Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn chương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn chương. Hiển thị tất cả bài đăng
Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015
Đào Tiến Thi (FB) - Tán tiếp hai câu lẩy Kiều của ông Joseph Biden
TS. Phạm Gia Minh có gửi cho tôi một bài bình (ký tên Mao Tôn Cương @) về hai câu lẩy Kiều của Phó Tổng thống Mỹ – ông Joseph Biden – trong cuộc gặp TBT Nguyễn Phú Trọng. Bắt chước cụ Nguyễn Du – “Lời quê cóp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” –, tôi xin được “nối điêu” tác giả Mao Tôn Cương @) bằng đoạn bình tán dưới đây.
Hai
câu lẩy Kiều của ông Joseph Biden là câu thứ 3121 và 3122 trong Truyện Kiều,
tức là ở phần cuối, phần “Đoàn viên” của câu chuyện. Trong bữa tiệc đoàn viên,
bắt đầu là cô em gái Thuý vân, tiếp theo là hai thân (Vương ông, Vương bà), và
đặc biệt là người yêu cũ Kim Trọng, đều ra sức “xe duyên”, mà đúng ra là “ép
duyên” để Thuý Kiều lấy Kim Trọng. Thuý Kiều đã ra sức chối từ. Lý do Kiều đưa
ra là mình chẳng còn gì để xứng đáng với Kim Trọng, chẳng hạn:
-
Một lời tuy có ước xưa
Xét
mình dãi gió dầm mưa đã nhiều.
-
Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong
qua bướm lại đã thừa xấu xa
Bấy
chầy gió táp mưa sa
Mấy
trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn.
Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012
Kha Tiệm Ly - Hoàng Sa nộ khí phú
Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế)
Trong mấy ngày gần đây,truyền thông đưa tin Trung Cộng quyết định thành lập thành phố Tam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) thể hiện tham vọng Đại Hán bá quyền, người Việt Nam chúng ta, dù ở bất cứ nơi nào, bằng mọi cách bảo vệ non sông cẩm tú. Sau đây, tôi xin giới thiệu bài phú 'Hoàng Sa nộ khí phú' của Kha Tiệm Ly, một người bạn ở miền Nam. Bài phú quá hay, hào sảng, khí tiết... như một lời đại hịch kêu gọi toàn dân tiếp tục theo dấu chân của Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... giết giặc.
Bài phú được luật sư Lê Quốc Quân cảm khái nói rằng: “Vào lúc Trung Quốc đang thè lưỡi bò quyết tâm “liếm” sạch mặt tiền của Việt Nam chúng ta, xin đăng lại bài Hoàng Sa nộ khí phú của ông. Tôi coi đây như một chiếc kéo đại, dân tộc ta hai đầu dương lên, há miệng kéo và cắt “phập” đường “lưỡi bò” xấu xa đó”.
Thi sĩ Kha Tiệm Ly tên thật là Thái Quốc Tế sinh năm 1946 tại Bến Tre. Hiện thi sĩ đang sống ở Mỹ Tho, Việt Nam. Trước ngày 30/4/1975 thi sĩ Kha Tiệm Ly đã có nhiều bài thơ hay đăng trên các báo và được ngâm trên chương trình Thơ của Hồng Vân Đài phát thanh Sài gòn. Theo nhận xét thô thiển của cá nhân tôi, hiện nay thi sĩ Kha Tiệm Ly là một trong hai thi sĩ làm "Phú" hay nhất trong nước (người thứ hai là ông Hà Sĩ Phu). - Phạm Viết Đào
Ngựa cũ quen đường,
Đĩ già lậm nết.
Việc phế hưng mỗi thuở khác nhau,
Mộng bá chủ bao đời y hệt!
Ta thấy ngươi,
Từ Đông Chu bị họa Thất Hùng,
Đến Hậu Hán bị xiềng Tam Quốc.
Đất Trường An thây chất chập chùng,
Bờ Vô Định xương phơi chất ngất!
Đã biết,
Hễ gieo chinh chiến là kín đất đau thương,
Nếu động can qua thì mịt trời tang tóc.
Vậy mà sao,
Chẳng lo điều yên nước no dân,
Lại quen thói xua quân chiếm đất?
Như nước ta,
Một dải non sông, nam bắc chung giềng,
Trăm triệu anh em, trước sau như nhất.
Hoàng Liên, Tam Đảo, Hồng Hà, Cửu Long , là máu là xương,
Phú Quốc, Côn Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa là da là thịt.
Máu xương đâu lẽ tách rời,
Thịt da dễ gì chia cắt?
Mà là liền tổ quốc phồn vinh,
Mà là khối giang sơn gấm vóc.
Người trăm triệu nhưng vốn một lòng,
Tim một trái dẫu nhiều sắc tộc!
Nữ nhi chẳng thiếu bậc anh hùng,
Niên thiếu cũng thừa người kiệt xuất.
Mười năm phục quốc, gươm Lê Lợi thép vẫn sáng ngời,
Ba lượt phá Nguyên, sông Bạch Đằng cọc còn nhọn hoắt.
Thùng! Thùng! Thùng! Liên hồi giục, trống Ngọc Hồi hực bước tiến quân.
Đánh! Đánh! Đánh! Luôn miệng thét, điện Diên Hồng, vang lời sát thát.
Ải Chi Lăng, Liễu Thăng chết còn lạc phách kinh hồn,
Sông Nhị Hà, Sĩ Nghị chạy còn đứng tim vỡ mật.
Thoáng thấy vó câu Thường Kiệt, Khâm Châu ngàn dặm, không còn bóng quỉ bóng ma(1),
Chợt nghe tiếng sét Đống Đa, Quảng Đông toàn tỉnh chẳng tiếng con gà con vịt (1).
Hùng khí dù dậy trời Nam,
Nghĩa nhân lại tràn đất Bắc:
Thương ngươi binh bại, tàn quân về còn cấp xe ngựa rình rang (2)
Trọng kẻ trung can, hổ tướng chết vẫn được khói hương chăm chút (3).
Mạc Cửu đem quân lánh nạn, chúa ta vẫn mở dạ đón người,
Hoa kiều mượn đất ở nhờ, dân ta vẫn chia cơm xẻ thóc.
Phúc cùng hưởng khi mưa thuận gió hòa,
Họa cùng chia lúc sóng vùi gió dập.
Giúp các ngươi như kẻ một nhà,
Thương các ngươi như người chung bọc!
Thế mà nay,
Ngươi lại lấy oán trả ơn,
Ngươi lại lấy thù báo đức!
Ăn đàng sóng, nói đàng gió, y như đĩ thúi già mồm.
Lộn bề ngược, tráo bề xuôi, khác chi điếm già bịp bạc.
Kéo neo tuần hạm, ào ào đổ bộ Hoàng Sa,
Quay súng thần công, ầm ỉ tấn công Đá Bắc.
Chẳng chấp hải qui,
Chẳng theo công ước.
Quen nết xưa xấc láo, giở giọng hung tàn,
Lậm thói cũ nghênh ngang, chơi trò bạo ngược.
Nói cho ngươi biết; dân tộc ta:
Từng đánh bọn ngươi chỉ với ngọn giáo dài,
Từng đuổi bọn ngươi chỉ bằng thanh kiếm bạc.
Từng đánh Tây bằng ngọn tầm vông,
Từng đuổi Nhật với thanh mác vót!
Vì khát tự do mà uống nước đìa,
Vì đói độc lập mà ăn cơm vắt.
Sá chi tóc gội sa trường,
Đâu quản thây phơi trận mạc.
Hãy liệu bảo nhau,
Nhìn thây Gò Đống mà liệu thắng liệu thua,
Thấy cọc Bạch Đằng mà nghĩ sau nghĩ trước!
Đừng để Biển Đông như Đằng Giang máu nhuộm đỏ lòm,
Đừng để Hoàng Sa là Đống Đa xương phơi trắng xác!
Nếu ngươi dựa vào hỏa tiển, phi cơ,
Thì ta cũng có tuần dương, đại bác.
So vũ khí, thì kẻ nhược người cường,
Đọ trái tim, coi ai gang ai sắt?
Thư hãy xem tường,
Hoàng Sa hạ bút.
K.T.L.
Chú thích:
(1) Sử ghi: Khi Lý Thường Kiệt đem quân qua Khâm Châu, Liêm Châu, cũng như khi quân Thanh bại trận Đống Đa chạy về, thì dân Tàu vùng biên giới kinh hoàng chạy theo. “Từ Nam Quan về bắc hàng trăm dặm vắng tanh, không thấy bóng con gà, con vịt”.
(2) Sự kiện Lê Lợi cấp ngựa và lương thực cho tù binh quân Minh về nước.
(3) Sự kiên dân ta lập miếu thờ Sầm Nghi Đống hạ tướng của Tôn Sĩ Nghị.
Nguồn: phamvietdao2.blogspot.com
Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012
Hồ Đình Nghiêm thực hiện - Trò chuyện cùng TrangÐài Glassey-Trần Nguyễn trên đường từ Huế vào Gò Công
Hồ Đình Nghiêm thực hiện
Ban đầu là một cảm nhận, rất ngắn, gửi tới diễn đàn Da Màu. Trình bày sự mến chuộng về bài viết của người ký tên Trangđài Glassey-Trầnguyễn. Tên gọi, những tâm tình dàn trải trong bài viết đã có hấp lực lôi kéo tôi, lôi cho đến hết năm con Mèo. Năm Rồng “vờn nguyệt giỡn mây” đang tới, và mang theo nó một bất ngờ nằm ngoài trông đợi. Hãy cho tôi tưởng tượng đây là lộc đầu năm tôi hái được, từ một cành hoa xa xôi, nở trong mộng mị, chiêm bao có đầy ở thế giới ảo.
Xin cám ơn chị Trangđài đã mở cửa cho tôi, kẻ tò mò, được lân la kề cận. Trước tiên tôi muốn hỏi chị, chị có tin tới một chữ Duyên? Hãy thử nhớ lại, thuở ban đầu, duyên do gì đã xúi dục chị làm thơ, viết văn và treo chúng trên những trang báo điện tử?
TGT: Nhà văn Hồ Đình Nghiêm đầu năm định làm ông thầy bói, bắt mạch xem tôi có ‘duy tâm’ không chứ gì? Duyên thì tôi tin chứ, mà tôi tin vào cả Duyên do Trời tạo và Duyên do Người dựng (cũng như Duyên do Đất lập, cho đủ Thiên Địa Nhân). Mà Duyên thì tôi nghĩ là song phương. Cái chuyện lôi kéo độc giả, cái tên và cái chữ của anh cũng có phần chủ mưu đối với nhiều người mà!
Việc treo bài trên mạng đối với tôi chỉ là một sinh hoạt rất bình thường của người cầm bút hiện nay. Tôi tập viết từ nhỏ, những bài thơ hồi sơ cấp, đăng báo tường ở Việt Nam. Bị con chữ nó ám từ đó, tới giờ vẫn còn, có thể nặng hơn, nhưng đã tìm ra đôi cách để ám lại nó, tuy vẫn vụng về và chưa được đắc ý. Không biết nếu có điều kiện lúc nhỏ thì tôi có đi theo những đam mê khác hay không, nhưng chữ nghĩa thì đòi hỏi vật chất khá ít (không cần khung vẽ hay phím đàn chẳng hạn), tuy sách vở thời hậu 1975 vẫn là những ngôi sao mọc ở phương trời khác. Tuy vậy, con chữ vẫn là cơ hội duy nhất (bị nhiều giới hạn) tôi có được trong mười chín năm ở Việt Nam. Ngay cả trong biệt giam, người ta vẫn ngồi xếp chữ được. Khi lớn lên, tôi ‘tự do tại ngoại,’ nhưng tù túng ở chỗ thiếu chữ.
À, xin anh cẩn thận! Cái thế giới ảo không hẳn là không thực đâu nhé! Nghĩ xem, cái mạng ảo đã chuyển núi dời non và nêm nếm lại đời sống của chúng ta đến chừng nào rồi. Không biết Trang Chu sẽ nói gì khi được ‘định cư’ trên mạng?
HĐN: Vâng, nhờ chị mách, tôi đã ngộ, và tin: ảo là thật lúc này, thật đôi khi là ảo lúc khác. Cuộc sống nhờ vậy sẽ thi vị hơn lên, cám ơn chị. Dù gì thì tôi cũng ngoan cố làm thầy bói lần nữa, sáng mắt chứ không mù lòa: rằng chị là người thành đạt, học vị cao, hoàn tất nhiều công trình, nhiều bằng cấp. Thầy bói thắc mắc: những thành tựu ấy có mang lại lợi ích, sự hỗ tương, bổ sung thêm cho người đa tình đèo bồng nợ văn chương? Tôi đoán, với lịch làm việc đặc kín thế kia, chị tìm đâu ra khoảng trống để gửi tấc lòng đi xa, chút mơ mộng? Những bạn văn tôi quen đều ca một câu vọng cổ ai oán: Chịu thôi, thời giờ eo hẹp quá xá quà xa!
TGT: Anh hỏi một lúc đến mấy câu, câu nào cũng mênh mông. Ông thầy bói này sáng quá, làm tôi bắt đầu lo rồi.
Về chuyện học hành, tôi theo học nhiều chuyên môn vì nhiều lý do, nhưng chỉ xin đề cập đến hai lý do chính ở đây. Thứ nhất, 19 năm học hành của tôi ở Việt Nam giống như một lớp Thiền do chính tôi tự tìm công án. Chương trình ‘cải cách giáo dục,’ do chính quyền mới áp đặt trên những người sinh năm 1975 như tôi và sau đó, không cho tôi một kiến thức căn bản nào. Nó là một lối giáo dục bỏ ngõ (chứ không phải mở ngõ). Bỏ ngõ, vì nó không có người đủ tư cách và khả năng để đứng lớp và điều hành hệ thống giáo dục (chính xác hơn là ‘bộ máy nhồi sọ'). Do đó, khi đến Mỹ năm 1994, tuy phải làm nhiều việc tạp dịch để mưu sinh ban đầu, tôi vẫn luôn đi tìm những cơ hội để ‘gây vốn’ lại cho kiến thức của mình. Học không chỉ trong trường lớp, mà cả ở trường đời. Thứ hai, tôi có ý hướng phục vụ xã hội, và tâm nguyện rằng, mình cần tự đào luyện cho đến nơi đến chốn để được hữu dụng.
Viết, đối với tôi, không chỉ là việc gửi một tấc lòng đi xa. Viết là sống. Viết là uống nước. Thử ăn cá kho tộ mà không uống nước cả ngày. Đến lúc được uống, thì nước ngon hơn bất cứ thứ gì trên đời. Viết là để thở. Không viết như bị ngộp. Ngộp lâu ngày sẽ chết. Viết là để yêu, vì tôi thường viết về những gì mình yêu. Một chọn lựa ích kỷ, nhưng từ cái ích kỷ đó, tôi mới chia được cái hạnh phúc của riêng tôi với cuộc đời, nhất là với những ai cũng yêu những cái tôi yêu. Và việc viết (sống, theo nghĩa bóng) luôn được hội lực với không chỉ cái học, mà cả việc sống (nghĩa đen) của tôi nữa. Cái học hỗ trợ cho việc viết, nhưng cái học sẽ khô khan và chán phèo nếu không có sáng tạo. Cái học sẽ thành mồ chôn con người nếu họ không dùng nó một cách chủ động.
Nhưng viết thì đã phải chịu một sự gián đoạn rồi. Viết là đã mất hết mấy lượt suy/đổi. Viết là đã phải đặt thành văn những cái không có lời. Viết là vận hành từ thế giới này sang thế giới khác. Viết là đi tìm ngọc để tỏ một thới lai. Thới lai ở nghĩa hai mặt của đồng tiền: cả vui và buồn, cả mịn màng và thô nhám, cả mãn nguyện và bất đắc chí.
Bởi vậy, khi viết (trên bàn phím hay trong đầu), tôi luôn cảm thấy mình đang đi nước đôi, đi hai hàng, bị kẹt ở giữa, và luôn luôn thất bại với ý định làm thông ngôn cho hai thế giới của kinh nghiệm và của chữ nghĩa. Và vì vậy, tôi luôn là học viên của môn học rất hào hứng nhưng khó khăn này. Học viên tuy chăm chỉ, nhưng lưu bang kinh niên.
Lúc nào, tôi cũng thấy mình là người đi sau. Suy nghĩ của tôi thì đi với vận tốc ánh sáng, còn khối óc của tôi và hai tay tôi cù nẳng cù nèo chẳng đi đến đâu, chậm hơn cả chiếc xe thồ. Nên nghĩ thì nhiều, mà viết thì chẳng mấy. Nếu có ai phát minh ra cái máy ghi lại suy nghĩ của con người, tôi sẽ mua ngay. Chỉ sợ không sống đủ lâu để dùng hết những suy nghĩ của mình do máy ghi lại.
Còn thời gian thì tôi chào thua. Trước đây, tôi hay chạy đua với nó. Bây giờ, biết mình vô phương đuổi kịp, tôi xí huề. Nên tôi thong thả hơn. Và ham chơi hơn, bắt đầu rong ruổi vào những việc mình thích (hơn) và cũng thấy cần (hơn), là sinh hoạt riêng, và sáng tác. Tôi thông cảm với bạn văn của anh, vì tôi luôn ngoi ngóp tìm giờ để viết. Nhưng vì ‘sợ chết’ (không viết → ngộp → chết) nên tôi miệt mài theo con chữ. Thật ra, tôi vẫn hồ nghi, đoán là một ngày có đến 240 tiếng đồng hồ, nhưng sao tôi chỉ được có 24 tiếng.
HĐN: Ồ, hóa ra chị sinh năm 1975, nếu bằng số tuổi của chị hiện giờ, tôi nhớ mình là một thằng con trai vẫn dại khờ, có nghĩa là cà lăm, không nói năng lưu loát và hay ho được như chị. Tôi thật sự lấy làm thích thú được nói chuyện với chị, kèm theo chút đề phòng, vì đối diện mình là một cô tuổi trẻ tài cao. 1975, chị chào đời vào một thời điểm đáng nhớ, đó là đốm mực hoen ố khó nhạt phai trong tâm tưởng người Việt lưu vong ở thế hệ trước. Xin chị cho biết vài cảm nhận của chị, một cái nhìn của người sinh vào khúc quanh “hòa bình” về cuộc chiến tương tàn ngày cũ?
TGT: Ông nhà bói HĐN hơi... rộng lượng rồi! Tôi không có tài gì, và lúc nào cũng là học trò mới trong cuộc đời này. Ông thầy bói không cần đề phòng làm gì.
Tôi sinh vào mùa Thu, nên vẫn còn nằm trong bọc nước ối trong ngày 30 tháng 4, 1975. Tuy nhiên, chắc chắn những bấn loạn bên ngoài đã trực tiếp truyền qua cơ thể và tâm tư của Mẹ vào tôi. Khi có mang lần đầu, tôi đã tham khảo rất nhiều tài liệu nói về quan hệ mật thiết giữa thai nhi và thai phụ. Có lẽ chính những cái kinh hoàng, hoảng hốt, vô vọng mà Mẹ tôi trải qua lúc ấy đã giúp tôi dễ dàng bắt được sự thông cảm với những người tôi đã phỏng vấn về kinh nghiệm chiến tranh và di dân trong các dự án nghiên cứu sau này.
Bây giờ, với những hiểu biết thu nhận được qua nghiên cứu và kinh nghiệm sống trong một môi trường Việt hải ngoại, tôi nhìn về 30 tháng Tư như một cuộc đắm tàu, và sau cuộc đắm tàu đó, gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác phải trôi bập bềnh giữa biển và trôi vô hạn định. Mãi đến mười chín năm sau, chúng tôi được chương trình đoàn tụ gia đình ODP của chính phủ Mỹ kéo vào bờ.
Mới lên bờ, tuy còn ngoi ngót, nhưng tôi xắn tay vào việc tìm hiểu về cuộc đắm tàu và những hậu vận và cả tiền kiếp của nó. Tôi đã ghi lại chứng từ của hàng trăm người về kinh nghiệm của họ trước, trong, và sau cuộc đắm tàu ấy. Nhưng tất cả những lời kể đó vẫn đứng ngoài tôi, tuy chúng vẫn làm tôi thao thức bao đêm, làm tôi bật khóc (bất ngờ) trong những lần thuyết trình. 30 tháng Tư đối với tôi vẫn là một tiềm thức bất thành văn - nó là những cảm nhận thông qua cơ thể của Mẹ, khi tôi chưa có tư duy, và những nhận định thông qua cuộc đời của đồng bào hải ngoại khi tôi tập vào đời.
Nên dù có biết lịch sử của bao nhiêu dòng đời đi nữa, thì tôi vẫn nhìn về 30-4-1975 với một khoảng cách: khoảng cách về thời gian và về kinh nghiệm. Có một sự khác biệt lớn giữa kinh nghiệm trực tiếp và kinh nghiệm ghi nhận. Nhiều người thoát khỏi Việt Nam ngay sau 1975 vẫn hỏi tôi về hoàn cảnh sống tại Việt Nam sau đó. Họ sẽ không bao giờ hiểu nổi cái kinh hoàng của những năm tháng hậu chiến. Cũng vậy, tôi sẽ không bao giờ có được cái nhận thức và cảm nghiệm trực tiếp của Tháng Tư Đen, nhưng tôi vẫn luôn tự đặt mình vào hoàn cảnh của thế hệ cha mẹ và hỏi: họ đã làm gì để vượt qua những hầm đen hố thẳm này?
HĐN: Chị nhắc về Mẹ, chị tìm hiểu “quan hệ mật thiết” giữa chị và hài nhi khi chị mang thai. Mọi chuyện đã sang trang, giờ này chị quan niệm thế nào về vai trò của người phụ nữ trong xã hội? Tôi nghi ngờ dường như vẫn còn đó lối suy nghĩ lệch lạc: Đàn ông vẫn luôn muốn làm chủ... Chị có gióng lên tiếng nói nào không? Một hình thức phản kháng.
TGT: Câu hỏi này cần được trả lời theo hoàn cảnh địa phương, nếu không nói là cá nhân. Và cũng không thể trả lời một cách trọn vẹn trong vài câu được. Nhiều người đã làm luận án, viết sách, lập diễn đàn về đề tài này, ra chính sách, lập phong trào, vân vân, nhưng nó vẫn còn là một cuộc chơi chỉ mới mở màn. Ở đây, tôi chỉ có thể đưa ra vài nhận xét rất cô đọng. Mỗi phụ nữ có một hoàn cảnh rất riêng biệt. Nhận xét của tôi phản ánh cái nhìn của một người có gia đình và có con, lớn lên ở Việt Nam nhưng đang sinh sống tại Mỹ, tuy nhận xét đó có thể rất khác với nhiều phụ nữ cùng hoàn cảnh sống.
Cho phép tôi lập lại là mối quan hệ mật thiết giữa thai nhi và thai phụ (trong thứ tự này), vì thai nhi tuy là người đến ‘lập nghiệp' trong bụng thai phụ, nhưng lại là người quyết định cả tiến trình thai nghén và những thay đổi trong cơ thể người mẹ. Tiến sĩ Peter Nathanielsz, trong quyển The Prenatal Prescription, (2001, Harper Collins) đã nói về vai trò chủ động của thai nhi trong thai trình.
Tôi muốn nói về việc này cũng để đưa ra một nhận xét về tương quan nam nữ. Đàn ông có lẽ không bao giờ hiểu nổi sự tận hiến của người mẹ đối với con cái, tại sao họ có thể làm tất cả vì con. Chồng tôi hay phàn nàn là tôi có ông xã nhỏ khi ảnh ngộ ra mình đã tuột xuống hàng hai. Hồi mới mang thai, tôi hay nhắc chồng ‘nói chuyện’ với con buổi tối. Tôi nói với con cả ngày mà vẫn có chuyện để nói. Chồng tôi đêm nào cũng chỉ đúng thủ tục, và chỉ bấy nhiêu thôi: “Chào con. Ba đây. Con khoẻ không?” Thai nghén và sinh nở cho người phụ nữ một nhân sinh quan và vũ trụ quan rất khác với đàn ông. Nhưng điều đáng nói ở đây là: chồng tôi không muốn bị lép vế, ngay cả khi ‘lép’ với cục cưng của ảnh. Vậy thì chắc là như HĐN nói, đàn ông vẫn muốn đóng vai chủ sự, ngay cả trong chuyện được yêu (vốn có vẻ như một nghịch lý, vì ‘được’ hàm chứa vai trò bị động).
Trong xã hội nói chung, sự bình đẳng nam nữ vẫn còn rất giới hạn, ngay cả ở các nước tự coi là văn minh, tiến bộ. Mỗi nơi có những điểm hay và điểm dở. Ở Mỹ, phụ nữ có nhiều quyền bình đẳng và nhiều cơ hội, nhưng họ vẫn lãnh lương thấp hơn, ít được giữ các vai trò lãnh đạo hay chuyên môn như nam giới. Một số chuyên ngành vẫn còn là đặc quyền cho nam giới. Trên thế giới, tình trạng ‘bần cùng hóa nữ giới' (feminization of poverty) vẫn còn là một thách đố lớn. Hơn nữa, phụ nữ vẫn có những khác biệt về thể lý so với nam giới, và vai trò của họ trong sứ mạng duy trì sự sống của nhân loại vẫn là một trách nhiệm lớn mà xã hội vẫn coi như một việc họ phải làm, mà không tạo điều kiện thuận lợi cho họ chu toàn việc này. Phụ nữ có mang vẫn có thể bị chủ sa thải, tuy điều này trái luật pháp Mỹ. Ở Thụy Điển, cả vợ lẫn chồng đều được nghỉ 2 năm có chu cấp hay được ăn lương khi sinh con, nhưng đây là một chế độ mơ ước của phần đông dân số trên thế giới. Một số công ty ở Mỹ, như Google, thì hậu hĩnh hơn về mặt này, nhưng cũng giới hạn, tuy khá hơn nhiều so với đại đa số công ty khác. Một người mẹ trẻ với công việc toàn thời gian và một mức sống trung bình sẽ phải luôn tranh thủ để vừa mưu sinh vừa chăm sóc con, không có được thời gian cần thiết để hồi sức sau khi sinh, hay tận hưởng niềm vui được làm mẹ. Như vậy, họ bị thời khóa biểu khống chế, và gánh nặng tài chính kềm tỏa.
Cho nên khi chọn sinh con, người phụ nữ vẫn không được xã hội hỗ trợ, và tuy phong trào có con đang rầm rộ ở Hollywood và trên báo chí Mỹ, những vất vả, hy sinh trong việc nuôi dạy chăm sóc con vẫn nằm trên vai người phụ nữ, mặc dù thống kê ở Mỹ cho thấy các ông bố hiện nay đang đóng một vai trò tích cực hơn trong việc chăm sóc con so với những thập niên trước.
Cũng xin nói thêm là tôi không muốn làm phụ nữ tại Việt Nam trong thế kỷ 21. Trừ một số rất nhỏ có vị trí và đời sống vinh thân phì gia, đại đa số phụ nữ tại Việt Nam vẫn sống trong nghèo đói, áp bức, bóc lột, dưới một chế độ độc tài luôn vi phạm nhân quyền và dân quyền. Những lần về Việt Nam, vừa xuống phi trường là tôi đã bực mình vì những chuyện hối lộ, hay làm tiền nơi công cộng, hay luật rừng từ thành đến tỉnh. Ở càng lâu càng bực. Mỗi ngày đều có chuyện để bực. Lần về thăm nhà với chồng tôi, ảnh cứ phải vuốt giận tôi, “Thôi đừng để ý tới nữa Cưng!”
Tôi cũng tin vào giá trị của tinh thần mẫu hệ, vốn là văn hóa gốc của Việt Nam và sau này bị chế độ trọng nam khinh nữ của Tàu lấn ép. Tuy vậy, cái sức sống tiềm tàng vẫn còn tuôn chảy trong nếp sống của người Việt. Cái Nguyên Lý Mẹ vẫn còn hiện diện qua nhiều cách trong tiềm thức cộng thông của chúng ta. Giới nhân chủng học cho rằng phần lớn các văn hóa trên thế giới đều khởi đi từ chế độ mẫu hệ. Có lẽ xã hội loài người rồi cũng sẽ tìm ra một cân bằng giới tính sau những giai đoạn mất thăng bằng.
Tôi đã nói nhiều quá rồi, mà vẫn chưa đi đến đâu. Tôi xin dừng ở đây.
HĐN: Cám ơn những suy nghĩ khúc chiết và thấu đáo của chị. Tôi là đờn ông, ít khi nghe được đờn bà tâm sự như thế. Chị không biết đó thôi, tôi luôn tôn trọng phụ nữ và lúc nào cũng dọn lòng đón nghe những ý kiến của họ. Ở một vài lĩnh vực, họ suy nghĩ và hành động nhanh lẹ hơn bọn mày râu. Không phải vô cớ mà người ta đẻ ra câu: “Sau lưng một người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của đàn bà”. Vậy thì bây giờ trước mặt chị là tôi, và tôi không đi hoang nữa, để trở về chính đạo. Chị Trangđài à, buồn, vui, khổ đau, sung sướng; thường thì chị làm thơ viết văn ở trong tâm trạng nào? Hay “nó” đến do bởi một bất chợt, một tình cờ vụt hiện?
TGT: Thơ văn, hay con chữ, muốn ám tôi lúc nào thì nó ám, anh ạ. Tôi ‘được’ ám, tuy cũng có lúc chủ động ám lại. Không biết lúc nào thì tôi viết có chất hơn (không dám nói là ‘đạt’): lúc ‘được chữ ám’ hay lúc ‘đang ám chữ.’
Nói rõ ra, có nhiều bài thơ (dù dưới một trang) tôi phải mất vài tuần lễ để viết, và luôn khởi đi từ một cảm xúc hay ý nghĩ. Nhưng không có nghĩa là có một cảm hứng thì có ngay một bài thơ. Nếu viết một cách tùy tiện, thì không phải là nghệ thuật hay sáng tạo. Đôi khi tôi ngồi hàng giờ đồng hồ, để cho chữ, hơi, và ý lắng vào nhau. Cả tiến trình viết là một thế giới ngoài chữ nghĩa mà tôi không thể miêu tả mạch lạc được (à, vậy thì lại phải chờ cái máy ghi suy nghĩ của con người!). [Ghi chú: Đang trả lời đến đây thì có người ‘rình,’ làm tôi... ham cười, quên mất muốn nói gì tiếp theo.]
Đối với tôi, nếu một bài thơ có thể truyền vào người đọc cái điều tôi cảm nhận từ một kinh nghiệm, thì bài thơ đó là chân-dung-bằng-chữ của cái linh hồn của kinh nghiệm đó. Nói như vậy, vì một kinh nghiệm luôn có nhiều chiều kích: những gì cảm quan tôi thấy/ngửi/sờ/nếm/cảm-nhận được, và những gì thuộc về thế giới huyền linh mà qua thơ, tôi muốn giữ làm của. Tại sao ‘giữ làm của’? Bởi vì một kinh nghiệm đáng-làm-thơ đi qua, thì không ngoảnh đầu nhìn lại bao giờ. Một bài thơ sẽ giúp tôi giữ cho mình một cái vốn tư duy nào đó từ kinh nghiệm ấy, và gửi cái vốn ấy vào cuộc đời. Chúng ta không thể sống mười cuộc đời một lúc, nhưng nhờ những cái ‘vốn’ của kinh nghiệm người khác, chúng ta được giàu có hơn và sống sung túc (về mặt tinh thần, tình cảm, tư duy) hơn.
Tuy giữ ‘vốn,’ nhưng ngược lại, sau khi hoàn tất một bài thơ, tôi thường cảm thấy mình là kẻ đứng ngoài. Tôi nhận diện được tất cả những gì mình đã viết, vì mỗi bài thơ tôi sáng tác đều đã ‘đi qua hồn tôi' và để lại dấu ấn riêng. Nhưng tôi vẫn có cảm giác chúng thuộc về cuộc đời, tôi chỉ là quản gia, một người đánh máy cho thế gian. Lẩn quẩn phải không? Có, rồi không, mà không, lại có. Chịu thôi. Tuy viết là trước hết cho tôi, nhưng một bài thơ chưa được gọi là ‘hoàn tất’ nếu nó chưa được người khác đọc và cảm theo chính kinh nghiệm của họ. Nhưng đây là đối với những đứa con chữ nghĩa thôi. Con đẻ thì tôi mê như điên, và đeo sát nhiếp, và tôi sanh con cho tôi trước, để được thuộc về con. Còn liên quan giữa thế gian và con tôi? Tôi chưa nghĩ đến. Như vậy có bất công với ‘những-đứa -con-có vần’ không?
Tôi cũng muốn nói một chút về việc sử dụng một số từ thô nhám hay có tính chất mạnh trong thơ. Đối với tôi, nếu những ngôn từ này cần thiết để diễn tả những điều cần nói, thì việc sử dụng chúng là một điều hoàn toàn tự nhiên. Khi cần văng tục, tôi sẽ văng tục. Nhưng có lẽ tôi vẫn chưa có nhiều thời gian để đi vào những đề tài khiến tôi phải văng tục. Có lúc tôi không cần văng tục mà vẫn nói được điều mình cần nói. Bài ‘xổ số' nói về thực tế di dân ở những nước thứ ba, như Việt Nam, có một sắc giọng rất mạnh, và có sự thô nhám của số phận phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
À, nhân anh dẫn danh ngôn, cho tôi đố anh nhé: Sau lưng người phụ nữ thành công là bóng dáng của ai?
HĐN: Tôi chịu thôi, có phải sau lưng người phụ nữ thành công là vỏn vẹn một chữ: Cưng. Cưng lớn hoặc cưng nhỏ đều là chất xúc tác, là lực đẩy cho người phụ nữ ấy. Đúng không? Gác trò đố vui để học kia lại, gần tới Gò Công rồi, tôi phải hối thúc hỏi tiếp: Tôi thích được “ôm” trong tay một cuốn sách hơn là ngồi cứng người trước computer. Chị thì sao? (Đừng bảo là thích ôm cưng.) Chị có ý định in một tuyển tập thơ văn không? Kêu những đứa con về hội tụ trong ngôi nhà chung. Đừng để nó tản mác mỗi đứa một nơi như con rơi, những linh hồn ấy sẽ than thầm: “Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu!”
TGT: Cái chữ “Cưng” ấy, tôi đã xin bản quyền. Anh có dùng, xin vui lòng nêu tên tác giả. Câu trả lời của anh có đúng hay không, xin tùy độc giả quyết định. Nhưng anh nói như vậy, thì phụ nữ phải có chồng có con mới thành công rồi! Trước khi có chồng, hay sống độc thân thì... sao? Thấy chưa! Đâu có đơn giản đâu!
Ôm sách ư? Tôi không chỉ thích, mà còn muốn ẵm sách lên giường, thay vì phải ẵm ipad, android, hay các thứ linh tinh khác. Ngồi ở bàn để đọc trên màn hình thì không... hạp với tôi lắm, tuy tôi vẫn thích ứng với việc thưởng thức những trang báo trên mạng, vốn là một hình thức trao đổi sáng tác rất thuận tiện hiện nay. Một người bạn đã từng tuyên bố 15 năm về trước là tôi sẽ lấy một người chồng có nhà thật lớn để giữ sách. Câu ấy chỉ đúng có một nửa (tôi yêu và cưới một anh sinh viên cùng trường lúc hai đứa nghèo rớt mùng tơi). Cái ‘tật’ yêu-sách (nếu cần hiểu theo cả hai nghĩa thì xin tùy hỉ) của tôi lớn đến vậy. Tôi không phải là thế hệ digital. Tôi vẫn sử dụng những sản phẩm điện toán mới, nhưng không ghiền hay phụ thuộc.
Còn chuyện thứ ba, thì anh lên án tôi quá rồi. Thật ra, tôi vẫn canh cánh vai trò bảo mẫu, toàn đem gửi các con-có-vần ở những nơi đất lành, đất tốt (xin tạ ơn những chủ vườn hảo tâm đã cho sáng tác của tôi đất tạm dung). Nhờ những trợ duyên này, anh mới gặp chúng, đúng không? Tôi cũng có ý định xuất bản tuyển tập các bài viết theo thể loại và chủ đề, nhưng trước mắt còn hai việc đang dang dở. Thứ nhất, là tuyển tập thơ Thiền, do tôi sáng tác Việt và Anh ngữ, chồng tôi viết bản tiếng Pháp. Phần tiếng Pháp viết được phân nửa, thì có tác phẩm để bế, nên chúng tôi... bị hút vào tình nhân mới. Thứ hai, là tuyển tập thơ làm mẹ, nhan đề “Mùa yêu Con.” Đây là chứng cớ của cuộc tình tay ba giữa tôi, Cưng, và Cục Cưng, tuy Cưng chỉ là cái bóng sau vầng hào quang của người đến sau.
Mà anh hỏi vậy, tôi có thể nhờ anh làm tổng đại diện khi xây xong ‘ngôi nhà chung’ này không?
HĐN: Ngày trước, Albert Einstein có nói: “Imagination is more important than knowledge.” Và hậu thế, Steve Jobs là người chứng minh câu ấy một cách thuyết phục nhất. Học giả Nguyễn Hiến Lê khuyên: Nên tập ngồi vào bàn viết mỗi ngày... Thi sĩ Tô Thùy Yên nói: Đứa làm thơ tài ba là đứa ấy viết thật nhiều nhưng giữ lại rất ít. Người sáng tác Trangđài có riêng cho mình một câu thần chú nào không?
TGT: Thần chú thì không có, nhưng có vài tiêu chí. Thứ nhất, vì tôi nhìn mọi sự ở cõi đời này như phù vân, nên biết rằng những trước tác của cổ nhân cũng chỉ là tao phách của họ (Cổ học tinh hoa). Như vậy, những gì tôi viết ra, cũng chỉ là một cái gì chóng qua, cho dù người đọc có đồng cảm và quan tâm. Có thể vì vậy mà tôi không ôm chặt lấy các sáng tác của mình.
Thứ hai, tôi không biết mình có là ‘người-sáng-tác’ không, hay mới chỉ là kẻ tập tành sáng tác. Nhưng mỗi câu mỗi chữ, tôi đều ghi xuống với một ý thức trách nhiệm. Khi độc giả dành thời gian để đọc sáng tác của tôi, thì tôi muốn trân trọng và làm đẹp cái thời gian và sự quan tâm của họ. Mỗi câu mỗi chữ đều được gạn lọc, chắt chiu, mài giũa, cả về ý lẫn về tình, về ngôn từ lẫn bút pháp, và đi từ mạch suy nghĩ trải suốt cuộc đời tôi.
Thứ ba, tôi viết với hết cả con người tôi bằng cách sống phút hiện tại, viết hết lòng hết mình với những gì tôi thấu và cảm ngay trong lúc này. Tôi vẫn quan niệm rằng khi tôi hiểu rõ chính mình, thì tôi đang đồng hành với nhân loại. Thứ tư, tôi nghĩ bất cứ người cầm bút nghiêm túc nào cũng đều như Tô Thùy Yên, viết nhiều, giữ ít. Cái khả năng tự gọt tỉa chính mình có lẽ là điều kiện tiên quyết cho một tác giả khôn ngoan, bên cạnh yếu tố sáng tạo. Nếu cứ tiếc cỏ dại thì không thể trồng một vườn thượng uyển được.
Và thứ năm, phải chăm tỉa, ‘tập tành’ mỗi ngày như Nguyễn Hiến Lê khuyên, thì mới đạt đến tác phẩm có giá trị. Tôi vẫn chưa có điều kiện để làm việc này. Ở đây, khi nói về tác phẩm có giá trị, tôi không nói về tài phú bẩm, vốn là một thiểu số đặc biệt. Tôi đồng ý với Lỗ Tấn, “Thiên tài là 99% luyện tập.” Người đời chỉ khác nhau ở hai điểm: đam mê, và quyết tâm. Tôi chắc chắn không có tài cán gì, chỉ có điều tôi đam mê hơi lắm, và quyết tâm cũng nhiều, tuy vẫn còn nhiều ưu tiên khác như con cái, gia đình nên chưa thể ngụp lặn vẫy vùng trong biển sáng tác một cách trọn vẹn được.
HĐN: Chị luôn xem mình là người đến sau, chị luôn nghĩ mình vẫn còn trẻ dại với cuộc đời này. Vậy thì cho tôi được hỏi, khi chị ngó về con đường của người đi trước (Con đường không tự nó hiện hữu mà do dấu chân người tạo nên – Lỗ Tấn) chị có “phải lòng” một ai? Nhà thơ nhà văn nào chị thích đọc? Họ có để lại chiếc bóng bên đường?
TGT: Anh tò mò hơi quá rồi đấy! Lại muốn biết kẻ-văn-chương nào làm tôi phải lòng ư? Tôi chỉ xin nói về văn chương tiếng Việt, vì đây là môi trường tôi trân trọng nhất và tận tụy nhất, tuy tôi học văn chương Anh ngữ và thưởng thức những tác giả của nhiều ngôn ngữ khác, và cũng sáng tác bằng tiếng Anh khá nhiều.
Khi nhỏ thì tôi yêu nhiều lắm (tuy cũng giới hạn vì cái thị trường chữ nghĩa ở Việt Nam sau 1975 đã bị đốt rụi), không thể kể hết. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, vv. Văn học dân gian cũng làm tôi tương tư, những Truyền Kỳ Mạn Lục, ca dao, đồng dao, vv. Tôi cũng yêu Thạch Lam, Nhất Linh, Doãn Quốc Sỹ, Khái Hưng, Mai Hà Anh, và các sách dịch vv. Nói chung, thì tôi yêu nhiều. Ở hải ngoại, thì tôi được yêu những kẻ-văn-chương tuy đã lẫy lừng từ trước 1975 nhưng tôi không được biết khi ở Việt Nam vì lúc đó họ đang bận bóc lịch ở trại cấm hay đã bị chính quyền xóa sổ trên văn đàn, như Mai Thảo, Nhã Ca, Du Tử Lê, Phạm Phú Minh, vv. Sau này, có nhiều sách ‘không dễ yêu' nhưng tôi cũng tập yêu, như khi tôi lò dò đi vào “Căn Nhà Ngói Đỏ" của Nguyễn Xuân Hoàng, hay ngồi Thiền với cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải qua ba tuyển tập thơ Thiền song ngữ. Báo mạng, thì tôi thích thơ Bắc Phong, phê bình Thụy Khuê, vv. Gần đây, tôi cũng mê Nguyễn Lương Vỵ. Thơ gì mà nén chặt quá! Đọc một bài phải mất ít ngày! Thật là tài ba! Nhưng tôi đã bất công với những kẻ-văn-chương khác mà tôi yêu rồi, vì không thể nêu hết tên của họ lên đây!
Tôi nghĩ, cái đầu tôi như vại nước giếng. Nó soi thật rõ cái gì nó đang đối diện, nên nó đều dành cho mỗi tác phẩm hay tác giả một sự trân trọng và chú trọng 100%, khi tôi chọn để họ ‘soi’ gương trên cái mặt nước trong vại của tôi. Dĩ nhiên cái vại nước có chỗ ghi lại những ‘hình bóng cũ,’ nhưng có lẽ nó còn hơn thế. Mỗi cuộc hạnh ngộ là một lần đổi đời. Mặt nước tưởng phẳng, nhưng đã có đồi có lũng mỗi lần có một tác phẩm đi qua. Nó là một cuộc biến chuyển hữu cơ, như nhựa cây chảy vào trong thớ gỗ, như nắng mỗi ngày đi qua rừng thông để sự sống được duy trì, cho dù trên bề mặt rừng thông tưởng như không thay đổi gì.
Bây giờ tôi cũng muốn tiếp tục yêu nhiều, nhưng lại bắt chước bạn văn của anh, ca bài vọng cổ ai oán: khơ có giồng!
HĐN: Có câu này không biết ai là tác giả: “Vở kịch nào rồi cũng tới lúc buông màn.” Mới đó mà trời chóng tối, chúng ta đành tạm biệt vậy. Đi đường xa, chắc chị đang thấm mệt; và đầu năm, tôi thiệt chẳng ưa mang tiếng ác: chuyên đi moi ruột moi gan người ta! Thêm thay thi sĩ Bùi Giáng có hai câu thơ: “Thưa rằng nói nữa là sai, mùa xuân đang đợi bước ai đi vào.” Tạm biệt, tôi lại đón xe trở lui Huế, đọc thầm câu thơ Đinh Hùng: “Thương nhau gói trọn hồn trong áo, mất nhau từ trong tà lụa bay.” À mà này, cho tôi níu vạt áo lần cuối. Chị có biết trước đây, một nữ ca sĩ được khán thính giả mến mộ phong cho biệt danh “Con nhạn trắng Gò Công”? Tôi thành tâm chúc chị gặt hái nhiều thành tựu trong văn chương, để tương lai, khi nhớ về Trangđài, tôi có thể mạo muội gọi người ấy là một đóa hoa thơm Gò Công.
TGT: Chuyến xe miền Tây nào rồi cũng đến hồi cập bến. Cám ơn ông thầy bói đã sáng mắt, rủ tôi đi đúng tuyến. Anh trích thơ hay quá, tôi trích thơ thì... giống như bắt chước rồi! Thôi thì... tui ca sáu câu tiễn anh hỉ?
Ca sĩ Phương Dung là người cùng lớp với Mẹ tôi, nên tôi biết về cô ấy qua những câu chuyện Mẹ kể, và nghe cô ấy hát. Gò Công có nhiều đóa hoa thơm, tôi học theo họ để được thơm lây. Một trong những điều tôi muốn làm là nghiên cứu về Thái hậu Từ Dũ và Hoàng hậu Nam Phương. Vậy thì danh xưng ‘đóa hoa thơm Gò Công,’ tôi xin mượn để kính ngưỡng những nhân vật lịch sử này. Phần tôi, rất toại nguyện đã được làm Cưng của Cưng, và Cưng của Con.
Anh về lại Huế, nhớ ra soi bóng Sông Hương nghe! Để địa linh nhân kiệt rọi qua rừng-thông-anh, lần sau gặp lại, tôi còn được khôn lây lần nữa.
HĐN: Tôi leo lên xe, nhắm mắt, tự nhủ lòng: Chẳng biết có an toàn xa lộ? (Dạo này nghe xe bốc cháy dữ quá). Giống như thể mình sơ ý làm phật lòng ai kia. Cám ơn quý vị đã đi theo bọn tôi nãy giờ. Mong mọi người một năm mới nhiều sức khỏe, tâm thân an lạc.
Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011
Tháng Tư
Hồ Phú Bông
Thả Kim xuống tại tiệm làm tóc, Khanh định lái xe một vòng rồi quay lại đón nhưng không hiểu sao lại đỗ vào bãi đậu. Bên kia đường là một thân cây thật lớn, những nhánh to còng xuống, già cỗi và gãy gục như đã chết từ lâu. Vỏ cây sần sùi, loang lở, nhưng thật bất ngờ, từ một hốc tối trên thân cây có một nhánh thật mảnh, trơ ra xương xẩu, lại lác đác vài chùm lá nhỏ non mượt, vàng óng! Mặt trời buổi sáng còn ngái ngủ, lướng vướng mây nơi chân trời, chiếu thứ ánh sáng mong manh phía sau làm mấy chùm lá non nổi bật, long lanh. Đẹp đến không ngờ! Khanh chết lặng với phút giây của mùa Xuân vừa mới chớm về thì cửa xe bật mở! Kim bảo khách đông quá, cứ đứng phân vân, nửa muốn chờ, nửa muốn đi loanh quanh một vòng vì hiếm khi có được một buổi sáng đẹp và thỏa mái! Khanh chỉ mấy cụm lá non, quay sang Kim: Nhìn kìa, đẹp không?
Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011
VIẾT LÁCH
Võ Phiến

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011
CHUYỆN TRINH-THÁM VĂN-HỌC HAY LÀ CUỘC SĂN LÙNG HƠN 40 NĂM MỘT THI-PHẨM CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG
Nguyễn Ngọc Bích
Tôi nợ rất nhiều người để có được bài viết rất sơ khởi này về tập thơ Lưu Hương Ký (LHK) của nữ-sĩ Hồ Xuân Hương (HXH), “Bà chúa thơ Nôm” (tên mà nhà thơ Xuân Diệu “mượn tạm” mà không hề ghi nhận là lấy của ông Lê Tâm, tác-giả cuốn Thân thế và thi ca Hồ Xuân Hương (Bà chúa thơ Nôm), Hà-nội: Nhà xb Cây Thông, 1950):
Trước hết là cụ cử Nguyễn Văn Tú, người đã tìm ra bản thảo LHK trong tủ sách gia-đình (ở Hành-thiện) và đã gởi về cho toà báo Văn Sử Địa từ năm 1957. LHK sau đó đã được chuyển về thư-viện của Viện Văn-học ở Hà-nội khi viện này được thành-lập.
Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011
QUÀ TẶNG
- Viết cho cháu ngoại Oliver Tam Thể
Thằng cu sinh thiếu bốn tuần, hơi bé so với đứa bé đủ ngày tháng. “Bà ngoại mới tinh” đứng ngắm nghía đứa cháu đầu tiên của mình. Trong đôi mắt ngân ngấn lệ, bà thấy: Đó là một viên sỏi nhỏ có sắc hồng, Mẹ thiên nhiên vừa đặt xuống bãi biển loài người, một viên sỏi nằm giữa ngàn ngàn viên sỏi trong bãi cát, nhưng sao nó vẫn lấp lánh, trong suốt và rất riêng tư thuộc về mình. Viên sỏi nằm đối diện với đại dương hùng vĩ, sóng đập ầm ầm như thế mà sao nó không hề sợ hãi,vẫn mỉm cười bình thản. Đó là một hạt mưa do đám mây an hòa trên từng cao vừa rắc xuống, rơi trên mặt chiếc lá sen, long lanh như một viên hạt trai, bà thấy mình đưa tay nhón lấy đeo trên cổ mình; đó là một con chim sâu vừa nứt ra khỏi cái vỏ trứng mẹ, còn ướt nhẹp, run rẩy, đã kêu chim chíp, mẹ nó đang xòe cánh ôm sát vào lòng, bố nó bay đi tìm mồi, bà thấy mình vừa cho tay vào ngực, lấy ra những cọng rơm thương yêu đặt thêm vào tổ; đó là một con cá nhỏ xíu vừa tách ra từ cái bọc trứng, bơi rụt rè bên cá mẹ, bà thấy trên tay mình có sẵn một nắm thính gạo, bà rắc xuống cho cả hai mẹ con; đó là một con lợn sữa tròn vo, hồng hào, mũm mĩm đang rúc vào vú mẹ kêu ủn ỉn, bà thấy mình giơ tay đắp lên mái chuồng thêm một tàu lá để che mưa cản nắng cho cả hai; đó là một con mèo con mới biết kêu meo meo, cái sợi rốn chưa cắt còn máu me, một đầu trên bụng mèo con, một đầu còn trong bụng mèo mẹ, bà thấy mình đang đi tìm cái đĩa đổ sữa vào cho cả hai mẹ con. Cu Mèo kêu hơi to.Tiếng kêu to làm bà giật mình ra khỏi những điều mình vừa lơ mơ thấy.
Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011
Tản mạn, từ một chỗ làm
Trần Doãn Nho
Đó là một trong những ngày tuyết lớn của mùa đông 2010: 20 inches. Tiểu bang tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tất cả các trường học đều đóng cửa. Nhưng theo quy định của tiểu bang, văn phòng tôi làm việc vẫn phải mở cửa vì là nơi phụ trách ghi danh cho học sinh vào các trường công lập thành phố. Vất vả lắm, tôi mới lọt ra khỏi cái driveway tuyết phủ để đến sở làm. Thành phố vắng tanh như trong tình trạng giới nghiêm. Không có bóng một cái gì chuyển động ngoài tuyết rơi và những chiếc xe xúc tuyết.
Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011
CÁCH MẤY HƠI THỞ
Võ Phiến
Vẫn biết tự dưng một kẻ vớ vẩn cất tiếng ong óng ca ngợi Lý Bạch thì rất lố bịch, nhưng tôi không cầm lòng được: Tôi mến ông cụ quá. Không phải mến vì thơ ông hay. Hay thì xưa nay thiên hạ đã khen hết lời; những người giỏi giang nhất, thông hiểu nhất, đã nói tới nơi tới chốn rồi. Giờ cứ lải nhải nói hoài về cái hay của thơ Lý Bạch – nhất định ra rả không chịu ngừng – thì đó là một tai họa cho đời. Vậy xin phân bua ngay: Sẽ xin không có chuyện thơ văn, chỉ có chuyện con người thôi.
Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011
RẰM THÁNG GIÊNG
Trần Mộng Tú
Tết còn xôn xao trong gió
tháng giêng đã ngã vào rằm
em vội vàng thay áo mới
đốt thêm một mảnh hương trầm
Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011
ÐÁM TÁNG GIỮA HƯ VÔ,
Du Tử Lê
Tôi không biết phải giới thiệu với bạn về họ ra sao, cách nào; khi mà chính tôi cũng chỉ mới thấy họ. Ðó là lúc ở đường chân trời chỉ còn một vài vệt đỏ yếu, rớt; giống như những hơi thở hắt, cuối cùng, của mặt trời sau khi bị nhận nước. Tôi cũng không biết họ ở đâu tới, dù bãi biển không dài lắm. Nó được giới hạn bởi một doi đá lởm chởm đìu hiu và; vách núi dựng đứng gan, ruột.
Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011
KHI PHONG LINH VỠ
Đặng Thơ Thơ
1.
Đó là cuộc hẹn với cô độc bằng cách đón giao thừa một mình.
Cuộc hẹn với bất trắc bằng một hành động kỳ quặc.
Một cách phóng mình vào tương lai với một khao khát điên rồ.
NGƯỜI TÌNH TRÊN MẶT ĐẤT
Đỗ Quý Toàn
1.
Cảm ơn người có trái tim hồng
Trong thơ đọc thấy tiếng hạnh phúc
Cảm ơn người chia xẻ cùng ta
Cả một bầu trời một mặt đất
Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011
PHOFAN
Song Thao
Tôi phải mang ơn nhạc sĩ Tuấn Khanh. Tôi khoái phở. Hình như ai cũng biết vậy. Đã viết tới năm bài về phở mà vẫn cứ lăm le muốn viết nữa. Chẳng lẽ khi không lại mang phở ra tụng, vậy là ngồi canh me chờ cơ hội. Chờ mãi thì cũng có lúc vớ được… ông nhạc sĩ Tuấn Khanh. Ông này vừa buông tay nhạc để ra tay với phở. Ngày 5 tháng 1 năm 2011 vừa qua, nhà nhạc sĩ của chúng ta đã khai trương tiệm phở tại khu Pavillion Plaza ở Little Saigon. Đây là một tiệm “phở nhạc giao duyên” vì mang tên “Hoa Soan Bên Thềm Cũ”. Tôi ở xa nên không có dịp tới nơi để biết rõ tên tiệm. Theo bản tin của báo Người Việt thì cái tên lòng thòng y chang cái tên bản nhạc nổi tiếng nhất của ông, nhưng trong một cái chúc mừng, cũng trên báo Người Việt Online, thì cái tên rút ngắn lại thành “Hoa Soan”.
Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010
LỄ VẬT ĐỜI NGƯỜI
Trần Mộng Tú
Khi mùa thu bắt đầu tuốt hết những chiếc lá vàng, lá đỏ trên cây, để trơ những cành xương như những cánh tay gầy khua lên bầu trời xám đục, khi lối đi rắc những bông hoa tuyết rơi xuống tình cờ và khi các báo gọi bài cho số Xuân năm mới, tôi biết, thời gian đang thản nhiên bóc những tờ dương lịch cuối cùng.
Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010
ÐÁM MÂY BÊN KIA HỒ MJOESA
TÂM THANH
(Tiếp theo và hết)
Sau khi chị Lên bỏ nhà ra đi một thời gian ngắn, lúc đó tôi bắt đầu học lớp năm tiểu học, ba tôi quen bà Bodil mà ba bảo tôi phải kêu bằng tata. Không có một thỏa thuận nào, dù thầm kín, nhưng tôi vẫn coi những buổi đi chơi nhà tata là việc hoàn toàn riêng tư giữa ba con tôi với tata, không liên quan gì tới mẹ, không cần kể với mẹ. Nhà tata lại hấp dẫn hơn, sẵn đồ chơi, nhiều phim hoạt họa, và có con chinchilla. Khi tata mua thêm con nữa thì hai con làm chuyện trống mái tự nhiên. Một lần, vuốt ve bồng bế con chinchilla mềm mại lù đù mãi cũng chán, tôi định xin ra ngoài đạp xe với lũ trẻ trong xóm. Mở cửa phòng ngủ, tôi thấy ba nằm chung giường với tata. Tata một tay kéo mền che ngực, tay vẫy tôi lại, mi một cái, rồi xua ra ngoài. “Người lớn không khác gì mấy con chinchilla,” tôi nghĩ trong khi thả xe phăng phăng xuống giốc.
Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010
Ði một chuyến đáng một chuyến
Nguyễn Lê Hồng Hưng
(Tiếp theo và hết)
Hùng nhìn ra phòng điện thoại, thấy mấy anh Ba Tàu còn lố nhố đứng chờ.
– Mẹ, đông nghẹt như vầy thì biết chừng nào mới tới phiên mình.
Tuấn chỉ cái điện thoại di động Hùng mang trên người.
– Thì lấy di động gọi, rẻ hơn có ba phút mắc gì phải chờ.
Ði một chuyến đáng một chuyến
Nguyễn Lê Hồng Hưng
Năm nay tuyết rơi muộn hơn mọi năm, giữa tháng một tuyết còn sương sương tới đầu tháng hai tuyết mới bắt đầu tuôn xuống ào ào. Trời lạnh nhưng không gió, từ bến cảng tới hội quán trên ba cây số, nhưng Tuấn không gọi xe xuống đón, anh quyết định thả bộ để nhìn những bông tuyết lả lơi bay và đáp nhẹ lên mặt đường vun lên một lớp dầy. Anh có thể bước đi trên lớp tuyết như đi trên tấm thảm nhung màu trắng. Ði ngoài trời lạnh, vô hội quán kêu một ly rượu và một gói khoai tây chiên dòn, vô phòng vi tính có lò sưởi ấm, ngồi mở máy, lên lưới vừa nhâm nhi vừa đọc tin tức thế giới thì còn gì sướng cho bằng.
Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010
Mưa
Gia Thụy
Trời Virginia hôm nay mưa, bầu trời xám xịt và những cơn mưa phùn làm tôi nhớ Hà Nội và Ðà Lạt. Mưa ở xứ Mỹ này, con người ta dường như không cảm nhận được sự ướt át thật sự của trời mưa, mọi thứ ở nơi đây đều hoàn hảo, hoàn hảo đến nỗi đôi khi tôi thèm có được cái cảm giác mình gặp phải cơn mưa trên đường về nhà mà lại lỡ để quên cái áo mưa đâu đó và đành chịu hứng cơn mưa, rồi sau đó được hưởng cái cảm giác thật thú vị khi thay bộ quần aó khô ráo, pha ly cà phê nóng và ngồi ngắm mưa rơi rả rích qua khuôn cửa sổ. Trời mưa ở đây yên lặng quá, không nghe được tiếng mưa rơi trên mái nhà và hình như đã lâu lắm rồi tôi không phải mặc áo mưa khi đi ra ngoài bởi vì chỉ cần chạy vài bước là được ngồi trong xe êm ấm, nếu có thì cũng chỉ cần đến một cây dù là đủ.
Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010
Anh cũng sẽ về
Nguyễn Lê Hồng Hưng
Tuấn và Thanh đứng bên một ngọn đồi thấp, nơi đây hai người ngắm được bãi cát dài và biển của Nha Trang. Xa xa hòn đảo chập chùng và những ghe đánh cá thấp thoáng giữa trời nước mênh mông. Gió biển lồng lộng mang theo không khí trong lành, mát rượi. Hằng thế kỷ qua nơi nầy đã làm rung động biết bao tâm hồn nghệ sĩ và được người dân ưu ái tặng cho cái tên rất là thơ – Miền Thùy Dương Cát Trắng.
Tuấn nói:
– Cát Nha Trang trắng quá, nước biển trong và xanh hơn vùng Ðịa Trung Hải.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)