Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012
Thùy Linh - BÊN KIA LÀ CUỘC SỐNG, LÀ CON NGƯỜI
Thùy Linh
Natalia Pereverzeva
1. Mấy hôm nay dân cư mạng hào hứng chia sẻ bài viết về cô gái đại diện cho nhan sắc nước Nga tại cuộc thi sắc đẹp Hoa Hậu trái đất 2012 ởPhilippines. Các lời tán dương dành cho cô không tập trung vào sắc đẹp mà là câu trả lời cho đêm chung kết đêm 24/11. Cô là Natalia Pereverzeva. Báo Tuổi trẻ có bài viết: “Khi người đẹp không sáo rỗng” nói về cô.
Trả lời câu hỏi điều gì ở nước Nga khiến cô tự hào, Natalia nói: “Nước Nga của tôi đầy ánh sáng, ấm áp và yên bình. Thật dễ ngủ vào mùa đông dù bên ngoài là những cơn bão tuyết lạnh giá. Nước Nga của tôi, là nơi có những con bò thú vị với đôi mắt to, chiếc sừng ngộ nghĩnh và luôn miệng kêu to ò ò…Và sữa của chúng thật là tuyệt vời”. Không dừng ở tả cảnh đất nước, cô tiếp tục: “Nhưng nước Nga của tôi cũng là sự nghèo nàn của tôi, một đất nước với nhiều tổn thương, nhiều người không trung thực, không đáng tin. Nước Nga của tôi thật sự giàu có, sự giàu có của vài người được chọn lựa. Nước Nga của tôi là một kẻ ăn xin, không thể giúp những người già và trẻ mồ côi. Vì thế đã xảy ra hiện tượng chảy máu chất xám, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo đang cố gắng chạy trốn, bởi họ không có gì để tồn tại”…
Phát biểu này ngay lập tức lan nhanh trên mạng với hàng loạt ý kiến chỉ trích cô quay lưng với quê nhà. Nhưng rất nhiều người khen ngợi cô đã rất trung thực, thẳng thắn.
Bài phát biểu của Natalia kết thúc rằng: “Nhưng dù thế nào tôi vẫn tự hào về đất nước tôi. Tôi rất hạnh phúc được là công dân Nga... Tôi tự hào quê hương đã cho tôi lòng thương xót, chủ nghĩa anh hùng, lòng can đảm, sự siêng năng, cho tôi những di sản thế giới, giúp tôi hiểu rằng con người có thể sống vì người khác. Tôi tin rằng mỗi người sống ở Nga nên xác định trách nhiệm của mình với tổ quốc. Mỗi người phải tham gia và chủ động thể hiện lập trường của mình... Chỉ có chúng ta mới có thể cải thiện tình hình. Chúng ta phải học cách thể hiện bản thân và cho mọi người thấy những điều tốt đẹp nhất của người Nga. Chúng ta nên cố gắng không chỉ để mưu sinh mà còn để phát triển bản thân, đọc sách, nghe nhạc và quan tâm đến thành tựu khoa học, chính trị; để giao tiếp với những người tốt, phát triển sáng tạo và mang đến điều tốt đẹp, tạo nên một thế giới mới... Khi chúng ta nghiêm túc bắt đầu vun trồng và chăm sóc thì đất nước của chúng ta sẽ nở hoa và tỏa sáng rực rỡ”.
Natalia chỉ vào vòng 8 thí sinh của cuộc thi loại từ 16 thí sinh đẹp nhất, nhưng những gì cô thể hiện qua bài phát biểu thì thành công hơn thế. Người nghe có thể cảm nhận rõ, ngoài sự trung thực, là cảm xúc trí tuệ rung lên trong lồng ngực cô gái trẻ. Chính cảm xúc này mới khiến con người thành công trên đường đời chứ không phải IQ quyết định.
Cùng lúc đó ở Việt Nam, ngày 26/11 có Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 4. Báo Dân trí đăng lại tin của TTXVN tường thuật về Hội nghị này nhấn mạnh lời phát biểu của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Đây là dịp để các nhà khoa học nói chung và Chính phủ Việt Nam nói riêng chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm phát triển, các tri thức mới về một đất nước Việt Nam không ngừng phát triển dựa trên thế và lực mới; góp phần làm cho thế giới biết đến Việt Nam không chỉ như một tấm gương về đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều công trình văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa nổi tiếng, có khả năng chinh phục những đỉnh cao của khoa học, mà còn là một Việt Nam hội nhập và phát triển thành công”.
Bao nhiêu người tin rằng, Việt Nam đang hội nhập và phát triển thành công? Đành tặc lưỡi, sự giả dối, bấp chấp dư luận đã được cấp môn bài nên lưu hành công khai trên toàn quốc là lẽ đương nhiên…
2. Cô gái 12 tuổi khiến thế giới phải im lặng trong 6 phút: “Xin chào. Tôi là Severn Suzuki (*), đại diện cho ECO, Tổ chức trẻ em vì môi trường. Chúng tôi là nhóm người từ 12 đến 13 tuổi đang cố gắng tạo nên một vài thay đổi Venessa Suttie, Morgan Geisler, Michenlle Quigg và tôi. Chúng tôi đã tự nguyện quyên tiền, đi bộ 8000 cây số đến đây để nói với người lớn các vị rằng, các vị phải thay đổi. Chúng tôi đến đây không có mục đích nào khác ngoài việc đấu tranh cho tương lai của chính mình. Đánh mất tương lai không giống như đánh mất chiếc ghế trong bầu cử hay trượt một vài điểm trên sàn chứng khoán. Tôi ở đây lên tiếng cho thế hệ mai sau, lên tiếng cho những trẻ em chết đói trên khắp thế giới cất tiếng khóc mà không ai nghe thấy, lên tiếng cho vô vàn động vật đang chết dần trên trái đất này vì chẳng còn nơi sinh sống. Giờ tôi sợ phải bước đi dưới ánh mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng ozon. Tôi sợ phải hít thở vì không biết không khí chứa những hóa chất nào. Tôi vẫn thường đi câu cá cùng ba tôi ở Vancouver quê hương tôi. Vài năm trước khi tôi biết lũ cá đang đầy bệnh tật. Ngày ngày chúng ta vẫn nghe những tin về các loài động thực vật đang dần tuyệt chủng và biến mất mãi mãi. Tôi luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm, rừng nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng giờ tôi lại tự hỏi, liệu con cái chúng tôi có còn cơ hội được thấy chúng nữa không? Hồi bằng tuổi tôi các vị có phải lo lắng về những điều này không? Mọi chuyện đang diễn ra rành rành trước mắt nhưng các vị lại hành động như thể chúng ta vẫn còn đủ thời gian và biện pháp hữu hiệu. Tôi chỉ là một đứa trẻ và không nghĩ ra được giải pháp. Nhưng tôi mong các vị nhận ra chính các vị cũng thế. Các vị không biết cách vá lại các lỗ hổng trên tầng ozon. Không biết cách mang cá hồi về các dòng suối cạn khô. Không biết cách làm sống lại các động vật đã tuyệt chủng. Các vị cũng không thể biến những cánh rừng giờ đã hóa sa mạc xanh tươi trở lại. Một khi không biết cách phục hồi, xin các vị đừng tàn phá nữa. Các vị ở đây có thể đại diện cho chính phủ, doanh nhân, nhà tổ chức, phóng viên hay chính trị gia. Nhưng thật ra các vị là bố mẹ, anh chị, cô chú, và tất cả các vị đều là con người. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, chúng ta đều là một phần của đại gia đình của 5 tỷ người. Thực tế là của hơn 30 triệu giống loài. Biên giới hay chính phủ cũng không thể thay đổi được. Tôi là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, chúng ta đều có phần trách nhiệm và nên cùng hợp tác hành động hướng về một mục tiêu chung. Giận dữ không làm tôi mù quáng. Dù sợ hãi tôi cũng không ngần ngại nói với cả thế giới những gì mình nghĩ. Ở đất nước tôi, chúng tôi thải ra quá nhiều rác. Chúng tôi mua rồi lại vứt đi. Cứ mua rồi lại vứt đi. Các nước giàu khác cũng không bao giờ chia sẻ cho người nghèo ngay cả khi thừa thãi. Chúng ta vẫn không muốn chia sẻ, chúng ta sợ phải cho đi một chút của cải. Chúng tôi sống cuộc sống sung túc ở Canada, chẳng thiếu nước, thức ăn hay nhà ở. Chúng tôi có đồng hồ, xe đạp, máy tính, tivi, ít nhất cho đến hai ngày trước đây. Hai ngày trước đây ngay tại Brazil này, chúng tôi đã sốc khi sống với những đứa trẻ đường phố. Một bạn đã nói với tôi thế này: “Tớ ước mình thật giàu có. Được vậy tớ sẽ cho tất cả trẻ em đường phố quần áo, thức ăn, thuốc thang, nhà ở và cả tình thương nữa”. Khi một đứa trẻ đường phố không có cái gì trong tay lại sẵn sàng chia sẻ với người khác, thì tại sao chúng ta, những người có tất cả lại tham lam đến thế? Tôi không thể không nghĩ tới việc những đứa trẻ này chỉ bằng tuổi tôi thôi. Chỉ sinh ra ở những nơi khác nhau mà cuộc sống của trẻ em lại khác biệt nhiều đến thế? Tôi đã có thể là một trong những đứa trẻ ở Favellas, Rio. Tôi đã có thể là một đứa trẻ ở Somalia. Một nạn nhân của chiến tranh Trung Đông. Hay một người ăn xin ở Ấn Độ. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, nếu số tiền dùng để cung phụng chiến tranh kia được dùng vào việc tìm kiếm cho các giải pháp về các vấn đề môi trường, chấm dứt đói nghèo đi tới các hiệp ước thì trái đất này tuyệt vời biết nhường nào. Ở trường học ngay từ lớp mẫu giáo, người lớn vẫn dạy chúng tôi cách cư xử đúng mực, các vị dạy chúng tôi không được đánh nhau, phải cố gắng tìm ra các giải pháp, tôn trọng mọi người, sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra, không làm hai các sinh vật khác, phải biết chia sẻ chứ đừng tham lam. Tại sao các vị lại làm những việc mà các vị dạy chúng tôi không nên làm? Xin đừng quên lý do các vị tham gia hội nghị này, các vị làm việc này vì ai? Lớp trẻ chúng tôi là con cháu các vị. Chính các vị là người quyết định con cháu mình sẽ lớn lên trong một thế giới như thế nào? Dĩ nhiên bố mẹ sẽ an ủi con cái rằng, mọi chuyện sẽ ổn thôi, đây không phải là ngày tận thế đâu, và bố mẹ sẽ làm tất cả những gì tốt nhất có thể. Nhưng tôi không nghĩ giờ đây các vị còn có thể nói như vậy? Liệu chúng tôi còn nằm trong danh sách ưu tiên của các vị? Ba tôi luôn nói: hành động tạo nên con người chứ không phải lời nói. Vâng, những gì các vị làm khiến tôi khóc hằng đêm. Các vị luôn nói rằng các vị yêu chúng tôi, nhưng tôi xin thách thức các vị, hãy làm đúng những gì đã nói. Xin cám ơn”.
Đoàn Trương Anh Thư và mẹ
-Sau Suzuki 20 năm, tại thời điểm này có một em bé tên là Đoàn Trương Anh Thư, con bà Trương Thị Quí, từ lúc ra đời đã theo mẹ ra Hà Nội khiếu kiện đến giờ đã 8 năm. Tròn 8 năm em cùng mẹ sống trên đường phố…
(FB: NLT)
20 năm để Suzuki từ cô bé 12 tuổi trở thành bà mẹ, nhà hoạt động môi trường nổi tiếng thế giới. Cũng 20 năm ấy, Việt Nam đã làm được gì? Đất nước tôi là ai giữa thế giới này?
----
(*) - Cullis-Suzuki được sinh ra và lớn lên ở Vancouver. Mẹ cô là nhà văn Tara Elizabeth Cullis. Cha, nhà di truyền học và nhà hoạt động môi trường David Suzuki. Khi mới 9 tuổi, cô thành lập Tổ chức trẻ em vì môi trường (ECO). Năm 1992, 12 tuổi, Cullis-Suzuki cùng với các thành viên ECO gây quĩ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro. Severn đã kết hôn và sống với chồng và hai con ở Haida Gwaii, British Columbia.
Ghé thăm các blogs: 29/11/2012
BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT
2:52 ,Thứ tư 28 Tháng mười một, 2012 | Đăng bởi truongduynhat
Lại thêm những lời nói hay, rất hay của ông Trương Tấn Sang. Nhưng giờ đây, nhưng lời nói hay ấy đã không còn hay nữa.
Báo chí lại ngập tràn những lời nói hay của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông khuyên nhủ: “Vì cái ghế, chế độ sẽ suy vong”. Ông phê bình báo chí và nhân dân “làm gì cũng sợ hết thì chịu thôi”. Thế nhưng nghịch thay, chính ông, đến cái tên một Ủy viên Bộ Chính trị bị đề nghị kỷ luật cũng không dám nêu, phải gọi trại là “đồng chí X”. Nói về “lợi ích nhóm”, ông bảo “dễ ẹt, không cần đại học, chỉ cấp 1 thôi cũng trả lời được”. Nhưng rồi chính ông lại không dám trả lời. Hóa ra ông… thua kém cả “đứa” cấp 1 sao?
Hơn một lần tôi đã “khuyên” ông: Đừng nói nữa, hãy hành động! Nhưng ông đã làm được gì ngoài những lời nói hay?
Giữa một đội ngũ ai ai cũng sợ sệt đến câm lặng, ông nổi lên như một hiện tượng dám nói và nói hay, dám nói đụng cả những vùng nhạy cảm xưa nay chưa ai dám nói.
Đã có người cho ông là một Gorbachev, người thì gọi ông là một “Boris Yeltsin mới” với nhiều kỳ vọng chuyển thay.
Nhưng chẳng có chuyển thay nào ngoài những lời nói. Đến nay, và tôi chắc là mãi mãi về sau, dân tình vẫn chỉ có thể nhắc về ông, nhớ đến ông như một vị Chủ tịch dám nói- Thế thôi, chấm hết!
Mà ngồi ghế Chủ tịch nước thì không chỉ để nói hay. Và cho dù ông có tiếp tục nói hay bao nhiêu đi nữa thì những lời nói hay đó đã không còn hay nữa.
BLOG J.B NGUYỄN HỮU VINH
Mấy hôm nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới xôn xao về tấm hộ chiếu Trung Cộng vẽ đường lưỡi bò chiếm 80% Biển Đông, phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ, Đài Loan, Nam Hàn vào hộ chiếu cấp cho công dân họ đi khắp thế giới. Đây là một đòn bẩn, nhằm buộc các nước vào thế khó, nếu đóng dấu chứng thực vào tấm hộ chiếu này, nghĩa là công nhận phần lãnh thổ tham vọng đó thuộc Trung Cộng.
Nói đến những đòn bẩn của anh bạn 16 chữ vàng và 4 tốt của đảng và nhà nước ta, thì kể suốt ngày không hết. Không chỉ chuyện bây giờ mà từ ngàn xưa đến nay vẫn thế, ai mà không biết. Dù với thời đại nào, chính thể nào ở Trung Hoa, thì âm mưu bành trướng bá quyền vẫn là một hằng số, không thay đổi. Vấn đề biết vậy, nhưng hành động với nó ra sao, là điều cần bàn.
Tấm hộ chiếu bành trướng vẽ đường lưỡi bò.
Khắp nơi trên thế giới, những phản ứng mạnh mẽ đã được đưa ra: Ấn Độ quyết định cấp thị tờ thực khẳng định phần lãnh thổ tranh chấp là của mình. Còn Philippines thì Bộ trưởng Ngoại giao chính thức gửi công hàm ngoại giao đến Bắc Kinh và gọi bản đồ là “tuyên bố vô lý về không gian hàng hải và là vi phạm luật pháp quốc tế”. Ngoài ra, còn Đài Loan cũng lên tiếng phản đối điều này.
Ở Việt Nam, người dân mới tá hỏa tam tinh chỉ biết tin đó khi Người phát ngôn BNG trả lời câu hỏi của một phóng viên tọc mạch về cái hộ chiếu bành trướng. Thậm chí, còn được nghe rằng đã gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Thế rồi báo chí tung tin rằng “cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã đóng dấu hủy vào 111 hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in hình đường lưỡi bò khi nhập cảnh vào VN”. Thực chất là chỉ đóng dấu hủy vào những thị thực mà Việt Nam đã cấp, đã dán vào cái hộ chiếu có hình lưỡi bò, chứ đâu dám đóng dấu hủy vào hộ chiếu của anh bạn vàng (!)
Thậm chí, ngày hôm nay, báo chí Việt Nam còn hớn hở đưa tin “Mỹ không chứng thực hộ chiếu “đường lưỡi bò” của Trung Quốc”. Nhưng thực chất chỉ là ‘Mỹ không thừa nhận “lưỡi bò” trên hộ chiếu TQ” chứ không phải không cấp thị thực như báo chí đã loan tin trước đó.
Thực ra, anh bạn vàng thâm hiểm phương Bắc đâu cần sự công nhận ngay bằng lời của Mỹ, Anh hay Pháp hoặc bất cứ nước nào. Nó cứ âm thầm để đó, đến một lúc nào đó cần thiết sẽ đưa ra lu loa rằng anh đã đóng dấu vào đây là công nhận cái này. Bài học về công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng vẫn còn đó. Mà việc này, đâu có ảnh hưởng gì đến Mỹ mà Mỹ phải không chứng thực. Những kẻ mất nhà, mất nước hẳn hoi còn ú ớ không dám kêu lên, thì vạ gì nước Mỹ phải làm điều đó?
Thế rồi, báo chí “lề trái” lại tọc mạch khui ra rằng cái hộ chiếu bành trướng đó, Trung Cộng đã thực hiện từ đời tám hoánh nào rồi, tức là cách đây tận nửa năm.
Cảm giác gì với tấm hộ chiếu bành trướng?
Những người hô Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam đã bị coi là “thế lực thù địch” của nhà nước(!)
Thử nghĩ xem, khi một tên cướp đến nhà bạn, mang trên tay tờ giấy xác nhận ngôi nhà, mảnh vườn ông cha bạn để lại và hiện bạn đang ở là của nó. Bạn sẽ nghĩ gì và bạn sẽ làm gì? Nếu không thẳng tay tát vào mặt nó, thì ít nhất bạn sẽ xé nhỏ tờ giấy vứt vào mặt nó, đuổi thẳng cổ nó ra khỏi cửa mà rằng:“Cút ngay, bọn ăn cướp”.
Ở đây, mấy tháng qua, nhà nước ta vẫn để những kẻ đó vào đất nước mình, nghêng ngang đi lại như không. Động tác chỉ có thể làm là cấp một tờ thị thực rời khác cho chúng vào ra mà thôi. Còn mọi thông tin khác thì bịt mất.
Trong nửa năm qua, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung cộng, các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng nghĩ gì khi cầm trên tay tấm bản đồ hình lưỡi bò để đóng dấu xác nhận lên đó khi người Trung Quốc đưa đến cho họ? Họ có thấy vinh quang khi Tổ Quốc đang ngang nhiên bị cướp trắng trợn bằng văn bản trước mặt mình? Nếu họ thấy căm phẫn, bất bình chắc chắn sẽ không phải đến tận bây giờ nhân dân mới biết được âm mưu và thủ đoạn của bọn bành trướng đối với đất nước, Tổ Quốc chúng ta qua câu hỏi của một phóng viên nào đó với Người phát ngôn? Còn nếu họ không thấy sự bất bình hoặc căm phẫn thì họ là ai?
Cư dân mạng chỉ biết kêu lên rằng Nhục. Mà không thể nói là không nhục nhã, khi tên cướp xông vào tận nhà đưa giấy cho anh, bắt anh công nhận nhà đất của anh là của nó mà anh phải im lặng, phải nghiến răng âm thầm chịu đựng. Nỗi nhục đó to lớn biết nhường nào.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân kêu lên trên mạng xã hội: “Nếu thiếu mồi nhậu đi xin: Không nhục, nếu thiếu tiền uống rượu xin hỏi bạn: Không nhục, nếu thiếu tiền đổ xăng xin bạn: Không nhục, nếu bạn không cho phải nằm nhà: Không nhục. Nhưng nó in đường lưỡi bò mà im re hay chỉ thều thào mấy câu lấy lệ: Quá Nhục”. Thì ra vậy, người dân Việt Nam thấy nhục, thấy căm phẫn, thấy bất bình khi cầm tấm hộ chiếu bành trướng của ngoại bang muốn ăn cướp cả Tổ Quốc mình.
Chợt nhớ lời Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn: “Trông thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ… Nay các ngươi: nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục không biết thẹn; làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm”. Đã hơn 700 năm, sao lời Hịch như vẫn còn tính thời sự hôm nay?
Thế mới biết người xưa đâu có vô cảm, vô liêm sỉ như người nay.
Lại nhớ chuyện cầm tấm hộ chiếu
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt tại UBND Tp Hà Nội.
Còn nhớ, cách đây không lâu, sau buổi họp với UBND Thành phố Hà Nội, Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt tâm sự của mình, ngài nói: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”. Thế rồi báo chí nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam đăng tin buổi họp kết quả tốt đẹp…
Nhưng chỉ chưa đầy 24 giờ sau, hệ thống báo chí được huy động tối đa ra sức cắt xén câu nói của ngài thành “chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” để thóa mạ, để vu cáo, để đánh đòn hội đồng và kích động cơn lên đồng khát máu tập thể đối với Ngài. Thậm chí, người ta còn tổ chức hàng đoàn, hàng đống các lực lượng để bao vây, để cô lập Tòa TGM Hà Nội và tập thể giáo dân vào thời gian đó. Nhân dân lại oằn lưng trả tiền cho những hành động chống lại nhân dân này. Nguyễn Chí Đức, người đảng viên Cộng sản đã công khai ra khỏi đảng kể với tôi trong một lần đi biểu tình rằng: “Bọn được huy động chống lại người biểu tình yêu nước hôm nay, cũng như em ngày trước thôi, chính em cũng đã được trả tiền để đi bao vây Tòa TGM Hà Nội, gọi là quần chúng tự phát”. Không thể nói gì hơn màn truyền thông vu cáo đầy máu và bạo lực này của hệ thống tuyên truyền dối trá trong nhà nước Cộng sản.
Trần Đăng Tuấn: “… cả sông máu Việt đã đổ ra, cả núi xương Việt đã chất chồng để có độc lập tự do”
Người ta thấy trong sự kiện đó, những nhà báo tỏ rõ sự uất ức nhất khi“nước Việt Nam bị coi thường”(sic) đã không ngừng lu loa, kêu gào và lên giọng cao đạo, giảng giải về truyền thống yêu nước, về Tổ Quốc, về “cái tổ” của mình bị vấy bẩn như Trần Đăng Tuấn, Nguyễn Năng An và đám bồi bút…
Thế nhưng, Trời có mắt. Những trò bỉ ổi đó nhanh chóng bị bóc trần và có tác dụng ngược lại. Những báo, đài, những tờ báo, cái loa to mồm thóa mạ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã nhanh chóng hiện nguyên hình là tay sai của giặc Tàu khi Tổ Quốc bị xâm lăng, là những “Lưỡi bò” trong lòng nước Việt. Điều này được chứng minh rất rõ ràng là khi đất nước đã chính thức bị xâm lược bằng đội quân bành trướng đem quân đội, vũ khí vào lãnh thổ của Tổ Quốc, tất cả những nhà báo, những nhà văn, những nhà truyền hình luôn mạnh mồm về tự hào là con người Việt Nam, là Người Việt, là Tổ Quốc thiêng liêng, dân tộc vĩ đại… đã lặn mất tăm. Thậm chí, người to mồm nhất như Trần Đăng Tuấn cũng đã lặn đi để tìm vào một lĩnh vực béo bở hơn là “Cơm có thịt”. Xin thưa rằng nếu đường lưỡi bò của Trung Cộng thành hiện thực, và sau đó là lãnh thổ Việt Nam biến thành “một phần không thể tách rời” của lãnh thổ Trung Quốc, thì khi đó ngay cả đất còn không có ở, lấy đâu ra cơm với thịt. Ngày xưa Trần Quốc Tuấn đã chẳng từng nói thế này sao: “Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai”.
Nếu như đội ngũ lính tráng, khí tài này được điều động để bảo vệ non sông(!)
Những câu nói hào sảng rằng “Hôm nay, người Việt ra nước ngoài được cầm quyển hộ chiếu Việt Nam trên tay là do cả sông máu Việt đã đổ ra, cả núi xương Việt đã chất chồng để có độc lập tự do” (Trần Đăng Tuấn – Gửi ông không muốn làm người Việt). Hôm nay, chẳng lẽ Trần Đăng Tuấn không biết rằng cái “núi xương Việt” đó đã nhanh chóng vô nghĩa khi đất nước bị anh bạn vàng 4 tốt biến thành của họ đơn giản lắm, nhẹ nhàng lắm trong sự câm miệng của chính ông?
Nỗi nhục khi cầm tấm hộ chiếu ra nước ngoài bị kỳ thị, chắc cũng sẽ không bằng người Việt cầm tấm hộ chiếu Việt Nam bị bất thình lình cấm xuất cảnh để nhìn cảnh ngược lại, bọn cầm hộ chiếu lưỡi bò cứ ung dung ra vào Việt Nam như chỗ không người.
Nỗi nhục khi cầm tấm hộ chiếu Việt Nam ra nước ngoài bị phân biệt, kỳ thị... có lẽ giờ đây cũng chẳng thấm vào đâu so với nỗi nhục cầm tấm hộ chiếu bành trướng ghi rõ lãnh thổ đất nước mình là của nó mà vẫn phải im lặng, không thể “ẳng” lên một tiếng.
Sao không ẳng lên một tiếng, hỡi các “nhà báo, nhà đài yêu nước” tưng bừng ăn lương của nhân dân?
Sao không ra những lời tuyên bố mạnh mẽ, sắt máu, sao không đưa đám công an, cảnh sát, chó và vũ khí ra ngăn chặn những tên xâm lược, hỡi các nhà lãnh đạo đã từng xua quân đi chiếm đất đai của dân, của các tôn giáo?
Có nỗi nhục nào lớn hơn?
Hà Nội, ngày 27/11/2012.
Kỷ niệm một năm biểu tình yêu nước ủng hộ Thủ tướng bị đàn áp.
BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ
Tấm hộ chiếu in hình lưỡi bò mà Trung Quốc mới sử dụng ồn ào một hồi, rồi chắc lại vào quên lãng. Giờ người ta đọc tin Trung Quốc có động thái trên biển Đông cũng như tin tai nạn xe, bóng đá thua, sao sân khấu gây vụ....
Chỉ có lề dân thì xôn xao, còn lề Đảng tin ấy cũng như bao tin khác rồi sẽ lại chìm đi.
Mình đọc tin Trung Quốc in hộ chiếu hình lưỡi bò và tin đội tuyển Việt Nam thua hay tin xe ben húc đổ đập thuỷ điện,...thái độ bức xúc ở mức như nhau. Thậm chí chả buồn muốn viết về cái vụ đường lưỡi bò ấy nữa. Thấy nó giờ là việc tự nhiên, diễn ra thường ngày như bao việc khác.
Lạ lùng, một chuyện lớn lao như chủ quyền biển đảo và chuyện một cái xe ben húc đổ đập thuỷ điện lại mang lại cảm xúc như nhau trong lòng. Nói nôm na theo kiểu mua bán ngoài chợ thì chủ quyền biển đảo giá cũng chỉ ngang bằng bức tường đập thuỷ điện ở một tỉnh lẻ.
Vậy đấy, ai mà ngờ mới năm nào trong trại giam B14, thường thì lúc ấy người ta chỉ nghĩ làm sao được ra. Thì mình nói với cán bộ điều tra rằng ; ông có cho tôi ra thì tôi lại tiếp tục thế này, tiếp tục làm những điều để khẳng định Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam. Tiếp tục làm mọi việc khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Nó gây ảnh hưởng quan hệ hai Đảng thế nào là việc các ông, còn việc đó tôi làm tôi cứ làm.
Cán bộ điều tra bỏ việc hỏi cung, để giảng một hồi dài về quan hệ hai nước, về cái gọi là vừa hợp tác vừa đấu tranh, về thực lực, tiềm lực, về ổn định phát triển...
Đến năm nay thì nghe tin Trung Quốc xây dựng trụ sở hành chính trên đảo Hoàng Sa, xây sân bay, làm trường học rồi đến cả in đường lưỡi bò trên hộ chiếu. Thấy dửng dưng như là điều tất yếu sẽ xảy ra. Kiểu như là bất động sản xuống giá vậy, từ 20 triệu xuống 14 triệu rồi xuống 10 triệu cũng thế mà thôi, mình làm gì có tiền mà mua.
Bất động sản xuống giá thì có lợi cho người tiêu dùng.
Thế còn chủ quyền xuống giá trong lòng người dân qua sự chán chường không thiết quan tâm thì có lợi cho ai.?
Rõ ràng là Đảng quang vinh muôn năm theo một góc nào đó cũng có lợi.
Vì bấy lâu Đảng vẫn chỉ đạo chuyện tranh chấp biển Đông nhân là dân phải cần bình tĩnh, lo làm ăn, để cho Đảng và NN lo. Phải hiểu rõ vấn đề ( theo cách giải thích của Đảng ) biển Đông, giữ hoà khí, giữ yên ổn, giữ ổn định chính trị, giữ quan hệ chiến lược ở tầm cao của hai Đảng....
Như thế chỉ có Đảng có nhu cầu về chủ quyền biển Đảo, còn người dân thì hãy khoan nhu cầu đó lại, đợi cho Đảng thực hiện. Hoặc có nhu cầu về chủ quyền thì hãy đi theo con đường của Đảng, tức là bình tĩnh lo làm ăn, khá hơn góp đá ủng hộ, góp tiền bạc, vật chất ủng hộ...
Người dân bớt bức xúc quan tâm đến chủ quyền, Đảng cũng nhẹ nhàng áp lực trong việc phải giải quyết. Thế nên thay vì mỗi đồn biên phòng làm một con dấu có dấu hiệu khẳng định chủ quyền để cộp một nhát chính giữa cái hình lưỡi bò, thì người ta đi in những tấm thị thực rời. Hàng đống giấy mực, khuân in lề mề, nhiêu khê. Trong khi cùng cái công làm khuân in thị thực rời chỉ cần mỗi đồn biên phòng sai người về tỉnh làm con dấu la de chỉ tiếng đồng hồ là xong. Giờ tỉnh nào chả có cơ sở khắc dấu la de.
Nhưng cộp nhát dấu như thế lên tấm hộ chiếu của công dân nước CHND Trung Hoa thì ảnh hưởng đến quan hệ quá, ai lại làm thẳng thắn như thế vào nước bạn đang khăng khít quan hệ giữa hai Đảng. Cho nên chọn biện pháp làm thị thực rời là khéo léo tránh đối đầu trực diện, giữ được hoà khí. Điều quan trọng là không gây trở ngại lắm đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên mà hai Đảng đã dày công vun đắp, không để thế lực xấu nào can thiệp làm hỏng đi mối quan hệ đó.
Cái lợi khi có mình Đảng quan tâm đến chủ quyền và định hướng người dân quan tâm theo là vậy. Luôn giữ được ổn định chính trị, giữ được quan hệ giữa hai Đảng trong bất kỳ tình huống nào.
Đảng chỉ có vài triệu, dân tộc Việt Nam hiện giờ gần 100 triệu. Mà một khi đại đa số không có nhu cầu bức xúc quan tâm đến chủ quyền biển đảo, chỉ quan tâm đến những nhu cầu thiết thực cơm áo, gạo tiền hay những tin trò giải trí như diễn viên, người mẫu, ca sĩ, đại gia ăn ỉa, cưới, chết thế nào. Thì vài triệu người Đảng viên còn đang gánh trọng trách to lớn là dẫn dắt đất nước phát triển, ổn định, nâng vị thế trên thế giới có quan tâm đến chủ quyền thì cũng ở mức độ nào đó, vì đất nước còn có nhiều việc cấp thiết quan trọng hơn.
Cái gì ít người quan tâm thì hẳn sẽ bị giảm giá. Thói thường cuộc đời là vậy. Nhưng sự giảm giá bao giờ cũng có lợi cho người tiêu dùng nào đó...đó là quy luật.
FACEBOOK ĐỖ TRUNG QUÂN
hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất
Ria lún phún
Mắt cận lòi
Dân Sài Gòn tiểu tư sản, đọc sách triết, tóc hippie
Được phong tặng “thanh niên chậm tiến “
Thôi thì biết thân phận mình, đứa đi làm công nhân, đứa đi làm rẫy, đứa thanh niên xung phong coi như trả món nợ dù chả vay ai thời tiền – hậu - chiến
Ngày Polpot tràn qua An Giang, Ba Chúc thảm sát đồng bào
Tổ quốc lâm nguy
Bọn tôi sôi sục ra biên giới
Ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam
Tổ quốc lại lâm nguy
Có thằng em khai gian tuổi
Vác balo lên đường
Gác mọi tranh chấp ý thức hệ
vệ quốc trước đã
Ai không tử sĩ
Ai không phế binh
Thì về
Đứa đạp xich lô. Đứa chạy xe ôm, đứa đi khuân vác
Bình thường.
Nói thật
Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt
Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.
Sắt đá vẫn nghẹn ngào.
Nhưng các em ạ
Chúng tôi không bao giờ rơi lệ
Những chuyện tào lao
Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy,gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ huơ lạ hoắc
đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu
tôi nghĩ đơn giản thế này
Bố tôi chết tôi mới khóc
Mẹ tôi chết tôi mới khóc
Bạn tôi chết tôi mới khóc
Đồng bào tôi mất tích ngoài biển đông tôi mới khóc
Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ
Hãy cố mà để dành
Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước
Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu
Làm nô lệ
Tôi bảo các em lần này thôi nhé
Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình
Nhục
Biển Đông
Qúa
Đủ
Giới trẻ VN khóc nức nở khi đón ban nhạc Hàn Quốc tại - Hanoi
BLOG ĐÀO TUẤN
Có thể việc họp kín của QH là bình thường. Nhưng việc người dân không được biết có lẽ lại không phải là bình thường.
Ít năm trước, tâm sự với Pháp luật TPHCM về chuyện truyền hình trực tiếp các phiên họp của Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão kể lại chuyện Bộ trưởng Trần Xuân Giá. Dù là người “thiết tha đổi mới” nhưng ông Giá không thích trả lời chất vấn có truyền hình trực tiếp. “Anh Giá nói khá gay gắt, lẽ nào các bộ trưởng chừng này tuổi rồi mà vẫn phải đứng trước ống kính truyền hình trả lời như trả bài vậy…”.
Năm 1994, đề án truyền hình trực tiếp một số phiên họp của QH, dù được Ủy ban thường vụ QH thảo luận và Bộ Chính trị tán thành nhưng vẫn “căng thẳng đến phút chót”. Quanh đi quanh lại vẫn là câu chuyện “Trước nay chưa từng làm”; “Sợ lộ bí mật quốc gia”; “Sợ mất uy tín người trả lời chất vấn”. Thậm chí, lời ông Vũ Mão: “Có người còn cho rằng nước ta chỉ một đảng thì không nên đặt nặng vấn đề giám sát”. Thậm chí, đích thân Chủ tịch QH bấy giờ là ông Nông Đức Mạnh và Phó Thủ tướng thường trực Phan Văn Khải ngay trước phiên truyền hình quyết định “ngay trước giờ G”.
QH đã đúng khi công khai trực tiếp cho dân nghe, dân biết những vấn đề của đất nước. Bởi nỗi lo mất thể diện của một Bộ trưởng không thể quan trọng hơn quyền được biết của người dân. Bởi đối với dân, thật khó có thể nói điều gì cần phải bí mật.
Vạn sự khởi đầu nan. Năm 2004, tức là sau 10 năm “truyền hình trực tiếp”, Thủ tướng Phan Văn Khải là cũng là vị thủ tướng đầu tiên “trả bài” trước Quốc hội, mở ra một thông lệ tuyệt vời về việc công khai nghĩa vụ và trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ trước QH, trước cử tri, trước nhân dân. 5 năm trước, khi các phiên các phiên họp toàn thể tại Hội trường thảo luận về tình hình KTXH của đất nước truyền hình trực tiếp, cử tri đã quan tâm theo dõi không kém các phiên trả lời chất vấn. Và tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII vừa kết thúc, một kỷ lục mới về quá trình dân chủ hóa các hoạt động nghị trường được thiết lập với cả thảy 12 phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Trực tiếp phiên thảo luật kinh tế xã hội. Trực tiếp Luật PCTN. Trực tiếp giám sát khiếu tố đất đai. Trực tiếp hiến pháp. Và đặc biệt, phiên chất vấn, theo thông lệ vẫn được truyền hình trực tiếp.
Không cần phải khảo sát, đánh giá cũng có thể thấy, sự công khai tại Quốc hội làm thỏa mãn rất nhiều nhu cầu thông tin. Người dân tự nghe, tự biết, tự đánh giá và đó chính là những “nguyên liệu của lòng tin” tạo nên sự tin tưởng giữa người dân và QH, cơ quan đại diện cho họ. Những phiên truyền hình trực tiếp đó chính là những tấm gương để Thủ tướng, cũng như các vị Bộ trưởng điều chỉnh hoạt động điều hành của mình sao cho phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Tất cả những điều đó sẽ thật là tốt đẹp, nếu như không có hai chữ “giá như”.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi QH bế mạc, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc “Quốc hội họp kín về Biển Đông là điều rất bình thường”. Ông cũng nói thêm rằng:“ Khi các ĐBQH tiếp xúc cử tri, nếu nắm được chắc các nội dung cụ thể về Biển Đông thì sẽ trả lời cho cử tri. Bản thân tôi nếu được cử tri hỏi thì mình sẽ trả lời”.Vấn đề thời sự mà người dân đang quan tâm là những tấm hộ chiếu Trung Quốc in bản đồ lưỡi bò mà họ gọi là “Hộ chiếu lưỡi bò”. Điều mà họ muốn biết là các dân biểu sẽ nghe gì, bàn gì, nói gì về những điều chướng tai gai mắt đó.
Có thể việc họp kín của QH, không chỉ ở Việt Nam, là bình thường. Nhưng việc người dân không được biết có lẽ lại không phải là bình thường.
Giá như QH sẽ không còn những phiên họp kín. Giá như “nội giao” cũng được đối xử mềm mỏng như “ngoại giao”. Giá như “nội giao” được “tin cậy”, thay vì “tế nhị”- như một năm trước đây, ĐBQH Dương Trung Quốc đã từng nói.
Trương Nhân Tuấn - Biển Đông và cái bẫy hộ chiếu
Trương Nhân Tuấn
Tranh chấp biển Đông ngày càng thêm phức tạp. Thủ đoạn của Trung Quốc, một mặt dùng kinh tế để chi phối nhằm chia rẽ nội bộ các nước ASEAN, tạo ý kiến đa số cho phương thức không « quốc tế hóa » tranh chấp biển Đông, cô lập hai nước Việt Nam và Phi. Mặt khác, Trung Quốc nỗ lực thực thi quyền hành sử chủ quyền (effectivité) tại các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm của Việt Nam, cũng như trên vùng biển Đông, với tham vọng tạo ra một thế « đã rồi » về pháp lý cho các nước có tranh chấp trong khu vực.
Những ngày gần đây Trung Quốc tiến thêm một bước như để khẳng định quyền tài phán của mình tại vùng biển Đông bằng cách cho in hình bản đồ chữ U chín đoạn lên hộ chiếu điện tử kiểu mới để cấp cho kiều dân của họ. Việc này gây khó xử cho các nước có tranh chấp như VN, Phi. Quyết định cho hay không cho những người mang hộ chiếu này nhập cảnh vào VN (và Phi) đều có thể tạo những hậu quả khó đoán về các mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế.
Nguồn gốc của bản đồ chữ U chín gạch có nhiều điểm không minh bạch. Trên phương diện hành chánh và quốc tế công pháp, tháng 7 năm 2006, nhà nước Trung Quốc đã công bố, trong nước cũng như trước quốc tế, bộ bản đồ hành chính gồm có các bản đồ sau : Trung Quốc Chính Khu 中国政区, Trung Quốc Địa Thế 中国地势, Trung Quốc Thủy Hệ 中国水系 và Trung Quốc Giao Thông 中国交通. Việc công bố này nhằm giới thiệu cho các nước trên thế giới địa lý nhân văn, địa lý kinh tế cũng như các vùng lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc. Bản đồ « Trung Quốc Chính Khu » bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời vùng biển chung quanh được vẽ bằng chín đoạn hình chữ U. Bản đồ này cũng không quên bao gồm Đài Loan, Tây Tạng cũng như các vùng có tranh chấp với Ấn Độ vào lãnh thổ TQ.
Sau khi bộ bản đồ công bố, hầu hết các tấm bản đồ do TQ xuất bản đều có vẽ đường chín đoạn hình chữ U, với ghi chú Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TQ. Và cũng kể từ đó phía Trung Quốc đơn phương mở mặt trận truyền thông để tuyên truyền ra quốc tế về chủ quyền của của họ tại biển Đông.
Trong các lớp dạy Hoa ngữ của các trường trung học hay đại học tại các nước Châu Âu, bản đồ Trung Quốc Chính Khu luôn được các giáo sư người Hoa treo trong các lớp học.
Các tài liệu nghiên cứu của các học giả TQ đều có hình bản đồ Trung Quốc Chính Khu. Sự việc gần đây, National Geographic Hoa Kỳ đã bị thuyết phục, ghi chú trên các bản đồ HS và TS thuộc TQ. Các tạp chí khoa học lừng danh quốc tế như tờ «Nature », « Science »… đã công bố bài của học giả TQ có đính kèm tấm bản đồ Trung Quốc Chính Khu mặc dầu các tấm bản đồ này không liên quan gì đến chủ đề nghiên cứu… Các sự việc này đã tạo ra một cuộc tranh cãi giữa các học giả VN và các tạp chí quốc tế liên hệ. Rốt cục tính hợp lý của khoa học được thiết lập vì một tạp chí khoa học, hay một cơ quan địa dư quốc tế, không thể đăng các dữ kiện nặng về tuyên truyền, hay các dữ kiện khoa học không kiểm chứng.
Nhưng hình như dư luận quốc tế chỉ biết đến tấm bản đồ chín đoạn chữ U của Trung Quốc qua công hàm phản đối các hồ sơ « Thềm lục địa mở rộng » của Việt Nam và Mã Lai tháng 5 năm 2009.
Việc cho in hình bản đồ « Trung Quốc Chính Khu » trên hộ chiếu điện tử cũng nằm trong chiến dịch tuyên truyền, nhưng tầm lợi hại của nó về mặt pháp lý không thể xem thường.
Tin tức từ BBC, Giáo sư môn quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân, ông Thời Ân Hoằng, cho rằng quyết định in hình bản đồ này là do lãnh đạo cấp bộ đưa ra, chứ "không phải từ cấp lãnh đạo cao nhất".
Trên quan điểm quốc tế công pháp, các bộ Nội Vụ (hay bộ Công An), bộ Ngoại giao là cơ quan có đủ thẩm quyền về các vấn đề thuộc về chiếu khán và kiều dân. Nhận định của GS Thời sẽ là không hợp cách nếu nhận định trên có ý nghĩa : vì hộ chiếu này do cấp bộ đưa ra (chứ không phải do lãnh đạo cấp cao) nên không có giá trị pháp lý.
Điều cần phải xem xét là hình thức của tấm bản đồ in trên hộ chiếu của Trung Quốc có được xem như là một « tuyên bố đơn phương » về lãnh thổ của nước này hay không ? Việc này sẽ đặt lại vấn đề, nếu các nước khác đóng dấu cho nhập cảnh một cách bình thường như không có việc gì xảy ra đối với các công dân TQ mang hộ chiếu này, có thể suy diễn rằng các nước đó mặc nhiên chấp nhận « tuyên bố đơn phương » này của TQ hay không ?
Phía VN, bộ Ngoại giao gởi công hàm phản đối và yêu cầu phía TQ thâu hồi các hộ chiếu này.
Nhưng phản ứng của phía Ấn Độ thì dữ dội « miếng trả miếng », cho đóng dấu in hình bản đồ Ấn Độ lên các tấm hộ chiếu này, trong đó các vùng tranh chấp thì thuộc về Ấn Độ.
Mới đây, tin tức trong nước đăng từ BBC cho biết, để trả đũa, các đồn công an biên phòng VN tại Lào Cai và Móng Cái đóng dấu « hủy » trên các hộ chiếu này.
Trên phương diện công pháp quốc tế, nếu hành vi này đến từ quyết định cá nhân của các viên chức địa phương thì sẽ không có giá trị pháp lý. (Nhưng các hành động đơn phương của cá nhân có thể đưa đến các trục trặc ngoại giao hay các phản ứng trả đũa về kinh tế, chính trị, thậm chí xung đột quân sự mà phía VN không có phương cách hữu hiệu chống trả lại.)
Tuy vậy, các hành vi thể hiện việc « hành sử quyền chủ quyền » của TQ có thể nhắm đến 2 điều :1/ chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho một phiên tòa (hay trọng tài) phân xử trong tương lai và 2/ tạo một cái bẫy để các nước liên quan (VN và Phi) nhìn nhận có tranh chấp tại các khu vực không có tranh chấp.
Điểm 1, trong các vụ tranh chấp lãnh thổ, hành vi hành sử chủ quyền của quốc gia luôn là một bằng chứng thuyết phục nhứt chứng minh quốc gia này có chủ quyền tại vùng lãnh thổ đó.
Trong vụ án xử tranh chấp giữa Mã Lai và Singapour về chủ quyền đảo Pedra Branca, Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) ngày 23-5-2008 là một bản án mẫu để so sánh giá trị pháp lý của « danh nghĩa chủ quyền lịch sử » với « hành vi hành sử chủ quyền » tại một vùng lãnh thổ.
Mã Lai đã chứng minh, và được Tòa nhìn nhận, nước này có danh nghĩa chủ quyền lịch sử tại các đảo tranh chấp. Nhưng yếu tố đã khiến Mã Lai bị mất chủ quyền lịch sử là trong một thời gian dài, Mã Lai (và các quốc gia tiền nhiệm) đã im lặng trước những hành vi thể hiện quyền tài phán của Singapour tại đảo tranh chấp. Mặt khác, tấm « công hàm » viết năm 1953 của bộ trưởng ngoại giao lâm thời của vương quốc Johor (nhà nước tiền nhiệm của Mã Lai) đã phủ nhận chủ quyền của tiểu quốc Johor tại đảo Pedra Branca.
Tòa quyết định Singapour tạo được danh nghĩa chủ quyền tại đảo Pedra Branca do việc chiếm hữu hòa bình và lâu dài trên lãnh thổ này (effectivité) cũng như thái độ đồng thuận (acquiescement) của Mã Lai.
Điểm hai, phía TQ có lẽ tạo ra một hỏa mù chung quanh ý nghĩa của tấm bản đồ chữ U chín gạch để biến có tranh chấp một vùng biển không tranh chấp.
Hiện nay, tùy thời kỳ và tùy lúc, phía TQ đã viện các lý lẽ như sau để chứng minh quyền chủ quyền của họ : 1/ vùng biển giới hạn bởi bản đồ 9 gạch chữ U là vùng « biển lịch sử », 2/ TQ có chủ quyền các đảo HS và TS và vùng nước chung quanh, và 3/ TQ có « quyền lịch sử » trong vùng biển giới hạn vẽ trên tấm bản đồ.
Về giá trị pháp lý, theo tập quán quốc tế, các bản đồ, như bản đồ chữ U chín đoạn, tự nó không có giá trị pháp lý.
Vụ tranh chấp Burkina-Faso – Mali được đưa ra Tòa CIJ ngày 22-12-1986, Tòa cho rằng « Trong vấn đề phân định biên giới hay tranh chấp lãnh thổ quốc tế, các tấm bản đồ chỉ đơn giản là các dữ kiện, với ít nhiều chính xác tùy theo trường hợp. Chúng không bao giờ, chỉ qua chúng và bằng sự hiện hữu của chúng, mà tạo ra một danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ, tức là một tài liệu theo đó Công pháp quốc tế ban cho một giá trị pháp lý tự tại nhằm để thiết lập những quyền hạn về lãnh thổ ».
Vì vậy tranh luận về giá trị « bản đồ » với TQ là sai lầm.
Nhưng ta không thể loại bỏ trường hợp, nếu một tấm bản đồ vẽ sai, nhưng đã được in đi in lại nhiều lần, kể cả do bên liên quan in ra, thì nó có thể được xem như là sự đồng thuận (acquiescement) của bên liên quan kia về nội dung của tấm bản đồ đó. Vụ xử của CIJ về tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Preah Vihear cho ta kinh nghiệm này.
Chủ ý của hộ chiếu cũng nhắm vào việc này.
Yếu tố 1, vùng « biển lịch sử », phía TQ không thuyết phục được vì luật quốc tế không có qui định về « biển lịch sử ».
Yếu tố 2, phía TQ cần chứng minh các đảo thuộc HS và TS thuộc chủ quyền của TQ mà việc này không dễ dàng vì phải đối phó với hồ sơ vững chắc của phía VN. Ngoài ra còn phải thuyết phục các nước trong khu vực về hiệu quả 200 hải lý ZEE dành cho các đảo thuộc HS và TS.
Yếu tố 3, hiện nay TQ vịn vào « quyền lịch sử » để đòi chủ quyền vùng biển Đông và các đảo Điếu Ngư.
Dư luận quốc tế hiện nay phê phán « quyền lịch sử - droit historique » của TQ đang thách thức « luật quốc tế - droit international ».
Công pháp quốc tế không nhìn nhận « quyền lịch sử ».
Vì vậy chủ ý các việc tạo căng thẳng của TQ trong những năm tháng gần đây là tạo một ấn tượng « có tranh chấp » ở một vùng « không tranh chấp », như bãi Tư Chính của VN.
Vụ xử tranh chấp Ấn Độ và Pakistan về khu vực Rann Of Kutch cho ta thấy lợi hại của lập trường các phía về vùng tranh chấp. Phía Ấn cho rằng không hề có tranh chấp ở khu vực Rann Of Kutch, trong khi phía Pakistan đòi phân nửa vùng này. Kết quả phân xử, Ấn được 90% vùng tranh chấp. Phía Ấn có đầy đủ hồ sơ chứng minh chủ quyền, nhưng nếu hồ sơ nước này khai rằng « có tranh chấp ở vùng Rann Of Kutch » thì kết quả sẽ chưa chắc là như vậy.
Các kế sách Tôn Tử, Ngô Tử… cho thấy nghệ thuật dùng mưu của người Hoa. Nhiều lãnh đạo (trước kia) và học giả (hiện nay) của VN đã sụp vào bẫy này. Đến nay người viết này vẫn không hiểu lý do nào, lãnh đạo VN, cũng như các học giả VN, cho rằng có tranh chấp tại vùng biển Trường Sa ?
Học giả VN muốn chia đôi với TQ khu vực này thì tiếp tục tuyên bố như vậy. TQ sẽ rất mang ơn.
Huỳnh Ngọc Chênh - CÁI GIÁ PHẢI TRẢ KHI GIỠN MẶT VỚI KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Huỳnh Ngọc Chênh
Đến khi người dân cùng kiệt vì thiếu đói thì nhà nước mới hiểu ra rằng cần phải quay về với kinh tế thị trường và sự thay đổi nầy đã giúp cho người dân được cởi trói, hồ hởi bung ra làm ăn. Bộ mặt đất nước từ đó thay đổi.
Nhẽ ra phải nương theo đà đi lên ấy mà tiếp tục thay đổi và hoàn thiện để phù hợp với cơ chế mới thì nhà nước lại muốn quay lại cỡi lên để "định hướng" thị trường.
Nhưng kinh tế thị trường có quy luật vận hành riêng của nó. Để kiểm soát được nó cần phải có sự am hiểu và kinh nghiệm dày dạn qua hàng trăm năm sống chết trong nó, qua bao lần điêu đứng vì nó bởi khủng hoảng như Mỹ và các nước tiến tiến đã trải qua.
Nhà nước ta mới chân ướt chân ráo làm quen với cơ chế đã hình thành nên từ bao đời nay của nhân loại đã vội vã đòi khống chế hoàn toàn nó bằng cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" đầy hoang tưởng và mơ hồ. Giống như một anh chàng ẻo lã mới lần đầu tiên sờ vào ngựa đã đòi cỡi lên khống chế ngựa bất kham.
Vì cái đuôi "định hướng" đó mà phải cho rằng kinh tế quốc doanh là chủ đạo: các Vina quả đấm thép ra đời.
Vì cái đuôi "định hướng" đó mà toàn bộ tài nguyên, khoáng sản và đặc biệt là đất đai đều thuộc sở hữu nhà nước (che đậy dưới danh nghĩa sở hữu toàn dân) nghĩa là thuộc toàn quyền, và có thể nói là độc quyền, khai thác và kinh doanh của các Vina nói trên, sau nầy chia thêm cho các nhóm lợi ích phát sinh ra.
Vì cái đuôi "định hướng" đó mà toàn bộ nguồn vốn kể cả vốn huy động của xã hội đều được nhà nước nắm giữ trong tay rồi muốn phân cho ai thì phân.
Từ đây, những hệ lụy phát sinh:
-Do được ưu đãi hoặc độc quyền làm ăn nên các Vina dễ làm bậy để đưa đến thua lỗ triền miên và phát sinh ra nhũng lậu.
- Để chống thất thoát và nhũng lậu lại xây dựng ra bộ máy chống tham nhũng quá sức to lớn, tốn kém, (nhưng không bao giờ hiệu quả), thu hút tiền vốn và sức lực đáng kể vào đó thay vì dành toàn bộ cho sản xuất làm ăn.
-Vì đất đai thuộc sở hữu nhà nước nên giá đất được định đoạt theo chủ quan không theo cơ chế thị trường, rồi muốn thu thì thu, muốn giao cho ai thì giao, từ đó phát sinh ra việc kinh doanh đất đai là món béo bở, thu hút sự đầu tư của các vina, kể cả các vina không liên quan gì đến lĩnh vực nhà đất, thu hút đầu tư các doanh nghiệp tư nhân có quan hệ mật thiết với quan chức nhà nước gọi là nhóm lợi ích.
-Các vina được ưu tiên vốn vay của ngân hàng, các nhóm lợi ích cũng được ưu tiên vốn vay của ngân hàng. Hầu như toàn bộ nguồn vốn của ngân hàng đều tập trung vào 2 bộ phận nầy nên các doanh nghiệp làm ăn sản xuất khác không còn cơ hội tiếp cận nguồn vốn, hoặc nếu có tiếp cận được thì cũng rất ít mà chi phí quá cao do lãi suất cộng với phí bôi trơn cao. Sản xuất toàn xã hội đình trệ.
- Nguồn vốn to lớn của xã hội tập trung vào hai kênh chính là các vina và nhóm lợi ích để hai kênh này dẫn toàn bộ chảy vào hai vùng trũng tưởng dễ kiếm ăn là chứng khoán và nhà đất. Hai thị trường ấy được bơm lên căng phồng, các vina và nhóm lợi ích đặc quyền ấy kiếm ăn vào khoảnh khắc ngắn ngủi nầy, chính là ăn vào vốn vay từ ngân hàng cho đến khi nguồn tiền ấy cạn kiệt, cả hai thị trường đều xệp xuống và xì hơi mạnh đến bẹp dí như hiện nay.
Vốn bốc hơi theo chứng khoán, vốn chôn vùi vào đất, vốn chảy vào túi tham ô, vốn thất thoát do làm ăn hoang tưởng... Nhà nước nợ nần, ngân hàng cạn tiền, các Vina và các nhóm lợi ích ngập trong biển nợ.
Nhà nước nợ đến 129 tỉ USD (trong khi GDP chỉ đạt 122 tỉ), các vina sụp đổ, các nhóm lợi ích đang khốn đốn, ngân hàng đứng bên bờ vực, sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp phá sản, lạm phát tăng cao, người lao động thất nghiệp hàng loạt...
Cơ chế thị trường đã quật ngược lại một đòn hiểm ác vào kẻ đòi cỡi lên lưng nó để bỡn cợt với định hướng nầy, định hướng nọ.
Vĩ thanh
Làm sao để cứu vãn tình hình bi đát nầy?
Nhận tiền cứu giúp của quốc tế? Dễ thôi, nhưng phải minh bạch chi tiêu từ trước đến nay và trong tương lai, phải tôn trọng các quy luật thị trường và chưa nói là phải kèm theo điều kiện về nhân quyền. Những yêu cầu ấy dễ cho các nước khác nhưng e rằng không dễ đối với nhà nước đang đòi cỡi lên cơ chế thị trường bằng "định hướng XHCN".
Có lẽ tốt nhất là nhận tiền cứu giúp từ quốc gia không yêu cầu về các điều kiện đó. Trung cộng.
Lịch sử cho thấy "người bạn lớn" nầy chưa bao giờ cho không VN một cái gì.
Hay là vì vậy mà người bạn ấy càng ngày càng trở nên ngang nhiên trong việc chiếm đoạt biển Đông?
Nhiều người cho rằng, người bạn lớn xác ấy rất ngu khi ngang nhiên vẽ đường lưỡi bò vào hộ chiếu. Không. Họ không hề ngu, họ luôn thận trọng trong việc xâm lấn nầy. Họ biết chắc nắm được biển Đông trong tay rồi nên họ mới cho vẽ đường lưỡi bò ấy cũng như chính thức công bố bản đồ thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa của VN và hầu như gần hết biển Đông.
Mất biển Đông là mất nước. Cái giá quá đắt.
Lê Quốc Quân - ĐẢNG LÀ BÀ CỦA LUẬT PHÁP
Lê Quốc Quân
Chúng ta thường xuyên nghe cụm từ “Đảng và Nhà nước”. Tại sao phải đưa từ Đảng vào cụm từ đó và đứng trên Nhà nước, làm nhà nước mất thiêng, vừa tốn kém giấy mực vừa gây nhầm lẫn cho quốc tế ? (vì đảng tiếng anh còn có nghĩa là bữa tiệc )
Phải dùng cụm từ đó là vì nhân dân Việt Nam đang “một cổ hai tròng”, có 2 bộ máy song trùng đè đầu cưỡi cổ. Cứ bên Chính phủ có một “Bộ” là bên Đảng có một “Ban”. “Ban” chỉ đạo còn “Bộ” thực hiện. Dân phải kiếm tiền nuôi hai người tự nhận là lãnh đạo cỡi trên lưng, thỉnh thoảng lại có một cái bóng nằm giữa cũng tự xưng là lãnh đạo.
Công khai lấy tiền của dân
Điều 46 điều lệ của Đảng cộng sản, có quy định là: “tài chính đảng gồm các nguồn thu từ: Đảng phí, hoạt động kinh tế của Đảng và ngân sách Nhà nước”. Đảng phí thì ít, hoạt động kinh tế thì lỗ, thậm chí phải bù thêm. Phần nhiều nhất, quan trọng nhất cho hoạt động của đảng là là đến từ ngân sách Nhà nước.
Khi cần tiền thì đảng sang Bộ tài chính lấy và hầu hết chi bằng tiền mặt. Hoạt động của Đảng có ghi ra thành mục, tương ứng với các dòng vốn chi cho các hoạt động đó nhưng một số cơ quan của trong ngành an ninh, nội chính còn lấy lý do bảo mật thậm chí không ghi hạng mục và hạn mức, tự “vẽ” dự án, chuyên án cho riêng mình để chi tiêu.
Cho đến nay dân chưa bao giờ được nhìn thấy báo cáo kiểm toán công khai xem cơ quan Đảng đã sử dụng bao nhiêu tiền của dân và chi tiêu về vấn đề gì ?. Người dân không ai biết được ngoại trừ bộ phận kinh tài của đảng, và các đơn vị đi thanh tra, kiểm tra với nhau. Kiểm toán Nhà nước thì cũng đưa thông tin nhỏ giọt và có mục đích riêng.
Tại sao nhân dân lại phải đóng thuế nuôi đảng ? Có người đã hỏi điều này ở đại hội thì ông Đỗ Mười khi đó là tổng bí thư trả lời là: “Đảng lãnh đạo dân thì nhận lương của dân là hợp lý”. Nhưng dân có cần đảng lãnh đạo không khi họ đã có Nhà nước ?. Nghiêm trọng hơn là sau này nếu có một đảng nào đó lên lãnh đạo rồi học theo cách đảng Cộng sản cũng đòi tiền ngân sách thì sao ?
Tóm lại ta có thể hình dung Mẹ Việt Nam hằng ngày, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng lại phải cõng trên lưng 2 người rất béo, rất khỏe và ông nào cũng đòi lãnh đạo. Một ông thì lãnh đạo bằng Nghị quyết còn ông kia thì bằng Luật pháp, mẹ giống như con trâu đã bị xâu mũi kéo cày, hai bên 2 dây thừng, thỉnh thoảng ông lãnh đạo này lại giật sang bên trái, lúc thì ông khác ghì về bên phải.
Đảng là “bà” của luật
Một điều tréo cẳng ngỗng nữa là Quốc hội làm ra luật và Điều 4 Hiến pháp cũng quy định là đảng hoạt động “trong khuôn khổ Hiến Pháp và pháp luật”.Nhưng quốc hội lại phải dựa vào Nghị quyết để làm luật. Đảng nằm trong luật, luật nằm trong Nghị quyết nhưng Đảng lại “đẻ” ra Nghị quyết. Điều đó nghĩa là Đảng là “bà”, luật là “cháu” nhưng bà lại nằm trong bụng cháu.
Điều này dẫn đến sự thất bại thảm hại về thực tiễn. Lý do là thực tiễn rất sinh động và đời sống xã hội phải thay đổi luôn luôn. Như Tố Hữu đã nói cái “hòn máu đỏ” vô tổ quốc, vô gia đình (không quê hương sương gió tơi bời) đó cũng phải lớn lên, thay đổi, chạy theo để “rượt đuổi” thực tiễn phát triển xã hội và ban hành ra “Nghị Quyết” mới, từ Nghị quyết đó lại đi xây dựng Luật mới. Như vậy là bắt đầu lại khởi tạo một vòng tròn lập quy ngẫu hứng và nhiều khi mang tính phản động cao.
Đất nước đã có luật thì cứ theo luật mà làm, sao lại còn phải có Nghị Quyết. Chính việc ban hành các Nghị quyết đã thể hiện rõ tính chất lâm thời của đảng. Cứ tưởng có cả Nghị Quyết và cả Luật thì chắc ăn nhưng thực ra chính là nơi tạo ra khe hở. Sau đây là ví dụ thoát hiểm.
Đồng chí X thắng hai kiện tướng
Đồng chí X vừa là uỷ viên BCT vừa là Thủ tướng, ngài tồn tại với 2 tư cách và chuyên môn khác nhau, thậm chí đôi khi trái ngược nhau. Với tư cách là ủy viên BCT, đồng chí X cùng 13 người khác ra một Nghị quyết. Sau đó đồng chí X dựa vào Nghị quyết để thực hiện với tư cách là Thủ tướng. Khi hậu quả xảy ra, lẽ ra đồng chí X, với tư cách là ủy viên BCT thì phải “chịu trách nhiệm chính trị theo nghị quyết” và với tư cách là Thủ tướng ông phải“chịu trách nhiệm pháp lý theo luật”
Thế nhưng ông đã thắng cả 2 cửa. Trong Đảng Đồng chí X bảo tôi làm theo “quy định của pháp luật” và chịu trách nhiệm pháp lý vì Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp Luật. Ông cũng không quên giải trình về sự liên quan của 13 vị khác trong một trách nhiệm pháp lý chung theo luật định. Nhưng khi ở diễn đàn quốc hội, nơi dân chúng quan tâm và bàn về Luật và trách nhiệm pháp lý thì Đồng chí X lại khẳng định là mình theo đảng, làm theo Nghị quyết của Đảng và “chịu trách nhiệm chính trị với đảng”.
Điều này làm cho chúng ta nhớ lại một câu chuyện là cậu bé đánh thắng cả 2 nhà quán quân. Một kiện tướng cờ và một kiện tướng bài Poker. Chính cậu bé thách đấu cả 2 và khi cậu bé chạy đi chạy lại giữa 2 toa tàu là lúc cậu dùng kiến thức của kiện tướng này để đánh với người kia và ngược lại.
Đồng chí X đã dùng kiến thức kinh tế, pháp lý của mình để nói rất đúng trong nội bộ đảng về Luật, sau đó lại chạy sang Quốc hội để đáp lại quốc hội tại diễn đàn chung theo Nghị quyết.
Phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
Hiến pháp và Pháp luật phải đại diện cho công lý, là nền tảng vững chắc cho đất nước và con người phát triển. Nó không phải là một ông kễnh với bộ não của một cậu bé vừa muốn nhận mình là khiêm tốn lại thích phán ra những điều kinh thiên động địa cho mai sau.
Và để không còn một cổ hai tròng, để đảng không còn lấy tiền dân chi tiêu cho riêng mình, không còn ai làm sai và thoát hiểm nữa thì Quốc hội phải độc lập làm ra luật, chính phủ thực thi luật và tòa án đứng ra canh giữ luật đó. Các cơ quan phải độc lập và đối trọng lẫn nhau thì mẹ Việt Nam mới đỡ bị một lúc 2 kẻ xâu mũi dắt đi lung tung theo chủ trương đầy ngẫu hứng như kẻ say rượu.
Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012
Ngô Nhân Dụng - Công dân mạng thay đổi xã hội
Ngô Nhân Dụng
Trong lục địa Trung Hoa hiện có 500 triệu người dùng internet. Tháng Tư năm ngoái, một bản tin đưa lên mạng Vi Bác (Sina.Weibo) cho biết một xe vận tải chở đầy chó đang đi trên đường cao tốc tới thành phố Trường Xuân tỉnh Cát Lâm, chắc chỉ để làm thịt. Các “công dân mạng” xúc động cùng hô hào đi cứu. Hàng trăm người đã ra xa lộ ngăn chiếc xe lại, họ mặc cả với người tài xế mua 520 chú khuyển với giá 115,000 nguyên, bằng 17,606 đô la, rồi trao cho các hội bảo vệ súc vật nuôi. Tháng Tám năm nay, một quan chức đứng đầu Sở An Toàn Lao động tỉnh Thiểm Tây bị mất chức chỉ vì một tấm hình trên internet. Bức hình cho thấy ông Dương Đạt Tài (Yang Dacai, 杨达才) miệng tươi cười đang đứng bên đường ngắm cảnh tai nạn xe hơi, trong khi có 36 người chết. Ai coi cũng phẫn nộ. Các công dân mạng còn nêu ra chi tiết trên tay ông ta đeo một chiếc đồng hồ rất đắt tiền so với lương bổng của ông. Dương Đạt Tài cũng lên mạng thanh minh, còn nói cái đồng hồ của ông chỉ đáng giá 55,000 nguyên, tương đương với 5,500 đô la. Ủy ban kỷ luật đảng ở tỉnh Thiểm Tây không những cách chức mà con điều tra xem ông ta làm gì mà đeo đồng hồ quý như vậy!
Năm trăm triệu công dân mạng là một “lực lượng xã hội” đáng kể. Họ có thể thay đổi nước Trung Hoa. Các lãnh tụ cộng sản biết điều đó. Và họ cũng tìm cách sử dụng sức mạnh xã hội này cho các mục tiêu của họ. Một cách lấy internet làm vũ khí bài trừ tham nhũng. Vũ khí này đã được đem thử trong tuần qua trong việc cách chức một bí thư quận, thuộc thành phố Trùng Khánh. Nhưng theo diễn biến của câu chuyện thì động cơ đích thực của chiến dịch trên mạng không chắc đã vì công ích, mà còn do tranh chấp phe phái: Những người đang nắm quyền tấn công thêm những đòn mới trên phe cánh của một lãnh tụ đã bị ngã ngựa! Hiện tượng này không khác gì việc đã diễn ra ở Việt Nam, khi các lãnh tụ cao cấp dùng mạng internet để phá lẫn nhau trước ngày họp hội nghị Trung Ương Đảng gần đây.
Câu chuyện bắt đầu vào Thứ Ba tuần trước, khi một nhà báo đưa lên Vi Bác một đoạn phim dài 36 giây đồng hồ, trong đó có hình đôi trai gái đang ân ái. Có công dân mạng nhìn ra ngay người đàn ông đó là Lôi Chính Phú (Lei Zhengfu, 雷政富), 54 tuổi, đang giữ chức bí thư đảng ủy trong quận Bắc Bội(Beibei, 北碚), thành phố Trùng Khánh. Sau ba ngày, Lôi Chính Phú bị cách chức và cuộc điều tra cho thấy cả một mạng lưới tham nhũng trong việc đấu thầu xây cất trong quận.
Đoạn video trên là do một “ký giả công dân” Chu Thụy Phong (Zhu Ruifeng, 朱瑞峰) ở Bắc Kinh gửi cho một mạng internet ở Hồng Kông, một mạng chuyên nhận và phát đi các tin tức, tài liệu về tham nhũng ở Trung Quốc. Một ký giả khác, Kỷ Hứa Quang (Ji Xuguang, 纪许光) đã đưa phim lên mạng Weibo với lời chú giải. Ba ngày sau, đảng bộ Cộng sản ở Trùng Khánh chính thức công nhận nhân vật nam trong phim là Lôi Chính Phú. Ban kỷ luật đảng đã cách chức Phú, với tội danh là “có nhân tình.” Tuy nhiên, làn sóng dư luận trên mạng đã khiến đảng Cộng sản phải tuyên bố sẽ điều tra Lôi Chính Phú về các tội tham nhũng!
Đảng bộ Trùng Khánh phải làm mạnh vì quá nhiều tin tức và ý kiến được loan truyền trên mạng. Nhà báo Chu Thụy Phong kể rõ là ông đã nhận được cuộn băng có cuốn phim dài 80 phút, do một người trong sở công an ở Trùng Khánh chuyển cho, cùng với những tài liệu khác trong đó có biên bản hỏi cung một nhà thầu xây cất. Nhà thầu này đã bị bắt năm 2009, cung khai rằng ông ta đã thuê nhiều cô gái, huấn luyện họ “bẩy chữ tám nghề” trước khi giới thiệu cho các quan chức trong đảng. Một cô gái họ Triệu được biếu cho Lôi Chính Phú, vì nhà thầu này từng bị Phú gạt ra ngoài nhiều lần. Một người anh hay em trai của Phú thường được trao cho các mối thầu lớn. Quận Bắc Bội là một ngoại ô giầu có phát triển rất nhanh tại Trùng Khánh, một thành phố 18 triệu dân. Phần lớn đất đai được đô thị hóa ở Bắc Bội vốn là đất trồng trọt của nông dân, bị quốc hữu hóa.
Cô Triệu,18 tuổi, đã lén quay cuốn phim trên vào năm 2007, và sau đó ông nhà thầu được trúng nhiều mối lớn. Năm 2009, Lôi Chính Phú đã tự ý báo cáo đầu đuôi với sở công an Trùng Khánh do Vương Lập Quân cầm đầu, trong thời gian Bạc Lai Hy làm bí thư thành ủy. Ngay năm đó nhà thầu bị công an bắt, bị giam một năm, còn cô gái họ Triệu bị giữ một tháng.
Câu chuyện này được coi như chìm xuồng từ đó đến nay, kể cả sau khi Bạc Lai Hy bị mất chức, đang bị giam để truy tố, và bà vợ bị ra tòa kết án tử hình “treo” về tội giết người. Vương Lập Quân từng trốn vào tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, sau đó đã bị tuyên án từ 15 năm vào tháng Chín vừa qua. Lôi Chính Phú, một cán bộ trực tiếp dưới quyền Bạc Lai Hy, vẫn được ngồi yên hưởng lộc cho tới ngày Thứ Ba tuần trước. Bây giờ Phú bị cách chức vì phạm lỗi “có nhân tình,” một tội danh mà Bạc Lai Hy cũng bị truy tố! Các công dân mạng biết đây là thứ tội danh nhẹ nhất trong những tội lỗi của các quan chức cộng sản! Nhà báo công dân Chu Thụy Phong viết trên mạng là ông còn tài liệu và phim ảnh của năm quan chức khác ở Trùng Khánh, trong đó bốn người vẫn còn tại chức!
Một tuần sau khi đưa đoạn phim 36 giây lên mạng, Chu Thụy Phong vừa mới xin cảnh sát Bắc Kinh bảo vệ vì nhận được những lời dọa giết. Ai dọa giết Chu Thụy Phong? Chắc không phải là công an theo lệnh các lãnh tụ cộng sản. Họ đang muốn sử dụng những nhà báo công dân mạng. Không những cất chức nhanh chóng một bí thư quận ủy, đảng còn cho viết trên tờ Trung Quốc Nhật báo những lời kêu gọi “Nhà nước hãy coi internet là đồng minh chống tham nhũng.”
Nhưng đằng sau vụ tiết lộ đoạn phim 36 giây này là một cuộc “đấu tranh nội bộ” giữa các phe cánh trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi Bạc Lai Hy bị hạ bệ, phe cánh của ông ta vẫn còn khắp nơi. Hơn một trăm cán bộ cao cấp và nhiều người được coi thuộc giới “trí thức” đã ký kiến nghị xin đảng giải oan cho Bạc Lai Hy. Tại Trùng Khánh, tay chân của Bạc Lai Hy vẫn còn, với túi tiền rất đầy, đủ để mua chuộc và kéo bè kéo cánh. Muốn đánh bật một bí thư quận, chính công an Trùng Khánh đã đưa hồ sơ, tài liệu mật cho một nhà báo để đưa lên mạng! Hành động cách chức Lôi Chính Phú nhanh chóng được báo chí của đảng Cộng sản dùng để chứng tỏ là đảng tích cực chống tham nhũng! Điều này phù hợp với những lời tuyên bố của Hồ Cẩm Đào trong đại hội đảng mới qua, mà Tập Cận Bình sau đó nhắc lại trong cuộc họp báo đầu tiên: Phải chống tham nhũng!
Trong phiên họp đầu tiên của Bộ Chính trị mới, Tập Cận Bình cũng lập lại lời của Hồ Cẩm Đào: Tham nhũng sẽ hủy diệt cả đảng lẫn quốc gia. Ông ta còn nêu lên thí dụ ở nhiều nước chính tham nhũng đã tạo ra bất ổn xã hội, đưa tới việc lật đổ hệ thống chính trị; mà không nói đích danh tới Cuộc Cách mạng Mùa Xuân Á Rập.
Việc tố giác và điều tra, truy tố bí thư quận ủy Lôi Chính Phú vừa tô hồng cho vai trò của Tập Cận Bình, vừa là một đòn đánh lên Bạc Lai Hy, trước khi đưa lãnh tụ phái vương tôn này ra tòa, cũng về các tội tham nhũng và có nhân tình! Những tội lỗi của Lôi Chính Phú sẽ được trình bầy nằm trong một mạng lưới tham nhũng, lạm quyền do vợ chồng Bạc Lai Hy cầm đầu.
Màn hoạt cảnh đấu tranh nội bộ này không khác gì tình cảnh đã được người Việt Nam chứng kiến vào đầu mùa Hè năm nay. Những phe phái trong Bộ Chính trị Cộng sản Việt Nam cũng sử dụng mạng internet để đấu đá lẫn nhau, theo một cung cách cạn tầu giáo máng, một mất một còn. Phe Nguyễn Tấn Dũng tố Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, phe Trương Tấn Sang tố lại Nguyễn Tấn Dũng. Và tất cả những lời tố cáo đó đều nhắm làm nổi bật những tội lỗi mà người dân bình thường ai cũng biết: Tham nhũng, lạm quyền, lấy của công làm của tư, hèn yếu trước ngoại bang và tàn ác với người dân bị cướp đoạt ruộng vườn, tài sản. Cuối cùng, hai phe vẫn phải bám lấy nhau, vì không thể tiêu diệt nhau được. Bám lấy quyền hành là lẽ sống của các lãnh tụ cộng sản trong những ngày cuối cùng còn chiếm độc quyền cai trị để làm giầu cho bản thân, gia đình và bè phái.
Vì vậy người dân bình thường ở Trung Quốc nghi ngờ những động cơ đằng sau việc đưa lên mạng đoạn phim 36 giây. Một người ở Bắc Kinh nói với nhà báo: Người vụ tham nhũng như ông Lôi Chính Phú này thì người dân thường chúng tôi đâu có ai đụng vô được? Chỉ có các ổng mới có thể đập lẫn nhau thôi! Người ta cũng biết rằng Bạc Lai Hy không phải là người duy nhất trong đám lãnh tụ cao cấp đã lạm quyền, tham nhũng. Lôi Chính Phú cũng không phải là người duy nhất trong đám cán bộ cấp trung làm bậy. Các công dân mạng ở Trung Quốc biết điều đó. Họ đang sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng internet thay đổi xã hội Trung Hoa. Cuộc thay đổi diễn ra từ từ, nhưng nhất định sẽ thay đổi, không thể nào cưỡng lại được.
Sau vụ “cứu 520 chú khuyển” năm ngoái, các công dân mạng cũng tranh luận với nhau trên internet. Nhiều người tỏ ra bất mãn vì bao nhiêu tiền lạc quyên để cứu mấy con chó, để được đưa lên ánh sáng, trong lúc hàng triệu người Trung Hoa đang đói khổ, thiếu thốn; dùng tiền đó cứu trợ các nạn nhân thiên tai còn ích lợi hơn. Nhưng nhiều người khác vẫn hoan ngênh nỗ lực của các công dân mạng cứu chó, và tình nguyện đóng góp thêm vào công tác này. Một ý kiến dung hòa, nói rằng việc cứu chó tuy nhỏ nhưng rất có ý nghĩa. Bởi vì đó là một hành động chứng tỏ xã hội Trung Hoa đã thay đổi, văn minh hơn. Một microblogger lấy tên là Cầu Gẫy thuyết phục mọi công dân mạng khác rằng hành động cứu 520 con chó là một biến cố cho thấy ý thức của người Trung Hoa đang lên cao trước các vấn đề chung của xã hội. Đó là một dấu hiệu tiến bộ, văn minh. Khi ý thức bổn phận đối với xã hội được lên cao, người ta sẽ lo lắng cho số phận con người nhiều hơn!
Các công dân mạng ở Việt Nam cần hoạt động mạnh hơn để góp phần thay đổi xã hội nước ta. Đầu thế kỷ trước, Phan Châu Trinh đã nêu những khẩu hiệu Nâng cao dân trí, Hưng phấn dân khí lên hàng đầu. Sau 100 năm các câu đó vẫn còn nguyên! Internet là một phương tiện hữu hiệu trong công tác này. Phải đòi trả tự do cho Điếu Cầy, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn, và các blogger đang bị tù đầy vì sử dụng quyền thông tin trên mạng nâng cao dân trí và dân khí đồng bào!
Phạm Hồng Sơn - Tiến sĩ Nguyễn Quang A với “cụ Hồ”: Hơn một điều buồn
Phạm Hồng Sơn
Trong phỏng vấn của RFI ngày 22/11/2012 vừa qua về việc Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm các viên chức cao cấp của chính quyền, Tiến sĩ Nguyễn Quang A có bày tỏ hai quan điểm đáng ghi nhận. Thứ nhất, ông vẫn đặt một hi vọng và trông chờ sẽ có tiến bộ thực tế từ nghị quyết đó. Theo ông, khẳng định ngay bây giờ nghị quyết đó là có hay không có hiệu quả là một việc “hơi sớm.” Thứ hai, vào cuối cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã trích dẫn và có ý lấy Hồ Chí Minh ra làm tấm gương để thúc đẩy tiến bộ, ông nói: “… Tất nhiên, không có gì có thể thay thế mạnh bằng quyền của người dân, được ‘đuổi chính phủ’, như là lời của cụ Hồ đã nói nhiều chục năm trước, trong trường hợp chính phủ không làm được việc.”
Về quan điểm thứ nhất, theo tôi có thể đó là sự thể hiện chân thành và thận trọng đến từ một nhãn quan nghiêng nhiều về lí thuyết hơn là thực tế. Mặc dù quan điểm của tôi ngược hẳn, cá nhân tôi vẫn trân trọng quan điểm đó của Tiến sĩ Nguyễn Quang A và cũng chỉ mong muốn thực tế sẽ cho thấy quan điểm của tôi là sai.
Về quan điểm thứ hai kể trên của Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì tôi thấy hoàn toàn không ổn và rất đáng lo. Theo tôi, hiện nay nếu muốn đất nước có tiến bộ, có dân chủ thực sự hay thậm chí là chỉ muốn chính quyền phải cương quyết hơn với sự đe dọa, xâm lấn từ Trung Quốc thì chúng ta rất không nên lấy “cụ Hồ” ra làm tấm gương, trừ khi chúng ta không có đủ thông tin hoặc chỉ muốn có tiến bộ giả dối, nửa vời và chỉ muốn chính quyền vẫn lệ thuộc Trung Quốc. Chỉ cần xem lại một chút lịch sử chúng ta sẽ thấy điều này rất rõ.
Lãnh tụ nào và chính thể nào đã đưa vòng lệ thuộc, cống triều phương Bắc trở lại Việt Nam gần 80 năm sau khi sự phụ thuộc đó đã bị hủy bỏ hoàn toàn kể từ Hiệp ước Patenôtre 1884[i]? Còn lãnh tụ nào và chính quyền nào nếu không phải là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắc những cây cầu “răng môi”, “núi liền núi sông liền sông” cho sự lệ thuộc, cống triều (kiểu mới) phương Bắc trở lại Việt Nam từ năm 1950?
Ai là người đã làm trưởng ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và sau đó cũng chính là người đã lại góp phần khai sinh ra Hiến pháp 1959 (ở miền Bắc) để đưa đất nước quyết tiến lên Chủ nghĩa Xã hội? Người nào có thể thay thế được Hồ Chí Minh ở những vai trò hệ trọng và tầm nhìn xa cho dân tộc như thế?
Ai là người đã ký sắc lệnh về biểu tình số 31 ngày 13/09/1946 để chứng tỏ với công luận quốc tế rằng chính thể lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một chính thể cũng biết tôn trọng quyền tự do bày tỏ của dân chúng, nhưng thực tế thì từ đó trở đi quyền biểu tình của người dân (đã được người Pháp cho thực hiện một phần trước đó) hoàn toàn chỉ còn được thực thi trên giấy? Nhà lãnh đạo nào có thể có sự bén nhạy ngoại giao và sự khéo léo chính trị đến thế trong việc nhấc hết đi những tự do của dân đã có trong thời thuộc Pháp, nếu không phải là Hồ Chí Minh?
Ai là người có thẩm quyền chính trị cao nhất đã để cho đất tư từ hàng ngàn năm biến hết thành đất “sở hữu toàn dân”, đã tiến hành cuộc “cách mạng long trời lở đất” ở nông thôn cách đây hơn nửa thế kỷ mà vẫn khiến lòng người hôm nay bấn loạn, hãi hùng, rồi cũng chính người ấy lại đưa tay chấm nước mắt tiếc thương nhưng vẫn giữ trọn ngai vàng cho tới lúc chết? Còn ai có thể có tài an dân và có cái tâm quyết liệt đến cùng cho quyền lực độc đoán đến thế ngoài “Bác Hồ kính yêu”?
Ai là người vừa là Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch đảng cầm quyền trong lúc ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng hạ bút ký một công hàm công nhận lãnh hải Trung Quốc bao phủ cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa? Chắc chắn 54 năm chưa phải là thời gian quá lâu để mọi người quên mất người đó là Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tại miền Bắc Việt Nam), kiêm chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam và là một chí hữu, một “người thầy vĩ đại” đương thời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nhưng việc chính quyền hiện nay vẫn không ngừng nghĩ ra nhiều kế sách, vẫn không tiếc tiền của (của dân) liên tục đầu tư vào việc tô vẽ, duy trì, tôn tạo sự sùng kính Hồ Chí Minh trong dân chúng như một bậc thánh, một vị Phật cứu nhân độ thế là vấn đề không có gì khó hiểu vì đó là logic tất yếu của mọi chế độ độc tài. Chúng ta cũng không nên phải quá phàn nàn hay quá đau buồn về những việc đó, vì họ là những kẻ cầm quyền thừa kế trong một chế độ phi dân chủ, họ là những người đã công khai sự quyết tâm và đòi hỏi cả dân tộc phải “sống, học tập và làm việc” theo tư tưởng, tác phong của một lãnh đạo độc tài. Họ là những người đang cố duy trì một thần tượng có thể tiếp tục gây mê hoặc, ru ngủ dân chúng trên con đường lầm lạc, độc ác chỉ có lợi cho họ.
Cái đau xót và đau buồn chính là việc những người bị trị, những người đang mất tự do, bị áp bức, những người không muốn đi theo cái ác lại vẫn quì lạy, sùng kính một con người đã đưa họ từ những xiềng xích thô kệch, rỉ sét sang những gông xiềng êm ả, tinh vi, bền chắc hơn, đã khai sinh ra một chế độ suy đồi mà họ đang ta thán, đã là một ông trùm của các thủ đoạn dân chủ giả hiệu vẫn được duy trì cho tới hôm nay, đã là một chuyên gia về các kỹ thuật mị dân lão luyện tới mức khiến cho cả một dân tộc đa phần vẫn cứ an tâm, ngáo ngác, trông đợi tự do trong gông cùm và thờ kính chính kẻ đã quàng vào họ bộ gông cùm mới.
Nhưng sự đau xót, buồn phiền đó có phần nào nguôi ngoai, và chúng ta cũng không nên trách cứ những người đó, nếu họ chỉ là những người “toan lo nghèo khó”, chưa quan tâm việc triều chính, không thể đọc được một vài ngôn ngữ Âu Mỹ hoặc không có khả năng cập nhật thông tin ngoài những gì nhà nước độc tài ban phát.
Song, Tiến sĩ Nguyễn Quang A hoàn toàn không thuộc số những người như thế. Ông không chỉ là một trí thức lớn trong xã hội hiện nay, một doanh nhân lớn thành đạt bằng thực lực mà còn làm ra và sở hữu một “tủ sách SOS2”. Ông là người đã từng góp ý, phê bình thẳng thắn với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông cũng là người kĩ tính, theo tôi là đúng đắn, khi không hài lòng chữ “về” khi người khác dịch giới từ “to” (tiếng Anh) trong nhan đề The Road to Serfdom[ii] thành Đường về nô lệ. Ông là người gần đây rất quan tâm, rất ủng hộ nông dân bị cướp đất, rất nhiệt tình và sáng kiến trong việc chống “lưỡi bò” No U… Bản thân kẻ đang viết những dòng này cũng là người được ông “khai sáng” qua những dịch phẩm của ông như Hệ thống xã hội chủ nghĩa-chính trị kinh tế học phê phán, tổng quan kinh tế xã hội chủ nghĩa[iii], Lịch sử với những bài học[iv]…
Đương nhiên động lực trong thể hiện ngưỡng mộ Hồ Chí Minh của ông Nguyễn Quang A không thể giống với động lực trong sự sùng kính, ngưỡng mộ, quì lạy mà những kẻ cầm quyền độc tài vẫn thường thao diễn, chào mời, rao giảng, ép buộc. Nhưng có sự ngưỡng mộ nào mà lại không góp phần làm cho thần tượng, đang ngày đêm được tôn tạo, to thêm ra, lại không làm cho sự sụp lạy, vốn đã còng lưng, thêm cúi rạp? Thế mà một người như Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại lấy Hồ Chí Minh ra làm gương soi vào đúng lúc này. Đó chẳng phải là một điều thật đáng buồn lắm sao? Nhưng tôi tuyệt không tin vì thế mà chính quyền sẽ có những hành xử văn minh hơn đối với tất cả những thiện ý mà Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã muốn và sẽ muốn dành cho xã hội. Thế mới là điều lo lại thêm vào điều đã rất buồn.
© 2012 Phạm Hồng Sơn & pro&contra
[i] Đây là hiệp ước kí kết giữa Pháp và triều đình nhà Nguyễn (Việt Nam) vào năm 1884, thường lấy theo tên gọi của viên công sứ người Pháp (Patenôtre). Hiệp ước này có 19 điều khoản, trong đó có điều khoản: nước Nam chấp nhận cho nước Pháp bảo hộ, có việc gì giao thiệp với ngoại quốc thì do nước Pháp chủ trì, nước Nam không phải thần phục nước nào nữa. Thực ra điều khoản vừa kể không khác mấy so với hai hiệp ước đã kí trước đó vào các năm 1874 và 1883, nhưng ở Hiệp ước Patenôtre có hai chi tiết đáng lưu ý: 1. Viên công sứ Pháp (ở Bắc Kinh), tức đại sứ, đại diện của chính quyền Pháp lúc đó, chủ động tới triều đình ở Huế để thương thảo. 2. Sau khi kí hiệp ước thì chiếc ấn của Trung Quốc phong cho các vương triều Việt Nam đã bị đem ra “thụt bễ nấu lên và hủy đi”. (Nguồn: Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, quyển II, Bộ Giáo dục Trung Tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn 1971.)
[ii] Tác phẩm của Friedrich August Hayek (1899-1992), bản dịch của Phạm Nguyên Trường với nhan đề Đường về nô lệ, Nxb Tri thức (xem bản rút gọn tại đây), 2009; bản dịch của Nguyễn Quang A dịch với nhan đề Con đường tới chế độ nông nô
[iii] Tác giả Kornai János, Nguyễn Quang A dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002.
[iv] Tác giả Kornai János, Nguyễn Quang A dịch, Nxb Tri thức, 2008.
André Menras Hồ Cương Quyết - Con tin của luật im lặng
André Menras Hồ Cương Quyết
Nguyễn Huệ Chi dịch
Giải mã hiện tượng Bắc Kinh tăng tốc chiến lược bành trướng các vùng biển và những hải đảo quanh vùng. Việt Nam là nạn nhân chính của tình trạng này.
Ba năm nay, Bắc Kinh đã tăng tốc chiến lược bành trướng các vùng biển và những hải đảo quanh vùng. Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipinnes, Việt Nam bị tấn công hung bạo.
Tuy nhiên, Việt Nam chắc chắn là nạn nhân chính của áp lực “Trung Hoa hóa” nói trên. Việt Nam đã bị mất một quần đảo và một phần của quần đảo khác (1). Trước mỗi một sự xâm lấn của Trung Quốc, trong tình thế đất nước hiểm nghèo, nhà cầm quyền Hà Nội, trong khi công khai loan báo những lời kháng nghị rắn rỏi, thực tế vẫn không có phản ứng tự vệ cụ thể nào cả. Thay vào đó, dư luận quốc tế chứng kiến một điệu nhảy dị thường về chính trị-ngoại giao kiểu bạo dâm giữa hai thủ đô: cứ sau mỗi trò bẩn mới của bọn Tàu, nhiều công dân Sài Gòn và Hà Nội biểu tình trên các đường phố bất chấp sự ngăn cấm; thế là dùi cui, bắt bớ, bỏ tù.
Cuộc xâm lăng mới của Trung Quốc
Một vài ngày sau, một phái viên của Chính phủ hoặc một viên chức cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam lập tức đánh đường vội vã sang Bắc Kinh để trấn an các đồng chí đảng anh em, công khai hứa chấm dứt các cuộc biểu tình và một lần nữa khẳng định “tình hữu nghị vĩnh viễn và sự hợp tác toàn diện giữa hai đảng anh em và hai nước”. Và đó, một cuộc xâm lược mới của Trung Hoa được tái khởi đầu. Đối với những người Việt Nam yêu nước, đó là một cơn ác mộng. Một số người thì nói đây là “sự thần phục”, số khác nói “đi theo quỹ đạo”, còn số nữa nói “phản quốc”.
Chấn thương tươi rói nhất và chắc chắn là nói rõ nhất về tấn thảm kịch này là sự chịu đựng hàng ngày của thân phận những ngư dân con tin miền Trung Việt Nam phải làm ăn sinh sống tại các khu vực quần đảo dưới sự chiếm đóng của Trung Quốc, mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Một biên niên chính xác mặc dù không đầy đủ về các cuộc xâm lấn của Trung Quốc chỉ riêng ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã được xác lập. Những nguồn tài liệu sau đây là khách quan hơn cả: báo cáo của lực lượng phòng vệ bờ biển, báo chí chính thống, lời khai của nạn nhân. Nó xác nhận rằng, trong suốt thập kỷ qua, gần 1.400 ngư dân Việt Nam đã phải chịu đựng những nỗi đau của “tình hữu nghị rắn” của Trung Quốc. Tên các nạn nhân, ngày tháng, con số đăng ký những tàu cá bị khám xét, bị đánh chìm hoặc bị tịch thu, các biên bản bằng tiếng Trung Quốc kèm theo con dấu chính thức của cơ quan có thẩm quyền, những tài liệu ghi rõ khoản tiền chuộc khổng lồ mà các gia đình người bị bắt phải thanh toán tại ngân hàng Trung Quốc để giải thoát cho thân nhân của họ, tất cả mọi thứ đều có thể truy cập và kiểm chứng được.
Một cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 20 tháng 10 tại Munich
đòi hỏi tôn trọng quyền chủ quyền của các dân tộc. Ảnh: dr
đòi hỏi tôn trọng quyền chủ quyền của các dân tộc. Ảnh: dr
Một số ngư dân đã bị bắn giết, những người khác thì mất tích, tàu của họ bị húc chìm trong đêm tối, những người nữa biến mất trong những trận bão, ở ngay gần các hòn đảo mà kẻ chiếm đóng từ chối cho họ trú ẩn. Tất cả những người bị bắt đều bị xâm phạm thân thể, một số bị đánh đập dã man. Những tin tức gần đây nhất còn cho thấy có việc dí điện bằng dùi cui điện. Trong vòng mười năm, 413 người trong số họ, theo như tôi biết, đã bị giam giữ trên đảo Phú Lâm, từ nhiều ngày đến hàng mấy tháng.
Những tù nhân chiến tranh thật sự
Tất cả họ đều tả lại cùng một kịch bản: bị bịt mắt và còng tay vào một nhà giam 40 m2, sàn xi măng, mái phi-brô xi măng. Trong tháng 4 năm 2012, 21 ngư dân đã bị lèn chật ních tại đây suốt 49 ngày. Trong cái nóng ngột ngạt. Đói bụng tới mức phải gặm những lá chuối với được qua song sắt. Nước cấp theo hạn mức. Hầm cầu thối khẳm. Muỗi như trấu đến nỗi phải lấy áo che mặt để cố tìm giấc ngủ. Sự bùng phát của bệnh sốt rét và các bệnh đường ruột khác do nước lã và mỗi ngày hai bát cơm hẩm. Những lời khai được ghi lại cẩn thận trùng hợp với nhau gần như hoàn hảo: những người lao động hiền lành giữa biển này đang bị đối xử như những tù nhân chiến tranh thực sự. Bộ phim tài liệu “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau tím tái” do tôi thực hiện gần một năm trước trên đảo Lý Sơn, nơi xuất phát của số ngư dân ấy, đã cung cấp cho mọi người lời nói của họ, cũng như lời nói của các góa phụ của những ngư dân đã không trở về.
Tuy nhiên, những tài liệu này có vẻ đã làm phiền phức nhiều đến thế giới ngoại giao, kinh doanh và thậm chí cả báo chí quốc tế.
Việc công chiếu bộ phim tại Việt Nam bị ngăn trở. Ở Montpellier, Hội trường quan hệ quốc tế đã từ chối nó. Ở Leizig, một nhà báo địa phương chính thức thổ lộ với chúng tôi rằng chủ đề này khá tế nhị khi các nhà máy BMW [tên hãng xe hơi Bringt Mich Werkstatt của Đức] và Porsche [cũng là thương hiệu nổi tiếng về các mẫu ô tô thể thao của Đức] của thành phố đang có những “áp phe” ngoạn mục tại Trung Quốc. Đã phải đoàn kết đấu tranh rất nhiều để tổ chức công chiếu được bộ phim ở 5 thành phố của Pháp, 7 thành phố lớn của Đức, Séc, Ba Lan… May mắn thay, Youtube đã mở rộng cửa với chúng tôi: hơn 460.000 khán giả đã truy cập bộ phim được lưu hành trên các trang web khác nhau với các phiên bản tiếng Pháp, tiếng Việt và tiếng Nhật.
Cho đến nay chưa có tờ báo nào đề cập một cách cụ thể về số phận của các ngư dân này và gia đình họ. Chỉ có một bài viết tổng quát của AFP, một tờ tuần báo của Philippines “Buổi trưa tự do” và nhất là tờ “La Marseillaise” là đã mở ra cho chúng tôi một không gian ngôn từ để cố gắng phá vỡ luật im lặng đó.
Biểu tình cho quyền sống, nhân phẩm và việc làm
Kể cũng hơi nghịch lý, cho dù các hồ sơ về các vụ giam giữ là chắc nịch không bắt bẻ vào đâu được, các tổ chức như “Ân xá Quốc tế” (Amnesty International) hoặc “Theo dõi nhân quyền” (Human Rights Watch) vẫn giữ sự im lặng, tuy rằng họ thường hay bắt bẻ đến từng ly từng tí mỗi khi đụng tới quyền con người. Không một hội nghị quốc tế nào dành một tí không gian nhỏ nhất cho các ngư dân được đứng ra làm chứng.
Tại Munich, vào ngày 20 tháng 10, tôi đã biểu tình để bảo vệ quyền sống, nhân phẩm và việc làm của những con người ấy, bảo vệ chủ quyền của các dân tộc chống lại chủ nghĩa bành trướng Trung Hoa, bên cạnh các công dân Việt Nam và bạn bè Đức của họ, thuộc tất cả chính kiến, tầng lớp xã hội, không phân biệt nghi thức, màu cờ. Như một thông điệp mạnh mẽ tại thành phố này, nơi mà vào năm 1938, cuộc đầu hàng nhục nhã đã mở đường cho chủ nghĩa bành trướng Hitler đi vào châu Âu. Có những tình huống mà im lặng là đồng nghĩa với hèn nhát. Hèn nhát tất sẽ phải trả giá, không ngày này ắt ngày khác, trong một thế giới đã trở nên quá nhỏ.
(1) Xem hai bài trên La Marseillaise của cùng một tác giả: 1. “Trung Hoa hóa vùng biển Đông Nam Á, một bầu không khí điện giật”, 17/05/2010; 2. “Leo thang quân sự”, 27/06/2011.
N.H.C.
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Nguyễn Hữu Vinh - Đường lưỡi bò và chiếc lưỡi của những con bò
Nguyễn Hữu Vinh
Vị thế Việt Nam và đường lưỡi bò
Còn nhớ, trong một buổi gặp Việt kiều, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Ngay tại Đại hội Đồng LHQ vừa rồi mình lên tiếng mạnh mẽ phê phán cấm vận Cuba. Ngoài ý kiến chung, tôi còn thêm một ý kiến tôi hoan nghênh ông Obama. Ổng tuyên bố là ổng sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamô mà… Tôi nói mà tôi thấy ổng cũng nhìn chăm chú lắm a, cũng lắng nghe. Như thế là mình vừa động viên, vừa phân hóa nội bộ của ổng. Như vậy, cái vai trò cái vị trí của mình giờ cũng ngang hàng với người ta, nói năng cũng đúng mức, đàng goàng”. Ông chủ tịch nước nói vậy là hơi khiêm tốn về vị thế của đất nước ta cũng như của chính phủ ta khi chỉ nói rằng “cái vai trò cái vị trí của mình giờ cũng ngang hàng với người ta”.
Cái vai trò và vị trí Việt nam giờ lên cao, cao đến đâu chắc chỉ cần nhìn qua những hành động của nhà nước ta cũng đủ chứng minh. Rất cụ thể và rất nhiều. Nhưng không cần lấy những ví dụ xa xôi, chỉ lấy vài ví dụ nóng bỏng nhất, gần đây nhất cho dễ thấy và dễ hiểu.
Nguyễn Minh Triết đang nói về phân hóa nội bộ Obama(!)
Những vụ xâm lấn biển đảo của Tổ Quốc đã không còn là những lời đe dọa suông, mà là những hành động hết sức cụ thể, liên tục và có hệ thống đối với Hoàng Sa, rồi bây giờ là Trường Sa. Tương tự như vậy, bàn tay bành trướng của Bắc Kinh cũng vươn ra đến tận Philippine, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn... Song hai cách xử sự khác hẳn nhau. Chứng tỏ vị thế đất nước ta hơn hẳn các nước cùng bị nạn xâm lược.
Khi , Trung Cộng thành lập Thành phố ngay trên đất của ta, “đàng goàng” đưa quân đội chiếm đóng trái phép ngay trên đất nước ta, người người phẫn nộ, dân biểu tình ôn hòa chống lại, thì nhà nước cho dập tan, bắt bớ vào tù hoặc ít nhất là vào trại phục hồi nhân phẩm, báo chí bôi nhọ đủ trò bẩn thỉu. Đích thị bọn yêu nước là bọn phản động vì mọi vấn đề “đã có đảng và nhà nước lo”. Trong khi đó, ở Philppines thì bọn đảng và nhà nước không chịu lo, lại còn tổ chức cho dân biểu tình phản đối. Nói về cách giải quyết, thì đảng và nhà nước ta hơn hẳn đảng và nhà nước Philippines một bậc. Đảng và nhà nước Việt Nam lấy 16 chữ vàng và 4 tốt làm trọng, còn lãnh thổ, đất đai chỉ là chuyện “con sâu cái lá” – nói theo cách của cán bộ Công an nói về nạn mãi lộ, tham nhũng của cảnh sát giao thông. Còn Philippines thì chẳng cần chữ vàng và một tốt nào, sẵn sàng liên kết với Mỹ, động viên nhân dân chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Do vậy mà kết quả là gì? Dù Hiến pháp quy định rõ “Đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”, nhưng nhà nước chỉ lo quản lý đất đai của dân bao đời gây dựng, đất nhà thờ, thánh thất, tu viện để làm dự án, để chia chác là nhanh. Còn Hoàng Sa, Trường Sa Lãnh thổ ta dần dần được anh bạn vàng quản lý hộ. Cũng không sao, lý do là vì ngay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói: “Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Quốc hội thì thế, còn ông Tổng bí thư Đảng CS thì: “Biển Đông không có gì mới”. Mà không có gì mới thật, cũng là anh bạn cũ, cũng là việc xâm lược như cũ, cùng là nạn nhân là ngư dân Việt Nam như cũ, nên chẳng có gì phải bàn. Còn anh Philippines thì sao, hẳn là họ không có sự lãnh đạo sáng suốt nên không nhìn thấy cái CNXH mà đi lên. Vì vậy, dù nước họ nghèo, bão tố thiên tai triền miên, thì họ vẫn quyết tâm “còn bát gạo cũng thổi nốt” để bảo vệ lãnh thổ. Kết quả là gì: Trung Quốc không dễ dàng gì bắt nạt người dânPhilippines qua vụ bãi cạn vừa qua.
Vài hôm nay, Trung Cộng hung hăng đi thêm một bước mới trong âm mưu bành trướng ra các nước láng giềng bằng cách in lên hộ chiếu cái bản đồ phản ánh tham vọng của họ. Trong đó có đường lưỡi bò chiếm hơn 80% Biển Đông và vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ.
Ngay lập tức, các nước lên tiếng mạnh mẽ. Ấn Độ lập tức trả đũa bằng hình thức như sau “Theo tờ Hindustan Times vào hôm nay, 23.11, tòa đại sứ Ấn Độ ở Trung Quốc đã trả đũa bằng cách cấp cho các công dân Trung Quốc thị thực có in hình bản đồ của họ, trong đó mô tả hai khu vực tranh chấp nói trên thuộc lãnh thổ Ấn Độ”. Còn Philippines thì “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cũng tuyên bố nước này sẽ không thừa nhận bất cứ công dân Trung Quốc nào sử dụng hộ chiếu có bản đồ “đường lưỡi bò”.
Còn ở ta, truyền thống xưa nay khi có việc lãnh thổ bị xâm lược bởi , Trung Cộng thì động tác duy nhất là Người phát ngôn kéo lại cái băng rè mà mỗi người dân Việt Nam đều đã nghe đến thuộc lòng “Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý…”. Cao hơn, căng thẳng hơn, nóng bỏng hơn thì “Giao thiệp” với Đại sứ quán Trung Cộng. Chấm hết.
Thậm chí lần này, người phát ngôn cũng im như thóc, chỉ đến khi Phóng viên hỏi về cái Hộ chiếu lạ của Trung Cộng, thì ông ta mới trả lời rằng là Việt Nam phản đối và gặp gỡ, trao công hàm. Ông ta coi như đây là một việc thường ngày, bình thường như ăn cơm xong phải uống nước vậy. Nếu như cái lão phóng viên nào đó không tọc mạch mà hỏi chuyện này, thì cả nước cũng cứ vậy mà cung kính cái hộ chiếu của anh Tàu lạ mà thôi?
Có thể là vị thế Việt Nam quá cao, nên chỉ cần ông Phát ngôn trả lời một phóng viên như vậy mà không thèm làm gì hơn thì bọn bành trướng bá quyền Trung Cộng đã vãi đái ra quần mà cuốn gói chăng? Cứ xem thực tế thì biết.
Và cái lưỡi của những con bò
Hình dáng đường 9 khúc mà Bắc Kinh cố vẽ ra nhằm cướp Biển Đông được gọi là đường lưỡi bò. Có lẽ vì nó giống cái lưỡi con bò. Song thật ngẫu nhiên và ý nghĩa, vì lưỡi bò là cái lưỡi tham lam, thấy ngon là vơ vào, ăn được là ăn bất chấp chính nghĩa hay phi nghĩa, nếu ai đã từng chăn bò sẽ hiểu điều này. Và cũng thật đúng với việc nhà cầm quyền Bắc Kinh bất chấp lẽ phải chứng cứ và luật pháp để dùng sức mạnh phục vụ lòng tham vô đáy của mình bất chấp dư luận quốc tế hay sự thật lịch sử, pháp lý.
Điều đó cũng có thể hiểu được, dù sao thì họ cũng vì lợi ích của đất nước họ. Song có những cái lưỡi bò ngay trong nước ta, phục vụ lợi ích của bọn giặc mới là đáng nói và đáng phỉ nhổ.
Khi những người dân xuống đường vì lòng yêu nước, những kẻ thông đồng với giặc đã gân cổ gào trên báo đảng rằng như vậy là phá hoại chính sách đối ngoại của đảng và nhà nước, là gây rối trật tự công cộng, là xuyên tạc tình hữu nghị Việt – Trung… ngoài ra còn bịa đặt rằng những người biểu tình nhận tiền của thế lực thù địch để phá hoại đất nước. Mục đích là để phụ họa và lấp liếm hành động của nhà cầm quyền Hà Nội đã làm đối với tấm lòng yêu nước của nhân dân.
Thậm chí, những người có học hàm, học vị hẳn hoi (hẳn hoi ở đây theo nghĩa là có chứng nhận, còn thực chất thế nào thì chỉ có họ và những người bán bằng mới biết) cố sức bêu riếu, đặt điều nói xấu, dạy dỗ nhân dân, ngăn cản lòng yêu nước của họ. Thực chất là nối giáo cho giặc, rước voi giày mả tổ. Điển hình cho những hành động này là tờ Hà Nội mới với các tác giả như Vũ Duy Thông, hoặc Đài phát thanh – Truyền hình Hà Nội…
Rồi ngay việc hôm nay, khi phát hiện Trung Quốc đã vẽ hình lưỡi bò trên hộ chiếu, nhằm khi công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và được đóng dấu vào đó, sẽ là bằng chứng rằng Việt Nam đã công nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc. Ngoài ra, nó còn nhằm khắc sâu vào đầu mỗi người dân Trung Quốc ý đồ xâm lược và bành trướng lâu dài đối với đất nước ta. Với sự việc nghiêm trọng này, nhà nước Việt Nam sẽ làm gì ngoài một câu trả lời qua chuyện của người phát ngôn Bộ Ngoại giao? Hay tất cả cũng sẽ qua, chỉ vì “Về vấn đề Biển Đông không phải là toàn cục trong quan hệ Việt – Trung” như Nguyễn Phú Trọng đã khẳng đinh với Hồ Cẩm Đào, mà vấn đề toàn cục là ở chỗ cùng tiến lên CNXH mới là quan trọng?
Một người dân khi nghe câu này, bỗng nhiên nổi khùng: Có thể, với hai cái đảng cộng sản của hai ông, thì tiến lên CNXH, CNCS hay cái gì đó các ông tưởng tượng ra mới là mục đích, mới là toàn cục. Còn với người dân Việt Nam chúng tao, thì nếu mất biển, mất đảo, thì chỉ còn toàn cục… cứt.
Lại phụ họa với luận điệu toàn cục với toàn hòn, một số báo chí lên tiếng theo nhiều kiểu khác nhau sau một thời gian dài cấm khẩu về chuyện biển đảo của đất nước. Trong đó không thiếu những “lưỡi bò” trên báo chí Việt Nam.
Tờ Tuần Việt Nam mới đây đăng bài viết “Biển Đông: Chuẩn bị kỹ để chắc thắng” của Huỳnh Phan, phỏng vấn một người lạ hoắc tên là “nhà nghiên cứu Việt Long”. Chẳng biết cái “nhà nghiên cứu” này chui từ đâu ra, nghiên cứu được những gì, nhưng ông đưa lên mặt báo một mớ bùng nhùng rằng là pháp lý, lịch sử, rằng là “nếu cuốn sách "Toàn tập Thiên nam Thư chí lộ Đồ thư" của Đỗ Bá, chẳng hạn, là một cuốn sách tốt. Nếu là vua sai cụ viết thì giá trị pháp lý khác hẳn so với quan tỉnh”. Nhưng chính ông cũng không khẳng định cuốn sách đó ai sai ông Đỗ Bá viết ra? Hoặc “tuy đúng là đội Hoàng Sa, đội Trường Sa do Nhà nước lập ra, nhưng vẫn phải tìm những bằng chứng cụ thể hơn về phạm vi hoạt động của những đội này. Hoặc họ đã ra tới những hòn đảo đến tận Philippines chưa?”… Vậy mà nhà nghiên cứu này cũng không chỉ ra được ông đã nghiên cứu được đội đó đi đến đâu? Hay ông đã nghiên cứu được rằng Đội Hoàng Sa và đội Trường Sa thậm chí vẫn chưa đến khu vực Boxit Tây Nguyên nên chủ quyền Việt Nam ở nơi đó cũng cần xét lại?
Rốt cuộc, cả bài báo của cái gọi là “nhà nghiên cứu Việt Long” không có chút giá trị nghiên cứu nào, mà chỉ có một ý rất rõ là “có ai dám đảm bảo rằng sự chia rẽ đó sẽ không bị lợi dụng?” và “chúng ta nên học cách ứng xử của Đài Loan với Trung Quốc. Họ không bao giờ công kích nhau cả, thậm chí còn hỗ trợ nhau vì lợi ích chung của dân tộc Trung Hoa”. Câu này nghe quen quen như câu ”Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Đọc những dòng này, người ta nghĩ rằng ông ta có thể là một nhà nghiên cứu, nhưng là của Trung Cộng như Vương Hàn Lĩnh, kẻ đã ngạo mạn nói rằng “cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”. Do vậy ông khuyên Việt Nam học tập Đài Loan, một vùng lãnh thổ mà đến nay nhà nước Việt Nam vẫn công nhận là của Trung Cộng. Và cũng có lẽ đến khi nào Việt Nam trở thành Đài Loan thứ 2 thuộc Trung Cộng, thì ông sẽ hài lòng.
Trang thông tin Thông tấn xã Việt Nam rất hài hước khi trích dẫn một sự quan ngại của một nhà ngoại giao giấu tên rằng: “sự kiện trên là hết sức nghiêm trọng vì nếu sau này Bắc Kinh thay đổi ý kiến, họ sẽ mất rất nhiều công sức để thu hồi hàng triệu hộ chiếu như vây”. Thì ra, vấn đề lãnh thổ bị chiếm đoạt công khai chưa đáng quan ngại bằng việc ông anh Trung Cộng phải mất công sức khi thu hồi nếu họ thay đổi ý kiến.
Xin thưa là đừng mơ kẻ cướp thay đổi ý kiến, nếu Việt Nam vẫn chỉ phản đối bằng một câu trả lời chiếu lệ của Người phát ngôn và những hành động trấn áp người yêu nước. Cũng do vậy, TTXVN đừng phải lo Trung Cộng mất nhiều công sức sau này. May chăng, họ chỉ sẽ mất nhiều công sức khi người dân Việt Nam cũng như các nước bị xâm lược cùng đứng lên mà thôi.
Những tờ báo ca ngợi tướng Tàu đã gây tang thương cho dân tộc ta trên biên giới 1979, những bài báo lăng nhục, bịa đặt kết tội người yêu nước như Hà Nội mới, Đài Truyền hình Hà Nội… những lời lẽ của ông Việt Long nào đó, thực chất là cái lưỡi của những con bò.
Tinh thần dân tộc và yêu nước của người dân Việt Nam từ xa xưa luôn luôn mạnh mẽ. Song những cuộc chiến chỉ là sự bất đắc dĩ khi bị dồn đến bước đường cùng của sự sống còn của cả dân tộc thì bùng lên giành lấy cơ hội tồn tại. Nhưng những cuộc chiến bằng vũ lực, bằng quân đội, một cách rõ ràng, còn đỡ nguy hiểm hơn cuộc chiến tranh mềm mại bằng 16 chữ vàng và 4 tốt, bằng tình đồng chí anh em môi hở răng lạnh, bằng tinh thần quốc tế cộng sản…
Rốt cuộc là lãnh thổ teo dần, sinh mệnh đất nước ngàn cân treo đầu sợi tóc.
Và ở đó, nguy hiểm nhất lại là lưỡi những con bò ngay trong đất nước Việt Nam.
Ngày 23/11/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)