Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Đoàn Thanh Liêm - Giới thiệu sách: Hồi ký của Condoleezza Rice


Đoàn Thanh Liêm
                                     
   Nguyên tác bằng Anh ngữ nhan đề:
“Extraordinary, Ordinary People A Memoir of Family”
by Condoleeza Rice   
     Nhà Xuất bản Crown Archetype ấn hành tại Mỹ năm 2010. 


Condoleeza Rice sinh năm 1954 là người phụ nữ da đen đầu tiên nắm giữ chức vụ Cố vấn An ninh bên cạnh Tổng thống, rồi lại là Ngoại trưởng Hoa Kỳ vào những năm đầu của thế kỷ XXI dưới thời của George W Bush là vị Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ. Bà là giáo sư lâu năm về môn Chính trị học và có thời gian còn giữ chức vụ Provost (Phụ tá Hành chính) tại Đại học danh tiếng Stanford ở California.

Năm 2009, sau khi rời khỏi chính trường, bà đã dành thời gian để viết cuốn Hồi ký Gia đình và cho ấn hành vào năm 2010. Sách dầy 342 trang, bìa cứng được in trên giấy trắng - dàn trải trong 38 chương, kèm theo nhiều hình ảnh riêng tư của gia đình, cũng như trích từ kho tư liệu của nhiều cơ sở văn hóa xã hội trong nước Mỹ.

Bằng một giọng văn gọn gàng mạch lạc, bình dị và trong sáng, tác giả đã cống hiến cho người đọc một câu chuyện thật sinh động hấp dẫn về những cố gắng vươn lên của một gia đình người da đen tại tiểu bang Alabama là nơi có nạn kỳ thị chủng tộc cực kỳ nghiệt ngã tàn bạo trong những thập niên 1950 - 60.
Vì là cuốn Hồi ký Gia đình, nên câu chuyện được kể lại xoay quanh ba nhân vật chính yếu, đó là người cha John Rice, người mẹ Angelena Ray và người con gái duy nhất Condoleezza Rice – mà chính là tác giả của cuốn sách này. Tác phẩm có thể coi như là một chứng từ khả tín về tình hình sinh họat chung của xã hội Mỹ trong vòng nửa thế kỷ qua – bắt đầu từ năm 1960 vào lúc cô bé Condi lên 6 tuổi và đã bắt đầu biết quan sát nhận định về những sự việc xảy ra xung quanh gia đình mình tại khu vực ngọai ô thành phố Birmingham thuộc miền Nam nước Mỹ - cho đến nay vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI.

Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, tôi xin lần lượt trình bày chi tiết trong một số mục đáng chú ý sau đây.

I – Sự đùm bọc gắn bó chặt chẽ trong gia đình và dòng họ nội ngọai.
Đúng theo nhan đề của cuốn sách, tác giả Condoleezza Rice đã kể lại rành rọt về sinh họat trong nội bộ gia đình của “bộ ba” (the threesome) tức là người cha John, người mẹ Angelena và người con gái Condi. Đây là một gia đình vào lọai trung lưu (middle class) với cuộc sống thật ấm cúng hạnh phúc – vì cả hai cha mẹ đều hy sinh hết mực trong việc hướng dẫn chăm sóc và “đầu tư trong việc giáo dục” cho cô con gái cưng của ông bà. Suốt trong cuốn sách, Condi đã thuật lại chi tiết về những cố gắng vươn lên của cha mẹ mình, ngay tại vùng đất Alabama còn nặng nhọc với nạn kỳ thị chủng tộc thời kỳ giữa thế kỷ XX.

Condi ngòai tình thương yêu đậm đà đối với cha mẹ, lại còn có sự ngưỡng mộ thán phục hết mình trước những thành tựu mà hai ông bà đã đạt được, mặc dầu phải trải qua bao nhiêu nghịch cảnh éo le. Nàng coi cha mẹ là thứ gương mẫu (role model) để mình noi theo. Khi lấy nhan đề cho cuốn Hồi ký là : “Extraordinary, Ordinary People”, thì rõ ràng là tác giả muốn nói rằng : Cha mẹ của bà là những người bình thường, nhưng cũng lại là những con người phi thường nữa. Dưới đây, căn cứ trên những mô tả rải rác ở nhiều nơi trong cuốn sách, ta sẽ vẽ lại chân dung của người cha và người mẹ tuyệt vời của tác giả.

A – Người cha : Ông John Rice (1923 – 2000)
John Rice là con của một vị mục sư Tin Lành trong hệ phái Presbyterian, sinh trưởng ở tiểu bang Louisiana và sau này chính John cũng là một mục sư coi sóc một Hội thánh do cha ông thiết lập ở vùng ngọai ô thành phố Birmingham tiểu bang Alabama. Vốn là người tháo vát năng nổ, mục sư John đã gây dựng được một cộng đòan tín hữu sinh họat rất tấp nập sầm uất, không những về mặt phụng vụ, học hỏi giáo lý thánh kinh, mà đặc biệt về mục vụ cho giới thanh thiếu niên tại địa phương.

Ít lâu sau, thì ông chuyển đi phục vụ trong ngành giáo dục nơi các trường cao đẳng và đại học ở Tuscaloosa Alabama, Denver Colorado và sau cùng tại đại học danh tiếng Stanford California là nơi con gái của ông là Condoleezza làm giáo sư từ lâu. Là người có tài tổ chức, ông lôi cuốn thuyết phục được nhiều người hưởng ứng tham gia các chương trình hành động nhằm phục vụ giới sinh viên, đặc biệt trong lãnh vực thể thao và sinh họat tập thể ở ngòai trời. John có người chị là Theresa có bằng Tiến sĩ và đi dậy về văn chương tại các Đại học.

B – Người mẹ : Bà Angelena Ray (1924 – 1985).
Angelena Ray là một người con giữa trong gia đình có 5 anh chị em. Người anh lớn Albert Ray làm mục sư Tin Lành trong hệ phái Presbyterian. Tuy người có tầm vóc nhỏ nhắn, nhưng Angelena lại có sự kiên trì theo đuổi việc học tập để hòan tất chương trình Đại học và theo đuổi nghề dậy học ở các trường trung học trong nhiều năm. Đặc biệt, theo gương thân mẫu bà còn trau dồi riêng về âm nhạc và trong nhiều năm đã phụ trách điều khiển chương trình hát thánh ca tại nhà thờ.

Vào thời nạn kỳ thị chủng tộc còn rất tàn bạo hắc ám tại nhiều tiểu bang ở miền Nam, người mẹ như Angelena chỉ còn biết hạn chế sinh họat trong phạm vi gia đình, giữa cộng đồng tín hữu nơi các khu xóm dành riêng cho người da đen. Bà luôn nhắc nhở con gái Condi rằng : “Con phải cố gắng hết sức để mà có thể “giỏi gấp đôi người ta” (twice as good). Vì nếu như vậy, thì dù người ta có thể không ưa con, nhưng ít nhất người ta cũng phải trọng nể con…”

Với cả hai cha mẹ đều là những người đạo hạnh, lương hảo và siêng năng cần cù như vậy, nên ngay từ tấm bé Condi đã được thừa hưởng một nền giáo dục tuyệt vời trong gia đình – với tình yêu thương nồng ấm của cha mẹ cũng như của bà con nội ngọai và cả của cộng đòan tín hữu ở địa phương mà cả cha lẫn mẹ đều góp phần tích cực xây dựng và phát triển.

II – Cố gắng vượt thóat khỏi nghịch cảnh của lớp người bị áp chế.
Cả cho đến thập niên 1950 – 60, thì tại miền Nam nước Mỹ nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn khắc nghiệt gay gắt, cụ thể là nạn khủng bố do nhóm người da trắng cực đoan 3K Ku Klux Klan thường xuyên gây ra. Trong khu vực người da đen cư ngụ, thì cái cảnh bom nổ liên miên, các nhà thờ bị đốt cháy, nhiều thường dân vô tội bị sát hại…là “chuyện thường ngày ở huyện”, đến nỗi mà thành phố Birmingham được gọi trại đi là “Bombingham”. Vị chỉ huy cảnh sát Birmingham tên là Bull Connor là một thứ hung thần ra tay đàn áp người da đen với đủ mọi thủ đọan thâm độc tàn ác.

Condi mô tả lại cái cảnh bom nổ kinh hòang tại một nhà thờ gần kề với gia đình mình vào ngày Chủ nhật 15 tháng 9 năm 1963 sát hại 4 em gái mới ở vào tuổi 11 – 14. Một trong những nạn nhân này là Denise McNair là người bạn vẫn thương chơi trò búp bê với Condi. Cũng trong thời gian đó, phong trào tranh đấu đòi Dân quyền do mục sư Martin Luther King phát động đã gây sôi nổi trong dư luận tòan quốc Hoa kỳ và được sự hỗ trợ của cả một bộ phận khá đông đảo của người Mỹ da trắng tiến bộ nữa.

Mặc dầu phải sinh sống trong môi trường xã hội tồi tệ đến như thế, cha mẹ của Condi vẫn nhẫn nại tìm cách vượt lên được do cố gắng học tập, làm việc và nhất là gắn bó liên đới chặt chẽ với tập thể người da đen đồng cảnh và đồng đạo với mình. Năm 1968, gia đình Rice dọn đến thành phố Denver tiểu bang Colorado, nhờ vậy mà Condi có cơ hội được học tập trong những trường học tốt nhất để hòan thành bậc trung học và đại học. Vào năm 1981 khi vừa đủ 26 tuổi, Condoleezza Rice đã được cấp phát văn bằng Tiến sĩ về ngành chính trị học. Cuộc sống của Condi bắt đầu từ thập niên 1980 đã diễn ra thật tốt đẹp, cả trong môi trường đại học ở Stanford California, cũng như trong hệ thống chính quyền Liên bang Mỹ ở Washington DC. Ta sẽ tìm hiểu chi tiết về sự đóng góp chuyên môn của vị nữ lưu này trong mục sau.

Ông bà Rice đã dồn hết khả năng tài chánh và công sức của mình để cho cô con gái Condi có được cơ hội học tập tốt nhất, kể cả trong lãnh vực nghệ thuật và thể thao. Từ thời thơ ấu 3 - 4 tuổi, Condi đã được học đàn piano và đã trở thành một nhạc sĩ dương cầm điêu luyện, được mời trình diễn hợp tấu trong nhiều dịp trình diễn văn nghệ, cũng như trong các thánh lễ. Condi cũng được cho học tập nhiều năm về môn nhảy múa trên băng (ice skating). Và Condi cũng theo gương người cha để tham gia ủng hộ rất nhiệt thành cho các đội banh Football, Basketball nổi tiếng trên tòan quốc.

III – Sự nghiệp của một chuyên viên cao cấp về bang giao quốc tế.
Mới vào đại học ở Denver vào năm 1971 -72, Condi có cái may được sự hướng dẫn tận tình của một vị giáo sư là chuyên viên có nhiều kinh nghiệm thực tế về Liên Xô, đó là giáo sư Joseph Korbel thân phụ của Madeleine Albright sau này cũng là một vị Ngọai trưởng của Hoa Kỳ.

Cô sinh viên trẻ đã hăng say học tiếng Nga và sau nhiều năm miệt mài trong việc học tập nghiên cứu, Condi đã trở thành một chuyên viên thành thạo trong ngành bang giao quốc tế – đặc biệt về tình hình chính trị quân sự của Liên bang Xô Viết. Và tiếp theo là được mời tham gia giảng dậy và nghiên cứu tại đại học danh tiếng Stanford ở California.

Tác giả thuật lại những khó khăn trong việc được cấp phát quy chế làm giáo sư thực thụ của đại học (tenure) – vì phải thông qua một thủ tục duyệt xét cam go của cả một hội đồng các vị giáo sư đàn anh gọi là “peer review”. Sự đánh giá về năng lực chuyên môn vừa căn cứ trên thành tích giảng dậy, mà nhất là trên những công trình nghiên cứu được phổ biến trong các tập chuyên san có uy tín, hay trong các sách do mình cho xuất bản. Điển hình là cuốn sách đầu tay do nhà xuất bản Đại học Princeton ấn hành, nhan đề là : “Uncertain Allegiance : The Soviet Union and the Czechoslovak Army” - đã được các thức giả đánh giá cao. Nhờ vậy, mà sau mấy năm làm phụ tá giáo sư, thì Condoleezza Rice đã được tuyển nhận vào ngạch giáo sư thực thụ của đại học Stanford.

Cũng tại đại học này, Condoleezza lại còn được mời giữ nhiệm vụ là Provost (Phụ tá hành chánh) trong một thời gian, trong khi vẫn tiếp tục công việc giảng dậy và nghiên cứu. Và trong nhiều năm, chuyên viên nổi danh về Liên Xô là Condoleezza Rice lại còn được mời tham gia cộng tác với chánh quyền Liên bang tại thủ đô Washington DC nữa. Từ năm 1989, bà bắt đầu tham gia trong văn phòng Ban Cố vấn An ninh cho Tổng thống George H Bush (Bush Cha).

Thời kỳ này, hệ thống do Liên Xô lãnh đạo đang gặp những xáo trộn lớn lao, khiến cho vị lãnh đạo nước Mỹ luôn phải tham khảo với giới chuyên viên về Liên Xô như Condoleezza để có thể kịp thời đối phó với những biến chuyển có tầm vóc quan trọng như thế. Và quả thật ý kiến của Condi luôn được đánh giá cao vì sự cân nhắc thận trọng của một chuyên gia có sự hiểu biết tường tận về nội tình của khối cộng sản. Condi thuật lại những ngày tháng sát cánh với vị Cố vấn trưởng là Brent Scowcroft, đến độ phải làm việc căng thẳng liên miên suốt trên 15 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong văn phòng tại Tòa Bạch Ốc.

Rồi dưới thời Tổng thống George W Bush (Bush Con), kể từ năm 2001, Condoleezza Rice lại giữ chức vụ Cố vấn trưởng về an ninh và sau đó thì thay thế Colin Powell để giữ chức vụ Ngọai trưởng Hoa kỳ. Bà đã hòan thành xuất sắc trong cả hai nhiệm vụ cao cấp nhất trong guồng máy của chánh phủ Liên bang – như giới báo chí ở Mỹ cũng như trên thế giới đã từng đánh giá. Nên thiết tưởng không còn phải nhắc lại ở đây nữa.

IV – Để tóm lược lại :
Nói chung, cuốn Hồi ký này được viết với một giọng văn mạch lạc trong sáng. Nhưng lại cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin về cuộc sống lương hảo, cần cù đạo hạnh trong nội bộ một gia đình người da đen giữa thời kỳ nạn kỳ thị chủng tộc còn rất tàn bạo khắc nghiệt trong khu vực các tiểu bang tại miền Nam nước Mỹ vào thập niên 1950 – 60. Đại khái, ta có thể ghi lại một vài đặc điểm như sau :
1 – Ngòai truyến thống gia đình, thì phải kể đến ảnh hưởng của tôn giáo đối với sự thăng tiến của các gia đình người da đen trong xã hội nước Mỹ. Có thể nói Tôn giáo đã giúp mỗi đơn vị cộng đòan tín hữu gắn bó liên kết chặt chẽ với nhau hơn hầu đối phó được với sự ngược đãi phũ phàng do người da trắng cực đoan gây ra. Đó chính là cái nguồn vốn xã hội (the social capital) có khả năng nâng cao phẩm chất cuộc sống của mỗi thành viên của cộng đòan. Trong suốt cuốn Hồi ký, tác giả luôn nhắc lại những lời nguyện cầu của mình gửi lên Thiên Chúa, mỗi khi gặp một biến cố nào xảy ra cho gia đình hay cho chính bản thân mình.

2 – Là một người đã có một sự nghiệp vững chắc trong môi trường hàn lâm đại học cũng như trong guồng máy chính quyền của một siêu cường, nên Condoleezza Rice có một thái độ bao dung trước vấn nạn kỳ thị chủng tộc vốn là một thứ mà tác giả gọi “tệ nạn bẩm sinh” (birth defect) từ nhiều thế kỷ nay trên đất Mỹ. Noi theo lời khuyên bảo của cha mẹ, bà đã cố gắng hết mức để mà “tài giỏi gấp đôi người khác” - nhờ vậy mà gặt hái được những thành công vượt bậc trên đời như ta đã thấy. Condi đã không chấp nhận thái độ “buông xuôi tuyệt vọng”, mà cũng không chấp nhận giải pháp “bạo động quá khích” của một số người là nạn nhân của tình trạng kỳ thị tệ hại này (victimhood). Thái độ tích cực đó đã khiến cho Condi được nhiều người mến phục và trọng nể.

3 – Riêng trong ngành ngọai giao của nước Mỹ, thì từ hai chục năm nay các vị Ngọai trưởng đều là những vị xuất thân từ nguồn gốc di dân, thiểu số da màu và nhất là phụ nữ. Đó là những Madeleine Albright (phụ nữ gốc di dân từ Tiệp Khắc), Coli Powell (gốc da đen từ Jamaica), Condoleezza Rice (phụ nữ gốc da đen) và hiện nay là Hillary Clinton (phụ nữ). Các vị Ngọai trưởng này đều đã có những đóng góp tuyệt vời trong việc nâng cao uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Vắn tắt lại, cuốn Hồi ký Gia đình này của Condoleezza Rice quả thật là một tác phẩm rất có giá trị vì chân thực, gọn gàng và chính xác. Người viết xin trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc./

Costa Mesa California, Mùa Trung Thu Nhâm Thìn 2012
Đoàn Thanh Liêm               

Hạ Đình Nguyên - Sự lan tỏa… sau những phiên tòa


Hạ Đình Nguyên 

Thời sự mấy tuần nay cho thấy áp lực của Bắc Kinh vào Việt Nam, và Biển đông tạm lắng dịu – sự lắng dịu đáng nghi ngờ mà mọi người quan tâm đến thời cuộc đang nín thở cảnh giác – thì lập tức Việt Nam nổi lên những vấn nạn về Dân chủ.


Dư luận chưa ngớt xôn xao với chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về ngăn cấm, cảnh cáo và lên án những trang mạng xã hội, thì tiếp đến là phiên tòa xét xử 3 blogger với các bản án được dư luận cho là không thích hợp, cùng sự xuất hiện những bài báo của những tờ báo nhà nước chính thống (Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc), có nội dung thống nhất, đồng loạt đã kích và lên án những người xuống đường chống bành trướng Bắc Kinh, chống bất công, đòi lại đất đai, đòi dân chủ và nhân quyền trong thời gian qua, họ đều được xem là bọn cơ hội, là thuộc thế lực thù địch, phản động, là âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” do phương Tây chủ xướng, nhằm chống lại nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Có người đặt câu hỏi, đây là sự tình cờ trùng hợp, hay có sự sắp đặt “đồng thuận” nào đó của Bắc Kinh, khi mà sự lắng dịu tạm thời do Bắc Kinh giảm nhẹ áp lực lên Việt Nam, thì lập tức Việt Nam rảnh tay, thẳng tay trấn áp những người đòi dân chủ và chống xâm lược Bắc Kinh, nhất là ngay sau khi TT Nguyễn Tấn Dũng trở về từ chuyến đi Trung Quốc và gặp Tập Cận Bình?

Cách đây không lâu, giới bình luận quốc tế cho rằng, hành động bành trướng và hung hăng của Bắc Kinh là tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ gắn bó lại với các nước Đông Nam Á. Vì để bảo vệ nền độc lập của mình, trước đe dọa xâm lăng của Bắc Kinh, các nước Đông Nam Á cần sự gắn kết và hổ trợ của các nước lớn khác, đặc biệt là Mỹ, như một thế lực đối trọng. Nay Bắc Kinh bỗng hạ giọng, đổi chiến thuật, đi vòng quanh các nước, hứa hẹn hòa bình, cam đoan duy trì ổn định, không bắt nạt ai. Các nước Đông Nam Á, từ thế đứng độc lập sẳn có, tỏ ra bình tĩnh; nhưng riêng Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, thế đứng chênh vênh miệng cọp nên rất mừng rỡ, các lãnh đạo ai nấy đều phát biểu “đồng thuận” với Bắc Kinh. Nhưng đồng thuận trong chủ trương giữ hòa bình Biển đông, sao lại vội vàng quay ra trấn áp những đòi hỏi bức xúc của nhân dân về yêu cầu dân chủ có thật và những biểu thị tinh thần yêu nước khi đất nước bị đe dọa chù quyền và lãnh hải bị xâm phạm? Thái độ nhà nước đang tỏ ra giận dữ, triển khai trấn áp thành phần nầy, bên cạnh chiến dịch chống tham nhũng đang hồi diễn tiến gay go trong nội bộ nhà nước, cùng với cơn lốc tài chánh đang gia tăng.

Bắc Kinh sẽ hưởng được lợi ích gì sau một nước cờ cao, với kế “thập diện mai phục” qua 4 hiện tượng mai phục sau:
1. Khi Việt Nam thực hiện mạnh bạo các hành động trấn áp, bóp nghẹt thông tin, triệt hạ internet, bỏ tù các blogger, đàn áp, miệt thị những người biểu tình, không chấp nhận phê phán, phản biện là đi ngược lại xu thế hội nhập và dân chủ, là không thực thi Công ước Quốc tế về Dân sự và Chính trị, về Hợp tác thương mại mà Việt Nam đã ký kết tham gia; là thách thức công khai đối với cộng đồng quốc tế về mối liên kết thế và lực, cùng các giá trị thời đại; là xóa bỏ những nổ lực và cam kết của mình với cộng đồng thế giới trước đây; tức là Việt Nam tự đẩy mình ngày càng xa với cộng đồng thế giới, cũng đồng thời có nghĩa là lùi dần về phía Bắc Kinh. Việc làm này đã phát đi một tín hiệu lan ra khắp thế giới rằng, Việt Nam đã nói tiếng “không” với trào lưu hội nhập. Thái độ kiên quyết “ăn thua đủ”, hay “ai thắng ai” đối với 10 Điếu Cày hay 100 loại Điếu Cày, cũng không bù đắp được sự mất mát hình ảnh của một đất nước có lịch sử vang lừng về yêu chuộng hòa bình, từng được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới trong thời kỳ kháng chiến. Là vì nỗi ám ảnh về một “mùa xuân Ả Rập”, hay là vì một áp lực từ Bắc Kinh? Cả hai lý do đều không hợp lý, cả hai lý do đều bộc lộ một sự thiếu tự tin không đáng có. Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, đã nói gì với Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh? Ông ấy nói rằng biển, đảo, tài nguyên phía dưới biển đều là quý, nhưng không thể so sánh với hình ảnh một Trung Quốc trước cái nhìn của thế giới (ý khuyên rằng hãy bỏ cái mặt hung hăng sát khí, thay vào đó bằng cái mặt nhân văn, dân chủ, tử tế, biết điều hơn, thì có lợi ích lớn lao hơn). Sự biểu dương quyền lực của nhà nước Việt Nam, thể hiện qua các phiên tòa và các vụ đàn áp nông dân, có lẽ không có lợi ích gì đáng kể, so với mất mát nhiều mặt, về quan hệ quốc tế, về tính khoan dung, độ lượng và sức chứa nhỏ nhoi của một nhà nước, mệnh danh là Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, một học thuyết được tự cho là cao cả! Đây là thành quả đầy ý nghĩa, không làm mà được của Bắc Kinh. Họ không mong muốn gì hơn thế, không tốn viên đạn nào, không mang tai tiếng với các nước láng giềng. Nói khác, Việt Nam đã lọt vào bẫy của Bắc Kinh, khi tiến hành đàn áp những yêu sách đòi cải thiện dân chủ của nhân dân.

2. Những cuộc trấn áp càng dữ dằn bao nhiêu, trong tình hình mà nhà nước đang rơi vào vòng xoáy tham nhũng chưa thấy rõ lối ra, càng làm cho khoảng cách giữa nhân dân và nhà nước càng lớn, quan hệ nhà nước và nhân dân vốn đã mất niềm tin (như Nghị quyết 4 đã khẳng định) lại càng mất niềm tin hơn nữa. Trấn áp có mục đích gây nên sự sợ hãi, thì có sự sợ hãi, nhưng sự sợ hãi đang được tích lũy trở thành sự phẫn nộ. Các cuộc đàn áp nông dân đòi đất, khiếu kiện đông người, và đặc biệt phiên tòa xử các blogger ngày 24-9 vừa qua tại TP HCM, đã bộc lộ thật sự bản chất của hai từ “dân chủ” gượng gạo mà nhà nước vẫn nhân danh, đã bộc lộ sự hằn học không cần thiết qua thái độ và cách hành xử ở các phiên tòa, và qua các ngòi bút tuyên huấn không có tính thuyết phục mà đầy sát khí của đao phủ. Khoảng cách giữa nhân dân và nhà nước càng rộng, càng trúng ý Bắc Kinh. Bởi vì nhân dân thì gắn bó với nhu cầu dân chủ, nhà nước độc tài thì cần sự ủng hộ của ai, nếu không phải là Bắc Kinh vì cùng phe Xã hội Chủ nghĩa, vốn được xem là yếu tố quyết định cho sự chọn lựa hướng đi của đất nước, từng xảy ra ở hội nghị Thành Đô năm 1990. Bắc Kinh không cần dân chủ, họ sẵn sàng thể hiện sức mạnh qua các cuộc đàn áp đẫm máu như Thiên An Môn, các cuộc đàn áp cực kỳ dã man phong trào luyện tập Pháp Luân Công diễn ra liên tục đối với hằng trăm ngàn, hằng triệu công dân Trung Quốc để đạt mộng siêu cường của tập đoàn lãnh đạo. Họ sẽ rất hào phóng tài trợ, dung dưỡng, khuyến khích cho một chính quyền độc đoán nằm trong quỹ đạo của mình. “Sự trỗi dậy” tàn bạo che lấp nhân tính. Họ không mong muốn gì hơn một VN như thế. Đây không phải là điều Đảng CSVN đã từng lo lắng hay sao? Đảng không thể lấy lại niềm tin đã mất của nhân dân từ những phiên tòa cay nghiệt như những đòn thù, từ thái độ căm hờn không cần thiết của lực lượng an ninh, từ những bài viết tuyên huấn với lập luận “đậm đà” quy chụp trên báo Đảng.

3. Tham nhũng và chống tham nhũng như những đợt sóng triều nối tiếp nhau trên nền một cơ chế thích ứng để sinh sản ra chính nó. Cuộc thanh lọc hàng ngũ, hay đấu tranh phe nhóm, hay chống tham nhũng đang diễn ra, sẽ diễn biến tới đâu, hoặc tắt tị ở đoạn nào đó, nhân dân đang hồi họp chờ xem. Thế lực của các nhóm lợi ích sẽ được khoanh lại và bị khống chế hay đang nở ra theo những ngõ ngách mới? Có ai dám chắc rằng không có bàn tay của Bắc Kinh đang khuấy đảo từ nhiều tư thế? Lối sống của từng đảng viên mà “bạn” còn quan tâm “khuyên ta” (1), huống là chuyện lớn lao quan trọng nầy lại được họ làm ngơ? Dĩ nhiên, Bắc Kinh không bao giờ muốn, và không cho phép một Việt Nam độc lập, có nền kinh tế phát triển phù hợp với quan điểm hội nhập, mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chính thức chuyển thông điệp: muốn phát triển kinh tế phải đi đôi với mở rộng dân chủ. Có dân chủ, có minh bạch mới chống được tham nhũng. Nhưng Bắc Kinh cần một Việt Nam có tham nhũng (họ sẽ tạo điều kiện cho), và cũng cần có chống tham nhũng (họ cũng sẽ tạo điều kiện cho), và cần có đấu tranh lẫn nhau (họ sẽ làm trọng tài thu xếp cho). Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Mao Trạch Đông và đệ tử của y tiếp tục thực hiện, là phải gây cho thiên hạ đại loạn thì mới dễ cai trị. Họ không mong muốn gì hơn thế!

4. Nội bộ Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ không bao giờ được cho phép đoàn kết để có sức mạnh. Đó là ý muốn nghìn đời của Trung Quốc, cũng là ý muốn của Bắc Kinh ngày hôm nay. Nhưng với tầm cao “đại cục” của Bắc Kinh ở thế kỷ 21, họ không chỉ muốn gây “đại loạn” ở một vùng đất Việt Nam địa đầu chiến lược, mà đại loạn toàn vùng Châu Á-Thái Bình Dương, như cả thế giới đều thấy rõ. Các lãnh đạo Việt Nam, từng người một, tức là mỗi người, đều có tiếp xúc “song phương” với “một” tâm điểm Bắc Kinh. Ban lãnh đạo Việt Nam dưới mắt người dân là một “tập hợp mờ”, họ nhìn nhau còn chưa rõ mặt, nói nhau chưa dám trọn câu, vì thế mọi việc trở nên khó hiểu. Luật pháp thì chất chồng, cán bộ thi hành thì đầy “sáng tạo”!

Với lộ trình hành xử trên đây, Việt Nam ngày càng rời xa hơn với cộng đồng thế giới và càng lùi lại gần hơn nữa với Bắc Kinh. Và như lời Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định là “sinh mệnh chung của hai dân tộc” (2). Chuyện sống chết (sinh mệnh) của mỗi dân tộc là chuyện lớn! Chủ nghĩa Cộng sản Quốc tế đã cáo chung từ lâu, ngay khi nó khởi đầu. Còn có lãnh tụ nào dám dồn cục hai đất nước, hai dân tộc lại làm một, trừ sự cống nạp, thôn tính, hoặc xâm lăng và sau đó là đồng hóa?! Điều nầy, cả nghìn năm, Trung Quốc muốn nhưng đã không làm được!

Tạm gác qua lời nói năng vong mạng của các ông Tướng Tá, như ông Tướng Vịnh, hay ông Tá Hiển (3), phải chăng, bốn động thái đang diễn ra hiện nay đều do ý muốn và có bàn tay tạo dựng của Bắc Kinh? Hay chỉ là sự vận hành tự thân của một nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa (4) trùng hợp với quỹ đạo và ý chí của Bắc Kinh? Hay chỉ vì sự đồng dạng của thể chế? Khó lòng để nhận định rằng hai ý nghĩa trên là hoàn toàn tách biệt, vì nó lẫn vào chung trong một hệ tư tưởng đang đóng vai trò sợi xích sắt, niềng hai dân tộc vào một “sinh mệnh chung”?

Một câu hỏi được đặt ra: Việt Nam bị cưỡng bức hay tự nguyện đi vào quỹ đạo của Bắc Kinh? Hay vừa bị cưỡng bức (bởi nước lớn Trung Quốc), vừa có tự nguyện (vì cùng hệ tư tưởng)? Một câu hỏi tiếp theo: Ai bị cưỡng bức hay toàn dân tộc bị cưỡng bức? Bộ phận nào tự nguyện hay cả dân tộc tự nguyện? Câu hỏi nầy có thể trả lời bằng hai tiếng “không và không !” về phía dân tộc. Không tự nguyện (với bất cứ chủ nghĩa nào có sự khống chế của Trung Quốc) và không chấp nhận sự cưỡng bức (của chủ nghĩa bá quyền nước lớn). Vì Trung Quốc không đáng để sợ đến thế, và không xứng đáng để được tôn trọng như thế. Phần trả lời còn lại thuộc về những người đang có trọng trách.

Cách mạng Việt Nam, do Đảng CSVN lãnh đạo, đã ra đời và dắt dẫn một giai đoạn lịch sử Việt Nam thực hiện sứ mạng kép với hai phạm trù gắn bó nhau không thể tách rời, là Dân tộc và Dân chủ. Ngày nay, Việt Nam lại đang đứng trước nguy cơ của cả hai vấn đề sanh tử nầy, sau một trăm năm xương máu! Lịch sử Việt Nam sẽ còn tiếp tục dành những giọt nước mắt ray rứt về tư tưởng của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, khi chủ trương hòa nhập vào nền văn minh của Pháp đang thống trị, để mưu cầu từ dân chủ tiến bộ mà đi đến độc lập dân tộc, vì ông nhìn thấy trong sự đô hộ đó, có mầm mống của nền văn minh dân chủ. Đó là một tư tưởng mà chưa được thực nghiệm, dù lối đi nầy, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã thành tựu cả hai mặt dân tộc và dân chủ (5). Nhưng hoàn cảnh lịch sử nầy đã thuộc về quá khứ. Thời đại ngày nay đã hoàn toàn khác xưa. Nếu theo cách của Phan Châu Trinh, sẽ là sự rồ dại, điên khùng nếu ai đó nghĩ rằng, hãy hòa nhập vào hệ tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa Trung Quốc, để từ đó mưu cầu một nền độc lập và văn minh cho mình. Chúng ta đều hãi hùng nhìn thấy những gì đã và đang diễn ra từ nửa thế kỷ qua cho đến mỗi ngày của thời đại hôm nay, ở Nội Mông, Tân Cương, Miến Điện (6), Tây Tạng, Bắc Triều Tiên… Trong vòng tay Trung Quốc, Việt Nam sẽ trở thành một pháo đài, như con quỹ dữ, một loại quái thai, để canh gác Biển Đông cho chúng, và quậy phá nhân loại, nguy hiểm gấp nhiều lần so với Bắc Triều Tiên, để chúng thực hiện giấc mơ “đại cục”của mình. Đây là điều cảnh giác cho nhân loại.

Ông cha ta chưa từng mơ hồ về Trung Quốc. Phan Châu Trinh chưa từng có ý nghĩ dựa vào Trung Quốc. Hồ Chí Minh đã từng nói, thà “chịu đựng” phương Tây vài năm, còn hơn “chịu đựng” Trung Quốc một nghìn năm (7).

“Sinh mệnh chung của hai dân tộc” là không thể. Nhưng “sinh mệnh chung của hai Đảng” thì có thể hay không? Ôm hôn kẻ thù và biến được kẻ thù thành bạn chăng? Hay hóa thân vào họ? Tu hành như ông Đạt La Lạt Ma, hay bất cứ ai trên thế gian, cũng chưa làm được điều tương tự.

Đáng tiếc về những phiên tòa mang tính bạo lực, về những hằn học của cánh an ninh, về những ngòi bút có “ánh thép” của tuyên huấn đối với người dân, dù có chống đối, có tiếng nói khác, nhưng chưa thể nói là kẻ thù.

H.Đ.N.

Chú thích:
(1) Lời phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng, tại ĐH 4: “Bạn đã từng khuyên ta…”, “bạn” là chỉ TQ.
(2) Lời phát biểu của TT Nguyễn Chí Vịnh với Tướng Tàu Mã Hiểu Thiên (9-2012) 
(3) Trung tá Vũ Văn Hiển, CA P6, Q3,TP HCM: Chửi tục vào mặt dân theo cách du côn, vào ngày xét xử vụ án các blogger, 25-9-2012, hăm “bẻ cổ” bà Dương Thị Tân, vợ ông Điếu Cày,và chửi ”Tự do cái con c**” khi nhìn hai mẹ con bà mặt áo thun có in chữ “tự do cho người yêu nước”.
(4) Theo nhà nghiên cứu Lữ Phương thì Chủ nghĩa xã hội đang hiện hành không phải là chủ nghĩa xã hội thật sự (nhưng cái xã hội thật ấy thì ở đâu?).
(5) Quan điểm của các nhà Tuyên huấn VN thì cho rằng, nhờ cuộc chiến đấu của VN, cùng với 3 giòng thác cách mạng của thế giới, mà các quốc gia trên đã hưởng thành quả. (Đó chỉ là do mình nghĩ ra thôi, vì sự hiện diện của VN chưa từng được công trình nghiên cứu nào chứng minh rằng nó đã làm thay đổi thế giới ).
(6) Miến Điện đã chuyển sang cơ chế chính trị dân chủ từ 2 năm nay, có lời thúc đẩy động viên của TT Nguyễn Tấn Dũng về cải tổ dân chủ, khi ông sang thăm bên ấy (Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì tối), và được thế giới nhiệt liệt hoan nghênh, chào đón, còn Trung Quốc thì bực bội.
(7) Ông HCM không dùng từ nầy, không tiện nêu nguyên văn (Nhưng có lẽ ý nguyện của ông không thành công? xin để cho lịch sử, không dám lạm bàn). 
Nguồn: Bauxite Việt Nam


Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến – Hôm Nay Sinh Nhật Lê Công Định


Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến


Vào những năm đầu của thập niên tám chục, lúc vừa bắt đầu cuộc đời tị nạn, khi sắp bước vào tuổi 30,  tôi được nhiều vị trưởng thượng ở hải ngoại coi như là một mầm non –  có rất nhiều triển vọng sẽ tiến (rất) xa trong tương lai – trong cả hai giới người: cầm chai và cầm bút.

Ba mươi năm đã trôi qua, cả đống nước sông (cũng như nước suối, và nước mắt) đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống.  Tôi đã không “tiến xa” và trở thành một… nhà văn, như kỳ vọng. Lều văn, chòi văn hay túp văn cũng khỏi luôn.

Tôi quả có làm cho một số người (trong giới cầm bút) thất vọng. Tuy nhiên – nói nào ngay, và nói cho nó công bằng – tôi cũng đã khiến cho không ít vị thuộc giới cầm chai lấy làm (vô cùng) hãnh diện.

Tôi cầm viết bữa đực bữa cái nhưng cầm ly thì đều như bắp, chưa sót bữa nào. Đã vậy, nhiều bữa còn mải cầm ly mà quên cầm đũa nên… quá chén đều đều. Bởi vậy, cuối đời, tôi chỉ mong được là một thường dân mà cũng không xong. Thay vào đó, tôi trở thành một thằng nát rượu.

Lỗi, tất nhiên, không phải tại tôi!

Tôi không có cái may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học. Từ đời nọ đến đời kia, cả dòng họ của tôi chưa từng có ai cầm bút. Họ chỉ cầm ly. Riêng bên ngoại không mấy khi có người tỉnh táo. Ngoại tôi và mẹ tôi đều uống, và đều xỉn dài dài.

Con hư tại mẹ. Cháu hư tại bà. Tôi hư là phải (giá). Ngay từ lúc ấu thơ, tôi đã suốt ngày loanh quanh bên bàn tiệc. Do đó, những giai thoại về văn chương thơ phú thì tui mù tịt chớ chuyện quanh bàn nhậu thì (ôi thôi) tui biết nhiều vô số. Sẵn đang rảnh nên xin kể (một) nghe chơi.

Cuối thập niên năm mươi, khi mà chế độ Đệ I Cộng hoà ở miền Nam bắt đầu có tai tiếng về tính chất độc tài thì dân làng nhậu hay truyền tai chuyện (tiếu lâm) này:
Có một ông lớn hầm hầm chạy vô ty cảnh sát, lôi một phụ nữ ra khỏi xe, nói như hét:
“Mấy anh điều tra vụ này liền cho tui.”

Vài tiếng sau, ông nhận được điện thoại. Đầu dây bên kia, giọng một nhân viên cảnh sát (nghe) có vẻ rụt rè:
“Dạ thưa ông con mẹ nhận tội rồi.”

“Tội gì?”

“Cộng sản nằm vùng.”

“Ý trời, tui biểu mấy anh điều tra về vụ khác. Nó ở nhà tui, và vợ tui mới mất cái hột xoàn, tìm hoài không ra, hiểu chưa?”

Chuyện giễu này được kể ở tất cả các quán nhậu của miền Nam, và nghe xong thì dân chúng “ở vùng địch tạm chiếm” đều bò lăn bò càng ra cười mệt nghỉ. Không ít người cười tới té ghế luôn.

Người Việt quả là thích cười đùa. Điều đáng tiếc là không phải lúc nào (và ở đâu) họ cũng có cơ hội cười cợt thoải mái, hả hê như vậy.

Cùng thời điểm này, ở bên kia vĩ tuyến cũng có một chuyện giễu cợt hơn nhiều nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng ai cười, cười thầm hay cười lén (chắc) cũng không luôn. Và câu chuyện này - thay vì chỉ để kể quanh bàn nhậu, cho vui - đã được báo chí miền Bắc đồng loạt loan tin (”vụ xử án gián điệp ở Toà án Nhân dân Hà Nội”) cùng với những lời kết án vừa hàm hồ, vừa đanh thép, nghe cứ y như thiệt vậy. Xin chầm chậm,  lật lại vài trang (*) báo cũ - đã úa vàng và phủ bụi thời gian:
Báo Thủ đô Hà Nội ( 21/01/1960):
“Tên Nguyễn Hữu Đang thú nhận: ‘Báo Nhân văn có tính chất chính trị ngay từ số 1′. ‘Mục đích của tờ báo là khích động quần chúng cùng với chúng tôi chống lại lãnh đạo’. Để đạt mục đích ấy, - đây vẫn là lời của tên Đang - chúng tôi đã dùng lối bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, các bài báo của chúng tôi không đúng sự thật, cứ viết bừa nói bừa, chuyện không nói có và nói toàn những vấn đề quan trọng để gây những tác hại lớn.”
Báo Quân đội nhân dân (21/01/1960):
“Ta hãy nghe Đang cung khai trước Tòa án: Tôi đã gây hoài nghi đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Tôi đã cổ động cho những xu hướng chính trị phản động. Tôi đã thổi phồng hoặc xuyên tạc bịa đặt ra những khuyết điểm để nói xấu Chính phủ và những cơ quan Nhà nước”.

Báo Nhân dân (21/01/1960):
“Trước tòa án, với những bằng chứng đầy đủ, bọn gián điệp nói trên đã nhận hết tội lỗi của chúng. Sau khi luật sư Đỗ Xuân Sảng bào chữa cho các tội phạm, căn cứ vào chính sách xét xử và trừng trị của Tòa án nhân dân là nghiêm trị bọn chủ mưu và bọn ngoan cố, khoan hồng với những người lầm đường, bị lừa gạt đã biết hối cải …”

Báo Văn học (05/02/1960):
” Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Tư tưởng của chúng tôi là phản động nên chúng tôi ra tờ báo Nhân văn để chống đối lãnh đạo, kích động quần chúng làm áp lực đấu tranh”. Ngoài báo Nhân văn, Nguyễn Hữu Đang còn dùng nhà xuất bản Minh Đức làm một công cụ để chống cách mạng. Y cung khai: “Tôi đã biến nhà xuất bản Minh Đức thành một công cụ chống lãnh đạo.”

Báo Thời Mới (21/01/1960):
“NĂM TÊN GIÁN ĐIỆP PHẢN CÁCH MẠNG, PHÁ HOẠI HIỆN HÀNH CÚI ĐẦU NHẬN TỘI
Nguyễn Hữu Đang và Thụy An, đầu sỏ chủ mưu, bị phạt giam 15 năm và mất quyền công dân 5 năm sau khi hết hạn giam”.


Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Minh Đức ... đang "nhận tội". Nguồn ảnh:talawas 

Mười lăm năm sau, sau khi mãn hạn tù, không biết Thụy An và những nhân vật khác trôi dạt về đâu, riêng Nguyễn Hữu Ðang thì lủi thủi trở lại làng quê ở Thái Bình:
… Gót nhọc men về thung cũ

Qùi dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lượng
Chút thổ phần bò xéo cuối thôn
(”Ăn năn” - Phùng Cung)

Nguyễn Hữu Đang sống gần hết quãng đời còn lại nhờ vào… côn trùng và cóc rắn! Ông cũng đã chọn sẵn chỗ nằm trong “… một búi tre gần cuối xóm, độc giữa cánh đồng…, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dầy lá tre rụng, rất vừa người … Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phiền ai … Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay” (Phùng Quán, “Ngày Cuối Năm Tìm Thăm Người Dựng Lễ Ðài Tuyên Ngôn Ðộc Lập.” Ba Phút Sự Thực, 2nd ed. Nhà Xuất Bản Văn Nghệ Sài Gòn: 2007, 137).

Xử thế nhược đại mộng. Mười lăm năm tù, và mười lăm năm sống vất vưởng bên lề xã hội (kể như ) chỉ là … một giấc ngủ trưa – với rất nhiều ác mộng!

Cho đến khi ông nhắm mắt lìa đời, tội danh gián điệp mới được “châm chước” (chút đỉnh) thành “mắc sai lầm tham gia nhóm Nhân văn-Giai phẩm.”

Thiệt là mừng muốn chết!

Cớ sao mà “cách mạng” lại “chiếu cố” đến Nguyễn Hữu Đang tận tình (và tuyệt tình) tới cỡ đó? Một trong những nguyên do, có thể nhìn thấy được, là vì ông đã không chịu chấp nhận điều mà ông gọi là sự “xộc xệch” trong hiến pháp của nước CHXHCNVN.

Trên Nhân văn số 4, số ra ngày 5.11.1956, Nguyễn Hữu Đang còn (trót dại) lật cái mặt nạ đang đeo của Đảng CSVN:
“Hoà bình lập lại đã hai năm, dù cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước có phức tạp, gay go thế nào thì cũng không thể coi miền Bắc như ở một hoàn cảnh bất thường để duy trì mãi tình trạng thiếu một nền pháp trị hẳn hoi…”

“Do pháp trị thiếu sót mà Cải cách Ruộng đất hỏng to đến thế. Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấy giá thú đôi vợ chồng ngồi ngắm cảnh trăng lên ở bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người ta mất ăn, mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám nhà người kinh doanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung hoặc ép buộc người ở rộng phải nhường lại một phần nhà cho cán bộ hay cơ quan ở. Do pháp trị thiếu sót mà nhiều cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành rất quan trọng nọ đòi thông qua những bài báo nói đến mình, làm như một bộ phận của Nhà nước lại có quyền phục hồi chế độ kiểm duyệt mà chính Nhà nước đã bãi bỏ. Do pháp trị thiếu sót, người ta đã làm những việc vu cáo và đe doạ chính trị trắng trợn…”

Ông đã bị mang đi chôn (sống) bằng bản án mười lăm năm tù, và vùi dập cho đến chết chỉ vì lên tiếng đòi hỏi một thể chế pháp trị “chính qui” như vậy.


Năm mươi năm sau, khi “Bàn Về Chính Danh Trong Thể Chế  Pháp Trị” một công dân Việt Nam khác – ông Lê Công Định – cũng đã phải một lỗi lầm (chí tử) tương tự khi đã chỉ ra cho mọi người thấy “mặt thật” của những kẻ đang nắm quyền bính tại xứ sở này:
“Không cần phải chờ đến kết quả ‘bầu cử’ vào ngày 26 và 27 tháng 6/2006 vừa qua tại Quốc hội, ngay từ lúc bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X, ai cũng biết Ủy viên Bộ Chính trị nào sẽ đảm nhận những chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ.”

“Dư luận không hề ngạc nhiên khi biết các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng lần lượt được ‘tấn phong’ vào những vị trí then chốt đó.”

“Việc điều hành hệ thống quản lý nhà nước với cơ chế thông qua những  quyết sách quan trọng và bầu chọn nguyên thủ quốc gia, mà trên thực tế do một đảng chính trị quyết định, dù là đảng cầm quyền, một lần nữa cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, đang cai trị quốc gia. Thể chế chính trị như vậy, trong ngành chính trị học, được định danh là ‘đảng trị’, chứ không phải ‘pháp trị’.

Lê Công Định đã bị bắt giữ. Tất cả các cơ quan truyền thông của nước CHXHCNVN đều đồng loạt đưa tin là ông đã… nhận tội (rồi) cùng với những lời kết án vừa hàm hồ, vừa đanh thép – như họ đã từng dùng để nhục mạ Nguyễn Hữu Đang, năm mươi năm trước.

Trí nhớ của những người làm báo ở Việt Nam, xem chừng, không được tốt; hoặc giả, tâm địa của họ hơi bị xấu. Còn giới lãnh đạo của xứ sở này thì rõ ràng là kém cỏi cả hai: về tâm địa cũng như ký ức.

Với tất cả quyền lực trong tay thì có khó khăn gì trong chuyện bắt một người đem giam, ép họ phải nhận tội để xin khoan hồng, rồi mang rêu rao (một cách hể hả) trên mọi phương tiện truyền thông.

Tôi chưa bao giờ có dịp đặt chân đến Hà Nội nhưng cứ theo lời kể của ông Phùng Quán thì đây là nơi :
Chín người - mười cuộc đời rạn vỡ
Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy…

Nguyễn Hữu Đang chỉ là một trong vô số những nạn nhân mà “cuộc đời rạn vỡ,” trong thời gian hơn năm mươi mà những người cộng sản nắm được quyền bính ở Việt Nam.  Xin đừng ai ảo tưởng rằng nhà đương cuộc Hà Nội lại sẽ có thể tiếp tục gây những tội ác tương tự lên cuộc đời của Lê Công Định.

Thời thế đã đổi. Gió đã chuyển rồi. Hãy để dành “những lời thú tội” và “xin khoan hồng” cho những phiên toà sắp tới,  khi mà những kẻ tội phạm đích thực (của cả dân tộc Việt) sẽ bị mang ra xét xử - trong tương lai (rất) gần thôi.

Tưởng Năng Tiến

(*) Tất cả các bản tin về phiên toà xử Nhân Văn - Giai Phẩm, do Lại Nguyên Ân sưu tầm, đều có thể đọc được ở talawas.


Ghé thăm các Blogs: 01/10/2012




BLOG CHU MỘNG LONG

Hãy nhanh chóng cứu lấy Phụ nữ và Trẻ em!

Chu Mộng Long – Trong khi truy tìm hồ sơ tội ác của một số tờ lá cải mệnh danh chính thống, Chu Mộng Long phát hiện ra sự vụ gần đây nhất: Tự thiêu vì báo lá cải. Sự vụ mà người vô tâm nhất nghe xong cũng xé ruột xé gan!

Sự vụ xảy ra vào cuối tháng Năm năm 2012. Một em bé học sinh lớp 7 tại Thừa Thiên Huế lỡ có mang với một người bạn tình, bị báo chí lá cải đem ra bêu riếu đến nhục nhã và tự thiêu. Báo Người Lao động đưa ra sự vụ này để cảnh báo việc đưa tin nguy hiểm của phong trào viết tin lá cải, nhưng né tránh không chỉ rõ báo lá cải ấy là báo nào, làm cho người đọc nhầm tưởng đó là những tờ báo mạng phi chính thống. Té ra đầu têu toàn là báo chính thống. Khơi nguồn là Dân Việt, tờ báo điện tử của Nông thôn ngày nay, đến Dân trí, rồi đồng loạt các báo khác như Phụ nữ, , Vietnamnet , Việt Nam Times, Báo mới,  Giáo dục Việt nam, VnExpress.net,  Đời sống và Pháp luật, Gia đình và cuộc sống, v.v. và v.v.… (trên 21.200/16 giây tìm kiếm của Google) hùa nhau loan tin. Chúng xào đi nấu lại cái thông tin hot ấy rồi còn chỉ điểm đích danh tên họ, địa chỉ, trường học của nạn nhân để đẩy con người ta vào chỗ chết. Rốt cuộc, cho đến nay vẫn không ai đứng ra chịu trách nhiệm!

Chưa bao giờ như lúc này, báo chí chính thống đã lôi kéo cả một cộng đồng dân Việt ta hả hê đến man rợ trên nỗi đau của người khác!

Các nạn nhân thấp cổ bé họng kêu không thấu tới trời. Còn những người có trách nhiệm thì sống chết mặc bay!

Hài hước thay là Báo Giáo dục Việt Nam sau đó đưa vào mục Vấn đề và dư luận phân biệt Lá cải và Chính thống, tưởng vinh danh chính thống, nhục mạ phi chính thống, cuối cùng lộn tùng phèo không biết đâu là chính thống đâu là lá cải. Truy xét kĩ, tính chất lá cải hiện nay thuộc hẳn về chính thống. Bởi những vụ loan tin giật gân bất chấp hậu quả đều bắt đầu từ cái mõm thối chính thống mà ra, còn cả vạn trang lá cải ngoài chính thống chỉ là ăn theo nói leo để buôn chuyện giải trí!

Trừ các trang Blog, trang Web quá khích, các Blog phản biện chân chính, các trang điểm tin, thông tin bị quy là phi chính thống, lá cải (mà họ tự gọi khiêm nhường là ba sàm, ba láp, thông tấn xã vỉa hè) lại bộc lộ chính thống hơn bao giờ hết! Họ chỉ nói lên tiếng nói thực sự của dân, do dân, vì dân chứ chưa bao giờ đăng thông tin có hại cho dân!

Mà nói thật, không phải chính thống nhân danh đạo đức – văn hóa để làm việc hại dân hại nước thì ai dám cả gan làm cái việc thất nhân thất đức man rợ đến chết người ấy rồi phủi tay vô trách nhiệm!

Thái độ vô trách nhiệm này có hệ thống. Còn nhớ vụ loạn dâm của quan chức tại Hà Giang. Trong khi Tòa án xét xử lấy lí do tế nhị xử kín, thì trước đó các báo đã đồng loạt phơi bày công khai mặt mũi từng em bé là nạn nhân (lại vu cho các em tên gọi bẩn thỉu nhất là môi giới mại dâm, bán dâm) để đẩy các em vào đường cùng. Ngược lại, cái danh sách đen mà các em khai ra cụ thể thì hoàn toàn được giấu kín và cho đến giờ vẫn được bảo bọc đến cùng. Điều này cũng giống như trên mặt báo lâu nay, chúng ta thấy nhiều vụ án mua bán dâm được phá, các báo đăng tin phơi bày hình ảnh các em bán dâm mà tuyệt nhiên không thấy mặt một kẻ mua dâm nào!

Một xã hội mà các nạn nhân như Kiều bị phơi trần để đẩy vào con đường cùng, còn tội phạm như Mã Giám Sinh, Sở Khanh lại được che giấu rất kĩ, thì hỡi ôi, Cụ Nguyễn Du mà có sống lại thì phải đến vạn lần than: Đau đớn thay phận đàn bà! (hiển nhiên trong đó có trẻ em!)

Trên trang Ba Sàm khi điểm tin về nạn lá cải có hỏi: Giữa đồi trụy văn hóa và suy đồi chính trị, cái nào nguy hiểm hơn? Hiển nhiên là cả hai. Nhưng sự suy đồi về chính trị chỉ gây thảm họa một lần, còn suy đồi về văn hóa mới thực sự làm hủy hoại đạo đức, tính cách dân tộc không biết bao nhiêu thế hệ!



BAUXITE VIETNAM

Hà Văn Thịnh

Đọc bản tin trên PLXH (28.9.2012) về việc trường học phải nghỉ học để lấy chỗ tổ chức đám cưới cho con một cán bộ xã (chiều thứ Tư, 26.9.2012; Trung học Cơ sở Tân Tiến, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), mà không dám tin ở mắt mình: Sự ngang ngược, lộng hành, càn rỡ của cán bộ các cấp thời nay đã đến mức chẳng người dân nào chịu nổi!

Một xã ở sát nách ngai vua mà còn tự tung tự tác như thế, ở vùng sâu, vùng xa hơn thì sao? Một chức ‘quan’ thấp đến tận cùng trong ngạch quan (ngày xưa nằm ngoài cửu phẩm, ngày nay ở vào hạng… không tính nổi) mà coi trời bằng vung, coi thầy cô giáo, học sinh như cỏ rác thì luân thường, đạo lý ở đâu?…

Những câu hỏi đơn giản, rõ ràng mà làm đau, nhói buốt đến tận tâm can. Chợt giật mình khi nói đi rồi, nghĩ lại; thấy chuyện trên cũng… bình thường; theo cách nói của nhà văn Nguyễn Trọng Tạo thì những chuyện xót xa nhiều quá khiến con người vô cảm, chai lỳ…

Muốn thống kê theo bệnh sử học nghề nghiệp e rằng không tính nổi. Công an đạp vào mặt dân, kiểm điểm; nhưng một thiếu nữ tát CSGT thì phải chịu 6 tháng tù treo. Chân không bằng bàn tay vì cái tội của chân nhẹ hơn chăng hay theo cách phân chia của Ấn Độ giáo thì bàn chân nhơ nhớp và xấu xa đến mức không cần bàn nữa? Người dân biểu tình chống xâm lược, bày tỏ ý kiến thì án cho ba người bằng vài chục năm tù còn công an ‘lỡ tay’ đánh chết dân chỉ có 4 năm thôi. Mạng người nhỏ hơn cả cái điều nhỏ nhất nếu điều đó động chạm đến lợi ích của kẻ cầm quyền.

Khởi tố một kẻ từng là bộ trưởng, gây ra bao điều tai họa cho nước cho dân mà cứ như chuyện trẻ con: Báo đăng lên, gỡ xuống, đính chính vì bị cấp trên hăm dọa, rồi lại đăng, mặc nhiên như là… sự thật mà tuyệt đối không hề có bất kỳ một sự xấu hổ hay một lời xin lỗi nào. Chuyện viên trung tá phó đồn (việc chi cũng có đồn lo) văng tục trước dân, dám nói “tự do cái con c.” (lạy trời sao cho chuyện này không có thật, tôi không dám tin đúng như thế, bởi nếu đúng, suy ra thì nhiều điều tồi tệ lắm), làm cho dư luận trong và ngoài nước chấn động, bàng hoàng. Nếu không có thì phải truy xét, đính chính; nếu đúng, sao không nghiêm trị? Hàng triệu anh hùng, liệt sĩ ngã xuống để có độc lập, tự do; để cho Chế Lan Viên có thể viết Cầm cành hoa (độc lập, tự do) đi giữa loài người/ Vui nào bằng em nhỉ/ Cầm ngọn súng lên đường diệt Mỹ/ Ta đi qua thời gian. Nếu Chế còn sống, ông có phải thay từ, viết lại hay không?

Ông chủ tịch Hà Nội ngang nhiên chê trách người dân khiếu kiện đông người làm xấu đi hình ảnh của thủ đô trong khi chẳng cần ngượng ngùng chút nào khi ai không biết chuyện Hà Nội đẹp sao nổi với “vẻ đẹp” vô tiền khoáng hậu: Năm 2011, cứ 4 ngày lại xảy ra 3 vụ trọng án ở thủ đô (Người Đưa Tin, 28.12.2011)? Đó là kỷ lục có lẽ, không có thủ đô nào có thể vượt qua nếu tính theo sự tương đương về dân số? Ông chủ tịch cũng “quên” mất rằng khi ông ca ngợi (?) bộ phận tiếp dân giải quyết đơn từ nhiều hơn 89% so với năm 2011 cũng có nghĩa là dân oan, dân đau năm nay tăng gấp đôi năm ngoái rồi đó. Oan mà không kêu mới là chuyện lạ, vậy thì, ai làm xấu ai đây? Giá như ông chủ tịch đọc báo ngày 28.9.2012, báo Dân Trí chắc sẽ khó mà mở miệng nói càn: Gần 1.000 dân ngắc ngoải sống trong ô nhiễm giữa thủ đô!?….

Người dân đau đớn quá rồi, thưa các quan! Xin các vị bớt đi những việc làm chướng mắt, nghịch nhĩ. Xin các vị hãy học nói cho đúng, cho chuẩn trước khi làm quan. Được thế, dân đen chúng tôi cảm ơn lắm lắm…
Quảng Trị, 28.9.2012.



BLOG ĐÀO TUẤN

Rất tình cờ, câu chuyện “Nhà nước vờ giả lương, các giáo sư, tiến sĩ vờ làm việc” lại diễn ra đúng vào ngày Quốc hội “tạm chốt” mức thu nhập khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng.

Một người có học vị tiến sĩ, ông Hồ Bất Khuất cho rằng tình trạng “người vờ trả lương, người vờ làm việc” là “chúng ta đang lừa nhau”. Còn Giáo sư nổi tiếng Văn Như Cương thì bàn: “Chúng ta lấy người vào cho đông chỉ để đạt mục tiêu không thất nghiệp. Nhưng đi làm mà lương không đủ sống thì cũng chính là thất nghiệp”. Hai phát ngôn diễn ra trong một văn cảnh thoạt nghe tưởng là thô tục “Lương tiến sĩ không bằng lương người dắt chó”.

Vị Giáo sư nổi tiếng sau đó còn kể chuyện ông phải viết thư cho Bộ trưởng trình bày tình hình và đề nghị được tăng lương. Bởi “Nếu chỉ vì tấm bằng phó tiến sĩ mà không được tăng lương thì xin được trả lại”.

Giáo sư sau đó được tăng lương, tất nhiên. Nhưng có lẽ đó là trường hợp đặc biệt. Các giáo sư khác, ngoại trừ cái tên Văn Như Cương, liệu có được tăng lương khi “Kính gửi Bộ trưởng”? Và vô số những người làm công ăn lương, không giáo sư, cũng chẳng tiến sĩ khác lại càng không có tí “tuổi” nào để đòi hỏi, dẫu có khi chỉ đơn giản về một mức lương tối thiểu, đủ cho một cuộc sống tối thiểu.

Câu chuyện lương, giá, và giờ là thuế, phí nói đi nói lại mãi nghe phát nản. Nhưng vẫn không thể không nói, rằng: Mức lương tối thiểu hiện mới chỉ đáp ứng 60% cuộc sống tối thiểu. Đây là con số chính thức được Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định hôm 24/9, tại Hội nghị giới thiệu Bộ luật Lao động và luật Công đoàn. Nhưng cuộc sống thế nào là tối thiểu lại là chuyện còn phải bàn khi mà mọi tính toán cho, đơn giản chỉ 2.300 calo một ngày lao động- luôn bị lạm phát cho ngửi khói.

Mức lạm phát tháng 9 nhảy vọt lên 2,2% phá vỡ mọi “dự báo”, mọi “kịch bản”. Chuyện thu phí giao thông lại được tái khởi động. Giá xăng “theo cơ chế thị trường” đang đứng trước nguy cơ tăng sau mỗi 10 ngày. Và viễn cảnh “té giá theo xăng” đang nhãn tiền diễn ra.

Vậy mà khi con số khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng được đưa ra, nhân dân vô tư và hồn nhiên bèn quên bẵng đi rằng đây là một con số cứng, một con số chết cứng, cho đến khi Luật được sửa đổi, quên rằng trong 4 năm qua lạm phát cộng dồn lên tới 50%. Thậm chí quên phắt điều tối thiểu nhất là mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng thực ra không đảm bảo cho một cuộc sống tối thiểu của một người dẫu là phụ thuộc. Nếu ai đó còn có điều gì lăn tăn về chuyện cao-thấp, xin hãy đọc lại lời khẳng định của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi: 9 triệu đồng chỉ đủ sống tạm. 9 triệu là thu nhập chưa cao.

Với lạm phát đến ngay sau suy thoái, ai dám nói đến tháng 7 sang năm, khi Luật thuế chính thức có hiệu lực, người ta có thể sống tạm với 9 triệu đồng, người ta có thể nuôi con với 3,6 triệu, những con số sắp chết cứng trên Luật?

Trở lại với Hội nghị nói trên, trả lời câu hỏi vì sao phải đợi đến 2015 thì mới đặt ra vấn đề “lương tối thiểu mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu”, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và xã hội Phạm Minh Huân cho rằng cần phải “có lộ trình để đưa lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu”. Và sau khi đạt mức “không âm không dương” này mới “Điều chỉnh lương tối thiểu theo chỉ số giá tiêu dùng”.

Sự thật thà của vị thứ trưởng đang cho thấy, lạc quan nhất, đúng tính toán nhất thì cũng phải trong ít nhất 3 năm nữa lương tối thiểu mới đáp ứng được cuộc sống tối thiểu.

Và trong khi chờ đợi lương “hết giả vờ”, không phải chỉ là các giáo sư, tiến sĩ, mà hàng chục triệu lao động vẫn sẽ phải ở vào cảnh: Nhà nước vờ tăng lương. Chỉ khác với các giáo sư, tiến sĩ là người lao động thì không thể vờ làm việc, không thể chạy xô, không thể “chân trong chân ngoài”. Cuộc sống đó là gì nếu không phải là sống “ảo”.



BLOG ĐÀO TUẤN

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, không phải đợi lời kêu gọi “hy sinh”, “chia sẻ”, những người dân Yên Bái, Hòa Bình và giờ là Bắc Trà My, Quảng Nam, đã hy sinh tất cả cho tổ quốc, cho dù tổ quốc có khi lại là của một ai đó.

Năm 1959, khi Thác Bà, công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam được khởi công xây dựng, 8.913 hộ, 5,3 vạn người dân đã phải bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, quê hương bản quán, bỏ lại đình chùa, miếu mạo, mồ mả ông bà tổ tiên để dắt díu nhau lên rừng xanh núi đỏ, vạt núi san sông, “đặt bát hương” dựng xây quê hương mới. Tất cả “vì dòng điện ngày mai của tổ quốc”.

Tháng 9-2012, tức hơn nửa thế kỷ sau đó, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã tận mắt chứng kiến cảnh “Không ít đồng bào của hơn 50 xã đã hy sinh tất cả vì chính dòng điện vẫn sống trong cảnh đèn dầu leo lét. Điện, đường, trường, trạm… vẫn tạm bợ lều lán; trường mầm non vẫn dùng cái bếp cũ của nhà dân. Và cay đắng nhất, là lời than vãn của một trong số 5,3 vạn dân thủa nào: “Chúng tôi bị bỏ quên trong xó rừng này. Chúng tôi như hạt thóc rơi trong kẽ cái hòm cũ”. Và chạnh lòng nhất, là lời thổn thức của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương, bà Lương Thị Lầm -người trực tiếp vận động, tổ chức di dân cho thủy điện Thác Bà, sau chẵn 50 năm, rằng: “Hóa ra tôi đi vận động năm ấy, nghĩa là tôi nói dối, nói phét với dân ư? Chúng tôi bảo là nhà máy hoạt động thì sẽ có điện cho bà con, bà con được dùng đầu tiên. Vậy mà …”.

Một lời nói dối dài đến nửa thế kỷ đối với sự hy sinh lặng thầm của những người dân, trong riêng giẽ phạm trù thủy điện, hay lớn hơn là sự phát triển của tổ quốc, có thể nói là không có giới hạn, không gì đo nổi, và cũng chẳng thứ gì có thể bù đắp được.

Đến hôm qua, bên trên sự tăm tối của người dân vùng thủy điện lại có thêm một sự đòi hỏi hy sinh. Và một lời nói dối.

Báo cáo đánh giá tác động của thủy điện Sông Tranh 2 được báo chí “phanh phui” với phần đánh về động đất dài 195 chữ, với kết luận to đùng: “Hồ thủy điện Sông Tranh 2 khi tích nước sẽ không gây khả năng động đất kích thích”. Và một trong những “tác giả” là cái tên quen thuộc: TS Lê Huy Minh, với phát ngôn nổi tiếng sau này “Động đất là bình thường”. À, thế là ban đầu nhà khoa học này kết luận: “không gây khả năng động đất kích thích”, và sau đó khi động đất xảy ra (ngay cả khi mức nước ở Sông Tranh 2 đang nằm dưới mức nước chết) thì ông mang mác tiến sĩ ra để giải thích đó là chuyện …bình thường. “Bình thường” chính là vô số và ngày càng dày thêm những trận động đất kích thích từ việc thủy điện tích nước? “Bình thường” có nghĩa là xảy ra đến 7 trận động đất trong chỉ 12 tiếng đồng hồ? Và bình thường, và khoa học, và trung thực đến mức nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập phải thốt lên: “Bây giờ tôi thật sự băn khoăn là có nên tin vào các nhà khoa học hay không vì họ nói không nhất quán gì cả”.

Dường như sự không nhất quán rất khác xa với nghĩa của từ trung thực. Thế nên thật khó trôi tai lời phàn nàn của một tiến sĩ, rằng người dân “quá kém hiểu biết”. Lại càng khó chấp nhận việc đòi hỏi một cách bất nhẫn “sự hy sinh” khi mà những người dân sống “dưới chân cột đèn” khó có thể “an tâm” để hy sinh nốt thứ duy nhất họ còn lại là tính mạng?

Không phải đợi lời kêu gọi “hy sinh”, “chia sẻ”, những người dân Yên Bái, Hòa Bình từ nửa thế kỷ trước và giờ là Bắc Trà My, Quảng Nam, đã hy sinh tất cả cho tổ quốc, cho dù tổ quốc có khi lại là của một ai đó. Hy sinh đến độ họ chẳng còn gì ngoài đôi bàn tay trắng và một cuộc sống dưới mức nghèo khổ.

Và chính vì thế, càng không thể đối xử với sự hy sinh bằng những lời nói xuông thiếu trách nhiệm, chỉ để an dân, mà thực ra là dối dân, đã bắt đầu từ năm 1959.



BLOG QUÊ CHOA

Hà Văn Thịnh

 Dường như trong xã hội này, người ta (có chức quyền) đang cố tình trêu ngươi, chọc tức dân khi liên tiếp ban hành hết quy định khôi hài này đến trò hề nực cười khác: UBND TP Hà Nội vừa ra quy định, theo đó, đám cưới của cán bộ, đảng viên không được tổ chức quá 30 mâm, không tổ chức ở khách sạn 5 sao. Ai vi phạm sẽ bị kỷ luật, cao đến mức… chuyển công tác!(?)

Xin hỏi các vị quan chức rằng tại sao không lo cho người dân an cư lạc nghiệp khỏi phải đi khiếu kiện, phố phường đỡ nhếch nhác, người sống với người không như với sói, với beo…; mà lại ăn no rửng mỡ, dốt nát bày chuyện tai ương?

Xin các vị anh minh, thiên tài, sáng tạo Hà Nội trả lời mấy câu hỏi sau: 1) Tổ công tác nào dám đến lập biên bản khi đám cưới dư hơn… 1 mâm? Tôn hỷ, trọng hiếu là lễ nghi truyền thống cả ngàn năm của người Việt, có ai đang tâm mở đầu cho đời sống vợ chồng bằng một cái biên bản hay không? Nếu không có biên bản, lấy gì mà xử? 2) Giả sử như có những người khách không mời (quên, dù rất thân tình), người ta cứ đến, cứ dự, có quyền dọn thêm mâm hay không? 3) Chẳng có cán bộ nào có tiền cưới ở 5 sao vì 99% cô dâu, chú rể trong lứa tuổi từ 20-30, xây dựng gia đình, nếu như không ăn cướp của dân thì chẳng thể nào có tiền tổ chức đám cưới to như thế. Và, nếu có đi nữa thì chẳng ai dại gì rước lỗ vào thân, làm sao chi mỗi suất cả triệu mà thu về chỉ có dăm ba trăm? 4) Như vậy, cán bộ, đảng viên không cưới nhưng cha mẹ của cán bộ đảng viên tổ chức cưới, họ chẳng liên quan gì đến đảng hoặc đã về hưu, họ tổ chức, phạt ai đây? 5) Nếu con các quan lớn cưới mà không tổ chức to thì cơ hội nào để nhận phong bì hối lộ hợp pháp? Tận thu bằng hết mọi đường ngang, ngõ dọc là nguyên tắc của thời đại tham  nhũng. Tham nhũng hàng tỷ chưa làm gì được nói chi đến chuyện ngăn cản vài chục, vài trăm triệu bọt bèo. 6) Đám cưới quá đi một vài mâm phải chuyển công tác (từ chỗ buôn vàng đến chỗ bán cám); thử hỏi, cả trăm ngàn tỷ tham nhũng vẫn đâu có sao, các vị bày đặt ra trò cười này không thấy xấu hổ sao? 7) Nhìn qua có vẻ là văn minh nhưng ngẫm kỹ thì thấy đây là lối hành xử vi phạm nhân quyền trắng trợn, các vị có thấy thế không? 8) Xét dưới góc độ kinh tế, chính các vị đang áp đặt sự cạnh tranh không công bằng. Nếu người ta biết cách làm giàu chính đáng, tại sao không có quyền sang? Tại sao mở 5 sao ra lại không cho thầu đám cưới?

Sơ sơ vài câu hỏi thế xin các vị trả lời dùm, nếu thấu lý đạt tình, thua gì tôi cũng chịu. Người viết bài này đã từng nói chuyện với một vị quan to, ông ấy nói rằng ông cụ mất sau khi mình đã về hưu nên hơi vất vả, anh em bận việc ít lo toan(!) Chẳng lẽ người ta nói trắng ra rằng ước chi ông cụ mất sớm hơn?

 Đọc dòng tin xong chỉ còn biết kêu trời, thấy xót đau cho dân tộc mình sao lại đến nỗi ngày càng xảy ra những chuyện cười đẫm nước mắt như thế?..

Tác giả gửi cho QC.
Quảng Trị, 28.9.2012


Thật thà
Phạm Thị Hoài

Trong phỏng vấn của tạp chí Mốt & Cuộc sống tuần vừa rồi, hoa hậu Lại Hương Thảo cho biết trên người mình toàn đồ Trung Quốc, hàng nhái, từ Chanel đến Hermès. Cô tin vào chính con người mình hơn vào đống hàng hiệu và ý thức rõ là ăn mặc phải phù hợp với hoàn cảnh và mục đích.

Không lâu sau cô phải xin lỗi về phát ngôn bị coi là ngô nghê “trong tình hình chính trị nhạy cảm này”. Một hoa hậu khác coi phát ngôn đó là “vừa vô tình cổ vũ xài hàng fake, lại vừa vô tình chạm đến lòng tự ái dân tộc”.

Đeo túi Hermès thật, trị giá vài năm thu nhập của một người lao động bình thường, thì lòng tự ái dân tộc còn nguyên. Đi giày Trung Quốc nhái Hermès trị giá 250.000 ngàn đồng thì tự ái dân tộc bỗng bị chạm đến. Đó là chưa kể Hermès thật cũng made in China như Hermès giả. Dân tộc ta quả là có một lòng tự ái rối rắm. Nhưng dù sao, đây là lần đầu tiên chuyện trang phục của một hoa hậu Việt Nam được xem xét từ góc độ “tình hình chính trị nhạy cảm”. Tôi còn nhớ, giữa những năm bảy mươi tình hình cũng nhạy cảm tới mức đọc Tam Quốc là một hành vi tự sát nhưng xe đạp Phượng Hoàng vẫn đáng ước mơ hơn xe đạp Thống Nhất. Lòng tự hào dân tộc của chúng ta cũng đi những lối thật lắt léo.

*

Cũng trong bài phỏng vấn ấy, hoa hậu Lại Hương Thảo còn tiết lộ một việc khác: cô bị bố đánh mỗi khi có lỗi, đánh rất nhiều, bằng dây điện chập bốn, lỗi nặng bao nhiêu vụt bấy nhiêu, trên người cô còn vết sẹo lồi do bố đánh chảy máu.

Một tiết lộ như thế, nếu ở Đức, sẽ ngay lập tức kéo theo một làn sóng công phẫn của dư luận và các nhà chức trách sẽ vào cuộc. Một ông bố dùng dây điện chập bốn đánh con đến chảy máu đương nhiên phải bị truy tố hình sự. Dư luận Việt Nam không chấp nhận hoa hậu khoe hàng nhái, nhưng chấp nhận hoa hậu khoe bị đánh. Đúng là khoe, không thể dùng một từ khác. Cô Lại Hương Thảo đầy lòng biết ơn với roi vọt của bố. Vết sẹo nhắc nhở cô “cần phải sống tốt hơn nữa”. Cô chân thành coi cha là ân nhân và thần tượng.

Một sự thật thà rất Việt Nam.

© 2012 pro&contra















Nguyễn Hưng Quốc - Tội tuyên truyền chống nhà nước


Nguyễn Hưng Quốc


Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải

Theo dõi tin tức về phiên tòa xử ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải vào ngày 24 tháng 9 vừa rồi về “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tôi cứ thắc mắc: Không biết trên thế giới có nơi nào nhà cầm quyền khắc nghiệt với các blogger độc lập với lý do tương tự như vậy hay không?

Xin thú nhận ngay: Tôi không biết. Vào Google, đánh mấy chữ “tuyên truyền chống nhà nước” bằng tiếng Anh (anti-state / anti-government propaganda), tôi thấy mỗi cụm từ có hàng mấy chục triệu kết quả. Điều “thú vị” là trong số mấy trăm kết quả đầu tiên hầu hết đều liên quan đến Việt Nam. Nhiều nhất là các bản tin và bình luận về vụ án ba blogger nhắc ở trên. Việt Nam chiếm đa số tuyệt đối. Xen kẽ giữa trùng trùng lớp lớp các bản tin về Việt Nam, họa hoằn mới thấy xuất hiện tên của các nước khác, chủ yếu là Iran, Pakistan và Afghanistan. Điều đó nói lên điều gì? Nó nói một điều: Việt Nam nếu không phải là quốc gia đàn áp dân chúng với lý do “tuyên truyền chống phá nhà nước” nhiều nhất thì ít nhất, cũng là nước có nhiều vụ án liên quan đến “tội trạng” ấy được thiên hạ chú ý đến nhiều nhất. Với lý do gì thì Việt Nam cũng đứng nhất cả.

Nhưng tại sao tội “tuyên truyền chống nhà nước” lại nghiêm trọng đến vậy? Tại sao, trong Bộ luật hình sự Việt Nam, nó chỉ được đặt sau các tội “phản bội tổ quốc” (điều 78), “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79), “tội gián điệp” (điều 80)… và trên cả các “tội phá rối an ninh’ (điều 89), “tội chống phá trại giam” (điều 90) và “tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (điều 91)?

Tôi sống ở nước ngoài khá lâu, chưa bao giờ tôi nghe một quốc gia dân chủ nào ở Tây phương kết án người nào về tội tuyên truyền chống lại nhà nước. Ở Úc, vô số người viết báo, viết sách, tổ chức hội thảo hay biểu tình, thậm chí, lập đảng để chống lại nhà nước, chả có nói năng gì cả. Ở Mỹ, cũng thế. Hầu như ở đâu có tự do, ở đó đều có cái tự do “chống nhà nước”. Chỉ có hai giới hạn duy nhất: Một, không được vu khống và bôi nhọ một cá nhân nào trong chính phủ (cũng như bất cứ cá nhân nào khác); và hai, không được bạo động hoặc xúi giục bạo động. Còn nói hay viết, tập trung vào các quan điểm và chính sách cũng như các sự kiện có bằng chứng hẳn hoi, thì dù sự phê phán hay đả kích có gay gắt đến mấy, nhà nước cũng phải ráng chịu. Người ta xem đó là chuyện bình thường. Hơn nữa, đó còn là một cái quyền của con người, một quyền được chính phủ Anh công nhận từ năm 1689 (Bill of Rights), chính phủ Pháp công nhận từ năm 1789, Liên Hiệp Quốc công nhận (điều 19 trong bản Tuyên bố chung về nhân quyền) từ năm 1948. Voltaire cho việc bảo vệ cái quyền ấy còn thiêng liêng hơn cả mạng sống của chính mình: “Tôi không đồng ý với bạn, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ cho bạn cái quyền được nói những điều như thế.”

Quyền ngôn luận hoặc quyền “tuyên truyền chống nhà nước” không phải chỉ là biểu hiện của dân chủ mà còn là điều kiện của dân chủ. Bản chất của dân chủ là gì nếu không phải là quyền tự quản (self-government) của dân chúng, ở đó, điều quan trọng nhất là dân chúng được quyền tham gia vào việc quyết định vận mệnh của đất nước và cũng là vận mệnh của chính họ. Tham gia bằng lá phiếu chỉ là một cách. Cách ấy căn bản, phổ biến và khách quan nhưng sẽ không đủ, thậm chí, sẽ không có giá trị gì nếu không đi kèm với một cách khác: quyền được thông tin và phát biểu. Thiếu thông tin, dân chúng không thể chọn lựa nghiêm túc và đúng đắn; lá phiếu, do đó, trở thành vô nghĩa. Thiếu tranh luận, nghĩa là thiếu quyền “tuyên truyền chống nhà nước”, chính phủ, sau khi được bầu lên, sẽ không được ai kiểm tra và phản biện cả, do đó, rất dễ rơi vào tình trạng độc tài, hoặc nếu không, cũng mù quáng.

Không những công nhận quyền tự do ngôn luận hay quyền “tuyên truyền chống nhà nước”, các quốc gia dân chủ còn xây dựng luật lệ và cơ chế để cái quyền ấy được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Luật lệ thì đã rõ: tất cả các bản hiến pháp ở các quốc gia dân chủ đều ghi rõ như vậy. Quan trọng hơn là ở cơ chế: người ta cho phép và bảo vệ các lực lượng đối lập. Ở Úc cũng như ở Anh và một số quốc gia khác, người ta có hai chính phủ tồn tại cùng lúc: một là chính phủ thực sự cầm quyền, và một là chính-phủ-trong-bóng-tối (shadow government) do đảng đối lập cầm đầu. Nhiệm vụ của chính-phủ-trong-bóng-tối, thật ra, là để tuyên truyền chống lại chính phủ đang thực sự cầm quyền kia. Tuyên truyền chống lại chính phủ một cách công khai. Đàng hoàng. Ngay giữa Quốc Hội. Trên mọi diễn đàn. Và họ được trả lương để làm những việc ấy.

Trên thế giới, chỉ ở các nước độc tài, người ta mới sợ quyền tự do ngôn luận, do đó, mới có cái gọi là “tội tuyên truyền chống nhà nước”.

Trong ý nghĩa như thế, có thể nói thế này: ở đâu có những phiên tòa xét xử công dân về “tội tuyên truyền chống nhà nước”, ở đó đều cần có một bản án dành cho bọn độc tài.


Thùy Linh - CÓ GÌ ĐẸP TRÊN ĐỜI HƠN THẾ?


Blog Thùy Linh

Tượng nhà mồ Tây Nguyên

Lâu rồi không có gan đọc đọc câu thơ của Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” vì sợ bị phản ứng. Yêu nhau sao được nữa? Đến mức người dân khốn khổ mất đất khiếu kiện mà còn bị ông chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khó chịu cằn nhằn: “Những người khiếu kiện làm mất mỹ quan thành phố”. Xin hỏi ông: Ai làm mất thể diện Hà Nội, mất thể diện quốc gia, đất nước này? Không lẽ mấy người dân mất đất? Không lẽ nhìn cảnh dân oan biểu tình mà người ta nghĩ khác đi về Việt Nam? Vậy ở các nước người biểu tình thậm chí còn trần truồng giữa thanh thiên bạch nhật, đi từng đoàn đoàn lũ lũ thì đất nước họ có mất mỹ quan không? Có thay đổi bản chất chế độ chính trị nước đó không? Chính phủ có đàn áp và có cấm đoán không?

Nói về thể diện quốc gia nhé: ông có biết Việt Nam bị đội sổ về nạn tham nhũng hoành hành; là kẻ thù internet; thù địch với tự do báo chí không nhỉ? Ông có biết năm 2012 vừa qua, Việt Nam là nước đáng báo động đỏ trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu  vì bị tụt sâu xuống nửa dưới của thế giới, thứ 76/ 141 nước. Nhìn lại quá trình từ 2007 khi bắt đầu có sự đánh giá thì tình hình vô cùng bi đát, chẳng những kém cỏi mà xu hướng là suy giảm liên tục. Người ta đã chỉ ra: “Nguyên nhân khiến chỉ số về trí tuệ của Việt Nam đang ngày càng thụt lùi không phải do con người Việt Nam kém cỏi mà là do sự bất cập của Tổ chức quản lý nhà nước và  sự yếu kém trong chăm lo đầu tư cho Vốn con người…Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong Đổi mới/Sáng tạo, thì đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được. Nó chỉ tồn tại được bằng cách bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác. Khi những thứ đó không còn nữa thì sao?”. Ông có thấy mất “mỹ quan” với các nước trên thế giới không, thưa ông?

Còn với người dân trong nước, ông nghĩ sao khi để vụ việc khiếu kiện liên tục nhiều năm, trên khắp cả nước mà tiếng kêu ai oán của dân đen dường như không tới được những cái tai ngồi trên ghế cao quyền lực nhưng thiếu tâm lực, thưa ông?

Hà Nội từ khi ông về làm chủ tịch có gì mới, thay đổi, phát triển một cách “mỹ quan” xin ông chỉ cho nhân dân được biết? Dân chúng rùng mình khi biết ông còn tại vị cho đến 2016, lúc đó ông mới hết nhiệm kỳ bầu bán, thưa ông?

Vậy câu thơ “có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau”, Việt nam nên tặng cho Myanmar, tặng cho tổng thống Thein Sein với bài phát biểu dưới đây. Một tổng thống đã từ bỏ con đường độc tài, không những chấp nhận nền dân chủ cho đất nước mà còn công khai, dõng dạc trước Liên Hiệp Quốc ca ngợi đối thủ của mình - người trước đây đã từng bị ông bỏ tù. Hành động cao thượng của ông có thể gột rửa gần hết những năm tháng chế độ độc tài quân sự đã đày ải đất nước Myanmar, nhân dân Myanmar. Xin cúi đầu trước Tổng thống Thein Sein. Ông tỏa rạng không kém bà Suu Kyi. Công đức của ông với đất nước Myanmar là vô cùng vĩ đại. Và ông bước ra khỏi lịch sử như một người anh hùng kiêu hãnh, nhân cách rạng ngời. Xin chúc phúc cho đất nước của đạo Phật nhanh sánh bước cùng các nước văn minh, tiến bộ trên thế giới. Việt Nam ngậm ngùi “đi sau, về sau” vậy…

Tổng thống Myanmar ca ngợi bà Suu Kyi trước Liên Hiệp Quốc

Tổng thống Thein Sein

LIÊN HIỆP QUỐC (AP) -Tổng thống Myanmar hôm Thứ Năm phát biểu trước Ðại Hội Ðồng LHQ, rằng con đường tiến đến dân chủ không thể đảo ngược lại được, đồng thời công khai ca ngợi lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.

Tổng Thống Thein Sein phát biểu rằng, đất nước ông còn được biết với tên Burma, đã bị tụt hậu đến năm thập niên dưới chế độ chuyên chế.

Lần đầu tiên bài diễn văn đọc trước các lãnh đạo thế giới của một lãnh tụ Myanmar được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình chính phủ ở quê nhà. Trước đây chưa hề có một diễn văn nào nhắc đến tên một lãnh tụ đối lập, người từng tranh đấu ôn hòa chống lại chế độ quân phiệt và giành được sự ca ngợi của quốc tế.

Cựu tướng Thein Sein tuy cổ xúy cởi mở chính trị nhưng chưa từng công khai ca ngợi bà Suu Kyi, cũng chưa bao giờ nhắc đến bà như là một khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình như ông phát biểu hôm Thứ Năm. Ông nói:
“Với tư cách là một công dân Myanmar, tôi xin có lời ngợi khen bà về vinh dự mà xứ sở dành cho bà, do những nỗ lực đấu tranh cho dân chủ”.

Bà Suu Kyi hiện đang viếng thăm Hoa Kỳ. Tuần trước bà đã hội kiến với Tổng Thống Barack Obama, được Quốc Hội trao tặng huy chương cao quí nhất, và tham dự đại hội giáo dục toàn thế giới vào hôm Thứ Tư.
Về phần ông Thein Sein, hôm Thứ Tư ông gặp gỡ với Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton, người loan báo nới lỏng việc cấm nhập cảng hàng hóa từ Myanmar.

(Nguồn: Người Việt)


Phạm Lê Vương Các -Chúng ta đang có tội với tương lai



Bài diễn từ viết dưới ánh trăng rằm mập mờ sáng tối, để nói với các em, các bạn cùng trang lứa và thế hệ đi trước từ trong một góc phòng vắng lặng…. Phạm Lê Vương Các - Sinh viên Đại học năm thứ 3 *

Các em nhỏ thân quý,

Dù còn ít ngày nữa mới đến Tết Trung Thu, nhưng nhìn không khí các em nô nức xách đèn lồng đi chơi đã làm cho tôi -một người anh đã từng trải qua những thời khắc đó mà luyến lưu hồi tưởng về thời thơ ấu của mình.


Anh cũng vậy, nhìn các em chơi đùa một cách hồn nhiên, ngây thơ, vô tư và không toan tính đã làm cho anh phải thèm muốn. Anh ao ước sẽ được trở về với tuổi thơ của các em, ở cái không gian sống mà nơi đó không có ý niệm về sự thù hằn, về sự lừa gạt và các trò hành xử đê tiện. Nơi đó chỉ có tình yêu thương, sự dỗi hờn lúc giận nhau và lòng thứ tha rộng lượng.

Nhưng bây giờ anh đã là người trưởng thành nên không thể chơi cùng các em. Các em có biết vì sao không? Vì người lớn luôn mang những thói hư tật xấu, vì người lớn luôn bị lý trí chi phối bởi mục đích và động cơ, và vì người lớn có thể “ăn hiếp” các em nếu các em làm cho họ phật lòng.

Khi các em lớn lên như anh rồi các em sẽ hiểu hơn về cuộc đời này, thì khi đó cũng là lúc các em sẽ dần nhận ra những hoài niệm trong ký ức như anh bây giờ. Cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp như câu chuyện cổ tích mà các em thường nghe người lớn kể. Không phải ai ai cũng có thể cư xử dịu hiền trong tình yêu thương như Chị Hằng, không phải ai ai cũng tôn trọng Công ước về Quyền trẻ em như các em đã kỳ vọng.

Anh biết nhiều em không được học hành, nhiều em phải lang thang mà kiếm sống, nhiều em phải nằm đói co ro bên mái hiên trong cơn mưa nặng hạt ven đường và rất nhiều em còn phải chịu những trận đòn roi từ bố mẹ và thầy cô. Anh biết đó không phải là lỗi của các em mà do những người bảo bọc các em là những người thân, là những thế hệ đi trước đã không làm tròn bổn phận và trách nhiệm đối với các em, đã không bảo vệ được em, trong đó có anh.

Anh xin lỗi! Dù rất đau nhưng anh cũng không thể giúp gì cho các em. Anh hoàn toàn bất lực vì ngay chính bản thân anh cũng đang héo úa từng ngày. Anh cũng đang luồn cúi và chui rút, cố gắng sống sót trong những làn đạn như cuộc chiến từ cuộc sống này. Vì thế đã đến lúc các em cần phải học dần những bài học dối trá như Chú Cuội để tự cứu lấy bản thân mình trong tương lai. Các em có thể oán trách anh và thế hệ của anh đã không đối xử và giảng dạy cho các em bài học về sự tử tế được. Sự tử tế là gì thì anh không biết phải giải thích như thế nào cho các em hiểu vì anh cũng chỉ nghe thế hệ đi trước nói lại bằng những lời giảng dạy sáo rỗng. Nhưng anh muốn các em biết rằng sự tử tế luôn là cái lý tưởng được truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác, để thế hệ sau luôn được sống tốt hơn thế hệ trước, để thế hệ của các em sẽ được sống tốt hơn thế hệ của anh, không còn bất an, không còn lo âu và hoài nghi về số phận của mình.

Các em ạ, khi anh nghe bài ca “Để lại cho em” của nhạc sĩ Phạm Duy do ca sĩ Khánh Ly trình bày, anh đã bật khóc, khóc như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng bật khóc cho thế hệ tuổi như anh bây giờ.

Cách đây gần 50 năm, Thầy Nhất Hạnh như là một người anh, một nguời thuộc thế hệ đi trước, đã từng “nói với tuổi 20”, nói với một thế hệ trẻ vào thời điểm đó phải sống trong sự lo âu, hoài nghi, và buông thả. Thế hệ tuổi 20 đó, giờ đây đã là thế hệ đi trước của chúng ta, là những vị đang dìu dắt cho anh và cả em đang tiến bước vào tương lai.

Anh nghĩ đã đến lúc anh cần phải bộc bạch với các vị đó, để hy vọng rằng các em sẽ có một tương lai tốt hơn thế hệ của anh phải sống như bây giờ, để các em có thể coi đó như là “lời tạ lỗi” từ thế hệ được mệnh danh là 8X của những người như anh làm chút bổn phận đối với em.

Thế hệ vứt đi

Thưa các quý ông và quý bà-những thế hệ đi trước của tôi.

Tôi cứ ngỡ rằng, quý vị đã sống trong thời điểm loạn lạc, giữa lúc khó khăn của sự xung đột trong ý thức hệ, mâu thuẫn trong lý tưởng, và sự khủng hoảng của tình yêu thương đã làm cho quý vị chắt lọc nên những kinh nghiệm giúp ích cho những người trẻ như chúng tôi ngày hôm nay thoát ly khỏi những hệ lụy của nó.

Thế nhưng khi nghe qua những tiếng tâm lòng từ  bài ca mang tên “Để lại cho em” mà thế hệ  như Thầy Nhất hạnh đã từng “nhận tội” với quý vị, nửa thế kỷ sau vẫn còn nguyên nghĩa đối với thế hệ trẻ như tôi.

Nhưng tôi nghĩ, thế hệ trẻ như tôi cũng không oán trách và giận hờn quý vị. Bởi lẽ: Chúng tôi, cũng chỉ là  một thế hệ vô cảm, một thế hệ chỉ biết hưởng thụ. Chúng tôi, một thế hệ hèn nhát, tham lam và cơ hội. Chúng tôi, một thế hệ ích kỷ và đê tiện. Chúng tôi, một thế hệ nhu nhược và biếng nhác. Chúng tôi, một thế hệ không đáp ứng được kỳ vọng của tổ tiên và đã không thực hiện được như ý muốn của các vị. Chúng tôi là một thế hệ có tội với tương lai!

Rồi chúng tôi sẽ tiếp tục ca bài ca Để lại cho em, “để lại cho thế hệ tương lai sẽ nối tiếp chúng tôi  những cuộc chiến thần thánh, để lại cho thế hệ tương lai những thành phố buồn trong đó người Việt Nam đang tranh nhau từng đám bụi đen. Chúng tôi, để lại cho thế hệ tương lai những đường đời quanh co kẹt lối. Chúng tôi tiếp tục để lại cho thế hệ tương lai những hèn kém của chúng tôi”. Và bài ca Để lại cho em sẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như những bài ca không bao giờ lụi tàn ở đất nước này.

Quí vị có thể coi chúng tôi là một thế hệ vứt đi, một thế hệ không xứng đáng với trọng trách nối tiếp quý vị gánh vác chuyện giang sơn xã tắc.

Quý vị có biết vì sao không? Do chúng tôi là người thiếu năng lực hay do chính quý vị đã tạo nên cơ sự này? Quý vị có thể đổ lỗi cho chúng tôi, nhưng xin quý vị cũng đừng quên rằng quý vị đã từng dẫn dắt lịch sử này. Giữa thực tại và lịch sử đều là do mối quan hệ nhân quả mà ra.

Để rồi ngày hôm nay:

Chúng tôi, một thế hệ phải xót xa mà nhìn sứ giặc nghênh ngang giữa lòng biển Đông, lợn lờ như những con cá mập, hung tợn và hiếu chiến, sẵn sàng lao vào cắn xé, biến ngư bào của chúng ta thành một miếng mồi chỉ còn biết “vái lạy” xin tha.

Chúng tôi, một thế hệ được thừa hưởng một gia tài là những món nợ nần trong một di chúc thừa kế mà phải chấp nhận một cách miễn cưỡng như là một nghĩa vụ không thể chối từ.

Chúng tôi, một thế hệ may mắn đã được giã từ vũ khí nhưng vẫn còn đó lòng hận thù từ lịch sử, để rồi chúng tôi bị cuốn theo chiều gió…ngã theo chiều nắng.

Chúng tôi,  một thế hệ giờ phải chứng kiến một thân thể và hình hài tổ quốc trong cảnh tàn phá điêu tàn.. Rừng vàng biển bạc giờ chỉ còn là trong giấc mơ. Này là lá phổi xanh Tây Nguyên giờ đây là một màu xám xịt như một gã nghiện thuốc lá ở giai đoạn cuối. Này là mạch máu sống ở con sông giờ đây là một màu đen kịt phải liên tục được thanh lọc nhằm duy trì sự sống. Này là tài nguyên quốc gia được bới móc để phục vụ cho nhu cầu trước mắt chẳng khác gì kiểu bán thận của kẻ đường cùng.

Chúng tôi, một thế hệ đã thấy một lớp trí thức không màn đến chuyện đấu tranh với những nhiễu nhương bất công từ trong cuộc sống này.

Chúng tôi, một thế hệ đã đánh mất đi đạo đức và luân lý từ trong sự ban phát của quý vị.

Thế nhưng, tôi lại thường nghe nhiều vị bảo rằng: “Đất nước như thế này là tốt lắm rồi, các bạn còn muốn gì nữa, đỏi hỏi gì nữa, các bạn không thấy đất nước ta đang phát triển từng ngày đó sao. Các bạn hãy thử sống như chúng tôi ở giai đoạn trước chiến tranh rồi các bạn sẽ thấy”.

Đúng! Tôi thừa nhận rằng đất nước đang phát triển từng ngày. Nhưng đó chỉ là sự phát triển so với…37 năm về trước. Nếu đem sự phát triển này so sánh với các chiến lược dài hạn mang tính bền vững và đột phá trong tương lai thì không có gì là sáng sủa. Đây không phải là những hạn chế nhất thời, mà nó mang tính cốt lõi để đưa một quốc gia phát triển phú cường.

…Để rồi ngày hôm nay chúng tôi vẫn là hiện thân của quý vị như vài thập niên trước, vẫn lo lắng khi đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời, hoài nghi trước cuộc sống, phải đối mặt với những những bạo cường vênh váo ngạo mạn, phải đánh đổi tự do để được an toàn, phải trả giá đắt cho lý tưởng của mình nếu muốn dấn thân. Để rồi chúng tôi ngày hôm nay phải thành những kẻ đê tiện, phải biết luồn cúi nịnh bợ để được hưởng chút bổng lộc và thăng tiến, phải biết ngó lơ với cái xấu, cái ác để được yên thân…

Thế nhưng, thay vì tự thú như thế hệ trước đã từng tự thú với quý vị, thì quý vị lại rao giảng cho chúng tôi phải có niềm tin, biết ơn quý vị, lấy đó là lý tưởng, lấy đó là tấm gương để học tập, lấy đó là nguồn cảm hứng để dấn thân phục vụ một cách hồn nhiên ư?

Không. Tôi đã trưởng thành! Tôi biết nhận ra được giữa cái chân lý và sự tuyên truyền, giữa điều lẽ phải và sự bất công!

Xin đừng trách những người như tôi là vô ơn, ăn cháo đá bát. Mà hãy trách các vị đã chưa làm tròn bổn phận như những gì đã hứa, đã không làm tròn trách nhiệm mà tổ quốc và nhân dân này kỳ vọng, đã không thực hiện tốt nhiệm vụ dìu dắt thế hệ trẻ chúng tôi… Sự đi trước và trải nghiệm của quý vị chỉ giúp cho quý vị đối phó một cách khôn ngoan với những đòi hỏi cần có từ thế hệ chúng tôi, và có được kinh nghiệm trừng phạt nếu chúng tôi muốn nổi loạn. Cách hành xử  đó không mang lại một viễn cảnh tươi đẹp ở đất nước này trong tương lai đâu các vị ạ.

Một thời đại dối lừa

Chắc bây giờ đã đến lúc có nhiều vị phải quát cáu lên rằng: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì các bạn, mà hãy hỏi các bạn đã làm gì cho tổ quốc này!”

Xin thưa, nếu giờ phút này ông Kennedy hiện diện trên đất nước này rao giảng về điều đó, tôi sẽ đáp rằng: “Đồ lừa đảo! Hãy cút đi!”

Tổ quốc? Tổ quốc là gì? Tổ quốc là của ai? Tổ quốc có mang lại cho ta hạnh phúc?

Các bạn trẻ cùng trang lứa với tôi! Các bạn nghĩ gì? Hát bài ca “Đáp lời sông núi” của nhạc sĩ Trúc Hồ sao? Sẵn sàng xung phong hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ tổ quốc lúc lâm nguy, hay dũng cảm dâng hiến cả cuộc đời để phục vụ tổ quốc một cách không toan tính hay dấn thân đòi sự công bằng cho tổ quốc một cách hồn nhiên?

Còn đối với tôi, tôi đã mệt mỏi hai tiếng Tổ Quốc lắm rồi. Liệu cái Tổ quốc có dành cho ta, cho nhân dân ta và cho thế hệ con em của ta không? Hay nó được đo vẽ bằng những đường biên giới và bắt ta phục vụ một cách vô điều kiện cho nó? Hay đó là nơi rất lý tưởng để che đậy cho các nhóm lợi ích đang “núm bóng” nhảy vào cắn xé giành phần?

Đáng tiếc thay, tổ quốc, dù bất cứ nơi đâu cũng chưa bao giờ là nơi mang lại cho con người quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, quyền được sống trong xã hội dân chủ, mà nó lại được ban phát bởi những xu thế chính trị của nhà cầm quyền nhân danh tổ quốc ở tất cả các quốc gia. Tổ quốc chỉ là cái mà lực lượng nắm quyền sử dụng nhằm kêu gọi sự phục tùng và sự hiến dâng hồn nhiên từ chúng ta.

Vì thế, hỡi Kennedy! Xin các ông đừng rao giảng Tổ quốc cho tôi, và đừng bắt thế hệ con em của tôi sa lầy vào vũng sình Tổ quốc của ông. Chúng tôi có quyền lựa chọn cho mình một lối sống vô cảm và vô trách nhiệm, các ông không có quyền than phiền chúng tôi về điều đó.

Tổ quốc? Giờ đây không còn là một  câu hỏi mơ hồ chỉ dành riêng cho những người lưu vong, mà nó là thuật ngữ của những ai còn chút trăn trở về nó.

Tôi chỉ lắng nghe tiếng gọi Tổ quốc khi nó không còn là nơi để giành phần và chia chác của bất kỳ ai, bất kể đảng phái hay của phe nhóm nào, mà tổ quốc phải là nơi thuộc về nhân dân. Nó phải là nơi thế hệ sau, trong đó có con em của tôi cũng như con em của quý vị ngang bằng nhau về điều kiện phát triển, bình đẳng về cơ hội và công bằng trên phương diện pháp lý. Tổ quốc phải là nơi tất cả mọi người ở đó đều có quyền thể hiện tự do, nơi đó có một chế độ dân chủ và một xã hội bác ái bằng những chứng nhân lịch sử.

Thưa quý vị,

Quí vị đã đặt chúng tôi vào “thời đại của lịch sử, để làm nên những biến đổi sâu sắc” thì xin hãy cho chúng tôi quyền tự do xuất bản các tác phẩm của mình để viết nên các trang sử sách. Hãy cho chúng tôi quyền tự do thành lập các hội đoàn để đấu tranh làm nên lịch sử. Hãy cho chúng tôi quyền đọc bài diễn từ này trước công chúng để kêu gọi sự thức tỉnh. Hãy cho chúng tôi thực hiện quyền tự do biểu tình để dẫn dắt lịch sử.
Hãy cho chúng tôi quyền tự do học thuật để khai sáng và khai minh cho những ai còn mê muội. Và xin hãy trưng cầu ý kiến của chúng tôi khi đất nước này đứng trước thời cơ và thử thách của lịch sử.

Chúng tôi cần các công cụ và phương tiện đó. Nếu không thì xin đừng rủ rê chúng tôi “viết nên những trang sử mới” cùng quý vị. Chúng ta không thể hợp tác khi những quyền tự do căn bản của con người bị hủy hoại.
Tôi cần sự thay đổi dũng cảm từ quý vị. Sự thay đổi này phải bắt nguồn từ tinh thần dân tộc, hổ thẹn với tổ tiên và trách nhiệm hơn với chúng tôi và thế hệ kế tiếp, chứ không phải là để bảo vệ và củng cố tiền tài, địa vị của quí vị.

Tôi muốn hỏi tại sao hiện nay có rất nhiều vị đang ra sức vơ vét cái chung thành cái riêng cho mình. Liệu quý vị có hạnh phúc khi hủy hoại lương tâm của quý vị, đánh đổi sự an toàn của mình rồi rốt cuộc cũng chỉ “ăn, ngủ, đụ, ỉa” trên một đống vật chất khồng lồ có làm quý vị sảng khoái hơn không? Hay quý vị cho rằng nếu mình không đớp thì cũng có kẻ khác đớp?  Xin đừng ngụy biện cho lòng tham lam như vậy. Hay quý vị cho rằng cần phải có của hồi môn để lại cho con cháu quý vị được sống một cuộc sống tốt hơn? Nếu quý vị nghĩ như vậy thì tôi cho rằng rồi con cháu của quý vị sẽ bị đống vật chất khổng lồ đó đè chết nó vì nó không biết từ đâu rơi xuống để mà tránh né , nhưng nó biết bản chất của đống vật chất đó không được sạch sẽ gì thì quý vị cũng đừng mong nó sử dụng vào những việc sạch sẽ, rồi nó sẽ tự biến mình thành con (vật) thiêu thân, vật vờ cố thủ bên đống rác rưởi đó mà không thể hướng đến các giá trị phổ quát mà nhân loại đang hướng đến từng ngày. Vì thế quý vị cũng đừng nên trách mắng con cái quý vị nếu chúng có lối sống tha hóa, lạc lối và trụy lạc.

Tôi vẫn không hiểu tại sao cũng có rất nhiều vị đam mê quyền lực một cách kỳ lạ. Cứ bám víu vào dĩ vãng. Tham lam quyền lực là phương tiện nhanh nhất đưa con người đến sự tha hóa và bại tàn. Chắc quí vị vẫn không quên hình ảnh Saddam Hussein bị xỉ mắng và chửi rủa trước khi đưa đầu vào thòng lọng? Hay hình ảnh Gaddafi bị lôi từ trong cống ra và bị hành quyết như những như một con chuột mang bệnh dịch đó sao. Đó là số phận chung cho những kẻ độc tài và thậm chí là con cái của họ. Cho nên, quí vị nào muốn đất nước này sẽ là của riêng mình và gia đình mình thì hãy thay đổi khi còn kịp. Đừng cố gắng đưa con cháu của mình trở thành người “kế thừa vĩ đại”, thì đấy là lúc quý vị đang đang dần tiếp tay kết liễu đời chúng và giết chết cả một dân tộc.

Lối thoát cho tương lai

Thưa quý vị,
Điều chúng ta cần làm hôm nay không phải là “đi tìm lối thoát cho nhau” như hơn 60 năm về trước mà các vị đã làm là bắn giết lẫn nhau, để rồi mỗi người mỗi ngã trong tang tóc và thương đau, mà là chúng ta cần phải “đi tìm lối thoát cho tương lai”, giải thoát cho thế thệ con em của chúng ta.

Điều này đỏi hỏi chúng ta cần sự đồng thuận và đoàn kết cùng nhau xây dựng một xã hội dân sự, một nhà nước pháp quyền, một hệ thống tư pháp độc lập, và một cơ chế bảo đảm quyền con người. Đó là tất cả những gì trong tương lai đang vẫy gọi và trông chờ chúng ta. Đó là hướng đi chung cho tất cả chúng ta ở thời điểm hiện tại này.

Nếu chúng ta không làm được thì chúng ta đang có tội với tương lai, có tội với thế hệ kế tiếp của chúng ta.

Nếu chúng ta không làm được thì ngay chính thế hệ của chúng ta và thế hệ kế tiếp có thể sẽ dùng đến bạo lực như là biện pháp cuối cùng để giải quyết như cách mà quý vị đã đã từng làm trong quá khứ. Rồi tất cả chúng ta và con em chúng ta cũng sẽ thất bại một cách đáng hổ thẹn trong sự cô đơn như ở trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và ở  Đảo Gạc ma 1988 mà quí vị đã từng nếm trải.

Nếu chúng ta không làm được thì ai có thể bảo đảm rằng thây xác người Việt Nam lại một lần nữa  không tràn ngập các đô thị như năm Mậu Thân 1968? Ai có thể bảo đảm rằng thân xác người Việt Nam sẽ không trôi bồng bềnh giữa đại dương như những cuộc vượt biển năm 1978?

Và rồi ai có thể bảo đảm rằng từ Sài Gòn ra tới Huế, Vinh, Hà Nội không xảy ra thảm cảnh “phơi thây” như Thiên An Môn như bên Tàu năm 1989?

Hãy nhìn vào hiện thực đang xảy ra ở đất nước này, nếu chúng ta không làm được thì đã đến lúc cầu nguyện cho dân tộc này. Cầu nguyện cho con người Việt Nam nơi đây và cũng đừng quên hãy chúc phúc cho thế hệ con em chúng ta được bình an.

Chúng ta không được phép đổ lỗi cho nhau. Tất cả chúng ta cần phải chịu trách nhiệm với những gì sẽ đến trong tương lai.

Điều đó tùy thuộc vào quí vị.

Xin cảm ơn vì sự quan tâm!

Chúc mọi người có một đêm Trung Thu ấm áp trong tình yêu thương!

Gửi riêng trang Ba Sàm


Nguyễn Trọng Vĩnh - Lại đường sắt cao tốc


Nguyễn Trọng Vĩnh

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sao cứ cố đấm ăn xôi làm những thứ “cho tương lai” với khoản tiền khủng, trong khi kinh tế đang lao dốc không phanh thế nhỉ? Đáng ra, nếu có con mắt thực tế, và nhất là thực sự lấy mục tiêu giao thông là để phục vụ 85 triệu con người chứ không phải chỉ nhắm tới một nhúm người giàu, thì ngành giao thông trước mắt phải tập trung mạnh vào hoàn thiện việc mở rộng, nâng cấp đường 1A càng nhanh càng tốt. Hàng ngày hàng trăm hàng ngàn ôtô và các loại phương tiện chạy lò dò, hoặc có lúc lại chạy thục mạng chen lấn nhau cực kỳ nguy hiểm trên cung đường này mà ngài Bộ trưởng nổi tiếng vì những tiếng “la” động trời sao không thấy có chút bức bối nào cả? Đường sắt Bắc Nam thì thật cực chẳng đã mới phải đi, mùa cao điểm không đủ tàu phục vụ dân, đông đúc chật chội, bẩn thỉu, sân ga nào cũng đầy phân và nước giải, khai nồng khai nặc mà chả lo cải tạo sao cho tất cả các đoàn tàu đều có thùng chứa, nhất là mở rộng ra khổ 1m45 vừa giúp bà con lam lũ – và cả khách lai vãng hạng trung – có một phương tiện đi lại văn minh, lịch sự mà tốn kém chỉ bằng một phần tiền đổ vào cao tốc thôi? Việc tưởng đơn giản thế còn chưa thể thực hiện được lại cứ mơ giấc mơ cao tốc để hứng thêm hàng chục hàng trăm tỷ Đô nợ nần vào trong cái tổng số nợ thống kê chỉ nhìn biểu đồ đã thấy chóng mặt. Chiều ngang đất nước thì nhỏ, biết bao cánh rừng đặc chủng, rừng nguyên sinh, vườn quốc gia, chùa chiền, đình miếu, di tích quốc gia… sẽ vì thế mà bị cắt, bị xẻ, thậm chí bị triệt tiêu đến sạch? Hay đất nước này chỉ cần đường sắt cao tốc để nối dài con đường vận hành xuống Đông Nam Á cho ai đấy khi động dụng phải tiến xuống thật nhanh, còn thì không cần gì nữa? Mọi thứ của tổ tiên chúng em đã dọn trọi trơn đúng như “các anh” muốn rồi còn gì.Bauxite Viêt Nam

Đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ có vận tốc 250 km trở lên.


Báo Tuổi trẻ đưa tin “Ngày 17 tháng 9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã họp tại TP Hồ Chí Minh về dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam. Nhật tiếp tục đề xuất với Việt Nam xây dựng trước đoạn Hà Nội – Vinh dài 300 km và TP Hồ Chí Minh – Nha Trang dài 370 km với tổng kinh phí 21, 4 tỷ USD. Đoàn nghiên cứu dự kiến năm 2013 sẽ hoàn thành nghiên cứu khả thi và trình Quốc hội phê duyệt”. Đọc được đoạn tin này tôi rất sửng sốt. Nhớ lại năm 2010, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam, đã có hàng trăm ý kiến của các nhà khoa học, của các chuyên gia, của các lão thành cách mạng và của người dân kiến nghị không nên làm, với những lý do xác đáng như sau:
-        Cho đến năm 2020, nước ta cũng chưa có nhu cầu ĐSCT, tàu cao tốc chỉ để chở hành khách không phải là phương tiện vận tải hàng hóa. Người dân bình thường vẫn đi tàu hỏa thường hiện nay và đi xe ôtô khách; người cần đi nhanh thì đi máy bay TP Hồ Chí Minh – Hà Nội và ngược lại, chưa đến 2 tiếng đồng hồ, cần gì tàu cao tốc, người giàu có ôtô “xịn” thì người ta đi ôtô nhà (300 km Hà Nội – Vinh đáng kể gì). Hành khách đi tàu cao tốc sẽ rất ít, có thể sẽ lỗ vốn. Thông tin cho biết ở Nhật đã có mấy tuyến ĐSCT nhưng chỉ có tuyếnTokyo- Ôsaka là có lãi, các tuyến khác đều lỗ vốn.

-        Đảm bảo an toàn ĐSCT cực kỳ khó: chỉ một “bù loong” bị đánh cắp hoặc xiết lỏng, 1 cục đá để trộm trên đường ray là xảy ra thảm họa, một cục đá ném vào tàu cao tốc đương chạy cũng sinh tai nạn. Báo chí cho biết, hiện nay tàu hỏa của ta chạy qua đoạn đường Thanh – Nghệ và Phú Thọ, Yên Bái thường xuyên bị ném đất đá. Tàu hỏa hiện nay chạy qua những chỗ đường ngang có ba-ri-e và đường ngang dân tự mở cũng luôn xảy tai nạn. Liệu tàu cao tốc chắn hoặc tránh có kịp không? Ý thức tham gia giao thông và tính kỷ luật của đa số dân ta đã cao bằng các nước Nhật, Pháp, Đức chưa? Nếu xây dựng một dải rào sắt dài để để bảo đảm an toàn chạy tàu thì sẽ phải xây bao nhiêu cầu vượt qua các đường ngang và còn vô số đường qua đường sắt mà dân tự mở thì sao?

-        Ta còn là nước nghèo mà dự chi một khoản đôla 21,4 tỷ, xấp xỉ bằng tổng dự trữ ngoại tệ hiện có của quốc gia cho một công trình chưa có nhu cầu và có thể bị lỗ thì có phải là cực kỳ vô lý không? Trong khi còn biết bao nhiêu việc bức xúc thiết yếu hơn lại không có kinh phí. Tại sao không cải tạo đường sắt hiện nay để nâng tốc độ chạy tàu, vừa ít tốn kinh phí hơn và trong nước ta có thể tự làm được?

-        Trong kỳ họp Quốc hội khóa trước nhiều vị đại biểu đã phát biểu ý kiến phân tích đầy đủ lý lẽ không nên làm ĐSCT. Mặc dầu ông Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lúc bấy giờ giơ tay chém gió trước Quốc hội và tuyên bố dõng dạc “không thể không làm đường sắt cao tốc” Quốc hội vẫn biểu quyết bác bỏ dự án ĐSCT do Thủ tướng đưa ra.

Nay với động cơ nào mà tổ chức Jaica Nhật và Tổng Công ty Đường sắt ViệtNamlại bàn nghiên cứu dự án ĐSCT để trình duyệt?

-        Về phía Công ty Nhật cho biết rất rõ một số tuyến ĐSCT trong nước họ lỗ vốn nhưng họ cứ thuyết phục ta làm đường sắt cao tốc vì họ sẽ bán được vật tư, thiết bị kỹ thuật, đầu máy, toa tàu cho ta, có việc làm cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thiết kế thi công và công nhân chuyên nghiệp của họ. Các nhà máy liên quan đến làm ĐSCT sẽ có điều kiện tăng được sản phẩm, công nhân có việc làm. Có thể sau này khi vận hành ĐSCT ViệtNam, họ không quan tâm “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” mà! Nếu đôla họ cho vay thì ViệtNamvẫn phải trả.

-        Về phía ViệtNam, hễ dự án được thực hiện thì các quan chức liên quan sẽ có “lại quả” càng nhiều.
Sau này, vận hành có lỗ vốn thì thế hệ sau hứng chịu, số đôla vay có lớn đến mấy thì đó là việc của con cháu chắt è cổ ra mà trả, có hề hấn gì đối với quan chức đương thời.

Mong rằng các nhà khoa học, các chuyên gia và đồng bào nên có ý kiến.

Mong rằng Quốc hội  sẽ lại sáng suốt phủ quyết để khỏi tổn hại cho dân cho nước.

N.T.V.

Nguồn: Bauxite Việt Nam