Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

TRẦN KHÁNH TRIỆU - PAPA TÒA BÁO



TRẦN KHÁNH TRIỆU

Ông Trần Khánh Triệu là con đẻ của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), và là con nuôi của nhà văn Khái Hưng (Trần Khánh Giư). Nhất Linh, bạn thân của Khái Hưng, con cái đầy đàn, trong khi ông bà Khái Hưng hiếm muộn, nên cho Khái Hưng con mình là Nguyễn Tường Triệu để làm con nuôi từ lúc còn nhỏ.
Bài sau đây của ông Nguyễn Tường Triệu đã đăng ở báo Thế Kỷ 21 số tưởng niệm Khái Hưng, tháng 12 năm 1997. Vì quan hệ thân thiết giữa hai nhà văn Nhất Linh và Khái Hưng, chúng tôi in lại bài viết trong tập sách này để tái hiện tình bạn của hai người, mà sợi giây nối kết cụ thể là ông Nguyễn Tường Triệu, “người con chung” của hai nhà văn. - DĐTK

Mây vần lồng lộng một trời
Dáng xưa hiu hắt... tháng ngày phôi pha.

Nào hãy thử nhắm mắt lại thả hồn trôi về dĩ vãng... tưởng tượng vào một ngày xa xưa nào đó ta trở về Hà Nội, cái thành phố đầy ắp kỷ niệm thời tiền chiến mơ màng trong ký ức.

Rồi hãy tưởng tượng tiếp ngày nào đó, ta được về tới vùng mây trời quê hương lãng đãng... Hải Phòng rồi Hải Dương... con đường số 5 hai bên ruộng lúa ngút ngàn... Cẩm Giàng rồi Gia Lâm và kia, cây cầu Paul Doumert vắt ngang sông Hồng phù sa cuồn cuộn. Lẩn khuất trong sương từ Yên Phụ... cột đồng hồ... tới tận bảo tàng, phà đen... Hà Nội đó, nơi ngàn năm văn vật đất Thăng Long.

Rời khỏi bờ sông lộng gió, dốc Hàng Đậu thoai thoải... tòa nhà tròn chứa nước ba từng bằng đá xám bề thế chắn ngang, con đường tầu điện từ chợ Đồng Xuân qua ngã tư Hàng Than rẽ về phía Quan Thánh rợp lá bàng xanh... Vườn hoa Hàng Đậu, bên kia là phố Carnot, thành lính tây bát ngát, bên này đường, gần phía nhà thương khách... phòng trồng răng Đông Nam Mỹ rồi tiếp đó... dancing Rialtoz đêm đêm tiếng nhạc rập rình, hiệu Phúc Hưng Lâu với món phở sào dòn ăn miếng nhớ đời... kế bên, hãng chè tàu Phúc Kiến và quá chút nữa góc Hàng Bún. Quan Thánh... Đây rồi! Ngay đối diện với hiệu thực phẩm Hạp Ký của người Tàu là căn nhà số 80. Vâng... căn nhà 80 Quan Thánh mà tôi đã sống cùng cha mẹ nuôi tôi cả một thời thơ ấu với bao buồn vui kỷ niệm. Nơi đây, cha nuôi tôi, nhà văn Khái Hưng đã sống, đã viết bao nhiêu tác phảm để đời trong khoảng thời gian 1934, 1935 tới năm 1946 nghĩa là cách đây đã hơn 50 năm rồi!

Tòa báo: 80 Avenue du Grand Bouddha
Tòa báo có hai mặt, mặt chính trông ra phố Quan Thánh, hồi trước 45 có cái tên tây là Avenue du Grand Bouddha, mặt kia số 55 quay về phía Hàng Bún tức Rue des Vermicelles, nhà này nguyên của một bà đầm cho papa tôi thuê (ấy theo thói quen tôi vẫn thưa với cha nuôi tôi là papa hay rõ hơn “papa tòa báo” để phân biệt với cha đẻ tôi — ông cụ ở Hàng Bè nên tôi vẫn dùng những chữ “cậu Hàng Bè” cho tiện).

Mặt trông ra phía Quan Thánh bước vào là một cái cổng nhỏ, hàng rào thấp, có cây leo rậm rạp quanh năm. Mặt phía Hàng Bún, cổng sắt hai cánh rộng hơn, xe ô tô đi lọt, vườn hoa bao bọc xanh tốt bốn mùa. Những luống hồng nhung mọc giữa dãy cỏ tóc tiên mượt mà, vài cây phượng trổ hoa đỏ rực, cây lá móng ngựa hoa màu lam dịu, lại có cả một bụi tre già cao chót vót, những ngày gió mạnh lá cọ vào nhau nghe cọt kẹt. Dưới vòm tre xanh tốt một bàn ping pong được kê ngay ngắn, lâu lâu papa lại đưa bạn bè xuống đánh vài ván, tiếng bóng nhựa nảy trên bàn ròn rã. Những buổi trưa hè oi ả sau bữa ăn trưa papa thường nằm trên ghế xích đu hút píp, me ngồi thêu áo kế bên, tôi thì khoái nhất được leo lên cây ngâu già gần đó, thò tay chộp đuôi con mèo xiêm đang nằm lim dim suy tư nghiền ngẫm trên cành.

Từ vườn bước lên năm sáu bậc thềm vào nhà, hàng hiên trước khá rộng... phòng lớn đặt máy in cùng chỗ sắp chữ, phòng bên phải nhỏ hơn nơi làm việc của ban trị sự tờ Ngày Nay, nhà xuất bản Đời Nay và sau này là tờ Việt Nam cơ quan tranh đấu của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Đi lên gác, hàng hiên lát gạch men tàu ngăn chia bên này là dãy buồng kho, nhà tắm... bên kia phòng lớn quét vôi màu xanh lơ thoáng mát. Phòng bên trái trông ra bụi tre được ngăn đôi: Buồng ăn và buồng ngủ của riêng gia đình tôi. Phòng giữa nơi làm việc của Papa và tòa soạn kê hai bàn lớn đâu vào nhau, đầu bàn được khắc dấu hiệu Tự Lực văn đoàn, trên tường treo mấy bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh của họa sĩ Trần Bình Lộc và Nguyễn Gia Trí.

Phía bên phải là phòng khách kê một bộ salon nhỏ, một bàn làm việc, còn cái tủ sách lớn sát tường thì xếp toàn sách quí của nhà xuất bản Đời Nay, bìa da chữ mạ vàng óng ánh.

Đứng bên cửa sổ nhìn ra phía Hàng Bún, hàng cây bàng xanh ngắt, xế một chút gần nhà bác sĩ Hào, những con tàu điện từ Bưởi xuống hay từ Bạch Mai lên dừng đón khách ở ngã tư Quan Thánh lại dóng lên vài tiếng leng keng uể oải chậm chạp. Từng đợt ve sầu kêu ran, lan man đâu từ phía vườn hoa Hàng Đậu ùa tới rồi tản mát xuống tít mãi cuối phố khúc gần cửa Bắc, xa dần rồi mất hẳn. Những lúc ấy tôi cảm thấy thời gian sao dài quá! Cứ cái ngữ này không biết bao giờ mới tới được bữa cơm chiều đây!

Papa tòa báo” viết văn
Mỗi buổi sáng khi thức giấc, trong cái cơn ngái ngủ mơ màng tôi đã cảm thấy bao trùm một mùi cà phê thơm dịu. Papa đang ngồi đọc sách, chốc chốc lại nhấc tách lên nhắp một ngụm, khói thuốc mélia quyện tỏa khắp phòng. Cái đèn cồn đun nước kêu sè sè đưa ra một vòng lửa xanh lam, lâu lâu papa đứng lên xoay chặt lại cái phin rồi đổ thêm nước sôi. Tôi trở dậy kéo ghế ngồi cạnh, tẩn mẩn nhìn từng giọt cà phê tí tách rơi xuống. Papa từ tốn dở từng trang sách chữ Hán nhỏ li ti vừa đọc vừa gật gù thỉnh thoảng lại cầm kính lúp lên soi. Đôi khi ông cụ còn mải miết chơi ô chữ trong tờ báo La Volonté Indochinoise xuất bản ở Hà Nội thời đó. Khi tìm được chữ nào đắc ý papa xoa nhẹ lên đầu tôi, ca se sẽ một bài hát quen thuộc của đoàn Ánh Sáng... “Rồi đây anh em chúng ta cùng nhau kết đoàn...”

Sau đó là bữa điểm tâm, thường thường trên mâm chỉ có cháo hoa với đường cát vàng hoặc cơm nắm muối vừng, hôm nào sang mới có xôi lúa mua của bà hàng quen. Bánh cuốn hay phở, những món sao mà ngon thế, thì buồn thay... năm thì mười họa chỉ khi nào có khách mới được bưng lên. Hồi ấy gia đình tôi cũng không được dư giả cho lắm, bữa ăn sáng thường đạm bạc như vậy. Nghe me kể lại lương nhà báo của papa ít lắm may bà ngoại có cho me ít ruộng ở vùng Quế Phương, Hải Hậu nên nhờ vào đó mới đủ chi dùng. Ông nội tôi tuy làm quan nhưng khi ông mất tài sản tứ tán đi cả, papa cũng chẳng được hưởng gì.

Còn nhớ khi viết xong cuốn sách hồng, hình như “Cái ấm đất” thì phải, tiền bản quyền chỉ đủ mua một cái áo đi mưa cho papa ở Hàng Đào và một đôi giày Bata cho tôi. À quên, tôi còn được cây súng lục Euraka, bằng đạn đũa dài đầu bịt cao su, bách phát bách trúng... ghê chưa?

Khoảng những năm 44, 45, vì tiền nhuận bút sách báo thiếu hụt, me có chung với cô em mở một hiệu tạp hóa nhỏ ở Hàng Trống, cửa hàng thuê của nhà in Thụy Ký. Tuy vậy, đôi khi tôi tới chơi thấy vắng khách, me ngồi sau quầy tư lự thở dài... “Hàng họ lúc này khó khăn quá!”

Rồi khi mặt trời đã lên cao, ánh nắng chiếu vào nhà, papa đứng lên vươn vai sang phòng làm việc. Trong cái không khí vắng lặng êm ả, papa say sưa viết trên những trang giấy trắng rời không kẻ hàng bằng cây bút máy waterman ngòi vàng mềm mại, nét chữ đứng ngay ngắn rõ ràng. Có lúc viết xong một đoạn bỗng ngừng lại, papa nhăn mặt nhìn lên trần, tay gõ nhịp lên bàn, sau đó thế nào trên giấy cũng có thêm những hình loằng ngoằng như xoắn ốc kéo dài mãi ra. Đôi khi con mèo xiêm lách cửa đi vào nhảy tót lên bàn nằm chình ình một đống, tự nhiên như không... papa lấy tay khẽ vuốt ve, nưng niu con vật, miệng se sẽ hát câu chèo quen thuộc “Đất ngài đây... thanh lịch... đất có hữu tình...”

Chiều và tối thì phòng giữa nhộn nhịp hẳn lên, khói thuốc tỏa lan khắp nơi. Bác Thế Lữ lúc nào cũng ngồi đối diện với papa, người hao hao gầy, đôi mắt sắc sảo, dáng điệu trông lúc nào cũng đầy vẻ bí mật. Có lần tôi thấy bác lấy trong túi ra một khẩu súng lục rất xinh đặt ngay trước mặt rồi chăm chú viết, đôi lúc lại gật gù nhìn khẩu súng. Sợ nhất là có lần bác mang về một cái sọ người, không biết thật hay giả, đặt ngay trên thành lò sưởi, nhe răng cười với hai lỗ mắt sâu thăm thẳm ghê hồn! Chú Hoàng Đạo và “cậu Hàng Bè” của tôi thì làm việc bên phòng khách có khi tới khuya cũng chưa ra về. Hai người lúc nghỉ ngơi thường bày cờ ra đánh, mỗi lần chiếu tướng chú lại đập mạnh quân cờ cười ha hả. Papa lâu lâu cũng tới góp nước, hoặc mở đàn tam thập lục ra dạo một bản, tiếng trong trẻo rộn ràng.

Những ngày tòa soạn làm việc như vậy tôi thích nhất được xem chú Gia Trí vẽ tranh. Chấm mực đen chú vẽ Lý Toét rất gọn, rất ngon lành, hình Xã Xệ chỉ đưa vài nét là xong, bao giờ cái tóc xoắn như lò so của ông Xã cũng được vẽ sau chót. Có một dạo bác Tô Ngọc Vân thay thế chú Trí. Hình như bác mới ở bên Xiêm về, bác vừa vẽ vừa kể cho tôi nghe nhiều chuyện bên đó. Đôi khi bác còn cho tôi vài viên kẹo gôm tẩm đường nhưng kẹo không ngon và nhiều như loại Toffee chú Trí vẫn cho, bởi vậy hồi đó tôi thấy bác vẽ Lý Toét, Xã Xệ sao không được đẹp bằng chú Trí của tôi!

Thỉnh thoảng bác Tú Mỡ từ Láng cỡi bình bịch tới tòa báo thăm anh em, người gầy gầy nhưng tiếng cười rộn rã đi đến đâu cũng nhộn nhịp tới đó. Thấy bác đến là tôi mừng rơn, vì thường thường sau khi công việc xong thế nào cả tòa soạn cũng cùng bác sang ăn phở xào dòn, phở áp chảo của hiệu Phúc Hưng Lâu gần đó, hay ít ra cũng là một chầu bia, nước ngọt, bánh trái bên hiệu Hạp Ký trước cửa. Dĩ nhiên trong những trường hợp hy hữu đó bắt buộc tôi phải đi theo hầu papa rồi!

Ngược hẳn với bác Tú Mỡ, chú Thạch Lam của tôi đi tới đâu cũng yên lặng như một cái bóng, chú thường mặc áo dài the thâm, dáng người điềm đạm, ánh mắt sâu thăm thẳm. Chú Huy Cận thì thân với tôi hơn, còn nhớ có lần ở Trung ra chú cho tôi một củ khoai to tướng, gấp ba bốn lần khoai thường. Tôi thích quá, nhất định không ăn, để dành mãi dưới gầm giường. Sau đó ít lâu papa với vẻ trang trọng đưa cho tôi tập Lửa Thiêng và nói chú có tặng tôi một bài thơ trong đó, tôi lật trang giấy rồi lẩm bẩm đánh vần:

TỰU TRƯỜNG
Tặng em Triệu

Một bài thơ chú tặng cho tôi, ờ, giá chú Huy Cận của tôi cho tôi thêm một củ khoai như hôm nọ có hơn không?

Sầm Sơn - Villa des pins
Những ngày tuyệt diệu nhất trong đời tôi, đó là những ngày nghỉ hè tắm biển ở Sầm Sơn. Kỷ niệm thật êm đẹp, mỗi lần hồi tưởng còn thấy gờn gợn trong tâm tư một niềm vui rào rạt.

Buổi sáng hè còn đẫm hơi sương, tuy ngái ngủ nhưng lòng tôi sao quá rộn ràng trong chuyến đi xa... Chiếc xe tay ven theo vườn hoa Hàng Đậu, băng ngang qua trại lính tây đường thành vắng ngắt, mùi hương của hoa sữa thoang thoảng đâu đây. Rồi nhà ga Hàng Cỏ, đường sắt chi chít, con tàu xình xịch chạy... Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình... Cầu Hàm Rồng và sau cùng là Thanh Hóa. Lên chiếc xe ca ì ạch tới Sầm Sơn thì trời cũng đã về chiều.

Villa des Pins là một biệt thự kiểu xưa ở vào dãy thứ tư tính từ biển trở vào. Bà ngoại tôi mua đã từ lâu dành cho con cháu ra nghỉ mát. Tới nơi, papa lập ngay một chương trình rõ ràng. Sáng sớm ra biển tập thể thao, coi kéo lưới rồi nhảy xuống tắm. Ngày nào mưa gió thì ở nhà, khi đó papa sẽ vừa viết văn vừa kèm tôi học. Tối đến tung tăng ở rừng phi lao hay trên bãi cát, hôm nào nhóm “Lo cho trẻ em đi nghỉ mát” có tổ chức lửa trại, diễn kịch gần hotel Renaud (?) thì cả nhà lại được đi coi giải trí không mất tiền. Những ngày đẹp đi chơi xa thăm hòn Độc Cước, hòn Trống Mái, hoặc ven theo rừng phi lao tới tận cửa sông Mã. Thích nhất là những hôm lên vùng “Sầm Sơn le haut” đường xe lên dốc ngoằn ngoèo, papa mặc quần soọc đi xăng đan xách theo giỏ bánh mì, cơm nắm, hăng hái tiến trước, tôi thở hổn hển theo sau. Hai bên là rừng phi lao bát ngát, những biệt thự ẩn hiện đẹp như mơ. Lên hết dốc tới một vùng quang đãng... hòn Trống Mái với hai phiến đá đè lên nhau, gần đó bước lên ít bực thang, đỉnh Belvédère có cái mái tròn xây xi măng, tôi leo lên đó đứng nhìn bao quát một vùng núi đồi, biển cả. Papa lấy tay chỉ ra khơi... xa tít ngoài kia là hòn Mê, phải đi theo mảng đánh cá đi lâu lắm mới tới được. Tôi ước gì được phăng phăng lướt sóng thám hiểm vùng xa xôi ấy, nhưng nay còn bé quá, biết đến bao giờ mới tới được hòn Mê!

Chơi chán rồi papa dẫn tôi tới gần một biệt thự cách đó không xa. Ngôi nhà này là của tây xây cất đã lâu mà hình như không có ai ở, mấy cửa ra vào đóng im ỉm. Chúng tôi ngồi xuống bực thềm đá hoa mát dịu, lấy cơm nắm ra ăn dưới tàng cây xum xuê, gió lồng lộng thổi. No nê rồi papa châm thuốc hút lấy giấy ra viết văn, còn tôi thì chạy tung tăng hái hoa mọc len với cỏ rồi tựa lưng vào gốc thông già làm một giấc dài.

Trên đường về, những hôm nào viết được nhiều, papa vui vẻ nói chuyện luôn miệng, mua dừa tươi cho tôi uống, dẫn tôi đi len vào rừng chơi ú tim. Khi xuống tới vùng “Sầm Sơn le bas,” chúng tôi đi qua những biệt thự quen thuộc: Villa des Flamboyants, villa des Roses, villa Hương Ký, villa Ngọc Lan... tất cả đều như rộn ràng trong nắng chiều. Về tới nhà đã mệt nhoài, bữa ăn sửa soạn xong, me tôi sới cơm, dịu dàng lẳng lặng nhìn hai cha con ăn ngon lành, mỉm nụ cười rạng rỡ.

Tây bắt papa rồi!
Lần cuối cùng đi nghỉ mát ở Sầm Sơn, lúc trở về Hà Nội, tôi còn nhớ các đầu đường đã bắt đầu gắn những bảng nhỏ có mũi tên chỉ “Abri - Hầm trú ẩn.” Không khí như nghiêm trọng hẳn lên, nghe nói sắp có bỏ bom, ban đêm đèn phòng thủ thụ động chiếu lờ mờ ghê rợn. Dạo này papa ít khi có mặt ở nhà, tờ Ngày Nay bị kiểm duyệt gắt gao, nhiều cột bỏ trống. Có lần đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường, me lo lắng thì thầm với tôi “Có thằng mật thám con ạ, nó canh ngoài cửa.” Tôi không hiểu chuyện gì nhưng cảm thấy có một cái gì ghê gớm lắm sắp xảy tới!

Thế rồi sang hôm đó, khi tôi còn đang ngủ tôi bỗng choàng tỉnh dậy khi nghe tiếng khóc của me tôi, chạy sang phòng ăn, thấy me tôi đang gục đầu xuống bàn nức nở “Triệu ơi! Tây nó bắt papa rồi!" Tôi sững sờ và không biết gì hơn là ngơ ngác nhìn me tôi, muốn nói một lời mà sao chân cứ như chôn chặt xuống đất.

Me tôi tiếp: “Con lên kêu cô Tú Thái, nói cô tới ngay!” Cô Thái là em ruột của me tôi cũng ở phố Quan Thánh khúc gần cửa Bắc, cách tòa báo không xa. Tôi không hiểu sao me lại cần gặp cô Tú trong lúc này. Nhưng khi cô Tú tới trò chuyện một lúc, tôi thấy me tôi không khóc nữa, hình như cơn đau buồn đã dịu đi phần nào. Tôi cũng đã hiểu vì sao me tôi lại cần có người thân trong lúc này như vậy.

Ít ngày sau, tôi được theo me vào thăm papa ở sở Liêm Phóng gần Đấu Xảo. Tôi vác theo một bị đồ ăn tiếp tế cho papa, me thì mang quần áo. Cửa phòng xịch mở, một ông tây lai đưa papa ra nói một tràng tiếng tây. Tôi chưa hiểu ất giáp gì thì papa đã kéo mẹ con tôi ngồi xuống cái băng gần đó dịu dàng nói: “Kệ nó, được phép 15 phút nhưng mình hơn cũng chẳng sao.” Mặc bộ pi-da-ma mầu xanh đã nhầu nát nhưng dáng điệu không đến nỗi tiều tụy lắm, papa tóm tắt kể cho biết chuyện từ ngày bị bắt: - Chú Long và chú Gia Trí bị trước, tây nó đánh đau lắm, những gì phải khai hai người đã nói hết papa vào sau cứ theo đó mà khai nên chỉ bị sơ sơ thôi. Tôi chợt rùng mình nghĩ tới cái cảnh đánh đập rùng rợn ở sở mật thám mà tôi vẫn được nghe những người lớn kể lại.

Chừng ba bốn tháng sau papa được chuyển lên trại An Trí tại Vụ Bản, vùng Nho Quan, Hòa Bình. Ngày ra đi, tôi không được đưa tiễn, nhưng nghe me nghẹn ngào kể lại: papa bị mang còng số, còng tay lúc lên đường.

Lúc này, tòa báo vắng vẻ lắm, “cậu Hàng Bè” nghe nói đã trốn sang Tàu, chú Thạch Lam mới mất ở nhà cây liễu Yên Phụ, me rầu rĩ suốt ngày, còn tôi nhìn vào phòng làm việc của papa thấy trống trơn, trong lòng thấy bùi ngùi làm sao!

Rồi ít lâu sau được phép của sở Liêm Phóng, tôi cùng me, thím Long và Tường Ánh con trai thím lên Vụ Bản. Đường từ Nho Quan trở ra thật cheo leo, cảnh hoang sơ mà hùng vĩ, con đường đất đỏ dài hun hút, đến chiều mới tới nơi. Chúng tôi phải vào trú ngụ một đêm tại chủng viện, căn nhà do các bà sơ trông nom, hôm sau qua sông mới tới được trại trên đồi cao.

Papa hồi này da rám nắng, trông khỏe mạnh. Chúng tôi được phép vào một căn phòng, tự do nói chuyện nửa ngày trời. Được biết chú Long, chú Trí phải đẩy xe nước và vào rừng lấy củi, papa may mắn vì yếu đuối được phụ việc ở nhà thương, công việc nhẹ nhàng, me tôi cũng yên chí phần nào. Papa cũng cho biết cái thằng tây trưởng đồn, người đảo corse, hồi đầu rất hách dịch, nay dần dần cũng bớt rồi, lâu lâu lại có anh em trẻ nghịch ngợm dám nhạo cả cái giọng nói nặng nề của hắn nữa.

Khi chúng tôi trở về, papa được phép tiễn đến bến đò. Qua sông nước chảy xiết, giòng sôn mênh mông, tôi thấy lòng se lại khi thấy hình dáng papa nhỏ dần, nhỏ dần. Trời lúc ấy thật thấp... thật nặng nề!

Bà nội Cổ Am mất
Bị an trí một năm, papa được tha về Hà Nội. Tuy vậy, cứ mỗi tháng papa lại phải đem một cuốn sổ bìa xanh (papa gọi là sổ đoạn trường) lên sở Liêm Phóng đóng dấu kiểm soát.

Tòa báo dạo này ít người lai vãng, “cậu Hàng Bè” vẫn biệt vô âm tín, chú Long Hoàng Đạo kẹt ở Vụ Bản, Bác Thế Lữ xoay sang diễn kịch, chú Trí vẫn mải mê với tranh sơn mài trên đường Quần Ngựa... tờ Ngày Nay đóng cửa đã lâu. Papa thì trầm ngâm ít nói, loay hoay tỉa xén cây cảnh trên hòn non bộ nhỏ, đặt trong cái chậu sứ men tàu.

Rồi trong một buổi chiều cuối năm, trong lúc mọi người nhộn nhịp đón giao thừa thì bất chợt nhận được giây thép báo tin bà nội ở Cổ Am bệnh nặng. Thế là cả nhà sáng mồng một tức tốc về quê. Gần trưa tàu hỏa tới Hải Dương, chuyển xe ca đi Ninh Giang qua Vĩnh Bảo về tới làng thì đã xế chiều. Bước vào nhà, chú Trần Tiêu chạy ra mếu máo nói bà đã nhập quan từ ngày 30. Me òa khóc thảm thiết, papa lặng lẽ tới gần cỗ áo quan, khẽ rờ tay lên làn gỗ vàng tâm, nói với tôi mà y như nói một mình:
“Thế là bà đã nằm đây rồi, con ạ!”

Vì bà mất vào dịp tết nên mồng sáu mới phát tang và tới ngoài rằm mới an táng. Trong thời gian này tôi súng sính trong bộ áo trắng dài tay sột soạt màu hồ đi “thám hiểm” khắp nơi cùng vài chú em họ trong làng. Bây giờ tôi mới được rõ Cổ Am rộng lắm, chia làm bốn thôn: thôn Thượng, thôn Tràng, thôn Am và thôn Phần là chỗ nhà tôi ở. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy trồng thuốc lào xanh ngắt, nghe nói đến mùa hái thuốc cả làng nhộn nhịp vui lắm. Tôi còn được sang thăm mộ phần của ông nội tôi ngay sát bên nhà, xây toàn bằng đá đắp lên nhau như một trái núi nhỏ, bề cao dễ gần bằng căn nhà hai từng, từ đỉnh trở xuống cây cỏ mọc um tùm chen lẫn những tượng nhỏ hình quái dị, xuyên vào lòng núi là nơi thờ tự, cảnh trí âm u, trầm hương tỏa ngát: kế bên mộ phần, một ngôi chùa nhỏ được ông tôi xây cất xưa kia... chùa Đông A nổi tiếng vì có một vị sư già nhiều pháp thuật, trụ trì. Tôi còn được biết thêm ông nội xưa làm tuần phủ Thái Bình có những năm bà tất cả, nên lúc mất đi con cháu đông đảo lắm. Bà nội tôi là cả sinh được bốn người con, trước hết là bác Trần Xuân làm Thương tá nhưng chẳng may mất sớm, rồi đến papa, kế đó là chú Trần Tiêu và cuối cùng là cô Ngọc. Riêng bà thứ năm chỉ sinh được một cô con gái được ông nội tôi quí nhất cho rất nhiều của cải nhà cửa ở Ninh Giang, Hà Nội. Bà tôi tuy là cả nhưng lành lắm, không ham thích những nơi quan quyền chỉ an nhàn sống nơi quê làng nên ai cũng mến thương.

Thấm thoát cũng đã gần đến ngày an táng, trước nhà dựng rạp lớn, cỗ bàn ăn uống linh đình theo tục lệ. Các chú, các cô ở xa cũng dần dần về đông đủ. Tôi còn nhớ bà Năm cũng từ Ninh Giang về chịu tang, bà khóc to lắm, có vẻ như rất lấy làm đau sót, làm tôi ngạc nhiên hỏi papa: “Bà có khóc thật không papa, bà không ưa bà mình cơ mà?” Yên lặng một lúc papa mới khẽ nói với tôi “Bà khóc thật đó con ạ! Bà mình lúc sống hiền lành quá có làm hại ai đâu, chắc bây giờ bà Ninh Giang đã thương bà Cổ Am rồi con ạ!”

Rồi đám tang nhộn nhịp linh đình diễn ra, cỗ áo quan được đưa lên kiệu sơn son thiếp vàng được đưa từ nhà đi vòng mấy thôn trong làng rồi mới trở về hạ huyệt cạnh mộ ông tôi ngay kề bên nhà. Sau thời gian này papa còn ở lại Cổ Am vài tuần, lâu lâu sang chùa Đông A niệm Phật cầu siêu cho bà. tay gõ mõ, nhịp chuông đều đặn, papa tụng kinh tiếng trong và ấm, tay lần giở những trang kinh Phật bằng chữ Hán, hương trầm tỏa ngát, không khí dìu dịu hiền hòa.

Biến cố dồn dập
Tôi trở về Hà Nội và tiếp tục đi học cho tới ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, súng nổ vang trời, cả nhà phải chui xuống buồng kho gầm cầu thang để tránh đạn cả đêm. Sáng hôm sau nhìn ra ngoài hai ba xác chết nằm bên kia đường ngay trước hiệu Hạp Ký, ghê quá! Rồi truyền đơn của Nhật trải xuống Hà Nội... Việt Nam độc lập... Toàn quyền Đại Nhật Bản thay toàn quyền Đờ-cu... người ta bắt đầu chết đói như rạ. Khẩu phần ăn nhà tôi bị hạn chế, cơm bữa nào cũng hôi sặc sụa mùi bao tải, lại còn phải dành một phần đưa cho đoàn khất thực cứu đói. Có lần đi qua chợ Đồng Xuân, papa mua cho tôi một bắp ngô nướng nóng hổi, đang lấy tay lăn lăn sửa soạn ăn, thì một bàn tay gầy guộc giật mạnh lấy, ức quá tôi định chạy theo nhưng papa giữ lại, lắc đầu buồn rầu nói: “Thôi con, người ta đói quá, khổ quá rồi!” Hằn học, tôi đi theo papa, từ đó cho tới lúc về nhà, tôi không thấy ông cụ nói thêm một lời nào nữa.

Dạo ấy papa cũng rất bận rộn, hết lo cho tờ Bình Minh lại tới tờ Ngày Nay kỷ nguyên mới. Tuy vậy những ngày yên ổn vì khỏi lo mật thám Tây bắt bớ không kéo dài được lâu. Một hôm đi học về... nhà thấy vắng vẻ quá, me dáng điệu bí mật kéo tôi lại gần nói nhỏ “Papa lánh mặt rồi, ai có hỏi nói về quê ít ngày.” Chúng tôi sống trong hồi hộp... rồi vào một buổi sáng Hiến binh Nhật ùa tới khám xét tòa báo, bao nhiêu sách trong nhà kho bị lục tung nhưng hình như không kiếm được gì khả nghi, chúng bỏ đi... Hú hồn!

Rồi Nhật đầu hàng, Việt Minh cướp chính quyền, Quốc dân đảng đóng ở tòa báo, tờ Việt Nam ra đời, Việt Quốc, Việt Cách chống Việt Minh, Pháp lăm le trở lại, chính phủ liên hiệp thành lập. Lúc này papa phải lo viết cho tờ Việt Nam, tờ Chính Nghĩa và lâu lâu luôn cả tờ Thiết Thực nữa.

Tiếp đó Hiệp định sơ bộ 6-3 ra đời, Pháp đổ bộ Hải Phòng... Hội nghị Đà Lạt tan vỡ. “Cậu Hàng Bè” từ chức bộ trưởng rồi sang Tàu lần nữa... Các trụ sở Việt Quốc lần lượt bị tảo thanh. Công an xung phong đột nhập tòa báo lục soát, bắt bớ. Các đảng viên cao cấp như bác Hể, bác Đóa, Trí, Dị... bị đem đi biệt tích. Tờ Việt Nam đình bản... Tòa báo ngoài papa chỉ còn lèo tèo vài đồng chí lai vãng: anh Bảng, Kính, anh Cống, bác Thắng...

Rồi tình hình giữa Việt và Pháp ngày càng căng thẳng, tự vệ thành xung đột với lính Pháp, hầm hố đào khắp nơi, dân chúng lũ lượt tản cư. Bất chợt một buổi sáng, Pháp tung quân tảo thanh Hàng Bún, xông vào tòa báo, bắt hết mọi người ra sân lục soát. Sau đó, với dáng điệu đằng đằng sát khí chúng áp giải, kẻ thì đi bộ, người bị lùa lên xe GMC chạy thẳng vào thành, giam trong những sà lim hôi hám. Súng nổ cả đêm, tôi bị giam chung với một số anh em thợ nhà in và lẫn lộn cả với mấy ông bà già cư ngụ cùng phố. Hoang mang không biết số phận papa, me và các bác, các chú trong tòa soạn ra sao!

Sáng hôm sau may nhờ ủy ban Liêm Kiểm can thiệp mọi người được tha. Gặp lại papa, me mừng quá sức, hàn huyên đủ chuyện. Thấy tình thế không thể ở lại Hà Nội, papa quyết định tản cư về quê ngoại. Ngay chiều hôm sau chúng tôi xuống phà đen lên tàu thủy xuôi Nam Định. Hôm ấy là ngày 19-12-1946.

Papa bị Việt Minh bắt
Tàu chạy được ít lâu thì thấy rực lửa phía Hà Nội, mọi người xôn xao bàn tán, chắc là đánh nhau to rồi! Mờ sáng hôm sau tàu giạt vào bờ bến Mễ vì sợ tàu bay bắn phá. Chúng tôi phải tạm ngụ ở làng ven sông rồi sau thuê xe tay đi về quê.

Hai ngày sau mới về tới Dịch Diệp, quê me tôi, cách tỉnh lỵ Nam Định chừng 20 cây số, một làng rất trù phú, nhà gạch san sát, tiếng khung cửa dệt khăn mặt lách cách khắp nơi. Sắc mặt papa có vẻ vui hơn, không còn đăm chiêu như mấy ngày ở Hà Nội nữa. Thoát được thằng Tây là đỡ rồi, từ nay cũng tạm yên.

Vài hôm sau, một chiều hai thanh niên mặt lạ tới “mời” papa lên huyện. Cả nhà thất sắc nhưng papa chỉ vào cái phù hiệu của Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam do chính tay Trần Huy Liệu tặng còn gắn ở ve áo, bình tĩnh nói “Chắc không có chuyện gì đâu, để tôi đi xem sao, bây giờ kháng Pháp là lúc cần đoàn kết, đâu có chuyện bắt bớ bậy bạ!”

Bẵng đi vài ngày không thấy tăm hơi gì, me tôi cho người đi dò la tin tức trên huyện Trực Ninh thì được biết papa đã bị giam và sắp bị giải đi nơi khác. Tôi cùng một người nhà vội lên Cổ Lễ rồi đi dọc theo đường cái tới huyện. May mắn thay trên đường đi lại gặp một đám người lẫn lộn trong đó hình như có papa. Anh người nhà kêu lớn:
“Ông Tú!”

Đúng papa tôi rồi, tôi chạy vội lên:
“Papa, con đây!”

Khuôn mặt võ vàng, mắt như sâu lại dưới gò má, tôi để ý, trên ve áo cái phù hiệu của Trần Huy Liệu tặng ngày nào không còn nữa!

Papa dừng chân lại: “Triệu, con về đi. Me con cuốc đất trồng rau sống qua ngày. Papa đi lần này không biết ra sao!”

Tôi run lẩy bẩy nắm lấy cánh tay gầy guộc của papa, nhưng một thanh niên, ý chừng là công an sẵng giọng: “Đi ngay, đường còn xa!”... Tôi lặng người nhìn theo bóng papa xa dần rồi khuất hẳn sau những ụ đất phá hoại trên đường liên tỉnh.

Trở về nhà báo tin, cả nhà bồn chồn lo lắng. Tình hình chiến sự lan rộng, tàu chiến Pháp đi dọc theo sông Hồng bắn phá làng mạc hai bên bờ đê, tàu bay bà già vần vũ lâu lâu lại tuôn ra một loạt đạn vu vơ. Trong thời gian này, me cho người đi dò la khắp nơi tìm tin tức papa, lại viết rất nhiều đơn lên ủy ban Hành kháng tỉnh để xin cứu xét. Nhưng tất cả đều như chìm sâu trong sương mù vô vọng.

Rồi tết Đinh Hợi qua đi trong chán nản, kinh hoàng. Sau tết một thời gian tàu Pháp chạy dọc theo sông Hồng bắn phá dữ dội, trong làng đang rục rịch tản cư thì bất chợt, papa trở về. Một công an mang phù hiệu “Công an Thành Nam Định” hẳn hoi đi kèm. Trong lúc chờ nhà sửa soạn bữa cơm papa cho biết: “Bị bắt lên Trực Ninh, sau giải sang Lạc Quần, bị giam ở đó sợ lắm vì mỗi lần báo động oanh tạc chúng chạy hết còn tù thì xích chân lại cho ở trong đồn, cố ý mượn tay thằng Tây giết mình. Có lần tàu bay bắn phá may mà không sao. Hôm nay có lệnh giải đi nơi khác vì vùng này mất an ninh, nhưng không biết đi đâu.” Rồi papa hạ giọng: “Hôm trước nó hỏi về thằng Triệu con anh Tam, tôi có khai là nuôi nó từ bé, nó không biết anh Tam là ai cả.”

Trong lúc papa ngồi ăn vội vã, tên công an vẫn lảo đảo ngoài hiên lừ lừ nhìn mọi người. Thấy me khóc nức nở hắn đến gần nói mấy câu: “Cứ yên tâm, sẽ có ngày về, chính sách chính phủ bao giờ cũng đại đoàn kết để kháng Pháp.”

Ăn xong lên đường, tên Công An còn ngoảnh lại nói như máy:
“Đến nơi sẽ có tin về nhà ngay, không sao cả, cứ yên tâm!”

Khi papa ra đã tới gần đầu ngõ, me tôi chợt nhớ vội gói mấy quả cam đường vào tờ kinh cứu khổ rồi bảo tôi:
“Con chạy theo đưa papa mau lên, nói papa nhớ tụng kinh luôn, lạy trời phật cho tai qua nạn khỏi.”

Tôi chạy theo đưa papa nói vội:
“Cam đường papa nhớ ăn, kinh cứu khổ papa nhớ tụng!”

Tôi đi theo đến đầu làng, dáng papa thất thểu vác tay nải mệt nhọc đi trước, tên công an vạm vỡ đi theo sau. Đi mãi, đi mãi rồi khuất hẳn sau dãy tre, chắc là đi về phía sông Hồng xa lắc đằng kia.

Tôi bàng hoàng trở về nhà, miệng còn lẩm bẩm: “Tội nghiệp, không biết papa mình có nhớ ăn cam đường và tụng kinh cứu khổ không?”

...

Từ cái ngày đó về sau, tôi không còn được gặp lại “papa tòa báo” nữa.



Alan Phan - Đợi chờ Godot


T/S Alan Phan

Tôi nhớ năm đầu của đại học, trong môn Nghệ Thuật 101, tôi phải xem một vở kịch của Samuel Beckett tựa đề là Waiting for Godot. Tóm lược của kịch bản là hai anh lãng tử dưới gốc cây xồi trọc lá, nói chuyện và tranh luận về đủ mọi đề tài trong khi đợi một người tên là Godot mà họ có hẹn.

Vài nhân vật khác cũng đi ngang chỗ đợi, tương tác cùng hai nhân vật chính, rất phức tạp và mâu thuẫn như trong một giấc mơ. Cuối cùng, Godot không bao giờ xuất hiện, vì có lẽ ông chỉ là một nhân vật tưởng tượng của hai anh lãng tử trên.


Vở kịch bắt đầu khoảng 10 phút là tôi quay ra ngủ ngon lành. Chuyện vớ vẩn của 2 anh “khùng” không liên quan gì đời sống hay cảm xúc của tôi. Ngược lại, con bé đi “date” cùng, có một mùi nước hoa nhè nhẹ như hoa lài cộng hưởng với mùi con gái vừa lớn. Cho nên khi đó, Godot thực đang ngồi cạnh tôi, đẹp tuyệt vời và những lời lảm nhảm trên sân khấu chỉ làm tôi khó chịu.

Ba năm sau, tôi tình cờ coi lại vở kịch. Hôm đó, tôi vừa thất tình, vừa bị cảm cúm, mệt ngất ngư nhưng không muốn nằm trên giường than thân trách phận. Lần này tôi có chút đồng cảm hơn với 2 chàng lãng tử. Họ loay hoay trong những hành động vô nghĩa và vớ vẩn vì chung quanh họ, từ môi trường đến những con người giao thoa đều thể hiện cái “hư không” trong nội tại của mình. Chúng ta ăn uống, suy nghĩ, đàm thoại, yêu ghét, làm việc, lo lắng…vì đây là những kỹ năng xã hội đã huấn luyện và trao trách cho chúng ta. Trong khi đó, chúng ta vẫn cứ hy vọng là Godot sẽ đến và sẽ đem một vài ý nghĩa gì đó cho cuộc sống. Dĩ nhiên, Godot (theo suy diễn là God hoặc idiot?) không bao giờ xuất hiện.

Beckett là một tác giả thuộc trường phái hiện sinh (existentialism). Cùng với Camus, Sartre, Kafka, Dostoyevsky,…các ông này luôn luôn ngồi trên tháp ngà của trí thức để suy ngẫm về những “phù du, ảo tưởng” của kiếp người. Những ngày cón là sinh viên, sách của các ông là gối đầu giường của tôi. Vả lại, những suy tưởng và túi khôn của các ông giúp anh sinh viên trẻ “làm dáng trí thức” và chiêu thức “cuộc sống vô nghĩa” cũng lôi kéo được khá nhiều bạn nữ lên giường.

Ra trường đời, tôi phải tạm quên các ông. Phải lao đầu vào việc mưu sinh để kiếm tiền nuôi vợ con, phải loay hoay bò mỗi ngày quanh miệng chén vì nợ nần ngập đầu không buông tay được. Khi khôn ra, lòng tham lại nặng hơn ý chí tự do; nhất là cảm nhận luôn bất an nhìn về tương lai khi sức khỏe và may mắn không còn. Thấm thía những bài học thời trẻ từ các ông, nhưng cuộc đời vẫn là một bẫy sập không ra được. Và cũng trong những loay hoay đó, tôi bắt đầu chờ Godot.

Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng tìm niềm vui nhỏ nhặt mỗi ngày qua những trải nghiệm thần kỳ. Năm giác quan của tôi luôn được bung căng rồì thả lỏng, tâm hồn tôi được thử thách hàng ngày với những xấu xa tồi tệ của môi trường, nhưng sau đó lại được ôm ấp tận hưởng những giây phút thăng hoa của thiên nhiên và con người. Tôi cố quên đống rác bên đường, dù rất khó khăn, để chăm chú vào hàng phượng vĩ đang che bóng mát. Tôi bằng lòng và an phận với mâu thuẫn này.

Gần đây tôi hay về lại quê hương. Cái thân phận nhỏ bé và hèn kém của con người trong cái hư ảo của thế tục thể hiện rõ ràng hơn nơi đây. Dù muốn né tránh, tôi bắt buộc phải suy ngẫm về những thứ lăng nhăng nhưng thực ra là cốt lõi của sự sống. Chúng ta có tạo được tương lai hay định mệnh đã an bài? Tại sao đêm đen cứ bao trùm một khu vực mà Ơn Trên đã ban cho một môi trường thiên nhiên vô cùng phong phú? Tại sao con người nơi đây rất mực thông minh mà bị “trù úm” liên tục bởi những thế lực ma quỷ?

Có lẽ rất nhiều người Việt đang mòn mỏi đợi chờ Godot? Trong cái hy vọng pha chút tuyệt vọng đó, bao nhiêu người đã tự hủy hoại bằng những cơn say xỉn mỗi đêm và những việc làm vô cảm mỗi ngày? Thế nhưng nhìn ở một góc cạnh khác, cái “hiện sinh” đau đớn trong môi trường sống này có thể tạo cho chúng ta những phản ứng, dù khác nhau nhưng luôn là một tầm gương soi lại bản ngã của chính mình.

Muốn thoát ra khỏi bẫy sập, nhiều bạn đã chọn lựa bỏ đi thật xa, mong tìm một thanh bình riêng biệt ở một góc trời lạ nào. Như con thú bỏ rừng để an phận sống trong một chuồng thú nhàn hạ? Nhiều bạn chọn sự phấn đấu, bằng cách chống lại hệ thống quyền lực dưới mọi hình thức nhưng có lẽ cũng không đem đến một kết quả gì như ý muốn. Khi đã bị lôi kéo vào cuộc tranh giành quyền lực thì các bạn cũng phải biến thể mình thành một loại thú rừng đủ răng nanh và móng nhọn để sinh tồn. Nhiều bạn thực tế hơn, người Mỹ nói là “if you cannot fight them, join them” (không đấu nổi phe địch thì gia nhập họ vậy). Họ sẵn sàng “thượng đội hạ đạp” để tìm một chút cơm thừa cho mình và gia đình. Nhiều bạn khác thì chọn sự tự tử chậm…kết thúc đời mình bằng những ngày đêm trác táng và phá phách vô nghĩa.

Bất cứ lựa chọn nào cũng là một thảm kịch cho nội tâm những người còn cảm xúc trăn trở sống nơi đây.
Nhất là các bạn trẻ. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi may mắn hơn là vở kịch tôi diễn sắp hạ màn; Godot đã không đến như hẹn và tôi còn phải lên đường đi tìm vai diễn ở một vở kịch khác.

Tôi thầm nghĩ nếu Beckett sống ở Việt Nam vào thời này, chắc ông đã viết được một tác phẩm khác hay hơn. Và một kết cuộc “có hậu” như một phép lạ nào đó sẽ đem Godot đến với 90 triệu dân Việt?

Alan Phan


Võ Phiến -Về Bộ Văn Học Miền Nam*


Võ Phiến

Văn Học (VH): Trong năm 1999 vừa qua, nhà xuất bản Văn Nghệ vừa hoàn tất việc xuất bản và phát hành trọn bộ Văn học Miền Nam (VHMN) gồm 7 tập, dày trên 3200 trang của ông. Công trình tốn nhiều thì giờ và tâm huyết ấy, ông bắt đầu từ lúc nào? Động cơ nào khiến ông khởi sự công trình dài hơi ấy?

Võ Phiến (VP): Tôi bắt đầu viết bộ Văn học Miền Nam hồi 1984. Giữa năm 1986, tập đầu (là cuốn Tổng quan) viết xong.


Tại sao viết? — Nói chung, ai cũng thấy việc ấy cần làm. Sau khi Tần Thủy Hoàng đốt sách, ở Tàu ai chẳng mong tìm lại sách mất? Sau khi Minh Thành Tổ tiêu hủy sách Việt, ở nước ta ai chẳng thấy cần sưu tầm lại sách cũ của dân tộc mình, truy cứu về văn học mình? Nhưng thấy cần làm là một chuyện, còn thấy chính mình nên làm lại là chuyện khác. Tôi không thấy nên tự trao cho mình công việc ấy. Hãy chờ ai đó, một kẻ thích hợp.

Tôi đến Mỹ năm 1975. Ngoài việc kiếm sống, tôi làm các việc quen thuộc khác: làm báo, viết truyện dài truyện ngắn, làm thơ vớ vẩn, viết tùy bút, tạp bút v.v... Và bồn chồn chờ đợi kẻ thích hợp. Chín năm sau, thời gian trôi qua đã nhiều, chuyện cũ phôi pha, dấu vết cũ phai mờ dần... Tôi đánh liều, tặc lưỡi: “Thì hãy làm tạm vậy”.

Động cơ viết sách đã trần tình ở “Lời nói đầu” cuốn Tổng quan trong lần in thứ nhất năm 1986, lại giãi bày ở phần kết cuốn ấy trong lần in thứ ba (trích đăng trên báo Người Việt, số xuân Canh Thìn, 2000). Lời mình đã viết ra rồi chính mình dẫn lại, e kỳ cục khó coi. Tôi không tiện làm thế, mà độc giả thì rất có thể có những vị không gặp dịp đọc đến, hay có đọc qua nhưng lâu ngày đã quên; vậy khi nào quí báo nêu ra điều gì từng có câu đáp sẵn trong VHMN, tôi xin phép chỉ nhắc xuất xứ để độc giả tiện xem lại. Xin quí báo hiểu cho: không phải tôi thiếu thiện ý phân giải mà chỉ ngại việc mình dẫn lời mình!

VH: Trước khi nhà Văn Nghệ xuất bản bộ sách bảy tập trong hình thức và kích thước hiện nay, nhà xuất bản cũng đã in một số phần của bộ sách này với khổ nhỏ hơn, có thể gọi là loại sách bỏ túi. Hồi đó vì sao có chủ trương in sách theo khuôn khổ nhỏ như thế?

VP: Sách bảy tập thì bảy tập nên cùng một kích thước: nhà xuất bản đã làm thế. Sở dĩ từ năm 1991 đến năm 1995 có in ra mấy tập khổ nhỏ, đó chẳng qua là chuyện làm tạm bợ, trong hoàn cảnh đặc biệt.

Số là vì tài liệu tìm kiếm khó khăn, việc biên tập tiến hành chậm chạp, từ khi cuốn Tổng quan ra đời (1986) đến 1991 đã năm năm không có cuốn kế tiếp xuất hiện, tôi ngại độc giả nghĩ mình nản lòng bỏ cuộc, quên lời hứa hẹn. Mặt khác, sau một cuộc giải phẫu tim trước đó, bấy giờ tôi lại gặp rắc rối sắp phải trải qua một cuộc giải phẫu tim nữa. Tôi lo nếu mình gặp rủi ro không hoàn tất công việc thì những gì đã viết xong sẽ thất lạc uổng phí. Chi bằng cứ viết đến đâu in ra đến đó, về sau có thể có kẻ dùng đến như một thứ tư liệu, cái dở dang sẽ không đến nỗi hoàn toàn vô ích. Nhưng rốt cuộc rồi tôi đã làm xong bộ sách. Vậy bảy tập sách khổ nhỏ đã in trước không còn công dụng nữa, xin quí vị độc giả hãy quên chúng nó đi. Tôi mang ơn nhà xuất bản Văn Nghệ đã chiều lòng mình trong việc làm tốn kém này. Trong đời, thỉnh thoảng vào những dịp tưởng mình sắp “đi xa”, tôi vẫn lưu lại cho các văn hữu những ghi chép mình ký cóp dành dụm, lưu lại như một chút quà (dù giá trị chẳng là bao).

Chuyện trên đây, năm 1991 đã nói ra ở các trang đầu cuốn Thơ Miền Nam I (khổ nhỏ); năm 1999 lại được nhắc đến ở đầu cuốn Truyện I trong bộ Văn học Miền Nam (khổ lớn). Nói đi nói lại... Tuy nhiên, quí báo đã có lòng nhắc đến...

 VH:  Làm sao ông có thể sưu tầm đầy đủ (hay tương đối đầy đủ) văn liệu để viết bộ sách này?

VP: Chuyện tìm tài liệu, tôi cũng đã có viết ở đầu cuốn Tổng quan (1986). Vả lại, về mặt tháo vát, quen biết, thông thạo các nguồn tài liệu, tôi chỉ có thua người chứ không hơn được ai. Dù sao, kéo rê công việc trong một thời gian dài như thế thì rốt cuộc chắc kẻ kém nhất cũng có được số tài liệu cần thiết, phải chăng. Đại khái là sách mượn từ những bạn bè có tủ sách lớn, sách nhờ thư viện đại học gần mượn ở những thư viện đại học xa, mỗi lần ba cuốn một, sách nhờ lùng mua lén lút ở trong nước v.v...

Bên lề việc tìm tài liệu, tôi xin kể đôi ba mẩu chuyện:
— Để soạn phần tiểu sử các tác giả, thoạt tiên tôi nghĩ đến công trình của Trần Phong Giao. Trước tháng 5-1975, ở Sài Gòn, tôi biết anh Trần đã soạn xong một cuốn từ điển các văn nhân thi sĩ Việt Nam. Tuy chỉ được đọc một số trích đăng đây đó trên các báo, tôi cũng nhận thấy đó là một công trình biên soạn rất cẩn thận. Tôi nhắn hỏi, anh Trần cho biết bản thảo đã chuyển ra ngoài nước, nhờ người này (hiện ở địa chỉ...) trao lại cho người kia (hiện ở địa chỉ...) cất giữ. Bèn liên lạc người này và người kia: không nơi nào còn cất giữ nữa. Một tài liệu quí đã đi đời.

— Cũng trước tháng 5-1975, ở Sài Gòn ông Thanh Tùng bắt đầu cho xuất bản bộ Văn học từ điển. Cuốn đầu trong bộ sách dành cho phần “tiểu sử tác giả”. Năm 1990, cuốn ấy được tái bản ở Hoa Kỳ. Sách đưa ra tiểu sử 626 tác giả Việt Nam từ xưa đến nay, và kê thêm một danh sách hơn hai trăm vị sẽ được bổ túc sau, danh sách bổ túc gồm nhiều tác giả thời 1954-75. Cho đến nay sách ấy chưa ra đời!

— Một tác giả nọ có ngót năm chục tác phẩm được xuất bản. Tôi “may mắn” có cơ hội mượn được toàn bộ, lắc la lắc lư mang sách về, hớn hở, vùi đầu đọc. Đọc xong thấy tưng hửng, tuyệt chẳng có ý gì để viết cả. Kẹt cứng. Cái khó này kéo theo cái khó khác: Làm sao trả lại sách? nói gì khi gặp lại mặt nhau? Tôi ngượng ngùng, bẽ bàng. Tôi loay hoay khổ sở. Nhanh nhẩu mượn sách lung tung: một sơ xuất nhất thời có khi để lại những ray rứt khôn nguôi.

VH: Theo ông, bộ Văn học Miền Nam thuộc thể loại nào: sách biên khảo văn học sử, sách phê bình văn học, hay như có một số người nghĩ, sách được viết theo lối viết sở trường của ông là tạp bút, tạp luận?
VP: Mười bốn năm trước, mở đầu cuốn Tổng quan tôi có lời thưa rằng sách ấy e không xứng đáng là lịch sử, là phê bình gì cả.

Năm năm sau, mở đầu cuốn Thơ Miền Nam I (khổ nhỏ), lại đã báo trước rằng ngoài những bài viết riêng cho cuốn sách này, sẽ còn có những bài điểm sách, tựa sách, tùy bút, nhận định v.v...

Bốn năm sau nữa, chuyện ấy cũng được nhắc lại khi mở đầu cuốn Truyện I trong bộ Văn học Miền Nam.
Nay quí báo hỏi đến, hẳn là do hảo ý muốn vấn đề được làm sáng tỏ thêm. Vậy xin nói thêm:
Hồi 1942, viết xong cuốn Thi nhân Việt Nam ông Hoài Thanh bảo “cái điều tôi ngại nhất là sẽ mang tên nhà phê bình.” Rồi ông nghĩ ngợi: “Chẳng hạn có thể gọi những bài tôi viết là tùy bút, tùy hứng... Nhưng không lẽ tôi là một nhà tùy bút, một nhà tùy hứng, hay một tùy bút gia, một tiểu luận tác giả.”

Ngay sau đấy, ông Vũ Ngọc Phan (trong bộ Nhà văn hiện đại) nêu ra trường hợp của người sợ hai chữ phê bình, và ông Vũ bảo: “Việc gì lại phải lẩn tránh một cách trẻ con như thế.” Rồi ông Vũ xếp Hoài Thanh ngay vào chương “Các nhà phê bình và biên khảo”. Từ đó, tha hồ ông Hoài Thanh e ngại, ai nấy cứ giữ nguyên ông ở vị trí ông “ngại nhất”.

Trong bộ Từ điển văn học của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ông được gọi là “nhà phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam”. Sau này, trong cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản, Nguyễn Hưng Quốc kể tên Hoài Thanh trước tiên trong danh sách “những tài năng kiệt xuất nhất về phê bình văn học của giai đoạn 30-45”, lại nói rõ: “không thể nghi ngờ, Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan là những thiên tài, một người cực kỳ nhạy bén về thơ và một người cực kỳ tinh tế về văn”.

Đó là trường hợp một người viết tùy bút hóa ra một nhà phê bình.

Nhân ông Hoài Thanh, nghĩ đến ông Thánh Thán. Hoài Thanh là người hay e hay ngại: ông “nhỏ to” với độc giả về bao nỗi ngại ngùng của mình. Thánh Thán không phải hạng người như thế. Trái lại. Đây là một kẻ phóng khoáng ngông nghênh. Không có cái gì khiến ông ngại nhất, cũng không có gì làm ông ngại nhì. Đọc Tây Sương Ký, tới chương “Đáp thư”, thấy Oanh Oanh đến phòng Quân Thụy thoắt cái xảy ra những chuyện cởi lần dây lưng, chuyện mở cửa động đào, chuyện khắp người bủn rủn trong lòng mê tơi, rồi chuyện thần hồn bay chín tầng mây ngoài trời v.v..., Thánh Thán vung tay viết luôn một bài luận về cái dâm.

Tiếp theo là chương “Khảo hoa”. Thánh Thán đọc qua lấy làm khoái, bèn nhớ tới những lần khoái khác. Ông kể luôn một hơi 33 cái khoái vừa ôn lại được trong bao nhiêu cái khác đã từng mang ra bàn tán với bạn hai mươi năm trước. Đại loại, Thánh Thán bảo:
— Xem ma trơi, thật sướng.

— Ở góc phố có hai bác đồ gàn cãi nhau đã đỏ mặt tía tai, mà vẫn còn trịnh trọng “chi, hồ, giả, dã”, cãi nhì nhằng mãi về những cái không đâu, cãi hoài không chịu dứt. Chợt có chàng tráng sĩ đi qua bực mình, ra oai quát một tiếng. Hai bác đồ nín khe. “Đã” quá chừng.

— Có mấy mụn ghẻ lở ở chỗ hiểm. Mang nước nóng vào phòng, đóng cửa mà rửa. Khoái ơi là khoái.
Cứ thế ông kể. Đó là văn gì vậy? Tùy bút chăng? Tạp bút chăng? Tạp luận chăng? Hay là tùy hứng đấy chăng? — Đố biết. Chỉ biết trên ba trăm rưởi năm qua thiên hạ vẫn xem Thánh Thán là một nhà phê bình, một trong những nhà phê bình lỗi lạc nhất của Trung Hoa.

Thực ra, ngẫm lại cách viết phê bình của các vị như Thánh Thán với Hoài Thanh có khác thường nhưng không vô lý, có tài hoa phóng khoáng nhưng không đến nỗi quái dị. Viết thế, đâu có sao? Giữa các loại tạp văn với thể loại phê bình văn học có chỗ tương quan.

Lỗ Tấn từng cho xuất bản một tập hợp 16 cuốn sách, tức bộ Tạp văn, gần sáu trăm rưởi bài. Bài gì? — Đủ thứ: Từ tùy bút, đoản văn, tiểu phẩm, tạp cảm, cho đến thư từ, diễn thuyết, hồi ký, nhật ký v.v... Ôi thôi, thật linh tinh, bao nhiêu là thể loại, bao nhiêu là đề tài. Trong bộ Tạp văn ấy, nếu tách riêng ra những bài nói về các suy tưởng nhận định về văn học, đem in riêng sẽ thành một tác phẩm phê bình văn học. Đâu có sao?
Như vậy cái này nằm trong cái kia, Tạp văn (trong đó có tùy bút, tạp luận...) không giới hạn đề tài; trong khi phê bình văn học thì tự giới hạn trong một đề tài. Phê bình, nhận định về văn học, tại sao không thể xuất hiện dưới dạng tạp văn? Trên thực tế, ở Đông Tây khắp nơi nó đã xuất hiện như thế tự những bao giờ!

Viết phê bình chân phương như Vũ Ngọc Phan là một cách viết, viết phê bình bay bướm như Hoài Thanh là một cách viết khác. Cả hai vị đều kiệt xuất. Cái cốt yếu nằm ở chỗ cảm nhận văn thơ có tinh không, xét đoán có sâu sắc có tinh tế không, diễn đạt có đủ sức thuyết phục không v.v... Không đạt được các đức tính cốt yếu thì dù viết có thật sự “đúng lối” phê bình, những ông Thiếu Sơn, Nguyễn Bách Khoa, Trương Chính...
cũng không được xem là kiệt xuất.

Giữa thể loại này với thể loại kia, từ trước đã từng có sự phối hợp, sự trà trộn qua lại như thế. Chiều hướng phát triển cho thấy càng về sau lằn ranh giới giữa các thể loại càng nhòa đi. Viết về văn học Pháp thế kỷ thứ XX Germaine Brée cho rằng ngày nay vấn đề thể loại vẫn còn tranh cãi nhiều nhất và vẫn còn mơ hồ nhất (“Rien n’est aujourd’hui plus discuté que le problème des genres littéraires, et rien n’est plus confus non plus.”). Jean Cocteau phân chia tác phẩm của mình ra làm ba loại: thơ kịch tuồng, thơ tiểu thuyết, thơ phê bình (poésie de théâtre, poésie de roman, poésie critique). Ở ta Hoàng Hải Thủy có tiểu thuyết phóng sự, Nhật Tiến có tiểu thuyết kịch, Duyên Anh có những thiên truyện ngắn những cuốn tiểu thuyết hình thức nửa truyện nửa ký, vì ông mang nguyên người thật với tên thật với diện mạo tính tình thật vào...

Đến đây tôi giật mình: tôi đang biến cuộc phỏng vấn thành cuộc mạn đàm, tôi đang “pha trộn thể loại” rồi sao? Thật ra vì thuận đà câu chuyện mà trót đi xa, tôi không chỉ nói chuyện mình mà nói rộng ra thôi. Câu hỏi đặt ra vấn đề thể loại thì bàn về thể loại, thực lòng tôi không muốn dừng lại ở bộ Văn học Miền Nam của mình. Sách ấy thuộc thể loại nào? lối viết trong ấy là lối viết gì? Tôi đã nêu lên ở đầu cuốn Tổng quan từ nhiều năm trước, giờ tôi không còn bận tâm về chuyện ấy nữa. Tôi viết lách ra sao? đáng xếp vào vị trí nào? chuyện ấy nếu cần thì thiên hạ làm, tôi xen làm chi vào đấy? Ấy đâu phải việc tôi?

Mối quan tâm chủ yếu của tôi là phục hồi chân dung một nền văn học bị hủy diệt, là gợi lại hình ảnh cuộc sống tinh thần một thời kỳ bị xuyên tạc bôi bẩn. Thế thôi. Thể loại nào cũng là phương tiện. Phương tiện nào thích hợp với mình thì hãy dùng lấy.

VH: Bảy tập trong bộ Văn học Miền Nam được phân theo thể loại như ba tập cho văn xuôi, một tập cho thơ, một tập cho tùy bút và kịch, một tập cho ký và một tập tổng quan. Trong từng thể loại, ông dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn tác giả, và tác phẩm ông cho là tiêu biểu của tác giả đó để trích dẫn?

VP: Tôi xin có một đính chính nhỏ: ba tập vừa nêu ra đầu tiên là dành cho thể loại truyện, chứ không phải cho văn xuôi. (Vì văn xuôi còn bao gồm cả tùy bút, kịch, ký.)

Tiêu chuẩn để chọn lựa tác giả là: Viết hay. Tiêu chuẩn để chọn lựa cái hay thì: Không có.

Thiết tưởng ai cũng ao ước nắm được một bản tiêu chuẩn chọn thơ văn hay. Có nó, tiện quá. Ở các tòa soạn tạp chí, văn thơ gởi tới ngổn ngang. Chỉ cần đưa ra một bản tiêu chuẩn rõ ràng minh bạch, thế là nhân viên tòa soạn nào cũng có thể theo căn cứ mà chọn lựa nhanh chóng. Đỡ biết bao nhiêu phần việc của chủ bút, chủ biên. Vả lại người viết nào lại không muốn biết tác phẩm mình vừa viết xong đã đạt mức thành công chưa: có bản tiêu chuẩn, mang ra so thử thì chắc ăn.

Ở các nước lớn vẫn thường có các tuyển tập thi ca hay nhất, truyện ngắn hay nhất, trong năm qua, trong thập niên kỷ vừa qua, hay suốt thế kỷ vừa qua. Tất nhiên không phải ở mỗi nước chỉ được phép thực hiện một tuyển tập. Mọi nhà xuất bản, mọi nhóm văn nghệ, đều có thể làm tuyển tập. Nội dung những tuyển tập ấy, lắm chỗ khác nhau.

Ở các hội đồng tuyển chọn giải thưởng văn chương đều xảy ra những cuộc tranh luận lắm khi gay gắt, giải quyết sau cùng bằng lá phiếu của mỗi hội viên, không phải bằng đối chiếu vào tiêu chuẩn.

Ở Miền Nam bấy giờ cũng có những tuyển tập truyện và tuyển tập thơ. Về truyện, tôi đang nghĩ đến các cuốn Hai mươi nhà văn hai mươi truyện ngắn do nhà Phù Sa, cuốn Ảo tượng do nhà Lá Bối, cuốn Tuyển truyện Sáng Tạo do nhà Sáng Tạo, cuốn Ba miền mười khuôn mặt do nhà Kim Anh, cuốn Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta do nhà Sóng thực hiện. Trong những tuyển tập ấy, có cuốn chọn bảy truyện, có cuốn 10 truyện, có cuốn 20 truyện, cuốn của nhà xuất bản Sóng chọn 45 thiên truyện. Mặc dù trên nhan đề chỉ có nhà Sóng nêu lên yếu tố “hay nhất”, nhưng chắc đó cũng là chủ ý chọn lựa của mọi nhà khác. Dù vậy kết quả không giống nhau bao nhiêu: trong tổng số 64 tác giả không một người nào được sự tán thưởng đồng tình của cả năm ban tuyển trạch. Chỉ có sáu tác giả cùng được chọn vào ba tuyển tập, và 13 tác giả khác cùng vào hai tuyển tập. Chín người mười ý: cái hay cái đẹp có nhiều dạng vẻ, trường hợp thẩm quan gặp nhau vẫn có đấy nhưng không nhiều mấy đâu.

Về tác phẩm, thì cũng như về tác giả: sự chọn lựa nhằm vào cái hay. Cái hay, cái đẹp là quan tâm chủ yếu trong văn chương nghệ thuật. Thế nào là hay, là đẹp? cái ấy không thể qui định thành tiêu chuẩn. Cái hay cái đẹp của mỗi thời mỗi khác, của mỗi hoàn cảnh văn hóa mỗi khác.

Quyết định một chọn lựa, người phê bình đem mình ra đánh cá, đem sự “sáng suốt” của mình ra thử thách. Sự chọn lựa phản ảnh trình độ của người chọn, thẩm quan, xu hướng, lập trường v.v... của người chọn. Mình khá hay tồi, mình xứng đáng hay không xứng đáng với công việc đảm đang, hải nội hải ngoại chư quân tử sẽ căn cứ vào đó mà xét. Hậu quả xấu tốt, mình gánh trọn; kẻ tốt bụng xung quanh khỏi phải lo lắng giùm. Giả sử vào một lúc cao hứng nào đó, Thánh Thán mê mẩn một cuốn tiếu lâm nào đó, chọn làm đệ thất tài tử, hậu quả ông “Thánh” tất lãnh đủ.

Đánh giá cái hay của tác phẩm trích tuyển, thường tôi có chú ý đến ý kiến của các tác giả. Dung hòa được đôi bên thì nhất. Vì thế, trong nhiều trường hợp tôi lấy ngay các thiên truyện đã in trong Những truyện hay nhất của quê hương chúng ta, vì được biết ban chủ trương bộ tuyển tập này đã yêu cầu các tác giả tự chọn lấy truyện thích ý nhất của mình.

Mặt khác, lại còn vấn đề tiêu biểu: chọn tác giả tiêu biểu cho mỗi khuynh hướng, chọn tác phẩm tiêu biểu cho mỗi tác giả. Được thế, còn gì bằng! Nhưng không phải lúc nào cũng làm được: nếu người tiêu biểu, tác phẩm tiêu biểu lại không xuất sắc về mặt nghệ thuật thì chọn lấy hóa ra đem chỗ nhược mà phơi bày. Tiêu biểu cho thơ Nguyễn Vỹ chẳng hạn hẳn là những bài thơ có đủ 12 chân, vì ông Nguyễn đã chủ xướng trường thơ Bạch Nga. Gặp hoàn cảnh ấy có chọn lựa khác là phải.

Trở lại trường hợp của mình: Trích văn thơ người, tôi cố tìm cái hay trước tiên, đồng thời cũng gắng tìm cái tiêu biểu. Chẳng hạn về Chu Tử thì cố chọn một đoạn Chu Tử nào mà người đọc có thể nhận ra cái ngang tàng của Chu Tử; về Lê Xuyên thì một đoạn Lê Xuyên nào giúp người đọc có thấy loáng thoáng cái duyên và cái lẳng lơ của Lê Xuyên; về Hoàng Ngọc Tuấn thì một đoạn nào làm người đọc có thể thấy cái lãng mạn bay bướm của Hoàng Ngọc Tuấn v.v...

Cố gắng vậy, có được vậy không là chuyện khác. Hoài Thanh có khi nhận xét xong một số thi nhân, rốt cuộc không chọn được lấy một bài nào để trích (như Trần Huyền Trân, như T.T.Kh.).

VH: Từ khi những tập sách khổ nhỏ được phát hành, cho đến khi toàn tập bảy cuốn in xong cuối năm ngoái, có một số dư luận về bộ sách của ông. Đại khái các ý kiến ấy tập trung vào ba điểm chính:
(a) Ông không được khách quan khi lựa chọn các tác giả cần đề cập tới trong giai đoạn 20 năm của văn học Miền Nam, như có người chỉ có một bài thơ đã được nhắc tới, trong khi vài nhà thơ đã thành danh trước 1975 lại bị bỏ quên.

(b) Sự khen chê đối với một số người cầm bút của ông không được công bằng, đôi khi quá gay gắt (chẳng hạn nhận định của ông đối với Nguyễn Thị Hoàng, Võ Hồng...)

(c) Lối viết ông dùng trong bộ sách không thích hợp với nội dung mà dù muốn dù không, cũng có tính chất lý luận, biên khảo.

Ý kiến của ông như thế nào về ba điểm chính dư luận nêu ra (công khai hay ở chỗ riêng tư) trên đây?
VP:  Số dư luận được quí báo thu nhận và nêu ra có ba điểm chính. Ba điểm chính cùng chung một hướng: là hướng chê bai cả.

Trong lớp nhà văn tiền chiến người ta nhận thấy phê bình mà chỉ nói đến cái hay có Hoài Thanh, chỉ nói đến cái sai cái quấy là Nguyễn Văn Tố. Cái dư luận quí báo ghi nhận đây thuộc khuynh hướng Nguyễn Văn Tố. Trong điểm chính dư luận thứ hai có lời bảo tôi “đôi khi quá gay gắt” đối với một số người cầm bút. E rằng vẫn chưa bắt kịp xu hướng dư luận đâu: đôi khi gay gắt, so với thuần túy gay gắt, thấm vào đâu.

 (a) Câu hỏi gồm ba điểm. Trước, xin nói về điểm thứ nhất: vấn đề chọn lựa khách quan các tác giả. Trong vấn đề khách quan có nêu trường hợp cụ thể (thơ ít mà được chọn, làm thơ nổi danh lại bị bỏ quên).

Thiết tưởng sự chọn không thể căn cứ vào số lượng tác phẩm. Nếu được thế, công việc sẽ nhẹ nhàng giản dị hơn biết bao: Trước khi chọn, tiến hành một cuộc kiểm kê: ai có bao nhiêu trước tác thơ văn, kẻ ít người nhiều kê khai đầy đủ, có chỗ căn cứ vững chắc, làm việc sai sẩy thế nào được.

Chọn lựa cũng không thể căn cứ vào chỗ “đã thành danh”. Kẻ thành danh là do thiên hạ chọn, không phải ta chọn. Người viết sách phải đích thân chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình.

Tất nhiên nói thế không có ý cho rằng không phải sự chọn lựa vô danh là không đáng đếm xỉa, không phải “thiên hạ” là không đáng kể, chỉ có ta mới đầy đủ khả năng phân định giá trị. Cái danh căn cứ theo dư luận quần chúng, người phê bình không thể không biết đến, không quan tâm đến. Tuy nhiên trong ấy vẫn có những yếu tố cần lưu ý. Chẳng hạn:
— Dư luận có khi tán thưởng kiểu đầu tóc dài bù xù, có lúc thích kiểu đầu trọc lóc; có độ chịu áo cổ cao vạt dài eo rộng, có độ lại ưa cổ hở vạt ngắn, eo thắt; có khi khoái kiểu thơ văn đầy suy tư, dằn vặt, khi khác lại yêu lối thơ tung hê cái giống sỗ sàng v.v... Thời trang, thời thượng, thay đổi thoăn thoắt, từ cái cực đoan này tới cái cực đoan khác, trên mọi địa hạt.

— Dư luận không nhất thiết chọn lựa văn nghệ phẩm theo tiêu chuẩn nghệ thuật. Đa số khách hàng văn nghệ phẩm không đi tìm cái hay, cái đẹp; họ tìm món hàng thích hợp cho nhu cầu của mình. Hoặc nhu cầu giải trí: phim hề, truyện hiệp sĩ kỳ tình, truyện trinh thám, truyện tình lâm ly bi đát, phim bộ Hồng Kông... Hoặc nhu cầu giáo dục, học hỏi v.v... Họa hoằn những chọn lựa ấy mới gặp chủ đích thẩm mỹ của người phê bình.

— Xưa kia dư luận dần dần tự thành. Về sau, ở xã hội công nghiệp có những yếu tố tạo nên dư luận nhanh chóng, ảnh hưởng mạnh mẽ tới dư luận, hướng dẫn dư luận... Chẳng hạn, các hình thức quảng cáo của giới xuất bản, những hoạt động bành trướng thế lực của các nhóm phái, các phe cánh. Một nhà xuất bản có ngân sách quảng cáo lớn, có tạp chí riêng, có đài phát thanh, truyền hình thân hữu v.v... dễ tạo nên tên tuổi, tăng thêm thanh danh cho các tác giả. Còn phe nhóm, từ hồi tiền chiến hai nhóm Tự Lực văn đoàn và Tân Dân đã từng tố cáo nhau mãi về chuyện cạnh tranh quá ráo riết: người cùng nhóm viết ra thì tấm ta tấm tắc tâng bốc nhau, mà gặp văn kẻ khác nhóm thì cứ nhặt từng hòn sạn đãi qua đãi lại, thì chế giễu chịu hết thấu.

Cứ thế, người cầm bút xuất thân ở ngay tại thủ đô văn nghệ, có thân hữu nắm trong tay một nhà xuất bản, tờ tạp chí, viết tới đâu được in tới đó, được ca ngợi inh ỏi, tưng bừng; so với người ấy, một văn hữu tỉnh lẻ hè hụi viết đêm viết ngày, chép gửi khắp các báo, rồi hồi hộp chờ đợi, một văn hữu côi cút như thế, bảo thành danh làm sao nhanh chóng cho kịp hạng may mắn nói trên.

Thành thử kẻ viết sách tự mình chọn lấy những tác giả mình cho là có tài, tức kẻ viết hay viết giỏi. Bất luận kẻ ấy danh lớn hay danh nhỏ, viết ít hay viết nhiều.

Viết ít mà nên danh, kim cổ đông tây không hiếm. Trong phạm vi một nước ta gần đây, cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh có 46 tác giả thì đã ngót một chục thi nhân chỉ một bài xuất sắc được đưa ra, thậm chí có mấy thi nhân không được trọn một bài hay để trích dẫn. Đoàn Phú Tứ hình như toàn bộ vốn liếng một đời chỉ “dăm bảy” bài thơ. Còn T.T. Kh. ngoài hai bài gửi đến tòa soạn báo Tiểu thuyết thứ bảy còn có thơ thẩn nào nữa không mà thành thi nhân?

Nhà phê bình làm như thế có thể bị ngờ vực là không “khách quan”, tức chọn lựa theo cảm tình. Cảm tình giữa Hoài Thanh với Đoàn Phú Tứ ra sao, chúng ta không rõ, chứ giữa Hoài Thanh với T.T. Kh. thì chắc chắn là không. T.T.Kh. tuyệt vô tung tích, cho đến ngày nay cũng chẳng ai biết là ai. Trong cuốn Thơ (ở bộ Văn học Miền Nam) của tôi có nói đến vài ba thi sĩ ít có thơ trên sách báo, trong số ấy hai người tôi chưa từng quen, cũng chưa từng biết mặt.

Đã không thấy có động cơ xấu là được rồi. Còn chọn sai, chọn đúng, cái ấy người viết sách lãnh đủ. Anh ta sẽ chịu trận với đời, không trốn tránh đi đâu.

Chọn lựa tài năng nghệ thuật không căn cứ vào số lượng tác phẩm cũng không căn cứ vào tiếng tăm. Chỉ nên căn cứ vào thẩm thức của mình. Thẩm thức người đời thường khác nhau, là cái chủ quan.

Chọn lựa không khách quan, cái viết cũng không khách quan luôn! Về chỗ này tôi cũng lại nghĩ đến thái độ của Hoài Thanh. Cuối cuốn Thi nhân Việt Nam ông tâm sự với độc giả: “Có lẽ bạn đang chờ những bài nghiên cứu vô tư và khách quan. Bạn cũng sẽ thất vọng. Vô tư thì tôi đã vô tư hết sức, nhưng khách quan, không.”

Hoài Thanh lại từng nhỏ to than thở: “Tôi đã đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở.” Dư luận tha hồ chê ông vụng tính, nên làm lụng cực nhọc. Cặm cụi đọc tới chừng ấy thơ dở thì nhừ xương, chịu sao thấu! Tại sao không xem cứ những vị nào có nhiều thi phẩm xuất bản và đã thành danh thì đưa ngay vào sách: Như thế đỡ tổn hại sức khỏe, lại được tiếng khách quan.

Nếu còn quan tâm nữa đến chuyện khách quan, họa chăng có thể nghĩ đến trường hợp những vị cầm bút mở sách phê bình xem qua loáng thoáng không thấy có những thi sĩ mình ưa thích trong ấy, liền tri hô vào “dư luận”: thiếu khách quan! Nếu có xảy ra trường hợp này thì chính những vị quá tin ở thẩm thức của mình, đòi lấy nó ra làm căn cứ để ai nấy phải theo, chính những vị ấy mới là thiếu khách quan, thiếu nhiều đa.

Cũng nằm trong phạm vi điểm thứ nhất của câu hỏi có vấn đề các tác giả “bị bỏ quên”. Vấn đề ấy trước khi Văn học Miền Nam được in trọn bộ, trước khi quí báo ghi nhận dư luận mà chúng ta đang thảo luận đây, hồi đó chính tôi đã nêu lên, trong “Lời nói đầu” cuốn Truyện I và đã tận tình giãi bày các lý do khiến mình phải làm cái điều sẽ không vừa ý một số người đọc. Lời ấy hoặc không đến được, hoặc không thuyết phục được độc giả, tôi lấy làm tiếc hết sức.

Dù sao, đã có dư luận, không thể ngơ đi mà không bị trách cứ. Vậy đối với vị nào chưa có dịp lướt mắt qua tôi tha thiết xin hãy vui lòng đọc mấy trang sách từ 506 đến 510 của cuốn Truyện I vừa nói trên đây. Ngoài ra nhân có nhã ý của báo Văn Học mà chúng ta lại được tái ngộ ở vấn đề này, tôi không dám ngại dông dài, mà góp thêm đôi ý kiến.

Thường thường trong sách những cái thiếu không phải sót, những cái đã bỏ không phải vì quên. Vì tình thế chẳng đặng đừng mà thế thôi. Số người tham gia vào hoạt động sách báo càng ngày càng nhiều. Ở Việt Nam hồi tiền chiến theo Hoài Thanh có bốn nghìn người có thơ (chỉ riêng thơ thôi, không kể các thể loại khác) đã đăng báo và in sách. Vậy thì tính chung cả giới cầm bút được mấy vạn người? Và ở những nước lớn Âu Á số lượng người cầm bút ở mỗi nước là bao nhiêu vạn người, ức người? Kể sao cho xiết! Rồi trong số ấy bao nhiêu kẻ sẽ vào văn học sử? Trong bộ văn học sử Pháp quốc, do Germaine Brée và Edouard Morot-Sir cùng viết về thời kỳ 1920-1975 chỉ thấy đề cập tới 183 tác giả thuộc mọi thể loại. Sót với quên đâu có sót quên lớn lao đến thế? Vậy do đâu?

Trước hết không phải hễ cứ cầm bút là làm văn học nghệ thuật cả. Kẻ kể chuyện tiếu lâm, người viết truyện võ hiệp, trinh thám để giải trí, kẻ truyền bá võ thuật, người tuyên truyền chính trị, rao giảng đạo lý để giúp người trau dồi sức khỏe và tư cách v.v... Người đời có bao nhiêu nhu cầu, người viết có bấy nhiêu đáp ứng. Đáp ứng nhu cầu tinh thần cũng cần thiết như đáp ứng nhu cầu vật chất, hoạt động cũng tấp nập tưng bừng như nhau. Trên đời không có nghề thấp nghề cao. Các hoạt động nghề nghiệp tạo ra sản phẩm: Sản phẩm vật chất và sản phẩm tinh thần đều là món hàng để tiêu thụ, đều quí cả, đều có giá trị cả, nhưng không phải là tác phẩm nghệ thuật. Những người sản xuất tốt, bán nhanh bán nhiều, họ được tán thưởng rộng rãi, yêu chuộng khắp nơi, tên tuổi họ có thể nổi lên ầm ĩ, họ thành danh: chúng ta mừng cho họ. Nhưng gia nhập vào hoạt động văn nghệ, vào giới sáng tác, thì cái đóng góp phải là những dạng vẻ đẹp mới, những quan niệm, những đường hướng sáng tạo mới..., là chuyện những người hành nghề kể trên không quan tâm, biết sao!
Hồi nhỏ đi học, có độ tôi đọc André Maurois. Về sau mấy chục năm, hoàn cảnh sinh sống đổi khác, tôi lênh đênh từ cái thích này sang cái thích khác, quên bẵng tác giả xưa. Một hôm sực nhớ đến, tôi lật sách xem ông mất hồi nào. Trong phần “Từ điển các tác giả” của cuốn văn học sử Pháp vừa nói trên đây không thấy tên ông. Tò mò lật qua phần danh biểu, thấy trong suốt cuốn sách sáu trăm trang tên ông chỉ được nhắc lướt qua năm lần, tác giả không hề ngừng lại để nhận xét về A. Maurois được 1 (một) dòng chữ nào! Tôi bùi ngùi. A. Maurois đã viết nhiều, đã có chân trong Hàn Lâm Viện Pháp quốc, đâu phải không thành danh! Ông đã bị xem là không mang đến, không đóng góp được gì thực sự sáng giá cho văn học nghệ thuật chăng? Cái giá trị sáng tạo, cái ấy mới đáng kể. Khổ thân ông.

Trở lại trường hợp mình, tôi không hề dám quên nhiều sót nhiều. Trong bộ Nhà văn hiện đại gồm năm cuốn, số nhà văn được Vũ Ngọc Phan chọn lựa có tất cả 79 vị; thời kỳ văn học được nói đây dài 30 năm. Trong số 79 vị được Vũ Ngọc Phan chọn, về thể loại thơ có 10 thi sĩ. Trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh — sách chỉ chuyên về một thể loại — số tác giả tăng lên hơn gấp bốn lần, tức 46 vị.

Về phần tôi, tôi chỉ nói về nền văn học ở một nửa lãnh thổ Việt Nam, trong một thời kỳ chỉ có 20 năm. Về thơ, được chọn nói đến là 32 vị, về truyện 50 vị, về ký 22 vị, về tùy bút và kịch 14 vị.

Ấy là chuyện nhiều với ít, đủ với sót, quên với nhớ. Còn về chuyện thành danh so với vô danh cũng không hề thiếu trường hợp để suy nghĩ. Hoài Thanh ngồi viết Thi nhân Việt Nam ngay tại Huế, ông quên thế nào được các tên tuổi như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng v.v... đang có mặt bên cạnh mình? Là gạt ra đấy thôi. Trong khi ấy, thi nhân Huế được chọn đưa vào sách là những vị như Thu Hồng, Mộng Huyền, Nguyễn Đình Thư, Thúc Tề: Ngoại trừ Thu Hồng, tất cả đều chưa có tác phẩm xuất bản, có kẻ chưa từng có thơ đăng báo, hay chỉ được đăng chút ít trên các tờ báo địa phương (Tràng An, Sông Hương), bấy giờ chưa ai trong số ấy có thể được bảo là đã thành danh, có người Hoài Thanh nói là chỉ yêu được một bài thơ mà ông khen uể oải trong sáu dòng rưỡi. Cuốn Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942, cụ Ưng Bình qua đời năm 1961, trong ngót hai chục năm cụ không hề lên tiếng phát biểu gì, không góp vào “dư luận” câu thắc mắc nào về cái chọn lựa này. Hoài Thanh có thể không thích thơ các cụ, nhưng không thể không kính trọng phản ứng rất thể thống của họ.

Còn Vũ Ngọc Phan? Những tên tuổi như Nguyễn Bính, Chế Lan Viên đã được Hoài Thanh chọn lựa, ông Vũ vứt phăng đi. Ông rước vào cụ Nam Hương Bùi Huy Cường, tác giả mấy tập Thơ ngụ ngôn, tập Văn cười, và ông khen nức nở.

Giả sử bấy giờ có ai vạch kẽ ra chỗ kém cỏi xoàng xĩnh của loại thơ Nam Hương, so với thơ Nguyễn Bính chẳng hạn để “đánh phá” Vũ Ngọc Phan thì chỉ làm đau lòng cho cụ Nam Hương thôi. Nói qua nói lại, chê tới chê lui thơ cụ, sao nỡ. Còn giữa ông Vũ và “ai” kia thì sự tranh cãi qua lại chưa chắc đã tới đâu, đã làm sáng tỏ cái gì. Bá nhân bá ý thôi. Thời gian trôi qua, không ai nói, chúng ta không khỏi phục thầm là dư luận bấy giờ quả tế nhị.

Liên quan tới chỗ thi sĩ thân hay sơ, có danh với không có danh, Hoài Thanh đã từng kêu: “Nhưng ái ngại hay khinh ghét, khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ. Tôi không hề nghĩ đến danh vọng của người hay của tôi. Danh vọng quí thật, nhưng còn có điều quí hơn danh vọng, quí hơn hết thảy: lòng ngay thẳng, mà ít nhất cũng phải giữ trọn trong văn chương.”

Ấy là khi đề cập đến sự phán đoán khác nhau. Lại còn trường hợp phán đoán nông nổi: dư luận thích người này, Hoài Thanh thích người khác, thế là dư luận chê Hoài Thanh. Bấy giờ Hoài Thanh van nài: “Muốn hiểu rõ tôi có nói đúng hay không bạn phải xem trọn thơ từng người một. Và phải xem kỹ. Hầu hết những bài thơ hay, có đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy hay.” Chưa chắc sự van nài ấy được dư luận cứu xét. Người phê bình chọn lựa không hợp với ý kiến với sở thích mình là nêu ngay ra vấn đề công bằng, thiếu sót, thiếu khách quan. Thiết tưởng một thái độ lấy ngay sở thích của mình làm căn cứ, làm cơ sở để đánh giá việc làm người khác, thái độ ấy lẽ ra phải xem là ít khách quan, ít công bằng nhất. Không phải vậy sao?

Kể ra không phải không làm được một công trình không thiếu sót và không chủ quan về nền văn học thời đại mình. Chẳng hạn soạn một tuyển tập các tác giả một thời bằng cách mằn mò kê ra một danh sách thật đầy đủ những ai có tham gia sinh hoạt sách báo, rồi yêu cầu mỗi người gửi đến ban soạn thảo tuyển tập một tiểu sử, với một tác phẩm của mình do mình chọn, với một bài viết về quan niệm văn chương nghệ thuật của mình v.v... Ban soạn thảo cho in tất cả. Công trình thật đầy đủ, thật khách quan. Nhưng đó không phải là một tác phẩm hoặc phê bình hoặc khảo luận gì cả.

Không thuộc vào những thể loại ấy, công trình nọ vẫn quí, vẫn nên làm, nên lưu giữ cẩn thận. Một dấu chân của con khủng long để lại còn quí thay, còn đóng góp được lắm lợi ích cho sự tìm hiểu cuộc sống, huống hồ những tài liệu có giá trị thống kê với nhiều chi tiết cặn kẽ. Tuy nhiên sách nào nên xếp theo thể loại nấy.

Trong việc nào có tính cách thống kê (không có luận có bình), tôi cố gắng làm được nhiều được đủ. Ở cuốn văn học sử Pháp quốc nói trên có 183 tiểu sử tác giả, ở cuốn Tổng quan trong bộ Văn học Miền Nam, tôi đã đưa ra ngót bốn trăm tiểu sử (trong bản in lần thứ hai có 371 tác giả; trong bản in lần thứ ba sau này có bổ túc thêm). Trong sách Pháp là nói về thời gian văn học hơn nửa thế kỷ (55 năm) trên toàn quốc; trong sách tôi là về thời gian hai mươi năm trên nửa nước. Vì số phận hẩm hiu của một thế hệ chịu nhiều oan khiên, tôi đã làm chuyện quá đáng; sao có thể “đầy đủ” hơn được nữa mà khỏi thành lố lăng?

(b) Giờ chúng ta sang điểm thứ hai của câu hỏi: khen chê thiếu công bằng. Công bằng, chuyện tưởng dễ nhưng lại khó:
Khen Thúy Kiều chê Thị Nở, không phải không công bằng. Khen Thúy Kiều và khen luôn cả Thị Nở, lại không phải là công bằng. Công bằng là khen kẻ đáng khen, chê kẻ đáng chê (hoặc gay gắt hoặc hay không gay gắt). Vấn đề là biết phân biệt người đáng khen cái đáng khen với kẻ đáng chê cái đáng chê. Phê bình văn nghệ, sự phân biệt chỉ căn cứ vào cái đẹp cái xấu, cái hay cái dở. Vậy đây là vấn đề thẩm thức, không phải vấn đề công tâm. “Dư luận” lẫn lộn hai điều ấy. Khen cái dở cái xấu, chê cái hay cái đẹp, là thẩm định sai, thẩm quan kém; chứ không phải là bất công, thiên lệch gì cả. Chữ “gay gắt” gây cảm tưởng là sự thiếu công bình nhằm vào người không phải vào văn, vào tác giả không phải vào tác phẩm. Không ai “gay gắt” với một bài thơ, có chăng là gay gắt đối với một tác giả thiếu cảm tình, ôn tồn đối với một tác giả thân hữu.

Tôi chân thành xác nhận đối với hai vị đã được nêu tên, tôi tuyệt không có một ác cảm nào. Trái lại. Đối với một vị, trong rất nhiều tác phẩm của bà, tôi chọn nói đến tác phẩm thành công, tác phẩm hay nhất. Và nói đến, chủ yếu là để khen, khen những cái mới cái hay đã được đem đến cho ngành tiểu thuyết bấy giờ, do sự can đảm của tác giả. Còn đối với nhà văn kia, vốn là bậc huynh trưởng có tư cách khả kính, tôi vẫn trọng vọng bấy lâu, và đã tự mình xuất bản một trong những tác phẩm đầu của vị ấy gần 42 năm trước đây.

Cái nào nên khen tôi khen, cái nào nên chê tôi chê, tôi khen chê vô tư, theo trình độ nhận thức của mình, xu hướng thẩm quan của mình. Và bây giờ cũng như về sau tôi không bàn cãi về chuyện này bất cứ liên quan đến một tác giả nào khác. Vì lẽ là chuyện rất không nên đem ra bàn cãi.

Trách tôi gay gắt đối với ông này bà kia, vậy tôi phải cố phơi bày thêm nhiều cái xấu cái dở của họ để biện minh cho mình chăng? Ối!

Phàm đã chọn tác giả nào để đưa ra, tìm hiểu, nhận xét trên sách mình, thế là đã yêu thích, đã đánh giá cao tác giả ấy. Lời khen chê thế nào là phải, đến đâu là phải, về chỗ nào là cần: cái ấy mình liệu mà cân nhắc, cái ấy quyết định giá trị của chính mình, không cần biện bạch, không nên biện bạch dông dài khiến có thể gây tổn thương đến văn hữu xa gần.

Ai có kinh nghiệm đều rõ: Đọc sách người hễ gặp được cái hay ho, đắc ý, không gì thú bằng; nói về sách người hễ có dịp nói về những chỗ hợp tình hợp ý mình thì không gì khoái bằng, thì tha hồ hót như khướu, tán rộng huyên thiên, cho thật “đã”. Trái lại khi gặp phải chỗ dở, trái ý mình, không hợp với tạng mình, thì buồn xo, chán ngắt, thì tiu nghỉu như mèo cắt tai. Điều tôi thổ lộ cũng là thiên hạ thường tình thôi. Trên đời, chắc chắn không mấy ai thấy hứng thú khi phải ngừng lại chỗ dở, nêu ra chỗ dở trong văn chương. Phải làm việc ấy, chẳng qua chẳng đặng đừng, chẳng qua là vạn bất đắc dĩ. Chẳng qua công việc nó buộc mình, nhiệm vụ nó bắt mình phải thế thôi.

Viết đã thế, không viết được càng khổ hơn. Mang tác phẩm một tác giả nào về nhà nằm đọc, thoạt tiên là hăm hở. Đọc mãi, càng đọc càng thấy rõ tạng người với tạng mình không hợp nhau. Bấy giờ thật là điêu đứng. Bao nhiêu ngượng ngùng, lo ngại. Tất cả cảm tưởng tội lỗi trút cả lên đầu mình. Đối với những vị thân sơ mà tôi không có cái may mắn cùng nhau cùng gặp được trên một quan niệm thưởng thức văn chương, tôi rất lấy làm tiếc, tiếc vô cùng.

(c)  A! Điểm dư luận này càng rõ là nặng tính giáo dục: Lối viết không thích hợp? Sách lý luận, biên khảo phải có lối viết khác?

Các điểm trên nêu ra những vấn đề thể loại, tiêu chuẩn, tư cách (khách quan, chủ quan) v.v..., tức những bắt bẻ về nội dung. Giờ là bắt bẻ lối viết, tức chuyện hình thức đây.

Hai chữ “lối viết” không rõ nghĩa. Tôi đoán chừng là chỉ vào lời văn chăng.  Đại ý cho rằng sách lý luận biên khảo thì lời văn phải nghiêm chỉnh đứng đắn mới là thích hợp, còn thứ lời lẽ tôi đem ra dùng đây là dùng lộn rồi chăng.

Đoán vậy, hãy cứ tạm trả lời vào cái mình suy đoán thôi; chờ hỏi lại dư luận, biết hỏi vào đâu!

Tôi quả thật chưa được biết viết sách gì thì phải dùng lối viết nào mới là chính thức thích hợp, dùng lối nào thì sai. Phép tắc làm việc thì vẫn có đấy. Thợ máy, muốn mở mỗi loại con ốc phải dùng mỗi loại “lắc-lê”; không thích hợp đố mở được. Ngày xưa, làm văn ở chỗ trường ốc phải đúng lối: kinh nghĩa, chế, chiếu, biểu, thơ, phú, văn sách..., món nào có chỗ dùng nấy, không thích hợp không được.

Nhưng ấy là chuyện khắt khe trong giới hạn thi cử của một thời đã qua. Còn đối với giới cầm bút nói chung mọi nơi mọi thời, trên mọi thể loại, không nghe có sự ràng buộc như thế bao giờ. Sách tôi, đại khái có liên hệ với phê bình và khảo luận, qua loa thôi, nhẹ nhàng thôi. Về phê bình chúng ta đã biết qua giọng văn của Thánh Thán. Thánh Thán là người có cá tính mạnh mẽ; văn ông bản sắc nổi bật lên rõ mồn một không thể lẫn lộn với “lối viết” của ai cả. Thánh Thán bất luận khi viết về rửa ghẻ, về cởi sợi dải thắt lưng, hay về phép trước tác văn chương, đều thoải mái như nhau. Về khảo luận tôi nghĩ tới Vương Hồng Sển. Vương ông có ý thức về văn phong đặc biệt của mình. Ông cười cợt, đùa giỡn trên trang sách; ông viết như ông nói, như trò chuyện trong chỗ thân tình. Sách ông viết xuất bản đã nhiều, phổ biến rộng rãi, tôi bất tất dông dài. Vương ông phân bua: ông “không thích giọng nghiêm”. Cái giọng văn “không nghiêm” của ông, ông gọi nó giọng “bông thùa”, tức cũng như là giọng cà-rỡn. Ông bảo trong Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn: “Cứ để bông thùa, như vậy mà được nhẹ nhàng, mà dễ cởi mở với nhau.” Con người có giọng văn “bông thùa” là người như thế nào? — Là một người đã làm việc với nhân viên và học giả trường Viễn Đông Bác Cổ, đã từng làm Giám đốc viện Bảo tàng, từng giảng dạy ở đại học, và đã cầm bút đến tuổi chín mươi, râu tóc bạc phơ. Vậy thì tôi đòi ra vẻ nghiêm chỉnh đạo mạo hơn ông làm chi, hỡ trời!

Viết bình viết luận, hãy lo viết đúng, lo chi đến cái viết cho nghiêm. Lời lẽ trịnh trọng, nghiêm chỉnh rất mực, mà nói đâu sai đó thì có gì hay?

Vả lại chẳng những tác giả viết luận với bình được bông thùa, mà một nhân vật cao hơn Vương Hồng Sển, hơn Thánh Thán, cao tít mù, là Trang Tử, cũng không hề tự ghép mình vào phép tắc nghiêm túc đâu. Điều Trang Tử viết ra cao hơn cái luận cái bình nghìn lần vạn lần. Ông đâu thèm bình về cái văn của anh nọ chị kia, của người này người nọ; ông đâu thèm khảo luận về nền văn chương học thuật này nọ. Ông nói là nói về lẽ sinh tử ở đời, về lẽ vận hành của vũ trụ càn khôn v.v... Vậy mà giọng ông phóng túng biết bao. Ông kể những cái hoang đường, tưởng huyễn mà thực, tưởng thực mà huyễn; ông dùng ngụ ngôn, trùng ngôn, lại dùng chi ngôn, chuyện thì huyễn hoặc mà ý cao thâm tinh tường... Triết học là chuyện trang nghiêm quan trọng; giọng viết triết học Trang Tử thiếu hẳn tính thích hợp chăng?

Vào thời kỳ xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm, trên báo Nhân Văn ông Như Mai có đưa ra nhân vật Nghiêm Văn Túc, trên báo Giai Phẩm Mùa Thu ông Trần Lê Văn có đưa ra nhân vật Lê Hùng Tiến, rất hi vọng có lối phát ngôn thích hợp. Nhân vật Lê Hùng Tiến được mô tả “người anh khô đét lại, thẳng đờ như một cái áo quan, mắt chỉ biết trợn chứ không biết nhìn (...) hai hàm răng xít lại, dù có cạy cũng chẳng ra một nụ cười”. Thế thì bông thùa thế nào được, bảo đảm trăm phần trăm: khảo bình tha hồ nghiêm túc, giọng văn tha hồ thích hợp.

Đến đây, tôi giật mình. Đáp lời phỏng vấn của quí báo, giọng tôi ban đầu dè dặt ôn tồn, dần dần tự nhiên đổi ra thân mật, rồi sau lại chuyển thành bông thùa, suồng sã. E không còn thích hợp nữa chăng. Vậy nên kết thúc cho kịp thời.

Vả lại dù là lịch sử văn học, hay biên khảo văn học hay phê bình văn học... là gì nữa, thì sách viết ra cũng để dùng một thời thôi. Rồi sách sẽ bị vượt, sẽ có sách khác thay thế, kế tục. Sách sử quan trọng của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên..., ra đời; sau đó bao nhiêu sách lịch sử khác kéo nhau tiếp tục không ngừng. Mãi vẫn còn phải tìm hiểu thêm viết thêm, còn lâu mới đủ sáng tỏ mọi điều: các vua Hùng có hay không có? mỗi vua sống được mấy trăm năm? vú bà Triệu Ẩu đích thực dài đúng mấy thước? v.v. và v.v... Sử ký Tư Mã Thiên là sách quí tuyệt vời. Sau nó, lịch sử Trung Quốc vẫn phải viết đi viết lại mãi. Mỗi khai quật di chỉ đưa ra ánh sáng một cái mới, mỗi sử quan mới xuất hiện lại đưa ra một cách nhìn khác về quá khứ v.v... Tác giả cứ đeo theo tác phẩm của mình để bênh vực nó, có làm mãi được đâu. Tác giả lẽo đẽo làm vệ sĩ cho tác phẩm mình là cảnh lố bịch.

Vừa rồi là nói chung về số phận của sách xưa nay. Sách tôi đâu được vậy. Sách tôi, tệ hơn nhiều. Sách, ngay khi mới viết đã chậm trễ: quan niệm phê bình trong ấy so với trào lưu mới trễ gần một thế kỷ. Giới phê bình chuyên nghiệp không khỏi cười cho. Vậy tại sao tôi không viết theo... kiểu mới? — Ối, tôi mà viết Phê Bình Mới (hay viết theo bất cứ một trường phái phê bình nào cấp tiến hơn)! Tôi mà chạy việt dã trên cánh đồng Phê Bình? Những ông Đặng Tiến, Nguyễn Hưng Quốc... sẽ lăn ra cười ngất. Tôi đã quá quen thuộc, thấm nhiễm thẩm quan một thời qua, tim óc đã dính liền với một cung cách thưởng thức văn chương của thế hệ mình rồi. Uốn nắn làm sao được nữa. Vả lại bản tâm mình chỉ muốn gợi lại một nền văn học mất tích đã mang theo nhiều kỷ niệm thân thiết của mình; sở học tới đâu mình làm tới đó, thời đại nó đã uốn mình theo hướng nào mình làm theo hướng nấy thôi. Đua đòi bôi bác, không nên. Còn như chờ mình tự đổi mới theo đúng kiểu rồi mới bắt tay vào việc thì còn thì giờ đâu nữa. Thôi thì cái mới sẽ có người mới làm. Lo gì.

Huống chi sách mình số mệnh đa đoan. Mười bốn năm trước, nghe hình như đã có gã vô danh nhảm nhí nào đó phát ngôn vu vơ, đại khái : “Thi phú làm ra để vịnh hoa xuân lá thu, vịnh cây quạt cây đa... thơ phú ấy nếu hay thì được truyền tụng nếu dở sẽ bị vất đi là rồi. Còn như viết cái gì có liên quan đến kẻ khác, có chê khen người nọ người kia, thì bị mắng mỏ tưng bừng là cái chắc.” Chỉ viết ra đã thế, lại còn đeo theo lải nhải, nhất định càng nhảm nhí hơn.

Bởi vậy thiết tưởng nên dừng nơi đây. Đối với quí báo, xin cảm tạ hảo ý đã cho cơ hội bộc bạch. Đối với riêng mình, tôi nhân dịp này có lời tự nhủ. Nhủ rằng:
“Kiếp sau chớ khảo chớ bình
Làm cây Dư Luận chình ình (giữa) thế gian.
Tha hồ quậy dọc quơ ngang.”

4 - 2000

Bài phỏng vấn này do tạp chí Văn Học thực hiện, đã đăng lần đầu trên Văn Học số 169, tháng 5 năm 2000.


Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Bauxite Việt Nam - Lại một bước lấn tới hết sức trắng trợn của Trung Quốc tại Biển Đông


Theo tin nóng mà cộng tác viên của BVN, ông Nguyễn Thái Sơn vừa chuyển đến cho chúng tôi thì Luật sư Vũ Đức Khanh mới gửi một Thông báo về việc Hoa Kỳ triệu tập Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ mối quan ngại trước việc Trung Quốc cho in bản đồ có hình bản đồ lưỡi bò phi pháp trên loại hộ chiếu phổ thông gây căng thẳng cho nhiều nước ở vùng Đông Nam Á và cả châu Á Thái Bình Dương. Cũng trong buổi đối thoại này, Hoa Kỳ còn phản đối việc Trung Quốc tự ý cho mình quyền khám xét tàu thuyền qua lại trên biển Đông kể từ ngày 1-1-2013 trở đi. Thông báo như sau: 
THÔNG BÁO
Theo một nguồn tin giấu tên từ BNG Hoa Kỳ cho biết chiều nay 29/11 vào lúc 3:30 pm Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell sẽ có buổi làm việc riêng với Đại sứ TQ tại Mỹ ông Zhang Yesui tới BNG. Nói đúng hơn là BNG HK đã triệu tập Đại sứ TQ đến để (1) nêu quan ngại và tìm lời giải thích của TQ về vụ "hộ chiếu lưỡi bò" và; (2) HK cũng sẽ đưa lời phản đối việc TQ cho phép từ 1/1/2013, cảnh sát tỉnh Hải Nam sẽ “lên tàu và khám xét” thuyền bè nước ngoài qua lại khu vực tranh chấp trên biển mà Trung Quốc coi là ‘lãnh hải’ của họ ở Biển Đông. Đối với HK, hành động này biểu hiện sự "leo thang không cần thiết" và HK vô cùng quan ngại đến sự "tự do lưu thông hàng hải" trong khu vực. HK nhấn mạnh "tự do lưu thông hàng hải" là "quyền lợi quốc gia" của HK như lời của Ngoại trưởng Hillary Clinton đã từng tuyên bố: "The U.S. has a national interest in the maintenance of peace and stability, respect for international law, freedom of navigation, unimpeded lawful commerce in the South China Sea”.
Theo nguồn tin trên thì hiện giờ đã lưu hành tại BNG HK một bản thảo của một "Press Release" mà BNG HK sẽ đưa ra sau buổi họp chiều nay với Đại sứ Zhang với nội dung được cho là "mạnh mẽ" nhất từ phía HK từ trước giờ.
Chúng tôi sẽ cập nhập thông tin vào thời điểm thuận lợi nhất.
Trân trọng.
LS Vũ Đức Khanh

Rõ ràng Hoa Kỳ đã rất nhạy bén trước âm mưu mới hết sức nguy hiểm và cũng là một hành vi cực kỳ láo xược của bọn cộng sản Trung Hoa. Hàng trăm trí thức và nhân dân Việt Nam vừa ký vào bản Tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc dùng chiêu in “bản đồ lưỡi bò” trên hộ chiếu mới cấp cho người dân nước chúng để hăm dọa các nước có chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trên những vùng mà lưỡi bò của bè lũ Tập Cận Bình thè tới. Chắc chắn bước đi mới này của lũ quỷ khốn nạn đó sẽ còn làm nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước Đông Nam Á như Philipinnes, Malaysia... căm giận ngút trời. Không chỉ thế, đây là một sự thách thức với cả thế giới, ít ra là với những nước có giao thương đường biển tới Đông Nam Á và Đông Á. Như ngọn lửa phụt lên từ chiếc nồi sup-de, phản động lực của cả vùng Biển Đông, cả vùng châu Á Thái Bình Dương sẽ chuyển sang một hình thái gay gắt như thế nào, chúng ta chưa thể nào lường hết.

Trở lại với Việt Nam, đến nước này mà người cầm chịch đất nước vẫn giữ nguyên đường lối hữu hảo lịch sự – thực chất là cúi đầu – trước bọn cầm quyền Bắc Kinh, ra sức cung cúc thực hiện mấy phương châm nhảm nhí “4 tốt” và “16 chữ vàng” mà bọn chúng xỏ xiên ban cho, thì có lẽ mọi sự không thể nào như cũ. Trong tâm lý toàn thể dân chúng – tức tâm lý đám đông, Psychologie des foules, một khái niệm mà Gustave Le Bon (1841 - 1931) đề xuất, như một hiện tượng xã hội tuyệt không thể xem thường – chắc chắn có một chuyển biến mau lẹ, và những trò diễn mà lâu nay mọi người vẫn cố bấm bụng để xem như một “chính kịch” sẽ đến lúc hoàn toàn biến thành... một tấn đại bi hài kịch với những trận khóc cười xen nhau đến vỡ bụng.
Bauxite Việt Nam

1. Trung Quốc tự cho quyền chận bắt và trục xuất tàu nước ngoài tiến vào Biển Đông

Trọng Nghĩa 


Tàu hải giám Trung Quốc số 84 và số 17 trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 26/05/2011 ngoài khơi tỉnh Phú Yên (miền Trung Việt Nam) - Reuters/Petrovietnam

Mối lo ngại về nguy cơ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông bị tham vọng chủ quyền của Trung Quốc giới hạn như vừa được chính nước này xác nhận. Theo báo chí Trung Quốc, vào hôm nay, 29/11/2012, tỉnh Hải Nam, địa phương được Bắc Kinh trao quyền quản lý Biển Đông, vừa thông qua các quy định mới cho phép cảnh sát biên phòng quyền «lên tàu, tịch thu giữ và trục xuất các tàu ngoại quốc xâm phạm trái phép vùng biển của tỉnh». Quyết định này bị coi là một động thái mới của Trung Quốc trong mưu toan độc chiếm Biển Đông.

Theo nhật báo Anh ngữ China Daily, sau khi được tỉnh Hải Nam thông qua vào hôm thứ Ba, 27/11, hệ thống quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Sắp tới, tỉnh Hải Nam sẽ công bố toàn bộ các quy định.

Trước mắt, báo chí Trung Quốc tiết lộ, trong số các hoạt động bị coi là trái phép, có việc xâm nhập vùng biển của tỉnh mà không có phép, dừng lại hay thả neo bất hợp pháp, phá hoại các hệ thống bảo vệ bờ biển… và «thực hiện các chiến dịch quảng cáo gây nguy hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc».

Bình thường ra, các quy định trên đây không có gì đáng nói. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là tỉnh Hải Nam chính là địa phương nơi chính quyền Trung Quốc vừa cho thành lập đơn vị hành chánh «Thành phố Tam Sa», có trách nhiệm quản lý hầu như toàn bộ vùng Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc quyền sở hữu của họ, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan.

Nói cách khác, phạm vi hoạt động của cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam bao trùm một diện tích khoảng 2 triệu cây số vuông biển đảo, bao trùm các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Trung Sa.

Khi được hỏi về sự kiện này, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm nay đã khẳng định : «Đó là quyền hợp pháp của một Nhà nước có chủ quyền để thực hiện công việc quản lý hàng hải».

Còn Hoàn cầu Thời báo thì dẫn lời ông Lý Triệu Kiệt (Li Zhaojie), một Giáo sư tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), dự đoán rằng các quy định mới được thông qua có thể dẫn đến việc thực thi chặt chẽ quyền trục xuất tàu ngoại quốc bị cho là thâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ của Trung Quốc.

Theo vị Giáo sư này, đó là các quyền được một công ước Liên Hiệp Quốc thừa nhận: «Trong quá khứ, khi tàu nước ngoài vi phạm công ước Liên Hiệp Quốc, điều tốt nhất mà lực lượng tuần tra có thể làm là đuổi họ ra khỏi vùng biển của Trung Quốc. Quy định mới sẽ thay đổi tình trạng này, và cung cấp cho lực lượng tuần tra phương tiện pháp lý để thực sự làm công việc của mình».

Báo China Daily còn tiết lộ là Lực lượng Hải giám Trung Quốc có kế hoạch cử thêm tàu tuần tra xuống Biển Đông.

Theo giới quan sát, quyết định tự cho quyền chặn bắt các tàu ngoại quốc đi vào vùng lưỡi bò mà Bắc Kinh đòi chủ quyền là một hành động leo thang mới của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, sẽ làm tình hình căng thẳng thêm lên.

Động thái này nối tiếp theo một hành đông bị coi là khiêu khích khác: Thể hiện các yêu sách chủ quyền trong hộ chiếu mới, trong đó có việc in tấm bản đồ 9 đường gián đoạn. Hành vi này ngày càng bị nhiều nước phản đối.

T.N. Nguồn: Viet.rfi.fr

2. TQ sẽ khám tàu nước ngoài ở Biển Đông?

'TQ đã có nhiều tàu hải giám hoạt động tại Biển Đông và Hoa Đông

Cảnh sát Hải Nam đã được trung ương trao quyền ‘khám xét tàu thuyền’ đi vào vùng mà Trung Quốc coi là ‘lãnh hải’ của họ ở Biển Đông.

Các hãng thông tấn nước ngoài từ Bắc Kinh hôm 29/11/2012 cho hay từ 1 tháng 1/2013, cảnh sát tỉnh Hải Nam sẽ “lên tàu và khám xét” thuyền bè nước ngoài.

Họ cũng sẽ cầm giữ tàu thuyền mà phía Trung Quốc cho là “vi phạm lãnh hải” của Trung Quốc.

Cho tới nay, các nguồn nước ngoài đều trích dẫn bản tiếng Anh của báo Trung Quốc, tờ China Daily nói các quy định mới cho phép Hải Nam thực hiện việc khám xét và bắt giữa tàu thuyền nước ngoài từ năm mới.
Tuy vậy, hiện không rõ Trung Quốc muốn nói đến cả các tàu khách và tàu hàng hay các loại tàu thuyền nào nữa.

Dù thế, hãng tin Reuters khi đưa tin này đã viết đây là động thái có thể sẽ làm tăng thêm căng thẳng trong vùng biển ‘Nam Trung Hoa đang tranh chấp’.

Trang của SkyNews ở Anh thì đăng tấm bản đồ ‘lưỡi bò’ với chú thích hiện Trung Quốc ‘đang đòi chủ quyền gần hết biển Nam Trung Hoa’.

SkyNews cũng nói họ nhìn thấy ảnh vệ tinh ghi nhận các hoạt động xây cất của cả Trung Quốc và Philippines đang tăng mạnh ở một hòn đảo thuộc Trường Sa.

'Thật là quá thể'
"Nếu đúng thế thì đây sẽ là lo ngại cho Philippines và cộng đồng quốc tế"-Raul Hernandez
Bài của phóng viên Mark Stone từ Bắc Kinh nói tuy các chuyên gia không lo sợ sẽ có xung đột quân sự ngay lập tức tại khu vực Biển Đông, hoạt động ‘gần sát nhau’ của hải quân các nước có thể làm nổ ra vấn đề nghiêm trọng hơn.

Báo chí quốc tế cũng nói Trung Quốc sẽ “thay thế các tàu hải giám mới” để hoạt động trong vùng biển Đông và Hoa Đông, nơi hiện họ có tranh chấp với Nhật Bản về Điếu Ngư/Senkaku.

Reuters hôm 29/11 trích lời giới chức Philippines nói hành động của Trung Quốc từ năm 2013 sẽ “vi phạm quyền hàng hải quốc tế”.


Tàu cá của Trung Quốc tại vùng Trường Sa

Trung Tướng hải quân Juancho Sabban nói:
“Thật là quá thể. Trong khi chúng tôi đang tìm mọi biện pháp hòa bình thì họ lại làm thế”.

Còn ông Raul Hernandez, phát ngôn viên cho Bộ Ngoại giao Philippines thì nói Bộ của ông còn đang kiểm chứng tin báo chí về quy định mới của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông nói, nếu đó là sự thật thì “đây sẽ là lo ngại cho Philippines và cộng đồng quốc tế”.

Cho đến chiều 29/11 giờ Hà Nội, chưa thấy giới chức Việt Nam lên tiếng về chuyện này.

Động thái mới đây nhất của Trung Quốc cho in đường lưỡi bò trong hộ chiếu điện tử mới cấp cho công dân họ đã gây ra phản đối và hành động đáp trả của nhiều nước châu Á, gồm cả Việt Nam.

Trong những năm qua, đã nhiều lần Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên Biển Đông thuộc vùng gần Hoàng Sa và có lúc đòi tiền chuộc rồi mới thả họ về.

Nhưng chuyện công bố để cảnh sát Hải Nam lên tàu và khám xét là diễn biến mới.

Nguồn: bbc.co.uk
Đăng lại từ Bauxite Việt Nam