Hiển thị các bài đăng có nhãn Việt Hà. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Việt Hà. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Việt Hà/RFA: Chuyến thăm của Thủ tướng Phúc thành công nhưng không có đột phá

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp Thủ tướng Việt Nam 
Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng 
vào chiều ngày 31 tháng 5 năm 2017. AFP


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ kéo dài 3 ngày. Trong chuyến thăm này, ông đã gặp Tổng thống Donald Trump, các giới chức chính phủ Mỹ, và đại diện nhiều công ty Mỹ. Chuyến thăm cũng là dịp để các công ty Việt Nam ký các hợp đồng với các công ty Mỹ được nói là lên đến hàng tỷ đô la và được Tổng thống Donald  Trump ca ngợi là giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ. Một chuyên gia về bang giao quốc tế tại Hoa Kỳ cho rằng mặc dù vậy, chuyến thăm chưa tạo ra một đột phá lớn.

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Việt Hà/RFA: Người Công giáo mất lòng tin vào chính quyền


Những nạn nhân Song Ngọc bị hành hung khi đi nộp đơn khiếu kiện Formosa hôm 14/2/2017. Courtesy of wordpress.com
Một tuần sau vụ chính quyền Việt Nam cho công an và an ninh đàn áp những người công giáo ở Nghệ An đi tuần hành ôn hòa khiếu kiện Công ty Formosa, những nạn nhân của vụ đàn áp vẫn chưa hết bàng hoàng, bất chấp những cố gắng của chính quyền địa phương nhằm xoa dịu tình hình.

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Việt Hà/RFA: Ông Đinh Thế Huynh muốn thăm dò những gì trong chuyến đi Mỹ

Ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. - AFP photo 
Ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đang có chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 23 tháng 10. Chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh diễn ra giữa lúc nước Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống mới vào đầu tháng 11 và Philippines, đồng minh lâu năm của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương, gần đây đang cho thấy những dấu hiệu xích lại gần hơn với Trung Quốc và xa hơn với Mỹ.
Việt Hà: Xin ông cho biết chuyến thăm của ông Đinh Thế Huynh sang Mỹ lần này vào giai đoạn này có ý nghĩa thế nào đối với hai nước?
Gs. Nguyễn Mạnh Hùng: Thứ nhất là trong một tháng nay có rất nhiều biến chuyển xảy ra ở Á châu, nó là mối quan tâm của cả hai nước. Điểm thứ hai nữa là sau đại hội 12, Việt Nam gửi lãnh đạo của họ đi khắp các nước để tiếp xúc thu thập tin tức để họ làm chính sách. Ông Huynh được cử đi sang Mỹ. Ông vừa sang Trung Quốc và rồi sang Mỹ. Đây là hai nước quan trọng nhất trong ngoại giao đu dây của Việt Nam cho nên thứ nhất là về vấn đề thời điểm, thứ hai là thăm dò. Chuyến đi của ông có ý nghĩa trong khung cảnh đó.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Việt Hà/RFA: Chuyện Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Philippines

Người dân Philippines và công dân Việt Nam tại Philippines 

vui mừng trước phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về biển Đông sáng 12/7/2016. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ đến thăm Việt Nam từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 9. Philippines là đối tác chiến lược của Việt Nam và đã nhiều lần cùng Việt Nam lên tiếng chỉ trích Trung Quốc ở diễn đàn ASEAN liên quan đến vấn đề tranh chấp biển Đông.
Tuy nhiên Tổng thống Duterte gần đây cũng cho thấy ông có xu hướng mềm mỏng hơn với Trung Quốc bất chấp những hành động lấn lướt của nước này trong khu vực.  Liệu những căng thẳng ở biển Đông và lập trường gần đây của Philippines đối với Trung Quốc sẽ được đề cập ra sao trong chuyến thăm tới. Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Việt Hà/RFA - Đằng sau những lời đe dọa của Trung Quốc ở biển Đông

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên khai mạc 
đối thoại kinh tế Mỹ -Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 06 tháng sáu năm 2016.

Hãng tin Reuters hôm 31 tháng 7 có bài viết trích nguồn tin từ Trung Quốc nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình bị áp lực phải đánh cho Hoa Kỳ "chảy máu mũi" giống như đã làm với Việt Nam hồi chiến tranh biên giới năm 1979, trong khi một số nguồn tin khác trong giới quân đội Trung Quốc được trích lời cũng khẳng định quân đội nước này sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của nước này tại biển Đông. Thực sự Trung Quốc có thể làm những gì mà lãnh đạo nước này đã tuyên bố hay không?

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Việt Hà/RFA - Học giả quốc tế ca ngợi phán quyết của Tòa trọng tài về biển Đông

Hội thảo thường niên về tranh chấp biển Đông tại Trung tâm Chiến lược 
và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC vào ngày 12 tháng 7.

Hội thảo thường niên về tranh chấp biển Đông tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC vào ngày 12 tháng 7 diễn ra vào đúng khi tòa thường trực trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp tại biển Đông. Các học giả quốc tế tại hội thảo nhìn chung ca ngợi phán quyết này trong khi học giả Trung Quốc một mặt tỏ ra mềm mỏng hơn, một mặt vẫn cảnh báo những hậu quả khôn lường ở biển Đông sau phán quyết quan trọng này.

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

Việt Hà/RFA - Mỹ sẽ gia tăng tuần tra Biển Đông sau phán quyết của Tòa quốc tế?

Phóng viên Việt Hà và Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (phải) 
tại trụ sở Đài Á Châu Tự Do ở Washington DC hôm 8/7/2016. 

Tòa thượng trực trọng tài quốc tế ở The Hague vào ngày 12 tháng 7 tới đây sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp tại khu vực Biển Đông. Phán quyết này có ý nghĩa gì với những nước có liên quan trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, các nước cần phải chuẩn bị gì trước những hành động của Trung Quốc sau phán quyết của tòa. Để trả lời những câu hỏi này, Việt Hà phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn quan hệ quốc tế của trường Đại học George Mason, Hoa Kỳ.

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Việt Hà/RFA - Ân xá quốc tế quan ngại tình hình nhân quyền VN

Logo của Tổ chức Ân xá quốc tế
Tổ chức Ân Xá Quốc tế trong báo cáo về nhân quyền thế giới năm 2015 được công bố hôm 24 tháng 2  đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam đã gia tăng việc đàn áp người dân thực hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến, lập hội và biểu tình ôn hòa. Nhân dịp này, Việt Hà phỏng vấn bà Janice Beanland, chuyên gia về Lào, Campuchia và Việt Nam thuộc Tổ chức Ân Xá Quốc tế về báo cáo này.
Ngăn cản các quyền tự do căn bản
Việt Hà: Thưa bà, trước hết xin bà cho biết tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm 2015 theo báo cáo mới của tổ chức Ân Xá Quốc tế có điểm gì đáng chú ý?
Janice Beanland: Nói về Việt Nam tôi nghĩ là trong năm 2015 đã có những hạn chế rất ngặt nghèo đối với tự do bày tỏ ý kiến, lập hội và biểu tình ôn hòa. Bằng cách này chính phủ đã ngăn cản được các nhà hoạt động xã hội thực hiện các quyền tự do căn bản của mình như viết blog hay kêu gọi sự chú ý của mọi người đến việc đòi hỏi công lý trong các trường hợp mà họ quan tâm.

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Việt Hà/ RFA - Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và vấn đề Trung Quốc

Tổng thống Obama và lãnh đạo các nước tham dự thượng đỉnh Mỹ - ASEAN
tại Kuala Lumpur vào ngày 21 tháng 11 năm 2015 - 
AFP photo
Từ ngày 15 đến 16 tháng 2, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và lãnh đạo các nước thuộc ASEAN sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh ở Sunnylands, California, Mỹ. Theo giới chức Hoa Kỳ, đây là cuộc gặp nhằm thắt chặt hơn quan hệ giữa Mỹ và ASEAN trong chiến lược tái cân bằng về châu Á Thái Bình Dương của Mỹ. Cuộc gặp diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang có những hành động bồi đắp các đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với một số nước ASEAN, gây quan ngại cho Hoa Kỳ và các nước trong khu vực về khả năng Trung Quốc sẽ quân sự hóa khu vực biển Đông. Vấn đề Trung Quốc sẽ được đề cập thế nào tại thượng đỉnh lần này?

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Việt Hà/RFA - Việt Nam phải chấp nhận sự tham gia của mọi người để chống tham nhũng

Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế, bà Edda Mueller
trong cuộc họp báo ở Berlin vào ngày 27 tháng 1 năm 2016.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại Berlin, Đức, hôm 27 tháng 1 công bố báo cáo mới về tham nhũng toàn cầu năm 2015. Theo báo cáo mới, Việt Nam được xếp thứ 112 trong số 168 nước được đánh giá trong báo cáo. Về thang điểm, Việt Nam được 31 trong thang điểm từ 0 đến 100, trong đó 100 được coi là trong sạch và 0 điểm được coi là có nhiều tham nhũng. Báo cáo cũng cho thấy vấn đề tham nhũng trong năm qua vẫn là một vấn nạn toàn cầu dù có một vài điểm sáng ở một số nước. Tổ chức Minh bạch Quốc tế nhân dịp này cũng đánh giá cao sự tham gia của mọi tầng lớp người dân và của các tổ chức xã hội dân sự trong việc chống tham nhũng thành công. Việt Hà phỏng vấn bà Samantha Grant, điều phối viên phụ trách khu vực Đông Nam Á của Tổ chức minh bạch Quốc tế. Trước hết bà Samantha Grant cho biết:

Nhìn chung toàn thế giới và khu vực Đông Nam Á nói riêng, xu hướng chung là làm việc cùng nhau giữa người dân, lãnh đạo công ty ở khu vực tư nhân và chính phủ để chống tham nhũng dù đó là ở nước có điểm số về nhận thức tham nhũng giảm hay giữ nguyên như năm ngoái.

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Việt Hà/RFA - Căng thẳng biển Đông có thể được đề cập ở APEC?

Phóng viên Việt Hà phỏng vấn giáo sư Renato Cruz de Castro tại RFA ngày 16/11/2015

Trong tuần này, tại châu Á sẽ diễn ra hai thượng đỉnh quan trọng là APEC ở Manila và thượng đỉnh Đông Á tại Kuala Lumpur. Đồng thời Tổng thống Hoa kỳ cũng đến thăm Philippines nhân thượng đỉnh APEC, nhằm thể hiện cam kết với châu Á. Nhân dịp này đài Á Châu Tự do phỏng vấn giáo sư Renato Cruz de Castro, thuộc trường đại học de la Salle, Philippines về vấn đề căng thẳng biển Đông trong những thượng đỉnh sắp tới. Phần chuyển ngữ do Anh Minh thực hiện.

Việt Hà: Thưa giáo sư, một số nước trong đó có Hoa Kỳ rất muốn vấn đề biển Đông được đề cập trong các thượng đỉnh sắp tới, nhưng Trung Quốc thì không muốn điều này, theo ông căng thẳng biển Đông sẽ được đề cập ra sao tại APEC và thượng đỉnh Đông Á sắp tới?

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Việt Hà, phóng viên RFA - Nhà báo Việt Nam nghĩ gì về tự do báo chí

Cựu Tổng biên tập tờ Thanh Niên, là ông Nguyễn Công Khế
Tờ New York Times của Mỹ hôm 19 tháng 11 đăng một bài viết được dịch từ tiếng Việt của cựu Tổng biên tập tờ Thanh Niên, là ông Nguyễn Công Khế, trong đó ông kêu gọi chính phủ Việt Nam nên mở rộng quyền tự do hoạt động cho báo chí Việt Nam bao gồm báo chí nhà nước và tư nhân. Đây là một bài viết hiếm hoi của một cựu Tổng biên tập một tờ báo lớn của nhà nước được đăng tải trên một tờ báo lớn của Mỹ, nước luôn kêu gọi Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản. Liệu đây có phải là một dấu hiệu mới cho thấy nhà nước Việt Nam sẽ mở rộng quyền tự do báo chí trong nước?

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Việt Hà, phóng viên RFA - Hợp tác phát triển ở biển Đông là điều khó xảy ra

Hội thảo về những căng thẳng trên biển Đông và tương lai của một giải pháp điều hòa căng thẳng cũng như hợp tác giữa các nước trong khu vực, tại Hiệp hội Châu Á (Asia Society) ở New York, ngày 12 tháng 11 năm 2014. - Courtesy Asia Society
Vào chiều ngày 12 tháng 11, tại Hiệp hội Châu Á (Asia Society) ở New York, đã diễn ra một buổi hội thảo về những căng thẳng trên biển Đông và tương lai của một giải pháp điều hòa căng thẳng cũng như hợp tác giữa các nước trong khu vực.

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Việt Hà/ RFA - Trung Quốc đang đặt ASEAN vào sự đã rồi


Những hành động cải tạo đất và xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo tại biển Đông thời gian qua không chỉ gây lo ngại về những dự định chiến lược quân sự của Trung Quốc, mà còn đang đặt các nước ASEAN vào mọi sự đã rồi trước bất cứ những đàm phán tương lai sắp tới.

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Việt Hà/RFA - Học giả quốc tế cáo buộc hành động gây hấn của TQ ở biển Đông

Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về biển Đông tại Trung tâm Chiến lược
và Nghiên cứu quốc tế ở Washington DC ngày 10 tháng 7 năm 2014.
Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về biển Đông vừa diễn ra trong hai ngày 10 và 11 tháng 7, tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington DC.

Ngày đầu tiên của hội thảo lần thứ 4 về biển Đông tập trung chủ yếu vào những diễn tiến gần đây tại biển Đông, các vấn đề pháp lý có liên quan và sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực này.

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Việt Hà/RFA - Không có một giải pháp dễ dàng cho bế tắc giữa Việt Nam Trung Quốc

Tiến sĩ Patrick Cronin
Tiến sĩ Patrick Cronin, chuyên gia tư vấn cao cấp, Giám đốc chương trình an ninh châu Á Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Mỹ mới, Hòa Kỳ. Courtesy CNAS.ORG
Căng thẳng xung quanh giàn khoan dầu 981 của Trung Quốc ngoài khơi Việt Nam đã diễn ra hơn hai tuần qua và vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Liệu có một giải pháp nào để hai nước ra khỏi bế tắc này? Khả năng về một liên minh quân sự giữa Việt Nam và Mỹ ra sao nếu bế tắc này bùng nổ lớn hơn? 
Việt Hà phỏng vấn Tiến sĩ Patrick Cronin, chuyên gia tư vấn cao cấp, Giám đốc chương trình an ninh châu Á Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Mỹ mới, Hòa Kỳ. Trước hết nói về căng thẳng hiện tại so sánh với những động thái của Trung Quốc từ trước tới nay ở biển Đông với các nước, Tiến sĩ Patrick Cronin nói:
Dr. Patrick Cronin: theo tôi những căng thẳng hiện tại là nghiêm trọng nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Chúng ta đã nhìn Trung Quốc sử dụng quân đội đối với một số đảo trên biển Đông. Đây là một cố gắng của Trung Quốc nhằm gia tăng chủ quyền của Trung Quốc trên một phần biển Đông. Trong trường hợp này là đối với nguồn dầu khí quan trọng mà họ đòi mà chưa từng có hành động khai thác đơn phương trước đó và bây giờ là giàn khoan của họ mà không có sự giúp đỡ của những tập đoàn quốc tế. Đây là một điểm mới tức là họ có năng lực tự làm điều này một mình.

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Việt Hà - Hội thảo: “Điều hòa căng thẳng tại biển Đông”


Việt Hà, phóng viên RFA


Hội thảo thường niên kéo dài 2 ngày về biển Đông lần thứ 3 với chủ đề “Điều hòa căng thẳng tại biển Đông” vừa được bắt đầu vào ngày 5 tháng 6 tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược ở Washington DC. - RFA PHOTO

Hội thảo thường niên kéo dài 2 ngày về biển Đông lần thứ 3 vừa được bắt đầu vào ngày 5 tháng 6 tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược ở Washington DC, với sự tham dự của nhiều học giả quốc tế đến từ các nước Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, Úc, Philippines. Chủ đề của hội thảo lần này là điều hòa căng thẳng tại biển Đông. Phóng viên Việt Hà tường trình diễn biến ngày đầu tiên của hội thảo.

Đã thành thông lệ từ 3 năm trở lại đây, cứ vào khoảng đầu tháng 6, tại Trung Tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở thủ đô Washington DC, lại diễn ra hội thảo về tranh chấp biển Đông với sự góp mặt của đông đảo các học giả quốc tế và những người quan tâm đến tình hình căng thẳng ở biển Đông và trong khu vực.

Cần làm rõ các đòi hỏi chủ quyền

Ngay trong phần mở đầu của hội thảo là bài thuyết trình của chuyên gia Gregory Poling về một nghiên cứu mới được thực hiện gần đây của CSIS có tên gọi tạm dịch là biển Đông trong tầm ngắm. Những người tham gia nghiên cứu nhận định sự phức tạp của tranh chấp trên biển Đông với sự tham gia của 6 nước bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan đã dẫn đến những bế tắc trong nhiều thập kỷ. Báo cáo nhìn nhận những đòi hỏi chủ quyền chồng lẫn giữa các nước đối với các đảo và bãi đá tại khu vực là không thể giải quyết trong giai đoạn ngắn và trung hạn.
Chuyên gia Gregory Poling cho rằng hiện các nước đòi chủ quyền trên biển Đông vẫn chưa làm rõ một số điểm trong các đòi hỏi chủ quyền của mình theo đúng Công ước quốc tế về luật biển.

Báo cáo của CSIS đưa ra những bản đồ mới với các phần chủ quyền trên biển của từng nước theo đúng công ước về luật biển, khác hẳn với những bản đồ mà các nước có liên quan đang sử dụng hiện tại. Các tác giả cho rằng những khác biệt này là chìa khóa để tìm ra cách để điều tiết những trách chấp ở biển Đông. Chuyên gia Gregory Poling trình bày:
“Sự làm rõ này là một bước quan trọng trong nỗ lực để điều tiết những tranh chấp mà trong nhiều thập kỷ các nước có liên quan không thể đồng ý được với nhau đâu là vùng nước đang tranh chấp và đã khiến bất cứ các đàm  phán về các thỏa thuận đa phương hay hợp tác phát triển đa bên đều thất bại.”

Theo bản đồ mới được đưa ra trong báo cáo, các lô khai thác dầu khí mà Trung Quốc phản đối ở Việt Nam hoàn toàn không nằm trong vùng tranh chấp.

Tuy nhiên, theo ông Poling, việc làm rõ các đòi hỏi chủ quyền của các nước theo công ước quốc tế về luật biển lại tùy thuộc vào thiện chí của từng nước.

Ý nghĩa kinh tế trong tranh chấp biển Đông

Liên quan đến ý nghĩa của tranh chấp biển Đông được các học giả trình bày trong phần kế tiếp, kinh tế gia Alexander Metelista thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đưa ra các con số ước tính về trữ lượng dầu và khí đốt tại biển Đông cũng như mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc và các nước trong khu vực:
“Trữ lượng dầu khí có thể khai thác được và có thể bán tạo lợi nhuận hợp lý được chúng tôi ước tính là khoảng 11 tỷ thùng dầu 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt. Đây là các trữ lượng đã được tìm thấy hoặc đã có bằng chứng chắc chắn…. Những để nhìn vào ý nghĩa của các con số trữ lượng này, chúng ta phải nhìn vào mức tiêu thụ trong khu vực. Trung Quốc tiêu thụ 9 triệu thùng dầu mỗi ngày tức 3 tỷ thùng một năm, và 5 nghìn tỷ feet khối khí đốt một năm. Nếu tính toàn bộ các nước xung quanh biển Đông, mức tiêu thụ một năm là 5 tỷ thùng dầu và 10 nghìn tỷ feet khối khí đốt một năm.”

Theo ông Metelista, trữ lượng dầu và khí đốt trong khu vực không là gì so với các vùng khác trên thế giới như Trung Đông và Nga. Chuyên gia của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng không có chứng minh rõ ràng về trữ lượng phong phú dầu và khí đốt tại các vùng đang tranh chấp, trong khi việc khai thác và vận chuyển để bán dầu và khí đốt khỏi khu vực là quá tốn kém.

Tuy nhiên, theo ông Metelista, tầm quan trọng nhất của biển Đông không nằm ở trữ lượng dầu và khí đốt, mà nằm ở tuyến đường hàng hải thông thương giữa các nước.

Nói về nguồn lợi thủy sản ở biển Đông, một trong những yếu tố gây tranh chấp gần đây, chuyên gia Murray Hiebert thuộc CSIS nhận định:
“Nguồn lợi thủy sản là hết sức quan trọng đối với các nước có tranh chấp xung quanh khu vực biển Đông,…25m13 trong các nước ven biển vùng Đông Nam Á, Trung Quốc có thể coi là một trong những nước thu hoạch về thủy sản lớn nhất trên thế giới. Các nước Đông Nam Á làm ra khoảng 21 triệu tấn cá một năm, tức một phần tư của thế giới. Trung Quốc  là nước thu hoạch lớn nhất với 13 triệu tấn năm 2009.”

Ông Hiebert cũng nhìn nhận với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế trong khu vực thời gian gần đây, trữ lượng về cá trong khu vực đã giảm, khiến ngư dân các nước Việt Nam, Philippines, và Trung Quốc phải đánh bắt xa bờ, dẫn đến những xung đột khó tránh khỏi thời gian qua. Ông cũng đưa dẫn chứng về chuyến thăm của các chuyên gia quốc tế đến đảo Lý Sơn hồi tháng 4 vừa qua nơi rất nhiều ngư dân Việt Nam đã phải gánh chịu những thiệt hại về người và tài sản do đụng độ với các tàu của Trung Quốc. Ông Murray cho rằng Trung Quốc là nước có các hành động dữ dội nhất trong thời gian qua liên quan đến việc bảo vệ nguồn cá.

“Trung quốc có lẽ là nước dữ dội nhất trong việc bảo vệ chủ quyền của mình và cố gắng đẩy các ngư dân từ các nước khác ra khỏi vùng nước mà họ đòi chủ quyền. Họ sử dụng tàu hộ tống đi cùng với các tàu cá của mình đến các vùng nước đang tranh chấp.”

Vì vậy ông kêu gọi các nước cần phải có hợp tác về khai thác nguồn lợi về cá và coi đây là nỗ lực dễ nhất để có thể tiến đến các hợp tác khác trong tương lai, góp phần giải quyết xung đột trong khu vực.

Quan điểm của các nước liên quan

Phần sôi nổi với nhiều câu hỏi nhất có lẽ thuộc về buổi chiều khi các học giả Trung Quốc, Philippines, Việt Nam đăng đàn. Năm nay, lần đầu tiên một học giả Đài Loan là ông Yann Huei Song của Viện Nghiên cứu Âu Mỹ cũng được mời tham gia thuyết trình cho thấy tầm quan trọng của Đài Loan trong tranh chấp tại biển Đông, mặc dù Đài Loan chưa chính thức tham gia vào bất cứ đàm phán nào với ASEAN và Trung Quốc về cơ chế điều tiết căng thẳng và tranh chấp ở biển Đông.

Đã có rất nhiều câu hỏi đã được đưa ra với học giả Trung Quốc, ông Wu Shicun, Giám Đốc Viện nghiên cứu biển Đông, liên quan đến đường đứt khúc 9 đoạn, yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ đòi hỏi này. Ông Wu Shicun giải thích Trung Quốc sẽ giữ lập trường mập mờ với đường 9 đoạn:
“Giả sử Trung Quốc chính thức làm rõ ý nghĩa của đường 9 đoạn, tức là Trung Quốc sẽ phải lấy lại tất cả các đảo mà các nước khác đang chiếm đóng. Theo tôi, việc không làm rõ ý nghĩa đường 9 đoạn là lựa chọn tốt nhất. Nếu chính phủ Trung Quốc làm rõ đường 9 đoạn tức là chủ quyền của Trung Quốc với toàn bộ các đảo và bãi đá trong khu vực thì các nước khác cũng chưa sẵn sàng và muốn làm điều này.”

Ông Wu Shicun cũng nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ không bao giờ có ý định từ bỏ đường 9 đoạn:
“Có rất ít khả năng cho chính phủ hiện tại của Trung Quốc có thể nhượng bộ với đường 9 đoạn, hay nói cách khác, chính phủ Trung quốc không có quyền bỏ hoặc thay đổi đường chữ U.”

Trong khi đó học giả Đài Loan thừa nhận việc làm rõ đường 9 đoạn đối với cả Trung Quốc lẫn Đài Loan là một thách thức lớn:
“Bây giờ, tôi thừa nhận là theo thực tiễn luật quốc tế đang có một thách thức về pháp lý rất lớn với cả Trung Quốc và  Đài Loan, và đó là một thách thức khó vượt qua với cả hai nước.”

Tuy nhiên ông cũng cho biết chính sách của Đài Loan tại biển Đông khác biệt so với Trung Quốc, tức là theo cách tiếp cận mềm dẻo, tuân thủ công ước về luật biển của quốc tế. Đài Loan cũng đang trong quá trình làm rõ yêu sách về đường 9 đoạn của mình dù còn chậm.

Học giả Đài Loan cũng kêu gọi các bên liên quan nên nhìn nhận vai trò của Đài Loan trong các đàm phán sắp tới về cơ chế giải quyết các tranh chấp ở biển Đông, bao gồm COC.

Những diễn biến gần đây trên biển Đông cũng được tiến sĩ Trần Trường Thủy, thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam trình bày chi tiết trong bài thuyết trình của mình, từ việc Việt Nam thông qua luật biển vào tháng 6 năm ngoái, đến việc Trung Quốc mời thầu tại các lô dầu khí thuộc chủ quyền của Việt Nam, tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Việt Nam, hay việc Trung Quốc điều động một lượng lớn các tàu tuần tra ra biển Đông thời gian gần đây. Tiến sĩ Trần Trường Thủy coi các hành động của Trung Quốc trong suốt 12 tháng qua là tiếp nối của những gì đã diễn ra trong suốt 2 năm qua.

Học giả Việt Nam cho rằng Trung Quốc đang thống trị khu vực và các nước ASEAN lo ngại cho an ninh của mình đang tìm cách siết chặt quan hệ với Hoa Kỳ. Ông Trần Trường Thủy cũng nhấn mạnh với sức ép từ Trung Quốc lên các công ty thăm dò và khai thác dầu khí quốc tế trong khu vực, Hoa Kỳ sẽ càng phải chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi cho các công ty của mình, và vì vậy Trung Quốc càng lớn mạnh, thì quyền lợi của Hoa Kỳ tại khu vực lại càng nhiều. Ông Trần Trường Thủy kêu gọi Hoa Kỳ nên thẳng thắn yêu cầu Trung Quốc dứt khoát bỏ đường 9 đoạn phi lý.


Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Việt Hà - Liệu Nga có trở lại Cam Ranh?



Việt Hà, phóng viên RFA


Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (T) bắt tay tướng Phùng Quang Thanh
 tại Hà Nội hôm 05 tháng 03 năm 2013 - AFP photo 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu vừa có chuyên thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 3. Nhân chuyến thăm này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng đến thăm cảng Cam Ranh, vốn là căn cứ hải quân của Nga trước kia. Việt Hà có cuộc phỏng vấn chuyên gia Đông Nam Á, Giáo sư Carl Thayer thuộc học viện Quốc phòng Úc.

Hợp tác quân sự Việt Nga

Trước hết, nói về hợp tác quân sự Nga Việt thời gian qua, Giáo sư Carl Thayer nhận xét:
"Vào tháng 11 năm 1978, hai nước đã ký hiệp ước quốc phòng và hợp tác quân sự trong vòng 25 năm. Sau đó thì Việt Nam xâm lược Campuchia, rồi Nga được vào Cam Ranh. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ và vì những khó khăn về kinh tế Nga cố gắng ép Việt Nam phải trả những món nợ với Liên Xô cũ, thế là Việt Nam đòi tiền cho thuê Cam Ranh và Liên bang Nga đã quyết định rút khỏi đây. Từ đó đến nay Việt Nam đã ký đến 9 thỏa thuận đối tác chiến lược với các nước khác, các nước lớn, đầu tiên là Nga vào năm 2001, 11 năm sau đó, được nâng cấp thành hợp tác đối tác toàn diện.

Theo tôi được biết là do nguyên nhân Nga bán rất nhiều vũ khí cho Việt Nam. Hiện Việt Nam là 1 trong 10 thị trường nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga. Tóm lại, hợp tác kinh tế hai nước có lúc lên xuống và chủ yếu trong dầu khí, còn hợp tác quốc phòng Việt Nam luôn phụ thuộc vào công nghệ vũ khí của Liên Xô trước kia và giờ là Nga. Cho nên tôi có thể nói việc Việt Nam mua nhiều vũ khí từ Nga là nguyên nhân chính đưa quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước lên tầm chiến lược.

Việt Hà: Việt Nam cũng có hợp tác quân sự với Trung Quốc và Mỹ, sự khác biệt giữa quan hệ với Nga so với các nước Trung Quốc và Mỹ là gì?

GS. Carl Thayer: Các mối quan hệ này có mục tiêu khác nhau. Quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ dựa vào bản ghi nhớ của hai bên trên 5 lĩnh vực, tức là mối hợp tác này không lên cao, chỉ là các đối thoại cấp cao, các hợp tác về y tế, tìm kiếm cứu hộ … Với Trung Quốc mối quan hệ hợp tác chủ yếu là tuần tra chung trên vịnh Bắc Bộ, và có thể là thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc Phòng, và trao đổi đào tạo nhân sự. Tuy nhiên với Nga, bởi vì Việt Nam mua một số lượng lớn vũ khí của Nga, Việt Nam gửi nhiều người sang Nga để được đào tạo sử dụng bảo dưỡng, và sửa chữa các thiết bị này. Nga là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam hơn hẳn so với Mỹ và Trung Quốc. Mỹ chỉ có thể bán cho Việt nam một số loại vũ khí không sát thương do những cấm vận về vũ khí, và việc bán vũ khí này cũng chưa được cải thiện vì tình hình nhân quyền Việt Nam.

Trung Quốc đã bán cho Việt Nam các vũ khí hạng nhẹ như đạn dược, nhưng Việt Nam giờ cũng đã có những xí nghiệp tự sản xuất các vũ khí này. Cho nên 3 hợp tác này là rất khác biệt. Đối với Nga là việc đào tạo những kỹ thuật viên cho việc sử dụng, bảo trì vũ khí và bán vũ khí cho Việt Nam với số lượng lớn. Mỹ chủ yếu là vấn đề về ảnh hưởng an ninh chính trị, với Trung Quốc cũng vậy. Mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc ở mức song song, cả hai đều đã nâng lên mức đối thoại ở cấp thứ trưởng Quốc phòng.

Nga sẽ trở lại Cam Ranh?

Việt Hà: Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng đến thăm vịnh Cam Ranh, nơi vốn là căn cứ hải quân của Nga trước kia. Có nhiều đồn đoán cho rằng Nga sẽ trở lại Cam Ranh nhưng cũng có ý kiến cho rằng không thể. Ông nhận định thế nào về khả năng Việt Nam cho phép hải quân nước ngoài đóng căn cứ tại Cam Ranh?

GS. Carl Thayer: Có hai khả năng mà ta phải nói tới. Hải quân Nga liên tục đưa ra các báo cáo về khả năng quay lại Cam Ranh nếu họ muốn trong khi giới lãnh đạo ở Maxcova liên tục nói không vì không có tiền. Đó là một khía cạnh. Thứ hai là vào năm 2004 và 2009 Việt Nam đưa ra sách trắng Quốc phòng và cả hai sách trắng này đều nói rõ là không có hải quân nước nào được vào đóng ở Việt Nam. Vào khoảng cuối năm 2009 đầu 2010, giới chức Việt Nam nói là các cơ sở thương mại ở cảng Cam Ranh sẽ được mở cửa cho hải quân các nước nhưng không vì mục đích quân sự. Mỹ là nước đầu tiên có tàu đến đây để sửa, nhưng chỉ ở mức độ nhỏ khoảng 500 ngàn đô la một lần sửa.

Sau đó khi Việt Nam đặt mua 6 tàu ngầm kilo, Việt Nam phải có nơi đỗ tàu, và Cam Ranh là căn cứ hải quân của Nga trước kia, là nơi đỗ tàu ngầm của Việt Nam. Vì vậy Việt Nam đã đề nghị Nga nâng cấp các thiết bị ở đây cung cấp các trợ giúp kỹ thuật cho mục đích này. Từ năm 2014 đến năm 2016 Việt Nam sẽ nhận những tàu ngầm này. Cả Nga và Trung Quốc đều đã gửi tàu chống hải tặc đến vịnh Aden, các tàu này đã đi những chặng dài qua eo biển Malacca, biển Đông để rồi trở về Trung Quốc và cảng Vladivostok vùng viễn Đông Nga.


Tổng Trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta
đến thăm cảng Cam Ranh hôm 03/6/2012. AFP photo 

Trung Quốc đã muốn gửi tàu đến thăm Cam Ranh và Nga cũng đã làm như vậy trong quá khứ, nhưng Việt Nam vẫn chưa cho tàu hải quân nước ngoài đến thăm Cam Ranh. Các quan chức Việt nam đã nói khi đàm phán với Nga về việc giúp Việt Nam nâng cấp các cơ sở hải quân, Việt Nam sẽ cho Nga những đối xử đặc biệt vì lúc đó thì hai nước chưa thành đối tác chiến lược, bởi Nga phải gửi tàu vào đây để đưa các thiết bị, và kỹ thuật viên và kỹ sư cho mục đích này. Tôi nghi ngờ khả năng Nga sẽ đóng quân ở đây. Mặc dù vậy, vịnh Cam Ranh rất có giá trị không thể bỏ qua. Bất cứ tàu nào đi qua biển Đông cũng cần sửa chữa nhỏ, Mỹ đã sửa máy lạnh, ống dẫn và hệ thống cung cấp nước tại đây, và Nga cũng thế. Nhưng cho đến lúc này chưa có nước nào có thể đưa tàu quân sự vào thăm chính thức ở đây.

Việt Hà: Nga là nước bán vũ khí quân sự lớn nhất cho Việt Nam và Trung Quốc, nhưng ông có nói rằng Nga đã giới hạn việc bán vũ khí cho Trung Quốc vì Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Nga, liệu đây có phải là lợi thế cho Việt Nam?

GS. Carl Thayer: Nga ở vị trí tuyệt vời khi họ bán SU 27 Sukhoi và SU 30 cho cả Việt Nam và Trung Quốc nhưng Trung Quốc có một nền công nghiệp quốc phòng rất lớn, và sau đó sẽ ký giấy phép để sản xuất chúng trong nước và Nga đã làm. Còn Việt Nam thì quá nhỏ và một đề nghị như vậy chưa tiến đến đâu. Sau đó Trung Quốc đã sử dụng kỹ sư điều nghiên các công nghệ của Nga và áp dụng chúng trong một loạt các thiết bị của mình như máy bay, tàu chiến.

Các nhà phân tích Nga sau đó xem các hình ảnh và phân tích để thấy Trung Quốc lấy các ý tưởng này từ đâu. Sau đó có tin là Nga đã giới hạn bán vũ khí cho Trung Quốc, giới hạn một số các công nghệ có tính nhạy cảm, vì Nga muốn kiếm tiền trên các công nghệ của mình. Về phía Việt Nam thì làm sao Trung Quốc có thể phản đối một cách công khai khi mà họ cũng mua cùng một loại công nghệ.

Cả hai đều mua máy bay chiến đấu SU 30, cùng mua tàu ngầm hạng kilo. Trung Quốc dù không chính thức cũng phải lo lắng vì họ biết công nghệ của Nga hiệu quả thế nào. Mặc dù Việt Nam không thể tấn công hải quân Trung Quốc và thắng nhưng nếu có xảy ra xung đột thì Việt Nam có thể gây thiệt hại không nhỏ cho đối phương.

Việt Hà: Việt Nam có vai trò quan trọng thế nào đối với Nga trong chiến lược của nước này tại khu vực châu Á Thái Bình Dương?

GS. Carl Thayer: Hai nước nhìn nhau như là đối tác hợp tác chiến lược một phần bởi vì ở vùng viễn đông của Liên Xô cũ và Nga bây giờ việc vận chuyển dầu khí có thể được thực hiện dễ dàng bằng đường biển đến Vladivostok hơn là trên cạn. Nga cần tiền có thể làm các trao đổi buôn bán với Việt Nam, một số trao đổi bằng hàng như dầu cọ, và hàng nông sản và vì vậy rất linh hoạt.

Nga muốn một thế giới đa cực và không muốn Mỹ chiếm vị trí thống soái ; rồi Nga cũng có những quan ngại nhất định với Trung Quốc, đặc biệt là tình hình người nhập cư bất hợp pháp ở vùng viễn Đông Nga. Nhưng cả hai nước đều có thể điều chỉnh mối quan hệ của mình. Mặc dù vậy Nga sẽ không hợp tác với Trung Quốc để chống lại Mỹ. Mặt khác Nga cũng luôn nói là họ muốn trở lại phía Đông, tức là đông Á, nhưng họ cần tiền.

Dầu khí của Nga cung cấp cho họ một khoản tiền đáng kể nhưng sẽ là quá đáng khi nói rằng hải quân Nga sẽ có mặt hùng hậu trong khu vực. Ngay cả khi thời chiến tranh lạnh ở đỉnh điểm, sự hiện diện của hải quân Nga cũng rất hạn chế, một phần là bởi Ấn Độ là một đối tác chính với Nga, và tàu của Nga thường đến Ấn Độ, Việt Nam là nơi dừng chân thuận tiện trên đường.

Việt Nam là nơi cung cấp tiền lớn cho Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí, và Nga cũng có quyền lợi sâu ở đây phải bảo vệ các đầu tư của mình ở các vùng mà Trung Quốc chưa tạo sức ép. Mặc khác Nga cũng muốn có tự do hàng hải trong khu vực như hải quân các nước khác. Vì vậy Trung Quốc phải cẩn thận không cản trở các tàu của Nga vì nếu không họ sẽ gặp phải tình huống như với hải quân Mỹ, Nhật hay Úc. Điều này gây khó khăn hơn với việc đòi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển nhưng không liên quan đến các đảo và bãi đá vốn không có gì liên quan đến Nga.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.


Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Việt Hà - Trung Quốc được, mất gì khi từ chối ra tòa với Philippines



Việt Hà, phóng viên RFA


Bản đồ khu vực tranh chấp Scarborough - RFA/Wikipedia 

Trước đề nghị của Philippines giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua tòa án trọng tài theo công ước luật biển 1982, hôm 19 tháng 2, Trung Quốc đã chính thức thông báo nước này từ chối tham gia tòa trọng tài. Bước đi này của Trung Quốc đã nằm trong dự đoán của nhiều người vì Trung Quốc đã từng tuyên bố trước đó là nước này không chịu những phán quyết của tòa quốc tế theo công ước liên hiệp quốc về luật biển năm 1982 dù nước này có tham gia công ước. Quyết định này sẽ khiến Trung Quốc mất gì và được gì trong tranh chấp tại biển Đông? Tình hình sắp tới tại khu vực này sẽ ra sao?

Không ra toà cũng có cái lợi và cái hại

Việt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á thuộc học viện Quốc phòng Úc. Trước hết, trả lời câu hỏi liệu tòa trọng tài sẽ có thể vẫn được tiến hành mà thiếu Trung Quốc hay không, Giáo sư Carl Thayer cho biết:

GS. Carl Thayer: Thủ tục tòa trọng tài có thể vẫn tiến hành mà không có mặt Trung Quốc, và thủ tục là khi Trung Quốc đã chính thức thông báo với Philippines là nước này từ chối tham gia tòa thì Philippines bây giờ có thể tiếp cận với Chủ tịch của tòa quốc tế về luật biển, và yêu cầu ông lập một ban năm người của tòa. Người đứng đầu của ITLOS sẽ xem danh sách một ban gồm những người đã được chỉ định bởi các nước tham gia công ước về luật biển và chọn ra 5 người. Những người này khi gặp nhau đầu tiên, trước khi họ xem xét trường hợp này, sẽ phải đưa ra hai quyết định.

Quyết định đầu là xem xét đòi hỏi của Philippines có vi phạm luật quốc tế không, nếu họ nói không, và trên thực tế thì dường như Philippines đang muốn giải thích luật, câu hỏi thứ hai họ phải tự hỏi là tòa có thẩm quyền pháp lý không, và Philippines thì rất cẩn thận không muốn bước vào những khu vực mà Trung Quốc đã tuyên bố mình được miễn trừ. Khi tòa nói họ có thẩm quyền pháp lý thì tòa sẽ được tiến hành. Tòa có thể kéo đến 3, 4 năm và có thể sẽ có quyết định có lợi cho Philippines, hoặc đưa ra phản hồi. Cho nên chúng ta đang đợi Philippines chính thức thông báo với tòa và phải đợi xem ông Chủ tịch sẽ làm gì.

Việt Hà: Trung Quốc được gì và mất gì khi họ quyết định không tham gia tòa?

GS. Carl Thayer: Cái mà Trung Quốc mất là uy tín của mình khi nước này nói về sự trỗi dậy hòa bình, về luật quốc tế bên cạnh UNCLOS đối với biển Đông. Họ nói rằng vấn đề cần giải quyết qua song phương và Philippines nói là chúng tôi đã làm việc với các ông suốt 17 năm mà không có giải quyết. Điều này cũng làm suy yếu luật quốc tế, nó làm cho các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc chán nản, hay nói cách khác là luật quốc tế không thể được sử dụng. Đó là điều Trung Quốc nói, họ đang đứng trên luật. Điều này cần phải được giải quyết về mặt chính trị. Cái mà Trung Quốc đạt được bằng cách từ chối tham gia tòa là nó làm mạnh hơn vị trí của Trung Quốc.

Nếu Philippines tiếp tục thủ tục với tòa và tòa nhóm họp thì cũng mất 3, 4 năm. Trong thời gian đấy, Trung Quốc có thể củng cố sự có mặt của mình. Ngay cả nếu quyết định của tòa chống lại điều này thì cũng không thể loại bỏ được Trung Quốc. Một trong những yêu cầu của Philippines cần được giải quyết là việc Trung Quốc chiếm giữ các bãi đá nằm dưới mực nước biển, như vậy là anh không thể đòi chủ quyền từ những bãi đá này ra vùng biển xung quanh. Nhưng trong 3, 4 năm nữa, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục xây dựng trên các bãi đá này và củng cố sự có mặt của họ. Bởi vì quyết định của tòa không có ý nghĩa bắt buộc, trong vòng 4 năm Trung Quốc cứ ngồi đó như một người chiếm giữ trái phép và cuối cùng giành được cái mà họ muốn bằng cách vượt qua các thủ tục pháp lý.

Biển Đông bài toán không lời giải?

Việt Hà: Với việc Trung Quốc khước từ tham gia tòa trọng tài, và những hành động gửi thêm tàu ra biển Đông thời gian gần đây của nước này, theo ông đánh giá tình hình căng thẳng trên biển Đông thời gian tới sẽ ra sao?

GS. Carl Thayer: Lập luận của tôi là sẽ như vậy, bởi biển Đông là vùng biển đóng, nó giống như một cái bồn tắm, một vùng biển nhỏ. Hai năm trước và gần đây Trung Quốc đã tuyên bố mở rộng lực lượng hải giám và thực hiện luật kiểm ngư tại đây, và công suất tàu bây giờ đã tăng từ 1,000 tấn lên 2000 tấn, 4000, 5000 tấn, cho nên họ sẽ có nhiều loại tàu và máy bay trực thăng, một năng lực lớn với đội ngũ nhân lực nhiều để tuần tra khắp vùng biển Đông. Trong khi đó, ở mức độ nhỏ hơn, Philippines cũng xây dựng đội tàu tuần duyên của mình, Nhật Bản cho họ 10 tàu. Việt Nam cũng xây dựng đội cảnh sát biển. Đây là những nỗ lực nhỏ, nhưng dần dần sẽ có nhiều tàu ở khu vực này để bảo vệ chủ quyền. Điều quan trọng hơn nữa là nếu Philippines và Việt Nam quyết định mở thầu các khu vực khai thác dầu khí thì Trung Quốc sẽ có phản ứng mạnh.

Cho nên sẽ có hai khả năng xẩy ra là đụng độ do tai nạn, mặt khác Trung Quốc sẽ có hành động mạnh vì họ nói là các nguồn tài nguyên thuộc về họ. Họ sẽ mang ra những lực lượng hùng hậu, không phải là quân đội. Chúng tôi có thể thấy dẫn chứng ở bãi cạn Scaborough, họ đang chiếm giữ và lấy đi từ Philippines. Philippines không thể vào đó nữa vì họ căng rào và cử nhiều tàu hơn đến đó, hơn cả Philippines. Đó là cách Trung Quốc đang làm và tương lai tại đây có rất nhiều rủi ro.

Việt Hà: Vậy Việt Nam học được bài học gì từ vụ việc này, thưa ông?

GS. Carl Thayer: Việt Nam cũng chiếm giữ các bãi ngầm và nếu tòa nói các bãi mà Trung Quốc chiếm không thể đòi chủ quyền ra các vùng biển xung quanh thì Việt Nam cũng mất. Còn nếu vùng vùng biển của Philippines được xác định theo luật, thì Việt Nam cũng có thể làm điều tương tự với đường cơ sở của mình. Một trong các vấn đề ở phần đông nam của Việt Nam mà Việt Nam dùng từ miêu tả là hình phụ nữ có mang, họ vẽ đường cơ sở mở rộng không hợp lý theo luật quốc tế và Việt Nam sẽ phải rút lại chỗ này. Một trong các tranh chấp của việt Nam là ở quần đảo Hoàng Sa không được đề cập ở đây. Đây là vấn đề chủ quyền giữa hai nước và công ước quốc tế không dùng để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền, nó được dùng để giải quyết tranh chấp vùng nước giữa hai quốc gia. Hoàng sa là vấn đề giữa hai nước. Trung Quốc nói không ai được đụng vào, và họ tiếp tục làm những gì mà họ đã làm với các ngư dân tại đây.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.


Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Việt Hà - Tân Ngoại trưởng Mỹ và vấn đề nhân quyền Việt Nam



Việt Hà, phóng viên RFA

Đối với những người quan tâm đến tình hình Việt Nam, việc Thượng nghị sĩ John Kerry được chọn làm Ngoại trưởng Mỹ đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến thái độ và cách tiếp cận của ông với tình hình nhân quyền tại Việt Nam.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 06/2/2013. Ông đã chính thức tuyên thệ nhậm chức ngày 01 tháng 2 năm 2013. - AFP photo

Những thắc mắc hay thậm chí nghi ngờ này có những căn cứ nhất định, xuất phát từ mối quan hệ lâu dài giữa tân Ngoại trưởng Mỹ và Việt Nam trong quá khứ.

Thách thức tân ngoại trưởng

Ngày 1 tháng 2 năm 2013, Thượng nghị sĩ John Kerry chính thức tuyên thệ trở thành Ngoại trưởng mới của Hoa Kỳ. Ông là một trong không nhiều thượng nghị sĩ đã có gắn bó lâu dài với Việt Nam, và không ít thì nhiều cũng dành được những cảm tình nhất định từ phía chính quyền Việt Nam vì những đóng góp không nhỏ trong việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Tuy nhiên, ngay trước khi vị tân Ngoại trưởng lên nhậm chức, tình hình Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhất là vấn đề nhân quyền đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là xuống dốc trong những năm trở lại đây. Đây là một thách thức không nhỏ cho vị tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ, trong khi cả Mỹ và Việt Nam đang hướng tới việc đưa mối quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược.
Nhận định về nhiệm kỳ tới của ông John Kerry, giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc, chuyên gia về Việt Nam, đã viết trên trang blog cá nhân của mình vào ngày 6 tháng 2 như sau:
Nhiệm kỳ tới của Thượng Nghị sĩ John Kerry sẽ phản ánh những ưu tiên của Tổng thống Obama và những di sản do Ngoại trưởng Hillary Clinton để lại. Vào năm 2010, Tạp chí Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Hoa kỳ đã xếp Việt Nam vào một trong ba đối tác chiến lược tiềm năng tại Đông Nam Á. Hai nước kia là Malaysia và Indonesia…. Việt Nam là một quốc gia trung bình đang nổi lên trong khu vực và sẽ giữ một vị trí quan trọng với Mỹ bởi vai trò của Việt Nam trong ASEAN.

Tuy nhiên, chỉ một ngày trước khi vị tân Ngoại trưởng Mỹ tuyên thệ nhậm chức, một báo cáo dài 8 trang của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế công bố cho thấy tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2012 đã trở nên tồi tệ. Báo cáo viết: ‘nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp trong ôn hòa; họ trừng phạt những người đặt vấn đề với chính quyền về chính sách, vạch trần tham nhũng, hoặc kêu gọi một giải pháp dân chủ thay thể chế độc đảng. Công an thường xuyên quấy nhiễu, đe dọa các nhà hoạt động và gia đình của họ. Nhà cầm quyền tùy tiện bắt giam các nhà tranh đấu, biệt giam họ lâu dài mà không xét xử bằng pháp luật, không cho gia đình viếng thăm, tra tấn và truy tố họ tại những tòa án được đảng hướng dẫn để kết án tù dài hạn với tội danh vi phạm luật an ninh quốc gia rất mơ hồ’.

Theo báo cáo của tổ chức này, trong năm 2012, chính quyền Việt Nam đã bỏ tù ít nhất 33 nhà hoạt động và bắt giữ thêm ít nhất 34 nhà vận động tôn giáo và chính trị khác.

Theo Giáo sư Carl Thayer thì tình hình nhân quyền đang xuống dốc tại Việt Nam là một cản trở, khiến cho những đối thoại đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam phải chững lại. Vì vậy ông Kerry sẽ phải duy trì sức ép lên Hà Nội để đảo ngược chiều hướng này.

Gây sức ép hay thuyết phục Việt Nam?

Thượng nghị sĩ John Kerry vốn là người đã có gắn bó lâu dài với Việt Nam kể từ cuộc chiến Việt Nam hồi những năm 1960 và ông đã từng được tặng huân chương vì những hành động anh hùng khi tham chiến tại đây. Trở về Mỹ, ông là người tích cực tham gia phản chiến. Đầu những năm 1990 ông là một trong số ít các thượng nghị sĩ góp phần xây dựng mối quan hệ hai nước từng là cựu thù của nhau. Ông cũng đã từng đến thăm Việt Nam nhiều lần. Những gắn bó này đã giúp ông tạo dựng được mối quan hệ có thể nói là khá tốt đẹp với giới lãnh đạo Việt Nam. Điều này cũng có ảnh hưởng phần nào tới cách ông tiếp cận và làm việc với giới lãnh đạo tại Việt Nam về những vấn đề quan trọng. Giáo sư Carl Thayer nhận xét về điều này trên trang blog của mình:
Ngoại trưởng Kerry có kinh nghiệm làm việc đáng kể với giới lãnh đạo Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Hơn nữa, là một thành viên và sau đó là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện, ông đã gặp tất cả các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam khi họ đến thăm Mỹ. Thượng nghị sĩ Kerry sẽ có thể có những đánh giá độc lập về tính cách, giá trị và mục đích của họ. Và bởi Việt Nam có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ cá nhân của ông, điều này sẽ có lợi cho Ngoại trưởng Kerry khi ông dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN sắp tới.

TS Nguyễn Quốc Quân (giữa) được chào đón tại sân bay quốc tế Los Angeles
ở California vào ngày 30 tháng 01 năm 2013. AFP photo

Thế nhưng Ngoại trưởng Kerry cũng là người thực tế. Ông đã từng nói ‘ở đâu có quyền lợi chung thì cả Mỹ và Việt Nam có thể làm việc cùng nhau’. Mỹ nhìn thấy ở Việt Nam một đối tác chiến lược tiềm năng trong khu vực trước một Trung Quốc đang trỗi dậy thách thức vị trí hàng đầu của Mỹ trên thế giới. Còn Việt Nam nhìn thấy ở Mỹ một thị trường lớn. Theo dự báo của Bộ thương mại Mỹ vào năm ngoái, kim ngạch hai chiều Mỹ Việt đạt khoảng hơn 24 tỷ đô la trong năm 2012. Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất cho xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch hơn 14 tỷ đô la trong năm 2012.

Thực tế này cũng làm một số người lo ngại vị tân Ngoại trưởng vì quyền lợi của nước Mỹ sẽ có thể bỏ qua vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Ông David Brown, một nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, nhận xét:
Tất nhiên, ông ấy sẽ thúc giục Việt Nam phải đảm bảo quyền tự do được quy định trong hiến pháp và cam kết của Việt Nam khi tham gia vào Tuyên bố về nhân quyền của Liên hiệp quốc….Ông ấy biết là các lãnh đạo Việt Nam muốn có hợp tác chặt chẽ hơn trong trao đổi quân sự, phát triển năng lượng hạt nhân và mở cửa thị trường. Với những kinh nghiệm lâu năm khi còn là thành viên trong Quốc hội, ông ấy có thể giải thích với đối tác Việt Nam rằng có nhiều dân biểu và nghị sĩ quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đến mức nó có thể cản trở mối quan hệ chặt chẽ hơn mà các lãnh đạo Việt Nam đang tìm kiếm.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Ủy ban yểm trợ cao trào nhân bản, tại tiểu bang Virginia, rất có thể vị tân Ngoại trưởng sẽ tiếp cận Việt Nam theo hướng mềm mỏng về vấn đề nhân quyền. Ông nói:
Tôi có liên lạc và nói chuyện với cố vấn của ông Kerry, và tôi có than phiền và được họ trả lời là họ vẫn can thiệp nhân quyền nhưng họ chủ trương đường lối khác, thuyết phục và không làm cộng sản Việt Nam mất mặt. Theo tôi nghĩ ông Kerry với những liên hệ tốt đẹp với nhà cầm quyền cộng sản, và bây giờ ở vị trí ngoại trưởng thì ông có thể làm được nhiều việc hơn cho vấn đề nhân quyền Việt Nam. Điển hình là khi ông vừa nhậm chức thì có thả luật sư Lê Công Định và tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân.

Hôm 30 tháng 1 vừa qua, Việt Nam đã trả tự do cho nhà vận động nhân quyền Việt kiều Mỹ, tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân sau khi giam giữ ông 9 tháng. Sau đó vào ngày 6 tháng 2, Việt Nam tiếp tục trả tự do cho một nhà hoạt động xã hội khác, luật sư Lê Công Định.

Rõ ràng, những kinh nghiệm làm việc với Việt Nam trong quá khứ đang là một điểm lợi cho vị tân Ngoại trưởng Mỹ. Nó có thể làm một số người lo lắng cho rằng mối quan hệ cá nhân của ông với Việt Nam sẽ có thể làm ảnh hưởng đến những quyết định quan trọng. Tuy nhiên, nói như nhận xét của giáo sư Carl Thayer, ông John Kerry cũng giống như Thượng nghị sĩ John McCain, sẽ không để tình cảm riêng tư ảnh hưởng đến đánh giá của mình. Ông John Kerry là người phản chiến nhưng chắc chắn không phải là người theo cộng sản.