Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Hà Tường Cát/Người Việt - WikiLeaks sẽ công bố hàng triệu e-mail mật của StratFor

Hà Tường Cát/Người Việt
Tổng hợp

LONDON - WikiLeaks hôm Thứ Hai nói sẽ tiết lộ hàng triệu e-mail mật lấy được của StratFor, một công ty tình báo tư nhân đặt trụ sở ở Texas.

Những e-mail này sẽ được công bố dần dần và theo WikiLeaks có 5,000 e-mail thuộc loại tối mật. Cho đến nay đã có 214 trong số những e-mail này được phổ biến trên website của họ.


WikiLeaks từng gây xôn xao dư luận hai năm trước đây, khi tiết lộ những hồ sơ mật của quân đội Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan, tiếp theo đó công bố hàng trăm ngàn công điện ngoại giao từ các tòa đại sứ Hoa Kỳ trên thế giới. Năm tờ báo ở Anh, Ðức, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ đã được thỏa thuận để đăng tải những tài liệu này. Nhưng tiếp theo đó, WikiLeaks gặp nhiều rắc rối do những xung đột bất đồng ý kiến nội bộ, trong khi chịu áp lực từ mọi phía của các chính quyền trên thế giới. Mặt khác, nhà sáng lập Julian Assange vẫn còn đang phải đương đầu với án lệnh truy tố của Thụy Ðiển về cáo trạng tấn công tình dục hai phụ nữ.

WikiLeaks Julian Assange trong buổi họp báo tại London hôm Thứ Hai, 27 tháng 2, loan báo WikiLeaks sẽ công bố 5 triệu e-mails của StratFor. (Hình: Carl Court/AFP/Getty Images)

Có thể rằng tiềm năng về những áp lực chính trị và pháp lý đã gây sự chú ý trong dư luận vì thường được nói đến nhiều, nhưng áp lực tài chính mới tạo nên hiệu quả nặng nề nhất đối với hoạt động của tổ chức này.

Với loan báo tiết lộ những e-mail của StratFor, có lẽ WikiLaeaks hy vọng sẽ một lần nữa lôi cuốn sự chú ý của dư luận và tái tạo được tín nhiệm để hoạt động. Những e-mails này do một nhóm xưng tên là “Anonymous” (ẩn danh) đánh cắp được trong thời gian 7 năm từ 2004 đến 2011 của StratFor, có nội dung là những phân tích tình báo và địa lý chính trị (geopolitic) cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều diễn đàn trên Internet vẫn gọi StratFor là một loại “CIA trong bóng tối” và như lời Assange giải thích với thông tấn xã Reuters: “Ðây là một hãng do thám tư, dựa theo những tin của mật báo viên từ chính phủ Hoa Kỳ, các cơ quan tình báo nước ngoài và mục tiêu do thám bao gồm, ngoài những đối tượng khác, là những tổ chức của những người tranh đấu vì lý tưởng.”

WikiLeaks nói họ có 5 triệu e-mails của StratFor và sẽ được phổ biến với sự hợp tác của hơn 20 cơ quan truyền thông quốc tế. Chưa rõ những cơ quan truyền thông này như thế nào nhưng hiện nay The New York Times ở Hoa Kỳ và The Guardian ở Anh, hai trong số năm tờ báo đầu tiên ở Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha đầu tiên đã phổ biến các công điện ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ, hiện nay không còn cộng tác với Assange nữa.

Thông tấn xã Associated Press nói rằng qua nhận xét sơ khởi, những e-mails vừa được tiết lộ lẫn lộn cả vô thưởng vô phạt lẫn gây phiền toái, nhưng Assange hứa hẹn còn có những tài liệu “chấn động” hơn sẽ được đưa ra sau này. Ông cũng tố cáo cách hoạt động mờ ám và bất hợp pháp của StratFor trong việc sử dụng mật báo viên và điều động tài chính ở nước ngoài.

StratFor, tên gọi tắt của Strategic Forecasting, Inc., (Công ty Dự báo Chiến lược) là một hãng tình báo toàn cầu thành lập năm 1996 ở Austin, Texas. Hoạt động đầu tiên của StratFor là ấn hành bản tin tình báo hàng ngày. Sau đó StratFor cung cấp cho khách hàng, bao gồm chính phủ Hoa Kỳ và các nước khác, những tin quan trọng và các bản phân tích tình báo. Sau vụ khủng bố 9/11 phân tích tình báo của StratFor về những hành động có thể làm của al-Qaeda và chính quyền Bush được trình bày công khai cho mọi người có thể xem tự do, CNN, Bloomberg, AP. Reuters, BBC, New York Times,... nhận định StratFor là một cơ sở có thẩm quyền trong lãnh vực phân tích tình báo chiến lược cũng như chiến thuật và hoạt động thay thế một phần nhiệm vụ cho những cơ quan tình báo của các quốc gia.

StratFor không trực tiếp đề cập tới lập luận của Assange tố cáo những phương cách hoạt động bất hợp pháp, nhưng khẳng định: “StratFor đã là một nguồn tình báo cho nhiều quốc gia như mọi cơ quan nghiên cứu chiến lược địa lý chính trị trên thế giới khác có thể làm” và “chúng tôi làm việc thẳng thắn và cam kết đạt tiêu chuẩn cao với đạo đức chuyên nghiệp.” Tuy nhiên về việc WikiLeaks công bố những e-mails của mình, StratFor nói: “Ðã bị đánh cắp tài sản của mình, chúng tôi không muốn trở thành nạn nhân thêm một lần nữa bằng cách đặt câu hỏi với họ.”

StratFor nhận tiền thực hiện việc nghiên cứu những vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế để giúp cho khách hàng giảm thiểu rủi ro và cung cấp bản phân tích chuyển qua e-mail. Nhiều phân tích này không có tính cách bí mật nhưng một số khác hoàn toàn được giữ kín riêng cho từng thân chủ. StratFor giải thích là có thể một số e-mail sẽ được WikiLeaks công bố bị sửa chữa thêm bớt trong nội dung. Tuy nhiên “công ty sẽ không bình luận vì diễn tả quá nhiều những chuyện trong công việc của chúng tôi sẽ làm giảm giá trị kín đáo về cách hoạt động, thu thập tình báo, đường dây quan hệ và những bí mật khác của StratFor.” (HC)

Gia Minh, biên tập viên RFA - Việt Nam và Vatican thảo luận về bang giao

Gia Minh, biên tập viên RFA

Nhóm làm việc hỗn hợp Việt Nam - Vatican hôm nay và ngày mai tiến hành cuộc gặp lần thứ ba. Hoạt động lần này được tiến hành tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam.


Phái đoàn Toà thánh Vatican đến Hà Nội hôm 27.02.2012. - Courtesy Vietcatholic

Theo kế hoạch tại lần làm việc thứ hai hồi tháng 6 năm 2010 tại Roma, thì vòng làm việc của ủy ban hỗn hợp Việt Nam- Vatican lần thứ ba dự trù diễn ra vào tháng 6 năm ngoái ở Hà Nội. Tuy nhiên đến nay vòng làm việc lần thứ ba mới được tiến hành.

Theo nhận định của nhiều người thì có lý do cho sự trì chậm vừa nêu: đó là những yêu cầu của phía Việt Nam mà Vatican cho là không hợp lý.

Những vấn đề được nhắc đến đó là tình hình khiếu kiện đòi lại những cơ sở của giáo hội Công giáo Việt Nam mà chính quyền trưng thu, mượn suốt từ những năm 1946 ở miền Bắc hay từ năm 1945 ở miền Nam mà đến nay bị chuyển mục đích sử dụng khiến cho các giáo hội, dòng tu ở những địa phương đó lên tiếng đòi lại. Những vụ việc đòi hỏi cơ sở tôn giáo với việc tham gia của nhiều giáo dân đã bị giải tán, thậm chí có những người bị bắt và truy tố ra tòa...

Rồi vụ việc của tổng giám mục Hà Nội, Ngô Quang Kiệt mà đến nay trong dư luận giáo dân, nhất là tại tổng giáo phận Hà Nội nơi ông phục vụ trước khi phải đi chữa bệnh và rồi từ chức, vẫn cho còn nhiều điều khuất tất, có sự can thiệp của chính quyền vào.

Và tiếp đến là tiến trình phong Thánh cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận, người từng bị Hà Nội giam tù 13 năm sau năm 1975, và phải sống lưu vong ở Roma, dù rằng Ngài là giám mục kế vị tại tổng giáo phận Sài Gòn trước đây.

Những diễn biến đáng chú ý

Hồi ngày 24 tháng 2 vừa qua, Văn phòng báo chí của Tòa Thánh loan báo cuộc làm việc chính thức lần ba giữa phái đoàn hỗn hợp Vatican- Việt Nam được tiến hành vào hai ngày 27 và 28 tháng 2 này chiếu theo quyết định được đề ra trong cuộc gặp lần 2 hồi ngày 23- 24 tháng 6 năm 2010 tại Roma.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh Vatican cho biết cụ thể là sau một số cuộc viếng thăm của vị đại diện không thường trú của Vatican đến Việt Nam trong thời gian qua, cuộc gặp lần ba nhằm đào sâu và phát triển các mối quan hệ giữa hai phía.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, hiện là Thủ tướng Việt Nam, đã đến thăm Vatican hồi tháng giêng năm 2007. Rồi chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết cũng có chuyến thăm chính thức Vatican hồi tháng 12 năm 2009.

Mới hôm ngày 18 tháng 2 năm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng, bổ nhiệm trung tướng Phạm Dũng, tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh II, tức cơ quan phụ trách về tình báo nội địa, làm trưởng ban tôn giáo chính phủ Việt Nam.

Phía Vatican cử vị đại diện thường trú, tổng giám mục Leopold Girellei hồi tháng giêng năm 2011. Trong hơn một năm qua, vị đại diện thường trú của Vatican đã có những chuyến đến viếng thăm các giáo phận tại Việt Nam. Và ông cũng là thành phần có mặt trong vòng làm việc lần thứ ba này giữa phía Vatican và Việt Nam.

Tại vòng họp lần thứ ba này phía đại diện Vatican là thứ trưởng ngoại giao Ettero Balestrero và phía Việt Nam là ông thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Một giáo dân có những quan tâm đối với vấn đề giáo hội Công giáo Việt Nam, ông J.B. Nguyễn Hữu Vinh, đưa ra nhận định về lần họp này giữa Vatican và Hà Nội:

"Hiện nay cũng chưa có gì nhiều; bởi vì theo thông tin đưa ra từ những cuộc họp lần trước. Dù không chính thức, nhưng trên báo chí, người ta cũng đưa ra những trở ngại giữa hai bên, rồi có lúc đưa ra là có những tiến bộ. Chúng tôi cũng biết được những thông tin đến đó thôi. Bởi vì có những trở ngại nên hai bên gặp để giải quyết những vướng mắc, tồn tại để có quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Đó là mong muốn của Tòa thánh Vatican, của giáo dân cũng như của chính phủ Việt Nam."

Tin tức cho biết một số vấn đề về nhân sự trong hàng giáo phẩm Việt Nam sẽ được nêu ra tại vòng làm việc lần này như việc từ chức của tổng giám mục Nguyễn Như Thể thuộc tổng giáo phận Huế, và trong năm tới tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn của Hà Nội hiện nay cũng đến tuổi hưu, cần có người thay thế. Ngoài ra có giáo phận Bùi Chu đang muốn có giám mục phó.

Chính quyền Hà Nội luôn cho rằng ở Việt Nam có đầy đủ mọi quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, mới hôm ngày 24 tháng 2, Tòa giám mục Kontum thông báo chính thức về vụ việc linh mục Nguyễn Quang Hòa, thuộc giáo xứ Kon Hring, huyện Đắc Hà, sau khi đi làm lễ an táng tại một làng về bị ba côn đồ đánh đến trọng thương.

Tại địa phương đó lâu nay, chỉ cho phép các linh mục dâng thánh lễ tại các trung tâm hay điểm được phép, còn cử hành các bí tích ở những nơi khác đều bị chính quyền địa phương cấm.

Kỳ vọng

Sự kiện cuộc gặp lần thứ ba của nhóm làm việc hỗn hợp Vatican- Việt Nam thu hút sự quan tâm của cộng đồng giáo dân Công giáo La Mã tại Việt Nam hiện nay ra sao?

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục giáo phận Kontum, người hiện được cho là một tiếng nói mạnh mẽ trong Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết mức độ quan tâm đến sự kiện đó cũng như mong muốn của ông đối với cuộc làm việc lần này giữa Vatican và Hà Nội:

"Chúng tôi cũng mong giữa Vatican và chính quyền Việt Nam dần dần hiểu nhau hơn để giải quyết những vấn đề chung liên hệ Giáo hội. Ai cũng mong những cuộc gặp như thế sẽ mở ra những điều tốt đẹp. Thú thiệt tôi ở vùng sâu, vùng xa nên bận tâm trước tiên của tôi là ‘con cái’ được đi ăn học đến nơi đến chốn để có khả năng phục vụ mọi người thôi. Còn ‘chuyện đằng kia cao xa’, chúng tôi ít khi được tiếp cận nên cũng không mong gì lớn hơn đâu. Tôi rất mong thế hệ trẻ hiện nay sống cho ra sống; phải chăm lo cho chúng ăn học đến nơi đến chốn.

Vừa qua Đại diện không thường trú của Tòa Thánh có đến Kontum thì tôi đưa Ngài đến tận nơi những vùng sâu vùng xa, để Ngài thấy tận mắt. Ngài và chính quyền cũng nói sòng phẳng với nhau về quyền của con người, quyền sống Đạo cho đàng hoàng, tử tế, quyền của người Công giáo được đóng góp cho đất nước. Ngài trình bày sòng phẳng và chính quyền lắng nghe. Tôi hy vọng với thời gian sẽ có nhiều hiểu biết hơn, sẽ tốt đẹp hơn."

JB. Nguyễn Hữu Vinh cũng nói lên tâm tư nguyện vọng với tư cách một giáo dân:

"Tôi muốn có tiến bộ lớn trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican. Một quan hệ ngoại giao bình thường như đối với những nước khác. Quan hệ giữa hai bên sẽ có lợi cho đất nước, và người giáo dân có những tốt đẹp hơn; đặc biệt tình hình tôn giáo và đời sống giáo dân được tôn trọng hơn."

Tại Việt Nam hiện có chừng 6 triệu người theo Công giáo La Mã. Đây là nơi được đánh giá có số lượng giáo dân Công giáo La Mã đứng hàng thứ nhì tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Philippines.

Trước đây họ là thành phần từng bị phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo. Gần đây, tình hình có những diễn biến theo chiều tích cực; tuy nhiên giữa chính quyền và nhiều người theo Công giáo La Mã vẫn có bất đồng.

Hiến pháp Việt Nam qui định tự do cho người theo hay không theo một tôn giáo nào; nhưng những người cộng sản vẫn chủ trương vô thần, trong khi những người Công giáo La Mã và nhiều người có tín ngưỡng khác lại là người tin vào các đấng siêu nhiên mà chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn bác bỏ về mặt lý thuyết.

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Ðồ Lão - TIÊN LÃNG HUYỆN SỬ DIỄN CA

Tương truyền là sáng tác của Đồ Lão (Đào Lỗ)

Chương I: ĐẤT NGHÈO NUÔI ANH HÙNG

Chuyện ở một tỉnh đằng Đông
Cách mặt trời hồng một khúc chẳng xa
Cỡ trăm cây số thôi mà
Có huyện Tiên Lãng rất là nhà quê
Nhà quê thì cứ nhà quê
Chủ tịch huyện vẫn đề huề như ai
Hắn lại có cậu em trai
Làm chủ tịch xã mới tài người ơi
Vinh Quang – chữ sáng ngời ngời
Chính là tên xã để đời mai sau.
Xã này chuyên lúa chuyên rau
Cày, bừa, gặt, cấy, trước sau vẫn nghèo
Dân cư thưa thớt lèo tèo
Cứ mùa mưa bão kéo nhau chạy dài
Thế rồi có một chàng trai
Xuất thân áo vải, chân gài… dép lê
Đoàn Văn Vươn, hắn xin thề
Kiếm bằng tại chức để về giúp dân
Ngày ngày tháng tháng qua dần
Cử nhân bằng ấy anh lần trong tay
Về làng anh quyết làm ngay
Gặp ông chủ tịch để bày kế cao
Rằng “ông cứ tính thế nào
Giao bốn chục héc đất ao cho mình
Ao này là đất lầy sình
Sóng đập thình thình nên chẳng ai ham”
Ông huyện một phát hất hàm
“Thì ông giao đấy, mày làm đến đâu?”
Nam nhi trí lớn mặt ngầu
Trời đội trên đầu, cứt đạp dưới chân
Nhận ngay chẳng chút phân vân
Bốn chục héc đất, mần mười bốn năm


Chương II: KỲ TÀI LẤN BIỂN
Nhận rồi cả họ chăm chăm
Ngày đêm đào lấp đứng nằm chẳng ngơi
Trời kia khéo thử lòng người
Cuốn ngay đất đá ra ngoài biển đông
Đấy là mới kể đến công
Còn chưa kể chuyện đau lòng của Vươn:
Có cô con gái dễ thương
Cắp sách đến trường mới được hai năm
Bố mẹ mải miết làm đầm
Em phải âm thầm ở nhà tự chơi
Một ngày hạn kéo tới nơi
Trượt chân té nước, không người cứu lên
Thế là con – bố hai bên
Con nơi chín suối, bố trên cõi trần
Thật là đau đớn muôn phần
Ước gì đổi đất chuộc thân con về.
Ruột gan tan nát tứ bề
Cũng đành nén hận quyết thề quai đê
Ngày ngày sớm tối đi về
Nằm gai nếm mật thống kê thủy triều
Nghiên nghiên cứu cứu trăm điều
Tiền vay đổ xuống bao nhiêu cho vừa
Thế rồi sóng phải chịu thua
Mới hay nhân định vẫn thừa thắng thiên
Một vùng vẹt sú hiện lên
Với đê quai ấy tạo nên nhiều đầm
Bà con hoan hỉ ì ầm
Giấc mơ chắn sóng bao năm đến rồi.
Còn Vươn khai thác đất bồi
Trồng nuôi thủy sản đến hồi phất lên.
Tương lai thoát cảnh cơ hàn
Xứng danh tên xã Vinh Quang để đời.
Éo le thay, cái ông giời!
Ngoảnh trông thì đã trải mười hai năm
Một vùng trù phú mông mênh
Chỉ hai năm nữa phải đành nhả ra
Công, của hơn chục năm qua
Nay cơ nghiệp ấy biết ra thế nào.
Vươn lại lên gặp cường hào
Xin được giao tiếp đất ao của mình.
Đâu ngờ hắn chính là tinh
Vùng trù phú ấy hắn rình từ lâu.
Ngày đêm nhỏ dãi nhàu nhàu
Tìm mưu tính kế cướp mau về mình



Chương III: ÂM MƯU CƯỜNG HÀO ÁC BÁ

Vươn thì chân chất thật tình
“Bác mà thu lại thì mình chết tươi
Em còn đang nợ ngập người
Nay không còn đất, lấy bxxx trả a?”
Cẩu quan rằng: “Chớ kêu ca
Cứ y theo luật để mà làm theo”.
Vươn hỏi luật tính thế nèo?
Quan rằng “Đã nói trong kèo đó thôi
Mười bốn năm sắp hết rồi
Bốn chục héc ấy chúng tôi thu về”.
Vươn rằng: “Thu để làm giề?
Thu xong huyện cũng cho thuê thôi mà?”
Quan rằng: “Đấy chuyện người ta
Còn anh về nhà tính chuyện của anh.”
Vươn về tìm hiểu mối manh
Mới biết sau mành lắm chuyện thối hôi.
Rằng quan huyện đã tính rồi
Bốn chục héc ấy đang hồi hoạch thu
Món thơm hiện rõ lù lù
Những thằng cơ hội xúm bu như ruồi.
Quan có một đống con nuôi
Xúi quan thu lại sẽ “bồi dưỡng” cho
Rồi thầu cứ đấu ra trò
Con bỏ một phát, quan cho trúng liền.
Với mưu này ở xã bên
Chúng đã cướp tiền cướp sức dân đen.
Vươn đây nghèo chứ chẳng hèn
Phen này Vươn phải trắng đen rõ ràng.
Mang theo đơn kiện lên đàng
Trình quan Tư pháp đàng hoàng chuẩn quy.
Dân đen, Vươn có biết gì
Quan Tư, quan Chấp cùng đi một đường.
Lại thêm kiến thức ẩm ương
Bịp bợm dân thường từ trước đến nay.
Quan Tư một phát phán ngay
Hạn kia mà hết, đất mày trả đây.
Sự thể đã đến nước nầy
Vươn kiện vượt cấp lên ngay Thành Tòa.
Trước ngày xử, có giải hòa
Quan huyện dụ dỗ: “Thôi mà Vươn ơi,
Đơn kia chú rút cho tôi
Đất sẽ cho chú thuê rồi mần ăn”
- “Ô kê, vậy ký bản văn
Nếu ông làm thế thì anh rút liền”
Ngày thăng đường, tòa gọi lên
Vì sao Vươn lại không lên gặp tòa (?)
Thành, Huyện cả lũ sướng òa
Phán rằng sự vắng nghĩa là rút đơn (!)
Phán thêm phát nữa xanh rờn
Cứ việc theo đường quyết bởi quan Tư.
Đùa dai đến nước quá nhừ
Mới hay một lũ giả ngu cướp ngày.


Chương IV: TRĂM BINH ĐẠI CHIẾN TAM DÂN

Chẳng phục lời phán của quan
Quẩy đít vào bàn, Vươn bước trở ra
Anh về bàn với cả nhà
Trước sau thì cũng mất gia tài này
Dựng một kế sách thật hay
“Thân tao hóa đất, bọn mày chẳng yên”
Nhà Vươn cả họ làm điền
Trước giờ chăm chỉ lành hiền đáng yêu
Nay bị dồn đến nước liều
Thôi thì trạng chết, chúa tiêu là huề
Giờ G sắp điểm nơi quê
Vươn vẫn trên huyện, đứng kề các quan
Lệnh thu hồi đất trên bàn
Bảo Vươn ký gấp, không bàn tán thêm
Còn Vươn liếc cũng chẳng thèm
Ông không ký đấy, đứng xem mày làm.
Tức thì binh sĩ một đoàn
Cỡ gần trăm mạng bị quan điều vào
Vinh Quang tên xã đẹp sao
Hôm nay hỗn độn nháo nhào quân binh
A ka, áo giáp mới tinh
Thêm quả lá chắn chụp hình rất ăn
Đầm Vươn, thẳng tiến phăng phăng
Phen này bắt hết không thằng nào tha.
Hàng rào vừa mới vượt qua
Dính ngay một trái gọi là địa lôi
Hai anh bị hất lên trời
Chỉ là phận tốt nên trời còn thương
Trước nay quen nạt dân thường
Giờ gặp thứ dữ, biết đường nào chơi?
Quân binh túm tụm một hồi
Chờ quân tiếp viện từ nơi huyện nhà.
Trưởng công an huyện chui ra
Chỉnh tề áo mão rất là đẹp giai
Dẫn thêm mấy chục anh tài
Lò dò tiến trước xem ai trong nhà.
Bất thần hoa cải bắn ra
Trưởng công an huyện thế là gục ngay
Năm tinh binh nữa rất gay
Anh kia trúng mắt, anh này sát trym
Toàn quân phút chốc đắm chìm
Trong cơn hoảng loạn đường tìm trở lui
Viện binh kéo tới liên hồi
Các quan nhất trí, quyết chơi đến cùng
Vũ trang lực lượng anh hùng
Cứ mang vũ khí là cùng đến đây
An ninh, cơ động một bầy
Điều tra, đặc nhiệm, chó tây, chó tàu
Gọi thêm quân đội tới mau
Quả này quan đập nát nhàu như tương
Quân đội vây chặt bờ mương
Cảnh sát thì đứng bịt đường rút lui
Phóng viên đài báo thật vui
Chạy tới chạy lùi tìm thế chụp phim
“Chiến trường” thoáng chút im lìm
Binh chia hai nhóm để tìm đường vô
Một nhóm đứng cổng lô nhô
Vác loa hò hét ý đồ nghi binh
Nhóm kia sẽ bất thình lình
Luồn sau áp sát thì mình thắng to
Nhưng mà binh sĩ lại lo
Mùa đông lạnh quá, sao mò dưới mương?
Thế là kiếm mấy cái xuồng
Vai thì đeo súng, tay cương sức chèo.
Rất may trong lúc chống chèo
Không bị hoa cải nó gieo vào người.
Chèo mãi rồi cũng tới nơi
Đấu súng tơi bời ném lựu đạn cay
Nói chung động tác rất hay
Nhuần nhuyễn thế này, dân đỡ làm sao.
Cuối cùng đạp cửa xông vào
Mới hay chẳng có ma nào ở đây
Trùng trùng lớp lớp bao vây
Ba người trốn thoát không hay bao giờ
Quan quân mặt thỗn ngây ngô
Không biết bây giờ báo cáo nàm thao
Liền vào nhặt mấy con dao
Dân dùng bổ củi ai nào chẳng hay
Thêm cái “viễn vọng” cầm tay
Gom lại một đống:Chúng mày chụp đê !
Họ hàng Vươn đứng trên đê
Quan bắt đem về, phải trái tính sau
Còn Vươn có khá hơn đâu
Đang tít trên huyện, bị câu về phòng.
Trận chiến như vậy là xong
Dân chúng trong lòng chán chả muốn than
Quan to quan nhỏ một đàn
Nhất trí hoàn toàn: Thắng đẹp, thắng to.
Hôm sau họp báo ra trò
Nói dối như phò, sẽ kể chương sau.


Chương V: MIỆNG QUAN TRÔN TRẺ

Báo đài muốn tỏ vàng thau
Về đây đông đủ, chen nhau trong ngoài.
Quan huyện đứng thẳng rất oai
Lông mày dựng ngược, mặt ngài vênh lên
Quan ấy chính Lê Văn Hiền
Hai tay duỗi thẳng chống trên mặt bàn.
Miệng ngài tuyên bố oang oang
Đập Vươn là đúng không oan nỗi nào
Phóng viên lại hỏi ào ào
Rằng Vươn đã đổ mất bao nhiêu tiền
Hôm nay cơ nghiệp dựng nên
Muốn thu lại đất, phải đền người ta?
Quan rằng: Luật ấy đâu ra?
Phóng viên bảo là trong luật Đất đai.
Đến đây quan huyện tắt đài
Trả lời nhắng nhít, chơi bài lảng đi
Phóng viên lại hỏi cớ gì
Điều xe ủi đến phá đi ngôi nhà
Quan rằng chuyện ấy dễ mà
Ai bảo chúng nấp trong nhà bắn ra.
Chán với trình của Huyện ta
Phóng viên lên hỏi tỉnh nhà xem sao.
Tỉnh cử ông Phó ra chào
Phóng viên lại hỏi cớ sao phá nhà?
Ông Phó ấp úng ậm à
“Nhà Vươn bị phá chính là do dân”.
Chỉ một lời đã biệt phân
Rằng ông cũng thuộc thành phần bỏ đi.
Phóng viên lại kéo lên Ty
Hỏi Cảnh sát trưởng chuyện gì xảy ra?
Ông này tên Đỗ Hữu Ca
Chiến trận hôm trước ông là chỉ huy
Ông bảo “Chẳng vấn đề gì
Cái chòi trông cá, phá đi thôi mà”
Ô hô, công bộc của ta
Nhà hai tầng ông bảo là chòi canh
Ông quên luật rõ rành rành
Chòi canh cũng của gia đình người ta.
Ông này còn bệnh ba hoa
Hay bệnh ảo tưởng thì ta chưa rành:
Hôm ấy ông điều trăm quân
Quyết tâm phải bắt tam dân dẫn về
Ngờ đâu thất bại ê chề
Bị thương sáu mạng đi về tay không.
Lên đài ngài nói ổng ông
Trận đánh tuyệt đẹp, dù không giáo trình.
Kết quả là một kết tinh
Của những sáng tạo do mình nghĩ ra.
Ông còn thổ lộ thật thà
Sẽ viết thành sách để mà dạy binh.
Ông có nhớ Bác dặn mình
“Đã là đổ máu thì xinh đẹp gì”?
Ông mang một bộ quân y
Đeo non đại tá, chức thì tổng binh
Miệng ông toàn nói linh tinh
Từ nay hậu thế nó khinh ông rồi.



Chương VI: TRẠNG CHẾT CHÚA CŨNG BĂNG HÀ.

Báo đài ầm ĩ một hồi
Đến tai tể tướng đang ngồi đếm kim
Tể tướng ngẫm nghĩ lim dim
Vụ này không thể để chìm được đâu.
Mình ăn mình húp đã lâu
Nhà dột từ nóc riêng đâu bọn này.
Dân tình ai oán lâu nay
Chỉ là chưa thể chọn ngày nổi binh.
Vụ này làm quả điển hình
Để dân còn nghĩ là mình thanh liêm.
Tể tướng phôn phát có liền
Tham mưu cố vấn đứng bên tấu trình:
Bắt mấy thăng huyện hy sinh
Cờ nguy thí tốt cũng bình thường thôi.
Kịch bản đã quyết xong rồi
Ban rằng: ngày ấy sẽ ngồi chủ phiên
Dân tình uể oải ngước lên
Chờ xem tể tướng đứng bên phía nào
Ngày họp kín cổng đóng rào
Phóng viên đài báo cấm vào bên trong
Chiều muộn họp cũng vừa xong
Phóng viên vây kín vòng trong vòng ngoài
Phát ngôn trước báo trước đài
Rằng Huyện Tiên Lãng đã sai hoàn toàn
Sai này có dợ có dàn
Sai từ chủ tịch sai sang án tòa
Sai từ sơ thẩm sai ra
Sai đến phúc thẩm sai là vẫn sai
Truyền quan tỉnh phải lập ngay
Một tổ công tác vụ này điều tra
Ngày ấy tháng ấy phải ra
Không nên cơm cháo có mà biết tay.
Tỉnh trưởng cuống quít loay hoay
Không biết vụ này xử lý nàm thao
Cử ngay ông Phó hôm nào
Đứng vai tổ trưởng, hô hào điều tra
Còn ông đại tá Hữu Ca
Toàn quyền phụ trách, cho ra vụ này.
Dân tình liếc cái biết ngay
Nhìn tên, đoán biết vụ này tới đâu
Phóng viên đợi đã quá lâu
Tìm ông lái cẩu hôm nào hỏi luôn:
- Ai bảo anh phá nhà Vươn?
- Tôi phá chỉ vì tiền lương thôi mà
Chính quan huyện điều tôi ra
Bảo cứ phá nhà, sẽ được trả công.
Thành ủy chắc bận việc công
Hay bận du hí nên không biết gì
Đăng đàn ông nói tì tì
Hình xe hôm ấy chúng mi ghép rồi.

Đại khái càng bới càng hôi
Quan tỉnh rồi cũng vào nồi nay mai.
Còn bây giờ vẫn chơi bài
Lê Lai cứu chúa cho hài lòng dân
Huyện, xã bọn ấy đần đần
Quan tỉnh ký phát, làm dân tức thì
Trưởng, Phó huyện phải ra đi
Bí thư, Chủ tịch xã thì tạm ngưng
Dân đen hoan hỉ tưng bừng
Anh Vươn trong ngục có mừng hay không?
Tiếng súng anh đã thành công
Tới đây tạm có hai ông về vườn.
Báo đài theo dõi sát sườn
Chừng nào bọn tỉnh lên đường mới thôi.

Nguồn: Blog HDTG

Nguyễn Hưng Quốc - Người Tàu


Nguyễn Hưng Quốc


Trước đây, trong bài viết về chuyến đi Hàn Quốc vào cuối tháng 9 năm 2011, tôi có nêu nhận xét về tính cách của người Hàn Quốc qua hiện tượng lặng lẽ xếp hàng cả tiếng đồng hồ trước giờ lên máy bay.  Vừa rồi, trong chuyến bay từ Bangkok đến Bắc Kinh, tôi thấy một hiện tượng khác hẳn. Khi đến phòng đợi, tôi đã thấy rất đông người ngồi la liệt trên ghế hoặc dưới đất nói chuyện ồn ã hoặc ăn uống nhồm nhoàm. Hầu hết là người Trung Quốc. Nét nổi bật nhất là cường độ âm thanh trong giọng nói của họ. Hiếm khi tôi thấy cảnh nào ồn ào đến như vậy. Tôi muốn mở laptop ra để đọc hay viết một cái gì đó nhưng không có cách gì tập trung được.


Hình: Reuters
Khi nhân viên báo tin đã đến giờ lên máy bay, tất cả mọi người đều đứng bật dậy và hối hả chạy ra giành chỗ vào cửa. Họ chen lấn nhau, xô đẩy nhau, thậm chí, la hét chửi bới nhau. Cuối cùng, mọi người cũng lên được máy bay. Trên máy bay lại diễn ra cảnh giành giật các chỗ để hành lý. Thường, máy bay nào cũng hạn chế số lượng và kích thước hành lý cầm tay. Thế nhưng không hiểu sao người ta lại có thể mang hành lý nhiều và cồng kềnh đến như vậy. Công việc cất hành lý đáng lẽ chỉ diễn ra trong vài phút, đằng này, nó kéo dài khá lâu, làm không khí trên máy bay nhốn nháo hẳn lên.


Khi đã ngồi vào ghế, người ta bắt đầu mở miệng hoặc để chuyện trò hoặc để cãi cọ. Như một cái chợ. Đến độ tôi hoàn toàn không nghe được lời chào hoặc thông báo gì đó của phi hành đoàn. Tuyệt đối không nghe. Mãi đến cả một, hai tiếng sau, có lẽ do thấm mệt, âm thanh trong máy bay mới bắt đầu giảm để đến lúc máy bay hạ cánh lại diễn ra cảnh giành nhau lấy hành lý. Lại cãi cọ. Lại ồn ào.


Trên máy bay, tôi mở laptop ra định viết bài cho blog. Đang viết, nhìn vào màn ảnh trên laptop, thấy thấp thoáng có mặt người. Tôi quay lại, bắt quả tang một anh Tàu ngồi hàng ghế sau đang nhoài đầu ra phía trước nhìn vào màn ảnh laptop của tôi. Anh bẽn lẽn ngả người ra sau. Tôi quay lại tiếp tục viết. Nhưng lại thấy khuôn mặt của anh phản chiếu trên màn ảnh. Tôi quay lại nhìn. Anh ta lại ngả người ra sau, ngó ra ngoài cửa, nhưng không còn lộ vẻ gì bẽn lẽn nữa. Cứ thế, mỗi lần tôi viết, anh ta lại nhoài người lên dòm. Tôi không nghĩ anh ta là công an. Làm công an, được huấn luyện để theo dõi người khác, không ai lại vụng về đến như vậy. Tôi chỉ nghĩ có lẽ anh ta là một người tò mò một cách thô bỉ vậy thôi. Nhưng không thể kiềm được sự khó chịu, tôi tắt laptop. Cả gần bốn giờ bay, do đó, chỉ ngồi thừ người nghĩ ngợi bâng quơ. Chả làm được gì cả.


Suốt 10 ngày ở Trung Quốc, ở đâu tôi cũng gặp hai nét tính cách ấy: chen lấn và sẵn sàng xâm phạm vào sự riêng tư của người khác. Có thể nói ở Trung Quốc, ở chỗ nào có đông người chỗ ấy có chen lấn. Mà hình như ở Trung Quốc không nơi nào không đông người nên cảnh chen lấn dường như xuất hiện ở khắp nơi. Ngay ở các địa điểm du lịch, nơi đáng lẽ người ta cần sự thảnh thơi thoải mái và nhàn nhã, người Trung Quốc cũng chen lấn nhau. Đi dọc theo bờ Hồ Tây ở Hàng Châu, bên cạnh cảnh sông nước và cây cối tuyệt đẹp và đầy thơ mộng, mỗi vật đều gợi nhớ đến lịch sử và văn chương vốn được mọi người ngưỡng mộ cả hàng ngàn năm, họ cũng chen lấn. Ở khu phố cổ ở Thượng Hải (Miếu Thành Hoàng), nơi đáng lẽ cần sự yên tĩnh để ngắm nghía phong cách kiến trúc độc đáo truyền thống, người ta cũng chen lấn xô đẩy nhau kịch liệt. Tôi quan sát, thấy, khi đi bộ, người ta thường không bao giờ chú ý đến người khác. Họ cứ đi thẳng. Ai nhường đường, mặc, họ không một lời cám ơn. Không nhường đường thì bị họ dùng vai đẩy dạt ra. Dĩ nhiên cũng không một lời xin lỗi. Trên chiếc thuyền chở du khách chạy dọc sông Hoàng Phố (黄浦江) ở Thượng Hải, nhóm chúng tôi an phận ngồi trên một dãy ghế ở tầng hầm, nơi tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều. Nhưng cũng không yên. Một lúc nào đó, hình như ở tầng trên quá lạnh, nhiều người lại ào ào chạy xuống tầng hầm và giành ghế của người khác. Chỉ cần đứng dậy là có người chĩa đít vào giành ngay ghế của mình. Bạn nói đó là ghế bạn đang ngồi ư? Họ mặc kệ, ngó đi chỗ khác và tiếp tục ngồi. Nhóm chúng tôi gồm 10 người bị cướp mất năm hay sáu ghế. Cuối cùng, mọi người đành đứng.


Ở Trung Quốc, sự riêng tư không bao giờ là một giá trị. Về chính trị, nhà cầm quyền trố mắt theo dõi mọi người ở mọi nơi và mọi lúc. Trong xã hội, ở đâu người ta cũng lom lom dòm vào người khác. Bạn đứng chụp hình ư? Rất có khả năng một người nào đó dí mắt nhìn vào màn ảnh của bạn. Không phải bạn chụp hình ở nơi nào trọng yếu hay có ý nghĩa quân sự gì đâu. Ngay cả khi bạn đứng trên chiếc du thuyền chạy dọc theo bờ sông và chỉ chụp cảnh phố xá hai bên, người ta cũng nhìn. Có lẽ chỉ vì tò mò thôi.


Đến Bắc Kinh, tôi tham gia vào một tour du lịch khá đông, khoảng 60 người. Hầu hết là người Hoa sinh sống ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Mỹ, Canada và Úc. Có người đi từ Trung Quốc, từ Hong Kong và cũng có một số người đi từ Việt Nam, đặc biệt từ Móng Cái, vùng giáp biên giới Việt-Trung, trong những năm 1978-79. Điều đặc biệt nhất là tất cả, kể cả thanh niên sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, đều nói tiếng Quảng Đông rất giỏi. Suốt cuộc hành trình, nói chuyện với nhau, tất cả đều dùng tiếng Quảng Đông. Nhóm của tôi có mấy thanh niên khoảng 30 tuổi, sinh ở Móng Cái, đến Mỹ lúc mới 2 hay 3 tuổi, hoàn toàn quên tiếng Việt, nhưng lại nói tiếng Quảng Đông rất trôi chảy. Và có vẻ rất thích nói tiếng Quảng Đông với bạn bè trong nhóm. Dường như người ta có chút tự hào khi nói tiếng Tàu. Đó là điều tôi ít thấy trong cộng đồng người Việt. Trẻ em Việt Nam ở hải ngoại, ngay cả khi có thể nói tiếng Việt lưu loát, vẫn có khuynh hướng dùng tiếng Anh hơn tiếng Việt.


Tuy nhiên ngay cả người Hoa ở ngoại quốc về cũng bị kỳ thị. Khi đoàn du lịch đến ở khách sạn, hầu hết là khách sạn thật sang, thuộc loại 5 sao, tôi để ý thấy tất cả các tủ lạnh trong phòng đều bị khoá chặt. Hỏi, người ta đáp: Sợ bị ăn trộm. Buổi sáng, theo kế hoạch, đoàn thường lên đường vào lúc 7 giờ. Khách sạn đòi mọi người phải trả chìa khoá trễ nhất là lúc 6 giờ. Lý do: khách sạn cần khoảng một tiếng để kiểm tra phòng xem có bị mất trộm gì không. Nhiều người kể, ở khách sạn, hở cái gì là mất ngay cái ấy. Rượu bia để trong tủ lạnh: mất. Đồng hồ báo thức để trên đầu giường: mất. Có khi cả điện thoại cũng bị mất. Khách sạn đành áp dụng chiến thuật cẩn tắc vô áy náy: Khoá tủ lạnh và đuổi khách ra khỏi phòng một tiếng để kiểm tra trước khi để họ rời khỏi khách sạn.


Thú thực tôi không có số liệu về nạn trộm cắp ở Trung Quốc. Có điều, trong suốt chuyến du lịch, điều hướng dẫn viên dặn dò nhiều nhất, dặn đi dặn lại, là phải coi chừng bị mất trộm. Túi xách của phụ nữ phải đeo trước bụng, không được kè kè bên hông. Giấy tờ và ví tiền phải để chỗ kín đáo, không được để túi quần sau, rất dễ bị móc.


Trong các nhà vệ sinh công cộng, người ta không dám để giấy vì sợ trộm, đã đành. Trong hầu hết các nhà hàng, ngay cả những nhà hàng có vẻ rất sang trọng và nghe nói rất nổi tiếng, cũng không có khăn giấy trên bàn. Khi dọn thức ăn, người ta mới phát cho mỗi người một cái khăn giấy nhỏ xíu và mỏng lét. Có nơi còn đòi tiền: một miếng khăn giấy là một đồng nhân dân tệ.


Không phải tại khăn giấy khan hiếm. Chỉ tại người ta sợ ăn cắp: để ra bao nhiêu là mất bấy nhiêu.


Nói đến người Tàu, tự nhiên tôi sực nhớ một đồng nghiệp cũ. Chị có bằng tiến sĩ, dạy đại học, nghe nói dạy khá giỏi, nhưng tính nết thì rất quái gở: Lúc nào chị cũng nghi ngờ người khác. Chị thường xuyên khiếu nại hay than phiền là có ai đó lén vào phòng chị, lục lọi computer của chị. Có lần, tôi muốn vào phòng chị để bàn bạc một số công việc trong Khoa. Tôi gõ cửa. Có tiếng mở cửa lách tách, tôi biết là chị khoá bên trong. Tôi vừa bước vào, chưa kịp ngồi xuống ghế, đã thấy chị nhoài người ra ngoài, nhìn quanh, rồi khoá hẳn cửa lại. Tôi hơi giật mình. Thường, ở đại học, không ai khoá cửa kiểu như vậy. Ngay cả việc khép cửa cũng hoạ hoằn. Sau đó, tôi kể cho một số đồng nghiệp nghe. Mọi người cười ầm: Họ cũng từng có kinh nghiệm y như vậy. Và người ta cố tìm lời giải thích: có lẽ là do ảnh hưởng từ thời cách mạng văn hoá, lúc mọi người tìm cách hãm hại nhau. Và không ai tin ai cả.


Kể những điều trên, tôi không có hàm ý miệt thị người Tàu. Không. Tôi biết trong lịch sử có vô số người Tàu vĩ đại. Vĩ đại về trí tuệ. Vĩ đại về tài năng. Và vĩ đại về tính cách. Hiện nay, chắc chắn cũng có vô số người Tàu ưu tú và khả kính, tạo thành một tầng lớp tinh hoa không thua kém ở bất cứ đâu khác. Những nhận xét ở trên, thật ra, chỉ giới hạn trong tầng lớp những người bình thường mà ai cũg có thể gặp gỡ hàng ngày. Ở mọi nơi.


Họ chỉ là đám bình dân. Có điều, bình dân bao giờ cũng đông đảo. Chính họ tạo nên diện mạo của một xã hội.


Để trở thành một siêu cường thực sự, điều Trung Quốc cần làm đầu tiên và cũng mất nhiều thời gian nhất chính là cải tạo cái khối bình dân đông đảo ấy. Có lẽ chính quyền Trung Quốc cũng ý thức được điều ấy. Ở đâu tôi cũng thấy bảng hiệu nhắc nhở người ta làm người văn minh và có văn hoá.


Nhưng nói là một chuyện. Làm được hay không lại là chuyện khác.


Cũng như ở Việt Nam vậy thôi.


Nguyễn Huệ Chi – Ði thăm Cù Huy Hà Vũ


Nguyễn Huệ Chi


Phải trở dậy lúc 4 giờ sáng đối với tôi là cả một cực hình, nhất là mấy hôm nay lại trở chứng, rối loạn tiền đình làm chóng quay cả mặt, nhưng việc anh em mời đi thăm Cù Huy Hà Vũ khiến tôi không còn cách nào khác là vừa nghe chuông đổ đã phải vin thành giường đứng dậy. Dù cảm thấy trời xoay nghiêng ngả vẫn cứ phải bật cười nhớ đến Phùng Quán: “Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Đúng là mình không biết vịn vào thơ nên mới xoay tít mù như thế này đây.


Đúng 5 giờ kém 15, người bạn thân, Thượng tá C. quân phục oai nghiêm, đã có mặt trước cổng nhà. Tiếp ngay đó, bạn Lê Dũng bấm chuông: xe anh đã sẵn sàng đón tôi. Chúng tôi lên xe trong cái lạnh tinh mơ của Hà Nội nên nhà tôi cố nhét thêm cho anh C. một chiếc khăn quàng len vì thấy bộ quân phục của anh tuy trông rất oách nhưng lại quá mỏng. Đường Hà Nội lúc này mới thật là Hà Nội lý tưởng của 60 năm về trước, trên đường chỉ lác đác vài bóng người. Hình như đây cũng là giấc mơ không có thật của ông Bộ trưởng Đinh La Thăng, một Hà Nội sạch sẽ tinh tươm và không phải lèn nhau như nêm cối. Biết đâu ông ấy chẳng ra lệnh đổi ngày làm đêm để làm cho biện pháp điều chỉnh giao thông của mình đích thực có hiệu quả? – Hình như cả mấy chúng tôi nhìn lướt trên con đường chưa rõ mặt người đều có ý nghĩ vậy thì phải.


Khi đến chỗ hẹn thì chỉ mới lố nhố dăm bảy anh chị em, nhưng chỉ loáng cái cả năm chiếc xe và người đều đến đầy đủ. Đúng 20 người, toàn những mặt quen, trừ vài ông đầu bạc ra còn thì đều là Tiến sĩ trong một vài viện nghiên cứu, hoặc Kỹ sư đang thành đạt trong vai doanh nhân, lại có cả một “biểu tình viên” ba tuổi mẹ từng ẵm đi biểu tình tại Hồ Gươm chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nay cũng có mặt, vừa nhìn thấy các cô chú đã nhoẻn cười như gặp lại bạn bè thân quen. Ai nấy vui như hội vì biết rằng mình đang thực hiện cái nghĩa vụ tình cảm lâu nay vẫn canh cánh là làm sao có một lần được tháp tùng Dương Hà vào thăm bạn Hà Vũ mà có người chỉ mới “văn kỳ thanh” chứ đã một lần xáp mặt nào đâu. Nhưng dầu gặp hay chưa thì kể từ khi chàng phải giã biệt Hà thành khoác chiếc áo phạm nhân, những lá đơn kiện nẩy lửa gửi lên các cấp cũng vắng bặt trên báo chí và các trang mạng khiến hình như ai cũng thấy thiêu thiếu một cái gì.


Tất cả lên xe sau khi đã trao đổi đường đi và các chú tài cứ thế theo ngả Xuân Mai phóng tít để đi vào con đường Hồ Chí Minh với đích đến đầu tiên là thị trấn Cẩm Thủy Thanh Hóa. Xe chạy ngon quá làm tôi tưởng mình thiếp đi và khi tỉnh dậy thì ô kìa đây rồi, đã đến thị trấn Cẩm Thủy, kỳ thực có ngủ được chút nào đâu, bởi có mấy chiếc áo vàng công an đứng đếm tốc độ bên đường tôi đều nhìn rõ. Vượt cầu Cẩm Thủy mươi km, đã nhìn thấy tấm biển chỉ Trại giam số 15 rẽ trái, và vượt một quãng đường 30 km nữa, hơi khó đi và mù mịt bụi, đến giữa một vùng núi đá vôi thuộc huyện Yên Định, rẽ phải, lại rẽ trái, đúng 10 giờ thì chúng tôi đã ở ngay trước mặt chiếc cổng K5: Cù Huy Hà Vũ ở trong khu trại này, gần chúng tôi lắm lắm rồi.




Khu Trại giam 15 nằm giữa một vùng núi đá vôi ở huyện Yên Định Thanh Hóa




Cả mấy chiếc xe đều lấm láp bụi đường


Và người cũng phải nhắm tịt mắt lại, nhưng thế là đã đến đích


Đương nhiên là như mọi người dự đoán, chỉ một mình Dương Hà được vào theo chế độ thăm nuôi cùng với một chiếc xe chở số lượng thực phẩm đúng quy định. Anh lái xe cho Dương Hà đang đứng nghỉ, nghe người lính gác cổng truyền rõ thế bèn chuẩn bị lên buồng lái chở Hà vào khi hai cánh cổng vừa mở, thì nhanh như cắt bạn J.B. Nguyễn Hữu Vinh đã nhảy tót lên lái thay. Anh kia ớ người ra trong khi anh em cười ồ. Thôi thì được người nào vào hay người ấy. Chúng tôi nhìn chiếc xe đi tít sâu vào phía trong và hai cánh cổng đóng lại mà lòng ngẩn ngơ buồn tiếc. Dù mục đích chuyến đi là để cho Vũ ở trong kia biết có anh chị em đông đảo đến thăm để anh phấn chấn hơn trong việc chống chọi với mọi khó khăn của kẻ “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài”, yên tâm chờ ngày trở về với vợ con bầu bạn, nhưng đến đây rồi mà không được vào thì ai mà không cảm thấy hụt hẫng.




Sau khi xe Dương Hà đi vào, hai canh cửa sắt cổng K5 Trại giam 15 lại đóng lại làm ai nấy ngẩn ngơ buồn tiếc


Mọi người đành lấy bánh mỳ giò chả và mấy chai nước ra cùng nhấm nháp, bởi từ sáng dậy sớm chưa ai có trong bụng một tí gì. Đang ăn, tôi bỗng nghe điện thoại reo. Dương Hà gọi ra khuyến khích tôi lấy tư cách một người nhiều tuổi vào tán anh bộ đội gác cổng đề nghị cho gặp ông Giám thị để xin cho mọi người cùng vào. Tôi làm ngay tắp lự. Anh lính gác nói với tôi với giọng nhã nhặn, rằng việc đó rất khó vì vượt nguyên tắc, mà chúng tôi lại không có một giấy giới thiệu của tổ chức nào cả. Tôi ngẫm nghĩ một tí, trở ra ghé tai bảo Thượng tá C. vào tiếp sức. Quả nhiên, C. đã thành công. Bằng kinh nghiệm của một Thượng tá lâu năm, anh được anh lính gác rất nể đưa cho số điện thoại của cả Giám thị Tuyến và Phó giám thị Sáu. Lại bằng cái giọng thân mật của cánh lính với nhau, anh mời được anh Phó giám thị Sáu ra tiếp chúng tôi. Thế mới giỏi làm sao!


Một người còn khá trẻ gầy và cao, khuôn mặt điềm đạm từ xa đi lại. Trước những lời trình bày chân tình của chúng tôi anh ta cũng đáp lại bằng giọng nhẹ nhàng từ tốn và có vẻ cởi mở. Còn C. thì không úp mở, không cần xưng anh tôi, gọi thẳng tên ngay: “Sáu à…”. Nhưng anh Sáu này vẫn nghiêm trang nói cho biết, chúng tôi không được vào là luật định, vì không có ai ở trong danh sách thăm nuôi đăng ký định kỳ của trại cả. Thế thì vào sao được. Tuy nhiên, khi thấy giọng của C. đúng giọng “cánh lính mình” quá, lại thấy trên khuôn mặt mọi người đều thuỗn ra cùng một dấu hỏi của sự chờ đợi một “biệt lệ” nào đấy, anh ta bèn thong thả nói thêm: “Thôi thì các bác đã đến đây… chỉ có đồng chí Giám thị mới quyết định được việc này. Các bác cứ ghi rõ tên họ, trình chứng minh thư, để tôi cầm vào xem thế nào…” Được lời như mở cờ, người nào người ấy đến ghi tên lên một mảnh giấy thành một danh sách dài, riêng tôi ngồi yên không nhúc nhích, bởi đã có C. ghi thay cho mình. Khi bước ra, anh chị em tề tựu trước căn phòng xét giấy tờ của người canh cổng, bảo anh Sáu chụp chung một “bô” ảnh làm kỷ niệm, anh ta ngần ngừ một tí, cười nhưng rồi lắc đầu. Chỉ có người lính gác là hồn nhiên chơi với cháu nhỏ và đi vào khuôn ảnh của chúng tôi.




Chỉ có người lính gác là hồn nhiên chơi với cháu bé và vào khuôn ảnh của chúng tôi



Có chữ “Trại giam số 5” trên đầu mình là một kỷ niệm quý giá đấy


Chỉ chừng mươi phút sau đã có điện gọi ra: ông Giám thị từ chối! Từ trong thâm tâm tôi đã nghĩ đến điều ấy. Danh sách kia hoặc vì anh Phó giám thị nể quá, hoặc cũng có thể là tương kế tựu kế để giúp ngành an ninh biết rõ ai đã dám đến đây “vuốt râu hùm”, biết đâu! Nhưng chúng tôi cười xòa với nhau: Thì mình cũng muốn cho họ biết kia mà, mình đăng hết lên mạng còn sợ quái gì nữa. Tôi chỉ hơi so sánh thoáng qua: Hồi còn mồ ma thực dân Pháp bà Tôn nữ Thị Cơ đã đến thăm nuôi GS Cao Xuân Huy tại Lao Bảo vào năm 1930 mà lúc ấy họ chỉ mới là quen sơ chứ đã có chuyện gì với nhau đâu, bà con cũng chẳng phải. Thế mà vẫn được thăm mới lạ chứ. Nhưng nghĩ thoáng qua thôi, bới đấy là thời Pháp. Thời bây giờ dân chủ gấp triệu lần, vì thế mà chỉ đi thăm cô Bùi Minh Hằng vẫn còn đủ quyền công dân còn không được gặp, huống nữa là thăm một anh chàng phản động đứt đuôi vì… hai bao cao su đã qua sử dụng như Cù Huy Hà Vũ! Vậy thì so sánh làm gì cho mệt người.


Một tiếng sau thì chiếc xe chở Dương Hà quay ra. Mọi người tíu tít quây lại. Người vừa được chồng ôm hôn có khác, nét mặt rạng rỡ hẳn làm ai nấy cũng vui lây, nhưng điều vui thích nhất là sự có mặt của chúng tôi đã truyền niềm vui và nghị lực cho chính Cù Huy Hà Vũ, theo lời Dương Hà. Vũ không ngờ lại có đông người ở ngoài cổng trại đến thế. Ai cũng biết rằng đấy là Hà hạn chế báo tin đấy, còn nếu báo rộng hơn, có thể đã có đến vài trăm người. Bởi vì ai mà không mong muốn được tiếp thêm một chút nội lực của mình cho Vũ có thêm vài đêm ngon giấc, và nhất là ai cũng đinh ninh trong bụng câu nói của Vũ: “Tôi là người trung thành với Tổ quốc. Nhân dân cả nước sẽ phá án cho tôi”.


Người được chồng ôm hôn có khác, nét mặt rạng rỡ hẳn (Ảnh bổ sung - cảm ơn lời nhắc nhở của Ba Sàm)
Trên đường về, tôi có một băn khoăn thắc mắc cứ muốn đem hỏi Dương Hà mà thấy chưa tiện nên ngồi trên xe mặt cứ bần thần. Mãi đến chỗ ngã ba trước thị trấn Cẩm Thủy, cả 5 xe cùng dừng lại, mang xách bánh mỳ giò chả vào quán ăn trưa, nhân thể, Hà đứng yên một góc, giở túi lấy ra hai tấm ảnh Vũ vừa vẽ chân dung Hà vã tự họa chân dung mình ấp lên ngực, mặt đăm đăm có vẻ đang tư lự, tôi mới đến gần hỏi nhỏ: “Thế chế độ thăm nuôi được có mỗi tháng một tiếng đồng hồ thôi ư?”




Dương Hà với hai bức ký họa quý chồng vừa tặng


Hà quay nhìn tôi lâu lâu một chút rồi mới nói: “Anh ạ, mọi tù nhân khác thì đều được hưởng chế độ thăm nuôi không quá 24 giờ mỗi lần, riêng Vũ nhà em có lệnh cấm, chỉ được thăm có một tiếng thôi, mà luôn luôn có giám thị chứng kiến”. “Ôi thế a?” – tiếng kêu cùng lúc bật ra của nhiều người, và tiếng bàn tán xôn xao. Riêng tôi, cứ đuổi theo cái ý nghĩ vốn đã hình thành trên suốt chặng đường về: Cái kẻ nào đưa ra “điều lệnh” này thật là quá giỏi, bởi vì đây mới đúng là để trị cái tội… hai bao cao su đã qua sử dụng. Rồi như một kẻ vô thức, vừa đi ra phòng toa lét tôi vừa buột thốt thành lời câu văn của Nam Cao: “Tài thật! Tài thật Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo!”


N.H.C

Ghé thăm các Blogs: 27/02/2012


BAUXITE VIETNAM

Nguyễn Duy Vinh (TS Cơ khí Động học hiện đang làm việc ở Phi Châu)

Thảm kịch Tiên Lãng đã gây sự chú ý rộng lớn trong và ngoài nước. Có hơn cả trăm bài viết về tin tức vụ Tiên Lãng, trên báo chí “lề trái”và cả “lề phải”,“chính thống” và “phi chính thống”.Những tin tức và những phản biện này đôi khi trái ngược nhau đưa đến những cái nhìn về nhiều khía cạnh khác nhau trong vụ án Tiên Lãng.Gần đây nhất có một bài viết xuất sắc của Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Xuân Phú mang tựa đề “Một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng” đặt nghi vấn về sự trong sạch của guồng máy chính quyền Hải Phòng.

Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Xuân Phú phân tích rất tỉ mỉ những lời kết luận của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về thảm kịch Tiên Lãng. Ông Hoàng Xuân Phú đưa ra những lời kết luận đanh thép như: “bộ máy cầm quyền ở Hải Phòng […] băng hoại”, và “không thể để bộ máy cầm quyền ở Hải Phòng định đoạt số phận gia đình ông Đoàn Văn Vươn”. Ông Hoàng Xuân Phú viết thêm:
“Huyện ủy Tiên Lãng đã triệu tập 300 đảng viên đến để tuyên truyền, phổ biến những thông tin sai trái, hoàn toàn bóp méo sự thật về những gì đã và đang xẩy ra trên đất Tiên Lãng, và không thấy có đảng viên nào lên tiếng công khai phản đối. Trong thể chế mà Đảng CSVN lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, sự kiện kể trên cho thấy bộ máy cầm quyền ở Tiên Lãng đã mục ruỗng và không thể hy vọng gì từ đó. Để cho bộ máy cầm quyền ở Tiên Lãng rơi vào tình trạng thối nát và ngang nhiên hoành hành như vậy, không thể coi bộ máy cầm quyền của thành phố Hải Phòng– cấp trên trực tiếp của huyện Tiên Lãng – là vô can và trong sạch.”

Đây là những câu kết luận rất nặng kí. Bài của Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Xuân Phú là một gáo nước lạnh dội vào bộ máy cầm quyền Hải Phòng. Nhưng cho những người còn tin tưởng vào việc giải quyết công minh của nhà nước, biến cố Tiên Lãng nếu được nghiên cứu tường tận sẽ giúp nhà nước tìm ra nguyên nhân của căn bệnh trầm kha là bệnh tham nhũng ở Việt Nam. Tìm được nguyên nhân sẽ đưa đến giải pháp. Cũng như bác sĩ chẩn bệnh, những triệu chứng do căn bệnh gây ra trên cơ thể bệnh nhân giúp người thầy thuốc xác định bệnh chính xác hơn. Thảm kịch Tiên Lãng đem đến rất nhiều dữ kiện cho người thầy thuốc (nhà nước) nếu vị thầy thuốc này có quyết tâm diệt trừ căn bệnh. Và ngoài sự quyết tâm đó, tìm ra những giải pháp thích đáng cho vụ Tiên Lãng còn đòi hỏi sự lắng nghe, một cuộc điều tra nghiêm túc, một sự tìm tòi nhìn sâu… để hiểu.

Chúng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là tính độc lập của hệ thống luật pháp.Trong tiến trình tố tụng và xử án ở các xứ bên trời Âu Mỹ, bất cứ một vụ án lớn nào như vụ án Tiên Lãng đều phải có sự hiện diện của một bồi thẩm đoàn (membres du jury) hoàn toàn độc lập với phe tố tụng và phe bị cáo. Và ông tòa (chánh án) xử án dựa trên kết luận của bồi thẩm đoàn. Bộ luật hình sự hiện nay ở Việt Nam tương đối khá tốt nhưng cách xử án ở Việt Nam hiện tại hoàn toàn thiên vị guồng máy nhà nước vì bị chính guồng máy này kiểm soát. Chúng ta chỉ cần xem lại lời tuyên bố ban đầu của bà Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng về vụ Tiên Lãng là có thể đoán trước vụ án Tiên Lãng sẽ được xét xử như thế nào hoặc xem lại những vụ tố tụng và xử án trong quá khứ để thấy cách xử án bất công của hệ thống luật pháp nước ta, ví dụ điển hình là vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ.

Nguyên nhân quan trọng thứ hai là sự sợ hãi. Chiến tranh dai dẳng mà nước ta đã gánh chịu cộng thêm những áp lực đầy bạo cường gây ra bởi những chính sách hậu chiến tranh của nhà nước tạo cho người dân từ Nam chí Bắc một nỗi lo âu sợ hãi. Và đây là một căn bệnh của người Việt chúng ta, nó ăn vào xương vào tủy của rất nhiều người Việt Nam. Thêm vào đó, sự lạm quyền (và lộng quyền) của rất nhiều quan chức làm người dân bình thường lo sợ thêm mỗi khi thấy bóng dáng của các vị này nhất là khi mình bị chính quyền “mời lên làm việc”. Sự sợ hãi này sẽ làm cho những nhân chứng quan trọng trong bất cứ vụ án nào ở Việt Nam phải im hơi lặng tiếng. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Nhà nước có chính sách nào để lấy đi sự sợ hãi của người dân trước bộ máy chính quyền? Hay là nhà nước, ngược lại, đang củng cố sự sợ hãi này để dễ trị dân và giữ trật tự trong nước?Cách dùng những nhân viên dân sự (không làm việc cho nhà nước) mà các báo lề trái thường gọi là xã hội đen (hay côn đồ) để áp đảo dân biểu tình kêu oan hay để dẹp “loạn” là việc thường thấy nói đến trên những báo lề trái này.

Nguyên nhân quan trọng thứ ba là tự do báo chí. Chúng ta có hơn mấy trăm tờ báo chính thống trên mạng nhưng không tờ báo nào cho chúng ta những tin tức có thể tin cậy được hoàn toàn. May thay nhờ vào sự có mặt của truyền thông trên mạng (cái được gọi là Internet), những blogs độc lập trong nước đã tạo đượcmột thành quả rất lớn trong việc dọi ánh sáng công luận vào vụ Tiên Lãng. Các blogs “không chính thống” này đã gây sự chú ý và nhất là sự quan tâm của rất nhiều người trong và ngoài nước. Sự quan tâm rộng lớn này cũng có thể là một lý do đã thúc đẩy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “thân chinh” dự phần vào việc xử lý thảm kịch Tiên Lãng.

Tôi không biết quý độc giả và nhà nước có đồng ý với suy luận của tôi hay không, và cũng không biết nhà nước có thực tâm muốn xây dựng một xã hội an lành hơn hay không.

N. D. V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.




BLOG NGUYỄN VĂN TUẤN

Một trong những câu hỏi tôi thường tự hỏi là trước 1975, tình hình khoa học qua công bố quốc tế của Việt Nam ta ra sao so với các nước trong vùng. Biết rằng tình hình chiến tranh thì chắc các bậc đàn anh và tiền bối cũng chẳng có cơ hội làm gì nhiều, nhưng những nỗ lực của họ cũng đáng trân trọng. Nhờ có cơ sở dữ liệu của ISI, tôi sưu tầm được vài con số thú vị …

Nói là “trước 1975”, nhưng tôi chỉ giới hạn từ 1966 đến 1975 thôi. Năm 1966 là năm mà PubMed làm cái mốc để hệ thống hoá thư viện khoa học. Dùng cơ sở dữ liệu này tôi có được kết quả sau đây:
Bảng 1: Số bài báo khoa học trên các tập san ISI, 1966 – 1975


 Bảng trên “tiết lộ” vài xu hướng thú vị. Tính từ 1966 đến 1975, Việt Nam (thật ra phần lớn là miền Nam Việt Nam thôi) công bố được 98 bài báo khoa học. Con số của VN tương đương với Nam Dương. Hàn Quốc, với 146 bài cũng chẳng cao hơn Việt Nam đáng kể. Tuy nhiên, trong cùng thời gian thì Singapore, Thái Lan và Mã Lai công bố cao hơn ta gấp 5 lần, Phi Luật Tân cao hơn ta gấp 3 lần.
Bảng số liệu còn cho chúng ta thấy một xu hướng khác cũng thú vị không kém: đó là thời điểm các nước trong vùng bắt đầu chuyển động. Đối với các nước như Thái Lan, Mã Lai, và Singapore, thì năm 1973 là năm họ bắt đầu tăng số ấn phẩm khoa học. Chẳng hạn như Thái Lan số bài báo tăng từ 17 bài năm 1972 lên 136 bài năm 1973. Tương tự, Singapore tăng từ 18 lên 81 bài. Dù đó là năm chiến tranh ác liệt (sau vụ "mùa hè đỏ lửa"), Việt Nam vẫn tăng số ấn phẩm trên trường quốc tế, và lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 20.
Ấy thế mà đến năm 2011 (xem bảng 2) thì tình thế hoàn toàn thay đổi. Nếu lấy VN làm “chuẩn”, thì số bài báo của Thái Lan cao hơn 4 lần, Mã Lai 5.5 lần, Singapore gần 7 lần.

Bảng 2: Số bài báo khoa học trên các tập san ISI, 2011


Sau 35 năm, Hàn Quốc trở thành “sao”. Số bài báo từ Hàn Quốc cao hơn ta 32 lần! Trước 1975, số bài báo Hàn Quốc tương đương với ta và thấp hơn Singapore, vậy mà sau 35 năm, số bài báo của Hàn Quốc cao hơn Singapore gấp 4 lần.

Viện Đại học Sài Gòn (trước 1975), một trong những cái "nôi" khoa học ở miền Nam
Những con số trên đây cho thấy về mặt “công bố quốc tế”, chúng ta đã kém hơn các nước trong vùng ngay từ thời trước 1975, nhưng tương đương với Hàn Quốc. Sau 35 năm, chúng ta vẫn kém hơn các nước như Thái Lan, Mã Lai, và Singapore. Riêng Hàn Quốc đúng là xứng đáng với ví von “hoá rồng”, bay khỏi hẳn đẳng cấp những nước ASEAN. Hàn Quốc hoá rồng từ lúc nào? Khi có dịp, tôi sẽ quay lại câu hỏi này. Nhưng các bạn có thể xem qua quá trình phát triển giáo dục của Hàn Quốc để có vài dữ liệu quan trọng.
Nếu những con số này cho chúng ta bài học, thì tôi nghĩ đó là bài học vượt qua số phận. Chúng ta, như Hàn Quốc, hoàn toàn có khả năng vượt qua các nước trong vùng. Nhưng để khai thác khả năng đó thì vẫn là một câu hỏi lớn: câu hỏi bắt đầu bằng chữ "nếu". Tại sao Hàn Quốc làm được, mà chúng ta không làm được? Một điểm nổi bật là Hàn Quốc thoát khỏi cái bóng của Tàu và hội nhập với Tây, với Mĩ; còn ta thì vẫn chưa, hay chưa muốn thoát (thậm chí còn muốn núp dưới) cái bóng của Tàu.

NVT


Ps. Theo trang này thì “Lợi tức bình quân của người dân miền Nam vào năm 1971 là 200 USD/năm, vào thời điểm đó là bằng với Thái Lan, gần gấp đôi Ấn Độ và hơn Trung Quốc 25% (nhưng đến năm 1974 thu nhập đã sụt xuống còn 54 USD do tiền VNCH bị phá giá so với USD gần 4 lần)”.

BLOG NGUYỄN VĨNH






BLOG NGUYỄN VĂN TUẤN


Tiếp theo bài trước, bài này sẽ “đọc” qua danh sách những công trình nghiên cứu khoa học (trong các tập san ISI) trước 1975. Điểm qua những công trình này cũng cung cấp cho chúng ta vài dữ liệu đáng chú ý. Phần lớn những bài báo lúc đó là từ miền Nam do hợp tác với Mĩ. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt như thời đó, một vài nhà khoa học Việt Nam cũng đã có được những công trình gây ảnh hưởng.

Tính từ 1966 đến 1975, Việt Nam công bố được 98 bài báo khoa học. Điểm qua những bài báo, tôi thấy có 13 bài từ miền Bắc, và phần còn lại (85 bài) từ miền Nam. Điều này có lẽ dễ hiểu, vì thời đó miền Nam là đồng minh của Mĩ, và miền Bắc theo Liên Xô. Mà, theo Liên Xô thì chắc không ai dám công bố nghiên cứu trên các tập san Tây phương hay của Mĩ. Tuy nhiên, trong thực tế thì vẫn có, dù số lượng còn ít. Phần lớn các nghiên cứu ở miền Nam là hợp tác với Mĩ và Úc. Những nghiên cứu y khoa chủ yếu là quân y. Nhưng ngạc nhiên thay, có khá nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ học và xã hội học. Vài lĩnh vực hàng đầu là:
Y khoa: 37 bài
Ngôn ngữ học: 24
Nhân chủng học: 13
Vật lí: 13
Y tế công cộng: 11

Phần lớn những bài về ngôn ngữ học là do Viện ngôn ngữ mùa hè (Summer Institute of Linguistics) thực hiện. Đây là viện ngôn ngữ do một nhóm Tin Lành bên Mĩ thành lập, và có chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới, kể cả VN. Theo vài nguồn thì tuy mang tiếng là “viện” [nghiên cứu] nhưng chủ đích của họ lúc đó là truyền đạo. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng họ cũng để lại một số công trình nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc có giá trị mà lúc đó người Việt Nam có lẽ quá bận với chiến tranh nên không thể làm.

Nhà thương Chợ Quán, nơi có nhiều công trình nghiên cứu trước 1975. Năm 1972, khu nhà chính 6 tầng của bệnh viện được xây dựng trên diện tích 12.126 m2 với sự trợ giúp của Hàn Quốc. Đến cuối năm 1973, công trình hoàn tất và bệnh viện được khánh thành vào ngày 02/3/1974 với tên mới là Trung Tâm Y Khoa Hàn -Việt. Cùng với cơ sở cũ, bệnh viện có 550 giường trị các bệnh: truyền nhiễm, tâm thần, phong, nội, ngoại, nhi và các khoa dược, cận lâm sàng, khu phẫu thuật 04 phòng được trang bị hiện đại. Lúc này bệnh viện được xem như là “một Trung tâm Y tế toàn khoa mới và tối tân hàng bậc nhất miền Nam Việt Nam thời bấy giờ”. Bệnh viện được lựa chọn làm nơi thực tập của các trường Đại học Y khoa và các Chương trình huấn luyện của Bộ Y tế VNCH như Đại học Y khoa Sài Gòn, Đại học Y khoa Minh Đức, Chương trình đào tạo tiến sĩ Khoa Quản trị bệnh viện, Viện Quốc gia Y tế công cộng (nguồn: http://vnxuavanay.wordpress.com/tag/b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n-ch%E1%BB%A3-quan)

Cổng trường Đại học Y Sài Gòn trước 1975 (không rõ năm, do Mĩ xây). Cổng trường là dòng chữ "Bộ Đại Học Sài Gòn - Trung Tâm Giáo Dục Y- Khoa" (ảnh trích từ otofun.net)

Phần lớn các nghiên cứu khác về khoa học tự nhiên là do Viện Đại học Sài Gòn thực hiện. Phần lớn các nghiên cứu y khoa được thực hiện ở Bệnh viện Chợ Quán cũ (tức Bệnh viện Nhiệt đới bây giờ) với sự hợp tác của Mĩ (chủ yếu là quân y). Nhiều công trình nghiên cứu bệnh nhiệt đới (đặc biệt là dịch hạch) do quân y Mĩ thực hiện cho đến bây giờ vẫn còn giá trị tham khảo.

Nghiên cứu vật lí chủ yếu là miền Bắc. Các tác giả miền Bắc lúc đó đã xuất hiện trên tập san ISI là bác Nguyễn Văn Hiệu và Hoàng Tụy. Còn vài bác từ miền Bắc tôi không rõ là PHAT TH, CANH N, NGUYENDUCBICH, DUONGVANPHI. Điều thú vị là bác Hiệu kí tên có khi là NGUYENVANHIEU, nhưng cũng có khi là VANHIEU N! Như vậy, trước 1975 đã có nhà khoa học miền Bắc công bố trên tập san tiếng Anh.

Bài của bác Hiệu đăng trên Physica Status Solidi B-Basic Research (1975) và Soviet Journal of Nuclear Physics – USSR (1972). Cả hai bài cho đến nay vẫn chưa có ai trích dẫn. Bài của bác Tụy “General Minimax Theorem” đăng trên Colloquium Mathematicum (1975), đã được trích dẫn 15 lần. Như vậy, trước đây, Liên Xô cũng đã có tập san viết bằng tiếng Anh và có trong ISI.

Chất lượng nghiên cứu nói chung là trung bình, nhưng cũng có bài xuất sắc. Trong số 98 bài trước 1975, có đến 29 bài (gần 30%) chưa bao giờ được trích dẫn. Bài được trích dẫn nhiều nhất là bài Cholramphenicol-resistant typhoid-fever in Vietnam associated with R factor, đăng trên Lancet (1973), được trích dẫn 110 lần. Bài này là hợp tác giữa Mĩ và Nhà thương Chợ Quán. Một bài khác của Gs Trần Ngọc Ninh và Trần Xuân Ninh báo cáo 126 ca cystic hygroma đăng trên Journal of Pediatric Surgery (1974) cũng được trích dẫn nhiều lần (75). Có lẽ bác Trần Ngọc Ninh chưa biết tin này, nếu bác biết chắc là vui lắm. Nói tóm lại, trước 1975, miền Nam đã làm được vài nghiên cứu có chất lượng cao và công bố trên tập san danh giá.




Blog Bauxite Việt Nam
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân: xưởng sản xuất dân oan

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý.

Nghĩa là Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và các phương thức thực hiện quyền sử dụng đất…


Nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân là nói tránh, nói đúng thì đất đai thuộc sở hữu Nhà nước.

Hay nói rõ hơn, đất mà nông dân đang sử dụng là của Nhà nước. Nên Nhà nước muốn thu hồi lúc nào là tùy Nhà nước, nông dân được đền bù là đúng luật.

Nhà nước là Nhà nước nào? Nhà nước Trung ương? Nhà nước tỉnh? Nhà nước huyện? Nhà nước xã?

Gần 13 ha đất nông nghiệp màu mỡ, nuôi sống người dân thôn Pắc Dài từ bao đời nay đã được tỉnh Cao Bằng giao cho Doanh nghiệp để tiến hành khai thác vàng.

Nhà nước Trung ương ở xa quá, nên đất đai thuộc sở hữu của nhà nước địa phương.

Đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà nước địa phương, có nghĩa là đất đai thuộc sở hữu của ông chủ tịch tỉnh, ông chủ tịch huyện (gọi chung là sứ quân địa phương).

Với quyền lập dự án tùy ý, không ai kiểm tra; quyền ra quyết định thu hồi, nông dân không có quyền cưỡng lại; quyền bồi thường tùy thích hoặc không bồi thường, nông dân không có quyền mặc cả; quyền thành lập đoàn cưỡng chế gồm công an bộ đội để khống chế mọi ngăn trở bằng vũ lực…, mỗi ông lãnh đạo địa phương trở thành hung thần đối với đất đai của nông dân, trở thành sứ quân đối với Trung ương.

Trung ương làm sao kiểm tra giám sát được sứ quân địa phương khi họ có toàn quyền: qui hoạch, thu hồi, cưỡng chế?

Dân oan đợt 1:
Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ruộng đất do nông dân khẩn hoang mà có, ruộng đất do chính sách người cày có ruộng của chính quyền Ngô Đình Diệm và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cấp cho nông dân mà có. Ruộng đất được kế thừa từ đời trước đến đời sau.

Sau năm 1975, mỗi nhân khẩu được cấp phát 3.000 m2, số còn dư chính quyền thu hồi hết. Đến đầu những năm 90 chính sách ruộng đất thay đổi: mỗi hộ (tức mỗi gia đình không phân biệt nhiều ít) được cấp 3 ha.
Do ĐBSCL đất rộng người thưa, sau khi đã cấp cho những người không có đất mỗi người 3.000 m2 vẫn còn đất dư không có người canh tác.

Vậy là, chính quyền địa phương cho các cơ quan đoàn thể mượn để sạ lúa một vụ. Ở Huyện Tân Hồng cho Công an thành phố HCM mượn cả chục ngàn ha, ở Kiên Giang chính quyền lấy giao cho Công ty Kiên Tài Đài Loan. (*)

Công an thành phố HCM, và Công ty Kiên Tài Đài Loan do không biết làm ruộng, nên năm nào cũng lỗ, họ không làm nữa, đất bị bỏ hoang.

Thấy đất bỏ hoang, những nông dân chủ đất lấy đất lại làm, thì chính quyền không cho, và toàn bộ số đất này được cấp cho cán bộ các cấp từ xã đến huyện, và thân nhân của cán bộ, một số ít được cấp cho người dân không có đất.

Tôi xin lấy một thí dụ điển hình: một hộ nông dân có 15 ha, gồm 2 vợ chồng và 3 người con, hộ này được cấp 3 ha và thu hồi 12 ha.

10-15 năm sau 3 người con lập gia đình nhưng chính quyền không còn đất để cấp cho họ mỗi người 3 ha. Vậy là họ trở thành người không có đất.

Một chính sách lấy đất của người cha, mà không có đất cấp cho người con khiến người con trắng tay liệu có hợp đạo lý, hợp lẽ công bằng không?

Nhìn thấy cán bộ được cấp đất của mình mà con mình lại không có đất, nông dân ra tranh chấp lấy lại, thì chính quyền đưa lực lượng ra đàn áp để giữ đất cho cán bộ.

Ức lòng nông dân khiếu nại, các vị sứ quân địa phương cho biết: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước có quyền thu hồi, cấp cho ai là quyền của Nhà nước.

Chống lại các sứ quân địa phương bị đoàn cưỡng chế đàn áp, kiện đâu thua đó, kéo lên Trung ương kêu cứu, vậy là dân oan đợt 1 ra đời.

Dân oan đợt 2:
Cuối những năm 90, theo đà phát triển kinh tế, nhiều khu công nghiệp được thành lập, nhiều khu đô thị được xây mới, những khu chợ được thành lập, công sở, trường học, bệnh việc được xây mới…

Sự phát triển của địa phương là điều tự nhiên, sử dụng đất để làm khu công nghiệp, xây dựng đô thị, là điều cần thiết, nhưng việc bồi thường đất bị thu hồi cho nông dân không thỏa đáng.

Bồi thường cho nông dân với giá cực rẻ vài chục ngàn một mét vuông, nhưng sau đó đắp đất phân nền đất này được bán với giá vài trăm ngàn đến cả triệu một mét vuông.

Do chênh lệch giá đất trước và sau đền bù quá lớn, do các sứ quân ở địa phương có toàn quyền qui hoạch, thu hồi, cưỡng chế, nên các sứ quân địa phương họp với các chủ dự án thành nhóm lợi ích.
Các sứ quân địa phương làm mọi cách kể cả đàn áp bằng vũ lực để lấy đất giá rẻ cho các chủ dự án, đổi lại các chủ dự án hối lộ cho các sứ quân địa phương.

Tước đoạt đất của nông dân để làm sân golf, tước đoạt đất để phân lô bán nền, là đỉnh điểm của sự hợp tác ma quỉ giữa các sứ quân địa phương với các chủ dự án.

15h00 chiều, ngày 21-2-2012, hàng trăm nông dân Hưng Yên về thủ đô khiếu kiện đất đai vẫn còn diễu hành thành từng đoàn qua phố Lê Thái Tổ, đi về phía phố Hàng Trống trong ôn hòa, lặng lẽ, không ai nói với ai.

Đất của nông dân được ông cha để lại, mảnh đất ở nơi hẻo lánh nay nghe tin trở thành thị tứ, chưa kịp mừng, các vị sứ quân cho thuộc hạ đến đưa quyết định thu hồi, và đưa ra giá đền bù rẻ mạt.

Có 1000 m2, nhận tiền đền bù mua lại ngay chỗ đất của mình không được 100 m2.

Đất mình sắp trở thành nơi thị tứ, lại được tái định cư vào nơi hẻo lánh.

Tại sao nông dân không có cả quyền mặc cả trên mảnh ruộng của mình? Tại sao giá trị gia tăng của đất chỉ có chủ dự án và các vị sứ quân địa phương hưởng, còn nông dân lại không?

Không đồng ý giá đền bù, chống lại, bị đoàn cưỡng chế đàn áp, thế là đi kiện, kiện đâu thua đó, kéo lên Trung ương kêu cứu, vậy là trở thành dân oan đợt 2.

Đất nước càng phát triển, việc quy hoạch, thu hồi, cưỡng chế của các sứ quân địa phương càng tăng, dân oan sẽ càng tăng.

Đất nước càng phát triển, chủ dự án càng giàu to, sứ quân địa phương ăn hối lộ ngập mặt (dư tiền quá, đánh cờ tướng mà một ván cả năm tỷ bạc) nông dân càng cơ cực bần cùng.

Nhà nước được lợi gì khi chiếm quyền sở hữu của nông dân? Chưa thấy bất cứ người nào của Nhà nước nói về cái lợi của qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, chỉ thấy, quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân chính là xưởng sản xuất ra dân oan.

Nhà nước thử hỏi 1 triệu nông dân, xem có mấy người đồng ý cho Nhà nước sở hữu ruộng đất của họ. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một quy định đi ngược lại nguyện vọng của mấy chục triệu nông dân.

Trong đất nước Việt Nam này, cái gì cũng không nằm dưới quyền trưng thu, trưng dụng, trưng mua của nhà nước, vậy tại sao chỉ có đất đai phải buộc là sở hữu của Nhà nước (sở hữu toàn dân là sở hữu Nhà nước)?

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một qui định không có mục đích rõ ràng.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một qui định sản sinh ra dân oan, khiến cho khiếu nại về đất đai chiếm 70-80 khiếu nại cả nước.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân khiến cho các sứ quân địa phương thẳng tay tước đoạt đất của nông dân một cách hợp pháp. Nhà nước sẽ không thể nào kiểm tra kiểm soát nổi bọn sứ quân địa phương.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân sẽ biến nông dân chất phác thành Đoàn Văn Vươn bạo động.

Xóa bỏ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không những nông dân được lợi mà Nhà nước cũng được lợi, vì các vị sứ quân địa phương mất phương tiện thoái hóa, biến chất.

Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân không còn lý do để tồn tại.

Đã đến lúc Nhà nước trả quyền sở hữu ruộng đất lại cho nông dân.

H. K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

(*) Người Cao Tuổi Online, bài “Chuyện “động trời” ở tỉnh Kiên Giang: Dân mất đất kêu than, “quan” biến thành địa chủ!” http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=7041




BLOG PROCONTRA

Phạm Thị Hoài

Những lời hùng biện nổi tiếng của Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đang có nguy cơ nhường vị trí đầu bảng cho phát ngôn của Bí thư Thành ủy Hải Phòng ngày 17.2.2012 tại CLB Bạch Đằng, trong đó ông Nguyễn Văn Thành cảnh báo nguy cơ từ tai nạn truyền thông về sự cố trong lãnh địa do ông cai quản, với hơn 1500 bài báo và “5 triệu người vào mạng Gú gờ chấm Tiên Lãng“.

Gú gờ chấm Tiên Lãng, với một sự nghiêm túc tột độ.

Khả năng của Gú gờ là vô tận, chúng ta biết. Nhưng vẫn bị bất ngờ, mà chính Gú gờ cũng sửng sốt. Một chương mới trong lịch sử internet sắp mở. Gú gờ còn có thể chấm rất nhiều thứ khác.

Trước hết là chấm sự dốt nát của vị tiến sĩ kinh tế, cử nhân luật, cử nhân Anh văn Nguyễn Văn Thành, người lãnh đạo cao nhất của Hải Phòng, thành phố trực thuộc trung ương lớn thứ ba trong toàn quốc, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ở vị trí đó, theo cơ chế chia ghế của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thành hiện là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và có thể lên đến ủy viên Bộ Chính trị.
Ai cũng có cái dốt của mình. Dốt mạng không phải là tội. Nhưng trường hợp “Gú gờ chấm Tiên Lãng” cho thấy hai điều đáng gọi là rùng rợn:
Thứ nhất, tác giả của phát minh nói trên, ông tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, là một trong 175 người lãnh đạo cao nhất của 90 triệu người Việt Nam, tức thuộc giới thượng lưu chính trị của đất nước.  Thứ hai, một sự dốt nát như thế chỉ có thể dõng dạc diễn thuyết như thế, khi nó chắc mẩm rằng cử tọa còn ngu dốt hơn nhiều.

Trong hệ thống quyền lực khép kín của Đảng, khó có thể đánh giá “Gú gờ chấm Tiên Lãng” có phải là cú tự sát chính trị của ông Nguyễn Văn Thành hay không. Nhưng có thể chắc chắn rằng cụm từ này sẽ đi vào tiếng Việt với hàm nghĩa “dốt nát khoe ra, xấu xa đậy lại”.

Bài đăng ngày 24.2.2012 © 2012 pro&contra





BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT

Written by truongduynhat on Time posted: 10:32 pm26 February 2012

Tôi mở thêm mục “bàn tròn” mỗi khi xảy ra sự kiện nóng. Khách mời sẽ là các cây bút quen thuộc, hoặc chuyên gia, hoặc người trong cuộc, hoặc cũng có thể bất kỳ bạn đọc ngẫu hứng nào đó…

Kỳ đầu tiên, tất nhiên là chuyện Tiên Lãng-Hải Phòng. Đây là bàn tròn mở, vì thế sẽ được bổ sung những ý kiến tiếp theo. Nhà báo Đào Tuấn và tiến sĩ Phạm Ngọc Cương sẽ đóng vai trò kích hoạt cho bàn tròn khởi đầu này.

– Vì sao gần 2 tháng, vụ việc Tiên Lãng vẫn chưa yên, cho dù Thủ tướng đã phải nhảy vào giải quyết bằng một “hội nghị Tiên Lãng”? Tại sao sự việc vẫn rối bùng và thách thức bởi hàng loạt những phát ngôn trái ngược từ quan chức chính quyền thành phố đến huyện xã?

Cách xử lý chưa đúng, hay phải chăng uy lực từ vai trò Thủ tướng không đủ mạnh? Hay còn điều gì khác?

Nhà báo Đào Tuấn:

Khi Thủ tướng chính phủ họp với các bộ ngành và có ý kiến chính thức xung quanh vụ Tiên Lãng, rất dễ nhận thấy là hoàn toàn không có sự ngạc nhiên từ phía dư luận- điều đáng lẽ phải được đặt ra khi, về hình thức, người đứng đầu chính phủ phải xuất hiện trước một vụ việc thực ra phổ biến đến mức, từ nhiều năm, đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
     
Tuy nhiên, sau thông báo của Thủ tướng, dường như đã có sự nhầm lẫn rất lớn khi báo chí lựa những cái tít như “Cảm ơn…”, hay “Vỡ òa niềm vui”. Thủ tướng chỉ đơn giản là thông báo lại những kết luận về mặt chuyên môn của các bộ ngành. Ông yêu cầu làm đúng luật. Đúng luật, có nghĩa là gia đình ông Vươn sẽ chỉ được thuê lại không quá 5ha trong số 40ha đã bỏ công khai phá. Đúng luật, có nghĩa là ông sẽ phải nhận bản án không dưới 15 năm về tội giết người, chống người thi hành công vụ… Riêng chuyện đất đai, đúng luật như thế nào lại còn tùy cách “giải thích luật” của chính quyền từng địa phương.
     
Ngay sau khi Thủ tướng kết luận, tôi đã viết rằng: Vụ án Cống Rộc hoàn toàn chưa khép lại. Nó mới chỉ vạch ra vấn đề đang nhức nhối nhất ở nông thôn: Đó là tình trạng một nông thôn mà dân chủ cơ sở tồn tại rất mờ nhạt. Đó là một nông thôn nơi chính quyền gần như đối lập với dân. Và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là những bất cập trong chính sách đất đai. Không thể không nhắc lại là Luật đất đai đã phải sửa tới 4 lần, có tới 400 văn bản hướng dẫn thi hành và là một bộ luật có quá nhiều kẽ hở để chính quyền địa phương có thể “tự giải thích luật” theo ý muốn chủ quan của mình.
     
Vì sao gần 2 tháng trôi qua mà vụ Tiên Lãng chưa khép lại? Bởi, dù là thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng, Hải Phòng vẫn chưa thể đưa ra được một phương án khả dĩ xung quanh khu đầm. Bởi chính sách đất đai đang rối loạn. Bởi việc khắc phục những vụ khiếu tố tương tự Tiên Lãng đang bế tắc (riêng Hải Phòng đã có khoảng gần 300 vụ việc tương tự). Bởi vì những nhức nhối ở nông thôn vẫn chưa hề thay đổi.
     
Tất cả những điều đó không thể giải quyết chỉ bằng một ý kiến, dù là của Thủ tướng. Cũng không thể lại chỉ… sửa luật.
     
Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương (Toronto, Canada)
     
Là người từng sống ở Hải Phòng 8 năm, yêu cành phượng vỹ cũa thành phố này từ ngày cắp sách đến trường, hồi đó hầu như ngày nào đi học về cũng thấy ai đó vừa tự tử ở sông Lấp, thất vọng về sự quản trị thành phố này từ khi bắt đầu lớn. Cái nhìn của tôi về vụ Tiên Lãng có mấy điểm sau:
     
1- Hải Phòng là thành phố cảng, thành phố lớn thứ 3 của cả nước năm 1975, có đủ cả biển, núi, đồi, đồng bằng, cơ sở cảng và công nghiệp, cách thủ đô có khoảng 100 km… Vậy mà sau bấy nhiêu năm không vươn nổi lên làm một New York, San Francisco, hay Hong Kong, Singapore… Thậm chí ngay trong nước cũng là một thành phố tậm tịt, tự đánh mất các lợi thế cạnh tranh và cơ hội phát triển của chính mình. Nguyên nhân rõ ràng nhất là do lãnh đạo quá kém. Hơn 30 năm qua mỗi lần tôi qua Hải Phòng đều toàn nghe thấy dân chửi lãnh đạo thành phố (chỉ trừ ngoại lệ Đoàn Duy Thành). Họ thật đáng xấu hổ, thiếu tài năng, công tâm, lòng tự trọng và liêm sỉ, thừa thủ đoạn, sự tham lam và độc ác.
     
2- Khi kinh tế đã không phát triển, hay phát triển yếu thì thường xung đột xã hội (dù âm ỉ hay bùng phát) càng trầm trọng. Và khi miếng ăn ngon duy nhất với các tỉnh, huyện, xã, phường là đất cát nhà cửa, và luật lệ bất cập, luôn được vận dụng theo ý kẻ có quyền, thì chuyện không tránh khỏi là kẻ có quyền phải tìm mọi cách tranh giành đất đai thủ đắc lợi ích cá nhân. Vụ huy động đến cả trăm công an, bộ đội chứng tỏ chính quyền chỉ quen thói dùng bạo lực; tham của dân, sợ dân và thù dân.
     
3- Những vụ tầm cỡ này nếu xảy ra ở một nước văn minh thì hoàn toàn một tòa án cấp huyện hay tỉnh đã đủ khả năng giải quyết và giải quyết ổn thỏa đảm bảo đủ công bằng và yên được lòng dân. Khi một nền hành chính không công bằng và không tạo được niềm tin thì con đường tất yếu sẽ là mọi trường hợp đều tìm cách để được đặt lên mặt bàn của người có quyền lực cao nhất, hi vọng khi mở được cánh cửa cuối cùng sẽ chạm tới công bằng và chân lý. Vì vậy dân oan phải lao về Hà Nội, các đơn từ đủ loại ngập hết các văn phòng từ Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Thủ tướng…
     
Để tránh đổ vỡ dây chuyền Việt Nam cần ngay, khẩn thiết một nền tư pháp độc lập. Các quan tòa không bị tư duy nhiệm kỳ, chỉ hành xử theo luật, không bị sức ép nào can thiệp vào việc nghị án ngoài việc thực thi luật pháp cho công bằng. Cần tòa án hiến pháp để chế tài quyền lực tối cao. Chánh án các tòa tối cao phải do quốc hội bổ nhiệm và phê chuẩn, không nằm trong cơ cấu đảng, chính phủ.
     
4- Quyền lực chỉ thông suốt trong hai trường hợp. Độc tài bao trùm hoặc dân chủ bài bản. Ở nền độc tài Lê Duẩn, trong nhà ông có cả một phòng để các bí thư tỉnh trái ý không được họp cùng, tự ngồi một mình xám hối. Ở nền dân chủ phát triển các bánh răng quyền lực về cơ bản ăn khớp nhịp nhàng. Vụ Tiên Lãng chỉ ra rằng quyền lực ở Việt Nam hiện nay không nằm cả trong hai kịch bản trên. Vụ này chỉ ra những lỗi cơ bản của hệ thống: chính quyền trung ương không đủ bản lĩnh và quyết tâm chính trị giải quyết dứt điểm các vụ trọng điểm trong thời gian hợp lý; chính quyền, tòa án huyện và tỉnh cũng không đủ năng lực giải quyết cả những vụ việc nhỏ; các cơ quan như mặt trận, ủy ban, hội, đoàn, đại biểu quốc hội… tại địa phương hoàn toàn rơi mặt nạ là những bù nhìn vô dụng, tốn tiền thuế của dân. Với Thủ tướng thì có mấy cách hiểu: hoặc là ông ta nói một đằng và để cho quân làm một nẻo, giơ cao đánh khẽ (…); hoặc là ông cũng đang bị động, xung đột quyền lực, cơ cấu và lợi ích với những phe nhóm khác (?). Nhìn về tổng thể có thể thấy cả một sự hỗn độn, yếu kém về các mặt của hệ thống chính trị: từ tầm nhìn, hoạch định chiến lược, đề ra luật pháp, chủ trương, chính sách, đến quản lý thúc đẩy phát triển và điều phối giải quyết mâu thuẫn phát sinh.
     
Đi về đâu Việt Nam khi cả hai tháng không giải quyết nổi một vụ việc hành chính tuy nhỏ mà sự bức xúc xã hội thật to. Nếu cứ tốc độ như vậy thì một năm, hay một nhiệm kỳ sẽ làm nổi mấy việc? Có xứng đáng ngồi ở những cương vị quản lý đấy tiếp không?
     
5- Cái thiếu nhất của Việt nam hôm nay qua vụ Tiên Lãng là thiếu quan cho ra quan (người lãnh đạo suy cho cùng vẫn là yếu tố quyết định nhất cho mọi thành bại của bất kỳ dân tộc, thể chế, triều đại, hay công ty… nào). Cái thừa nhất của Việt Nam qua vụ Tiên Lãng là quá dư thừa sự oan ức của dân chúng (vì vậy cần tòa án độc lập). Đảng Cộng sản vốn được quần chúng lao khổ đùm bọc từ ngày khởi nghiệp quá hiểu chân lý của sự tức nước vỡ bờ, có áp bức có đấu tranh, con giun xéo mãi cũng phải quằn. Khi người dân phải nổ súng để bảo vệ công cuộc mưu cầu hạnh phúc chân chính của mình thì chính quyền phải giật mình tỉnh ngộ. Vụ xụp đổ của các đảng Cộng sản Đông Âu là cái may cho đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, họ gấp rút đổi mới, mở cửa để tránh sụp đổ tức thì. Vụ Tiên Lãng cũng là một cái may cho họ. Nếu biết giải quyết tận gốc vấn đề thì họ sẽ tiếp tục giữ được quyền lực.
     
Tuy nhiên cuộc chơi quyền lực nào rồi cũng sẽ có hồi kết, chỉ có điều nó kết nhẹ nhõm hay đẫm máu mà thôi.
     
6- Cái được nhất của Việt Nam qua vụ Tiên Lãng là xã hội dân sự đang hình thành nhanh chóng. Người dân Việt hơn lúc nào hết đã ngày càng có tư duy độc lập, hết tin tưởng vào những đường mật “từ dân vì dân do dân”… Sự lãnh đạo một dân chúng thức tỉnh, có tri thức, ít ngộ nhận và cuồng tín sẽ đỏi hỏi những nhân cách lớn hơn, tầm vóc hơn. Bằng không, cái gì không đáp ứng được đòi hỏi của qui luật khách quan sẽ tất yếu bị đào thải. Tiếng súng của anh em Đoàn Văn Vươn đã đặt dấu chấm hết dứt khoát cho sự cai trị ù lỳ.