Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012
Phạm Phú Minh - Vai trò của báo Nam Phong trong việc thúc đẩy sự trưởng thành của quốc văn
Phạm Phú Minh
LTS. Trong dịp Thư Viện Điện Tử Người Việt sắp khai trương - mà độc giả Diễn Đàn Thế Kỷ sẽ có đường nối vào sử dụng, để thay cho mục Văn Khố lâu nay-- với tài liệu mở đầu là toàn bộ báo Nam Phong đã được điện toán hóa, chúng tôi đăng bài viết sau đây như một lời giới thiệu sơ lược và tổng quát về đường hướng của tờ tạp chí này.
*
Nhìn lại bối cảnh văn hóa của nước ta vào đầu thế kỷ 20, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên vì có những cái ngày nay chúng ta coi là tất nhiên thì ngày đó hầu như còn chưa có gì cả. Chẳng hạn như ngôn ngữ viết. Từ đầu công nguyên nước ta đã bị Tàu đô hộ suốt một ngàn năm, sự học vấn hoàn toàn theo Tàu, chữ nho là chữ viết chính thức. Đến khi nước ta được tự chủ kể từ thời Ngô Quyền, về chính trị thì độc lập, nhưng về văn hóa thì vẫn chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, chữ nho lại tiếp tục dùng như ngôn ngữ chính trong việc học hành và trong guồng máy hành chánh của đất nước, mặc dù càng về các thế kỷ sau chúng ta đã chế ra được chữ nôm, và đã có những tác phẩm bằng tiếng Việt, viết bằng chữ nôm. Thế nhưng chữ nho vẫn ngự trị như một thứ chữ viết chính thống, và chữ nôm vẫn bị coi thường. Thứ chữ viết bằng mẫu tự La tinh mà các giáo sĩ Tây phương sáng chế ra từ thế kỷ 16 mà sau này chúng ta gọi là chữ quốc ngữ chỉ bắt đầu được dạy trong các trường kể từ khi người Pháp đến cai trị nước ta, nhưng trong thời gian đầu ảnh hưởng của nó vẫn còn hạn chế, vì nền Hán học vẫn còn ngự trị trong triều đình và giới có học trong nước. Vào thời điểm đầu thế kỷ 20 thì chữ quốc ngữ hãy còn lép vế so với tiếng Pháp đã được dạy rộng rãi và chữ nho vốn đã được sử dụng từ hai ngàn năm trước.
Trong tình hình như vậy, chính sách văn hóa của người Pháp rõ ràng là muốn dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ nho làm ngôn ngữ viết chính thức cho người Việt Nam, bên cạnh tiếng Pháp là ngôn ngữ chính trong hành chánh và học thuật. Họ đã nhìn báo chí như là công cụ trong việc phổ biến chữ quốc ngữ, với tờ Gia Định Báo xuất bản đầu tiên ở Sài Gòn năm 1865, rồi đến Nông Cổ Mín Đàm, Sài Gòn 1901; mãi đến năm 1905 tờ báo đầu tiên mới xuất hiện ở Hà Nội, đó là Đại Việt Tân Báo; rồi đến Lục Tỉnh Tân Văn tại Sài Gòn 1909; rồi đến nhật báo Đăng Cổ Tùng Báo, Hà Nội 1907, Trung Bắc Tân Văn Hà Nội 1913; rồi đến một cái mốc quan trọng khác, Đông Dương Tạp Chí, Hà Nội, 1913. Đặc điểm của tất cả các tờ báo vừa kể là người sáng lập luôn luôn là người Pháp, nhưng chủ bút là người Việt Nam. Vào thời ấy việc làm báo còn xa lạ với người mình, cho nên người Pháp phải đứng ra tổ chức, vừa giữ gìn đường lối, vừa bày vẽ người mình làm báo. Đến mãi thập niên 1930 mới bắt đầu có những tờ báo do người Việt làm chủ.
Đến Nam Phong ra đời năm 1917 thì có ba người đồng sáng lập, là Phạm Quỳnh, Louis Marty và Nguyễn Bá Trác. Ngay số đầu, về mục tiêu của tờ báo, chúng ta đọc thấy những dòng này:
"Mục đích của Nam Phong là thể cái chủ nghĩa khai hóa của Nhà nước, biên tập những bài bằng quốc văn, Hán văn, Pháp văn, để giúp sự mở mang trí thức, giữ gìn đạo đức trong quốc dân An Nam, truyền bá các khoa học của Thái Tây, nhất là học thuật tư tưởng Đại Pháp, bảo tồn cái quốc túy của nước Việt Nam ta, cùng bênh vực quyền lợi người Pháp, người Nam trong trường kinh tế.
Báo Nam Phong lại chú ý riêng về sự luyện tập văn quốc ngữ cho thành một nền quốc văn An Nam..."
Chúng ta thấy bên cạnh việc mang những nguồn tư tưởng mới và tinh thần khoa học của Tây phương đến cho một dân tộc từ nhiều thế kỷ chỉ biết học văn hóa Trung Hoa, báo Nam Phong còn đề ra cho mình một nhiệm vụ khác, là "chú ý riêng về sự tập luyện văn quốc ngữ cho thành một nền quốc văn An Nam". Điều này chứng tỏ vào thời điểm bấy giờ --cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 20-- nước ta chưa có một nền quốc văn trưởng thành. Từ ít ra khoảng hơn một trăm năm trước, Việt Nam đã có những tác phẩm quốc âm điêu luyện, như Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, nhưng đều là những tác phẩm văn vần. Về văn xuôi, tổ tiên chúng ta viết toàn bằng chữ Hán. Nay Nam Phong thấy ngay chỗ thiếu sót ấy và cố làm sao luyện tập cho quốc dân một nền tản văn viết bằng chữ quốc ngữ.
Để hiểu rõ hơn tình hình ấy, chúng ta hãy đọc đoạn văn sau đây của Phạm Quỳnh trong bài Làm Văn đăng trên Nam Phong số 67, năm 1923:
"Tôi còn nhớ năm sáu năm về trước, hồi tôi mới lập ra báo Nam Phong này, ngoài mấy anh em làm báo, không thấy mấy người làm văn quốc ngữ. Có lẽ không ai nghĩ đến rằng chữ quốc ngữ có thể làm thành văn chương được. Trước tôi, ông Nguyễn Văn Vĩnh từ hồi báo Đăng Cổ đã hết sức hô hào, ông thường nói: "Hậu vận nước Nam hay dở thế nào là ở chữ quốc ngữ." Vì ông với tôi trước sau vẫn có một chủ nghĩa là biết rằng ở nước ta chữ Nho không thể giữ được hết, chữ Tây không thể học được khắp, muốn dùng để phổ thông giáo dục cho quốc dân, duy chỉ có chữ quốc ngữ, nhưng muốn cho chữ quốc ngữ dùng được việc thì phải rèn tập cho mỗi ngày mỗi hay hơn lên. Bởi thế nên chúng tôi gia công gắng sức trong bao nhiêu năm, không quản công phu khó nhọc, không quản có kẻ chê bai, chỉ ước ao có một điều là có ngày người mình cũng "làm văn" được như người, nghĩa là làm văn bằng tiếng mình, không phải mượn tiếng người. Ngày ấy có lẽ đã tới đây..."
Chúng ta thấy tình hình năm 1923, nền quốc văn của Việt Nam còn như thế, và đã có những người như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh lo âu việc vun bồi, bằng phương tiện báo chí, để đưa nền quốc văn ấy từ chỗ còn vụng về chập chững tiến dần đến chỗ trưởng thành. Nhờ viễn kiến, tài năng và sự quyết tâm của quý vị thúc đẩy mà nền quốc văn của Việt Nam đã trưởng thành rất nhanh, chỉ 10 năm sau, vào đầu thập niên 1930 Khái Hưng đã viết Hồn Bướm Mơ Tiên, rồi tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn ra đời, bên cạnh các tác giả lừng danh khác cùng thời như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Vi Huyền Đắc v.v..., nền văn học Việt Nam từ thập niên 1930 đã trưởng thành một cách rực rỡ.
Ngày nay chúng ta coi việc viết văn quốc ngữ là việc rất tự nhiên như ăn cơm, uống nước, nhưng không ngờ cách chúng ta chỉ gần một trăm năm thôi, tình hình còn khó khăn, chữ quốc ngữ còn ở vị trí thứ yếu so với chữ nho và chữ Pháp. Và phải có những vị như Phạm Quỳnh, phải có những cơ quan ngôn luận như Nam Phong đi tiên phong khai phá, mở đường dẫn lối với biết bao khó khăn, nước Việt Nam mới có một nền chữ viết như ngày nay. Báo Nam Phong thể hiện sự "đào luyện quốc văn" ấy bằng chính những bài viết của mình về đủ loại thể tài: khảo luận, dịch thuật; nghiên cứu về tư tưởng, tôn giáo, triết học, khoa học; sáng tác văn học... Để đối phó với tình trạng tiếng nước ta còn thiếu từ ngữ trong rất nhiều lãnh vực, Nam Phong đã lập ra một loại từ điển tiếng mới để diễn đạt các khái niệm còn mới mẻ đối với dân ta. Ngày nay nhìn vào các từ ngữ này, chúng ta thấy nó vẫn có thể còn hữu ích, nhất là cho các cộng đồng Việt Nam xa xứ.
Chúng ta phải hiểu thấu các cố gắng đó để biết ơn tiền nhân. Và cách biết ơn thiết thực nhất là chúng ta phải đọc lại báo Nam Phong để cảm nhận, để hiểu biết tấm lòng, tài năng và tình yêu nước chan chứa của cả một lớp người trước, đã khó nhọc dọn đường để chúng ta có thể có những bước chân thong dong trong nền văn hóa của ngày hôm nay.
Từ Khanh - Chỉ Có Nước Bia Là Trong
Từ Khanh
Quán cà phê cổ thụ hoạt động buổi sáng. Các bàn vuông dàn từ lề đường vắng xe cho đến sát mép sông. Những chiếc bàn ngay ngắn, sạch sẽ, lặng lẽ.
Tôi chưa tìm thấy một chỗ ngồi buổi sáng nào trên chốn giang hồ lưu vong lại hồn nhiên như chỗ này.
Giống như ông trời đặt ra một chỗ như vậy để (tôi) uống cà phê sáng.
Con người chỉ góp công vô chút xíu: kê bàn, đặt ghế, nấu nước. Thiên nhiên một tay con người một tay. Hai tay hòa thuận làm thành một chỗ ngồi rất phê.
Thiệt là sung sướng.
Con người không cần hào soạn, làm dáng cho những chiếc bàn hay trang điểm lại cái ghế cho thẳng thớm. Người ta cũng lau cái bàn, lượm vài cọng rác, đứng chờ thực khách gọi. Nhưng những sinh hoạt của cuộc sống cũng tự nhiên như cây mọc trên đất lành.
Bằng một nhịp điệu yên ả vô tư. Hệt như sông ngửa mặt nghênh ngang đưa nắng tới tận chân núi bên kia bờ mà chơi.
Phía bên kia đường, có một chiếc bàn dài để mấy cái nồi bán thức ăn. Mì Shan khô hay nước, bánh samusar, cơm cà ri. Bên này bờ các ông quấn longyi ngồi chồm hổm trên cỏ ngó nước sông chảy. Các cậu bé đi qua bê thức ăn đem về cho khách. thong thả, không nói. Cười mỉm mỉm.
Tôi ăn hai cái samusar lớn bằng bàn tay con nít. Bánh chiên bọc nhân hành trộn với khoai tây nhuyễn, uống một ly cà phê nổi tiếng dở, làm nửa điếu xì gà Miến Điện, thổi khói phù qua cái ông đang nhổ toẹt nước trầu xuống đất.
Xì gà Miến là cheroot, không phải xì gà đựng trong hộp gỗ như thường thấy. Rất rẻ, mua một đô được cả bó hút tháng trời còn nửa điếu. Bên ngoài cuộn bằng lá tha-nat-phet, không biết tiếng Việt gọi là gì. Ruột xì gà là cả một tình yêu ấp ủ (lôi thôi): một mớ lá thuốc giã nhỏ trộn với me, ‘đầu lọc’ làm bằng lá bắp khô. Tất cả cuộn trong một chiếc lá tha-nat-phet đã khô nhưng còn màu xanh lục, gân lá sần như bàn tay khó nhọc nổi lằn xanh.
Tôi nghe một ông bác sĩ ở Yangon kể rằng xì gà Miến do phụ nữ cuốn bằng tay. Các xưởng gia công thuê toàn phụ nữ, mà họ hút không kém gì đàn ông. Khi một thiếu nữ tự tay cuốn xì gà để tặng một chàng nào đó, thì cầm chắc nàng đã chịu chàng. Chàng cứ lai rai tiến nhanh tiến mạnh bảo đảm không cần kinh qua giai đoạn quá độ vẫn tới ngay thiên đàng. Nhưng nếu nàng ra quán mua xì gà thì vẫn chưa ngon. Khi yêu tha thiết, nàng sẽ hái một chiếc lá tha-na-phet còn tươi về, để dưới gối (hay dưới nữa thì không biết) dùng hơi ấm của thân thể để sấy cho đến hôm nào lá khô, nàng sẽ bỏ những cọng thuốc trộn me và lá bắp khô lên lá, cuộn lại làm một điếu cheroot tặng chàng. Hút lá thuốc ướp theo kiểu này ‘phê’ đến ngất ngưởng.
Chẳng may (rất may) tôi chưa được một em Miến nào tặng xì gà tha-nat-phet dù đã xẹt ngang một xưởng gia công toàn các em thoa phấn thanaka. Khi ngồi bập bập bên chân cầu Magway, tôi cố phân tích vị thuốc nhưng không nghe ra mùi gì. Mùi me chắc ít quá nên không có, lá bắp khô tuyệt vô vị. Chỉ dường như có một vị gì nhè nhẹ, tan theo khói thuốc màu nhang.
Thằng nhỏ chạy bàn lắc đầu khi tôi làm dấu tính tiền. Tôi không ngạc nhiên lắm vì từng được ưu đãi mấy lần, nhất là hồi ba lô lên miền bắc. Chắc người Miến thấy tướng tôi te tua bầm dập hơn cả họ nên làm phước chăng.
Thằng nhỏ chỉ tay qua hai thanh niên đang đứng khép nép bên kia đường. Hóa ra là cậu xe ôm hôm qua và một thanh niên rất đẹp trai đang đứng nhìn. Tôi mời họ qua bàn, kêu thêm mấy ly trà đậm. Chàng thanh niên này dong mạo tuấn tú, mũi thanh cao như Meg Ryan, nói tiếng Anh tốt quá, và thật lạ cậu xe ôm hôm nay như bóc lưỡi, cũng nói tiếng Anh. Cậu bảo tôi mời anh ăn sáng, không có gì.
Có chuyện gì xảy ra chăng? Hôm qua, cậu chỉ lỏm bỏm mấy chữ. Hôm nay, cậu nói thành câu thành cú. Vẫn chiếc áo xanh dương sút chỉ, tóc đen cháy vàng, khuôn mặt đen thẫm chìm trong bóng cây râm. Duy ánh mắt u sầu nhưng sáng rực đầy sinh khí. Cậu hỏi tôi đi đâu, đã chuẩn bị xe sẵn, và người thanh niên là bạn sẽ đi theo để làm thông dịch.
Tôi bảo sao bữa nay em nói năng tốt quá, cậu bạn đi theo càng vui nhưng chắc không cần thông dịch. Tôi hỏi bộ em mới học nói cấp tốc suốt đêm qua à?
Chỉ cười cười.
Chúng tôi kéo nhau xuống bờ sông, ngồi và ngó bâng quơ.
Cả hai người thanh niên có một vẻ thong thả lạ lùng. Như thể họ không có gì để than phiền trong cuộc sống này. Chàng thanh niên kia học xong ngành vật lý, về nhà làm ruộng không xong, dạt lên thành phố làm nghề này nghề nọ và tản cư sự nghiệp vào đại đội xe ôm.
Cậu xe ôm của tôi nói hôm qua chạy cho anh bằng làm cả tháng, nên hôm nay nếu tôi muốn đi chỉ cần đổ xăng, khỏi lo tiền. Tỉnh này du khách nước ngoài mỗi tháng đếm đủ một bàn tay. Trong năm, người địa phương đến đông nhất vào ba tháng hành hương chùa Shwesettaw. Những lúc không có khách làm gì, rảnh rỗi làm gì. Chàng thanh niên cười buồn.
‘Lúc nào cũng rảnh.’
Nghe sướng quá. Họ không bị chiếc đồng hồ hủ hóa. Ở bến xe, họ ngồi nhàn tản chờ những chuyến xe hàng từ xa lắc xa lơ bò tới. Nhưng khi xe khục khặc đến rồi họ chưa vội lên. Xe đến giờ chạy nhưng bác tài vẫn tà tà ngồi uống trà ăn trầu, khách chẳng cằn nhằn gì. Lúc đó, những người khách hay cả bác tài xúm lại nói chuyện vặt. Người Miến có nhiều chuyện tiếu lâm chắc nhờ sản sinh vào những lúc như thế này. Hôm qua, trên đường từ Bagan đến Magway, tàu đậu bến Yenangyaung lúc bốn giờ rưởi chiều. Chỉ đi thêm hai tiếng nữa là đến Magway. Nhưng tài công ‘mệt’, anh ta cặp ghe cho nghỉ đến sáng hôm sau. Tôi đã cố tìm hiểu tại sao phải neo tàu suốt đêm mà không làm gì cả. Không đón trả khách. Không lên xuống hàng hóa. Rõ ràng tàu ghé một nơi có rất nhiều giếng dầu chỉ để ghé chơi. Tài công lên bờ ăn trầu uống trà, tắm táp, rồi lại ăn trầu uống trà, ngó phụ nữ chăn heo, dòm con gái tắm sông, ngó con nít nhổ tóc cho bà già. Không ai phàn nàn hục hặc.
Dường như thời gian không bao giờ hết. Dường như với họ, thời gian còn cả đống kia. Không phải vội.
Nhưng đó là cái vẻ ngoài vô tư dưới con mắt của người vô (tích) sự.
Buổi chiều bên bến Yenangyaung. Dân làng có cái vẻ nhàn hạ, sự nhàn hạ bản chất nhưng còn là cách nhàn hạ từ đời sống đã giật đi của họ nhiều thứ. Nhiều làng ở Yenangyaung bị chính quyền xua đi nơi khác để lấy đất làm ‘dự án’. Ở thị trấn dầu mỏ này, dân phải mua phân bón của một công ty do con trai tướng Khin Nyunt làm chủ. Một thứ phân không xài được nhưng giá lại cắt cổ. Những khu đất ven sông màu mỡ phù sa bị chiếm. Người nông dân dạt đi đâu đó.
Một trong những người nông dân ấy là chàng thanh niên đẹp trai đang ngồi với tôi bên cầu sông Magway. Chàng quả không biết làm gì vì ‘lúc nào cũng rảnh’.
‘Có người yêu chưa?’
‘Không có.’
‘Đẹp trai thế này không có người yêu sao sống nổi.’
‘Em thế này có người yêu như người cụt muốn nhảy Yodayar!’
Mấy người xung quanh bật cười. Yodayar là điệu nhảy nổi tiếng của Miến Điện, tay và chân phải thay đổi theo điệu nhạc chuyển tông rất thình lình. Có câu chuyện cười về phiên xử một người mắc nợ nhưng không trả được. Anh ta tự bào chữa trước tòa: ‘Tôi hứa là sẽ trả đủ vốn lẫn lời, nhưng chỉ trả khi nào khá giả kia. Chứ giờ tôi như rùa lật ngửa, nếu tòa bắt tôi trả ngay thì khác gì bắt thằng cụt nhảy Yodayar!’
Chàng thanh niên ví mình như người cụt, sau khi có bằng cử nhân về nhà ở một làng thuộc quận Yenangyaung làm ruộng. Mảnh ruộng bị quan địa phương lấy, bố mẹ dạt đi nơi khác, em gái lên Yangon làm gì đó, còn chàng trôi về Magway chạy xe, ăn trầu, khạc nhổ xuống đất, buồn rầu ngó sông chảy.
Tôi chỉ thấy sự dịu dàng của thiên nhiên và những con người hiền lành nơi bến Yenangyaung hôm nào. Không nhìn ra những nông dân mất đất tứ tán khắp nơi, sẽ không biết lãnh tụ nhóm Thế Hệ Sinh Viên 88 Min Ko Naing đang nằm tù gần chỗ tôi ngồi, nếu không ngồi lại bên chân cầu Magway một sáng yên bình.
Trong không gian riêng biệt này, có rất nhiều nông dân từ các vùng lân cận đổ về kiếm sống.
Lại thêm vài người đàn ông xê lại la cà góp chuyện. Chàng thanh niên đẹp trai ngồi xổm, mặt tựa lên đầu gối, hai tay chặp lại để trên đầu Những người kia từ các làng mạc bên kia sông, vùng đất từng mỉm cười đón Phật, cùng ngồi bệt xuống. Những khuôn mặt đen chìm trong bóng đen dưới tàng cổ thụ.
Ông nông dân kể rằng đàn cá đi hành hương cũng trôi dạt mất mát nhiều rồi. Hai bên bờ sông đất phì nhiêu lắm, nhưng chính quyền địa phương ‘mua’ những miếng đất bồi này để canh tác. Nông dân mất đất. Họ đi xa hơn để trồng hoa hướng dương, trồng mè và đậu. Quan lớn bắt phá đi để trồng lúa. Mà lúa thì không sống nổi vì đất khô. Những gia đình nông dân ly tán qua vùng khác.
Những cánh đồng hướng dương cũng không hiền hậu hoang liêu như tôi tưởng. Chúng phá nhiều rồi, người nông dân nói. Vùng đất mà Phật từng dặn ông Phú Lâu Na là ‘con người ở đó rất hung dữ’, bây giờ vẫn còn hung dữ. E chừng hung hãn hơn. Những mảnh đất bị xới tung, những hàng cây bị đốn hạ. Đất thành hoang. Cây ứa nhựa lệ ứa. Người xiêu lạc. Hồn vất vưởng chờ một tiếng chuông ngân.
Bao nhiêu cảnh đời của dân khó được bày ra trong buổi sáng bình yên này. Những kẻ xa nhà vì chính sách tái định cư, bị bắt lính, bị bắt làm dân công không lương, bị lừa khai khẩn đất hoang thành đất mật rồi cường hào địa phương đến tịch thu, hoặc không còn cách nào sống. Đôi khi chỉ vài gia đình ra đi. Đôi khi cả làng dắt díu nhau đi.
Chúng tôi ngồi bên này sông, ngó bên kia vùng đất mầu nhiệm. Đôi mắt của những người đang ngồi quanh quạnh quẽ u hoài.
Mỗi thân phận là một câu chuyện dài không dứt. Những câu chuyện không ai nói ra mà phải tìm đến, soi rọi bằng tình thương may ra hiểu nổi. Không gì khờ khạo hơn khi nhìn một đất nước qua vài cao ốc trong thành phố, rồi hồ hởi ‘đất nước thay da đổi thịt hàng ngày.’ Trời ơi, da thịt mà thay đổi liền liền như thế nếu không kiết lỵ thì cũng ung thư, cái chắc.
Tôi nói với chàng thanh niên đẹp trai hay là mình kiếm một chỗ nào làm vài ly lai rai. Tôi muốn nghe các bạn trần tình sự đời, những đứa em lưu lạc lên thành phố làm các nghề bí mật, những em nhỏ thất học đói khát bị sung lính, những mảnh đất phì nhiêu hóa man rợ, những mảnh đất man rợ hóa phì nhiêu rồi bị trưng thu, những ngôi chùa quan lớn xây từ tiền dân. Những cặn bã vinh quang trong điện thờ. Bao nhiêu oan nghiệt, bắt bớ, giam cầm, hãm hiếp, đói khát, chia ly.
Chúng tôi quyết định mượn tạm mấy cái bàn của quán cà phê, quay lại, qua bên kia đường mua cà ri làm mồi. Chàng thanh niên nói họ không uống bia, ăn và uống trà thì được. Tôi nhìn những chiếc áo tơi tả bày biện thịt da, bảo biết rồi, biết mấy ông là Phật tử. Không biết nhậu, tốt lắm. Nhưng ra nông nổi thế này thì kiêng cữ làm chi, còn gì đâu mà cữ, làm đại vài chai cho nó đã đời, bao nhiêu tội lỗi phá giới tôi gánh hết.
Nào, chúng ta hãy xông thẳng vào đời. Cạn ly. Sông từ cội nguồn thì trong. Nước sông đến đây dần đục quặn từ thủy điện thượng nguồn. Nước non đang tan tác. Nước mưa cay nồng a xít. Nước mắt khô hạn lắm rồi. Chỉ có nước bia là trong.
Sóng sánh đổ trên nền đất những tiếng thở dài.
Ngự Thuyết - Bọn người lao đao
Ngự Thuyết
Thương nhớ Ân
“Sao hồi đó ở đây buồn quá hả chú ...”
Người đàn bà ngập ngừng. Cô còn trẻ. Cô ngồi trên một chiếc ghế đá nhìn xuống thung lũng, bên cạnh là một người đàn ông đứng tuổi. Buổi trưa cao nguyên nắng mênh mông. Gió lớn. Thông reo gần như gào thét, nhưng cũng có lúc nghe như tiếng suối chảy, hoặc thoang thoảng như tiếng sáo trúc. Trời nhiều mây. Mây cuồn cuộn bay về phía hai ngọn núi nhọn trông như cặp vú khổng lồ nằm phơi mình giữa trời đất mà dân địa phương gọi là Núi Bà. Gần đấy là Núi Ông. Dưới xa, thật xa, qua ba bốn triền dốc với nhiều bậc tam cấp chạy lượn lờ uốn khúc là mặt hồ xanh biếc in hình những chòm cây đứng rải rác hoặc tụ thành từng cụm trên các sườn đồi gần đấy. Cây thì toàn là thông với thông. Thân cây bao bọc bởi lần vỏ nâu đen sù sì nằm lẫn trong biển xanh của lá.
"Sao hồi đó ở đây ...”
Người đàn bà lặp lại. Tiếng nói nhỏ quá, trời gió lớn. Người đàn ông ngồi cạnh dường như không nghe thấy gì, nhìn quanh, lơ đãng, thỉnh thoảng đưa bàn tay nắm lấy vai người đàn bà. Cô ta đưa hai tay giữ lấy mớ tóc buông xuống trước ngực đang bị gió đánh rối. Hai cánh tay áo xắn lên quá khuỷu tay để lộ làn da trắng xanh, chiếc áo sơ-mi vải phin mỏng màu mỡ gà dán sát vào thân hình, và chiếc khăn nhỏ màu xanh lá cây chấm bông cuốn tròn buộc hờ quanh chiếc cổ cao. Chiếc khăn không dùng để che cho ấm cổ, mà như một thứ trang sức. Cô hơi gầy, đôi mắt hoang mang, ngồi giữ ý khép nép.
Người đàn ông chốc chốc lại trân trân nhìn người đàn bà dò xét. Cái nhìn lạnh lùng, sấn sổ, xoi bói, kèm với nụ cười pha chút giễu cợt. Nhạn, người đàn bà, giọng dịu dàng:
"Cái gì vậy chú? Mặt cháu dính lọ nghẹ hả chú?”
Người đàn ông cười khan:
"Làm gì có."
Nhạn cúi mặt. Người đàn ông cười to:
“Thẹn sao? Với tôi mà cũng thẹn? Được, được đấy.”
Làm bộ ngẫm nghĩ, ông chắc lưỡi nói tiếp:
"Cháu đặc biệt lắm, chú phải nhìn kỹ hơn nữa. Nhỏ đẹp theo cách nhỏ, lớn lên lại đẹp cách khác. Nếu có da có thịt thêm chút chút nữa cũng sẽ ... vẫn đẹp. Mà gầy gầy như bây giờ càng lôi cuốn. Chú nhớ, đọc đâu đấy, có những đứa con gái Pháp, con gái Paris hồi bị Đức chiếm đóng trong Thế Chiến Thứ Hai, sống trong thiếu thốn, đẹp não nùng. Càng đói càng đẹp, nhất là đôi mắt như mắt chó sói bị bao vây bốn bề bởi tụi lính Đức thô bạo, tên nào trên tay cũng ôm sẵn nào bánh mì, nào cheese, nào rượu chát. Nhưng đâu có thể đẹp bằng đôi mắt sợ hãi này. Cháu sợ cái gì vậy?”
Nhạn quay nhìn ra xa, thở dài, nói nhỏ:
"Thay đổi nhiều quá!"
"Hả? Cái gì vậy?”
“Dạ, không có gì cả.”
“Có chứ sao lại không. Nhạn nói chú đổi khác? Dĩ nhiên là thế, chú phải khác mà cháu cũng thế, cũng khác. Xa nhau quá lâu rồi nay gặp lại phải có khác. Không khác là bế tắc, là hết thời. Khác nhất là đôi mắt.”
“Thưa chú nói sao ạ?”
Ông Tuệ rung đùi:
“Chú đã nói rồi đấy, đôi mắt sợ hãi. À mà năm nay Nhạn mấy tuổi?"
"Cháu nghe nói người nước ngoài không hỏi tuổi phái nữ, phải không chú?"
"Lại muốn giấu tuổi?"
Người đàn bà nhỏ nhẹ:
"Dạ, cháu không dám giấu đâu ạ!"
"Không sao, cứ cố giấu đi, chú tính ra được ngay. Nào, hồi tôi đi cô còn bé tí, chỉ mới 15, 16 là cùng. Vậy thì nay cháu, xem nào, trên dưới 30, cái tuổi mặn mà nhất trong đời người đàn bà. Đúng không?"
Cô không trả lời, kín đáo ngồi nhích lần ra mép ghế như để tránh nắng. Quả vậy, tia mặt trời buổi trưa xuyên qua những ngọn thông chiếu loe loé những hình sao vào đôi mắt hoang mang, vào đôi môi son tô nhạt. Lốm đốm những vạt nắng trên vai, trên đùi. Nắng trong veo. Một tiếng động khe khẽ, khô khan, dội lên giữa tiếng gió vi vu, giữa tiếng thông reo như không bao giờ dứt. Một trái thông khô rơi xuống chạm vào thành ghế đá văng xuống đất. Thêm một chấm nâu trên nền cỏ xanh. Màu xanh mênh mang, thông xanh, cỏ xanh, mặt hồ xanh, da trời cũng xanh. Lại một trái thông rơi, Nhạn giật mình thảng thốt:
"Sao hồi đó ..."
Xích đến gần người đàn bà hơn, người đàn ông cười cười:
"Sao? Hồi đó, hồi đó hoài! Hồi đó có cái gì hay ho kể cho tôi nghe đi."
"Hồi đó ở đây ... hồi đó chú khác lắm. Giọng nói nữa, cháu cũng nhận không ra. Bây giờ chú pha giọng bắc."
Ông cười lớn:
"Cô nói sai rồi. Giọng của tôi bây giờ là giọng hằm bà lằng, chứ bắc biếc cái gì. Bắc trung nam đều có tuốt. Thống nhất."
Nhạn ngập ngừng:
"Thế sao! Nhưng ... nhưng thưa chú, hồi đó..."
"Hồi đó, hồi đó hoài,” người đàn ông gắt. “Có gì cứ nói đại đi!”
Cô hoảng hốt:
"Dạ."
Người đàn ông dịu giọng:
"Hồi đó tôi khác hồi này chứ gì. Cô đã nói thế nhiều lần, khỏi cần nhắc lại.”
Người đàn bà lại ngập ngừng:
"Dạ, ... hồi đó ở đây buồn quá phải không chú."
"OK, để tôi cắt nghĩa cho nghe,” người đàn ông cao giọng như muốn kết thúc một câu chuyện ông không muốn kéo dài nữa. “Xưa, đây chỉ là một cái thung lũng hoang vu thông mọc đầy, ít người lui tới. Chú có đưa cháu đến đó chơi nhiều lần, có cả bố mẹ cháu cùng đi, cháu còn nhớ chứ. Có con suối nhỏ chảy dưới lòng thung lũng. Một hôm cả nhà muốn mạo hiểm lần lần từng bước trên bờ dốc rồi ngồi phịch xuống hai chân chống đất phía dưới, hai tay vắt ra đàng sau níu cỏ, cố xuống cho đến tận dòng suối thử xem sao. Thì cháu tuột tay nhào người ra phía trước. May chú nhanh tay giữ được cháu. Cháu ôm chầm lấy chú, hốt hoảng, run rẩy, mặt mày tái mét.”
“Dạ, cháu có nhớ chuyện đó, nhớ như in.”
“Tên của vùng này là ... chú nhớ ra rồi, Thung Lũng Tình Yêu, bắt chước cái tên bằng tiếng Pháp, Bois d'Amour, gần thác Cam Ly. Cái tên ấy cũng có lý, trai gái tìm đến đấy chuyện trò, yêu đương. Về sau, trước khi miền Nam mất, người ta đắp đập ngăn nước biến dòng suối thành cái hồ. Nay, sau mấy mươi năm, nơi này đã được sửa sang nhiều và trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Du khách đến đông đúc quanh năm. Cho nên nó không buồn như xưa nữa. Đơn giản thế thôi."
Người đàn bà lặng lẽ ngồi nghe, như chìm trong giấc mơ. Người đàn ông hỏi lớn:
“Cô có nghe tôi nói gì không đấy?”
“Dạ, cháu có nghe. Cháu nghe từng lời của chú. Và cháu còn nhớ mẹ hỏi con đã hết sợ chưa ... và .... và bảo rằng nếu không có chú thì con sẽ trôi theo dòng nước như mấy trái thông khô kia kìa. Thôi, con lên trên kia với mẹ.” Cô nói tiếp sau một phút ngẫm nghĩ. “Nhưng ... nhưng cháu muốn nói hồi đó, hồi ... sau đó, khi chú...”
Ông lại cau mày đăm đăm nhìn cô ta, hơi ngạc nhiên. Bỗng ông reo lên:
"Hay quá, ê Yên, lại gặp nhau đây nữa.” Ông đứng dậy bắt tay người mới đến rồi kéo người ấy ngồi xuống ghế đá bên cạnh ông. “Này này, hôm qua cậu nói sáng nay cậu bay về Sài Gòn mà."
Người đàn ông mới đến trả lời:
"Cũng định thế, nhưng đổi ý.”
“Yên ơi, thấy cậu là thấy đổi ý.”
“Đúng thế, nếu không thì tôi không phải là tôi rồi,” ông Yên cười xòa. “Đi xe du lịch Xinh Cà Phê tiện hơn nên không bay nữa. Sẽ ở đây thêm vài ba hôm."
"Lạ chưa, đến đây một mình? Thế cái thằng kia của cậu đâu?"
Người đàn ông tên Yên cười hô hố:
"Anh Tuấn hả? Ảnh đang bận tán con nhỏ bán trái cây ngoài kia. Chán thiệt.” Quay nhìn người đàn bà, ông Yên nói hối hả. “Xin lỗi, chào chị, chị ..."
"Chị chị cái gì," người đàn ông chen vào. "Cháu tôi đó.”
Nhạn ngồi yên ở mép ghế mỉm cười với người mới tới rồi quay mặt đi nơi khác. Người đàn ông nói tiếp:
"Đây Nhạn, cháu tôi, đồng thời cũng là bạn của tôi, và đây Yên, cũng bạn tôi. Mà bạn của bạn là bạn. Và thù của thù cũng là bạn. Bạn chung. Nhưng bạn của thù là thù. Phải không Yên."
Người đàn ông tên Yên cười xuề xòa, mắt nhắm tít sau cặp kính cận dày cộm. Tiếng cười chưa dứt đã nối tiếp bằng tiếng nói oang oang:
"Cậu đang ôn bài học khai tâm về chính trị hồi đó hả?”
“Hồi đó là cái con khỉ gì. Hồi nào?” ông nhìn qua phía cô gái.
“Hồi ở tù cải tạo chứ còn hồi nào nữa,” ông Yên đáp. “Bực quá, thấy gái là a thần phù vào."
Người đàn ông nhíu mày:
"Thằng Phù nào đây nữa? Mà này, cái thằng Tuấn của cậu hình như chỉ biết sống trong không gian thôi..."
"Sao?" Ông Yên ngắt lời. "Sống trong không gian? Ảnh được chọn làm phi hành gia hồi nào vậy? Ông có nói lộn không?"
"Trong không gian chứ có phải là bên ngoài không gian, bên ngoài bầu khí quyển đâu. Đừng lẫn hai thứ. Tôi muốn nói trong không gian thì hắn có sống, có nhúc nhích, có đi đây đi đó, có đổi chỗ ở, có ở tù, và cũng có chạy qua đây, vân vân và vân vân, như tôi với cậu. Nhưng trong thời gian hắn nay không khác hắn xưa chút nào. Bây giờ hay cách đây hai ba mươi năm vẫn thế, thấy gái là lũi vào, trẻ không tha, già không buông."
"Đúng thế,” ông Yên đáp. “Chán anh ấy quá. Nhưng cậu cũng thế thôi, thấy gái cũng ... Ấy chết..."
Ông Yên ngưng lại giữa câu nói, liếc mắt nhìn người đàn bà ngồi ở mép ghế bên kia. Dường như không muốn để ý đến câu chuyện của người khác, Nhạn nhìn xa, thở dài.
Người đàn ông như sực nhớ có Nhạn ngồi bên cạnh, quay qua nói:
“Thở dài vì có gì buồn trong lòng chăng, hay chẳng qua đó chỉ là một thói quen, thói quen lâu thành tật. Hay cũng có thể là một cách làm duyên? Sao? Làm duyên hả cô Nhạn của tôi?”
Cô im lặng.
Ngoài kia, những đám bụi đỏ nhờ nhờ thỉnh thoảng tung lên mỗi khi có xe hơi chạy qua làm mù mịt con đường trải đá. Con đường dài nằm giữa ngăn cách một bên là khu du lịch với cây cối, hoa lá, hồ nước, quán xá, bên kia là những thửa vườn thoai thoải xuống một thung lũng cạn trồng nhiều loại rau cải, cây, trái. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn, đám bụi đỏ lắng xuống, trả lại cho cảnh vật màu xanh của rừng thông, màu hồng, tím, đỏ, trắng của nhiều loại hoa đang đua nhau nở. Trời nắng trưa nhưng trong bóng im vẫn không oi bức lắm. Dưới những gốc thông, dưới những mái nhà lợp lá không vách bao quanh, du khách ngồi tụm năm, tụm bảy, nghỉ ngơi, chuyện trò, hoặc mang thức ăn ra ăn. Nhiều người, thường là những người ngoại quốc, ngồi bệt xuống đất, hoặc nằm dài trên những thảm cỏ gấp hai cánh tay làm gối. Cỏ xanh tươi, mịn màng, sạch sẽ.
Bỗng tiếng nhạc từ loa phóng thanh cạnh phòng bán vé trổi lên bài Đêm Đông. Người đàn ông nói với Nhạn:
“Trưa hè nắng muốn đổ lửa mà cứ ong ỏng đêm đông. Có bài hát nào tên Trưa Hè không, Nhạn? Cháu hát cho chú nghe một bài về mùa hè đi. Ngay bây giờ.”
Cô cúi mặt nói lí nhí những gì không rõ, rồi lặng lẽ đứng dậy rút chiếc khăn tay nhỏ từ trong túi quần chặm nhẹ lên vài giọt mồ hôi đọng trên trán, trên cổ. Đưa mắt chào hai người đàn ông, cô vói tay lấy chiếc áo khoác mỏng vắt trên thành ghế đá choàng vội vào vai, và cỗi giày ra cầm trong tay, lần từng bước đi xuống những con dốc trơn trợt khá dài. Ông Yên cũng đứng dậy hối hả nói oang oang:
"Hà hà, xin lỗi chị ... cô ... Cô hãy ngồi lại chơi tự nhiên với anh Tuệ đi. Tôi chỉ giỏi đến quấy rầy. Nhưng tôi đi ngay mà."
Người đàn ông, ông Tuệ, cũng nói vói theo:
"Cháu đi đâu đấy?"
Nhạn quay đầu không trả lời, đưa tay vẫy chào và tiếp tục đi. Ông Tuệ nheo mắt nhìn theo cô ta, nói to:
"Xuống hồ hả! Nhớ cẩn thận, đường đầy lá thông khô trơn trợt, coi chừng té gãy giò. Nhưng như thế cũng tiện, để đàn ông người ta nói chuyện với nhau. Chờ tôi dưới đấy, chốc tôi xuống ngay. Đừng đi nơi nào khác, đừng bắt tôi tìm kiếm, mất thì giờ của tôi lắm."
Khi người đàn bà đã đi xuống các tam cấp khuất tầm mắt, ông Yên lại ngồi xuống, cổi mắt kính ra lau, và oang oang:
"Cô bé trông được lắm đó, phải không câu. Còn cậu thì có khác chi Tuấn, gặp gái là tán riết. Làm như tán gái là bổn phận của đàn ông. Giống như gà.”
"Cái gì?"
"Cậu từng ở nhà quê chứ? Gà trống thấy gà mái là giở trò dê ngay, sè cánh xuống sát đất nghiêng người đi vòng vòng ngất ngưởng quanh con gà mái theo cái điệu đấu bò tót của dân Tây Ban Nha."
“Đó là cái kiểu của gà, sao bảo nó dê?”
Ông Yên không để ý lời của bạn, đứng dậy kéo ông Tuệ đi đến gặp một người đàn ông tóc nhiều muối hơn tiêu đang đứng ba hoa với một cô bán hàng khá xinh ngồi trước quầy hàng trái cây cạnh chiếc cổng lớn bên ngoài phòng bán vé:
"...răng cũng đẹp mà tóc cũng đẹp. Cái răng cái tóc. Mà mặt mày tay chân gì cũng đẹp. Nhưng đôi mắt thì hết biết, tuyệt! Còn có cái gì khác cũng đẹp mà tôi quên nói tới hả cô em?"
Cô hàng lém lỉnh:
"Chú quên cái đó rồi hả. Cái gì chú biết không?”
“Không biết.”
“Đó là ... là mấy nải chuối La Ba ngon hết sẩy, dâu tây trong vườn vừa mới thu hoạch sáng nay tươi rói, trái bơ, trái hột gà, trái mơ, trái mận Trại Hầm cũng thơm ơi là thơm."
Cô hàng đưa nải chuối lên mời. Người đàn ông tóc tiêu muối nhại:
"Và cô em ăn nói có duyên ơi là duyên."
Nói xong ông ta cầm tay cô hàng đang đưa nải chuối.
“Thôi nghe, thôi nghe. Đừng mà!”
Ông ta buông tay ra rồi nhại:
“Vâng, đừng mà.”
Ông Yên đứng cạnh nhìn chòng chọc. Cô hàng lại tiếp lời:
"Mua ngay đi chú. Còn hai chú tê đứng làm chi đó, ngồi xuống đi. Mua một thứ cũng tốt, mà mua hai ba thứ hay mua hết quầy cháu cũng không cấm cản. Khẩn trương kẻo hết!"
"Khẩn trương? Nghe ngộ quá. Tôi khẩn trương mua đây. Vâng, mua trọn ... trọn gói nhé, trong đó có cả cô nữa đấy.”
Cô hàng ngoe nguẩy:
“Không dám đâu.”
“Cô không dám nhưng tôi dám. Nhưng cứ chú chú, cháu cháu nghe kỳ quá. Gọi là anh đi. Anh còn trẻ mà.”
Ông Yên chen vào:
"Tuấn ơi, anh thì nhất rồi, trẻ mãi không già. Vừa phải thôi chứ!"
Người đàn ông tên Tuấn trả lời:
"Chốc nữa chúng mình sẽ có khối chuyện để đấu với nhau, còn bây giờ xin để yên cho tôi nhờ. Tôi không bắt chờ lâu đâu." Xoay qua cô bán hàng. "Cô nghe thấy bạn tôi nói đấy chứ, trẻ mãi không già! Thật ra cũng có già đôi chút so với cô em, tuy thế còn được lắm. Con gái gặp là chịu ngay. Nhưng trước hết là phải đổi cách xưng hô."
Cô bán hàng cười ngây thơ:
"Không gọi chú là chú thì cháu phải gọi là chi đây? Ôn nghe. Dạ thưa ôn, ôn nói đúng. Bọn con gái tụi cháu chịu mấy ôn lắm."
"Xưng hô cái kiểu gì mà ớn vậy! O là người Huệ?"
"Dạ đúng. Người Huế vô trong ni làm ăn cũng bộn. Thưa ôn, ở ngoài Huế mình cũng như ở đây, con gái rất thích mấy ôn, rất thích sưu tầm đồ cổ..."
Ông Yên cười toáng lên một cách sung sướng, vừa bước đi vừa nói với ông Tuệ:
"Đáng đời! Đáng đời!"
Ông Tuệ tiếp lời:
“Ăn thua gì. Càng được đàn bà mắng chửi thằng Tuấn càng khoái. Chốc nữa tôi phải sửa cái thằng này mới được.”
“Nhớ nhé, chắc chắn nhé,” ông Yên rối rít. “Cậu giũa cho ảnh một trận te tua đi.”
Hai người đàn ông bước đi, tiếng nói láu lỉnh của cô hàng còn văng vẳng đuổi theo:
"... mà đồ cổ càng để lâu càng có giá, càng đắt tiền. Nhưng, nhưng trong túi ôn có chừng mô? Nói thiệt cho con cháu nó mừng."
Ông Tuấn hớn hở đáp:
"Cô em của tôi cứ việc mừng đi. Sách có câu, 'Càng già càng dẻo càng dai'. Ôn tiền không nhiều nhưng tình thì lai láng."
Nói xong, ông Tuấn rút tờ giấy bạc 100 ngàn đồng đưa cho cô hàng, xách nải chuối La Ba, và đứng dậy. Cô hàng vội vã:
"Đi mô mà gấp dữ rứa hả ôn ... hả chú ... hả anh! Tiền thối đây anh, đây anh.”
“Khỏi, cô giữ lấy.”
“Nhưng anh ơi hãy cứ ngồi xuống với em cái đã rồi sẽ tính.”
Ông Tuấn cười tình rồi quay người bước đi nhanh theo hai ông bạn. Cô bán hàng ngồi bên cạnh chỏ mỏ:
“Ủa lạ chưa! Hôm nay mày ăn phải cái gì mà chê tiền đấy hả?”
“Còn lâu.”
“Sao đòi thối.”
“Tao nói thế để dụ thằng già dịch ngồi lại.”
(Còn tiếp)
Hoàng Hưng - Ba mươi năm "Về Kinh Bắc"
Hoàng Hưng
Ba mươi năm thoắt như giấc mộng. Kể từ buổi chiều oan nghiệt (ngày 17/8/1982) khi chiếc xe bịt bùng chở mình từ đồn Công an Hàng Bạc về thẳng Hỏa Lò, mở đầu vụ án văn tự có lẽ là kỳ quái nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Đến hôm nay vẫn không biết nên cười nhiều hơn hay mếu nhiều hơn! (Chi tiết vụ án đã được kể trong bài “Về Kinh Bắc: một vụ án “hậu Nhân Văn” viết nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày ra tù, 2010).
Hôm nay nhắc lại chuyện cũ vì một kỳ duyên mới: Sau 30 năm, thật bất ngờ gặp lại cố tri, “tang vật” chính của vụ án: tập chép tay Về Kinh Bắc mà anh Hoàng Cầm chép tặng, với chữ ký của người can tội “lưu truyền văn hóa phẩm phản động” (tức là tôi) xác nhận trên từng trang. Trang đầu Hoàng Cầm viết bằng chữ đỏ: Chép gửi Hoàng Hưng, cho mai sau của chúng ta. Hànội tháng Tám 1982, với hình vẽ đầu một cô gái đẹp. (Mười hai năm sau, cái “mai sau” ấy thành hiện thực, khi Về Kinh Bắc được xuất bản chính thống, anh Hoàng Cầm vẽ lại bìa tập thơ có hình cô gái y như thế để tặng tôi và một số người thân). Kèm một trang có hình vẽ màu nước ba cái lá (chắc là “lá Diêu Bông”) mà anh Văn Cao vẽ làm bìa tập thơ theo yêu cầu của tôi. Lại thêm cái bìa montage siêu thực mà ông Trần Thiếu Bảo hứng chí làm chơi. Nhưng thiếu những phụ bản mà tôi xin họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ cho, thể hiện các cô gái quan họ quen thuộc của ông. Các cô giờ lưu lạc nơi đâu?
Chẳng biết con đường lòng vòng nào đã đưa “tang vật” này đến tay nạn nhân-chủ nhân của nó sau 30 năm lưu lạc. Còn nhớ 10 năm trước, trong ngày sinh nhật thứ 80 của Hoàng Cầm tại nhà thi sĩ, thiếu tướng Phạm Chuyên, giám đốc CA Hà Nội, đã hứa trước mặt nhiều văn nghệ sĩ là sẽ tìm để trả cho tôi báu vật này. Ít lâu sau ông bắn tin là tìm không thấy. Thì ra nó đã lọt ra ngoài từ bao giờ!
Thì giờ đây cũng có thể coi là “châu về hợp phố”! Có phải Ý Trời để chính thức khép lại mọi ân oán của vụ kỳ án này?
Đối với hai nạn nhân của vụ “Về Kinh Bắc”, anh Cầm thì đã ngậm cười nơi chín suối, còn tôi cũng dần dần “ngộ” lẽ tha thứ và thương cảm của Đức Như Lai, chuyện ân oán chẳng còn bận tâm.
Nhưng chừng nào những người hữu trách vẫn không chịu thay đổi cái chính sách gọi theo từ nhà Phật là “vô minh” – vẫn tìm cách dập tắt các tác phẩm nghệ thuật, báo chí, nói rộng ra là các tư tưởng mà họ tùy tiện áp đặt tội danh “phản động”, bất chấp sự thực là những tác phẩm ấy không cần chờ quá lâu để được xã hội tôn vinh - thì ân oán còn “trùng trùng giao kết căn duyên” (Nhập Môn, thơ HH).
Tôi đã có lần nói với các sĩ quan an ninh “làm việc” với mình: “ Các anh nên nhớ rằng chính trị là chuyện nhất thời, còn văn hóa thì sống mãi.” Nay muốn nói thêm: Chính trị hóa văn hóa là tự chuốc họa cho chính mình, vì tự tạo ra kẻ thù không đáng có. Thay vì thế, xin hãy một lần thực tập “pháp môn lắng nghe”, lắng nghe những tiếng nói khác biệt, những tiếng nói phản biện, cả những tiếng nói đối lập. Đó là con đường duy nhất để đạt được sự đồng thuận của dân tộc trước hiểm họa lớn lao của đất nước.
Hôm nay, nhân kỷ niệm 30 năm vụ “Về Kinh Bắc”, tình cờ cũng là năm sinh nhật thứ 90 của Hoàng Cầm, thứ 70 (đã là “xưa nay hiếm”) của bản thân, tôi xin trân trọng công bố toàn vẹn bản chép tay quý báu của Hoàng Cầm với tranh bìa của Văn Cao và Trần Thiếu Bảo. Đây cũng là mở đầu cho việc lần lượt công bố trên mạng mấy bản thảo của tôi đã nhiều năm nay không xin được giấy phép xuất bản. Xét thấy mình thật vô duyên, cứ cố “xin” mãi mà người ta không “cho”, mà có cho thì chắc cũng chỉ in được vài trăm cuốn không biết có ai mua trong tình hình khủng hoảng thị trường sách in hiện nay, vậy tội gì mình không EBook cho nó “phẻ”? Tôi bèn coi đây là mở đầu cho bộ sưu tập HHEBOOKS, trước hết phục vụ cho bản thân, sau đó là chia sẻ với đồng bào mạng, mong nhận được ít nhiều đồng cảm.
Tháng 8/ 2012
Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Một Nơi An Lành Cho Bác
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
“… sử dụng xác chết Hồ Chí Minh cho ‘trò chơi biểu tượng’ phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị ích kỷ, ĐCSVN đã cố tình tấn công vào các giá trị thẩm mỹ, đạo đức của người Việt, vi phạm pháp luật, làm khổ thân xác của Hồ Chí Minh, xúc phạm nghiêm trọng phẩm giá, danh dự của người chết và người thân trong gia đình. Hãy chấm dứt trò chơi biểu tượng ngoại lai, phi pháp này!” - Lê Diễn Đức
Trong phần hậu từ của tác phẩm Chuyện Làng Ngày Ấy, nhà văn Võ Văn Trực đã cẩn thận ghi thêm đôi dòng ...trấn an:” Viết lại chuyện cũ, tôi hoàn toàn không có ý đồ xấu xa moi móc những sai lầm chúng ta đã vấp phải, để rồi đổ lỗi cho người này hoặc người kia, mà cốt để chúng ta đừng lập lại những sai lầm ấy – ‘Chúng ta’ không có nghĩa chỉ là thế hệ được chứng kiến sai lầm, mà tất cả mọi thế hệ mai sau.
Từ sau đại hội Ðảng lần thứ VI, nhất là từ sau nghị quyết IV về văn hóa - xã hội của ban chấp hành trung ương Ðảng khóa VII, chúng ta thẳng thắn nhìn vào những sai lầm cũ và đề xuất phương hướng đi tới. Mọi giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phục hồi. Ở làng tôi, đền chùa miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, rừng cổ, cây cổ thụ đã bị phá trụi, không còn gì để phục hồi nữa. Nhưng tình làng nghĩa xóm đã dần dần được hàn gắn, mọi người lại sống trong một cộng đồng đầm ấm, cùng bắt tay khôi phục những gì còn có thể khôi phục được. Các chi họ, các dòng họ đã sửa sang lại khu mộ của tiền nhân. Ðảng ủy xã, ủy ban nhân dân xã đã xây đài tưởng niệm liệt sĩ.”
Những lời “trấn an” thượng dẫn, tiếc thay, đã không mang lại kết quả như tác giả mong muốn. Bởi vậy, dù Chuyện Làng Ngày Ấy đã được giấy phép xuất bản nhưng sách chưa ra khỏi nhà in thì đã bị thu hồi, và bị “chôn sống” trong kho, với lệnh “niêm phong” vô thời hạn (*).
Quí vị phụ trách Ban Tư Tưởng & Văn Hoá, tất nhiên, có lý do để biện minh cho sự kiện rất vô văn hóa này. Đâu có ai ngây thơ tới cỡ tin rằng “Ở làng tôi, đền chùa miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, rừng cổ, cây cổ thụ đã bị phá trụi, không còn gì để phục hồi nữa. Nhưng tình làng nghĩa xóm đã dần dần được hàn gắn, mọi người lại sống trong một cộng đồng đầm ấm, cùng bắt tay khôi phục những gì còn có thể khôi phục được.”
Người ta có thể vực dậy một làng quê, một đất nước xác sơ tiêu điều trong trong mươi, mười lăm năm nhưng để khôi phục “mọi giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc” đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, chứ vài ba cái “nghị quyết về văn hóa - xã hội của ban chấp hành trung ương Ðảng” thì kể như là đồ bỏ!
Việc Đảng “phá trụi đền thờ, miếu mạo” đến độ “không còn gì để phục hồi” nữa đã để lại những tác hại về phương diện đạo đức - cũng như về tâm linh – ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người. Và ông Hồ Chí Minh hiện đang là một trong những nạn nhân khốn khổ, khốn nạn nhất, chứ chả phải là ai khác.
Sau khi lìa đời, thay vì được chôn cất tử tế, Hồ Chí Minh đã bị bỏ vào một cái lăng thâm u và lạnh lẽo – cùng với rất nhiều điều tiếng:
Thi sĩ Bút Tre:”Vào trong lăng Bác âm u. Chị em phụ nữ dở mũ ra chào.”
Giáo sư Trần Khuê và tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân:
“... đề nghị Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính thử tính sổ xem 30 năm qua ta đã tiêu tốn vào lăng Người tổng số là bao nhiêu tiền của… Và thử xem riêng ngân sách dự chi cho năm 2000 xem có thể xây được bao nhiêu trường học cho một ngàn xã hãy còn vắng về giáo dục ở miền cao. Có thể xây bao nhiêu căn nhà để nuôi trẻ mồ côi… Có thể xây bao căn nhà dưỡng lão cho người già lão cô đơn, không nơi nương tựa. Có thể xây bao nhiêu nhà thương làm phúc chữa bệnh cho người nghèo…”
Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh : “Tôi nghĩ một ngày nào đó, khi chúng ta vượt qua nỗi khiếp sợ của cái ngu và ác, tôi đề nghị một phương pháp xử lý lăng Hồ Chí Minh như vầy: chôn ông ta thật sâu dưới lòng đất, ngay nơi xác ông ta đang quàn, rồi dán lên bên trong, bên ngoài của tất cả những bức tường, trần và các lối đi trong lăng những đầu lâu của những nạn nhân, ưu tiên là những nạn nhân trong cải cách ruộng đất, và đổi tên thành: LĂNG NHỮNG NẠN NHÂN CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN VIỆT NAM.”
Nghe thấy ghê chết mẹ luôn. Hèn chi mà thằng chả vừa mới dứt lời thì đại gia Dũng Lò Vôi đã lật đật ôm bác Hồ bỏ liền vô chùa (Đại Nam Quốc Tự) cho nó chắc ăn.
Tuổi Trẻ Online mô tả “Đại Nam quốc tự và khách sạn 5.000 phòng, gồm 1.000 phòng được thiết kế theo kiểu cung điện với giá 5-200 USD/phòng/đêm, 4.000 phòng còn lại có giá 5-30 USD/phòng/đêm.” Thiệt là quá đã. Đúng là Lạc Cảnh Đại Nam Quốc Tự. Chùa mà xây chung với chợ như vậy thì trước sau gì chị em ta ở bến Ninh Kiều, ở Đồ Sơn, ở Quế Lâm ... rồi cũng sẽ nườm nượp tề tựu về Bình Dương sống chung với Bác cho coi.
Dù có tượng Phật (làm vì) bên trong chính điện, với cái thứ chùa chiền tào lao và uế tạp (với sở thú, khu ăn chơi, phòng ngủ và đĩ điếm kề bên) như thế, người Việt có tên gọi dành riêng cho nó là dâm từ.
Dâm từ, theo Việt Nam Tự Điển – Khai Trí Tiến Đức là «đền thờ thần bất chính». Còn theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình - Tịnh Paulus Của (Imprimerie Rey, Curol & Cie : Sài Gòn 1895, trang 219) là miếu thờ yêu quái. Ở dâm từ, dân gian hay thờ cúng những… dâm thần!
Nghe mà thấy ớn. Thảo nào, ngày 19 tháng 5 năm 2012 – nhân kỷ niệm lần thứ 122 ngày sinh của ông Hồ Chí Minh – sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã vội vã đưa Bác sang trời Âu lánh nạn. Sự kiện này được phóng viên của Đàn Chim Việt, thường trú tại Varsovie, tường thuật như sau:
“Trong phần nghi lễ chính, đại sứ Nguyễn Hoằng và phu nhân đã cùng làm lễ hô thần nhập tượng chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nghi lễ, việc ‘mời’ linh hồn Hồ Chí Minh để nhập vào tượng trực tiếp từ Lăng trên quảng trường Ba Đình hay từ hang Pác bó, và Bác sang Ba Lan bằng phương tiện giao thông nào là một điều bí hiểm thuộc ‘bí mật ngoại giao’ mà ông Hoằng đại sứ giữ kín không tiết lộ.”
Ông đại sứ và phu nhân trong nghi lễ nhập hồn vào tượng. Ảnh:ĐCV.
Ở một đất nước mà cái cột đèn (nếu) có chân cũng chạy luôn thì chuyện Bác phải đi tị nạn cũng không có gì là lạ. Chỉ có điều đáng phàn nàn là Bác ngồi chưa ấm chỗ thì đã có sự cố xẩy ra.
Ở quê nhà, thiên hạ đang xôn xao về việc “Hồ Chí Minh sẽ làm thành hoàng tại các đình làng. Theo chỉ đạo của Quận ủy & UBND quận Tây Hồ, Ban Quản lý đình làng Phú Xá (làng Sù – phường Phú Thượng, Tây Hồ, HN) đưa tượng Hồ Chí Minh vào đình làng này để thờ cùng thành hoàng làng (vốn ngự ở đình đã gần 300 năm). Cũng theo chỉ đạo, 3 nhà sư trong trang phục Phật giáo đã sử dụng 1 đầu trâu và 3 bát máu tươi để cúng cho hồn tượng thêm ‘linh.’
“Dự buổi lễ khánh thành tượng Hồ Chí Minh ở đình làng vào sáng hôm sau có các quan chức: Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, đại diện các ban ngành đoàn thể của quận, phường. Tổng giám đốc Khu đô thị Nam Thăng Long, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bao bì xuất khẩu (hai đơn vị tài trợ chính) đã tham dự. Giá trị bức tượng khoảng hơn 2 tỉ đồng.Tới đây, quận sẽ chỉ đạo các Ban quản lý đình làng trên địa bàn quận học tập và làm theo để phấn đấu mọi đình làng đều phải có tượng Hồ Chí Minh được thờ cùng thành hoàng làng.”
(http://youtu.be/j7VXAIRbBSE)
Trên dương thế mâm nào mà không có Bác. Qua cõi khác, Bác lại tiếp tục bao thầu trọn gói và tuốt luốt khắp mọi nơi thì cũng tốt thôi. Tuy nhiên, tưởng cũng nên tìm hiểu thêm về ý nghĩa của hai thành hoàng (một cách đàng hoàng) chút xíu.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có ghi như sau:
“Thành hoàng (chữ Hán: 城隍) là vị thần được tôn thờ chính trong đình làng Việt Nam. Vị thần này dù có hay không có họ tên & lai lịch, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng & đều mang tính chất chung là hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó…
Thành hoàng xuất phát từ chữ Hán: Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành…
Các thứ hạng
Cũng theo sách Việt Nam phong tục, thì mỗi làng phụng sự một vị Thần hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần.
Phúc Thần có ba hạng:
Thượng đẳng thần là những thần danh sơn Đại xuyên, và các bậc thiên thần như Đông thiên vương, Sóc thiên vương, Sử đồng tử, Liễu Hạnh công chúa... Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Thứ nữa là các vị nhân thần như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... Các vị này khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước; lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Các bực ấy đều có sự tích công trạng hiển hách làm Thượng đẳng thần.
Trung đẳng thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng; hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc là những thần có chút linh vị, tới khi nhà vua sai tinh kỳ đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung đẳng thần.
Hạ đẳng thần do dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bực chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong cho làm Hạ đẳng thần.
Ngoài ba bực thần ấy, còn nhiều nơi thờ bậy bạ, như: thần bán lợn, thần trẻ con, thần ăn xin, thần chết nghẹn, thần tà dâm, thần rắn, thần rết... Các hạng ấy gọi là tà thần, yêu thần, đê tiện thần vì dân tin bậy mà thờ chớ không được vào tự điển, không có phong tặng gì...
Ho Chi Minh - Frank Kozik
Bác, rõ ràng, thuộc loại “thần bậy bạ” nhưng chưa có danh xưng tên nên tôi mạo muội xin đề xuất gọi tên ngài là... thần chết. Cũng theo Wikipedia:” Chiến tranh Việt Nam đã gây ra cái chết của từ 3 đến 5 triệu người Việt.” Nếu không có Bác, chắc chắn, đã không có hai cuộc chiến rất thần thánh và hoàn toàn không cần thiết vào thế kỷ vừa qua. Và ngoài Bác ra ai mà có đủ khả năng đẩy “từ 3 đến 5 triệu người Việt” vào... chỗ chết?
Tưởng Năng Tiến
(*) Chuyện Làng Ngày Ấy do NXB Lao Động ấn hành tháng 6 năm 1993. Nhà văn Xuân Cang chịu trách nhiệm xuất bản. Nhà văn Ma Văn Kháng chịu trách nhiệm bản thảo. Tác phẩm này được in lại (năm 2006) bởi Tạp Chí Văn Học, ở California.
Nguyễn Hưng Quốc - Cưỡng chế ngôn ngữ
Nguyễn Hưng Quốc
Ở Việt Nam, mấy năm gần đây, có một chữ khá thịnh hành và thường gây xôn xao dư luận: “cưỡng chế đất đai”. Nhưng việc cưỡng chế ấy không phải chỉ giới hạn ở chuyện đất đai. Từ lâu, chính quyền đã có một hình thức khác: cưỡng chế ngôn ngữ.
Hình thức cưỡng chế ấy có nhiều biểu hiện.
Thứ nhất, nhà cầm quyền cộng sản sử dụng ngôn ngữ như những nhãn hiệu để phạm trù hóa kẻ thù. Ngày xưa, thời kháng chiến chống Pháp, đó là những chữ “thực dân”, “Việt gian”, “địa chủ”, “cường hào” và “tư sản”; sau, thời chiến tranh Nam Bắc, đó là những chữ “đế quốc”, “chủ nghĩa thực dân mới”, “Mỹ ngụy”, “bù nhìn”, “tay sai”, “ác ôn”, “phản quốc” và “phản động”; sau năm 1975, “chủ nghĩa bá quyền”, “chủ nghĩa bành trướng”, “tư sản mại bản”, “tàn dư của chủ nghĩa thực dân” và “phản động”; gần đây, thêm hai khái niệm mới: “diễn tiến hòa bình” và “âm mưu của các thế lực thù địch quốc tế”. Đi đôi với các từ ngữ ấy ấy là vô số các ẩn dụ nhằm phi nhân hóa kẻ thù: “sài lang”, “lang sói”, “ác thú”, “quỷ dữ”, v.v.
Những nhãn hiệu ấy có ba chức năng chính: một, để chụp mũ bất cứ người nào đi ngược lại chủ trương của họ; hai, để phi nhân hóa kẻ thù: kẻ thù tồn tại không phải như những con người mà là như những khái niệm, do đó, việc tiêu diệt kẻ thù không còn nằm trong phạm trù đạo đức thông thường nữa; và ba, để dựng lên những con ngáo ộp hầu một mặt, dù dọa dân chúng; mặt khác, biện minh cho những chính sách cứng rắn, thậm chí, có tính chất khủng bố của họ. Chức năng thứ ba là thuộc tính của mọi chế độ độc tài: Họ luôn luôn cần kẻ thù, cần văn hóa chiến tranh. Nếu không có kẻ thù thì họ thêu dệt ra kẻ thù. Bóng ma của kẻ thù là một cách để vừa tập trung quyền lực vừa đánh lạc hướng dư luận. Đối diện với cái bóng ma đầy đe dọa ấy, dân chúng nói chung dễ dàng gác bỏ mọi sự hoài nghi hay ý hướng phản kháng.
Thứ hai, đặc biệt suốt cả hai cuộc chiến tranh, 1946-54 và 1954-75, là quân sự hóa các hoạt động ngôn ngữ trong đời thường. Văn học nghệ thuật biến thành hoặc “chiến trường” hoặc “mặt trận” hoặc “trận tuyến”; tác phẩm là “vũ khí”; viết lách là “tiến công”; “nhà thơ cũng phải biết xung phong”; “viết bài thơ trên báng súng”; “vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy / bên những dũng sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”; giới cầm bút biến thành “đội ngũ”, hình thành nên cái gọi là “đội quân văn nghệ” hay “lực lượng sáng tác”, ở đó mọi người đều là những “chiến sĩ cầm bút” và đều tuân theo một “cương lĩnh chiến đấu” và cùng nhau “hiệp đồng chiến đấu”. Thơ trào phúng được xem là một “binh chủng đặc biệt” trong khi các bài ký sự hôi hổi sức nóng của đời sống thực được xem là một “mũi xung kích” hoặc “mũi nhọn tiến công” của nền văn học mới. Một nhà thơ hay một nhà văn trung thành với một vùng sáng tác nào đó thì được gọi là “bám trụ”; đi tiên phong trong một lãnh vực nào đó thì biến thành “ngọn cờ”; tập trung vào việc đả kích địch thì được ví với việc “nổ súng”; thường xuyên phê phán địch thì được biểu dương là “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Trong thơ, có những “bài thơ rực lửa chiến đấu”; trong âm nhạc, có “tiếng hát át tiếng bom”.
Vượt ra ngoài phạm vi văn học, ở các lãnh vực khác, cũng thế. Một đám đông, dù chẳng liên quan gì đến quân sự, cũng được gọi là “đội quân”: “đội quân thất nghiệp”. Làm quang đất đai thì gọi là “giải phóng mặt bằng”. Một chương trình có nhiều người tham gia và được nhà nước cổ vũ thì được gọi là “chiến dịch” (ví dụ: “chiến dịch làm sạch đường phố”). Ngày mở đầu của những chiến dịch như vậy thường được gọi là “ra quân” (“Hà Nội ra quân chống ùn tắc giao thông”). Trấn giữ một địa điểm nào đó để làm nhiệm vụ, cho dù chỉ là nhiệm vụ phòng chống lũ lụt, cũng được gọi là “đóng chốt” hay “trực chiến” (“Chính quyền, các cơ quan chủ quản đã cử người đóng chốt, trực chiến tại những địa điểm nhiều nguy cơ lũ tràn về”) (1). Cách thức ăn uống đặc biệt cho một loại người nào đó trở thành “chế độ” ăn uống. Tự mình dằn vặt suy nghĩ để đi đến một quyết định quan trọng nào đó thì được gọi là “đấu tranh tư tưởng”. Tố Hữu có hai câu thơ tả một cánh đồng hợp tác xã ở miền Bắc: “Hãy xem! Đồng ruộng cũng chỉnh tề thế trận / Lúa đứng thẳng hàng quyết tâm năm tấn.” Một nhà thơ nào đó, hình như là Trinh Đường, có câu thơ tả tình yêu: “Tình yêu anh, em ạ, cũng lên nòng.”
Thứ ba là hành chính hóa ngôn ngữ. Ở xã hội nào cũng có lớp từ vựng hành chính riêng. Xưa, có các từ sớ, tấu, chiếu, chỉ, bẩm, báo, trình, với những “quan”, những “cụ”, những “thầy” các loại. Xã hội ngày nay cũng vậy. Cũng có “cán bộ”, có “đồng chí”, có “báo cáo”, có “phương án giải quyết”, có “đăng ký” và “quản lý”, v.v. Chỉ có vấn đề là, khác với các nơi và thời khác, dưới chế độ cộng sản, lớp từ hành chính ấy cứ tràn ra đời sống hàng ngày. Ở mọi nơi. Kể cả những nơi quan hệ giữa người và người không có chút hành chính gì cả.
Cũng có khi đó là chủ trương chung của nhà cầm quyền: Để xây dựng một xã hội mới với những con người mới, và đặc biệt, những quan hệ mới, người ta cổ vũ việc sử dụng lớp từ hành chính trong mọi trường hợp. Bạn bè là “đồng chí” của nhau. Những người “đồng chí” ấy không chuyện trò với nhau: Họ “trao đổi” hoặc “báo cáo” cho nhau, rồi “tự phê” và “phê bình” nhau. Sau những “báo cáo” và những “phê bình” ấy, người ta không cần hiểu rõ: Người ta chỉ cần “quán triệt”. Nếu một người còn hoang mang, người khác sẽ tiếp tục giúp “đả thông tư tưởng”. Con trai và con gái không gặp nhau: họ “phát hiện” ra nhau; họ không yêu nhau: họ có “quan hệ tình cảm” với nhau; họ không làm đám cưới với nhau, họ chỉ “đăng ký kết hôn”. Ngày xưa, chỉ có các nhà tư tưởng mới “tư duy” (Tôi tư duy vậy tôi hiện hữu, “Cogito ergo sum”, Descartes), bây giờ, trong quần chúng, ai cũng “tư duy” nên mặt mày ai cũng “khẩn trương” và cũng đầy “bức xúc”, nhất là khi gặp một “sự cố” gì đó mà người ta chưa có “phương án giải quyết”.
Việc hành chính hóa ngôn ngữ ấy làm xóa mờ ranh giới giữa cái riêng và cái chung, tính chất cá nhân và tính chất tập thể, kích thước xã hội và kích thước chính trị trong đời sống con người. Từ cái nhìn bên ngoài, chúng ta dễ thấy việc hành chính hóa ngôn ngữ ấy là một sự hài hước, thậm chí, lố bịch, do đó, nó trở thành đề tài của các truyện cười nhạo báng chế độ, kiểu nói chuyện với bố mẹ hay anh em bạn bè mà dùng chữ “báo cáo”; xin kết hôn mà dùng những chữ to tát như “đăng ký” hay “quản lý đời em”; hối thúc một người nào đó mà dùng chữ “hãy khẩn trương lên”… Tuy nhiên, từ cái nhìn trong cuộc, với việc phổ cập của lớp từ vựng hành chính trong đời sống hàng ngày như vậy, nhà cầm quyền đã thành công trong việc nhồi sọ quần chúng, biến mọi người thành một thứ công cụ như được đúc ra từ một cái khuôn duy nhất: người ta không còn sự riêng tư và sự độc đáo nữa.
Thứ tư là tạo nên những từ mới hoặc áp đặt lên các từ cũ một nội dung mới hoàn toàn trái ngược hẳn với hiện thực vốn có. Ví dụ cho loại này nhiều vô cùng: thay cho chữ “trại tù”, họ gọi là “trại học tập” hay “trung tâm phục hồi nhân phẩm”; thay cho chữ “nhồi sọ”, họ gọi là “cải tạo tư tưởng”; thay vì gọi thẳng là tịch thu đất đai của địa chủ, họ dùng chữ “cải cách ruộng đất”; thay vì gọi thẳng tịch thu tài sản của người giàu, họ gọi là “đánh tư sản”; thay cho chữ “làm quan”, họ tự xưng là “đầy tớ nhân dân”; thay cho chữ “độc tài”, họ lại gọi là “làm chủ tập thể”; cán bộ đồi trụy, thay vì nói đồi trụy, họ dùng chữ “hủ hóa”; đối với hiện tượng tham nhũng hay thoái hóa của đảng viên, thay vì dùng chữ “nhiều”, họ dùng chữ “không ít” hoặc “một bộ phận”; thay vì thừa nhận thất bại trước các thử thách, họ dùng cách nói “từng bước khắc phục”; thay vì “bắt lính”, họ gọi là “đi nghĩa vụ quân sự”; thay vì nói đánh chiếm Campuchia, họ nói họ đang làm “nghĩa vụ quốc tế”; thay vì nói “bế tắc”, họ dùng chữ “hạn chế tất yếu”; những gì họ thích thì họ gọi là “bản chất” và “khách quan”; những gì không thích thì họ gọi là “hiện tượng” và “chủ quan”.
Gọi như thế, người ta bất chấp cả sự thật. Chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới và những mặt trái của nó đã được vạch trần và đã trở thành hiển nhiên với mọi người, họ vẫn tiếp tục gọi nó là “tiến bộ”, là “đỉnh cao”, là “ưu việt” và là “quy luật phát triển” của lịch sử. Không có tự do bầu cử và cũng không có bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý nào, người ta vẫn khăng khăng nhân danh “ý nguyện của toàn dân” để duy trì sự độc quyền lãnh đạo của mình. Suy nghĩ cũ mèm mà vẫn cứ ba hoa là “đổi mới tư duy”. Gần đây, họ gọi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn là các cuộc “tụ tập tự phát” của quần chúng; tàu Trung Quốc đâm nát tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ngoài Biển Đông được gọi là “tàu lạ”; những vấn đề nhà cầm quyền không muốn nghe thì gọi là “nhạy cảm”, v.v.
Có thể nói, với những cách dùng từ hoặc định nghĩa từ ngang ngược như vậy, người ta tiến hành một cách quy mô, kiên trì và có hệ thống một cuộc cưỡng chế trong lãnh vực ngôn ngữ. Hậu quả là nó làm thay đổi hẳn ý nghĩa của rất nhiều từ quen thuộc hoặc làm cho chúng trở thành rỗng tuếch, không còn mang một ý nghĩa gì cả. Những chữ như “cách mạng”, “giải phóng”, “công bằng”, “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “tiến bộ”, “phát triển”, “đỉnh cao trí tuệ”, “làm chủ tập thể”, “quần chúng”, “nhân dân”, thậm chí, cả chữ “yêu nước”… đều nằm trong trường hợp như thế. Ngay cả những chữ đơn giản như “đúng” và “sai”, “thật” và “giả”, “tiến bộ” và “lạc hậu”, “tốt” và “xấu”… cũng không còn nguyên nghĩa của chúng nữa. Trong các cặp đối lập ấy, khái niệm thứ nhất bao giờ cũng được sử dụng cho đảng, hoặc rộng hơn chút, cho “phe ta”; còn khái niệm sau bao giờ cũng thuộc về phe địch. Không có ngoại lệ. Đã là địch thì phải sai, phải giả, phải xấu và phải lạc hậu. “Ta” thì, ngược lại.
Trong cuốn phim tài liệu Chuyện tử tế, Trần Văn Thủy đi hỏi ý nghĩa hai chữ “tử tế” và “vĩ đại”, hầu như ai cũng lúng túng. Bây giờ thử hỏi những người Việt Nam bình thường những từ như “tình hữu nghị” hay “láng giềng tốt” trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thực sự có nghĩa là gì, hẳn ai cũng thấy hoang mang. Khi những người yêu nước, vì công phẫn trước những thái độ uy hiếp ngang ngược và trắng trợn của Trung Quốc xuống đường biểu tình, bị chính quyền, cũng nhân danh lòng yêu nước, trấn áp, đánh đập, bắt bớ, sỉ nhục và bị xem như một “thế lực thù địch”, người ta không còn thấy đâu là ranh giới giữa yêu nước và bán nước nữa. Bài thơ “Lẫn lộn lung tung” của Bùi Giáng, làm trước năm 1975, có giá trị như một sự tiên tri:
Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây.
***
Chú thích:
1. Ví dụ này và ví dụ trên được dẫn lại từ bài “Dấu vết chiến tranh trong tiếng Việt” của Nguyễn Đức Dân trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 2.9.2012
Mặc Lâm - Hiệu ứng Boomerang
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Một văn bản từ văn phòng chính phủ ra lệnh điều tra đóng cửa những trang mạng phản động bôi đen chế độ như Quan Làm Báo, Dân làm báo, Biển Đông… đang dấy lên sự tò mò của người dân khiến hai trang này tăng thêm số lượng độc giả một cách bất ngờ.
Một bài viết chỉ trích trang blog "Quan làm báo" trên trang http://nguyentandung.org - Screen capture
Lòng yêu nước
Trong nhiều năm qua, người theo dõi tin tức trên mạng nếu chú ý sẽ thấy sự ra đời của những trang báo cá nhân mà thông tin của chúng nhiều và đa dạng đến nỗi các tờ báo lớn trong nước có mơ cũng không thể theo kịp.
Những trang mạng như BauxiteVn, Vietstudies, Basam, Nguyễn Xuân Diện, Quê Choa, Phạm Viết Đào, Nuvuongcongly, Truongduynhat, Danlambao, Maithanhhai, Nguyentuongthuy, Huynhngocchenh… là nơi thân quen với hàng triệu người đọc báo mạng. Những trang báo lớn nhỏ nằm dưới dạng blog này trong một thời gian dài thoải mái post lên bài viết ghi nhận ý kiến phản biện rất giá trị của nhiều người, nhiều giới.
Những vụ án oan sai, áp bức dân chúng ở các địa phương khó ai biết tới. Nhiều vụ trấn áp nhằm chiếm đất của các quan tham hay vô cớ bắt giam trái phép, tra tấn chết nguời…. cưỡng bức tôn giáo, sách nhiễu người dân… tất cả cùng nhau xuất hiện hàng ngày trên những trang báo mạng này gây sức ép lên nhà nước rất lớn và không ít trường hợp, từ các phản biện gay gắt buộc chính phủ phải nhượng bộ như vụ Tiên Lãng, Văn Giang đã chứng minh trước đây.
Đỉnh điểm quan trọng chung của hầu hết những trang này là các bài viết chống lại sự bành trướng của Trung Quốc qua nhiều cách nhìn khác nhau. Có lẽ đây là một yếu tố khiến những trang báo công dân này được nhà nước tảng lờ đối với những bài viết có vấn đề khác. Khi chủ đề Trung Quốc bị buộc chặt trên các trang lề phải thì các bài phân tích sự nguy hiểm của Trung Quốc trên các trang báo công dân sẽ nói giúp phần nào chủ đề nghiêm trọng nhức nhối cho chính quyền hiện nay.
Tuy nhiên nói nhà nước tảng lờ có khi thiếu chính xác vì có thể sự tảng lờ này phát xuất từ lòng yêu nước tiềm tàng trong tâm hồn những nhân viên an ninh mạng, những chuyên gia IT của chính phủ, hay công an văn hóa những người đủ khả năng làm cho một trang blog biến mất trong vòng vài tiếng đồng hồ.
Nếu công bình mà nói thì trong số những trang mạng nổi tiếng ấy không có trang nào vượt giới hạn phê phán như hai trang “Dân làm báo” và “Quan làm báo” đang làm.
Vì sao chọn Dân làm báo?
Giao diện trang blog Dân Làm Báo ngày 12/09/2012. Screen capture.
Những bài viết trên Dân làm báo không coi trọng nguyên tắc báo chí và thuờng sử dụng từ ngữ nặng nể đôi khi cực đoan. Tuy nhiên để bù lại, gần như những thông tin mà Dân làm báo đưa ra đều dựa từ người thật việc thật, thậm chí từ chính nạn nhân của một vụ việc nào đó có thể dễ dàng kiểm chứng. Nhà báo Nguyễn Thượng Long, một cộng tác viên của Dân làm báo cho biết động cơ khiến ông tham gia vào trang mạng này:
“Tôi chọn lựa Dân làm báo để bỏ bài viết xuất phát từ suy nghĩ rất chủ quan của tôi. Tôi là người víết báo, là người thực thi điều 69 của hiến pháp tức là tự do tư tưởng , tự do ngôn luận mà hiến pháp CHXHCN Việt Nam đã quy định. Sống trong thời đại bùng nổ thông tin như thế này mà nhà nước lại đưa cả Internet vào đất nuớc này hòa nhập vào cộng đồng Internet của thế giới thì những gì không bình thường đều khiến chúng tôi suy nghĩ và những suy nghĩ đến mức độ không dám thực thi thì với ai tôi không bíêt nhưng đối với tôi thì không có điều gì khiến tôi phải phủ nhận tôi được.”
Quan làm báo viết gì?
Bên cạnh Dân làm báo, trong thời gian gần đây xuất hiện thêm một trang mạng gây xôn xao ngay từ lúc ra mắt, nó có cái tên rất ngộ nghĩnh: Quan làm báo.
Một bên là dân, một bên là quan, hai cái tên đối nghịch này cùng chung một tôn chỉ: tố cáo những đen tối trong lòng chế độ. Tuy giống nhau về mục đích nhưng lại khác hoàn toàn về cách đưa những thông tin mà hai bên có được.
Hầu hết những thông tin mà Quan làm báo đưa ra đều nhắm tấn công Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông ta. Những khuôn mặt mà Quan làm báo tố cáo đều liên quan trực tiếp đến Thủ tướng và vụ bắt giữ bầu Kiên chứng minh nó biết tường tận là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Quan làm báo có tay trong cung cấp thông tin chính xác của từng trường hợp.
Trang blog "Quan làm báo". Screen capture.
Quan làm báo xuất hiện đã đẩy tin đồn Thủ tướng và Chủ tịch nuớc đấu đá với nhau để tranh giành quyền lực lên cao trào mặc dù trước đó các dấu hiệu này đã lác đác xuất hiện trên ViệtStudies, Ba Sàm và Phạm Viết Đào. Thông tin từ Quan làm báo khiến người ta tin cuộc đấu đá bắt đầu và rồi Dương Chí Dũng và Đặng Thành Tâm cùng lúc được PetroTimes và VietnamNet thay nhau đưa lên mặt báo đã dẫn tới quyết định tiêu diệt xuất xứ của những đồn đoán có thể tạo bất ổn chính trị.
Biện pháp chống đỡ
Thủ Tuớng Nguyễn Tấn Dũng không thể ngồi im, ông đích thân ra lệnh cơ quan an ninh bằng mọi cách phải triệt tiêu hai trang mạng này và một số trang khác. Trên cổng thông tin chính phủ phổ biến văn bản và sau đó hầu như toàn bộ các phương tiện truyền thông đều lập lại trong đó có VTV: “một số trang thông tin điện tử như: “Dân làm báo”, “Quan làm báo”,”Biển Đông”… và một số trang mạng khác, đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch.”
Khi được hỏi liệu blogger còn tiếp tục viết sau khi văn bản này ra đời hay không, blogger Huỳnh Công Thuận, một người thường xuất hiện trên Dân làm báo cho biết.
“Như vậy lại càng dễ cho blogger nữa. Từ trước tới giờ những người viết báo nếu nhà nước cần đưa tin chính xác thì người ta đưa tên ra ngay chứ có gì khó đâu. Trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng viết sai sự thật, xuyên tạc mới cấm chớ người ta viết đúng thì làm sao cấm?”
Tác dụng ngược
Anh Nguyễn Chí Đức, người vừa gửi đơn xin ra khỏi đảng và lá đơn này lại xuất hiện trên Dân làm báo sau khi lệnh cấm ban hành một ngày cho biết nhận xét:
“Thủ tướng mà cứ soi mói vào blog thế này thế kia thì không phải tầm của một Thủ tướng. Tôi nói thẳng luôn. Tầm của thủ tướng mà lại dùng quyền lực của mình để huy động cả một hệ thống đồ sộ như vậy chỉ để dọa nạt một trang Dân làm báo, chỉ là một blog rất nhỏ bé mà không biết nó đang ở đâu, như vậy theo tôi thì không xứng đáng làm thủ tướng, là người đại diện quốc gia mà tầm rất thấp, tôi rất coi thường trong chuyện này.
Thủ tướng ra công văn để mà tố cáo trang Dân làm báo và Quan làm báo thực tế chỉ là quảng cáo cho Dân làm báo mà thôi, chỉ phản tác dụng vì càng cấm thì người dân càng tò mò.”
Đúng như tiên đoán của anh Nguyễn Chí Đức về hiệu ứng ngược của văn bản, ngay sau khi lệnh này phát hành, một bài viết của Chris Brummitt của hãng thông tấn AP ghi nhận trong vòng nửa ngày số người truy cập trang Dân làm báo lên tới 500 ngàn lượt.
Hơn nữa người ta chú ý đến một điều nữa khi văn bản này nhấn mạnh trong điều 3 và 4: “Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước. Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.”
Câu hỏi đặt ra: người dân sẽ có lợi gì nếu các phương tiện truyền thông đại chúng cùng nhau phản bác lại những thông tin mà chính phủ nói là không đúng sự thật? Rõ ràng đây là cơ hội lớn cho toàn dân để họ thấy được sự thật từ hai phía. Riêng điều cuối cùng của văn bản cấm cán bộ công chức không được xem hai trang blog này giống như cách mà Boomerang quay ngược trở lại với người ném nó.
Bùi Tín - Cả làng báo bị khinh miệt và khiêu khích
Bùi Tín
Nhà báo Hoàng Khương bị tuyên án 4 năm tù giam về tội 'đưa hối lộ'
Nhà báo Hoàng Khương bị tòa án mang tên Nhân dân ở Sài Gòn tuyên án 4 năm tù giam về tội “đưa hối lộ” viên chức nhà nước đang làm phận sự.
Phiên tòa được bà con Sài Gòn, Hà Nội và đồng bào trong cả nước chăm chú theo dõi. Từ sáng sớm trụ sở toà án đã đông người, bà con kéo đến đông thêm trong khi tòa xét xử, và khi kết thúc, khá đông người, phần lớn là các bạn trẻ vẫy chào, chạy theo xe thùng chở anh Hoàng Khương về nhà tù, với tình cảm quý mến, thương yêu và xót xa.
Lịch sử của ngành tòa án và ngành công an “xã hội chủ nghĩa” Việt Nam ghi thêm một tội ác hiếp đáp, trả thù thấp kém đối với một nhà báo trẻ có công tâm và nhiệt tình chống tham nhũng. Đây thực tế là một vết nhơ của một chính quyền độc đoán và tham nhũng đang suy thoái không sao kìm hãm nổi.
Anh Hoàng Khương phạm tội gì? Tội do viện kiểm sát đưa ra và hội đồng xét xử tuyên án là đưa hối lộ cho một nhân viên công an giao thông 15 triệu đồng (tương đương 750 USD), để hòng chuộc lại một xe gắn máy bị giữ.
Sự thật anh Hoàng Khương không hề có ý định hối lộ ai. Anh thấy cần có bằng chứng hiển nhiên để chỉ tận tay, day tận trán kẻ tham nhũng, vì bọn này chuyên che dấu tội lỗi, rất khéo chùi nhẵn mồm, lau sạch mép. Đây là một sáng kiến riêng của một con người chính trực.
Cả xã hội am hiểu bản chất việc anh làm và động cơ trong sáng của anh. Tuy nhiên đây là một sơ hở của anh, anh đã thẳng thắn thừa nhận trước tòa và cũng chân thành xin lỗi đồng nghiệp trong báo Tuổi trẻ của anh. Bởi vì luật pháp ngăn cấm kiểu giăng bẫy kiểu như thế, nhưng cũng không có điều khoản luật nào kết tội nặng nề một hành vi có động cơ trong sáng như vậy cả. Lẽ ra động cơ vô tư phải được coi là một lý lẽ giảm án đáng kể.
Hành động của anh bị đại diện Viện kiểm sát nhân dân Phạm Thị Thu Hà đánh giá là tội hình sự nặng, xứng đáng bị 6 đến 7 năm tù, sau đó bị chánh án Nguyễn Thị Thu Thủy tuyên án 4 năm tù giam. Mọi người chê trách 2 phụ nữ ngồi ở ghế cầm cân công lý, nhưng cũng hiểu rằng họ chỉ là 2 con rối, bị giật dây, từ các quan chức cao nhất ngành tòa án, tư pháp, công an, từ bộ chính trị gồm 14 ông vua thâu tóm mọi quyền hành.
Đáng chú ý là 4 năm tù cho nhà báo Hoàng Khương cũng ngang bằng với 4 năm tù của viên công an Nguyễn Văn Ninh từng giết ông Trịnh Xuân Tùng, thân sinh cô Trịnh Kim Tiến, trong trụ sở công an. Một chế độ có 2 hệ thống cán cân công lý, một rất nhẹ cho viên chức CS, một cực kỳ nặng nề cho dân đen, người ngay thẳng và người yêu nước.
Chế độ suy thoái hiện nay một mực che chở ngành công an, đặc biệt là ngành công an giao thông, những ông vua “anh hùng Núp”, chuyên làm tiền trên mọi ngả đường. Vậy mà anh nhà báo này dám vuốt râu hùm, nguồn kiếm chác của họ.
Cả một phong trào phản đối phiên tòa phi lý, phi pháp, cực kỳ bất công. Các mạng blog tự do lên tiếng rào rào, từ Người Buôn Gió, Anh Ba Sàm, Osin, Mẹ Nấm, Đoan Trang, Thùy Linh, Lê Trung Kiên, Bùi Minh Hằng…lập tức lên tiếng. Các đài VOA, BBC, RFA, RFI đưa tin và bình luận sốt dẻo. Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF ra tuyên bố.
Rất đáng chú ý là nhiều bức ảnh chụp tại phiên tòa và quanh phiên tòa được truyền đi khắp nước và thế giới.
Nét mặt trong sáng, tự tin của Hoàng Khương, nhà báo có tâm và có tầm hiếm hoi trong làng báo Việt Nam. Bản trình bày trung thực, minh bạch, thấu tình đạt lý của anh trước tòa. Hàng trăm bà con trong và ngoài tòa án thương cảm chào đón, an ủi anh, mặc cho hàng rào an ninh cấm cản. Bộ mặt Cụ Nguyễn Văn Khai thân sinh nhà báo Hoàng Khương mặt đầy nếp nhăn với những giòng nước mắt tuôn trào, trước bất công phi lý đổ lên đầu con trai và cả gia đình cụ, khi Mẹ nhà báo đang hấp hối ở bệnh viện Nguyễn Trãi mà họ vẫn không cho anh về thăm nhìn mặt Mẹ anh một lần cuối.
Anh Hoàng Khương bị 4 năm tù do đưa hối lộ 15 triệu đồng, tương đương 750 US$, vậy xin hỏi cái tội viên đại tá công an Lương Ngọc Anh ăn hối lộ ở Úc 20 triệu US$ - gấp chừng 30 ngàn lần, - để chia cho các quan chức cao nhất, thì đáng bao nhiêu năm tù và tại sao vẫn cứ bị ém nhẹm, dù cho phía Úc đã xét xử người của họ phạm tội.
Là một nhà báo có nửa thế kỷ cầm bút, hiện là nhà báo tự do, tôi ước mong rằng cả làng báo Việt Nam hãy coi đây là một dịp để bừng tỉnh, tỏ tình đồng cảm với một đồng nghiệp bị hàm oan, bi đối xử tận cùng bất công.
Cả làng báo Việt Nam, già trẻ lớn bé, nam và nữ, trong Nam ngoài Bắc, báo ở trung ương hay báo địa phương, là nhà báo viết, báo nói, báo truyền hình hay báo mạng điện tử, xin hãy coi đây là một sự xúc phạm hà hiếp với tất cả làng báo Việt Nam.
Cả nước có 16 ngàn nhà báo đang hành nghề, có thẻ nhà báo. Chỉ cần một tỷ lệ nào đó trong làng báo có hành động thực tế chung là tạo nên không khí đấu tranh mạnh mẽ bênh vực những nhà báo yêu nước thương dân, bảo vệ che chở những nhà báo có công tâm tự tin hành nghề có hiệu quả xã hội cao.
Cũng mong rằng nhiều trí thức trong và ngoài nước, nhiều cán bộ cộng sản kỳ cựu, về hưu hay còn tại chức, hãy lên tiếng bênh vực các nhà báo lương thiện mà đất nước đang cần.
Mong các bạn tiếp tục bàn luận sâu sắc hơn nữa về con người, bản chất, tài năng và tâm huyết của nhà báo Hoàng Khương, về bản án phi lý anh đang phải chịu; hãy tìm đến hoặc gửi thư đến an ủi, động viên nhà báo Hoàng Khương, Cha, Mẹ, vợ anh trong lúc khó khăn bị hiếp đáp này. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ và lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam không thể buông xuôi bỏ mặc cán bộ của mình trong cơn hoạn nạn, bị 248 ngày đêm tạm giam một cách phi lý, nay lại mang thêm một bản án 4 năm - 1460 ngày.
Mong rằng những bức ảnh nhà báo Hoàng Khương - Nguyễn Văn Khương và Cụ Nguyễn Văn Khai trước phiên tòa sẽ được phóng to, nhân bản, tán phát rộng rãi để đánh động dư luận.
Sao lại không thể có giải thưởng Báo Chí mang tên Hoàng Khương, khóa học nâng cao nghiệp vụ viết báo Hoàng Khương, Hội những nhà báo Bạn của Hoàng Khương, Câu lạc bộ báo chí Hoàng Khương, như đã có Giải thưởng văn học tư nhân Trần Nhương. Và một số bài báo của Hoàng Khương từng chống tham nhũng rất xứng đáng được tuyển chọn và phổ biến.
Tại phiên xử phúc thẩm sắp tới, chúng ta có thể tạo nên một sức ép công luận xã hội đủ mạnh để đẩy lùi các thế lực độc đoán thâm thù với làng báo chí và cả làng luật gia, trâng tráo một mực chống tự do báo chí và chống chế độ pháp quyền.
Hoàng Khương tin yêu, bạn không cô đơn. Lẽ phải và thời đại sẽ luôn đi với anh. Người tốt trong xã hội vẫn đông đảo.
Những ngòi bút 'đâm mấy thằng gian bút chẳng tà' theo lời cụ Đồ Chiểu đang nở rộ trong xã hội đảo điên, trên cỗ xe tay lái chuệnh choạng mất phương hướng lại không có phanh hãm này.
Trần Kinh Nghị - Mong sao không lặp lại "giải pháp đỏ"
Trần Kinh Nghị
Cuộc tranh chấp chủ quyền tại biển Đông đến nay đã bước sang giai đoạn cao trào đòi hỏi phải có một giải pháp hòa bình nếu muốn ngăn chặn chiến tranh nóng .
Phía Trung Quốc, sau thời kỳ ráo riết lấn chiếm trên thực địa, đã hoàn thành thủ đoạn "biến không thành có" và lập được cái gọi là "Thành phố Tam Sa" với đầy đủ bộ máy hành chính và quân sự để kiểm soát toàn bộ khu vực rộng lớn án ngữ giữa Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN cùng đảo Hòang Nham và bãi cạn Scarborough của Philippines. Trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh một mặt vẫn kiên trì chủ trương đàm phán song phương, coi đây chỉ là vấn đề nội bộ khu vực mà Mỹ và bên ngoài không được can thiệp vào, một mặt ráo riết thực hiện các thủ đoạn chia để trị với ASEAN. Riêng đối với Việt Nam, Bắc Kinh vẫn áp dụng thủ pháp hai mặt "vừa đấm vừa xoa" nhằm lừa gạt “người đồng chí anh em” một lần nữa.
Trước thái độ cố chấp của Bắc Kinh, dư luận quốc tế ngày càng nhận rõ hơn ý đồ độc chiếm biển Đông của TQ; Mỹ phải lên tiếng mạnh hơn đồng thời thúc dục ASEAN và TQ sớm đàm phán về COC. Về phần mình, Bắc Kinh cũng đang ngấm ngầm chuẩn bị cho một giải pháp thông qua đàm phán trên thế mạnh.
Diễn biến tình hình gần đây nhắc nhớ lại thời kỳ các bên tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia trong những năm 1980. Sẽ là khiếm khuyết khi bàn về giải pháp biển Đông mà không nhắc lại bài học liên quan đến giải pháp Campuchia cách nay hơn 20 năm. Điểm mấu chốt của bài học đó là sai lầm của Việt Nam khi chọn “giải pháp đỏ" với phía Trung Quốc - một sai lầm vẫn còn tác động sâu sắc đến ngày nay.
Đáng lẽ Việt Nam đã có thể sử dụng việc kết thúc vấn đề Campuchia như một cơ hội để nâng cao uy tín quốc tế phục vụ công cuộc mở cửa và phát triển đất nước nếu biết lựa chọn giải pháp thông qua Hội đồng bảo an LHQ, kể cả Mỹ và ASEAN. Nhưng người Việt Nam đã chọn cách “đi đêm” với kẻ thù truyền kiếp vì ảo tưởng rằng đồng chí với nhau tốt hơn là với phương Tây (!?). Điều đáng lưu ý là, sai lầm đó không phải do đường lối chính thống của VN thời bấy giờ mà là do người đứng đầu của Đảng mới nhậm chức gây ra. "Giải pháp đỏ" suy cho cùng là một sản phẩm của sự đầu hàng vô nguyên tắc bất chấp phương hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị và cũng trái với nguyện vọng của hai nước bạn Campuchia và Lào. Bằng thỏa thuận Thành Đô, Việt Nam đã tự xóa bỏ toàn bộ công lao, xương máu của mình để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot và cuộc kháng chiến chống kẻ thù bành trướng qua biên giới phía Bắc. Tính chính danh, chính nghĩa của hai cuộc cuộc chiến đó cũng đã bị đánh tráo. Đó là hậu quả thảm bại của nếp tư duy mơ hồ về “ý thức hệ”. Mọi sự hy sinh của quân và dân Việt Nam đã trở thành vô nghĩa vì không đạt kết quả cuối cùng, thậm chí có thể nói đã “mất trắng”. Sau nhiều năm vết thương vẫn chưa lành thì sự trở mặt của chính quyền Pnompênh câu kết với Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông mới đây đã khẳng định bài học nói trên. Nếu không có "giải pháp đỏ" chắc đã không có kết cục trớ trêu này.
Hai đoàn đàm phán VN và TQ chụp ảnh chung tại Thành Đô ngày 3/9/2990
Đó là một bài học cay đắng. Nhưng liệu nó sẽ được học đến nơi đến chốn hay lại học trước quên sau? Câu hỏi này không thừa nếu theo dõi những diễn biến tình hình quan hệ Việt-Trung trong bối cảnh vấn đề biển Đông hiện nay.
Có thể nói trước âm mưu độc chiếm biển Đông của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc, nội bộ Việt Nam luôn bị dằng xé bởi các luồng tư tưởng trái ngược nhau, không chỉ trong giới lãnh đạo đất nước mà ngày càng tăng lên giữa nhân dân và lãnh đạo. Điều này được thể hiện không chỉ trên nội dung các văn kiện chính trị mà còn thể hiện trong những hành động cụ thể. Đó là sự lúng túng và không minh bạch trong cách thể hiện quan điểm về bạn/thù, sự thiếu nhất quán trong các chủ trương chính sách đầu tư, xuất-nhập khẩu, an ninh-quốc phòng và văn hóa, truyền thông, v.v. Do ngày càng xa rời với phương châm đã đề ra từ Đại hội VI, nền kinh tế Việt Nam đang bị lệ thuộc vào Trung Quốc sau nhiều đợt sai lầm trong lựa chọn đối tác hoặc sự nhượng bộ vô nguyên tắc, thậm chí sự thông đồng mang tính chất phản quốc của các nhóm lợi ích. Dự án khai thác bauxite trên vùng chiến lược Tây Nguyên và hàng loạt trường hợp "tô nhượng" đất đai, rừng, biển tại những địa bàn nhậy cảm về an ninh quốc phòng là những ví dụ. Nhiều sai lầm tương tự vẫn tiếp diễn ngay cả khi Trung Quốc ráo riết xâm lấn biển đảo đồng thời dùng nhiều thủ đoạn phá hoại an ninh kinh tế-xã hội trên đất liền.
Do vị trí địa lý và tương quan lực lượng,Việt Nam, dù muốn hay không, vẫn giữ vai trò quyết định trong giải pháp cho vấn đề tranh chấp biển Đông hiện nay. Do đó, Việt Nam một lần nữa phải đối mặt với thách thức và cơ hội tương tự như trong vấn đề Campuchia trước đây. Việc lựa chọn giải pháp cho vấn đề biển Đông sẽ một lần nữa ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam, ASEAN và quốc tế. Diễn biến tình hình từ sau HN AMM 45 cho thấy một giai đoạn mới đã bắt đầu đối với giải pháp biển Đông . Những tín hiệu mới đang phát ra từ quá trình Hội nghị cấp cao APEC. Đó là thái độ cứng rắn và khẩn trương hơn của Mỹ trong việc hối thúc ASEAN cùng TQ sớm thông qua COC tại Hội nghị CC ASEAN tháng 11 tới. Mỹ cũng chính thức đề nghị Nga tham gia nhiều hơn vào vấn đề biển Đông. Thủ tướng Singapore trong chuyến thăm TQ mới đây cũng cho thấy muốn đóng một vai trò nào đó. Bắc Kinh một mặt tỏ ra rất bất bình trước thái độ "cứng lên" của phía Mỹ, nhưng có vẻ "lắng nghe" ý kiến của Singapore, Indonesia và Thái Lan (?). Nhật Bản, Nga ,Úc, Ấn Độ... cũng đều sẵn sàng đóng vai trò trong một giải pháp biển Đông.
Trong bối cảnh hiện nay, nội dung cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Trương Tấn Sang và Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị APEC tại Vladivostok mới đây không khỏi khiến dư luận băn khoăn. Sự khác nhau trong cách đưa tin giữa Việt Nam Thông tấn xã và Tân Hoa xã về sự kiện này khiến dư luận nghi ngờ độ trung thực của hai bên. Trong khi THX nói chung chung, thì VNTTX nói đậm hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương Việt-Trung bất chấp thực tế đang diễn ra. Báo Tuổi trẻ ngày 8/9 với tiêu đề "Không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung" đã đưa tin: "Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng trong tình hình hiện nay, việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện... có ý nghĩa hết sức quan trọng"; "về biển Đông, hai bên cần kiên trì... không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định quan hệ hai nước".
Những câu chữ và ý tứ kiểu này cho thấy hiện tượng không bình thường, nếu không nói là báo hiệu một sự chuyển dịch lập trường nào đó (?). Liệu cái đích của sự chuyển dịch này là gì? Nhân đây xin nhắc lại một chi tiết. Đó là sự tâm đắc của Tổng Bí thư đảng ta sau chuyến thăm Trung Quốc cuối năm ngoái và đã được chính ông nhắc lại tại Hội nghị quán triệt nghị quyết Trung ương 4 hồi tháng 5/2012: “Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách, mở cửa cũng luôn luôn khẳng định dứt khoát phải kiên trì vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, và trong những lần trao đổi với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh không để bị “Tây hóa”. Liệu ý kiến chỉ đạo này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tìm kiếm giải pháp biển Đông?
T.K.N.
Phụ lục: Trích đoạn Hồi ký Trần Quang Cơ
" Mặt khác, thái độ của Mỹ có đổi khác: ngày 18.7.90 Ngoại trưởng James Baker tuyên bố Mỹ thôi không công nhận Campuchia Dân chủ (tức chính quyền 3 phái do Sihanouk đứng đầu), lên án Khmer Đỏ, nhận đối thoại với Việt Nam qua phái đoàn ở Nữu-ước. Ngày 6.8.90, ta với Mỹ tiếp xúc ở Nữu-ước, Mỹ chủ yếu thăm dò thái độ ta về văn kiện khung của LHQ về giải pháp Campuchia. Ngày 8.8.90 Bộ Ngoại giao trình BCT đề án về vấn đề Campuchia theo hướng phân rõ mặt quốc tế và mặt nội bộ của giải pháp. Về mặt quốc tế, góp ý với bạn nên đồng ý phương án của P5, còn mặt nội bộ phải do bạn Campuchia quyết định, ta tôn trọng. Chiều 8.8.90, tôi đến gặp cố vấn Phạm Văn Đồng xin ý kiến về đề án này. Anh nói: Tình hình hiện nay tạo cơ hội thuận lợi cho giải pháp Campuchia. Cần tận dụng cơ hội mới này trong khi ta còn sử dụng được. Phải dám chơi với LHQ, với Hội đồng Bảo an, với Mỹ và phương Tây. Cần tranh thủ nhân tố Mỹ trong tình hình mới... Đề án về lý thuyết thì tốt nhưng làm sao thực hiện được... Không nên đặt yêu cầu quá cao “giữ vững thành quả cách mạng (Campuchia)”... Đi vào tổng tuyển cử bạn giành được 50% là lý tưởng...”. Ngày 12.8.90, BCT họp về đề án Campuchia do Bộ Ngoại giao thảo. Sau khi thảo luận, anh Linh kết luận: Với Mỹ, ta tiếp tục đối thoại như BCT đã cho ý kiến với Trung Quốc trong cuộc gặp 13/8 giữa tôi và Trương Đức Duy, ta nên nói là 2 nước XHCN Việt Nam và Trung Quốc nên hợp tác giải quyết vấn đề Campuchia để có một nước Campuchia hữu nghị với các nước láng giềng, trước hết là Việt Nam, Trung Quốc, Lào. Ta không nói Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN cần đoàn kết chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Nhưng rồi cuộc gặp Thành Đô đã làm lãnh đạo Việt Nam xa rời quan điểm thực tế này mà ngã hẳn theo Trung Quốc, thậm chí còn định ép Phnom Penh chấp nhận đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về vấn đề SNC Campuchia.
–––––––––––––––––––
Nguồn: trankinhnghi.blogspot.com
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)