Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012
Ngô Nhân Dụng - Ðánh đấm Trung Quốc để tranh cử
Ngô Nhân Dụng
Muốn biết một quốc gia có được người Mỹ nể sợ hay không, có thể coi các nhà chính trị Mỹ nói gì về nước này khi tranh cử. Thái độ của các ứng cử viên tổng thống Mỹ là thước đo rất đáng tin.
Hồi còn Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản, các ứng cử viên tổng thống Mỹ luôn luôn coi chừng xem Nga Xô giở trò gì để gây ảnh hưởng trên các cuộc tranh cử hay không. Vì các người lãnh đạo ở Moscow có thể tạo ra một biến cố, gây khó dễ vị tổng thống đương nhiệm. Họ cũng có thể bày tỏ thái độ hòa hoãn, hợp tác, để tăng uy tín người đang ngồi trong Tòa Bạch Ốc. Báo chí Mỹ thời 1960, 1970 hay đặt câu hỏi, “Không biết năm nay các ông trùm điện Cẩm Linh bỏ phiếu cho ai?”
Câu chuyện đáng nhớ nhất là cuộc bầu cử năm 1968, được cựu đại sứ Nga ở Washington kể lại trong hồi ký của ông. Ông Anatoly Dobrynin làm đại sứ ở Mỹ trong sáu đời tổng thống, từ Kennedy đến Reagan, cho nên có kinh nghiệm rất nhiều về vụ này. Ông kể trong năm 1968, ứng cử viên Richard Nixon đã cử một sứ giả đến viếng thăm không chính thức, gặp ông Dobrynin chỉ để yêu cầu một điều: Xin ông trình về giới lãnh đạo quý quốc là hãy đứng trung lập trong cuộc bỏ phiếu ở Mỹ năm nay. Xin quý ngài đừng làm gì để ảnh hưởng đến tâm lý dân Mỹ cả, dù thiệt hay lợi cho ứng cử viên của chúng tôi.
Trong cuộc thăm viếng xã giao đó, người đại diện cho ông Nixon là ông Henry Kissinger còn báo trước là nếu đắc cử, ông Nixon sẽ nhất quyết rút quân Mỹ khỏi Việt Nam. Ðể cho lời hứa đáng tin hơn, ông Kissinger còn chú thích thêm: Sau đó, chế độ chính trị ở miền Nam Việt Nam ra sao cũng được, dù là sẽ có một chính phủ cộng sản. Trong hồi ký, ông Dobrynin còn kể sau khi ông Nixon thắng cử, ông Kissinger lại tới thăm lần nữa, và nhắc lại lập trường rút quân bất cứ giá nào của ông Nixon. Nhưng đối với ông Anatoly Dobrynin thì chuyện Việt Nam lúc đó là chuyện nhỏ; ông chỉ quan tâm đến Châu Âu cùng các vấn đề vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn mà thôi.
Ðó là chuyện hồi Chiến Tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo nước Mỹ coi Nga Xô là đối thủ đáng nể. Họ vẫn luôn miệng đả kích Nga, nhưng chỉ đấu khẩu với Nga về những vấn đề lớn như tài giảm vũ khí; hỏa tiễn liên lục địa, vũ khí nguyên tử, vân vân. Bên trong họ vẫn đi đường ngầm, ngay trong mùa tranh cử.
Thái độ của các ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay đối với Trung Quốc khác hẳn. Cả ông Obama và ông Romney đang lấy Trung Quốc làm cái bị treo lên để đấm như người tập võ. Trong mùa tranh cử năm nay, những quốc gia được hai ứng cử viên chiếu cố nhiều nhất là Iran và Trung Quốc. Về Iran thì dễ hiểu, vì chính phủ nước này vẫn coi nước Mỹ là “ác quỷ” từ thời các giáo sĩ lên cầm quyền. Và cả hai ứng cử viên ở Mỹ năm nay đều lên tiếng chống vụ Iran luyện năng lượng nguyên tử, tố cáo âm mưu làm bom. Ông Romney có lợi điểm là tha hồ chỉ trích chính quyền Obama mềm yếu với Iran. Còn ông Obama thì chỉ gia tăng cường độ những lời đả kích Iran chứ không thể ra tay hành động gì hơn trong khi vẫn theo đuổi chính sách chung với các nước Châu Âu, là phong tỏa kinh tế để gây áp lực.
Nhưng đối với Trung Quốc thì khác. Hai ứng cử viên và cả hai đảng đều lớn tiếng đả kích Trung Quốc. Những lời đả kích đã được lập đi lập lại trong 10 năm qua, thực ra không có gì mới. Thí dụ, vi phạm nhân quyền, trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước, giữ đồng nguyên với giá quá thấp để cạnh tranh với hàng Mỹ, vân vân. Nhưng chưa bao giờ Bắc Kinh bị đả nặng và nhiều như năm nay. Thái độ đối với Trung Quốc được thể hiện ngay trong cả những bản chương trình tranh cử của hai đảng. Ðảng nào cũng chủ trương chính phủ Mỹ phải cứng rắn buộc Bắc Kinh phải chấp nhận cạnh tranh tự do theo quy tắc thị trường; và đe dọa sẽ có biện pháp mạnh hơn.
Ông Obama được lợi thế so với ông Romney vì đang nắm quyền trong tay; cho nên không những nói mà ông còn làm nữa. Ngày hôm qua, ông Obama lấy quyền của một vị tổng thống đã ra lệnh công ty Ralls Corp, một công ty do người Trung Quốc làm chủ, không được mua bốn khu nhà máy điện chạy bằng gió ở tiểu bang Oregon. Lý do được nêu ra là khu điện gió (người Mỹ gọi là wind farm, trại gió) mà Ralls làm chủ nằm cách một khu quân sự chỉ có gần 8 cây số (3 đến 5 dặm). Vụ này khiến Người Việt Nam lại nhớ đến những cái bè nuôi tôm của người Trung Quốc ở gần căn cứ quân sự Cam Ranh!
Một tổng thống Mỹ thường không quyết định về việc người ngoại quốc đầu tư vào nước Mỹ. Lần sau cùng một vị tổng thống dùng quyền phủ quyết này là ông George H. W. Bush (ông bố), vào năm 1990, khi ông cấm không cho một công ty kỹ thuật hàng không của Trung Quốc mua Mamco Manufacturing ở Mỹ. Bình thường, khi có người khiếu nại vì lý do cạnh tranh thương mại, chỉ có một ủy ban đầu tư ngoại quốc liên bộ tên là “Committee on Foreign Investments in the United States” (CFIUS) nghiên cứu và quyết định. Ðầu Tháng Chín, một công ty Trung Quốc là Huawei cũng bị CFIUS bác bỏ không được mua công ty 3LeafSystem về điện toán của Mỹ, và công ty này đã ngoan ngoãn rút lui. Lần này, CFIUS đã hỏi ý kiến của giám đốc an ninh quốc gia, và họ cho biết việc một công ty Trung Quốc làm chủ bốn khu chong chóng quay điện gió ở gần căn cứ quân sự có thể ảnh hưởng tới an ninh nước Mỹ.
Khu quân sự trong vụ này là một căn cứ thí nghiệm máy bay nhỏ không người lái, gọi là “drone,” cùng các vũ khí điện tử của Hải Quân Mỹ. Trong mấy năm qua chính quyền Obama đã gia tăng việc sử dụng “drone” trong các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và chống khủng bố. Các máy bay nhỏ (từ dưới một mét đến vài ba mét) được điều khiển bằng máy vi tính và vệ tinh nhân tạo, có thể đi chụp hình, bắn súng, thả bom, với độ chính xác rất cao. Nước Mỹ hiện đứng đầu thế giới về kỹ thuật chiến tranh mới này. Nếu Trung Quốc có thể do thám được việc thí nghiệm các vũ khí mới nhất của Mỹ, thì quả là một thiệt hại lớn.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với quyết định của ông Obama. Các luật sư Mỹ biện hộ cho công ty Ralls nói rằng không có lý do an ninh nào trong vụ cấm đoán này cả. Luật Sư Paul Clement, từng làm việc trong chính quyền cựu Tổng Thống George W. Bush (ông con), và đã biện hộ cho các tiểu bang kiện đòi hủy bỏ đạo luật cải tổ y tế Obamacare; cho là quyết định này vô lý!
Cách đây hai tuần, Tổng Thống Obama cũng đánh một đòn thương mại khác đối với Trung Quốc. Ngày 17 Tháng Chín, ông đã ký đơn kiện ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) về việc chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các nhà sản xuất bộ phận xe hơi, khiến họ có thể cạnh tranh bán giá rẻ hơn các nhà sản xuất Mỹ. Con số trợ cấp được kể tới $1 tỉ trong hai năm, dưới hình thức miễn thuế, cho vay lãi nhẹ, vân vân, bị tố cáo là cạnh tranh bất chính.
Ông Obama đưa ra quyết định đó ngay trước ngày ông đến thăm tiểu bang Ohio là nơi tập trung rất nhiều nhà sản xuất bộ phận xe hơi ở Mỹ! Nhiều tiểu bang khác mà hai ứng cử viên đang giành phiếu gay gắt cũng là nơi hàng triệu công nhân sống nhờ các xí nghiệp sản xuất bộ phận xe hơi, từ ghế ngồi đến trục máy, bộ phận điện tử, đèn, quạt, vân vân. Từ năm 2007 đến 2009, kỹ nghệ này đã phải sa thải 200,000 công nhân, gần một phần ba tổng số. Trong năm 2010, nước Mỹ xuất cảng được phụ tùng xe hơi trị giá $60 tỉ. Nếu thắng vụ kiện trước WTO này thì chính phủ Mỹ sẽ có quyền tăng thuế nhập cảng hàng Trung Quốc để bù vào số trợ cấp của Bắc Kinh. Có nhiều hy vọng là WTO sẽ phán quyết theo chiều hướng mà chính phủ Mỹ đòi hỏi. Nhưng trong cùng ngày mà Mỹ kiện thì Bắc Kinh cũng đưa đơn kiện với WTO là Mỹ đánh thuế quá cao trên những hàng nhập cảng từ Trung Quốc như thép, giấy, bánh xe hơi, đồ hóa học.
Trong cuộc tranh cử năm nay, ông Obama được lợi vì đang làm tổng thống, tha hồ đấm vào cái bị cát là Trung Quốc. Ông Romney chỉ có thể phản công bằng cách chỉ trích chính quyền Obama phản ứng quá yếu và quá chậm trước hành động cạnh tranh bất chính của Trung Cộng. Ðể chứng tỏ mình chống Trung Cộng mạnh hơn, ông Romney tuyên bố nếu lên làm tổng thống ông sẽ ra lệnh Bộ Ngoại Giao liệt Trung Quốc vào loại quốc gia ghìm giá đồng tiền để cạnh tranh bất chính! Với tố giác này, chính phủ Mỹ sẽ tăng thuế nhập cảng trên hàng hóa Trung Quốc. Ðây là một điều mà chính quyền Bush và Obama đều chưa làm; vì biết sẽ bị phản pháo.
Những hành động và lời tuyên bố của ông Obama và ông Romey nhằm chiều theo khuynh hướng cử tri Mỹ là chống Trung Quốc; đặc biệt là cán cân thương mại giữa hai nước luôn luôn nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc. Ðảng Cộng Hòa thường chú trọng đến quy tắc tự do thương mại nhiều hơn đảng Dân Chủ, nhưng đối với Trung Quốc thì lại tỏ ra cứng rắn hơn.
Hiện tượng hai ứng cử viên tổng thống Mỹ cùng lấy Trung Quốc làm cái đích để “nhắm bắn” trong cuộc tranh cử năm nay cho thấy là, nói chung, không ai coi Trung Quốc là một lực lượng đáng nể sợ. Ðể đáp lại, chính quyền Bắc Kinh chỉ phản ứng rất nhẹ nhàng, bằng những biện pháp trả đũa có chừng mực, với những đơn kiện trước WTO. Tình trạng này khác hẳn thời chiến tranh lạnh, khi Nga Xô là đối thủ số một nhưng lại đóng vai trò có thể gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bỏ phiếu của dân Mỹ. Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay cho thấy không nên nghĩ là Trung Cộng đang mạnh, đang làm cho Mỹ phải nể sợ!
Trần Mộng Tú - Hương Cúc
Trần Mộng Tú
Nghiêng
xuống hiên cúc vàng
hồn
cong theo từng cánh
bàn
tay xanh như lá
vạt
áo chạm vào thu
thời
gian khe khẽ nhặt
sợi
tóc vừa sang mùa
năm
bay chùm phấn hoa
ngày
mềm trên cánh lá
thu
ngập ngừng gõ cửa
hiên
cúc vàng đầm hương
không
gian im lặng quá
hoa
tan vào trong trăng
chân
ai bước rất nhẹ
gót
cũng pha sắc vàng
tay
ai về trên tóc
đầu
ai về ghé vai
tình
ai về trên ngực
môi
ai về thơm hơi
mắt
ai về trong mắt
đóa
cúc nào vừa rơi
hoa
vàng hay trăng vàng
làm
cho em bối rối
hương
cúc đẫm trong đêm
anh
ơi, thu đã tới.
tmt
Tháng
Tám 2012
Trần Doãn Nho - Ðịa chỉ ấy thiếu mất một người
Trần
Doãn Nho
Ngày
3/7/2012, đọc trên tờ Người Việt:
Nhà
văn Nguyễn Mộng Giác qua đời, thọ 73 tuổi!
Cùng
ngày, đọc trên Yahoo:
Actor Andy
Griffith,
who played folksy Sheriff Andy Taylor in the fictional town of
Mayberry, died Tuesday at the age of 86.
Thông
báo về cái chết nào thì đại loại cũng như thế: đơn
giản, gọn gàng.
Nhưng
đàng sau cái “qua đời” đơn giản đó là một chuỗi
dài những ngày tháng vật vã với bệnh tật, vật vã với
cuộc tử sinh, vật vã giữa hy vọng và tuyệt vọng. Có
lẽ chỉ trừ gặp phải tai nạn bất ngờ, cái chết
không đến ngay lập tức. Chết là một hành trình. Ngắn
hay dài, tùy. Với Nguyễn Mộng Giác (NMG) thì dài, quá
dài. Chín năm, kể từ mùa hạ năm 2003, khi anh bắt đầu
về hưu. Với Diệu Chi thì dài gấp bội. Người phụ nữ
đã từng cất giữ bản thảo Sông
Côn mùa lũ
một thời gian dài khi còn ở Việt Nam và khôn khéo ngụy
trang, qua mặt hải quan VN để mang sang xuất bản ở Hoa
Kỳ; người phụ nữ phụ tá đắc lực cho NMG trong những
năm làm Văn Học; người phụ nữ hiếu khách trong những
cuộc bạn bè thù tạc, chị cùng đi tiếp với NMG trong
cuộc hành trình cuối cùng khó khăn nhất, đau đớn nhất.
Cái dài dằng dặc đó đã được Diệu Chi chống đỡ
bằng những tràng cười trong veo và những câu chuyện
tiếu lâm dí dỏm.
Còn
nhớ rất rõ một buổi họp mặt tại nhà NMG vào tháng
5/2010. Đó là một buổi ăn tối do Trần Mộng Tú đến
từ Seattle, chủ xướng. Có lẽ đây là lần có mặt
nhiều bạn bè nhất với NMG cho đến lúc anh ra đi: Trần
Mộng Tú, Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh, Đặng Hiền, Bùi
Vĩnh Phúc, Trần Doãn Nho, Bùi Bích Hà, Đặng Thơ Thơ. Mọi
người ăn uống, trò chuyện vui vẻ. Chuyện cũ, chuyện
mới, chuyện văn chương, chuyện đời thường, kể cả
chuyện thanh, chuyện tục đều được mang ra bàn tán rôm
rả. Hôm đó, có lẽ Diệu Chi là người vui nhất. Chị
nói cười huyên thuyên. Kể chuyện tiếu lâm. Và hát…Một
cái vui đầy lo toan. Nguyễn Mộng Giác, tuy yếu, nhưng anh
cố gắng ngồi với bạn bè từ đầu cho đến cuối. Anh
mệt, không nói được nhiều, nhưng tỏ ra rất hạnh
phúc. Như biết được nỗi lo âu của mọi người, mỗi
khi có ai đề cập đến chuyện sức khỏe, anh cười nói:
đừng lo, tôi còn sống lâu lắm.
Nghe
thì nghe vậy, nhưng thực lòng, trong thâm tâm mọi người,
kể từ ngày anh lâm bệnh, vẩn vơ trong đầu vẫn là đợi
chờ một tin xấu.
Trong
nỗi đợi chờ kỳ quặc ấy, một năm trước đó (2009),
tôi bàn với các bạn trong Da Màu thực hiện một cái gì
để vinh danh NMG trong khi anh còn sống. Với sự nhiệt
tình của ban biên tập, “Chuyên đề Nguyễn Mộng Giác”
xuất hiện và kéo dài nguyên cả tuần trên Da Màu, tập
trung bài vở của nhiều tác giả trong và ngoài nước như
Thụy Khuê, Đặng Tiến, Nam Dao, Mai Quốc Liên, Mai Kim
Ngọc, Trần Mộng Tú, Trần Hữu Thục, Ban Mai, Luân Hoán,
Thường Quán, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Chí Kham, Trúc Chi…Tuy
chưa đề cập đến tất cả mọi khía cạnh của những
tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác, nhưng chuyên đề cũng
chuyên chở khá đủ một số nét chính trong cuộc đời
và sự nghiệp văn chương của anh. Đọc chuyên đề, anh
vui lắm. Anh khoe với tôi, có người bạn trong nước đã
in ra giấy tất cả bài vở góp mặt trong chuyên đề (hơn
200 trang) rồi photocopy gửi cho những người quen. Sau đó,
anh Nguyễn Khoa Kha, chủ nhân nhà xuất bản Văn Mới,
nhiều lần thúc giục tôi lấy bài vở từ chuyên đề và
chọn lọc thêm một số truyện khác của NMG để làm một
tuyển tập Nguyễn Mộng Giác khi anh còn sống (như Thế
Kỷ đã làm cho Võ Phiến), mọi phí tổn in ấn và phát
hành, Văn Mới gánh. Tôi hứa, nhưng đã…thất hứa! Tôi
nhắc lại điều này để ghi nhận tấm lòng của chủ
nhân nhà xuất bản Văn Mới đối với Nguyễn Mộng Giác.
Cũng là một lời xin lỗi.
Tôi
quen NMG muộn, nhưng lại khá thân. Mãi đến khi qua định
cư ở Hoa Kỳ năm 1993, tôi mới có dịp tiếp xúc với
anh. Trước hết qua tờ Văn Học, lúc đó anh là chủ bút.
Mới chân ướt chân ráo đến Mỹ là tôi chuyển ngay cho
Văn Học một truyện ngắn tôi viết từ trong nước. Đây
là một truyện hoàn toàn mang tính cách ẩn dụ, tôi đã
gửi cho tờ tạp chí Sông Hương, Huế, nhưng đúng lúc
đó, tờ Sông Hương bị đóng cửa vì “có vấn đề”.
Dù không mặn mà với loại truyện “ngụ ngôn” cũ kỹ
như thế này, nhưng anh vẫn cho in. Như một khuyến khích
với một người vừa thoát khỏi bóng tối. Tôi viết
tiếp nhiều truyện ngắn khác và cũng được NMG cho đi.
Từ đó về sau, tôi trở thành một cây bút cộng tác
thường xuyên cho Văn Học, cả về sáng tác cũng như về
biên khảo. Từ đầu năm 2001 đến cuối năm 2004, tôi phụ
trách hẳn một mục cho Văn Học là phần Tin Văn. Tháng
9/2004, khi phát hiện mình bị bệnh nan y, NMG gọi điện
thoại và muốn bàn giao vai trò chủ bút tờ Văn Học cho
tôi. Nhưng do ở quá xa quận Cam, nên tôi không nhận. Sau
đó, tờ Văn Học trở lại với anh Cao Xuân Huy, vốn là
tổng thư ký Văn Học trước đó.
Dù
không còn phụ trách tờ Văn Học, và dù không còn viết
lách được nữa, nhưng trước sau, NMG vẫn quan tâm đến
văn chương. Những lúc sức khỏe phục hồi, anh vẫn tham
gia các sinh hoạt văn chương, vẫn tiếp bạn bè trong văn
giới. Cho đến
những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, trong tận
cùng tâm thức, một mình đối diện với chỉ thân phận
của mình, NMG vẫn sống với thế giới văn chương.
Tôi
đến thăm Nguyễn Mộng Giác tại nhà dưỡng lão
(Westminster, quận Cam) vào buổi trưa ngày 25/4/2012. Anh nằm
trên giường, tỉnh táo, vui vẻ mặc dầu quanh người đầy
những dây nhợ thuốc men. Hỏi thăm tình trạng sức khỏe,
anh trả lời:
- Chưa sao! Đầu óc mình vẫn còn sáng suốt lắm. Thục đừng lo.
Nhưng
rồi giọng anh chợt trầm xuống:
- Nhìn thấy vậy nhưng giờ thì chỉ có cái đầu mình là làm việc thôi. Tất cả, tất cả đều…hư hỏng cả rồi. Thục biết không, mình là người trí thức, cứ chịu đựng tình trạng bất khiển dụng như thế này là điều không phải, đôi khi mình cũng muốn tự xử, nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, lại thôi.
Tôi
đang suy nghĩ về hai chữ “tự xử” của anh, thì anh
quay sang bàn chuyện văn chương. Như mỗi lần và mọi
lần. Anh say sưa nhắc đến những vật hư cấu của anh,
đặc biệt là trong Sông Côn Mùa Lũ và Mùa Biển Động.
Anh vui mừng cho biết một số sinh viên trong nước đã
chọn “Sông Côn mùa lũ” để làm luận án tốt nghiệp
đại học. Anh cũng rất hớn hở khi nghe tôi báo tin là
dịch giả Tôn Thất Quỳnh Du bên Úc đã dịch xong một
số chương quan trọng trong “Mùa biển động”.
Đang
giữa câu chuyện, anh chợt hỏi:
-
Thục còn nợ tôi cuốn sách.
- Sách gì vậy? Tôi nhớ là tôi đã trả hết cho anh rồi mà.
- Tập thơ Mai Thảo.
Tôi
ngẩn người. Phải rồi, thơ Mai Thảo! Những năm sau này,
anh rất thích đọc và bàn luận về thơ Mai Thảo. Không
những đọc mà còn thuộc nhiều bài. Còn nhớ, hai năm
trước đây, khi ghé thăm, Nguyễn Mộng Giác mang thơ Mai
Thảo ra đọc, rồi cùng Diệu Chi và tôi bình thơ Mai Thảo
và cùng cười sảng khoái. Anh nói: Đang mang bệnh như thế
này mà đọc thơ Mai Thảo, thật thích! Và đọc: Bệnh
ở trong người thành bệnh bạn. Bệnh ở lâu dài thành
bệnh thân. Gối tay lên bệnh nằm thanh thản. Thành một
đôi ta rất đá vàng.
Sau
đó, khi ra về, tôi hỏi mượn tập thơ Mai Thảo của
anh. Anh nhắc đi nhắc lại: Nể Thục, mình cho muợn,
nhưng mình chỉ có một cuốn và là cuốn Mai Thảo tặng,
nhớ gửi trả lại. Khi tôi về nhà, quên mất. Chừng vài
tháng sau, anh gọi điện thoại, nhắc trả cuốn thơ. Tôi
nhớ là sau đó, tôi đã gửi trả lại. Bây giờ nghe anh
nhắc, tôi đâm ra nghi ngờ mình: quên chăng?
Tôi
hứa sẽ về tìm lại tập thơ. “Nhớ nghe!”, anh nhắc
lại và lên tiếng đọc:
Đặt
tay vào chỗ không thể đặt
Vậy
mà đặt được chẳng làm sao
Mười
năm gặp lại trên hè phố
Cười
tủm còn thương chỗ đặt nào.
Đọc
xong, anh hỏi: “Thục có biết đặt
chỗ nào
là “chỗ nào” không? Biết chứ! Tôi đáp. Và chúng tôi
cùng cười vui vẻ.
Sau
chừng gần một giờ trò chuyện, tôi chào từ biệt và
hẹn sẽ trở lại thăm anh tháng sau, tháng Năm, khi tôi đi
Cali để dự một sinh hoạt đồng hương. Anh nắm tay tôi,
giọng tha thiết:
- Khi qua, nhớ ghé nghe! Mình cần bạn bè lắm.
Đó
là lần cuối cùng tôi gặp anh. Ba tuần sau, cuối tháng
Năm, tôi trở lại quận Cam, “nhớ ghé” thăm anh, thì
anh trở bệnh nặng phải chuyển vào bệnh viện, không
thăm viếng được. Cho đến lúc anh ra đi. Thế là tôi
vẫn còn nợ anh tập thơ Mai Thảo! Và không quên nụ cười
ý nhị của anh khi anh hỏi tôi “đặt chỗ nào” trong
bài thơ Mai Thảo.
Nguyễn
Mộng Giác thật đã ra đi. Nhưng Nguyễn Mộng Giác ảo
vẫn còn đó. Mãi mãi còn đó. Không chỉ là cái tên,
không chỉ là sự tiếc thương, là những kỷ niệm mà là
một cái gì rất cụ thể, rất vật chất: những con chữ.
Trên giá sách của tôi, NMG vẫn hiện diện. Y như thể
NMG chưa hề bệnh tật, chưa hề ra đi. Y như thể không
có gì thay đổi. Văn chương quả thật lạ lùng. Dường
như nó vĩnh cửu hóa mọi phù du.
Khác
với quan niệm của một số người cho rằng “văn dĩ
tải dạo”, văn chương phải có sứ mệnh này sứ mệnh
nọ, cải tạo cuộc đời cải tạo đất nước, vân vân
và vân vân, NMG có một cái nhìn gần gũi hơn, bình dân
hơn. Theo anh, tiểu thuyết
là
“một thể loại văn chương nhằm thỏa mãn nhu cầu muốn
ngóng chuyện thiên hạ của người đời. Người viết
tiểu thuyết là người kể. Người đọc tiểu thuyết là
người muốn nghe kể. Với
NMG, “căn bản
hấp dẫn và lôi cuốn người nghe người đọc người
xem những tác phẩm” là
những nhân vật và “những
nhân vật huyễn tưởng ấy cư xử y như người đời, y
như những độc giả khán giả.
Chẳng thế mà, với NMG, “Dù
tác giả có ngụy trang khéo léo cách nào, nhân vật tiểu
thuyết vẫn luôn luôn là bản sao của chính người viết.
Thế giới tiểu thuyết là bản ngã tác giả phóng chiếu
ra ngoại giới, tạo thành một thế giới mang trọn bản
ngã ấy”.
Quan
điểm này chi phối các tác phẩm của anh. Quả là có một
sự gần gũi giữa con người NMG ngoài đời và những
nhân vật của NMG trong tác phẩm. Một mặt, anh kéo những
nhân vật có danh phận cao xuống đời thường và ngược
lại, kéo những nhân vật không có danh phận lên cao hơn
khả năng suy tưởng lẫn nhân cách của họ; mặt khác,
nhân vật nào của anh cũng đầy “chất người”: bạn,
thù, chính diện, phản diện…không ai “dữ” cả. Chẳng
thế mà, cái thiện, cái lành, cái nhân tình luôn luôn
phảng phất trên các trang sách của anh. Kể cả ở những
chỗ gay cấn nhất. Chả là vì, anh cho rằng mọi con người
đều là con người bình thường. Con người bình thường
“là con người
thụ động, ích kỷ, nhút nhát, rụt rè trước quyền
lực, làm được cái gì cao cả cũng phải bị hoàn cảnh
thúc đẩy đến chỗ không có lựa chọn nào khác, và khi
ra khỏi hoàn cảnh đặc biệt ấy, lại trở về với lối
sống tầm thường cố hữu.”
Có
lẽ vì thế, trong đời sống, anh không có phong thái đầy
kịch tính của một kẻ thành danh, một thứ nhân vật hư
cấu luôn luôn sống như một kẻ trình diễn. Ở một số
tác giả
(mà tôi ngưỡng mộ), tôi thấy có một khoảng cách khá
xa giữa giữa văn và người, xa đến nỗi tôi không thể
hình dung là tác giả đó lại viết được những giòng
văn như thế và tạo ra những nhân vật như thế. Lúc
đầu, tôi ngạc nhiên. Sau, tôi thấy đó là chuyện bình
thường. NMG khác. Khi
gặp bạn bè, anh em trong văn giới, lạ hay quen, anh không
tự tạo cho mình một cái gì khác mình, khác cái “bình
thường” của mình. Ăn nói chẳng màu mè, cử chỉ sắp
xếp chẳng cần lớp lang: nhún vai thế nào, huơ tay thế
nào, nhíu mày, cười, đi đứng thế nào, vân vân.
Văn
NMG hiền, chuẩn, mực thước. NMG
cũng thế, mực thước, cận nhân tình. Đọc văn anh, theo
dõi hành vi, cử chỉ và nhất là những suy gẫm của
những nhân vật của anh và con người anh ngoài đời, hao
hao giống nhau. Tôi không mấy tán thành quan niệm “văn
tức là người” nhưng ở NMG, quan điểm này có phần
đúng.
Có
lần, chúng tôi bàn nhau về cái tốt cái xấu của nước
Mỹ. Anh nhận xét: xã hội Mỹ là cái xã hội ở đó,
một con người chỉ cần lương thiện là có thể sống
được, sống ra một con người. Ở các xã hội khác như
ở VN, lương thiện hầu như không giúp gì được cho ai,
nếu không muốn nói là thường đồng nghĩa với thua
thiệt và thất thế. Tôi chia xẻ cái nhìn này của anh.
Với
tôi, tác phẩm của NMG, sự nghiệp NMG, con người NMG,
quan điểm NMG gặp nhau ở một điểm: sự lương thiện.
Anh không sử dụng con đường tắt, sự ngụy biện, sự
lương lẹo để sống trong cuộc đời và trong văn chương.
Lương thiện với mình, với bạn bè, với chữ nghĩa, và
lương thiện cả với những nhân vật của mình. Anh đem
con người vào chữ nghĩa, chứ không vặn vẹo chữ nghĩa
để tạo nên con người. Những nhân vật của NMG, có thể
ta không thích nhưng không thù ghét; có thể ta thích nhưng
không quá sùng bái. Con người NMG cũng thế. Khen ai, anh
không đưa lên tận mây xanh và chê ai, anh cũng không hạ
giá đến tận cùng.
NMG
ra đi. Cái lương thiện vẫn còn ở lại.
Từ
xa đến, không thể quên được nơi ấy. Từ khu Phước
Lộc Thọ, đi một đoạn ngắn, quẹo phải qua Magnolia, đi
thêm chừng một mile,
quẹo trái qua McClure, đi thêm một đoạn ngắn là đến
Strait. Ngôi nhà nằm ngay góc đường. Số 14321.Căn nhà là
một thế giới mở.
Cái địa
chỉ ấy, thân tình, ấm cúng.
Cái
địa chỉ ấy rất thân quen với khách văn chương đến
từ khắp nơi. Từ các tiểu bang Hoa Kỳ, từ Việt Nam, từ
Úc, từ Pháp, từ Anh, từ Đức…Cần hẹn, cứ hẹn tại
đây, muốn nhắn tin ai, cũng nhắn tại đây, cần đi uống
cà phê, ghé lại đây, cần
gặp bạn, tạt qua đây. Cứ thế, quanh năm. Riêng
mà rất chung. Chủ nhân lúc nào cũng sẵn sàng tiếp
khách. Có người từ Việt Nam qua, thú nhận là nghe tiếng
tăm tờ Văn Học, muốn ghé chỉ để cho biết cái tờ
báo hải ngoại này hiện đại, đồ sộ đến mức nào.
Người ấy ngạc nhiên và thất vọng, vì chẳng tìm thấy
cái tòa soạn nào cả. Chỉ là một cái máy vi tính, một
hai người phụ trách với một số lượng độc giả vô
cùng khiêm tốn: vài trăm.
Cái
địa chỉ ấy rộn ràng, ấm cúng tình quê hương. Y như
một chỗ nào thân quen ở Sài Gòn ngày cũ.
Trong
khi anh nằm bệnh viện, không thể vào thăm viếng được,
tôi ghé về lại cái địa chỉ ấy. Cuối tháng năm. Nắng
rực rỡ soi bãi cỏ, ô đậu xe trước garage.
Căn nhà vắng lặng. Thật vắng lặng. Tôi bấm vào cái
nút chuông kim loại tròn, nhỏ nằm trên một khung cửa
hẹp, đè mạnh như mọi lần, cố tưởng tượng là
Nguyễn Mộng Giác sẽ ra mở cửa. Không. Diệu Chi. Gầy,
mỏng. Chị nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi nói: tôi muốn đến
thăm căn nhà. Chị vừa ở bệnh viện về, mệt nhọc, cố
gắng tiếp tôi.
Tôi
ngồi trên ghế salon.
Nhìn cái lò sửa, nơi không phải để đốt lửa mùa
đông, mà để chứa sách báo. Tôi nhìn cái máy vi tính
nằm bên góc, nơi từng được dùng để in ra tờ Văn Học
hàng tháng. Nhìn sách, báo để quanh căn nhà. Nhìn ra khu
vườn nhỏ, nơi có lúc chúng tôi ngồi say sưa bàn chuyện
văn học và văn chương. Nói chuyện với Diệu Chi. Nghe
chị tâm sự việc sắp xếp chuyện “hậu sự” cho
người bạn đời.
Thật
thấm thía khoảng trống mênh mông của một vắng mặt.
Chào
nỗi buồn, tôi ra về. Lặng lẽ. Ngậm ngùi.
Cái
địa chỉ ấy, mai, mốt, vài tháng sau, năm sau nữa… mọi
thứ có lẽ vẫn còn y như cũ. Kể cả cái garage
xe dành làm nơi lưu trữ tờ Văn Học. Cái địa chỉ ấy,
bây giờ thiếu đi một người. Người
ấy đã đến.
Đã ở. Đã ăn, nói, đứng, ngồi, trò chuyện...Và một
hôm, chợt đi. Đi mất.
Thiếu
một người và vắng tất cả mọi người!
TDN
(9/2012)
Hoàng Quân - Cùng Những Bước Đi
Hoàng Quân
Tặng Quỳnh
Lâm, bạn tôi.
Hai đứa cùng lớp từ
tiểu học. Nhà Quỳnh Lâm ở gần sân vận động. Nhà tôi ở đường Quang Trung, gần
trường Chấn Hưng. Hai đứa đến trường Nữ Tiểu Học từ hai hướng khác nhau, mà vẫn
cứ đi vòng, để cùng đến lớp. Hai đứa vẫn thường tắm chung với nhau trước khi
rời nhà. Quỳnh Lâm mặc mấy áo đầm kiểu trong báo Thằng Bờm, Thiếu Nhi. Ba tôi
bảo thủ, cho tôi diện những kiểu đầm xưa lắc, xưa lơ. Có năm, kiểu áo đầm xoáy,
tay cụt rất thịnh hành. Chị Tâm xin Mạ ra tiệm Ly Ly may cho tôi một áo. Nhưng
Ba bắt phải cải biên, tức là phải dài quá gối (đâu còn thuộc họ mini jupe nữa
đâu), và tay thì dài che cùi chỏ.
Mùa hè đỏ lửa, Ba ở
lại Quảng Ngãi. Mạ đưa các con vô Sài Gòn, tránh lằn tên, mũi đạn. Mạ tôi dẫn
tôi lên đường Nguyễn Thông, thăm gia đình ông bà Nguyễn Tiên, Ba Me của Quỳnh
Lâm. Gặp lại nhau, tụi tôi vui quá trời. Cuối hè, chiến cuộc dịu bớt. Ba kêu Mạ
dẫn các con về lại Quảng Ngãi. Chẳng biết vì lẽ gì mà hai đứa mất tin nhau. Tôi
có nhờ chị dâu tương lai của tôi, hỏi thăm tin tức của gia đình Quỳnh Lâm nhưng
chị không biết. Đầu năm 75 tôi thấy trên nguyệt san Thiếu Nhi có bài thơ Giọt
Sương Long Lanh, ghi: tặng Ngọc Thúy và kỷ niệm. Tôi cứ tin chắc là bài thơ đó
của Quỳnh Lâm dù tên tác giả lạ hoắc, lạ
huơ. Tôi có viết thư lên tòa soạn Thiếu Nhi hỏi, nhưng không nghe trả lời.
Bị đất Quảng Ngãi hất
hủi, mùa hè 76 Mạ cho chị Tâm dẫn mấy chị em vô Sài Gòn. Dù tôi không có hộ
khẩu, tức là ở bất hợp pháp, chị Tâm vẫn tìm những trường nào ‘chiến’ cho tôi
học. Ban đầu chị Tâm chọn trường Gia Long cũ, nhưng cái tên Nguyễn Thị Minh
Khai làm mất cảm tình. Sau, chị Tâm xin cho tôi vào Marie Curie.
Thời gian đầu ở Marie
Curie tôi thấy cô đơn, lạc lõng, dù bạn bè trong lớp mở rộng vòng tay chào đón
tôi. Tôi ngồi cạnh Ngọc Quyên, cô bé nam kỳ rặt, nói chuyện ngọt xớt. Ở Quảng
Ngãi bạn bè thân, mày tao với nhau. Ở Sài Gòn chỉ xưng tên. Có khi lại xưng trò
với tui. Một hôm giữa giờ ra chơi tôi bắt gặp một khuôn mặt ngờ ngợ. Chỉ mấy giây
sau, chúng tôi nhận ra nhau: Cẩm Vân của lớp tám bốn, Nữ Trung Học Quảng Ngãi.
Nơi ‘xứ người’ có nhau, hai đứa mừng dễ sợ. Cẩm Vân học ban toán lý, gồ ghề quá
trời. Giờ chơi, thỉnh thoảng tôi bỏ Ngọc Quyên, ‘đi hoang’ qua lớp 11 C 2, tìm
Cẩm Vân. CẩmVân kể tôi nghe, đã gặp
những người Quảng Ngãi nào ở Sài Gòn. Tôi vui mừng, chân cẳng quýnh quíu khi
Cẩm Vân hứa sẽ dẫn tôi đi gặp Quỳnh Lâm.
Gặp lại nhau, tôi không hỏi có phải Quỳnh Lâm đã làm bài thơ tặng tôi trên báo
Thiếu Nhi. Không quan trọng, chúng tôi có nhau, không sung sướng quá trời đất
sao! Tôi học xong lớp 12 B1 ở Marie Curie. Quỳnh Lâm xong trung học ở Nguyễn
Thượng Hiền. Hai đứa cùng nhau luyện thi vào đại học. Cùng đậu vào Đại Học Sư
Phạm, khoa ngoại ngữ, vào lớp Anh 1B...
Quỳnh Lâm rất ‘tiên
tiến’, đã là đoàn viên. Còn tôi, ở đại học mấy năm, anh Kiệt đề nghị làm cảm
tình đoàn. Tôi rỉ tai Quỳnh Lâm, nếu được, tôi sẽ cố gắng có cảm tình với mấy
anh đoàn viên, chớ biểu tôi vô đoàn thì xin miễn. Anh Kiệt là bí thư chi đoàn
của lớp, nghe đâu ba anh Kiệt ‘gộc’ lắm. Ban đầu tôi né anh Kiệt, vì nhiều lý
do. Nói chung, tôi kỵ đoàn viên, nhất là cái chức bí thư chi đoàn hắc ám. Tôi
thi vào đại học với lý lịch ma. Nghề nghiệp của Ba tôi là làm ruộng. Mạ tôi là
nội trợ. Nhờ vậy đơn xin thi mới được xét. Chứ khai thật ra, tôi thành con ngụy
quyền, tư bản, thì có nước đi chăn trâu. Dù tình hình tài chánh của gia đình
gần như hoàn toàn suy sụp, sau khi nhà bị tịch thu, Mạ tôi vẫn chèo chống, cho
tụi tôi không những chỉ đủ ăn, đủ mặc, mà còn nhiều khi ăn ngon, mặc đẹp nữa.
Lúc có tiếp viện của anh Hải chúng tôi lại mượt mà hơn. Anh Kiệt biết tỏng tôi
không phải con nhà nông. Anh Kiệt kể ra nhân từ với đám 5 đứa lóc chóc tụi tôi.
Tụi tôi cúp cua giờ Giáo Học Pháp, đi xem xi nê. Tụi tôi chuồn giờ Chính Trị Học
ra ngồi tán dốc ở sân giữa của khuôn viên trường. Năm đứa đặt mua ba ly trà đá,
vài trái cóc xanh. Tán dóc, chọc ghẹo nhau, lâu lâu rú lên cười. Đang cười, sực
nhớ, phải làm thục nữ, cả đám tắt tiếng cười cái phụp (mới mong ‘chống lầy’
được, như lời Thu Hảo). Con bé bán hàng đặt tên tụi tôi: Mấy chị có giọng cười
cụt ngủn. Trốn giờ Tâm Lý Học tụi tôi đi lậu qua bên Đại Học Tổng Hợp mua bánh
bao. Vừa đi, vừa phân tích ai là tuýp người đa sầu đa cảm mélancolie, ai là
tuýp người lửa rơm frêle. Anh Kiệt biết hết đó chứ. Anh khéo léo nhắc nhở, chứ
chưa mạnh tay với tụi tôi bao giờ. Có lần, anh cho cả đám mượn máy cassette và
một băng nhạc ngoại quốc. Thuở ấy, máy và băng nhạc là một xa xỉ phẩm người
người mơ ước. Năm đứa tụ trên lò luyện nhân tài của nhà tôi (cái gác ở nhà tôi
mùa hè nóng ơi là nóng), chụm đầu nghe và chép lại lời của những bản nhạc: Imagine, The End of The World, Words.
Bản Down Town do Petula Clark ca là
một thách thức cho tụi tôi, nhiều chữ ca sĩ hát nhanh quá, tụi tôi cứ phải nghe
đi nghe lại hoài. Trong bản Play me, Neil Diamond hát có câu ruột của tụi tôi: You are the sun, I am the moon, You are the
words I am the tune,...
Sài Gòn 1981
Thuở ấy, ai cũng ‘suy dinh dưỡng’ nhạc trầm trọng. Cho nên bản nhạc Việt
nào không tả cảnh đào kênh, vét mương, ra chiến trường thì cũng được đón nhận
thắm thiết để hát công khai. Nhạc Anh, nhạc Pháp thì khỏi nói, làm mọi con tim
non thổn thức, dù lắm khi chẳng biết bản nhạc nói cái gì. Sang Đức, có lần xem
show của Neil Diamond trên ti vi, ông ca bài Play Me với một nữ ca sĩ khác,
trông có vẻ kỳ cục sống sượng, làm tôi thất vọng não nề. Phải chi tôi không
tình cờ xem được show đó, thì trí tưởng tượng, đôi khi hơi quá phong phú của
tôi, vẫn dành cho bản nhạc bao hình ảnh đẹp đẽ, thơ mộng.
Trong lớp có nhiều nhóm nam, nhóm nữ. Tụi tôi năm đứa: Quỳnh Lâm, Lệ
Hiền, Cúc, Thu Hảo và tôi, đã khắng khít nhau từ năm thứ nhất. Lệ Hiền và Thu
Hảo chăm lo đời sống vật chất cho cả đám. Lệ Hiền làm lớp phó đời sống. Tôi vì
vụ hộ khẩu lằng nhằng nên chẳng bao giờ phiền hà gì Lệ Hiền về vụ gạo cơm mắm
muối. Mỗi lần được mua vải xong, Thu Hảo rất rành vụ buôn bán. Bán vải xong, cả
đám kéo nhau đi xi nê, đi ăn chè, ăn gỏi, ăn bao nhiêu thứ hằm bà lằng. Cúc
tướng xì trum nhất trong bọn. Gia đình Cúc có vẻ rất khó với Cúc, nhưng Cúc vẫn
có những biểu hiện ‘cấp tiến’ ngầm. Quỳnh Lâm xì xào với tụi tôi: “Coi, con Cúc
nó ghê chưa, nó mặc áo, mà không xài xú xí gì cả.” Thu Hảo xinh nhất trong đám,
nhưng chưa chắc đã là cao thủ võ lâm, nếu đem so với cặp mắt lá dăm và nước da
ngăm ngăm của Cúc.
Sài Gòn 1982
Trong lớp Anh 1B, Hoàng và Linh dường như nhỏ tuổi nhất bên nam, tức là
bằng tuổi tụi tôi. Tôi vẫn xem những người bằng tuổi như em út. Hoàng có mái
tóc gợn sóng, hơi giống kép Minh Vương. Linh mang mắt kiếng, chính hiệu thư
sinh bạch diện. Hoàng tính lau chau, Linh chẳng mấy khi thấy mở miệng. Vậy mà
hai người lại chơi thân với nhau. Cùng một lúc, Quỳnh Lâm và tôi nhận được lá
thư tình của Hoàng và Linh. Cả đám xúm lại phân tích mổ xẻ. Linh nắn nót trên
vuông giấy trắng :
Đêm qua nằm mộng gặp thương
thương,
Hai má đỏ au đẹp lạ thường.
Lệ Hiền cười hi hí :
- Kỳ cục vậy, mặt thiếu máu của
con Ngọc Thúy làm sao mà đỏ au được hả?
Tôi vừa quê, vừa bực khi tụi bạn ghẹo tôi là thương thương. Hoặc khi thấy
Linh từ xa tụi nó đã rù rì:
- Chắc đêm qua có nằm mơ gặp
thương thương nên hôm nay mặt mày hí hửng.
Tôi đâm ra khó chịu với Linh, dầu nghĩ cho kỹ, Linh đâu có tội tình
gì. Nhưng số phận của Hoàng thì oan trái
hơn Linh trăm lần.
Hoàng viết đôi lời thương mến bâng quơ, chưa lớn tội. Hoàng kết thúc lá
thư tình bằng tựa đề của một bản nhạc: Sealed
with a kiss, Quỳnh Lâm nổi cơn tam bành lục tặc. Cả bọn cười bò lăn. Quỳnh
Lâm mặt từ đỏ như vang, chuyển sang vàng như nghệ, khi tụi tôi lải nhải ca : Darling, I promise you this, I send you all
my love.. rồi đồng lên giọng : Sealed
with a kiss. Tụi tôi càng ca, Quỳnh Lâm càng tức tối lồng lộn, tung ra
những ’chính sách thù nghịch’ đối với ứng cử viên. Thấy Quỳnh Lâm nộ khí xung
thiên tụi tôi càng mê bài hát dữ: I see
you in the sunlight, I hear your voice everywhere...Hổng chừng Quỳnh Lâm
đòi tru di tam tộc của Hoàng luôn.
Mấy năm ở trường Sư Phạm, Quỳnh Lâm lắm khi xất bất xang bang vì vai trò
ông Tơ bà Nguyệt cho tôi. Quỳnh Lâm không chỉ mang thư lui tới, mà còn quản lý
cả kho thư tình cho tôi nữa, cứ như là ngồi trên đống mìn nổ chậm. Mùa hè, khi
về Quảng Ngãi thăm Ba Mạ, phải xa người ấy mấy tháng trường, tôi viết sẵn thư,
nhờ Quỳnh Lâm trao lại. Tôi nắn nót với cả tâm tình: Nơi đây không có biển, nhưng đêm đêm tôi vẫn nghe sóng vỗ trong hồn.
Mà tôi nói thiệt đó chứ. Về thăm Ba Mạ thì vui sướng vô kể, tôi chỉ muốn ở luôn
lại Quảng Ngãi. Nhưng cũng đôi phút trong ngày, tôi thấy mình ra ngẩn, vào ngơ.
Hết hè, vô lại Sài Gòn. Buổi trưa cả đám quây quần bên mấy lon guigoz cơm có
trộn bo bo. Lệ Hiền nói: ở đây không có biển. Cúc tiếp lời: tao vẫn nghe sóng
vỗ rì rào. Tôi rên thầm trong bụng, thôi rồi, nàng tỉ tê không chỉ cho chàng
nghe, mà cho cả đám bạn yêu quỷ nghe chung. Lúc nhờ Quỳnh Lâm đưa thư, thì thúc,
thì hối, bắt chạy có cờ. Đến khi không thích nữa, cũng bắt Quỳnh Lâm phải đóng
vai lạnh lùng. Thân chim xanh của Quỳnh Lâm bao lần xém thành chim mía, bị xỏ
xâu đem nướng.
Năm 1995 tôi về lại Việt Nam
lần đầu, Quỳnh Lâm và một số bạn bè rủ nhau họp mặt. Hoàng bấy giờ thành ông
đại thương gia rồi. Tôi muốn ghẹo Quỳnh
Lâm có xao xuyến tâm hồn khi gặp lại người xưa không. Linh bận rộn sao đó,
không đến được. Uổng chưa, thương thương mặt vẫn thiếu máu như xưa, nhưng có mỹ
phẩm hỗ trợ, không chừng cũng đẹp lạ thường chứ chẳng chơi.
Những năm cuối của thập niên 70, người Việt, ai nấy tự nhiên thành quân
tử ăn chẳng cầu no. Quỳnh Lâm nhai bo bo dài dài, vậy mà, tướng tá Quỳnh Lâm
rất giống kiến càng, rất đô. Mỗi đứa có một chiếc xe đạp. Khi xe Quỳnh Lâm hư,
thì tụi tôi phải tính toán ngoằn ngoèo. Từ ngã tư Bảy Hiền, Quỳnh Lâm tìm cách
đến nhà Cúc ở Nguyễn Văn Trỗi gần nhà thờ Tân Sa Châu. Tôi từ Nguyễn Huỳnh Đức
chạy tới Cúc. Từ nhà Cúc, Quỳnh Lâm đạp xe mini của Cúc. Còn tôi chở Cúc ngồi
trước dàn ngang của chiếc xe ‘cuộc’. Cúc xì trum, tôi mới kham nổi, chớ Quỳnh
Lâm mà thượng lên, thì sợ gãy giàn xe, mà sức lực qua cầu gió bay của tôi đâu
làm sao cho bánh xe lăn được. Xe ‘cuộc’ cao nghều, mỗi lần muốn dừng xe, tôi
phải tìm lề đường chống chân. Chở Cúc đi, tôi cho Cúc đo sân trường cũng nhiều
lần. Khi biết sắp té, tôi nhảy ra được. Còn Cúc, chịu chết, ê ẩm đầu đuôi thủ
vĩ, mà nhất là quê một cục với những khán giả tình cờ được chứng kiến màn xiếc
ngoạn mục của chúng tôi. Bị té nhiều lần, Cúc không chịu cho tôi chở. Mà Cúc
lại thiếu thước tấc để trị con ngựa sắt thể thao của tôi (mà nếu Cúc đòi chở
tôi cũng không đủ can đảm đưa thân chịu khổ). Cho nên, hễ Quỳnh Lâm không có
xe, Cúc phải chịu lao vào vòng tay của tôi và van xin tôi chạy cẩn thận.
Một lần, anh Dũng bạn học cùng lớp, ghé nhà Quỳnh Lâm để mượn bài vở.
Quỳnh Lâm, mặc ‘quân phục’, đang lau nhà. Anh Dũng nhận vở trong tay xong, mới
tức cảnh làm thơ:
Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia mặc quần đùi.
Quỳnh Lâm kể cho tụi tôi nghe, mà hận thù ngút ngàn. Bị vì Quỳnh Lâm mau
lớn (bề ngang) quá, nên hay mặc quần short (nghe êm tai hơn là quần đùi) ở nhà
cho tiện. Chớ tôi, còn mấy cái áo đầm hồi lớp tám, mặc vẫn vừa (chắc hồi đó Mạ
tôi theo nguyên tắc con nít may ra, không lẽ từ lớp tám đến mấy năm đại học tôi
không lớn được tí tẹo nào sao!).
Lên năm thứ tư, chúng tôi có giờ Văn Học Phương Tây do thầy Đức dạy.
Thầy Đức là dân du học từ Mỹ về. Thầy nói tiếng Anh như Mỹ, nghe muốn lùng bùng
lỗ tai. Thầy dạy hay ghê mà nói chuyện đời cũng khỏi chê. Thầy cận thị nặng.
Sau cặp kính đít chai, ánh mắt của thầy đôi khi không ...sư phạm mấy. Thầy tuổi
trên tứ tuần, vẫn còn lẻ bóng. Một trưa, cả đám sau khi đi lậu qua trường tổng
hợp ăn bánh bao, kéo nhau về phòng vệ sinh ở gần văn phòng khoa. Thường thì tôi
vẫn mang tiếng lề mề, hôm đó không hiểu sao tôi ra trước. Gặp thầy Đức đang thơ
thẩn trong sân. Thầy hỏi chuyện, trò trả lời. Hai thầy trò cứ dậm chân tại chỗ
xeo xéo trước nhà vệ sinh tán dốc. Bốn nàng cứ lấp ló ở cửa mà không dám ra.
Tôi liếc liếc thấy tình trạng đau khổ của bạn bè, nhưng đâu có chước nào thoát
đâu. Thầy kể về thời kỳ thầy ở ngoại quốc. Tôi chưa ra khỏi nước Việt Nam ,
nhưng có nhiều tưởng tượng khi đọc thư và xem hình của ông anh mình gởi về.
Thầy thông thái dễ sợ. Nói chuyện với thầy vui quá chừng. Khi thầy đi, cả đám
phóng ra phỏng vấn tôi. Tụi nó thất vọng, câu chuyện thầy trò vô thưởng vô
phạt, chẳng ăn cái giải gì cả. Phải chi tôi lanh hơn một tí, hỏi kheo khéo,
hông chừng thầy bật mí cho biết chút chút về bài thi. Môn học của thầy thuộc
loại khó nuốt lắm. Trước ngày rời Việt Nam , tôi có đến từ giã thầy và nói
đùa, xin gởi gắm đám bạn vàng lại cho thầy. Khi tôi đi rồi, Quỳnh Lâm viết thư
tường thuật rằng, thầy chăm sóc Quỳnh Lâm hơi kỹ, làm Quỳnh Lâm nhiều khi muốn
dựng tóc gáy.
Quỳnh Lâm và tôi đã lạc tin nhau nhiều năm. Lệ Hiền qua Úc, Cúc ở Mỹ.
Thu Hảo thành trùm sách, giàu sụ. Về Việt Nam năm 1995 tôi chỉ còn Thanh
Thúy. Dù Thanh Thúy không học chung ở Đaị học Sư Phạm, hai Thúy vẫn rất chi là
đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Hai đứa thư từ chăm chỉ đều đặn. Tôi
thỉnh thoảng hỏi Thanh Thúy về Quỳnh Lâm, nhưng xem ra bóng nhạn biệt tăm. Tối
nọ, tôi rủ Thanh Thúy thả bộ lại khu nhà Quỳnh Lâm ở hồi xưa, thử thời vận xem.
Tôi chẳng hy vọng gì. Tôi đoán, Quỳnh
Lâm chắc không còn ở Việt nam nữa. Chứ
Sài Gòn bé tí như vậy, mà chẳng ai hề gặp Quỳnh Lâm. Hai Thúy giống như Từ Thức
trở về. Con đường khu nhà đó, giờ đây tấp nập, hàng quán, cửa hiệu san sát
nhau. Đầu hẻm nhà Quỳnh Lâm ngày xưa có tiệm phở với giai thoại lẫy lừng. Cậu con trai tiệm phở, tuổi đôi mươi, dáng
người rất hiên ngang, có lẽ do ăn nhiều phở tái nạm gầu sữa béo, hay đứng phụ
xắt thịt ở cỗ thớt to tướng. Có tiểu thư đài các nọ, sau khi thưởng thức một tô
phở đặc biệt, đang khoan thai rời tiệm, sàn nhà trơn trợt, cô trượt chân ngã.
Đông, tây, nam, bắc không có gì cho cô vịn, chỉ có công tử mặc xà lỏn phở đứng
gần đó. Giây phút sinh tử, cô đâu kịp tính toán gì, cô túm lấy cái quởn của
chàng. Theo luật sức hút trái đất, quần của chàng rơi xuống, dồn đống trên bàn
chân chàng. Hình như chàng đứng đó mấy giây trong y phục chào đời. Tiểu thư từ
đó không dám đi qua khu vực ‘oan nghiệt’, không chừng từ luôn món phở ác ôn.
Nghe Quỳnh Lâm kể như vậy, hồi đó tôi cũng muốn kiến kỳ hình chàng công tử phở.
Mà chưa có dịp. Giờ đây tiệm phở đã được thay thế bằng một tiệm áo quần lộng
lẫy. Trong hẻm cũng thay đổi nhiều, nhà nào cũng mấy tấm (tôi mới học được từ
mới, chữ tấm thay thế cho chữ tầng). Hai đứa đi, cứ nhìn lom lom vào từng nhà.
May là hai đứa mặt mũi không đến nỗi gian tà, chứ không thôi chắc có người xua
chó ra rượt. Đến trước căn nhà hai tầng, nhìn vào có hai ba cô bé đang ngồi tán
dốc, trông quen quen.
Thanh Thúy gọi:
- Em ơi, cho hỏi thăm một tí.
Một cô nhỏ đi ra:
- Ủa, chị Thanh Thúy. Cô nhìn
qua tôi ngờ ngợ. Chị Ngọc Thúy phải không ?
- Ừ, Quỳnh Tương hả ? Thanh
Thúy hỏi.
- Dạ, đúng rồi.
Ba Me Quỳnh Lâm có già hơn xưa,
hơn một thập niên rồi còn gì. Bầy em của Quỳnh Lâm đã lớn bộn. Quỳnh Diên gọi
điện thoại báo cho Quỳnh Lâm. Khi tôi cầm điện thoại, phút đầu tiên, cả hai
dường như khựng lại, không biết bắt đầu từ đâu. Hình như hai đứa đặt một câu
hỏi...lãng nhách như sau :
- Ngọc Thúy đó? Tao đây.
- Quỳnh Lâm đó hả? Tao đây.
Quỳnh Lâm giờ đã ra riêng. Quỳnh Lâm kéo tôi về nhà để làm tiệc tái ngộ.
Mấy bà chị chồng của Quỳnh Lâm họp thượng khẩn, xem làm những món sơn hào hải
vị gì đãi tôi. Mấy chị chưng hửng, khi tôi nói tôi thích ăn khổ qua xào tỏi.
Món này tôi mê theo Mạ tôi. Thấy Mạ thích ăn, thương Mạ quá, nên cũng thích
theo. Dần dà, tôi thích món này thật. Quỳnh Lâm bây giờ gầy nhom, chỉ bằng phân
nửa của đô lực sĩ Quỳnh Lâm ngày xưa.
Hai đứa nói đủ chuyện, đầu cua tai nheo. Tôi vừa xong đại học. Chưa thật
sự bước vào trường đời. Quỳnh Lâm đã hơn mười năm kinh nghiệm gõ đầu trẻ, bây
giờ đang là giáo viên của Trường Quốc Tế, ngon lành.
Quỳnh Lâm vẫn cứ lo lắng cho tôi như xưa. Năm 1999, khi tôi đi công việc
cho hãng về Việt Nam ,
Quỳnh Lâm háo hức: “Mày về, trời có sập, tao cũng đi đón.” Tôi về tháng 11,
trời trong biển lặng, nhưng Quỳnh Lâm bận bất ngờ, không đi đón. Quỳnh Lâm
thành người quan trọng rồi. Quỳnh Lâm
trao trọng trách cho phu quân. Tôi gặp anh Đức trước đó mấy năm rồi. Chỉ nhớ,
đó là một trang công tử, đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu. Nhưng tôi chẳng nhìn
thấy anh giữa đám đông xa lạ. Đến khi tìm được tôi, thừa lệnh phu nhân, anh lùa
luôn cả đám bạn lau nhau và tôi đến một tiệm ăn. Từ chỗ họp đâu đó, Quỳnh Lâm
chốc chốc lại gọi điện thoại đến cho anh Đức điều khiển từ xa. Anh Đức ngồi
chịu trận không biết bao lâu, nghe bốn cô nói những chuyện đầu Ngô, mình Sở.
Tối mịt Quỳnh Lâm mới tới được, cứu bồ cho anh Đức.
Quỳnh Lâm cứ chiều chuộng tôi một cách quá đáng. Nghe tôi đến nhà, trong
tủ lạnh đầy mít, mãng cầu, chôm chôm, nhãn. Quỳnh Lâm mau mắn trong vai trò làm
thư ký, hẹn hò cho tôi, tìm gặp bạn bè cũ, người quen theo đơn đặt hàng của tôi.
Lần nào về, tôi cũng nằng nặc đòi Quỳnh Lâm dẫn đi mua sách và mua nhạc. Hai
đứa tới tiệm bán dĩa nhạc quen lớn của anh Đức, say sưa lựa . Tiệm dĩa hơi chật
cho nên khách vào tiệm gần như chung vai, sát cánh nhau mà ngồi. Biết vậy, nên
tôi cũng không rầy rà gì khi có người kéo ghế đẩu ngồi sát lưng tôi. Đến khi
tôi trọ trẹ:
- Quỳnh Lâm ơi, mày lấy dĩa này
chưa ? Có bài Đừng Lừa Dối Nhau Ý Lan ca nghe nhức nhối.
- Ủa, chị Thúy, nãy giờ ngồi
cạnh đây mà không thấy chị Thúy và Quỳnh Lâm. Anh Đức ngạc nhiên.
Thì ra, quá sức chú tâm vào ‘nghệ thuật’, nên không ai để ý đến ‘nhân
loại’ chung quanh. Sẵn gặp kho bạc,
Quỳnh Lâm ưu ái dành cho phu quân cái danh dự thanh toán tiền bạc và rinh đống
dĩa về nhà. Quỳnh Lâm nói, để tụi mình còn tranh thủ đi chợ Bến Thành mua quà
nữa chứ. Hai đứa vô chợ, ban đầu tôi định mua ít muỗng sứ để ăn bún phở. Dùng
muỗng kim loại làm giảm đi hương vị của thức ăn. Không biết tự lúc nào mà tôi
đâm ra tẳn mẳn trong nghệ thuật ẩm thực. Chắc là một trong những hiện tượng của
mùa thu cuộc đời. Uống nước suối, nước trái cây trong ly thủy tinh mới ngon.
Uống trà trong tách sứ nhỏ mới đậm đà. Có lần ngồi nói chuyện chơi với Chui
Lai, cô bạn đồng nghiệp cùng phòng. Tôi kể, nhà có khách, anh Lợi thảy ra bàn
một mớ cốc sứ Villeroy để uống bia. Tôi thấy vừa tội cho cốc, vừa tội cho bia.
Bia thì phải uống trong ly thủy tinh cao, to, ít ra phải 300ml. Còn mấy cốc sứ
nõn nà, phải để ôm lấy hương ngào ngạt của cà phê.
Chui Lai là luật sư, lớn hơn
tôi vài tuổi, gốc Singapore, sống lâu ở Anh quốc, chồng là bác sĩ người Đức.
Máu Âu trong Chui Lai mạnh hơn máu Á. Chui Lai cười cười:
- Thúy à, em đừng bận tâm khi
ông xã xài ly tách lộn xộn. Cứ tưởng tượng đi, nếu ông xã em nốc bia thẳng từ
trong chai, ngà ngà, lấy chai bia gõ đầu em, biểu em đi tìm đồ nhắm, lúc đó, em
sẽ làm gì?
- Ơ, chị nói cũng phải. Hình
như tính em hơi khó không phải chỗ, rốt cuộc, chỉ làm khổ mình thôi. Tôi gật
gù.
Tôi sắm một mớ chén, bát, dĩa sứ Minh Long có mẫu đám cưới Việt Nam .
Tôi thích mua ít đũa mun đẹp. Hai đứa thấy hàng đũa có nhiều kiểu mẫu hàng thật
đẹp, mà cô hàng mặt mày ...bà la sát quá trời. Tôi rờ rờ mấy đôi đũa. Quỳnh Lâm
rụt rè:
- Đũa này bao nhiêu một chục
đây chị ?
Tôi nghĩ thầm, thuờng thì Quỳnh Lâm ăn nói có khẩu khí lắm mà, sao hôm
nay lúng búng trong mồm, nghe như có ...khẩu trang.
- Một trăm tám. ‘Mụ’ bán hàng
hét giá.
Tôi tính nhẩm, không biết có nhầm không, tức là gần 30 đức mã. Thôi đi
Tám, đũa mun chớ có phải đũa trầm, đũa quế đâu. Tôi khèo khèo Quỳnh Lâm tính
tịnh khẩu và chẩu.
- Ưng bao nhiêu thì trả mở hàng
cho tui một tiếng ! ‘Mụ’ ra lịnh.
Thiện tai, hai ba giờ chiều mà mụ còn đòi mở hàng. Hai đứa phải hết sức
cẩn thận để bảo toàn tính mạng. Quỳnh Lâm lễ phép:
- Dạ, tám chục được không chị?
- Mở hàng gì mà đập đổ vậy! Hai
chị có hàng đem bỏ sỉ tui, giá đó bao nhiêu tui cũng lấy. Trả thêm một tiếng
nữa coi. Mụ đanh đá.
- Dạ, hàng của chị thì đẹp
thiệt nhưng tụi em không đủ tiền. Một trăm nha chị.
Thôi, tránh voi chả xấu mặt nào. Hai đứa thiếu đường muốn co giò chạy
trốn như trong bài hát Hai Chú Gà Con.
- Thôi tui bán lỗ để mở hàng
đây. Mụ xỉa xói, tay đưa nắm đũa.
Tôi kính cẩn đưa tay đón. Quỳnh Lâm thì lập cập trả tiền. Hai đứa gần
như bay ra khỏi chợ. Hú hồn, hú vía.
Về đến nhà, tôi thấy bộ đũa vẫn đẹp, đem
ra săm soi, mới hay là bà la sát chỉ đưa có 9 đôi đũa rưỡi. Mụ sư tử cà chớn vô
cùng tận.
Từ khi trần gian có mặt điện thư, tụi tôi liên lạc với nhau hầu như hằng
ngày. Thường thì viết tiếng Việt không dấu, khi nào có chuyện quan trọng, sợ
hiểu lầm tụi tôi thêm tiếng Anh trong ngoặc đơn. Một lần Quỳnh Lâm viết: ‘Anh
Duc thich may lam’. Tôi nghĩ bụng, anh Đức kín đáo thiệt. Lúc tôi ở Việt Nam ,
anh có bao giờ tỏ lộ chút gì là để ý đến tôi đâu. Chưa kể, là anh có đủ lý do
để không ưa tôi. Vì tôi, mà Quỳnh Lâm đì anh, bắt anh làm trăm công, nghìn
chuyện ruồi bu, kiến đậu. Anh gan cùng mình đó chứ, dám nói với phu nhân rằng
anh thích bạn của phu nhân. Tay hảo hán chứ
chẳng chơi. ‘Anh Duc khen may dep’. Tôi chớp chớp mắt làm duyên, mặc dù chỉ có
mình tôi ngồi trước máy tính. Tuổi đời ngày càng mênh mông, lời khen hiếm hoi
như lá thu trong mùa đông. Ủa, có lúc nào anh Đức nhìn tôi kỹ kỹ chút chút đâu,
mà có được nhận xét này. Chắc là anh nói không đúng với sự thật. Hề chi! Một
lời khen khéo, dù khác với sự thật vẫn hơn là không có lời nào. Quỳnh Lâm viết
tiếp: ‘ma lai re nua’. Hồn tôi đang trên mây, tưởng tượng mình là mỹ nhân, rớt
xuống đất cái bịch. Cái gì, bộ ảnh gan hùm sao dám đưa ra nhận xét này. Anh
muốn nói là tôi ăn mặc hay ăn nói rẻ tiền đây. Bất kể là ý nào, tôi phải ba mặt
một lời, làm cho ra lẽ, chớ ăn nói vậy là ...dễ xa nhau lắm đó. ‘Gap ai anh
cung khoe’. Máu Trương Phi trong tôi từ từ hạ xuống. Ơ, bé cái nhầm. Mừng hụt
rồi. ‘May’ đây không phải là tôi, mà là cái máy chụp hình tôi mua từ Đức về.
Thôi thì thôi thế, kiếp sau xin chớ làm người, làm ca -me-rá được chàng care
hơn.
Quỳnh Lâm tính tình thiệt thà như đếm. Đếm như sau: một, hai, ba
...chín, mười, bồi, đầm, già, ách. Tôi có người quen sơ sơ ở Đức về Việt Nam .
Tôi nhờ anh ta cầm về cho Quỳnh Lâm một chút quà. Gặp gỡ thăm hỏi xong, Quỳnh Lâm
nhờ anh cầm qua cho tôi ít quà. Quỳnh Lâm hỏi anh có thể nhận bao nhiêu. Anh
nói giơn giỡn: bao nhiêu cũng được, miễn dưới 10kg là được. Thế là Quỳnh Lâm
giả mù sa mưa, rinh tới một thùng quà độ 9 kg nhờ anh mang qua Đức cho tôi. Nhờ
“đức” thiệt thà của Quỳnh Lâm mà tôi có thêm mớ sách và băng nhạc.
Quỳnh Lâm thuộc tuýp việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Có lẽ
Quỳnh Lâm không nhác việc nhà, nhưng phu quân của nàng quá siêng, quán xuyến
mọi việc cho nên Quỳnh Lâm có thêm thì giờ đi vác ngà voi. Quỳnh Lâm sẵn sàng
quán xuyến mọi việc tôi nhờ hoặc không dám nhờ. Ngoài những ‘dịch vụ’ cho đời
sống vật chất, Quỳnh Lâm luôn hăng hái trong công tác ‘tư vấn’ về những tục lụy
trần gian. Những lần gặp gỡ nhau, Quỳnh Lâm vẫn hay ‘răn bảo’ tôi. Quỳnh Lâm bây
giờ không phải là ‘nghị gật’ của thời sinh viên nữa, hồi đó, chiều tôi mọi niềm
vui. Quỳnh Lâm đã thành bà giáo già, nghiêm khắc nhắc nhở tôi làm người
lớn. Tiểu học, trung học, đại học,
trường đời... chúng tôi cùng nhau lớn lên, cùng chứng kiến sự trưởng thành của
nhau và sự khôn lớn của chính mình phần nào qua sự quan sát của nhau.
Sài Gòn tháng sáu 2012
Khả năng viết và đọc
tiếng Việt không dấu trong điện thư của Quỳnh Lâm xem ra cũng loạng quạng như
tài nghệ chạy xe gắn máy của nàng. Nhưng lúc nào tôi cũng hiểu thông- điệp
-giáo - dục của Quỳnh Lâm. Tôi bây giờ đã lớn, hay ít ra phải lớn cho bằng
Quỳnh Lâm. Hai đứa đã cùng những bước đi từ thuở còn thò lò mũi xanh.
Bốn mươi năm sau, dù
không gian cách trở, tôi vẫn thấy được hình ảnh của đôi bạn Quỳnh Lâm - Ngọc
Thúy tiếp những bước đi trên con đường trước mặt...
Hoàng Quân
Võ Thị Điềm Đạm - ĐÊM TRUNG THU PHAN THIẾT
Võ Thị Điềm Đạm
Trích từ hồi ký ”Phan Thiết Trong Tôi”
Trong những năm học ở trường Nữ Tiểu Học Phan Thiết (1960-1966), có ba điều tôi ao ước mà không bao giờ được toại nguyện. Thứ nhất, được cầm cái chùi gỗ để đánh ba tiếng trống thùng thùng thùng những khi vào lớp, khi ra chơi, khi tan trường, với những điệu trống dài ngắn khác nhau. Tiếng trống sao rền vang, sao oai nghiêm, chị đánh trống sao mà oai quá, mình cũng muốn được oai như chị ấy nhưng không bao giờ được cô chỉ định.
Thứ hai, đứng kéo cờ mỗi sáng và mỗi chiều. Tôi ước ao được cô chọn với một học sinh khác, cho đứng dưới cột cờ. Khi ấy, tất cả sẽ chăm chăm nhìn đôi tay tôi khéo léo tháo sợi dây thừng, gương mặt nghiêm trang ngước cao hãnh diện nhìn theo lá cờ vàng ba sọc đỏ lên nhẹ nhàng hay xuống từ từ cho đến khi bài quốc ca ”Này Công Dân Ơi!” chấm dứt. Tất cả sẽ chăm chú nhìn đôi tay tôi và nhỏ bạn nhanh nhẹn xếp gọn lá cờ làm hai, làm tư, làm tám.
Thứ ba, được ở trong đoàn lân dẫn đầu đoàn diễn hành mỗi đêm Tết Trung Thu. Ở nhà, tôi đã đội cái gối, trùm cái mền, thằng em đánh trống miệng cho tôi tập dơ cao chân, sải bước dài, hai tay đưa gối qua lại theo nhịp trống miệng. Vậy mà cô không chọn tôi. Cô không chọn tôi múa lân, cũng không cho tôi làm ông Địa, càng không cho tôi ôm cái trống trước bụng đánh thùng thùng và cũng không chọn tôi đi phía sau cầm cái đuôi con lân. Sao mà tụi nó có phước quá vậy! Nhất là chị Xí, bạn Xê, năm nào cũng dẫn đầu đoàn múa lân của trường Nữ Tiểu Học. Còn tôi, ngoan ngoãn xếp hàng phía sau đoàn lân, vừa đi vừa chạy vừa ráng giữ cho thẳng hàng. Hân hoan với đêm hội trăng rằm!
Rước đèn đêm trung thu gắn liền với tuổi-thơ-Phan-Thiết như mái nhà tranh đơn sơ không thể thiếu trong bất cứ một bức tranh đồng quê Việt Nam. Và cũng có thể nói; đêm trung thu đối với người dân Phan Thiết là món quà tô điểm đời sống tỉnh lị, món quà đến mỗi năm, nhận được mà không cần cám ơn. Không cần thông cáo về ngày giờ hay địa điểm, khi trời vừa chập tối thì tự động người dân rủ nhau tụ tập hoặc ở Vườn-Bông-Lớn bên kia cầu hay Vườn-Bông-Nhỏ bên phố để chờ đoàn diễn hành tụ về.
Từ khắp nẻo đường, đoàn diễn hành của các trường tiểu học công Nam Phan Thiết, Nữ Phan Thiết, Đức Thắng, Bình Hưng, Đức Nghĩa, Phú Trinh, Đức Long nằm rải rác quanh tỉnh lị lần lượt tụ về. Mỗi trường một kiểu đèn lồng, hàng lớp thẳng tắp, đi theo sau đoàn lân của mình. Ánh đèn cầy lấp lánh sau lớp giấy màu mỏng đủ mầu sắc, gương mặt vừa hân hoan vừa hãnh diện, bước chân vừa nhanh cho theo kịp đội lân phía trước vừa ráng giữ hàng lớp ngay ngắn vừa cẩn thận để cây đèn nhỏ như ngón tay không chao làm cháy đèn; đoàn diễn hành rời cổng trường với quyết tâm chiếm giải năm nay. Đám con nít hàng xóm cũng là học sinh lớp nhỏ chạy theo hai bên đoàn diễn hành, người người hân hoan đổ ra đường đón chào làm cho những học sinh lớp nhì và lớp nhất cảm thấy như mình là tâm điểm và cũng là niềm hy vọng của ấp mình.
Điểm nổi bật nhất của mỗi đàn diễn hành là đội lân của trường. Đội lân là do học sinh tự tập tự diễn, gồm bốn-năm người thay nhau múa lân và cầm đuôi, ông địa bụng bự đội mặt nạ lúc nào cũng nhe răng cười phe phẩy cái quạt dẫn đường, người đeo cái trống trước bụng, người cầm hai cái xeng giống như nắp nồi bằng đồng. Tiếng trống khi nhặt khi dồn dập, tiếng xeng khi mạnh khi cạ nhẹ, bước lân khi giơ cao khi sãi dài, đuôi lân lượn qua lượn lại, ông địa lúc chạy lúc thư thả, nhưng lúc nào cũng phía sau tấm bảng lớp để tên trường, đội lân dẫn đoàn diễn hành của trường mình qua đường phố.
Quanh nhà lục giác trong vườn bông lớn, các trường xếp hàng chờ loa gọi tên. Khi một trường được gọi tên, lồng đèn lớn của trường được nâng cao lên, đoàn lân múa vài điệu mẫu, học sinh giơ cao đèn cá nhân, đồng hát và hô khẩu hiệu. Điểm lồng đèn lớn đại diện cho trường, điểm đoàn lân, điểm diễn hành trật tự, điểm lồng đèn học sinh, tất cả được cộng lại để chấm giải. Năm nào tôi cũng mang nỗi hân hoan trường mình được giải nhất (?), mau chân về nhà để được bánh kẹo mặc dù buổi chiều trước khi diễn hành, học sinh tập trung ở sân trường và đã được cô phát cho mỗi đứa một cái bánh trung thu nhỏ. Nhưng sau vài giờ rước đèn, viễn tượng bịch kẹo bánh đang chờ ở nhà càng lúc càng hối thúc bước chân.
Mỗi năm, ba tôi hợp với vài gia đình trong xóm Phố Ba Mươi Căn có con cùng lứa với chị em tôi, tổ chức phát bánh kẹo. Chú Sáu Sang có hai người con là Thanh Hiền và Hoàng Minh cùng tuổi với tôi và em trai tôi nên thường tham gia. Chúng tôi hát, cười giỡn, ngốn ngoán kẹo bánh, trầm trồ lồng đèn của nhau. Vài chiếc lồng đèn giấy kiếng trong sắc màu lộng lẫy trở nên lạc lõng giữa những lồng đèn bánh ú không được thẳng góc mấy nhưng dán đầy bông giấy, lồng đèn mặt trăng không được tròn trịa nhưng có đường viền tua tủa đủ màu sắc, lồng đèn ngôi sao góc cạnh vụng nhưng được che lấp bởi những chùm giấy màu nhuyễn cọng…
Những lồng đèn con thỏ, con cá, ngôi sao, trống quân… làm bằng giấy kiếng trong đủ màu sắc được tô điểm bởi những nét vẽ của bàn tay nghệ nhân, được uốn cong khéo léo của những ngón tay nhà nghề treo lủng lẳng trước các cửa tiệm bên phố không bao giờ hiện diện trong nhà tôi. Mắc và phí của! Như đa số các gia đình có con trẻ, một ngày đẹp trời, má tôi đi chợ về, bày ra bàn bó sống lá và một xếp giấy đủ màu. Tuy giấy màu mỏng loại rẻ tiền nên đục đục chứ không trong khiết như giấy kiếng, nhưng đủ để ánh sáng lấp lánh từ cây đèn cầy làm hân hoan niềm vui con trẻ. Quậy hồ, ngâm sống lá, vuốt cây, cắt dán, chúng tôi miệt mài làm hết cái lồng đèn này tới cái lồng đèn khác. Giấy màu được ưu tiên làm lồng đèn theo kích thước và kiểu mẫu do nhà trường hướng dẫn. Còn lại là chị em tôi tha hồ làm đủ kiểu lồng đèn cho mỗi đứa. Và những chiếc lồng đèn sắc màu tươi mắt, ren tua tủa, hoa giấy uốn cong cánh điểm tô, theo vào giấc ngủ trẻ con, tô thắm niềm vui mùa trung thu. Cả tuần!
Đêm trung thu, đêm uống trà ngắm trăng, đêm thả đèn trên giòng sông Cà Ty êm đềm. Đó là chuyện người lớn! Với tôi, tôi chẳng bao giờ bận tâm đến ánh trăng có vàng rực hơn, cũng chẳng tò mò xem coi mặt trăng có tròn to hơn, và càng không có đủ kiên nhẫn đứng ngắm ánh đèn trôi nhẹ nhàng trên mặt nước trong đen. Làm lồng đèn, được ăn bánh trung thu chung với bạn bè, được đi diễn hành, được bánh kẹo và nhất là… nhất là khi về đến nhà thì lại được má chia cho một góc tư cái bánh trung thu beo béo tròng đỏ trứng gà nằm ngạo nghễnh giữa hỗn hợp mứt bí và hạt dưa ngọt ngây ngọt lịm.
Và chắc cũng chẳng kịp rửa chân chứ nói chi đến chuyện đánh răng, dành được cái gối ôm, tôi lăn ra góc mùng, đi nhanh vào cõi mơ rộn ràng mà yên bình, miệng nhẻo nụ cười thỏa mãn.
Võ Thị Điềm Đạm
Nguyễn Chí Thiện - Tôi đọc Tuyển tập Trần Phong Vũ
Nguyễn
Chí Thiện
Sau thời gian ở tù CS, năm 1995 tôi
qua Hoa Kỳ và ngay sau đó qua sống tại Pháp. Trở lại Mỹ nhưng phải mấy năm sau
tôi mới chọn định cư ở nam California và mới có cơ hội gặp gỡ, sinh hoạt với
nhà văn Trần Phong Vũ. Tôi đã đọc hầu hết những tác phẩm sau này của anh và hơn
một lần nhận lời giới thiệu những công trình trước tác của anh trong những dịp
ra mắt đó đây. Riêng tuyển tập thi văn vừa được tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành,
cho đến nay tôi mới được biết đến. Giản dị vì tất cả những tác phẩm do tủ sách
chọn để đưa vào tuyển tập lần này đều đã tuyệt bản từ lâu.
Nhà văn Trần Phong Vũ
Về hình thức, tuyển tập dày 500
trang, bìa cứng in offset bốn màu, trình bày trang nhã. Mặt bìa sau, bên cạnh
chân dung tác giả là trích đoạn lời tựa của bà Thụy Khuê.
Mở vào nội dung, tuyển tập gói
ghém ba tác phẩm. Trước hết là truyện ngắn và tạp văn Quê Hương Còn Đó do Bách
Việt ấn hành lần đầu năm 1983 gồm 16 đoản văn được sáng tác trong vòng bảy năm
từ sau tháng tư 1975 đến mùa xuân 1983. Thứ hai là tâm bút Bên Vực Tử Sinh với
19 bài viết gói ghém những suy tư sâu lắng của tác giả về lẽ sống chết xuyên
qua nhãn quan của một tín hữu Công giáo. Và thứ ba là 39 bài thơ được gom chung
trong thi tập Dấu Chân Trên Cát. Một cách nào đó, những bài thơ trong thi tập
này là những công trình nối dài để làm sáng lên những cảm nghiệm của anh trong
tâm bút Bên Vực Tử Sinh. Hai văn thi phẩm sau này đều được Tin Vui xuất bản lần
đầu trong thập niên 90 thế kỷ trước.
Ngoài những văn thi phẩm kể trên
là bài mở của tác giả, lời tựa của nhà phê bình văn học Thụy Khuê và lời bạt
của nhà văn, nhà báo Mặc Giao, không kể hai bài giới thiệu thi tập Dấu Chân
Trên Cát trong dịp ra mắt hôm 01-10-1995 của nhà giáo Lưu Trung Khảo và nhà thơ
Viên Linh.
Trong bài mở, tác giả viết:
“Nếu
Quê Hương Còn Đó là tấm gương phản chiếu tâm huống của người viết ở khía cạnh
đời thường, với những tình cảm, những xúc động ngút ngàn rất nhân loại đối
trước những nghịch cảnh nát lòng của kẻ ở, người đi và nỗi bất hạnh của quê
hương, nòi giống … thì tâm bút Bên Vực Tử Sinh và thi tập Dấu Chân Trên Cát là
hợp âm của một chuỗi những cảm nghiệm, những tiếng nói chân thành và tha thiết
của tác giả trước những câu hỏi ngàn đời về thân phận con người khi đối mặt với
sự sống và sự chết.”
Qua mấy giòng ngắn ngủi trên đây,
Trần Phong Vũ muốn nói lên những điểm cốt lõi gói ghém trong hai giòng tư tưởng
của anh trong tuyển tập. Trước hết là những suy tư, trăn trở của một người tị
nạn cộng sản sau những năm tháng đầu rời bỏ quê hương lưu lạc xứ người. Thứ đến
là những cảm nghiệm mang tính siêu nhiên khi người viết đắm hồn vào cái bí
nhiệm của kiếp người bên kia lằn ranh sinh tử.
Giòng tư tưởng thứ nhất được khơi
dậy và được nuôi dưỡng bởi tâm tình thiết tha yêu mến đối với quê hương nòi
giống. Đấy là tâm trạng đau đớn, hụt hẫng của tác giả, và cũng là của cả triệu
đống bào Việt Nam, trong sớm chiều bị bứt ra khỏi môi trường sống quen thuộc
của một miền nam tự do, dân chủ, an bình, thịnh vượng, bỏ lại sau lưng những
người thân kẻ thuộc bất hạnh phải cam đành sống dưới một chế độ bạo tàn, độc
ác. Tháng tư năm 1975, khi hay tin bộ đội cộng sản tiến chiếm Sàigòn, giữa chốn
lao tù cộng sản, chính bản thân tôi cũng đã chia sẻ trọn vẹn tâm trạng trên đây.
Vì thế, trong những vần thơ của tôi bật ra trước tình huống thương đau ấy có
những câu như:
“Cả
nước đã quy về một mối,
Một
mối hận thù, một mối đau thương!...
Hạnh
phúc, niềm mơ, nhân phẩm, luân thường,,,
Đảng
tới là tan nát cả!...”
Và tôi đã kết thúc bài thơ bằng
hai câu:
“Miền
Nam ơi từ buổi tiêu tan,
Ta
sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn!”
Trong những truyện ngắn Định
Mệnh, Hồi Tưởng, Cơn Mê, Hạt Cát và những đoản văn Vũng Lầy Ký Ức, Những Mùa
Xuân Giấu Mặt Trên Quê Hương, tác giả đã gửi gấm vào trong đó tất cả nỗi niềm
tâm sự xót xa đau đớn của anh. Nó là những nỗi niềm rất riêng tư, nhưng cũng
lại là những gì hết sức chung đối với kẻ ra đi cũng như người ở lại, trong số
có cả triệu người bị chế độ mới đẩy vào chốn lao tù và hàng trăm ngàn người khác
đã bỏ xác chốn rừng hoang hay vùi thây giữa lòng biển cả.
Đối với tôi, giòng tư tưởng thứ
hai trong tuyển tập Trần Phong Vũ là một giòng tư tưởng độc đáo, xưa nay ít tìm
thấy nơi những tác giả khác. Nó khởi dẫn từ một tâm hồn tôn giáo nhưng cũng rất
nhân loại, luôn khắc khoải trước sự chóng qua, ngắn ngủi của đời người để miệt
mài đi tìm một lối thoát cho kiếp nhận sinh bên kia bờ cõi chết. Nhà phê bình
Thụy Khuê đã cảm nhận thật rõ điều này cho nên trong lời tựa, bà viết:
“Đọc anh, tôi hiểu, từ lâu anh đã thoát khỏi vòng tục
lụy.
Đã từ lâu, cuộc đời đối với anh chỉ là cõi tạm. Đã từ lâu, anh va chạm cái
chết thường xuyên. Có lần anh đã phóng xe qua biên thùy cõi chết và trở về bình
yên, cho nên với anh tất cả chỉ là phù du, là ảo ảnh, kể cả cuộc đời.
Đọc anh, tôi hiểu, tất cả triết lý sống chỉ vỏn vẹn
trong nghiã ‘thương yêu’ thiên chúa giáo.
Anh
là một tín đồ. Tôi là người ngoại đạo. Đức tin của anh lớn lao như trời biển…”
Cũng vì thế, trong một chừng mực
nào đó, thơ văn Trần Phong Vũ quả đã có tác dụng đánh động lòng người đọc ông.
Chính nữ sĩ Thụy Khuê cũng đã công khai ghi nhận điều này khi bà viết:
“… chữ nghĩa của anh đã xuyên vào tâm tôi qua
những làn sóng ngầm không tên, không biên giới. Anh đã tạo được một cõi
tâm, cho những người sống trên cõi tạm, bằng thơ, bằng truyện,
bằng lời.
…
tôi gặp anh trong cái thành thực của chữ nghiã, trong cái cố chấp của lập luận.
Nơi anh cố chấp cũng là một thực tình.
Tình yêu nhân thế
mà anh thể hiện trải dài trong tác phẩm, từ thơ văn, truyện ngắn đến tự sự, tâm
bút... nẩy ra trước mắt tôi, ngời lên như một ánh sao băng, trên nền trời tăm
tối của ngày đời.
(…)
Tất cả thoắt ngời lên trong anh như một sáng thế xuân,
như ngọn đuốc soi đường ngàn thế kỷ. Tất cả bỗng rực lên ngọn lửa Yêu Thương không bao giờ tắt..”
Bàn về giá
trị nội dung truyện ngắn và tạp văn Quê Hương Còn Đó của tác giả họ Trần ở hai
khía cạnh nhân bản và văn chương, các nhà văn tên tuổi như Mai Thảo, Võ Phiến, Thanh
Nam, Lê Tất Điều, Lê Huy Oanh, Nhật Tiến đã nói tới nhiều (xin đọc lại những
trích đoạn ở cuối tác phẩm). Riêng thi tập Dấu Chân Trên Cát, trong dịp giới
thiệu ở Trung Tâm Công Giáo Giáo phận Orange năm 1995, cả giáo sư Lưu Trung
Khảo và nhà thơ Viên Linh đều gợi nhắc tới giòng thơ Hàn Mậc Tử tiền bán thế kỷ
trước.
Theo nhà thơ
Viên Linh thì:
“Kể
từ Hàn Mặc Tử thú nhận: “Maria, Linh hồn tôi ớn lạnh” và qua những vần thơ
khác, người ta coi Hàn là một thi nhân đã nghe được tiếng gọi của Thiên Chúa
trong những giây phút đau đớn tuyệt vọng nhất đời ông. Trong suốt thời gian
quen biết anh Trần Phong Vũ khoảng hơn 30 năm qua, chúng tôi không sống gần
nhau nên không rõ anh đã trải qua những nỗi tuyệt vọng, đau đớn nào trong đời.
Nhưng, qua tâm sự dàn trải trong suốt thi tập Dấu Chân Trên Cát, tuồng như anh
cũng đã nghe được tiếng gọi mà Hàn Mặc Tử đã nghe.
Quả
thật, với tôi, từ nhiều thập niên qua, đây là lần đầu tiên tôi phát hiện một
thi tập ở trong giòng thơ Hàn Mặc Tử.”
Giáo sư Lưu Trung Khảo cũng có
những nhận định tương tự khi đọc thi tập Dấu Chân Trên Cát của Trần Phong Vũ.
Theo ông, vượt lên trên những tình cảm đối với gia đình, bằng hữu và nhân loại
là Tình yêu và Niềm tin tác giả đã đặt trọn vào Thiên Chúa.
“... Với bài “Tạ Từ” tác giả DCTC đã nói lên tất cả Niềm
Tin của anh sau những tháng ngày đi hoang trong thời trẻ dại để biết hồi đầu
đáp lại tiếng gọi tự Trời cao:
“…
Thôi hết nhé, một thời xa u uẩn,
Đốt cuộc đời trong giông bão đam mê!
Bụi trầm luân che khuất nẻo đi về!
Cho quên lãng chìm sâu vào kỷ niệm
Xin từ giã những ngày xưa biền biệt,
Những ngày xưa tội lụy mãi đong đầy!
Đời trôi xuôi mà tay vẫn trắng tay,
…Cho hy vọng nở trong hồn mở cửa.
Thôi đã hết tháng năm dài trăn trở,
Để từ đây dứt khoát bước theo NGƯỜI:
Đấng muôn xưa vẫy gọi mãi không thôi,
Hỡi quá khứ từ nay chào mi nhé!”
(Tạ Từ)
Về chủ điểm này, ở một khía cạnh nào đó, thơ Trần Phong
Vũ mang những nét đặc thù khác xa –nếu không muốn nói là vượt trội- thơ Hàn Mặc
Tử. Trong khi thơ HMT, hình ảnh Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu mang khuôn mặt tuy
trang trọng, uy nghi nhưng lại lạnh lùng xa cách, khiến người thơ “ớn lạnh” chỉ
dám đứng xa xa chiêm ngắm, thì trong thơ TPV, diện mạo Ngôi Hai Thiên Chúa được
diễn tả như một người bạn, một người anh, môt người Thày chí nhân chí ái và gần
gũi để con người an tâm tìm đến coi như chỗ tựa nương, nhờ cậy trong những lúc
khổ đau tuyệt vọng. Niềm cậy tin và tâm thái khiêm nhường, phó thác của tác giả
bộc lộ rõ ràng nhất trong những bài Gọi Bình Minh, Bơ Vơ, Lời Thầm”
Trong lời
bạt viết cho tuyển tập, nhà báo, nhà văn Mặc Giao nêu lên câu hỏi:
“Có
nên gọi tập thơ Dấu Chân Trên Cát là thơ triết lý không?”
và ngay sau đó, ông tự trả lời:
“Gọi
thế e bị cười là đao to búa lớn. Nhưng khi nói về thân phận của con người, suy
nghĩ về đời này và đời sau, là đi vào phạm trù triết lý rồi. Tôi không dám
phong thần cho nhà thơ (kiêm nhà văn) họ Trần, nhưng riêng tôi, tôi thấy có
nhiều bài thơ nặng tính triết lý trong tập Dấu Chân Trên Cát của anh. Tôi biết
làm thơ triết lý khó thành công lắm, nhưng không phải là ai cũng sợ, không dám
làm, dù biết mình không phải là Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung Oán
Ngâm Khúc, một tập thơ triết lý duy nhất thành công trong văn học Việt Nam, đã
diễn tả nỗi phù trầm của con người bằng khởi đầu ‘Thảo nào khi mới chôn nhau.
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra’,
và kết thúc ‘Trăm năm còn có gì đâu. Chẳng
qua một nấm cỏ khâu xanh rì’.
Buồn.
Nếu không có đức tin thì thật khó có được cái tâm an nhiên để sống. Trần Phong
Vũ có đức tin, nên đã vượt qua bao khó khăn của cuộc đời để đạt tới cái tâm an
nhiên tự tại ấy giữa những cơn ‘gió bão’ không ngừng gào réo quanh mình. Đó
không phải là một triết lý sống hay sao?”
Tôi cũng là người làm thơ. Nhưng
hầu hết thơ tôi được ghi lại trong cảnh tù đầy, mang nặng những đau thương, uất
nghẹn của thân phận những con người đang phải sống dưới ách thống trị bạo tàn,
cay nghiệt của tập đoàn cộng sản. Nó là những hiện thực trần trụi, đơn sơ, không
có tu từ văn chương, đọc thấy ngay, hiểu ngay. Mục đích duy nhất của thơ tôi
chỉ là tố giác tội ác cộng sản, vì thế đặc tính nghệ thuật trong đó thuộc hàng
thứ yếu, có cũng được mà không có đối với riêng tôi cũng không sao.
Thi tập Dấu Chân Trên Cát của
Trần Phong Vũ khác hẳn. Đó là những ngôn từ, vần điệu của một tâm hồn chan chứa
tình người, trĩu nặng những suy tưởng, những chiêm nghiệm sâu sắc, tinh tế về
niềm tin tôn giáo, về kiếp nhân sinh cùng lẽ sống chết ở đời. Khi đọc cần phải
có một sự trầm lắng mới có thể cảm nhận được những tâm tình hàm ẩn trong đó qua
chữ nghĩa, hình tượng, nhịp điệu đặc sắc, riêng biệt của tác giả.
Ngòi bút của Trần Phong Vũ rất đa
dạng. Ngoài truyện ngắn, tâm bút và thi ca, ông còn là người viết biên khảo,
nhận định và bình luận thời sự, chính trị quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam tị
nạn. Ngoài hàng trăm bài viết được đăng trải trên mạng, trên các tạp chí, trong
đó có nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân mà nhà văn họ Trần là chủ bút trong suốt 12
năm qua, tôi rất tâm đắc những tác phẩm anh viết về Linh mục Phan Văn Lợi và
Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị. Điều đáng nói là cả hai tác phầm Phan Văn Lợi,
Người Là Ai? và Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại của anh tôi đều là
người được hân hạnh giới thiệu trong những lần ra mắt độc giả ở nam và bắc
California trong nhiều năm trước.
Được quen biết, sinh hoạt và trao
đổi, tâm tình với anh trong nhiều năm lại được đọc văn, thơ và những bài viết
của anh, tôi thấm thía nhận định của Gustave Floubert: “Văn là người, là máu
huyết của tư duy, tình cảm”.
Nam California những ngày chớm
thu 2012 - NCT
Được
biết một buổi sinh hoạt Văn Học nhằm giới thiệu Tuyển tập Trần Phong Vũ với bà
con đồng hương nam California dư liệu sẽ tổ chức tại Trung Tâm Công Giáo Việt
Nam Giáo Phận Orange, địa chỉ 1538 N. Century Blvd, Santa Ana, CA 92708 (góc đường
Harbor và Westminster) lúc 1 giờ 30 chiều Chúa Nhật 11-11-2012.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)