Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012
Phan Nhật Nam - Chuyện “Công cắn”
Phan Nhật Nam
LTS. Nhà văn Phan Nhật Nam là người tù có duyên với đất Thanh Hóa. Anh thoạt tiên ở trại Lam Sơn (trại 5), đến năm 1986 thì chuyển lên trại Thanh Cẩm cách trại cũ không xa, độ 30 km về phía mạn ngược. Chuyện anh kể dưới đây là câu chuyện “liên trại”, phần đầu xảy ra tại Lam Sơn, phần kết tại Thanh Cẩm. Điều kỳ lạ là do việc chuyển từ trại này đến trại kia, và vốn là người chuyên bị nhốt ở kỷ luật và kiên giam, Phan Nhật Nam đã biết hết mọi chuyện từ đầu đến cuối, ở hai địa điểm khác nhau.
*
Tất cả dấu hiệu về con người của thằng Công chỉ hiện ra nơi hai tròng mắt. Tròng mắt người nhưng có ánh sắc loang loáng của loài chuột sống dưới hầm sâu, nơi cống rãnh ẩm tối nhầy nhụa những rác rưới, cặn bã. Vây quanh động vật gọi là con người kia là tấm màn dày dặt oi oi gây nôn bốc lên từ một thân thể không hề tắm rửa, và bộ áo quần tù khô mốc quết dính bởi mồ hôi, đất, bùn… sau năm tháng thấm ướt nước mưa, nước ruộng, nước tiểu ủ phân người dùng để tưới rau xanh. Và Công xử dụng sự bẩn thỉu nầy nên thành một vũ khí lợi hại. Mỗi khi lâm trận xô xát, giành giựt lá rau, củ sắn... hắn nhào vào địch thủ, ôm cứng như loài sên bám vào vỏ cây để mùi hôi thối từ thân người xông lên chụp lấy đối phương như bị ủ kín trong một chiếc chăn nồng nặc. Và nó cắm chặt vào bất cứ phần da thịt nào của đối thủ với hàm răng nhọn của một loài sài lang khủng đói. Mặc cho đối thủ dập xuống những nắm đấm đòn thù, Công chỉ buông kẻ nghịch khi miệng thấm ướt mùi máu và miếng da, thịt người tanh tưởi. Lẽ tất nhiên, đối thủ nó cũng là những tên tù đói, bẩn, nhưng mùi thối của thân thể Công nặng nề gay gắt hơn hẳn. Hơi thối có độ dày tởm lợm bốc lên từ đầu tóc rậm lởm chởm, trên lớp da đen xỉn nhầy nhầy đất ghét. Công cũng đã xử dụng mùi hôi thối của thân thể (mà bất kỳ ai đến gần cũng bị phản ứng nôn mửa) để chiếm cứ chỗ nằm sát bức tường ngăn khu cầu xí cuối buồng giam.
Em nó, thằng “Công em” được đặt nằm an toàn trên chỗ ngủ âm âm thối ủm nầy. Nó nằm ngoài che em với đôi mắt nhỏ liếc đảo ngang dọc từ đầu căn buồng đến khu chuồng xí. Khi khám phá ra một “con mồi” nào đấy đang nằm cử động nhẹ khẽ dưới tấm chăn đắp, Công lẻn tới im như một loài bò sát. Nó phóng nhanh lên thân người đang chuyển động kia, chớp lấy thứ, loại thức ăn mà kẻ kia đang nhóp nhép nhai, bỏ tọt vào miệng, xong gục đầu xuống ngực chấp nhận trận đòn cho đến khi nuốt xong miếng ăn vừa cướp được. Chỉ hai thứ vật chất Công chưa đưa vào miệng: đất, cát và lá, cỏ. Nó đã lập nên những thành tích: Ăn thức ăn từ mồm thằng Huân “con” nôn thốc ra khi tên nầy phải ăn nhanh hết hai cân gạo tẻ, cân đường chảy, lọ mắm ruốc từ nhà thăm nuôi trở về. Nó cũng vượt mặt tất cả toàn trại tù với gói phân của thằng em còn lẫn nhiều hạt bo bo chưa tiêu hóa kịp. Từ khu lao động hầm đá, thằng Công lận gói phân dưới đũng quần, vào trại, rửa qua loa, và đun lại trong chiếc bát nhôm mẻ. Tao ăn cứt của em tao chứ đâu ăn cứt của chúng mầy. Công nói tỉnh khi bọn tù xỉa xói chưởi rủa hành vi súc vật của hắn.
Hai anh em thằng Công thuộc Đội 12 Trại Cải Tạo Số 5, Xã Lam Sơn, Tỉnh Thanh Hóa - Đội tù trừng giới (gồm những phạm nhân chịu án phạt tập trung vô hạn định) có nhiệm vụ cung cấp đá ong cho toàn vùng để xây các trụ sở hành chánh, công trường, nhưng chủ yếu là những hầm tù khác của hệ thống trại tù Lý Bá Sơ để lại từ những năm chiến tranh Việt-Pháp (1946-1954). Công tác sản xuất nầy có giá trị kinh tế cao, đem về cho trại nguồn thu nhập tài chánh lớn nhất (so với các đội làm gỗ, đốn củi, trồng rau, chăn nuôi...) nhưng cũng là công tác nặng nề gây chết im lặng, chắc chắn mà các “Trường Vừa Học Vừa Làm” (nơi huấn luyện, đào tạo nên những con người “xã hội xã hội chủ nghĩa tiên tiến” từ thuở vị thành niên) tiếp chuyển giao đến khi bọn “trại viên cải tạo” tới tuổi thành người - Thành người tù nếu muốn nói rõ hơn. Trai hay gái đồng chung một chế độ quản lý, giáo dục. Chế độ không có hiện tượng “người bóc lột người” nếu muốn xác định thêm “tính chất ưu việt của chế độ ta”.
Khu vực hầm đá thoạt tiên là bãi đất trống mọc rải rác một loại bụi nhỏ khô cằn có tên là “cây cốt khí”. Không ai hiểu vì sao loại cây nầy được đặt tên bởi tính danh kỳ cục ấy. Nhưng thật ra không có tên gọi nào thích hợp hơn. “Cây cốt khí” không là loại cỏ do mọc cao hơn mặt đất khoảng vài gang tay, nhưng cũng không hẳn là cây vì không cành, lá. Đấy chỉ là một loại bụi lùm hoang dã, thân có gai nhỏ, và những lá nhọn tua tủa sắc, lởm chởm như lông nhím. Đéo mẹ cái thứ quỷ quái nầy đun bếp cũng không được nốt! Bọn tù ngao ngán đánh giá loại cây, cỏ vô dụng. Nhưng, ban giám thị trại đã nhìn thấy “tiềm năng” dưới lòng đất: Hầm đá ong được thành hình trên vùng đất không cỏ mọc. Đại úy Trịnh Bắc (một đại tộc của vùng Thanh Hóa), cán bộ nhân lực Trại 5 đưa cặp mắt đứng tròng sắc xảo nhìn lướt qua vùng đất khô nỏ ong ong bốc hơi dưới nắng nói cùng viên giám thị trưởng trại, Thiếu Tá Đỗ Năm (một đại tộc thứ hai có viên tổng bí thư đảng đương quyền họ Đỗ suốt hai thập niên 70, 80).
Thưa Ban (Ban giám thị) dưới lớp đất nầy là đá ong, ta xử dụng bọn Đội 12 đang làm rau xanh cho ra làm đá.
Liệu có làm được không, đá ấy cứng như thế, sợ bọn chúng không làm nổi?
Phải được, sẽ chỉ định quản giáo Chuyên phụ trách bọn nầy. Không làm không được. Phải làm đúng chỉ tiêu mỗi ngày, thiếu viên nào bớt suất ăn phần ấy!
Trịnh Bắc tin chắc vào khả năng “Mắt công an/Gan bộ đội” của bản thân – Anh ta đã “nghĩ, thấy” thế nào thì sự việc cũng “phải xẩy đến” như thế. Bọn ngụy quân, ngụy quyền mấy ngàn người trong Nam đưa ra từ cấp đại úy đến trung tướng, bao gồm cả tổng, bộ trưởng, giáo sư, tiến sĩ… lọt vào tay anh không dám hó hé một âm mưu, hành vi phản động. Ta bóp chúng từ khi chúng mới được nghĩ ra. Chẳng thế, năm 1978 kia mới mang cấp trung sĩ nhất mà nay đã là đại uý công an không cần qua trường, lớp “Sĩ quan đại học biên phòng”. Bắc còn có quản giáo Chuyên phụ tá, xử dụng dưới tay bọn “Thường Trực Thi Đua – Ban đại diện tù” và những tên đội trưởng như gã tù coi Đội 12, Nhiền. Nhiền mặt vuông, thân hình thấp, ngón tay ngắn chỉ hai đốt, vốn gốc công an Hải Phòng, do phạm tội giết người đoạt của nên chuyển về Trại 5. Nhiền được đề bạt làm Đội trưởng Đội 12 do thành tích đánh chết Định “già” (Cựu thượng úy bộ đội, chuyên nghiệp tình báo, thuộc diện “B quay – Hồi chánh theo quân đội cộng hòa”, trao trả về quân đội giải phóng năm 1973 tại Thạch Hãn, Quảng Trị) do trên ra lệnh giết. Định “già” chết không để lại dấu vết. Không giọt máu ứa ra. Cũng không kịp kêu lên tiếng gào hấp hối. Định chết khi đang đứng lãnh phần bắp trước mặt Nhiền.
Buổi sáng, ra đến bãi, mỗi tên tù Đội 12 được phát một cây cuốc chim loại nhỏ, một đầu dùng để cuốc đá, đầu kia dùng để đẽo theo hình mẫu: Khối đá ong hình chữ nhật có góc cạnh 10 phân dày, 20 bề ngang, và 40 chiều dài. Chỉ tiêu mỗi ngày 8 viên. Qua tháng thứ hai, chỉ tiêu nâng lên 12 viên/ngày; tháng thứ ba, tư 15 viên, và ngừng ở con số nầy. Bởi bãi đá trở nên là một chiếc giếng khô khổng lồ với vòm miệng loe rộng lên bầu trời. Bọn tù làm đá lúc nhúc dưới đáy lấm chấm như một đàn chuột bị bẫy sập. Hơi nóng từ trời cao ủ xuống vực đá tích tụ vào trung tâm nên thành một luồng hơi sầm sập ẩn hiện lung linh qua ánh nắng. Đầu trần (chiếc áo tù đã cởi ra trùm đầu thay mũ, nón), chân đất, những tên tù Đội 12 bò lên nền đá ong, gõ chiếc búa chim rời rạc kiệt cùng. Sẵn vũ khí, chúng gây chuyện đánh lộn để đi nằm nhà kỷ luật thay vì phơi thân làm đá. Trò bạo loạn chạm tới cao độ khi tên Tịnh “mắt” (do có đôi mắt đặc biệt đen thẫm) chém đứt gân chân thằng Định “nhạn trắng”, chấp nhận án tử hình do đã gây vụ việc từ những năm trước, ở những “Trường vừa học vừa làm” phía Bắc, sát biên giới Hoa-Việt.
Sau vụ thằng Tịnh, bốn vệ binh được lệnh đứng gác bốn góc bãi đá, trên cao nhìn xuống, theo dõi từng cử chỉ của mỗi tên tù. Vệ binh được lệnh nổ súng khi thấy dấu hiệu bạo động. Bọn tù cũng được chia thành từng nhóm ba tên để chỉ huy, rình rập, thúc dục nhau công tác hầu đạt được chỉ tiêu. Thiếu một viên cả ba đồng phải chịu cắt khẩu phần ngô, khoai sắn. Hai anh em thằng Công được chỉ định ở chung một tổ. Một hôm, thằng Công em “bất ngờ” bị té từ trên thềm đá cao xuống một chỗ thấp hơn, đầu đánh vào góc bậc đá đang đẽo dở, máu từ trán chảy ra thấm ướt đậm màu nền đá đỏ.
Ông cho cháu cõng em cháu về bệnh xá.
Gã bộ đội đứng gác ý hẳn cũng đang mệt nhọc dưới trời nắng hươi mũi súng thuận cho lời cầu xin của Công. Trên đường đi, Công “em” úp mặt lên lưng anh hỏi khẽ... Mầy xô tao ngã xuống phải không? Im, nhớ giữ kỹ “cây bút chì”! Thằng em cắn vào lưng áo anh tỏ vẻ hiểu. Hai ngày sau Công “em” xuất viện, thằng anh ôm em ngủ vẻ săn sóc, yêu thương… Nhưng thật ra nó nói khẽ với em: Đêm nay, khi tao “đánh” cái vòm. Mầy đừng cho thằng nào vào nhà xí! Với “cây bút chì” (dùi đẻo đá) thằng Công mở rộng vòm tròn lỗ đại tiện không khó khăn do lớp vôi vữa từ bao năm bị nước tiểu, chất dơ bào mòn, thấm nhũn. Chỉ cần mở mỗi bên rộng khoảng gang tay. Thằng Công nhảy xuống trước, chân ngập vào hố phân. Không cần để ý, nó bò theo lỗ hổng hầm cầu (ngang mặt đất) thông ra sân sau buồng giam. Công em bò theo nói nhỏ:
- Tao dính đầy cứt!
- Im, theo tao, chạy xuống nhà bếp!
- Tại sao không ra cổng?
- Đánh soong ngô để khi ra nằm ngoài kia có cái mà ăn. Phải nằm chờ bên khu công trường trồng cam vài ngày, chưa chạy thẳng về Thanh Hóa, Hà Nội được.
Khi hai anh em thằng Công lọt vào được khu nhà bếp cuối trại thì từ căn buồng Đội 12 có tiếng la lớn
Báo cáo cán bộ… Báo cáo cán bộ… Trốn trại!... Báo cáo cán bộ… Trốn trại!!
Tiếng súng nổ vang. Kẻng đánh dồn bốn phía trên các chòi gác. Công chạy nhanh đến chiếc giếng nơi có cây sào dùng kéo nước.
Bình tĩnh, nó nói chắc với em. Tao giữ sào, mầy bám vào, chân đạp vào tường trèo lên trước.
Loạt đạn từ vọng gác góc nhà bếp bắn tung lớp mảnh chai rải trên đầu bức tường. Thằng em chạm tay lên bờ tường cố rút người lên… Tao, tao bị rồi… Thân nó rơi xuống nhanh. Thằng Công ôm em, ngồi gục mặt trên khoảng ngực dần đập yếu. Nó ngửi ra mùi máu đầm đìa ngập ngập. Những báng súng dập xuống lưng, đầu. Công vẫn ôm chặt xác đứa em như khả năng bám cứng thường áp dụng. Nhưng lần nầy, cuối cùng nó phải buông rời xác em, ngã ra chết ngất, chỉ tỉnh dậy ba ngày sau nơi phòng kỷ luật. Công biết nó chưa chết do ngửi ra mùi máu quen thuộc đóng khô trên mặt. Sáu tháng sau, Công được tháo cùm cho về buồng. Nó bò với hai tay, hai gối, nhích tới từng khoảng ngắn, xong nằm bẹp lên đất. Quản giáo Chuyên đi theo, dùng chân đè lên lưng, đầu, đá vào hai chân lê lết, cong queo của nó nói lời khinh bỉ:
Mầy có thành con dòi cũng không trốn khỏi đây được. Tao có thể bắn chết mầy ngay bây giờ nhưng cho mầy sống để ăn cứt!
Thằng Công lết chậm im lặng, mắt ráo hoảnh, không cảm giác, tròng đen khô như hòn than. Về đến đội, Công nói cùng Huân “con”, tên đội trưởng mới:
Tao sẽ không gây vụ việc gì để mầy phải liên hệ. Mầy chỉ cho tao biết thằng Nhiền đâu rồi? (Nhiền là tay đội trưởng cũ).
Nó được chuyển vào trong Thanh Cẩm làm Trực Thi Đua vì thành tích báo cáo vụ trốn trại của anh em mầy.
Một tháng sau, tại bãi đá, Công chụp cứng bàn tay của một gã vệ binh, cắn đứt ngón trỏ khi tên nầy xoè tay xỉa xói, tát tai nó do tội không làm đủ chỉ tiêu 15 viên đá. Ban giám thị Trại 5 có quyết định nhân hậu khôn ngoan. Cho nó lên trại Thanh Cẩm, thằng Nhiền sẽ trị nó.
*
Người tù thở hơi dài thanh thản. Đây là phòng kỷ luật “tiện nghi” nhất ông được ở của mười năm qua, kể từ 1978 khi chuyển về vùng Thanh Hoá nầy. Phòng vuông vức mỗi bề ba thước, hai bệ nằm, ở giữa có lối đi. Ông có thể “đi bộ” qua, lại nơi chiếc sân rộng một thước, dài ba thước nầy. Điều tuyệt diệu hơn hết là ông có được khung cửa sổ mỗi bề rộng bốn gang tay, chắn bởi bốn thanh sắt dọc và ngang bởi một bản sắt dày. Nhưng những thanh sắt chấn song không ngăn cản được tầm nhìn ra dãy núi thượng nguồn Sông Mã, và lắng nghe âm tiếng sông trôi về xuôi xa dưới chân đồi trước mặt trại. Nếu đứng ép mình sang góc phải, người tù có thể nhìn xéo ra chiếc cổng chính của khu kỷ luật, cực trái sân cỏ, nơi có cây hoa gạo nở đỏ rực mỗi dịp xuân, báo hiệu ngày Tết. Từ khung cửa sổ thần tiên nầy, ông nghe được hơi thở nhẹ của tự thân rung động theo từng di chuyển im lặng của trăng. Ông ấy lên rồi đó!! Người tù nói ra thành lời khi căn phòng bắt đầu dọi sáng ánh biên biếc, rồi chuyển sang sắc xanh thanh khiết thắm thiết… Ông bước xuống khỏi bệ nằm, kéo chân cùm ra một góc để có được tầm nhìn tối đa khi đứng ở cửa sổ. Cảm giác tắm đẫm giữa sắc trăng xanh. Và “ông ấy” lên chậm rãi, lặng lẽ, uy nghi... Rồi cả một vùng núi trải dài hùng vĩ đồng rộ sáng dưới mầu trăng miên man cảm động. Những chấn song khung cửa sổ dọi lên tường thành hình hàng Thánh Giá nghiêng nghiêng. Ông thấy Chúa Cứu Thế có thật trên dãy Thánh Giá màu Đen kỳ diệu nầy dẫu chưa được phép rửa tội theo nghi thức Công Giáo.
Năm hàng soong sắt lạnh
Dọi Thánh Giá lên tường
Chúa chịu phần khổ nhục
Với Con Người đau thương
Người tù đọc nhiều lần lời thơ đơn giản như một cách cầu kinh của riêng mình. Nhưng bình minh lại đến với hân hoan làm rưng rưng nước mắt. Mặt trời chưa lên mà người tù đã nghe toàn vũ trụ, vạn vật rộn ràng chào đón. Tiếng vượn hú dài hơi theo trùng điệp rặng núi. Bầy chim đen vùn vụt bay lên khoảng không, đồng lần sà xuống trên sân cỏ, và những con bướm... Những chấm vàng, trắng nổi bật nơi xa trên mầu xanh của núi, rừng dần dần bay về tụ lại trên sân cỏ trước phòng giam... A… bướm tìm ra nhau theo màu của cánh! Ông miên man theo dõi, khám phá sự huyền bí kỳ diệu từ những cánh bướm im lặng, chập chờn. Người tù cũng thật sự cảm khích với cách kiên trì nhẫn nại của cách con tò vò làm tổ. Tò vò kẹp từng viên đất tròn nhỏ với hai ngàm và hai chân trước, tô đắp nên thành chiếc tổ qua từng mỗi ngày khó nhọc. Xong “hắn” tất tả bay đi kiếm sâu (loại sâu màu xanh lá mạ có chiều dài hơn thân tò vò), đặt vào tổ làm mồi dự trữ, đẻ trứng, đóng kín tổ bằng lượng nước dãi cố gắng mỏi mòn. Anh yên tâm, tôi giữ tổ cho anh để hai-mươi mốt ngày sau con anh ra đời. Người tù nói chuyện cùng tò vò thân thiết thật lòng khi thấy ra cách bay mệt mỏi của “gã bạn” với đôi cánh đập dần dần yếu đuối. Tò vò sẽ rớt chết ở một nơi nào đó. Người tù muốn sống trong tình thế nồng nhiệt mến thương nầy để quên khuất một cảnh tượng đau lòng... Thân con người bị kéo ngược (gã trật tự kéo bằng cách nắm hai cổ chân) đâu từ dưới trại, qua mấy mươi bậc thang (để đưa lên khu kỷ luật nơi đỉnh đồi cuối trại). Căn buồng cực trái dãy sau (Người tù luôn cách biệt các bạn tù bởi những phòng để trống, và hai dãy buồng đối lưng nhau) có tiếng mở cửa, kéo chân cùm, và tiếng chưởi Địt mẹ cha cố cũng đánh theo cha cố!! Hôm đó, năm xẩy ra cảnh tượng đau lòng ấy đã quá lâu, nhưng người tù luôn nhớ rõ, hiện sống với cảm giác khiếp sợ làm thân người ông run lên bần bật (dẫu ông là người lính tác chiến của một đơn vị kiệt liệt của Miền Nam). Người bị kéo ngược như thế chắc hẳn đã là một xác chết! Nhưng tại sao còn bị đánh bồi và xỉ nhục?! Sau nầy hỏi ra, ông biết người thụ nạn là một Linh mục Công giáo. Chúa ơi! Sao con người có thể đau thương đến thế?! Mỗi lần đứng ở cửa sổ, người tù đồng có mối hân hoan (trước cảnh trí rực rỡ vui hòa của thiên nhiên) chen lẫn mối nặng lòng (do ác độc của con người) với câu hỏi như trên nhiều lần lập lại...
Sáng nay, từ buồng giam cực trái (buồng số 1, cùng dãy trước với buồng ông) có tiếng mở khóa cùm chân và lời quát tháo
Địt mẹ, lần sau ông đéo cho mầy đi đổ ống… ỉa xong thì ăn đi… Đi ra, đồ chó đẻ... Chó nó cũng không bẩn đến như mầy!
Nghe tiếng chưởi của Nhiền, gã thường trực thi đua, người tù đứng nép vào góc phải cửa sổ nhìn ra sân theo dõi… Gã tù khom người bước đi mệt nhọc, chậm chạp.
Địt mẹ mầy có nhanh được hay không hay đợi ông đá cho mấy cái.
Nhiền đi cách khoảng gã tù ý chừng như muốn tránh xa sự bẩn thỉu. Gã tù lê ống tre bương trên sân cỏ, lúc lắc thân người rề rà hướng về phía hầm chứa phân khu kỷ luật.
Đổ vào đây. Địt mẹ đổ vào đây!! Nhiền hét lớn chỉ vào hố chứa. Mầy làm rơi vải tao bắt mầy phải ăn cho hết! Địt mẹ… đồ ăn cứt!!
Gã tù đã đến bên hố chứa phân, gã lóng cóng với ống bương. Phân, nước giải rơi vải tung toé…
Đổ xuống hố. Địt mẹ thằng chó.
Nhiền xoay xoay chùm chìa khoá buồng giam tiến gần chực đánh. Gã tù với một phản ứng nhanh nhẹn bất ngờ tạt ống bương vào mặt Nhiền. Tên nầy hét lớn hốt hoảng đưa tay vuốt những mảng phân thối, dòng nước dơ. Gã tù nhảy thoắt đến viên đá chận nắp hố phân. Nó nâng lên… Đập mạnh xuống khuôn mặt lầy nhầy chất bẩn. Nhiền ngã quay quắt trên đất. Thằng Công nhảy lên ngồi trên ngực Nhiền, thọc tay vào ổ mắt.. Móc ra!! Nó nuốt khối nhầy ươn ướt máu và cứt. Súng trên chòi canh nổ sắc, gọn, chính xác từng phát một. Lưng thằng Công ưỡn lên, nẫy nẫy… Trong nầy, người tù cúi gập xuống. Nôn khan..
Chuyện nghe và thấy…
Nơi Trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa
(1986-1988)
PNN
Thảo Trường - Côn Trùng
Thảo Trường
... Buồn trông con nhện giăng tơ...
Ca dao
Anh ta nằm ngửa trên giường nhìn lên giang sơn của tôi. Hai bàn tay anh ta xếp lên nhau làm thành cái gối kê dưới đầu còn hai cái gối thì lại trở thành vật cho anh ta gác chân lên. Anh ta rất rảnh rỗi, hình như không có việc gì để làm, giữa một xã hội mà ai cũng phải đi làm, và ai cũng muốn có việc làm. Thường chỉ thấy anh ta đi đâu đó một lát rồi trở về. Và ở nhà thì chỉ thấy anh ta nằm trên giường mà nằm trên giường thì bắt buộc anh ta phải nhìn lên chỗ của tôi. Cái kiểu nằm ngửa gối đầu tay cố hữu của anh ta thì chỉ có thể nhìn lên trần nhà mà cái trần nhà sơn trắng mênh mông không có một vật gì trang hoàng cả thì anh ta nhìn cái gì nếu không phải là nhìn tôi? Tôi cả quyết như vậy vì tôi đã bị anh ta càn quét đàn áp. Lúc đầu thì tôi không để ý đến anh ta bởi vì tôi cũng nghĩ rằng anh ta cũng chẳng để ý tới mình. Ối, hơi đâu mà để ý tới những cái không liên quan đến mình. Cuộc sống này gấp rút và xô bồ quá, ai cũng có phần vụ riêng của mình để mà lo, thì còn thời giờ đâu và hứng thú gì mà đi để ý tới những cái vớ vẩn như nhân vật nằm ngửa nhìn lên kia. Thế nhưng khốn nỗi sự đời nó không êm đềm như vậy. Anh ta không nằm yên. Một hôm tôi thấy anh ta chồm dậy đứng trên đệm giường đưa tay với lên chỗ tôi, không tới, anh cúi xuống tìm một cái gì đó, không có, rồi cầm đại cái gối quơ lên chỗ tôi! May mà vẫn không tới. Nhưng sức gió do anh ta quơ cái gối khá mạnh cũng làm cho cơ ngơi nhà cửa của tôi bị chao đảo và chính bản thân tôi cũng bị quăng lên quăng xuống suýt rơi vào khoảng không vũ trụ. Không làm gì được tôi anh ta có vẻ giận, tôi thấy anh ta mặc quần áo đi ra ngoài đóng cửa lại. Căn phòng sau cơn chấn động được trở lại yên tĩnh. Tôi đi một vòng kiểm soát lại mạng lưới của tôi. Cũng may là không bị tổn thất gì nặng tuy những sợi tơ có bị chùng đi một tí nhưng không sao, tôi vẫn còn cư ngụ và sinh nhai được, mạng lưới vẫn còn tốt lắm, những chú muỗi sa vào nộp mạng là dính ngay không cục cựa nổi. Sáng nay tôi bắt được ba chú muỗi mập máu và một con bọ bay. Một ngày ẩm thực huy hoàng. Giống có cánh chúng có ưu thế hơn tôi trong sự di chuyển nhưng chúng là đồ ngớ, không biết nhìn xa trông rộng, không bén nhạy trên đường bay, cho nên lưới tôi giăng ra chúng thay nhau lao đầu vào tự tử. Tôi không bay được nhưng tôi cũng có thể băng qua không gian bằng những cái chân dài có độ xoay xở rộng và khả năng nhả tơ đu dây nhảy dù... Vì thế tầm hoạt động của tôi có thể diễn ra trên khắp căn phòng này. Thế mà vừa rồi tôi bị anh ta đe doạ, phải nói là tôi vừa bị anh ta khủng bố, suýt tí nữa là nguy đến tính mạng! Mà tôi có mắc mứu gì với anh ta đâu? Tôi với anh ta không thù, không oán, không nợ không nần... Tôi không đụng chạm gì đến cuộc sống của anh ta, tôi không tơ hào gì đến tài sản của anh ta, tôi cũng không phê phán anh ta về lập trường tư tưởng con mẹ gì cả, anh ta muốn làm gì, muốn nói gì, muốn nghĩ gì cũng thây kệ. Hay là tôi đã có nhận xét là anh ta không làm gì cả, hay là tôi đã thấy anh ta chỉ nằm ngửa... Cái đó đâu có đụng chạm gì, có khi những điều đó tôi còn khoái nữa là khác nhưng tôi không nói ra thì sao... Có nhiều thứ ở đời này mình thích mà mình không nói là vì biết nói cũng chẳng được, ước cũng chẳng được, thèm cũng chẳng được. Có khi thích mà không được thì bèn chê cho nó đỡ thèm... Nhưng tôi có chê ai bao giờ đâu, không, tôi không chê mà tôi cũng không thích khen. Tôi chỉ đan lưới bắt mồi. Con mồi của tôi cũng tự ý lao đầu vào lưới do tôi giăng ra chứ tuyệt đối tôi chưa cầm gối phang vào ai bao giờ cả. Đồng ý là nếu không có cái lưới do tôi giăng thì các chú muỗi không bị vướng vào nhưng thử hỏi trên đời này ai là không giăng lưới nhỉ? Ai?
Thử hỏi ai không giăng lưới? Trên cõi đời phải ăn phải sống này đứa nào không giăng lưới? Đứa nào giơ tay thử coi? Ngày xưa đứa nào vô tội ném đá trước đi. Bây giờ đứa nào không đan lưới, không giăng lưới để sống nói nghe thử coi? À, có thể có lắm, có thể có nhưng họ khiêm nhường không nói ra. Ở đời thiếu gì người có đạo đức, thiếu gì người tốt lành. Như anh ta chẳng hạn, suốt ngày chỉ thấy anh ta đi ra đi vô, đứng lên ngồi xuống, và nằm ngửa là chính, có thấy anh ta làm gì bao giờ, có thấy anh ta giăng lưới như tôi... Thế nhưng tại sao tự dưng anh ta vùng dậy cầm gối càn quét tôi? Tôi nhìn rõ là anh ta có nghiến răng khi cầm cái gối quơ lên đập tôi y như cách đánh kiểu đòn thù vậy. Tại sao? Ừ, tại sao thế? Bạo lực là thế đấy nhé! Xâm lược là thế đấy nhé! Tội ác là thế đấy nhé! Đừng có mà tưởng! Tôi nói cho mà biết, anh ta còn mang nợ với tôi. Những con muỗi sa vào lưới nhện là mhững con có thể mang vi trùng sốt rét, một thứ bệnh rất nguy hiểm và rất dễ lây lan, hằng năm có biết bao nhiêu người trên hành tinh thiệt mạng vì chứng này. Bộ anh ta không biết sao, anh ta không thấy rằng tôi đã giúp cho anh ta loại trừ được biết bao nguy cơ lây bệnh, tôi đã cứu mạng anh ta không chừng! Thế mà tự dưng anh ta đập tôi! Ơn đâu không thấy chỉ thấy oán thù. Thử hỏi còn trời đất nào nữa? Thử hỏi còn phải quấy, tình nghĩa xóm giềng nào nữa? Thử hỏi còn cái... lý lẽ nào nữa! Trời ơi là trời! Đất ơi là đất! Xuống mà coi! Ở ngoài phố về anh ta đem theo một cái chổi lông gà dài cán, cái thứ này người ta vác đi bán rong ngoài phố. Chổi dài cán, vác vai; bó chổi cán ngắn đeo toòng teng bên dưới. Ai mua chổi lông gà không? Cũng lại không nghiêm chỉnh rồi, tiếng là chổi lông gà nhưng không phải làm bằng lông gà như xưa kia mà làm bằng những sợi ni lông tước nhỏ nhiều mầu. À thì ra anh ta đi mua thêm vũ khí mới. Cái gối không đánh tới chỗ tôi anh ta phải đi cầu viện. Anh ta không kịp thay quần áo, cứ nguyên quần áo đi phố mà xung trận, như thế là tình hình khẩn trương lắm lắm. Anh ta cầm chổi quơ lên một cái, tôi choáng váng mặt mày, không còn biết trời đất gì nữa. Tỉnh ra tôi thấy mình nằm trong bối ni lông của cái chổi, nhìn lên quê hương mình tôi thấy tan hoang không còn một tí gì cả. Ghê gớm thật. Cuộc càn quét, tàn sát thật là sấm sét. Chỉ trong chớp mắt tất cả cơ nghiệp của tôi đều tan tành. Sự nghiệp cũng mất. Danh dự cũng mất. Mạng sống đang bị đe dọa. Mất là mất tất cả. Đêm đó tôi hòan hồn sau một cơn thiêm thiếp, kiểm soát lại thấy mình còn sống và còn có thể họat động được tôi lại bò đi theo bản năng sinh tồn, tôi bò về quê cũ lựa một chỗ thuận lợi tôi bắt đầu xây dựng lại quê hương nhà cửa của mình. Tôi lại đan lưới. Giăng tơ nhưng tôi vẫn liếc nhìn về cái chổi dựng nơi góc nhà. Anh ta dựng nó đứng đó. Nó vẫn còn đó. Nó là nỗi ám ảnh kinh hoàng với tôi. Nó là vũ khí. Nó là bạo lực. Nó là khủng bố. Nhưng nó không phải là kẻ thù. Anh ta, chính anh ta kia mới là kẻ chịu trách nhiệm nhưng anh ta chẳng hiểu gì điều đó. Anh ta đập tôi có lẽ vì anh ta không biết làm gì khác. Căn phòng mới nguyên và khá đẹp. Giường đệm mới, tủ bàn mới, thảm mới, máy điều hòa mới... hôm anh ta tới ở, căn phòng đã được dọn dẹp lau chùi sạch bong không có một sinh vật nào ngoài anh ta độc quyền cư ngụ nơi đây. Nhưng rồi anh ta ra vô cửa mở muỗi theo vào và tôi cũng từ căn buồng xép gần đó vào theo. Anh ta cư ngụ, những con muỗi cư ngụ, và tôi cư ngụ. Mỗi kẻ cư ngụ theo cách thế riêng của mình. Lũ muỗi thì chúng hồn nhiên sống theo cách thế của chúng. Chỉ có loài người gọi chúng là kẻ thù chứ tuyệt nhiên chưa có một con muỗi nào coi lòai người là thù địch. Muỗi chích người ta hút máu là vì con người có máu. Mà máu người dường như là thức ăn cao cấp hơn cả. Muỗi cũng như bao sinh vật khác rất cần ăn. Vì ăn mà các sinh vật đã giết lẫn nhau, nhất là loài người. Chưa có loài thú vật súc sinh nào đánh lẫn nhau lớn như loài người đánh lẫn nhau. Loài người đánh lẫn nhau thành đại chiến thế giới, hình như sắp tới hồi thứ ba thứ tư gì đó... Tại muỗi không có thịt không có mỡ như gà cá thỏ trâu bò lợn chó chim... nên loài người không ăn thịt muỗi đó thôi, giả tỉ như... thì đừng hòng chạy thoát. Cho nên muỗi hút máu người vì trời sinh ra nó cần ăn cái thứ tanh tưởi đó, và nó thấy có trước mắt thì nó chích nó hút. Vi trùng là cái thứ quỉ quái gì đó muỗi đâu có biết, vi trùng cũng có sẵn trong cơ thể con người, từ người này sang người kia chứ muỗi đâu có “đẻ” ra vi trùng mà lên án muỗi là kẻ thù. Ối, chưa biết ai là kẻ thù của ai ạ. Đừng cả vú lấp miệng em, cậy có cái miệng la lớn với biết bao phương tiện truyền thông: phát thanh, truyền hình, báo chí, sách vở... tối tân hiện đại trong tay rồi muốn chửi ai thì chửi sao? Rồi lập ra những tổ chức quốc tế, họp hành, bay tới bay lui, thí nghiệm, nghiên cứu, báo cáo, tham luận, đủ tuồng đủ tích... thành những chiến dịch, những chương trình bài trừ sốt rét mà chủ yếu là tiêu diệt kẻ thù... muỗi. Còn muỗi thì có biết gì đâu, nó ở trong phòng anh kia kìa, chúng cũng như mọi sinh vật khác, chúng cũng như anh, như tôi, cần ăn uống ngủ nghỉ, chúng hút máu anh là vì chúng cần ăn, cũng như tôi, tôi cần ăn và tôi đã... ăn chúng! Loài người các anh cóc làm gì được giòng dõi nhà muỗi. Tôi, tôi bắt muỗi làm thức ăn cho tôi, mà cũng là cứu anh, vậy mà anh hùng hổ tính đập chết tôi! Loài nhện chúng tôi không biết chửi thề, với lại chúng tôi cũng có cái đạo đức riêng của chúng tôi, chứ nếu không thì... đừng có mà tưởng. Tôi đã nói rằng trong căn phòng này mỗi chúng ta có cách sống riêng của mỗi kẻ, bọn muỗi kiếm ăn trên da thịt anh, tôi kiếm ăn trên thân xác bọn muỗi, còn anh... kiếm ăn trên thân xác ai thì thây kệ anh! Nếu anh ăn “thịt” được tôi thì anh cứ ăn. Hoặc anh có mối thù với tôi? Đằng này! Thế là thế nào? Anh giết chỉ để mà giết, chẳng có một chút ý thức nào cả. Không được. Như thế là không ổn. Cái gì cũng phải nghe cho ổn mới được. Có lẽ anh đã quên trận ốm sốt rét cấp tính thể não mà anh đã bị mấy năm trước đây. Bốn ngày hôn mê điên loạn anh còn nhớ? Muỗi đấy. Muỗi Rừng Lá anh biết chứ? Cộng sản nó bỏ tù anh là nó cũng định tiêu diệt anh, chúng đưa anh đi đày biệt xứ mãi tận miền thượng du Bắc Việt bỏ đói bắt làm khổ sai là có ý chôn anh ngoài đó, đã có hàng ngàn chiến hữu của anh bỏ thây ngoài đó. Nhưng rồi anh sống lay lất mãi đến năm thứ mười bảy mà anh không chết. Và rồi chúng cũng phải thả anh ra. Kẻ sống sót nói: – Làm... đéo gì tao! Đúng, chúng không làm ”đéo”gì được anh, nhưng anh biết không, chỉ một con muỗi nào đó, vào một lúc nào đó, đã chích nhẹ cho anh một cái để kiếm tí máu ăn qua ngày, anh đâu có biết, thế mà anh suýt đi đời nhà ma bỏ thây nơi Rừng Lá âm u. Cùng bị với anh trong cái dịch ấy, bốn người thì ba chết, chỉ có anh thoát. Người ta nói là anh chưa tới “số” chứ không thì cũng toi mạng vì muỗi Rừng Lá rồi. Nhưng anh nên công bằng mà xét rằng cộng sản nó diệt anh là có chủ mưu, có kế hoạch, có ý đồ hẳn hoi. Những đứa chủ mưu là tên Thành, tên Duẩn, tên Khu, tên Đồng, tên Hùng, anh em tên Thọ... chúng định giết các anh nên mới đem các anh lên rừng biệt xứ. Chứ còn chú muỗi bé nhỏ nào đó chẳng qua là mưu sinh như anh như tôi và bao giống khác vẫn mưu sinh. Chúng ta kiếm ăn, nên đôi khi “thịt” lẫn nhau, nhưng tuyệt đối chúng ta không thù hằn nhau, không có ý đồ hại nhau giết nhau như tụi cộng sản. Tụi cộng sản nó cướp được quyền, cướp được vợ, được nhà cửa, của cải người ta, rồi chúng còn thù hằn giết chóc người ta nữa và gọi là đấu tranh giai cấp và giai cấp đấu tranh... Không tin đến Việt Nam mà coi. Và đó là chuyện bên Việt Nam, còn chuyện bên Mỹ thì sao? Các anh vẫn chửi Mỹ đểu bỏ mẹ, nó đến thề sống thề chết với các anh là đồng minh với nhau nghĩa là sống chết có nhau cùng chiến đấu vì một cái lý tưởng bảo vệ tự do chống lại cộng sản bạo tàn... Hay lắm, nhưng rồi nó bỏ các anh lại, trói các anh lại mà bỏ cho cộng sản vào hốt ổ, ừ, thế thì Mỹ nó có tử tế với các anh không, nó có tử tế hơn cộng sản, tử tế hơn muỗi không nào? Rồi sẽ tới lúc bỏ cấm vận, sẽ có lúc nối lại bang giao đề huề, công nhận lẫn nhau, thậm chí có thể sẽ đồng minh với nhau như hồi đồng minh với các anh trước đây, vì các anh đi vào lịch sử mất rồi. Lôgic hay quy luật gì đó, nghĩa là bạn với Nga với Tầu đánh Đức đánh Nhật rồi bạn với Đức với Nhật đánh Tầu đánh Nga, bây giờ lại bạn với Nga để đánh ai, hay sẽ đánh Tầu không chừng... ối, cái tình cái nghĩa làm gì có trên cõi đời này hả anh? Hồi sống trong Rừng Lá các anh vẫn nói rằng các anh sợ nhất muỗi, rắn và đàn bà. Bây giờ anh nghĩ sao? Muỗi, cộng sản, Mỹ và tôi, ai tử tế, ai không tử tế với anh? Ai làm sao, chưa biết ý anh thế nào nhưng có điều chắc chắn là anh sẽ sang Mỹ và sẽ thành Mỹ. Thế thì còn gì để mà “bình” nữa, còn gì để mà “chửi” nữa? Chẳng lẽ mình lại chửi mình? Mỹ nó ghê gớm là ở chỗ đó. Cho anh cứ chửi Mỹ nhưng anh vẫn cứ không bỏ Mỹ được. Hóa cho nên nghĩ đến cùng kỳ lý thì tôi cũng chẳng nên mích lòng gì với anh về cái vụ anh phá nhà tôi ám hại tôi. Bởi vì rồi anh cũng sẽ ra đi khỏi căn phòng này, anh cũng sẽ phải tới một nơi sống chung và trở thành in như kẻ đã ám hại anh. Căn phòng này, và tôi có thể lại phải đương đầu với một kẻ nào đó còn ghê gớm hơn gấp bội kẻ trước! Một kẻ nào đó cũng không tử tế gì. À, nhắc tới cái vụ bị muỗi chích, tôi không có ý xúi anh tăng thêm hận thù với loài muỗi đâu, không, không hề, mà có thù thì anh cũng cóc làm gì được chúng nó, còn tôi cũng chẳng muốn ”hù” anh để kể cái công diệt muỗi. Tôi không hề là anh em quốc tế cộng sản với ai và cũng không hề là đồng minh chiến hữu với đứa nào. Kẻ nào phận nấy. Việc ai người ấy làm. Cơm ai người ấy ăn. Hồn ai nấy giữ. Kẻo không rồi lại có ngộ nhận là tôi thân với phe anh, là chúng ta kết bè kết đảng hoặc văn chương chữ nghĩa một tí là chúng ta liên minh hòa hợp trên cùng mặt trận bằng cùng một cương lĩnh chống muỗi. Không! Nói cho rõ là không mắc mứu gì nhau. Anh sống theo cách của anh, tôi sống theo cách của tôi, mỗi chúng ta có một nền văn hóa riêng. Độc lập. Chấm hết. Ai muốn làm gì thì làm. Anh có muốn ám hại tôi thì cứ tiếp tục, nếu anh coi bắn giết chửi bới là đạo đức loài người, là tự do dân chủ chế độ. Nhưng tôi thì không. Trên cơ nhau là ở chỗ đó. Đừng quên muỗi chỉ là thức ăn của tôi. Chẳng qua nói tới cái trận đau ốm là muốn nhắc tới cái lẽ sinh tử khổ ải ở đời, cuộc đời này tào lao cả mà thôi. Thế cho nên tôi mới nói là cái gì cũng phải nghe cho ổn mới được. Sau mấy trận càn quét mà tôi vẫn sống, tôi vẫn làm lại cuộc đời, tôi vẫn làm lại nhà, tôi vẫn giăng lại lưới, tôi vẫn bắt muỗi làm thứ sinh nhai và tôi vẫn từ trên này nhìn xuống anh. Anh vẫn nằm ngửa gối đầu trên tay, vẫn nhìn lên tôi, và tôi không biết lúc nào thì anh nổi loạn lên cơn tàn phá... Loài nhện chúng tôi nghĩ sao nói vậy, có sao nói vậy, mong rằng không làm ai buồn lòng.
Em yêu,
Sau gần mười bảy năm sống lưu đày trong rừng mới về thành phố, em muốn tôi kể chuyện em nghe, thì tôi kể đó. Trong thư em nói rằng mười bảy năm rừng rú và một năm đô thị chắc là có nhiều chuyện hay ho viết cho em đọc. Từ cái xứ sở đau thương này chuyện gì đáng nói, chuyện gì cần nói, em biết không? Tất cả, chuyện gì cũng đáng phải nói, chuyện gì cũng cần phải nói, và chuyện gì cũng nên quên đi. Đất nước chúng ta đã phải trải qua một cơn đảo điên kinh hoàng khủng khiếp đến nỗi mà khi ngồi trước bàn viết thấy cái gì cũng cần phải ghi lại và cái gì cũng muốn xoá đi! Xã hội tan rã đến nỗi cái gì cũng có thể có và cái gì cũng có thể không! Cái gì cũng thật, cái gì cũng giả! Thế cho nên em cũng đừng nghĩ rằng những dòng chữ này là thư cho em hay là sáng tác, là hiện thực hay giả tưởng... Bây giờ không phải là thời hồng hoang. Bây giờ, trong lúc tôi nằm đây, nhìn lên trần nhà, đang là thời kỳ mà những kẻ cầm quyền chỉ là những tên in tiền giả, những tên đánh bạc bịp, những tên buôn lậu có chủ nghĩa, có cương lĩnh. Thời kỳ này ở đây xác cáo cũng được đem ướp thuốc trưng bày lừa bịp làm xác thánh. Thời kỳ này ra đường tôi không biết đi hướng nào và đi về đâu. Thành phố đầy rẫy những quán nước nhà thổ, đảng viên và ăn mày. Thời kỳ này nhà cửa bị cướp giật chia nhau gọi là “hóa giá”. Tôi nghe tin núi Mẹ Bồng Con bị đục phá lấy đá nung vôi xây dựng hạ tầng cơ sở xã hội xã hội chủ nghĩa để rồi cả gan làm giả một Hòn Vọng Phu xi măng khác ở Đồng Đăng. Chúng nó đào mồ cuốc mả ở hết tất cả các tỉnh thành Miền Nam, phá Nghĩa Trang Quân Đội kéo sập tượng “Thương Tiếc” để xây mồ mả riêng cho bọn chúng, mà những mồ mả này chúng cũng làm giả, cho gạch đá vào trong quan tài để kịp thời gian hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch nhà nước...
Em yêu,
Em cứ hỏi có chuyện gì ở quê hương kể em nghe, tôi biết phải nói gì với em bây giờ nhỉ? Quả thật như vậy, ra đường tôi không biết đi đâu, ghé vào nhà thờ tìm chốn thanh tịnh nương náu thì thấy ông linh mục có vợ đẻ con mà vẫn làm lễ thánh mặc dù Công Đồng Vaticano II chưa chấp thuận. Nhìn lên tượng Đức Mẹ thấy đã bị cất đi, hỏi, được biết vì Mẹ vú to quá giáo dân không công nhận. Tôi nhớ mẹ, tìm đến chiêm ngưỡng mẹ, nhưng mẹ hiện ở đâu, người ta đem giấu mẹ nơi nào, tôi khổ quá, chắc mẹ cũng khổ quá. Lạc mẹ tôi biết tìm nơi nào giữa một xã hội nhiễu nhương và tan rã...
Đành trở về nhà. Nằm vật trên giường. Giương mắt nhìn lên.
(HB/5. 29. 1993)
Võ Phiến - Thịt Cầy
Võ Phiến
— Thơ Nguyễn Du thật độc đáo.
— Ôi tư tưởng tân kỳ táo bạo. Mừng bạn có nhận định sắc bén, mới lạ. Bạn nói về Truyện Kiều chăng?
— Không.
— Nói về ‘Độc Tiểu Thanh ký ‘, “tam bách dư niên hậu” chăng?
— Không. Tôi định nói về thơ thịt cầy.
— Trời! Tiên sinh có cả thơ thịt cầy nữa à? Nếu quả có hẳn là độc đáo, không sai.
— Sao lại “nếu”? Có chứ. Này nghe:
“... Nhân sinh vô bách tải
Hành lạc đương cập kỳ
Vô vi thử bần tiện
Cùng niên bất khai mi
Di Tề vô đại danh
Chích Kiểu vô đại lợi
Trung thọ chỉ bát thập
Hà sự thiên niên kế
Hữu khuyển thả tu sát
Hữu tửu thả tu khuynh
Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận
Hà sự mang mang thân hậu danh”.
Đó là một đoạn trong bài từ ‘Hành lạc’1. Thịt chó hiển hiện rõ ràng. Thấy không?
— Quả nhiên. Đúng nó. Đọc lên nghe thơm phưng phức. Người xưa từng nói đến thứ văn hay đọc thơm tho cả miệng lưỡi. Là đây chăng? Giá có luôn cái nghĩa...
— Có đấy. Hai ông Phạm Khắc Khoan và Lê Thước đã dịch ra Việt ngữ:
... “Người không sống trăm tuổi
Gặp thì nên vui chơi
Chớ giữ nếp nghèo khó
Lo lắng suốt đời người
Di Tề không danh lớn
Chích Kiểu không giàu to
Trung thọ chỉ tám chục
Tội gì ngàn năm lo
Có chó cứ làm thịt
Có rượu cứ nghiêng bầu
Được mất trên đời chưa dễ biết
Cần gì lo tiếng hão về sau”.
— Mấy câu chót... thấy nó thế nào. Những câu trên không nói làm gì, nhưng từ cái chỗ “có chó” là phải khác. Có chó là có khác, lẽ ra phải thế. Dân nhậu đớp thịt cầy ai lại “nghiêng bầu”? trông nó cổ lỗ, khệ nệ quá. Mình có nên điều chỉnh cái khẩu khí lại một chút cho hợp thời hợp cảnh không? Chẳng hạn:
“Có cầy nên hạ gấp
Có rượu hãy dzô mau
Được thua trước mắt còn chưa rõ
Sá gì danh hão chuyện mai sau”.
Bạn nghĩ sao?
— Từ từ, sẽ nghĩ về bạn sau. Lúc này nghĩ về Nguyễn Du.
— Bạn làm tôi mất hứng quá. Tuy vậy, tôi nhất trí với bạn: Nguyễn Du là độc đáo. Hơn nghìn năm văn học ký tải ở Việt Nam dễ gì tìm ra thơ thịt cầy? Phải chịu là món hiếm hoi.
— Thế là xong một khoản Nguyễn Du độc đáo. Còn khoản thịt cầy: theo ý bạn thế nào?
— Nhất. Đó không phải ý tôi. Đó là ý kiến toàn dân, từ trên xuống dưới. Trên, tức hạng Nguyễn tiên sinh. Sinh ra là con một ông quận công, hai anh làm quan lớn, tài danh nổi tiếng một thời, trong nhà đàn hát yến ẩm quanh năm, món ngon vật lạ không thiếu thứ gì. Xuất ngoại một phen thì cầm đầu sứ bộ, đi tới đâu được nghênh tiếp trọng thể cấp dưỡng thừa mứa tới đó:
“... Quân bất kiến sứ thuyền triêu lai cung đốn lệ?
Nhất thuyền nhất thuyền doanh nhục mễ
Hành nhân bão thực tiện khí dư
Tàn hào lãnh phạn trầm giang để...”2
Dọc đường đã thế, đến triều đình phải biết! Thế mà khi có rượu, tiên sinh không hề nghĩ đến nem công chả phụng, đến thứ cao lương mỹ vị nào, tiên sinh chỉ ao ước hạ một con cầy.
Dưới, là dân gian khắp nước. Ai mà không biết câu “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, thác xuống âm phủ biết có hay không?” Thấy chưa? Người ta không ăn thịt chó như ăn các thứ thịt khác trên thế gian. Ăn mọi thứ thịt khác, bất quá tấm tắc khen ngon. Ăn thịt chó thì vừa ăn vừa kêu trời. Bạn nhẩm lại cái chỗ “Thác xuống âm phủ...”, rồi bạn chịu khó ngẫm nghĩ, băn khoăn, trăn trở, suy tư giùm xem, bạn chịu khó khảo cứu truy tầm giúp cho, xem trong kho tàng văn học của ta tự cổ chí kim có câu tán tụng thứ thịt nào khác mà não nuột, mà thiết tha đến thế chăng? Quái lạ, quái lạ thật. Thì ông cứ nhai nhồm nhai nhoàm, nuốt xong ông phê một tiếng “Tuyệt”, thế là miếng thịt dính trong kẽ răng nó đã run bắn lên vì sung sướng. Hà tất phải rít lên, phải viện dẫn đến cả cái sống cái chết, đến cả dương gian với âm phủ. Gì mà thống thiết vậy hả Trời?
Nhưng có lẽ ta nên khe khẽ. Khen thịt cầy, cứ oang oang lên, lỡ Mỹ nó nghe...
— Sợ nó lôi ra tòa án Long Beach kêu tù à?3
— Không đến nỗi thế. Nhưng ngại nó chê mình ... kém văn minh.
— Kỳ thị một cách đáng xấu hổ. Chuyện khẩu vị không phải thuộc vấn đề văn minh. Mỗi dân tộc có một sở thích ăn uống. Tàu là nước văn minh cao, Tàu ăn vịt, món vịt Bắc Kinh nổi tiếng khắp thế giới, trứng vịt bắc thảo Đặng Tiểu Bình nghiện nặng, đi viếng Hoa Kỳ mấy hôm không nhịn được; thế mà Mỹ không dùng cả thịt vịt lẫn trứng vịt, Tàu vẫn tha thứ không chê là kém văn minh. Dân này khoái trứng cá muối như điên, dân nọ không màng ngó tới. Xứ này ham xơi phao câu, ham gặm giò gà, giò heo, dùng rùa hầm, lươn um; xứ khác chưa từng thử đến. Nơi này khoe thịt trâu ngon tuyệt, nơi kia trề môi nhún vai...
Thượng Đế làm ra mỗi người một cái lưỡi riêng, mỗi người một bao tử riêng: không có ai nuốt lộn vào bao tử người khác cả, không ai làm phiền ai cả. Tùy nghi, tùy thích... Tự do. Thấy chỗ dị biệt đem ra bàn tán nghí ngố thì được, còn chê khen văn minh hơn kém này nọ dám mất lòng lắm đa.
Lòng yêu thịt cầy không phân chia đẳng cấp trên dưới, không phân biệt chính trị tả hữu. Một hôm gặp người đẹp, cõi lòng rung động mạnh, ông Bùi Bảo Trúc đem hết sự duyên dáng ra bảo rằng ông “rất thích chó (...) khi nào chó được nấu nướng kỹ càng và bày thật đẹp trên dĩa đặt trên bàn.”4 Một nhân vật của bà Dương Thu Hương đứng bên kia bờ ảo vọng tuyên bố với người yêu: “Rượu, thịt chó là món em khoái nhất. Đứa nào không biết ăn thịt chó thì thật là ngu.” Kẻ nam người nữ, kẻ chống cộng người theo cộng, kẻ bên này người bên kia bờ Thái bình dương, họ ca tụng thịt cầy toáng cả lên. Bạn lo ngại cái gì kỳ cục vậy?
— Ngại người Mỹ họ có thể bảo chúng ta xơi thịt cầy là không biết thương một con vật gần gũi...
— Đừng có ai đòi dạy ai về tình thương nhé! Gần đây ở Âu Mỹ có phong trào bảo vệ súc vật. Các ông các bà làm ồn nhiều lắm. Trong những xứ hâm mộ thịt cầy như Việt Nam, Trung Hoa, Đại Hàn v.v... từ hàng nghìn năm qua có bao nhiêu triệu người lặng lẽ ăn chay, ăn chay trường, và lâu lâu lại bỏ tiền ra mua cá, mua chim để thả xuống nước, thả lên trời.
— Này, giá lúc này có câu thơ thương chó đưa họ xem thì tiện nhỉ.
— Có đấy:
“... Niệm nhĩ thuộc thổ súc
Dữ nhân mao cốt đồng”...5
“Thổ súc dữ nhân mao cốt đồng”. Thương đến thế mới là thương sâu đậm. Thật... “thương cầy như thể thương thân”. Thấy xác con cầy chết trong núi, không cần biết cầy của ai, mà động lòng than thở như vậy, đời nay mấy kẻ?
— Thơ gì? của ai vậy?
— Thơ “Điệu khuyển”, vẫn của Nguyễn Du. Trong Nam trung tạp ngâm. Điệu khuyển, nghĩa là thương chó.
— Trời, cụ Nguyễn! Hết xẩy.
— Thấy chưa? Bạn chỉ giỏi được cái đọc thơ leo lẻo, mà không chịu thấy tấm lòng của Nguyễn tiên sinh. Kẻ sĩ yêu cầy là đấy, kẻ sĩ yêu thịt cầy cũng là đấy. Cho nên không thể vì “văn minh”, vì biết thương loài vật mà không ăn thịt cầy. Con vịt, con bồ câu, con rắn mối v.v... có phải là loài vật không? con bò, con heo có phải gia súc không? tại sao người Mỹ trông thấy ăn thịt những con vật ấy họ không chồm người lên giận dữ như khi trông thấy ăn thịt cầy? Đối với họ con cầy có khác những thú vật kia.
— Khác thế nào? Cầy là gì của người Mỹ? Con cầy có địa vị ra sao trong đời sống Mỹ? Hả?
— Xem nào: Không thể nói về cái địa vị chung chung. Xét về địa vị trong tín ngưỡng chẳng hạn: có nơi lấy con này làm vật tổ có nơi thờ con kia làm vật tổ; vật tổ phải có địa vị cao. Lại như vì lý do tôn giáo, con bò có địa vị cao ở Ấn-độ. Trong huyền thoại Ai-cập thì thần Marpi mình người mà mang đầu chó, cho nên thuở xưa Do-thái thù chó mà Ai-cập kính chó. Còn ở Ba-tư ngày xưa cũng có thời luật pháp trừng trị kẻ nào phụng dưỡng chó không chu đáo, chẳng hạn cho chó ăn những món không xứng đáng...
— Tốp! Tốp! Địa vị tôn giáo, không cần. Nhân danh chính sách tiết kiệm năng lượng, xin tốp ngay cho. Ta không thờ chó, Mỹ cũng không thờ chó, nói chuyện ấy làm gì.
— Vậy hãy nói về địa vị của chó trong tình cảm của người. Trong tình cảm người Mỹ, địa vị của chó cao chót vót. Không những người Mỹ không ăn thịt chó, họ còn ra rít với chó, hết lòng vì chó khi sống, họ có nghĩa địa riêng chôn cất chó tử tế khi chết, lắm kẻ còn xếp đặt trước để lúc người từ giã cuộc đời thì nắm xương tàn được chôn cạnh chó, chứ không phải bên cạnh ông bà, cha mẹ, vợ con v.v...
Trong khi ấy trên phương diện tình cảm, địa vị con chó Việt Nam thấp kinh khủng. Thấp như địa vị đa số đồng loại ở Á châu. Tôi chắc ông Mỹ Will Durant trong khi tìm hiểu đặc điểm các nền văn minh khác nhau trên cõi thế gian đã chú ý nhiều lắm về điểm này. Cho nên trong bộ Lịch sử văn minh nhân loại của ông lại có chỗ ghi nhận về hoàn cảnh khuyển loại ở Đông phương: bị khinh bỉ, bạc đãi, thường lang thang ăn dơ ăn dáy ngoài đường; sống đời cù bơ cù bấc. Hình như không có ở nơi nào khác loài chó kém may như thế.
— Đáng tiếc, đáng tiếc! Tôi muốn biết tại sao? Tại sao ở Đông phương đầy tình thương đầy nhân ái, ở Đông phương nơi triệu triệu người đời đời kiếp kiếp từng ăn chay v.v...
— Tại sao? Hình như chưa có ai kịp hỏi ông Will Durant câu đó, nên không có lời giải đáp của ông. Còn câu giải đáp... của tôi? Theo thiển ý ấy là vì gia đình người Âu Mỹ thường nhỏ bé, mà gia đình chúng ta đông đảo quá...
— Tôi hiểu vì sao không có ai hỏi “thiển ý” của bạn: Ý kiến bạn nhảm quá. Chẳng ra ngô ra khoai gì cả. Hiểu thế “chó” nào được một giải đáp như thế?
— Bạn khó tính nhé. Thế thì đừng hỏi tại sao, đừng giải đáp. Hãy ngừng lại ở hiện tượng, nhặt nhạnh thêm một ít dữ kiện nữa về địa vị của chó trong tình cảm. Bạn để ý giùm chỗ này: Ta bảo: “Nhà tôi nuôi một con chó”. Đối với người Mỹ thế là mơ hồ quá. Thường thường họ minh bạch hơn: họ nói nuôi hoặc một con golden retriever, hoặc một con poodle, con chow chow, hoặc một con bull dog v.v... Toàn cõi nước ta không phải chỉ có một loại chó, thế nhưng chúng ta nhìn vào thế giới chó bằng con mắt thờ ơ, chúng ta trông qua đại khái, không cần chi tiết. Người Mỹ không bằng lòng một thái độ hững hờ. Trong bất cứ tài liệu nào về chó, dù sơ lược, cũng liệt kê được hàng mấy chục giống chó khác nhau đang quanh quẩn bên cạnh người Mỹ. Trong ngôn ngữ hàng ngày họ rành rẽ.
Rồi lại chỗ này nữa: Con chó ở ta không có nổi cái tên riêng. Nhà có đôi ba con chó vẫn gọi: con Vàng, con Vện, con Mực v.v... Lấy ngay cái màu lông của nó làm tên. Một cách dễ dãi, qua loa. Vàng, Vện gần như là những tên chung. Người Mỹ không thế: chó trong nhà mỗi con một tên riêng, cũng như mọi người trong gia đình. Tên chọn lựa kỹ lưỡng, công phu nhé. Ai cũng muốn chọn cho con chó cưng của mình một cái tên cho đẹp đẽ, hay ho. Nhu cầu ấy phổ biến lắm, cho nên ngay ở quầy tính tiền tại các chợ Mỹ thỉnh thoảng thấy bán cuốn sách con con liệt kê vô vàn mỹ danh để ai nấy tha hồ chọn cho chó. Có gần gũi, có cưng yêu, mới đặt tên riêng như thế. Gia súc quanh ta, con vịt, con gà, con lợn, đâu có con nào mang được một tên riêng?
Đó, thêm một dữ kiện.
— Bạn có quyền thêm một dữ kiện nữa. Miễn đừng góp “thiển ý”.
— Ở Mỹ con dog lúc nào cũng là con dog. Ở ta có khi nó là con chó, có khi nó là con cún, có khi nó lại là con cầy. Cún là chó con; con hay mẹ, sự phân biệt ấy không quan trọng. Nhưng cầy, chữ cầy rất đáng để ý: nó giết con chó. Vì cầy là tiếng gọi con chó thịt. Là tiếng gọi con chó trong tư cách... thực phẩm. Ta nuôi con chó, nhưng khi ăn ta ăn thịt cầy. Tiếng cầy là bản án tử hình xử chó. Sao vậy? Tại sao không có tiếng gọi riêng con bò, con gà để ăn thịt, con vịt thịt, con heo thịt, (những tiếng như con biếc, con ghiếc, con viếc, con hiếc chẳng hạn?). Thiết nghĩ ấy là vì miếng thịt chó ta phải gọi là thịt cầy mới tiện bỏ vào mồm. Nếu không, thấy ghê ghê thế nào. Con chó Đông phương nó bị hất hủi, nó ăn tạp lắm, nó lục lọi các đống rác, nó thơ thẩn ngoài đồng tìm chất thừa chất bẩn thỉu... Chó nó ăn cái ấy, mình lại đi ăn chó à? Ăn phải ăn cầy cơ. Trước khi dùng, phải thăng cấp cho nó.
Ở Âu Mỹ, con chó nó là pet, là con bạn, là cục cưng. Ở đó địa vị nó cao hơn con vật; ở ta nó thấp hơn con vật.
Ở Âu Mỹ nó là con bạn, là cục cưng. Ở ta, khi có ai hét vào mặt kẻ khác: “Đồ chó!” thì đó không hề có nghĩa là: “Đồ bạn!” Đồ chó còn tệ hơn là đồ mèo, đồ gà...
Đồ chó, tởm quá, không xơi được; nhưng cầy thì xơi được. Khi ta bỏ một miếng thịt cầy vào mồm thì ta không làm điều gì sai quấy; nhưng người Mỹ mà bỏ vào mồm một miếng thịt bạn thì trời đất quỷ thần nào dung thứ! Chuyện không quan niệm nổi.
Do đó chuyện thịt cầy giữa ta và Mỹ không phải là chuyện khẩu vị, cũng không phải là chuyện tình thương đối với loài vật nói chung. Chẳng qua họ và ta không cùng bỏ vào mồm một món thịt, cho nên phản ứng khác nhau vô vàn. Cho nên trong phản đối của họ có sự giận dữ.
— Này này, tôi cần lưu ý bạn: Bạn từng hứa chỉ có dữ kiện không có giải thích; thế mà dần dà bạn khe khẽ “trộm nghĩ”, khe khẽ đưa “thiển ý”. Liệu có can bạn nổi không đây?
— Bạn can, bạn thiệt thòi.
— Ơ! Khiêm tốn đến thế kia à?
— Nói thế là vì bạn thôi. Vừa rồi bạn tuyên bố rằng tôi nhảm khi tôi chưa hề biện giải. Nếu tiếp tục ngăn cản tôi, hóa ra chúa nhảm là bạn. Hãy để tôi biện giải xong, nếu sai, cái nhảm sẽ thuộc cả về phần tôi, có phải là lợi cho bạn không?
Chúng ta vừa bảo Mỹ xem chó như bạn, đó là căn cứ vào một từ ngữ (pet) đã có từ lâu đời. Dần dần mỗi lúc chó mỗi gần người, sát người. Xung quanh bạn, bạn thấy nhan nhản những bà những cô nuôi đôi ba con chó, gọi chó là con trai, con gái, là lũ con (my son, daughter, kids, children) v.v... Và thực tình họ xem như con, thương như con: có thế mới chôn cất, mới mồ mả, mới gửi xương cốt bên nhau chứ. Như vậy chó không còn là bạn, chó đã được kết nạp làm một thành phần trong gia đình người Mỹ. Vì sao vậy? Chỉ vì gia đình người Mỹ mỗi ngày mỗi thu hẹp lại, trở nên quá nhỏ bé, quá ít người...
— Đấy! Đấy! Lại...
— Cấm can thiệp. Cấm đàn áp. Hãy nghe đã. Bạn có tưởng tượng nổi trong một gia đình như nhà mẹ Lê6, con cái lũ khũ đùm đề như thế, mà bác Lê gái lại có thể gọi một con cún là “con tôi”, mỗi tối cho “con tôi” lên giường nằm bên mẹ không? khi trăm tuổi bác Lê gái yên giấc nghìn thu bên mộ con cún được không? Chuyện ấy thiết tưởng chỉ xảy ra vào trường hợp những bà cụ sống lủi thủi một mình xa con cái, những nàng cao số, long đong, muộn chồng, bỏ chồng, hiếm muộn v.v..., những trường hợp hết sức phong phú trong xã hội Mỹ.
Khi cô đơn quá, kẻ Âu người Á, kẻ trắng người vàng, không ai làm gì khác hơn là quơ vội quơ vàng vào một chút sinh khí cho ấm lòng. Trong một cái truyện ngắn của Linh Bảo, một ông chệt già ở Cựu Kim Sơn, vào những ngày tàn bơ vơ xa quê hương đã nuôi và cưng một cây chuối trong chậu, bình nhật chăm chút cho ăn phân cho uống nước đều đều, lúc gặp chuyện đau buồn thì cụ chệt già mời chuối cùng uống... rượu7 với nhau. Ở Cựu Kim Sơn có bao nhiêu là chệt già đối ẩm với cây chuối như thế?
Lấy cây chuối làm con còn tệ hơn lấy chó làm con.
— Phen này bạn kẹt với tôi. Bạn bảo gia đình thu nhỏ là lý do, cảnh sống cô đơn là lý do của tình cảm người-chó. Như thế, bạn có ý cho rằng người Mỹ mới kiêng thịt cầy trong thời kỳ hiện đại này chăng? Bởi vì xưa kia đâu phải lúc nào gia đình người da trắng cũng ít người? trong thời nông nghiệp ở đâu đại gia đình cũng đông đảo hơn ngày nay, điều ấy bạn đã biết. Tất nhiên xưa kia người Âu Mỹ đâu thấy cô đơn trong gia đình? Vậy theo ý bạn bắt đầu từ năm nào thì Mỹ kiêng thịt cầy? bạn định giùm tôi một thời điểm kiêng thịt cầy ở Âu Mỹ. Bạn cố gắng giúp cho.
— Bạn hùng hổ cứ như là cộng sản lúc vừa đánh hơi thấy mùi thắng lợi.
Bên Tàu, hơn hai nghìn năm trước từ cái quầy thịt cầy của một nhân vật lẫy lừng là danh tướng Phàn Khoái mùi thịt nướng đã xông lên làm thơm trang sách Tư Mã Thiên. Sử sách Tây phương không có cái may mắn ấy. Hoặc giả sử gia Tây phương thời trước không chú ý đến những việc như thế? hoặc giả người ta có chép nhan nhản mà tôi không hay biết? hoặc giả người da trắng cổ thời có thói quen nướng cầy cách lén lút? v.v... Chuyện đâu còn đó. Sự thực rồi sẽ có ngày phát hiện. Ngay lúc này hãy giả thiết là người da trắng chưa từng ăn thịt cầy bao giờ. Như thế có gì kẹt cho tôi đâu? Tôi không hề bảo rằng hễ ai không thương chó tất phải xơi thịt chó. Tôi có nói thế đâu? Người da trắng xưa kia rất có thể gia đình sum vầy, vừa không yêu chó quá đáng như ngày nay, lại vừa không ăn thịt chó, có sao? Tốt thôi.
Nếu bấy giờ, xa xưa, da trắng da vàng kẻ ăn người không, có khác nhau là do khẩu vị mà thôi. Ai thích gì ăn nấy, không giận nhau, chê nhau là văn minh hơn kém.
Nhưng cái khác biệt hiện thời không giống như cái khác buổi ấy. Vấn đề chúng ta nêu lên đây là cái khác hiện thời. Hiện thời có yếu tố tình cảm xen vào: ta xơi cầy là họ uất người lên đấy. Sự tình bắt đầu từ bao giờ. Xin thú thực: Không rõ. Tôi ngờ rằng cái nghĩa trang đầu tiên dành cho chó mèo ở Âu Mỹ chắc cũng không quá trăm năm. Người Âu Mỹ giã từ chế độ kinh tế nông nghiệp đã lâu, giã từ cuộc sống đồng quê mà về đô thị đã lâu, trong truyện của họ từ lâu lắm không thấy có những gia đình nườm nượp như gia đình họ Giả trong Hồng lâu mộng. Trong tiếng nói của họ, một vết tích thành ngữ tương đương với “tứ đại đồng đường” không hề nghe thấy bao giờ. Gia đình da trắng teo tóp đến đâu thì địa vị con chó cao lên đến đó, tôi chắc thế.
Chuyện tình cảm nó dần dà, nó lặng lẽ: đã yêu muốn chết mà lắm khi vẫn chưa biết là mình đã yêu, thỉnh thoảng còn đòi để hỏi lại con tim xem đã v.v..., bạn đừng nài ép tôi định rõ ngày giờ của tình yêu, kể cả yêu chó. Kể từ năm Mão? năm Tuất? giờ Dần? giờ Tị? nào ai biết được!
Còn chúng ta da vàng, có thể một phần vì bẩm chất sai con, mắn con: ngay từ buổi sơ khai, cái gì mà đấng tổ tiên đã nêu ngay gương lành, cho ra một lượt trăm trứng nở trăm con. Một gia đình như thế dầu phân đôi cũng không còn một chỗ trống nào cho con chó chen vào. Nguyên tiếng trẻ khóc đủ làm nó nhức óc hoảng hồn.
Thế rồi, đến mãi ngày nay nông nghiệp vẫn còn địa vị quan trọng, nông dân vẫn còn chiếm đa số, nề nếp sinh hoạt nông thôn và tâm lý nông dân vẫn còn sâu đậm. Các nhân vật tiểu thuyết của thế hệ Nhất Linh thỉnh thoảng lại có người than như bộng về cái “số” đông con; thế rồi các ông bà bảo trợ Mỹ đến thăm những gia đình thế hệ người Việt tị nạn lâu lâu bắt gặp một sân quế hòe nghìn nghịt.
Ở những quốc gia đã bước sang nền kinh tế kỹ nghệ, người ta đổ về đô thị, gia đình co rút lại. Xu hướng chung ở Âu Mỹ là thế; nhưng ở ta phương thức sản xuất Đông phương kéo dài chế độ kinh tế nông nghiệp, kéo dài chế độ chính trị phong kiến, kéo dài chế độ đại gia đình... Những cái ấy còn tồn tại không dứt, thì chó còn là... đồ chó, còn bị khinh khi, còn đứng ở bậc thấp nhất của cái thang giá trị các loài súc vật.
Tuy nhiên hồi gần đây rõ ràng là nếp sống đô thị đã tràn lan rộng rãi sang lắm nước Á châu. Cái rét đô thị thấm vào thấu xương số người càng ngày càng đông đảo ở Đông Kinh, Thượng Hải, Hương Cảng, Tân-gia-ba v.v... Hoàn cảnh đặc biệt của những tập thể lưu vong, di cư, tị nạn v.v... càng tăng thêm mức độ giá rét...
Do đó người Tàu già ở Hương Cảng đã từ cây chuối hài hước tiến tới một phát kiến sáng giá: là ôm lấy con chim. Con đường Honglok về phía Cửu Long là cả một thế giới chim: lớn có, nhỏ có, đủ màu, đủ loại, giống hát hay, giống múa đẹp, giống màu rực rỡ v.v... Ở đây có vô số kiểu lồng chim từ thượng vàng đến hạ cám, có những món đồ đựng thức ăn thức uống chạm trổ vẽ vời công phu, cầu kỳ v.v... Các ông cụ mò mẫm đến đây, dạo qua dạo lại ngày này sang ngày khác, ngắm nghía, chọn lựa, rồi móc hầu bao rước chim về hầu hạ phụng dưỡng. Cho ăn cho uống, quạt nồng ấp lạnh. Sắm những chiếc bình xịt nước li ti cho mát chim vào những hôm oi bức. Ngồi với chim hàng giờ. Mới tờ mờ sáng, các cụ ho hen xong, khạc nhổ xong, liền xách lồng chim rời căn phòng nhỏ hẹp của một cao ốc, xuống đường mua một tờ báo, tìm đến một công viên, người và chim cùng hưởng chút khí trời, rồi các cụ xách lồng chim vào tiệm uống cà-phê, trò chuyện với nhau, đấu chim đấu lồng với nhau... Suốt ngày người đâu chim đó. Trong tiệm, trên xe, chỗ nào cũng phải trù liệu sẵn móc cho các cụ treo lồng chim...
Hương Cảng Đông phương Da vàng đã đến nông nỗi ấy, thì Âu Mỹ há giữ nguyên vị trí cũ sao? Quả nhiên, Mỹ lại nhảy vọt.
Kỹ nghệ tân tiến và cuộc sống đô thị lại làm phát sinh thêm những diễn biến mới: Năm 1960 trong tổng số các cuộc sinh nở ở Mỹ con số sinh ra do phụ nữ không chồng chỉ có 5.3%, năm 1986 tỉ số ấy lên đến 23.4%. Người ta mỗi lúc mỗi ngại hôn nhân. Số người Mỹ ngại ngùng ấy tăng gấp bốn lần trong vòng hăm sáu năm. Nàng không chồng chàng không muốn vợ, cảnh nhà đâm ra đơn chiếc. So sánh các loại gia đình: gia đình nhiều người, gia đình một cặp, và gia đình một người, theo thống kê năm nay8 thì phát triển nhanh nhất là loại gia đình... một người! Đó là chiều hướng phát triển ở mọi nước kỹ nghệ (ngoại trừ Nhật Bản, tại đây non hai phần ba số người già còn sống chung với con cái.)
Tình huống mới có nhu cầu mới: một con bạn chó chưa đủ. Con chim của các cụ già Hương Cảng trở thành đấng anh hùng của thời đại mới. Trước kia nuôi chim trong nhà là chuyện lai rai, cuối thập niên 80 nó tiến vụt lên như chớp. Giữa năm 1988 khắp Hoa Kỳ có gần 58 triệu con mèo, 49 triệu rưởi con chó nuôi trong nhà. Cùng năm ấy, số chim nuôi chưa tổng kết được, chỉ có con số khá “đại khái” từ 45 đến 100 triệu con. Dịch vụ kinh doanh về chim, tính cả bán chim, bán thức ăn cho chim, lồng chim v.v..., số thu lên đến mười tỉ một năm. Nhưng theo ước tính thì thập niên 90 mới đích thực là thập niên của chim. Bấy giờ chim là số 1, là vô địch.
Mỹ đã say mê món nào là say mê ra trò. Chim bé cỡ 10$, 20$ một con, có; yến 30$, 40$ một con, có; két Harlequin macaw cỡ 2,500$ một con, có; mà con két Hyacinth macaw ngót 30 inches giá 10,000$ một con cũng có nữa. Cục cưng mà. Luận về hiện tượng chơi chim, ông Marshall Myers, phó chủ tịch Hội đồng cố vấn ngành chăn nuôi cầm thú để làm bạn trên nước Mỹ, nói quyết rằng đó là hậu quả của lối sống mới, của nếp sống đô thị: thêm nhiều người trong gia đình phải ra ngoài làm việc, thêm nhiều người độc thân, cảnh ở condo, ở apartment, và thì giờ eo hẹp làm cho thiếu chỗ thiếu thì giờ nuôi chó...
Chim thắng chó là lẽ đương nhiên, là xu thế của tương lai v.v...
— Xu thế tương lai... Con người tiến từ chó tới chim...
— Tương lai ấy bắt nguồn từ một nhu cầu nguyên thủy: chút hơi ấm. Con người nguyên thủy đã chịu mất cả một chiếc xương sườn để cho có bạn, có cô bạn xong vẫn thấy không bằng lòng: “Chỉ đôi bạn? thế vẫn còn chưa đủ.” Đòi thêm con chó. “Một thầy, một cô, một chó bạn”: vẫn chưa đủ. Đời vẫn lạnh lẽo giá băng. Phải thêm vào đôi ba con chim bên mình... Ôi vũ trụ, ôi càn khôn: rét quá.
Mai kia, con người đô thị trông thấy ai nhai một miếng thịt chim chắc chắn là đứt từng khúc ruột, là gầm lên chê kém văn minh.
— Có “ôi” tức đến kết thúc rồi. Kết thúc chuyện thịt cầy, sẵn trớn ngon lành, ta nhấn ga vọt sang vấn đề thịt chuột, nên chăng?
— Không.
— Thì sang thịt ba ba nhé!
— Không nên.
— Ơ, kỳ thị đến thế sao?
— Không phải. Các thứ thịt khác chỉ là thịt. Riêng thịt cầy là thịt, lại là thơ ca, là kinh tế, xã hội, văn hóa, triết lý (ôi)... Nói chuyện thịt cầy, mình ném bậy một hòn đá mà làm rụng lông được vài ba con chim: Tiết kiệm năng lượng. Nói về các món kia, lãng phí quá.
8 - 1990
1 Thanh hiên thi tập.
2 ‘Thái bình mại ca giả’ (Bắc hành tạp lục). Bốn câu trên có nghĩa: Chẳng thấy cái lệ cung đốn cho thuyền sứ mỗi buổi sáng đó sao? Hết thuyền này tới thuyền khác chở đầy nào gạo nào thịt đến. Người ăn không hết, phải đổ đi. Canh thừa cơm nguội trút cả xuống lòng sông.
3 Năm 1989 tòa án Long Beach có xử một vụ mấy người Miên hạ cờ tây.
4 Thực ra ông Bùi không ăn thịt cầy.
5 Nghĩa: Nghĩ rằng mày là giống súc vật, cũng lông cũng xương giống như con người.
6 Xóm Cầu Mới của Nhất Linh.
7 ‘Cây chuối buồn’, Mây Tần.
8 của Monthly Labor Review, Bureau of Labor Statistics.
Trangđài Glassey-Trầnguyễn - yêu và thở
Trangđài
Glassey-Trầnguyễn
cây
trong vườn bú mớm tháng Giêng căng
người
nhả ý giấy mềm tung sóng nhạc
em
giương buồm giữa đại dương rạo rực
con
bồ nông rơi mất cái phễu mồm
cánh
đồng non lần dậy thì con gái
núi
dần lân đổ tuyết ngập trời xanh
hương
thông ngân, nghêu ngao hát tỏ tình
trâu
mấy lượt đưa đê chiều nằm vũng
mùa
nước lợ chập chờn tuôn hoài niệm
trái
nho tươi ép xác ủ vai nồng
con
còng đất vừa mất chỗ lưu vong
em
bị kẹp giữa thanh minh, năm mới
người
chầm chậm lên núi đôi ngửng mặt
thanh
gươm ngà khua ngập đất phù sa
em
kéo trục cho đất bằng đón giống
để người
gieo ruộng sấp nước trăng ngà.
Kiều Duy Vĩnh - Cuộc tuyệt thực
Kiều Duy Vĩnh
Tôi trông họ hiền lành, ngơ ngơ nói năng chẳng rõ họ mắc tội gì mà bị hành hạ đến như vậy: Họ có mỗi một tội là tin vào Chúa Jê Su. Thế thôi.
Còn tôi, chả hiểu làm sao, tôi thiếu đức tin đó, và điều đó đã cứu tôi sống. Nói thế không có nghĩa là tất cả mọi người công giáo đi tù đều chết hết đâu. Còn chứ. Còn anh Thi, anh Thọ, chị Diệp những người trong vụ nổi loạn ở Ba Làng Thanh Hóa năm 1954, còn Nguyên Công "Cửa" tức Môn, ngư dân vượt biển, còn Nguyễn Hữu Bổn người thôn Vạn Lộc Nam Lộc Nam Đàn...
Tôi có nghe nói lại là khi đọc lệnh tha anh Thi, anh không chịu ra khỏi tù, họ phải lôi anh ra, anh mới chịu ra.
Ngay cả giáo dân họ cũng kiên cường như vậy, thảo nào mà những người Cộng Sản đặt họ lại hàng đầu để tàn sát họ, tiêu diệt họ.
Cho đến hôm nay năm 1994, tôi vẫn mong mỏi gặp lại vài người còn sót lại trong số 72 người đầu tiên lên Cổng Trời mà vẫn chưa gặp lại ai, ngoài 1 người Cộng Sản là anh Nguyễn Hữu Đang.
Khi ở khu A còn thưa thớt người thì tù ở các trại dưới được dồn lên để lấp vào các chỗ trống, nên có sự sắp xếp lại.
Tôi được chuyển sang khu B dưới quyền quản giáo mới tên là Duật người Nam Hà.
Khu B nhẹ hơn khu A, chế độ ăn uống có hơn đôi chút, được đi lao động nhẹ ở sân trại. Ba tháng được viết thư một lần và được phép nhận thư .
Tôi vừa chuyển sang khu B, chưa được viết thư về nhà thì đã nhận được thư của mẹ tôi gửi lên với địa chỉ:
Công trường 75A Hà Nội C65 HE.
Mọi người đều ngạc nhiên, cả tôi nữa.
Lúc đó nhà tôi ở số nhà 7 phố Thi Sách gần ngay đằng sau Chợ Hôm-Hà Nội.
Tính từ khi lên Cổng Trời, đã được hơn 3 năm có lẽ tôi chưa được viết thư về nhà lần nào, thế mà tại sao mẹ tôi lại biết được địa chỉ này mà viết thơ cho tôi và mẹ tôi có biết là tôi đang ở Cổng Trời Hà Giang không?
Mãi đến khi được tha tù lần thứ nhất (1970) tôi về gặp lại mẹ tôi, tôi mới rõ. Thì ra sau khi tôi được chuyển lên Cổng Trời -1960- thế là mất hết tin tức về tôi. Tất nhiên là mẹ tôi không chịu để mất. Mẹ tôi lên trại cũ ở Bất Bạt Sơn Tây để hỏi. Chánh giám thị trại là thiếu tá Thanh trả lời là ông ta không rõ!
Quay về Hà Nội mẹ tôi đến bộ Công An ở Phố Trần Bình Trọng hỏi. Họ không cho vào gặp. Nhưng từ nhà tôi ở chợ hôm ra đến hồ Thiền Quang chưa đến 1Km nên hầu như liên tục khi nào mẹ tôi dắt cháu đi chơi là mẹ tôi lại tạt vào quấy rầy họ. Đến nỗi người thường trực cứ trông thấy mẹ tôi là tránh mặt không tiếp.
Mẹ tôi cứ đi. Kiên trì dắt cháu đi hỏi. Hỏi mãi. Riết rồi họ đành phải trả lời. Nhưng cũng mất 1 quãng thời gian là hơn 3 năm họ mới cho mẹ tôi cái địa chỉ đó: Công Trường 75A Hà Nội.
Mẹ tôi lại hỏi tiếp: Thế cái Công trường này nó ở chỗ nào ở cái đất Hà Nội này. Họ bảo họ cũng không biết.
Mẹ tôi đời nào chịu.
Và cuối cùng họ đành phải trả lời là tôi đang ở Cổng Trời Hà Giang.
Thế là mẹ tôi đi Hà Giang.
Đi với 2 bàn tay trắng: Không có mảnh giấy đi tiếp tế cho tù.
Quy định đi thăm tù phải có giấy giới thiệu của địa phương cấp, mà địa phương được lệnh không cấp giấy cho mẹ tôi vì thành phần gia đình tôi là địa chủ cường hào đại gian đại ác. Bố thì bị bắn chết trong cải cách ruộng đất, còn tôi thì đi tù nên gia đình tôi là đối tượng của cách mạng cần phải chuyên chính. Mặc, không có giấy giới thiệu mẹ tôi vẫn cứ đi.
Nhưng lên được đến Hà Giang, chưa qua được đèo Quyết Tiến thì bị Công An theo dõi và bắt quay về Hà Nội.
Mẹ tôi đành viết thơ chọ tôi theo địa chỉ trên. Thế là tôi nhận được thư.
Thế ra mẹ tôi vẫn còn sống và tôi, tôi vẫn còn sống.
Cũng có một phần do mẹ tôi không chịu mất dấu vết của tôi, làm phiền họ, quấy rầy họ, mà trên bộ Công An chưa bật đèn xanh cho Ban giám thị trại xóa tên tôi trong danh sách tù nhân ở Cổng Trời này.
Đã có lần họ cho người giả làm tù ở cùng trại với tôi về báo tin là tôi đã chết. Nhưng mẹ tôi khăng khăng không tin. Mẹ tôi cứ làm tới, sấn tới, và điều đó phần nào đã cứu sống tôi.
Vả lại ở trên Cổng Trời này, đối với các bậc như Cha Vinh, cha Quế, tu sĩ Đỗ Bá Lung, tu sĩ Nguyễn Trung Chính tức Nhẫn, tôi là hạng bét so với các đấng bậc ấy nên mũi nhọn của cuộc tàn sát không chĩa vào tôi. Ban giám thị trại đem so tôi với các bậc thánh đó thấy rằng tôi là một phần tử tiến bộ trong số này.
Này nhé: Tôi không cầu kinh, không làm dấu thánh, không ăn chay trước lễ phục sinh. Không cần nghi lễ Giáng Sinh, thế là tôi chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Ban Giám thị rồi còn gì nữa.
Còn với các đấng bậc kia
Cấm cầu kinh, cứ cầu.
Cấm làm dấu thánh trước khi ăn. Cứ làm. Ngày lễ Giáng Sinh cứ nghỉ không chịu đi làm.
Và nhất là chuyện tôi cứ ăn không chịu tuyệt thực cùng các vị đó khi có lệnh cấm làm dấu thánh trước khi ăn.
Câu chuyện tuyệt thực xảy ra như sau: "...Đây là nhà tù, chứ không phải là nhà thờ của các anh, nên cấm mọi hành vi tôn giáo và tịch thu mọi thứ: thánh giá, kinh bổn, tràng hạt". Tịch thu thì được. Còn cấm thì hơi khó hơn, nếu không nói là không cấm được.
Cấm cầu kinh các vị ấy cứ cầu, vì làm thế nào mà biết các vị đang cầu kinh?
Ăn xong, rồi ngồi chơi nhìn nhau. Im lặng không nói chuyện, không đi lại, thế là cầu kinh đấy.
Chỉ có đêm đến, lệnh cấm ngồi là có hiệu lực, chứ ban ngày chả nhẽ lại cấm ngồi bắt nằm mãi sao.
Ban Giam Thị uất lắm!
Sau chuyện tu sĩ Đỗ Bá Lung, Chánh giám thị Nguyễn Quang Sáng tỏ ra quyết liệt hơn, cứng rắn hơn, dấn tới một bước nữa.
Cấm triệt để làm dấu thánh trước khi ăn cơm. Nhưng lần này thì Nguyễn Quang Sáng phải chịu thua.
"Ai cho các anh ăn?" chúng tôi. Chúng tôi cho các anh ăn chứ không có Chúa nào cho các anh ăn cả."
"Cấm cầu kinh, các anh vẫn lén lút cầu kinh vậy bây giờ trước khi ăn, tôi cấm các anh làm dấu. Các anh phải cảm ơn người cho các anh ăn. Đúng lắm, nhưng đó là chúng tôi đây chứ không có chúa nào hết.
Không có con mẹ Maria, thằng Jê su nào cả. Biết chưa?"
(Nguyên văn như vậy, tôi xin lỗi các vị phải viết đúng, không dám xuyên tạc, bịa đặt, báng bổ gì).
Và đến bữa ăn. Quản giáo đứng đó. Mọi lần thì cửa mở, chúng tôi bê cơm vào trong phòng. Đóng cửa lại. Chúng tôi chia nhỏ từng xuất một và ăn. Không có sự hiện diện của ai cả.
Nhưng hôm ấy, bê cơm vào, cửa vẫn mở, Quản Giáo đứng đó kiểm soát và nhắc lại lệnh cấm của Ban Giám Thị.
Tất cả, cả tôi, không ai phải bảo ai, không chia cơm ra ăn. Đứng mãi chán, Quản Giáo đóng cửa lại đi về.
Đến chiều, tù nhà bếp đến lấy thùng. Cơm canh vẫn nguyên. Cơm canh đều chia vào hai cái thùng gỗ to, chứ không chia thành một phần như ở xà lim.
Buổi chiều, đích thân Chánh Giám Thị xuống, mọi việc lại diễn ra đúng như buổi sáng. Mặt tái vì giận dữ. Nhưng làm thế nào mà bắt họ ăn cho được?
Không có khí thế hừng hực đấu tranh như những người Cộng Sản ở Sơn La, Côn Đảo tuyệt thực, không có hô khẩu hiệu, tất cả đều lặng lẽ ngồi im.
Không thể dùng lưỡi lê và sức mạnh để nhét cơm vào mồm họ được.
Họ không ăn, thế thôi. Không hò reo, không gõ bát, gõ đĩa, không ai diễn thuyết, kích động, yêu sách điều gì.
Im lặng, ai ngồi chỗ ấy. Giám thị Sáng đứng đó, không một ai thèm nhìn vào mặt ông ta cả. Tất cả đều quay mặt đi chỗ khác.
Giám thị Sáng đành phải ra về.
Đêm đến: Tôi đói không thể nào ngủ được. Đã một ngày trôi qua, và hai bữa không ăn. Suốt mười năm tù đầu tiên, tôi không bỏ một bữa cơm nào, ngoài hai bữa hôm ấy.
Chỉ có khi nào đến ngày giỗ người sinh ra tôi bị bắn chết, là tôi lặng lẽ khai ốm và báo cháo, vì tôi nghĩ: Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết.
Dạ dầy tôi là dạ dày thép, nó ngốn và nghiền nát tất cả mọi thứ mà đối với người khác bình thường, cùng tù với tôi cũng không kham nổi.
Sắn sống, khoai sống, ngô sống, om on sống, cả cây ngô non tôi cũng ăn được, khoai hà chỉ có ngỗng mới ăn, tôi cũng ăn được, khoai sọ tôi ăn cả vỏ, rong diềng ăn cả vỏ, có lần đi làm tôi lẩn vào ruộng trồng đỗ Mèo ních một bụng quả đỗ sống, chiều về say gần chết.
Ra suối tắm, quả vả mọc hoang tôi bứt ăn, cũng say gần chết.
Chỉ gần chết thôi chứ chưa chết hẳn. Ngất ngư lảo đảo thôi.
Sắn ăn say, ngày nào mà tôi chả say sắn, mà theo cái đầu óc ngu dốt của tôi chính có lẽ do say sắn triền miên mà tôi vẫn còn sống đến hôm nay.
Chả là rét quá, tôi bị sưng phổi. Cứ thấy ho, sốt, rồi tôi không dám nói láo cứ cúi xuống ngẩng lên là nghe trong phổi có tiếng óc ách...
Ở Cổng Trời không phải khai ốm, vì có còn khai với ai được. Ốm mặc, không có thuốc men gì hết.
Quản Giáo trực thấy tôi nằm ốm, hỏi làm sao. Hỏi để mà hỏi. Rồi thôi. Để đấy. Tôi cứ ăn sắn, say sắn. Và rồi khỏi. Mọi người: đều coi chuyện đó là chuyện thường tình.
Mãi đến khi về, năm 1970 tôi đi khám ở Bệnh viện A để kiểm tra phổi. Sau khi chụp X quang, kết luận: dầy dính màng phổi. Bác sĩ Kim hỏi tôi là tôi bị sưng phổi bao giờ và ở đâu hút cho.
Tôi trả lời là quên mất thời gian và chưa ai hút ra bao giờ. Bác sĩ Kim rất ngạc nhiên.
Qua chuyện trên, tôi đi đến kết luận là Acide Cyavidrique nghĩ thế, theo đầu óc ngu dốt của tôi thôi.
Ở Cổng Trời, khu nọ cách biệt với khu kia bằng một hàng rào bao quanh khu. Cấm liên lạc nhưng khi trả thùng cơm canh, thì đem đến một cái sân chung để nhà bếp tiện lên lấy. Có lần khu C: họ được mua sắn cải thiện để ăn thêm. Chả hiểu sao cả khu say, và chết đâu mất năm người.
Sáng ra, quản giáo trực vào thấy chết vì say sắn bèn ra lệnh tịch thu số sắn còn lại, cấm không cho ăn, và đem ra tập trung ở chỗ trả thùng cơm.
Hôm ấy đến lượt tôi bưng thùng ra trả. Tôi thủ ngay gối một thùng sắn luộc rồi dấu vào bụng đem về buồng ăn.
Cái vị tu sĩ bảo tôi: Họ ăn chết hàng loạt kia kìa, lấy về làm gì?
Tôi bảo: Họ có nhiều họ ăn mới chết! Chứ mình cứ củ một ăn, chết thế nào được. Và tôi ăn. Ăn củ một, thấy đắng quá thì thôi. Hơi say một chút chẳng sao cả. Và những chất say ở sắn đã làm tôi khỏi bệnh phổi, làm tôi no, và có thêm một hiện tượng là hai bên quai hàm tôi to bạnh ra. Say sắn có khổ nhưng không khổ bằng đói: tôi chọn cái ít khổ hơn.
Điều này là sự thật 100%, cứ ăn sắn nhiều là hai bên quai hàm to bạnh ra. Xin các nhà khoa học giải thích hộ cho. Kể lại với quý vị như thế, để quý vị biết tôi đói đến thế nào. Tôi đói lắm ấy!
12kg cả gạo cả sắn một tháng, với sức tôi cao 1m76 nặng 78kg và ba mươi tuổi thì các vị chắc cũng hiểu cho được.
Lại quay trở về với câu chuyện tuyệt thực. Thế là qua một ngày và hai bữa không ăn.
Tôi xin phép được nhắc lại, mười năm tù đầu tôi không nhịn bữa nào ngoài hai bữa cơm tuyệt thực đó, và tất nhiên là tôi đói lắm.
Ở trong Mein Kamp (Cuộc Chiến Đấu Của Tôi) Hitler viết: "Cái đói nó theo tôi như một cái bóng..." tôi xin thêm: Nó hành hạ tôi khổ sở nữa.
Tối hôm đó, đã hơn chín giờ mà tôi không thể nào ngủ được, cứ dở mình trằn trọc.
Tu sĩ Chính tức Nhẫn ở xứ Trung đồng Thái Bình, nằm cạnh tôi khỏi khẽ:
"Đói không ngủ được à."
"Vâng, đói lắm không ngủ được."
"Vậy, có lẽ mai Vĩnh cứ ăn đi. Tôi sẽ đứng ra chia cơm để Vĩnh ăn nhé."
"Tôi, xin thưa rằng, phần xác tôi nặng, nặng lắm nhưng cơ thể tôi lúc đó thì rất nhẹ. Tôi cân nặng 49kg.
Tôi gầy đến "lõ đít" ra. Tôi xin phép được dùng từ này, vì đúng là tôi gầy đến như vậy. Những lúc ngồi chơi, hoặc luyện yoga tôi nhìn xuống đùi, đầu gối ống chân đều trơ xương ra khẳng khiu khô khắc.
Trước đó ít hôm ra khênh cơm vào, có một anh bạn ở nhà bếp nhìn thấy tôi ra hiệu bằng cách lấy hai bàn tay vuốt vào hai má, chúm cái miệng lại ra cái điều là gầy quá má hóp, vêu miệng.
Tôi cũng biết vậy, tôi yếu lắm rồi, tay nắm không chặt, hai bàn tay xoa vào nhau như sự cọ sát của hai thanh củi khô, không có cái mềm mại của da thịt. Ở Cổng Trời này không có gương để soi, xem mặt mũi hình hài của mình nó ra sao. Mỗi lần cắt tóc, quản giáo đưa cho một cái tông đơ, cắt cả tóc lẫn râu thế thôi không có gương lược, dao kéo gì. Có lần muốn nhìn cái bản mặt mình, tôi đã bắt chước Nguyễn Tuân đái một bãi xuống đất rồi soi mặt mình vào đó. Nào có thấy rõ chó gì đâu mà cái nhà ông Nguyễn chỉ nói ngoa ngôn, phóng đại xui dại anh em thôi.
Vì gầy thế, nên hai cái mông teo lại, cái xương cùng nó thò dài ra, khi đi ngoài, chùi nó chạm đâm vào tay mình.
Chính lúc ấy tôi mới cảm nhận thấy hết cái từ gầy lõ đít.
Mười năm tù, lúc nào tôi cũng ước ao có một bữa no, thèm muốn làm sao mà được ngồi trước nồi cơm nóng bốc hơi nghi ngút, muốn ăn bao nhiêu thì đơm bấy nhiêu, và có đầy một bát muối để ăn cho mặn. Cả muối tôi cũng thèm nhạt. Chỉ có một ước muốn đơn sơ ấy, thế mà suốt trong 10 năm tù lần thứ nhất ngay cả ở các trại dưới tôi cũng không đạt được nói chi nữa là ở trại Cổng Trời này.
Tất cả các nhà tù của Cộng Sản miền Bắc mà tôi đã đi qua và sống ở đó đều đói và có thể chết đói được.
Khi còn ở trại Bất Bạt Sơn Tây, tôi ở toán kiên giam, biệt lập: phải xay lúa giã gạo ở khu biệt lập kiên giam này, tôi nhớ tới phim "Samson và Đalila" anh chàng Samson mù quay cối xay. Chúng tôi cũng vậy. Rào kín và hẹp chả nhìn thấy gì ở ngoài cả. Chế độ ở kiên giam Bất Bạt cũng học đòi cách quản lý và đối xử với tù của Cổng Trời, nhưng mà là học trò hạng bét.
"Cũng tù hình sự đem cơm đến để đấy rồi chạy."
"Cũng không được ra khỏi khu cấm!"
Nhưng vẫn còn được viết thư về nhà và còn được gặp và nhận đồ tiếp tế của người nhà đi thăm nuôi.
Chứ ở trại Cổng Trời Cắn Tỷ không một ai được thăm nuôi. Không một ai trong suốt thời gian bảy năm tôi ở đó.
Khi đói, tôi kêu. Tôi kêu đến nỗi Quản Giáo phụ trách Giáo dục tên là Kích người liên khu năm Bình Định đi tua nghe thấy, gọi tôi ra ngoài lục vấn, lên lớp và đe dọa tôi:
"Anh Vĩnh, anh định kích động mọi người, phải không. Cẩn thận. Không có lại đi suốt đấy."
"Thưa ông, tôi đói thật, ông ạ. Phàm cái gì uất ức, đau khổ quá cũng phát ra thành tiếng. Có thế thôi.
"Thứ tôi mà đi kích động hở ông. Vả lại tôi là một sĩ quan chiến đấu, võ biền. Ông xét xem, tôi sẽ kích động được ai trong số những tu sĩ ở cùng với tôi trong buồng. Tôi nói rất thật, để chứng minh điều đó ông làm ơn súc cho tôi một bát cám lợn kia tôi sẽ ăn hết ngay trước mặt ông cho ông xem (Chả là chỗ nói chuyện gần chỗ nuôi lợn của nhà bếp mà)."
Chừng quản giáo Kích cũng hiểu ra, nên không trấn áp tôi thêm nữa cho tôi trở về buồng.
Trên đường về đi qua dàn su su, quả mới bé bằng ngón tay cái, tôi vốn cao, nên với tay vặt ngay lấy dăm bẩy quả đút túi về ăn sống.
Trần Liệu bảo tôi: "Được ra khỏi buồng, bất cứ cái gì động đậy đều vồ lấy ăn hết, chỉ trừ khi vồ nó mà nó kêu "Ối giời ôi" thì chịu không ăn mà thôi".
Hắn ăn dun, ăn dế, ăn gián, ăn cả trứng con bọ hung nữa...
Chúng tôi cười với nhau.
Trần Liệu cũng đói lắm? Hắn to con gần bằng tôi và vốn là đồ tể Quỳnh Lưu Cầu Giát, rất thích ăn tiết canh "me" (bê non)
Nhưng tôi cũng phải phục hắn; thế mà hắn cũng chịu được hai ngày liền theo các đấng bậc tu sĩ đấy.
Hắn là con chiên cực kỳ ngoan đạo. Ông Chính bảo tôi: "Mai tôi sẽ chia cơm để Vĩnh ăn. Vĩnh cứ ăn đi. Không sao cả. Có gì tôi sẽ nói với anh em trong phòng để họ cảm thông trường hợp của Vĩnh."
Tu sĩ Chính là người có uy tín nhất ở trong số tu sĩ còn lại đó.
Tôi im lặng. Đối với ông, tôi có một món nợ lớn lắm! Lớn lắm mà không bao giờ có thể trả được.
Tôi vốn có duyên nợ nhiều với đất Thái Bình và ông, ông là người sinh ra ở đó và tu ở đó. Tôi và ông có rất nhiều điểm tương đồng. Ông hay nói chuyện với tôi lắm.
Tôi ở với ông từ ngày đầu đi tù, từ trại Bất Bạt Sơn Tây lên ở khu A Cổng Trời, ở cho đến lúc ông bị gọi đi chết.
Những năm 50, ở Thái Bình tôi có may mắn gặp Đức Giám mục người Tây Ban Nha coi sóc địa phận, cha Chính, cha Trụ ở thị xã, rồi các cha ở Sa Cát, Phương Xá, Bái Bồ Trung, Phù Lưu (ngã ba Đọ), Cao Mái. Tôi hành quân giải vây cho các nhà thờ bị vây hãm.
Tóm lại tôi có nhiều kỷ niệm đẹp về các xứ đạo ở đó lắm.
Tôi nói chuyện vói tu sĩ Chính về các kỷ niệm xưa đó, hai ngươi rất tâm đầu ý hợp.
Thấy tôi kêu la nhiều. Có một hôm, tu sĩ Chính ốm, ốm ở đây ít ai bỏ ăn. Ở Cổng Trời, ốm phải không? Tốt. Tốt lắm! Nếu ốm chết thì hay quá: Khỏi phải giết! Đỡ mệt hơn.
Hôm ấy tu sĩ Chính bỏ ăn. Ông rất ít khi ốm, từ Bất Bạt tôi thấy ông không ốm bao giờ tuy rằng ông rất gầy và xanh. Nhưng sự chịu đựng gian khổ, đầy đọa của ông thì tôi phải ngã mũ kính cẩn vái chào.
Lúc nào cũng ôn tồn, nhỏ nhẹ, điềm tĩnh cười nói như không cho dù có điều gì xảy ra.
Tôi còn mấy viên thuốc cảm, đưa ông dùng ông bảo không sao đâu. Chỉ có miệng ông đắng và bụng ông nó không ổn, thế thôi. Buổi chiều qua đi ông cũng bỏ cơm. Chúng tôi thường ăn vào độ ba, bốn giờ chiều. Cấm mọi hình thức nấu nước đun lại. Với chúng tôi chín giờ đêm là khuya rồi. Tu sĩ Chính lay tôi dậy và bảo:
"Vĩnh ăn hộ tôi đi, chứ để mai thiu, bỏ đi. Phí của lắm."
Tại sao tôi lại có thể ăn xuất cơm của tu sĩ Chính như thế được chứ. Tôi từ chối: Tu sĩ cố ăn đi chứ?
"Thật tình tôi đắng miệng lắm, và bụng tôi nó nóng như lửa, quặn đau lắm, không thể ăn được. Vĩnh ăn hộ tôi đi."
Không để đến mai thì phải đổ đi mất! Họ có cho đun đâu mà bảo nấu lại được.
"Ăn đi. Ăn hộ tôi, khỏi phí. Vĩnh ạ."
"Nếu Vĩnh không ăn, sáng mai nhà bếp nó lên nó lấy đồ cho lợn thì uổng lắm Vĩnh ạ. "
Tôi nghĩ thấy đúng như ông nói. Ở các trại dưới, cơm có thể phơi khô để dành. Chứ còn ở đây, thì chỉ còn có đổ xuống nhà bếp cho lợn ăn mà thôi.
Thế thì tại sao lại cho lợn ăn nhỉ? Trong khi ấy tôi đói, tôi đói lắm, tôi thèm lắm. Tôi thấy thế và nghĩ đúng như thế.
Lúc đó đã là 10 giờ đêm rồi:
Thế là tôi ăn hai xuất cơm đó, các vị đọc tới đây, tất có vị sẽ chửi rủa tôi. Xin các vị cố hiểu mà đánh chữ đại xá cho.
Tôi ăn, ăn cả hai xuất cơm canh trong nháy mắt và nằm ngủ.
Ngủ yên và say cho đến sáng. Lâu lắm tôi mới được "sínđề" và được một bữa tương đối.
Cám ơn tu sĩ Chính tức Nhẫn. Cám ơn nhiều.
Sáng hôm sau, như thường lệ, mọi người và cả tu sĩ Chính dậy sớm cầu kinh và ông bảo tôi ông thấy đỡ nhiều. Chỉ đến chiều hôm ấy, tôi đã hiểu ra là tu sĩ đã nhịn cho tôi ăn.
Cám ơn ông. Cho đến tận hôm nay ba mươi năm trôi qua tôi vẫn còn món nợ đối với ông mà không thể nào trả được.
Chỉ còn biết cầu Chúa, để Chúa biết đến sự hy sinh cao cả của ông, đến sự vất vả nhọc nhằn của ông khi ông vác cây thánh giá của Chúa theo Chúa đến chết.
Cầu sao cho linh hồn ông được tới thiên đàng.
Sáng hôm thứ hai của sự tuyệt thực, tù lại khênh cơm lên.
Quản giáo lại đứng đấy để giám sát. Không ai nhúc nhích gì. Không ai ăn cả, kể cả tôi. Lúc ấy tu sĩ Chính đứng dậy cầm bát chia cơm canh của tôi ra cái thùng gỗ của nhóm năm người, tôi vẫn ăn cùng với tu sĩ. Tu sĩ Chính xúc vào bát của tôi, cơm canh đầy đặn và lặng lẽ bê đến trước mặt tôi.
“Đây phần của anh, anh ăn đi” và về ngồi lại ở chỗ mình.
Một lần nữa tôi lại xin các vị cố hiểu cho tôi và bỏ qua cho tôi.
Tôi không theo đạo Thiên Chúa và không làm dấu thánh bao giờ.
Tôi ăn. Hà tất gì tôi lại nhịn không ăn. Không có điều gì thúc đẩy buộc tôi bắt tôi không ăn cả.
Tôi nghĩ đúng như vậy.
Nhân cơ hội ấy. Quản Giáo bèn lên tiếng:
“Đấy các anh thấy không? Anh Vĩnh, anh ấy ăn cơm không cần làm dấu thánh. Có sao đâu nào. Anh ấy vẫn ăn được một cách ngon lành, thế thì tại sao các anh lại không ăn?
Các anh là đồ ngu dốt, cuồng trí, dại dột dám chống lại Đảng và Chính phủ.
Rồi các anh sẽ biết.”
Không một tu sĩ nào trả lời đáp lại.
Có tôi lên tiếng:
"Xin lỗi ông, chắc ông đọc lý lịch của tôi thì ông đã rõ, tôi không theo đạo nào cả? Phật không, chúa cũng không, mà lệnh của các ông thì chỉ có cấm làm dấu thánh trước khi ăn mà thôi. Tôi, tôi từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa làm dấu thánh bao giờ. Vì vậy tôi ăn có thế thôi."
Đứng cho đến lúc tôi ăn xong. Quản giáo thấy trơ trẽn quá, quay gót khóa cửa ra về.
Đến buổi chiều không thấy mặt ai cả. Cả Giám thị, cả Quản giáo cả lính coi tù.
Tu sĩ Chính đứng dậy chia cơm cho một mình tôi. Tôi ăn.
Các đấng bậc và kể cả T.H Liệu cũng không ăn.
Hai ngày trôi qua.
Sáng hôm thứ ba tù khênh các thùng cơm canh nguội lạnh còn nguyên xuống nhà bếp và rồi lại khênh lên với cơm canh mới hãy còn nóng.
Không có ai đi kèm.
Ban Giám thị không.
Quản giáo không.
Khênh cơm canh vào buồng. Khóa cửa lại.
Chia đều.
Và các đấng bậc tu sĩ lại làm dấu thánh trước khi ăn.
Chẳng ai cười cợt, nói năng, hát hò, reo vui gì trước cuộc đấu tranh đã dành được thắng lợi lẫy lừng và vang dội đó (như các bài báo của Cộng Sản mà tôi đã đọc riết về các cuộc tuyệt thực của họ cả)
Và cuộc sống của chúng tôi lại lặng lẽ trôi như thế cho đến khi tôi được về và các vị còn lại chết hết.
1/8 Âm lịch năm 1994
Kiều Duy Vĩnh
Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012
Mặc Lâm - Chính sách kềm chế phải chăng đã lỗi thời?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Trong những ngày đầu tháng 7 Trung Quốc lại liên tiếp bắt giữ 6 tàu đánh cá của ngư dân VN hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN bất chấp những nỗ lực dàn xếp của quốc tế trên vấn đề Biển Đông.
Tàu đánh cá vừa đánh bắt về cặp bến Cảng cá Kỳ Hà - Quảng Nam hôm 05/07/2011. - RFA PHOTO
Trong khi đó hàng chục tàu cá của họ xâm nhập trái phép vào vùng biển Trường Sa của Việt Nam lại được Việt Nam cảnh báo và thả ra. Tình trạng này cho thấy chính sách nhún nhường ngày một khiến Việt Nam sa lầy vào khủng hoảng khi tiếp tục tỏ ra hòa hiếu với một nước chỉ biết lấy sức mạnh làm đầu. Mặc Lâm có thêm chi tiết sau đây.
Khi nói tới ngư dân Lý Sơn, người Việt khắp nơi nghĩ ngay đến những con tàu khốn khổ bị Trung Quốc rượt đuổi, truy bắt, cướp bóc lương thực, xăng dầu, ngư cụ còn con người thì bị bắt đem về Phú Lâm giam giữ chờ ngày nhận tiền chuộc gửi qua từ Việt Nam mới được trở về sum họp với gia đình.
Ngư dân tiếp tục bị săn đuổi
Kịch bản này lập đi lập lại hàng năm nhất là vào thời điểm vùng biển Hoàng Sa gió lặng sóng êm, khi luồng cá tập trung nhiều từ tháng 3 tới tháng 10. Bất kể nguy hiểm rình rập ngư dân vẫn kiên trì bám biển vì đó là miếng cơm manh áo của họ. Cái giá phải trả cho từng con người dưới đầu sóng ngọn gió này thường thường vượt quá sự chịu đựng của họ so với thu nhập mà mỗi chuyến ra khơi đem lại.
Một người Việt gốc Pháp là ông André Menras đã về tận Lý Sơn để phỏng vấn nhiều gia đình ngư dân mất chồng mất cha khi đánh cá tại vùng biển Hoàng Sa, cho chúng tôi biết cảm nhận của ông về những mất mát này:
“Tôi đã phỏng vấn rất nhiều người ở đảo Lý Sơn, Bình Châu về những chuyến đi ra biển đầy gian nan của chồng con họ. Có gia đình bây giờ không còn ai chăm sóc và chị vợ phải vừa làm mẹ vừa làm cha. Ông chồng chết vì Trung Quốc bắn và xác mất luôn không tìm ra. Nhiều gia đình rất đau khổ vì không thể kiếm ăn trên vùng biển Hoàng Sa là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã sai lầm khi lấn lướt Việt Nam một cách lộ liễu như vậy. Họ đang tiến vào một con đường không lối thoát nếu tiếp tục bạo động như vậy. Điều này làm cho người dân trong và ngoài nước thấy dã tâm của họ không bao giờ thật sự muốn hòa bình như họ tuyên bố. Tôi nghĩ rằng nếu nhà nước Việt Nam có một người lãnh đạo xứng đáng thì phải hết sức bảo vệ ngư dân. Có nghĩa là khi ngư dân của mình gặp tai nạn do Trung Quốc gây ra ở vùng Hoàng Sa thì phải có một chế độ đặc biệt cho gia đình của họ.”
Một phụ nữ tại Lý Sơn có chồng và hai con cùng hành nghề cá trên vùng biển nguy hiểm Hoàng Sa cho biết hoàn cảnh làm ăn của chồng con chị:
“Gia đình vất vả lắm vì đi biển không được. Ông xã đi thì không gặp tàu Trung Quốc nhưng hai đứa con thì bị tàu nó dí hoài. Cũng may là nó dí thì mình chạy chớ nó không đánh không lấy đồ gì. Nhà nước thấy mình khổ làm ăn thất bại nên cũng quan tâm hỗ trợ cho mình xoay sở qua ngày chớ còn bảo vệ thì phải bảo vệ chớ.
Xem TV truyền hình thì thấy họ bảo là kêu gọi tàu thuyền cho người ra giữ nhưng bọn em có ra đó đâu mà biết.”
Hoàng Sa vẫn trong trái tim Việt
Tàu ngư chính của Trung Quốc đang bắt tàu cá Việt Nam, ảnh chụp trước đây. File photo.
Hoàng Sa mặc dù bị Trung Quốc chiếm từ năm 1974 nhưng người Việt chưa bao giờ bỏ qua nhóm đảo này trong tâm trí. Mặc dù nỗ lực chứng minh với thế giới về tính lịch sử của quần đảo Hoàng Sa đương nhiên thuộc chủ quyền của Việt Nam từ hàng trăm năm qua nhưng nhà nước có vẻ bị bế tắc trong thế cờ lấn áp của Trung Quốc khi Bắc Kinh liên tục tấn công, bắt giữ, tịch thu mọi tài sản giá trị của ngư dân Việt khi họ đánh bắt cá trong vùng biển mà trước đó không một tàu cá nào của Trung Quốc biết tới.
Cảnh sát biển của Việt Nam tuy được thành lập nhưng chưa bao giờ có mặt tại khu vực Hoàng Sa để trợ giúp ngư dân trong lúc họ lâm vào tình thế hiểm nghèo. Điều dễ hiểu vì hiện nay Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở hạ tầng trên khu vực Hoàng Sa trong đó phương tiện quân sự được nâng cấp hàng năm và từ vị trí chiến lược này họ sẵn sàng tạo một cuộc chiến mới với Việt Nam nếu tàu quân sự của Hà Nội đi vào vùng biển do họ trấn áp.
Tình thế này khiến Việt Nam không thể làm gì khác ngoại trừ lên tiếng chống đối qua người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Hỗ trợ một số tiền cho ngư dân gặp nạn, sau đó khuyến khích họ bám biển mưu sinh và cũng là cách khẳng định với thế giới rằng vùng biển Hoàng Sa là của Việt Nam.
Một cán bộ cao cấp làm việc trong Hội Nghề cá Quảng Ngãi không muốn nêu tên cho biết:
“Việc ngư dân Quảng Ngãi ra Hoàng Sa, ra các ngư trường Biển Đông thì từ trước tới nay đó là truyền thống đánh bắt của ngư dân Quảng Ngãi rồi bây giờ Trung Quốc nó gây hấn xua đuổi ngư dân Quảng Ngãi cũng như các tỉnh khác là hoàn toàn sai trái. Chúng tôi vẫn động viên ngư dân bám biển chứ không bỏ biển được vì đây là ngư trường sinh nhai của người ta dĩ nhiên là chúng tôi cũng cùng với các cơ quan chức năng khác có hỗ trợ cho họ. Ngư dân tất nhiên không thể nào nghỉ được. Chúng tôi cũng không thể bảo ngư dân là ngưng sản xuất vì như thế thì lấy gì mà sống. Trung Quốc như vậy thì các cơ quan trách nhiệm của Việt Nam sẽ có biện pháp bằng ngoại giao hay gì đó để phản đối Trung Quốc.”
Cách hành xử bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong một thời gian dài cho thấy chính sách nhịn nhục, kềm chế của Hà Nội đối với Bắc kinh là vô ích nếu không muốn nói ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Việt Nam càng lùi bao nhiêu thì Trung Quốc càng lấn tới bấy nhiêu. Sự chịu đựng vô giới hạn không phải là giải pháp vì cơn khát dầu của Trung Quốc là vô tận.
Ai bảo vệ ngư dân?
Đâu đó đã có những trách cứ về chính sách giống như hình thức “đem con bỏ chợ” này. Người dân là máu thịt của một quốc gia vì vậy họ phải được bảo vệ bởi chính phủ dù chính phủ đó theo bất cứ chính thể nào. Nếu không thể sử dụng phương tiện quân sự để bảo vệ cho họ thì phải công khai lên tiếng với thế giới về những hành vi ngang ngược của Trung Quốc và chấp nhận giải pháp cảnh báo ngư dân về những nguy hiểm mà họ phải chịu nếu hành nghề trong khu vực bị Trung Quốc cưỡng chiếm.
Khuyến khích ngư dân hành nghề trong vùng biển bị xâm lược mà không cung cấp một phương tiện bảo vệ nào cho họ là đi ngược lại với Hiến pháp. Quân đội Nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước đã không làm tròn trọng trách mà người dân tin tưởng. Lý do tiềm ẩn thế nào đi nữa cũng không thể dùng ngư dân như một tấm khiên khẳng định chủ quyền nếu không cùng lúc có các biện pháp đủ mạnh để bảo vệ cho họ.
Hai nữa phải cho Trung Quốc thấy quyết tâm của Việt Nam khi các tàu đánh cá của họ xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Không thể để tàu đánh cá của họ ngang nhiên tiến vào khu vực Trường Sa của Việt Nam để khi bị phát hiện thì chỉ biết cảnh cáo rồi sau đó để họ nhởn nhơ ra về rồi tìm cơ hội quay lại.
Nếu tàu cá Trung Quốc bị bắt, bị xử phạt theo đúng luật quốc tế thì sự thể đã khác. Trung Quốc sẽ mất cơ hội tuyên truyền tàu của Việt Nam xâm phạm vùng biển của họ và họ phải đối xử với tàu cá Việt Nam như Việt Nam đã đối xử với tàu cá Trung Quốc. Để làm được điều này Việt Nam phải công khai mức phạt theo thông lệ quốc tế và cho truyền thông thế giới biết để họ có căn cứ so sánh cách đối xử của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam và ngược lại.
Ngư dân mua bán cá vừa đánh bắt về tại Bến Cá Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi hôm 05-07-2011. RFA PHOTO.
Hai nữa Việt Nam có thể chứng minh cho các nước trong khu vực thấy rằng mình có cơ sở pháp lý vững chắc và cương quyết bảo vệ chủ quyền bất kể Trung Quốc mạnh đến cỡ nào. Sự cứng rắn của Việt Nam sẽ khiến Philippines mạnh mẽ hơn nữa mặc dù ý chí của họ đã tỏ ra đủ mạnh để chống lại con sói háu ăn Trung Quốc.
Việt Nam không thể tiếp tục im lặng và nhún nhường hơn vì Trung Quốc đã chính thức phát động một chiến dịch ào ạt trên báo chí trong nước cỗ vũ cho sức mạnh quân sự và dân tộc tính của họ nhằm chống lại Việt Nam. Hà Nội chưa có được hành động tương ứng vì cái bóng của Bắc Kinh bao trùm toàn bộ nhuệ khí của nhiều cấp lãnh đạo khi nghĩ rằng một cuộc chiến với Trung Quốc sẽ khiến Việt Nam mất tất cả chứ không được lợi gì.
Luôn sống trong sợ hãi?
Gia đình vất vả lắm vì đi biển không được. Ông xã đi thì không gặp tàu Trung Quốc nhưng hai đứa con thì bị tàu nó dí hoài.
Một ngư dân
Người ta quên rằng chính không làm gì cả thì Trung Quốc mới có cơ hội lấn dần vào bờ mà không cần một cuộc chiến tranh nào. Hãy yên lặng quan sát một cách tỉ mỉ sẽ thấy cuộc tấn công không tiếng súng đã có từ lâu khi con đường tiểu ngạch giữa biên giới Việt Trung mở ra đã khiến doanh nhân trong nước lần hồi kiệt quệ. Hàng hóa độc hại tràn vào chiếm lĩnh thị trường, thương nhân Trung Quốc tung hoành khắp nước và đất đai nằm trong tay họ là bao nhiêu cho tới giờ không một cơ quan chính quyền nào biết rõ.
Chính sách hòa hiếu một chiều với Trung Quốc đã lộ ra tử huyệt. Báo chí nhiều lần cảnh báo rằng chính sách này được một số giới chức cất công bảo vệ với lý do vì sự yên bình của đất nước thì ít mà cho sự an toàn của tài sản, bổng lộc, quyền bính của họ thì nhiều. Bảo vệ chủ quyền quốc gia không phải bằng sự hòa hiếu là đủ, nó cần nghiêm khắc áp dụng luật pháp của quốc gia để cho kẻ mạnh thấy rằng sức mạnh quân sự không phải là tất cả bởi cộng đồng thế giới không phải lúc nào cũng im lặng đứng nhìn nước lớn lộng hành, ngang ngược và áp bức một nước nhỏ hơn.
Việt Nam không phải là Tây Tạng và lại càng không phải Tân Cương để Trung Quốc tự cho phép Hán hóa. Tuy nhiên nếu vẫn còn tin rằng kế sách kềm chế hiện nay là kế sách duy nhất thì hiểm họa tằm ăn dâu sẽ biến Việt Nam mất dần chủ quyền một cách âm thầm nhưng chắc chắn.
Phải chăng đã đến lúc cần xem xét lại một cách cẩn trọng sự hòa hiếu để thiết lập một chính sách khác tuy không căn cứ trên sức mạnh quân sự nhưng dựa vào tình hình mới và nhất là sự trở lại của Hoa Kỳ để cùng với các nước trong khu vực cài răng lược tạo thành lá chắn chặn lại bớt cơn hung bạo của Trung Quốc trước khi quá muộn.
Nguyễn Hưng Quốc - Những giọt nước mắt trong văn học
Nguyễn Hưng Quốc
Viết xong bài “ Cái hèn và cái khổ của giới cầm bút Việt Nam”, tôi lại sực nhớ đến cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản 1945-90 của tôi vốn được nhà Văn Nghệ ở California xuất bản vào năm 1991, sau, tái bản vào năm 1996. Cuốn sách đã tuyệt bản, tôi lại lười, không nghĩ đến chuyện in lại. Vả lại, cũng không còn thích mấy nữa. In lại, cần bổ sung nhiều. Nhưng tôi lại quá bận với các đề tài mới hơn là một cuốn sách đã cũ.
Chỉ xin trích lại dưới đây đoạn kết trong cuốn sách ấy. Trong đó, tôi có nhắc đến những giọt nước mắt của nhà văn đàn anh mà Nguyễn Minh Châu đã kể trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” để tặng quý bạn nào chưa đọc cuốn sách ấy:
“Theo dõi nền văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản, từ năm 1945 đến nay, người ta dễ thấy, những tác phẩm tương đối thành công của họ đều thuộc một trong hai chủ đề: hoặc thể hiện lòng yêu nước hoặc thể hiện khát vọng tự do, dân chủ.
Những tác phẩm mang chủ đề thứ nhất xuất hiện chủ yếu trong hai giai đoạn: giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và giai đoạn gọi là “chống Mỹ cứu nước”. Đặc điểm của cả hai giai đoạn: chiến tranh.
Những tác phẩm mang chủ đề thứ hai xuất hiện chủ yếu trong hai giai đoạn: giai đoạn cộng sản củng cố quyền bính ở miền Bắc sau Hiệp định Genève và giai đoạn cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, trở thành kẻ thống trị độc tôn trong cả nước sau năm 1975. Đặc điểm của cả hai giai đoạn: hoạ độc tài.
Sự xuất hiện của hai chủ đề trên, như vậy, có tính chất chu kỳ, gần gần như là một quy luật: cộng sản chỉ có thể tập họp, động viên tinh thần của giới cầm bút trong hoàn cảnh có chiến tranh; đến lúc tiếng súng đã tắt, hoà bình trở lại, ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc hoặc thống nhất đất nước rơi xuống, cộng sản hiện nguyên hình là một bạo chính, giới cầm bút lại trở thành những kẻ phản kháng, ào ạt lên tiếng đòi hỏi tự do và dân chủ.
Một điều cần để ý: cả lòng yêu nước lẫn khát vọng tự do, dân chủ đều là những yếu tố có tính chất phi xã hội chủ nghĩa. Là một chế độ chuyên chính, cộng sản không những không dung hợp mà còn, hơn nữa, thù nghịch với tất cả những khát vọng tự do, dân chủ. Là một ý thức hệ đặt căn bản trên tinh thần giai cấp và tinh thần quốc tế vô sản, cộng sản chỉ coi lòng yêu nước là một chiêu bài, dần dần sẽ bị triệt tiêu.
Do đó, suốt mấy chục năm qua, nhà cầm quyền cộng sản không ngừng can thiệp để, một là, ngăn chận dòng văn học thể hiện khát vọng tự do, dân chủ; hai là, làm lệch hướng dòng văn học thể hiện lòng yêu nước bằng cách gắn liền khái niệm yêu nước với khái niệm yêu chủ nghĩa xã hội.
Chính vì thế, cộng sản không những chỉ trấn áp những người cầm bút khát khao tự do, dân chủ mà còn, một cách kín đáo, trù dập cả những người cầm bút chỉ khăng khăng yêu nước, không thừa nhận khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” do cộng sản đưa ra. Nắm bắt điều này, chúng ta hiểu được tại sao cộng sản cố đẩy vào bóng tối những tài năng cao ngất và những tấm lòng sáng vằng vặc như Hồ Dzếnh, như Quang Dũng, như Văn Cao… Những người không chống lại cộng sản nhưng cũng không chịu đồng nhất tổ quốc với một thể chế chính trị nào.
Bởi vậy, sẽ là một sự lừa bịp trơ trẽn, nếu có ai đó tuyên dương thành tựu của nền văn học cộng sản bằng cách căn cứ vào sự thành công của một số tác phẩm, một số tác giả yêu nước hoặc ước mơ tự do và dân chủ. Lý do đơn giản là, những tác giả ấy, những tác phẩm ấy hoàn toàn nằm ngoài quỹ đạo của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Ngược lại, cũng sẽ là một bất công to lớn, nếu có ai đó gộp chung các nhà văn, các nhà thơ yêu nước, yêu tự do và yêu dân chủ vào thế giới văn học cộng sản để phê phán, đả kích và phủ nhận: họ không phân biệt thủ phạm và nạn nhân.
Cái gọi là văn học cộng sản, thật ra, không phải là một cái gì thuần nhất. Nó có sắt, có thép, nhưng cũng có nước mắt nữa. Nó inh ỏi những tiếng gào thét giết người hung tợn. Nhưng nó cũng có cả những tiếng khóc thầm.
Làm sao chúng ta có thể cầm lòng được trước cái hình ảnh mà Nguyễn Minh Châu kể, một nhà văn đàn anh nào đó, nhiều người đoán là Nguyễn Tuân, nâng ly rượu lên trước đám đàn em, vừa cười vừa khóc, nước mắt cứ tuôn rơi lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng?
Ở Việt Nam, từ năm 1945 đến nay, dưới chế độ cộng sản, đã có bao nhiêu giọt nước mắt như thế đổ xuống trên nền đất đen đặc bóng tối?”
(Trích từ cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản, 1945-1990, nxb Văn Nghệ in lần thứ hai, 1996, tr. 369-371)
Chứng nhân nhà tù ‘Cổng Trời’ Kiều Duy Vĩnh qua đời
Lời tòa soạn DĐTK
Vào những năm cuối của thập niên 1990, tạp chí Thế Kỷ 21 đã có đăng một số các hồi ký tù đày của ông Kiều Duy Vĩnh, được chuyển một cách đặc biệt từ Việt Nam đến tòa soạn tại Little Saigon, Nam California. Đây là những văn liệu hiếm hoi mô tả bộ mặt thực ghê rợn của chế độ lao tù tại miền Bắc trước năm 1975 được hé lộ qua những bài ký xác thực với lối viết bình dị nhưng rất lôi cuốn.
Một số năm sau Tòa soạn Thế Kỷ 21 lại có cơ hội gặp gỡ ông Kiều Duy Vĩnh trong chuyến Mỹ du của ông, nhờ đó quan hệ giữa người cộng tác và tờ báo trở nên cụ thể và khắn khít hơn.
Được tin ông qua đời, những người bạn cũ đã từng quen biết ông tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ: Đinh Xuân Quân, Kiều Quang Chẩn, Phạm Phú Minh xin thành kính gửi lời chia buồn cùng tang quyến và cầu chúc linh hồn ông được sớm an nghỉ nơi nước Chúa.
Mời bạn đọc theo dõi dưới đây bài viết của báo Người Việt khi hay tin ông Kiều Duy Vĩnh qua đời.
*
HÀ NỘI (NV) - Ông Kiều Duy Vĩnh, một trong những tù nhân nhân chứng của nhiều nhà tù nổi tiếng “địa ngục trần gian” trong chế độ Cộng Sản, vừa mới qua đời.
Cha Ða Minh Vũ Quang Mỹ, chính xứ Tư Ðình, đang trao nến sáng cho ông Vĩnh. (Hình: Nữ Vương Công Lý)
“Gia đình thân tộc, bạn bè vừa cho biết tin ông Phao lô Kiều Duy Vĩnh đã được Chúa gọi về lúc 4 giờ chiều ngày Thứ Bảy ngày 7 tháng 7 năm 2012. Thánh lễ an táng cử hành lúc 10 giờ sáng nay 9 tháng 7, 2012 tại nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm. Thánh lễ an táng do Linh Mục Ða Minh Vũ Quang Mỹ chủ sự.”
Bản tin của Nữ Vương Công Lý hôm Thứ Hai 9/7 cho hay như vậy.
Ông Kiều Duy Vĩnh, 81 tuổi, cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An, cùng một khóa Võ Bị Ðà Lạt với ông Nguyễn Cao Kỳ. Khi đất nước chia hai năm 1954, ông là đại úy tiểu đoàn trưởng nhảy dù có nhiều chiến công nhưng đã quyết định ở lại miền Bắc vì vấn đề gia đình. Cha ông bị đấu tố, tử hình vì bị quy cho tội địa chủ. Còn ông thì bị đi tù ít nhất hai lần chính thức, tổng cộng 17 năm.
Nếu ông theo đơn vị di cư vào Nam, có thể quân đội VNCH đã có một tướng lãnh tên Kiều Duy Vĩnh.
Các năm tù đày được ông kể lại trong các hồi ký (phần lớn đăng tải trên tạp chí Thế Kỷ 21 nhiều năm trước) viết khá vắn tắt nhưng những ai đọc khó tránh khỏi xúc động. Sự độc ác dã man đến cực độ của bọn cai tù Cộng Sản, sự can đảm cực độ của các tù nhân dù là giáo dân cho đến tu sĩ, linh mục Công Giáo mà ông gọi là các “thánh tử đạo” được ông kể lại trong các hồi ký với sự ngưỡng phục.
![]() |
Thủ bút của tác giả Kiều Duy Vĩnh trong bản thảo gửi cho tòa soạn Thế Kỷ 21 vào năm 1998. |
Một số hồi ký của ông có thể đọc trên www.vantuyen.net như “Cuộc tuyệt thực”, “Tết ở trại Cổng Trời”, “Ðức Thánh Tử Vì Ðạo thứ hai mà tôi được gặp”. Hồi ký “Cổng trời Cắn Tỷ” có thể tìm thấy trên net khi tra qua mạng tìm kiếm Google.
Suốt những năm tù, đặc biệt là tại nhà tù Cổng Trời (tỉnh Hà Giang), ông có dịp ở tù chung với một số linh mục, tu sĩ Công Giáo như cha Chính Vinh (cha xứ nhà thờ chính tòa Hà Nội), tu sĩ Ðỗ Bá Lung. Ông kể lại những tháng năm kinh hoàng này trong hồi ký “Cổng trời Cắn Tỷ”.
Ông đã viết về những bạn tù Công Giáo bằng những lời lẽ đầy thán phục: “Tôi đã thật sự gặp các vị thánh tử vì đạo. Các vị thánh tử vì đạo bằng xương bằng thịt sống cạnh tôi nhiều năm... Tôi vốn xa lạ với các tên Phêrô, Phaolồ và Mađalena. Nhưng cái tên Ðỗ Bá Lung thì cho đến hết đời tôi không thể nào quên được”.
Ở một giai đoạn ông bị giam ở Cổng Trời, ông kể rằng ông và ông Nguyễn Hữu Ðang (người tù trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) là hai người duy nhất sống sót trong số 72 tù nhân. Lý do sống sót được ông kể lại: “Tôi sở dĩ sống sót là vì tôi không phải là người theo đạo. Nếu tôi mà đeo Thánh giá ở ngực và biết câu kinh thì tôi phải chết đã lâu rồi”.
Ông đã chứng kiến cái chết của tu sĩ Ðỗ Bá Lung, được hai tù nhân bó chiếu khiêng đi chôn nhưng mấy ngày sau thì trở về trình diện quản giáo. (T.N.)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)