Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Trương Nhân Tuấn - Nhân nói chuyện về hiệu lực pháp lý của các bản đồ


Trương Nhân Tuấn

Dư luận VN hiện nay đang xôn xao về tấm bản đồ nước Trung Hoa xuất bản năm 1904, dưới thời nhà Thanh, mang tên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”. Bản đồ này vẽ lãnh thổ của Trung Quốc năm 1904 không có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi người vui mừng cho rằng đó là một bằng chứng rõ rệt chứng minh các quần đảo HS và TS không thuộc TQ.


Theo tôi, không có điều gì chắc chắn để vui mừng hết. Giả sử phía TQ đưa ra các bản đồ sau đây:
1/ Bản đồ thế giới do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1960. “Trên bản đồ này, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc.”

2/ Cục Bản đồ của Việt Nam xuất bản tấm bản đồ năm 1972, trong đó quần đảo Nam Sa được chú thích bằng tiếng Hoa, chứ không phải bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp.”

Tài liệu trên đây dẫn từ nguồn:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/110803_china_viet_islands.shtml
http://www.bjreview.com.cn/world/txt/2011-08/01/content_380478.htm

Nếu hai tấm bản đồ này có thật, lúc đó phản ứng mọi người sẽ ra sao ? Không lẽ bó tay chấp nhận HS và TS thuộc TQ?

Nếu không lầm, bản đồ 1904 của Trung Hoa, lãnh thổ nước này bao gồm nước Mông Cổ hiện nay. Nếu ta đi ngược thời gian xa hơn, các bản đồ nước Trung Hoa cũng không hề chú dẫn hai quần đảo HS và TS, nhưng trong vài bản đồ lãnh thổ nước này bao gồm nước VN. Không lẽ phía TQ trưng tấm bản đồ này thì phải công nhận VN thuộc TQ?

Điều may là các tấm bản đồ thường không có giá trị quyết định trên quan điểm pháp lý.

Thật vậy, theo thông lệ công pháp quốc tế, «bản đồ» tự nó thường không được nhìn nhận như là một «bằng chứng» mà chỉ được xem như là một «tài liệu – information», để bổ túc thêm cho một «lý lẽ – argument», hay để khẳng định một « thái độ » nào đó của một bên tranh chấp.

Tấm bản đồ do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1960 và tấm do Cục Bản đồ của Việt Nam xuất bản tấm bản đồ năm 1972 tự nó không có giá trị pháp lý, (cũng như tấm bản đồ 1904 của nhà Thanh), nhưng nếu vấn đề tranh chấp HS và TS được đưa ra một tòa án quốc tế để phân giải, chắc chắn các tấm bản đồ này sẽ được phía TQ sử dụng nhằm vào việc làm rõ ý kiến của phía VN (nhìn nhận HS và TS thuộc TS) qua tuyên bố đơn phương 1958 (thể hiện qua tấm công hàm của ông Phạm Văn Đồng).

Nhiều vụ án về tranh chấp lãnh thổ do Tòa Án Công lý Quốc Tế (CIJ) phân xử, đa số các trường hợp các bản đồ được các bên trưng dẫn thì không được xem như là «bằng chứng » vì chúng không có tác động trực tiếp đến quyết định của các quan tòa. Yếu tố quyết định cho phán quyết của tòa luôn là «thái độ» của nhà nước đối với vùng lãnh thổ tranh chấp.

Một tấm bản đồ có giá trị pháp lý chỉ khi nó được đính kèm với các văn bản của một hiệp định phân định biên giới. Dĩ nhiên hiệp ước này phải còn hiệu lực (do việc không có hiệp ước nào khác ký kết sau này thay thế). Tuy vậy, nhiều trường hợp lịch sử cho thấy nhiều tấm bản đồ phân định biên giới đã không phù hợp với nội dung của công ước. Trong trường hợp này, theo thông lệ quốc tế, văn bản có hiệu lực «cao» hơn bản đồ.
Một số trường hợp khác, bản đồ phân định, cũng như nội dung văn bản, cả hai đều không phù hợp với địa hình trên thực địa. Như trường hợp phân định biên giới giữa Pháp và nhà Thanh biên giới giữa Bắc Kỳ và các tỉnh Hoa nam năm 1887, hầu hết nội dung các biên bản phân định cũng như các bản đồ đính kèm đều không phù hợp với địa hình trên thực tế (xem thêm phần tham khảo). Trường hợp này, các công trình phân giới sau này (1888-1897) cùng với bộ bản đồ vẽ trên kết quả cắm mốc, mới có giá trị thực sự. Tuy vậy, trong các hồ sơ chính thức hiện nay được lưu trữ trong các thư viện thế giới, đường biên giới Việt Trung 1887 chỉ thể hiện qua 3 trang mô tả sơ sài cùng với các bản đồ (hoàn toàn sai) đính kèm. Vì thế nhiều học giả trên thế giới đã có nhận định sai trong các công trình nghiên cứu vì chỉ dựa trên nội dung của công ước mà không tham khảo tài liệu giai đoạn phân giới.

Trường hợp đặc biệt cũng nên nói lại sau đây, là tranh chấp hai nước Thái Lan và Kampuchia về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear. Nguyên nhân tranh chấp là tấm bản đồ đính kèm công ước vẽ không đúng với nội dung công ước. Theo tấm bản đồ (vẽ sai) này, ngôi đền thuộc về lãnh thổ Kampuchia trong khi nội dung văn bản xác định đường biên giới là đường phân thủy của một rặng núi. Trên tinh thần đó ngôi đền phải nằm trên lãnh thổ Thái Lan. Nội vụ tranh chấp được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ). Lý ra, hiệu lực nội dung văn bản có giá trị cao hơn bản đồ, tức ngôi đền phải thuộc về Thái Lan, nhưng vì thái độ của nhà nước Thái Lan (về ngôi đền) trong nhiều thời kỳ đã khiến quan tòa phán quyết chủ quyền ngôi đền Preah Vihear thuộc về Kampuchia. Xét thấy trường hợp này (thái độ của nhà nước Thái) khá trùng hợp với thái độ của nhà nước VNDCCH và CHXHCNVN về chủ quyền của VN tại HS và TS, người viết dẫn ra đây vài đoạn để mọi người cùng suy nghĩ cho tình trạng tranh chấp lãnh thổ giữa đất nước mình với Trung Quốc hầu kịp thời tìm kiếm một phương án giải quyết.

Tranh chấp hai bên Thái-Miên về ngôi đền Preah Vihear được đưa ra Tòa án Quốc tế ngày 6 tháng 10 năm 1959. Vụ án có mã số CIJ 65.

Vụ xử ngôi đền Preah Vihear xảy ra ngày 15 tháng 6 năm 1962. Những đoạn quan trọng được ghi lại như sau (nguồn CIJ):
Ngôi đền cổ Preah Vihear ở trong tình trạng hoang phế, tọa lạc trên một mỏm núi thuộc rặng Dangrek. Rặng núi này là biên giới giữa hai nước Thái Lan và Cambodge. Tranh chấp có nguyên nhân từ việc phân định biên giới bắt đầu từ năm 1904 đến năm 1908 giữa nước Pháp, đại diện Đông Dương, và nước Xiêm. Việc phân định này dựa lên công ước ngày 13 tháng 2 năm 1904. Công ước này đã thiết lập một cách tổng quát hướng đi đường biên giới. Đường này được xác định cụ thể bởi một ủy ban phân định hỗn hợp Pháp-Thái.

Ở khu vực có ngôi đền Preah Vihear, (theo nội dung công ước) đường biên giới phải theo đường phân thủy. Ngày 2 tháng 12 năm 1906, một ủy ban hỗn hợp ra thực địa xác định đường phân thủy. Từ tháng giêng – tháng hai năm 1907, ủy ban Pháp đã báo cáo lên chính phủ của họ rằng đường biên giới đã hoàn toàn được phân định.

Việc cuối cùng của công trình phân định là vẽ bản đồ đính kèm. Nhà nước Xiêm, vì không có phương tiện kỹ thuật, đã yêu cầu nhân sự phía Pháp để thành lập các bản đồ vùng biên giới. Các bản đồ đã được một ê kíp người Pháp hoàn tất vào mùa xuân năm 1907. Một tấm bản đồ của công trình này được giao cho nhà nước Xiêm, theo đó đền Preah Vihear nằm trên lãnh thổ Khmer.

Tấm bản đồ đính kèm nói trên chưa bao giờ được công nhận bởi ủy ban hỗn hợp. Vì Ủy ban này đã ngừng hoạt động trước khi bản đồ được thiết lập. Tòa cho rằng, nguyên thủy, tấm bản đồ này không có tính bắt buộc. Nhưng trong hồ sơ phân định, bộ bản đồ đã chuyển lên chính phủ Thái như là kết quả của công trình phân định biên giới. Nhà cầm quyền Thái đã không có phản ứng nào (về các tấm bản đồ này) từ thời kỳ đó, cũng không có phản ứng nào trong nhiều năm sau. Do đó phải kết luận rằng nó đã được sự chấp nhận chính phủ Thái. Nếu phía Thái đã chấp nhận tấm bản đồ đính kèm mà không làm các cuộc nghiên cứu, thì bây giờ họ không thể vịn vào lỗi lầm này để làm vô hiệu điều mà họ đã chấp thuận.

Nhà nước Xiêm, sau đó là Thái Lan, chưa bao giờ đặt vấn đề về bản đồ đính kèm trước năm 1958, là lúc hai bên Thái và Cambodge đã mở những cuộc thương thảo về chủ quyền ngôi đền. Trong khi đó, vào các năm 1934-1934, một cuộc trắc địa đã cho thấy có sự khác biệt giữa đường phân thủy trên thực tế và đồ tuyến biên giới trên bản đồ. Một số bản đồ khác đã được thiết lập, trong đó đặt ngôi đền thuộc lãnh thổ Thái Lan. Nhưng phía Thái Lan vẫn tiếp tục sử dụng, thậm chí in ra, những tấm bản đồ theo đó ngôi đền Preah Vihear thuộc về phía Cambodge. Mặt khác, trong khoảng thời gian thuơng thuyết về hiệp ước Pháp-Xiêm 1925 và 1937, mà các hiệp ước này khẳng định hiệu lực của đường biên giới. Hay là vào năm 1947, trước ủy ban hòa giải Pháp-Xiêm tại Washington, đáng lẽ phía Thái đã đặt lại vấn đề chủ quyền ngôi đền, thì họ đã không làm gì cả.

Kết luận lại, như thế Thái Lan đã chấp nhận đường biên giới như đã vẽ trong bản đồ, cho dầu nó có phù hợp hay không phù hợp với đường phân thủy của rặng Dangrek.

Vì vậy, Tòa cho rằng, trong vùng tranh chấp, đường biên giới là đường xác định trên bản đồ và sẽ không cần thiết để tìm hiểu là đường biên giới này có phù hợp với đường phân thủy hay không.

Trở lại trường hợp VN. Ở đây ta thử so sánh thái độ của nhà nước Thái về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear đã được tòa CIJ phân tích ở trên với thái độ của nhà nước VNDCCH (và các nhà nước kế thừa) về chủ quyền của hai quần đảo HS và TS.

Ta thấy nhà nước VNDCCH đã mặc nhiên đồng thuận chủ quyền của TQ tại hai quần đảo HS và TS qua các động thái:
1/ Tuyên bố đơn phương qua công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng. Tuyên bố này ủng hộ « tuyên bố về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc », trong đó mặc nhiên nhìn nhận việc « ủng hộ » hải phận 12 hải lý của các đảo thuộc HS và TS. Tức mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền HS và TS thuộc TQ.

2/ Các bài báo trên Nhân Dân khẳng định chủ quyền của TQ tại HS và TS. Các bản đồ của các cơ quan trực thuộc nhà nước VNDCCH (như hai tấm bản đồ dẫn trên) xác định chủ quyền của TQ tại HS và TS.
Trên phương diện pháp lý, các bài báo trên Nhân Dân hay các bản đồ của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam hay của Cục Bản đồ của Việt Nam đều không có giá trị pháp lý. Nhưng ở đây chúng có giá trị của « tài liệu – information » nhằm làm sáng tỏ nội dung tuyên bố đơn phương 1958 của Phạm Văn Đồng. Đối với công pháp quốc tế, các tuyên bố đơn phương có giá trị ràng buộc.

Mặt khác, nhà nước VNDCCH đã «im lặng» trước tuyên bố «chủ quyền không thể tranh cãi của TQ tại HS» vào tháng giêng năm 1974, vài ngày trước khi dùng vũ lực xâm lăng Hoàng Sa. Nhà nước VNDCCH cũng im lặng sau đó khi TQ dùng vũ lực xâm chiếm HS. Theo thông lệ quốc tế, hành động (xâm lăng HS của TQ) đòi hỏi hai miền VN phải có một thái độ. VNCH đã lần lượt biểu lộ nhiều động thái quan trọng nhằm phản đối hành động của TQ đồng thời khẳng định chủ quyền của VN tại HS trước các diễn đàn quốc tế. Thái độ im lặng của nhà nước VNDCCH có thể so sánh với sự «im lặng» lâu dài của nhà nước Thái về tấm bản đồ vẽ sai. Đó là sự im lặng «mặc nhiên đồng thuận».

Ta thấy vấn đề chủ quyền của VN tại HS và TS phức tạp và khó khăn hơn trường hợp của Thái về ngôi đền Preah Vihear. CHXHCNVN, nhà nước kế thừa của nhà nước VNDCCH, phải đối diện cùng lúc hai yếu tố pháp lý: 1/ tuyên bố đơn phương và 2/ mặc nhiên đồng thuận chủ quyền của TQ tại HS và TS.

Chỉ cần một trong hai yếu tố này đủ để VN mất chủ quyền tại HS và TS.

Bộ Luật Biển 2012 của VN vừa công bố xác nhận chủ quyền của VN tại hai quần đảo HS và TS là một điều đúng và cần thiết. Bộ Luật này cũng xác nhận hiệu lực hải phận các đảo của VN đúng theo tinh thần Luật Quốc tế về Biển, cũng là một điều đúng và cần thiết. Đúng vì nó phù hợp với thực tế và lịch sử. Cần thiết vì nó làm gạch nối cho thế hệ tương lai. Nhưng nó chỉ có hiệu lực thực sự khi mà TQ từ bỏ chủ quyền ở HS và TS (qua một trọng tài phân xử).

Với một hồ sơ như thế người ta không ngạc nhiên khi nhà nước CSVN không dám đề nghị đưa tranh chấp HS và TS ra trước một trọng tài phân giải. Trong khi đó, với khả năng về quốc phòng đang lên, TQ có thể chiếm các đảo TS còn lại đang ở trong tay VN đồng thời dành phần lớn thềm lục địa và vùng biển VN theo bản đồ chữ U. Việc « ngư dân » TQ hiện nay một lúc 30 chiếc thuyền, cùng với các tàu hộ vệ của hải quân TQ, đang hoành hành đánh bắt hải sản ở các đảo thuộc TS làm người ta liên tưởng đến những ngày tháng giêng năm 1974, lúc sắp đánh HS. Ở đây, trước khi đánh, «ngư dân» TQ đổ bộ lên các đảo. Khi hải quân VNCH can thiệp thì hải quân TQ ra tay «bảo vệ». Rất cỏ thể TQ sẽ lập lại phương pháp cũ.

Lúc đó, với một hồ sơ như thế, VN vô phương đòi lại TS (chứ đừng nói HS). Với sức mạnh và nhiều tiền trong tay, TQ muốn hoạch định biển với VN thế nào lại không được?

Vấn đề vì thế, cấp bách, là phải làm các thủ tục để kế thừa di sản VNCH để có một thế đứng chính thống trước quốc tế. Hiện nay chưa có nước nào chính thức công nhận chủ quyền của VN tại HS và TS (kể cả Pháp). Với một hồ sơ như thế thì ai mà công nhận?

© Trương Nhân Tuấn
© Đàn Chim Việt
——————————————
Xem thêm:
- Tìm hiểu nguyên nhân mất đất Tụ Long vào tay Trung Quốc qua các hiệp định Pháp-Thanh về biên giới 1887 và 1895:  http://blog.yahoo.com/_I66R5T4RFJ5LH5KE4IOX6IW264/articles/235436/index
- Biên giới tỉnh Hải Ninh. Nguyên nhân Việt Nam mất huyện Giang Bình và đất thuộc hai tổng Kiến Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Hải Ninh. http://blog.yahoo.com/_I66R5T4RFJ5LH5KE4IOX6IW264/articles/235425/index
- Thử tìm hiểu tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Preah Vihear : http://blog.yahoo.com/_I66R5T4RFJ5LH5KE4IOX6IW264/articles/235391/index
- Lịch sử tranh chấp chủ quyền « l’enclave Pak-lung » cùng các đảo Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu trong vịnh Vạn Xuân : http://blog.yahoo.com/_I66R5T4RFJ5LH5KE4IOX6IW264/articles/235331/index
- Tìm hiểu đường biên giới Việt-Trung: Lào Cai : http://blog.yahoo.com/_I66R5T4RFJ5LH5KE4IOX6IW264/articles/235329/index



Mẹ Nấm - Lời kêu gọi và cam kết tham gia phiên tòa xét xử những người yêu nước


Mẹ Nấm

Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, Công Lý Sự Thật - Tạ Phong Tần, Anhbasaigon - Phan Thanh Hải là những người yêu nước. Lòng yêu nước của các anh chị đã được thể hiện bằng hành động ngay từ những ngày đầu dân Việt xuống đường lên tiếng bảo vệ biển đảo và lãnh thổ Việt Nam vào năm 2007. Lòng yêu nước đã thể hiện qua tâm tư khắc khoải lo âu cho vận mệnh dân tộc được trang trải trên nhiều trang viết.


Lòng yêu nước đó đã và đang bị giam cầm và ngày 7 tháng 8, 2012 tới đây, lòng yêu nước của các anh chị lại một lần nữa bị đem ra xử tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, Quận 1.
Mỗi chúng ta – những người thiết tha với quê hương này – đều ấp ủ trong tim lòng yêu nước ấy, nung nấu dần theo năm tháng, mong mỏi tình yêu ấy được thoát ra khỏi lồng ngực, được tự do bày tỏ, được ôm lấy mảnh đất nghìn đời này mà yêu thương. 

Bỏ tù, bắt giam, xử án và kết tội
 Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, Công Lý Sự Thật - Tạ Phong Tần, Anhbasaigon - Phan Thanh Hải chính là bỏ tù, bắt giam, xử án và kết tội lòng yêu nước của chính CHÚNG TA.
Vì vậy CHÚNG TA phải có mặt tại "phiên tòa kết tội lòng yêu nước".  Phải đồng hành với những người bạn yêu nước của CHÚNG TA.
Khi quyền tự do thiêng liêng nhất là quyền bày tỏ lòng yêu nước, quyền bảo vệ giang sơn, quyền góp phần quyết định vận mạng chung của đất nước bị tước đoạt, đe doạ, bỏ tù thì độc lập quốc gia sẽ không còn, tự do con người là nô lệ của sự xin cho và hạnh phúc nhân dân chỉ là bánh vẽ.
Tự do hay là chết! 
Có người đã nói như vậy.
 
Trong bóng đêm bành trướng của bá quyền phương bắc ngày hôm nay chúng ta có thể nói:
 Tự do hay là mất nước - Tự do hay mất cả sự hiện hữu của con người Việt Nam.
Ngày hôm nay, đất nước chúng ta tuy không bị xâm lăng toàn bộ như đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử hơn 4000 năm. Tuy nhiên, chúng ta lại phải đối diện với một một kế hoạch xâm lấn lâu dài và tinh xảo. Hệ quả là Mẹ Việt Nam như một người bệnh ung thư đang bị gặm nhấm, mất đi từng phần của thân thể.
Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, biên giới Việt Bắc, Hoàng Sa Trường Sa và thềm lục địa Việt Nam đã nằm trong tay bá quyền phương Bắc.
Còn phải bao nhiêu phần thân thể của đất Mẹ bị cướp đi để Việt Nam chính thức trở thành ngôi sao hèn mọn thứ 5 trên lá cờ đại Hán?
Còn thêm bao nhiêu mất mát nữa để chúng ta tiếp tục chần chờ lưỡng lự trong nỗi sợ hãi và ngồi yên sống trong hy vọng vào bước chân và hy sinh của người khác.
 
Còn thêm bao nhiêu tủi nhục nữa để chúng ta tự ban cho mình đặc ân đứng bên lề cuộc bể dâu của đất nước vì hoàn cảnh kinh tế cá nhân, hạnh phúc gia đình mình?
 
Còn bao lâu nữa chúng ta có thể say sưa ăn mày hào khí Diên Hồng của ngàn năm trước, ngủ vùi với giấc mơ tự do, dân chủ, phú cường mà đôi chân tê cứng vì sợ hãi, đầu óc đông lạnh vì những tính toán được mất của cá nhân?
Còn bao lâu nữa chúng ta an phận với cuộc sống nô lệ bình an?
Chúng ta đã lỡ hẹn với con tàu yêu nước được khởi hành bởi những Phạm Thanh Nghiên, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần và nhiều người khác. Nếu tất cả chúng ta cũng như họ, thì có lẽ bạn bè ta đã không ngồi tù, vận mệnh của dân tộc đã khác.
Một người hy sinh cái giá phải trả sẽ vô cùng lớn; 1.000 người sẵn sàng đối diện với khó khăn, thử thách, giá phải trả sẽ thấp đi;10.000 người quên đi toan tính cá nhân, vận nước sẽ chuyển động; 100.000 người đứng lên, đất nước 90.000.0000 người sẽ hồi sinh. Chúng ta hãy là con số 1.000 người đầu tiên ấy.
Chúng tôi, những người bạn của Điếu Cày, Công Lý Sự Thật  Anhbasaigon sẵn sàng chia sẻ với các anh chị ấy và những người yêu nước dũng cảm đang tranh đấu cho độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay cái giá phải trả cho lòng yêu nước. Chúng tôi sẵn sàng là con số nhỏ nhoi ban đầu đó.
Và chúng tôi sẽ có mặt.
Đây không chỉ là một lời kêu gọi mà là lời cam kết.
Chúng tôi sẽ có mặt.
Hãy cùng với chúng tôi vừa là nhân chứng của phiên toà bỏ tù lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, vừa là những người bạn đồng hành của những người tù Việt Nam yêu nước.
Hãy cùng nhau không còn thấy cái tôi của từng người, nỗi sợ hãi lẻ loi mà chỉ có CHÚNG TA và dáng đứng can đảm của Dân Tộc.
CHÚNG TA: những người con dân nước Việt không chấp nhận viễn ảnh nô lệ, Bắc thuộc lần thứ 5 đang dần trở thành hiện thực.
CHÚNG TA: những người không chấp nhận đầu hàng để "được" làm người "tự do" trong nhà tù lớn mang tên Việt Nam bây giờ để rồi con cháu ngày mai sẽ "được" làm người "tự do" trong nhà tù lớn mang tên Trung Quốc.
CHÚNG TA: những người khao khát Tự Do của ngày hôm nay sẽ cùng nhau viết tiếp nhật ký Ái Quốc trong đêm tối đại họa của dân tộc để luôn gìn giữ và phát huy niềm hãnh diện của các thế hệ trước đã để lại trong ta: CHÚNG TA LÀ NGƯỜI VIỆT NAM!

Những người bạn của Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, Công Lý Sự Thật - Tạ Phong Tần, Anhbasaigon - Phan Thanh Hải.

Nguồn: Blog Mẹ Nấm

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Phan Quang Tuệ - A HOUSE DIVIDED AGAINST ITSELF CANNOT STAND - Anh em xâu xé, nhà tất sụp!

A HOUSE DIVIDED AGAINST ITSELF CANNOT STAND
Anh em xâu xé, nhà tất sụp! (Abraham Lincoln, 1858)

                                 Phan Quang Tuệ - 

(Ngày 22 tháng 7 vừa qua tại St.Paul, Minnesota tôi đọc một bài tham luận với đề tài: “Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí trong đời sống quốc gia và sinh hoạt cộng đồng”.  Bài nói chuyện được đọc nhân dịp kỷ niệm một năm phát hành báo Người Việt Minnesota và Ngày Truyền Thông Báo Chí Việt Ngữ tại Minnesota.  Bài nói chuyện được phổ biến rộng rãi trên báo chí và các trang mạng Việt Ngữ, gây nên nhiều phản ứng.  Những phản ứng chống đối cho rằng bài viết của tôi nhằm mục đích bênh vực báo Người Việt California sau khi báo này chọn đăng một lá thư của một độc giả trong đó có đoạn viết: “Ngày 30 tháng 4, 1975 là một ngày vui mừng của dân tộc, và VNCH là bè lũ tay sai của giặc Mỹ”.  Trong số phản ứng trên hệ thống trang mạng Việt Ngữ  có 2 bài gởi đích danh cho tôi là của Bác Sĩ Trần Văn Tích và Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Khôi.  Tôi đã liên lạc với hai vị trên qua điện thư và hứa sẽ có bài trả lời.  Đây là lý do của bài viết này, vừa trả lời hai vị bác sĩ, vừa trả lời chung cho những quý vị đã lên tiếng về vấn đề này.  Tôi sẽ đề cập đến hai vấn đề: (1) Nói rõ thêm về tự do ngôn luận và tự do báo chí trong Tu Chính Án Thứ Nhất và (2) Trả lời câu hỏi phải chăng sự có mặt của tôi tại St. Paul, Minnesota cũng như bài nói chuyện của tôi nhằm mục đích bênh vực cho báo Người Việt California hay không?)

Thẩm phán tòa di trú liên bang, Phan Quang Tuệ, 
phát biểu trong đại hội kỳ 10, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, 
vào ngày 21 tháng 10, tổ chức tại Nhật báo Người Việt. 
(Hình: Dan Huynh)

Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí trong Tu Chính Án Thứ Nhất:
Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ được đại biểu của 13 tiểu bang biểu quyết chấp thuận ngày 17 tháng 9 năm 1787 tại Philadelphia.  Toàn bộ Hiến Pháp thực ra không dài lắm, chỉ gồm 7 điều khoản.  Bản văn chỉ quy định mà không giải thích.  Bản văn cũng chẳng đưa ra một lý thuyết hay nguyên tắc căn bản nào như kiểm soát và cân bằng (checks and balances), phân quyền (separate powers), hay vai trò phán xét của tư pháp (judicial review).  Muốn tìm hiểu ý nghĩa và giải thích thẩm quyền (authoritative interpretation) bản Hiến Pháp Hoa Kỳ và 10 tu chính án đầu tiên, người ta cần phải đọc 85 bài khảo luận được viết bởi ba cây viết: James Madison, Alexander Hamilton và John Jay cùng viết chung dưới một bút hiệu là “Publius”.  Bài đầu tiên được viết ngày 27 tháng 10, 1787.  Bài thứ 85 được viết ngày 28 tháng 5, 1788.  Họ viết đều đặn, liên tục, các bài viết xuất hiện 4 lần một tuần.  Tất cả các bài viết này được gọi chung là The Federalist Papers.

Tu Chính Án Thứ Nhất nói về tự do báo chí và tự do ngôn luận nằm trong 10 Tu Chính Án gọi chung là Bill of Rights được biểu quyết thông qua ngày 15 tháng 12, 1791 tức là hơn 3 năm sau khi Hiến Pháp Hoa Kỳ được ban hành.

Muốn tìm lời giải thích về tự do ngôn luận và tự do báo chí trong Tu Chính Án Thứ Nhất, người ta phải trở về với bài Federalist số 84 viết vào ngày 28 tháng 5, 1788, tức 3 năm trước đó, mà tác giả là Alexander Hamilton.

Hamilton viết như sau:
“Why, for instance, should it be said, that the liberty of the press shall not be restrained, when no power is given by which restrictions may be imposed?....


What is the liberty of the press?  Who can give it any definition which would not leave the utmost latitude for evasion?  I hold it to be impracticable; and from this, I infer, that its security, whatever fine declarations may be inserted in any constitution respecting it, must altogether depend on public opinion, and on the general spirit of the people and of the government.  And here, after all, as intimated upon another occasion, must we seek for the only solid basis of all our rights.  (Gạch dưới là do tác giả thêm vào).

"Tại sao, chẳng hạn, lại nên nói rằng tự do báo chí sẽ không được kiềm chế khi không có quyền lực nào được tạo ra để có thể dùng vào việc kiềm chế đó?...

"Tự do báo chí là gì?  Liệu ai có thể định nghĩa được nó mà không để hở ra một không gian tối đa cho sự chạy thoát.  [Bởi thế mà] tôi cho điều đó là bất khả; và từ đó tôi rút ra kết luận rằng sự an toàn về mặt tự do báo chí là, dù bạn có thể đưa những lời lẽ đẹp đẽ nhất vào trong một hiến pháp tôn trọng nó, sẽ bắt buộc phải tuỳ thuộc vào công luận cũng như vào tinh thần chung của người dân và của chính quyền.  Và, cuối cùng thì như tôi đã ngụ ý trong một dịp khác, chính ở đây là nơi ta phải tìm cơ sở độc nhất cho tất cả mọi quyền của chúng ta." (Gạch dưới do tác giả thêm vào)

Hoá ra là như vậy!!  224 năm trước đây một tác giả lỗi lạc nhất của Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ, của Tu Chính Án Thứ Nhất, đã viết trong lá thư Federalist paper thứ 84 là tìm cách định nghĩa tự do báo chí là một điều không thực tế, và mọi cố gắng để mang lại một ý nghĩa cho ý niệm tự do báo chí đều phải tùy thuộc vào công luận (public opinion) và dân trí (general spirit of the people).  Và theo Hamilton, đây mới là nơi chúng ta cần phải dựa vào để tìm căn bản vững chắc duy nhất cho mọi thứ dân quyền.

Không những thế, làm sao có thể quy định rằng tự do ngôn luận không bị hạn chế trong khi không có bất cứ một điều khoản nào quy định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là gì??  Và suy ra từ những câu hỏi và phương cách đặt vấn đề của Hamilton thì câu trả lời là ý dân và dân trí.  Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí bắt nguồn từ ý dân, và giới hạn của hai quyền này cũng lại là … ý dân.  Và vì thế mới có Tu Chính Án Thứ Nhất:
“Congress shall make no law…. abridging the freedom of speech, or of the press!!”

"Quốc hội sẽ không làm ra luật nào... giới hạn tự do ngôn luận hay tự do báo chí!!"

Bênh vực một tờ báo hay bênh vực quyền tự do ngôn luận?
Vị trí đúng nhất của lá thư của độc giả Sơn Hà là sọt rác.  Tờ Người Việt California đăng lên mới thành có chuyện.  Và gây công phẫn.   Mới đầu còn nhỏ, sau lan rộng.  Có nhiều buổi họp được triệu tập.  Có tuyên cáo chung.  Có kêu gọi tẩy chay, biểu tình.  Có áp lực đòi sa thải nhân viên đã chọn đăng lá thư.  Có áp lực đòi tờ báo phải công bố lý lịch của độc giả Sơn Hà trong khi đây chính là điều tối kỵ trong ngành báo chí luôn luôn giữ kín nguồn tin.  Có ý kiến lập Ủy Ban theo dõi phân tách các bài của báo Người Việt. Nói cách khác cần lập ngay một Ban Kiểm Duyệt ngay giữa lòng cộng đồng người tỵ nạn Cộng Sản đi tìm tự do!

Vậy có nên lập luôn một uỷ ban kiểm soát và chỉ đạo tư tưởng hay không?  Cộng Đồng có nên thành lập một ủy ban quy định những điều mọi người tỵ nạn phải tuân theo trong những sinh hoạt của cộng đồng như chào cờ, phủ cờ, hát quốc ca VNCH, hay đặt bàn thờ tổ quốc.  Và khi quy định những điều khoản này thì phải lập ra những đoàn cảnh sát để kiểm soát việc thi hành.  Đây có phải là điều chúng ta muốn cho cộng đồng dân Việt tỵ nạn trở thành hay không?

Báo Người Việt California, hay bất cứ tờ báo nào khác, không những là một cơ quan ngôn luận mà còn là một cơ sở thương mại, cung cấp công ăn việc làm cho nhân viên, và nhờ đó những nhân viên này nuôi sống gia đình, đóng thuế, đóng góp vào ổn cố và thịnh vượng của cộng đồng chúng ta nói chung.  Nhân danh điều gì, lý tưởng nào, để cắt nguồn sống của bao gia đình?

Và sau khi đóng cửa được báo Người Việt California rồi thì đến phiên báo nào?  Cơ sở thương mại nào?  Phòng thuốc nào?  Phòng mạch nào?  Tiệm ăn nào?  Chợ nào? Quán cà phê nào?  Tiệm phở nào? Tiệm hủ tíu nào?  Tiệm bánh mì nào?  Tiệm làm móng tay, cắt tóc nào? Có phải đây là điều chúng ta muốn cộng đồng dân Việt trở thành không?

George Orwell là một nhà văn Anh Quốc của đầu thế kỷ 20.  Ông căm thù cộng sản và nổi tiếng qua hai tác phẩm Animal Farm (Trại Gia Súc) và “1984”.  Trại Gia Súc là một truyện giả tưởng về một cuộc nổi loạn của các gia súc.  Sau khi chiếm được trại, hai con heo lãnh đạo, Napoleon và Snowball, đã họp toàn thể các gia súc trong trại và đưa ra Bảy Điều Răn (The Seven Commandments) cho mọi gia súc phải tuân theo,  Bảy Điều Răn (The Seven Commandments) như sau:
  • Whatever goes upon two legs is an enemy
  • Whatever goes upon four legs, or has wings, is a friend
  • No animal shall wear clothes
  • No animal shall sleep in a bed
  • No animal shall drink alcohol
  • No animal shall kill any other animal
  • All animals are equal
  1. Bất cứ cái gì đi trên hai chân đều là kẻ thù
  2. Bất cứ cái gì đi trên bốn chân, hay có cánh, đều là bạn
  3. Không súc vật nào được ăn mặc quần áo
  4. Không súc vật nào được ngủ trên giường
  5. Không súc vật nào được uống rượu
  6. Không súc vật nào được giết một súc vật khác
  • Mọi súc vật đều bình đẳng
Thời gian qua, các khẩu hiệu và 7 điều răn thay đổi.  Khẩu hiệu hai chân, bốn chân được đổi như sau: “Four legs good, two legs better! Four legs good, two legs better”!  ("Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn!  Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn!")

Và 7 điều răn chỉ còn lại một điều thứ 7 được sửa lại như sau:
“All animals are equal
But some animals are more equal than others!!”

"Mọi súc vật đều bình đẳng
"Nhưng cũng có vài con bình đẳng hơn những con khác!"

Nghe đâu giống như “Kinh Tế Thị Trường theo Xã Hội Chủ Nghiã” của Cộng Sản Việt Nam ngày nay!

Tất cả mọi người đều quen với một bức ảnh ô nhục nói lên bộ mặt áp bức của chế độ Cộng Sản.  Đó là bức ảnh một tên công an bịt mồm linh mục Nguyễn Văn Lý.  Ai trong chúng ta muốn làm bàn tay bịt miệng quyền tự do phát biểu của người khác?

Mục đích bài nói chuyện của tôi ở St. Paul, Minnesota không nhằm bênh vực báo Người Việt California hay bất cứ báo nào khác.  Mục đích và ý nghĩa bài nói chuyện là để nhắc nhở về sự cần thiết bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của tất cả mọi người dân Việt yêu chuộng tự do.

Rudyard Kipling là một nhà văn, nhà thơ Anh Quốc đầu thế kỷ thứ 19.  Ông là nhà văn Anh Quốc đầu tiên được giải Nobel về văn chương.  Tôi biết đến Kipling qua một bài thơ mà thân phụ tôi đã gửi cho tôi khi tôi còn là một thiếu niên mới bắt đầu vào ngưỡng cửa trung học.  Thân phụ tôi giờ đã qua đời, và tôi cũng đã trên 70, nhưng bài thơ này luôn là một ngôi sao Bắc Đẩu làm kim chỉ nam đối với tôi.  Tựa bài thơ là “If”, bài thơ nổi tiếng nhất của Kipling, xuất hiện vào năm 1910.  Tôi muốn trích dẫn vài đoạn để làm kết luận cho bài viết này.

“If you can keep your head when all about you
Are losing theirs and blaming it on you,
If you can trust yourself when all men doubt you,
But make allowance for their doubting too;
…..
If you can bear to hear the truth you’ve spoken
Twisted by Knaves to make a trap for fools,

Yours is the Earth and everything that’s in it,
And, which is more, you’ll be a Man, my son.”


"Nếu con giữ được cái đầu bình thản
"Trong khi mọi người đã mất mà còn trách móc con,
"Nếu con vẫn tin được ở mình dù bị mọi người ngờ vực
"Mà vẫn không chấp điều người ta ngờ vực;
"...........

"Nếu con chịu đựng được những sự thật mà con đã nói ra
"Bị vặn vẹo bởi những kẻ tồi tàn để bẫy những thằng điên,
"...........

"Thì, con ạ, Trái Đất thuộc về con và tất cả trên Đất ấy,
"Và hơn nữa, con ạ, bởi con đã thành Người."

Qúy vị cùng thế hệ với tôi chắc rất quen thuộc với những bài học trong ngụ ngôn của La Fontaine, một nhà thơ Pháp thế kỷ thứ 17.  Trong bài vịnh về cái bị có hai túi (la besace), có đoạn thơ như sau:
“Nous nous pardonnous tout, et rien aux autres hommes

Le fabricateur souverain,
Nous créa besaciers tout de même manière,
Tant ceux du temps passé que du temps d’aujourd’hui:
It fit pour nos défauts la poche de derrière,
Et celle de devant pour les défauts d’autrui.”
"Chúng ta tự tha thứ cho nhau hết cả, trừ tha cho người khác
"............


"Đấng Tạo Hoá tối cao
"Dựng ra tất cả chúng ta cùng một kiểu,
"Từ trong quá khứ xa xưa đến tận hôm nay:
"Cho bao sai trái của ta vào túi sau
"Và để hết sai trái của người vào túi trước."

Một nhà báo Anh Quốc, John Morley, đã viết:  “You have not converted a man because you have silenced him!” ("Bạn chưa thuyết phục được tôi chỉ vì bạn cấm được tôi nói.")

Tôi muốn kết thúc bài này với một niềm hy vọng.  Thứ sáu vừa qua Thế Vận Hội Mùa Hè 2012 đã long trọng và tưng bừng khai mạc tại Luân Đôn.  Có 204 quốc gia tham dự.  Sau những nghi thức khai mạc cả vận động trường im lặng và từ trên khán đài giọng ca của Paul McCarney của ban nhạc The Beatles cất lên.

Giọng ca không còn mạnh như xưa.  Nhưng lời ca đã đưa tâm hồn tôi trở về những năm 60.  Trở về một không gian của tuổi thanh niên mới vào đời, của những giấc mơ không những cho đời mình mà còn cho cả một bầu trời quê hương yêu dấu.  Lời ca giản dị đến mộc mạc.  Hai câu đầu của bài hát như sau:
“Hey Jude, don’t let me down
Take a sad song and make it better!!”

"Ê Jude, đừng bỏ rơi anh
"Hãy lấy một bài hát buồn mà làm thành lạc quan hơn!!"

Có thể nào tất cả chúng ta nhận lấy bài ca buồn và cùng nhau biến bài ca buồn thành khúc hoan ca cho những thế hệ mai sau??

Phan Quang Tuệ
Danville, California
Ngày 1 tháng 8, 2012

Ghi chú: Những phần dịch các câu trích dẫn trong tiếng Anh, tiếng Pháp là do NNB.

BBC - Tang lễ bà Liêng bị ‘giám sát chặt chẽ’


BBC 



Chưa rõ nguyên nhân dẫn đến việc bà Kim Liêng tự thiêu

Chính quyền thành phố Bạc Liêu nói đang “lo cho tang lễ” của bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu blogger Tạ Phong Tần, trong khi gia đình cáo buộc họ bị ‘giám sát chặt chẽ’.

Các blog và trang tin phi chính thức nói bà Liêng đã châm lửa vào mình ngay trước trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu vào sáng thứ Hai ngày 30/7. Do vết thương quá nặng, bà đã tạ thế vào buổi chiều cùng ngày khi đang trên đường chuyển viện, hưởng dương 64 tuổi.

Bà Liêng qua đời trong khi con bà là Tạ Phong Tần chỉ còn vài ngày nữa là ra tòa về tội tuyên truyền chống Nhà nước.

Hiện nguyên nhân khiến bà Liêng có hành động này vẫn chưa được rõ vì người thân trong gia đình không ai hay biết ý định của bà Liêng.

‘Khung cảnh đau thương’

Khi được BBC liên lạc chiều nay, ông Nguyễn Thanh Chinh, chủ tịch thành phố Bạc Liêu, nói chính quyền 'đang lo cho tang lễ' của bà.

Ông nói hiện giới chức chưa có tuyên bố chính thức và phải chờ sau tang lễ.

Tang lễ bà Liêng ở nhà riêng tại thành phố Bạc Liêu đã diễn ra trong lặng lẽ với sự giám sát chặt chẽ của công an địa phương, người thân và bạn bè bà Tần cho biết.

Một người bạn của Tạ Phong Tần là bà Lã Thị Thu Trang là nằm trong nhóm những người đầu tiên từ thành phố Hồ Chí Minh về Bạc Liêu chia buồn với gia đình và giúp đỡ chuẩn bị hậu sự cho bà Liêng.

Bà Trang nói với BBC rằng bà đến nơi đúng lúc thi thể của bà Liêng cũng vừa mới về đến nhà vào khoảng 10 giờ tối ngày 30/7.

Khi đó thì bà Trang đã ‘phát hiện rất nhiều an ninh xung quanh nhà’. Bà mô tả là ‘tất cả các ngã đường vào nhà đều bị bao vây’.

Bà mô tả khung cảnh lúc đó ‘rất là đau thương’ mà ‘không thể nào diễn tả được nỗi đau’.

“Cô Phụng (con gái bà Liêng) gào khóc không còn thiết gì đến bản thân,” bà kể, “Mấy đứa bé đòi bà nội bà ngoại rất thương tâm.”

Theo lời bà kể thi thể bà Liêng khi chuyển về nhà đã được ‘bó hết phần dưới chỉ chừa phần mặt’ và bà suy đoán rằng nhà thương đã xử lý thi thể ‘bằng hóa chất và đánh phấn lên những phần da cháy dộp’ trong khi tóc thì ‘bị cháy hết’.

Bà Trang cũng thuật lại lời các con bà Liêng cho biết là chính quyền địa phương đã sắp xếp hết mọi việc hậu sự từ khi thi thể bà về đến Bạc Liêu, từ áo quan, nơi an táng cho đến thỉnh chư tăng tụng kinh cầu siêu cho bà (bà Liêng là Phật tử).

Mặt khác, chính quyền yêu cầu gia đình ký cam kết là ‘bà Liêng tự sát do uất ức’ và gia đình sẽ không khiếu nại.

Gia đình bà Liêng cũng đành chấp nhận yêu cầu của chính quyền ‘vì sức yếu thế cô’ và vì ‘trong lúc bối rối không thể đối phó được’, bà Trang thuật lại.

‘Sách nhiễu khách viếng’

Riêng đoàn đi viếng tang của bà Trang cũng bị công an Bạc Liêu 'sách nhiễu', bà cáo buộc.
“Đoàn chúng tôi 8 người mà có cả mấy chục người theo,” bà nói, “Họ ở khách sạn suốt đêm để bám sát chúng tôi.”

Bà kể lại công an đã yêu cầu chủ khách sạn thu giữ đủ giấy tờ của cả 8 người và phải làm giấy cam kết với trường hợp quên chứng minh thư.

“Họ ngắt điện trong phòng, wifi bị chặn, tiện nghi bị hạn chế,” bà nói.

“Sáng đến phụ giúp gia đình (tang quyến) thì họ dùng điện thoại di động chụp thẳng ngay mặt chúng tôi,” bà nói thêm.

Một số bà con lối xóm đến phụ giúp việc tang cũng ‘dè chừng’ vì bị ‘an ninh ở ngoài chụp hình hết’, bà cho biết.

Vào lúc BBC gọi đến vào chiều ngày 31/7, bà Trang cũng cho biết một nhóm khác cũng từ thành phố Hồ Chí Minh về Bạc Liêu về viếng tang hiện bị công an giao thông chặn lại ở Tiền Giang.

Trong nhóm này có bà Bùi Thị Minh Hằng, nhân vật biểu tình chống Trung Quốc từng bị chính quyền đưa vào trại xã hội, bà Trang nói.

Trước đó cũng đã có một đoàn các ‘dân oan’ ở Tiền Giang đến viếng và một đoàn các blogger trẻ khác cũng đang trên đường đến Bạc Liêu, bà cho biết.

Xô xát trên xe


Con cháu bà Liêng rất đau thương

Trong khi đó, bà Tạ Khởi Phụng, một trong các con gái của bà Liêng, cho biết tang lễ diễn ra bình thường và đã thỉnh quý thầy đến tụng kinh vào sáng 31/7. Lễ an táng sẽ diễn ra vào ngày rằm tới (2/8).

Bà Phụng nói rằng ‘nhìn cũng biết’ là có công an mặc thường phục canh chừng sáng đêm.

Theo lời bà Phụng thì sau khi đưa thi thể bà Liêng về đến Bạc Liêu thì giữa bà và tài xế xe cứu thương đã xảy ra xô xát.

“Kêu đưa về nhà mà không cho về mà đưa vô bệnh viện lại còn rầy lộn nữa. Mệt mỏi lắm,” bà nói và cho biết bà đã cãi nhau và ‘vật qua vật lại’ với tài xế bên tay lái và hai người nữa cùng đi trên xe để bắt phải chở thi thể bà Liêng về nhà.

“Ở trong (xe cứu thương) mình la hét làm um sùm nhưng nó cứ chạy ùn ùn vô tới bệnh viện,” bà nói.
Sau mấy tiếng ‘cù cưa’ với chính quyền thì gia đình bà đã ký vào giấy cam kết không khiếu nại để mang thi thể mẹ về, bà nói thêm, vì ‘làm quá thì cũng phải ký chứ làm sao bây giờ’.

Theo bà Phụng thì chính quyền cũng yêu cầu khám nghiệm tử thi nhưng anh trai bà không cho vì ‘mẹ đã như vậy rồi mà mổ tùm lum tùm la thì đau lòng quá’.

Bà nói khi bà nhận được tin vào đến nhà thương Bạc Liêu thì mẹ bà đã cháy ‘đen hết rồi’ làm bà ‘rất nóng ruột’.

“Mẹ nói thì thào...,” bà Phụng nghẹ ngào kể đứt quãng, “...Mẹ nói mẹ gần chết rồi... Con ở lại nuôi con.”
Cả gia đình không ai hay biết gì về ý định tự thiêu của bà Liêng và bà vẫn sinh hoạt bình thường như mọi ngày, bà Phụng nói.

Tranh chấp đất đai

Tuy nhiên, bà Phụng kể gần đây mẹ bà có làm đơn thưa gia đình hàng xóm vì ‘chiếm đất nhà bà’ nhưng ‘đi thưa hoài mà hổng có ai xử’.

Theo bà thì người hàng xóm đó ‘mượn đất hai mươi mấy năm rồi mà hổng trả’ mà ‘bây giờ Nhà nước cho làm sổ đỏ’.

“Mẹ em qua nói chuyện với nó... Nó nói nó hổng có mượn đất và đất của nó nhà nước làm sổ đỏ rồi. Mẹ em tức quá nên mới đi thưa,” bà nói.

Khi được hỏi làm sao để báo cho Tạ Phong Tần tin mẹ mất, bà Phụng trả lời ‘Không biết sao!’.

Về phiên tòa sắp tới, bà nói là gia đình ‘không biết gì hết’ vì ‘không có ai thông báo hết’.

“Mọi người thành phố xuống (viếng tang) nói mới biết. Nhà em nghèo lắm đâu có mua mạng (Internet) gì ấy đâu nên không biết cái gì hết,” bà nói.


Ngự Thuyết - Dòng dõi người Việt gốc Hoa?


Ngự Thuyết

Trên Diễn Đàn Thế Kỷ ngày 7/28/2012 có bài viết của Ngô Nhân Dụng nhan đề là: Nhưng chống Trung quốc bằng cách nào?


Gia đình người Hoa tại Chợ Lớn Chân dung một phụ nữ người Hoa tại saigon
Bài viết thật thú vị. Tuy nhiên khi đọc đến đoạn gần cuối, tôi bỡ ngỡ vì câu khẳng định: “Chúng ta cũng đừng quên rằng các vị vua nhà Trần đều là dòng dõi người Việt gốc Hoa, qua nhiều đời họ đã hóa thành dân tộc Đại Việt; nhưng khi cần chống ngoại xâm thì họ vẫn được toàn dân ủng hộ.”

Khi khẳng định như thế, tác giả có tài liệu để chứng minh, hay chỉ suy đoán? Nếu có chứng cớ, tôi xin lỗi tác giả.

Những họ như Trần, Lý, Phạm, Trương, Vũ, v.v... và cả họ Nguyễn là những họ ta thường gặp tại Việt Nam, đồng thời người Hoa cũng có những họ ấy. Từ đó ta có thể nghĩ rằng người Hoa và ta cùng một gốc. Sự thật không đơn giản như thế. Vào thời xa xưa, những bộ lạc người Việt, Mường, Mán v.v... thường không có họ, thường theo mẫu hệ, chỉ có tên cho dễ gọi. Khi tiếp xúc với Trung Quốc, lại bị đô hộ hơn 1000 năm, ta chịu ảnh hưởng và bắt chước sinh hoạt của Tàu trên nhiều lãnh vực, trong đó có việc đặt thành họ tộc theo phụ hệ. Hoặc bị người Tàu cai trị bắt buộc người Việt lấy họ của Tàu.

Lẽ dĩ nhiên cũng có người Tàu họ Trần, Ngô, vân vân, qua sinh sống tại Việt Nam lâu ngày thành người bản xứ, nhưng số ấy rất ít, không đáng kể.

Đừng nói đâu xa, những người Cam Bốt ở vùng châu thổ sông Cửu Long vào thời các chúa Nguyễn không có họ. Về sau các vua Gia Long, Minh Mạng, để tiện việc làm hộ tịch, yêu cầu họ lấy họ Việt Nam, hoặc đặt ra một số họ mới như Thạch, Sơn.

Ngay cả các địa danh như Hà Nội, Sơn Tây, Hà Đông ... tại nước ta cũng được dùng tại Trung Quốc, và được dùng trước ta lâu đời, về sau ta bắt chước.

Nhưng vấn đề quan trọng là Việt Nam có phải xuất phát từ Trung Quốc hay không?

Hơn 80 năm về trước, Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam đã viết: “Tôi không tin rằng người Việt Nam vốn quê hương trên sông Dương Tử.” Rất tiếc, Hoài Thanh không cho biết lý do. Gần đây nhiều nhà nghiên cứu căn cứ vào chỉ số sọ, di truyền, ngôn ngữ để đi đến kết luận rằng những nước Đông Nam Á mới là cái nôi của loài người. (Xin đọc thêm cuốn Eden in the East, The Drowned Continent of Southeast Asia của Stephen Oppenheimer). Như thế có nghĩa rằng ta không phải từ Tàu đến.

Tôi không phải nhà nghiên cứu, không biết gì về chỉ số sọ hoặc di truyền học, nhưng khi suy gẫm đôi chút về tiếng nói (hoặc ngôn ngữ) hằng ngày của ta, tôi cũng phải kết luận rằng gốc của ta không phải là Tàu.

- Trước hết, một điểm ngữ pháp sơ đẳng sau đây chứng tỏ ta hoàn toàn khác Tàu. Ta, tiếng bổ nghĩa đi sau tiếng được bổ nghĩa. Chẳng hạn: áo xanh, sông dài, gió thu; trong khi tiếng Hán Việt: thanh y, trường giang, thu phong.

- Những số đếm rất cần thiết trong giao tiếp, trao đổi ngay từ thời xa xưa. Từ số hàng đơn vị đến số hàng ngàn, không có số nào là tiếng Hán Việt cả. Lớn hơn số hàng ngàn, có lẽ thời xưa đó chưa thấy cần chăng nên chưa đặt ra, do đó về sau mới có chữ vạn vốn xuất phát từ tiếng Tàu.

- Đối với những bộ phận trên thân thể người ta, theo Võ Phiến, những gì dễ thấy, thường gặp bên ngoài, đều được đặt tên bằng tiếng Việt, thí dụ mặt, mũi, miệng, tóc, tai, tay, chân, bụng v.v...; những gì nằm bên trong, vì thời xa xưa ấy ta còn kém về y lý, ít gặp, ít thấy nên không đặt thành tên, do đó về sau phải bắt chước Tàu đặt tên như tim (tâm), gan (can), phổi (phế) ...

Vấn đề nói trên rất trọng đại cần được nghiên cứu kỹ. Tôi chỉ viết rất vội vài dòng mong được coi như một góp ý nhỏ nhặt.

Ngự Thuyết

Đoàn Thanh Liêm - Suốt ba tháng ấy, biết bao ân tình (II)


**Thăm viếng Bạn Hữu ở Âu châu

Đoàn Thanh Liêm

Trong bài trước, tôi đã viết về những cuộc gặp gỡ bà con trên đất Mỹ, bài này tôi xin tường thuật về những cuộc thăm viếng gặp gỡ với bạn hữu tại các nước Âu châu vào tháng 5 & 6 năm 2012. Vì trong một số bài viết trước đây, tôi cũng đã mô tả sơ lược qua về các chuyến thăm viếng đó rồi - nên để tránh khỏi việc lặp lại những điều đã viết, trong bài này tôi chỉ trình bày bổ túc thêm về chuyện gặp gỡ trao đổi với một số bạn - đặc biệt là câu chuyện với những bạn mà tôi chưa kịp ghi lại trong các bài trước.


1 - Các bạn trong khu vực thành phố Paris thủ đô nước Pháp.
Các bạn học chung với tôi thời ở cấp trung học và đại học, thì nay đều đã ở vào tuổi ngòai 75 và đã nghỉ hưu trí cả rồi. Vì thế, các bạn có nhiều thời gian rảnh rỗi để gặp gỡ chuyện trò hay dẫn tôi đi chỗ này chỗ nọ trong thành phố thủ đô đày dẫy những di tích lịch sử này. Tôi đã viết về các bạn cùng học chung ở trường Trung học Chu Văn An Hanoi đã 60 năm trước, cụ thể như các bạn Đỗ Đăng Di, Bạch Lý Từ, Vũ Dương Tuyền, Phạm Xuân Yêm.  Nay thì tôi muốn viết về các bạn học chung ở trường Đại học Luật khoa Saigon từ những năm giữa thập niên 1950 xưa, điển hình là các anh Trần Văn Ngô và Cao Huy Thuần.

* Sau khi tốt nghiệp ở trường Luật, anh Ngô gia nhập ngành thông tin báo chí và trở thành một nhà báo kỳ cựu và từ mấy chục năm nay anh vẫn viết bài thường xuyên cho báo Người Việt ở California dưới bút danh là Từ Nguyên. Anh Ngô nổi tiếng trong các sinh họat của giới thanh niên, điển hình như Hội Thanh niên Thiện chí. Anh luôn nêu cao tấm gương làm việc rất nghiêm túc và đòi hỏi tập thể phải giữ vững kỷ luật, theo đúng phương pháp hợp lý thì mới có kết quả trong hành động cụ thể được.

 Trong một bữa ăn tối tại quán ăn " Le Palanquin " trong Quận 6, do anh chị Ngô tổ chức để khỏan đãi vợ chồng anh Phạm Xuân Yêm và tôi, chúng tôi đã có dịp thưởng thức những món ăn Việt nam được nấu nướng thật khéo léo. Quán ăn này ban đầu do chị Dung bà xã anh Ngô mở ra và thu hút được một số khá đông thực khách là những nhân vật chính trị văn hóa xã hội và nghệ sỉ có danh tiếng, điển hình như cựu Thủ tướng Raymond Barre, Lionel Jospin, nữ tài tử Catherine Deneuve, Séphanie de Monaco v.v... Nhưng vì lý do sức khỏe suy kém, anh chị Ngô đã sang nhượng lại quán này cho người khác - mà người chủ mới vẫn giữ tên cũ và duy trì được lề lối phục vụ khách như trước đây.

* Anh Cao Huy Thuần cùng học luật với tôi từ năm 1955 tại Saigon, lại còn ở chung với nhau tại cư xá sinh viên là Câu Lạc Bộ Phục Hưng nữa, nên chúng tôi rất thân thiết gắn bó với nhau. Chúng tôi lại càng gần gũi nhau hơn, vì cả hai đứa cùng ở chung trong một nhóm ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp Ban Cử nhân Luật khoa vào giữa năm 1958, như các anh Vũ Trọng Cảnh, Nguyễn Đình Thảng, Vũ Quang Vân. Và sau này, bạn Thuần là người thành công nhất trên đường học vấn với văn bằng Tiến sĩ Luật khoa và đi dậy học ở Pháp từ giữa thập niên 1960 cho đến ngày về nghỉ hưu luôn. Thuần còn có biệt tài nữa là viết văn thật sâu sắc duyên dáng.

 Vào một buổi tối, Thuần có rủ tôi đến nhà ăn cơm với gia đình tại thành phố cũng gần nhà của bạn Yêm ở Bourg la Reine, có tên ngộ nghĩnh là : “L' Hay les Roses” - nơi có công viên nổi tiếng chuyên trồng hoa hồng gọi là Roseraie. Chúng tôi đã có dịp hàn huyên tâm sự - đặc biệt về những tin tức liên hệ đến các bạn bè năm xưa ở trường Luật Saigon. Tôi cho Thuần biết là đã đến thăm anh chị Luật sư Bùi Chánh Thời ở Canberra thủ đô của Australia hồi cuối năm 2011. Riêng ở California, thì tôi hay gặp anh Nguyễn Đình Thảng hiện vẫn còn phụ giúp bà xã tại một tiệm Pharmacy. Tôi cũng cho Thuần biết là mới đến thăm anh Đinh Giang tại San Francisco vào hồi đầu tháng Ba - Giang và bà xã là chị Xuân Tứ đều bị đau bệnh nhiều từ mấy năm nay. Và vào đầu tháng Năm, tại Washington DC tôi đã gặp chị Lê Mỹ Nhan, anh Nguyễn Cao Quyền. Các bạn cùng lớp năm xưa – dù đã xa cách nhau đến trên 50 năm, thì khi gặp lại ai nấy vẫn còn có tình cảm quyến luyến thân thương với nhau. Và chúng tôi thật mừng được thấy các bạn tất cả đều khỏe mạnh và an nhiên tự tại vui sống với tuổi xế chiều của mình.

2 – Gia đình anh chị Nguyễn Văn Tánh & Bạch Nhật ở Bruxelles thủ đô nước Bỉ.
Trong bài trước đây, tôi đã viết nhiều về chuyện viếng thăm anh chị Tánh & Bạch Nhật rồi, nên chỉ cần viết thêm vài chi tiết bổ túc nữa thôi. Anh Tánh là đại diện Việt Nam làm việc cho Tổng Công Đòan Thế giới có trụ sở chính tại Bruxelles từ năm 1970, và nay đã về nghỉ hưu (Confédération Mondiale du Travail CMT). Chị Bạch Nhật là một dược sĩ đã từng làm việc tại ngành thanh tra y tế ở miền Nam.  Nhưng từ khi qua Âu châu, thì chị lại bận rộn chuyện chăm sóc cho lũ con còn nhỏ tuổi và thời gian rảnh rỗi chị cùng hợp tác với anh Tánh trong công tác phục vụ riêng cho phong trào lao động trên thế giới.

Mấy năm gần đây, cả hai anh chị mặc dầu đã lớn tuổi nhưng vẫn còn tham gia rất tích cực trong công việc trợ giúp giới công nhân lao động Việt Nam bị khai thác bóc lột khi đi làm việc ở nước ngòai cũng như ở trong nước - cụ thể là trong Ủy ban Bảo vệ Lao động được thành lập tại Ba Lan từ năm 2006.

 Trong một buổi trưa, anh Tánh dẫn tôi đến một quán cà phê để gặp gỡ với các bạn cũng ở xung quanh Bruxelles, đây là cuộc họp mặt thân hữu hàng tuần giữa những người bạn từng quen biết gắn bó lâu ngày với nhau ở địa phương. Qua vài câu chuyện, tôi được cho biết là trong nhóm này có một anh là phu quân của chị Tuyết Nga là ái nữ của luật sư niên trưởng Lê Văn Mão ở Saigon hồi trước. Chị cũng là một luật sư và hiện đang coi sóc một sạp bán báo tại góc phố liền sát với cổng xe metro tại khu trung tâm thành phố. Và tôi đã có dịp đến thăm viếng chị Tuyết Nga tại sạp báo này. Hồi tháng Tư năm 2010, tôi cũng đã gặp chị Tuyết Nga tại Houston nhân cuộc Hội Ngộ Mùa Xuân của giới luật gia Việt Nam trên tòan thế giới. Nay gặp lại, chúng tôi tha hồ trao đổi thông tin liên quan đến các bạn đồng nghiệp năm xưa tại Luật sư Đòan Tòa Thượng Thẩm Saigon. Người em chị là luật sư Thanh Phượng thì là bà xã của luật sư Trần Tử Huyền trưởng nam của luật sư Thủ lãnh Trần Văn Tuyên mà nhiều người đều mến chuộng.

3 – Thăm viếng gia đình anh Trần Hữu Hải tại Frankfurt miền trung nước Đức.
Như đã hẹn trước, chị Nhất Hiền bà xã của anh Trần Hữu Hải đã lái xe từ nước Đức qua Bruxelles để chở tôi đến thăm gia đình ở tại thành phố Frankfurt. Anh Hải là người bạn thân thiết của chúng tôi trong công tác xã hội ở Việt Nam hồi trước năm 1975. Nhưng anh Hải đã qua đời từ năm 2007, để lại niềm thương tiếc thật lớn lao cho số đông bạn bè chúng tôi vốn từng quý mến yêu chuộng vì tấm lòng cao khiết từ bi nhân ái của anh. Là một người từng theo học nhiều năm ở Pháp, nhưng anh Hải lại có lối sống giản dị bình lặng - mà hết lòng dấn thân với công tác xã hội nhân đạo từ thiện của lớp người trẻ miền nam Việt Nam suốt những năm dài với cuộc chiến tranh tàn khốc trên quê hương chúng ta.

Trên đường về bên Đức, chị Nhất Hiền ghé qua thăm gia đình người em gái của anh Hải tại thành phố Liège sát với biên giới Hòa Lan. Hỏi ra tôi mới được biết là chú Long em rể của anh Hải lại là con của giáo sư Nguyễn Đức Rễ bào đệ của nhà nghiên cứu có danh tiếng Nguyễn Đình Đầu. Chú Long dẫn chúng tôi qua ăn trưa tại một tiệm ăn Tàu khá ngon tại thành phố xinh đẹp Maastricht của Hòa Lan. Vì chủ nhân là người gốc Hoa từng lập nghiệp lâu đời tại Indonesia, nên cách nấu nướng ở đây cũng khác nhiều so với các tiệm ăn ở Chợ Lớn.

Chị Hiền sống với gia đình người con gái mà hồi còn  nhỏ trong nhà vẫn gọi là Bé Ti – mà nay cháu đã vào tuổi 40 rồi. Em cháu nay cũng đã trưởng thành, hiện đang làm việc ở Bắc Kinh và sắp cưới một cô gái người Hoa vào mùa hè năm nay. Theo gương cha mẹ, cả hai cháu đều hăng say tham gia họat động xã hội và nói tiếng Việt khá sành sỏi. Đặc biệt tôi thấy cần phải ghi lại sự kiện này : Cháu Ti còn tự động bỏ tiền túi ra để mua cho tôi hai vé máy bay từ Đức đi Ba Lan và từ Ba Lan về lại Pháp nữa. Tôi thật cảm động về sự chăm sóc ân cần của cháu đối với tôi như thế.

Cũng trong dịp này, chị Hiền còn nối điện thọai cho tôi nói chuyên với cô Lệ Chi em anh Hải, lúc đó đang ở bên thành phố Luân Đôn nơi đang tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm Đăng quang của Nữ hòang Elizabeth Đệ Nhị. Lệ Chi thời còn là sinh viên Nông Lâm Súc cũng đã tích cực tham gia công tác xã hội trong khuôn khổ Chương trình Công tác Hè năm 1965. Rõ ràng là anh Hải dấn thân nhập cuộc với xã hội thế nào, thì cô em Lệ Chi cũng say mê lý tưởng như vậy.

Trong mấy ngày sinh họat với gia đình anh chị Hải & Nhất Hiền, tôi có thêm sự hiểu biết tường tận hơn về tâm sự và lối sống thật quy củ ngăn nắp của người bạn thân thiết đã nhiều năm của mình. Chị Hiền cho biết anh Hải chịu tìm hiểu rất nhiều qua sách báo và chuyển cho chị đọc tiếp, nhờ vậy mà chị có điều kiện mở rộng thêm kiến thức về lãnh vực chính trị văn hóa xã hội – mà vì quá bận rộn với công việc chuyên môn của ngành dược khoa, nên chị đã không chú tâm theo dõi đến chuyện của xã hội và đất nước mình. Thành ra chị đã dần dần trở thành một người “bạn đồng chí hướng” rất tâm đắc với người bạn đời của mình nữa. Và tôi thật lấy làm mừng rỡ và phấn khởi được chứng kiến sự việc như thế này : Đó là bây giờ dù anh Hải đã ra đi, thì chị Hiền vẫn tiếp tục theo đuổi cái lý tưởng cao đẹp mà anh đã ôm ấp suốt trọn cuộc đời mình ở Việt Nam hay ở nước ngòai.

4 – Thăm viếng các bạn tại thành phố Krakow và Warsaw ở Ba lan.
* Trong một bài trước, tôi đã viết sơ qua về chuyến viếng thăm gia đình anh chị Lài & Stefan ở cố đô Krakow của Ba lan. Chị bạn Thérèse Trần Thị Lài có lẽ là người Việt đầu tiên tại miền Nam mà lập gia đình với người Ba Lan vào hồi giữa thập niên 1960. Năm nay đã ngòai tuổi 80, chị Lài đã có dấu hiệu suy giảm về trí nhớ, nên nói chuyện với chị thì tôi cứ hay phải trả lời cũng một câu hỏi mà chị mới hỏi tôi trước đó không lâu. Nhưng bù lại, thì chị lại nhớ rất kỹ những chuyện xảy ra từ trên 50 – 60 năm trước. Mà ông xã của chị là anh Stefan Wilkanovicz  thì lại rất tinh tường minh mẫn, nên chúng tôi chuyện trò với nhau thật tương đắc.

 Anh Stefan là một học giả chuyên nghiên cứu viết lách về vấn đề văn hóa xã hội và tôn giáo ở Ba Lan. Anh chịu ảnh hưởng nhiều của trào lưu Nhân bản Thiên chúa giáo ở Âu châu từ hồi cuối thập niên 1940 sau đệ nhị thế chiến – mà ở Việt Nam lớp sinh viên thế hệ 1950 chúng tôi cũng rất say mê theo dõi. Trong một dịp khác, tôi sẽ trình bày chi tiết hơn về các cuộc trao đổi này giữa anh chị Lài & Stefan và tôi trong mấy ngày tôi sinh sống tại nhà riêng của anh chị ở Krakow.

* Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, thì tôi được chị Mạc Việt Hồng đón tôi bại ga xe lửa và đưa về tư gia của anh chị Hồng & Dũng nơi căn nhà thật yên tĩnh tiện nghi thóang mát. Cũng đúng là lúc mà anh Nguyễn Văn Khanh của Đài Á châu Tự do RFA qua Ba Lan để theo dõi các cuộc tranh tài bóng tròn thật sôi nổi Euro 2012 do Ba Lan và Ukraine cùng đứng chung nhau đăng cai tổ chức.

Tôi quen Việt Hồng là do hay gửi bài viết cho chị đăng trên báo điện tử danchimviet.info từ mấy năm qua. Nhưng nay là lần đầu tiên chúng tôi mới trực tiếp gặp mặt nhau. Chị cho biết thân phụ tên là Mạc Văn Trang có bằng tiến sĩ về tâm lý học ở bên Đức, và còn trẻ hơn tôi đến vài ba tuổi, vì thế mà Việt Hồng cứ gọi tôi là bác. Chị nói : Rất ít người là hậu duệ của nhà Mạc ở lại miền Bắc mà lại vẫn còn giữ lại y nguyên được họ Mạc như trường hợp của gia đình nhà chị. Ông cụ chị được nhiều bà con trong dòng họ đề nghị giữ chức Chủ tịch dòng họ Mạc, nhưng ông từ chối mà chỉ giữ vai trò phụ tá mà thôi.

Hai anh chị Hồng & Dũng làm về ngành kinh doanh địa ốc, nên mấy năm trước đây thì có thu nhập tương đối khá. Vì thế mà sắm được nhà ở tươm tất và chăm lo tươm tất cho các cháu học hành theo được với dòng chính ở Ba Lan. Trong bữa ăn tối tại nhà để khỏan đãi anh Khanh và tôi, anh chị có mời thêm một số người bạn thân thiết khác mà hầu hết đều xuất thân từ miền Bắc và hiện nay có công ăn việc làm vững chắc tại xứ Đông Âu này. Chúng tôi truyện trò trao đổi thật tương đắc thỏai mái với nhau, vì hầu hết các bạn này đều đã theo dõi các bài viết của tôi – đặc biệt những bài về đề tài “Xã hội Dân sự” mà báo danchimviet.info vẫn đăng tải từ nhiều năm nay. Là một tác giả, tôi thật vui mừng phấn khởi vì nhận được sự phản hồi thuận lợi từ phía đông đảo các độc giả ở trong nước cũng như ở ngòai nước, điển hình như từ các bạn hiện sinh sống tại Ba Lan lúc này.
                                     
 *     *     *

Tôi xin tạm chấm dứt lọat bài Ghi nhanh về chuyến đi kéo dài suốt ba tháng tại Mỹ và Âu châu vào mùa Xuân và mùa Hè năm 2012 này với vài nhận định thật ngắn gọn như sau :
A – Thứ nhất : Tôi thật phấn khởi và cảm động vì sự tiếp đón nồng hậu và chăm sóc chu đáo về nơi ăn chốn ở mà bà con và bạn hữu đã dành cho tôi tại bất cứ thành phố nào tôi ghé qua thăm mà tôi gọi là các cuộc “vãng gia” (home visit). Xin các bạn nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của tôi.

B – Thứ hai  : Bà con thân tộc cũng như bằng hữu đều đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong việc tham dự những phiên họp đây đó – và nhất là trong việc tôi theo đuổi công trình nghiên cứu viết lách đã khởi sự từ trên 10 năm nay. Nói chung, thì công việc nghiên cứu dài ngày này cho đến nay vẫn tiến hành suông sẻ tốt đẹp và tôi hy vọng việc đó sẽ được hòan thành trong một vài năm sắp tới.

C – Thứ ba  :  Riêng tại Paris, tôi còn rất nhiều bạn hữu quen biết đã từ lâu, mà lần này vì thời gian quá ít ỏi hạn chế, nên tôi đã không thể sắp xếp chuyện thăm viếng với nhiều bạn được, mà chỉ có thể nói chuyện qua điện thọai với một số người mà thôi. Tôi hy vọng vào kỳ viếng thăm tới, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để dành cho các bạn vậy.

San Clemente, ngày 31 tháng Bảy năm 2012
Đoàn Thanh Liêm



Lễ Quốc Khánh Thụy Sĩ: Như một ngày Tết Nguyên Đán


Bài: Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Hình: Olivier Glassey-Trầnguyễn

ngày đại lễ thường niên

Xa quê hương, những cộng đồng di dân đa sắc tộc tại Hoa Kỳ đều làm cho đời sống văn hóa tại xứ này phong phú và thú vị qua những ngày lễ hội văn hóa của mình. Người Mễ luôn long trọng mừng Cinco de Mayo vào mồng 5 tháng Năm. Người Ái Nhĩ Lan mừng lễ Thánh Patrick giữa tháng Ba. Người dân Việt ở khắp mọi miền thế giới quây quần bên nhau trong dịp Tết Nguyên Đán để mừng Xuân và sống lại những giây phút văn hóa thiêng liêng. Người Thụy Sĩ tha hương thì đều họp mặt trong dịp quốc khánh 1 tháng 8 để chung vui và giữ gìn văn hóa gốc.

Vừa thưởng thức raclette, vừa nghe nhạc cổ truyền, vừa hàn huyên với bạn bè
Ngày quốc khánh vốn quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào. Đối với người Thụy Sĩ, kể từ năm 1891, ngày mừng Độc Lập này đánh dấu sự chính thức hình thành và thống nhất của một Liên Hiệp, vốn được thiết lập từ năm 1291 với ba tổng Uri, Schwyz, và Unterwalden. Vào ngày này cách đây 821 năm, dân cư trong ba tổng đến với nhau, kết tình huynh đệ, và thề nguyền sẽ luôn luôn tương trợ nhau. Sau gần 600 năm xây dựng, Liên Hiệp Thụy Sĩ chào đời năm 1891. Trong ngày này, người Thụy Sĩ thường thổi những loại kèn thật dài (kèn được để nằm dài trên đất, với loa kèn thật to và cuống kèn thật nhỏ để người chơi kèn đứng thổi vào cuống), nghe diễn văn, hát quốc ca, mặc quốc phục, rước đèn buổi tối, đốt lửa trại, treo cờ quốc gia và cờ của các tổng (canton), thưởng thức bánh ngọt có hình lá cờ Thụy Sĩ, nhâm nhi những món quốc hồn quốc túy như fondue và raclette, và đốt pháo bông.

bên dòng Hudson, NY đến Swiss Park, CA

Thụy Sĩ là một quốc gia Châu Âu có diện tích nhỏ và dân số thấp, chỉ gần tám triệu người (so với năm 1960, chỉ có 5.4 triệu). Với một dân số thấp, con số người Thụy Sĩ sống ở hải ngoại lại tương đối cao, khoảng 10% tổng dân số. Ba quốc gia với số người Thụy Sĩ nhập cư cao nhất là Pháp (với 25% dân số Thụy Sĩ hải ngoại), Đức (khoảng 11%), và Hoa Kỳ.

Tuy vậy, dù ở nơi nào, người Thụy Sĩ cũng quây quần lại để mừng ngày Quốc Khánh và gặp gỡ nhau. Ở Nữu Ước, Hội đồng hương Thụy Sĩ cũng tổ chức Hội chợ mừng Quốc Khánh ngay bên cạnh dòng sông Hudson trong những công viên rộng lớn. Ở tiểu bang này còn có những nhóm người Thụy Sĩ tổ chức các sinh hoạt trượt tuyết, leo núi, và trại hè thanh thiếu niên hằng năm. Các tổ chức của người Thụy Sĩ hải ngoại đều hướng về việc đưa con em sinh đẻ ở xứ người về lại quê cha đất tổ, nhất là để giữ gìn văn hóa và ngôn ngữ qua những chương trình kéo dài hàng tuần. Tại Nam California, Hội đồng hương Thụy Sĩ có óc tổ chức nên đã gầy dựng được cả một khuôn viên và cơ sở riêng cho mình, gọi là Swiss Park Inc. và Banquet Hall tại Whittier.

thử thách trong và ngoài

Tuy nhiên, có được một “Swiss Park” như ngày hôm nay là kết quả của những trầm kha và thử thách. Ông Ueli Burkhardt kể lại, “Hai mươi năm trước, mọi người đã bỏ cuộc. Tổ chức của chúng tôi bị nợ nần tứ giăng vì không biết quản lý tài chính và không có kinh nghiệm kinh doanh.” Đó cũng chính là thời điểm ông Ueli, đương kim Thư Ký Tài Chính (Financial Secretary) của Swiss Park Inc., quyết định gia nhập Hội và giúp Hội xoay ngược từ chỗ nợ nần đến tình trạng phồn thịnh. “Giữ được Swiss Park đến ngày hôm nay là phần thưởng lớn nhất cho tôi,” ông nói.

Một gia đình nói tiếng Việt đưa nhau đi Hội Chơ
Vốn là chủ nhân của một công ty sản xuất dụng cụ tại Nam California, nên dù không là một chuyên viên tài chánh, ông Ueli lại có khả năng điều hành và tổ chức doanh nghiệp. Ông đề nghị giao Banquet Hall của Hội cho một công ty chuyên về quản lý để họ cho thuê trong các sinh hoạt họp mặt và cưới hỏi. Hội Swiss Park Inc. nhận được một phần huê hồng từ lợi nhuận này. Với số tiền này, cộng với nhiều nổ lực gây quỹ khác, Hội dần dần trả dứt nợ, và mở rộng những chương trình công ích, nhất là giúp đỡ người cao niên.

Hiện nay, thử thách lớn nhất của Hội là việc duy trì văn hóa. Trong ngày Swiss Fair năm nay chẳng hạn, Hội đã không có dịp bán Rivella, một thức uống ưa thích của người Thụy Sĩ, vì FDA không cho phép nhập như những năm trước. Hơn nữa, Hội cũng muốn mời những tài năng trẻ từ Thụy Sĩ đến trình diễn, nhưng vì luật lệ di dân ngày càng gắt gao tại Hoa Kỳ, Hội đã không thể xin hộ chiếu cho những tài năng này được thi thố với cộng đồng hải ngoại. Ông Ueli nói, “Thế hệ chúng tôi ngày mỗi già đi, mà không có cách gì đưa những nhạc công trẻ, vốn được huấn luyện về dân nhạc Thụy Sĩ tại quê nhà, đến đây để giúp giới trẻ Thụy Sĩ tại Mỹ có được món ăn tinh thần này.”

như ngày Tết Nguyên Đán

Tuy ngày quốc khánh thường mang tính lịch sử và chính trị đối với một nước, tôi lại cảm thấy Swiss Fair có vẻ gần với ngày Tết Nguyên Đán của người Việt hải ngoại. Thứ nhất, đây là một ngày lễ đậm nét văn hóa, từ ẩm thực đến giải trí, từ cách tổ chức đến cách trang hoàng, từ việc sử dụng tiếng mẹ đẻ (Thụy Sĩ có bốn vùng ngôn ngữ: Pháp, Đức, Ý, Romansh) cho đến trang phục, từ không khí trung lập – hòa bình cho đến những tổ chức văn hóa hiện diện tại các quầy thông tin. Ngay cả các trò chơi cũng mang âm hưởng một tuổi thơ Thụy Sĩ, như trò chơi crossbow shooting – có lẽ cũng phổ cập như trò đánh trổng đối với trẻ em Việt Nam.

Thứ hai, Hội chợ Thụy Sĩ có nhiều điểm phản ánh đời sống điền dã, vốn là một đặc thù của nếp sống địa phương, làng xã rất phổ cập ở quốc gia này. Tất cả mọi thứ đều được làm bằng tay, từ các sản phẩm thủ công đến áo quần truyền thống, và nhất là những món bánh ngọt rất dễ ghiền. Nó cho người ta cái cảm giác thân mật, gần gũi của một ‘bếp nhà’ và ‘món ngon Mẹ nấu.’ Hơn nữa, nhờ có công viên xanh mát phía trong, nhiều gia đình có chỗ để vui chơi ăn uống với nhau, tạo nên một hình ảnh thân thiết và đầm ấm.

Thứ ba, đây là ngày lễ mà mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, khoác lên những nụ cười hân hoan nhất, và có lẽ họ cũng cảm thấy mình “Swiss” nhất trong ngày này. Trẻ con xinh xắn trong những bộ áo cổ truyền có hoa văn từ miền núi Alps, đặc biệt là hoa xuyên tuyết Edelweiss. Các phụ nữ mặc những chiếc váy theo từng địa phương. Đây là điều mà tôi đặc biệt ngưỡng mộ ở dân tộc Thụy Sĩ: họ vẫn theo kịp dòng phát triển khoa học kỹ thuật và thông tin của thế giới, nhưng vẫn giữ cho mình những nét văn hóa cố hữu được truyền từ nhiều đời.

Khu vui chơi cho trẻ em và gia đình
Phải chăng sự trung lập và khả năng duy trì hòa bình đã tạo điều kiện cho dân tộc Thụy Sĩ giữ được nếp sống và bảo tồn văn hóa một cách triệt để như vậy? Đây cũng là quốc gia đứng đầu thế giới với con số người đoạt giải Nobel cao nhất. Nhưng cho dù lý do sâu xa là gì đi nữa, thì việc giữ gìn văn hóa của người Thụy Sĩ vẫn là một nét đẹp và điều cần giữa dòng văn hóa toàn cầu hiện nay. Ông Ueli ‘huy động’ cả tam đại của mình đến làm thiện nguyện tại Swiss Park và Swiss Fair, khiến tôi liên tưởng đến nét sinh hoạt ‘cha truyền con nối’ của người Việt, để văn hóa và thuần phong mỹ tục được trao truyền và tiếp nối từ đời này sang đời khác, nhất là phong tục mừng Xuân hằng năm.

Thứ tư, đây là dịp quy tụ thiêng liêng và vui nhộn nhất của người Thụy Sĩ hải ngoại, và đã được mở rộng ra cho dân chúng địa phương. Hằng năm, có khoảng 2.5 ngàn người đến dự Swiss Fair tại Whittier. Tuy đa số người tham dự có gốc Thụy Sĩ, rất nhiều dân cư trong vùng thuộc những sắc tộc khác cũng đến dự. Đi một vòng Hội chợ, tôi nghe được tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hoa Phổ Thông, và một số thổ ngữ Phi Châu (và một số thứ tiếng khác mà tôi không biết). Dĩ nhiên tiếng Anh vẫn được sử dụng rộng rãi, nhưng những thiện nguyện viên cũng như tham dự viên gốc Thụy Sĩ vẫn dùng bốn ngôn ngữ mẹ đẻ với nhau (Pháp, Ý, Đức, Romansh).

Ban nhạc cổ truyền trình diễn tại Hội Chợ Quốc Khánh Thụy Sĩ

Tại Hội Xuân Nguyên Đán ở Nam California, nhất là Little Saigon ở Quận Cam, người ta vẫn thấy nhiều người du Xuân trẩy hội không phải là người gốc Việt. Những bàn tiệc văn hóa và hội hè sắc tộc giúp con người đến gần nhau hơn, và trong một xã hội linh động và cởi mở như Nam California, ‘bếp nhà’ Thụy Sĩ vẫn mang cho tôi một thoáng rung động của chái bếp Việt Nam thưở nào, khi tôi ngồi chờ món bánh tét trứ danh của Bà Ngoại đang tỏa hương trên bếp củi của một xứ nghèo miền Tây, đón giao thừa.

Tô Văn Trường - Nhếch nhác


Tô Văn Trường

Là một người từ tỉnh lẻ lên Hà Nội, tôi đã từng háo hức, khát khao được sống và làm việc ở Hà Nội để được gọi là “người Hà Nội”. Thế mà sau hàng chục năm gắn bó với Hà Nội, kể cả khi đã di dời vào TP. HCM, có dịp trở lại thăm Thủ đô có ai hỏi cảm giác chung về hình ảnh Hà Nội, tôi không thể giấu tiếng thở dài gói gọn trong hai từ “nhếch nhác”! Tôi không nỡ dùng từ nặng hơn bởi tình yêu và lòng tự hào của mình đối với Hà Nội.


Ảnh: Dothi.net

Nhếch nhác từ vỉa hè bị đào bới bất kể ở đâu, bất kể lúc nào, từ những mớ dây cáp đủ loại bám chằng chịt trên những cây cột xiêu vẹo, từ trăm ngàn tấm biển quảng cáo chen lấn những khoảng không gian chật hẹp của phố phường. Nhếch nhác bởi trăm ngàn đống rác, đống phế thải đổ trộm, trăm ngàn hố nước và cống rãnh đen ngòm, bẩn thỉu. Nhếch nhác bởi cách đi đứng, giao thông lộn xộn, bát nháo, lúc nào cũng chen lấn, giành giật như sợ mất phần! Nhếch nhác bởi cách ăn mặc, nói năng tục tĩu của nhiều người, ở nhiều lứa tuổi không biết từ đâu kéo về túm tụm, mưu sinh ở đất Hà thành. Nhếch nhác ở tác phong, trang phục, ở cách hành xử khi thi hành công vụ của rất nhiều nhân viên, cán bộ công quyền Hà Nội. Những tưởng sau 10 năm đầu tư, chuẩn bị công phu, tốn kém, rầm rộ cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long thì Thủ đô sẽ lột xác. Nhưng kết quả đã không như mong đợi, và sau hai năm đại lễ, những cái “nhếch nhác” kể trên hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Không ít khách nước ngoài sau khi “chiêm ngưỡng” Hà Nội vài ba ngày, đã có chung một câu khái quát: “Chỉ cần nhìn vào trật tự giao thông ở một đô thị, người ta có thể đánh giá đuợc năng lực điều hành quản lý của chính quyền sở tại là như thế nào”! Ai cũng hiểu ngụ ý của câu nói trên. Khốn nỗi, không chỉ có giao thông, mà ở tất cả các mặt sinh hoạt khác của Hà Nội, người ta đều có thể dễ dàng đưa ra nhận xét như vậy.
Đi tìm nguyên nhân, người ta thường đổ cho trình độ dân trí kém, do kinh tế toàn cầu khó khăn. Nhưng có một nguyên nhân quan trọng, nói ra không sợ mất lòng. Đó là sự vô cảm của những người lãnh đạo, quản lý Hà Nội. Không thể nói rằng trình độ và năng lực của họ kém (toàn những bằng cấp, học vị, trường nọ, trường kia cả đấy chứ!). Nói thẳng ra là họ đã không cảm thấy xót xa, xấu hổ vì đã để cho Thủ đô, trái tim của cả nước, nơi đuợc ưu ái nhất “nhếch nhác” đến như vậy. Bởi vì, nếu so sánh với Đà Nẵng thì người ta có thể thấy ngay rằng ê kíp của ông Nguyễn Bá Thanh chắc chắn là đã làm được nhiều việc hơn, có ích hơn và biết xót xa, xấu hổ hơn trước những “nhếch nhác” của thành phố mình! Khi người ta có lòng tự trọng, biết thông cảm, yêu thương đồng bào, đồng loại, biết xót xa, xấu hổ trước những “nhếch nhác” bày ra hàng ngày trên đuờng đến công sở hoặc đi hội họp, chắc chắn những người có quyền chức sẽ “lao tâm khổ tứ” để tìm ra các giải pháp tốt nhất, để có những hành động quyết liệt nhất nhằm giảm bớt, tiến đến xóa bỏ những cái nhếch nhác kể trên. Họ hứa nhiều nhưng họ chẳng làm chẳng được là bao! Mặc dù tiền của đổ ra cho Hà Nội là rất lớn. Tư duy và cơ chế “nhiệm kỳ” đã và đang làm nhiều cán bộ công quyền của chúng ta vô cảm và vô liêm sỉ đến thế đấy! Và Hà Nội cũng như nhiều nơi khác trên đất nước ta vẫn còn tiếp tục “nhếch nhác”!

Ngẫm suy sâu xa về Hà Nội, bạn HLT tâm sự khi từ Tokyo về Hà Nội năm 1981, đây là lần đầu tiên về thăm quê nhà sau 14 năm du học và đặt chân vào Hà Nội trước khi vào Sài Gòn với gia đình (vì lúc đó là khách của Bộ Ngoại giao) được ở Hà Nội đúng một tháng và vào Sài Gòn ngày 29 tết năm ấy. Đến Hà Nội thấy cái gì cũng vui mắt, lộn xộn dễ thương sau khi hòa bình đã được lập lại 6 năm nhưng hồi đó HLT nghĩ những cái lộn xộn, lôi thôi và nhếch nhác thời ấy rất dễ thông cảm vì chiến tranh kéo dài quá lâu, sống chết chưa rõ ra sao nên trước hết là "cố" sống và "phải" sống dù thiếu thốn, chật vật đủ điều, từ vật chất đến tinh thần nhưng tất cả là hậu quả của chiến tranh, ai cũng phải chấp nhận để chiến đấu với tinh thần nhường nhịn "nhường cơm sẻ áo". Nhờ vậy, chúng ta đã đi đến ngày toàn thắng (!). Những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, toàn xã hội bung ra, người miền Bắc (Hà Nội) thì đúng là đi tìm "hàng", bát nháo... trong tình trạng cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn, chụp giật, ngược xuôi búa xua để được sống thoải mái hơn thời bom đạn. Còn miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn thì người ta tìm "họ", kiếm đường vượt biên, chẳng thiết đến làm ăn lâu dài, nhà cửa, đồ đạc bán tất tần tật để "ra đi"... vì vậy những tình cảnh năm ấy đã trở thành tiền đề của sự bát nháo, nhếch nhác từ đạo đức, văn hóa, giáo dục... đồng tiền có giá trị tuyệt đối, là "tiên, là Phật, là công lý” như chúng ta đã từng được nghe. Vì vậy, cách đối xử giữa người và người đã bị méo mó, lệch chuẩn và tất cả điều này đã làm băng hoại các giá trị truyền thống của người dân thành thị, ngày càng lan tỏa ngược lại về nông thôn, trở thành một cái nếp nhăn tệ hại trên con đường phát triển kinh tế (vật chất) của chủ nghĩa thực dụng!

Chẳng phải vì thành phố lớn hay bé, hiện đại cỡ, cấp nào mà là nền giáo dục từ cấp mầm non đến trung học cơ sở, những người có trọng trách không quan tâm đến vấn đề dạy "làm người" với các giá trị đạo đức chuẩn mực của xã hội (phó mặc việc dạy dỗ đạo đức này cho gia đình)... mà lại coi trọng giáo dục tư tưởng, lý thuyết trừu tượng, nhồi nhét vào đầu óc non nớt những gì mà người lớn (cách mạng) muốn áp đặt một cách chủ quan. Sự vá víu từ tư tưởng đến thực dụng trong đời sống sinh hoạt thường nhật thiếu thốn do sai lầm, chủ quan trong điều hành kinh tế - xã hội cấp vĩ mô những năm sau ngày giải phóng đã tác động và phát sinh ra nếp sống bát nháo, nhếch nhác, ích kỷ khó chữa hôm nay chăng?

Nói cho cùng, nếu chỉ xét nét, mà không biết xây dựng (dù anh là người từ xứ sở nào về Hà Nội) thì vẫn phải có trách nhiệm công dân. Ra Hà Nội, một số bạn ở trong Nam thường thích đi xe ôm hơn taxi và phóng khoáng như đi xe ôm ở Sài Gòn không buồn trả giá, thậm chí bo thêm nếu đi giữa trời nắng gắt hay trong mùa giá lạnh. Chỉ có từng con người mới làm nên Hà Nội đẹp, bởi trong bản thân mỗi con người Hà Nội tử tế đều mong muốn Thủ đô ngày đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Chuyên gia xã hội học Quỳnh Hương cho rằng điều quan trọng là phải khơi dậy một cuộc thảo luận thực sự nghiêm túc để những người có chuyên môn, những người làm nghề liên quan đến kiến trúc, xây dựng, và quy hoạch (bao gồm các quy hoạch ngành như quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị...) cùng nhau bàn luận để có tiếng nói, và quan trọng là có hành động nhằm giảm bớt sự hỗn loạn trong phát triển như hiện nay. Ai cũng thừa nhận rằng Đà Nẵng đã làm được một việc là đô thị của họ khá hơn những đô thị khác trong cả nước. Điều quan trọng là họ đã dám quyết định, dám hành động có suy nghĩ. Còn nhiều đô thị khác thì dám quyết định, dám hành động thiếu suy nghĩ.

Là một công dân, hãy biết góp phần thay đổi hiện tượng. Người Mỹ chỉ phê phán lãnh đạo bất tài, chứ không bao giờ phê phán những người cùng khổ, bần hàn sinh đạo tặc; trái lại, luôn thông cảm với họ, với nhiều nhóm xã hội giúp họ thay đổi lối sống có ích cho xã hội, cho đất nước. Uớc gì, ở đất nước ta, các đô thị, đặc biệt là Thủ đô ngàn năm văn hiến ai cũng thật sự hiểu văn hóa mà người Mỹ xây dựng trên đất nước họ để cho các “nhếch nhác” hiện nay chỉ còn là dĩ vãng.

T. V. T.
Nguồn: Bauxite Việt Nam

Nguyễn Giang - Văn hóa hoan hô ở Thế vận hội


Nguyễn Giang
BBCVietnamese.com

Đi xem giải tennis Thế vận hội London ở sân Wimbledon nổi tiếng, tôi chứng kiến và cũng nhiệt tình tham gia các màn vỗ tay của người xem cho ba tay vợt nổi tiếng để thấy văn hóa ‘cổ động viên’ các nước cũng thật khác nhau.


Khu vực quanh các sân tennis ở Wimbledon là nơi picnic

Đây cũng là dịp nhắc tới thói hò hét vô lối của một số bạn Việt Nam có thể đã gây hại cho vận động viên Olympics nước này, theo lời kể lại.

Sức hút của các vì sao

Tôi đến sân Wimbledon từ trước giờ thi đấu vòng loại hôm Chủ Nhật 29/7 để cùng hàng nghìn người Anh và người xem đủ mọi quốc gia chiêm ngưỡng các nhân vật nổi tiếng mà từ xưa mới chỉ thấy trên TV.

Vừa qua vòng kiểm tra an ninh, bước vào khu sân tennis đã thấy ngay Roger Federer tập dượt cùng Stanislas Wawrinka ở một trong nhiều sân ngoài trời.

Hai tay vợt Thuỵ Sĩ cùng tập trước giờ Wawrinka vào đấu vòng loại với Andy Murray của Anh và Federer có mặt hôm nay chỉ để ủng hộ cho bạn và người đồng hương.

Sau 12 giờ, các sân ngoài trời bắt đầu vào những trận như đôi nữ của Lý Na và Trương Soái của Trung Quốc gặp cặp đối thủ Argentina.

Ngay sân bên là cuộc đấu vòng loại đơn nam với Marcos Baghdatis (Cyprus) và Go Soeda (Nhật Bản).
Trừ vài sân lớn khác và nhất là sân Centre Court có mái che mà tôi sẽ nói đến sau, nhiều sân tennis của Wimbledon nằm ngoài trời, các lối đi xung quanh đầy người xúm xít xem và chụp ảnh các ngôi sao của tennis thế giới.

Nhìn các sân thi đấu nhỏ đẹp, phủ cỏ xanh và xung quanh trồng hoa như các ngôi vườn ngay khu sang trọng Wimbledon, tôi đã tưởng văn hóa đấu và xem tennis trong yên lặng mới đúng kiểu Ăng-lê.

Trên đồi cỏ Henman thuộc khoảnh đất của Câu lạc bộ Quần vợt trên cỏ Anh Quốc (All England Lawn Tennis and Croquet Club) người dân tổ chức picnic giữa trời nắng, vừa nghỉ trên cỏ, vừa xem tennis trên màn hình to hoặc nhìn xuống một số sân ở dưới.

Nhưng khi vào chỗ có vé của mình ở sân trong nhà, Centre Court thì tôi lại thấy cả một không khí khác.


Sân Centre Court là sân duy nhất có mái che để thi đấu khi thời tiết xấu

Trước trận Agnieszka Radwanska (Ba Lan) gặp Julia Goerges (Đức), tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ loa và hai màn hình rộng ở góc sân khiến hàng nghìn người trên khán đài vòng quanh cũng phấn chấn theo.

Trong số người xem có người vẫn cờ Ba Lan, cờ Đức nhưng không quá ồn ào.

Người xem, đa số là dân Anh, ủng hộ công bằng cho cả hai cô gái trẻ.

Nhưng sang trận Andy Murray gặp Stanislas Wawrinka thì không khí rùng rùng chuyển động.

Sự hưng phấn như bùng lên và cờ Liên hiệp Vương quốc Anh cùng cờ xứ Scotland, quê hương của Andy Murray, tung bay.

Nhưng kỷ luật trên sân khiến tôi thán phục cả người xem và ban tổ chức.

Mỗi khi các cây vợt hết giờ nghỉ và quay lại sân mà trên khán đàn vẫn còn ồn ào vì người xem nói chuyện, ăn uống và đi lại, trọng tài chỉ cần nói “Take your seat, thank you!” (Đề nghị ngồi xuống ghế, xin cảm ơn!), là tiếng ồn giảm đi tới mức im bặt.

Các đợt vỗ tay cũng vậy.

Chúng dịu ngay xuống sau khi trọng tài nhắc rất nhẹ “Thanh you”.

"Chỉ mong sao hô không quá lâu"

Nhưng cũng có cảnh hò hét hoặc lời hô khuyến khích các vận động viên.

Vào lúc 16:14, khi Andy Murray dẫn trước với tỷ số 5:3 nhưng có nguy cơ tụt dốc trước sức lên của Stanislas Wawrinka, tiếng la “Come on Andy” (Cố lên Andy) rộ lên sau một cú mất bóng của vận động viên Scotland.

Thú vị nhất là ngay sau lưng tôi có một cậu bé đi xem cùng cha.
Cậu này luôn ủng hộ ai đang thua.

Khi nghe ai hô ‘Come on Andy”, cậu bé lập tức hét “Come on Wawrinka”.

Tôi cứ ngỡ cậu bé là người Thuỵ Sĩ nhưng không phải vậy.


Sharapova chia thời gian giữa những giây tĩnh tâm và hưng phấn

Với tiếng Anh trong sáng, cậu lại hô “Come on Peer” khi ở trận sau đó, cô Shahar Peer của Israel bị đường bóng của Maria Sharapova, đại diện cho Nga quần thảo tung cả tóc và váy.

Tiếng hô lạc lõng


Nhưng những tiếng hô chỉ còn thú vị khi không quá chói, quá to.

Một ông người Nga ngồi ngay sau tôi, khoác áo đỏ có dòng chữ Russia (là vận động viên hay cổ động viên?) như không biết ‘thủ tục’ tế nhị đó ở xứ Anh.

Ngay từ đầu trận của Sharapova, ông ta gào liên tục: “Davai Masha” vang khắp sân.

Những người Anh xung quanh chỉ quay sang nhìn một cách ý nhị.

Có lúc Sharapova thắng một set, ông người Nga sướng quá hát rống lên “Rossyia, Vpieriod!” (Nước Nga tiến lên!).

Tiếng cười rộ xung quanh nhanh chóng biến thành nét nhăn mặt khó chịu.

Tôi quay sang bà người Anh bên cạnh bình một câu nhỏ, “So amusing” (Khá buồn cười), và được nghe câu đáp đầy chất hài hước Ăng-lê “Chỉ mong sao không quá lâu”.

Điều đáng chú ý là một cặp người Israel sau khi thấy ông người Nga hò hét liên tục và to quá đã kéo lá cờ sao David của họ và dẫn cô con gái biến khỏi chỗ ngồi gần đó để đi sang chỗ còn trống khác, an toàn hơn về ‘âm thanh’.

Như thế, tiếng hò hét có thể tạo cảm giác đe dọa.

Tôi không rõ trên sân, Maria Sharapova trong trang phục màu nước Nga, váy thân màu đỏ, lưng có một vạch xanh, váy màu trắng có phản ứng gì trước tiếng hô mà chắc chắn cô nghe rất rõ.

Nhưng tôi để ý thấy cây vợt trẻ đẹp này sau mỗi lần ra bóng đều quay lại hướng về bảng cuối sân, đi ba bốn bước như tĩnh tâm rồi mới quay lại base line để phát bóng.

Cũng liên quan đến vỗ tay và hò hét nơi sân thi đấu, tôi được nghe chuyện tiếng hô to thô lỗ có thể làm hại cho một quốc gia như Việt Nam.

Một quan chức trong đoàn Olympics từ Hà Nội sang London cho hay ông không hài lòng với tiếng hô “Việt Nam cố lên!” trong ngày thi đấu thiếu may mắn của Trần Lê Quốc Toàn.

Theo lời kể thì khi vận động viên cử tạ từ Đà Nẵng bắt đầu nhấc tạ thì có mấy bạn trẻ Việt Nam, chắc là sinh viên, đã gào to khiến lực sỹ của Việt Nam mất đi một vài tích tắc tập trung tâm trí rất cần thiết.

Tiếng hô tiếp theo “Toàn ơi cố lên!” lạc lõng giữa không khí lặng thinh ở cả arena trước khi các vận động viên vào cuộc đã phá mất cân bằng tâm lý của người thi đấu, theo đánh giá của quan chức thể thao có mặt.
Tất nhiên, khó có thể nói đó là lý do duy nhất khiến Trần Lê Quốc Toàn trượt mất huy chương đồng trong ngày 29/7.

Nhưng có lẽ điều chắc chắn là các bạn Việt Nam kia, giống như ông người Nga tôi thấy đã hành xử vô ý thức và nghĩ rằng đi xem là dịp để thể hiện cảm xúc riêng, gào cho sướng nơi công cộng, bất chấp tác động xấu với người thi đấu.

Họ quên rằng tại các nhà thi đấu cũng cần có văn hóa, cần ứng xử đó là ‘Đúng lúc, đúng chỗ’, nhất là ở một xã hội tôn trọng sự ý nhị như Anh.


Trần Lê Quốc Toàn đã mất cơ hội huy chương ở London