Hiển thị các bài đăng có nhãn VOA Tiếng Việt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn VOA Tiếng Việt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

VOA Tiếng Việt: Đại hội Đảng vừa xong, ông Tập Cận Bình mời ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp sang Trung Quốc hội kiến với người tương nhiệm là Tổng bí thư Đảng Cộng sản-Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình theo lời mời của ông Tập.

Theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng CSVN, đây sẽ là chuyến thăm chính thức kéo dài trong 4 ngày, từ 30/10-2/11/2022. Do là chuyến thăm chính thức nên ông Trọng sẽ được phía Trung Quốc tiếp đón với đầy đủ nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia.

Thông cáo của Ban Đối ngoại không nêu rõ chương trình làm việc của ông Trọng ở Trung Quốc cũng như thành phần phái đoàn của ông Trọng gồm những ai.

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

VOA Tiếng Việt: Vụ Trương Mỹ Lan - đại án kinh tế hay động đất chính trị?

Vụ nữ đại gia Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt trong một vụ án kinh tế sẽ là bước đầu tiên để khui ra và ‘đốt lò’ các vị tai to mặt lớn từ đương chức đến đã nghỉ hưu, theo nhận định của nhiều nhà quan sát ở Việt Nam.

Bà Lan, trùm bất động sản, một trong những người giàu nhất Việt Nam, đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an, khởi tố, bắt tạm giam hôm 8/10 về tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ mà cụ thể là ‘gian lận trong phát hành trái phiếu để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân’, theo thông tin phát đi từ cơ quan này.

Vụ bắt giữ bà Lan đã gây xôn xao dư luận vì trước giờ bà Lan được biết đến như là ‘nhân vật không thể đụng đến’. Bất chấp tai tiếng về hối lộ cả triệu đô la cho cố Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, những ồn ào về việc có tên trong hồ sơ Panama hay lùm xùm quanh việc xin thôi quốc tịch Việt Nam, suốt nhiều năm qua bà Lan vẫn bình an vô sự.


Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

VOA Tiếng Việt: Ghế trống dành cho Phạm Đoan Trang tại Đại hội Văn bút Quốc tế 2022

Ban tổ chức Đại hội Văn bút Quốc tế lần thứ 88 sẽ dành một chiếc ghế trống vinh danh nhà hoạt động, nhà báo, tác giả Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù 9 năm tại Việt Nam.

Trong kỳ đại hội thường niên sắp diễn ra tại Uppsala, Thụy Điển, từ ngày 27/9 đến 1/10, Văn bút Quốc tế (PEN International) có mời bà Phạm Đoan Trang tham dự, nhưng vì bà đang bị giam cầm nên tổ chức này sắp xếp một chiếc ghế trống, đồng thời tiếp tục vận động để chính quyền Việt Nam phóng thích bà Trang.

“Theo truyền thống của Văn bút Quốc tế, những tác giả không thể trực tiếp tham dự Đại hội thường niên của tổ chức này, vì họ phải ngồi tù vì những hành động bảo vệ quyền tự do ngôn luận, sẽ được vinh danh bởi sự hiện diện của một chiếc ghế trống. Đây là một truyền thống cần thiết cho tổ chức chúng tôi”, bà Sabrina Tucci, Giám đốc Chiến dịch và Truyền thông của Văn bút Quốc tế cho VOA biết qua email.

“Chúng tôi tin rằng việc bỏ tù bà Phạm Đoan Trang là một hành động trả đũa nhằm mục đích bịt miệng và trừng phạt bà vì những việc bà đã làm cho nhân quyền và tự do ngôn luận cũng như nói ra những sự thật gây khó chịu”, đại diện truyền thông của Văn bút Quốc tế cho biết thêm.

PEN International, tổ chức có lịch sử hơn 100 tuổi với hơn 140 trung tâm thành viên trên khắp thế giới, nhắc lại lời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Phạm Đoan Trang, cùng với tất cả những người “bị giam giữ vô cớ vì lên tiếng ôn hòa” ở Việt Nam.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam để xin ý kiến về lời kêu gọi này, nhưng chưa được phản hồi.

Được biết là một trong những nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhất của Việt Nam, bà Phạm Đoan Trang là tác giả của một số cuốn sách, bao gồm Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực và Cẩm nang nuôi tù. Bà đồng thời là nhà báo, blogger nhận được nhiều giải thưởng quốc tế do công việc vận động chính sách, bao gồm Giải thưởng Prix Voltaire 2020, Giải thưởng Martin Ennals 2022, giải Tự Do Truyền Thông năm 2022 của chính phủ Anh và Canada, giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022 của Hoa Kỳ, và sắp tới là Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022 của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả.


Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

VOA Tiếng Việt: Tiếng Việt trong trường đại học Mỹ - ‘Nó giúp tôi kết nối với gia đình và văn hóa của mình’

Jennifer Tran sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Mặc dù nói tiếng Việt với bố mẹ trong gia đình nhưng cô không thể đọc và viết tiếng Việt cho tới gần đây khi vào đại học.

“Khi lớn lên, bố mẹ và ông bà tôi chỉ nói tiếng Việt với tôi nên đó là vì sao tôi có thể nghe và hiểu được tiếng Việt,” Jennifer, sinh ra ở Charlotte thuộc tiểu bang North Carolina ở miền Đông Hoa Kỳ, nói. “Nhưng tôi lớn lên mà chưa bao giờ học cách đọc hay viết tiếng Việt và đó là điều mà tôi muốn theo đuổi.”

Cũng giống như Jennifer, Megan Lam sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Việt di dân tới Mỹ. Mặc dù nói tiếng Việt trong gia đình, nhưng Megan không thể đọc và viết thứ ngôn ngữ của bố mẹ và ông bà của cô.

“Tôi lớn lên với ngôn ngữ tiếng Việt được nói trong gia đình nên tôi có thể nói và hiểu hầu hết tiếng Việt nhưng bố mẹ tôi chưa bao giờ dạy tôi đọc hay viết ngôn ngữ này,” Megan, cũng sinh ra ở Charlotte – nơi có khoảng hơn 17.000 người gốc Việt đanh sinh sống, cho biết.

Jennifer và Megan đều là sinh viên của trường Đại học North Carolina (UNC) nơi đang có khóa học tiếng Việt giành cho những sinh viên nào muốn học ngôn ngữ Đông Nam Á này. Chương trình giảng dạy tiếng Việt, trong đó sinh viên có thể lấy tín chỉ môn học, bắt đầu vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát ở Mỹ và trên toàn thế giới.

“Ngay trước đại dịch, đã có nhiều sinh viên ở UNC phân viện Chapel Hill ngày càng thích thú tìm hiểu thêm về Đông Nam Á và đặc biệt là ngôn ngữ với hàng trăm sinh viên đã ký một bản thỉnh nguyện thư gửi lên ban lãnh đạo trường ủng hộ việc mở rộng chương trình học về Đông Nam Á,” Tiến sỹ Kevin Fogg, phó giám đốc Trung tâm châu Á Carolina của UNC phân viện Chapel Hill, cho biết. “Chúng tôi cho rằng tiếng Việt có thể đặc biệt quan trọng đối với sinh viên ở Carolina bởi vì đây là ngôn ngữ được nói nhiều thứ 6 trong các gia đình ở North Carolina.”

Chương trình học tiếng Việt cho niên khóa 2020-2021 được giảng dạy qua hình thức trực tuyến và được nhiều người tham gia học, theo TS Fogg. Với nhu cầu tăng cao về học tiếng Việt, trường UNC trong năm học 2021-2022 đã chính thức khởi động chương trình học trực tiếp có giáo viên giảng dạy tại khuôn viên trường ở Chapel Hill.


Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

VOA Tiếng Việt: Bất cập hộ chiếu mới - Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tháo gỡ; ĐSQ Mỹ vẫn cấp visa

Sau khi ba nước châu Âu không công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công an tìm ra giải pháp xử lý khi công dân Việt bị từ chối thị thực vào châu Âu vì hộ chiếu này.

Đức, Tây Ban Nha và Cộng hòa Czech là ba nước châu Âu đầu tiên không công nhận hộ chiếu mới màu xanh tím than của Việt Nam vì lý do thiếu thông tin “Nơi sinh”, một thông tin được xem là quan trọng để xác định danh tính cá nhân người mang hộ chiếu.

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội chưa nhận được chỉ dẫn gì mới từ Bộ Ngoại giao Mỹ về hộ chiếu mới của Việt Nam, theo một nguồn tin riêng của VOA.

Một số người trong nước cho VOA biết họ đã được Đại sứ quán Mỹ cấp visa khi dùng hộ chiếu mới trong thời gian gần đây, nhưng hiện nay họ đang trong trạng thái hoang mang không biết liệu sắp tới phía Mỹ có thay đổi gì về việc công nhận hộ chiếu đó hay không. Anh và Pháp cho biết hiện họ vẫn đang công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam, theo truyền thông trong nước.

Đưa ra lý do không công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam, Đức hôm 27/7 cho rằng thiếu thông tin “Nơi sinh” khiến họ không thể xác định rõ ràng người mang hộ chiếu vì nhiều trường hợp trùng họ. Trong khi đó, Đại sứ quán Tây Ban Nha hôm 1/8 nói rằng đây là “thông tin bắt buộc để xử lý đơn xin thị thực vào các nước thuộc khối Schengen”. Đồng quan điểm trên, Cộng hòa Czech dừng công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam từ 2/8.

Trước việc công dân Việt Nam bị ba nước châu Âu từ chối cấp visa vào hộ chiếu mới, Thủ tướng Chính, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/8, đề nghị Bộ Công An “nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, theo truyền thông trong nước.

Các công ty du lịch và lữ hành của Việt Nam trong những ngày qua bày tỏ lo lắng về những vấn đề phát sinh trong việc thực hiện các tour du lịch đưa khách Việt đi quốc tế, đặc biệt tới các quốc gia trong khối Schengen của 26 nước châu Âu.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

VOA Tiếng Việt: Báo cáo Buôn người của Mỹ - Việt Nam không truy cứu trách nhiệm quan chức về lao động cưỡng bức

Bộ Ngoại giao Mỹ nói Việt Nam không truy cứu trách nhiệm các quan chức tiếp tay cưỡng bức lao động ở nước ngoài và đưa quốc gia Đông Nam Á vào danh sách các nước phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Washington, trong Báo cáo Buôn người mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Trong buổi công bố Báo cáo Buôn người 2022 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington DC hôm 19/7, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết rằng báo cáo “đánh giá 188 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Mỹ, trong việc phòng chống buôn người, bảo vệ nạn nhân và xét xử những kẻ buôn người.”

Theo Ngoại trưởng Mỹ, có 21 quốc gia được nâng cấp một bậc bởi vì chính phủ của những nước này đã có các nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người trong nước cũng như cho các công dân của họ ở nước ngoài. Trong khi đó, 18 quốc gia bị đánh hạ một bậc, trong đó có Việt Nam, vì các nước này đã không có được nỗ lực đáng kể nào hoặc tệ hơn là chính phủ những nước đó có chính sách hoặc mô hình buôn người do nhà nước bảo trợ.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á đang có mối quan hệ nồng ấm với Washington do cùng quan ngại về một Trung Quốc đang trỗi dậy, đã giảm các vụ truy tố đối với những người được cho là chịu trách nhiệm về vấn nạn buôn người trong năm 2021.

Báo cáo này đặc biệt nêu ra việc chính phủ Việt Nam “không quy trách nhiệm hình sự hay hành chính đối với hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cho là đồng lõa trong việc buôn bán công dân ra nước ngoài” cũng như “không thực hiện đủ nỗ lực để bảo vệ nạn nhân trong những trường hợp này.” Trái lại, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các cơ quan chức năng của Việt Nam “đôi khi còn được cho là đã quấy rối và gây áp lực đối với những người sống sót và gia đình của họ trong nỗ lực bịt miệng cáo buộc chính thức việc đồng lõa của các quan chức.”

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

VOA Tiếng Việt: Phiếu ủng hộ của Việt Nam cho Nga và cảnh báo hệ lụy mối quan hệ với Mỹ

Việc Việt Nam bỏ phiếu chống lại nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ được cảnh báo là có thể khiến mối quan hệ của Hà Nội với phần còn lại của thế giới rơi vào lâm nguy

Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu nhằm đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vì những cáo buộc rằng binh lính Nga giết hàng trăm thường dân ở Bucha của Ukraine, Moscow cảnh báo các nước rằng một lá phiếu “đồng ý” hoặc “trắng” đối với sự thúc đẩy của Mỹ để loại bỏ Nga sẽ được coi là một “cử chỉ không thân thiện” và sẽ gây hậu quả cho quan hệ song phương.

Việt Nam, sau hai lần bỏ phiếu trắng vào tháng trước khi Hội đồng Bảo an LHQ tìm sự đồng thuận để lên án Nga vì cuộc xâm lược ở Ukraine, đã bỏ phiếu chống trong cuộc biểu quyết lần thứ 3, mà Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield gọi là “khoảnh khắc lịch sử.” Dù có 24 nước không ủng hộ nghị quyết được Mỹ thúc đẩy hôm 7/4, trong đó có Việt Nam, nhưng có đến 93 quốc gia bỏ phiếu tán thành, vượt quá mức tối thiểu cần thiết 2/3 trong số 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ ở New York – trong đó 58 phiếu trắng không được tính – để đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới. Nga trở thành quốc gia thứ hai trong lịch sử, sau Libya, bị loại khỏi hội đồng này.

“Tôi không ngạc nhiên bởi vì Việt Nam có một mối quan hệ lâu dài với Nga kể từ thời chiến tranh (chống Mỹ),” Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ chuyên về chính trị và an ninh Đông Nam Á, nói. “(Việt Nam) có quan hệ ngoại giao với Nga ở mức cao nhất (tức đối tác chiến lược toàn diện) và rõ ràng Nga đóng vai trò quan trọng đối với (Việt Nam) trong việc hiện đại hóa quân sự.”

Ngoài Nga, chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ là hai đối tác chiến lược toàn diện còn lại của Việt Nam, và Moscow cung cấp phần lớn vũ khí cho Hà Nội trong nhiều thập kỷ qua.

Điều này có thể khiến cho Việt Nam mất đi một trong những cuộc gặp mặt bên lề với Tổng thống Biden trong cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN đã được lên kế hoạch và nó sẽ không giúp ích gì cho mối quan hệ song phương giữa hai nước.


Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

VOA Tiếng Việt: Ban Tuyên giáo, cụ Phan, cụ Trương, tên đường và nỗi đau

Chân dung cụ Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Photo Báo Cần Thơ, Blogspot.
Chân dung cụ Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Photo Báo Cần Thơ, Blogspot.

 Sau một loạt kiểm các kiểm duyệt trong ngành xuất bản liên quan đến các ấn phẩm viết về hai nhân sĩ lừng danh Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, nay Đảng Cộng sản Việt Nam lại ra công văn hướng dẫn các địa phương “không xem xét lấy tên hai nhân vật nêu trên (Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký) đặt tên cho đường, phố, công trình công cộng”. Giới nghiên cứu nhận định với VOA rằng văn bản này của Ban Tuyên giáo Trung ương đi ngược lại sự thật của lịch sử và gây hoang mang trong nhân dân, “sỉ nhục tiền nhân”, và “kỳ thị” trí thức miền Nam.

Phan Thanh Giản (1796-1867), một đại thần triều Nguyễn, làm quan trải qua 3 đời vua, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, là một nhân vật lịch sử, nhà thơ, nhà sử học, đỗ Đại khoa tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa.

Trương Vĩnh Ký (1837-1898), là một nhà bác học, nhà ngôn ngữ học tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ XIX, người am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực lịch sử, ngôn ngữ học, văn học, báo chí.

Văn bản gây tranh cãi

“Cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan đến hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đối với lịch sử Việt Nam”, công văn đề ngày 5/1 do Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy ký, nêu lý do.


Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

VOA Tiếng Việt: Phó Tổng thống Mỹ sẽ khai trương văn phòng CDC Đông Nam Á ở Việt Nam

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ cùng các quan chức Việt Nam chủ trì sự kiện chính thức khai trương văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội vào thứ Tư tuần sau, các quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ cho biết ngày thứ Năm, trong một chuyến công du mà vấn đề y tế công có phần chắc sẽ đứng đầu nghị trình thảo luận.

Bà Harris theo lịch trình sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 25 và 26 tháng 8 trong chuyến thăm đầu tiên từ trước đến nay của một phó tổng thống Mỹ tới Việt Nam giữa lúc Mỹ đang nỗ lực củng cố quan hệ với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Chuyến đi cũng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam, nước đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 trong thời gian đầu, đang chật vật tìm cách cách khống chế một đợt bùng phát mạnh do biến thể Delta của virus corona gây ra, với hàng ngàn ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày.

Bà Harris dự kiến sẽ thảo luận trực tiếp với các quan chức Việt Nam và trực tuyến với các quan chức của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và biện pháp ứng phó đại dịch của Mỹ và “cách thức mà tất cả chúng ta cần làm việc cùng với nhau để chấm dứt đại dịch và tăng cường an ninh y tế toàn cầu,” một quan chức cao cấp của chính quyền nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.

“Chính quyền Biden - Harris đã thể hiện rõ thông qua các hành động của mình, việc cung cấp vaccine, gia tăng số lượng vaccine trên khắp thế giới bao gồm hơn 23 triệu liều cho vùng Đông Nam Á, rằng chúng tôi nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này,” một quan chức cao cấp khác của chính quyền nói thêm. “Và chúng tôi hiểu chúng tôi có lợi ích quốc gia cũng như lợi ích nhân đạo trong việc giúp các quốc gia khác giải quyết vấn đề này.”

Quan chức này từ chối cho biết liệu bà Harris sẽ loan báo bất cứ sự hỗ trợ tiềm năng nào từ Mỹ hay không trong chuyến đi.

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

VOA News: Taliban là ai?

Taliban trước đây cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001 và áp đặt một hình thức nghiêm khắc của luật Hồi giáo lên nước này. Sau đây là một số sự kiện chính về đức tin và lịch sử của tổ chức này.

Taliban được thành lập như thế nào?


Taliban là một trong những thành phần chiến đấu trong cuộc nội chiến Afghanistan trong những năm 1990 sau khi Liên bang Xô Viết rút lui. Tổ chức này nổi lên vào năm 1994 chung quanh thành thố Kandahar, miền nam Afghanistan. Người sáng lập tổ chức là Mullah Mohammad Omar, một giáo sĩ địa phương trong thành phố, lãnh đạo các phần tử chủ chiến cho đến khi ông từ trần vào năm 2013.

Liên hệ với Hoa Kỳ


Lúc đầu Taliban tuyển mộ các thành viên từ các cựu chiến binh kháng chiến Afghanistan, thường được gọi là mujahedeen, được Mỹ yểm trợ trong cuộc chiến chống các lực lượng Xô Viết trong những năm 1980.

Làm thế nào Taliban nắm được quyền hành?


Tiếp theo việc Liên bang Xô Viết rút khỏi Afghanistan vào năm 1989 và kéo theo sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan, nước này lâm vào cảnh nội chiến. Taliban tạo được sự ủng hộ với những lời hứa khôi phục trật tự và công lý. Vào năm 1994, Taliban kiểm soát được thành phố Kandahar với ít kháng cự, và đầu năm 1996, phe này chiếm được thủ đô Kabul.

Taliban tin vào gì?


Taliban cai trị theo cách giải thích khắc nghiệt luật Hồi giáo Shariah. Xử tử và đánh đòn tại nơi công cộng là phổ biến, và phụ nữ hầu như bị cấm làm việc hay học hành và bị buộc phải mang burqa, một loại trang phục che kín toàn thân, tại nơi công cộng. Taliban cấm phim ảnh và sách báo nước ngoài và hủy hoại những cổ vật văn hóa của các truyền thống khác, bao gồm một tượng Phật khổng lồ có từ 1.500 năm nay tại thung lũng Bamiyan ở miền trung.

Sự liên hệ của Taliban với al-Qaida như thế nào?


Taliban cung cấp nơi trú ẩn cho tổ chức chủ chiến al-Qaida, lúc bấy giờ do Osama bin Laden lãnh đạo. Al-Qaida lập các trại huấn luyện tại Afghanistan, dùng để chuẩn bị cho các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới, kể cả cuộc tấn công ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ.

Làm thế nào Taliban mất quyền hành?


Chưa đầy một tháng sau những cuộc tấn công ngày 11/9, Hoa Kỳ và những đồng minh đưa quân vào Afghanistan. Vào đầu tháng 12, chính phủ Taliban sụp đổ, và Hoa Kỳ làm việc với người Afghanistan để thành lập một chính phủ dân chủ.

Chuyện gì xảy ra kế tiếp?


Sau khi thất bại, các lãnh đạo Taliban chạy về các căn cứ địa vững chắc của họ tại miền nam và đông Afghanistan hay vượt biên giới sang Pakistan. Tổ chức chủ chiến này sau đó lãnh đạo cuộc nổi dậy chống chính phủ Afghanistan mới được Mỹ ủng hộ, dùng cách đánh bom tự chế và những cuộc tấn công tự sát.

Năm ngoái, chính phủ Mỹ thương thuyết về một thỏa thuận với Taliban sau hơn hai thập niên dính líu quân sự tại Afghanistan. Thỏa thuận đặt ra một thời biểu cho việc rút quân Mỹ ra khỏi nước này để đổi lấy việc Taliban chấm dứt tấn công vào người Mỹ và thương thuyết với chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên nhiều tháng thương thuyết giữa Taliban và chính phủ Afghanistan không đạt được thỏa thuận hòa bình nào

Quốc gia nào đã công nhận Taliban?


Chỉ có một ít quốc gia công nhận chính phủ Taliban khi chính phủ này cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, trong đó có Pakistan, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Ả rập Xê-Út, Hiện không rõ liệu hầu hết các nước có công nhận tân chính phủ Taliban hay không; tuy nhiên Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng trước nói là Afghanistan sẽ trở thành một quốc gia bị loại khỏi cộng đồng quốc tế nếu Taliban nắm quyền bằng vũ lực và tàn bạo.

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

VOA Tiếng Việt: Các công ty Mỹ kêu gọi Tổng thống Biden tăng tốc viện trợ vaccine cho Việt Nam

Các lãnh đạo của 90 nhãn hiệu hàng đầu Hoa Kỳ mới lên tiếng kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng tốc viện trợ vaccine chống COVID-19 cho Việt Nam khi cho rằng quốc gia Đông Nam Á là chuỗi cung ứng quan trọng của Hoa Kỳ.

Trong một bức thư chung gửi Tổng thống Biden hôm 13/8, 90 giám đốc điều hành (CEO) của các công ty và tập đoàn Mỹ đang có các hoạt động sản xuất ở Việt Nam, trong đó có Nike, Adidas, Levi Strauss và Gap, cho biết Việt Nam “đang trải qua một đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng, đặc biệt ở phía Nam, và Hoa Kỳ là nơi tốt nhất để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết nhằm khống chế việc này.”

Đợt bùng phát nghiêm trọng nhất trong cộng đồng từ cuối tháng 4 khiến Việt Nam ghi nhận gần 10.000 ca lây nhiễm trong một ngày hôm 14/8. Hà Nội, TPHCM và hầu hết khu vực phía Nam đang bị phong toả nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch, khiến hàng trăm người tử vong mỗi ngày. Nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía nam, trong đó có các hãng xưởng cung cấp cho các công ty toàn cầu của Mỹ, đã phải dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới công suất do tác động của đợt bùng phát, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Việt Nam đã nổi lên như một đối tác kinh tế và chuỗi cung ứng quan trọng của Hoa Kỳ,” các CEO nói trong bức thư được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) công bố. “(Việt Nam) hiện nay là nhà cung cấp lớn thứ hai về đồ may mặc, giầy dép, sản phẩm phục vụ du hành cho thị trường Mỹ. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã trở thành một nhà cung cấp quan trọng các sản phẩm đầu vào thiết yếu cho ngành công nghiệp sản xuất giầy dép tuy nhỏ nhưng quan trọng của Hoa Kỳ.”

Các CEO này thúc giục Tổng thống Biden “tăng tốc việc viện trợ vaccine” để giúp Việt Nam “nhanh chóng phục hồi” khi cho rằng cuộc khủng hoảng ở Việt Nam cũng là cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp may mặc ở Mỹ.

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

VOA Tiếng Việt: COVID tăng mạnh, thống đốc Texas ‘cầu viện’

Thống đốc Texas, Greg Abbott, kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài tiểu bang để chống lại làn sóng COVID-19 thứ ba ở bang đông dân thứ hai của Mỹ trong khi biến thể Delta lây lan nhanh đang khiến số ca nhiễm ở đây tăng vọt.

Ông Abbott đưa ra yêu cầu này vào ngày thứ Hai khi một bệnh viện thuộc sở hữu của quận ở thành phố Houston dựng lều để ứng phó với số lượng bệnh nhân COVID-19 ồ ạt. Các bệnh viện tư trong quận đang ra quy định bắt buộc nhân viên của họ tiêm vaccine ngừa virus corona.

Vị thống đốc Đảng Cộng hòa đã chỉ đạo Bộ Dịch vụ Y tế Bang Texas sử dụng các cơ quan bố trí nhân sự để tìm thêm nhân viên y tế từ bên ngoài ranh giới của bang trong khi làn sóng Delta bắt đầu áp đảo nguồn nhân lực hiện tại của Texas. Ông cũng gửi một lá thư đến Hiệp hội Bệnh viện Texas yêu cầu các bệnh viện tự nguyện hoãn tất cả các cuộc phẫu thuật y tế không khẩn cấp.

Các quan chức bệnh viện ở Houston từ tuần trước đã báo động bệnh viện không còn giường trống trong khi không có đủ y tá để phục vụ bệnh nhân.

Ông Abbott cũng chỉ đạo Bộ Y tế của bang và Cục Quản lý Tình huống Khẩn cấp Texas mở thêm các trung tâm truyền kháng thể COVID-19 để chữa trị những bệnh nhân không cần chăm sóc tại bệnh viện cũng như mở rộng khả năng cung cấp vaccine COVID-19 cho các cộng đồng chịu thiệt thòi của bang.

Ông cũng công bố khoảng 267 triệu đôla tiền trợ cấp thực phẩm của Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung khẩn cấp cho tháng 8. Khoản tiền này là thêm vào khoản tiền 3,9 tỉ đôla phúc lợi đã được phân bổ trước đó kể từ tháng 4 năm 2020.

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

VOA Tiếng Việt: Ba nhóm đối tượng Việt Nam ưu tiên tiêm vaccine Trung Quốc nói lên điều gì?

Việt Nam vừa tiếp nhận nửa triệu liều vaccine của Trung Quốc tặng và công bố ba nhóm đối tượng ưu tiên cho tiêm loại vaccine chống COVID-19 này giữa lúc nhiều người dân trong nước lo ngại và kêu gọi “tẩy chay” nếu chính phủ mua vaccine từ nước Cộng sản láng giềng.

Bộ Y tế Việt Nam cho biết Bộ này cùng với Bộ Ngoại giao đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Vero-Cell của hãng dược Trung Quốc Sinopharm tại Sân bay Quốc tế Nội Bài hôm 20/6. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng tiếp nhận hơn 500.000 chiếc bơm kim tiêm chủng một lần, loại 1ml, trong cuộc chuyển giao lô hàng viện trợ này từ Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, theo Bộ Y tế.

Cùng ngày, trang Facebook chính thức của Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TPHCM cũng đưa tin và hình ảnh của lễ chuyển giao lô vaccine viện trợ của Bắc Kinh cho Hà Nội tại sân bay Nội Bài. Theo cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc, Đại sứ Hùng Ba nói rằng “quyết định tặng vaccine cho Việt Nam là thực hiện nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng là thể hiện sinh động của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai bên”.

Bộ Y tế hồi đầu tháng này phê duyệt có điều kiện cho sử dụng loại vaccine này của Sinopharm cho nhu cầu “cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19” trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất trong cộng đồng trong thời gian đại dịch hơn 1 năm qua.

Tuy nhiên ngay sau khi Bộ Y tế đưa ra quyết định này, một làn sóng người dân trong nước bày tỏ nghi ngại và thậm chí kêu gọi “tẩy chay” đối với loại vaccine do Trung Quốc sản xuất. Nhiều người còn đề xuất các lãnh đạo Đảng và Bộ Y tế, nơi phê duyệt vaccine Trung Quốc, là những người nên được tiêm loại vaccine này trước tiên.

Với 500.000 liều vaccine đầu tiên của Sinopharm mà Việt Nam mới tiếp nhận, Bộ Y tế cho biết sẽ dùng để tiêm cho 3 nhóm đối tượng, trong đó gồm các công dân Trung Quốc làm việc tại Việt Nam, người dân Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc, kinh doanh tại Trung Quốc, và những người dân có nhu cầu sử dụng vaccine này, đặc biệt ở các địa phương sát biên giới với Trung Quốc.

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

VOA Tiếng Việt: Việt Nam đề nghị ‘giải pháp lâu dài’ về Biển Đông, Trung Quốc không đả động gì

Việt Nam vừa cho biết đã đề nghị với Trung Quốc về việc “tìm giải pháp cơ bản, lâu dài” cho vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa tân Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn với Ủy viên Quốc vụ viện – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 8/6. Tuy nhiên, nội dung này hoàn toàn không được đề cập đến trong bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc gặp trên.

“Việt Nam đề nghị cùng Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 [Công ước LHQ về luật biển], phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông”, báo Tuổi Trẻ đưa tin về nội dung của cuộc họp giữa hai bộ trưởng ngoại giao trong khuôn khổ Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Me Kong – Lan Thương tại Trùng Khánh, Trung Quốc.

Theo đó, hai bộ trưởng Việt – Trung cũng đồng ý duy trì trao đổi, hợp tác tại các diễn đàn đa phương để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và cùng các nước ASEAN sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tất cả các nội dung trên và những vấn đề về quan hệ song phương và quốc tế, khu vực mà cả hai cùng quan tâm đã được “trao đổi sâu rộng” và “trong một bầu không khí hữu nghị, chân thành”, Bộ Ngoại giao Việt Nam được báo chí dẫn lời nói.

Trong khi đó, bản tin chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi thông tin về cuộc họp hoàn toàn không đề cập đến các nội dung trên, mà chủ yếu chỉ nói đến việc thúc đẩy quan hệ Trung – Việt.

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

VOA Tiếng Việt: Việt Nam phê duyệt vaccine của Trung Quốc. Người dân sẽ tiêm?

Bộ Y tế Việt Nam vừa phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất trong lúc có nhiều người dân bày tỏ nghi ngại về vaccine của Sinopharm và đề nghị rằng loại vaccine này nên được tiêm cho các “cán bộ cao cấp” trước.

Truyền thông trong nước cho biết Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa ký quyết định phê duyệt có điều kiện vaccine do Hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất cho việc sử dụng ở Việt Nam “do nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.”

Đây là vaccine thứ 3 được Bộ Y tế phê duyệt, sau AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga.

Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vaccine của Trung Quốc giữa lúc quốc gia Đông Nam Á ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới và gần 20 trường hợp tử vong vì COVID-19 kể từ khi đợt bùng phát trong cộng đồng lần thứ 4, được xem là nguy hiểm nhất, bắt đầu từ ngày 27/4, trong khi mới chỉ có hơn 1% người dân Việt Nam được tiêm vaccine chống virus này, một trong những tỷ lệ thấp nhất tại châu Á.

Tuy vậy, theo quan sát của VOA tiếng Việt, nhiều người bày tỏ nghi ngại về vaccine của Trung Quốc.

“Phản ứng của người dân trong nước là hầu hết những người mà tôi biết thì họ không tích tiêm vaccine Trung Quốc,” ông Nguyễn Như Phong, một người đang điều hành hai công ty truyền thông tại Hà Nội, nói và cho biết rằng nguyên nhân của việc mà ông gọi là “một sự bất tín vạn sự bất tin” xuất phát từ việc người dân Việt Nam nhận thấy “người Trung Quốc sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng nhái” và “chất lượng hàng hoá của Trung Quốc không được đảm bảo.”

“Người Việt Nam nói chung không thích sản phẩm của Trung Quốc,” anh Nguyễn Văn Nam, một người kinh doanh thuốc và các vật dụng y tế ở Hà Nội cho biết và nói rằng anh không nhập các sản phẩm của Trung Quốc vì lo ngại về chất lượng. “Bản thân tôi cũng sẽ không tiêm vaccine Trung Quốc.”

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

VOA Tiếng Việt: Việt Nam vượt Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu nội thất lớn nhất vào Mỹ

Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn nhất sang thị trường Mỹ trong bối cảnh thuế xuất tăng cao khiến các nhà sản xuất rời khỏi quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một nghiên cứu mới đưa ra của tạp chí Furniture Today cho biết về việc Việt Nam thay thế Trung Quốc để là nguồn cung đồ nội thất lớn nhất cho thị trường Hoa Kỳ. Tạp chí này này gọi đây là “một trong những sự chuyển dịch mạnh mẽ nhất trong lịch sử nhập khẩu đồ nội thất gần đây” ở Mỹ.

Việt Nam xuất hơn 7,4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ trong năm 2020, tăng 31% từ 5,7 tỷ USD của năm trước đó, theo dữ liệu từ nghiên cứu của Furniture Today. Trong khi đó, Trung Quốc xuất 7,33 tỷ USD sang Mỹ trong cùng giai đoạn 12 tháng của năm ngoái. Con số này giảm 25% so với 9.7 tỷ USD trị giá lượng hàng hoá nội thất mà Trung Quốc xuất sang Mỹ vào năm 2019.

Mặc dù sự chênh lệnh là tương đối nhỏ, nhưng theo Furniture Today, vị trí của Việt Nam trên trường thế giới cho thấy quốc gia Đông Nam Á đã “phát triển tầm quan trọng như thế nào trong những năm gần đây.” Và điều này, theo tạp chí uy tín của ngành nội thất Hoa Kỳ, diễn ra khi Việt Nam nổi lên như “một thế lực trong ngành đồ gỗ nội thất” trong bối cảnh các nhà sản xuất đồ nội thất của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các loại thuế chống bán giá mà Mỹ bắt đầu áp lên hàng nhập từ Trung Quốc từ tháng 4/2004.

Sự thay đổi này diễn ra mạnh mẽ hơn khi chính phủ Mỹ áp thuế lên tới 25% trên hầu hết các mặt hành nội thất của Trung Quốc trong vòng 2 năm rưỡi qua kể từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh hồi tháng 7/2018.

Theo Furniture Today, ngành công nghiệp sản xuất đồ nội thất bắt đầu rời khỏi Trung Quốc khi thuế xuất của Mỹ áp lên hàng Trung Quốc từ 10% bắt đầu từ nửa cuối năm 2018. Hàng xuất từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 1% xuống 13,6 tỷ USD trong khi hàng của Việt Nam xuất sang thị trường lớn nhất thế giới này tăng 9% lên 4,2 tỷ USD, so với 3,9 tỷ USD trong năm trước đó.

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Anita Powell (VOA Tiếng Việt): Mỹ sắp phát tặng 80 triệu liều vaccine ra thế giới

Mỹ tuần này loan báo sẽ chia sẻ thêm 20 triệu liều vaccine virus corona với các nước khác, ngoài 60 triệu liều đã cam kết trước đây. Thắc mắc cần giải đáp: những nước nào sẽ được nhận món quà này?

Điều phối viên của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Đáp ứng COVID Toàn cầu, Gayle Smith, không trả lời thẳng câu hỏi này hôm 19/5 tại một hội nghị trực tuyến dù bị hỏi dồn nhiều lần bởi các phóng viên từ vùng Ca-ri-bê, Ấn Độ, Brazil, châu Phi, Đông Á, và Liên hiệp châu Âu.

Tuy nhiên, bà Smith nhấn mạnh là Mỹ đang làm việc chặt chẽ với chương trình COVAX toàn cầu để quyết định nơi nào cần vaccine nhất, và làm thế nào vaccine được phân phối bình đẳng.

“Chúng tôi chưa có quyết định về việc phân phối,” bà lặp đi lặp lại nhiều lần. “Chúng tôi sẽ có thông tin cho quý vị trong thời gian gần. Điều chúng tôi đang làm là xem xét từng khu vực trên thế giới và chúng tôi nhận thấy rõ ràng về tình trạng cực kỳ thiếu vaccine tại lục địa châu Phi.”

Các chuyên gia y tế tại Liên hiệp quốc ước lượng trong 1,4 tỉ liều đã được sử dụng trên toàn thế giới, chỉ có 24 triệu liều đến với châu Phi-nghĩa là chưa tới 2%.

Bà Smith cũng nhấn mạnh rằng dù các đối thủ hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc và Nga đang tăng cường trao tặng vaccine của họ trên toàn thế giới, động thái này của Mỹ không phải là ‘ngoại giao vaccine.’ Bà nhắc đi nhắc lại Mỹ sẽ phân phối vaccine dựa trên nhu cầu chứ không nhằm tạo thiện cảm.

“Về ngoại giao vaccine, theo tôi, điều hết sức quan trọng ở đây, vaccine là công cụ dành cho y tế công cộng,” bà nói. “Vaccine là phương tiện để chấm dứt đại dịch này. Chúng tôi không xem vaccine cũng như không dùng vaccine làm phương tiện để gây ảnh hưởng hay tạo áp lực. Và quyết định của chúng tôi sẽ căn cứ trên nhu cầu, dữ liệu y tế công cộng và, xin nhắc lại lần nữa, dựa trên sự hợp tác với các đối tác chính trong đó có COVAX.”

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

VOA Tiếng Việt: Bamboo Airways sẽ bay thẳng tới Mỹ từ tháng 9 năm nay

Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa được cấp slot bay thẳng tới các sân bay của Mỹ và dự kiến bắt đầu khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ tới bờ Tây của Hoa Kỳ từ tháng 9, theo truyền thông trong nước.

Trích dẫn thông tin do Bamboo Airways công bố hôm 7/5, các trang báo mạng Việt Nam cho biết hãng hàng không của tỷ phú Trịnh Văn Quyết sẽ thực hiện các chuyến bay thẳng từ TPHCM tới San Francisco và Los Angeles, đều ở bang California, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất ở hải ngoại sinh sống, bắt đầu từ 1/9 năm nay.

Dự kiến Bamboo Airways sẽ có các chuyến bay hàng ngày tới sân bay quốc tế San Francisco với thời gian hạ cánh lúc 10 giờ sáng và cất cánh lúc 1 giờ chiều, giờ địa phương, theo thông cáo được các báo mạng trích dẫn. Còn các chuyến bay của hãng hàng không mới được thành lập năm 2017 tới sân bay quốc tế Los Angeles dự kiến hạ cánh vào 9:30 sáng và cất cánh vào lúc 12:30 sáng hàng ngày.

Các chuyến bay của Tre Việt sẽ được thực hiện bằng máy bay thân rộng hiện đại Boeing 787-9 Dreamliner.

Hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways đã đặt hàng mua 30 máy bay Boeing trong những năm qua, trong đó gồm có một hợp đồng được ký kết bên lề chuyến công du lần thứ 2 của Tổng thống Donald Trump tới Hà Nội nhân dịp họp thượng đỉnh với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 2/2019. Chủ tịch Bamboo Airways gần đây cho biết hãng sẽ tăng đội bay lên 40 chiếc vào cuối năm nay.

Theo VnExpress, Bamboo Airways là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được cấp slot bay thẳng thường lệ tới Mỹ và thời gian bay dự kiến được rút ngắn xuống còn khoảng 15-16 tiếng thay vì hơn 20 giờ do không phải quá cảnh qua nước khác. Hiện không có đường bay thẳng tới Mỹ từ Việt Nam và các hành khách thường phải quá cảnh qua một số sân bay ở châu Á như Hong Kong, Hàn Quốc hoặc Đài Loan.

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

VOA Tiếng Việt: Việt Nam và Mỹ đã thực sự tin nhau để trở thành đối tác chiến lược?

Phải mất 20 năm sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam và Mỹ mới bình thường hoá được mối quan hệ và hơn 1/4 thế kỷ kể sau đó, hai quốc gia cựu thù vẫn chưa thể nâng cấp mối quan hệ lên tầm chiến lược dù song trùng về lợi ích trước những quan ngại về Trung Quốc. Vì sao?

Với nhiều nỗ lực từ những thượng nghị sỹ Mỹ như John McCain và John Kerry trong hai thập kỷ sau chiến tranh, Việt Nam và Mỹ mới có được một sự tin tưởng và thiện chí để hoà giải mối quan hệ cựu thù. Từ đó, Tổng thống Bill Clinton mới ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam vào năm 1994 và hai nước chính thức bình thường hoá quan hệ một năm sau đó.

Nhưng trong một thời gian dài sau khi bình thường hoá, mối quan hệ của hai nước không thực sự là bình thường, theo nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Việt, trưởng khoa chính trị quốc tế và ngoại giao của Học viện Ngoại giao Việt Nam.

“Lòng tin là yếu tố lớn làm cản trở mối quan hệ giữa hai nước để có thể tiến xa hơn,” TS Việt nói tại buổi thảo luận về tương lai quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington tổ chức hôm 29/4 qua hình thức trực tuyến.

TS Việt, người có luận án tiến sỹ về mối quan hệ Mỹ-Việt tại Đại học Virginia, cho biết mối quan hệ giữa hai nước phát triển rất chậm trong những năm sau khi bình thường hoá. Ông Việt đưa ra ví dụ về sự khó khăn trong việc thương thảo giữa Mỹ và Việt Nam về Hiệp định Thương mại Song phương và Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn mà ông nói là đã mất rất nhiều thời gian. Theo TS Việt, một trong nhiều yếu tố, mà ông tìm hiểu được qua các nghị sỹ như John McCain và Jim Webb cùng nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam cho biết, đó là “lòng tin.”

Cuộc chiến tranh kéo dài gần 20 năm đã khiến cho cả hai phía mất mát nhiều sức người và của. Hơn 58.000 binh lính Mỹ thiệt mạng ở Việt Nam trong khi phía Việt Nam cho biết hơn 2 triệu người dân và quân nhân Việt bị giết hại. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, Mỹ áp đặt lệnh cấm vận lên Việt Nam cho đến khi dỡ bỏ vào ngày 12/7/1995.

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

VOA Tiếng Việt: Tổng thống Biden đọc diễn văn đầu tiên trước Quốc hội Mỹ

(Bài trích một số câu của Tổng Thống Biden trong bài diễn văn trước Quốc Hội lúc 9 giờ tối ngày 28 tháng 4, 2021)

Tổng thống Biden kết thúc bài diễn văn trước Quốc hội: “Lịch sử đã cho thấy trông chờ Mỹ thất thế là một sai lầm. Chúng tôi là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Không có một việc gì, không có gì, là vượt quá khả năng của chúng ta.”

Tổng thống Biden: “Tôi chưa bao giờ tin tưởng hơn hoặc lạc quan hơn về nước Mỹ như lúc này… Chúng ta đã nhìn vào vực thẳm của sự nổi loạn và chế độ chuyên quyền, của đại dịch và nỗi đau, và chúng ta, người dân chúng ta đã không nao núng.”

“Nếu chúng ta thực sự muốn khôi phục linh hồn của nước Mỹ, chúng ta cần bảo vệ quyền được bầu cử thiêng liêng,” ông Biden phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội khi ông kêu gọi các nhà lập pháp thông qua đạo luật về quyền bầu cử.

Tổng thống Biden nói đã đến lúc binh sĩ phục vụ ở Afghanistan về nước: “Ngày nay chúng ta có các quân nhân phục vụ trong vùng chiến sự giống như cha mẹ họ đã làm. Chúng ta có các quân nhân phục vụ ở Afghanistan, những người mà vào ngày 11 tháng 9 hãy còn chưa ra đời.”

Tổng thống Biden: “Di trú luôn là điều cần thiết đối với nước Mỹ. Hãy kết thúc cuộc chiến mệt mỏi của chúng ta về vấn đề di trú.”

Tổng thống Biden nói rằng cải cách an toàn súng ống “không nên là một vấn đề Cộng hòa hay Dân chủ.”