Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn học. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn học. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Phạm Xuân Ðài: Nét Xuân Sơn

Núi và sông, Cẩm Thủy – Thanh Hóa (ảnh của tác giả)

Bạn có bao giờ để ý đến vẻ núi mùa xuân chưa? Và đã thấy tràn đầy trong lòng một niềm vui không cội rễ khi nhìn thấy nét tươi tắn lạ lùng của núi trong một bầu trời xuân?

Tôi đã sống bảy năm trên vùng thượng du của tỉnh Thanh Hóa, bên bờ con sông Mã, và đã bảy mùa xuân chứng kiến những kỳ diệu của đất trời, núi sông và lòng mình. Ðấy là một nơi hiểm trở, trại đóng ngay trên sườn núi trông xuống sông, bên kia sông là một bình nguyên nho nhỏ, rồi lại tiếp tục núi. Hai đầu sông được chắn bởi núi, bốn phía toàn núi, gần xa đậm nhạt khác nhau.

Mùa hè núi như cận cảnh, khô và thô thiển. Núi lúc đó đơn giản chỉ là địa hình, là cao độ khác nhau của khoa địa lý và đo đạc. Ðó là tính toán của khai thác gỗ và tre nứa. Và đối với chúng tôi, đó là mơ ước và nỗi sợ hãi của chuyện trốn trại.

Mùa thu núi bỗng mơ màng. Bầu trời trong xanh hơn và núi như phủ mờ một làn sương khói mỏng. Trời càng se lạnh núi càng xa cách, càng rời xa vẻ thực tế tầm thường để tự biến mình thành huyền ảo. Vào mùa thu sông Mã đã thôi gầm lên khúc độc hành, vẻ đục ngầu dữ tợn của mùa hè đã trôi mất, bây giờ lặng lẽ trong xanh để hòa hợp với dáng núi đang trong một chuyển cung yểu điệu. Trời, núi, sông và người cùng vào một cơn ngất ngây buồn như tiên cảm một nỗi lạnh tê đầy bất trắc. Các ruộng bắp ven sông đã úa vàng. Công việc thu hoạch mùa màng vào các buổi chiều mùa thu mang một vẻ đẹp cổ điển với ánh nắng vàng xiên xiên, lá bắp khô xào xạc và bếp lửa nấu nước ở bờ ruộng vươn cột khói lên cao... Cuối buổi làm đi tắm rửa dưới sông nghe làn nước trong bắt đầu mát lạnh thấm thía, tựa hồ càng trong càng lạnh, và bóng núi chập chờn dưới nước như lặp lại một áng thơ xưa. Lòng rỗng không với cơn đói kinh niên vẫn còn chút sức để thưởng thức một cách đau khổ tuyệt vọng vẻ đẹp não nùng của đất trời. Nhìn qua giải bình nguyên ngắn bên kia sông, mắt bắt đầu từ chỗ núi xanh xanh phía đông chuyển dần sang phía tây, lặng lẽ lướt qua một ít “bờ xanh tiếp bãi vàng” rồi thì lại gặp núi, một trái núi khá gần, to sững, ở lưng chừng há ngoác ra một cái hang đen ngòm như hang núi Văn Dú. Và sông lại mất hút vào núi, khối thủy tinh trong và lạnh mùa thu ấy như được chắt lọc từ các khối núi thẳm mờ mờ phía tây...

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Nhất Linh: Cô Thi Thi



"Cô Mùi ơi, cầu gẫy rồi!"

Mùi đương ngồi khâu ở trong buồng, ngừng tay và ngửng lên nghe ngóng.

"Tiếng ai như tiếng bà Ký Ân. Cầu gẫy rồi, anh Siêu ạ".

Siêu nằm ở giường bên cạnh đương thiu thiu ngủ trưa, thức giấc ngồi nhỏm dậy:

"Thế à? Cầu gẫy rồi à?"

Mùi nhìn Siêu và không giữ nổi nhếch mép mỉm cười; nàng thấy Siêu vẫn lo cầu gẫy mà sao lúc nghe tin cầu gẫy Siêu lại tươi hẳn nét mặt lên như thế kia. Siêu nói tiếp:

"À nhưng cô có mê ngủ không. Nước lụt thế này mà bảo có tiếng bà Ký Ân!"

Mùi nghĩ đến chỗ đó, hơi ngơ ngác; có lẽ nàng đã mơ chăng.

"Cô Mùi ơi..."

Siêu nói:

"Có tiếng bà ta thật. Mà như nói ở trong vườn. Lạ nhỉ?"

Trần thị Nhật Hưng: Nhất Quỉ, Nhì Ma, Thứ Ba…Nữ Sinh


Trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi vào thập niên 1970 tọa lạc trên khu đất rộng. Khu đất này trước kia sình lầy, cỏ hoang um tùm, rác rến bừa bãi. Mặc dù nằm sát trung tâm, đối diện các ty sở, tòa hành chánh tỉnh, thỉnh thoảng vẫn có vài trẻ mục đồng thả trâu ăn cỏ, nghêu ngao trên mình trâu hát ca, nô giỡn. Nhìn chung, không có vẻ nên thơ, vì phía sau khu đất còn có những dãy nhà tôn lụp xụp, tối tăm, không lũy tre xanh, cũng chẳng cánh đồng vàng. Về sau, chính phủ kiến thiết thành phố, biến khu đất thành công viên. Cỏ xanh được vun xới mượt mà, cắt xén gọn gàng chừa vài lối đi nhỏ dẫn đến những ghế đá màu hồng, men mịn, lốm đốm đá nhỏ li ti đen, trắng. Những ghế đá rải rác cách khoảng đều nhau dọc lề đường, bên trên xây những trụ xi măng đánh vòng theo dạng chữ U úp, rực rỡ những hoa tigôn, hoa giấy đủ màu. Bên cạnh còn thêm phượng hoặc cây trứng cá tỏa bóng râm mát. Giữa công viên sừng sững một đài tưởng niệm cũng màu hồng, men mịn, lốm đốm những viên đá nhỏ li ti đen, trắng. Bốn chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn“ đỏ, in nổi, dọc đỉnh đài hình tháp cụt bày tỏ niềm tri ân đến các chiến sĩ vì nước quên mình. Dưới chân đài, một vòng tròn rộng lề xi măng rực rỡ với đầy hoa hải đường, cúc, vạn thọ và hoa hồng.

Con đường đất nhỏ rẽ ra tứ phía. Từ đó, khu đất trở nên khang trang thơ mộng hẳn lên nhưng vẫn chưa toàn hảo nếu không nhờ ngôi trường nữ ẩn mình phiá sau, che khuất dãy nhà tôn lụp xụp.

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

20 năm vụ khủng bố 9-11 tại New York

Lễ  tưởng  niệm TRIBUTE  IN  LIGHT. Hình  ảnh  David , Pixabay 

Sau ngày xảy ra vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 tại New York, nhà văn Trần Mộng Tú đã viết một đoản văn về đề tài này đăng trên báo Người Việt tại Little Saigon, Nam California. Sau đó bài này đã được dịch sang tiếng Anh và gửi dự cuộc thi viết về Bình Luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” và đã đoạt Giải Nhất, vào năm 2003.

Chúng tôi xin đăng lại dưới đây nguyên văn bản gốc tiếng Việt của bài Chốn An Toàn đã đoạt giải, và một bài thơ cùng tác giả, bài Trả Lại Tôi, cũng cùng biến cố này, như những hồi tưởng về một vụ khủng bố vào hạng lớn lao nhất mà nước Mỹ đã gánh chịu, cách đây đúng hai mươi năm.

*

CHỐN AN TOÀN

Trần Mộng Tú

Con gái chị đang làm thiện nguyện cho Hồng Thập Tự ở thành phố Nữu Ước. Chị muốn con gọi điện thoại về nhà mỗi ngày, chị dặn dò:

“ Không có ai ở nhà, thì con cứ nhắn vào máy cho mẹ an tâm.”

Chồng chị bảo:

“ Con gái lớn rồi, đi làm việc xã hội được rồi, em đừng có lo lắng quá đáng. Một tuần gọi một lần cũng được.”

“Con lớn lên nhưng em lúc nào cũng còn là bà mẹ nhỏ,” chị cãi lại chồng.

Đúng, chị thấy rõ ràng là chị không lớn lên theo con. Khi các con bắt đầu vào Đại Học, muốn ra ở riêng hoặc đi xa là chị không bao giờ ngủ yên giấc. Cô con gái chị mới bước vào tuổi hai mươi, mới học được xong hai năm đầu của đại học thì muốn nghỉ một năm đi làm việc xã hội. Cô ghi tên đi làm cho hội thiện nguyện Americorps, vừa làm xong một năm hiện còn đang chờ khai trường đi học lại thì “cô bé” nhận đi làm thiện nguyện tiếp tục cho Hồng Thập Tự.

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Trần Mộng Tú: Nắng Chảy Ràn Rụa Như Nước Mắt

Gửi Mimi và Bill

Sáng nay chúng tôi hẹn tới nhà một người bạn, anh vừa mới mất được hai hôm. Vợ anh ra đón chúng tôi ở hiên nhà. Mùa Hè, nhưng chúng tôi không thấy nóng vì trời có những cơn gió nhẹ. Nắng chẩy ràn rụa như nước mắt trên áo chúng tôi.

Mimi buộc ru-băng cho cây

Sáng nay chúng tôi ngồi ở hiên nhà bạn, nghe bạn kể về những giây phút cuối của chồng, chị kể với nước mắt lưng tròng nhưng thỉnh thoảng môi ngập ngừng một nụ cười nhẹ nhàng đằm thắm khi nhắc đến tên anh. Chúng tôi ngồi im lặng nghe. Nắng chảy ràn rụa như nước mắt.

Sáng nay chúng tôi uống ly chanh đường với nhau, nước chanh mát và ngọt, nhưng thỉnh thoảng có vị mặn, hình như một giọt lệ rất nhỏ rơi vào trong ly. Nắng chảy ràn rụa như nước mắt.

Sáng nay tôi được xem những tấm ảnh của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc đơn sơ. Những tấm ảnh như thời gian quay ngược lại, có vợ chồng trẻ, có hai đứa bé con, rồi vụt một cái hai đứa bé lớn cao như cha mẹ chúng và cha mẹ chúng thành ông bà nội, ngoại. Nắng thì vẫn lấp lánh và gió thì vẫn thổi rất nhẹ. Mấy chục năm về trước, gió và nắng đã tới đây và ở lại cho đến bây giờ. Nắng chảy ràn rụa như nước mắt.

Sáng nay tôi đặt cuộn ru-băng trắng vào tay người bạn, cả hai chúng tôi cùng bước ra vườn, cái vườn rộng với gần 50 cây táo. Những cây táo đang bắt đầu mang từng chùm quả rất xanh. Hàng cây đứng lặng trong mùa Hè. Nắng chảy ràn rụa như nước mắt.

Miêng: Mưa

Tôi nắm bàn tay lạnh ngắt em dâu. Lần đầu tiên đụng chạm, lần đầu tiên làm cử chỉ thân thiện cũng không cho tôi cảm giác bàng hoàng trước nỗi kinh hãi rằng em dâu sẽ chết. Hậu sản. Rồi tất cả sẽ đè lên vai tôi như xưa, hơn xưa vì có thêm thằng cháu. Nó nhìn lờ đờ:

- Nếu em..., nhờ chị nuôi cháu giùm em, cực chị, vừa lo cho mẹ, cho cháu...

Tôi muốn khóc, không biết thương em dâu, thương cháu hay chính mình:

- Nói bậy. Qua cơn mệt rồi khá thôi mà.

Âm thanh phát ra cũng lừa dối chính mình. Không phải nói bậy mà là cảm nhận trong người, không phải cơn mệt, mà là cơn hấp hối. Tay tôi siết hơn chút nữa, cố truyền sinh lực. Em dâu dịu dàng hay không hơi sức, giọng hẫng như bông:

- Bố mẹ em đều là nhà giáo. Em thương anh bạn, bố mẹ em cấm vì ảnh nghèo, con một, lại có mẹ già. Khi ảnh đi lính, chết nay sống mai, em quyết định có bầu, sinh con cho ảnh. Bố mẹ em đánh, đuổi đi, cho là điếm nhục...

À thì ra là gái nạ dòng. Thảo nào nó về nhà chúng tôi với lai lịch hoàn toàn mù mờ bất định trong khi tôi dù giấy rách vẫn giữ lấy lề. Một hôm thằng em hớn hở tuyên bố sẽ lấy vợ mà nhất định không chịu cưới hỏi rình rang, chỉ là lễ bàn thờ và bữa tiệc nhỏ. Mẹ lúc vui lúc buồn nhưng chấp nhận vì ham có cháu. Cằn nhằn mãi thằng em chỉ làm thinh, riết tôi dỗi không thèm đếm xỉa, biết chắc vợ nó chui từ đất lên không xứng đáng nên vừa khinh bỉ vừa thấy tiện lợi, đỡ tốn kém cho cái ngữ không gốc gác ấy. Giờ lại thêm nạ dòng, cưỡng lời cha mẹ, theo trai, chửa hoang... Tôi muốn rút tay ra, em dâu nắm chặt:

- Em đến sống với mẹ ảnh. Tội nghiệp lủi thủi một mình, có em cụ vui vẻ lắm, cho đến khi em sinh cháu bé. Cũng con trai chị ạ...

Võ Phiến: Vươn Ra Ngoài Cuộc Sống

Sự thất vọng bắt đầu sau chuyến đi thăm mặt trăng về. Người về chỉ mang theo mớ đá: Tuyệt không có dấu vết sinh vật nào. Từ ấy, những thám hiểm khác không khá hơn. Nơi bấy lâu chúng ta vẫn đặt nhiều mơ tưởng là hỏa tinh: Hỏa tinh rốt cuộc cũng làm cụt hứng giới “tìm bạn bốn phương”.

Cuối thiên niên kỷ thứ II dấy lên một nghĩ ngợi: Phải chăng chúng ta là sinh vật duy nhất trong vũ trụ vô cùng? Cô đơn đến thế thật là cô đơn. Hãi hùng quá.

Con người khiêm tốn, xưa nay vẫn dành cho mình một vị trí thấp. Bên trên, bao nhiêu hạng tôn quí: ông Trời, bà Đất, tiên, thánh, thần, ma vương, thượng đế v.v...; xưa nay nó vẫn quen thờ phụng, lạy lục, lạy từ hòn đá cục đất lạy đi. Bỗng nhiên không còn gì còn ai để lạy nữa, con người hoảng hốt, hoang mang.

Trước, con người không thực sự nghĩ tới việc mình có thể rời khỏi quả đất. Nó yên phận ở một nơi này, và yên trí là đó đây cũng có những giống sinh vật như mình. Ai có cõi sống nấy. Như thế, nó yên tâm.

Năm 1969 — mới cách đây hơn ba chục năm — lần đầu tiên nó đặt chân lên một thiên thể ngoài quả đất. Thấy mặt trăng trống trơ. Từ ấy nó tìm kiếm lung tung. Đem máy móc tiến gần, rình rập hỏa tinh: thấy khô ráo, lạnh ngắt. Lại tiến lên mộc tinh rình xem cái vệ tinh Europa chạy quanh: cũng không mảy may dấu hiệu sinh sống nào. Chỉ trong khoảng năm năm cuối thế kỷ vừa qua, ít nhất đã có 22 thiên thể bị dò xét. Sự hối hả thấy rõ, còn gì nữa.

Cái tìm kiếm lục soát càng ngày càng ráo riết, mà mức kỳ vọng mỗi lúc mỗi thấp. Thuở xưa, người ta mơ tưởng sẽ gặp trên thượng giới những sinh vật giống như mình: cũng những cô gái xinh đẹp với đầy đủ xiêm y, biết ca xướng đàn địch, cũng những cụ già tóc râu khả kính, thích chơi cờ thích ngâm thơ v.v... Về sau, con người địa cầu không còn đòi ai kia phải giống hệt mình. Chỉ mong đây đó may ra có những giống loài dù khác lạ dù dị hợm, nhưng vẫn có trí thông minh vẫn tài giỏi, đây đó may sao có thể khám phá ra những nền văn minh bất ngờ, xuất sắc, rải rác trong vũ trụ. Người vũ trụ, riết rồi hình ảnh ấy thật mơ hồ: nó nhỏ bằng nắm tay chăng? lớn bằng tòa nhà chăng? nó di chuyển bằng cách trườn mình oằn oèo trên đất chăng? bằng cách vỗ cánh trên không trung chăng? nó có được một vài cái tai để nghe, dăm ba con mắt để trông chăng? v.v...