Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Hóa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Hóa. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

Xuân Sương: Cầu Văn Sĩ


Ra đời chưa đầy năm, cây cầu văn sĩ đã khẳng định chỗ đứng trầm tịnh của mình trong nhịp sống rộn rã Paris. Hân hạnh mang tên nữ văn sĩ Simone de Beauvoir, tác giả quyển tiểu luận nổi tiếng Le Deuxième Sex (Giới Tính Thứ Hai) với quan niệm độc đáo Người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà — cây cầu nhỏ thanh tao nối liền hai bờ sông Seine là biểu tượng nhàn nhã, nghệ sĩ và hữu dụng.

Chúng tôi băng qua cây cầu thứ 37 này của Paris, pic-nic trưa bên kia cầu, trong công viên mát mẻ Bercy. Đây có thể là cây cầu cuối cùng bắc qua sông Seine, và là cây cầu thứ tư chỉ dành cho người đi bộ (*). Passerelle Simone de Beauvoir. Tại sao passerelle (cầu nhỏ) mà không là pont (cầu), mặc dầu nó cũng nối hai bờ trước kia còn xa lạ, nó lại dài ngoẵng 304 thước, dài nhất trong các cầu vì bắt đầu tận sàn gỗ thư viện Francois Mitterrand, đưa khách qua thẳng công viên. Và tại sao mang tên nữ văn sĩ này mà không danh từ chung như hai kẻ nằm kề là cầu Tolbiac và cầu Bercy hay mang tên ai khác? Do ám ảnh hoang tưởng của Jean-Paul Sartre, nhằm lúc người ta làm lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất của bà, hay vì cây cầu và nhà văn đều có như nhau tầm quan trọng ảnh hưởng, dáng vẻ, lịch sự, sức mạnh và tính vĩnh cữu? hay năm 2006 là năm mà UNESCO chủ trương tranh đấu cho phụ nữ các nước thế giới thứ ba được ăn học và kỷ niệm 60 năm ngày phụ nữ được cầm lá phiếu đầu tiên tự quyết định người đại diện cho mình ?... Là ba hoa vậy, thật ra nhà chức trách khu vực này muốn xây dựng “khu La Tinh mới” vì bên cạnh Thư viện Quốc gia, trường Đại học Paris 7 và Thư viện Đại học Ngôn ngữ và Văn minh đang mọc, với cư xá sinh viên dự trù 600 phòng, họ muốn các con đường chung quanh phải mang tên triết gia, văn sĩ... Người ta bảo không gọi là pont vì nó mềm mại uyển chuyển hình dáng đàn bà không cuồn cuộn bắp thịt bê tông, chỉ gỗ sồi (4000 m2 lót mặt) và thép, uốn lượn duyên dáng như sóng đùa và rất thoáng. Cũng là ba hoa nữa, chứ passerelle giản dị là cầu dành cho sự “di chuyển êm nhẹ” tức đi bộ và xe đạp.

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Hồ Đắc Túc: Ký Giả Dương Hùng Cường nơi Đài Tưởng Niệm Phóng Viên ở Normandie


Ký giả Dương Hùng Cường được khắc tên trên bia đá tại Đài Tưởng Niệm Phóng Viên (Mémorial des Reporters) nơi vùng Normandie của Pháp. 

Khu vườn tưởng niệm gồm 27 bia đá khắc tên gần 2.500 phóng viên khắp thế giới đã hy sinh từ năm 1944 đến nay. Hy sinh vì sứ mạng đưa tin của họ. 

Khu tưởng niệm nằm ở thị trấn Bayeux, cách bờ biển Normandie gần 10 cây số, nơi liên quân Anh và Canada đổ bộ vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 ở đoạn bờ biển có ám danh Gold Beach. Vườn tưởng niệm do tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters sans Frontières) của Pháp thành lập. “Đây là đài tưởng niệm độc đáo nhất ở châu Âu,” trang web của RSF và của thị trấn Bayeux cho biết. Độc đáo ­­không chỉ vì nơi dành riêng để tưởng nhớ công lao của những phóng viên xông pha lửa đạn và phải chết vì nhiệm vụ đưa tin; độc đáo còn vì vườn tưởng niệm xinh đẹp này nằm lặng lẽ bên cạnh nghĩa trang quân đội chôn cất gần 5.000 người lính Anh đã hy sinh trong Thế chiến 2, và Bảo tàng Trận chiến Normandie. 

Tôi đến Normandie lần này đúng dịp kỷ niệm 75 năm đổ bộ Normandie, nhưng không biết đài tưởng niệm này cho đến khi đọc một cột thông tin nhỏ trong cuốn sách viết về các nghĩa trang ở Normandie. 

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Vladimir Aleksandrovik Zelensky : Diễn văn nhậm chức ngày 20.5.2019, tân tổng thống Ukraine (Hong Giang Nguyen dịch)

Nhân dân Ukraine quý mến! 

Sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, cậu con trai 6 tuổi của tôi bảo: Bố ơi, trên TV nói rằng Zelensky là tổng thống... Vậy con cũng là tổng thống hay sao?!”. Khi đó nghe như một chuyện đùa, nhưng sau đó tôi chợt hiểu, đó thực sự là một chân lý. Bởi vì mỗi chúng ta đều là một tổng thống. Không chỉ còn là 73% nhân dân đã bầu chọn cho tôi mà là tất cả 100% nhân dân Ukraine. Đây không phải là chiến thắng của tôi mà là chiến thắng của chúng ta. Và đó cũng là cơ hội chung của chúng ta nữa. Cơ hội mà chúng ta cũng cùng chung gánh vác trách nhiệm. Hôm nay không phải chỉ có mình tôi tuyên thệ mà mỗi người chúng ta đều đã đặt tay lên Hiến pháp và thề trung thành với đất nước Ukraine. 

Hãy thử tưởng tượng những tiêu đề khủng khiếp trên báo chí: “Tổng thống trốn thuế”, “Tổng thống say rượu lái xe vượt đèn đỏ” hay “Tổng thống đang trộm cắp vì ai cũng làm như thế cả”!. Các bạn có cho rằng đó là điều nhục nhã không? Đấy chính là điều mà tôi ngụ ý - Mỗi người trong chúng ta là một tổng thống! Kể từ hôm nay, mỗi chúng ta đều gánh vác trách nhiệm với đất nước mình, đất nước mà chúng ta sẽ để lại cho con cháu. Mỗi chúng ta trên cương vị của mình đều có thể gắng sức làm tất cả cho sự phồn vinh của Ukraine! Đất nước (mô hình) châu Âu bắt đầu từ mỗi chúng ta. Chúng ta chọn cho mình con đường hội nhập châu Âu, nhưng châu Âu không phải đâu xa, châu Âu ở trong trí não chúng ta. Đó là ước mơ chung của chúng ta. Khi nó đã xuất hiện trong trí não thì nó sẽ xuất hiện trong hiện thực, trên toàn Ukraine! 

Nhưng chúng ta cũng có một nỗi đau chung. Đó là khi mỗi người chúng ta ngã xuống ở Donbas, khi hàng ngày chúng ta mất mát thương vong. Mỗi người chúng ta đều trở thành kẻ lưu lạc khi có những người mất nhà mất cửa, số còn lại mở cửa nhà mình và chia sẻ cùng họ nỗi đau. Rồi mỗi chúng ta lại là những công dân đi làm thuê, tìm kiếm công việc ở xứ người. Và cả những người để thoát khỏi đói nghèo mà đành đánh mất nhân phẩm của mình. Nhưng chúng ta sẽ vượt qua những điều này. Bởi mỗi chúng ta là một người Ukraine. Tất cả chúng ta đều là người Ukraine, không phân biệt ai đúng, ai sai, thiểu số hay đa số. Từ Uzgorod đến Lugansk. Từ Chernigov đến Simferopol. Dù ở Lvov, Kharcov, Donesk, Dnepr hay ở Odessa thì chúng ta đều là người Ukraine. Chúng ta phải là một khối thống nhất, vi chỉ khi đó chúng ta mới vững mạnh! 

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

Cánh Cò: Người Trung Quốc không còn xấu xí

Bá Dương - nhà thơ, nhà văn, nhà báo và sử gia được tờ The New York Times mệnh danh là "Voltaire của Trung Quốc" bởi tác phẩm “Người Trung Quốc xấu xí” xuất bản năm 1985 tại Đài Bắc, và chỉ 4 năm sau chính Trung Quốc đại lục đã cho phép ấn hành tác phẩm này cũng như những tác phẩm khác của ông. 

Tên tuổi của Bá Dương gắn liền với tác phẩm Người Trung Quốc xấu xí mô tả những thói hư tật xấu của đồng hương của ông, những người Trung Quốc trong thời hiện đại. Khi còn sống Bá Dương chắc phải mừng lắm khi sách mình viết được phát hành tại Trung Quốc nơi có hơn 1 tỷ người nói tiếng Hoa, có nghĩa là dù sao thì vài triệu người thức tỉnh, bỏ bớt thói hư tật xấu đi cũng là điều đáng quý. Tuy nhiên hình như ông Bá Dương và những người cùng quan niệm với ông đã lầm, những thói hư tật xấu ấy có thể bỏ, nhưng bản chất do trời sinh thì vẫn dính liền với cách hành xử của con người. 

Khi rất nhiều người cùng chia sẻ một hành vi nào đó trong cộng đồng, kể cả hành vi đi ngược lại với văn minh nhân loại, thì hành vi ấy mặc nhiên trở thành văn hóa. 

Năm 2013 hàng triệu người Trung Quốc hả hê sau khi nhà hàng “Beijing snacks” nằm ở quận Tây Thành, thành phố Bắc Kinh, gần cổng phía nam khu di tích Cung Vương Phủ, là địa điểm có nhiều khách du lịch đã trưng tấm bảng có dòng chữ tiếng Trung và Anh gắn ngay cửa: “Không phục vụ người Nhật, người Philippines, người Việt Nam và chó”. Họ hả hê vì cả ba quốc gia liệt kê trên tấm bảng đều là kẻ thù của người Trung Quốc. Nhật từng trừng phạt Trung Hoa trong thế chiến thứ II, Việt Nam bất cộng đái thiên với nhiều đời hoàng đế Trung quốc kể cả trận chiến mới nhất vào năm 1979. Philippines chia phần thù hận khi dám mang Trung Quốc ra tòa quốc tế và nhiều lần ra mặt chống dối Trung Quốc trên trường quốc tế. 

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

FB Nguyên Chương: “Ăn cháo đái bát” mà rêu rao bảo tồn di sản, nghe ngứa gan!

Thường khi chúng ta, những người thiện lương, nói với nhau "bảo tồn di sản" tức cùng nhau có ý thức về trân quý quá khứ (sử học, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng...). NHƯNG, nếu quý bạn chứng kiến những kẻ "ăn cháo đái bát" đối với lịch sử, hoặc nhẹ hơn là "quên béng" công lao tiền nhân, những kẻ đó mở miệng nói tới "bảo tồn di sản" thì quý bạn có tin vô miệng lưỡi của họ hay không? 

Câu trả lời, tôi nghĩ, là KHÔNG. 

Chớ dại mà tin những lời đầu môi chót lưỡi.

Tượng đài nhà bác học Petrus Ký gần Nhà thờ Đức Bà đã bị "bức tử", dẹp bỏ.
Đây nói chuyện tượng đài, bởi cách nào đó, tượng đài là cách minh thị giữa trời đất về dòng chảy lịch sử, cho thấy tâm tình nhớ ơn bao đời tiền nhân. 

Nếu nhìn tượng đài để phần nào hình dung những đường nét chính trong dòng chảy lịch sử, ắt phải ngỡ ngàng: không lẽ TP. HCM (đổi tên từ Sài Gòn từ năm 1976) ... "từ trên trời rơi xuống" hay sao? 

Sao không trân trọng dựng nên tượng đài Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng), người khởi lập Đàng Trong - mà từ việc định cõi này mới mở rộng gồm cả vùng đất phương Nam về sau? 

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Quách Hạo Nhiên: “Ung Thư Văn Hóa”, “Ung Thư Nhân Cách” Ở Việt Nam: Những Mảng Lở Loét Đã Bắt Đầu Thối Rữa, Bong Tróc

“...Xứ sở thật thà 
sao lại lắm thứ điếm 
Điếm biệt thự, điếm chợ, điếm vườn... 
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng 
Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn 
Vật giá tăng 
vì hạ giá linh hồn...!” 
(Nguyễn Duy – Nhìn từ xa...Tổ quốc) 

Bàn về đất nước và con người Việt Nam hôm nay, ông Nguyễn Phú Trọng - đương kim Tổng Bí thư và Chủ tịch nước - đã không dưới một lần lặp đi lặp lại cái điệp khúc: “chưa bao giờ quê hương ta đẹp và có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định như hôm nay; “mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, tham nhũng khắp nơi nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?”. Tương tự như thế là: “giáo dục nước nhà chưa bao giờ được như bây giờ”; hay “cơ đồ dân tộc chưa bao giờ được như hôm nay?”... 

Là người làm chính trị lại nắm quyền hành tuyệt đối nên những điều ông Trọng nói ở trên kể ra cũng không có gì lạ. Âu cũng là lẽ tất nhiên vì “miệng nhà quan có gang có thép”. Tuy vậy, trong tư cách một công dân và trên hết là một Con Người, tôi cho rằng mình có đầy đủ quyền và trách nhiệm phải nghĩ khác và nói khác ông Trọng. Trong ý nghĩa này và nhìn ở giác độ văn hóa, với những gì đã và đang xảy ra hiện nay, tôi cho rằng xã hội và con người Việt Nam hôm nay đang bị hoành hành và tàn phá bởi căn bệnh “ung thư văn hóa”, “ung thư nhân cách”. Thời gian gần đây bệnh ngày một nặng hơn vì đã chuyển sang thời kỳ cuối nên bắt đầu di căn ra khắp cơ thể; không khó để mọi người có thể nhận ra những mảng lở loét, thối rữa và bong tróc rất đáng sợ này. 

1. Nói dối không biết ngượng mồm 


Làm người phải biết tôn trọng sự thật, dám nói lên sự thật dù đó là những điều tồi tệ nhất. Người không biết tôn trọng sự thật là người không có lòng tự trọng. Mà tự trọng chính là cái thẻ “căn cước” chứng nhận sự trưởng thành về nhận thức và hoàn thiện về phẩm cách của mỗi cá nhân. 

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Trịnh Cung: Việt Nam, Quá Khứ Là Mở Đầu (Vietnam - Past is Prologue)

Một Tác Phẩm Nghệ Thuật Đa Phương Tiện của Nữ Nghệ Sĩ TIFFANY CHUNG, Một Công Trình Nghệ Thuật-Chính Trị Khổng Lồ, Giá Trị Nhất về Chiến Tranh Việt Nam sau 44 Năm Kể Từ 30-4-1975.

Tiffany Chung, nghệ sĩ đương đại người Mỹ gốc Việt

Với Tác Phẩm Nghệ Thuật Đa Phương Tiện Mang Tên “Vietnam, Past is Prologue”, đang được trưng bày tại Smithsonian American Art Museum, Washington DC, Tiffany Chung, một ngôi sao nghệ thuật đương đại Việt Nam đã dành hết nước mắt cho một quá khứ của quê hương mình đã bị bức tử kể từ 30-4-75. 

Dẫn Nhập 


Thật khó tưởng tượng được và cũng là sự trông mong của tôi từ lâu là sẽ có một ngày được nhìn thấy một công trình nghệ thuật xứng tầm cho một bị kịch lịch sử không chỉ có một không hai đối với lịch sử người Việt mà cho cả thế giới vào những thập niên cuối thế kỷ 20, được sáng tạo bởi một họa sĩ Việt Nam, dù rằng trước đây và hiện nay cũng không nhiều thì ít đã có một số nghệ sĩ đương đại Việt Nam thuộc thế hệ trưởng thành sau 1975 đã làm ra những tác phẩm chạm đến xương cốt của cái ác, cái cam tâm đang hủy hoại dân tộc mình. Có thể kể đến những cái tên: Trương Tân, Nguyễn Mình Thành, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thái Tuấn, Nguyễn Thuý Hằng... Tuy nhiên, tất cả đều, hoặc phải bỏ cuộc hoặc phải sử dụng thứ thủ pháp ẩn dụ để tránh sự truy bức của chính sách nhà nước Cộng Sản. 

Lâm Vĩnh Thế: Nhớ Lại Chuyện Coi Xi Nê ở Sài Gòn Trước 1975

Rạp Casino Đakao - Nguồn: Internet

Từ lúc còn học tiểu học tôi đã khoái coi xi nê rồi. Lên Trung Học, Đại Học tôi còn mê hơn nữa, gần như tuần nào cũng có đi coi xi nê. Sau này, khi đã ra đi làm, lập gia đình rồi, đi xem xi nê với bà xã tôi vẫn tiếp tục là một trong những phần giải trí quan trọng hàng tuần của tôi. Trong khoảng thời gian một phần tư thế kỷ, 1950-1975, tôi đã được coi rất nhiều phim xi-nê đủ thể loại. Bài viết này là một cố gắng ghi lại những gì tôi còn nhớ được về các rạp xi-nê ở Sài Gòn và một số phim thật hay mà tôi đã xem và thích trong khoảng thời gian đó. 

Nhớ Về Các Rạp Xi Nê 


Trước năm 1975, Sài Gòn có rất nhiều rạp xi nê, lớn nhỏ đủ cả.1 Đi xem xi nê là một trong những thú giải trí quan trọng nhứt của người Sài Gòn, từ người bình dân lao động ít học cho đến giới trí thức, từ người trẻ học sinh sinh viên còn đi học cho đến người lớn tuổi đã ra đi làm. Chính vì vậy, Sài Gòn có đủ các loại rạp xi nê thich hợp với túi tiền của các loại khán giả và các rạp này trình chiếu đủ tất cả các loại phim thích hợp với ý thích thưởng ngoạn của mọi người.Chúng ta hảy cùng nhau đi một vòng Sài Gòn, để nhớ lại các rạp xi nê của ngày xưa, của những năm trước 1975. 

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Bùi Văn Phú: Từ kim tự tháp Giza đến thành cổ Jerusalem (Phần 1)

Khu kim tự tháp Giza, gần thủ đô Cairo (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Chủ Nhật 14/4 ở thành cổ Jerusalem có cuộc rước lá, như sinh hoạt hàng năm, với hàng vạn người tham dự. Ngày đó là Chúa Nhật Lễ Lá theo niên lịch phụng vụ của giáo hội Thiên Chúa giáo. 

Những tín đồ là khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, là người Kitô giáo hiện đang sống trên vùng đất còn tranh chấp chủ quyền giữa Do Thái và Palestine. Trên tay cầm những cành lá dừa, đoàn tín hữu đổ về đây để bước theo con đường mà ngày xưa, cách đây hai nghìn năm, Giêsu đã đi qua với nhục hình và khổ đau. 

Những ai tin vào Giêsu là đấng cứu chuộc, dù ở bất cứ nơi nào, cũng đều biết về sự kiện này vì tại nơi thờ phượng địa phương trong ngày Chủ Nhật đó cũng có nghi thức rước lá vào nhà thờ và trong thánh lễ, qua bài phúc âm,đã có thuật lại cảnh Giêsu trong những ngày gần cuối đời ở đó. 

Cuộc đời Giêsu đã được ghi lại trong mấy quyển sách cổ, gọi là phúc âm, viết bởi môn đệ, những người đã đi theo ông rao giảng đức tin trong nhiều năm nơi miền đất Giuđêa. 

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019

Trần Gia Phụng: Chuyện Trầu Cau (Trình bày trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Mississauga ngày 14-4-2019)

Hình minh họa, Internet

Chuyện trầu cau là một cổ tích thời thượng cổ, rất quen thuộc với người Việt, được kể đi kể lại nhiều lần, có nhiều dị bản khác nhau, nên tốt nhứt là ôn lại chuyện trầu cau qua lời thuật đầu tiên trong sách Lĩnh Nam chích quái xuất hiện vào thế kỷ 15. 

Lĩnh Nam chích quái là sách góp nhặt những chuyện quái đản ở vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh, ý chỉ vùng cổ Việt. Sách do một tác giả khuyết danh, hay có thể do Trần Thế Pháp soạn. (Không rõ năm sinh và năm mất của Trần Thế Pháp, chỉ biết ông là một quan chức trong tàng thư các.) Sau đó, sách được Vũ Quỳnh (tiến sĩ Nho học năm 1478) và Kiều Phú (tiến sĩ Nho học năm 1475) hiệu chính. Sách tập hợp một số truyện cổ tích thần tiên của nước ta về đời Hùng Vương, như chuyện Bạch trĩ (trĩ trắng), Kim quy (rùa vàng), Tân lang (cau), Tây qua (quả dưa hấu)... Trước hết, xin lược truyện sự tích trầu cau 

SỰ TÍCH CHUYỆN TRẦU CAU 


Theo Lĩnh Nam chích quái, thời thượng cổ có hai anh em họ Cao là Cao Tân và Cao Lang rất giống nhau và rất thương yêu nhau. Khoảng năm 17 và 18 tuổi, cha mẹ từ trần, hai anh em đến theo học đạo sĩ Lưu Huyền. Đạo sĩ có người con gái khoảng cùng tuổi tên Liên. Hai anh em đều thầm yêu cô Liên, muốn cưới làm vợ. Cô gái biết được Cao Tân là anh, nên kết duyên cùng Cao Tân. 

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Bùi Bích Hà: Kịch

Các diễn viên Samantha Quan (vai Hương, mẹ) và Maureen Sebastian (vai Tống, con gái) trong một cảnh của "Poor Yella Rednecks" của kịch tác gia Quí Nguyễn ra mắt tại sân khấu South Coast Repertory, Quận Cam, tháng 4, 201​9. (Photo by ​Jordan Kubat/SCR)

Trong các loại hình nghệ thuật thể hiện đời sống thu hẹp vào một khoảng không gian nhỏ, tôi thích điện ảnh và...mê kịch. Với kịch, kể cả hóa trang, tôi cảm thấy gần gũi và có hơi hướm con người hơn. 

Đầu thập niên 1990, ban kịch Club O’Noodles gồm một số bạn trẻ sinh viên Việt Nam từng kinh qua cuộc chiến ở quê nhà, theo gia đình di tản đến Mỹ, cảm hứng từ cuộc phấn đấu hội nhập cam go của cha mẹ và bản thân vào môi trường sống mới, đã hình thành và cùng nhau lưu diễn qua các sân trường đại học, sân khấu nhà thờ các khu cộng đồng, với chủ đề châm biếm những mẫu người Việt Nam mỹ hóa rập khuôn, quá đà hay một số phong tục tập quán họ mang theo không còn phù hợp nữa. Các vở diễn của họ là sự pha trộn hài hòa, duyên dáng, thông minh giữa hai hình thái bi và hài kịch, với tài năng của đạo diễn Uyên Huỳnh. Họ nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả đồng hương mọi lứa tuổi. Qua họ, cuộc hành trình từ Việt Nam tới Mỹ của khối người di tản bắt đầu trong sự phó mặc hồn nhiên rồi chạm trán với thực tế khắc nghiệt, được kể lại trong tiếng cười, trong nước mắt, phản chiếu phong cách những bài “mưỡu” tự cười mình của thi nhân Việt Nam thời Nho học tàn lụi hoặc nghe được từ những bài hát ru cổ truyền dân gian mà ban kịch sử dụng nhuần nhuyễn trong các vở diễn nay nhuốm chút hài hước của thời đại họ, trong một xã hội tây phương không chút dè dặt hay giữ kẽ. 

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Từ Thức: Chùa Xứ Ta , Chùa Xứ Người


Qua những tiết lộ về chùa Ba Vàng, người ta thấy khuôn mặt ghẻ lở của Phật Giáo quốc doanh. Từ đó, nhiều người có cái nhìn tiêu cực về Phật Giáo. Đúng ra, đó không phải là Phật Giáo, cũng không phải là Phật giáo VN. Đó là Phật giáo quốc doanh, chỉ có ở những nước Cộng Sản . Không phải ở đâu người ta cũng ‘’hành đạo’’ một cách côn đồ, đểu cáng kiểu Thích Thanh Quyết, Thích Trúc Thái Minh. 


SÂN CHÙA 


Hãy thử viếng một ngôi chùa Nhật Bản. Chùa cực kỳ thanh tịnh, khách rơi vào một thế giới bình yên, tự nhiên quên phiền muộn, oán thù. 

Chùa cực kỳ đơn giản, bởi vì Phật Giáo, trước hết là thoát khỏi sân si, cám dỗ, từ bỏ những hệ lụy vật chất. 

Điển hình là sân nhà chùa, nhiều khi chỉ trần trụi sỏi, đá vụn ; để cái nhìn, tâm hồn của người tu hành, hay Phật tử viếng thăm, không bị chi phối bởi ngoại vật, dù một bức tượng, một cành hoa. Chỉ có mình với đá, với Phật. Với mình.


Mỗi ngày, một người có tâm Phật tới cào sân đá. Đó là cả một nghệ thuật, phải học suốt đời. Cái gì ở xứ Phù Tang cũng là nghệ thuật. Mỗi cử chỉ nhỏ là một biểu tượng. Những luống đá, sỏi trên sân chùa là một trạng thái của tâm hồn. Cào sân là một cách thiền. 

Một hoà thượng trụ trì một hôm nhìn sân đá vừa cào, hỏi người cào sân : đệ tử có gì bất an trong lòng ? Người cào sân ứa nước mắt, thú thực có chuyện buồn trong gia đình, khiến cho tâm động, để cái bất ổn trong tâm trí hiện trên đường chổi, trên những luống đá sỏi 

Người tu hành không có người hầu hạ, phải thức dậy từ 3, 4 giờ sáng để lau chùi, quét dọn và kinh kệ. Tham dự vào đời sống hàng ngày cũng thuộc hoạt động của người tu hành 

Trước khi đọc kinh phải học tập để hiểu ý nghĩa, không phải chỉ ê a cho có. Đọc kinh mỗi ngày khi hiểu kinh để những lời kinh thấm vào đầu óc, thể hiện trong cách xử thế, không phải để cho Phật vui lòng. Cũng không phải cầu xin gì, ngoài việc nhờ Phật giúp mình tìm cái thanh tịnh cho tâm hồn. 

Bữa ăn cực kỳ thanh đạm, không có cảnh các bà, các cô chạy lên, chạy xuống, rót rượu, quạt mát cho các thầy quốc doanh ngồi phưỡn bụng nhậu nhẹt, đưa cay với bia, với Martell đắt tiền , đùa dỡn như vỡ chợ. 

Bữa ăn yên tĩnh, nghe tiếng ruồi bay, bởi vì khi ăn phải suy ngẫm về ý nghĩa của sự dinh dưỡng, về thiên nhiên, về môi trường đã cho cây quả, cơm gạo. Bởi vì Phật tử phải biết sống giây phút hiện tại. Chẻ một sợi rau, rửa chén bát phải đặt hết tâm vào chuyện rửa chén, chẻ rau. Tìm cái vui, cái hạnh phúc trong mỗi cử chỉ nhỏ hàng ngày. 

Trong nhiều chùa, nhà tu khi ăn để bên cạnh 9 hạt cơm. Một chú tiểu đi thu những hạt cơm đó, đem ra vườn cho chim chóc. Bởi vì khi ăn, khi hưởng thụ, phải nghĩ tới chúng sinh. Người tu hành không sống một mình, không sống cho mình. 

PHẬT TẠI TÂM 


Chùa chiền Nhật Bản, đôi khi cao 3 hay 5 tầng, bao giờ cũng hoà hợp với thiên nhiên, với cảnh vật chung quanh. Mỗi ngọn cây, mỗi khóm trúc, mỗi dòng suối đều có ý nghĩa, là biểu tượng cho một triết lý sống. 

Người ta không vạt cả một ngọn núi, san bằng ngọn đồi để làm những ngôi chùa to tổ bố, bê tông cốt sắt, trang trí xanh, đỏ, tím vàng, để vênh váo khoe khoang đã xây một ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á ( nhưng lờ đi không nói bạc tỷ lấy đâu xây chùa ? ) 

Riêng chuyện tàn phá thiên nhiên, kho tàng của đất nước, đã là một cái tội nặng ngàn cân. Chưa nói tới chính sách ngu dân thô bạo. Bên cạnh những bài dạy về tư tưởng bác Hồ, những lời dạy kỳ quái về y khoa (ung thư là do các oan hồn nhập vào thân, chiếm các tế bào, bệnh tâm thần vì đã vô lễ với… quan, bị các vong hồn trả thù ; muốn hết ung thư, hết bệnh phải đóng tiền cho ‘’vong‘’, ít nhất 9 triệu 7 !) 

Người Nhật biết kính trọng môi trường trước khi từ ngữ đó ra đời. Ở VN cũng vậy, chùa chiền ngày xưa có bao giờ kệch cỡm, thô tục như ngày nay ? 

Phật không trọng hình thức. Phật không đòi chùa bạc tỷ. Phật tại tâm.



Chuyện xưa : một chú sãi theo một vị chân tu học đạo. Mặc dù siêng năng, thuộc lòng kinh kệ, suốt ngày rung chuông gõ mõ, vẫn bị thầy chê là chưa hiểu giáo lý nhà Phật. Một đêm trời cực kỳ lạnh, thầy trò đốt hết vật dụng trong nhà để sưởi. Hết bàn ghế, giường tủ, thầy sai trò vào chánh điện, tìm những gì có thể đốt được. Trò mang hết chổi cùn, rế rách ra đốt. Lửa tàn, trời lạnh hơn nữa, thầy sai trò đi tìm củi. Chú sãi vào chánh điện, quả thực không còn gì, ngoài tượng Phật bằng gỗ quý. Đành gãi đầu, gãi tai, mang ra, đốt. Thầy khen đệ tử đã bắt đầu hiểu giáo lý nhà Phật. 

NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC 


Ngoài khía cạnh mỹ thuật, không xa với nghệ thuật, mỗi ngôi chùa Nhật Bản là một kỳ công kiến trúc. Ngày nay người ta hiểu tại sao một ngôi chùa 5 tầng đứng vững hàng ngàn năm ở một xứ động đất như cơm bữa. 

Chùa Nhật, trừ ngoại lệ, cất 100% bằng gỗ, vật liệu thiết kế mềm nhất, tự uốn mình khi đất rung động. Chùa không có một cây đinh, tất cả đều là gỗ lắp với nhau, khi bị lay động, những then gỗ dựa nhau, cản sức chuyển động. Mỗi tầng độc lập với nhau, không gắn liền một khối ; khi gió bão những nơi bị lay động không kéo cả toà nhà đổ theo. Những tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, khi động đất, toà nhà lắc lư, như một điệu múa của rắn, tạo quân bình. Nếu tầng dưới nghiêng về bên phải, tầng trên nghiêng bên trái. Tất cả những thành phần di động, uyển chuyển đó dựng chung quanh một cột trụ trung tâm vững chắc, để dù lay chuyển tới đâu, toàn bộ kiến trúc cũng có chỗ dựa, để đứng vững ngàn thu. 

Trong cái kỹ thuật kiến trúc thần tình đó có cả cái triết lý nhu đạo. Lấy cái mềm trị cái cứng, lấy cái yếu chống cái mạnh. Đó là triết lý sống của cây sậy trước gió bão 

Những nguyên tắc ngàn xưa đó của chùa chiền Nhật Bản ngày nay được học hỏi, nghiên cứu để xây cất một thành phố với những cao ốc đồ sộ nhưng an toàn ở những thành phố bị động đất thường xuyên ở Nhật Bản. 

Mặc dầu vậy, người ta không kiêu ngạo, khoe khoang. Người ta để cái độc quyền vỗ ngực huênh hoang cho những người chưa xây xong cầu đã sập, vừa khánh thành đường đã ngập ổ gà. 

Hy vọng không có người Nhật nào mò tới thăm viếng những động ma quỷ , gọi là chùa, người Cộng Sản dựng lên để làm tiền. Và thâm độc hơn nữa, để thực hiện chính sách ngu dân, đưa dân trở lại thời đại đồ đá với thần núi, thần đá, với vong hồn suốt ngày ra rả vòi tiền. 

Qua ngưỡng cửa một ngôi chùa Nhật, hay một ngôi chùa ở miền Nam trước 75, người ta rũ bụi trần, bước vào thế giới thanh tịnh từ bi. Qua cửa BOT của chùa VN ngày nay, người ta bước vào thế giới ma quái của oan hồn, của ‘’vong‘’ ngất nghểu, ra rả đòi tiền như nặc nô đòi nợ. 

Đó không phải là Phật giáo. Đó không phải là Phật Giáo Việt Nam. Khổng Tử : danh có chính, ngôn mới thuận. Albert Camus : dùng chữ không chỉnh là đem cái hỗn loạn vào cái hỗn loạn đã có. Đừng nói Giáo Hội Phật Giáo VN. Hãy gọi nó là Giáo Hội Quốc Doanh. Hãy trả chùa chiền cho Phật, cho những người tu hành, cho Phật tử. 

Paris, cuối tháng 3/2019 

TỪ THỨC ( tuhuc-paris-blog.com )

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Đông Hương: THÌ THÔI TRỜI ĐÃ RIÊNG DÀNH


Thở dài nghe thật nấu nung
nỗi buồn như một cơn giông bất ngờ
nẫu người trước một giòng thơ
dở dang viết những niệm từ vừa qua

*
giọt mưa dài_ngắn sa đà
quyện tròn môi mặn hết ba phần đời
chuyện tình đến tuổi thôi nôi
đong đưa nước mắt nhớ người thiên thu

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Phạm Quỳnh: Tâm Lý Ngày Tết

Phạm Quỳnh (viết bằng tiếng Pháp, 1930)
Người dịch: Nguyên Ngọc

Học giả Phạm Quỳnh
Vào những dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. 
Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩa và rung cảm của mọi người. 
Người nước Nam cho cái may mắn được gặp một dịp như vậy thường kỳ, vào những ngày nhất định, mỗi lần năm mới âm lịch đến. Trong dịp ấy, tất cả trẻ con Nam Việt, từ đứa giàu nhất đến đứa lạc hậu nhất, cùng đồng cảm trong niềm trang trọng mơ hồ, vô danh tính, ồn áo, to lớn, độc nhất, gọi là ngày tết.
Tết cái từ ma thuật dường như chứa đựng niềm vui mênh mông của cả một dân tộc vô tư và vui vẻ, mỗi lần một năm mới bắt đầu, lại quên bẵng đi tất cả mọi tai ương và khó khăn của họ đã phải chịu đựng suốt năm qua, và sẵn sàng khởi đầu lại cuộc sống trong hy vọng và niềm vui! 

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Cao Huy Huân - Chúng ta đang tự giết ngành du lịch nước nhà

Du khách chụp ảnh tại Hội An, Việt Nam. 
Trong năm 2015, Thái Lan đón gần 30 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong khi Việt Nam với rừng vàng biển bạc, phong cảnh hữu tình, đường bờ biển tuyệt đẹp chạy dài từ Bắc chí Nam, lại là điểm đến của không hơn 8 triệu lượt khách. Sự chênh lệch này đã trở thành đề tài bàn tán dai dẳng từ quán cà phê vỉa hè đến mạng xã hội Facebook. Nhiều ý kiến cho rằng đó là do cơ chế quản lý phát triển du lịch yếu kém, những người lãnh đạo không đủ tầm và không có tâm. Đồng ý. Nhưng phần lớn vẫn là do ý thức dân tộc kém. Theo tôi, đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai, khi chính bản thân bạn chưa làm đúng. Và những điều sau đây sẽ chỉ ra vì sao chúng ta đang tự giết ngành du lịch nước nhà.

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Vương Trí Nhàn - “Chỉ phát triển khi biết tự phê phán”


(TBKTSG Xuân) – Phía sau sự sắc sảo, đầy tính phản biện trong các phiếm luận văn hóa đề cập đến tính cách người Việt hiện đại, người đọc nhận thấy ở ông mối ưu tư về sứ mệnh, đời sống, danh phận người trí thức trong lịch sử lẫn hiện tại. Qua sách báo, blog, Facebook, những thông điệp của nhà phê bình văn học, phê bình xã hội tuổi ngoài 70 vẫn đang kiếm sự đồng cảm, chia sẻ của người đọc – trong điều kiện xã hội đang cần một sự thức tỉnh để thay đổi và phát triển…
TBKTSG: Trong khoảng 20 năm trở lại đây, từ lĩnh vực chuyên môn phê bình văn học, ông có sự chuyển hướng sang phê bình văn hóa, phê bình xã hội. Thưa ông, điều gì đã xảy ra?
– Ông VƯƠNG TRÍ NHÀN: Sở dĩ tôi chuyển từ phê bình văn học sang phê bình văn hóa, xã hội là vì muốn có thêm sự tiếp xúc rộng rãi hơn với bạn đọc và muốn tham gia vào việc tìm hiểu bàn bạc các vấn đề mà cộng đồng đang quan tâm. Nghiên cứu văn học hiện nay bị hạn chế vì kiến thức các nhà nghiên cứu được trang bị quá hạn chế, phương pháp được sử dụng quá cũ. Tôi có may mắn không bị ràng buộc vào một nhiệm vụ cụ thể nào đó, luôn có thời gian rảnh rỗi để lo học thêm biết thêm. Mà ở thời này các ngành khoa học xã hội đang bùng nổ và có khả năng giúp cho chúng ta nhìn sâu vào cuộc sống của chính xã hội mình, nên càng làm bản thân càng thấy bị lôi cuốn.

Phan Hồng Giang - ĐỂ HỘI NHẬP VĂN HÓA, HÃY THÔI SAY SƯA TỰ NGẮM MÌNH…


Từ khi xuất hiện khắp nhiều  nước các “xa lộ thông tin” băng thông rộng, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tuyến vận tải hàng không xuyên lục địa… trái đất chúng ta bỗng biến thành một “ngôi làng” thực sự - một trận động đất hay sóng thần ở Nhật Bản hay một vụ xả súng giết người hàng loạt ở Paris nước Pháp cũng ngay lập tức khiến cả nhân loại bàng hoàng. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trở thành quá trình rộng khắp, không thể  một ai với ý muốn chủ quan, duy ý chí có thể ngăn chặn được.
Không lấy gì làm lạ khi  quá trình này diễn ra trước tiên là ở lĩnh vực kinh tế. Nhưng liền ngay sau đó, lĩnh vực văn hóa cũng bị cuốn vào quá trình này. Và ở đây ta dễ thấy ngay những phản ứng mang tính “tự vệ” của rất đông những người lo lắng cho số phận nền văn hóa dân tộc mình có thể bị thui chột. Không phải là không có lý khi nhiều người cao giọng cảnh báo về cuộc “xâm lăng văn hóa” bắt đầu từ những chiếc quần bò, áo phông, thức ăn nhanh McDonald và nước uống Coca Cola… đến các phim “ bom tấn” của Hollywood. Người ta nhắc đi nhắc lại rằng “ Để mất bản sắc văn hóa dân tộc là… mất hết !”.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Nguyên Ngọc (*) - Làng Ba-na trong sách Người Ba-na ở Kon Tum của Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi

Lời Tòa soạn DĐTK: Năm 2015, nhân 100 năm ngày sinh của học giả Nguyễn Đổng Chi, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học tại SG đã chủ trì một Hội thảo khoa học với 32 bản tham luận được công bố (trong cuốn kỷ yếu mang tên 100 năm học giả-nhà văn Nguyễn Đổng Chi) chọn lọc từ 60 tiểu luận khoa học, do giới nghiên cứu, giảng dạy văn học, văn hóa trong cả nước gửi về đóng góp.Nguyễn Đổng Chi (1915-1984), quê quán ở Ích Hậu, Can Lộc, Hà Tĩnh là một học giả nổi tiếng từ trước 1945, với các tác phẩm Mọi Kontum (công trình khảo cứu dân tộc học, biên soạn cùng người anh là BS Nguyễn Kinh Chi, 1937);Việt Nam cổ văn học sử (1942); Đào Duy Từ (giải thưởng của Học hội Alexandre de Rhodes, 1943);Hát dặm Nghệ-Tĩnh (1944)…  Trong kháng chiến chống Pháp, ông sống ở vùng tự do Khu IV. Sau hiệp định Genève 1954, ông ra Hà Nội, tiếp tục theo đuổi công việc nghiên cứu và cũng để lại nhiều công trình gây tiếng vang rộng rãi ở cả miền Bắc, miền Nam và ít nhiều ở nước ngoài: Lược khảo về thần thoại Việt Nam (1956); Sơ thảo lịch sử văn học việt Nam (5 tập khổ lớn, viết chung, 1957-1961); Hát giặm Nghệ-Tĩnh (3 tập, viết chung với Ninh Viết Giao, 1961-1963); Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến (1968-1978, chưa in); Văn học dân gian sưu tầm ở Ích Hậu (4 tập, soạn chung với Đoàn Thị Tịnh, 1962-1969, chưa in); Địa chí văn hóa dân gian Nghệ-Tĩnh (Chủ biên, 1979-1983, in 1996); đặc biệt là bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam 5 tập, biên soạn và xuất bản ròng rã trong 25 năm (1957-1982). Ngoài tư cách một nhà văn hóa, Nguyễn Đổng Chi còn là một nhà văn, với tập phóng sự đặc sắc Túp lều nát, phơi bày chế độ hào lý mục nát ở nông thôn xứ Nghệ (1937), và cuốn truyện ký Gặp lại một người bạn nhỏ (1949) kể chuyện cuộc kháng Pháp ở Hà Nội trong những ngày cuối năm 1946 đầu năm 1947 mà ông trực tiếp tham dự.Diễn Đàn Thế Kỷ xin chọn đăng lại một số bài trong những bài tiêu biểu công bố trong hội thảo khoa học nhân 100 năm ngày sinh của học giả Nguyễn Đổng Chi nói trên. Những bài này đều do GS Nguyễn Huệ Chi, trưởng nam học giả Nguyễn Đổng Chi nhã ý gửi cho. Nhân đây xin được cám ơn ông. - Diễn Đàn Thế Kỷ

Năm 2008 tôi có tham gia việc xuất bản sách Rừng người thượng của Henri Maitre, viết năm 1912, được coi là công trình khảo sát Tây Nguyên công phu và toàn diện nhất cho đến tận ngày nay. Sách do Viện Viễn Đông bác cổ ở Hà Nội phối hợp với Nhà xuất bản Tri thức ấn hành. Người dịch là Lưu Đình Tuân, tôi nhận phần hiệu đính và viết “Phàm lệ”. Có một Ban khoa học được thành lập để xử lý những vấn đề khoa học liên quan đến việc dịch và in sách. Chúng tôi gặp ngay một vấn đề: trong nguyên bản tiếng Pháp, sách có tên là Les jungles moi, có thể dịch là Rú mọi hay Rừng mọi. Ban khoa học cân nhắc, thấy để từ mọi ngay trên bìa sách sẽ dễ gây sốc, nên quyết định bản dịch ra tiếng Việt sẽ có tên trên bìa là Rừng người thượng; tuy nhiên bên trong sách thì giữ nguyên từ mọi đúng như nguyên bản, và sẽ nói rõ lý do trong “Phàm lệ”. Được giao giải thích điều này trong “Phàm lệ”, tôi đã viết rằng theo tôi từ mọi vốn ban đầu không hề có ý nghĩa xấu. Nó bắt nguồn từ từ tơmoi trong tiếng Ba-na (Bahnar), có nghĩa là khách. Tôi đã biết từ này khi sống ở vùng Ba-na. Cẩn thận, tôi tìm tra thêm Từ điển Bahnar - Pháp của Guilleminet; theo Guilleminet tơmoi được dịch sang tiếng Pháp có các nghĩa sau: hôte (khách), invité d’un autre village (khách được mời từ một làng khác đến), étranger (lạ, người lạ), ennemi (thù, kẻ thù), pays étranger (nước khác, ngoại quốc). Những người phương Tây đầu tiên lên Tây Nguyên là các Linh mục Thiên chúa giáo; khi bị Triều đình nhà Nguyễn truy đuổi họ tìm đường lên vùng cao nguyên miền Tây để tránh khủng bố, và truyền đạo vào người bản địa nhằm xây dựng cơ sở lâu dài. Sau nhiều nỗ lực thất bại, họ đến được vùng người Ba-na ở Kon Tum, lập xứ đạo Kon Tum, là xứ đạo Thiên chúa giáo đầu tiên tại đây, đến nay vẫn là xứ đạo Thiên chúa lớn nhất và quan trọng nhất ở Tây Nguyên. Bấy giờ những người Ba-na Kon Tum đến gặp các nhà truyền giáo thường xưng là tơmoi, là khách. Các nhà truyền giáo lại hiểu rằng đấy là họ tự giới thiệu tên tộc người của họ. Về sau dần dần tiền tố bị rớt đi, còn lại moi, moi nghiễm nhiên trở thành tên gọi người bản địa.

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Tôn Thất Thiện - ĐỔI MỚI “GỌI LÀ” VÀ ĐỔI MỚI “THỰC SỰ”

(Nhân đọc “Việt Nam Cần Đổi Mới Thực Sự” của Võ Nhân Trí, do Đông Á xuất bản, 2003)(1)

Cần biết về tác giả
Đây là một tác phẩm đặc biệt về chế độ cọng sản Việt Nam. Đặc biệt không phải vì nó đề cập đến những vấn đề mới, đưa ra những dữ kiện và những quan điểm mới về chế độ đó. Những vấn đề, dữ kiện, và quan điểm này đã được nói đến nhiều trong 30 năm qua rồi, nên bàn về chúng không có gì đặc biệt. Cái đặc biệt là tính cách chính xác của những dữ  kiện và nhận xét được đưa ra. Đây là đặc điểm của tác phẩm, và đặc điểm này có được vì tác giả là một người đặc biệt: ông có đồng thời một số điều kiện cần thiết để viết ra những điều rất chính xác khó  phản bác được về chế độ đó.  Điểm này làm tôi nhớ đến một câu của nhà văn hào Pháp André Gide: “La beauté est dans le regard, non dans la chose regardée”.... Cái đặc biệt là ở nơi tác giả, không phải nơi tác phẩm! Vì vậy, để hiểu tác phẩm, cần biết về tác giả.

Tôn Thất Thiện - Suy ngẫm cuối năm về chữ “Nước”: “YÊU NUỚC” LÀ YÊU GÌ? THẾ NÀO LÀ “YÊU NƯỚC”?

Một sự lẫn lộn về tư tuởng

Cách đây vài năm, tôi gặp lại một người, mà tôi chỉ xin gọi là “A”. Anh này và tôi quen thân nhau trước 1954, nhưng mất liên lạc với nhau sau đó vì đất nước bị chia đôi. Từ 1954 anh ấy ở Hà Nội. Nhân dịp đi thăm gia đình ở Canada anh ấy đến thăm tôi. Trong cuộc hàn huyên với nhau anh đề cập nhiều đến một người (xin gọi là “B”) mà tôi cũng có biết đến nhưng không quen. Anh “A” có vẻ rất mến phục “B”. Anh ca ngợi “B” là một người “yêu nước”: anh này không thuộc phần tử “chống đối”, không hề “có vấn đề”, được chính quyền coi là một người “tốt”. Quan niệm “yêu nước” này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết “A” không vào Đảng Cọng Sản và không thích cọng sản lắm. Phán xét của anh ấy về “B” làm tôi suy nghĩ nhiều. Nhưng qua thời gian, tôi vẫn không đi đến một kết luận nào dứt khoát. Có lẽ vì tôi không thấy tầm quan trọng của vấn đề, nên không suy nghĩ một cách liên tục, đúng mức, và đến cùng. Gần đây, vấn đề lại đến với tôi. Lần này tôi thấy tôi phải làm một cuộc “brains-storming”/ động não mạnh, và đi đến cùng, để có một kết luận dứt khoát.