Hiển thị các bài đăng có nhãn Viet-Studies. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Viet-Studies. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

Boristo Nguyễn (Moscow): Một Vài Suy Nghĩ Về Việc Chống Covid-19 tại Việt Nam

Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam hiện rất căng thẳng, diễn biến theo chiều hướng xấu, không như trước. Là con dân Việt, người Việt Nam sống xa quê cũng rất lo lắng, quan tâm đến tình hình dịch bệnh đang bùng phát ở Việt Nam.

Tôi xin trình bày một vài suy nghĩ, hy vọng sẽ có ích cho việc tổ chức phòng dịch Covid tại Việt Nam.

Để có những phương án, chiến lược chống dịch được tốt, theo tôi phải có cách nhìn hệ thống, xuất phát từ việc đánh giá hiện trạng, khả năng của hệ thống y tế - xã hội, xác định thật đúng mục tiêu rồi mới đưa ra các phương án, kịch bản chống dịch cho thích hợp.

ĐẶC THÙ của Covid-19:


- Coronavirus có tỷ lệ tử vong trên tổng số người bệnh tương đối thấp, tùy từng nước dao động trong khoảng 1%-3%. Tỷ lệ này ít hơn nhiều so với một số virus khác, chẳng hạn như Ebola hơn 70%. Tỷ lệ người mắc Covid không có triệu chứng hay bị nhẹ rất lớn, nhất là người trẻ và trẻ em. Có thể nói, coronavirus là loại virus yếu, khả năng gây tử vong hay bệnh nặng không lớn. Nhưng đây lại chính là điều nguy hiểm, gây tác động rất lớn cho xã hội. Vì nhiều người bị mắc bệnh mà không biết nên chủ quan trong việc giãn cách, hạn chế tiếp xúc, và họ biến thành nguồn phát tán, lây bệnh. Kết quả là tổng số người mắc bệnh rất lớn và số tử vong cũng vậy.

- Và cũng vì người bệnh không có triệu chứng nên việc xác định chính xác số người dính Covid là khó, nên khả năng bỏ sót, không phát hiện hết người bệnh là rất lớn. Khi số người mắc bệnh lọt ra cộng đồng đủ lớn thì việc truy tìm, đuổi bắt sẽ không còn hiệu quả.

- Hiện chưa có thuốc đặc chủng, phác đồ điều trị đảm bảo có hiệu quả cao.

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Nguyễn Khoa: Người Việt Nam cấp tiến là ai?

Cấp tiến (progressive) là từ phương Tây để chỉ khuynh hướng chính trị xã hội cởi mở hơn so với những quan điểm có trước đó. Sự cởi mở đó là cái nhìn thân thiện với những cộng đồng thiểu số, ủng hộ công bằng xã hội nhiều hơn, tự do tư tưởng nhiều hơn,… Đó là cách tôi hiểu từ này, và tôi cho rằng cũng có khá nhiều người Việt hiểu như vậy.

Tuy nhiên, bên cạnh cách hiểu như thế, còn có cách nhìn các nhóm cấp tiến được phân chia theo sơ đồ Tả/Hữu, cũng của phương Tây về chính trị xã hội. Trong sơ đồ này, các nhóm cấp tiến được xếp về phía bên trái, tức là cánh tả, mà trong đó ý thức hệ cộng sản cũng được định vị.

Vì thế nhiều người Việt tin là các nhóm cấp tiến, cánh tả, là gần với chủ nghĩa cộng sản, tệ hơn nữa là gần với kiểu cai trị toàn trị của các nhà nước cộng sản theo mô hình Soviet của Lenin, của Đệ tam quốc tế. Ví dụ rõ ràng nhất về niềm tin này của người Việt là khuynh hướng của họ trong cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2020 vừa qua. Rất đông người Việt, trong lẫn ngoài nước, nhìn theo cái nhãn dán của Donald Trump cho các đối thủ chính trị là cộng sản, họ tin rằng Bernie Sanders, Elizabeth Warren, Alexandra Ocasio-Cortez (AOC),… thậm chí đến Joseph Biden là… cộng sản.

Tương tự như vậy, khá đông người Việt nhìn các chính phủ Tây Âu, Bắc Âu có khuynh hướng cấp tiến, đánh thuế cao để lấy phúc lợi xã hội, là… xã hội chủ nghĩa (kiểu Việt Nam, Trung Quốc), là gần với… cộng sản.

Ở đây chúng ta không đi vào những phân tích kiểu lý thuyết kinh tế chính trị với những quan điểm khác nhau, có thể kéo dài không dứt những buổi tranh luận. Chúng ta đặt khái niệm cấp tiến như là ở đoạn mở đầu: cởi mở về cách sống, tự do về tư tưởng, ủng hộ phúc lợi xã hội,… Ngoài ra tư tưởng cấp tiến cũng thường dính vào những hoạt động kiểu như bảo vệ môi trường (vì nó là phúc lợi xã hội), hay là chống chiến tranh, chống đàn áp bằng bạo lực. Từ việc hiểu như vậy, chúng ta thử đi tìm xem có những người Việt cấp tiến hay không, họ có phải là, hay gần với cộng sản hay không, mà cộng sản là cộng sản nào?

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

Nguyễn Khoa: Cách mạng từ trên xuống ở Việt Nam

Đầu tháng 5/2021, nhà báo Huy Đức có viết một status trên Facebook của ông, đề nghị một cải cách cho nền hành chính công ở Việt Nam.

Status khá dài, tựu chung thì ý chính là việc bổ nhiệm các viên chức hành chánh ở các bộ của chính phủ trung ương, ở các sở của các tỉnh, nên xem là những viên chức chuyên nghiệp chứ không phải là nhà chính trị. Áp dụng được điều này, theo ông Huy Đức, là để tránh “tư duy nhiệm kỳ”, nôm na là “có làm tốt thì hết nhiệm kỳ thì hết chuyện, việc gì phải cố”.

Nếu tôi không lầm thì đây là mô hình được áp dụng ở hầu hết các nền dân chủ phương Tây, trong đó các nhà chính trị cứ cạnh tranh nhau, nhưng các viên chức hành chánh và chuyên môn thì làm việc không lệ thuộc vào ý thức hệ của người đó. Trong status ông Huy Đức kèm theo hai từ tiếng Anh là career (viên chức chuyên nghiệp) và political appointee (viên chức được bổ nhiệm theo đảng phái chính trị).

Ông Huy Đức cho rằng các nhà chính trị Việt Nam trong mô hình này cạnh tranh, “vận động” trong Đảng (cộng sản) để đạt được vị thế appointee.

Theo tôi ông Huy Đức sai ở vài điểm.

1/ Ở Việt Nam chỉ có một đảng, không thể so sánh các cuộc cạnh tranh chính trị trong các kỳ bầu cử công khai ở phương Tây và các cuộc tranh giành, ông Huy Đức gọi là vận động, kín như bưng ở các kỳ đại hội đảng ở Việt Nam.

2/ Ở Việt Nam toàn bộ các viên chức nhà nước, từ cấp sở của các tỉnh lên đến các bộ của chính phủ trung ương đều là … chính trị gia cả, vì họ đều là đảng viên Đảng cộng sản cả. Hiện nay khi một người quyết định vào Đảng Cộng sản, thì trong tâm trí anh ta/chị ta là để bảo đảm con đường hoạn lộ sau này. Điều thú vị là con đường hoạn lộ đảng viên có vẻ cũng phát triển sang cả các công ty tư nhân Việt Nam, khi mà các công ty này cũng có chi bộ đảng.

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Nguyễn Khoa: 30/4 điểm lại câu chuyện dân chủ hóa Việt Nam

Hiển nhiên ngày 30/4/1975 là ngày chế độ toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức lên ngôi trên toàn cõi Việt Nam, là ngày mà những người yêu mến định chế dân chủ lên tiếng đấu tranh, nhưng tiến trình dân chủ hóa Việt Nam không phải bắt đầu từ sau khi Việt Nam Cộng hòa, thử nghiệm dân chủ đầu tiên tại Việt Nam, bị sụp đổ. Những tư tưởng dân chủ hóa đã bắt đầu trong lòng chế độ toàn trị từ khi nó mới thành lập. Các phong trào Nhân văn Giai phẩm, hay là cuộc đấu tranh giữa hai nhóm gọi là “xét lại” và “bảo thủ” tại miền Bắc Việt Nam, trong giai đoạn 1954-1975, dễ dàng được mọi người công nhận là minh chứng cho đòi hỏi dân chủ ấy.

Nhưng sau năm 1975, và nhất là trong 10 năm gần đây thì không khí sôi động hơn. Thử điểm lại một vài sự việc, hiện tượng của tiến trình dân chủ hóa chống toàn trị tại Việt Nam trong hơn 40 năm qua.

Vấp phải khó khăn về kinh tế, tiếp xúc với nền kinh tế thị trường tại miền Nam Việt Nam, cũng như không khí tự do hơn ở miền Nam so với miền Bắc, có những toan tính từ trong nội bộ đảng Cộng sản cầm quyền nhằm dân chủ hóa đất nước. Ta có thể kể đến Câu Lạc Bộ NhữngNgười Kháng Chiến Cũ, trong đó có ông Nguyễn Hộ bị bắt giam, toan tính cải cách của ông Trần Xuân Bách, nhân vật suýt lên làm tổng bí thư đảng. Ngoài ra còn phải kể đến kiến nghị dân chủ hóa của nhóm “Việt kiều phản chiến” từ nước ngoài vào khoảng năm 1990.

Việc phản kháng chống lại chế độ toàn trị cũng theo chân những người tị nạn ra nước ngoài, mà lớn nhất là Mặt trận Hoàng Cơ Minh trong những năm 1980. Mặt trận này được thành lập ở nước ngoài và toan tính dùng đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ cộng sản trong nước. Cuộc đấu tranh của Mặt trận Hoàng Cơ Minh thất bại với nhiều bê bối, trong đó có hai vụ tai tiếng nhất là giấu cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, và những tranh cãi, đồn đoán về sự không minh bạch khi gây quỹ làm “kháng chiến” (đấu tranh vũ trang).

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Nguyễn Khoa: Cấu trúc quyền lực “lõi” Cộng sản

Quyền lực chính trị ở Việt Nam dựa trên căn bản một đảng cai trị, và sự chia chác quyền lực (và lợi) … trong phòng kín. Vì thế hay sinh ra những thuyết âm mưu phe này phe kia, ông này bà nọ, … Hơn nữa truyền thông của Đảng Cộng sản, xuyên suốt từ khi đảng này tồn tại đến giờ, bao phủ bởi những từ ngữ, ở nơi khác thì bình thường, nhưng ở các quốc gia Cộng sản thì trở nên bí hiểm: Đảng, Chính phủ, Nhà nước,… bên cạnh những từ bí hiểm thật sự: Ban Bí thư, Ban Tổ chức, Nội chính, Ban Kiểm tra,… càng làm cho sự hình dung của người bên ngoài, trong và ngoài nước càng trở nên mờ ảo.

Có một cách quan sát cấu trúc quyền lực tại Việt Nam khá chính xác, đó là căn cứ theo trật tự các nhân vật được công bố.

Với cách quan sát này tôi thấy có một cấu trúc tạm gọi là lõi quyền lực.

Trong cùng của lõi này là Bộ Chính trị, rồi đến Ban Bí thư, và bên ngoài là Ủy ban Trung ương Đảng. Trong ba lớp này, hai lớp trong cùng có trật tự dọc, lớp bên ngoài thì không có trật tự dọc mà là trật tự ngang bằng nhau. Ba lớp này nói chung là lồng vào nhau, hai lớp bên trong lồng vào nhau nhưng không khít, chỉ có một số ủy viên Bộ Chính trị nằm trong Ban Bí thư mà thôi, nhưng toàn bộ các ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư đều là ủy viên Trung ương, cái vỏ ngoài cùng.

Hãy quan sát cách báo chí Việt Nam công bố danh sách ba lớp vỏ đó. Trật tự sẽ là người có quyền nhất được hài tên trước ở Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhưng đến danh sách Trung ương Đảng thì xếp theo vần chữ cái.

Có lúc người ta quan sát danh sách đi đưa đám, hoặc trật tự vào lăng ông Hồ để định vị trí quyền lực, nhưng cách này dường như không chính xác nữa.

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Loạt bài hai kỳ về con đường chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng (Anh Khoa và Khánh An dịch )

Hai bài gốc đăng ở trang The Diplomat.



Phần một: Sự thăng tiến liên tục của Nguyễn Phú Trọng



Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua các suy nghĩ thông thường và trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất như thế nào.

Khi năm 2021 bắt đầu, các nhà quan sát chính trị Việt Nam vẫn còn tự hỏi ứng cử viên nào có thể phù hợp để kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng sau khi ông hoàn thành nhiệm kỳ tổng bí thư thứ hai của ĐCSVN.

Theo điều lệ Đảng, Tổng Bí thư giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Vì vậy, ít ai hình dung rằng ngày 31/1, trong Đại hội đại biểu toàn quốc 5 năm một lần của Đảng, ông Trọng lại đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba hiếm hoi trên cương vị chính trị quyền lực nhất đất nước. Đảng đã dành cho ông trường hợp ngoại lệ trong khi theo quy định của Đảng, lãnh đạo chủ chốt tái cử thường không quá 65 tuổi.

Tại một cuộc họp báo sau đó, ông Trọng cho biết ông không trông mong nhận nhiệm kỳ thứ ba, ông muốn nghỉ hưu vì “cũng không được khoẻ lắm, tuổi đã cao rồi”. Nhưng ông tuyên bố rằng đại hội muốn bầu lại ông, và “Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành”.

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Sao Băng: Đoạt mạng trước thềm Đại hội 13

Đột tử trên ghế Chủ tịch nước, Trần Đại Quang vẫn kịp có lời nguyền cuộc chiến đoạt ghế sẽ là cuộc chiến đoạt mạng. Lời nguyền này của Quang được chứng khi trong đêm đại tang, sét bủa vây trên bầu trời Hà Nội.

Đại hội 13 ngày càng giống ngưỡng cửa tử thần.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Phú Trọng công cán Kiên Giang lại ngã bệnh đến mức giờ tay vẩy vẩy như cào cào gãy cánh. Vậy nhưng, cũng như Napoleon của nước Pháp thế kỷ 19 và Putin của nước Nga thế kỷ 21 “một khi ta đã có tột đỉnh quyền lực thì ta không thể từ bỏ, không thể cam tâm từ bỏ”.

Họp Trung ương, ông ta chỉ có thể ngồi vì hai chân đã không thể đứng dù chỉ vài phút. Ngồi và dạy đời Trung ương, nào là “đừng tưởng thấy đỏ là chín”, nào là “đừng nhìn gà hóa cuốc”, nào là “có con mắt tinh đời”, nào là “đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài nó che đậy cái mã sơ sài bên trong”.

“Con mắt tinh đời” thế nào thì không biết, chỉ biết là lũ người dưới ông giờ đồng lòng, mồm thì bảo nhau một điều Tổng Bí thư, hai điều Tổng Bí thư và thượng tôn nguyên tắc “giữ gìn sức khỏe cho Tổng Bí thư”, tay chân thì cứ thế lẳng lặng chia nhau quyền lực, chia nhau thị phần. Tóm lại, chia để trị, còn ông lên chùa thành phỗng.

Nhưng thời kỳ chia đều để trị chỉ kéo dài đến Đại hội, trong bó đũa phải có cột cờ. Nếu Đại hội này Trần, Nguyễn phân tranh không bên nào thế thượng phong, tất cả sẽ đều đồng thanh tương ứng, nhất nhất đồng lòng mời phỗng ngồi thêm nhiệm kỳ nữa cho toại ý Đảng, đẹp lòng dân.

Trước khi toại ý Đảng, đẹp lòng dân thì cứ phải quyết tử với nhau đã.

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Trần Văn Chánh: Nhà Đương Cuộc Cộng Sản Việt Nam
Không Phạm Sai Lầm Và Cũng Không Đổi Mới

Khoảng 20 năm nay, tôi đã viết hàng trăm bài đăng trên các báo chí công khai trong nước (kẹt lắm không đăng đâu được mới phải gởi lên mạng internet vài ba bài), phần nhiều thuộc loại chính luận, liên quan đủ mọi vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng, theo hướng phê bình góp ý thẳng thắn cho các nhà đương cuộc với ước mong đất nước Việt Nam chúng ta ngày một khá hơn và người dân lao động bớt phải lao đao lận đận trong một trong một xã hội tiếng là xã hội chủ nghĩa nhưng đầy rẫy bất công mà hố ngăn cách giàu nghèo ngày một thêm giãn rộng, các hiện tượng tham nhũng tiêu cực ngày một thêm gia tăng, tội ác và đạo đức xã hội xuống cấp như lao dốc đến mức vô phương cứu chữa!

Trong khi vận dụng ngòi bút một cách đầy thiện ý như vậy, tôi đã cố ý không dùng tới chữ Đảng (hay Đại hội Đảng, Nghị quyết Đảng. Điều lệ Đảng…) vì không muốn trực tiếp đụng chạm vào cái gọi “vùng cấm”, một thứ cấm kỵ vô hình không có văn bản pháp luật quy định mà ai muốn góp ý gì cũng phải liệu hồn! Và để tránh dùng chữ “Đảng” vốn mang một hàm ý đỏ hoét và dữ dội, tôi đã phải thay thế bằng một số từ ngữ nghe nhẹ nhàng hơn, như Nhà nước, Chính phủ, hoặc “nhà cầm quyền”, “nhà đương cuộc”, “nhà chức trách”, hoặc lịch sự hơn nữa là “những người có trách nhiệm”…

Tôi chỉ là một phần tử quá bé nhỏ, một công dân không chức vụ, cùng lúc và song song với tôi còn có hàng trăm, hàng ngàn vị nhân sĩ trí thức, cán bộ công nhân viên chức nhà nước và thường dân, họ cũng tận tình góp ý vì được nhà cầm quyền “của dân, do dân, vì dân” khích lệ, mục đích là để góp phần đổi mới diện mạo đất nước về các mặt chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội…. Nhưng sau nhiều chục năm tỏ bày trung thực chính kiến đủ kiểu đủ nơi, mọi người đều cảm thấy rõ ý kiến của mình dường như lạc lõng vô vọng trước sự lúng túng bất lực của cái tổ chức thành trì xơ cứng có trách nhiệm lãnh đạo toàn diện đất nước, vì những điều gì cần được khắc phục thì trái lại chỉ có tăng thêm hoặc biến tướng một cách thiên hình vạn trạng (như nạn đặc quyền đặc lợi, chạy chức chạy quyền, tham nhũng hối lộ, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, nhiễm độc thực phẩm, bằng dỏm bằng giả, gian lận thi cử…), số cán bộ cấp cao vào tù ngày một đông thêm, tệ nạn xã hội không giảm… Giả định đem tất cả những điều mọi người góp ý phân loại ra gom lại thành sách, thì cũng phải trên chục ngàn quyển dày cộp, phải xây một thư viện “dân ý” rộng bằng thư viện quốc gia chứa cũng không đủ!

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

Huỳnh Bửu Sơn: Bài Học Từ Đại Dịch

Vào giữa tháng 3 năm 2020, khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, ông bạn già của tôi, Nguyễn Đại Thức, lúc đó đang ở Houston, Texas, gửi cho tôi qua viber một tin nhắn bằng tiếng Pháp, kèm theo bức ảnh nhà tiên tri người Pháp Nostradamus. Nội dung tin nhắn như sau :

“Nostradamus đã viết vào năm 1555 như thế này: “ Sau này, vào một năm sinh đôi ( 2020 ), một nữ hoàng ( corona ) đến từ Phương Đông và phát tán một vết thương trong bóng tối của đêm đen, trên xứ sở của 7 ngọn đồi và sẽ biến thành tro bụi hoàng hôn của con người, để tàn phá và hũy diệt thế giới. Đó sẽ là dấu chấm hết cho nền kinh tế thế giới mà bạn đã từng biết.”

Lời tiên tri của Nostradamus nói về sự xuất hiện của virus Corona mới ( Covid 19 ) từ Trung Quốc làm chết nhiều người , đặc biệt là tại một quốc gia có 7 ngọn đồi ( nước Ý ), làm nền kinh tế thế giới bị hủy hoại và thay đổi sâu sắc. Cũng giống như lời tiên tri được phát tán sau khi tòa tháp đôi bị tấn công hay khi Trump đắc cử tổng thống thứ 45 của Mỹ, chúng thường được nhiều người tin, mặc dù chỉ được phát hiện sau khi biến cố xảy ra. Mỗi khi có một thảm họa lớn ảnh hưởng đến sinh mạng nhiều người, con người thường có xu hướng tin vào sự tất yếu của việc xuất hiện thảm họa như một định mệnh không thể tránh được. Một số người tin rằng sự tất yếu đó được quyết định trước bởi một Sức Mạnh Tối Cao nhằm trừng phạt con người vì những tội lỗi không thể dung thứ của nó. Một số người khác tin rằng sự trừng phạt đó chỉ đơn giản là hậu quả của Nghiệp lực, kết quả của những hành động sai trái được con người lập đi lập lại nhiều lần đối với Thiên nhiên và đối với chính nó! Dù là định mệnh hay quả báo, tôi nghĩ rằng cơn đại dịch này dạy cho con người 2 bài học, một bài học đến từ Thiên Nhiên và một bài học đến từ chính Con người.

Virus Vũ Hán đã không lây lan cho con người nếu người Hoa vùng Hồ Bắc không có thói quen ăn thịt các loài động vật hoang dã, mà trong trường hợp này, đã bị nhiễm virus từ dơi. Tại Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, nhiều người cho rằng ăn uống một bộ phận thân thể của động vật hoang dã như máu , xương, sừng, lục phủ ngũ tạng… sẽ giúp tăng cường sức khỏe, trị bá bệnh, kéo dài tuổi thọ của con người. Việc uống tươi máu rắn, máu con xuyên sơn giáp và nhiều chủng loại hiếm khác, hay ngâm rượu các loài rắn độc, sừng tê giác, mật gấu, xương cọp để uống như thuốc bổ, là rất phổ biến .Sự mê tín cộng đồng đó dẫn đến hành động tàn sát động vật hoang dã, một hành động diệt chủng mà cho đến gần đây, cả thế giới mới đồng thanh cho là tội ác và lên án. Trọng tội này, xuất phát từ lòng tham si của con người, không những đưa đến sự tàn phá môi trường, hủy diệt các chủng loài động vật quý hiếm mà còn làm phát tán, lây lan dịch bệnh từ động vật sang người.

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

Nguyễn Trung: Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật

Đấy là kết luận quan trọng nhất tôi rút ra được từ cuộc chiến gần ba tháng nay nhân dân ta gồng mình lên chống dịch bệnh covid-19 và cứu kinh tế, cứu chính mình, tất cả với tinh thần “Chống dịch như chống giặc!”

“Chúng ta” ở đây tôi hiểu là cả nước không phân biệt một ai – từ người dân bình thường hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ, đang thực hiện mọi cố gắng quyết liệt nhất có thể trong tình hình khẩn cấp hiện nay, vừa chống dịch vừa cứu kinh tế, tự bảo vệ mình.., cho đến toàn thể các chiến binh đang trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch – từ các nhà khoa học, những thầy thuốc và đội ngũ y tế, đến các quân nhân và các đơn vị quân đội, toàn bộ các cán bộ công nhân viên chức đang trực tiếp tham trận.., từ những nông dân trên đồng ruộng và công nhân trong mọi xí nghiệp, cho đến những người làm khoa học kỹ thuật, những người điều hành các đơn vị kinh tế, những thành viên thuộc giới chủ mọi tập đoàn kinh tế tư nhân hoặc quốc doanh, những cán bộ viên chức nhà nước.., cho đến các thành viên Chính phủ mà người đứng đầu là Thủ tướng!

Sẽ không phải là đại ngôn, nếu nói rằng: Gần ba tháng nay, 24/24 giờ, chúng ta như thế trong cả nước đã vào trận, quyết chống dịch với tất cả ý chí và nghị lực có thể, và đã thu được thắng lợi bước đầu:

Cho đến nay nước ta cơ bản vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh covid-19 với kết quả cao nhất có thể, hạn chế được thiệt hại ở mức thấp nhất, và cũng là nước đang thành công nhất so với hơn 100 nước đang phải cùng nhau chống đại dịch toàn cầu (pandemic) hiện nay!

Thắng lợi bước đầu này cho chúng ta niềm tin và củng cố hơn nữa ý chí của chúng ta tiếp tục quyết chống đại dịch, cứu kinh tế, gìn giữ đất nước, bảo vệ bản thân mình trong cơn chấn động toàn cầu này! Quan trọng hơn thế nhiều lần, thắng lợi bước đầu này gặt hái cho chúng ta bài học sống còn của chính mình:
Có được thắng lợi này, nguyên nhân hàng đầu là chúng ta có ý chí dám đối mặt với sự thật, bởi vì đại dịch là thực tế khách quan, để sống sót chúng ta chỉ có sự lựa chọn duy nhất phải dám đối mặt với nó, quyết chống lại nó!

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

Lập Quyền Dân: Quyền, Tiền và Bệnh thành tích

Cả ba căn bệnh không chỉ bóc trần những lỗ hổng chết người trong chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Những căn bệnh ấy còn bộc lộ các tử huyệt của chế độ, chiếu rọi vào những vụ tham nhũng quyền lực và lãng phí tiền thuế của dân đen. 

Đêm và rạng sáng ngày 7/3/2020 có nét gì đó hao hao với đêm và rạng sáng ngày 9/1/2020. Cả hai sẽ đi vào lịch sử như “cái đêm hôm ấy đêm gì”. Sự cố 7/3 không chỉ soi rọi những khuyết tật đáng sợ trong đợt chống dịch, mà cả hai đại hoạ này sẽ còn được nhắc đến như những cột mốc đáng nhớ trong cuộc chiến chưa biết đâu là “trận cuối cùng”, chống lại những lỗ hổng chết người của chế độ. Quyền, tiền và chạy theo thành tích đã gây ra cuộc hành quyết man rợ ở thôn Hoành, Đồng Tâm giáp Tết Canh Tý. Nay, cả ba căn bệnh ấy tiếp tục đoạ đầy dân Việt. Cậu ấm cô chiêu (rich kids) kiểu Hồng Nhung, nấp dưới tiền và quyền, lọt được mọi thủ tục và luật lệ sau khi rời máy bay, đã gây ra tai hoạ. Một nửa số hành khách cùng khoang thương gia với Nhung có dấu hiệu lây nhiễm. Kẻ thứ 21 lại là một phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Tay này khi về thành phố đã “kịp” họp với 42 trưởng lão ở độ tuổi dễ xẩy ra rủi ro nhất. 

Từ chuyện bệnh nhân số 21 trùm về “ní nuận” (tay Tuấn này không phát âm nổi chữ “lờ”), thần dân nước Việt biết thêm một số điều nghịch lý. TS. Nguyễn Ngọc Chu nêu câu hỏi: Tại sao đoàn nước ta đi học tư bản để trình đại hội đảng kế hoạch xây dựng CNXH, mà không thấy đoàn các nước tư bản sang ta học hỏi để về xây dựng CNTB ở nước họ, trong khi ta vẫn khẳng định, CNXH ưu việt hơn? Những người chuẩn bị văn kiện không đi chuyến công tác này thì có ảnh hưởng gì đến đại hội 13 không? Trước đây, chưa biết tư bản là gì, thì đi cho biết. Nay mở cửa đã 30 năm, CNTB đã tràn ngập vào nước ta, lại vào thời đại Internet, ngồi ở nhà cũng thấy được từng m2 trên thế giới, cớ gì phải đến tận nơi? Từ đó, TS. Chu kết luận: “Công tác nước ngoài là một hình thức tham nhũng để hưởng thụ… rất nhiều người đã núp trong vỏ bọc công tác nước ngoài, dùng tiền ngân sách tiêu xài cho sự xa hoa thịnh vượng cá nhân”. 

Sao Băng: Đại hội 13 và cuộc chiến với ma

Vẻ mặt như tượng sáp, giữa cái đêm giao thừa kỳ dị chưa từng có với mưa như trút, ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc tết bằng lời “sấm truyền” mà ông hết sức khiêm nhường bảo đó là nôm na mượn của ông Hồ, rằng “năm nay cả nước chắc càng thắng to”. 

Lời “sấm truyền” đã trở thành lời rủa ứng ngay tắp lự. Từ quý mở màn của năm 2020, cả nước “thắng to” trong cuộc chiến với Covid- 19 mà nhiều bác sĩ nói đó là “cuộc chiến với ma”. Đó không chỉ là con ma dưới góc nhìn y khoa, mà đó thực sự là con ma phủ bóng lên Đại hội 13. Giống như thể oan có đầu, nợ có chủ, con bệnh đầu tiên của Hà Nội xuất phát ở “vùng đất thánh” Ba Đình và “yếu nhân” được nó chọn để nhân lên sức mạnh là một giáo sư Mác Lê. 

Gần hết nhiệm kỳ trong tưng bừng, náo nhiệt khắp nơi cùng các con số đẹp ngút Trời, nào là cơ đồ chưa từng thấy, nào là vị thế chưa từng thấy… Và vào đúng năm tiến tới Đại hội Đảng, mở màn năm đã đầy rẫy những điềm báo kỳ dị. Cuộc cờ đại hội 13 theo đó là những ẩn số khó lường, chưa thể phân định người thắng kẻ thua, nhưng xem ra mở cơ hội cho ông Trọng, thể theo ý Trời, ý Đảng mà tiếp tục ngự trị. 

Chưa từng thấy ông giáo sư của các giáo sư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện vào lúc “cơ đồ đất nước chưa từng có như ngày nay”. Cũng không thấy “nữ hoàng” Võ Tắc Thiên xuất hiện như hình ảnh thường thấy khi bà ưỡn ngực đi duyệt binh giữa rừng gươm giáo. Vào thời mắc dịch, “nữ hoàng” Nguyễn Thị Kim Ngân dành thời gian để… nuôi tóc, ngậm miệng ăn tiền và tiếp tục chưng diện. 

“Phó” vua Trần Quốc Vượng sau khi đi thắp hương điện Kính Thiên, diện kiến chị Sáu Côn Đảo, cũng ẩn mình kỹ chờ… “ma” ra tay. Ông này được mộng báo rằng Trời đất nổi giận khi miền Bắc để mất ngôi vương, tai họa sẽ liên tục giáng xuống, nên không cần động thủ cũng ắt có sung rơi vào miệng khi ông Trời ra tay hành đạo! 

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Đinh Hoàng Thắng: “Những cái nhất” của ngày 17/2/1979

Đọc cái “tút” của GS-TS Trần Ngọc Vương từ Đại học Quốc gia nhân ngày tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 41 năm trước đây, thú thật người viết bài này không khỏi giật mình. Nói chuyện điện thoại với Giáo sư xong, viết bài này, như thắp một nén tâm hương, tưởng niệm gần 100.000 chiến sỹ và đồng bào ta đã bỏ mình trong hai cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc vốn bị lãng quên một cách nhẫn tâm và chóng vánh nhất. 

Con số 100.000 chiến sỹ và đồng bào ta hy sinh là lấy từ Tuyên bố của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng. Tuyên bố viết: “Lịch sử rồi sẽ phải công khai sự thật số lượng người Việt Nam thương vong trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược ở cuối thế kỷ 20, nhưng theo các nhà quan sát phương Tây ước tính, thì quân và dân Việt Nam đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh biên giới mà nguyên nhân là từ Trung Quốc cộng sản gây ra khoảng 100.000 người”. 

Vâng, con số nói trên rõ ràng chưa được thẩm định. Ở một đất nước mà phải sau 3 Nghị quyết của Bộ Chính trị, doanh nghiệp, người dân và xã hội mới được phép “hội nhập toàn diện” với thế giới, thì việc trích con số mất mát trong trận mạc chưa qua thẩm định rất có thể bị xử lý. Vẫn biết chẳng hy vọng gì nhiều vào câu chữ trong EVFTA, tự do báo chí sẽ được bảo đảm ở Việt Nam, để tính chuyện “chạy tội”. Đơn giản, phải chờ đến năm 2023, cam kết trong Hiệp định ấy mới có hiệu lực pháp lý. Còn trên thực tế thì chưa biết đến “Tết Công gô” nào mới có! 

Nhưng chẳng nhẽ vì thế mà những nhà báo trung thực dịp này vẫn “mũ ni che tai”? Tác giả bài này còn nhớ, dạo nọ, nhân tưởng niệm ngày 17/2, một trang mạng hàng đầu ở Việt Nam có đặt bài về cuộc chiến tranh biên giới, nhưng lại đưa ra yêu cầu là không được đề cập đến hai từ “Trung Quốc” trong bài viết. Thật là tột cùng của mọi sự phi lý! Đỉnh cao của mọi sự vô liêm sỉ! Ngay như 17/2 năm nay, các báo hầu như “không giám chấp” hay là do “huý kỵ” đặc biệt, vẫn tránh hai chữ “Trung Quốc” trong bài viết như tránh dịch Covid-19. Lần này, cùng với GS. Trần Ngọc Vương, tác giả muốn đề xuất với các “sử gia” đáng kính 5 “cái nhất” mà những người viết bộ sử “chính thống” ấy không rõ vì lý do gì đã bị ép quên hay tự lãng quên. 

David Brooks: Bắc Âu trở nên ưu việt nhờ giáo dục toàn dân (Lê Lam dịch)

Bản dịch bài "This Is How Scandinavia Got Great" (New York Times 13-2-20)

Hầu như tất cả mọi người đều ngưỡng mộ mô hình Bắc Âu. Các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan có năng suất kinh tế cao, công bằng xã hội cao, niềm tin xã hội cao và mức độ hạnh phúc cá nhân cao. 

Những người cấp tiến nói vì họ có chế độ phúc lợi hào phóng. Những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng các quốc gia này đạt điểm cao về gần như mọi phương diện của thị trường mở cửa tự do. Những người hạn chế nhập cư lưu ý rằng cho đến gần đây, họ là những xã hội thuần khiết về dân tộc. 

Nhưng các quốc gia Bắc Âu thuần khiết về dân tộc trong những năm 1800 khi họ còn nghèo khó. Tăng trưởng kinh tế của họ đã cất cánh từ sau năm 1870, trước khi nhà nước phúc lợi của họ được thành lập. Điều thực sự hình thành nên các quốc gia Bắc Âu là các thế hệ chính sách giáo dục kì diệu. 

Tầng lớp tinh hoa Bắc Âu thế kỷ 19 đã làm một việc mà gần đây chúng ta chưa thể làm được ở đất nước này. Họ nhận ra rằng để đất nước của họ trở nên thịnh vượng, họ phải tạo ra những ngôi trường nhân dân thực sự thành công cho những người ít học nhất trong dân chúng. Họ nhận ra rằng, phải biến việc học suốt đời thành một nền tảng tự nhiên của xã hội. 

Họ nhìn giáo dục khác với chúng ta. Họ dùng từ tiếng Đức “Bildung” (giáo dục) để mô tả cách tiếp cận của họ, thậm chí không có một từ tiếng Anh tương đương. Nó có nghĩa là sự biến đổi hoàn toàn về đạo đức, cảm xúc, trí tuệ và tính công dân của con người. Nó dựa trên ý tưởng rằng nếu mọi người có thể quản lý và đóng góp cho một xã hội công nghiệp mới nổi, họ cần cuộc sống nội tâm phong phú hơn. 

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Nguyễn Quang Dy: Tại Sao Đồng Tâm?

Trong bài trước (Những chỉ dấu bất ổn đầu năm mới, 12/1/2020), tác giả đặt biến cố Đồng Tâm trong bối cảnh rộng lớn hơn, để tránh “thấy cây mà không thấy rừng” và cảnh báo về hệ quả khó lường nếu “tự bắn vào chân mình”, chỉ có lợi cho Trung Quốc. Trong bài này, tác giả cố gắng phác họa bức tranh toàn cảnh về Đồng Tâm, trong khi dư luận bị phân hóa vì thiếu hụt thông tin được kiểm chứng, và 60% người Việt bị vô cảm (theo Gallup, 2012). 

Tại sao Đồng Tâm có thể đối thoại?


Tháng 4/2017, câu chuyện Đồng Tâm nóng lên khi ông Lê Đình Kình (thủ lĩnh Đồng Tâm, 82 tuổi) bị công an đá gẫy chân và bắt cóc, nên dân Đồng Tâm đã giữ 38 cảnh sát cơ động làm con tin để trao đổi. Lúc đó ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch Hà Nội) đã thuyết phục được lãnh đạo ủng hộ, cùng hai đại biểu Quốc Hội (ông Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng) đã về Đồng Tâm đối thoại với dân để giải cứu con tin và tìm giải pháp ôn hòa. 

Tại sao lúc đó phương án đối thoại lại được chấp thuận? Thứ nhất, Đồng Tâm là một xã có truyền thống yêu nước trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dân Đồng Tâm tuy phản đối chính quyền chiếm đất nông nghiệp (59ha tại Đồng Sênh), nhưng không tranh chấp đất quốc phòng (47ha quanh sân bay Miếu Môn). Khi bộ đội xây tường bao quanh đất sân bay, dân Đồng Tâm đã kéo đến hỗ trợ. Khi dân bắt giữ con tin, họ được đối xử tử tế.

Thứ hai, ông Lê Đình Kình là một lão thành cách mạng có uy tín với dân, có 58 năm tuổi đảng, từng là bí thư đảng ủy nhiều năm. Tuy phản đối chính quyền chiếm đất nông nghiệp, nhưng cụ Kình tin vào đảng và vẫn là đảng viên đến khi bị giết. Một tướng công an có liên quan tới Đồng Tâm nhận xét, “dân hiền lành, không phải phản động, đấu tranh có lý lẽ và ôn hoà, chính quyền để xảy ra đổ máu là không chấp nhận được” (theo Lưu Trọng Văn).

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Nguyễn Quang Dy: G-20 Osaka Summit và bàn cờ Mỹ-Trung

G-20 được chính thức thành lập từ năm 1999, chiếm 85% nền kinh tế thế giới. G-20 gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) là Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada, sau đó thêm Nga (G-8). Sau này, có thêm 12 nước khác tham gia G-20 là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Argentina, Brasil, Mexico, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, và EU. Vì vậy, cũng có người nói G-20 là kết tinh của hai nhóm G-7 và G-77. 

Từ năm 2008, G-20 đồng thuận mở rộng hợp tác về tài chính-tiền tệ và họp theo cơ chế summit. G-20 không có Ban thư ký mà ghế chủ tịch luân phiên hàng năm giữa các thành viên được chọn từ nhóm các nước khu vực khác nhau. Ghế chủ tịch là một phần của nhóm quản trị gồm 3 thành viên luân phiên (gọi là Troika). Chủ tịch đương nhiệm năm 2019 là Nhật (nước chủ nhà) lập ra ban thư ký lâm thời trong nhiệm kỳ của mình để phối hợp công việc và tổ chức các cuộc họp của G-20. Vai trò của Troika nhằm đảm bảo hoạt động liên tục của G-20. 

Đúng 11 giờ ngày 28/6/2019, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã khai mạc G-20 Osaka summit 2019, với sự tham gia của các nguyên thủ/lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới. Khách mời gồm 8 quốc gia (trong đó có Việt Nam), và lãnh đạo của Liên Hợp quốc (UN), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), và Ngân hàng Thế giới (WB). Sau khi dự G-20 Thủ tướng Việt Nam nguyễn Xuân Phúc đến thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Abe. Sau G-20, ông Trump đến thăm Hàn Quốc và gặp ông Kim Jong-un tại khu phi quân sự. 

G-20 Osaka Summit và Mỹ-Trung 


Trong diễn văn khai mạc G-20 Osaka, Thủ tướng Abe nhấn mạnh 3 vấn đề quan trọng hiện nay là mậu dịch tự do và công bằng (free and fair trade), kinh tế kỹ thuật số (digital economy), và xử lý các vấn đề môi trường một cách sáng tạo. Nhưng đối đầu Mỹ-Trung và khủng hoảng Iran như đám mây đen đang ám ảnh thế giới, nên 3 vấn đề mà ông Abe đặt ra có thể bị lu mờ trước các cuộc gặp tay đôi bên lề G-20 Osaka (như cuộc gặp Trump-Tập). 

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Nguyễn Quang Dy: Cách mạng lần thứ ba và tương lai Trung Quốc

Cách mạng thường có nghĩa là thay đổi để tiến lên. Nhưng trong lịch sử hãn hữu có trường hợp cách mạng giật lùi (regression) như cách mạng Hồi giáo cực đoan tại Iran (1978-1979) do giáo chủ Avatollah Khomeini cầm đầu. Không hiểu tại sao người ta lại gọi đó là “cuộc cách mạng vĩ đại thứ ba trong lịch sử” (sau Cách mạng Pháp và Cách mạng Nga). 

Gần đây, “Cách mạng Lần thứ ba” tại Trung Quốc do Tập Cận Bình cầm đầu (từ 2012) đã làm ngược lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là “Dấu mình Chờ Thời” và khôi phục Sùng bái Cá nhân như thời Mao Trạch Đông. Tập Cận Bình đã trở thành “Hoàng đế Đỏ” quá sớm như “Cao Biền dậy non”, dẫn đến đối đầu Mỹ-Trung và chiến tranh lạnh về kinh tế. 

Gần đây, chủ trương kiểm soát cực đoan đã xô đẩy hàng triệu người Hong Kong xuống đường phản đối luật dẫn độ đang đe dọa quy chế tự do dân chủ của Hong Kong. Nếu nhà cầm quyền không nhân nhượng, phái diều hâu ở Mỹ sẽ có thêm lý do để chống Trung Quốc. Hong Kong Policy Act và Taiwan Act có giá trị răn đe Trung Quốc không được vi phạm cam kết. Hong Kong và Đài Loan là hai quả bom nổ chậm làm Bắc Kinh đau đầu. 

Theo Minxin Pei, khi đối đầu Mỹ-Trung leo thang làm Trung Quốc khó tiếp cận nguồn vốn và công nghệ Mỹ, vai trò Hong Kong càng quan trọng hơn. Trừ phi lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận thảm họa, “Bắc Kinh nên rút bỏ dự luật này trước khi quá muộn”. (China Is Courting Disaster in Hong Kong, Minxin Pei, Project Syndicate, June 13, 2019). 

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Nguyễn Quang Dy: Trung Quốc và 3 thách thức lớn trong thế kỷ 21

Nếu 2 thập kỷ đầu của thế kỷ 21 là giai đoạn chuyển tiếp (transition) đầy biến số (như Brexit và Trumpism) làm trật tự thế giới đảo lộn và bất ổn, thì các thập kỷ tiếp theo sẽ chứng kiến việc định hình một bức tranh mới về thế giới. Tác nhân chính của quá trình đó là đối đầu Mỹ-Trung. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang đối mặt với 3 thách thức lớn. 

Thứ nhất, người Mỹ đã tỉnh ngộ và liên kết với nhau để chống lại Trung Quốc trỗi dậy. Thứ hai, Trung Quốc đang suy thoái do đối đầu chiến lược với Mỹ và đồng minh. Thứ ba, người dân Trung Quốc sẽ bất bình và phản kháng. Trước bức tranh lớn màu xám, lúc này còn quá sớm để phỏng đoán và hình dung được tương lai của Trung Quốc và thế giới. 


Mỹ đã tỉnh ngộ 


Năm 1989 khi xảy ra vụ Thiên An Môn, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ Trung Quốc. Bill Clinton và nhiều người khác (như Robert Zoellick) vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ cải cách và dân chủ hóa để “trỗi dậy hòa bình”, nên đã theo đuổi quá đà chủ trương tham dự (constructive engagement). Đó là một sự ngộ nhận tai hại mà Trung Quốc đã lợi dụng để trỗi dậy (không hòa bình). Gần đây Mỹ đã tỉnh ngộ và coi Trung Quốc là kẻ thù và “đối thủ chiến lược”. 

William Safire (NYT columnist) kể lại rằng trước khi mất (1994), Richard Nixon đã thừa nhận trong cuộc phỏng vấn: “Chúng ta có thể đã tạo ra một Frankenstein” (We may have created a Frankenstein). Theo Michael Pillsbury (Hudson Institute, Director for Chinese Strategy), đó là “thất bại lớn nhất về tình báo của Mỹ” (the greatest US intelligence failure) trong 50 năm qua. (“The Hundred-Year Marathon”, Michael Pillsbury, Holt, 2015). 

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

Sao Băng: Vượng ngôi vương và những bóng ma trong cung đình Việt

Tính toán sơ bộ, có 9/16 ủy viên Bộ Chính trị ủng hộ cho Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư lên ngôi vương. Nếu không có phép mầu nào xuất hiện thì “phe đối lập” chỉ còn cách chấp nhận an bài. 

Phép mầu trông chờ ở ma quỷ, hay Trời sẽ hiển linh? 

Ma quỷ trong cung đình Việt là điều đã được lịch sử nghìn đời ghi nhận. Không phải tiện miệng mà Trần Bình Trọng trước khi bị giặc Tàu chém, lại nói, “ta thà làm quỷ đất Nam còn hơn làm vương đất Bắc” (?!) 

Mỗi khi thời loạn, âm khí lại tràn ngập ở cái đất nước trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh thảm khốc, đau thương. 

19 ủy viên Bộ Chính trị của nhiệm kỳ Đại hội khóa 13, chưa qua nửa nhiệm kỳ đã rụng 3, rụng một cách ly kỳ chưa từng có trong lịch sử. 

16 vị còn lại, mỗi khi ngồi trên chiếc ghế của mình, có lẽ đều chung cảm giác rờn rợn vì không biết có bóng ma nào cùng ngồi trên đó hay không. 

Lúc này, các ông, bà nào cứ xì xụp hương khói là tự mình hại mình, có mưu sâu kế hiểm nào sẽ đều ra lộ cả theo làn khói hương. 

Cuộc chiến phe phái, từ sau cái chết của Trần Đại Quang, đã chính thức chuyển sang tổng động viên rầm rộ… âm binh. Người như ma, ma như người. Kẻ đã chết và kẻ sắp chết đều được dựng dậy xung trận. 

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Nguyễn Quang Dy: Việt Nam 2019: Có thể làm gì và không nên làm gì

Năm 2019 tuy tiếp nối nhưng khác năm 2018. Không phải vì năm con heo khác con chó, mà trật tự thế giới thay đổi quá nhanh. Điều đó ai cũng biết, nhưng còn chưa biết rõ là năm 2019 khác cái gì, thế nào và tại sao. Bài này chỉ đề cập đến vài điểm chính. Thứ nhất (về đối ngoại) Việt Nam có thể nâng cấp quan hệ với Mỹ thành đối tác chiến lược. Thứ hai (về đối nội) Việt Nam có thể cải cách thể chế toàn diện (vòng hai). Thứ ba, Việt Nam không nên làm dự án đường cao tốc Bắc Nam vào lúc này vì yếu tố Trung Quốc. 

Đối tác chiến lược 


Việt Nam và Mỹ tuy trước đây là cựu thù, nhưng nay lại chia sẻ “lợi ích chiến lược song trùng” (tại khu vực Indo-Pacific). Trong 2-3 năm qua, điều này ngày càng rõ. Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam (23-25/5/2016), đã quyết định bỏ cấm vận vũ khí sát thương, tiếp theo quyết định xoay trục sang châu Á (Asia Pivot) và thúc đẩy hiệp định TPP. Hơn một năm sau, tổng thống Trump đến thăm Việt Nam (10/11/2017) đã tuyên bố tầm nhìn Indo-Pacific với chiến lược an ninh quốc gia và quốc phòng mới (coi Trung Quốc là “đối thủ”). 

Nếu chuyến thăm Mỹ lần trước của TBT Nguyễn Phú Trọng (6-10/7/2015) có ý nghĩa tượng trưng là chính (được tổng thống Obama tiếp chính thức tại phòng bầu dục), thì chuyến thăm Mỹ sắp tới của CTN/TBT Nguyễn Phú Trọng mang ý nghĩa thực chất, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược (cũng như kinh tế). Nay vấn đề cần bàn không phải lễ tân (gặp ở đâu/thế nào) mà đã đến lúc hai nước cần nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. 

Hai năm qua cũng là quá trình “xây dựng lòng tin” (confidence building) giữa Washington và Hà Nội. Năm 2019 là thời điểm chín muồi để hai nước nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược vì Mỹ-Trung đang tiến hành cuộc chiến tranh thương mại (tuy vừa đánh vừa đàm). Có mấy tiền đề hậu thuẫn cho quyết định này. Đầu năm nay, Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà nội (27-28/2/2019). Nhân dịp này, tổng thống Trump đã chính thức mời CTN/TBT Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ (như một cách cám ơn).