Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012
Đào Tiến Thi: CHỈ VÌ MẤY ĐỒNG BẠC CỦA NHÀ TƯ SẢN?
Đào
Tiến Thi
bài gửi riêng NXD-Blog
Vụ
Văn Giang nóng lên từ đầu tháng tư năm nay.
Trên
các phương tiện truyền thông ta đã thấy, suốt từ đầu
tháng 4, bà con đã đi gõ khắp các cửa, từ huyện, tỉnh
đến trung ương. Bà con không nhất trí với giá đền bù,
do đó không chấp nhận quyết định cưỡng chế và đã
làm tất cả những gì trong vòng pháp luật và ôn hòa để
giữ đất.
Theo
ông Bùi Huy Thanh, chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, đây
là cưỡng chế 5,8 ha còn lại (trong số 72ha) thuộc 166 hộ
không nhận tiền đền bù hỗ trợ, do đó phải tiến
hành cưỡng chế.
Nghe có vẻ nhỏ, thế nhưng cuộc cưỡng chế ngày 24-4-2012 lại có quy mô khổng lồ và chắc chắn để lại nhưng vết thương khó lành.
.
1.
Vài suy nghĩ về tính pháp lý của vấn đề
Luật
đất đai 2003, điều 38 quy định về mục đích thu hồi
đất bao gồm "quốc
phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát
triển kinh tế”.
Về loại
đất bị thu hồi gồm
đất nhà nước giao cho tổ chức (của nhà nước) khi bị
giải thể, phá sản, chuyển đi; đất sử dụng không
đúng mục đích, không có hiệu quả; đất bị lấn
chiếm; đất không có người thừa kế; đất giao hết
thời hạn; đất trồng cây bị bỏ hoang quá thời hạn
quy định v.v.. có tất cả 12 loại đất có thể bị thu
hồi nhưng không
có một điều khoản nào nói thu hồi giao cho chủ đầu
tư vì mục đích kinh doanh. Trong
các mục đích thu hồi nói trên ta thấy có mục đích
“phát triển kinh tế”. Cái tên “Dự
án khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang” (Ecopark)
đã cho thấy nó thuộc mục đích kinh
doanh.
“Kinh
doanh” khác “kinh tế”. Hơn nữa Điều 40 mục
1 giải
thích nội dung “phát triển kinh tế” như sau:
Điều
40. Thu
hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh
tế
1.
Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng
vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu
tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế
và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính
phủ.
Cụm
từ “và các dự án đầu tư lớn theo quy định của
Chính phủ” mang nghĩa chung chung dễ làm một số người
hiểu rằng cứ dự án nào được cấp chính phủ ký là
thuộc loại này. Tôi không nghĩ thế. Với chữ “lớn”
ta hiểu đó là những dự án có tính chất chiến lược,
do nhà nước trực tiếp đầu tư (hoặc nhà nước đầu
tư là chủ yếu), và là những công trình mang tính hạ
tầng, không phải kinh doanh. Nếu không phải thế, nếu nó
bao gồm cả loại kinh doanh thì mục 2 của điều sau đây
sẽ là thừa:
2.
Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy
hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu
tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng
đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các
tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải
thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Mục
2 trên của Điều 40 chính là để dành cho loại kinh doanh
như Ecopark.
Ecopark “được nhận quyền
chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất,...”. Với
các hình thức “chuyển nhượng”, “thuê”, “góp vốn”
thì chỉ có bằng con đường THỎA THUẬN. Và Luật cũng
nói rõ “không
phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”.
Trên Tuổi
trẻ online ngày
26-4-2012, Luật sư Lê Đức Tiết nói: “Liên
quan đến các dự án kinh tế thì phải đảm bảo nguyên
tắc cao nhất là thỏa
thuận giữa
người có đất với chủ dự án, với doanh nghiệp theo
cơ chế thị trường”.
Cho
nên việc cưỡng chế là hoàn toàn trái luật.
Chắc
đã bị người dân chất vấn, đấu tranh nhiều về chỗ
này cho nên chính quyền Hưng Yên cũng đã có cách chống
chế. Ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên
đã trả lời báo rằng:
“Đây
là dự án đổi đất lấy hạ tầng chứ
không phải là dự án phát triển kinh tế của chủ đầu
tư. Trong toàn bộ diện tích giao cho chủ đầu tư thực
hiện dự án, chỉ
có 30% diện tích được phục vụ vào mục đích kinh
doanh, tức là chủ đầu tư làm nhà để bán, còn lại là
diện tích đất dành cho phát triển giao thông, công trình
phúc lợi, cây xanh”.
(Tuổi
trẻ online ngày
26-4-2012).
Cái
“hạ tầng” được ông Thanh giải thích được hiểu
là phần “chủ đầu tư đã đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng
để làm đường bộ liên tỉnh từ cầu Thanh Trì (Hà
Nội) đi TP Hưng Yên, hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng
hạ tầng khu đô thị và hạ tầng thuộc huyện Văn
Giang, (Tuổi
trẻ online ngày
26-4-2012)
Ta
thấy gì qua lý lẽ trên?
1.
“30% diện tích được phục vụ vào mục đích kinh
doanh” được giải thích là phần “làm nhà để bán”,
còn lại “diện tích đất dành cho phát triển giao thông,
công trình phúc lợi, cây xanh” là ngoài phạm vi “nhà”.
Cái
lý luận này không lừa được cả trẻ con. Nhà bình
thường mà không có đường vào thì cũng chẳng ai mua
huống chi đây là nhà cao cấp. Đường đi, công trình
phúc lợi, cây xanh, tất cả cùng với nhà mới thành một
hệ thống, mới trở thành chỗ ở, nếu không thì ai mua?
Cho nên làm sao có thể tách 30% đất nhà với các phần
còn lại không thể thiếu được cho một cái công trình
gọi là “nhà”?
2.
Cứ tạm cho rằng chỉ có 30% để kinh doanh, còn lại là
xây hạ tầng phục vụ chung cho cả khu vực, nhưng giả
sử không có 30% kinh doanh kia liệu nhà tư bản có làm hạ
tầng không? Chắc chắn là không. Miếng mồi ngon cho nhà
tư bản là ở chỗ ấy. Chính quyền cưỡng chế quyết
liệt cũng chỉ vì chỗ ấy.
Cho
nên 30% chứ 3% thì nó vẫn thuộc về cái mục đích mà
nhà đầu tư hướng tới để tìm kiếm lợi nhuận. Mà
đã là lợi nhuận thì phải thỏa
thuận theo
luật đất đai và cũng là theo quy luật kinh tế thông
thường.
Vả
lại vấn đề không phải số phần trăm nhỏ thì số đất
là nhỏ. Diện tích lớn thì vài phần trăm của nó cũng
sẽ rất lớn và số người bị mất đất sinh sống cũng
rất lớn, chứ đâu phụ thuộc số phần trăm, thưa ông
Thanh.
3.
Tại sao lại phải “đổi đất lấy hạ tầng”? Thiết
nghĩ cái gì nhà nước xây được thì xây, cái gì chưa
thì sau này xây chứ sao lại xẻo mãi bờ xôi ruộng mật
để bán? Chỗ này nhờ các nhà kinh tế phân tích rõ. Tôi
thì nhìn vấn đề một cách trực cảm đã thấy bất ổn.
Nó giống như hiện tượng người nông dân bán đất nông
nghiệp để mua xe máy, để xây nhà lầu, để rồi rơi
vào thất nghiệp và nghèo đói như báo chí thường nêu.
Cứ lý lẽ “đổi đất lấy hạ tầng” thì cuối cùng
bán hết quốc gia công thổ hay sao?
2.
Cuộc cưỡng chế diễn ra thật khủng khiếp, trái đạo
lý và luật pháp, làm xấu hình ảnh Nhà nước
Đêm
trước của ngày cưỡng chế, bà con dựng lều bạt, đốt
lửa tại chỗ để giữ đất. Quang cảnh không khác gì
thời cổ đại trong những cuộc chiến tranh bộ lạc.
Thời ấy có những bộ lạc hùng mạnh đi cướp lấy đất
đai, của cải, kể cả con người của bộ lạc khác;
ngược lại, bộ lạc bị xâm lược quyết tâm bảo vệ
mảnh đất mà ông cha họ đã khai phá, gây dựng, và nếu
không thành cũng không có đường lui: họ không những mất
đất, mất của cải mà bản thân họ hoặc bị giết,
hoặc bắt làm nô lệ. Lửa trại và không khí âm thầm
của bà con nông dân đêm 23-4-2012 cho thấy một điều gì
đó thật nghiêm trọng gần như thế. Và nó không chỉ là
vấn đề cơm áo, mà hơn thế, nó là cõi tinh thần, là
máu thịt thiêng liêng của cha ông họ đã đổ xuống
nhiều đời. Hàng vạn người khác, dù không có quyền
lợi gì ở Văn Giang, cũng xót xa thao thức cùng họ và
nín thở chờ đợi giờ G.
Và
giờ G đã diễn ra vào sáng sớm ngày 24-4-2012 với hàng
rừng cảnh sát có vũ trang và các phương tiện đàn áp.
Theo các nguồn tin không chính thức lực lượng cưỡng
chế có khoảng 2000 – 3000 người, còn UBND tỉnh Hưng Yên
thừa nhận là 1000, nhưng 1000 cũng là quá khủng, gấp 10
lần vụ Tiên Lãng rồi. Đặc biệt là đội quân cảnh
sát cơ động với sắc phục đen, mũ bảo hiểm, áo chống
đạn, khiên che, trông xa hoàn toàn nghĩ đó là đội chiến
binh của đế quốc La Mã, lực lượng gieo rắc tang thương
lên khắp các vùng Nam Âu, Bắc Phi và Tây Á thời cổ
đại.
Bên
nông dân tất cả chưa đến 1000 (theo ông Bùi Duy Thanh,
chỉ khoảng 300), chủ yếu là phụ nữ trung niên, đầu
đội mũ bảo hiểm, tay cầm gậy, miệng đeo khẩu trang
hoặc bịt khăn để chống hơi cay. Ở một vài điểm,
xung đột có vẻ nhẹ: hai bên dàn quân đứng trông
chừng nhau rồi sáp lại nhau nhưng không có xô xát. Vì
mấy chị đàn bà gầy guộc chỉ quen làm lụng làm sao
địch được những thanh niên trai tráng to khỏe được
huấn luyện bài bản nhiều năm trời, được trang bị
tận răng các phương tiện bảo vệ cũng như vũ khí tấn
công.
Nhưng
có video clip cho thấy có những cuộc dàn trận quy mô: gậy
gộc và đá của người nông dân với bên kia là công an,
cảnh sát cơ động có vũ khí. Những tiếng nổ dữ dội,
những đường đạn đi veo veo lạnh người (tại lúc ấy
người dân nghĩ là súng pháo, sau này mới biết đó là
“quả nổ”, một thứ làm ra có lẽ chuyên để hăm
dọa, khủng bố tinh thần).
Người
dân thực ra cũng chỉ ném được vài hòn đá từ xa,
không gây thương tích, cảnh sát cũng không giết ai
nhưng cảnh
tượng thì
khủng khiếp quá.
Quả là cảnh tượng của chiến trường với sự dàn
quân tác chiến, tiếng nổ xé tai, khói bụi mù mịt,
tiếng quát “Chạy à? Chạy à?” báo hiệu có kèm theo
sự trừng phạt.
Và
quả là có những cuộc trừng phạt ghê gớm. Một cậu
thanh niên đang đứng bên trong một bờ tường bỗng gần
chục cảnh sát và dân phòng đeo băng đỏ từ bên kia
hùng hổ nhảy qua tường lôi cậu ta đi. Đến sát tường,
một cảnh sát từ bên kia nhảy lên tường vung dùi cui
vụt cậu hai dùi thẳng cánh, đồng thời đám đông cảnh
sát và thanh niên đeo băng đỏ xông vào đánh túi bụi.
Một thanh niên khác có ý can ngăn liền bị họ túm luôn
lấy và rồi tất cả xông vào đánh cậu này. Kẻ đá,
người đấm, kẻ lên gối. Một công an cầm cây gậy dài
thúc mạnh vào lưng. Cùng với tiếng đấm đá, có tiếng
nổ chói tai như tiếng súng phụ họa để hưởng ứng.
Thật
không thể tưởng tượng nổi. Những hình ảnh về “ngụy
quân ngụy quyền” đàn áp nhân dân trong phim ảnh (tức
là đã phóng đại so với thực tế) ngày trước cũng
không tàn bạo bằng. Nhiều phụ nữ không dám xem video
clip này.
Tôi
cố cắt nghĩa tại sao nhóm công an và dân phòng kia sao
lại ác đến thế, mất nhân tính đến thế. Tôi nghĩ
họ:
1.
Đánh để lấy thưởng. Hoặc:
2.
Đánh để trả thù (có thể do những lần đi khiếu kiện,
những thanh niên này đã va chạm với số công an, dân
phòng đó chăng). Hoặc:
3.
Đánh để thử sức lợi hại của những ngón đòn được
đào tạo. Hoặc:
4.
Đánh để hưởng thụ khoái cảm được đánh người
V.v..
và vv..
Lý
do nào thì cũng không thể chấp nhận được.
Có
lẽ đối với họ đây là ngày “tháo khoán”, là ngày
“trâu bò được ngày phá đỗ” chăng? Những cái ác
trong con người được dịp bung phá như con ngựa vô
cương.
Như
thế này chúng ta tránh sao được hiện tượng nữ sinh
trung học tụ tập đánh hội đồng và lột quần áo bạn
liên tiếp xảy ra như một bệnh dịch hiện nay, tránh sao
việc nảy ra những Lê Văn Luyện, Đào Văn Tài (18 tuổi,
Yên Dương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, giết hai mẹ con chủ quán
internet để lấy tiền mua điện thoại, được coi là Lê
Văn Luyện thứ hai[1]).
(Hỡi
nhà nước chuyên chính nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hỡi
tất cả lương tri của người Việt Nam và lương tri của
nhân loại, nếu chúng ta bỏ qua hành động đánh người
dã man trong khi đi “cưỡng chế” nói trên là chúng ta
quá nhẫn tâm, là mỗi người tự vả vào mặt mình)
Chúng
ta thử nghĩ xem cái ác từ đâu đến. Những anh công an
đánh người dã man kia có phải quỷ xa tăng từ địa
ngục sai phái đến đâu. Các anh cũng là con em nhân dân,
trong đó có nhiều người nông dân lam lũ, chất phác. Các
anh đi làm thuê cho nhà nước, đúng rồi. Nhưng nhà nước
hiện đại, về bản chất, lại là người làm thuê cho
nhân dân. Vậy chẳng lẽ nhân dân thuê các anh đánh chính
mình? Không. Đã có người đặt câu hỏi: tiền chi cho
đội quân khổng lồ có nhiều phương tiện kỹ thuật
kia, ai chi? Tiền nhà nước? Nhưng đây có phải là việc
nhà nước đâu. Đây là sự thỏa thuận chuyển nhượng
giữa người nông dân có đất và chủ đầu tư cơ mà.
Tiền của Ecopark? Thế thì chẳng lẽ nhà nước đi làm
thuê cho mấy ngài tư sản? Nhà nước tư sản cũng không
bao giờ làm việc ấy huống chi nhà nước XHCN.
Đau
xót. Tủi nhục. Xấu hổ.
3.
Cuộc cưỡng chế báo hiệu đất nước ở bên bờ vực
do những cuộc đối đầu giữa nhân dân và nhà cầm
quyền
Dự
án khu đô thị sinh thái này theo quảng cáo đầy hấp dẫn
của họ, có thể thấy trước đó là một khu chỉ người
giàu mới mua nổi[2].
Thế thì về ý nghĩa xã hội, đó là cách lấy của nhà
nghèo chia cho nhà giàu, là một hiện tượng chưa có trong
lịch sử.
Trong
các clip người dân quay được, ta thấy những tiếng
chửi, tiếng nguyền rủa phẫn nộ của người dân mất
đất. Chúng ta chỉ là những người xem mà cũng phẫn uất
rồi nói chi họ. Nhưng cuối cùng thì người dân Văn
Giang và dư luận cả nước nói chung đã cúi đầu chấp
nhận. Còn lực lượng cưỡng chế thì cho rằng họ đã
thắng lợi, như phát biểu của Ông
Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên:
“Trong
quá trình tổ chức hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải
phóng mặt bằng bàn giao đất tại xã Xuân Quan đã thực
hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đảm
bảo tuyệt
đối an toàn về
người và phương tiện; được đông đảo cán bộ, đảng
viên và nhân
dân huyện Văn Giang nói chung, xã Xuân Quan nói riêng đồng
tình ủng hộ”.
(Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên)
Tuy
nhiên sóng gió trong lòng người mạnh hơn lúc nào hết.
Nó dồn nén, nó tích tụ, rồi nó thành cái gì thì khó
ai đoán được. Nhưng cũng có những cái đoán được.
Đội quân nông dân đông đảo mất đất kia sẽ về
những ngả nào? Từ cách đây khoảng hơn 10 năm, khi nhiều
nơi người nông dân còn được đền bù những khoản
tiền khá lớn và hoan hỷ nhận thế mà kết cục cũng
thường chẳng tốt đẹp gì. Nhiều nhất cũng chỉ là
xây được ngôi nhà tầng, mua xe máy, ti vi, rồi phần
đông rơi vào thất nghiệp, sống bằng các công việc
không ổn định hoặc phiêu bạt kiếm sống xứ người.
Một số rơi vào cờ bạc, nghiện hút, tranh giành, đâm
chém nhau... Có nguyên nhân là người nông dân chưa biết
tiêu tiền nhưng chủ yếu vì họ mất đi tư liệu sản
xuất truyền thống mà không có ai chịu trách nhiệm hướng
dẫn và tạo điều kiện để họ bắt nhịp vào một
cuộc sống khác cuộc sống truyền thống ấy.
Huống
chi bây giờ họ nhận đồng tiền rẻ mạt, không dùng
được vào việc gì cả. Đội quân thất nghiệp ấy chắc
chắn sẽ kéo ra thành thị sống vất vưởng bằng đủ
thứ nghề. Và khi lâm vào những hoàn cảnh cùng đường,
tủi nhục cộng với nỗi uất hận chưa nguôi “hôn nhân
điền thổ vạn cổ chi thù” chắc chắn sẽ làm tha hóa
không ít người, sẽ biến họ thành những kẻ ăn cắp,
trộm cướp, đĩ điếm, lừa đảo, và lúc ấy xã hội
tha hồ lên án họ, coi họ như những phần tử làm bẩn
xã hội đáng khinh bỉ nhất.
Có
thể ngày mai từ Văn Giang lớp lớp sẽ lên đường
vượt
Trường Sơn làm “cà phê tặc”, “đinh tặc”
v…v…các
thứ “tặc”
(Thanh
Thảo, Quê
choa ngày
27-4-2012)
Đất
nước hiện nay đang đứng trước hiểm họa ngoại xâm
và hiểm họa ngày càng đến gần. Kẻ mạnh đang hằng
ngày lấn lướt, đe dọa, cướp đi từ con cá, lít dầu
mà chúng ta chưa làm gì được. Không có nhân dân làm hậu
thuẫn thì nhà nước tất trở nên yếu hèn. Vậy tại
sao cứ đẩy nhân dân vào đường cùng, buộc phải đối
đầu với nhà nước? Bài học của nhà Trần và nhà
Nguyễn trong việc giữ nước cho thấy hai thái cực, hai
kết quả trái ngược nhau. Nhà Trần dựa vào dân nên ba
lần bỏ Thăng Long mà rồi lấy lại Thăng Long khá dễ
dàng. Nhà Nguyễn vì không dám đi cùng nhân dân đánh giặc
nên mặc dù có thành cao hào sâu, quân đông, đại bác
nhiều, thế mà cứ thua, thua dần thua mãi cho đến khi
thua hoàn toàn. Vừa rồi nhân viết bài kỷ niệm 130 năm
ngày Hà Thành thất thủ lần thứ hai đồng thời cũng là
130 năm người anh hùng Hoàng Diệu tử tiết[3],
tôi cứ nghĩ mãi tại sao một người “lâm nguy lý hiểm
đã từng” như Hoàng Diệu mà lại dại dột ngồi chờ
giặc như vậy? Sao quân ta không ra tay 5 ngày, 10 ngày, 15
ngày, 20 ngày trước đó, kể từ khi chúng đến Hà Nội,
thậm chí cả tháng trước đó khi chúng còn ngấp nghé
ngoài cửa biển? Và tại sao khi chiến sự xảy ra, quân
ta chỉ cố thủ trong thành mà không có những đội quân
ngoài thành phối hợp với nhân dân cự địch? Sao không
bám từng góc phố, từng căn nhà, từng gốc cây (như hồi
năm 1946 dưới chính quyền Cụ Hồ Chí Minh) mà đánh
địch? Tại sao lại để chúng nghênh ngang kéo pháo từ
Đồn Thủy (khu vực Bệnh Viện Hữu Nghị hiện nay) vào
sát Cửa Bắc (đường Phan Đình Phùng hiện nay) để nã
pháo vào bên trong cho chính xác? Và cuối cùng thì tôi
càng thấm thía cái điều đã cũ, cái điều mà các thầy
cô và sách giáo khoa lịch sử đã dạy tôi từ bé: nhà
Nguyễn sợ dân hơn sợ giặc.
Vì sợ dân hơn sợ giặc nên vua quan nhà Nguyễn tuy cũng
chống giặc (chống không phải ít, tốn bao nhiêu là súng
đạn và hy sinh biết bao binh hùng tướng mạnh) nhưng họ
lại đi riêng con đường của mình chứ nhất định không
đi cùng nhân dân. Đúng ra là không dám đi cùng nhân dân,
vì họ đã làm nhân dân điêu đứng khổ cực, vì họ đã
đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Vậy
nên hao người tốn của mà vua quan nhà Nguyễn vẫn thua,
cuối cùng phải đầu hàng nhục nhã. Để sau đó đời
nọ đến đời kia làm tay sai cho ngoại bang. Tủi nhục
đến mức mà Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều
đại này khi trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng đã
nói một câu bất hủ: “Trẫm muốn được làm dân một
nước tự do hơn là làm vua một nước bị trị”.
Thế
đấy, mất nước sẽ không còn gì.
Chẳng
lẽ chỉ vì mấy đồng bạc của nhà tư sản mà dân tộc
này chém giết nhau?
Để
rồi bi kịch mất nước lại có cơ tái diễn.
Đ.T.T
[1] http://dantri.com.vn/c170/s170-587183/bat-ke-giet-hai-hai-me-con-chu-quan-internet.htm
[2] http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fcunzivrgqnb2.oybtfcbg.pbz/2012/04/8-2-gl-hfq-fr-hbp-nh-gh-inb-xuh-b-guv.ugzy
[3] http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fkhnaqvraunaabz.oybtfcbg.pbz/2012/04/xl-avrz-130-anz-atnl-un-gunau-gung-guh.ugzy
Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012
Trangđài Glassey-Trầnguyễn - Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng: Từ Đắng Cay Hậu Chiến đến Bình An Tâm Hồn
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Hình văn khố: Olivier
Glassey-Trầnguyễn
Hình phóng sự: Benjamin Vũ
This project “Black
April, Bright April” © is produced using oral history, community participation,
and lived perspectives. Trangđài Glassey-Trầnguyễn reporting on trauma, loss,
and emotional health in the Vietnamese diasporas was undertaken as part of the
2011-12 California Endowment Health Journalism Fellowships (CEHJF), a program
of the University of Southern California’s Annenberg School for Communication
& Journalism. Visit her blog: http://www.reportingonhealth.org/users/trangdai-0.
Trangđài
Glassey-Trầnguyễn thực hiện Dự án “Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng” © về những ảnh
hưởng của tang thương và mất mát trên đời sống tình cảm của người Việt hải
ngoại qua học bổng của tiểu bang California cho Chương trình Báo chí về Y tế
Sức khỏe (CEHJF), và do Trường Báo chí và Thông tin Annenberg của Đại học
University of Southern California tổ chức. Cô sử dụng phương pháp lịch sử
truyền khẩu, cùng kinh nghiệm dấn thân cộng đồng, và tư duy trải nghiệm. Liên
lạc: vietamproj@gmail.com.
CHỦ TRƯƠNG CỦA
NGƯỜI THỰC HIỆN:
Từ năm 1976 đến nay, mỗi Tháng Tư là một thời
gian hồi tưởng, truy niệm, và gìn giữ một biến cố lịch sử đã thay đổi vận mạng
quê hương và dân tộc Việt Nam. Tháng Tư Đen đã trở thành một biến cố thiêng
liêng cho người Việt hải ngoại từ nhiều thập niên qua, cũng thiêng liêng như
ngày Tết Nguyên Đán của dân tộc. Và sẽ tiếp tục là một dấu chỉ của sự hiện diện
của dân tộc da Vàng nơi viễn xứ.
![]() |
Hội Nữ Quân Nhân VNCH họp mặt tại Hoa Thịnh Đốn. Hình_Olivier Glassey-Trầnguyễn. ( |
Qua dự án này, tôi muốn quy nhận truyền thống
tưởng niệm này của Cộng đồng người Việt hải ngoại. Đồng thời, tôi cũng muốn đón
nhận và đưa lên giá cao những ngọn đèn đã làm cho Tháng Tư 1975 không chỉ còn
là một ngày của bạo lực và mất mát. Chúng ta đã xây dựng những Tiểu Việt Nam
khắp dọc dài thế giới. Chúng ta đã nuôi dạy nhiều thế hệ trẻ thành nhân tại xứ
người. Chúng ta đã xoay ngược thế cờ, dùng sức mạnh của thế giới và tư duy
đương đại để gìn giữ lịch sử và phát triển tương lai. Những ngọn đèn đó vẫn tỏa
sáng giữa chúng ta – là chính ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cái của chúng ta
– đang thắp lên một bình minh mới trên những đổ nát hôm qua. Chúng ta không chỉ
có một Tháng Tư Đen, mà chính mỗi chúng ta cũng là hiện thân của một Tháng Tư
Sáng.
PHẦN 4(4): THÁNG TƯ SÁNG
Xin cám ơn quý độc giả vẫn theo dõi Dự án “Tháng Tư Đen,
Tháng Tư Sáng.” Trong phần cuối của loạt bài bốn phần này, tôi muốn nói đến
những sức mạnh mà Nguyễn Thanh Thủy đã tìm được, lẫn tự tạo cho mình, để duy
trì cuộc sống của bản thân cũng như của gia đình cho đến ngày hôm nay. Phần này
liên quan đến cả ba phần trước, vì nó ôn lại những mấu chốt trong từng giai
đoạn, để chúng ta có thể thấy được làm cách nào Nguyễn Thanh Thủy có đủ nghị
lực để đối diện với trại tù cải tạo, với một cuộc sống bế tắc ở Việt Nam, và
với sự ra đi của trưởng nữ tại quê hương thứ hai.
![]() |
Nguyễn Thanh Thủy đã tham gia những sinh hoạt của Cựu tù nhân chính trị từ những ngày mới tới Mỹ. Hình_Olivier Glassey-Trầnguyễn |
Sức mạnh đó không chỉ đến từ cá nhân bà, tuy chính sức mạnh nội tâm và niềm tin
đã là điều kiện tiên quyết để Nguyễn Thanh Thủy sống còn. Nhiều năm nay, bà đã
tận tụy giúp đỡ những gia đình thương phế binh tàn tật, góa bụa ở Việt Nam qua
công tác thiện nguyện với Hội Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa
(TPB/QPVNCH) do Bà Hạnh Nhân sáng lập. Nguyễn Thanh Thủy đã giang cánh tay để
vực dậy những mảnh đời mà bà biết rất rõ, vẫn đang gặp rất nhiều thiệt thòi,
bất công, và đau khổ tại Việt Nam.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso có nói, "Lòng
bác ái là một trong những điều căn bản làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Nó là
nguồn mạch của niềm hạnh phúc và hoan lạc vô biên” (tôi dịch từ tiếng Anh:
“Compassion is one of the principal things that make our lives meaningful. It
is the source of all lasting happiness and joy"). Tình thương yêu tha nhân
và sự phục vụ đồng bào của Nguyễn Thanh Thủy đã mang đến cho đời bà một ý
nghĩa, và một niềm hạnh phúc vô bờ. Lòng bác ái của bà đã giúp bà vui sống, và
cũng giúp bà tiếp tục chữa lành những đau đớn, mất mát trong quá khứ. Hằng
tuần, khi Nguyễn Thanh Thủy tham gia những cuộc hội họp, xét duyệt những hồ sơ
xin cứu tế, những nỗi đau đớn, mất mát của chính bà lại phần nào được xoa dịu.
Chúng ta hãy ôn lại con đường đi tìm ánh sáng bình an của
Nguyễn Thanh Thủy. “Tôi chữa dứt bệnh ung
thư, thì bị mất ngủ triền miên, có uống nhiều thuốc ngủ vẫn không ngủ được. Bác
sĩ gửi tôi qua Bác sĩ tâm lý ở Bệnh viện Thần kinh để điều trị. Cán sự xã hội
hàng tuần tìm hiểu sinh hoạt gia đình tôi, Bác sĩ tâm lý tiếp xúc, và sau đó
hướng dẫn cách trị liệu. Tự tôi khắc phục và tự thắng những ý nghĩ sai lệch đưa
đến buồn chán, mất ngủ, không muốn sống do hối tiếc đã đi làm nhiều quá, thời
gian chăm sóc con ít quá, bất lực không còn khả năng làm việc như trước, quá
khứ đau thương quay về trong tâm não, thu nhập gia đình eo hẹp… Bác sĩ chuyên
môn hướng dẫn tôi cách chữa trị, biết rõ tại sao tôi không chịu nổi tiếng động
lẻng kẻng của xâu chìa khóa, do quá khứ những thời gian bị giam cầm một mình,
những câm lặng chịu đựng về nghề nghiệp trở thành bệnh trầm cảm. Con gái thứ
hai lại bị bệnh, phải giải phẫu cùng một lúc bướu cổ, bướu tử cung. Tôi hốt
hoảng lo sợ đến cực độ. Viễn ảnh ảnh mất con làm tôi mất bình tĩnh. May mắn
thay, con tôi bình phục và khỏe mạnh. Sau một thời gian, tôi trở lại cuộc sống
bình thường. Tôi dành ra nhiều thời giờ gần gũi đứa con gái thứ hai hơn, và tìm
cách sinh hoạt mới, có chút thu nhập cho gia đình, và giải trí nhiều hơn.”
![]() |
Nghị sĩ Lou Correa vinh danh Nguyễn Thanh Thủy tại Quận Cam. Hình_Olivier Glassey-Trầnguyễn |
Đối với người Mỹ, sau những kinh nghiệm kinh hoàng của chiến
tranh hay tù cải tạo, họ thường nghĩ đến việc điều trị chứng Post Traumatic
Syndrom Disorder, tạm dịch là những bất ổn tâm lý sau những chấn thương tâm lý.
Nhưng đây là một khái niệm xa lạ đối với người Việt chúng ta. Sau hàng thế kỷ
phải đối diện với chiến tranh, người Việt một cách nào đó đã học (và giữ như
một bản năng cho mình) những phương cách để tiếp tục sống sau những tang thương
mất mát. Nguyễn Thanh Thủy cũng dùng những sức mạnh tinh thần tiềm tàng để giúp
bà sống như hôm nay, và sống một cách hạnh phúc và thanh thản. Nhưng việc gặp
cán sự xã hội và chữa trị những tổn thương trong tâm lý cũng đã giúp bà rất
nhiều.
Tôi vẫn thắc mắc: Nếu không đau đớn mất con năm 2001, nếu
gia đình bà không phải gặp bao khó khăn tài chính khi bà bị ung thư và không
làm việc được, nếu bà không quá mệt mỏi vì những gánh nặng sức khỏe vẫn đeo
mang từ mười ba năm khổ sai – thì liệu Nguyễn Thanh Thủy có lâm vào tình trạng
trầm cảm không? Bởi vì như bà nói, “Tôi
lúc nào cũng lạc quan. Lúc trong tù, muốn trở về với gia đình và con cái thì
phải giữ sức khỏe, phải có ánh sáng mặt trời mới sống được; nên lao động vừa
với sức khỏe mình thôi, dù cai tù có áp bức làm thêm tôi cũng không làm. Tôi đã
đốt hết hồ sơ mật trước ngày mất miền Nam, nên tôi không ái ngại về việc ảnh
hưởng đến nhân viên cộng tác và tôi bình thản trả lời khi bị hỏi cung. Ăn uống
thiếu thốn đói khổ, rách rưới tôi chịu đựng được. Tôi đã từng ăn củ chuối, lấy
cỏ làm rau, lấy sợi dây bao cát đan áo len để mặc ấm… Biệt giam ở phòng tối,
từng ở một mình trong phòng giam hằng cả năm trời. Đi tù Cộng Sản, tôi vẫn giữ
vững lý tưởng chống Cộng Sản vì muốn miền Nam Việt Nam Cộng Hòa được tự do dân
chủ. Tôi luôn hãnh diện về việc làm trong quá khứ. Tôi làm tròn trách nhiệm cấp
chỉ huy, ở lại chia sẻ cảnh khốn cùng với thuộc cấp. Bên cạnh cuộc sống tù, tôi
luôn cầu nguyện để Chúa an ủi chia sẻ phần tâm linh, và hy vọng các nước trên
thế giới kêu gọi, làm áp lực để Việt Nam Cộng Sản thả tù cải tạo.
Khi ra khỏi tù, tôi
sống bốn năm trời trong nhà tù lớn của Cộng Sản, nếm bao tủi nhục của kẻ không
tiền, không nơi cư trú, không giấy tùy thân, chồng vợ, con cái mỗi người mỗi
nơi, trong khi nhà cửa bị Công Anh Cộng Sản lấy ở. Tôi phải can đảm làm việc gì có thể nuôi con, nuôi Mẹ già cho Việt
Cộng thấy dù áp bức tới đâu, tôi vẫn đủ nghị lực vươn lên để tồn tại.
Sang tới Mỹ, cả bầu
trời tươi sáng cho gia đình chúng tôi, tất cả đều có công ăn việc làm, dù lương
không cao nhưng cũng đầy đủ. Gia đình gặp trở ngại sức khỏe, rồi cũng được giúp
đỡ, chữa trị. Tôi lúc nào cũng vui và hạnh phúc vì con gái thứ hai vẫn đến
trung tâm Goodwill Industries làm, con trai đã lấy bằng master và có sáu năm
quân ngũ trong Không quân trừ bị Hoa Kỳ. Tôi kiêu hãnh thấy Việt Cộng cố trù
dập gia đình tôi đến tận cùng, nhưng nay ở Mỹ, gia đình đoàn tụ và hạnh phúc.”
Trong các cuộc nghiên cứu xã hội về ảnh hưởng của tang thương
và mất mát trên các thế hệ đi sau, các học giả vẫn ghi nhận mối dây ràng buộc
và tương quan mật thiết giữa thế hệ cha mẹ và con cái trong lãnh vực này. Khi
thế hệ cha mẹ trãi qua những khó khăn và thử thách, thì ảnh hưởng trên thế hệ
con cháu chắc chắn sẽ rất rõ ràng. Họa sĩ Jerry Trương, vốn sinh ra tại Mỹ, vẫn
hồi tưởng kinh nghiệm vượt biển và tỵ nạn của ba mẹ anh trong các sáng tác như
“Biến Mất” hay “Lớp/Vỏ.”
Tiến sĩ Eliza Noh, một phó giáo sư và người điều phối chương
trình Sắc Tộc Học Á Mỹ tại Đại học Cal State Fullerton, đã nhận định về mối
tương quan này trong những nghiên cứu của cô về vấn đề trầm cảm trong cộng đồng
Á Mỹ. Mẹ cô là người Huế, cha cô là người Đại Hàn, nên Tiến sĩ Noh có một kinh
nghiệm trực tiếp của cả hai sắc dân. Cô nói (tiếng Anh, tác giả chuyển ngữ),
“Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy ảnh hưởng liên-thế-hệ của tang thương, nhất là
những nghiên cứu về trẻ em trong những gia đình Nhật bị tản cư thời Đệ Nhị Thế
Chiến, hay trong các gia đình tỵ nạn Đông Nam Á và những người sống sót diệt
chủng. Trong các nghiên cứu của tôi về nạn tự tử của phụ nữ Mỹ gốc Á, tôi cũng
tìm thấy những tương quan liên-thế-hệ, chẳng hạn như bệnh trầm cảm hay những
bạo hành đi từ thế hệ này sang thế hệ sau.”
Gần một năm sau khi mất con và phải nằm nhà chữa trị ung
thư, Nguyễn Thanh Thủy cảm thấy túng quẫn về tinh thần. Bà cảm thấy bất lực
trước hoàn cảnh. Bà bắt đầu mất ngủ, hay bực bội, và thường xuyên nổi giận. Gia
đình chìm vào lo lắng, buồn bã, ảm đạm. Con trai bà, Quân Lê, quá lo lắng cho
Mẹ, nên khuyên bà đi khám bệnh. Nhưng những bác sĩ tâm lý đã chữa bệnh cho bà
đều không giúp được gì cho bà. Không chịu được cảnh Mẹ mình khổ sở, đã gọi
đường dây giúp đỡ của Quận, và nói chuyện với Cô J., một cán sự xã hội nhiều
kinh nghiệm và tận tâm. Cô J. xin phép nói chuyện với Nguyễn Thanh Thủy, và đã
đến tận nhà để gặp bà.
Cô J. là một cán sự yêu nghề. Cô đã dành rất nhiều thời gian
để giúp Nguyễn Thanh Thủy lấy lại cân bằng tâm lý. Khi được hỏi liệu cô có phải
cố gắng nhiều hơn bình thường trong trường hợp của Nguyễn Thanh Thủy không, Cô
J. đã nói, “Có chứ! Tôi đã cố gắng nhiều gấp bội, nhưng tôi rất quyết tâm muốn
giúp Chị Thủy. Tôi thấy Chỉ khổ quá nhiều rồi! Tôi muốn Chỉ được hạnh phúc.”
Cuộc chiến chống lại cơn bệnh trầm cảm của Nguyễn Thanh Thủy
không phải là một con đường trơn tru, và ngay cả sau khi đã ‘chữa bệnh’ xong,
bệnh vẫn có thể tái phát. Nhưng chúng ta hãy tìm hiểu xem những yếu tố nào đã
giúp bà vượt qua căn bệnh này. Cô J. khẳng định, “Có ba yếu tố chính giúp cho
Chị Thủy chữa khỏi bệnh. Thứ nhất, Chỉ tin tưởng ở tôi. Thứ hai, tôi rất muốn
giúp Chỉ. Và thứ ba, rất quan trọng, Chị Thủy tin tưởng vào Chúa.” Và theo tôi,
Nguyễn Thanh Thủy cũng được phần nào chữa lành với niềm an ủi là con gái út còn
sống, và những thành tựu về nghề nghiệp mà con trai bà đã đạt được. Đây là
những cái phao cuối cùng để giúp bà ngoi lên mặt nước, hướng vào bờ.
Hành trình gian nan tìm lại sự quân bình tâm lý được đánh
dấu bởi những cố gắng để vượt qua những thử thách bắt nguồn từ quá khứ. Nguyễn
Thanh Thủy rất sợ tiếng động. Bà không thể lái xe từ ngày qua Mỹ, cũng như
không thể giữ chìa khóa trên người. Bà sợ tiếng động, vì từ những đêm thâu thăm
thẳm của biệt giam, tâm trí bà đã bị bất cứ tiếng động nào làm kinh sợ. Tiếng
chìa khóa khua vào nhau làm bà nhớ đến trại cải tạo, nơi mà tiếng chìa khóa
đồng nghĩa với việc hỏi cung thâu đêm, hay với việc một bạn tù bị ‘mất tích’
ngày hôm sau. Người bị ‘mất tích’ – bất cứ lúc nào – có thể là chính bà.
Tuy năm năm dài chữa bệnh với Cô J. là một thời gian nhiều
thách đố, nhưng vẫn có những biến cố khá thú vị mà chính Nguyễn Thanh Thủy cũng
bật cười khi kể lại. Chẳng hạn khi Cô J. thí nghiệm, cho hai nhân viên bảo vệ
đi xuống để hộ tống bà lên văn phòng, Nguyễn Thanh Thủy đã biểu hiện những bực
dọc, ức uất, và tức giận đến tột độ, nhìn họ với ánh mắt vừa ghét vừa sợ. Chúng
ta cùng đi lại đoạn đường này với bà,“Có
quá nhiều những biến chuyển trong đời sống gia đình: tôi mất đứa con gái lớn,
tôi phải mổ ung thư tử cung, chăm sóc bệnh cho con gái út phải giải phẫu bướu
cổ và bướu tử cung, không còn trông coi quá Thiên Nga được. Tôi khởi sự mất ngủ
và buồn chán, thích yên lặng, ghét tiếng động, trước mắt là màn hình về quá khứ
đau thương. Tôi được Bác sĩ cho phép uống thuốc ngủ, uống ba tháng liền không
thấy giảm. Bác sĩ gửi qua chữa trị ở Bệnh viện Thần kinh. Tôi chữa trị trong
nhóm của Bác sĩ A. và Cán sự J. Mới đầu, hàng tuần Cô J. đến nhà gợi chuyện,
tìm hiểu sinh hoạt gia đình, buồn vui cá nhân đối với chồng con, bạn bè, vv,
quá khứ bị tù tội dưới chế độ Cộng Sản, tham gia trong chế độ cũ, bị giam cầm
nhiều năm. Sau đó hai tuần, tôi gặp gỡ Cô J. một lần, rồi mỗi tháng một lần. Cô
có nhiều phương thức thử nghiệm tận gốc, hồi ức buồn phải tự mình xóa, để chóng
hồi phục.
Trong thời gian điều
trị, Cô J. biết trong lòng tôi còn nhiều uất ức hận thù với chế độ Cách Mạng đã
đày ải áp bức. Cô mới thử xem mức độ biểu hiện ra sao. Một ngày đó, tới giờ hẹn
tái khám ở Bác sĩ A., có hai nhân viên bảo vệ mặc áo đồng phục màu Kaki vàng,
tay cầm xâu chìa khóa, đi cùng thang máy với tôi, cùng vào phòng đợi của Bệnh
viện Thần Kinh. Sau khi ghi danh, nhân viên tiếp bệnh nhân báo cho Cô J. Cô mở
cửa gọi tôi vào phòng làm việc. Cô hỏi tôi sao nhìn chăm chăm hai người bảo vệ,
có vẻ khó chịu, bực dọc, tức giận họ. Tôi trả lời, “Mỗi lần thấy màu áo kaki này,
tôi nhớ hình ảnh ‘con bò vàng,’ tức ông cai ngục trong trại tù hiện trong não
ngay, lại còn lay động xâu chìa khóa, tiếng động mở cửa, đóng cửa phòng giam mà
suốt 13 năm tù tôi luôn nghe và bị gây sợ hãi, mất ngủ…
Cô đã hướng dẫn vài
cách để theo đó tự tập chữa lấy. Tôi chịu nghe lời chỉ dẫn, thời gian vài năm
bớt dần. Sau năm năm, tôi thấy hồi phục và trở lại bình thường, ăn ngủ, đời
sống không trở ngại như trước đây.”
Cô J. đã xác nhận với tôi, “Chị Thủy là một học sinh xuất
sắc, chịu khó nghe lời tôi, và làm theo lời tôi dặn.” Nhưng những vấn đề liên
quan đến sức khỏe tâm lý vẫn là một đề tài tế nhị đối với cộng đồng Việt Nam,
nên phần đông những người cần giúp đỡ thường không nghĩ đến việc sử dụng những
dịch vụ xã hội sẵn có. Tuy nhiên, theo anh Tri Nguyễn, thì đã có những thay đổi
trong cách nhìn về các dịch vụ này trong những năm gần đây trong cộng đồng Việt
Nam. Là một chuyên gia tâm lý tại the
Community Research Foundation ở San Diego, anh Tri cố vấn cho các gia đình Việt
Nam trong vùng. Anh nói (tiếng Anh, tác giả dịch), “Tuy việc sử dụng
những dịch vụ xã hội này còn chưa phổ biến trong cộng đồng chúng ta so với dòng
chính, nhưng trong những năm gần đây, tôi có nhận thấy sự gia tăng trong việc
chấp nhận và sử dụng các dịch vụ này.”
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, chữa trị tâm lý lâm sàng không
nhổ tận rễ những căn cơ gây ra bất ổn tâm lý và đau khổ cho một cá nhân. Theo
tôi, mỗi người là một thành viên của xã hội, nên tiến trình chữa lành cũng cần
sự hiện diện của cả xã hội. Và nếu cái kinh nghiệm đau khổ cũng là một kinh
nghiệm cộng đồng, thì qua trình chữa lành, xoa dịu cũng cần là một kinh nghiệm
cộng thông. Thiết nghĩ, đó cũng chính là lý do mà cộng đồng Việt Nam của chúng
ta ở khắp nơi trên thế giới đều có những hội tương trợ, quy tụ những cá nhân có
cùng chung một kinh nghiệm nào đó, như những cựu tù nhân, những cựu sinh viên,
hay đồng hương cùng một quê quán.
Cho nên qua dự án này, tôi cũng nhắm vào việc đưa kinh
nghiệm hỏa lò vào một cuộc đối thoại cộng thông. Tôi chủ trương đưa ra kinh
nghiệm tang thương của thế hệ đi trước, như một cuộc hành hương cho thế hệ đi
sau và tất cả những ai quan tâm, cùng tìm về một miền đất đã nhiều lần bị chế
độ toàn trị niêm phong. Tôi tìm về, để thứ nhất, truy nhận một mảng lịch sử đau
thương, không chỉ cho những ai bị đọa đày, trù dập, mà cho cả một dân tộc phải
trãi qua những ngày tháng như thế. Thứ hai, tôi tìm về, là để bày tỏ sự biết ơn
với thế hệ đi trước. Nếu thế hệ cha mẹ, ông bà đã không kiên trì, vượt khổ từng
ngày, thì không biết thế hệ chúng tôi đang trôi dạt nơi nào trong thế kỷ 21
này. Thứ ba, tôi tìm về, là để đưa ra ánh sáng những sự thật mà vì tân toan của
kiếp tha phương, vẫn chưa được tỏ bày sau gần bốn thập niên bị chôn giấu. Tôi
biết, rất nhiều những bậc như Nguyễn Thanh Thủy đã ra đi, và chứng từ của họ đã
mãi mãi đi vào lòng đất.
Nhưng trên hết, tôi tìm về, là để đi tìm công bằng và công
lý – cho dù nó là một ánh công lý từ xa – cho những vị đã qua những năm khổ sai
của hỏa lò, cho những con dân Việt đã sống qua cái thời ô nhục hậu chiến ấy. Sự
công bằng nằm ở chỗ là cuối cùng, tiếng nói của họ được thế hệ đi sau gìn giữ
và trân trọng, và đưa vào những diễn đàn thế giới. Công lý ở chỗ những bất công
họ chịu và những kinh nghiệm thừa chết thiếu sống được nhắc lại, để mọi người
cùng soi rọi, và cùng thấy mình trong đó, cho phép người Việt khắp nơi trên thế
giới có thể gắn bó với nhau qua việc ôn lại lịch sử.
Bất cứ ai cũng có thể thấy một mảnh đời mình trong câu
chuyện của Nguyễn Thanh Thủy. Người đó có thể là một người Mẹ đã từng mòn mỏi
nuôi cháu chờ con chờ rể. Người đó có thể là một đứa bé, lớn lên trong thời hậu
chiến nhập nhằng đen trắng, đầy giả trá, với bài học vỡ lòng là phải ngăn cách
với mẹ cha. Người đó có thể là một thuyền nhân, khắc khoải mong tin người thân
đã bặt tin trong hỏa lò ở phía bên kia đại dương. Người đó cũng có thể là một
người di tản buồn, nhưng vực mình dậy, và đấu tranh cho chương trình H.O. được
thành hiện thực. Người đó là một cựu tù nhân, đọc chuyện thương tâm ngày cũ,
thương bạn, thương mình xót xa. Và còn rất nhiều, rất nhiều những ‘người đó’
trong từng cuộc đời của người Việt xa xứ.
Câu chuyện của Nguyễn Thanh Thủy là câu chuyện của bao người
Việt tỵ nạn, tìm cho mình và gia đình mình một tương lai sáng sủa hơn, để giúp
đỡ người thân còn ở Việt Nam, cũng như dấn thân trong các công tác cộng đồng để
cải tiến xã hội tại đây cũng như tại quê nhà. Nếu lòng nhân ái làm cho đời sống
có ý nghĩa, thì lòng nhân ái cũng có sức mạnh chữa lành cho nhiều người đã từng
chịu can qua, như Nguyễn Thanh Thủy. Sức mạnh mà bà tìm thấy đến từ nội tâm,
nhưng cũng đến từ nghĩa tình với cuộc đời, với tha nhân. Và bà cũng bám vào sức
mạnh thiêng liêng để vươn lên.
Vì vậy, tôi cho rằng Nguyễn Thanh Thủy cần cả một xã hội
xung quanh để có thể đạt đến nguồn bình an đích thực. Tuy việc chữa trị lâm
sàng là một bước cần thiết, tôi cho rằng đời sống tâm linh, tình cảm, và xã hội
đóng một vai trò quyết định trong sự cân bằng tâm lý của một con người. Tôn
giáo, nghệ thuật, cộng đồng, và gia đình – tất cả đều có một sức mạnh chữa
lành, và giúp xoa dịu thương đau, bên cạnh các biện pháp y khoa lâm sàng. Hội
TPB/QPVNCH cũng là một “thầy thuốc” ẩn danh, cho Nguyễn Thanh Thủy một chỗ dựa
tinh thần dài hạn và liên lỉ, một người bạn đồng hành trung thành. Hội Thánh mà
gia đình bà đã tham gia từ ngày đến Mỹ cũng là một “lương y” tốt lành, cung cấp
cho bà nguồn lương thực tâm linh, nuôi dưỡng phần thiêng liêng.
Theo bà, thì “Tôi đến
Hội HO Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa chính thức làm việc sau khi
tôi bị mổ ung thư. Tôi rỗi rãnh hơn vì không còn trông coi tiệm. Tôi rất thông
cảm với cái nghèo của Việt Nam, vì tôi đã ở tù và sống dưới chế độ đó. Tôi muốn
chia sẻ nỗi đau thương mất mát của Thương phế binh và quả phụ. Tôi phụ trách
xét hồ sơ quả phụ có chồng tử thương hoặc mất tích. Những hồ sơ không đủ điều
kiện, tôi gửi thư yêu cầu bổ túc giấy tờ trước 1975 để hợp lệ giúp đỡ. Quả phụ
là cơn nhức nhối của trái tim tôi. Chồng họ đã hy sinh tánh mạng cho lý tưởng
tự do để chúng ta có những ngày đầm ấm bên gia đình ở miền Nam Việt Nam. Quả
phụ hiện giờ tuổi đã già, bệnh hoạn, không còn sức lao động, rất cần sự giúp đỡ
của Hội, dù đó chỉ là món quà nhỏ để an ủi tinh thần họ sau bao năm dài một
mình nuôi con. Nhìn cảnh các Thương phế binh và Quả phụ VNCH, tôi xót xa. Tôi
nghĩ, “Tôi còn chút tương lai, còn họ bế tắc ngay từ sau 1975. So với họ, 13
năm tù của tôi không đáng kể.”
Làm việc cho Hội HOTPB
& QPVNCH phải mất thời gian hằng ngày, nhưng lợi cho sức khỏe, có niềm vui
trong tâm hồn, như gần gũi họ nhiều hơn. Tôi nghĩ, sự mất mát trong tù tội không
có gì đền bù được như: sức khỏe, thời gian, tuổi trẻ. Nhưng lấy kinh nghiệm làm
nghị lực để vươn lên tự thắng bản thân chứ không nên hối tiếc quá khứ. Phải
luôn nghĩ cuộc đời ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay. Ngày mai sẽ may mắn
hơn.
Muốn sống vui vẻ,
những gì xảy ra không tốt đẹp, nên bỏ qua, trí óc tinh thần cảm thấy thanh thản
hơn. Ở Mỹ, gia đình tôi có cuộc sống tốt đẹp như vầy, ngoài sự cố gắng của các
thành viên trong gia đình, tôi cảm ơn nhân dân Mỹ đã vận động, giúp đỡ cho
những người tỵ nạn trong bước đầu.”
Sau năm năm chữa bệnh trầm cảm, bệnh của Nguyễn Thanh Thủy
thỉnh thoảng lại tái phát. Chính những vị lương y ẩn danh đã tiếp tục giúp bà
tìm lại cân bằng trong cuộc sống. Bởi vậy, “Tôi
và gia đình đi nhà thờ Tin Lành đường 17th. Nhà thờ sau này phải bán
cho Đại học Santa Ana College, nên dời về nhà thờ đường 13th. Nhà
thờ này lại hơi nhỏ, nên dời đến nhà thờ mới lớn hơn, cùng với số tín đồ Việt Nam
đang có mặt tại nhà thờ này. Đến lượt gia đình tôi dọn qua thành phố Anaheim,
việc đến nhà thờ rất xa, mất nhiều thì giờ cho mỗi sáng Chủ nhật, nhưng gia
đình vẫn chịu khó lái xe để tiếp tục sinh hoạt tại nhà thờ. Lý do là từ ngày
sang Mỹ, tôi chỉ đi một hội thánh này, xem anh chị em trong hội thánh như anh
chị em của đại gia đình mình. Ngoài Đức Tin mỗi con cái Chúa dâng lên Chúa, mỗi
sáng Chúa Nhật bắt tay hỏi thăm nhau, cầu nguyện cho nhau, chia sẻ buồn vui của
nhau trong tuần qua, để nâng đỡ Đức Tin của cộng đồng. Nếu thấy ai đời sống sa
sút về sức mạnh tâm linh đến thăm viếng, cầu nguyện, an ủi. Gần 20 năm qua,
dưới mái ấm của cộng đồng Đức Tin Thiên Chúa, lòng tôi được thanh thản trong
tình yêu thương, trong sinh hoạt tại đây, đôi khi có vài cơn sóng nhẹ, nhưng
không đáng kể, gia đình chúng tôi vẫn duy trì sinh hoạt và thờ phượng ở Hội Thánh
này.”
Các cộng đồng tín ngưỡng vẫn luôn là nguồn an ủi lớn cho
những ai chịu nhiều đắng cay trong cuộc sống, giúp họ khơi lên ánh sáng từ bên
trong, những ngọn nến soi rọi đêm đen. Hành
trình của Cựu Thiếu tá Biệt động Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy chính là một trong
muôn vàn ánh nến đã từ lâu thắp lên ánh sáng Đức tin, Hy vọng, và Nhân ái trên
một trang lịch sử bi ai của dân tộc. Niềm tin của bà vào Chúa đã cứu rỗi bà
ngay trong đời này, giúp bà chỗi dậy từ một vũng tang thương chết chóc, cho bà
một niềm tin, truyền cho bà sức sống mới, thắp lên trong bà một hy vọng mới.
Ngày 9 tháng 3 vừa qua, bà Nguyễn Thanh Thủy đã được văn phòng TNS Lou Correa
tuyên dương vì những đóng góp tích cực của bà cho cộng đồng Việt Mỹ tại Quận
Cam.
Khi được mời chia
sẻ về sức mạnh của hồng ân và lời nguyện trong việc chữa lành những vết thương
của con người, Cha Đinh Minh Trí, Dòng Tên, vị linh hướng của Phong trào Đồng
Hành tại Hoa Kỳ, đã nói, “Gần đây tôi có dịp viếng thăm một bệnh nhân bị xe cán
rất là nặng. Tôi mời ông ta mở lòng để đón nhận ơn lành phần hồn lẫn phần xác.
Ông ta rất thành thật tâm sự với tôi cuộc đời khó khăn của ông, nhất là về việc
làm hòa với Chúa. Chúng tôi đàm thoại về vài cách ông ta có thể tiến tới trong
cuộc hành trình đức tin. Ông ta đón nhận hết lòng và rơi lệ. Lòng ông càng bình
an, thì bác sĩ lại càng ngạc nhiên về sự hồi phục mau chóng của ông.”
Cha Trí nói thêm,
“Đây chỉ là một kinh nghiệm trong cuộc đời phục vụ của tôi được chứng kiến sức
mạnh của ân sủng Chúa. Thiên Chúa luôn luôn giang tay, ban tặng nhiều ân sủng
để chữa lành và ban sức sống dồi dào cho chúng ta. Nhưng Ngài không ép, mà
khiêm nhường chờ đợi. Khi chúng ta mở lòng để Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng
ta, các ân sủng ấy biến đổi chúng ta.”
Tôi nhớ đến Vị
lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công Giáo Việt Nam, Đức Cố Hồng Y Phanxicô
Xaviê Nguyễn Văn Thuận, một ngọn thiên đăng. Ngài đã chịu mười ba năm lao tù,
và trong thời gian đó, Ngài đã viết những tài liệu quý giá, những bài thơ tha
thiết, những kim chỉ nam thiết thực, những chứng từ Đức Tin mãnh liệt. Trong
chúc thư, Ngài viết, “Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào
đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm
và Thánh Giuse.” Điều mà chúng ta kính ngưỡng ở Ngài, chính là tinh thần lạc
quan và niềm hy vọng tràn trề, dù giữa cảnh ba đào.
Trong Tháng Tư Đen
thứ 37 này, chúng ta cùng hướng lòng về những sức mạnh tinh thần đã giúp dân tộc chúng ta vượt thắng bao gian nguy,
khổ ải, kiên quyết đi tìm Công Bình, Tự Do, và Dân Chủ. Chúng ta cùng chiêm
ngắm những ánh nến xung quanh chúng ta, vẫn tỏa sáng trong những người thân yêu
và trong cộng đồng của chúng ta.
Để chúng ta cùng
trở thành một Tháng Tư Sáng, xóa mờ bất công, tái thiết an bình, hạnh phúc. Để
chúng ta cùng nhau chữa lành những vết thương trên thân thể dân tộc Việt Nam,
và trên từng con người, từng gia đình của chúng ta. Để sau 37 năm tha phương,
chúng ta được cùng bừng sáng trong một cuộc sống mới, một vận hội mới, cùng
chỗi dậy trong một niềm tin mới vào đường sống của quê hương Việt Nam.
Để chúng ta có thể
chúc mừng nhau một Tháng Tư Sáng trong năm 2012, và những năm tới nữa. Sáng
trong hy vọng. Sáng trong niềm tin. Sáng trong chiến thắng của Chân Thiện Mỹ.
Bùi Ngọc Tấn - Khói
Bùi Ngọc Tấn
Mặt trời khuất sau ngọn
núi cao nhất của cả một dải rừng. Trên đỉnh núi nhô lên như một cái vú bầu bĩnh
ấy mọc những cây đại thụ, giờ đây không trông thấy chiều dầy của cành lá nữa mà
giống như một bức màn mỏng đính vào nền trời xám. Ông Thản khoác khẩu AK đã lên
đạn sẵn nhưng được khoá cơ bẩm và ngước nhìn về phía ấy. Chung quanh ông là
rừng rậm. (Gọi ông Thản là gọi theo cách của tù. Ông Thản là một thanh niên
chưa quá 19 tuổi).
Ông Thản biết trên đỉnh
núi cao nhất kia, các đồng chí của ông đang đưa ống nhòm phóng tầm mắt ra bốn
phía, tìm trong tán lá rừng già trải ở phía dưới những dấu hiệu khả nghi. Một
bóng người lộ ra ở bìa rừng, lối xuống bản đồng bào Mán. Một sợi khói mỏng như
tơ. Và lùng sục. Tay giữ chặt giây xích, ghì lại những con chó béc giê giống
Ðức hăng hái lao đi phía trước. Cố tìm ra một dấu vết nào đó như một mẩu vỏ bí
dúi vào bụi cây, một hạt cơm vãi bị lá rừng phủ lên, một cành cây gẫy đáng
nghi, một chút hơi người trên thảm lá mục. Dân bản cho biết đêm trước một nhà
bị mất một quả bí trong vườn, một nhà khác có nồi cơm nguội để dưới bếp bị vét
sạch. Vậy là thằng Dương còn quanh quẩn vùng này. Cái thằng tù trốn trại ấy. Nó
chưa thể đi xa được. Một bán kính 15 ki lô mét quanh trại đã được bủa vây chặt
chẽ. Các bến tầu, bến xe đều có người canh gác.
Nhưng thằng Dương vẫn
bặt tăm hơi. Nó trốn trại vào ban đêm. Ði lối nhà mét (1). Cũng may, nó trốn cách ấy. Không ai bị quy trách nhiệm
cả. Chứ nếu nó trốn trong lúc đi làm thì lôi thôi to. Hẳn bọn ông đã có người
khốn khổ.
Có tiếng động phía sau
lưng. Ông Thản quay lại, cúi nhìn. Không. Không có ai. Hình như là một cành cây
gẫy. Còn sáng thế này nó chưa dám đi đâu. Còn chui rúc ở một hang hốc nào đó.
Có khi nó lại leo lên cây, ngồi ngay trên đầu mình. Bất thần ông ngước mắt nhìn
lên. Rừng rậm. Một thứ rừng quanh năm xanh tươi, không có mùa rụng lá. Những
cành cây phủ đầy rêu ken dầy, quấn quít dây leo. Những dây leo vĩ đại lá to như
lá cọ, im lặng để rơi những bông hoa hình loa kèn nặng nề, chín nẫu bộp, bộp
xuống thảm lá mục. Một con chim lớn từ đâu bay tới, đỗ xuống ngọn cây, ông thấy
thoáng đôi cánh rộng êm ru ở khoảng trời xám nhạt hiếm hoi lộ ra trên tán lá.
Ông lại khoác súng bước
đi. Suối chảy róc rách dưới chân chỉ làm tăng thêm vẻ hoang vu tịch mịch của
rừng. Ông đi không nghĩ ngợi và cũng chẳng biết mình đang đi đến nơi nào nữa.
Bất chợt ông nhìn thấy
một nương sắn đã rỡ. Giữa nương sắn có một cái miếu nhỏ hoang tàn và một cây si
cằn cỗi nhưng có rất nhiều rễ phụ toả xuống. Vậy là sắp tới nhà bò. Ông biết
mình đang đi dần về phía trại. Ông dừng lại, nhìn ngắm. Những buổi chiều cô đơn
trong rừng buồn tái tê. Ðành rằng có rừng ở chung quanh đấy, nhưng cũng như
người, rừng cô đơn. Và cũng như người, rừng im lặng với nỗi cô đơn của mình,
không trò chuyện.
Ông lại đi. Ông nghĩ tới
thằng Dương. Nó là sinh viên năm thứ tư, vào tù vì tội đánh nhau với thanh niên
địa phương trường sơ tán, án tám năm. Ðã tù bẩy năm. Chỉ còn một năm nữa. Mà
không cố được. Ðã vượt qua bẩy năm. Rồi bỗng thấy không chịu đựng thêm nổi một
ngày. Thật là khó hiểu. Và ngu xuẩn. Chỉ vì nó mà bao nhiêu người phải khổ. Năm
ngày đêm rồi. Không biết năm ngày vừa rồi nó sống bằng gì. Tý cơm nguội. Quả bí
non. Lẩn lút chui lủi trong rừng mãi sao nổi. Trước mắt nó chỉ có một con
đường: Chịu sự cải tạo.
Tiếng suối vẫn khi gần
khi xa. Bài ca muôn thuở của rừng. Ông lại nhìn lên đỉnh núi cao nhất như một
cái bầu vú, tìm ánh mặt trời còn sót lại. Bỗng ông giật mình: Khói. Phía rừng
bên kia có khói. Làn khói mỏng manh thẳng đứng lẫn trong sương tỏa trên tán cây
rừng. Ông định thần nhìn lại. Ðúng là khói. Phấn chấn hẳn lên, linh hoạt hẳn
lên, ông bước sang phía rừng bên ấy, nhẹ nhàng như một con báo. Tay lăm lăm
khẩu AK, ông bước khom khom, căng thẳng. Chốt hãm cơ bẩm được nhẹ nhàng kéo
xuống. Nếu đấy là thằng Dương, nếu nó chạy, ông cũng không bắn đuổi theo đâu.
Ông chỉ bắn chỉ thiên thôi. Vừa là để cảnh cáo bắt nó đứng lại, vừa để báo động
cho đồng đội đến mà bắt mà trói nó, giải nó về trại. Nó phải hiểu rằng nó không
thể trốn đâu thoát. Dù có ra khỏi trại. Dù có vượt qua được những cánh
rừng bạt ngàn này. Nó đã làm xáo động cả trại. Nó làm bọn ông xiết bao khổ sở.
Hôm nay trời khô, còn đỡ. Mấy hôm trước trời đổ mưa dầm. Mỗi cái lá là bao
nhiêu nước. Bọn ông lội suối, chui rừng. Người, chó ướt đẫm. Rét cóng. Ðói nữa.
Vắt bám cả trên gáy, cả dưới nách. Nó hành hạ bọn ông. Cái thằng khốn nạn ấy.
Ðồng chí trung úy chỉ huy, từ dốc suối chui ra, vuốt những con vắt bám vào bắp
chân, rít lên:
- Thằng chó đẻ. Rồi mày
phải trả chúng ông món nợ này.
Tất nhiên nó phải vào xà
lim. Cùm. Húp cháo loãng. Về tội trốn tránh cải tạo. Nhưng trước khi dong nó về
trại phải cho nó biết thế nào là trốn trại... Ðấy là bực lên thì nghĩ thế, nói
thế thôi. Có khi bắt được nó, nhìn vẻ mặt thiểu não, tuyệt vọng, dáng vẻ tiều
tuỵ của nó lại thương, lại kín đáo dúi cho nó mẩu lương khô chưa biết chừng.
Ông Thản tháo giầy lội
qua suối. Nước cắn vào chân. Người ông run lên. Chẳng đợi khô chân, ông xỏ vội
vào đôi giầy vải. Và nhẹ nhàng rẽ bụi cỏ lau. Bước lên bìa rừng bên kia.
Thật sự ông không tin đó
là thằng Dương. Chẳng thằng tù trốn trại nào lại đi nổi lửa vào lúc trời còn
sáng như thế này. Nhưng dù sao làn khói cũng là mục tiêu để ông đi đến. Ðể ông
tìm hiểu. Ðể ông trò chuyện. Ðể ông chấm dứt cảnh cô đơn. Và biết đâu từ đám
khói lại mò ra tung tích thằng Dương.
Trước mặt ông là một
đống lửa nhỏ. Nhưng rừng rực than hồng. Hẳn là một loại củi chắc. Một người
quần áo xanh xám, thứ mầu vải quá quen thuộc với ông. Mầu quần áo của bọn phạm.
Thoáng nhìn ông đã biết ngay không phải thằng Dương. Ðó là thằng Thắng chăn bò.
Nó ngồi trên gốc cây bị cưa cụt, gục đầu vào hai cánh tay, bất động. Lâu lâu nó
lại giơ hai tay ra huơ huơ trên đống than hồng hoặc vun những mẩu củi ngắn vào
đống lửa. Không thấy nó đun nước. Cũng không thấy nó nấu nướng cái gì đó. Nó
chỉ ngồi sưởi. Mà cũng không phải là sưởi. Nó ngồi gục đầu im lặng trước đống
lửa. Thế thôi.
Gần một năm trời lên
đây, ông vẫn không hiểu được vì sao bọn phạm rất thích lửa. Ði làm, việc đầu
tiên là nổi lửa cái đã. Chúng tản ra mỗi người một phía và trở về với những củi
gộc, củi cành. Chỉ một thoáng đống lửa đã bốc lên rừng rực. Rét như thế này, họ
đốt lửa đã đành. Về mùa nực cũng một đống lửa to không kém.
Nhìn đống lửa đã
vạc, tự nhiên ông thấy rét run người. Ông thèm được sưởi, được trò chuyện. Ông
Thản khoá nòng súng, bước thẳng về phía đống lửa.
Anh tù chăn bò giật mình
khi thấy ông công an vũ trang khoác súng đi tới. Anh đứng lên, hai tay duỗi
thẳng, ép vào đùi:
- Chào cán bộ.
Ông Thản ra hiệu cho anh
chăn bò tự nhiên. Anh tù lễ phép ngồi xuống một cành củi gần đó, nhường gốc cây
cụt cho ông vũ trang.
- Cho bò về chuồng rồi
à?
- Báo cáo ông, vâng.
- Chưa về trại à?
- Thưa cán bộ, tôi sưởi
một tý. Hôm nay rét quá.
- Anh tù bao lâu rồi?
- Thưa cán bộ, tám năm
rồi.
- Án bao nhiêu?
- Hai mươi năm.
- Anh năm nay bao nhiêu
tuổi?
- Thưa cán bộ, năm mươi
hai ạ.
Ðược nói chuyện một tý
ông Thản thấy vui vui, lại được hơi lửa hắt vào mặt, vào người dễ chịu quá. Ông
định tiếp tục câu chuyện, muốn hỏi Thắng mắc tội gì, nói với Thắng rằng bọn ông
cũng rất nhớ nhà và nếu ai cũng tự giác cải tạo như Thắng thì bọn ông đỡ vất
vả, nhưng một hồi kẻng từ xa vọng lại. Tiếng kẻng đập vào vách núi này, hắt
sang vách núi khác như tất cả rừng núi cùng ngân vang. Kẻng cấm một. Nghĩa là
kẻng điểm danh. Anh chăn bò là tù tự giác không phải đứng trong hàng cho cán bộ
đếm, nhưng cũng phải về trại. Anh tù đứng lên:
- Xin phép cán bộ, tôi
về.
Ông Thản nhìn theo anh
tù một tay khoác bị cói, một tay xách cặp lồng đi khuất vào trong rừng.
Còn lại một mình ông.
Rừng càng hoang vắng, im lặng. Ðã nom thấy sương dầy trên thảm lá mục, dưới
những gốc cây. Sương hay hơi đất, hơi rừng bốc lên. Không một tiếng động. Chưa
đến giờ thú đi ăn. Vậy cũng là chưa đến giờ thằng Dương mò ra khỏi ổ.
Ông Thản với tay nhặt
những cành cây khô người tù chăn bò để lại cạnh đấy cho vào đống lửa. Ngọn lửa
bùng lên. Khói bốc dầy hơn, quyện cùng sương. Ông nhìn lửa, nhìn sương, nhìn
khói, nhìn rừng. Rồi ông gục đầu xuống hai cánh tay khoanh trên gối, nghe chiều
sâu im lặng của rừng. Ông nghe lửa ấm quen thuộc trên da mặt. Lửa làm ông ấm áp
cả trong lòng, giúp ông thấy mình không bị tách rời khỏi cuộc sống, tách rời
khỏi gia đình, bố mẹ anh em đang ở một nơi nào xa lắm. Bởi vì lúc này ông nhìn
thấy một cánh đồng mùa đông đã gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ. Mặc cho những con
trâu gặm cỏ, ông và các bạn chăn trâu nhổ gốc rạ, đổ thành đống, đốt lửa. Khói
bốc lên. Tất cả ngồi chung quanh. Khói tạt về phía nào, đứa ngồi ở phía đó lấy
tay xua, miệng nói:
Khói về đằng kia ăn cơm với cá
Khói về đằng này lấy đá đập đầu.
Gục đầu trên cánh tay,
ông nhìn rõ cảnh ấy.
Gục đầu trên cánh tay,
ông im lặng chờ tiếng chân thú đi kiếm mồi.
Ðến lúc ấy, ông sẽ khoác
súng đứng lên, đi sâu hơn nữa vào trong rừng.
Tết Giáp Tuất
(1)
Nhà vệ sinh ngay trong
phòng giam
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)