Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012
Kẻ Ngồi Hàng Rào - BAO GIỜ QUỐC HỘI BIẾT ĐI?
Kẻ Ngồi Hàng Rào
Quốc Hội bắt đầu họp ngày 22/10/2012, chỉ một tuần sau khi bế mạc Hội Nghị TƯ6.
Cơ chế độc đảng không cho phép sự hiện hữu của đối lập thì làm sao có được sự kiểm soát đích thực của nhân dân qua các đại diện của mình ở QH.
Cách đây hơn một thập niên, vào giữa và cuối 1990s có một sự tranh luận sôi nổi xảy ra trên báo chí là các nước cộng sản nên theo mô hình của Nga (thay đổi thể chế chính trị trước và thay đổi kinh tế sau) hay của Trung Quốc (thay đổi kinh tế trước và thay đổi thể chế chính trị sau) và đa số các nhà phân tích lúc đó cho rằng nên theo mô hình TQ vì họ thấy rằng ở Nga sau khi thay đổi thể chế chính trị thì tình trạng xã hội bất ổn, với những vụ tóm thu tài sản quốc gia vào tay một thiểu số gia đình có thế lực với cái giá rẻ mạt của một bài ca, tạo nên tầng lớp oligarchs thao túng và những vụ thuê mướn giết người đối thủ cạnh tranh (contract killings) và suy vi kinh tế. Trong khi đó họ thấy ở TQ sau biến cố Thiên An Môn 1989 thì Đặng Tiểu Bình cởi trói kinh tế, xã hội ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, có một thiểu số chiến lược gia khác lúc đó tiên đoán rằng về lâu về dài thì Nga sẽ chạy thong dong trên con đường phát triển mà không bị trở ngại về chế độ chính trị. Để bơi được trong cái bể dân chủ thì ban đầu phải xuống nước và tập bơi. Giai đoạn ban đầy này sẽ bị uống nước và sặt sụa nhưng sau một thời gian thì sẽ biết bơi. TQ sẽ đâm đầu vào tường về chế độ chính trị sau khi kinh tế đã phát triển, trừ khi TQ thay đổi qua dân chủ để thích ứng với nền kinh tế thị trường đã trưởng thành, nếu không cách mạng sẽ xảy ra.
Thực vậy, ta thấy ở Nga ông Putin tuy có tham vọng trường trị nhưng vẫn phải tôn trọng Hiến Pháp Nga, rời ghế tổng thống sau hai nhiệm kỳ và khi ông trở lại đã gặp những phản ứng khá mãnh liệt của đối lập. Tuy những phản ứng này không ngăn cản nổi tham vọng của ông, nhưng nó là một cái thắng cần thiết để ông chỉ có thể manh động ở vùng xám chứ không thể lấn sâu vào vùng đen của sự độc tài. Nga ngày nay chỉ lo về mặt phát triển kinh tế và nếu có chống độc tài thì chỉ chống cá nhân ông Putin chứ không ai chống chế độ chính trị với hiến pháp dân chủ đa đảng.
Trong khi đó ở TQ và Việt Nam, chế độ chính trị đã đụng vào chân tường của sự bế tắc. Tập Cận Bình có thể là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại CS nếu các thay đổi chính trị có tính cách đột phá không xảy ra. Với Internet và các mạng xã hội thì sự bùng nổ của dân chúng sẽ to lớn và khắp cùng chứ không phải chỉ ở Bắc Kinh. Cách biệt giàu nghèo quá xa với cái đáy một tỷ người còn hết sức khốn đốn, Tây Tạng tranh đấu mãnh liệt hơn với khoảng 60 người đã tự thiêu trong hai năm qua, nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất cảng và đầu tư công đang từ từ khựng lại từ khoảng 11% xuống khoảng 7% vì thế giới ít mua hàng và ít đầu tư vào TQ hơn, biểu tình và đình công tiếp tục gia tăng với cả trăm ngàn vụ một năm... Cũng như Việt Nam, TQ đang đứng trước các khủng hoảng xã hội và các chọn lựa chính trị. Chọn kinh tế thị trường với chế độ dân chủ pháp trị, hay chọn kinh tế thị trường không chịu đứt đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" của độc đảng độc tài để đi duy trì tư bản hoang dã và các khủng hoảng không chấm dứt của xã hội, do không có một chế độ chính trị thích hợp để bảo vệ các nhóm lợi ích khác nhau và mâu thuẫn hay xung đột lẫn nhau. Điển hình là nhóm của bà Đặng Thị Hoàng Yến-ông Đặng Thành Tâm và nhóm Nguyễn Thanh Phượng-Trầm Bê như ta đang thấy.
Đảng CSVN đã đến lúc phải thu hình trở về để thành một chính đảng bình thường trong một chế độ chính trị có một nền pháp trị đứng trên, với Quốc Hội là cơ quan quyền lực tối cao như Hiến Pháp đã định. Ông thần ve chai đã đến lúc phải chun vào chai trở lại nếu không muốn bị tan theo mây khói vì đã hết linh. Hãy nhìn hội nghị trung ương 6 vừa qua và nghe thái độ người dân nghĩ gì về đảng.
Quốc Hội đã đến lúc bước ra khỏi cái bóng của Đảng và nên tự đi trên hai cái chân của mình, đến lúc phải chứng tỏ mình đã là người lớn chứ không còn là một đứa bé để chờ nghe lệnh Đảng. Cho nên, QH nên ra luật chính đảng để khép Đảng vào khung luật pháp chứ không thể để Đảng tiếp tục đứng ngoài và đứng trên luật pháp như bấy lâu nay. Nguyên nhân của tham nhũng là do đó chứ không phải chỉ vì ông Dũng mà thôi.
Quốc Hội cũng nên vì cuộc khủng hoảng này mà dùng quyền hạn cao nhất nước của mình để hình thành đảng cầm quyền và đảng đối lập, chấm dứt việc trị nước bằng nghị quyết như bấy lâu nay.
Trung Quốc sẽ không ủng hộ việc này nhưng Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật, Úc và rất nhiều cường quốc trên thế giới ủng hộ. Đơn giản bởi vì khi bang giao với nhau không ai muốn nói chuyện với kẻ không có thực quyền quyết định như ông Phạm Bình Minh hay ông Nguyễn Tấn Dũng hiện nay mà phải chờ đợi sự đồng ý của 14 ông vua tập thể của Bộ Chính Trị.
Biết đâu vì Việt Nam dám can đảm đi trước trong việc thay đổi thể chế chính trị mà TQ không chịu nổi cảnh môi hở răng lạnh và áp lực quần chúng của chính nước mình nên phải đi theo, đưa đến việc đảo ngược lại từ thế lấn hiếp của nước lớn độc tài vô pháp luật thành thế thương thảo văn minh của hai quốc gia dân chủ dựa vào luật pháp quốc tế như giữa Úc và Timor hay giữa Hoa Kỳ và Gia Nã Đại hay Mễ Tây Cơ.
Và quan trọng không kém, nếu Quốc Hội VN quyết định đa đảng thì ảnh hưởng của Trung Quốc và Hoa Kỳ ở VN sẽ dễ được cân bằng, vì vậy mà độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VN sẽ dễ được bảo vệ hơn.
Nó sẽ tránh được cách mạng đang âm ỉ sẽ xảy ra. Ông Chủ Tịch Nước đang vận động quần chúng ủng hộ mình chống tham nhũng. Ủng hộ như thế nào nếu dân chúng không xuống đường để hưởng ứng lời kêu gọi của ông? Có lẽ vì vậy mà 3,500 cảnh sát cơ động đã tập dượt đàn áp biểu tình trong những ngày qua ở tỉnh Điện Biên.
Chúng ta đã cùng ăn vụng và có tình ngoài, vì thế chúng ta đã tha cho chúng mình, chúng ta đang tự diễn biến thì bây giờ nên là lúc ly dị văn minh.
Kẻ Ngồi Hàng Rào
(Blog Huỳnh Ngọc Chênh)
Người Buôn Gió - Nuôi án
Người Buôn Gió
Nuôi án thường có trong các vụ án hình sự. Người ta muốn có chiến công, thành tích nên khi phát hiện những đối tượng có manh nha phạm tội thì họ lặng lẽ theo dõi. Không bắt bớ, ngăn chặn ngay. Thậm chí họ còn cài đặc tình vào thúc đẩy việc phạm tội lớn hơn. Nuôi án hay có trong các vụ như mại dâm, buôn ma túy, cờ bạc, buôn lậu,... đặc điểm của những ''án nuôi'' là có tổ chức, có sự phát triển theo thời gian.
Nhiều đối tượng bán lẻ ma túy, chứa cờ bạc, cầm lô đề, cho vay lãi, bảo kê hoành hành được thời gian. Nghĩ mình lo lót hết, nhưng một ngày đẹp trời bỗng nhiên bị thộp cổ. Bọn nhỏ thì nhiều vô kể, còn bọn lớn thì như Khánh Trắng, Năm Cam.
Thật ra về số má giang hồ về đao búa, cái thang tính điểm của anh chị giang hồ thì cả Năm Cam, Khánh Trắng đều không có. Nhưng do được che chở của thế lực nào đó, từ một người đạp xích lô trở thành tay anh chị trùm bến bãi, lúc có vị trí rồi thì lúc đó không muốn thì cũng không thể làm ngơ nếu bị kẻ khác xúc phạm. Có lẽ Khánh Trắng chết một phần là do hắn, còn phần nữa là những kẻ đã dựng hắn lên. Nói thế mới chính xác. Cuộc đời Khánh Trắng nếu không một ngày gặp một vị đỡ đầu, thì giờ đây theo đà cuộc sống từ đạp xích lô, vợ bán hoa quả cứ chăm chỉ làm ăn. Khánh Trắng đã ngồi an nhàn uống bia hơi đầu Ô Quan Chưởng, vất xe tải cho một gã lái thuê nào đó. Chỉ việc điều hành chở hàng. Còn bà vợ thì ngồi một sạp hàng hoa quả chỉ đạo vài cô gái trẻ giúp việc cân đo, bó buộc hàng cho khách. Cuộc sống tương đối khá giả, bình bình. Sự thật thì nhiều anh chị ngang hàng Khánh Trắng thậm chí còn số má hơn lúc mà Khánh Trắng đạp xích lô giờ đây đã có cuộc sống như thế.
Thôi thì cứ gọi cho là số phận. Nhưng hẳn Năm Cam, Khánh Trắng ở suối vàng còn ôm khối hờn cả cục với những kẻ đã một thời bao che cho họ.
Nói gì thì nói, nuôi án không phải là việc chính đáng, thậm chí đó còn là đồng lõa, tiếp tay cho tội ác. Người có trách nhiệm khi thấy mầm mống của tội phạm thì phải răn đe, giáo dục, ngăn chặn từ đầu. Nhưng công việc đó tương đối là thầm lặng, hiệu quả thì không rõ ràng. Chẳng ai có thể có chứng cứ để báo cáo thành tích rằng tôi đã ngăn chặn một ổ cờ bạc, ổ chứa mại dâm bằng cách khuyên bảo, giáo dục, ngăn ngừa ngay từ khi tên chủ quán mới định bán bia lắp đèn mờ, có xây phòng kín... Bởi chỉ có một xã hội mà người ta theo tiêu chí khác, con người ở đó khác thì họ mới cầm đồng lương và cố gắng làm những việc ngăn chặn cái xấu khi nó chưa xảy ra.
Còn ở đây, thành tích phải bằng số ma túy cân được, số tiền cờ bạc thu được, số người bị giết... thành tích được miêu tả đầy hào hứng về con số, con số càng lớn thì thành tích của những người chỉ huy chiến dịch, bắt bớ, điều tra lại càng lớn.
Một đất nước thành tích thể thao năm sau cao hơn năm trước, chỉ số kinh tế năm sau cao hơn năm trước là điều rất đáng mừng. Nói nôm na là nếu anh năm nay mua sắm 10 đồng, năm sau 20 đồng thì là điều rất đáng mừng.
Nhưng thành tích bắt tội phạm thì không tương tự như thế nếu chúng ta biết suy nghĩ. Chả lẽ chúng ta hào hứng vì cảnh sát tháng trước bắt 20 bánh ma túy, tháng sau chiến công rực rỡ hơn là bắt được 40 bánh. Rồi vài năm sau lại thấy khen thưởng rầm rộ vì phá vụ án có 100 bánh heroin.
Bạn thấy sắp có cuộc đánh nhau, hai người hàng xóm chửi nhau theo tiến độ căng hơn, theo kinh nghiệm bạn thấy họ sắp vác dao đến nơi. Bạn gọi điện lên công an phường báo tin. Một lúc sau họ xuống thì sự đã rồi, họ lập biên bản, lấy nhân chứng, bắt bớ, lấy cung. Có người đã trách công an là lúc đó xuống luôn thì không nên chuyện. Anh công an chân tình nhăn nhó trình bày, khổ lắm nhưng mà việc nó chưa xảy ra thì làm sao mà xuống được.!!!
Nói về băng nhóm tội phạm như thời Khánh Trắng, Năm Cam, Dung Hà thì chuyện giết người so với bây giờ còn kém xa. Các băng nhóm thời đó vào cảnh mà họ cho là không thể chấp nhận, cân nhắc kỹ mới quyết định thanh toán đối thủ. Chứ còn bây giờ năm ba cậu thanh niên làm bóng, cho vay lãi, cầm đồ hứng lên là vác súng, dao truy sát. Thậm chí chả phải chuyện làm ăn, mà chỉ ở trong quán bar, quán phở dẫm chân lên nhau, nhìn đểu nhau là có thể vác súng bắn vỡ đầu nhau luôn.
Mấy lần nghe thấy cán bộ lãnh đạo công an nói rằng thiếu nhân lực. Mặc dù năm sau nhiều hơn năm trước. Lập thêm đội dân phòng, đội trật tự tự quản, xung kích, dân quân tự vệ để hỗ trợ công an. Dường như vẫn chưa đủ để lực lượng này đảm bảo số lượng duy trì an ninh, trật tự.
Tội phạm gia tăng dẫn đến tăng cường quân số, trang bị, vũ khí... một cái vòng tương tác cứ như thế kéo dài. Nếu người ta không chú ý đến giáo dục, thậm chí còn có ý đồ nuôi án để lấy thành tích, thì đương nhiên cái vòng luẩn quẩn đó còn phải nói đến nhiều.
Những chuyện về tội phạm hình sự như thế này không kể thì ai cũng biết. Sở dĩ hôm nay kể vì gặp chuyện bất ngờ. Thường chỉ gặp nuôi án trong các vụ kinh tế, cờ bạc, cưỡng đoạt (bảo kê bến bãi, nhà hàng), mại dâm... chứ ở những vụ như an ninh chính trị thì không bao giờ có.
Thế nhưng mới đây nghe chuyện một cô bé sinh viên bị bắt, đồn rằng người ta phát hiện từ nhiều tháng trước, cài đặc tình vào theo dõi, rồi để đến khi truyền đơn tung ra họ mới bắt.
Không tranh luận chuyện cô bé có tội hay không có tội, vì đó sẽ là cuộc tranh luận còn diễn ra dài dài đến khi nào cô ấy được thả. Về quan điểm của tôi tất nhiên là cô bé không có tội, nói vậy để các bạn khỏi tranh luận về cô bé có tội hay không. Chuyện ấy sẽ tranh luận ở phần khác. Phần ở đây là chuyện nuôi án cơ.
Về phần những người bắt cô gái thì họ sẽ khẳng định cô bé có tội, bởi thế họ theo dõi từ lâu, cài người để nắm bắt, thậm chí có thể là tác động để cô và các bạn tiến hành hoạt động mà họ nghĩ là đủ chứng cứ để bắt. Vậy là nuôi án đấy.
Đến án chính trị, an ninh quốc gia mà còn nuôi án nữa, thì thực sự một kẻ xuất thân từ dân lưu manh vốn tưởng đã không có gì bất ngờ với chế độ này, một lần nữa phải kinh ngạc vì hiểu biết của mình vẫn còn non kém quá.
Một đất nước ổn định về chính trị, cứ tưởng là không có những người phạm tội chống chế độ, tuyên truyền nói xấu chế độ, âm mưu lật đổ chế độ cơ. Chứ đã đầy rẫy những người ra tòa vì tội như thế rồi mà lại còn nuôi án cả những tội đó để lấy thành tích nữa thì quá là đáng ngại.
Mong sao chuyện đó không phải là sự thật.
Người Buôn Gió
Bùi Tín - Trong tầm tay của Chủ tịch nước
Bùi Tín
Từ trái: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang
Hai ngày sau khi Hội nghị Trung ương 6 bế mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri thành phố Sài Gòn. Ông không dấu nổi nỗi buồn do thất bại nặng nề trong ý định hạ bệ đối thủ công khai của mình là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hiệp đầu trong cuộc tranh chấp được các blogger trong nước gọi là «trận chiến tay đôi giữa 2 võ sĩ Ba Dũng - Tư Sang» đã kết thúc với thắng lợi nghiêng về phía Ba Dũng. Trước đó phần đông khán giả đều phỏng đoán và cá cược là Ba Dũng sẽ bị đo ván. Nhưng Ba Dũng đã trụ vững, trước sự ngỡ ngàng của không ít khán giả. Dư luận cho rằng sở dĩ Ba Dũng trụ được là nhờ có Bắc triều ủng hộ, sau khi chạy sang Bắc Kinh để gặp Tập Cận Bình, tạo nên thế trội về chính trị, cộng thêm thế mạnh về túi tiền riêng để mua từng lá phiếu của các ủy viên Trung ương Đảng. Tiền, điều anh Ba không thiếu, đã thao túng cuộc bỏ phiếu này.
Nhưng xem ra võ sĩ Tư Sang chưa chịu tháo găng. Ông còn tỏ ra hăng máu. Trong cuộc họp trên ông gọi đối thủ sống mái của ông là “đồng chí X”. Ông nhấn mạnh: Đồng chí X không bị thi hành kỷ luật không có nghĩa là vô tội. Ông hứa sẽ tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng, chống lũng đoạn kinh tế và lũng đoạn chính trị mạnh mẽ hơn, bằng việc làm, bằng hành động, chứ không nói suông.
Ông Tư Sang còn tỏ ra đặc biệt hăng hái khi hứa với cử tri rằng phen này ông mà không làm tròn trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội, của người đứng đầu nhà nước - nguyên thủ quốc gia, thì ông sẽ xin rũ áo từ quan, về quê, trả nhà lại cho nhà nước. Một lời hứa danh dự đáng ghi nhận. Ông cho biết nhà của công hiện ông ở chỉ có 51 mét vuông.
Nhân có lời hứa danh dự trên đây của Chủ tịch nước, xin có lời chân thành gợi ý về một số việc trong tầm tay của ông mà ông nên làm ngay trong kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc trong tuần tới.
Chủ tịch nước có quyền hiến định đặc biệt ân xá cho những người bị án oan, bị kết tội quá đáng, hay đang bị ốm đau nặng trong trại giam. Vậy thì trước hết, ông Trương Tấn Sang rất nên xét ân xá ngay cho các ông Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày, Phan Thanh Hải, bà Tạ Phong Tần vì họ đã bị phe nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên án không có cơ sở pháp lý, khi họ chỉ tỏ thái độ yêu nước, chống bành trướng. Ông Sang cũng nên ra lệnh trả ngay tự do cho luật sư Cù Huy Hà Vũ vì rõ ràng ông Vũ đã bị ông Ba Dũng trả thù cá nhân, vì ông Vũ đã dám phát đơn kiện Thủ tướng Dũng về việc ông này đã ký duyệt việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, gây tác hại ghê gớm cho môi trường sống cũng như cho an ninh và chủ quyền quốc gia. Thay vì mở tòa án xem xét tội chủ trương khai thác beauxite, ông lại lôi ra tòa người đã dám phát đơn kiện mình.
Ông Chủ tịch nước cũng nên xét ân xá ngay cho nhóm trí thức yêu nước Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, nhóm trẻ Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh đòi lập công đoàn tự do cho lao động nước ta, cũng như ân xá ngay cho ông Nguyễn Hữu Cầu - người tù của Thế kỷ, đã nằm trong tù 34 năm, nay đang bị nhiều bệnh hiểm nghèo.
Chỉ cần làm ngay vài việc trên đây nằm trong quyền hạn hiến định của mình, ông Trương Tấn Sang sẽ lập tức nổi lên là con người có công tâm và quyết đoán, có bản lĩnh lãnh đạo công bằng, nghiêm cách, quần chúng sẽ xuống đường hoan nghênh ông đông đảo, khuyến khích ông đi tiếp trên con đường cải cách cần thiết. Cuộc sống đang thử thách bản lĩnh chính trị của ông Tư Sang. Cờ trong tay, sao ông không dám phất? Ông còn sợ gì, sợ ai?
Một vài việc làm trên đây có ý nghĩa tượng trưng lớn khi Quốc hội đang họp, chắc chắn sẽ được cơ quan lập pháp hoan nghênh đông đảo, xóa bỏ ấn tượng vô hồn vô cảm của Hội nghị Trung ương 6, mở ra một thời kỳ mới, Quốc hội tự chứng tỏ là cơ quan quyền lực thực sự cao nhất của đất nước, như được ghi rõ trong Hiến pháp.
Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012
Huỳnh Ngọc Chênh - Phản biện lại phản biện đã có văn hóa hơn?
Huỳnh Ngọc Chênh
Một
Còn nhớ hồi tiến sĩ sinh học Hà Sĩ Phu viết bài "Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ". Bằng lý luận khoa học sắc sảo, ông đã vạch ra rằng động lực phát triển của xã hội là trí tuệ chứ không phải là đấu tranh giai cấp như luận điểm của chủ nghĩa Mác Lê nin mà hàng triệu tín đồ cộng sản trên thế giới đang mê muội tôn sùng.
Theo lời kể của nhà thơ Bùi Minh Quốc, sau khi viết xong, TS Hà Sỹ Phu đã nhờ ông Thuận Hữu lúc đó là trưởng đại diện báo Nhân Dân tại Đà Nẵng lén đánh máy và photo bài viết ấy ra chừng chục bản. Và chục bản photo lòe nhòe đó đã gây ra cơn chấn động mãnh liệt làm dậy sóng giới lý luận đầu não của đảng CSVN.
Bộ máy lý luận của đảng tổ chức ngay một đợt phản kích mạnh mẽ chống lại luận điểm được quy chụp là sai trái phản động của TS Hà Sĩ Phu. Các võ đài lớn độc quyền của đảng như báo Nhân Dân, QĐND, Tạp chí Cộng sản... được mở ra. Võ sĩ của phe đảng là những nhà lý luận cấp cao, những giáo sư tiến sỹ chính trị già dặn được tung lên võ đài. Phía đối nghịch là mình ên võ sĩ Hà Sĩ Phu, tay chân bị trói chặt, miệng bị bịt kín...
Trận đấu diễn ra dữ dội với hàng chục bài báo phản bác lại luận điểm của TS bằng những đòn đánh nặng phần quy chụp và rất hung hăng của các vị giáo sư tiến sĩ chính trị đáng kính. Một khí thế bừng bừng sôi sục dâng lên, vì các võ sĩ cung đình biết sau lưng mình có các công cụ bạo lực hỗ trợ và trước mặt mình là một đối thủ cô độc đã bị trói tay, bịt miệng.
Thời đó khán giả xem trận đấu ngạc nhiên đến chưng hửng, chẳng hiểu mô tê ất giáp gì. Trong số các khán giả ấy có tôi. Tôi tò mò phải tìm cho ra những thế võ mà võ sĩ Hà Sĩ Phu không được sử dụng khi thượng đài. Cuối cùng tôi bắt gặp bí kíp võ công là tập photo bản thảo lòe nhòe "Nắm tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ". Tôi đọc say mê và đến bây giờ đọc lại vẫn thấy vô cùng thú vị.
Võ sĩ Hà Sĩ Phu tuy trong hoàn cảnh bị trói tay, bịt miệng vẫn chẳng hề nao núng. Vài năm sau ông lại tung ra một đòn đánh mới, đó bài viết "Chia tay ý thức hệ".
Ông dùng lý luận chặt chẽ và thực tiễn sinh động đang diễn ra trên thế giới và ngay trên đất nước Việt Nam để xuất chiêu hạ "knock out" những gì còn lại của cái gọi là ý thức hệ vô sản.
Biết không thể đấu lại Hà Sĩ Phu bằng lý luận, đám võ sĩ cung đình phải nhờ đến công cụ bạo lực. Côn đồ xuất hiện tông xe vào vị tiến sĩ và công an đến tịch thu túi xách trong đó có chứa bản photo lá thư của ông Võ Văn Kiệt, lấy cớ đó bắt ông vào tù.
Một khi các nhà lý luận thua cuộc thì công an vào cuộc.
Hai
Sau này, khi các võ đài "Lề Dân" ra đời, đảng không còn độc quyền các võ đài nữa, hàng loạt võ sĩ lề dân xuất hiện. Những cây bút phản biện càng ngày càng đông và xuất nhiều chiêu thức võ công lợi hại. Bên cạnh Hà Sĩ Phu đã có Mai Thái Lĩnh, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự..., rồi Lê Hiếu Đằng, Tống Văn Công, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trọng Vĩnh, Tương Lai, Nguyễn Quang A, Tô Hải, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Trung, Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Văn Thạnh, Phạm Thành, Nguyễn Quang Lập, Trần Mạnh Hảo, Lê Phú Khải, Võ Văn Tạo, Hà Văn Thịnh, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào, Nguyễn Tường Thụy, Trương Duy Nhất, Huy Đức, Thùy Linh, Nguyễn Hữu Vinh, Đinh Tấn Lực, Mai Xuân Dũng, Bùi Văn Bồng... Thế hệ trẻ đã có Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định... và rất trẻ là Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hòang Vi, Paulo Thành Nguyễn, Phạm Lê Nguyên Các... Chưa kể đến lực lượng trí tuệ từ hải ngoại góp về như: Ngô Nhân Dụng, Trần Trung Đạo, Nguyễn Ngọc Giao, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Ngọc Già, Bùi Tín, Phạm Thị Hoài...
Lúc này khán giả thấy các võ sĩ cung đình, những giáo sư tiến sĩ chính trị học, hoặc lặn tiêu đâu hết, hoặc rúm ró sợ sệt không dám lên tiếng. Trên 700 võ đài của đảng, không thấy xuất hiện một bài viết phản biện lại các phản biện trên một cách ra hồn ngoài một vài bài quy chụp thô thiển, chống trả yếu ớt kiểu như của anh bộ đội Nguyễn Văn Minh nào đó… Đâu rồi những nhà lý luận cấp cao? Đâu rồi những học hàm, học vị giáo sư tiến sĩ chính trị học đáng kính? Các vị đã tốn tiền của đảng, của dân ăn học lên đến đỉnh cao, được trang bị vũ khí lý luận sắc bén, từng tung hoành một thời trên các võ đài của đảng khi đối thủ của các vị là võ sĩ đã bị trói tay, bịt miệng nay biến đi đâu hết rồi?
Các vị đó, nếu là người học hành đàng hoàng thì hiểu ra chân lý, vì lòng tự trọng đã không dám phản biện lại một cách bừa bãi nên chọn con đường im lặng. Các vị đó, nếu là người chụp giựt, mua bằng cấp để luồn lách ngoi lên thì dứt khoát không viết ra được gì vì không đủ trình độ. Cả sự nghiệp học hành của các vị đó, vào hoàn cảnh rộng đường dư luận như hiện nay, chỉ có thể phun ra được một câu "Chúng là thế lực thù địch, bắt nhốt hết đi" rồi phủi tay đi hưởng thụ tiếp những ân sủng của đảng.
Ba
Mới đây trên báo Nhân Dân xuất hiện một bài viết khá nghiêm túc của tác giả Anh Khôi nào đó phản biện lại bài viết của sinh viên Phạm Lê Vương Các. Không biết tác giả Anh Khôi có phải là một nhà lý luận cấp cao có học hàm học vị cao cấp hay không, nhưng cung cách thể hiện qua bài viết là đáng khen dù nội dung cũng có chỗ này, chỗ khác không thoát ra khỏi kiểu quy chụp quen thuộc. Bỏ qua chuyện đúng sai của nội dung mà chỉ chú ý đến thái độ, đến phong cách thi đấu thì thấy ra nhiều điểm sáng. Võ sĩ Anh Khôi đã đường bệ thượng đài và công khai đối mặt với đối thủ Vương Các không bị trói tay bịt miệng như các võ sĩ phản biện trước đây. Một trận đấu đàng hoàng mặc dù chưa kết thúc: Chàng sinh viên Vương Các ra đòn, Anh Khôi tung chiêu phản kích, Vương Các được phép vung tay chống trả (Xem tại đây, tại đây và tại đây).
Hoan nghênh báo Nhân Dân đã mở ra một võ đài "fair play" nhất từ trước đến nay dù là các võ sĩ đối phương vẫn chưa được thượng lên đài này. Đây vẫn là võ đài dành riêng cho các võ sĩ cung đình. Rất chờ mong các vị đáng kính ấy nhảy lên xuất chiêu đả kích lại đám phản biện lê dân để khán giả mở mắt và đảng thấy rằng đã không tốn tiền của dân vô ích trong việc nuôi cho các vị ăn học lên cao.
Hơn nữa một khi các vị mạnh dạn thượng đài thì nhà nước khỏi tốn thêm tiền làm tường lửa, khỏi làm trò tin tặc như xã hội đen, khỏi cho an ninh theo dõi các blogger hoặc thủ tướng khỏi phải nhọc công ra chỉ thị cấm đoán và bắt bớ này nọ. Chân lý, đỉnh cao trí tuệ, vũ khí sắc bén vô địch... là của các vị thì các vị sợ gì mà phải ẩn núp sau lưng các công cụ trấn áp bạo lực hỡi những nhà lý luận cấp cao, làu làu kinh sử Mác – Lê nin?
Bốn
Gần đây, sau khi một trang blog lạ xuất hiện ồn ào và nhanh chóng vụt lên như đèn pha đó là Quan Làm Báo thì hàng loạt các blog lạ khác xuất hiện theo. Có thể kể ra ở đây là: Cầu Nhật Tân, Vua Làm Báo, Đảng Làm Báo, Anh Tư Sang, Gái bia ôm Làm Báo, Bồ Câu Đen, Anh Lái Đò, Tập Viết Báo...
Thông tin trên các trang đó thì đủ kiểu, đủ chiều, đủ chiêu và đủ trò. Quan Làm Báo vừa rồi ra một bài viết cảnh báo một số trang trong số ấy cùng với vài trang ra đời trước đây là của công an văn hóa giả dạng.
Trên các mạng xã hội vào lúc này, lúc khác cũng xuất hiện các cảnh báo về trang này, trang khác là của "thế lực thù địch ngược lại" làm ra để phản tuyên truyền.
Hầu hết các cảnh báo đều tỏ thái độ tiêu cực và khuyên mọi người đừng vào các trang "phản động" ấy, rất nguy hiểm. Riêng tôi lại thấy rằng, sự ra đời của các trang ấy, nếu đúng là từ chủ trương của đảng thì rất đáng hoan nghênh. Đây là tín hiệu cho thấy đảng đã chấp nhận cuộc chơi một cách fair play. Đảng đã dùng những vũ khí phản biện văn minh để phản biện lại các trang phản biện chứ không còn thuần một cách dùng công cụ bạo lực để "phản biện" lại như trước đây.
Phải chăng phản biện lại phản biện đã càng ngày càng có văn hóa hơn?
H.N.C.
Nguồn: huynhngocchenh.blogspot.com
Nguyễn Hưng Quốc - Dân chủ và nhân quyền
Nguyễn Hưng Quốc
Trong lãnh vực chính trị, phát hiện lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 20 vừa qua không phải là vấn đề dân chủ. Mà là nhân quyền. Quyền làm người của mọi người.
Trước, mọi chế độ dân chủ đều ít nhiều có chút khuyết tật.
Trên nguyên tắc, một chế độ dân chủ được xây dựng trên quyền quyết định của dân chúng và nhắm đến việc phục vụ lợi ích của dân chúng.
Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến giữa thế kỷ 20, hầu hết các chế độ dân chủ đều loại trừ nếu không phải một số người này thì cũng một số người khác.
Xưa, ở Hy Lạp và La Mã, nó loại trừ toàn bộ phụ nữ, những người nô lệ, những người nhập cư và những người dưới hai mươi tuổi. Trong hai thế kỷ 18 và 19, ở hầu hết các quốc gia được gọi là dân chủ ở Tây phương, cái gọi là dân chủ chỉ áp dụng cho những người đàn ông da trắng. Phụ nữ bị loại trừ. Những người da màu cũng bị loại trừ. Những người dân ở các thuộc địa, bất kể nam hay nữ, đều bị loại trừ.
Sang đến thế kỷ 20, các nước xã hội chủ nghĩa cũng mệnh danh là dân chủ, thậm chí, còn được tuyên truyền là dân chủ nhất, một số đông dân chúng thuộc các giai cấp phi-vô sản vẫn bị loại trừ; những người bất đồng quan điểm chính phủ lại càng bị loại trừ, hay nói theo chữ khá thông dụng hơn ở Việt Nam sau năm 1975, bị xem là phó-thường-dân. Một thứ công dân hạng hai hay hạng ba. Chứ không phải là công dân thực sự.
Ý thức được các khuyết tật ấy, nhân loại, một mặt, thừa nhận các khác biệt về văn hóa trong ý niệm dân chủ; mặt khác, không ngừng tìm cách để hoàn thiện dân chủ trên phạm vi toàn cầu. Dù có những khác biệt nhất định, một nền dân chủ thực sự ở đâu cũng bao gồm bốn yếu tố chính: cơ chế (mechanism), thiết chế (institution), xã hội dân sự (civil society) và quyền công dân (citizen rights). Không có cơ chế (chủ yếu qua cách bầu cử tự do theo nhiệm kỳ) và thiết chế (vừa phân lập và độc lập, đặc biệt giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp) thích hợp, không thể có dân chủ thực sự. Nhưng nếu không có xã hội dân sự và quyền công dân, mọi cơ chế và thiết chế, dù “hiện đại” đến mấy, cũng không thể bảo đảm được dân chủ.
Trong bốn yếu tố kể trên, khái niệm quyền công dân gắn liền với khái niệm nhân quyền hay quyền làm người.
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về nhân quyền. Nhưng định nghĩa căn bản nhất là: đó là quyền căn bản mà người ta có chỉ vì đơn giản: người ta là con người. Là người, bất kể màu da, tôn giáo hay giai cấp, ai cũng có những quyền ấy. Đó là những quyền được san sẻ một cách phổ quát, đồng đều và thiêng liêng. Phổ quát: ở đâu cũng có. Đồng đều: ai cũng có. Thiêng liêng: không ai được chiếm đoạt của người khác.
Trong các quyền gọi là căn bản ấy, có các quyền chính như:
Quyền được sống (right to live)
Quyền được xét xử một cách công bình (right to a fair trial)
Quyền được tự do ngôn luận (freedom of speech)
Quyền được tự do tư tưởng và tôn giáo (freedom of thought and religion)
Trong phạm vi một quốc gia, hầu hết các quyền làm người căn bản ở trên đều trùng hợp với các quyền công dân. Sự khác biệt căn bản là: quyền làm người có tính chất toàn cầu, liên quốc gia, bất chấp các thể chế.
Mang một kích thước rộng lớn và căn bản như vậy, khái niệm nhân quyền không đồng nhất với khái niệm dân chủ. Dân chủ, như đã trình bày ở trên, bao gồm cả cơ chế và thiết chế; nhân quyền chủ yếu là những giá trị, với chúng, các cơ chế và thiết chế chỉ là những phương tiện để hiện thực hóa chứ không phải là cứu cánh. Dân chủ nhắm đến việc trang bị quyền lực cho nhân dân, với tư cách một tập thể; nhân quyền nhắm đến việc trang bị quyền lực cho từng người, với tư cách cá nhân. Liên quan đến chính trị, dân chủ quan tâm đến vấn đề ai cai trị ai; nhân quyền quan tâm đến việc người ta cai trị như thế nào.
Chính vì vậy, một số quốc gia tuy trên danh nghĩa là dân chủ, ở đó, chính quyền cũng do dân bầu lên đàng hoàng (electoral democracy), nhưng ở đó, nhân quyền vẫn ít nhiều bị chà đạp.
Tuy nhiên, ở đây, có mấy điểm cần được nói ngay:
Một, khái niệm dân chủ dựa trên bầu cử chỉ là cách hiểu thông thường, đơn giản và phiến diện nhất. Nó chỉ đáp ứng được một trong bốn yếu tố nòng cốt của dân chủ nêu trên mà thôi. Đó không hẳn là dân chủ thực sự. Chính vì vậy, người ta mới phân biệt dân chủ tuyển cử (electoral democracy) với dân chủ thực sự (effective democracy hoặc liberal democracy).
Hai, nếu có một số quốc gia dân chủ nhưng không tôn trọng nhân quyền thì, trên thế giới, không hề có quốc gia nào tôn trọng nhân quyền mà lại không dân chủ.
Nói cách khác, ở đây, có hai luận điểm chính:
Thứ nhất, việc tôn trọng nhân quyền nhất thiết sẽ dẫn đến dân chủ như một cơ chế để hiện thực hóa sự tôn trọng ấy.
Thứ hai, nhân quyền chính là một nội dung thiết yếu để dân chủ thực sự là dân chủ. Có thể nói những phát hiện và những sự thừa nhận về nhân quyền từ giữa thế kỷ 20 đến nay đã cung cấp cho khái niệm dân chủ một nội hàm mới khiến nó hoàn chỉnh và hoàn thiện hơn. Đó là một thứ dân chủ không có tính loại trừ. Dân chủ cho mọi người. Tất cả mọi người.
Richard Aidoo - Vấn đề ‘hình ảnh’ của Trung Quốc tại châu Phi
Richard Aidoo, The Diplomat, 25 tháng Mười 2012
Trần Ngọc Cư dịch
Chính sách “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” của Bắc Kinh từng được sự ủng hộ của các lãnh đạo châu Phi, vốn tìm cách phát triển kinh tế mà không chấp nhận những điều kiện tiên quyết về chính trị. Hiện nay, tình hình chính trị châu Phi đang thay đổi, liệu chính sách này của Trung Quốc có trở thành lỗi thời hay không?
Kể từ thập niên 1950 đến nay, Trung Quốc (TQ) đã thực sự sử dụng học thuyết bất can thiệp (non-interference) để chỉ đạo nghị trình chính sách đối ngoại của mình tại thế giới đang phát triển. Trong những cam kết kinh tế và ngoại giao gần đây của TQ tại châu Phi, chính sách này đã bị kiểm điểm và khiển trách gay gắt khi Bắc Kinh âm mưu theo đuổi những luồn lách chiến lược để thu mua tài nguyên thiên nhiên dựa trên tình liên đới giữa các nước đang phát triển ở phía nam (south-south solidarity) với các chính phủ châu Phi. Phương Tây thường xuyên chỉ trích Trung Quốc vì cho rằng nước này đã lợi dụng chính sách bất can thiệp của mình để đảm bảo một nguồn cung cấp liên tục các tài nguyên thiết yếu cho Trung Quốc và để tiếp tục bán vũ khí cho các chế độ côn đồ tại Sudan và Zimbabwe. Với một loạt các vụ trục xuất người TQ từ một số nước châu Phi và dấu hiệu gần đây cho thấy sự bất bình của nhiều bộ phận dân chúng châu Phi đối với Trung Quốc, liệu Bắc Kinh sẽ phản ứng lại bằng cách đẩy mạnh luận điệu tuyên truyền về chính sách bất can thiệp hay sẽ giảm nhẹ nghị trình đối ngoại này tại châu Phi?
Chính sách bất can thiệp nằm trong Năm nguyên tắc chung sống hòa bình chủ yếu để ngăn cản các lãnh đạo Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ của một nuớc khác. Việc tôn trọng sự bất khả xâm phạm chủ quyền này đã được Bắc Kinh sử dụng như một trục xoay cho các hành vi chính trị quốc tế năng động hay thụ động (không làm gì cả) của TQ, đưa đến những lựa chọn gay gắt và lắt léo trong cộng đồng quốc tế. Từ việc bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ, một nghị quyết cấm bay trên không phận Lybia đã chấm dứt chế độ Gaddafi, đến vai trò ù lì của Trung Quốc tại Sudan, Trung Quốc đã tỏ ra thận trọng (đôi khi quá thận trọng) nhằm duy trì dấu chân ngoại giao khổng lồ của mình tại châu Phi.
Thật may mắn cho Bắc Kinh, thập niên vừa qua tương đối là một thời kỳ trăng mật của Trung Quốc tại châu Phi, khi mà các lãnh đạo của lục địa này đâm ra bất mãn với nghị trình tân tự do (neoliberal agenda) của Washington, khiến họ sẵn sàng theo đuổi một lựa chọn khác – một hứa hẹn tăng trưởng kinh tế mà không kèm theo những điều kiện tiên quyết về chính trị, mà nếu có điều kiện thì cũng chỉ ở một giới hạn nào đó thôi. Rõ ràng là, chính sách bất can thiệp rất được lòng giới lãnh đạo phi Châu hơn là đối với dân chúng sở tại, vì chính sách này không bắt buộc các lãnh đạo phải chấp nhận các chuẩn mực dân chủ trong quan hệ đối tác với Trung Quốc. Tuy vậy, trong những tháng gần đây Trung Quốc đã chứng kiến một sự gia tăng các vụ trục xuất kiều dân của mình từ châu lục này, cũng như tinh thần bài Hoa ngày một dâng cao trong một số bộ phận dân chúng phi Châu nhất định. Trong tình hình này, lãnh đạo Trung Quốc có lẽ cần phải đánh giá để xem, liệu là Bắc Kinh đã quá xâm lo vào công việc nội bộ của các nước châu Phi đến mức không thể tiếp tục chính sách bất can thiệp của mình được nữa, hoặc, ngược lại, liệu là chính sách này có nên tiếp tục trong một nỗ lực nhằm tránh bị qui kết là “một nước thực dân” hay “bóc lột tài nguyên thiên nhiên của nước khác” hay không?
Khi Trung Quốc thọc sâu vào lục địa này và liên tục ký kết những hiệp đồng khai thác tài nguyên rất quyến rũ đồng thời mở thị trường cho hàng hóa TQ, việc duy trì chính sách không can thiệp vào nội bộ trở nên ngày càng khó bền vững. Trong hầu hết mọi đối tác với các quốc gia châu Phi, Bắc Kinh chủ yếu quan tâm duy trì quyền tiếp cận liên tục với các tài nguyên chiến lược của châu lục này. Những hành động này gồm có việc Trung Quốc ào ạt đầu tư vào các công nghiệp khai thác dầu lửa tại Angola và Sudan; vào nguồn lợi to lớn về đồng (copper) tại Zambia và thậm chí nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm nắm một số cổ phần từ các mỏ dầu lửa mới tìm được tại Ghana và Uganda. Việc TQ tham gia vào các khu vực chiến lược này đã đẩy vốn đầu tư lên cao trong nỗ lực cạnh tranh và can thiệp vào nội bộ nước khác khi mà các lợi ích đối nội và đối ngoại chồng chéo lên nhau trong việc thu mua và khai thác các tài nguyên. Năm 2010, chẳng hạn, báo chí cho biết Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) – một công ty tầm cỡ quốc tế do Nhà nước TQ làm chủ – đã giành mua 4 tỉ Mỹ kim cổ phần dầu lửa của Kosmos Energy từ tay của ExxonMobil. Đi kèm với những hợp đồng khai thác tài nguyên có sức cạnh tranh cao như thế, Trung Quốc cũng đưa ra những miếng mồi ngày càng hấp dẫn để thường xuyên ve vãn các lãnh đạo địa phương đầy quyền lực nhằm đảm bảo việc tiếp cận liên tục những tài nguyên chiến lược này, đồng thời phải tìm cách giảm thiểu sự bất bình của người dân bản địa. Tình trạng khó xử này sẽ tiếp tục đi ngược lại chính sách bất can thiệp, một chính sách có mục đích phân biệt Bắc Kinh với các chính phủ phương Tây [từng là thực dân] tại châu Phi.
Mùa Xuân Ả Rập và các phong trào chính trị khác tràn qua nhiều nước trong khu vực, cũng gây căng thẳng cho chính sách không can thiệp của Trung Quốc. Vì tự mình ràng buộc vào chính sách không can thiệp, phản ứng của Bắc Kinh trước phong trào chính trị bất ngờ này đang được các nhà phê bình chăm chú theo dõi. Một vài phản ứng có ý nghĩa chiến lược của Bắc Kinh trong Mùa Xuân Ả Rập, như quyết định tiếp xúc với các lực lượng đối lập của Libya trước khi Muammar Gaddafi bị giết, đã cho thấy tính mềm dẻo của chủ trương bất can thiệp, khi Bắc Kinh muốn tạo cho mình thế đứng của một cường quốc chính đáng trong khu vực tiếp theo sau những biến động chính trị và xã hội tại đó. Trong trường hợp này và nhiều trường hợp khác, người ta có thể cho rằng, Trung Quốc đã từ bỏ những tín điều trong chính sách bất can thiệp để dọn đường cho các thế hệ tương lai “đầy sáng kiến”. Vả lại, đây là một điều có thể xảy ra, nếu căn cứ vào sự kiện rằng sau sáu thập niên, chính sách bất can thiệp của Trung Quốc vẫn còn được định nghĩa rất mù mờ, do đó thường được coi là một lý thuyết nói lên tính cách thụ động của Bắc Kinh trong một hệ thống quốc tế khá phức tạp, nơi đó các quốc gia thường phải thể hiện nhiều lựa chọn khó khăn. Cuộc xung đột vũ trang giữa Sudan và tân quốc gia Nam Sudan đã và đang diễn ra chủ yếu giữa những lời kêu gọi Trung Quốc phải hành động một cách vô vị kỷ (selflessly), bằng cách đóng vai trò cường quốc toàn cầu có trách nhiệm thay vì chỉ cố nắm quyền lực toàn cầu với động cơ khai thác tài nguyên của nước khác. Sau một thời gian liên tục giữ thái độ thờ ơ dưới chiêu bài không can thiệp vào nội bộ nước khác, câu hỏi sau cùng cần phải đặt ra là, liệu Bắc Kinh sẽ tiếp tục đứng bên lề mà không bị tổn thất về mặt ngoại giao bao lâu nữa, trong khi các xung đột nội bộ đang đe dọa các lợi ích kinh tế tối quan trọng của Trung Quốc tại châu Phi?
Vì Bắc Kinh luôn luôn được [các lãnh đạo châu Phi] khuyến khích phải phân biệt chính sách và sự hợp tác của mình với các hành vi của phương Tây, nên “hình ảnh” là một vấn đề hết sức quan trọng. Đối với Trung Quốc, việc duy trì một hình ảnh được quản lý chu đáo tại châu Phi sẽ là một yếu tố quan trọng để giảm bớt các tranh luận về chủ nghĩa thực dân mới mà các thành phần chỉ trích đang nhắm vào Trung Quốc. Chính sách không can thiệp vào nội bộ nước khác luôn luôn được Bắc Kinh đem ra để trả lời những chất vấn về chính sách ích kỷ và những thắng lợi kinh tế của mình tại châu Phi. Một khi thời kỳ trăng mật ban đầu đã qua lâu rồi, với vô số doanh nghiệp Trung Quốc đổ bộ lên đất châu Phi, nhiều bộ phận dân chúng của châu lục này không còn chấp nhận hình ảnh của Trung Quốc như là một đối tác không vụ lợi và không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, do đó người dân bản địa gần đây đã bày tỏ thái độ bài Trung Quốc tại những nơi như Zambia và Sudan và các vụ công dân Trung Quốc bị trục xuất khỏi các nước như Angola, Ghana và Nigeria ngày một gia tăng. Để đối phó với những nhức nhối trong quan hệ Hoa-Phi (Sino-African relations) hiện nay và vạch ra một đường lối khác với đường lối [thực dân trước đây] của phương Tây, tại châu Phi, Bắc Kinh đang lãnh một nhiệm vụ khó tưởng tượng nỗi, vừa làm một cường quốc có trách nhiệm, biết ban khen và biết khiển trách, vừa làm một đối tác biết tôn trọng các nhà nước bản địa, nêu cao chính sách “không can thiệp vào nội bộ nước khác”. Trong việc duy trì thế quân bình mong manh này, chính sách bất can thiệp đang trở thành một ảo vọng (mirage), vì việc Trung Quốc gia tăng đầu tư kinh tế có thể đưa đến cám dỗ là phải góp tay tạo dựng và duy trì một môi trường tiên quyết, cần thiết cho những đầu tư này phát triển.
Sau cùng, Bắc Kinh hiện đang đối phó với một thế hệ lãnh đạo mới tại châu Phi, một thế hệ đang nằm dưới sức ép phải chấp nhận những lý tưởng tự do dân chủ và một nghị trình kinh tế thực tiễn. Mặc dù luôn luôn bị phương Tây vạch trần là một chiếc bánh vẽ, chính sách bất can thiệp của TQ ở dưới nhiều dạng thức khác nhau đã từng chinh phục thiện cảm của các lãnh đạo châu Phi; họ đã coi chính sách này như một lối thoát cần thiết để ra khỏi quan hệ đổi chác sòng phẳng (quid pro quo relations) với phương Tây.
Tuy nhiên, với giới lãnh đạo mới này, Trung Quốc đang gặp phải một tình thế khó xử. Tại nhiều nước châu Phi, “những thủ lĩnh chính trị” từng mặn mà với Trung Quốc – như Meles Zenawi, Muamma Gaddafi, Hosni Mubarak, và Abdoulaye Wade – không còn tại chức. Thay thế họ ở vị trí quyền lực là những lãnh đạo dân cử chịu trách nhiệm trước nhân dân hay những lãnh đạo từng bị răn đe bởi cái chết thảm khốc hay đột ngột của các vị tiền nhiệm. Bắc Kinh sẽ phải đối phó với thế hệ lãnh đạo mới này tại châu Phi, một thế hệ muốn dứt khoát với dĩ vãng và vì thế sẽ tìm cách tiếp cận với Trung Quốc và chính sách bất can thiệp của đại cường này bằng một thái độ dè dặt.
Nhiên hậu, với nỗ lực lùng sục tài nguyên và thị trường trong một cơn nghiện, những động lực thầm kín đằng sau chính sách ngoại giao bất can thiệp của Bắc Kinh tại châu Phi sẽ bị thế giới đem ra tranh luận trong một thời gian. Nhưng, chính sách bất can thiệp có thể là một con dao chiến lược hai lưỡi, hoặc là nó tách biệt sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi với các thế lực thực dân trong quá khứ, hoặc là nó trở thành một gánh nặng đè lên lương tâm của cái gọi là sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc. Để thể hiện tiền đề thứ nhất, Bắc Kinh sẽ phải đặt chính sách này trong bối cảnh thực tiển của châu Phi, phải xét đến tình hình chính trị đang thay đổi trên châu lục này.
R.A.
Richard Aidoo là một Phó giáo sư trong Khoa Chính trị và Địa lý của Đại học Duyên hải Carolina (Coastal Carolina University).
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Đinh Xuân Quân - SAU TRANH LUẬN LẦN THỨ 3 CỬ TRI MỸ GỐC VIỆT SẼ QUYẾT ĐỊNH THẾ NÀO?
TS. Đinh Xuân Quân
Sau các cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Tổng Thống, bây giờ cử tri Hoa Kỳ trong đó có người Mỹ gốc Việt đã thấy rõ lập trường hai bên. Thực ra các ứng cử viên đã đề cập tới quá nhiều vấn đề, về kinh tế, thất nghiệp, nợ công, hàng triệu nhà bị nhà băng xiết, chuyển hướng về Á châu, v.v... trong đó có khi họ nói sai hay thay đổi lập trường đã tuyên bố từ trước.
Vài ví dụ ông Obama nói sai: Về Lao động: “Sau 10 năm phải sa thải bớt công nhân, nước Mỹ đã tạo được nửa triệu việc làm cho các ngành kỹ nghệ.” Không đúng: từ năm 2009, nước Mỹ sa thải khoảng 1 triệu công nhân làm việc cho các nhà máy, bây giờ mới có một nửa có việc làm trở lại. Về Phá thai: “Cả hai ông Romney và Ryan đều muốn hủy bỏ luật cho phụ nữ được quyền phá thai, kể cả trường hợp mang thai vì bị hiếp hay loạn luân.” Không đúng: Ông Romney chấp nhận cho những phụ nữ bị hiếp hay loạn luân được quyền phá thai.
Vài ví dụ ông Romney nói sai: Kinh tế: “Chúng ta chỉ còn vài inch nữa là sẽ trở thành một quốc gia không có nền kinh tế tự do.” Không đúng: phúc trình do viện nghiên cứu The Heritage Foundation của phe Cộng Hòa cho biết Hoa Kỳ là một trong 10 quốc gia có nền kinh tế tự do vững chắc nhất thế giới, hơn cả những cường quốc kinh tế khác như Nhật, Ðức và Anh. Y tế: “Kế hoạch tốn cả ngàn tỉ đô la để chính phủ liên bang kiểm soát hệ thống y tế mà ông Obama thực hiện là kế hoạch gây thảm họa.” Không đúng: nhiều điều khoản trong đạo luật y tế “Obamacare” đang được tranh cãi, nhưng không hề có chuyện chính phủ liên bang kiểm soát hệ thống y tế. Thương mại: “Chúng ta phải mở rộng thị trường để bán hàng hóa. Ông Obama không mở rộng được thị trường cho nước Mỹ.” Không đúng: chính phủ Obama ký hiệp ước thương mại với Colombia, Panama và Nam Hàn.
Tham gia bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân, vậy người Mỹ gốc Việt sẽ bầu cho ai? Bài nầy sẽ cố gắng phân tích lập trường của hai ứng cử viên Thống Đốc Romney (CH) và Tổng Thống Obama (DC) hầu giúp cử tri sử dụng lá phiếu của mình một cách tốt nhất.
Tiêu chuẩn:
Các tiêu chuẩn chọn lựa cho các vấn đề quốc nội là kinh tế, thuế, an sinh xã hội, giáo dục, xem chủ trương nào giúp cộng đồng chúng ta nhiều hơn, trong khi về đối ngoại liệu chính sách ngoại giao sẽ thiên về Á châu hay thiên về Trung Đông?
Phân Tích Đối Nội
Về kinh tế: TT Obama thừa hưởng nền kinh tế với quá nhiều khó khăn và đang cố gắng vượt qua những khó khăn. Ông đầu tư vào giáo dục, đào tạo, và cắt giảm thuế là con đường hữu hiệu nhất cần theo đuổi.
Phe Cộng Hòa - TĐ Mitt Romney nói rằng nước Mỹ phải chọn một con đường khác. Ông nói rằng các kế hoạch của ông bao gồm cả việc gia tăng sản xuất năng lượng, mở cửa hơn nữa cho giao thương quốc tế, đào tạo nhiều hơn nữa, cân bằng ngân sách và hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp nhỏ.(Xin xem bảng so sánh).
Về thuế trong một quốc gia tự do dân chủ và công bằng thì người giàu nên đóng góp nhiều và người nghèo đóng góp ít.
Lập trường DC về thuế là giảm thuế cho giới trung lưu và tăng thuế cho người giàu để giảm bội chi ngân sách (deficit). Đa số các gia đình Mỹ gốc Việt (theo census 2010) có lợi tức thấp hay trung bình thì chủ trương của DC có phần có lợi cho mình.
Lập trường CH ông Romney hứa không tăng thuế, hơn nữa có thể giảm, với tỷ lệ thuế ở mức 20%. Trung tâm “non-partisan Tax Policy Center” cho là như thế nhà giàu lợi nhiều hơn.
Về An sinh xã hội, ông Romney nay hứa không thay đổi chương trình an sinh XH (khác với khi tranh cử sơ khởi), hứa bỏ Obama care (ACA) và các thế hệ dưới 50 có quyền chọn. Theo census 2010 thì trên 20% gia đình Mỹ gốc Việt còn tùy thuộc và An sinh xã hội vì còn lợi tức thấp. Thành phần này được hưởng Housing, SSI, Medicare, Medical, v.v. tùy thuộc vào trợ cấp của chính phủ Liên Bang. Nhưng phải nói là còn nhiều lạm dụng về Housing, SSI, vv. và cộng đồng chúng ta cũng không ngoại lệ.
Tóm lại, về quốc nội Obama thiên về Giáo dục, An sinh xã hội, hạ tầng cơ sở trong khi Romney thiên về giảm thuế và chương trình của ông không rõ và không mấy thuyết phục và sẽ gây nợ công.
Phân Tích Đối Ngoại
Chính sách mới về ngoại giao/ [Chính sách này cho là Saddam Hussein, Ghadafi hay Assad là độc tài. Nhưng cũng công nhận là các chế độ thay thế “chưa chắc là khá hơn” do đó Hoa Kỳ công nhận chính dân chúng của các nước liên hệ phải có trách nhiệm thay đổi, hoặc nếu cần chính các nước trong vùng phải can thiệp]. Các nước như Lybia hay tại Syria không đe dọa Mỹ cho nên không có lý do để Mỹ can thiệp trực tiếp, mà chỉ làm một cách gián tiếp qua NATO, (ủng hộ Pháp, Anh giải quyết Lybia), hay yểm trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Arập về Syria.
Theo thuyết này thì khi Iran xây dựng vũ khí hạt nhân sẽ dọa Israel. Hoa Kỳ sẽ không gây chiến đánh Iran hay giúp Israel đánh Iran. Mỹ chỉ dùng khí giới gián tiếp là kinh tế - cấm vận để áp lực Iran. Mỹ sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp không làm gì khác được.
Với chính sách ngoại giao này, Mỹ đã chuyển về Á Châu và sẽ rút khỏi Âu Châu trong 10 năm tới.
Tại Á Châu, Mỹ “tuyên bố chuyển hướng.” Mỹ đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc trong việc tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông, muốn nói “thẳng thừng” với Trung Quốc về các “giới hạn.” Quốc Hội Hoa kỳ đã ra một nghị quyết năm 2011, chỉ trích việc Trung Quốc sử dụng võ lực tại Biển Đông, kêu gọi giải pháp hòa bình, đa phương cho các tranh chấp ở Đông Nam Á.
Đầu năm 2012 Tổng thống Barack Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ. Hướng chủ đạo của chiến lược này là duy trì sức mạnh của quân đội Mỹ tại Á Châu –Thái Bình Dương. Bản phúc trình của Pentagon/ nêu các ưu tiên cho Á châu. Chiến lược quân sự của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc là nước đang thách thức vai trò siêu cường Hoa Kỳ đang nắm giữ. TT Obama nhắc Hoa Kỳ sẽ sử dụng tất cả các phương tiện quân sự, ngoại giao, phát triển kinh tế, tình báo và an ninh quốc nội cho mục tiêu này.
Hiện nay Hoa Kỳ đã để các đồng minh như Philippines, Nhật và Nam Hàn chơi quân cờ của họ trong các vùng biển trong khi hải quân Hoa Kỳ “có thể” can thiệp. Mỹ khuyến khích Philippines, Nhật và các nước trong vùng giúp đỡ nhau trong thế liên hoàn- và Mỹ đứng đàng sau. Ví dụ hiện nay Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết là hàng không mẫu hạm (HKMH) USS G. Washington đang ở Biển Đông trong khi một hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis cũng đang tiến hành các hoạt động ở biển Hoa Đông. Hai HKMH này phô trương sức mạnh Hoa Kỳ trên các vùng biển đã trở thành một trọng điểm trong chính sách đối thủ chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh.
Tại Virginia Military Institute/ Thống Đốc Romney chỉ trích chính quyền Obama, và đòi thay đổi chính sách ngoại giao tại Trung Đông nhưng không đưa ra nhiều chi tiết. Ông Romney cho là TT Obama thiếu lãnh đạo – không giúp phe nổi dậy Syria. [Hè 2012 Thống đốc Romney tuyên bố nghiêng về Israel. Nay thay đổi lập trường chấp nhận chính sách của chính phủ Mỹ công nhận hai nước Palestine và Israel sống chung hòa bình. Ông Romney muốn tăng cường quốc phòng.]
Trong tranh luận kỳ 3 / ông Romney thay lập trường, cho nên hiện nay chủ trương về Trung Đông hai bên gần giống như nhau.
Theo khảo cứu của Pew Research center / thì 45 % dân cho là chính sách của TT Obama đối với TQ không đủ mạnh trong khi đa số chuyên gia cho là đủ. TT Obama “mềm dẻo” dùng ngoại giao nhưng cũng không “ngần ngại sử dùng quân đội – sức mạnh” để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Chính sách ngoại giao và quân sự của TT Obama cho thấy quan tâm đặc biệt của ông này đối với Á châu – một quan tâm mà các phe thân Israel đang chỉ trích trong bầu cử vào tháng 11 này.
Nói tóm về vấn đề quốc ngoại ông Obama thiên về Á châu, tránh chiến tranh (vì chi tiêu chiến tranh đã làm nước Mỹ kiệt quệ), nhưng có chính sách “bàn tay sắt bọc nhung”, trong khi ông Romney thiên về Trung Đông, nói tăng chi phí quốc phòng nhưng chưa thấy ông nói cụ thể sẽ làm gì.
Thượng nghị sĩ và Dân biểu Liên Bang hay Tiểu Bang
Dân Mỹ sẽ không những bầu TT mà còn đi bầu TNS và DB và các đại diện ở cấp tiểu bang và cấp quận hay thành phố. Các vị này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các luật lệ quốc nội và các chính sách quốc ngoại của chính phủ Mỹ.
Tiêu chuẩn đánh giá TNS và DB hay chính quyền địa phương sẽ dựa trên việc ủng hộ các ưu tư người Mỹ gốc Việt (các vấn đề về nhân quyền, dân chủ và Biển Đông). Ví dụ dân biểu Sanchez (DC) của quận Cam ủng hộ nhân quyền tại VN trong khi dân biểu Ed Royce (CH) ủng hộ đài Á châu Tự do – RFA hay nghị quyết về Biển Đông, vv. Yếu tố đảng phái không quan trọng bằng việc ủng hộ lập trường của cử tri người Việt.
Tạm kết
Theo tác giả các tiêu chuẩn quốc nội có thể là công ăn việc làm, giáo dục cho con em và an sinh xã hội trong khi về đối ngoại thì phải nhằm đến việc chú ý vào VN.
Đối với dân biểu ở cấp liên bang hay tiểu bang là các vị dân cử trực tiếp giúp đỡ như đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (vì đàn áp tôn giáo) hoặc vận động Quốc Hội thông qua Dự Luật Nhân Quyền, hay về Biển Đông vv.), nếu họ giúp giải quyết các ưu tư của người Việt chúng ta sẽ dồn phiếu cho họ không phân biệt đảng phái.
Cử tri hãy chọn lựa theo lời hai ứng viên/: ông Obama - chấm dứt hai cuộc chiến tranh tốn kém, chuyển trọng tâm về Á châu và xây dựng trở lại nền kinh tế suy sụp từ thời tổng thống tiền nhiệm trong khi ông Romney muốn tranh đua, hứa xây dựng kinh tế và thiên về Israel nhiều hơn. Chúng ta sẽ dồn phiếu cho người nào giải quyết các ưu tư của chúng ta (Giáo dục, An sinh xã hội, Kinh tế, Chính sách ngoại giao).
Cuộc bầu cử này là cuộc bầu cử quan trọng nhất của thập niên và lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt rất quan trọng.
Cần phải bầu - dùng lá phiếu một cách tối ưu. Phải suy nghĩ kỹ vì nó sẽ ảnh hưởng đến chúng ta và con cái chúng ta trong 4 năm tới.
TS. ĐXQ
Khánh An - Lễ hội blogger Châu Á
Khánh An, phóng viên RFA
BlogFest Asia, tạm dịch là “Lễ hội blogger châu Á”, là một sự kiện dành cho giới viết blog trong khu vực Á châu.
“Lễ hội blogger châu Á” được giới thiệu trên website blogfest.asia - RFA file
Lễ hội năm nay được tổ chức tại Trung tâm nghiên cứu Siem Riep, thuộc trường đại học Build Bight, Campuchia, từ ngày 1 – 5/11 sắp tới.
Để tìm hiểu về sự kiện cũng như cách thức đăng ký tham gia, Khánh An có cuộc phỏng vấn với cô Kounila Keo, một người trong Ban tổ chức và được cô cho biết về mục đích của sự kiện này như sau:
Kounila Keo: BlogFest Châu Á lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009 tại Hong Kong và tôi biết một số người trong ban tổ chức. Một người bạn Campuchia của tôi đã tham dự BlogFest lần đầu tiên ở Hong Kong. Còn bản thân tôi thì tham gia BlogFest lần thứ hai ở Penang, Malaysia. Theo tôi biết, ý tưởng đầu tiên của việc tổ chức lễ hội blogger châu Á thứ nhất là quy tụ các blogger và các kỹ thuật viên ở châu Á lại với nhau, tiếp đó là chia sẻ những kỹ thuật làm blog, cách làm nhà báo công dân, làm thương mại trên blog, cách sử dụng công nghệ cho mục đích giao lưu xã hội. Nói tóm lại, đây là sự kiện nhằm mang lại một bức tranh toàn cảnh về những kỹ thuật công nghệ hiện đại.
Khánh An: Như vậy, BlogFest sẽ được tổ chức hằng năm hay sao?
Kounila Keo: Vâng. Tôi hy vọng sẽ tổ chức được mỗi năm. Lần đầu là ở Hong Kong, lần thứ hai ở Penang và lần thứ ba được tổ chức ở Bangkok, Thái Lan nhưng năm ngoái Bangkok bị lụt nặng nên phải hủy bỏ chương trình. Năm 2012 này, các blogger Campuchia quyết định đứng ra tổ chức, gây quỹ để thực hiện sự kiện này. Chúng tôi thấy là sẽ rất tuyệt nếu mọi người tập trung đến Siem Riep. Đây là một thắng cảnh đẹp để mọi người cùng gặp gỡ, đi chơi với nhau và chia sẻ thông tin. Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ nữa. Họ cũng sẽ chia sẻ các thông tin và dạy một số kỹ thuật cho các tham dự viên.
Khánh An: Nói cụ thể thì các tham dự viên sẽ có lợi gì khi tham gia BlogFest?
Kounila Keo: Cảm ơn về câu hỏi này. Các tham dự viên sẽ hưởng nhiều cái lợi từ việc tham gia sự kiện này. Đầu tiên, họ có cơ hội giao lưu với các nhiều người từ nhiều quốc gia châu Á hay ngoài châu Á. Họ sẽ có được những mối quan hệ, những giao lưu xã hội với cả các chuyên gia.
Thứ hai, đây là một cơ hội để học hỏi. Các tham dự viên sẽ học được rất nhiều trong dịp này. Trong hai ngày 3 và 4/11, nếu bạn vào website www.2012.blogfest.asia bạn sẽ thấy có nhiều đề tài thảo luận và học hỏi thú vị khác nhau, chẳng hạn như đề tài “Bảo mật internet”, chúng tôi sẽ có chuyên gia đến từ Tactical Tech (một tổ chức phi chính phủ chuyên sử dụng thông tin để làm thay đổi xã hội) để dạy cho mọi người cách làm thế nào để tự bảo vệ mình khỏi nguy hiểm trong lúc online. Chúng tôi cũng có những người nói về việc làm blog thương mại nếu như bạn muốn sử dụng blog để kiếm tiền. Còn nếu bạn là sinh viên, làm thế nào sử dụng blog một cách tốt nhất để các doanh nghiệp tìm đến bạn hơn là bạn phải tìm đến họ? Sẽ có rất nhiều đề tài hấp dẫn được trình bày. Đây sẽ là một diễn đàn để chia sẻ, giao lưu, học hỏi và chơi với nhau vì có hơn 200 người sẽ tham gia vào sự kiện này.
Blogger Việt Nam
Ảnh minh họa chống đường lưỡi bò của TQ. AFP photo
Khánh An: Cho đến nay đã có blogger Việt Nam nào đăng ký tham dự chương trình chưa?
Kounila Keo: Vâng, có. Các blogger Việt Nam sẽ đến đây. Sẽ có 2, 3 người là diễn giả trong chương trình, còn lại là các tham dự viên.
Khánh An: Như cô cũng biết, ở Việt Nam, các blogger hay gặp một số rắc rối với chính quyền khi họ nói về những đề tài nhạy cảm hoặc những vấn đề mà nhà nước không muốn họ nói đến. Như vậy, trong chương trình có sự hỗ trợ hay chủ đề nào đề cập đến vấn đề này không?
Kounila Keo: Chúng tôi không đề cập đến đến vấn đề này một cách riêng biệt bởi vì diễn đàn của chúng tôi cần phải có sự đa dạng, phong phú với nhiều đề tài thú vị khác nhau cho khẩu vị của nhiều người. Nhưng chúng tôi cũng sẽ nói về các đề tài như “Tự do internet”, “Bảo mật internet”… và đặc biệt là chúng tôi có các bản báo cáo của các quốc gia, các blogger đến từ Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Miến Điện… sẽ chia sẻ những thông tin liên quan đến điều kiện cụ thể của những người viết blog tại quốc gia của họ và chúng ta sẽ cùng thảo luận.
Khánh An: Câu hỏi cuối cùng, làm thế nào để đăng ký tham dự sự kiện này và các blogger có phải đóng một khoản chi phí nào không?
Kounila Keo: Đây là sự kiện miễn phí dành cho tất cả mọi người. Trước đây chúng tôi có một số học bổng dành cho tham dự viên nhưng bây giờ thì số học bổng đó đã hết rồi. Tuy nhiên, chúng tôi còn khoảng 10 học bổng khác gồm 110 USD hỗ trợ tiền ăn ở, 100 USD hỗ trợ tiền vé máy bay, tổng cộng là 210 USD cho mỗi người. Bởi vì chúng tôi đã trao phần quà này cho nhiều người nên bây giờ chỉ còn khoảng 10 phần nữa thôi. Nếu ai có khả năng tự chi tiêu thì xin cứ tự nhiên. Điều quan trọng nhất của sự kiện này là chia sẻ thông tin và vui chơi với nhau.
Khánh An: Vâng, xin cám ơn cô Kounila Keo đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do.
Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012
Ngự Thuyết - Những ngộ nhận
Ngự Thuyết
Hắn
biết hắn có nhiều tính xấu, nóng nảy, bộp chộp, liều
lĩnh, và nhất là đa nghi. Thường thì những người thâm
trầm mới đa nghi, còn mình thì hời hợt, xốc nổi, cũng
bày đặt đa nghi, thế mới dở khóc dở cười. Mà hình
như nghi ngờ thì sai nhiều hơn đúng, trong sâu xa hắn cảm
thấy như thế. Tuy nhiên, cũng như những người ưa đi
các casino
thua nhiều hơn được, lại tưởng rằng mình được
nhiều hơn thua, nên hắn nghĩ rằng mình nghi đúng nhiều
hơn sai. Có khi đánh bạc thua dài dài, trong cuộc sống
cũng có những ngộ nhận xẩy ra liên tiếp, như câu
chuyện dưới đây. Nhưng làm sao hắn không nghi ngờ được,
làm sao yên tâm được khi sống xa nhau hơn ba năm, nay mới
gặp lại. Lần gặp lại này là lần thứ nhì, lần thứ
nhất cách đây hơn một tháng.
Trong
lần thứ nhất ấy, hắn không còn tâm trí đâu để nhận
xét, để quan sát, để ngờ vực. Lòng lâng lâng, chân đi
như có cánh nâng lên khỏi mặt đất. Cô ta hiện ra như
một nàng tiên, đến trong khoảnh khắc quá ngắn ngủi
rồi biến mất. Mình ở lại trống rỗng, hụt hẫng, ngơ
ngác. Chưa kịp hỏi một câu gì muốn hỏi, chưa kịp nói
hay nghe một câu thương yêu, tình tứ, chỉ vớ vẩn toàn
những chuyện đâu đâu, chuyện người này, người nọ,
chuyện trên trời dưới đất, chuyện hàng xóm láng
giềng, thì giờ thăm nuôi hết. Lại nữa, tên công an cứ
lui tới gần chỗ vợ hắn ngồi đối diện với hắn.
Muốn đến phá tổ chim hả? Hay mình là loại tù có vấn
đề nên tên công an được lệnh đến gần canh chừng?
Hay vì vợ mình có chút nhan sắc nên tên này “tự giác”
đến dòm ngó chứ hả có lệnh lạc nào của cấp trên?
Rất đáng nghi. Vợ hắn đẹp, hắn biết. Vợ đẹp là
vợ người ta, tên nào đã nói một câu rất vô duyên! Và
cũng rất hàm hồ! Nghĩa là vợ của người ta mới đẹp,
hay vợ mình đẹp thì người ta chiếm? Hiểu nghĩa nào
cũng lỗ vốn.
Xem
nào, mình đi tù khi bé Vy mới lên ba, nay sáu tuổi, hắn
lẩm bẩm. Lên ba thì đã biết gì, kỷ niệm với bố có
bao nhiêu đâu. Và cô này nữa, hình như khác với lần
thứ nhất, lần này môi một chút son, má một chút phấn,
tóc một chút mượt mà. Nhìn vợ, hắn định hỏi tại
sao, nhưng lại nói:
“Hình như em ... hình như
bé Vy không ưa bố, phải không em?”
“Vy,
vô đây!” Vợ hắn lừ mắt và mắng. “Tới ngồi với
bố đi! Không chạy lăng quăng nữa!”
Bé
gái từ ngoài mái hiên của nhà thăm nuôi chạy vội vô,
rồi nhảy ngay vào lòng hắn, nhoẻn miệng cười sung
sướng. Lần đầu tiên bé được mẹ dẫn đi thăm bố,
lần trước mẹ đi một mình. Vợ hắn mắng thêm:
“Con
hư lắm ...”
Hắn
vội nói chen vào:
“Em
đừng mắng con, tội nghiệp nó. Lúc anh đi bé còn bé
quá, đâu nhớ bố được nhiều. Tình vợ chồng, ờ cha
con cũng cần phải có đủ thời gian để... để...”
Tên
công an lúc nãy vừa đi ngang qua sau lưng vợ hắn nay đứng
hỏi han một cặp vợ chồng khác ngồi gần đấy, nhưng
hắn biết rõ tên đó đang cố nghe ngóng vợ chồng hắn
nói gì. Cứ nhìn cái cặp mắt liếc liếc, cái lỗ tai
dong dỏng nghe, là hiểu ngay.
Chưa
tìm ra chữ nào vừa ý, miệng lắp bắp, hắn kín đáo
nhìn vợ từ đầu đến chân. Cô nàng hôm nay lạ quá. Má
phấn môi son lại còn ... chiếc áo bà ba màu tím nhạt
chưa cũ và cái quần đen còn mới, chân mang đôi dép Nhật
còn lành lặn.
Lẽ dĩ nhiên trước kia cô
ta vốn cẩn thận trong việc ăn mặc -- hình ảnh một
thiếu phụ trẻ đẹp, duyên dáng trong những chiếc áo
dài màu sắc khác nhau tùy lúc, chiếc quần lụa trắng
trang nhã, chân mang guốc hoặc giày cao gót, tay cầm ví,
hoặc vai đeo giỏ, tiệp với màu áo. Hình ảnh đó vẫn
thường hiện lên trong trí của hắn. Hắn nhớ quá. Quay
quắt. Có khi nằm ngủ, nằm thấy. Sau ngày miền Nam sụp
đổ, chiếc áo dài phụ nữ và đôi giày phái nam cũng
mất theo. Đàn ông mang dép râu, áo sơ-mi ngắn tay nhăn
nheo bỏ ngoài quần, đàn bà mang guốc gỗ, áo bà ba cũ
và quần vải thô. Thế mà hôm nay.
Có lẽ cô ta biết hắn chú
ý nhìn, đỏ mặt. Lạ nhỉ. Đi đường xa xôi lặn lội,
sang xe hai ba lần, mà còn ăn mặc như thế này. Hay đã
đến đây một mạch trên một “ô tô con”. Sai rồi, có
bé Vy cùng đi, đâu dám. Hay cứ dám như thường, biết
đâu. Thế lúc ở nhà không có ta, cô còn chưng diện đến
mức nào! Phải hỏi cho ra lẽ:
“Chắc
là ở nhà em... em... em... hay mắng con lắm, phải không?”
“Không
đâu anh. Nhưng bé Vy hôm nay kỳ quá. Anh biết không, tối
nào trước khi đi ngủ bé cũng cầm hình bố đưa lên
hôn, rồi cười nói với tấm hình như với người thật.
Cứ đòi theo mẹ đi thăm bố. Đem nó đi khổ lắm anh ơi,
sang xe mấy chuyến, tay xách đồ cho anh, tay dẫn bé. Đi
băng qua mấy đường rầy xe lửa, hay chen lên mấy chiếc
xe đò đông nghẹt, lại phải bồng nó lên. Để nó chạy
theo, nó chạy lạc mất. Vậy mà tới đây gặp được bố
thì bé cứ lảng lảng chạy ra ngoài kia...”
Nghe
mẹ nói, bé Vy xụ mặt xuống.
Nhà
thăm nuôi thấp lè tè, mái tranh, phên tre, cửa sổ ngắn
về chiều cao nhưng dài về chiều dài, được dựng trên
nền đất nện ở ngay dưới chân một ngọn đồi thoai
thoải trên đấy là những trại giam tù. Bên trong nhà có
hai dãy bàn ghế thô kệch nối nhau chiếm hết căn phòng,
giữa là lối đi. Theo quy định, vợ và chồng phải ngồi
đối diện nhau qua cái bàn gỗ tạp bề rộng khoảng gần
hai thước. Vợ hắn ngồi xây lưng ra lối đi, hắn xây
lưng vô phên tre. Những cặp vợ chồng khác cũng thế.
Trên lối đi chính giữa ấy, một người công an mặc
đồng phục màu vàng nhạt, mang khẩu súng lục nơi thắt
lưng, đi lui đi tới quan sát, kiểm soát. Trước khi từ
trên ngọn đồi xuống phòng thăm nuôi, người tù được
lệnh: không được trao đổi thư từ, không được “phát
biểu linh tinh”, nghĩa là cái gì vậy, không được làm
ồn, và không được “hủ hóa”. Cái “không được”
cuối cùng coi bộ thừa, hắn buồn cười. Bề ngang của
cái bàn như thế thì làm sao “hủ hóa”. Khều chân cũng
không tới.
Tù và vợ con hơn ba mươi
người ngồi nói chuyện với nhau rù rì, rè rè như tiếng
ruồi bay. Có người vợ dọn ra tô phở, tô bún bò, tô
bằng giấy, đã nguội cho chồng ăn liền. Hoặc ổ bánh
mì thịt, gói xôi muối mè, ly chè đậu đen, đậu đỏ.
Hắn không ăn gì cả, để dành mang lên nhà giam ăn với
vài bạn tù, như thế đỡ mất thì giờ quý báu nơi này.
Ai nấy đều gầy gò. Tù gầy hơn. Và cái mặt nào cũng
buồn thiu. Chỉ có bé Vy tuy ốm nhách nhưng tươi như hoa,
ngồi trên đùi hắn nhìn ngang nhìn ngửa, thỉnh thoảng
hát nho nhỏ, “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ...”, rồi “Bác
cùng chúng cháu hành quân...” Chốc chốc bé cười rúc
rích trong cổ họng. Trong lòng bé hẳn có điều gì vui
thích lắm. Có lẽ ở nhà với mẹ mãi, nay được đi xa,
thích quá mà. Người lính công an bỗng tiến đến nghiêm
mặt nói:
“Anh
kia, ngồi ngay ngắn nghiêm túc!”
Vợ
hắn ngơ ngác. Hắn biết ngay, bồng bé Vy đặt xuống ghế
dài ngồi giữa hắn và một người tù khác. Bé được
dịp lại tụt xuống đất, chạy tung tăng ra ngoài cửa.
Người lính công an nghiêm mặt nhìn hắn một lần nữa
rồi đi thẳng đến cuối phòng. Vợ tỏ ý khó chịu. Hắn
hạ giọng xuống thật thấp :
“Anh
quên nội quy. Không được phép để bé ngồi trong lòng.
Con nó chạy đi chỗ khác thế mà tiện đấy. Mình trở
lại câu chuyện bàn dở lần trước nghe em. Em nhớ không,
lần trước mình có nói với nhau được gì đâu, thì giờ
qua nhanh chóng quá. Người ta bảo thời gian ở tù dài ra,
nhưng khi có em lên thăm, lại khác.”
Vừa
lúc đó người tù ngồi bên cạnh đứng dậy gói ghém
lại các thứ lặt vặt còn sót trên bàn cho vào giỏ xách
đi. Người vợ ngồi đối diện cũng đứng dậy rời
khỏi chỗ ngồi. Thời gian thăm nuôi nửa tiếng đồng hồ
của họ đã hết. Thế là vợ chồng hắn có thêm một
chút chỗ trống, dễ nói chuyện với nhau hơn, chả ai
nghe được. Hắn chồm người tới trước nói cho vợ
nghe rõ hơn, nhưng cũng vẫn thì thầm:
“Anh
không dám viết trong thư, lỡ bị lột ra coi. Em ráng tìm
đường đem con đi đi. Anh biết mình không thể nào sống
được dưới cái chế độ này. Lần trước anh đã định
nói với em về chuyện này thì hết giờ. Nay anh nói lại
cho em nghe đây...”
Vợ
hắn ngắt lời:
“Nhưng ...”
“Nhưng vì còn kẹt anh chứ
gì? Em đi thoát, anh sẽ trốn trại, đi sau. Anh đã nhất
quyết như thế. Sống như thế này thà chết còn hơn.”
“Anh
ơi, anh đừng nói gở. Em sẽ, em sẽ ...”
Hắn
sốt ruột:
“Nói
gở cái gì? Anh đã nhất quyết như thế rồi, không còn
con đường nào khác nữa.” Hắn bỗng ngập ngừng. “Này
em ... anh có chuyện muốn nói ra, nhưng có lẽ không nên
nói.”
“Ủa, cái gì vậy anh? Em
đang nghe anh đây. Anh nói tiếp đi.”
“Hả? Độ này em ... Thôi,
có lẽ anh không nên nói nữa. Chuyện lớn lao, chuyện
sống chết đang chờ ta trước mặt, thì kể chi những
thứ nhỏ nhặt ấy, phải không em?”
Vợ hắn ngạc nhiên:
“Cái gì vậy anh? Có gì
anh cứ nói ra đi, rồi mình cùng giải quyết.”
“Thôi, anh không nói chuyện
đó nữa. Mà đã chắc gì đúng.”
Vợ hắn năn nỉ:
“Anh ơi, anh cứ nói cho nhẹ
người. Cứ ấm ức, khổ lắm.”
“Anh đã nói không mà, sao
em tò mò thế.” Bỗng hắn buột miệng. “Hình như em có
hơi chưng diện ... ô không phải, anh không định nói
thế.”
Vợ
hắn cười thật tươi:
“Thế à? Em biết mà. Anh
quên rồi sao, hôm nay sinh nhật của anh, cho nên em...em
phải sửa soạn một chút cho anh vui.”
Hắn
lặng người, ngẩn ngơ nhìn vợ. Nghi bậy rồi, hắn tự
trách thầm.
“Sinh
nhật của anh mà em chỉ đem mấy món... chả ra làm sao
cả,” vợ hắn gượng cười nói tiếp. “Anh ráng học
tập tốt lao động tốt để mau về. Rồi cùng nhau vượt
biên. Sống cùng sống, chết cùng chết. Nghe anh.”
Im lặng một hồi lâu, hắn âu yếm nhìn vợ trả lời:
“Học tập tốt để về
sớm! Ai bảo em vậy? Còn chuyện này nữa ...”
Người
lính công an lặng lẽ đi trờ tới, đứng ngay sau lưng vợ
hắn mà vợ hắn không biết. Hắn lắp bắp nói một hơi
dài:
“Mấy
con khô cá sặt em mang lên tháng trước ăn ngon quá. Chỉ
nướng nửa con là đủ một bữa ăn. Kỳ tới nhớ mang
thêm cá sặt, không, khô cá sặt chứ không phải cá sặt
tươi. Nhớ nhé, nhé. Em quên anh giận đấy!”
Vợ
hắn cau mày:
“Cá
sặt nào vậy?”
“Lại
quên rồi hả? Sao em mau quên thế? Lần sau đừng quên nữa
nhé, cái cô này. Cứ nhớ cá rô, cá giếc, không phải,
cá sặt, khô cá sặt là ngon nhất. Khỏi cần những món
khác.”
Vợ
hắn sửng sốt, nói lạc cả giọng:
“Nhưng... nhưng... Em có bới
cá sặt cho anh bao giờ đâu! Hay có cô nào khác mang lên
cho anh, phải không? Xin anh đừng giấu diếm, cứ nói
thẳng ra.”
Người
lính công an ngang nhiên đứng nghe, ồ lên một tiếng,
nhìn hắn một cách thật khó hiểu, thương hại, khinh bỉ,
cười cợt, rồi đi qua bàn khác. Đến lúc ấy vợ hắn
mới biết có người công an đứng đằng sau khiến hắn
phải hắn bịa chuyện. Cô ta ngượng nghịu, cúi nhìn
xuống mặt bàn.
Hắn càng ngượng hơn. Thảm
hại quá, mình phải đóng một màn kịch quá tồi tệ
trước cái thằng con nít ấy. Láu cá, lếu láo, trân
tráo, lố bịch, hèn hạ. Cái thằng đó chắc đã biết
mình nói trớ rồi, mới nhìn mình như thế. Hắn giận
người, giận mình, giận cá chém thớt, trừng trừng nhìn
vợ, cao giọng:
“Thôi,
quá lắm rồi, cô hãy nghe lời tôi. Về đến nhà, lo vượt
biên ngay. Đừng có lôi thôi, đừng có làm phiền tôi
nữa.”
“Em
chờ anh. Ra giêng ngày dài tháng rộng rồi tính,” vợ
hắn tránh cái nhìn của hắn, cúi mặt trả lời.
Hắn càng thấy bực bội
hơn. Không kiềm chế nổi, hắn đập bàn nói như hét:
“Tên
công an sắp quay lại kia kìa. Tôi nói cho mà biết, lần
này là lần thăm nuôi cuối cùng nhé. Dù có vượt biên
được hay không cũng thế, đừng lên đây nữa! Nếu cô
không nghe lời tôi, không chịu đi, tôi sẽ liều mạng.”
Vợ hắn hoảng hốt:
“Anh ơi, anh sao thế?”
“Tôi sẽ trốn trại ngay chiều hôm nay để cùng về,
cùng đi với cô cho cô vừa ý,” hắn gầm gừ như con
thú.
Cái
mặt của hắn chắc là quái gở lắm, hắn đoán, vợ hắn
ngồi phía bên kia bàn thun người lại mở to đôi mắt.
Người lính công an từ cuối phòng rảo bước đến hét:
“Anh
kia, làm cái trò gì đấy? Đứng dậy, ra khỏi đây ngay.
Giờ thăm nuôi của anh, hết!”
Hắn trợn mắt nhìn vào mặt tên công an. Hết giờ cái
con khỉ. Mới đó mà đã nửa giờ sao! Lại trổ tài nói
ăn ngược nói ngạo hả? Tao sẽ kiện, sẽ khiếu nại,
sẽ báo với, với, với ... Hắn nén cơn giận xuống,
nhìn quanh. Phòng không có đồng hồ treo tường. Hắn liếc
nhìn chiếc đồng hồ đeo tay của tên công an. Tên công
an đặt tay lên khẩu súng đeo bên hông, cặp mắt tóe
lửa. Hắn từ từ đứng dậy bước ra khỏi phòng, vợ
hắn mặt tái mét, run rẩy, riu ríu đi theo sau. Tên công
an đi cuối cùng. Hắn để quên trên bàn cái giỏ thức
ăn vợ mang đến, ngập ngừng một giây, rồi bỏ, đi
luôn.
Bỗng bé Vy từ cổng chạy
đến. Bây giờ hắn mới nhìn kỹ bé. Sao con ốm quá vậy?
Chiếc quần tây cũ lượm ở đâu rộng thùng thình và
quá dài phải quấn lai lên hai ba lớp, chiếc áo sơ-mi cụt
tay có mấy miếng vá trên lưng, cái mặt hốc hác. Chỉ
được đôi mắt to tinh nghịch, thông minh. Vợ hắn nói,
giọng còn run:
“Bé
Vy hư quá, chạy đi chơi hoài. Không đến hôn bố để về
hả?”
Bé
mở to mắt nhìn hắn nói như mếu:
“Mẹ,
mẹ. Bố cũng về với mình chớ.”
Nghe
bé nói, hắn bàng hoàng. Chết tôi rồi, con tôi tưởng
tôi cùng về nên nãy giờ chạy ra ngoài hiên đứng chờ.
Hắn nhìn ra xa. Xóm làng ẩn hiện sau những chòm cây
xanh, cây vàng, gió thổi, ngọn cây đu đưa. Những cánh
đồng rộng thênh thang. Có con đường đất đá bò qua
chiếc cầu nhỏ bắc ngang con lạch. Chốc nữa em và bé
sẽ đi qua những nơi đó nhé. Hắn thấy ruột thắt lại.
Thôi, thôi, chết tôi rồi. Bố đã nghĩ oan cho con. Lại
đa nghi. Lại nghĩ rằng bé không ưa bố, bé ghét bố, nên
cứ đứng lấp ló ngoài hiên. Hắn quay lại nhìn bé âu
yếm. Được thể bé níu tay bố reo lên:
“Bố
về, bố! Mình về đi bố!”
“Vy,
để bố yên,” vợ hắn nói nhỏ nhẹ.
Bé ngẩn người nhìn hắn
chờ đợi.
“Không, bố không về,”
hắn nói trong cổ họng.
Thế mà bé vẫn nghe được.
Bé nói trong nước mắt:
“Sao
vậy? Sao vậy? Hồi giờ con đứng ngoài kia chờ bố về.”
Hắn
thả tay bé ra, quay mặt bước nhanh về phía con đường
dốc dẫn lên trại giam tai còn nghe tiếng khóc tấm tức
của bé Vy. Anh công an trẻ tuổi bước theo hắn, tiếng
giày xéo lên đá sỏi kêu trèo trẹo. Gần đến ngọn
đồi, anh đi qua mặt hắn.
Vào khu trại giam trên đỉnh
đồi, anh công an không cho hắn trở về cái lán của hắn,
trái lại đưa hắn đến một văn phòng nơi đó có hai
công an khác đang ngồi chờ. Anh ta ngồi xuống ghế và
chỉ hắn đến ngồi vào chiếc ghế trống đối diện.
Lấy thuốc lá ra hút, rót đầy một tách trà, nhìn thẳng
vào mặt hắn, anh trịnh trọng tuyên bố:
“Anh
sẽ bị nghiêm trị.”
Lại
cái trò quái quỷ gì đây. Không lẽ chỉ vì cái chuyện
“ruồi bu” hồi nãy, bây giờ đem hình phạt ra hăm dọa.
Ta nhất định sẽ chống trả đến cùng, tới đâu thì
tới. Hắn cũng nhìn thẳng vào mặt anh công an hỏi từng
tiếng một:
“Vậy
hả? Nhưng tôi đã vi phạm điều gì?”
“Vi
phạm điều gì anh tự biết lấy. Đừng ngoan cố.”
Đặt
mẩu thuốc lá hút dở lên mép bàn, người công an dằn
giọng:
“Thật
thà khai báo may ra còn được khoan hồng phần nào.”
Hắn bình tĩnh trả lời:
“Tôi chẳng làm gì trái.
Anh sai rồi.”
“Cách Mạng không bao giờ
sai,” anh công an lớn tiếng.
“Vậy hiểu lầm.”
Anh công an quát:
“Cách mạng không bao giờ
hiểu lầm. Được rồi, để tôi sẽ nói cho anh biết. Vợ
chồng anh lấm la lấm lét bàn tán nhỏ to với nhau chuyện
gì thế?”
“Chuyện bình thường,
riêng tư. Không lẽ tôi cũng phải khai báo hết cả ra
đây,” hắn đáp.
“Anh lấy bức thư ra, đưa
đây.”
“Tôi chả có bức thư nào
cả.”
Anh công an lấy điếu thuốc
từ mép bàn, hít một hơi dài. Hắn buồn cười còn con
nít mà hút tợn. Rồi nói với hai người đồng sự ngồi
cạnh:
“Khi anh này với vợ chen
nhau vô cửa phòng thăm nuôi, vợ anh nhét lẹ bức thư vô
túi áo của anh ta, tưởng tôi không biết. Tôi để yên,
theo dõi. Bất ngờ tôi đến nghe, họ liền vờ vĩnh đóng
một vở kịch thật lố bịch. Hai đồng chí biết kịch
gì không? Kịch ghen. Tôi làm như không biết gì cả. Lại
ý đồ, lại âm mưu. Tôi đã biết từ lâu, anh này thuộc
thành phần vô cùng nguy hiểm cần phải được trấn áp
thẳng tay và kịp thời. Này, anh kia. Anh lấy bức thư
trong túi áo của anh ra đây coi.”
Hắn
hơi giật mình, thò tay vào túi áo, quả có miếng giấy.
Người lính công an giật mạnh bức thư trong tay hắn,
cười khoái trá, mở thư ra, đặt lên bàn cho mọi người
cùng đọc. Trên trang giấy học trò có dòng chữ thật
lớn, nguệch ngoạc, non nớt, không ngay hàng thẳng lối,
viết bằng bút chì, choáng hết nửa trang:
thưa
bố
mẹ
biểu kính thưa bố
con
thương bố con lên thăm bố bố về liền nghe
ký
tên
Vy.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)