quốc gia”.

Chuyện ồn ào tới mức có người phải lên tiếng bênh vực ông Obama. Người đầu tiên là ông Daniel Shanks, cho hay quyết định khui những chai rượu đắt tiền này là quyết định của ông “chứ không phải của tổng thống”. Ông Shanks nói thêm khi thấy nhà bếp ướp thịt bò, “tôi nghĩ ngay đến chai rượu phải khui để đãi khách”, đảm bảo mọi người “phải thật ấn tượng” và quả thật, “sau đó mọi người khách đều nức nở khen vì không thể tìm được chai rượu nào hay hơn để đi chung với miếng thịt bò được chọn đãi quốc khách”.

Người thứ nhì lên tiếng bênh vực ông Obama là Thống Ðốc Christine Gregoire của tiểu bang Washington State. Bà đưa ra một bản tuyên bố, trước hết cho biết “sửng sốt khi được biết Tòa Bạch Ốc chọn rượu vang của tiểu bang để đãi quốc khách”, xác định “tầm quan trọng và lịch sử của mối quan hệ giữa tiểu bang với Trung Quốc”, kế đến ngợi khen Tòa Bạch Ốc không chọn sai vì “chai Quilceda Creek Cabernet là một trong những chai vang được điểm cao nhất thế giới”.

Nhưng từ ngày đó trở đi, Tòa Bạch Ốc quyết định không cho biết tên loại rượu vang được dùng để mời khách nữa, trong thực đơn chỉ ghi vỏn vẹn mỗi câu “thức ăn sẽ được đi kèm bằng rượu vang sản xuất tại Mỹ”.

Tòa Bạch Ốc không công bố cho dân chúng biết, giới truyền thông Hoa Kỳ cũng moi cho bằng được các chi tiết liên quan đến loại rượu vang được dùng để mời khách. Năm ngoái khi Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Hoa Kỳ được Phó Tổng Thống Joe Biden mời cơm tối, vài giờ sau đó báo chí tìm được chi tiết bên lề: Bữa ăn có chai 2010 Sauvignon Blanc 2010 (giá $22.99/chai) và chai Cabernet Sauvignon (giá $49.99/chai) do nhà Hall ở Napa Valley, California sản xuất.

Chủ “nhà” này là bà Kathryn Hall, bạn thân của gia đình cựu Tổng Thống Bill Clinton, từng làm đại sứ Hoa Kỳ ở Vương Quốc Áo, và cũng từng được giao trách nhiệm cung cấp rượu cho đám cưới của Ðệ Nhất Ái Nữ Chelsea Clinton. Ðiểm đáng nói hơn nữa: Những chai rượu vang ông “phó” Mỹ đãi ông “phó” Trung Quốc đang là những chai rượu được dân thượng lưu Hoa Lục yêu thích nhất, có lẽ một phần vì họ muôn uống thử những loại rượu ông Tập Cận Bình đã có dịp nếm qua khi ngồi ăn cơm với phó tổng thống Mỹ.

Nhưng cũng có những bữa ăn quan trọng ở Tòa Bạch Ốc không có rượu vang. Cuối tháng 11 vừa rồi, Tổng Thống Obama mời đối thủ chính trị Mitt Romney vào dùng cơm trưa, vừa ăn vừa nói chuyện quốc gia, đại sự, bàn tính xem làm sao để nước Mỹ tiếp tục đóng vai siêu cường ảnh hưởng toàn cầu. Trưa hôm đó hai ông uống gì? Xin thưa: Cả hai ông đều uống nước lạnh. Tại sao vậy? Tại sao Tổng Thống Obama không mở chai rượu vang loại ngon mời khách? Xin thưa: Ông Romney theo đạo Mormon, không rượu chè, không thuốc lá, “Tổng thống phải tôn trọng khách” theo lời bà phụ tá phát ngôn viên Amy Brundage.


Người Việt - Qua năm mới, bỏ thói quen xấu năm cũ


Người Việt tổng hợp
 
Nếu chưa hài lòng với những gì làm được trong năm 2012, bạn có thể nhân dịp đầu năm để bắt đầu những thay đổi tích cực cho bản thân. “Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận” - Ghandi.


Thói quen ăn nhiều bánh kẹo, hay lười tập thể dục, đều có thể thay đổi được.
(Hình minh họa: Cate Gillon/Getty Images)  

Dù bạn ra quyết tâm tập thể dục đều đặn hay ăn nhiều trái cây hơn, việc nên làm trước tiên là loại bỏ những thói quen xấu của năm cũ.

Theo tạp chí khoa học Journal of Clinical Psychology, cứ hai người được hỏi thì có một nói không thực hiện được những “quyết tâm đầu năm” như bớt lo lắng hay bỏ thuốc. “Vấn đề là cơ thể chúng ta níu kéo các thói quen cũ”, tiến sĩ tâm lý Jeremy Dean nói, “60% các ‘quyết tâm đầu năm’ không kéo dài quá vài phút.”

Tiến Sĩ Dean cho rằng thói quen khó được từ bỏ vì hành động của con người nhiều lúc như các nhu liệu lập trình cho máy tính. “Ðiều này thuận theo tự nhiên, vì thói quen giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng tối đa,” ông nói, “để cơ thể tập trung vào những việc quan trọng hơn”.

Ðể từ bỏ thói quen xấu hoặc tập cho mình một thói quen mới, việc hiểu rõ cách hoạt động của não bộ sẽ giúp được phần nào. Sau đây là những mẹo nhỏ được khuyên bởi chuyên gia tâm lý, Tiến Sĩ Dean, khá đơn giản nhưng hiệu quả trong việc từ bỏ các thói quen xấu.

1. Nhìn lại quá trình hình thành thói quen xấu
“Mọi thói quen đều hình thành từ một thời điểm và hoàn cảnh nào đó,” Tiến Sĩ Dean khẳng định.
Theo ông, việc đầu tiên cần làm là nhìn lại quá trình thói quen cũ đã hình thành. Ở đâu, khi nào, tại sao và như thế nào mà bạn lại có những hành động không tốt đó. Ví dụ, nếu muốn bỏ bia rượu, bạn hãy nhớ lại mình đã bắt đầu uống nhiều vì phải giao tiếp trong công việc, hay do phiền muộn và dùng men say để giải sầu.

Khi đã biết được cơ nguồn dẫn đến thói quen xấu, tìm cách giải quyết vấn đề từ gốc rễ.

2. Dùng một thói quen tốt để thay vào thói quen xấu
Tiến Sĩ Dean viết trong Making Habits, Breaking Habits, “việc từ từ lập ra một thói quen mới thực ra dễ hơn việc lập tức từ bỏ thói quen cũ”.

Có thể bạn chẳng dễ dàng hoàn toàn ngưng ăn đồ ngọt, nhưng việc thay một chiếc bánh ngọt bằng một trái táo hay chùm nho có lẽ không quá khó. Những bước nhỏ cần ít quyết tâm hơn, chỉ cần kiên trì tiếp tục giữ những việc này mỗi ngày, bạn sẽ tiến thật xa mà chẳng cần đổ mồ hôi.
   

Dùng thói quen tốt để thay vào thói quen cũ. Ví dụ, trữ một số trái cây trong tủ lạnh thay cho bánh kẹo. (Hình: Abid Katid/Getty Images)

3. Ðừng cấm bản thân nhớ về thói quen xấu
“Khi cố quên là lúc càng nhớ thêm.” Cũng theo ông Dean, việc cấm bản thân không nghĩ đến một việc gì đó sẽ gây tác dụng ngược. Nghĩa là, khi cố không nghĩ tới việc nào, não bộ của bạn sẽ càng tập trung tư tưởng vào vấn đề đó hơn, làm cho vấn đề càng thêm dai dẳng.

“Khi một người nói sẽ không nghĩ đến việc ăn bánh ngọt, tất cả những gì hiện lên trong đầu người đó là một chiếc bánh ngọt nào đó,” Tiến Sĩ Dean phân tích.

4. Thay đổi môi trường sống
Khi môi trường xung quanh thay đổi, bạn tiếp nhận một thói quen mới, cũng như từ bỏ thói quen cũ, dễ dàng hơn. Theo ông Dean, “những hoàn cảnh mới thôi thúc bạn suy nghĩ về lối sống và các sự lựa chọn của mình”.
Ðương nhiên bạn không cần phải chuyển nhà đi chỗ khác mỗi khi cần từ bỏ thói quen xấu. Tuy vậy, bạn có thể thay đổi môi trường sống bằng nhiều cách, ví dụ như đổi gym sẽ giúp bạn lấy lại hứng thú luyện tập thể thao, hay đổi tiệm ăn cuối tuần sang một nhà hàng chay.

Bạn có thể kết hợp nhiều thay đổi nhỏ, để tạo ra sự khác biệt lớn của môi trường sinh hoạt mới, ví dụ như nấu ăn với nhiều loại rau củ, gói lại trong túi ăn trưa kiểu mới, rồi mang chúng theo ăn cùng đồng nghiệp trong giờ trưa. Trong ví dụ đơn giản trên, bạn vừa ăn uống tốt hơn cho sức khỏe, tiết kiệm được tiền mua các loại thực phẩm bán sẵn, và có thêm giờ trò chuyện trao đổi với bạn bè.

Dùng thói quen tốt để thay thế thói quen xấu, một công đôi chuyện.

5. Chuẩn bị cho những phút “yếu lòng”
Hầu hết mọi người đều quá tin tưởng vào ý chí của bản thân trong việc gầy dựng hay từ bỏ thói quen. “Tự chủ là một khả năng có hạn,” Tiến Sĩ Dean viết.

Thay vì chỉ trông chờ vào sức mạnh của ý chí, ông Dean khuyên các khách hàng của mình nên chuẩn bị cho những lúc “xao nhãng hay yếu lòng”.

Nếu bạn muốn bỏ thuốc lá, bạn có thể suy nghĩ trước xem mình phải làm gì khi gặp lại đám bạn cũ thích hút thuốc. Ra nơi khác gọi một cú điện thoại, đi bộ một vòng xung quanh, hay bật một bài hát yêu thích để thưởng thức trong giây lát, là những ý tưởng không tồi giúp bạn tránh xa điếu thuốc lúc đó.

Lời cuối cùng, đừng quên tiếp tục duy trì những thói quen mới, để thói quen xấu bị loại bỏ một cách tự nhiên, dễ dàng.

(T.A.)


Đoàn Thanh Liêm - Ngày Đầu Năm 2013 ở thành phố Philadelphia



Đoàn Thanh Liêm

Tôi lại vừa đến Philadelphia vào buổi chiều Chủ nhật 30 tháng 12 năm 2012. Trời khá lạnh, vào khỏang 0 độ C, nhưng lại không có mưa và cũng không còn nhiều tuyết trắng đọng lại trên các đường phố – khác hẳn với các thành phố Montréal, Toronto ở Canada là nơi có tuyết dày lên đến trên 20 centimet phủ kín khắp nơi và độ lạnh vào cỡ -10 độ C.


Thành phố này là cái nôi của cuộc Cách mạng Độc lập Mỹ và cũng là thủ đô đầu tiên của Liên bang Hoa kỳ từ cuối thế kỷ XVIII. Trong mấy năm gần đây tôi thường đến thăm bà con và bạn hữu tại đây, hầu hết vào những ngày mùa hè nắng ấm - nhưng đây là lần đầu tiên tôi lại có mặt tại thành phố lịch sử này vào dịp đầu năm mới.

Quả thật Philadelphia với đày dãy những di tích lịch sử, và cơ man là những viện bảo tàng nghệ thuật làm say mê bao nhiêu du khách từ khắp thế giới tìm đến viếng thăm nơi chốn - mà từ trên 200 năm trước đã diễn ra các cuộc tập hợp của các đại diện dân chúng các vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ được gọi là Hội Nghị Tòan Lục Địa (Continental Congress) đưa tới sự công bố Tuyên Ngôn Độc Lập, rồi đến sự ban hành Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ. Đó là hai văn kiện căn bản làm cơ sở cho sự hình thành của một quốc gia được gọi là Hiệp Chúng Quốc Hoa kỳ (The United States of America USA).

Thành phố nằm trên trục lộ Nam Bắc giữa thủ đô chính trị Washington và kinh đô tài chánh New York là nơi rất thuận tiện cho tôi dừng chân ghé lại mỗi khi thăm viếng Miền Đông nước Mỹ từ nhiều năm nay.

Tôi đặc biệt chú ý tìm hiểu về sự phát triển Xã hội Dân sự tại cái thành phố danh tiếng đã có một lịch sử thật vẻ vang sôi động này của nước Mỹ và hy vọng có thể cống hiến cho bạn đọc kết quả của chuyện nghiên cứu này trong một thời gian gần đây. Nhưng trong bài Ghi nhanh này, tôi chỉ xin nêu ra một vài khía cạnh sinh họat mà tôi cho là đáng chú ý nhất của Philadelphia vào ngày Đầu Năm 2013 này. Đại khái vắn tắt như sau đây.

1 – Người cao tuổi đi xe bus khỏi trả tiền.
Với một dân số trên 1.5 người, hệ thống chuyên chở công cộng của Philadelphia khá phát triển gồm nhiều tuyến đường xe bus, xe lửa, xe điện ngầm (subway). Nhưng đặc biệt ở đây, thì người cao tuổi từ 65 trở lên đi xe bus hòan tòan miễn phí. Vào ngày đầu năm 2013 hôm nay, tôi đã đi tất cả đến 4 chuyến xe bus mà cũng như mọi khi tôi không phải trả một đồng xu nào cả. Khi lên xe, hành khách lớn tuổi chỉ việc nói với tài xế câu “I am a senior”, thì lập tức được tự nhiên mời vào chỗ ngồi.

Buổi chiều ngày cuối năm hôm qua 31 tháng 12, sau khi nghe tôi nói mình là người cao tuổi, thì vị tài xế là một phụ nữ da đen đã lịch sự nói ngay : “You’re welcome”. Rất ít khi mà tài xế lại đòi hỏi hành khách phải cho xem thẻ căn cước hay thẻ bảo hiểm y tế medicare để kiểm tra về tuổi tác của họ.

Tôi đã đi qua nhiều thành phố lớn trên thế giới như Tokyo, Bangkok, Paris, San Francisco, Chicago, New York v.v…, nhưng tôi chưa thấy nơi nào mà người cao tuổi lại được đi xe bus hòan tòan miễn phí như tại thành phố Phidadelphia này. Quả thật, chỉ mỗi một sự kiện nho nhỏ như vậy thôi, thì thành phố này đã thể hiện hòan tòan đúng với tinh thần của Tình Yêu Thương Huynh Đệ - như ý nghĩa từ tiếng Hy Lạp của nó vậy (Philadelphia = The City of Brotherly Love).

2 – Viếng thăm các vị tu sĩ cao tuổi.
Và cũng trong ngày đầu năm 2013, tôi đã thực hiện được hai cuộc viếng thăm với các vị tu sĩ cao tuổi người Việt mà đã từng làm việc và sinh sống nhiều năm tại Philadelphia. Hai vị tu sĩ đó là Mục sư Trần Xuân Quang và Linh mục Đinh Công Hùynh.

A - Mục sư Trần Xuân Quang thuộc Giáo Hội Tin Lành Mennonite Việt nam. Ông và gia đình đã qua định cư ở Mỹ từ năm 1975. Năm nay ở tuổi trên dưới 80, ông bà đều đã nghỉ hưu và hiện sinh sống trong một căn hộ của một chung cư khá tiện nghi tọa lạc trên đường Pine về phía tây bắc thành phố. Nhờ được thụ hưởng một chế độ an sinh xã hội và bảo hiểm y tế khá tươm tất, nên ông bà có cuộc sống tương đối thỏai mái về cả mặt vật chất cũng như tinh thần. Sau gần 40 năm xa cách, trong buổi gặp lại nhau lần này chúng tôi đã thật vui mừng hàn huyên tâm sự, kể lại cho nhau nghe bao nhiêu chuyện vui buồn mỗi người đã trải qua kể từ sau cái ngày 30 tháng 4 năm 1975 oan nghiệt tang thương ấy.

Chuyện đáng ghi nhất là sau mấy chuyến về thăm quê hương của bà mục sư ở miền Bắc, ông bà đã có dịp thấy rõ cái sự dối trá lươn lẹo giả hình của một số lãnh đạo chóp bu của đảng cộng sản – trong đó có vài người mà bà từng biết rõ ngay từ cái thời còn học chung một trường với họ ở vào tuổi hàn vi niên thiếu. Bà Quang cho biết là ngay từ lúc mới có 14 -15 tuổi, thì họ đã được đảng cộng sản móc nối “cấy người” – mà bây giờ sau trên 60 năm khi về thăm lại nơi chốn xưa thì bà mới được các bạn ngày trước kể lại ngọn nguồn để cho bà hiểu biết rõ ràng hơn.

B - Linh mục Đinh Công Huỳnh năm nay đã ngòai 70 tuổi, nhưng vẫn còn đảm nhận chức vụ Quản nhiệm phụ trách một cộng đòan giáo dân người Việt nơi nhà thờ Saint Thomas Aquinas ở khu vực phía nam thành phố. Ông tiếp tôi tại phòng khách của nhà xứ sát liền với phía sau thánh đường. Chúng tôi đều là hai người bạn đồng hương từ miền quê tỉnh Nam Định thuộc giáo phận Bùi chu ngòai Bắc và cùng di cư vào miền Nam năm 1954. Mỗi lần đến Philadelphia, tôi thường đến thăm cha Hùynh và trao đổi với ông về tin tức của nhiều người bạn chung khác.

Lần này, đặc biệt ông cho tôi xem một băng DVD do ông Nguyễn Đình Tòan cũng cư ngụ ở Philadelphia thực hiện cho đài TV SBTN có nhan đề là “Phỏng vấn các Tù nhân Lương tâm”. Trong 30 phút, Linh mục Hùynh đã bình tĩnh trả lời một cách suôn sẻ nhiều câu hỏi có tính cách thời sự sôi nổi mà nhiều người Việt tỵ nạn quan tâm - cụ thể như tình hình đàn áp tôn giáo, đàn áp người biểu tình chống sự xâm lược củaTrung quốc, chuyện cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ Quốc gia ở miền Nam so với cờ đỏ sao vàng của đảng cộng sản v.v…

3 – Đốt Pháo Bông và Diễn Hành ngày Đầu Năm Mới.
Đây là hai tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống có sức lôi cuốn mạnh mẽ nhất đối với số đông quần chúng đã từ cả hàng trăm năm nay. Ban tổ chức đã cho bắn pháo bông từ phía bờ sông Delaware ở phía Đông thành phố, làm nở rực những ánh lửa hào quang muôn màu muôn vẻ với đủ lọai hình thể trên nền trời vào giữa đêm lại trùng vào lúc có trăng sáng ngày 19 tháng mười một theo Âm lịch. Vì trời khuya lạnh, nên tôi phải ở nhà, nhưng qua cánh cửa trên lầu tôi vẫn thấy được một phần những pháo bông nở rộ cả một góc trời của thành phố.

Nhưng vào giữa trưa ngày Tết Dương lịch, thì cuộc Diễn hành truyền thống được gọi là Mummers Parade đã diễn ra thật hào hứng sinh động- dọc suốt theo Đại lộ Broad là một trục di chuyển theo hướng Bắc Nam của thành phố. Tính ra có tới gần cả trăm xe hoa đủ lọai kích cỡ với nhiều nhân vật trong các bộ y phục sặc sỡ lạ mắt và các ban nhạc cử hành những điệu hát thật vui tươi nhịp nhàng để cho các vũ công say sưa nhảy múa biểu diễn trên đường phố - đặc biệt là trước khán đài đồ sộ được dựng lên trước tòa thị sảnh nổi danh vĩ đại của Philadelphia.

Năm nay, nhờ trời tạnh ráo và nhất là vào ban trưa khí hậu cũng bớt giá lạnh đi nhiều, nên bà con già trẻ lớn bé tha hồ mặc sức kéo nhau đi ra đường trảy hội để mà thỏa tình thưởng ngọan các tiết mục biểu diễn nghệ thuật độc đáo mới lạ suốt theo lộ trình dài đến trên 5 kilomet ra đến Đại lộ danh tiếng Market ở trung tâm thành phố.

Hòa mình vào với dòng người tất cả đều hết mực nô nức say mê để mắt theo dõi và còn bấm máy ảnh lia lịa ghi lại những kỷ niệm thật vui tươi sinh động của cuộc Diễn hành, tôi thật cảm động đến ngất ngây trước khối quần chúng đông đảo của cái thành phố lịch sử vốn có niềm tự hào là cái Nôi của cuộc Cách mạng Độc lập Mỹ từ cuối thế kỷ XVIII mà đã bắt đầu khởi sự công cuộc phát động cách nay dễ đến gần 250 năm (The Cradle of the American Independence Revolution) vậy./

Philadelphia ngày 2 tháng 1 năm 2013
Đoàn Thanh Liêm




Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Bùi Tín - Mõm mòm mom!



Bùi Tín

Bạn đã bao giờ đau răng chưa? Đã bao giờ bạn có chiếc răng sâu bị lung lay, rồi lung lay dữ dội chưa?
Đã bao giờ bạn bị một chiếc răng sâu, đau đớn, lung lay dữ dội đến độ mõm mòm mom chưa? Và khi chiếc răng đã lung lay đến độ mõm mòm mom, chỉ cần một sợi chỉ buộc vào chân răng, dứt phựt một cái là đi đời một chiếc răng, thoát một cơn đau khó chịu, có khi nhức lên óc, nhẹ hẳn người, phải không bạn?


Hôm nay nhân ngày đầu năm 2013, tôi xin phép bạn mượn chuyện nhổ chiếc răng sâu đã mõm mòm mom để thưa chuyện với bạn về tình cảnh của đảng CS Việt Nam khi bước vào năm 2013 này.

Vâng, thưa bạn đã đến lúc phải nói cho thật minh bạch sự thật ở nước ta, dù là sự thật có đáng buồn đến đâu cho một số người.

Đảng CSVN hiện nay không còn nữa. Nó không còn như xưa nữa. Nó không còn là một chính đảng, một đảng chính trị nữa. Cả 14 vị trong Bộ Chính trị, 200 vị ủy viên chính thức và dự khuyết Trung ương đảng có ai nằm trong tù đế quốc đâu, có ai thực sự tham gia chiến đấu đâu, trải qua hy sinh gian khổ đâu. Họ chỉ là tầng lớp hưởng thụ. Họ chỉ biết hưởng thụ, hưởng thụ nữa, hưởng thụ ngày càng nhiều thêm mãi. Có lớp lãnh đạo nào giỏi đếm và tích lũy tiền của như họ hiện nay ?

Hàng chục tỷ, trăm tỷ, ngàn tỷ đồng, hàng trăm ngàn đôla, hàng triệu đôla cứ ngon ơ. Tài phiệt xưa, đại điền chủ xưa phải gọi họ bằng «cụ». Còn có ai giữ phương châm mà đảng viên CS nào cũng thuộc nằm lòng khi vào đảng: «lo trước cái lo của thiên hạ, hưởng sau cái vui của thiên hạ », để lao lên phía trước cướp của của thiên hạ, đạp dân lại phía sau cho đói nghèo bệnh hoạn, bất kể là mẹ liệt sỹ hay gia đình thương binh, gia đình cựu chiến binh.

Đảng CS trong cơn suy thoái không gì kìm hãm nổi đã lựa chọn dứt khoát tôn thờ tiền bạc phi nghĩa, quay lưng lại với nhân dân, với dân tộc, đã dứt khoát chọn con đường quỵ luỵ với bành trướng, đàn áp thẳng tay người dân yêu nước, thực hiện chính sách cảnh sát trị với đồng bào ruột thịt của mình. Nó đã tự sát.

Tình hình đã mõm mòm mom từ cuối năm 2010 khi gần 30 trí thức tiêu biểu của đất nước, tất cả là đảng viên cao cấp do Bộ Chính trị trực tiếp quản lý, nhất trí cao độ bác bỏ triệt để cơ sở lý luận, ý thức hệ chính trị kinh tế của Đại hội XI năm 2011, tuyên chiến với tất cả các văn kiện Báo cáo Chính trị, Cương lĩnh và Chiến lược của đại hội này, để đến Tết năm 2012 lại tụ nghĩa ở trụ sở báo Tia Sáng giữa thủ đô Hà Nội nhằm khẳng định một lần nữa con đường sai lầm bế tắc của đảng CS - không có lực luợng giám sát, kềm hãm, ngăn chặn và thay thế, không có phanh hãm khi đang lao xuống vực thẳm, mất gốc chân lý, mất gốc dân tộc và nhân dân.

Tình hình mõm mòm mom khi mạng bauxite xuất hiện với hàng vài ngàn chữ ký công khai ghi rõ tên tuổi địa chỉ của tập thể trí thức dân tộc, kéo còi báo động nguy cơ mất nước khi nhà nước nhượng bộ cho bọn bành trướng sang khai thác bauxite ở Tây Nguyên, với đội quân ngầm đội lốt công nhân; rồi hàng ngàn, hàng vạn trí thức dân tộc đòi công lý cho luật sư Cù Huy Hà Vũ; hàng vạn trí thức nữa đòi công lý cho 3 nhà báo yêu nước Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải và các chiến sỹ yêu nước và dân chủ khác…

Tình hình mõm mòm mom khi liên tiếp 11 chủ nhật trong mùa hè năm 2011 và ngày 9 tháng 12 năm 2012, hàng trăm, hàng ngàn bà con Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ… xuống đường ôn hòa nhưng kiên định, hòa bình nhưng bất khuất, khẳng định không ai có quyền ngăn cản lòng yêu nước, thương dân, chống quân xâm lược. Hàng loạt nữ nhi kiên cường xuất hiện: Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân, Huỳnh Thục Vy, Bùi Minh Hằng, Nguyễn Phương Uyên, Đoan Trang, Dương Thị Xuân, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…

Tình hình mõm mòm mom cho đảng CS cáo chung khi hàng chục nhà luật học, luật sư, hàng trăm nhà báo, blogger tự do, hàng trăm nhà văn nhà thơ nhạc sỹ tiêu biểu của nghĩa khí và văn hóa Việt Nam đứng thẳng dậy dành quyền sống tự do cho nhân dân… với lời tuyên ngôn của nhà thơ - chiến sỹ trẻ Bùi Chí Vinh:

Quý vị như thế mới là quý vị
Vô cảm, vô lương, vô đạo đức, vô thần
Tôi rách rưới như một thằng thi sĩ
Nhưng hiểu thế nào là sức mạnh nhân dân

Tính hình mõm mòm mom khi Bí thư đảng ủy Bộ Ngoại giao kiêm Phó Ban biên giới Nguyễn Duy Chiến đăng đàn nói huyên thiên rằng «Trung Quốc cắt cáp của ta cũng như cha mẹ yêu con cho roi cho vọt», liền bị lên án tới tấp và dạy dỗ đến nơi đến chốn, từ đó câm tịt.

Cũng như mới đây, viên đại tá Trần Đăng Thanh nói năng lảm nhảm bị công kích kịch liệt không kịp chống đỡ, không ai dám bênh. Như thế cũng đủ thấy đảng CS đã lâm vào khốn quẫn cả về lý luận lẫn thực tiễn đến mức nào. Thời thế nào gian hùng ấy, đảng CS vào giai đoạn thoái trào chỉ sinh ra được những quái thai.

Hãy nghe một nhân vật cừ khôi của đảng CS, đáng bậc thầy của Trần Đăng Thanh, là Giáo sư Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo, từng là ủy viên Trung ương đảng, nguyên trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên CS, người nổi tiếng là có tư duy độc lập, từng được coi là có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với tuổi trẻ thủ đô trong các cuộc diễn thuyết, công khai phát biểu «Tai họa sẽ đến Việt Nam nếu những người lãnh đạo không nhìn rõ, không thấy được Trung Quốc là một đối thủ nguy hiểm ; Việt Nam cần tồn tại và phát triển, phải có ý chí, có trí tuệ, phải mạnh lên, phải liên minh với các nước khác, như với Ấn Độ, Nga, Nhật Bản thậm chí cả Hoa Kỳ». (Trò chuyện với Đặng Quốc Bảo ngày 26/6/2009).

Đây là lời phê phán nghiêm khắc ngay thẳng của ông giáo sư thiếu tướng đối với tên Đại tá Trần Đăng Thanh. Cần chỉ rõ thêm chính ông Đặng Quốc Bảo đã khẳng định cả cái giống cộng sản đều là độc tài, dù là ở Nga hay ở Tàu, dù ở Bắc Hàn hay Cu Ba và Việt Nam, đều là độc tài chống nhân dân, nên cũng chính ông đã thấy cái đảng này đã mõm mòm mom, sắp rơi rụng đến nơi rồi vậy, nếu không cải tà quy chính, thực hiện dân chủ hóa đa nguyên.

Khi ông Lê Hồng Hà, nguyên Chánh văn phòng kiêm đảng ủy viên Bộ Công an từ bỏ đảng CS, khi ông Nguyễn Trung Thành, vụ trưởng vụ bảo vệ đảng, cánh tay phải của Lê Đức Thọ, từng thụ lý vụ án «xét lại - chống đảng» lên tiếng minh oan cho 34 đảng viên CS bị tù đầy và đòi khôi phục danh dự cho họ, thì chính các nhân vật ấy cùng một loạt các nhân vật Cộng sản ly khai như Trung tướng CS Trần Độ, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Đại tá Phạm Quế Dương, Viện trưởng Hoàng Minh Chính, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, Đại tá nhà văn Phạm Đình Trọng, và gần đây là Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ đã công khai đốt thẻ đảng khi đảng vẫn tôn thờ cái lý luận Mác-Lê lẩm cẩm. Tất cả đã dồn đảng CS vào tử huyệt hôm nay, tất cả đều có vinh dự nhân danh công lý, chính nghĩa, nhân danh nhân dân và dân tộc sớm đóng mỗi người một chiếc đinh của mình lên cỗ quan tài của đảng CS.

Cho đến thanh niên thế hệ trẻ cũng sớm đoạn tuyệt với Mác - Lênin như đảng viên trẻ Nguyễn Chí Đức ngay trước khi bị đạp giày vào mặt, đã «không chịu nổi cảnh xa hoa khệnh khạng ăn tục nói phét của cấp trên» để xin chào từ biệt đảng, «một đi không trở lại».

Từng là người Cộng sản từ khi trẻ ham lý tưởng, một phần do thời thế đưa đẩy, tôi rất hiểu tâm trạng của nhiều đảng viên tuy đã chán ngấy với cái ý thức hệ vòng vo, cái lý luận Mác Lê ngụy biện, cái lý tưởng ảo ảnh hàng mã của nó, nhưng vẫn có lúc ngại ngùng, không quả đoán dứt tình. Đó còn là vì cái chế độ này quá xảo quyệt, chuyên nghề ăn gian nói dối. Khi nó chưa được công khai hoạt động thì nó lớn tiếng đòi đa nguyên đa đảng, khi nó không được quyền ra báo thì nó ra rả đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng khi cướp được quyền rồi thì nó cấm mọi quyền tự do còn hơn bọn phát xít. Nay nó sợ nhất là tổ chức, dù là tổ chức đối lập xây dựng cho nó.

Biết bao người như Phó Thủ tướng Trần Phương, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, ủy viên Ban Bí thư Trung ương Nguyễn Đình Hương (Mười Hương), Tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tướng Công an Nguyễn Tài…từng phê phán ngay thật đảng đã mất hoàn toàn tính tiền phong. Như Viện trưởng kinh tế Trần Đình Thiên, Viện trưởng kinh tế thế giới Võ Đại Lược, các trí thức có thực học, thực tài như Nguyễn Quang A, Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, Dương Thu Hương, Thứ trưởng thỷ lợi Trần Nhơn, nhà sư phạm Phạm Toàn… từng nhận định phiên tòa xử luật sư Hà Vũ là «lưu manh». Như nhà xã hội học Tương Lai cho rằng phiên tòa xử các nhạc sỹ Việt Khang và An Bình là «phát xít». Như nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng đảng CS «hành động kiểu côn đồ và ngu muội hóa nhân dân»…

Làm sao kể cho xiết những người trí thức chân thành không còn một sự kính trọng nào với đảng, với lãnh đạo. Hàng ngũ họ tăng lên từng ngày. Mới đây những vị Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận đã đứng hẳn về phía nhân dân xuống đường.

Bởi vì rõ ràng cả về đức, về tài, về lý luận chính trị, về học thuyết kinh tế, về đường lối đối ngoại, các nam nữ trí thức dân tộc trên đây đều xứng đáng là bậc thầy của tất cả các ủy viên Bộ Chính trị và tất cả ủy viên Trung ương hiện nay ; họ xứng đáng là thầy học để huấn luyện lại, lên lớp lại, giảng bài lại cho tất cả các tiến sỹ vẹt mang bộ óc bã đậu trong cái Học viện Chính trị Quốc gia u tối đến thê thảm, chỉ sản sinh ra những kẻ ngu ngốc thậm tệ như Nguyễn Duy Chiến, Trần Đăng Thanh…

Các trí thức chân chính trên đây thực sự đã ly khai đảng dứt khoát trên lý trí rồi. Chỉ còn rơi rớt chút tình cảm và tý ty quyền lợi. Họ là hàng vạn, hàng vạn vốn quý của dân tộc, là tài sản tinh thần vô giá của nhân dân, do hồn thiêng sông núi hun đúc nên. Với đảng Cộng sản, nay họ có thể lẩy Kiều bằng một câu: Tình trong đã đứt, miệng ngoài còn e thay cho Tình trong như đã,mặt ngoài còn e.

Vậy xin các vị, xin các bạn (vì tôi từng quen khá thân, khá rõ một tỷ lệ không nhỏ các vị trên đây) xin hãy làm một cố gắng có ý nghĩa, xin đừng e ngại gì nữa, hãy cùng buộc một sợi chỉ thòng lòng vào chiếc răng sâu đã hết thời sử dụng, cùng giật một cái để khai tử cho nó, rồi cho nó vào bảo tàng, theo chân gần một trăm đảng CS đã lần lượt vào nghĩa địa của nhân loại chỉ trong hai chục năm lại đây. Sự chia tay nào cũng có chút ngậm ngùi, nhưng có khi dứt tình là giải thoát, là nhẹ gánh, là yên lòng và thanh thản từ đây. Để còn lo chuyện khác.
Đây sẽ là hành động anh hùng của các vị và các bạn, thực sự cứu dân, cứu nước, bù đắp những lầm đường lạc lối quá dài vừa qua, trở về với nhân dân và dân tộc, với chính nghĩa và lẽ phải, thuận theo nền văn minh kiến thức của loài người và thời đại mới, cùng nhau mở ra kỷ nguyên dân chủ tự do, mở ra sinh lộ cho Việt Nam.

Không có đảng chính trị nào là thiêng liêng, thần thánh, trường cửu cả. Đảng chính trị xét cho cùng chỉ là phương tiện trong tay con người, con người sanh ra nó, giao cho nó nhiệm vụ, sử dụng nó vì lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân. Khi nó không còn trung thành, tự tư tự lợi, tự nó phản bội nhân dân và dân tộc thì ta loại bỏ nó đi không thương tiếc, và cùng nhau lập một tổ chức chính trị mới, theo đúng quyền công dân tuyệt đối bất khả xâm phạm, theo đúng hiến chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, không một ai có quyền cấm cản. Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh cho công an ngăn cấm hình thành tổ chức đối lập là một quyết định phi pháp, vi hiến, không có mảy may giá trị. Xin nhớ trong bản cáo trạng nguyên Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak có ghi tội «phản nhân dân, ra lệnh giải thể Đảng Công lý và Đảng Vì dân, ra lệnh đàn áp lực lượng đối kháng xuống đường, 2 tội này có thể bị tử hình hai lần».

Đây nên là chủ đề nóng bỏng, cấp bách, hệ trọng, lý thú nhất mà anh chị em trí thức ta tự nhận là lương tri, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và dân tộc rất nên cùng nhau bàn bạc trao đổi ngay từ ngày đầu năm 2013 và trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.


Lê Tuấn Huy - Xử SAO?



Lê Tuấn Huy

Ngày 27/12/2012, án phúc thẩm tuyên cho Hoàng Khương như sơ thẩm. Ngày 28/12/2012, công an Hải Phòng đề nghị truy tố anh em Đoàn Văn Vươn tội giết người. Một lần nữa, hai nhân vật không liên hệ nhau này lại ngẫu nhiên “gần gũi” theo dòng sự kiện. Bài dưới đây được viết trong hai ngày 09-10/02/2012 nhưng chưa công bố. Dù mất đi tính thời sự, tôi vẫn giữ nguyên nội dung ban đầu, để góp tiếng nói về những con người này.
28/12/2012
Lê Tuấn Huy

1.
Ngày 07/02/2012, Hải Phòng quyết định “kỷ luật” đối với một số giới chức huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang. Số phận Đoàn Văn Vươn cùng những người bị khởi tố chung đương nhiên vẫn mặc định là “xử lý theo pháp luật”[1].


Cùng ngày, đã diễn ra hội thảo “Báo chí điều tra và lợi ích công”. Về trường hợp của nhà báo Hoàng Khương, có cả ý kiến (tạm thời gọi là) bênh vực và không bênh vực.

2.
Chắc chắn, dù ủng hộ nhà họ Đoàn, không ai lại cổ động cho hành động mang tính bạo lực. Nhưng liệu họ có đáng bị ghép tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”? Trong khi nhiều người vẫn còn e dè về “tội trạng” này, thì chị Phạm Thị Hiền, em dâu Đoàn Văn Vươn, đã là người đầu tiên khẳng khái: “cướp không phải [là] công vụ”.

Câu nói ngắn gọn đó không chỉ lột tả được bản chất của vụ việc, mà còn khái quát được một tình trạng đã định hình như quốc nạn: cướp bằng công vụ. Nghiêm trọng hơn, trong khi những vụ việc khác, cướp được thực hiện bằng một loại luật pháp nhiều bất cập, thì ở Cống Rộc, cướp được thực hiện bằng một loại luật rừng công khai, bởi các giới chức liên quan đã mặc sức “diễn dịch” một cách độc ác cái luật pháp nhiều bất cập đó, và còn được sự hỗ trợ gần như của toàn bộ cỗ máy cưỡng hành địa phương, vốn được quan niệm chung là “sức mạnh tổng hợp của hệ thống chuyên chính vô sản”.

Nếu anh em họ Đoàn không hành động như đã hành động khi cùng quẫn, thì để “sạch” về mặt pháp lý, họ có những chọn lựa nào?

1. Chấp nhận mất đất, rồi sống an phận, lầm lũi với nỗi oan ức.

2. Chấp nhận mất đất, rồi gia nhập vào đội quân khiếu kiện thường trực và trường kỳ vốn đang ngày một lớn, mà qua thực tế, kết quả của đại đa số là khiếu kiện vô tận, vô định và vô hiệu.

3. Chấp nhận mất đất, nhưng liều mạng, và thay vì liều mạng với lực lượng mang danh “công vụ” như đã làm, là liều mạng với chính mình, vì chỉ còn con đường này mới “bảo tồn” được nỗi oan khiên trước công luận.

Với hai tình huống đầu, theo chân người trí thức khi mất đi hoạt động đặc trưng, là tư duy độc lập và tự do tư tưởng, phải “lưu vong” trên chính đất nước mình, thì về mặt cá nhân lẫn xã hội, người nông dân khi mất đi hoạt động đặc trưng, sẽ phải lưu vong trên chính quê hương bao đời, theo đúng nghĩa đen.

Còn với tình huống thứ ba, kết quả là thương vong. Và đã có “tiền lệ” về hình thức tự hoại cực đoan nhất khi oan sai, là trường hợp tự thiêu của ông Nguyễn Văn Đương ngay trong lúc bị cưỡng chế[2].

Thế nhưng, phải chăng giá trị pháp lý và giá trị xã hội của Việt Nam ngày nay chỉ chấp nhận người dân hoặc là lưu vong, hoặc là thương vong, còn dấn thân thì phải trừng trị?

Trong khi đó, nếu không hành động như đã hành động, gia đình ông Vươn sẽ không vướng phải trách nhiệm pháp lý nhưng sau đó, theo chân họ là hàng loạt hộ khác ở Tiên Lãng cũng sẽ chịu cảnh mất đất, trong sự lặng yên của xã hội, để rồi tệ trạng cướp bằng luật pháp và cướp bằng luật rừng cứ thế thỏa sức trên khắp đất nước. Hơn thế, hành động có tác động cảnh tỉnh không thể khác được của họ không chỉ giúp ích cho những người dân bình thường, mà còn cho cả giới lãnh đạo cấp cao, cho toàn bộ bộ máy cầm quyền và hệ thống chính trị.

3.
Nếu đem “tư duy” quy giản của vụ nhà họ Đoàn – xét hành động của họ cô lập trong việc nổ mìn tự tạo và bắn súng hoa cải về phía “lực lượng chức năng” – áp dụng cho trường hợp Hoàng Khương, tức cô lập sự việc trong hành động đưa tiền cho công an, mà không xét động cơ, bối cảnh xã hội và điều kiện bất khả kháng, thì nhà báo này đáng mang tội “hối lộ”.

Về động cơ, có lẽ ngoài phía công an dường như đang muốn khẳng định ngược lại, chắc rằng đa số công luận đều đồng tình với sự sự dấn thân chống tiêu cực của anh.

Về bối cảnh xã hội, mà ở đây, cụ thể là bối cảnh hợp nhất giữa quyền lực công và lợi ích tư trong hoạt động công quyền đã gần như đạt đến đỉnh điểm. Ngoài tầng cao biểu hiện ở tham nhũng và nhóm lợi ích, ở tầng thấp hơn, là “hệ thống” sách nhiễu tư túi hàng ngày, trong đó tiêu cực của công an biến chất, vốn đã là đối tượng phản ánh thường xuyên của truyền thông.

Đương nhiên, cho dù ở các quốc gia mà truyền thông có tầm hoạt động và ảnh hưởng lớn hay ở bất kỳ đâu cũng vậy, phóng viên đều không được vượt quá giới hạn trong nhập vai điều tra. Tuy nhiên, nếu không có cái bối cảnh độc nhất vô nhị trên thế giới mà tướng Lê Thế Tiệm đã khái quát, rằng: “Có cái gì đó ngoài đường mà ai cũng muốn gửi con em ra đứng?”, và nếu đội ngũ “con em” đó không có cả một “hệ thống” chân rết tự phát hỗ trợ cho tiêu cực, thì hành động của Hoàng Khương mới trở thành điều phi lý và phi pháp, vì khi đó, đơn giản nó chỉ là cố tình dựng lên một sự vụ cá biệt[3].

Hoàng Khương, nếu không nhập vai đến tận cùng ở thế không thể khác được, mà chỉ dừng lại ở mức ghi nhận suông, thì sẽ không bao giờ có được chứng cứ sống và không thể chối cãi[4], để rồi việc làm phi pháp của những công an tiêu cực sẽ mãi mãi nằm trong vùng cấm, vì đó là nơi chỉ có sự “tiếp cận” khép kín của những đối tượng liên quan, là chính họ cùng những cánh tay nối dài của họ, và những người phải cần đến ê kíp đó.

Ngoài ra, truyền thông là ngành mang tính đặc thù, nên hành động chống tiêu cực của họ cũng mang tính đặc thù. Do vậy, trong việc này, sẽ là sự hạ cấp phi lý đối với truyền thông khi quy họ về chung với người dân bình thường qua việc không thừa nhận mặt báo như một công cụ tố giác khi trưng ra kết quả điều tra, mà buộc họ nhất nhất phải tố giác trực tiếp với cơ quan công an.

4.
K. Marx, khi lược khảo về Chủ nghĩa Duy vật Pháp, có diễn giải lại rằng:
"Nếu con người không có tự do theo nghĩa duy vật, nghĩa là nếu người ta có tự do không phải nhờ có lực lượng tiêu cực để lẩn tránh cái này cái nọ, mà nhờ có lực lượng tích cực để phát huy cá tính của mình thì không nên trừng phạt những tội lỗi trong cá nhân, mà nên tiêu diệt những nguồn phản xã hội đẻ ra tội lỗi và đem lại cho mọi người một không gian xã hội cần thiết cho sự biểu lộ căn bản của bản chất của mình. Nếu như con người là do hoàn cảnh tạo nên thì phải tạo ra những hoàn cảnh hợp tính người. Nếu như con người, bẩm sinh ra, đã có tính xã hội thì do đó chỉ có trong xã hội, con người mới có thể phát triển bản tính thật sự của mình và lực lượng của bản tính con người phải được đánh giá không căn cứ vào lực lượng của cá nhân riêng lẻ mà căn cứ vào lực lượng của toàn xã hội".[5]

Đúng vậy, suy cho cùng, mọi tội lỗi của con người, ngoài sự góp phần của bản tính cá nhân, của gia đình và giáo dục, thì bối cảnh đóng vai trò là căn nguyên xã hội. Bởi thế, trừng phạt triệt để nhất đối với tội lỗi của con người là trừng phạt cái bối cảnh xã hội đã sinh ra tội lỗi đó.

Nói như vậy không có nghĩa là con người phải được miễn trừ mọi trừng phạt, ở mọi tội lỗi. Hành động xuất phát từ bản tính cá nhân và những hành vi hình sự có trong mọi bối cảnh, là những điều phải giá pháp lý.

Còn với những “tội lỗi” mà không thể tránh khỏi và trực tiếp phát sinh từ cái bối cảnh phi lý, phi nhân của một xã hội, một giai đoạn lịch sử, thì chính cái điều kiện đã bóp méo “căn bản của bản chất” con người, khiến nó phải thể hiện một cách sai lệch, mới là cái cần phải được xử lý, điều chỉnh triệt để cho “hợp tính người”, bởi lực lượng đã gây nên sai trái đó “phải được đánh giá không căn cứ vào lực lượng của cá nhân riêng lẻ mà căn cứ vào lực lượng của toàn xã hội”.

Lấy sự việc ở Ô Khảm làm minh chứng. Trục xuất chính quyền thôn, chiếm cứ địa bàn, điều hành tự quản, biểu tình liên tục…, theo luật pháp xã hội chủ nghĩa, rõ ràng là “chống chính quyền nhân dân” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước…”, v.v và v.v… Nhưng qua sự kiên quyết dấn thân của người dân, không một ai trong số họ bị xử lý hình sự, mà ngược lại, chính quyền trung ương đã phải thức tỉnh: quyền dân chủ cơ sở được thật sự trao lại cho người dân sở tại, Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận nạn cướp đất và kêu gọi bảo vệ nông dân.

Có cái kết quả “phi luật pháp”, “phi kỷ cương” như thế tại Ô Khảm là bởi thực chất việc xử trí không phải ở chỗ dễ dàng và tùy nghi quy tội người dân, mà ở chỗ dân hay quan được lấy làm gốc.

Những người có thẩm quyền có thể hất ngược lỗi về cho nông dân bị mất đất là “không chấp hành” phương án đền bù giải tỏa, “không chấp hành” cưỡng chế; có thể hất ngược lỗi về cho người dân đối với tiêu cực của công an, nhưng sự thật và nhân tâm là những thứ mà sức mạnh cưỡng hành dù có thể áp đặt cũng không bao giờ có thể thể định hình khách quan.

Đoàn Văn Vươn và Hoàng Khương, sắp tới đây, dù về mặt pháp lý, có trở thành người mang án, thì về mặt xã hội và lịch sử, họ vẫn là những anh hùng.

Vấn đề còn lại là quan hệ giữa cái tâm của lãnh đạo với nhân tâm của người dân: xử ai và xử ra sao để minh bạch và đem lại công lý, để sự vụ không trở thành vết thương trên cơ thể xã hội, bởi khi đó, cái sẹo dù có lành cũng hằn lại vĩnh viễn trong lòng người.

Chú thích
[1] Bài được viết trước ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng họp về vụ việc (11/02/2012), mà trong kết luận có “yêu cầu” Hải Phòng “Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án ‘giết người và chống người thi hành công vụ’ ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng”.
[2] Dù vụ việc này, xảy ra ở xã Đại Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên, xuất phát từ tranh chấp dân sự, nhưng có nhiều điểm rất đáng lưu ý, là đương sự đã nhiều lần kêu cứu đến các cơ quan pháp luật và chính quyền nhưng vẫn bị cưỡng chế, để rồi phải tự đốt mình ngay khi đó, trước sự dửng dưng của các “lực lượng chức năng” hùng hậu. Xin được đặt câu hỏi trước lương tâm công luận: cái chết thảm thương và uất ức này có đáng lật lại và đi đến tận cùng công lý không?
[3] “Phóng viên không được tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất” là điều hoàn toàn đúng, nhưng nếu vận dụng không đúng vào trường hợp Hoàng Khương, sẽ là công cụ rửa sạch tội cho công an viên tiêu cực và trút hết tội sang Hoàng Khương. Vì khi vận dụng với thái độ “cô lập”, cụm từ “thay đổi bản chất” đã mặc nhiên giả định là viên công an bị “biến chất” bởi chính hành động của Hoàng Khương, chứ không phải người này đã chủ động có tiêu cực.
[4] Cho rằng có băng ghi âm công an viên muốn nhận hối lộ đã là đủ chứng cứ và Hoàng Khương nên dừng lại, là một ý kiến xa rời thực tế Việt Nam. Có những chứng cứ sống nhưng có thể chối cãi, như trường hợp Nguyễn Thị Thanh Tuyền ghi âm của kẻ gạ tình khi chồng chị đang bị tạm giữ. Đó là chưa kể khi chưa có chứng cứ phạm pháp quả tang, với ưu thế từ công tác của mình, công an viên tiêu cực có thể diễn giải những lời nói đó là sự “nhập vai” của mình để chống tội phạm.
[5] Marx – Engels Tuyển tập, I, Nxb Sự thật , Hà Nội, 1980, tr 174.
© 2012 Lê Tuấn Huy & pro&contra


Văn Quang - Cả nước bị điện giật


Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Đúng ngày tận thế, chiều 21-12-2012, ông Điện lực VN (tên giao dịch quốc tế là Vietnam Electricity, viết tắt là EVN) thông báo tăng giá điện, tính cả năm 2 lần tăng là 10%. Nụ cười của người Việt vừa thoát khỏi ngày tận thế chưa rời khỏi khóe môi đã héo lại vì bị “tận thu”. Cái số người dân Việt bây giờ vì thế ít khi nào có nụcười trên môi. Xin đừng đặt câu hỏi vì sao một số người Việt bây giờ lại “vô cảm” đến thế. Lý do giản dị bởi còn chạy gạo hộc xì dầu, không có tiền thì vợ con đói, bố mẹ không có thuốc, chưa biết chết lúc nào, nên đành phải “mắc bệnh vô cảm” vậy, dù lương tâm có bị cắn rứt cũng phải chịu. Công việc nhà chúng em còn nhiều lắm, ông thông cảm hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì tới “cơm gạo áo tiền” nhà chúng em. Nhưng còn một ông lớn mắc bệnh vô cảm nặng hơn, công khai thách thức dư luận.


Ông Điện Lực VN mắc bệnh vô cảm nặng 

Cái thời buổi này nó thế, nhất là dịp năm hết tết đến này, người dân có hàng chục thứ phải lo. Công nhânđi làm xa, lo lấy cái vé tàu về quê cũng ăn chực nằm chờ suốt đêm vẫn chưa mua được, lại phải nhờ đến cò chợ đen. Nỗi lo lương thưởng tết không có, lấy gì mua bánh cúng ông bà, lấy gì mua cho con manh áo mới. Chưa nói đến một số doanh nghiệp nợ lương từ tháng này qua tháng khác, tháng này không biết còn nợ nữa không. Rồi vẫn lo cái xe gắn máy cà tàng sắp phải đóng thuế “phí sử dụng đường bộ”. Ông ngân hàng nhà nước cũng “nhân dịp cuối năm” này ép hạ lãi suất gửi ngân hàng xuống thêm 1% nữa. Nỗi lo hơn nữa là thất nghiệp. Mấy cô cậu làm trong ngân hàng đang nơm nớp lo bị “cắt giảm nhân sự”. Nói cho đúng, làm ở sở càng lớn, lương càng cao, càng lo. Công nhân các công ty xí nghiệp càng nhỏ, lương càng “hẻo”, càng lo, chưa biết năm sau công ty sẽ đi về đâu, nỗi lo thất nghiệp vẫn canh cánh bên lòng. Ấy thế mà vẫn tăng giá điện gấp gáp, bất ngờ, có ông ví von như một cú dí điện vào lưng nhân dân. Như thế ông điện lực còn mắc bệnh vô cảm nặng hơn nhiều!

Người lao động và đại gia cũng cùng bị điện giật

Thế cho nên khi được tin tăng giá điện, cả nước nhảy nhỏm y chang bị điện giật. Có hàng ngàn câu nói cửa miệng của người lao động thốt ra. Mấy cái doanh nghiệp cũng thất thần, hãng nào cũng phải sử dụng điện trong khi hàng ế ẩm, bán giá cũ chưa ai mua, nay lại tăng giá nữa, làm sao bán hàng? Cho thợ nghỉ hàng loạt hay cho thợ làm 3 ngày một tuần, vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Chỉ còn nước đóng cửa. Đóng kiểu nào còn tùy theo tình hình. Đóng theo kiểu bán hết máy móc thiết bị, ông chủ bỏ nhà không vườn trống, chạy mất tiêu là gọn nhất. Tha hồ cho mấy anh thợ đứng chờ như hòn vọng phu. Kiểu đó không thiếu gì ông chủ đã và đang áp dụng có hiệu quả tại VN.

Nhưng tình trạng của người lao động còn thê thảm hơn nhiều. Vậy xin chứng minh cụ thể tiếng nói của người dân trước. Trong số hàng ngàn ý kiến trên hầu hết các trang báo cho người dân “xì hơi”, đa số ý kiến đều cho rằng EVN làm ăn thua lỗ những năm trước không phải do lỗi của người tiêu dùng nên không thể bắt họ phải chịu trách nhiệm. Mời bạnđọc những tâm sự rất ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa:

Thà tận thế cho khỏe

- Bạn Lao Đao thất vọng quá đến mức phải thốt lên: Vừa vượt qua được cái tận thế lại đụng ngay cái tận thu của anh Điện, tuần sau anh Giao Thông cũng sẽ tận vét với cái phí giao thông cho các loại xe! Thà tận thế thiệt cho khỏe!!!

- Bạn Phạm Văn Lâm than bóp đã xẹp: Những ngày cuối cùng của năm 2012 giá điện tăng “hốt hụi chót”...Bóp của dân thực sự đã xẹp lép, làm gì còn tiền để đóng “phí bảo trì đường bộ” ngayđầu năm đây hỡi những ông Quan ơi?...

- Bạn Tiếng xưa nhìn nồi cơm nhà mình: Người dân đã oằn mình với bao thứ thuế, Sở Điện lực cũng ráo riết ra tay. Nồi cơm lại vơi đi rồi, Sở Điện lực ơi!

- Bác Bảy Đại Ca hỏi thăm các nhà làm kinh tế vĩ mô và “siêu tiến sĩ” VN: Đây là kinh tế vĩ mô và người dân sẽ ngộp thở, là nhờ các siêu tiến sĩ làm luận án, tăng lãi để bù lỗ và người dân ngóc đầu lên không nổi.
- Bạn Năm Khang sâu sắc hơn: Cái mất nhiều hơn: Hết biết, hết biết, hết biết! Trong khi, Chính phủ mới có chỉ đạo trong phiên họp tháng 11 là phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; kềm chế lạm phát. Và tại sao phải tăng giá để bù lỗ do tự mình kinh doanh yếu kém. Thật sự không còn biết tin vào cái gì nữa. Dân phải ép mình mà trả thêm tiềnđiện, trả thêm phí bảo trì đường bộ mà tâm không phục, khẩu không phục. Có thêm tiền, nhưng cái mất là nhiều hơn!

- Bạn TBDKN nói đến nguyên tắc ngược đời trong kinh doanh: Theo nguyên tắc cung cầu của thị trường thì mua càng nhiều, giá càng giảm nhưng EVN thì không! mua càng nhiều càng bị “chém”.Một mình một chợ muốn làm gì thì làm. Chẳng có ngành nghề nào kinh doanh sướng như EVN, thua lỗ thì nhà nước cứu, còn lợi nhuận thì đem chia nhau xài. Bó tay.

- Bạn Hiep, emailhiep63@mail.vn lại tỏ ra khôi hài: Đúng là 5 anh em trên 1 chiếc xe ‘tăng’:‘xăng tăng -điện tăng -nước tăng -gaz tăng -vàng tăng’ mà lương…chậm tăng!

- Bạn có địa chỉ email tuanhonglac@... đặt câu hỏi “Tăng giá điện là điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều năm. EVN độc quyền bán điện rồi độc quyền tăng giá, lại còn nói “Không tác động lớn”. Cơ sở nào để các ông nói là không tác động lớn? Thử làm dân nghèo xem có tác động hay không khi mà người dân đã cắt giảm rất nhiều khoản chi tiêu, nay giá điện lại tăng thì lấy khoản nào bù vô? Đó là chưa kể giá điện tăng sẽ làm giá hàng hóa tăng theo. Tại sao làm ăn lỗ lại bắt khách hàng gánh cho mình?”.

- Cụ Lão Nạp kết luận: Người dân không bị tận thế thì cũng bị tận... số với các ông: Điện, giao thông, xăng dầu!

Chỉ nghe bằng ấy lời “tả oán”của người dân, bạn đọc đã có thể nhìn rõ được tâm trạng của người dân Việt hiện nay “mười phân vẹn mười” như thế nào, khỏi cần bình luận thêm, phải không bạn?
Không chỉ người dân nghèo than khổ, các đại gia chủ doanh nghiệp cũng than khổ.

Tiếng kêu của các đại gia trong các doanh nghiệp

* Ông Đỗ Phước Tống (giám đốc Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh): Quá ngán giá điện:
Phải nói là quá bất ngờ.Trước đó, hầu như tôi chưa nắm được thông tin nào về việc tăng giá điện bắt đầu từ hôm nay (22-12). Thú thật, tôi đã quá ngao ngán về vấn đề này. Doanh nghiệp, người tiêu dùng than quá nhiều về giá điện nhưng Bộ Công thương có bao giờ nghe.

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại chi phí đầu vào tăng giá mạnh, nhưng sản phẩm bán ra không thể tăng giá. Trong ngành cơ khí chúng tôi, phần điện rất nặng. Hầu hết các khâu sản xuất đều phải dùng điện.

Tại Công ty Duy Khanh, chi phí tiền điện chiếm khoảng 4% trong tổng chi phí sản xuất. Việc tăng giá điện có tác động rất lớn đến hoạt động của công ty. Trong khi đó ở thời điểm này không thể tăng giá đầu ra vì còn phụ thuộc vào sức mua, doanh nghiệp phải tự gánh khoản tăng giá điện lần này.

Ép dân và các doanh nghiệp quá đáng 

Thời gian thông báo tăng giá điện chỉ trong vòng 01 ngày. Đúng là chỉ có công ty điện lực được nhà nước bao cấp mới có khả năng làm như vậy để ép dân chúng tôi. Tôi chỉ vừa nghe tin tăng giá điện hôm qua, vậy mà hôm nay nhân viên điện lực đã đến cơ sở sản xuất của tôi đễ chốt giá điện báo tăng giá.

Dân chúng tôi xài điện, đóng tiền điện - cũng xem như là khách hàng của công ty điện, nhưng liệu chúng tôi có được sự tôn trọng như là khách hàng?

Thử hỏi nếu là một doanh nghiệp muốn báo tăng giá sản phẩm thì cũng phải thông qua một thời gian thông báo trước để khách hàng có tâm lý chuẩn bị và tính toán lại. Đằng này thấy ép chúng tôi quá. Dường như ngành điện giờ trở nên quá độc đoán nên chỉ trong 01 ngày thông báo tăng giá là ngày mai áp dụng ngay, để dân chúng không kịp có tiếng nói gì.

Chính phủ có thẩm quyền thì chỉ yêu cầu EVN bù lỗ nhưng không yêu cầu rõ chính sách bù lỗ hay biện pháp hạn chế sự độc đoán của EVN, thay vì bằng việc cải tổ lại bộ máy hoạt động sao cho hiệu quả tránh thất thoát hơn thì EVN chỉ đơn giản nhất là móc túi dân, bắt người dân như chúng tôi - những người làm ăn cực khổ ngày đêm thiếu ăn thiếu ngủ để tính toán sao cầm cự được vì không thể tăng giá đầu ra nhưng phải đủ sức nuôi thợ có công ăn việc làm ổn định, phải gồng gánh hết thuế này thuế nọ. Rồi lại phí này phí kia, rồi hết điện tăng rồi có ngày xăng, nước lại tăng, giá nguyên liệu tăng theo... Mỗi thứ tăng một ít 5%, 3%, 4% thì chúng tôi chỉ còn biết dẹp tiệm....

Tìm mọi lý do để móc túi dân

Bây giờ bạn đã hiểu tại sao doanh nghiệp (DN) VN đóng cửa lu bù, công nhân thất nghiệp, nạn trộm cướp hoành hành dữ dội, mại dâm từ chân dài thành thị đến con gái nhà quê mọc lên như cỏhoang… và còn nhiều những hệ lụy khác làm băng hoại xã hội phát sinh từ những quy định thiếu thực tế, chỉ lo đến cái ngân sách của ngành mình, của cơ quan mình hơn là đời sống của dân. Các ông làm kinh tế vĩ mô, các nhà “siêu tiến sĩ”như bác Bảy Đại Ca đã “xưng tụng” bỏ quên mất đời sống của người dân sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào. Hoặc là cố bám víu lấy một chỉ thị của cấp trên để thi hành máy móc theo kiểu “cố tình hiểu sai, hiểu lầm” nhanh chóng đưa ra những quyết định “bảo hoàng hơn vua”. Viện ra đủ lý do để móc túi dân cho nhanh.
Thí dụ “EVN công nhận năm 2012 lãi khoảng 3.500-4.000 tỉ đồng, nhưng vẫn phải tăng giá điện để bù các khoản lỗ trước đây”. Lỗ vì ngành điện lực sẵn tiền trong tay, mang đầu tư ngoài lãnh vực chuyên môn của mình như bất động sản, viễn thông, chứng khoán..., để lỗ hơn 20.000 tỉ, lỗi này hoàn toàn do sự quản lý yếu kém của EVN. Đầu tư không đúng chức năng, làm thất thoát tài sản của nhà nước thì trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo EVN, phải bỏ tiền túi ra mà đền. Không thể bù các khoản lỗ bằng cách tăng giá điện, đánh vào người tiêu dùng, họ không có tội.

Theo một chuyên gia, giá điện đã có thể không gánh nhiều áp lực tăng như thế, nếu EVN quản lý tốt hơn, tiết giảm nhiều chi phí đầu vào cấu thành giá điện. Đặc biệt là tổn thất điện năng nhiều năm qua dù đã có yêu cầu phải giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao (trên 9%). Theo vị này, chỉ cần giảm 1% tổn thất điện năng thì mỗi năm ngành điện đã tiết kiệm thêm được cả ngàn tỉ đồng. Đỡ khổ cho dân biết mấy.

Lại đến những chuyện bất hợp lý từ ngân hàng

Và cũng nhân “dịp đặc biệt” này, chỉ sau 1 ngày giá điện tăng, ông Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN), bèn ra ngay cái quyết định giảm lãi suất, trước hết là giảm đầu vào tức là giảm tiền lời của dân, bù đắp cho ngân hàng để giảm lãi suất cho DN vay. Cơ quan này thừa nhận tình hình doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, do sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp, hàng tồn kho ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng hạn chế.

Việc giá tiêu dùng được kiềm chế ở mức thấp cũng là điều kiện để lãi suất tiếp tục giảm. Dự kiến cả năm nay, lạm phát chỉ tăng khoảng 7% so với năm ngoái.

Như vậy đây là lần thứ 4 liên tiếp trần lãi suất tiền gửi VNĐ giảm, từ mốc 14% vào đầu năm. Các loại lãi suất điều hành khác còn được điều chỉnh với tần suất dày đặc hơn, mặc dù suốt 25 tháng qua, NHNN giữ nguyên lãi suất cơ bản 9% một năm.

Dự báo của các ông có tính đến việc tăng giá điện, mọi thứ sẽ tăng theo, lạm phát và tiêu dùng có còn giữ được mức đó không? Cho nên ông NHNN mới vội đưa ra quyết định giảm lãi suất cho “hợp thời trang”. Nếu để vài hôm, giá tăng đùng đùng mới đưa quyết định ra sẽ là bất hợp lý. Đúng là một quyết định khôn ngoan của các ngài làm kinh tế vĩ mô! Khôn hơn dân là cái chắc. Nhưng vẫn có những bất hợp lý không che giấu được.

Quýt làm cam chịu

Một bất hợp lý dễ thấy là những DN, nhất là DN nhà nước, làm ăn thua lỗ, sao lại bắt dân chịu? Thí dụ những DN, từ hàng chục năm trước đây, vay vốn ngân hàng kiểu “tay không bắt giặc”, mua 1m2 đất chỉ có vài trăm ngàn đồng, khi bán cả triệu đồng, lời hàng ngàn tỉ, dân được hưởng cái gì? Đến khi xây nhà, xây siêu thị, lại lời thêm một lần nữa, xây vài trăm triệu, bán cả chục tỉ, ai ăn? Dân được cái gì?

Thế mà khi nhà đất xây ra rồi để đó định kiếm lời vài trăm tỉ nữa, nhưng gặp lúc “đóng băng”, ế dài. Dân lại chịu đủ kiểu để “tháo gỡ” cho các “vua nhà đất”, nói chung là những “DN đang gặp khó khăn”. Khi ăn thì đại gia ăn hết, khi thua thì lấy tiền dân bù vào có hợp tình hợp lý không?

Còn ngân hàng khi cho các DN vay nặng lãi trên 20%, khi đó DN có ăn, trả lãi đầy đủ cho ngân hàng. Ai ăn? Khi vỡ lở ra, NH không định giá kỹ hoặc móc ngoặc với DN, cho DN không vốn hoặc ít vốn vay, bây giờ không đòi được nợ thành “nợ xấu”. Lỗi này hoàn toàn thuộc về ngân hàng, dân có tội gì? NH có bổn phận phải tự cứu mình. Mang tiền dân ra “cứu nguy” lại là điều bất hợp lý khác nữa. Chung quy quýt làm cam chịu, người dân có tí tiền gửi tiết kiệm, thơm như quả cam đỏ hồng, bị “gí” mà không nói năng gì được.
Phần khác, khi viện dẫn lạm phát bao nhiêu phần trăm là tự các ông nói thôi, người dân hoàn toàn mù tịt, không thể biết lạm phát lên xuống ra sao. Theo suy luận giản dị của người dân, chỉ căn cứ vào giá cả cứ tăng, đời sống ngày một khó khăn hơn hay dễ thở hơn, đó là lạm phát tăng hay giảm. Cho nên người dân không khỏi bất bình về cách “áp đặt”này của NHNN. Ông NHNN đã căn cứ vào chỉ thị của chính phủ là phải hạ lãi suất, đó là điều ai cũng mong cho giá cả hạ nhiệt. Nhưng cách làm của NHNN là cứ cái gì “đè” được thì “đè” cho nó nhanh gọn, không có sáng kiến tìm ra giải pháp khác và không có lý lẽ thuyết phục.

Lúc này mọi việc đầu tư đều khó khăn, người dân chỉ có lựa chọn là gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Thôi thì nay hạ, mai hạ lãi suất, không kiếm được tí tiền lời như trước cũng gỡ được cái vốn không bị hao mòn vì đồng tiền mất giá. Ăn tiêu vào tiền lời gửi NH tức là ăn vào vốn của mình hay nói theo cách của người bình dân là mình cắn vào tay mình.

Ngay cả việc gửi tiền vào ngân hàng, có người cho rằng như thế cũng là “liều” vì chưa biết lúc nào NH có thể vỡ nợ. Họ tin vào sẽ không có NH nào vỡ nợ trong thời gian này cả vì nếu một NH vỡ nợ thì các NH khác cũng vỡ theo, nên NH phải cứu nhau. Nhưng đấy chỉ là niềm tin mỏng manh trong từng thời điểm mà thôi, ngày mai có thể khác, đó là nhận định của một chuyên gia kinh tế.

Bạn Van viết trên báo Thanh Niên ngày 23-12-2012:
“Muốn nói gì thì nói, lạm pháp quá cao, cái gì cũng tăng. Từ điện, gas, nước, xăng, thực phẩm, thu phí cầu đường v.v. Tất cả đều tăng như ngựa phi, tiền đang mất giá. Ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm quá thấp, người dân phải rút tiền tiết kiệm ra mua vàng, ngoại tệ để phòng thủ. Chứ biết làm sao bây giờ! Doanh nghiệp than, nhưng kiếm tiền rất bộn. Muốn mượn tiền với lãi suất thấp nhưng làm giàu rất mau. Chuyện kinh doanh là chuyện của họ, có dính dáng gì đến người dân mà phải hy sinh cho các đại gia này làm giàu. Cứ nghèo hoài cho họ giàu à!!!!”

Nếu có một bất cứ một “kênh”nào gửi tiền có lời hơn 8%, họ sẽ rút tiền ra ngay. Thí dụ nhà đất ấm lên, có lời, người ta lập tức đầu tư vào chỗ khác, hơn là gửi NH nay ép mai ép. Lúc đó sợ NH không phản ứng kịp, tình hình sẽ ra sao?

Trong khi đó chẳng biết NHNN có kiểm soát được triệt để các NH cho DN vay đúng như quy định không và NH có“đi đêm”, lách lãi suất không? Điều này ông Thống đốc NHNN biết hay không biết?
Còn một số quy định sẽ được áp dụng từ đầu năm 2013 đang làm người dân đau đầu. Tôi xin bàn đến vào những ngày đầu năm.

Văn Quang- Sài Gòn


Nguyễn Hưng Quốc - Tình người ở Lubbock



Nguyễn Hưng Quốc

Tôi ở Lubbock chỉ có mấy ngày, ngày nào cũng miệt mài trong thư viện từ sáng đến tối nên không có dịp đi chơi đây đó, không biết gì về các vẻ đẹp trong thiên nhiên hay trong kiến trúc của thành phố. Nhưng tôi cảm nhận được một vẻ đẹp rất hiếm thấy ở những nơi khác: vẻ đẹp trong quan hệ giữa người và người.


Tìm trên internet, biết từ khách sạn Lubbock Holiday-Inn, nơi tôi ở, đến Texas Tech University khá gần nên tôi quyết định đi bộ. Buổi sáng, trời đẹp và đầy nắng ấm. Có điều, không hiểu sao, tôi lại đi nhầm đường. Nhìn đồng hồ, thấy đã hơn 15 phút, vẫn không thấy trường đại học ở đâu cả. Thấy một tiệm sửa xe dọc đường có người, tôi ghé vào hỏi. Người chủ tiệm, dáng dấp Á châu, sốt sắng chỉ đường: Đi thẳng, đến chiếc cầu trước mặt rồi quẹo trái, sau đó, quẹo phải. Chợt nhìn bảng tên trên bộ đồng phục lao động của anh, thấy chữ “Anh”, tôi đoán anh là người Việt, nên nói “cám ơn”. Anh ngạc nhiên hỏi: “Anh cũng là người Việt hả? Anh muốn đến chỗ nào ở đại học Texas Tech Uni?”. Tôi đáp: “Vietnam Center.” Anh nói: “Ồ, vậy thì nó nằm xa lắm. Trường Texas Tech Uni rộng vô cùng. Anh đi bộ không nổi đâu. Mất cả nửa giờ chứ không ít. Anh lên xe tôi chở đến đó cho.” Tôi từ chối: “Không sao. Tôi có nhiều thì giờ. Đi bộ cho khoẻ.” Anh khăng khăng mời tôi lên xe để chở đi. Anh quay sang bảo một người Mỹ đang làm việc trong garage coi tiệm, rồi kéo tôi lên xe. Trên đường đi, anh kể chuyện cuộc đời anh: lúc nhỏ sống ở Đà Nẵng, sau, vào Sài Gòn học Nông lâm; khi miền Nam sụp đổ, chịu đựng không nổi những áp bức dưới chế độ mới, anh vượt biên. Sang Mỹ, học và làm về kỹ thuật. Lúc công ty nơi anh làm việc đóng cửa, anh quyết định mở tiệm sửa xe để sống một cách độc lập, tự mình làm chủ công việc của mình, không phải lo lắng chuyện mất việc. Rồi anh đọc cho tôi nghe một số bài thơ anh làm. Những bài thơ đau đáu về tình hình chính trị của đất nước. Đến nơi, anh chạy vòng vòng trong bãi đậu xe để đọc cho hết bài thơ anh tâm đắc. Có lẽ ngại tôi sốt ruột nên anh cố đọc thật nhanh. Nhanh, nhưng giọng vẫn đầy sôi nổi và tha thiết. Sau đó, anh cho tôi số điện thoại, cả số điện thoại ở tiệm lẫn số di động của anh, bảo bất cứ khi nào tôi cần đi đâu, cứ gọi anh một tiếng, anh sẽ chở đi. Thú thực, trong đời, tôi gặp được rất nhiều người tốt, nhưng hiếm khi nào gặp được ai nhiệt tình đến như vậy. Nhiệt tình với một kẻ hoàn toàn xa lạ. Mới gặp lần đầu.

Đến Vietnam Center, tôi cũng rất ngạc nhiên về sự tiếp đón của họ. Tôi đã giao thiệp và làm việc với khá nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới nhưng chưa thấy nơi nào có cách tiếp đón các học giả từ nơi khác đến một cách dễ thương như ở đây. Trước, từ Úc, tôi đã liên lạc qua email với anh Lê Công Khanh, phó giám đốc Center và chị Sheon Montgomery, người phụ trách thư khố. Cả hai đều sốt sắng hứa giúp. Trên đường bay từ Úc sang Texas, tôi nhận được email của Tiến sĩ Steve Maxner (giám đốc Center), bảo ông rất vui khi biết tôi đến Vietnam Center để nghiên cứu. Rồi cô Amy Kathleen Mondt, một nhân viên trong thư khố cũng email cho biết sẵn sàng chỉ dẫn tôi trong việc tìm kiếm các tài liệu tôi cần. Tôi ngạc nhiên và cảm động vô cùng: cả Steve lẫn Amy đều chủ động email cho tôi trước khi tôi liên lạc với họ.

Đến nơi, anh Lê Công Khanh tiếp tôi. Đó là một người đàn ông đã lớn tuổi, ngót 70, hiền lành và lịch lãm. Trước, ở Việt Nam, anh là luật sư và có thời từng làm chủ tịch đoàn Thanh Niên Thiện Chí; sau, sang Mỹ, anh làm nhiều nghề để sống trước khi đến làm việc cho Vietnam Center. Anh có kiến thức và kinh nghiệm rộng rãi về Việt Nam trước cũng như sau năm 1975. Nhưng điều tôi thích nhất ở anh là tính cách: khiêm tốn, thành thực, cởi mở và ăm ắp tâm huyết đối với việc bảo quản các tài liệu lịch sử về chiến tranh Việt Nam.

Đang ngồi nói chuyện với Lê Công Khanh, Steven đến. Còn trẻ, có bằng tiến sĩ về sử học, đã từng đi Việt Nam hơn cả hai chục lần, Steven hiểu biết sâu sắc về chính trị, xã hội và văn hoá Việt Nam. Anh hỏi tôi về các dự án nghiên cứu mà tôi theo đuổi và những gì tôi cần ở Việt Nam Center. Tôi trình bày một số ý định của mình. Anh bảo cô thư ký ngồi bên cạnh gọi điện thoại qua bộ phận thư khố yêu cầu cử người giúp đỡ tôi trong việc tìm kiếm tư liệu trong những ngày tôi ở Lubbock. Sau này, Lê Công Khanh kể với tôi là Steven yêu Việt Nam vô cùng. Mỗi lần đi Việt Nam, anh thấy vui như về lại nhà mình. Đến độ có lần anh tâm sự không chừng kiếp trước anh là người Việt Nam. Ở Việt Nam, anh ăn thử mọi món, từ mắm nêm đến mắm tôm, từ thịt chuột đến thịt rắn và cả thịt chó, từ bún ốc đến sầu riêng. Cái gì anh cũng thích.

Anh Lê Công Khanh dẫn tôi qua khu vực thư khố. Amy, cô nhân viên ở đó, dẫn tôi đi vòng quanh thư khố. Đó là mấy căn phòng rất rộng, chứa hàng triệu tài liệu, từ sách đến tạp chí, bào hàng ngày đến các tài liệu tịch thu được từ các bộ đội miền Bắc thời chiến tranh. Amy mở hết thùng tài liệu này đến thùng tài liệu khác cho tôi xem. Chưa có thì giờ đọc, chỉ liếc qua cho biết tình hình mà đã mất hết gần hai tiếng đồng hồ. Anh Lê Công Khanh bỏ hết công việc để theo tôi.

Mấy ngày sau đó, khi tôi vào phòng đọc để đọc các tài liệu mình chọn, lâu lâu Sheon và Amy lại chạy sang hỏi thăm. Bất cứ thứ gì tôi cần, họ cũng đều giúp. Tôi cần nhìn qua bản gốc cuốn nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm ư? Họ nhấc phone lên gọi, chưa tới năm phút sau, một nhân viên cầm hộp bản thảo mang đến. Tôi muốn xem các thư từ, nhật ký hay các ghi chép khác tịch thu được từ bộ đội ư? Mười, mười lăm phút sau, hai nhân viên đẩy hai chiếc xe đẩy trên mỗi chiếc xe có sáu thùng tài liệu đầy nghẹt đến phòng đọc.

Buổi sáng thứ hai ở Lubbock, rút kinh nghiệm từ lần đầu đi lạc được anh Anh chở, tôi nhờ tiếp viên khách sạn gọi giùm tắc xi để đến trường đại học. Tôi rất bất ngờ khi người nhân viên đề nghị để anh bảo tài xế khách sạn chở tôi đến. Trên tắc xi, tôi nói chuyện với tài xế về việc tôi đến Vietnam Center để tìm tài liệu cho một cuốn sách mới. Anh tài xế, người da đen, không biết gì về Việt Nam cũng như về chiến tranh Việt Nam nhưng tỏ vẻ rất thích thú khi nghe tôi khen Vietnam Center có một bộ tài liệu về chiến tranh Việt Nam phong phú nhất thế giới. Anh hỏi khi nào tôi làm việc xong, tôi bảo 6 giờ chiều. Anh dặn: đúng 6 giờ chiều, đứng trước cửa Center, anh sẽ đến đón. Tôi lại từ chối. Anh không đáp; chỉ nói như ra lệnh: Đúng 6 giờ chiều ở đây nhé! Rồi phóng xe đi.

Những ngày sau đó, trừ những lần có bạn bè đến đón, còn lại, tất cả tôi đều đến trường đại học bằng xe của khách sạn. Cứ thấy tôi xuống, đi ngang qua phòng tiếp tân, nhân viên khách sạn lại gọi tài xế chở tôi đi. Lần nào cũng thế.

Tôi đi nhiều, ở khách sạn nhiều, nhưng trừ một số nơi, với mục đích quảng cáo và tiếp thị, người ta bao cả chi phí đón và đưa khách ở phi trường hoặc một số địa điểm nào đó, chưa bao giờ thấy một khách sạn nào tử tế đến như vậy.

Không thể nói người ở vùng này tốt hơn ở vùng khác. Nhưng dường như ở các thành phố nhỏ, quan hệ giữa người và người còn gần gũi và ấm áp hơn ở những thành phố quá lớn và quá rộng. Nhớ, lâu rồi, trước năm 1975, ở Sài Gòn, Võ Phiến đã có một bài tuỳ bút rất hay, nhan đề “Cái rét đô thị”: Đô thị càng lớn và càng đông lại càng lạnh.

Mấy ngày sau cùng ở Lubbock, trời gió nhiều và trở lạnh, nhất là buổi tối. Mặc áo ấm đến mấy, gió cũng chui vào người, qua ống tay áo và ống quần. Nhưng nhớ Lubbock, điều tôi nhớ đầu tiên vẫn là về cái ấm của tình người.

Nhà thơ Văn Cầm Hải, hiện đang học PhD tại trường Texas Tech Uni, trong buổi gặp gỡ tình cờ vào ngày cuối cùng của tôi ở Lubbock, cũng đồng ý như vậy. Anh cho biết có hai lý do chính khiến anh quyết định ở lại Lubbock: kho tư liệu ở Vietnam Center và quan hệ giữa người và người ở cái thành phố nhỏ bé và heo hút này.


An Đặng - Quán tính xã hội Việt Nam



An Đặng

Một cỗ xe lớn thường có tải trọng lớn và rất khó thay đổi vận tốc. Nhưng không phải là không thể thay đổi được. Archimedes nói "Hãy cho tôi một điểm tựa tôi sẽ nâng cả trái đất lên".


Xã hội Việt Nam đã từng là một cỗ xe vận động ù lì với cơ chế xáo mòn trì trệ. Nhưng các dấu hiệu rõ ràng cho thấy là cỗ xe này đang thay đổi quán tính. Sự phát triển truyền thông xã hội và hội nhập toàn cầu là lực đẩy của xã hội dân sự Việt Nam. Một khi quán tính của cỗ xe thay đổi thì không gì có thể cản trở được nó, vì đó là một cỗ xe khổng lồ, ai cản trở sẽ bị nghiền nát. Người khôn ngoan là người biết nương theo quán tính của chiếc xe để lèo lái cỗ xe theo chiều hướng tích cực của riêng nó. Cỗ xe Việt Nam hiện đang được gia tốc và quán tính không ngừng tăng lên.

Đã đến lúc người lãnh đạo Việt Nam không thể bàng quan trước quán tính của cỗ xe Việt nam với gần 90 triệu người dân đang ngày càng thích nghi dần với văn hóa dân chủ. Chính quyền Việt Nam không thể mãi coi thường khối người 90 triệu và cho rằng chẳng có gì có thể làm mình phải xem xét lại cơ chế, hay phải coi lại cách phục vụ dân nước của mình. Người tinh ý và hiểu tâm lý xã hội có thể nhận thấy rằng đã tới thời điểm mà bất cứ chính sách kiểm soát xiết chặt nhân quyền nào cũng chỉ mang lại phản tác dụng. Họ nên hiểu tâm lý bị đè nén của xã hội. Chính quyền càng ngăn chặn blog thì càng có nhiều người viết blog, chính quyền càng không chia sẻ sân chơi chính trị với người dân thì càng tự cô lập chính mình. Cũng như chiếc lò xo khi đã nén thì bước tiếp theo không gì khác là sự bật tung, sức bật càng mạnh nếu sức nén càng được tích lũy.

Cỗ xe Việt Nam đã thay đổi quán tính, một quán tính mới đầy hứng khởi đang ngày càng được tích tụ và xã hội dân sự đang tiến lên phía trước mà không một ai có thể cản lại được. Đã đến lúc người lãnh đạo khôn ngoan hiểu rằng, để tồn tại và giữ được ghế của mình trong chính quyền thì họ phải lắng nghe và phục vụ người dân, vì thiên chức của một chính phủ không gì khác là phục vụ lợi ích của dân nước, chứ không phải khư khư lợi ích cho một thiểu số đặc quyền đặc lợi hay một đảng phái. Lãnh đạo Việt Nam phải nhìn nhận rằng trong khối 90 triệu dân kia không thiếu gì những lãnh đạo kiệt xuất, quả cảm và đầy tri thức. Nhà tù của chính quyền cộng sản chuyên chế không thể đủ rộng để bắt bớ hết những con người không ngừng lên tiếng cho một xã hội dân sự.

A.Đ.

Nguồn: Bauxite Việt Nam


Nam Nguyên - Phía sau 9,2 tỷ USD xuất siêu nông lâm nghiệp



Nam Nguyên, phóng viên RFA

Năm 2012 được xem là năm suy giảm kinh tế của Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đồ gỗ vẫn đạt 27,5 tỷ USD trong đó xuất siêu tới 9,2 tỷ USD. Nông dân nói gì về thành tích đó và cuộc sống của mình.


Một nông dân "chạy" lúa trước cơn bão Nesat trong huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hôm 30 tháng 9 năm 2011. - AFP photo

Xuất khẩu nhiều nhưng giá rẻ
Theo Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn năm 2012 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 15 tỷ USD, thủy sản đạt 6,15 tỷ USD, đồ gỗ và lâm sản đạt 5 tỷ USD. Gạo, cà phê là những mặt hàng đạt kim ngạch từ 3 tỉ USD trở lên.

Khi loan báo vào ngày 28/12 cuối năm 2012, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho biết lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu tới 8,1 triệu tấn gạo trong vòng một năm, đem về 3,7 tỷ USD và duy trì vị trí thứ nhì thế giới. Lấy số liệu thống kê để đề cao thành tích, nhưng Bộ NN-PTNT không đề cập tới thu nhập bình quân đầu người năm 2012 của nông dân, những người mà như mô tả của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, là thành phần đã chống đỡ cho nền kinh tế của Việt Nam trong những thời điểm khó khăn nhất.

Anh Sáu, một nông dân vừa trồng lúa vừa nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long phác họa cho chúng tôi về đời sống năm 2012 của đại đa số nông dân vùng này:
 “Bây giờ nông dân ‘mần’ cái gì cũng trúng hết trơn, nhưng mà bán cái gì nó cũng rẻ, cái gì cũng lỗ hết trơn. Như lúa thì rất trúng có số lượng nghe nói mỗi năm xuất khẩu hàng triệu tấn, nhưng mà nó rẻ rề, mấy ông mua giá rẻ mạt dân chịu lỗ. Còn cá tra cũng vậy, nuôi chi phí 23.000đ-24.000đ/kg mà bán thì chỉ 20.000đ-21.000đ/kg . Từ chỗ đó mấy ông ấy xuất bán ra ngoài lấy tiền Đô về thì mấy ông ấy đâu có lỗ, nhưng mà dân chịu lỗ. Còn heo thí dụ có lúc nuôi chi phí 4 triệu đồng mà bán ra có 3 triệu rưởi à. Mần cái gì cũng có cũng được hết trơn, nhưng mà cái bán ra nó rẻ rề vậy đó. Bây giờ ra chợ uống cà phê ai cũng than trời trách đất hết trơn…Hồi sáng tôi mới đi Long Xuyên về, có tới 3-4 công ty sửa soạn tuyên bố phá sản…chịu không nổi đâu.”

Tại sao Việt Nam từ chỗ thiếu ăn đầu thập niên 80 đến nay có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo xếp thứ nhì thế giới mà đời sống nông dân lại cơ cực như vậy. Theo GSTS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia lúa gạo có uy tín thế giới hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo Long An thì Việt Nam phải cải tổ về sở hữu đất đai, tập trung nông dân vào tổ chức để sản xuất lớn có hiệu quả và phân chia lợi tức theo chuỗi giá trị. Có như vậy thu nhập và đời sống người trồng lúa mới khá lên được, còn nếu tiếp tục cách sản xuất nhỏ lẻ, nông dân mạnh ai nấy làm như hiện nay thì không cải thiện được. GSTS Võ Tòng Xuân phát biểu:


Đồng lúa vùng DBSCL. RFA

“Họ không thấy cách làm giàu nào khác ngoài lúa, nhưng lúa thì tôi bảo đảm không thể làm giàu được trừ trường hợp bây giờ Việt Nam dám nâng cao giá lúa như là Thái Lan hoặc cao hơn nữa, để mà nông dân có thể giàu được, chứ cứ giữ giá lúa thấp lè tè thế này thì người nông dân luôn luôn lỗ, luôn luôn thiệt thòi trong khi những người đi bán lúa gạo, bán thuốc trừ sâu, bán phân bón là những người làm giàu còn nông dân thì không giàu được.”

Cần hỗ trợ nông dân

Chúng tôi tìm hiểu thu nhập của người trồng lúa trong năm 2012, để thực tế tìm hiểu xem những người đã đem lưng chống đỡ cho cả một thời kỳ kinh tế suy giảm của Việt Nam có cuộc sống ra sao. Anh Tám một người làm lúa ở Cần Thơ phát biểu:
“Thu nhập làm một mẫu nếu trừ chi phí sản xuất thì một năm làm ba vụ lúa cũng kiếm được 50 triệu, đó là mình đầu tư tiền mặt chứ không mua thiếu của cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Với 50 triệu một năm nếu gia đình ba bốn người thì không thể nào đủ được, nếu mà lo cho con cái học hành các cái thì không có đường nào mà sắm sửa được… Nếu mà làm một héc-ta thì phải đi làm thêm để kiếm thêm. Lúc nông nhàn đi làm thêm, thường thường đa số rảnh vào mùa nước nổi, có một số đi làm phụ hồ hoặc đi làm bốc vác. Đủ thứ chuyện hết ai mướn gì làm nấy.”

Thành tích của nông lâm ngư nghiệp năm 2012 được đề cao trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 5,3% thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Thế nhưng người nông dân “bán lưng cho đất bán mặt cho trời” không được đền bù, dù chỉ là cho đúng với công sức đã bỏ ra. Nông dân Cần Thơ phát biểu:
 “Lao động của nông dân phải đền bù lại cái giá lúa cho thỏa đáng, để cho đời sống nông dân được thoải mái hơn chứ thế này bức xúc quá. Đầu vào nguyên liệu từ phân bón thuốc trừ sâu các cái đều lên giá. Xăng dầu lên thì mấy ông lên bạc ngàn khi xuống thì xuống vài trăm cái đó bức xúc cho nông dân. Còn việc quản lý đầu ra thì sao cho mấy ông doanh nghiệp xuất ra nước ngoài phải xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, từ đó mới kéo theo giá lúa ổn định cho nông dân. Còn ông chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp thì năm trước thấy thua rồi, năm nay nói hỗ trợ cho nông dân. Tiếng nói của mình mong rằng thấu tai mấy ông để thấy được nỗi khổ của nông dân một nắng hai sương, làm được hạt lúa cực khổ lắm, làm ra sản phẩm bán giá thấp thế này nông dân suốt đời cũng là nông dân không thấy gì cải thiện.”

Về mặt lý thuyết, từ nhiều năm nay Nhà nước Việt Nam đề ra nhiều sách lược để thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân. Trong đó quan trọng nhất là chính sách Tam nông, Nông nghiệp-Nông thôn-Nông dân. Nhưng trên thực tế việc triển khai thực hiện chưa có tiến triển cụ thể. Đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội cho nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp.

Nông dân vẫn là thành phần thấp kém nhất trong xã hội và từ khi Việt Nam đổi mới từ cuối thập niên 1980 đến nay, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn hơn. Thu nhập trung bình của cư dân nông thôn được cho là chỉ bằng nửa thu nhập trung bình của cư dân thành thị.