Hiển thị các bài đăng có nhãn Xã hội. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Xã hội. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Tạ Duy Anh: Tiền và sự cám dỗ

(Nhân vụ Việt Á và Giải cứu)

Một hôm, cánh lính cũ chúng tôi trong "Hội đạp xe", đưa ra một tình huống thế này: Giả sử có người mang 100.000 USD (chỉ mới 100.000 USD, quy ra khoảng 2,4 tỷ đồng thôi nhé, so với 3 triệu USD hay 14,5 tỷ đồng thì nó chỉ là một món rất vừa phải) đến hối lộ, để cảm ơn về một việc gì đó (ví dụ giúp họ thắng thầu, ví dụ giúp họ giảm án tù, ví dụ giúp họ trốn thuế, ví dụ giúp họ mua rẻ bán đắt…) thì liệu ai trong số những người ngồi đây có thể từ chối?

Tất cả đều trả lời giống nhau: Khó từ chối vô cùng.

Bản năng sống của con người là hám lợi. Ở đâu có lợi là nó mò đến. Cái gì đem lại lợi ích là nó lao vào. Vì nó là con người, với đầy đủ những khiếm khuyết tự nó không hoàn thiện được (thế mới cần đến tôn giáo). Chính vì vậy, tham nhũng, nhận hối lộ, ăn cắp của công… xuất hiện từ thời thượng cổ, khi con người biết đến quyền lực và khi xã hội phân tầng về giai cấp.

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2022

Phạm Đình Trọng: Người nghèo bị bỏ rơi, người giầu được chăm bẵm, nuông chiều

Facebook Phạm Đình Trọng

1. Gần nửa thế kỉ hoà bình gây dựng cuộc sống, qua mười đại hội đảng cộng sản cầm quyền, đại hội nào cũng chói lọi chữ vàng, rộn ràng lời ca mục tiêu cao cả của đảng: Dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh.

Nhưng chỉ có hầu hết quan chức đảng, quan chức nhà nước cộng sản nhanh chóng giầu lên bất thường, giầu lên vùn vụt. Nhà quan biệt phủ nguy nga ở trong nước, ở ngoài nước. Coi ảnh bà cục trưởng cục Lãnh sự bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan vẻ mặt hà hê mãn nguyện trước cơ ngơi toà ngang dãy dọc bên nước Mỹ, ô tô sang đậu nối tiếp trên sân rộng thênh thang, bên thảm cỏ miên man thì biết sự giầu có của quan cộng sản.

Ở nước nghèo, quan vẫn có cuộc sống giầu sang hơn cả những ông hoàng xăng dầu Ả Rập. Con quan ra nước ngoài rải tiền mua cuộc sống vương giả, rải tiền mua học phí đắt đỏ ở trường danh tiếng rồi mang mảnh bằng đại học danh giá về tót lên ghế quan. Lại hối hả vơ vét làm giầu, vinh thân phì gia.


Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Nguyên Sa: Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ

 1. Tình cảnh nhà văn Việt Nam những năm năm mươi và sáu mươi 

Mỗi nhà văn sống, nghĩ, viết trong một hoàn cảnh riêng biệt, đúng rồi. Làm thế nào giống nhau được? Điều kiện sinh lý này chẳng hạn đã biến đổi theo mỗi cá nhân: nhà văn đó cao như con sào, nhà thơ kia lùn như cây nấm, tôi mập và bụng to, Nguyễn Văn Trung cận thị, Chu Tử què chân, Trần Dạ Từ mặt rỗ. Tình trạng hộ tịch khác nhau rõ quá: tiểu thuyết gia Bình Nguyên Lộc và thi sĩ Hoàng Anh Tuấn là những chủ gia đình có con trai, người trên con trai, gái lớn đã dựng vợ gả chồng đã có cháu bế. Nhà văn kia đã hai lần đưa đám vợ. Thanh Nam, Thái Thuỷ [1] là những ông già độc thân nuôi dưỡng sự độc thân thường trực bằng những giọng hát Hồng Hảo, Lệ Thanh, Bích Sơn hay Bạch Tuyết. Khác nhau xa chứ. Giống nhau làm sao được. Những điểm dị biệt, những điều kiện, yếu tố cụ thể khác nhau của mỗi người cầm bút, muốn kể thêm không khó. Nhiều lắm. Cây bút đã vững kia là một tay khoa bảng xuất thân, tài năng đang lên nọ bỏ học năm đệ tam trung học, khuôn mặt này đã hơn một lần thiếu quê hương, đôi chân thèm đi kia chưa bao giờ ra khỏi đất nước. Các anh đều biết có tay đến với văn nghệ nhờ sự tình cờ, không biết may mắn hay bi đát lắm kẻ, trước khi làm quen với phương trình bậc hai, gia tốc của vật rơi, đã chọn thi ca làm nghiệp dĩ. Các nhà văn đều biết, để sống, mỗi nhà văn thường có những nghề tay trái khác nhau. Một số đáng kể: dạy học hay viết báo hàng ngày. Vũ Hoàng Chương, Thế Viên, Đỗ Long Vân dạy học đấy. Duyên Anh, Tú Kếu, Nguyễn Thuỵ Long kí giả đấy. Phục vụ trong quân ngũ cũng nhiều: Văn Quang, Thế Nguyên, Thảo Trường... Bác sĩ y khoa, công chức, biên tập viên đài phát thanh, có đủ cả. Chẳng phải kể, các anh cũng biết là ai. Chẳng cần nói thêm các anh đều biết là sự khác nhau còn nhiều lắm. Lý do cũng dễ hiểu quá: cuộc đời nó như thế. Chẳng có cuộc đời nào giống cuộc đời khác như hai giọt nước, như hai sản phẩm của cùng một máy tự động sản xuất dây chuyền. Nhưng đó có phải là những hoang đảo cô lập? Hoàn toàn không có liên lạc gì với nhau, đúng không? Tuyệt đối khác biệt à? Điều kiện sinh hoạt, tâm lí và sinh lý, giáo dục cũng như nghề nghiệp, gia đình biến đổi tuỳ theo mỗi nhà văn, sự thực này chẳng ai dại dột phủ nhận trừ khi muốn mở ra một cuộc thảo luận chơi. Nhưng cũng chẳng ai dại dột mà xác nhận rằng con người nói chung, nhà văn nói riêng chẳng có điều tương đồng nào cả. Dị biệt có. Tương đồng cũng có chứ. Cái tương đồng này làm cho người chẳng phải là chó, mèo, khỉ. Cái tương đồng kia làm cho người Việt Nam khác với con cháu nữ thần Thái Dương, với dân tộc xây tượng thần tự do trên một vùng đất mới. Cái tương đồng làm cho nhà văn là nhà văn. Chúng ta vẫn khác nhau đúng rồi. Giống nhau thế nào được? Giống làm gì? Không thể đồng nhất hoá được, đồng ý, đồng ý. Khác nhau có. Và có. Nhưng cũng có một hoàn cảnh chung. Một cái tương đồng. Một dấu chàm nào đó trên trán, một dấu án lên vai người nô lệ nào đó, nhờ đó phân biệt được nhà văn Việt Nam những năm năm mươi, sáu mươi với nhà văn chỗ khác, thời khác. Với nhà văn tiền chiến. Với Nam Phong và Tự Lực. Với “Thế hệ lạc lõng” và nhóm “Tiểu thuyết Mới”. Với Hemingway, Camus và với tác giả bài “Situations de l’ecrivain en 1947") [2] . 


Nguyên Sa: Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ (Tiếp theo và hết)

 2. Chỗ đứng của văn nghệ trong tình thế hiện tại 

Anh nào mà chẳng có chỗ đứng. Tây nhà đèn có chỗ đứng của Tây nhà đèn, trí thức khoa bảng có chỗ đứng của trí thức khoa bảng. Anh cầm cờ chạy hiệu có chỗ đứng cầm cờ chạy hiệu, em ca-ve có chỗ đứng c ủa ca-ve. Chỗ đứng, chắc quá, ai mà chẳng có. Văn học nghệ thuật cũng thế, của một cá nhân cũng như của một nước, chỗ đứng nhất định phải có. Cá nhân, chúng ta còn lạ gì nữa, có chỗ đứng của trái núi cô đơn và có chỗ đứng của những đụn cát tập hợp. Có chỗ đứng của thế kỷ 19, có chỗ đứng của tiền chiến và có chỗ đứng của nhà văn những năm năm mươi sáu mươi. Vũ Hoàng Chương có chỗ đứng trên “sàn gỗ trơn”, Nhất Linh có chỗ đứng trên cánh bướm trắng và Vũ Trọng Phụng có chỗ đứng trong “giông tố”. Văn học nghệ thuật của một quốc gia có khác gì? Cũng có một chỗ đứng. Có chứ. Chắc lắm. Nhưng đứng ở chỗ nào? Đứng ở chỗ nào? Mỗi cá nhân sau khi tìm được chỗ đứng trong tập thể, sớm muộn cũng phải nhìn trước nhìn sau. Nhà văn nhà thơ, sau khi bước vào tập thể văn nghệ của nước nó, nhất định giải phóng tầm mắt ra bốn phía. Ta đứng ở đâu? Ở trong phòng máy lạnh, trên phía cao nhà ngân hàng hay ở góc đường Catinat đợi khách? Ta đứng ở đâu? Giữa đồng ruộng nóng cháy, cạnh những ụ đất gài mìn, trong quân trường gian khổ, trong đồn bót hoang vu hay dưới bóng mát của làng Thủ Đức? Trong cái cuộc sống chán nản này, anh em ta mỗi đứa, sau những sáng dậy trưa ăn chiều ngủ, sớm muộn cũng nghe nói lên, từ đáy sâu của tâm hồn bị che kín bởi những háo hức của cuộc sống thường nhật, niềm xao xuyến sống, câu hỏi giông bão liên hệ đến chỗ đứng của ta trong tập thể, chỗ đứng của đời ta, căn phần ta trong thế giới này và thế giới khác. Cũng thế, sau những rạo rực của bài thơ đầu tay, những truyện ngắn, truyện dài viết xong, in xong, cháy nóng bởi khoan khoái, bởi đam mê khởi đầu, chẳng thể nào ta giữ được mãi cặp mắt nhắm chặt trước lớp ánh sáng chói loà của ý thức. Chỗ đứng của văn học nghệ thuật ta ở đâu? 

Chỗ đứng của nó tồi lắm, yếu lắm, khốn nạn lắm. Lời khẳng định đến ngay này có phải là tiếng nói của tâm trạng bi quan hay của tâm hồn mặc cảm? Văn học nghệ thuật thế giới rộng như thế này, thơm mát như thế kia, chọn lấy một chỗ đứng, tất có gì là khó. Làm sao lại tồi, làm sao lại yếu, làm sao lại khốn nạn?! Sợ à? Chưa đánh đã bỏ chạy, chưa tìm kiếm đã chán nản hay sao? Văn học nghệ thuật thế giới thơm mát và bao la, tôi biết rõ lắm. Tôi biết lắm, có chỗ đứng chói sáng của văn học nghệ thuật Pháp, chỗ đứng sôi nóng của văn học nghệ thuật Phi châu. Có chỗ đứng đẹp đẽ dành cho văn học nghệ thuật Ấn Độ già, có chỗ đứng chọn lọc cho văn học nghệ thuật Mỹ trẻ. Nhưng sự thật nó như thế đấy, trong toà đại sảnh uy nghiêm này cũng như mọi toà đại sảnh khác thế giới khác, thiên đường khác, đáng chán nản lắm có chỗ tốt và xấu có chỗ chọn lọc và chỗ ngồi chủ toạ và chỗ ngồi dành cho những người chuyên nghiệp vỗ tay hoan hô. Thế giới này và thế giới khác đều có chỗ đứng tiện và chỗ đứng bất tiện, chỗ đứng khoan khoái và chỗ đứng chảy mồ hôi. Thiên đường này và thiên đường khác, lạ thay, đều có thánh lớn và thánh nhỏ, thánh quan trọng và thánh kém vế, thánh đàn anh và thánh đàn em. Chỗ đứng của ta trong đại sảnh văn học nghệ thuật thế giới tồi thật đấy, chỗ đứng của ta trong thế giới mặt trời văn học nghệ thuật quốc tế yếu lắm, chỗ đứng của văn học nghệ thuật ta trong cái thiên đường này, không mặc cảm không bi quan, quả thực là khốn nạn. Ta ngồi ở phía dưới cùng của đại sảnh, ta đứng ở chỗ chảy mồ hôi của thế giới mặt trời, ta đóng vai một anh thánh đàn em trong cái thiên đường bần tiện ấy. 


Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

VOA Tiếng Việt: Tiếng Việt trong trường đại học Mỹ - ‘Nó giúp tôi kết nối với gia đình và văn hóa của mình’

Jennifer Tran sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Mặc dù nói tiếng Việt với bố mẹ trong gia đình nhưng cô không thể đọc và viết tiếng Việt cho tới gần đây khi vào đại học.

“Khi lớn lên, bố mẹ và ông bà tôi chỉ nói tiếng Việt với tôi nên đó là vì sao tôi có thể nghe và hiểu được tiếng Việt,” Jennifer, sinh ra ở Charlotte thuộc tiểu bang North Carolina ở miền Đông Hoa Kỳ, nói. “Nhưng tôi lớn lên mà chưa bao giờ học cách đọc hay viết tiếng Việt và đó là điều mà tôi muốn theo đuổi.”

Cũng giống như Jennifer, Megan Lam sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Việt di dân tới Mỹ. Mặc dù nói tiếng Việt trong gia đình, nhưng Megan không thể đọc và viết thứ ngôn ngữ của bố mẹ và ông bà của cô.

“Tôi lớn lên với ngôn ngữ tiếng Việt được nói trong gia đình nên tôi có thể nói và hiểu hầu hết tiếng Việt nhưng bố mẹ tôi chưa bao giờ dạy tôi đọc hay viết ngôn ngữ này,” Megan, cũng sinh ra ở Charlotte – nơi có khoảng hơn 17.000 người gốc Việt đanh sinh sống, cho biết.

Jennifer và Megan đều là sinh viên của trường Đại học North Carolina (UNC) nơi đang có khóa học tiếng Việt giành cho những sinh viên nào muốn học ngôn ngữ Đông Nam Á này. Chương trình giảng dạy tiếng Việt, trong đó sinh viên có thể lấy tín chỉ môn học, bắt đầu vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát ở Mỹ và trên toàn thế giới.

“Ngay trước đại dịch, đã có nhiều sinh viên ở UNC phân viện Chapel Hill ngày càng thích thú tìm hiểu thêm về Đông Nam Á và đặc biệt là ngôn ngữ với hàng trăm sinh viên đã ký một bản thỉnh nguyện thư gửi lên ban lãnh đạo trường ủng hộ việc mở rộng chương trình học về Đông Nam Á,” Tiến sỹ Kevin Fogg, phó giám đốc Trung tâm châu Á Carolina của UNC phân viện Chapel Hill, cho biết. “Chúng tôi cho rằng tiếng Việt có thể đặc biệt quan trọng đối với sinh viên ở Carolina bởi vì đây là ngôn ngữ được nói nhiều thứ 6 trong các gia đình ở North Carolina.”

Chương trình học tiếng Việt cho niên khóa 2020-2021 được giảng dạy qua hình thức trực tuyến và được nhiều người tham gia học, theo TS Fogg. Với nhu cầu tăng cao về học tiếng Việt, trường UNC trong năm học 2021-2022 đã chính thức khởi động chương trình học trực tiếp có giáo viên giảng dạy tại khuôn viên trường ở Chapel Hill.


Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

Phạm Xuân Đài: Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

 Một khẩu hiệu nổi tiếng của đảng Cộng sản Việt Nam, đã có từ thời đảng còn tranh đấu cho đến khi đã đoạt được quyền hành, là :

Trí Phú Địa Hào

Đào tận gốc, trốc tận rễ

Vì câu khẩu hiệu này đi vào lịch sử đã lâu, thiết tưởng nên tìm hiểu lại nội dung muốn nói cái gì. Trí, Phú, Địa, Hào là bốn loại người trong xã hội Việt Nam xưa (trước khi có đảng Cộng sản). Trí là người trí thức; Phú là người giàu có; Địa là địa chủ, có nhiều đất ruộng; Hào là kẻ mạnh thế, có tài trí hơn người. Đào tận gốc, trốc tận rễ có nghĩa là phải tiêu diệt một cách triệt để, để cho những thành phần này không bao giờ có thể ngóc đầu lên được. Trong xã hội cộng sản tuyệt đối không còn sự hiện diện của bốn loại người này.

Đảng Cộng sản làm cách mạng xã hội, đem lại công bình cho mọi người về tài sản, về hưởng thụ nên mục tiêu của họ là phải tiêu diệt tất cả bất công của xã hội cũ. Họ phải tiêu diệt những kẻ giàu có, những kẻ có nhiều đất ruộng, thậm chí những kẻ có mạnh thế trong xã hội, cái đó có thể hiểu được, nhưng tại sao kẻ thù vào hàng số một, đứng hàng đầu trong các kẻ thù của cộng sản lại là người Trí thức ? Muốn hiểu điểm này của cộng sản thì phải biết Trí Thức là gì.

Theo Hà Sĩ Phu người Trí thức có những đặc điểm như sau :

TRÍ THỨC có ba đặc điểm, hay ba tính chất:

1/ Tính chất tự do và không ranh giới: Người Trí thức có thể đi sâu vào một lĩnh vực nhất định, nhưng không bị khoanh vùng trong lĩnh vực đó, trong quốc gia đó. Sự phân chia thành các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hoá, văn nghệ, chính trị, đạo đức, kinh tế, quốc gia, quốc tế, con người, nhân loại… vân vân… đều chỉ là những sự phân chia tương đối, quy ước, tạm thời. Sự phát triển và liên tưởng của lô-gích tư duy sẽ vượt qua những ranh giới ấy.

2/ Tính chất tiên phong và phát hiện, dự báo: Bởi được trang bị bằng hai công cụ đặc biệt là kho tri thức ngàn đời của nhân loại đã đúc kết thành các khoa học và sức nhạy cảm chủ quan của bộ óc cá nhân, những người Trí thức như những “bộ máy dò” tiên phong vô cùng nhạy cảm, nó bay về muôn phương, nó cảm ứng lập tức với những cái mới, cái bất thường, nó xâu chuỗi lập tức những quan hệ tuyến tính, những quan hệ thuận quy luật và trái quy luật. Học vấn tuy là điều kiện cần thiết tất yếu cho đặc điểm này, nhưng cũng chỉ là những điều kiện làm nền, điều kiện ban đầu thôi, chưa hề đầy đủ để tạo nên Trí thức.


Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Bùi Văn Phú: Người Việt ở Mỹ thành công, chính phủ Việt Nam giúp được gì ?

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” là câu hát mở đầu nhạc phẩm “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn, sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ, ghi lại tâm cảm của lứa tuổi học trò ở Việt Nam khi niên học sắp kết thúc. 


Nửa thế kỷ trước, lúc còn ở quê nhà tôi cũng đã có nỗi buồn như thế khi thấy phượng nở đỏ sân trườngvà trên sóng phát thanh vang vang những lời ca báo hiệu mùa hè đang về.


Hôm nay, bên trời Mỹ, sắp vào hạ lòng tôi không buồn mà vui. Vui vì sắp hết niên học với các buổi lễ tốt nghiệp, khi khúc nhạc hoà tấu “Pomp and Circumstance” trổi vang chào đón tân khoa và mùa hè thư giãn đang chờ đón trước mặt.


Lúc này còn vui hơn vì nguy hiểm chết người của bệnh dịch Covid đã qua, đời sống đã bình thường trở lại sau hai năm với nhiều điều bất bình thường như làm việc từ nhà, đeo khẩu trang, giữ giãn cách xã hội để đề phòng lây bệnh. Có lúc thiếu nhu yếu phẩm, dân phải xếp hàng trước siêu thị chờ mua. Hai năm không còn tự do đi chơi đó đây. Xa lộ, phố phường có nhiều ngày vắng xe như giờ giới nghiêm thời chiến tranh trên quê hương cũ. Đó là những hình ảnh lạ trong đời sống Mỹ.


Năm 2020 khi lệnh cấm túc được ban hành vào tháng 3, học sinh không còn đến trường mà ở nhà học online. Hết niên học không nơi nào có lễ tốt nghiệp vì mọi sinh hoạt đông người đã phải tạm ngưng.


Cuối niên học 2021 đã có thuốc chống Covid và nhiều người được chích ngừa, một số nơi có lễ tốt nghiệp nhưng tổ chức đơn giản. Sinh viên học sinh vào những bãi đậu xe, ngồi trên xe nhận bằng. Chỉ vài người thân có mặt. Không bạn bè bên cạnh để chứng kiến, tặng hoa, chụp hình kỷ niệm, chúc mừng tân khoa.


Năm nay, sắp hết niên học và đang là thời điểm của các lễ tốt nghiệp truyền thống cho sinh viên, học sinh.



Nguyễn Hoài Vân: Ky Tô Giáo và Tư Bản Chủ Nghĩa

 Nếu Đức Ky Tô được quyền đi bầu, thì sự chọn lựa của Ngài sẽ rất rõ ràng :

"Hãy bán tất cả những gì ngươi sở hữu, và đem tiền cho người nghèo" - Mateo 19:21

Hay :

"Hãy bán mọi của cải, đem bố thí" - Luca 12:33

"Kẻ nào có hai cái áo, hãy chia cho người không có, người có thức ăn cũng phải làm như thế" - Luca 3:11.

Không quên lời Thiên Chúa nói qua Tiên Tri Isaïe : "Điều các ngươi làm Ta vui lòng nhất (...), phải chăng chính là chia sẻ thức ăn với người đói kém, mở cửa nhà đón tiếp kẻ vô gia cư, và khi thấy người thiếu y phục, thì lấy áo quần đem cho họ" (Isaïe 58, 6-7.)

Các bạn đã hiểu, với chính sách được sự ủng hộ nhiệt tình của đức Ky Tô, thuế sẽ tăng vọt, đến độ bạn phải bán của cải đi để đóng góp, và các trợ cấp xã hội, y tế, gia đình, học đường ... cũng sẽ đạt đến tột đỉnh. 

Chính sách này đã được áp dụng một cách rất chặt chẽ trong Cộng Đồng Ky Tô Hữu nguyên thủy (xem ở sau). Tuy nhiên nó đã phai mờ dần dần với thời gian, để, ngày nay, đại đa số người Ky Tô Giáo bầu cho đảng phái hữu khuynh (như 70 % người Công Giáo  ở Pháp). Người ta có thể tự hỏi phải chăng Ky Tô hữu không còn muốn vào "Nước Chúa" sau khi chết ? Thật vậy, Đức Ky Tô từng khẳng định :

"Ta bảo thật (...) con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời" - Mateo 19:23-24.


Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

Song Thao: Cứ Tưởng Bở

Ngày 7/2 vừa qua, một bé gái đi chơi xuân tại Mèo Vạc, Hà Giang, đã bị một nam thanh niên trẻ khống chế, giằng co giữa đường trước sự chứng kiến của nhiều người. Cô bé kêu la, gào thét phản đối nhưng nam thanh niên vẫn không dừng lại. Đám đông vẫn dửng dưng chứng kiến. Họ cho rằng thanh niên này đang thực hiện tục bắt vợ của người H’Mong nên không cần can thiệp. Một công an đã tới kịp thời để giải cứu cô bé.

Hình ảnh được cắt ra từ clip trên mạng xã hội cho thấy nam thiếu niên đang cố gắng kéo em gái về nhà mình nhưng bất thành

Cảnh "bắt vợ" ở Hà Giang ngày 7 tết Nhâm Dần.


Trước đó một ngày, tại Sa Pa, Lào Cai, cũng xảy ra một vụ tương tự. Một cô gái bị một nhóm thanh niên nắm chặt tay chân bắt về làm vợ. Cô gái chống cự kịch liệt, nắm chặt tay cô bạn đi cùng nhưng vẫn bị khiêng đi dưới trời lạnh giá. Cô đã phản ứng kịch kiệt. Khi thì ngồi xuống khóc, khi thì nằm xuống đường trì kéo nhưng đám thanh niên vẫn không dừng lại.


Quả là người H’Mong có tục bắt vợ nhưng không phải bắt khơi khơi ngoài đường xá như vậy. Theo Tiến Sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, Giảng viên Đại Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội, thì tục bắt vợ là một hình thái đặc biệt của hôn nhân ngày xưa của người Việt chứ không riêng gì của người H’Mong. Tập tục này đã chết trong cộng đồng người Kinh từ lâu nhưng vẫn được duy trì trong cộng đồng người H’Mong. Nhưng thấy một cô gái vừa mắt đi ngoài đường, hè nhau bắt về làm vợ, không phải là tục “bắt vợ”. Bắt vợ trong phong tục của người H’Mong chỉ là một màn kịch. Trai H’Mong chỉ bắt tình nhân của mình. Hai người đã yêu nhau nhưng vì một lý do nào đó gặp trắc trở trong chuyện cưới xin, thường là vì không đủ tiền cưới, đồng lòng diễn màn kịch bắt vợ để đi tắt. Người con gái trong trường hợp này cũng sẽ chống cự nhưng cuối cùng sẽ bằng lòng theo chàng trai về nhà.


Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Võ Phiến: Rụp Rụp

Ông Bình Nguyên Lộc quả quyết rằng trong một bàn ăn mười ba người, gồm mười hai người Việt và một người Hoa, đồng vóc dáng, đồng trang phục, ngồi im không nói, ông cũng phân biệt được kẻ Việt người Hoa.

Như vậy đã là tài, nhưng ông còn đi xa hơn: có thể nhìn hình dáng mà phân biệt được người Tàu Phúc Kiến với người Tàu Quảng Đông, người Tàu tỉnh này với người Tàu tỉnh khác.1

Cũng trong quán ăn, trong khi chờ đợi tô hủ tiếu, tôi có dăm ba lần theo dõi cử chỉ của người làm bếp, và chợt lấy làm ngạc nhiên về một nhận xét. Không phải ngạc nhiên về chuyện suy tưởng nhân chủng ưa liên quan với các tiệm ăn quán nhậu. Mà là vì tôi có cảm tưởng đôi khi có thể nhìn mà phân biệt một người Việt miền Nam với một người Việt miền Trung, tức một đồng bào ở miền ông Bình Nguyên Lộc với một đồng bào ở miền tôi. Nói cách khác, tôi có cảm tưởng mình cũng... tài giỏi như ông Bình Nguyên Lộc: cái mới kỳ cục!

Một buổi trưa, tại Cần Thơ, trong ngôi quán ở đầu một ngõ hẻm gần bến xe Lam, lần đầu tiên tôi chú ý đến điệu bộ có vẻ ngộ nghĩnh của người chủ quán.

Ngôi quán khá chật và tối. Giữa trưa, trong quán vẫn có ngọn điện vàng cạch thả toòng teng trên đầu người chủ. Người này mặc mai-ô quần lính, đầu đội chiếc mũ địa phương quân rộng vành, chân mang đôi giày da đen, kbông vớ. Tại sao phải giày và mũ trong một chỗ kín như thế? Có thể chỉ là một thói quen, hay chỉ là một trường hợp ngẫu nhiên nào đó; tức một chi tiết không có ý nghĩa gì. Tuy vậy tôi vẫn ghi lại, vì hình ảnh ấy tưởng còn hiển hiện trước mắt tôi lúc này. Hình ảnh một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, và làm việc hào hứng.

Mỗi người có một cách biểu lộ sự hào hứng. Riêng cái cách của người chủ quán hôm ấy, trời ơi, trông mà mê. Hai tay ông ta thoăn thoắt: chặt khúc xương, xắt lát thịt, gắp mớ ớt, múc vá nước từ trong thùng đổ ra tô, xóc xóc mớ hủ tiếu vừa mới trụng qua nước sôi, rắc một tí tiêu bột v.v... Tất cả bấy nhiêu cử chỉ đều rập ràng, hơi có vẻ nhún nhẩy. Mỗi cái quơ tay, cái nhấc lên hạ xuống đều như có gì quá mức cần thiết một chút. Mỗi cử chỉ bao hàm bảy tám phần cần thiết, lại thêm vài ba phần thừa thãi, chỉ để cho đẹp mắt, để biểu diễn sự thích thú trong công việc. Động tác nghề nghiệp gần chuyển thành sự múa men. Một điệu vũ ca ngợi lao động.

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Phan Quốc Sơn: Thần Thoại Bách Việt

Bô Lão, người giữ thần thoại Việt


Cho đến trước thời đại biến động trên đất nước ta cách đây hơn nửa thế kỷ, hình ảnh êm đềm trong gia đình của làng xóm Việt Nam vẫn là: Sau bữa cơm chiều của một ngày đồng áng nương rẫy, con cháu quây quần chung quanh ông bà để nghe kể chuyện đời xưa. Đây không những tập tục quen thuộc trong cuộc sống tổ tiên ta mà còn của tất cả những tộc người trên giải đất Bách Việt. Câu tục ngữ “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” không phải riêng của chúng ta mà còn phổ biến cùng khắp các dân tộc anh em, người Hán về sau dịch ra thành câu: “Khất tân cốc, thuyết cựu thoại.” Cuốn sách đầu tiên Trung Quốc chép về dân tộc phương nam là Hoa Dương Quốc Chí của Thường Cừ vào thế kỷ thứ 4, viết: “Theo tục Nam Man, người mà có tài thuyết phục hơn người được gọi là Lão. Đó là người được quyền chủ trì các buổi họp bàn bạc, trong đó họ thường kể chuyện ngụ ngôn, gọi là cổ tích di.

“Cổ tích di” chính là kho tàng thần thoại Bách Việt mà tác giả là các bô lão, họ cũng là người lưu giữ kho tàng Văn Hóa Dân Tộc này để ký thác lại cho con cháu đời sau qua nghệ thuật truyền khẩu.

Thần thoại của bô lão không hẳn là cổ tích thần tiên để “mua vui,” vì mỗi câu chuyện trong đó chứa đựng một ẩn đề của người xưa. Những sự biến trong thời chưa có sử chỉ có thể sống còn trong tâm thức và hoài niệm chúng ta qua dạng thần thoại. “Thần thoại là sự nói lên bằng ngôn ngữ của thần bí: diễn tả những điều có thực không thấy được bằng phương tiện của những điều thấy được”(J. Schniewind 1953: 47). Định nghĩa này rất gần gũi với quan điểm của giới khảo cổ học rằng huyền thoại là thần tích (sacred tale).

Đối với con người thời ban sơ, vạn vật trần gian đều mang mầu sắc huyền bí. Con người bỡ ngỡ trước các hiện tượng thiên nhiên. Sấm chớp, giông bão, lụt lội, những cơn thịnh nộ thiên tai làm con người kính sợ. Họ dùng trí tưởng tượng mà nhân cách hóa hoặc thần thánh hóa thiên nhiên, “tạo ra thần thánh qua hình ảnh của chính mình” để tự lý giải với mình. Họ dựa vào cái biết trong cuộc sống để sáng tạo nên thế giới không thể biết của thần linh. Đang khi thế giới ấy hình thành thì biết bao truyện linh dị hoang đường được thêu dệt. Thần thoại ra đời như thế.

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Vũ Quí Hạo Nhiên: Không chỉ có học sinh du học, mà có cả thầy cô qua Mỹ du dạy

Chương trình trao đổi văn hóa của Bộ Ngoại giao không chỉ bao gồm học sinh qua Mỹ du học, mà còn bao gồm luôn cả thầy cô nước khác qua Mỹ dạy (1) trong thời gian từ 3 tới 5 năm. Chương trình này xưa nay vẫn có, và sử dụng cùng dạng visa J-1 với các em học sinh du học. Nhưng gần đây, nhiều người và nhiều trường học mới quan tâm tới chương trình này nhiều hơn vì nhiều tiểu bang và địa phương ở Mỹ đang khan hiếm thầy cô nên quay sang tìm các nhà giáo dục nước ngoài.

Ở bang Illinois chẳng hạn, Bộ Giáo dục Tiểu bang có hẳn một chương trình (2) giúp các học khu tìm người ở nước khác. Học khu Peoria trong lúc thiếu thầy cô trầm trọng đã dùng chương trình này và tìm kịp cho năm học sắp tới 27 thầy cô từ Philippines, 2 từ Dominican Republic, và 1 từ Cameroon. Tại sao phải làm vậy? Tiến sĩ Sharon Desmoulin-Kherat, Tổng Quản trị Học khu, giải thích với CNN (3) là vì “nguồn ở Mỹ cạn khô rồi.”

Nạn khan hiếm thầy cô không phải chỉ mới diễn ra, và cũng không phải trên trời rơi xuống không ai biết trước. Nhiều người đã nhìn thấy trước điều này. Bằng cách nào? Đơn giản lắm. Nguồn thầy cô là các đại học sư phạm. Sư phạm ít sinh viên vô thì tất nhiên sẽ ít thầy cô ra. Tính từ năm 2010 tới 2018, trong lúc tổng số sinh viên tăng, thì số sinh viên theo học ngành sư phạm tại Hoa Kỳ giảm sút mất 1 phần 3, theo tường trình của Center for American Progress (4) dựa trên số liệu các trường nộp cho chính phủ liên bang.

Có tới 9 tiểu bang trong đó số sinh viên chọn ngành sư phạm giảm quá một nửa. Tại Oklahoma, số sinh viên sư phạm giảm tới 80%. Số sinh viên theo học bị giảm đã đành, số sinh viên học tới ngày ra trường cũng giảm luôn. Toàn quốc, số sinh viên tốt nghiệp sư phạm giảm 27% trong cùng thời gian.

Có nhiều lý do để thanh niên Mỹ không nhào vô ngành dạy học, nhưng hai lý do được nghe thấy nhiều nhất là tiền và môi trường làm việc. Mới đây, tweet của một người từng đi dạy (5) nổi lên như sóng với 37,700 retweets. Cô Abby Norman nói, “Tôi bỏ nghề dạy học và bây giờ làm nghề pha rượu trong bar được nhiều tiền hơn, đỡ giờ làm hơn tới 15 tiếng. Và tôi bị đổ thừa ít hơn hẳn và được cám ơn nhiều nhiều hơn nhiều. Không phải soạn giáo án và chấm bài. Hãy nhớ lấy điều này khi có ai đó nói chuyện khan hiếm thầy cô.”

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Bùi Bích Hà: Phim ảnh & đời sống


Lời giới thiệu:

Từ vài năm nay chúng tôi, chị Bùi Bích Hà và tôi, hẹn gặp nhau mỗi tháng Mười để cùng đi dự đại hội Viet Film Fest ở Quận Cam, Nam Cali. Trừ năm ngoái 2020 vì đại dịch Covid-19. Năm nay, tình hình đại dịch đã phần nào ổn định. Dù vậy, ban tổ chức cho biết sẽ tổ chức trình chiếu phần lớn online, song có thể có một đôi buổi chiếu phim diễn ra tại một rạp hát ngoài trời drive-in. Tôi tưởng tuợng niềm thích thú của chị khi được tham dự một cuộc trình chiếu như vậy. Xem phim tại rạp hát drive-in đã trở thành quá khứ trong lịch sử giải trí của dân Mỹ khi chúng tôi tới định cư tại đây. Song sẽ là một kinh nghiệm mới mẻ nếu giờ được trải nghiệm. Tiếc là việc đó sẽ không diễn ra với chúng tôi nếu VFF năm nay sẽ thực hiện trình chiếu ngoài trời.

Chị đã ra đi vĩnh viễn, bỏ lại niềm thương tíếc ngậm ngùi cho nhiều người. Với riêng tôi là một cái hẹn sẽ không còn bao giờ thực hiện được nữa, đó là cùng nhau đi xem Hội Phim Việt mỗi mùa xuân hoặc thu, để rồi sau đó thảo luận rôm rã về những chuyện nghệ thuật và đời sống của người Việt khắp nơi mà hàng chục phim được trình chiếu tại VFF mang lại cho giới thưởng ngoạn.

Bài dưới đây của chị viết về Hội Phim Việt năm 2016, nói lên cái nhìn sâu sắc song phóng khoáng của chị về một số phim trình chiếu trong năm này, đặc biệt về phim tài liệu "Finding Phong" của đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, dài 92 phút, thực hiện năm 2015 và đã được nhiều giải thưởng, và được khán giả VFF chọn là phim tài liệu hay nhất trong năm. -- Trùng Dương

Việt Film Fest 2016 được tổ chức tại rạp AMC Orange 30, trong khu mua sắm The Outlets of Orange, tên cũ quen thuộc hơn với mọi người là The Block, bên lề xa lộ 22, vào các ngày 14, 15, 16 và 17 tháng 4.


Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Trần Minh Thảo: Ở Việt Nam ý thức dân tộc còn mang tính làng xã

Tôi trình bày một số suy nghĩ cá nhân nông cạn với mong muốn cùng các bạn làm sáng tỏ vấn đề, tự thấy có trách nhiệm góp phần đổi mới đất nước một cách bền vững. Bài viết phân tích các biến chuyển về ý thức dân tộc, quá trình phát triển lịch sử của Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 cho tới nay.

1/ Cuộc vận động đổi mới nửa đầu thế kỷ 20


Non 100 năm trước, đầu thế kỷ 20, Việt nam có một cuộc vận động đổi mới theo hướng kinh tế thị trường. Đó là phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) của các nho sĩ có Tây học yêu nước (với nghĩa tương tự như có Hán học) Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Chu Trinh… Đó là lần đổi mới thứ nhất mà lạ lùng thay cũng là đổi mới theo sau phong trào duy tân của các trí thức nho sĩ Trung Hoa nhưng không làm theo Trung Hoa. Phong trào tồn tại một thời gian thì bị người Pháp đàn áp, tan rã. Tuy thế, nhìn tổng quát phong trào Duy Tân ở Việt Nam có tác dụng rất sâu rộng mà những cuộc vận động về sau, kể cả cuộc cách mạng do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo theo tôi cũng là con đẻ của phong trào ấy.

Phong trào Duy Tân - Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương 3 việc:

- Chấn dân khí: Thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường của người dân (làm chủ xã hội, đất nước, ý thức tự làm chủ, không chịu nô lệ ai, tức là không sợ ai), chống chế độ chuyên chế, áp bức (quân chủ, thực dân). Phong trào dịch các sách gọi là tân thư của các nhà tư tưởng phương Tây như Montesquieu, J. J. Rousseau, Kant ,Darwin… từ chữ Hán sang quốc ngữ (các sách này do các trí thức duy tân Trung Hoa Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… dịch từ chữ Pháp sang Hán văn). Đề cao dân quyền thực chất là xoá bỏ quân quyền (cuối cùng là đuổi người Pháp ra khỏi nước), thiết lập chế độ dân chủ kiểu phương Tây. Phong trào này coi Người Việt trên ba miền là công dân một nước Việt Nam thống nhất. Đấy là lần đầu tiên tư tưởng dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một được trình bày công khai.

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Mạc Văn Trang: Sự khủng hoảng tâm lý xã hội theo cách nhìn của S.Freud

Thưa các bạn, bài này tôi viết năm 2019, dựa vào trí nhớ và những trải nghiệm cá nhân. Nay đọc cuốn “FREUD trong 60 phút”, được nhà Tâm lý học Hoàng Lan Anh, ở Đức, dịch giả của cuốn sách này tặng, thấy có đôi chỗ cần chính xác hoá, bổ sung. Vậy xin đăng lại.

Từ vụ người đàn ông Nguyễn Văn Đông ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội), sáng ngày 01/9/2019, dùng dao chém chết 05 người trong gia đình người em ruột (1), đã dấy lên nhiều câu hỏi và cũng đã có những bài viết phân tích nguyên nhân từ các góc độ khác nhau (2). Bài viết này góp thêm góc nhìn Tâm lý học theo S. Freud, để thấy tình trạng chung của xã hội, mà vụ án trên chỉ là một trường hợp điển hình.

1. SƠ LƯỢC VỀ TÂM LÝ HỌC FREUD (Phân tâm học)


Sigmund Freud, nhà Tâm lý học nổi tiếng người Áo (1856 – 1939) quan niệm rằng, tâm lý con người được cấu trúc bởi một số yếu tố và có cơ chế chi phối lẫn nhau, đồng thời luôn chịu tác động từ xã hội, nếu không giữ được cân bằng sẽ làm rối loạn cơ cấu bên trong và dẫn đến những lời nói, hành động sai lệch, bệnh hoạn, thậm chí điên loạn...

Theo Freud tầng sâu thẳm của tâm lý con người là VÔ THỨC, trong đó bao gồm những BẢN NĂNG (sinh tồn, dục năng, khoái cảm, ước muốn, sợ hãi, hung hãn...) và nhiều cái HỮU THỨC bị chìm vào vô thức (những thèm muốn, mong ước, đau khổ, hận thù, tội lỗi, mặc cảm, thành kiến, định kiến, niềm tin ...), những trải nghiệm đó tưởng đã quên đi, đã dẹp bỏ... nhưng thực ra nó lẩn vào vô thức, hoà trộn vào nhau trong “cái thùng vô thức hỗn độn” và sẽ bùng lên trong những tình huống nhất định. Chính cái “vạc táp pí lù” những bản năng sôi sục cùng với những cái “chốt cắm” trong Tiềm thức mới là động lực chính, thúc đẩy người ta nói năng, hành động hăng nhất...

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Nguyễn Quang Dy: Thánh chửi, thần y, danh hài, và các ngôi sao đang lặn

Gần đây, dư luận ồn ào về câu chuyện “thần y” Võ Hoàng Yên đang bị “thánh chửi” Nguyễn Phương Hằng (CEO của Đại Nam, vợ đại gia “Dũng Lò Vôi”) tố cáo dùng bùa ngải để lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản. Theo bà Phương Hằng, 14 năm qua ông Yên đã hành nghề “lang băm”, lừa đảo nhiều người cả trong và ngoài nước, làm họ “tiền mất tật mang”. Bà còn tố cáo một số “nghệ sỹ” đã ẩn danh nói xấu mình để bênh vực cho ông Yên.

Bà Phương Hằng cũng lên án “danh hài” Võ Hoài Linh, không chỉ vì đồng bóng, mà sáu tháng qua đã ỉm đi gần 14 tỷ VNĐ mà những người hảo tâm đã ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Về pháp lý, phải chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự thực, nhưng nếu sự thực được phanh phui thì đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về một nhóm lợi ích có bóng dáng một giáo phái tà đạo mà chính bà ấy là nạn nhân, nay đang làm thay đổi cuộc chơi (game changer).

Các loại siêu lừa


Tuy lừa đảo không chỉ có ở Việt Nam mà nước nào cũng có, nhưng ở các nước văn minh, họ thường lừa đảo “chuyên nghiệp hơn”. Siêu lừa Bernie Madoff bị bắt vào tháng 12/2008, sau khi công ty quản lý tài sản mà ông ta điều hành ở Manhattan (New York) bị cáo buộc lừa đảo bằng “mô hình kim tự tháp” (Ponzi), với số tiền lên tới 65 tỷ USD. Nhưng ở Việt Nam, họ thường lừa đảo dân chúng một cách “thô thiển hơn”, như một đặc thù riêng.

Hai năm trước, siêu lừa Lê Xuân Giang (Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt) đã bị tuyên án tù chung thân. Theo Viện Kiểm sát, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và các đồng phạm đã sử dụng mạng lưới bán hàng đa cấp gồm 34 chi nhánh và đại lý tại 27 tỉnh/thành, chiếm đoạt 2.090 tỷ VNĐ của hơn 68.000 người. Giang và đồng bọn đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ngộ nhận rằng Liên Kết Việt là công ty của Bộ Quốc phòng, và tổ chức lễ đón nhận bằng khen (giả) của Thủ tướng chính phủ (Lao động, 23/12/2020).

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Nguyễn Hưng Quốc: Tôi Không Cần Biết Ông Hồ Chí Minh Có Mấy Vợ

Nhiều lần, nhân dịp ở trong nước tổ chức rầm rộ các buổi lễ tưởng niệm ngày Hồ Chí Minh qua đời, tôi muốn viết một bài về ông, nhưng lại lười, cứ lần khân mãi. Sau đó, mở các tờ báo mạng ra, cứ gặp mãi những bài viết về ông Minh (tôi không thích gọi ông là ông Hồ, nghe nó vô duyên làm sao!) lại đâm bực.
Bực, khi đọc những bài lải nhải khen ngợi ông. Bực cả khi đọc những bài chửi bới ông nữa.

Hầu hết các bài khen tụng hay chửi bới ông Minh đều có điểm giống nhau: Chúng đều tập trung vào đời tư của ông. Lại là những khía cạnh nhí nhách nhất trong đời tư của ông.

Người chửi, chửi thậm tệ. Theo họ, ông Minh là một kẻ giả dối. Giả dối ở mọi mặt. Tự mình viết sách khen mình… khiêm tốn và tài giỏi rồi ký tên khác (Trần Dân Tiên) rồi bắt dân chúng học tập là một sự giả dối. Gặp chị ruột, bà Nguyễn Thị Thanh, người chị duy nhất còn sống sót sau mấy chục năm xa cách mà vẫn hờ hờ hững hững để giữ tiếng vô tư và chí công là một sự giả dối. Nhưng giả dối nhất là có vợ rồi, lại là vợ Tàu nữa (Tăng Tuyết Minh), mà cứ giấu biệt. Có bồ (Nông Thị Xuân) cũng giấu giấu giếm giếm như mèo giấu cứt. Cuối cùng, bồ bị đàn em hãm hại cũng không dám mở miệng cứu giúp hay can thiệp. Nghĩa là một kẻ vừa giả dối lại vừa tàn nhẫn và hèn hạ.

Người khen, khen ông biết quan tâm và hy sinh cho người khác. Quan tâm đến đời sống cơ cực của dân chúng: Mỗi bữa, ông ăn ít hơn một chút để dành mớ gạo thừa ấy cho “đồng bào”. Quan tâm đến giấc ngủ của từng người bộ đội: Nửa đêm dậy đi dém mùng cho từng người. Quan tâm đến nỗi khách phụ nữ đến thăm, ông hỏi ngay là có mắc đái không để ông chỉ nhà vệ sinh cho!

Trong cuốn Hồi ký được phổ biến rộng rãi trên internet, Nguyễn Đăng Mạnh kể, nguyên văn:

"Năm 1965, Mỹ cho không quân ra đánh phá miền Bắc. Cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá, là một trọng điểm oanh tạc của chúng. Anh chị em dân quân Nam Ngạn, Hàm Rồng phối hợp cùng với pháo binh tải đạn và bắn máy bay giặc. Nổi lên có hai nữ dân quân được tuyên dương công trạng xuất sắc: Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Hằng.

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thêm Một Bàn Huề


Sau khi gửi bản “Chương Trình Cải Cách Ruộng Đất” đến Stalin để xin chỉ dẫn, bắt đầu từ tháng Giêng năm 1953, Đảng và Nhà Nước phóng tay phát động quần chúng để thực hiện cuộc Cải Cách (long trời lở đất) ở miền Bắc Việt Nam.

Hệ quả (hay hậu quả) là hàng vạn nông dân bị hành hình. Tiếng kêu thương, rên xiết của nạn nhân vang lên đến tận Cửu Trùng nên đến tháng 2 năm 1956 thì Hội Nghị Trung Ương (lần thứ 9) ban hành lệnh sửa sai.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khóa I, Chủ Tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ nhận mọi khuyết điểm. Người vừa nói vừa lấy khăn tay lau nước mắt khiến thiên hạ vô cùng xúc động, và quên hết những “sự cố đáng tiếc” đáng tiếc vừa qua.

Vậy là kể như … huề!

Vụ Cải Cách Ruộng Đất vừa tạm lắng thì nổ ra Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm. Ngày 14 tháng 12 năm 1956, Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh mới về báo chí, nghiêm cấm báo tư nhân. Phong trào này bị dập tắt vào tháng 6 năm 1958.

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Đặng Đình Mạnh: Người viết chịu trách nhiệm về lời bình luận của người xem

"Ai làm nấy chịu" như là một nguyên tắc ứng xử trong quan hệ giữa cá nhân với xã hội.

Sự chế tài của luật pháp cũng khởi nguồn từ nguyên tắc ấy. Ai vi phạm pháp luật thì người đó phải chịu sự chế tài và đương nhiên, chỉ trong giới hạn phạm vi đối với người ấy mà thôi.

Tuy vậy, hiện nay, cơ quan điều tra có quan điểm rất khác về vấn đề này. Rất may, chỉ phát sinh trong phạm vi kiểm soát các trang mạng xã hội mà thôi. Nhưng chỉ nhiêu đó cũng đã đủ đưa đẩy các Facebooker, Youtuber ... dễ vướng vào các rắc rối pháp lý không hề mong muốn, thậm chí, cả về lao lý.

Theo đó, khi một bài viết được đăng công khai, thì người đăng không chỉ chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình trước pháp luật, mà còn phải chịu trách nhiệm về những lời bình luận của công chúng trong bài viết ấy !? Rủi thay, nếu lời bình luận ấy mang nội dung chống, phá chính quyền, thì danh tính tác giả bài viết sẽ được đưa vào tầm ngắm của các cơ quan bảo vệ pháp luật và kéo theo sự chế tài là khả năng không hề nhỏ.

Đồng thời, với số lượng lực lượng dư luận viên hoạt động đông đảo trên các trang mạng xã hội như hiện nay, việc bị báo cáo những nội dung bị cho rằng chống, phá chính quyền chỉ còn là vấn đề thời gian. Bị xử lý, may mắn thì được mời "uống trà", nhẹ nhàng thì bị phạt vi phạm hành chính, nặng hơn thì 331 và nghiêm trọng nhất là 117.

Có dịp trao đổi quan điểm với một cán bộ an ninh điều tra của một tỉnh giáp ranh TP.HCM, khi tôi đang chờ thân chủ đến để cùng làm việc. Sau khi nghe tôi nói về nguyên tắc "Ai làm nấy chịu", thì anh ấy đã phủ nhận ngay "Không. Anh phải chịu trách nhiệm về lời bình luận của họ. Vì lẽ, khi đăng bài là anh đã tạo cơ hội cho những người chống đối nhà nước có "chỗ" để "hoạt động" ?! Nếu anh không xóa, hoặc anh nhấn like là còn biểu thị sự đồng tình của anh đối với sự chống đối của họ. Chưa kể, nếu anh có số lượng người theo dõi lớn, thì trách nhiệm của anh lại càng nặng nề hơn".

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Vũ Kim Hạnh: Những “lỗ nhỏ đắm thuyền” khiến ta rùng mình

Một nhóm học sinh Việt Nam chừng 17, 18 tuổi dẫm đạp lên lá cờ vàng với những lời lẽ thô tục mà chắc chắn từ khi chúng sinh ra tới giờ, chúng chẳng hiểu chút thực tế đời sống nào liên quan lá cờ đó ngoài những lời giáo huấn được truyền dạy, là minh chứng một thảm họa của giáo dục từ nhà trường, gia đình đến môi trường xã hội.

Kiểu giáo dục nhồi sọ, thiếu thông tin đa chiều, thiếu qui tắc ứng xử tối thiểu đã ném ra xã hội những sản phẩm kiểu đó.

Hai cô sinh viên, tuổi mới hơn 20, đi thuê chung cư giúp cho 17 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép để hưởng 144 triệu đồng (có thể đến 20 tháng tiền lương của SV mới ra trường. Cũng trong mấy ngày này, 52 người TQ nhập cảnh trái phép và TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bị bắt. Hải Dương còn “oách” hơn, có hẵn đường dây đưa 30 người TQ nhập cảnh trái phép mà thủ phạm tổ chức cho người TQ nhập cảnh trái phép còn khai đã thực hiện trót lọt 10 vụ gần đây.

Tôi nhớ đúng 1 tháng trước, vnexpress.net ngày 6/4 có đăng bài về “Chiêu biến người TQ thành người Việt Nam” bằng cách làm giả giấy tờ, con dấu giúp người phạm pháp nhập hộ khẩu Khánh Hòa, Nha Trang... Bài báo kết thúc bằng đoạn này, rất đáng chú ý đây: ... ”Một số cán bộ công an bị cho là có thiếu sót, chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ quy trình trong tiếp nhận, kiểm tra và thẩm tra hồ sơ nhưng cơ quan điều tra cho rằng các sai sót của họ chưa đến mức xử lý hình sự, nên đề nghị Công an TP Nha Trang tổ chức kiểm điểm”. Hèn chi, rút kinh nghiệm xong thì... ngu gì không tiếp tục rút nữa? Vì sao những cán bộ có trách nhiệm này được ưu ái đặc biệt?

Mới ngày hôm qua, Nikkei Asia đăng bài về tình hình dịch bệnh CPC có nhắc lại "sự kiện 20/2" do 4 người Trung Quốc hối lộ cán bộ khu cách ly trốn thoát, đi lây lan dịch Covid tràn lan, gây thiệt hại 250 triệu đôla - theo chuyên gia ước tính- cho kinh tế CPC, mà đến hôm nay, CPC vẫn còn phải đương đầu, vẫn đang trong “tuần lễ đen tối” với gần 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Bài học quá nhãn tiền và rùng rợn, vì sao cứ mỗi ngày phát hiện thêm những ổ nhập cảnh lậu đe dọa lây lan dịch bệnh hết tỉnh này đến tỉnh khác? Việc làm phạm pháp đầy nguy hiểm đó đã trở thành “chiêu” làm ăn kinh doanh kiếm tiền khi cả nước lao đao căng mình chịu giãn cách, bao nhiêu triệu người đang làm ăn kinh doanh bỗng bị đình trệ, thiệt hai không kể xiết, sao chúng cứ được “ưu tiên” ra tay? Bắt chúng rồi trục xuất, ít bữa chúng lại lừng lững đi qua, kim thiền thoát xác, bắt cóc bỏ dĩa. Như thống kê hôm qua, chỉ một ngày 4/5, có 121 người TQ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Vì sao ta cứ chạy theo đuôi bọn chúng để “phát hiện” chuyện quá quen thuộc hoài?

Tai mắt nhân dân, bộ máy tình báo nhân dân với mấy chục triệu camera chạy bằng cơm sao đến tình thế nguy hiểm hiện nay vẫn cứ bị tê liệt liên miên? Bạn cứ đến tỉnh khác thuê khách sạn qua đêm xem, không có nộp chứng minh nhân dân hay CCCD thì, khỏi lấy phòng nhé.

Tình hình này nếu cứ tiếp diễn, ngày càng nặng hơn thì liệu những cố gắng của cả nước có bịt được những “lỗ nhỏ đắm thuyền” không ? Khó hiểu quá. Tôi thử nêu câu hỏi với một số bạn bè làm quản lý nhà nước. Khá cởi mở, họ nói, không chỉ một người, với vẻ xác tín: lo gì, mình giả lơ, mắt nhắm mắt mở để “dụ” tụi nó vô thôi, chứ đang chuẩn bị lắp thêm trùng trùng điệp điệp camera, làm căn cước gắn chip, thì tội phạm chạy đằng trời.

Suy nghĩ mãi về sự bất lực khó hiểu hiện nay, tôi tự hỏi hay mình lạc hậu rồi, không tiếp cận được các giải pháp “bốn chấm không”: đó là giăng bẫy cho chúng vào hết rồi dùng “Ê AI” (trí tuệ nhân tạo) nhận diện, tóm gọn hết. Nhưng với tình hình dịch bệnh mà biến chủng mới Ấn Độ cũng đã có mặt ở VN thập phần nguy hiểm, thì kế sách vờ tê liệt, nằm yên để “tiếp tục giăng bẫy” cho chùng tràn vào có là thương sách?

Nếu trông chờ “Ê ai”, và vẫn hàng ngày dạy trẻ con kiếm tiền vô tội vạ bằng bất cứ chiêu trò nào (có khi còn được hướng dẫn để làm cánh tay nối dài cho người có trách nhiệm giấu mặt) và cùng lúc dạy chúng lòng hận thù vô minh, yêu nước cực đoan như bọn trẻ con đang dẫm lên cờ người ta, lăng mạ chính trị thô tục với dân xứ người ta thì đây quả là một thực tế đáng phải nghĩ sâu.

Và... quá đáng sợ. Nếu thế thì... Giống lắm. Giống lắm kiểu một quốc gia đang được nhiều nước trên thế giới gọi là “Quốc xã mới” đang thi thố trên khắp “trận địa” đủ thứ hành động bất chấp đạo lý, công lý, và đằng sau bức tường lửa thì quản lý người dân bằng công nghệ chuyên chế đến tận cùng, đồng thời liên tục tiêm chích tinh thần dân tộc thượng đẳng, tiến lên đạp bằng mọi thứ để thành bá chủ toàn cầu...

V.K.H.

Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh