Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022
Nguyễn Hưng Quốc: Để Nhớ 7 Năm Ngày Võ Phiến Mất - Những Năm Tháng Cuối
Mỗi lần có dịp qua Nam California, một trong những người đầu tiên tôi đến thăm bao giờ cũng là Võ Phiến (1925-2015). Chủ yếu là vì tình thân. Tôi quen với khá nhiều người cầm bút Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, nhưng người tôi gần gũi nhất có lẽ là Võ Phiến. Gần, chủ yếu là vì, trong thời gian viết cuốn Võ Phiến (1996), tôi đọc ông nhiều và rất kỹ; và cũng vì, trong suốt thời gian chuẩn bị tài liệu cho cuốn sách ấy, kéo dài cả mấy năm, tôi và Võ Phiến thường xuyên liên lạc thư từ với nhau. Thư, thoạt đầu, khá khách sáo; sau, cứ dần dần thân thiết. Sự thân thiết, thoạt đầu, giống như tình bạn, thứ bạn vong niên trong văn nghệ, dần dần, giống như tình gia đình: Tôi xem Võ Phiến như một ông bác. Khi đã xem như bác, việc thăm viếng trở thành một cái lễ, một thứ bổn phận.
Mà kể cũng lạ. Trong giới cầm bút nổi danh trước năm 1975 sau này sống ở hải ngoại hầu như chỉ với Võ Phiến là tôi xem như một ông bác. Với những người khác, ngay cả với Mai Thảo, chỉ nhỏ hơn Võ Phiến hai tuổi và lớn hơn tôi đến 30 tuổi, tôi chỉ xem như là anh. Nói chuyện với Mai Thảo, theo đề nghị của chính ông, tôi gọi bằng “anh” và xưng “em”. Không những vậy, có lúc tôi còn xem ông như một đứa em nữa là khác. Đó là những lần, lúc tôi còn ở Paris, ông bay từ California sang chơi. Sau khi ăn uống hay đi dạo phố, đưa ông xuống trạm xe điện ngầm để về nhà Trần Thanh Hiệp, nơi ông ở trọ, sau khi dặn dò đường đi nước bước, rồi nhìn cái ánh mắt lúc nào cũng mơ mơ màng màng, cái dáng người cao lêu nghêu và cái bước chân hơi liêu xiêu của ông, tự dưng tôi thấy bất an. Sợ ông đi lạc. Sợ ông băng qua đường ẩu, xe đụng. Sợ vu vơ đủ thứ. Như sợ cho một đứa em ngơ ngác giữa phố lạ. Những lúc ấy, tôi quên bẵng là ông đã từng qua Paris nhiều lần và rất giỏi tiếng Pháp. Với Võ Phiến, chưa bao giờ tôi có cảm giác ấy. Nhìn ông và nói chuyện với ông, tôi có cảm giác như đang đối diện với một công chức tỉnh lẻ hiền lành. Từ dáng dấp đến vẻ mặt, có vẻ gì hơi hơi thật thà, hơi hơi chất phác, nhưng đôi mắt của ông thì khác: Lúc nào cũng tinh anh, cũng nhanh nhẹn, toát lên vẻ gì vững vàng, có thể đương đầu với mọi tình huống và mọi bất trắc.
Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022
Võ Phiến: Cô Quì Còn Không?
Bình Nguyên Lộc có tập truyện bằng văn vần, gọi là Thơ Ba Mén. Truyện ấy hình như chưa bao giờ xuất bản. Thơ Ba Mén là thơ thế nào, tôi không biết. Chỉ tình cờ biết qua lời khai từ, trên vài chục câu. Và chỉ nhớ vài câu:
“Ghe ơi, vài bữa ghe về
Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?”
“Ghe ơi”, ghe ấy tức những chiếc ghe thương hồ đậu ở bến sông Ông Lãnh một buổi sáng mưa dầm. Trong thời chiến tranh, chốn nông thôn bất an, lắm kẻ bỏ quê lên tỉnh sinh sống. Trong số những kẻ ấy có người đã yên thân làm ăn ở Sài Gòn; nhưng thân có yên mà lòng chưa chịu yên. Những hôm mưa rơi nhẹ nhàng, tiết trời lành lạnh, người nọ ra bến sông, ngồi uống tách cà-phê nóng ở một quán nhỏ, nhìn lũ ghe thương hồ từ dưới quê chở nông phẩm lên bán mà nhớ về làng xóm cũ. Ghe đi vài bữa ghe về, mà mình thì biền biệt, nhớ cô Quì muốn chết. Một ông khách bới tóc (tức cũng người gốc quê) ngồi bàn bên cạnh liếc sang có trông thấy người nọ khóc trộm. Thảm quá.
Vì bấy nhiêu mà tôi không quên được thơ Ba Mén. Mà tôi bị thơ Ba Mén ám ảnh.
Áng chừng người nọ bỏ quê ra đi cũng không lâu mấy. Cô Quì vẫn còn gọi được là cô Quì thì xa cách có gì là lâu. Xa như chúng ta — một số đông đảo trong chúng ta, những kẻ rời bỏ xóm làng từ tuổi đôi mươi cho đến tận cuối đời — xa nhau đến thế thì nhớ về người cũ đâu còn nỡ gọi nhau là cô! Từ lục tuần thất tuần về sau, dẫu có còn đấy các cô Quì cũng thành ra cụ Quì cả thôi.
Đàng này, mới tách lìa nhau đấy đã mếu máo, đã rối rít: “Cô Quì còn không?” — Làm gì mà chả còn. Lo sao lo quá lắm vậy.
Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022
Võ Phiến: Thơ Dịch
— Bạn nghĩ thế nào về thơ dịch?
— Tôi nghĩ: Thơ dịch không phải là thơ, dịch thơ không phải là dịch.
— Thế à?
— Thế.
— Nghĩ thế không nghĩ còn hơn. Nhảm quá.
— Thế à?
— Thế. Thơ dịch đang đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn học quốc tế. Bạn xem: Ngày nay trên các tạp chí văn học nước nào mà thỉnh thoảng không giới thiệu sáng tác nước ngoài qua thơ văn phiên dịch?
— Từ từ. Hãy nói chuyện giá trị trước, chuyện vai trò sau. Về giá trị: Thơ dịch không phải là thơ.
— Thế nó là cái gì?
— Là ý thơ. Ý thơ đâu phải là tất cả bài thơ? Cũng không phải là phần quan trọng của bài thơ. Không quan trọng chút xíu nào.
— Từ từ. Xem nào: Bạn bảo thơ dịch là ý thơ?
— Vâng. Thì chỉ là cái ý, cái nghĩa của bài thơ gốc thôi. Bạn còn đòi dịch được cái gì nữa?
— Thế ngoài cái ý ra, bài thơ còn có những gì?
— Ngoài cái ý ra, còn lại bài thơ. Nói cách khác, khi bạn vất cái nghĩa bài thơ đi rồi thì cái còn lại là phần cốt tủy của bài thơ.
— Gớm. Sao mà phét lác thế. Còn lại những gì? Nói cho cụ thể xem.
— Điệu thơ này, thể thơ này, giọng thơ này, lời thơ này, không khí bài thơ này... Bao nhiêu là cái, cái nào cũng quan trọng hơn ý thơ.
— Bạn có thể nói mà không huênh hoang được không? Nói cho rõ ràng, cho cụ thể xem nó quan trọng như thế nào?
— Thì nói. Bạn nhớ bài ‘Tống biệt hành’ của Thâm Tâm chứ? Hãy thí dụ bây giờ ta “dịch” bài ấy ra... lục bát. Vẫn là một bài thơ bằng tiếng Việt, nhưng theo thể lục bát. Thế thôi. Như vậy ta tránh cho nó sự chuyển biến từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Ta hạn chế bớt sự thay đổi, mất mát. Chỉ có đổi từ thể thơ này sang thể thơ kia mà thôi. Cái đổi ấy cũng không lớn lao gì: Từ một thể thơ Tàu đã Việt hóa sang một thể thơ Việt thuần túy. Gần như từ Việt sang Việt. Đâu thấm thía gì nếu đem so sánh với trường hợp dịch một bài sonnet ra một bài thất ngôn bát cú, hay dịch những câu thơ alexandrin ra những câu song thất lục bát. Phải không?
Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022
Võ Phiến: Quanh Mình
Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022
Võ Phiến: Quanh Mình
Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022
Võ Phiến: Ế Ị ! (tùy bút)
Con người có thể chịu đựng thêm một chút ồn ào nữa cũng không sao, miễn là đừng vượt quá ba mươi lăm ban ngày và ba mươi décibels ban đêm. Thế nhưng ngày nay, tại những khu phố gọi là yên tĩnh nhất, vào đêm khuya (nếu không phải là giờ thiết quân luật) tiếng động cũng vượt quá năm mươi décibels. Đó là không kể những ồn ào bất thường trong thời chiến: tiếng quân xa di chuyển từng đoàn, tiếng phi cơ phản lực đi đi về về...
Thần kinh Đỗ chịu đựng kém. Từ hồi về sống ở đô thị chàng đâm ra đố kỵ âm thanh. Tiếng nhạc cũng ít khi dám nghe. Bối âm thường xuyên đã ầm ĩ quá rồi, tăng thêm một tiếng động, tinh thần thêm bị kích thích, bực bội.
Vậy mà rồi một hôm Đỗ tự bắt gặp mình chờ đợi một tiếng kêu lớn. Chờ đợi mơ hồ, nếu không tình cờ để ý có lẽ không biết đến.
Số là đối với mỗi người trong ngày chỉ có một giờ nào đó coi là thích nhất. Các cụ trước kia chọn cái lúc tờ mờ, đêm vừa tàn ngày vừa rụt rè hiện đến; trong cô tịch, các cụ ngồi nhấp trà suy nghĩ.
Đỗ không lấy trầm tư làm thú. Chàng thích cái khoảng thời gian trơ trẽn từ chín rưỡi tới mười giờ. Lúc đó, điểm tâm xong, tách cà-phê nóng đã làm cho người tỉnh táo, những công việc khẩn cấp nhất trong ngày đã tạm giải quyết xong, tâm trí nhẹ nhàng, thảnh thơi. Ngoài trời nắng vừa đủ ấm, sương vừa đủ ráo, ánh sáng tươi mà chưa gắt. Bấy giờ, chàng có thể khoanh tay ngồi trước bàn, ngừng công việc, nghếch mặt nhìn trời xanh ngoài cửa sổ, đầu óc rỗng tuếch mà vẫn ngấm ngầm hân hoan, không có một dự định gì mà vẫn tràn trề hy vọng. Chừng mười thước tây dưới tầng lầu của chàng xe cộ tiếp tục ồn ào; nhưng chàng tha thứ. Ở sân thượng một tòa nhà nào đó, cùng trong khu phố, có người (chắc chắn là lao công một sở công hay tư) có thói quen xấu là đốt giấy lộn vào buổi sáng, khiến tro tàn tản mác theo gió, lặng lẽ đậu lên mặt bàn, lên mái tóc chàng. Nhưng Đỗ tha thứ.
Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022
Võ Phiến: Thịt Cầy
— Thơ Nguyễn Du thật độc đáo.
— Ôi tư tưởng tân kỳ táo bạo. Mừng bạn có nhận định sắc bén, mới lạ. Bạn nói về Truyện Kiều chăng?
— Không.
— Nói về ‘Độc Tiểu Thanh ký ‘, “tam bách dư niên hậu” chăng?
— Không. Tôi định nói về thơ thịt cầy.
— Trời! Tiên sinh có cả thơ thịt cầy nữa à? Nếu quả có hẳn là độc đáo, không sai.
— Sao lại “nếu”? Có chứ. Này nghe:
“... Nhân sinh vô bách tải
Hành lạc đương cập kỳ
Vô vi thử bần tiện
Cùng niên bất khai mi
Di Tề vô đại danh
Chích Kiểu vô đại lợi
Trung thọ chỉ bát thập
Hà sự thiên niên kế
Hữu khuyển thả tu sát
Hữu tửu thả tu khuynh
Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận
Hà sự mang mang thân hậu danh”.
Đó là một đoạn trong bài từ ‘Hành lạc’1. Thịt chó hiển hiện rõ ràng. Thấy không?
— Quả nhiên. Đúng nó. Đọc lên nghe thơm phưng phức. Người xưa từng nói đến thứ văn hay đọc thơm tho cả miệng lưỡi. Là đây chăng? Giá có luôn cái nghĩa...
Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021
Nguyễn Hưng Quốc: Đi tìm Võ Phiến
Đi tìm nhà văn Võ Phiến, tôi bắt gặp một nhà tuỳ bút. Đi tìm nhà tuỳ bút Võ Phiến, tôi bắt gặp một nhà nghiên cứu.
Phát hiện đầu không có gì đáng kể. Từ lâu, đã có nhiều người đã nhận ra là, một, sở trường của Võ Phiến nằm ở thể tuỳ bút; và hai, phong cách tuỳ bút bàng bạc trong mọi tác phẩm văn xuôi của ông. Thật ra, hai điểm này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đặc điểm nổi bật nhất của thể tuỳ bút, theo tôi, là ưu thế của giọng văn, hơn nữa, của thứ giọng văn giàu cảm xúc và, đặc biệt, giàu cá tính. Viết truyện, người ta có thể sử dụng lối văn gọn gàng, giản dị, vô ngã, không có màu sắc hay mùi vị gì cả để cho nhân vật dễ cóđược đời sống riêng với những cá tính riêng chứ không phải là những con rối hay những cái bóng mờ nhạt của tác giả. Chính vì vậy, đối với các nhà tiểu thuyết thời 1930-45, ngay cả các nhà tiểu thuyết lớn như Nhất Linh, Khái Hưng, Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng, rất hiếm khi người ta đề cập đến giọng văn. Không phải tại những tác giả ấy viết không hay. Hay, nhưng cái hay ấy không phải là yếu tố hàng đầu làm nên cái lớn của họ. Với các nhà tuỳ bút thì khác. Nhắc đến Nguyễn Tuân, chẳng hạn, hầu như ai cũng nhắc, trước hết, đến một giọng văn hết sức điệu đàng và khinh bạc. Sau này, nhắc đến Mai Thảo, người ta cũng nhắc đến một giọng văn mượt mà với những kiểu ngắt câu lạ, rất gần với thơ; nhắc đến Vũ Bằng, người ta cũng lại nhắc đến đến giọng văn tha thiết và sôi nổi của ông về từng món ăn hay từng kỷ niệm cũ. Với Võ Phiến, cũng thế; nhắc đến ông, người ta cũng lại nhắc đến một giọng văn phóng túng và dí dỏm, chứa đựng rất nhiều khẩu ngữ, như một lời trò chuyện linh động, duyên dáng, thân mật và vô cùng lôi cuốn.
Ưu thế của giọng văn, thực chất, là ưu thế của nhu cầu tự bộc lộ và tự thể hiện: viết tuỳ bút là một cách bày tỏ trực tiếp cảm xúc và thái độ của mình, là xem tính chất phong phú và độc đáo của sự liên tưởng là tiêu chuẩn thẩm mỹ chính của việc viết lách, là đặt cái tôi của mình vào vị trí trung tâm của tác phẩm, hay nói theo Nguyễn Mộng Giác, là làm “một người khoả thân ngay giữa chợ” [1]. Nhu cầu tự bộc lộ và tự thể hiện ấy khiến nhà tuỳ bút dễ có khuynh hướng xâm phạm vào “quyền sống” và “quyền độc lập” của nhân vật, đẩy truyện ngắn và truyện dài đến gần với tuỳ bút và làm nhoè đi ranh giới giữa các thể loại. Điều này có thể thấy rõ ở Nguyễn Tuân qua các tác phẩm được gọi là truyện dài và ký sự, và càng rõ hơn nữa, ở Võ Phiến qua nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Dưới ngòi bút của Võ Phiến, không những truyện ngắn mà cả các bài phê bình và lý luận cũng đều phảng phất hình dáng của tuỳ bút; ở đâu cảm xúc cũng tràn lên giọng văn; ở đâu giọng văn cũng nổi lên như một yếu tố chủ đạo trong phong cách; và ở đâu phong cách cũng trở thành trung tâm của nghệ thuật ngôn từ. Có thể nói, đằng sau nhà văn, nhà phê bình và nhà lý luận văn học Võ Phiến đều có một nhà tuỳ bút. Đằng sau cây bút bình luận chính trị, xã hội, ngôn ngữ và văn hoá Võ Phiến cũng có một nhà tuỳ bút. Nhà tuỳ bút ấy chi phối toàn bộ cách hành ngôn và giọng điệu của nhà văn Võ Phiến.
Nhưng đằng sau nhà tuỳ bút Võ Phiến là ai?
Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021
Thư Võ Phiến: Chuyện Gia Đình
Võ Phiến và Nguyễn Hưng Quốc |
Nguyễn Hoàng Văn: Võ Phiến, tình nghĩa giáo khoa thư
Trùng Dương: Mùa thu đi thăm nhà văn Võ Phiến
Nguyễn Tường Thiết: Mưa đêm cuối năm
Từ trái: Thế Uyên, Nguyễn Tường Thiết, ông và bà Võ Phiến |
Trần Hữu Thục: Võ Phiến - tâm và cảnh
Võ Phiến và Trần Hữu Thục |
Phạm Xuân Đài: Nhà văn Võ Phiến an hưởng tuổi già
Họp mặt tại nhà ông bà Võ Phiến dịp Tết Kỷ Sửu 2009. Từ trái : Hà Dương Thị Quyên, Thái Vân, Trần Mộng Tú, Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Tường Thiết, Phạm Phú Minh, Võ Phiến-Viễn Phố, bà Đỗ Ngọc Yến. |
Võ Phiến: Rụp Rụp
Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021
Võ Phiến: Quanh Mình
Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021
Võ Phiến: Vươn Ra Ngoài Cuộc Sống
Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021
Võ Phiến: Đọc bản thảo của Nhất Linh
Lan Thanh Ngọc, Nhất Linh vẽ. |