Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012
Dương Danh Dy - BỘ MẶT THẬT CỦA NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC Không thể thấy rõ, thấy hết… Trung Quốc ngay từ đầu
Dương Danh Dy
![]() |
Dương Danh Dy |
Trong câu chuyện riêng tư, một anh (tôi xin phép không nêu tên) đã hỏi tôi: Bác nhận ra bộ mặt thật của những nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lúc nào? Tôi đã không ngần ngại nói với anh mấy điều dưới đây:
Nhận thức rõ một vấn đề, một đất nước… là một quá trình, nhưng đối với mỗi người tùy theo trình độ, hoàn cảnh... mà có thể dài ngắn khác nhau. Đối với tôi, nhận thức Trung Quốc là một quá trình khá dài, từ tin tưởng đến chỗ từng bước từng bước thấy được một phần rồi phần lớn sự thực, và đến bây giờ vẫn chưa chưa dám nói là đã hiểu hết.
Đầu năm năm 1954 sau thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi được trang bị quân phục mới do nước bạn Trung Quốc cung cấp. Chúng tôi đều thích những chiếc ba lô gọn nhẹ, những đôi giày vải còn thơm mùi cao xu, nhưng gây ấn tượng với tôi là chiếc bi đông nhôm đựng nước. Trên đường hành quân trước đây, ngoài vũ khí balô quần áo và chiếc ruột tượng đựng gạo ra, hai vật bất ly thân thời đó của chúng tôi là chiếc xẻng (để đào công sự bảo vệ mình và vũ khí) và một đoạn ống vầu vừa cồng kềnh vừa nặng dùng để đựng nước uống khi hành quân và chiến đấu (khi nào hỏng thì tạt vào rừng chặt một ống mới thay thế), nên khi nhận chiếc bi đông mới, việc đầu tiên của tôi là cắt chiếc áo len dệt mà mẹ đã gửi từ vùng địch hậu ra cho, chia làm mấy phần cho mấy anh em cùng tiểu đội để bọc chiếc bi đông đó (một sự lãng phí ghê gớm và đánh mất một kỷ niệm quí báu của người thân, nhưng tuổi trẻ là thế đó). Sau khi có trang bị mới, chúng tôi được Bác Hồ và Bác Mao (lúc đó hầu như mọi người ở vùng giải phóng đều gọi như vậy) khao quân. Bữa tiệc khao quân, ngoài các món ăn Việt Nam có thêm món thịt lợn hộp Trung Quốc và thuốc lá Trung Quốc là quà của Bác Mao. Sau những ngày rít thuốc lào, ấn tượng về hai điếu thuốc lá thơm này mạnh đến mức tôi đã nhớ nhãn hiệu của nó (dù lúc đó chưa biết chữ Hán) để sau này khi sang Trung Quốc mới biết đó là thuốc lá Hằng Đại do Thượng Hải sản xuất.
Cảm giác thân thiện với nước Trung Hoa mới đến với tôi như vậy đấy. Rồi thắng lợi tại hội nghị Geneve, ta có một nửa nước. Tôi theo sư đoàn về tiếp quản thị xã Bắc Ninh. Câu thơ “Xưa là rừng núi là đêm, Giờ thêm sông biển lại thêm ban ngày” của Tố Hữu đã nói đúng tâm trạng, ít nhất là của những người lính chúng tôi trên đường ra trận chỉ đánh bạn với đêm đen, nay thoải mái, đàng hoàng đi giữa ban ngày mà không sợ máy bay địch oanh tạc. “Nước bạn Trung Quốc đã giúp ta rất lớn trong thắng lợi này …”, cấp trên phổ biến cho chúng tôi. Sao lại không tin chứ? Thế nhưng nếu lúc đó biết được rằng, như sau này tôi ngộ ra: bắt đầu tại hội nghị ấy, ban lãnh đạo Trung Quốc đã thấy Việt Nam là một “món hàng có giá” có thể dùng để trao đổi, mua bán với mấy nước lớn khác nhằm phục vụ lợi ích chủ yếu của họ thì sự thể sau này sẽ khác đi rất nhiểu. Nhưng tiếc rằng ngoài Hồ Chí Minh ra, hình như ít người thấy được sự lợi dụng tinh tế đó.
Năm 1957, thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai lần đầu tiên sang thăm Việt Nam. Có một hành động - không biết là thực lòng hay thủ đoạn tinh vi, vị thủ tướng nổi tiếng khôn ngoan mềm mỏng này đã tới dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng. Hành động này được đông đảo dân miền Bắc Việt Nam, kể cả người ở vùng giải phóng cũ và vùng ta mới tiếp quản như các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và vùng đồng bằng Bắc Bộ cho là Trung Hoa cộng sản đối với ta có khác Tầu Tưởng và phong kiến Trung Quốc!
Năm 1958, tôi chuyển ngành sau khi thi đỗ vào Khoa Hóa khóa 3 Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Trung Quốc đang thực hiện phong trào “Nhảy vọt lớn”, chúng tôi háo hức theo rõi tình hình, rục rịch làm theo. May mắn là dưới sự lãnh đạo của thầy Tạ Quang Bửu và sau đó là thầy Hoàng Xuân Tùy, ĐH BK Hà Nội không luyện thép bằng lò cao thủ công v.v. nhưng tôi còn nhớ, Đại học Nông Nghiệp ở mạn Văn Điển lúc đó mấy đêm liền đèn điện sáng một góc trời để đón khách tham quan xem thành quả cấy dầy “em bé có thể đứng trên ngọn lúa’ mà không tụt ngã. Ôi cái thời ấu trĩ!
Sau khi tốt nghiệp Kỹ sư máy móc Hóa Chất khóa đầu tiên của ĐHBK Hà Nội năm 1962, tôi được phân công về làm việc tại một đơn vị thuộc Bộ Ngoại thương và tháng 8 năm 1966 được cử sang công tác tại Đại Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Không biết có phải là cái duyên, cái nghiệp hay không mà ngày tôi tới Bắc Kinh cũng là ngày các tiểu tướng Hồng Vệ Binh công khai xuất hiện trên đường phố, dùng dao rạch quần ống loe, chặt nát giầy mõm nhái, bắt thay đèn đỏ, tín hiệu dừng xe vì cho rằng màu đỏ là màu cách mạng chỉ tiến không dừng v.v. Tôi gắng sức tự học để nâng nhanh trình độ Trung Văn, bắt đầu đọc được báo chữ lớn và nghe hiểu tin trên vô tuyến truyền hình. Tôi lần lượt được thấy cảnh ông Bành Chân bị các “tiểu tướng” bóp lè lưỡi, cảnh tướng Lã Chính Thao, Bộ trưởng Bộ Đường sắt, đầu đội mũ bằng giấy cao hơn 1m, không khăn quàng cổ bị “võ đấu” trong một tối mùa đông giá lạnh…, rồi các bài báo chính thống phê phán nặng nề Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Trú, Hạ Long, Bành Đức Hoài... và một số văn nghệ sĩ, trí thức… nổi tiếng là những “tên phản bội , đầu hàng, quân phiệt, công đoàn vàng, cơ hội hữu khuynh, chống phá tư tưởng Mao Trạch Đông…” những người trong một thời gian dài đã là “bạn chiến đấu thân cận” của “người cấm lái, người thày… vĩ đại”.
Một câu hỏi không thể không đặt ra: đồng chí ra sống vào chết với nhau mà họ còn đối xử tàn tệ như vậy, thì ta là cái thá gì? Lần đầu tiên tôi ngầm tự đặt cho mình câu hỏi đó và bước đầu tìm được câu trả lời.
Song song với những sự việc trên là một số thái độ “nước lớn. trịch thượng”, với đủ thủ đoạn mánh khóe lúc trắng trợn lúc xảo quyệt đã được tung ra khi chúng ta làm khác họ, không theo họ.
Không kể những bất đồng xảy ra giữa hai bên trước đó mà tôi được các bậc cha chú tin cậy nói cho biết, nhưng vì chưa thấy tận mắt nên chưa ăn sâu vào dạ. Phải đến năm 1967 khi chúng ta chuẩn bị tiến hành đàm phán với Mỹ tại Paris về vấn đề Việt Nam tôi mới có dịp trông thấy nhãn tiền. Lúc này đàm phán cấp đại sứ Trung Mỹ đang bị gián đoạn. Lo ngại Việt Nam trực tiếp tiếp xúc với Mỹ sẽ khiến giá trị của Trung Quốc đối với Mỹ kém đi, trong nội bộ họ vừa phê phán chúng ta là không dám kiên trì chiến đấu, vừa tìm cách trì hoãn đón đoàn cấp cao của ta sang xin viện trợ. Khi đoàn chuyên viên của ta trình bầy khó khăn và đề xuất con số cụ thể về viện trợ lương thực, một Vụ phó Trung Quốc đã nói: thời kỳ Trường chinh, Hồng quân của chúng tôi phải ăn cả cỏ để chống đói và luộc thắt lưng da để ăn cho có chất béo! Những người Việt Nam có mặt hôm đó không thể nào quên câu nói “đắng họng” này. (Với kỷ luật rất nghiêm của chúng tôi thời đó, câu chuyện này rất ít người biết). Ấy thế mà sau khi chắp nối được với Mỹ họ lại “khảng khái, vô tư” viện trợ cho Việt Nam và còn bảo: nên lấy một ít miến, táo, mì chính… về cho đồng bào thủ đô Hà Nội ăn tết! Rồi còn nhiều cái hớ (hớ chứ không phải là hứa như phóng viên Mạc Lâm đài RFA đã ghi nhầm khi phỏng vấn tôi) mà chỉ sau một thời gian mới thấy.
Ôi, trong cái cảnh còn phải nhờ vả người ta, cứ ấm ức rồi lại cám ơn, cảnh giác rồi lại tin cậy… như một mớ bùng nhùng, gỡ mãi mới tìm ra đầu mối. Chỉ nhờ vào thực tiễn, và những bài học cay đắng, cộng với nỗ lực tìm hiểu phân tích…, chúng tôi mới dần dần hiểu ra. Sự tỉnh ngộ dù chỉ là ban đầu đã mất nhiều thời gian công sức và trả giá như vậy đó, bạn ơi! (Tôi không muốn nói đến bao nhiêu cuộc họp hành nội bộ, đấu tranh gay gắt với nhau nhằm tìm ra chân lý).
Còn ai bảo tôi ngu, tôi xin nhận và cám ơn. Xin nói không phải là để bào chữa cho sự kém cỏi của mình, ngay đến Khorutsov, nhân vật nổi tiếng một thời của Liên Xô cũ đã phải cay đắng thốt lên: “Chỉ có những thằng ngu mới tin được Trung Quốc” sau khi bị họ lừa một cách vô cùng khôn khéo! (Và không ít người Mỹ cũng đã ăn phải quả đắng của Trung Quốc đấy!).
Cho nên nói rằng, ngay từ đầu đã hiểu ngay, hiểu sâu, hiểu hết Trung Quốc không bị hớ với họ chỉ là thể hiện sự không hiểu gì về Trung Quốc thôi.
Thế nhưng, đến bây giờ (tức thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21) sau bao nhiêu hành động gian manh, xảo quyệt, trắng trợn... của ban lãnh đạo bành trưóng, bá quyền Bắc Kinh đối với các nước và nhất là đối với chúng ta thì chỉ có “những thằng ngu” như Khơrutxop đã gọi, mới còn có ảo tưỏng về “người láng giềng bốn tốt”, về “tình hữu nghị, đồng chí”… với chúng.
Anh bạn mới quen, nhưng có lẽ vì cũng là dân cùng nghiệp nên đã lặng lẽ tỏ vẻ tán đồng.
Tháng tám năm 2010
Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện
Phạm Hồng Sơn - Giải thưởng Phan Chu Trinh dành cho ông Nguyễn Sự: vui, buồn và lo
Phạm Hồng Sơn
Ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy Hội An, vừa được trao giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” của Quĩ Văn hóa Phan Châu Trinh do những nỗ lực làm cho thành phố du lịch Hội An trở thành một mô hình thành công trong việc vừa phát triển, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nếu ai đó đã đến Hội An một lần và một số điểm du lịch khác của Việt Nam thì, có lẽ không cần phải đọc những bài viết tôn vinh gần đây về ông Nguyễn Sự, cũng có thể phải khâm phục tầm nhìn và tấm lòng của người lãnh đạo cao nhất của đô thị cổ đó – ông Nguyễn Sự. Có thể nói ông Bí thư Nguyễn Sự của thành phố Hội An là một nhà chính trị tốt bụng, một ông quan tử tế, một ông “vua” hiền hết sức hiếm trong cái “thời đểu cáng đã lên ngôi”, cái tên do chính một người đi trước, một cựu đồng chí của ông đã đặt. Vì thế việc ông quan, nhà chính trị Nguyễn Sự được trao giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” không thể không là một tin mừng, một niềm vui không nhỏ đối với những người còn trăn trở với đất nước. Nhưng nếu xem lại quan điểm của Phan Chu Trinh, chúng ta sẽ thấy mẫu hình ông quan tử tế hay ông vua hiền lại không phải là điều mà Phan Chu Trinh tâm đắc, muốn đề cao hay tôn vinh.
Trong một bài diễn thuyết ở nhà Hội Việt Nam tại Sài Gòn vào cuối tháng 11 năm 1925, với chủ đề “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa”[i], Phan Chu Trinh đã nói về lịch sử và nguyên nhân tại sao mà nhiều nước Á Đông (trừ Nhật Bản) vẫn chìm trong lầm than của đau khổ, chậm tiến và xiềng xích bạo quyền trong khi nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản đã có những bước tiến lớn không chỉ về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, mà cả về những giá trị tinh thần mà ngày nay chúng ta gọi là nhân quyền (quyền con người).
Theo Phan Chu Trinh, nguyên nhân phía sau thực trạng tăm tối của các nước ở nhóm đầu là do xã hội vẫn mê mẩn đường lối “Quân trị chủ nghĩa, tức là nhân trị (người trị người)” hay còn gọi là tư tưởng đức trị trong việc quản lý, điều hành xã hội, đất nước. Phan Chu Trinh day dứt: “Đây hãy nói tóm lại quân-trị tức là nhân-trị. Quân-trị chủ-nghĩa, tuy có pháp-luật mặc lòng, nhưng mà pháp-luật cứ tự tay ông vua lập ra, chứ còn dân thì không biết gì hết. Vậy cho nên khi nào gặp một ông vua thông-minh anh-hùng, hiểu được cái sự quan-hệ giữa dân với nước thế nào, mà trừng-trị lũ quan tham, lại nhũng, để cho dân được yên-lặng làm ăn, thì dân giàu nước mạnh, mà cái thì giờ của vua sống được bao nhiêu thì nước còn được thái-bình bấy nhiêu.
Còn đến mấy ông vua hôn-ám thì ông sống với đàn bà con gái, với bọn hoạn quan, còn biết gì đến nước, trao chính-quyền vào trong tay mấy đứa nịnh-thần, người đã hư thì nước cũng đổ thôi…”
Sau nhiều trích dẫn lịch sử để minh họa cho những thảm họa do tệ sùng bái đức trị ở cả Tây và nhất là Đông gây ra, Phan Chu Trinh lại xót xa: “Nhân-trị nghĩa là cai trị một cách rộng-rãi hay là nghiêm-khắc chỉ tùy theo lòng vui, buồn, thương, ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không.”
Theo Phan Chu Trinh muốn giải quyết triệt để vấn nạn trên đây thì trước hết giới trí thức của một nước phải chuyển đổi được tư tưởng từ đức trị, nhân trị sang tư tưởng “dân-trị chủ-nghĩa tức là pháp-trị chủ-nghĩa”. Phan Chu Trinh đã không ngại mượn ngay mô hình chính trị, theo tinh thần pháp trị, của nước Pháp lúc đó để giúp cử tọa hiểu được một cách cơ bản về cấu trúc của một chính thể dân chủ, như cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mặc dù chỉ ngụ ý nói các nét đại cương, nhưng, ngoài việc nói về sự cần thiết phải có tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và các chính đảng, Phan Chu Trinh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tính độc lập giữa các nhánh quyền lực trong một chính quyền dân chủ: “Quyền tư-pháp cũng như quyền hành-chính của Chính-phủ, và quyền lập-pháp của nghị-viện, đều đứng riêng ra, không hiệp lại trong tay một người nào.” Để làm bật ra ích lợi tổng quát của “dân-trị chủ-nghĩa tức là pháp-trị chủ-nghĩa” đối với toàn xã hội, Phan Chu Trinh đã thẳng thắn khái quát: “Vì rằng quyền lợi và bổn-phận của mọi người trong nước đều có pháp-luật chỉ-định rõ-ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi tự-do, muốn bước tới bao nhiêu cũng không ai ngăn-trở, chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền-lợi của người khác thì không được. Vì đối với pháp-luật thì mọi người đều bình-đẳng, không có ai là quan, ai là dân cả.”
Cuối cùng, Phan Chu Trinh kết luận: “So-sánh hai cái chủ-nghĩa quân trị và dân-trị, thì ta thấy chủ-nghĩa dân-trị hay hơn cái chủ-nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều-đình mà trị một nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê, được no ấm vui-vẻ hay là phải đói rét khổ-sở chỉ tùy theo lòng của người chăn. Còn như theo cái chủ-nghĩa dân-trị, thì tự quốc-dân lập ra hiến-pháp, luật-lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc-dân muốn thế nào thì làm thế ấy. Dù không có người ta giỏi làm cho hay lắm, cũng không đến nỗi phải đè đầu khốn-nạn làm tôi-mọi một nhà, một họ nào.
Xét lịch-sử xưa, dân nào khôn-ngoan biết lo tự-cường tự-lập, mua lấy sự ích-lợi chung của mình, thì càng ngày càng bước tới con đường vui-vẻ. Còn dân nào ngu-dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao-phó tất cả những quyền-lợi của mình vào trong tay một người, hay là một chính-phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành-động, không bàn-luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn-khổ mọi đường.”
Rõ ràng, quan điểm của Phan Chu Trinh đã dứt khoát rằng muốn đất nước được bảo toàn, phát triển, nhân dân được hạnh phúc một cách bền vững thì phải tập trung khai mở bằng được ý thức tự lập cho người dân và hình thành được các thiết chế dân chủ cơ bản. Còn nếu vẫn trông ngóng, say mê, cổ xúy cho đức trị, đạo đức của quan, của vua thì dân sẽ còn “khốn-khổ mọi đường” và “nước cũng đổ thôi”.
Như vậy, xét về mặt đạo đức, và có thể cả về một ý nghĩa chính trị (nhỏ) nào đó trong thời điểm hiện nay, ông quan Nguyễn Sự hoàn toàn xứng đáng và cần được vinh danh. Nhưng việc vinh danh hay việc trao giải thưởng cho ông Nguyễn Sự lại có thể đang (vô tình) trở thành, hoặc bị trở thành, hoặc hiểu nhầm thành một sự tôn vinh, gia cố thêm cho tư tưởng đức trị. Đó là một nỗi buồn lớn. Buồn lớn là vì giải thưởng trao cho ông Nguyễn Sự lại mang tên Phan Chu Trinh – nhà tư tưởng, cách đây cả trăm năm, đã dùng gần trọn cả cuộc đời để vận động dân chủ, hết sức thiết tha làm sao để giới trí thức dứt đi được tư tưởng đức trị và thay vào đó bằng tư tưởng pháp trị (dân chủ). Do đó việc trao giải thưởng Phan Chu Trinh cho ông Nguyễn Sự vừa là chuyện vui, vừa là chuyện buồn. Và còn có cả nỗi lo nữa. Lo là vì những tiếng nấc trong vụ án bà Ba Sương, hình như, vẫn chưa lặng hẳn.
Bài đăng ngày 26.03.2012
© 2012 pro&contra
[i] Thế Nguyên, Phan Chu Trinh, Nxb Tân Việt, 1956. Độc giả có thể tham khảo bài diễn thuyết này tại đây (lưu ý: có một số từ và câu không hoàn toàn giống với sách đã dẫn)
Nhát Sỹ Tô Hải - Nhật ký mở sau một tuần suy nghĩ về những chuyện hơn cả khủng khiếp
Blog Nhát Sỹ Tô Hải
Đó là
1-Những quả “bom nước” hàng ngàn triệu mét khối với sức cuốn trôi không thua gì sóng thần ở Fukushima..
2-Đó là những quả “bom bùn đỏ” mà mấy cái ông tờ-sờ, giờ-sờ đảng-viên-hưởng-đặc-ân-của-người-chủ-trương-cài-đặt-bom đã… liều mạng “đảm bảo không thể xảy ra thảm họa bùn đỏ Hungary” với lời hứa tỉnh bơ “Nếu có chuyện gì tôi xin đi…tù!” (nay chắc tất cả đã hết nhiệm kỳ và mang theo lời hứa... về hưu ”hạ cánh an toàn”, y như những kẻ tội tầy trời nhưng phen này thoát khỏi bị chỉnh đốn!
3-Đó là 16 quả bom hạt nhân được bảo đảm sẽ "rước" về từ những nơi đang “thà thắp nến nhưng không dùng thêm điện hạt nhân”, những nước văn minh, tiên tiến đang phải biểu tình đi, đứng, ngồi, nằm để ngăn chặn cái thứ năng lượng giết người hàng loạt đến 2, 3 đời con cháu này. Họ từ chối năng lượng hạt nhân vì an toàn, vì không phải là đã hết giải pháp thay thế nó!
Ba thứ bom này chưa gây tai họa tiêu diệt từng mảng dân tộc Việt Nam ngay trước mắt nên ồn ào một dạo, kiến nghị, kiến nghiếc, phản biện, phản biếc, lấy chữ ký chữ kiếc… từ các nhân vật có uy tín, các giáo sư-tiến sỹ có chuyên môn nổi tiếng ở nước ngoài lẫn nước trong,…
Nhưng… tất cả đều chỉ như… nước đổ lá khoai! Thậm chí có ông tướng CA còn nói thẳng “Cái bọn ở Nguyễn Du (ý nói trụ sở của cơ quan IDS đã bị bức tử) ấy phản động thì có chứ phản biện phản biếc cái gì!”
Mọi ý kiến khác với ý Đảng lần lượt bị đẩy sang ý kiến của “lực lượng thù địch”! Dân chủ bị khóa chặt mồm! Nhà tù ngày càng được tăng cường thêm những… “cục phân”!
Dư luận bắt đầu chán!
Riêng mình, mọi kiến nghị này nọ mình đều kiên quyết không tham gia vì mình kiên trì với ý nghĩ: Chẳng dại gì mà “kính gửi” những kẻ coi hàng ngàn chữ ký của nhân dân chẳng đáng giá lấy một đồng xèng! Chẳng dại gì mà đấm vào không khí, chẳng rỗi hơi đánh đàn vào tai những kẻ còn xa mới lên tới hàng tai trâu!
Và… phải nói thiệt tình: Mình đã bị cái chiến thuật ù lì muôn thuở của những người nắm quyền lực mà có lúc nản lòng , thậm chí có tí … “cá nhân chủ nghĩa” khi nghĩ rằng: Đập có xập, Bùn đỏ có tràn, Hạt Nhân có Chết-nổ-bùm (Tchernobyl) thì… mình cũng chẳng còn ở trên đời này! “Chúng nó ngu thì kệ bu chúng nó chết!”. Để con cháu chúng ta sẽ xử lý những kẻ đã nhập cảng những trái bom nước, bom bùn, bom hạt nhân ở cái nước mà làm “cái ốc vít cho máy tính cũng chưa làm nổi”! (trích ý kiến thẳng thừng của một chuyên gia Nhật trên VTV1 đêm 23/3/2012).
Vả lại có chuyện gì xảy ra cũng ít nhất phải 10, 15 năm nữa. Lúc ấy mình cũng chẳng còn ở trên đời này mà lo bị… nhiễm xạ! Hơn nữa trước mắt còn bao chuyện phải tập trung năng lượng còn lại để góp sức với đời vạch trần cái xấu, cái ác, bảo vệ đất đai, biển đảo quê hương, viết về anh Vươn, về chỉnh và đốn Đảng của họ….
Nhưng không ngờ ..
HAI BÀI VIẾT (*) VÀ VỤ NỨT ĐẬP THỦY ĐIỆN SÔNG TRANH 2 ĐÃ LÀM MÌNH GIẬT MÌNH THỨC TỈNH…
Đó là bài viết về tương lai sẽ biến mất toàn bộ dân tộc Chăm Ninh Thuận ngay khi 16 lò hạt nhân sẽ được triển khai tại cái địa phương không may bị chọn để triển khai cái của nợ tốn kém và cái họa diệt chủng luôn treo trên đầu này…
Tác giả là Inrasara, một nhà thơ, không dùng từ ngữ, câu cú nào lên án nặng nề, không chỉ vào trách nhiệm của ai và cũng không đòi hỏi phải đình chỉ hay mang nhà máy điện hạt nhân đi nơi khác, anh chỉ nói về văn hóa Chăm, nói về tình yêu với mảnh đất đã nuôi người Chăm 2000 năm sẽ đi đâu? về đâu?, ngay khi bị di dân, đền bù...
Và … hình tượng đau xót như hiện ra trước mắt mình. Đó là 2 cụm tháp Po-Rom chỉ cách nơi đang triển khai nhà máy điện hạt nhân có…15km đứng lạnh lẽo chơ vơ vì chắc chắn không thể có ai dám ở (và được ở). Sự biến mất hai cụm Tháp này, dù nó còn được giữ lại nhưng không còn người Chăm thì còn gì là giá trị?
Và cuối cùng, cảm phục nhất là nhà thơ Chăm đã kiên quyết bỏ Saigon cùng gia đình trở về làng để được cùng đồng bào mình sống chung (và chết chung?) những ngày cuối đời chừng nào văn hóa Chăm còn tồn tại!!
Mình thấy Inrasara quả là “hậu sinh khả úy” (anh 58, mình 86). Anh viết ít nhưng khả năng đánh động lương tâm và tình cảm con người hơn mình rất nhiều!
Chẳng thế mà từ bên Mỹ, Nhà khoa học nguyên tử thứ thiệt gốc Việt, Phùng Liên Đoàn mà nhiều người đã được đọc qua những lời phản biện tâm huyết của ông bị coi như những mảnh giẻ rách, lâu nay đã chẳng muốn gẩy đàn cho trâu nghe nữa, cũng phải bật dậy.
Ông gọi Inrasara là một “đại lão trí tuệ” và mong được làm quen với anh…! Thế rồi, thông cảm với Inrasara, ông lại rút ruột, gan, tim, óc của mình để viết một bức thư cho Sứ Quán Việt Nam tại Mỹ, yêu cầu chuyển cho chính phủ VN, ông trình bầy lại những bất lợi, rủi ro, tốn kém, lỗ nặng, ra sao về cuộc phiêu lưu hạt nhân này, một lần nữa mong sao “Nhà nước Ta” đừng để bọn Mafia kinh tế nước ngoài qua mặt…
Mình đọc xong mà thấy rùng mình, nổi da gà…(*)
Cùng với hai bài viết được phổ biến trên khắp thế giới mạng kèm theo hàng ngàn lời comments đang làm mình nghĩ tới một kịch bản kinh khủng không dám tưởng tượng đến thì lại bùng lên một sự kiện mà lần này có muốn giấu cũng không được.!!!
Đó là:
Ngày 20 tháng 3 năm 2012
MỘT TRONG NHỮNG QUẢ BOM NƯỚC CÓ NGUY CƠ NỔ SỚM HƠN DỰ ĐỊNH!
Toàn cảnh thân bờ đập thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt. Chỗ thâm đen là chỗ nước rò tuôn ra mạnh.ảnh http://us.24h.com
Quả bom nước này chỉ chứa trong nó “có”… 730.000.000 mét khối nước (tương đương 730 triệu tấn), đang có nguy cơ hoạt động… trước thời hạn!
Xem trên Tivi thấy mấy chú công nhân đang tay chòong, tay đục, vội vã khoắng xi măng, dùng bao tải, vải bạt, giẻ rách... trám vào chỗ nước phun lên như ở các vòi phun nước ở Phủ Chủ Tịch, rồi nghe các ông trưởng ban, phó ban, giáo sư tiến sỹ chuyên ăn lương, hưởng lộc để… “dỗ trẻ con” rằng thì là:
- ”Đó là "khe nhiệt” …là…
- "Những chỗ nước phun đó là hoàn toàn cho phép"! là..
- ”Đập sông Tranh không có vấn đề gì!” ...
của mấy ông “chuyên môn giả cầy nhưng học vị thì… đúng là cầy thứ thiệt”!
Sau lại nghe các vị, cũng tiến sỹ, cũng giáo sư khác thì lại:
- “Chưa thấy có một cái đập nào trên thế giới như thế này!” hoặc..
- “Không thể đây là một khe nhiệt có thiết kế từ trước”…hoặc kiên quyết hơn:
- “Sai từ thiết kế, thi công đến nghiệm thu, vận hành”!...
Nước rò từ thân đập thủy điện tuôn ra như con thác lớn - ảnh http://us.24h.com
Rồi thì… các đoàn kiểm tra chuyên ngành, các đoàn kiểm tra liên ngành, các Hội nghề nghiệp… lục tục kéo đến tận chân con đập đang không tài nào bịt nổi những lỗ phụt nước “tuôn như suối”…
Rồi tranh luận rồi hội thảo, rồi họp báo ….rồi….bỗng dưng chiều 22/3 họp… kín cấm tiệt báo chí!...
Cái gì xảy ra đây! Liệu đồng bào từ huyện Trà My tới tận Hội An có phải lo cuốn gói lên núi sơ tán?
Cột nước tuôn chảy ào ạt trong đường hầm của đập chắn thủy điện Sông Tranh 2 do "có lệnh", công nhân đã đục bêtông dưới lối đi trong đường hầm này cho nước chảy qua! Có phải đây là một cách che dấu tầm mắt người ngoài lượng nước rò chảy ra ngoài quá lớn? ảnh http://us.24h.com - Xin xem thêm chi tiết liên quan mới nhất hôm nay, 24/3/2012 ở đây
2 khe nứt chính của thân đập tuôn trào thành 2 dòng lớn. Ảnh: http://bee.net.vn
Cận cảnh chỗ nứt. Ảnh: http://bee.net.vn
Bình hóa chất dùng để bơm vào khe nứt vứt vương vãi tại chỗ. Ảnh: http://bee.net.vn
……………………
Sáng 23/3/2012/
Từ tối qua đến sáng nay, chuyện kết luận sau cuộc họp kín về đâp sông Tranh 2 đã được trông chờ như một... bản tuyên án của Tòa án tối cao: tha bổng hay xử tử hình một công trình tốn kém tới hơn 5.000 tỷ đồng?!
Thì … đúng 19g25 tối, trên VTV1 xuất hiện lại một ông tiến sỹ nữa (ông thứ 11 theo ghi chép của mình nhưng chỉ khác ở chỗ: ông này vừa là tiến sỹ vừa là cục trưởng Cục Giám Định Nhà Nước) mang theo một tấm bìa các-tông vẽ cái đập với 3 lỗ khe nhiệt có “sai sót không mong muốn” cần khắc phục trước mùa lũ nhưng đập vẫn có khả năng chịu đựng … và đồng bào có thể an tâm..."! Kèm theo là lời phát biểu “bức xúc” của chính ông Nguyễn Ngọc Quang phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu “gửi sớm văn bản”(?) để chính quyền Nhân Dân có thể an dân!?..
Nghe nội dung và giọng điệu trực tiếp qua telephone thì thấy: “Vâng! Thôi thì các anh cứ kết luận “không sao đâu, nhưng xin cho văn bản” chứ tin rằng “không có vấn đề gì đâu” thì em chả dại! Xin cứ cho tờ chiếu chỉ có dấu ấn triều đình để dân đừng có cật vấn, hỏi tội chúng em! Chứ cứ lời nói gió bay kiểu này mãi thì… chắc chắn chúng em sẽ lại phạm vào ít nhất 3, 4 điều trong “19 điều cấm đảng viên không được làm” mất!
Ông tiến sỹ cục trưởng thì hứa “3 ngày nữa sẽ có”?! Chắc vì vướng 2 ngày thứ bảy và chủ nhật 24 và 25 nên các giòng “suối” bắt nguồn từ… thân đập cứ thoải mái yên tâm tiếp tục phụt, phụt nữa, phụt mãi… tưới mát phía hạ lưu!
Và lạy giời 3 ngày nữa có một tờ chiếu chỉ - bùa dán khắp nơi để mấy chục vạn dân dưới hạ lưu được tin tưởng tin tưởng và... tin tưởng!
………………..
Ngày 24 tháng 3/2012
Sáng nay lướt qua những tờ báo nhớn thì trái lại… vẫn là một giọng điệu bi quan và… nghi ngờ là chính! Không thấy có đăng tuyên bố của ông tiến sỹ cục trưởng mà trái lại còn vạch thêm những sự giấu diếm mới đối với báo chí tuy có đăng một tuyên bố nữa rất chi là … “trung dung” của ông tiến sỹ có cái tên Bùi Trung Dung! Rằng thì là… “Để xảy ra tình trạng rò rỉ nước tại đập thủy điện sông Tranh 2 là có vấn đề sai sót trong thiết kế không cho phép, nhưng hiện nay việc khai thác, xử dụng… vẫn an toàn(!?), y hệt như trên website của Ỷ-Vì-En!!!
Nguy hiểm nhất là nước tích tụ chảy thành dòng suối dưới thân đập khiến nguy cơ sạt lở chân đất nền càng cao, và càng nguy hơn vào mùa mưa sắp đến. Ảnh: http://bee.net.vn
Thật đáng sợ khi báo chí thì vẫn cứ viết: "Nước tuôn như suối trong lòng đập" (T.Trẻ 24/3) hoặc “Vẫn bất an với thủy điện sông Tranh 2” (Thanh Niên 23/3/2012) bác bỏ những “hiểu dụ an dân” của những đại quan công chức quyết tâm “bảo vệ cái đã có lệnh phải bảo vệ”! hoặc “cố gắng phát biểu lập lờ, lấp lửng nước đôi” theo truyền thống!
Đặc biệt cái tên đích thực của kẻ trực tiếp thi công công trình này thì đến nay, tìm mãi vẫn không ra! Liệu có phải là của một “thế lục thù địch” đích thực nào không đây? Tại sao Thủy điện sông Đà to gấp 10 lần sông Tranh lại không có hiện tượng “ngấm cho phép” này???
Và sau mấy đêm mất ngủ mình phải thú thực là mình đã “nghĩ dại” tới một kịch bản kinh khủng đang được tiến hành trên đất nước mình như sau:
1- Nắm chắc những “con tin chính trị” để sẵn sàng hợp tác toàn diện theo mọi diễn biến của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, chiến tranh hay hòa bình.
2- Xâm thực bằng kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và dân số…
3- Đề phòng có sự chống đối của các lực lượng quyết tâm giữ vững lãnh thổ như truyền thống chống ngoại xâm bốn ngàn năm bằng cách tiêu diệt ngay phong trào trong trứng nước…
4- Cài đặt sẵn khắp đất nước Việt Nam những “quả bom nổ chậm” khi cần thì... diệt chủng toàn bộ cái dân tộc bướng bỉnh này bằng mấy quả tên lửa đánh trúng cái thủy điện Sơn La, cái mỏ Tân Rai và 16 lò hạt Nhân tại Ninh Thuận!!?!?! 20, 30 triệu con người thay thế chẳng là cái tăm gì với dân số nước bạn 4 tốt với dân số gần 2 tỷ người đến nơi rồi!
Sẽ có người cho là mình quá lo xa, quá bi quan? Nhưng cứ nghĩ đến những gì Mao đã nói cách đây hơn 50 năm “Sẵn sàng hy sinh cả 500 triệu nhân dân Trung Hoa để tiêu dịệt sạch sành sanh con hổ giấy Đế Quốc Mỹ” (**) mà thấy: “không cái gì họ không dám làm kể cả hy sinh một nửa dân tộc họ. Vậy thì… hủy diệt cả một dân tộc Việt trong đó có dân tộc Chăm của Inrasara chẳng là một cái đinh gì đối với họ hết!…
Và, mình nhìn lại lịch sử, mà …lo cho tương lai của Mẹ Việt Nam đang mang đầy mình những trái bom nổ chậm siêu nặng suốt từ Nam chí Bắc, rồi lại nghĩ tới những nỗi lo của các nhà khoa học chân chính, những nỗi buồn của những nhà thơ như Inrasara, những phản biện đầy tâm huyết của các nhân sỹ trí thức trước nguy cơ bom nước, bom bùn đỏ, bom hạt nhân… có thể phát nổ bất cứ lúc nào…
Nghĩ mãi, nghĩ mãi đến không sao ngủ được suốt ba hôm trời....,
Và cuối cùng: một kịch bản kinh khủng nhất có thể xảy ra đã đến với mình như đã trình bầy!
Với mong mỏi tất cả những ai có lương tri khắp thế giới có thể tìm mọi cách ngăn chặn một cuộc diệt chủng mới, một cuộc “Tận Thế” dành riêng cho người Việt Nam ta trong một tương lai không xa do các “lực lượng thù địch nội và ngoại” đích thực đang bắt tay nhau tiến hành???
Có phải là suy luận quá đà?
Có phải là bi quan quá mức?
Có phải là nghi ngờ quá độ? Hay không đây các bạn?
------------------------
(*): HAI BÀI VIẾT:
1 - Inrasara đối thoại với độc giả xung quanh dự án Nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận (chủ đề Bất an Dự án Nhà máy Điện hạt nhân – Ninh Thuận)
2 - Thư TS Phùng Liên Đoàn gửi Đại sứ Việt Nam tại Mỹ năm 2010 nói về một phương án điện hạt nhân ở Việt Nam
(**): con số 500 hay 50 mình không còn nhớ rõ riêng về cái cụm từ “tiêu diệt sạch sành sanh” bọn Đế Quốc thì chắc chắn không thể nào sai!
Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012
Nguyễn Hưng Quốc - Sách tiếng Việt trong thư viện Úc
Nguyễn Hưng Quốc
![]() |
Hình: AP |
Thứ Bảy vừa rồi, ngày 26 tháng 3, tôi được Thư Viện Melbourne mời tham gia vào tháng chào mừng sự đa dạng của văn hoá Úc (Celebrate Our Cultural Diversity!) bằng một buổi nói chuyện về văn học Việt Nam tại chi nhánh North Melbourne. Buổi nói chuyện khá vui. Tuy nhiên, điều khiến tôi muốn đề cập không phải là nội dung hay không khí buổi nói chuyện ấy. Mà là sinh hoạt của thư viện tại Úc nói chung.
Thật ra, lâu nay, hầu như năm nào tôi cũng được thư viện Melbourne mời đến nói chuyện hoặc về ngôn ngữ hoặc về văn học hoặc về văn hoá Việt Nam. Những lần trước, chi phí cho các buổi nói chuyện như vậy được tài trợ bởi một loại quỹ đặc biệt, hình thành từ sự đóng góp của những người hảo tâm và tha thiết với sách vở, hầu hết là những người đã qua đời. Nhiều người Úc, khi mất, vì không có con cái, quyết định trao tặng toàn bộ tài sản cho thư viện địa phương, nơi họ, lúc còn sống, thường đến mượn sách hoặc gặp gỡ bạn bè. Có người cho tiền để thư viện muốn làm gì thì làm, tuỳ ý trong phạm vi của thư viện. Nhưng cũng có người đặt điều kiện rõ ràng: Số tiền ấy chỉ được dùng cho một số sinh hoạt nhất định, ví dụ, mời các nhà văn, nhà thơ hay nhà phê bình đến nói chuyện hoặc tổ chức các câu lạc bộ bạn đọc để mọi người có thể gặp gỡ và cùng nhau vun trồng văn hoá đọc. Họ lý luận: việc xây dựng cơ sở vật chất cũng như mua sách và trả lương cho nhân viên là nhiệm vụ của chính phủ. Họ chỉ đóng góp vào các hoạt động có tính chất văn hoá hay xã hội mà thôi. Bởi vậy, số tiền họ cho, sau khi qua đời, dù không phải thật nhiều, vẫn có thể được sử dụng trong một thời gian thật lâu, có khi cả mấy thập niên. Để tỏ lòng biết ơn, trong mỗi dịp sinh hoạt từ số tiền tài trợ ấy, thư viện đều ghi rõ tên ân nhân.
Lần này, không thấy những bản ghi ơn như thế, hơn nữa, căn cứ vào tiêu đề sinh hoạt của tháng - chào mừng sự đa dạng văn hoá của chúng ta - tôi đoán mọi chi tiêu đều nằm trong ngân sách của chính phủ vốn chủ trương đa văn hoá và khuyến khích sự bao dung cũng như các sự hiểu biết liên văn hoá của công dân. Theo tôi, đó là một nét đặc sắc rất đáng được biểu dương của nước Úc. Hiện nay, trên thế giới, hầu như không có quốc gia nào là không đa chủng tộc và đa văn hoá. Thời của xã hội chỉ bao gồm một chủng tộc và một nền văn hoá thuần khiết đã qua. Qua lâu lắm rồi. Đã chết. Chết cùng với các bộ lạc và bộ tộc cả mấy ngàn năm trước, hoặc muộn nhất, ở một số nơi, mấy trăm năm trước.[1] Nhưng không phải ở đâu người ta cũng thừa nhận sự thật ấy. Đây đó, vẫn có những người, thậm chí, những chính phủ muốn duy trì một hình thức xã hội trong đó chỉ có sự thống trị, gần như tuyệt đối, của một chủng tộc và một văn hoá. Điều đó, thật ra, chỉ gây nên kỳ thị và hậu quả của kỳ thị là sự bất bình đẳng và bất công trong xã hội. Nước Úc, ngược lại, tuy xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức và xem văn hoá Anglo-Saxon là văn hoá chính mạch, vẫn tôn trọng các ngôn ngữ và các nền văn hoá khác, hơn nữa, tìm cách giúp đỡ việc bảo tồn các ngôn ngữ và các nền văn hoá ấy cũng như khuyến khích mọi người mở rộng sự hiểu biết về những cái khác mình.
Có điều, chính phủ chỉ giúp đỡ những người muốn bảo tồn. Đây chính là một thách thức đối với nhiều cộng đồng, trong đó, có cộng đồng người Việt. Còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, từ Pháp sang Úc, tôi ngạc nhiên và sung sướng lạ lùng khi bước vào các thư viện địa phương, lúc nào cũng thấy các quầy sách báo tiếng Việt thật đồ sộ. Sách đủ loại. Thơ, có. Truyện, có. Biên khảo, có. Có cả sách dạy nấu ăn, sách phong thuỷ, sách làm đẹp, sách chưởng của Kim Dung và truyện dành cho thiếu nhi. Để phục vụ cho đội ngũ độc giả đông đảo và say mê ấy, sách báo, chưa đủ; thư viện còn mướn cả nhân viên người Việt. Ở các địa phương có đông người Việt, nhất định trong thư viện có một số kệ sách tiếng Việt và ít nhất một nhân viên người Việt.
Bản thân tôi, cứ một hai tuần lại ghé đến các thư viện địa phương ấy. Vào, bao giờ tôi cũng đi thẳng vào khu sách tiếng Việt. Các cuốn sách tiếng Anh tôi cần và thích không bao giờ có trong các thư viện địa phương như thế. Ở Úc, cũng như ở hầu hết các quốc gia Âu Mỹ, tính chất chuyên nghiệp hoá rất cao. Sách nghiên cứu chỉ nằm ở các thư viện đại học. Thư viện địa phương chỉ phục vụ nhu cầu của quần chúng. Sách tiếng Việt cũng nằm trong phạm trù đại chúng ấy. Đủ loại. Có lần, tôi táy máy muốn nghiên cứu lớp từ vựng liên quan đến thân thể con người. Tìm ở đâu? Tôi bèn đến thư viện mượn các cuốn sách tướng số. Lần khác, muốn tìm hiểu về lớp từ vựng liên quan đến việc nấu nướng, tôi lại đến thư viện mượn các cuốn sách dạy nấu ăn. Lần khác nữa, chẳng hiểu sao tôi lại chán tất cả mọi loại sách vở mình thường đọc, bèn vào thư viện mượn cả chồng truyện Kim Dung về để... luyện chưởng.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác kể, đâu đó, ông cũng thường đến thư viện địa phương ở Mỹ để mượn sách. Và nhiều lần ông bồi hồi khi cầm trên tay các tác phẩm của chính mình được mượn và đọc nhiều đến long cả gáy và nhàu nát cả giấy. Rồi đọc một số câu bình luận của độc giả. Có khi sâu sắc; có khi ngô nghê. Nhưng dù sâu sắc hay ngô nghê ông cũng đều xúc động: Đó là những phản hồi thành thực nhất của những người đọc hoàn toàn vô danh và xa lạ. Sau này, chúng ta có internet và có comment từ độc giả, những phản hồi như thế là chuyện bình thường. Nhưng mười năm trước... Hai mươi năm trước... Thậm chí, ba mươi năm trước... Những dòng chữ nguệch ngoạc bên lề sách của ai đó, thật hiếm hoi, bao giờ cũng gây thật nhiều xôn xao, có khi, thao thức cho người viết.
Có điều, càng về sau, số lượng người Việt đến thư viện mượn sách càng ít. Có thể có nhiều lý do. Lý do quan trọng nhất có lẽ là do phần lớn độc giả người Việt ở hải ngoại, trong đó có nhiều người ra đi từ năm 1975, đã lớn tuổi. Lớp độc giả trung thành ấy càng ngày càng lớn tuổi. Đến một lúc nào đó, họ không còn đọc được nữa. Trong khi đó, lớp trẻ, sinh ra hoặc lớn lên ở hải ngoại, không phải là độc giả của tiếng Việt. Chuyện thư viện vắng khách người Việt chỉ là vấn đề thời gian thôi.
Thời gian ấy đang đến gần. Gần lắm.
Chính vì vậy, khu vực sách tiếng Việt trong các thư viện Úc, và có lẽ ở tất cả các quốc gia Tây phương, càng ngày càng hẹp lại.
Một lúc nào đó không chừng nó sẽ biến mất.
[1] Ở Việt Nam, nước Âu Lạc (thế kỷ thứ 3 trước công nguyên) đã được hình thành do sự hợp nhất giữa hai bộ tộc lớn là Âu Việt và Lạc Việt.
Medical cũng ra tòa
Ngô Nhân Dụng
Dù quý vị không phải người Mỹ, vụ Tối Cao Pháp Viện Mỹ xử về đạo luật Cải tổ Y tế cũng đáng theo dõi. Vì muốn hiểu chế độ tự do dân chủ thì một cách hay nhất là xem hệ thống tư pháp độc lập của một nước dân chủ hoạt động như thế nào.
Như đã tường trình trong bài trước, 9 vị Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đang nghe lập luận của luật sư của 26 tiểu bang và một hội tư doanh đứng thưa kiện, và luật sư của chính phủ Obama trong ba ngày liền. Ngày Thứ Hai 25 tháng Ba 2012 không sôi nổi lắm, vì bên nguyên và bên bị đều đồng ý vấn đề chính trước tòa là cần xét xử ngay, không nên trì hoãn. Ngày Thứ Ba đáng chú ý nhất, vì câu hỏi quan trọng nhất được nêu ra: Đạo luật Y tế có vi hiến hay không? Nói rõ hơn, điều khoản bắt buộc mọi người Mỹ phải có bảo hiểm y tế có vượt quá quyền hạn của quốc hội liên bang, tức là chính phủ liên bang, được ấn định qua “điều khoản về thương mại” (commerce clause) trong hiến pháp Mỹ hay không? Sang hôm nay, Thứ Tư 28 tháng Ba, Tòa án Tối cao sẽ nghe các lý lẽ về những điều khoản mở rộng chương trình Y tế giúp Người nghèo (Medicaid, ở California gọi là Medical). Trong hai ngày chót này, hai bên nguyên, bên bị sẽ đưa ra các lý lẽ quan trọng nhất, quyết định số phận của luật Cải tổ Y tế, một thành tích của chính quyền Obama trong hai năm đầu nhiệm kỳ.
Mặc dù có những cuộc biểu tình trước cửa Tối Cao Pháp Viện Mỹ từ cuối tuần cho đến hôm nay, với những người chống cũng như ủng hộ đạo luật, nhưng đó là hoạt động bình thường trong xã hội Mỹ. Điều đáng quan sát nhất là ở trong tòa án, phải lắng nghe các câu hỏi và ý kiến của các Thẩm phán Tối cao biểu lộ trong lúc đặt câu hỏi cho luật sư hai bên; vô tình có thể để lộ ý kiến của chính họ. Dân Mỹ rất kính trọng Tối Cao Pháp Viện, không gọi quý vị này là “judge” (thẩm phán, quan tòa) như bình thường, mà gọi là “justice” (Thẩm phán Tối cao, cũng có nghĩa là Công lý). Mặc dù 5 vị Thẩm phán Tối cao hiện nay do các cựu tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, không ai nghĩ là quý vị đó sẽ phán xét theo tinh thần đảng phái. Chính quyền Obama (đảng Dân Chủ) cũng không lo sẽ chỉ có 4 vị Thẩm phán Tối cao thiểu số cùng quan điểm với họ; mà hy vọng sẽ được thêm một, hai vị khác đồng ý việc giữ lại đạo luật.
Các Thẩm phán Tối cao không quan tâm đến ý nghĩa, hậu quả chính trị của một đạo luật, mà chỉ xét xem nó có đúng với sự phân chia quyền hành trong hiến pháp nước Mỹ hay không. Ở đây là vấn đề phân quyền giữa chính quyền liên bang (chính phủ cùng với quốc hội liên bang) và các tiểu bang; như viết trong “điều khoản về thương mại.” Phán quyết sau cùng sẽ tùy vào cách các vị Thẩm phán Tối cao hiểu “commerce clause” theo nghĩa rộng tới đâu, hay hẹp như thế nào.
Phía phản đối đạo luật lý luận rằng bắt buộc mọi người đều phải mua bảo hiểm không phải là một hành động “điều tiết thị trường” như hiến pháp cho phép. Đó là “bắt buộc” người ta phải mua một thứ dù họ muốn hay không! Chính phủ có quyền bắt mọi người phải mua giầy, hay mua xe hơi không? Bên chính phủ cãi lại: Đạo luật này không bắt buộc ai phải tham dự vào thị trường (bảo hiểm y tế) bởi vì tất cả mọi người ở Mỹ đều ở trong thị trường y tế, dù sớm hay muộn. Mỗi năm nước Mỹ chi 2,600 tỷ đô la về y tế, chiếm 18% tổng sản lượng nội địa. Tính bình quân, một người Mỹ chi 8,400 đô la về y tế một năm. Các bệnh viện chi hàng chục tỷ đô la một năm để chữa trị những người không có bảo hiểm. Bắt buộc ai cũng phải có bảo hiểm sẽ làm cho thị trường công bằng hơn!
Ngày hôm qua, Thứ Ba, các Thẩm phán Tối cao đặt những câu hỏi gắt gao cho luật sư cả hai bên. Ông Stephen Breyer, các bà Ruth Bader Ginsburg, Sonia Sotomayor and Elena Kagan (đều do các tổng thống Dân Chủ đề cử) cho thấy họ nghĩ “bảo hiểm bắt buộc” không vượt ra ngoài phạm vi của “điều khoản thương mại” trong hiến pháp. Trong số năm vị khác, hai người tỏ ý nghi ngờ là các ông Antonin Scalia và Samuel Alito. Ông Scalia nói với luật sư của chính phủ Obama: “Thế thì quyền hành của quốc hội và chính phủ liên bang có còn giới hạn nào không? Hay là vô giới hạn?” Ông Clarence Thomas xưa nay vẫn quan niệm quyền hạn của chính phủ liên bang rất hẹp, thế nào ông cũng phán đạo luật Y tế đã vi phạm hiến pháp; hôm qua ông không đặt câu hỏi nào cả (hơn sáu năm nay ông vẫn như vậy trong tất cả các phiên tòa). Hai vị được chú ý nhất là hai ông John Roberts và Anthony Kennedy, cả hai đều do các tổng thống Cộng Hòa đề cử; nhưng chính quyền Obama hy vọng họ sẽ không thấy đạo luật Y tế là vi hiến.
Ông Kennedy tỏ ý lo ngại quyền hạn của chính phủ mở ra quá rộng, sẽ thay đổi mối tương quan giữa người cai trị và người dân một cách nặng nề. Nhưng ông cũng nhận xét rằng những người trẻ tuổi không chịu trả tiền mua bảo hiểm y tế sau cùng cũng vẫn được chữa trị. Ông Roberts tỏ ý lo ngại quốc hội xen vào các cuộc trao đổi thương mại giữa các cá nhân, khi một bên muốn rút ra không trao đổi nữa. Những ý kiến trên đây khiến cả hai bên đều đoán hai vị Thẩm phán Tối cao này có thể sẽ nghiêng về phía mình. Cho nên, mọi người sẽ phải đợi đến Tháng Sáu, coi các đa số quan tòa tối cao nghĩ ra sao!
Ngày hôm nay, Thứ Tư, luật sư hai bên sẽ trình bầy luận cứ về một vấn đề tiêu biểu về vấn đề phân quyền giữa chính quyền liên bang và các tiểu bang, liên can đến chương trình Medicaid (Medical ở California). Không ai phản đối việc đạo luật Y tế sẽ mở rộng chương trình này, vào năm 2014; nhưng các nguyên đơn xin Tối Cao Pháp Viện phán các điều khoản trong đạo luật “cưỡng ép” các tiểu bang phải mở rộng là vi hiến. Vì theo đạo luật Y tế của chính phủ Obama, những tiểu bang không áp dụng sẽ “bị phạt,” không được trợ cấp nữa.
Một chuyện rất dễ hiểu ở nước Mỹ: Đồng tiền có áp lực. Dọa cắt trợ cấp có nghĩa là “ép buộc.” Trong nước Mỹ có 60 triệu người hưởng Medicaid, Medical; họ gồm các gia đình nghèo đông con, những người khuyết tật, nhiều cụ già trong nhà dưỡng lão, phụ nữ nghèo mang thai, vân vân. Với đạo luật của ông Obama sẽ có thêm 15 triệu người nữa được hưởng Medicaid, Medical. Số tiền chi cho mỗi người sẽ lên tới 15,400 đô la một năm!
Chính phủ liên bang chi 60% cho các chương trình Medicaid, Medical. Nhưng số còn lại mà các tiểu bang phải chi cũng là một gánh nặng cho ngân sách của họ, California là một thí dụ điển hình. Tiểu bang có thể giảm số cảnh sát, bớt số giáo viên, nhưng tiền chi cho Medical thì không bỏ được. Nếu mở rộng thêm cho nhiều người, làm sao cân bằng ngân sách?
Vì vậy, một số tiểu bang đã kiện đạo luật Y tế, vì “cưỡng chế” họ phải mở rộng Medicaid, nếu không thì sẽ mất luôn số tiền trợ cấp vẫn nhận được từ liên bang.
Cuối cùng, các Thẩm phán Tối cao sẽ phán điều trên có phải là “liên bang cưỡng chế các tiểu bang,” vi phạm sự phân quyền trong hiến pháp hay không?
Một điều đáng chú ý là trong tất cả các lần đạo luật Y tế bị ra tòa trước đây, ở các tòa dưới không quan tòa nào coi là đạo luật đó vi hiến. Thẩm phán Roger Vinson ở Pensacola, Florida, người duy nhất đã phán đạo luật này vi phạm điều khoản thương mại, cũng bác bỏ đơn kiện về Midicaid. Trong hiến pháp không có điều nào cấm chính phủ liên bang dùng áp lực đồng tiền để buộc các tiểu bang nhận tiền phải theo chương trình của mình. Thẩm phán Winson nói, “Vào lúc viết bản hiến pháp, các vị quốc phụ không bao giờ nghĩ được là có lúc chính phủ liên bang lại có nhiều tiền như bây giờ để mà cấp cho các tiểu bang, rồi dùng tiền làm áp lực.”
Vì vậy, chính phủ Obama đang hy vọng Tối Cao Pháp Viện cũng nghiêng về ý kiến đó. Bởi vì hầu hết các số tiền do liên bang cấp cho các tiểu bang đều có khoản bắt buộc kèm theo. Các tiểu bang muốn có tiền tu bổ đường xá, phải làm luật lệnh cấm thiếu niên dưới 18 tuổi uống rượu. Chính phủ liên bang sẽ chỉ trợ cấp tiền cho các trường đại học, cao đẳng, nếu không kỳ thị đối với nữ giới trong việc học cũng như trong các hoạt động thể thao. Nhiều món tiền trợ cấp cho nhà ở giúp người nghèo (housing), cảnh sát, giao thông, giáo dục, đều có những khoản ép buộc các tiểu bang phải thi hành!
Bà JudyAnn Bigby, bộ trưởng Y tế tiểu bang Massachusetts thì cho rằng tình trạng “cưỡng chế” đã có từ lâu rồi, chẳng có gì mới. Bao lâu nay, các tiểu bang vẫn phải làm theo các quy tắc của liên bang khi nhận tiền Medicaid!
Trong dư luận dân Mỹ thì có 51% coi điều khoản “bắt buộc bảo hiểm y tế” là vượt ngoài quyền hạn mà hiến pháp trao cho chính phủ liên bang; chỉ có 45% nghĩ là không vi phạm. Nhưng đại đa số dân Mỹ ủng hộ các điều khoản khác của đạo luật này, thí dụ cho con cái quá 26 tuổi vẫn được hưởng bảo hiểm của cha mẹ. Tuy nhiên, nếu điều khoản “bắt buộc bảo hiểm y tế” bị bác vì vi hiến thì rất nhiều điều khác cũng bị bác bỏ theo, ngay cả điều cấm các công ty bảo hiểm từ chối những thân chủ đã bị bệnh từ trước, được nhiều người Mỹ ủng hộ.
Cuối cùng, chúng ta cũng không thể đoán trước các Thẩm Phán Tối Cao sẽ quyết định ra sao. Dù thế nào, dân Mỹ cũng sẽ tuân theo quyết định của họ. Trong một chế độ dân chủ tự do tất cả đều tôn trọng quyết định của tòa án. Xây dựng được niềm tin và lòng kính trọng đối với các quan tòa phải mất hàng trăm năm, sau khi tất cả đồng ý quyền tư pháp phải độc lập!
Trọng Thành - Các cựu lãnh đạo tập đoàn Vinashin ra tòa
![]() |
Các bị cáo tại phiên tòa xử vụ Vinashin hôm nay tại Hải Phòng. - Reuters |
Trọng Thành (RFI)
Hôm nay 27/03/2012, phiên tòa xử các cựu lãnh đạo của tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin, mở ra tại Hải Phòng. Chín cựu lãnh đạo của Vinashin, trong đó có nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Bình, bị truy tố vì tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 30/03.
TS Lê Đăng Doanh: Vụ xử Vinashin khó phục hồi tín nhiệm của Việt Nam
Mới đây, vào năm 2008, tập đoàn đóng tàu Vinashin đã từng được mô tả như là một « mũi nhọn » của công nghiệp Việt Nam, sắp sửa sánh vai với ngành công nghiệp tàu thủy Hàn Quốc. Còn ngày hôm nay, cựu lãnh đạo của Vinashi,n ra tòa cùng với tám đồng phạm khác, có khả năng phải chịu án 20 năm tù.
Theo mô tả của báo chí trong nước, phóng viên trong nước và nước ngoài được phép tham dự phiên tòa qua màn hình trong một phòng riêng, nhưng không được đem theo máy ảnh và máy ghi âm.
Một số thông tin ban đầu cho hay, ông Phạm Thanh Bình và một số bị cáo khác thừa nhận phần lớn các cáo buộc được nêu trong cáo trạng. Giải thích về khoản tiền 43 triệu đô la thất thoát, ông Phạm Thanh Bình cho rằng bản thân đã phạm sai lầm « vì những lý do khách quan ».
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Việt Nam, tổng thiệt hại do các bị cáo gây ra là hơn 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, Vinashin là con nợ khổng lồ với khoảng 4,4 tỷ đô la. Vào tháng 10/2010, tức hai tháng sau khi nguyên Tổng giám đốc bị bắt, Vinashin đã không thể trả được khoản nợ đáo hạn 60 triệu đô la. Đây là đợt trả nợ đầu tiên trong tổng số tiền 600 triệu đô la vay của Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse vào năm 2007. Kể từ đó đến nay, không có thông tin gì thêm về việc trả nợ của Vinashin. Tập đoàn được coi là trụ cột của nền kinh tế quốc doanh Việt Nam đứng trên bờ vực phá sản và đang trong quá trình « tái cơ cấu ».
Theo giới quan sát, vụ bê bối Vinashin cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam, nơi mà khu vực kinh tế quốc doanh, tham nhũng, quản lý kém, nợ nần chồng chất, nhưng lại được giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, không một thành viên nào trong ban lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam phải ra tòa vì sự sụp đổ của Vinashin, thậm chí không ai bị kỷ luật nội bộ. Theo nhận định của ông Benoit de Tréglodé, giám đốc Viện nghiên cứu về Đông Nam Á (Iasec), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã từng mơ ước Vinashin trở thành ngọn cờ đầu thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước, và đã đưa những người thân cận vào nhiều vị trí chủ chốt trong tập đoàn này.
Vụ bê bối Vinashin khiến các công ty thẩm định tài chính hạ Việt Nam xuống nhiều bậc. Vào tuần trước, một nhà kinh tế xin miễn nêu tên nhận xét với AFP là : Phiên tòa này sẽ không mang lại điều gì đáng kể. Vấn đề chủ yếu, theo chuyên gia này, vẫn là liệu có thể tìm ra một cơ chế quản lý mới đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước tại Việt Nam hay không.
Nguyễn Xuân Nghĩa - Giải vây Miến Ðiện
Nguyễn Xuân Nghĩa
Hoa Kỳ hay dân Miến Ðiện đang thực hiện việc đó?
Có hai quốc gia Ðông Nam Á mà mối quan hệ với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến cục diện lâu dài của toàn khu vực Ðông Á. Ðó là Việt Nam và Miến Ðiện, tên chính thức là Myanmar.
![]() |
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Miến Ðiện Thein Sein trong lúc chụp hình lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Nusa Dua trên đảo Bali, ngày 19/11/2011 . |
Bài này sẽ tìm hiểu về vai trò mà người viết nhấn mạnh là “góp phần.” Nhìn từ Hoa Kỳ thì Mỹ có góp phần, nhưng nhìn từ Miến Ðiện thì phần chính của sự chuyển hóa này là từ dân Miến...
***
Nhìn trong viễn cảnh dài, quan hệ giữa Miến Ðiện với Trung Quốc và với Hoa Kỳ đã là hai vòng xoáy... ngược.
Lãnh đạo Miến đã cải thiện quan hệ với Bắc Kinh từ hơn 30 năm trước, chính thức là từ 1988, sau khi Ðặng Tiểu Bình chấm dứt yểm trợ các tổ chức phiến loạn thân Trung Quốc, thậm chí theo chủ nghĩa cực đoan của Mao Trạch Ðông, các nhóm “Mao-ít” hay Maoist. Ngược lại, cũng từ 1988, Hoa Kỳ đã trừng phạt Miến Ðiện về tội độc tài, đàn áp tôn giáo, và hạ tầm ngoại giao từ vị trí đại sứ xuống xử lý hai đại diện.
Thật ra, Miến Ðiện bị nạn độc tài từ nửa thế kỷ, từ năm 1962, và lụn bại dần dưới sự cai trị của các tướng lãnh. Nhưng, Bắc Kinh chẳng mấy phiền hà về chuyện đó như Hoa Kỳ. Và Mỹ rút tới đâu thì Thiên triều đỏ lấn tới đó, để xây dựng hệ thống độc tài bản xứ của mình, cho mình. Những gì xảy ra tại Hà Nội ngày nay có thể phải được nhìn thấy từ trước tại Miến Ðiện.
Quả nhiên là trong ba chục năm, Miến Ðiện trôi vào quỹ đạo “xã hội chủ nghĩa” dưới chế độ độc tài quân phiệt làm xứ sở lụn bại tới cùng cực. Sau khi thử nghiệm giải pháp dân chủ hình thức với cuộc bầu cử năm 1990 và bị đại bại, các lãnh tụ thủ tiêu kết quả bầu cử và giam giữ đối lập. Nổi tiếng nhất trong các khuôn mặt đối lập này là bà Aung San Suy Kyi.
Mọi sự thật ra bắt đầu chuyển động từ năm 2009 với vai trò ít ai nói tới của Nghị Sĩ Jim Webb. Ông là con cá dò mìn, bơi vào vùng nước đầy thủy lôi có thể nổ từ hai bờ tả hữu...
Là chủ tịch Tiểu Ban Ðông Á Thái Bình Dương trong Ủy Ban Ðối Ngoại Thượng Viện, Jim Webb đề xướng sáng kiến giao kết - đối thoại và hợp tác - với các quốc gia Ðông Nam Á như một chiến lược ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này. Tháng Tám năm đó, ông thăm viếng năm nước Ðông Nam Á trong hai tuần, kể cả Việt Nam và Miến Ðiện.
Tại Miến Ðiện, hôm 14 Tháng Tám năm đó, Nghị Sĩ Jim Webb gặp lãnh tụ quân phiệt là Tướng Than Swee lẫn bà Aung San Suu Kyi khi ấy còn bị quản thúc. Chuyến thăm viếng này xảy ra đúng ba tháng sau khi bà bị các tướng bắt tại nhà và đưa vào tù!
Với kinh nghiệm lâu dài về Á Châu, ông Webb đề nghị Hoa Kỳ gỡ bỏ dần lệnh cấm vận để cải thiện quan hệ với Miến Ðiện tùy mức độ chuyển hóa của chế độ. Ông thực tế vào tận nơi mở đường cho việc nhìn Hoa Kỳ lại cục diện Ðông Nam Á trong bối cảnh Ðông Á.
Sau đó mới có vụ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ (Hillary Clinton) chính thức thăm Miến Ðiện vào cuối năm 2011 - lần đầu tiên kể từ năm 1955. Bà hội kiến Tổng Thống Then Sein tại thủ đô Naypyidaw rồi Aung San Suu Kyi tại (cố đô) Rangoon - Ngưỡng Quang. Sau đó mới là việc ngoại trưởng Mỹ xông thẳng vào hồ sơ Mekong, gặp riêng bộ trưởng Ngoại Giao của các nước dưới hạ nguồn con sông đã bị Trung Quốc khống chế trên thượng nguồn: Thái Lan, Việt, Miên, Lào và Miến Ðiện.
Rồi từ đầu năm nay, Hoa Kỳ nâng cấp bộ ngoại giao giữa hai nước lên hàng đại sứ trong khi dân Miến chuẩn bị đi bầu... Chi tiết lý thú và ý nghĩa là Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ vẫn nằm tại Rangoon, chứ không ở thủ đô giữa rừng của chế độ là Naypyidaw.
***
Miến Ðiện đã từng là cường quốc Ðông Nam Á và thuộc loại trù phú nhất. Hơn hẳn Việt Nam - xin lỗi bà con!
Trên một lãnh thổ rộng gấp đôi Việt Nam, với dân số hiện chỉ có 60 triệu, xứ này là một kho tài nguyên gồm có dầu, khí, than, thiếc, đồng, uranim, ngọc, gỗ quý, và cả mạng lưới thủy điện dồi dào nhờ địa dư đầy núi rừng và thác nước... Nhưng địa dư xứ này cũng đẩy dân Miến, chả mấy khác dân Việt, vào giữa hai đại cường và hai nền văn hóa Ấn Ðộ và Trung Hoa.
Lãnh thổ Miến nằm trên Vịnh Bengal nối liền Ấn Ðộ dương với Thái Bình Dương qua eo biển Malacca sinh tử cho kinh tế Á Châu.
Khi lui về chế độ độc tài, Miến Ðiện trôi vào quỹ đạo Trung Quốc và bị bần cùng hóa với tốc độ chóng mặt. Từ một quốc gia thịnh vượng, Miến Ðiện có hệ thống y tế đứng hạng chót thế giới. Khi ra khỏi chế độ độc tài - trong một tiến trình còn bất trắc và tùy thuộc dân trí lẫn dân khí - Miến Ðiện sẽ tự giải phóng khỏi bóng rợp u ám của Trung Quốc.
Hết là một nơi bị Thiên triều đỏ mặc tình bóc lột nhờ cấu kết với lãnh đạo độc tài, xứ này sẽ trở thành một trung tâm kinh tế nối liền tiểu lục địa Nam Á (Ấn Ðộ) với các nước Ðông Nam Á bên Thái Bình Dương và nối liền các tỉnh Trung Quốc bị khóa trong lục địa, thí dụ như Vân Nam, với biển nóng ở bên dưới. Miến Ðiện sẽ không là... “tiền đồn của thế giới tự do” vây quanh Trung Quốc: bài học đáng nhớ cho nhiều xứ Ðông Nam Á - lại xin lỗi bà con! Nhưng là trung tâm giao tiếp với thế giới, nhất là với Ấn Ðộ.
Do di sản của đế quốc Anh, dân Ấn tại Miến đã từng giữ vai trò trọng yếu về kinh doanh, tương tự như thành phần Hoa kiều tại nhiều xứ khác. Do vị trí địa dư, Ấn Ðộ và cả Bangladesh đều có lợi khi hợp tác với Miến Ðiện. Và mối lợi đó cũng phù hợp với quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ.
***
Hoa Kỳ đã từng lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm vì những tội danh có thể làm... Hà Nội đỏ mặt - vì độc tài chưa tới, ngay giữa thời chiến! Hoa Kỳ cũng từng bang giao rồi yểm trợ chế độ độc tài và tuyệt đối tham nhũng tại Hà Nội ngay trong thời bình. Ngoài mối lợi dù sao còn nhỏ nhoi cho doanh nghiệp Mỹ, đối sách đầy thông cảm - tới lợm giọng - của Mỹ vẫn không đạt kết quả là góp phần xây dựng một nước Việt Nam ổn định và độc lập trước đà bành trướng của Trung Quốc.
Cũng chính mối nguy bành trướng đó, từ sau chiến tranh Cao Ly cho tới Ðiện Biên Phủ 1954, khiến Mỹ thục mạng nhảy vào Việt Nam mà... chẳng hiểu gì cả. Sau đó là lịch sử bi thảm, khi Hoa Kỳ nghĩ lại, giao kết với Trung Quốc từ 1972 và tiền đồn thế giới tự do trôi xuống biển...
Bây giờ, 40 năm sau, Hoa Kỳ lại nghĩ lại nữa! Là chuyện ngày nay.
Lãnh đạo Miến Ðiện - bên trong chế độ và bên ngoài xã hội - không thể không thấy những điều này, từ phía Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Họ dám chọn lựa và đang thử nghiệm giải pháp có vẻ bất trắc là dân chủ. Sự chọn lựa đó đang chuyển dịch cả cục diện kinh tế và chiến lược trong khu vực trải rộng từ Ấn Ðộ dương qua Thái Bình Dương. Ngần ấy quốc gia liên hệ - chứ không riêng Hoa Kỳ - cũng đều theo dõi và có khi ngầm tác động vào sự chọn lựa này.
Khi theo dõi số phận của nhiều hợp đồng ký kết giữa Miến Ðiện với Bắc Kinh, ta có thể thấy ra điều ấy. Cũng như khi tìm hiểu về dự án dẫn khí nối liền Calcutta ở tiểu bang Tây Bengal của Ấn qua Chittagong của Bangladesh và Rangoon của Miến, ta đoán ra triển vọng hợp tác lâu dài của Miến Ðiện với các lân bang khác, thay vì chỉ là một chư hầu hay vùng phiên trấn của Bắc Kinh.
Vì vậy, vấn đề không chỉ là vai trò của bà Aung San Suu Kyi hay những tính toán của Hoa Kỳ. Người dân Miến Ðiện, kể cả hệ thống quân đội xứ này, đang chọn lấy một định mệnh khác - mà không sợ. Hà Nội nghĩ sao?
Nguyễn Thị Dương Hà - Trại giam số 5 xếp loại thi đua cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ
Kính gửi Quý Báo,
Tối hôm qua, 26/3/2012, gia đình tôi nhận được một phong bì thư, có dấu ngày 23/3/2012 của bưu điện Thống Nhất (nơi Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đang bị biệt giam), không đề tên người hoặc cơ quan gửi. Bên trong phong bì là Thông báo tình hình chấp hành án phạt tù của Ts Cù Huy Hà Vũ ghi ngày 30/01/2012. Kính nhờ Quý Báo cho đăng để những ai quan tâm đến Ts Cù Huy Hà Vũ được rõ.
Xin trân trọng cảm ơn Quý Báo.
Nguyễn Thị Dương Hà
Tối hôm qua, 26/3/2012, gia đình tôi nhận được một phong bì thư, có dấu ngày 23/3/2012 của bưu điện Thống Nhất (nơi Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đang bị biệt giam), không đề tên người hoặc cơ quan gửi. Bên trong phong bì là Thông báo tình hình chấp hành án phạt tù của Ts Cù Huy Hà Vũ ghi ngày 30/01/2012. Kính nhờ Quý Báo cho đăng để những ai quan tâm đến Ts Cù Huy Hà Vũ được rõ.
Xin trân trọng cảm ơn Quý Báo.
Nguyễn Thị Dương Hà
Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012
Hoàng Khởi Phong (ghi) - Tự sự Nguyễn Ðức Quang: Tâm Thức Dân Tộc và Phong Trào Du Ca 1966-1975
Hoàng Khởi Phong (ghi)
LTS – Nhân ngày giỗ đầu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (27 tháng Ba, 2012), chúng tôi xin trích đăng lại một phần cuộc phỏng vấn Nguyễn Đức Quang của nhà văn Hoàng Khởi Phong, trong đó cho thấy quan niệm “âm nhạc dấn thân” của người nhạc sĩ khởi xướng ra Phong trào Du Ca Việt Nam.
1- ... Tôi sinh năm 1944, tại Sơn Tây. Cha tôi là một công chức trong ngành giáo dục., ông đã xê dịch rất nhiều nơi.
Tôi nhớ ngày tôi còn nhỏ xíu, tôi đã theo ông đi làm việc tại Chapa, rồi vài năm sau, một thời gian ngắn trước cuộc di cư vĩ đại của gần một triệu người từ Bắc vào Nam, cha tôi đổi vào làm Tổng Thư Ký cho Bộ Giáo Dục trong Sài Gòn, thành thử vô hình chung gia đình tôi di cư trước. Mới tháng 4 năm 1954, gia đình tôi đã có mặt tại Sài Gòn.
Năm 1958, cha tôi lại đổi ra làm Trưởng Ty Tiểu Học ngoài Côn Ðảo. Năm đó tôi đã lên Trung Học được hai năm, mà tại Côn Ðảo thì trường học chỉ có tới lớp Nhất, thành thử suốt ngày tôi lêu bêu nơi đầu ghềnh cuối bãi. Ðến bây giờ tôi còn nhớ được vài địa danh tại hòn đảo ngục tù này. Suốt ngày tôi thơ thẩn, lang thang theo các tù nhân được làm việc bên ngoài khu giam. Lúc đó tôi là một thiếu niên hiếu động, tò mò nghe các tù nhân nói về đủ thứ tù nổi danh của hòn đảo này.
Năm 1959 cha tôi đổi về Ðà Lạt, tôi theo học trường Bồ Ðề cho tới năm 1961 mới vào học tại Trường Trung Học Trần Hưng Ðạo, một trường công lập lớn nhất của tỉnh Ðà Lạt. Năm 1964 tôi đậu Tú Tài, và theo học Khóa I Chính Trị Kinh Doanh của Viện Ðại Học Ðà Lạt, khi ngành này vừa mới thành lập.
2- Ðời nhạc của tôi có một bước rẽ quan trọng: Ðó là lần gặp gỡ với anh Phạm Duy. Trước khi gặp anh Phạm Duy, tôi đã có soạn khá nhiều ca khúc. Nhạc của tôi sau này người ta gọi là nhạc cộng đồng, nhạc sinh hoạt, hay là một loại nhạc nào đó, một thứ tình cảm khác, một thứ tình cảm không phải chỉ dành cho hai người đang yêu nhau, mà là một thứ tình cảm thiết tha nói lên cái liên hệ giữa vùng đất và con người.
Nhóm chúng tôi tham gia nhiều công tác xã hội, Ðầu năm 1965, chúng tôi dự phần vào một công tác dài ngày. Chúng tôi dựng 200 căn nhà cho đồng bào Thượng, nạn nhân chiến cuộc. Trại Suối Thông, lập ở Phi Nôm, và nhóm chúng tôi phải nằm tại đây trong hai tháng trời. Giữa năm 1965, nhóm chúng tôi tham gia một trại khác của sinh viên toàn quốc. Ðịa điểm sinh hoạt là Thạnh Lộc Thôn. Trại có tới hai, ba trăm trại viên, lập thành một địa điểm như một cái làng nằm trong tỉnh Bình Dương. Chính trong kỳ sinh hoạt này tôi được gặp nhạc sĩ Phạm Duy.
Dịp này nhạc sĩ Phạm Duy đến sinh hoạt với toàn thể sinh viên chúng tôi. Ông đang làm loạt nhạc mới mà ông gọi là 10 bài Tâm Ca, lúc đó mới chỉ xong có 7, 8 bài. Ông hát những ca khúc này, và tôi bị choáng ngợp bởi nhạc và lời của những bản Tâm Ca này. Ông hát một hơi năm bản, và trong giờ nghỉ của ông, tôi được anh em của nhóm tôi đẩy ra trình diễn một số ca khúc của tôi. Chỉ là vài bài ca sinh hoạt mà thôi.
Tôi bị nhạc của Phạm Duy hớp hồn như thế nào, thì ông ngạc nhiên về những ca khúc của tôi như thế. Sau đó hai bên gặp gỡ, với Phạm Duy, ông cho tôi là một khám phá mới. Nó khác hẳn những dòng nhạc của những người đi trước và cùng thời với ông. Do đó Phạm Duy đề nghị mỗi tuần gặp nhau một lần vào tối Thứ Năm, để hát cho nhau nghe những sáng tác mới. Tôi đã trình bày cho Phạm Duy nghe toàn bộ những ca khúc trong tập Trầm Ca. Nội dung những ca khúc trong tập nhạc này, là đặt vấn đề thanh niên đối với vận mạng đất nước, đưa ra những suy nghĩ của tuổi trẻ như những sáng tác trong bài “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” hay “Tiếng Hát Tự Do” hay “Lìa Nhau,” và ban Trầm Ca đã ra đời trong dịp này, với thành phần nòng cốt là phần lớn bạn bè ở Ðà Lạt. Từ đó chúng tôi được đi hát với Phạm Duy.
Chúng tôi tạo được một ảnh hưởng khá lớn. Cuối năm 1965, nhóm chúng tôi được mời tham dự các sinh hoạt các kỳ trại, và đặc biệt là các khóa huấn luyện thanh niên, của các hội đoàn thanh niên tại khắp bốn quân khu. Giai đoạn này nghĩ lại là một giai đoạn lạ lùng nhất. Chúng tôi làm việc như điên cuồng, sáng tác, tập tành, đi trình diễn, đi huấn luyện. Chúng tôi không còn biết đến một điều gì khác ở cái tuổi 20 lúc đó.
Những chuyến ăn cơm nhà, vác ngà voi đó bề gì cũng cho chúng tôi một cơ hội nhìn ngó lại mặt mày của chính chúng tôi, và đồng thời chúng tôi cũng có cơ hội được nhìn ngó cái mặt trái của chiến tranh, và của dân chúng Việt Nam ở những chỗ giáp vòng lửa đạn, và tận cùng khổ đau.
Chính những chuyến đi này, đã thổi vào tâm hồn tôi những trận gió nóng hừng hực. Những sáng tác của tôi, nếu anh để ý thì hình như ít có những hoa và bướm, chỉ toàn là những tiếng kêu. Nhiều khi tôi muốn rú lên trong những ca khúc của tôi. Những thanh âm của sự khổ đau làm sao mà êm ả được. Trong những vùng tương đối có an ninh, nơi các thành phố tôi bắt gặp những hình ảnh đau lòng khác của chiến tranh: Những hố ngăn cách giữa giầu và nghèo, những bất công, những sa đọa của một xã hội trong thời chiến... Ðó là một trong những lý do khiến những ca khúc của tôi có được những hình ảnh, tâm tình và những suy nghĩ mới sống động, sát với thực tế xã hội.
Suốt hơn một năm trời đi và sinh hoạt như thế, tổng kết lại có hơn ba mươi tỉnh liên lạc với nhóm chúng tôi, tự động đề nghị giúp họ tiếp tục có điều kiện sinh hoạt, có bài hát, có trò chơi, có công tác xã hội, lập thành một đơn vị gì đó. Ðó là một kết quả đầy xúc động, và bởi vậy chúng tôi không ngừng lại được. Những sợi dây liên lạc đầu tiên này chính là những mắt lưới chắc chắn, và nương vào đó phong trào du ca hình thành. và chính thức có giấy phép hoạt động từ năm 1966.
3- Người ta có thể coi Du Ca là một phong trào thanh thanh niên, hay một phong trào sinh viên, học sinh, hay là một nhóm người hoạt động xã hội, hay là một ban văn nghệ, hay là cái gì đó, nhưng có một điều dứt khoát trong tôn chỉ (nếu có) của chúng tôi, thì Du Ca không làm chính trị. Tôi không phủ nhận trong anh em chúng tôi sau này cũng có người hoạt động chính trị, nhưng đó là một mặt khác của mỗi người trong anh em chúng tôi.
Chúng tôi chỉ là những người trẻ, trẻ cả tâm hồn lẫn thể xác, muốn tìm một con đường để phụng sự xã hội, khác với mọi con đường đã có sẵn. Chúng tôi muốn phục vụ xã hội nhiều hơn là mưu đồ một việc gì đó cho mỗi anh em chúng tôi. Chúng tôi chọn thanh niên làm đối tượng chính cho mọi sinh hoạt của chúng tôi, kế đó là những hoạt động trong phạm vi xã hội, đặc biệt là cứu trợ, bởi vì đất nước đang trong thời chiến, nạn nhân của chiến tranh đã lắm, mà thiên tai, hỏa hoạn, lụt lội, bão tố còn đóng góp thêm không ít khổ ải cho dân tộc Việt Nam.
Nói khôi hài một chút thì ngay từ khi mới ra đời, phong trào du ca nổi lên như một bầy ong vỡ tổ, nhao nhao khắp mọi nơi. Chỉ trong một khoảng thời gian không đầy một năm, trên toàn quốc có cả trăm toán du ca, chỉ riêng Vùng Một Chiến Thuật, Ðà Nẵng và Huế không mà thôi đã có hơn ba chục toán. Một toán du ca địa phương thường do một nhóm bạn trẻ địa phương tự phát động, khi đủ nhân số tới một mức độ nào đó, thì Văn Phòng Trung Ương của Phong Trào Du Ca, cử người tới huấn luyện. theo nhu cầu tại chỗ.
Thỉnh thoảng Phong Trào Du Ca tổ chức những trại huấn luyện đặc biệt, các đoàn địa phương gửi người về tham dự. Mỗi hai năm lại có một đại hội để các nơi về dự.
Con số đoàn viên của Phong Trào Du Ca trên toàn quốc vào khoảng từ 4,000 cho tới 5,000 người. Ðến bây giờ nghĩ lại tôi thấy chắc chắn chúng tôi đã tìm được một chất keo nào đó, để buộc được mấy ngàn con người, cùng một nhịp đập của trái tim, một nhịp thở của buồng phổi, một hướng sinh hoạt chung.
Một khi phong trào đã dấy lên, tại tỉnh nào cũng có một đoàn du ca, không lớn thì nhỏ. Với hàng ngàn đoàn viên trên toàn quốc thì không một ai có thể phủ nhận anh em chúng tôi là một sức mạnh. Ðó là một lực lượng nhân sự lớn lao mà ngay cả các đoàn thể do chính quyền thành lập cũng không hơn được. Hơn thế nữa, lực lượng đó còn đang độc lập, không bị chi phối bởi bất cứ một phe nhóm chính trị nào. Tính độc lập ấy cũng đã gây không ít phiền lụy cho chúng tôi sau này.
4- Năm 1967, sau một năm hoạt động, anh em chúng tôi quyết định tổ chức Ðại Hội Du Ca Kỳ I. Ðịa điểm tổ chức đại hội được CPS cho mượn và thời gian sinh hoạt kéo dài trong ba ngày, với sự tham dự của rất nhiều anh em đại diện các đoàn du ca từ khắp nơi về tham dự.
Khi phong trào thành lập và hoạt động được hai năm thì tôi tin rằng phong trào sẽ không bao giờ tan vỡ, bởi vì những người du ca chúng tôi đáp ứng cho một nhu cầu xã hội lúc bấy giờ. Chúng tôi không làm chính trị, nhưng không một ai có thể chối cãi sinh hoạt của du ca có một ý thức chính trị cao. Chỉ nội một điều chúng tôi ca tụng tự do, hô hào cho tự do đã đủ làm cho cả hai phe tham chiến không lấy gì hài lòng. Bởi vì tự do là một cái gì hoàn toàn lạ mặt đối với phía Cộng Sản, còn đối với chính phủ miền Nam, chúng ta có một thứ tự do bị hạn chế khá nhiều. Chúng tôi không muốn dính dự vào chính trị, nhưng những người làm chính trị thì lại muốn chúng tôi. Thành thử đã có nhiều lần người ta tìm cách vận dụng chúng tôi.
Phần tôi tôi có ý thức chính trị, song tôi không hoạt động chính trị, và lý tưởng của riêng tôi là ca hát cho đời, thiết tha nói lên những suy nghĩ của tuổi trẻ chúng tôi, kêu gọi mọi người hãy yêu thương nhau, hãy xắn tay áo và làm việc, không phải là lúc ngồi đặt vấn đề, mà là lúc bắt tay vào việc. Làm những việc nhỏ thôi, trong tầm tay của mình, làm tốt cho một số người ngay bên cạnh mình mà thôi. Phía Cộng Sản, họ chuyên trị hoạt động đoàn thể, nên hình như họ nhìn vấn đề sinh hoạt cộng đồng, họ nhìn Phong Trào Du Ca nghiêm trọng hơn chính quyền miền Nam.
Những người anh em du ca chúng tôi hãnh diện làm được khá nhiều việc. Thổi được một luồng gió mới sinh động qua các trường học, đặc biệt là tạo được một ảnh hưởng đối với học sinh sửa soạn bước vào đại học, tạo một cơ hội cho tuổi trẻ nhìn lại chính thân phận của mình, và hoàn cảnh của đất nước, của dân chúng, của xã hội. Ðó là một cái nền của một bức họa, và rồi anh em chúng tôi, mỗi người tùy khả năng mà dệt gấm thêu hoa.
5- Tôi có bốn đợt sáng tác, mỗi đợt có thể coi như là một tập ca khúc: “Trầm Ca, Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Tiếng Hát Tự Do, Ruồi và Kên Kên.” Tuy là bốn đợt sáng tác trong bốn thời điểm khác nhau, song tinh thần của những ca khúc không có gì thay đổi nhiều. Có nhiều người kết tội tôi là làm những ca khúc phản chiến. Tôi xác nhận trong những ca khúc của tôi quả có một số bài phản chiến. Nhưng tôi nghĩ bất cứ một người dân thường nào cũng yêu hòa bình, và chán ghét chiến tranh. Hòa bình có phải chăng là niềm khát khao của toàn thể dân tộc, bởi vì trên thế giới này, không có một dân tộc nào chịu nhiều khổ đau vì chiến tranh cho bằng dân tộc Việt Nam.
Những ca khúc của tôi đâu phải chỉ có toàn những lời ca rên xiết vì hòa bình. Con số những ca khúc mà người ta coi là phản chiến thật ra rất ít. Tôi chống lại mọi áp đặt, mọi bất công, mọi tệ trạng, mọi điều xấu làm con người tha hóa, thành thử có một dạo chính quyền miền Nam cũng nhìn tôi bằng một con mắt nghiêm khắc. Bởi vì tôi là một trong những người đã viết những ca khúc nói lên tệ trạng tham nhũng của miền Nam. “Ruồi và Kên Kên” là một tập gồm những ca khúc khiến tôi trở thành một cái gai cho cả hai phe tham chiến. Phe nào cũng là ruồi, và phe nào cũng có hình ảnh của kên kên.
Sau năm 1975, phong trào du ca tất nhiên cũng như mọi đoàn thể và đảng phái của miền Nam tự động “đóng cửa tiệm.” Một số nhỏ thoát đi được sang nơi xứ người, việc trước tiên là làm lại cuộc đời. Theo tôi biết có đến một nửa số đoàn viên du ca đã ra khỏi nước. Một nửa có nghĩa là hàng ngàn người đang sinh sống trong những quốc gia xa lạ. Con số thì to, nhưng việc quy tụ không phải là một điều dễ dàng gì. Thành thử đã nhiều năm nay, anh em chúng tôi lòng muốn tập họp lại nhưng hoàn cảnh thực tế không cho phép.
Về điều kiện xã hội tại những nơi mà anh em du ca đang tạm sống, nói chung các cộng đồng Việt Nam ở Mỹ đa dạng quá, lôi cuốn thanh niên đi vào các sinh hoạt chính trị nhiều hơn là sinh hoạt thanh niên thuần túy. Sinh hoạt thanh niên phải luôn luôn được bồi đắp bởi những lớp người mới, và những sáng tác mới cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Thiếu sự liên tục của các lớp người trẻ thì thật giống như một cái cây mỗi ngày mỗi cằn cỗi. Ðó là một lý do khác khiến anh em chúng tôi tuy đã có mặt nơi đây khá đông, nhưng còn ngần ngại trước khi chính thức bắt tay vào việc gây dựng một phong trào sinh hoạt thanh niên khác.
Về những sáng tác mới, tôi chỉ muốn nói một điều: Ngày xưa tôi sống thật trên quê hương tôi... Ngày nay tôi không có cơ hội tích lũy những chất liệu vừa kể. Những sáng tác thuần kỹ thuật và trí tuệ cho dù có hay nó vẫn có một cái gì đó không thật, thành thử nó cứ gượng và vì vậy mà không đi được vào lòng người.
Lớp người khai phá phong trào du ca bây giờ đã bước vào tuổi già. Vài người ở ngưỡng cửa 60, số đông anh em trên 50. Tinh thần của chúng tôi tuy vẫn còn, nhưng thể chất có lẽ sẽ không còn được dẻo dai, bền bỉ như 30 năm trước. Vả lại nếu bây giờ hình thành một sinh hoạt thanh niên thì đó có thể không phải là “Phong Trào Du Ca” của 30 năm trước, và tại quê nhà. Chỉ có thể tựa vào đó như một chất keo, hàn gắn lại anh em sau ba chục năm rời rã, kế đó phải có một tinh thần sinh hoạt mới, phù hợp với hoàn cảnh mới, và những con người mới. Tinh thần của du ca phải là một tinh thần sinh động, không đóng chấu với bất cứ một hoàn cảnh chính trị hay xã hội nào, ngoại trừ sự hữu hiệu.
Ðỗ Quý Toàn - Quê hương ngạo nghễ
Ðỗ Quý Toàn
“Ðường Việt Nam ôi vô cùng vô tận!” Ðó là câu đầu một bài hát thời rất trẻ. Nguyễn Ðức Quang kể đã đặt bài ca Ðường Việt Nam trong lúc đang đi, trên con đường từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn.
Du Ca Nguyễn Ðức Quang trong một sinh hoạt âm nhạc tại Hoa Kỳ.
Ði một mình, vừa ngắm cảnh núi đồi, làng mạc, vừa hát lên từng câu, sửa, chọn từng tiếng, cho đến khi hoàn thành ca khúc, trên chiếc xe đạp cũ, chiếc xe đi học không phải loại xe leo núi. Vừa đi vừa hát, gọi đúng tên là du ca. “Ði dựng lấy thiên đường! Giống da vàng này là vua đấu tranh!” Bài hát kết thúc như vậy.
Với tốc độ đạp xe của một thanh niên 16, 17 tuổi, chuyến đi chắc phải kéo dài 15 hay 20 tiếng đồng hồ. Ðến khi hát những câu sau cùng này, chắc chàng nhạc sĩ đã thở hào hển, đẫm mồ hôi. Nhưng vẫn nhất định đi dựng lấy thiên đường. Vẫn tự nhận giống dân mình là vua đấu tranh!
Câu chuyện này là tiêu biểu cho nguồn cảm hứng và lối sáng tác của Nguyễn Ðức Quang. Cảm hứng đến trong khi Quang đang sống. Sống thật, sống khỏe mạnh. Sống hết mình và sống cùng với núi sông đất nước, sống giữa bè bạn, quê hương, đồng bào. Sống và sáng tác, đối với Nguyễn Ðức Quang, tuy hai mà một.
Năm 1964 Nguyễn Ðức Quang hát bài “Tôi chót sinh ra làm thân nhược tiểu...” Một người bạn tôi nghe rồi phê bình: Tại sao lại nói “chót sinh ra”? Phải hãnh diện được sinh ra làm người Việt Nam chứ? Nhưng Nguyễn Ðức Quang không phải là một nhạc sĩ “lên gân.” Không tự kiểm duyệt. Không sáng tác theo một lập trường, quan điểm, hay chủ trương giai đoạn nào cả. Không ai được chọn nơi mình sinh ra. Người nghệ sĩ ý thức thân phận một người Việt Nam, một thanh niên lớn lên trong một quốc gia đã bị các cường quốc bắt tay nhau đem cắt đôi, để phân chia ảnh hưởng. Và ý thức số phận đồng bào mình đang giết nhau, quê hương bị chiến tranh đang tàn phá. Ý thức như vậy, nhưng không để thở than, trách móc. Vì cuối cùng, mỗi người sinh ra ở nước Việt Nam đều hãnh diện “chọn nơi này làm quê hương.” Một lựa chọn có ý thức. Rồi ngẩng đầu lên hát “Việt Nam Quê hương ngạo nghễ!” Bây giờ các thanh niên người Việt ở khắp nơi vẫn còn vỗ tay mà hát: “Ta như nước dâng, dâng chẳng có bao giờ tàn! Ðường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang!”
Thế hệ thanh niên lớn lên ở các thành phố trong miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 đều chia sẻ tâm trạng “thân nhược tiểu” này. Một dân tộc vừa giành được độc lập đã bị cắt đôi, kẹp giữa hai khối tư bản và cộng sản. Và đang được hai khối đó đưa cho khí giới giết lẫn nhau, nhân danh những chủ nghĩa, những thiên đường! Trong khung cảnh đó có hai phản ứng khác nhau.
Nhiều người chỉ thở than, tuyệt vọng, hoặc tìm lãng quên. Nguyễn Ðức Quang có một tâm hồn tích cực, vẫn tìm thấy con đường sống lạc quan, yêu đời. Một phần có thể vì từ thuở nhỏ Quang đã thuộc điều luật thứ 8: Hướng đạo sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi! Nhưng không phải chỉ có thế. Toàn thể con người Nguyễn Ðức Quang ngập đầy sức sống; không còn chỗ nào cho những tình cảm tiêu cực chen vào.
Sống trong cảnh “Xương sống ta đã oằn xuống” Nguyễn Ðức Quang không chịu thua, không buông xuôi, không ủ rũ tìm nguồn vui trong mơ mộng siêu hình. Vì bản chất Quang rất mạnh. Tâm hồn Quang tràn đầy nam tính, nam tính chiếm hết chỗ rồi, không còn chỗ chứa những trạng thái u sầu, ủy mị nữa. Ngay cả khi viết một điệu hát buồn, như khi nhớ đến những “đàn bé em biến đâu rồi, này bé sao không đùa chơi,” thì Nguyễn Ðức Quang vẫn mở đầu bài ca bằng ánh sáng tin tưởng: “Trời sáng tươi đã lên rồi! Trời sáng tươi trong lòng tôi!” Bởi vì “Cặp mắt sâu sau đêm dài, tìm quanh đây một ngày vui!”
Từ trái: Trần Ðại Lộc, Phương Oanh, Nguyễn Ðức Quang, tại Sài Gòn.
Một điều may mắn là con người với bản chất tích cực như Quang lại gặp được một môi trường đúng với bản chất tích cực lạc quan để phát triển dòng nhạc của mình.
Ðúng khi Quang bước vào tuổi 20 thì xã hội miền Nam đang thay đổi. Từ năm 1964, một phong trào thanh niên nổi lên ở các thành phố, họ rủ nhau đi làm công tác giúp đồng bào. Ðặc biệt là những đồng bào ở nông thôn và những nạn nhân chiến tranh. Giúp ích, một khẩu hiệu của Hướng Ðạo, không phải là một hiện tượng mới. Ngay trong những năm 1950, mỗi lần có đám cháy lớn ở Sài Gòn là người ta thấy từng đoàn hướng đạo mặc đồng phục đến tiếp tay các anh “lính cứu hỏa” và giúp đỡ các nạn nhân. Sau đó, các đoàn hướng đạo và học sinh đi xây dựng lại nhà cho các nạn nhân; vật liệu và dụng cụ do bộ Xã Hội cung cấp. Những “công tác xã hội” tự nguyện đó là hình thức cộng tác giữa nhà nước và xã hội công dân, gồm các tổ chức tư hoàn toàn tự nguyện.
Kể từ năm 1964, một phong trào thanh niên bột phát. Người ta thành lập các hội đoàn, đặc biệt là trong giới trẻ, và đặc biệt với mục đích giúp ích. Bắt đầu từ những tổ chức thanh niên trong tôn giáo; rồi tới các hội tự nguyện của học sinh, giáo chức và sinh viên. Rồi những thanh niên thuộc nhiều hội gặp gỡ nhau lập ra từng chương trình chung, như “Liên hội công tác nông thôn.”
Khi bão năm Thìn đánh vào miền Trung vào cuối năm 1964, các hội cùng nhau tổ chức chương trình “Cứu Lụt,” đưa học sinh, sinh viên ra các tỉnh từ Bình Ðịnh ra Quảng Nam. Chính quyền lúc đó là cụ Phan Khắc Sửu, bộ Xã Hội do Bác Sĩ Phan Quang Ðán cầm đầu, họ tiếp các sinh viên, nghe trình bày dự án, rồi tận tâm giúp đỡ mà không đặt một điều kiện nào cả. Không cần bộ máy chính quyền thúc đẩy hay “hướng dẫn,” các thanh niên đi tìm cơ hội phục vụ đồng bào. Những sinh hoạt thanh niên này cần những điệu ca tập thể mới.
Nguyễn Ðức Quang đã trở thành tiếng hát của phong trào này. “Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng, tiếng reo vui rộn trong lòng!... Cùng đi biến ruộng hoang ra lúa thơm!.. Ta đắp bồi cho mẹ cha.”
Rồi tới Chương Trình Hè 65, một tổ chức quy mô trên tất cả 40 tỉnh toàn quốc. Với hàng chục hội đoàn tham dự, huynh trưởng phần lớn là các giáo sư, họ huy động hàng chục ngàn học sinh đi giúp ích. Tất cả mọi người tham dự đều tự nguyện, không ai được thù lao, không ai bị ép buộc. Hoàn toàn đứng ngoài chính quyền, không thuộc một khuynh hướng chiến tranh hay tôn giáo nào (nhưng vẫn bị chính quyền ngầm theo dõi). Chưa bao giờ có một phong trào thanh niên tự nguyện, vô vị lợi, phi chính phủ hoạt động với quy mô lớn như vậy; và khi kết thúc chương trình thì giải tán.
Sang năm 1996, Bộ Giáo Dục đã tiếp tục nuôi dưỡng phong trào này với Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Ðường (viết tắt CPS). Ngoài việc huấn luyện tính khí và phương pháp tổ chức công việc, một mục tiêu chính của các sinh hoạt thanh niên này, là huấn luyện lối sống dân chủ tự do cho thanh thiếu niên. Ðó chính là một phương pháp xây dựng nền tảng cho một xã hội công dân, mà bất cứ quốc gia tự do dân chủ nào cũng cần phát triển.
Chính khi dấn thân trong môi trường những công tác thanh niên tự nguyện đó, Nguyễn Ðức Quang đã có cảm hứng viết những bài ca tập thể mà chúng ta đang hát hôm nay. Khi Quang hát “những nhát cuốc...” thì thật sự Quang đã đi cuốc đất hay sống giữa đám bạn bè đang cuốc đất. Trong khi đổ mồ hôi tại trại công tác tên là “Công trường Cam Lộ” kéo dài mấy tháng ở Quảng Trị Nguyễn Ðức Quang đã hát “Ðường về công trường là đường vào quê hương.” Trong khung cảnh tự do phục vụ đó, người thanh niên yêu đời, tự yêu mình, và yêu đồng bào. Họ ngẩng đầu lên hát Việt Nam Quê hương Ngạo nghễ!
Khi các bạn thanh niên sau này hát lại những ca khúc của Nguyễn Ðức Quang, xin các bạn hãy nhớ những thế hệ đàn anh trong thời gian 1965 đã hát những bài hát đó trong khi đi xây dựng quê hương bằng bàn tay của mình. Hoàn toàn tự nguyện. Hoàn toàn tự do. Không vì lợi, không vì danh, không nhắm đến quyền hành chính trị. Những bài ca của Nguyễn Ðức Quang là tiếng nói của thế hệ thanh niên đó. Ước chi, đó cũng là tiếng nói của các thế hệ thanh niên Việt Nam bây giờ và mai sau. Chúng ta sẽ cùng nhau hát mãi: Việt Nam Quê hương Ngạo nghễ!
Đoàn Thanh Liêm - Đọc lại tài liệu về cuộc chiến Việt Hoa và Việt Miên năm 1979
Đoàn Thanh Liêm
1 - Cuốn sách viết bằng tiếng Việt :
" Chiến tranh Đông Dương III "
Chiến tranh biên giới Hoa Việt & Miên Việt 1979
* Tác giả : Hoàng Dung
* Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành tại Hoa Kỳ năm 2000
2 - Tập sách viết bằng tiếng Anh :
" The Third Indochina War "
Conflict between China, Vietnam and Cambodia, 1972 - 79.
* Edited by Odd Arne Westad and Sophie Quinn-Judge
* First published 2006 by Routledge.
Như ta đã biết, các học giả quốc tế thường đặt tên cho cuộc chiến tranh Việt - Pháp 1946 - 1954 là "Chiến tranh Đông Dương I"; cuộc chiến tranh ở Việt nam 1960 - 1975 là "Chiến tranh Đông dương II"; và cuộc chiến tranh 1979 là "Chiến tranh Đông Dương III" - mà ta đề cập đến trong bài viết này.
I - Sách "Chiến tranh Đông Dương III" dày 250 trang
Tác giả Hoàng Dung là bút hiệu của Bác sĩ Hoàng Xuân Trường hiện cư ngụ tại Virginia. Là một y sĩ trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, nên sau 1975, ông phải “đi tù cải tạo" một thời gian. Sau khi ra tù, ông đã vượt biên qua Mỹ. Tại đây, ông đã đi học lại và đã có bằng cấp để có thể tiếp tục hành nghề y khoa ở Mỹ. Ông Trường còn là bào đệ của Nhà thơ Hoàng Song Liêm - một nhân vật họat động văn hóa quen thuộc trong cộng đồng người Việt tại vùng thủ đô Washington DC.
Vốn là người có niềm say mê tìm hiểu về những vấn đề khoa học cũng như xã hội, bác sĩ Trường đã dành toàn thời gian rảnh rỗi ngoài chuyện làm việc chuyên môn – để tham khảo tài liệu sách báo và biên sọan thành những cuốn sách có giá trị như cuốn “Chiến Tranh Đông Dương III” xuất bản năm 2000. Ngoài ra, tác giả Hoàng Dung còn cho xuất bản hai cuốn sách sưu khảo khác do Tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành có nhan đề: "Sau bức màn đỏ" ra mắt năm 2007 và " Cõi Trời cõi Ta" ra mắt năm 2011. Cả hai cuốn sách đó cũng được nhiều bạn đọc chú ý.
* Cuốn Chiến Tranh Đông Dương III không có bản Mục lục, mà lại cũng không chia thành từng chương, từng phần, nên đối với một số người đọc sơ qua ban đầu, thì việc theo dõi câu chuyện sẽ gặp một vài khó khăn.
Tuy vậy, về mặt nội dung nếu kiên nhẫn để mắt coi kỹ các tiểu đề mục, thì người đọc sẽ tìm ra được những mục được trình bày rất mạch lạc, hấp dẫn. Và ở trang cuối của mỗi mục, tác giả đều ghi ra một số tài liệu tham khảo, để chúng ta có thể tin cậy được xuất xứ của những thông tin do tác giả đưa ra.
Đại cương, ta có thể tóm lược cách trình bày của tác giả như sau đây :
1 - Riêng về cuộc chiến biên giới Tây Nam Việt - Miên, cuốn sách đã dành ra đến gần 120 trang với các tiết mục đáng chú ý như :
A/ Lịch sử tranh chấp Việt Miên trước năm 1975
B/ Sự thành lập Đảng Cộng sản Cambodia.
C/ Chiến trường biên giới Tây Nam năm 1977.
D/ Biên giới Tây Nam năm 1978 - 79. Trận chiến quyết định.
2 - Về cuộc chiến biên giới phía Bắc Việt - Hoa, cuốn sách dành ra gần 100 trang với các tiết mục đáng chú ý như sau :
A/ Sơ lược Lịch sử Trung Hoa và Những quan hệ với Việt nam
B/ Mục tiêu và sách lược chuẩn bị chiến tranh của Trung Hoa.
C/ Trận chiến biên giới Việt - Hoa năm 1979.
3 – Về tình hình chính trị ngọai giao của Việt nam, Trung Hoa, Cambodia, thì tác giả đề cập trong các mục sau đây :
A/ Tình hình nội bộ Việt nam – Cambodia – Trung Hoa.
B/ Những cố gắng thiết lập ngọai giao với Mỹ của Việt Nam và Trung Hoa.
C/ Tình hình chính trị ngọai giao ba nước Việt Miên Hoa trong năm 1978.
4 - Hai mục cuối cùng trong sách cũng thật đáng chú ý. Đó là:
A/ Ghi chú các nhân vật : tất cả 166 nhân vật người Việt, Hoa, Miên, Lào và cả Nga, Mỹ, Pháp đều được ghi ra trong ít dòng tiểu sử về từng người đã có đề cập tới trong sách.
B/ Sơ lược về 37 đại đơn vị của Quân đội cộng sản Việt nam mà có tham dự các trận chiến với Trung Cộng và Miên Cộng.
Nói chung, thì cuốn sách cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tương đối khách quan và chính xác về cả hai cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1979. Tác giả đã bỏ ra nhiều thời gian để tìm kiếm tài liệu, so sánh đối chiếu và gạn lọc ra được những thông tin chính xác để giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về bối cảnh chính trị quân sự của hai cuộc chiến tranh này. Các tài liệu tham khảo gồm nhiều chứng từ khả tín của nhiều nhân vật Việt nam cũng như ngọai quốc, mà chỉ người Việt ở nước ngòai mới có điều kiện thâu thập dễ dàng và tương đối đầy đủ.
Tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách Việt ngữ, vừa ngắn gọn vừa đáng tin cậy này. Đồng thời cũng xin được gửi tới tác giả sự cảm phục và lời cảm ơn về sự cống hiến quý báu này.
II – Tập sách “The Third Indochina War” dày 242 trang chữ nhỏ.
Khác với cuốn sách viết bằng tiếng Việt của một tác giả duy nhất là Hòang Dung đã giới thiệu ở trên, cuốn sách viết bằng tiếng Anh này là một công trình của nhiều chuyên gia có tên tuổi mà các bài được tuyển lựa để sắp xếp vào một trong những tác phẩm của tủ sách “Lịch sử Chiến tranh Lạnh” (Cold War History) thuộc Đại học London School of Economics. Sách này do hai giáo sư Odd Arne Westad và Sophie Quinn-Judge hợp tác giữ nhiệm vụ biên tập.
1 – Giới thiệu sơ lược về các tác giả
A – Các biên tập viên của cuốn sách : Odd Arne Westad và Sophie Quinn-Judge
*Giáo sư Odd Arne Westad chuyên giảng dậy và nghiên cứu về lịch sử cận đại thế giới tại London School of Economics. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về chiến tranh lạnh (2005), về cuộc nội chiến ở Trung Hoa 1946 -1950 (2003). Trong tập sách được giới thiệu trong bài viết này, ông viết chương mở đầu với tiêu đề : “Introduction : From war to peace to war in Indochina”.
*Giáo sư Sophie Quinn-Judge hiện giảng dậy về lịch sử Á châu tại Đại học Temple ở Philadelphia. Bà là tác giả cuốn sách nổi tiếng : “Ho Chi Minh : The Missing Years” (2003). Bà còn là Phó Giám đốc Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam tại Đại học Temple. Trong tập sách này, bà viết chương cuối với tiêu đề : “ Victory on the battlefield; isolation in Asia : Vietnam’s Cambodia decade, 1979 – 1989", và hai bản Phụ lục liệt kê các biến cố từ 1972 đến 1979 và về cuộc khủng hỏang người tỵ nạn Hoa kiều ở Việt Nam.
B – Bốn tác giả người Việt Nam : Lưu Doãn Huỳnh, Nguyễn Vũ Tùng (hiện ở trong nước) và Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Thị Liên Hằng (hiện ở Mỹ).
* Ông Lưu Doãn Huỳnh là một viên chức ngọai giao kỳ cựu đã từng tham gia hội nghị tại Geneva về Lào năm 1961 - 62. Ông còn làm cố vấn tại Sứ quán Việt Nam ở Bangkok và Canberra. Ông cùng hợp tác biên tập với Giáo sư Jayne Werner trong cuốn sách "The Vietnam War, Vietnamese and American perspectives" (1993). Ông là tác giả của bài "The Paris Agreement of 1973 and Vietnam's vision of the future" trong tập sách này.
* Ông Nguyễn Vũ Tùng có bằng Tiến sĩ về chính trị học năm 2003 tại Đại học Colombia. Ông tham gia Viện Bang Giao Quốc tế từ năm 1990 và hiện là giảng viên của Phân khoa Chính trị Quốc tế và Ngọai giao Việt Nam. Ông là tác giả của bài "The Paris Agreement and Vietnam-ASEAN relations in the 1970s" trong tập sách này.
* Ông Ngô Vĩnh Long là Giáo sư về môn Á châu học tại Đại học Maine. Ông chuyên nghiên cứu về vấn đề phát triển kinh tế và xã hội tại Á châu và quan hệ ngọai giao giữa Mỹ và các quốc gia Á châu. Trong tập sách này, ông viết về đề tài : " The Socialisation of South Vietnam".
* Bà Nguyễn Thị Liên Hằng có bằng Tiến sĩ từ Đại học Yale với luận án nhan đề "Between the Storms : An International History of the Vietnam War, 1968 - 1973". Bà Liên Hằng hiện là nghiên cứu sinh hậu Tiến sĩ (postdoctoral fellow) tại Đại học Harvard. Trong tập sách này, bà Liên Hằng viết về đề tài "The Sino-Vietnamese split and the Indochina War, 1968 - 1975".
C - Bốn tác giả khác : Chen Jian, Cécile Menétrey-Monchau, Christopher E. Goscha và Ben Kiernan.
* Ông Chen Jian là giáo sư về môn Lịch sử bang giao Mỹ-Hoa tại Đại học Cornell. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Hoa. Trong tập sách này, ông viết về đề tài : "China, the Vietnam War, and the Sino-American rapprochement, 1968 - 1973".
* Bà Cécile Menétrey-Monchau có bằng tiến sĩ về nghiên cứu sử học từ Đại học Cambridge năm 2003. Bà hiện làm tham vấn cho Liên hiệp quốc. Trong tập sách này, bà viết về đề tài : "The changing post-war US strategy in Indochina".
* Ông Christopher E. Goscha là phó giáo sư tại Đại học Québec ở Montréal. Ông viết nhiều sách báo về chế độ thực dân và công cuộc giải thực ở Đông Dương. Trong tập sách này, ông viết về đề tài : "Vietnam, the Third Indochina War and the meltdown of Asian Internationalism" (Sự tan rã của chủ nghĩa quốc tế ở Á châu).
* Ông Ben Kiernan là giáo sư về sử học tại đại học Yale. Ông là sáng lập viên của chương trình nghiên cứu về Diệt chủng ở Cambodia và là tác giả của 2 cuốn sách "How Pol Pot came to Power" và "The Pol Pot Regime". Trong tập sách này, ông viết về đề tài : "External and indigeneous sources of Khmer Rouge ideology".
2 - Nhận xét chung về tập sách "The Third Indochina War".
Nói chung các bài viết của những chuyên gia nghiên cứu có tên tuổi này, thì đều đạt tiêu chuẩn hàn lâm với những luận cứ, phân tích số liệu và dữ kiện vững chắc đáng tin cậy. Các tác giả đều trưng dẫn khá đầy đủ tài liệu tham khảo có giá trị thuyết phục và khả tín để cho người đọc dễ dàng kiểm chứng hoặc tìm hiểu sâu xa hơn.
Nhờ khai thác được nguồn tài liệu đã được giải mật từ nhiều văn khố trên thế giới, mà các tác giả đã có thể trình bày cho chúng ta cái thực trạng phức tạp của cuộc chiến tranh "xâu xé nội bộ giữa các nước cộng sản với nhau", đặc biệt là giữa hai đàn anh lớn là Trung Cộng và Liên Xô. Và hơn nữa, cuộc chiến tranh năm 1979 này còn làm tan nát cái huyền thọai "Việt nam Anh hùng" đối với các quốc gia ở khắp ba lục địa Á châu, Phi châu và Mỹ La tinh. Việc Việt Nam chiếm đóng Cambodia còn gây ra tình trạng Việt Nam bị cô lập đối với nhiều nước tại Đông Nam Á.
Nhân tiện, người viết cũng xin ghi lại phát biểu của tiến sĩ Henry Kissinger trong cuốn sách vừa mới xuất bản năm 2011 nhan đề "Kissinger on China", trong đọan "The Third Vietnam War" từ trang 367 - 376. Kissinger thuật lại rằng: "Ông Hoa Quốc Phong lúc đó là Chủ tịch Trung Hoa có nói trong một cuộc gặp gỡ vào mùa hè năm 1979 : "Chúng tôi vẫn có thể sờ đít con cọp (Liên Xô) rồi đấy" (We could still touch the buttocks of the tiger). Mặc dầu quân đội của họ bị thiệt hại nặng nề, nhưng rõ ràng là Trung Quốc đã đạt được mục tiêu chiến lược lâu dài là ngăn cản được sự bành trướng của Liên Xô tại Đông Nam Á. Và trong vụ này, Trung Quốc đã có được sự hậu thuẫn rõ rệt về nhiều mặt của Hoa Kỳ. Và đa số các tác giả trong tập sách này cũng đều có nhận định tương tự như thế của Kissinger.
Nhân tiện, người viết cũng xin ghi nơi đây lời cảm ơn chân tình đến với tác giả Sophie Quinn-Judge vì đã gửi cho tập sách The Third Indochina War thật quý giá này.
Westminster, tháng Ba năm 2012
Đoàn Thanh Liêm
Bogdan Góralczyk - Trung Quốc chậm lại hay là bị xiết chặt?
Bogdan Góralczyk (Ba Lan)
Lê Diễn Đức dịch
Phiên họp quốc hội cuối cùng hàng năm của Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của "của các nhà lãnh đạo thế hệ thứ tư" (Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, những người kế nhiệm sau một năm nữa - Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường), đã tạo ra nhiều tiếng vang trên thế giới. Các phương tiện truyền thông phương Tây hợp lại một thông điệp: kinh tế Trung Quốc chậm lại. Điều này đã được nói tới và trên những cột báo. Vậy thực sự câu chuyện gì ở đây?
Không phải tháp chuông này, không phải cái chuông này
Con lăn kinh tế Trung Quốc được mô tả gần đây trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Không chỉ ghi nhận gần 10 phần trăm tăng trưởng hàng năm trong vòng ba thập kỷ qua, nhưng cũng nhấn mạnh rằng khu vực nghèo ở Trung Nam Hải đã giảm từ 65% dân số xuống 10%, và do đó, người ta đã đưa ra khỏi đói nghèo trong thời gian này nửa tỷ người. Hơn nữa, Trung Quốc cùng với các "thị trường mới nổi" đã cho thế giới, sau cuộc khủng hoảng của năm 2008, 2/3 toàn bộ tăng trưởng GDP toàn cầu. Nói cách khác, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên toàn cầu thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xóa đói giảm nghèo và tăng chất lượng cuộc sống, đồng thời là một động lực quan trọng của cả kinh tế toàn cầu hóa của thế giới. Vì vậy, giờ đây khi người ta thông báo kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2012 của Trung Quốc là 7,5%, các phương tiện truyền thông phương Tây bắt đầu kéo tín hiệu báo động.
Sự chậm lại này không phải bị gây ra bởi những khó khăn trên thị trường nước ngoài, mà là một phần của gói chính sách chiến lược mà Trung Quốc sẽ phải thực hiện và bằng nó, "thế hệ lãnh đạo thứ năm”, trong giai đoạn 2012-2022, phải kết thúc bước đi, tức là theo hầu hết các nhà phân tích, mặc dù suy thoái hiện nay, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và trở thành nền kinh tế chính trên thế giới.
Sau năm 2008, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phải hiểu một số sự thật cơ bản. Đất nước đã trở thành một cường quốc kinh tế (và tài chính). Ngày càng có nhiều thứ phụ thuộc vào Trung Quốc. Không lâu nữa thậm chí Trung quốc có thể là một thủ lĩnh kinh tế. Như vậy, họ phải thừa nhận trách nhiệm lớn hơn - không chỉ cho số phận của riêng của họ, như trong giai đoạn cải cách và mở cửa với thế giới (gaige, kiafang), nghĩa là từ năm 1978, mà còn cho số phận của các nền kinh tế thế giới kết nối. Bao nhiều phần trăm của trách nhiệm này chính là những cuộc thảo luận hấp dẫn nhất hiện nay xung quanh trung tâm quyền lực Trung Quốc, trong các trung tâm nghiên cứu và trường đại học, cũng như trên các phương tiện truyền thông và cộng đồng mạng Trung Quốc. Sự đồng thuận về đề tài này dường như chưa nhìn thấy, nhưng khi đưa nó ra thảo luận đã chứng minh rằng, các tầng lớp tinh hoa Trung Quốc ngày càng nhận thức nhiều hơn rằng, trách nhiệm mà họ phải gánh phải nhiều hơn chứ không chỉ là với sự phát triển của Trung Quốc như hơn ba thập kỷ qua.
Thủ lĩnh mới sẽ như thế nào?
Cuộc khủng hoảng trong năm 2008, mà cho đến nay Trung Quốc đã tránh được, và thậm chí còn tận dụng nó để tăng cường vai trò của mình như là một thủ lĩnh kinh tế thế giới, từ một phía thì rõ ràng đã làm tăng mức độ quyết đoán của Trung Quốc, nhưng từ phía khác họ nhận ra rằng, ngay cả vững như pho tượng tuyệt vời cũng không thể tự xoay xở quanh chính nó, mà phải bị phụ thuộc vào thị trường thế giới và những tiến trình xảy ra với chúng. Các nhà kinh tế tại đây hiểu nó một cách nhanh chóng. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên, ngay trong tháng 11/2008, tức chưa đầy hai tháng sau sự sụp đổ của tổ hợp tài chính Mỹ Lehman Brothers, đã phải tung ra "gói kích thích kinh tế" với lượng tiền đáng kể, 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 586 tỷ USD). Đây là sự khởi đầu của sự thay đổi chiến lược và giờ đây chuyển động với đúng nhịp độ của nó.
Lo sợ những cú sốc hơn nữa và biến động trong thị trường nước ngoài, trong khi tính đến những thay đổi đã diễn ra tại thị trường nội địa qua ba thập kỷ cải cách, Trung Quốc đã quyết định - như thường lệ, phân cấp, từng bước - thay đổi toàn bộ triết lý cải cách và mô hình phát triển.
Trong giai đoạn 1978-2008, không phân biệt những thay đổi thường xuyên về phương pháp sử dụng trong nhiều thập kỷ khác nhau (những năm 80 - cải cách chủ nghĩa cộng sản; thập niên 90 hội nhập xu thế toàn cầu hóa và xây dựng chủ nghĩa tư bản nhà nước; thập niên đầu của thế kỷ 21 - khái niệm của "xã hội hài hòa"), mô hình này dựa trên hai trụ cột chính: trực diện khai thác không hạn chế nguồn lao động giá rẻ và xuất khẩu bằng mọi giá. Bây giờ thế giới đã thay đổi, và Trung Quốc cũng đã thay đổi. Không thể tiếp tục duy trì mô hình như vậy, bởi vì sẽ đe dọa sự bùng nổ xã hội cho chính Trung Quốc, còn thế giới bên ngoài, chủ yếu là ở phương Tây, lo ngại ngày càng tăng về sự bành trướng của Trung Quốc, thậm chí có tâm lý tẩy chay (chỉ cần nhìn vào các cuốn sách xuất bản của hai tác giả Pháp "Trung Quốc là bá chủ thế giới? Chủ nghĩa đế quốc kinh tế của Trung Hoa ").
Người ta đề xuất gì cho sự thay đổi? Đầu tiên, sự trở lại truyền thống Trung Quốc và nền văn minh bản xứ (Nho giáo). Từ đây có khái niệm "xây dựng xã hội hài hòa" hoặc "phục hưng dân tộc Trung Hoa". Giải thích nó một cách khác, Trung Quốc lại một lần nữa ám chỉ rằng họ sẽ lại đi theo cách riêng của mình, không theo những lời khuyên và gợi ý từ bên ngoài, nhưng sẵn sàng lắng nghe, và khi thấy thích hợp với lợi ích, mặc nhiên họ sẽ áp dụng cho bản thân.
Một con đường mới và riêng biệt của họ sẽ như thế nào? Con đường này cũng chính là nguyên nhân của những tranh chấp đang diễn ra khốc liệt, và phác thảo về mô hình mới đã nổi lên. Trước hết, người ta quyết định rằng, sự giàu có không chỉ với đất nước, điều mà họ đã chiến đấu quyết liệt, mà còn là với những công dân cụ thể. Vào đầu rằng phiên họp của quốc hội, với niềm tự hào họ đã chỉ ra rằng, trong năm 2011 thu nhập bình quân đầu người của cư dân đô thị Trung Quốc lên đến 21.810 nhân dân tệ, còn ở nông thôn 6.977 nhân dân tệ, mang lại tăng trưởng từ 8,4% đến 11,4% so với năm ngoái. Đồng thời liên tục và hồi phục vị thế gần như bị phá hủy hoàn toàn trong những năm 90 mở rộng tự do, khi Trung Quốc đối đầu với thị trường toàn cầu hóa và hệ thống bảo hiểm xã hội. Tại phiên quốc hội cũng được công bố rằng trong năm 2011 đã có 289 triệu người ở đô thị và 326 triệu ở nông thôn được hưởng lương hưu cơ bản, 473 triệu người được bảo hiểm y tế, 177 triệu người người lao động hưởng lương hưu trí lao động, và 143 triệu được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra 139 triệu bà mẹ có con nhỏ được bảo hiểm. Có lẽ con số này chưa có gì ghê gớm, cũng như tổng số tiền cho người thụ hưởng, nhưng rất ấn tượng; đặc biệt kết hợp với thực tế là vài năm trước đây dân chúng của nhà nước này chỉ có thể mơ ước có được các giải pháp như vậy.
Một mô hình mới ở phía chân trời
Tất nhiên, ý tưởng trở về một nhà nước phúc lợi, thậm chí có giới hạn, rất tốn kém cho ngân sách. Và đây là một trong những lý do cho sự suy giảm kinh tế hiện tại Trung Quốc. Nhưng có vấn đề thứ hai, quan trọng hơn rất nhiều. Kể từ gói kích cầu tháng 11/2008, nhà chức trách Bắc Kinh, và theo họ mặc dù không phải không có sự xung khắc, các chính quyền địa phương bắt đầu rời khỏi khái niệm "xuất khẩu trên tất cả" để xây dựng và mở rộng nhanh chóng thị trường nội bộ. Trong tài liệu chính thức được nói tới trong phiên họp cuối cùng của quốc hội, cho biết nhất quán rằng, trong tương lai phát triển gần nhất của Trung Quốc, các mô hình được dựa trên: (1) Thị trường nội địa mạnh, dựa trên sức mua của công dân cao hơn nhiều với mức hiện nay; (2) Xây dựng các thương hiệu riêng (Lenovo, Huawei, Heier, ZTE, đây là các ví dụ của một danh sách dài); (3) Sáng chế (tài trợ nghiên cứu và phát triển cho 5 năm tới vượt ngưỡng 2% GDP); (4) Mở rộng mạng lưới dịch vụ xã hội; (5) Duy trì kiểm soát nhà nước về tỷ lệ hối đoái của đồng nhân dân tệ như là một trong những công cụ quan trọng để kiểm soát tăng trưởng nội bộ và phát triển, bên cạnh sự tuân thủ song song và rộng hơn của đồng nhân dân tệ với các lực lượng thị trường, một điều phải được đạt được nếu muốn có vai trò quan trọng trong phát triển của tiền tệ toàn cầu (còn trong các giả định của nhà chức trách Trung Quốc, chính xác phải là như vậy).
Đây là lý do tại sao tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại một chút. Điều này không phải là những nhiễu loạn trên thị trường toàn cầu, không phải do khó khăn từ hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu (mặc dù các Ngân hàng Trung ương chủ tịch Zhou Xiaochuan phàn nàn với quốc hội về các "hậu quả tiêu cực đối với Trung Quốc" phát sinh từ cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng Euro), mà là chính nó chứ không một kế hoạch nào khác để tiếp tục hiện đại hóa nhà nước và khác hơn bao giờ hết là xác định ngân sách đằng sau sự thay đổi này.
Điều gì sẽ đến từ tất cả các điều này, rất khó để nói vào hôm nay. Ngân hàng Phát triển châu Á trong một báo cáo đặc biệt "châu Á 2050" vào mùa thu năm ngoái đã cảnh báo để Trung Quốc không rơi vào "cái bẫy của tầng lời trung lưu”, tức là không được nghỉ trên vòng nguyệt quế vào thời điểm mà tầng lớp trung lưu ước tính gần 300 triệu người, không ngủ trên cành nguyệt quế và ngưng làm việc mạnh mẽ như từ trước đến nay. Còn Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo "Trung Quốc năm 2030" tháng Hai năm nay, dự đoán một tương lai tươi sáng với vai trò của nền kinh tế đứng đầu thế giới, nhưng với một số điều kiện nhất định. Người ta liệt kê trong báo cáo 6 điều kiện cơ bản, chẳng hạn như tăng cường phát triển khu vực tư nhân và sáng chế, đáp ứng thích hợp những thách thức môi trường chưa từng có và sự thay đổi khí hậu ngày càng tăng, bảo vệ an ninh xã hội của công dân, và cuối cùng là "sự minh bạch và tin cậy" của hệ thống tài chính nhà nước và ngân hàng.
Thế thì cải cách chính trị nằm ở đâu?
Như đã thấy, một phần trong số các đề xuất này đã được đáp ứng. Những những đòi hỏi khác, chẳng hạn như sự can dự thích ứng sức mạnh của nhà nước và khu vực tư nhân, đang là chủ đề của cuộc tranh luận sống động tiếp theo, mặc dù vai trò trọng yếu của nhà nước là điều vẫn không ai muốn từ bỏ.
Nhà nước, tuy thay đổi mô hình kinh tế, nhưng vẫn giữ một mô hình chính trị lỗi thời và không còn phù hợp với những thách thức hiện đại, vẫn còn dựa vào "bốn nguyên tắc cơ bản" của Đặng Tiểu Bình từ cuối những năm 70, đặt ra cho Trung Quốc: (1) Đi con đường của chủ nghĩa xã hội, (2 ) Duy trì chế độ độc tài, (3) Vai trò hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và (4) Giữ tư tưởng của Mao Trạch Đông được hỗ trợ bằng thực tế của Đặng Tiểu Bình. ‘’Thế hệ thứ năm của các nhà lãnh đạo sẽ làm gì với những điều này"? - Đó là câu hỏi!
Bởi vì có rất ít nghi ngờ rằng, nhà kỹ trị cổ điển có bằng tiến sĩ kinh tế và quản lý Lý Khắc Cường, từ tháng ba năm sau là thủ tướng mới, sẽ tiếp tục cải cách kinh tế quyết liệt. Nhưng ai là người thực hiện một cuộc cải cách chính trị cần thiết và không sai lầm? Mà thiếu sự cải cách chính trị này Trung Quốc không thể trở thành một nhà lãnh đạo thế giới, những gì mà bây giờ, đặc biệt là từ sau năm 2008, họ mơ ước ngày mỗi thường xuyên hơn - ít nhất là trên bình diện nội địa – thế hệ lãnh đạo thứ năm sẽ nói gì? Đây là câu hỏi chính đáng của hiện tại, chứ không phải là sự cường điệu nhân tạo xung quanh "Trung Quốc chậm lại". Hay là thực tế hiện nay cho phép chúng ta nói rằng, nhìn vào tương lai một lần nữa tăng tốc của Trung Quốc, trong khi cũng mạnh mẽ xiết chặt, nhưng không bị chậm lại - ngay cả khi trả giá bằng tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với trước.●
Bản Việt ngữ © 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
------------------------------------------------
* Tác giả là nhà khoa học chính trị và nhà Hán học, cựu đại sứ ở châu Á, giáo sư tại Trung tâm châu Âu của Warsaw University, giám đốc biên tập Niên giám "Châu Á-Thái Bình Dương."
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)