Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

BBC - Tepco rút khỏi dự án hạt nhân ở VN


BBC 

Tepco nói họ muốn tập trung vào giải quyết hậu quả khủng hoảng hạt nhân thay vì xuất khẩu công nghệ này
Tân chủ tịch của Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), Nhật Bản, tuyên bố công ty này sẽ rút ra khỏi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, báo Mainichi cho hay.


Tepco là cổ đông chính với 20% cổ phần trong Công ty Phát triển Năng lượng Hạt nhân Quốc tế của Nhật Bản (JINED) với sự tham gia của tám công ty điện khác nữa.

Báo Mainichi dẫn lời tân chủ tịch Naomi Hirose nói: "Các kỹ sư chuyên về lò phản ứng hạt nhân của Tepco cần tập trung vào việc ổn định và tháo dỡ các lò phải ứng tại nhà máy [bị sự cố ở Fukushima] trong thời gian dài.

"Chúng tôi không thể đặt trọng tâm vào xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân vì nó ảnh hưởng tới cách ứng phó của chúng ta với cuộc khủng hoảng."

Vụ rò rỉ hạt nhân tại các nhà máy ở Fukushima ảnh hưởng tới một vùng rộng lớn và khiến hàng chục ngàn người phải di tản.

Người ta ước tính Nhật Bản sẽ mất hàng chục năm để tẩy phóng xạ.

'Quá tham vọng'

Tờ Mainichi nói quyết định rút khỏi JINED của Tepco có nhiều khả năng buộc chính phủ xem xét lại chính sách thúc đẩy xuất khẩu hạt nhân của họ.

Các đối tác còn lại của JINED cũng bao gồm các công ty Hitachi, Mitsubishi Heavy Industries và Innovation Network Corporation of Japan.

Việt Nam định đặt nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận

Mainichi dẫn lời một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, bộ đưa ra sáng kiến thành lập JINED, nói họ đang xem xét chuyện mời Công ty Điện lực Kansai thay thế Tepco ở vai trò dẫn đầu.

Các nguồn tin chính phủ được báo Mainichi dẫn cũng nói Việt Nam có thể hủy hợp đồng với JINED nếu Nhật không bù đắp được cho việc Tepco rút đi.

Dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận của Việt Nam bị coi là "quá tham vọng" trong khi Hà Nội chưa có khả năng đảm bảo an toàn cao, tính minh bạch còn thấp và tệ tham nhũng tràn lan.

Nhiều nhân sỹ, trí thức của Việt Nam đã kêu gọi hủy bỏ dự án điện hạt nhân sau cuộc khủng hoảng rò rỉ phóng xạ tại Fukushima ở Nhật Bản.

Một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi đối với việc Nhật Bản xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân trong khi chính họ lại đang dần từ bỏ công nghệ này.

Hôm qua cổ đông Tepco đã thông qua quyết định quốc hữu hóa công ty này.

Chính phủ Nhật sẽ đưa một ngàn tỷ yên (12,6 triệu đôla) vào công ty để tránh phá sản và đưa tổng số tiền chính phủ hỗ trợ cho Tepco lên ít nhất 3,5 ngàn tỉ yên kể từ trận động đất vào năm ngoái làm hư hại lò phản ứng.


BBC - TQ 'phòng ngừa chiến tranh' ở Biển Đông


BBC



Trung Quốc đã phản ứng mạnh về việc Việt Nam tuần tra Trường Sa

Trong một động thái mới ngay sau khi Việt Nam thông qua luật biển, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường hoạt động quân sự ở vùng Biển Đông, mà nước này gọi là Nam Hải.

Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) hôm thứ Năm 28/6 đưa tin cho hay quân đội Trung Quốc đã "thiết lập chế độ tuần tra" với mục đích phòng ngừa chiến tranh trên vùng biển quanh quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa); và đang xem xét để đặt cơ quan quân sự tại thành phố Tam Sa mới được thành lập cũng tại Biển Đông.

Hai hoạt động mới này cho thấy đang có sự tăng cường rõ rệt trong chính sách quân sự của Trung Quốc đối với Biển Đông, dường như để phản ứng trước việc Việt Nam điều máy bay tiêm kích ra tuần tiễu ở Trường Sa hồi giữa tháng Sáu.

CRI đưa tin trong cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc tại Bắc Kinh, Phát ngôn viên Cảnh Nhạn Sinh lặp lại tuyên bố "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng biển xung quanh".

"Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ hành vi khiêu khích quân sự nào."

Ông Cảnh nói "quân đội Trung Quốc đã thiết lập chế độ tuần tra bình thường trên vùng biển thuộc diện cai quản của mình với mục đích phòng ngừa chiến tranh" .

Ông cũng khẳng định: "Quân đội Trung Quốc quyết tâm và kiên định bất di bất dịch bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ gìn quyền lợi hải dương của đất nước".

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng gọi việc Việt Nam điều chiến đấu cơ tuần tra là "hành vi đơn phương làm cho tình hình Nam Hải (Biển Đông) trở nên căng thẳng".

Bộ chỉ huy quân sự Tam Sa

Bất đồng và căng thằng giữa Việt Nam và Trung Quốc đang gia tăng trong thời gian gần đây, sau khi Việt Nam có một số hành động và chính sách khẳng định chủ quyền của mình tại Biển Đông, nhất là quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngược lại, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều quyết sách để trả đũa, mới nhất là việc tập đoàn dầu khí quốc gia nước này mời thầu quốc tế trong chín lô dầu khí ngoài khơi miền Trung và miền Nam Việt Nam, mà Việt Nam đang khai thác.

Trung Quốc nói sẽ đặt cơ quan quân sự tại Biển Đôngnh phủ Trung Quốc đã nâng thành phố Tam Sa vốn được thành lập từ cuối năm 2007 để quản lý khu vực Biển Đông từ cấp huyện lên thành cấp địa khu.
Đại tá Cảnh Nhạn Sinh nói trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 28/6 rằng quân đội Trung Quốc theo quy định đang nghiên cứu để đặt cơ quan quân sự tại địa phương này.

Theo quyết định của Bắc Kinh, thành phố Tam Sa bao gồm các hòn đảo và đá ngầm cũng như vùng biển quanh các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa), có diện tích đất liền trên đảo chỉ 13 km2 nhưng diện tích vùng biển lên tới trên hai triệu km2, là thành phố lớn nhất Trung Quốc.

Đài CRI dẫn lời ông Cảnh giải thích việc đặt cơ quan quân sự là bình thường vì theo quy hoạch của Trung Quốc, địa phương các cấp tỉnh, địa khu và huyện đều có cơ quan quân sự để chỉ huy quân sự tại chỗ.
Tuy nhiên, với quy mô của thành phố Tam Sa như đã nói ở trên, không khó khăn để suy đoán phạm vi và chức năng hoạt động của cơ quan quân sự mới.

Việt Nam luôn khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình, tuy Hoàng Sa đã hoàn toàn vào tay Trung Quốc từ sau năm 1974.


Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Nguyễn Hưng Quốc - Bạn đồng hành của độc tài



Nguyễn Hưng Quốc

Kết quả các cuộc điều tra quốc tế về mức độ lạc quan hay thỏa mãn đối với cuộc sống của dân chúng thường cho thấy một nghịch lý: phần lớn các nước phát triển, giàu có có trình độ dân trí cao thường bị xếp hạng rất thấp, có khi gần cuối bảng (ví dụ, trong bảng xếp hạng về chỉ số hạnh phúc mới đây, Đan Mạch đứng thứ 110; Bỉ, 107; Mỹ, 105; Singapore, 90; Úc, 76; Phần Lan, 70; Pháp, 50) trong khi đó, các nước kém phát triển, nghèo nàn, và có trình độ dân trí thấp, ngược lại, lại có chỉ số rất cao, có khi, như trường hợp của Việt Nam, đứng đầu bảng, nếu không nhất thế giới thì cũng nhất châu Á (các nước đứng bên cạnh Việt Nam trong chỉ số hạnh phúc là Colombia, El Salvador, Jamaica, Bangladesh và… Cuba!)




Tại sao lại có sự nghịch lý như vậy?

Trong bài trước, tôi đã kể về bà dì họ của tôi, dì Mười, như một ví dụ. Theo tôi, trường hợp như vậy khá phổ biến, từ đó, có thể cho chúng ta một câu trả lời: Tầm nhìn ngắn và hẹp với mấy biểu hiện chính:

Thứ nhất, chỉ quan tâm đến những nhu cầu trước mắt, chủ yếu là nhu cầu kinh tế, trong đó, hầu hết chỉ giới hạn trong chuyện ăn, mặc và ở. Có được nơi để ở và đủ ăn, đủ mặc là đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Không những ăn no mà còn có thể nhậu nhẹt, cà phê vào buổi sáng, bia ôm vào buổi chiều lại càng hạnh phúc. Mặc quần áo không những lành lặn mà còn có hiệu, dù là hiệu nhái, lại càng hạnh phúc hơn nữa.

Trong khi đó, ở các nước Tây phương, người ta không chỉ quan tâm đến các nhu cầu vật chất. Người ta còn để ý đến môi trường, đến sự bình đẳng, không những sự bình đẳng trong nước mà còn trong phạm vi cả thế giới, đến những nhu cầu về tinh thần, đến chuyện du lịch và giải trí. Nếu chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế, người ta cũng lo nghĩ đến ngày mình bị thất nghiệp và tình trạng thất nghiệp của người khác, đến chuyện hưu bổng cho một, hai hay nhiều thập niên tới, đến tình hình kinh tế của quốc gia hay thậm chí, của cả thế giới. Rồi người ta so sánh mức sống ở nước mình với những nước khác. Càng nhìn xa và rộng, người ta càng dễ thấy bất bình và bất an.

Thứ hai, như là hệ quả của tâm lý vừa nêu, người Việt Nam cũng như dân chúng ở hầu hết các nước nghèo và độc tài, hầu như không bao giờ quan tâm đến các chính sách của nhà nước. Với nhà nước, đó là điều cấm kỵ, một “bí mật quốc gia”. Với dân chúng, đó là những chuyện viển vông. Hiện tượng này khác hẳn các quốc gia Tây phương, nơi dân chúng lúc nào cũng chằm chặp săm soi từng chính sách lớn nhỏ của chính phủ. Họ hạch hỏi. Họ phân tích. Chính vì vậy, họ dễ cảm thấy chính phủ lạc hướng (wrong direction).

Ngay cả khi họ không nghĩ chính phủ lạc hướng, họ cũng thấy chiến lược của chính phủ trong một số lãnh vực nào đó là bất toàn và có thể điều chỉnh hoặc cải thiện. Trong mọi trường hợp, họ ít khi hài lòng với hiện thực. Họ thích tra vấn. Họ yêu cầu phát triển. Họ khao khát sự hoàn thiện và hoàn mỹ.

Cuối cùng, vì thiếu tầm nhìn rộng, người ta rất dễ có ảo tưởng về thực trạng của mình. Cứ thấy xã hội mình như một thiên đường. Ngay trong giới cầm bút, tôi cũng thường thấy hiện tượng đó. Rất nhiều người cứ nghĩ thơ Việt Nam là nhất; truyện Việt Nam cũng là nhất. Lý do thế giới chưa ngã mũ thán phục văn chương Việt Nam là vì họ không biết tiếng Việt. Giả dụ văn chương Việt Nam được dịch nhiều và xuất bản ào ạt thì chắc chắn mọi người sẽ thấy Việt Nam không hề thua kém ai cả. Mà không phải chỉ có văn chương. Thức ăn Việt Nam cũng vậy. Cũng nhất thế giới. Người Việt Nam cũng vậy nữa: nhan sắc thì tuyệt trần, tính tình thì hòa nhã, hiếu khách, lịch sự, dễ thương. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều được bọn Tây phương mê như điếu đổ.

Với những tâm lý và tính cách như vậy, việc người Việt Nam được xem là lạc quan hay hài lòng với cuộc sống nhất châu Á hay thậm chí nhất thế giới cũng chẳng có gì khó hiểu cả.

Không khó hiểu, nhưng rất đáng lo. Về phương diện văn hóa và kinh tế, không có tâm lý gì nguy hại cho bằng sự tự thỏa mãn: Nó giết chết mọi sự cố gắng và mọi sự sáng tạo, từ đó, ngăn chận mọi sự phát triển. Ai cũng thấy Việt Nam còn nghèo, rất nghèo, và lạc hậu, rất lạc hậu. Việt Nam hơn, may ra, Lào và Kampuchea cũng như một số nước châu Phi. Hết. Ở vị thế của Việt Nam hiện nay, sự tự mãn chỉ dẫn đến bi kịch: hết nước này đến nước khác qua mặt. Người ta không chỉ qua mặt. Qua mặt xong, người ta sẽ quay lại bóc lột mình. Cuối cùng mình chỉ mãi mãi vẫn là những kẻ làm gia công cho người khác.

Tuy nhiên, đáng lo nhất là về phương diện chính trị. Không có ai cảm thấy có nhu cầu thay đổi nếu lúc nào cũng thấy hài lòng với cuộc sống như vậy. Đó là điều hết sức oái oăm. Từ cái nhìn bên ngoài, hầu như ai cũng thấy Việt Nam có nhiều vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết nhưng chính phủ và đảng cầm quyền thì nhất định cự tuyệt mọi sự thay đổi cần thiết ấy. Sự cự tuyệt ấy thành công vì họ không hề gặp bất cứ một sức ép nào từ dân chúng. Trong khi đó thì dân chúng lại cảm thấy mọi sự đều thỏa đáng cả.

Bởi vậy, có thể nói, sự hài lòng và lạc quan dễ dãi của dân chúng chính là điều mà chính phủ và đảng cầm quyền tại Việt Nam đang mong đợi. Dân chúng càng cảm thấy thỏa mãn và lạc quan, giới cai trị càng bớt lo lắng và có thể tha hồ tập trung vào việc vơ vét tài sản quốc gia để làm giàu cũng như phân phối chức tước và quyền lực cho con cháu.

Có thể nói một cách tóm tắt thế này: sự thỏa mãn và lạc quan là bạn đồng hành của độc tài.


Mặc Lâm - Khi đường lưỡi bò bắt đầu liếm…




Ngày 23 tháng 6 vừa qua tổng công ty dầu khí Hải Dương của Trung Quốc chính thức mở thầu khai thác dầu tại 9 địa điểm thuộc khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.


Bản đồ chỉ rõ 9 lô dầu khí mà Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc mở thầu quốc tế hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. - Source PVN


Động thái mới nhất này cho thấy quyết tâm sử dụng đường lưỡi bò phi pháp để xâm chiếm chủ quyền nước khác đã bắt đầu lộ liễu bất chấp dư luận quốc tế.

Mục đích đã phơi bày

Từ nhiều năm nay các nước trong khu vực Biển Đông đã liên tiếp lên tiếng chống đối đường lưỡi bò của Trung Quốc và ai cũng thấy rằng con đường 9 khúc này là mục tiêu của mưu đồ bành trướng, phù hợp hoàn toàn với tham vọng của một chính quyền chủ trương lấy sức mạnh Đại Hán để vẽ lại bản đồ từng có thời bị xâu xé bởi nội thù cũng như ngoại xâm.

Đường lưỡi bò được Trung Quốc đầu tư không giới hạn qua các chiến dịch vận động, viết lại lịch sử, giả mạo hiện vật cũng như mua chuộc, khống chế các nhà khoa học Trung Quốc chân chính để bóp méo sự thật với mục đích duy nhất: chiếm đoạt tài nguyên giàu có của Biển Đông. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết nhận định của ông về con đường lưỡi bò này:
"Cái lưỡi bò ấy do chính phủ Quốc Dân Đảng tự vẽ ra, tôi nhấn mạnh chữ “tự vẽ ra” không được quốc tế công nhận cho nên nó chẳng có giá trị pháp lý gì cả. Họ sẽ không dám làm gì và các nhà thầu cũng không dại gì mà dính vào chuyện ấy. Tám trăm tờ báo của họ đã đồng thanh phản đối, bác bỏ Luật Biển mà Quốc hội Việt Nam thông qua là một điều vô lý.

Tôi đã yêu cầu chính phủ phải đưa ra những tài liệu, căn cứ rất có giá trị của mình để mà đấu lý với họ chứ không thể để cho họ nói càn nói bậy thì không được."
Trung Quốc kêu gọi đấu thầu 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cho thấy họ ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế. Họ không dựa vào một cơ sở nào mà công ước quốc tế về luật biển quy định. - Thạc sĩ Hoàng Việt
Ngày 23 tháng Sáu vừa qua Trung Quốc đã dùng con đường 9 khúc này để xâm lược vùng biển Việt Nam. Bắc Kinh cho phép Tổng công ty dầu khí Hải Dương còn được gọi là CNOOC mở thầu 9 lô dầu đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam.

Theo ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Petro Vietnam phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 27 tháng Sáu thì các lô mà Trung Quốc gọi thầu có tổng diện tích hơn 160.000 km2 nằm trong một khu vực mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có các hoạt động khai thác dầu khí từ lâu với các đối tác nước ngoài.

Thạc sĩ Hoàng Việt hiện giảng dạy môn luật quốc tế tại Đại học Luật Thành phố cho biết cái nhìn của ông qua khía cạnh luật pháp:
"Khi Trung Quốc kêu gọi đấu thầu 9 lô đó khi chúng nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cho thấy một điều Trung Quốc họ ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế. Họ không dựa vào một cơ sở nào mà công ước quốc tế về luật biển quy định là mỗi quốc gia ven biển sẽ có đặc quyền kinh tế 200 hải lý cũng như thềm lục địa 200 hải lý kéo dài từ đường cơ sở.

Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu khẳng định Tổng Cty dầu khí Hải Dương của Trung Quốc đang mời thầu quốc tế 9 lô ngoài khơi Việt Nam là hoàn toàn trái với thông lệ quốc tế. AFP

Đối với thềm lục địa thì đó là một đặc quyền của quốc gia ven biển. Nếu quốc gia ven biển đó không khai thác các tài nguyên sinh vật hay không sinh vật trên vùng thềm lục địa thì không quốc gia nào được quyền khai thác khi chưa được sự đồng ý của quốc gia có đặc quyền.

Thềm lục địa này hoàn toàn là của Việt Nam nhưng Trung Quốc họ đưa ra đấu thầu thì tôi cho rằng họ bất chấp công lý, bất chấp luật pháp quốc tế và chắc chắn đối với hành động như vậy của Trung Quốc thì không ai trên thế giới này người ta ủng hộ cả."

Chắc chắn nếu là người Việt, không ai không có cùng nhận xét với Thạc sĩ Hoàng Việt, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên đại biểu quốc hội cho biết suy nghĩ của ông:
Trong vùng 200 hải lý của mình thì không anh nào có thể xâm phạm được. Đây không phải là vùng tranh chấp, nếu vùng tranh chấp thì còn có thể bàn cãi còn đây là vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam nên không thể tranh cãi nữa. - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
"Bây giờ chính phủ cũng đã có công hàm, thái độ kiên quyết bác bỏ và khi mình đã kiên quyết thì không anh nào dại dột chui vào chỗ ấy để gây phức tạp cho họ đâu. Còn bây giờ về quan hệ ngoại giao nhà nước cũng phải đấu tranh làm rõ quan điểm của mình theo Luật Biển và DOC. Mình phải lấy hai cái này để đấu tranh vì dứt khoát khu vực ấy là thềm lục địa của mình rồi.

Trong vùng 200 hải lý của mình thì không anh nào có thể xâm phạm được. Đây không phải là vùng tranh chấp, nếu vùng tranh chấp thì còn có thể bàn cãi còn đây là vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam nên không thể tranh cãi nữa. Về phương thức như thế nào để chúng ta bảo vệ thì chúng tôi tin chắc rằng ta đã có những kinh nghiệm lần trước rồi và đã có những cơ sở pháp lý và đã được thế giới người ta rất đồng tình nên chúng tôi không thể nhân nhượng.

Thế giới người ta cũng thấy rõ rồi cho nên vấn đề này tôi tin rằng Trung Quốc chỉ nói thế thôi chứ bây giờ họ có thể gọi thầu nhưng những nước khác người ta thấy rằng anh chui vào một chỗ nguy hiểm thì cũng chả ai dại gì mà chui vào để đối đầu với Việt Nam và đối đầu toàn vùng Đông Nam Á."

Lưỡi bò lấn vào biển Việt Nam bao xa?


Căn cứ xác định thềm lục địa mở rộng theo Oceans and Law of the Sea

Để dễ theo dõi hơn, người dân bình thường Việt Nam có thể thấy rằng từ khu vực các lô dầu mà Việt Nam đang khai thác nếu vào tới Quảng Ngãi chỉ cách 76 hải lý, cách khu gần nhất ở Nha Trang là 60 hải lý. Điểm gần nhất giữa Nha Trang và Phan Thiết có 57 hải lý. Và nghiêm trọng hơn cả, điểm gần nhất chỉ cách đảo Phú Quý của Việt Nam chỉ hơn 30 hải lý. Có nghĩa là bàn chân Trung Quốc chỉ cách Việt Nam 30 hải lý mà thôi.

Tại sao đường lưỡi bò lại quan trọng đối với Trung Quốc như vậy? Ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Bắc Kinh nhận xét:
"Tại sao Trung Quốc phát triển ở Biển Đông như vậy thì nó có hai điều. Một là bành trướng bá quyền hai nữa là vấn đề sống còn của Trung Quốc. Hiện nay họ đã khai thác tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, ruộng đất không còn…thế nên bây giờ họ phải vươn ra biển.

Vươn ra biển Bắc thì vướng Nhật Bản, phía khác thì Nga cũng là cường quốc nên không làm được cho nên chỉ có cách chĩa vào Biển Đông vì các nước nhỏ và yếu hơn nên dễ chiếm vì Biển Đông có dầu có tất cả mọi cái mà Trung Quốc rất cần.

Ở Trung Quốc hiện nay mang hai tính chất: một tính chất bành trướng bá quyền, thứ hai là mang tính sống còn. Bành trướng bá quyền nếu bị đánh dập đầu, đánh dập ý chí thì nó buông nhưng vì sống chết của Trung Quốc nếu không có Biển Đông thì sẽ chết cho nên họ rất ngoan cố và rất nguy hiểm."

Trung Quốc thấy rõ thế yếu của các nước trong khu vực nên sau nhiều nỗ lực vận động bằng dư luận cho đường lưỡi bò phi pháp, Bắc Kinh đã liều lĩnh tiến thêm một bước nữa tuy chỉ là ném một viên đá thăm dò nhưng tiềm ẩn dưới những hành động này là các phương án tiếp theo trong đó từng bước sẽ được Bắc Kinh tiến hành tùy theo sự chống đối của quốc gia bị lấn ép.

Bài học khó nuốt của Philippines vẫn âm ỉ cháy trong cơn khát dầu khủng khiếp của một đất nước mơ làm bá chủ thế giới nhưng đụng phải một đất nước tuy nhỏ bé nhưng kiên cường và rất thông minh trong cách đối phó với kẻ mạnh. Liệu Việt Nam có thể làm gì trên phương diện pháp lý quốc tế để vạch trần âm mưu này của Trung Quốc. Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết:
"Công ước luật biển mang tính chất của công pháp quốc tế thì nó không có cơ quan gọi là thi hành án cho việc các quốc gia vi phạm. Tuy nhiên nó có cơ chế khác chẳng hạn như sự lên án của dư luận quốc tế thì rất quan trọng. Còn tòa án quốc tế luật biển, về mặt lý thuyết như vừa rồi Philippines vẫn có thể mời Trung Quốc ra tòa án quốc tế Luật Biển.

Tòa án này có chức năng giải quyết tranh chấp trên cơ sở giải thích, vận dụng, áp dụng các điều khoản của công ước và vì vậy vẫn có khả năng đưa ra tòa án quốc tế mặc dù Trung Quốc không đồng ý. Như Philippines vừa rồi họ đưa ra và bảo rằng dù Trung Quốc không đồng ý họ vẫn đơn phương mang ra tòa án quốc tế luật biển và xem xét lại các quy định của tòa án quốc tế về luật biển. Vấn đề quan trọng nhất là ý chí chính trị có quyết tâm hay không."


Bản đồ cho thấy vùng biển Trung Quốc muốn làm chủ (theo vạch màu đỏ).Khu vực này còn được gọi là đường lưỡi bò. Source UNCLOS

Không giống như Philippines Việt Nam có hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa lý khá bất lợi so với Trung Quốc. Về chính trị Trung Quốc đã tận dụng con bài Chủ nghĩa Xã hội để trói chặt Việt Nam vào 16 chữ giả dối.
Về kinh tế Bắc Kinh không ngại dùng những thủ thuật quen thuộc để Hà Nội khó thoát ra tấm lưới lãi suất và kho hàng nguyên liệu giá rẻ. Hai thứ vũ khí này đã khiến Việt Nam trong một thời gian dài tê liệt ý chí để cuối cùng cũng sực tỉnh khi ngày 23 tháng 6 đòn chí tử cuối cùng được Bắc Kinh giáng xuống: dùng đường lưỡi bò tấn công thẳng vào đặc quyền kinh tế biển Việt Nam.

Thế nào là hành động phi pháp?

Theo dõi phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lương Thanh Nghị sau khi vụ việc xảy ra giới quan sát nhận thấy đây là phát ngôn mạnh mẽ nhất từ trước tới nay với những từ ngữ sát phạt nặng nề và nêu bật tính chất vụ việc.

Ông Lương Thanh Nghị khẳng định, “việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị”.

Trong ngôn ngữ ngoại giao khi dùng cụm từ “hành động phi pháp” là hình thức chống đối cao nhất và nghiêm trọng nhất của quốc gia này đối với quốc gia khác. Trung Quốc chắc chắn thấy rõ phản ứng của Việt Nam qua tuyên bố này và họ sẽ điều chỉnh những hoạt động sắp tới trong kế hoạch đã được trù tính.

Khi bị phản ứng dữ dội bước kế tiếp của Trung Quốc sẽ theo hai kịch bản: một là đề nghị thương thuyết theo kiểu hai bên cùng khai thác, hai là tiến hành chiến tranh chớp nhoáng để khẳng định con đường lưỡi bò phi pháp. Khả năng Việt Nam chấp nhận thương thuyết là không tưởng còn khả năng thứ hai nếu xảy ra thì Việt Nam sẽ ra sao? Ý kiến của ông Nguyễn Trọng Vĩnh:
"Không sợ họ đánh đâu! Họ bây giờ đang bị cô lập trước quốc tế từ Hàn Quốc qua Nhật Bản tới Australia. Ấn Độ và Myanma cũng khác trước rồi Trung Quốc không còn nắm được họ nữa. Cho nên họ đang ở cái thế cô lập và nội bộ họ đang đấu tranh với nhau đầy mâu thuẫn cho nên họ không dám đánh đâu, tôi nói với chính phủ như thế và ta cứ đấu."

Còn ông Dương Danh Dy thì mạnh mẽ hơn, ông cho biết:
"Tôi xin nhắc chính người Trung Quốc nói chứ tôi không nói tôi chỉ lấy tin trên mạng Trung Quốc đó là: Đánh, chiếm Trường Sa thì dễ. Nhưng giữ thì khó. Tôi xin nói chỉ có mấy cây số nếu anh chiếm Trường Sa thì tên lửa của chúng tôi ụp lên anh vì Việt nam đủ sức làm điều này đó là chưa nói đến máy bay. Tên lửa di động trên bờ cứ nhắm vào tất cả tàu bè Trung Quốc đi qua là bắn thì các anh sống thế nào được?
Phải để cho nhân dân người ta phản đối. Không những chính phủ phản đối nhưng dân chúng tôi cũng phải quyết liệt phản đối. Không được cấm người ta biểu tình phản đối phải để cho dân lên tiếng phải để người yêu nước biểu tình phản đối sự bành trướng của Trung Quốc - Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Cho nên chuyện không phải đơn giản đâu. Tôi xin nhắc lại trước đại hội 18 sắp khai mạc thì họ có thể có những hành động bất ngờ nhưng theo tôi những chuyện họ tuyên bố vừa rồi vẫn là trên giấy. Ngoài cái chuyện cắt cáp ra thì mọi chuyện vẫn là trên giấy. Họ tuyên bố chủ quyền chỉ là trên giấy và đường 9 đoạn cũng chỉ là trên giấy mà thôi."

Việt Nam đã sẵn sàng?

“Lộng giả thành chân” là một câu thành ngữ xuất phát từ Trung Quốc vẫn là cẩm nang của Bắc Kinh hiện nay trong các đối sách Biển Đông. Để đối phó với những thủ đoạn này Việt Nam đã sẵn sàng chưa hay vẫn còn tin rằng mọi sự đều có thể giải quyết trong tinh thần đồng chí?

Phải thừa nhận rằng về mặt chính trị xã hội Việt Nam chưa chuẩn bị đủ những điều cần thiết cho việc khơi dậy tâm lý toàn dân. Qua chính sách tránh gây khiêu khích, Việt Nam đã mắc bẫy Trung Quốc khi cấm tuyệt đối những thông tin về Biển Đông và chính sách này đã gây hệ lụy trước mắt là nhiều cán bộ và dân chúng rất mù mờ về Hoàng Sa và Trường Sa.

Tâm lý ấy ăn sâu đến nỗi khi vụ mở thầu 9 điểm của Trung Quốc xảy ra rất nhiều tờ báo trong nước loan tin cuộc họp báo của ông Đỗ Văn Hậu, tổng giám đốc PVN mà không đem hình ảnh cùng lời phát ngôn mạnh mẽ của ông Lương Thanh Nghị lên mặt báo.

Thậm chí có báo còn không loan tin vụ xâm chiếm chủ quyền nghiêm trọng này. Thiếu tướng Nguyễn Trong Vĩnh cho biết ý kiến của ông nên mở rộng cửa để người dân biểu tỏ sự phản ứng của mình đối với Trung Quốc, ông nói:
"Phải để cho nhân dân người ta phản đối. Không những chính phủ phản đối nhưng dân chúng tôi cũng phải quyết liệt phản đối. Không được cấm người ta biểu tình phản đối phải để cho dân lên tiếng phải để người yêu nước biểu tình phản đối sự bành trướng của Trung Quốc."

Khi dân chúng không xem việc mất biển vào tay Trung Quốc là hệ trọng thì sức mạnh duy nhất có thể giữ được nước là lòng dân sẽ bị phân tán và lúc ấy cơ hội cho đạo quân thứ 5 của Trung Quốc đang hiện diện tại Việt Nam quấy phá đất nước sẽ không phải là nhỏ.

Ghé thăm các Blogs 28/06/2012


BLOG DR.NIKONIAN 


Mùa xuân năm 1974, khi tấm giấy báo tử này bi tráng được ký, tôi vẫn còn là một chú nhỏ ngày hai buổi đến trường. Tuy bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, tôi vẫn chưa quên những âm thanh hừng hực ngày ấy. Từ chiếc radio Zenith cũ kỹ của gia đình, đài phát thanh Sài gòn đã liên tục phát đi những bản hùng ca “Hội nghị Diên Hồng”, “Chi Lăng”, “Hận Nam quan”,… Nghe nói ông Hoàng Đức Nhã, tổng trưởng dân vận hồi đó đã huy động những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng của Sài gòn ngay trong đêm để cùng lên đài phát thanh, cùng hợp ca những bản nhạc hùng bất hủ ấy.


Lớp nhỏ chúng tôi cũng vậy, cũng cùng nhau hát đến khản giọng trong những buổi sinh hoạt hướng đạo, những ngày đi ủy lạo nạn nhân chiến cuộc hay hay cứu trợ đồng bào bão lụt.

Hoàng Sa mất vào tay giặc chưa được bao lâu, thì 5 năm sau, cuộc chiến biên giới 1979 nổ ra. Chúng tôi lại được lệnh đào hào, tập bắn súng thật, tập ném lựu đạn…Và được khuyến khích, cổ vũ tối đa việc bày tỏ lòng khinh miệt, căm ghét với “lũ bành trướng sô vanh nước lớn Bắc kinh”, theo từ ngữ của các pa nô chống Trung quốc rợp trời hồi đó.

Ghét Tàu thì không cần cố gắng và tranh luận. Khác với những nền đô hộ mà sự xâm lược luôn đi kèm với một chút khai sáng, 10 thế kỷ đô hộ của người Tàu trên đất nước hình chữ S không hề mang lại điều gì tốt đẹp, trừ công khai hóa về nông nghiệp của Sĩ Nhiếp. Tàn ác như thực dân Pháp mà còn có được Viện Viễn Đông Bác cổ, hội Đô thành hiếu cổ… để nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa của chính dân tộc mà họ đô hộ. Đó là chưa kể Trường Đại học Y Hà nội, Trường Mỹ thuật Đông dương… đã để lại trong lịch sử Việt nam những cái tên sáng chói của những trí thức Tây học ngang tầm thế giới.

Còn người Tàu ư? Có dân tộc nào thâm hiểm đến độ đốt sách, chôn nho sĩ… để tuyệt diệt cội rễ văn hóa của dân tộc chúng ta như họ? Có kẻ xâm lăng nào tham lam đến độ ngoài các sản vật thời trân của đất nước, còn bắt cha ông ta phải tiến cống cả danh sĩ, mỹ nữ…, những nguồn gene ngoại hạng của đất nước sang Tàu? Và dù mê tín, cột đồng mà Mã Viện dựng lên với lời nguyền độc địa “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” là khẳng định chắc chắn nhất của dã tâm tuyệt diệt trăm họ Bách Việt trên đất nước chúng ta.

Với những ký ức ghê sợ như thế, đừng ngạc nhiên khi thấy não trạng đề kháng ngoại xâm đã là một phần của căn tính Việt. Vì sao dân tộc chúng ta có thể tồn tại mà không bị đồng hóa sau 10 thế kỷ dưới ách một dân tộc hung hãn như vậy, tự nó là một phép lạ lịch sử ngoại hạng  và chưa từng có ở bất cứ dân tộc nào khác.

Trung Hoa lục địa ngày nay vẫn chưa đủ bao la với người Tàu. Biển Đông của chúng ta vẫn là chỗ nhòm ngó của kẻ tham lam. Sự ngang ngược của kẻ cướp đất, cướp biển vẫn xảy ra mỗi ngày, với nhiều mưu mô quỉ quyệt khác nhau. Cả một lịch sử dài hơn 10 thế kỷ, dường như người Tàu vẫn chưa học được những bài học xương máu về chí quật cường của dân tộc chúng ta, nơi mà từ thế kỷ 12, gã lính viễn chinh cha ông của họ khi nhớ tới phải “run sợ đến bạc đầu”.



Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC). Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Hôm nay, khi người Tàu ngang nhiên mời thầu những lô khai thác dầu ở biển Đông, chỉ cách bờ biển Phan Thiết 54 hải lý, đã có nhiều luồng dư luận bên lề khác nhau. Có người cay cú không màng, phủi tay đứng ngoài cuộc. Có kẻ hồ hởi thì thào về ngọn đèn xanh nào đó đã bật cho cuộc xuống đường sắp tới.

Tất cả đều sai! Vì yêu nước thì không cần đèn xanh đèn đỏ. Vì xuống đường biểu thị lòng ái quốc không thể, và không bao giờ là trò chơi để đong đưa hay kiếm chác.

Tôi xuống đường, vì tôi căm phẫn khi đất nước bị xâm hại.

Dẫu không hề ảo tưởng về sự nhún nhường của những kẻ đã cho xe tăng cán nát xương thịt của chính nhân dân mình, tôi đi, vì không muốn thấy xác những ngư phủ anh em phải trở về trong khoang thuyền ướp đá.

Tôi đi, để con cái tôi còn được ăn cá biển Đông, nơi những đội hùng binh thời các chúa Nguyễn đã cỡi thuyền ra giữ nước.

Tôi đi, vì những giọt dầu quí giá của tổ quốc, mà tương lai sẽ là cơm ăn, áo mặc, trường học, bệnh viện… của những thế hệ sau khỏi bị kẻ cướp kia chiếm đoạt.

Tôi đi, vì tôi yêu nước Việt của tôi, và đứng ngoài với mọi trò chơi chính trị.

Chỉ thế thôi, xin đừng quăng quật!



BLOG VIẾT TỪ SÀI GÒN

Trên mạng, chúng ta có thể bắt gặp vô số trường hợp sinh ngày 30/4/1975, buồn có, vui có…, bơm thổi, cũng có. Thế nhưng mới đây tôi tình cờ gặp một bạn sinh đúng ngày này, nhưng là một trường hợp rất bình thường, chẳng ai để ý cả, chỉ có suy nghĩ của bạn là thú vị. Bạn này nói rằng tụi mình có cái “vinh dự kinh khủng”, đó là sinh ra nhằm lúc để chứng kiến nhiều cái sẽ chết đi, vì thập niên 20, 30 của mỗi thế kỷ thường có những thay đổi như thế.

Cái đầu tiên mà bạn này nói là việc cải lương sắp chết.

Văn hóa Việt Nam vốn có thói quen đùn đẩy trách nhiệm cho quá khứ, nên cải lương từ lâu được xem như nghệ thuật của truyền thống, dù tuổi đời của nó chỉ tương đương với một số nghệ sĩ còn sống như Phạm Duy (sinh 1921), Viễn Châu (sinh 1924), Trần Văn Khê (1921)… Bởi theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển (1902-1996, người từng dành nhiều tài sản để xiển dương bộ môn này) thì: ngày 16/11/1918, khi tuồng Gia Long tẩu quốc công diễn, cách hát này mới chính thức “bành trướng không thôi, mở đầu cho nghề mới, lấy đờn ca và ca ra bộ chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân, vừa cải cách... nên cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ...”, (theo Hồi ký 50 năm mê hát, trang 207).

Cái chết mà bạn này nói là mất sức sống, hoặc sống mà như chết, chứ không phải hoàn toàn biến mất trong đời sống. Nó cũng giống như cái chết của hát bội, hát chèo… dù các nhà hát và gánh hát thì vẫn còn đây đó.

Việt Nam hay nói tới bản sắc văn hóa, nhưng thực chất, chẳng bao giờ thể hiện một sách lược bảo tồn và phát triển văn hóa đúng đắn, có chăng là… bảo thủ một cách mù quáng. Cải lương định hình từ thập niên 1930, khoảng 30 năm sau, nó nhanh chóng bước lên đỉnh cao của thể loại, với các bài bản phong phú, với nhiều nghệ sĩ tài danh. Những cái tên như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Vương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Thanh Thanh Hoa…, mà ngày nay, nhiều người vẫn còn sống.

Cái chết của cải lương dường như được tuyên bố từ ngày 30/4/1975, vì sau ngày này, nhiều gánh hát bị giải thể và cấm hát. Trong sự rã rời đó, cải lương cựa quậy thêm chừng 10 năm (1985) thì bắt đầu chết, với lý do “thiếu kịch bản hay, thiếu rạp diễn mới và thế hệ lão thành tàn lụi”. Thực chất thì không phải như vậy, vì nghệ sĩ lúc này gần như vẫn còn nguyên, chỉ có rạp hát là đã bị thu hồi để làm hợp tác xã, kịch bản thì bị kiểm duyện gắt gao, nên thành ra chẳng có cái gì đáng để xem. Bổn cũ soạn lại miết, dân miền Nam vốn ưu thay đổi, cũng ngại xem. Đầu thập niên 1990, chính quyền bắt đầu chú ý đến cải lương theo hướng tuyên truyền, cách làm này hoàn toàn vô bổ, nên cải lương càng thêm có cớ để chết. Từ năm 2000 đến nay, dù có nhiều cuộc thi, nhưng khuôn khổ của nó cũng hoàn toàn bó hẹp ở ca ngợi và tuyên truyền, nên nó cũng không có đất sống. Cũng cần lưu ý rằng, thời cao điểm, tại vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã có khoảng 40 rạp hát cải lương, vậy mà bây giờ chỉ còn Nhà hát Trần Hữu Trang, nên thi xong, muốn có đất dụng võ cũng khó, vì chẳng biết đầu quân về đâu cho đủ sống. Nên chết là đương nhiên thôi.

Ai cũng biết có sinh thì có diệt. Nhưng nhiều người không tin cải lương sẽ chết, vì thấy bộ phận nào trên “thân thể” cũng còn “trẻ khỏe”, chỉ có mất khán giả mà thôi. Họ không cắt nghĩa được, nếu chỉ nhìn riêng vào nội hàm cải lương. Cho nên, nói đến cái chết của cải lương, bắt buộc phải cứu xét đến chính sách phát triển văn hóa và cách ứng xử của nhà cầm quyền với bộ môn này.

Mà không chỉ riêng với ải lương, mà với nhiều mặt của nền văn hóa cũng thế, cái chết đều liên quan trực tiếp đến chính sách của nhà ầm quyền.

Điều tiếp theo mà bạn này nói là cái chết của đảng CSVN.

Họ luôn tuyên truyền chế độ tư bản đang giãy chết, thế nhưng trong hơn 20 năm qua, từ gần một nửa thế giới, cộng sản chỉ còn trong vỏ bọc chính thể của vài ba nước. Mà tinh thần vô sản thì đã biến chất hoàn toàn.

Nếu khẩu hiệu của cải lương là: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” – theo tiến bộ và văn minh mà còn chết yểu. Thì khẩu hiệu đi ngược tiến bộ và văn minh của đảng độc tài, ắt cùng chung số phận mà thôi. Với ách nước còn lại, chỉ là một sớm một chiều, tự họ không thắng nổi tuổi già hay số mệnh của chính mình. Đảng CSVN ra đời năm 1930, nhỏ hơn cải lương khoảng 10 tuổi, có thể xem là tiểu đệ cũng được. Huynh đệ này đều có ý muốn “cải lương”, nhưng phương thức hoạt động thì ngày càng “cổ lương”, nên có cùng thời điểm để chìm xuồng (!?).

Có điều cái chết của cải lương hay ca khúc bolero Việt Nam (thập niên 1950) dù buồn nhưng lặng lẽ, chẳng tác động trực tiếp đến đời sống nhân quần; còn cái chết của đảng CS dù vui nhưng sẽ khá huyên náo và nhiều hệ lụy. Cái chết này sẽ làm cho nhiều tầng lớp bị thương.

Hệ lụy đầu tiên là những khoản nợ công khổng lồ mà nhân dân phải gánh chịu trong hàng thế kỷ nữa mới mong trả hết. Chính quyền vay nợ quốc tế bao nhiêu tiền, không một chuyên gia hay tổ chức nào có thể tổng kết hết được, chỉ biết là rất nhiều và chủ yếu để phục vụ các nhóm nhỏ quyền lực của đảng.

Hệ lụy tiếp theo là nền giáo dục tan hoang. Hiện có đến 1/3 dân số đi học (khoảng 30 triệu học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh…) mà giáo dục chỉ có bệnh thành tích, thu học phí cao và nhồi sọ, làm sao có được những lớp kế tục giỏi và lành mạnh.

Hệ lụy kế tiếp là các thỏa hiệp bất lợi về biên cương, biển đảo, chủ quyền…, làm sao các thế hệ tiếp theo đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ, tranh biện.

Hệ lụy dễ thấy nữa là nền nông lâm ngư nghiệp bị phá tan tành, dù phần lớn người dân vẫn thuộc tầng lớp này.

…v.v….

Nếu cải lương sống dở chết dở là do chính sách bảo tồn văn hóa sai lệch, thì Đảng CSVN sống dở chết dở là vì chủ đích của chính họ. Sự phân nhóm quyền lực trong một đảng độc quyền khiến cuộc chạy đua quyền lực và tài lực luôn là chủ đích chính, hùng mạnh thì khó tham nhũng, móc ngoặt. Họ luôn tự xào xáo để tạo ra lỗ hổng nhằm có cơ hội trục lợi và xóa dấu vết của chính mình, cái này gọi là “đục nước béo cò”.

Chính vì vậy, cái chết của đảng CSVN cũng rất khác với cải lương, nó không phải mất sức sống mà hoàn toàn sẽ biến mất trong thù hận, oán hờn của người dân, chỉ còn lại những dòng trong lịch sử. Chắc chắn đảng cầm quyền cũng biết điều đó, nên họ luôn chơi chiêu của cờ bạc, “rời bàn tan nợ”, nên họ mặc sức tích cóp tài sản riêng và tìm cách hợp thức hóa đây đó.

Chính bối cảnh như vậy, con đường của Việt Nam sẽ là món nợ khổng lồ từ một cái chết và một đám tang được báo trước, chỉ còn chờ đợi ngày xảy ra mà thôi. Cho nên, trong viễn cảnh về một Việt Nam hậu cộng sản, những người soạn thảo ra các con đường cho Việt Nam, bắt buộc phải nghĩ đến các món nợ này. Nếu phớt lờ nó, mọi kế sách chỉ còn là bong bóng xà phòng vì nó phi thực tế.



BLOG CÁNH CÒ

 “Đêm từng không ngủ vì cảm giác rất vui sau những ngày cùng đồng nghiệp "dày công" đưa hai chữ "phản biện" vào Nghị quyết 11 như một chức năng quan trọng được Đảng và xã hội thừa nhận của báo chí, ông sốt ruột vì được phản biện, nhưng báo chí "chưa làm được bao nhiêu".

Đọc những dòng này không ít người tưởng là tâm tư của một nhân vật… lịch sử nào đó, không ngờ là của ông Lê Doãn Hợp, nguyên bộ trưởng Bộ 4T người nổi tiếng bây giờ và mãi mãi với câu tuyên bố: “Báo chí cần theo lề phải”.

Câu tuyên bố này trở thành một slogan dán trước cửa Bộ Thông tin và Truyền thông phản ảnh trung thực tình hình chịu đựng của báo chí Việt Nam.

Ông Hợp đã bị búa rìu của cư dân mạng tấn công tới tấp vì câu phát ngôn này và có lẽ người đâm nhát cuối cùng cho câu phát biểu ngu muội của ông Hợp đi vào…lịch sử là của một nhà toán học chứ không phải là một nhà văn hay nhà báo: ''  Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.''

GS Ngô Bảo Châu nổi tiếng vì câu này, hơn cả giải thưởng toán học Fields mà ông đã nhận.

Hình như vẫn không cam tâm, trả lời tờ Việt Weekly, ông Hợp khẳng định là “anh em” báo chí cắt ngắn câu nói của ông. Ông chỉnh lại cho rõ như thế này:

"Tôi nói cái ý đó là tất cả mọi ngành nghề trong đất nước này muốn an toàn và tự do thì phải làm đúng luật, cũng như người đi bộ khi tham gia giao thông sẽ an toàn và tự do nếu mình đi đúng lề đường bên phải. Chứ còn mình nhảy ra đường xe máy mình đi, mình nhảy sang đường ô tô mình đi thì làm sao an toàn được.

Phải nói đầy đủ như vậy, nhiều khi nó cứ cắt đi thì 'lề đường bên phải' như trói buộc, nhưng không phải."

Ngay cả khi có cơ hội nói thêm cho đầy đủ ông Lê Doãn Hợp vẫn không thoát ra khỏi cái bẫy mà ông tự giăng cho mình. Câu nói của ông nếu dùng để so sánh thì rõ ràng là kém thông minh. Người đi bộ và người viết báo là hai chủ thể, hai phạm trù hoàn toàn khác xa nhau. Người đi bộ dĩ nhiên phải đi trên lề không phải vì họ tôn trọng luật giao thông vì trước hết họ ý thức một cách rõ ràng là bước xuống lề là chết, là tai nạn ập tới. Lề dành cho họ là bắt buộc đối với bất cứ một quốc gia nào khi quy hoạch đường xá đô thị.

Còn lề dành cho báo chí thì sao? Ông Hợp không nói nhưng mọi người đều biết.

Sự nguy hiểm mà người cầm bút sẽ gặp là đụng tới những vấn đề mà nhà nước muốn dấu. Những khu vực có gắn bảng “nhạy cảm” được đương nhiên xem là nơi không được chĩa mũi vào mặc dù người dân cần biết. Ông Hợp khẳng định nếu báo chí không lạc vào cái vùng ấy, tức là vùng đã được quy định bằng mồm, thì không bao giờ nhà báo bị tai nạn, và vì vậy giống như người đi bộ đúng theo lề quy định, nhà báo sẽ an toàn trên cái lề mà ông Lê Doãn Hợp gọi là “lề phải”.

Ông Hợp đã chứng minh một lần nữa cho đúng cái ý của ông. Và người dân thấy rõ ông chứng minh rất đúng với điều họ nghĩ.

Bài học về cừu những tưởng đã quá đủ để ông Lê Doãn Hợp chấp nhận về hưu tuy có day dứt vì phát biểu kém thông minh, nhưng ông Hợp xem ra không cam tâm mang tội với lịch sử báo chí nước nhà. Trong Ngày Báo chí Cách mạng ông đã xuất hiện trên một bài phỏng vấn của báo VietnamNet, một lần nữa dạy khôn người cầm bút. Ông chắt lưỡi, ông hít hà vì theo ông nhà báo không dám xông pha trận mạc mà còn đổ thừa có quá nhiều vùng cấm dành cho báo chí.

Ông tuyên bố: Báo chí Việt Nam không có vùng cấm.

Nghĩ tới nghĩ lui hoài không biết ông này ngứa mồm nói dại hay ngứa tai vì đã khá lâu không nghe thiên hạ réo tên ra mà chửi nên ông đâm cuồng. Bài phỏng vấn này phóng viên đã dành chỗ cho ông mặc tình phóng uế. Nhà báo thời nay họ khôn lắm, đăng nguyên bài không sai một chữ nhằm cho độc giả thấy rõ hơn bản chất của một tay lưu manh chữ nghĩa cho tới ngày về vườn vẫn không từ bỏ thói bốc phét của đám hạ lưu.

Trả lời báo VietnamNet Online ông nói:

“Thời làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, tôi đã dày công cùng đồng nghiệp đưa hai chữ "phản biện" vào Nghị quyết 11

Vì thế khi đưa được hai chữ "phản biện" vào Nghị quyết 11, đêm ngủ tôi cứ lâng lâng. Nhưng còn buồn vì mặt yếu nhất hiện nay của báo chí chính là phản biện. Báo chí gần như chưa làm được gì nhiều với chức năng phản biện của mình.”

Thưa ông Hợp, ở chỗ này ông đã “vung tay trật khớp” rồi. Ông nói dóc trơn như thoa mỡ. Ai cũng biết bất cứ nghị quyết nào của đảng đưa ra cũng nhằm mục đích tuyên truyền còn thực chất thì lúc nào vẫn một con số không to tướng. Ông vừa bảo báo chí phải theo lề phải lại bảo nhà bảo phải phản biện thì rõ ràng ông xem thường nhà báo quá. Nếu ông chịu khó nhìn lại mình thì chắc rằng khả năng viết một câu văn đúng nghĩa của ông còn tồi hơn một nhà báo chưa ra trường.

Ông không thể “trằn trọc” như ông diễn kịch trong khi trả lời phỏng vấn vì cơ địa của ông vốn không được cấu tạo có khu vực “mẫn cảm” giống như Bác Hồ luôn thức và trằn trọc lo nghĩ cho vận nước trong hang Pắc Bó.

Làm Bộ trưởng mà trong bài viết khi về hưu ông ghi như thế này:

“Ở bất kỳ cương vị công tác nào tôi cũng tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, lối sống, làm việc hết mình, dân chủ, sáng tạo, kỷ cương, gương mẫu, tiến công, quyết liệt được mọi người tin yêu; luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý

Tôi vinh dự được Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương cho thôi chức danh Bộ trưởng khi tín nhiệm trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của toàn Ngành Thông tin và Truyền thông dành cho tôi đang ở đỉnh cao (93%).

43 năm liên tục phấn đấu cho Quân đội, cho dân, cho Đảng. Nay được “ Hạ cánh an toàn” về làm Đảng viên và công dân cơ sở.”

Thứ nhất là ông tự cao tự đại (hình như các ông cấp Bộ trở lên đều như vậy cả?) Có ai lại tự khen mình mà không sợ dân chúng bịt mũi như thế? Thứ hai là ông không biết làm thống kê (thống kê kiểu Bộ Giáo Dục và Đào tạo thường làm trong các kỳ thi hàng năm luôn đạt 99,99%) Ông bảo là 93% yêu mến ông, cảm phục ông và lưu luyến vô cùng khi ông từ giã họ.

Thưa ông, bệnh tưởng đã làm ông mụ mị. Không một thủ trưởng cơ quan nào được nhân viên dưới quyền yêu mến vượt quá 54% là thống kê mà thế giới chấp nhận hợp lý nhất. Con số 93% xem ra còn khá khiêm tốn so với kết quả kỳ thi vừa qua. Thôi thì duyệt cho ông qua.

Tuy nhiên câu cuối cùng thì không “duyệt” được.

Ông đem câu xách mé của người dân nói về một gã quan lớn hay Bộ trưởng nào đó sau khi no nê kiếm chác, về hưu mà không bị tòa án xét xử mặc dù đơn thư tố cáo nằm chất chồng trong Viện kiểm sát. Người dân gọi đó là “hạ cánh an toàn”.

Ông dùng nguyên xi câu này để nói về bản thân ông đã làm người ta chết cười. Một Bộ trưởng Truyền thông như thế thì bị mấy anh làm báo khinh bỉ là phải rồi.

Quay lại chuyện phỏng vấn. Ông nói:

“Một tờ báo từng hỏi tôi liệu có vùng cấm đối với báo chí không. Tôi xin khẳng định ngay là không có vùng cấm nào, chỉ có báo chí ngại không vào mà thành vùng cấm.”

Thưa ông, câu này thì ông nói quá đúng. Cho ông 10 điểm. Tờ báo hỏi ông có ác ý rõ ràng nhưng ông rất thông minh để tránh cái bẫy nguy hiểm này. Chỉ có các nước thiếu dân chủ mới có vùng cấm cho báo chí còn báo chí cách mạng làm sao xảy ra những hiện tượng tồi tệ như thế được?

Chẳng qua các anh sợ công an đánh. Các anh sợ Tổng biên tập cắt. Các anh sợ Ban tuyên giáo kỷ luật. Các anh sợ bị bắt như Nguyễn Việt Chiến, như Nguyễn Văn Hải như Hoàng Khương chứ có công văn, nghị quyết nào cấm các anh nhào vào vùng nóng tác nghiệp đâu?

Vậy là các anh hớn hở rồi nhé. Các anh nhận thấy điểm hèn yếu không dám lăn xả rồi nhé. Từ nay khái niệm vùng cấm coi như không hiện hữu phải không?

Ông cũng nói:

“Hãy nhớ rằng tiêu cực luôn sợ báo chí. Một thiết chế chính trị mà báo chí đủ uy trước tiêu cực là thiết chế chính trị tuyệt vời. Mà để làm được điều đó, báo chí chỉ có cách làm tốt công tác phản biện.”

Cám ơn ông đã nhắc. Câu này hình như ông cóp ở đâu thì phải! Tiêu cực không dễ tiêu diệt như ông bốc đồng nói ra đâu. Chúng len lỏi, luồn lách trong mọi cơ quan từ nơi cao nhất là Ban Bí thư Trung ương đảng cho tới nơi thấp nhất là tổ dân phố. Ông đề cao vai trò báo chí không khác nào mặc áo giấy cho âm binh trước khi đem chúng đi đốt.

“Những vấn đề nóng của xã hội báo chí chưa khoan đến đáy, chưa xoáy đến gốc, chưa chọc sâu đến tận cùng. Tôi thấy chúng ta còn thiếu những bài báo có tính chiến đấu cao, dám lăn xả vào cuộc sống.”

Đúng là những lời có cánh.

Nhưng là cánh của loài chim cánh cụt, hoàn toàn không có khả năng bay, dù chỉ là cất lên rồi rơi xuống.

Thưa ông Hợp, uổng công ông mua chuộc nhà báo để đăng bài của ông vì anh ta không chịu khó biên tập lại cho bớt đi tính hài hước trong lời ông phát biểu.

Những điều mà ông nhấn mạnh chính là ước mơ của bất cứ người làm báo nào có lương tâm. Sở dĩ họ không làm được vì lương tâm của hầu hết những người đi theo lề phải do ông vạch ra đều đang chết lâm sàng, hay sống đời thực vật, và do đó nếu ngòi viết của họ có run rẩy lần tìm miếng cơm manh áo trong cái bóng tối nhờ nhờ của báo chí Việt Nam thì công đầu cũng vẫn là của ông mà không ai dành được.

Làm ơn đừng xúi bẩy họ đi vào con đường mang tên phản biện mà tuy nói mạnh miệng lắm nhưng ông vẫn cả tin trong lòng là không anh nhà báo nào dám đi. Ông thì “hạ cánh an toàn” rồi, còn họ, những con người sống bằng cái nghề nghe có vẻ cao quý ấy lại không biết làm cách nào để vừa an toàn vừa không mang tiếng hèn, ngay cả khi họ không bao giờ dám mơ tới chuyện cất cánh, dù chỉ cất cánh rồi rơi xuống như chim loài cánh cụt.



BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH

Cách đây hơn 100 năm, quyền làm người của nhân dân Việt Nam bị chế độ độc tài phong kiến và thực dân Pháp tước đoạt, người Việt Nam sống trong cảnh nô lệ, không hơn súc vật bao nhiêu. Phan Châu Trinh và các đồng chí của cụ là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng đã khởi xướng ra phong trào Duy Tân để kêu gọi toàn dân đứng lên đòi lại quyền làm người.

Các cụ đã mở nhiều trường học để nâng cao dân trí và khai sáng cho người dân thấy rằng quyền làm người của mình đã bị bọn cường quyền tước đoạt như thế nào, làm thế nào để đòi lại và đòi lại được thì làm thế nào để bảo vệ.

Theo các cụ, muốn đòi lại thì phải chấn khí từ niềm tự tin vào trí tuệ được khai sáng của mình, tạo ra sự dũng cảm, tập hợp lực lượng, xây dựng tinh thần dân chủ, đấu tranh lại với cường quyền đòi lại dân quyền đồng thời với chủ quyền quốc gia.

Khi đã đòi lại được trọn vẹn quyền làm người thì để bảo vệ nó, phải xây dựng một nhà nước pháp quyền theo định chế dân chủ với ba quyền phân lập rõ ràng. Chỉ có một nhà nước pháp quyền thực sự như vậy do người dân dựng lên mới đảm bảo bền vững quyền làm người trọn vẹn của người dân.

 Quyền làm người của toàn dân là cái gì đó còn quý báu hơn vàng nên luôn là món mồi béo bở kích thích sự thèm muốn của những kẻ cầm quyền. Bọn cầm quyền phong kiến trong hàng ngàn năm trên toàn thế giới chưa bao giờ nghĩ đến việc trả lại cho người dân những quyền cơ bản để làm người. Khi chế độ phong kiến sụp đổ, một chế độ khác thay thế nếu không theo định chế dân chủ, không tam quyền phân lập hoặc dân chủ trá hình sẽ tạo cơ hội cho cá nhân hay một nhóm cá nhân cầm quyền nổi lên lòng thèm khát, tái tước đoạt quyền làm người của toàn dân.

Quyền làm người của nhân dân để trước mắt nhà cầm quyền mà không có định chế dân chủ trùm lên bảo vệ cũng giống như mỡ để trước miệng mèo mà không có lồng che.  Hầu hết những nhà nước phi dân chủ tiếp theo sau chế độ phong kiến đều đã xử sự như vậy, hiếm hoi và may mắn lắm mới xuất hiện đâu đó một ông độc tài nhưng mà tốt, biết kiềm chế cơn thèm khát quyền lực của mình.

Nhà cầm quyền cộng sản do ông Hồ Chí Minh lập ra, sau khi Nhật đầu hàng đồng minh thì đối mặt ngay với cuộc chiến 30 năm đã tạo lý do cho họ đưa toàn bộ quyền làm người của từng người dân vào chế độ quân quản thời chiến. Vì lí do nầy hay lí do khác hoặc vì thấy cần thiết phải hy sinh cho chiến thắng nên người dân có thể chấp nhận điều nầy.

Nhưng vào giai đoạn hòa bình, nhà nước đặt dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng Sản, lại đưa cả nước tiến lên CNXH theo đường lối kinh tế hoạch định. Toàn bộ tài sản, đất đai, tư liệu sản xuất, phương tiện sản xuất đều được quốc hữu hóa để đặt dưới quyền quản lý của nhà nước. Quyền làm người của từng người dân, tuy không phải là vật chất nhưng cũng được nhà cầm quyền duy vật đưa vào tập thể, được quốc hữu hóa và cũng được quản lý nghiêm ngặt như các loại tài sản vật chất khác. Từ đó, sinh ra khái niệm "quyền làm chủ tập thể của nhân dân" mà người khai sinh ra nó là ông Lê Duẩn rất đắc ý.

Trong đêm dài bao cấp của "quyền làm chủ tập thể", hầu như người dân mất toàn bộ quyền tự do để làm người. Tự do riêng tư, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do mưu sinh, tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do hội họp, tự do lập hội... Tất cả những cái quyền ấy đều được nhà cầm quyền cất giữ, ai muốn tạm xin lại phải làm đơn để cơ quan chức năng xét duyệt và không phải quyền nào cũng xét trả tạm lại được. Nhớ lại thời ấy, người dân muốn làm cái gì cũng phải xin phép nhà cầm quyền. Đi từ địa phương nầy sang địa phương khác, phải xin phép. Tạm trú qua đêm tại nhà khác cũng phải xin phép.

Rồi có những việc xin phép cũng không được làm như : Ngôn luận, lập hội, biểu tình...và chuyện mưu sinh cũng bị cấm đoán. Vì thế mới có chuyện vua lốp tự ý sản xuất ra lốp xe nên bị bắt bỏ tù và những tư nhân làm ăn khấm khá bị đưa đi cải tạo.

Thậm chí cái quyền cốt lõi của con người là quyền được sống cũng  bị xâm phạm nghiêm trọng. Hàng vạn người chết vì cải cách ruộng đất và gần cả triệu người bỏ xác trên biển vì đi tìm đất sống đã nói lên điều đó.
Cho đến khi đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn cùng cực, hết đường xoay sở, nhà cầm quyền mới "đổi mới" chấp nhận làm ăn theo cơ chế thị trường đồng thời trả lại cho người dân một số quyền tự do như quyền tư hữu, quyền tự do mưu sinh, tự do đi lại, tự do cư trú...để phục vụ cho sự vận hành của cơ chế thị trường. Vì nếu không tư hữu, không tự do đi lại, không tự do cư trú, không tự do mưu sinh thì không thể nào làm cho thị trường lưu thông được.

So với thời "quyền làm chủ tập thể", ngày nay, đời sống người dân trở nên thoải mái hơn, một bộ phận dân chúng đã tăng cao thu nhập, bộ mặt xã hội nhờ vậy đã được cải thiện đáng kể.

Tuy vậy, người dân Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều quyền tự do để trở thành con người bình đẳng với người dân của rất nhiều nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực.

Những người dân đã khai trí, hiểu mình bị mất những quyền gì và luôn luôn tìm cách đòi hỏi.

Không được ra báo tư nhân để thực thi quyền tự do ngôn luận, nhiều người dân đã thay thế bằng cách ra blog, ra web, vào mạng xã hội... để viết lên chính kiến của mình. Những trang nầy càng ngày trở nên lớn mạnh và uy tín đến mức trở thành một luồng truyền thông khác bên cạnh luồng truyền thông của nhà cầm quyền.

Nhà cầm quyền đang tìm mọi cách dẹp luồng truyền thông nầy, nhưng e rằng không thành công vì người dân đã biết quyền của mình đến đâu. Nhà xuất bản tư nhân cũng được nhiều người tự thành lập mà không cần xin phép nhà nước.

Không được cho phép biểu tình, người dân vẫn đi biểu tình vì họ biết rằng đây là quyền tự do phổ quát của họ, tự nhiên có, đã được hiến pháp công nhận, không cần phải xin xỏ ai. Biểu tình đòi lại đất, biểu tình chống bất công, biểu tình chống ngoại xâm... tuy bị nhà cầm quyền ngăn cấm, trấn áp nhưng vẫn cứ diễn ra khắp nơi.

Quyền hội họp, quyền lập hội cũng đang được nhiều người dân đòi  lại quyết liệt dù họ phải bị trả giá bằng tù đày. Câu lạc bộ nhà báo Tự Do của anh Điếu Cày, nhóm 8604, nhóm Thức- Long- Định- Trung...l à những ví dụ.

Tóm lại người dân Việt Nam trong thời đại thông tin bùng nổ đã biết tự khai trí, tự chấn khí để biết mình còn bị mất những gì và tự tin đòi lại những gì thiêng liêng thuộc về mình.

Cái gì của con người phải trả lại cho con người, hy vọng nhà cầm quyền đang được khai trí cũng hiểu ra điều đó.



BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là người phát hiện sâu, một bầy sâu. Nhưng dường như lại bất lực trong cách diệt sâu. Bàn tròn kỳ này mở cho bạn đọc hiến kế giúp Chủ tịch Sang “diệt sâu”. Những kế sách để diệt chết sâu, đập chết sâu thật sự chứ không chỉ là những lời chém gió sướng mồm như Chủ tịch Sang.
     
   “Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ.

Không nhẽ cứ để mãi như vậy, mai kia người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết. Thế đâu có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi. Một bầy sâu là chết cái đất nước này!”- Phát ngôn ấn tượng của chủ tịch Sang khiến ông ăn điểm trong mắt dân chúng và tạo ra nhiều kỳ vọng lớn về một chiến dịch “diệt sâu” làm trong sạch đảng.

          Nhưng rồi, những kỳ vọng đó tan dần. Chiến dịch “diệt sâu” có lẽ chỉ dừng lại ở những câu nói sướng mồm.

          Hơn một năm sau khi phát hiện ra “một bầy sâu”, vẫn chưa thấy Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diệt được con sâu nào. Để rồi ông lại phải than tiếp, thêm một câu sướng mồm: “Nhiều cử tri nói thẳng với tôi “một số cán bộ có ăn hối lộ thì cũng ăn vừa phải thôi, ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn?”

          Nghe sướng mồm. Nhưng có vẻ như ông bất lực nhìn “bầy sâu” đang ăn hết phần của dân mà không có thuốc phun. Không phun thuốc, chỉ tự vẫy vùng thì sâu không chết mà ngược lại nó càng kéo đến bu bám đầy hơn. Lúc đó thì không chỉ phần của dân mà ngay cả phần của ông cũng bị nó chặn ăn mất.

          Cứ thử hình dung khuôn mặt nhăn nhó của Chủ tịch Sang trước một bầy sâu ăn tạp để thấy ông bất lực mức nào. Câu ông trích khác gì dân chửi chính sự bất lực của ông, của đảng.

          Nhiều báo, nhiều người kỳ vọng vào ông Sang. Nhưng tôi thất vọng. Có vẻ như Chủ tịch Sang đang lặp lại phương cách chém gió của người tiền nhiệm.

          Ông kêu gọi dân chúng “Nếu tất cả chúng ta mà sợ hết thì đất nước sẽ như thế nào,đảng sẽ ra sao? Không thể được đâu, phải hành động thôi!”.

          Nghe có vẻ hay. Nhưng lời kêu gọi hành động đó phải dành cho chính ông. Một khi Chủ tịch nước còn không dám hành động, trông thấy bầy sâu bâu nhan nhản quanh mình mà không dám phun thuốc diệt, không dám vung tay đập chết vài con thì kêu gọi gì ở người dân?

          Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh có câu khá hay “vì sao trừng phạt tham nhũng lại phải đau đớn?”. Bắn chết vài thằng hại nước, đập chết vài con sâu ăn hết phần của dân mà đớn đau sao?

          Nhà báo Hồ Trung Tú thì nói thẳng rằng ông không hi vọng gì vào mục tiêu “trong sạch đảng”, mà “điều quan trọng là cần phải tìm cho ra cái cơ chế vận hành xã hội giúp ngăn ngừa tham nhũng”.

          Tôi chia sẻ với ý kiến của Hồ Trung Tú. Cái cơ chế vận hành ấy không gì khác, phải là một nền tư pháp độc lập. Nền tư pháp độc lập như tiến sĩ Phạm Ngọc Cương ví là bộ hãm phanh ABS (mời đọc lại bài ABS).

          Nghị quyết 4, hay nghị quyết 4000 cũng không diệt sạch sâu nếu không xây dựng và xác lập được một nền tư pháp độc lập. Một Ban nội chính trung ương được tái lập, một ban phòng chống tham nhũng thay vì dưới quyền Thủ tướng được chuyển sang tay Tổng Bí thư cũng không thể làm thay chuyển cuộc chiến chống tham nhũng, nếu vẫn cứ tự thân kiểm điểm, tự thân “chùi rửa”.

          Một khi tham nhũng đã như một bầy sâu gặm ăn hết cả phần của dân, một khi cơ thể đã trọng bệnh, đến ung thư di căn như nhận xét của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, mà vẫn sợ đau, vẫn bình thản thúc thắc với phương cách “tự chùi rửa” thì xin lỗi, chỉ còn nước đem chôn chứ chẳng mong biến chuyển gì.

          “Tư pháp độc lập không chỉ giải tỏa vấn đề “xây dựng chỉnh đốn” đảng đang bế tắc về phương pháp mà tạo tính răn đe cho toàn bộ hệ thống công quyền... Chỉ cần một điểm tựa có thể nâng cả thế giới. Điểm tựa chính trị để cả dân tộc đứng dậy lúc này là hình thành và gia cố nền tư pháp độc lập”- Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương.

          Đấy là vài ý kiến kích hoạt cho bàn tròn “hiến kế” này. Mời bạn đọc tiếp tục…








Hiệu Minh - Bớt đi hai chữ…Nhân Dân


Blog Hiệu Minh


Nhân dân. Ảnh: internet

Nhân đọc bài “Lặng lẽ ra khỏi đảng”, chợt giật mình, lo thay cho người rời đảng thì về đâu. Quan nhất thời, dân vạn đại. Làm dân thì làm tới cuối đời, không lo tăng chức, chẳng sợ mất chức, vừa sướng, vừa khổ.
Trước kia, nhiều nước trên thế giới họ hay nhấn mạnh từ Nhân dân trong các tên gọi của quốc gia, các tổ chức chính quyền hay xã hội, kể cả lực lượng vũ trang hay an ninh thường ăn theo.

Nay chỉ còn 5 quốc gia có People (nhân dân) là Trung Quốc, Bắc Triều tiên, Lào, Bangladesh và Algeria. Còn hầu hết có thêm chữ Cộng hòa (republic).

Quốc gia nào thêm chữ “nhân dân” trong tên gọi là y như khổ. Sang hỏi Lào, Trung Quốc hay dân Bắc Triều tiên là biết ngay.

Chính quyền Mỹ phi…nhân dân

Riêng nước Mỹ chẳng có Cộng hòa hay Nhân dân gì hết. Tên nước Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Quân đội gọi là USA Army, cảnh sát điều tra gọi là FBI, công an là police, gián điệp là CIA. Chính phủ gọi là Nhà Trắng, Quốc hội gọi là đồi Capitol.


Nhân dân Mỹ chống chính phủ. Ảnh: HM

Tòa án tối cao (Supreme Court) chỉ là… tòa án, vì gọi Tòa án Nhân dân chắc chỉ xử nhân dân, không xử cán bộ, trong khi tòa án Mỹ xử cả Tổng thống nếu phạm tội.

Từ chính quyền 50 bang và một tỉnh DC đến quận huyện chẳng thấy People đi kèm. Bang Texas đơn giản chứ không phải là Tiểu bang Nhân dân Texas. Bang Virginia, bang Maryland, tỉnh Washington DC là thủ đô đều thế cả.

Các hội đồng, tổ chức xã hội, nhân đạo các cấp không có people nốt.

Khổ thế, một quốc gia số một thế giới mà chính quyền các cấp không có nổi hai chữ “nhân dân”.

Không có people, chính quyền có “của dân, do dân và vì dân” hay không thì Tổng Cua chịu. Có lẽ cần vài trăm cuốn sách mới viết nổi.

Chính quyền Việt Nam đầy…nhân dân

Nước mình có bàn giao thế hệ hẳn hoi. Mới đẻ gọi là sơ sinh. Đi học vỡ lòng làm nhi đồng, hết tuổi nhi đồng thành thiếu niên tiền phong. Sau đó là đoàn viên nếu muốn. Ai may thành đảng viên. Ra đoàn, rời đảng, chỉ còn cách thành quần chúng, hay còn gọi chung là nhân dân.

Số đảng viên khoảng 3 triệu, số đoàn viên khoảng 6 triệu. Khối quần chúng đông đảo, khoảng 80 triệu người. Có lẽ vì thế mà đất nước này luôn có những từ kèm “nhân dân” rất đặc thù. Ít nhất là trong các tên gọi.

Ủy ban Nhân dân từ trung ương đến địa phương, Hội đồng Nhân dân các cấp.

Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân.

Quân đội Nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”

Cảnh sát Nhân dân, Công an Nhân dân “Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép”

Rồi danh hiệu như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nghệ sỹ Nhân dân đến mảnh giấy nho nhỏ Chứng minh…Nhân dân.

Kể ra thì rất nhiều tổ chức, cơ quan chính phủ mang danh nhân dân. Chưa kể tờ báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân mà độc giả hướng tới là quân đội, công an, đảng viên.

Cứ như là không có nhân dân thì người ta không biết những lực lượng này không phục vụ quần chúng.
Đơn giản hóa các tên gọi

Hội nhập, internet, thông tin quá nhiều, cần ngắn gọn ngay cả trong cái tên. Để đỡ tốn mực in laser, giấy in, báo chí tiết kiệm từ ngữ, nói năng đỡ dài dòng, nghe lặp đi lặp lại từ “nhân dân” rất nhàm, hay quần chúng đỡ mang tiếng xấu, ta nên đơn giản hóa các tên tổ chức chính quyền hay xã hội.

Quân đội Nhân dân Việt nam – tại sao không gọi là Quân đội Việt Nam

Công an Nhân dân Việt Nam – Công an Việt Nam đơn giản hơn nhiều

UB Nhân dân Tỉnh – UB  tỉnh, xã, huyện. Ủy ban Tỉnh Ninh Bình chắc là ngắn và đầy đủ hơn là UB Nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Tòa án Nhân dân Tối cao – Tòa án Tối cao để đảm bảo không ai ngồi trên luật.

Và nhiều tên có từ “nhân dân” khác có thể viết ngắn lại mà không mất đi ý nghĩa “vì dân, do dân và của dân”.
Ai cũng biết, có hai từ đó hay không, các tổ chức và lực lượng này đều phục vụ nhân dân. UB Nhân dân Hành chính xã lại thành “hành dân là chính” thì càng không nên thêm hai chữ này vào.

Tại sao vậy. Vì rằng dân cũng sướng và… khổ lắm rồi.

Nhân dân gánh vác trọng trách và cả lỗi lầm

Quần chúng mang vác rất nhiều trọng trách, nhỏ thì tầm địa phương, lớn hơn là tầm quốc gia, xa hơn là khu vực, không kể cả vai trò nhân loại. Đôi lúc cũng sướng như các chân dài trên bãi biển dưới đây. Lúc nào đói kém, bán vài cái, vừa sướng vừa kiếm ối tiền.

Dân mình cũng sướng. Ảnh: TPO

Thời chống Mỹ, chống Pháp, chúng ta là nhân dân mang trên vai sứ mệnh lịch sử, phải chiến thắng mọi kẻ xâm lược, từ nhỏ đến to, từ mạnh đến yếu.

Chiến tranh với Campuchia, và Tầu, lời kêu gọi bảo vệ Tổ quốc được vang lên “Một lần nữa, sứ mệnh lịch sử lại giao phó cho nhân dân ta đánh bại chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh”.

Đến nỗi, người ta tự hỏi, lịch sử là thằng nào mà toàn giao cho quần chúng toàn sứ mệnh… khó thế.

Khi chiến thắng, được nghe những câu “vẻ vang này thuộc về nhân dân”, mất mát cũng thế “sự hy sinh xương máu cao quí này thuộc về nhân dân”.

Đôi lúc lỗi lầm, bất cập của chính quyền cũng thuộc về  số đông này.

Văn hóa xuống cấp là các bác trên đổ luôn cho dân trí.

Giao thông lộn xộn, anh La Thăng nói đó là dân ý thức kém, Bộ Giao thông chẳng có trách nhiệm.

Kiến trúc tạp nham do dân trình độ thấp, không biết thiết kế nhà cửa cho ra hồn.

Nói bậy, chửi thề, toàn do dân hết.

Tham nhũng hối lộ cũng tại đám dân đen, chứ quan nào lại nhận tiền của người nghèo, họ cứ nhét vào tay, chả lẽ không nhận.

Nhớ vụ phá đổ cái lều trông cá của anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên lãng, đại tá Ca thản nhiên nói “đó là do nhân dân bức xúc phá”. Sau này người ta hiểu “nhân dân” không phải là… nhân dân.

Kết luận về việc cưỡng chế ở Văn Giang, Tiên Lãng và nhiều nơi khác, có nhiều sai lầm, nhưng chính quyền địa phương vẫn khẳng định “được nhân dân đồng tình ủng hộ”.

“Nhân dân” ở đây là mấy ngàn cảnh sát vũ trang, quân đội, đại gia giầu có, nhân dân thật thì bị cưỡng chế mất đất.

Đất cát chiếm xong rồi, chỉ có số ít “nhân dân” có tiền mua biệt thự, văn phòng trong đó. Còn “đại bộ phận nhân dân là tốt” đứng ngoài hàng rào nhìn cùng với “quân đội nhân dân, công an nhân dân” vì họ giải ngũ rồi cũng thành…quần chúng

Ở nước mình làm gì tốt xấu đều mang danh chung chung như thế. Kể cũng khổ, dân có tiếng không có miếng.

Vì thế, xin các vị hoạch định chính sách, các nhà chính trị, nhà trí thức, văn hóa khi định đặt tên cho tổ chức nên bỏ chữ nhân dân đi, mà chỉ cần thực hiện đúng lời hứa, chính quyền là “của dân, do dân và vì dân”, thế là phúc cho quần chúng lắm rồi.

HM. 25-06-201

Đọc thêm: Tôi có phải là Nhân Dân không? (Blog Anh Vũ)

BLOG ANH VŨ
Thứ ba, ngày 25 tháng mười năm 2011


Lâu nay tôi cứ ngỡ tôi hiểu rõ nghĩa của từ nhân dân. Thì từ này ai mà chả hiểu, nhân là người mà dân tức không phải là quan.

Nay đọc được bài viết của TS Nguyễn Văn Quang trên báo QĐND mới giật mình vỡ lẽ ra rằng từ nhân dân tưởng là đơn giản mà hóa ra phức tạp ra phết. Ai không tin thì hỏi ông xã tôi xem (học tập bác Ba Phi ấy mà!).

Còn nếu không muốn hỏi ông xã tôi, thì cứ tìm đọc kỹ bài của TS Quang trên báo QĐND cũng được. Nhưng tôi phải báo trước là bài ấy sâu sắc lắm, khó đọc lắm đấy nhé.

Là một người làm nghề đi dạy học, lại luôn tự hào là công dân tốt, nên tôi đã bỏ công ra đọc đi đọc lại bài viết này xem chính mình có nhầm lẫn gì không. Hóa ra là có, các bạn ạ.

Nhầm lẫn lớn nhất của tôi là ở chỗ này: Vì lâu nay hiểu nghĩa của từ nhân dân một cách đơn giản nên tôi cứ đinh ninh mình là nhân dân, nói nôm na là người dân. Tức không phải là quan. Nói cách khác, tôi là người được (Đảng) lãnh đạo, không phải là giai cấp đi lãnh đạo người khác.

Nhưng sau khi nghiền ngẫm bài viết rất sâu sắc của TS Quang – một vị đại tá quân đội – thì tôi mới biết là vấn đề không đơn giản thế, mà phức tạp hơn rất nhiều. Nên mới có cái câu hỏi mà tôi đưa lên làm tựa của entry này, là như thế.

Phức tạp như thế nào? Này nhé, trước hết là câu này, trích từ bài viết (đoạn số 2):

Nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực Nhà nước và là người thực hiện cuối cùng các quyết sách chính trị do chính mình định ra.

Chiếu theo nghĩa của câu này thì rõ ràng tôi không phải là nhân dân. Vì tôi không phải là chủ thể của mọi quyền lực Nhà nước, cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã từng định ra bất kỳ quyết sách chính trị nào cả, mặc dù có lẽ cũng đang (phải) thực hiện nhiều quyết sách chính trị do người khác định ra.

Nhưng nếu không là dân, thì tôi là ai? Chẳng lẽ là … quan? Gì chứ quan hay là giới lãnh đạo thì tôi biết chắc chắn không phải là tôi. Thử đọc thêm một chút nữa để hiểu rõ hơn.

Đoạn 3 của bài viết là đoạn nêu rõ nhất định nghĩa nhân dân của tác giả bài viết. Có 3 câu viết liên tiếp cạnh nhau, khẳng định rất rõ ràng bản chất sâu sắc nhất của từ nhân dân. Xin xét từng câu.

Nhân dân không chỉ được hiểu một cách phổ thông, đơn thuần là khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước trong một thời gian lịch sử nhất định.

Theo câu này, thì hình như theo nghĩa rộng, nghĩa phổ thông, có thể xem tôi là nhân dân vì tôi là một trong khối người đông đảo làm nền tảng cho nước VN trong giai đoạn lịch sử hiện nay. May quá, vậy là lâu nay tôi cũng hiểu đúng. Nhưng tất nhiên đây chỉ mới là một cách hiểu, cách thô thiển, tầm thường, phổ thông, đơn giản nhất.

Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định.

Câu trên đây cho thấy một nghĩa khác, nghĩa không phổ thông, nghĩa đặc thù, sâu sắc của từ nhân dân (chắc cái nghĩa nhân dân này chỉ có ở mấy nước XHCN ưu việt mới có). Theo nghĩa này thì nhân dân chỉ là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho cả quốc gia VN, dân tộc VN trong Nhà nước VN hiện nay.

Nếu hiểu theo nghĩa này, thì hẳn tôi không thể là nhân dân, vì (chắc là) tôi không có tư cách gì để có thể đại diện cho cả quốc gia, cả dân tộc VN trong Nhà nước XHCN hiện nay.

Thực ra thì tác giả cũng không nói rõ tầng lớp nào, giai cấp nào mới là đại diện trong số các giai cấp hiện có ở VN như giai cấp công - nông , giai cấp tiểu tư sản, giai cấp vô sản, giai cấp lãnh đạo, nên biết đâu cái giai cấp mà tôi đang ở trong (hình như là giai cấp tiểu tư sản) cũng có thể là nhân dân thì sao nhỉ? Nhưng chỉ chọn một giai cấp, một tầng lớp để đại diện cho cả quốc gia, dân tộc VN hiện nay trong NN xã hội chủ nghĩa, thì tôi e rằng tiểu tư sản chắc là không xứng đáng. Chắc là giai cấp khác, không có giai cấp của tôi.

Nhân dân là chủ thể quyền lực của một chế độ xã hội nhất định. Nhân dân luôn mang tính cộng đồng dân tộc, song cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc.

Câu này nhắc lại ý “chủ thể quyền lực” mà tôi đã nêu hồi nãy, và nhấn mạnh nó thuộc về “một chế độ xã hội nhất định”. Trong xã hội VN XHCN hiện nay thì tôi – và rất nhiều người khác quanh tôi – không phải là chủ thể quyền lực. Thì đó, ngay cả việc biểu lộ tình cảm yêu nước cũng phải chờ định hướng của NN, chứ không có định hướng thì lớ ngớ là rơi vào bẫy của bọn thế lực thù địch ngay.

Không chỉ là chủ thế quyền lực. Theo câu này thì nhân dân vừa có tính cộng đồng dân tộc (cái này thì tôi có), nhưng lại cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc (cái này thì còn tùy cái giai cấp đó là giai cấp nào đã, xin xem lại phần trên).

Tóm lại, câu này có 3 ý (chủ thể quyền lực, tính dân tộc, tính giai cấp), có một ý tôi đạt (tính dân tộc), một ý không đạt (chủ thể quyền lực), còn ý thứ ba thì có lẽ không đạt. Như vậy là 50-50. Vẫn chưa ngã ngũ, phải đọc thêm nữa.

Ở đoạn 4, mọi việc dường như có rõ ràng, cụ thể hơn, ít lý luận trừu tượng như 3 câu ở đoạn 3 mới nêu. Chúng ta thử đọc ở dưới đây. Cũng có mấy ý, xin phân tích từng ý.

Rõ ràng, nhân dân là những người lao động, nông dân, công nhân, trí thức, binh sĩ, nhân sĩ, tiểu thương yêu nước đã bị thực dân, phong kiến bóc lột, áp bức tù đày, tước đoạt đi mọi quyền sống cơ bản của con người, quyền tự do phát triển của một dân tộc.

Cái phần rõ ràng này thực ra chẳng rõ ràng gì hết. Tôi tự xét thấy mình thuộc vế đầu tiên của câu này, tức những người lao động, …, trí thức (ừ thì cũng có đi học, có bằng cấp, làm giảng viên, nên tôi tạm nhận mình là trí thức) yêu nước. Nhưng tôi lại không may, chẳng bị thực dân, phong kiến bóc lột áp bức tù đày gì cả. Vậy tôi có thể được xem là nhân dân không nhỉ? Gay quá.

Nhân dân ở đây còn là “toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”… nhưng dứt khoát không thể là những kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân hay quan lại phong kiến, phản động Việt gian và tước đi các quyền cơ bản đó của đồng bào, dân tộc.

Đến câu này thì hình như có chút ánh sáng le lói. Tôi chắc chắn phải là một phần của toàn dân, không phân biệt … tôn giáo (gia đình tôi gốc đạo Công giáo), và, ơn trên phù hộ, tôi không phải là kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân quan lại phong kiến hay phản động Việt gian gì hết. Vậy có lẽ tôi cũng là nhân dân? Đỡ quá, có thế chứ, lâu nay tôi vẫn tin mình là nhân dân mà.

Nhưng bài viết chưa hết, mà vẫn còn một đoạn nữa, hơi khó hiểu, và … hơi có giọng đe dọa, làm tôi cũng hơi run run, chẳng biết nếu mình tự nhận là nhân dân thì có đúng không, hay là tôi đang nhầm lẫn, hoặc thậm chí lợi dụng từ “nhân dân”. Đây này:

[N]hân dân Việt Nam […] có quyền đòi hỏi không một nước nào, một thế lực nào, một cá nhân nào được can thiệp vào quyền tự quyết lập hiến của nhân dân Việt Nam; càng không được cả gan nhận mình là “nhân dân” để phá hoại công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Chao ơi, tôi đau đầu quá. Chẳng hiểu có phải tôi đang cả gan nhận mình là nhân dân để phá hoại công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân VN không? Chả là vì lâu lâu tôi cũng hay có chút thắc mắc về tình hình biển đảo của VN ấy mà, mặc dù ngoan lắm, cứ toàn phải đợi Đảng và nhà nước định hướng rồi mới dám biểu lộ.

Có ai bảo giúp cho tôi biết xem tôi có phải là nhân dân không nhé? Cái này có lẽ phải nhờ đến TS Quang thôi.


Đinh Tấn Lực - Công Nghiệp Nặng Thời Đại: Mài Lưỡi Gỗ


Blog Đinh Tấn Lực


thằng cuội ngồi gốc cây đa
giận mình dối chú lừa cha thua người
mà mang tiếng xấu đời đời
trong khi thầy nó bao người hoan hô
thơ Nguyễn Hữu Nhật


Lê Doãn Hợp nhất định là một danh nhân. Bởi đã tuôn rất nhiều danh ngôn.

Chưa ai quên định nghĩa “Quản lý là quản có lý”. Hay định danh “Giáo trí – Cuộc cách mạng đầu tiên để nâng cao dân trí”. Hay định hướng “Làm kinh tế bằng văn hóa” (các bộ trưởng đều thành doanh gia bán bằng/ghế/giấy phép). Hay, định tính cho bộ máy công quyền là “Chậm, Chờ, Chán, Chạy”. Hay, định vị bản lĩnh chính mình là “Tâm, Trí, Tín, Tình”. Hay, định lượng tự thân: “Lương là của vợ – Nhà là của con – Sức khỏe là của mình”. Hay, định giá “Cán bộ thì cần có 4 chịu và 4 biết: Chịu học, chịu đọc, chịu nghe, chịu đi;  Biết viết, biết nói, biết làm, biết điều”. Hay, định thức thời đại: “Phụ nữ Việt Nam có hai thiên chức quan trọng nhất là làm Vợ và làm Mẹ”. Hay định luật Báo Chí Có Lề buộc báo chí phải chấp hành luật giao thông trên  con lộ truyền thông… với định suất 10 chữ “Trung thực, Nhanh nhạy, Dũng cảm, Sáng tạo, Hướng thiện”.

Từ phát biểu lúc nhậm chức bộ trưởng 4T: “Tôi hạn chế việc đứng ngoài báo chí để quản lý báo chí”, với “Quyết tâm làm Bộ Thông tin và Truyền thông sáng giá”.

Cho tới phát biểu nhân ngày phục viên: “Tôi vinh dự được Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương cho thôi chức danh Bộ trưởng khi tín nhiệm trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của toàn Ngành Thông tin và Truyền thông dành cho tôi đang ở đỉnh cao (93%)”.

Gần nhất là khẳng định báo chí “không có vùng cấm nào, chỉ có báo chí ngại không vào mà thành vùng cấm”.

Đây là một phê bình sâu sát về 2 chữ Dũng Cảm trong định suất 10 chữ nói trên. Tiếc quá, với ngần đó phát biểu, danh nhân Lê Doãn Hợp lẽ ra không nên lấy làm vinh dự quay về vui thú điền viên mà phải vào BCT thay vì Tô Huy Rứa.

Bởi, cứ theo đó, thì không còn nghi ngờ gì nữa, là ngoài những tay có thẻ Hội nhà báo mà dám chơi blog và facebook, thì hơn vạn rưỡi nhà báo còn lại đều …thiếu dũng cảm.

Như Tổng biên tập (Tuổi Trẻ) Kim Hạnh, chỉ vì đăng bản tin nói về bài thơ của Lý Thụy gửi người vợ Tàu là Tăng Tuyết Minh mà bị “trên” rút thẻ. Là thôi.

Như phóng viên Lan Anh (Tuổi Trẻ), điều tra và viết phóng sự Giá thuốc cao: người dân chịu đựng đến bao giờ?  để cố tìm nguyên nhân của hiện tượng giá thuốc tây “ở trên trời”, nhưng khi vừa chạm đến các đường dây “cũng trên trời”, thì lập tức bị truy tố về tội danh “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Là bị bắt. Và sau đó, bị xử lý biện pháp hành chính.

Như vụ án Năm Cam, báo chí lần từng nút thắt các đường dây chằng chịt từ Cao Duy Phước, Triệu Quốc Kế, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Mạnh Trung, Võ Hoàng Thúy, Dương Minh Ngọc, Phạm Sỹ Chiến, Trần Mai Hạnh, lên tới cấp thứ trưởng UV/TWĐ là Bùi Quốc Huy… thì được lệnh “trên” bảo ngưng ngay ở “giai đoạn 1”. Là ngưng.

Như vụ án PMU18, hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) đã lãnh án tù vì thọc ngòi sâu sát vào quá trình điều tra lần dây động rừng. Sau đó,  các báo đã nhận được chỉ thị không được tiếp tục đăng về vụ việc. Là dừng. Báo Pháp Luật (thuộc Bộ Tư Pháp) và Báo Đại Đoàn Kết (thuộc Mặt trận Tổ quốc) rán thêm vài bài ém sẵn, đều bị kỷ luật cảnh cáo. Là dừng thật.

Như trường hợp nhà báo Đoan Trang, bị bắt với tội danh “vi phạm an ninh quốc gia”, căn cứ vào nội dung các bài viết đăng trên blog TrangRidiculous: Bài Ném đá hội nghị; bài Tóm lược hội thảo khai thác bauxite Tây Nguyên ; bài Phim hành động: Nhiệt liệt hưởng ứng cuộc thi toàn quốc viết về biển, đảo VN … Thế là Tổng biên tập nhận chỉ thị của “trên” bảo nhà báo có đầy đủ định suất 10 chữ kể trên phải rời VietnamNet.
Như vụ án nhà báo Hoàng Khương (Tuổi Trẻ) làm một phóng sự lẻ về nạn tham nhũng dày đặc trên các tuyến giao thông, và bị truy tố về tội “đưa và nhận hối lộ” trong quá trình tác nghiệp. Là ra tòa.

Vân vân…

“Ai đó đã nói về ‘chiến dịch’ đưa tin của báo chí trong và sau các vụ Tiên Lãng, Văn Giang như sau: ‘Một cuộc vật lộn để được nói sự thật’. Thực tế còn hơn thế nữa: Một cuộc vật lộn để được biết sự thật, để được viết sự thật, và để được khách quan (tất nhiên cũng chỉ dám mong ở mức độ tương đối)… Tệ hơn nữa là chuyện ấy lại diễn ra cùng với đây đó những mệnh lệnh (miệng) yêu cầu báo chí ‘hạn chế đưa tin’…” – TrangRidiculous.

Dường như độc giả chưa kịp đặt vấn đề Dũng Cảm đối với các nhà báo bút sắc, theo kiểu danh nhân Lê Doãn Hợp định nghĩa. Lý do là vì độc giả còn đang loay hoay với biết bao nỗi hoang mang về những điều khó tin khủng khiếp hơn:
Do đâu mà có tờ công văn Tối Mật lệnh cho: 1) Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành xử phạt hành chính Blogger Nguyễn xuân Diện; 2) Viện khoa học xã hội Việt Nam chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, có hình thức xử lý theo luật Viên Chức; 3) Bộ Thông Tin và Truyền Thông đóng blog cá nhân của Nguyễn Xuân Diện; 4) Bộ Công an  tấn công nghiệp vụ nhằm vô hiệu hóa, hạ thấp uy tín đối với Nguyễn Xuân Diện để xử lý về hình sự khi cần thiết ?

Do đâu mà báo chí (và cả QH) không được chạm tới các dữ kiện động trời Vinashine & Vinalines?

Do đâu mà những chiến hạm ngụy trang trên Biển Đông đâm chìm tàu cá ngư dân ta được toàn thể báo chí gọi đích danh trong đồng phục là… “tàu lạ”?

Do đâu mà mọi văn kiện/bản đồ về các hiệp ước biên giới hải đảo được ký kết từ 1999 đến nay vẫn chưa được công khai hóa trên báo đài cho công chúng nghe/đọc/tham khảo?

Do đâu mà những bản tin có liên hệ đến thiên triều đều lần lượt bị cấp tập gỡ xuống?

Do đâu mà Luật Biển được QH thông qua nhưng không được báo chí đăng tải đại trà?

Do đâu mà có đến ba ủy viên Bộ chính trị (Đinh Thế Huynh/Phùng Quang Thanh/Trần Đại Quang) đã đồng nhịp dõng dạc yêu cầu báo chí phải giữ đúng ‘định hướng chính trị’ nhân ngày nhà báo Việt Nam 21/6 năm nay?

Vân vân…

Các nhà báo nhà đài nghĩ sao, một khi nhìn rõ hầu hết những sự kiện kể trên xảy ra ngay trong thời danh nhân Lê Doãn Hợp còn tại chức và vừa mới vinh dự được thôi chức?

Các nhà báo nhà đài sẽ nghĩ thêm thế nào, một khi danh nhân Lê Doãn hợp còn cố trào ra thêm một danh ngôn khác, mới đây: “Một thiết chế chính trị mà báo chí đủ uy trước tiêu cực là thiết chế chính trị tuyệt vời”?
Những nhận định từ “không vùng cấm” đến “chưa tuyệt vời” này có liên hệ gì với nhau, ngoài cái lưỡi gỗ mới mài?

Trong lãnh vực công nghiệp nặng thời đại, nếu Google có công năng dịch thuật ra tiếng Nôm (na), thì nhiều phần cặp danh ngôn sóng đôi này của nguyên Bộ trưởng TT-TT Lê Doãn Hợp sẽ có chung (ẩn) nghĩa Thật (thà) là:
Bố khỉ nó deck đứa nào dám đào tới hố xí của đảng! Ặc! Ặc!

***

Mặc cho hàng trăm Youtube Clips còn đang hoạt động trên mạng…

Mặc cho hàng trăm, dễ là nhiều trăm bài tường thuật/nhận định/phân tích/tổng hợp về tình hình công an đánh dân đổ máu, gãy cổ què tay, đi viện cấp cứu… thậm chí bắn dân xuyên xương chậu, thủng bụng, đứt ngón, thả cho về nhà chết, bỏ mạng ngay trong đồn công an rồi báo cáo tự tử âm thầm hay tự tử mà có để lại thư tuyệt mệnh hoan hô bác Hồ v.v…

Mặc, máy mài lưỡi gỗ vẫn chạy đều trong khu công nghiệp mài lưỡi gỗ. Át cả tiếng rên la:
Ủy viên BCT, Thượng tướng Bộ trưởng Bộ công an kiêm Đại biểu QH Trần Đại Quang vẫn trịnh trọng đằng hắng trước khi gằn giọng: “Công an không cưỡng chế giải phóng mặt bằng, chỉ bảo đảm an ninh trật tự cho các đợt cưỡng chế”.

Cũng vậy, đám thường phục và đầu gấu mang băng đỏ đánh dân tơi tả thì được mệnh danh là “giữ trật tự”.
Còn ngược lại, mỗi khi nông dân phải tự vệ trước đám thường phục và đầu gấu thì bị bắt ngay về tội “chống người thi hành công vụ”.

Há chẳng phải là máy mài lưỡi gỗ quá bén đó sao?

***

Chưa hết: Blogger Điếu Cày biểu tình chống TQ thì trở thành một trong những người VN đầu tiên và rất hiếm bị bắt tù về tội trốn thuế cho thuê nhà (400.534.062 đồng), đến khi mãn hạn tù thì bị chồng thêm án khác mà không cần ra tòa và cũng không một thân nhân nào được gặp. Trong lúc Cục trưởng Cục hàng hải Dương Chí Dũng “làm thất thoát” hàng nghìn tỷ đồng, “gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, có tính chất phức tạp, gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ Việt Nam” thì đã nhanh chóng đào thoát…

Bộ trưởng Bộ công an kiêm Đại biểu QH Trần Đại Quang tuyên bố: “Cơ quan cảnh sát điều tra cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác nghiệp vụ”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng giữ chức cục trưởng Cục Hàng hải là đúng quy trình”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng phân trần: “Khi ông Đinh La Thăng về bộ chúng tôi vẫn thấy ông Dương Chí Dũng bình thường, cho nên lúc bổ nhiệm chưa nghe mùi khét của cơm khê, chứ đã nghe thấy mùi khét thì ai làm”.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật QH Ngô Văn Minh nhận định: “Ông Dương Chí Dũng từ chỗ làm chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) Vinalines sang làm cục trưởng Cục Hàng hải là thuyên chuyển cán bộ chứ không hẳn là đề bạt. Nghĩa là không phải lên chức”.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Trưởng đoàn thanh tra Hoàng Đức Vinh cho biết “Hoàn toàn không có bất cứ trao đổi nào” với hai bộ GTVT và Nội vụ về việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng trong lúc đang thanh tra tại Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines).

Nghĩa là không một ai trách nhiệm.

Há chẳng phải là công nghiệp nặng chuyên mài lưỡi gỗ đang hoạt động trên cả tuyệt vời đó sao?

***

Đã có thời, người biểu tình ở Hà Nội trưng một biểu ngữ vô cùng bắt mắt. Đó là trang báo Thanh Niên phóng lớn đăng lời tuyên bố của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II – Bộ Công an, kiêm Giám đốc Công an Hà Nội in đậm: “Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước”.

Ngày 2-8-2011, tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trung tướng CA Nguyễn Đức Nhanh đã trả lời về sự việc một số người tập trung biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông ngày 17-7-2011 đã bị lực lượng công an thành phố đàn áp thô bạo rằng: “Đây là những cuộc biểu tình yêu nước tự phát, cho nên các cấp và Công an Hà Nội không có chủ trương trấn áp, bắt giữ người biểu tình tự phát. Do phải bảo vệ các đại sứ quán và bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn TP, nên lực lượng Công an Hà Nội kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục người biểu tình rời xa khu vực Đại sứ quán Trung Quốc. Lực lượng công an không bắt giữ người biểu tình, chỉ đưa một số người lên xe buýt về đồn công an để giải thích”.

Thế là rõ: Đại úy CA Phạm Hải Minh không có chủ trương đạp vào mặt người biểu tình đang bị 4 công an khác khiêng quăng lên xe buýt.

Tướng Nhanh nêu bật nỗi băn khoăn không rõ đoạn video clip đó “có bị cắt dán hay không”.

Như vậy chỉ còn vài xác suất có thể xảy ra: 1) Đồng chí nạn nhân tự hất mặt vào đế dép của CA, cứ bật ra thì lại hất mặt lần nữa vào đế dép của CA Minh, cả thảy 4 lần; 2) CA Minh đang bước xuống đường chùi dép thì gặp đúng ngay mặt nạn nhân, và chỉ chùi có đúng 4 lần, không hơn, không kém; 3) CA Minh đã kiên trì 4 lần vận động thuyết phục nạn nhân rằng trong nhiều trường hợp, yêu nước và dập mặt không xa nhau nhiều…

Tuần kế tiếp đó thì hầu hết những người biểu tình đều có dịp cùng hô khẩu hiệu trên xe buýt, được đưa về nhiều đồn CA khác nhau ở ngoại thành, chỉ vì CA muốn biết rõ từng người xem có phải đúng là nhân dân yêu nước không, hay là người nước ngoài yêu nước họ mà lại tụ tập ở thủ đô này…

Thế cũng rõ nốt: Công nghiệp nặng thời đại đang chạy hiệu quả và gần hết công suất.

***

Đập Sông Tranh 2 bị nứt!


Từ đầu tháng 3 năm 2012 khi nước phun ra như suối trên mặt hạ lưu đập, EVN ra sức trám bịt các miệng phun này. Hành động này không phải là sửa chữa đập mà là phá hoại đập. Bởi khi ra sức bịt miệng phun, có nghĩa là cố tình giữ nước lại trong thân đập. Nước đó sẽ làm hỏng bê tông thân đập! EVN khẳng định nước thấm qua khe nhiệt. Nghĩa là các tấm đồng dạng Ô-mê-ga, bịt khe nhiệt, được lắp đặt từ đỉnh đập đến đáy đập phía thượng lưu đã bị hỏng. Như vậy, mỗi tấm đồng bị hỏng (thủng, rách) dù chỉ 1 cm vuông thôi, thì hiện nay toàn bộ khe nhiệt đã chứa đầy nước rất nguy hiểm.

Sau khi Chính phủ chỉ đạo xả nước, EVN đang tiến hành bịt các vết nứt trên mặt thượng lưu của đập. Việc này là hoàn toàn cần thiết, nhưng chưa đủ. Điều đáng lo lắng hơn nhiều là EVN không nói đến việc tìm kiếm khe nứt, tìm kiếm khoảng trống trong thân đập, xử lý khe nứt khoảng trống, xử lý lượng nước nằm trong đó, kể cả xử lý lượng nước nằm trong khe nhiệt, cũng không thấy nói đến việc kiểm tra và xử lý nền đập.

Trích báo VietnamNet 7-5-2012.

Tiến sĩ Bùi Trung Dung, Phó cục trưởng Cục kiểm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Hội đồng thường trực Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước – Bộ Xây dựng – sau khi đi kiểm tra, đã đưa ra một số nhận định ban đầu: “Đập vẫn đang vận hành an toàn đúng như thiết kế nhưng việc để nước thấm ra ngoài thân đập gây phản cảm và yêu cầu thủy điện Sông Tranh 2 đưa nước về lại để không gây phản cảm nữa”.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thì ngạc nhiên: “Tại sao trước đây nước chảy ào ạt thì giới hữu trách khẳng định là 30 lít/giây, còn bây giờ nước ít chảy lại khẳng định là 75 lít/1giây?”.

Báo cáo với Đoàn giám sát của QH ngay tại hiện trường, đại diện EVN vẫn khẳng định “Đập Sông Tranh 2 an toàn, mặc dù nước vẫn tuôn chảy phía hạ lưu thân đập chính”.

Lại thêm một sự cố khó lý giải: Ai đã thuê “dân tự phát” ném đá, chận đánh các ký giả mon men đến chụp hình?

Tức là vừa đổ lỗi qua lại, vừa đá lỗi vòng quanh, lại vừa có biện pháp bịt miệng công chúng.

Chẳng phải là công nghiệp mài lưỡi gỗ đang “phủ sóng” khắp nơi đó sao?

***

Vẫn chưa hết chuyện Vinashin & Vinalines.

Theo VietnamNet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ở Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 rằng: “Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”.

Cũng theo tường thuật của VietNamNet, Nguyễn Tấn Dũng đã trần tình rằng “Chưa hề quyết định một trường hợp cán bộ nào” liên quan tới các lãnh đạo của tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước.

Câu hỏi nảy sinh từ đó là: Ai chịu trách nhiệm các quyết định sai về các tập đoàn khủng vỡ nợ nói trên? Ai buôn ghế mà không báo cáo cho thủ tướng? Ai bổ nhiệm các tổng giám đốc? Nguyễn Thanh Phượng, hay Nguyễn Xuân Phúc, hay Hoàng Trung Hải, hay là… cậu đánh máy?

Theo đúng quy luật của ngành công nghiệp nặng thời đại: Không ai cả.

***

Có nên bình bầu một giải vô địch lưỡi gỗ chăng?

Rất nhiều xác suất huy chương vàng quán quân lưỡi gỗ sẽ lọt vào tay đương kim Đại sứ VN tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng thường trực bộ Ngoại giao kiêm Trưởng đoàn đàm phán biên giới Lê Công Phụng, với tuyên bố: “Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thỏa thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50%” (trả lời phỏng vấn của phóng viên VASC Orient ngày 28/01/2002). Và ta được bạn nhường cho phần tốt nữa!

Trong lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Lý Kiến Trúc, Lê Công Phụng khẳng định: “Mục Nam Quan là cái ải để quan sát phía Nam cho nên Trung Quốc nó xây để quan sát phía Nam, chư hầu của nó trước đây”. Tức là không phải của VN. Rồi “tâm tình” thêm trước khi chia tay, rằng: “Bây giờ Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh, mình không ngăn người ta đừng mạnh được, thì mình phải học cách sống được với người ta, bên cạnh một nước mạnh. Và cũng nói thật với các vị là có vấn đề gì phức tạp với Trung Quốc, thì mình đâu có yên được”.

Không một ai ngạc nhiên là nguồn sông chảy ngang thác Bản Giốc có tên là Qui-Thuận.

Cũng không một ai ngạc nhiên khi biết toàn bộ hệ thống máy mài lưỡi gỗ có đóng dấu/dán tem Made-in China.

Đặc biệt, cũng sẽ là chuyện bình thường, một khi toàn bộ 14 lưỡi gỗ bén nhất Hà Nội đồng loạt tuyên bố: Nhân kỷ niệm ngày giỗ Phục Ba Tướng Quân Mã Viện, nhân dân tỉnh Việt Nam ta, sau hơn 2000 năm lưu lạc, nay lại sung sướng trở về nằm trong lòng mẹ Trung Quốc.

Lúc đó người dân VN sẽ tự đánh giá là dân tộc “Hạnh Phúc Đứng Đầu Thế Giới” chứ không phải xoàng xĩnh hạng nhì như hôm nay.

Há chẳng phải đó là thành quả phi thường của nền công nghiệp nặng thời đại đó sao?

***

Nguyễn Ngọc Tư có một tản văn rất dễ thương tựa là Mảnh Vá Cũ, viết về những người thợ dạo vá soong nồi, vá lu khạp, vá dép đứt, sửa bếp gas, và mài dao kéo. E rằng những con người đó đã tuyệt tích thời nay. Không thể nào cạnh tranh nổi với công nghiệp nặng thời đại: Mài lưỡi gỗ. Mỏng và sắc đến mức vô tư/vô duyên/vô khối/vô chừng/vô hồi/vô lối/vô ơn/vô tri/vô thức/vô cảm/vô can/vô hậu/vô đạo/vô sỉ/vô loài, và vô địch về môn… vô lại.

24-06-2012 – Kỷ niệm 24 năm Họa sĩ Bùi Xuân Phái tạ thế.
Blogger Đinh Tấn Lực