Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Mặc Lâm - Hiệu ứng Boomerang


Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Một văn bản từ văn phòng chính phủ ra lệnh điều tra đóng cửa những trang mạng phản động bôi đen chế độ như Quan Làm Báo, Dân làm báo, Biển Đông… đang dấy lên sự tò mò của người dân khiến hai trang này tăng thêm số lượng độc giả một cách bất ngờ.


Một bài viết chỉ trích trang blog "Quan làm báo" trên trang http://nguyentandung.org - Screen capture

Lòng yêu nước

Trong nhiều năm qua, người theo dõi tin tức trên mạng nếu chú ý sẽ thấy sự ra đời của những trang báo cá nhân mà thông tin của chúng nhiều và đa dạng đến nỗi các tờ báo lớn trong nước có mơ cũng không thể theo kịp.

Những trang mạng như BauxiteVn, Vietstudies, Basam, Nguyễn Xuân Diện, Quê Choa, Phạm Viết Đào, Nuvuongcongly, Truongduynhat, Danlambao, Maithanhhai, Nguyentuongthuy, Huynhngocchenh… là nơi thân quen với hàng triệu người đọc báo mạng. Những trang báo lớn nhỏ nằm dưới dạng blog này trong một thời gian dài thoải mái post lên bài viết ghi nhận ý kiến phản biện rất giá trị của nhiều người, nhiều giới.

Những vụ án oan sai, áp bức dân chúng ở các địa phương khó ai biết tới. Nhiều vụ trấn áp nhằm chiếm đất của các quan tham hay vô cớ bắt giam trái phép, tra tấn chết nguời…. cưỡng bức tôn giáo, sách nhiễu người dân… tất cả cùng nhau xuất hiện hàng ngày trên những trang báo mạng này gây sức ép lên nhà nước rất lớn và không ít trường hợp, từ các phản biện gay gắt buộc chính phủ phải nhượng bộ như vụ Tiên Lãng, Văn Giang đã chứng minh trước đây.

Đỉnh điểm quan trọng chung của hầu hết những trang này là các bài viết chống lại sự bành trướng của Trung Quốc qua nhiều cách nhìn khác nhau. Có lẽ đây là một yếu tố khiến những trang báo công dân này được nhà nước tảng lờ đối với những bài viết có vấn đề khác. Khi chủ đề Trung Quốc bị buộc chặt trên các trang lề phải thì các bài phân tích sự nguy hiểm của Trung Quốc trên các trang báo công dân sẽ nói giúp phần nào chủ đề nghiêm trọng nhức nhối cho chính quyền hiện nay.

Tuy nhiên nói nhà nước tảng lờ có khi thiếu chính xác vì có thể sự tảng lờ này phát xuất từ lòng yêu nước tiềm tàng trong tâm hồn những nhân viên an ninh mạng, những chuyên gia IT của chính phủ, hay công an văn hóa những người đủ khả năng làm cho một trang blog biến mất trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Nếu công bình mà nói thì trong số những trang mạng nổi tiếng ấy không có trang nào vượt giới hạn phê phán như hai trang “Dân làm báo” và “Quan làm báo” đang làm.

Vì sao chọn Dân làm báo?


Giao diện trang blog Dân Làm Báo ngày 12/09/2012. Screen capture.

“Dân làm báo” đúng như tên gọi của nó, bài vở hình ảnh được đóng góp từ người dân bình thường, làm báo vì bức xúc trước thời cuộc, vì những trái tai gai mắt trong lĩnh vực chính trị không được các tờ báo chính quy chạm tới.

Những bài viết trên Dân làm báo không coi trọng nguyên tắc báo chí và thuờng sử dụng từ ngữ nặng nể đôi khi cực đoan. Tuy nhiên để bù lại, gần như những thông tin mà Dân làm báo đưa ra đều dựa từ người thật việc thật, thậm chí từ chính nạn nhân của một vụ việc nào đó có thể dễ dàng kiểm chứng. Nhà báo Nguyễn Thượng Long, một cộng tác viên của Dân làm báo cho biết động cơ khiến ông tham gia vào trang mạng này:
“Tôi chọn lựa Dân làm báo để bỏ bài viết xuất phát từ suy nghĩ rất chủ quan của tôi. Tôi là người víết báo, là người thực thi điều 69 của hiến pháp tức là tự do tư tưởng , tự do ngôn luận mà hiến pháp CHXHCN Việt Nam đã quy định. Sống trong thời đại bùng nổ thông tin như thế này mà nhà nước lại đưa cả Internet vào đất nuớc này hòa nhập vào cộng đồng Internet của thế giới thì những gì không bình thường đều khiến chúng tôi suy nghĩ và những suy nghĩ đến mức độ không dám thực thi thì với ai tôi không bíêt nhưng đối với tôi thì không có điều gì khiến tôi phải phủ nhận tôi được.”

Quan làm báo viết gì?

Bên cạnh Dân làm báo, trong thời gian gần đây xuất hiện thêm một trang mạng gây xôn xao ngay từ lúc ra mắt, nó có cái tên rất ngộ nghĩnh: Quan làm báo.

Một bên là dân, một bên là quan, hai cái tên đối nghịch này cùng chung một tôn chỉ: tố cáo những đen tối trong lòng chế độ. Tuy giống nhau về mục đích nhưng lại khác hoàn toàn về cách đưa những thông tin mà hai bên có được.

Hầu hết những thông tin mà Quan làm báo đưa ra đều nhắm tấn công Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông ta. Những khuôn mặt mà Quan làm báo tố cáo đều liên quan trực tiếp đến Thủ tướng và vụ bắt giữ bầu Kiên chứng minh nó biết tường tận là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Quan làm báo có tay trong cung cấp thông tin chính xác của từng trường hợp.


Trang blog "Quan làm báo". Screen capture.

Quan làm báo xuất hiện đã đẩy tin đồn Thủ tướng và Chủ tịch nuớc đấu đá với nhau để tranh giành quyền lực lên cao trào mặc dù trước đó các dấu hiệu này đã lác đác xuất hiện trên ViệtStudies, Ba Sàm và Phạm Viết Đào. Thông tin từ Quan làm báo khiến người ta tin cuộc đấu đá bắt đầu và rồi Dương Chí Dũng và Đặng Thành Tâm cùng lúc được PetroTimes và VietnamNet thay nhau đưa lên mặt báo đã dẫn tới quyết định tiêu diệt xuất xứ của những đồn đoán có thể tạo bất ổn chính trị.

Biện pháp chống đỡ

Thủ Tuớng Nguyễn Tấn Dũng không thể ngồi im, ông đích thân ra lệnh cơ quan an ninh bằng mọi cách phải triệt tiêu hai trang mạng này và một số trang khác. Trên cổng thông tin chính phủ phổ biến văn bản và sau đó hầu như toàn bộ các phương tiện truyền thông đều lập lại trong đó có VTV: “một số trang thông tin điện tử như: “Dân làm báo”, “Quan làm báo”,”Biển Đông”… và một số trang mạng khác, đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch.”

Khi được hỏi liệu blogger còn tiếp tục viết sau khi văn bản này ra đời hay không, blogger Huỳnh Công Thuận, một người thường xuất hiện trên Dân làm báo cho biết.

“Như vậy lại càng dễ cho blogger nữa. Từ trước tới giờ những người viết báo nếu nhà nước cần đưa tin chính xác thì người ta đưa tên ra ngay chứ có gì khó đâu. Trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng viết sai sự thật, xuyên tạc mới cấm chớ người ta viết đúng thì làm sao cấm?”

Tác dụng ngược

Anh Nguyễn Chí Đức, người vừa gửi đơn xin ra khỏi đảng và lá đơn này lại xuất hiện trên Dân làm báo sau khi lệnh cấm ban hành một ngày cho biết nhận xét:

“Thủ tướng mà cứ soi mói vào blog thế này thế kia thì không phải tầm của một Thủ tướng. Tôi nói thẳng luôn. Tầm của thủ tướng mà lại dùng quyền lực của mình để huy động cả một hệ thống đồ sộ như vậy chỉ để dọa nạt một trang Dân làm báo, chỉ là một blog rất nhỏ bé mà không biết nó đang ở đâu, như vậy theo tôi thì không xứng đáng làm thủ tướng, là người đại diện quốc gia mà tầm rất thấp, tôi rất coi thường trong chuyện này.

Thủ tướng ra công văn để mà tố cáo trang Dân làm báo và Quan làm báo thực tế chỉ là quảng cáo cho Dân làm báo mà thôi, chỉ phản tác dụng vì càng cấm thì người dân càng tò mò.”

Đúng như tiên đoán của anh Nguyễn Chí Đức về hiệu ứng ngược của văn bản, ngay sau khi lệnh này phát hành, một bài viết của Chris Brummitt của hãng thông tấn AP ghi nhận trong vòng nửa ngày số người truy cập trang Dân làm báo lên tới 500 ngàn lượt.

Hơn nữa người ta chú ý đến một điều nữa khi văn bản này nhấn mạnh trong điều 3 và 4: “Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước. Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.”

Câu hỏi đặt ra: người dân sẽ có lợi gì nếu các phương tiện truyền thông đại chúng cùng nhau phản bác lại những thông tin mà chính phủ nói là không đúng sự thật? Rõ ràng đây là cơ hội lớn cho toàn dân để họ thấy được sự thật từ hai phía. Riêng điều cuối cùng của văn bản cấm cán bộ công chức không được xem hai trang blog này giống như cách mà Boomerang quay ngược trở lại với người ném nó.


Bùi Tín - Cả làng báo bị khinh miệt và khiêu khích


Bùi Tín


Nhà báo Hoàng Khương bị tuyên án 4 năm tù giam về tội 'đưa hối lộ'

Nhà báo Hoàng Khương bị tòa án mang tên Nhân dân ở Sài Gòn tuyên án 4 năm tù giam về tội “đưa hối lộ” viên chức nhà nước đang làm phận sự.

Phiên tòa được bà con Sài Gòn, Hà Nội và đồng bào trong cả nước chăm chú theo dõi. Từ sáng sớm trụ sở toà án đã đông người, bà con kéo đến đông thêm trong khi tòa xét xử, và khi kết thúc, khá đông người, phần lớn là các bạn trẻ vẫy chào, chạy theo xe thùng chở anh Hoàng Khương về nhà tù, với tình cảm quý mến, thương yêu và xót xa.

Lịch sử của ngành tòa án và ngành công an “xã hội chủ nghĩa” Việt Nam ghi thêm một tội ác hiếp đáp, trả thù thấp kém đối với một nhà báo trẻ có công tâm và nhiệt tình chống tham nhũng. Đây thực tế là một vết nhơ của một chính quyền độc đoán và tham nhũng đang suy thoái không sao kìm hãm nổi.

Anh Hoàng Khương phạm tội gì? Tội do viện kiểm sát đưa ra và hội đồng xét xử tuyên án là đưa hối lộ cho một nhân viên công an giao thông 15 triệu đồng (tương đương 750 USD), để hòng chuộc lại một xe gắn máy bị giữ.

Sự thật anh Hoàng Khương không hề có ý định hối lộ ai. Anh thấy cần có bằng chứng hiển nhiên để chỉ tận tay, day tận trán kẻ tham nhũng, vì bọn này chuyên che dấu tội lỗi, rất khéo chùi nhẵn mồm, lau sạch mép. Đây là một sáng kiến riêng của một con người chính trực.

Cả xã hội am hiểu bản chất việc anh làm và động cơ trong sáng của anh. Tuy nhiên đây là một sơ hở của anh, anh đã thẳng thắn thừa nhận trước tòa và cũng chân thành xin lỗi đồng nghiệp trong báo Tuổi trẻ của anh. Bởi vì luật pháp ngăn cấm kiểu giăng bẫy kiểu như thế, nhưng cũng không có điều khoản luật nào kết tội nặng nề một hành vi có động cơ trong sáng như vậy cả. Lẽ ra động cơ vô tư phải được coi là một lý lẽ giảm án đáng kể.

Hành động của anh bị đại diện Viện kiểm sát nhân dân Phạm Thị Thu Hà đánh giá là tội hình sự nặng, xứng đáng bị 6 đến 7 năm tù, sau đó bị chánh án Nguyễn Thị Thu Thủy tuyên án 4 năm tù giam. Mọi người chê trách 2 phụ nữ ngồi ở ghế cầm cân công lý, nhưng cũng hiểu rằng họ chỉ là 2 con rối, bị giật dây, từ các quan chức cao nhất ngành tòa án, tư pháp, công an, từ bộ chính trị gồm 14 ông vua thâu tóm mọi quyền hành.

Đáng chú ý là 4 năm tù cho nhà báo Hoàng Khương cũng ngang bằng với 4 năm tù của viên công an Nguyễn Văn Ninh từng giết ông Trịnh Xuân Tùng, thân sinh cô Trịnh Kim Tiến, trong trụ sở công an. Một chế độ có 2 hệ thống cán cân công lý, một rất nhẹ cho viên chức CS, một cực kỳ nặng nề cho dân đen, người ngay thẳng và người yêu nước.

Chế độ suy thoái hiện nay một mực che chở ngành công an, đặc biệt là ngành công an giao thông, những ông vua “anh hùng Núp”, chuyên làm tiền trên mọi ngả đường. Vậy mà anh nhà báo này dám vuốt râu hùm, nguồn kiếm chác của họ.

Cả một phong trào phản đối phiên tòa phi lý, phi pháp, cực kỳ bất công. Các mạng blog tự do lên tiếng rào rào, từ Người Buôn Gió, Anh Ba Sàm, Osin, Mẹ Nấm, Đoan Trang, Thùy Linh, Lê Trung Kiên, Bùi Minh Hằng…lập tức lên tiếng. Các đài VOA, BBC, RFA, RFI đưa tin và bình luận sốt dẻo. Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF ra tuyên bố.

Rất đáng chú ý là nhiều bức ảnh chụp tại phiên tòa và quanh phiên tòa được truyền đi khắp nước và thế giới.

Nét mặt trong sáng, tự tin của Hoàng Khương, nhà báo có tâm và có tầm hiếm hoi trong làng báo Việt Nam. Bản trình bày trung thực, minh bạch, thấu tình đạt lý của anh trước tòa. Hàng trăm bà con trong và ngoài tòa án thương cảm chào đón, an ủi anh, mặc cho hàng rào an ninh cấm cản. Bộ mặt Cụ Nguyễn Văn Khai thân sinh nhà báo Hoàng Khương mặt đầy nếp nhăn với những giòng nước mắt tuôn trào, trước bất công phi lý đổ lên đầu con trai và cả gia đình cụ, khi Mẹ nhà báo đang hấp hối ở bệnh viện Nguyễn Trãi mà họ vẫn không cho anh về thăm nhìn mặt Mẹ anh một lần cuối.

Anh Hoàng Khương bị 4 năm tù do đưa hối lộ 15 triệu đồng, tương đương 750 US$, vậy xin hỏi cái tội viên đại tá công an Lương Ngọc Anh ăn hối lộ ở Úc 20 triệu US$ - gấp chừng 30 ngàn lần, - để chia cho các quan chức cao nhất, thì đáng bao nhiêu năm tù và tại sao vẫn cứ bị ém nhẹm, dù cho phía Úc đã xét xử người của họ phạm tội.

Là một nhà báo có nửa thế kỷ cầm bút, hiện là nhà báo tự do, tôi ước mong rằng cả làng báo Việt Nam hãy coi đây là một dịp để bừng tỉnh, tỏ tình đồng cảm với một đồng nghiệp bị hàm oan, bi đối xử tận cùng bất công.

Cả làng báo Việt Nam, già trẻ lớn bé, nam và nữ, trong Nam ngoài Bắc, báo ở trung ương hay báo địa phương, là nhà báo viết, báo nói, báo truyền hình hay báo mạng điện tử, xin hãy coi đây là một sự xúc phạm hà hiếp với tất cả làng báo Việt Nam.

Cả nước có 16 ngàn nhà báo đang hành nghề, có thẻ nhà báo. Chỉ cần một tỷ lệ nào đó trong làng báo có hành động thực tế chung là tạo nên không khí đấu tranh mạnh mẽ bênh vực những nhà báo yêu nước thương dân, bảo vệ che chở những nhà báo có công tâm tự tin hành nghề có hiệu quả xã hội cao.

Cũng mong rằng nhiều trí thức trong và ngoài nước, nhiều cán bộ cộng sản kỳ cựu, về hưu hay còn tại chức, hãy lên tiếng bênh vực các nhà báo lương thiện mà đất nước đang cần.

Mong các bạn tiếp tục bàn luận sâu sắc hơn nữa về con người, bản chất, tài năng và tâm huyết của nhà báo Hoàng Khương, về bản án phi lý anh đang phải chịu; hãy tìm đến hoặc gửi thư đến an ủi, động viên nhà báo Hoàng Khương, Cha, Mẹ, vợ anh trong lúc khó khăn bị hiếp đáp này. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ và lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam không thể buông xuôi bỏ mặc cán bộ của mình trong cơn hoạn nạn, bị 248 ngày đêm tạm giam một cách phi lý, nay lại mang thêm một bản án 4 năm - 1460 ngày.

Mong rằng những bức ảnh nhà báo Hoàng Khương - Nguyễn Văn Khương và Cụ Nguyễn Văn Khai trước phiên tòa sẽ được phóng to, nhân bản, tán phát rộng rãi để đánh động dư luận.

Sao lại không thể có giải thưởng Báo Chí mang tên Hoàng Khương, khóa học nâng cao nghiệp vụ viết báo Hoàng Khương, Hội những nhà báo Bạn của Hoàng Khương, Câu lạc bộ báo chí Hoàng Khương, như đã có Giải thưởng văn học tư nhân Trần Nhương. Và một số bài báo của Hoàng Khương từng chống tham nhũng rất xứng đáng được tuyển chọn và phổ biến.

Tại phiên xử phúc thẩm sắp tới, chúng ta có thể tạo nên một sức ép công luận xã hội đủ mạnh để đẩy lùi các thế lực độc đoán thâm thù với làng báo chí và cả làng luật gia, trâng tráo một mực chống tự do báo chí và chống chế độ pháp quyền.

Hoàng Khương tin yêu, bạn không cô đơn. Lẽ phải và thời đại sẽ luôn đi với anh. Người tốt trong xã hội vẫn đông đảo.

Những ngòi bút 'đâm mấy thằng gian bút chẳng tà' theo lời cụ Đồ Chiểu đang nở rộ trong xã hội đảo điên, trên cỗ xe tay lái chuệnh choạng mất phương hướng lại không có phanh hãm này.


Trần Kinh Nghị - Mong sao không lặp lại "giải pháp đỏ"


Trần Kinh Nghị

Cuộc tranh chấp chủ quyền tại biển Đông đến nay đã bước sang giai đoạn cao trào đòi hỏi phải có một giải pháp hòa bình nếu muốn ngăn chặn chiến tranh nóng .


Phía Trung Quốc, sau thời kỳ ráo riết lấn chiếm trên thực địa, đã hoàn thành thủ đoạn "biến không thành có" và lập được cái gọi là "Thành phố Tam Sa" với đầy đủ bộ máy hành chính và quân sự để kiểm soát toàn bộ khu vực rộng lớn án ngữ giữa Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN cùng đảo Hòang Nham và bãi cạn Scarborough của Philippines. Trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh một mặt vẫn kiên trì chủ trương đàm phán song phương, coi đây chỉ là vấn đề nội bộ khu vực mà Mỹ và bên ngoài không được can thiệp vào, một mặt ráo riết thực hiện các thủ đoạn chia để trị với ASEAN. Riêng đối với Việt Nam, Bắc Kinh vẫn áp dụng thủ pháp hai mặt "vừa đấm vừa xoa" nhằm lừa gạt “người đồng chí anh em” một lần nữa.

Trước thái độ cố chấp của Bắc Kinh, dư luận quốc tế ngày càng nhận rõ hơn ý đồ độc chiếm biển Đông của TQ; Mỹ phải lên tiếng mạnh hơn đồng thời thúc dục ASEAN và TQ sớm đàm phán về COC. Về phần mình, Bắc Kinh cũng đang ngấm ngầm chuẩn bị cho một giải pháp thông qua đàm phán trên thế mạnh.

Diễn biến tình hình gần đây nhắc nhớ lại thời kỳ các bên tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia trong những năm 1980. Sẽ là khiếm khuyết khi bàn về giải pháp biển Đông mà không nhắc lại bài học liên quan đến giải pháp Campuchia cách nay hơn 20 năm. Điểm mấu chốt của bài học đó là sai lầm của Việt Nam khi chọn “giải pháp đỏ" với phía Trung Quốc - một sai lầm vẫn còn tác động sâu sắc đến ngày nay.

Đáng lẽ Việt Nam đã có thể sử dụng việc kết thúc vấn đề Campuchia như một cơ hội để nâng cao uy tín quốc tế phục vụ công cuộc mở cửa và phát triển đất nước nếu biết lựa chọn giải pháp thông qua Hội đồng bảo an LHQ, kể cả Mỹ và ASEAN. Nhưng người Việt Nam đã chọn cách “đi đêm” với kẻ thù truyền kiếp vì ảo tưởng rằng đồng chí với nhau tốt hơn là với phương Tây (!?). Điều đáng lưu ý là, sai lầm đó không phải do đường lối chính thống của VN thời bấy giờ mà là do người đứng đầu của Đảng mới nhậm chức gây ra. "Giải pháp đỏ" suy cho cùng là một sản phẩm của sự đầu hàng vô nguyên tắc bất chấp phương hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị và cũng trái với nguyện vọng của hai nước bạn Campuchia và Lào. Bằng thỏa thuận Thành Đô, Việt Nam đã tự xóa bỏ toàn bộ công lao, xương máu của mình để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot và cuộc kháng chiến chống kẻ thù bành trướng qua biên giới phía Bắc. Tính chính danh, chính nghĩa của hai cuộc cuộc chiến đó cũng đã bị đánh tráo. Đó là hậu quả thảm bại của nếp tư duy mơ hồ về “ý thức hệ”. Mọi sự hy sinh của quân và dân Việt Nam đã trở thành vô nghĩa vì không đạt kết quả cuối cùng, thậm chí có thể nói đã “mất trắng”. Sau nhiều năm vết thương vẫn chưa lành thì sự trở mặt của chính quyền Pnompênh câu kết với Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông mới đây đã khẳng định bài học nói trên. Nếu không có "giải pháp đỏ" chắc đã không có kết cục trớ trêu này.   
   
Hai đoàn đàm phán VN và TQ chụp ảnh chung tại Thành Đô ngày 3/9/2990  

Đó là một bài học cay đắng. Nhưng liệu nó sẽ được học đến nơi đến chốn hay lại học trước quên sau? Câu hỏi này không thừa nếu theo dõi những diễn biến tình hình quan hệ Việt-Trung trong bối cảnh vấn đề biển Đông hiện nay.

Có thể nói trước âm mưu độc chiếm biển Đông của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc, nội bộ Việt Nam luôn bị dằng xé bởi các luồng tư tưởng trái ngược nhau, không chỉ trong giới lãnh đạo đất nước mà ngày càng tăng lên giữa nhân dân và lãnh đạo. Điều này được thể hiện không chỉ trên nội dung các văn kiện chính trị mà còn thể hiện trong những hành động cụ thể. Đó là sự lúng túng và không minh bạch trong cách thể hiện quan điểm về bạn/thù, sự thiếu nhất quán trong các chủ trương chính sách đầu tư, xuất-nhập khẩu, an ninh-quốc phòng và văn hóa, truyền thông, v.v. Do ngày càng xa rời với phương châm đã đề ra từ Đại hội VI, nền kinh tế Việt Nam đang bị lệ thuộc vào Trung Quốc sau nhiều đợt sai lầm trong lựa chọn đối tác hoặc sự nhượng bộ vô nguyên tắc, thậm chí sự thông đồng mang tính chất phản quốc của các nhóm lợi ích. Dự án khai thác bauxite trên vùng chiến lược Tây Nguyên và hàng loạt trường hợp "tô nhượng" đất đai, rừng, biển tại những địa bàn nhậy cảm về an ninh quốc phòng là những ví dụ. Nhiều sai lầm tương tự vẫn tiếp diễn ngay cả khi Trung Quốc ráo riết xâm lấn biển đảo đồng thời dùng nhiều thủ đoạn phá hoại an ninh kinh tế-xã hội trên đất liền.

Do vị trí địa lý và tương quan lực lượng,Việt Nam, dù muốn hay không, vẫn giữ vai trò quyết định trong giải pháp cho vấn đề tranh chấp biển Đông hiện nay. Do đó, Việt Nam một lần nữa phải đối mặt với thách thức và cơ hội tương tự như trong vấn đề Campuchia trước đây. Việc lựa chọn giải pháp cho vấn đề biển Đông sẽ một lần nữa ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam, ASEAN và quốc tế. Diễn biến tình hình từ sau HN AMM 45 cho thấy một giai đoạn mới đã bắt đầu đối với giải pháp biển Đông . Những tín hiệu mới đang phát ra từ quá trình Hội nghị cấp cao APEC. Đó là thái độ cứng rắn và khẩn trương hơn của Mỹ trong việc hối thúc ASEAN cùng TQ sớm thông qua COC tại Hội nghị CC ASEAN tháng 11 tới. Mỹ cũng chính thức đề nghị Nga tham gia nhiều hơn vào vấn đề biển Đông. Thủ tướng Singapore trong chuyến thăm TQ mới đây cũng cho thấy muốn đóng một vai trò nào đó. Bắc Kinh một mặt tỏ ra rất bất bình trước thái độ "cứng lên" của phía Mỹ, nhưng có vẻ "lắng nghe" ý kiến của Singapore, Indonesia và Thái Lan (?). Nhật Bản, Nga ,Úc, Ấn Độ... cũng đều sẵn sàng đóng vai trò trong một giải pháp biển Đông.

Trong bối cảnh hiện nay, nội dung cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Trương Tấn Sang và Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị APEC tại Vladivostok mới đây không khỏi khiến dư luận băn khoăn. Sự khác nhau trong cách đưa tin giữa Việt Nam Thông tấn xã và Tân Hoa xã về sự kiện này khiến dư luận nghi ngờ độ trung thực của hai bên. Trong khi THX nói chung chung, thì VNTTX nói đậm hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương Việt-Trung bất chấp thực tế đang diễn ra. Báo Tuổi trẻ ngày 8/9 với tiêu đề "Không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung" đã đưa tin: "Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng trong tình hình hiện nay, việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện... có ý nghĩa hết sức quan trọng"; "về biển Đông, hai bên cần kiên trì... không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định quan hệ hai nước".

Những câu chữ và ý tứ kiểu này cho thấy hiện tượng không bình thường, nếu không nói là báo hiệu một sự chuyển dịch lập trường nào đó (?). Liệu cái đích của sự chuyển dịch này là gì? Nhân đây xin nhắc lại một chi tiết. Đó là sự tâm đắc của Tổng Bí thư đảng ta sau chuyến thăm Trung Quốc cuối năm ngoái và đã được chính ông nhắc lại tại Hội nghị quán triệt nghị quyết Trung ương 4 hồi tháng 5/2012: “Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách, mở cửa cũng luôn luôn khẳng định dứt khoát phải kiên trì vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, và trong những lần trao đổi với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh không để bị “Tây hóa”. Liệu ý kiến chỉ đạo này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tìm kiếm giải pháp biển Đông?

T.K.N.

Phụ lục: Trích đoạn Hồi ký Trần Quang Cơ 
" Mặt khác, thái độ của Mỹ có đổi khác: ngày 18.7.90 Ngoại trưởng James Baker tuyên bố Mỹ thôi không công nhận Campuchia Dân chủ (tức chính quyền 3 phái do Sihanouk đứng đầu), lên án Khmer Đỏ, nhận đối thoại với Việt Nam qua phái đoàn ở Nữu-ước. Ngày 6.8.90, ta với Mỹ tiếp xúc ở Nữu-ước, Mỹ chủ yếu thăm dò thái độ ta về văn kiện khung của LHQ về giải pháp Campuchia. Ngày 8.8.90 Bộ Ngoại giao trình BCT đề án về vấn đề Campuchia theo hướng phân rõ mặt quốc tế và mặt nội bộ của giải pháp. Về mặt quốc tế, góp ý với bạn nên đồng ý phương án của P5, còn mặt nội bộ phải do bạn Campuchia quyết định, ta tôn trọng. Chiều 8.8.90, tôi đến gặp cố vấn Phạm Văn Đồng xin ý kiến về đề án này. Anh nói: Tình hình hiện nay tạo cơ hội thuận lợi cho giải pháp Campuchia. Cần tận dụng cơ hội mới này trong khi ta còn sử dụng được. Phải dám chơi với LHQ, với Hội đồng Bảo an, với Mỹ và phương Tây. Cần tranh thủ nhân tố Mỹ trong tình hình mới... Đề án về lý thuyết thì tốt nhưng làm sao thực hiện được... Không nên đặt yêu cầu quá cao “giữ vững thành quả cách mạng (Campuchia)”... Đi vào tổng tuyển cử bạn giành được 50% là lý tưởng...”. Ngày 12.8.90, BCT họp về đề án Campuchia do Bộ Ngoại giao thảo. Sau khi thảo luận, anh Linh kết luận: Với Mỹ, ta tiếp tục đối thoại như BCT đã cho ý kiến với Trung Quốc trong cuộc gặp 13/8 giữa tôi và Trương Đức Duy, ta nên nói là 2 nước XHCN Việt Nam và Trung Quốc nên hợp tác giải quyết vấn đề Campuchia để có một nước Campuchia hữu nghị với các nước láng giềng, trước hết là Việt Nam, Trung Quốc, Lào. Ta không nói Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN cần đoàn kết chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Nhưng rồi cuộc gặp Thành Đô đã làm lãnh đạo Việt Nam xa rời quan điểm thực tế này mà ngã hẳn theo Trung Quốc, thậm chí còn định ép Phnom Penh chấp nhận đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về vấn đề SNC Campuchia.
–––––––––––––––––––
Nguồn: trankinhnghi.blogspot.com


Hải Tâm - Sao không gọi giặc lạ, cho quen?


Hải Tâm 

Trẻ em thật thà là sự đính chính cho những người lớn… hư!
Tưởng cứ che giấu sự thật bằng sự lắt léo ngôn từ là khôn nhưng thực ra rất dại. Vì ngôn từ chỉ là cái vỏ, nội hàm của nó sẽ được lấp đầy bằng chính hiện thực, phù hợp với thực tế chứ không theo ý muốn của những người ngụy dụng ngôn từ.
Bây giờ mọi người đều hiểu chữ LẠ (nước lạ, tàu lạ…) trong ngôn từ của đảng, của nhà nước và báo chí “lề phải” lâu nay chính là Trung Quốc, là của Tàu, rất “quen” chứ không “lạ” gì hết. Nhưng khi chữ LẠ đã mất tác dụng ngụy trang thì nó phát huy tác dụng ngược lại, nó tố cáo một thái độ né tránh, có thể là hèn nhát, sợ sệt, mưu toan, bất chính… Lợi bất cập hại! “Khôn ngoan chẳng ngoại thật thà” bởi thật thà là cha quỷ quái, càng quỷ quái càng tự đào mồ chôn.
Bài tập đọc trong sách giáo khoa lớp 3 viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43) mà không nêu đích danh kẻ xâm lược thì thật là sự né tránh ngu xuẩn đến nỗi một em bé lớp 3 đã “phát hiện” ra. Khốn khổ chưa, một khi đã bất chính, đã ám muội thì "đỉnh cao trí tuệ" của cả một hệ thống chính trị và giáo dục kết hợp lại cũng thua trí khôn một trẻ lên ba? Những thói xấu được gợi ra trong bài Sao không gọi giặc lạ, cho quen như “không gọi chính danh”, không trắng đen sòng phẳng, như "lấp lửng, loanh quanh, thiếu minh bạch, nếu không muốn nói là né tránh, bưng bít"… đều cùng một mẹ đẻ ra là căn bệnh DỐI TRÁ.
Tại sao xã hội mình lại dối trá đến mức này, dối trá chồng lên dối trá mà cuối cùng nào có dối trá được ai? Nếu tự thắng được bệnh dối trá thì chỉ cần những đầu óc trẻ thơ cũng có thể phát hiện ra “vô thiên lủng” những nút thắt sờ sờ trong xã hội, đã thấy cần một cuộc "đại phẫu toàn diện" như bài báo này gợi ra!
Dám nêu những thực trạng dồn nén, bức xúc đã là đáng quý, nhưng để thắng được “quốc nạn” giả dối đã ngấm vào xương tủy thiết nghĩ còn phải tiếp tục dũng cảm lần tìm đến gốc nguyên nhân và cần đến sự đồng tâm hiệp lực để “chiến đấu”, để đấu tranh và tự đấu tranh đến cùng của tất cả mọi người, mọi ngành.
Bauxite Việt Nam.



Không khó lý giải nỗi bức xúc này, vì nó xới lại một vấn đề lịch sử, nhưng thực chất đang trở thành thời sự.

1. Sau gần hai thiên niên kỷ, con cháu bà Trưng, bà Triệu lại khơi lên câu hỏi tưởng đã xưa như Trái đất: Hai Bà Trưng đánh giặc nào? Nỗi bức xúc bắt nguồn từ một bài tập đọc trong sách giáo khoa lớp 3 viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43) mà không nêu đích danh kẻ xâm lược.

Không khó lý giải nỗi bức xúc này, vì nó xới lại một vấn đề lịch sử, nhưng thực chất đang trở thành thời sự. Đằng sau đó là nỗi bức xúc về những điều dù biết rành rành mà nhiều khi không được gọi chính danh.

Chẳng hạn, ai cũng hiểu những cái lạ đứng đằng sau cái quen đến nhẵn mặt là gì, ấy vậy mà vẫn cứ phải coi là lạ. Hay có những người, sự vật, hàng hóa biết rõ đến từ đâu, vẫn cứ phải gọi chung là từ "nước ngoài".

Đó chỉ là vài ví dụ rất nhỏ trong vô số những chuyện hiểu nhưng phải chịu cảnh không thể "trắng đen sòng phẳng" ra được.

Bức xúc, nhưng cũng lại đâm... mừng. Mừng vì nếu thực câu hỏi Hai Bà Trưng đánh giặc nào được khơi mào từ một đứa trẻ lớp 3, thì đúng là "con cháu chúng ta giỏi thật" và cũng thật tràn đầy tinh thần phản biện. Lâu nay chúng ta luôn lo lắng bọn trẻ lơi là với lịch sử, và mắc "bệnh" học gạo, chỉ biết cắm đầu "tụng" suông để kiếm điểm cao.

Hàng ngàn điểm không lịch sử trong các kỳ thi cấp quốc gia và tình trạng dân ta không rõ sử ta đủ làm cơ sở cho những nỗi lo lắng đó. Nhưng có vẻ, không hẳn bọn trẻ quay lưng với lịch sử nói chung, mà là quay lưng với cách dạy lịch sử "lấp lửng, loanh quanh, thiếu minh bạch, nếu không muốn nói là né tránh, bưng bít"[1].

Chúng ta kêu gọi học sinh phải yêu sử để yêu nước mình. Nhưng có một thực tế như vị một giáo sư uy tín ngành sử từng chỉ ra là: "Chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của các thế hệ người Việt Nam... Thế mà có cả một thời gian dài, vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là "nhạy cảm" để rồi lịch sử không có lấy một dòng nào."[2]


Hai Bà Trưng đánh giặc nào? Ảnh minh họa

2. Để bọn trẻ được mạnh dạn phản biện và nói lên ý kiến, người lớn sẽ phải đối mặt với nguy cơ để lộ nhiều hạn chế của chính bản thân. Bởi bọn trẻ vốn chứa trong mình "vô thiên lủng" những câu hỏi vì sao và nhận thức đang ngày càng trở nên già trước tuổi.

Dẫu vậy, người lớn vẫn rất cần vượt qua nỗi sợ "bị hỏi" để tạo cơ hội cho bọn trẻ bày tỏ suy nghĩ của mình. Có như vậy, chúng ta mới gây dựng được một thế hệ những công dân, trí thức phản biện tự tin và biết trăn trở trước những vấn đề của thời cuộc, dân tộc.

Có lẽ là một tín hiệu đáng mừng, khi năm học vừa qua, một sở giáo dục, đã vượt qua nỗi lo lắng, để hướng tới xây dựng một môi trường "được hỏi" cho học sinh[3]. Đó là Sở GD-ĐT Vĩnh Long với đề án "Hình thành tính minh bạch cho học sinh tiểu học", vừa được thí điểm ở tám trường tiểu học trong năm học 2011 - 2012, và sẽ mở rộng ra toàn tỉnh trong năm học mới này.

Thông qua việc thực hiện bảng thông tin "Điều em muốn nói", hộp thư "Em mong muốn gì ở người lớn", đề án muốn khuyến khích các em mạnh dạn nói lên những điều chưa hài lòng về những sự việc xung quanh, đồng thời thẳng thắn nêu lên những nguyện vọng với cha mẹ, thầy cô.

Sau một năm học, đã có hơn 2.000 ý kiến đưa lên bảng thông tin và gửi về hộp thư. Những ý kiến ban đầu có thể rất đơn giản, như muốn cô giao ít bài tập hơn, siêu thị trường bán nhiều đồ chơi hơn, v.v...

Nhưng dần dần, chắc chắn các em sẽ có thói quen để quan tâm đến những vấn đề lớn và mang tính xã hội rộng hơn, như tại sao phải tổ chức thi tốt nghiệp trong khi gần như 100% đều đỗ, tại sao học sinh nào cũng được dạy phải trung thực, nhưng lớn lên chuyện mua bằng cấp, đạo văn lại thành phổ biến, v.v...

Và biết đâu, chúng chẳng là sự khơi mào ban đầu cho những ý tưởng "đại phẫu toàn diện" cho giáo dục sau này?


Tạo cho trẻ cơ hội được mạnh dạn nói lên ý kiến

3. Trong khi phải trả lời vô vàn câu hỏi của bọn trẻ, người lớn cũng đồng thời đang phải xử lý rất nhiều vấn đề của chính mình. Chẳng hạn, trong tuần qua người lớn vừa phải trăn trở với chuyện mối quan hệ giữa Ví nhà nước và Túi nhân dân.

Vấn đề này trở nên nóng khi mới đây một bản báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 đã cho thấy mức thuế, phí chiếm đến 26,3% trong tổng thu ngân sách của nước ta, đứng đầu trong khu vực, vượt xa tỷ lệ 12-17% tại các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc.

Với niềm tự hào "được" đóng thuế, phí cao ngất ngưởng đến thế, chúng ta hẳn hoàn toàn có quyền kỳ vọng nhà nước - người đại diện phân bổ số tiền này - sẽ sử dụng chúng hiệu quả. Nhưng cũng chính bản báo cáo kinh tế này đã chỉ ra, thuế, phí bổ đầu dân ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với tốc độ và tỷ trọng chi tiêu công. Bên cạnh đó, đầu tư công được đánh giá là lớn, dàn trải và kém hiệu quả[4].

Có người ví đóng thuế/ phí như vậy chẳng khác nào... khoan thủng sức dân. Trong khi đó, những công dân đóng thuế thường lại rất mù mờ về vai trò của mình. Một ví dụ dễ thấy là một số cá nhân, gia đình khi nhận được các chính sách phúc lợi, thường rất chân thành "cảm ơn nhà nước". Chẳng thấy mấy ai ý thức "cảm ơn chính tôi cũng như các đồng bào nộp thuế khác".

Một sự mù mờ nữa mà các công dân này cũng mắc phải là chuyện những đồng tiền thuế, phí đó được sử dụng ra sao. Và cuối cùng, dù là những người còng lưng làm ra tiền để nộp thuế, họ lại chẳng có mấy tiếng nói trong giai đoạn "nghiệm thu" hiệu quả sử dụng tiền.


Nguồn: Tuổi trẻ4. 

Một trong các mặt hàng người dân đang phải đóng mức thuế cao ngất ngưởng chính là xăng. Hóa ra, mức thuế chúng ta phải đóng để sử dụng loại năng lượng phục vụ cho nhu cầu đi lại thiết yếu hàng ngày này lại thuộc hàng "tiêu thụ đặc biệt", nghĩa là xăng cũng bị coi là "hàng xa xỉ" như rượu, thuốc lá...

Chưa hết, dù "móc hầu bao" đóng mức thuế ngất ngưởng như vậy, chúng ta cũng chỉ biết "cắn răn chịu đựng" mỗi lần giá xăng lên. Vì đến như một vị chuyên gia kinh tế dày dặn kinh nghiệm cũng còn phải thốt lên: "Tại sao việc minh bạch thông tin về cơ sở hình thành giá xăng dầu lại khó đến thế? Khó đến nỗi nhà nước hứa với nhân dân mà mãi vẫn không thực hiện được"[5].

Cái sự minh bạch đó truân chuyên đến vậy, nên hẳn rất có lý khi mới đây một vị bộ trưởng đã phát biểu: "Công khai phí giá xăng, dân sẽ sướng".

Và người dân sẽ còn được sung sướng đến mức nào khi được công khai thêm cả các loại thuế, phí khác như phí điện, nước, y tế...

Giờ thì, câu hỏi còn lại, như cách nói lái thông dụng hiện nay, là "Làm sương cho sáo" (tức Làm sao cho sướng). Trong lúc chờ đợi có câu trả lời, chúng ta hãy tạm thời tận hưởng niềm sung sướng được đi trên những con đường cao tốc vào loại đắt đỏ hàng đầu thế giới, thậm chí đắt hơn cả Mỹ.

[1] Mượn chữ của bài báo "Bài học nửa vời", Thanh Niên, 4/9/2012.
[2] BáoDân trí: Sự lệch lạc của môn lịch sử, 29/8/2012.
[3] Báo Tuổi trẻ: Thưa thầy, chúng em có ý kiến!, 3/9/2012.
[4] Tuổi trẻ: Người dân nặng gánh thuế, phí cao chót vót, 4/9/2012.
[5] Thanh niên: Thôi đừng hỏi nữa dân ơi, 15/8/2012.


Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Trịnh Hội - Obama & VOICE


Trịnh Hội


 Tổng thống Obama bắt tay cử tri tại Columbus, Ohio

 Mấy hôm nay không ngày nào mà tôi không nhận email từ những người có quyền uy nhất nước Mỹ. Hôm thì từ Phó Tổng Thống Joe Biden hoặc Đệ nhất Phu Nhân Michelle Obama. Hôm qua đến phiên Bill Clinton. Hôm nay là đương kim Tổng Thống Obama viết email cảm ơn tôi đã hết mình ủng hộ ông (vì tôi đã góp vào quỹ tranh cử của ông tất cả là…$8). Trước và ngay sau khi ông đăng đàn phát biểu tại đại hội Đảng Dân Chủ để được chính thức đứng ra đối đầu tranh cử với người đại diện cho Đảng Cộng Hòa tháng 11 sắp tới đây là ông Mitt Romney.

Thật ra thì cũng chưa chắc ông là người đã tự tay viết email gửi đi. Cũng chưa chắc ông biết có bao nhiêu ủng hộ viên như tôi. Nhưng chỉ cần chi ra một số tiền quyên góp minimum $8 là đủ để mình được thông báo hàng ngày về lần tranh cử rất hào hứng này. Cũng là lần đầu tiên tôi có quyền đi bầu ở Mỹ. Một lá phiếu không hơn một ai. Nhưng cũng chẳng kém anh Mỹ da trắng, da đen hay da vàng nào cả.
Chỉ cần biết bấy nhiêu là tôi vui rồi.

Cũng nhờ vậy mà tôi mới biết chỉ nội trong tháng 8 đã có hơn 1 triệu người như tôi đóng góp vào quỹ tranh cử của ông Obama. Và ông đã có trong tay tổng cộng số tiền gây quỹ lên đến 114 triệu đô.

Một con số quá khổng lồ phải không các bạn?

Nhưng các bạn có biết không, mặc dù ông Mitt Romney là một gương mặt mới, lần đầu tiên tranh cử tổng thổng, nhưng cho đến nay ông cũng đã gây quỹ được lên đến 111 triệu đô.

Rõ là kẻ tám lạng, người nửa cân. Thật không biết ai sẽ thắng.
Rất nhiều người (trong đó thỉnh thoảng có tôi!) thường cho rằng nước Mỹ là nơi mọi người chỉ biết làm việc quần quật suốt ngày, để kiếm tiền, để hưởng thụ. Ngoài ra chẳng có chuyện gì mà họ thật sự quan tâm.

Nhưng lối suy nghĩ ấy thiết tưởng không chính xác lắm nếu so với thực tế. Vì thực tế cho thấy hiện nay có ít nhất là 1 triệu người Mỹ, những người dân bình thường trong xã hội, đã và đang rất quan tâm đến sinh hoạt chính trị của nước Mỹ. Họ quan tâm đến độ quyết định góp tiền ủng hộ Ông Obama tranh cử để được tiếp tục làm tổng thống.

Cũng như hàng triệu người khác đã và đang ủng hộ Ông Romney. Theo cách nhìn của họ.

Đây quả là một điều đáng cho tôi học hỏi. Vì tôi nhận thấy sinh hoạt chính trị thường là điều được mọi người ít quan tâm đến nhất. Một người bình thường trong xã hội, thuộc giới trung lưu, hoặc có thu nhập kém có thể bỏ ra vài trăm đô hoặc vài ngàn đô để làm việc từ thiện. Ở các chùa, viện mồ côi, trong các thôn làng xa, hẻo lánh.
Thế nhưng nếu bạn muốn gây quỹ ủng hộ một cá nhân nào đó để đứng ra tranh cử thì tôi thấy rất ít khi, nếu không muốn nói là rất khó khăn, để bạn nhận được vài trăm đô từ người này.

Một phần có lẽ đây cũng là vì bản chất của con người. Chúng ta thường chỉ cảm động, muốn giúp những gì ở ngay trước mặt ta. Để chúng ta có thể thấy được ngay lập tức niềm hạnh phúc mà chúng ta vừa mang lại cho những kẻ khốn cùng. Khác với việc phải tranh đấu, phải bỏ công lao sức lực và tiền bạc để thay đổi những chính sách bất công đòi hỏi nhiều thời gian và sự dấn thân vào việc vận động hậu thuẫn chính trị để thay đổi chính sách. Vài năm sau chưa chắc đã thấy kết quả.

Một phần khác tôi nghĩ đây có lẽ cũng là vì trong việc dạy dỗ con cái của người Việt chúng ta, các bậc cha mẹ thường không khuyến khích con mình tham gia vào các hoạt động mang tính cách chính trị. Mà họ chỉ thiên về việc ‘ăn hiền, ở lành’, khuyên con nên đi làm việc thiện ở chùa hơn là trực tiếp tranh đấu để xã hội được công bằng hơn.

Mặc dù chúng ta ai cũng biết, hoạt động chính trị chắc chắn và luôn mang lại những ảnh hưởng to lớn nhất, sâu đậm nhất trong xã hội. Nó có thể đem đến sự phú cường chỉ trong hai, ba thập niên cho cả đất nước (Nam Hàn, Đài Loan) hay đến bờ vực thẳm chỉ vì một thế hệ lãnh đạo bất tài, ác độc, coi mạng người như cỏ rác (Đức Quốc Xã, Trung Quốc trong suốt ba thập niên 1950 – 1970).

Không có bất kỳ một công tác từ thiện nào có thể mang đến những thay đổi lớn lao trong xã hội bằng những biến chuyển từ chính sách mà các hoạt động chính trị mang lại.

Vì thế mỗi ngày tôi càng thấm câu: ‘you may not think about politics but politics thinks about you’. Có thể bạn không nghĩ về chính trị nhưng chính trị luôn nghĩ về bạn.

Năm năm về trước khi tôi quyết định về lại Việt Nam tôi tưởng rằng nếu như tôi không nghĩ về chuyện chính trị, không làm chuyện chính trị thì những việc chính trị sẽ không liên quan đến tôi.

Nhưng tôi đã lầm. Vì chính trị, đặc biệt là nền chính trị độc đảng hiện tại ở Việt Nam rất thích nghĩ về tôi. Và tất cả những ai còn quan tâm đến quyền kiểm soát chính trị độc tài, độc đảng của Đảng!

Thế thì dại gì mà tôi không suy nghĩ để dấn thân bằng những hành động cụ thể nếu như tôi không thích nó?

Nhưng mà thôi. Đấy lại là một chuyện khác. Trước tiên và ngay bây giờ là tôi cần phải học cách làm việc của Team Obama. Để làm sao có email của tất cả những ai đã và đang ủng hộ việc tôi làm, đã từng đóng góp cho tổ chức thiện nguyện VOICE, 5 đô, 10 đô để chúng tôi có thể thông báo cho họ biết công việc mà chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Đó là giúp đỡ cho những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng được định cư ở Canada.

Ghé thăm các Blogs: 13/09/2012



BLOG NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Tiếng nói của người dân Đại Từ - Thái Nguyên:

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang làm gì với đất nước, với người dân?

Phần I - Trích tin tức các báo đã đăng:
Để khách quan, chúng tôi xin trích đăng tin các báo trong nước gần đây viết về Tập đoàn điện lực Việt Nam.

1)      Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 14/3/2011 đăng bài “Giá mua điện Trung Quốc ngày càng đắt đỏ”, cho thấy cái sự đắt đỏ này không chỉ thể hiện ở giá cả: Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, Việt Nam cũng hứng chịu không ít những khó khăn khi phải phụ thuộc ít nhiều vào đối tác bán điện này. Đơn cử như tháng 3.2010, đúng lúc thuỷ điện miền Bắc sụt giảm trầm trọng thì công ty lưới điện Vân Nam, Trung Quốc lại tạm ngưng cấp điện đường dây 220kV Tân Kiều - Lào Cai và 110kV Hà Khẩu - Lào Cai. Lý do là... để thi công công trình… Trong khi đó, việc mua điện của Trung Quốc phải thực hiện theo hợp đồng thương mại rất chặt chẽ. Chỉ cần sử dụng tăng hay giảm sản lượng điện so với mức đăng ký trong hợp đồng, phía Việt Nam ngay lập tức sẽ bị phía Trung Quốc phạt.

2)      Báo Công An Nhân Dân ngày 5/5/2012 đăng bài “Mua điện Trung Quốc giá cao hơn trong nước 37%”: Tuy nhiên, vấn đề gây bức xúc trong toàn bộ câu chuyện này là ở chỗ trong khi các nhà máy chịu lỗ, chịu bị cắt giảm công suất vì thừa điện, thì ngược lại chúng ta vẫn phải bỏ ngoại tệ ra để mua điện Trung Quốc với giá cao. Theo các nhà máy phản ánh, trong năm 2011, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc mua điện của Trung Quốc với giá 6,08 cent, tương đương 1.268 đồng/KWh, cao hơn khoảng 37% với giá mua điện trong nước. Chưa kể trong đàm phán mua điện của họ, các điều kiện là hết sức ngặt nghèo, chúng ta bị ép đủ kiểu và luôn treo trên đầu khả năng bị phạt hợp đồng rất lớn.

3)      Báo Tiền Phong ngày 26/7/2012 đăng bài “ EVN thích mua điện Trung Quốc giá cao?”: Trong khi ra sức ép các nhà máy thủy điện, thậm chí họ phải chào giá 0 đồng để được chạy máy thì Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lại vác tiền đi mua điện của Trung Quốc với giá cao gấp 2 đến 3 lần.

4)      Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 8/8/2012 đưa tin: “ Trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước kêu ca về việc Tập đoàn điện lực (EVN) không mua hết điện trong nước sản xuất thì lượng điện mua từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng và giá mua cũng tăng.”

5)      SGTT.VN ngày 13/7/2012: “ Tính từ năm 2008 đến nay, giá điện bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng tới 57% song giá mua điện của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trả cho các nhà máy thuỷ điện nhỏ vẫn giữ nguyên. Sự độc quyền của EVN đang dồn ép các doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện nhỏ...”

6)       Vietnam NEWS (18/08/2012 ): “ EVN cho biết, đường dây 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên có nhiệm vụ truyền tải điện năng từ Trung Quốc về Việt Nam theo kế hoạch trao đổi năng lượng giữa VN và TQ, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành từ ngày 27/4/2007, Ban QLDA các công trình điện miền Trung (Ban AMT) thực hiện quản lý dự án. Công trình có chiều dài 79km, qua địa phận hai tỉnh Tuyên Quang (gồm các huyện Yên Sơn, Sơn Dương) và tỉnh Thái Nguyên (gồm huyện Đại Từ và TP Thái Nguyên). Sau khi Cty Truyền tải điện QG (NPT) được thành lập, EVN đã chuyển giao cho NPT quản lý, vận hành công trình này ”. Theo EVN hiện còn 37.399 nhà và công trình không đủ điều kiện tồn tại trong hành lang an toàn lưới điện cao áp. Giải pháp theo ông Ngọ - Trưởng ban an toàn EVN: là cần giải quyết ngay những nhà nằm kẹp giữa 2 đường dây 500 KV mạch I và mạch II. EVN đã có hướng dẫn thực hiện hỗ trợ di dời nhà ở và công trình nằm kẹp giữa 2 mạch đường dây 500 KV đi qua.

 Lượng điện mua từ Trung Quốc tiếp tục tăng

Theo thời báo kinh tế Sài Gòn – CN 19/8/2012- 09: 10(GMT +7)
(TBKTSG Online) - Trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước kêu ca về việc Tập đoàn điện lực (EVN) không mua hết điện trong nước sản xuất thì lượng điện mua từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng và giá mua cũng tăng.

Thông tin từ EVN cho biết, tháng 7-2012, lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 10,380 tỉ kWh, trong đó điện sản xuất chiếm 53%. Lũy kế 7 tháng năm 2012,  lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 69,097 tỉ kWh, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó điện sản xuất chiếm 43,9%, điện mua 36,782 tỉ kWh (mua của Trung Quốc 1.571 triệu kWh).

  Việc tăng mua điện từ Trung Quốc diễn ra trong điều kiện thủy văn thuận lợi, lượng điện do các nhà máy thủy điện trong nước sản xuất khá dồi dào và xếp hàng chờ bán cho EVN. Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí (PVN) Phùng Đình Thực cũng kêu rằng EVN không mua hết lượng điện do các nhà máy của PVN sản xuất (chỉ mua khoảng 97% lượng điện sản xuất ra).

Hiện nay EVN mỗi năm tăng giá mua điện từ Trung Quốc. Theo thoả thuận giữa Tổng công ty Điện lực miền Bắc với Công ty lưới điện Vân Nam (Trung Quốc), giá điện Việt Nam mua từ Trung Quốc trong thời gian từ ngày 1-1-2012 đến 31-12-2012 tăng 4,8% so với năm 2011, với giá mua 1.300 đồng/kWh, trong khi giá mua điện từ thủy điện nhỏ trong nước khoảng 800 đồng/kWh, giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 1.280 đồng đến 1.300 đồng/kWh .
Theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt, dự kiến năm nay EVN sẽ nhập khẩu 4,65 tỉ kWh điện từ Trung Quốc cho cả hai mùa mưa và mùa khô. Như vậy lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc tính đến thời điểm này chiếm 1/3 kế hoạch.

Phần II -  EVN xây dựng đường dây tải điện 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên mua điện Trung Quốc ?
Với những số liệu đã được các báo đưa tin, chúng tôi sơ bộ tính toán và thấy rằng:

1)      Với đất nước:
      Thiệt hại do chênh lệch giá mua điện của Trung Quốc so với giá mua Thủy điện trong nước 7 tháng đầu năm 2012:                           ( 1.300 đ/1KWh -  800đ/1KWh ) x 1,571 tỉ KWh = 785, 5 Tỉ đồng.
     EVN mua điện TQ theo đúng dự kiến năm 2012 thì thiệt hại là: (1.300 đ/1KWh - 800đ/1KWh ) x 4,65 tỉ KWh =  2. 325 Tỉ đồng !

     Với thiệt hại này nhân dân cả nước phải gánh chịu ( EVN tăng giá điện liên tục, người dân muốn dùng điện phải mua giá cao )

      Các nhà máy thủy điện trong nước bị EVN chèn ép không bán được điện. Như vậy họ cũng không đóng thuế thu nhập, Thuế tài nguyên cho nhà nước. Nếu EVN mua hết công suất điện của các nhà máy này, thì hàng năm họ sẽ đóng thuế thu nhập và thuế tài nguyên cho nhà nước hàng trăm Tỉ đồng !

    ( Chưa tính số tiền đầu tư khi xây dựng đường dây tải điện 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên này)
2)      Với người dân: Đường dây tải điện 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên do EVN làm chủ đầu tư đi qua nóc nhà dân đã gây ra các ảnh hưởng về điện rất xấu tới sức khỏe, gây ra tai nạn nguy hiểm liên tiếp đối với người dân sống dưới gầm đường dây tải điện này, khiến dân chúng tôi không thể sống nổi !
     Hiện tại EVN đang trốn tránh trách nhiệm đền bù nhà đất và tài sản để người dân di dời ra khỏi gầm đường điện nguy hại này.

 Như vậy: EVN đang đi ngược lại quyền lợi của đất nước và coi thường tính mạng của người dân Việt nam!

Xem các bức hình về tai nạn điện ngày 06/06/2011 đối với Dương Ngọc Sơn – 10 tuổi và ngày 24/07/2012 đối với Cáp Quý Huỳnh – 24 tuổi

Từ ngày 15/8 cho đến nay 8/9 / 2012, Đã gần 1 tháng trôi qua:
BÀ CON ĐẠI TỪ, THÁI NGUYÊN VẪN BÁM TRỤ TẠI EVN ĐÒI CÔNG LÍ




BLOG THÙY LINH

Lũ lụt ở Thanh Hóa (Ảnh Vietnamnet)
Dường như tìm một khe hẹp an toàn, yên tĩnh để sống giờ này bỗng khó hơn bao giờ hết. Bất an tới mức vừa nói điều gì đó thì ngay lập tức nhớ tới chuyện khác còn bất an hơn. Sống sao khốn khó vậy?


Thủy điện sông Tranh I là mối đe dọa hàng nghìn người dân sống dưới chân đập. Nhưng người ta vẫn bảo an toàn, có thể tích nước để chạy thủy điện. Người nói an toàn vì không phải đêm đêm mất ngủ lắng nghe tiếng nước chảy để giật mình, nên cứ đề nghị và ra quyết định. Động đất nhiều bất thường, chưa từng thấy cũng không gây chấn động đến lương tâm những người có trách nhiệm. Tâm chấn lan tỏa, tan biến trong sự tham lam, vô cảm của con người. Bỏ đập thủy điện hay bỏ dân?

Viện bảo tàng Lịch sử đã trình đề án xây dựng hết hơn 11.000 tỷ đồng. Nếu thông qua và tiến hành xây dựng thì sẽ có viện Bảo tàng Vô cảm trường tồn với thời gian. Người ta sẽ nhớ nó được xây dựng vào cái thời khốn khổ, người dân đang kiệt quệ cùng cực. Nhà nghèo chơi sang là thế đấy. Nếu công tử Bạc Liêu sống dậy chắc chắp tay vái đám hậu duệ của ông. Chả khác gì tấm bia miệng, một bằng chứng sống động của một thời “đểu cáng đã lên ngôi”.

Thọ Xuân (Thanh Hóa) nửa đêm vỡ đê khiến người dân hoảng loạn và hơn nghìn người bỏ chạy khỏi ngôi nhà ngập nước của mình. Còn ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) thì vỡ đập thủy điện, bao vây hàng chục ha lúa, hoa màu của dân. Thiên tai và nhân tai đang góp sức bần cùng hóa dân nghèo. Khi mà tiền thất thoát, tham nhũng tính hàng tỷ đô la vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm. Hóa ra từ trước tới nay có người “vô hình” điều hành đất nước. Kẻ chịu trách nhiệm ở những người nắm quyền hành rất mơ hồ, nhưng khổ đau của người dân là rất thật.

Chương trình truyền hình thực tế The Voice lộ tẩy dàn xếp chung cuộc ầm ĩ trên mạng. Hóa ra là thế. Hóa ra những gì người ta nói về giới showbiz chả sai. Nhưng trách gì showbiz khi người ta dàn xếp cả nhân sự cho việc lớn của đất nước? Cũng là tiếp nối “truyền thống”, là phát huy tính “chủ động, sáng tạo” lâu nay vẫn được sử dụng ở khắp mọi nơi. Trách ai chấp nhận những cuộc chơi như thế… Cuộc thi thật, tiền thật, giá trị ảo, danh phận mỏng. Cuộc sống là những tiếp nối những giả dối choáng ngợp.

Một ngày đẹp trời, người ta bỗng đưa ra danh sách những ngân hàng được xếp hạng tín nhiệm cao chất ngất. Toàn những ngân hàng vừa qua lùm xùm nhiều trên mạng vì chuyện thao túng mờ ám, chuyện làm ăn bất minh… Cũng chụp ảnh trao bằng. Chỉ ngày sau đã có bài phản bác, có đơn thư của các ngân hàng khác không chấp nhận kết quả đó. Hội đồng biên soạn CRV Index 2012 bảo, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan trong điều kiện thực tế nên nghiên cứu không tránh khỏi những thiếu sót. Câu này người nghe nghe mãi chán, nhưng người nói không chán cứ lặp lại. Để làm gì? Trời biết. Không lẽ xin các ông ấy hãy thương cho cảm xúc người dân, đừng lập hội đồng để xác quyết những điều không ai còn tin nữa. Chính các ông ấy còn thú nhận chưa hề khảo sát thực tế mà chỉ căn cứ vào thông báo của từng ngân hàng. Thế ra các thông báo của những ngân hàng được xếp loại A là đồ đểu? Không thì sao bị phản ứng dữ vậy? Cũng là cách dàn xếp như The Voice? Ai là nhạc sỹ Phương Uyên trong vụ này? Mà Phương Uyên đã lên tiếng xin lỗi rồi đấy. Tiếp theo “The Voice of Banks” thì ai sẽ lên tiếng xin lỗi? Dân chúng bị quan chức, đại gia đối xử như thời chỉ có hai tờ báo là Nhân Dân và QĐND đưa tin không bằng…

Lại nghe kể vừa mới đây ở Văn Giang, chỉ có khoảng 10% nhà dân treo cờ Tổ quốc trong ngày 2/9. Có ai đó đến tìm hiểu thì bà con cho biết, cờ đỏ sao vàng nhiều lần bà con dùng cắm giữ đất được trao quyền sử dụng, đã bị “thế lực thù địch”, “tổ chức” đen tối nào đó cướp và thủ tiêu mất nên giờ chả còn cờ để treo. Người kia hỏi tiếp: “Hiện nay chính quyền có gây sức ép, buộc dân phải lấy tiền đền bù nữa không?”. Bà con nói: “Việc gây sức ép với dân chúng tôi hiện nay còn dã man hơn trước”. Hỏi: “Chính quyền có đứng về dân không?”. Trả lời: “Chính quyền không đứng về phía dân, không được lòng dân. Kể cả cán bộ đã nghỉ cũng bị dân khinh, không dám nhìn mặt dân”.

Lại được nghe kể thêm: Con trai anh Lê Văn Thông, trú tại thôn 4 xã Xuân Quan thi đỗ vào trường Cảnh sát nhân dân. Sau tết Độc Lập, cậu sinh viên mới về xã xin xác nhận lý lịch thì UBND xã, trực tiếp là ông Lê Quý Đôn - Phó chủ tịch UBND xã thông báo không xác nhận được vì bên công an có ý kiến vì anh là cháu ông Lê Văn Nuôi (đã mất) và bà nội anh hiện chưa nhận tiền đền bù đất ruộng cho dự án Ecopark nên xã không được phép xác nhận. Trên thực tế đất đai của hộ anh Lê Văn Thông không liên quan đến hộ nhà cụ Nuôi, cha anh. Ai ra lệnh cho UBND xã làm việc này? Chắc gì đã là cơ quan công an? Có ai lợi dụng miệng lưỡi của công an không? Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép dân đến mức ấy? Làm vậy khác gì chính quyền “tự diễn biến” trở thành “thế lực thù địch” của dân?



BLOG HIỆU MINH

Lablaw Greatfood.

No Name dịch sang tiếng Việt là không tên. Xứ Canada có nhiều hàng hóa No Name. Xứ ta cũng đầy loại không dám đặt tên, trong đó có cả cuộc chiến No Name, kẻ thù No Name. Mời các bạn thử gọi đặt tên thêm cho những thứ không tên mà bạn đã gặp.

No Name ở xứ Canada

Tôi không ở Canada nên chịu không biết ở đó có bán những mặt hàng tiêu dùng được gọi chung là No Name – Sans Nom (hàng không tên tuổi). Nghe nói, năm 1978, công ty  Loblaw của Canada chuyên sản xuất đồ tiêu dùng và thực phẩm, muốn gây ấn tượng bằng cách đưa ra 16 mặt hàng như vậy.

Café cứ gọi là café, không phải là starbucks café hay Highland café. Chè là chè, không cần dùng đến chè Thái Nguyên hay Olong.

No Name mà chất lượng vẫn đảm bảo và quan trọng nhất so với những mặt hàng tên tuổi cùng loại thì giá giảm từ 10% đến 40%.

Từ năm 1978 đến nay, từ 16 mặt hàng gán nhãn chung chung, tới nay công ty này đã nâng lên tới 2900 hàng hóa…không tên.

Như vậy, người kinh doanh giỏi đã dùng cái No Name để đối trọng với Brand Name – có tên tuổi, một cách thành công.

No Name ở xứ ta

Ở một xứ quen quen với bạn đọc blog viết bằng tiếng Việt này cũng rất hay dùng No Name trong truyền thông, trong báo cáo chính trị, thậm chí cả trong phát biểu của Chủ tích nước hay Tổng Bí thư.
Hàng hóa nhập từ Trung Quốc thượng vàng hạ cám, từ cái kim sợi chỉ đến táo, nho và cả xe hơi, tầu hỏa, nhưng khi phát hiện chất lượng chẳng ra gì, khi lên án trên báo chí đều đồng thanh gọi là hàng hóa nước ngoài. Sợ gọi tên hàng Trung Quốc.

Bắt tay…không tên?

Tầu thuyền đánh cá của Việt Nam ra khơi đánh trên biển nhà mình, bị tầu Trung Quốc đâm chìm, thì báo chí chỉ được lệnh gọi là tầu lạ – hay còn gọi là Tầu…không tên như thời ta đánh Mỹ.

Lý do, sợ ảnh hưởng đến quan hệ hữu hảo đến hai nước, sợ ý thức hệ bị chi phối, nên tốt nhất là không gọi tên những sự kiện kiểu như vậy. Vì thế, dân ta toàn căm thù kẻ giặc không có tên tuổi.

Mới đây có vụ sách giáo khoa lớp 3 viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh tan bọn xâm lược. Văn viết hay như cháo chảy, nhưng chẳng nói là hai bà đánh giặc nào. Kẻ thù lúc ấy là xâm lược Trung Quốc chứ còn ai vào đây mà sao nhát tới mức không dám gọi tên ra.

Hay là hai cụ đánh nhau với cối xay gió như  Don Quixote (Đông Ki Sốt). Mà đối phương của Đông Ki Sốt còn có tên là cối xay gió, kẻ thù của Hai Bà Trưng là không ai cả.

Các nhà soạn sách giáo khoa của Việt Nam định dạy con cháu căm thù xâm lược trên thế giới? Hay họ ăn cơm Tầu, lấy vợ Tầu, lấy tiền Tầu, viết sách ta?

Gần đây có blog “vớ vẩn” (không tiện nhắc tên – mắc đúng cái lỗi của entry đang bàn) toàn viết chuyện cung đình. Lúc nào cũng có vài ngàn người online dù tin sai là chính, như ông này bị bắt, ông kia bị câu lưu, chửi chính phủ bạt mạng mà không làm thế nào dập được.

Nhưng rất lạ, tin về ai đó bị bắt, đi nước ngoài trốn, lập tức ngày hôm sau đã có cải chính nói rằng“trên internet có tin đồn”, mà không nói thẳng là Q..lambao viết láo.

Các vị quan trên khi nhắc về lợi ích nhóm không nói là nhóm nào, nhóm của ông tướng nào, bộ trưởng nào hay đại gia nào.

Dân Thái lật Thaksin là nói thẳng Thủ tướng tham nhũng để cuối cùng ông ấy phải lưu vong. Trong khi Việt Nam toàn lợi ích nhóm…không tên  nên cuộc chiến này xem ra có thể kéo “10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa”

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói đến một bầy sâu nhưng ông không gọi tên cho từng con sâu cụ thể. Sâu không tên trong từ điển Britannica thì làm sao tìm được thuốc diệt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc đến “Có lãnh đạo suy thoái” mà không nói rõ là ông A hay ông B suy thoái.

Không nói ra tên cụ thể thì dân chúng cứ xì xào là ông này sắp bị bắt, ông kia sắp vào tù, loạn hết cả lên.
Nên học tập Canada

Việt Nam nên cử một đoàn sang Canada công tác một tháng và gặp công ty Loblaw, nhờ tư vấn làm thế nào mà dân xứ lạnh, nửa Mỹ, nửa Pháp cộng với thế giới còn lại này, lại dùng hàng No Name ào ào như vậy.
Để chống tham nhũng, phá tan lợi ích nhóm, đủ sức đánh kẻ thù dòm ngó biển Đông...  đã đến lúc cần bỏ thói quen dùng từ bóng gió cho một sự việc cụ thể có tên hẳn hoi.

Làm được điều đó thì dân xứ ta sẽ hiểu và ủng hộ Đảng và Nhà nước quyết tâm chiến thắng cuộc chiến đấu mà cho tới thời điểm hiện tại vẫn là …NO NAME.

No Name ở Canada



HM. 9-9-2012
BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT
4 câu hỏi cho hội nghị 6

Nhóm lợi ích là nhóm nào? Bộ phận không nhỏ là bộ phận nào? Một bầy sâu là bầy nào? Ai, kẻ nào cõng rắn cắn gà nhà?

          Xác định “nhóm lợi ích” và “bộ phận không nhỏ” là “nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ”, nhưng lại không chỉ ra được cái “nhóm lợi ích” đó là nhóm nào và “bộ phận không nhỏ” là bộ phận nào? Tại sao cả “một bộ phận không nhỏ” nhưng vẫn không chỉ ra được, không bắt tận tay day tận mặt được anh nào?

          Nói bộ máy đảng viên chức quyền như “một bầy sâu”. Cả một bầy sâu nhưng lại không phát hiện, không tiêu diệt nổi một con sâu nào. Bầu Kiên, Lý Xuân Hải, Dương Chí Dũng, hay một cậu quản lý văn phòng đại diện của công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn và cô nhân viên hành chính công ty cổ phần đầu tư - công nghiệp Tân Tạo có phải là những con sâu đến mức “ăn hết phần của dân” như ám chỉ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang?

          Hay còn đâu nữa? Liệu có con sâu nào trong Bộ Chính trị, trong hàng ngũ trung ương ủy viên bị phát hiện trong đợt tắm rửa vừa rồi? Nếu không có, không chỉ ra được, tại sao Tổng Bí thư lại ám chỉ rằng “có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo suy thoái”. “Lãnh đạo suy thoái” là lãnh đạo nào, ai?

          Thậm chí đến mức Chủ tịch Sang còn nói đã có thế lực “cõng rắn cắn gà nhà”, nhưng lại không chỉ ra được ai, kẻ nào rắp tâm phản quốc?

          Hội nghị 6 (dự kiến diễn ra tháng 10 tới) phải trả lời được 4 câu hỏi này:
          1. Nhóm lợi ích là nhóm nào?
          2. Bộ phận không nhỏ là bộ phận nào?
          3. Một bầy sâu là bầy nào?
          4. Ai, kẻ nào cõng rắn cắn gà nhà?

          Không trả lời rõ ràng nổi 4 câu hỏi đó thì coi như chiến dịch tắm rửa với mong muốn làm sạch đảng như tinh thần nghị quyết 4 thất bại.

          Đây là cơ hội để ông Nguyễn Phú Trọng có thể xóa đi được hình ảnh “ông giáo làng nhu mì” như tôi và nhiều người đã nhìn xét ngay từ những ngày đầu nhậm chức. Đây là cơ hội để ông Trương Tấn Sang khẳng định được vai trò và vị thế nguyên thủ đúng nghĩa.

          Và hơn cả, đây là cơ hội để đảng tự rửa sạch mình, để môi trường chính trị thật sự sạch trong hơn. Là cơ hội để tái cấu trúc lại chính phủ, tái cấu trúc lại thế chân kiềng đảng- nhà nước- chính phủ trước khi nói đến tái cấu trúc bất cứ điều gì.




Huỳnh Ngọc Chênh - BA KỊCH BẢN THAY ĐỔI CHO VIỆT NAM


Blog Huỳnh Ngọc Chênh

Thay đổi, thay đổi, thay đổi.

Đã đến lúc không thể không tính đến chuyện thay đổi, từ người dân đến những kẻ đang cầm quyền.


Dù bị ngăn cản quyết liệt bởi thế lực phản động, nhưng con tàu Việt Nam đang đi về phía ánh sáng văn minh vẫn cứ tiến tới. Sự ngăn cản chỉ có thể làm cho con tàu chậm đi chứ không làm nó phải dừng lại hay quay lui.
Tàn dư còn lại của CNCS quốc tế đang gắng gượng thoi thóp trên một vài quốc gia. Trong thực tế thì CNCS cũng không còn tồn tại nữa. Các đảng CS đang cầm quyền thực chất chỉ còn lại cái tên bên ngoài khi họ chấp nhận cung cách làm ăn của tư bản: Xóa bỏ nền kinh tế hoạch định, chấp nhận cơ chế thị trường, cho tư nhân tự do làm giàu, nghĩa là tự do bóc lột giá trị thặng dư, kể cả đảng viên vô sản của họ. Đến ngày nay vẫn còn nói kiên định với lập trường giai cấp vô sản, vẫn hô hào tiến lên CNXH chẳng qua là cách nói tự huyễn hoặc và lấy đó biện minh cho sự tồn tại của cơ chế độc tài lỗi thời.

Mô hình nửa dơi nửa chuột ấy kéo dài sự tồn tại gắng gượng của cơ chế nầy thêm một thời gian và đã đến lúc bộc lộ những mâu thuẫn không cách nào khắc phục. Người dân tự do làm ăn, tự do tư hữu không thể nào tiếp tục chấp nhận cái áo cơ chế lỗi thời, lạc hậu mà họ bị cưỡng bức quá lâu.

Bản thân nền kinh tế thị trường được định hướng chủ đạo bởi những "quả đấm thép" tập đoàn quốc doanh đang vào hồi cực điểm của sự rệu rã. Những quả đấm thép để định hướng CNXH ấy đã bị han rỉ từ gốc bởi chính cơ chế duy ý chí tạo ra chúng.  Chưa có một tín hiệu gì để thấy rằng kinh tế sẽ phục hồi trong vòng 5 năm tới. Chứng khoán suy sụp, thị trường nhà đất khổng lồ đang bị đóng băng chết cứng cùng với khối lượng vốn cực lớn đổ vào đó, sản xuất đình đốn do thiếu vốn, hệ thống ngân hàng đang ngày càng rối loạn do sự lũng đoạn của nhóm đặc quyền và do điều hành bởi cơ chế tài chánh phản thị trường và thiếu minh bạch. Đầu tư nước ngoài liên tục sụt giảm, đầu tư trong nước chựng lại do hụt vốn và do mất niềm tin.

Bất an và rối loạn hiện diện khắp mọi nơi. Loạn dự án, loạn nhà đất, loạn ngân hàng, loạn chứng khoán, loạn giá vàng, loạn quy hoạch, loạn giao thông, loạn cảng biển, loạn phi trường, loạn sân golf, loạn đại học, loạn tuyển sinh, loạn thủy điện, loạn phá rừng, loạn phung phí tài nguyên môi trường, loạn đầu tư công, loạn mua quan bán chức... Nghĩa là không có lãnh vực nào được điều hành một cách khoa học và có bài bản bởi một nhạc trưởng có chuyên môn cơ bản chứ đừng nói là nhạc trưởng giỏi.

Tất cả những cái đó là hệ quả của một thiết chế phi dân chủ cùng với cách làm ăn theo cơ chế thị trường nửa vời.

Để đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng và đi lên, không thể không có sự thay đổi. Ngay bản thân những người CS chân chính đang cầm quyền cũng nghĩ đến chuyện thay đổi để cứu nước, cứu đảng.

Nhưng thay đổi theo kịch bản nào?

Dựa vào kinh nghiệm lịch sử, có ba kịch bản cho sự thay đổi có thể xảy ra:
- Đảng cầm quyền tự thay đổi bằng những cải cách dân chủ và nhượng bộ dần dần. Lập ra quốc hội lưỡng viện, với thượng viện là đại biểu do đảng chỉ định, hạ viện gồm những đại biểu do dân thực sự bầu ra từ tranh cử tự do với sự tham gia của nhiều đảng phái.

Đây là kịch bản đã từng diễn ra với cách mạng Anh. Giai cấp phong kiến cầm quyền từng bước nhượng bộ trước những yêu cầu dân chủ của giai cấp tư sản đang nổi lên. Viện Thứ Dân (hạ viện), đại biểu do dân bầu lên, được lập ra bên cạnh Viện Quý Tộc (thượng viện) để cùng nắm quyền lập pháp. Chế độ quân chủ lập hiến ra đời và nhờ vậy triều đình phong kiến Anh vẫn còn tồn tại trong định chế dân chủ cho đến ngày hôm nay. Chế độ độc tài quân sự Miến Điện cũng đang đi theo con đường nầy. Họ tự cải cách và dần dần từng bước nhượng bộ trước yêu cầu dân chủ hóa của toàn dân. Các đảng phái đối lập được tự do tham gia bầu cử, các quyền tự do của người dân từng bước được phục hồi. Tiến trình dân chủ hóa diễn ra trong hòa bình và ổn định.

Đây là kịch bản tốt nhất, lý tưởng nhất cho Việt Nam. Đất nước được dân chủ hóa mà đảng cầm quyền vẫn tiếp tục tồn tại và vì thế vẫn giữ được sự ổn định, tránh đi những mất mát đau thương không đáng có, nhất là trong tình hình giặc ngoại xâm phương Bắc đang lăm le chờ cơ hội bên ngoài.

- Nhân dân đứng lên lật đổ nhà cầm quyền. Trước yêu cầu bức bách của sự thay đổi, trước yêu cầu phải dân chủ hóa, nếu nhà cầm quyền vẫn bằng mọi cách duy trì thể chế độc tài lạc hậu, thì đến một thời điểm chín mùi, cách mạng sẽ nổ ra. Nhân dân sẽ đứng dậy lật đổ nhà cầm quyền. Đây là kịch bản từng xảy ra trong quá khứ với cách mạng Pháp, cách mạng Nga... Rồi lặp lại tại Đông Âu cũng như tại các nước Á Rập mới đây. Để xảy ra kịch bản nầy sẽ gây ra bất ổn và thiệt hại rất lớn. Đó là cái giá cần phải trả cho một nền dân chủ do đấu tranh mà có, không thể tránh khỏi.

- Người tiến bộ trong đảng tự đứng lên cướp quyền lãnh đạo và chuyển qua giai đoạn độc tài cá nhân. Khi không còn thuyết phục được lực lượng bảo thủ trong đảng, những đảng viên tiến bộ có thể tập hợp lại dưới trướng của một cá nhân uy tín nào đó, đứng lên cướp quyền lãnh đạo đảng. Những người nầy có thể sẽ chuyển đổi đất nước qua thẳng thể chế dân chủ như kịch bản 1 hoặc chuyển qua thể chế độc tài phi cộng sản một thời gian trước khi dân chủ hóa hoàn toàn. Những lời đồn đại về một "tổng thống N. T. D." phải chăng là manh nha của kịch bản nầy?

Vấn đề là khi nào thì diễn ra sự thay đổi. Đó là vào lúc thời cơ đã chín mùi. Khi ấy chỉ cần một làn gió thoảng qua cũng làm trái rụng. Làn gió thoảng qua ấy có thể xuất phát từ một cuộc đàn áp của nhà cầm quyền với người dân (như ở Libya), hoặc từ sự biến động của nền kinh tế đang càng lúc càng suy kiệt...

Tuy nhiên cũng có thể không có thay đổi gì hết trong vòng vài chục năm tới. Có một kịch bản nữa mà qua các dấu hiệu thực tế đang lộ dần ra, không thể không rùng mình nghĩ đến. Kịch bản đưa đất nước nầy lệ thuộc vào Trung Cộng. Dưới cái ô che của mẫu quốc vĩ đại, mọi cái lạc hậu, phi nhân vẫn tiếp tục tồn tại, tồn tại cho đến khi nào mẫu quốc sụp đổ hoặc cho đến khi đất nước lại xuất hiện một Lê Lợi mới.


Nguyễn Hữu Vinh - Cần phải cảnh giác cao độ với âm mưu hạ uy tín của đảng


Blog Nguyễn Hữu Vinh

Kể từ ngày từ chức chủ tịch Quốc Hội lên làm Tổng Bí thư Đảng CSVN, những chuyến đi nước ngoài của ông Nguyễn Phú Trọng được dư luận trong nước chú ý. Không chú ý làm sao được khi ông đang giữ một chức vụ ở Việt Nam có thể coi là tương ứng với ngôi vua thời phong kiến. Vì sao có thể so sánh như vậy? Chì vì ông là Tổng bí thư Đảng CSVN, mà Đảng CSVN là “lực lượng lãnh đạo toàn đất nước toàn dân tộc”. Điều 4 Hiến pháp đã tự nguyện quy định như vậy.


TBT Nguyễn Phú Trọng giảng về CNXH ở Cuba

Mà sự lãnh đạo ở đây là lãnh đạo “tuyệt đối”, nghĩa là lãnh đạo tuốt tuột mọi tầng lớp, mọi hoạt động, mọi con người sống trên mảnh đất hình chữ S này (Trừ Hoàng Sa và một số đảo đang bị Trung Cộng chiếm giữ trái phép). Đến như Hiến pháp quy định Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước, có quyền lập pháp, vậy mà Đảng vẫn cứ lãnh đạo như thường, thì đủ hiểu là quyền lực của Đảng đến đâu, trong khi ông lại là Tổng Bí thư Đảng.

Vì vậy khi ông đi đến đâu, được nhân dân chú ý là điều đương nhiên.

Một số cuộc thăm thú nước ngoài gần đây của TBT Nguyễn Phú Trọng được nhắc đến nhiều. Chẳng hạn cuộc viếng thăm Trung Quốc, ông sang đó ký luôn cái thỏa thuận về biển đảo mà không rõ việc này thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước hay là thuộc vai trò TBT? Chuyến đi này sau khi ở vai Chủ tịch Quốc Hội ông tuyên bố rằng “Biển Đông không có gì mới”. Nghĩa là ngoài đó vẫn Trung Cộng chiếm đóng một quần đảo và đang định chiếm nốt phần còn lại của quần đảo kia, vẫn là ngư dân bị bắt, bị đâm chìm thuyền, bị buộc nộp tiền chuộc, bị cấm đánh cá, vẫn là ngư dân Trung Cộng đang đổ ra như lá rừng vơ vét tài sản của ta. Chỉ có thế thôi mà các đại biểu Quốc hội cứ hỏi mãi. Thế rồi ông sang Trung Quốc êm đềm, mát mẻ với 16 chữ vàng và 4 tốt được khẳng định.

Rồi sau đó là chuyến thăm Cuba của ông với bài giảng về Chủ nghĩa xã hội nổi tiếng toàn cầu làm rùng mình những ai nghe thấy. Nhưng đến chuyến thăm Braxin không thành công như thông báo. Dư luận thì cho rằng bọn Braxin nó sợ ông lại sang giảng cho bài về CNXH nữa thì nguy, không biết tin đồn có chính xác không ? Chỉ biết rằng ông đã không được đón tiếp phải bay về âm thầm.

Thế rồi đến nay, ông tiếp tục sang Singgapore. Chuyện không có gì nói nếu ông chỉ đi thăm thú ngoại giao với cái đảng của ông Lý Hiển Long đang cầm quyền ở đó mời ông để học hỏi TBT nhà ta cách cầm quyền ra sao cho dân giàu nước mạnh. Dù sao thì Singapore cũng còn tử tế chán, hơn hẳn bọn Braxin, mời đến ngõ lại không cho vào nhà.

Thông thường, những chuyến thăm này, chúng ta chỉ yên tâm khi TBT nhà ta đi thăm các nước anh em trong phe XHCN mà thôi. Dù sao thì nói như ông Nguyễn Sinh Hùng là ở đó vẫn chung với ta đường hướng tiến lên CNXH, nên ta không sợ bọn nó chơi đểu. Còn với các nước khác, thì sự cảnh giác là hết sức cần thiết. Dù có mời mọc đi nữa, nhưng với những đất nước không chịu kiên định con đường XHCN thì chưa biết điều gì xảy ra vì âm mưu của bọn tư bản là luôn luôn có ý đồ xấu nhằm thực hiện cuộc chiến “Ai thắng ai” giữa CNXH và CNTB. Vì thế những cuộc đi này, từ cái bắt tay, lời nói, hành động đều phải cẩn thận kẻo mang tiếng là quốc nhục như chơi. Ngay cả hình ảnh cũng vậy, người ta còn thấy xấu hổ vô cùng khi nhìn thấy ông Phó thủ tướng bắt tay ông Tàu Cộng bằng cả hai tay như con bắt tay bố trong khi đường đường ông là một Phó Thủ tướng Việt Nam, thử hỏi tự hào dân tộc và tự trọng ở đâu.

Thế rồi hôm nay, trang BBC đăng tin rằng “Singapore xác nhận ông Trọng sẽ thăm Vườn Bách Thảo Singapore…” là điều dân ta thấy làm ngạc nhiên và ngờ ngợ. Chẳng lẽ ông TBT nhà ta trong lúc nước sôi lửa bỏng này mà rỗi rãi để bay sang tận Singapore đi chơi Bách Thảo? Trong khi ở nhà, dân đang lo ngay ngáy chuyện xăng đang tăng giá, dân Thanh Hóa, Nghệ An đang ngụp lặn trong lụt, Thủy điện Sông Tranh đang giật đùng đùng và hàng vạn người đang dựng tóc gáy chỉ sợ bất thần nước xuống đưa ra Biển Đông với tàu cá Trung Quốc. Vậy thì việc bố trí đưa ông TBT ta đi chơi Bách Thảo là có vấn đề chăng?
Cũng bản tin trên lại còn đưa tiếp như sau “và tại đây, một loại hoa lan, Spathoglottis Truong Lam, sẽ được đặt theo tên vị Tổng Bí thư”. Thế là rõ rồi nhé, nếu Đảng và Nhà nước ta không cảnh giác trước các thế lực thù địch thì có thể đây là một đòn làm mất uy tín của Đảng ta như chơi.

Này nhé:
- Như trên đã nói, là một người với cương vị ông vua, chẳng có ông vua nào đi chơi bời Bách Thảo hay Bách thú khi dân đang chết đuối, đang chết chìm và đang lo ngay ngáy về giá cả cắt đứt cuống họng.

- Việc tặng quà, đặt tên đường, tên phố hoặc cái gì đó tượng trưng với chức vụ TBT của ta thì cũng phải hết sức cân nhắc, vì đó là biểu tượng của Tổng bí thư Đảng ta. Hơn thế lại còn là uy tín và biểu tượng của Đảng ta nữa. Việc Singapore cố tình đặt tên TBT ta cho một loài hoa, nghe qua tưởng là quý hóa lắm vì hoa Lan là loại hoa nổi tiếng là đẹp. Nhưng hoa Lan là loại hoa không có hương, chỉ để nhìn thôi, đẹp màu mè mà không có hương thì cũng vứt đi. Trong khi đó hoa Lan lại không thể ăn được, không thể làm thuốc được… nói chung là chỉ để ngắm cho vui mắt mà thôi chứ chẳng có tác dụng gì trong đời sống, nhiều khi lại không bằng rau muống nhà mình.

- Lại nữa, hoa Lan là loại chuyên sống bám vào cây chủ, nếu được trồng thì cũng cần các loại có sẵn để sống gọi là giá thể. Loại cây Lan là loại hút chất dinh dưỡng từ thân cây chủ mà không tự lao động kiếm ăn gì cả. Cứ chờ cây chủ lao động rồi… chén. Phong lan càng phát triển, thì cây chủ càng héo mòn, thậm chí đã có nhiều cây chủ bị phong lan hút sạch chất dinh dưỡng không nuôi nổi mà chết đi.

Vậy chẳng lẽ biểu tượng của TBT của Đảng ta mà lại như thế ư? Trong khi đó, Đảng ta thường xuyên nói với dân rằng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là độc lập, thống nhất, là hòa bình, ấm no”. Vậy thì không thể lấy tên TBT Đảng ta đặt cho hoa lan được.

Nhỡ một mai, khi người dân Việt Nam có điều kiện đến Singapore để thăm thú vườn lan quốc gia, được giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, cách sống bám của cây hoa lan như thế nào, rồi bỗng nhiên thấy tên TBT nhà mình lù lù ra đó ở một loại lan trong vườn, thì xấu hổ biết trốn vào đâu? Có lẽ không cần “cầm hộ chiếu VN bị soi xét” vẫn thấy nhục.

Nghe chuyện này, một người bạn tôi thở dài đánh sượt: “Đúng là bọn tư bản nó giãy chết mà vẫn thâm thật, bên đó người Tàu cũng nhiều mà”.

Vì thế, trước lúc ông Trọng ra đi, Đảng và nhà nước cần nêu cao cảnh giác trước những việc làm có thể hạ uy tín đảng ta trong những việc này.

Hà Nội, ngày 12/9/2012, ngày ông Nguyễn Phú Trọng sang Singapore

J.B Nguyễn Hữu Vinh


Việc thực thi pháp luật ở VN: Phải cải tạo từ gốc rễ của vấn đề


Blog Kami

Chiều thứ sáu 7.9.2012, TAND TP.HCM đã tuyên bản án cho nhà báo Hoàng Khương, phóng viên báo Tuổi Trẻ do đã phạm tội “đưa hối lộ” và phạt nhà báo Hoàng Khương với mức án 4 năm tù giam. Trong phần nói lời sau cùng tại tòa, nhà báo Hoàng Khương đã thừa nhận những sai sót trong tác nghiệp của anh đã gây ảnh hưởng đến uy tín tờ báo và ngỏ lời xin lỗi ban biên tập và đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ. Đây là một phiên tòa được thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí và nhiều người dân, đặc biệt là các đồng nghiệp làm báo. Vì nhà báo Hoàng Khương chính là tác giả của hai bài điều tra “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép” được đăng báo Tuổi Trẻ  vào tháng 7-2011 đã từng gây xôn xao dư luận.

Nhà báo Hoàng Khương, phóng viên báo Tuổi Trẻ
Bản án 4 năm tù giam của nhà báo Hoàng Khương vô tình đã trùng với mức án của Trung tá công an Vũ Văn Ninh, người đã đánh chết (đánh gãy cổ) và bỏ mặc nạn nhân (ông Trịnh Xuân Tùng) trong tình trạng nguy hiểm cho đến chết tại đồn công an Thịnh Liệt trong khi thi hành công vụ. Điều này đã khiến nhiều người đã đặt câu hỏi về tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật đối với hai nhân viên nhà nước khi thi hành công vụ? Một vụ án là nhà báo Hoàng Khương, xuất phát từ trách nhiệm người làm báo trong việc tham gia chống tệ nạn mãi lộ của lực lượng Cảnh sát giao thông, vốn đã và đang là vấn nạn nhức nhối khiến nhiều người dân mong muốn chính quyền ra tay xử lý và dẹp bỏ kiên quyết. Một vụ án là Trung tá công an Vũ Văn Ninh đã vô cớ đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng chỉ vì không đội mũ bảo hiểm khi lưu hành phương tiện xe máy. So sánh hai vụ án trên để thấy hành vi phạm tội đưa hối lộ của nhà báo Hoàng Khương dẫu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng hành vi này mang tính tích cực, với mong muốn góp phần vào việc chống tham nhũng, một nhiệm vụ cấp bách hàng đầu mà đảng CSVN và nhà nước luôn đề cao và kêu gọi. Hành vi đó khác hẳn với hành vi đánh chết một mạng người của Trung tá công an Vũ Văn Ninh, vì nếu chúng ta còn suy nghĩ con người là cái quý nhất thì không thể có cái lý do gì có thể biện bạch cho hành động này.

Từ sự so sánh trên, nhiều người cho rằng cùng là nhân viên nhà nước thi hành công vụ, cùng phạm tội, với các tội danh khác nhau, nhưng hình như lực lượng công an vốn nhân danh là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ cho chế độ, dẫu có phạm tội nguy hiểm hơn thì vẫn được ưu ái hơn gấp nhiều lần. Mà không chỉ một vụ án nhà báo Hoàng Khương cho chúng ta thấy điều đó, mà còn rất nhiều các vụ án khác mà bị cáo là công an cũng đã cho thấy họ (nhân viên công an) có một vùng cấm, một đặc quyền riêng. Đó chỉ là so sánh giữa cùng là nhân viên nhà nước thi hành công vụ vi phạm pháp luật đã thấy sự bất bình đẳng, chứ chưa dám so sánh giữa nhân viên nhà nước thi hành công vụ với người dân phạm tội với các tội danh khác nhau. Như vụ án “Ba nông dân bị 13 năm tù vì ăn cắp hai con vịt” cách đây không lâu hẳn mọi người còn nhớ, nếu so với vụ Trung tá công an Vũ Văn Ninh đã vô cớ đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng theo phương pháp số học, thì hóa ra ở Việt nam mạng người rẻ mạt tới mức hai con vịt đổi được ba mạng người dân lương thiện hay sao? Vậy khẩu hiệu mọi người đều bình đẳng trước pháp luật bây giờ chính quyền nhà nước họ đang để ở đâu?

Nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn nhận vấn đề với một cách hời hợt như trên, mà không truy ra căn nguyên gốc của vấn đề, thì cuối cùng việc chúng ta cứ kêu rằng làm báo hay viết blog ở Việt nam thật nguy hiểm, nhất là các phóng viên, nhà báo, bloggers làm về mảng tham nhũng chống tiêu cực. Nhiều khi vì muốn nói hay công bố sự thật người ta phải đổi bằng tính mạng của mình. Vậy tại sao và đâu là nguyên nhân của sự vô lý đó?
Ai cũng biết rằng, thực tế ở Việt nam bất kỳ ai làm công chức nhà nước thì tiền lương không đủ để trang trải các chi phí cho cuộc sống hết sức bình thường của gia đình họ, với nhiều người đặc biệt là lực lượng công an thì tiền lương tháng không đủ uống cà phê và đổ xăng xe hơi. Song trên thực tế người ta sẵn sàng mất hàng chục, hàng trăm triệu để chạy chọt sao có một chân để được làm ở trong ngành công an để với mục đích kiếm chác làm giàu. Chính chủ trương của đảng CSVN và chính quyền của họ là như thế, cũng như việc nhà nước để cho quân đội thay vì tập trung vào việc bảo vệ tổ quốc thì được tham gia làm kinh tế. Đó chính là biện pháp mở nhưng nhằm trói buộc, gắn quyền lợi của các cá nhân trong lực lượng vũ trang với vận mệnh của đảng CSVN theo khẩu hiệu còn đảng, thì còn mình. Điều này cũng để giải thích cho việc vì sao thu nhập của công chức ở Việt nam luôn tồn tại hai khoản lương và lậu, nhưng lương thì ít, lậu nhiều thì nhiều. Đồng nghĩa với việc ai mà buông nhà nước ra là khổ, có nghĩa cũng phải bám chặt vào nhà nước để tồn tại. Công chức thì như thế, nhưng ngược lại các tầng lớp lao động tay chân, công nhân, nông dân, thợ thủ công hay những người buôn bán nhỏ... bỗng nhiên trở thành đối tượng phải chủ chi các khoản thu nhập lậu của đám công chức.

Có người cho rằng cho rằng ở Việt Nam pháp luật chưa được tôn trọng tối đa, chưa được thực thi triệt để, điều đó sẽ khiến các phóng viên, nhà báo hay các bloggers luôn luôn phải đối chọi với thách thức trong việc tác nghiệp, viết về mảng đề tài nhạy cảm này. Hoặc cũng có người thi cho rằng nền tư pháp ở Việt nam là nền tư pháp thiếu tự chủ và thiếu trưởng thành và đa phần họ đều có chung một quan điểm rằng bản án 4 năm tù cho Hoàng Khương vừa không mang lại một lợi ích chung nào. Nhưng nếu chúng ta hiểu được một sự thật rằng, việc duy trì sự tồn tại của tham nhũng là một trong những chủ trương, biện pháp nhằm củng cố sự tồn tại của đảng CSVN và chính quyền của họ. Nghĩa là tham nhũng luôn được coi là người bạn đồng hành của chế độ hiện tại, ai chống tham nhũng là đồng nghĩa với chống đảng, chống chính quyền. Với một hệ thống pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, thực chất là một thứ luật pháp giả hiệu nhằm bảo vệ quyền lực và lợi ích của một thiểu số người nhân danh đảng CSVN. Vì theo nguyên tắc, bản chất của luật pháp phản ánh bản chất của Nhà nước đặt ra nó, nhà nước kiểu nào thì pháp luật kiểu đó. Một nhà nước độc tài toàn trị như hiện nay ở Việt nam, đã và đang theo đuổi thứ chủ nghĩa cộng sản với một nền pháp chế mang đậm màu sắc XHCN thì không bao giờ nên nói tới chuyện luật pháp, chứ đừng nói tới sự công bằng và tính thượng tôn của của pháp luật. Bởi luật pháp ở Việt nam hoàn toàn không mang tính chất xã hội, nó không chứa đựng những chuẩn mực chung được số đông trong xã hội ủng hộ. Nói như vậy để thấy việc bản án 4 năm tù cho Hoàng Khương không phải không mang lại một lợi ích cho thế lực cầm quyền, vì nó mang tính biểu trưng cho sự dằn mặt đối với những ai còn tư tưởng chống tham nhũng ở Việt nam.

Chúng ta, những người cầm bút ở vai trò đối lập hay phản biện luôn luôn mắc phải cố tật là chỉ luôn nhìn nhận mọi vấn đề không nhìn từ gốc, chỉ nhìn từ hiện tượng để đánh giá một vấn đề thì không thể có biện pháp giải quyết triệt để. Như vụ án nhà báo Hoàng Khương là một ví dụ, nếu cứ tiếp tục đổ tại cho cái pháp luật hiện tại ở Việt nam chưa được tôn trọng tối đa hay thực thi triệt để thì số lượng cá phóng viên, nhà báo hay các bloggers còn tiếp tục mắc phải các "sai sót" và sẽ tiếp tục bịvào tù.

Trước một mảnh đất hoang hóa, đầy cỏ dại, nếu như bạn muốn diệt trừ các loài cỏ dại để canh tác thì tôi khuyên bạn không thể chỉ ngắt ngọn cỏ hay cắt cụt gốc, mà cần phải dùng biện pháp đào tận gốc, trốc cho hết rễ. Có như vậy bạn mới có thể hy vọng một vụ mùa tươi tốt, bội thu trong tương lai.

Ngày 08 tháng 9 năm 2012

© Kami


Nguyễn Hoài Vân - Thất bại của nền ngoại giao Trung Quốc, Singapore và Đài Loan tỏ thái độ trong cuộc tranh chấp Biển Đông


Nguyễn Hoài Vân

Trên bàn cờ tranh chấp Biển Đông có hai sự kiện đáng ghi nhận trong những ngày qua. Đó là thái độ của 2 quốc gia vốn nằm trong quỹ đạo Hoa Kỳ, là Singapore và Đài Loan.


Trước tiên, vào ngày 9 tháng 8 2012, Đài Loan đã ký một thỏa ước hợp tác với Trung Quốc trong việc khai thác Biển Đông, đồng thời đưa quân chiếm đóng một số đảo hiện tranh dành chủ quyền với Việt Nam, và tuyên bố sẽ tập trận với đạn thật trong vùng đảo Ba Bình (tức Thái Bình của Việt Nam).

Tiếp đến, ngày 13 tháng 8, ngoại trưởng Singapore phát biểu tại quốc hội, cho rằng khối ASEAN cần giữ thái độ trung lập trong cuộc tranh chấp Biển Đông, một câu nói gần như lập lại lời tuyên bố của ngoại trưởng Kampuchia cách đây đúng một tháng.

Việc hai nước vốn thuộc quỹ đạo của Hoa Kỳ tỏ thái độ nhích lại gần Trung Quốc lại xảy ra sau một cuộc đàm phán quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc, chấm dứt ngày 26 tháng 7, 2012. Người ta không khỏi tự hỏi những gì đã được thỏa thuận giữa hai cường quốc ? Mặt khác những thỏa thuận ấy hiệu lực được bao nhiêu, khi Hoa Kỳ sắp bầu lại Tổng Thống, và Trung Quốc sắp thay đổi lãnh đạo trong kỳ Đại Hội Đảng Cộng Sản sắp tới ? Tại sao Singapore và Đài Loan lại chọn bày tỏ thái độ trong bối cảnh ấy ? Phải chăng đây là một sự nới lỏng tương quan với Hoa Kỳ, hay ngược lại, là những bước đi được Hoa Kỳ hậu thuẫn ?

Về phía Hoa Kỳ, có thể nhận định rằng quyền lợi trực tiếp của họ được gắn liền với sự tự do di chuyển trên vùng biển liên hệ. Khi nào điều ấy không bị đe dọa thì Hoa Kỳ không có lý do cụ thể để can thiệp, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng, thất thu ngân sách hiện nay (*). Tuy nhiên, hâm nóng tình hình biển đông đem lại cho Hoa Kỳ một mối lợi không nhỏ trong việc bán vũ khí cho các nước trong vùng. Đồng thời điều ấy cũng làm cho sự phát triển của các nước này chậm lại, vì một phần ngân sách phải chuyển sang việc mua vũ khí, không đầu tư được vào những lãnh vực then chốt khác như hạ tầng cơ sở, tân tiến hóa kỹ nghệ ...

Cách đây ít lâu, Hoa Kỳ đã từng cho thấy ý muốn hợp tác với Trung Quốc trong việc duy trì ổn định trong vùng Đông Á. Chuyến công du Á Châu của Tổng Thống Obama cuối năm 2009 đã được kết thúc bởi một thông cáo chung với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, trong đó, hai siêu cường công bố quan điểm của họ về kinh tế, môi sinh, quân sự, v.v… trong mục tiêu « tăng cường hòa bình, ổn định và phú hữu trên toàn địa cầu » cũng như « giải quyết những vấn nạn chung của thế kỷ 21 ». Sự hợp tác này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ độc tôn trong vùng Đông Á, mà có thể được hiểu như một sự khuyến khích Trung Quốc tạo điều kiện cho một sự hợp tác trong toàn vùng. Truyền thống của nền ngoại giao Hoa Kỳ vốn vẫn  hướng đến sự hình thành những tổ chức liên quốc gia trong mục tiêu ổn định và hợp tác. Sự có mặt của « anh cảnh sát quốc tế » có một không hai này tại Đông Á, qua các đồng minh vững chắc như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân và Singapore, sẽ là một yếu tố ổn định quan trọng. Vai trò của Trung Quốc sẽ tương xứng với tầm vóc của mình, nghĩa là, trên lãnh vực kinh tế, và cả quân sự, chưa chắc gì đã lấn át được những cường quốc như Nhật, hay những quốc gia hạng trung có thể liên kết với nhau như Nam Hàn, Đài Loan, cũng như một số nước ASEAN, với sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Đó là chưa kể sự can dự có nhiều hy vọng sẽ ngày một gia tăng của Ấn Độ ...

Về phía Trung Quốc, người ta không khỏi nhìn thấy sự thất bại rõ ràng của một chính sách ngoại giao vô cùng kém cỏi. Hệ thống bạn bè khắp thế giới gây dựng được bởi chính sách giao thiệp đa phương (tiếp theo giai đoạn « phi liên kết »), ngày nay gần như hoàn toàn tan rã. Khắp thế giới, người ta bày tỏ sự nghi ngại đối với chính quyền Trung Hoa, đối với hàng hóa Trung Hoa, kể cả đối với những đầu tư của Trung Quốc. Ngay sát cạnh Trung Hoa, một số nước vốn không mấy thiện cảm với Hoa Kỳ, cũng đang chuyển hướng để nhích lại gần siêu cường này. Ngay đến đàn em trung thành là Miến Điện cũng rấp ranh rời bỏ quỹ đạo của « thiên triều » (Miến Điện vừa từ chối cho Trung Quốc xây một đập thủy điện và tuyên bố coi tương quan với Trung Quốc ngang hàng ... Ấn Độ !). Chưa thấy một nền ngoại giao nào thất bại ê chề như thế ! Nếu Trung Quốc tiếp tục đường lối hiện tại thì tai vạ sẽ giáng xuống nền kinh tế rất lệ thuộc xuất cảng của nước này. Con số đầu tư vào Trung Quốc đã tụt giảm và hiện tượng tồn đọng hàng hóa không tiêu thụ nổi đã được ghi nhận.

Sinh lộ của Trung Quốc tùy thuộc vào một sự thay đổi thái độ triệt để trong lãnh vực đối ngoại. Kỳ Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Hoa sắp tới, với truyền thống thay đổi lãnh đạo sẽ là một dịp để làm việc này, một cách nhẹ nhàng, không khiến cho giới cầm quyền hiện nay mất mặt. Thể diện luôn là một ưu tư hàng đầu của Trung Quốc...

Giả sử Trung Quốc tiếp tục một chính sách không thích nghi trong cuộc tranh chấp biển đông, thì vấn đề sẽ tiếp tục bế tắc. Không ai có thể khai thác được vùng biển ấy nếu không có hòa bình, dù cho có chiếm đóng hay tranh đoạt chủ quyền bằng bất cứ phương tiện nào. Một dàn khoan dầu giữa biển khơi không thể hoạt động được nếu luôn phải lo ngại bị tấn công bởi phi cơ, hỏa tiễn tầm xa, tàu ngầm, đặc công người nhái v.v... Ai dám bỏ tiền vào đó ? Ai dám đến đó làm việc ?

Trong nhất thời vấn đề hiện đang tế nhị là những tàu đánh cá. Nếu tranh chấp tăng cường độ, Trung Quốc sẽ phải trải ra một số tàu chiến và máy bay đáng kể để bảo vệ các tàu đánh cá từ xa đến, và ngăn cản tàu đánh cá của các nước khác. Điều này rất tốn kém, làm cho việc đánh cá sẽ chỉ có giá trị hình thức chứ không còn là một dịch vụ làm ăn sanh lợi. Các nước liên hệ sẽ nâng cao áp lực để bắt Trung Quốc đem đến càng ngày càng nhiều phương tiện quân sự hơn. Sự bế tắc sẽ có hại cho mọi quốc gia quanh biển đông, nhất là Trung Quốc, và không thể kéo dài.

Tóm lại, hai thời điểm quan trọng trong thời gian sắp tới sẽ là cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ và Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Một số nhà quan sát nghĩ rằng ứng viên Tổng Thống Romney ít có khuynh hướng can thiệp vào Châu Á Thái Bình Dương hơn ứng viên Obama. Ông Romney có vẻ dành nhiều ưu tiên cho vùng Trung Đông ... Những người đang sửa soạn cầm quyền tại Trung Quốc chắc chắn sẽ thích nghi hóa chính sách của mình với những ngọn gió đến từ Hoa Kỳ. Dù sao, giới làm ăn hoàn toàn ý thức rằng chiều hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan sẽ là mồ chôn của họ. Rất nhiều tài sản đã và đang tháo chạy ra nước ngoài, như chính quyền Australia vừa báo động ...

NGUYỄN Hoài Vân
27 tháng 8 , 2012


Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Ngô Nhân Dụng - Dân cần khỏe nước mới giầu


Ngô Nhân Dụng

Báo Tiền Phong mới loan tin một gia đình đã biểu tình trước bệnh viện Thiện Hạnh tỉnh Ðắk Lắk vào ngày Chủ Nhật vừa qua; sau khi ông Ðào Duy Từ, một bệnh nhân 42 tuổi qua đời. Vợ con ông tố cáo bệnh viện không săn sóc ông theo đúng bổn phận. Tại bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi ba tháng trước, hàng trăm người dân gồm thân nhân, hàng xóm của một sản phụ cũng biểu tình, bao vây bệnh viện Mộ Ðức phản đối các nhân viên thiếu trách nhiệm khiến bà Huỳnh Phan Thanh Tùng và đứa con chưa ra đời chết oan ức. Vào tháng Tư, thân nhân sản phụ khác ở tỉnh Hưng Yên đã đập phá bệnh viện, thân nhân và một sản phụ ở Bắc Ninh đã biểu tình; cũng vì nghi ngờ các cơ quan y tế làm chết người.


Theo phong tục người mình, đi biểu tình lên án các bác sĩ và nhân viên bệnh viện là việc bất đắc dĩ. Trước đây, trong xã hội Việt Nam hai loại người được kính trọng là thầy giáo và thầy thuốc. Ngay cả khi họ phạm sai lầm nghề nghiệp, người ta vẫn không ai đi kiện hay chửi, mắng thầy giáo và thầy thuốc. Ai cũng biết việc giáo dục và săn sóc sức khỏe cho người Việt hiện nay rất đáng phàn nàn.  Nhưng dù dân chúng có đi vây bệnh viện, đả đảo bác sĩ thì cũng chỉ nhắm vào cái ngọn thôi; không giúp cải thiện được cả hệ thống y tế.
Ai cũng biết các nhân viên bệnh viện phải được hối lộ, nhưng đó là “thủ tục đầu tiên” trong cả hệ thống xã hội chủ nghĩa. Họ cũng phải làm giống như các chú công an hay các ngài chủ tịch doanh nghiệp nhà nước vậy. Bà bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới lên lớp với nhà báo là các nhân viên y tế phải được cải tạo về đạo đức. Nhưng cả hệ thống nó như vậy từ lâu rồi, muốn thay đổi thì phải “cải tạo” từ các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang! Nhưng chính biện pháp “cải tạo” các cá nhân đó cũng vô hiệu. Vì khi một hệ thống đã hư hỏng thì bất cứ ai ngồi vào chỗ của Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, hay ngồi vào chỗ của một bác sĩ trong bệnh viện Mộ Đức, bệnh viện Thiện Hạnh cũng hành sử giống hệt như các người trước!

Theo tài liệu của Oxford Analytica cung cấp thì người dân bốn nước phải trả lấy tiền túi cho sức khỏe nhiều nhất thế giới là Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Dân Việt Nam hiện nay phải trả tiền túi 70% tiền chữa bệnh. Trên nguyên tắc, có chương trình y tế công nhưng không phải ai cũng được hưởng; chỉ có khoảng 53 triệu người được bảo hiểm. Nhưng khi tới bệnh viện người nào cũng phải có “bao thơ,” bản báo cáo dịch là “envelope’ payments.” Một cuộc nghiên cứu dư luận cho biết hai phần ba các bệnh nhân đã bị nhân viên y tế vòi tiền; và 70% nhân viên y tế thú nhật đã đòi hối lộ. Chắc các con số này quá thấp, vì nhiều người được phỏng vấn đã che đậy một sự thật đáng xấu hổ!

Các công ty dược phẩm thì hối lộ cấp cao nhất để thuốc của họ được đưa vào danh sách trị bệnh trong bảo hiểm. Vào trong danh sách rồi, giá tăng  30%. Và các công ty dược phẩm “khuyến khích” các bác sĩ viết toa dùng thuốc đắt tiền của họ. Ngân sách công chi cho ngành y tế chiếm 6.4% tổng sản lượng nội địa, nhưng chỉ có một phần ba là dùng vào việc phòng ngừa và khám bệnh tổng quát. Không thể nào bàn đến việc “cải tạo đạo đức” của các bác sĩ, nhân viên y tế, nếu không “trị bệnh” cho cả hệ thống cai trị độc đảng!

Theo bảng xếp hạng năm ngoái của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, gọi tắt là WHO), thì Việt Nam đứng hạng 160 trong số 190 quốc gia về săn sóc sức khỏe cho dân. Thua cả Uganda, đứng hàng thứ 149! Mấy nước Châu Á khác đứng cao hơn nhiều: Singapore hạng 6; Nhật Bản hạng 10; Thái Lan hạng 47; Nam Hàn hạng 58; Philippines hạng 60; Sri Lanka hạng 76; Bangladesh hạng 88, Indonesia hạng 92, Ấn Độ hạng 112; Trung Quốc hạng 144; Đài Loan không thấy nằm trong danh sách vì không phải thành viên Liên Hiệp Quốc. Trong Châu Á, Việt Nam chỉ đứng hàng cao hơn Lào, Campuchia và nước đứng cuối sổ là Myanmar. Với quý vị độc giả sống ở Mỹ, xin ghi thêm, USA đứng thứ 37 trong bảng xếp hạng này.

Việt Nam đứng hàng quá thấp so với các nước chung quanh, dân mình phải thấy đó là một nỗi hổ thẹn chung. Nhưng điều đáng lo ngại là trong tương lai mình vẫn bị họ qua mặt, bỏ lại đằng sau, còn cách xa hơn nữa. Vì hiện nay các nước Châu Á đang có một phong trào cải thiện hệ thống an sinh xã hội mà tuần báo quốc tế The Economist gọi là “Cuộc Cách mạng sắp tới ở Châu Á,” trên trang bìa của tờ báo trong tuần này. Sau cuộc đổi đời về kinh tế với những Con Rồng Châu Á thời 1970, nay là một Cuộc Cách Mạng nhằm bảo đảm cho cuộc sống của mọi người dân được chăm sóc nhiều hơn. Họ đang xây dựng những mạng lưới an toàn để không người dân nào bị gạt ra bên lề, không được hưởng những tiện ích về y tế, giáo dục, hưu bổng, và lợi tức tối thiểu mà tình trạng phát triển kinh tế đem lại.

Quốc gia được tổ chức WHO mô tả là “có một lịch sử thành công lâu dài” về y tế là Thái Lan. Người Thái có triển vọng sống trên 70 tuổi, trên 98 % nhà ở được dùng nước sạch sẽ. Thái Lan đã lập quỹ bảo hiểm y tế do chính phủ đảm nhiệm từ thập niên 1990, nhưng không thành công vì chỉ có những người “kém sức khỏe” mới gia nhập, còn người khỏe mạnh không vào. Năm 2001, sau khi thủ tướng dân sự Thaksin thay thế các tướng lãnh, ông đưa ra một chương trình tên là “Dự Án 30 bạt!” Mỗi lần đi khám bệnh người dân chỉ phải trả 30 đồng bạt (lúc đó tương đương với một đô la rưỡi); ngoài ra chính phủ trả hết. Người tham dự được chữa trị tại bất cứ bệnh viện nào, đi bác sĩ chuyên môn không phải trả thêm. Chưa có một quốc gia nào ở mức phát triển kinh tế còn thấp như Thái Lan dám áp dụng một chương trình bảo hiểm sức khỏe công cộng như vậy. Vì thế cho đến giờ đảng của ông Thaksin vẫn thắng cử, mặc dù ông đã phải sống lưu vong vì bị truy tố và kết án về “làm giầu bất chính.” Thái Lan chi tiêu 4.3% tổng sản lượng nội địa (GDP) vào y tế, ba phần tư do chính phủ trả, còn lại là tư nhân.

Hiện nay tại Indonesia, ngoài những người đã mua bảo hiểm tư, có 76 triệu người được bảo hiểm y tế, theo chương trình gọi tên là Jamkesmas, trong đạo luật ban hành năm 2008, gần mười năm sau khi dân Indonesia lật đổ chế độ độc tài của ông Suharto. Các chi phí chữa trị, bệnh viện, đều do chính phủ trả hết. Ngoài ra, Indonesia còn chương trình viết tắt là PNPM trợ cấp cho các làng, năm ngoái mỗi làng được phát 47 triệu rupiah, khoảng 5,300 đô la Mỹ để giúp các gia đình nghèo, cho trẻ em được đi khám bệnh, đi học, trợ cấp thức ăn, và săn sóc sức khỏe các sản phụ. Quỹ này do một hội đồng trong làng gồm 11 người quyết định chọn người được thụ hưởng. Nhưng chương trình Jamkesmas bị Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ trích vì tuy được đặt ra với mục đích giúp những người lợi tức thấp nhất nước, nhưng khi áp dụng không phân biệt được ai thực sự nghèo. Hơn nửa số người thụ hưởng hiện nay không thật sự thuộc 30% dân số nghèo nhất. Ngân hàng Thế giới đã trợ giúp Indonesia cải thiện để chọn lọc số người thụ hưởng; căn cứ vào những tiêu chuẩn quan sát tại chỗ, như nền nhà đất hay gạch, có nhà vệ sinh riêng hay không, vân vân. Hiện nay kinh tế Indonesia chỉ phát triển bằng mức của nước Mỹ năm 1935, là năm Mỹ bắt đầu lập quỹ hưu bổng xã hội công (social security). Tháng Mười năm ngoái, Quốc hội Indonesia đã biểu quyết một đạo luật bảo đảm tất cả mọi người trong 248 triệu dân sẽ được bảo hiểm sức khỏe, bắt đầu từ năm 2014. Khi được thi hành thì đây sẽ là chương trình bảo hiểm y tế công lớn nhất thế giới. Đạo luật này cũng bảo hiểm cả hưu bổng, bảo hiểm lao động vào năm 2015.

Tại Philippines, chương trình bảo hiểm y tế PhilHealth của chính phủ đang có 85% dân chúng được hưởng. Tỷ lệ này vào hai năm trước chỉ là 62% trong tổng số dân 104 triệu người. Trong năm qua Ấn Độ đã giúp thêm 110 triệu người được bảo hiểm y tế. Chính phủ cũng bành trướng chương trình “bảo đảm việc làm” cho dân ở tất cả các vùng nông thôn nghèo, trong đó bất cứ ai nếu muốn cũng có việc làm ít nhất 100 ngày trong một năm, với mức lương tối thiểu.

Các nước Châu Á ở ngay bên nước Việt Nam đã đạt được các tiến bộ trên không phải vì chính phủ của họ nhân từ, giới lãnh đạo của họ được cha mẹ dậy dỗ, “cải tạo tốt!” Nguyên nhân chính khiến người ta lo cho dân là vì người dân ở các nước đó đã tranh đấu để có quyền quyết định việc chung cho cả nước. Khi giới quân phiệt ở Thái Lan rút lui thì chính quyền dân sự mới lo đến việc y tế cho dân nghèo; cũng vì họ muốn “kiếm phiếu” của dân. Nếu ông Marcos còn ngồi thêm đến lúc chết để nhường ngôi cho vợ hay con, thì nước Philippines ngày nay chắc cũng không khác Bắc Hàn! Sau khi ông Suharto từ bỏ quyền hành thì Quốc hội Indonesia mới biểu quyết những luật y tế mới. Bởi vì tất cả các người làm chính trị ở các nước này ai cũng biết phải nhờ người dân bỏ phiếu thì họ mới được ngồi vào Quốc hội, chứ không phải chỉ nhờ “đảng bố trí.”

Ai từng quan tâm tìm hiểu cũng đều biết khi người dân một nước có trình độ học vấn cao hơn và sức khỏe tốt hơn, thì kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn. Bao nhiêu cuộc nghiên cứu khắp thế giới, nhất là ở các nước nghèo, đã chứng minh những liên hệ nhân quả này. Đặc biệt là nếu các bà mẹ và trẻ em đều được học hành và có sức khỏe tốt thì chắc chắn kinh tế cả nước sẽ phát triển nhanh trong khoảng mười năm sau. Y tế và giáo dục là những vấn đề thiết thực, cần thiết, có ảnh hưởng lâu dài trên trình độ phát triển kinh tế quốc gia.
Cải thiện giáo dục và y tế, cũng quan trọng như thay đổi hệ thống chính trị độc tài, độc đảng. Cả nước cần chú ý, bàn bạc về chuyện này, ngay trong lúc guồng máy công an của đảng Cộng sản vẫn còn ngự trị. Không lẽ người ta bàn chuyện giáo dục và y tế mà công an lại tới còng tay hay sao? Nói rộng hơn nữa, mọi người Việt Nam phải quan tâm và cùng nhau thảo luận ngay bây giờ những vấn đề như mạng lưới an sinh xã hội, quỹ hưu bổng cho mọi người về hưu, trợ cấp cho những người bệnh kinh niên hoặc tàn tật không thể làm việc, bảo hiểm tai nạn trong khi làm việc, bảo hiểm thất nghiệp, vân vân. Quý ông Bầu Kiên hay Dương Chí Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng hay Trương Tấn Sang không cần nghĩ đến các vấn đề đó, vì họ đủ tiền tự lo lấy. Nhưng cả nước thì cần phải bàn đến, vì đó là tương lai của dân tộc.