Hiển thị các bài đăng có nhãn VietTuSaiGon. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn VietTuSaiGon. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

Blogger VietTuSaiGon: Môi trường nào cho chúng ta?

Cụm kinh tế Formosa

Theo thông tin của các báo trong nước, mà sau đó links bài bị gở bỏ, không thể vào đọc, chỉ còn bài tổng hợp trên RFA, cảnh sát môi trường Hà Tĩnh phải chào thua, bó tay trước nạn ô nhiễm chất thải do Formosa gây ra. Đây là thông tin có thật, nó thật vì số lượng bãi chất thải do RFA tổng hợp vẫn chưa đủ, dẫn đến khối lượng chưa đủ. Nó thật vì tình trạng môi trường Hà Tĩnh và biển miền Trung ngày càng xấu đi. Nó thật vì lời cảnh báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là có thật. 

Nhưng, ông Phúc đã cảnh báo gì? Bãi thải của Formosa nằm ở đâu? Và môi trường miền Trung xấu cỡ nào? 

Trích RFA: “Hôm 24 tháng 7 năm 2017, tại buổi thị sát khu liên hợp gang thép của Công tay TNHH Formosa Hưng Nghiệp Hà Tĩnh (FHS) và làm việc với FHS, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng "Không an toàn thì không được sản xuất; nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa nhà máy. Việc nâng công suất nhà máy phải đi liền với bảo vệ môi trường". 

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

VietTuSaiGon: Bão nào đang gây chấn động?

"Bão" bóng đá tại Hà Nội trong trận bán kết bóng đá nam Asiad 2018 giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hình" Getty Images
Cụm từ ‘đi bão’xuất hiện nhiều trong những ngày gần đây sau khi U23 Việt Nam giành quyền vào trận bán kết gặp Hàn Quốc ở Asiad 2018 đang diễn ra ở Indonesia. Thế nhưng cơn bão nào đang thực sự gây chấn động khiến nhiều người phải nghĩ đến chuyện ‘chạy bão’ ngay trong những ngày cuối tháng 8 này, có lẽ phải kể đến hai cơn bão lớn: bão giáo dục (thổi vào) lớp 1, bão bóng đá. 

Ở cơn bão thứ nhất, giáo dục lớp 1: hiện tại là khoảng thời gian nhiều bậc cha mẹ đang đau đầu nhức óc về vấn đề mua sách giáo khoa và chọn trường cho con học. Việc chọn trường lẽ ra đã diễn ra từ đầu tháng 6, lúc trẻ con bắt đầu tạm biệt trường mẫu giáo và các trường tiểu học chuyên, chuẩn, công mở bán hồ sơ đăng ký vào các trường… Tuy nhiên không phải ai trong các bậc cha mẹ cũng có đủ điều kiện để xếp hàng, để đăng ký và xin cho con mình vào các trường ưng ý nên buộc lòng nhiều người phải nhắm mắt chờ số phận đẩy đưa, thôi hên xui, may rủi để mong con gặp được giáo viên tốt ở lớp 1. 

Và cuối tháng 8, khi lịch đã lên sẵn, dắt tay con đến trường để nhận lớp chuẩn bị trước khai giảng, nhiều người ngỡ ngàng trước quy định đồng phục, sách vở, môn học mỗi trường mỗi khác. Và một cuộc ‘chạy bão’ nước rút hình thành. Từ việc cảm nhận của con, của phụ huynh về giáo viên, những người họ đã biết rõ hoặc cảm nhận của cái nhìn, cách xử sự của giáo viên với học sinh hoặc cha mẹ học sinh… nhiều lý do để dẫn đến việc nên tìm đường chuyển lớp cho con hay không. Bởi lớp 1 trẻ con bỡ ngỡ bước vào, rời xa búp bê, xe gỗ, rời những trượt xích đu nhựa, những bữa ăn í à í ơi các cô mẫu giáo, trẻ con cần một sự yêu thương, thấu hiểu trước khi nhận đòn roi hay cái nhìn gay gắt (mà về nguyên tắc là tối kị trong giáo dục) của thầy cô giáo. 

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

VietTuSaiGon : Tính bệnh hoạn của cán bộ CS đã đến mức báo động đỏ!

(Hình minh họa: Getty Images)
Có ba nguyên nhân căn bản để đi đến hệ quả đất nước ngày càng băng hoại, bệ rạc, cán bộ đi từ hành xử vô đạo đức đến chỗ hành xử bệnh hoạn, nhân dân không còn niềm tin, thậm chí khinh bỉ nhà cầm quyền và mối nguy dân tộc phân rã, mất sức sống: Luật không trượt giá kịp tiền; Đạo đức bị đánh tráo; Sự lộng hành của cái dốt. 

Điều khoản luật không “trượt giá” theo tiền, nguyên nhân thứ nhất có thể là đầu mối của ba nguyên nhân kia trong lúc này nhưng lại là hệ quả của hai nguyên nhân kia trong giai đoạn nó phôi thai. Nghĩa là trong gia đoạn hình thành các điều khoản luật, do dốt, thiếu kiến thức lập pháp, do tham lam, người ta đã đạp qua nhiều thứ. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, các điều khoản luật có tính chế tài lại tạo điều kiện cho cán bộ lộng hành, phạm tội nặng nề nhưng không cần trả giá. 


Một ví dụ: “Công an huyện Triệu Phong (Quảng Trị) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200 nghìn đồng đối với ông Nguyễn Bình Triệu vì hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nữ đồng nghiệp. Thượng tá Trần Minh Chữ - Phó trưởng Công an huyện Triệu Phong hôm nay cho biết, Nguyễn Bình Triệu (chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện Triệu Phong) bị phạt vi phạm hành chính 200 nghìn đồng theo điểm a, khoản 1, nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo ông Chữ, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của chị N.T.L.A (chuyên viên cùng Phòng Tài chính - Kế hoạch) về việc chị bị ông Triệu có hành vi hiếp dâm tại trụ sở, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã có kết luận.

Quá trình điều tra, Công an huyện xác định, trưa 21/6, ông Triệu mở cửa vào phòng làm việc chị L.A. và dùng sức mạnh ôm, giữ và khống chế nữ đồng nghiệp.

Tiếp đó, ông Triệu hôn, cắn vào vùng môi của chị A., dùng tay sờ vào các vùng “nhạy cảm” nhưng không nhằm mục đích thực hiện hành vi muốn giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác đối với chị A.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Triệu chỉ nhằm mục đích trêu ghẹo, sàm sỡ nên không đủ yếu tố để cấu thành tội hiếp dâm và không đủ căn cứ khởi tố hình sự”.


Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

VietTuSaiGon's blog - Ngu dốt luôn đi đôi với bảo thủ


Năm ngoái, chuyện này cũng đã rùm beng, thậm chí được báo chí trong nước đẩy lên thành sự kiện chính trị, nhiều tờ báo loan tin, đại khái: “ngành an ninh đã bắt được một số lượng lớn nón cối, quần áo, giày dép nhà binh Mỹ. Có thể đây là nguồn hàng có liên quan đến những nhân vật ‘anh hùng rừng lá thấp’ đã âm thầm hoạt động chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Và bản tin kiểu đó xuất hiện khá nhiều. Sau đó bặt đi gần một năm, mãi đến khi chuyện hợp đồng may quân phục Mỹ của một doanh nghiệp Việt Nam bị hủy, doanh nghiệp Việt Nam mất đứt hợp đồng trị giá hai tỉ USD, chuyện mới vỡ xòa.

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

VietTuSaiGon - Chủ trương gây nghiện của Đảng

Những chủ nông trại nuôi bò nói riêng và chủ nông trại nuôi súc vật nói chung, mỗi người đều có một bí quyết để phát triển đàn gia súc của họ. Tuy mỗi người có mỗi cách khá nhau, nhưng chung qui họ có chung ba điểm cơ bản rất giống nhau: Thức ăn gây nghiện; Cây roi và; Chó săn. Đó là chuyện người nuôi vật, nhưng ở chuyện giữa con người với con người, khi xem xét một chế độ chính trị áp đặt trên nhân dân, thì loại hình nhà nước độc tài cũng có nét hao hao giống chăn súc vật trong quá trình lãnh đạo đất nước, hay nói đúng hơn là quá trình chăn dắt nhân dân của họ.
Thường, khi người ta nuôi bò, chủ trang trại luôn chuẩn bị vài chục bát đường đen để treo trên cổng chuồng, vị trí dễ đập vào mắt đàn bò mỗi khi chúng ra khỏi chuồng và khi trở về chuồng. Ban đầu, bát đường đen không có ý nghĩa gì với đàn bò, chúng mặc nhiên bỏ qua và ra đồng chạy nhảy thỏa sức, mãi cho đến chiều, khi mà chủ trang trại cưỡi ngựa, dắt chó săn, dùng gậy xua đuổi chúng mới chịu trở về trong trạng thái nấn ná, tiếc nuối đồng cỏ, dòng suối, ngọn đồi…
Rồi một ngày, một con trong bầy tiến lại ngửi bát đường, nghe mùi ngòn ngọt, thè lưỡi liếm thử, thấy ngọt, tiếp tục liếm một cách ngon lành. Rồi cả đàn xúm lại liếm, đến khi cả đàn bò tranh nhau liếm bát đường, chủ trang trại bắt đầu đánh kẻng trong lúc đàn bò tranh ăn. Dần dà thành quen, cứ mỗi lần đàn bò liếm đường thì chủ trang trại đánh kẻng, tạo cho chúng một phản xạ có điều kiện. Đến một lúc nào đó, mỗi khi nghe đánh kẻng, đàn bò xúm lại chỗ tiếng kẻng để liếm đường. Và cứ như thế, thay vì bị roi và chó săn rượt đuổi, cứ chiều về, đàn bò lại lâng lâng hy vọng, nôn nao chờ đợi một hồi kẻng, vì chúng tin rằng sau hồi kẻng ấy là một bát đường ngọt để thi nhau mà liếm ngon lành.
Có một điều, chúng không hề ý thức được rằng liếm càng nhiều đường, chúng càng mau bị giết thịt bởi vì đó là phương pháp nuôi ép cho súc vật tăng trọng nhanh mà lại đỡ tốn công chăn dắt nhất, một công lợi cả đôi đường mà chủ trang trại đã khéo chọn phương pháp.
Đó là câu chuyện về đàn bò và chủ trang trại, cuối năm, người ta giết mổ trâu bò cũng không ít, tự dưng xem ti vi, thấy ông Thủ tướng Việt Nam nói về dân chủ, cụ thể là tuyên ngôn rất kêu “mở rộng dân chủ” chứ không phải là thông điệp đầu năm, vì trong cái thông điệp này giọng điệu mạnh mẽ, nặng chất tuyên ngôn hơn là gửi gắm một ý tưởng hoặc hé lộ một tiến trình mới của quốc gia, phải xem nó là tuyên ngôn đầu năm của ông Thủ tướng “nói rất nhiều mà làm chẳng bao nhiêu” này.
Cái tuyên ngôn được thốt ra từ miệng của chính người đã ký hàng chục nghị định mà mục tiêu của nó là bắt nhốt những nhà đấu tranh dân chủ, những cây bút tự do, đàn áp biểu tình chống Trung Quốc, xóa Viện IDS như nhổ một cái gai trong mắt, tăng cường quyền bạo lực cho công an (bắn), lấy sức mạnh bạo lực của công an làm nền tảng lãnh đạo đất nước, đưa người thân trong gia đình vào những vị trí đắc địa trong bộ máy chính quyền trung ương… Tất cả những gì ông ta làm là chỉ có thế, làm cho đất nước này ngày càng thêm kiệt quệ, dân tình kẻ ăn không hết người làm không ra, tình hình về dân chủ của đất nước ngày càng xấu đi…
Điều này nói ra để thấy rằng, cách làm việc và lãnh đạo đất nước của tập đoàn Cộng sản chóp bu, đứng trên góc độ chăn nuôi gia súc, nó cũng na ná giống nhau. Nếu như chủ trang trại chăn nuôi dùng cây gậy, bầy chó săn để uy hiếp đàn bò, dùng bát đường đen treo ở cổng chuồng để vừa nuôi ép tăng trọng lại vừa thuần hóa, tạo cho đàn bò cảm giác nghiện, lâng lâng mỗi khi nghe tiếng kẻng leng keng… Thì nhà nước Cộng sản cũng có cây gậy chính sách, có công an, có cả chó nghiệp vụ và đến khi cần thiết, họ cũng bỏ ra một “bát đường dân chủ” để cho nhân dân tha hồ lâng lâng, tự sướng với cảm giác vừa ngọt vừa mau phát béo phì này. Suy cho cùng, bỏ ra một bát đường dân chủ đúng lúc, sẽ làm cho mọi cơn sóng trong nhân dân lắng xuống, thấp thỏm chờ đợi một vận hội mới, thậm chí, nhân dân có thể tin tưởng và tố giác “những thành phần diễn biến hòa bình”. Chuyện đó là rất có thể.
Suy cho cùng, dù gì thì gì, một cái thông điệp “cơm no áo ấm và dân chủ” treo ở cuối năm trong một đất nước luôn có khuynh hướng cư xử bầy đàn bởi đất nước này bị chi phối bởi một thứ luật chơi bầy đàn trung ương tập quyền sẽ có tác dụng vô cùng lớn, nó chẳng khác nào một bát đường treo ở cửa chuồng bò. Ở đây, thay vì bát đường treo ở cửa chuồng để đánh thức cái bao tử thèm ăn của chúng thì cái thông điệp treo ở cánh cửa năm mới, nó sẽ có tác dụng kích thích cơn đói cồn cào mang tính tập thể trong một đất nước vốn bị bóp chặt giữa gọng kìm độc tài, người bóc lột người, dân đen lầm than và chịu nhục.
Phải trung thực mà nói rằng ông Thủ tường Việt Nam rất thông minh, ông biết đánh đúng điểm rơi và yếu huyệt của nhân dân như một cao thủ võ lâm. Nhưng rất tiếc, sự thông minh của ông lại bị dùng cho một mục đích không thành thật và nếu ông là cao thủ võ lâm thật sự thì ông cũng quên mất một điều, tối hậu của võ học là cứu người chứ không phải đánh người, giết người. Nhưng sự lãnh đạo mấy mươi năm nay của nhà nước Cộng sản đều có một mục tiêu: Đánh người! Liệu họ lãnh đạo được bao lâu nữa với lựa chọn này?



Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

VietTuSaiGon - Bút chiến? Ai đánh? Đánh ai?



VietTuSaiGon


Công an ngăn chặn các nhà báo quay phim, chụp hình tại khu vực Nhà hát lớn Hà Nội trong ngày người dân biểu tình chống Trung Quốc, 22/7/20212. - Photo courtesy of cpj.org 

Ngày 9 tháng 1 năm 2013, Hồ Quang Lợi, Trưởng ban tuyên giáo trung ương đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố sẽ thành lập một đội “phản ứng nhanh” để “bút chiến” với các blogger và các cây bút dân chủ. Nghe ra có vẻ rất fair-play và đầy khẩu khí.

Chính lời tuyên bố của ông Lợi vô hình trung tạo ra một đợt sóng ngầm trong giới cầm bút bởi phía các blogger và các cây bút dân chủ nóng lòng chờ đợi xem chân dung đối thủ và so cựa thử tầm mức của họ ra sao, phía các đảng viên Cộng sản bảo thủ cũng nóng lòng muốn được một phen rửa hận bởi lâu nay ngậm miệng ăn xôi và bị đập quá nhiều nhưng nói chẳng ai thèm nghe hoặc không đủ lý luận để tranh cãi. Nhưng, bẵng đi gần hai tháng, mọi việc rơi vào im lặng.

Đùng một cái, Hoàng Hữu Phước, đại biểu quốc hội Sài Gòn kiêm nhà doanh nghiệp lên tiếng, đăng trên blog của ông ta một bài đầy tính mạ lị và trù dập đại biểu Dương Trung Quốc. Bài viết gây sốc này có ba nội dung chính: Chửi bới ông Dương Trung Quốc là kẻ tuy đã cao tuổi nhưng vẫn giữ bốn cái ngu căn bản như trẻ con; Phản đối luật biểu tình vì biểu tình chỉ tổ gây bạo loạn, không mang lại lợi ích nào cho đất nước xã hội chủ nghĩa tiến bộ; Bảo vệ Nguyễn Tấn Dũng và cho rằng ông Dương Trung Quốc đã vô lễ khi đặt vấn đề về văn hóa từ chức.

Xét trên góc độ dân chủ và tiến bộ xã hội, thiết nghĩ không cần bàn thêm về nội dung cũng như thông điệp gói gém trong bài viết của Hoàng Hữu Phước. Vấn đề muốn đặt ra là vì sao ông Phước viết bài này và nhắm đánh vào ông Dương Trung Quốc – một trí thức có tâm huyết và một người hùng trong quốc hội bởi tính cách khẳng khái cũng như đầu óc mẫn tiệp của ông? Động cơ và mục đích đánh ông Dương Trung Quốc?

Cũng nên nhắc đến thái độ của nhà sử học Dương Trung Quốc khi ông này trả lời phóng vấn các báo trong nước, ông vẫn điềm đạm, ôn tồn, không nổi nóng và chỉ lắc đầu tiếc nuối về một đại biểu cao nhất của nhân dân lại nỡ buột miệng thoái mạ người khác trên bài viết như vậy vô tình làm mất đi hình ảnh và uy tín của quốc hội.

Chung qui là một thái độ ôn tồn và kiệm ngôn, đúng mực của một trí thức. Và, chính thái độ cũng như những phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc đã khéo léo vạch ra một trò chơi khác mà đảng Cộng sản đang ngấm ngầm vào cuộc: Bút Chiến.

Khái niệm bút chiến khi Hồ Quang Lợi tuyên bố đầu năm 2013 đã làm nhiều người chú ý và chờ đợi một cuộc bút chiến giữa các cây bút, blogger dân chủ với các cây bút Cộng sản.

Và, nó cũng ít nhiều mang đến một sự mệt mỏi khi nghĩ sâu xa một chút rằng đất nước này sẽ đến bao giờ mới tiến bộ được khi còn cả một đội ngũ cầm bút (đương nhiên là đủ công lực và học thuật để đánh các cây bút dân chủ, tiến bộ, mà làm được điều này, đòi hỏi công năng phải ghê gớm lắm, phải ở vào tầm lực sĩ kéo tàu…), tại sao cho đến bây giờ vẫn còn có người bán rẻ tri thức, bán rẻ nhân phẩm của mình để làm bồi bút, đánh vào lực lượng tiến bộ xã hội….?

Rất may là không (hoặc chưa) phải như thế! Mà dường như, cuộc bút chiến lần này bắt đầu lộ diện với đầy đủ chân dung và bản chất của nó: Đánh vào thành phần tiến bộ trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Vì, hơn ai hết, trung ương Cộng sản Việt Nam biết rất rõ nguy cơ tan rã của mình không chỉ đến từ phía nhân dân mà nó manh nha, âm ỉ ngay trong nội bộ đảng.

Đặc biệt, cuộc chất vấn thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về văn hóa từ chức cũng như nhiều phát biểu có tính cấp tiến của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã nâng tầm đại biểu này lên vị trí người hùng trong quốc hội, không sợ trù dập, dám nói dám chịu trách nhiệm…

Hình ảnh và hành động của trí thức Dương Trung Quốc dù muốn hay không, vẫn trở thành một kiểu biểu trưng, biểu tượng mới trong chính trị Việt Nam, đi xa hơn một chút, hành động của ông như một thứ ngòi nổ đã được kích hoạt, nó sẽ cháy chậm rãi để một lúc nào đó kích nổ toàn bộ những tư duy cấp tiến trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Mà chắc chắn một điều là con số này không phải ít, nó chưa công khai vì một phần do những vết chàm tham nhũng phía trước và một phần nữa vì nhu cầu an ninh tâm lý, an ninh tính mạng. Nếu như tất cả mọi bộ óc cấp tiến đồng loạt bị kích hoạt, không chừng một ngày trời đẹp và trong xanh nào đó, ngườ

Chính vì nhìn thấy mối nguy manh nha và âm ỉ cháy trong nội bộ đảng, nên việc tận diệt, đánh tận nhà, diệt tận gốc những người có đầu óc cấp tiến như ông Dương Trung Quốc là chuyện sống còn của nhà nước Cộng sản.

Việc ông Phước đánh ông Quốc trên bài viết, đúng sai chưa cần biết, nhưng chắc chắn đó sẽ là công trạng đầu tiên trong chiến dịch bút chiến mà Hồ Quang Lợi đã nói trước đó. Và loại người như Hoàng Hữu Phước cũng không phải là ít trong nội bộ Cộng sản Việt Nam, một loại người vừa mê tín vào chủ nghĩa Cộng sản lại vừa tư lợi, cơ hội để được việc, không cần biết phải trái, chỉ cần nịnh được Nguyễn Tấn Dũng (vì làm kinh tế, có cách nào mau giàu và thuận lợi hơn là được lòng Thủ tướng?!) và đảm bảo cơ ngơi được an toàn (vì khi diễn ra cách mạng Dân chủ, chắc chắn một điều là những cơ ngơi chứa đầy mồ hôi và xương máu của nhân dân, được xây dựng từ nguồn tham nhũng, móc ruột ngân sách nhà nước sẽ bị hỏi thăm đầu tiên), loại người này sẽ bất chấp, sẵn sàng đạp lên lẽ phải và chính nghĩa để đi!

Cuộc “bút chiến” này, có lẽ thiên về nội bộ đánh nội bộ, bảo thủ đánh cấp tiến nhiều hơn là Cộng sản đánh Dân chủ.

Vì muốn lấy lực lượng Cộng sản đánh lực lượng Dân chủ trên diễn đàn, e rằng làm thế chẳng khác mấy so với chuyện phơi lưng cho người khác xem ghẻ, và cũng chẳng có cây bút nào trong nhà nước Cộng sản đủ dại dột để tự làm mất điểm của mình khi xông ra nghênh chiến với các cây bút dân chủ, làm thế là tự hủy hoại thang điểm của mình trong nội bộ có ăn học của đảng.

Chỉ có một cách duy nhất là đánh những người như trí thức Dương Trung Quốc để một phần đe nẹt tất cả những bộ óc cấp tiến đang manh nha hoạt động, một phần chặn đứng mối nguy cấp tiến bùng nổ trong nhà nước.

Nhưng, kết cục đi đến đâu, chưa thể nói được, chuyện chống lại tiến bộ nhân loại là một chuyện khá “dũng cảm” và đầy liều lĩnh mà chỉ có người Cộng sản mới đủ “can trường” xả thân cho nó!

Mọi việc vẫn còn, hãy đợi đấy!


Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

VietTuSaiGon - Còn chỗ nào cho Nhân Dân?


VietTuSaiGon

Trong thời đại Cộng sản, ở Việt Nam, khái niệm Nhân Dân có vẻ như lúc nào cũng được viết hoa, cũng được vinh danh: Báo Nhân Dân, Nghệ sĩ Nhân dân, Giáo viên Nhân Dân, Nhà giáo Nhân Dân, Bác sĩ Nhân Dân, Thầy thuốc Nhân Dân, Cán bộ Nhân Dân… Kính thưa các loại Nhân Dân! Thế nhưng, cái khái niệm tưởng chừng được đặt lên hàng đầu này lại bị méo mó, hay nói khác đi là bị lợi dụng, bán rẻ và chịu nhiều thiệt thòi nhất, sự thiệt thòi không nằm ở vị thế, đối tượng gắn với nó mà nằm ngay nội hàm hai chữ Nhân Dân. Có thể nói rằng chưa bao giờ Nhân Dân lại đau khổ và mất đường sống như bây giờ!


Nhìn ra Biển Đông, một màu xám xịt, chẳng có chỗ nào là bình an cho Nhân Dân (ở đây được hiểu là ngư dân, vì đại bộ phận dân lao động Việt Nam đều nằm gọn trong hai chữ Nhân Dân to tướng này!), sắp tới, nguy cơ bị bắt một cách “hợp pháp” trên Biển Đông lại tăng thêm nỗi thống khổ cho bộ phận Nhân Dân này.

Nhìn lại những đầy tớ nhân dân và những ngôi mộ của đầy tớ nhân dân như Hồ Chí Minh chẳng hạn, ông ta thuộc vào loại đầy tớ số một của nhân dân, lăng của ông rộng vài chục ngàn mét vuông giữa thủ đô Hà Nội, nơi giá đất đắt hơn vàng, đó là chưa kể đến khu bảo tàng nằm gần lăng của ông ta, rộng cũng vài ngàn mét vuông, trong đó “bảo tàng” những gì? Vài cái bát bằng kim loại, nói là do đồng bào dân tộc thiểu số tặng, vài bộ áo quần kaki, vài cái giường, vài đôi dép… Nói chung, toàn là những thứ mà nhân dân ngửi vào là ăn mất ngon. Cái lăng và cái bảo tàng lại che lấp mất chùa Một Cột, biến ngôi chùa cổ kính, mang dáng vẻ huyền sử và đã đi vào lịch sử dân tộc trở thành một cây tầm gửi nhỏ nhoi giữa khu vực lăng rộng mênh mông và xa xỉ này!

Chỉ riêng bà bán cửa hàng hoa ngay trước cổng lăng cho biết thu nhập không thôi cũng đủ phát sốt: “Mỗi ngày tôi bán từ năm triệu đồng đến bảy triệu đồng tiền hoa, phần lớn là các đoàn cán bộ khắp các tỉnh thành đến thăm, ngày nào cũng có hai, ba đoàn. Thăm lăng Bác vốn là niềm tự hào của đảng viên mà! Trung bình tôi kiếm lãi từ ba đến bốn triệu đồng mỗi ngày từ tiền hoa”. Chỉ mới hoa thôi, chưa kể đến chi phí chăm sóc, bảo vệ cái xác của ông “đầy tớ số một” này, rồi tiền nuôi đội cảnh vệ gồm ba đại đội luân phiên canh gác, chi phí mỗi ngày, theo một cán bộ bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết là trên một tỉ đồng. Vị chi mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm tỉ đồng. Một con số không hề nhỏ tí nào!

Con số này càng trở nên lớn một cách khủng khiếp đối với những ngư dân đang mất dần phần biển đánh bắt trên Biển Đông. Vì sao lại nói thế? Khoản nào ra khoản đó, nhà nước nào, chính phủ nào cũng có những khoản ngân sách riêng biệt cho từng mục tiêu khác nhau, so sánh như vậy hóa ra nhập nhằng và đánh đồng? Nhưng, trong vấn đề này, nếu như ngân sách Việt Nam đủ giàu, đủ để chi các khoản phúc lợi xã hợi, hỗ trợ kinh tế cho người dân một Cách sòng phẳng thì những khoản trên đây hoàn toàn không đáng kể. Nhưng đất nước đang trong nạn tham nhũng phì đại, kẻ ngoại xâm rình rập ngày đêm, nhân dân còn đói khổ và phải đối đầu với nhiều tai ách. Điều này bắt buộc mọi khoản chi tiêu đều phải căn cứ trên nền tài chính quốc gia để cân đối và dựa vào lương tri nhà nước để điều tiết. Nhưng, dường như không có tố chất và động thái này trong nhà nước Cộng sản Việt Nam, và trên hết, cái chủ nghĩa xây dựng thần tượng, mị dân bằng thần tượng để biến một con người bình thường, nếu không nói là đầy rẫy tội lỗi trở thành một bồ tát, trở thành bình phong chế độ đã khiến cho rất nhiều tiền của, xương máu tích cóp thành đồng thuế, rồi thành ngân sách quốc gia đổ lên cái xác vô nghĩa của ông Hồ Chí Minh một cách không thương tiếc (Nhân Dân)!

Chỉ cần đặt một ví dụ nhỏ, nếu mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm tỉ đồng này dành cho ngành hải quân, biển đảo, tăng cường cơ số lính, nâng cấp vũ khí, đầu tư cho ngư dân trang bị vũ khí phòng vệ… Thì đâu đến nỗi quân đội Việt Nam, hải quân Việt Nam được xem là loại quân đội lạc hậu nhất trên Biển Đông và ngư dân Việt Nam bị xem là loại nhược tiểu, sợ chết, dễ bỏ chạy, thuyền bè lạc hậu thuộc bậc nhất khu vực như hiện nay. Như đã nói trên, khoản nào ra khoản đó. Nhưng với tương quan một bên đổ tiền bạc tỉ để bảo vệ, chăm sóc một cái xác hoàn toàn vô nghĩa, một bên là những con người đang ngày đêm chong mắt bảo vệ tổ quốc, biển đảo nhưng lại lạc hậu, thiếu tốn, thậm chí ăn mắm mút dòi thì chẳng còn gì để vô lý hơn. Vì khi giặc Tàu sang đến Hà Nội, chắc chắn cái lăng ông Hồ không thể xua được bất kì một thằng lính Tàu nào. Và khi giặc Tàu lộng hành trên Biển Đông, cái lăng ông Hồ cũng chỉ là khối đá vô tri, vô giác và… vô duyên!

Đó là chuyện một bộ phận Nhân Dân gọi là ngư dân, quân nhân giữ đảo và cái lăng ông Hồ Chí Minh, chuyện trên biển và trên thủ đô. Cũng chuyện thủ đô, nhưng với đất liền thì càng tội lỗi hơn nhiều, đi dọc theo dãy Trường Sơn, nhìn những dòng sông kẽ răng lược chảy dọc về Biển Đông, trừ những con sông quá nhỏ, còn lại, dường như sông nào cũng có vài ba công trình thủy điện lớn, nhỏ cùng cái túi nước khổng lồ của nó. Nhìn ra xa một chút, Nhân Dân nằm, ngồi la liệt dưới những cái túi nước này trông chẳng khác nào đàn kiến nằm nhỏ nhoi dưới cái máng xối bị kẹt.

Những công trình thủy điện này do ai xây? Xây như thế nào? Hơn 80% nhà thầu xây dựng và công nhân thực hiện các công trình thủy điện này là Trung Quốc, và như thế, cũng đồng nghĩa với hơn 80% tiền bạc trong giai đoạn đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện sẽ chảy về Trung Quốc. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam thất nghiệp đầy rẫy, sinh viên tốt nghiệp đại học phải đi làm mướn, làm trái chuyên môn, thậm chí phải đi rửa chén cho nhà hàng, bưng thức ăn, bưng cà phê. Đại bộ phận thanh niên trong tuổi lao động không có việc làm, không có tương lai. Trong số này, một ít khoắn tiền (có cả tiền đền bù đất đai) của cha mẹ, ăn chơi sa đọa, trác táng, dẫn đến hút chích, trộm cướp, giết người… Điều này vô hình trung ám gợi đến câu hỏi: Xây như thế nào? Thứ nhất, để có được hợp đồng xây dựng các công trình, nhà thầu phải đi đêm, lót túi cho cán bộ nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp trung ương, tùy thuộc vào tầm vóc công trình mà nhét túi, và, trong thứ văn hóa lót túi này, nhà thầu Trung Quốc có vẻ thắng thế mọi nhà thầu các quốc gia tiến bộ. Phần khác, chính sự chỉ đạo từ trung ương xuống, chính mối quan hệ “bốn tốt, mười sáu chữ vàng” giữa chính quyền Cộng sản Việt Nam (mà trên một nghĩa nào đó là chính quyền chư hầu Cộng sản Trung Quốc tại Việt Nam) với chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã dẫn đến một thứ trung ương khác ở phương Bắc điều khiển trung ương nhỏ phương Nam để chỉ đạo, tạo điều kiện cho nhà thầu phương Bắc Trúng thầu.

Hệ quả của việc này là hàng loạt thủy điện xuống cấp mau chóng, trở thành tai họa treo trên đầu Nhân Dân. Thân phận Nhân Dân còn nhỏ hơn con sâu, cái kiến. Trong chuyện này, kẻ được lợi nhất vẫn là nhà nước Cộng sản Trung Quốc và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Và độc đáo nhất là cả hai nhà nước này đều có chung luận điệu rằng họ chỉ là “đày tớ của nhân dân”! Gần đây, thêm công trình điện hạt nhân Ninh Thuận, nguy cơ và hậu quả của công trình này là có thể xóa trắng cộng đồng người Chăm còn sót lại trên lãnh thổ của ông bà họ để lại. Và trong công trình này, chưa chắc đã không có mặt nhà thầu Trung Quốc?!

Trên một đất nước mà đại bộ phận Nhân Dân còn nghèo khổ, thiếu thốn mọi bề, nhưng nhìn ra biển, thấy Trung Quốc, nhìn lên núi, thấy Trung Quốc, nhìn qua đồng bằng, thấy Trung Quốc, nhìn lên tivi, thấy Trung Quốc, nhìn đâu cũng thấy Trung Quốc và Trung Quốc có thể đánh đập, bắt nạt, dày xéo, hành hạ Nhân Dân bất kì giờ nào. Nhưng nhà nước thì vẫn bắt tay, nói cười, hữu hảo với Trung Quốc, thậm chí làm tôi đòi cho nhà nước Trung Quốc. Vậy thì còn chỗ nào cho Nhân Dân dung thân?

Blog Viết Từ Sài Gòn

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

VietTuSaiGon - Nước láng giềng khó chơi


Blog VietTuSaiGon

Từ xưa người Việt đã nói rằng, có hai điều không thể chọn lựa, đó là cha mẹ ruột và nước láng giềng, vì nó đã sẵn như vậy, chẳng thể thay đổi. Chẳng lẽ vì một nước láng giềng khó chơi nào mà chúng ta phải bán nước (như bán nhà) để dọn đi nơi khác.


Trong bài trả lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với báo Tuổi trẻ ngày 25/6 vừa qua, có đoạn như sau:“Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ. Không nhẽ cứ để mãi như vậy, mai kia người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết. Thế đâu có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi. Một bầy sâu là chết cái đất nước này!”

Giương Đông kích Tây
Cũng trong bài trả lời này, ông Sang khẳng định về việc chống tham nhũng: “Dứt khoát phải tiến hành thành công. Ðó là mệnh lệnh của nhân dân. Không thể để nghị quyết trung ương 4 không thành công, là phụ lòng tin của dân, của đảng, là không vì lợi ích của nhân dân, của tổ quốc. Chúng ta không có con đường nào khác, chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải thành công.

Cho dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của đảng, của chế độ và tương lai tươi sáng của đất nước này.

Nhiều cử tri TP.HCM đã nói thẳng với tôi ‘một số cán bộ có ăn (hối lộ) thì cũng ăn vừa phải thôi. Ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn’, nghe thật xót xa, đau đớn và xấu hổ. Do vậy, nhất định phải làm trong sạch đảng, trong sạch bộ máy nhà nước, không còn cách nào khác”.

Nhìn từ lòng dân, thì đây là một lời nói có tính khích lệ, an ủi… đúng lúc, để phần nào “dìm” cơn phẫn nộ Trung Quốc về việc mời thầu trên biển Đông, mà nhiều người dự kiến sẽ biểu tình vào ngày 1/7/2012.

Với việc mời thầu của Trung Quốc, nhiều ý kiến trong nội bộ đảng cũng tự an ủi với nhau rằng, đó là cách giương Đông kích Tây thôi, chứ chẳng có “nước ngoài” nào nhảy vào khu tranh chấp để thầu đâu.

Việc này cũng giống như mỏ Núi Pháo vừa qua, dân chúng thì khiếu kiện và biểu tình tùm lum, nhóm của Nguyễn Thanh Phượng vẫn bán sang tay thành công cho “nước ngoài” đấy thôi. Quan trọng ở đây là “nước ngoài” nào, khi mà với các nhóm phe phái như hiện nay, họ có trong tay hàng tá quốc tịch, tài khoản ở hàng trăm ngân hàng quốc tế, việc lập nên một công ty “nước ngoài” còn dễ hơn trở bàn tay. Tài nguyên và tài sản của nhân dân, họ thâu tóm và tự bán cho chính mình để lấy tiền lời hợp pháp, thì có 100 bộ máy chống tham những cũng sẽ là “không thích hợp”.

Trung Quốc không danh chính ngôn thuận đứng ra thầu khai thác biển Đông, nhưng trong cái quyền còn nhiều ngụy biện và lấp lửng “cùng nhau khai thác” này, họ tự lập các công ty “nước ngoài” là quá dễ. Nếu Việt Nam không cương quyết, khi họ đã tự lập các công ty nước ngoài rồi, việc thầu với chính họ thì đâu còn gì để nói.

Cho nên, với việc chống tham nhũng cũng vậy, phải cấp tiến hóa và cập nhật hóa thì mới mong hiểu được tình hình hiện nay, chứ bảo thủ hóa theo hướng của ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang (theo nghĩa tham nhũng là cầm phong bì tiền mặt) thì con lâu mới chống được. Bởi mọi luật lệ về tiền bạc nói chung của Việt Nam vẫn còn phải chấp nhận 5 đến 10% tiền “bôi trơn” hợp pháp, đó là chưa nói tiền lãi hợp pháp, mà thực chất giống như câu chuyện hai bợm nhậu tự bán rượu cho mình, từ tờ mờ sáng cho tới khuya, chỉ có một đồng được giao dịch mà hai gánh rượu thì đi tong.

Nếu thiếu hiểu biết và thiếu thông tin, việc “giăng lưới” chống tham nhũng mãi mãi chỉ bắt được những con cá thí, chứ bầy đàn cá và cá lớn thì phải chịu thua. Tự nó cũng là trò giương Đông kích Tây mà thôi, bởi đánh động ở chỗ này thì chỗ kia đã thu xếp xong mọi sự.

Thay đổi chế độ
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn của ông Sang, cái ý ngầm và cũng là ý hay nhất mà ông nói đến, đó là tham những có thể làm thay đổi chế độ, đảng phái.

Không phải ngẫu nhiên mà ông nói ra điều này, nó xuất phát từ nội bộ đảng đang chia rẽ nghiêm trọng. Chính TT Nguyễn Tấn Dũng đã vài lần phát biểu mình là người đứng đầu nhà nước, đành rằng nhà nước chưa phải là đảng, chưa phải chế độ (trong hình thức bộ tam quyền lực tại VN, khi còn có Tổng bí thư, Chủ tịch nước ở đó).

Rõ ràng phe cánh của ông Dũng đang ngày càng mạnh lên vì nó dính trực tiếp tới tiền và những vụ ép phe hàng vô số tỷ USD. Trong khi ông Trọng và ông Sang thì thân cô thế cô, vì không điều phối được đồng tiền của quốc gia.

Tại Việt Nam đang nổi lên một câu ngạn ngữ mới: “Chúng ta không sống bằng lương, nhưng vẫn sống bằng lương đấy”. Bởi với mức lương như hiện nay, có lý tưởng hóa cỡ nào đi nữa, thì cũng chỉ đủ cho khoảng 49% nhu cầu của một người công chức - viên chức, trong khi họ có cả gia đình phải lo.

Cái câu “một người làm quan cả họ được nhờ” vừa sai vừa đúng trong bối cảnh hiện nay. Sai là vì lương thấp, giúp được ai, mà đúng là vì bổng lộc, quyền lợi ngầm rất nhiều. Chính một bộ máy đang loay hoay với đồng lương, mà nhóm chống tham nhũng lại không có tiền để nâng lương, thành ra nói đâu mấy người nghe. Bộ máy ở dưới vừa muốn sếp của mình chống tham nhũng thành công để có tiền tăng lương, họ vừa lo kiếm bổng lộc hàng ngày để đủ sống, để dư giả, nên đầy mâu thuẫn.

Trong cuộc họp trung ương đảng gần đây, một đảng viên cao cấp tiết lộ cho biết có hơn 100 ngàn đảng viên (cả nước có khoảng 3,6 triệu đảng viên) bị kiểm điểm do sai phạm, biến chất; có khoảng 135 đảng viên cao cấp gây mất đoàn kết nội bộ đảng. Nội bộ mất đoàn kết và mâu thuẫn gay gắt, ai cũng muốn thủ thế cho riêng mình, đó là điều đương nhiên.

Cho nên cuộc chiến chống tham những, cũng giống như cuộc chiến với nước láng giềng xấu tính, không chỉ đến từ những cái sai phạm, biến chất, mà còn đến từ những thứ tưởng như tốt đẹp.

Chưa có chứng cứ gì cụ thể, nhưng cũng khó để không nghi ngờ việc hệ thống tham nhũng không nhúng tay vào việc “Trung Quốc mời thầu trên biển Đông” - nơi thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bởi lịch sử đảng cũng cho thấy, đã có nhiều chóp bu của họ sẵn sàng dâng hiến, buôn bán biển đảo của đất nước.

Chính vì vậy, khi ở gần một nước láng giềng khó chơi như Trung Quốc, thì từ việc nội bộ như chống tham nhũng cho đến bảo vệ biên cương hải đảo đều cần phải làm từ gốc. Mà cái gốc ở đây là tiềm lực, là đồng tiền của người dân đang bị cơ chế độc đảng và một nhóm ít quyền lực điều phối theo hướng có lợi cho tham ô, móc ngoặt của bản thân họ. Nhìn theo hướng này sẽ thấy những phát biểu như của ông Sang vừa tội nghiệp vừa ảo tưởng, vì nó chỉ đi lòng vòng bên ngoài, kêu la than khóc, chứ chưa thực sự đi vào “tâm bệnh” để trị dứt điểm.

Mà “tâm bệnh” ở đây là chế độ, ông Sang đã nói đến “thay đổi chế độ”, nếu việc chỉnh đốn nội bộ bất thành. Mà cơ hội để thành thì khá mong manh.