Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012
Ngô Nhân Dụng - Đồng chí Ếch
Ngô Nhân Dụng
Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh đã khai mở một phong trào “tự phê bình, tự kiểm điểm” trước đây 100 năm khi viết mục “Tự Xét Mình,” với một bài tựa đề “Gì Cũng Cười” (trên Ðông Dương Tạp Chí năm 1913). Ông viết: “An Nam ta gì cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.”
Nói trộm vong linh tiền bối, sau hội nghị ban chấp hành trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam kỳ thứ sáu, ai không bật cười thì không phải là người Việt Nam. Bởi vì nó kết thúc bằng một màn kịch riễu (hài kịch) nghe không thể nín cười được. Các ông cộng sản có cái tài là biến một bi kịch, một chuyện “rất nghiêm trang,” thành một vở hài kịch. Những tay hề cao thủ như Tư Vững, Phi Thoàn hồi xưa đem so sánh không đủ tài pha trò hay bằng “14 kép và 175 ủy viên múa rối,” như một nhà báo mạng trong nước mô tả.
Ông Nguyễn Phú Trọng, trong bài diễn văn kết thúc hội nghị trung ương, đã diễn xuất theo kịch bản cũ, vốn là một vở bi kịch. Ông tổng bí thư lên ti vi lâm ly, “nghẹn ngào” tuyên bố “nhận lỗi trước toàn đảng, toàn dân”. Ông còn báo động rằng nạn tham nhũng, bè phái, các nhóm lợi ích riêng tư đang “đe dọa sự sống còn của đảng và chế độ”. Mà tình trạng quả thật bi đát. Không riêng cho đảng của ông mà cho cả nước, với 90 triệu người Việt đang chịu đựng cảnh vật giá gia tăng, các ngân hàng tràn ngập nợ xấu không đòi được, đồng tiền mất giá, vốn đầu tư ngoại quốc xuống thấp, các công ty xí nghiệp đóng cửa hàng loạt, bao nhiêu người thất nghiệp, sinh viên ra trường không kiếm ra việc, vân vân. Nhưng màn bi kịch của Kép Trọng bị xóa mờ ngay, bà con coi rồi quên ngay; vì màn hài kịch bắt đầu trên sân khấu với bản thông tin chính thức của đảng, được tiếp nối chương trình với màn trình diễn của Kép Tư Sang!
Bản thông tin là màn hài hước cao độ. Gần 200 đào kép thượng thặng tập họp để đấu đá, cãi cọ với nhau suốt hai tuần lễ, rồi long trọng thông báo: Chúng tôi “quyết định không kỷ luật một đồng chí trong Bộ Chính Trị;” nói giấu tên mà chả thèm nói đồng chí đó là ai, cũng không nói bàn cái gì, tại sao lại đặt vấn đề kỷ luật.
Ðây là một màn kịch chưa bao giờ thấy trên sân khấu! Nếu có một người, hay một nhóm nào đã quyết định không làm một việc gì đó thì người ta phải làm gì? Thì cứ lặng thinh cũng đủ, đem mấy chuyện khác ra nói cũng đủ mua vui khán giả. Tại sao lại phải công bố rầm rĩ lên là “Chúng tôi đã quyết định không làm một việc như thế, như thế ấy!” Giống như một ông chồng đi khuya về nhà tự nhiên đánh thức bà vợ dậy chỉ để thành khẩn khai báo: Tui không có làm gì cả đâu nhé! Hoặc giống như bài tường thuật một trận đá banh viết rằng: Các cầu thủ đã phấn đấu hăng hái suốt trận đấu nhưng không ai chạy, không ai sút, không bàn chân nào đụng vào một cái có thể gọi nó là ‘đồng chí trái banh’. Sau hai hiệp tận tình giao đấu quyết liệt, kết quả là không đội nào thắng, không ai bại mà cũng không thủ huề!” Cụ Nguyễn Văn Vĩnh có sống lại, đọc bản tin của hội nghị trung ương đảng chắc cũng phải phì cười.
Màn hài kịch lên đến cao điểm khi ông chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang gọi tên một đồng chí của ông là “Ðồng Chí X,” đọc theo giọng miền Nam là Ðồng Chí Ếch: “Không phải là cá nhân đồng chí X không có lỗi!” Nhắc đến một đồng chí của mình mà không dám gọi tên thật, dùng chữ X, như một ẩn số trong bài toán đố, đúng là làm trò hề. Toán học là một môn khó hiểu. Thà rằng nói đại ra như cái ông trung tá công an văng tục “Tự Do cái CC,” mà gọi tên nhau là “Ðồng Chí Cái Xê Xê” bà con nghe còn thấy dễ hiểu hơn! Hài hước nhất là khi nghe Tư Sang nói thì ai cũng biết cái ẩn số X đó tên gọi là Ba Dũng, là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang nắm vai trò chịu trách nhiệm với 90 triệu dân! Phát ngôn như vậy thì coi người nghe ra cái gì không?
Thử tưởng tượng một bà vợ giận ông chồng đang ngồi lai rai ba sợi bên hàng xóm suốt ngày, bảo con: “Mày qua bển kêu Ðồng chí Ếch, bảo giả về nhà ăn cơm ngay, mười phút nữa không về thì tao đổ cơm cho chó nó ăn!” Phong cách các đồng chí cộng sản đang gọi tên nhau là thế đấy! Nghe rồi, không tức cười sao được? Khi làm cái trò khỉ đó trước công chúng, không những Tư Sang khinh thường Ba Dũng, khinh thường mấy ông nhà báo đang lắng nghe, mà còn coi khinh tất cả 90 triệu con dân nước Việt nữa, những con người giả thiết là có đầu óc, có suy nghĩ, và có cả quyền làm chủ đất nước nữa cơ đấy.
Cái tên Ðồng Chí X sẽ trở thành chính thức. Bây giờ báo chí Việt Nam có thể loan những bản tin, như “Ðồng Chí Ếch hôm nay đã tiếp xúc với cử tri đơn vị Hải Phòng, trừ ông Ðoàn Văn Vươn phải vắng mặt vì bận công tác riêng.” Hay là “Ðồng Chí Ếch hôm qua đã tiếp đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Ðan Mạch về việc họ ngưng tất cả mọi số tiền viện trợ; sau cuộc tiếp kiến Ðồng Chí Ếch cũng nói toàn tiếng Ðan Mạch.” Hoặc viết: “Ðồng Chí Ếch đã ký nghị định 88 với một số quy định thông thoáng hơn đối với các cơ quan báo chí nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12, thay thế nội dung nghị định 67 ban hành năm 1996.”
Gần đây nhất, bản tin nhà nước có thể viết là Ðồng Chí Ếch đã tuyên bố trước Cu Hát (Quốc Hội, cái tên gọi do nhạc sĩ Tô Hải đặt), nói rằng “Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Cu Hát, trước toàn đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành... gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước.” Ðồng Chí Ếch còn hứa hẹn trước các đại biểu Cu Hát rằng bản thân ông và toàn bộ nội các của ông sẽ ‘nghiêm khắc với mình’, ‘đoàn kết nhất trí’, ‘nỗ lực cao nhất’, ‘hết lòng hết sức’, và ‘hành động quyết liệt,’ vân vân. Thế là xong. Ðể cho vở hài kịch đầy đủ tính chất một trò hề, bản tin cần viết thêm là “Toàn thể đại biểu nghị gật Cu Hát nghe xong đã nồng nhiệt vỗ tay hoan nghênh ‘tất cả những yếu kém, khuyết điểm đã gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt’ mà Ðồng Chí Ếch mới nhắc tới; sau đó ai nấy ra về thơ thới hân hoan, tiếp tục mọi việc theo đúng vết chân các thành tích huy hoàng ‘hành động quyết liệt,’ ‘đoàn kết nhất trí’, ‘nỗ lực cao nhất’, y như kịch bản cũ.”
Trước các ông bà Cu Hát, Ðồng Chí Ếch cũng thú nhận “công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin mạng, blog cá nhân chưa tốt, còn bị các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, xuyên tạc, gây tác hại xấu”. Nói như vậy tức là Ðồng Chí Ếch đổ hết tội lỗi trên “các thế lực thù địch,” như Tạ Phong Tần, Ðiếu Cày, Nguyễn Hữu Vinh, Tô Hải, vân vân; chính họ là nguyên do gây những tác hại xấu như như là Vinashin, Vinalines, lạm phát, ngân hàng khánh tận, vân vân. Nếu không có các thế lực thù địch kể trên thì Ðồng Chí Ếch không hề phạm lỗi lầm nào cả!
Màn hài kịch không che giấu được một điều bi đát: Những người cầm đầu đảng và nhà nước ai cũng long trọng nhận lỗi, nhưng không ai hề hấn gì hết! Vẫn những tay hề cũ đóng vai lãnh đạo, chỉ huy kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; vẫn theo đường lối xã hội chủ nghĩa lấy quốc doanh làm chủ đạo, vẫn bịt miệng dân, vẫn văng tục “tự do cái xê xê!” Sau cuộc cải cách ruộng đất giết chết oan hàng trăm ngàn người, Hồ Chí Minh phải đóng tuồng nước mắt cá sấu nhận lỗi, Tổng Bí Thư Trường Chinh đã mất chức, Lê Văn Lương phụ trách tổ chức, phải ra khỏi Bộ Chính Trị. Hồi đó, các lãnh tụ cộng sản mặt mũi nghiêm văn túc, bây giờ chỉ có các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng còn mang được những cái mặt khó đăm đăm như thế. Cho nên trông lại càng thêm tức cười.
Các đảng viên cộng sản có suy nghĩ chắc phải xấu hổ về màn hài kịch hội nghị trung ương đảng. Một nhà trí thức trong nước, Giáo Sư Tương Lai đã nhận xét lối nói Ðồng Chí Ếch mà không nói rõ tên là “vẫn cứ nói mập mờ, ai muốn hiểu sao thì hiểu”. Nhưng đó chính là một truyền thống của đảng ta từ xưa đến nay: Nửa kín nửa hở, tí ti bí mật, tí ti công khai, nhưng tuyệt nhiên không có tí ti minh bạch nào cả! Ông Tương Lai còn nói thẳng: “Chuyện kỷ luật cả Bộ Chính Trị thì tôi thấy là vô duyên.” Bởi vì “nếu có kỷ luật thì kỷ luật một cá nhân, ví dụ như cá nhân tổng bí thư, người đứng đầu Bộ Chính Trị, hay là kỷ luật ông ủy viên... Tức là những cá nhân đó bị kỷ luật vì trách nhiệm của họ trước đảng, trước dân. Chứ làm sao có thể kỷ luật tập thể Bộ chính Trị được! Nếu có thì chỉ có thể giải tán cả tập thể đó thôi.”
Ðây là một phán quyết mà toàn dân trông đợi: “Chỉ có thể giải tán cả tập thể đó thôi.” Màn hài kịch coi mãi cùng nhàm chán rồi. Toàn dân muốn xóa đi, làm lại. Cai trị 90 triệu con người là chuyện đứng đắn. Ai nỡ đem công việc lãnh đạo một quốc gia diễn thành một trò hề như vậy?
Từ Khanh – Nước Mắt Anh Hùng Lau Chả Ráo
Từ Khanh
Tôi đến vàm Nhựt Tảo thuộc tỉnh Long An vào một ngày tháng chạp. Từ Sài Gòn, tôi chạy xe máy xuống Tân An (thủ phủ của Long An) mất gần hai tiếng dù đoạn đường chỉ hơn 50 cây số. Tân An là điểm đầu tiên cho mọi tuyến xe từ Sài Gòn xuống miền Tây, tôi đã qua đây không biết bao nhiêu lần nhưng đây là lần đầu lon ton chạy honda vào thị xã. Đường phố sạch và khá rộng, cứ thấy đường là chạy chứ chẳng biết phương hướng gì, thời may chạy tới một ngã tư thì thấy một quán cà phê vườn rất lớn, trước quán có một cây sung sai trái và một bụi tre la ngà màu vàng. Thật mát mẻ và lý tưởng để nghỉ chân vì lúc đó đã gần giữa trưa.
Trong cuốn du ký Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hiến Lê mô tả Tân An là một châu thành sầm uất, một trong các điểm giáp ranh của Đồng Tháp Mười, gồm các địa danh Mộc Hóa (cũng thuộc Long An), Hồng Ngự và Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Cái Bè (Tiền Giang). Tôi học thuộc lòng tấm bản đồ vẽ tay trong cuốn sách của ông, so sánh bản đồ hiện nay thì không khác mấy, và dự tính sẽ chạy xe theo lộ trình mà Nguyễn Hiến Lê đã đi từ 70 năm trước.
Theo chỉ dẫn tìm trên mạng, ở Long An có một khu bảo tồn vùng trũng Đồng Tháp Mười là Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, cách Tân An khoảng 60 cây số. Trung Tâm này có trên 800 ha rừng nguyên sinh. Theo quốc lộ 62 từ Tân An lên Mộc Hóa, ngang cầu Quảng Dài thì xuống ghe đi chừng 45 phút nữa sẽ tới Trung Tâm. Cách mô tả rất hấp dẫn, hứa hẹn một chút gì sót lại từ vùng đất hoang sơ vào thời Nguyễn Hiến Lê du khảo Đồng Tháp Mười.
Ra khỏi Tân An trên 10 cây số, hai bên đường đã khá thưa vắng, các hàng cây bạch đàn thẳng tắp xì xạc trong tiết trời mát dịu của những ngày áp xuân. Thỉnh thoảng những vùng nước trũng hiện ra phấp phới, những đám hoa rau muống tươi trắng, hoa lục bình (bèo) tím lơ, hoa lau trắng lắt lơ, hoa phượng vàng mơ và không khí thoang thoảng hương thơm. Đến cầu Quảng Dài như chỉ dẫn hỏi nhà dân nhưng không ai biết đường vào Trung Tâm, chạy thêm một khúc nữa thì qua cầu Quảng Cụt, thêm 10 cây số nữa đến Mộc Hóa, đánh một vòng huyện lỵ buồn tênh giữa trưa vắng, hỏi các ông xe ôm thì họ chỉ ngược lại đoạn đường mới đi qua. Tôi chạy trở lui, ghé vào hai bến đò nhưng không ai biết. Thế là mất hy vọng ngủ đêm giữa Đồng Tháp Mười, hết hy vọng qua một đêm giữa rừng trên quê hương Nguyễn Trung Trực, nơi ông từng ngang dọc đánh Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông, trên vàm Nhựt Tảo, và chắc còn nhiều chỗ khác mà chính sử không ghi.
*
Chiều hôm sau, lúc đó đã gần 5 giờ, tôi hỏi đường lên vàm Nhựt Tảo và “cái tàu ông Nguyễn Trung Trực đốt của tụi Tây”. Bác xe ôm ở một góc đường thị xã Tân An có vẻ rành, bác chỉ qua cầu Tân An (bắc ngang sông Vàm Cỏ Tây), qua cầu Bến Lức (sông Vàm Cỏ Đông), đến ngã tư Tân Trụ rẽ phải rồi “cứ vừa đi vừa hỏi”.
Theo hướng bác chỉ đến ngã tư Tân Trụ rẽ phải, chạy thêm chừng năm cây số thì gặp một ngã ba đường đất đỏ. Không biết đường mà gặp ngã ba thường rất là phiền. Thôi cứ liều chạy thẳng. Đường xấu và bụi, nhưng rồi nhà dân dần thưa thớt, hai bên đồng ruộng không bát ngát lắm nhưng đủ để phóng tầm mắt một cách thoải mái, màu xanh của lúa rũ hết bụi bặm đô thành.
Người miền quê có một khái niệm về đường dài rất… nhà quê. Theo kinh nghiệm hỏi đường thì khi họ nói “chút nữa là tới” thì có nghĩa phải đi cả năm hay bảy cây số nữa cũng chưa biết chừng. Tôi vừa chạy vừa hỏi, không ai biết con tàu bị đắm nhưng Nhựt Tảo thì họ biết. Có một chị dắt con đi nói “đằng kia kìa kia kìa chốc nữa là có bến đò đó”.
Con đường đất đỏ có đoạn ôm tròn một vòng cung ruộng lúa xanh rì rất đỗi thanh bình trong ánh chiều tà. Lại đến một ngả ba. Ở đây người ta cắm một cái bảng lớn vẽ các khu vực qui hoạch, nhìn kỹ không thấy có sân golf trên đó (thật may, tưởng tượng đồng ruộng lần lượt nhường chỗ cho sân gôn thì nông dân biết về đâu).
Lại chạy tiếp, đường càng lúc càng xấu và bắt đầu thấy nản. Nhưng khi chạy ngang một cái cầu trên con sông nhỏ thì chợt nhìn bên trái, tôi thấy một ngôi đền đang xây dựng dở dang khuất sau những đám sậy, linh tính báo tôi quay lại, dựng xe, hỏi một chị đang chờ phà.
- Chị ơi vàm Nhựt Tảo ở đâu vậy?
- Đây này! Cô gái chỉ ngay dòng sông trước mặt.
- Vậy cái phà này đi đâu?
- Đi qua Cần Đước.
Mon men hỏi một người đàn ông trung niên đang ngồi tựa ở dốc cầu treo, ông nói khá rành rọt. Ông nội của ông năm nay 100 tuổi có kể rằng thời còn trẻ có thấy một ống khói tàu nằm ở ngã ba sông kia kìa (người đàn ông đưa tay chỉ ra ngả ba sông), nhưng bây giờ thì không có gì, có thời người ta lặn xuống đáy sông mò được một vài món đồ cổ gì đó.
Vậy ra là tôi đang đứng ngay ngả ba sông, nơi Nguyễn Trung Trực đánh đắm chiến thuyền Espérance của Pháp năm 1861. Trong Tập san Sử Địa số 12 (1968) xuất bản ở Sài Gòn để kỷ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Trung Trực, có ghi lại trận đánh này theo tài liệu của Pháp, như sau:
“Ấy là ngày 10 tháng 12 năm 1861 (thứ Ba mồng 9 tháng 11 Tân Dậu).
“Hồi ấy lúc 12 giờ trưa, sĩ quan chỉ huy chiếc lorcha l’Espérance đi lên bờ theo đuổi một lũ đầu trộm đuôi cướp cách tàu lối hai dặm. Bốn hay năm chiếc ghe có mui thả theo bìa tàu; thủy thủ đoàn đang nghỉ từng trên của tàu không hề nghi kỵ chi hết; viên hạ sĩ quan đóng vai tuồng trưởng-phó nghiêng mình ra khỏi cửa sổ tàu tưởng là người buôn bán muốn ghé xin nhận giấy phép lưu thông, viên hạ sĩ quan vô phước kia bị một mũi giáo vô ngực và một đám đông người từ các mui ghe của tên công kích tàu và la thật lớn.
Trong vài sao đồng hồ, hơn một trăm năm mươi người An nam tay cầm giáo, cầm gươm và cầm đuốc, tràn ngập cả từng trên tàu và một cuộc xáp-lá-cà không tương xứng xảy ra. Trong vài phút đồng hồ sau, lửa táp vào nóc lá của tàu và cháy mau lẹ. Bị nóng quá, đôi bên nhảy đùng xuống sông hay tuột xuống ghe.
Năm thủy thủ trong số đó có hai Pháp và ba Tagals (người bổn xứ ở Ma-Ni) phóng xuống một ghe nhỏ, không súng ống chi cả và ráng sức chèo. Ở xa, năm thủy thủ này thấy chiếc l’Espérance nổ tung, các mảnh tàu văng xa đến hai bờ sông, mười bảy người Pháp hay Ma-Ni đều chết đắm trong cuộc tai biến này.”
Cũng theo tài liệu của Pháp sau đó “[N]hững thường dân ở làng Nhựt Tảo hùa theo những kẻ đốt tàu đều bị đốt nhà hết vì tàu đậu ngay làng ấy.”
Tôi đi loanh quanh trên con đường đất nhỏ, nơi mà gần một thế kỷ rưỡi trước nhà cửa bị Tây đốt sạch. Đi sâu vào trong khuôn viên ngôi đền Nguyễn Trung Trực đang xây dựng chỉ thấy cỏ lau um tùm, không biết có phải vì đã chiều nên công nhân về hết hay công trình đang bị bỏ dở, chỉ thấy trong khuôn viên ngay ngả ba sông một màu hoang vắng, dăm ba đứa con nít đang chơi đá banh trên bãi đất trống, lau sậy um sùm từng bụi che khuất đó đây, ngôi đền lớn đang xây nằm chính giữa khu đất (xem hình 1) có một vẻ uy nghi nhưng cô độc. Tôi băng qua sân rộng đến sát mép sông, thấy một cái miếu nhỏ bé, cửa miếu hướng ra bờ sông. Vòng ra mặt trước miếu nhìn vào mới biết đó là miếu ngũ hành, cả gian miếu âm u chập chờn. Tôi bước vào miếu, tự dưng xương sống lạnh buốt như đang bước vào một nơi nhiều âm khí dù trời chưa tối hẳn. Không gian trong ngôi miếu nhỏ tịch mịch quá, tưởng như nghe được tiếng sông chảy bên ngoài. Bên góc phải bàn thờ ngũ hành có một hộc bàn thấp lè tè, trên để tấm hình Nguyễn Trung Trực chít khăn đen, bên dưới ghi:
ANH HÙNG DÂN TỘC
NGUYỄN TRUNG TRỰC
(1838-1868)
Nguyễn Đình Chiểu viết “Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo.” Thật là nao lòng quá. Một dũng tướng ngang dọc từ Tân An đến Rạch Giá, lập những chiến công “oanh thiên địa” và “khấp quỷ thần” trong lứa tuổi 20, ngay nơi chiến tích của ông cách đây 146 năm, nay chỉ có một ngôi đền xây dang dở, và một bức hình nhỏ trên một bệ thờ thấp, nằm ké trong cái miếu ngũ hành tàn tạ âm u vôi lở sơn tróc hương tàn bàn lạnh.
Đôi mắt ông thao thiết nhìn ra sông, rất lặng lẽ. Trong Tập san Sử Địa số đã dẫn, nhà biên khảo Trương Bá Phát có thuật lại chuyện ông gặp nhà văn Sơn Nam ở thư viện S.E.I trong Sở Thú khi đi tìm tài liệu về Nguyễn Trung Trực. Ông Sơn Nam kể: “Trên Sài Gòn đây, chúng ta thấy toàn là ghe có cặp mắt tròn dài, tròng trắng ở ngoài, tròng đen ở giữa, còn ghe Rạch Giá có cặp mắt tròn vo, vành ngoài sơn xanh, màu đen ở trong. Người ta nói hồi 1868, sau khi rút lui khỏi Rạch Giá, Trực ra đảo Phú Quốc. Muốn đi biển Trực ngồi trước mũi ghe, gặp sóng lớn Trực trợn cặp mắt là sóng bớt ngay. Dân đi ghe bắt chước theo cặp mắt Trực, sơn hai bên mũi ghe, hai con mắt in như cặp nhãn của Trực vậy.”
Miếu Ngũ Hành ở Tân An, nơi có để hình thờ (ké)
của cụ Nguyễn Trung Trực. (Ảnh Từ Khanh)
Tôi ra đứng trước cửa miếu nhìn ngả ba sông Nhựt Tảo qua những cây hoang um sùm. Dòng sông trong vắt và êm đềm, thỉnh thoảng một chiếc phà nhỏ chở khách ngang qua. Trời đã chập choạng và một tiếng chim chợt kêu. Ở quán nước sát mé sông, tôi hỏi bà chủ quán:
- Chị ạ, chắc tấm hình ông Nguyễn Trung Trực người ta thờ tạm hả chị, chờ khi cái đền lớn xây xong?
- Đâu có, cái miếu nhỏ đó hổng phải thờ ông Nguyễn Trung Trực. Mấy bữa trước có một bà dưới Rạch Giá đem hình ổng lên để thờ ké trong miếu đó!
Người ở rạch Giá đem ảnh lên thì đúng rồi. Ở Rạch Giá, đền ông Nguyễn rất trang nghiêm (người dân kiêng tên, chỉ gọi là ‘ông Nguyễn’). Từ đền ông Nguyễn trên đường Nguyễn Công Trứ thuộc thành phố Rạch Giá nhìn ra có mặt sông, phía phải là cửa biển có rất nhiều tàu đánh cá neo đậu. Trước sân đền có tượng ông đang tuốt kiếm. (Trước đây pho tượng này màu đen, bằng đồng, trước đây dựng trước chợ Rạch Giá, không hiểu sao bây giờ người ta ‘trùng tu’ thành màu đỏ nâu.)
Tôi chưa từng thấy một ngôi đền nào thờ phụng trang nghiêm như ngôi đền này. Điện chính gồm năm gian, mỗi gian có hình và hương án, các hàng giá dựng cờ và gươm giáo, hai bên đều có lộng đỏ, hạc chầu, và câu đối thếp vàng bằng chữ Hán, riêng gian trong cùng có ảnh thờ lớn nhất, hai bên có hai cây đèn cầy cao 3.25 mét, nặng 360 ký. Hương đèn thắp sáng dù không phải ngày lễ, không khí toát lên một vẻ trang nghiêm kính cẩn.
Thờ ké trong miếu! Phải, cái bàn thờ ông thấp và bé hơn bàn thờ năm tượng ngũ hành nhiều lần, bên di ảnh ông có một chai nhựa khô nước (hay rượu), trước có một con ngựa nhỏ màu trắng. Có lẽ cái bệ thờ này để thờ bạch mã – như trong nhiều miếu ở miền quê thường có thờ “Bạch Mã Thái Giám” tức con ngựa trắng để đỡ chân cho thành hoàng của làng xã – rồi người đàn bà Rạch Giá tội nghiệp kia đem hình ông lên không biết đặt đâu nên để ‘ké’ vào bệ thờ con ngựa trắng, trước hình ông là một bình hoa giả, hai chén nước nhỏ, một bát nhang lạnh.
Vậy thôi!
Đúng một trăm bốn mươi năm trước Nguyễn Trung Trực đánh trận cuối, đuổi sạch Tây ra khỏi Rạch Giá. Và cũng 140 năm trước ông bị Tây xử chém ở chợ Rạch Giá. Lúc đó ông 30 tuổi.
Chiều đã vàng rịm, trên ngã ba sông có một cánh bèo trôi lẳng lạnh.
Ba tuần sau tôi lại đi Nhật Tảo. Lần trước là tháng Chạp trước tết, lần này là mồng 5 tết Kỷ Sửu. Sáng sớm rủ một người bạn ở nước ngoài về “xuống Long An uống cà phê rồi trưa về”, thì nhận được tin nhắn một chữ ngắn ngủi: “mèn”. Coi như là một lời từ chối ớn lạnh, thôi thì xách xe lên đường solo.
Tới ngã tư Tân Trụ cách Sài Gòn non 50 cây số, thay vì rẽ trái vô Nhật Tảo tôi rẽ phải theo bảng chỉ đường đi hướng Thủ Thừa. Trong cuốn Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười, ông Nguyễn Hiến Lê vẽ bản đồ giải thích thủy triều lên xuống ở miền Tây khác ngoài Bắc như thế nào, rồi phán: “Thủy triều ở biển tiến vào sông Vàm Cỏ Lớn rồi chia làm hai luồng vào hai sông Vàm Cỏ Đông và Tây, sau cùng một mặt đổ vào Kinh Mới, một mặt đổ vào Thủ Thừa: Thủ Thừa thành một chỗ giáp nước.”
Theo ông chỗ giáp nước là nơi ghe thuyền neo đậu chờ đổi con nước nên thường có chợ. Cái khám phá này thực thú vị nên khi chạy về hướng Thủ Thừa, tôi cứ tẩn mẩn nghĩ không biết con đường trơn láng này ngày xưa Nguyễn Hiến Lê đã đi qua chưa. Ai dè con đường láng này chỉ có cái bề ngoài, mới chạy một khúc thì hết đường nhựa mà toàn đường đất bụi mù mịt. Nhìn con đường lồi lõm thấy rất nản, hai bên lúa vừa lên nhưng đường đi càng lúc càng nhỏ và xấu.
Nông dân kéo ống nước từ ruộng này băng qua đường đến ruộng kia đổ tèm lem cả mặt khúc đường, xe chạy ngang nước văng lên ướt tới mông. Chạy riết cũng không thấy gì cả trừ đất bụi mù mịt. Không dám mạo hiểm vì xăng sắp hết, tôi quay ngược chạy về hướng Nhật Tảo sau khi đã vào một quán cóc bên đường làm một ly cà phê đá ngon tuyệt trần ai. (Điềm) may hơn nữa là đang ngồi thì một trái sung rơi vô túi áo, đầu năm xuất hành mà được sung rụng kiểu này chắc năm này khấm khá rồi.
Con đường đất nhỏ cũng như ba tuần trước, chỉ khác bây giờ đã gần trưa. Tôi chạy một vèo tới Vàm Nhật Tảo, vô thẳng ngôi đền ông Nguyễn Trung Trực đang xây cất dở dang, chụp một vài tấm hình (lần trước không đem theo máy), xong chạy ra cầu treo chờ phà qua Cần Đước.
Đứng trên phà nhìn ngược lên mỏn đất cất đền rất đã vì có thể hình dung nghĩa quân núp trên bờ tràn ngập lau sậy, giữa sông chiếc Espérance neo đậu. Rồi một chiếc ghe đám cưới rề tới trình việc đi rước dâu cho quan Tây. Chú rể khúm núm dâng lễ vật cho quan Tây rồi bất thần, chú rể chính – Nguyễn Trung Trực – rút búa xán lên đầu viên xếp, mọi người hô to “Xáp chiến”!
Đó là buổi trưa 148 năm trước. Nhưng đúng lúc chiếc phà ra giữa sông thì từ hướng Tây, một con tàu sắt nước ngoài rất lớn tiến lại. Chiếc phà đi chậm mà tàu sắt tuy thấy chạy chậm nhưng phút chốc đã sát bên hông, nó né chiếc phà nhỏ và ngẫu nhiên cái mũi tàu khồng lồ của nó in hình song song với ngôi đền ông Nguyễn Trung Trực ở bờ bên kia. Bên hông tàu có hàng chữ Vitamin Gas, còn trước bong tàu có một hàng chữ Trung Hoa. Ngày xưa là tàu Espérance (Hy Vọng), bây giờ là Vitamin Gas (trên tàu chở một thùng phuy khí hóa lỏng (LPG) rất to). Nói có bến phà làm chứng lỡ dại mà con tàu này… tự nhiên bốc cháy thì cũng đã lắm chứ chẳng phải chơi!
Từ Vũ Trụ Nhất Thống Trường của Albert Einstein tới VẠN PHÁP DUNG THÔNG TRƯỜNG của nhà Phật Từ Vật Lý Lượng Tử Quantum tới Lân Không Diệu lý Hoa Nghiêm.
Hạ Long Bụt sĩ
Giải thưởng Nobel Vật Lý 2012 vừa trao cho Serge Haroche và David Wineland về công trình nghiên cứu lượng tử Quantums, đo lường mà không làm hư hoại những hạt vi tử nhỏ nhất của vật chất và ánh sáng (smallest particles of matter and light), thấy sự kỳ diệu như trò chơi tinh quái (strange behavior like parlour trick), cùng lúc mà đặt được một vật vào 2 nơi !
Haroche Nobel 2012 dùng phương pháp quan sát lượng tử qua các tấm gương, ném chúng nẩy qua nẩy lại (bouncing) để thấy tính cách kỳ lạ của các hạt.
Wineland dùng tia Laser photons xạc điện lên điện tử (ion) để nghiệm chứng trạng thái kỳ diệu của điện tử. Từ đó có thể chế tạo ra đồng hồ chính xác nhất, và máy điện toán mới, cực mạnh và nhanh với một hệ thống lượng tử rất nhỏ (tiny quantum system).
Cả hai phương pháp đã đo lường và xử nghiệm các hạt lượng tử, mà xưa nay tưởng như không thể làm được.
Quantum biến hoá kỳ diệu, sắc đó mà không đó, sắc bất dị không... chẳng xa với quán chiếu nhà Phật về diệu lý vạn pháp. Trung Quán Luận từng luận về giả không giả hữu, kinh Kim Cương thuyết rằng vạn hữu “như mộng huyễn bào ảnh”. Vật lý tiến gần tới Diệu lý chăng?
VẬT LÝ PHÁ CHẤP
Điều kiện cần yếu để phát minh sáng tạo, theo A. Einstein, là tâm tư ngoại lệ, không chấp trước, không thành kiến, tự do tưởng tượng, vô bờ, fantaisies, chứ không phải là kiến thức đầy đặc thành khuôn nếp trong đầu, ông từng nói : "I am enough of an artist to draw freely upon my imagination... the gift of fantasy has meant more to me than my talent for absorbing positive knowledge", không tự do thì không có sáng tạo, không phá chấp, thì không thể chuyển hóa, cho nên giống như Phật pháp, cần phá chấp, không biên kiến, không bị kẹt vào có với không, nhỏ với to, cao hay thấp, tất cả chỉ là những danh từ, những kiến chấp, rất tương đối.
Không có biên giới giữa các sinh vật, con khỉ Ngộ được Không, cũng thành Tôn sư đại thánh, cho đến ma nữ yêu tinh... cũng chẳng sai biệt, quốc độ của họ còn nặng nghiệp, nhưng chẳng khác nhau bao nhiêu, nếu tu tập tinh tấn, chưa tới mức thiên nhãn, thiên nhĩ như Bồ tát, thiện nhân vẫn có thể "chiếu yêu kính" nhìn ra chân tướng, nghe được tiếng tạp giới chúng sinh... Cho nên tác giả Liêu Trai Chí Dị xóa hết bức tường chia cách: dạ xoa, chồn, cáo... biến hóa, lấy người, yêu người, trong một khoảnh khắc kiếp hồng nhan... bông hoa, cánh bướm, thậm chí sâu bọ, cũng mang Phật tính, vũ trụ phá chấp, chúng sinh đồng nhất thể, người trần mắt thịt, làm sao biết " sỏi đá không đau"?
Albert Einstein đã đi vào lộ trình phá chấp của Phật pháp, vạn pháp duy tâm tạo, tất cả Tứ đại -đất, nước, khí, lửa- vạn pháp giai không cũng được, mà vạn pháp giai hữu cũng được, "có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không" người bình dân VN ai cũng thuộc lòng thấm thía câu đó, hẳn nhà bác học Do Thái kia cũng đốn ngộ bừng thấy lý phổ quát tương đối trong vũ trụ, chẳng có lực nào riêng rẽ, cho nên, vật chất mới hóa thành năng lượng, được vận tốc ánh sáng bốc lên : E= MC 2, vũ trụ tam thiên đại thiên thế giới này, ống kính Hubbles thiên văn thấy là đa vũ trụ, toàn pháp giới Vô Lượng Quang tử, ánh sáng big bang, ánh sáng cong, ánh sáng xoáy vòng vào thiên ngục black hole... Nam mô A di đà... Amitabha, chỉ là cái tên cho nhân gian hiểu, thật ra, trên bình diện vũ trụ, nghĩa là quang tử, là photon, là quantum..., vô lượng, vô khả luận...
Đã là vô lượng quang Amitabha, thì làm gì có không gian giam hãm, làm gì có thời gian non hay già... không đến, không đi, không còn, không mất, không nhơ, không sạch... cho nên cả vũ trụ có thể chứa trong một lỗ chân lông Bồ tát, tất cả ba thế giới trên đầu một hột cải... cái to trong cái nhỏ, cái nhỏ trong cái to, lớp lớp như những mảnh kính mảnh gương soi chiếu muôn chiều vô lượng... ánh sáng trong tâm cũng là ánh sáng trong vũ trụ và ánh sáng quanh mặt trời cũng chỉ thu vào đồng tử một con mèo... vi quang tử, photon, boson, vi tử Hoa nghiêm, nở trùng trùng hun hút vào chốn thiên thai, không gian mấy chiều cũng được và thời gian muôn ngả cũng vẫn đứng yên vì chiếc thảm thần tiên bay cùng vận tốc với cả giải ngân hà trăng sao... tại sao loài người thắc mắc về durée của đời sống, khi cõi tâm có tốc độ nhanh bằng hay hơn điện từ trường? nhảy một bước, như Tôn Ngộ Không, nhảy hai bước, từ thức, nhập cõi thiên thai...
Kiến trúc BoroBudur tại Indonesia-tk8-9 theo nhãn giới Bụt tính tràn đầy vũ trụ Hoa Nghiêm.
Thống Nhất Trường Vật Lý và
Vạn Pháp Dung Thông Trường Phật Pháp
Nhà vật lý học như A. Einstein thì không chịu chuyện "bất khả tư nghị", ông muốn biết Tạo Hóa nghĩ gì - I want to know God' thoughts; the rest are details- ông đi tìm Vũ trụ Thống nhất trường- Unified Theory, quân bằng phương trình, bó 4 lực lại thành một bó: trọng lực, điện từ lực, lực mạnh và lực yếu hạt nhân (gravitational-, electromagnetic- strong- weak- nuclear forces), nghĩa là không còn cách biệt giữa Không Thời gian,... Năm ngàn năm trước, Phục Hy cũng đã thống nhất hai lực Âm Dương, một âm một dương, tứ tượng, bát quái, rồi 64 quẻ... thống nhất quy vào Thái cực, nhưng trên Thái cực là gì ? là Tạo hóa chăng? là ông Trời chăng?... Hệ thống suy tưởng Âm Dương đã là cao, nhưng tới Thái cực thì vẫn chưa hết gợn sóng ý niệm, còn " Cực" dù là cực thái! Nhà Phật, thấy cái ngõ cụt ấy, phá hết biên kiến Vật- Tâm, quét sạch vọng niệm, tới mức phi tưởng, phi phi tưởng, tới mức Thiền bậc bảy bậc tám bậc chín... quán, tuệ.
Cuối đời, sau gần 30 năm mài miệt suy tưởng về Vũ trụ Thống nhất trường, Eisntein đã tâm sự là chưa tìm ra luật phổ quát nhất thống tất cả mọi lực trong vũ trụ... vũ trụ bành trướng, ngân hà ngày một văng ra xa, không co rút và bành trướng như suy luận, không có hằng số vũ trụ (cosmological constant) nhưng có thiên ngục black hole, ba lực bó lại làm một dung thông nhưng trọng lực thì vẫn nằm ngoài v..v.. gần đây vật lý gia Stephen Hawking, muốn nhất thống lượng tử quantum với trọng lực trong một lý thuyết bao gồm tất cả- a theory of everything, còn Einstein thì không thích sự tình cờ trong thuyết lý quantum, ông nói " Tạo hóa không chơi xúc sắc xúc sẻ " God does not play dice... và ông muốn tìm kiếm xem Tạo hóa nghĩ gì khi sáng tạo ra vũ trụ, điều lý thú nhất, kỳ diệu nhất, theo Einstein là tại sao ta lại hiểu được thế gian! (...The eternal mystery of the world is its comprehensibility...). Nhưng rồi giới hạn nhân sinh, Einstein cũng phải buông bỏ, về chầu Tạo hóa Tâm vũ, một cosmic God, không phải là một Thượng đế ngồi cao thưởng phạt loài người... Có thể ông đã đọc thoáng qua kinh Phật, từng đọc kinh sách cổ thư Ấn độ, từng ngồi trò chuyện với Tagore, nhưng nếu đi sâu hơn vào kinh Phật, không chừng sẽ kiến tánh đại ngộ, Vật lý chỉ là phương tiện của dục giới, có tìm hiểu đến đâu thì vẫn quanh quẩn trong hình sắc vật thể, pháp hữu vi chẳng thể dùng để đạt pháp vô vi, tục đế làm sao vươn tới chân đế... Vô sắc giới, cõi Tâm, tạm gọi như là một Cõi, thực ra Tâm không còn là Cõi, không còn hai cái cột Không- Thời nữa, thì không thể đóng khung vào một Cõi nào, và như thế mới là thể tính, là nền chung, là Thống nhất trường, vừa sắc giới, vừa vô sắc giới, vừa cõi này, vừa các cõi kia, vừa nhân thiên địa, tam tài, thông cả tam giới là Vương, một vạch thẳng thông qua ba vạch ngang, Dịch và Nho, Lão, đã là cao, nhưng lý Hoa nghiêm còn cẩn trọng hơn, thiên địa nhân, đúng, nhưng Thiên là một ẩn số, đa thiên vũ trụ, tam thiên đại thiên, vô lượng, vậy thì hãy lấy lý sự sự vô ngại, lý lý dung thông, làm quy luật vũ trụ thống nhất trường, có lẽ sát với tầm vóc tề thiên hơn... Einstein nói "Sự tương đối dạy ta tính dung thông giữa các hình sắc dị biệt của cùng một thực tướng- Relativity teaches us the connection between the different descriptions of one and the same reality. Những vi tử như proton, neutron, pion... biến dạng luôn luôn đến nỗi các vi tử có thể xem như nối kết -combination- với nhau chứ không riêng rẽ (In the Flower Garland Sutra, each part of physical reality is contracted of all the other parts- The Dance Wu Li Master-An overview of the new Physics by G.Zukav p.238).
Hiểu Bụt như một lực phổ quát sẽ thấy chuyện Tề Thiên Đại Thánh trong Tây Du Ký toan đi ra ngoài vũ trụ mà rút cuộc vẫn nằm trong bàn tay Bồ tát là hàm chứa thiền quán Bụt trường thống nhất vậy. Những thuyết vật lý mới, không gian 4 chiều tới 11 chiều sợi dây vi tử- như dây đàn- khi rung lên sẽ tạo ra nốt nhạc tức là những vi tử nhỏ hơn nguyên tử, gần như không có trọng lực-massless, rất giống với lời dạy lân không, hay lân hư trần, tức hạt bụi nhỏ gần cận với không, của Đức Phật, (string theory-subatomic particles), các sợi dây vi tử rung động-vibrate- trong không gian và thời gian, rung động làm cong không gian, gravity & bending of space, và dây đàn rung lên chính là quang lực, vibrations & quantums... cố gắng thống nhất trọng lực với quang lực này lại càng củng cố tư tưởng Hoa Nghiêm, sự sự dung thông, lý lý vô ngại .
Einstein và các nhà vật lý học còn kẹt vào tướng, nên không thể thấy nhất thống trường vốn là không tướng bất tăng bất giảm, "nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lường gạt" (kinh Kim Cương), tướng là hình sắc hóa hiện như đom đóm mắt, dùng ngũ giác, dùng ý niệm để nắm bắt thì chỉ nắm bắt được cái bóng, như đứa trẻ thơ ngỡ cái bóng trên tường là bố nó trong nhà đêm khuya ánh đèn dầu hắt lên, như người tù trong ẩn dụ hang tối của Platon (allégorie de la caverne) chưa ra ánh sáng, chỉ nhìn thấy ảo ảnh... vật lý gia dựa vào sắc mà phát kiến, dựa vào thanh, hương, vị, xúc, vào pháp mà phát ý, trong khi tâm phải vô sở trụ, không kẹt vào khái niệm, không vướng vào khung cũi, mới "nhi sinh kỳ tâm", mới quán chiếu được, mới đạt tuệ giác sáng tạo, mới nhập vũ trụ thống nhất trường.
Nhà Phật cũng nói tới nguyên tử, cũng nói tới vật thể nhỏ nhất, nhỏ tới mức gần như hư không-lân không, lân hư trần- trong duy thức học, thế thì ngay trong cảnh giới hữu vi sang vô vi cũng chẳng có biên giới rõ ràng chi phối bởi "vật lý", từ vật chất bốc lên thành photon, boson, quang tử có còn là "vật" nữa đâu... chẳng có công thức hữu vi nào đuổi bắt được tề thiên, chẳng có luật tắc hữu hình nào gói được những cơn gió đáy vũ trụ biến ra 32 biến như Quan Âm, cho rằng đầu óc người cũng là một phần đầu óc tạo hóa đi chăng nữa, thì cũng phải nhận rằng ta là ngọn đèn dầu lạc, le lói ánh sáng của Bụt trường mà thôi! Nhà Phật không nói tới một Thượng đế sáng tạo ra vũ trụ, mà nói tới vô lượng Bụt trong vũ trụ, hàm chứa trong vạn vật, pantheistic hơn là monotheistic (Buddhist Cosmo. tr.127), điều này A. Eisntein cũng nói thoáng qua về vô hạn trong hữu hạn: the infinitely superior spirit that reveals itself in the little that we, with our weak and transitory understanding, can comprehend of reality.
Những dòng lạm bàn trên chỉ là mạo muội mang ánh sáng đom đóm soi mặt trăng mặt trời, với lòng thành dõi tìm Đại Viên Cảnh Trí.
Hạ Long Bụt sĩ
Chủ trì Tịnh Khẩu Pháp Môn
(www.halongvandan.wordpress.com)
Tham Khảo chính:
Buddhist Cosmology- Akira Sadakata- Kòsei, Tokyo- 1997
Kinh Hoa Nghiêm –bản dịch Thích Trí Tịnh
Nhập Pháp Giới- Nghiêm Xuân Hồng- Xuân Thu- 1996
Khái luận Triết lý Kinh Hoa nghiêm - Đức Nhuận- Viện Triết lý VN & Triết học Thế giới- 2000.
Vấn Đề Nhận Thức Trong Duy Thức Học- Nhất Hạnh -Phật Học Viện Quốc Tế-1980 và các bài giảng thâu băng.
Vật Lý Học và Phật học -Vương Thủ Ích –bản dịch của Vân Nguyên-Viện Triết Lý VN-1994
Our Oriental Heritage- The Story of Civilization- Will Durant - MJF Books 1935
Einstein and Buddha-The Parallel Sayings by Thomas J. McFarlane-Seaston 2002
The Dancing Wu Li Master-An overview of the New Physics by Gary Zukav- Bantam 1979.
The Essential Kabbalah- Daniel C. Matt -Castle Books 1995
Le moine et le philosophe- Le bouddhisme aujourd’hui par J.F. Revel et M. Ricard- Nil ed.1997
* Các sách và Websites -Stephen Hawking : Brief History of Time, The Big Bang, Origin of the Universe
* Các websites về Relativity và Unified theory của A.Einstein- như Leiwen Wu, Encarta Encyclopedia...
* Hiền Như Bụt- Hạ Long Bụt sĩ LVV-sẽ xb thời Thịnh pháp.
* Cơ học Lượng tử do Max Plank, Niels Bohr, Heisenberg… đề ra đầu thế kỷ XX -theo đó lượng tử vừa là hạt vừa là sóng (particle và wave), năng lượng như vậy không liên tục (continuous), bất định, không thể một lúc biết được vị trí và khoảnh khắc của hạt (position and momentum of particle). Vật lý Lượng tử dùng xác suất thẩm định trạng thái kỳ diệu của hạt và sóng, tương tức tương tác, biến đổi trong thời gian. A.Eisntein lúc đầu khám phá ra điện quang tử (photoelectric) dẫn tới quang tử (photon) là bước khai phá của Vật lý Lượng Tử, nhưng sau ông bất đồng với Vật lý lượng tử, không thích tính bất định, bất trắc của lượng tử, không ưa ngẫu nhiên và xác suất, cho rằng Tạo Hoá không chơi trò xúc sắc! và không gì có thể nhanh hơn vận tốc ánh sáng! (hiện nay vật lý lượng tử cho thấy hai photons từ một nguyên tử văng ra, xoay-spins-tương tác với nhau dù xa nhau đến đâu, nhanh hơn cả ánh sáng !)
Trong Duy Thức học Phật giáo và trong Kinh A Di Đà, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Hằng Chuyển là quy luật của vạn pháp, vừa thường hằng vừa biến hoá, vừa là hạt vừa là sóng, chỉ là trạng thái thay đổi trong từng sát na. “Hạt bụi trần lân không vì chia mà thành hư không, thì phải biết hư không cũng có thể sinh ra hạt bụi gần như hư không, mà thành lại sắc tướng”. Tính cách phi nhất phi dị -không phải là cái ấy, cũng không phải là cái khác, đúng với quan sát lượng tử hiện đại.
Qua Kinh Phật và Vật Lý Lượng tử đương đại, ta thấy triết lý Duy Vật tk 19 đã sai lầm từ căn bản. Chưa biết rõ Vật là gì, mà đã vội kết luận là Duy! Cứ cho nguyên tử là hạt vật chất cơ bản thì các điện tử linh hoạt, biến thái sang quang tử, khi đó nó chẳng còn là vật chất ù lì nữa, nó đã chuyển hoá sang thế giới phi vật chất rồi !
Nguyễn Diệu Tâm - Lạc Bước Rừng Thiền
Nguyễn Diệu Tâm
Ðó là một ngày đầu thu khi tôi lạc bước đến rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng, một ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Nam tông nằm trên lưng chừng núi thuộc huyện Hương Trà, cách thành phố Huế 14 km về hướng Tây.
Tôi có cảm giác như mình đang lạc vào tiên cảnh với mây trắng mờ ảo phủ vây núi non trùng điệp, rừng thông xanh thẫm, những mặt hồ trong vắt lung linh phản chiếu bầu trời và cỏ hoa tươi đẹp.
Trước khi đến nơi này, tôi có nghe nhiều người nói về ngôi chùa nổi tiếng cùng cảnh vật thần tiên nơi đây và vị sư trụ trì vô cùng tài hoa. Vừa đi tôi vừa nghĩ đến những câu thơ tuyệt đẹp của thi sĩ Phạm Thiên Thư:
"Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau.
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Ðưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chảy một giòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông..."(1)
Không hiểu sao tôi đã quên mất hai chữ "nhớ nhau" mà trong đầu tôi chỉ có hai chữ "ngủ quên". Xin mạn phép nhà thơ Phạm Thiên Thư cho tôi tạm đổi một chút trong hai câu đầu tiên của bài thơ "Ðộng hoa vàng" khi tôi đang trong cảnh giới này :
"Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng ... ngủ quên"!
Thanh tịnh
Tôi không biết vị sư trụ trì chùa, Tỳ khưu Giới Ðức - Minh Ðức Triều Tâm Ảnh, có phải đã là "quan" để "từ" hay không, nhưng chắc chắn một điều là ông đã từ bỏ cuộc sống của con người bình thường đầy hỉ nộ ái ố để bước chân vào chốn Thiền môn thanh tịnh. Tuy nhiên, sau đó khi gặp ông rồi, tôi mới hiểu ông không hề bỏ quên cuộc đời, thân ông bỏ nhưng tấm lòng của ông đối với đời được san sẻ từ bi bao la. Là bậc cao tăng uy tín, đào tạo nhiều tăng tài cho Phật giáo nguyên thủy Việt Nam, ông còn là một nhà sư giỏi thơ văn, hội họa và mỹ thuật, đặc biệt nổi tiếng về thư pháp. Phần lớn những xây dựng ở rừng Thiền này được các sư thầy làm bằng tay, từ những cái am, đình, những ao sen, đến những chiếc cầu gỗ xinh xinh bắc ngang qua hồ. Cả cánh rừng thơ mộng này nào đâu ông chỉ hưởng riêng mình, mỗi góc vườn xinh đẹp là một món quà tặng cho khách thập phương, mỗi câu thơ trên đá là một lời nhắn nhủ, là ánh sáng soi rọi vào hồn người trần thế. Trước đây ngoài đời Sư là thầy Nguyễn Duy Kha, từng là giáo sinh khóa 2 trường Sư Phạm Quy Nhơn. Xuất gia năm 1973, thọ giới Sa di năm 1973 và thọ giới Tỳ kheo năm 1977 tại chùa Tam Giới, Ðà Nẵng. Sau đó Sư sáng lập chùa Huyền Không từ một mái lá dưới chân đèo Hải Vân năm 1978. Ðến năm 1989, Sư thành lập Huyền Không Sơn Thượng II, rộng 50 ha., chính là nơi chúng tôi đang đến.
Lối vào Huyền Không Sơn Thượng
Con đường đất đỏ dẫn đến Huyền Không vẫn còn hoang sơ và gập ghềnh không dễ đi, thế nhưng khi đến nơi rõ ràng là một khung cảnh thần tiên thơ mộng đang hiện ra trước mắt mọi người.
Bước qua rừng thông mà lá thông vàng lót dày êm ái dưới mỗi bước đi, vừa đi vừa ngắm những ao sen trắng điểm hoa súng tím, tâm hồn tôi chợt dịu nhẹ một cách lạ lùng. Ði đến đâu ta có thể thấy thơ đến đó. Những câu thơ được khắc theo kiểu thư pháp bay bướm trên đá, trên gỗ... Tôi không ghi chép lại nổi hết tất cả những câu thơ đã rải trên đường, cứ mỗi khoảng cách vài mét là có một phiến đá, một tấm gỗ thông với thơ. Từ lối vào rừng Thiền là một bảng nội quy bằng thơ:
"Là người lịch sự văn minh,
Giữ gìn chút cảnh chút tình sau đây:
Không nên đốn củi, chặt cây.
Không nên nhóm lửa lan lây cháy rừng.
Không nên xả rác lung tung,
Không nên câu cá, cũng đừng bẻ hoa......
Ðể còn chút mộng chút mơ,
Ðể còn nét chữ câu thơ ... hồn thiền."
Nội quy
Không biết có phải vì cái bảng nội quy rất "thơ" đó hay không mà tuyệt nhiên trên quãng đường dài hơn cây số đến Am Mây Tía, nơi ở của tỳ khưu Giới Ðức, mọi thứ đều đẹp đẽ, sạch sẽ dù rải rác đây đó tôi thấy có nhiều nhóm khách thập phương cùng đến viếng chùa. Cây cối được chăm sóc tốt tươi, hoa lá tưng bừng, trong nhiều cái ao bên đường những bông súng màu tím tươi vui khoe sắc. Chúng tôi đi qua những chiếc cầu bằng gỗ, một khu rừng thông, vườn trúc, thấp thoáng qua rừng cây những mái chùa cong cong hết sức nên thơ.
Từ lúc bước vào rừng Thiền tôi đã nghĩ vị trụ trì này rất lạ. Rất tài hoa, lãng mạn khi tạo dựng được cả một khu rừng và cảnh chùa theo lối vườn Huế thi vị như thế này. Ngoài rừng thông, vườn trúc, vườn kiểng hơn 100 chậu non bộ, những ao sen hồng, súng tím, còn có cả một vườn lan khoảng 200 loại lan quý bốn mùa khoe sắc là Mặc Lan, Đông Lan, Tứ Thời, Hồng Ðiểm, Bạch Ngọc, Nhất Ðiểm Hồng, Ðại Kiều, Tiểu Kiều v.v... cùng một vườn hồng phía trước với hàng trăm loại hồng: Hồng Bạch, Hồng Nhung, Hồng Vàng ... Rải rác đây đó là những mái am, ngay cả điện thờ Phật chính cũng nhỏ nhắn xinh xắn, kiến trúc đơn giản mộc mạc. Tất cả đều toát lên tinh thần và tâm hồn Việt, không chút lạ lùng ngoại lai. Tôi cũng nhận thấy ông chịu ảnh hưởng nhiều từ thơ Thiền của các vị thiền sư. Ngay bức tường đá trên đường vào là bài thơ của thiền sư Viên Minh:
"Viết bài thơ trên cát,
Con sóng vỗ xóa đi.
Vô tình đâu nhớ được,
Mình viết bài thơ gì."
Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng
Nhóm bạn của chị tôi đã đi đâu từ lâu, tôi vẫn còn thơ thẩn trong rừng thông nghe chim hót và ngắm những bông hoa bên đường. Rồi tôi đi theo những câu thơ. Chợt cảm thấy như mình đang sống trong câu chuyện cổ tích lạc vào rừng xanh và tìm về nhà theo những viên đá đánh dấu được viết bằng thơ trên đường. Rất thích thú với một số câu thơ được khắc trên đá và gỗ trên đường vào:
"Bước đi ai nhớ dấu chân,
Khói sương khỏa lấp tiền thân thuở nào"
Ở một góc khác:
"Ta cúi xuống, nhặt dấu chân trên cỏ,
Thấy tiền thân, sương ướt, áo chưa khô”
Hay:
" Thương ai đá đứng, cỏ nằm
Khói sương cảo lục, con trăng cõi về".
Rừng trúc
Trước cổng tam quan nhà chùa theo dáng cây trúc có một cái bảng gỗ "Phong Trúc Am" và hai câu đối buông hai bên:
"Rừng gió vi vu rớt một tiếng chim, sao tĩnh lặng.
Khóm trúc xào xạc, rụng vài chiếc lá, động vô thanh".
Thấp thoáng đã thấy Am Mây Tía:
"Hang xanh mây tía ẩn cư,
Phương này trăng nước thi thư tọa đàm".
Nơi đây treo rất nhiều thư pháp:
"Một cõi cỏ thơm, thơ núi lặng,
Bốn bề mây trắng bút non xanh. "
Một số câu thơ nhắc nhở con người nhớ về cha mẹ:
"Cha cho gánh chữ ngần vai,
Mẹ cho giọt nắng soãi dài tuyết đông".
Hay chiêm nghiệm về cuộc đời:
"Ðường đời vút cánh chim hồng,
Lối về chi sá bão dông tình đời".
Phương Thảo Ðịa
Tôi đi qua một khu vườn, cổng mang bảng gỗ "Phương Thảo Ðịa", lối vào vườn cỏ thơm. Ba chữ này có lẽ đã được Tỳ khưu Giới Ðức lấy ý từ một bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu, nhà thơ đời Ðường khi nói về thú ăn chơi tao nhã bốn mùa của thi nhân:
"Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Ðông ngâm bạch tuyết thi" (2)
Xin tạm dịch nghĩa:
"Xuân thăm miền cỏ thơm
Hạ ngắm ao sen biếc
Thu uống rượu cúc vàng
Ðông ngâm thơ tuyết trắng"
Am Mây Tía
Càng đi, tôi càng thấy rất thích những cái tên mà Sư thầy đã đặt cho từng khu vực, với những câu đối hay:
"Bút vẫy rừng không, mây gió bâng khuâng, trăng sáng chữ
Thơ chơi lũng vắng, khói sương lãng đãng, đá ngời văn!"
Ở Am Mây Tía:"Thiền đạo vô ngôn hoa cỏ nói,
Kinh Thư đa nghĩa nước trăng cười"
Tại Nghinh Lương Đình :
"Lãng đãng càn khôn, thơ thắp con tim, tình ấm lại
Phiêu bồng nhật nguyệt, thiền soi nét bút, chữ trong hơn"
Cùng hai câu thơ thật đẹp:
"Nghe đạo, hương rừng theo gió đến
Ðọc thơ, trăng sáng vượt non về!"
Thư Pháp Ðình
Thư Pháp Am, nằm đối diện với đồi thông bên kia Sơn Ảnh Hồ, là nơi trưng bày thư pháp và cũng là nơi để tao nhân mặc khách ghé thăm mặc sức họa thư pháp bằng bút tre trên giấy:
"Chữ chẳng là mây, thăm phố chợ, dạo non xanh, sương khói lơ thơ hòa khí bút
Thơ đâu phải nước, ngủ suối trăng, mơ sông biếc, rong bèo lác đác dệt tình văn"
Dễ thương nhất là hai câu được đặt ngay dưới thềm bước vào chánh điện lễ Phật:
"Xin khách để bụi dưới thềm,
Cho thơm cửa Phật, cho thiền nở hoa"
Hai câu này vừa dí dỏm, hiền hậu và rất thơ khi nhắc khách thập phương nhớ bỏ giầy dép bên ngoài, thật là dễ thương chưa thấy nơi đâu có.
Chánh điện Chùa Huyền Không
Phải nói rằng khi viếng thăm cảnh chùa Huyền Không, ngoài những bức thư pháp, tôi rất thích thú với những cái tên được đặt cho các am, đình ở đó như Am Mây Tía, Am Trăng Ngủ, Nghinh Lương đình v.v...
Nhóm các anh chị mà tôi đi cùng đều là giáo sinh Cao đẳng Sư Phạm Quy Nhơn khóa 7. Khi nghe các anh chị giới thiệu, sư thầy Giới Ðức cũng nói rằng thầy là đồng môn khóa 2. Rồi thầy tặng cho chúng tôi mỗi người một cuốn Con Gái Ðức Phật, một cổ sử truyện về "hành trang của chư Thánh Ni và những cận sự nữ đặc biệt và thù thắng" (3)
Thầy cũng giải thích vì sao có tên "Am Mây Tía", đó là lấy từ ý thơ Thiền của Vua Trần Nhân Tông, người đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc lên núi Yên Tử tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào đầu thế kỷ 14.
Am Mây Tía
Những bài kệ trong sách được tác giả diễn dịch hay như thơ. Thấy có mấy tập thơ đẹp tôi xin mua nhưng Tỳ khưu nói sách đã hết, đó là những tập cuối cùng còn lại nên thôi, lòng thấy tiếc. Khi chúng tôi khen cảnh chùa quá đẹp, tỳ khưu nói rằng ông chỉ muốn đem đến cho khách thập phương niềm hạnh phúc của sự cảm nhận cái đẹp thiên nhiên. Tôi nghĩ rằng đó là một mong muốn vô cùng từ bi, đẹp đẽ của một vị cao tăng đáng kính. Trên đường về, lòng tôi vẫn thấy nao nao vì những gì đã được chiêm ngưỡng. Một ngôi chùa đơn sơ, không đồ sộ, bằng gỗ rất khiêm tốn đơn giản, làm bằng tay đôi chỗ thật đơn sơ nhưng sao rất vấn vương lòng người. Tôi lại nghĩ đến những ngôi chùa đồ sộ ở thành phố với kiến trúc cầu kỳ nặng nề gây cảm giác chật chội nhức mắt.
Về Huế, đi thăm chùa Thiên Mụ, nơi tôi đã quy y với Cố Thượng tọa Thích Ðôn Hậu từ những ngày còn bé, dù còn phảng phất mùi hương kỷ niệm thời thơ ấu thường theo mẹ đến chùa nhưng dường như đã không còn cảm giác thanh tịnh thơ mộng như ngày xưa khi nay có quá nhiều đoàn du khách theo chương trình du lịch nhồi nhét cho đầy và mỗi lần đến tham quan chỉ được giới hạn trong chừng nửa tiếng để rồi vội vã xuống thuyền ngược dòng sông Hương về lại thành phố. Tôi cũng không thích các hàng quán thương mại và dịch vụ ăn theo du lịch ồn ào bên ngoài, đã làm mất đi nhiều vẻ tôn nghiêm và nét đẹp thơ mộng dưới chân chùa Thiên Mụ.
Mặt hồ soi bóng núi
Cái đẹp ở Huyền Không là cả một không gian Thiền tĩnh mịch, sâu lắng. Vắng vẻ vì khá xa thành phố, nhưng cảnh quan tạo cho du khách cảm giác trở về với thiên nhiên nên thơ mà rũ bụi trần. Con người bỗng thấy thật bé nhỏ trước thiên nhiên vô cùng, thấy mình trở nên hiền hòa như nước như đất, lành như cây như hoa, và mọi ưu tư về cuộc đời dường như tan biến, chỉ còn ước mơ: "Cho tôi mơ giấc mộng dài, Ðừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh"! (4)
Tháng 8. 2012
Chú thích
(1) Ðộng Hoa Vàng - Thơ Phạm Thiên Thư
(2) Tứ Thời Thi - Thơ Thôi Hiệu
(3) Trích trong tác phẩm "Con Gái Ðức Phật" của Tỳ Khưu Giới Ðức - Minh Ðức Triều Tâm Ảnh
(4) Mơ Giấc Mộng Dài - Nhạc Phạm Duy
Nguồn: chshddhstchauau.blogspot.com
đht - Dáng tím
đht
(theo lời thư anh)
hỡi cổng trường mang tình đầu của tôi
sao hôm qua nghe lá phượng bồi hồi
bây chừ thu . cây mù u rụng lá
nhón bước về . mưa đan võng , giăng nôi
@
ai bảo Huế thu em trời đẹp lắm
gió qua cầu , ngoảnh lại vỗ tà bay
nghe dưới nón khúc khích cười . mây ngắm
em về mô ? ta gửi chút hương say
@
mười hai nhịp đứng soi mình gương lục
em qua đò để ngơ ngẩn hồn ngông
mơ dáng tím trên Thiên An . rồi chợt
nhớ tên người . tên cùng với giòng sông
@
gặp trên Huế . nụ cười em diệu vợi
một lần thương . da diết nhớ suốt đời
em cho ta tim em từ Thuở Ấy
xa cách gì em vẫn sống trong tôi
đht
gửi một người rất có duyên với Huế
Tưởng Năng Tiến - Cụ Nguyễn Đã Rời Rạch Giá
Tưởng Năng Tiến
1839 – 10/27/68
“Tôi đến vàm Nhựt Tảo thuộc tỉnh Long An vào một ngày tháng chạp... Chiều hôm sau, lúc đó đã gần 5 giờ, tôi hỏi đường lên vàm Nhựt Tảo và ‘cái tàu ông Nguyễn Trung Trực đốt của tụi Tây’. Bác xe ôm ở một góc đường thị xã Tân An có vẻ rành, bác chỉ qua cầu Tân An (bắc ngang sông Vàm Cỏ Tây), qua cầu Bến Lức (sông Vàm Cỏ Đông), đến ngã tư Tân Trụ rẻ phải…”
- Chị ơi vàm Nhựt Tảo ở đâu vậy?
- Đây này! Cô gái chỉ ngay dòng sông trước mặt…
Vậy ra là tôi đang đứng ngay ngả ba sông, nơi Nguyễn Trung Trực đánh đắm chiến thuyền Espérance của Pháp năm 1861… Tôi băng qua sân rộng đến sát mép sông, thấy một cái miếu nhỏ bé, cửa miếu hướng ra bờ sông. Vòng ra mặt trước miếu nhìn vào mới biết đó là miếu ngũ hành, cả gian miếu âm u chập chờn.”
“Tôi bước vào miếu, tự dưng xương sống lạnh buốt như đang bước vào một nơi nhiều âm khí dù trời chưa tối hẳn. Không gian trong ngôi miếu nhỏ tịch mịch quá, tưởng như nghe được tiếng sông chảy bên ngoài. Bên góc phải bàn thờ ngũ hành có một hộc bàn thấp lè tè, trên để tấm hình Nguyễn Trung Trực chít khăn đen, bên dưới ghi:
ANH HÙNG DÂN TỘC
NGUYỄN TRUNG TRỰC
(1838-1868)
“Nguyễn Đình Chiểu viết ‘Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo.’ Thật là nao lòng quá. Một dũng tướng ngang dọc từ Tân An đến Rạch Giá, lập những chiến công ‘oanh thiên địa’ và ‘khấp quỷ thần’ trong lứa tuổi 20, ngay nơi chiến tích của ông cách đây 146 năm, nay chỉ có một ngôi đền xây dang dở, và một bức hình nhỏ trên một bệ thờ thấp, nằm ké trong cái miếu ngũ hành tàn tạ âm u vôi lở sơn tróc hương tàn bàn lạnh. Đôi mắt ông thao thiết nhìn ra sông, rất lặng lẽ…”
“Tôi ra đứng trước cửa miếu nhìn ngả ba sông Nhựt Tảo qua những cây hoang um sùm. Dòng sông trong vắt và êm đềm, thỉnh thoảng một chiếc phà nhỏ chở khách ngang qua. Trời đã chập choạng và một tiếng chim chợt kêu. Ở quán nước sát mé sông, tôi hỏi bà chủ quán:
- Chị ạ, chắc tấm hình ông Nguyễn Trung Trực người ta thờ tạm hả chị, chờ khi cái đền lớn xây xong?
- Đâu có, cái miếu nhỏ đó hổng phải thờ ông Nguyễn Trung Trực. Mấy bữa trước có một bà dưới Rạch Giá đem hình ổng lên để thờ ké trong miếu đó!
Miếu Ngũ Hành ở Tân An, nơi có để hình thờ (ké)
của cụ Nguyễn Trung Trực. (Ảnh Từ Khanh)
của cụ Nguyễn Trung Trực. (Ảnh Từ Khanh)
“Thờ ké trong miếu! Phải, cái bàn thờ ông thấp và bé hơn bàn thờ năm tượng ngũ hành nhiều lần, bên di ảnh ông có một chai nhựa khô nước (hay rượu), trước có một con ngựa nhỏ màu trắng. Có lẽ cái bệ thờ này để thờ bạch mã – như trong nhiều miếu ở miền quê thường có thờ “Bạch Mã Thái Giám” tức con ngựa trắng để đỡ chân cho thành hoàng của làng xã – rồi người đàn bà Rạch Giá tội nghiệp kia đem hình ông lên không biết đặt đâu nên để ‘ké’ vào bệ thờ con ngựa trắng, trước hình ông là một bình hoa giả, hai chén nước nhỏ, một bát nhang lạnh. Vậy thôi.”
Chỉ “vậy thôi” mà bài viết “Nhựt Tảo 147 Năm Sau” của Từ Khanh bỗng khiến tôi thấy lòng dạ bất an. Tôi rời Rạch Giá đã lâu, và chưa bao giờ có dịp quay về chốn cũ. Không hiểu chuyện gì đã khiến người ta phải đem di ảnh của cụ Nguyễn lên đến Long An, để thờ ké trong một cái miễu ngũ hành (“hương tàn bàn lạnh”) như thế?
Đường Nguyễn Trung Trực Rạch Giá bắt đầu từ bến xe Lạc Hồng, và chấm dứt ở bên này Cầu Đúc. Bên kia cầu trở đi là đường Phó Điều, tên gọi đầy đủ là Phó Cơ Điều, dẫn đến đầu chợ Nhà Lồng.
Trên nóc chợ có dựng tượng cụ Nguyễn Trung Trực bằng đồng. Pho tượng nhỏ, kích thước chỉ bằng một người thường, và không có đường nét nào đặc biệt – ngoại trừ đôi mắt. Cụ Nguyễn đang đứng bạt gươm mà (sao) trông buồn thảm thiết!
Thời gian ở Rạch Giá, tôi kiếm sống bằng cách bán bánh tiêu. Tôi hay len lách rao hàng, giữa những bàn ăn, trong chợ Nhà Lồng:
- Bánh tiêu đây thầy Hai ơi.
- Mời dì Ba ăn bánh tiêu nóng.
- Mua dùm một cái bánh tiêu đi cô Tư.
- Má Năm ơi, ăn bánh tiêu mới ra lò không?
Hôm nào may mắn tôi bán được hết (hay gần hết) mẹt hàng. Xong, tôi vào quán cà phê ngồi đếm tiền và nghỉ xả hơi. Sau khi dấu tờ bạc 20 đồng làm vốn (có hình bác Hồ nhìn nghiêng) vào gấu quần, tôi sẽ sài hết số tiền còn lại.
Giá vốn một cái bánh tiêu là bốn mươi xu. Tôi bán ra năm mươi, lời 10 xu gọn ghẽ. Nếu bán được 48 cái bánh, tôi sẽ được 4 đồng 80. Tôi ăn luôn hai cái bánh ế thì vẫn còn lời đến 4 đồng.
Số tiền này – vào những năm đầu của thập niên 1980, lúc mà Đảng CSVN chưa có “dũng cảm” và “quyết tâm” đổi mới – đủ để người dân thường mua được một bao thuốc lá nội hoá, kẻ khá giả hút được hai điếu thuốc lá “3 số” nhập cảng, và vừa vặn để cho tôi có thể sống qua được một ngày (tạm gọi là) no đủ.
Ly cà phê đen giá một đồng. Nếu mà cà phê sữa cũng cùng giá thì đỡ biết chừng nào. Những lúc thiếu ăn tôi không mê cà phê đen lắm. Tôi chi thêm một đồng nữa cho mấy điếu thuốc lá (Vàm Cỏ hay Lao Động) là kể như một buổi sáng êm xuôi.
Trưa và chiều tôi sẽ dùng hai đồng còn lại, cho 2 đĩa cơm trắng, ở cửa hàng ăn uống quốc doanh. Khi đói (tới bến) thì thức ăn là đồ xa xỉ.
Hôm nào mà bánh ế thì vất vả hơn chút xíu. Tối, tôi lại phải đi loanh quanh ở khu rạp hát Châu Văn, giữa trung tâm thị xã – nơi có những xe bán thức ăn đêm – để dành giật những tô mì thừa hay cháo cặn với những kẻ cùng cảnh ngộ.
Đêm, tôi ngủ chung với những đứa bé bụi đời ở sân quần vợt của Rạch Giá. Nằm nhìn sao trời nhấp nháy, tôi hay nhớ đến nét mặt buồn phiền – cùng với ánh mắt thê thiết – của cụ Nguyễn, đứng nhìn từ nóc chợ Nhà Lồng. Ngó bộ, ổng không được hài lòng (lắm) về cái vụ… tôi đi bán bánh tiêu!
Nguyễn Trung Trực vốn là một ngư dân. Khi đất nước bị ngoại xâm, ông tham gia kháng chiến, tạo nên những chiến công (“oanh thiên địa, khấp quỉ thần”) làm nức lòng người.
Tôi thì được theo học từ một trường đại học văn khoa, tốt nghiệp từ một trường đại học võ bị nhưng khi đất nước bị nạn nội xâm thì đi … bán bánh tiêu – kiếm sống qua ngày! Chưa hết, khi nhắm sống không nổi nữa thì tôi liền bỏ quê hương mà chạy, và … “lặn mất tăm” – theo như cách nói của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Ví von, mỉa mai như vậy (chắc) chưa đã miệng nên thằng chả còn chêm thêm vài câu nữa:
“Nghĩ cũng buồn cười, nhiều người hay lắm, qua sông đấm bòi mà làm như oai lắm, tự cho mình cái quyền phán xét kẻ khác, mồm loa mép giải như đàn bà hàng cá, tự đắc văn hoá, hết chê người này ngu lại chửi kẻ khác hèn, oách lắm. Oách thế sao người ta vừa ho cái đã lặn không sủi tăm, rồi ngoi sang bờ bên vung chân múa tay chửi bới hung hăng lắm. Ui giời, là anh hùng.”
Không dám «anh hùng» đâu. Cũng không dám «oách» đâu. Đã tha phương cầu thực ai mà lại «vung tay múa chân chửi bới hung hăng» kỳ cục vậy, cha nội! Nhưng thỉnh thoảng nghe chuyện cố hương mà không nén được một tiếng thở dài (hay một tiếng chửi thề) thì… có!
Có bữa, trên đài Á Châu Tự Do, tôi nghe người ta kể về một công trình kiến trúc mới hoàn thành (ở Rạch Giá) như sau :
“Dù đã cố gắng tưởng tượng sự hoành tráng của nó qua những lời kể trên điện thoại, nhưng khi tận mắt chứng kiến thì nó vượt quá trí tưởng tượng của mình nhiều lần. Đó chính là nhà thờ họ của đương kim Thủ Tướng Ba Dũng vừa mới khánh thành cách đây một tháng. Dù rất kín cổng cao tường nhưng có lẽ cũng muốn cho người ngoài nhìn thấy sự hoành tráng của nó nên qua những khe hở hàng rào vẫn có thể thấy được ‘chiều sâu’ bên trong khuôn viên.”
“Cả khuôn viên bao gồm 1 căn biệt thự theo kiến trúc tây và 3 gian nhà thờ theo kiến trúc Việt cổ. Giới thầu xây dựng tham gia làm công trình này nói nó trị giá gần 40 tỷ đồng và đã khởi công từ 2 năm trước đó. Tôi không vào được bên trong nhưng theo người bạn thì nguy nga vô cùng, toàn những cột gỗ to một người ôm không hết được chạm trổ công phu, những vật trang trí trong các gian thờ thì toàn là những loại đặc biệt và thượng thặng, được chọn từ những nơi sản xuất nổi tiếng nhất và tâm linh nhất Việt Nam về các món hàng ấy mang về đây…”
“Cái nhà thờ này phải làm thật to, to nhất ở đây để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và các vị thánh thần ở vùng đất này để được gia hộ cho sự nghiệp của Thủ tướng bền vững. Và đúng là nó to thật, to hơn nhiều lần cái đền ông Nguyễn – nơi thờ vị Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực và những người đã hy sinh cùng với ông tại đất Rạch Giá này.”
Hình chụp từ bên ngoài của khuôn viên nhà thờ họ Nguyễn Tấn Dũng - (Nguồn ảnh: ttxvablog)
Thời nào, xã hội nào mà không có những kẻ tiểu nhân đắc ý. Sự phô trương bề thế, lố lăng của họ, theo tôi, không thể ảnh hưởng đến sự tôn kính và thâm nghiêm (đã trở thành truyền thống) nơi đền thờ cụ Nguyễn. Đây chắc không phải là nguyên cớ khiến người dân Rạch Giá đem dời di ảnh của Nguyễn Trung Trực, lên thờ ở Tân An.
Lý do chắc phải tìm ở nơi khác. Và tôi tìm được một bài báo (“Sống Trong Vùng Độc Hại”) trên Tuổi Trẻ Online:
“Tại khu phố Quang Trung, phường Vĩnh Quang (thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) có một bãi rác đã tồn tại từ hơn 20 năm qua. Bác sĩ Phạm Thị Tuyết, một nạn nhân sống trong vùng ô nhiễm, bức xúc:”
- Người dân ở đây đã gửi hàng trăm lá đơn cầu cứu nhưng vẫn không thấy chính quyền động tĩnh gì…
“Phó trưởng khu phố Quang Trung Lê Thanh Mai cho biết thêm:
- Không chỉ 810 hộ dân ở đây bao năm nay phải sống chung với mùi hôi thối mà cả một khu dân cư rộng lớn cũng phải chịu đựng. Bởi nhiều khi mùi hôi thối bị cuốn theo chiều gió bay đến tận Trung tâm thương mại TP Rạch Giá, tràn vào các lớp học, cách cả chục cây số còn ngửi thấy mùi hôi. Mỗi khi có tiệc tùng không dám mời khách đến chơi vì… sợ ruồi, sợ mùi hôi và sợ khách không dám ăn!”
Nhà dân, bãi rác và nghĩa trang “sống chung” - Ảnh: M.H.
Bãi rác khổng lồ giữa thành phố Rạch Giá khiến tôi có thêm ý niệm về sự “ô nhiễm không gian tâm linh” (rất có thể) cũng đang xẩy ra ở địa phương này – nơi mà hai thế kỷ trước, vào đêm 16 tháng 6 năm 1868, cụ Nguyễn đã xuất thần bất ý làm khiếp vía quỉ thần (Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần).
“Chiến tích này… theo sử gia Phan Khoang viết trong cuốn Việt Nam Pháp Thuộc Sử thì nghĩa quân đã giết được viên chỉ huy trưởng Pháp và 30 quân trú phòng… Còn theo nhà thám hiểm Pháp tên Combanaire viết trong cuốn La Verité sur la Cochinchine xuất bản năm 1909 tại Sài Gòn thì con số người Pháp bị tử vong lên tới 70 người… (Lý Minh Hào. Nguyễn Trung Trực Trên Đất Kiên Giang. California: Papyrus, 1995. 28).
Sách sử tuy còn đó nhưng bụi thời gian đã phủ mờ gương oanh liệt của tiền nhân, nơi địa linh nhân kiệt. Đến cuối thế kỷ hai mươi, Rạch Giá chỉ còn được biết đến như một nơi chuyên bán bãi và buôn người vượt biển. Cùng lúc đây cũng là nơi đã khiến “Bông Lúa Nổi Giận”, và lương dân phải bỏ của chạy lấy người, vì nạn cường hào ác bá.
Sang đến thế kỷ XXI Rạch Giá được công luận chú ý vì những bài báo tố giác tham nhũng, và mô tả tài sản cũng như những cơ sở kinh doanh bất chính, có liên quan đến thân nhân gia đình của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tác giả những bài viết này, ký giả Trương Minh Đức, đã bị toà án Kiên Giang tuyên án năm năm tù – với tội danh “lạm dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước Việt Nam.”
Và bây giờ thì Rạch Giá nổi tiếng vì một công trình kiến trúc bề thế, có tên là “nhà thờ họ của đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng – bên cạnh một bãi rác khổng lồ – trông như một mụn gấm nổi bật trên manh áo rách tả tơi, bẩn thỉu. Với ít nhiều chủ quan, tôi tin rằng sự ô nhiễm không gian tâm linh mới chính là lý do đã khiến cho người dân điạ phương đem di ảnh của Nguyễn Trung Trực ra khỏi địa phương này.
Cụ Nguyễn đã rời Rạch Giá nhưng đêm qua tôi vẫn nằm mơ thấy ánh mắt thê thiết của ông, đứng nhìn từ nóc chợ Nhà Lồng, dù theo Lý Minh Hào – tác giả của công trình biên khảo thượng dẫn – nơi đặt pho tượng Nguyễn Trung Trực đã được thay thế bằng tấm hình bác Hồ (nhìn thẳng) tự lâu rồi.
Tưởng Năng Tiến
Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012
Trọng ngố, Dũng hèn đang đưa đất nước tới vực thẳm ! Và con đường của chúng ta
Âu Dương Thệ
Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.“ Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc HNTU 6 15.10.2012
Đất nước đang phải đối đầu trước cuộc xâm lấn vừa công khai trắng trợn vừa tinh vi xảo quyệt của phương Bắc. Hệ thống chế độ độc tài toàn trị dựa trên chủ thuyết Marx-Lenin cùng với Kinh tế thị trường định hướng XHCN còn dựng lên xã hội tư bản hoang dã, dẫn tới nạn tham nhũng và bè phái cực kì khủng khiếp, nợ công chồng chất, kinh tế kiệt quệ, các tập đoàn kinh tế nhà nước đang phá sản và gây thiệt hại cho công quĩ hàng trăm ngàn tỉ đồng, khiến cho chính Nguyễn Tấn Dũng đã phải công bố trước Quốc hội ngày 22.10 là hoãn quyết định tăng lương liên hệ tới khoảng 20 triệu người ăn lương, hưu trí, trợ cấp và gia đình.i Trong khi ấy nông dân bị các đại gia cấu kết với cường hào đỏ tước đoạt đất đai, công nhân bị chủ nhân nước ngoài cấu kết với tư bản đỏ bóc lột! Nạn giáo dục xuống cấp nghiêm trọng, các tệ trạng „chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp“ii…bùng nổ. Trong khi đó sinh viên ra trường thất nghiệp, chuyên viên trí thức có khả năng và tâm huyết bị gạt sang lề xã hội, nhiều nhân sĩ có tâm huyết và các Bloger bị theo dõi, chụp mũ và giam giữ…
Giữa lúc chủ quyền đang bị đe dọa, các hải đảo bị lấn chiếm, các tệ tạng xã hội bùng phát, kinh tế đang rơi vào phá sản, nhân dân đói rách và những người yêu nước bị theo dõi đàn áp thì nhóm cầm đầu làm gì, tỏ thái độ như thế nào? Họ còn biết tự trọng không, còn ý thức tinh thần trách nhiệm không? Họ thật sự chống nhóm lợi ích, hay mỗi nhóm đang ra sức bảo vệ lợi ích nhóm cho riêng mình, bất kể tới lợi ích chung của nhân dân? Họ còn uy tín, khả năng và đức độ để tiếp tục ngồi lại hay không?
Trọng ngố, Dũng hèn!
Sau một số thủ đoạn vừa ấu trĩ vừa hạ cấp công khai từ bêu xấu lẫn nhau tới chặt vây cánh của nhau giữa hai ông Trọng-Sang một bên và bên kia là ông Dũng kéo dài 21 ngày trong hai tháng 7 và 8.2012 tại các cuộc tự phê bình và phê bình của Bộ chính trị và Ban bí thư, tới các cuộc bắt một số đại gia Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải và Dương Chí Dũng iii vào dịp kỉ niệm Cách mạng Tháng 8 cho tới trước Hội nghị Trung ương 6 (HNTU 6). Nguyễn Tấn Dũng phản pháo lại bằng cách cho Ban cán sự Đảng Chính phủ mà ông ta đứng đầu họp 5 ngày rồi ra thông cáo tự khen tự bốc, phần nói các khuyết điểm thì rất mờ nhạt.iv Cũng chính vào dịp này Nguyễn Tấn Dũng ra Công văn số 7169 /VPCP-NC (12.9) cấm một số Blog điện tử tố cáo các sai lầm và tội ác của ông Dũng và cấm đảng viên vào đọcv, đồng thời còn hô hoán vừa để chạy tội và tranh công là chính ông đã „chỉ đạo“ bắt cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũngvi.
Tình hình nội bộ giữa những người cầm đầu càng trở nên rất căng thẳng và bất trắc, nên phe Nguyễn Phú Trọng đã phải đột ngột cho tổ chức HNTU 6 hai tuần sớm hơn thường lệ để tìm cách thanh toán số phận chính trị của Nguyễn Tấn Dũng. Tuy có nhiều vấn đề đưa ra thảo luận trong HNTU 6 là: tình hình kinh tế-xã hội 2012-13, tình hình doanh nghiệp nhà nước, chính sách đất đai, đường lối giáo dục, chuẩn bị nhân sự cấp cao cho nhiệm kì 2016-21, tái lập Ban Kinh tế trung ương. Nhưng đề tài quan trọng nhất trong HNTU 6 là „thảo luận và cho ý kiến về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ chính trị,Ban bí thư“ theo Nghị quyết Trung ương 4.vii
HNTU 6 đã kéo dài suốt 15 ngày từ 1.10 tới 15.10 và được coi là một trong vài HNTU họp dài nhất của ĐCSVN. Trong đó suốt 5 ngày, tức 1/3 thời gian, đã dành cho đề tài „thảo luận và cho ý kiến về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ chính trị, Ban bí thư“viii với mục tiêu hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng. Để thực hiện mục tiêu này phe Nguyễn Phú Trọng còn tiến hành các thủ đoạn tàn tệ, như phổ biến tập hồ sơ vài trăm trang về tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân trong Bộ chính trị, Ban bí thư trong hai tháng 7 và 8, trong đó phần chính liên quan tới Nguyễn Tấn Dũng và gia đình, gởi tới 175 Ủy viên Trung ương chính thức và 25 Ủy viên dự khuyết. Ngoài ra trong suốt hai tuần Hội nghị các Ủy viên Trung ương bị theo dõi nghiêm ngặt và cấm cả liên lạc với bên ngoài, nghĩa là khinh thường các Ủy viên Trung ương. Việc kết hợp các đòn phép từ bắt giữ một số đại gia thuộc vây cánh của Nguyễn Tấn Dũng trước HNTU 6 ít ngày, tới các biện pháp trưng bày tài liệu chống ông Dũng và khủng bố tinh thần các Ủy viên Trung ương thân Nguyễn Tấn Dũng ngay trong 15 ngày Hội nghị được coi là thủ đoạn của Nguyễn Phú Trọng bắt Nguyễn Tấn Dũng phải cởi truồng trước mặt các đồng chí Trung ương. Đây chính là hành động nhằm „ám sát chính trị“ Nguyễn Tấn Dũng! Đấy là chưa kể việc ông Trọng còn động viên tâm lí khi ông khóc nghẹn ngào trong dịp kỉ niệm 110 ngày sinh Lê Hồng Phong tại Thanh Hóa ngày 6.9 trong lúc nhắc tới việc Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã phải hi sinh để lại con thơ 2 tuổi để ông muốn ám chỉ tới hiện tại về Nghị quyết của HNTU 4 cần có quyết định với những phần tử ở ngay cấp cao trong Đảng chỉ lo thu vén quyền lợi phe nhóm và gia đìnhix. Khi so sánh như vậy là ông Trọng muốn gợi tình cảm thương tâm trong quá khứ vì đảng quên mình và gia đình để nhắc nhở hiện tại việc ông Thủ tướng chỉ biết thu vén lợi ích gia đình và bè cánh!
Cả trong Thông báo HNTU 6 và diễn văn bế mạc của Nguyễn Phú Trọng ngày 15.10 đều xác nhận tệ trạng tham nhũng bùng nổ rất mạnh dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, sự làm ăn thua lỗ và thất thoát tài sản đất nước rất lớn, cũng như cách điều hành và quản trị vô trách nhiệm của các tập đoàn và tổng công ti dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, nợ công ngày càng gia tăng, đời sống nhân dân ngày càng cực khổ và tình hình kinh tế đang rất hiểm nghèo. Tình trạng giáo dục tiếp tục xuống cấp, nạn bằng giả, chạy chức, chạy quyền càng gia tăng. Trong Thông báo kết thúc ngày 15.10, HNTU 6 nhìn nhận các tệ trạng xã hội và tình trạng kinh tế suy đồi hiện nay là do:
„Về khuyết điểm chủ yếu : Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa ngăn chặn, khắc phục được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt về lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc. x
Đồng thời cũng xác nhận nguyên nhân là do nhiều Ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư đã bất tài, vô đức, chỉ lo thu vén cho gia đình và bè nhóm:
„Việc một số đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn có biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ, thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực trong công tác cán bộ (như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp…) và đề bạt con một số cán bộ lãnh đạo không dựa trên năng lực, trình độ và quá trình rèn luyện, gây dư luận bức xúc.“ xi
Vì thế, trong HNTU 6 Nguyễn Phú Trọng và phe cánh muốn ép Trung ương đảng phải ra quyết định kỉ luật với Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng để tránh tiếng là chỉ tấn công một mình Nguyễn Tấn Dũng, nên trong đề nghị với Ủy ban Trung ương Nguyễn Phú Trọng và phe cánh đã yêu cầu nên có một hình thức kỉ luật nào đó cả với Bộ chính trị, nhưng đặc biệt cần phải „xem xét kỉ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ chính trị“. Chủ ý này chính Nguyễn Phú Trọng đã xác nhận:
„Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị.„xii
Mặc dù không dám nêu tên Ủy viên Bộ chính trị đó là ai, nhưng toàn Đảng toàn dân đều biết đó là Nguyễn Tấn Dũng. Theo lời ông Trọng thì 14 Ủy viên Bộ chính trị, trong đó cả Nguyễn Tấn Dũng, đã yêu cầu các Ủy viên Trung ương ra quyết định kỉ luật chung với Bộ chính trị và đặc biệt riêng với Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng một đa số rất lớn Ủy viên Trung ương đã bỏ phiếu „không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị“:
„Về việc đề nghị xem xét kỷ luật, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị „xiii
Khi đọc tới đoạn trên thì đài truyền hình quay cảnh Nguyễn Phú Trọng đã lại „nghẹn ngào“ như muốn khóc. Phải chăng ông Trọng khóc vì đau khổ về sự bất lực và thất bại ê chề của chính mình ?! Trong khi đó Nguyễn Tấn Dũng ngồi ở hàng đầu lại nheo mắt cười mũi.xiv Diễn biến của HNTU 6 đã cho thấy, Nguyễn Tấn Dũng tuy nhìn nhận trong vai trò Thủ tướng đã gây những sai lầm nghiêm trọng trong việc bất lực chống tham nhũng và thất bại hoàn toàn trong việc tổ chức và điều hành các tập đoàn kinh tế nhà nước, nhưng đã hèn không dám nhận trách nhiệm trước các sai lầm cực kì nghiêm trọng này bằng cách từ chức. Chẳng những cố đấm ăn xôi, ông Dũng còn xảo quyệt vận động vây cánh trong các Ủy viên Trung ương chống lại yêu sách của phe Nguyễn Phú Trọng.
Vì chủ quan khinh địch và không đủ bản lĩnh lẫn uy tín nên Nguyễn Phú Trọng đã không thuyết phục được các ủy viên Trung ương đẩy Dũng đi. Cuộc vận động trả đũa của Nguyễn Tấn Dũng ngay trong HNTU 6 đã khiến phe Nguyễn Phú Trọng-Trương Tấn Sang thất bại nhục nhã. Cuộc bỏ phiếu trong Trung ương đảng với đại đa số rất lớn ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ ghế Thủ tướng đã khiến cho Nguyễn Phú Trọng rất tức tối và buồn bực vì đã bị phe Nguyễn Tấn Dũng lột mặt nạ, trở thành Tổng bí thư ngố ngay trong HNTU 6. Có hiểu được hoàn cảnh và tâm trạng này của Nguyễn Phú Trọng mới có thể biết, tại sao trong diễn văn bế mạc Nguyễn Phú Trọng đã có bộ mặt buồn thiu, cử chỉ ngượng ngịu và cuối cùng lại phải sụt sùi muốn khóc khi ông ta nói tới quyết định từ chối của Trung ương đảng và chính vào lúc đó ngồi chỗm chệ ở hàng ghế đầu Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ động tác cười thầm qua cử chỉ nhéo mắt và cười mũi!!
Những hậu quả nguy hiểm cho nhân dân và đất nước
1. Nếu mục tiêu chính của HNTU 6 là chỉnh đốn Đảng, thanh lọc những người có trách nhiệm đã để cho tham nhũng bùng nổ, các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ làm thất thoát hàng trăm nghìn tỉ đồng tài sản của đất nước thì Hội nghị này đã hoàn toàn thất bại. Trách nhiệm thuộc về Bộ chính trị, Ban bí thư; trong đó chịu trách nhiệm cao nhất là Nguyễn Phú Trọng,Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng. Việc sau HNTU 6 Nguyễn Tấn Dũng vẫn ngồi lì ở ghế Thủ tướng và ngày 22.10 lại ra trước Quốc hội tuyên bố chiếu lệ „nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân“.xv Rồi sao nữa? Một kẻ phạm tội thì phải bị xét xử, người cầm đầu một công ti làm ăn thất bại thì phải từ chức. Đấy chính là công bằng và tự trọng. Một Thủ tướng đã đi từ sai lầm này tới sai lầm khác và gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho đất nước mà chỉ nhận trách nhiệm và xin lỗi xuông rồi vẫn ngồi lì. Vì chính gần hai năm trước, ngày 24.11.2010, Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tuyên bố hùng dũng như vậy trước Quốc hội trong vụ Vinashin, nhưng vẫn ngồi lì lợm ở ghế Thủ tướng để tiếp tục gây ra những sai lầm nghiêm trọng khác.xvi Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng bất lực nhất, tham nhũng nhất và gia đình trị nhất, nhưng vẫn ngồi chỗm trệ trên ghế Thủ tướng trên 8 năm, cả Bộ chính trị lẫn Trung ương đảng không bứng đi được. Điều này chứng tỏ cán cân trong Bộ chính trị, Trung ương đảng đang đứng về phía nào, phía trong sạch hay phía tham nhũng, phía còn biết xấu hổ hay phía đã đánh mất lòng tự trọng! Các sự kiện này chứng minh sự bế tắc cùng cực của chế độ độc tài toàn trị.
2. Không chỉ Nguyễn Tấn Dũng bị mất mặt trước đảng viên và nhân dân vì đã bị phe Nguyễn Phú Trọng-Trương Tấn Sang bắt cởi truồng diễu suốt 15 ngày tại HNTU 6, mà phe Nguyễn Phú Trọng-Trương Tấn Sang cũng bị đòn trả đũa sát ván của phe Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị này khi đại đa số Trung ương đảng đã bác yêu sách đòi Nguyễn Tấn Dũng phải rút lui, lột mặt nạ Nguyễn Phú Trọng là người thiếu uy tín và khả năng. Cho nên hiện nay các phe đang rất cay cú nhau và đang tìm cách tiếp tục trả thù nhau. Cụ thể nhất là chỉ một ngày sau HNTU 6 bế mạc, trong dịp gặp cử tri ở Hà nội Nguyễn Phú Trọng đã cho biết, sự việc „chưa phải là xong“xvii. Rõ ràng và công khai hơn, trong hai ngày tiếp xúc với cử tri ở Sài gòn (17-18.10) Trương Tấn Sang đã tiếp tục nhạo báng gọi Nguyễn Tấn Dũng là „đồng chí X“ (hay đồng chí lạ!) và khuyên Nguyễn Tấn Dũng „không đủ uy tín thì nghỉ, ở làm gì nữa“ xviii và còn công kích kết án ông Dũng "Nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc"xix. Nguyễn Tấn Dũng đã trả đũa ngay bằng cách không để báo điện tử Chính phủ đưa tin cuộc nói chuyện của Trương Tấn Sang ngày 18.10 và chỉ đưa tin sai lệch cuộc nói chuyện của ông Sang ngày 17.10.xx Không những thế, vì quá tức tối nên Nguyễn Tấn Dũng tuy không phải đại biểu Quốc hội ở Sài gòn, nhưng lần này đã nói chuyện với cử tri sinh viên và giáo sư ở Đại học Quốc gia Sài gòn và vẫn không biết ngượng đề cao „lòng tự trọng“xxi. Đặc biệt nữa, trong Báo cáo dài gần 15.000 chữ trước Quốc hội ngày 22.10 Nguyễn Tấn Dũng đã không một lần nhắc tới tên Bộ chính trịxxii , mặc dù có mặt cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Trương Tấn Sang…. Như thế ông Dũng muốn cho mọi người biết rằng, đối với ông thì Bộ chính trị đã chết rồi, không còn uy tín gì nữa.
3. Việc đại đa số Ủy viên Trung ương đảng đã bác yêu cầu của Bộ chính trị, đây là lần đầu tiên xẩy ra trong ĐCSVN, chứng minh rõ ràng là, đại đa số các Ủy viên Trung ương – gồm phần lớn là các bộ trưởng, thứ trưởng các bộ quan trọng, BT tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 63 tỉnh và thành phố - đều đã dính líu sâu vào các vụ tham nhũng, chạy chức, mua quyền. Họ không còn thiết tha tới Đảng và cũng không còn thấy tương lai của chế độ, mà chỉ còn biết thờ tiền-quyền, cấu kết với nhau để bảo vệ lợi ích nhóm. Họ là bầy sâu thì cần giữ kẻ nuôi bầy sâu, cho nên họ đã không truất phế Nguyễn Tấn Dũng! Kết quả HNTU 6 và sự chống đối nhau ngày càng công khai và mãnh liệt giữa một số người chính trong Bộ chính trị đã chứng tỏ sự phân hóa trong Bộ chính trị, Ban bí thư và Trung ương đảng đã tới đỉnh điểm.
4. Nhóm cầm đầu Bắc kinh biết rất rõ và theo dõi rất sát tình hình và những biến động trong nội tình ở cấp chóp bu ĐCSVN. Họ đang tìm cách khai thác triệt để; sẵn sàng che chở cho nhân vật nào ở Hà nội đang bị thất thế. Vì thế trước HNTU 6 ít ngày Nguyễn Tấn Dũng đã được mời sang dự Hội chợ thương mại, đầu tư ASEAN – Trung Quốc lần thứ 9 ở Nam Ninh, Quảng Tây ngày 20.9 (mặc dầu hầu hết các nước Asean chỉ cử cấp thấp sang dự) xxiii và đã được Tập Cận Bình, người đứng đầu sắp tới của ĐCS Trung quốc, tiếp ân cần. Hình ảnh cuộc gặp gỡ đã được đài Bắc Kinh truyền đi rộng rãi và được các đài và báo VN trân trọng phổ biến. Qua đó Bắc Kinh muốn nhắn nhủ ngay cả đồng minh thân thiết của họ là Nguyễn Phú Trọng và các ủy viên Bộ chính trị lẫn Trung ương đảng CSVN rằng, đừng có ép buộc quá với Nguyễn Tấn Dũng. Cho nên Nguyễn Tấn Dũng vẫn ngồi yên trên ghế Thủ tướng và chính vì thế sự kình chống nhau trong Bộ chính trị, Ban bí thư và Trung ương đảng CSVN tiếp tục gia tăng. Đây chính là sách lược của Bắc kinh muốn cho đối phương chảy máu, kiệt sức, tê liệt để từ đó ra tay thủ lợi. Chính sách chia để trị, sò hến cắn nhau ngư ông biển lợi của nhóm cầm đầu Bắc Kinh đối với ĐCSVN đã được thi thố nhiều lần suốt từ thập niên 50 của Thế kỉ trước. Một VN đang rơi vào tình trạng kinh tế phá sản, nợ Trung quốc chồng chất (chỉ tính 8 tháng đầu 2012 số nhập siêu của VN với Trung quốc đã lên tới 10 tỉ USD, gần xấp xỉ với số nhập siêu cả năm 2011)xxiv, nội bộ đầu não phân hóa và kình chống nhau là cơ hội ngàn vàng để Bắc Kinh chiếm đóng các hải đảo và ra các điều kiện để Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng phải chấp nhận.
5. Với tư duy coi việc nước là chuyện riêng, tác phong vô trách nhiệm và lề lối làm việc cà rề cà rịch từ Bộ chính trị, Ban bí thư tới Trung ương đảng khiến cho những khó khăn của đất nước ngày càng gia tăng và nguy cơ xâm lấn của Bắc kinh ngày càng nguy hiểm. Thật vậy, giữa lúc Bắc Kinh đang gia tăng ngang ngược chiếm đảo và tài nguyên của VN; trong khi tham nhũng bùng nổ, kinh tế-tài chánh đang rơi vào phá sản, những bức xúc của nông dân, công nhân và công viên chức đang sôi sục thì từ khi Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư đã mở hết hội nghị này tới hội nghị khác, tổng cộng lại tất cả kéo dài trong nhiều tháng. Chỉ tính trong vài tháng gần đây mọi người đều phải giật mình về những cuộc hội họp kéo dài của Bộ chính trị, Ban bí thư, Trung ương đảng và các Ban, các Bộ…Chỉ tính riêng từ tháng 7 tới nay Bộ chính trị, Ban bí thư đã bỏ ra 21 ngày họp cho tự phê bình và phê bình, 15 ngày Bộ chính trị, Ban bí thư,Trung ương đảng họp HNTU 6. Đấy là chưa kể các Ban trung ương, Ban cán sự đảng chính phủ, các bộ, các ngành và các đảng bộ tỉnh và thành phố mở hàng loạt các hội nghị tự phê bình và phê bình kéo dài trung bình 3-5 ngày. Bao nhiêu tiền bạc và thì giờ cho những cuộc họp này. Nhưng kết quả như mọi người thấy, từ 21 ngày họp tự phê bình, phê bình của Bộ chính trị,Ban bí thư, 15 ngày họp HNTU 6 và 5 ngày họp Ban cán sự Đảng Chính phủ chẳng đi đến câu cả, vẫn là chuyện Nguyễn Như Vân, nhưng tốn kém tiền bạc của dân thì rất lớn! Tệ hại nữa là những người cầm đầu chế độ, tuy mở miệng đều nói để dân biết, dàn bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhưng tất cả các hội nghị này họ đều đóng cửa kín, không cho báo chí theo dõi, không thông tin ra ngoài. Mỗi khi họp xong thì ra bản Thông báo toàn những ngôn ngữ dao to búa lớn, tự khen, tự tha bổng cho nhau và những hứa hẹn vô thưởng vô phạt! Họ đã biến việc của đất nước và số phận của gần 90 triệu người thành việc việc riêng tư của vài người!
Nguyên nhân: Sai lầm từ hệ thống
Nhiều lão thành cách mạng, trong đó có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, những người suốt đời đắp chăn CS cho nên nhìn thấy rất rõ chấy rận trong chế độ này ngày càng sinh sôi nẩy nở. Cả Trương Tấn Sang cũng phải nhìn nhận là “ Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy”xxv. Họ đã thấy lỗi từ hệ thống của chế độ độc tài toàn trị. Ngày càng có nhiều chuyên viên đã gột bỏ thái độ tránh né và thẳng thắn công khai nhìn nhận rằng, chính hệ thống tổ chức chế độ độc tài toàn trị, với cơ chế độc đảng, tôn thờ chủ nghĩa Marx-Lenin, ruộng đất thuộc chủ hữu Nhà nước (Đảng) và Kinh tế thị trường định hướng XHCN với các tập đoàn và tổng công ti làm chủ đạo đã là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa tới các tệ trạng tham nhũng, chạy chức, mua quyền, bất công; cảnh đói nghèo, tụt hậu của VN so với nhiều nước trong khu vực và các nạn đàn áp tước đoạt nhân phẩm của nhân dân chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Và từ đó đưa tới lệ thuộc phương Bắc ngày càng nguy hiểm.
Lỗi hệ thống là như thế nào? Hệ thống (System) là nền tảng, kết cấu để một sự vật được hình thành. Như một căn nhà đứng vững được là nhờ có nền xi măng và tường cột vững chắc, mái nhà có ngói tốt để che mưa nắng…Nếu các cơ cấu này được xây dựng với chất liệu tốt thì căn nhà vững chãi trước các bão tố. Ngược lại, nếu xây dựng với chất lượng xấu thì căn nhà sẽ siêu vẹo, sụp đổ, không bõ công sửa chữa. Hệ thống chính của một chiếc xe hơi là bộ máy, khung xe và các bánh xe. Nếu các bộ phận của hệ thống này tốt thì xe chạy tốt. Nếu xe chỉ hoành tráng bề ngoài nhưng chất lượng dỏm thì chỉ chạy ít ngày sẽ hư và nguy hiểm tới tính mạng !
Trong cơ chế chính trị ở VN hiện nay thì hệ thống của nó bao gồm: chế độ độc đảng, tư tưởng Marx-Lenin, lấy tập trung dân chủ làm guồng máy vận hành chế độ; trước đây dùng doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tập thể để tổ chức kinh tế, nay được thay một phần bằng Kinh tế thị trường định hướng XHCN, với các tập đoàn và tổng công ti độc quyền và nhiều ưu đãi.
Sự tan rã của Liên xô và sự chuyển mình của các nước CS Đông Âu sang dân chủ đa nguyên trước đây hai thập kỉ đã chứng minh không thể chối cãi được là chế độ CS với các hệ thống cơ bản trên đây đã hoàn toàn sai lầm và không tưởng, nó vĩnh viễn thuộc về quá khứ và không còn tương lai. Chính hệ thống chính trị này đã gây ra nạn độc tài, chỉ một vài người suy nghĩ và quyết định cho tất cả, ý kiến và các quyền chính đáng của nhân dân không được tôn trọng, luật pháp chỉ bao che cho kẻ có quyền-tiền. Tình trạng này dẫn tới lạm quyền, tham nhũng, đàn áp, dối trá, kinh tế xuống dốc, nhân dân đói nghèo và đạo đức suy đồi. Từ khi thực hiện Kinh tế thị trường định hướng XHCN còn thúc đẩy sự thỏa hiệp giữa kẻ có quyền và kẻ có tiền làm sống dậy một xã hội tư bản hoang dã trước đây mấy thế kỉ. Đây là những hình ảnh rất đau thương của VN suốt trên 60 năm ngụp lặn trong hệ thống XHCN!
Sự thực rõ ràng như trắng với đen, ngày với đêm như vậy. Nhưng Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu CSVN hiện nay, vừa lú vừa ngố làm như không biết những gì đã xẩy ra ở Liên xô, Đông Âu hay vẫn mù quáng chỉ biết sách vở! Từ khi lên làm Tổng bí thư trong mỗi HNTU ông thường nêu ra một loạt các câu hỏi, làm như ông rất khách quan của người làm công tác khoa học và cũng muốn lắng nghe ý kiến người khác. Ông Trọng đã đặt ra các câu hỏi như, tại sao từ trước tới nay Bộ chính trị từ thời này sang thời khác tổ chức hàng trăm cuộc tự phê bình và phê bình và ban bố không biết bao nhiêu nghị quyết, nhưng các tệ trạng tham nhũng, bán chức mua quyền ngay ở cấp cao ngày càng trầm trọng? Hay tại sao sau trên ¼ thế kỉ gọi là “đổi mới” nhưng đất nước vẫn lạc hậu, giáo dục càng xuống cấp? Trong HNTU 6 ông Trọng đòi phải giải quyết tốt các vụ khiếu kiện của nông dân, nhưng lại vẫn khăng khăng đòi ruộng đất độc quyền của nhà nước và khẳng định „ không phải là quyền sở hữu“ của nhân dân. Như vậy chính Nguyễn Phú Trọng đã phủ nhận quyết định của ĐH 11.xxvi
Những gì ông đang hô to nói lớn và những gì ông ta đang làm hoàn toàn mâu thuẫn với nhau, như ngày với đêm. Ai theo dõi các hoạt động của Nguyễn Phú Trọng thì thấy rất rõ là, ông Trọng đang tự cột hai chân của mình bằng chế độ độc đảng và chủ nghĩa Marx-Lenin đã phá sản và không tưởng. Không những thế, ông còn tự cột hai tay vào dây Kinh tế thị trường định hướng XHCN và vào “anh cả phương Bắc”. Thế rồi ông Trọng đấm ngực than trách tại sao bao nhiêu giải pháp và nghị quyết đưa ra chẳng kiến hiệu gì cả, thậm chí tình hình ngày càng nguy khốn! Cụ thế mới nhất là sau 21 ngày tự phê bình và phê bình và 15 ngày thảo luận nhưng kết quả HNTU 6 vừa qua đã trở thành con số không ! Chẳng những thế ông còn bị Nguyễn Tấn Dũng và đa số trong Trung ương lột mặt nạ trở thành ông Tổng ngố ngay trước 200 quan văn võ giường cột của chế độ mà ông từng giáo dục và ca tụng! Rõ ràng Nguyễn Phú Trọng đang tự dẫn mình vào ngõ bí, vì cứ mãi luẩn quẩn với cái hệ thống chính trị đã sai lầm và phá sản, như chính ông đã qui định trong Cương lĩnh Chính trị 2011!
Mọi sai lầm và tội lỗi đều bắt nguồn tự hệ thống độc đảng và chủ nghĩa Marx-Lenin. Thay vì sáng suốt và dũng cảm biết lắng nghe nhân dân, đi đầu là thanh niên, trí thức, kể cả các đảng viên tiến bộ, ông Trọng lại ngang ngạnh chụp mũ và kết án những ai lên tiếng cảnh giác! Thật vậy, sau khi phải chấp nhận quyết định của đa số Trung ương đảng không khiển trách Bộ chính trị, Ban bí thư và nhất là không cách chức Nguyễn Tấn Dũng thì Nguyễn Phú Trọng tiên liệu là, việc này sẽ làm đảng viên vô cùng thất vọng, các trí thức và nhân sĩ sẽ vô cùng bất mãn và đại đa số nhân dân sẽ chống lại nhóm cầm đầu bất lực. Vì thế, thay vì nghiêm túc tự trách mình, trong diễn văn bế mạc Nguyễn Phú Trọng đã lại tìm cách đánh phủ đầu phong trào chống đối trong Đảng và ngoài xã hội sau HNTU 6, bằng cách chụp mũ cho những ai chỉ trích, kết án sự bất lực của Nguyễn Phú Trọng là “các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá”:
“Về việc đề nghị xem xét kỷ luật, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá. „xxvii
Con đường của chúng ta xxviii
Sau HNTU 6 ngay cả những ai lạc quan và hi vọng là Nguyễn Tấn Dũng sẽ tự biết điều xin rút lui, hay nếu không thì Bộ chính trị và Trung ương đảng sẽ bắt ông ta phải từ chức Thủ tướng. Nhưng cả hai kì vọng này đều không xẩy ra. Trái lại, cuộc xung đột và đánh phá giữa các phe trở nên mãnh liệt hơn, dã man hơn. Quyền lợi ích kỉ cá nhân, gia đình và phe nhóm đang được các người có quyền lực đặt ưu tiên hơn trước những đói nghèo của nhân dân, tụt hậu của đất nước và nguy vong của tổ quốc! Các hành động, cách cư xử và tư cách của những người có quyền lực từ trong Đảng đến Chính phủ cho tới bọn quan tham ở các địa phương rõ ràng là sản phẩm của toàn bộ hệ thống XHCN. Ai cũng nhìn thấy, nay đã tới giai đoạn họ không còn coi nhau là đồng chí nữa mà chỉ còn vì đồng tiền mà thôi! Chính họ còn không thể cứu được mình thì làm sao chờ đợi họ cứu dân, cứu nước! Đây là bài học và kết luận chính xác nhất từ sau HNTU 6 của đại đa số nhân dân trong nhiều giới, kể cả những đảng viên CS tiến bộ còn biết giữ lòng tự trọng.
Càng ngày càng nhiều người ý thức rằng, muốn chống tham nhũng có hiệu quả, chấm dứt phung phí tài sản nhân dân của các tập đoàn kinh tế nhà nước, chấm dứt nạn mua chức bán quyền, chấm dứt bất công và đàn áp, phục hồi các quyền tự do của công dân, phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ hữu hiệu chủ quyền của đất nước thì chỉ có con đường duy nhất là phải chấm dứt chế độ độc tài toàn trị với những quái thai của nó là chủ nghĩa Marx-Lenin và Kinh tế thị trường định hướng XHCN!
Do đó chọn chủ nghĩa Dân chủ Đa nguyên thay thế cho chủ nghĩa độc tài toàn trị là một tất yếu lịch sử của dân tộc ta !
Chọn chế độ Dân chủ đa nguyên vì nó gần với xã hội con người nhất, nó hiểu mặt tốt và mặt xấu của con người, qua kinh nghiệm xương máu bao nhiêu thế kỉ từ Đông sang Tây đã cho thấy quyền lực càng lớn thì độc quyền càng tàn bạo. Vì ý thức về qui luật chính trị này nên chế độ Dân chủ đa nguyên hiểu rõ và biết cách tổ chức và điều hành một xã hội văn minh qua nguyên tắc tam quyền phân lập độc lập và bình đẳng với nhau, cùng với pháp quyền, đa đảng, tự do báo chí và kinh tế thị trường. Hệ thống Dân chủ đa nguyên dựa trên những cơ sở căn bản này đã được thực tế chứng minh từ mấy thế kỉ nay ở rất nhiều nước. Không những thế, chế độ Dân chủ đa nguyên có khả năng tự biến đổi và tự cải thiện trong trật tự và hòa bình, nó phủ nhận dùng giải pháp bạo lực trong sinh hoạt chính trị vì bạo lực là con dao hai lưỡi. Nói tóm lại, Dân chủ đa nguyên là chế độ gần với xã hội con người nhất, mang lại ấm no hạnh phúc, gìn giữ nhân phẩm và bảo vệ công bằng so với tất cả các chế độ chính trị khác từ trước tới nay. Các bằng chứng này đã được chứng minh hùng hồn ở hầu hết các nước Âu châu, Úc châu, nhiều nước ở Mĩ châu, Á châu và đang mở sang cả Phi châu.
Chế độ Dân chủ đa nguyên là một sáng tạo chung của nhân loại rất có giá trị đã mang lại hạnh phúc, ấm no, tự do dân chủ và văn minh cho nhiều dân tộc và ngày càng được trân trọng ở khắp năm châu. Trái với chủ nghĩa CS Marx-Lenin vừa không tưởng vừa cực kì tàn bạo dã man, đã giết hại hàng trăm triệu người, gây hận thù giữa các thành phần dân tộc, gây ra những cuộc tị nạn khủng khiếp. Trong đó dân tộc VN là nạn nhân đau khổ nhất, từ di cư Bắc Nam, cải cách ruộng đất vô luân, tới cuộc nội chiến tàn khốc nhất trong lịch sử, tiếp đến các trại cải tạo và mấy triệu người trở thành thuyền nhân… Thế rồi từ đó đến nay đất nước vẫn nghèo đói tụt hậu, nhân dân mất tự do và nay Tổ quốc còn đang đứng trước cuộc xâm lấn từ phương Bắc!
Mục tiêu chung của chúng ta rất lớn, rất quan trọng, không thể một vài cá nhân hay đoàn thể quán xuyến được. Đối thủ của chúng ta tuy đang yếu nhưng vẫn còn rất ngang ngạnh và đầy xảo quyệt. Cho nên chúng ta phải tạo một mẫu số chung lớn, đại đa số và các khuynh hướng dân chủ đều có thể tham gia, đem nhiệt tình và trí óc góp công, góp của, góp sức. Trong đó thanh niên, trí thức và chuyên viên phải đi đầu làm gương. Trong lúc này các đảng viên CS tiến bộ và biết quí lòng tự trọng có thể đóng góp phần rất quan trọng để chấm dứt nhanh và gọn chế độ độc tài toàn trị. Các cộng đồng VN ở nước ngoài cần tích cực và đóng góp thích hợp vào cuộc vận động chung của toàn dân tộc.
Mục tiêu của chúng ta muốn tới là, đối với trong nước: Một chế độ dân chủ đa nguyên, pháp trị, tự do cho mọi người, đa đảng, tự do báo chí, kinh tế thị trường… Đối với bên ngoài: bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các hải đảo, hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế có cùng mục tiêu biến Đông Nam Á và Á châu thành một khu vực hòa bình, hợp tác cùng phát triển…..Con đường chúng ta đi tới mục tiêu là dùng phương pháp đấu tranh chính trị phi bạo lực, kết hợp tâm trí và sức mạnh của nhân dân các giới ở trong nước, kiều bào VN ở nước ngoài và kết hợp sức mạnh của thời đại với tất cả các nước và tổ chức quốc tế dân chủ tiến bộ….
Cả thế kỉ qua nhiều thế hệ, nhiều đoàn thể và cá nhân đã bị đánh lừa, đã bị hi sinh phi lí cho những ý thức hệ sai lầm và những tổ chức cực đoan, phiêu lưu và thiển cận. Cho nên sự kết hợp mọi tầng lớp nhân dân trong giai đoạn mới hiện nay phải được xây dựng trên một số nền tảng cản bản để đánh tan các nghị kị và ngăn ngừa hữu hiệu những toan tính tôn thờ độc tài, bạo lực… Đó là phải dựa trên các nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và trách nhiệm.
Tình hình đất nước và hậu quả vô cùng tai hại của HNTU 6 cho thấy, nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị - đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng- đã hoàn toàn bất lực không giải quyết được những vấn nạn trong Đảng và vô cảm trước những bức xúc của nhân dân và nguy cơ lệ thuộc của đất nước. Chỉ vì quyền-tiền cho nên họ đang lập các phe phái đánh phá và thanh toán lẫn nhau, khinh thường trí thức, đảng viên và nhân dân, coi chuyện của đất nước là việc riêng của vài người! Chờ đợi những kẻ bất tài, vô tư cách tự ý rút lui; hay những kẻ độc tài gian ác tự biến thành dân chủ, nhân đạo là hoàn toàn không tưởng!
Chúng ta không thể chần chừ, lưỡng lự, ngồi chờ sung rụng. Chúng ta phải có quyết tâm cao, kết hợp rộng lớn, kiên trì đấu tranh vận động. Nhưng cũng không được phép làm một cách mù quáng, không cân nhẳc kĩ lưỡng, mà phải có mục tiêu thật rõ ràng, kế hoạch thật chặt chẽ và phương pháp tiến hành thích hợp…Dân chủ đa nguyên của thời đại là con đường của chúng ta để sớm chấm dứt độc tài, tham nhũng, kiến tạo tự do dân chủ, phú cường cho đất nước, hạnh phúc của nhân dân và ngăn chặn hữu hiệu cuộc xâm lấn từ phương Bắc !
25.10.2012
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)