Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Quý Hạo Nhiên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Quý Hạo Nhiên. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Vũ Quý Hạo Nhiên trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt: Bàn về “bài học cho Hoa Kỳ” từ biến cố Sài Gòn và Kabul

Đã hơn hai tuần kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thừa nhận rằng sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan và việc Taliban giành lại quyền kiểm soát diễn ra nhanh hơn chính phủ Mỹ dự đoán.

Trong bối cảnh chính phủ Afghanistan sụp đổ chóng vánh, các nhà quan sát và truyền thông đã nhắc lại những ngày cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975 và điểm tương đồng trong cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Afghanistan và Việt Nam.

Tác giả Vũ Quý Hạo Nhiên từ California mới đây có bài có tựa ‘A lesson for America from the fall of Saigon in 1975’ đăng tại phần ý kiến bạn đọc trên trang web của CNN ngày 31/08. BBC Tiếng Việt phỏng vấn ông quanh nội dung bài viết này.

BBC: Trong bài đăng trên trang CNN, ông nêu ra điều ông gọi là “bài học cho Hoa Kỳ” từ biến cố bỏ Sài Gòn và VNCH ngày 30/04/1975 cho vấn đề Afghanistan vừa qua, nhưng có vẻ như việc rút quân Mỹ và đồng minh khỏi Kabul cũng bị phê phán khá rộng rãi là vội vã, bỏ lại hàng vạn cộng sự cũ, vậy tức là không có bài học nào được rút ra?

Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Afghanistan là chuyện không thể bàn ngược lại nữa. Giới chính khách cả hai đảng ở Mỹ đều không muốn ở lại đó, kể cả cựu Tổng thống Donald Trump, ngay trong tuần qua còn gọi thoả ước rút quân của ông với Taliban là "beautiful" (đẹp đẽ). Bài học tôi muốn nước Mỹ rút ra là ở tương lai, sẽ làm gì khi người Afghanistan trốn chạy chế độ Taliban như người Việt Nam từng trốn chạy cộng sản. Chính quyền Mỹ nhận người tỵ nạn Việt Nam không vì họ "phải" làm, mà vì họ "muốn" làm. Và tôi hy vọng họ cũng sẽ "muốn" nhận người tỵ nạn Afghanistan như vậy.

BBC: Một phần câu chuyện ông viết để dư luận nói tiếng Anh ở Hoa Kỳ biết về cảnh hậu chiến ở Nam Việt Nam là về gia đình ông, ông có thể nhắc lại ở đây hay không?

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Vũ Quý Hạo Nhiên: George Floyd Là Thế Nào Mà Đám Tang To Dữ Vậy?

"Tôi nhìn ông ta (George Floyd) và tôi thật sự nghĩ người đó đã có thể là tôi." Đó là điều mà vị Surgeon General (Y sĩ trưởng) Jerome Adams nói về Floyd.

Tại sao vị bác sĩ đứng đầu ngành Y chính phủ liên bang Hoa Kỳ, một nhân vật cấp cao từng đứng chung sân khấu với TT Trump trong những buổi họp báo về coronavirus, lại tự so sánh mình với Floyd, một người tiền án tiền sự đầy một danh sách?

Vì Bác sĩ Adams biết một điều mà người da đen nào cũng biết nhưng nhiều người Việt Nam có vẻ không biết, đó là xã hội Mỹ, trong đó có cảnh sát, đối xử với người da đen bất công, không như với các sắc dân khác, bất kể người da đen đó là ai, giàu nghèo ra sao.

Kenneth Frazier cũng nói tương tự. George Floyd "đã có thể là tôi."

Kenneth Frazier là ai? Frazier là triệu phú, luật sư, CEO công ty dược phẩm Merck (ở nước khác như VN được gọi tên là MSD). Merck là công ty dược phẩm lớn thứ nhì ở Mỹ. Trong 500 công ty lớn nhất nước Mỹ, chỉ có 4 CEO người da đen và Kenneth Frazier là một.

Cũng như Bác sĩ Adams, tại sao ông Frazier tại tự so sánh mình với một người có tiền án tiền sự?

Cùng một lý do. Vì họ biết xã hội này bất công với mọi người da đen chứ không chỉ một mình George Floyd.

Ông Frazier nói cộng đồng người gốc Phi Châu xem video đó và nhìn thấy "người đàn ông gốc Phi Châu đó, đã có thể là tôi hay bất kỳ một người đàn ông Mỹ gốc Phi Châu nào, bị đối xử không như một con người."

Bác sĩ Adams kể ông nhiều lần bị cảnh sát hay bảo vệ chặn lại trong siêu thị, trong các cửa hàng, bị vu cáo những điều ông không hề làm.

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Vũ Quí Hạo Nhiên - Quyền chửi là quyền tự do ngôn luận


Viết cho BBC từ Little Saigon, California

Linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an bịt miệng trong phiên xử năm 2007.

Toàn bài này có thể tóm tắt trong một câu: Chửi tục là một quyền tự do ngôn luận cần được bảo vệ vì có khi những sự việc xảy ra mà cách duy nhất bộc lộ hết cảm xúc tức giận hay bực bội, là chửi tục.

Cấm chửi tục, như Thành phố Hà Nội đã ra quyết định “kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý,” là cấm người ta bộc lộ hết cảm xúc của mình, và là vi phạm tự do ngôn luận.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Không quen Trịnh Công Sơn, viết về Trịnh Công Sơn

Vũ Quí Hạo Nhiên - 

Tôi với Trịnh Công Sơn không có quen biết. Người khác viết về họ Trịnh, người ta kể ra được biết bao nhiêu kỷ niệm với nhạc sĩ. Cái này có phần lợi, mà cũng có phần thiệt: Đã mang tiếng là quen, người ta dường như tự thấy có nhu cầu phải nói ra quan điểm của mình về những điều “Quốc”/“Cộng” đang tranh cãi về người nhạc sĩ này.


Tôi không có quá khứ ấy, nên tôi không cần phải nhảy vào cuộc tranh cãi chắc không bao giờ chấm dứt này. Tôi là một đứa nhóc thích nhạc, con nhà “ngụy,” sống tại Việt Nam sau 75, đủ lớn để quan sát và suy nghĩ, nhưng chưa đủ lớn để ra đường làm quen với những người nổi tiếng. 

Ở đây, tôi chỉ viết về hai bài hát tôi thích, do Trịnh Công Sơn sáng tác khoảng 1979 hay 80, khi phong trào vượt biên “bán chính thức” lên cao độ, và đất nước Việt Nam đang xuống dốc thảm hại. Tôi viết về những lý do cá nhân vì sao tôi thích hai bài này.

Oái oăm thay, hai bài tôi thích đều bị lên án tại hải ngoại.

Đèn Đường Từng Đêm Thao Thức

Thế giới âm nhạc ở Việt Nam sau 75 là một thế giới tạp nhạp về chất lượng, hay có dở có, nhưng đặc biệt thuần nhất về nội dung. Nói nhạc, là nói nhạc “cách mạng.” Đang ở Trường Sơn Đông thì nhớ Trường Sơn Tây, nhưng ở tận sông Hồng thì em có biết quê hương anh cũng có dòng sông? Trên Sóc Bom Bo có tiếng chày khuya hòa với tiếng đàn ta lư mừng thắng trận quê ta. Hà nội ta đánh Mỹ giỏi là niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau. Các cô gái cũng toàn lo đánh nhau – có cô gái vót chông, có cô gái Sài gòn đi tải đạn, và có cô gái đứng ở bên đường như quê hương vai áo bạc cầm súng trường. Họ hẹn gặp nhé giữa Sài gòn, là nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười.

Đó là nhạc chúng tôi được phép nghe, được phép hát, được phép trình diễn, và các thầy cô của chúng tôi được phép dạy. Nhạc Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương này nọ chỉ hát lậu thôi. Sau này, BBC và VOA phát một số bài mới như “Người di tản buồn,” “Món quà cho quê hương,” “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh,” và “Sài gòn niềm nhớ không tên.” Chúng tôi gọi chung là nhạc “hải ngoại” vì chúng tôi nghe được qua đài ngoại quốc, chứ chúng tôi không biết ông Nguyễn Đình Toàn tác giả “Sài gòn niềm nhớ không tên” vẫn còn sống sờ sờ trong nước. Chúng tôi chép lại từ đài, dạy cho nhau hát, dĩ nhiên hát lén. 

Một người thầy của tôi kể lại, để tránh không phải dạy học trò mình thành cộng sản, trong giờ nhạc trường trung học ông ta chỉ dạy hai bài hát. Một là bài “Guantanamera” là nhạc “nước anh em” Cu-ba, vì lời tiếng Tây ban nha chẳng ai hiểu gì cả, mà lời Việt thì hoàn toàn... phi cách mạng. “Hàng cây dừa non dưới trời mây xanh.” Bài thứ hai là bài “Cô gái vót chông” vì, theo ông, “nhạc hay và lời thật tiếu lâm”!! Đó là những lối thoát rất hẹp trong rừng nhạc chi chít chuyện đánh cho Mỹ cút ngụy nhào.

Khi ấy, Trịnh Công Sơn còn đi Khe Sanh, Võ Văn Kiệt chưa vớt về. Chuyện này tôi mới biết sau khi Trịnh Công Sơn đã mất, chứ lúc đó thì lo chuyện mình chưa xuể, công đâu để ý xem các nhạc sĩ đã đi đâu và về đâu.

Thế rồi, nhạc Trịnh Công Sơn tái xuất hiện. Chúng tôi mừng vì lại được hát những sáng tác của một nhạc sĩ lớn của miền Nam. Lúc đầu chỉ có hai bài, “Em còn nhớ hay em đã quên” và “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.” (Nếu có bài nào khác xuất hiện sớm hơn thì tôi không biết.) Nhạc Trịnh Công Sơn như một làn gió, tuy không hẳn là hoàn toàn mát rượi tính tự do, thổi vào cái lò nung hầm hập của nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa. Và nhất là nó là nhạc công khai, không bị cấm.

Em Ra Đi Nơi Này Vẫn Thế, Vẫn Có Em Trong Tim Của Mẹ

Tuy nhiên, sau một thời gian, ở hải ngoại bắt đầu lên án những sáng tác mới của Trịnh Công Sơn. Bài “Em còn nhớ hay em đã quên” bị kết án là đã ngụy biện rằng Sài Gòn không thay đổi sau khi bị cộng sản chiếm và hàng ngàn người bỏ đi. “Em” đây, là Khánh Ly chứ còn ai! Mà sau khi “em” đi, thì Sài gòn khác chứ – “Sài gòn ơi ta mất người như người đã mất tên” kia mà! 

Nhưng phải nhớ lại, thời gian ấy, liên lạc ra ngoại quốc, không bao giờ nói thẳng mà luôn luôn rất bóng gió. Ai không biết, hoặc không nhớ, có thể đọc “Quê Hương Thương Ghét” của Vũ Thụy Hoàng. Thư viết vậy mà không phải vậy, mỗi bức thư như một bức mật mã, viết cho người thân mà cứ như làm gián điệp. Người dân giỏi nói bóng gió để qua mặt công an, đến mức một nhà báo ngoại quốc viết về nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã đặt tựa sách là “Shadow and Wind” (bóng và gió).

Trong hoàn cảnh như vậy, Trịnh Công Sơn muốn nói gì trong “Em còn nhớ hay em đã quên,” có hay không bắn tin gì, gửi cho ai, nhắn cái gì, “em” là ai, thì chỉ có Trịnh Công Sơn biết. Nhưng nếu người miền Nam mà không thích bài này, thì nó đã chết từ lâu rồi. Nó còn có người hát, là tại người mình – xin nhấn mạnh, người mình, đám “ngụy” – còn thích.

Tôi là một trong những đứa con nhà “ngụy” thích bài này. Bạn bè đi vượt biên, đi chính thức, lúc chia tay, hát cho nhau bài này, như nhắc đừng quên nhau. Như nhắn nhủ rằng mày đi tao vẫn nhớ mày, tao vẫn sống như ngày mày còn ở đây. Mày với tao đi lao động, đi trực đêm, đi trốn nghĩa vụ. Mày đi rồi tao vẫn lao động, trực đêm, trốn nghĩa vụ. Cái xứ này nó vậy, mày ra đi nơi này nó vẫn thế, vẫn cứ mưa rồi chợt nắng.

Xã hội có thể bát nháo, nhưng tình người nếu chân thật thì vẫn thế, vẫn có em trong tim của mẹ. Cái nhân bản vượt lên trên cái phàm trần.

Ừ thì có thể Trịnh Công Sơn không viết về người vượt biên mà viết về người di tản. Mà cũng có thể không. Ai mà biết! Chỉ có Trịnh Công Sơn biết.

Tôi, tôi chiếm lấy bài hát của Trịnh Công Sơn làm của tôi. Ông viết cho ai tôi không cần biết, tôi lấy bài của ông tôi hát cho bạn tôi đi vượt biên, đứa đi thoát, đứa bị bắt, đứa làm mồi cho biển sâu. 

Tôi tin rằng, như tôi, nhiều người khác cũng thích bài hát này vì những lý do rất riêng tư. Chẳng phải giá trị của nghệ thuật tùy con mắt người xem ư?

Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Đường Đi, Đường Đến Anh Em Đường Đến Bạn Bè

Bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” cũng bị lên án ở hải ngoại. Thật là xạo khi đang sống ở xứ cộng sản mà bảo mỗi ngày chọn một niềm vui! Vui ở chỗ nào?

Thực ra, tôi không thích bài này lắm, vì hồi đó mà bắt tôi mỗi ngày chọn một niềm vui thì cũng khó. Nhưng bây giờ, nghĩ lại, mới thấy Trịnh Công Sơn đúng, tôi sai.

Ngày ấy, lo lắng nhiều, sợ hãi nhiều. Nhưng đúng là mỗi ngày tôi đã nhận được ít nhất một niềm vui. Nó đến từ thầy cô lo lắng dạy dỗ cho học trò học hành tử tế, từ bạn bè giúp đỡ và an ủi nhau trong những lúc khó khăn, từ cha mẹ anh em họ hàng đùm bọc lẫn nhau khi tai họa có thể giáng xuống bất cứ lúc nào.

Người Việt Nam sống trong nước lúc đó như người bị bao vây. Vậy mà bây giờ gặp nhau, nhắc lại thời gian đó, ai ai cũng có thể kể ra được những câu chuyện cảm động của đời sống thường ngày -- những niềm vui nho nhỏ, lắm khi rất tầm thường -- trong một xã hội rất kinh hoàng. Nhưng lúc ấy, vì đang trong tâm trạng bị bao vây, nên không ai nhìn ra điều này.

Chỉ trừ Trịnh Công Sơn. “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui,” tôi chọn “đường đến anh em, đường đến bạn bè.” Không những ông chỉ ra cách đi tìm niềm vui cho mình, ông còn chỉ cách mang niềm vui đến cho người khác. “Tôi nhặt gió trời” nhưng tôi “mời em giữ lấy.”

Ông không lo lắng tìm đường vượt biên, ngược lại ông “chọn ngồi thật yên nhìn rõ quê hương rồi nghĩ lại mình.” Và ông “chợt biết rằng vì sao tôi sống, vì đất nước cần một trái tim.” Nên ông tình nguyện “yêu đời này bằng trái tim của tôi.” Nói như thế mà không bị công an văn hóa chúng nó vặn thì cũng tài – nói đất nước cần một trái tim thì rõ ràng là nói đất nước này thiếu trái tim.

Mà đúng đó là tâm trạng của mỗi chúng tôi. Trong tình trạng bị bao vây, một chút ít giúp sức, nâng đỡ nhau, đã là niềm vui lớn lắm rồi. Mà nhiều khi còn phải giúp “lậu.” Xã hội chung quanh tàn ác, thiếu trái tim. Tôi và các bạn tôi, chúng tôi chẳng còn gì khác cho nhau trừ những việc làm cho nhau đến từ trong tim, và nó quý lắm.

Đã Yêu Cuộc Đời Này Bằng Trái Tim Của Tôi

Cái hay của Trịnh Công Sơn là ở chỗ đó. Ông công khai nói lên tâm trạng của những người như chúng tôi, trong khi quanh ông toàn nhạc sĩ cách mạng và các ca khúc chống Mỹ của họ. Nhạc cách mạng dạy trẻ em tàn bạo. Nhạc Trịnh Công Sơn nhắc tôi yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi. Do đó, tôi yêu nhạc ông.


Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Vũ Quí Hạo Nhiên - Cha chung, mọi người khóc: Elinor Ostrom và bài toán lạm dụng tài nguyên


Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt 


Giáo sư chính trị học Elinor Ostrom (1933-2012), Nobel Kinh Tế 2009. (Hình: Indiana University via Getty Images)

Tiến Sĩ Elinor Ostrom, người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đoạt giải Nobel Kinh Tế, qua đời hôm 12 tháng 3, thọ 78 tuổi. Bà được giải Nobel Kinh Tế năm 2009, sau cả một đời nghiên cứu cách bảo vệ tài nguyên của chung sao cho không bị lạm dụng, không bị dùng quá trớn, bào mòn tới nỗi bị mất luôn.

Tuy chiếm giải Nobel Kinh Tế, nhưng bà Ostrom không phải là một nhà kinh tế học. Bà đậu cử nhân, cao học, và tiến sĩ đại học UCLA không phải trong ngành kinh tế, mà trong ngành chính trị học.

Hầu hết công trình nghiên cứu của bà đều được thực hiện trong thời gian bà dạy tại đại học Indiana University, cũng không phải trong khoa kinh tế, mà trong khoa chính trị.

Ðiều này thật ra không có gì lạ. Không lạ, vì kinh tế học không còn là một ngành riêng lẻ dành riêng cho những người muốn làm kinh tế nữa, mà kinh tế học đã lấn vào hầu hết các ngành khoa học xã hội. Phương pháp luận của kinh tế là một phương pháp luận căn bản hầu như bất kỳ một nhà khoa học xã hội nào cũng phải biết. Và khi một nhà chính trị học, như Tiến Sĩ Ostrom, dùng phương pháp của kinh tế để giải quyết vấn đề tài nguyên dùng chung, thì công trình đó trở thành một công trình kinh tế học.

Bài toán quen thuộc


 Vấn đề Tiến Sĩ Ostrom nghiên cứu là một vấn đề khá quen thuộc với người Việt Nam. Tại sao phòng vệ sinh ký túc xá lại rất dơ? Tại sao đường sá Việt Nam xả đầy rác?

Tại sao di tích lịch sử cứ bị phá hỏng không ai chăm sóc? Tại sao ngành du lịch làm ăn chụp giựt không màng tới tiếng xấu cho đất nước? V.v. và v.v.

Người Việt Nam mình gọi những vụ này bằng thành ngữ “cha chung không ai khóc.” Hoặc là “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa.” Ðó là những câu miêu tả tình trạng này, nhưng chưa phải là giải pháp.

Trong kinh tế, tình trạng này mang tên gọi “tragedy of the commons,” tạm dịch là “thảm kịch của tài nguyên dùng chung,” theo tựa của bài nghiên cứu của nhà môi trường học Garrett Hardin, in trong tạp chí Science năm 1968. (Hiện tượng một bài nghiên cứu môi trường, do một tiến sĩ vi sinh học viết ra, lại trở thành một bài kinh điển cho giới kinh tế, một lần nữa cho thấy kinh tế học không phải là một ốc đảo.)

Thế thì “tragedy of the commons” là gì? Tôi có lần nghe phỏng vấn Tiến Sĩ Ostrom trên radio, thì bà tóm tắt công trình nghiên cứu cả đời của bà, là biến “tragedy of the commons” - thảm kịch của tài nguyên dùng chung, thành “problem of the commons” - một bài toán, một vấn đề, có giải pháp, chứ không phải là thảm kịch để ngồi khóc lóc than thở với nhau.

Thí dụ tiêu biểu của “tragedy of the commons” (mỗi vấn đề trong kinh tế học thường có một thí dụ tiêu biểu) là một đồng cỏ chăn bò.

Thảm kịch đồng cỏ tàn phế


 Hardin miêu tả một cánh đồng cỏ không thuộc chủ nào hết, bên ngoài một ngôi làng. Một nhà nông đem 2-3 con bò ra ăn cỏ, thì không sao, vì cỏ sẽ mọc lại. Cả làng mỗi nhà mang 2-3 con, cũng chưa sao. Trong đó nếu lỡ có một nhà thả 10 con ra, cũng vẫn chưa sao, cỏ vẫn còn mọc lại được.

Nhưng nếu ai ai cũng mang 10, 20, 30 con bò thả ra đồng cho nó tự ăn tự lớn để bán lấy tiền làm giàu, nếu ai ai cũng lùa thật nhiều bò vào ăn trong cánh đồng đấy, rồi ra cỏ sẽ chết hết, chết cả gốc rễ luôn.
Và thế là hết cỏ. Mà hết cỏ thì cũng hết cả chăn bò.

Cái tối ưu của mỗi người, khi cộng lại, sẽ không còn là mức tối ưu của chung. (Người quen thuộc với toán sẽ nhận ra là điểm cân bằng Nash của trò chơi này là điểm không tối ưu.)

Ðó là thảm kịch.


Thảm kịch này đã xảy ra thật trong đời sống. Cụ thể nhất là trong ngành đánh cá. Có những nguồn cá bị đánh cạn kiệt, chỉ vì mỗi người đều cố gắng đánh cho được càng nhiều cá càng tốt, không cần biết có quá mức sinh đẻ của cá hay không. Nếu lỡ vùng biển nào bị cạn nguồn cá thì, không sao, ta đi qua vùng biển khác, tiếp tục vắt cho hết!

Vậy phải làm sao? Các nhà kinh tế đưa ra hai giải pháp.

Một giải pháp, có thể xem như là giải pháp của “cánh tả,” là một chính quyền nào đó đứng ra đánh thuế, hoặc quản lý đồng cỏ này, định giới hạn số bò được vào. Có giới hạn, đồng cỏ sẽ không bị gặm tới chết.
Giải pháp thứ nhì, có thể xem như giải pháp “cánh hữu,” là đem chia lô bán đấu giá đồng cỏ đó. Tư nhân mỗi người được một miếng, rồi tự lo mà giới hạn để năm sau mình còn cỏ mà cho bò ăn. (Ron Coase, Nobel Kinh Tế 1991, là người cổ động giải pháp này.)

Cả hai giải pháp đều có vấn đề. Giải pháp “tả khuynh” kiểu Pigou có vấn đề là tin tưởng vào một nhà nước anh minh sẽ đưa ra đáp số tối ưu - trong khi nhà nước tự nó cũng có sự ích kỷ của nó, lo cho quyền lợi riêng của nhà nước thay vì quyền lợi chung. Có cả một ngành kinh tế, gọi là public choice theory, để phân tích sự ích kỷ của nhà nước dẫn đến những giải pháp dưới tối ưu như thế nào. (Tiến Sĩ Ostrom cũng đóng góp đáng kể trong public choice theory.)

(Tôi cũng nhận xét thêm là ở mặt này người Việt Nam mình rất tả khuynh. Mỗi khi có vấn đề gì, là báo lề phải sẽ có những bài viết hay thư độc giả “mong sao nhà nước sẽ có giải pháp X, Y, Z,” và các blog lề trái thế nào cũng có người chỉ trích nhà nước là không chịu áp đặt giải pháp X, Y, Z.)

Giải pháp hữu khuynh cũng yếu. Chính Coase cũng nhận ra rằng chia một mảng tài nguyên lớn thành nhiều mảng nhỏ sẽ tăng chi phí giao dịch giữa những lô đất đó với nhau hoặc giữa người có đất và người ngoài. Ngoài ra, có khi mảng tài nguyên đó không phân lô được, hoặc không thể phân lô được cho công bằng.

Giải pháp thứ ba


 Tiến Sĩ Ostrom đưa ra thí dụ một đồng cỏ không phân chia được. Tưởng tượng một ngôi làng ở miền núi Châu Âu, người ta canh tác ở chân núi còn phần đồng cỏ trên cao, không phải của riêng ai, thì người ta thả bò trên đó.

Cỏ ở đó, mọc không đều. Cỏ mọc nhiều ít trong mùa Xuân, là tùy tuyết mùa Ðông thế nào. Trên núi đó, tuyết rơi không đều, nên vào mùa Xuân cỏ mọc cũng không đều. Có năm thì phía bên này cỏ xanh rậm rạp phía bên kia thưa thớt. Có năm thì ngược lại.

Vì vậy giải pháp của cánh hữu chia lô mỏm núi không thực hiện được. Chia lô ra sẽ dẫn đến tình trạng có bên bò no và dư cỏ, có bên bò thiếu cỏ bị đói.

Cái làng đó chính là nguồn cho giải pháp của Tiến Sĩ Ostrom. Cái làng đó có thật, có tên: Làng Törbel, ở Thụy Sĩ.

Ở đây, họ có luật của làng, là không cho phép thả bò ăn cỏ nhiều hơn số bò có thể nuôi được (trong chuồng) vào mùa Ðông. Bỏ qua lý do tại sao luật này tối ưu (và nó đã tối ưu từ năm 1517 tới nay!) sáng kiến của bà Ostrom là nhận ra chân lý này:
Vấn đề của tài nguyên dùng chung có thể giải quyết được qua sự thỏa thuận giữa những người dùng tài nguyên đó với nhau!

Ngoài ngôi làng Törbel ở Thụy Sĩ ra, bà Ostrom còn tìm ra hàng trăm thí dụ khác khắp thế giới, khi người sử dụng tài nguyên, tại địa phương, tự tìm ra giải pháp.

Tức là, trong khi giới kinh tế từng tưởng rằng chỉ có hai giải pháp ở hai cực tả và hữu - hoặc là nhà nước phải nhúng tay vào điều khiển từ xa, hoặc là tài nguyên đó phải xé ra cho tư nhân - thì có một giải pháp thứ ba: Giải quyết tại địa phương. Cái làng Törbel ấy, họ tự giải quyết với nhau, không cần chi tới nhà nước ở Bern xía vào.

Tự xài tự xử

 Tự giải quyết với nhau à? Dễ nhỉ. Dễ thế mà cũng Nobel sao?

À. Nếu nghĩ thêm một bước nữa, mới thấy phát hiện này không phải là tầm thường đâu. Vì bình thường, nếu bảo, ai xài người đó tự giải quyết với nhau, thì rất nhiều người trong chúng ta sẽ giẫy nảy lên vì cho đó là vô lý, là vừa đá bóng vừa thổi còi.

Chính điều đó là phát hiện của Ostrom: Những kẻ đá bóng này không thể thổi còi bậy được, vì họ còn phải tiếp tục đá với nhau nữa, hết trận này qua trận khác. Khác với hai đội chuyên nghiệp cần có trọng tài, trẻ em trong xóm khi đá với nhau toàn tự thổi còi đấy thôi!
   

Làng Törbel, Thụy Sĩ, nhìn từ mỏm núi đối diện. (Hình: Wandervogel/Wikipedia/Creative Common)  

Phát hiện của Ostrom cũng chứng minh thành ngữ của Việt Nam là sai. “Cha chung không ai khóc” ư? Có ai đã từng đi đám ma của ông nào đông con mà không con nào khóc đâu? Thực tế là càng đông con càng nhiều đứa khóc và càng dễ làm đám ma to. “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”? Cũng sai nốt. Nhiều sãi thì cứ phân công đóng cửa chùa thôi!

Trong công trình “Governing the Commons” in năm 1990, Tiến Sĩ Ostrom trình bày kết quả khảo sát thực địa ở khắp năm châu, và rút ra danh sách 8 điểm cần có để giải pháp địa phương thực hiện được. Nhìn vào danh sách này, người quen thuộc với phương pháp kinh tế học sẽ nhận ra nhiều khó khăn được giải quyết, như property rights, externalities, free-rider, one-shot game, transaction cost,...

1. Tài nguyên dùng chung phải được phân vùng rõ rệt, để loại bỏ người ngoài nhào vô mà không tuân thủ luật của nhóm.
2. Luật của nhóm phải cân bằng giữa tài nguyên rút ra và cống hiến bỏ vào, như bỏ tiền, bỏ công...
3. Người bị ép tuân thủ luật của nhóm, phải có tiếng nói trong việc lập ra và thay đổi luật này.
4. Phải có người theo dõi sự tuân thủ để tránh gian lận.
5. Phải có luật phạt vi phạm, và mức phạt phải tăng dần. Và ở đây, Tiến Sĩ Ostrom chỉ ra điều cơ bản của vấn đề, là không cần một nhà nước ở xa mà chính những người sử dụng tài nguyên tự bảo đảm sự tuân thủ bằng những mức phạt này.
6. Tranh chấp phải giải quyết được ở mức địa phương, với phí tổn thấp về tiền bạc, nhân sự, thời gian. Ðiều này giảm thiểu chi phí giao dịch.
7. Chính quyền bên ngoài phải tôn trọng quyền tự quyết của địa phương. Cái này tiếng Việt gọi là phép vua thua lệ làng. Không chỉ để tránh những giải pháp dưới tối ưu do “xuân từ trong Huế đưa ra,” mà điều này còn tránh cho những kẻ muốn lách luật của nhóm không thể chạy ra trung ương kiếm ông nào ô kê cho mình làm bậy.
8. “Nested enterprises” - phải có nhiều tầng quy tắc cho từng tầng tài nguyên. Ostrom lấy thí dụ ở Philippines: Kênh đào có nhiều cấp, có kênh chính, kênh nhỏ tách ra từ kênh chính, và trên đó thì có hệ thống chung của tất cả các công trình thủy lợi. Thì luật ở kênh nhỏ, là kênh cuối cùng đổ vào ruộng, phải khác luật ở kênh chính - đổ vào các kênh nhỏ. Và cả hai cùng phải khác luật của cả hệ thống dẫn thủy nhập điền.

Và nhìn vào danh sách này, một người không cần quen thuộc với phương pháp kinh tế cũng nhận ra là nó có dáng dấp của cái gì đó rất là thượng tôn pháp luật, rất là bảo vệ quyền tư hữu, rất là tư pháp độc lập, rất là địa phương tự trị, rất là tôn trọng cử tri.

Nói chung là rất là dân chủ.



Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Vũ Quí Hạo Nhiên - Ðồng tiền người Việt quận Cam: Kiếm khó, được ít


Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Với hơn một triệu người trên đất Mỹ, và gần 200,000 người ở Quận Cam, cộng đồng Việt Nam đang trở thành một lực lượng dân số đáng kể. Những cửa tiệm chi chít trên đường Bolsa, Brookhurst, Westminster, khắp vùng Little Saigon, cũng minh chứng cho hoạt động sầm uất của người Việt quận Cam về kinh tế.



Trong 5 tiểu bang nhiều người Việt Nam nhất, tiểu bang California có mức tăng dân số Việt thấp nhất từ kỳ Census 2000 tới Census 2010. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Nhưng sự sầm uất đó thật sự là tới đâu? Những con số thực sự về nền kinh tế của người Việt quận Cam là bao nhiêu? Những cửa tiệm đẹp đẽ có phản ánh sự thành công của chủ nhân, hay chỉ che lấp sự vất vả của người quần quật làm ăn nuôi gia đình?

Câu trả lời nằm trong cơ quan kiểm kê dân số U.S. Census. Cơ quan này có rất nhiều con số chi tiết về nước Mỹ. Ngoài cuộc kiểm kê dân số mỗi 10 năm (“Census”), cơ quan này còn thăm dò thường xuyên, trong đó quan trọng nhất là cuộc thăm dò người dân mang tên American Community Survey “ACS” và cuộc thăm dò thương gia mang tên Survey of Business Owners “SBO”.

Những con số, vừa từ Census, vừa từ ACS, vừa từ SBO, khắc họa hình ảnh một cộng đồng Việt Nam lớn lên nhanh, làm việc siêng năng, nhưng số tiền làm ra không nhiều.

Con số Census 2010 cho thấy, California có hơn 580,000 người Việt Nam. Vùng miền Nam California, mà cơ quan Census gọi là vùng đô thị (MSA) Los Angeles-Long Beach-Santa Ana, có 271,234 người. Ðứng hạng nhì là vùng MSA San Jose-Sunnyvale-Santa Clara với 125,774 người. Hạng 3 là vùng Houston, hạng 4 vùng Arlington, hạng 5 vùng Virginia.

Riêng quận hạt Orange County, tức quận Cam, có 183,766 người Việt Nam. Nếu tính thêm những người vừa sắc tộc Việt Nam vừa có một hoặc hai sắc tộc khác nữa, quận Cam có 187,948 người Việt Nam thuần hoặc lai.

Từ lần thăm dò trước, năm 2000, tới 2010, dân số gốc Việt ở Mỹ tăng 37.9%, từ 1.1 triệu lên 1.5 triệu.
Tuy nhiên, với nạn thất nghiệp cao tại California, ở quận Cam cũng như ở khu kỹ nghệ điện tử quanh San Jose, mức tăng ở California thấp hơn của toàn quốc: Dân số người Việt ở California tăng 30% trong 10 năm. Trong khi đó, ở Texas, nơi nhiều việc làm hơn, dân số Việt Nam tăng 56% trong cùng thời gian đó. Không riêng gì với Texas: Trong 5 tiểu bang đông dân Việt nhất, tiểu bang California đứng đầu về số dân nhưng lại đứng chót về mức gia tăng.

Mức thất nghiệp tại quận Cam ảnh hưởng ngay vào cộng đồng Việt Nam. Theo thăm dò ACS, trung bình 3 năm 2008-2010, quận Cam thất nghiệp 9.0%, nhưng trong cộng đồng Việt Nam mức thất nghiệp còn cao hơn, 10.2%.

Con số này cao hơn hẳn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính thời 2007-2008. Trong ACS trước đó, trung bình 3 năm 2005-2007, cộng đồng Việt Nam quận Cam thất nghiệp 4.8%.

Không chỉ gặp khó khăn về việc làm, cộng đồng Việt Nam còn bị kẹt về nhiều yếu tố khác khiến họ khó bứt lên trong kinh tế, trong chuyện kiếm tiền.

Ngôn ngữ, và những trở ngại khác


Khó khăn đầu tiên là về ngôn ngữ. Tỷ lệ người Việt Nam tại quận Cam tự nhận là nói tiếng Anh chưa tới mức “very well” (rất rành) lên tới 55.6%. Trong khi đó, người gốc Á tại quận Cam nói chung, tỷ lệ này chỉ có 38.2%.

Tiếng Anh của người Việt Nam cũng thua tiếng Anh của người gốc Mỹ La Tinh, tức người Hispanic hay Latino. Tỷ lệ nói tiếng Anh chưa tới mức “rất rành” của họ chỉ có 41.3%.


Tỷ lệ người gốc Việt tại quận Cam nói tiếng Anh chưa tới mức “rất rành” (“very well”) cao hơn phân nửa. Trong khi người gốc Mỹ La Tinh chỉ bị có 42% và người gốc Á nói chung chỉ bị tới mức 32%. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Nói cách khác, chưa tới một nửa người gốc Việt là “rất rành” tiếng Anh, so với quá nửa người gốc Á nói chung hay người gốc Mỹ La Tinh. “Ðiều này không có gì ngạc nhiên,” Giáo Sư Linda Võ Ðại Học UC Irvine nói với báo Người Việt. “Cộng đồng Mỹ gốc Việt hầu hết là di dân thế hệ thứ nhất, người sinh trưởng ở ngoại quốc.” Giáo Sư Võ chuyên nghiên cứu về phát triển cộng đồng Mỹ gốc Á, nhất là gốc Việt Nam ở miền Nam California. Giáo sư nói thêm, “Ðiều này không áp dụng với thế hệ thứ nhì sinh trưởng ở Mỹ, dùng tiếng Anh thoải mái hơn.”

Cũng vì không rành tiếng Anh, nên người Việt cũng ít dùng tiếng Anh ở nhà. Tỷ lệ người Việt quận Cam dùng thuần túy tiếng Anh ở nhà chỉ có 9.1%, tức là 11 nhà mới có 1 nhà dùng thuần túy tiếng Anh. Trong khi đó, đối với người Châu Á khác, là 24.1%, cao gần gấp hai rưỡi; và đối với người gốc Mỹ La Tinh, là 20.6%, hơn gấp đôi.

Học vấn người Việt Nam cũng thấp hơn các cộng đồng bạn. Những tấm gương sáng của những người Việt Nam thành danh trong học vấn, tuy đáng hãnh diện, vẫn lộ ra là một thứ ngoại lệ đặc biệt, làm phai đi thực trạng của người di dân chật vật với chuyện trường lớp, bằng cấp.


Tỷ lệ người Việt Nam quận Cam 25 tuổi trở lên mà vẫn chưa xong trung học (ở Mỹ hay ở nước khác) là tới 27.7%. Tức là, cứ 4 người thì hơn 1 người chưa xong trung học. Tỷ lệ này cao hơn quận Cam nói chung (16.9%), và cao hơn người gốc Á nói chung (13.7%). Nếu có phần an ủi, thì tỷ lệ người gốc Mỹ La Tinh chưa xong trung học còn cao hơn người Việt, tới 43.8%.

Có thể vì vậy, người Việt quận Cam làm những công việc nặng nhọc, ít đòi hỏi ngôn ngữ và học vấn, hơn người quận Cam nói chung.

Bốn ngành nhiều người Việt nhất, theo thứ tự, là: (1) Hãng xưởng (manufacturing); rồi tới (2) Giáo dục, y tế, xã hội; rồi (3) Dịch vụ không chuyên; rồi (4) Bán lẻ.

Trong khi đó, quận Cam nói chung, bốn ngành nhiều người nhất là: (1) Giáo dục, y tế, xã hội; sau đó là (2) Dịch vụ chuyên môn, khoa học, quản trị; rồi mới tới (3) Hãng xưởng; và (4) Bán lẻ.

 
Tỷ lệ người gốc Việt tại quận Cam chưa xong trung học là 28%, thấp hơn người gốc Mỹ La Tinh, nhưng cao hơn quận Cam nói chung và cao hơn người gốc Á nói chung. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)  

Người Châu Á tại quận Cam có các ngành này nhiều người nhất: (1) Giáo dục, y tế, xã hội; rồi (2) Hãng xưởng; (3) Dịch vụ chuyên môn, khoa học, quản trị; (4) Bán lẻ.
Cụ thể, ngành dịch vụ không chuyên (trong đó có ngành nails) nằm trong Top 4 của người Việt Nam, không trong Top 4 cộng đồng bạn. Ngược lại, bạn có dịch vụ chuyên môn, khoa học, quản trị trong Top 4, mà người Việt Nam không có.

Thu nhập

Với ngành nghề khác, số tiền người Việt Nam kiếm được cũng khác người ta. Trong khi một gia đình tại quận Cam có thu nhập trung bình (median, chính xác hơn là “trung vị”) $72,832, thì một gia đình Việt Nam thua tới 1/6, chỉ có thu nhập $60,026.

Những gia đình thu nhập bằng tiền kiếm được (“earnings”), như lương hoặc tiền lời mở tiệm, gia đình Việt Nam trung bình $78,727; gia đình quận Cam trung bình $96,936.

“Người Việt Nam hầu hết là người tỵ nạn, di dân. Nền giáo dục và kinh nghiệm làm việc của họ khác, nên điều này ảnh hưởng tới khả năng hội nhập và tìm việc làm lương cao sau khi nhập cư,” Giáo Sư Võ giải thích.

Và nếu tiền lương thấp hơn, thì tiền hưu cũng thấp hơn, và thấp hơn nhiều: Tiền hưu trung bình của người Việt Nam là $17,147; của quận Cam hơn gấp rưỡi, $26,650.


     Người gốc Việt nhận food stampngang với người gốc Hispanis. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Ngay cả tiền già, tiền trợ cấp của một gia đình Việt Nam, cũng thấp hơn của một gia đình quận Cam nói chung. Trung bình Social Security của gia đình Việt Nam là $12,163 một năm, còn của gia đình quận Cam là $16,469. Tiền trợ cấp: Việt Nam $5,890; quận Cam: $6,293.

Có tiền SSI thì người Việt Nam lãnh cao hơn người quận Cam nói chung: Người Việt Nam trung bình $10,675; quận Cam: $9,225.

Và tỷ lệ người Việt Nam nhận food stamp (SNAP) cũng cao nhất so với các cộng đồng khác: 8.7% gia đình Việt Nam nhận food stamp, ngang với người gốc Mỹ La Tinh. Trong khi đó, chỉ có 3.5% gia đình quận Cam nói chung, chỉ có 3.6% gia đình gốc Á quận Cam, và chỉ có 5.5% gia đình người da đen ở quận Cam, là nhận food stamp.

“Lý do là vì Little Saigon,” Tiến Sĩ Thúy Võ-Ðặng giải thích cho báo Người Việt. Tiến Sĩ Võ-Ðặng hiện nghiên cứu và dạy tại Ðại Học UC Irvine về cộng đồng Việt Nam.

“Vùng Little Saigon là một hiện tượng mà xã hội học gọi là 'institutional completeness' - một chỗ cung cấp tất cả các thứ cho một cộng đồng sắc tộc. Người ta có thể đi bác sĩ, đi chợ, tìm việc làm, giải trí, sinh hoạt văn hóa, mà không cần ra khỏi Little Saigon. Những khu như vậy thường thu hút người di dân mới qua, nếu tỷ lệ những người này nhận SNAP nhiều thì không có gì là lạ.”

Làm ăn, mở tiệm

Như nhiều người di dân khác, nhiều người trong cộng đồng Việt Nam chọn con đường mở tiệm riêng để làm ăn, thay vì đi làm cho người khác. Nhiều cuộc nghiên cứu trước đây cho thấy người di dân thế hệ thứ nhất thường hay mở tiệm hoặc công ty riêng, nhưng thường thì kiếm được tiền ít hơn các cửa tiệm hay công ty của người sinh tại Mỹ.

Con số về người Việt Nam tại quận Cam cũng có kết quả tương tự. Ở Quận Cam, cuộc thăm dò SBO năm 2007 của U.S. Census cho thấy người Việt Nam có 14,662 thương nghiệp, với tổng thương vụ (tiền kiếm được) là gần $2.86 tỷ.

Ðó là một con số lớn. Tuy nhiên, chia trung bình ra, mỗi thương nghiệp Việt Nam kiếm được chưa tới $195,000 một năm.

Trong khi đó, toàn bộ quận Cam có 329,380 thương nghiệp, với thương vụ hơn $442 tỷ. Trung bình một thương nghiệp quận Cam, do đó, kiếm được hơn $1.3 triệu một năm.

Nói cách khác, người Việt Nam chịu khó mở tiệm, nhưng kiếm tiền chưa bằng 1/7 các thương nghiệp quận Cam nói chung.


Mỗi doanh nghiệp gốc Việt tại Quận Cam thu được mỗi năm $195,000, ít hơn các doanh nghiệp gốc Ấn, gốc Hoa, gốc Nhật, gốc Hàn, nhưng cao hơn doanh nghiệp gốc Philippines. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Số tiệm, công ty, xưởng của người Việt Nam cao hơn các sắc dân Á Châu khác trừ người Hoa. Người Mỹ gốc Hoa tại quận Cam có 15,903 thương nghiệp. Còn lại thì đều ít hơn Việt Nam: Người gốc Hàn có 8,905 doanh nghiệp, gốc Philippines 8,890; gốc Ấn 6,427; gốc Nhật 4,664.

Mỗi thương nghiệp của người gốc Ấn ($505,000), người gốc Hoa ($461,000), người gốc Nhật ($405,00), người gốc Hàn ($297,000) tại quận Cam đều kiếm được nhiều tiền hơn thương nghiệp người Việt. Bù lại, thương nghiệp người Việt kiếm nhiều tiền hơn của người gốc Philippines ($78,000).

“Tôi cho rằng lý do là vì các thương nghiệp Việt Nam vẫn làm theo kiểu gia đình, 'mom-and-pop,'” Tiến Sĩ Võ-Ðặng nói. “Trong khi các cộng đồng Châu Á khác đã có nhiều thương nghiệp làm theo mô hình hiện đại, phát triển lớn, thì cộng đồng Việt Nam vẫn rất ít. Mô hình franchise, chẳng hạn, ngoài Lee's Sandwiches ra cộng đồng Việt không có bao nhiêu.”

Ngoài số tiền kiếm vào không cao, một dấu hiệu khác các thương nghiệp Việt Nam không lớn, là một tỷ lệ rất lớn các thương nghiệp gốc Việt không có nhân viên làm ăn lương.

Trong số 14,662 thương nghiệp Việt Nam, chỉ có 2,581 thương nghiệp là có nhân viên làm ăn lương. Tỷ lệ này chỉ có 18%: Trong 5 tiệm, chưa tới 1 tiệm có nhân viên.

Trong khi đó, tỷ lệ các thương nghiệp trong cộng đồng khác có nhân viên làm ăn lương đều cao hơn: Thương nghiệp gốc Ấn có 29% có nhân viên ăn lương, thương nghiệp gốc Hàn 31%, thương nghiệp gốc Nhật 26%, thương nghiệp gốc Hoa 19%.
 

Trong cộng đồng gốc Á tại quận Cam, người Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp tới 23%, nhưng tỷ lệ số tiền thu được (doanh thu) chỉ có 14%. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Riêng các thương nghiệp gốc Philippines, tỷ lệ có nhân viên ăn lương thấp hơn của Việt Nam, chỉ có 9%.
Có thể nào con số của thăm dò SBO bị thấp vì thương nghiệp Việt Nam trả tiền mặt cho nhân viên và không nói ra? Giáo Sư Linda Võ nói, “Ðiều đó mình biết là đang xảy ra trong tất cả các cộng đồng Châu Á, không riêng gì cộng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không có con số thống kê khả tín về tình trạng này.”

Vì đây là xảy ra trong nhiều cộng đồng, mà thương nghiệp Việt vẫn ít nhân viên ăn lương, nên, theo Giáo Sư Võ, điều này có nghĩa là “thương gia Việt Nam phải cố gắng làm việc nhiều giờ, trông cậy vào sức lực trong gia đình, chứ không đủ khả năng thuê nhân viên ngoài”.

Ngay cả những thương nghiệp đủ phát triển để có thuê nhân viên, thương nghiệp gốc Việt thuê ít nhân viên hơn các sắc dân khác. Theo SBO của U.S. Census, mỗi thương nghiệp gốc Việt, nếu có nhân viên, thuê trung bình 6 người - nhiều hơn thương nghiệp gốc Hàn và gốc Philippines (5 người). Nhưng thấp hơn thương nghiệp gốc Nhật, gốc Hoa, gốc Ấn (9 người).

Tức là, con số nhiều thương nghiệp giải thích tại sao khu phố người Việt Nam ở quận Cam tấp nập các cửa tiệm, người ra người vào rộn ràng. Tuy nhiên, khi chỉ có một số ít tiệm có nhân viên ăn lương, và số nhân viên cũng ít, điều đó cho thấy các vị chủ nhân các thương nghiệp cũng chính là nhân viên luôn: Họ lấy công làm lời, mang sức lực gia đình ra để kiếm tiền.

Những cố gắng quần quật đó lại không kiếm ra bao nhiêu. Cộng với trình độ Anh ngữ giới hạn, học vấn dang dở, có những mối hợp đồng mà các thương nghiệp Việt Nam sẽ vẫn khó kiếm được. Kết quả xuất hiện ngay trong con số thống kê: Số tiền các doanh nghiệp Việt Nam kiếm ra còn rất thấp so với các cộng đồng bạn. Ðường đi đến sự thành công thực sự của người Việt Nam về kinh tế, vẫn còn dài và cần nhiều sự giúp đỡ.


Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Tài tử Đơn Dương bị ép rời khỏi Việt Nam như thế nào?

Lời Tòa Soạn: Nhân sự kiện tài tử Đơn Dương đang trong tình trạng hôn mê sâu, sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu tại Alexander Regional Medical Center, miền Bắc California, vào tối khuya Thứ Ba, 6 tháng 12 (giờ California), Người Việt Online cho đăng bài viết trích từ các công điện của Ngoại Giao Mỹ, được tiết lộ mới đây qua Wikileaks, về việc Đơn Dương đã bị ép rời khỏi quê hương như thế nào vào năm 2003, sau khi đóng hai bộ phim ' We Were Soldiers' và 'Green Dragon'. Bài viết đã được đăng trong cuốn 'Bí Mật Việt Nam Qua Hồ Sơ Wikileaks' do báo Người Việt xuất bản giữa tháng 11 vừa qua. - Người Việt Online


Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

[ 2002-2003 ] - Hồi đầu thế kỷ, nhân dịp 25 năm chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Hollywood sản xuất nhiều cuốn phim về đề tài này. Ngoài phim về chiến tranh, còn có phim về nước Việt Nam, và một số phim về người Việt Nam tại Mỹ.

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Hồ sơ Wikileaks (38): Dân Biểu Cao tại Hà Nội: Ðòi CPC

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Ðầu năm 2010, Dân Biểu Joseph Cao Quang Ánh đi thăm chính thức Việt Nam. Ông đi mà không báo ai biết, phải tới khi ông xuất hiện tại Sài Gòn, báo chí trong nước đưa tin dồn dập, người ta mới biết vị dân biểu liên bang gốc Việt đầu tiên đã về nước.

Dân Biểu Cao Quang Ánh tại Louisiana năm 2010. (Hình: Chris Graythen/Getty Images)
Một số dư luận bắt đầu chỉ trích chuyến đi vừa âm thầm vừa ồn ào này. Một tuần sau khi về lại Mỹ, Dân Biểu Cao Quang Ánh họp báo với truyền thông Việt ngữ hải ngoại. Buổi họp báo không làm dịu được dư luận. Nhiều người cho là ông Ánh đã làm lợi cho tuyên truyền cộng sản khi ông đến Việt Nam ngay lúc nhà cầm quyền đang đập phá Thánh giá ở Ðồng Chiêm và đàn áp giáo dân tại đó, mà ông, một cựu chủng sinh Dòng Tên, lại không phản ứng gì.

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

HỒ SƠ WIKILEAKS (33): Những phi vụ của Huỳnh Ngọc Sỹ

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Vụ án nhận hối lộ của hãng PCI Nhật trong việc xây cất đại lộ Ðông Tây tưởng đã không bao giờ đem ra xử vì gốc bự dù to của ông Huỳnh Ngọc Sỹ, cho tới khi Nhật tạm cắt viện trợ Việt Nam, theo các công điện của đoàn ngoại giao Mỹ ở Việt Nam gởi về, trong số tài liệu bị Wikileaks tiết lộ.

Số tiền ông Sỹ, phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải và giám đốc Ban Quản Lý Dự Án đại lộ Ðông Tây, nhận từ PCI được tiết lộ là lên tới $2.3 triệu đô la. Ông Sỹ còn bị phát giác ngăn chặn một dự án liên quan một công ty Mỹ chỉ vì công ty này không chịu đưa hối lộ.


Huỳnh Ngọc Sỹ bị đưa ra phiên tòa sơ thẩm hôm 11 tháng 3, 2009.
(Hình: AFP/Getty Images)

Ăn hối lộ hãng Nhật, đòi hối lộ từ hãng Mỹ

Dự án đại lộ Ðông Tây là một chương trình viện trợ của Nhật cho Việt Nam, xây một tuyến đường, vừa xây mới vừa cải tạo đường cũ, chạy từ Bình Chánh vào tới Sài Gòn gần cầu Calmette, xuống hầm qua Thủ Thiêm rồi chạy tới Ngã ba Cát Lái trên đường về miền Tây.

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Hồ sơ Wikileaks (32): An ninh vụng về quậy phá Ðỗ Nam Hải

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Kỹ sư Đỗ Nam Hải
Giả làm khách uống nước, nhưng nhân viên an ninh chìm Việt Nam lại đọc báo ngược - đó là một chi tiết hài hước trong chuyện công an Việt Nam quấy nhiễu cuộc gặp mặt giữa đại sứ Mỹ và kỹ sư Phương Nam Ðỗ Nam Hải, được tường thuật lại trong một công điện bị Wikileaks tiết lộ.

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Hồ sơ Wikileaks (29): Tàu ngầm Nga giúp Việt Nam 'tước quyền kiểm soát của Trung Quốc'

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Một chiếc tàu ngầm hạng Kilo của Nga giống chiếc bán cho Việt Nam. Chiếc này được bán cho Iran. (Hình: defenselink.mil)
Việc Việt Nam chi 1.8 tỷ đô la Mỹ để mua 6 tàu ngầm hạng Kilo của Nga là nằm trong mục tiêu đối phó với mối đe dọa đến từ Bắc Kinh, theo một công điện ngoại giao của Ðại Sứ Quán Mỹ bị Wikileaks tiết lộ.

Sáu tàu ngầm hạng Kilo, cộng 12 máy bay Su-30 MK2 nằm trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội kéo dài từ 10 tới 20 năm, theo Phó Ðại Sứ Virginia Palmer viết trong công điện đề ngày 23 tháng 6, 2009.

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

HỒ SƠ WIKILEAKS (22): Bí thư xử thiếu tướng: Ðòn độc của Nguyễn Bá Thanh

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Vì bị chặn đường chuyển đi Hà Nội, viên bí thư chủ tịch Ðà Nẵng đánh đòn nặng nề để trả thù kẻ địch trong đó có cả một thiếu tướng công an.


Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng Nguyễn Bá Thanh
chủ trì một phiên họp hồi tháng 4. (Hình: vtvdanang.vn)

Ðiều này được tường thuật lại trong một công điện đánh đi từ Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn đề ngày 1 tháng 4, 2009, với tựa đề “Người khổng lồ chính trị thoát án tham nhũng, còn công an và phóng viên thì đi tù.”

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

HỒ SƠ WIKILEAKS (7): Thiền Sư Nhất Hạnh từng phê phán chính quyền

Phía sau hai chuyến đi Việt Nam

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh làm lễ cầu siêu cho nạn nhân chiến tranh tại Sóc Sơn,
ngoại thành Hà Nội, trong lần thứ nhì về lại Việt Nam năm 2007.
(Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Trong hai chuyến đi Việt Nam năm 2005 và 2007, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, khi gặp riêng giới lãnh đạo Việt Nam, đã có những lời phê phán bộc trực và đề nghị thay đổi cho Việt Nam, nhưng mọi cố gắng này đều thất bại, và ông không gặt hái được kết quả gì trừ quyền được phát hành sách rộng rãi.

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

HỒ SƠ WIKILEAKS (6): Tướng Kỳ từng bị Nguyễn Tấn Dũng chặn đường về

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ (trái) cùng vợ ông, bà Lê Kim, trả lời báo chí trong lần đầu ông về lại Việt Nam, tháng 1 năm 2004. Công điện ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trước đó khi phía Mỹ đề nghị Việt Nam cấp visa cho Tướng Kỳ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã giận dữ bác bỏ và gọi ông Kỳ và các viên chức Việt Nam Cộng Hòa là “tội đồ”. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Wikileaks: Nhà nước chặn thông tin, bịa tin tức, tham nhũng

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Công điện tường trình chuyến thăm của Ðại Sứ Michalak
tới Linh Mục Nguyễn Văn Lý trong tù, một trong hàng ngàn tài liệu liên quan
đến Việt Nam được Wikileaks tung ra trong hai ngày 25 và 26 tháng 8. (Hình: Người Việt)

Vũ Quí Hạo Nhiên
WESTMINSTER (NV) – Trong vụ xử án các ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Ðịnh, báo chí của công an và quân đội nhà nước Việt Nam đã bịa đặt lời nói đặt vào miệng hai ông này. Ðó là một trong những điều nhân viên ngoại giao Mỹ tại Việt Nam báo cáo lại cho Bộ Ngoại Giao ở Washington D.C.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Người VN biểu tình chống TQ tuần thứ 3

* Công an dập tắt thành công ở Sài Gòn
* Hà Nội vẫn biểu tình, LS Nguyễn Thị Dương Hà tham dự

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

HÀ NỘI & SÀI GÒN (NV) - “Rất là nhiều công an mặc sắc phục” đứng canh ở khu vực gần tòa tổng lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn, đó là lời miêu tả của một người nhân chứng tại chỗ cho báo Người Việt biết, về tình hình vào lúc 9:10 sáng Chủ Nhật. Khi đó đã là hơn 1 tiếng đồng hồ sau giờ dự trù khởi động.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Chủ quyền, nhân quyền, và xía zô chủ nghĩa

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Trong lúc chiến sự Libya đang nóng bỏng, một sự bất đồng quan điểm khá quen thuộc lại diễn ra giữa nhiều nước trên thế giới.


Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

HỘI CHỨNG "CON SỐ NHẤT ĐỊNH"

Vũ Quý Hạo Nhiên

“Con số nhất định” là con số nhỏ hay lớn?

Có một chữ đang dần dần biến chứng, trở thành vô nghĩa, nhưng được dùng khá khôn khéo. Đó là chữ “nhất định” khi đứng trong những cụm từ như “số lượng nhất định” – nó đang đang chuyển từ một chữ có nghĩa, tới một chữ không còn có nghĩa mà chỉ là một mỹ từ, một euphemism.