Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Phùng Liên Đoàn - Vài cảm nghĩ về sự kiện người Việt tị nạn Lưu Lệ Hằng lãnh giải Kavli và Shaw được mệnh danh là giải Nobel về Thiên văn cả Tây lẫn Đông



Phùng Liên Đoàn*


Lưu Lệ Hằng—Jane Luu— sinh năm 1963 tại Saigon, học trung học tại Ventura California), đại học tại Stanford University, và cao học tại Massachusetts Institute of Technology (MIT)

Ngày 17 tháng 9, 2012, Lưu Lệ Hằng lãnh giải Shaw tại Hong Kong được mệnh danh là Nobel Phương Đông, chia 1 triệu USD cùng giáo sư Jewitt về thiên văn. Ba người kia lãnh giải về sinh học (Ulrich Hartl và Horwich) và toán (Kontsevich)

Giải Kavli và Shaw là Nobel về Thiên Văn

Lưu Lệ Hằng, tên Mỹ là Jane Luu, được nhận giải thưởng Kavli cùng Jewitt và Brown, và giải thưởng Shaw cùng Jewitt, do khảo cứu thiên thạch, sao chổi và sự hiện hữu của vành thiên thạch quanh mặt trời mà Kuiper đề án năm 1951.

Giải thưởng Kavli, 1 triệu USD, phát 2 năm một lần cho ba ngành là thiên văn, khoa học nano và khoa học neuro, do chính vua Na Uy chủ tọa, được mệnh danh là Nobel về các ngành khoa học này vì Nobel không nghĩ tới khi thiết lập giải Nobel. Do Kavli Foundation tại Na Uy tài trợ bắt đầu từ năm 2008, giải Kavli được sự hỗ trợ lựa chọn bởi 5 viện hàn lâm quốc tế: Trung Quốc, Pháp, Đức, Mỹ, và Na Uy (xem Wikipedia về Kavli).

Giải thưởng Shaw, đáng giá 1 triệu USD, do Shaw Foundation thành lập năm 2002 tại Hong Kong, phát mỗi năm một lần, được mệnh danh là Nobel Phương Đông, vinh danh những nhà khoa học còn sống đã có đóng góp đáng kể vào các ngành thiên văn, sinh học và toán học. Như vậy là về toán học, nó to hơn giải Fields là giải 15 ngàn USD phát bốn năm một lần cho các thiên tài toán học dưới 40 tuổi. Sự lựa chọn người trúng giải là do một hội đồng thay đổi hằng năm và gồm các khoa học gia chuyên môn nổi tiếng. Thống đốc Hong Kong (tự trị) là người chủ tọa lễ phát giải ngày 17 tháng 9 năm 2012 (Xem Wikipedia về Shaw và Fields).
Lưu Lệ Hằng là người Việt gốc Bắc, sinh năm 1963 tại Saigon, tị nạn qua Mỹ năm 1975 khi mới 11-12 tuổi. Theo tiểu sử do mình tự viết, Hằng có một đời sống khá bình thường ngay trong thời buổi chiến tranh, cha làm thông dịch viên tiếng Anh và tiếng Pháp, mẹ ở nhà, sống tại Saigon có nhiều bà con họ hàng, học trường Pháp, không có khái niệm gì về chiến tranh ngay cho tới khi phải di tản với một xách tay nhỏ vào tháng 4 năm 1975. Tới Mỹ, Hằng được người bảo trợ đặt tên cho dễ nhớ là Jane Luu, sống 1 năm tại tiểu bang Kentucky với mẹ, chị và hai em nhờ người dì đã có cơ ngơi sẵn tại Mỹ che chở, trong khi cha ở lại California đi học và tìm việc. Khi cha của Hằng có việc, cả nhà tới ở Ventura ngoại ô Los Angeles, cha làm kế toán, mẹ làm việc lắp ráp điện tử.


Giải Kavli được mệnh danh là Nobel về thiên văn tại chính quê hương của Nobel là vùng Thụy Điển - Na Uy - Đan Mạch.

Hằng học tiếng Anh trôi chảy từ năm đầu, theo học các lớp trung học một cách thoải mái và cho là quá dễ, được hiệu trưởng “mời” nhảy lớp 8 lên lớp 9, và khi đậu ra trường lớp 12 thì đứng thủ khoa. Với thành tích xuất sắc, Hằng được nhiều trường giỏi nhất ở Mỹ nhận học, như Princeton, Massachussetts Institute of Technology (MIT), Stanford, và cô đã chọn Stanford (gần San Francisco) vì trường đó cho học bổng nhiều nhất. Ban đầu học ngành kỹ sư cơ khí do cha đề nghị, nhưng sau đổi sang vật lý vì thấy nó căn bản hơn. Sau khi đậu cử nhân, Hằng làm việc hè tại Jet Propulsion Laboratory của NASA (National Aeronautics and Space Administration – Cơ quan không gian và vũ trụ Mỹ) và rất ấn tượng với các hình ảnh chi tiết của các hành tinh treo trên tường hành lang. Cô đã quyết định học cao học về thiên văn và nộp đơn xin học tại MIT. Tại đó, Hằng có cơ may gặp giáo sư trẻ tuổi (sinh năm 1958) gốc Anh là David Jewitt, người đang khảo cứu nguồn gốc các thiên thể có chu kỳ ngắn như sao chổi trong thái dương hệ. Với căn bản vững chãi và một ý chí kiên trì, Lưu (nay gọi tên gia đình họ của Hằng cho tương đương với các đồng sự) và Jewitt đã làm việc đêm ngày theo đuổi đề án của nhà thiên văn Hà Lan Kuiper đưa ra từ năm 1951 là mặt trời phải có một vành thiên thạch. Họ có niềm tin là ngoài Pluto không thể chỉ có khoảng không, vì NASA đã dùng vệ tinh IRAS chụp được một vành thiên thạch quanh sao Vega.

Lưu lấy bằng tiến sĩ năm 1990 và đã nổi tiếng về các khảo cứu sao chổi. Năm 1991 hội Thiên Văn Mỹ trao giải thưởng Cannon cho Lưu và đặt tên một thiên thạch do Lưu khảo cứu là Asteroid 5430 Luu. Lưu được nhận làm khảo cứu thiên văn tại Harvard và vẫn tiếp tục công việc khảo cứu vành Kuiper với Jewitt lúc đó đã làm giáo sư tại Hawaii.

Sau 5 năm ròng rã, dùng các phương tiện tại MIT, Harvard, Kitt Peak (Arizona) và Mauna Kea (Hawaii), cùng là nhờ các dụng cụ quan sát nhạy bén mới gọi là CCD (charge-coupled devices), năm 1992 Jewitt và Luu tìm ra được thiên thạch 1992 QB1 đường kính 280 km (bằng 1/8 Pluto) mà họ gọi là Smiley theo tiểu thuyết trinh thám của John LeCarre’. Khám phá này, rồi 20 khám phá thêm sau đó, và cả trăm khám phá khác do cộng đồng thiên văn cộng hưởng, đã chứng minh sự hiện hữu của vành Kuiper, và mở đầu cho một kỷ nguyên mới về khoa học Thái Dương Hệ cùng là thuyết khai thiên lập địa.

Sau khám phá của Jewitt và Luu, Michael Brown (sinh năm 1965) được NASA bảo trợ một chương trình lớn tại Jet Propulsion Laboratory tìm các thiên thạch và hình dung vành Kuiper bằng cách chia không gian làm 10 ngàn ô quan sát. Năm 2005 Brown tìm ra thiên thạch Eris to bằng Pluto (2300 km), khiến Hội Thiên Văn Quốc Tế phải lập lại bảng các hành tinh, chỉ coi Pluto là một Hành Tinh Lùn (Dwarf Planet) như Eris, mà không phải là hành tinh giống Neptune hoặc trái đất. Và người ta biết rằng vành Kuiper có tới cả tỉ thiên thạch mà tổng cộng không nặng quá 6 lần trái đất, trong đó có cả chục ngàn thiên thạch to hơn 100 km. Các thiên thạch (hay thiên sơn) này luân lưu do Neptune (Hải Vương Tinh) điều hành. Vị nào chuyển động bất thường thì bị hút vào không phận của các hành tinh và trở thành sao chổi tiến sát mặt trời và đôi khi đụng các hành tinh như Jupiter (Thiên Vương Tinh) hoặc sao Hỏa hoặc trái đất. Mới đây vài năm, 5 sao chổi đã đâm vào Jupiter với sức nổ gấp cả triệu lần bom nguyên tử 20 kiloton nổ năm 1945 tại Hiroshima. Lịch sử trái đất đã có nhiều thiên sơn đụng phải, có lần làm mọi sinh vật chết hết vì tro bụi bao trùm khí quyển nhiều năm che lấp ánh sáng mặt trời. Tương lai một cuộc tận thế của loài người như vậy là có xác suất, và người ta đang nghĩ cách đo lường trước và ngăn ngừa bằng cách dùng bom nguyên tử hoặc phương pháp khác để đánh lạc sao chổi đó khi nó trên đường có thể đụng vào trái đất.

Từ năm 1992 tới 2001, Lưu đã khảo cứu và giảng dạy tại Berkeley, Stanford, Harvard, và Leiden (Hà Lan). Từ 2001 tới nay Lưu làm kỹ sư thiết bị tại Lincoln Laboratory của MIT vì không thích không khí ganh đua “ghế” tại các đại học, trong khi đó Lincoln Laboratory có ngân sách của chính phủ khảo cứu các thiết bị phòng ngừa khủng bố.

Lưu chia tiền thưởng Kavli 1 triệu USD với Jewitt và Brown, và chia tiền thưởng Shaw 1 triệu USD với Jewitt. Lưu có chồng tên là Hoogerwerf, một nhà thiên văn người Hà Lan, và một con trai 6 tuổi. Hiện gia đình Lưu sống tại Lexington, Massachusetts, gần đại học Harvard và MIT.

Với hai giải thưởng tầm cỡ Nobel về thiên văn, Lưu có thể sẽ không phải lo về các “tranh giành các ghế” trong đại học nữa (khi bỏ đi làm kỹ sư thiết bị), mà có thể sẽ là một giáo sư thực thụ tại một đại học có chương trình thiên văn nổi tiếng như Harvard, MIT, Hawaii, Arizona hoặc California Institute of Technology (Caltech).

Vài cảm nghĩ về sự kiện

Lưu Lệ Hằng trở thành một trong số người Việt đóng góp sáng chói cho khoa học như Ngô Bảo Châu, Võ Đình Tuấn, Nguyễn Hữu Xương, Nguyễn Xuân Vinh, Dương Nguyệt Ánh. Và họ cũng làm người Việt vẻ vang trên trường quốc tế như nhiều thiên tài khác trong các ngành nghệ thuật, chính trị, kinh tế, ví dụ Đặng Thái Sơn, Đinh Đồng Việt, Philip Roesler, Carol Huynh, Thanh Truong (xem Wikipedia về Famous Vietnamese Names). Tôi cảm thấy rất tự hào về người Việt.

Tuy nhiên, lòng tự hào của tôi bị hãm lại bởi một thực tế rất phũ phàng. Ta có thực sự nổi trội trên thế giới không? Các nước khác cùng một quá khứ giống ta như Nhật, Hàn, Đài Loan, Singapore… có được những thành tích đáng phục đó không? Tại sao với mỗi tin thành công của một người Việt lại có cả trăm tin thất bại - đau khổ của người Việt khác? Tại sao phần lớn các người thành công đột trội trên lại là nhờ học và làm việc tại ngoại quốc và sẽ không bao giờ trở lại làm việc toàn thời gian tại Việt Nam?

Nhìn vào các thống kê của các ngành nghề, tôi thấy người Việt cũng chẳng hơn ai, còn thua nhiều dân tộc khác là đằng khác, nhưng cái thua này – ít giải thưởng, ít sáng chế, ít giàu có – là vì một lý do rất dễ hiểu: Cơ chế và lãnh đạo đất nước Việt Nam tồi quá, không những ngày nay mà trong cả chiều dài của lịch sử. Lịch sử của Việt Nam là cả ngàn năm chiến tranh chống ngoại xâm và huynh đệ tương tàn, chứ không phải là một lịch sử hòa bình gây hạnh phúc cho người dân. Lãnh đạo ta làm những việc mà họ chưa hề được học đến nơi đến chốn theo chiều hướng văn minh, và họ không có đủ trí huệ để không ham quyền cố vị và chiêu tụ người tài làm tốt cho xã hội. Cơ chế của ta cóp nhặt mỗi nơi một chút nhưng bắt chước hoài cũng không thông rồi còn nói làm “theo cách Việt Nam”. Hèn chi hỏi 1000 người trong nước có hạnh phúc sung sướng không thì phải có đến trên 900 người có phàn nàn này nọ. Hèn chi học sinh ra trường ít có việc làm để thực thi những điều đã học. Và hèn chi muốn học và thành nghề tới nơi tới chốn thì phải ra nước ngoài. Cũng hèn chi những người đã thành đạt tại nước ngoài thì ít muốn về Việt Nam làm việc vì không những lương ít, phương tiện ít, mà còn gặp phải những cản trở vô lý về cơ chế.

Tôi thấy có tâm trạng giống như Phan Chu Trinh 100 năm về trước:
Người mình đã vụng về trăm thức,
Lại khoe rằng “sĩ nhất tứ dân”; 
Người khanh tướng, kẻ tấn thân, 
Trăm nghề hỏi có trong thân nghề nào?
Chẳng qua là quơ quào ba chữ, 
May ra rồi ăn xớ của dân…

Ngồi nghĩ lại càng đau tấc dạ,
Hỡi những người chí cả thương quê,
Mau mau đi học lấy nghề,
Học rồi ta sẽ đem về dạy nhau.
(Tỉnh Quốc Hồn Ca, circa 1910)

“Nghề” mà cụ Phan Chu Trinh nói vào thế kỷ trước trong xã hội nghèo nàn, nô lệ của ta, là các nghề khiến cho ta tự lập, có thể kiếm sống cho bản thân, gia đình và sau đó là người đồng loại. Vì các cụ đã được đọc và đi vài nước trên thế giới, thấy người ta không tụng kinh sử như ta như Tàu, mà người ta làm thợ nề, thợ mộc; làm ruộng đào kinh; xây trường xây nhà thương; làm đường xá cầu cống; buôn bán vật dụng làm đời sống của người dân dễ dàng văn minh hơn. Những nghề đó và phương pháp đó ta có rất ít, vì lãnh đạo ta trọng kinh sử và “nề nếp của tiền nhân” hơn kết quả làm ra được bằng trí óc sáng tạo, bằng tinh thần học cái mới, và việc đem thủ công vào sản xuất thật nhiều cho tốt, cho rẻ.

Ngày nay, 100 năm sau Phan Chu Trinh, qua bao nhiêu chinh chiến vật đổi sao dời, người Việt đã chứng tỏ nghề nào ta cũng có người học được, và còn học giỏi là đằng khác. Nhưng quan sát kỹ thì có một nghề ta vẫn chưa học được, đó là nghề ”khiêm nhường, hòa giải, hòa hợp”, để ta có thể chung vai sát cánh xây dựng xã hội cho được an bình, thịnh vượng; lấy hạnh phúc của người dân làm mục đích chính của mọi hoạt động cá nhân cũng như tập thể. Người thức thời nhìn rõ là xã hội Việt Nam hiện nay thua xa các nước khác không những về văn minh vật chất, mà còn cả về văn minh tinh thần. Cơ chế chồng chéo và áp đặt, tham nhũng và vô đạo tràn lan không những tại những nơi cửa quyền mà còn tại học đường, nhà thương, nhà chùa, nhà thờ, và ngay trong gia đình. Nạn vô cảm khiến người ta coi nhau như thú hoang trong rừng, mạnh ai nấy sống. Trong một trạng thái như vậy, làm sao ta có thể giúp người tài phát triển những cái hay cái lạ, làm sao ta có thể khuyến khích xây dựng tương lai tốt đẹp qua giáo dục và pháp luật? Hèn chi các người Việt có tài phần lớn đều được giáo dục và phát triển tại nước ngoài. Họ coi họ là người nước ngoài, quen với tiện nghi và tự do, do đó sẽ ít người muốn về nước lập nghiệp để giúp đỡ cho xã hội và quốc dân Việt Nam.

Cũng năm 2012, Viện Trần Nhân Tông được thành lập bởi một nhóm người Việt và thân hữu tại đại học Harvard, với chủ trương nghiên cứu và khuyến khích hòa giải hòa hợp. Không như ý kiến của một số người nhanh chóng chống đối theo kháng tố Quốc - Cộng, chủ trương này có tầm nhìn xa toàn thế giới và nhân loại, chứ không phải chỉ có ý đem Trần Nhân Tông của Việt Nam “đi đánh xứ người” cho oai hoặc làm công cụ tuyên truyền. Mặc dầu triết lý của Trần Nhân Tông cũng chẳng hơn gì triết lý của nhiều vĩ nhân khác, ngay cả những người còn đang sống như Thích Nhất Hạnh, Dalai Latma, Desmond Tutu, Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi, Gorbachev, Lý Quang Diệu…, cái mục đích của Viện Trần Nhân Tông là rất cao quý, và thành lập được một điểm tựa để ta và nhiều người trên thế giới có thể khảo cứu và truyền dạy thiện ý và nghề hòa giải, hòa hợp là một việc làm rất nên trân trọng.

Trong tương lai, nếu may mắn có cơ chế tốt, lãnh đạo tốt, Việt Nam có thể đào tạo nhiều người tài như Lưu Lệ Hằng, Ngô bảo Châu, Đặng Thái Sơn… không? Tôi nghĩ là không. Ta chỉ có thể khuyến khích học sinh, sinh viên học tốt, phát triển tốt, nhưng để đạt được trình độ như quí vị trên thì ta phải gửi họ đi nước ngoài vì môi trường và phương tiện của ta cả trăm năm nữa cũng chưa chín mùi đạt được trình độ có giải Nobel về khoa học. Và sự ưu ái khuyến khích họ đi nước ngoài không có nghĩa là chính phủ phải bỏ nhiều tiền, vì các nhân tài như họ thì tự nó sẽ có nguồn bảo trợ. Chính phủ cần dùng ngân sách eo hẹp để đào tạo cán bộ chuyên môn và có lương tâm vào các ngành nghề quan trọng cho đời sống hạnh phúc của số đông, tức là các nghề rất bình thường nhưng phải đều phải chuyên, như các ngành kinh tế, y tế, phát triển cộng đồng, gìn giữ môi trường. Một chính phủ tốt phải nghĩ tới nhu cầu và kết quả của đa số quần chúng và tương đối cho tất cả mọi người, chứ không nên đi lệch chăm chú vào một khía cạnh nào đó để thỏa mãn tầm nhìn của một vài cá nhân lãnh đạo, như khi độc tài Bắc Triều Tiên làm bom nguyên tử và hỏa tiễn, Đông Đức trước kia và Trung Quốc ngày nay cố chiếm nhiều giải thể thao Olympic. Và chính phủ nên có chương trình mời các người thành đạt như Lưu Lệ Hằng về thăm đất nước, giúp đỡ đồng nghiệp, và khuyến khích giới trẻ.

P.L.Đ.

*Ông Phùng Liên Đoàn tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ tại đại học Massachusetts Institute of Technology, đã từng làm cố vấn cho Bộ Năng Lượng Mỹ và Cơ Quan Định Chế Điện Hạt Nhân Mỹ. Ông hành nghề tư vấn về nguyên tử và môi trường tại Mỹ 45 năm, nay về hưu, và nguyện cống hiến hết tài sản của mình làm việc thiện, qua ba tổ chức do gia đình ông lập nên là Vietnamese American Scholarship Fund (VASF), Center for the Encouragement of Self-Reliance (CESR), và Institute for Vietnam Future (IVNF).

Nguồn: Bauxite Việt Nam


Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

BBC - Thêm chữ ký kiến nghị về Phương Uyên


BBC


Nguyễn Phương Uyên bị bắt hôm 14/10

Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trong những người vừa ký vào thư kiến nghị gửi Chủ tịch Trương Tấn Sang về sinh viên Nguyễn Phương Uyên.

Lá thư do nhóm nhân sỹ trí thức soạn thảo để chuyển lên Chủ tịch nước yêu cầu trả tự do cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên, người bị bắt hôm 14/10 vừa qua, đến nay đã thu được 144 chữ ký.

Lá thư đề ngày 30/10 cũng yêu cầu có giải thích công khai "về sự kiện bắt giam cháu Nguyễn Phương Uyên, sinh viên trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM".

Trong số những người đã ký thư có những tên tuổi trí thức quen thuộc, được nhiều người biết đến, như Giáo sư Tương Lai, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Kinh tế gia Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn...

Người chấp bút bản kiến nghị nói rõ lá thư được thảo ra "tiếp theo thư của các cháu sinh viên Trường Đại học Công Nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Nước ngày 20/10/2012 và nhằm hậu thuẫn cho đề nghị chính đáng của sinh viên".

Chừng 100 sinh viên đồng môn của Nguyễn Phương Uyên trước đó đã gửi thư cầu cứu khẩn cấp lên Chủ tịch Sang về việc mà họ gọi là sinh viên này 'mất tích'.

Sau đó vài ngày, công an mới thông báo cho gia đình Phương Uyên về việc bị bắt với cáo buộc Tuyên truyền chống Nhà nước.

'Bức xúc'

Thư kiến nghị của các vị trí thức cho hay họ "hết sức bức xúc" trước tin sinh viên Phương Uyên bị bắt, mà lý do họ cho là "xuất phát từ lòng yêu nước của tuổi trẻ".

"Trong chúng tôi cũng có những người đã từng đứng trên bục giảng và hiểu được tâm trạng của tuổi trẻ," lá thư viết.

"Nếu do thiếu kinh nghiệm đường đời, cháu có thể có hành vi nào đó công an cho là phạm pháp luật, thì liệu có nên bắt giam và hành hạ cháu như thế, cũng như từng đã ứng xử với những tuổi trẻ yêu nước khác đang bị bắt giam như vậy không?"

Lá thư yêu cầu Chủ tịch Trương Tấn Sang "có chỉ thị cụ thể cho việc xử lý có tình, có lý đối với hành vi yêu nước của một cô gái 20 tuổi đã dám biểu tỏ bằng hành động cụ thể tinh thần dân tộc và lòng căm thù quân xâm lược cho dù hành động đó bị Công an quy kết vào bất cứ tội trạng nào".

Lá thư lên án việc bắt giữ Nguyễn Phương Uyên là "thô bạo và trắng trợn nhất, gây phẫn nộ trong công luận trên cả nước và thế giới".

'Phá hoại uy tín'

Mạnh mẽ hơn, lá thư còn đòi trả tự do cho Phương Uyên sớm được về với gia đình và trường học, đồng thời kêu gọi Chủ tịch Sang "xem xét, rà soát lại những bản án đã xử rất nặng những người yêu nước biểu tỏ sự bất đồng chính kiến bằng tư tưởng mà không có hành vi bạo động nào nguy hại đến lợi ích quốc gia như người ta đã quy kết".

Lá thư đề cập tới các trường hợp khác bị bắt giam, bỏ tù do phản đối tình trạng gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, như nhạc sỹ Việt Khang, và nói các bản án giành cho người yêu nước bày tỏ quan điểm ôn hòa là "sự phá hoại uy tín của Nhà nước, bôi xấu hình ảnh của Việt Nam trước thế giới hơn bất cứ hành động phá hoại nào mà công an đang ra sức truy lùng và đàn áp".

Các trí thức nhắc lại điều mà cũng chính họ đã ghi trong các thư ngỏ và kiến nghị lên lãnh đạo Việt Nam trước đây, yêu cầu "chấm dứt các hành động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đặc biệt là chấm dứt hành động đàn áp, khủng bố những thanh niên yêu nước đã dám dấn thân vào các hành động cứu nước một cách cụ thể, trong sáng và mạnh mẽ".

Lá thư cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vụ phản kháng mạnh mẽ hơn nữa trong giới thanh niên, sinh viên, "những sự kiện Quách Thị Trang, Trần Văn Ơn mới", trước tình trạng bạo lực và trấn áp hiện nay, những biện pháp đối phó mà lá thư gọi là "giải khát bằng thuốc độc".

Trong khi đó, BBC được tin lá thư cầu cứu khẩn cấp từ các bạn học của Nguyễn Phương Uyên gửi lên ông Trương Tấn Sang 10 ngày trước "vẫn chưa có phản hồi".


Trọng Nghĩa - Mỹ, Nhật, Ấn họp bàn về tự do hàng hải: Bắc Kinh ấm ức


Trọng Nghĩa (RFI)

Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, hôm thứ Hai 29/10/2012 vừa qua, phái đoàn ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ và đã kín đáo mở cuộc đối thoại về hợp tác giữa ba nước trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là trên vấn đề an ninh hàng hải tại vùng châu Á Thái Bình Dương.


Thứ trưởng Ngoại giao Kenji Hiramatsu dẫn đầu phái đoàn Nhật tham gia cuộc họp ba bên (Reuters)
Như thông lệ, Bắc Kinh đã có ngay phản ứng bất đồng tình: Về mặt chính thức, lời lẽ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tương đối ôn hòa, nhưng báo chí Trung Quốc đã được dịp tỏ thái độ bực tức, với những lời lẽ đay nghiến đặc biệt nhắm vào Nhật Bản.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ, đối thoại với nhau về vấn đề an ninh trên biển. Cơ chế đối thoại ba bên này đã họp phiên đầu tiên tại Washington vào năm 2011, và phiên thứ hai tại Tokyo. Trong cuộc họp lần thứ ba tại New Delhi hôm thứ Hai, các phái đoàn đã tập trung vào các vấn đề an ninh hàng hải, quyết định tăng cường các chiến lược chống nạn hải tặc, và bàn luận thêm về kiến trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phía Mỹ đã nhân cơ hội này giải thích rõ hơn về chủ trương “chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á” của Mỹ. Vấn đề Biển Đông cũng được mang ra thảo luận trên tinh thần cần phải bảo đảm quyền tự do hàng hải ở vùng này. Riêng Nhật Bản thì đã nêu bật vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo nhật báo Ấn Độ The Hindu số ra hôm nay, dù vấn đề quan hệ giữa ba nước với Trung Quốc không được nêu ra một cách chính thức rõ ràng, nhưng Bắc Kinh đã bày tỏ ngay thái độ quan ngại.

Theo Tân Hoa Xã, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – vào hôm qua đã tỏ ý hy vọng rằng «các nước liên can sẽ nỗ lực hơn nữa để phát huy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực». Theo ông Hồng Lỗi: «Đó là vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực».

Trái với tuyên bố rất ngoại giao kể trên, báo chí Trung Quốc đã trích lời một số chuyên gia Trung Quốc, để cực lực đả kích cuộc họp này, và đặc biệt chĩa mũi dùi vào Nhật Bản.

Hoàn cầu Thời báo – Global Times – trong bài xã luận hôm qua, đã coi Nhật Bản là kẻ “đầu têu” trong việc thúc đẩy cơ chế đối thoại ba bên Mỹ Ấn Nhật. Theo tờ báo này, Nhật Bản – nước đang vướng vào tranh chấp biển đảo với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông – là quốc gia lo lắng nhất về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trung thành với sách lược chia để trị, tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa nhẹ đòn hơn với Ấn Độ khi so sánh rằng quan hệ Bắc Kinh – New Delhi có vẻ thuận thảo hơn bang giao Trung Nhật: «Nhật Bản đang gây ra vấn đề cho Trung Quốc, nhưng điều đó không đáng lo. Trung Quốc có một số hy vọng là sẽ có hợp tác chiến lược với Ấn Độ».

Tờ báo cũng phê phán Hoa Kỳ, cho rằng Mỹ đang «âm mưu gài bẫy Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương», bất chấp việc cộng đồng doanh nghiệp tại Washington ngày càng «hội nhập» chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Đối với Hoàn cầu Thời báo thì rõ ràng Hoa Kỳ đang lúng túng trước Trung Quốc: «Mỹ thường xuyên có một chiến lược mập mờ về Trung Quốc. Có vẻ như là Washington không biết rõ là phải làm gì để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc».

Nhìn chung, Global Times khẳng định rằng giá trị thực tế của cuộc đối thoại ba bên Mỹ Nhật Ấn «rất thấp». Lý do là sự trỗi dậy của Trung Quốc là một tiến trình phức tạp mà chính Mỹ không thể đối phó, tự mình hay trong sự liên kết với các nước khác. Để ngăn chặn Trung Quốc, cần phải có tài chánh dồi dào. Thế nhưng, theo tờ báo, Hoa Kỳ hiện không thể đủ khả năng này, Nhật Bản hay Ấn Độ cũng vậy.

T.N.


Khánh An - Dân oan, nNhững con giun không ngừng bị giày xéo



Khánh An, phóng viên RFA

Do những sai sót, thiếu minh bạch trong quá trình giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của các dự án trải dài từ Nam ra Bắc đã đẩy ngày càng nhiều người dân vào con đường trở thành “dân oan khiếu kiện”.


Một trong sáu nông dân ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bị 20 người mặc thường phục ập đến tấn công hôm 12-07-2012. -Citizen photo

Đã vậy, những người dân đã mất đất mất nhà trong thời gian gõ cửa tìm công lý vẫn liên tục bị ức hiếp khiến nhiều người không còn chút lòng tin vào đội ngũ lãnh đạo đất nước.

Truy quét, đánh đuổi

Thời gian gần đây, mỗi khi có các sự kiện quan trọng diễn ra ở thủ đô Hà Nội là người ta thấy xuất hiện những nhóm dân oan khiếu kiện. Tiếp đó là màn truy quét, đánh đuổi và đôi lúc giật cướp đồ của lực lượng chức năng đối với những người dân khốn khổ cùng đường.

Những ngày Quốc hội vừa qua cũng thế, trên các trang thông tin mạng liên tục xuất hiện “tin nóng” rất ngắn gọn kèm theo hình ảnh của những nhóm dân oan từ nhiều tỉnh thành với các dải băng rôn đòi hỏi quyền lợi tập trung ở khu vực mà các đại biểu đang nghị hội.

Tất cả những diễn biến có tính chu kỳ trên đương nhiên luôn được các lực lượng chức năng lưu tâm và lên kế hoạch đối phó. Bởi thế mà thường trước và trong những ngày các lãnh đạo nghị triều cũng chính là những ngày dân oan khiếu kiện phải chạy như chạy bão vì bị đánh đuổi khỏi nơi cư trú quen thuộc là vườn hoa Mai Xuân Thưởng.

Bà Phan Ánh Ngọc, 65 tuổi, một người dân oan đến từ tỉnh Bình Phước cho biết bà đã từng bị công an đến cắt võng khiến bà rớt xuống đất, giật lấy tấm bạt che, xoong nồi và thức ăn của bà trong một đêm mưa bão, còn lúc tập trung đi khiếu kiện mà bị đánh đuổi là chuyện đương nhiên. Bà Ngọc cho biết bà vốn là một thương binh mà cũng không được nương tay:
“Tui bị thương đầu, mình mẩy tan nát hết trơn, 27 năm đánh giặc mà, đâu có còn nguyên vẹn. Gia đình tui liệt sĩ hết, còn có một mình tui, bây giờ mấy ổng cứ thoải mái cướp thôi. Tui là bộ đội, đánh giặc 27 năm, nay Đảng đền ơn tui là thế đấy. Đưa đơn thì nó không cho vô, mà nếu ấy là nó cho người đánh, cướp của tụi tui, kể cả tui là thương binh mà nó vẫn đuổi trong cơn mưa đến nỗi tui bị xỉu.”


Hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, bộ đội được huy động đến xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 24-04-2012 để cưỡng chế 70 hecta đất xây dựng khu đô thị Ecopark. Citizen photo.

Bà Ngọc may mắn được các thầy chùa Bồ Đề cứu và cho tá túc trong lúc bệnh tật. Bà cho biết những người dân oan khác muốn tụ tập trước trụ sở họp Quốc hội để kêu cứu cũng đã bị đánh đuổi đi, phải chạy xuống khu vực bờ sông cạnh chùa Bồ Đề để lánh nạn tạm thời.

Bỗng dưng trở thành “dân oan”

Trên thực tế hiện nay cho thấy ngày càng nhiều người dân bỗng dưng trở thành “dân oan” vì những bất hợp lý, thiếu minh bạch trong quy định và thực tế thi hành việc trưng dụng đất dẫn đến cưỡng chế lấy đất.

Trường hợp của gia đình chị Cao Hồng Thắm ở Cần Thơ là một ví dụ điển hình. Chị cho biết quy định của chính phủ đưa ra lúc đầu trong việc thu hồi đất làm đường là 34 met. Tuy nhiên sau đó chính quyền địa phương lại thông báo lấy 40 met và bây giờ là đòi lấy hết căn nhà của chị. Chị Thắm kể:
“Lộ là làm 34m chính phủ đưa ra, mà bây giờ nó đòi lấy 40m, rồi lấy trắng luôn. Cưỡng chế mà mới đưa tờ giấy thông báo cưỡng chế vào ngày 16 hay gì đó, mời em mới lên họp có một lần. Nó nói là 40m, em nói “Bây giờ dân ở đây ngu dốt, nếu 40m thì phải đưa lệnh của chính phủ ra đi, rồi dân người ta sẽ dỡ theo 40m.”

Thế nhưng yêu cầu đơn giản của chị Thắm đã chỉ được đáp ứng bằng đội quân hùng hậu gồm công an, cảnh sát cơ động… xông thẳng vào nhà chị đúng vào ngày quốc tế Phụ nữ. Chị kể:
 “Cưỡng ngay trong ngày 20/10. Nhà không ai nói cho người này người kia nghe tại vì không ai nghĩ là nó dám cưỡng chế trong ngày 20/10 hết, vì ngày 20/10 là ngày Phụ nữ mà làm sao lại cưỡng chế nhà của phụ nữ được?! Ức ói luôn! Mẹ già em bảy mươi mấy tuổi mà nó xịt khói cay đầy nhà mà không cứu mẹ em để cho mẹ em bất tỉnh.”

Chị Thắm cho biết cả nhà chị gồm mẹ, một anh bị tâm thần và đứa em đều phải đi bệnh viện sau trận cưỡng chế của lực lượng chức năng mà chị mô tả là còn “tàn ác hơn là chiến tranh ngày xưa”:
“Nó dự định là vô lôi em ra đường, nhấn xuống nước, nó còng tay trói ra sau lưng, đè đầu mình xuống xình, uống nước xình, nước thúi luôn đó chị. Tại vì phía trước nhà em nó có tính toán sẵn, nó móc một cái hố để cho bà con vô cứu không được. Hình sự, lính, công an đầy đường hết trơn, nó không cho dân vô, nếu vô cũng không cứu được. Người ta muốn vô cũng không được.”

Con đường chung của những người dân oan mất đất là kéo nhau ra Hà Nội, tìm đến các lãnh đạo cấp cao với ước mong gặp được “Bao Thanh Thiên” giữa đời thường. Với những người dân khốn khổ này, ước mơ của họ cũng hồn nhiên như hành động khi bị cưỡng chế. Chị Cao Hồng Thắm nói tiếp:
“Nhà em với dân ở đó oan ức quá đi. Oan ức quá nên mới đi tìm “Bao Thanh Thiên”, đi lên TPHCM, ra Trung ương tìm những ông phó thanh tra, tổng thanh tra gì đó để vô đây minh oan cho. Dân người ta khóc luôn, nghĩ là mình ôm ảnh Bác Hồ, treo cờ Bác Hồ, mình cầu cứu ngày 20/10… vẫn là vô dụng luôn!”

Thực tế của chuyện giải quyết khiếu kiện đã khiến cho đa số người dân oan mất hoàn toàn lòng tin đối với đội ngũ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chị Nguyệt, dân oan Cần Thơ, bức xúc nói:
“Ông Phan Văn Khải ra quyết định bồi thường và nói là ổng thu hồi đất của dân không mất một cọng cỏ. Nhưng mà chị nói thiệt, không có mất cỏ nhưng mà mất đất của dân, cướp nhà của dân, chứ cỏ thì không có mất! Bởi vậy bây giờ mà Cộng Sản nói là dứt khoát chị không nghe, từ thằng lớn tới thằng nhỏ, chị không nghe thằng nào hết. Chị muốn nói với em rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói là “xin lỗi dân”, cướp của của dân là trả cho dân chứ không có xin lỗi gì hết trơn. Mình là thằng cướp rồi, là tổ chức cướp rồi thì bây giờ không xin lỗi gì hết, cướp của người ta thì phải trả cho người ta.”

Những bức xúc của chị Nguyệt cũng là bức xúc của hàng ngàn người dân oan trên khắp đất nước ngày đêm đi bới rác, bán vé số để kiếm sống, Họ lấy đất làm giường, lấy trời làm màn để mong một ngày thấy được công lý. Có lẽ đối với họ, người lãnh đạo xứng đáng chỉ đơn giản là hãy trả lại những gì đã lấy của người khác.


BBC - Lãnh đạo 'thông thái' của Trung Quốc


BBC

Thời điểm thay đổi lãnh đạo quan trọng của Trung Quốc đang đến gần, với những lãnh đạo tương lai của Trung Quốc là tâm điểm của báo chí thời gian gần đây.


Trong bối cảnh đó, cây bút Cary Huang của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã có bài viết về người được cho sẽ là thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường, với tựa đề "Từ luật sư đến lãnh đạo, Lý Khắc Cường là quan chức có bằng cấp cao nhất từ trước đến giờ."

BBCVietnamese xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết này.

Các bằng cao học về luật và kinh tế có thể là điều khiến thủ tướng chưa đăng cai Lý Khắc Cường trở nên khác biệt, tuy nhiên đừng vội hy vọng rằng sẽ có các cải cách toàn diện ở Trung Quốc.

Thủ tướng tương lai có thể là nhân vật có bằng cấp cao nhất kể từ ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.

Phó thủ tướng Lý‎ Khắc Cường, chủ nhân của bằng cao học về luật và kinh tế từ trường đại học uy tín Bắc Kinh, được trông đợi sẽ kế nhiệm thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng Ba sang năm.

Tại đại học, ông Lý đã học về cách xét đoán của người Anh, hòa lẫn với chủ trương dân chủ, điều này khiến nhiều người mong rằng sự lãnh đạo của ông có thể đem lại thay đổi chính trị to lớn tại nước lớn cuối cùng theo thể chế cộng sản.

Tư tưởng hiện đại

Ông Lý Khắc Cường được đánh giá là lãnh đạo Trung Quốc với tư tưởng tiến bộ

Ông Lý là lãnh đạo kỳ cựu đầu tiên trong Trung ương đảng có nắm giữ một bằng thạc sỹ và tiến sỹ kinh tế cùng với một bằng đại học luật, tất cả đều từ một đại học từng là tâm điểm của sự bất đồng chính kiến. Tư tưởng tự do phóng khoáng mà ông thu nhận được xung khắc mạnh mẽ với xuất xứ ngành kỹ thuật của những lãnh đạo Trung Quốc gần đây.

Trong thời kỳ hỗn độn của Cách mạng Văn hóa, ông Lý theo học luật từ Giáo sư Cung Tường Thụy, một chuyên gia về luật hiến pháp của phương Tây, người du học tại Anh từ năm 1930. Sau đó ông Lý lấy bằng tiến sỹ kinh tế dưới sự chỉ dạy của Lệ Dĩ Ninh, bậc thầy về cải cách thị trường của Trung Quốc.

Kerry Brown, trưởng chương trình Châu Á tại Chatham House ở London, nói ông Lý là luật sư đầu tiên trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, và là luật sư đầu tiên trở thành thủ tướng.

“Ông ta là điển hình cho những nhà lãnh đạo mới vì ông ấy không phải người theo kỹ trị, ông có bằng tiến sỹ Đại học Bắc Kinh và công tác một thời gian dài ở các tỉnh trước khi thăng tiến lên chức phó thủ tướng vào năm 2008,” ông Brown nhận xét.

Trong một lần viếng thăm Hong Kong năm ngoái, ông đã phá lệ trong nghi thức ngoại giao và phát biểu tại một trường đại học của Hong Kong bằng tiếng Anh. Ông Lý là một trong số ít những lãnh đạo cấp nói lưu loát tiếng Anh; điều này khiến giới quan sát bất ngờ.

Khi ông theo học tại Đại học Bắc Kinh trong những năm cuối thập kỷ 70, những lời kêu gọi tự do ngôn luận và dân chủ vang lên khắp nơi trong sự sụp đổ niềm tin sau Cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông.

Ông Lý hăng hái tham gia bàn luận chính trị ở đại học, kết bạn với những người có tư tưởng tự do sau trở thành bất đồng chính kiến sống lưu vong; và từng giúp dịch cuốn Tiến trình luật cơ bản của luật gia nổi tiếng người Anh Lord Denning.

Một người đồng môn của Lý Khắc Cường nói "là người được Giáo sư Cung dạy dỗ đúng ở độ tuổi hình thành tư tưởng và lại từng dịch thuật cuốn sách luật nổi tiếng của Anh, có lẽ ông Lý có niềm tin to lớn vào pháp quyền và hệ thống hiến pháp hiện đại."

Lớp học của Giáo sư Cung thời đó được cho là hạt giống của những ý tưởng tự do hoặc từ nước ngoài. Ông Cung cũng là người tham gia soạn thảo hiến pháp Trung Quốc.

Người bạn học cũ của ông Lý và là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, ông Vương Cẩm Đào, người phải sống lưu vong ở Mỹ kể từ năm 1994 sau khi bị kết án 13 năm tù vì ủng hộ phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989, nói Lý Khắc Cường là người trực ngôn và ứng đối nhanh ở trường.

Cả hai đều là lãnh đạo sinh viên tích cực, và ông Vương nói rằng ông bị ấn tượng bởi những bài diễn thuyết của ông Lý đến nỗi đã bầu ông làm Chủ tịch đoàn Thanh niên.

Ông Vương nói ông thấy bất ngờ khi ông Lý làm công chức lâu đến vậy vì thời gian đi học, ông là người phản đối tư tưởng quan liêu trong cách làm việc.

Một nhà bất đồng chính kiến khác, ông Hồ Bình, hồi tưởng lại năm 1980, ông Lý, lúc đó là một thành viên của Đoàn sinh viên đã ủng hộ ý tưởng bầu cử trực tiếp lãnh đạo đoàn trong trường đại học khiến mọi người đều kinh ngạc.

"Sau cuộc bầu cử, tôi đã nói chuyện với ông ấy về các cuộc tuyển cử, dân chủ và tương lai của chính trị Trung Quốc," ông Hồ nói với báo chí nước ngoài.

Chưa nên hy vọng?

Vấn đề nhà ở, một trong những khu vực dưới sự quản lý của ông Lý Khắc Cường, vẫn khiến Bắc Kinh phải xấu hổ

Ông Vương ghi nhận rằng mặc dù là người "suy nghĩ độc lập", và "muốn có được những thành tựu cá nhân to lớn" ông Lý không bao giờ đối đầu với chính quyền trong các vấn đề lớn.

Giới nghiên cứu về Trung Quốc nói trải nghiệm quá khứ của Lý không đồng nghĩa với việc ông ta sẽ là hoa tiêu của đường lối tự do, dựa vào ý kiến từ nội bộ Đảng, miêu tả ông là 'tắc kè chính trị', người nằm trong hệ thống và thực hiện nhiệm vụ của mình chỉ với tư cách một công chức.

Ông Lý sinh ra trong một gia đình công chức truyền thống của Trung Quốc và trải qua nhiều huấn luyện tư tưởng và văn hóa trước khi vào đại học.

Cha của ông là một nhân viên tòa án cấp huyện, sau đó trở thành quan chức về bảo tồn di sản ở tỉnh An Huy.

Ông Cheng Li, chuyên gia về Trung Quốc tại Brookings nói những ưu tiên chính sách của ông Lý là những ưu tiên của một thế hệ mới.

"Lý Khắc Cường đã lôi cuốn sự chú ý vào những vấn đề ông quan tâm mạnh mẽ như nhà cho người nghèo, an toàn thực phẩm, y tế công cộng, thay đổi khí hậu, năng lượng sạch," ông Li viết trong một bài tiểu luận gần đây nhất về những lãnh đạo tương lai của Trung Quốc.

"Không một vấn đề nào trong số những điều đưa ra nằm trong diện ưu tiên của giới lãnh đạo Trung Quốc 10 năm trước."

Tuy nhiên cũng giống như ông Ôn Gia Bảo, ông Lý cũng đã là tâm điểm chỉ trích của các tin đồn xoay quanh tài sản của gia đình ông.

Em trai của Lý Khắc Cường, ông Lý Khắc Minh, hiện là phó Cục trưởng Cục Quản lý thuốc lá của Trung Quốc.

"Đây là điều mỉa mai và thiếu nhạy cảm đối với người sắp kế nhiệm vị trí thủ tướng vì ông Lý Khắc Cường đã đảm nhiệm khu vực y tế công cộng của Trung QUốc kể từ năm 2008," ông Li nói thêm.

Một vụ tai tiếng về y tế dưới sự quản lý của ông Lý nữa là vụ lây lan bệnh AIDS tại tỉnh Hà Nam qua đường truyền máu.

Hai lĩnh vực khác mà ông Lý nhận trách nhiệm là nhà ở và an toàn thực phẩm, cũng tiếp tục là hai vấn đề khiến Bắc Kinh phải nhiều lần xấu hổ.

Trong một bài diễn thuyết mới đây tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, ông Lý Khắc Cường nói rằng Trung Quốc, sau 30 năm cải cách và mở cửa, đã đạt đến ngưỡng cần phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng và cần nhiều đột phá ở những lĩnh vực chủ chốt.

Ông Brown nói rằng ông Lý đã chứng minh rằng mình là một nhà cải cách kinh tế và có tư tưởng tự do, tuy quan điểm của ông về xã hội - chính trị vẫn còn thiếu rõ ràng.


Hà Văn Thịnh - Từ Senkaku tới Biển Đông...


Hà Văn Thịnh

Nhức nhối, buồn, muốn viết mà nghĩ nên viết về cái gì nhưng nghĩ mãi “không ra’ – (quá nhiều uất ức nên nó mới không ra); đành phải chọn hai từ tản mạn để tự cho mình cái quyền được dông dài, được bạn đọc lượng thứ...


Bắt đầu là những bài học nóng bỏng từ Senkaku. Chắc chắn tất cả những ai quan tâm đều thấy Senkaku đang ngày càng nóng hơn – nóng đến mức chỉ cần một tàn lửa thiếu kiềm chế (hoặc thiển cận) của mỗi bên là đủ để bùng lên một đám cháy, thiêu đốt sinh mạng hàng vạn con người. Ai sẽ nhượng bộ ai đây khi Nhật Bản chính thức có chủ quyền từ năm 1795 nên dẫu Trung Hoa có rên rỉ là bị lừa đi nữa thì cũng chỉ biết tự trách mình. Cái lý trước bàn dân thiên hạ, NB chắc thắng. Nói cách khác, TQ đã TỰ THUA khi cùng một lúc ôm mộng bá quyền là muốn gặm cả hai khúc xương Senkaku – Biển Đông (!). Nói như thế cũng có nghĩa là TQ đã sai lầm – nhưng nên nhấn mạnh rằng những cái đầu u mê Đại Hán chẳng bao giờ thừa nhận họ sai. Cứ nhìn lên bản đồ sẽ thấy họ lâm vào thế “triệt buộc”: Phía bắc là con gấu tuy đang ngủ đông, mệt mỏi vì mải lo vá víu nhưng chẳng dễ gì qua mặt (không thể trong tương lai gần); phía đông là chuỗi bán đảo - đảo chiến lược từ Hàn Quốc đến tận quần đảo Mariana - Guam của Hoa Kỳ (đảo cực bắc của quần đảo Mariana thuộc Hoa Kỳ chỉ cách đảo cực nam của NB chỉ 300 hải lý), phía Nam là Biển Đông. Như thế, về mặt địa chiến lược, lòng tham như con thú cùng đường nhất định phải tìm cách để thoát ra. Lịch sử phức tạp nhưng có vô số những điều dễ hiểu: 5.000 năm kể từ khi có nhà nước, chưa từng thấy bất kỳ một cường quốc nào không có lối ra BIỂN dễ dàng (!). Người Nga không thể thành cường quốc bởi họ lên phía bắc mắc nạn Bắc Băng Dương, phía tây nam thì bị eo biển Bosphore của người Thổ chặn đứng, muốn xây dựng lực lượng để phát triển từ Vladivostok thì vô nghĩa bởi không thể ứng cứu cho Moscow, Biển Đen... chẳng hạn khi phải đi vòng, bị kiểm soát tối đa... Đế quốc (tạm coi là thế) Mông Cổ chỉ giỏi bắt nạt sa mạc chứ chui vào đầm lầy, rừng rậm của người Việt thì ngay lập tức bị hủy hoại nhanh chóng sức lực bởi muỗi, ruồi, sên, vắt, đỉa, bệnh nhiệt đới..., vì thế, “chọn” giải pháp hòa tan vào Trung Hoa để mất đất, mất hàng triệu người bị đồng hóa.
Nhân đây cũng nói luôn: TQ chưa bao giờ là cường quốc cho dẫu họ luôn nhận là thế. Nếu là cường quốc thì không phải đợi đến thời Khang Hy – Ung Chính - Càn Long (1665-1795) mới chiếm được Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan; nếu là cường quốc thì không đến nỗi phải bỏ ra 500 năm và ít nhất 10 triệu mạng người xây Vạn Lý Trường Thành nhằm ngăn cản vài ba triệu Hung Nô; nếu là cường quốc thì họ đã nuốt chửng Triều Tiên, Việt Nam từ lâu rồi chứ không phải đến nỗi chỉ thống trị Triều Tiên vẻn vẹn có 82 năm dưới thời Hán và Đường và, không thể đồng hóa nổi Việt Nam...

Lịch sử chứng minh điều rất giản dị: TQ muốn nhưng không thể làm gì được bởi những mâu thuẫn nội tại chồng chất mà thời nào cũng có. Ngày xưa mạnh hơn Hung Nô, hơn Triều Tiên... hàng chục, hàng trăm lần nhưng bất lực. Ngày nay cũng thế. Người Nhật biết rõ lịch sử ấy.

Dĩ nhiên, khái niệm cường quốc thời nay khác xưa về vũ khí, phương tiện chiến tranh, các căn cứ trên biển, khả năng huy động của thể chế nhà nước dân chủ thực sự, các tương quan quyền lực, các tổ chức quốc tế, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế... TQ thiếu tất cả những cái đó (ngoại trừ sự dọa nạt, bắt thóp, khóa miệng... lãnh đạo các quốc gia nhỏ hơn).

Câu hỏi đặt ra là, tại sao TQ biết nhưng vẫn phiêu lưu ở Senkaku, Biển Đông? Thứ nhất, không thể thành cường quốc nếu không giải quyết được các tranh chấp ở hai vùng đã vào thế cưỡi hổ đó (nói đến đây, đủ biết vận mệnh dân tộc VN nguy nan đến mức độ nào). Thứ hai, cần một phép thử đối với Mỹ. Thứ ba, dường như họ đang tìm kiếm một cuộc chiến tranh để “thử sức” bởi hai lần thử sức trước đây trong chiến tranh Triều Tiên (1950) và Việt Nam (1979) họ đều thất bại. Thứ tư, nếu “giải quyết” được Senkaku thì hệ lụy tức thì đối với họ là Mỹ sẽ (đã) nhượng bộ, lùi bước ở Okinawa, Biển Đông. Thứ năm, một sự “răn đe” với tất cả các nước láng giềng, kiểu “ngầm ý”: NB có Mỹ mà vẫn lui bước, phần còn lại phải “tự hiểu”...

Câu hỏi nảy sinh là: Gây xung đột (thậm chí là chiến tranh) với NB, khả năng thắng của TQ có thể hay không? Về nội lực, “thế trận” của trò chơi Trung – Nhật là lưỡng bại câu thương, và, TQ sẽ mất nhiều hơn được. Hiện tại, báo chí VN (rất buồn là luôn đưa tin một chiều nghiêng phần thiệt hại nhiều hơn cho các công ty NB) đang cho rằng người Nhật thiệt hại hơn nhưng thực tế, cái mất của TQ là nhiều hơn: Hàng vạn công nhân TQ đang làm cho các công ty Nhật, buôn bán 2 chiều là 345 tỷ USD (ANTĐ, 4.10.2012), không một nền kinh tế EU hay Mỹ hay..., có thể chấp nhận một “đối tác” thích thì hảo, không thích thì pú hảo như Tố Hữu đã tổng kết cách đây nửa thế kỷ “nghĩa tình e sớm nắng, chiều mưa/ chợ trời thật giả đâu chân lý”. Cái sai, cái dở của Tố Hữu thì nhiều, riêng điều này ông đúng: TQ là quân tử chợ trời! Về ngoại lực, lẽ dĩ nhiên cái thời TQ muốn làm mưa làm gió chưa đến, ít nhất là 50 năm tới. Chẳng bao giờ Hoa Kỳ buông đồng minh có vai trò “hòn đá tảng” (nguyên văn “viên đá chìa khóa” – key stone) như NB. Chưa khi nào chúng ta thấy người Mỹ không giữ lời hứa trong các “trò chơi” quốc tế. Bên cạnh đó, TQ sẽ mất rất nhiều những “người bạn một nửa” theo cách nói của Lê Nin: Chỉ cần có lợi thì sẵn sàng “đi cùng” với mọi người bạn một nửa?
Thử ngẫm sẽ thấy rằng nước “sợ” TQ bành trướng ra Biển Đông nhất là... Singapore (!). Thế đó, dù là cùng giống dòng Nghiêu Thuấn nhưng họ lại sợ cái kết cục quái thai là chui vào cái rọ độc tài, tham nhũng, hành dân đại lục. Cũng nói luôn là “hiểu” TQ không ai ở Đông Nam Á này bằng người Thái, người Singapore, người Indonesia (rất tiếc là rất nhiều người Việt có chức có quyền cố tình không hiểu như những lãnh đạo thông minh ở 3 nước trên). Thái là nước đầu tiên đem quân giúp Mỹ ở Iraq năm 2003 và Indonesia thì biết rõ “sự kiện 30.9.1965”, gần 1 triệu đảng viên đảng cộng sản Indonesia (trong đó 1/3 gốc Hoa) đã đòi lật đổ chính quyền như thế nào)...

Từ một vài khái quát trên, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng không việc gì phải e ngại cái gọi là sức mạnh của TQ. Những hành động ngày càng trắng trợn của nhà cầm quyền TQ ngày nào báo chí cũng đưa tin và ngày nào cũng không thấy cấp cao nhất phản ứng. Làm sao có thể chấp nhận câu nói “không để Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ Việt Trung”? Nói như thế có khác gì mở cửa cho cáo vào chuồng gà? Làm sao có thể chấp nhận sự “vô tư” “cấp tỉnh hóa” VN theo cách hôm nay Đài truyền hình VN lập cầu truyền hình trực tiếp với tỉnh Q, ngày mai Nhà xuất bản CTQG hợp tác với NXB Thượng Hải? Chúng ta là một nước có chủ quyền chứ không phải ngang cấp với bất kỳ địa phương nào của bất kỳ nước nào, cho dẫu đó là nước trời. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chẳng bao giờ tôi giơ hai tay ra bắt tay quan chức trừ phi họ giơ hai tay ra trước. Chẳng lẽ cái nguyên tắc tối giản trong ngoại giao rằng không được hạ thấp mình mà các ngài có chức quyền không hiểu sao? Mình không tôn trọng chính mình mà đòi kẻ khác không khinh rẻ mình ư? Một câu tiếng Nga tôi học từ hồi xửa hồi xưa cứ làm tôi đau mãi – đó là tên của một cuốn sách của Lê Nin: “Một bước tiến, hai bước lùi” (Sác phpêriốd, đva sácga nazad). Đó là cách ngụy biện cơ hội, biện minh cho sự hèn nhát vô nguyên tắc của tư duy.

Trong những bài học rút ra từ sự kiện Senkaku, có lẽ, bài học quan trọng nhất chính là ở chỗ: TQ chứng tỏ rằng, tham vọng bành trướng của họ là không bao giờ thay đổi; rằng họ sẵn sàng bất chấp tất cả những lợi ích kinh tế, coi thường mọi giá trị pháp lý, sẵn sàng chà đạp mọi nguyên tắc, miễn là đạt đến mục đích giành lấy cho bằng được những cứ điểm có giá trị chiến lược, đồng thời khẳng định vị thế buộc tất cả các nước nhỏ hơn phải khuất phục, mọi cường quốc phải kiêng dè. Một nước có nền kinh tế ba thế giới mà TQ vẫn quyết đe dọa, gây căng thẳng thường trực, thậm chí có thể chấp nhận đối đầu thì những nước nhỏ hơn tất yếu phải tìm kiếm đồng minh; nếu không, thảm họa là không thể tránh khỏi. Vì tất cả những lẽ đó, Senkaku cũng là cơ hội để VN, Singapore, Indonesia, Thái Lan đoàn kết chặt chẽ trên nguyên tắc của sự thật hiển nhiên: Nếu bất kỳ nước nào để mất chủ quyền vào tay TQ hôm nay đồng nghĩa với số phận của của nước kế tiếp, và kế tiếp nữa trong cái “hạn định” nghiệt ngã của lịch sử. Lịch sử không lặp lại nhưng vẫn thường bắt chước chính nó: Tần Thủy Hoàng đã bắt đầu sự thống nhất Đại Hán bằng việc tiêu diệt nước Hàn – gần nhất và nhỏ nhất (230 BC), rồi nước Triệu (228), Ngụy (225), Sở (223), Yên (222) và cuối cùng là Tề (221 BC)...

Nỗi đau lớn nhất là Dân Tộc Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế nhưng lại đang tự đánh mất lợi thế của mình. Người xưa dạy đối thủ của ta là bạn của ta. Tại sao không hiểu rằng Nhật, Mỹ, VN là 3 đối tượng ngày nào báo chí TQ cũng réo lên hằn học? Tại sao không biết cả Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines luôn đứng về phía VN (ít hay nhiều) mà lại đi tin vào kẻ lá mặt lá trái để xây dựng tình hữu nghị như nước C nào đó? Tại sao vẫn cứ giả điếc, giả mù trước sự thật là hàng hóa TQ đang tàn hại cả nền kinh tế, sức khỏe của cả giống nòi, mỗi ngày? Tuy rất kém về kinh tế học nhưng tôi biết chắc chắn một điều rằng, ít nhất, sự trì trệ của kinh tế VN có 30% là nguyên nhân từ sự chèn ép, lũng đoạn của TQ.

Lẽ ra, Senkaku là cơ hội “trời” cho VN để tìm được một và những đồng minh chưa bao giờ thiết thực hơn, chưa bao giờ có ý nghĩa bền vững hơn... Ôi chao!... Lẽ ra...!

Quảng Trị, Ngày Lễ Các Thánh Thần - 1.11.2012

H.V.T.
Nguồn: Bauxite Việt Nam

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012



BLOG ĐÀO TUẤN

Hai năm trước, một bức ảnh do nhà sử học lừng danh Dương Trung Quốc sưu tầm được ở Pháp về “tuần lễ vàng 1945” đã gây ra sự xúc động trong dư luận. Đó là một bức ảnh chụp cảnh người dân đi đóng góp tiền, vàng cho quốc gia “đông như hội”. Sau ngày độc lập, ngân khố quốc gia bấy giờ chỉ còn lại 1,2 triệu đồng Đông Dương. Và trong thư gửi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới “sự hy sinh”. Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương cũng có thể hy sinh để phụng sự Tổ quốc.

Chỉ trong vòng 7 ngày, đồng bào cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền Đông Dương và 370kg vàng. Quy đổi theo tỷ giá 400 đồng Đông Dương 1 lạng vàng thì tuần lễ vàng 1945 đã quyên góp được 59.618 lạng vàng, bằng 10 lần số tiền trong nhà băng Đông Dương khi giành lại chính quyền ở thủ đô Hà Nội.
Những nhà sử học sau này, nhìn con số đó để nói về một “kỳ tích”. Nhưng thứ kỳ tích lớn nhất mà sử sách không thể không ghi. Đó là kỳ tích lòng dân. Kỳ tích về sự hy sinh không có giới hạn. Chưa bao giờ người dân sẵn sàng hy sinh đến thế. Chưa bao giờ người dân và Chính phủ lại đồng lòng như thế.

Hôm qua, hơn 60 năm sau “tuần lễ vàng 1945”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn QH nhắc lại chuyện “gia đình dòng họ tôi góp vàng cho Chính phủ” từ những ngày đầu lập quốc, để kêu gọi nhân dân, trong phạm trù “cả hệ thống chính trị” cần “vào cuộc” cùng với Chính phủ trong thời buổi khó khăn này, dù bà không nói rõ về sau này “dòng họ, gia đình” có tiếp tục đóng góp vàng cho Chính phủ.

Lời kêu gọi của bà Bộ trưởng không sai. Chỉ có điều, lời kêu gọi đó rơi tõm trong sự im lặng, không một lời hưởng ứng. Cũng giống y như chuyện Thống đốc cam kết giữ hộ vàng cho dân. Cũng rơi tõm vào sự thất bại.

Lý do tất nhiên hoàn toàn không phải là vì dân không còn tiền, còn vàng.

Thực tế, người dân chưa bao giờ đứng “ngoài cuộc” với những khó khăn của quốc gia, của đất nước. Bản thân việc họ hàng ngày vẫn nai lưng ra làm để kiếm miếng ăn cho bản thân, cho gia đình mang lại sự phồn vinh cho xã hội đã là một sự “giúp sức” cùng Chính phủ. Bản thân việc những người dân của một quốc gia thuộc về phạm trù “thế giới thứ ba” đang phải chịu một mức thuế, phí cao gấp 2-3 lần khu vực, không một lời kêu ca, cũng đã đáng coi là một thứ hy sinh. Bản thân những người nông dân vẫn đang loay hoay với chuyện áo cơm để làm nên kỳ tích xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, nhiều nhất thế giới, và cũng rẻ nhất thế giới, dường như cũng không thể gọi khác hơn là cống hiến.

Và họ đã được hưởng những gì để tiếp tục “vào cuộc”!? Và họ còn gì nữa để có thể “chung sức”!?

Có một câu chuyện thú vị liên quan đến “tuần lễ vàng 1945” mà những bức ảnh tư liệu còn lưu lại được. Đó là hình ảnh cựu hoàng Bảo Đại, bấy giờ mang tên công dân Vĩnh Thụy, đứng phát biểu trong buổi đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hôm bế mạc Tuần lễ Vàng. Bức tranh chân dung Hồ chủ tịch, với giá khởi điểm 10.000 đồng Đông Dương (khoảng 25 lạng vàng) đã được mua với giá 100.000 đồng Đông Dương. Và người mua là phu nhân nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Mở ngoặc đơn, ông bà Bô cũng là những người đóng góp nhiều nhất cho Chính phủ: Hơn 5.000 lượng vàng.

Năm 2003, sau đúng nửa thế kỷ, sau đủ sự can thiệp của 4,5 đời các vị nguyên thủ quốc gia, bà Bô mới đòi được lại căn nhà từng cho nhà nước mượn.

Có lẽ, sẽ chẳng bao giờ còn có một tuần lễ vàng. Và ngoài bức chân dung ông Cụ 60 năm trước, cũng chẳng có một bức chân dung nào được bán đấu giá nữa. Vì đơn giản sẽ chẳng bao giờ có thêm một “niềm tin bà Bô”, dù lòng dân, sau hơn nửa thế kỷ, có lẽ không hề thay đổi.



BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH

Bà nội tôi chỉ có hai người con trai là bác và ba tôi. Thấy hai người đang học chữ Nho tự dưng nghe theo phong trào Duy Tân, chuyển sang học chữ Quốc Ngữ, rồi hớt tóc ngắn, mặc đồ tây bà lo sợ lắm. Bà suốt ngày canh chừng và căn dặn: Hai con đừng có làm phản chống Tây mà triều đình bắt xử chém.

Đúng thế, thời đó triều đình Nhà Nguyễn được mẫu quốc Tây cho một ít đất miền Trung để ngồi làm vì cai quản cho oai nên rất cúc cung tận tụy với mẫu quốc, ai tỏ ý chống Tây là bắt tù và xử trảm ngay. Bao nhiêu người ở quê Quảng Nam tôi, thời đó bị tù đày hoặc bị xử trảm vì tội chống Tây.  Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng...bị tù. Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Tiểu La Nguyễn Thành, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Thái Phiên... bị chém đứt đầu, chưa nói hàng chục người khác đứng lên biểu tình chống xâu thuế cũng bị xử trảm. Người dân quê tôi nhìn vào đó mà không khỏi không rùng mình sợ hãi.

Nội tôi sợ đến mức lúc nhắm mắt còn trăn trối lại với hai ông con trai: "Con ơi đừng có chống Tây!" đâu biết rằng cả hai ông con trai đều theo Việt Minh chống Tây từ đời nào.

Cả nước thời đó đều như vậy. Ai sợ thì sợ, ai chống Tây thì cứ chống Tây. Hết lớp nầy đến lớp khác, hết cách nầy đến cách khác, bao nhiêu thế hệ bị tù đày, hy sinh không thể nào kể ra hết...

Lịch sử dường như được lặp lại. Không biết thời nầy đất nước mình có độc lập tự do thật sự hay chưa, nhà cầm quyền của mình có bị thằng Tàu bảo hộ hay không mà ai tỏ ý chống Tàu xâm lược đều cũng bị truy bức và bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng.

Cù Huy Hà Vũ bị tù vì đã đòi kiện Thủ Tướng về việc cho Tàu vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên và nhiều chuyện khác.

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị tù vì biểu tình và viết bài chống Olympic Bắc Kinh để phản đối việc Tàu thành lập thành phố Tam Sa.

Bùi Hằng bị đưa đi cải tạo vì liên tục tham gia biểu tình chống Tàu cộng xâm lược.

Cô gái trẻ Phạm Thanh Nghiên bị tù vì treo biểu ngữ chống Tàu cộng xâm lược.

Đảng viên trẻ Nguyễn Chí Đức bị bắt thô bạo và bị đạp vào mặt vì tham gia biểu tình chống Tàu cộng xâm lược.

Các bạn sinh viên, các bạn trẻ yêu nước, các blogger trẻ như Nguyễn Hoàng Vi, Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, Trầm Tử, Paulo Thành Nguyễn, Gió Lang Thang, Hành Nhân, Người Yêu Nước, Thụy Nga, Uyên Vũ, Thi Đen, Tào Lao, Diên An Lê, Vy tong... bị công an bắt, bị hành hung, bị côn đồ luôn bám theo hành hung, bị gây khó dễ trong cuộc sống... cũng vì "tội" tham gia biểu tình chống Tàu xâm lược.

Mới đây nhất, đang gây rúng động dư luận trong và ngoài nước là sự kiện em sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị mất tích sau đó được thông báo là do an ninh bắt vì tội làm thơ chống Tàu và chụp hình truyền đơn chống Tàu.

Cũng đang gây ra sự căm phẫn trong dư luận là vụ xử hai nhạc sĩ yêu nước Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình. Hai nhạc sĩ  ấy đã bị tuyên tổng cộng 10 năm tù vì "tội" sáng tác ra các bài ca yêu nước và chống Tàu.
Nếu bà nội tôi còn sống lại ở thời nay chắc cũng sợ hãi mà la to: Các con ơi đừng có chống Tàu mà triều đình bắt nhốt tù.

Nhưng cũng như thời còn Tây bảo hộ, dân ta có sợ chi ai. Có thằng trời nào bảo hộ, dân ta cũng lớp lớp đứng lên chống đến cùng và chống luôn cả những thằng chấp nhận sự bảo hộ ô nhục đó.



FACEBOOK PHẠM CHINH

cùng điểm lại vài mốc sự kiện kể từ năm ngoái đến nay (Tuổi trẻ, 26/10/2012):

* 6-10-2011: Ngân hàng (NH) Nhà nước cho phép Công ty SJC và năm NH gồm Eximbank, ACB, Sacombank, Techcombank và Đông Á bán 5 tấn vàng cùng một mức giá để can thiệp thị trường. Ngoài ra, theo thông tư 32 của NH Nhà nước, một số NH đủ điều kiện được bán vàng huy động, đồng thời mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái.

* 10-10-2011: NH Nhà nước ra quy định cấm NH thế chấp, cầm cố vàng cho mục đích đầu cơ.

* 25-11-2011: tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố: “SJC trở thành nhãn hiệu vàng của NH Nhà nước”.

* 4-2012: Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, trong đó cho phép mua bán vàng miếng nhưng không được dùng làm phương tiện thanh toán.

* 24-8-2012: Công ty SJC được cho gia công và chuyển đổi hơn 418.000 lượng vàng (gần 16 tấn).

* 22-10-2012: Công ty SJC tung ra bao bì chống giả cho loại vàng miếng 5 phân, 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ. Trước đó ngày 24-10-2011, bao bì chống giả đã được dùng cho vàng miếng loại 1 lượng.

ĐỘC QUYỀN VÀNG

Kể từ khi vàng SJC được coi là nhãn vàng độc quyền của nhà nước, biết bao chuyện trớ trêu, éo le đã xảy ra với người nắm giữ vàng.

Đầu tiên là chuyện nhãn vàng của các hãng khác, có cùng chất lượng nhưng do SJC độc quyền nên bị ép giá thấp hơn so với vàng SJC. Nhân dân được bận tất tả mang đi đổi sang vàng SJC, lại còn bị ép giá mất vài triệu/cây vàng.

SJC còn tuyên bố không thu mua vàng bị móp méo, làm nghẽn mạch lưu thông của thị trường vàng. Trước đó, vàng móp méo khi thu mua đều được gia công lại và chỉ bị trừ 1 khoản phí rất nhỏ.

Gần đây nữa là sự kiện vàng nhái SJC, thông tin chưa rõ thế nào. Chỉ biết là SJC được quyền phán đâu là vàng nhái và khi thu mua vào sẽ trừ 3 triệu đồng/lượng. (Thanh Niên, 26/10/2012)

Nghiêm trọng hơn, nghị định 95 sửa đổi cho phép công an tịch thu toàn bộ lượng vàng mà SJC “cho là nhái” và người dân bán vàng nhái sẽ bị phạt đến 100 triệu cho hành vi này. (Dự đoán kinh tế, 11/04/2012)

Vì thế, các hiệu vàng SJC độc quyền có thêm sức mạnh để ép người dân bán cho họ vàng với giá thấp. Đó là 1 thủ đoạn ĂN CƯỚP TRẮNG TRỢN.

Về nguyên tắc, vàng miếng khác nhau chỉ ở độ tuổi của vàng chứ không phải do cái nhãn “độc quyền” mà SJC được nhận. Chỉ có khác biệt về độ tuổi thì vàng mới có giá khác nhau được.

Vậy mà kể từ khi Thống đốc Bình ban cho SJC nhãn hiệu độc quyền, họ đã lợi dụng điều này để làm đủ thủ đoạn, cướp đoạt trắng trợn số tiền người dân đáng được hưởng khi bán vàng cho họ.

THUẾ VÀNG

Sau việc lạm dụng sự độc quyền trong kinh doanh vàng miếng của SJC là 1 động thái mới của Ngân hàng Nhà nước nhằm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào vàng.

Thuế suất tiêu thụ đặc biệt dao động từ 10% đến 65%. Nếu tiến hành đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì người dân sẽ hạn chế giao dịch vàng tại các cửa hàng mà rút vào chợ đen để tránh thuế này.

Toàn bộ các công ty, cửa hàng kinh doanh vàng miếng có thể phải đóng cửa hay phá sản.

Giới kinh doanh vàng cũng như người dân không khỏi bàng hoàng. Đây chính là sự kiện đánh vào tiền tích cóp của người dân.



BLOG QUÊ CHOA

Mình không tin bất kì một phán xét nào của phiên tòa nếu như phiên tòa đó diễn ra thiếu minh bạch. Phiên tòa xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, theo bác Lê Hiếu Đằng kể lại ( tại đây) nó na ná phiên tòa xử  Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội: “Nói là phiên tòa công khai nhưng không khí rất là căng thẳng. Công an dàn lực lượng ra để đối phó với những người đi tham dự phiên tòa. Nếu đã nói công khai minh bạch, tại sao không cho dân người ta tham dự ? Và nếu không cho nhân dân tham dự, thì ít nhất cũng phải cho người thân được tham dự. Nhưng gần đây, có hiện tượng, ngay cả những người thân, ví dụ sáng nay chẳng hạn, những người thân của anh Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại không được dự”. Sự thiếu minh bạch của phiên tòa chỉ xảy khi  mấy ông quan tòa không có lý do chính đáng để kết tội một công dân yêu nước. Đó là một điều chắc chắn.

Trên FB Huy Đức đã viết status thể hiện rất rõ ràng quan điểm của anh, như thế này:
“Sau khi toà xử nhạc sỹ Việt Khang 4 năm tù và đồng nghiệp của anh, nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình, 6 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” tôi đã nghe lại hai bài hát của anh: “Việt Nam tôi đâu” và “Anh là ai”. Ở thời điểm khi hai bài hát này ra đời tôi tin đó là “nỗi lòng” của Việt Khang trước việc “Trung Quốc đang hoành hành trên Biển Đông”.

Theo toà thì hai anh còn tham gia một tổ chức có tên “Tuổi trẻ yêu nước”. Cho dù “tổ chức này có mục đích tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam” như các anh thừa nhận thì “cá thể hoá trách nhiệm hình sự” là một nguyên tắc bất di bất dịch của tố tụng.

Người dân có thể bất tín nhiệm một đảng vì tình trạng tham nhũng nhưng chỉ có thể bỏ tù từng cá nhân bởi những hành vi tham nhũng mà các cơ quan tố tụng có thể chứng minh. Cũng như sinh viên Nguyễn Phương Uyên, cho dù có ai đứng sau thì em cũng chỉ phải chịu trách nhiệm về những tờ truyền đơn chống Trung Quốc (nếu đó là của em).

Các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải nhớ, nay anh có thể nấp sau một tổ chức để bất chấp luật pháp nhưng ngày mai thì lịch sử sẽ buộc các anh phải chịu trách nhiệm cá nhân về những phán quyết của ngày hôm nay.”

“Lịch sử  sẽ phán xét” là câu cửa miệng của dân Việt ta thời này, chưa thời nào lời nhắc nhở  và đe nẹt “lịch sử sẽ phán xét” lại nhiều như thời này. Nhưng lời đe nẹt ấy chẳng làm cho quan tòa chùn tay. Những kẻ ăn xổi ở thì đâu có thèm để ý đến sự phán xét của lịch sử, quan thầy của họ mới đáng kể, là trước tiên và trên hết. Ai muốn nói gì thì nói, kệ sư bố chúng mày!

Thế đấy, đối với trâng tráo và trơ trẽn thì lịch sử  phán xét chỉ là cái đinh gỉ.



BLOG ĐÀO TUẤN

Trong tất cả những ngôn từ dành cho việc đảm ảo thứ an sinh xã hội tối thiểu phát biểu tại Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã dùng sai một chữ: Đó là chữ “tăng”.

Chắc phải gãi đầu gãi tai chán, Chính phủ và Bộ Tài chính mới đành, bất đắc dĩ, quyết định tăng lương, dù mức tăng chỉ 100 ngàn mỗi tháng, và cũng cho chỉ 7-8 triệu người, tức là chỉ khoảng 1/3 số đối tượng đáng lẽ được tăng lương theo lộ trình.

Cái khó này rất đáng được thông cảm, bởi theo phát biểu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ sáng nay tại Quốc hội, để có khoản thu cho việc tăng 100 ngàn tiền lương này, CP đã buộc phải tính đến việc giảm đầu tư công, để có khoảng 10 ngàn tỷ; phải tiết kiệm chi thường xuyên. Và thậm chí, phát hành thêm trái phiếu khoảng 50-60 ngàn tỷ khác trong khi đã “thống nhất không tăng thêm dự toán thu 2013”.

9 tháng của năm 2012 đã lần đầu tiên chứng kiến 1 kỷ lục: 28 tỉnh thành, trong đó có những trọng điểm thu, đã không đạt dự toán thu. Ngân sách rỗng là một thực tế. Và Bộ trưởng Bộ Tài chính, hay Thủ tướng không thể móc tiền túi cho việc tăng lương.

Nhưng trong tất cả những ngôn từ dành cho việc đảm bảo thứ an sinh xã hội tối thiểu này, Bộ trưởng Huệ đã dùng sai một chữ: Đó là chữ tăng.

Thực tế, 100 ngàn tăng thêm mỗi tháng ho 7-8 triệu đối tượng này không thể gọi là tăng, bởi cứ tính đúng như dự báo của Chính phủ, lạm phát 2013 sẽ vào khoảng 8%, chưa nói đến tăng giá tâm lý, có thể nói, khoản bèo bọt gọi là “tăng” này thực ra không đủ bù trượt giá. Huống chi nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, dùng được để tính lương tối thiểu hiện nay vẫn đang được tính toán trên cơ sở giỏ hàng hóa của năm 1985, tức là gần 30 năm trước.

Vụ trưởng Vụ Tiền lương- Bộ Nội vụ, ông Đoàn Cường, có lần đã nói đầy lạc quan về Đề án Cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020, rằng: Tinh thần là sẽ cải cách lương để công chức có thể sống được bằng lương. Nhưng với 100 ngàn an ủi này, Đề án đã khởi đầu với sự tồi tệ đến không thể tồi tệ hơn.

Sáng nay, có đại biểu QH đã nói về kỳ vọng vào việc tăng lương, như một “biện pháp kích cầu”. Có đại biểu còn lạc quan đề xuất “CP cần giải quyết căn cơ trong việc tăng lương lần này”. Nhưng kích cầu, tháo gỡ hàng tồn sao được khi việc “tăng lương” không đủ bù cho tăng giá. Nhưng giải quyết căn cơ sao được khi 7-8 triệu người được tăng lương, trong khi hơn 80 triệu dân còn lại phải chịu tăng giá, (có khi lại khởi đầu từ việc 7-8 triệu người được tăng lương). Và lạc quan sao được khi một vị Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH có lần đã bình luận: Mỗi lần cải cách (tiền lương) là một lần chắp vá.

Còn một con số nữa đáng để nói. Đó là có tới 22 triệu người, tức là ¼ dân số “hưởng lương”. Nhiều đến vô lý, nhất là đối với những người phải đóng thuế nhưng không có lương. Tất nhiên, tất cả những vô lý này bắt nguồn từ một con số vô lý “cơ bản” khác: Sau 4 năm thực hiện NĐ 132 về tinh giản biên chế, 54.220 người đã được tinh giản. Tuy nhiên, sau “tinh giản”, biên chế bộ máy hành chính nhà nước tăng thêm 25%. Cụ thể hơn, nếu đầu những năm 2000, tổng biên chế công chức hành chính của cả nước chỉ trên dưới 200 ngàn người thì sau “tinh giản”, đã lên tới 260 ngàn.

Nhớ tại phiên họp của Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Huệ đã có câu nói bất hủ về  nguồn tiền tăng lương đang khó đến mức: “trừ phi Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền”. Chuyện này bảo là nói đùa cũng đúng mà bảo Bộ trưởng nói thật cũng không sai.





Bùi Tín - Hai đêm, 20 triệu


Bùi Tín

Vào giữa tháng 10, báo chí Úc và Anh lại nói thêm về vụ án Securency đã kéo dài 4 năm nay. Tòa án Úc lại triệu tập bà Elizabeth Masamune, nguyên là tham tán thương mại của tòa đại sứ Úc ở Hà Nội, để làm nhân chứng trong việc điều tra vụ án hối lộ cho viên chức nước ngoài để dành được quyền thuê in tiền đồng Việt Nam trên giấy đặc biệt polymer. Một số quan chức Úc đã bị truy tố và kết án sau khi đã có bằng chứng và họ đã nhận tội. Nay tòa án Úc lại muốn điều tra thêm để giải quyết vụ án cho trọn vẹn.


Hồi tháng 9, trước cơ quan điều tra và đại diện tòa án Úc, bà Elizabeth Masamune khai rõ là bà đã làm môi giới giữa công ty Securency và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với người được ủy nhiệm là ông Lương Ngọc Anh mà bà gặp nhiều lần ở Hà Nội và ở Sydney, Úc. Mối quan hệ kéo dài từ năm 1999 đến năm 2002. Một tờ báo lớn ở Úc, The Age, đã có 3 bài về chuyện này.

Bà Masamune kể lại tỷ mỷ rằng lúc đầu bà chỉ biết ông Lương Ngọc Anh là một cán bộ hành chính cao cấp của chính phủ Hà Nội. Cho đến khi bà ngẫu nhiên gặp ông Anh trong bộ quân phục sỹ quan công an, bà mới giật mình là mình đã quan hệ với một viên chức ngành an ninh - tình báo. Nhưng lúc ấy quan hệ qua lại đã khá sâu rồi. Bà cho biết tổng cộng số tiền chuyển cho phía quan chức Việt Nam để hối lộ là 20 triệu đôla Úc (tương đương với khoảng 20 triệu đôla Mỹ). Phía Úc hiểu rằng đó là số tiền hoa hồng, “lại quả” để biếu chẳng những cho các quan chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mà cho cả các quan chức cao nhất trong chính phủ và trong đảng Cộng sản.

Bị chất vấn sâu thêm, bà Masamune tiết lộ về quan hệ tình cảm riêng tư với ông Anh, như ông Anh đã nhiều lần biếu bà những món quà đắt tiền, như nước hoa hảo hạng và cả tivi loại sang, để mong có đi có lại. Bà cũng thú nhận đã có hai lần chăn gối với ông này.

Cho đến nay phía Việt Nam vẫn tảng lờ như không có vụ án này - khi thì làm như đó là chuyện vu vơ không có bằng chứng gì rõ rệt, khi thì Bộ Tư pháp nói lấp lửng là tài liệu phía Úc gửi sang chưa có gì là cụ thể, khi thì đánh lạc hướng là tài liệu gửỉ sang quá nhiều, cần phải có thời gian để dịch cho đầy đủ.

Trong khi báo Úc The Age đã liên tiếp đưa tin ngày càng rõ, càng sâu về vụ án này, thì các báo chính thức trong nước không dám đá động đến nội vụ. Các Bộ Tư pháp, Tài chính, Ngoại giao, Công an không thấy lên tiếng. Nếu không có gì là xác thực, sao không lên án phía Úc đã bịa đặt, sao không tố cáo bà Masamune đã dựng đứng câu chuyện trên, do bị bọn phản động chống cộng ở nước ngoài giật dây nhằm vu cáo phía Việt Nam? Cả ông Lương Ngọc Anh cũng không thấy lên tiếng phủ nhận chuyện này.

Bộ Chính trị vừa thực hiện một cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình quyết liệt, nghiêm túc chưa từng có, không qua loa nể nang, không chừa một ai, vậy các vị có nói đến vụ án Securency, đến trách nhiệm của Thủ tướng Ba Dũng, từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, của ông Nguyễn Sinh Hùng, từng là Bộ trưởng Tài chính, của ông Lê Đức Thúy cũng từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi vụ án Securency này xảy ra hay không? Hay vẫn cứ im lặng, tảng lờ như không có chuyện gì hết.

Và đến bao giờ viên Đại tá an ninh Lương Ngọc Anh mới khai rõ trước cơ quan điều tra là có hay không 2 lần quan hệ xác thịt với một nữ công dân Úc, có hay không 20 triệu đôla Úc và số tiền ấy đã phân phối cho những ai? Suốt 4 năm nay, viên đại tá này lặn mất tiêu, coi như không tồn tại trên thế gian này, trong khi hình ảnh anh đã nhiều lần xuất hiện trên báo chí thế giới.

Xin nhớ bộ Luật phòng chống tham nhũng đã có đầy đủ những điều khoản để vận dụng. Điều 71 có ghi rõ khi tham nhũng có dấu hiệu liên quan với nước ngoài, các cơ quan hữu quan của VN phải khẩn trương vào cuộc để phối hợp điều tra và xử lý. Và khi vụ án kết thúc, các bị cáo phạm tội phải hoàn lại số tiền đã tham ô, số tiền thu hồi phải trả lại cho phía đã bị mất, kể cả khi đó là người nước ngoài.

Luật cũng quy định rõ kẻ tham nhũng lên đến trên 1 tỷ đồng VN (tương đương với 50.000 đôla Mỹ) - bằng thu nhập 100 năm của một người lao động - thì có thể bị tử hình. Số tiền 20 tỷ đôla là gấp 400 lần số tiền trên, nghĩa là có thể phải mất 400 cái đầu, nếu như luật thật sự nghiêm minh.

Vậy mà cả một bộ máy cầm quyền cứ câm như hến, cứ tỉnh bơ như không có gì xảy ra.

Trong kỳ họp hơn một tháng của Quốc hội vừa khai mạc sáng 22/10, có ông bà nghị nào dám đặt câu hỏi về vụ án Securency và về nhân vật Lương Ngọc Anh hiện đang ở nơi nao, để trả lời cho nhân dân, cho công luận nước Úc hay không? Nếu không thì làm sao có thể chứng tỏ rằng nhà nước này đang thực thi chế độ pháp quyền minh bạch như lời hứa đang còn sốt dẻo của Bộ Chính trị khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6 vừa qua?


Tuấn Khanh - Án tù cho nghệ sĩ, có sợ không?


Tuấn Khanh

Một ngày sau phiên xử án hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ở Saigon, tôi gọi điện cho một anh bạn nhà văn và hỏi đùa “Nghe án tù cho nghệ sĩ chưa? Sợ không?”. Tôi nghe bên kia đầu dây bật lên một tiếng cười sảng khoái, một giọng cười miền Nam an nhiên.


Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có lẽ cũng đã an nhiên nhận những mức án rất nhiều năm cho các bài hát của họ - những bài hát hoàn toàn phản ánh hiện thực đời Việt Nam hơn là thù địch, chống phá gì đó như lời của những vị quan tòa không rõ mặt đã nêu trong buổi sáng ngày 30-10-2012. Những bài hát đã vụt nổi tiếng bất ngờ ngay sau tiếng búa tòa, vượt quá tầm kiểm soát của những người căm ghét nó, hoặc đang giả vờ căm ghét nó.

Đây không phải là lần đầu tiên giới nghệ sĩ Việt Nam chứng kiến những án tù cho đồng nghiệp của mình. Từ những năm xa xôi của thế kỷ 20, người ta đã chứng kiến án tù cho Hoàng Hưng, Phan Đan, Đặng Đình Hưng… những lưu đầy của Phùng Quán, Văn Cao… Sau năm 1975, đã lần lượt có các án tù cho Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu… nhưng rất lâu rồi, chuyện bắt tội một nghệ sĩ với quyền tự do sáng tác của họ trở thành chuyện xa xưa, tưởng chừng như đã chỉ còn trong những ngày tháng mông muội nào đó.

Nói như vậy, để hiểu rằng trong lịch sử riêng của giới văn nghệ sĩ Việt Nam, án lệ và lao tù không phải là chuyện lạ. Nhưng dường như bất chấp những nguy nan đó, bản năng sáng tạo và phản ánh hiện thực của giới nghệ sĩ qua cách viết, cách hát, vẫn xuất hiện một cách rất an nhiên.

Việc bắt giữ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã tạo nên một làn sóng phản ứng khó lường. Thậm chí với cộng đồng người Việt đã xa quê hương và xa những con người Việt thế hệ mới trong nước, họ cũng đã bày tỏ sự sửng sốt của mình, khi nghe có những con người đang đối diện với lao tù chỉ vì ca hát, bằng cách xuống đường và chia sẻ những chữ ký hết sức ấn tượng.

Nhưng đâu chỉ là chuyện người Việt với nhau, tuy xa cách địa lý, nhưng dường như sợi dây vô hình của nền văn minh loài người đều tạo ra những phản ứng nối kết tương đồng, như cái cách thế giới đã phản ứng trước việc cô bé Malala Yousafzai bị Taliban bắn vào đầu hay việc Putin cho giam giữ nhóm nhạc Pussy Riot.

Đôi khi những phán quyết đưa ra, nó không chỉ làm hủy hoại đời của một con người, mà ngược lại còn có thể tạo ra một lực phản hồi, phá hủy mọi danh tiếng và sự bền vững của hệ thống đưa ra bản án đó.  Chưa bao giờ viên đạn của phe Taliban đã bắn vào đầu của cô bé Yousafai, 14 tuổi, trở thành viên đạn bắn thẳng vào lương tâm thế giới như lúc này. Chưa bao giờ người ta nhìn ra sự tồi tệ của chính quyền công an trị Putin ở nước Nga như lúc này, qua song sắt của cả 3 cô gái nhóm Pussy Riot. Và ở Việt Nam, chưa bao giờ những kẻ bị kết án là Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại được quan tâm, chia sẻ như bây giờ.

Đôi khi, tôi tự hỏi không biết những người soạn bản án cho Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có thật sự lắng nghe những bài hát của họ hay không? Vì nếu chỉ dựa trên những con chữ để định đoạt số phận, tôi nghĩ công bằng nhất là nên mở một loạt phiên tòa nghiên cứu tái xét xử tất cả các nghệ sĩ, hay dễ dàng hơn là với các nhạc sĩ Việt Nam, từ Trịnh Công Sơn đến Phạm Duy và nhiều người khác nữa. Dĩ nhiên, trong đó có cả tôi.

Có lẽ trong phiên toà, những người xét xử cũng ngại ngùng và cố gắng tránh đi công việc ấu trĩ đó, nên đã không dành thời gian bàn sâu về các bài hát, mặc dù án vẫn định. Lẽ ra những bài hát đó phải được mở lên ngay tại toà, hoặc photo đầy đủ cho tất cả mọi người xem - nghe, như một chứng cứ cụ thể.

Nói tới lắng nghe, tôi chợt nhớ đến nhiều tình huống khó quên. Trong Schindler’s list  của đạo diễn Steven Spielberg, khi những tên lính phát xít Đức đang rầm rộ tiến vào các ngôi nhà của người Do Thái, đã đứng sững và lặng yên nghe đến lúc dứt khúc nhạc dương cầm của một người đánh đàn tuyệt vọng. Hoặc trong phim the Pianist của đạo diễn Roman Polanski, viên sĩ quan Đức Quốc Xã đã lột bỏ toàn bộ trạng thái thù địch để lắng nghe một nghệ sĩ Do Thái đàn những khúc nhạc được sáng tác các quốc gia đang đối đầu như Nga hay Ba Lan. Kẻ thù vẫn biết lắng nghe nhau, chẳng lẽ những người chung dòng máu và khát vọng dân tộc lại câm điếc với nhau?

Trong các tuyên bố chính trị ở Việt Nam lúc này, người ta hay đọc thấy cụm từ “nhóm lợi ích”. Rõ ràng là phải có những nhóm lợi ích kinh tế bí mật nào đó đang đục khoét quốc gia và đang bị đánh động. Nhưng liệu có hay không những nhóm lợi ích bí mật về chính trị nào đó, đang cảm thấy bị bối rối và tức giận trước những cảnh báo về hiện thực tổ quốc từ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, nên đã vội vàng khép tội họ? Nếu không, tôi hoang mang tự hỏi, họ đã phạm tội gì khi hát bằng tình yêu tổ quốc mình?

Những con người đó không làm chính trị. Họ chỉ phản ánh hiện thực xã hội theo cảm nhận nghệ sĩ của mình. Quyền phản ánh hiện thực – không phản bội lại nhân cách của mình, là một giá trị tuyệt đối của người nghệ sĩ. Quyền đó được nhìn nhận bằng lương tâm và giá trị văn minh của con người, bất chấp một thể chế chính trị nào phủ nhận nó. Chà đạp và từ chối quyền đó, cũng đồng nghĩa vinh danh giá trị của người nghệ sĩ và khẳng định thêm về sự trì trệ và lạc hậu của chính hệ thống đương trị.

31-10-2012
Nguồn: Facebook Tuấn Khanh


Phạm Thị Hoài - Thư Hà Nội: Ở đây cái gì cũng sẵn



Dưới đây là đoạn trích từ bức thư của một người bạn sống tại Hà Nội tôi nhận được hôm nay. Cảm ơn bạn đã cho phép tôi đem ra chia sẻ trên blog này.

Phạm Thị Hoài

Hơn một tháng qua tớ long tong, đầu bù tóc rối, toan tính những thứ vụn vặt tầm thường. Tâm trí lúc chìm lúc nổi. Xã hội xung quanh im lìm như thóc. Chết lặng. Khủng hoảng thực sự đã tràn về, mọi nơi mọi chỗ. Bài viết của bác Alan Phan hôm 23.10. vừa rồi đã nhấn chìm tia hi vọng cuối cùng còn sót lại của những đại gia lạc quan nhất. Nôm na nói nhanh cho vuông là đất nước đang chìm trong biển nợ. Sau gần hai mươi năm vay ăn béo bẫm, vẽ cho lắm hão huyền thì các vấn đề vĩ mô vẫn còn nguyên đó. Quan còn tiếp tục đánh nhau, chưa ai rỗi mà lo cho dân. Anh Kiên vẫn ngồi, anh Tâm vẫn đứng, anh Sang anh Dũng hai phe chưa phân thắng bại. Trâu chưa chết, bò chưa chết, ruồi muỗi là dân đen đã ngắc ngoải thoi thóp.


Vất vưởng ở đây gần tám năm nhưng cái không khí dở dở ương ương đậm mùi đói khát, lọc lừa như hiện tại tớ chưa thấy bao giờ. Có đồng bào nào xa quê hương, lâu lâu không về thì nên về ngay lập tức. Về mà trải nghiệm cái thanh lịch, hiếu khách, cần cù chịu khó, tính nhẫn nhục, thật thà dễ thương của người Việt. Hiếm khi nào mà người Hà Nội lại khiêm tốn như lúc này. Đại gia ngấp nghé bên bờ vỡ nợ, cửa hàng cửa hiệu thi nhau đóng cửa. Khách sạn 4-5 sao vắng như chùa bà đanh. Nếu giả sử có hứng mua nhà thì người bán đã dịu giọng. Trật tự trên thị trường nhà đất đang được thiết lập lại.

Đầu tiên như mọi khi tớ xin báo cáo tình hình học hành của con gái. Cục vàng của tớ. Con đi học được tròn hai tháng. Tháng đầu tiên thì học cả ngày, ăn ngủ trưa ở lớp, sụt mất ba cân. Tháng thứ hai do mẹ nài nỉ nhờ cô thông cảm con còi cọc nên con được phép tùy ý nghỉ ở nhà tự học lúc nào con muốn. Trong 7 môn học chính thì Toán, Văn, Anh đã ngoi lên top 3 trong lớp và các lớp học thêm. Còn bốn môn Sử, Lý, Sinh, Địa thì chưa có sức để mà học.

Sáng hôm qua bố sa sầm mặt mũi khi hỏi đến cái gì con cũng không biết, ngay lập tức đã có cuộc nói chuyện nghiêm túc. Gay gắt chỉnh đốn thói học hành cẩu thả của con gái và thói chiều con của mẹ. Nói là làm, đêm về vợ nghiên cứu sách môn Sinh, chồng nghiên cứu môn Địa. Hai vợ chồng vật vã nghĩ cách dạy con. Sau một hồi thì tá hỏa, hóa ra con học dốt một phần vì con chưa chăm, nhưng phần nhiều bởi sách viết toàn ngôn từ khó hiểu, câu cú văn phong lằng nhằng rối rắm. Bố mẹ cả đời ăn học, sách Tây sách ta đọc như gió còn chẳng thông. Thương con mà rơi nước mắt, trách ai, hận ai bây giờ?

Nói vậy thôi chứ tớ chẳng dám hé nửa lời chê trách thầy cô. Lương bổng thế tớ cũng chẳng kham nổi. Tuần qua xã hội nhao nhao ném đá ngành giáo dục. Từ “Canh gà Thọ Xương” đến học thêm, lớp VIP. Nghĩ mà chán. Lại cái bài đánh lạc hướng của quan đây mà. Thiên hạ cứ mải đi mà cãi nhau ba cái tầm phào, lãng nhách thì quan ta mới rảnh rang chia chác, trộm cắp, chấm mút.

Ngành giáo dục nói đi nói lại cũng chỉ là ngành cung cấp dịch vụ đơn thuần. Thị trường cầu cái gì thì cung cái đó. Đã mua được quan, bán được chức thì buôn bán in ấn bằng cấp thật giả có gì là sai. Tớ đã nghe có quan phán thẳng vào mặt tớ là cho con đi học làm gì cho mệt, đằng nào thì nó cũng có chân có suất trong Bộ rồi. Học lắm để dọa ai, biết nhiều chỉ tổ ế chồng!

Chỉ tội cho các bác nông dân nai lưng bán mặt cho đất để cuối tháng lo đủ 3 triệu gửi lên cho con đi mua cái chữ. Sau năm năm ăn học con lại bủng beo quay về nhờ bố chạy cho vào cái chức đi cày. Biết thế này ở nhà đi cày luôn cho xong. Mẹ cha đứa nào dụ con ông thi đỗ đại học. Con ơi là con, tao tưởng công thành danh toại mày mới về chứ ai biết đâu mày bị người ta lừa đi du lịch giá cao hả con!

Và tội cho những đứa trẻ. Biết chạy vào đâu để cống hiến tài năng trí tuệ? Ghế thì ít đít thì nhiều. Khắp nơi phá sản, giải thể, cưỡng ép tự thôi việc. Bố mẹ ở quê nào đã từng nghe bao giờ. Cứ tưởng ra gần trung ương là tốt. Hoài bão ước mơ con luôn canh cánh trong lòng, tâm niệm thương cha xót mẹ. Một lòng hiếu thảo. Một lòng theo thầy cô đèn sách. Tuổi trẻ, nhiệt huyết, niềm tin, hi vọng, trôi dạt về đâu?

Học xong bằng đỏ ra lấy đâu nửa tỉ bạc mà chạy vào ngân hàng? Lấy đâu ra 400 triệu để có chân được làm bác sĩ? Lấy đâu ra 20.000 $ để chạy làm tiếp viên hàng không Vietnam Airlines? Lấy đâu ra 160 triệu để chạy vào biên chế giáo viên cấp hai? Lấy đâu ra 60 triệu để chạy vào làm cô giáo mầm non? Rồi cách cuối cùng, muốn vào làm vợ hai, vợ ba, vợ hờ của đại gia thì cũng phải có tiền đầu tư phấn son giầy dép chứ có phải tay trắng mà được đâu!

Ở đây cái gì cũng sẵn, chỉ thiếu mỗi công ăn việc làm.

© 2012 pro&contra


Nguyễn Hưng Quốc - Chiến thắng của những kẻ yếu đuối


Nguyễn Hưng Quốc

Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh viên đại học Công nghệ Thực phẩm, bị công an bắt đi từ nhà trọ hôm 14/10 với cáo buộc tham gia rải truyền đơn kêu gọi chống Trung Quốc và chống tham nhũng


Nguyễn Phương Uyên là sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Nhà em ở Bình Thuận. Để theo đuổi việc học, em phải thuê nhà ở trọ với bạn bè. Trưa ngày 14/10/2012, khoảng 10 công an ập vào nhà trọ của các em, bắt Uyên cùng với ba người bạn khác. Ba người bạn ấy, sau đó, được tha về, riêng Uyên thì bị chở đi đâu đó, biệt tích.

Bố mẹ của Uyên, từ Bình Thuận, tất tả chạy đến công an quận Tân Phú tìm con. Công an ở đó chối phăng, bảo là không hề bắt ai cả. Bạn học của Uyên viết thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để kêu cứu.

Bức thư được đăng tải rộng rãi trên khắp các cơ quan truyền thông quốc tế cũng như trên các tờ báo mạng thuộc lề trái tại Việt Nam. Ông Trương Tấn Sang im lặng. Công an cũng im lặng.

Cuối cùng, gần 10 ngày sau, bố mẹ của Uyên mới biết con mình bị giam giữ tại tỉnh Long An với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Các bạn học của Uyên thì cho biết cô ấy chỉ tham gia tuyên truyền chống Trung Quốc mà thôi. Một người bạn bị bắt một lần (sau đó được thả) với Uyên kể, ở văn phòng công an phường Tây Thạnh, Tân Phú, khi bị công an hỏi, Uyên đáp: “Cháu ghét Trung Quốc.”

Chưa biết chính quyền Việt Nam sẽ đối xử với Nguyễn Phương Uyên như thế nào. Chỉ biết là, từ mấy tuần vừa qua, vụ bắt bớ một nữ sinh nhỏ nhắn, hiền lành như thế đã gây chấn động dư luận. Vào internet, thấy ở đâu người ta cũng bàn luận. Ở đây, nổi bật lên hai hình ảnh đối nghịch: một mặt, cô gái còn trẻ măng, đeo kính cận, mắt sáng và nụ cười hiền, không làm gì khác ngoài việc bày tỏ thái độ chán ghét Trung Quốc; mặt khác, hình ảnh công an hành xử như những tên côn đồ: chúng ập vào nhà trọ bắt em rồi chối biếng là không biết gì về vụ bắt bớ ấy cả.

Vụ bắt bớ Nguyễn Phương Uyên khiến nhiều người liên tưởng đến cô bé Malala Yousafzai, người Pakistan, bị hai tên sát thủ Taliban bắn vào đầu vào ngày 9 tháng 10.

Báo chí tường thuật: hôm ấy, trên một chiếc xe buýt, Malala và các bạn cùng nhau chuyện trò và hát hò với các thầy cô giáo. Vừa mới thi cuối học kỳ, ai cũng vui vẻ. Nhưng khi chiếc xe vừa ra khỏi thành phố Mingora thì có hai người đàn ông cầm súng chận lại. Chúng bước lên xe, hỏi: “Đứa nào là Malala Yousafzai?” Mọi người đều im lặng, nhưng một cách tự phát, một số em quay nhìn Malala. Theo hướng mắt ấy, hai tên sát thủ nhận diện ra ngay được Malala. Không nói không rằng, một tên giơ sung lên, chĩa thẳng vào em. “Đoành! Đoành”. Hai phát súng vang lên khô khốc. Một phát trúng đầu và một phát trúng cổ. Sẵn trớn, tên sát thủ bấm cò, bắn thêm hai phát nữa vào đám bạn của Malala khiến hai em bị thương. Xong, chúng xuống xe. Và tẩu thoát.

Tại sao các tên Hồi giáo quá khích lại muốn giết một nữ sinh mới 15 tuổi như vậy?

Có hai lý do chính: Thứ nhất, em đi học, và thứ hai, em khuyến khích các bạn gái ở địa phương cùng đến trường đi học như em.

Với những người bình thường, hai lý do ấy hầu như không thể tin được. Tại sao đi học và khuyến khích bạn bè đi học mà lại bị thù ghét và bị bắn một cách dã man như vậy? Nguyên nhân: Taliban chủ trương phụ nữ thì phải ở nhà. Và phải mù chữ.
Chủ trương quái đản ấy đã được nhiều người biết. Người ta biết, cho là quái đản, và rồi, quên phắt đi. Người ta lại quay cuồng với đời sống hàng ngày với vô số những lo toan của chính họ. Taliban dường như thuộc về một thế giới khác. Bây giờ, trước sự việc một cô bé ngây thơ, mới 15 tuổi đầu, bị bắn một cách tàn nhẫn như vậy, người ta sững sờ và thấm thía hơn về tính chất man rợ của những kẻ cuồng tín. Càng thương Malala bao nhiêu, người ta càng căm ghét Taliban cũng như các lực lượng Hồi giáo cuồng tín bấy nhiêu. Lần đầu tiên tại Pakistan, tất cả các đảng phái chính trị cũng như các tôn giáo đều thống nhất với nhau trong việc lên án hành động vô nhân đạo của Taliban và cùng cầu nguyện cho em Malala.

Phát biểu trước bệnh viện Birmingham ở Anh trong chuyến thăm viếng Malala đang được điều trị, ông Yousafzai, bố của Malala, tuyên bố: “Khi Malala ngã xuống, nước Pakistan đứng dậy và cả thế giới trỗi lên.”

Bởi vậy, nhiều người mới nhận định: trong cuộc khủng bố nhắm vào em Malala, kẻ bị thua cuộc trước hết chính là Taliban. Chúng hiện hình, trước mắt thế giới, như một lũ ác quỷ. Ngay những người theo Hồi giáo cũng không thể biện minh được cho chúng. Chúng trở thành những phần tử cô đơn. Hung hãn nhưng cô đơn. Trong khi đó, hào quang chung quanh em Malala lại tỏa sáng. Như một thiên thần.

Vụ bắt bớ Nguyễn Phương Uyên ở Việt Nam cũng vậy.
Lâu nay, ai cũng biết chính phủ Việt Nam độc tài và tàn bạo. Tính chất độc tài và tàn bạo ấy thể hiện, trong mấy năm gần đây, qua các vụ đàn áp biểu tình và đàn áp các nông dân chống nạn cướp đất, và qua các phiên tòa xét xử những người đòi tự do hoặc phản đối Trung Quốc, từ vụ Cù Huy Hà Vũ đến vụ Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, Việt Khang… Nhưng dù sao, hình ảnh hiên ngang của những người ấy phần nào cũng làm mờ nhạt tính chất nạn nhân của họ. Người ta nhìn họ như những anh hùng mà có khi quên họ, trước hết, là những nạn nhân.

Nguyễn Phương Uyên thì khác. Em chỉ là một sinh viên. Em nhỏ nhắn và yếu đuối. Em hồn nhiên và còn vô tư lắm. Em chỉ có một vấn đề, như chính em thừa nhận: Em “ghét Trung Quốc”.

Trước hình ảnh nhỏ nhoi và yếu ớt ấy, hình ảnh mười tên công an ập vào nhà trọ bắt em, hình ảnh công an phường và công an quận bai bãi chối việc giam giữ em, hình ảnh cả một hệ thống tuyên truyền của nhà nước xúm vào xuyên tạc và bôi nhọ em, và cuối cùng, hình ảnh cả một guồng máy quyền lực âm mưu giày xéo lên em bỗng dưng đậm nét thêm lên.

Tính chất nạn nhân của Nguyễn Phương Uyên càng được tô đậm, tính chất độc tài và tàn bạo của chính quyền cũng theo đó bị gia tăng theo cấp số nhân.

Ít nhất dưới mắt dư luận, trong cũng như ngoài nước, với người Việt Nam cũng như người ngoại quốc, kẻ thua cuộc vẫn là nhà cầm quyền.



Alan Phan - Hãy để chúng chết đi!


Tiến sĩ Alan Phan

Trong lúc chính phủ đang rối đầu vì bài toán nợ xấu, loay hoay tìm cách tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và nền kinh tế, tái cấu trúc lại cả những “trách nhiệm chính trị lớn”, xin giới thiệu lại bài viết của tiến sĩ Alan Phan từ hơn 3 tháng trước: “Hãy để chúng chết đi…”Blog Trương Duy Nhất

          Chúng ta có thể thường thỏa mãn mọi đòi hỏi về công lý khi ngồi im và không làm gì cả. Adam Smith (We may often fulfill all the rules of justice by sitting still and doing nothing).


          Năm 1976, New York ngập chìm trong công nợ vì chánh phủ thành phố liên tục tiêu xài cho những chương trình gọi là “xã hội” và cho “phe nhóm”. Ngân sách gia tăng cùng hệ thống quan chức và sưu cao thuế nặng khiến các doanh gia bỏ chạy khỏi New York. Đối diện với thảm họa phá sản, thành phố kêu gọi chánh phủ liên bang cứu trợ khẩn cấp. Tổng thống Ford trả lời với một câu nói đi vào lịch sử, “Drop Dead” (Hãy chết đi). Hơn 90% dân Mỹ hoan nghênh quyết định sáng suốt này.

          Các giải pháp cho kinh tế Việt

          Chưa bao giờ tôi thấy các chuyên gia Việt Nam hăng hái và bận rộn như lúc này. Ngày nào cũng có vài ba giải pháp trên các báo cho đủ mọi vấn đề kinh tế. Và chưa bao giờ các thành phần kinh tế lại khóc than ỉ ôi như thế này. Ai cũng xin chánh phủ cứu giúp với OPM (tiền người khác) và tốt nhất là “cho luôn” thì khỏi phải hạch toán lôi thôi.

          Về nợ xấu ngân hàng, nhà nước đề nghị một công ty mua bán nợ xấu 100 ngàn tỷ, nhưng vài ông viện nghiên cứu nói 30 tỷ là đủ rồi. Một chuyên gia có giấy phép thì cho rằng 200 ngàn tỷ là tối thiểu ; trong khi vài ông không có giấy phép thì đòi 600 ngàn tỷ. Suy ngẫm lại, không ai biết nợ xấu nó tròn méo thế nào, số tiền thực sự là bao nhiêu, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ bao nhiêu, các thanh tra có kiểm soát được con số này từ những ngân hàng quốc doanh, bao nhiêu phần trăm nợ xấu là cho các công ty con hay cháu của các chủ ngân hàng vay mượn ? Còn chuyện mua nợ xấu để bán cho ai, với giá nào, thu tiền ra sao, ai được ưu tiên…thì cũng có vài chục giải pháp đề nghị.

          Qua đến việc giải cứu các doanh nghiệp, nhất là trong lãnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, các chuyên gia còn năng động hơn vì chuyện nhà cửa thì ngay cả các bác xe ôm cũng là “sư tổ”. Dễ hiểu nhất là lấy tiền chánh phủ (OPM) mua nhà tặng cho người nghèo (phải có phong bì và xe Lexus); rồi gay cấn hơn là hạ lãi suất xuống còn 5% hay 8% hay 10%? Gói kích cầu 29 ngàn tỷ coi như “cuốn theo chiều gió” vì xứ này người có thu nhập thật sự chẳng ai đóng thuế cả. Còn chuyện giãn hay khoanh nợ theo nghị quyết thì các ngân hàng đã âm thầm làm cả chục năm nay, không ai thắc mắc. Rồi chuyện mua “hàng tồn kho”? Người tình tôi đang đòi một bộ áo lót “Victoria’s Secret” cho mùa hè. Liệu chánh phủ có mua đủ hàng? Tình trạng hiện tại đã chứng minh cho các giải pháp này...

          Các bác lãnh đạo kinh tế còn dọa tung ra giải pháp là gia tăng tiêu xài và đầu tư công. Ngân sách của chánh phủ Việt Nam (34% của GDP) đã cao hơn hẳn Thái Lan (18%) và Singapore (19%) tạo một gánh nặng khủng cho các doanh nghiệp tư nhân. Cộng thêm với đầu tư, chi tiêu và lỗ lã của những doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế bắt buộc phải èo uột vì thân hình chỉ nặng có 34 kg mà lại phải vác một ba lô nặng 66 kg. Chả trách ngày nào dân cũng đi uống bia để phục hồi sinh lực, mai còn vác tiếp. Một xã có 2 ngàn hộ dân mà phải nuôi 500 quan chức; bây giờ nuôi thêm 100 ông thì chắc cạp đất mà ăn? Xây thêm vài chục ngàn cây số đường cao tốc thì GDP sẽ tăng trưởng ngay, nhưng chất lượng chỉ tốt cho các cỗ xe bò thì coi như vất tiền cho các ngân hàng ngoại quốc.

          Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng

          Tuần vừa rồi, tôi ghé nhà một người bạn ăn tối. Vợ chồng hắn có 2 đứa song sinh 2 tuổi và 1 đứa 4 tuổi. Khi vừa nhập tiệc thì 3 đứa tranh nhau đồ chơi và đồ ăn, cãi nhau ỏm tỏi và la khóc lớn hơn cả các diễn viên trong một phim tình bi đát của Việt Nam. Hai vợ chồng thử mọi giải pháp, từ các gói cứu trợ đến các dọa dẫm trừng phạt. Sau 20 phút, bọn hắn thua cuộc và không ai ăn uống gì được. Tôi đề nghị một giải pháp đơn giản: 5 người lớn sẽ ra tiệm ăn và để lại căn nhà cho 3 đứa bé và 2 bà ô sin. 15 phút sau, từ quán ăn, ông chồng gọi điện thoại về, bà ô sin xác nhận là lũ trẻ đã vui vẻ chơi đùa và ăn uống trong hòa thuận.

          Thực ra, các thành phần kinh tế của mọi quốc gia cũng giống như lũ trẻ. Họ thích tạo những quấy phá ồn ào để nhận những ban phát “miễn phí” từ các nguồn lực tài chánh hay hành chánh. Khi họ biết chắc chắn rằng những ân huệ này sẽ không đến, họ sẽ phải chịu đựng và tìm giải pháp khác, sáng tạo từ trí óc, con tim và ý chí.

          Trở lại câu chuyện New York, mọi thành phần có lợi ích nơi đây cũng kêu la và nguyền rủa chánh phủ liên bang vài tháng sau quyết định của Ford. Nhưng họ đã làm những gì phải làm: cân bằng ngân sách, cởi bỏ thủ tục rườm rà, năng động trong việc khuyến khích các doanh nhân, kêu gọi đầu tư… Năm năm sau, tình thế ổn định. Với một tư duy quản trị sáng tạo mới mẻ, chánh phủ và người dân đã đạt những thành tích ấn tượng đem New York về lại vị trí hàng đầu của Mỹ.

          Giải pháp của Alan

          Cho nên, nếu các bác hỏi tôi về nợ xấu, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Ngân hàng nhà nước chỉ cần bảo đảm khoảng 100 triệu đồng tối đa cho mỗi người gởi tiền, và chúng ta có thể chấp nhận sự sụp đổ của vài chục ngân hàng không hề hấn gì.

          Hỏi về các doanh nghiệp bất động sản, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Các căn hộ và các lô đất sẽ bị hạ giá rẻ mạt, tạo một cơ hội tuyệt vời cho những người dân có thu nhập trung bình.

        Hỏi về các doanh nghiệp nhà nước, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Dòng tiền OPM đã cạn kiệt. Các anh chị nào có lãi thì cứ tiếp tục. Còn lỗ lã thì tôi bán ngay cho các nhà đầu tư, nội hay ngoại. Trên hết, mọi đặc lợi đặc quyền sẽ chấm dứt. Chỉ khi đối diện thực sự với cạnh tranh thị trường, chúng ta mới biết ban quản trị nào có trí tuệ và đởm lực để sinh tồn.

          Hỏi về các đơn vị hành chánh cần thêm tiền để đốt, tôi sẽ nói ““Hãy Để Chúng Chết Đi”. Thay vì ăn nhậu sáng trưa chiều tối bằng OPM, chúng tôi sẽ dậy các bạn một kỹ năng quan trọng mà các bạn không hề biết. Đó là làm việc và phục vụ.

          Sự hủy diệt trong sáng tạo

          Nhiều thân hữu sẽ hỏi tôi là ông không lo ngại gì về những xáo trộn xã hội và nạn thất nghiệp khi các công ty thi nhau lăn ra chết? Tôi xin thưa rằng KHÔNG. Bởi vì 2 lý do. Thứ nhất là số tài sản nhàn rỗi trong dân được ước tính là khoảng 50 tỷ đô la bởi các nguồn dữ liệu đáng tin cậy. Số vàng và đô la này đang bị rút giấu vì dân không tin tưởng vào tương lai kinh tế OPM với lối điều hành dựa trên “quan hệ và xin cho”. Khi họ nhận ra là chánh phủ không can thiệp vô ích vào cách kiếm tiền của một thị trường tự do, dòng tiền này sẽ chảy vào nền kinh tế tạo một cú hích ngoạn mục. Các Việt kiều và các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có khả năng bơm thêm 20 tỷ đô la, dư đủ để kích thích nền kinh tế xứ này.

          Lý do thứ hai là tôi tin vào tài năng và sự bền bỉ của doanh nhân Việt. Chỉ trong vòng 5 năm khi đến Mỹ, phần lớn những người dân thất học và không vốn đã gây dựng cho mình và con cái những tài sản đáng kể. Hiện nay, 3 triệu Việt Kiều tại Mỹ tạo ra một GDP ngang hàng với 90 triệu dân Việt Nam trong nước, dù họ không có dầu khí, khoáng sản hay đất đai để bán. Một triệu Việt Kiều khác ở Âu Châu, Úc và toàn thế giới củng đã có những thành công tương tự.

          Một giải pháp thật đơn giản mà tôi đề nghị lên các bác lãnh đạo kinh tế là “đừng làm gì cả”.  Hãy tin dân và giao quyền lại cho các doanh nghiệp tư nhân tự ứng xử. Trong sáng tạo và hồi sinh sẽ có mồ hôi và nước mắt. Trong quá trình trưởng thành, các em thường phải chịu nhiều gian truân đau đớn. Vài em sẽ không qua khỏi. Nhưng đây là định luật của thiên nhiên.

          Cùng nhau đi nghỉ hè

          Nắng mùa hè vẫn đang rực rỡ, cùng trò chơi Olympic đang tưng bừng bên Luân Đôn. Tại sao các bác không nhân cơ hội này mà đem vợ con du ngoạn nhỉ? Bác nào không thích thể thao thì qua Hawaii tắm ở Black Sand Beach (cát đen tuyền và mịn). Bác nào ghét Mỹ thì có thành phố San Á hay Macau của Trung Quốc. Các bác sẽ vui vẻ thỏai mái và khi về lại quê hương sau kỳ nghỉ, các bác sẽ thấy bọn trẻ không còn mè nheo la ó nữa. Đời chẳng đẹp lắm sao?

          (T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com)

          Nguồn: Góc nhìn Alan Phan.