Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Ngự Thuyết: Qua Trung Đông

Kim Tự Tháp, Giza. Wikimedia

Tôi nghĩ nếu hoàn cảnh cho phép thì mỗi năm phải một lần đi. Đi xa. Đến một nơi mình chưa hề biết càng tốt. Ở yên mãi một chỗ sẽ dễ trở thành ù lì, nặng nề, thể xác lẫn tinh thần. Đi, coi như “sạc bình”. Sau một chuyến đi, bình ắc-quy được nạp điện trở lại. Cứ thế cho đến khi nào cái bình quá cũ, hết “sạc”được nữa, thì hết đi vậy.

Một hôm, con tôi gọi điện thoại:

“Có chuyến du lịch này hay lắm, bố mẹ đi nhé.”

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Tâm Tịnh An: Du lịch miền Đông Bắc Việt Nam

Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh Quang Nguyen Vinh, Pixabay

Du lịch miền Đông Bắc Việt Nam là một ước mơ từ lâu của tôi, nhất là từ khi có tin Trung Quốc đã chiếm một phần thác Bản Giốc. Tôi muốn xem tận nơi để coi họ chiếm như thế nào. Lại thêm có người nói, “Chưa đi Mã Pí Lèng là chưa biết đi đường đèo.” Tôi nghĩ mình đã đến tuổi “cổ lai hy”, nếu không đi bây giờ thì có thể không còn cơ hội nữa. Thế là tôi huy động anh chị em và bạn bè tuổi cũng xấp xỉ “cổ lai hy” như tôi để làm một chuyến Bắc du. Lúc đăng ký tour, cô nhân viên hãng du lịch nhẹ nhàng nói, “Thưa cô, tour này là tour trải nghiệm, không phải tour nghỉ dưỡng. Nhóm của cô toàn là người lớn tuổi nên công ty đề nghị cô chọn các tour khác nhẹ nhàng hơn đi ạ.” Tôi bèn đem ba tấc lưỡi ra để thuyết phục, rằng thì là các cô các chú tuy có tuổi nhưng sức khỏe rất tốt, rằng thì là các cô các chú đã từng trèo lên đỉnh Fansipan, đã từng bò lên tới Chùa Đồng Yên Tử, mới mấy năm trước đây thôi mà! Cô nhân viên thấy tôi hăng quá chắc cũng động lòng nên đành nói, “ Thôi được, vậy cô làm ơn ký tên vào tờ bảo lãnh sức khỏe cho cả nhóm, cam đoan chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có sự cố gì xảy ra nhé.” Ừ, ký thì ký, sợ gì! Thế là được đi.

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Phạm Xuân Đài: Đến với nước Nga (Phần 2)

Lời giới thiệu: Nhà văn Phạm Xuân Đài viết “Đến với nước Nga” vào khoảng năm 2000, tức đã hơn 20 năm trước. Khi đó Liên Xô vừa mới sụp đổ chưa đến 10 năm, và khắp nơi trên đất nước Cộng hòa Liên bang Nga (tức Cộng hòa XHCN Xô viết Nga cũ)dấu vết của một thời kỳ “xã hội chủ nghĩa” với nền kinh tế tập trung bao cấp quan liêu, trì trệ và tư duy, tiềm lực con người bị kìm hãm, hãy còn rất nặng từ trong đời sống kinh tế cho tới văn hóa, hành vi ứng xử của người Nga. Hơn 20 năm đã qua, nước Nga bây giờ có lẽ đã thay đổi nhiều, thật thú vị khi đọc lại bài tùy bút/bút ký này của nhà văn Phạm Xuân Đài để được nhìn thấy lại hình ảnh nước Nga những năm 2000…

***

Trời mùa hè dù đã năm giờ chiều nắng hãy còn cao, chúng tôi lại lấy xe điện ngầm để đi thăm nhà thờ Đấng Cứu Thế, một ngôi nhà thờ lạ, vừa mới xây dựng xong nhưng lại đã có từ rất lâu, sự tái sinh của nó là cả một câu chuyện ly kỳ về sự sống dậy của Con Người.

Ngay sau khi đánh đuổi quân Pháp ra khỏi của nước Nga vào năm 1812, Nga hoàng Alexandre Đệ nhất đã quyết định xây dựng một ngôi nhà thờ vĩ đại “để tạ ơn Đấng Cứu Thế”. Năm năm sau, công trình bắt đầu với một dự án rất đồ sộ, nhưng sau bảy năm thi công, người ta mới phát giác ra đó không phải là một dự án khả thi, mọi chuyện ngừng lại. Mãi đến năm 1839, 27 năm sau chiến tranh với Pháp, việc xây đại giáo đường để tạ ơn chiến thắng mới chính thức bắt đầu lại tại một địa điểm mới và với một ông vua mới là Nicolai Đệ nhất. Trong lễ đặt viên đá đầu tiên tổ chức ngày 10 tháng 9 năm 1839, người ta không quên chuyển đến viên đá đầu tiên do tiên vương đã đặt trong lần xây nhà thờ không thành mấy mươi năm trước. Bốn mươi bốn năm sau, vào năm 1883 nhà thờ được khánh thành, lại với một vị vua khác nữa là Alexandre Đệ tam. Từ đó, nhà thờ Đấng Cứu Thế đã trở thành ngôi Đại Giáo Đường chính của cả nước, và trở thành không chỉ là một trung tâm tôn giáo, mà còn là một công trình văn hóa, kiến trúc và lịch sử nổi tiếng của nước Nga.


Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Phạm Xuân Đài: Đến với nước Nga (Phần 1)

Lời giới thiệu: Nhà văn Phạm Xuân Đài viết “Đến với nước Nga” vào khoảng năm 2000, tức đã hơn 20 năm trước. Khi đó Liên Xô vừa mới sụp đổ chưa đến 10 năm, và khắp nơi trên đất nước Công hòa Liên bang Nga (tức Cộng hòa XHCN Xô viết Nga cũ)dấu vết của một thời kỳ “xã hội chủ nghĩa” với nền kinh tế tập trung bao cấp quan liêu, trì trệ và tư duy, tiềm lực con người bị kìm hãm, hãy còn rất nặng từ trong đời sống kinh tế cho tới văn hóa, hành vi ứng xử của người Nga. Hơn 20 năm đã qua, nước Nga bây giờ có lẽ đã thay đổi nhiều, thật thú vị khi đọc lại bài tùy bút/bút ký này của nhà văn Phạm Xuân Đài để được nhìn thấy lại hình ảnh nước Nga những năm 2000…

***


Cho đến khi tôi được đến với nước Nga thì cảm tưởng của tôi về nước này rất trái ngược nhau, vừa thân thiện, vừa ác cảm. Thân với nền văn học, ác cảm với chế độ chính trị đã qua của nó. Đó là nói một cách rất tổng quát, ngoài ra tôi chẳng biết gì cụ thể về đất nước và con người tại đó. Nếu nước Nga không thay đổi chế độ chính trị cách đây gần một thập niên thì chắc tôi khó lòng đến với nó được. Nhưng dù sao Nga vẫn là một thế giới riêng biệt trong thế giới ngày nay, và đến với nước Nga vẫn là một điều đầy háo hức, thậm chí hồi hộp.



Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Nguyễn Hiền: Du lịch Oaxaca – Lễ hội cho Người Chết (Phần 2)

Ẩm thực

Nếu nhà cửa, chợ búa, văn hóa ở Oaxaca nhiều màu sắc, thì ăn uống cũng không kém. Nhưng nó vừa đa dạng, lại vừa đơn điệu.

Đa dạng ở chỗ người ta chế biến ra đủ thứ món ăn bằng phương cách giản dị: trộn với nhau và nếm thử. Trong tiệm ăn bình dân, người ta có thể gọi một món ăn bằng cách diễn tả, kiểu như ở Việt Nam, gọi ‘cho dĩa cơm sườn nướng, lấy nhiều đồ chua chút, đừng cho cay quá, thêm chút nước mắm v.v.’. Mua khúc bánh mì kẹp nơi xe bán rong ngoài đường, nói từng bước: cho sốt chút thôi, lấy gà nướng, phô-mai quesillo, khỏi bỏ ớt, không lấy mole đen mà lấy mole đỏ, thêm cà chua nữa, có rau không, salsa chừng đó đủ rồi. Bao nhiêu tiền vậy? Làm một tràng liên tục, chẳng khác nào gọi ly cà phê Starbucks! Nói quíu cả lưỡi, vì rất ít người biết tiếng Anh, họ cho tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ số 4 trên thế giới mà, muốn tới chơi thì phải ráng học ngôn ngữ của họ.

Với những người hoàn toàn không biết tiếng Tây Ban Nha hoặc trước một vấn đề phức tạp, có cách giải quyết khác, rất giản dị. Đó là móc điện thoại ra, có Google Translate cài sẵn trong đó, gần như nhân viên văn phòng và người ngồi quầy trong tiệm nào cũng có. Xe hơi cho mướn bây giờ cũng không còn máy định vị GPS chỉ đường nữa, và cũng không còn CD trong xe, vì ai cũng dùng Google Maps và stream nhạc qua Bluetooth.


Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Nguyễn Hiền: Du lịch Oaxaca – Vùng đất nhiều màu sắc (Phần 1)

Viết vào thời điểm 100 peso = 5 USD = 5 €

Ở Âu châu, nếu nghe ai đó nói đi du lịch Mexico, khi hỏi lại, thường là nghe họ kể đi tắm biển Cancún vùng Yucatán, lướt sóng, thăm thủ đô Mexico City, xem kim tự tháp và các di tích của dân Aztec…. Cao lắm là đi một vòng các tỉnh phía bắc và đông bắc. Dân Âu châu – ngoại trừ Tây Ban Nha – hoàn toàn xa lạ với Oaxaca, thành phố độc đáo với sự pha trộn của nhiều giống dân khác nhau và có một nền ẩm thực riêng. Tôi không thích biển, còn kim tự tháp xem đã nhiều, do đó đã chọn Oaxaca trong chuyến du lịch này, mặc dù không thể nào tìm ra một tour Oaxaca khởi hành từ Amsterdam, có hướng dẫn viên. Thì tự đi vậy, một phần cũng vì muốn xem tận mắt ngày Día de los Muertos (Ngày của Người Chết), một ngày lễ hội Mexico, và đặc biệt của vùng này.


Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Phạm Xuân Đài: Montmartre - ngôi chợ (trên) trời

Nhà thờ Sacré Coeur, Hình Kiran Ridley/Getty Images

Trước hết lên thăm nhà thờ Sacré Coeur, phải leo lên những bực cấp rộng và dài dằng dặc mới đến nhà thờ ở đỉnh đồi. Đó là những bực cấp đi lên vui nhất thế giới, ta gặp trên đó vô số thanh niên nam nữ đang ngồi chơi bất kể vào thời khắc nào trong ngày. Họ nhìn xa xăm ra thành phố trải dài dưới chân đồi, ban ngày nhìn nắng nhảy múa, ban đêm nhìn đèn và sao nhấp nháy, họ chia nhau điếu thuốc, họ trò chuyện to tiếng hay thủ thỉ, họ hôn nhau…Đám người ấy luôn luôn có đấy như một hình ảnh bất biến, gắn liền với cảnh trí nhà thờ và báo hiệu cho cái không khí đặc biệt của Montmartre mà sau khi thăm nhà thờ, ta sẽ ghé qua ngay trên khu đất bên cạnh. Tại sao họ đến và ngồi đó? Đơn giản chỉ là “ngồi chơi,” nhưng nơi đó có một cái gì đó thu hút họ, và sự hiện diện của họ ngược lại cũng đem lại một không khí không bao giờ có trong đời thường, vừa trần tục vừa thượng giới, vừa là của tuổi trẻ hôm nay vừa là cái thanh xuân bất biến của bao đời người trẻ tuổi đã lui tới chốn này. Họ chỉ ngồi chơi, không vẽ tranh không ca hát, nói chung không làm một hình thức nghệ thuật nào, nhưng đám người ấy toát ra một vẻ nghệ sĩ miên viễn rất lạ, tuồng như chỉ sự ngồi chơi của họ trên các bực cấp nhà thờ ấy đã là một hành vi nghệ thuật, đã là một chất men cần thiết cho bầu khí quyển riêng biệt của hành tinh Montmartre.

Từ bên hông nhà thờ ta băng ngang vài con đường và bỗng dưng đã thấy mình đang ở giữa một thế giới khác. Một khu phố xá vây quanh một miếng đất vuông vức mỗi chiều độ vài trăm thước trong đó che lều bán tranh và nghệ phẩm, kê bàn để nhậu nhẹt ăn uống, và đặc biệt la liệt là các khung giá vẽ của các họa sĩ. Người đi như trẩy hội. Đúng Montmartre là một loại hội hè thường trực bất kể ngày đêm, vui không thể tả. Đến đó tinh thần của ta sẽ luôn luôn hớn hở như khi tuổi nhỏ được sống trong ngày Tết. Tết vui vì đang trong không khí chớm sáng tạo của mùa xuân. Montmartre vui vì bao trùm một không khí sáng tạo bất diệt, với một đám đông người không dứt, lượn tới lui, ăn nhậu, mua sắm, xem tranh và vẽ tranh… Đó là một chốn đào nguyên quanh năm không có buồn

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

Tôn Nữ Thu Nga: Thành phố Perth, Western Australia

Đến thành phố Melbourne mới ba ngày thì nhận được tin của tàu Princess thông báo thay đổi chương trình vì dịch cúm Corona. Thay vì du hành 15 ngày qua vài thành phố Tây Úc, Mã Lai và kết thúc tại Tân Gia Ba, thì bây giờ chúng tôi chỉ còn 6 ngày để thăm viếng Adelaide, Margaret River (Busselton) và Perth (các thành phố vùng Tây Nam của nước Úc). 

Tôi viết điện thư cho cô Ann Tu, người thường xuyên sắp xếp nhiều chuyến du lịch cho chúng tôi. Cô lập tức đổi các chuyến bay và thuê khách sạn để chúng tôi ở lại Úc chơi thêm 4 ngày tại thành phố Perth.


Perth là một thành phố chính của miền Tây Úc, bên dòng sông Swan. Thành phố Perth đẹp, sạch sẽ và hiền hòa; có cả khu phố Tàu và phố Việt. Tại trung tâm văn hóa của Perth, gồm có nhà hát lớn, thư viện và trung tâm trình bày tác phẩm mỹ thuật của Tây Úc. 

Khí hậu Perth vào mùa hè (mùa đông cali) cũng dễ chịu, ban ngày chừng 70 -80 độ F. có gió nhẹ và thỉnh thoảng có chút xíu mưa rào và tạnh ngay. Tôi chỉ cần chui vào cái mái hiên nào đó nghỉ ngơi một chút, chờ mưa tạnh lại cuốc bộ đi chơi. Tuy vậy, độ ẩm 80% khiến người thường xuyên bị chảy mồ hôi.

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

Nguyễn Hiền: Du lịch Nepal, những ngộ nhận kỳ thú (Tiếp theo và hết)

Pokhara là thành phố lớn thứ nhì, sau Kathmandu. Nằm ở cuối xa lộ H4, 200km phía tây Kathmandu, khi xưa Pokhara là một trong những con đường vận chuyển hàng hóa giữa Tây Tạng và Ấn Độ. Nay Pokhara đã chuyển hướng hẳn sang ngành du lịch và phát triển mạnh từ khi du khách đổ tới Nepal, và trở thành “thủ đô du lịch”. Rất khác với Kathmandu, nơi đây nhà cửa đường xá ngăn nắp hơn, không có nhiều đền chùa đồ sộ, thắng tích cổ xưa. Thành phố mang nhiều vẻ Tây phương, dân chúng giàu có hơn, nhưng rõ ràng thiếu sự quyến rũ những người đi tìm nét đẹp châu Á. Khắp nơi là những hàng ăn, quán nước với bảng hiệu nhiều tiếng Anh hơn chữ rồng rắn Nepal, và nhạc xập xình, tập trung nhiều ở bờ đông và bờ nam hồ Phewa rộng mênh mông nằm phía tây thành phố. Dọc bờ hồ có thuyền cho mướn chèo đi vòng vòng, người ta thích mướn thuyền tới đền Tal Bahari nhỏ xíu nằm giữa hồ để chụp vài tấm hình không bị vướng du khách.

Pokhara nằm sát chân rặng Annapurna, tức nhánh phía tây nam của Hy Mã Lạp Sơn. Dịch vụ leo núi hoặc theo những track len lỏi trong vùng núi non này rất nhộn nhịp. Những cửa hàng bán dụng cụ leo núi, gậy mũ vớ, rồi áo lạnh áo gió, khăn choàng len cashmere (dê núi lông xoăn) hoặc pashmina (dê núi lông dài) và len trâu yak đếm không xuể. Tuy không có kinh nghiệm về len, nhưng nhìn giá bán những chiếc khăn choàng len dài rộng đủ màu mà rẻ như bèo (5 - 20 đô một chiếc) và số lượng hàng bầy bán nhiều hơn mức số dê ở Nepal có thể cung cấp bội phần, tự dưng tôi nhớ lại một phim tài liệu đã xem về trò ma đầu của Trung Quốc đã thao túng ngành len cashmere và số phận những dân Mông Cổ phải sống một kiếp ngựa trâu để phục vụ các nhà thầu Hán tộc ra sao. Đồ lạnh, túi xách nhái nhãn The North Face, Marmot… một cách vụng về bầy tràn lan khắp nơi vẫn thu hút khách hàng. Dù sao, mọi người cần phải có cái gì đó để làm kỷ niệm cho một chuyến du lịch không dễ gì có.

May mắn, khi chúng tôi tới Pokhara thì được liền mấy ngày trời quang mây tạnh. Rặng Annapurna trùng trùng điệp điệp trước mắt, đi theo mấy cái track lên tới độ cao trên dưới 1500m, ngủ một nơi không được tiện nghi cho lắm, để có thể trải nghiệm cảnh núi non hùng vĩ, làm vài cuộc đi bộ quanh chân mấy ngọn đồi và nhất là thấy rõ các ngọn núi đổi màu từ đỏ hồng khi mặt trời mọc, sang trắng như tuyết lúc nắng lên và chiều xuống thì xám dần. Dân Nepal chỉ gọi là núi khi nó có độ cao hơn 3500m, ngọn nào thấp hơn đều là đồi hết. Thời đại internet, người ta bày cho tôi tải cái app Peaklens vào điện thoại, chỉ cần hướng máy vào rặng núi là nó sẽ chỉ ngay ngọn núi nào tên gì và cao bao nhiêu, thật là những chuyện khi xưa nghe như chuyện thần tiên, riêng tôi thì phục người nào đã tạo ra được cái app này quá xá, cho dù đôi khi nó bị mắc lừa, thấy đám mây ngỡ là ngọn núi, thấy tòa cao ốc ở gần lại cho là ngọn đồi ở xa!

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

Nguyễn Hiền: Du lịch Nepal, những ngộ nhận kỳ thú


Viết vào thời điểm 1 € = 120 RS, 1 USD = 110 RS.

Khi nói đến Nepal hoặc Ấn Độ người Việt mình thường nghĩ ngay tới “xứ Phật”. Tuy nhiên, bài du ký này không đi nhiều vào các chi tiết chùa chiền hay các Phật tích. Đây là chuyến du lịch, không phải cuộc hành hương. Ngoài ra, với số vốn kiến thức về Phật giáo giới hạn, không đủ để làm thành một bài đi sâu vào chi tiết, và cuối cùng, hẳn nhiều người cũng tò mò muốn biết Nepal có gì lạ, không lẽ chỉ có đền chùa mà thôi sao.

***

Nepal là một nước nhỏ nằm kẹp giữa hai anh khổng lồ là Trung Quốc phía bắc và Ấn Độ phía nam. Diện tích bằng gần nửa nước Việt Nam, với dân số xấp xỉ 30 triệu. Nepal bị hai anh khổng lồ chèn hai bên có thể hiểu theo nghĩa đen: quốc gia này nằm ngay đường nối hai mảng lục địa đang xáp lại gần nhau: mảng Ấn Độ phía nam đang chùi xuống bên dưới mảng Á-Âu phía bắc, sự chuyển dịch này đã tạo ra rặng Hy Mã Lạp Sơn. Theo tính toán của các nhà địa chất, cứ khoảng 750 năm Nepal lại chịu một trận động đất lớn. Và điều đó vừa xảy ra năm 2015, đúng theo chu kỳ. Nhiều khu dân cư bị thiệt hại nặng, nhà cửa đền đài cung điện cũng chịu chung số phận chứ chẳng có phép lạ nào xảy ra. Nơi thì sụp mái, nơi sạt một góc, nơi chỉ còn một đống cây ngổn ngang hay đống gạch vụn. Trông cảnh hoang tàn mà chỉ biết chắt lưỡi thở dài. Bốn năm trôi qua mà dường như chưa được tái tạo bao nhiêu. Nhà dân thì dễ. Đền đài cung điện, vì là di tích lịch sử đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, cho nên bắt buộc phải xây cất lại theo cách cổ truyền. Hai trở ngại lớn là không được dùng xi-măng và không còn mấy người giỏi nghề chạm khắc gỗ như xưa. Ngoài ra, chuyện này khó thực hiện trong thời nay, khi người dân còn trăm ngàn thứ khác phải lo ngoài những sinh hoạt tâm linh.

Kathmandu, đền chùa và ngọn Everest


Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

Thuỵ Khuê: Quê Hương Ngày Trở Lại, X - Về quê Bắc

Tôi là người Bắc thì miền Bắc nhật định là quê hương tôi rồi, nhưng tại sao, ngoài tên làng Hành Thiện nơi mẹ tôi sinh ra và làng Doanh Châu quê thầy tôi, là hai cái tên tôi thân lắm, như có thể mày tao với chúng được, tôi còn chơi thân cả với nhiều tên khác, như Gia Bình, Bất Bạt, Bạch Hạc, Tiêu Sơn, Long Giáng, Châu Mộc, Vụ Bản... chúng cũng làm tôi "rung động" không phải rung động kiểu tuyết thuyết diễm tình, mà khi nghe những tên này, tôi cảm thấy như ai gọi tên mình, một tý tên mình thôi, không phải tất cả, vì nào có phải tên mình. Tôi tìm hiểu mãi vụ này mà không ra manh mối. Chỉ biết đích xác rằng tôi ở Pháp đã hơn nửa thế kỷ, mà ai gọi tên Lyon, Marseille, ngay cả Versailles huy hoàng như thế, tôi cũng tỉnh bơ như không dính dáng gì đến mình. Nhưng chưa về đến Phú Thọ, tôi đã nghe bụng dạ báo động: sắp tới Đoan Hùng rồi đấy! Hơn hai mươi năm trước, khi cả nước còn luỹ tre xanh, xe còn đi đường quốc lộ, thường ghé Đoan Hùng. Bây giờ nước đã thành thị hoá, xe đi xa lộ cao tốc, tôi mất cả tre xanh, mất cả Đoan Hùng, mất cả đồi chè Phú Thọ vì chè đã dọn sang Thái Nguyên, nhưng tim tôi vẫn nhớ những địa chỉ cũ, dù có nơi tôi chưa đến bao giờ, bởi chúng là địa chỉ của những Thế Lữ, Khái Hưng, Hoàng Cầm, Quang Dũng... truyền lại cho tôi. Như Đoan Hùng là nơi Mai Hương và Lê Phong đặt phòng thám tử, hồi nhỏ đọc sách trinh thám Thế Lữ thích lắm, bây giờ đọc lại thấy hết hay, nhưng vẫn cứ nhớ. Như Long Giáng của Khái Hưng trong tưởng tượng. Như Vụ Bản nơi giam cầm Gia Trí, Khái Hưng, Hoàng Đạo. Như Châu Mộc, nơi đoàn quân không mọc tóc của Quang Dũng đã đi qua... những điạ chỉ ấy nó dính vào mình, nó nhỏ vào tim những vệt son một lần, là không tẩy đi được.

Rạp hát Chuông Vàng

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

Thuỵ Khuê: Quê Hương Ngày Trở Lại, IX - Trên đường ra Bắc

Rời Huế chúng tôi lên đường ra Bắc, nhưng hồn Huế vẫn còn đọng lại trong tôi suốt quãng đường dài. Bữa cơm Âm phủ tối qua, có món canh dưa chua và nhiều thứ bánh Huế tôi không nhớ hết tên, bánh nào cũng ngon, vừa ăn vừa tưởng đến Gia Long, ông vua hay nói tục, hàng ngày ra công binh xưởng kiểm soát, tự lái thuyền đi thăm xuởng đóng tầu ở Thị Nghè, trưa ăn cơm cá kho dưa muối với thợ. Nhớ chuyện Barisy (một người lính Pháp theo vua) kể lại: ngày đầu tiên quân tiến vào kinh đô, tối đó vua về thuyền ngủ và ra lệnh cho quân sĩ cũng phải ngủ trên thuyền không được nhiễu dân. Sáng hôm sau, tám giờ ngày 15/6/1801, vua chính thức lên Tử cấm thành, ông cũng không đi thẳng vào cung điện mà đứng ở phòng ngoài (nơi dân chúng tụ họp để chờ xem mặt vua những ngày thiết triều), ông đứng đó "đấu láo" với quân lính. Tôi chắc khi đã lên ngôi tôn, thế nào cũng có lúc vua lẻn ra quán Âm phủ ăn cơm canh dưa chua cá khô tộ. Tâm hồn Gia Long gắn liền với hai thứ Huế: Huế cung đình và Huế dân dã, và cũng chính là tâm hồn Huế mà tôi cảm nhận được. Nhiều lần tự hỏi không biết mình yêu nước là yêu cái gì và tôi không nhận ra cái gì chính xác cả.

Hôm đó, tôi yêu lắm cái quán ăn trong thành nội, có nhiều món ngon tuyệt, kể cả "nem công chả phượng" trước đây chỉ được đọc trong sách; chúng tôi lại được tiếp đãi như những người "hoàng phái". (Hồi đi học, tôi có con bạn người Huế, phong cách rất sang, một hôm có đứa hỏi nó: trước tau ở Vỹ Dạ, mi ở đâu? Nó vênh váo: ta hoàng phái ở trong thành nội chớ đâu có chung đụng với bọn bây). Chừ bây giờ về Huế, tôi cũng được ăn "nem công chả phượng" trong "thành nội" y như... hoàng phái, cũng được ngồi ghế bành, được nghe các cô chiêu đãi Huế ngọt lịm thưa bẩm, chao ôi là thú vị. Tôi lại nhớ một hôm khác, tại Institut Franco-Vietnamien ở khu La Tinh (nơi sinh viên Việt chúng tôi thường ở trọ hoặc thuê phòng nghỉ hè) vẫn con bạn hoàng phái đó, nó ở chung với mạ nó, bà là mệ, mới ở Huế sang chơi. Tôi phục lăn vì thấy nó một điều bẩm mệ, hai điều bẩm mệ (tôi con nhà dân làm chi biết lễ phép như thế). Một hôm đi ngang qua phòng nó, không biết hai mẹ con cãi nhau cái gì, tiếng Huế người ngoài nghe không thể hiểu, bỗng phắt cái nó dơ tay tát mệ nó ngã chúi xuống đất, tôi giật bắn mình, từ đó tôi đề phòng cái bẩm của nó. Nhưng mà tôi vẫn mê tiếng Huế và tôi hiểu ra rằng mình yêu nước là yêu cả cái hay lẫn cái dở.

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

Thụy Khuê: Quê Hương Ngày Trở Lại, VIII - Huế

Huế vô cùng quyến rũ về nhiều mặt, bởi vì Huế là kinh đô cuối cùng của thời đại tự chủ. Huế còn giữ được phong độ, qua nếp sống, kiến trúc, văn hoá và ẩm thực. Huế không bị ngộp thở vì nhà cao tầng. Huế vẫn lác đác những nhà cổ trên đường phố ngoại ô, như lời chào của quá khứ đón ta về Huế. Đi sâu vào thành nội, ta gặp muôn vàn quyến rũ khác, như thể tất cả vàng son và uy quyền của một thời còn đọng lại trong không gian, trong cỏ cây, trong sự đài các của cô gái Huế, của các món ăn Huế, trong cách trang trí Huế, từ vườn rau, cây kiểng, cái gì cũng nhuốm chất hoàng gia, sang trọng, lịch lãm.

Lăng Tự Đức
Về cái chết của vua Minh Mạng, tác giả Đạo Giáo ở nước Nam (La Cochinchine Religieuse) cuốn sách nổi tiếng nhất của Pháp về thời kỳ truyền giáo, linh mục Louvet viết:

"Vài tuần sau đó, kẻ tàn sát cũng lên hầu toà án Thượng Đế: Ngày 20 tháng Giêng năm 1841, Minh Mạng bị ngã ngựa, chết bất thình lình và đạo Thiên chúa mà y quyết tâm tận diệt vẫn sống, sống mạnh mẽ hơn, qua 10 năm chiến đấu, tự hào với hàng ngàn linh mục và hàng trăm người tử tội. Vì tự mình làm kẻ tàn sát đạo, tên bạo chúa đã bị thần dân của y kinh tởm và có biệt hiệu là bạo chúa Néron Việt Nam. Thay vì lùi, đạo Chúa đã tăng trưởng trong cuộc tranh đấu bền bỉ và đã chiến thắng vinh quang. Kẻ nào không tin hãy nhìn thống kê sau đây: Năm 1830, có một Khâm sứ Giáo Hoàng [Pháp] tám giáo sĩ [Pháp] hai mươi linh mục bản xứ và sáu mươi ngàn giáo dân. Năm 1841, một Khâm sứ Giáo Hoàng, bẩy giáo sĩ, ba mươi linh mục bản xứ và bẩy mươi lăm ngàn giáo dân"(Louis-Eugène Louvet, Đạo Giáo ở nước Nam (La Cochinchine Religieuse),1885, tập II, t. 115).

Không chỉ mình vua Minh Mạng có biệt hiệu Néron Việt Nam, cả chúa Nguyễn Phước Tần thời trước cũng "được" các giáo sĩ gọi như thế.

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Thụy Khuê: Quê Hương Ngày Trở Lại, VII - Trận Đà Nẵng 1847 và 1858

Đà Nẵng, là thành phố lớn thứ tư của Việt Nam, có những khu dành cho khách du lịch khá vĩ đại, kiểu Mỹ. Về mặt văn hoá, bảo tàng Nghệ Thuật Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng là một công trình đáng phục, so với hơn 20 năm trước, khi tôi đến nơi này, những bức tượng mất đầu nằm lăn lóc như một pháp trường mỹ thuật. Bảo tàng Nghệ Thuật Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng Trung Tâm Nghệ Thuật Lê Bá Đảng ở Huế, chứng tỏ phần nào sự thay đổi lối quản lý di sản nghệ thuật của một số bảo tàng ở trong nước, khiến người xem tin tưởng hơn, và người muốn tặng tác phẩm nghệ thuật cho Việt Nam, bớt hoài nghi hơn.

Bảo tàng nghệ thuật Chàm
Đà Nẵng là thủ phủ của Quảng Nam liên tục trong nhiều thế kỷ từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hoá năm 1558,Đà Nẵng luôn luôn có nhiệm vụ bảo trợ và che chở cho kinh đô Huế.

Nhưng Đà Nẵng có một lịch sử cận đại ít được biết đến mà hôm nay chúng ta cùng nhìn lại. Khi chúng tôi đến đây đang có vấn đề bàn cãi: vì một phần Bảo tàng Đà Nẵng xây trên nền thành Điện Hải mà thành phố Đà Nẵng đang tìm cách khôi phục lại.

Điện Hải và An Hải (đã bị phó Đề đốc Page phá huỷ) là hai thành do vua Minh Mạng xây để trấn giữ cửa biển Đà Nẵng, nằm trong hệ thống phòng thủ bao gồm cả các đồn trên đèo Hải Vân, để chặn quân Tây Dương có thể chiếm Đà Nẵng, rồi leo đèo tiến đánh kinh đô. Nhờ sự nhìn rộng và tính xa của vua Minh Mạng, cho nên năm 1858, dưới thời vua Tự Đức, liên quân Pháp-Y Pha Nho, đánh Đà Nẵng, nhưng đã không tiến được về Huế được, mà phải bỏ để vào đánh Sài Gòn.

Nhưng trước khi liên quân Pháp-Y tấn công Đà Nẵng năm 1858, mười năm trước đã có biến cố vịnh Đà Nẵng ngày 15/4/1847, gây ra cái chết của vua Thiệu Trị.

*

Jean-Louis de Lanessan, học giả, dân biểu, toàn quyền Đông Dương (1891-1894), Bộ trưởng hải quân Pháp (1899-1902), phản ảnh biến cố vịnh Đà Nẵng 1847, qua vài dòng ngắn ngủi, nhưng là nền tảng của quan niệm thuộc địa: 

"Năm 1847, dưới triều Thiệu Trị, xẩy ra cuộc xung đột đầu tiên giữa Annam và Pháp; năm chiến thuyền An Nam đe dọa tấn công hai tầu chiến la Gloire và la Victorieuse của Pháp, do Lapierre và Rigault de Genouilly điều khiển, bị tiêu diệt ở vịnh Đà Nẵng. Thiệu Trị chết vì phiền muộn". (J.L de Lanessan, L'Indochine française (Đông Dương Pháp), Félix Alcan, Paris, 1889, t. 626)

Biến cố Đà Nẵng 1847, tóm tắt như sau:

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Thuỵ Khuê: Quê Hương Ngày Trở Lại, VI - Dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An

Hội An
Hội An nay đã khác xa hơn hai mươi năm về trước, khi tôi đến lần đầu. Lúc đó, Hội An chỉ là một phố thị nhỏ, bên bờ sông Thu Bồn, với một con phố chính, lác đác nhà cổ và dăm ba cửa hàng bán đồ tơ lụa, kỷ niệm, nhưng rất thơ mộng vì những chiếc đèn lồng Nhật Bản treo trước cửa hàng, dư âm của một thời xa xưa còn đọng lại.

Hội An nay đã trở thành nơi đô hội mà khách lịch phải "đắm say", nhờ sự pha trộn khéo léo giữa cảnh quan và văn hoá: những "phố cổ mới" (mới được trùng tu hay mới xây dựng thêm) phát triển khá nghệ thuật. Hội An bây giờ chen lẫn những quán cà-phê mô-đéc vận áo tứ thân lồng trong khung cảnh tân cổ giao duyên cùng những hàng quán thơ mộng, lạc lõng giấu mình trong những ngõ quanh co bên bờ nước.

Hội An là thành phố của du khách, người Nhật đa số, về đây như đi trẩy hội. Người Nhật có văn hoá cao, họ biết rõ lịch sử, họ về đây, không chỉ để du lịch mà còn để tìm lại dĩ vãng ngày xưa, thế kỷ XVII, tổ tiên họ, một số sang đây buôn bán, một số khác là giáo dân hay giáo sĩ tránh sự thanh trừng của Mạc Phủ. Người Nhật thích đi xích lô. Đến chiều, tối, bao nhiêu xích lô của phố cổ Hội An đều chở Nhật.

Ban quản trị phố cổ Hội An tổ chức những buổi nghe nhạc cổ truyền, xem múa hát cung đình không tốn tiền cho khách du lịch. Tóm lại những hình thức quyến rũ khách du lịch ở Hội An đều ít nhiều có bề dầy văn hoá. Đêm dần xuống, Hội An rơi vào một khung cảnh khác hẳn: những đèn lồng Nhật Bản bật lên như hội hoa đăng, tạo không khí ấm cúng, thơ mộng đến gần như sensuelcủa những đêm mầu hồng, mầu tím năm xưa ở các vũ trường Sài Gòn, vang tiếng hát Thái Thanh, Thanh Thúy; lại có vẻ cao sang quyền quý của những đêm hội ở kinh kỳ thời chúa Trịnh say mê Đặng Thị Huệ được Nguyễn Huy Tưởng mô tả trong Đêm hội Long Trì và sau này các giáo sĩ Tây phương đến vẫn còn say mê khâm phục.

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

Thụy Khuê: Quê Hương Ngày Trở Lại, III - Nha Trang

Máy bay từ Sài Gòn ra Nha Trang đỗ tại phi trường Cam Ranh. Đường từ phi trường về Nha Trang là một xa lộ rất đẹp, không kém gì những đại lộ nổi danh trên thế giới mà tôi đã đi qua.

Trước khi về nước, tôi đã được đọc những bài báo mạng vô cùng khẩn cấp báo động việc người Tầu đang chiếm miền Nam, họ đã chiếm hết Nha Trang rồi, có một "phóng viên tại chỗ" chụp hình những cửa hàng trên bờ biển Nha Trang 100% là Tầu, y hệt như ở Hồng Kông hay Thượng Hải, vị "phóng viên" này còn cho biết, Nha Trang hiện đã cho tiêu tiền Trung Cộng. Ngoài những thông tin giật gân này lại còn có bài báo (vẫn trên mạng) mô tả chuyện người Hoa ăn thịt người, với chứng cớ đầy đủ: chụp hình mâm cỗ thịt người có món xào, món rán, món nấu ninh rựa mận, kèm bên cạnh là ảnh cô kiểu mẫu chân dài tóc mượt, mắt bồ câu, trước khi bị chặt làm cơm.

Chúng tôi đến Nha Trang không phải để kiểm tra những "sự kiện" này, vì khi về Sài Gòn và xuống miền Tây đã tìm chả ra mống Tầu nào, muốn ăn cơm Tầu, cũng khó kiếm, còn chuyện cô tốp mô đen mắt bồ câu bị cắt ra xào nấu, thì tôi chắc vị nào có cao kiến đem vụ việc lên internet phải là người trí thức có đọc Thủy Hử và Lỗ Tấn, mới biết chuyện "người Trung Hoa ăn thịt người" mà minh chứng bằng hình ảnh. Nhưng ông (hay bà) này lại không coi chừng tụi nhà văn, họ nói vậy mà không phải vậy. Cụ Thị Nại Am kể chuyện hồi đó (tức là hồi 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc phất cờ khởi nghiã, nước Trung Hoa loạn lạc, cướp bóc, tham ô, giặc giã nổi lên khắp nơi, đi tới chỗ hẻo lánh nào cũng có quán rượu thịt người. Là cụ ấy cường điệu, muốn nói nước Tầu hồi ấy đầy dẫy trộm cướp giết người. Còn ông Lỗ Tấn nói đồng bào của ông ta ăn thịt người thì được, chứ kẻ nào không phải người Tầu dám nói như thế, vô phúc ông ấy biết được là ông ấy hiện về bóp cổ lè lưỡi ngay. Bởi ông Lỗ Tấn cũng dùng hình ảnh người Tầu ăn thịt người để chỉ một xã hội Trung Hoa hiện đại xuống dốc, người xâu xé người, chỉ muốn "ăn thịt" lẫn nhau; chuyện này áp dụng vào dân tộc Việt Nam hiện nay cũng không sai mấy đâu, tôi sẽ nói thêm ở dưới.

Hình 1. Cửa Đông Diên Khánh, Wikipédia, có bia.

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

Bùi Văn Phú: Từ kim tự tháp Giza đến thành cổ Jerusalem [Phần 2]

Tường Phía Đông, trước đây gọi là Tường Than Khóc, trong thành cổ Jerusalem (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Đến Ai Cập và Jordan, chúng tôi tự sắp xếp chương trình thăm viếng những nơi mình muốn. Qua Do Thái, mấy ngày đầu tự lên lịch đi chơi, sau đó nhập vào một đoàn 50 người, đến từ Mỹ, Úc và từ Việt Nam trong chuyến hành hương Đất Thánh do linh mục Dòng TênNguyễn Tầm Thường hướng dẫn.

Đến Tel-Aviv hai hôm thì biết tin khủng bố đánh bom trên đường gần khu kim tự tháp Giza bên Ai Cập làm bốn du khách Việt chết và nhiều người bị thương. Tin loan nhanh trên truyền thông quốc tế nhưng chúng tôi không biết ngay, cho đến tối về khách sạn, đọc lời nhắn từ gia đình và người quen lo lắng hỏi thăm thì mới biết sự kiện đã xảy ra ở nơi chúng tôi mới đi qua vài hôm trước. Vụ bạo động cho thấy an ninh và ổn định chính trị ở Cairo có vấn đề, kẻ đánh bom chỉ nhắm vào việc phá hoại, tạo rối loạn chứ không phải khủng bố nhắm vào người phương Tây.

Vì xung đột và căng thẳng giữa Do Thái với các nước Hồi giáo chung quanh, nên tại phi trường Ben Gurion, khi xem hộ chiếu thấy có thị thực vào Ai Cập và Jordan, nhân viên di trú đã hỏi nhiều câu hỏi liên quan đến những ngày chúng tôi ở đó, đặc biệt là ở Jordan, như có quen biết ai, thời gian ở bên đó ở đâu, đi những nơi nào. Từ Amman bay qua Tel-Aviv, lên đến cửa máy bay rồi còn có an ninh Do Thái đứng đó bắt mở túi xách, hành lí ra khám, như thế cho thấy việc kiểm soát an ninh của Do Thái rất chặt chẽ.

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Thuỵ Khuê: Quê hương ngày trở lại, II - Côn Đảo

Từ Sài Gòn, chúng tôi lấy máy bay ra Côn Đảo.

Chiếc máy bay nhỏ chở đầy hành khách, không một chỗ hở. Mọi người cười nói ồn ào, dường như quen nhau cả. Tôi để ý: hầu như không có người Nam, máy bay chở toàn người Bắc. Có lẽ đây là một đoàn du lịch có tổ chức, mà chúng tôi là hai người lạ duy nhất lạc vào, lại ăn mặc lôi thôi, không giống ai. Tôi đã chú ý đến đám này ngay từ lúc đứng xếp hàng ở Tân Sơn Nhất, vì ông già nhà tôi (kẻ hay than phiền nhất thế giới) lầu bầu rằng mình đến trước mà bị người đến sau lấn chỗ, lời qua tiếng lại với một người đàn ông cao lớn như Tây, áng chừng là trưởng đoàn; thế là ông Tây ta tay dứ nắm đấm định đánh: "Thằng già điên, liệu hồn, muốn chết hử?". Tôi vội vàng líu ríu xin lỗi, vì sợ ông lỡ tay đánh thật thì ông già nhà tôi ra ma ngay.

Từ lúc ấy tôi mới quan sát phái đoàn kỹ hơn: Các ông bà đều mặc quần áo đắt tiền, cười nói oang oang như chỗ không người (y hệt bọn Tây đi du lịch các nước nhược tiểu cách đây mấy năm về trước) giọng en-nờ, e-lờ lẫn lộn. Các bà vận áo đầm đúng mốt, phấn son sặc sỡ, ví vuy-tonloại mới, tôi chắc ví thật. Thứ ví đầm này chúng tôi ở bên Pháp đã ba đời, không đời nào dám mua, vì giá nó đắt bằng một tháng lương người trung lưu, nhưng hai con cháu ngoại tôi lại chê xấu, chúng bảo chỉ tuyền một mầu nâu xỉn và in toàn chữ LV viết móc vào nhau, không có gì sáng tạo. Bây giờ nhà vuy-toncũng thấy nhược điểm ấy rồi, họ tân trang mầu sắc rực rỡ chẳng kém gì các mác khác. Điểm lạ ở đây là các phu nhân ăn mặc sang trọng như vậy nhưng tay họ lại vác đầy đồ: Các bà cầm những bó hoa thượng hạng, hoặc lệ khệ ôm đồ lễ, vàng mã, đèn nhang. Hoa cũng sang, thứ huệ trắng như tranh Tô Ngọc Vân.Hoa này bên Tây gọi là lys, mỗi bông cũng phải gần chục Euros, tôi chẳng dám mua bao giờ, trừ khi con cháu cho. Tôi không hiểu họ đi Côn Đảo làm gì mà lễ mễ mang theo những thứ lỉnh kỉnh này, chẳng lẽ tất cả mọi người đều có thân nhân chết trong tù, nhưng không dám hỏi, một phần vì vẫn còn sợ ông Tây ta, một phần vì thấy các bà cũng không có vẻ bình dân lắm. Ra khỏi sân bay, hai chúng tôi đi cùng xe ca lớn với họ về khách sạn, trên con đường duy nhất, dọc bờ biển, quanh co đồi núi, phong cảnh tuyệt vời. Xe vừa ra khỏi phi trường chừng cây số, đã thấy một bức tường cổ, tôi đoán chừng là tường thành Catchpoole.

Tường thành Cachpool?


Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Bùi Văn Phú: Từ kim tự tháp Giza đến thành cổ Jerusalem (Phần 1)

Khu kim tự tháp Giza, gần thủ đô Cairo (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Chủ Nhật 14/4 ở thành cổ Jerusalem có cuộc rước lá, như sinh hoạt hàng năm, với hàng vạn người tham dự. Ngày đó là Chúa Nhật Lễ Lá theo niên lịch phụng vụ của giáo hội Thiên Chúa giáo. 

Những tín đồ là khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, là người Kitô giáo hiện đang sống trên vùng đất còn tranh chấp chủ quyền giữa Do Thái và Palestine. Trên tay cầm những cành lá dừa, đoàn tín hữu đổ về đây để bước theo con đường mà ngày xưa, cách đây hai nghìn năm, Giêsu đã đi qua với nhục hình và khổ đau. 

Những ai tin vào Giêsu là đấng cứu chuộc, dù ở bất cứ nơi nào, cũng đều biết về sự kiện này vì tại nơi thờ phượng địa phương trong ngày Chủ Nhật đó cũng có nghi thức rước lá vào nhà thờ và trong thánh lễ, qua bài phúc âm,đã có thuật lại cảnh Giêsu trong những ngày gần cuối đời ở đó. 

Cuộc đời Giêsu đã được ghi lại trong mấy quyển sách cổ, gọi là phúc âm, viết bởi môn đệ, những người đã đi theo ông rao giảng đức tin trong nhiều năm nơi miền đất Giuđêa. 

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến: Đêm Tam Giác Vàng & Ngày Trên Cầu Biên Giới


Đường đời muôn vạn nẻo Đâu lối về quê hương?  
Giao Chỉ – Vũ Văn Lộc 

Xong mấy việc lặt vặt ở Nam Vang, tôi qua Chiang Rai. Đây là một tỉnh lỵ ở cực bắc của Thái Lan – nằm một phần trong khu Tam Giác Vàng – thuộc vùng tam biên giữa Miến, Lào và Thái. Vì không “gây thương để nhớ” cho ai – ngoài dăm ba đứa trẻ thơ đen đủi, và ngơ ngác giữa Biển Hồ – nên tôi cứ lặng lẽ mà đi thôi, chả có song ca (hay hát đôi) bài Biệt Ly với bất cứ ai! 

Ấy thế mà vừa xuống phi trường Mae Fah Luang, đã thấy tin nhắn của cố nhân qua fb: 

- Còn ở Phnom Penh không? 

Đáp: 

- Sang Thái rồi. Tính mai chạy lên Tam Giác Vàng, rồi mốt đi bộ qua Miến Điện chơi chút xíu... 

- Trời! Muốn qua Burma thì nên xin visa cho nó đàng hoàng, dù có hơi tốn kém và mất công hơn chút xíu. Cũng như Golden Triangle, Myanmar không phải là đất lành đâu nha – thí chủ à!