Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012
Phương Bích - Nhà cầm quyền Hà Nội được và mất gì khi bắt giam Bùi Hằng
Blogger Phương Bích
Nhìn bức ảnh những người đi thăm chụp được hồi đầu xuân, trông Bùi Hằng có gầy đi nhiều khiến bạn bè từng xót xa bao nhiêu. Rồi gần đây, trong đợt truyền thông lề phải “đánh tổng lực” Bùi Hằng thì có thoáng nhìn thấy người trên tivi. Cũng không đến nỗi nào (thoáng nhìn là vì cả năm nay tôi chả xem ti vi, thấy có người bảo Bùi Hằng đang trên tivi thì nháo nhào bật lên – nhìn được vài giây thì hết). Đến đận vừa rồi, khi trại Thanh Hà họ không cho Bùi Hằng ký đơn kiện, Bùi Hằng có nói với con trai là sẽ tự sát, nếu quyền con người của cô ấy không được tôn trọng. Nghe tôi kể điều này, nhiều người đã lo lắng chia sẻ, làm sao khuyên cô ấy đừng làm vậy mà thiệt thân, phải sống để mà tranh đấu chứ.
Mới đấy với đây chưa đầy 1 tháng, mà lúc ra sao người trông tiều tụy, khác xa với hình ảnh tôi nhìn thấy ở thời điểm trên làm vậy.
Ngay trong đêm 27/4, khi biết tin họ sẽ thả Bùi Hằng, chúng tôi đã tụ tập với nhau bên bờ Hồ Tây, ngồi chờ giây phút liên lạc được với Bùi Hằng. Hơn 9 giờ tối, có tin Bùi Hằng vẫn ở trong trại, từ chối hưởng lượng “khoan hồng” như báo ANTĐ đã đưa. Nếu đúng vậy thì mọi người đều bảo, Bùi Hằng xử sự như thế là được, có chí khí. Chỉ chưa biết sau đó họ sẽ đối phó thế nào, khi lệnh thả đã ký mà người được thả lại từ chối được “khoan hồng” như thế nào thôi.
Hồi hộp cả đêm, rồi sang ngày hôm sau, từ Nam ra Bắc điện thoại như con thoi. Gần trưa thằng Bùi Nhân gọi cho tôi, giọng rất quyết đoán: nếu hết ngày nay không có tin tức gì, bác đặt vé ngày 2/5 cho con ra thăm mẹ.
Tôi đồng ý cái rụp, và có ý định lần này sẽ thông báo rộng rãi cho những ai muốn lên thăm Bùi Hằng. Rồi kiểu gì chúng tôi cũng phải phụ giúp cô ấy, đấu tranh đòi bằng được cái quyền khởi kiện (chứ không phải khiếu nại) của cô ấy.
Mọi người đoán già đoán non, rằng có khi họ cứ lẳng lặng đưa lên xe chở quách ra sân bay đưa về nhà, giống như kiểu thả cụ Hoàng Minh Chính ấy. Nếu không thế thì lệnh ký rồi phải hủy à? Mà hủy vì lý do đối tượng từ chối khoan hồng thì nhục quá.
Thời điểm loan tin Bùi Hằng đã về đến Vũng Tàu, đang khám bệnh như thế nào thì nhiều người biết. Nhưng những bức hình đầu tiên của Bùi Hằng, được đưa lên mạng mới thực sự khiến nhiều người bị sốc. Người ta nhớ lại hình ảnh người phụ nữ cao lớn, duyên dáng trong tà áo dài, khuôn măt tươi tắn rạng ngời cách đây hơn 5 tháng, để rồi ngỡ ngàng với hình ảnh người đàn bà tiều tụy, tóc hoa râm và cánh tay còn dấu tích của những vết thương chưa lành... Đây là kết quả giáo dục và cải tạo công dân sau 5 tháng đây ư?
Tôi đoán nếu đó không phải là Bùi Hằng, biểu tình viên chống Trung Quốc xâm lược, người đã được các tổ chức quốc tế lên tiếng đòi trả tự do thì chắc hẳn đã chết nghẻo trong trại như những con người khốn khổ khác rồi.
Hóa ra không chỉ một lần, công an vào trại thuyết phục Bùi Hằng làm đơn xin hưởng khoan hồng. Sao họ lại ấu trĩ đến thế nhỉ? Một người dám cắt tay tự sát để phản đối bất công, mà lại có thể hèn nhát đến thế sao? Nghe Bùi Hằng kể sơ bộ là họ chỉ đọc quyết định chứ không cho cô ấy xem. Rồi nói căn cứ vào đơn xin của gia đình...
Lạ nhỉ! Theo như báo đài đưa tin thì cách đây không lâu, chính gia đình Bùi Hằng còn làm đơn đề nghị đưa Bùi Hằng đi cải tạo kia mà, sao giờ lại làm đơn xin cho Bùi Hằng? Không biết nên tin vào ai bây giờ? Trớ trêu thay là chính những người nhà mà họ bảo có đơn xin cho Bùi Hằng ấy, lại nhắn tin chửi bới cụ Lê Hiền Đức, rằng “vì mày can thiệp mà con Hằng mới được ra”???
Vì Bùi Hằng nhất quyết kiện cái quyết định bắt cô ấy trái phép, nên khi công an không cho cô ấy kiện (tìm mọi cách để cô lập cô ấy ở trong tù), thì cô ấy chỉ có nước tự sát để tố cáo việc vi phạm pháp luật của những kẻ nhân danh chính quyền.
Không ai cổ súy cho việc tự sát, nhưng không phải ai cũng có can đảm làm được điều đó - dùng mạng sống của mình để chứng minh cho chân lý và sự thật!
Có lẽ điều này làm nhà cầm quyền Hà Nội lo sợ. Cái chết của Bùi Hằng nếu xảy ra ở trong trại sẽ là một quả bom, mà hậu quả của nó là không lường trước được. Bởi thế mới có chuyện lạ đời là sống chết cũng phải tống khứ Bùi Hằng ra khỏi trại, chứ chẳng phải khoan hồng khoan xanh gì hết.
Bùi Hằng nói khi cô ấy bước vào phòng thì hai viên cảnh sát chực sẵn ở đó, xông vào giật cánh khuỷu cô ấy ra sau rồi lôi cô ấy ra sân. Khi cô ấy kêu la cưỡng lại thì có thêm hai cảnh sát chạy tới phụ giúp, khênh cô ấy lên xe ô tô. Ở đó có một cái chăn trải trên sàn xe, và họ vật cô ấy ra sàn xe để còng chân tay cô ấy lại. Lúc đầu họ còng tay phía trước, nhưng Bùi Hằng tự cắn tay mình đến chảy máu nên họ còng tay cô ấy ra phía sau. Vậy là cô ấy cứ nằm còng queo trên xe, chân tay bị còng như một con vật như thế cho đến tận Hà Tĩnh hay Quảng Bình gì đó. Khi cô ấy đòi đi vệ sinh, viên cảnh sát tên Hiệu và viên cảnh sát thầy thuốc của trại lên tiếng xin mở còng cho cô ấy, thì từ đó cô ấy mới không bị còng nữa.
Bùi Hằng kể rằng viên thầy thuốc của trại đã nói rất chân tình với cô ấy, công khai trước nhiều người và có mặt cả cấp trên của anh ta, là hãy để anh ta đưa cô ấy về đến nhà một cách an toàn, rồi thì anh ta sẽ cởi bỏ bộ quân phục này!!!
Điều này làm tôi vô cùng xúc động và vui mừng. Tôi đoán trong thâm tâm con người này, khi chứng kiến và tìm hiểu về câu chuyện của Bùi Hằng, lương tâm anh ta đã bị dằn vặt đến mức phải thốt lên những lời đó. Hy vọng trên đời còn nhiều người như thế.
Ngay vừa mới đây, Bùi Hằng cho biết rất nhiều người (trong đó có cả những người chưa hề quen biết) đã đến nhà chúc mừng cô ấy trở về. Một anh xe ôm đem biếu cô ấy 5 quả dừa, nói để cô bồi bổ sức khỏe. Một vị đại tá quân đội gọi điện đến bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Bùi Hằng.
Tôi cứ ngẫm nghĩ, cho đến giờ phút này, nhà cầm quyền được gì và mất gì trong việc bắt Bùi Hằng? Họ tự thấy là được gì tôi không biết, nhưng cái mất thì tôi thấy nhiều.
Bắt một công dân “gây rối trật tự công cộng” mà phải để đến các nhân sĩ trí thức trong nước nhiều lần lên tiếng, tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng. Dư luận trong và ngoài nước ồn ã. Mỗi lần bạn bè đi thăm nuôi về, lại kể tông tốc cho khắp thiên hạ biết những gì trước đây chưa ai nhìn thấy, nghe thấy vốn chẳng hề đẹp mặt cho nhà cầm quyền tý nào.
Tôi nghĩ cái tay nào tham mưu cho việc bắt Bùi Hằng này nên cho nghỉ việc. Bắt thì bắt bằng được, mà nào có bắt đàng hoàng công khai cho cam, đến mức tưởng đâu Bùi Hằng bị mất tích!
Hả hê chưa đã thì bắt đầu lo ngay ngáy. Trong nước thì lo đối phó với truyền thông rầm rĩ từ thông tấn xã vỉa hè (vốn không bị cấp nào kiểm duyệt nên lan nhanh). Cắt cử người theo dõi, quay phim chụp ảnh tía lia những kẻ ngang nhiên “phơi mặt” lồ lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật (láo quá vì không biết sợ). Mua lưới chăng kín mít cái vườn cây đẹp đẽ chỉ để không cho bọn “phản động” ấy nhòm thấy nhau lại gây “xúc động”, nước mắt nước mũi dầm dề rồi gọi nhau ời ời (khó chịu lắm). Ngoài nước thì hết tổ chức này đến sứ quán kia lên tiếng...
Ai mà ngờ được cái vụ này nó lại ầm ĩ thế. Rồi sau 5 tháng giam giữ, chưa giáo dục cải tạo được cái gì thì đối tượng đã sụt mất 15 ký. Nhỡ nó chết thì... khối kẻ chết theo!
Thôi thì không nhận khoan hồng cũng mặc! Không chịu ra cũng mặc! Cứ trói gô lại rồi tống lên xe, chở “hàng” bằng đường bộ để hoàn trả về nơi cư trú. Trong khi đó lại còn phải làm thêm động tác nghi binh, mua vé máy bay nhưng không đi???
Tính ra phí tổn cho việc từ bắt cho đến lúc thả là quá tốn kém tiền ngân sách. Đúng là tiền mất tật mang. Mà rồi nào chắc đã yên? Bùi Hằng đã khẳng khái tuyên bố trong lời “Tri ân” trên mạng, là sẽ không bao giờ chịu khuất phục, sẽ tiếp tục con đường tranh đấu cho công lý.
P.B.
Nguồn: chimkiwi.blogspot.com
Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012
Nguyễn Hưng Quốc - Làm ăn với Cộng sản
Nguyễn Hưng Quốc
Doanh nhân người Anh Neil Heywood tại Bắc Kinh (hình chụp hồi tháng 4/2011) - Hình: Reuters
Mấy tháng vừa qua, nhân vụ án Bạc Hy Lai (Bo Xilai) ở Trung Quốc, có một doanh nhân Anh bỗng trở thành nổi tiếng cả thế giới. Một sự nổi tiếng muộn màng và đáng tiếc: sau khi ông đã chết. Doanh nhân ấy chính là Neil Heywood.
Heywood sinh năm 1970, tốt nghiệp ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Warwick. Đầu thập niên 1990, mới ngoài 20 tuổi, ông sang Trung Quốc dạy tiếng Anh, sau đó, chuyển sang kinh doanh. Ông có vợ người Trung Quốc và nói tiếng Quan Thoại rất trôi chảy. Ông thành lập công ty Heywood Boddington, đặt trụ sở chính ở London, nhưng công việc chính là làm môi giới và tư vấn, giúp người ngoại quốc đầu tư cũng như kinh doanh ở Trung Quốc. Công ty của ông có vẻ như rất thành công. Khách hàng của ông đông, trong đó có cả những công ty lớn và nổi tiếng khắp thế giới như Beijing Martin và đặc biệt, Rolls-Royce. Nói “có vẻ” vì, sau khi Heywood chết, người ta mới phát hiện tài sản của ông dường như không lớn lắm. Tiền trong trương mục ngân hàng của vợ ông không nhiều. Cả hai vợ chồng chỉ sở hữu một chiếc xe hơi cũ hiệu Jaguar và một căn nhà ba tầng ở ngoại ô Bắc Kinh trị giá khoảng năm, sáu trăm ngàn đô Mỹ. Dĩ nhiên, người ta cũng thừa biết, đó cũng chưa chắc là toàn bộ tài sản mà Heywood để lại. Chung quanh chuyện tài sản của ông vẫn là một bí ẩn. Một số người hoài nghi: chưa chắc Heywood đã cho vợ biết hết các trương mục của mình. Cũng chưa chắc người vợ đã thành thực trong việc cung cấp thông tin tài chính của mình hiện nay.
Điều người ta có thể chắc chắn là suốt thời gian làm ăn ở Trung Quốc, đặc biệt năm bảy năm trước ngày chết, Heywood có quan hệ rất rộng với các quan chức lớn ở Trung Quốc. Ông quen biết nhiều, tham dự nhiều tiệc tùng quan trọng với giới lãnh đạo cấp quốc gia. Ông biết nhiều ngõ ngách trong hậu trường. Nhiều công ty ngoại quốc muốn móc nối làm ăn với Trung Quốc phải nhờ đến ông. Và theo sự đánh giá của họ, Heywood làm việc rất có hiệu quả nhờ các mối quan hệ mật thiết và riêng tư ấy.
Trong các quan chức Trung Quốc mà Heywood thân thiện, người ông cộng tác lâu dài và gần gũi nhất chính là vợ chồng Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai. Mối quan hệ giữa họ kéo dài cả hơn chục năm. Heywood được xem là một trong những nhóm cố vấn thân cận nhất của gia đình Bạc Hy Lai. Chính Heywood là người đứng ra thu xếp chuyện học hành của con trai Bạc Hy Lai, Bạc Qua Qua, ở Anh, trong một trường tư thục nổi tiếng và rất khó được thu nhận, cái trường chính Heywood đã học lúc còn nhỏ. Sau đó cũng chính Heywood đứng ra thu xếp cho Bạc Qua Qua được vào học ở trường Oxford và Harvard. Như vậy quan hệ giữa Heywood và Bạc Hy Lai không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh doanh mà còn lấn sang cả phạm vi gia đình. Chính vì vậy, nhiều công ty Anh, khi đến với Trung Quốc, thường xem Heywood như một cửa ngõ và một môi giới quan trọng.
Trong gia đình Bạc Hy Lai, người Heywood gần gũi nhất chính là bà Cốc Khai Lai, vốn là một luật sư, có công ty Luật mang tên bà (bây giờ đã đổi tên thành Beijing Ang-dao Law), rất thành công, và đặc biệt đầy thế lực. Công ty Luật của bà càng nổi tiếng sau khi thắng một vụ kiện hình sự ngay trên đất Mỹ. Về sự kiện ấy, Cốc Khai Lai viết nguyên cả một cuốn sách để kể thành tích, nhan đề “Thắng kiện ở Mỹ” (Winning a Lawsuit in the U.S.) nghe nói là bán rất chạy ở Trung Quốc. Dựa vào thế của Bạc Hy Lai, công ty Khai Lai trở thành độc quyền trong việc tiến hành giấy tờ để ký kết các văn bản đầu tư giữa các công ty ngoại quốc và chính quyền địa phương ở Trùng Khánh với một giá được xem là rất đắt. Nhưng các công ty ngoại quốc không có một chọn lựa nào khác. Đó là lãnh địa của Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai.
Ở Trùng Khánh, Cốc Khai Lai sống và hành xử như một nữ hoàng. Khó có dự án đầu tư nào thành công nếu không được bà chấp thuận. Ai cũng khiếp sợ bà. Vào tiệm ăn, thấy ồn ào quá, bà quát nạt. Người ta vẫn tiếp tục ồn, bà cầm điện thoại di động gọi ngay cho cảnh sát, đàn em của chồng bà, đến dẹp yên, như là dẹp các cuộc nổi loạn. Năm 2007, khi công ty của bà bị điều tra vì có dấu hiệu tham nhũng, bà tập hợp tất cả những tay chân thuộc loại thân cận, trong đó có Heywood, yêu cầu họ ly dị vợ và thề trung thành với bà. Heywood từ chối lời yêu cầu ấy.
Thế nhưng lại có tin đồn cho rằng quan hệ giữa Heywood và Cốc Khai Lai vượt ra ngoài phạm vi làm ăn thông thường. Hình như giữa họ còn có quan hệ tình cảm. Cốc Khai Lai đã tin cậy giao cho Heywood những công việc cực kỳ quan trọng, trong đó, có việc giúp bà chuyển tiền ra nước ngoài. Một số nguồn tin cho số tiền ấy lên đến khoảng một tỉ rưỡi đô la. Có điều là, trong quá trình chuyển tiền này, quan hệ giữa hai người bắt đầu đổ vỡ. Dường như giữa họ có sự tranh chấp nào đó. Có thể là Heywood đòi một số tiền hoa hồng lớn hơn điều Cốc Khai Lai muốn. Trong các cuộc cãi cọ, có thể Heywood đã đe dọa sẽ tiết lộ con đường chuyển tiền được xem là tuyệt mật ấy. Heywood tâm sự với một vài người bạn là ông đã để lại hồ sơ chuyển tiền ấy cho luật sư riêng của ông ở London như một cách để tự phòng vệ (cho đến nay dường như người ta chưa tìm ra các tài liệu này; hoặc đã tìm thấy, nhưng vì một lý do nào đó, chưa công bố. Giới truyền thông hoàn toàn không biết gì cả.)
Sự đe dọa ấy như một giọt nước làm tràn ly.
Ngày 13 tháng 10 năm 2011, Cốc Khai Lai nhắn Heywood từ Bắc Kinh về Trùng Khánh. Suốt ba ngày sau, vợ ông hoàn toàn không nhận được tin tức gì của ông cả. Ngày 16, công an Trùng Khánh điện thoại cho bà, báo tin Heywood đã chết. Bà không tin. Sau đó, bà liên lạc với Tòa Đại sứ Anh ở Bắc Kinh và được xác nhận là chồng bà đã chết vì nhồi máu cơ tim sau khi uống quá nhiều rượu. Ngày 18, không hề được xét nghiệm, thi hài của Heywood được mang đi hỏa táng. Vợ của Heywood cũng như cả gia đình của ông ở London không hề có chút nghi ngờ nào. Trước đó, bố của Heywood cũng đã từng chết vì bệnh nhồi máu cơ tim lúc mới ngoài 60 tuổi. Người ta xem đó như một thứ bệnh di truyền.
Có lẽ sẽ không ai biết nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của Heywood nếu nó không được Vương Lập Quân, nguyên phó thị trưởng thành phố và cựu giám đốc công an Trùng Khánh tiết lộ khi ông chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô (gần Trùng Khánh) để trốn cuộc truy đuổi của Bạc Hy Lai. Theo Vương Lập Quân, Heywood chết là do bị bắt phải uống rượu độc. Ly đầu tiên bị đổ ra ngoài. Ly thứ hai, nhiều chất độc hơn, đã được rót thẳng vào miệng Heywood. Người chủ mưu vụ giết người ấy chính là Cốc Khai Lai.
Những sự tiết lộ của Vương Lập Quân đã làm sụp đổ hoàn toàn con đường công danh của Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Và, chúng cũng cho thấy công việc làm ăn với giới lãnh đạo Trung Quốc bất trắc như thế nào.
Cơ cấu kinh tế, xã hội và quyền lực ở Việt Nam cũng giống Trung Quốc. Như đúc. Những gì xảy ra ở Trung Quốc cũng có thể sẽ xảy ra ở Việt Nam.
Hoặc đã xảy ra rồi, không chừng.
Vũ Quí Hạo Nhiên - Ðồng tiền người Việt quận Cam: Kiếm khó, được ít
Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Với hơn một triệu người trên đất Mỹ, và gần 200,000 người ở Quận Cam, cộng đồng Việt Nam đang trở thành một lực lượng dân số đáng kể. Những cửa tiệm chi chít trên đường Bolsa, Brookhurst, Westminster, khắp vùng Little Saigon, cũng minh chứng cho hoạt động sầm uất của người Việt quận Cam về kinh tế.
Trong 5 tiểu bang nhiều người Việt Nam nhất, tiểu bang California có mức tăng dân số Việt thấp nhất từ kỳ Census 2000 tới Census 2010. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
Nhưng sự sầm uất đó thật sự là tới đâu? Những con số thực sự về nền kinh tế của người Việt quận Cam là bao nhiêu? Những cửa tiệm đẹp đẽ có phản ánh sự thành công của chủ nhân, hay chỉ che lấp sự vất vả của người quần quật làm ăn nuôi gia đình?
Câu trả lời nằm trong cơ quan kiểm kê dân số U.S. Census. Cơ quan này có rất nhiều con số chi tiết về nước Mỹ. Ngoài cuộc kiểm kê dân số mỗi 10 năm (“Census”), cơ quan này còn thăm dò thường xuyên, trong đó quan trọng nhất là cuộc thăm dò người dân mang tên American Community Survey “ACS” và cuộc thăm dò thương gia mang tên Survey of Business Owners “SBO”.
Những con số, vừa từ Census, vừa từ ACS, vừa từ SBO, khắc họa hình ảnh một cộng đồng Việt Nam lớn lên nhanh, làm việc siêng năng, nhưng số tiền làm ra không nhiều.
Con số Census 2010 cho thấy, California có hơn 580,000 người Việt Nam. Vùng miền Nam California, mà cơ quan Census gọi là vùng đô thị (MSA) Los Angeles-Long Beach-Santa Ana, có 271,234 người. Ðứng hạng nhì là vùng MSA San Jose-Sunnyvale-Santa Clara với 125,774 người. Hạng 3 là vùng Houston, hạng 4 vùng Arlington, hạng 5 vùng Virginia.
Riêng quận hạt Orange County, tức quận Cam, có 183,766 người Việt Nam. Nếu tính thêm những người vừa sắc tộc Việt Nam vừa có một hoặc hai sắc tộc khác nữa, quận Cam có 187,948 người Việt Nam thuần hoặc lai.
Từ lần thăm dò trước, năm 2000, tới 2010, dân số gốc Việt ở Mỹ tăng 37.9%, từ 1.1 triệu lên 1.5 triệu.
Tuy nhiên, với nạn thất nghiệp cao tại California, ở quận Cam cũng như ở khu kỹ nghệ điện tử quanh San Jose, mức tăng ở California thấp hơn của toàn quốc: Dân số người Việt ở California tăng 30% trong 10 năm. Trong khi đó, ở Texas, nơi nhiều việc làm hơn, dân số Việt Nam tăng 56% trong cùng thời gian đó. Không riêng gì với Texas: Trong 5 tiểu bang đông dân Việt nhất, tiểu bang California đứng đầu về số dân nhưng lại đứng chót về mức gia tăng.
Mức thất nghiệp tại quận Cam ảnh hưởng ngay vào cộng đồng Việt Nam. Theo thăm dò ACS, trung bình 3 năm 2008-2010, quận Cam thất nghiệp 9.0%, nhưng trong cộng đồng Việt Nam mức thất nghiệp còn cao hơn, 10.2%.
Con số này cao hơn hẳn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính thời 2007-2008. Trong ACS trước đó, trung bình 3 năm 2005-2007, cộng đồng Việt Nam quận Cam thất nghiệp 4.8%.
Không chỉ gặp khó khăn về việc làm, cộng đồng Việt Nam còn bị kẹt về nhiều yếu tố khác khiến họ khó bứt lên trong kinh tế, trong chuyện kiếm tiền.
Ngôn ngữ, và những trở ngại khác
Khó khăn đầu tiên là về ngôn ngữ. Tỷ lệ người Việt Nam tại quận Cam tự nhận là nói tiếng Anh chưa tới mức “very well” (rất rành) lên tới 55.6%. Trong khi đó, người gốc Á tại quận Cam nói chung, tỷ lệ này chỉ có 38.2%.
Tiếng Anh của người Việt Nam cũng thua tiếng Anh của người gốc Mỹ La Tinh, tức người Hispanic hay Latino. Tỷ lệ nói tiếng Anh chưa tới mức “rất rành” của họ chỉ có 41.3%.
Tỷ lệ người gốc Việt tại quận Cam nói tiếng Anh chưa tới mức “rất rành” (“very well”) cao hơn phân nửa. Trong khi người gốc Mỹ La Tinh chỉ bị có 42% và người gốc Á nói chung chỉ bị tới mức 32%. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
Nói cách khác, chưa tới một nửa người gốc Việt là “rất rành” tiếng Anh, so với quá nửa người gốc Á nói chung hay người gốc Mỹ La Tinh. “Ðiều này không có gì ngạc nhiên,” Giáo Sư Linda Võ Ðại Học UC Irvine nói với báo Người Việt. “Cộng đồng Mỹ gốc Việt hầu hết là di dân thế hệ thứ nhất, người sinh trưởng ở ngoại quốc.” Giáo Sư Võ chuyên nghiên cứu về phát triển cộng đồng Mỹ gốc Á, nhất là gốc Việt Nam ở miền Nam California. Giáo sư nói thêm, “Ðiều này không áp dụng với thế hệ thứ nhì sinh trưởng ở Mỹ, dùng tiếng Anh thoải mái hơn.”
Cũng vì không rành tiếng Anh, nên người Việt cũng ít dùng tiếng Anh ở nhà. Tỷ lệ người Việt quận Cam dùng thuần túy tiếng Anh ở nhà chỉ có 9.1%, tức là 11 nhà mới có 1 nhà dùng thuần túy tiếng Anh. Trong khi đó, đối với người Châu Á khác, là 24.1%, cao gần gấp hai rưỡi; và đối với người gốc Mỹ La Tinh, là 20.6%, hơn gấp đôi.
Học vấn người Việt Nam cũng thấp hơn các cộng đồng bạn. Những tấm gương sáng của những người Việt Nam thành danh trong học vấn, tuy đáng hãnh diện, vẫn lộ ra là một thứ ngoại lệ đặc biệt, làm phai đi thực trạng của người di dân chật vật với chuyện trường lớp, bằng cấp.
Tỷ lệ người Việt Nam quận Cam 25 tuổi trở lên mà vẫn chưa xong trung học (ở Mỹ hay ở nước khác) là tới 27.7%. Tức là, cứ 4 người thì hơn 1 người chưa xong trung học. Tỷ lệ này cao hơn quận Cam nói chung (16.9%), và cao hơn người gốc Á nói chung (13.7%). Nếu có phần an ủi, thì tỷ lệ người gốc Mỹ La Tinh chưa xong trung học còn cao hơn người Việt, tới 43.8%.
Có thể vì vậy, người Việt quận Cam làm những công việc nặng nhọc, ít đòi hỏi ngôn ngữ và học vấn, hơn người quận Cam nói chung.
Bốn ngành nhiều người Việt nhất, theo thứ tự, là: (1) Hãng xưởng (manufacturing); rồi tới (2) Giáo dục, y tế, xã hội; rồi (3) Dịch vụ không chuyên; rồi (4) Bán lẻ.
Trong khi đó, quận Cam nói chung, bốn ngành nhiều người nhất là: (1) Giáo dục, y tế, xã hội; sau đó là (2) Dịch vụ chuyên môn, khoa học, quản trị; rồi mới tới (3) Hãng xưởng; và (4) Bán lẻ.
Tỷ lệ người gốc Việt tại quận Cam chưa xong trung học là 28%, thấp hơn người gốc Mỹ La Tinh, nhưng cao hơn quận Cam nói chung và cao hơn người gốc Á nói chung. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
Người Châu Á tại quận Cam có các ngành này nhiều người nhất: (1) Giáo dục, y tế, xã hội; rồi (2) Hãng xưởng; (3) Dịch vụ chuyên môn, khoa học, quản trị; (4) Bán lẻ.
Cụ thể, ngành dịch vụ không chuyên (trong đó có ngành nails) nằm trong Top 4 của người Việt Nam, không trong Top 4 cộng đồng bạn. Ngược lại, bạn có dịch vụ chuyên môn, khoa học, quản trị trong Top 4, mà người Việt Nam không có.
Thu nhập
Với ngành nghề khác, số tiền người Việt Nam kiếm được cũng khác người ta. Trong khi một gia đình tại quận Cam có thu nhập trung bình (median, chính xác hơn là “trung vị”) $72,832, thì một gia đình Việt Nam thua tới 1/6, chỉ có thu nhập $60,026.
Những gia đình thu nhập bằng tiền kiếm được (“earnings”), như lương hoặc tiền lời mở tiệm, gia đình Việt Nam trung bình $78,727; gia đình quận Cam trung bình $96,936.
“Người Việt Nam hầu hết là người tỵ nạn, di dân. Nền giáo dục và kinh nghiệm làm việc của họ khác, nên điều này ảnh hưởng tới khả năng hội nhập và tìm việc làm lương cao sau khi nhập cư,” Giáo Sư Võ giải thích.
Và nếu tiền lương thấp hơn, thì tiền hưu cũng thấp hơn, và thấp hơn nhiều: Tiền hưu trung bình của người Việt Nam là $17,147; của quận Cam hơn gấp rưỡi, $26,650.
Người gốc Việt nhận food stampngang với người gốc Hispanis. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
Ngay cả tiền già, tiền trợ cấp của một gia đình Việt Nam, cũng thấp hơn của một gia đình quận Cam nói chung. Trung bình Social Security của gia đình Việt Nam là $12,163 một năm, còn của gia đình quận Cam là $16,469. Tiền trợ cấp: Việt Nam $5,890; quận Cam: $6,293.
Có tiền SSI thì người Việt Nam lãnh cao hơn người quận Cam nói chung: Người Việt Nam trung bình $10,675; quận Cam: $9,225.
Và tỷ lệ người Việt Nam nhận food stamp (SNAP) cũng cao nhất so với các cộng đồng khác: 8.7% gia đình Việt Nam nhận food stamp, ngang với người gốc Mỹ La Tinh. Trong khi đó, chỉ có 3.5% gia đình quận Cam nói chung, chỉ có 3.6% gia đình gốc Á quận Cam, và chỉ có 5.5% gia đình người da đen ở quận Cam, là nhận food stamp.
“Lý do là vì Little Saigon,” Tiến Sĩ Thúy Võ-Ðặng giải thích cho báo Người Việt. Tiến Sĩ Võ-Ðặng hiện nghiên cứu và dạy tại Ðại Học UC Irvine về cộng đồng Việt Nam.
“Vùng Little Saigon là một hiện tượng mà xã hội học gọi là 'institutional completeness' - một chỗ cung cấp tất cả các thứ cho một cộng đồng sắc tộc. Người ta có thể đi bác sĩ, đi chợ, tìm việc làm, giải trí, sinh hoạt văn hóa, mà không cần ra khỏi Little Saigon. Những khu như vậy thường thu hút người di dân mới qua, nếu tỷ lệ những người này nhận SNAP nhiều thì không có gì là lạ.”
Làm ăn, mở tiệm
Như nhiều người di dân khác, nhiều người trong cộng đồng Việt Nam chọn con đường mở tiệm riêng để làm ăn, thay vì đi làm cho người khác. Nhiều cuộc nghiên cứu trước đây cho thấy người di dân thế hệ thứ nhất thường hay mở tiệm hoặc công ty riêng, nhưng thường thì kiếm được tiền ít hơn các cửa tiệm hay công ty của người sinh tại Mỹ.
Con số về người Việt Nam tại quận Cam cũng có kết quả tương tự. Ở Quận Cam, cuộc thăm dò SBO năm 2007 của U.S. Census cho thấy người Việt Nam có 14,662 thương nghiệp, với tổng thương vụ (tiền kiếm được) là gần $2.86 tỷ.
Ðó là một con số lớn. Tuy nhiên, chia trung bình ra, mỗi thương nghiệp Việt Nam kiếm được chưa tới $195,000 một năm.
Trong khi đó, toàn bộ quận Cam có 329,380 thương nghiệp, với thương vụ hơn $442 tỷ. Trung bình một thương nghiệp quận Cam, do đó, kiếm được hơn $1.3 triệu một năm.
Nói cách khác, người Việt Nam chịu khó mở tiệm, nhưng kiếm tiền chưa bằng 1/7 các thương nghiệp quận Cam nói chung.
Mỗi doanh nghiệp gốc Việt tại Quận Cam thu được mỗi năm $195,000, ít hơn các doanh nghiệp gốc Ấn, gốc Hoa, gốc Nhật, gốc Hàn, nhưng cao hơn doanh nghiệp gốc Philippines. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
Số tiệm, công ty, xưởng của người Việt Nam cao hơn các sắc dân Á Châu khác trừ người Hoa. Người Mỹ gốc Hoa tại quận Cam có 15,903 thương nghiệp. Còn lại thì đều ít hơn Việt Nam: Người gốc Hàn có 8,905 doanh nghiệp, gốc Philippines 8,890; gốc Ấn 6,427; gốc Nhật 4,664.
Mỗi thương nghiệp của người gốc Ấn ($505,000), người gốc Hoa ($461,000), người gốc Nhật ($405,00), người gốc Hàn ($297,000) tại quận Cam đều kiếm được nhiều tiền hơn thương nghiệp người Việt. Bù lại, thương nghiệp người Việt kiếm nhiều tiền hơn của người gốc Philippines ($78,000).
“Tôi cho rằng lý do là vì các thương nghiệp Việt Nam vẫn làm theo kiểu gia đình, 'mom-and-pop,'” Tiến Sĩ Võ-Ðặng nói. “Trong khi các cộng đồng Châu Á khác đã có nhiều thương nghiệp làm theo mô hình hiện đại, phát triển lớn, thì cộng đồng Việt Nam vẫn rất ít. Mô hình franchise, chẳng hạn, ngoài Lee's Sandwiches ra cộng đồng Việt không có bao nhiêu.”
Ngoài số tiền kiếm vào không cao, một dấu hiệu khác các thương nghiệp Việt Nam không lớn, là một tỷ lệ rất lớn các thương nghiệp gốc Việt không có nhân viên làm ăn lương.
Trong số 14,662 thương nghiệp Việt Nam, chỉ có 2,581 thương nghiệp là có nhân viên làm ăn lương. Tỷ lệ này chỉ có 18%: Trong 5 tiệm, chưa tới 1 tiệm có nhân viên.
Trong khi đó, tỷ lệ các thương nghiệp trong cộng đồng khác có nhân viên làm ăn lương đều cao hơn: Thương nghiệp gốc Ấn có 29% có nhân viên ăn lương, thương nghiệp gốc Hàn 31%, thương nghiệp gốc Nhật 26%, thương nghiệp gốc Hoa 19%.
Trong cộng đồng gốc Á tại quận Cam, người Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp tới 23%, nhưng tỷ lệ số tiền thu được (doanh thu) chỉ có 14%. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
Riêng các thương nghiệp gốc Philippines, tỷ lệ có nhân viên ăn lương thấp hơn của Việt Nam, chỉ có 9%.
Có thể nào con số của thăm dò SBO bị thấp vì thương nghiệp Việt Nam trả tiền mặt cho nhân viên và không nói ra? Giáo Sư Linda Võ nói, “Ðiều đó mình biết là đang xảy ra trong tất cả các cộng đồng Châu Á, không riêng gì cộng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không có con số thống kê khả tín về tình trạng này.”
Vì đây là xảy ra trong nhiều cộng đồng, mà thương nghiệp Việt vẫn ít nhân viên ăn lương, nên, theo Giáo Sư Võ, điều này có nghĩa là “thương gia Việt Nam phải cố gắng làm việc nhiều giờ, trông cậy vào sức lực trong gia đình, chứ không đủ khả năng thuê nhân viên ngoài”.
Ngay cả những thương nghiệp đủ phát triển để có thuê nhân viên, thương nghiệp gốc Việt thuê ít nhân viên hơn các sắc dân khác. Theo SBO của U.S. Census, mỗi thương nghiệp gốc Việt, nếu có nhân viên, thuê trung bình 6 người - nhiều hơn thương nghiệp gốc Hàn và gốc Philippines (5 người). Nhưng thấp hơn thương nghiệp gốc Nhật, gốc Hoa, gốc Ấn (9 người).
Tức là, con số nhiều thương nghiệp giải thích tại sao khu phố người Việt Nam ở quận Cam tấp nập các cửa tiệm, người ra người vào rộn ràng. Tuy nhiên, khi chỉ có một số ít tiệm có nhân viên ăn lương, và số nhân viên cũng ít, điều đó cho thấy các vị chủ nhân các thương nghiệp cũng chính là nhân viên luôn: Họ lấy công làm lời, mang sức lực gia đình ra để kiếm tiền.
Những cố gắng quần quật đó lại không kiếm ra bao nhiêu. Cộng với trình độ Anh ngữ giới hạn, học vấn dang dở, có những mối hợp đồng mà các thương nghiệp Việt Nam sẽ vẫn khó kiếm được. Kết quả xuất hiện ngay trong con số thống kê: Số tiền các doanh nghiệp Việt Nam kiếm ra còn rất thấp so với các cộng đồng bạn. Ðường đi đến sự thành công thực sự của người Việt Nam về kinh tế, vẫn còn dài và cần nhiều sự giúp đỡ.
Trịnh Hội - Ðiếu Cày và Ðài VOA và Tôi và Phim The Hunger Games và Paulus Lê Văn Sơn và Cái Chết của Mẹ Sơn
Trịnh Hội (Nguồn: VOA)
Hôm nay tôi đặt tên cho bài blog có tựa đề dài như thế này có lý do của nó. Vì đầu tiên tôi định viết về anh Ðiếu Cày. Mấy hôm nay tin tức về anh phủ đầy trên mạng. Khi thì nghe cuối cùng anh sẽ được xử. Lúc lại được thông báo là ngày ra tòa đã bị dời lại không cần biết lý do tại sao. Các cơ quan, chính phủ Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng. Từ Amnesty International, Civil Rights Defenders cho đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, v.v... Âu đấy cũng thể hiện được một phần nào sự quan tâm của những người còn có lòng, thấy được lẽ phải, không sợ sự trả thù của những kẻ có quyền ở Việt Nam.
Tôi cũng định gióng lên tiếng nói của mình. Chẳng ăn thua gì nhưng ít nhất ra đấy cũng là tiếng nói nhất định của một người Việt Nam. Không hơn ai. Nhưng chắc chắn là cũng chẳng hề suy kém nếu so với bất kỳ ý kiến của một người nào khác.
Nhưng đọc xong lá thư yêu cầu của Luật Sư Hà Huy Sơn là người đứng ra bào chữa cho anh gửi cho tòa án và ông giám đốc công an thành phố thì tôi lại nghĩ khác. Tôi lại muốn viết về đài VOA. Vì trong lá thư yêu cầu dài 4 trang, ở phần II, Luật Sư Sơn đã trình bày như thế này:
“Cáo trạng số 100/CT - P2 ngày 29/02/2012, trích: '327 bài đăng lại từ các trang blog, trang web của các tổ chức hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam như: VOA, RFA, AFP, Khối 8406, Dân Luận, Thông Luận, Người Việt Online...
Yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố... triệu tập các tổ chức, cá nhân tham gia phiên tòa với tư cách Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Các tổ chức như VOA, RFA, AFP,...”
Ôi chao ơi. Có thật không đây? Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) là một tổ chức “hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam”? Thế thì chính phủ Hoa Kỳ, là tổ chức duy nhất tài trợ cho đài VOA kể từ khi nó được thành lập vào năm 1942 có phải là một tổ chức “hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam” hay không?
Nếu câu trả lời là “Yes,” thì hà cớ gì Việt Nam phải tiếp tục bang giao với Mỹ, với những người đang hoạt động chống phá mình?
Còn nếu như câu trả lời là “No,” thì chả nhẽ bản cáo trạng chỉ là một trò đùa không hơn, không kém? Một sự thể hiện đẳng cấp quá ư là con nít nếu không muốn nói là “stupid”! (Xin lỗi các bạn đọc. Tôi không thể nghĩ ra một tĩnh từ nào hay hơn là chữ “stupid” trong tiếng Anh trong trường hợp này. Vì nó thật sự quá ư là ngu xuẩn.)
Nhưng nhìn một tí xa hơn, tôi lại giật bắn mình. Ô hay. Thế còn đối với những nhân viên của đài VOA thì sao? Hay những cộng tác viên như mình chẳng hạn?
Không ăn lương tháng, không bao giờ bị đài kiểm duyệt hay sai khiến nhưng chỉ cần có bài được đăng trên VOA, nếu họ muốn, phải chăng đó đủ là bằng chứng để kết tội mình như họ đang cố kết tội anh Ðiếu Cày? Một cái tội mà chỉ ở những nước như Việt Nam mới có. Ðó là tội danh tuyên truyền chống phá chế độ nằm ở Ðiều 88 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Tôi nghĩ đến đài VOA sau đó suy ra đến tôi cũng chỉ vì thế. Vì tôi thật sự không bao giờ muốn bị rơi vào trường hợp như anh Ðiếu Cày. Bị ghép vào một tội mà mình không thể nào chấp nhận là đã phạm tội.
Tiếng nói này là tiếng nói của riêng lương tâm tôi. Cũng như tiếng nói của anh Ðiếu Cày là tiếng nói lương tâm của riêng anh ấy. Những suy nghĩ này là những gì tôi thật sự tin tưởng từ tận đáy lòng và muốn giãi bày với mọi người. Cũng như anh Ðiếu Cày.
Nếu chế độ của các anh thật sự là siêu việt, là tốt nhất cho dân tộc và đất nước Việt Nam thì những người như tôi, như anh Ðiếu Cày và hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người khác trên khắp cùng đất nước Việt Nam không thể nào tuyên truyền chống phá được.
Ngoại trừ khi chính chế độ của các anh đang có vấn đề. Thành thử các anh sợ.
Ủa mà cũng lạ hỉ. Ðất nước là đất nước chung. Tương lai là tương lai của tất cả mọi con dân Việt. Ðã thế các anh còn tự cho mình là đầy tớ của dân. Vậy thì tại sao các anh có quyền tuyên truyền, đi đâu ở Việt Nam cũng thấy treo nhan nhản đỏ lòe những câu đại loại như “Ðảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm,” “Mừng Xuân, Mừng Ðảng”... nhưng những người dân quèn, không có tí gì trong tay, thì lại không có quyền... tuyên truyền?
Thế là thế nào?
Trong thời gian gần đây phải thú nhận là tôi có quá nhiều câu hỏi như trên. Nhưng nghiệt nỗi là tôi vẫn chưa tìm được một câu trả lời nào cho thỏa đáng. Thế là vào ngày Chủ Nhật cuối tuần vừa rồi tôi đã quyết định cùng cả nhà đi coi phim.
Chúng tôi vào rạp xem bộ phim đang làm mưa làm gió trên khắp thế giới có tên là “The Hunger Games.”
Phim đang đạt kỷ lục có số thu cao nhất trong năm nay ở Mỹ. Tiểu thuyết cùng tên cũng đã và đang nằm trên danh sách những quyển sách bán chạy nhất trong thời gian vừa qua.
Không biết những người trong nhà nghĩ sao chứ riêng tôi, tôi chọn xem bộ phim này đơn giản là vì nó đang bị cấm trình chiếu ở Việt Nam. Tôi muốn tự tìm hiểu tại sao phim lại bị cấm.
Và sau gần 2 tiếng đồng hồ bị cuốn vào trò chơi bí ẩn, tàn ác của những kẻ cầm quyền trong xã hội giả tạo trên màn ảnh, tôi bước ra khỏi rạp tự nhủ rằng nay tôi đã biết tại sao bộ phim không được trình chiếu ở Việt Nam.
Thứ nhất vì nó khá bạo lực, lại có liên quan đến các trẻ em dưới tuổi vị thành niên. Và thứ hai, quan trọng hơn, là thông điệp chính trị mà bộ phim gửi đến tất cả những người xem phim.
Ðó là dưới con mắt của những người có quyền có chức, người dân chỉ là những con số, những thống kê không đáng kể. Tất cả chúng ta chỉ là trò đùa của họ và cho họ. Không hơn, không kém.
Vì vậy nếu muốn giành lấy sự sống còn, chúng ta không thể để cho họ kiểm soát chúng ta. Không thể trao cho họ những gì họ muốn. Chúng ta có thể phải hy sinh, kể cả mạng sống và tình yêu của riêng mình, để lấy lại được sự tự do và sự sống của chính mình.
Chuyện phim chỉ có thế. Trong một xã hội vẫn còn nhiều điều bị cấm đoán, lên án như ở Việt Nam, việc bộ phim “The Hunger Games” không được phép trình chiếu không phải là một điều ngạc nhiên quá sức tưởng tượng.
Nó mà được cho phép chiếu mới là chuyện lạ.
Trên đường tản bộ về nhà vừa đi tôi vừa nghĩ chắc là lần này mình phải viết về cả hai vấn đề đó là: Anh Ðiếu Cày và The Hunger Games. Vì thường tôi vẫn làm thế. Ít khi tôi biết trước là lần này mình sẽ viết về đề tài gì. Phần lớn những gì tôi viết đều dựa vào cảm tính rất cá nhân của tôi mà chắc đối với các bạn đọc đã theo dõi tôi trong suốt 3 năm vừa qua cũng đã thừa biết. Con người tôi có rất nhiều cảm tính. Ðã vậy nó còn liên quan đến quá nhiều vấn đề!
Như câu chuyện về Paulus Lê Văn Sơn và mẹ của em mà tôi tình cờ đọc được qua blog của Người Buôn Gió ở Hà Nội. Ngay sau khi tôi vừa mở laptop để viết bài.
Sơn hiện đang ngồi tù ở Việt Nam. Từ lúc bị bắt vào năm ngoái cho đến bây giờ không ai trong gia đình được phép gặp mặt. Và cho đến nay chẳng có cơ quan, tòa án nào buộc tội Sơn. Hay chịu đem ra xét xử. Họ giam Sơn vô hạn định và không cần đưa ra bất kỳ lý do nào. Tại sao. Hay cho đến bao giờ.
Trong tù Sơn chỉ biết chờ và đợi.
Nhưng ngoài tù thì bệnh tình của mẹ Sơn ngày càng trở nặng hơn.
Cho đến cách đây vài hôm thì bà đã ra đi mãi mãi. Mà không gặp mặt lại được đứa con duy nhất của mình. Một mẹ, một con nuôi đến ngày Sơn khôn lớn. Nhưng tiếc là đến ngày cuối đời, Sơn đã không có mặt ở cạnh bà.
Tôi đọc tin buồn được loan báo mà lòng bỗng cảm thấy thẫn thờ, bất nhẫn. Tại sao cho đến bây giờ, trong thời đại văn minh, tân tiến này, dân tộc Việt Nam vẫn không thể đối xử với nhau như người với người? Vẫn không thể hiện được những hành động văn hóa, nhân bản dành cho nhau cho dù chúng ta có khác biệt cách mấy trong ý kiến và hành động.
Vì lẽ đơn giản, chúng ta ai cũng có mẹ. Ai cũng mong muốn những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với mẹ mình. Muốn làm cho mẹ vui những lúc được gần gũi, muốn giúp mẹ thật nhiều lúc gặp phải khó khăn. Tôi luôn mong muốn thế. Các bạn cũng thế. Những người công an, giám đốc thành phố, hay bộ trưởng, hay những người ra lệnh bắt giam Sơn, ai cũng muốn thế.
Ai cũng muốn được gần mẹ, nhìn mẹ một lần cuối, trước khi mẹ ra đi. Ðược để tang, được khóc bên nén hương tàn và lo chôn cất người mình yêu thương nhất.
Ai trong chúng ta chắc chắn cũng muốn làm được điều này. Nhiều người trong chúng ta chắc chắn sẽ thực hiện được điều này.
Ngoại trừ Sơn.
Ngọc Lan - Di dân gốc Việt và những được mất đời thường
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) -“American Dream” - Giấc Mơ Mỹ - giấc mơ cho tất cả những ai khao khát một cuộc sống tốt hơn, giàu hơn và đầy đủ hơn. Và tùy từng hoàn cảnh, từng cuộc đời, mỗi di dân đến mảnh đất này mang theo một “giấc mơ Mỹ” rất khác nhau.
Câu chuyện của bà Quách Ngọc Yến (Yến Lê) ở San Jose, của ông Ðạt Diệp ở San Diego, và của ông Jimmy Phan ở Bắc California, những người Mỹ gốc Việt có mặt tại miền đất tự do này từ hơn 20 năm qua, cho thấy phần nào những thành, bại cũng như cảm nhận về ý nghĩa của hai chữ “tự do” đa dạng và thú vị hơn những điều mọi người vẫn nghĩ.
***
Bà Quách Ngọc Yến, cư dân San Jose: “Muốn nhận thật nhiều, trước hết tay phải mở rộng.” Hình: Vợ chồng chủ hệ thống Lee Sandwiches, bà Quách Ngọc Yến và ông Lê Chiêu. (Hình: Gia đình cung cấp)
Tám cửa tiệm Lee's Sandwiches tại miền Nam California, 40 tiệm 'franchise' trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, và hơn 300 xe “lunch” (lunch trucks) đậu trong “sân nhà” là những gì mà vợ chồng bà Quách Ngọc Yến cùng gia đình gầy dựng được từ khi đặt chân tới Mỹ năm 1979, cho đến nay.
Năm 1978, bà Quách Ngọc Yến, khi đó mới 21 tuổi, con một chủ vựa bán vật liệu xây dựng ở Sài Gòn, cùng chồng là ông Lê Chiêu, con một chủ lò đường ở Long Xuyên, cũng 21 tuổi, mỗi người dẫn theo 3 người em ruột, theo một ông chú, xuống tàu vượt biên.
Ðến Mỹ năm 1979, cũng vất vả, khó khăn như bao người di dân khác, ông Chiêu Lê khởi đầu công việc mưu sinh bằng nghề xẻ thịt bò tại tiểu bang New Mexico.
Sáu tháng sau, khi cả gia đình đoàn tụ tại Mỹ, vợ chồng bà Yến dời về miền Bắc California, chọn San Jose làm nơi định cư. Tại đây, ông Chiêu Lê bắt đầu công việc phụ bán hàng cho một xe “lunch.” Nhưng chỉ sau hơn 2 tháng, với số tiền dành dụm được, vợ chồng bà Yến mua lại một chiếc xe lunch của người Mỹ. Kể từ đó, “tôi lái xe, còn anh Chiêu đứng chiên xào thức ăn trong lúc xe đang chạy, lái lòng vòng mấy hãng điện tử, những nơi đang xây dựng, để bán cho người ta vào giờ ăn trưa.”
Bằng giọng nói thanh thản, nhẹ nhàng, chủ nhân hệ thống Lee's Sandwiches kể tiếp, “năm 1981, tức chỉ một năm sau, với sự phát triển và trợ giúp của gia đình, vợ chồng tôi phát triển lên thành 10 chiếc, rồi mở hãng. Có thời gian, mình có tới cả 500 chiếc xe lunch của khách hàng đậu ở bến của mình để sáng mình cung cấp hàng cho họ đi bán.”
Song song với việc kinh doanh xe “lunch,” từ năm 1983, mỗi Chủ Nhật, thấy xe để không, ông bà Lê Văn Bá, thân phụ mẫu của ông Chiêu, đề nghị “dùng xe lunch để mang bánh mì ra bán nơi ngã tư coi có được không.”
“Ai ngờ lúc đậu đó bán, người ta ủng hộ rất đông. Thế là khoảng 3 năm sau, do đậu xe ở đó bị cảnh sát phạt hoài nên gia đình bàn nhau mướn tiệm để làm, rồi phát triển luôn.” Bà Yến nhớ lại.
Tuy nhiên, từ năm 1983 đến năm 2000, bánh mì Lee's Sandwiches vẫn chỉ có hai tiệm ở San Jose. Năm 2001, ông Chiêu Lê cùng người con trai lớn là Minh Lê bắt đầu suy nghĩ đến chuyện phát triển thương hiệu bánh mì Lee's Sandwiches thành hệ thống chi nhánh “franchise” có tầm vóc lớn hơn.
Cuộc đời, người ta vẫn nói “ông trời không cho ai được mọi sự hoàn hảo nhưng cũng không đẩy ai đến bước cùng cực không lối thoát.” Ý tưởng đưa thương hiệu Lee's Sandwiches vào thị trường Mỹ vừa thành hình thì một tai nạn lớn xảy ra cho gia đình: Minh Lê qua đời trong một tai nạn giao thông.
Nỗi đau đớn tê điếng đó không làm vợ chồng bà Yến ngã quỵ, mà ngược lại, nó như tiếp thêm ý chí để người mẹ, người cha vừa mất con này, bằng mọi cách phải thực hiện cho được ước mơ, ý tưởng của đứa con trai mình.
Hai vợ chồng bà cùng làm. Cả gia đình cùng làm. Ðể miền Nam California có sự hiện diện của Lee's Sandwiches kể từ đó. Ðể nhiều tiểu bang trên đất nước Hoa Kỳ có Lee's Sandwiches kể từ đó. Và, để một thương hiệu bánh mì Việt Nam chính thức bước vào thị trường dòng chính kể từ đó.
Không dừng lại ở bánh mì, ông Chiêu Lê còn sang Pháp tìm người học cách pha chế cà phê, từ rang, xay, đến thử hương vị. Gần 10 năm nay, cà phê Lee's Sanwiches không chỉ trở nên quen thuộc và được ưa thích, mà từ cuối năm 2011 những bình cà phê sữa hiệu Lee's Sandwiches đã tự hào có mặt trên kệ hàng của công ty Costco, khu vực Nam California.
Ðánh giá sự thành công của Lee's Sandwiches đến ngày hôm nay, bà Yến Lê cho rằng “thực sự là do may mắn và nhờ ơn trên,” kế nữa là “nhân viên quá giỏi, vì nếu không, mình chỉ có hai tay thì không làm nổi đâu.” Ðồng thời “nếu không có sự thương mến, ủng hộ của khách hàng thì những dự tính của mình cũng không thành.”
Dường như bà không muốn nhắc đến những nhọc nhằn mà vợ chồng bà đã bỏ ra trong suốt những năm tháng đầu, làm việc 6 ngày một tuần, ngủ chừng 5 tiếng mỗi đêm, và nỗi lo thường nhật: “Liệu bán có đủ tiền chi phí cho gia đình, tiền tả sữa cho con hay không.”
Theo chủ nhân Lee's Sandwiches, “Trong suốt mấy mươi năm qua, dù có những lúc lao đao, nhưng chưa bao giờ mình có ý định bỏ nghề, chuyển theo hướng khác. Tôi thấy ở xứ này, nếu mình cố gắng, làm thật tốt thật chăm, đương nhiên phải có cơ hội nữa, nhưng nếu mình cố gắng, đừng chán nản thì mình không bị phụ lòng đâu.”
Bà Yến Lê nói như tâm tình: “Vợ chồng tôi quan niệm, tay mình phải mở thì mình mới nhận được, tay mình cứ nắm thì mình không nhận được gì hết. Muốn nhận thật nhiều, trước hết tay phải mở rộng. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là điều mình phải luôn ghi nhớ từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội. Tôi dạy con mình cũng theo suy nghĩ ấy.”
Không thể kể hết những đóng góp của Lee's Sandwiches đối với cộng đồng, đối với đất nước này. Nhưng riêng với người dân Little Saigon, Orange County, chỉ cần nhìn thấy ngôi trường Coastline Community College, với trung tâm Le-Jao Center cạnh tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ, là người ta lại nhớ đến tấm lòng của người đứng đầu hệ thống Lee's Sandwiches.
Ðạt Diệp và niềm tin vào cơ hội
“Năm 1978, trước ngày đổi tiền lần thứ hai một ngày, tụi phường đội và ủy ban nhân dân phường ập vô nhà yêu cầu nội bất xuất ngoại bất nhập và đọc văn bản nói nhà tôi là tư bản thương nghiệp cần được cải tạo, không được ở thành phố mà phải đi kinh tế mới.”
Ông Ðạt Diệp, cư dân San Jose: “Ai vừa chịu khó vừa có ý chí tiến thân thì đây là đất nước tạo ra cho mình được mọi điều.” Hình: Ông Ðạt Diệp cùng vợ và hai con. (Hình: Gia đình cung cấp)
Kể từ ngày đó, cậu học trò lớp 10 có tên Ðạt Diệp chấm dứt cuộc đời học sinh, theo gia đình về sống ở vùng kinh tế mới Tầm Vu, Long An.
Ông Ðạt Diệp, hiện là cư dân ở San Diego, nhớ mãi kỷ niệm ngày đầu đi “kinh tế mới:” “Nơi mình tới là Tầm Vu-Long An, nhưng vì họ muốn lấy nhà mình ngay nên dù nhà lá ở kinh tế mới chưa xây xong họ vẫn xúc mình đi và cho mình ở tạm trong một trường học tại huyện Thủ Thừa.”
Theo lời ông Ðạt, thân phụ ông không quen ngủ dưới sàn nhà nên bèn “ra chợ dò la coi có ai cho thuê phòng không.” Cảm thương cho hoàn cảnh, một bà cụ đồng ý cho hai cha con ông Ðạt đến ngủ nhờ “không lấy tiền.”
“Thế nhưng, đêm đó cúp điện, khi chuẩn bị bước vào nhà đi ngủ thì tôi nghe những tiếng chen chét, chin chít ghê rợn thật to chan chát vào tai. Tôi cầm cái đèn dầu từ nơi tay bà cụ soi lên thì thấy một cảnh tượng kinh khủng. Chuột, chuột và chuột. Tới hàng trăm con trừng mắt chăm chăm vào hai cha con tôi. Ðêm đó thật hai cha con tôi không ngủ được, cứ nằm mà nhìn lên nóc mùng xem chuột diễn hành. Rồi phải nằm co chân lại vì thẳng chân ra là nó gặm ngón chân.” Ông Ðạt nhớ lại cái “đêm thật dài” đó.
Sau một năm sống ở kinh tế mới, Ðạt Diệp trở về Sài Gòn, bắt đầu “lang thang buôn bán ngoài chợ, làm gì sống được thì cứ làm” cho đến đúng ngày 30 tháng 4 năm 1985, ông Ðạt có mặt tại Hoa Kỳ theo diện bảo lãnh ODP.
“Lúc đó mới bắt đầu lo. Tương lai mờ mịt. Không biết phải bắt đầu như thế nào. Khi đó chỉ có tôi và người chị dưới 21 tuổi, được đi theo ba má tôi. Cho nên cảm thấy nỗi lo còn nhiều anh chị em và các cháu còn ở Việt Nam.” Ông Diệp kể.
Nỗi niềm đó khiến Ðạt Diệp, lúc ấy mới 23 tuổi, “không nghĩ đến chuyện đi học lại, vì sợ đi học không thì không có tiền, nên chọn đi học nghề sửa xe.”
Cùng thời gian đi học nghề, buổi tối ông Ðạt lại đi phụ làm thêm ở một quán cà phê. Ðến lúc lấy được bằng sửa xe, không kiếm được việc làm, người đàn ông này khi đó chuyển sang đi làm cho tiệm phở 54 ở San Diego.
Năm 1987, khi tiệm phở mở cổ phần, ông Ðạt cũng gom góp, mượn thêm người thân cho đủ số $6,000 hùn vào. Tuy nhiên, hai năm sau, tiệm bắt đầu thua lỗ, ông Ðạt rút lại cổ phần của mình và “lúc đó tôi đi học lại lấy bằng như trung học.”
Nhờ sự giới thiệu của một người bạn, từ năm 1989, ông Ðạt Diệp vào làm ở hãng Autosplice Inc. cho đến Tháng Sáu năm 2009.
Ông Ðạt cho biết: “Thời gian đó, cũng do sức mình cố gắng, hơn một năm sau thì tôi lên làm 'lead.' Ðến 1997 thì được lên làm 'production supervisor'. Tôi không được lên làm manager vì tôi không có bằng đại học 4 năm, dù lương bổng của tôi tương đương với người quản lý.”
Do kinh tế xuống dốc, từ giữa năm 2009, công ty chuyển qua Mexico, ông Ðạt thất nghiệp sau 20 năm làm việc cho hãng Autosplice Inc.
Nhìn lại 27 năm sống tại mảnh đất tự do, ông Ðạt Diệp bày tỏ: “Tôi cảm ơn đất nước này lắm. Vì mình là người Việt Nam nhưng mình lại không được chấp nhận trên quê hương mình. Vậy mà mình sang đây, đất nước này lại cưu mang mình, cho mình nhiều cơ hội để thăng tiến. Người khác tôi không biết, nhưng như bản thân tôi, trình độ văn hóa không có, không có cái gì hết, tôi thấy đất nước của cơ hội, ai vừa chịu khó vừa có ý chí tiến thân thì đây là đất nước tạo ra cho mình được mọi điều.”
Sau thời gian không kiếm việc được ở San Diego, hiện tại, ông Ðạt có được việc làm billing cho một hãng Ambulance ở thành phố Huntington Beach, Orange County.
Tuy nhiên, người đàn ông này nói lạc quan: “Tôi không bỏ cuộc. Hiện nay mỗi ngày tôi vẫn đi kiếm việc làm, vẫn đi rải đơn. Mong ước của tôi là có việc làm ở San Diego để trở về gần với gia đình, với vợ và hai con của tôi.”
Jimmy Phan và câu chuyện “làm người tử tế”
“Ở Việt Nam, cuộc sống của tôi là ngày qua ngày, và tôi có lý do để sống hoang đàng. Ở đây, cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, nhưng suốt thời gian qua, lúc nào tôi cũng mang tâm trạng lo cơm áo gạo tiền, nhà cửa, con cái, cảm thấy buồn vì mình không sống tự do như mình muốn, mà phải ép mình làm người tử tế.”
Ông Jimmy Phan, cư dân Bắc California: “Dù không muốn, tôi phải ép mình làm người tử tế khi sang đây.” Hình: Ông Jimmy Phan cùng các cháu nội ngoại của mình. (Hình: Gia đình cung cấp)
Ông Jimmy Phan, 55 tuổi, vừa nghỉ hưu sau 16 năm làm việc cho San Jose Evergreen District, nêu suy nghĩ một cách thẳng thắn, sau hơn 20 năm đặt chân đến Hoa Kỳ.
Năm 1975, vừa xong trung học thì ngày 30 tháng 4 ập đến, “không còn đến trường, không thấy tương lai, lại bị khủng bố tinh thần bởi chuyện bị bắt đi bộ đội, đi thanh niên xung phong, tôi mở quán cà phê vỉa hè ở góc Hàn Thuyên, bên hông nhà thờ Ðức Bà kiếm sống. Rồi bị đuổi chạy, chuyển sang bán chợ trời, bán đủ thứ.” Ông Jimmy kể bằng một giọng bất cần đời.
Theo lời ông Jimmy, thời điểm đó “bố mẹ còn không thể tự lo cho họ được nữa thì mình phải tự bươn chải, mạnh ai nấy sống” và ông “sống bụi đời” theo nghĩa “sống ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà, ngủ ở nhà bạn, ngủ ngoài quán cà phê vỉa hè, bạ đâu ăn đó.”
Trong hoàn cảnh như vậy, ông “lập gia đình sớm với một phụ nữ có đứa con lai” và tiếp tục cuộc sống như nhiều người dân Sài Gòn khi đó: “Vợ bán bánh cay, bán thuốc lá, tôi mở hai cây xăng, tức 2 cục gạch thẻ đặt trên lề đường, vợ tôi một cây, tôi một cây.”
“Lúc đó ai làm được gì thì làm. Khi có chút ít để dành thì chuyển sang đạp xích lô. Cũng có lúc tôi làm lò bánh mì. Cũng có lúc tôi kiếm được rất nhiều tiền, rồi sa vào cờ bạc, trai gái, cũng trắng tay.” Ông Jimmy nhớ lại.
Cuộc sống cứ vậy trôi qua, đến năm 1990, “thoắt cái tôi qua Mỹ theo diện con lai, khi trong đầu chưa từng nghĩ đến chuyện vượt biên, đi Mỹ.”
Ông Jimmy không nhắc đến những bỡ ngỡ của buổi đầu đến Mỹ, ông chỉ nhớ những điều ông bị “sốc” khi vừa rời khỏi Sài Gòn, đến Philippines chờ ngày sang Mỹ.
Vẫn bằng giọng nói có chút gì như cay đắng, ông kể tiếp: “Lúc ở Sài Gòn, mình muốn ăn cái gì mình ngồi một chỗ kêu là có người mang tới, từ cơm phở đến cà phê, ở nhà thì có ba mẹ lo cho. Nhưng khi ngày đầu đến Phi, phải xếp hàng bưng cái mâm chờ người ta múc cơm múc đồ ăn đổ vào, tôi ‘sốc’ không ăn. Rồi khi đó tiếng Anh lại không hiểu không biết, lúc đứng chờ lên xe bus, người ta nói gì mình chả hiểu, thế là một ông đến đá đá vào chân tôi. Các con tôi còn nhỏ, lần đầu tiên nhìn bố bị người ta đá như vậy, tụi nó khóc òa lên. Tôi lại bị ‘sốc.’”
Tuy nhiên, khi đặt chân đến San Jose, được dẫn đến khu Lion Plaza, nhìn thấy cảnh người ta chơi cờ tướng, đánh domino, binh xập xám chướng thì ông Jimmy cảm thấy chẳng khác chi Việt Nam. Và ông bằng lòng với cuộc sống nơi đó.
Người Việt tại Quận Cam có mức phân phối dân số theo tuổi cũng gần tương tự như dân số toàn bộ quận Cam, chỉ khác ở chỗ nhiều người ở lứa tuổi 35 tới 44 hơn, theo thống kê 2010. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
Sau một năm chờ cho đủ thời gian trở thành thường trú nhân, ông trở lại trường học từ năm 1991, bắt đầu từ những lớp ESL. Ðến năm 1995, Jimmy lấy bằng college 2 năm ngành CIS và được giới thiệu vào làm việc tại San Jose Evergreen District cho đến giữa Tháng Ba năm 2012 thì về hưu sớm cùng một số hứa hẹn đãi ngộ về bảo hiểm y tế.
Hiện tại, ông Jimmy vui trong việc lo chăm sóc cho 3 đứa cháu ngoại của mình, từ việc chăm sóc, ăn uống, đưa đón học hành.
Ông chia sẻ: “Hiện tại, tôi không phải lo về kinh tế, bởi tôi đã tạo dựng được nhà cửa đề huề cho vợ con tôi. Tôi không phải lo toan làm lụng vì tôi có thể sống bằng lương hưu của mình. Nhưng sao tôi vẫn có cảm giác mình không sống thật với mình được. Tình cảm giữa người với người ở đây không có sự gần gũi như khi còn ở Việt Nam.”
Nhưng điều khiến người đàn ông này “bức bối” nhất dường như là bởi ông “không được làm người 'hoang đàng tử tế'” như ông mong muốn, mà “phải ép mình làm người tử tế khi sống tại đây.”
Dr. Nikonian - Ngục tù và âm nhạc
Dr. Nikonian
Một lịch sử không nguyên vẹn
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không tránh được cảm giác ngần ngại khi lang thang đến những nơi gọi là “di tích lịch sử cách mạng”. Dẫu biết rằng di tích hay lịch sử nào cũng không tránh khỏi những thêu dệt, thêm thắt. Nhưng những di tích cách mạng này thì còn mới mẻ quá, những chi tiết phụ họa chung quanh nó chưa phủ đủ một lớp bụi thời gian mà ta gọi là huyền sử. Mà huyền sử viết vội thì như gia vị nêm quá non hoặc quá già, không hề làm tôn vẻ duyên dáng của món ăn, nếu không nói là chỉ làm ta chán nản và nghi hoặc.
Sự ngụy tạo danh nhân đốt kho xăng Lê Văn Tám là một ví dụ điển hình. May thay, ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Tuyên truyền thời ấy đã đủ lương thiện để nhắn gởi với hậu thế về tác phẩm dàn đựng của mình.
Tôi đã đến Côn đảo với tâm thế như vậy.
Có rất nhiều cây bàng cổ thụ và phượng đỏ ở Côn Đảo (ảnh: Dr. Nikonian)
Đi Côn đảo mà không đến thăm mộ Võ thị Sáu thì thật là thiếu sót. Là người Việt Nam, không ai không biết đến nhân vật lịch sử này. Một thiếu nữ chết trẻ, khi lòng còn phơi phới lý tưởng, đầy khí tiết… Quả là nguồn cảm hứng vô tận cho cả các sử gia hàn lâm lẫn tín ngưỡng dân gian đậm chất folklore dân dã. Người dân tin chị Sáu hiển linh, thành tâm cầu xin người thiếu nữ ấy phù hộ độ trì cho những chuyến ra khơi của họ. Tín ngưỡng này, hoàn toàn không khác với nguyên tắc tính nữ trong Phật giáo khi tôn thờ Phật bà Quan âm Nam Hải, hay trong công giáo khi kêu cầu “Ave Maris Stella” (lạy Mẹ là ngôi sao sáng), hay khi ngư dân khấn vái bà Thiên Hậu để dẫn đường cho người đi biển.
Do đó, tôi đã đến ngôi mộ của Võ thị Sáu, dù không với niềm tin mang tính tín ngưỡng, nhưng như một cách thế chạm tay vào lịch sử theo kiểu folklore của đất nước mình.
Nghĩa trang Hàng Dương (ảnh: Dr. Nikonian)
Người ta đến viếng mộ Võ thị Sáu, không chỉ với lòng kính trọng một người làm cách mạng, mà còn bằng tâm thế của một tín đồ hành hương để xin ơn, cầu phúc. Người ta tin rằng giờ thiêng để viếng mộ cô Sáu là giấc đứng ngọ, xin gì cũng được. Ngược lại, đến để nghiêng mình trước vong linh tử sĩ thì giờ nào cũng OK (?). Các hướng dẫn viên du lịch tại Côn đảo rất rành rẽ nguyên tắc giờ giấc này để đưa khách đến viếng nghĩa trang Hàng Dương.
Rất nhiều hoa, nến, nhang đèn mà những người hành hương đặt xuống ngôi mộ này. Không chỉ vậy, người ta còn dâng cúng người liệt nữ đồng trinh khá nhiều gương lược. Cách người dân biểu hiện lòng thành kính với liệt nữ quả không chút khoa trương như những buổi lễ truy điệu ồn ào. Đó là cách mà người dân Việt Nam bộc lộ lòng thương mến một “người con gái Viêt Nam da vàng”, nằm xuống nơi đây vì lý tưởng của mình.
Gương lược trước mộ Võ thị Sáu (ảnh: Dr. Nikonian)
Không chỉ có người viếng mộ, thiếu tá Tăng Tư, tỉnh trưởng Côn Sơn năm 1964, cũng đã công khai và chính thức đặt một bia mộ ghi “Liệt nữ Võ thị Sáu – Sinh năm 1933 tại Bà Rịa. Từ trần ngày 23-12-1952” nơi đây. Người lập bia rõ ràng đã không câu nệ chiến tuyến khi tỏ lòng kính trọng gương tiết liệt của đối phương.
Tấm bia do trung tá Tăng Tư lập trước mộ chị Võ thị Sáu (ảnh: Dr. Nikonian)
Tấm bia của thiếu tá Tăng Tư nay vẫn còn, được bọc trong lồng kính với lời chú thích rõ ràng về xuất xứ. Tuy nhiên, tôi lại nghe một cách giải thích khác về sự tích tấm bia này. Theo lời cô thuyết minh trong bảo tàng, vợ chồng ông Tăng Tư dựng bia vì sợ cô Sáu báo oán, trả thù, hay để xin ơn cô Sáu… gì gì đó. Người ta đang cố gắng làm cho mọi người phải tin rằng, phàm là sĩ quan “ngụy”, thì không thể cư xử có văn hoá, mã thượng với người bên kia chiến tuyến. Người ta không hiểu rằng, khi phủ nhận hành vi quân tử của ông tỉnh trưởng, họ cũng đã vô tình hạ thấp tầm một liệt nữ, xứng đáng cho ông Tăng Tư kính trọng.
Chỉ với một tấm bia thôi, lịch sử đã bị diễn đạt một cách vụng về như vậy.
Nhưng khó có thể trách cứ người dân về những huyền thoại mộc mạc nhưng khó tin của họ. Người dân không phải là sử gia, không có bổn phận ghi chép trung thực, nguyên bản những sự kiện lịch sử. Người dân luôn có những phương cách rất riêng để lưu truyền lòng tôn kính của mình đối với những người vị quốc vong thân như chị Võ thị Sáu. Không nên cười cợt hay trách cứ họ về cách họ tin và bày tỏ lòng tin đó.
Saint-Saens và các liệt sĩ tiền bối
Ngược lại, thật đáng trách khi lang thang qua những trục đường lớn nơi đây, tôi chỉ thấy những tên đường mang tên những người Cộng sản như TP, LD, NVL, TĐT… Như thể lao tù nơi đây chỉ có người cộng sản. Như thể nơi đây hoàn toàn không in dấu chân, không thấm mồ hôi và máu của những chí sĩ sáng chói như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Thận Duật, Ngô Đức Kế, Lê văn Huân, Tiểu La Nguyễn Thành, Nguyễn Quyền, Trần Hoành, Nguyễn văn Tường…
Bảo tàng cách mạng Côn Đảo, chỉ dành một góc khiêm tốn để trưng bày di ảnh của các tiền bối này.
Ảnh hai chí sĩ Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng trong bảo tàng Côn Đảo (ảnh: Dr. Nikonian)
Không lẽ những tấm lòng son ấy, không đáng để tôn vinh một cách tương xứng vì lòng ái quốc của họ không mang dấu búa liềm?
Trình bày và cắt xén lịch sử như thế, thật thô bạo và vô ơn.
Một căn bệnh chung khi định vị du lịch của nhiều đô thị Việt Nam là sự lãng quên đầy cố ý những dấu vết Tây phương, vốn dĩ đã là một phần rất đặc sắc của các đô thị này. Ở Nha Trang, người ta đã từng phế bỏ rất oan uổng dấu vết của BS Yersin với viện Pasteur Nha Trang. Cũng như với Đà lạt, người ta tôn vinh văn hoá bản địa của người Lát theo công thức cồng chiêng + rượu cần, mà quên bẵng vai trò khai phá của BS Yersin và những giá trị văn hoá, kiến trúc khác vốn dĩ là hồn cốt của Đà Lạt như Lycee Yersin, nhà thờ Domaine de Marie, các biệt thự Pháp… Ở Huế, rất ít người nhắc nhở đến vai trò của linh mục Cardière với Hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué – AAVH)…
Có lẽ từ một mặc cảm tự ti cố hữu, người ta đã thù ghét dấu vết văn hoá của phương Tây một cách vô thức. Và đã biến nền du lịch Việt Nam thành tật nguyền một cách tội nghiệp.
Côn Đảo không phải là ngoại lệ. Không mấy ai được giới thiệu Côn Đảo như một chốn dừng chân của Camille Saint-Saens, một thiên tài âm nhạc của nhân loại. Saint-Saens đã đến và lưu trú tại đây vào tháng 3.1895, ẩn danh dưới cái tên Sannois theo lời mời của Louis Jacquet, giám đốc nhà ngục Poulo-Condore, và của Armand Rousseau, toàn quyền Đông Dương. Từ nhà khách Côn Sơn (Maisson de passanger) hay Công quán thời Mỹ, Saint-Saens đã sáng tác phần lớn bản giao hưởng Brunehilda, lấy cảm hứng từ những âm thanh xủng xoảng ghê rợn chốn lao tù và từ tiếng đàn nhị thê lương của một người tù vô danh nào đó.
Nhà lưu niệm Saint Saens hoang tàn, bụi bặm (ảnh: Dr. Nikonian)
Cảm kích trước thiên tài, viên chúa ngục Jacquet đã dựng một tấm bảng đồng trước nhà Công quán như sau: DANS CETTE MAISON VÉCUT LE GRAND COMPOSITEUR CAMILLE SAINT -SAENS DU 20 MARS AU 19 AVRIL 1895 IL Y ACHEVA L’OPÉRA BRUNEHILDA (Tại ngôi nhà này, nhà soạn nhạc vĩ đại Camille Saint-Saens đã lưu trú từ ngày 20.3 đến 19.4.1895 để hoàn tất vở nhạc kịch Brunehilda)
Tấm bảng đồng lịch sử ấy, vẫn còn nguyên vẹn đến năm 1975 và sau đó bị ai tháo dỡ mang đi mất (?). Mà sá gì, đã từng có ý kiến giải toả luôn cả ngôi nhà Công quán này, may mà dừng được.
Công quán, nay là nhà lưu niệm Camille Saint Saens (ảnh: Dr. Nikonian)
Tuy nhiên, các giá trị văn hoá mà Saint-Saens đã khai sinh từ Côn Đảo không phải là tấm bảng hay ngôi nhà, mà là từ những lời đẹp đẽ và nhân bản mà người nghệ sĩ để lại trong bức thư gởi viên giám ngục, vốn cũng là một cầm thủ piano:
“…Phong cảnh Côn Đảo thật tuyệt vời. Những nơi đã qua, tôi chưa thấy ở đâu như thế…Cũng có thể vì tôi đến đây với tâm tình bè bạn. Và tôi đã hoàn tất vở opéra Brunehilda mà bạn tôi giao phó. Tôi hài lòng. …
Tiếc rằng tôi không biết nhiều về con người, về nền văn hóa và nhất là nền âm nhạc xứ này. Nhưng những cái tôi cảm nhận được đã khiến tôi tin tưởng rằng âm nhạc của họ đã phản ánh trung thực tính cách và tâm hồn nhân hậu, trong sáng và phong phú của họ. Họ đang đau khổ biết chừng nào. …
Anh xem đó, con người chúng ta đã thay đổi nhiều quá! Hay đã làm đảo lộnDr. Nikonian hết rồi chăng. Cái gì đã khiến chúng ta gây ra nhiều tội ác đến thế ở trên mảnh đất này, trên hòn đảo này? Đương nhiên không phải vì cuộc sống của mỗi chúng ta, càng không phải nền văn minh của ta. Còn cách nào cứu vãn được không? …
Là một người yêu nhạc, tôi tin chắc rằng: ở đâu Cái Đẹp được tôn trọng thì ở đó Tội Ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp”
Dr. Nikonian
Ngày nay, bên cạnh các nhà tù được phục dựng, nghĩa trang Hàng Dương được tu bổ chu đáo, bảo tàng Côn đảo luôn nườm nượp khách viếng thăm và tiếng thuyết minh liên tục, ngôi nhà mang hơi thở của Saint-Saens vẫn còn đó, nhưng vắng lặng, đầy bụi bặm đến tội nghiệp.
Bên cạnh những nấm mồ của người cộng sản, xin hãy để cho hậu thế cũng được nghiêng mình trước anh linh của những chí sĩ khác không cùng ý thức hệ. Cũng như được ngả nón trước âm nhạc và di cảo của Saint-Saens.
Vì họ đã và đang là một phần di sản văn hoá không thể thiếu của Côn Đảo, bên cạnh khuôn mặt ghê rợn của tội ác và ngục tù.
Và vì một lịch sử bị kiểm duyệt, đã đánh mất những bài học tự thân của chính lịch sử đó.
Có nên nhìn lịch sử đằng sau song sắt? (Ảnh chụp qua cổng trại tù Phú Hải, Côn Đảo - Dr Nikonian)
Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012
Nguyễn Hoài Vân - Kẻ chiến bại
Nguyễn Hoài Vân
Sau chiến bại, khi người ta đã
mất hết, thì sự thật sâu xa nhất về chính mình hiển
lộ ra. Khi ấy, người bại trận chỉ còn hai chọn lựa :
hoặc trả thù, hoặc tái sinh.
Trả thù là cố giữ lại con
người cũ của mình, như thể không gì có thể làm cho nó
thay đổi được. Để rồi người ta làm mọi cách để
cho đối phương phải trả một giá thật đắt cho những
mất mát mà mình đã phải chịu đựng. Trả thù cũng là
kéo dài cuộc chiến dưới những hình thức khác, trong
điều kiện khác, nhưng chủ yếu vẫn là : duy trì
chiến tuyến, giữ vững lằn ranh bạn thù.
Tái sinh là sống lại một cuộc
sống khác, chấp nhận cho « cái tôi » được
nhào nặn trong một khuôn khổ mới. Trong cuộc sống mới
này, nhiều điểm tựa có thể thay đổi, thí dụ như
người ta có thể chấp nhận một quê hương mới, chấp
nhận thuộc về một thành phần xã hội mới, hình thành
những liên hệ bạn bè mới, trong khi những mối thù xưa
dần dần nhạt bóng. Cuộc chiến của thời xưa cũng dần
dần thay đổi bản chất để chuyển sang một cuộc đấu
tranh sinh tồn trong môi trường mới.
Thật ra, đó chỉ là lý thuyết.
Trong đời thực, những người bại trận đều sống hỗn
hợp hai thái độ vừa nêu, trong những chừng mực khác
nhau, tùy « thảo trình » tâm lý của mỗi cá
nhân.
Điều quan trọng cho các thế hệ
tương lai là : hãy trân trọng học bài học của
những người bại trận, mà đừng phê phán cá nhân họ.
Dù cho họ có chọn lựa thái độ nào đi chăng nữa, thì
họ cũng là những con người đã mang một kinh nghiệm
sống quý giá. Chính từ kinh nghiệm ấy mà một tương
lai tốt đẹp sẽ được thêm cơ hội đâm chồi nẩy
mộc, để trở thành cây trái tốt tươi. Một điều
không thể nào có được trên những phiến đá cẩm thạch
của các đài tưởng niệm chiến thắng. Trên đó, chỉ
có lạnh lẽo và quạnh hiu...
Kẻ chiến thắng luôn tự gán
cho mình tất cả vinh dự, quyền hành, lợi lộc. Họ luôn
tìm cách bán sự thành công của họ với cái giá đắt
nhất mà họ có thể bán được. Nhiều thế hệ sẽ còn
tiếp tục phải trả « món nợ » vô cùng to lớn
ấy.
Trong khi đó, người chiến bại
chỉ có một gia tài đầy khổ đau, sẵn sàng cống hiến
cho những ai biết dùng đến. Kinh nghiệm sống của họ
là một món quà, tặng không cho những thế hệ tương
lai. Kể cả, trong nhiều trường hợp, vì sự chiến bại
của mình, họ đã bị loại khỏi cộng đồng dân tộc.
Vũ khí vẫn còn trong tay kẻ
chiến thắng, để bảo vệ tư thế và những lợi lộc
đã mà họ đã đoạt được.
Trong khi đó, người chiến bại
đã buộc phải giã từ vũ khí. Và, khi vũ khí đã rời
khỏi bàn tay, thì chỉ còn bàn tay, sẵn sàng nắm lấy
những bàn tay khác...
Nguyễn Hoài Vân
29 tháng 4 năm 2012
Phạm Đình Trọng- Đất gọi
Phạm Đình Trọng
1. Cả nước đang sôi sục, nóng bỏng, đang ầm ầm dậy sóng những đoàn người khiếu kiện và đang cuồn cuộn những con sóng ngầm phẫn nộ trong lòng người vì đất đai.
Tiếng súng Đoàn Văn Vươn nổ ở Tiên Lãng, Hải Phòng phá tan sự thanh bình, êm ả ngàn đời của làng quê Việt Nam cũng vì đất đai.
Sự biến ở Văn Giang, Hưng Yên, hàng ngàn công an trập trùng mũ sắt, khiên đồng, súng đạn, dùi cui trấn áp vài trăm người dân lương thiện, lam lũ cũng vì đất đai.
Vụ án ngang trái, oan khiên ở nông trường Sông Hậu, Cần Thơ cũng vì đất đai.
Đất đai đã trở thành sự xung đột giữa quyền sử dụng đất của người dân được ghi trong Hiến pháp: Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài (Điều 18, Hiến pháp 1992) với những nhóm quyền lực kinh tế kết hợp với quyền lực chính trị hối hả tìm kiếm lợi nhuận kếch xù, mau lẹ và dễ dàng bằng đất đai.
Đất đai đã trở thành sự xung đột ngay trong những văn bản pháp luật. Thế lực kinh tế liên kết với thế lực chính trị liên tục sửa Luật đất đai để họ dễ bề chiếm đoạt đất đai, làm giàu trong phút chốc bằng đất đai. Càng sửa, Luật đất đai càng xa rời Hiến pháp, ngang nhiên vi phạm Hiến pháp, càng vô hiệu Hiến pháp, đất đai càng vô chủ, càng kích thích lòng tham, càng có thêm nhiều dự án treo đầu dê bán thịt chó về đất đai.
Đất đai đã trở thành sự xung đột giữa mục đích tối cao của nhà nước là an dân với những người nhân danh nhà nước chiếm đoạt mảnh đất sống ổn định của dân, gây sự xao xác, bất bình trong lòng dân, gây ra sự phản kháng mạnh mẽ, sự bùng nổ rộng rãi trong xã hội, gây đổ vỡ lòng tin của người dân với nhà nước.
Đất đai là nơi chỉ ra rõ nhất bản chất một nhà nước. Nhà nước ứng xử với đất đai như ở Tiên Lãng, Hải Phòng, như ở Văn Giang, Hưng Yên mà tự nhận là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì đó là sự giả dối.
Đất đai đã làm băng hoại đạo đức xã hội, phá nát kỷ cương phép nước. Vì đất đai, quyền lực ngang nhiên chà đạp lên pháp luật, vất bỏ đạo đức làm người, coi thường cả đạo lý xã hội.
2. Đất đai gây đổ vỡ trong lòng người; đất đai làm rối loạn xã hội; vì đất đai, quyền lực thản nhiên chà đạp lên pháp luật thể hiện sâu sắc nhất trong vụ án nông trường Sông Hậu, Cần Thơ và trong vụ nhà nước dùng bạo lực chiếm đất của dân Văn Giang, Hưng Yên giao cho doanh nghiệp vẽ lên những dự án mỹ miều: đổi đất lấy hạ tầng nhưng thực chất chỉ là kinh doanh bất động sản mà quyền lực nhà nước trở thành đồng vốn quan trọng nhất trong loại kinh doanh đó.
ĐẤT NÔNG TRƯỜNG SÔNG HẬU, CẦN THƠ – NAM BỘ
Hai người Anh hùng, hai thế hệ cha con nối tiếp nhau lao động tận tụy, quên mình đã biến mảnh đất phèn Sông Hậu cỏ cũng không mọc nổi, người không sống được, chỉ có lơ thơ năn lác hoang hóa thành mảnh đất bát ngát đồng lúa, xum xuê vườn cây trái. Hàng ngàn gia đình nông dân không có đất gieo trồng, sống lay lắt, nghèo khổ, lang bạt, nay có nơi an cư, trở thành nông trường viên nông trường Sông Hậu, có cuộc sống khấm khá và đang ngày càng giàu có.
Nhưng mảnh đất không có sự sống nay đã trở thành đất sống, mảnh đất nghèo nay đã trở thành đất giàu lại lọt vào tầm ngắm, lại là nỗi thèm khát của những phi vụ kinh doanh nhà đất. Người đàn bà Anh hùng Giám đốc nông trường Sông Hậu nhận được gợi ý giao lại đất nông trường để chính quyền sử dụng vào những dự án khác mà ai cũng biết đó là những dự án đô thị hoành tráng.
Đất nông trường Sông Hậu đã là đất sống ấm no của hiện tại, đất khát khao hy vọng, đất rực rỡ trong tương lai của hàng ngàn gia đình nông trường viên. Vì những gia đình nông dân bình dị, thân thiết như ruột thịt đó, người đàn bà Anh hùng giám đốc nông trường không thể giao đất theo gợi ý của quyền lực. Người Anh hùng liền trở thành tội phạm.
Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy định tội rồi lệnh cho công an điều tra, Viện Kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử! Tòa sơ thẩm rồi tòa phúc thẩm có sẵn bản án trong túi đều tuyên người đàn bà Anh hùng tám năm tù. Đó là lần thứ nhất pháp luật bị quyền lực chính trị khinh bỉ, chà đạp trên mảnh đất Sông Hậu!
Người Anh hùng bị tù oan khuất chống án. Lương tâm xã hội rầm rộ lên tiếng. Cơ quan quyền lực chính trị gồm mười bốn thành viên liền nhóm họp xem xét biểu quyết số phận người Anh hùng Sông Hậu. Mười một phiếu biểu quyết dừng vụ án, miễn truy tố người Anh hùng Sông Hậu. Cơ quan quyền lực chính trị đã làm thay cả tòa án của nhà nước, xóa tội cho người đàn bà Anh hùng Sông Hậu. Quyền lực chính trị cấp tỉnh chỉ định tội và lệnh cho công an, tòa án làm án buộc tội người Anh hùng Sông Hậu. Nay quyền lực chính trị cấp cao còn xử thay cả quan tòa! Đó là lần thứ hai pháp luật bị quyền lực chính trị ngang nhiên khinh miệt, chà đạp trên mảnh đất Sông Hậu!
Vụ án nông trường Sông Hậu chỉ xô đẩy mấy người trong Ban giám đốc nông trường Sông Hậu vào vòng lao ly oan khiên, ngang trái nhưng đã bộc lộ hai điều lớn lao hệ trọng của xã hội, liên quan tới mọi số phận người dân.
Một là, Đất đai đã trở thành một thế lực ghê gớm, khuynh đảo cả pháp luật. Đất đai đã tạo ra một lớp người giàu có và một lớp quan chức hối hả tham nhũng bằng đất đai. Hai lớp người này lập tức liên kết với nhau làm thay đổi cả bản chất nhà nước, từ nhà nước của dân, do dân, vì dân trở thành nhà nước đối lập với dân.
Hai là, Từ đất đai, người dân phải cay đắng nhận ra là họ đang phải sống ở thời không có pháp luật, quyền lực chính trị đứng trên pháp luật, làm thay pháp luật mà vụ án ở nông trường Sông Hậu là minh chứng.
ĐẤT VĂN GIANG, HƯNG YÊN – BẮC BỘ
Ruộng vườn Văn Giang, Hưng Yên trên tầng đất phù sa sâu cả chục mét do con sông Hồng màu mỡ bền bỉ bồi đắp từ hàng triệu năm tạo lên. Hoa màu đang tươi tốt, cuộc sống đang yên ổn trên đất đai của tổ tiên từ ngàn đời để lại, bỗng ầm ầm ô tô chở công binh, công an đến, rầm rập công an dàn hàng ngang, nổ súng, vung dùi cui, xả đạn hơi cay vào dân. Những người nhân danh nhà nước đã biến cánh đồng của màu xanh bình yên thành bãi chiến trường mù mịt khói lửa, quyết ăn thua đủ với dân, quét dân ra khỏi đất hương hỏa cha ông. Rồi máy gạt, máy ủi gầm rú nghiến nát hoa màu như thời nô lệ năm 1944 lính Nhật hung hãn kéo đến quật nát lúa đang ngậm đòng bắt dân nhổ lúa, trồng đay phục vụ cuộc chiến tranh của Nhật.
Người dân cả mấy làng ở Văn Giang, Hưng Yên kéo ra đồng suốt đêm đốt lửa giữ đất như thời hồng hoang con người đốt lửa xua bầy thú dữ. Bầy thú bốn chân thời tiền sử đã lùi vào quá khứ hàng ngàn năm nhưng ngày nay người dân tay không giữ đất lại phải đối mặt với bầy công cụ hai chân, đầu mũ sắt, tay khiên, tay súng còn hung dữ gấp ngàn lần bầy thú hồng hoang vì bầy công cụ đông tới hàng ngàn tên. Sự kiện đất đai ở Văn Giang, Hưng Yên thực sự đưa xã hội văn minh trở về thời hoang dã xa xưa, bạo lực hung hãn trút xuống đầu dân, bạo lực ngạo nghễ giành chiến thắng trên nỗi đau khổ, uất nghẹn căm phẫn của người dân.
Trong xã hội dân sự yên bình, sự chiến thắng của bạo lực nhà nước với dân lành đồng nghĩa với cái thua của pháp luật, cái thua của đạo lý, cái thua của văn hóa trị nước an dân: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.
Pháp luật thua, đạo lý thua, văn hóa trị nước thua vì nhà nước đã không đứng về phía nhân nghĩa, không đứng về phía công bằng xã hội, không đứng về phía số đông người dân lao động lương thiện mà đứng về số ít người có của, những nhà đầu tư trong nước, ngoài nước. Bạo lực nhà nước đã được huy động tối đa ra trấn áp dân, chiếm bằng được mảnh đất sống cuối cùng của dân, giao cho người có của xây nhà kinh doanh, làm giàu trên nỗi nghèo đói, bất an vô định của số đông dân lành.
Đại diện nhà nước cấp tỉnh, ông Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên nói rằng chỉ có 30% diện tích đất của Dự án Ecopark Văn Giang dành cho xây nhà kinh doanh, còn lại là đất dành cho phát triển giao thông, công trình phúc lợi, cây xanh nên Dự án Ecopark Văn Giang là dự án đổi đất lấy hạ tầng chứ không phải dự án thương mại kinh doanh đơn thuần. Đó chỉ là cách nói lấp liếm, nói lấy được của thứ quan gian “muốn nói gian làm quan mà nói”. Đường sá, cây xanh, công trình phúc lợi xã hội bao quanh những tòa nhà cao tầng của khu dân cư chỉ làm cho những căn hộ trong khu dân cư có giá cao chót vót và bán đắt như tôm tươi mà thôi. Tỷ lệ cây xanh càng cao, những con đường thênh thang càng kéo những thành phố lớn lại gần thì khu dân cư càng đắt giá và nhà đầu tư càng lời lớn mà thôi.
3. Những cuộc chiến tranh đẫm máu liên miên suốt gần nửa thế kỷ, từ 1945 đến 1989, chiến tranh chống Pháp, chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh chống Pôn Pốt diệt chủng, chiến tranh chống Đại Hán bành trướng, chiến tranh giai cấp sắt máu trong lòng dân tộc… làm cho đất đai đồng ruộng Việt Nam đã thấm đẫm mồ hôi lại thấm đẫm máu người nông dân. Gần nửa thế kỷ chiến tranh, nhà nước đã huy động đến kiệt cùng sức người, sức đất của người nông dân. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người cho cơn khát của chiến tranh. Cả trong cuộc chiến tranh giai cấp sắt máu, số nông dân bị đôn lên địa chủ và bị bắn giết cũng phải đủ chỉ tiêu do giai cấp vô sản đề ra. Người nông dân phải chịu hy sinh mất mát lớn nhất cho chiến tranh, cho chiến thắng, cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hôm nay.
Sống còn bằng máu người nông dân, thế mà ngày nay nhà nước Việt Nam lại giành giật mảnh đất thấm đẫm máu người nông dân giao cho những nhà đầu tư để họ kinh doanh kiếm lời, đẩy người nông dân vào cảnh khốn cùng không còn đất sống. Đó là sự phản bội, vô ơn, táng tận lương tâm, không còn biết đến đạo lý làm người và văn hóa cai trị.
Máu người không phải nước lã. Máu người thiêng lắm. Mảnh đất đã thấm đẫm mồ hôi và máu người nông dân, mảnh đất ấy có hồn thiêng. Hồn thiêng của đất đã gọi và đang khẩn thiết gọi những người nông dân để họ biết phải làm gì giữ đất. Đất gọi và tiếng súng Đoàn Văn Vươn đã dõng dạc trả lời. Bao giờ những người nông dân cũng là nơi tiềm ẩn sức mạnh quyết định của mọi cuộc cách mạng xã hội.
P.Đ.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)