Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Công Tuấn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Công Tuấn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Văn Công Tuấn: Vô Ngã thì ai là tôi?


Vô ngã là “không có ta”. Không có ta, vậy thì ai nói, ai viết đây?

Cô bạn văn viết Email cho tôi và nói, mới nhận món quà quý của bác Trụ Vũ, không biết có nên khoe với anh không? Tôi trả lời ngay, nên chứ! Khoe món quà văn chương là việc nên làm và nên làm ngay. Ấy là việc chia sẻ niềm vui kiến thức với bạn, nhất là món quà thơ từ một nhà thơ lão thành nổi tiếng. Không khoe mà giữ riêng cho mình, là chơi không đẹp.

Vậy là nàng Ngọc Thúy Hoàng Quân gởi ngay cho tôi xem bản thư pháp bài thơ của cụ Trụ Vũ. Bài thơ viết về „Vô Ngã“ có 3 khổ. Hoàng Quân còn viết thêm rằng: Hôm nào, anh Tuấn có chút thì giờ để thở, anh Tuấn giải thích thêm cho Thúy bài thơ, nhìn qua lăng kính của "Hạt Nắng Bồ Đề" nghe. Lời sao mà nhẹ nhàng, âm hưởng của sông Hương núi Ngự nghe như vẫn còn quyện đâu đây! Dù vậy cái cục đá nặng tôi đang đeo trong ba lô vẫn cứ nặng.

Thường ngày, khi có điều kiện trao đổi một đề tài về Phật học với bạn bè thân hữu, cốt là để cùng học hỏi tu tập thêm, tôi đều cố hết sức, cho dù lúc đó bận hay rảnh, đang thở thoải mái hay thở hồng hộc như chạy đua. Nhưng đụng chuyện vô ngã này thì khác, nó quả đã vượt qua khỏi cái lằn ranh khái niệm cụ thể, vượt qua cái đầu hạn hẹp của tôi. Lại là thơ của Trụ Vũ! Nếu không có yêu cầu, khi gặp các bài thơ tầm cỡ như vậy, tôi chỉ đọc lên mấy câu, ngước mắt nhìn trời, gật gù thán phục rồi im lặng luôn. Làm sao mà nói được? Tôi lại còn biết rất rõ, cụ Trụ Vũ không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà nghiên cứu Phật học rất thâm sâu. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn trân quý cuốn Pháp Cú (Dhammapada) do cụ dịch ra thể thơ, một tuyệt tác vì nó đã chở được không những ý mà cả lời của Pháp Cú. Đây là cuốn sách nằm thường trực phía trước mặt thuận tay với ở trên kệ sách nhà tôi (thường gọi là sách gối đầu giường).

Nhưng chả lẽ lại im luôn, thì coi sao được. Vì vậy, tôi cứ gồng mình ghi ra đây những suy nghĩ của mình về vô ngã, xem như là những ghi chú, trước cho chính mình, sau đáp lời yêu cầu của một người bạn.

***

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Văn Công Tuấn: Cái Lo Của Nguyễn Du

Nhân "Ngày Sách và Bản quyền Thế giới“ - 23 tháng 4

Sè sè „đống sách“ bên đường


Sáng cuối tuần trời nắng đẹp nên ăn sáng xong tôi mặc áo ấm đi dạo. Chợt thấy dọc đường cảnh lạ như vầy, xin kể cho vui.

Trên lối đi, cạnh một góc hoa viên là chỗ đông người qua lại tôi thấy có mấy thùng cạc tông nằm lênh láng. Thời nay rủi ro tràn khắp, lúc nào thấy những thùng gì lạ nằm lênh láng hay những túi xách vô chủ là nghi ngờ. Khôn hồn thì tránh xa! Vì đó có thể là mấy trái bom nổ của nhóm quá khích. Nhất là ở đây, đoạn đường bãi biển thường rất đông người qua lại trong những ngày nắng đẹp này. Cái thói quen cẩn thận lo xa, xem ra đã tích lũy từ những ngày thơ ấu trong chiến tranh. Tôi rẽ ngoặt đi lánh ra xa ngay. Nhưng tò mò thì vẫn cứ tò mò. Chả lẽ ở đây là chợ trời? Vô lý, bao lâu nay chưa hề thấy. Lại có 5, 7 người đứng ngồi cầm những vật trên tay giống như sách báo. Thôi, lo yên thân. Việc của mình là đi dạo thì cứ đi.

Nửa giờ sau. Cái việc đi dạo xem như đã xong, nhưng thay vì đi ngõ khác về nhà như mọi hôm thì lại tôi cố ý quay lại đường cũ để xem cảnh cái “chợ chồm hổm” ấy giờ ra sao.

Lúc này không còn ai, và hơn một nửa số các thùng cạc tông trống cũng đã được dẹp sạch, chỉ còn một. Những thùng sách khác còn lại thì được xếp ngay ngắn trên bệ tường, chỗ mấy đứa trẻ thường leo lên để chạy chơi. Tôi chụp ngay mấy tấm hình như dưới đây. Ít nhất quá nửa số sách lúc nãy đã được những người đi dạo biển lấy đi. Tôi đoán chừng, có thể ai đó trong những người hàng xóm của chúng tôi dọn nhà đi nơi khác (hay chết), không muốn mang số sách quý bỏ vào thùng giấy tái chế nên để ở đây để xem có thể ai đó cần dùng. Người Đức có thói quen quý là thích đọc sách báo rất nhiều, từ người già đến em bé.