Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012
Nguyễn Hưng Quốc - Mì Quảng ở Hội An Bistro – San Jose
Nguyễn Hưng Quốc
Kỷ niệm Mì quảng tại Hội An Bistro: (từ trái) Hoàng Ngọc Tuấn, Võ Quốc Linh, Tâm Nguyên Vũ Thế Ngọc, Rose Nguyễn, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Hưng Quốc, Vương Ngọc Minh
Nhân nói đến chuyện “bún mắng cháo chửi” ở Hà Nội, lại nhớ đến chuyện ăn uống ở Mỹ trong chuyến đi chơi với Hoàng Ngọc-Tuấn và Võ Quốc Linh vừa rồi. Suốt chuyến đi hơn hai tuần, chúng tôi được ăn nhiều món ngon. Ở nhà cũng như ở tiệm. Bạn bè, khi đãi khách đến từ phương xa, thường có hai tâm lý: một, vì tình thân, đãi những món đặc biệt; và hai, vì tự ái địa phương, thích giới thiệu những tiệm ăn nổi tiếng nhất trong vùng mình ở. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên được thưởng thức những món ăn thật khoái khẩu. Tuy nhiên, về lại Úc, nhớ lại, món ăn để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất vẫn là món mì Quảng ở tiệm Hội An Bistro ở San Jose.
![]() |
Kỷ niệm Mì quảng tại Hội An Bistro: (từ trái) Hoàng Ngọc Tuấn, Võ Quốc Linh, Tâm Nguyên Vũ Thế Ngọc, Rose Nguyễn, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Hưng Quốc, Vương Ngọc Minh |
Thật ra, có đến hai sự thiên vị: thiên vị đối với món ăn và thiên vị đối với chủ tiệm.
Với món ăn, sự thiên vị đã quá hiển nhiên. Tôi sinh ở Quảng Nam, được ăn mì Quảng từ nhỏ, rất lâu trước khi cầm đũa gắp những sợi phở hay bún bò Huế, mì và hủ tiếu. Tôi ăn mì Quảng chủ yếu do mẹ hoặc bà con tôi nấu trước khi ăn ở một tiệm nào đó tại Quảng Nam - Đà Nẵng và những nơi khác. Vì vậy, mì Quảng lắng thật sâu vào ký ức của tôi. Nó không còn là món ăn nữa. Nó là kỷ niệm. Nhìn những sợi mì vàng óng trong tô, tôi không những thấy thực phẩm mà còn thấy cả hình ảnh của mẹ tôi, của anh em tôi, của tuổi thơ tôi. Chính vì vậy, mặc dù tôi vẫn thích và thường ăn phở và bún bò Huế, món ăn có sức lôi cuốn tôi một cách mãnh liệt nhất vẫn là mì Quảng. Đi lang thang trên các khu chợ người Việt, mỗi lần thấy tiệm mì Quảng, ít khi tôi cầm lòng được. Phải vào ngay. Như có tiếng gọi nào từ quá khứ xa xôi mời mọc. Nhưng thành thực mà nói: thường, tôi khá thất vọng. Rất ít khi nào tôi bước vào đó lần thứ hai. Lý do chính: dở. Có khi không những dở mà còn không phải là mì Quảng như cái tôi biết và chờ đợi.
Nhớ, có lần, ở Melbourne, nơi tôi sống, thấy một tiệm ăn trương bảng lớn “Mì Quảng”, tôi vào ngay. Đến lúc tô mì Quảng được bưng ra, tôi ngơ ngác. Không có vẻ gì là mì Quảng cả. Sợi mì trắng nuột. Bên cạnh những con tôm lột vỏ là những miếng thịt bò được thái mỏng. Nửa giống như hủ tiếu, nửa giống như phở. Khác, một chút xíu: một ít hột đậu phông rang giã nhỏ và một mảnh bánh tráng nướng. Hết. Tôi nếm thử. Chắc chắn không phải là mì Quảng. Cố lắm, tôi cũng chỉ ăn được một chút. Rồi bỏ. Khi tính tiền, người chủ tiệm thấy vậy, bèn hỏi: “Anh thấy mì Quảng ở đây thế nào? Tệ lắm hả?”. Tôi, một mặt, không muốn phũ phàng, nhưng mặt khác, lại không muốn nói dối, nên lừng khừng: “Ăn, cũng thấy ngon, nhưng hình như… không phải là mì Quảng.” Người chủ thật thà: “Vậy mì Quảng nấu sao hả anh?” Tôi ngạc nhiên, chưa biết trả lời thế nào, ông ấy nói tiếp: “Thực tình bọn em thấy khách hay hỏi nên nấu đại chứ không ai biết mì Quảng ra sao cả. Hỏi, mỗi người chỉ một cách khác nhau.”
Thực tình, tôi cũng không biết nấu mì Quảng ra sao cả. Tôi hoàn toàn dốt về chuyện nấu nướng. Chưa bao giờ tôi tự nấu một món ăn bình thường, kể cả kho thịt hay kho cá, đừng nói gì đến chuyện nấu một món phức tạp như phở hay mì Quảng. Hơn nữa, mì Quảng cũng khác hẳn các món nước khác ở Việt Nam. Khác, chủ yếu ở điểm này: mì Quảng dù có truyền thống khá lâu vẫn chưa được định hình một cách rõ rệt. Phở, hủ tiếu hay bún bò Huế đã được công thức hóa: mỗi món có loại thịt riêng, gia vị riêng, loại rau riêng. Chỉ cần lạc điệu một chút, người ta thấy ngay. Mì Quảng thì khác. Nó có thể dung hợp mọi thứ. Nó có thể được nấu với thịt heo, tôm, lươn hay cá lóc. Tôi còn nghe nói có người nấu mì Quảng với cả thịt vịt hoặc thịt chó nữa. Về nước lèo cũng vậy. Cũng không nhất định. Có người chan nước ngập cả tô. Lõng bõng như tô phở. Có người, đông hơn, nấu nước lèo thật sánh, rồi rưới một ít vào tô, vừa đủ để ướt các sợi mì. Đại khái giống như mì hay hủ tiếu khô.
Chưa được công thức hóa, mì Quảng có ba đặc điểm nổi bật: Một, rất đa dạng; hai, có tính chất thủ công, hiểu theo nghĩa là chưa được công nghệ hóa: nó thay đổi theo từng gia đình, và trong từng gia đình, theo đổi theo từng điều kiện kinh tế; và ba, thường trấn thủ trong gia đình. Để ăn một tô phở hay hủ tiếu ngon, người ta phải ra tiệm. Với bún bò Huế, cơ hội được ăn ngon ở nhà và ở tiệm tạm cho là ngang ngửa với nhau. Nhưng với mì Quảng, thường ở nhà ngon hơn hẳn ở tiệm. Chưa bao giờ tôi được ăn một tô mì Quảng nào ở tiệm ngon hơn những tô mì Quảng tôi được ăn trong gia đình. Của vợ con. Của anh em. Của bạn bè. Của người quen. Đây đó.
Chưa bao giờ.
Trừ ở tiệm Hội An Bistro ở San Jose.
Đến đây cần nói một chút về sự thiên vị thứ hai kể trên: thiên vị đối với chủ tiệm.
Chủ tiệm Hội An Bistro là Nguyễn Tâm (còn gọi là Tâm Nguyên), một nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng. Tâm không những là một luật sư thành đạt mà còn là một nghệ sĩ tài hoa trên nhiều mặt: âm nhạc, nhiếp ảnh và… nấu ăn. Lần nào chúng tôi đến San Jose cũng được Tâm đãi bằng các món ăn anh tự nấu, nhiều nhất là mì Quảng. Chưa bao giờ tôi thấy một người đàn ông nào nấu ăn một cách say sưa như Tâm. Anh nấu ăn như đang làm nghệ thuật. Đó không phải là một công việc. Mà là một cảm hứng. Tôi từng chứng kiến cảnh Tâm nấu nướng nhiều lần, nhưng nhớ nhất là vào tháng 7 năm ngoái, lúc tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn và một số bạn bè văn nghệ khác đang ngồi uống bia ngoài vườn sau của Triều, em trai tôi, thì Tâm lui cui nấu mì Quảng. Đứng trong bếp, buồn; anh mang cái bếp gas ra vườn, gần chỗ chúng tôi, để có thể vừa nấu vừa chuyện trò. Lúc ấy anh mới ở tòa án về, còn nguyên bộ đồ vét và cà vạt. Chiều, trời lành lạnh, anh cởi cà vạt nhưng vẫn mặc áo vét. Thái thịt. Lột tôm. Lặt rau. Xào xào nếm nếm. Tay anh lúc nào cũng thoăn thoắt. Rất điệu nghệ. Mấy tiếng đồng hồ sau, chúng tôi mỗi người một tô mì Quảng vàng ruộm và thơm ngát. Ăn ngay ngoài vườn. Ngay bên cạnh nồi nước lèo còn nghi ngút khói.
Lần này, lúc chúng tôi đến San Jose, Tâm đã có tiệm Hội An Bistro nên không nấu ở nhà nữa. Anh mời chúng tôi đến tiệm. Chín giờ rưỡi sáng, Tâm phải ra tòa án; xong, anh vội vàng về tiệm, lúc chúng tôi đã đến và uống cà phê chờ. Anh tháo cà vạt và vắt chiếc áo vét trên ghế rồi chạy ngay xuống bếp, bảo người đầu bếp chính đứng qua một bên, tự nấu món ăn mà anh tâm đắc để đãi chúng tôi. Rất nhanh. Chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ sau, mỗi người chúng tôi đều có một tô mì Quảng nghi ngút khói trước mặt. Vẫn màu vàng óng. Vẫn những sợi bắp chuối nõn thái mỏng. Và vẫn cực kỳ ngon. Ngon đến độ một người bạn tôi đề nghị thêm một tô thứ hai. Anh nói: Chưa bao giờ ăn sáng mà ăn đến hai tô. Nhưng ăn xong tô đầu, cứ thấy thòm thèm. Lại sợ về lại Úc, không có dịp ăn một tô mì Quảng ngon đến vậy.
Trong lúc chúng tôi ăn, Tâm vẫn chạy lăng xăng lấy cho người này một ít ớt, người nọ một ly nước. Anh làm việc như một người bồi bàn đầy tận tụy. Miệng lúc nào cũng cười tươi. Bạn bè anh ai cũng biết anh mở tiệm ăn không phải vì lý do kinh tế. Nghề luật sư đủ để gia đình anh sống một cách sung túc, hơn nữa, trưởng giả. Anh mở tiệm chỉ để có cơ hội đàn đúm với bạn bè.
Có thể thêm lý do này nữa: để có dịp làm nghệ thuật trên bếp. Và với lửa. Nhất là với món mì Quảng anh học được từ người mẹ mới qua đời cách đây mấy năm.
GS Nguyễn Hữu Chi - Chiến lược bảo vệ đất nước
GS Nguyễn Hữu Chi
Trong khi Trung Quốc [TQ] tiếp tục cướp đất, cướp biển, cướp mỏ dầu khí của Việt Nam [VN], và đồng thời dọa nạt VN, thì VN có thể chọn một trong những chiến lược sau đây để phản ứng:
1. Chiến lược “HÈN VỚI GIẶC”
Đó là chiến lược dùng “võ mồm” để tỏ vẻ “ta cũng là người hùng như ai”. Nghĩa là vén ngay hai vành MÔI của mình lên, rồi thảm thiết tả oán và van lơn hàm RĂNG của kể thù. “Môi hở” tất “răng lạnh” là vậy. Để tránh tai nạn “răng cắn môi”, nạn nhân bị ức hiếp phải dùng “4 lá bùa hộ mạng” dán ngay lên môi, trong khi mồm lẩm bẩm đọc “16 câu thần chú”. Nhìn thấy “4 lá bùa hộ mạng” và nghe thấy “16 câu thần chú”, ngay cả những lực lượng “thù địch” đều thấy tởn.
![]() |
Ảnh: Internet |
Cái kẹt của chiến lược này là những tên bị đạp vào mặt sẽ nổi cơn điên lên, rồi kéo nhau đập tan chế độ “hèn với giặc, ác với dân”. Thế là vành MÔI rơi vào trong cảnh nguy kịch.
Đến giờ phút nghiêm trọng này, hàm RĂNG vội nhảy vào cứu vành MÔI, rồi đưa vành MÔI về Tầu chữa chạy.
Thế là tất cả thế giới bình thản ngồi nhìn màn bi kịch: “Cô gái Việt ngồi than thân cùng với mấy vị sư Tây Tạng”!!!
2. Chiến lược “ĐÁNH ĐĨ MƯỜI PHƯƠNG”
Chiến lược này thường được các cô bán “Bia ôm” dùng khi bị tên Ma-cô bắt nạt. Cô ta bèn chơi trò hù: “Nếu anh bắt ức em, lấy hết tiền “boa” của em, thì làm sao em còn tiền nuôi con? Bây giờ em chỉ còn có một nước là đi kiếm người khác nâng đỡ em chứ”.
Thằng Ma-cô cũng không vừa, nên vội dọa nạt: “Mày tưởng bỏ tao dễ lắm sao! Mày mà bỏ tao đi, tao sẽ cho tụi du côn tới nhà mày cướp hết tiền của nhà mày”.
Bị dọa như vậy, cô bán “Bia ôm” cũng sợ, nên nói ngay: “Em không dám bỏ anh đâu”. Trong khi đó, nàng đi tìm một cậu công tử bột nào đó đỡ đầu! Tiếc thay, cô bán “Bia ôm” không muốn dứt khoát với thằng Ma-cô vì đã bị thằng Ma-cô làm mê mệt bao nhiêu năm. Thế cho nên chẳng cậu công tử nào muốn chơi trò “tay ba”, vừa nguy hiểm, vừa hại thanh danh và bệnh tật mà “chẳng ăn cái giải gì cả”.
Thằng Ma-cô được thể tiến tới. Bao nhiêu nồi niêu xong chảo của cô “Bia ôm” bị thằng Ma-cô cho du côn tới mang đi hết. Cùng lúc đó, họ hàng, anh em, con cháu cô “Bia ôm” bị lột hết sạch. Bây giờ họ mới thấy mình bị lừa, vì tưởng rằng cô “Bia-ôm” sẽ kiếm được một cậu vừa đàng hoàng, vừa giàu có, để đối chọi với thằng Ma-cô. Chẳng hạn ông Ấn Độ (đã từng là nạn nhân của thằng Ma-cô), hoặc ông Úc xa vời…
Chỉ còn ông hàng xóm Mỹ hy vọng có thể dụ dỗ được. Tuy không ưa tụi Ma-cô, ông Mỹ chỉ ngồi vuốt râu, thở dài, và than một câu ai oán: “Cô em xinh đẹp ơi! muốn về nâng khăn sửa túi cho anh, thì anh ô-kê ngay. Nhưng em định đèo bòng thằng Ma-cô đó vào phòng ngủ của anh, thì anh cũng đành bái-bai em. Sức người có hạn thôi chứ, em định “bắt cá hai tay” đâu có được. Các cụ ngày xưa đã có câu “đánh đĩ mười phương để một phương đi lấy chồng”. Anh hoàn toàn đồng ý với các cụ. Vì thế anh chỉ biết “thương em, anh để trong lòng mà thôi’. Bây giờ em vẫn còn ôm cái thằng Ma-cô đó, thì anh cũng chịu thua em luôn”.
Trong khi đó, thằng Ma-cô biết vậy, mới làm tới: Hắn xông vào nhà, cướp bóc, hãm hiếp tơi bời. Con cháu lầm than cơ cực. “Tức nước vỡ bờ”, cả họ hàng vùng lên đuổi cô “Bia ôm” ra khỏi nhà. Nhưng thằng Ma-cô đã nằm sẵn trong nhà rồi, nên nó chỉ cần vươn tay ra, là cướp được cả nhà lẫn đất, rồi bắt tất cả người ở trong nhà làm tôi đòi cho hắn.
Thế là tất cả thế giới lại bình thản ngồi nhìn màn bi kịch: “Cô gái Việt ngồi than thân cùng với mấy vị sư Tây Tạng”!!!
3. Chiến lược “LÀM LẠI CUỘC ĐỜI”
Chiến lược này rất khó thực hiện được, nhất là đối với người bị nghiền ma-túy hơn nửa thế kỷ. Thật vậy, để áp dụng chiến lược này, người nghiền ma-túy phải hoàn thành những biện pháp sau:
(a) Vất tất cả thuốc ma túy và dụng cụ vào thùng rác (kể cả cái xác chưa được chôn).
(b) Chịu khó một thời gian cực khổ trong trại cai thuốc.
(c) Tiêm thuốc trừ khử vi trùng tiêm la, cùng những vi trùng “lạ” như HIV/AIDS/CIDA, v.v..
Sau đó, tất cả quốc gia “lành mạnh” sẽ mang binh lực, nhân lực, tài lực, tới bênh vực, và nuôi dưỡng kẻ bệnh tật và yếu thế.
Câu hỏi quan trọng là “Đảng ta có dám cai thuốc không?”.
GS Nguyễn Hữu Chi
Nguồn: Diễn Đàn Việt Thức
Doãn Quốc Sỹ - Mầm Sen Trong Hỏa Ngục
Doãn Quốc Sỹ
Trích từ tiểu thuyết Ba Sinh Hương Lửa thuộc bộ trường thiên Khu Rừng Lau của nhà văn
I
Cuối năm 1952.
Chính sách dùng nụ cười làm bình phong che những nỗi niềm thầm kín thiêng liêng của Miên đến đây đã hết hiệu nghiệm. Chính Miên cũng không sao giữ nổi nụ cười nữa. Miên thấy mình sống giữa hai lò lửa, một lò lửa bên trong là nỗi lo âu của nàng về Hiển sang Tàu, lò lửa bên ngoài là chính sách “Phóng tay phát động quần chúng nông dân đấu tranh chống địa chủ” đã từ giai đoạn học tập trên lý thuyết rục rịch chuyển sang thực hành.
![]() |
Ảnh: Ðình Nguyên |
Đầu năm 1953 Việt Bắc chính thức phát động phong trào đấu tố, khởi đầu là bà Cát Hanh Long.
Kinh nghiệm cuối năm 1952 tại những thí điểm đấu tố Liên Khu Ba – (Hà đông, Ninh bình, Phủ lý và cả Thanh hóa của Liên khu Tư nữa) – đã cho Đảng hay có đấu như vậy mới “moi ra” được hết lũ “Việt gian” tay sai cho “tư bản đế quốc” gồm tụi địa chủ, cường hào và phần lớn trí thức tiểu tư sản. Vậy – vẫn theo lý luận giải thích của Đảng – muốn tiếp tục cuộc chiến tranh này bắt buộc phải loại trừ “lũ chiên ghẻ” trên ra khỏi hàng ngũ kháng chiến.
Thoạt tiên tại cơ quan Miên, mọi người học tập bài của viên tổng bí thư Đảng đăng trên báo Nhân dân:
“Cuộc kháng chiến chống Pháp ngày nay là do sức của nông dân bởi vì giai cấp nông dân cung cấp người, của cho kháng chiến nên Đảng phải thực tế đền bù lại cho giai cấp đó nhiều quyền lợi. Do đó nhiệm vụ phản đế phải đi liền với nhiệm vụ bài phong. Diệt trừ giai cấp địa chủ để phát động giai cấp nông dân là nhiệm vụ bài phong, là một quốc kế dân sinh vĩ đại.”
Bà Cát Hanh Long, địa chủ ở Thái Nguyên đã giúp cách mạng từ thời bí mật; cho tới ngày đó bà vẫn được đoàn thể đề cao như một bà mẹ điển hình của chiến sĩ, một ân nhân điển hình của kháng chiến. Giờ đây Đảng cố ý đem bà ra đấu trường làm vật hy sinh đầu tiên để chứng tỏ với giai cấp nông dân dù là địa chủ có công với kháng chiến đến mấy cũng vẫn bị Đảng nhân danh quyền lợi của nông dân mà trừng trị. Hai lần cuộc đấu phát động, hai lần thất bại vì cán bộ mủi lòng không gây được hào hứng. Nông dân đấu tranh đã không căm thù, khi ra về còn tỏ vẻ ngao ngán thầm trách chính phủ sao quá tận tình.
Đảng Lao Động cam nhận hai lần vô chính trị nhỏ nhưng khôn ngoan tránh được lỗi vô chính trị lớn là hành quyết bà Cát Hanh Long ngay lúc đó.
Một lần nữa, tại khắp các cơ quan cùng tổ chức một phong trào tổng kiểm thảo cho sáng và vững lập trường:
“Phải biết trau dồi và học tập tính quả cảm của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân bao giờ cũng biết đặt lòng thương đúng chỗ, lòng thương đặt đúng chỗ là lòng thương nhân dân. Biết thương nhân dân tức là phải biết căm hờn kẻ thù của nhân dân trong đó giai cấp địa chủ là một kẻ thù chính.”
Cuộc đấu tố lần thứ ba đã thành công. Trong ba tiếng đồng hồ liền, các vợ con tá điền thay nhau tới nhảy chồm chồm xỉa xói vào mặt bà Cát Hanh Long mà la hét chửi rủa. Thỉnh thoảng toàn thể đấu trường lại vang động tiếng hô lớn:
“Đả đảo địa chủ đại gian ác!”
“Đả đảo địa chủ ngoan cố, chó săn cho giặc!”
Bà Cát Hanh Long lần lượt bị tố cáo là đã làm gián điệp cho phát xít Nhật, rồi gián điệp cho thực dân Pháp, đã giết ba tá điền, đã tư thông với một công sứ Pháp ở Thái Nguyên.
“Nhân dân” đòi tuyên án tử hình. Và “nhân dân” đã được toại nguyện!
II
Sau vụ bà Cát Hanh Long, tại cơ quan dân y luôn luôn có cuộc học tập để biết … đặt lòng thương đúng chỗ. “Lòng thương đặt đúng chỗ là lòng thương nhân dân. Biết thương nhân dân là phải biết căm hờn kẻ thù của nhân dân.” Đồng thời cơ quan cũng luôn luôn thông báo đầy đủ tin tức về những cuộc đấu tranh thắng lợi của giai cấp nông dân chống địa chủ tại đấu trường khắp nơi.
Tuy chưa được trực tiếp dự những cuộc đấu tố đó, nhưng qua những bài tường thuật trên báo “Cứu Quốc”, báo “Nhân Dân” và qua lời thuật của vài người được dự, trí tưởng tượng bỏng rẫy của Miên cũng đủ thấy như thực những gì đã xảy ra.
Miên như muốn ốm, chân tay rời rã. Trước đây mỗi lần có tiếng kèn tan giờ hành chính để ai nấy sửa soạn mang bát đũa tới gian phòng ăn, Miên cũng ríu rít cười đùa cùng các chị em khác, đó là những giây phút nghỉ ngơi giải trí trong trẻo nhất trong cuộc kháng chiến hàng ngày (buổi tối đã phải khai hội kiểm thảo và học tập căm hờn rồi). Giờ đây mỗi lần nghe tiếng kèn, Miên chỉ thở dài. Thế giới nàng sống mất tình thương chỉ còn là bãi sa mạc, tâm hồn nàng chẳng còn bóng thân yêu nào để ấp ủ cũng biến thành một bãi sa mạc.
Không biết – Miên tự hỏi – đào sâu xuống... thật sâu xuống lần cát, có gặp mạch nước ngầm không nhỉ? Miên muốn tin rằng đáy sa mạc vẫn có mạch nước ngầm sạch trong và mát rợi. Không hiểu vì một liên tưởng gì Miên nhớ tới một bài học địa lý cũ nói về núi lửa trước khi phun có điềm là các dòng suối chung quanh đều khô cạn hết. Phải, sự căm hờn làm cạn hết những dòng suối trong mát của tình cảm là phải.
Đêm nào trước khi nhắm mắt ngủ Miên cũng nghĩ đến Hiển, nhớ lại những ngày nàng tiễn anh tới bờ sông Đáy, nhớ tới vóc người cao lớn, đáng đi hùng dũng mà hiền hòa của anh ở bên kia bờ đê và nhất là nhớ tới hình ảnh anh quay lại một lần cuối cùng, thân yêu vẫy nàng.
Khu rừng lau. Trong trí tưởng tượng của Miên, Hiển đã đi vào khu rừng lau ngút ngàn đó và không bao giờ trở lại nữa, Miên tin là thế. Trời ơi, sao không là rừng mía mà lại là rừng lau?
còn hơn anh trở lại mà để nàng chứng kiến sự thay đổi từ nét mặt, cử chỉ đến lời ăn tiếng nói như Tài, hay như bất cứ một tên cán bộ cuồng tín nào. Chúng giống nhau như những hòn gạch, như những đồng xu.
Đã có lần Miên nấc lên khi trí tưởng tượng quá mạnh khiến nàng như có nghe thấy Hiển lên tiếng theo luận điệu của Tài khuyên nàng:
“Đảng chú ý xây đắp hạnh phúc cho nhân loại. Trong nhân loại có cha mẹ mình, anh em mình. Để bảo tồn quyền lợi của nhân loại người sáng suốt phải biết nhìn xa mà hy sinh mọi tình cảm nhỏ hẹp...”
Lại có đêm Miên nghĩ đến thoát ly khỏi thế giới này. Nghĩ để mà nghĩ thôi, Miên biết thế! Nhưng có lẽ càng biết thế Miên càng phóng trí tưởng tượng đi thật xa để thỏa niềm ước ao. Nàng mơ trốn được sang phía trời Âu: nơi đây sau trận đại chiến thứ hai con người đã tỉnh ngộ, đã biết ghê tởm cho bàn tay vấy máu của mình. Rồi sẵn kỹ thuật cao, họ xây dựng lại sự đổ nát bên ngoài cho xứng đáng với sự giác ngộ bên trong. Miên nhớ tới một tờ báo Âu (tờ Paris Match thì phải) mà nàng đã đọc lướt tại phòng mổ của bác sĩ T. bên trong có trang ảnh chụp một vườn hoa tại Luân Đôn; nằm dài trên bãi cỏ là những cặp tình nhân ôm sát nhau trong khi đó vẻ mặt những người qua lại ngay bên vẫn nghiêm trang nhìn thẳng; đó không phải là thái độ lạnh lùng mà là thái độ kẻ biết kính trọng tình yêu.
Ở tuổi Miên hiện giờ, việc nàng lưu luyến những hình ảnh của tình yêu nào có gì là lạ? Những hình ảnh trai gái ôm ấp nhau trong yêu đương đó xuất hiện trong trí tưởng tượng của Miên cao đẹp làm sao, những kẻ đạo đức nửa mùa chẳng thể hiểu nổi. Trong thâm tâm, Miên khao khát tình yêu mà đối tượng có thể là Tài. Miên có ao ước được Tài đưa đến xem khu rừng lau bên Bỉnh Di trên núi Sáng. Miên không quên nàng đã nói với Hiển: Sao không là rừng mía mà lại là rừng lau?! Với những kẻ bộ hành suốt ngày đi dưới nắng hè, câu hỏi trên thật là khẩn cấp, nhưng với cặp tình nhân đương thở hút bầu không khí dịu ngọt của yêu đương thì đi vào màu xanh uyển chuyển đó là đi vào một mùa xuân bất tận, tóc Miên sẽ lẫn với tơ trời, hơi thở Miên sẽ lẫn với nắng và gió.
Mộng đẹp yêu đương của Miên còn đáng thương và chua xót hơn giấc mộng chinh phụ gặp chồng ở bến Lũng thành Quan bởi ít nhất người chinh phụ đã có một thời kỳ được sống thực sự với mối tình lý tưởng, còn với Miên, bạn cũ của nàng là Tài đã chuyển hướng. Viên chính ủy trẻ tuổi trong cơ quan đôi khi có ý đưa đẩy câu chuyện với nàng, nhưng làm sao Miên có cảm tình được với y? Khuôn mặt y sát tận xương, quầng mắt thâm, môi thâm, lợi thâm, miệng luôn luôn ngậm điếu thuốc lá của hãng Bắc Sơn, Miên có cảm tưởng con người y bốc ra mùi hôi ẩm của khói thuốc và nàng rùng mình. Miên có nghĩ tới Tân mà nàng được gặp trong chuyến đi chiến dịch vừa rồi. Nàng quí mến Tân như quí mến Hiển và cách Tân đối với nàng cũng như hệt người anh đối với em gái nhỏ. Tân há chẳng đã gọi nàng là “cô em gái nuôi” đó ư? Tân chẳng hề hỏi tuổi Miên để được biết rằng mặc dầu dáng nàng thon nhỏ nhưng nàng đã trên hai mươi tuổi rồi, tuổi ưng làm vợ mà chẳng ưng làm em gái.
Miên thấy thôi thế là tuổi hoa niên của nàng đành chịu thui chột vì thiếu tình yêu, điều thê thảm đối với nàng là sự thui chột đó vô phương cứu chữa, nó kéo dài một cách tuyệt vọng như con tàu va phải băng sơn, mất liên lạc với mặt biển, đương chìm dần… chìm dần… cho đến ngày mất tích hẳn dưới khối nước băng giá.
III
Việc cán bộ “tam cùng” về bắt rễ tại một làng thôn nào thường được các cán bộ khác giải thích bằng những lời mập mờ cho dân chúng khỏi sao xuyến:
- Đó là đồng chí – lời giải thích – về đây để phát động quần chúng.
Các cán bộ tam cùng đi bắt rễ đều theo nguyên tắc này: không bao giờ bắt rễ với người nghèo vì nhất thời bị rủi ro. Bần cố nông đó phải là hiện thân của một thứ ngu độn có huyết thống và ba đời không liên lạc gì với cơ quan hành chính của Pháp. Sau khi đã bắt rễ, thời gian nghiên cứu thường lâu chừng một tháng, rồi cán bộ chọn một xã làm thí điểm. Tại xã thí điểm đó, cán bộ tam cùng phát động quần chúng bằng cách triệu tập một cuộc họp toàn xã để định thành phần. Giai cấp địa chủ lập tức bị cô lập nghĩa là phải cung khai tài sản, đi đâu phải xin phép, con cháu ra vào thăm hỏi đều bị khám vì sợ chuyển của đi. Thường thì một địa chủ khi đã bị cô lập, bè bạn, họ hàng lánh xa họ như lánh xa hủi. Chào hỏi, không ai đáp; muốn bán thứ thừa không ai mua, muốn mua thứ thiếu không ai bán. Nói một cách khác họ đã là tên tội phạm, có điều tên tội phạm của thế giới tự do thì bị giam vào khám xây bằng gạch hoặc bằng đá để cắt đứt mọi liên lạc của hắn với thế giới bên ngoài, ở đây tội phạm bị giam vào một nhà ngục tân kỳ hơn, nhà ngục xây bằng những người đồng loại, đồng hương đã biến thành gỗ đá hoặc cố làm như gỗ đá. Không có một sự cô độc nào bi thảm và rùng rợn hơn sự cô độc này!
Vẫn tại nhà bần cố nông đó nay được dùng làm trụ sở để mọi giới trong làng trong xã hàng ngày đến học tập kể khổ. Nơi đây cán bộ tam cùng đặc biệt kích thích giai cấp bần cố nông căm thù địa chủ để chuẩn bị ngày ra đấu trường. Thành phần phú nông không được tới học tập vì không phải bạn của bần cố nông. Chiến thuật của Đảng là : “Dựa vào bần cố nông, liên minh với trung nông, trung lập hóa phú nông để đàn áp địa chủ”.
Miên và một số chị em trong cơ quan có được cử đi dự mấy buổi kiểm thảo địa chủ ở mấy xã gần đấy, nói là để rút kinh nghiệm. Qua mấy lần dự như vậy, Miên quan sát thấy có những người nông dân thuần túy vẫn giữ nguyên được tâm hồn chất phác trung hậu của họ. Có lẽ chính họ đã từng bị áp bức thực, nhưng khi phải kể khổ họ nói là không biết gì cả mặc cho cán bộ mớm lời hoặc xui lên xui xuống. Quyết liệt nhất là lũ lưu manh, chúng tích cực kể xấu người trước đây đã không cho chúng vay mượn hay đã quá tinh khôn không sa vào bẫy lừa lọc của chúng. Thứ tới những chuyện thù oán giữa mẹ chồng con dâu, giữa thím chồng cháu dâu, giữa chị dâu em chồng. Họ đứng ra kể khổ ngỡ là lợi dụng được dịp may này để cướp không tài sản của nạn nhân. Sau cùng hạng thanh niên học dở dang kẻ chỉ có bằng cơ thuỷ (Certificat d’étude primaire franco-indigène), kẻ học thêm được một hoặc hai năm trung học. Những thanh niên này có cử chỉ cùng lời ăn tiếng nói bợ đỡ xu thời ra mặt. Họ ngỡ như vậy sẽ được đoàn thể nâng lên hàng cán bộ liên xã, hoặc cán bộ huyện.
Lần thứ ba Miên đi dự kể khổ, nạn nhân là bà Luân, một góa phụ có hai con ra học tận Hà Nội. Bà có nuôi hai anh em mồ côi người làng bên. Người anh đã được bà lấy vợ cho khi kháng chiến anh ta vào bộ đội và bị tử thương tại mặt trận Vĩnh yên. Thằng em tới ngày kể khổ đó mới mười ba tuổi. Nó được cán bộ cho việc canh giữ bà mẹ nuôi. Lúc kiểm thảo nó bắt mẹ nuôi phải gọi nó bằng “ông”.
Nó chỉ vào mặt bà Luân hỏi liên tiếp:
- Tại sao mày không cho tao đi học, lại bắt tao đi chăn trâu?
- Mày có nhớ đã từng bắt tao đứng vào đống kiến lửa?
- Mày có nhớ một lần nghi tao ăn cắp tiền, máy đã đổ nước mắm vào mũi tao?
Căm uất hiện lên vẻ mặt già nua và đau khổ, bà Luân chối, giọng bi phẫn nhưng gọn và cương quyết.
Miên nghĩ có câu hỏi giản dị nhất lẽ ra thằng con nuôi bất nhân kia phải nêu lên trước là: Tại sao bà Luân lại đem anh em nó về nuôi mà không để mặc kệ cho chúng chết đói hoặc tha phương cầu thực nơi đâu?
Cán bộ đã cúi xuống giải thích rất lâu cho bà Luân nghe những gì Miên ngồi xa không nghe rõ, chỉ biết khi lần thứ hai thằng con nuôi lên chỉ vào mặt bà kể mấy tội trên, bà nghẹn ngào đáp gọn:
- Bẩm ông vâng!
Chỉ có ba tiếng “Bẩm ông vâng” mà chứa chất biết bao tủi nhục đau đớn của người chợt thấy mình đã nuôi ong tay áo, nuôi rắn trong nhà.
IV
Sự buồn nản ở hiện tại và tuyệt vọng ở tương lai đã hun đúc cho Miên một trạng thái tâm lý khá kỳ dị: bình thản! Nàng bình thản đi dự kể khổ, bình thản đi dự các buổi khai hội, kiểm thảo, bình thản hay tin cụ Cử Hứa đã bị cô lập. Nhưng rồi sự bình thản cũng chỉ được đến thế; một ngày kia Miên gặp cụ Cử Hứa chỉ còn xương bọc da, dáng người thì mệt mỏi, đôi mắt thì nhớn nhác lo âu. Miên thấy lòng xúc động, mặc dầu trước đây Miên không chút cảm tình với cụ. Miên hay tin thêm cụ Cử bà phải đi mò cua bắt ốc lần hồi kiếm miếng ăn hàng ngày, rồi đến ngày kể khổ khi thấy anh con trai trưởng của cụ, chủ tịch hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Xít huyện, tung nắm tay lên trước và hô cương quyết: “Đả đảo địa chủ!” thì tình cảm phẫn nộ lại trào lên chẹn lấy cổ Miên.
Một buổi sớm bác Hỷ tới, bác đặt gánh hàng xuống chào Miên và cất lời hỏi thăm như thường lệ rồi bác nói khẽ rất nhanh:
- Bà Quản bị cô lập rồi cô biết chưa?
Miên hốt hoảng:
- Thế à, tôi chưa biết.
Bác Hỷ tiếp:
- Tối hôm kia cán bộ tam cùng đã triệu tập cuộc họp toàn thể xã để định thành phần, bà Quản bị gán là địa chủ. Tôi nói bà chỉ mang tiền của ở Sài Gòn về làm lợi cho làng chứ chẳng có làm gì hại. Tôi tự đem mình ra làm bằng chứng, nếu không được bà Quản cứu thì mẹ con tôi đã chết tự năm đói rồi.
- Thế họ trả lời ra sao? – Miên hỏi.
- Họ phê bình tôi là còn tinh thần ôm chân địa chủ. Tôi không được tham dự học tập kể khổ nữa. Tội nghiệp mắt bà Quản kém đến giần như lòa mất rồi cô ạ.
Có người trong cơ quan ra. Bác Hỷ điềm nhiên nói lớn về việc buôn bán hồng the và hồng ngâm Hạc trì, rồi gánh hàng theo đường lên chợ, tự nhiên như mọi lần trước bác đến báo tin nhà cho Miên.
Buổi chiều, chị cán bộ nói ý cho Miên hay bà Quản bị cô lập nhưng rồi chỉ bị đem ra kiểm thảo gay gắt để uy hiếp tinh thần tên địa chủ ngoan cố Hứa còn chôn dấu của cải. Chị biết Miên có nhiều liên lạc từ thuở nhỏ với bà Quản, khuyên Miên nên đứng ra kể khổ, trong trường hợp này lời Miên có giá trị hơn cả.
Miên thùy mị đáp lại và trong thâm tâm nàng cảm thấy lời đáp của mình nhiễm tính chất bi hài:
- Chị bảo tôi kể gì bây giờ? Tôi chỉ biết kể riêng với chị là sau khi cha mẹ chết cả anh em tôi được bà Quản mang về nuôi, nhà cửa được bà Quản rào dậu cho, không một chút tơ hào.
Chị cán bộ biết không thể chuyển được lòng Miên, cười chính trị:
- Cái đó tùy đồng chí tôi không ép.
Chiều hôm sau, sau giờ hành chính Miên cùng các bạn trong tiểu đội vào rừng kiếm củi. Lúc vác bó củi lớn ra khỏi rừng, Miên ngồi nghỉ dưới gốc một cây đa cổ thụ bên lề con đường đất đỏ. Các tá điền vẫn kể đêm đêm hổ thường tới gốc đa này và cách đây năm năm đã có một người đàn bà đi chợ sớm qua đây bị hổ vồ thiệt mạng.
Miên không chú ý đến chuyện hổ vồ mà chỉ lẳng lặng ngắm cây đa uy nghi mà hiền từ rồi suy nghĩ.
Buổi tối sau giờ kiểm thảo thường lệ đã gần nửa đêm, lúc Miên lên giường nằm thì trời đổ mưa lớn. Gió táp và chuyển động các kèo cột, tiếng kêu răng rắc kĩu kịt. Từng làn chớp lóe sáng, từng tiếng sét thoạt xé trời rồi rền rĩ đuổi nhau theo từng đợt ra tận biên giới vũ trụ. Hình ảnh những dòng suối nhỏ tràn bờ những bụi cây được rửa sạch… Hình ảnh cây đa cổ thụ chĩu ngọn nhưng bất khuất dưới sức mạnh của gió bão. Hình ảnh dịu dàng của mấy chị bạn “quần chúng” trong cơ quan chiều chiều ra suối gánh nước về cho ban cấp dưỡng, chị thì cắt tóc ngắn đủ che kín gáy, chị thì bím tóc trông xa như tóc frisé, chị thì để tóc dài xõa ngang vai, có chị nước da bánh mật khỏe mạnh, có chị da như trứng gà bóc nhưng chị nào cũng cùng vẻ mặt hiền lành chất phác, thụ động, đôi khi ngơ ngác, Miên thấy mến những hình ảnh này, phải chăng vì nàng cũng chỉ là một thứ “nai vàng ngơ ngác”, những gì uất hận đều bị đè nén cho úa héo đi rồi rụng tơi tả trong tâm hồn như những lá mùa thu.
Tiếng sấm sét đã tạm ngớt, nhưng gió càng mạnh và mưa càng nặng hạt hơn, tiếng rào rào như một đoàn quân hàng ngàn vạn người đương hăm hở nạo đất, bào cây, cuốc núi!
Miên giở mình khẽ mỉm cười ôn lại lời mình đáp nữ cán bộ chiều hôm trước: Chị bảo tôi kể gì bây giờ? Tôi chỉ biết kể riêng với chị là sau khi cha mẹ chết cả ba anh em tôi được bà Quản mang về nuôi, nhà cửa được bà Quản rào dậu cho…
Sống vì người khác, sống cho người khác, đó là khuynh hướng không cưỡng lại được của Miên, tựa như nước lũ tự ngàn lao mình đổ về trung châu. Bởi vậy càng học tập căm hờn, càng chứng kiến những buổi kể khổ, tình thương yêu càng sâu xa, và tâm hồn thùy mị của Miên như cây đa cổ thụ kia tung những rễ phụ ra bám chặt lấy mặt đất rồi tiến sâu vào lòng đất, hút lấy mầu đất, tự nuôi cho lớn mạnh để rồi trở thành những thân cây thật sự và sau cùng – chao ôi là vững chãi – biến thành cả một rừng đa kiên cố đến nỗi uy trời là bão tố và sấm sét cũng đành cam chịu bất lực.
Chắc chắn những buổi học tập kể khổ bà Quản tối tối vẫn tiến hành nhưng Miên và bác Hỷ thuộc thành phần không được tới dự.
Ngày giỗ cha mẹ lần này Miên không về Hạc Thủy như mọi năm. Về gặp bà Quản chỉ khiến cả bà, cả Miên thêm đau lòng. Tuy biết vậy là hợp lý mà Miên vẫn áy náy cảm thấy mình hèn, đã tránh mặt ân nhân trong cơn nguy khốn.
Miên mua hương nến hoa quả bày bàn thờ làm giỗ cha mẹ ở một góc sân khuất tại ngay cơ quan. Khi lễ nàng tưởng nhớ cha mẹ đã khuất và cả Hiển, người anh còn sống hiện ở bên Trung Quốc.
Nữ đảng viên phụ trách nàng không bỏ sót việc ấy, có tiến lại hỏi:
- Đồng chí có chắc hương hồn các cụ về hưởng hương hoa ở đây?
Tuy vẫn giữ được khuôn mặt thùy mị, nhưng đôi mắt Miên thoáng giận dữ và giọng nói hơi sẵng:
- Làm sao tôi trả lời chị câu ấy được? Nhưng thiết nghĩ nếu ở một tổ chức rộng lớn, toàn dân chúng ta làm lễ kỷ niệm cách mạng tháng tám, cách mạng tháng mười thì cá nhân tôi nhỏ hẹp hơn có thể làm lễ tưởng nhớ ngày cha mẹ tôi qua đời lắm chứ.
Một lần nữa nữ đảng viên tạm lui:
- Không, không! Điều đó có sao đâu! Là tôi chỉ hỏi ý kiến đồng chí.
Miên thừa biết nữ cán bộ chỉ tạm rút lui. Miên thừa biết chi bộ sẽ họp bàn nhau tìm cách khuất phục thái độ nàng bằng được. Nhưng có điều Miên không biết, Miên không thể ngờ là đúng ngày hôm đó tại Phụng Minh Thôn thuộc huyện Côn Minh bên Tàu cũng xảy ra một cuộc đấu khẩu tương tự nhưng gay go hơn nhiều giữa Hiển và một cán bộ bần cố nông. Miên chỉ thấy mình ở vào một hoàn cảnh vô cùng tuyệt vọng và cô độc.
Nàng vùi đầu vào công tác… vùi đầu vào công tác… để quên thời gian và với ý định hủy hoại thân thể mình nhưng vẫn giữ nguyên được căn bản thiện sang bên kia thế giới. Ngược lại các đảng viên thấy thái độ làm việc quá gương mẫu của nàng thì coi đó như một thái độ lập công, bởi vậy vấn đề kiểm thảo để giáo dục lại Miên, họ chưa vội đặt lên.
Bên ngoài, thiên nhiên vẫn bình thản.
Mây trôi theo gió thư thái nhàn hạ, cây rừng rụng lá, nhưng lộc non luôn luôn thao thức chờ sức nhựa từ lòng đất dâng lên để trổ ra kịp thời.
Duy Ái - Nhật Bản tố cáo Trung Quốc uy hiếp thế giới
Duy Ái (VOA)
Tàu tuần duyên Nhật Bản chận tàu đánh cá được tàu tuần duyên Ðài Loan hộ tống gần dãy đảo Senkaku/Ngư Ðài (ảnh tư liệu)
Báo chí Nhật Bản mới đây cho biết bạch thư quốc phòng của Nhật năm nay tố cáo Trung Quốc uy hiếp thế giới, giữa lúc vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục leo thang.
Thủ tướng Nhật khẳng định quyết tâm điều động binh sĩ để “đáp trả một cách mạnh mẽ” những hành vi xâm phạm lãnh hải, trong lúc các học giả Trung Quốc đề nghị chính phủ ở Bắc Kinh tuyên bố đòi chủ quyền quần đảo Lưu Cầu của Nhật, kể cả đảo Okinawa là nơi có nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto mới đây cảnh báo rằng Tokyo có thể đưa quân tới quần đảo Senkaku nếu có sự leo thang trong vụ tranh chấp hiện đang sôi sục với Trung Quốc. Ông nói rằng lập trường của Nhật không thay đổi, nhưng ông khẳng định là nước ông sẽ dùng vũ lực để bảo vệ những hòn đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài và cũng tuyên bố có chủ quyền. Bộ trưởng Morimoto cho biết việc bảo vệ các hòn đảo này chủ yếu là do lực lượng tuần duyên và cảnh sát đảm nhận, nhưng theo qui định của pháp luật, binh lính thuộc Lực lượng Tự vệ có quyền hành động nếu giới hữu trách địa phương không đủ khả năng xử lý tình hình.
Người đứng đầu bộ quốc phòng Nhật cảnh báo như thế tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm thứ 6 (27-07-2012), một ngày sau khi Thủ tướng Yoshihiko Noda khẳng định quyết tâm sử dụng lực lượng quân sự để “đáp trả một cách mạnh mẽ” những hành vi xâm phạm lãnh hải. Ông Noda phát biểu tại phiên họp khoáng đại của Hạ viện Nhật rằng “Nếu các nước láng giềng có những hành động bất hợp pháp ở lãnh thổ và lãnh hải của chúng ta, trong đó có quần đảo Senkaku, chúng ta sẽ có những hành động nghiêm khắc, kể cả việc sử dụng tới binh lính thuộc Lực lượng Tự vệ, nếu cần.”
Phát biểu của nhà lãnh đạo Nhật đã nhanh chóng gặp phải sự đả kích của Trung Quốc. Bản tin hôm thứ 7 của Tân Hoa Xã trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc “quan tâm sâu sắc” và “cực kỳ bất mãn” đối với điều mà ông mô tả là “những lời phát biểu thiếu trách nhiệm cao độ” của Thủ tướng Noda. Ông Hồng Lỗi cũng tái khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nói rằng Điếu Ngư Đài là một phần của lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa.
Hai ngày trước khi ông Noda phát biểu tại Hạ viện Nhật, báo chí ở Tokyo cho biết bạch thư quốc phòng năm nay đã được nộp cho nội các, và văn kiện dự kiến sẽ được công bố trong những ngày sắp tới đặc biệt chú trọng đến sự kiện là sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã gia tăng một cách rất nhanh chóng, tạo ra một mối đe dọa cho thế giới. Theo tin của tờ Yomiuri Shimbun, trong bạch thư này các chuyên gia quốc phòng Nhật nói rằng ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã gia tăng khoảng 30 lần trong 24 năm qua. Họ cũng ghi nhận là hải quân Trung Quốc trong thời gian gần đây đã gia tăng hoạt động ở Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa qua việc điều động chiến hạm đến khu vực này thường xuyên hơn.
Tiến sĩ Dương Trung Mỹ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại ở Nhật Bản, cho biết nội dung của bạch thư quốc phòng Nhật Bản báo hiệu một sự điều chỉnh lớn của Tokyo về đường lối ngoại giao và quân sự đối với Trung Quốc.
Ông Dương Trung Mỹ nói “Trước đây không hề có chuyện Nhật Bản công bố sách trắng quốc phòng chuyên phân tích vấn đề quốc phòng Trung Quốc. Điều này chứng tỏ Nhật Bản rất nhạy cảm và cảnh giác trước sự lớn mạnh của Trung Quốc trong lãnh vực quân sự. Nhật Bản đặc biệt chú tâm tới sức mạnh quân sự Trung Quốc hồi năm ngoái, sau khi Trung Quốc tuyên bố Điếu Ngư Đài là lợi ích cốt lõi. Điều này làm cho Nhật Bản cảm thấy cần phải tiến hành một sự điều chỉnh lớn trong chính sách ngoại giao và quân sự đối với Trung Quốc.”
Tiến sĩ Dương Trung Mỹ cho rằng vụ tranh chấp chủ quyền Điếu Ngư Đài khiến cho quan hệ Trung-Nhật trở nên rất phức tạp và ông dự kiến trong 10 năm tới đây mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển, nhưng quan hệ chính trị và quân sự sẽ ở trong tình trạng mà ông gọi là “băng giá.” Ông nói rằng sự băng giá này có thể thấy được qua sự kiện là năm nay là năm kỷ niệm thứ 40 ngày hai nước thiết lập bang giao nhưng không hề có một cuộc thăm viếng cấp cao nào được thực hiện.
Ông Dương Trung Mỹ nhận định rằng có hai biến số định đoạt vấn đề Trung Quốc có phải là một mối đe dọa cho Nhật Bản hay không.
Ông nói “Điều thứ nhất là nội bộ của Trung Quốc có ổn định hay không. Trung Quốc hiện đang đối mặt với những vấn đề vô cùng to lớn, trong lúc quan hệ với các nước xung quanh lại phát sinh những thay đổi kịch liệt, từ Bắc Triều Tiên cho tới Miến Điện, nước nào cũng cảm thấy e dè đối với Trung Quốc. Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi họ thực hiện một cuộc điều chỉnh lớn về ngoại giao, nhưng chúng tôi không thấy họ có khả năng để điều chỉnh một cách linh hoạt. Điều thứ nhì là sau khi kinh tế đã phát triển tới mức độ như hiện nay Trung Quốc lẽ ra phải ra sức xây dựng một xã hội công dân hài hòa, nhưng điều này đã không xảy ra. Trung Quốc giờ đây vẫn tiếp tục nằm dưới sự cai trị độc đoán của những người có quyền thế, cấu kết với giới tư sản mại bản để trục lợi.”
Trong khi đó, các học giả, chuyên gia và các nhà bình luận thời cuộc ở Trung Quốc hồi gần đây đã lên tiếng thúc giục chính phủ ở Bắc Kinh chính thức tuyên bố đòi chủ quyền quần đảo Lưu Cầu, trong đó có đảo Okinawa, nơi Hoa Kỳ đang có nhiều căn cứ quân sự quan trọng.
Một bài bình luận hồi đầu tháng này của tờ Hoàn cầu Thời báo ở Bắc Kinh đề nghị chính phủ xem xét tới việc thách thức quyền kiểm soát của Nhật đối với đảo Okinawa. Tờ báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc này nói rằng Trung Quốc không nên sợ gì mà không cùng với Nhật Bản tham gia một cuộc đấu tranh để gây phương hại cho sự toàn vẹn lãnh thổ của đối phương. Theo tường thuật ngày 23 tháng 7 của tờ Financial Times, Thiếu tướng Kim Nhất Nam, Chủ nhiệm Bộ Nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, tuyên bố rằng chỉ đòi Nhật Bản trao trả Điếu Ngư Đài là không đủ mà cần phải đòi hỏi đảo Okinawa và phần còn lại của quần đảo Lưu Cầu là lãnh thổ của Trung Quốc. Ông Đường Thuần Phong, cựu tham tán kinh tế của tòa đại sứ Trung Quốc ở Tokyo, cũng cổ xướng cho việc xét lại sự thừa nhận của Trung Quốc đối với quyền cai trị của Nhật trên đảo Okinawa.
Chủ trương này tuy chưa được chính phủ Trung Quốc tán đồng, nhưng sự xuất hiện của những luận điệu quá khích như vậy ở Trung Quốc đang làm cho Nhật Bản và nhiều nước khác cảm thấy bất an. Tờ Financial Times trích lời một chuyên gia về Trung Quốc và Nhật Bản của Đại học Miami, bà June Dreyer, nói rằng “một khi quí vị bắt đầu lập luận rằng một mối quan hệ triều cống tại một thời điểm nào đó trong lịch sử là cơ sở để đòi chủ quyền trong thế kỷ 20, quí vị bắt đầu gây lo ngại cho rất nhiều người. Có rất nhiều quốc gia từng có quan hệ triều cống với Trung Quốc.”
Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012
Ngô Nhân Dụng - Nhưng chống Trung Quốc bằng cách nào?
Ngô Nhân Dụng
Câu tự đề trên đây là ý kiến của một vị độc giả sau khi đọc bài trước trên mục này: “Ai cũng biết Việt Nam đang bị Trung Quốc làm nhục, nhưng chống Trung Quốc bằng cách nào?”
Đó cũng là ý kiến của Thái Úy Trần Nhật Hiệu, vào thế kỷ 13.
Năm 1257 Hốt Tất Liệt, sau khi xoá tan nước Đại Lý, sai quân tấn công nước ta vì vua nhà Trần không chịu qua Vân Nam khấu đầu quy phục. Đạo quân Mông Cổ phá đổ hàng phòng thủ đầu tiên do Trần Quốc Tuấn chỉ huy; rồi đánh bại đạo quân chính do Trần Thái Tông trực tiếp lãnh đạo; tiến tới chiếm thành Thăng Long, “cướp phá, giết tất cả nam phụ lão ấu ở trong thành,” như Trần Trọng Kim ghi trong Việt Nam Sử Lược.
Triều đình chạy về Hưng Yên, Thái Tông hỏi ý kiến mọi người. Thái Úy Trần Nhật Hiệu cầm sào viết xuống nước hai chữ: Nhập Tống (xin vào nước Tống). Lúc đó Tống còn là tên gọi cả nước Trung Hoa; mặc dù vua quan nhà Tống chỉ còn làm chủ một mẩu đất ở vùng Quảng Đông, hai năm sau mới bị quân Mông Cổ tiêu diệt. Nếu theo lời khuyên của Thái Úy Trần Nhật Hiệu thì vua nhà Trần đã xin hàng. Nhưng Thái sư Trần Thủ Độ có ý kiến khác: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì xin bệ hạ đừng lo.” Cuối cùng nước Việt Nam không bị nhục.
Vị độc giả trên còn lý luận: “Chưa thấy ai nói đến phương thức chống Trung Quốc bành trướng một cách có hiệu quả. Chỉ có những cuộc biểu tình ồn ào, không kết quả.”
Năm 1285 chắc cũng có người nghĩ như vậy. Trước mối đe dọa quân Nguyên sang tấn công lần thứ ba, Thái thượng hoàng Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông mời các vị già cả trong nước vào họp ở điện Diên Hồng để tham khảo. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: “Các phụ lão đều nói ‘Đánh,’ vạn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.”
Điện Diên Hồng có lẽ không đủ rộng để chứa đến một vạn người. Nhưng dù chỉ có hàng ngàn thì không khí cuộc họp chắc cũng đủ “ồn ào,” náo nhiệt, “muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng,” không khác gì trong các cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc gần đây. Những “phụ lão” thời nhà Trần chắc cũng chỉ trên dưới 50 tuổi, còn quá trẻ so với những “cụ” Nguyễn Quang A đi biểu tình ở Hà Nội, hay Hòa thượng Thích Chí Thắng mới xuống đường ở Huế. Các phụ lão thời đó chắc chỉ vào tuổi cho các cô Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy gọi là chú thôi! Nhưng cuộc “biểu tình” trong điện Diên Hồng đã có kết quả. Cuộc họp mặt hào hùng đó cho thấy một cách “chống Trung Quốc bành trướng.” Phương thức duy nhất có kiệu quả là: Toàn dân một lòng bảo vệ danh dự quốc gia. Nhờ thế, sau cùng nước Việt Nam không bị quân Mông Cổ chiếm mất. Nếu vua và dân nhà Trần đều run sợ mà chịu nhục thì có thể từ đó nước ta đã biến thành một tỉnh hay một quận của nước Trung Hoa cho tới bây giờ, không khác gì tỉnh Vân Nam.
Vị độc giả trên đây còn lo sợ: “Dùng quân sự không thể thắng Trung Quốc, Hải quân ta quá yếu. … Trung Quốc đã chế được tàu vũ trụ, Việt Nam ta (chỉ) tổ chức được (thi) Hoa Hậu Thế Giới. Cán cân đả ngã ngũ. Xin đừng bàn vấn đề này như truyện kiếm hiệp Kim Dung, chỉ nhục thêm.”
Không ai muốn “nhục thêm,” nhưng phải hỏi: Nếu có hai còn đường phải chọn, một bên là im lặng hèn nhát, bên kia là chống cự đến cùng, thì con đường nào nhục nhã hơn? Không người Việt Nam nào muốn gây chiến tranh với Trung Quốc. Nhưng bị lấn ép mãi mà không dám đối đầu thì chắn chắn nhục nhã. Mà trong tình thế hiện nay, Trung Quốc không dám đánh Việt Nam, vì những quyền lợi thiết yếu của họ.
Vào đời nhà Trần, cán cân lực lượng giữa nước ta và nhà Nguyên cũng chênh lệch không khác gì với Trung Cộng bây giờ. Có thể nhà Trần còn yếu hơn nhiều vì cả trăm năm người Việt không biết đến chiến tranh.
Quân Mông Cổ thì vừa mới chinh phục tất cả nước Trung Hoa sau khi làm cỏ suốt vùng Trung Á, sang đến Nga và Đông Âu; đạo quân bách chiến tới đâu tàn sát đó rồi đặt người mới cai trị. Dân số Việt Nam lúc đó được mấy triệu và quân đội nhà Trần có được bao nhiêu người? Vua nhà Nguyên sai một đạo quân trăm ngàn lính thiện chiến sang đánh, cuối cùng chỉ còn 20 ngàn tơi tả chạy về. Nhờ đâu nhà Trần giữ vững được bờ cõi nước ta? Vì toàn dân trên dưới một lòng: Thà làm quỷ nước Nam! Chúng ta cũng đừng quên rằng các vị vua nhà Trần đều là dòng dõi người Việt gốc Hoa, qua nhiều đời họ đã hóa thành dân tộc Đại Việt; nhưng khi cần chống ngoại xâm thì họ vẫn được toàn dân ủng hộ.
Vị thế của Trung Quốc bây giờ chắc chắn không mạnh bằng thời nhà Nguyên. Vào thế kỷ thứ 13 Trung Quốc chiếm địa vị bá chủ trong vùng Á Đông, về chính trị, kinh tế, và quân sự. Chưa có những nước Nhật Bản, Nam Hàn giầu mạnh, chưa có khối Đông Nam Á cùng lo lắng trước đế quốc Trung Hoa mới. Chưa có nước Nga đè nặng phía Bắc. Cũng chưa có hạm đội thứ bẩy của Mỹ và một ông tổng thống khẳng định vì quyền lợi nước Mỹ sẽ duy trì sự có mặt ở Á châu Thái Bình Dương.
Nhà Nguyên cũng không cần tiền đầu tư ngoại quốc đổ vào, không lệ thuộc các tài nguyên, nhiên liệu từ các nước Á châu, Phi châu và Nam Mỹ để phục hồi kinh tế, không lo việc dân chúng đòi tự do dân chủ, không sợ bị cả thế giới ngưng giao thương nếu có hành động hiếu chiến, xâm lăng.
Trung Cộng bây giờ mang đầy những mối lo tâm phúc đó! Hải quân Trung Cộng không dám đánh chiếm đảo Điếu Ngư đang bị Nhật chiếm đóng; vì Bắc Kinh không muốn dân Nhật Bản nổi giận yêu cầu chính phủ tái võ trang, lập lại quân đội. Tầu thuyền Trung Cộng phải rút khỏi vùng biển tranh chấp với Philipines vì nếu có chiến tranh thì các nước trong vùng sẽ phải cùng nhau xin liên kết với Mỹ chặt chẽ hơn. Bắc Kinh cần giữ hòa bình trong vùng biển Đông nước ta vì nếu con đường giao thông qua đó bất an thì cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ lo không có đủ nguyên liệu và nhiên liệu để chạy bình thường. Chính Bắc Kinh sẽ lo tránh đụng độ nhiều hơn nước ta, vì nếu thêm một trăm ngàn dân thất nghiệp thì chế độ cộng sản sẽ sụp đổ!
Nhà Nguyên có thể đem quân đánh Việt Nam vì vào thế kỷ 13 nước ta hoàn toàn cô lập. Cũng giống như năm 1979 Trung Cộng đã “dậy một bài học” cho Lê Duẩn về tội phản phúc vì Cộng sản Việt Nam đang bị cả thế giới tẩy chay. Tình trạng thế giới ngày nay hoàn toàn khác. Không nước nào lo bị cô lập nữa, mà Trung Quốc cũng không còn địa vị độc quyền bá chủ nữa. Nước Mỹ, châu Âu cũng như Ấn Độ, Nhật Bản, và các nước Đông Nam Á sẽ phản ứng mãnh liệt nếu Trung Cộng gây chiến với Việt Nam. Họ sẽ ngăn cản đến cùng, vì quyền lợi của chính họ chứ chẳng cần họ phải thương yêu gì nước mình! Ý nghĩ cho rằng Trung Cộng muốn làm gì thì làm, các nước nhỏ chung quanh phải sợ sệt như giun như dế mới thật là hoang tưởng. Đó mới là sống trong “truyện kiếm hiệp Kim Dung!”
Nhưng vị độc giả có lòng còn lo ngại, viết rằng nếu “Dùng chánh trị (chống lại Trung Cộng thì sẽ) lệ thuộc Mỹ hoặc phương Tây.”
Đó cũng là một điều hoang tưởng. Thế giới bây giờ không ai còn phải lo bị lệ thuộc như vậy, dù lệ thuộc Mỹ hay lệ thuộc Tàu, nếu tự mình biết khôn ngoan và quyết tâm bảo vệ nền độc lập. Năm 1940, các nước Anh, nước Pháp đã nhờ quân Mỹ sang đánh quân Đức Quốc Xã, sau đó các nước này bị lệ thuộc nước Mỹ hay không? Nếu không có Mỹ bảo vệ thì Nam Hàn và Đài Loan đã biến mất từ lâu rồi, nhưng bây giờ ai dám nói rằng các nước này lệ thuộc Mỹ? Nếu thân với Mỹ mà dân nước họ giầu có, được sống trong dân chủ tự do được thì tại sao họ không kết thân? Trên thế giới bây giờ không một nước nào lo phải lệ thuộc nước khác, vì tất cả các nước đều tùy thuộc vào nhau trong nền kinh tế toàn cầu hóa. Có ai bắt Singapore phải mở cửa cho tầu chiến Mỹ vào bến tu bổ, có ai bắt họ phải ký hiệp ước tự do thương mại với Mỹ hay không? Chẳng qua là vì Singapore thấy các hành động đó có lợi cho dân họ!
Vị độc giả nêu những ý kiến trên đây có thể vì tấm lòng lo cho đất nước thật. Nhưng các ý kiến đó cũng là luận điệu để bào chữa cho thái độ khiếp nhược, sợ hãi một cách vô lý trước các hành động gây hấn và lấn áp của Cộng sản Trung Quốc. Đó cũng là luận điệu mà Bắc Kinh muốn người mình truyền cho nhau nghe. Để cho cả nước Việt Nam chết nhát! Người Việt Nam không hèn nhát như vậy, ngay từ thời Hai Bà Trưng, bà Triệu.
Không thể chấp nhận những luận điệu hèn nhát, chưa chi đã lo nước Việt Nam không đủ sức chống lại Trung Cộng. Những kẻ đưa ra các luận điệu đó chỉ làm trò “rung cây nhát khỉ” để phục vụ Bắc Kinh và biện minh cho những thái độ khiếp nhược của họ. Nếu mỗi lần Trung Cộng tấn công tầu đánh cá Việt Nam, bắt cóc các ngư dân nước mình, thì một chính quyền Việt Nam biết trọng danh dự đã hành động trả đũa liền. Có thể quyết định tống xuất một ngàn công nhân Trung Quốc làm việc không giấy phép ở trong nước ta ngay sau khi “tầu lạ” đánh dân mình. Đang có hàng chục ngàn di dân lậu trong đám các công nhân Trung Quốc, một đêm là có thể tìm ra một ngàn người dễ dàng. Trục xuất di dân lậu là một việc làm hợp pháp, hợp đạo lý, quốc tế phải công nhận là đúng lẽ phải. Liệu Trung Cộng có dám vì thế mà đem quân sang đánh nước ta hay không? Thế giới có ngồi im cho họ hành động ngang ngược như vậy hay không? Dân Việt Nam đã hèn nhát từ bao giờ vậy?
Năm 1974 ông Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh hải quân Việt Nam chống cự đến cùng khi quân Trung Cộng tiến đánh Hoàng Sa. Lúc đó ông tổng thống Việt Nam Cộng Hòa chắc phải biết rằng những người lính sắp ra trận sẽ phải chịu hy sinh. Dù biết như vậy, ở địa vị người lãnh đạo một quốc gia, ai cũng phải ra lệnh tử chiến. Họ không thể chỉ nghĩ đến kế an toàn cho mỗi người lính. Vì phải bảo toàn danh dự quốc gia, vì còn phải nghĩ đến tổ tiên và con cháu.
Những người lính Việt Nam bảo vệ thành phố Lạng Sơn năm 1979 có biết rằng họ sắp bỏ mình trước biển người quân Trung Cộng hay không? Tại sao họ vẫn cầm súng chống cự tới cùng? Thiếu tá Ngụy Văn Thà khi cùng các chiến sĩ hải quân Việt Nam chống cự tới cùng đến lúc chỉ còn lưỡi lê trên đầu súng, họ có biết là họ sắp hy sinh hay không? Tại sao họ vẫn bám lấy mảnh đất Hoàng Sa cho đến chết? Tất cả những người lính Việt Nam, dù ở miền Nam hay miền Bắc, đều biết họ sẽ chết, nhưng chết cho tổ quốc Việt Nam. Vì bổn phận với tiền nhân bao đời trước. Vì biết còn bao nhiêu thế hệ con cháu đời sau. Người Việt Nam xưa nay không khiếp nhược.
Nguyễn Hưng Quốc - Bún mắng cháo chửi ở Hà Nội
Nguyễn Hưng Quốc
Gần đây, trên tờ Giáo Dục Việt Nam có một loạt bài khá thú vị về phong cách phục vụ tại một số tiệm ăn ở Hà Nội. Về đề tài này, trước, tôi đã từng viết, nhưng nay, đọc các bài thảo luận trên Giáo Dục, tôi không thể kiềm chế được sự “ngứa ngáy”, nên xin bàn tiếp.
Loạt bài do nhiều người viết. Giới nghiên cứu có; giới phóng viên có; giới độc giả cũng có. Nhiều người kể lại những kinh nghiệm cụ thể mà mình từng mắt thấy tai nghe hoặc có khi chính mình là nạn nhân của thứ văn hóa “bún mắng cháo chửi” ấy.
Một người kể: Đang đứng tần ngần chọn món để gọi, ông bị chủ quán mắng ngay: “Đứng chầu mồm à? Ăn không thì bảo?”. Ông vội vàng trả lời: “Chị cho xin một tô.” và lại bị mắng tiếp: “Tô, tô cái gì? Ra đây phải gọi là bát nhá!” Lại chịu đựng. Lại đứng tần ngần. Và lại nghe chủ quán mắng tiếp: “Vậy ông ăn bằng miệng hay ăn bằng tai? Ăn bằng miệng thì ngồi xuống. Bà kia! Xích cái đít mỡ ra một chút cho người ta ngồi.”
Một người khác, gốc Hà Nội, so sánh phong cách phục vụ trong các tiệm ăn ở Hà Nội và ở Sài Gòn:
“Trong khá nhiều lần đi công tác vào miền Nam, khi vào sử dụng dịch vụ ở các nhà hàng tại Sài Gòn, tôi nhận thấy rằng, thái độ phục vụ, dù chỉ là những anh bồi bàn thôi thì cũng đã rất dễ chịu, lịch sự, thân thiện, tôn trọng khách hàng, khác xa so với ở ngoài Hà Nội.
Ở những nhà hàng, cửa hàng ở Sài Gòn mà tôi đã từng đặt chân đến, dù là đông khách hay vắng khách thì những nhân viên ở đây vẫn tạo cho tôi cảm giác được chào đón hết sức nồng nhiệt.
Những nụ cười cùng những lời đề nghị hết sức lịch thiệp là điều mà chúng tôi luôn thấy ở các nhân viên phục vụ dù rằng phải tiếp đón một lượng khách lớn, rất mệt mỏi. Họ cũng sẵn sàng giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình cũng như giải thích nhẹ nhàng, cặn kẽ với những gì chúng tôi còn thắc mắc, chưa hiểu.
Khi chúng tôi có những lời góp ý họ luôn dành nụ cười và lời cảm ơn chân thành. Tôi cũng nhận thấy, trong cung cách phục vụ ở đây, những nhân viên, quản lý nếu sai thì sẽ sẵn sàng xin lỗi khách hàng và nếu khách hàng có sai thì họ cũng nhẹ nhàng chứ không bao giờ có những lời lẽ theo kiểu "dạy dỗ" như ở không ít nhà hàng tại Hà Nội...
Tôi là một người cũng khá khó tính trong việc "chấm điểm" cung cách phục vụ của các nhân viên dành cho mình nhưng quả thật, tôi cũng đã phải móc hầu bao để thưởng thêm cho một anh chỉ là bồi bàn tại một nhà hàng ở Sài Gòn vì thái độ phục vụ quá chu đáo, nhiệt tình, tôn trọng khách... Điều đó, cũng xin thưa rằng, ở Hà Nội tôi chưa bao giờ làm cả, vì thấy nó không xứng đáng...”
Số người đồng ý với nhận xét ở trên nhiều đến độ báo Giáo Dục viết hẳn một bài tổng kết với nhan đề “Ai cũng công nhận rằng văn hóa phục vụ ở Hà Nội kém xa Sài Gòn”.
Đào sâu vào những sự so sánh như thế chắc chắn là một điều thú vị và bổ ích. Nhưng xin hẹn một dịp khác. Ở đây, tôi chỉ xin tập trung vào hai vấn đề:
Thứ nhất, tại sao người Hà Nội lại có thứ văn hóa phục vụ thô lỗ, hỗn láo và tục tằn đến độ quái gở như thế?
Thứ hai, tại sao người dân Hà Nội lại có thể chịu đựng được thứ văn hóa phục vụ khủng khiếp đến như thế?
Trong hai câu hỏi ở trên, theo tôi, câu hỏi thứ hai quan trọng và cần thiết hơn câu hỏi thứ nhất.
Bình thường, người bán hàng lịch sự và dễ thương với khách không hẳn là vì tâm tính của họ vốn vậy. Lý do chủ yếu là vì lợi. Ở Tây phương, người ta thường cho rằng để bán hàng chạy, cần có ba điều kiện chính: một, địa điểm; hai, chất lượng; và ba, phong cách phục vụ. Điều kiện thứ ba đặc biệt quan trọng trong lãnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống. Chính vì vậy, khi tuyển nhân viên phục vụ trong các tiệm ăn và các quán cà phê, người ta thường chú ý nhiều đến ngoại hình; trong ngoại hình, yếu tố được chú ý nhất là gương mặt; trên gương mặt, yếu tố được chú ý nhất là nụ cười. Những nụ cười thân thiện của chủ quán và của những nhân viên phục vụ được xem là một trong những nguyên tắc chiến lược tạo nên sự thành công của việc buôn bán: Chúng đẻ ra tiền. Biết thế, ngay cả những người bẳn tính nhất, khi làm việc, cũng trở thành hòa nhã với khách.
Ở Hà Nội, ngược lại, người ta không tôn trọng khách, không cần khách, sẵn sàng chửi thẳng vào mặt khách. Tại sao? Một số người trả lời: Vì đó là những người nhập cư, đến từ các tỉnh lẻ, vốn ít học và thiếu văn hóa. Chắc chắn đó không phải là câu trả lời chính xác. Ở đâu lại không có người nhập cư? Tỉ lệ dân nhập cư ở Sài Gòn chắc chắn phải cao hơn hẳn Hà Nội. Nhưng tại sao Sài Gòn có thể “văn hóa hóa” họ được mà Hà Nội lại không? Vả lại, nói thế cũng đồng nghĩa với việc đánh giá thấp người dân ở nông thôn, những người tuy không được xem là lịch sự nhưng lại nổi tiếng là thân thiện và dễ mến.
Câu trả lời, tôi nghĩ, một phần nằm trong văn hóa hợp tác xã từng ngự trị ở miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, trong suốt mấy chục năm, từ năm 1954 đến ít nhất cuối thập niên 1990. Ở các hợp tác xã ấy hầu như lúc nào cũng có bảng hiệu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, nhưng trên thực tế, đó là những trung tâm quyền lực, ở đó, nhân viên tha hồ tác oai tác quái và khách hàng chỉ biết năn nỉ ỉ ôi để được mua từng chút, từng chút nhu yếu phẩm cho sự tồn tại của bản thân và gia đình. Chính các hợp tác xã ấy đã quan liêu hóa lãnh vực kinh doanh và dịch vụ khiến người bán hàng xem khách là những kẻ ăn xin chứ không phải là nguồn lợi của mình.
Nhưng vấn đề là: Tại sao khách lại chịu đựng những sự nhục mạ như vậy? Ngày xưa, thời bao cấp, sự chịu đựng như vậy là điều dễ hiểu. Không chịu đựng được thì đói. Nhưng còn bây giờ? Hàng quán ê hề, ở đâu cũng có, không vào tiệm này thì vào tiệm khác, vậy tại sao người ta vẫn cứ tiếp tục bước vào các tiệm “bún mắng cháo chửi” để chịu nhục? Thức ăn ở các tiệm ấy ngon ư? Nhưng, thứ nhất, liệu cái ngon ấy có đáng được trả giá bằng sự nhục nhã không? Thứ hai, tại sao dù nhục nhã như vậy, người ta vẫn không thấy nghẹn trong họng và vẫn thấy ngon?
Chủ quán và nhân viên phục vụ thô lỗ và thô bỉ có thể là do bản tính. Nhưng chấp nhận bước vào các tiệm có thứ văn hóa phục vụ thô lỗ và thô bỉ như vậy lại là sự chọn lựa của khách hàng. Đó không phải là sự chọn lựa giữa tiệm này và tiệm khác, giữa món ăn này và món ăn khác. Mà là sự chọn lựa giữa miếng ăn và lòng tự trọng.
Đến đây, chúng ta không thể không tự hỏi: chẳng lẽ lòng tự trọng của người Hà Nội -xin lỗi, của một số người Hà Nội - lại yếu đến vậy sao?
Chỉ một số thôi ư? Chắc hẳn đó phải là một số không nhỏ. Nếu không, các hàng quán “bún mắng cháo chửi” ấy đã phải đóng cửa rồi.
Đóng cửa từ lâu rồi.
ĐỌC SÁCH: “ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ: PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH VĨ MÔ”
do TS Phạm Đỗ Chí và PGS TS Đào Văn Hùng chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật
Học Viện Chính sách và Phát triển
Hà Nội 2012
TS Phạm Đỗ Chí là một cựu nhân viên của IMF và là một giáo sư Đại học. Ông đã đứng ra chủ biên cho nhiều sách về kinh tế Việt Nam, bắt đầu bằng cuốn “Đánh thức con rồng ngủ quên” vào 2001; "Làm gì cho nông thôn" (2002); "Thử thách của hội nhập" (2002); "Trên đường hoá rồng" (2005); "Từ lạm phát đến kích cầu" (2010); "Khi rồng muốn thức dậy – loay hoay với mô hình kinh tế sau Đổi Mới" (2011) và vừa mới đây là cuốn "Ổn định và Phát triển Kinh tế: Phân Tích Chính Sách Vĩ Mô" (2012) cùng đứng chủ biên với TS Đào Văn Hùng.
Xem qua các sách vừa kể từ 2001 đến nay, người ta có ngay nhận xét này: ngày càng có nhiều tác giả là kinh tế gia trong nước tham dự. Trong cuốn đầu tiên “Đánh thức con rồng ngủ quên” (2001) tác giả đa số là các kinh tế gia người Việt hải ngoại. Hơn 10 năm sau, trong cuốn sách mới này, các cây bút đóng góp bài vở phần đông là các tác giả trẻ trong nước, với nhiều bài phân tích khá hay.
Cuốn sách “Ổn định và Phát triển Kinh tế: Phân tích Chính sách Vĩ mô” dài hơn 335 trang, chia làm hai phần, bao gồm 20 bài phân tích về kinh tế Việt Nam, với lối viết chuẩn mực, có trình độ về cả hình thức lẫn nội dung. Trên thị trường sách chuyên môn về kinh tế tại VN, người ta thường gặp những sách "giáo khoa" dịch của nhiều tác giả kinh tế nước ngoài, nhưng ít khi thấy được một cuốn sách với nhiều phân tích vĩ mô có tính kỹ trị dính liền vào trường hợp kinh tế VN, do chính các tác giả đang sống ở Việt Nam viết, như cuốn sách này.
Phần 1 được đặt dưới đề tài Ổn định kinh tế vĩ mô gồm 11 chương phân tích về Mối tương quan giữa lạm phát và các chính sách tiền tệ tài khoá, Các chính sách đối phó với đình trệ sản xuất và lạm phát, Phát triển mô hình đường cong Philipps để phân tích nguyên nhân lạm phát, Tránh lạm phát đình đốn, Về một chính sách mới: nâng cao khả năng thực hiện Lạm phát mục tiêu, Định hướng đổi mới phân cấp đầu tư trung ương và địa phương, Quá trình chuẩn bị ngân sách nhà nước, Phân tích tính bền vững của ngân sách nhà nước, Lập trình tài chính quốc gia chú trọng việc xác định các mức tiền tệ tín dụng hàng năm suy ra từ các mục tiêu tăng trưởng, lạm phát và cán cân thanh toán, và việc thiết lập một Hệ thống cảnh báo vĩ mô cho VN.
Trong phần này có nhiều bài phân tích tỉ mỉ về lạm phát và chính sách tài khoá. Lạm phát ở VN do nhiều nguyên nhân như việc in tiền quá nhiều từ áp lực chi tiêu ngân sách làm tăng lượng tiền trên thị trường dẫn đến việc tăng giá. Các phân tích cũng cho thấy là thâm hụt ngân sách sẽ có tác động chèn ép đầu tư tư nhân và đồng thời giải thích tại sao nhiều doanh nghiệp khó đi vay. Thâm hụt ngân sách một phần là do việc yểm trợ các doanh nghiệp nhà nước và vì thế lại là cản trở cho các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Phân tích mô hình đường cong Philipps cũng giúp cho hiểu thêm về nguyên nhân chính tác động đến lạm phát VN là kỳ vọng lạm phát do sự mất niềm tin.
Bài về Quy trình lập ngân sách và các bài phân tích về nguyên nhân lạm phát rất quan trọng vì nó sẽ giúp các kinh tế gia và các chuyên gia có nền tảng vũng vàng để quyết định về chính sách kinh tế tài chính. Việc đặt ưu tiên của ngân sách, việc dùng quy trình kế hoạch ngân sách cho nhiều năm (multi-year program budget) là các biện pháp đóng góp vào việc lập quy trình đứng đắn cho một ngân sách nhà nước đồng thời giúp tránh lạm phát cho kinh tế. Bài lập trình tài chính quốc gia hay bài về Hệ thống cảnh báo vĩ mô cho VN cũng là những thí dụ thích hợp áp dụng cho VN dựa theo các phương pháp của IMF, nơi mà một chủ biên làm việc trong nhiều năm và giúp tổng hợp được nhiều phương pháp thực tiễn của các nước khác. Nói tóm nó sẽ giúp nâng cấp trong vấn đề “quản lý vĩ mô” cho kinh tế VN trong giai đoạn “bối rối” này.
Là một chuyên gia về kinh tế - ngân sách (PFM – Public Financial Management) tôi coi phần này quan trọng – đánh giá cao đóng góp về phần này. Hiện nay các nước OECD đều theo mô hình Program budget vì nó giúp chính phủ quản lý tốt ngân sách chi tiêu thường xuyên lẫn các chi tiêu đầu tư có thời gian dài, đòi hỏi nhiều năm cho lập trình ngân sách. Đây là việc tốt nhưng nếu VN muốn làm thì sẽ phải cần nhiều năm vì quy trình này đòi hỏi thời gian để đào tạo nhân sự. Mong là trong các công trình tương lai các tác giả sẽ nghiên cứu thêm về quy trình tái tổ chức hành chính trong ngân sách để có thể thực hiện các đề nghị vĩ mô.
Nhìn chung phần 1 là một cố gắng trong việc hệ thống hoá, phân tích và đóng góp một cách bài bản ngân sách và cơ cấu lại nền tài chính công hầu giúp giảm một trong những yếu kém hiện nay của kinh tế Việt Nam là lạm phát.
Phần 2 là đề tài “Tăng trưởng và Tái cấu trúc kinh tế” gồm 9 chương phân tích về sự thay đổi cấu trúc kinh tế, nhìn tổng hợp về hệ thống ngân hàng và các yếu kém trầm trọng hiện tại, tính toán hiệu quả đầu tư công, Uớc lượng sản phẩm tiềm năng của VN, Tái cấu trúc và phát triển Tập đoàn kinh tế, Mô hình cân đối liên ngành liên vùng (I/O), Tiềm năng tăng trưởng kinh tế tiếp cận từ vi mô, đề xuất một khái niệm mới là Tổng sản phẩm toàn cầu (Gross Global Product) của VN và Tái cơ cấu tài chính công và đầu tư công.
Bài phân tích về các thay đổi cấu trúc kinh tế trong hơn 10 năm qua cho thấy có lẽ đã đến lúc VN cần “đánh giá lại các cố gắng trong quá khứ để có thể tiếp tục tăng trưởng bền vững hơn. Bài này cho thấy hiệu quả cao nhất trong đầu tư là khu vực FDI (đầu tư nước ngoài) và hiệu quả thấp nhất là khu vực Doanh nghiệp nhà nước. Nó cũng cho thấy là VN chỉ đạt hiệu quả rất thấp trong việc sử dụng đầu tư. TFP (total factor productivity) hay năng xuất tổng hợp của kinh tế VN xuống trong các năm qua. Việc đánh giá hiệu quả kinh tế VN qua hệ số ICOR hay TFP cho thấy việc sử dụng đầu tư của VN không mấy hiệu quả gây ra khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực.
Bài về hệ thống ngân hàng cho thấy rõ các yếu kém trầm trọng trong ngành ngân hàng do các vấn đề thanh khoản và nợ xấu. Hiện nay công ty đánh giá quốc tế Fitch Rating đánh giá nợ xấu trong ngành ngân hàng cao (13%) hơn các con số chính thức do Ngân hàng Nhà nước vừa công bố (8,6% vào cuối năm 2011) và trên mức rủi ro nguy hiểm (10%). Đây là một chỗ yếu (Achille heel) kém của kinh tế VN cần tái cơ cấu gấp.
Bài về tái cấu trúc và phát triển các tập đoàn kinh tế cho thấy một số nhận xét nhưng chưa đủ mạnh. Các phân tích vĩ mô khác trong sách và các bài báo về các vụ Vinashin, Vinalines hay các Tộng công ty khác cho thấy đa số các công ty này quản trị yếu kém do tham nhũng, thiếu cạnh tranh, ít đóng góp vào việc sử dụng lao động, vv. Bài có cho một số nguyên tắc và định hướng cải cách.
Mô hình cân đối liên ngành liên vùng (Input/Output) và Tiềm năng tăng trưởng kinh tế tiếp cận từ vi mô (I/O) là những công cụ kinh tế hữu ích đóng góp cho sự đánh giá của các ngành trong một nền kinh tế.
Bài về Tái cơ cấu tài chính công và đầu tư công rất hay vì nó cho thấy quy mô chi tiêu chính phủ, sự thiếu hụt ngân sách tại một số nước Á châu. Bài này cho thấy là VN có chi tiêu chính phủ và thâm hụt ngân sách cao nhất trong một số nước Á châu và cơ cấu đầu tư của chính phủ. Bài này cũng cho một số ý kiến về các quy tắc ngân sách hay giám sát nợ trong khu vực DNNN hầu tránh việc tăng nợ công.
*
Một cách tổng quát, sách này cần thiết cho những người trực tiếp làm việc trong ngành kinh tế (economist practitioners), cho những công chức cao cấp ở cấp trung ương hay cấp tỉnh, thành viên Quốc Hội lo về ngân sách hay chính sách kinh tế, các nhà khảo cứu, các nhà báo viết về kinh tế hay cho các sinh viên thạc sĩ về kinh tế hay quản trị kinh doanh. Các bài này rất bổ ích cho việc nghiên cứu, có thể coi là một hướng dẫn cụ thể giúp đánh giá các chính sách kinh tế.
Tôi nghĩ đối với những ai muốn tìm hiểu hay nghiên cứu về các vấn đề vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, cuốn sách sẽ giúp ích cho họ rất nhiều. Dĩ nhiên đây cũng là cuốn sách không thể thiếu cho cả người dạy lẫn học viên cấp thạc sĩ trong ngành kinh tế và quản trị.
TS Đinh Xuân Quân
Ước Gì Tôi Có Thể Sở Hữu Khuôn Mặt Của Vĩnh Hằng (*)
Carsten
Jensen
Bùi
Vĩnh Phúc dịch
Carsten
Jensen là một tác giả Đan Mạch. Sinh năm 1952, ông nổi
danh là một nhà phê bình văn học và ký mục gia cho một
nhật báo ở Copenhagen. Trong thập niên 1990, ông đã được
gửi đi làm việc ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở
Yugoslavia và nhiều thành phố tại châu Á, cho những đề
tài báo chí quan trọng thời đó. Là tác giả của sáu
tập tản văn và hai tiểu thuyết, cũng như tác giả của
nhiều bài phóng sự quan trọng, Jensen được đánh giá
cao qua những bài báo và tác phẩm của mình. Chương dưới
đây, “Would I Could Own The Face of Eternity”, được lấy
trong tập du ký nhận định I
Have Seen The World Begin / Travels through China, Cambodia, and
Vietnam. Tác
phẩm được các nhà phê bình và báo chí Tây phương đánh
giá cao với những cụm định ngữ như: “những nhận
xét [của Jensen] về mặt xã hội và lịch sử thế giới
xen kẽ với những mô tả về các vùng đất và con người
một cách lịch lãm và gợi hình, gợi cảm”
(The Independent / London),
“đầy những
hình ảnh, âm thanh và mùi vị của Á châu”
(Sunday Times / London),
và, một câu của
tờ Politiken
(Denmark): “Với
hiểu biết chuyên sâu và cái nhìn tinh tế của tác giả,
tác phẩm này đã đặt ông vào cùng chỗ với những tác
giả kinh điển như Bruce Chatwin, André Malraux và Jean-Paul
Sartre.”
Các
chú thích cuối bài là của người dịch.
BVP
Trong
vai trò của một khách du lịch, bạn không phải là người
vô hình, nhưng thật ra thì bạn trở nên có hình tướng
theo một cách thế đặc biệt. Mọi người nhìn vào bạn,
hoặc không phải thế, họ không nhìn, họ trố
mắt trừng trừng, nhưng họ trố mắt
nhìn bạn như nhìn một người lạ và họ không trông đợi
một người lạ phải tuân thủ những quy tắc đạo đức
và tiêu chuẩn của họ.
Họ cũng chẳng biết gì về những thứ ấy của
anh ta; thậm chí họ có thể ngờ rằng
anh ta chẳng có quy tắc hay tiêu chuẩn gì. Khi chúng ta nói
rằng một người lạ sống theo một mã đạo đức khác,
điều chúng ta thật sự muốn nói là anh ta chẳng có một
cái mã đạo đức nào cả—cái mã đạo đức của chúng
ta là cái mã duy nhất hiện hữu trên đời. Và chẳng
phải chính chúng ta cũng thích đi thăm nhà thổ và phạm
các loại tội ác này nọ trên những vùng đất lạ hay
sao? Sự kiện không một ai biết chúng ta làm cho chúng ta
dễ tự tha thứ cho chính mình.
Là
một người lạ có nghĩa là được tự do, và kinh nghiệm
cái sự nhẹ bẫng, cái tính vô trọng lượng của con
người mình. Lúc ấy chẳng còn có ai để bảo với bạn
rằng bạn là người này người nọ—và bởi thế, bạn
chẳng là ai cả. Nếu André Malraux đã đúng khi ông ta
viết rằng “Âu châu tin tưởng là bất cứ một thứ gì
không bắt chước hiện thực của nó thì chỉ biểu hiện
một giấc mộng” thì điều này giải thích lý do tại
sao châu Á lại hấp dẫn đến vậy: đó chính là cái cơ
hội được du hành qua một giấc mộng, việc thả lỏng
cái căn cước và ý chí của mình và tự buông thả mình
cho sự dẫn dắt của những sức mạnh khác; việc trầm
mình vào vùng nước tối đen của vô thức và trở nên
vô hình, ngay cả đối với chính ta. Cái giấc mộng thuần
túy của sự lãng du và của hành động, của sự bị dẫn
dắt bởi ngẫu hứng, bởi ham muốn bất chợt, bị uốn
nắn và bị thử thách vượt khỏi những giới hạn của
con người mình, bị tái sinh để trở thành nửa tội
phạm, nửa trẻ thơ. Đó chính là lý do tại sao du hành
lại là phương tiện của tuổi trẻ, một con đường
trôi nổi cho sự tự khám phá và cho những khởi đầu
mới. Đối với một người du lịch có tuổi hơn, có thể
là một kinh nghiệm có tính sỉ nhục và làm xuống tinh
thần cái việc khám phá ra rằng cái tính cách mà ta tin
là đã được xây dựng hoàn chỉnh và bền vững, thật
ra, chả là cái gì cả ngoài việc nó là dấu ấn của
môi trường chung quanh. Nhưng người ta cũng có thể thấy
là mình được tự do, thoát khỏi một vai trò đã cũ kỹ
và già cỗi; thoát khỏi một cuộc sống với những quặt
ngang rẽ dọc không đúng ý. Thật là một điều hấp dẫn
chạy đuổi theo tuổi trẻ của chính mình, bay nhảy trong
nỗi hoài nhớ để tìm kiếm lại những cơ hội đã mất,
và người ta luôn luôn đối mặt với cái nguy hiểm là
họ có thể tìm lại được chúng. Khi bạn xuất hiện vô
danh trong những môi trường xa lạ, chuyện gì cũng được
phép, và những ham muốn của tuổi trẻ trước cuộc sống
lại được nâng dậy. Chúng không còn thơ ngây nữa nhưng
bị biến đổi thành những ham thích lầm đường lạc
lối và thành sự tự mãn. Ừ, tại sao không? Chẳng có
ai ở đấy để mà dòm với ngó.
Kết
quả là một sự tự do mang mầu sắc cay đắng phẫn nộ.
Những tâm hồn yếu đuối không thể đối mặt với việc
được cho nếm trải cái hương vị của những khả thể
nằm trong chính họ. Những tâm hồn dũng mãnh thì có thể,
nhưng họ sử dụng cái tự do này để khám phá những
điều được tiết hãm và sự cần thiết phải làm như
thế ở một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Việc
phải đối diện với sự vô danh của chính mình là một
điều tốt, vì trong những con mắt nhìn thấu suốt qua
ta, có sự thật nằm ở đó. Ta nhìn những con người
khác, tưởng tượng chính ta là cái thước đo của họ.
Thế rồi ta khám phá ra được rằng chính họ là thước
đo của ta, và ta bị đưa xuống cái vị trí khiêm nhượng
của mình.
Tôi
lên đường không mang theo một ảo ảnh có tính hoài niệm
nào; tôi không đi tìm kiếm con người tuổi trẻ của
mình hoặc những khả năng không giới hạn của tuổi
trẻ. Tôi không tìm kiếm bất cứ sự giải phóng nào và
tôi tự cho rằng tôi biết được những giới hạn của
mình. Dù sao, Việt Nam đã tự phô bày ra trước mắt tôi
như một đất nước của những vũ trụ sóng đôi, liên
tiếp đưa tôi đối mặt với những phương cách hiện
sinh mới, những căn cước khác, cả một chuỗi những
khả năng để thể hiện những con người khác biệt của
mình. Tôi không bị choáng váng say sưa vì cái tự do của
tuổi trẻ; cái đánh động tôi hoàn toàn khác và mãnh
liệt hơn nhiều: cảm thức về tính chất hoàn toàn mềm
dẻo, dễ uốn nắn của con người mình. Tôi có thể là
một kẻ giết người, một tên trộm, một kẻ xâm hại,
làm hư hỏng trẻ vị thành niên; cái đất nước này cho
phép tôi chọn lựa mọi sự trong chính sự vô danh của
tôi, sự vô danh ấy được treo lửng lơ như một đám
mây che chắn những hành vi của tôi và tôi ý thức được
sự đáp ứng của chính mình. Tôi bị dụ hoặc và lôi
cuốn: có vẻ như tất cả những xung năng, những kích
thích đó đều nằm ở đấy, trong tôi, sẵn sàng và chờ
đợi. Việt Nam là một mảnh đất ở đó tôi có thể bị
thất lạc ngay trong chính con người mình, một mảnh đất
của những cơ hội nội tại, và tôi đã hơi bị thất
lạc và phạm vào một tội ác nhỏ. (Nhưng chẳng phải
những tội tiểu hình tầm thường đều có liên hệ đến
những tội đại hình kinh khiếp mà từ đó chúng bị dẫn
dắt đến, không thể nào tránh khỏi?) Dù gì đi nữa,
tôi đã băng qua đường vạch trên cát; cái đường vạch
đã luôn ở đó suốt cả đời tôi.
Tôi
luôn luôn thực hiện một quy tắc khi du hành: không chạm
vào những người lạ. Nhưng tại Việt Nam, những con
người lạ mặt lại luôn đụng chạm vào tôi mà không
làm cho tôi cảm thấy mình bị nguy hiểm. Ngược lại, sự
đụng chạm của họ làm tôi cảm động và hạnh phúc,
bởi lẽ tôi đã nhìn thấy sự đụng chạm ấy như một
cách diễn tả lòng từ tâm và sự nhân hậu cao thượng.
Việt Nam là đất nước duy nhất trên những chặng du
hành của mình mà ở đó tôi không bao giờ cảm thấy cô
đơn. Với từng cái đụng chạm, một lớp vỏ hành khác
lại bong ra và tôi đi dần đến chỗ đầu hàng, điều
này nằm ngay trong sự chấp nhận chính cái bản chất vô
danh của mình. Chẳng sao cả việc họ đụng chạm vào
tôi. Tôi chào đón điều đó nơi họ, bởi lẽ tôi tin
tưởng họ, hay đúng hơn lòng tin của tôi lớn dần lên
từ những đụng chạm ấy. Có một người đàn bà tại
một ngôi làng nhỏ ở vùng Tây Bắc của đất nước
này, một đêm nọ khi tôi đến khách sạn muộn, người
phụ nữ đó đã đến bên và đưa cánh tay vòng ngang lưng
tôi, vỗ nhẹ vào cánh tay tôi như để giúp tôi an lòng.
Tôi không bao giờ gặp lại bà. Tôi không rõ tại sao bà
lại cho tôi sự thân mật gần gũi ấy, nhưng tôi biết
ơn bà vì bà đã làm thế. Có một cô gái trẻ hay quanh
quẩn tại quán ăn ở Huế nơi tôi thường đến ăn. Cô
gái luôn luôn đến bàn của tôi và đứng lại một lúc
chuyện trò với tôi bằng tiếng Anh. Rồi một hôm cô cúi
xuống và hôn lên má tôi. Cô đang tập sự phô bày cái
nữ tính của mình qua tôi và tôi ý thức được là mình
được một người nữ hôn, cho dù đôi môi ấy là đôi
môi của một đứa trẻ. Tôi cảm nhận một sự khao khát
kỳ lạ người nữ đang trổ nụ ấy, một sự mong muốn
không hẳn mang nét tình dục, nhưng nó vẫn là thế; như
sự khát khao một hình ảnh hay một điều gì đó không
thấy được, khát khao người đàn bà mà cô gái chưa trở
thành, nhưng cô đã cho tôi, dù thoáng qua, cái hạnh phúc
được nếm trải nó. Đối với cô, cũng thế, tôi biết
ơn cô.
Tất
cả những chuyện đó, phần nào, gắn bó với điều đã
xảy ra tại Mỹ Sơn: một tội ác nhỏ của tôi. Chuyện
ấy cũng gắn bó với sự khát khao một điều gì đó
không thể sờ chạm vào được, một ham muốn sở hữu
và bị sở hữu, bị ngoạm nuốt bởi một cái gì đó to
lớn; một giấc mơ về sự vĩnh hằng ở giữa những
điều không vĩnh hằng.
Mỹ
Sơn—các tượng
nữ thần và hoa văn trên đá
Mỹ
Sơn cách Đà Nẵng khoảng 60 cây số. Trong lịch sử, xưa
kia nó đối với người Chàm cũng giống như là Angkor đối
với người Khờ-Me vậy: một trung tâm tinh thần và tôn
giáo, và, trên hết, một thành tựu về mặt kiến trúc.
Trong hơn một ngàn năm, con người đã sống tại thành
phố này, và rồi, theo một cung cách mang đặc nét Á
châu, nó đã bị bỏ hoang, và cái mà chúng ta gọi lầm
là thời gian có thể là đã khởi động công việc tàn
phá nó. Không phải thời gian đã phá đổ những ngôi đền
ấy, nhưng chính là những đội quân cướp bóc đã dày
xéo thành phố đền đài này; có rất ít nơi trên cái
đất nước dài, hẹp và bị chiến tranh tàn phá này
thoát khỏi những bàn chân dày xéo. Những kẻ cuối cùng
đã dẫm đạp trên đất nước này là những người Mỹ,
những người đã phá tan thành bình địa những công
trình được xây cất cả nghìn năm chỉ vì vùng đất
ấy, một thung lũng được bảo vệ kỹ lưỡng bởi những
ngọn đồi cây cối chằng chịt như rừng, đã là căn cứ
địa của Việt Cộng. Sau sự tàn phá một trong những
nơi có những ngôi đền đẹp đẽ nhất, Philippe Stern,
một chuyên gia về nền văn minh Chàm và là người phụ
trách trưởng của Bảo tàng viện Guinnet ở Paris, đã
viết trong một lá thư ngỏ gửi Tổng thống Nixon, trong
đó ông van xin tổng thống ngưng rải bom tàn phá những
công trình này. Nixon đã hứa là … sẽ để yên những
công trình đó và sẽ chỉ tập trung vào việc giết Việt
Cộng. (1)
Thời
gian phải tìm những cách khác để làm công việc của
nó.
Đó
là lúc mà tôi đến đây.
Khoảng
năm hay sáu cây số ở bên ngoài khu vực Mỹ Sơn, con
đường dần dần dẫn vào ngõ cụt. Một vài cái quầy
được dựng lên ở đây, và có một người cảnh sát
ngồi dưới gầm bàn trong bóng râm của một tấm bạt
căng. Ông ta hỏi xem sổ thông hành của tôi và viết con
số trong hộ chiếu xuống. Rồi có một thanh niên khẳng
khiu, đội mũ an toàn mầu vàng, xuất hiện và đề nghị
chở tôi qua đoạn đường vài cây số cuối trên chiếc
xe máy của anh ta.
Những
con dốc mầu xanh cây lá lung linh rập rờn mầu nước
biển trong lớp mỏng như sương mù của hơi nóng, nhưng
chẳng còn mấy thứ để xem tại Mỹ Sơn. Thỉnh thoảng
có một cột đền bằng gạch đỏ mầu han gỉ, nhưng hầu
hết chỉ là chuyện lái luồn lách quanh những hố bom và
những công trình đổ nát. Những đống đá vương vãi và
những bức tường đá dài nhiều bộ nằm đây đó khắp
nơi. Những thân cây bị phạt ngang nhô ra khỏi một ngôi
đền nhỏ, nửa phần đã đổ nát. Một ngôi nhà, đầy
đủ lệ bộ với mái che gợn sóng bằng sắt và lưới
bảo vệ chắn ngang cửa vào, được dùng như một nhà
kho để chứa các tượng và những mẩu của các đồ
trang trí trước đây đã được dùng để tô điểm cho
các ngôi đền. Một tấm biển yết thị ghi rõ rằng công
việc lưu giữ được công ty Mercedes của Đức bảo hộ
qua khẩu hiệu “Lưu Giữ Quá Khứ Cho Tương Lai”.
Những
quả bom phần nào đã làm công việc của chúng, nhưng sự
thật hiển nhiên là Mỹ Sơn, không giống như Angkor, chưa
bao giờ là trung tâm của một đế quốc lớn. Không gian
mang một vẻ tĩnh lặng đến nỗi người ta có cảm tưởng
là thành phố này đã được sinh ra từ sự tĩnh lặng
ấy.
Tôi
là người khách độc nhất của thung lũng. Điều này có
thể là lý do khiến chuyện ấy đã xảy ra. Hai người
lính gác với súng để trên đầu gối ngồi ở cửa vào
của thành phố đền. Khi tôi quay trở về sau khi đã đi
một vòng xem xét thành phố, họ vẫy tôi lại và đưa ra
một thứ được gói trong một tờ giấy báo. Tôi thoáng
nhìn thấy mầu sa thạch đỏ. Họ ra vẻ mời mọc, cười
cười với nét dụ dỗ một cách gián tiếp, cung cách
thân mật khá sỗ sàng. Một kỷ vật nhỏ? Họ cười ra
vẻ cầu tài.
Phản
ứng của tôi là sự tức giận. Tôi cảm thấy như họ
đã nắm được tôi và ngầm cho thấy là họ có thể
nhìn xuyên thấu qua tôi và biết rõ những bí mật của
tôi. Nhưng tôi không hề muốn dính líu gì với sự thân
mật vô đạo đức của họ. Tôi không phải một người
trong bọn họ. Tôi cảm thấy kinh tởm và muốn tránh xa.
Đây là những công bộc thối nát, hư hỏng, bán đi những
bảo vật mà họ được trao cho bổn phận phải giữ gìn.
Giản dị là họ đã tiếp tay cho sự tàn phá mà những
người Mỹ điên cuồng vì chiến tranh đã khởi động,
cũng với một sự coi thường như vậy đối với quá khứ
và lịch sử. Đất nước buồn bã này, tôi nghĩ, vốn
liếng đã quá ít ỏi mà lại còn không giữ lại được
một chút di tích của quá khứ để lại sau khi bom đạn
đã làm xong công việc của nó.
Thánh
địa
Mỹ Sơn, Việt Nam
Sau
sự từ chối của tôi, những tên lính gác cửa thay đổi
chiến thuật. Chúng thay đổi cung cách cầu cạnh của
mình bằng thái độ thẳng thắn một cách thoải mái.
Uống nước trà nhé? Trời nóng, và tôi đã đi bộ quanh
vùng dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt hàng mấy giờ
liền; bởi thế, tôi chấp nhận ly nước họ mời. Họ
kéo một chiếc ghế đẩu nơi một cái bàn nhỏ mời tôi
ngồi. Chúng tôi ngồi đó một lúc. Họ hỏi những câu
hỏi thông thường. Tôi bị nỗi thèm khát giao tiếp chộp
lấy và quên đi sự giận dữ của mình. Bỗng bất ngờ
một người trong bọn họ đặt cái gói giấy trên bàn
trước mặt tôi. Tôi ngó xuống đất, nhưng tới lúc ấy
thì mọi chuyện đã quá trễ. Trong một chớp mắt tôi
học được một điều: cái đẹp là kẻ đồng loã chính
của sự suy đồi.
Nằm
trên đó, ngay trước mặt tôi, là cái đầu của một
tượng Phật. Nó làm bằng sa thạch đỏ và những dấu
đục chạm đã từng nét hình thành nên khuôn mặt Phật
từ tảng đá gốc vẫn còn có thể nhận diện được,
giống như những lỗ chân lông trên da, nơi cát đã kết
tập qua bao thế kỷ. Những vành tai dài và những lọn
tóc xoăn đầy nét hoa mỹ uốn cong thành hình dáng một
ngôi chùa. Đường cong đầy đặn của môi trên uốn lên
thành một nụ cười thoảng và những bờ mi, nhắm hờ
trên những khe hở thoai thoải và hẹp của mắt, làm cho
khuôn mặt mang một vẻ cao nhã về mặt tinh thần.
Tôi
cầm bức tượng lên và trở nên nghiêm trang. Nó nằm gọn
trong lòng bàn tay tôi, cùng lúc sở hữu một sức nặng
ẩn kín làm cho nó có vẻ như nặng gấp đôi trọng lượng
thực của nó. Đó là một khuôn mặt tuyệt mỹ, mang đầy
nét vĩnh cửu, và tôi thức nhận được rằng nó có thể
là của mình. Tôi có thể sống với nó bên cạnh mình
mỗi ngày cho đến hết cuộc đời tôi, chứng kiến mỗi
ngày cái nụ cười này, cái nụ cười mang chứa trong nó
một sự bí mật còn sâu thẳm hơn sự bí mật của Mona
Lisa. Đức Phật, “người đã quên lãng những điều mà
chúng ta kinh nghiệm và kinh nghiệm những điều mà chúng
ta không bao giờ vói tới”.
Niềm
khao khát được sở hữu bức tượng này rõ ràng là quá
sắc nhọn, vì nó là nỗi khát khao được sở hữu sự
vĩnh hằng và như thế bảo đảm cho tôi chống lại ngay
với sự chết, sự qua đi của chính mình. Tôi đang cầm
trong tay mình từ 40 đến 50 thế hệ, và, qua cái đầu
của bức tượng này, có vẻ như thế, tôi có thể sống
thêm khoảng từ 40 đến 50 thế hệ nữa. Nó có tất cả
sức mạnh hấp dẫn của một hòn đá quý, một miếng vỡ
của vũ trụ, đã đáp xuống, bất ngờ, vào ngay lòng bàn
tay tôi, làm dấu chứng cho một nơi chốn nằm bên ngoài
thời gian. Được giấu kín trong nó là một lời hứa
rạng rỡ, thế nhưng điều hiển nhiên với tôi là cái
làm cho Đức Phật nhìn ngắm và mỉm cười, cái nhìn
rộng lượng từ dưới đôi bờ mi nhắm hờ kia, không gì
khác hơn là cái vô thường rõ ràng và chắc chắn của
mọi sự vật. Nhưng khuôn mặt này quá đẹp đến nỗi
nó cũng mang lại tất cả sức mạnh lôi cuốn của chính
những cái thoáng qua, những cái vô thường ấy. Đến lúc
này thì tôi không thể chịu đựng được cái ý nghĩ là
sẽ chẳng còn bao giờ nhìn thấy lại nó nữa. Tôi muốn
ngừng thời gian lại.
Cái
gáy của đầu tượng Phật bị mất và cuống họng chỉ
là một nhát cắt dài. Chắc hẳn là nó đã được tháp
vào tường của một ngôi đền như là một phần của
một dải tường mang đường nét kiến trúc hoa văn trang
trí lớn hơn, và đã bị đục ra, giống như đầu của
những pho tượng mà tôi đã từng thấy ở Angkor. Những
hạt cát vụn mầu đỏ nằm trong đường cắt cuống
họng. Hẳn là cái đầu tượng này đã bị đục lấy ra
từ lâu rồi.
“Những
người Mỹ,” hai tên gác nói, chỉ vào cuống họng của
tượng.
“Thế
kỷ thứ mười,” họ nói tiếp, “Rẻ. $80.”
Giờ
thì họ dạn dĩ, tự tin hơn. Họ đã thấy cái yếu đuối
trong con người tôi.
“$60,”
tôi nói. Tôi không thật sự muốn nói như vậy. Điều
tôi muốn nói là: hãy cứu tôi khỏi phải mua bức tượng
đẹp đẽ này, vì tôi không thể chịu được cái cảnh
nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong một hành vi đốn
mạt như thế. Nhưng tôi không đủ sức để nói không.
Bởi thế tôi để cho sự may rủi quyết định. Nếu các
anh lùi bước, tôi sẽ mua đầu tượng Phật và rời khỏi
chốn này—một con người bị thay đổi, một con người
thấp kém hơn. Nhưng các anh không chịu. Bởi vì các anh
đúng. Nó quá rẻ. $80 chẳng là gì cho một mảnh của
vĩnh hằng. Và có lẽ lý do các anh bán nó quá rẻ chính
là vì các anh phải đi kiếm tìm những người khách cho
những món hàng đánh cắp khốn kiếp của mình tại một
nơi chốn hẻo lánh như thế này. Bởi vậy các anh sẽ
giữ vững lập trường của các anh, và tôi giữ vững
lập trường của tôi, và trong vòng một hay hai phút nữa
thôi tôi sẽ rời khỏi đây, bình an thanh thản và với
một lương tâm trong sạch.
“$80,”
họ lập lại. “Rẻ.”
“$60.”
Họ
lắc đầu. Tôi đứng lên, nhẹ nhõm, và chuẩn bị đi.
“$70.”
Trước
khi tôi có thể tự ngăn cản mình, tôi đã quay lại và
gật đầu, được rồi.
Họ
gói cái đầu của pho tượng vào trong tờ giấy báo trở
lại và đưa nó cho tôi. Tôi nghĩ đến người cảnh sát
đứng ở cuối đường. “Không sao đâu,” họ nói và
lắc đầu. Với bàn tay lành nghề, người đàn ông đội
mũ an toàn mầu vàng cầm lấy cái đầu pho tượng được
gói giấy báo và chuồi nó vào trong một trong những túi
áo quần rộng lớn của anh ta. Họ nháy mắt với tôi.
Tôi đã là một trong những con mồi của họ. Tôi đã bị
họ chụp bắt được.
Chúng
tôi chạy xe qua mặt người cảnh sát và, được cánh cửa
xe che chắn, tôi cầm lấy đầu pho tượng. Rồi tôi vù
đi, cảm nhận mình là một con người khác; không phải
là một người tốt hơn, nhưng là một vị quan toà đúng
đắn hơn đối với chính tính cách của con người mình.
Tôi đã được chữa, được điều trị khỏi cái lương
tâm trong sạch của mình. Tôi đã bước chân qua đường
biên, nhập cuộc với “chúng”, những kẻ nọ—những
kẻ ném bom, những kẻ cướp bóc, những kẻ mà trước
đây tôi đã luôn luôn nhìn ngắm từ góc độ an toàn của
phía bên kia, của một lương tâm trong sạch—và trở
thành một mắt xích nhỏ trong một chuỗi xích lớn của
sự tàn phá.
André
Malraux đã đục lấy toàn bộ những mảng kiến trúc lớn
của Bantey Srei (2),
còn tôi thì lấy một miếng nhỏ của Mỹ Sơn. Người
anh hùng của Malraux, Perken, mơ thấy để lại một vết
sẹo trên khuôn mặt của phong cảnh; những người Mỹ đã
hiện thực hoá giấc mơ ấy, trong cái mức độ toàn
triệt của thời đại kỹ nghệ, và để lại sau lưng họ
một mảnh đất lỗ chỗ dấu bom như một miếng phó-mát
Thuỵ Sĩ. Và khi đã có đủ thời gian trôi qua, người ta
sẽ nhắc đến những dấu vết của chiến tranh như những
sự tàn phá của thời gian, mà không còn nhìn thấy cái
bàn tay tàn bạo của con người hoặc không còn nghe thấy
tiếng dẫm đạp của những bước chân thù. Nhưng chính
cái đoạn đường khốn khó này đã tìm thấy một vọng
âm trong hành động mua bán nhỏ của tôi, và, một cách
nào đó, bây giờ tôi đã là một phần tử gắn bó thiết
thân hơn nữa với nhân loại: tôi đã vượt qua biên giới
để vào những vùng đất bị tàn phá và học biết được
rằng cái đẹp có cái giá của nó, và số tiền $70 mà
tôi đã trả để có được cái đẹp chỉ là một phần
rất nhỏ bé của cái giá kia.
Carsten
Jensen
Bùi
Vĩnh Phúc dịch
________________________________________
Chú
thích:
(*)
Đây là
một chương trong tập du
ký nhận định I
Have Seen The World Begin / Travels through China, Cambodia, and
Vietnam (New York: Harcourt, Inc. ,
2000.) của Carsten Jensen. Tác phẩm được Munksgaard /
Rosinante in lần đầu bằng tiếng Đan Mạch vào năm 1996
dưới tên gọi Jeg
har set verden begynde.
Barbara Haveland dịch từ nguyên tác Đan Mạch sang tiếng
Anh. Tác phẩm đã được giải Golden Laurels dành cho sách
hay nhất của năm.
(1)
Chính xác là "... to leave the buildings
alone and confine himself to killing Vietnamese". Ở đây,
"Vietnamese", có lẽ giống như cách nói của nhiều
người Pháp trong vùng Đông Dương trong thời chiến tranh:
“Vietnamese”, hay "tụi Việt", để chỉ "Việt
Cộng" (Có thể xem thêm Olivier Todd, Cruel
Avril 1975 / La Chute de Saigon,
Éditions Robert Laffont, S.A., Paris, 1987).
(2)
Bantey Srei
(còn được viết là Banteay
Srei hay Banteay
Srey, nghĩa là “thành trì của
phụ nữ”, hay “thành trì của cái đẹp”) là một
ngôi đền cổ, được xây dựng vào thế kỷ thứ 10, để
tôn vinh thần Shiva của người Hindu. Nằm trong quần thể
Angkor của Cambodia, nó được định vị ở gần ngọn đồi
Phnom Dei, 25 km (16 mi) đông bắc đối với quần thể chính
của những ngôi đền đã một thời thuộc về những thủ
đô Yasodharapura và Angkor Thom thời trung cổ. Bantey Srei
được xây cất phần lớn bằng sa thạch đỏ, một chất
liệu giúp người ta dễ đục chạm những hoa văn tỉ mỉ
và tinh tế giống như khắc chạm trên gỗ. Những nét
chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ đó trên những bờ tường
của ngôi đền, hiện nay, vẫn còn có thể được nhận
rõ. Kiến trúc này rất nhỏ bé so với sự vĩ đại chung
của quần thể kiến trúc Angkor. Bantey Srei được giới
khảo cổ cũng như du khách thế giới nói chung đánh giá
là một “viên ngọc quý” của nghệ thuật Khmer. Nó chỉ
được tái khám phá vào năm 1914, gắn với một vụ trộm
nghệ thuật đình đám, khi André Malraux đục lấy bốn
pho tượng trong nhiều tượng nữ thần (devatas) được
chạm khắc trên những bờ tường của ngôi đền. Dù
sao, André Malraux bị bắt không lâu sau đó, và bốn pho
tượng thần này đã được hoàn trả lại.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)