Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012
Nhân Khánh - Nhìn lại quan hệ thương mại Việt - Mỹ
Nhân Khánh, thông tín viên RFA
Tháp tùng với Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chuyến công du sang Việt Nam vừa qua, có đoàn đại diện hơn 20 doanh nghiệp lớn của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Hà Nội
vào ngày 10 tháng 07 năm 2012 nhân chuyến thăm Việt Nam. - AFP PHOTO
vào ngày 10 tháng 07 năm 2012 nhân chuyến thăm Việt Nam. - AFP PHOTO
Phía Việt Nam nhận định rằng, đây cũng là dịp giúp mở ra nhiều hơn những cơ hội kinh doanh và đầu tư. Dưới cái nhìn của các nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam, quá trình giao thương này đang diễn ra như thế nào? Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình sau:
Những tiến triển tích cực
Thay vì bàn luận sâu vào những thay đổi chiến lược về mặt quân sự, trong chuyến công du 8 quốc gia lần này, người ta còn thấy bà Clinton trong hình ảnh một đại sứ kinh tế. Về đoàn doanh nhân Hoa Kỳ tháp tùng bà Ngoại trưởng Clinton trong lần sang thăm Việt Nam vừa qua, Phó Giáo sư Tiến sỹ Hà Văn Sự, Trường Đại học Thương Mại, có nhận xét như sau:
Tôi nghĩ rằng trong hiện tại cũng như tương lai, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ phát triển rất lâu dài, trên cơ sở lợi ích thương mại. - TS Hà Văn Sự
“Quan hệ thương mại Việt Nam Hoa Kỳ đã có những tiến triển rất là tích cực, từ sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Suốt trong thời gian vừa qua, có thể nói là mỗi một năm, mức độ gia tăng về thương mại giữa hai nước là rất lớn. Hiện nay, như chúng tôi nghiên cứu thì Mỹ là một thị trường đơn, đứng đầu trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Thứ hai là thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có tính bổ sung cho nhau rất lớn. Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu những hàng hóa mà Hoa Kỳ cần, đặc biệt là những hàng hóa liên quan đến nông sản, liên quan đến sử dụng lao động rẻ; có cả tài nguyên thiên nhiên nữa. Ngược lại phía Việt Nam thì rất cần những hàng hóa công nghệ cao, máy móc thiết bị từ Hoa Kỳ.
Tôi nghĩ rằng trong hiện tại cũng như tương lai, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ phát triển rất lâu dài, trên cơ sở lợi ích thương mại như vậy. Về đoàn doanh nghiệp theo bà Ngoại trưởng Mỹ đến Việt Nam vừa rồi, chúng tôi là giới nghiên cứu thì thấy rằng, đây sẽ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Dù thời gian sang rất là ngắn, nhưng cũng có những tiếp xúc. Tạo cơ sở để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt, tham gia các ký kết với các đối tác Hoa Kỳ. Có thể sau sự kiện này, một loạt những động thái mà hai chính phủ sẽ gia tăng tạo môi trường thông thoáng hơn, bám sát nhu cầu của nhau hơn.”
Năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Mỹ đạt hơn 20 tỷ USD. Chỉ trong 3 năm, mức tăng trưởng thương mại giữa hai nước đạt tới 40%. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, gần gấp đôi so với Nhật Bản, thị trường đứng thứ hai. Phía Việt Nam cũng đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, gỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.
Tưởng cũng nên nhắc lại sáng kiến Hiệp định Xuyên Thái Bình dương (TPP) mà Mỹ công bố hồi năm ngoái, nhằm tạo ra một khối thương mại bao gồm Mỹ, một số nước Mỹ Latin và một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) được hoàn tất trong năm 2012 này, theo Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Đức Thân, Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam sẽ có những diễn biến thuận lợi hơn:
“Tôi cho rằng sáng kiến của Mỹ trong Hiệp định Xuyên Thái Bình dương là một ý đồ tốt. Theo tôi được biết thì Việt Nam đã chuẩn bị rất là tích cực cho quá trình tham gia Hiệp định này.
Với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi cho rằng tham gia Hiệp ước Xuyên Thái Bình dương sẽ tạo ra được môi trường tốt, cơ hội tốt để cho Việt Nam hoàn thiện hơn môi trường đầu tư ở trong nước. Theo tôi, nếu Việt Nam tham gia Hiệp định Xuyên Thái Bình dương này, triển vọng thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam sẽ sáng sủa hơn.”
VN là thị trường trọng điểm
Hiện nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Hoa Kỳ là hơn 4 tỷ USD/năm, đang tăng dần từng năm. Với chiến lược trong vòng 5 năm (2010 - 2015) sẽ tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam được coi là một trong 13 thị trường trọng điểm xuất khẩu của Hoa Kỳ. Do đó, mục đích chuyến công du của bà Ngoại trưởng Mỹ còn được nhìn nhận như một trong các nỗ lực cải thiện tình hình trên. Mối quan hệ thương mại Việt Nam Hoa Kỳ được Tiến sỹ Vũ Quốc Bình, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội, diễn đạt ở một góc độ khác:
Tham gia Hiệp ước Xuyên Thái Bình dương sẽ tạo ra được môi trường tốt, cơ hội tốt để cho Việt Nam hoàn thiện hơn môi trường đầu tư ở trong nước. - TS Hoàng Đức Thân
“Các nước châu Á Thái Bình dương khi phát triển, mà được quan hệ mở rộng với Mỹ, một số rào cản kỹ thuật có từ hai phía đều được gỡ bỏ. Và một số bất đồng ý kiến sẽ được gạt sang bên. Việt Nam đang đề nghị Mỹ gỡ bỏ một số cấm vận, trong đó có cả vấn đề chuyển giao công nghệ. Ngay cả mức độ chuyển giao cũng khác nhau. Thực ra, Việt Nam là thị trường mở nhưng cũng còn đang rất thiếu sự có mặt của rất nhiều thiết bị công nghệ.”
Trung Quốc đang có ưu thế tại thị trường Đông Nam Á. Ngoài lời kêu gọi hợp tác thương mại với Mỹ của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton, để có thể mở rộng đầu tư và thương mại tại thị trường này, trong đó có Việt Nam; các doanh nghiệp Mỹ cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Tiến sỹ Hà Văn Sự có ý kiến rằng:
“Sau khi có Hiệp định Thương mại ASEAN Trung Quốc, thì rõ ràng là Trung Quốc có lợi thế rất lớn trong đầu tư và thương mại với ASEAN. Người ta nhanh nhạy hơn, năng động hơn, tiếp cận nhu cầu của các nước ASEAN nhanh hơn. Đồng thời cũng phải thấy là thị trường Trung Quốc là rất lớn, rất dễ tính.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một quốc gia có lợi thế đặc thù, để đặt ra sự cần thiết của các nước ASEAN đối với đầu tư và thương mại của Mỹ. Không phải Trung Quốc có thể tham gia được mọi lãnh vực và có lợi thế trong tất cả. Chính vì vậy, Mỹ có những khoản thị trường có thể tiếp cận với ASEAN một cách thuận lợi. Các doanh nghiệp tin tưởng ở phía Hoa Kỳ nhiều hơn; bởi uy tín, lợi thế về tiềm lực công nghệ của họ. Đây là những điểm mà doanh nghiệp Mỹ có lợi thế hơn so với Trung Quốc mà doanh nghiệp Việt Nam đang đón chờ.
Tôi nghĩ vấn đề còn lại là do phía Mỹ, làm sao tiếp cận thị trường sát hơn; đáp ứng đúng được nhu cầu của các đối tác, trong đó có Việt Nam. Theo tôi đánh giá với tư cách một nhà khoa học, hiện nay mức độ Hoa Kỳ tiếp cận thị trường Việt Nam chưa mạnh mẽ, chưa có những quyết tâm lớn.”
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước không đối kháng nhau. Cho nên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ như dệt may, da giày, đỗ gỗ… dự báo sẽ vẫn thuận lợi trong thời gian tới. Đẩy mạnh xuất khẩu là một trong các biện pháp quan trọng giúp hồi sinh nền kinh tế Mỹ. Cái nhìn về khối ASEAN, trong đó có Việt Nam không thể không nóng bỏng, một khi khu vực này có tầng lớp trung lưu tăng nhanh nhất thế giới.
Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012
Ngô Nhân Dụng - Di họa của quá khứ
Ngày Thứ Tư, 11 Tháng Bẩy 2012 vừa qua, hải quân tuần phòng Nhật Bản nhìn thấy ba chiếc tầu tuần duyên của Trung Cộng đi tới gần quần đảo Sensaku, người Trung Hoa gọi là Ðiếu Ngư Ðài, là nơi hai nước đang tranh chấp.
Ba chiếc tầu Trung Quốc chỉ xuất hiện thoáng qua (báo Economist viết là briefly). Chỉ có thế. Nhưng chính phủ Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo tới Bộ Ngoại Giao để chính thức phản đối hành động xâm phạm chủ quyền này. Tại cuộc họp của khối ASEAN ở Phnom Penh, Camphuchia, ngoại trưởng Nhật đã yêu cầu gặp riêng ngoại trưởng Trung Quốc để nhắc lại lời phản đối.
Chủ quyền của Nhật Bản trên các đảo Ðiếu Ngư không có căn bản vững chắc bằng chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhật chiếm các đảo Ðiếu Ngư này sau khi đánh thắng quân nhà Thanh năm 1895, cùng lúc cũng chiếm cả Ðài Loan. Khi Nhật Bản bại trận năm 1945, Mỹ đã trả Ðài Loan lại cho Trung Quốc; nhưng Ðiếu Ngư Ðài vẫn coi như thuộc quần đảo Okinawa của Nhật, do quân Mỹ quản trị. Khi Mỹ ký hiệp ước chấm dứt việc quản trị Okinawa, Nhật Bản coi Sensaku thuộc nước mình. Cả chính phủ Ðài Loan lẫn Bắc Kinh đều không chịu, coi Ðiếu Ngư thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Cuộc tranh chấp về Sensaku đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, chưa biết bao giờ mới chấm dứt; mà người ngoại cuộc cũng không thể đồng ý với nhau là bên nào có lý. Hai chính quyền Trung Quốc và Ðài Loan cũng như Nhật Bản đều “hưu chiến.” Nhưng chính phủ Nhật Bản đã hành xử đúng với tư cách một quốc gia tự trọng. Hễ thấy đối phương xúc phạm đến chủ quyền của nước mình thì phản đối ngay, với các hành động ngoại giao mạnh mẽ, quyết liệt. Người Việt Nam có thể so sánh mà cảm thấy tủi hổ về các hành động rụt rè, nhút nhát của chính quyền cộng sản Việt Nam trong hàng chục năm qua, mỗi lần tầu Trung Cộng xâm phạm hải phận Việt Nam, bắt cóc ngư dân Việt Nam, vân vân. Gần đây, trước lòng dân phẫn nộ, chế độ cộng sản đã phải đổi giọng, lâu lâu nói những lời cứng rắn. Ðó chỉ là những lời nói suông nhằm xoa dịu lòng dân phẫn uất; còn trong hành động thì họ vẫn né tránh, không dám cưỡng lại các “đồng chí anh em” Trung Cộng.
Gần đây một lãnh tụ cấp trung đã tuyên bố rất hăng, nói ông ta sẽ cương quyết chống lại Trung Cộng nếu xâm phạm vùng biển thuộc thành phố Ðà Nẵng. Ðây cũng chỉ là một lời nói “không tốn tiền,” với mục đích mị dân. Người dân dốt đến đâu cũng biết: Một thành phố không có lính tráng, không hải quân, không cả một đoàn tầu tuần duyên, thì lấy sức đâu ra chọi với quân xâm lược?
Người dân Nhật lại được tự do bày tỏ thái độ chống Trung Quốc. Thông thường, chủ quyền kinh tế trong vùng biển chung quanh các hòn đảo chỉ được quốc tế công nhận kéo ra xa vài trăm cây số nếu trên hòn đảo có dân cư sinh sống. Cho nên một gia đình người Nhật, Kurihara, trong thập niên 1970, đã mua bốn trong số 5 hòn đảo ở Sensaku, để chứng tỏ họ đang có dự án sinh nhai tại chỗ. Một số thanh niên Nhật Bản yêu nước đã tự động kéo nhau đến Sensaku, mang theo hai con dê thả đó cho sống, coi như đang thực sự khai thác hòn đảo này. Ông Shintaro Ishihara, thị trưởng Tokyo đã bày tỏ ý muốn mua lại các hòn đảo từ tay gia đình Kurihara cho thành phố; với mục đích thúc đẩy chính phủ Nhật phải đưa hải quân ra bảo vệ. Lời hô hào của ông Ishihara được dân Nhật ủng hộ, người ta tự nguyện góp tiền cho thành phố Tokyo mua đảo, số tiền lạc quyên được đã lên tới 1.3 tỷ yen; tương đương với 16.4 triệu đô la Mỹ. Từ bao lâu nay, người dân Nhật Bản bày tỏ lòng yêu nước như vậy, không một người nào bị công an ngăn cấm, bắt bớ khi biểu tình chống Trung Cộng; giống như Huỳnh Thục Vy bị bắt cóc ở Sài Gòn, chở ra Quảng Nam, rồi lại thả về. Không một blogger nào bên Nhật Bản bị công an bắt hỏi cung về những bài phản đối Trung Cộng.
Tại sao người dân Việt Nam lại chịu khốn khổ như vậy? Một lý do là đảng Cộng Sản Việt Nam lỡ nằm trong giọ của Trung Cộng rồi, không cựa quậy được. Từ thời Hồ Chí Minh đã trót theo Trung Cộng, đã thần phục Mao Trạch Ðông, bắt cả nước theo bác Mao ngay từ năm 1950. Bây giờ tất cả đảng cộng sản bị há miệng mắc quai.
Hồ Chí Minh đã ca tụng công ơn của Stalin, Mao Trạch Ðông tại Ðại hội Toàn quốc Ðảng (Lao Ðộng) tại Việt Bắc vào tháng 3 năm 1951. Hồ nói, tất cả các chiến sĩ Việt Nam kháng chiến chống Pháp lúc đó đều liều chết là nhờ “giác ngộ chủ nghĩa cộng sản” và được các đồng chí vĩ đại khuyến khích. Các lời tuyên bố của Hồ Chí Minh đã được một phóng viên của tờ Học Tập liên khu 4 ghi lại nguyên văn như sau: “Ông Mao ở cách đây mấy nghìn dặm. Còn ông Staline thì xa những muôn dặm... Ông theo dõi từng bước cuộc chiến đấu cách mạng của chúng ta.” Hồ Chí Minh không hề nói tới lòng yêu nước thương nòi, mà đó mới là động cơ chính thúc đẩy các thanh niên Việt Nam hy sinh chiến đấu. Tấm lòng trung thành với Mao Trạch Ðông và Trung Cộng được tiếp diễn đến những năm cuối đời, năm nào Hồ Chí Minh cũng sang Trung Quốc nghỉ dưỡng bệnh rất lâu để được các bác sĩ và hộ lý Trung Cộng săn sóc.
Một hậu quả của thái độ thần phục và tinh thần nô lệ đó là bức công hàm của Phạm Văn Ðồng năm 1958. Ngày 4 tháng 9 năm đó chính quyền Bắc Kinh đã phát hành bản “Công bố của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa về lãnh hải.” Ðoạn đầu viết rất rõ ràng: “Lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Ðài Loan cùng..., quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa...”
Chính phủ Bắc Kinh liệt kê tên các đảo quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của nước ta), Nam Sa (Trường Sa của nước ta), coi như thuộc nước Tàu hết. Vậy mà, mười ngày sau, ông Phạm Văn Ðồng ký công hàm gửi Chu Ân Lai viết rằng chính phủ cộng sản Việt Nam “ghi nhận và tán thành” bản công bố đó; lại nói sẽ “tôn trọng quyết định ấy” và ra lệnh các cơ quan nhà nước “triệt để tôn trọng và thi hành” vân vân.
Bây giờ, mỗi lần có tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa, Cộng sản Trung Quốc chỉ cần đưa bức công hàm của Phạm Văn Ðồng ra để bịt miệng!
Năm 1992 ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, họp báo tại Hà Nội giải thích rằng: “Các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy là do theo Hiệp Ðịnh Genève năm 1954 về vấn đề Ðông Dương thì tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam là thuộc chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này.” Ông Cầm quên một điều này: Sau năm 1954, Hiến Pháp cả hai miền Nam, Bắc đều định nghĩa nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, và họ tự có quyền trên cả nước Việt Nam chứ không phải chỉ có một nửa lãnh thổ. Nếu lý luận như ông Cầm thì ví thử bản Công bố về hải phận năm 1958 của Trung Cộng ghi tên Phú Quốc, Côn Sơn thuộc vào nước họ, đảng cộng sản Việt Nam cũng gật đầu “ghi nhận và tán thành” nốt hay sao?
Hồ Chí Minh, Phạm Văn Ðồng đã di họa cho dân tộc Việt Nam, vì họ tôn thờ chủ nghĩa Cộng sản. Ðối với người Cộng sản theo một chủ nghĩa quốc tế, thì không cần đến quốc gia, dân tộc nữa. Hồ Chí Minh viết: “...Nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình” (Hồ Chí Minh toàn tập, Hà Nội, năm 2000, tập 11, trang 166). Ông cũng ngưỡng mộ Mao không khác; các cố vấn Trung Cộng viết hồi ký kể rằng trong nhiều trận đánh việc chọn một ngọn đồi làm mục tiêu chiến thuật ông Hồ cũng thỉnh thị ý kiến Mao Trạch Ðông trước khi ra lệnh tấn công.
Tinh thần nô lệ các “đồng chí anh em” Trung Cộng đã gây ra phản ứng ngược ngay trong đảng Cộng sản. Chịu không được nỗi nhục đó nên sau năm 1975 Lê Duẩn phản phúc, chống Trung Cộng triệt để, tuyên bố nước Nga mới là tổ quốc thứ hai. Ðiều này Lê Duẩn cũng chỉ lập lại lời Hồ. Năm 1990, Liên xô tan rã, viện trợ cạn kiệt, đảng Cộng sản Việt Nam trước nguy cơ sụp đổ phải quay trở lại xin thần phục Bắc Kinh. Trong tình cảnh “không đánh đã xin quy hàng” như vậy, Cộng sản Trung Quốc có thế đặt để các điều kiện. Một điều kiện cụ thể: Phái đoàn đi thần phục phải đem Phạm Văn Ðồng cùng sang Thành Ðô. Ðó là một cách nhắc nhở lại bức công hàm năm 1958 do ông Ðồng ký!
Khi nào đảng Cộng sản vẫn còn cai trị nước Việt Nam thì những di họa do Hồ Chí Minh và Phạm Văn Ðồng gây ra không thể xóa bỏ được. Muốn có một chính quyền đủ tư cách nói chuyện ngang hàng với Trung Quốc như chính phủ Nhật Bản; muốn người dân Việt Nam được tự do phản đối các hành động xâm lăng của Trung Quốc như người dân Nhật vẫn làm; thì nước Việt Nam cần phải dân chủ hóa, thiết lập một chính quyền do người dân tự do bầu cử. Người Việt Nam phải tự quyết định thân phận mình. Hàng triệu thanh niên đã hy sinh trong cuộc chiến tranh phi nghĩa gọi là “giải phóng miền Nam” Ðem xương máu hàng triệu con người để xây dự và củng cố bộ máy cường quyền, cho một lũ tham ô hưởng thụ, chia chác với nhau những của cải do tài nguyên và sức lực của toàn dân đóng góp. Dân Việt Nam không thể để cho đảng Cộng sản tiếp tục lừa dối và đè nén được nữa.
Việt-Long - Vì sao tư lệnh quân đội Bắc Hàn mất chức?
Việt-Long, RFA tổng hợp tin tức quốc tế
Truyền thông Nhà nước Bắc Hàn loan tin tướng Ri Yong Ho vì bệnh hoạn đã rời chức vụ và không nắm giữ một trách nhiệm chính trị, quân sự nào nữa. Bộ thống nhất Hàn quốc cho sự loan báo nhanh chóng và vắn tắt như vậy là điều bất thường.
Tướng Ri Yong-Ho cạnh chủ tịch Kim Jong-Il - 2012scenario.com photo
Nhiều bằng chứng rõ ràng
Báo chí quốc tế cũng nêu nhiều nghi vấn quanh sự giải nhiệm bất ngờ này, vì tướng Ri Yong Ho là một trong ba nhân vật cột trụ của triều đại Kim Jong-il đã tích cực bảo vệ Kim Jong-Un, người kế thừa trẻ tuổi của cố lãnh tụ, phòng ngừa mọi nguy cơ có thể xảy đến.
Hai nhân vật kia là người chị của Kim Jong-Il và chồng bà. Tướng Ri từng có quan hệ gần như anh em ruột với ông Kim trước, và từng được coi như chú ruột của đương kim lãnh tụ Kim Jong-Un.
Lý do rời chức vụ của ông chỉ được thông tấn xã Bắc Hàn nói vắn tắt trong ba từ “vì bị bệnh”. Giới phân tích từ bên ngoài nêu ra nhiều bằng chứng cho thấy vị tướng đã bị thanh lọc.
Tướng Ri Yong-Ho giữa hai cha con lãnh tụ họ Kim- warincontext.org photo
Trước hết tướng Ri trông rất khoẻ mạnh ở tuổi 69 trong những hình ảnh khi cùng chủ tịch Kim tham dự những lễ nghi chính thức mới hồi tuần trước. Thêm vào đó, các nhân vật chính trị cao cấp lão niên của Bắc Hàn luôn luôn được giữ danh hiệu cấp chức cho đến chết, và người phụ tá cao nhất của họ đảm nhiệm chức vụ đó một khi họ không còn đủ sức khoẻ trong nhiệm vụ.
Lần này bộ chính trị Bắc Hàn đã hội họp vào hôm chủ nhật để “nhất trí” việc tước bỏ danh vị của tướng Ri, loan báo ngày thứ hai. Đây là điều chưa từng có.
Truyền thông Nhà nước cũng không đả động đến 52 năm quân vụ của vị phó thống chế, và đó là một điều làm mất thể diện, theo phong tục của Bắc Hàn.
Ngay sau lời thông báo, thông tấn xã Bắc Hàn đăng tải một bức thư do chủ tịch Kim viết cho một đơn vị thuộc lực lượng an ninh nội bộ Bắc Hàn, bày tỏ lời cám ơn với đơn vị này về nhiều dự án xây dựng! Bản văn tiếng Hàn của bức thư kết thúc với tên họ của chủ tịch Kim Jong-Un cùng chức vụ “Tổng tư lệnh Tối cao Quân đội Bắc Hàn”.
Văn thư này rõ ràng đã cho thấy chủ tịch Kim nắm giữ quyền Tổng Tư lệnh Quân đội từ nay trở đi.
Tiếng chuông vang dội
Giới phân tích cho rằng tướng Ri không hề có âm mưu phản loạn, vì nếu như vậy ông đã bị thanh toán bí mật không một lời thông báo. Ngược lại, sự kiện này như tiếng chuông vang dội khiến mọi người Bắc Hàn phải giật mình tỉnh giấc lúc sáng sớm thứ hai, để thấy đối với họ không còn ai tuyệt đối vĩ đại như chủ tịch Kim Jong-Un.
Phó thống chế Ri Yong-Ho- stuff.co.nz photo
Vị chủ tịch trẻ tuổi có vẻ đã xây dựng hình ảnh chính mình theo cách của người ông nội, nhà lập quốc Bắc Hàn, cố chủ tịch Kim Il Sung, thường được gọi là Kim Nhựt Thành, cha của Kim Jong-il tức Kim Chính Nhựt.
Kim Jong-Un, tức Kim Chính Ân, thường đọc những diễn văn quá dài giống như ông nội, điều mà thân phụ ông không bao giờ làm. Hình ảnh cho thấy ông thường bắt tay, có khi ôm chặt người đồng chí, cũng là điều khác với cha mà giống ông nội.
Kim jong-Un có những hành động củng cố quyền lực để chứng tỏ hoàn toàn điều khiển được chế độ, trong khi cả thế giới đều coi ông là người còn quá trẻ.
Trong hai tuần qua ông xuất hiện ba lần trong 3 sự kiện của một công ty do một phụ nữ Bắc Hàn trẻ tuổi làm giám đốc, mà truyền thông Nhà nước không tiết lộ danh tính. Giới quan sát cho là nhà lãnh đạo trẻ đã thành hôn, hoặc muốn phô diễn cá nhân theo cách đó để tỏ ra già dặn hơn, với một cuộc sống cá nhân ổn định.
Giáo sư Kim Young-Hyun, nhà nghiên cứu về Bắc Hàn của đại học Dongguk tại Seoul, cho rằng sự giải nhiệm tướng Ri Yong-ho vừa qua là để loại trừ một nhân vật có hình ảnh đậm nét lâu năm trong quân đội.
Ông Ri Yong-Ho sinh năm 1942, sau chủ tịch Kim Yong-Il 18 tháng. Hai người là bạn thời thơ ấu.
Tướng Ri được thăng thưởng với nhiều tước vị chính trị và được chỉ định làm Tư lệnh bộ chỉ huy quốc phòng Bình Nhưỡng hồi năm 2003. Đây là nơi gánh trách nhiệm phòng vệ thủ đô cũng như sự an toàn của gia đình lãnh đạo họ Kim. Năm 2007 và 2009 ông lại nhận được thêm vài tước vị chính trị cao hơn nữa.
Cuối cuộc hội nghị về lãnh đạo của Bắc Hàn vào tháng 10 năm 2010 để giới thiệu “hoàng thái tử” Kim Jong-Un với công chúng và thế giới, tướng Ri Yong-Ho được thấy ngồi giữa hai cha con lãnh tụ họ Kim trong hình chụp những người tham dự. Ít ngày sau, ông là vị tướng lãnh cao cấp nhất lên diễn đàn của một cuộc diễn binh có hàng chục ngàn người tham dự tại Bình Nhưỡng, có cả hai cha con chủ tịch Kim Jong-Il.
Lúc tiễn đưa chủ tịch họ Kim, ông đi cạnh quan tài, và thời gian sau đó luôn luôn xuất hiện bên cạnh lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong-Un.
Còn đầy bất ngờ
Một hình ảnh thân cận- torontosun photo
Giới quan sát vẫn thận trọng theo dõi mọi diễn tiến ở Bắc Hàn. Những sự kiện từ nơi này vẫn tỏ ra bất ngờ như mọi hành động khó đoán trước của chế độ Cộng Sản khép kín nhất thế giới này.
Lần này có dự đoán khá xa, là lãnh tụ trẻ tuổi họ Kim có thể dẫn Bắc Hàn đi theo một đường lối bất ngờ chưa từng có xưa nay.
Hướng nào cũng là hướng chế độ lạ đời này có thể đi vào. Vì thế mà tình hình Bắc Hàn vẫn đầy yếu tố bất ngờ như một kịch tính thu hút sự theo dõi hồi hộp của cả thế giới.
Radio Free Asia.
BBC - Con trai Điếu Cày kể chuyện thăm cha
BBC
Anh Nguyễn Trí Dũng, con trai ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, người đang bị tạm giam chờ ngày xét xử về tội tuyên truyền chống Nhà nước, đã vào trại giam thăm cha vào ngày 03/07.
Blogger Điếu Cày, tên thật là Nguyễn Văn Hải, đang chịu án tù
Anh kể lại tình hình mới nhất của blogger Điếu Cày.
Nguyễn Trí Dũng: Tôi gặp được bố tôi vào ngày 03/07 nhưng cho tới gần đây tôi mới báo tin đó cho mọi người được, vì nhà tôi có bận một số việc giấy tờ.
BBC: Tình hình sức khỏe cũng như tinh thần của ông Nguyễn Văn Hải hiện nay thế nào?
Nguyễn Trí Dũng: Tinh thần bố tôi rất tốt. Nhưng về sức khỏe thì tôi không thể nói là khỏe được. Mặc dù bố tôi lúc nào cũng trấn an mọi người là đừng lo lắng.
Nhưng việc bố tôi đã tuyệt thực một thời gian dài - 28 ngày vì họ đã không giam bố tôi ở đúng nơi mà họ ghi trên giấy tờ. Và họ đã tuyệt nhiên không gửi bất kỳ quà thăm và tiền bạc mà nhà tôi gửi đến số 4 Phan Đăng Lưu. Nhưng họ giam bố tôi ở một chỗ khác.
Nên những thứ đó họ đều không gửi cho bố tôi. Cho đến khi bố tôi tuyệt thực được 8 ngày thì lúc đó họ mới gửi tất cả 7 lần gửi quà của gia đình tôi đến cho bố tôi. Tất nhiên là mỗi lần gửi quà cách nhau hai tuần. Nếu 7 lần gửi tới cùng một lúc thì chắc chắn những thứ ở lần đầu tiên sẽ bị thiêu thối hết, không thể nào sử dụng được.
Cả việc bố tôi có nói là không nhận được tiền. Khi bố tôi tuyệt thực đến ngày thứ 8 thì lúc đó họ mới rót tiền từng ít xuống, gọi là cho có. Bố tôi vẫn tiếp tục tuyệt thực cho tới ngày thứ 28 thì bố tôi phải vào bệnh viện.
Khi vào bệnh viện, bố tôi có gặp một người quen. Vào thời điểm đó thì gia đình tôi cũng có nghe nhiều người bạn báo là bố tôi vào bệnh viện. Lúc đó gia đình tôi rất lo lắng.
Hiện tại bây giờ tôi biết rất rõ chuyện đó. Sau 28 ngày bố tôi vào bệnh viện xong, bố tôi quay trở lại trại giam B34 [237 Nguyễn Văn Cừ] thì họ vẫn tiếp tục giam giữ bố tôi ở ngay tại B34 chứ không trả lại đúng trên giấy tờ ghi là số 4 Phan Đăng Lưu. Cho đến một tháng rưỡi sau thì họ mới đưa về số 4 Phan Đăng Lưu.
BBC: Anh có hỏi những người có trách nhiệm tại sao không gửi đồ cho bố, trong khi gửi đã 8 lần như thế không?
Nguyễn Trí Dũng: Thật sự gia đình tôi đã làm đơn rất nhiều lần rồi. Thậm chí cả việc thăm gặp bố tôi, họ ngăn cấm vào những thời gian đầu. Gia đình tôi đã làm nhiều lần, nhưng không bao giờ được trả lời lại hết. Lần này gia đình tôi mới biết là cái chuyện những đồ thăm gặp đó không được đưa vào cho bố tôi.
Lần gặp đầu tiên bố tôi có nói, chỉ nói đơn giản cho tôi nghe rằng là bố tôi có làm khiếu nại. Nhưng Viện Kiểm sát không trả lời gì hết.
BBC: Tại sao anh cho rằng ông Nguyễn Văn Hải sức khỏe hiện nay không được tốt?
Nguyễn Trí Dũng: Tôi thấy bố tôi rất là trắng. Mà nếu ai nhìn sơ qua lại nghĩ rằng là máu trắng.
Có lần luật sư vào gặp nhưng luật sư lại nói với mọi người là bố tôi có lẽ là ông ấy khỏe vì ông ấy đi đứng và nói chuyện bình thường. Nhưng mà tôi nghĩ là lúc gặp luật sư thì họ chỉ cho phép nói chuyện về vụ án thôi. Họ không cho phép nói chuyện khác.
Bởi vì chính tôi đã gặp bố tôi. Họ cũng chỉ nói là bây giờ chỉ hỏi thăm sức khỏe thôi. Nếu mà không hỏi thăm sức khỏe mà nói chuyện khác thì họ sẽ ngừng cuộc gặp ngay lập tức.
Mỗi khi tôi nói tin tức gì khác thì họ lập tức hét lên: "Tôi đã nhắc rồi". Mà họ hét rất là lớn. Bây giờ tôi nói chuyện với bố tôi chủ yếu là về tình hình sức khỏe thôi.
Và tôi được biết rằng bố tôi bị rách dạ dày năm chỗ. Khi vào trong bệnh viện, họ đo chỉ số đường máu của bố tôi là bằng không. Bố tôi có giải thích cho tôi nghe rằng, chỉ số đường máu bằng không tức là lúc đó cơ thể không thể hấp thu bất kỳ chất dinh dưỡng nào khác. Chỉ có thể truyền nước biển thôi. Lúc đó họ truyền cho bố tôi bốn chai nước biển. Rồi bố tôi mới có thể bắt đầu ăn lại được. Sau khi rời bệnh viện, bố tôi trở về trại giam và vẫn phải ăn cháo thêm một tháng nữa, rồi mới bắt đầu ăn những thứ khác được.
BBC: Cuộc gặp giữa anh và bố diễn ra trong bao lâu?
Nguyễn Trí Dũng: Cuộc gặp mặt với bố tôi chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút thôi. Tôi có để ý rằng, trong lần gặp đầu tiên. Hai lần gặp có một chút khác nhau. Vì lần gặp đầu tiên, họ dắt tôi vào trong phòng trước. Còn lần gặp thứ hai thì họ dắt bố tôi vào trong phòng trước.
Thì hai lần gặp thời gian tương đương nhau khoảng 15 phút. Nhưng mà lần gặp đầu tiên thì tôi khẳng định là rất là dữ dội là họ cấm không cho nói chuyện gì khác ngoài chuyện hỏi thăm sức khỏe thôi. Mà như anh được biết, hỏi thăm sức khỏe thì nếu chỉ nói về việc đó thì chắc chắn là không được.
Và tôi phải cập nhật những gì mới cho ông. Ông hoàn toàn mù thông tin. Và ở trong trại giam này, tôi được bố tôi nói rằng rất là thiếu ánh sáng. Trong phòng chỉ có một ô cửa nhỏ thôi. Và sử dụng hai bóng đèn rất là yếu.
Họ tuyệt nhiên không cho bố tôi giấy bút và không [đưa] mắt kính cho bố tôi. Bố tôi có nói rằng tất cả phạm nhân đều phải bình đẳng như nhau. Là phải được có quyền học tập, là phải có giấy có bút. Nhưng mà ở trại giam này, họ tịch thu tất cả giấy bút. Họ tịch thu cả mắt kính của bố tôi nữa. Nên việc đọc báo của bố tôi rất khó khăn, mặc dù ông được phép mua báo.
Lúc nào cũng đợi trời sáng rồi mang tờ báo ra chỗ ánh nắng chiếu qua ô cửa để mà đọc tờ báo. Việc đọc báo rất khó khăn.
Hiện tại bố tôi thấy mắt rất là mờ, nhất là mắt trái. Tôi thấy có một bọng ở trên mắt trái của ông và tôi có hỏi đó là gì. Bây giờ nếu không có kính thì bố tôi không thể tự kiểm tra đó là gì được. Ở đây, bố tôi đã khiếu nại rất nhiều lần, cho ông Hồng. Trong quá trình điều tra thì bố tôi được gặp ông ở Viện Kiểm sát TP Hồ Chí Minh, và ông Tuy ở Viện Kiểm sát Tối cao. Cả hai người này đều ghi nhận nhưng không có bất kỳ hành động hay làm điều gì đó để giải quyết.
BBC: Lần đầu tiên anh được gặp bố cách đây bao nhiêu lâu?
Nguyễn Trí Dũng: Lần đầu tôi gặp bố tôi vào khoảng 03/05.
BBC: Từ khoảng thời gian đó tới bây giờ, cách hai lần gặp đó, anh thấy bố anh có sự chuyển biến gì không?
Nguyễn Trí Dũng: Cách hai lần gặp, tôi thấy tình hình sức khỏe của bố tôi vẫn y như thế thôi. Ngoài cái chuyện bố tôi cắt tóc kiểu đầu đinh, thì mọi việc vẫn cứ y như thế. Kể cả về tình trạng ở trong tù hay bị giam chung với những người khác như thế nào thì vẫn y như vậy.
Ngoài ra bố tôi có nói rằng bị họ giam chung với hai người nước ngoài. Trong khoảng thời gian đầu thì luật sư của bên tôi có khiếu nại. Luật sư Hà Huy Sơn có khiếu nại rằng, 'theo luật Việt Nam thì không được giam phạm nhân chung với người nước ngoài'. Bây giờ họ có cho một người Việt Nam vào.
Nhưng mà bố tôi có nói rằng người này rất là kỳ. Bởi vì họ ở tù nhưng họ lại thay ca, nghĩa là một người ở tù một vài tháng xong lại ra, người khác vào. Xong vài tháng thì lại ra. Nói chung là họ có rất nhiều động thái kỳ lạ.
Trí óc minh mẫn
BBC: Anh căn cứ vào đâu để nói là tinh thần của ông hiện nay rất tốt?
Nguyễn Trí Dũng: Bố tôi vẫn cứ làm thơ trong tù. Với lại bố tôi cũng nhớ đến mọi người hết. Cả sinh nhật của mẹ tôi, tới ngày sinh nhật của tôi, bố tôi đều nhớ rất là rõ. Và những chi tiết rất là kỹ càng như là ngày tháng năm, những lúc ông bị bắt vào trại giam B34 là ông ngày 12/11.
Ngày ông bắt đầu tuyệt thực là ngày mùng năm Tết, tức là vào tháng 2 của năm 2011. Ngày ông vào bệnh viện là vào một giờ sáng, ngày 05/03/2011 ông đều nhớ rất là rõ.
Ông Nguyễn Văn Hải đã bị gia hạn án tù nhiều lần
Và anh nghĩ xem, một người mà trong điều kiện ở trong tù không có giấy bút, và bị hành xác liên tục bị hỏi cung liên tục, không có bất cứ phương tiện nào để lưu lại giờ giấc như vậy mà vẫn nhớ rất rõ từng thứ như vậy thì chứng tỏ ý chí của ông rất là kiên cường và ông rất là minh mẫn.
BBC: Trong điều kiện bị kiểm soát gắt gao như thế, anh có thể thông báo với ông những gì về tin tức bên ngoài?
Nguyễn Trí Dũng: Tôi có nói lúc đầu, cuộc gặp thứ nhất và cuộc gặp thứ hai có sự khác biệt. Cuộc gặp thứ nhất họ la hét rất là dữ dội. Nhưng trong cuộc gặp thứ hai, cũng vẫn số lượng đó người - tức là ba người, và hai người đứng ở ngoài. Những người đứng ở trong thì ghi chép liên tục.
Nhưng mà lần này họ không la hét gì nữa và tôi có thể nói chuyện với bố tôi tự nhiên hơn một chút. Tức là họ không đàn áp theo kiểu la hét nhưng mà vẫn có ít nhiều khó chịu là bởi vì mỗi người một bên họ có một quyển sổ ghi chép liên tục tất cả những gì mình nói lại và một người đứng ở giữa, lúc nào cũng quan sát mọi thứ, xem coi mình có cử động mắt hay cử động tay gì không. Lúc nào cũng bộ ba đó đứng bên cạnh.
Lần gặp thứ hai này, tôi đã nói được cho bố biết là ông đã được ông Obama lên tiếng. Và gia đình cũng rất cám ơn là ông Obama cùng ba Thượng nghị sĩ, những người đã viết những lá thư cho chính phủ Việt Nam, yêu cầu trả lời về tình hình của bố tôi, và trả lời về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Bố tôi nghe tin đó rất là vui. Ông muốn gửi lời cám ơn từ trong tù ra cho các vị ấy. Ông cũng muốn gửi lời cám ơn cho tất cả những ai quan tâm đến gia đình tôi.
BBC: Ngoài ra bố anh có nhắn gửi gì không?
Nguyễn Trí Dũng: Ngoài ra bố tôi có nói là trong tù điều kiện khó khăn nên bố tôi có những món quà mà bố tôi gửi ra không được. Lúc đó tôi thắc mắc và hỏi 'quà gì vậy bố?', thì ông nói là chỉ có thơ thôi.
Có thể bố tôi không tiện nói ông lưu trữ như thế nào. Bố tôi nói những bài thơ đó bố không mang ra được. Bố tôi nói mọi người cứ vững tin. Bố tôi ở trong đấy hiện tại chỉ ăn no ngủ kỹ thôi, và ông cũng mong muốn mọi người cũng có tinh thần thật là tốt chứ không thể nào mà vì một người mà mọi người lo lắng được.
BBC: Ngoài ra ông còn nhắn điều gì khác nữa không?
Nguyễn Trí Dũng: Ngoài ra ông có dặn hai chuyện. Trước khi mọi người ngồi xuống giở sổ ra ghi chép thì bố tôi có nhắc nhanh hai chuyện.
Bố tôi nói là bố đã được tòa án gia hạn thêm một lần nữa và lần đó sẽ hết vào ngày 18/07. Bố tôi bị bảy cái gia hạn liên tiếp. Bốn cái là khi công an điều tra họ gia hạn. Một cái là Viện Kiểm sát gia hạn. Và hai cái là Tòa án Nhân dân gia hạn và cái đó sẽ hết hạn vào ngày 18/07 này.
Như vậy nếu mà phiên tòa có diễn ra sau ngày đó thì bố tôi mong mọi người, khi mà đến được thì có thể mặc áo màu đen. Tất cả mọi người mặc áo màu đen hết. Bố tôi nhắc nhanh như vậy nên tôi không cũng không tiện hỏi lại ông là vì lý do tại sao ông lại muốn mọi người mặc áo màu đen. Nhưng có thể là lý do ông muốn nhận biết mọi người cho dễ.
Nguồn: bbc.co.uk
Phạm Trần Lê - Minh bạch hóa thông tin về tình hình biển Đông
Phạm Trần Lê
Vùng 3 Hải quân Việt Nam luyện tập bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển. Ảnh: Trọng Thiết
Qua hai phép thử gần đây của Trung Quốc, kết quả cho thấy họ khó lòng có thể đạt được tham vọng lãnh thổ trên biển Đông một cách chính danh. Tuy nhiên, họ có thể sẽ cố níu kéo tình trạng mập mờ và lấn tới một cách âm thầm. Việt Nam cần tăng cường minh bạch hóa thông tin về tình hình biển Đông để đối phó với sách lược này.
Sự ủng hộ chủ động và tích cực của các thế lực lớn tại Thái Bình Dương như Mỹ và Nhật đối với Việt Nam và Philippines qua hai phép thử gần đây1 của Trung Quốc trên biển Đông – vụ tranh chấp tại bãi cạn Scarborough và vụ mời thầu 9 lô trên thềm lục địa của Việt Nam – là trở ngại không nhỏ cho tham vọng Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc biết rằng nếu họ càng cố áp đặt yêu sách đường lưỡi bò thì sẽ càng làm xấu đi mối quan hệ với các nước có lãnh thổ bị xâm phạm bởi yêu sách này, đồng thời càng tạo động lực củng cố quan hệ của các nước này với những nước ủng hộ cho chủ quyền của họ trên biển Đông, trong đó có Mỹ.
Phản ứng của Trung Quốc trước sự can dự của Mỹ vào tình hình tranh chấp ở biển Đông là khá yếu ớt với luận điệu yêu cầu Mỹ tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trong khi không đưa ra bất cứ một đe dọa trả đũa cụ thể nào. Có thể trước đây Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ vì mối quan hệ giao thương kinh tế mà nhắm mắt làm ngơ trước tham vọng của Trung Quốc tại biển Đông, nhưng việc Mỹ ủng hộ cho chủ quyền trên biển Đông của các nước bị đe dọa bởi yêu sách của Trung Quốc, đồng thời không giấu giếm dự định sẽ tăng cường hiện diện về quân sự tại khu vực, cho thấy: Mỹ thừa biết bản thân Trung Quốc cũng không dám làm căng với Mỹ, đơn giản vì tiềm lực quân sự của Trung Quốc vẫn chưa đủ, và lợi ích trong quan hệ kinh tế với Mỹ là quá lớn để Trung Quốc gây sứt mẻ vì bất kỳ lý do gì.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế không có bất kỳ quốc gia nào đứng ra công khai ủng hộ cho yêu sách lãnh thổ mà Trung Quốc đưa ra. Điều này khiến tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc thuần túy mang tính đơn phương và hoàn toàn không có cơ hội được chính danh hóa trên trường quốc tế.
Nguyên nhân cốt lõi của cục diện này chính là tham vọng đường lưỡi bò mà bất kỳ ai với đôi mắt khách quan tỉnh táo khi nhìn vào cũng có thể thấy rõ ràng sự phi lý và phi nghĩa. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn cố gắng níu kéo tham vọng của mình bằng cách duy trì tình trạng mập mờ, trước mắt là trì hoãn sự ra đời của bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông càng lâu càng tốt. Và trong bối cảnh tranh tối tranh sáng ấy, họ vẫn có thể âm thầm lấn tới từng chút một, ví dụ thực hiện thăm dò dầu khí và triển khai xây dựng giàn khoan ngay trong lãnh thổ của chúng ta.
Nguy cơ chủ quyền bị ăn mòn qua những xung đột quy mô nhỏ theo cách này đã được đề cập trong bài Phát triển thị trường để bảo vệ chủ quyền biển2, trong đó cũng đã nêu ra một giải pháp cho Việt Nam là tăng cường sự có mặt thường trực của những con tàu có khả năng duy trì lâu dài tại vị trí tranh chấp. Kinh nghiệm của Philippines tại bãi cạn Scarborough cho thấy đây là biện pháp khả thi và rất cần thiết. Sự có mặt những con tàu của Philippines tại bãi cạn Scarborough không chỉ giúp duy trì sự khẳng định lập trường về chủ quyền của Philippines, mà còn biến vụ việc thành tâm điểm chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, tạo sức ép ngược lại đối với Trung Quốc.
Việt Nam cần có những đội tàu tuần tra có khả năng nhanh chóng tiếp cận hỗ trợ lẫn nhau và ứng cứu những tàu thuyền ngư dân bị Trung Quốc gây phiền nhiễu. Những đội tàu này cần có khả năng ghi hình và nhanh chóng chuyển thông tin về đất liền, tạo bằng chứng chính xác, minh bạch về những hành vi xâm phạm của đối phương, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị đối phương vu cáo là gây hấn trước.
Bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực vận động cho một bộ quy tắc ứng xử công bằng và rõ ràng trên biển Đông, việc tập hợp một cách có hệ thống những bằng chứng và thông tin theo cách trên sẽ tạo một công cụ đắc lực để dùng đến khi Việt Nam cần chứng minh những xâm phạm của Trung Quốc và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Minh bạch hóa thông tin chính là giải pháp tối ưu để Việt Nam làm thất bại sách lược níu kéo tình trạng mập mờ và cục bộ hóa tranh chấp mà lâu nay Trung Quốc vẫn tiến hành.
Khi đó, Trung Quốc sẽ thực sự lâm vào thế hoàn toàn bế tắc và buộc lòng phải đối thoại và hợp tác thiện chí hơn với các bên liên quan nhằm tháo gỡ khỏi thế bí mà họ đã tự đẩy mình lâm vào.
------------------
1 Xem bài Phép thử của Trung Quốc tại Biển Đông: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=5335
2 http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News= 4827&CategoryID=7
P.T.L.
Nguồn: tiasang.com.vn
Thanh Quang - Bất lực trước sự lộng hành của Trung Quốc
Thanh Quang, phóng viên RFA
Dù Phương Bắc chứng tỏ không cần che giấu hành động ngày càng gây hấn, xâm chiếm ở Biển Đông – nhất là đối với lãnh hải Việt Nam, nhưng những hành động ấy xem chừng như trở nên ráo riết mạnh mẽ đáng ngại sau khi Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật Biển khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Chiếc tàu đầu tiên thuộc 30 tàu đánh cá TQ có tàu ngư chính hộ tống, đã đến đảo Chữ Thập – mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Thử - của Việt Nam thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 15 tháng 7, 2012.
Hành động bá quyền không che giấu của Trung Quốc
Và hiện nay, điểm ngày càng rõ nét là hành động của Bắc Kinh có thể nhằm đưa Việt Nam vào cái thế “đụng đầu khó tránh” – nói theo lời blogger Tiến Hồng.
Trong mấy ngày nay, báo chí trong nước mạnh mẽ báo động “Lại thêm một hành vi gây hấn mới của Trung Quốc trên Biển Đông”, hay “Trung Quốc gây hấn, đưa 30 tàu cá đến Trường Sa”, hoặc “Tàu cá hay là đội tiền trạm chiến tranh?”.
Blogger Thu Thuỷ đề cập tới các báo in, báo mạng Việt Nam “trong luồng lẫn ngoài luồng” đều “hết sức bực bội” trước hành động khiêu khích gia tăng của Trung Quốc: Điều cùng lúc 30 chiếc tàu cá tới gọi là “làm nhiệm vụ” và đánh bắt ở vùng Trường Sa của Việt Nam dù chính Bắc Kinh trước đó đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt trong thời gian từ tháng 5 tới tháng 8 này để bảo vệ “mùa cá đẻ”.
Tân Hoa Xã và báo chí khác của Trung Quốc gần như đồng loạt đề cập tới “lễ khởi hành rầm rộ” tại cảng Tam Á, đưa một đoàn tàu mà họ mô tả là “hoạt động đánh bắt quy mô nhất kể từ nhiều năm nay”, có tàu ngư chính hộ tống, xuống xâm phạm ngư trường gần đảo Chữ Thập – mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Thử - của Việt Nam thuộc quần đảo Trường Sa.
Bốn tàu hải giám của TQ hoạt động tuần tiểu trong khu vực quần đảo Trường Sa của VN. RFA screen capture/sina.cn
Được biết trong số 30 chiếc tàu vỏ thép 140 tấn này có một tàu tiếp tế hạng nặng 3.000 tấn lo cung cấp dầu, nước, nhu yếu phẩm kiêm thu mua, chế biến thuỷ sản tại chỗ, trong hành động xâm lấn lãnh hải mà phía Hoa Lục khoe là một chiến dịch đánh bắt với sự tham dự đầy đủ của các tàu ngư chính, các đài thông tin trên bộ, các cơ quan liên hệ để “kịp thời ứng phó với những tình huống bất ngờ” nhằm bảo vệ việc đánh cá trái phép của họ.
Qua bài “Bảo vệ ngư dân là bảo vệ chủ quyền” đất nước, tác giả Tống Văn Công lưu ý:
“Trong tình hình Trung Quốc đơn phương gây hấn trên Biển Đông, ngư dân không chỉ là lực lượng đi đầu hoạt động khai thác thủy sản mà còn có vai trò khẳng định chủ quyền biển đảo… Họ là những dân binh không có vũ khí, chỉ có trái tim nóng hổi dòng máu Việt, dám làm “cột mốc sống” trên lãnh hải thiêng liêng. Do đó, bảo vệ ngư dân có ý nghĩa là bảo vệ chủ quyền quốc gia.”
Câu hỏi từng được nêu lên nhưng xem chừng như chưa có câu trả lời rằng ngư dân Việt Nam được bảo vệ ra sao ?
Các lực lượng của Việt Nam, từ cảnh sát biển, biên phòng, hải quân, không quân cho tới các quan chức hữu trách có bảo vệ ngư dân bị phía Trung Quốc tấn công, bắn giết, đánh đập, trấn lột thuỷ sản, bắt cóc đòi tiền chuộc… hay không ?
Báo Sàigòn Tiếp thị trích dẫn lời một ngư dân thuộc huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết “cứ ra biển cách đất liền mấy chục hải lý là gặp nhan nhản tàu cá Trung Quốc. Hãi hùng nhất là cách tàu Trung Quốc đánh cá… hàng chục tàu dàn hàng ngang trên biển, cào tất tần tật cá, tôm, cua cùng các loải hải sản”, cào cả lưới của ngư dân Việt Nam.
Blogger Hồ Cương Quyết, tức André Manras, cho biết:
“Tôi đã phỏng vấn rất nhiều người ở đảo Lý Sơn, Bình Châu về những chuyến đi ra biển đầy gian nan của chồng con họ. Có gia đình bây giờ không còn ai chăm sóc và chị vợ phải
Tàu ngư chính của Trung Quốc đang bắt tàu cá Việt Nam. Nguồn báo Trung Quốc (2010)
vừa làm mẹ vừa làm cha. Ông chồng chết vì Trung Quốc bắn và xác mất luôn không tìm ra. Nhiều gia đình rất đau khổ vì không thể kiếm ăn trên vùng biển Hoàng Sa là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam… Tôi nghĩ rằng nếu nhà nước Việt Nam có một người lãnh đạo xứng đáng thì phải hết sức bảo vệ ngư dân.”
Muốn làm vừa lòng Trung Quốc?
Nhưng, trong khi nhà nước chưa có hành động cụ thể nào chứng tỏ “bảo vệ ngư dân”, thì người dân yêu nước biểu tình chống Trung Quốc xâm lược lại bị nhà nước tiếp tục thẳng tay đàn áp. Nếu cách đây chưa lâu, tướng Nguyễn Chí Vịnh khi đi sứ sang Tàu long trọng cam kết với Trung Nam Hải rằng “kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam” và “dứt khoát không để sự việc tái diễn”, thì hồi thứ Sáu (13 tháng 7) tuần rồi, một quan chức khác của Việt Nam, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội, lưu ý tại kỳ họp bế mạc của Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội cũng về tình trạng “tập trung đông người” kéo về Hà Nội “theo chỉ đạo của đối tượng xấu”.
Blogger Người Buôn Gió phản ứng rằng sự ngang ngược của Trung Quốc khiến những kẻ trong nước muốn chỉ trích biểu tình phải “nín thinh chờ cơ hội”, vì sợ “bị lộ bản chất thân Tàu”. Nhưng, vẫn theo Người Buôn Gió, “một chính khách có tầm cỡ, lão luyện như Nguyễn Thế Thảo… chọn thời điểm để bộc lộ quan điểm của mình”, “tranh thủ lời phát biểu về các vấn đề mà các đại biểu quan tâm đề trình bày cái quan tâm của ông ta. Đó là dân biểu tình, khiếu kiện” tại Hà Nội, mà “trọng tâm của chủ tịch Nguyễn Thế Thảo là phê phán, chỉ trích biểu tình”, phân tích rằng những người biểu tình, khiếu kiện là bị thế lực thù địch, cơ hội xúi giục, dù ông ta không nói nguyên nhân nào khiến dân chúng phải biểu tình. Theo Blogger Người Buôn Gió thì “Đáng ra nếu đổ cho người dân đi khiếu kiện là do thế lực thù địch xúi giục như quan điểm suy diễn của ông Thảo, thì công bằng phải nói những kẻ tạo ra nguyên nhân khiến dân chúng đi biểu tình, khiếu kiện là thế lực đại thù địch”. Và blogger này nhận xét:
“Ở bên kia biên giới chắc chắn có những cái gật gù hài lòng vì một quan chức lớn nhất thủ đô Việt Nam đã bày tỏ thái độ mở màn như vậy, sau một tuần im ắng của ngôn luận Việt Nam với các cuộc biểu tình. Lý do bởi loạt gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông và trên bàn hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á.”
Tàu Trung Quốc chặn đuổi tàu cảnh sát biển của Viêt Nam ra khỏi khu vực lãnh hải của VN ở khu vực quần đảo Trường Sa (tháng 7, 2012). Ảnh chụp trên CCTV của TQ
Khi nêu lên câu hỏi có phải “Ông Nguyễn Thế Thảo bị Trung Quốc lợi dụng !?”, blogger Nguyễn Tường Thuỵ phân tích:
“Nói về ý mới, ông Thảo cho rằng, vừa qua, những người nông dân khiếu kiện về đất đai bị lợi dụng tham gia vào cuộc biểu tình chống Trung Quốc để gây phức tạp về an ninh – trật tự. Ai xúi giục, lôi kéo họ đây? Họ biểu tình chống Trung Quốc là trách nhiệm công dân của họ. Không thể nói những người dân oan không có tình yêu đối với Tổ quốc. Việc họ bị cướp đất, đi đấu tranh đòi quyền lợi và việc đi biểu tình chống Trung Quốc là hai chuyện khác nhau. Cảm phục những người nông dân vừa bị cướp đất, vừa bị đánh mà vẫn không quên trách nhiệm của một con dân nước Việt. Còn ý cũ, vẫn là những luận điệu mà chính quyền, báo chí nói ra rả từ hơn một năm nay. Đó là việc gán cho những người biểu tình bị thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị lợi dụng, lôi kéo, kích động. Nói thế, ông Thảo đã đứng ở vị trí bề trên mà nhìn xuống dưới, coi thường những người biểu tình. Ông làm như thể họ là những người không hiểu biết nên dễ bị lợi dụng, còn ông mới là người kiên định. Nói thế là ông đã xúc phạm đến họ. Họ không còn là bầy cừu để cho kẻ khác chăn dắt. Xin hỏi ông, tại sao ông không lợi dụng họ mà lại nhường sân cho cái thằng vô hình nào đó... Và, khi ông nhận xét về những người biểu tình như thế, khi ông chủ trương không để dân bị xúi giục tụ tập biểu tình, ông có nghĩ rằng ông đang bị Trung Quốc nó lợi dụng không?”
Blogger Hồ Cương Quyết lên tiếng với lãnh đạo Việt Nam rằng đã đến lúc họ phải chọn con đường của họ trước cuộc tấn công đang tăng của Trung Quốc nhắm vào đất nước và các tài nguyên Việt Nam, chống lại nhân dân và tương lai của dân tộc Việt. Blogger Hồ Cương Quyết cảnh báo rằng “Tình thế đang ngày càng nghiêm trọng chẳng còn chừa chỗ cho những bào chữa, cho chỉ những tuyên bố về nguyên tắc, cho những chần chừ tránh né, cho những cuộc thăm viếng hữu nghị dối trá. Gỡ mặt nạ xuống đi mà chọn lấy chỗ đứng rõ ràng và tỏ rõ mình là ai”.
Qua bài “Trông người mà ngẫm đến ta”, TS Nguyễn Minh Hoà cũng báo động về 2 bức tranh tương phản khiến rất có lợi cho Trung Quốc mà rất có hại cho Việt Nam, qua đó, “nhà cầm quyền Trung Quốc thành công trong chiến dịch tuyên truyền không chỉ với người bình dân mà cả với giới trí thức và phần nào thành công trên trường quốc tế” trong khi “có một thực tế không phủ nhận được là truyền thông về vấn đề Biển Đông của ta rất yếu ớt”.
Theo TS Nguyễn Minh Hoà thì nếu ai đến Trung Quốc hay có điều kiện xem báo chí, các chương trình truyền hình, radio của Trung Quốc phát đi bằng nhiều thứ tiếng khác nhau thì mới thấy Bắc Kinh “đang huy động có chủ đích toàn bộ sức mạnh của bộ máy truyền thông đại chúng với tần số, tần suất rất cao, dày đặc, phủ sóng rộng khắp để tuyên trường về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc”. Thậm chí họ đưa vấn đề trên các diễn đàn quốc tế, đưa vào giáo trình, cho các học giả hàng đầu xuất hiện thường xuyên trên hệ thống truyền hình để “tung ra các luận điệu, trưng ra các bằng chứng” gọi là lịch sử rằng Biển Đông là của họ. TS Nguyễn Minh Hoà báo động:
“Họ đã đạt được mục đích. Bằng chứng là hầu hết người Trung Quốc lục địa và người Trung Quốc hải ngoại đều hiểu rằng những gì Việt Nam, Philippines đang làm là không “phải đạo”, là “phi nghĩa” và chuẩn bị gây hấn với Trung Quốc… Nhà cầm quyền Trung Quốc thành công trong chiến dịch tuyên truyền không chỉ với người bình dân mà cả với giới trí thức và phần nào thành công trên trường quốc tế.”
Thế còn phía Việt Nam thì sao ? Theo TS Nguyễn Minh Hoà thì “Rõ ràng chúng ta có chính nghĩa, có rất nhiều bằng chứng về lịch sử, địa lý, dân số và pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa nhưng thử hỏi bao nhiêu người dân được nghe, được thấy nó trên báo chí và đặc biệt là trên truyền hình”. TS Nguyễn Minh Hoà nhận xét:
“Người dân yêu đất nước, người dân phẫn nộ trước sự lộng hành, lộng ngôn của Trung Quốc, nhưng tình cảm máu thịt đó không thể chỉ xuất phát từ trái tim mà cần phải được nuôi dưỡng bằng sự thật chân lý, bằng kiến thức và sự hiểu biết. Ngay cả các trí thức Việt Nam nếu không được trang bị những kiến thức như thế rất khó nói trong các hội nghị, hội thảo quốc tế. Thật tiếc là những thông tin tối cần thiết như thế lại không được trình bày ngọn ngành hàng đêm trên truyền hình quốc gia (chứ không phải như là một điểm tin hay một thông báo ngắn gọn). Lẽ nào vì thời gian phát sóng một giờ quá đắt, lẽ nào các nhà khoa học của chúng ta không tự tin và không đủ kiến thức?...”
Thanh Quang cảm ơn quý vị vừa theo dõi Tạp chí Điểm Blog hôm nay, và mong gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới.
Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012
Song Chi - Trung Quốc sẽ chinh phục các nước bằng những giá trị gì?
Song Chi
![]() |
Photo: AP |
Tự cho là đã qua thời kỳ giấu mình chờ thời, đã đến lúc chứng tỏ cho các nước trong khu vực và thế giới thấy được sức mạnh của TQ, nhà cầm quyền TQ đã thi hành hàng loạt chính sách ngoại giao hung hăng, gây hấn.
Từ những sự căng thẳng, xung đột khá thường xuyên giữa TQ với các nước láng giềng đang có tranh chấp về chủ quyền trên vùng biển Đông, qua đó bộc lộ cách hành xử ngang ngược cộng với ngôn từ sặc mùi hiếu chiến trên mặt trận ngoại giao, mặt trận truyền thông của TQ khiến cái nhìn của thế giới về TQ buộc phải thay đổi. Hình ảnh một đất nước TQ hòa bình, thân thiện mà các thế hệ lãnh đạo nhà nước này cố công xây dựng trong mấy thập niên vừa qua đã bị sứt mẻ đi nhiều.
Không những thế, bản chất bá quyền, tham vọng bành trướng từ thời Đại Hán xa xưa, cùng với các thủ đoạn dắt mũi dư luận, gây nhiễu thông tin, kích động tinh thần dân tộc cực đoan, sự xảo trá “nói một đằng làm một nẻo”… mà các nhà nước độc tài nói chung và cộng sản nói riêng rất giỏi, khiến mối họa TQ trở nên nguy hiểm hơn với các nước trong khu vực.
Thật ra, nước lớn nào thì cũng muốn đóng một vai trò quan trọng trên bàn cờ kinh tế chính trị thế giới, thậm chí là vai trò lãnh đạo. Nước lớn nào thì cũng hay hành xử theo kiểu nước lớn, tìm những cách khác nhau để ảnh hưởng, lôi kéo, ràng buộc các nước nhỏ hơn. Nhẹ nhàng, kín đáo thì bằng “quyền lực mềm” - sử dụng con đường kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa… Lộ liễu hơn thì bằng “quyền lực cứng” - sử dụng con đường quân sự, gây chiến tranh, đô hộ, xâm chiếm lâu dài…
Là một nước lớn, TQ, tất nhiên, cũng không là ngoại lệ.
Nhưng vì nóng vội, chủ quan, nhà cầm quyền TQ đã có phần đánh giá sai về nước mình và nước khác. Mà không chỉ nhà cầm quyền, ngay người dân TQ, nhiều người mà tôi có cơ hội tiếp xúc cũng rất tự tin về sức mạnh kinh tế, quân sự của nước mình. Cộng với việc bị “tẩy não” bởi hệ thống giáo dục và truyền thông luôn cố tình kích động tinh thần dân tộc và những tư tưởng sai lệch về sự xuống dốc của Mỹ, sức mạnh đang lên của TQ và TQ sẽ vượt qua Mỹ nay mai, hay việc TQ đang bị Mỹ và thế giới bủa vây, cô lập… khiến người dân có cái nhìn không chính xác về TQ và về thế giới.
Nếu nhà cầm quyền TQ trong thời gian qua có những bước đi sai lầm trong chính sách đối ngoại, nôn nóng muốn chứng tỏ tư cách nước lớn, bắt nạt, o ép các nước khác nhỏ yếu hơn trong những vấn đề có liên quan đến chủ quyền và lợi ích trên biển Đông, thì một bộ phận người dân TQ do bị hướng dẫn dư luận nên cũng đồng tình với chính sách ngoại giao hung hăng, xấc xược, chả coi ai ra gì này. Và khi bị các nước láng giềng nhỏ bé hơn phản ứng, các nước lớn như Mỹ, Nhật, Ấn Độ… cũng chả ai tỏ ra tán thành, TQ cư xử như thể họ không hiểu tại sao lại như thế. Tại sao thế giới lại oán ghét TQ, tại sao TQ không có bạn, không có đồng minh v.v…
Bởi đơn giản, là nước lớn, đâu chỉ lớn về diện tích, dân số, túi tiền, thậm chí kể cả sức mạnh quân sự - điều mà hiện nay TQ vẫn còn thua xa vài nước khác, nhất là Mỹ.
Là nước lớn, và nếu muốn các nước nhỏ yếu hơn phải “tâm phục khẩu phục” chấp nhận vai trò siêu cường, đàn anh của mình, TQ còn phải chứng minh nhiều giá trị khác.
Về mặt ngoại giao, đó là giá trị của những chính sách ngoại giao thân thiện, cùng chung sống hòa bình với nhau, hai bên cùng có lợi, và trong tư cách một nước lớn càng phải hành xử cho ra nước lớn, có trách nhiệm hơn với những vấn đề chung của thế giới…
Chứ không phải đường lối chính sách ngoại giao “diều hâu” với tham vọng lâu dài là bành trướng bá quyền trên biển Đông, biến cái của người làm của mình, bất chấp mọi cơ sở về lịch sử và pháp lý. Không phải chính sách ngoại giao nói một đằng làm một nẻo, với các nước láng giềng lúc nào cũng tuyên bố phát triển hòa bình, tình hữu nghị anh em… nhưng hở một chút thì lại giở sức mạnh ra đe dọa, lựa thời cơ lại cướp đất cướp đảo của nước khác, lấn ép từng chút một lãnh thổ lãnh hải trong những hiệp định, hiệp nghị song phương…
Với thế giới, lại càng không phải chính sách ngoại giao vô trách nhiệm, không quan tâm đến những vấn đề chung, những quy ước, nguyên tắc chung, sẵn sàng bắt tay, thậm chí che chở, dung dưỡng cho các chế độ độc tài tệ hại nhất miễn là có lợi v.v…
Về kinh tế, đó là giá trị của chữ Tín trong quan hệ làm ăn thương mại với các nước khác, giá trị của những thương hiệu hàng hóa, chất lượng sản phẩm, tên tuổi và sức mạnh tầm cỡ quốc tế của các tập đoàn kinh doanh lớn, điều mà những nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Anh, Nhật, Đức, thậm chí Hàn Quốc đã xây dựng được.
Trong khi đó nhắc tới TQ người ta chỉ nhớ tới khả năng làm thuê, làm hàng nhái, hàng giả, hàng chất lượng kém, thậm chí độc hại… Không có nước nào lại bị mang tai tiếng nhiều như TQ về chất lượng sản phẩm, thực phẩm, lối làm ăn bất chấp mọi quy ước về đạo đức kinh doanh, quyền sở hữu về trí tuệ/sáng tạo hay hậu quả độc hại cho con người và môi trường… Chưa kể, trong quan hệ làm ăn với các nước thì chỉ biết vơ vét, thu lợi về cho mình, mặc cho nước khác bị thiệt thòi.
Về mô hình thể chế chính trị, cách thức điều hành quản lý quốc gia cho đến những giá trị đạo đức xã hội, TQ sẽ thuyết phục được các nước khác bởi những giá trị gì khi TQ vẫn là một nước đang phát triển, dù nhiều tiền nhưng thu nhập đầu người vẫn thuộc loại thấp, một nước độc đảng độc tài đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề nội tại, những nguy cơ bất ổn thường xuyên?
TQ sẽ thuyết phục được các nước khác bởi những giá trị gì khi trong mọi bảng xếp hạng từ chỉ số tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, thành tựu về nhân quyền, an sinh xã hội, sự an toàn cho người dân, môi trường sống… TQ đều đứng ở những thứ bậc thấp, thua xa các nước tự do dân chủ và phát triển khác? Khi các giá trị nhân văn, đạo đức trong xã hội đã bị cái chế độ độc tài trong bao nhiêu năm bào mòn, hủy hoại?
TQ sẽ thuyết phục được các nước khác như thế nào khi hệ thống mô hình chính trị xã hội của TQ còn chưa chinh phục được chính người Hongkong, người Đài Loan cùng một dòng máu với người Trung Hoa đại lục? Hay người dân Tây Tạng, Tân Cương mà quốc gia của họ đã thuộc về TQ, “là một phần của TQ” theo quan điểm của nhà cầm quyền TQ từ bao nhiêu năm nay?
Ngay cả “quyền lực mềm” đến từ những ảnh hưởng văn hóa từ sách, phim, nhạc… cho đến lối sống, TQ cũng chưa làm được. VN, một nước có số lượng sách tiếng Trung được dịch rất nhiều, có tỷ lệ phim truyền hình TQ chiếm đa số trên các đài trung ương và địa phương, nhưng với đa số người dân bình thường, nhất là giới trẻ, tỷ lệ thích/mê phim Mỹ hoặc phim Hàn, nhạc Mỹ hay nhạc Hàn Quốc… vẫn nhiều hơn, chẳng hạn.
Như vậy TQ sẽ thuyết phục các nước láng giềng, chứ chưa nói đến thế giới, bằng những giá trị nào? Mà khi chưa chinh phục được các nước trong khu vực thì sao đã nghĩ đến chuyện đóng vai trò quan trọng trên thế giới, thậm chí vượt qua Mỹ để lãnh đạo toàn cầu?
Với những lợi thế từ sức mạnh của một nước lớn, dân số đông, có bề dày văn hóa lịch sử phong phú hàng ngàn năm, là một trong những cái nôi văn hóa của nhân loại, sức mạnh ấy của TQ sẽ được khai phóng và nhân lên gấp bội nếu quốc gia này có một mô hình thể chế chính trị tự do dân chủ cho phép mọi giá trị của đất nước, của dân tộc được phát triển mạnh mẽ. Và khi ấy, cộng thêm đường lối chính sách ngoại giao hòa bình, từ bỏ mọi tham vọng về lãnh thổ lãnh hải, một cách tự nhiên, TQ sẽ chinh phục được thế giới mà không cần phải “hùng hổ”, không cần đến sức mạnh quân sự hay túi tiền như hiện nay.
Andrei Lankov - Vẫn rẻ dù với bất cứ giá nào
(Với một tỷ đôla một năm, đó là một giá quá rẻ để Trung Quốc chống đỡ một chế độ côn đồ bên cạnh)
Andrei Lankov, Foreign Policy, 12-7-2012
Trần Ngọc Cư dịch
Trông người mà ngẫm đến ta...
Bauxite Việt Nam
Đối với những người luôn luôn lo lắng về hành vi của Bắc Triều Tiên, thời gian những tháng vừa qua có thể được mô tả chính xác nhất như là một thời gian tuyệt vọng âm thầm. Từ khi Bắc Triều Tiên bội ước thỏa thuận về viện trợ lương thực “Ngày 29-2” bằng cách công bố thí nghiệm một tên lửa tầm xa (thí nghiệm này về sau đã thất bại), sự thể đã trở nên hiển nhiên một cách nhức nhối rằng, cả thái độ thân thiện lẫn biện pháp trừng phạt đều không đưa đến điều mà nhiều nhân vật tại Washington sẽ coi là kết quả duy nhất có thể chấp nhận được: giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Và Trung Quốc (TQ), một nước được coi là niềm hy vọng lớn nhất trong việc thúc đẩy Bắc Triều Tiên đi theo con đường đúng đắn, đã dùng bảy tháng vừa qua kể từ khi Kim Jong Un lên nắm chính quyền để đẩy mạnh những nỗ lực nhằm duy trì nguyên trạng (the status quo) của nước láng giềng bất ổn định này, bằng cách gia tăng viện trợ và thương mại với Bình Nhưỡng.
TQ đã kiểm soát gần 3/4 khu vực ngoại thương của Bắc Triều Tiên và là nước cấp viện trợ lương thực nhiều nhất cho Bắc Triều Tiên – có lẽ đây là yếu tố duy nhất giúp Bắc Triều Tiên khỏi rơi vào nạn đói. Nhưng thay vì bóp viện trợ để đáp lại hành vi xấu xa của Bình Nhưỡng, TQ đã biểu lộ mạnh mẽ quyết tâm dùng tài chánh để hà hơi tiếp sức cho dòng họ Kim, và qua tiến trình này âm thầm phá hoại những biện pháp trừng phạt quốc tế. Từ khi Liên Hiệp Quốc đưa ra những biện pháp trừng phạt tiếp theo sau vụ Bắc Triều Tiên thí nghiệm vũ khí hạt nhân năm 2006, quan hệ thương mại và viện trợ TQ - Bắc Triều Tiên đã tăng theo cấp số nhân. Thương mại song phương, phần lớn được TQ tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, đã tăng hơn ba lần, từ 1,7 tỷ USD năm 2006 lên 5,6 tỷ USD năm 2011. Theo tin tức báo chí, Bắc Kinh còn mời hàng chục ngàn công nhân Bắc Triều Tiên sang làm việc tại TQ; có giả thuyết cho rằng những công nhân này sẽ mang lại ngoại tệ có giá trị cho tổ quốc mình đồng thời không bị nhiễm những tư tưởng mà Bình Nhưỡng cho là nguy hiểm.
TQ gần như không bao giờ công khai chỉ trích Bắc Triều Tiên. Thỉnh thoảng một vài lời chỉ trích về những hành vi kỳ quặc của Bắc Triều Tiên được đăng trên báo chí nhà nước TQ, như trường hợp tờ Hoàn cầu thời báo, một tờ báo khổ rộng do nhà nước TQ quản lý, vào tháng 5 đã lịch sự cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên nên “hiểu biết sự công phẫn của xã hội TQ một cách thật rõ ràng” khi Bắc Triều Tiên bắt cóc một số ngư dân TQ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thể hiện một hành động công khai cụ thể nào tiếp theo sau những chỉ trích hiếm hoi này. TQ lấy lý do là ảnh hưởng của mình không đủ mạnh. “Họ không chịu lắng nghe chúng tôi”, Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), một Thứ trưởng Ngoại giao TQ đã nói vào tháng 6 năm nay, “chúng tôi không thể dùng áp lực với họ”, và ông còn thêm rằng Bắc Triều Tiên là một “quốc gia có chủ quyền”.
Như vậy, vì sao TQ không giúp thế giới một tay? Một là, Bắc Triều Tiên đang được lãnh đạo bởi một Kim Chánh Vân (Kim Jong Un) quá trẻ tuổi, chưa được thử thách, và khó tiên liệu. Hai là, các lãnh đạo chính trị TQ, vừa mới kinh qua cuộc thanh trừng Ủy viên Bộ chính trị Bạc Hy Lai có tiềm năng làm lung lay chế độ và đang lo lắng về cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra 10 năm một lần vào mùa Thu này, không muốn liều lĩnh làm một điều gì khác có khả năng gây sóng gió cho con thuyền quốc gia. Mặc dù TQ không bằng lòng với tình hình hiện nay, nhưng có ba khả năng thay thế hiện thực thậm chí tồi tệ hơn, từ góc nhìn của TQ: một Bắc Triều Tiên sắp sụp đổ, một Bắc Triều Tiên bị Nam Triều Tiên sáp nhập, và một Bắc Triều Tiên được trang bị đầy đủ vũ khí hạt nhân.
Một con số ngày càng đông đảo những nhà phân tích TQ nhìn nhận riêng tư rằng chế độ Kim cuối cùng có thể sụp đổ, và đôi khi họ còn nói ra quan điểm này ở các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, một số học giả TQ tỏ ra tin tưởng rằng cuộc khủng hoảng xảy ra càng chậm bao nhiêu, thì TQ càng có khả năng ngăn chặn nó bấy nhiêu, vì ảnh hưởng âm thầm của TQ đang gia tăng từng ngày. Vì thế, việc duy trì nguyên trạng (the status quo) của Bắc Triều Tiên lâu được chừng nào hay chừng ấy sẽ giảm thiểu hậu quả của sự sụp đổ tất yếu của chế độ Bắc Triều Tiên.
Nhưng thậm chí nếu muốn thay đổi chế độ, Bắc Kinh, khác với Hoa Kỳ, vẫn muốn thấy bán đảo Triều Tiên bị chia cắt. Bắc Triều Tiên là một vùng trái độn cần thiết, và TQ đang sử dụng quan hệ bất ổn giữa hai quốc gia Triều Tiên để nắm lợi thế ngoại giao và địa chiến lược. Không có những căng thẳng này, Bắc Kinh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm giữ các đặc quyền khai thác khoáng sản và sử dụng hải cảng tại Bắc Triều Tiên, và đối thủ của TQ là Nam Triều Tiên sẽ có khả năng trở nên hùng mạnh hơn sau một tiến trình quanh co đưa đến thống nhất. Ngoài kho tàng khoáng sản của Bắc Triều Tiên, được chính phủ Nam Triều Tiên ước tính vào năm 2009 có trị giá 6 ngàn tỷ Mỹ kim, một nước Triều Tiên thống nhất sẽ cho phép Seoul chuyên chở hàng hóa bằng đường bộ đến châu Âu và châu Á và có tiềm năng cạnh tranh giành ảnh hưởng khu vực với Nhật Bản và Ấn Độ. Một nước Triều Tiên thống nhất gần như chắc chắn sẽ theo thể chế dân chủ và có tinh thần dân tộc chủ nghĩa, có khả năng duy trì quan hệ tương đối gần gũi với Hoa Kỳ, đối thủ địa chính trị quan trọng của TQ. Thống nhất cũng có thể mang ngụ ý là quân đội Mỹ đóng sát biên giới TQ – một kịch bản đầy ác mộng đối với Bắc Kinh và là một kịch bản mà trong quá khứ Bắc Kinh đã phải đổ máu để ngăn chặn.
Nỗ lực giải trừ vũ khi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đứng ở nấc thứ ba khá thấp trong bản liệt kê các ưu tiên của TQ. TQ muốn thấy một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân; họ sợ loại vũ khí này rơi vào những bàn tay thù nghịch. Là thành viên của một câu lạc bộ quốc tế riêng biệt, TQ không muốn thấy đặc quyền của mình bị bào mòn vì sự lan tràn của vũ khí hạt nhân. TQ cũng sợ rằng một Bắc Triều Tiên thủ đắc vũ khí hạt nhân có thể thúc đẩy các quốc gia khác trong khu vực đi tìm sự che chở dưới chiếc dù hạt nhân của Mỹ, hay thậm chí dẫn họ đến việc tự mình phát triển khả năng quân sự hạt nhân.
Nhưng TQ không muốn gây nguy cơ cho những mục tiêu nhắm vào ổn định tình hình quan trọng hơn và cho việc duy trì sự chia cắt lâu dài Bán đảo Triều Tiên. Những đe dọa do tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên là gián tiếp và tương đối nhẹ so với sự bộc phát một tình trạng hỗn hoạn tại một nước láng giềng hay một đồng minh hùng mạnh của Mỹ nằm ngay biên giới TQ.
Ngay cả nếu TQ có muốn trừng trị Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của nước này đi nữa, TQ cũng không nằm trong một tư thế có thể làm việc đó. Một sự cắt giảm viện trợ nhỏ bé sẽ ít có ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng, một chính quyền mà lãnh đạo chính trị nghĩ rằng họ cần vũ khí hạt nhân hơn cần tăng trưởng kinh tế. Muốn đủ hiệu quả trong việc ảnh hưởng lên một điều gì nghiêm trọng như thái độ đối với vũ khí hạt nhân, sự cắt giảm viện trợ phải đủ gay gắt để đe dọa chính sự sống còn của nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Như một nhà ngoại giao cấp cao Nam Triều Tiên có lần đã nói với tôi, “TQ không có sức mạnh đòn bẩy khi đối phó với Bắc Triều Tiên; TQ chỉ có trong tay một chiếc búa [để đập phá]”.
Nói như thế có nghĩa là, nếu TQ ngưng viện trợ, TQ sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế nhanh chóng tại Miền Bắc. Các lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể khấu đầu trước các áp lực như thế, nhưng có một khả năng lớn hơn là, họ sẽ chống cự cho đến khi đất nước bắt đầu tan rã. Bình Nhưỡng đã đối diện một thách thức rất giống như vậy vào đầu những năm 1990, khi Liên Xô trong tiến trình sụp đổ đã đột xuất cắt ngang các tài trợ cho Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng phải tìm cách hạn chế mọi mặt – và, nhờ thế, chế độ đã sống còn, mặc dù dân chúng phải trả một cái giá khủng khiếp. Biết đâu Bình Nhưỡng lại có cơ may tồn tại thêm một lần nữa, nhưng một đại họa kinh tế cũng có thể nhanh chóng làm sụp đổ chế độ.
Một bước ngoặt gồm những biến cố như vậy sẽ tạo ra tình trạng bất ổn định rất nghiêm trọng: hàng chục, nếu không muốn nói, hàng trăm ngàn người tị nạn, việc buôn lậu các vật liệu và công nghệ hạt nhân, và có lẽ nổ ra tình trạng bạo động có vũ trang ngay ở biên giới TQ. Một cuộc khủng hoảng như vậy cuối cùng có thể kết thúc bằng sự thống nhất toàn bán đảo Triều Tiên dưới sự giám hộ của một miền Nam giàu có, dân chủ, và dân tộc chủ nghĩa – đây là một lựa chọn cay đắng đối với Bắc Kinh, mặc dù như thế vẫn còn hơn một tình trạng bất ổn định triền miên tại Triều Tiên.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh đã làm hết sức mình để duy trì nguyên trạng (the status quo) tại Bắc Triều Tiên. Và đây là một giá khá rẻ – mặc dù dữ liệu không được rõ ràng, nhưng tất cả mọi trợ cấp trực tiếp cũng như gián tiếp có vẻ chưa tới 1 tỷ đôla một năm. Đối với TQ, đây là một giá rất hời để tránh khỏi những vấn đề có tiềm năng khủng khiếp.
Chính trị quá lắm khi chỉ là một sự lựa chọn giữa một tình trạng tồi tệ và một tình trạng còn tồi tệ hơn. Thật không may cho Washington và cho đại đa số nhân dân Bắc Triều Tiên, TQ đang coi một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân nhưng ổn định chính trị như là một trường hợp rõ nét của một điều ác nhỏ bé hơn (the lesser evil).
Andrei Lankov là Giáo sư của Đại học tại Seoul và là tác giả nhiều cuốn sách về lịch sử và chính trị Bắc Triều Tiên.
Nguồn bản gốc: foreignpolicy.com
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Lê Phan - Tế nhị của ngoại giao
Lê Phan
Trong chuyến công du lần này, Ngoại Trưởng Hillary R. Clinton nói rất nhiều đến dân chủ.
Từ Mông Cổ về đến Việt Nam, ngoại trưởng đã thẳng thắn cổ vũ cho dân chủ và chỉ trích những chế độ độc tài. Mở đầu với một khẳng định “Chúng ta cần làm cho thế kỷ thứ 21 này là thời gian mà dân chúng ở Á Châu không những giàu có hơn, họ cũng cần phải được tự do hơn,” bà Clinton lên án những chính quyền “đang suốt ngày đêm cố gắng giới hạn khả năng tiếp cận tư tưởng và thông tin, bỏ tù người dân chỉ vì bày tỏ lập trường, ngăn cản quyền của nhân dân chọn người lãnh tụ, cai trị mà không chịu trách nhiệm, làm hại tiến bộ kinh tế và dành sự giàu có về cho chính mình.”
Sang Việt Nam bà lại tiếp tục “Tôi muốn nhấn mạnh đến một việc tôi đã nói ở Mông Cổ hôm qua. Tôi biết có những người lý luận là các nền kinh tế đang phát triển phải đặt kinh tế lên trước và lo đến cải tổ chính trị và dân chủ sau, nhưng đó là một trả giá thiển cận. Dân chủ và phồn vinh đi song hành, cải tổ chính trị và tăng trưởng kinh tế gắn liền với nhau, và Hoa Kỳ muốn ủng hộ tiến bộ trong cả hai lãnh vực.”
Nhưng đây cũng là chuyến đi mà Ngoại trưởng đã phải sử dụng khôn khéo ngoại giao cần thiết để làm nổi bật quyền lực của Hoa Kỳ ở Á Châu, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong khi vẫn muốn có cải tổ từ những quốc gia vốn đã chẳng coi nhân quyền là điều quan trọng, và nhất là hợp tác với Trung Quốc trong khi bênh vực quyền lợi của Hoa Kỳ.
Từ Mông Cổ dân chủ đến một Việt Nam có thời thù nghịch đến Lào lâu nay cô lập, Ngoại Trưởng Clinton suốt tuần qua đã gặp gỡ những quốc gia rất muốn được làm đồng minh với Hoa Kỳ để làm đối trọng chiến lược cho sự chế ngự về kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong vùng, nhưng đồng thời vẫn còn ngần ngại trước đòi hỏi của Hoa Kỳ muốn có thêm dân chủ và chế độ pháp trị.
Sự cân bằng đó nổi bật khi bà Clinton gặp ông Dương Khiết Trì, ngoại trưởng Trung Quốc vào cuối cuộc công du. Bà Clinton ca tụng sự hợp tác với Bắc Kinh trong khi vẫn đứng ra bênh vực cho lập trường của những quốc gia đang bị đe dọa bởi những khẳng định chủ quyền quá mức của chính quyền cộng sản này về biển Ðông.
Trong những thảo luận với các viên chức trên một giải rộng lớn của lục địa đông dân nhất hành tinh, các viên chức Hoa Kỳ đã phác họa niềm tin của họ vào dân chủ và tự do cho Á Châu. Viễn ảnh này là một phần của cố gắng của chính phủ Obama nhằm chuyển hướng ngoại giao Hoa Kỳ và chính sách thương mại, đưa sang một khu vực mà có triển vọng sẽ trở thành trung tâm của kinh tế toàn cầu trong vòng thế kỷ tới.
Nhưng nó cũng là phản ứng cho sự việc là vùng càng ngày càng bị Bắc Kinh lấn áp khi nền kinh tế của Trung Quốc còn phát triển, ít nhất cho đến nay, trong khi Hoa Kỳ và Âu Châu gặp khó khăn.
Tuyên bố với báo chí hôm Thứ Năm, bà Clinton giải thích “Khi chúng tôi đi qua toàn Á Châu, tôi đã nói đến chiều sâu của sự tiếp cận của Hoa Kỳ với vùng này, đặc biệt công việc của chúng ta trong việc tăng cường liên hệ kinh tế và hỗ trợ dân chủ và nhân quyền. Ðây là một phần trong việc thúc đẩy viễn ảnh của chúng ta về một trật tự mở, công bằng và bền vững cho Á Châu-Thái Bình Dương.”
Vào cuối Diễn đàn ASEAN vùng ARF, bà Clinton đã gặp Tổng Thống Thein Sein của Miến Ðiện, vừa để giới thiệu các nhà kinh doanh Hoa Kỳ đang nôn nóng nhảy vào vùng đất mới. Hoa Kỳ đã giảm thiểu cấm vận cho quốc gia đã có thời là một nền độc tài quân phiệt khép kín, mở cửa những cơ hội mới cho một chính phủ Hoa Kỳ muốn tăng gấp đôi xuất cảng. Tuy vậy, bà Clinton cũng nhân cơ hội để thúc đẩy ông Thein Sein hãy làm thêm nữa vì “vẫn còn có tù chính trị chưa được trả tự do, bạo động sắc tộc và giáo phái vẫn tiếp tục làm suy yếu tiến bộ tiến đến hòa giải quốc gia, ổn định và hòa bình trường cửu.”
Chuyến đi, ít nhất là chặng Á Châu, khởi đầu ở Nhật Bản nơi bà Clinton trấn an đồng minh lâu đời của Hoa kỳ về quyết tâm bảo vệ an ninh cho họ. Từ đó, bà viếng thăm ba quốc gia ở sân sau của Trung Quốc, một phần của một khu vực kinh tế lớn vốn hiện nay vẫn còn tăng trưởng. Tuy vậy cho đến nay Trung Quốc đã hưởng lợi nhiều nhất. Ở mỗi nơi, bà đã cẩn thận biện luận cho những giá trị Hoa Kỳ cùng với những tham vọng kinh doanh của Hoa Kỳ. Ðiều không rõ là thông điệp của bà có được hiểu hết hay không.
Ở Ulaan Baatar, bà đã khen ngợi Mông Cổ đã mở cửa không những về kinh tế mà còn về chính trị. Như lời trích dẫn ở trên, bà đã đưa Mông Cổ để chứng minh phản đề đối với khuôn mẫu phát triển của Trung Quốc, cởi mở kinh tế nhưng siết chặt chính trị. Rồi bà đề nghị một mức thân hữu mới đối với những chính quyền cộng sản ở Việt Nam và Lào và chính quyền Hun Sen ở Cambodia. Việt Nam và Lào đặc biệt đang trông cậy vào Hoa Kỳ vì sợ bị Trung Quốc nuốt chửng.
Nhưng trong khi mậu dịch song phương Mỹ-Việt tăng vọt lên 40% trong vòng hai năm qua, không có mấy cải thiện trong thái độ của chính quyền Hà Nội đối với những người đối lập. Lào có thể cũng muốn một liên hệ tương tự với Hoa Kỳ, nhưng cho đến nay chưa có một chỉ dấu nào là muốn cải tổ thành tích nhân quyền của mình.
Ðiều mà Washington không muốn có với những quốc gia này là một liên hệ như đã có với Bắc Kinh, một nước bạn hàng với kết hợp kinh tế chưa từng thấy nhưng đã khựng lại khi các cuộc thảo luận quay sang nhân quyền, dân chủ, và chia sẻ chung một viễn ảnh tương lai cho thế giới. Ðây, mỉa mai thay, là một liên hệ mà cả hai bên đều không thể thay đổi, cả hai bên đều trông cậy vào trao đổi hàng hóa và người tiêu thụ, trong khi hoàn toàn không tin tưởng gì vào ý định của nhau.
Một trong những công việc khó khăn nhất của bà Clinton trong tuần qua là thúc đẩy Bắc Kinh hôm Thứ Năm chấp nhận Quy Ước Về Ứng Xử Ở Biển Ðông, một cố gắng dàn xếp dung hòa về phía Hoa Kỳ đã gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của Bắc Kinh.
Trong buổi họp riêng không có sự hiện diện của báo chí, các viên chức Hoa Kỳ đã bàn thảo với các viên chức Trung Quốc về biển Ðông, một vấn đề mà các quốc gia láng giềng đang rất quan tâm, với căng thẳng có triển vọng bùng lên. Trong khi Trung Quốc dành trọn vẹn biển Ðông đã đẩy các quốc gia trong vùng chạy sang với Hoa Kỳ, nhiều giờ đồng hồ thảo luận giữa Hoa Kỳ và các viên chức Trung Quốc không dẫn đến tiến bộ cho một giải pháp lâu dài.
Bà Clinton đã đặt vấn đề như là một câu hỏi về nguyên tắc “Hoa Kỳ không dành chủ quyền ở đó và chúng tôi không về phe nào trong tranh chấp lãnh thổ hay biên giới biển. Nhưng chúng tôi có quyền lợi đối với tự do hải hành, sự duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, và mậu dịch hợp pháp không bị ngăn cản trong biển Nam Trung Hoa.” Bà nhấn mạnh đến “thái độ đối đầu” ở Bãi Scarborough, kể cả việc từ chối không cho các tàu bè khác vào khu vực này. Hành động bà đưa ra là hành động của Trung Quốc mặc dầu bà không nêu đích danh.
Bà nói “Chúng tôi đã thấy những vụ đáng ngại về ép buộc kinh tế và việc sử dụng không đúng quân đội và tàu của chính quyền liên quan đến tranh chấp giữa các ngư dân. Ðã có một loạt những biện pháp quốc gia tạo nên đụng chạm và làm thêm phức tạp cố gắng giải quyết tranh chấp.”
Nhưng mặc dầu thúc đẩy Trung Quốc và các quốc gia Ðông Nam Á, trong một cử chỉ tế nhị, thông cáo của Bộ Ngoại Giao không nhắc gì đến nó cả mà chỉ nói đến hợp tác Mỹ-Trung. Ðó chính là cái tế nhị của ngoại giao.
Mặc Lâm - Không ai có thể bịt miệng cả một dân tộc (Louis Aragon)
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Chúa Nhật 15 tháng 7 tuần này không có biểu tình tại Hà Nội như hai Chủ Nhật trước đây. Phải chăng lời tuyên bố của chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã làm chùn bước những người từ trước đến nay vẫn thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc?
Người Việt Nam tập trung biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc
ở Hà Nội hôm 1/7/2012. - Photo AFP/Hoang Đình Nam
ở Hà Nội hôm 1/7/2012. - Photo AFP/Hoang Đình Nam
Mặc Lâm có thêm chi tiết về câu hỏi này.
Vấn đề xâm lược của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo Việt Nam là rõ ràng và không thể tranh cãi. Các hy sinh của người lính của cả hai chế độ cho thấy điều đó. Hoàng Sa năm 1974, Gạc Ma năm 1988 là những bằng chứng không thể chối cãi trước công luận quốc tế về hành động xâm lược giết người của Trung Quốc. Máu đã đổ xuống trên hai vùng đất này và nhân dân Việt Nam với quyết tâm chống xâm lăng không thể không tiếp tục đổ máu nếu Trung Quốc tiếp tục xâm lược Việt Nam cho dù dưới hình thức nào đi nữa.
Sự chống đối rực lửa ấy đã thể hiện qua nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc mà nhiều nhất là tại Hà Nội vào mỗi Chúa Nhật đã tăng thêm ý thức cảnh giác cho người dân cả nước về mưu toan mới xâm chiếm Biển Đông vì tài nguyên dầu hỏa đã khiến Trung Quốc bất chấp công luận quốc tế. Chỉ sau vài tuần, người biểu tình đã chạm một làn sóng mạnh bạo thậm chí tàn nhẫn của cơ quan an ninh, dân phòng khi đàn áp thẳng tay những công dân yêu nước xuống đường ấy.
Xuống đường, xuống đường….
Ông Andre Hồ Cương Quyết giương cao biểu ngữ trong cuộc biểu tình
chống Trung Quốc tại Saigon hôm 01/07/2012. Photo courtesy of NXD's blog.
chống Trung Quốc tại Saigon hôm 01/07/2012. Photo courtesy of NXD's blog.
Phong trào xuống đường biểu tình chống Trung Quốc được một người Việt gốc Pháp tham dự nhiệt tình, đó là ông Andre Menras. Cái tên Việt Nam Hồ Cương Quyết của ông đã được rất nhiều người Việt biết tới trong các đoàn biểu tình tại TP Hồ Chí Minh, ông cho biết tại sao mình đi biểu tình:
“Bây giờ tôi đã trở thành một công dân Việt Nam có nghĩa là trách nhiệm và nghĩa vụ của tôi là bảo vệ quốc gia Việt Nam, bảo vệ dân tộc Việt Nam, vì vậy khi một nước khác là Trung Quốc xâm lược Việt Nam thì tôi phải xuống đường lên tiếng tố cáo họ.
Tuy rất hòa bình nhưng cương quyết và để biểu tỏ tôi sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Hồi xưa tôi đã bị tù, tôi đã chịu khổ cũng vì một số anh chị em sinh viên học sinh trong phong trào hồi xưa chống xâm lược của Mỹ thì bây giờ tôi tiếp tục nắm lá cờ của Việt Nam chống cuộc xâm lược mới có thể nguy hiểm hơn cả hồi xưa là cuộc xâm lược của Trung Quốc.”
Ban đầu người biểu tình nghĩ rằng nhà nước sợ cơn sóng Hoa Lài nhân cơ hội biểu tình chống Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam nhưng ngày qua ngày không có dấu hiệu nào của một cuộc cách mạng tương tự như thế có thể xảy ra tại Việt Nam. Tuy nhiên sự đàn áp người biểu tình vẫn không có chiều hướng thuyên giảm, trái lại ngày một tinh vi và táo bạo hơn.
Lời hứa khó hiểu
Khu vực quanh toà đại sứ TQ ở Hà Nội được tăng cường bảo vệ suốt ngày 1 tháng 7, 2012. AFP photo.
Người dân trên thế giới nếu nghe được câu chuyện Trung Quốc bị nhân dân Việt Nam biểu tình chống đối lại có khả năng ra lệnh cho lãnh đạo Hà Nội cấm người dân đi biểu tình chống mình thì sẽ không ai tin và cho là chuyện tiếu lâm chính trị.
Vậy mà việc này lại xảy ra trên giấy trắng mực đen khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng của Việt Nam đã long trọng hứa với Bắc Kinh là “kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam” và “dứt khoát không để sự việc tái diễn.”
Nếu cấm đoán mà không nêu được lý do chính đáng thì dư luận sẽ nổi giận và vì vậy chiều 13 tháng 7 mới đây, ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong một cuộc họp Hội đồng Nhân dân Thành phố đã nêu lý do mà ông cho là chính đáng để chính thức ra lệnh cấm các cuộc biểu tình mà ông gọi là do thế lực thù địch đứng phía sau kích động xúi giục, ông Thảo nói:
“Gần đây xuất hiện tình trạng tập trung đông người kéo về Hà Nội khiếu kiện có tổ chức theo sự chỉ đạo của đối tượng xấu lợi dụng tình hình trên các thế lực thù địch và số cơ hội chính trị đã kích động người dân, nhất là số người đi khiếu kiện ở các địa phương biểu tình để gây áp lực với chính quyền phải giải quyết những khiếu nại, yêu sách.
Trước tình hình như vậy đồng thời với việc tăng cường thực hiện các biện pháp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng của dân, thành phố sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền vận động đấu tranh về chính trị, về tư tưởng, về hành chính pháp luật, để phối hợp chặt chẽ các lực lượng tại các địa phương, nhằm giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo tuyệt đối an toàn trật tự trên địa bàn thành phố, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân.
Ngoài việc khiếu kiện về đất đai, trong hai tuần vừa qua vào ngày Chủ Nhật tại trung tâm thành phố đã diễn ra những cuộc tụ tập biểu tình chống Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta, tuy nhiên đa số những người tham gia là những người khiếu kiện về đất đai, bị lợi dụng để gây phức tạp về an ninh trật tự.”
Phản ứng trước tuyên bố này là một làn sóng căm phẫn trong cộng đồng mạng. Có người không ngần ngại cho rằng ông Thảo đang có hành vi bán nước vì đã tiếp tay bịt miệng người biểu tình không cho họ tỏ rõ ý chí chống xâm lược. Thạc sĩ Đào Tiến Thi một người có nhiều bài viết mạnh mẽ chống lại việc này cho biết:
“Tôi là người theo dõi việc này rất nhiều và việc ông Nguyễn Thế Thảo nói tôi rất bức xúc và cũng đã có nhiều ý kiến phản ứng. Ở đây cái sai của ông Nguyễn Thế Thảo là tự nhiên kết tội người biểu tình mà không dựa trên bất cứ điều gì cả. Thực tế những người biểu tình họ rất trật tự ôn hòa và nếu như có phản động thì công an họ đã tìm ra. Thế mà ông ấy nghĩ ngay đến chỗ phản động, xúi giục thì ông dựa vào đâu để ông ấy nói điều đó? Đó là điều tôi thấy rất bất bình.
Việc thứ hai, trước sự xâm phạm rất láo xược của Trung Quốc và đất nước đang trong tình thế lâm nguy hiểm nghèo như thế này, ông Thảo là người có trọng trách lớn là chủ tịch thành phố, thủ đô mà ông không lo gì về việc chống xâm lược. Ông không có một đau xót gì, không có một giận dữ gì đối với kẻ xâm lược. Ông không đau xót gì trước tình trạng chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Không đau xót gì trước nguy cơ mất nước ông bỏ qua tất cả mọi chuyện đó thì không thể chấp nhận.”
Vẫn là hòa bình và hợp tác
Người dân Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc hồi năm 2007. AFP PHOTO.
Ông Nguyễn Thế Thảo xác nhận chủ trương của nhà nước về việc đối phó với Trung Quốc trong đó mục tiêu chính vẫn là hòa bình và coi trọng việc hợp tác hữu nghị giữa hai nước, ông nói:
“Chủ trương của đảng và nhà nước ta là cương quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ đồng thời ra sức gìn giữ môi trường hòa bình ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Nhà nước ta kiên trì sử dụng biện pháp hòa bình, sử dụng tổng hợp các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý.
Chúng ta rất coi trọng việc duy trì và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc. Thực hiện nhất quán chủ trương trên và từ tình hình thực tiễn UBND thành phố yêu cầu các cấp các ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ, không bị các phần tử xấu, cơ hội chính trị xúi giục xuống đường tụ tập biểu tình gây rối mất trật tự an ninh của thủ đô.”
Thạc sĩ Đào Tiến Thi nhận xét về những lập luận này như sau:
“Chúng tôi có thể thông cảm cho ông là ông có thể không nói được trong lúc này vì lý do gì đó. Thế nhưng ông không thể nào có thái độ cấm nhân dân đối với kẻ xâm lược. Ông dựa vào đâu mà dám kết luận chuyện biểu tình là do phản động xúi giục kích động? Ông lôi ra vài người phản động thử xem nào? Tôi tin rằng nếu có thì công an họ đã làm.
Phải nói là 11 cuộc biểu tình từ năm ngoái chống Trung Quốc còn trong năm nay thì đã hai cuộc tại Hà Nội, không có một dấu hiệu nào là của phản động cả. Nếu có thì công an người ta đã làm và báo chí đã làm um sùm rồi bởi vì người ta cố tìm và với hệ thống công an lớn như thế thì không có một ông phản động nào lọt vào cả.
Việc mà ông Thảo và một số người nói tôi nghĩ là để trấn áp biểu tình nên ông ấy cố nói như thế thôi vì ông ta không thể nào chứng minh được những gì ông ấy nói.”
Không ai có thể bịt miệng cả một dân tộc
Người biểu tình bị đàn áp hôm 21/8/2011. AFP photo
Người dân đã phần nào thấy được sức ép mạnh mẽ của Trung Quốc đè chặt trên vai của chính quyền Việt Nam. Sức ép ấy có người cho rằng do kinh tế và quân sự của Việt Nam bị lép vế. Nhưng cũng không ít người cáo buộc hệ thống cầm quyền sở dĩ im lặng vì đã bị mua chuộc, khống chế bằng nhiều cách trong đó những đồng tiền bất chính nhận từ Trung Quốc trong các hợp đồng, dự án to lớn và Bắc Kinh lấy đó làm bằng chứng, sẵn sàng dùng vào việc bịt miệng một số người tay trót nhúng chàm khi giao hảo với Trung Quốc.
Tuy nhiên rất nhiều người không nằm trong hai luồng ý kiến này. Họ khẳng định rằng cách đối phó với người biểu tình một cách khó hiểu xuất phát từ tâm thế nô lệ của chính quyền mặc dù ngoài miệng họ luôn luôn kêu gọi chống ngoại xâm bằng tất cả sức lực của người dân.
Trên tấm bia ghi công liệt sĩ Yên Bái có khắc lại một câu bất hủ của Louis Aragon viết vào tháng 6-1930 trên Báo Công đoàn Paris về cuộc khởi nghĩa Yên Bái sau khi Nguyễn Thái Học và các đồng chí trong đó có người anh hùng Phó Đức Chính bị chém đầu vào ngày 17 tháng 6 năm 1930 như sau:
“Đây là điều nhắc nhở ta rằng
Không thể bịt miệng một dân tộc
Mà người ta không thể khuất phục
Bằng lưỡi kiếm của đao phủ.”
Dư luận so sánh câu văn bất hủ này nếu áp dụng vào trường hợp của ông Nguyễn Thế Thảo cũng không phải là quá khập khiểng. Mặc dù lý do phản động xúi dục đã làm cuộc biểu tình hôm Chúa Nhật 15 tháng 7 không thể xảy ra, nhưng để bịt miệng cả một dân tộc trước họa ngoại xâm từ Trung Quốc thì chỉ mình ông Thảo chắc chắn là không thể.
Xét cho cùng lưỡi kiếm của đao phủ thực dân có khác gì với miệng lưỡi của chính quyền khi cố dập tắt tiếng nói bất khuất của người dân nước mình. Lịch sử đã chứng minh ai đi ngược với nguyện vọng của thời đại sẽ bị đào thải. Điều này chưa bao giờ sai chỉ có thời gian nhanh hay chậm mà thôi.
Trọng Nghĩa (RFI) - Cam Bốt bị tố cáo chiều ý Trung Quốc để phá hoại ASEAN
Trọng Nghĩa (RFI)
Trong lịch sử ASEAN, chưa bao giờ một Hội nghị cấp Ngoại trưởng của khối lại không ra được một bản Tuyên bố chung cuộc để đúc kết tiến trình đàm phán, thảo luận. Thế nhưng điều không thể tưởng tượng nổi đó đã xảy ra tại các Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh, vừa kết thúc hôm qua, 13/07/2012. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, Giáo sư Carl Thayer cho rằng Phnom Penh đã phá hoại nghiêm trọng uy tín của ASEAN.
Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Namhong trong lễ bế mạc Hội nghị ASEAN (Reuters)
Nguyên nhân chính là do có bất đồng không thể giải quyết giữa Philippines và Cam Bốt liên quan đến Biển Đông. Chính quyền Manila muốn ghi tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc tại bãi đá Scarborough vào trong bản Tuyên bố chung, một đề nghị đã bị Cam Bốt, trong tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN bác bỏ. Bất chấp các đề nghị thỏa hiệp, cả hai bên đều không thay đổi ý kiến, và Cam Bốt quyết định là Hội nghị sẽ không có được tuyên bố chung.
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã phê phán thái độ của Cam Bốt cho rằng Phnom Penh đã phá hoại nghiêm trọng uy tín của ASEAN. Ông phân tích như sau :
Hành động của Cam Bốt trong tư cách Chủ tịch ASEAN đã xóa nhòa sự phân biệt giữa Cam Bốt, một trong 10 thành viên của ASEAN và Cam Bốt, Chủ tịch ASEAN. Lần đầu tiên trong lịch sử của Hiệp hội Đông Nam Á, các Ngoại trưởng đã phải cùng nhau làm việc trên một chương trình nghị sự rất nặng nề nhưng lại bị mất đi phương tiện truyền thống để công bố các quyết định của mình, vì cho đến nay, bản Tuyên bố chung của Chủ tịch ASEAN có mục tiêu ghi lại các quyết định của toàn khối [đã không công bố được].
Tình hình bắt nguồn từ hành động của Cam Bốt đã đẩy ASEAN vào một tình thế chưa từng thấy. Trang web của Ban Thư ký ASEAN hoàn toàn im hơi lặng tiếng lặng về những vấn đề này.
Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Cam Bốt?
Nói cách khác, sau một tuần thảo luận một loạt các vấn đề – không chỉ là vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) mà thôi – cả khu vực và phần còn lại của thế giới đều không biết được là ASEAN đã quyết định những gì. Đây là một đòn nghiêm trọng đánh vào vị thế và uy tín quốc tế của ASEAN.
Có thể coi là trách nhiệm về việc ASEAN không đạt được đồng thuận hoàn toàn thuộc về Cam Bốt. Ghi nhận của những người có mặt tại Phnom Penh cho thấy rằng chính Cam Bốt trong vai trò Chủ tịch đã tỏ ra bướng bỉnh và không khoan nhượng. Họ liên tục cảnh cáo rằng sẽ không có Tuyên bố chung để hăm dọa Philippines. Ngay cả khi Indonesia đứng ra làm trung gian để tìm ra một thỏa hiệp, Cam Bốt cũng không chịu nhúc nhích, và bỏ ngang cuộc họp.
Rất có thể là tranh cãi về các từ ngữ trong bản Tuyên bố chung sẽ lan qua và gây nhiễu cho tiến trình đàm phán giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc trên một bộ Quy tắc Ứng xử (tại Biển Đông). Cam Bốt đã lộ mặt như là một “con ngựa kềm bước” giúp Trung Quốc. Điều này sẽ làm cho đàm phán về một bộ Quy tắc Ứng xử COC chung cuộc với Trung Quốc khó khăn hơn. Chắc hẳn là Philippines, và có thể là một số nước ASEAN khác, sẽ không còn tin tưởng Cam Bốt trong việc giữ kín các lập trường đàm phán bí mật của họ.
Định hướng đối ngoại của ASEAN đến nay đi theo hai chủ trương. Đầu tiên hết là ASEAN cần duy trì quyền tự chủ của khu vực, chống việc các cường quốc ngoài khối xen vào công việc nội bộ của minh. Kế đến, ASEAN nhấn mạnh đến khẳng định vai trò “người cầm lái” hoặc là nhân tố trung tâm của kiến trúc an ninh khu vực. Hành động của Cam Bốt cho thấy rõ ràng là sự thống nhất và gắn kết của ASEAN, công cụ giúp khối này cách ly với thế lực bên ngoài, đã bị sứt mẻ nặng nề. Không những Trung Quốc đã xâm nhập được vào trong ASEAN, mà họ đã làm được như vậy thông qua đại diện là Cam Bốt. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến vai trò “người cầm lái” của ASEAN.
Liệu còn nước ASEAN nào tin được Cam Bốt?
Đối với Giáo sư Thayer, hành động của Cam Bốt đã làm xóa bỏ sự tin tưởng lẫn nhau trong khối, gây trở ngại cho ASEAN trong nỗ lực tiến tới một Cộng đồng vào năm 2015.
Hành động của Cam Bốt sẽ đầu độc các hoạt động của ASEAN từ nay cho đến tháng Mười một, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ được tổ chức. Cam Bốt đã mất đi vai trò trung lập của họ với tư cách là Chủ tịch ASEAN, và một số thành viên ASEAN sẽ nghi ngờ sự điều hành của Cam Bốt trong phần còn lại của năm 2012 này.
Hiện nay đã có một vết rạn thực thụ trong sự thống nhất của ASEAN, và vết này có thể trở thành một kẽ nứt và cản trở việc thành lập Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, vốn là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, dự kiến có hiệu lực vào năm 2015. Tình trạng rắc rối vừa qua làm tăng khả năng ASEAN bị tách thành hai nhóm: các quốc gia lục địa và các quốc gia duyên hải và hàng hải.
Nếu ASEAN muốn trở thành một cộng đồng, họ phải có được một "nhận thức về chúng ta", rằng các thành viên chia sẻ với nhau nhiều điểm chung hơn là với các cường quốc bên ngoài. Nền an ninh của ASEAN phải được xem như là không thể chia cắt. Hành động của Cam Bốt trong tuần này cho thấy là nhận thức về một cộng đồng ASEAN rất là mong manh.
Trung Quốc thắng trước nhưng có thể thua sau
Phải chăng sự cố vừa qua là một chiến thắng của Trung Quốc trong mưu toan chia rẽ ASEAN và một thất bại của Hoa Kỳ trong mong muốn tạo dựng một mặt trận ASEAN thống nhất? Về vấn đề này, Giáo sư Thayer phân tích:
Sự kiện ASEAN bị chia rẽ không phải là lợi ích của Mỹ. Hoa Kỳ đã quan tâm đến việc phát huy một cách tiếp cận hợp tác ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông và hỗ trợ một bộ Quy tắc Ứng xử COC có tính chất ràng buộc. Các Ngoại trưởng ASEAN đã đạt được thỏa thuận về các yếu tố chính của COC. Đấy là một vấn đề tách biệt với thất bại trong việc ra Tuyên bố chung.
Trung Quốc có thể là đã chỉ giành được một chiến thắng kiểu Pyrrhic (tức là thắng trước nhưng lại thua sau). Thất bại của ASEAN trong việc nêu lên tranh chấp Scarborough Shoal trong Tuyên bố chung là một thành công tạm thời của Trung Quốc. Nhưng thắng lợi đó có khả năng bị suy yếu do phản ứng trước việc Trung Quốc sử dụng trắng trợn Chủ tịch ASEAN như là đại điện thừa hành của mình.
Các Ngoại trưởng ASEAN đã ký tắt công nhận các yếu tố chính của một Bộ Quy tắc Ứng xử cho Biển Đông. ASEAN đã tiến hành ít nhất hai cuộc họp không chính thức với Trung Quốc về việc xúc tiến đàm phán. Các cuộc thảo luận chính thức dự kiến có thể mở ra vào tháng Chín. Trung Quốc đã bắn tin là họ sẵn sàng đàm phán với các thành viên ASEAN khi điều kiện "chín muồi".
ASEAN đã tự dặt ra thời hạn chót là tháng Mười một năm nay phải đạt được thỏa thuận, để bộ Quy tắc Ứng xử có thể được Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào thời điểm đó thông qua.
Từ nay đến đó con đường còn khó khăn, Trung Quốc có thể được khuyến khích để xoáy vào khác biệt quan điểm trong ASEAN để xóa nhòa các điều khoản liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp trong Bộ Quy tắc Ứng xử của ASEAN.
Lợi ích của Trung Quốc là cho thấy về mặt hình thức là họ làm việc với các thành viên ASEAN để tiến tới một giải pháp. Tại sao vậy ? Để khỏi bị Hoa Kỳ thúc bách sau lưng nó.
T.N.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)