Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Học Hải Ngoại. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Học Hải Ngoại. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022
Trần Thị Nguyệt Mai : Khánh Trường - người kết nối muôn phương
![]() |
Khánh Tường, tranh Đinh Cường |
Tháng 10/1991, Hợp Lưu ra đời. Tôi đã có mặt ở Mỹ vài năm, còn thuộc diện dân mới nhập cư. Cảm thấy không kham nổi việc làm nặng nhọc với vóc dáng “mình hạc xương mai”, nên dù đã xa tuổi thiếu nữ, tôi vẫn cố công đèn sách tạo dựng tương lai. Xứ sở mới, ngôn ngữ không là tiếng mẹ, đầu óc tiêu thụ chậm, nên trong khi người khác chỉ cần học một giờ thì tôi phải ngốn gấp ba bốn lần nhiều hơn. Cộng thêm gia đình, con nhỏ... chẳng còn thời gian nào để nghĩ đến chuyện văn chương. Thành phố tôi ở có ít người Việt, sách báo tiếng Việt cũng không. Mà nếu như có, chắc tôi cũng đành phải giả đò ngó lơ “cầm bằng như không biết mà thôi”...
Tôi bắt đầu nghe tên anh khi đọc bài viết “Khánh Trường, Sức Mạnh Của Im Lặng” của họa sĩ Đinh Cường vào tháng 1/2012 nhân dịp anh bày 30 bức tranh Thiền. Lúc đó, tôi chỉ biết anh là một họa sĩ như anh Đinh Cường đã nhận xét, “Tôi thật sự cảm phục bạn ở Sức Mạnh Của Im Lặng và tìm chốn nương tựa cho tâm hồn mình: Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Như Nietzsche với hình ảnh Zarathustra đã gợi lên lộ trình sâu rộng của một bậc Đại Bồ Tát giữa lòng đen tối của thế gian. Khánh Trường là hình ảnh của Zarathustra “Trong tất cả những tác phẩm, ta chỉ yêu những tác phẩm nào đươc tác giả viết bằng máu của chính mình. Ngươi hãy viết bằng máu rồi ngươi sẽ biết được rằng máu chính là tinh thần.” Zarathustra đã nói như thế Khánh Trường đã vẽ như thế.” [1]
Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010
Văn học hải ngoại (4): Giải lãnh thổ hóa
Nguyễn Hưng Quốc
Vai trò “thủ đô” của California trong sinh hoạt văn học hải ngoại bị biến mất chứ không phải bị/được thay thế.
Hiện nay, hầu hết sinh hoạt của văn học Việt Nam ở hải ngoại đều tồn tại trên mạng, chủ yếu tập trung trên hai tờ báo mạng Tiền Vệ và Da Màu. Ban điều hành của Tiền Vệ chủ yếu nằm ở Úc, còn ban điều hành của Da Màu chủ yếu nằm ở Mỹ. Nhưng cả hai tờ báo mạng này, dù thu hút rất đông cộng tác viên và độc giả, vẫn không biến cái địa phương mà chúng đặt “trụ sở” thành một trung tâm. Không. Hoàn toàn không.
Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010
Văn học hải ngoại (3): Phi tâm hóa
Nguyễn Hưng Quốc
Văn học hải ngoại không chết. Nhưng vị thế trung tâm của California thì bị sụp đổ.
Nói chung, văn học hiện đại, vốn dựa trên các hoạt động báo chí và xuất bản, bao giờ cũng gắn liền với một không gian nhất định: nhà xuất bản, nhà in, công ty phát hành, hiệu sách, sạp báo và thư viện. Tất cả các cơ sở ấy chỉ được phát triển mạnh mẽ trong môi trường đô thị nơi có mật độ dân số cao, tầng lớp thị dân đông đảo vừa có học vừa có tiền lại vừa có nhiều thì giờ rảnh để có thể trở thành những kẻ tiêu thụ các sản phẩm văn hóa, qua đó, văn học được thương mại hóa và việc viết lách trở thành một nghề và dần dần được chuyên nghiệp hóa.
Văn học hải ngoại (2): Bước chuyển đột ngột
Nguyễn Hưng Quốc
Trong bài trước, tôi có nêu lên một ghi nhận: văn học Việt Nam ở hải ngoại đang chuyển từ hình thức in theo lối truyền thống sang hình thức online.
Xin lưu ý là những thay đổi trong hình thức tồn tại, từ văn hóa in (print culture) sang văn hóa số (digital culture), từ trang giấy sang trang web, là một hiện tượng toàn cầu. Ở đâu cũng thế.
Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010
Trần Mộng Tú trong vườn hoa vàng
(2)
Chuyến di cư sau cùng, ra đi khỏi cuộc đời của các nhà văn Mai Thảo, nhà báo Lê Đình Điểu, nhà hoạt động xã hội Đỗ Ngọc Yến, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền… phải nói là thật hoành tráng với những dòng người tiễn đưa, những nghi lễ nghiêm trang, những chia buồn, tưởng niệm và càng ấm áp hơn với những dòng thơ chân tình của Trần Mộng Tú. Mỗi bài thơ là một vòng hoa sống đời trên mộ người quá vãng. Vòng hoa của chị dành cho cố chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21, Đỗ Ngọc Yến:
“Bạn bè gọi nhau báo/ xuyên qua những ngôi nhà/ xuyên qua những thành phố/ xuyên qua những vườn hoa.
Xuyên qua nắng tháng tám/ ngưng lại giữa buổi chiều.
Anh ấy đã đi rồi !/ Yến đã đi thật rồi !.
Anh ấy đã đi rồi/ nghe như tiếng đá rơi/ tiếng rơi khô và gọn/ lăn về tận cuối trời.
Yến đã đi thật rồi !/ nghe như chim bỏ tổ/ tiếng cánh đập trên cao/ thả cọng rơm nào xuống.
bảy năm ôm lấy bệnh/ dấu kim đầy hai tay/ Yến như chim rã cánh/ vẫn không mỏi đường bay.
bảy năm Yến thản nhiên/ nhìn thân mình hư hoại/ trí óc vẫn tinh khôi/ lửa đam mê cứ cháy.
bảy năm giữa tỉnh mê/ khi tỉnh làm chim Yến/ mang trái tim đại bàng/ khi mê làm đại bàng/ vẫn mang hồn Yến nhỏ.
thôi Yến ơi Yến ơi/ bình an bay đi nhé/ đừng tiếc chi củi lửa/ rồi cũng tàn tro bay” .
(Yến Ơi ! Yến Ơi- TMT, ngày 17tháng 8 năm 2006)
Vòng hoa dành cho nhà thơ Thanh Tâm Tuyền:
“Anh
Người thi sĩ đó vừa chết hôm qua
Em muốn gọi anh/ mà anh đã bỏ đi xa/ em hụt hẫng đứng nhìn buổi sáng/ trên mặt hồ lặng thinh/ và dãy núi thì trắng toát đến rùng mình.
Chao ôi lòng em buồn bã
những câu thơ tự do/ rồi lấp vào trong đất/ nó mọc cùng cỏ xanh/ gió thổi đi xa tắp.
thời gian rồi đi qua/ xóa mờ khuôn mặt/ những sợi tóc bỏ trần gian/ nằm trong đáy huyệt/ và những ngón tay chàng/ sẽ mục thành phân bón.
mặt trời đen/ mặt trời không mọc nữa/ và cả tên chàng/ chẳng còn ai bật lên thảng thốt/ mặt trời không còn nữa.
chao ôi lòng em buồn bã !
buổi sáng kéo một vệt dài/ trên mặt hồ phẳng lặng/ câu thơ kéo dài/ một đường thẳng nằm ngang nghĩa trang mùa xuân.
Thi sĩ…
Cúi xuống/ tình yêu và những cuộc biệt ly ở một nơi hư không.
Chao ôi lòng em buồn bã !
Khi anh trở về/ một thi sĩ đã đi qua biền biệt”
(Không Đề, nghĩ tới TTT, tháng 3-2006 Trần Mộng Tú)
Vòng hoa cho nhà văn Mai Thảo:
“ Anh đi à ? / ừ đi/ anh đi thật à ?/ ừ đi thật/ sao anh hay đi thế ?/ đâu có hay đi, từ năm 1982 đến nay anh vẫn ở đây/ không, em nói từ năm 1954 cơ, từ khi dọn vào trong Nam/ anh dời đổi biết bao nhiêu chỗ khác nhau rồi/ lần này thì khác, chỗ này là chỗ cuối/ có xa không anh ?/cũng chưa biết rõ nữa/ chưa biết rõ sao lại đến ?/ thì cũng phải đến chứ, chỗ cuối mà/ xa gần gì mình cũng đến được/ em tiễn anh một quãng được không ?/ được, nhưng khi nào anh rẽ ở khúc quành, thì em chỉ nên đứng nhìn theo thôi đừng gọi với, để anh đi khỏi bận lòng/ anh có chắc là về chỗ ở mới anh vui hơn ở đây không ?/ anh không biết rõ, sẽ hỏi những người bạn đã dọn đến trước anh/ thế liệu anh có nhớ những người bạn còn ở địa chỉ cũ không ?/ đến một lúc nào đó, có thể chúng ta quên hẳn nhau. Làm sao mà giữ mãi được một liên hệ không còn hiện hữu nữa/ anh nói nghe buồn quá/ em biết rồi mà, người ta chỉ giữ được những vật cổ ở trong Bảo tàng viện, chứ không giữ được tình cảm ở trong một cái hộp kín rồi đem cất vào đó/ tình cảm. Tình cảm như hơi nước, theo thời gian sẽ bốc hơi và bay đi/ thế người ta có cất văn chương vào bảo tàng viện không?/ có, sau khi đã gạn đục khơi trong. Người ta chỉ cất đi những viên ngọc, chứ không ai giữ những hòn sạn/ anh à, chỗ anh sắp đến ở có rộng hơn căn phố một buồng của anh bây giờ không ?/ tháng giêng thì bao giờ cũng ở ngay trong tâm mình/ ở đó có chai rượu cho anh uống không ?/ bạn bè chắc thỉnh thoảng rưới lên anh/ anh à ?/ và em không được gọi anh quay lại phải không ?/ khá lắm ! thôi anh đi nghe/ vâng, anh đi em sẽ sẽ không gọi với,/ theo anh.
Người đàn ông quay lưng , đi về phía trước, dáng ông cao, thẳng, hai tay buông xuôi. Ông đi thung dung về một địa chỉ mới”
(Trần Mộng Tú, jan 10.98)
Và vòng hoa cho nhà báo Lê Đình Điểu, một chủ nhiệm khác của tạp chí Thế Kỷ 21 (từ 1991-1996):
“Năm ngoái anh về đây/ tháng chín không gian đầy nắng/ Dung ra ngoài vườn hái hoa/ mang vào một ôm cúc trắng/ bàn tay Dung đẫm hương thơm/ nụ cười buồn trong mắt.
Năm ngoái anh về đây/ chiếc xe thoảng mùi thuốc bắc/ chúng mình đặt bao hy vọng/ sắc trong nắm lá phơi khô/ hy vọng có bao nhiêu ngụm/ mình chia nhau mãi không đều/ có ngụm mặn như nước mắt/ Dung dành uống một mình
Năm ngoái anh về đây/ bữa ăn buổi chiều thanh đạm/ tôi chan anh muỗng canh/ mà lòng rưng rưng muốn khóc
Bây giờ là cuối tháng năm/ hoa cúc trong vườn chưa nở/ không còn đón được anh về/ tôi đứng chơ vơ cùng nắng.
Sáng nay lái xe đi qua/ con đường đón anh năm ngoái/ trong xe chiếc ghế bỏ không/ ngậm ngùi với tay tìm bạn…”
(Ghi chú lặp lại: Những dấu: / dùng trong các bài thơ, không có trong các bản chính, dùng “/ ” ở đây để thay những dấu chấm và xuống dòng có sẵn của bài thơ, với mục đích giảm bớt số trang mà thôi)
Đa số thơ của Trần Mộng Tú có nội dung buồn bã, ngậm ngùi, nhưng một đôi lúc người đọc bắt gặp được những hân hoan, lạc quan. Bài thơ Kiếp Sau của chị được nhạc sĩ Nhật Ngân phổ nhạc, thật tươi vui. Những anh chàng làm thơ như tôi, nghe xong mũi cứ như nở lớn mãi ra:
“Đêm qua em nằm mơ/ Mẹ đem em gả chồng/ Cho một chàng thi sĩ/ Số chàng rất long đong..
Hai vợ chồng làm thơ/ Trong một gian lều nhỏ/ Mái dột, mái cứ dột/ Làm thơ vẫn làm thơ.
Thơ chàng dán trên vách/ Thơ em che trời mưa/ Một đàn con tám đứa/ Lớn lên chỉ mê thơ/ Ngoài vườn đầy hoa nở
Trong hồn ngập mộng mơ/ Cửa lều thường bỏ ngỏ/ Nên xuân đến bốn mùa./ Thơ chàng làm em đọc/ Thơ em con đánh vần
Chàng không biết trừ, cộng/ Em chẳng biết chia, nhân./ Mặc người đời mua bán/ Mặc cuộc đời hơn thua/ Cả nhà làm thi sĩ
Nên nghèo xác nghèo xơ./ Em cầu cùng thượng đế/ Kiếp sau có lấy chồng/ Xin lấy chàng thi sĩ/ Dẫu biết chàng tay không”
Trần Mộng Tú cũng là nhà thơ thành công trong việc hội nhập cùng dòng văn học xứ sở mình cư ngụ. Sáng tác của chị được đăng trong sách giáo khoa Hoa Kỳ cho chương trình trung học (American Literature Glencoe 1999), đã cùng những truyện ngắn nhi đồng bằng Anh ngữ trên báo Los Angeles Times, giúp chị được bạn đọc người bản xứ biết đến nhiều, có lẽ thành công này dẫn đến việc đoạt giải bình luận (commentary) của The New California Media (NCM) “Etnic Pulitzers” vào năm 2003. Thành công của chị được xem là nét “vẻ vang dân Việt” trên thế giới. Nhiều báo chí Việt ngữ, nhiều trang điện toán đưa tin, tán thưởng.
Với một thời gian chung sống cùng thi ca lâu dài, cũng như nhiều người làm thơ khác, Trần Mộng Tú luôn luôn có ý niệm làm mới thơ của chính mình. Tuy nhiên sự cách tân này, theo chị, phải luôn được đi kèm với những gì cần có để có thể gọi được là thơ. Trần Mộng Tú không chấp nhận dùng những từ quá đời thường cho thơ.
Cũng tương tự như thời của nhóm Sáng Tạo tại Sài Gòn, phong trào làm mới thi ca tại hải ngoại được phát động nghiêm túc và nhiệt tình. Chiêu thức làm lớn mạnh phong trào cũng được lớp đàn em lặp lại của đàn anh bằng hai phương án: một, tấn công, bôi nhọ, triệt hạ thơ được xem là cũ. Hai, sản xuất những bài thơ đồng phục mới đối với thi ca Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ thành công nửa vời, chưa đánh gục được thơ vần, vè cũ của Sáng Tạo, những người tự cho có trách nhiệm làm mới thi ca Việt Nam có phần quyết liệt, cay cú và sắc bén hơn, điển hình là nhà thơ Chân Phương dùng chính thể loại lục bát để triệt hạ thể thơ mà nhiều người cho là rất dân tộc này. Trong tạp chí Thơ số mùa xuân 1995, anh Chân Phương dùng thể 6/8 viết bài Mừng Thọ Lục Bát với 29 câu, những câu đầu:
“buồn tình lấy giấy bút ra/ điệu quen lục bát ngâm nga giải sầu/sáo ngôn mai phục đầy đầu/chẳng cần động não đã ào ào tuôn/ lối mòn sẵn trớn phóng luôn/ còn hơn nước lũ trên nguồn chảy ra...” Có lẽ anh Chân Phương quên lửng bên cạnh thơ lục bát còn có ca dao và thấp hơn một chút nữa là vè. Sự lãng trí này có thể xem như là một đồng hóa cố ý. Thật tội cho lục bát. Anh Chân Phương dĩ nhiên còn viết nhiều bài miệt thị khác, thâm thúy hơn nữa. Về mặt tạo ra cái mới, có phần phong phú và đông đảo người góp tay hơn. Những gì bộ môn hội họa không chấp nhận, bởi chưa đạt được tiêu chuẩn của nghệ thuật này, đều có thể chấp nhận là thơ tân hình thức.Những sáng tác này được phổ biến khá nhiều trên tạp chí Thơ và một ít ở Hợp Lưu.
Làm phong phú chữ dùng cho thơ cũng là một việc quan trọng. Rất có thể những từ ngữ quen thuộc đã cùn mòn vì “bị hiếp” quá nhiều nên nhu cầu dùng những chữ thực tế của đời sống trong mọi sinh hoạt cuộc đời đều được anh chị em tân hình thức trưng dụng. Một số từ vốn được dùng hạn chế nay xuất hiện một cách hiên ngang trong bài Linda Mặt Ngang của nhà thơ Đỗ Kh, đăng trên Hợp Lưu số 31 (tháng 10 & 11-1996) đã gây bất mãn cho một số người làm và đọc thơ. Chị Trần Mộng Tú, là một trong số này, dù chị là một nhà thơ tha thiết trong công việc làm mới thi ca, từng có bài đăng ở tạp chí Thơ và Hợp Lưu. Trong mục Hợp Lưu Với Văn Hữu Và Bạn Đọc, chị Tú có gần đầy hai trang phàn nàn. Cụ thể:
“...Tôi cũng rất đồng ý với KT rằng: Thơ không có nghĩa là phải mông lung, mờ ảo, kể lể than van, chữ nghĩa phải lấp lánh, cao cả, sang trọng vv... Nhưng ngược lại đổi mới thơ không có nghĩa là bôi bẩn vào văn chương. Nếu danh từ nào mà khi chúng ta mở miệng ra nói chúng ta thấy ngượng miệng, thấy đó là một tiếng thô tục thì nhất định cái tiếng đó không phải là “thơ” dù nó không lấp lánh mờ ảo gì cả. Tôi e rằng các ông Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam, Khế Iêm, Ngu Yên... đã nhầm lẫn giữa sáng tạo và văng tục...”
(Trần Mộng Tú)
Những phát biểu của chị Tú mở ra một cuộc sát phạt (chữ dùng của Kim Thi ) ngắn ngày giữa hai phe. Trong những lời qua tiếng lại trên trang báo, tôi chỉ xin trích lại đoạn thứ 5 trong lá thư có đánh số 7 đoạn của ông Phạm Trọng Luật viết vào tháng 3 năm 1997:
“... 5) Tôi không hề muốn xâm phạm vào quyền tự do sáng tác của bất cứ ai. Tôi cũng không than phiền khi nhìn thấy Linda Mặt Ngang hoặc Bốn Sợi Lông của Cùng Một Người Đàn Bà trong Hợp Lưu. Song tôi thấy bất mãn trước câu trả lời trịch thượng (?) của tác giả: «Tôi hoàn toàn ghi nhận hình ảnh tục tĩu của bài Linda Mặt Ngang trong tấm gương Trần Mộng Tú, cám ơn bà đã cất công soi nó»... Có cái gì không ổn. Nếu Đỗ Kh. có thể tự biện bạch rằng đầu óc anh không thô tục khi dùng những từ mà xã hội cho là «tục» để nói chuyện khác, thì có lẽ cũng nên chấp nhận rằng nghệ thuật hàm ý của anh chưa thành thục. Và nếu người đọc vẫn nhận định các từ ấy là tục tĩu, thì điều này cũng không nhất thiết có nghĩa là đầu óc của họ dơ bẩn mà chỉ đơn giản là họ hiểu tiếng Việt.
Cuối cùng, tôi cho là Hợp Lưu đã trốn tránh trách nhiệm khi chỉ nhường quyền đối đáp cho anh Đỗ Kh., mà không trả lời câu «Hợp Lưu một phần nào chịu trách nhiệm về sự coi thường độc giả đó» trong thư chị Trần Mộng Tú. Hay đây lại là một vế khác của «political correctness»? Nhà báo không trả lời vì nghĩ rằng mình chẳng nên chọn lựa bài vở để đăng: sự chọn lọc này thường vẫn bị đồng hoá với một hình thức kiểm duyệt ngầm.”
(Phạm Trọng Luật)
Giữ mục Nhật Ký Ngày...Tháng...trên Hợp Lưu, Khánh Trường dưới bút hiệu Kim Thi, ở số 34 (tháng 4 7 5-1997), kín đáo bày tỏ:
“...Chính con người bằng khả năng ‘quỷ biện’ của mình, đã khai sinh ra trò chơi văn chương thơ phú, lý luận... Trong đó có cả trò ‘tục mà thanh’, hoặc ngược lại, ‘thanh mà tục’. Đọc những câu thơ: ‘Phành ra ba góc da còn thiếu/ khép lại đôi bên thịt vẫn thừa’ / ‘mát mặt anh hùng khi nắng cực../’quân tử có thương xin đóng cọc, xin đừng mân mó nhựa ra tay’ Ai cũng biết bà Hồ Xuân Hương muốn ám chỉ cái gì, dù, xét, trên mặt ngữ vựng, rõ ràng bà Hồ Xuân Hương chỉ mô tả một cách rất thật thà những vật dụng hoa trái quen thuộc “cái quạt’ ‘trái mít’. Cách nào đó, độc giả đã ‘toa rập’ với tác giả, để ‘qua mặt’ đạo đức, hầu yên tâm tha hồ để trí tưởng tượng xa hơn vào những lãnh địa thần tiên của tính dục. Hơn thế, còn cho rằng ‘kín đáo’;, ‘tế nhị’, ‘mờ ảo’ như thế mới là cao nhã, mới là...thơ !
Nằm trong khuynh hưóng này, nhưng nhẹ nhàng hơn, liều lượng được ‘cân đo đong đếm’ cẩn thận hơn, là những bài thơ, những đoạn văn sử dụng ‘tài tình’ (và ‘tài hoa’) những ẩn dụ rất xa xôi, bóng bẩy. Ví dụ vài đoạn thơ dưới đây của chị Trần Mộng Tú trong bài Giữa Bình Minh (thi tập Để Em Làm Gió, trang 48, nhà xuất bản Thế Kỷ 21, California, Hoa Kỳ 1996):
‘Em uốn cong hơi thở
...Duỗi thẳng rồi xoay ngang/ chân buông tay nới lỏng/....Đầu gối co trong mình/ hai tay nâng sức nặng/ nghe âm dương tỏ tình/...thân bóng chập chờn nhau/ tưởng hai mà hóa một...’
Chị Tú đang tự thuật việc tập thể dục buổi sáng đấy. Tế nhị, cao nhã, tài hoa và lành mạnh quá. Nhưng mà...nhưng mà...quái lạ, nó gợi hình làm sao, mời mọc trí tưởng của người đọc làm sao !”
Không rõ có bao nhiêu người đẩy sự tượng tượng đi xa ? Có một điều có thể tin nếu không có chuyện loanh quanh bên cô Linda Mặt Ngang, thì Kim Thi không bỏ công ghi những dòng trên.
Khánh Trường, Ngu Yên, Chân Phương từng ghé nhà tôi chơi. Đỗ Kh, Khế Iêm cũng là bạn văn của tôi dù chỉ liên lạc với nhau qua điện thư. Tôi quí trọng và thưởng thức sự nhiệt tình đổi mới thi ca do các bạn có số tuổi đời ít hơn tôi này chủ trương. Nhưng như đã trình bày trong mục Văn Nghệ Sĩ Việt Nam (tiểu sử, tác phẩm, chân dung tự họa) được Hợp Lưu thực hiện, Tôi cho rằng Thơ cũng như Tình Yêu, tự nó cứ mới hoài trong cái hình thức cũ: “Mở lòng định quét nước vôi/ ngặt tình yêu vẫn đời đời mới nguyên”(LH). Có thể vì quá mê thơ, tôi sai lầm khi đồng hóa thơ cùng tình yêu. Nhưng tôi vẫn giữ sự nhầm lẫn này cho riêng cá nhân tôi. Tình yêu luôn luôn mới không phải vì sự tiến bộ về quan niệm quan hệ nam nữ. Cũng không vì những cách tân trong các phong cách thực thi tình dục. Cái mới của tình yêu còn khó giải thích hơn nghệ thuật hội họa, thi ca. “nhịp móng sắt từ ngàn xưa lóc cóc/ lối đi quen không phải lối đi buồn/ vẫn đường cũ mà mỗi lần qua lại/ hương trong lòng vẫn đổi mới luôn luôn” (Cỡi Ngựa-LH). Xem ra có phần nào “ngựa tìm ngựa, trâu tìm trâu”. Do đó cái nghĩ về thơ của tôi khá gần với chị Tú, khi chị trình bày quan niệm về thơ của mình trong phần góp ý về Thơ Vần được tạp chí Thơ thực hiện trong số mùa Xuân 1997:
“ Người làm thơ nào đặt bút viết bài thơ đầu tiên chắc cũng phải là một bài thơ có vần (không nói đến chuyện hay dở vội). Thơ vần tạo ra âm nhạc, dễ nhớ, dễ làm người đọc, người nghe rung động. Thơ vần nó đưa được tư tưởng liên tiếp nhau như tiếng sóng dội kéo theo cái âm. Thơ vần còn nói lên được cái trang trọng của chữ nghĩa, nó ép người làm thơ phải hiểu thấu luật bằng luật trắc. đọc một câu thơ có bằng, có trắc nghe đã êm tai mà cái âm của nó còn dội vào trong hồn mình. Người ta phải thật là nhuần nhuyễn về làm thơ vần rồi thì mới có thể làm một bài thơ không vần hay được . Vì theo tôi những bài thơ tự do mà mình cảm nhận được nó hay, mình nhớ được nó thì bài thơ đó khi đọc lên nó vẫn có bằng, có trắc và có nhạc trong thơ.
Bài thơ lục bát Dặn Dò của Nguyên Sa là một bài thơ vần, chỉ đọc một lần là nhớ :
‘Em đi mỗi nhánh một lần/ nhánh xa đi trước, nhánh gần đi sau/ gió làm nhánh tóc bay mau/ nhánh thơm em nhớ, nhánh sầu em thương /ngàn đêm ngàn nhánh keo sơn/ mai về nhớ hỏi anh còn giữ đây’
Âm nhạc tràn đầy trong bài thơ. Trong khi đó , tôi trích ra đây một đoạn thơ trong bài thơ tự do Hoa Tuyết của Đỗ Qúy Toàn :
‘Khi em rơi đọng trên cành tùng nặng trĩu /em hiền hậu em nép mình nũng nịu /anh sẽ gọi em là mi mắt trẻ thơ /mi mắt êm đềm/ mi mắt khép trên mặt đất muôn đời /phủ những cơn mơ’
Đoạn thơ này có thể đọc đến 2 hoặc 3 lần mới nhớ vì nó không theo cái vần ép buộc của lục bát nhưng nó cũng tràn đầy nhạc tính và ta thấy rất rõ bằng, trắc ở mỗi câu xuống giòng.
Có những người chưa hiểu gì về thơ vần cả mà hạ bút xuống làm một bài thơ tự do (bài thơ không có vần) đọc lên ta biết ngay. Đó chỉ là văn xuôi viết xuống hàng, cho chấm, phẩy tùy thích mà thôi., khác nào đứa bé chưa biết bò, chưa biết đi mà trèo lên xe đạp phóng xuống dốc.
Nhưng nếu chỉ vì chữ vần mà người làm thơ phải "ghép" chữ, "sắp" chữ để đọc lên cho xuôi tai thì cái đó sẽ biến thành vè, mất hết ý nghĩa của "Thơ Vần" đi.
Ở bất cứ thời đại nào chúng ta cũng có thể làm mới được thơ - nếu chúng ta có cái khả năng đó - nếu không có khả năng mà cứ nhắm mắt khen nhau thì chẳng bao giờ đi đến đâu cả. Mẫu tự Việt Nam từ A đến Y ai cũng biết cả (nếu được đi học hết tiểu học) nhưng sắp nhặt để thăng hoa nó thành thơ không phải là ai cũng làm được. Niêm luật thì học từ Trung học đệ nhất cấp, nhưng không phải ai cũng thuộc bằng bằng, trắc trắc để đem áp dụng khi làm thơ.
Một bài thơ hay không bắt buộc phải là một bài thơ vần, cũng không nhất thiết phải là một bài thơ phá luật, phá cách. Bài thơ hay là một bài thơ khi đọc lên người nghe thấy bàng hoàng, xúc động, có khi nhìn rõ thấy cái hay của nó, có khi chỉ nghe thấy cái âm hay của nó, có khi chỉ cảm được cái tứ hay của nó. Tựu trung nó phải mang cái chất thơ ở trong câu, trong bài. Đổi mới thơ - đừng nói đến kỹ thuật vội, hãy nói đến cách xử dụng ngôn ngữ. Có những ngôn ngữ rất hay, rất chải chuốt, rất bóng bẩy, rất thơ mà chúng ta không dùng nữa vì thấy nó không còn thích hợp ở thời buổi này :
‘Niềm khát vọng ta ghi vào huyết sử / Dưới chân em, thơ lạc mất linh hồn /Ta đau xót trong mỗi giờ tình tự /Ta khóc nhiều cả những lúc trao hôn’ (Đinh Hùng)
Cũng nụ hôn, cũng là thơ vần, nhưng chữ nghĩa mới mẻ hơn, giản dị hơn vẫn mang đầy chất thơ :
‘Em ngồi thơ thẩn nhìn đàn kiến/ Cụng đầu nhau giữa vách tường xanh /Chúng hôn nhau mãi mà không chán / Như những hôm nào em với anh’ (Luân Hoán)
Du Tử Lê có tài làm mới thơ trong chữ không phải trong kỹ thuật, ông ta đang tìm tòi trong lãnh vực này :
‘Nhớ em kim chỉ khíu tình /Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre’
Chữ "khíu" vừa quê mùa, vừa tầm thường chỉ có những người nhà quê mới dùng khi nói về việc vá quần, vá áo. Khi thi sĩ đem nó vào thơ để vá tình, chữ khíu bỗng trở thành một viên ngọc.
Thơ vần hay không vần, mỗi thể thơ có một cái hay riêng của nó. Tuy nhiên nếu chưa làm được một bài thơ vần gọi là hay thì khó mà thành công trong thơ không vần. Khi nói đến thơ ta nói đến - chữ , đến ý , đến từ - Thú thực với vốn liếng hạn hẹp tôi vẫn chưa hiểu được những bài thơ Bàn Cờ Tướng , Budweiser nó thơ chỗ nào. Tôi vẫn còn đang suy nghĩ vì cái đầu óc thường thường bậc trung của tôi thì thơ không có chữ, không có tứ không có ý thì tôi không gọi được cái tam không đó là thơ. Chắc tôi còn phải học hỏi nhiều nữa trong lãnh vực này”.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)