Hiển thị các bài đăng có nhãn Vụ án Về Kinh Bắc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vụ án Về Kinh Bắc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

Đọc lại: Hoàng Hưng: Vụ án “Về Kinh Bắc” – một sự kiện hậu Nhân Văn

Vụ án liên quan đến tập thơ “Về Kinh Bắc” của nhà thơ Hoàng Cầm khiến tác giả Hoàng Cầm phải bị tù 16 tháng vì tội “phản động”, còn nhà thơ Hoàng Hưng vì mang tập thơ bên người mà bị khép tội “tuyên truyền văn hóa phẩm phản động, đồi trụy” (!) cộng thêm ngang bướng, không nhận tội nên bị 39 tháng tù! Đọc lại để thấy toàn bộ sự việc hết sức ngớ ngẩn, phi lý đến mức không tin nổi. Nhưng ở đất nước này, suốt gần tám thập kỷ qua cho đến tận bây giờ là thế kỷ XXI, đã và vẫn đang có biết bao nhiêu vụ án phi lý, phi nhân, vừa nực cười vừa chua xót vừa phẫn nộ như thế. Và biết bao nhiêu văn nghệ sĩ, trí thức, nhân sĩ đã bị tiêu diệt tài năng, sĩ khí, nhân phẩm ở vào những năm tháng mà họ đang tràn đầy năng lượng, sức sáng tạo và lẽ ra có thể cống hiến cho đất nước, dân tộc nhiều hơn gấp bội…

DĐTK
***

Gần đây trên mạng xuất hiện một số tư liệu mới về phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Tiểu luận mang tên “Vụ Nhân văn – Giai phẩm từ góc nhìn một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành” của nhà văn Lê Hoài Nguyên, nguyên đại tá Cục An ninh Tư tưởng Văn hóa Bộ Công an (A 25), là một tư liệu quan trọng góp phần vào lịch sử đấu tranh dân chủ của nước Việt Nam hiện đại. Trong tiểu luận trên, tác giả xếp vụ án “Về Kinh Bắc” 1982[1] vào mục “Hậu Nhân văn”. Chính điều này đã gợi hứng cho tôi quyết định viết về vụ “Về Kinh Bắc” với tư cách người trong cuộc, mong góp thêm phần hoàn chỉnh tư liệu về phong trào lịch sử này.